Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 4484|Trả lời: 38
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Tiểu Thuyết - Xuất Bản] Trong Gia Đình | Hector Malot

[Lấy địa chỉ]
Nhảy đến trang chỉ định
Tác giả


Tên tác phẩm: Trong gia đình
Tác giả: Hector Malot
Dịch giả: Huỳnh Lý-Mai Hương
  Tình trạng sáng tác: Đã hoàn thành
  Nguồn: vnthuquan.net

Rate

Số người tham gia 1Sức gió +5 Thu lại Lý do
einna + 5 Merci chị :x

Xem tất cả

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Sofa
 Tác giả| Đăng lúc 11-11-2011 23:32:47 | Chỉ xem của tác giả
                                                       Phần I : MẤT MẸ

Những ngày thứ bảy, vào khoảng ba giờ chiều mấy vùng kế cận cửa ô Bécxi thường bị tắc nghẽn. Trên lề đường, dưới ánh trăng tháng sáu đẹp trời, xe cộ xếp hàng tự nối đuôi nhau: xe bò chất đầy thùng phuy, xe ngắn chở than và vật liệu, xe nhỏ chở cỏ khô. Những chiếc xe ấy đợi sở Thuế khám xét và nôn nóng được vào Pari trong đêm, trước ngày chủ nhật.
   Về phía khá xa cửa chắn, giữa các cỗ xe có một chiếc hình dáng dị kỳ, vừa thảm hại lại vừa buồn cười. Cái cỗ xe ấy có vẻ như là xe lưu động ở các chợ phiên nhưng còn đơn giản hơn nhiều! Nó chỉ là một cái sườn nhẹ, căng một tấm vải thô với cái mái bằng bìa cứng, quệt hắc ín. Cỗ xe nằm trên bốn bánh thấp trệt.
   Có lẽ trước kia, tấm vải ấy màu da trời. Bây giờ nó bạc phếch và bẩn thỉu, nên người ta chỉ còn biết phỏng đoán màu sắc của nó! Cũng như người ta đành phải ước đoán, nếu như muốn biết những dòng chữ đã mờ nhạt, che kín bốn thành xe. Có mặt chỉ còn mấy chữ đầu, nhưng người ta vẫn đoán là chữ Hy Lạp. Liền bên dưới là chữ Đức. Và cuối cùng, còn tươi nét mực là chữ Pháp: Chụp ảnh. Có lẽ đó là nội dung những dòng chữ trên. Như một tờ giấy đi đường, những xứ sở mà chiếc xe khốn khổ đã lăn qua, trước khi vào nước Pháp, và đến cửa ô Paris, đã được ghi rõ trên đó.
   Con lừa thắng vào cỗ xe ấy, có thể nào đến đây, từ những nơi xa xôi như vậy nhỉ?
   Thoạt nhìn qua, người ta không tin vì nó quá gầy, chỉ còn da bọc xương, và kiệt sức. Khi  nhìn kỹ, người ta nghĩ tình trạng kiệt quệ ấy chỉ là kết quả của những nỗi mệt nhọc kéo dài trong đói khổ. Con lừa ấy ăn không đủ no, mà lại phải đi quá xa!
   Thật ra, trước kia con vật ấy khỏe, khá to con, thon thả, cao hơn giống lừa châu Âu. Nó có bộ lông màu xám tro với cái bụng màu sáng hơn, mặc dù bám đầy bụi đường. Nhiều vệt đen kẻ ngang, dọc, in dấu trên mấy cái đùi thon thả, với những bàn chân có sọc. Dẫu mệt mỏi, nó vẫn gan góc, và kiêu hãnh, ngẩng cao đầu. Bộ yên của nó, cũng tồi tàn như cỗ xe, chắp nối bằng mấy sợi dây to, nhỏ, đủ màu sắc, nhặt được tình cờ. Để che nắng và chắn ruồi cho lừa, trên đường đi, người ta chặt những cành đơm hoa, những cây lau sậy, phủ lên lưng nó, che luôn cả bộ yên.
   Một em bé mười một, mười hai tuổi, ngồi trên lề đường, trông chừng nó.
   Em gái ấy là một mẫu người kỳ lạ! Có nét thiếu hài hòa nhưng không có gì là thô bạo trong mẫu người lai giống này. Mái tóc nhạt và màu da hổ phách thật khá bất ngờ. Ngược lại, khuôn mặt có dáng nhẹ nhõm, dịu dàng nổi bật vì đôi mắt dài, đen, láu lỉnh và nghiêm trang. Cái miệng cũng vậy, trông thật đoan trang, nghiêm chỉnh.
   Trong lúc nghỉ ngơi, thân thể em được thoải mái, phơi bày những đường nét vừa dịu dàng và cứng cáp như ở trên khuôn mặt. Đôi vai mềm mại đỏ xuôi trong chiếc vét độn vai cũ kỹ, trước kia có lẽ là màu đen, bây giờ không biết là màu gì. Một chiếc váy rộng tồi tàn, có nhiều miếng vá, che cặp đùi chắc khỏe. Bộ cánh nghèo nàn ấy không làm giảm bớt chút nào cái vẻ tự hào của em bé.
   Trông giữ con lừa cũng chẳng khó khăn gì. Nhưng vì con vật đang đứng sau một chiếc xe lớn đang chở cỏ khô, nên thỉnh thoảng nó gặm chơi một miếng cỏ to, rất cẩn thận và kín đáo. Là một con vật rất thông minh, nó hiểu nó đang phạm lỗi.
   - Thôi chứ, Palica!
   Tức thì con vật cuối đầu, như một người có lỗi, đang ăn năn. Những khi nó vừa nheo mắt, vẫy tai, ăn xong túm cỏ khô, thì nó lại vội vàng gặm một miếng nữa, vì nó đói quá!
   Em bé vừa rầy nó, hình như lần thứ tư, thứ năm gì đó, thì trong xe có tiếng gọi:
   - Perin!
   Em vội vàng đứng lên, vén tấm màn, bước vào trong xe. Ở đây, một phụ nữ đang nằm trên tấm nệm mỏng như dính chặt với tấm ván.
   - Mẹ gọi con?
   - Palica làm gì vậy?
   - Nó ăn cỏ khô, chứa trong chiếc xe đứng trước xe chúng ta.
   - Phải ngăn nó!
   - Nó đói!
   - Đói cũng không được phép lấy của người khác! Con sẽ trả lời thế nào với bác chủ xe, nếu bác nổi giận?
   - Con sẽ kèm bên cạnh nó!
   - Lát nữa, chúng ta có vào Paris được?
   - Phải đợi sở Thuế kiểm tra, mẹ ạ!
   - Có phải đợi lâu lắm không?
   - Mẹ thấy mệt hơn trước ư?
   - Con đừng lo, không có việc gì đâu!
   Mẹ ngạt thở vì ẩm ướt! bà mẹ hổn hển, rít lên chứ không phát âm nổi!
   Đó là những lời của một bà mẹ muốn làm yên lòng con gái. Sự thật là bà đang ở trong tình trạng đáng thương: thở khó khăn, kệt sức, không còn chút sinh lực nào!
   Chưa quá hai sáu, hai bảy tuổi, bà đã suy nhược quá mức! Bà còn giữ lại những đường nét của một vẻ đẹp đoan trang với khuôn mặt trái xoan, đôi mắt dịu dàng thắm thiết, giống hệt đôi mắt cô con gái, nhưng sáng hơn vì đang sốt.
   - Con kiếm cái gì cho mẹ nhé! Perin hỏi.
   - Cái gì?
   - Con mua cho mẹ quả chanh? Ở đây có cửa hàng. Con sẽ trở về ngay!
   - Không! Hãy để dành tiền! chúng ta còn quá ít. Con hãy trở lại với Palica, đừng để nó rút trộm cỏ khô nữa.
   Perin trở lại, đứng phía đầu con lừa. Vì xe cộ phải di động nên em giữ nó đứng xa chiếc chở cỏ khô, để nó không rút được cỏ.
   Lúc đầu, nó không chịu. Nó muốn vươn tới phía trước. Nhưng Perin dỗ nó, vuốt ve, hôn lên mũi nó. Thế là nó thỏa mãn, cụp đôi tai dài xuống và đứng yên.
