Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: nail65
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Tiểu Thuyết - Xuất Bản] Trong Gia Đình | Hector Malot

[Lấy địa chỉ]
21#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 01:21:53 | Xem tất
Ông Vunphran đến xưởng vào giờ quy định. Ông quản đốc đưa ông đến và báo cáo cho ông hay những lời chỉ dẫn của ông kỹ sư và những nhận xét của ông ta. Ông quản đốc nhận thấy ông Vunphran không được hài lòng.
   - Thật là bực mình. Cô bé không có ở đây. Ông ta bất bình nói.
   - Cô ấy đã có mặt ở đây mà. – Ông quản đốc trả lời và ra hiệu cho Perin lại gần.
   - Tại sao cháu không trở về Marôcua?
   - Cháu tưởng cháu chỉ rời khỏi đây khi được lệnh của ông. – Em trả lời.
   - Cháu nói đúng. – Ông ta nói – Cháu phải ở lại đây để nhận công việc do bác sắp đặt khi bác đến…
   Ông ta dừng lại, để rồi nói tiếp ngay:
   - Ở Marôcua, bác cũng sẽ cần đến cháu! Chiều nay, cháu về nhé. Sáng mai, cháu đến bàn giấy, bác sẽ nói cho cháu hay công việc của cháu.
   Khi Perin đã dịch xong những truyền đạt của ông Vunphran cho tốp thợ máy, ông ra đi. Hôm ấy, không ai nói gì đến chuyện đọc báo. Nhưng mặc kệ, ngày mai đã coi như được bảo đảm thì việc gì phải lo nghĩ về một điều bất như ý trong ngày hôm nay. “Ở Marôcua, bác cũng sẽ cần đến cháu”. Đó là câu mà Perin tự nhắc lại trên đường rời Xanh Pipô, trong lúc ngồi bên anh Guydôm. Người ta sẽ dùng em vào việc gì nhỉ? Trí não của em bay bổng nhưng chẳng bám vào một cái gì vững chắc.
   Perin trở về hòn đảo của em và thấy nó gần y như lúc em ra đi. Các đồ dùng vẫn ở vị trí của chúng. Đến mấy con chim cũng tôn trọng những quả chín trên cây liễu, trong lúc em đi vắng. Bữa tối của em lại có thêm một đĩa trái cây mà em không hề nghĩ đến.
   Em trở về đây sớm hơn mọi hôm từ xưởng về. Em không muốn đi ngủ sớm, sau bữa cơm tối. Trong lúc chờ đợi đêm đến, em ra ngồi ở phía ngoài lều cỏ, cả buổi chiều hôm trong đám lau sậy. Ở đó, em có thể nhìn rõ hốc đất và hai bờ của nó. Em hiểu dầu em vắng mặt không lâu, thời gian vẫn trôi qua và đem lại những thay đổi đáng lo ngại với em. Trong những cánh đồng, sự im lặng long trọng của những buổi chiều hôm không còn nữa, sự im lặng đã đập mạnh vào em, những ngày đầu khi em dọn về hòn đảo. Lúc ấy ở thung lũng, người ta chỉ nghe trên nước, ở những cây cỏ cao, cũng như dưới chòm lá cây, những cánh chim lướt nhẹ qua, thầm lặng trở về nơi trú trong đêm. Bây giờ thì thung lũng bị xáo động ở xa bởi đủ các tiếng động, tiếng đập của cái phảng, tiếng rít của các trục bánh xe, tiếng roi quất, tiếng nói thì thầm. Đó là những gì em đã nhận xét khi trở về từ Xanh Pipô. Trong cánh đồng, người ta đã bắt đầu cắt cỏ những chỗ dọi nắng, ở đó cỏ đúng độ cắt. Chẳng mấy chốc những người thợ cắt cỏ sẽ đến các cánh đồng ở hốc đất của em. Ở đấy bị rợp bóng, nên cỏ mọc chậm hơn.
   Thế thì không còn nghi ngờ gì nữa, em sẽ phải rời khỏi tổ ấm của em. Em không còn được ở đây nữa! Mùa cắt cỏ hay mùa săn bắn cũng đưa lại kết quả giống nhau thôi! Chỉ còn vài ngày nữa ư? Tuy em đã quen với những tấm nệm ấm, những cánh cửa sổ, cánh cửa khép kín, em vẫn nằm ngủ trên giường dương xỉ của em như chưa bao giờ em xa nó. Mãi đến khi mặt trời mọc, em mới tỉnh giấc.
   Đến song cổng, em đã đứng trước con đường vào xưởng. Đáng lẽ, em đi theo các bạn để vào xưởng suốt, Perin lại đi về phía các phòng làm việc và tự hỏi em cần làm gì hay đợi? Em quyết định chờ đợi. Người ta sẽ tìm thấy em, bởi vì em đứng trước cửa. Em phải chờ gần một tiếng. Cuối cùng, em thấy Taluen đến. Nghiêm khắc, ông ta hỏi em làm gì ở đây.
   - Ông Vunphran bảo cháu: sáng nay đến gặp ông ở buồng giấy!
   - Sân không phải là buồng giấy!
   - Cháu đợi người ta gọi cháu.
   - Đi lên đi!
   Em theo ông ta. Đến hàng hiên ông ta ngồi trên một chiếc ghế hai chân xoạc ra hai bên như cưỡi ngựa. Ông lấy tay ra hiệu cho Perin đến trước mặt ông ta.
   - Ở Xanh Pipô, cô làm những việc gì?
   Perin nói những công việc mà ông Vunphran đã giao cho em.
   - Ông Phabry đã nói những điều ngu xuẩn phải không?
   - Cháu không biết.
   - Thế nào? Cô không biết ư? Thế thì cô không thông minh tí nào?
   - Đúng thế, cháu ngu dại lắm!
   - Cô rất thông minh đấy! Cô không trả lời cho tôi là vì cô không muốn trả lời đó thôi! Đừng quên cô đang nói chuyện với ai nhé! Ở đây, tôi là gì?
   - Ông quản đốc.
   - Nghĩa là ông chủ, bởi là ông chủ cho nên cái gì cũng cần phải qua tay tôi! Tôi phải biết tất cả. Những đứa nào không vâng lời tôi, tôi đuổi! Đừng quên điều ấy!
   Thật đúng là con người mà thợ thuyền nói đến trong phòng trọ, ông chủ nghiêm khắc, tên bạo chúa muốn tỏ uy quyền của mình trong các xưởng máy, không phải chỉ riêng ở Marôcua, mà còn ở Xanh Pipô, ở Bacua, ở Phơxen. Với ông ta ở khắp nơi, tất cả mọi phương tiện đều tốt để khuếch trương và giữ vững uy quyền của mình ngay bên cạnh ông Vunphran, không những thế mà còn muốn lấn cả ông Vunphran.
   Tôi hỏi cô: Ông Phabry đã làm điều gì ngu xuẩn? Taluen hạ thấp giọng nhắc lại.
   - Cháu không thể nói với ông điều ấy bởi vì cháu không biết, nhưng cháu có thể nhắc lại những nhận xét là ông Vunphran bảo cháu dịch cho mấy chú thợ máy.
   Không sót một chữ, Perin nhắc lại những lời nhận xét ấy.
   - Có phải đó là tất cả không?
   - Đó là tất cả.
   - Ông Vunphran có bảo dịch mấy là thư không?
   - Thưa ông, không ạ. Cháu chỉ dịch những đoạn trong tờ Tin tức và dịch cả tờ “Thông đạt về việc buôn bán, trao đổi và sự kết hợp”.
   - Cô nên biết, nếu cô không nói sự thật, tất cả sự thật, tôi cũng sẽ biết hết rất nhanh thôi mà! Khi ấy thì… xéo!
   Ông nhấn mạnh tiếng cuối cùng bằng một cử chỉ, tuy tiếng ấy đã rất rõ trong sự thô bạo của câu nói.
   - Tại sao cháu lại không nói sự thật chứ?
   - Đó là tôi đã cho cô một lời cảnh báo trước đấy!
   - Cháu xin ghi nhớ, thưa ông, cháu xin hứa với ông điều đó.
   - Tốt! Bây giờ hãy đến ngồi trên chiếc ghế kia. Nếu ông Vunphran cần đến cô, ông sẽ nhớ là đã dặn dò cô đến đây.
   Perin ngồi trên ghế gần hai tiếng đồng hồ không dám cựa quậy, trong lúc Taluen còn ở đó. Em không dám suy nghĩ nữa! Khi ông ta đi khỏi, Perin mới tự nhủ được, nhưng em vẫn lo lắng. Đáng lẽ em phải tự trấn an, em chẳng có gì phải sợ cái con người dữ tợn ấy, em cần phải có một sự tự tin vững chắc, điều đó không phù hợp với tính cánh của em. Điều mà Taluen đỏi hỏi ở em, em đoán ra được quá rõ! Em sẽ là người dọ thám của ông ta bên cạnh ông Vunphran. Chỉ đơn giản thôi, bằng cách thuật lại cho ông ta nội dung các bức thư mà em sẽ phải dịch.
   Nếu đó là một viễn cảnh rõ rệt làm cho Perin khiếp sợ, nó cũng có cái hay của nó. Perin có thể tin rằng Taluen biết, hay ít nhất ông ta cũng nghĩ rằng em sẽ có những bức thư để dịch. Nghĩa là ông Vunphran sẽ giữ em bên cạnh, trong thời gian ông Benđi còn bệnh.
   Perin lại ngồi cho đến lúc Guydôm đến tìm, để đưa em vào buồng giấy. Em gặp ông Vunphran đang ngồi trước một cái bàn lớn đầy các tập hồ sơ. Có những cái chặn giấy được ghi bằng một thứ chữ nổi để bàn tay dễ nhận vì con mắt không thấy. Ở đầu những vật chặn giấy có những máy móc bằng điện và điện thoại. Không báo cho ông Vunphran hay, Guydôm đã khép cửa lại, sau khi Perin vào. Sau một giây lát chờ đợi, Perin nghĩ nên báo cho ông Vunphran biết em đã có mặt.
   - Cháu là Ôrêli đây. Em nói.
   - Bác nhận ra bước chân của cháu. Lại gần đây cháu và nghe bác nói. Nghe cháu kể về những tai họa của cháu và nghị lực cháu đã tỏ rõ để chống chọi, bác rất quan tâm đến số phận của cháu. Mặt khác, trong khi phiên dịch với tốp thợ máy và dịch những tài liệu bác giao cho cháu, trong các câu chuyện giữa chúng ta, bác gặp ở cháu một sự thông minh rất vừa ý bác. Từ dạo bệnh tật luôn làm bác mù lòa, bác cần một người nhìn thay cho bác. Người ấy biết nhìn những gì bác chỉ cho, cũng như biết giải thích cho bác cái gì đập vào mắt mình. Nhưng khốn thay, rượu làm cho hắn ngu đần. Bây giờ hắn chỉ có thể làm người đánh xe! Ấy thế, mà còn phải đừng quá khe khắt. Cháu có muốn nhận nhiệm vụ ở bên cạnh bác, ở cái vị trí mà Guydôm đã không biết giữ? Để bắt đầu cháu sẽ nhận chín chục phờrăng một tháng và những món tiền thưởng ngoài nếu bác hài lòng về cháu, bác hy vọng thế.
   Nỗi vui mừng khiến Perin nghẹn ngào, không trả lời được.
   - Cháu không nói gì ư?
   - Cháu đang tìm những lời lẽ để cảm ơn ông, nhưng cháu cảm động quá, bối rối quá, không tìm được! Xin ông đừng nghĩ là…
   Ông Vunphran ngắt lời:
   - Bác tin là cháu cảm động! Thật thế, giọng nói của cháu cho bác hay điều đó. Bác rất hài lòng vì đó là lời hứa là cháu sẽ làm cái gì có thể làm được để bác hài lòng. Bây giờ qua chuyện khác; Cháu đã viết thư cho người thân của cháu chưa?
   - Thưa ông, chưa. Cháu không thể viết được vì cháu chẳng có giấy.
   - Được rồi! Được rồi! Rồi cháu sẽ viết được! Cháu sẽ tìm thấy giấy trên bàn làm việc của ông Benđi. Trong khi chờ đợi ông ta lành bệnh, cháu sẽ lãnh phần việc của ông ấy. Ở bàn giấy ông Benđi, cháu sẽ tìm thấy tất cả các thứ mà cháu cần khi viết thư, cháu nhớ tin cho họ hay cái địa vị của cháu ở trong nhà máy của bác. Nếu họ có thể cho cháu một chỗ tốt hơn, họ sẽ đón cháu về. Nếu không, họ cứ để cháu ở lại đây.
   - Chắc chắn là cháu ở lại đây.
   - Bác cũng nghĩ thế và bác tin rằng hiện nay đó là điều tốt hơn cả đối với cháu. Cháu sẽ làm việc với các buồng giấy, giao thiệp với các nhân viên, truyền đạt những chỉ thị của bác đến họ. Mặt khác, cháu phải đi với bác. Cháu không thể giữ những áo quần của người thợ, như ông Bơnoa nói với bác, đã bạc màu rồi!
   - Những quần áo tơi tả, thưa ông, nhưng xin ông tin rằng không phải vì cháu lười biếng, cũng chẳng phải cháu thờ ơ!
   - Cháu đừng chống chế! Dù sao, cuối cùng tất cả cái ấy cũng sẽ phải thay đổi. Cháu đến phòng Tài vụ, người ta sẽ đưa cho cháu một cái phiếu để cháu có thể nhận được ở cửa hiệu bà Lasesdơ những gì cháu cần: áo quần mặc ngoài, quần áo lót, mũ, giày…
   Perin lắng nghe như thể không phải là ông già mù lòa có gương mặt nghiêm khắc mà là một bà tiên xinh đẹp đang nói, chiếu đũa thần khoa múa trên đầu em. Ông Vunphran gọi em trở lại với thực tế:
   - Cháu được tự do lựa chọn cái gì cháu thích. Đừng quên là cách lựa chọn sẽ xác định tính cách của cháu đấy nhé! Cháu hãy lo chuyện đó. Hôm nay, bác không cần cháu. Hẹn ngày mai nhé.
  