   Không phải trông lừa, Perin có thể nhìn quang cảnh chung quanh để giải trí. Có những con tàu nhỏ và những chiếu tàu kéo qua lại trên sông. Mấy chiếc cần cẩu, vươn  cần sắt như lấy bàn tay bốc, dỡ hàng trên các xà lan, đổ đá, cát hay than lên xe goòng, xếp những chiếc thùng dọc lề đường. Sự chuyển động của mấy con tàu, trên những chiếc cần sắt dọc Paris, mà những vòm cầu ngăn cách, không cho ta nhìn thấy thành phố. Chỉ phỏng đoán qua một màn sương mù đậm đen. Cạnh Perin, ngay dưới mắt em, nhân viên sở thuế đang làm việc. Họ thọc những chiếc xăm dài vào các cỗ xe chở rơm. Họ leo lên mấy thùng phuy chất trên xe bò. Họ lấy khoan đâm thủng và hứng tia rượu vọt ra trong một cái tách bằng bạc, nếm vài giọt rượu rồi họ nhổ ngay.
   Tất cả những cái ấy đều mới, lạ! Perin chăm chú theo dõi, nên thời gian trôi qua mà em không hay.
   Có một thằng bé trạc mười hai tuổi, có vẻ là một chú hề của một đoàn xiếc lưu động, đi các chợ phiên để biểu diễn, có những cỗ xe đang xếp ở phía sau. Chú hề nhỏ đi ngang Perin đã mươi phút rồi mà em không để ý, nên nó phải lên tiếng:
   - Xem kìa, con lừa đẹp quá!
Perin không nói gì.
   - Con lừa này có phải ở xứ chúng ta không? Nếu thế thì lạ thật?
Perin nhìn nó và thấy nó có vẻ ngoan nết, liền trả lời:
   - Nó từ Hy Lạp đến.
   - Từ Hy Lạp?
   - Chính thế, tên nó là Palica.
   - À, ra thế!
   Mặc dù nó mĩm cười, như có vẻ thông thạo lắm! Nhưng chắc chắn là nó không hiểu, tại sao một con lừa từ Hy Lạp đến, lại mang cái tên Palica. Nó lại hỏi:
   - Hy Lạp chắc xa lắm hả?
   - Rất xa.
   - Thế thì đằng ấy từ Hy Lạp đến?
   - Không, Palica đi từ Hy Lạp đến.
   - Đằng ấy có đến dự lễ Thương binh không?
   - Không.
   - Thế thì đi đâu?
   - Đến Paris.
   - Đến Paris thì đằng ấy để cỗ xe ở đâu?
   - Người ta nói ở Ôxe có những chỗ trống trên đại lộ các thành lũy.
   - Đại lộ các thành lũy! Ối trời ơi!
   - Không có chỗ để xe sao?
   - Nhưng không phải có chỗ để cho đằng ấy! Chỗ thành lũy thì đểu lắm! Trong xe đằng ấy có đàn ông không? Những người lực lưỡng không sợ chơi dao kia? Tôi muốn nói những biết đâm người và chịu cho người ta đâm trả ấy!
   - Chúng tôi chỉ có hai mẹ con. Mẹ tôi đang bệnh.
   - Đằng ấy quý con lừa lắm nhỉ?
   - Đúng thế!
   - Thế thì sáng mai, người ta sẽ dắt nó đi mất! Đó mới là bắt đầu thôi, còn đằng ấy sẽ thấy những gì khác nữa, chẳng tốt đẹp gì đâu! Hai Béo báo cho đắng ấy biết vậy đấy!
   - Có thật thế không?
   - Trời ơi, sao lại không thật? Đằng ấy chưa đến Paris bao giờ hẳn?
   - Chưa đến bao giờ!
   - Người thấy ngay mà! Tụi ngốc nào đã nói với đắng ấy có thể đỗ xe nghĩ ở Ôxe? Tại sao không đến chỗ lão Hạt Muối?
   - Tôi không quen ông ta.
   - Lão làm chủ khu vực ở Guylô ấy mà! Ban đêm người ta đóng kín hàng rào, đằng ấy không còn lo ngại gì. Người ta biết Hạt Muối nhanh chóng nổ một phát súng đón những khách không mời, lần mò vào trong khu vực của lão, trong đêm tối.
   - Có đắt lắm không?
   - Mùa đông thì đắt đấy! Lúc ấy, mọi người đều muốn trở về Paris nhưng lúc này lão chỉ lấy bốn mươi xu một tuần. Con lừa của đằng ấy sẽ tìm được thức ăn dọc bờ tường, nhất là cỏ gai.
   - Hình như nó khoái thứ đó.
   - Thế thì nó trúng tủ rồi! Với lại Hạt Muối không phải là hạng người xấu.
   - Hạt Muối là tên lão?
   - Người ta gọi thế bởi vì lúc nào lão cũng khát nước. Trước kia, lão làm nghề bán giẻ rách và kiếm được khá nhiều tiền. Nhưng rỗi lão phải bỏ nghề vì chẹt gãy tay. Còn lại một cánh tay, người ta không thể leo lên các thùng rách. Thế là lão thuê một đám đất, mùa đông cho xe đậu, mùa hè ai cần thì đến thuê. Lão chẳng có khoản kinh doanh nào khác. Lão bán chó con đang bú.
   - Guylô có xa đây không?
   - Không. ở Xaron thôi! Những tớ đánh cuộc đằng ấy chưa biết Xaron.
   - Tôi chưa hề đến Paris mà!
   Chú bé giơ cánh tay ra trước mặt, chỉ về phía bắc:
   - Ra khỏi đây, hãy rẽ ngay phía tay phải và theo đại lộ cách thành lũy trong vòng nửa giờ. Khi nào vượt hết đại lộ Vanhxen, thì rẽ phía tay trái rồi hỏi thiên hạ. Ai cũng biết bãi Guylô mà!
   - Cảm ơn bạn, tôi sẽ nói với mẹ tôi. Này, bạn có trông hộ con Palica trong vài phút không? Được thế, tôi sẽ thưa chuyện với mẹ tôi ngay bây giờ!
   - Tớ vui lòng giúp đằng ấy! Tớ sẽ bảo nó dạy tiếng Hy Lạp cho tớ.
   - Nhờ bạn trông chừng cho nó đừng gặm cỏ của người ta đấy!
   Perin vào trong xe, nhắc lại những lời chú hề nhỏ vừa nó với mẹ.
   - Nếu thế thì đừng chần chừ, phải đi Xaron thôi! Nhưng có tìm ra đường đi không? Con biết chúng ta sẽ vào Paris chứ?
   - Hình như đường cũng dễ tìm.
   Trước khi ra khỏi cỗ xe, em bé đến bên mẹ, cúi xuống và nói:
   Mẹ ơi, có nhiều cỗ xe phủ bạt. Người ta đọc trên ấy: “Xưởng Marôcu” và ở dưới là cái tên “Vunphran Panhđavoan”. Trên mấy tấm bạt thô che những thùng rượu, xếp hàng dọc lền đường, người ta cũng đọc những chữ ấy.
   - Chuyện ấy có gì lạ đâu!
   - Cái lạ là con thấy cái tên ấy được nhắc lại nhiều lần đến thế.
   Khi Perin trở lại bên con lừa, con vật đang chúi mũi vào trong chiếc xe cỏ khô. Như đang đứng trước máng cỏ, Palica bình thản ăn món ăn của nó. Perin hét lên:
   - Cậu để cho nó ăn cỏ ư?
   - Hình như thế!
   - Nếu bác chủ xe nổi giận thì sao?
   - Làm sao nổi giận với tớ được.
   Chú hề nhỏ đang đứng trong tư thế đón chờ địch thủ. Chú chống hai tay lên hông, ngả đầu về phía trước, thách thức:
   - Ấy, ấy cứ chờ xem! Đồ khốn nạn!
   Nhưng Palica không cần chú hề bảo vệ nó! Đã đến lượt nhân viên sở thuế đùng mũi lao kiểm tra cái xe cỏ khô, và cho phép ra khỏi cổng gác.