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

22#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 01:23:02 | Xem tất
  Khi Perin vào phòng Tài vụ, người ta trao cho em sau khi đã ngắm kỹ em từ đầu đến chân, cái phiếu mà ông Vunphran đã hứa. Em ra khỏi nhà máy, tự hỏi không biết cái bà Lasesdơ này ở chỗ nào?
   Em mong ước đó là bà chủ hiệu em đã mua vải. Em đã quen biết bà ta, sẽ đỡ bối rối khi hỏi bà những thứ mà em cần sắm. Câu nói cuối cùng của ông Vunphran: “Cách lựa chọn sẽ xác định tính cách của cháu” làm cho câu nói dễ sợ này càng quan trọng. Có lẽ chẳng cần lời cảnh cáo ấy em cũng không dám buông mình trong cách ăn mặc lố lăng. Nhưng em không biết cái gì mà em cho là vừa phải thì đối với con mắt ông Vunphran sẽ như thế nào? Trong thời thơ ấu, em đã được biết những chiếc áo đẹp. Em đã từng mặc những chiếc áo ấy và hãnh diện được đi vênh vang. Thật ra, những chiếc áo kiểu ấy vẫn không phù hợp với hiện nay. Nhưng những chiếc áo giản dị nhất mà em có thể tìm được, có hợp hơn không nhỉ? Nếu ai đó, tối hôm qua nói với em, trong lúc em đang khổ sở vì nghèo đói là người ta sẽ cho em quần áo, vải vóc, em cũng chẳng thể tưởng tượng nổi! Thật thế, món quà bất ngờ này làm cho em vui mừng khôn xiết. Thế nhưng nỗi bối rối và lo sợ lại xâm chiếm em.
   Bà Lasesdơ ở gần nhà Thờ. Cửa hiệu của bà hiển nhiên là đẹp nhất, duyên dáng nhất ở Marôcua. Một gian trưng bày vải, rubăng, quần áo, mũ, đồ trang sức, các loại nước hoa… đánh thức những ham muốn, nhen nhóm những khát vọng của các cô gái hay làm đỏm ở địa phương. Bọn họ tiêu hết tiền lương ở đây cũng như các ông bố, ông chồng của họ xài tiền công trong các quán rượu. Cái gian trưng bày ấy càng làm cho Perin thêm rụt rè. Một cô gái ăn mặc rách rưới bước vào cửa hiệu không được săn đón của bà chủ cũng như mấy cô thợ ngồi làm việc sau quầy hàng. Perin đứng một lúc giữa cửa hiệu,  không biết cần nói gì với ai. Cuối cùng, em quyết định giơ cao chiếc phong bì emđang cầm trong tay.
   - Cái gì thế, em bé? – Bà Lasesdơ hỏi.
   Perin đưa chiếc phong bì ở một góc có in dòng chữ: “Nhà máy Marôcua, Vunphran Panhđavoan”. Chưa đọc hết tờ phiếu, nét mặt bà chủ đã tươi lên với nụ cười dễ gây cảm tình nhất.
   - Cô cần gì, thưa cô? – Bà ta hỏi Perin trong lúc rời quầy hàng để nhấc một chiếc ghế.
   Perin nói em cần quần áo, giày vớ, và một cái mũ.
   - Chúng tôi có tất cả những thứ ấy, loại tốt nhất. Cô muốn chúng tôi bắt đầu bằng chiếc áo dài? Vâng, có phải thế không ạ? Tôi sẽ giới thiệu với cô các loại vải, rồi cô sẽ chọn.
   Nhưng không phải Perin muốn xem các loại vải mà em muốn một chiếc áo may sẵn. Em có thể mặc ngay chiếc áo, hay ít nhất buổi chiều em có áo, để ngày mai cùng đi với ông Vunphran.
   - A, cô phải đi cùng với ông Vunphran – Bà chủ vội nói.
   Câu chuyện lạ lùng kích thích tính tò mò của bà. Bà tự hỏi không biết ông chủ đầy quyền uy ở Marôcua có thể dùng cô gái lang bạt này để làm gì? Nhưng, đáng lẽ phải trả lời câu hỏi ấy, Perin tiếp tục giải thích chiếc áo mà em cần phải có màu đen, bởi vì em đang có tang.
   - Thế là cái áo ấy để đi đám ma?
   - Không.
   - Thưa cô, xin cô hiểu cho công dụng mà cô dành cho chiếc áo nói lên cho chúng tôi biết nó cần phải như thế nào: hình dáng, thứ vải, giá tiền.
   - Hình dáng: giản dị nhất, thứ vải: chắc và nhẹ; giá tiền: rẻ nhất.
   - Tốt, tốt thôi. Bà chủ hiệu trả lời. Người ta sẽ chỉ cho cô xem! Viếcgini, hãy theo cô đây!
   Giọng nói đã thay đổi, những cử chỉ cũng thay đổi. Rất oai vệ, bà Lasesdơ trở lại ngồi vào chổ của bà, bên tủ két. Bà không tự mình phục vụ một cô khách hàng mà bà khinh bỉ vì đã cho bà biết những đòi hỏi như thế! Đây chắc là con gái của một người đầy tớ mà ông Vunphran muốn biếu tặng chiếc áo tang, nhưng người đầy tớ ấy là ai? Trong lúc Viếcgini mang đến quầy một chiếc áo bằng hàng catsơmia có trang trí ren và hạt huyền, bà chủ can thiệp:
   - Cái này không hợp – Bà nói.
   Rồi bà chỉ một chiếc váy và một chiếc bờlu vải hoa đen có chấm nhỏ và nói: “Chiếc váy hơi dài, chiếc bờlu hơi rộng nhưng chúng tôi có thể lên gấu, gấp thêm đôi cái nếp và cô sẽ mặc vừa. Với lại, bây giờ chúng tôi không có thứ gì khác!”. Đấy là một lý do để loại trừ mọi lý do. Tuy áo và váy có dài, rộng một chút, Perin cũng cho là rất đẹp. Với lại người ta đã bảo đảm là em sẽ mặc vừa, sau khi họ chữa lại thì em phải tin chứ! Việc lựa chọn sơmi, bít tất có dễ dàng hơn vì Perin muốn thứ rẻ nhất. Khi Perin tuyên bố chỉ lấy hai đôi bít tất và hai chiếc sơmi, Viếcgini cũng tỏ ra khinh bỉ em như bà chủ. Cô hạ cố giới thiệu với Perin đôi giày và chiếc mũ cũng chỉ là làm phước, để hoàn thành bộ cánh cho cô bé ngu ngốc này! Ai có thể nghĩ đến một sự dại dột tương tự: chỉ có hai đôi tất, hai chiếc sơmi thôi! Đã từ lâu, Perin mơ ước óc chiếc mùi xoa, nhưng em cũng chỉ dám mua ba chiếc để bỏ túi. Việc mua bán mới này cũng chẳng thay đổi được tình cảm của bà chủ cũng như cô bán hàng.
   - Cầm như chẳng được tích sự gì. Cái con bé này!
   - Bây giờ, chúng tôi có phải đem những thứ này đến cho cô không? – Bà Lasesdơ hỏi.
   - Cháu xin cảm ơn bà, chiều nay cháu sẽ đến lấy.
   - Không đến trước tám giờ và sau chín giờ đấy nhé!
   Perin có lý do khi em không muốn người ta mang quần áo đến cho em. Em nào biết đêm nay em ngủ ở đâu? Ngủ trong hòn đảo của em? Không thể nghĩ đến điều ấy! Những người không có gì hết, không cần cửa ngõ và ống khóa. Nhưng mặc dù bà chủ hiệu tỏ vẻ khinh bỉ, những gì em vừa mua được, vẫn là một gia tài đối với em. Nó cần phải được bảo vệ. Như thế thì tối hôm sau, em phải có một chỗ ở. Rất tự nhiên, em nghĩ đến bà ngoại của Rôdali. Ra khỏi cửa hiệu bà Lasesdơ, em đi về phái nhà mẹ Prăngxoadơ. Em mong tìm thấy ở đó một gian buồng nhỏ, giá thuê không đắt lắm. Em sắp đến hàng rào thì Rôdali đi ra, dáng điệu vui tươi.
   - Chị đi ư?
   - Còn chị, chị rảnh chứ?
   Bằng vài từ họ vội vàng nói cho nhau hiểu. Rôdali đi Píchkynhi về một việc khẩn cấp. Em không thể trở về nhà ngoại ngay như em muốn để điều đình việc thuê buồng cho bạn. Hôm ấy Perin rảnh, tại sao lại không cùng đi Píchkynhi với Rôdali kia chứ? Họ sẽ cùng trở về, và cuộc đi chơi sẽ rất thú vị. Hai người khẩn trương khi đi. Giải quyết xong công việc, khi trở về, cuộc đi chơi thú vị ấy được điểm xuyết nhiều câu chuyện, những phút thơ thẩn, dạo chơi trong một cánh đồng cỏ, nghỉ ngơi dưới bóng mát. Mãi đến chiều, họ mới trở về Marôcua. Khi đến hàng rào của bà ngoại, Rôdali mới nhớ đến giờ giấc:
   - Không biết rồi dì Đênôbi sẽ nói gì.
   - Mặc kệ!
   - Ừ mặc kệ, tôi đã giải trí thoải mái! Còn chị?
   - Cả ngày có người trao đổi, mà đi thế này chị vẫn thấy được giải trí thoải mái! Chị hãy nghĩ cuộc dạo chơi này đối với người chẳng có ai là bạn bè như tôi, thì sẽ như thế nào?
   - Đúng thật như vậy.
   May thay, dì Đênôbi đang bận phục vụ khách trọ; nên cuộc điều đình được dàn xếp với bà Prăngxoadơ. Điều ấy, cho phép được kết thúc khá nhanh chóng và không vất vả lắm: mỗi tháng năm mươi phờrăng cho một căn buồng có một giường nhỏ với một cửa sổ và bàn trang điểm.
   Đến tám giờ, Perin ăn một mình ở bàn ăn của em trong phòng ăn công cộng, chiếc khăn ăn để trên đầu gối. Tám giờ rưỡi, em đi lấy quần áo. Chín giờ, ở trong buồng riêng, em khóa cửa, đi ngủ. Em hơi xúc động, say sưa, cái đầu choáng váng nhưng trong lòng chứa chan hy vọng. Bây giờ, hãy chờ xem.
   Sáng hôm sau, Perin thấy ông Vunphran bấm chuông theo những tiếng kêu được đánh số trong bảng điện ở phòng ngoài để gọi các trưởng phòng của ông đến dặn dò. Nét mặt ông nghiêm khắc làm Perin kinh ngạc. Khi em bước vào, đôi mắt không nhìn thấy của ông quay về phía em. Em không thể lầm cách biểu lộ tình cảm trên cái gương mặt này, vì em đã quan sát kỹ nên đã hiểu rõ. Hiện tại, gương mặt không tỏ vẻ nhân từ. Nó tỏ vẻ bất bình và phẫn nộ.
   Mình có làm điều gì xấu để người ta có thể chê trách không? – Em tự nhủ.
   Khi đặt câu hỏi ấy, em chỉ thấy có một câu trả lời: Em mua sắm ở cửa hiệu bà Lassesdơ có quá mức! Ông Vunphran đánh giá tính cách của em qua việc mua sắm ấy không? Em đã chọn những thứ giản dị, kín đáo. Em phải mua gì nữa hay đừng mua gì hết? Perin không có thời gian để tìm hiểu. Ông Vunphran đã nói với em bằng một giọng nghiêm khắc:
   - Tại sao cô không nói với tôi sự thật?
   - Thưa ông, về khoản gì mà cháu không nói sự thật với ông? Xin ông cho cháu biết. Em sợ hãi hỏi lại.
   - Về chuyện hạnh kiểm của cô từ ngày đến đây?
   - Nhưng thưa ông, cháu xin thề cháu đã nói với ông sự thật!
   - Cô nói với tôi cô ở nhà bà Prăng xoadơ. Nhưng cô đã rời hẳn chỗ đó thì cô ở chỗ nào vậy? Tôi cho cô hay mụ Đênôbi, con bà Prăngxoadơ, hôm qua được người ta hỏi có thêm tin tức về cô đã nói cô chỉ ở một đêm trong phòng trọ. Cô đã biến mất sau đó, chẳng ai biết trong thời gian sau, cô đã làm gì?
   Perin đã hồi hộp nghe đoạn mở đầu của cuộc thẩm vấn nhưng dần dần, em thấy vững lòng hơn.
   - Có một người biết rõ công việc cháu làm, sau khi rời phòng trọ của bà Prăng xoadơ.
   - Ai?
   - Rôdali, cháu bà ta có thể xác nhận những gì cháu sắp kể nếu ông thấy những gì cháu làm từ ngày hôm ấy xứng đáng để được ông biết đến.
   - Cái vị trí mà tôi dành cho cô bên cạnh tôi, đỏi hỏi tôi phải biết rõ cô.
   - Vậy thì, thưa ông, cháu xin kể cho ông nghe. Khi ông biết rồi ông cho gọi Rôdali đến hỏi riêng chị ấy thôi, trước khi chị ấy gặp lại cháu rồi ông sẽ có bằng chứng là cháu không hề lừa dối ông.
   - Ừ, chuyện ấy có thể làm như thế! Ông Vunphran nói, giọng dịu lại – Bây giờ cháu hãy kể đi!
   Perin tường thuật lại câu chuyện, nhấn mạnh đến sự hãi hùng của em vào cái đêm em nằm ngủ trong phòng trọ, sự chán ngán, những nỗi khó chịu buồn nôn, ngột ngạt của em.
   - Cháu không chịu nổi cái mà mọi người chịu đựng được sao?
   - Có lẽ những người khác không sống ở giữa trời như cháu. Cháu xin cam đoan với ông là cháu không khó tính. Sự nghèo khổ đã dạy cho cháu biết chịu đựng. Nhưng mà bị nhốt ở trong cái buồng ấy thì cháu sẽ chết mất và cháu không nghĩ rằng cố gắng để tránh khỏi chết lại là một sự hèn nhát.
   - Phòng trọ của Prăngxoadơ bẩn thỉu đến thế ư?
   - Ôi! Thưa ông! Giá mà ông thấy thì ông sẽ không cho những cô thợ của ông sống ở đó!
   - Hãy kể tiếp đi!
   Perin kể đến đoạn tìm thấy hòn đảo và ý định ở lại trong lều cỏ.
   - Cháu không sợ ư?
   - Cháu đã quen với những cảnh hãi hùng.
   - Cháu nói cái hốc đất cuối cùng ở trên con đường đi Xanh Pipô, phía bên trái, phải không?
   - Vâng, thưa ông, chính nó.
   - Cái lều cỏ ấy là của bác. Mấy đứa cháu bác sử dụng nó. Cháu ngủ ở đó ư?
   - Không phải chỉ ngủ mà còn làm lụng, ăn uống, đãi cơm Rôdali ở đấy nữa!
   - Chị ấy sẽ kể cho ông nghe. Cháu chỉ rời lều cỏ để đi Xanh Pipô khi ông bảo cháu ở lại để giúp mấy chú thợ máy và tối hôm qua để ngủ ở nhà mẹ Prăngxoadơ. Bây giờ cháu có thể mướn một phòng riêng cho cháu.
   - Cháu giàu hay sao mà có thể dọn bữa trưa mời bạn?
   - Nếu cháu dám kể cho ông nghe!
   - Cháu phải nói hết với bác.
   - Ông có cho phép cháu làm mất thời gian của ông vì những câu chuyện của trẻ con không ạ?
   - Thời gian của bác không ngắn lắm, từ dạo bác không thể dùng nó như bác muốn, thật là dài lắm… và trống rỗng!
   Perin nhìn thấy một đám mây lướt qua gương mặt ông Vunphran. Điều ấy cho thấy nỗi buồn phiền của một cuộc đời mà người ta ngỡ là hạnh phúc và khối người ghen tị. Với cách ông phát âm cái từ “trống rỗng”, em thấy tim em quặn lại. Em cũng thế, từ dạo bố mẹ mất em sống một mình nên đã hiểu ngày giờ dài và trống rỗng như thếnào! Không có gì trong những ngày ấy, ngoài những nỗi phiền muộn, mệt nhọc và đói khổ của hiện tại. Không có một ai để chia sẻ, nâng đỡ hay làm cho em vui. Ông Vunphran chưa hế biết nỗi mệt nhọc, thiếu thốn, đói nghèo! Nhưng có phải ở trên đời này chỉ có những cái đó thôi hay còn có những nỗi đau khác. Chắc những cái đó đã được bộc lộ ra với cái từ như thế, với cái ngữ điệu của chúng. Cái đầu nghiêng nghiêng, đôi môi, đôi má sệ xuống, cái gương mặt dài ra cũng có lẽ bởi những kỷ niệm đau buồn!
   Nếu em cố gắng làm cho ông Vunphran khuây khỏa được. Đối với em, có lẽ chuyện ấy quá táo bạo vì em được biết ông ta rất ít. Nhưng tại sao em không mạo hiểm một tí bởi vì chính ông ta bảo em nói kia mà! Em muốn cái khuôn mặt ảm đạm này vui lên. Em muốn làm cho ông mĩm cười. Em có thể theo dõi ông. Em sẽ thấy rõ em đã làm cho ông vui hay đã làm phiền ông. Ngay tức khắc, bằng một giọng vui vẻ, linhhoạt, em bắt đầu:
   - Có gì lạ hơn bữa ăn trưa của chúng cháu là cái cách mà cháu đã tự túc những dụng cụ nhà bếp để nấu nướng. Cháu không phải chi tiêu gì hết! Cháu không có khả năng. Cháu tập hợp những món ăn của cái thực đơn cháu kê bằng cách nào? Đó là điều cháu sẽ kể cho ông nghe. Cháu bắt đầu bằng đoạn mở đầu để giải thích cháu đã sống như thể nào trong lều cỏ, từ hôm cháu dọn đến. Trong lúc Perin tường thuật chuyện của mình, mắt em không rời ông Vunphran. Em sẵn sàng dừng lại nếu thấy có dấu hiệu buồn bực. Chắc chắn cái đó không lọt qua đôi mắt em được! Nhưng em thấy không phải là nỗi buồn bực mà trái lại, đó là sự tò mò, sự quan tâm.
   - Cháu đã làm thế à? Ông Vunphran ngắt lời em nhiều lần.
   Thế rồi ông hỏi em để em nói rõ thêm những đoạn mà em rút ngắn vì sợ làm ông mệt. Ông đặt cho em nhiều câu hỏi chứng tỏ ông muốn biết chính xác không phải chỉ việc làm của em, mà còn những phương tiện em đã dùng thay thế những cái mà em không có.
   - Cháu đã làm thế à?
   Khi Perin kết thúc câu chuyện, ông Vunphran đặt bàn tay lên mái tóc em.
  - Cháu là một cô bé nghèo! Ông nói. Bác rất vui mừng khi thấy người ta có thể giúp cháu nên người mà không uổng công. Bây giờ, cháu hãy vào phòng giấy của cháu! Cháu dùng thời gian làm việc gì tùy cháu. Đến ba giờ, chúng ta sẽ cùng đi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

23#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 01:25:32 | Xem tất
                                                Phần VI : THEO DÕI VÀ BAO VÂY

Phòng làm việc của Perin hay đúng hơn là của ông Benđi về kích thước, đồ đạc bày biện không có gì cả. Phòng của ông Vunphran có ba cửa sổ, mấy cái bàn, những cặp bìa đựng giấy tờ, những chiếc ghế phôtơi to lớn bằng da màu xanh lục. Ở trên tường, có treo mấy cái khung gỗ thếp vàng với những bản đồ các nhà máy khác nhau. Phòng ấy rất oai nghiêm, rất thích hợp để cho ta có một ý niệm về tầm quan trọng của các công việc được quyết định ở đó.
   Trái lại, trong buồng của ông Benđi chỉ có một cái bàn với hai chiếc ghế, mấy cái hộc bằng gỗ đen thui. Một tập biểu đồ của thế giới, trên đó những cờ hiệu màu sắc khác nhau chỉ những đường chính của tàu thủy. Cái nền bằng gỗ thông Mỹ được đánh sáp cẩn thận. Cửa sổ của phòng nằm ở giữa có che một bức sáo bằng đay với những hình vẽ màu đỏ. Perin thấy gian buồng riêng thật tươi vui. Khi để cửa ra vào bỏ ngỏ, em có thể nhìn thấy và có khi nghe được những gì ở các phòng bên cạnh. Bên phải và bên trái phòng ông Vunphran là phòng ông Têôdo và phòng ông Casimia. Sau đó là phòng kế toán và phòng tài vụ. Phòng ông Phabry ở ngay phía đối diện. Trong phòng, mấy ông tham dự đứng trước những chiếc bàn nghiêng cao, đang vẽ, Perin không có việc gì để làm và cũng không dám chiếm chỗ của ông Benđi. Em ngồi cạnh cửa ra vào. Để giết thời giờ, em đọc mấy cuốn từ điển, những cuốn sách duy nhất của tủ sách trong phòng làm việc. Thật ra, em thích đọc những sách khá hơn. Vì em phải đọc những cuốn từ điển nên thời gian lại thêm dài. Rồi chuông báo giờ ăn bữa trưa cũng reo lên. Perin là một trong những người đầu tiên ra về. Trên đường, Phabry và Môngblơ đã đuổi kịp em. Cũng như em, họ về nhà mẹ Prăngxoadơ.
   - Này, thưa cô, bây giờ cô là đồng nghiệp của chúng tôi. Môngblơ nói. Ông này chưa quên cái nhục ở Xanh Pipô và muốn trả thù.
   Perin bối rối khi nghe những lời mà em cảm thấy có sự mỉa mai trong đó, nhưng em đã trầm tĩnh rất nhanh:
   - Đồng nghiệp với ông! Cháu đâu dám! Perin dịu dàng nói. Cháu chỉ là đồng nghiệp của chú Guydôm.
   Cái giọng của Perin có lẽ đã làm cho ông kỹ sư hài lòng. Quay về phía Perin, ông mĩm cười. Đó là một sự động viên và cũng là một lời thừa nhận.
   - Bởi vì cô thay ông Benđi, Môngblơ vẫn tiếp tục – Ông ta vẫn mang cá tính ương ngạnh của người Pica.
   - Anh hãy nói là cô đây giữ chỗ của ông Benđi, Phabry nói chữa.
   - Cũng thế thôi!
   - Không phải như thế! Trong mươi, mười lăm hôm nữa, khi ông Benđi bình phục, ông ta sẽ trở về chỗ cũ. Chuyện ấy sẽ không xảy ra, nếu cô đây không giữ chỗ cho ông ta.
   - Hình như về phần anh, về phần tôi, chúng ta cũng góp phần để giữ chỗ cho ông ấy.
  - Cũng như là cô đây. Ông Benđi mắc nợ một cây nến với cả ba chúng ta. Người Anh không bao giờ dùng nến ngoài việc sử dụng cá nhân!
   Nếu Perin có thể chưa hiểu hết ý nghĩa thật của những lời mà ông Môngblơ nói thì cách người ta đối xử với em ở nhà mẹ Prăngxoadơ đã nói rõ. Người ta cho em ngồi một cái bàn riêng ở trong góc và bưng thức ăn đến cho em sau khi dọn cho khách. Em không tự ái. Em chỉ quan tâm là được sắp xếp ở gần họ để có thể nghe những câu chuyện của họ, em sẽ cố gắng dựa theo đó mà tự vạch cho mình cách xử thế. Các ông ấy biết nhà máy, hiểu ông Vunphran, mấy người cháu, ông Taluen, người mà em rất sợ. Một chữ, một câu của các ông ấy có thể soi sáng sự ngu dốt của em, chỉ cho em thấy để tránh những nguy hiểm bất ngờ. Em không rình mò, theo dõi các ông, cũng khong đứng ngoài cửa nghe trộm. Khi họ nói chuyện, họ cũng biết là không phải chỉ có họ nghe mà thôi. Thế thì em có thể dùng những lời nhận xét của họ mà không phải áy náy. Không may, sáng hôm đó, câu chuyện của họ không có gì là hấp dẫn đối với em. Trong bữa ăn, họ nói chuyện chính trị, chuyện săn bắn, một tai nạn xe hỏa. Với lại, sáng hôm ấy em đang vội vì em muốn hỏi Rôdali để biết tại sao ông Vunphran biết được em chỉ ngủ một đêm trong nhà mẹ Prăngxoadơ. Rôdali đã làm cho em rõ mọi chuyện.
   - Lão Gầy đã đến đây trong lúc chúng mình đi Píchkynhi. Lão đã hỏi chuyện dì Đênôbi về cậu. Cậu biết đấy, dì Đênôbi nhanh mồm. Nhất là khi dì ấy nghĩ không phải là để khen thưởng. Chính dì đã nói chuyện ấy và còn nói đủ thứ chuyện khác nữa.
   - Những chuyện gì thế?
   - Mình không biết vì mình không có mặt ở đó nhưng cậu có thể tưởng tượng những điều xấu nhất. May thật, cái đó cũng không làm thiệt hại cho cậu.
   - Trái lại, chuyện ấy lại có lợi cho mình bởi vì câu chuyện của mình đã làm cho ông Vunphran vui.
   - Mình sẽ kể lại cho dì Đênôbi nghe! Chắc là dì ấy sẽ phát điên lên.
   - Bạn đừng làm dì ấy ghét mình.
   - Ghét câu? Bây giờ, cậu không còn gì là nguy hiểm nữa. Khi dì ấy thấy cái chỗ mà ông Vunphran dành cho cậu, cậu nên tin là dì ấy sẽ là người bạn tốt nhất… thì đây, cậu sẽ thấy trong ngày mai. Tuy nhiên, nếu cậu không muốn lão Gầy biết công chuyện của cậu tốt hơn cả là cậu đừng nói với dì ấy!
   - Bạn hãy yên tâm!
   - Vì dì ấy tai ác lắm!
   - Thế thì mình đã được báo trước rồi!
   Đến ba giờ, như đã dặn, ông Vunphran bấm chuông gọi Perin. Họ đi xe như thường lệ đến thăm các nhà máy. Ông Vunphran không để sót một ngày nào, không đến nhà máy này, nhà máy kia, không phải để nhìn thấy tất cả, ít nhất cũng để người ta nhìn thấy ông. Ông giao mệnh lệnh cho các quản đốc, sau khi nghe những nhận xét của họ. Còn biết bao nhiêu chuyện mà ông muốn tự mình kiểm tra như thể mình vẫn còn nhìn thấy, bằng tất cả mọi phương tiện để bổ khuyết cho đôi mắt mù lòa.
   Hôm ấy, họ bắt đầu di thăm Pholêxen, một làng lớn, có những xưởng chải sợi lanh và sợi gai. Khi đến nhà máy, đáng lẽ vào phòng người quản đốc, ông lại tựa vai vào Perin, để vào một nhà kho rộng mênh mông. Người ta đang bốc dỡ và chất vào kho những kiện gai do xe goòng chở đến. Theo nội quy, ở mọi nơi, khi ông Vunphran đến, người ta không phải mất thời giờ đón tiếp, cũng chẳng cần nói gì với ông, nếu ông không hỏi. Công việc cứ tiếp tục như thể không có mặt ông ở đó, chỉ hơi khẩn trương hơn, trong sự hài hòa tổng hợp.
   - Cháu nghe kỹ những lời bác giải thích, ông Vunphran nói với Perin. Lần đầu tiên, bác muốn thử nhờ đôi mắt cháu để kiểm tra vài kiện hàng mà họ vừa dỡ xuống. Cháu biết màu bạc là màu gì chưa?
   Perin do dự: hay có lẽ là màu xám ngọc trai?
   - Xám ngọc trai! Vâng đúng thế! Thưa ông.
   - Cháu cũng biết phân biệt các sắc thái khác nhau của màu chứ: xanh nhạt, màu xám nâu, màu đỏ?
   - Vâng, thưa ông. Có lẽ cũng tàm tạm được.
   - Tàm tạm được là đủ rồi! Cháu lấy một nắm gai trong kiện hàng người ta mới đưa vào và nhìn kỹ để nói cho bác biết màu sắc của nó.
   Perin làm theo lời ông. Sau khi kiểm tra kỹ, em rụt rè thưa:
   - Đỏ, có phải đúng màu đỏ không ạ?
   - Cháu đưa nắm gai cho bác!
   Ông Vunphran đưa nắm gai lên mũi và ngửi.
   - Cháu không nhầm đâu – Ông nói – gai này màu đỏ, thật thế?
   Perin kinh ngạc nhìn ông. Hình như đoán được sự ngạc nhiên ấy, ông tiếp tục.
   - Cháu hãy ngửi nắm gai này. Có phải cháu thấy có mùi caramen(1) không?
   - Đúng thế, thưa ông.
   - Sao? Cái mùi ấy khi sấy trong lò, gai bị cháy. Cài màu đỏ chứng tỏ điều ấy. Thế là mùi và sắc tự kiểm tra lẫn nhau và xác định lẫn nhau. Cháu biết nhìn đấy! Bác hy vọng có thể tin ở cháu. Nào, chúng ta đến một toa goòng khác. Cháu lấy một nắm gai khác đi!
   Lần này em thấy màu xanh.
   - Có hai chục màu xanh. Màu xanh mà cháu nói đó giống cây gì nào?
   - Cây cải bắp, hình như thế! Hơn nữa có chỗ có những vết nâu và đen.
   - Đưa nắm gai cho bác!
   Đáng lẽ đưa nắm gai lên mũi, ông Vunphran lấy hai tay kéo gai ra làm đứt sợi gai
   - Người ta thu hoạch thứ gai này khi hãy còn xanh, chưa đến lứa. Ông nói. Nó còn lại bị ướt nữa! Lần này, cháu kiểm tra đúng. Bác rất bằng lòng. Đó là một bước khởi đầu tốt đẹp.
------------
(1)Caramen: đường thắn thành kẹo đắng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

24#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 01:26:43 | Xem tất
Họ tiếp tục đi thăm những làng khác: Bacu Hécchơ để rồi về Xanh Pipô. Ở đây họ đứng lại lâu hơn vì phải kiểm tra công việc với nhóm công nhân người Anh.
   Khi ông Vunphran xuống xe, cũng như mọi lần chiếc xe được để dưới bóng mát một cây hoàng điệp to lớn. Đáng lẽ, ở đấy trông chừng cho con ngựa, Guydôm đem cột nó vào chiếc ghế dài để y vào làng đi dạo. Y tính toán, sẽ về kịp trước khi ông chủ quay lại và ông sẽ không hay biết gì hết! Y đi dạo mát một lát rồi lại vào quán rượu với anh bạn đã quên giờ giấc! Khi ông Vunphran trở ra để lên xe ông không thấy Guydôm.
   - Cho đi tìm Guydôm! – Ông Vunphran nói với người quản đốc đang tiễn ông.
  Tìm cho được Guydôm cũng không phải là nhanh chóng! Ông Vunphran giận lắm vì ông không muốn người ta làm mất thời giờ của ông, dầu chỉ một phút. Cuối cùng, Perin đã nhìn thấy Guydôm đi đến. Dáng đi của anh ta lạ lùng quá: cái đầu ngẩng cao, cái cổ và cái thân cứng đờ, đôi chân cong lại. Anh ta đưa chân ném chúng về phía trước, y như anh ta muốn vượt và một chướng ngại vật trong mỗi bước đi.
   - Đây là một kiểu đi lạ lùng. Ông Vunphran đã nghe những bước đi không đều ấy. Con vật này lại say rượu. Có phải thế không Bơnoa?
   - Người ta không thể giấu ông được!
   - Tôi không điếc, lạy Chúa!
   Rồi ông hỏi Guydôm:
   - Anh đi đâu về?
   - Thưa ông… tôi sẽ… nói…
   Hơi thở của anh nói thay anh. Anh vừa ở quán rượu và anh đang say; Những bước đi khập khiễng của anh vang lên cho tôi hay vậy.
   - Thưa ông.. tôi sẽ… nói…
   Guydôm đã tháo ngừa trong khi nói. Khi để dây cương vào xe, anh làm rơi chiếc roi da. Anh muốn cúi xuống nhặt. Ba lần đạp lên chiếc roi mà không nắm được.
   - Tôi nghĩ tốt hơn hết là tôi đưa ông về Marôcua. Người quản đốc nói.
   - Tại sao thế? – Guydôm đã nghe và trả lời một cách hỗn xược.
   - Hãy im đi! – Ông Vunphran ra lệnh. Từ giờ phút náy anh không còn làm việc với tôi nữa!
   - Thưa ông… tôi sẽ… nói…
   Nhưng không nghe anh ta, ông Vunphran đã nói với người quản đốc:
   - Tôi cám ơn Bơnoa, cô bé này sẽ thay thế bợm nghiện rượu kia!
   - Cô ấy có biết đánh xe không?
   - Bố mẹ cô ta là những người bán hàng rong. Cô đã đánh xe nhà nhiều lần, có phải thế không cháu!
   - Đúng thế! Thưa ông.
   - Với lại, Côcô là một con cừu. Nó không xuống vệ đường trừ khi người ta rúi nó xuống.
   Ông Vunphran lên xe và Perin ngồi bên cạnh. Em nghiêm trang và chăm chú với ý thức rõ rệt về trách nhiệm của em được giao.
   - Đừng đi nhanh quá! Ông Vunphran nói, khi em lấy roi phẩy nhẹ vào Côcô.
   - Cháu không cho đi nhanh đâu, cháu chỉ cần đi cẩn thận vững vàng thôi. Xin bảo đảm thế, thưa ông.
   - Đấy cũng là một việc đáng khen rồi!
   Trên các nẻo đường Marôcua, người ta rất ngạc nhiên khi thây chiếc xe mui trần của ông Vunphran mà con Côcô già nua kéo, lại do một em bé đội mũ rơm đen mặc áo tang điều khiển. Con vật không còn đi loạng choạng theo cái nhịp điều khiển của Guydôm. Có chuyện gì xảy ra nhỉ? Cô bé này là ai? Người ta đứng ra ngoài cửa để trao đổi với nhau những câu hỏi ấy. Rất ít người trong làng biết Perin. Rất hiếm người hiểu được cái địa vị mà ông Vunphran vừa cất nhắc cô bé bên cạnh ông ta. Dì Đênôbi đang tựa vào hàng rào, trước nhà mẹ Prăngxoadơ và đang nói chuyện với hai bà khác. Khi nhìn thấy Perin, dì sửng sốt, đưa hai tay lên trời. Ngay tức khắc, dì gửi đến cô bé lời chào dễ thương nhất kèm theo nụ cười tươi của một người bạn thật sự.
   - Kính chào ông Vunphran! Chào cô Ôrêli.
   Khi chiếc xe đi khỏi, dì kể cho mọi người hay dì đã cho lão Gầy những tin tức của cô bé này! Dì đã giúp cô bé, người khách trọ của gia đình mình.
   - Đó là một cô gái rất dễ thương, cô ta sẽ không bao giờ quên tôi đâu, bởi vì chúng tôi đã giúp cô ấy.
   Những tin tức mà dì Đênôbi có thể cho người ta hay là như thế nào? Bắt đầu từ những mẫu chuyện của Rôdali, dì Đênôbi đã tô vẽ nên một câu chuyện được truyền miệng khắp Marôcua. Tùy theo tình cảm, thị hiếu, mỗi người lại tô điểm thêm làm cho Perin trở thành một huyền thoại. Hàng trăm huyền thoại nhanh chóng trở thành nội dung các câu chuyện. Nó càng dễ làm cho người ta say mê vì chẳng ai giải thích nổi cái may mắn đột ngột này. Điều ấy cho phép người ta đặt những giả thiết, đưa ra những lời giải thích với những câu hỏi mới bên cạnh.
   Nếu cả làng rất ngạc nhiên khi thấy Perin đánh xe cho ông Vunphran thì Taluen lại càng sửng sốt khi thấy ông chủ đến.
   - Guydôm đâu rồi? Taluen hét và lao xuống thang gác của hàng hiên mình, để đón ông Vunphran.
   - Vì nghiện rượu kinh niên, hắn đã bị bỏ rơi. Ông Vunphran vừa cười, vừa nói.
   - Tôi cho rằng, từ lâu rồi, ông đã có ý quyết định như vậy, Taluen nói.
   - Đúng thế!
   Cái từ “tôi cho rằng” đã cho Taluen gặp may trong ngôi nhà này và củng cố uy quyền của ông ta. Quả vậy, sự khôn khéo của ông ta đã làm cho ông Vunphran tin ông ta rất dễ bảo, cũng như rất tận tâm, chỉ làm theo mệnh lệnh của ông chủ.
   Tôi có một ưu điểm, ông ta nói, là đoán được ông chủ muốn gì. Trong lúc tôi hiểu biết thấu đáo những quyền lợi của ông Vunphran, tôi đọc được y nghĩ của ông… Taluen thường bắt đầu bằng những từ quen thuộc: “Tôi cho rằng ông muốn…”. Sự khôn khéo tinh vi của ông ta, khi nào cũng dựa trên sự rình mò, dựa trên sự do thám. Ông ta không chịu lùi bước lại trước một phương tiện nào hết để nắm tin tức. Thật là hiếm hoi những lúc ông Vunphran nói được một câu trả lời, lúc nào cũng ở đầu môi của Taluen.
   - Hoàn toàn…
   - Tôi cho rằng – Ông ta nói trong lúc giúp ông Vunphran xuống xe – Cô gái mà ông chọn để thay tên nghiện rượu ấy, đã tỏ ra xứng đáng với lòng tin cậy của ông.
   - Hoàn toàn.
   - Điều này không làm tôi ngạc nhiên. Hôm cô đến đây, cùng đi với Rôdali, tôi đã nghĩ thế, chúng ta có thể dùng cô ta vào việc gì đó, và ông đã phát hiện năng khiếu cô ta.
   Trong lúc nói, Taluen nhìn Perin. Với cái nhìn ấy, ông muốn nói với cô bé và nhấn mạnh: Cô thấy tôi đã làm gì cho cô chứ? Đừng quên điều ấy! Hãy sẵn sàng trả lại cho tôi.
   Sự yêu cầu thanh toán cái hợp đồng ấy Perin không phải đợi lâu. Trước giờ ra về, Taluen dừng lại ở cửa phòng làm việc của Perin. Ông ta không vào. Ông nói nhỏ để một mình Perin nghe thôi.
   - Ở Xanh Pipô, Guydôm đã làm chuyện gì thế?
   Vì câu hỏi này khôngkéo theo những điều quan trọng, Perin nghĩ em có thể trả lời được. Em kể lại sự việc mà Taluen hỏi.
   - Tốt! Taluen nói, cô có thể yên tâm. Khi nào Guydôm đến xin trở lại làm việc ở đây, nó sẽ gặp tôi mà.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