   - Bây giờ đến lượt xe cô bạn đấy! Tớ đi đây! Chào cô bạn nhé! Hẹn sẽ gặp lại! Khi nào cô muốn biết tin tức của tớ thì cứ hỏi Hai Béo. Ai cũng có thể trả lời cho bạn được.
   Nhân viên mấy cổng gác ở Paris đã quen thấy bao điều kỳ quái. Ấy thế mà khi người ta bức lên cỗ xe chụp ảnh vẫn phải giật mình khi nhìn thấy người thiếu phụ đang nằm! Đưa mắt kiểm tra, ông càng ngạc nhiên hơn vì chỉ gặp sự khốn khổ ở khắp nơi.
   - Bà không có gì để khai sao? – Ông ta hỏi trong lúc vẫn tiếp tục quan sát.
   - Không ạ.
   - Không có rượu, thực phẩm gì à?
   - Không có gì cả?
Cái tiếng “không” được nhắc lại hai lần quả là cô cùng chính xác. Ngoài tầm nệm, hai chiếu ghế rơm, một bàn nhỏ, một cái lò bằng đất, một máy ảnh và vài dụng cụ làm ảnh, không còn có gì nữa, trong chiếc xe ấy. Không có rương hòm, thúng mủng, cũng chẳng có quần áo.
   - Được, xe bà có thể vào đi.
   Qua khỏi cổng gác, Perin cầm dây cương cho Palica rẽ ngay phía tay phải như Hai Béo đã dặn. Em cho xe đi theo đại lộ, men dọc chiều các thành lũy. Trong đám cỏ úa phủ bụi bặm, có những vạt mòn nhẵn. Nhiều người nằm sấp, giơ lưng, hãy nằm ngửa phơi bụng tùy theo mức độ đã quen hay chưa quen với ánh sáng mặt trời. Trong lúc ấy, có những người vươn vai, tỉnh giấc và đang chực chờ ngủ lại.
   Những gì Perin nhìn thấy trên gương mặt với đầu tóc rối bù như ổ quạ và bộ quần áo rách rưới của họ giúp cho em hiểu. Thật thế, ở đây việc trật tự an ninh không được bảo đảm với đám dân cư các thành lũy này. Có thể việc đâm chém nhau dễ xảy ra lắm!
Em không dừng ở việc quan sát. Bây giờ chuyện ấy không con thú vị với Perin! Họ nó có dính dáng gì với em! Em đang nhìn về phía bắc, nghĩa là về phía Paris.
Thế ư? Những ngôi nhà xấu xí, những nhà xe, mấy cái sân bẩn thỉu, các bãi cỏ cả đống những vật ô uế… là Paris đó sao? Cái thành phố Paris mà Perin thường được nghe cha nhắc đến. Đã từ lâu, em mơ ước Paris, với trí tưởng tượng của trẻ thơ. Paris lại còn thần tiên hơn, khi trên đường đi, những chữ số trên trụ kilômét giảm dần! Và cũng là Paris đó sao? Cái đám người ở dọc bên kia đại lộ, đàn ông lẫn đàn bà, đang nằm ngang ngửa như những con thú, lẫn trong cỏ, mặt mày vô cùng dễ sợ.
   Perin nhận ra dòng nước Vanhxen nhờ chiều rộng của nó. Em vượt qua, rẽ tay trái và hỏi thăm bãi Guylô. Dù mọi người điều biết nơi, không phải ai cũng đi theo cùng một đường. Thế là em đanh xe đi loanh quanh trong những con đường mà người ta chỉ. Nhưng cuối cùng, em cũng đã dừng lại trước một hàng rào làm bằng những tấm ván gỗ thông, hay gỗ chưa đẽo vỏ, đã sơn hay bôi dầu hắc. Qua cửa chắn, mở toang ra hai cánh, Perin nhìn thấy một chiếc xe chở khách cũ kỹ, không có bánh xe, nằm trên mặt đất. Tuy những chiếc lều chung quanh đó, cũng chẳng xinh đẹp, em hiểu ngầm đây là bãi Guylô. Perin không cần phải xác minh. Một bầy chó con, khoảng một tá, béo tròn, đang lăng xăng trên cỏ, đã cho em biết là em không nhầm.
   Để Palica ở ngoài đường, Perin đi vào. Ngay tức khắc, bầy chó con nhảy lên chân em, gặm nhè nhẹ vào da và sủa lí nhí.
   - Cái gì thế? Có tiếng hỏi.
   Nhìn về phía nơi có tiếng nói, Perin thấy phía tay trái có một dãy dài, có thể đó là một ngôi nhà với những mái tường bằng carô thạch cao, bằng những tấm sa thạch, bằng ván gỗ, bằng những hộp thiếc nữa! mái nhà được lợp bìa cứng và vải dầu. Những cánh cửa được che bằng giấy thay kính. Tất cả đều được xây dựng và sắp xếp một cách vụng về, đơn giản. người ta thoạt nhin ngay Rôbinxơn(1) là kiến trúc sư và những chú Thứ Sáu(2) là công nhân xây dựng. dưới một cái chòi, một người đàn ông rậm râu, đang phân loại giẻ rách và bỏ vào mấy cái thùng để chung quanh ông ta.
Ghi chú:
(1), (2) Rôbinxơn và Thứ Sáu là những nhân vật trong truyện Rôbinxơn.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Ghế gỗ
 Tác giả| Đăng lúc 11-11-2011 23:48:46 | Chỉ xem của tác giả
- Đừng giẫm chết chó của ta! Ông ta hét. Hãy đến đây cô bé!
   Perin làm theo lời chỉ bảo.
   - Thưa ông, có phải ông là chủ bãi Guylô không?
   - Người ta bảo thế đấy!
   Perin nói ngắn gọn em cần gì. Trong lúc đó, để khỏi lãng phí thời gian, ông ta vừa tự rót một cốc rượu vang đỏ, từ trong chai để gần đó, và nốc cạn một hơi.
   - Ừ, có thể được! Phải trả tiền trước, ông ta nói, trong lúc nhìn cô bé.
   - Thưa ông, bao nhiêu?
   - Mỗi tuần, chiếc xe bốn mươi hai xu, con lừa hai mốt xu.
   - Sao đắt vậy, thưa ông?
   - Đó là giá của tôi.
   - Giá mùa hè?
   - Giá mùa hè.
   - Thưa ông, con lừa sẽ được ăn cỏ gai chứ ạ?
   - Cả cỏ nữa, nếu có bộ răng cứng.
   - Thưa ông, chúng cháu không thể trả trọn tuần vì chỉ ở đây vài hôm. Chúng cháu ghé Paris để đi Amiêng cho nên chúng cháu muốn nghỉ ngơi.
   - Như thế cũng được! Mỗi ngày phải trả sáu xu cho cỗ xe, ba xu cho lừa.
   Perin lần trong túi váy, lấy ra từng xu, đủ chín xu.
   - Thưa ông, đây là tiền ngày đầu.
   - Cô nói với bố mẹ cô vào đi! Bao nhiêu người. Nếu là một đoàn thì mỗi người phải trả thêm hai xu.
   - Chỉ hai mẹ con cháu.
   - Được rồi! Tại sao mẹ cô lại không đến gặp tôi?
   - Thưa ông, mẹ cháu bị ốm đang nằm trong xe.
   - Hừ, ốm! Đây không phải là một bệnh viện đâu nhé!
   Perin sợ người ta không chịu nhận người ốm.
   - Mẹ cháu chỉ mệt. Ông hiểu cho, chúng cháu đi đường từ nơi quá xa!
   - Tôi chẳng bao giở hỏi người ta từ đâu đến. rồi ông đưa cánh tay chỉ một góc của đám đất.
   - Cô hãy đem xe để vào chỗ đó, rồi cột con lừa lại. Nếu nó giẫm bẹp một con chó của tôi, cô sẽ phải trả một trăm xu.
   Perin sắp đi, ông ta còn gọi lại:
   - Này, cô bé, uống một cốc vang!
   - Xin cảm ơn ông, cháu không biết uống rượu ạ!
   - Thế thì lão uống thay cô!
   Lão đổ vào họng cốc rượu mình vừa rót, rồi lại tiếp tục cái công việc “phân loại” giẻ rách. Perin đưa chiếc xe vào chỗ quy định. Tuy em cố tránh hết sức, xe vẫn bị xóc. Em vội leo lên xe.