25#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 01:28:15 | Xem tất
Sau bữa ăn chiều, Perin lại được nghe Phabry và Môngblơ hỏi: “Ở Xanh Pipô, Guydôm đã làm chuyện gì thế?”. Thật ra trong nhà máy, ai cũng biết chuyện Perin đánh xe đưa ông Vunphran về. Em kể lại những gì em đã tường thuật với Taluen. Nghe xong, họ tuyên bố: “Cái thằng nghiện rượu bị đuổi thật đáng đời!”
   - May sao, hàng chục lần nó không làm ngã ông chủ. Phabry nói. Nó đánh xe như người điên.
   - Hãy nói như thằng say! Môngblơ vừa nói vừa cười.
   - Nếu không có ô che, thì chắc nó đã bị đuổi rồi!
   Perin chăm chú theo dõi câu chuyện những em vẫn làm ra vẻ không chú ý.
   - Nó phải trả giá cho cái ô ấy?
   - Làm sao nó tránh được chứ!
   - Nếu nó không có gì sai phạm để cho người ta nắm chóp của nó thì nó có thế đâu! Người ta sẽ chống được những sức ép ở mọi nơi đến, khi người ta đi ngay, bước thẳng.
   - Nó mà “đi ngay, bước thẳng” được ư? Ông có chắc chắn là người ta đã không khuyến khích nó trong các tật xấu. Đáng lẽ phải tin trước cho nó có ngày nó sẽ bị sa thải!
   - Tôi nghĩ rằng bộ mặt người ấy chắc là ỉu xìu khi không thấy nó trở về! Tiếc thay! Tôi không có mặt lúc ấy!
   - Người ta sắp xếp để người khác thay nó! Cũng rình mò và báo cáo tốt như nó.
   - Cũng thật kỳ lạ! Nạn nhân của việc do thám ấy không đoán ra và cũng không hiểu được! Ông ấy nào ngờ những ý kiến hòa hợp mà người ta khoe, cái linh cảm phi thường ấy chỉ là kết quả của nhữn sự chuẩn bị khôn khéo. Người ta báo cho tôi hay sáng nay anh tỏ ý khen ngợi món gan bê nấu với cà rốt ngon miệng. Chiều nay, tôi chẳng tài giỏi gì khi nói với anh: “Tôi cho rằng anh thích ăn thịt bê nấu với cà rốt”. Họ nhìn nhau và cùng cười vẻ chế nhạo. Nếu Perin cần chìa khóa để đoán cái người mà họ không nói tên ra thì cái từ: “Tôi cho rằng” cũng đã đặt chiếc chìa khóa vào tay em rồi. Em hiểu ngay “người” đang tổ chức cuộc do thám là Taluen và “nạn nhân” là ông Vunphran.
   - Chẳng biết hắn có nỗi thích thú gì trong tất cả các chuyện ấy? Môngblơ hỏi.
   - Sao? Thích thú gì ư? Xuất thân chẳng là gì, chỉ là một người thợ. Hắn trở thành người thứ hai trong một nhà máy đứng đầu nền kỹ nghệ nước Pháp, hàng năm có hơn mười hai triệu lợi tức. Và tham vọng đến với hắn. Khi hắn thấy những cơ hội, những tai họa của gia đình, và bệnh tật có thể điều khiển được nhà máy. Hắn đã sắp đặt để tự cho mình là cần thiết, là con người duy nhất có tầm cỡ để đảm nhiệm gánh nặng ấy. Cái biện pháp tốt nhất chẳng phải là chinh phục con người mà hắn hy vọng sẽ thay thế hay sao? Từ sáng đến chiều, hắn tỏ cho ông chủ thấy hắn có trình độ, có tinh thần vững vàng, có năng khiếu công việc trên mức bình thường. Từ ấy hắn cần biết trước những lời nói, việc làm, ý nghĩ của ông chủ để lúc nào cũng tỏ ra hòa hợp hoàn toàn với ông ta. Khi hắn nói “Tôi cho rằng có lẽ ông thích ăn thịt bê nấu với cà rốt”, câu trả lời dĩ nhiên là: “Hoàn toàn”.
   Họ lại cười, trong lúc dì Đênôbi thay đĩa để dọn món tráng miệng. Họ thận trọng, không nói nữa. Khi dì đi khỏi, họ trở lại với câu chuyện bỏ dở. Hình như họ không thừa nhận cái cô bé ngồi ăn trong góc kia một mình, có thể đoán nổi những ẩn ý mà họ cố làm cho rối tung lên như mớ bòng bong.
   - Nhưng nếu người mất tích trở về?
   - Đó là điều mọi người chúng ta mong ước. Nhưng nếu anh ấy không trở về? Cũng có nhiều lý do, chẳng hạn, anh ấy có thể chết rồi!
   - Cũng thế thôi! Mọi tham vọng ở cái con người ấy thật là quá ngang ngược khi người ta biết rõ hắn và biết rõ cái nhà máy mà hắn muốn chiếm.
   - Thường nếu con người có tham vọng thấy rõ khoảng cách từ chân đến cái đích hắn nhắm thì hắn sẽ không dấn thân vào nữa. Vả lại anh đừng nghĩ lầm về con người của chúng ta. Hắn tài hơn anh tưởng, nếu so sánh điểm xuất phát của hắn và cái đích hắn định đi đến.
   - Không phải chính hắn đã làm cho con người mà hắn định chiếm chỗ phải mất tích? Ai mà biết được hắn không góp phần để gây nên sự vắng mặt của người mất tích, hay làm cho tình trạng ấy kéo dài?
   - Anh tin như thế ư?
   - Dạo ấy, chúng ta, anh và tôi đều không có ở đây. Vì thế, chúng ta không thể biết được những gì đã xảy ra. Nhưng theo tư cách của con người ấy, chúng ta không thể thừa nhận một biến cố quan trọng như thế đã xảy ra, mà hắn không nhúng tay vào để làm cho thêm căng thẳng, dành mọi thuận lợi cho mình.
   - Tôi chưa nghĩ đến điều đó. Chà! Chà!...
   - Anh hãy nghĩ đến đi và xem lại cái vị trí của hắn. Tôi không nói là hắn có vai trò hòa giải giữa hai cha con ấy! Nhưng hắn có thể có vai trò khi thấy sự mất tích quan trọng của người con có thể cho hắn giữ chỗ của người kế thừa ấy.
   - Chắc chắn tronglúc này, hắn không tưởng được có người khác sẽ kế thừa cái chỗ của người mất tích. Nhưng bây giờ, chỗ ấy đã có người chiếm, không biết hắn còn nuôi những hy vọng gì nữa.
   - Khi người ta chiếm cái chỗ ấy chưa thật vững. Và thật ra, không biết nó đã vững tâm chưa?
   - Anh tin thế à?
   - Khi đến đây, tôi tin chỗ ấy vững rồi! Nhưng từ khi tôi thấy, qua nhiều việc nhỏ nhặt mà anh cũng có thể nhận xét được là hắn đang làm một công việc bí mật mà nhìn bề ngoài như là chẳng làm gì cả. Người ta đoán hơn là theo dõi hắn. Cái đích chắc là  làm cho các vị kia không chịu được. Hắn có đạt được không? Một mặt, người ta có thể làm cho cuộc sống khó chịu đến nỗi bọn họ chán ngán quá, phải rút lui. Mặt khác, người ta có thể tìm cách đuổi bọn họ không nhỉ? Tôi cũng chẳng hiểu nổi!
   - Đuổi! Anh không nghĩ thế chứ?
   - Tất nhiên, không nghĩ thế! Nếu bọn họ không dính vào những cuộc tấn công nghiêm trọng, chuyện ấy sẽ không xảy ra! Nhưng nếu họ cứ tin tưởng vào vị trí của họ, họ sẽ không giữ được, nếu họ không luôn luôn ở tư thế phòng thủ. Nếu họ mắc khuyết điểm, ai mà tránh được chứ? Thế là người ta nắm quyền tối cao và người ta tin tương lai sẽ được bảo đảm, thì biết đâu chúng ta sẽ không chứng kiến những cuộc cách mạng lý thú?
   - Đối với tôi, những cuộc cách mạng không lý thú gì, như anh biết đấy!
   - Tôi không nghĩ là tôi sẽ thu hoạch được nhiều hơn anh trong tương lai nhưng chúng ta làm sao mà chống lại bước đi của lịch sử? Đứng về phía người này hay về phía người kia? Tôi không làm thế! Trong thực tế, thật ra, tôi dành mọi tình cảm cho người thừa kế. Một cơn bệnh – như mọi người đều nghĩ – có thể cướp mất anh! Với tôi, chuyện ấy chưa xác định.
   - Tôi cũng thế!
   - Tôi chỉ là khán giả và khi tôi thấy một nhân vật trong vở đang trình diễn dưới mắt chúng ta lao vào một cuộc chiến vô lý và điên rồ vì anh ta chỉ có lòng can đảm và nghị lực.
   - Sự ngu xuẩn nữa!
   - Ừ, anh thích thì tôi nói thế cùng với anh. Tôi quan tâm đến nhân vật, tuy tôi cũng hiểu trong cuộc đấu tranh này nó không phải chỉ có những phần bi thảm, mà cũng có những phần hài hước, y như trong một vở kịch khéo diễn.
   - Tôi chẳng thấy hài hước tí nào!
   - Sao? Anh không thấy cái nhân vật ấy khôi hài ư? Một người đến tuổi hai mươi mà chỉ biết đọc và ký cái tên mình! Hắn đã dũng cảm tập tành để viết chính tả hoàn toàn không sai sót với nét chữ đẹp. Dựa vào đó, hắn dám chê mọi người, y như một ông thầy giáo!
   - Thật ra, tôi thấy điều đó đáng được chú ý.
   - Tôi cũng thấy điều đó đáng được chú ý. Nhưng cái khôi hài là ở chỗ việc đức dục không đi song song với cái trình độ sơ cấp ấy. Hắn lại nghĩ hắn là cái rốn của vũ trụ. Hắn cao hơn mọi người một cái đầu. Tôi tự nhủ nếu hắn là ông chủ mấy cái nhà máy mà hắn thèm muốn, có lẽ hắn muốn được mời vào Viện Hàn Lâm và hắn sẽ không hiểu tại sao người ta không nhận hắn!
   Vừa lúc đó, Rôdali vào phòng ăn, rủ Perin đi dạo chơi trong làng với mình. Làm sao mà từ chối? Perin đã ăn xong từ lâu nếu còn ngồi mãi ở đấy sẽ làm cho người ta nghi ngờ. Em muốn người ta tiếp tục nói chuyện tự do, thoải mái ở trước mặt em.
   Buổi chiều thật là dịu dàng. Người ta ngồi ngoài đường, trò chuyện từ cửa này sang cửa khác. Rôdali muốn chuyển thành một cuộc dạo mát nhưng Perin không đồng ý. Em lấy cớ mệt để trở về sớm. Thật ra, không phải em muốn đi ngủ mà để suy nghĩ. Em đóng cửa gian phòng bé nhỏ, yên tĩnh của em, để kiểm tra vị trí của mình và vạch cho mình kế hoạch xử thế.
   Chiều nay, em đã được nghe những người cùng phòng nói chuyện về Taluen, Perin có thể hình dung ông ta như một con người đáng sợ. Từ dạo ông ta bảo em nói “ Tất cả sự thật về những việc ngu xuẩn của Phabry” và còn thêm “ông ta là chủ, với tư cách ấy, ông cần biết tất cả”. Em đã thấy được bằng cách nào con người đáng sợ ấy củng cố quyền lực của mình, những phương tiện ông ta dùng. Thế nhưng, tất cả những chuyện ấy không đáng nể, bên cạnh câu chuyện em vừa được nghe. Ông Taluen muốn có quyền lực của một tên bạo chúa bên cạnh, hay trên cả ông Vunphran nữa, chuyện đó em biết. Nhưng ông ta còn hy vọng, một ngày kia, thay thế ông chủ đầy uy quyền ở Marôcua nữa kia mà! Đã từ lâu, ông ta đã làm việc với mục đích ấy! Perin chưa bao giờ tưởng tượng ra nổi chuyện này!
   Ấy thế mà câu chuyện giữa kỹ sư và Môngblơ là những người ở vị trí hiểu rõ hơn ai hết những gì đang xảy ra đủ để phán đoán sự việc và con người đã đưa ra cái kết luận ấy.
   Thế thì cái từ “người ta” mà các ông ấy nói không ai khác, mà chỉ về chính em, Perin đang thay thế Guydôm mà Taluen bị tước mất.
   Em làm thế nào để chống lại bây giờ? Cái vị trí của em thật khủng khiếp! Em chỉ là một cô bé, không có kinh nghiệm, cũng chẳng có chỗ dựa. Cái câu hỏi này em đã từng tự đặt ra cho mình, nhưng không phải trong những điều kiện như bây giờ. Em bối rối không thể nằm yên được, phải ngồi dậy trên giường. Em nhắc lại từng chữ, từng câu em đã nghe được: “Ai biết hắn được hắn không góp phần để gây nên sự vắng mặt của người mất tích hay làm cho tình trạng ấy kéo dài”. “Cái chổ mà những người phải thay thế kẻ mất tích có phải đã chiếm đóng thật vững chắc chưa? Không phải có một công việc bí mật để bắt họ phải rời bỏ, hoặc phải rút lui, hay đuổi họ đi?”
   Nếu người ấy có cái uy quyền để đuổi những ai sẽ được chỉ định thay thế ông chủ, thì người ấy muốn làm gì em mà không được! Em chỉ là một con bé không nhận lời làm cho y, thì phải làm sao? Làm thế nào em có thể gạt quyền lực của y cho được! Em trằn trọc suy nghĩ về những câu hỏi ấy. Cuối cùng, mệt mỏi quá, em nằm trên gối, ngủ thiếp. Em chỉ thấy những khó khăn mà không tìm được một câu trả lời nào làm cho yên tâm.
  
                               * * *
  
   Câu chuyện trao đổi giữa Phabry và Môngblơ đã để lại cho Perin một cảm xúc rất mạnh. Sáng hôm sau, ông Vunphran, Têôdo, Casimia và Taluen đang bận rộn đọc các thư tín thì Têôdo khui những lá thư nước ngoài, báo nơi gởi.
   - Một lá thư từ Đaka, ngày 29 tháng 5.
   - Viết bằng tiếng Pháp hở? – Ông Vunphran hỏi.
   - Không, bằng tiếng Anh.
   - Người gởi ký tên gì?
   - Không được rõ lắm! Hình như Phenđơ, Phanđơ, Phinđơ gì đó. Có một chữ trước mà cháu không đọc được. Bốn trang giấy, tên chú chỉ được nhắc lại nhiều lần. Cháu trao thư này cho ông Phabry đọc hộ nhé!
   - Không, đưa cho tôi?!
   Cùng một lúc, Têôdo và Taluen nhìn thấy cử chỉ của người kia vừa để lộ nói lên nỗi tò mò của cả hai người, cho nên họ làm ra vẻ thản nhiên.
   - Cháu để bức thư trên bàn chú?
   - Không, đưa thư cho tôi!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

26#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 01:30:22 | Xem tất
  Công việc xong xuôi, người ta mang những lá thư đã được ghi rõ ra khỏi phòng. Khi ấy, Têôdo và Taluen muốn xin huấn thị của ông Vunphran về nhiều vấn đề nhưng ông cho họ lui. Họ vừa ra, ông bấm chuông gọi Perin. Ngay tức khắc, em đã có mặt.
   - Cái thư này viết gì thế? Ông Vunphran hỏi.
   Ông đưa thư cho Perin. Em vội liếc mắt nhìn. Nếu ông Vunphran có thể trông thấy, ông sẽ nhận ra Perin tái mặt, hai tay run run.
   - Đây là một lá thư tiếng Anh, viết từ Đaka ngày 29 tháng 5.
   - Người gởi ký tên gì?
   - Cha Phinđơ.
   - Cháu có chắc thế không?
   - Vâng, thưa ông. Đúng là Cha Phinđơ.
   - Thư nói gì?
   - Xin ông cho phép cháu đọc vài dòng trước khi trả lời.
   - Hẳn là vậy, nhưng nhanh lên!
   Perin muốn vâng lời ông chủ. Thế nhưng nỗi xúc động của em, đáng lẽ dịu đi, lại càng mãnh liệt hơn.
   Các dòng chữ chập chờn, nhảy nhót trước đôi mắt nhòa lệ của cô bé.
   - Thế nào? Bằng một giọng sốt ruột, ông Vunphran hỏi.
   - Thưa ông, lá thư khó đọc và cũng khó hiểu, câu dài quá!
   - Cháu đừng dịch, hãy đọc kỹ xem thư nói chuyện gì?
   Mấy phút trôi qua khi Perin trả lời. Cuối cùng, em nói.
   - Cha Phinđơ giải thích là ông đã gửi thư cho cha Lơcờléc, nhưng cha Lơcờléc đã qua đời. Cha, tức là cha Phinđơ đã thay mặt để trả lời cho ông. Vì phải đi vắng nên thư trả lời bị chậm trễ. Với lại, có nhiều khó khăn trong việc tập hợp những tin tức mà ông hỏi. Cha Phinđơ xin lỗi về việc viết cho ông bằng tiếng Anh bởi cái vốn tiếng Pháp của Cha ít ỏi quá!
   - Nhưng ông ta cho biết những tin tức gì? Ông Vunphran lên tiếng hỏi.
   - Thưa ông, cháu chưa đọc đến đoạn ấy.
   Tuy câu trả lời với một giọng êm dịu, ông Vunphran cũng cảm thấy không nên thúc giục cô bé.
   - Cháu nói đúng đấy! Ông Vunphran nói – đây không phải là một lá thư tiếng Pháp. Cháu phải hiểu trước khi giải thích cho bác chứ? Đó là việc của cháu. Cháu cầm thư về phòng ông Benđi. Cháu cố gắng dịch thật trung thành bức thư, chép bản dịch đó rồi đọc cho bác nghe. Đừng để phí một chút gì! Cháu thấy đấy, bác nóng ruột muốn biết lá thư nói gì.
   Perin sắp bước ra khỏi phòng thì ông Vunphran gọi lại.
   - Cháu nghe kỹ nhé! Đây là thư riêng, không cần ai biết – cháu nghe rõ không – Chẳng cần ai hay! Ai hỏi cháu, nếu có người dám hỏi, cháu không nên nói gì, và cũng không để cho họ đoán được. Cháu thấy bác rất tin cháu. Bác nghĩ cháu sẽ xứng đáng với lòng tin ấy. Nếu cháu phụ vụ bác tận tụy, cháu sẽ được đối xử ân cần.
   - Cháu xin hứa! Thưa ông! Cháu sẽ làm hết sức minh để xứng đáng với sự tin cậy ấy.
   - Cháu đi nhanh lên và làm việc khẩn trương nhé!
   Tuy ông Vunphran đã dặn, Perin chưa bắt tay ngay vào bản dịch. Em đọc bức thư từ đầu đến cuối rồi đọc lần nữa. Sau đó, em lấy một tờ giấy và bắt đầu.
   Đaka ngày 29 tháng 5.
   Ngài tôn kính.
   Tôi rất đau đớn báo tin cho Ngài hay Cha Lơcờléc đã từ trần. Ngày muốn hỏi Cha Lơcờléc về những tin tức quan trọng đối với Ngài nên tôi quyết định thay thế Cha trả lời cho Ngài, tôi xin Ngài thứ lỗi vì đi vắng, nên không hồi âm sớm được, sự chậm trễ còn là còn do tôi đã gặp nhiều khó khăn trong lúc tập hợp những tin tức sau mười hai năm, những tin tức bảo đảm phần nào chính xác, vì vậy xin Ngài tha lỗi cho sự chậm trễ ngoài ý muốn của tôi, cũng như thứ lỗi cho tôi, đã viết thư này bằng tiếng Anh bởi vì tôi biết thứ tiếng Pháp rất hay của ngài quá bập bõm…

* * *
  
   Perin chép cái đoạn chỉ có một câu rất dài, do đó rất khó dịch. Em dừng lại, để đọc và sửa chữa. Em đang chăm chú hết sức thì cánh cửa phòng làm việc đã khép, hé mở và Têôdo Panhđavoan bước vào, hỏi em mượn cuốn từ điển Anh Pháp. Trên bàn cuốn từ điển đang mở. Em gấp lại và đưa cho Têôdo:
   - Cô có dùng từ điển ư? Anh ta nói và đi đến gần Perin.
   - Có, nhưng cháu có thể vượt qua được.
   - Bằng cách nào?
   - Cháu cần chính tả tiếng Pháp hơn là từ điển giải nghĩa tiếng Anh. Một cuốn từ điển tiếng Pháp sẽ thay thế cuốn này.
   Perin cảm thấy Têôdo đang đứng sau lưng em, tuy em không nhìn thấy cặp mắt. Em không dám quay lại, nhưng em đoán đôi mắt ấy đang nhìn qua vai em và đọc bức thư em dịch.
   - Có phải cô đang dịch lá thư từ Đaka.
   Perin ngạc nhiên vài thấy Têôdo biết lá thư, đáng lẽ phải giữ hết sức bí mật. Nhưng rồi, ngay tức khắc, em nghĩ ông ta hỏi dò em đó thôi. Chuyện mượn từ điển chỉ là một cái cớ. Ông ấy không biết tiếng Anh thì cần từ điển Anh Pháp làm gì nhỉ?
   - Vâng! Thưa ông! Em đáp xuôi.
   - Cô dịch trôi chảy chứ?
   Em cảm thấy Têôdo nghiêng trên người em vì mắt em kém. Rất nhanh, em quay tờ giấy, để cho y chỉ có thể nhìn ngang.
   - Ôi, cháu van ông! Thưa ông, xin ông đừng đọc nữa! Cháu dịch chưa được. Cháu đang mò mẫm. Đây là tờ nháp.
   - Có hề gì!
   - Có lắm chứ, thưa ông, cháu xấu hổ quá!
   Têôdo muốn cầm lấy tờ giấy – Perin đưa tay giữ lại. Nếu em đã bắt đầu chống cự một cách kín đáo thì bây giờ em quyết định đương đầu, dù với một trong những người đứng đầu nhà máy.
   Nãy giờ, Têôdo nói với giọng diễu cợt, lúc này ông vẫn tiếp tục.
   - Đưa cho tôi xem tờ nháp! Cô nghĩ tôi muốn làm thầy một cô gái xinh đẹp như cô sao?
   - Không, thưa ông, không thể được!
   - Nào, đưa đây!
   Vừa cười Têôdo vừa muốn giằng lấy tờ giấy. Perin chống lại:
   - Không, thưa ông, cháu không thể để ông lấy tờ nháp.
   - Cô đùa chăng?
   - Cháu đâu có đùa! Không có gì nghiêm túc hơn chuyện này. Ông Vunphran cấm cháu cho người ngoài thấy lá thư. Cháu vâng lệnh ông Vunphran.
   - Chính tôi đã bóc lá thư ấy.
   - Lá thư tiếng Anh chứ không phải bản dịch.
   - Chú tôi lát nữa sẽ cho tôi xem cái bản dịch ghê gớm ấy.
   - Nếu vậy thì đó là ông ấy đưa bản dịch cho ông chứ không phải cháu đưa. Ông Vunphran ra lệnh cho cháu, cháu phải tuân lệnh, xin ông miễn lỗi!
   Giọng nói của Perin tỏ rõ một quyết tâm ghê gớm. Dáng điệu của cô bé cũng thế. Muốn lấy tờ giấy, Têôdo phải dùng hết sức, và lúc ấy cô bé sẽ la lên thì sao? Têôdo không dám dùng sức mạnh:
   - Tôi rất hài lòng. Têôdo nói, thấy cô thi hành mệnh lệnh của chú tôi một cách kiên quyết, dù chỉ về một sự việc chẳng có gì là quan trọng.
   Khi Têôdo đã khép cửa, đi ra, Perin muốn trở lại với bản dịch. Em không làm việc được nữa vì em lo âu, bối rối quá. Rồi sự chống cự của em sẽ đi đến đâu? Khi ông ta nói “hài long” thì trái lại ông ấy rất tức giận. Nếu ông ta trả đũa, thì một cô bé khốn khổ như em làm sao chống lại nổi! Có ai che chở cho em chống một kẻ thù đầy uy quyền. Ngay hiệp đầu em sẽ bị bẻ gãy. Rồi đây, em sẽ phải rời khỏi nhà máy! Vừa lúc ấy, cửa buồng lại nhẹ nhàng mở ra. Taluen rón rén bước vào, đôi mắt chăm chú nhìn lên giá sách. Lá thư và bản dịch phần mở đâu đang nằm trên ấy!
   - Thế nào? Các bản dịch bức thư ĐaKa ấy trôi chảy chứ?
   - Cháu vừa mới bắt đầu thôi.
   - Ông Têôdo vừa đến quấy rầy cô. Ông ấy muốn gì thế?
   - Một cuốn từ điển Anh Pháp
   - Để làm gì? Ông ấy không biết tiếng Anh!
   - Ông ấy không nói điều ấy với cháu.
   - Ông ấy có hỏi cô trong thư nói gì không?
   - Cháu vừa mới dịch được dòng đầu.
   - Cô đừng nghĩ rằng cô sẽ làm cho tôi tin là cô chưa đọc lá thư.
   - Cháu chưa dịch xong.
   - Cô chưa viết ra tiếng Pháp, nhưng cô đã đọc lá thư.
   Perin không trả lời.
   - Tôi hỏi cô có đọc bức thư không? Có lẽ cô phải trả lời cho tôi chứ?
   - Cháu không thể trả lời được!
   - Tại sao?
   - Ông Vunphran cấm cháu nói về lá thư ấy.
   - Cô biết rõ ông Vunphran và tôi chỉ là một. Tất cả những mệnh lệnh của ông ấy đều do tôi truyền đạt. Ông Vunphran khen thưởng những ai đều do tôi đề nghị. Tôi cần phải biết những gì dính dáng đến ông ấy.
   - Cả những việc riêng của ông ấy sao?
   - Thế thì lá thư ấy nói về công việc riêng ư?
   Perin hiểu là em đã bị người ta chặn ngọn.
   - Cháu không nói thế. Nhưng cháu muốn hỏi nếu lá thư ấy nói những chuyện riêng tư, cháu có phải cho ông hay nội dung của nó không?
   - Vì lợi ích của ông Vunphran, tôi cần phải biết, nhất là những chuyện riêng tư của ông ấy. Cô biết đấy, ông Vunphran mù lòa là do những nỗi buồn phiền suýt nữa giết chết ông! Nay bất thình lình, ông ấy nhận một tin mới báo một nỗi buồn mới hay một niềm vui lớn quá đột ngột, ông Vunphran không chuẩn bị trước, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, tôi cần biết trước để chuẩn bị cho ông ta tránh những tai họa. Còn cô thì chỉ đọc bản dịch của cô một cách đơn thuần.
   Taluen đã đọc bài văn nhỏ ấy với một giọng dịu dàng, khôn khéo khác hẳn giọng điệu hàng ngày cứng đờ và hằn học của ông ta. Perin đứng im lặng mặt tái xanh, xúc động nhìn ông ta. Ông ta tiếp tục:
   - Tôi tin rằng cô đủ thông minh để hiểu cái điều tôi vừa giải thích. Cô phải thấy được tầm quan trọng của ông Vunphran với tất cả, với chúng ta và cả địa phương này sống nhờ ông ấy, cả với cô nữa. Cô vừa nhận được một chỗ tốt bên cạnh ông ấy. Với thời gian, chỗ đứng của cô càng tốt hơn. Sức khỏe của ông Vunphran cần tránh những cú sốc mạnh mà nó không chống nổi. Ông ấy còn trông có vẻ mạnh khỏe, nhưng đấy chỉ là bề ngoài. Những nỗi buồn phiền làm ông mòn mỏi, sự mù lòa làm ông thất vọng. Bởi vậy, tất cả chúng ta ở đây phải làm cho đời sống của ông được êm ả. Tôi là người đầu tiên, bởi vì tôi được ông tin cậy.
   Nếu Perin không hay biết gì về Taluen có lẽ em đã tin những lời sắp xếp khôn khéo ấy. Nhưng khi em được nghe những câu chuyện ấy của mấy chị thợ nghèo khổ cùng phòng, của Môngblơ và Phabry, những người hiểu biết công việc có những nhận xét đúng đắn về người khác. Perin không tin bài diễn văn ấy cũng như sự tận tâm của ông quản đốc.
   Taluen muốn em tiết lộ sự thật, chỉ thế thôi! Để đạt được mục đích ấy, tất cả những mánh khóe như dối trá, lừa gạt, giả nhân, giả nghĩa đều tốt cả. Perin có thể nghi ngờ về chuyện đó nhưng việc nhưng việc ông Têôdo thuyết phục em đưa bức thư đã cho em tin chắc điều ấy. Chẳng gì hơn người cháu, ông quản đốc cũng chẳng thành thật gì. Cả hai đều muốn biết nội dung bức thư ĐaKa và chỉ muốn có thế. Ông Vunphran chắc đã đề phòng bọn họ khi dặn em: “Nếu có người nào dám hỏi cháu, cháu không những không được nói gì mà cũng đừng để cho họ đoán được gì cả!”. Chắc là ông Vunphran đã thấy trước những dự định ấy. Em chỉ phải vâng lời một mình ông ấy, chẳng cần nghĩ gì đến nỗi giận dữ, thù hằn sẽ chồng chất trên đầu em!
   Taluen đang đứng trước mặt Perin dựa vào bàn giấy của em, nghiêng mình về phía em, nhìn vào mắt em, như bao vây, chế ngự em. Em lấy hết can đảm, bằng một giọng hơi khàn khàn, không giấu được nỗi xúc động, nhưng không run, em nói:
   - Ông Vunphran cấm cháu nói chuyện về bức thư ấy với bất cứ ai.
   Taluen đứng thẳng, giận dữ về sự phản kháng ấy, nhưng ngay tức khắc, lại nghiêng về phía Perin, giọng nói và cử chỉ như vuốt ve, mơn trớn:
   - Đúng thế? Tôi không phải là “ai” đó; bởi vì tôi là người phó của ông Vunphran, một người khác của ông ta.
   Perin không trả lời.
   - Cô có ngu đần không? – Taluen kêu lên, hạ thấp giọng.
   - Có lẽ cháu ngu đần thật!
   - Thế thì hãy cố gắng mà hiểu! Phải rất thông minh, mới giữ được cái chỗ mà ông Vunphran đã sắp xếp cho cô ở bên cạnh ông ta. Bởi vì nếu cô không thông minh, cô không thể giữ được cái chỗ ấy! Đáng lẽ nâng đỡ cô, bổn phận của tôi là đuổi cô đi! Cô hiểu chứ?
   - Vâng, thưa ông.
   - Này, hãy suy nghĩ đi! Hãy nghĩ đến cái vị trí của cô hiện nay! Hãy tưởng tượng ngày mai sẽ như thế nào khi cô bị ném ra ngoài đường mà quyết định! Chiều nay, cô cho tôi hay.
   Sau khi đợi một lát mà không thấy Perin nao núng. Taluen đi ra nhẹ nhàng, chân không bén đất, giống như lúc bước vào phòng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

27#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 01:32:00 | Xem tất
“Hãy suy nghĩ đi!”
   Perin muốn suy nghĩ, nhưng ông Vunphran đang chờ em, em làm thế nào được chứ? Em trở lại với bản dịch, tự nhủ trong khi làm việc, tâm hồn thư thái hơn, em sẽ nhìn thấy rõ hơn cái vị trí của em để quyết định mọi hành động.
“Cái khó khăn chủ yếu mà tôi gặp, như đã nói với ngài trong lúc tập hợp những tin tức, đó là thời gian trôi qua từ hôn lễ của ông Étmông Panhđavoan, người con trai thân yêu của ngài. Lúc đầu, tôi xin thứ thật thiếu những lời chỉ dẫn của Cha Lơcờléc tôn kính, người đã chủ trì cuộc hôn lễ ấy, tôi như bị lạc hướng. Tôi phải đi tìm kiếm ở nhiều nơi khác nhau, trước khi tập hợp được những tư liệu cho một bức thư trả lời có thể làm vừa lòng ngài.
   Từ những tư liệu có thể rút ra kết luận: Bà vợ ông Étmông là một thiếu phụ có đủ các đức tính: thông minh, nhân hậu, dịu dàng, một tâm hồn nhạy cảm, một tính cách chính trực, chưa nói đến những nét duyên dáng tuy nhất thời, cũng có tầm quyết định đối với ai còn say đắm những sự phù phiếm của cuộc đời”.
   Đã bốn lần, Perin dịch lại câu ấy, cái câu có lẽ là rắc rối nhất trong lá thư. Em cố gắng dịch rất chính xác. Nếu em chưa vừa ý, ít nhất em cũng nghĩ là em đã làm hết sức mình.
   “Đã hết cái thời mà những hiểu biết của phụ nữ Ấn Độ chỉ chú trọng về cái khoa nghi lễ trong nghệ thuật đứng lên, ngồi xuống. Ngày xưa, tất cả nền giáo dục, ngoài những điểm cơ bản ấy, được xem như là một sự mất gốc. Ngày nay, một số đông, kể cả trong những đẳng cấp ở trên, có học thức… Bố mẹ bà Étmông cũng thế. Họ thuộc gia đình Bàlamôn nghĩa là đã hai lần sanh, theo cánh nói của người Ấn Độ đã có hạnh phúc được đổi qua đạo Thiên Chúa thần thánh của chúng ta do Cha Lơcờléc tôn kính, trong những năm đầu nhận sứ mệnh.
   Không may cho sự truyền bá giáo lý của chúng ta ở Ấn Độ ảnh hưởng của các đẳng cấp rất mạnh! Ai mất lòng tin là mất đẳng cấp nghĩa là quan hệ và vị trí đời sống xã hội. Đó là trường hợp của gia đình này, khi đi theo đạo Thiên Chúa, họ đã trở thành kẻ cùng đinh!
   Thế là rất tự nhiên, như ngài thấy đó, gia đình này quay về phía xã hội Châu Âu. Một sự hợp tác kinh doanh và tình bạn đã thắt chặt họ với gia đình Pháp. Họ sáng lập một xí nghiệp quan trọng. Đôrétsany (Ấn Độ) và Bécse (Pháp) để kinh doanh một xưởng dệt mutxơlin dưới danh hiệu: Đôrétsany và Bécse.
   Ông Étmông gặp cô Mari Đôrét sany trong nhà bà Bécse và yêu cô ấy. Tôi không được biết cô Mari vì cô ấy đã dọn đi nơi khác khi tôi đến ĐaKa.
   Vì sao có những trở ngại trong cuộc hôn nhân này? Đó là vấn đề mà tôi không phải tìm hiểu.
   Dù sao, hôn lễ đã được cử hành trong nhà thờ của chúng tôi. Cha Lơcờléc tôn kính đã ban phước cho đôi vợ chồng trẻ: ông Étmông Panhđavoan và cô Mari Đôrétsany. Giấy hôn thú và ngày cưới có ghi lại trong sổ chúng tôi. Nếu ngài cần, chúng tôi có thể gởi bản sao.
Trong bốn năm, ông Étmông sống gửi rể… Nhờ ơn Bề trên, một đứa con, một bé gái ra đời. Họ là một cặp vợ chồng gương mẫu. Những người ở ĐaKa còn giữ những kỷ niệm tốt về họ.
   Công ty Đôrétsany và Bécse thịnh vượng khá dần thì gặp liên tiếp những tổn thất đáng kể dẫn đến sự phá sản hoàn toàn. Ông bà Đôrétsany từ trần cách nhau mấy tháng. Gia đình Bécse trở về Pháp. Ông Étmông làm một chuyến du lịch thăm dò Đanhusi với tư cách là một nhà sưu tầm thực vật học và những vật hiếm đủ thứ cho những nhà hàng Anh. Ông mang theo vợ và con gái mới lên ba.
   Từ dạo ấy, ông không trở lại ĐaKa. Một người bạn ông Étmông có viết thư và một vị đồng nghiệp của chúng tôi, được cha Lơcờléc cho hay nhiều chi tiết, đã nói lại với tôi. Vị này có trao đổi thư từ với bà Étmông. Trong nhiều năm, Đơra được chọn làm trung tâm thám hiểm trên biên giới Tây Tạng trong dãy Hymãlạpsơn. Người bạn ấy còn cho biết công việc tiến hành thuận lợi.
   Tôi chưa đến Đơra nhưng tôi sẽ vui lòng gửi giúp Ngài một lá thư cho vị Cha ở đấy để giúp đỡ Ngài. Nếu Ngài thấy cần thiết.”
   Cuối cùng, Perin đã dịch xong bức thư ghê gớm ấy! Sau khi viết đến chữ cuối, em nhặt vộ giấy tờ và qua phòng ông Vunphran. Em cũng chẳng cần phải dịch cái công thức ghi ở đoạn dưới. Perin thấy ông Vunphran đang đi lại trong phòng, vừa đi vừa đếm bước, để khỏi và vào tường và cũng để quên nỗi chờ mong.
   - Cháu chậm quá! Ông nói.
   - Bức thư dài khó dịch.
   - Cháu lại còn bị quấy rầy nữa chứ! Bác nghe cánh cửa phòng cháu mở ra và khép lại hai lần.
   Ông Vunphran đã hỏi thử, Perin phải thành thực trả lời. Có lẽ đó là lời giải đáp duy nhất, trung thực và đúng đắn với những câu hỏi mà em đương loay hoay mãi, chưa tìm được câu trả lời vừa ý.
   - Ông Têôdo và ông Taluen vào phòng cháu.
   - Thế à?
   Ông muốn hỏi thêm về chuyện ấy, nhưng dừng lại, ông nói.
   - Bức thư trước đã! Chúng ta cùng xem! Cháu ngồi gần bác, đọc chậm rãi, rõ ràng, đừng lên giọng.
   Perin đọc nhỏ nhẹ, như lời dặn. Lát sau, ông Vunphran ngăn em lại, nhưng không nói với em ông đang theo dõi dòng suy nghĩ của ông.
   - Cặp vợ chồng gương mẫu.
   - Nhà hàng Anh, nhà hàng gì?
   - Một người bạn của ông ta? Người nào?
   - Những tin tức này vào thời điểm nào?
   Và khi Perin đọc đến đoạn cuối, ông tóm tắt những cảm tưởng và nói:
   - Câu kéo dài dòng. Không một cái tên. Không ghi năm tháng. Những ông ấy có trí não mơ hồ thật!
   Những nhận xét ấy không trực tiếp đụng đến em. Perin không cần trả lời. Ông Vunphran phá tan sự im lặng, sau một thời gian suy nghĩ khá lâu:
   - Cháu dịch được từ tiếng Pháp qua tiếng Anh cũng như cháu đã dịch từ tiếng Anh qua tiếng Pháp?
   - Nếu không phải là những câu khó. Vâng thưa ông!
   - Một bức điện.
   - Vâng, cháu nghĩ có thể được!
   - Vậy thì cháu ngồi vào cái bàn nhỏ kia! Cháu viết đi! Ông đọc:
   “Cha Phinđơ
   Hội truyền giáo
   ĐaKa
   Cám ơn về bức thư
   Đã trả tiền điện trả lời cho hai mươi chữ. Cho biết:
   Tên của người bạn đã nhận tin tức. Ngày tháng cuối về những tin tức ấy. Tên Cha ở Đara. Nhờ viết thư tin Cha hay: Tôi sẽ gửi thư đến Cha.
   Panhđavoan”
   - Cháu dịch bức điện này qua tiếng Anh. Mỗi chữ phải trả một Phrăng sáu mươi. Nên viết ngắn hơn chứ đừng dài hơn. Cháu viết sao cho dễ đọc nhé.
   Perin nhanh chóng dịch bức điện rồi đọc to.
   - Bao nhiêu chữ? Ông hỏi.
   - Ra tiếng Anh bốn lăm chữ.
   Ông tính rồi nói to:
   - Mất bảy hai Phrăng về bức điện này, ba hai Phrăng về bức điện trả lời. Tất cả là một trăm linh bốn Phrăng. Bác đưa tiền cho cháu. Cháu đích thân đến bưu điện, đọc cho người nhận điện ghi để tránh sai sót.
   Khi Perin đi ngang hành lang, em gặp Taluen. Ông ta đút hai tay vào túi áo, đang đi dạo, để trông chừng những gì xảy ra trong sân cũng như trong các bu-rô.
   - Cô đi đâu? Ông ta hỏi.
   - Đến bưu điện đánh một bức điện.
   Perin đang cầm trong tay bức điện. Một tay em cầm tiền. Taluen kéo tờ giấy rất mạnh, nếu em không thả tay, có lẽ đã rách. Ông vội mở ra đọc. Ông tức giận khi thấy viết tiếng Anh, ông nói:
   - Cô nên nói với tôi đấy nhé!
   - Vâng, thưa ông.
   Đến ba giờ Perin mới gặp lại ông Vunphran khi ông bấm chuông gọi em cùng đi xuống nhà máy. Lại một lần nữa em tự hỏi ai sẽ thay thế chú Guydôm? Sau khi người lái xe dắt con Côcô đến, lui gót, em ngạc nhiên khi nghe ông Vunphran bảo em đến ngồi bên cạnh.
   - Hôm qua, cháu đánh xe tốt. Không lẽ hôm nay cháu đánh xe tồi! Với lại bác cháu ta cần nói chuyện. Đừng có ai ở bên cạnh, tốt hơn.
   Họ ra khỏi làng. Trên đường đi, người ta cũng tỏ ý tò mò như hôm qua. Xe nhẹ nhàng lăn bánh qua các cánh đồng đang mùa cắt cỏ. Nãy giờ im lặng, ông Vunphran lên tiếng, trong lúc Perin bối rối chưa muốn giải thích vội. Hình như có nhiều nguy hiểm cho em!
   - Cháu có nói với ông: Têôdo và Taluen đã đến phòng giấy cháu.
   - Vâng, thưa ông.
   - Họ muốn gì?
   Tim như bị bóp nghẹt, Perin ngần ngừ.
   - Tại sao cháu do dự? Không phải cháu cần nói rõ với bác sao?
   - Vâng, thưa ông, cháu phải nói, nhưng điều ấy không khỏi làm cháu lo ngại.
   - Người ta không thể do dự khi người ta làm phận sự! Nếu cháu nghĩ là cháu cần im lặng thì cháu im đi! Nếu cháu nghĩ là phải trả lời cầu hỏi của bác bởi vì bác hỏi cháu, thì cháu hãy trả lời!
   - Cháu nghĩ là cháu phải trả lời.
   - Bác đang nghe đây!
   Perin kể lại những gì xảy ra giữa Têôdo và em. Không thêm bớt một chữ.
   - Có phải tất cả chỉ có thế không? Ông Vunphran hỏi em, khi em kể đến đoạn cuối.
   - Vâng, thưa ông, tất cả là vậy.
   - Còn Taluen.
   Perin lại kể về ông quản đốc. Em sắp xếp một chút khi nói đến bệnh hoạn của ông Vunphran để đừng nhắc: “Một tin buồn đột ngột đưa đến, không được chuẩn bị, có thể giết chết ông ấy!”. Rồi sau đợt tấn công thứ nhất của Taluen, em nói những gì vừa mới xảy ra về bức điện. Em cũng không giấu việc Taluen hẹn gặp em sau buổi làm việc, chiều nay.
   Perin chăm chú vào việc tường thuật, cứ để cho Côcô lơi bước. Con ngựa giá, lợi dụng sự tự do ấy đi núng na, núng nính. Nó hít thở cái mùi cỏ khô ngon lành mà ngọn gió nhẹ ấm áp thổi vào mũi nó. Cùnglúc ấy, gió mang lại tiếng sột soạt của mấy cái lưỡi hái cắt cỏ. Những năm đầu của cuộc đời trở lại trong trí óc nó. Dạo ấy, nó chưa phải làm việc. Nó cùng các bạn nó, những con ngựa cái và bầy ngựa con, phi qua cánh đồng cỏ. Nó có đấu ngờ, một ngày kia, phải đi kéo xe trên những ngã đường bụi bặm. Rồi chịu cực khổ chịu đau đớn với chiếc roi da và sự đối xử tàn ác! Khi Perin dừng lại, ông Vunphran cũng im lặng khá lâu. Em đang dán mắt nhìn ông. Em thấy khuôn mặt của ông lộ vẻ đau đớn hình như vừa buồn vừa bực. Cuối cùng, ông nói:
   - Trước hết, bác phải nói để cháu được yên tâm. Cháu hãy hứa những lời lời của cháu không bao giờ được nhắc lại với chúng nó. Sẽ chẳng có chuyện gì không hay xảy ra với cháu đâu! Nếu có ai đó muốn trả thù cháu vì cháu đã không nghe theo họ và đã trung thực với bác, bác sẽ bảo vệ cháu. Với lại, bác phải chịu trách nhiệm về mọi việc xảy ra. Bác đã dự đoán những điều ấy vì nó có gợi một ít tò mò. Lúc ấy, đáng lẽ bác không nên đặt cháu vào chỗ nguy hiểm. Trong tương lai, chuyện ấy sẽ không xảy ra. Kể từ ngày mai, cháu không ở trong phòng ông Benđi, vì người ta có thể tìm cháu ở đó. Cháu sẽ ngồi trong phòng của Bác, nơi cái bàn nhỏ mà sáng nay, cháu ngồi viết bức điện. Bác nghĩ không ai dám hỏi cháu, ngay trước mặt bác. Nhưng người ta có thể làm việc ấy ở ngoài buồng giấy, ở nhà bà Prăngxoadơ chẳng hạn! Từ chiều hôm nay, cháu sẽ có một phòng trong lâu đài và ăn cơm với bác. Bác thấy trước, bác phải giao thiệp với người Ấn Độ, trao đổi thư, điện tín mà chỉ mình cháu được biết. Bác phải đề phòng cẩn thận để người ta không bắt ép cháu nói. Họ có thể khôn khéo moi những tin tức mà cháu cần giữ bí mật. Ở bên bác, cháu sẽ được bảo vệ. Hơn nữa, đó cũng là câu trả lời cảnh báo cho những ai còn mưu tính việc ấy. Sau nữa, đó cũng là một phần thưởng cho cháu.
   Perin vừa mới run đó, đã tự trấn tĩnh mau chóng. Bây giờ, em quá xúc động bởi niềm vui, nên em không tìm được một từ nào để nói.
   - Bác tin cháu vì cháu đã dũng cảm đấu tranh chống đói khổ. Khi người ta đã dũngcảm như cháu thì người ta trung thực. Cháu vừa cho bác hay là bác đã không lầm. Bác có thể tin ở cháu như là bác đã biết cháu từ mười năm nay rồi.
   - Từ dạo cháu ở đây, chắc cháu nghe người ta nói về bác một cách thèm khát: Ở địa vị ông Vunphran, được là ông Vunphran thì sung sướng biết bao! Sự thật cuộc đời bác rất vất vả, nặng nhọc, và còn khó khăn hơn là cuộc đời của người thợ khốn khổ nhất của bác. Của cải sẵn có mà thiếu sức khỏe thì làm sao mà hưởng thụ được? Cái gánh nặng nhất, cái gánh nặng đặt trên đôi vai bác đè bẹp bác! Sáng nào, bác cũng tự nhủ bảy nghìn thợ sống do bác, nhờ bác! Vì họ, bác phải suy nghĩ, làm việc. Thật là một tai họa, nếu họ thiếu bác! Vì họ, bác phải đi. Vì danh dự cái nhà máy bác mà bác sáng lập – niềm vui, niềm vinh quang của bác… mà bác thì lại mù lòa!
   Ông nghỉ một lát. Lời than thờ cay đắng ấy đã làm nước mắt đọng trên vành mi của Perin. Lát sau, ông Vunphran nói:
   - Cháu cần phải biết qua những câu chuyện họ kháo với nhau ở trong làng và bức thư cháu dịch là bác có một người con trai. Có nhiều lý do mà bác không muốn nói, những bất đồng ý kiến quan trọng làm cha con bác phải xa nhau. Sau cuộc hôn nhân, mà bác không đồng ý, có sự tan rã hoàn toàn. Nhưng sự xích mích ấy không thể dập tắt tình thương của bác đối với nó, bởi vì bác yêu nó. Sau bao năm xa cách, bác vẫn trông thấy nó còn bé bỏng, như lúc bác nuôi nó. Khi bác nghĩ đến nó, nghĩa là suốt ngày và đêm quá dài đối với bác! Con bác đã quên bác, nó chọn một người phụ nữ nó yêu và tổ chức đám cưới mà bác không công nhận. Đáng lẽ, trở về ở bên cạnh bác, nó lại ở lại với vợ con nó vì bác không muốn và cũng không thể đón tiếp người phụ nữ ấy. Bác hy vọng nó sẽ chiều bác. Nó cũng nghĩ là bác sẽ chiều nó. Nhưng cha con bác cùng một tính cách như nhau: Chẳng ai chịu nhường ai! Bác không nhận được thư nó. Bác chắc là nó biết bác bị bệnh. Bác nghĩ người ta cho nó hay tin tức ở đây. Bác tưởng là nó sẽ trở về. Nó đã không trở về. Có lẽ cái con khốn kiếp ấy đã giữ nó ở lại. Mụ cướp con trai bác mà còn chưa vừa lòng còn giữ nó, không cho nó về với bác, cái con khốn nạn.
   Perin lắng nghe. Em nín thở. Đôi mắt dán vào đôi môi của ông Vunphran. Đến từ ấy, em ngắt lời:
   - Bức thư của Cha Phinđơ viết: “Một người phụ nữ có đầy đủ đức tính dễ thương: Thông minh, nhân hậu, dịu dàng, một trái tim nhạy cảm, một tính cách chính trực”. Người ta sẽ không nói như thế về một con người khốn nạn đâu!
   - Bức thư có thể chống lại sự việc. Cái chính là bác thù hằn, giận dữ mụ ta vì mụ ta giữ riết thằng con bác. Đáng lẽ mụ ta phải lánh mặt để cho nó trở về đây sống cuộc sống của nó. Thế mà cha con bác vẫn xa nhau. Cháu thấy đấy, bác đã mất công tìm kiếm, bác cũng chẳng biết bây giờ nó ở đâu? Cũng như bác, cháu thấy nhữngkhó khăn ngăn cản chuyện thăm dò! Những khó khăn càng rắc rối thêm là do hoàn cảnh đặc biệt mà bác phải giải thích cho cháu nghe. Có lẽ một cô bé ở lứa tuổi cháu sẽ không thấy đâu. Dẫu sao thì cũng phải làm cho cháu hiểu hết. Bởi vì bác tin ở cháu và cháu sẽ phải giúp bác hoàn thành công việc. Thằng con bác vắng mặt lâu ngày, nó mất tích! Đã từ lâu, hai cha con bác không liên lạc với nhau. Những tin tức cuối cùng mà người ta nhận được, nhen nhóm cho bác chút hy vọng gì đó. Nếu con bác không còn ở đây thay bác khi bác không còn đủ sức để đảm đương công việc, và để hưởng gia tài thì khi bác chết, ai sẽ chiếm cái vị trí ấy? Người nào sẽ hưởng cái gia tài này? Cháu hiểu có những hy vọng ẩn náu sau những câu hỏi ấy?
   - Cháu gần hiểu, thưa ông.
   - Thế là đủ. Bác thích cháu chưa hiểu hết! Thế là bên cạnh bác, trong những người cần phải giúp đỡ bác, có những người, nếu con bác không trở về thì có lợi cho họ. Vì thế, họ tưởng tượng là con bác đã chết. Con bác mà chết ư? Làm thế nào lại như thế được! Chẳng lẽ bác lại bất hạnh như vậy sao? Họ có thể tin thế, còn bác, bác không thể tin được! Bác còn làm gì ở trên đời nếu Étmông không còn nữa! Theo luật của tạo hóa thì con mất bố mẹ chứ không phải bố mẹ mất con cái! Bác có hàng trăm lý lẽ: Cái này hay hơn cái kia để chứng minh những hy vọng của họ là điên cuồng! Nếu Étmông đã chết trong một tai nạn, bác phải biết chứ! Vợ nó là người đầu tiên sẽ tin cho bác hay. Thế thì Étmông không chết, không thể chết! Bác sẽ là một người cha không có niềm tin, nếu chấp nhận điều trái lại.
   Perin không nhìn chăm chăm vào ông Vunphran nữa. Em đã quay mặt đi, như sợ ông ấy nhìn rõ em.
   - Những người khác không có niềm tin ấy có thể nghỉ là con bác đã chết! Điều ấy giải thích cho cháu sự tò mò của họ và tại sao bác phải đề phòng để giữ bí mật những gì thuộc về việc tìm kiếm tung tích của con bác. Bác nói thật cho cháu như thế đấy. Trước hết để cháu rõ nhiệm vụ mà bác giao cho cháu là trả người con về cho người cha! Bác tin chắc là cháu có lương tâm để hết lòng với công việc ấy! Với lại, bác còn nói rõ với cháu, bởi vì đó là nguyên tắc sống của bác: đi thẳng vào mục đích trong khi nói rõ mình đi đâu. Có khi những đứa láu lỉnh không chịu tin bác và cho là bác giả vờ. Chúng bị hẫng và chỉ mất công toi! Đó là sự trừng phạt! Người ta sẽ còn tìm cách cám dỗ cháu! Chuyện ấy có thể xảy ra từ mọi phía! Như thế, là cháu đã được báo trước: đó là điều bác cần phải làm!
   Họ đã đến nơi có thể trông thấy những ống khói của nhà máy Hécchơ, nhà máy xa Marôcua nhất. Chỉ còn vài vòng bánh xe nữa là họ vào làng. Perin xúc động mãnh liệt, run rẩy, muốn tìm lời để đáp, nhưng mãi vẫn không tìm ra. Đầu óc em bị tê liệt vì cảm kích, cái cổ như bị bóp nghẹt, đôi môi khô khốc.
   - Còn cháu, cuối cùng em nói, cháu cần phải thưa cho ông hay, cháu hết lòng phục vụ ông!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