   - Mẹ ơi, cuối cùng chúng ta cũng đã đến!
   - Khỏi phải lăn ỳ ầm, khỏi phải xóc nữa! Biết bao kilômét chúng ta đã đi qua! Trời ơi! Quả đất lớn thật!
   - Mẹ ơi, bây giờ chúng ta được nghỉ ngơi. Con chuẩn bị nấu cơm nhé! Mẹ muốn ăn gì?
   - Khoan đã! Con hãy mở Palica ra. Tội nghiệp con lừa! Chắc là nó mệt lắm! Con cho nó ăn uống, săn sóc nó.
   - Mẹ ơi, ở đây có nhiều cỏ gai! Lại có một cái giếng nữa. Con sẽ trở về ngay!
   Thật thế, Perin không dám la cà. Em trở về, tìm trong cỗ xe, soạn ra cái lò, mấy hòn than, một chiếc xoong cũ. Em lấy đóm nhen lửa, quỳ xuống thổi cật lực.
   Lửa đã bén, em leo lên xe:
   - Mẹ ơi, có phải mẹ muốn ăn cơm không?
   - Mẹ chẳng thấy đói!
   - Mẹ có thèm ăn không? Con sẽ đi lùng mua thứ mẹ thích, mẹ nhé!
   - Mẹ muốn ăn cơm!
   Perin bỏ một nắm gạo vào xoong đã có ít nước. Khi cơm sôi, em lấy đôi đũa trắng làm bằng cành cây đã bóc vỏ, đảo cơm. Em chỉ rời bếp lửa để đi thăm Palica, nói với nó vài lời âu yếm. Thật ra, chuyện ấy bây giờ không cần thiết! Palica đang ăn cỏ gai. Nó dựng đứng đôi tai, tỏ vẻ hài lòng.
   Cơm vừa chín tới, nghĩa là hạt gạo vừa nở, chứ không nát như cháo. Như các chị nhà bếp thành phố Paris thường đón khách, Perin đơm cơm vào trong một cái bát hình tháp có ngọn, rồi đặt bát cơm vào trong cỗ xe.
   Em đã lấy một bình nước để bên giường bà mẹ, hai cốc, hai đĩa, hai nĩa. Em đặt bát cơm, bên cạnh nồi, ngồi trên sàn, gấp hai chân lại, kéo váy phủ lên. Perin nói như một em bé gái chơi búp bê:
   - Bây giờ mẹ con ta ăm bữa cơm xoàng! Con sẽ phục vụ mẹ, mẹ nhé?
   Tuy Perin đã lấy giọng vui vẻ, nhưng em cũng không khỏi lo ngại nhìn mẹ. Bà đang nằm trên nệm, trùm chiếc khăn len, trước kia có lẽ là một thứ hàng có giá trị nhưng bây giờ chỉ là một tấm giẻ rách cũ kỹ, xấu xí, bạc màu.
   - Chắc con đói lắm? Bà mẹ hỏi.
   - Có lẽ thế, con đói đã lâu rồi.
   - Tại sao con không ăn một mẩu bánh?
   - Con đã ăn hai mẩu rồi chứ! Nhưng con vẫn còn đói lắm! Mẹ sẽ thấy, nếu nhìn người ta ăn mà thèm ăn, thì cái đĩa này bé quá đấy!
   Bà mẹ lấy nĩa xúc cơm, đưa lên miệng. Bà lật qua, lật lại cái nĩa rất lâu, mà không nuốt được miếng cơm!
   - Mẹ thấy khó nuốt quá!
   Thấy con gái nhìn mình, bà nói:
   - Hình như không ổn!
   - Mẹ phải cố gắng đi chứ! Miếng thứ hai sẽ trôi nhanh và miếng thứ ba còn nhanh hơn nữa!
   Nhưng bà mẹ không cố gắng được đến thế! Sau miếng thứ hai, bà để nĩa trên đĩa cơm.
   - Mẹ cảm thấy nuốt không trôi! Tốt hơn là đừng cố gắng.
   - Ối! Mẹ ơi!
   - Con đừng lo, con thân yêu của mẹ, không hề gì đâu con ạ! Người ta không cần ăn mà vẫn sống khi người ta không phải làm việc. Được nghĩ ngơi, rồi mẹ sẽ thèm ăn cho mà xem!
   Bà mẹ tháo chiếc khăn vuông và nằm dài trên nệm thở hổn hển. Tuy rất mệt, bà cũng không quên nghĩ đến con gái. Khi thấy mắt Perin đẫm lệ bà cố gắng làm cho em vui.
   - Cơm con nấu ngon lắm! Ăn đi, con! Con phải làm việc thì cần phải có sức chứ!    Con phải khỏe mạnh để còn chăm sóc mẹ. Ăn đi, con thân yêu! Hãy ăn đi!
   - Mẹ ơi, con ăn đây! Mẹ thấy chứ, con đang ăn!
   Thật ra Perin phải cố gắng để nuốt, nhưng dần dần nhờ những lời dịu dàng của bà mẹ, cuống họng của em hình như mở to ra và bắt đầu ăn thật sự. Bát cơm cơm hết nhanh, trong lúc bà mẹ nhìn con gái với nụ cười thắm thiết và có phần kém vui.
   - Con thấy đó, cần phải cố gắng chứ!
   - Mẹ ơi, mẹ cho phép con nói.
   - Con cứ nói đi!
   - Những điều mẹ nói với con cũng là những lời mà con muốn thưa với mẹ.
   - Mẹ ư? Mẹ đang ốm mà!
   - Bởi thế, nếu mẹ đồng ý, con sẽ đi mời một ông thầy thuốc. Chúng ta đang ở Paris, nơi có nhiều thầy thuốc giỏi.
   - Những ông thấy thuốc giỏi không chịu mất công không! Người ta phải trả tiền chứ?
   - Chúng ta sẽ trả tiền cho ông ấy!
   - Lấy đâu ra tiền?
   - Với số tiền của chúng ta. Mẹ còn bảy phờlôranh mà ở đây chúng ta có thể đổi được. Con còn mười bảy xu. Mẹ xem lại chiếc áo của mẹ.
   Chiếc áo đen ấy, cũng xơ xác như chiếc váy của Perin nhưng ít bụi bặm vì đã được đập, chải và để trên chiếc nệm, thay chăn. Bà mẹ lần trong túi áo tìm thấy có bảy phờlôranh nước Áo.
   - Tất cả được bao nhiêu hở mẹ? Perin hỏi, con không biết tiền Pháp trị giá thế nào?
   - Mẹ cũng chẳng hiểu gì hơn con!
   Hai mẹ con ước tính đồng phờlôranh là hai phơrăng thì họ có tất cả chín phơrăng, chín mươi lăm xăngtim. Perin lại nói:
   - Mẹ thấy đấy! Chúng ta thừa tiền để mời thấy thuốc.
   - Thầy thuốc không chữa bệnh cho mẹ bằng nước bọt! Ông ta sẽ kê đơn mua thuốc. Lấy tiền đâu mà trả?
   - Con có ý kiến! Mẹ biết đấy, nhưng lúc con đi bên cạnh Palica, không phải lúc nào con cũng để hết thời gian để nói chuyện với nó, tuy con vật rất thích điều đó. Con còn nghĩ đến mẹ, đến chúng ta, nhất là mẹ. Từ dạo mẹ ốm con nghĩ đến chuyến đi dài ngày của chúng ta, chuyến về Marôcua. Mẹ thử nghĩ xem, chẳng lẽ chúng ta lại ra mắt thiên hạ ở quê cha con, trên cái cỗ xe đã từng làm trò cười trên đường đi? Chắc chắn là chúng ta sẽ không được đón tiếp nồng nhiệt!
   - Đúng thế. Dù với những người họ hàng ít tự ái thì mẹ con ta trở về với cỗ xe ấy cũng sẽ làm nhục họ!
   - Thế thì tốt hơn là đừng giữ nó.
   Chúng ta không cần giữ cỗ xe nữa, chúng ta có thể bán đi. Với lại, bây giờ để xe làm gì? Từ dạo mẹ ốm, chẳng có ai chịu để cho con chụp hình. Dù con tìm được khách mạnh dạn, dám tin con thì mình lại không có thuốc, vả lại, với số tiền chúng ta hiện có, chúng ta không thể xài ba phờrăng để mua giấy ảnh, hai phờrăng để mua thuốc rửa ảnh, hai phờrăng để mua một tá kính! Phải bán thôi!
   - Bán bao nhiêu.
   - Dẫu sao chúng ta cũng có thể bán được ít nhiều. Máy ảnh thì ống kính còn tốt, rồi còn cái nệm nữa…
   - Bán hết ư?
   - Chuyện ấy làm mẹ đau lòng sao?
   - Đã hơn một năm nay, chúng ta sống trong cỗ xe này! Cha con đã chết ở đây! Bởi thế, dầu chiếc xe có tồi tàn quá mức đi nữa, ý nghĩ phải rời nó, cũng làm mẹ xót xa! Chúng ta chỉ còn giữ lại của cha con chừng này thôi. Không có một vật gì trong đám đồ đạc tồi tàn này lại không mang những kỹ niệm của người đã khuất!
   Bà mẹ nói trong hơi thở hổn hển và dừng lại. Những giọt nước mắt mà bà không thể ngăn nổi, chảy dài trên khuôn mặt chỉ còn xương bọc da.
   - Ôi, mẹ ơi! Perin kêu lên. Xin mẹ tha lỗi cho con! Con trót đã dại dột nói chuyện ấy với mẹ.
   - Con thân yêu, con có lỗi gì chứ! Do hoàn cảnh khốn khổ cho nên chúng ta khó trao đổi vì câu chuyện có thể làm phiền lòng mẹ, hoặc con. Số mệnh quá khắc nghiệt! Trong tình trạng hiện nay, mẹ không còn đủ sức để chống đỡ, để suy nhĩ, để mong muốn. Mẹ còn trẻ con hơn con gái của mẹ nữa đấy! Có phải đáng lẽ mẹ phải nói với con những điều mà con thấy. Chúng ta không thể đến Marôcua trong cỗ xe và ăn mặc rách rưới: mẹ chiếc áo này, con chiếc váy ấy. Ta đã nhìn thấy trước như thế, thì phải cố tìm cách xoay sở để có ít tiền. Mẹ mệt quá, trong đầu óc chỉ có những ảo tưởng! Mẹ chờ đợi ngày mai nhhư là ngày mai sẽ mang lai cho chúng ta những sự kỳ diệu! Mẹ sẽ lành bệnh, chúng ta sẽ thu nhập khá hơn. Đó là ảo ảnh của những người thất vọng chỉ còn sống bằng mộng. Thật là điên rồ! Con đã nói phải: ngày mai, mẹ cũng chưa hết bệnh! Chúng ta cũng không thu được món lớn, món bé nào cả! Phải bán cổ xe và những đồ đạc trong xe! Ấy thế mà chưa hết đâu, chúng ta còn phải quyết định việc bán…
   Một giây lát chần chừ và im lặng nặng nề.
   - Palica! Perin nói.
   - Con đã nghĩ đến điều ấy ư?
   - Vâng, con đã nghĩ đến điều ấy, nhưng con không dám nói. Từ lúc con có ý nghĩ một ngày nào đó, chúng ta sẽ phải bán Palica, thì cái ý nghĩ ấy cứ dằn vặt con. Con không còn dám nhìn nó nữa! Con sợ nó đoán biết chúng ta sắp xa nó, không dẫn nó về Marôcu như đã dự định, để nó được sung sướng, sau những ngày mệt nhọc.
   - Chúng ta nào biết người ta sẽ đón tiếp mình như thế nào ở Marôcua! Chúng ta phải đến trình diện bằng cách nào đó, để người ta phải mở cửa, đón chúng ta.
   - Có thể nào lại đến thế, hở mẹ? Chẳng lẽ vong hồn linh thiêng của cha con không che chở cho mẹ con ta sao? Bố tốt như thế mà người ta không nhớ bố sao? Chẳng lẽ cứ giận mãi những người đã chết.
   - Mẹ đang nhắc lại những ý kiến của cha mà chúng ta phải tuân theo. Chúng ta sẽ bán cỗ xe và con lừa. Với số tiền nhận được, chúng ta sẽ mời một ông thấy thuốc. Mẹ chỉ cầu mong ông ấy chữa cho mẹ khỏe mạnh trong mấy hôm. Chúng ta sẽ mua một cái áo dễ coi cho con, và cái cho mẹ. Chúng ta sẽ đi xe lửa đến Marôcua. Nếu không đủ tiền, chúng ta sẽ đi xe lửa một đoạn còn thì đi bộ.
   - Mẹ ơi! Palica là một con lừa đẹp! Cậu bé nói chuyện với con ở cổng gác cho con biết thế! Cậu ta ở trong rạp xiếc và rất hiểu biết về súc vật. Vì thấy con lừa đẹp, cầu ta đến nói chuyện với con.
   - Chúng ta không hiểu giá trị những con lừa ở Paris và càng mù tịt về giá trị con lừa phương Đông ở đây. Chúng ta hãy chờ xem! Công việc như thế là đã ngã ngũ! Thôi đừng nhắc lạ nữa! Đó là một đề tài quá buồn, với lại mẹ đang mệt!
   Thật vậy, bà mẹ như là kiệt sức. Bà phải dừng lại nhiều lần, trước khi nói hết những điều muốn nói.
   - Mẹ có cần ngủ không mẹ?
   - Mẹ cần được nghỉ ngơi sau khi đã quyết định. Cần sự yên tĩnh và hy vọng ở ngày mai!
   - Thế thì con để mẹ nằm nghỉ. Còn hai giờ nữa mới tối. Con tranh thủ giặt quần áo. Ngày mai, mặc chiếc sơ mi mới giặt, mẹ sẽ thấy dễ chịu.
   - Con đừng làm mà mệt!
   - Mẹ biết đấy, con có bao giờ mệt đâu.
   Perin ôm hôn mẹ rồi đi lại cỗ xe. Nhanh nhẹn nhẹ nhàng, em lấy một gói quần áo cất trong chiếc hòm nhỏ. Em bỏ vào trong chậu với tay tìm trên tấm ván miếng xà phòng nhỏ đã dùng nhiều lần, rồi mang các thứ ra khỏi xe. Khi cơm chín, Perin đã đổ nước vào xoong, bắc lên bếp, nên bây giờ có sẵn nước nóng để ngâm quần áo, em cởi áo vét, quỳ trên cỏ, xát xà phòng rồi vò. Thật ra, em chỉ phải giặt hai sơmi, hai đôi tất, ba mùi xoa, nên không cần đến hai tiếng để làm việc ấy. Em phơi áo quần trên sợi dây buộc từ hàng rào vào cỗ xe.
   Trong lúc ấy, Palica cột ở gần đấy, đã nhiều lần nhìn cô chủ, như để trông chừng cô ta, chỉ thế thôi! Thấy Perin đã giặt xong, nó vươn cổ về phía cô chủ kêu lên năm, sáu tiếng thảm thiết.
   - Mày nghĩ là tao quên mày ư? Perin nói.
   Em đến bên nó, đem buộc nó chỗ khác và múc một bình nước cho nó. Cái bình đã được cọ sạch. Con lừa này ăn dễ dàng các thức ăn người ta cho nó, hoặc nó tự kiếm được. Về khoản nước uống, trái lại, nó rất khó tính. Nó chỉ uống nước sạch, đựng trong bình đã cọ rửa kỹ. Nó khoái nhất là được uống rượu ngon. Perin đã làm xong mọi việc. Đáng lẽ em đi về cỗ xe thì em lấy tay vuốt ve nó, nói với nó những lời âu yến như bà nhũ mẫu nói với đứa bé. Con lừa sắp sà vào đám cỏ mới, dừng lại không ăn, để tựa đầu trên vai cô chủ nhỏ mong được âu yếm. Thỉnh thoảng, nó cụp đôi tai dài về phía cô chủ, rồi vểnh lên, run run, tỏ rõ niềm hạnh phúc.