28#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 01:35:43 | Xem tất
Buổi chiều, đáng lẽ ông Vunphran đi một vòng thăm các nhà máy rồi trở về phòng làm việc theo thường lệ. Lần này, ông bảo Perin đưa ông thẳng về lâu đài. Đây là lần đầu tiên, Perin vượt qua cánh cổng chấn song mạ vàng nguy nga, lộng lẫy, một kiệt tác của người thợ khóa – nghệ sĩ mà người địa phương bảo vừa muốn trưng bày ở một cuộc triển lãm vừa qua nhưng không làm sao có được! Nhưng nhà kỹ nghệ giàu sụ này không cho là quá đắt đối với ngôi nhà ở nông thôn của mình.
   - Cứ theo con đường lớn vòng cung, ông Vunphran nói.
   Đây cũng là lần đầu tiên, Perin được trông thấy tận mắt những chùm hoa mà trước đây em chỉ trông thấy ở xa như những chấm đỏ, chấm hồng trên bức thảm nhung đậm của mấy bãi cỏ đã cắt sát. Em không cần phải hướng dẫn cho Côcô. Nó đã quá quen thuộc con đường này nên nó bình tĩnh bước. Perin có thể nhìn bên phải, bên trái, những chùm hoa, cây cảnh rất đẹp, xứng đáng được trồng riêng biệt để dễ nhìn thấy. Tuy ông chủ không thể ngắm cây cảnh như ngày nào, khu vườn vẫn không có gì thay đổi trong sự bài trí. Nó vẫn được chi phí về trang trí như cũ bà bảo quản cẩn thận như ở cái thời mà mỗi buổi sáng, buổi chiều, ông chủ còn kiêu hãnh nhìn ngắm. Côcô ngừng lại trước hàng hiên có bậc riêng. Nghe tiếng chuông bác gác cổng báo, một lão bộc đứng đợi:
   - Bátxchiêng đấy ư? Ông Vunphran vẫn ngồi trên xe, nói.
   - Vâng, thưa ông.
   - Anh đưa cô thiếu nữ này về phòng bươm bướm sau này sẽ là phòng riêng cho cô ấy đấy! Anh chăm sóc để người ta đem đến đây tất cả những gì cần thiết để cô ấy tắm, gội, trang điểm. Anh dọn cho cô ấy ăn với tôi. Anh tạt qua bảo Phêlít đưa tôi về buồng giấy.
   Perin tự hỏi có nằm mơ không?
   - Tám giờ, chúng ta ăn cơm tối! Ông Vunphran nói. Bây giờ, cháu được tự do!
   Perin xuống xe, đi theo bác lão bộc. Em hoa mắt như bước vào một tòa lâu đài kỳ diệu! Và thật thế, cái phòng đồ sộ ở đó có cái cầu thang trang nghiêm với các bậc đá hoa trắng trải thảm đỏ như một con đường đỏ không phải là của một tòa lâu đài sao? Ở mỗi bậc thang lầu có nhiều loại thảo mộc và hoa đẹp kết hợp trong các giỏ trồng hoa. Mùi hương tỏa thơm ngát trong không khí cô đọng. Bátxchiêng đưa Perin lên lầu hai, mở một cánh cửa nhưng không vào.
   - Tôi sẽ bảo chị hầu phòng đến gặp cô – bác nói và rút lui.
   Sau khi đi qua một lối nhỏ hơi tối, Perin bước vào một căn phòng rộng rãi, sáng sủa có chăng vài màu ngà ngà. Trên vải rải rác có những con bướm màu rực rỡ đang bay lượn… Bàn ghế bằng gỗ quý điểm những chấm nhỏ trên thảm, có những bó hoa đồng nội: hoa màu gà, bờluê, cúc hoang…
   Chao ôi! Tươi mát và xinh xắn quá!
   Perin chưa hết ngạc nhiên. Em thích thú lấy chân ấn vào tấm thảm mềm mại. Chân em đang bị tấm thảm đẩy ngược lên thì chị hầu phòng vào.
   - Bátxchiêng bảo tôi đến đây để cô sai bảo.
   Một chị hầu phòng mặc quần áomàu sáng, độ mũ trùm đầu bằng tuyn đang đợi lệnh Perin. Trước đây mấy hôm, cô gái ấy ngủ trong lều, nằm trên chiếc giường bằng sậy, ở giữa ao hồ, bạn cùng chuột đồng và ếch nhái! Phải có một chút thời gian để Perin nhận ra mình.
   - Xin cám ơn chị! Cuối cùng em nói. Em không cần gì hết… hình như thế!
   - Nếu cô cho phép, tôi xin giới thiệu gian buồng này với cô.
   Cái mà chị ấy nói: “Giới thiệu gian buồng” nghĩa là mở một cái tủ đứng có kính và một cái kệ ở trong vách tường, những ngăn kéo trong chiếc bàn trang điểm có bàn chải kéo, xà phòng và nhiều chai, lọ. Làm xong mọi việc, chỉ đặt bàn tay lên một nút bấm ở sau tấm rèm:
   - Cái này, chị nói, bấm chuông để gọi. Cái kia để bật đèn.
   Trong phút chốc, lối ra vào, buồng trang điểm, sáng rực lên rồi cũng trong phút chốc tắt ngấm. Perin tưởng như đang ở trong cánh đồng ở ngoại ô Paris khi gặp trận giông tố. Những ánh chớp lòe sáng chỉ đường cho em đi, hay nhấn chìm em trong bóng tối.
   - Khi nào cô cần sai bảo tôi, xin cô bấm chuông gọi: một tiếng để gọi bác Bátxchiêng, hai tiếng để gọi tôi…
   Cái mà “cô muốn” là được ở một mình, để đi thăm gian buồng, để được bình tĩnh lại. Từ sáng đến giờ, những việc liên tiếp xảy ra, làm em mất thăng bằng. Biết bao là sự việc, những chuyện bất ngờ trong vài tiếng! Ai có thể nói trước được! Em vừa bị Têôdo và Taluen dọa nạt sáng nay, và đang lo sợ tai họa đe dọa! Nhưng gió đã xoay chiều khá thuận lợi cho em. Thật là buồn cười khi nghĩ vì bọn họ hận thù em, nên em mới được thế này!
   Nhưng em lại còn buồn cười hơn nữa nếu em có thể trông thấy ngài quản đốc khi đón ông Vunphran ở dưới cầu thang các phòng làm việc.
   - Tôi cho rằng cô bé ấy đã phạm chút ít sai sót. Taluen nói.
   - Không phải vậy đâu!
   - Thế sao ông Philít đánh xe cho ông về?
   - Khi đi ngang lâu đài tôi cho em xuống để em có thời giờ chuẩn bị ăn cơm tối.
   - Ăn cơm tối! Tôi cho rằng…
   - Tôi cho rằng! Ông Vunphran nói, tôi cho rằng ông chỉ biết đoán mò!
   - Tôi cho rằng ông ăn cơm tối với cô bé.
   - Đúng thế! Đã từ lâu, tôi mong muốn có bên cạnh một người thông minh, kín đáo, trung thành mà tôi có thể tin cậy được!
   - Đúng là cô bé có thể tập hợp những đức tính đã nói đấy, hình như thế. Thông minh, tôi tin chắc là em ấy thông minh. Kín đáo và trung thành em ấy cũng có. Tôi đã có bằng chứng. Tuy ông Vunphran không nhấn mạnh khi nói, nhưng Taluen không hiểu lầm ý nghĩa những lời ấy.
   - Tôi nhận ra em bé là vì thế! Tôi cũng không muốn em là mục tiêu của một vài tai họa, không phải vì em, bởi vì tôi tin chắc em không thể sa ngã, nhưng do những người khác, vì thế mà bắt buộc tôi phải giữ em xa những người ấy.
   Ông Vunphran nhấn mạnh đoạn cuối.
   - Mặc dù thế nào đi nữa, em bé cũng không rời tôi. Ban ngày, em đưa tôi đi, ăn cơm tối. Điều ấy, sẽ làm cho tôi đỡ buồn. Trong bữa ăn, em nói chuyện cho tôi vui. Em sẽ ở trong tòa lâu đài.
   Taluen đã có thời giờ để trở lại bình tĩnh. Với tư cách của người quản đốc, trong cách xử sự hàng ngày, không bao giờ trái ý ông chủ. Taluen nói.
   - Tôi cho là cô bé sẽ làm ông hài lòng. Ông có thể tin ở cô ta, hình như thế.
   - Tôi cũng cho là thế.
   Trong lúc ấy, Perin tựa vào lan can nơi cửa sổ của em mơ mộng. Em nhìn phong cảnh trước mắt em: những bồn hoa của khu vườn, những nhà máy, xóm làng với những ngôi nhà thờ. Những cồn cỏ, hốc đất mà nước bạc phản chiếu dưới tia nắng xiên góc của trời chiều. Đối diện với đây, phía bên kia là chòm cây của khu rừng mà em đã ngồi cái hôm em đến đây. Trong ngọn gió chiều tà, Perin nghe có tiếng dịu dàng của mẹ đang thì thầm: “Mẹ thấy con sung sướng!”. Mẹ đã đoán trước tương lai, bà mẹ thân yêu của em. Những hoa cúc đại đóa đã diễn tả được cái lời tiên tri mà mẹ đã mớm cho chúng nói sự thật: “sung sướng!”. Em đã bắt đầu được như thế! Nếu em chưa đạt được hoàn toàn thì ít nhất em cũng nhìn thấy em đã thành công được phần nào! Em phải kiên nhẫn, biết chờ đợi. Cái còn lại, đến lúc đến, nó sẽ đến! Bây giờ, có ai giục em đâu nào? Ở trong lâu đài này, mà em đã vào rất nhanh chóng em không còn sợ cái đói nghèo và những thiếu thốn!
   Khi còi nhà máy báo giờ tan tầm, Perin vẫn còn đứng tựa vào lan can, thả hồn bay theo cánh mộng. Tiếng còi lanh lảnh đã đưa em từ tương lại trở về với hiện tại. Từ đài quan sát, nhô cao trên những con đường làng và những con đường trắng xóa đi qua đồng cỏ xanh, đồng lúa vàng, em thấy tỏa ra cái tổ kiến đen thui, thợ thuyền. Lúc đầu đó là mọt khổi rắn chắc dày đặc, sau chia ra nhiểu nẻo để rồi phân tán thành những khóm nhỏ rồi sẽ tan ngay.
   Có tiếng chuông báo của bác gác cổng. Chiếc xe của ông Vunphran đi vào con đường vòng tròn theo bước chân bình thản của Côcô.
   Perin chưa rời khỏi phòng. Ông Vunphran đã dặn em làm vệ sinh. Em xài nước Côlônhơ và xà phòng thả cửa, bánh xà phòng nhiều bọt, mùi thơm dễ chịu khi chiếu đồng hồ trên lò sưởi điểm tám giờ em đi xuống. Em tự hỏi em làm thế nào tìm được phòng ăn. Nhưng em không phải tìm. Một người đầy tớ mặc áo đen, đứng ở hành lang, đã đưa em đến đó. Cùng lúc ấy, ông Vunphran đi vào. Không cần ai dắt, Perin thấy ông đi theo một con đường có kẻ của một thứ vải go dày ở trên tấm thảm. Con đường ấy giúp cho đôi chân ông, thay thế đôi mắt. Một lẵng hoa lan, hương thơm dịu dàng, đặt giữa bàn ăn. Trên bàn, những đồ ăn bằng bạc dày trạm trổ công phu và bằng pha lê mài tinh xảo nhấp nhô phản chiếu dưới ánh điện của cây đèn cầy nhiều ngọn. Perin đứng đằng sau chiếc ghế của em. Em chưa biết nên làm gì. Ông Vunphran đã giúp em:
   - Cháu ngồi xuống đi!
   Người ta bắt đầu dọn thức ăn. Người đầy tớ đã đưa em đến phòng ăn, đặt đĩa xúp trước mặt em. Trong lúc ấy bác Bátxchiêng bưng một đĩa đấy đến cho ông chủ. Giá Perin ngồi ăn một mình với ông Vunphran thì em thoải mái hơn. Nhưng có những con mắt tò mò, mặc dù là vẫn đứng đắn, của hai người hầu bàn như đang tập trung nhìn em! Em cảm thấy có lẽ người ta muốn biết “một con vật bé nhỏ” như em ăn uống thế nào? Em lúng túng và động tác của em phần nào không được thoải mái. Perin may mắn không phạm sai sót.
   - Từ dạo bác ốm – Ông Vunphran nói – Bác thường ăn hai bát xúp. Cái đó có lợi cho bác! Cháu thấy rõ chẳng cần theo bác.
   - Đã từ lâu, cháu chẳng được ăn xúp! Cháu cũng ăn hai bát!
   Thế nhưng đĩa xúp họ dọn cho cô lần này không phải là thứ xúp đã dọn lần đầu. Đó là món xúp bắp cải, cà rốt, khoai rất đơn giản như xúp của một nông dân. Ngoài món tráng miệng, bữa ăn cũng đơn giản. Thức ăn có giò cừu hầm đậu và món xalát. Nhưng thức ăn tráng miệng lại gồm đến bốn cái đĩa có chân đựng bánh gatô và bốn đĩa đựng hoa quả chất đầy những thứ quả hấp dẫn vừa to vừa đẹp xứng đáng với các bông hoa trong bồn!
   - Ngày mai, nếu cháu thích, cháu sẽ đi thăm những lồng kính đã cho những thứ quả này – ông Vunphran nói.
   Rất dè dặt, Perin lấy vài quả anh đào nhưng ông Vunphran muốn ăn mận, đào và nho nữa.
   - Ở lứa tuổi cháu, bác có thể ăn tất cả các thứ quả mà người ta dọn cho bác.
   Thế là một lão bộc, đứng sau lưng ông Vunphran rời chổ. Vâng lời ông chủ, bác đặt lên đĩa “cái con vật bé nhỏ này” như là bác cho một con khỉ làm trò ăn một quả mận, một quả đào mà với tư cách người sành ăn. Bác đã chọn kỹ. Tuy có nhiều hoa quả, Perin vẫn mong bữa ăn chóng chấm dứt. Cuộc thử thách càng ngắn càng có lợi cho em. Ngày mai, sự tò mò được thỏa mãn, mấy người đầy tớ sẽ để cho em yên thân!
   - Bây giờ cho đến sáng mai, cháu được tự do. Trời sáng trăng cháu có thể đi dạo trong khu vườn. Cháu vào thư viện đọc sách hay lấy sách về buồng cháu mà đọc cũng được!
   Perin bối rối. Em tự hỏi có nên thưa với ông Vunphran là em vẫn sẵn sàng để phục vụ ông. Thấy em do dự, người lão bộc ra hiệu thầm lặng cho em. Lúc đầu em chưa hiểu. Bác đưa tay trái ra như đang cầm một quyển sách, và lấy tay phải giở từng trang sách, rồi bác chỉ ông Vunphran trong lúc đôi môi bác cử động và gương mặt bác linh hoạt hẳn lên. Ngay tức khắc, em hiểu bác bảo em phải hỏi ông Vunphran có cần em đọc sách cho ông không? Nhưng vì em cũng có ý kiến ấy, cho nên em sợ dịch ý của em, hơn là ý của bác lão bộc. Nhưng rồi em mạnh dạn nói:
   - Thưa ông, ông không cần cháu ư? Ông không thích cháu đọc sách cho ông nghe sao?
   Perin sung sướng thấy bác lão bộc gật đầu tán thưởng em. Em đã đoán đúng điều em cần nói.
   - Khi người ta làm việc thì người ta phải có những giờ tự do – ông Vunphran đáp.
   - Cháu xin bảo đảm với ông là cháu không thấy mệt!...
   - Vậy thì, - ông nói – Cháu đi với bác!
   Một phòng ngắn ngăn vách phòng ăn có một lối đi bằng vải thô giúp ông Vunphran đi lại dễ dàng đến cái phòng rộng rãi, âm u ấy. Ông Vunphran không thể lạc vì trong đầu óc cũng như trong đôi chân ông, có cái ý niệm về khoảng cách rất chính xác. Perin lại một lần nữa tự hỏi ông Vunphran làm thế nào cho hết thời giờ khi ông chỉ có một mình vì ông không thể đọc được! Cái phòng nhỏ này khi ông bật đèn không trả lời gì cho em về câu hỏi ấy. Về đồ gỗ, chỉ có một cái bàn lớn, chất đầy giấy tờ, những cặp bìa đựng hồ sơ, mấy cái ghế. Trước một cửa sổ có một ghế dựa xoay to lớn, không có gì ở chung quanh. Thế nhưng trên tấm thảm mòn, bọc trên ghế cho biết ông Vunphran ngồi ở đấy rất nhiều giờ khắc đằng đẵng ngước mắt lên bầu trời mà không nhìn thấy mây…
   - Cháu đọc gì cho bác nhỉ?
   - Một tờ báo, nếu ông cho phép.
   - Tốt hơn hết là để ít thời giờ về chuyện báo chí.
   Perin không có gì để trả lời. Câu em vừa nói chỉ là một đề nghị.
   - Cháu có thích loại sách du lịch không? – Ông hỏi.
   - Thưa ông, có.
   - Bác cũng thế! Loại sách ấy vừa giải trí cho đầu óc trong khi bắt nó làm việc!
Rồi như thể để tự nói với mình, không nghĩ là Perin còn đứng ở đó và sẽ nghe thấy:
   - Thoát xác, sống những cuộc sống khác với cuộc sống của mình!
   Sau một phút im lặng ông nói:
   - Chúng ta vào thư viện.
   Thư viện sát buồng ông Vunphran. Ông chỉ cần mở một cánh cửa, bật đèn cho sáng. Nhưng vì chỉ có một ngọn đèn đỏ, nên gian buồng to lớn, có nhiều gỗ đen, vẫn ở trong bóng tối.
   - Cháu có biết quyển “Vòng quanh thế giới” không? – ông hỏi.
   - Không, thưa ông.
   - Thế thì chúng ta sẽ tìm thấy trong bản thư mục theo thứ tự a, b, c.
   Ông dẫn Perin đến cái tủ có bản thư mục, bảo em tìm. Cũng mất một thời gian. Cuối cùng, em đã tìm thấy bản thư mục.
   - Cháu cần tìm gì? – Em hỏi.
   - Chữ Â, cái từ Ấn Độ.
   Ông vẫn theo dõi ý nghĩ của ông. Ông không có ý nghĩ sống cuộc sống của những người khác như ông đã lần hiểu qua câu tự nhủ của ông. Cái mà ông Vunphran muốn, hẳn là được sống cuộc đời của người con trai ông, trong lúc ông nghe những đoạn miêu tả xứ sở mà ông đang cho đi tìm con ông.
   - Cháu thấy gì?
   - Ấn Độ của các tiểu vương bản địa, cuộc du lịch trong nội địa Ấn Độ và trong xứ sở của giám quốc tướng Miến Điện 1871, 209 đến 208.
   - Như thế có nghĩa là trong tập 2 năm 1871 trang 209, chúng ta sẽ tìm thấy đoạn tường thuật cuộc du lịch khi mới bắt đầu. Cháu lấy sách rồi chúng ta trở về buồng.
   Em tìm được quyển sách. Đáng lẽ, em đứng lên, thì em lại ngắm mãi bức chân dung đặt trên bệ lò sưởi. Cặp mắt em bây giờ đã quen với cảnh tranh tối tranh sáng vừa phát hiện ra.
   - Chuyện gì thế? – Ông Vunphran hỏi.
  Perin thành thật trả lời, giọng em xúc động.
   - Cháu nhìn bức chân dung đặt trên lò sưởi.
   - Đó là con trai bác lúc hai mươi tuổi. Để bác bật đèn cho cháu nhìn rõ.
  Ông đến tấm ván lót, ấn vào một cái nút. Những ngọn đèn nhỏ trên khung ảnh và bức chân dung sáng rực lên, Perin đứng lên, để đến gần bức chân dung. Em hét lên và làm rơi quyển “Vòng quanh thế giờ”.
   - Cháu làm sao thế?
  Perin không rời mắt khỏi anh thanh niên mặc áo đi săn bằng nhung xanh lá cây. Anh đội mũ cátkét cao su và lưỡi trai rộng. Anh chống tay trên khẩu súng và lấy tay kia vuốt ve đầu con chó xù lông đen. Trông anh cứ như vừa ở trong tường hiện ra vậy. Perin run rẩy từ đầu đến chân. Nước mắt tuôn trào trên khuôn mặt, và em không có ý nghĩ cưỡng lại. Em chìm đắm, say mê trong khi chiêm ngưỡng. Những giọt nước mắt tuôn trong em lặng. Đã làm lộ nỗi xúc động của em.
   - Tại sao cháu khóc?
   Em phải trả lời. Với một cố gắng cao, em muốn tự chủ trong lời nói. Nhưng em lại thấy giọng em rời rạc:
   - Cái chân dung ấy… con trai bác… bác người bố!   
Ông Vunphran đứng yên, không hiểu; ông chờ đợi một lát, rồi với giọng thông cảm:  
  - Cháu nghĩ đến bố cháu à?
  - Vâng, thưa ông… vâng, thưa ông.
  - Tội nghiệp cháu tôi!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

29#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 03:44:36 | Xem tất
                                          Phần VII : CHỜ MONG… TUYỆT VỌNG

Sáng hôm sau, hai người cháu vẫn đi trễ như thường lệ. Khi vào phòng ông Vunphran để mở thư tín, họ rất ngạc nhiên khi thấy Perin ngồi chễm chệ vào bàn của em, như là em đã thả neo ở đó từ bao giờ. Taluen biết Perin được bố trí ngồi ở đó, nhưng y vẫn giữ kín, không tin cho họ hay. Ông sắp xếp có mặt để xem họ kinh ngạc như thế nào. Thật vậy, dáng điệu hai người cháu thật là buồn cười khi thấy cô bé ngồi ở đấy. Chính Taluen cũng đã điên đầu vì cái con bé ăn mày ấy! Cái con chỉ một hôm, đã vọt lên ngồi chễm chệ ở đấy, không cần ô dù. Nó đã dành được cái vị trí bắt người ta phải kính nể vì ông chủ già yếu hèn và lẩn thẩn.
   Taluen sẽ được hả lòng khi thấy hai người cháu căm tức. Thấy họ nhìn con bé bằng đôi mắt giận dữ và kinh ngạc. Taluen vui biết mấy! Họ không thể hiểu nổi sự có mặt của con bé trong cái phòng thiêng liêng này. Nơi đây, chính bản thân họ cũng chỉ được lưu lại vừa đủ thời gian để nghe những lời huấn thị của ông chủ thời gian để nghe những lời huấn thị của ông chú, hay báo cáo những công việc mà họ phụ trách.
   Thường ngày, Taluen chỉ tỏ ra thù địch với họ bằng nụ cười mỉa hay sự im lặng khinh nhờn dưới dạng kính cẩn. Hôm ấy, ông ta cao hứng muốn diễn một vở hài kịch, theo cách của mình, để tự giải trí trong chốc lát. Ái chà! Họ nghĩ là họ hơn ông vì họ có những quyền lợi dựa vào tình ruột thịt của họ với ông chủ: Ông chủ đã xếp trên quản đốc một người là con ông anh ruột, một người là con bà chị ruột. Còn ông? Ông chỉ là sản phẩm của những công lao tự mình bỏ ra để góp phần không nhỏ cho thắng lợi của nhà máy. Này nhé, rồi các ngài sẽ thấy! Khi họ đi ra. Taluen cùng đi với họ, tuy họ có vẻ nôn nóng trở về phòng họ để trao đổi cảm tưởng, để thấy họ cần phải làm gì với con bé ấy, nên khi Taluen ra hiệu là họ vâng theo ngay. Đó không phải là thắng lợi sao? Ông ta kéo họ ra ngoài hàng hiên để tiếng nói của bọn họ không thể đến phòng ông Vunphran.
   - Hẳn các ông ngạc nhiên lắm khi thấy con bé ở trong phòng ông chủ? Taluen nói.
   Hai chàng kia nghĩ là không cần trả lời. Họ không thể chối cãi cũng không muốn thừa nhận.
   - Tôi đã thấy rõ. Taluen nhấn mạnh khi nói. Sáng nay, nếu hai ông không đến muộn thì tôi hẳn đã báo trước cho hai ông hay, để có những cử chỉ đúng đắn hơn.
   Taluen tiếp tục:
   - Hôm qua, ông Vunphran có cho tôi biết ông ấy đã xếp con bé ở lại trong lâu đài. Trong tương lai, nó sẽ làm việc trong phòng ông chủ.
   - Nhưng con bé này là ai vậy?
   - Tôi cũng định hỏi hai ông điều ấy. Phần tôi, tôi không biết. Ông Vunphran cũng thế, tôi tin vậy.
   - Thế thì?
   - Lúc đó ông chủ có giải thích cho tôi! Đã từ lâu, ông muốn có bên cạnh một người thông minh, kín đáo, trung thành mà ông có thể tin cậy hoàn toàn.
   - Ông ấy đã không có chúng tôi sao? Casimia ngắt lời.
   - Đúng là tôi cũng đã nói với ông ấy. “Vậy thì ông không có ông Casimia là sinh viên Bách khoa đã được học tất cả các môn về mặt lý thuyết. Với ông Casimia, nghiệm số x, không còn phải sợ ai cả! Ông ta gắn bó với ông chủ. Còn ông Têôdo thì đã hiểu cuộc đời lẫn ngành thương mại. Những năm đầu, ông sống bên cạnh bố mẹ, lúc gia đình gặp khó khăn nên ông đã trưởng thành. Mặt khác ông Têôdo thương yêu ông chủ. Chẳng lẽ hai ông ấy ít thông minh, không kín đáo, kém trung thành và ông không thể đặt hết niềm tin ở họ chăng? Họ còn nghĩ đến chuyện gì khác nếu không phải là để đỡ đần ông, hiệp sức cùng ông, cùng thu xếp công việc. Họ là những người cháu tốt, rất thân ái, rất biết ơn. Họ cũng gắn bó với nhau như anh em ruột. Họ chỉ có một quả tim bởi vì họ cũng cùng chung một mục đích.
   Tuy Taluen muốn, ông ta cũng không nhấn mạnh ở mỗi từ đặc biệt, nhưng ít nhất ông đã nhấn mạnh sự mỉa mai bằng nụ cười. Ông nhìn Têôdo khi nói về sự hiểu biết của Casimia trong lĩnh vực khoa học của nghiệm số x. Taluen nhìn Casimia khi nói đến những khó khăn trong việc kinh doanh của gia đình Têôdo. Taluen nhìn cả hai người khi nhắc về sự đồng tâm cùng chung một mục đích.
   - Các ông có biết ông chủ đã trả lời tôi thế nào không? Taluen tiếp tục. Tuy ông dừng lại một lát, nhưng lại sợ họ quay lưng trước khi ông nói hết, nên ông vội vã nói tiếp.
   - Ông Vunphran trả lời tôi: “Ôi, mấy thằng cháu tôi. Cái đó nói lên gì kia chứ? Anh biết là tôi không tự cho phép mình tìm hiểu: Tôi chỉ nhắc đơn giản với anh thế thôi!”. Ngay tức khắc, ông lại nói thêm với tôi để giải thích cái quyết định đưa con bé về tòa lâu đài và đặt nó trong buồng giấy của ông. Ông làm thế vì có thể tai họa. Không phải là ông lo cho nó, vì ông tin chắc nó không vấp ngã. Ông lo cho những người khác, để ông khỏi phải xa họ, dù thế nào đi nữa! Tôi xin đảm bảo là tôi đã nhắc lại nguyên văn lời nói của ông chủ, không sai một chữ. Bây giờ, tôi muốn hỏi hai ông: Những người khác ấy là ai?
   Thấy họ không trả lời. Taluen nhấn mạnh:
   - Ông Vunphran muốn ám chỉ ai? Ông ấy nhìn thấy ở đâu và những người khác có thể gây tai họa cho con bé? Tai họa gì vậy? Tất cả những câu hỏi đều khó hiểu! Chính vì thế mà tôi nghĩ phải đưa cho hai ông xem xét. Trong lúc ông Étmông vắng mặt, hai ông với dòng dõi gia đình coi như là đứng đầu nhà máy này.
   Taluen đã chơi với họ như mèo vờn chuột, thế nhưng ông ta còn muốn đá họ lên không trung một lần nữa bằng một cú đã khá mạnh.
   - Thật ra ông Étmông có thể trở về nay mai. Nếu người ta tin vào những sự tìm kiếm của ông Vunphran. Hình như ông ấy đang nôn nóng như đã lần ra đầu mối.
   - Thế thì ông phải biết chút ít rồi chứ? Têôdo hỏi vì không giấu được nỗi tò mò.
   - Không có gì hơn là những thứ tôi thấy, nghĩa là ông Vunphran dùng con bé để dịch những lá thư và những bức điện mà ông nhận được từ Ấn Độ.
   Rồi với vẻ phúc hậu giả tạo:
   - Thật là khốn khổ cho ông, ông Casimia ạ! – Ông học đủ mọi thứ mà không biết tiếng Anh! Giá ông biết tiếng Anh, ông đã nắm hết mọi chuyện xảy ra. Đấy là chưa kể ông có thể tống cổ con bé ấy! Hiện nay, nó đang chiếm trong lâu đài một chỗ mà nó không có quyền. Thật ra, ông có thể tìm được một cách khác tốt hơn để đến đó! Và nếu tôi có thể giúp ông, ông có thể tin ở tôi… nhưng xin ông giữ kín cho.
   Trong khi nói, thỉnh thoảng ông ta liếc nhanh và nhìn về phía mấy cái sân vì thói quen hơn là cần thiết. Vừa lúc ấy, ông thấy người đưa thư mang điện đến. Anh không vội vàng mà đi lang thang hết bên trái sang bên phải.
   - Đúng rồi! Taluen nói, đó là bức điện trả lời cho bức điện gửi đi Đaka! Thật là bực mình cho ông vì không thể biết nội dung bức điện – Vì thế, ông không thể là người đầu tiên đến báo cho ông chủ hay tin con trai ông trở về. Vui biết mấy phải không? Phần tôi, mấy cái đèn xếp của tôi đang chờ được thắp sáng. Nhưng, ông không biết tiếng Anh và con bé ấy lại biết tiếng Anh.
   Dù đi ngập ngừng từng bước như đang tiếc rẻ, cuối cùng, người đưa thư cũng đến dưới tam cấp. Nhanh nhẹn, Taluen đến trước mặt ông ta:
   - Này! Anh biết đấy! Anh đủng đỉnh quá! – Ông ta nói.
   - Vội vàng để mà chết ư?
   Không trả lời, Taluen cầm bức điện, đem vào cho ông Vunphran với một sự vồn vã ồn ào quá mức.
   - Ông có muốn tôi mở bức điện? Taluen hỏi.
   - Có chứ!
   Nhưng Taluen chưa xé tờ giấy trong cái đường răng cưa đã hét lên:
   - Bằng tiếng Anh.
   - Đấy là công việc của Ôrêli, ông Vunphran nói, với một cử chỉ mà viên quản đốc chỉ còn biết vâng lời.
   Khi cánh cửa vừa khép, Perin đã dịch bức điện “Người bạn Lơxerơ, thương gia Pháp. Tin tức cuối cùng: cách năm năm. Ông cần thì viết thư cho Cha Máckétnétx ở Đơra”.
   - Năm năm! Ông Vunphran hét lên. Lúc đầu, ông chưa nhạy bén với cái hướng dẫn này. Chuyện gì đã xảy ra từ dạo ấy, làm sao mà lần theo cái dấu chân sau thời gian năm năm?
   Nhưng ông Vunphran không phải là người để mất thời giờ than vãn vô ích! Ông tự giải thích:
   - Những nỗi ân hận, luyến tiếc không bao giờ thay đổi những việc đã rồi! Chúng ta hãy biết lợi dụng cái gì mà chúng ta có. Cháu đánh ngay một bức điện pháp cho ông Lơxerơ vì ông là người Pháp. Cháu đánh một bức điện tiếng Anh cho cha Mátkêtnétx.
   Perin viết thông thạo bức điện em phải dịch ra tiếng Anh. Nhưng khi viết bức điện tiếng Pháp em dừng lại ngay hàng đầu và xin phép đi tìm một quyển từ điển trong phòng ông Benđi.
   - Cháu không tin ở chính ta của cháu?
   - Ôi, cháu chưa thật yên tâm, thưa ông cháu muốn ở bàn giấy, người ta không thể đùa cợt với những bức điện ông gửi đi.
   - Thế thì cháu không thể viết một bức điện không có lỗi sao?
   - Chắc là cháu viết rất nhiều lỗi! Phần đầu các từ có thể tạm được. Phần cuối khi có những quan hệ hòa hợp và những âm đôi và còn nhiều chuyện khácnữa thì không đạt được! Cháu viết tiếng Anh dễ hơn tiếng Pháp. Cháu muốn thú thật với ông như thế!
   - Cháu chưa bao giờ đến trường ư?
   - Chưa bao giờ! Cháu chỉ biết những gì mà bố mẹ cháu dạy cháu trên đường đi trong lúc nghỉ chân, hay nghỉ ngơi trong một xứ nào đó. Lúc ấy, mẹ cháu bắt cháu học. Nhưng nói thật, cháu chẳng bao giờ học được nhiều lắm đâu!
   - Cháu nói thực với bác là cháu ngoan đấy! Rồi chúng ta phải sửa chữa những cái đó. Bây giờ, chúng ta hãy nghĩ đến những việc cần làm ngay.
   Trong buổi chiều, khi đi xe thăm các nhà máy ông Vunphran mới trở lại câu chuyện chính tả.
   - Cháu viết thư cho bà con cháu chưa?
   - Chưa, không viết, thưa ông.
   - Tại sao?
   - Vì cháu chỉ muốn ở lại đây mãi mãi! Cháu được gần ông. Ông đối xử với cháu rất tốt và đã cho cháu một cuộc sống hạnh phúc.
   - Thế thì cháu không muốn xa bác?
   - Cháu muốn tỏ cho ông hay hàng ngày, ở mọi việc, mọi nơi, lòng biết ơn của cháu… và những tình cảm kính trọng khác mà cháu không dám diễn tả.
   - Nếu đúng như thế, thì có lẽ tốt nhất, cháu đừng viết thư, ít nhất là trong lúc này! Sau này, chúng ta sẽ xem lại. Nhưng cháu muốn giúp bác thì cháu phải làm việc! Cháu phải phấn đấu để làm thư ký cho bảc trong nhiều công việc. Cháu phải viết sao cho người ta đừng cười, vì cháu viết dưới tên bác. Mặt khác, điều phù hợp nhất cũng là điều tốt cho cháu là cháu phải học. Cháu muốn thế không?
   - Cháu sẵn sàng cho mọi việc mà ông muốn! Cháu xin thưa là cháu không ngại phải làm việc!
   - Nếu như vậy, mọi việc sẽ được sắp xếp để cháu vẫn giúp được bác. Ở đây, có một cô giáo rất giỏi. Khi trở về, bác sẽ nhờ cô ấy phụ đạo cho cháu sau giờ học, từ sáu đến tám giờ. Lúc đó bác không cần cháu. Cô giáo là một người tốt. Cô chỉ có hai nhược điểm. Thân hình cô cao, to hơn bác, vai rộng hơn bác, lại đồ sộ nữa, tuy cô chỉ bốn mươi tuổi! Và cái tên cô lại là Benlom(1). Cái tên ấy đã giới thiệu cô chẳng hay ho gì! Cô là người đẹp trai không có râu thì đúng hơn. Và hơn nữa, nếu nhìn gần, biết đâu cô ta cũng có râu! Cô đã tốt nghiệp đại học và đã dạy những lớp riêng. Nhưng dáng điệu như là ông kẹ của cô làm cho các cháu gái sợ. Tên cô làm cho các bà mẹ, bà chị bật cười! Thế là rất dũng cảm, cô về trường cấp một và cô đã thàng công. Những lớp cô dạy thường đứng đầu trong quận. Các vị thủ trưởng coi cô là giáo viên gương mẫu. Bác không thể mời từ Amiêng về đây một cô giáo giỏi hơn cô ấy cho cháu đâu!