   Sự im lặng trùm lên khu bãi, lúc này đã đóng cổng cũng như ngoài các nẻo đường vắng vẻ của khu phố. Người ta không còn nghe gì ở xa, thật xa. Không có tiếng gì rõ rệt, chỉ có tiếng gầm sâu thẳm, mạnh mẽ, bí ẩn như là tiếng của biển cả. Hơi thở, cuộc sống của Paris vẫn tiếp diễn chuyên cần và sôi nổi mặc dù đêm xuống. Thế rồi, trong nỗi buồn của chiều ta, Perin nhớ lại câu chuyện vừa trao đổi với mẹ, tim em như bị bóp nghẹt. Em nghiêng đầu bên con lừa, mặc cho nước mắt tuôn trào, nhưng giọt nước mắt cầm giữ từ lâu, đã làm em ngột ngạt. Trong lúc đó, Palica liếm bàn tay cô chủ.
   Đêm ấy, người bệnh mệt, Perin lấy chiếc khăn vuông, cuộn tròn làm gối rồi để y nguyên cả áo quần, nằm bên cạnh mẹ. Em phải thức dậy nhiều lần để lấy nước cho mẹ. Em ra giếng múc nước mát, đem về. Bà mẹ cảm thấy nóng nực, khó thở. Trái lại, khi bình minh đến, cái giá rét của Paris làm cho bà rung lên. Perin lại phải lấy chiếc khăn vuông, cái chăn duy nhất mà mẹ con em còn giữ được, trùm cho mẹ.
   Mặc dù Perin muốn đi tìm thấy thuốc càng sớm càng tốt, nhưng em phải đợi Hạt Muối thức dậy, để hỏi tên và địa chỉ một thấy thuốc giỏi. Perin còn biết hỏi ai, nếu không hỏi ở ông ta! Quả vậy, ông ta biết một ông thầy thuốc nổi tiếng, thường đi thăm bệnh bằng xe ngựa, chứ không cuốc bộ như những thầy thuốc xoàng. Đó là ông Xăngđriê ở phố Riblét, gần nhà thờ. Muốn đi đến đó, chỉ cần theo con đườn sắt, đi về phía nhà ga. Khi nghe nói một thầy thuốc đã lo ngại không đủ tiền để trả. Em rụt rè e thẹn, lúng túng, không dám nói rõ, chỉ hỏi Hạt Muối loanh quanh. Nhưng rồi ông ta cũng hiểu và nói:
   - Cô phải trả bao nhiêu ư? Ừ, đắt đấy! Cũng phải bốn mươi xu! Cô nên trả tiền trước, như thế mình mới buộc ông ấy phải đến.
   Perin tìm con đường Piblét khá dễ dàng, theo lời chỉ dẫn của Hạt Muối. Ông thầy thuốc đang ngủ chưa dậy. Em phải ngồi đợi trên một cái trụ ở ngoài đường, trước cửa nhà xa, Perin nhìn thấy người ta đang thắng ngựa. Như thế, em sẽ đón ông trên đường đi, nộp bốn mươi xu, buộc ông phải đến thăm mẹ em. Em linh cảm, nếu người ta chỉ mời miệng đi thăm một bệnh nhân ở bãi Guylô, chắc ông ấy sẽ không đến.
   Thời gian sao mà bất tận thế! Em càng hồi hộp vì còn lo mẹ không yên tâm nếu em về trễ. Nếu ông thầy thuốc không chữa cho mẹ khỏi bệnh trong chốc lát có lẽ ít nhất, ông cũng làm cho bà bớt đau đớn. Perin đã từng thấy một ông thầy thuốc bước vào cỗ xe khi cha em ốm. Dạo ấy, gia đình em đang ở miền núi, trong một xứ sở hoang vu. Cha lâm bệnh nặng, không kịp đến thành phố để rước một ông thầy thuốc đàng hoàng. Ông lang họ nhờ, nói đúng hơn là một bác thợ cạo với những cung cách của thầy phù thủy. Ông ta khác hẳn những thầy thuốc chính cống ở Paris: thông thái, trị bệnh cứu người, như ông Xăngđriê này, vì người ta nói ông ấy tài giỏi.
   Cửa nhà xe vừa mở thì một cỗ xe ngựa kiểu cũ, màu vàng, có hai bánh và có mui, thắng một con ngựa béo kéo cày to, đã đỗ trước ngôi nhà. Ngay lúc ấy, một thầy thuốc xuất hiện: cao, to béo, mặt đỏ, hàm râu màu tro, với dáng điệu một ông lão ở thôn quê.
Trước khi ông lên xe, Perin đã đến bên ông và trình bày nguyện vọng.
   - Bãi Guylô! Ông ta nói: Ở đó trước có pháo đội.
   - Thưa ông, không phải! cháu mời ông đến thăm bệnh mẹ cháu ốm, ốm nặng.
   - Mẹ cô làm gì?
   - Chúng cháu là thợ ảnh.
   Ông thầy thuốc toan bước lên xe. Nhanh nhẹn, Perin đưa đồng bốn mươi xe và nói:
   - Thưa ông, chúng cháu có thể trả tiền trước cho ông.
   - Thế thì ba phờrăng.
   Em bé đưa thêm hai mươi xu. Ông ta nhận tiền bỏ vào túi áo gilê.
   - Mười lăm phút nữa, tôi sẽ đến thăm mẹ cô.
   Trên đường về, sung sướng được mang tin vui, Perin vừa đi, vừa chạy:
   - Mẹ ơi, ông thầy thuốc sẽ chữa cho mẹ lành bệnh! Ông này thật là một ông thầy thuốc!
   Nhanh nhẹn, em sửa soạn cho bà mẹ. Em lau mặt, lau hai bàn tay, chải mái tóc đen và mềm như tơ. Em sắp xếp trong cỗ xe. Việc đó chỉ làm cho cỗ xe thêm trống trải và như thế càng lộ vẻ tồi tàn hơn!
   Hai mẹ con không phải chờ đợi lâu. Có tiếng xe lăn bánh báo hiệu ông thầy thuốc đến thăm. Perin vội chạy ra đón. Ông thầy thuốc muốn đi về phía ngôi nhà. Cô bé chỉ phía cỗ xe và nói:
   - Chúng cháu ở trong cỗ xe!
   Tuy cỗ xe không phải là nhà, ông thầy thuốc cũng không tỏ vẻ ngạc nhiên. Ông đã quen với nỗi nghèo khổ của khách hàng. Perin vẫn theo dõi ông. Em nhận thấy nét mặt ông không vui, khi thấy người bệnh nằm như dính chặt trên tấm nệm trong cỗ xe trống trải.
   - Hãy le lưỡi, đưa  tay cho tôi xem mạch!
   Những người trả cho thầy thuốc bốn mươi hay một trăm phờrăng mỗi lần thăm bệnh, không thể nào ý niệm được việc thầy thuốc khám bệnh cho người nghèo. Chỉ cần không đầy một phút, ông đã chẩn đoán bệnh xong.
   - Bà phải vào bệnh viện! Ông ta nói.
   Bà mẹ và cô con gái sợ hãi và đau đớn cùng hét lên.
   - Em bé! Em hãy để cho tôi ngồi lại với mẹ! Ông thầy thuốc ra lệnh.
   Perin chần chừ một lát, nhưng bà mẹ đã ra hiệu. Em vội rời khỏi cỗ xe, nhưng không dám đi xa.
   - Có phải bệnh tôi nguy rồi không? Bà mẹ hổn hển nói.
   - Có ai nói thế đâu! Bà cần những sự chăm sóc mà ở đây bà không thể có được?
   - Ở bệnh viện, con gái tôi có được ở gần tôi không?
   - Cô ấy sẽ đến thăm bà vào ngày thứ năm và chủ nhật.
   - Mẹ con chúng tôi phải xa nhau ư? Không có tôi, một mình ở Paris, con bé sẽ ra sao đây? Còn tôi, không có nó, tôi sẽ như thế nào? Nếu tôi phải chết, hãy cho tôi được nắm bàn tay nó!
   - Dẫu sao, người ta cũng không thể để bà ở trong cỗ xe này được! Cái rét ban đêm sẽ nguy hiểm cho sức khỏe của bà. Bà phải thuê một gian buồng. Bà có thể làm thế được chứ?
   - Vâng, có thể được! nếu không phải thuê lâu ngày!
   - Hạt Muối sẽ cho bà thuê buồng và không lấy đắt đâu. Nhưng cái buồng không phải là tất cả! Còn phải thuốc men, ăn uống, bồi dưỡng, những sự chăm sóc… các thứ ấy, bà chỉ nhận được ở bệnh viện.
   - Thưa ông, chuyện ấy không thể được! Tôi không thể xa con gái của tôi! Rồi nó sẽ ra sao chứ?
   - Tùy ý bà! Đó là chuyện của bà. Tôi đã nói với bà điều tôi cần nói.
   - Này, cô bé! Ông gọi.
   Ông rút cuốn sổ tay trong túi áo, lấy bút chì viết mấy dòng trên tờ giấy trắng và dặn:
   - Cô đưa cái này cho ông dược sĩ ở gần nhà thờ, đừng đưa cho người khác. Cô cho mẹ cô uống gói thuốc số 1. Cách một giờ, cô cho uống thứ thuốc nước số 2, rượu canhkyna thì cô cho uống vào bữa ăn. Phải cho mẹ cô ăn, muốn ăn gì cũng được, nhất là trứng. Chiều tôi sẽ trở lại.
   Perin muốn tiễn ông thầy thuốc, để hỏi thêm:
   - Thưa ông, bệnh mẹ cháu nặng lắm phải không?
   - Cô nên cố gắng khuyên bà vào bệnh viện.
   - Thế ông không chữa cho mẹ cháu khỏi bệnh được sao?
   - Có chứ! Tôi cũng rất mong thế! Nhưng tôi không thể nào cho mẹ cô những thứ mà bà tìm được ở bệnh viện. Thật là điên rồ mới không đến đó! Chỉ vì không muốn xa cô, nên bà từ chối. Cô là một cô gái cẩn thận, hoạt bát, cô sẽ không việc gì đâu mà ngại!
Ông ta sải những bước dài và đã đến cỗ xe, Perin muốn giữ ông ta lại, nghe ông nói, nhưng ông đã lên xe và đi khuất. Thế rồi em trở về cỗ xe.
   - Ông thầy thuốc nói gì thế? Bà mẹ hỏi.
   - Ông nói sẽ chữa cho mẹ khỏi bệnh.
   - Con hãy đến ngay ông dược sĩ ở gần. Khi về, mua cho mẹ hai quả trứng. Con cầm hết tiền đi!
   Nhưng tất cả số tiền ấy cũng chưa đủ!
   Khi ông dược sĩ đọc đơn thuốc, ông ta nhìn Perin với cái nhìn khinh bỉ và nói:
   - Cô có đủ tiền để trả không?
   Em xòe bàn tay.
   - Phải bảy phở răng năm mươi. Ông dược sĩ nói. Sau khi đã làm con tính.
   Perin đếm hết số tiền đang cầm trong tay. Tất cả có sáu phờ răng tăm mươi lăm xăngtim, ấy là đã tính đồng phờlôranh Áo đổi được hai phờ răng. Còn thiếu mười ba xu.
   - Cháu chỉ có sáu phờ răng tăm mươi lăm, có một đồng phờlôranh Áo. Em nói. Ông có nhận đồn phờlôranh không ạ?
   - Ấy không!
   Làm thế nào bây giờ? Perin thất vọng, đứng sững giữa hiệu thuốc. Cuối cùng, em nói:
   - Nếu ông vui lòng nhận đồng phờlôranh giúp cháu thì cháu chỉ thiếu mười ba xu. Cháu sẽ đem trả ông ngay.
   Nhưng ông dược sĩ không thích rắc rối. Ông không cho Perin mắc nợ, cũng không nhận đồng phơlôranh. Ông nói:
   - Rượu canhkina thì chưa cần gấp, cô sẽ đến lấy sau. Tôi chuẩn bị cho cô ngay tức khắc những gói thuốc bột và chai thuốc nước. Cả hai thứ chỉ hết ba phờ răng năm mươi.
   Với số tiền còn lại, Perin mua trứng và một ổ bánh thứ hảo hạng. Em nghĩ bụng, mẹ em nhìn thấy ổ bánh, chắc phải thèm! Em trở lại bãi Guylô vừa đi, vừa chạy, như lần trước. Em nói với mẹ:
   - Trứng còn tươi, con đã soi rồi! Mẹ nhìn này, người ta nướng ổ bánh khéo quá! Mẹ ăn chứ, phải không mẹ?
   - Ừ, con gái yêu của mẹ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Tầng
 Tác giả| Đăng lúc 11-11-2011 23:50:26 | Chỉ xem của tác giả
Hai mẹ con chứa chan hy vọng. Perin tin tưởng tuyệt đối. Ông thầy thuốc đã hứa sẽ chữa cho mẹ em lành bệnh! Ông ta sẽ làm cái việc kỳ diệu ấy! Ông ấy lừa dối em làm gì kia chứ? Khi người ta hỏi thẳng ông thầy thuốc thì ông ấy phải nói sự thật mà thôi.
Hy vọng quả là một thứ rượu khai vị tuyệt vời. Đã hai ngày nay, người bệnh không ăn uống gì, nay nhấm nháp được quả trứng và nửa ổ bánh. Perin nói:   - Mẹ thấy chưa?   - Ừ, chắc sẽ tốt thôi! Dẫu sao, thần kinh cuả bà cũng bớt căng thẳng. Bà cảm thấy yên tĩnh một chút. Thừa dịp ấy Perin đi tìm Hạt Muối để hỏi ý kiến về chuyện bán cỗ xe và con lừa. Chuyện bán cỗ xe thì chẳng khó khăn gì gì Hạt Muối có thể mua. Ông ta mua đủ thứ: đồ gỗ, áo quần, đồ dùng, nhạc cụ, vải vóc, vật liệu xây dựng, hàng mới cũng như hàng cũ. Nhưng còn Palica lại là chuyên khác! Ông không mua súc vật, trừ khoản chó con. Theo ông nói, phải đợi đến thứ tư, có phiên chợ Ngựa, mới bán được con lừa. Còn lâu mới đến thứ tư. Bồng bột hy vọng, Perin tưởng tượng trước hôm ấy, bà mẹ sẽ khỏe mạnh để đi Marôcua. Phải chờ đợi cũng có cái hay đấy chứ? Với số tiền bán cỗ xe, mẹ con em có thể mua sắm quần áo, đi đường bằng tàu hỏa? Với lại, còn có khả năng tốt hơn. Nếu Hạt Muối mua cỗ xe được giá, thì không phải bán Palica. Palica sẽ ở lại bãi Guylô. Mẹ con em đến Marôcua trước rồi sẽ đưa nó về sau. Hạnh phúc biết bao nếu Perin không phải xa người bạn yêu dấu ấy! Con lừa sẽ được sung sướng. Nó được ăn uống, đầy đủ, ở trong một cái chuồng đẹp. Cả ngày nó đi dạo với hai mẹ con cô chủ của nó, giữa những đám cỏ màu mỡ. trong vài giây, những áo ảnh choán cả tâm hồn của em bé đã bị sụp đổ. Sau khi xem xét kỹ, Hạt Muối chỉ trả có mười lăm phờ răng cả cỗ xe và các đồ đạc chứa trong đó, khác hẳn với số tiền mà Perin tưởng tượng. - Mười lăm phờ răng thôi ư? - Đó là tôi giúp cô đấy! Cô nghĩ xem, tôi làm gì với những thứ của nợ ấy? Ông ta lấy cái móc thay thế cánh tay, gõ lên bánh xe, thành xe, rồi nhúng vai tỏ vẻ thương hại và khinh bỉ. Perin đã tốn bao nhiêu nước bọt để ông ta trả thêm hai phờ răng năm mươi và hứa cho hai mẹ con được ở trên xe cho đến lúc đi khỏi nơi này. Em nghĩ dù sao bà mẹ ở trong xe còn hơn là ở trong nhà. Khi Hạt Muối đưa Perin đi thăm các gian buồng mà ông ta có thể cho hai mẹ con thuê, em cảm thấy cỗ xe ngựa còn quý giá hơn nhiều. Tuy ông ta giới thiệu rất tự hào về các gian buồng, sự tự hào ấy cũng chẳng có gì đáng kể so với sự khinh bỉ của ông đối với cỗ xe của mẹ con em. Gian buồng thật là tồi tàn, hôi hám! Chẳng qua, vì hai mẹ con ở trong tình trạng nguy nan nên phải ở trong cái nhà này. Nói cho đúng, nhà ấy có một cái mái và những bức tường không phải làm bằng vải, nhưng cũng chẳng hơn gì cỗ xe. Chung quanh nó. Hạt Muối chất đống những hàng hóa có thể chịu được những thay đổi của thời tiết: chai vỡ, xương, đồ sắt. phía trong hàng hiên và những gian phòng âm u mà mắt không nhìn thấy rõ, chứa những gì cần được bảo quản: giấy cũ, giẻ rách, nút chai, vỏ bánh mì, giày cũ và vô số những thứ phế liệu, phế phẩm làm thành rác rưởi của thành phố Paris. Từ những đống linh tinh ấy, bốc lên mùi hôi nồng nặc khiến người ta buồn nôn. Perin đang do dự tự hỏi bà mẹ liệu có khỏi nghẹt thở vì những mùi ấy không thì Hạt Muối giục: - Nhanh lên, cô bé! Xe rác sắp vào rồi! Tôi phải có mặt để nhận và “phân loại” những thứ họ mang đến! - Ông thấy thuốc có biết những gian buồng này không? – Em hỏi. - Chắc chắn ông ấy biết! Ông đã đến đây thăm bệnh nhiều lần, khi ông chữa bệnh cho bà Hầu tước! Cái tiếng đó làm cho em hết do dự. Ông thầy thuốc đã biết những gian buồng này. Ông ta khuyên Perin thuê một buồng thì chắc là bà mẹ ở đây được. Với lại, một bà Hầu tước ở một buồng, thì mẹ em cũng có thể ở một buồng chứ? - Mỗi ngày cô phải trả tám xu. Hạt Muối nói, thêm ba xu cho con lừa và sau xu cho cỗ xe. - Ông đã mua xe rồi mà? - Đúng thế, nhưng vì cô dùng xe thì cô phải trả tiền. Perin không còn biết trả lời thế nào được nữa! Đây không phải là lần đầu tiên, Perin bị người ta lột da, cắt cổ! Trên con đường dài đi về đây, đã nhiều lần em phải chịu đựng, còn nặng nề hơn nữa! Em tin đó là cái luật của thiên nhiên, của những người giàu có đối với những người nghèo khổ!   Perin bỏ hết một buổi chiều để dọn buồng. Em lau sàn nhà, cọ tường, trần nhà, cửa sổ. Từ ngày xây dựng ngôi nhà này, đây là lần đầu tiên gian buồng được dọn dẹp cẩn thận: Phải đi lại nhiều lần ra giếng để xách nước, em để ý và thấy trong khu vườn không phải chỉ có cỏ và cỏ gai. Ngọn gió, hay đàn chim mang có hạt cây từ những khu vườn lân cận đến đây. Mấy bác láng giềng ném qua hàng rào những cây hoa mà họ không thích nữa! Một vài hạt, vài cây ấy, rơi xuống đám đất thích hợp, đã nẩy mầm, bén rễ và bây giờ vẫn nở hoa. Có lẽ hoa ở đây không giống hoa ở khu vườn luôn luôn được săn sóc, tưới nước, bón phân. Nhưng dầu hoa dại, hoa vân nồng hương, tươi sắc và không kém vẻ đẹp. Thấy vậy, Perin có ý nghĩ hái mấy đóa hoa đinh tử màu đỏ, màu tím, vài hoa cẩm chướng về kết thành bó, để tô điểm cho gian buồng của hai mẹ con, át đi mùi khó chịu. Hình như hoa ấy vô chủ, bởi vì Palica khi thích vẫn nhai luôn.Tuy vậy, Perin cũng không dám hái hoa trước khi hỏi ý kiến của Hạt Muối.
- Có phải cháu hái hoa để bán không?
- Thưa bác, cháu hái hoa để trang trí gian buồng.
- Thế thì cháu cứ tự nhiên! Nếu hái hoa để bán thì bác phải bán cho cháu trước đã! Nếu cháu dùng thì đừng ngại! Cháu thích mùi hương các loại hoa, bác thích hương thơm của các loại rượu và bác chỉ ngửi thấy mùi rượu mà thôi.
Perin tìm được dễ dàng những chiếc lọ sứt, mẻ để cắm hoa, trong đám những lọ, chai vỡ. Trong chốc lát, mùi hoa đinh tử, hoa cẩm chướng, hái dưới nắng át hẳn mùi hôi, màu sắc tươi mát của các bông hoa soi sáng những bức tường bẩn thỉu. Trong lúc dọn lẹp, trang trí gian buồng. Perin đã là quen với những người ở buồng bên cạnh. Một bà có mái tóc điểm sương, đội cái mũ trùm đầu có rubăng màu cờ tam tài của nước Pháp. Một ông cụ cao, lưng còng, mang một tạp dề dài và rộng, tưởng như là y phục duy nhất của cụ. Ông cụ cho em hay bà già có rubăng màu cờ tam tài là một ca sĩ đường phố - đây chắc là bà Hầu tước mà Hạt Muối đã nhắc đến – ngày nào cũng thế, bà rời bãi Guylô, tay cầm cái ô màu đỏ và một chiếc gậy lớn. Bà cắm gậy ở ngã tư đườn phố hay đầu cầu. Bà che ô lên để khỏi nắng. Bà hát và bán bản liệt kê những bài hát của bà. Bà Hầu tước thì cho biết ông cụ mang tạp dề là người lọc giày dép cũ chọn những gì còn dùng được, từ sáng đến chiều, ông cụ im lặng làm việc như một con cá. Vì thế, người ta đặt cho ông cụ cái tên Bố Cá Chép và người ta chỉ biết ông cụ với cái tên ấy. Tuy ông cụ không nói, nhưng cái búa của ông cụ cũng làm điếc tai, nhức óc người ta. Đến lúc mặt trời lặn, Perin đã dọn dẹp xong và đưa mẹ về buồng. nhìn thấy hoa, bà mẹ ngạc nhiên một cách thú vị.
- Con thân yêu, con thương mẹ quá!
- Nhưng chính là con thương con đấy chứ! Thấy mẹ vui, con sung sướng quá!
Đến tối, Perin phải đem mấy lọ hoa ra khỏi gian buồng. Khi ấy, người ta lại ngửi cái mùi của gian nhà cũ kỹ, nhưng người bệnh không dám phàn nàn! Mà phàn nàn thì làm gì kia chứ khi bà không thể rời bãi Guylô mà đi nơi khác – Bà lên cơn sốt, những mộng mị và xúc động làm bà mệt, nên giấc ngủ chập chờn.
Sáng hôm sau, ông thầy thuốc đến thăm, thấy bà mệt hơn hôm trước, phải thay đơn, Perin lại phải đến gặp ông dược sĩ. Lần này, ông đòi năm phờ răng. Em không kêu ca gì và mạnh dạn trả tiền. Nhưng khi trở về, em không thở được! Nếu những chi phí cứ như thế này mãi thì làm thế nào kéo cho đến thứ tư để được cầm trong tay số tiến bán con Palica tội nghiệp? Nếu ngày mai, phải trả năm phờ răng hay nhiều hơn thì em biết moi ở đâu ra số tiền ấy? Cái thời kì Perin đi đường núi cùng với bố mẹ, cũng có nhiều lần bị đói. Khi gia đình em rời Hy Lạp để về Pháp cũng nhiều lần không có bánh để ăn. Nhưng chưa lúc nào nguy như hiện nay! Ở trong núi, tuy đói họ vẫn hy vọng tìm được ít rau, củ, một con thú rừng… Nhiều khi ước mơ trở thành hiện thực, họ có một bữa ăn ngon. Về đến châu Âu, thiếu bánh, họ có thể gặp những bác nông dân Hy Lạp Tyrôn để chụp ảnh và nhận tiền của họ. Còn ở Paris thì những người không sẵn tiền trong túi, không thể chờ mong gì cả! Mẹ