------------
(1)Benlom: nghĩa là người đẹp.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

30#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 03:46:15 | Xem tất
Sau khi thăm các nhà máy, xe dừng lại trước trường Nữ tiểu học. Cô Benlom chạy ra đón ông Vunphran, nhưng ông xuống xe vào trường để trình bày yêu cầu. Thế là Perin theo họ, và có thể xem xét. Đúng là người phụ nữ khổng lồ mà ông Vunphran đã nói. Cô có vẻ oai nghiêm nhưng có sự xem lẫn giữa phẩm cách và lòng nhân hậu. Người ta không dám chế nhạo cô, nếu cô không có vẻ sợ sệt, chẳng hợp với ngoại hình đồ sộ của cô. Cố nhiên, cô chẳng từ chối gì đối với ông chủ đầy quyền uy ở Marôcua. Mà nếu có những trở ngại đi nữa, cô cũn sẽ tìm cách xoay xở vì cô rất nhiệt tình với việc giảng dạy, niềm vui độc nhất của cô trong cuộc đời. Với lại, mặt khác, cô thích con bé có đôi mắt sâu thăm thẳm.
   - Chúng tôi sẽ làm cho em trở thành một thiếu nữ có học, điểm ấy là cái chắc, cô nói. Ông có biết không, em bé có đôi mắt con linh dương. Thật ra tôi chưa thấy con linh dương, nhưng tôi chắc là những con vật ấy có đôi mắt này.
   - Rồi còn những chuyện khác nữa! Sau hai ngày học, cô có thể kiểm tra thế nào là con linh dương. Ông Vunphran trở về tòa lâu đài vào giờ ăn buổi chiều, hỏi ý kiến cô giáo.
   - Thật là một thảm họa?! – Cô Benlom sẵn sàng dùng những từ mạnh như cô ta. – Thật là một thảm họa, nếu để cho cô gái này thất học!
   - Thông minh, phải không?
   - Thông minh! Hãy nói thông minh đặc biệt, tôi có thể nói như thế!
   - Chữ viết? – Ông Vunphran hỏi, hướng những câu hỏi theo những nhu cầu mà ông thấy cần ở Perin.
   - Còn xấu lắm! Nhưng em ấy sẽ uốn nắn được thôi.
   - Chính tả?
   - Yếu.
   - Thế thì…?
   - Tôi có thể đọc cho em một bài âm tả để kiểm tra chữ viết và chính tả của em. Nhưng tôi chỉ được biết có thế. Tôi muốn có một nhận xét tốt hơn về em. Tôi đã cho em làm một bài tường thuật nhỏ nói cho tôi rõ về cái xứ sở này, em đã thấy nó ra sao. Không đầy một tiếng, em đã để cho ngòi bút ghi lại, không phải tìm lời, lựa ý, bốn trang giấy khổ lớn rất kỳ lạ. Trong ấy có tất cả xóm làng, các nhà máy, phong cảnh khái quát, toàn bộ và cũng có phần tỉ mỉ. Có một trang nói về các hốc đất với những cây cối, chim, cá, hình dáng của chúng trong làn hơi nước buổi sáng và trong không khí trong lành buổi chiều. Tôi đã nghĩ em sao chép của một tác giả nào, nếu tôi không được thấy em ngồi làm bài. Tiếc thay, chữ viết và chính tả, như tôi đã thưa với ông, chưa đạt! Nhưng không hề gì! Đó là công việc của vài tháng lên lớp. Trong lúc, tất cả các bài học của thế gian cũng không thể dạy cho em biết cách diễn đạt qua ngòi bút. Em đã được trời ban cho cách nhìn, cách cảm và biết ghi lại những gì mà em đã nhìn thấy và cảm thụ. Nếu có thời giờ rảnh, xin ông đọc qua trang nói về cái hốc đất. Ông sẽ thấy là tôi không nói quá tí nào!
   Ông Vunphran rất hài lòng khi nghe những lời đáng giá ấy. Nó làm dịu bớt những ý kiến bất đồng trong lúc ông vui vẻ nhận ngay em bé. Ông kể cho cô Benlom nghe câu chuyện Perin ở trong lều cỏ của một hốc đất ấy. Em đã làm ra đôi dép và tất cả những dụng cụ nhà bếp với hai bàn tay trắng. Em cũng đã chuẩn bị được một bữa ăn đầy đủ với những dụng cụ ấy, với những con chim, con cá, rau cỏ, hoa quả mà hốc đất cung cấp. Gương mặt phương phi của cô Benlom sáng lên trong lúc nghe kể. Không còn nghi ngờ gì nữa. Câu chuyện làm cô chú ý. Khi ông Vunphran ngừng nói, cô cũng lặng im, suy nghĩ.
   - Ông có thấy – Cuối cùng cô nói – biết chế tạo những gì cần thiết cho nhu cầu bản thân là một đức tính căn bản đáng được mơ ước chăng?
   - Đúng thế, cái đó đã bắt tôi chú ý đến người thiếu nữ này, ngay từ phút đầu, đó là nghị lực của em. Cô hãy bảo em kể câu chuyện của em, cô sẽ thấy em phải có nghị lực mới đi được đến đây!
   - Em đã được cái phần thưởng của em vì được ông quan tâm đến.
   - Quan tâm và còn gắn bó nữa chứ! Trên đời này, tôi chỉ đánh giá bằng lòng quyết tâm. Nhờ nó, mà tôi có ngày hôm nay. Vì thế, tôi nhờ cô bồi dưỡng cho em với sự dạy bảo của cô. Bởi vì, nếu người ta nói tất có lý, cái gì mà người ta muốn, thì người ta có thể làm được! Cái gì mà người ta bắt đầu để giáo dục nếu có những phương pháp về chuyện đó. Nhưng về mặt giáo dục làm như là việc giáo dục tính cách không cần đặt lên trước. Cô có một em học sinh có năng khiếu về mặt này! Tôi nhờ cô quan tâm giúp đỡ em phát triển tốt.
   Cô Benlom không quen nói những lời xã giao để làm vừa lòng người khác cũng như cô không đành im lăng vì rụt rè hay bối rối.
   - Việc gương mẫu trong đời sống sẽ có tác dụng hơn là những bài học. Vì thế, em ấy sẽ học ở cái gương của ông tốt hơn là sự dạy dỗ của tôi. Em sẽ thấy, mặc dù bệnh hoạn, tuổi tác, giàu sang, ông không bao giờ để lãng phí một phút trong cái mà ông gọi là hoàn thành nhiệm vụ. Tính cách của em sẽ được trưởng thành theo cái hướng mà ông muốn. Dầu sao, tôi cũng không quên đóng góp phần mình. Nếu em không phải là người hờ hững, vô tình, điều đó sẽ làm cho tôi ngạc nhiên hết sức, bên cạnh những gì đã làm cho em xúc động.
   Là một phụ nữ tôn trọng lời hứa, cô Benlom không quên, thật thế, có dịp là cô nhắc đến ông Vunphran. Điều cô kể về ông, tuy chẳng cần thiết lắm đối với bài giảng. Thường cô bị lôi cuốn mà không biết bởi những câu hỏi khôn ngoan của Perin.
   Đã nhiều lần, Perin hỏi Rôdali về bệnh tật của ông Vunphran. Tại sao ông ấy mù? Nhưng em chỉ nhận được những câu trả lời lờ mờ. Trái lại cô Bendom, có đủ các chi tiết về bệnh tật của ông chủ. Về sự mù lòa, theo người ta nói, ông Vunphran có thể chữa khỏi. Nhưng phải có những điều kiện đặc biệt đảm bảo cho sự thành công của ca phẫu thuật. Ông Vunphran bị Catarắc. Bệnh của ông không phải đã hết phương cứu chữa. Cần phải phẫu thuật. Người ta chưa dám mổ cho ông là vì sức khỏe của ông chưa cho phép. Ông bị ho kinh niên lại thêm rắc rối vì phổi bị xung huyết rổi nghẹt thở, tim hồi hộp, ăn uống không tiêu, giấc ngủ chập chờn. Muốn làm phẫu thuật, trước hết người ta phải chữa bệnh ho cho ông mà mặt khác, phải làm những tai họa biến đi. Đằng này, ông Vunphran là một người bệnh đáng ghét! Ông phạm hết khinh xuất này đến khinh xuất khác, không chịu theo những lời chỉ dẫn của thầy thuốc một cách chính xác. Thật ra, cái đó không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với ông. Bác sĩ Ruysông dặn ông phải bình tĩnh, nhưng bình tĩnh sao được khi con trai ông mất tích? Ông cũng có lúc lo ngại hay giận dữ nên sốt liên miên mà chỉ có làm việc mới hết mệt! Khi ông chưa biết số phận của con ông thì ca phẫu thuật khó mang lại được kết quả tốt đẹp! Vì lẽ ấy, người ta phải hoãn. Sau này không biết có làm được không?
   Perin dễ dàng hướng cô Benlom nói về ông Vunphran. Em cũng muốn bổ sung câu chuyện của Phabry và Môngblơ về những hy vọng thầm kín của hai người cháu và của Taluen nhưng không được! Đây có phải là một đầu đề cho câu chuyện giữa cô giáo và em học trò? Phải chăng với những chuyện “ngồi lê đôi mách” ấy mà người ta hình thành tính cách cho một bé gái? Perin đành từ bỏ ý định moi tin tức nơi cô giáo em về chuyện đó. Cuộc đi thăm của bà Brơtônơ, mẹ của Casimia đã làm cho cô Benlom phải mở miệng, nếu không chắc chắn chẳng bao giờ cô nói.
   Được ông Vunphran cho biết, bà Brơtônơ đến thăm, Perin có trao đổi với cô giáo. Em cho cô hay có lẽ ngày mai, bài giảng của cô sẽ bị quấy rầy. Khi nhận được tin này, cô giáo tỏ vẻ khăn khoăn khác thường. Tính cô rất tập trung. Cô muốn giữ cô học trò trong tay, như người kỵ mã lái con ngựa vượt qua những chặng đường nguy hiểm đầy những tai họa.
   Cô ấy làm sao thế nhỉ? Chỉ một lát sau, khi cô giáo nói, Perin mới có câu trả lời cho câu hỏi đã hàng chục lần lởn vởn trong trí óc của em.
   - Em thân yêu, cô Benlom nói khẽ. Cô cần phải khuyên em tỏ ra kín đáo và dè dặt với các bà mà em đã được báo, ngày mai đến đây thăm ông Vunphran.
   - Cô ơi, kín đáo về chuyện gì cơ? Dè dặt là thế nào?
   - Ông Vunphran không phải chỉ giao cho cô lo phần trí dục mà còn phải lo về việc giáo dục em nữa. Vì thế, cô khuyên em phải kín đáo và dè dặt. Đó là vì lợi ích của bản thân em và cũng vì lợi ích của mọi người.
   - Xin cô giải thích cho em rõ là em phải làm gì? Em chưa hiểu gì về lời khuyên của cô. Nghe cô nói, em sợ quá!
Em mới đến Marôcua nhưng em phải biết cả xứ này lo lắng về bệnh tật của ông Vunphran và sự mất tích của ông Étmông.
   - Vâng, thưa cô, em có nghe nói chuyện ấy.
   - Rồi sẽ ra sao đây những nhà máy với 7000 thợ thuyền và những người dựa vào họ mà sống, nếu ông Vunphran chết, và ông Étmông không trở về? Em sẽ thấy những câu hỏi ấy đặt ra sẽ khêu gợi những sự thèm muốn. Ông Vunphran sẽ giao việc điểu khiển cho hai người cháu ông, hay ông chỉ giao cho một người mà ông tin cậy hơn người kia, hay cũng có thể giao cho cái người từ hai chục năm nay là cánh tay phải của ông, đã điều khiển với ông cái nhà máy mênh mông này. Có lẽ ông ta hơn ai hết ở trong vị trí và trong tình trạng không để cho nhà máy lỗ lã. Khi ông Vunphran cho gọi ông cháu Têôdo về, người ta nghĩ ông sẽ chỉ định ông này làm người thừa kế. Nhưng qua năm sau, ông lại cho gọi ông Casimia vừa tốt nghiệp trường Bách Khoa, người ta mới hiểu là người ta đã lầm. Sự lựa chọn của ông Vunphran chưa được quyết định. Ông chỉ muốn người thừa kế ông, làm chủ cái nhà máy này, là con trai ông. Dẫu có những cuộc tranh cãi làm hai cha con họ xa nhau. Hơn 12 năm nay, ông chỉ thương con trai ông với niềm kiêu hãnh của người cha và ông chờ đợi. Ông Étmông có trở về không? Người ta không biết gì hết vì người ta cũng không biết ông ấy còn sống hay đã chết? Với ông Vunphran thì ông tin là con trai ông sẽ trở về sớm hay muộn. Với những người mà cái chết của ông Étmông có lợi cho họ, họ tin chắc ông ấy đã chết rồi. Họ đang vận động để làm chủ tình thế. Cái ngày mà tin người con đã chết với ông Vunphran có thể giết chết ông. Bây giờ, em thân yêu, em hiểu cái lợi của em vì cón sống thân mật với ông Vunphran, em phải tỏ ra kín đáo và dè dặt với bà mẹ ông Casimia. Bà này sẽ dùng mọi cách để làm việc cho con bà, loại trừ những người có hại cho anh ta. Nếu em tử tế với bà, em sẽ làm cho bà mẹ Têôdo ghét. Chắc chắn là bà sẽ đến, em sẽ là kẻ thù của bà Brơtônơ. Không kể là nếu em được lòng cả hai bà, em lại làm cho người lo ngại hai mà ấy ghét em. Vì thế, cô dặn em phải hết sức thận trọng. Hãy nói ít chừng nào hay chừng ấy! Nếu có khi nào người ta hỏi em mà em phải trả lời, thì hãy nói những điều vô nghĩa hay lờ mờ. Trong cuộc sống, thường có nhiều khi người ta chịu lu mờ hơn là rực rỡ dưới ánh sáng. Để người ta xem mình là cô gái ngu đần hơn là cô gái thông minh, đó là trường hợp của em. Em phải tỏ ra ít thông minh nếu em là người thông minh.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách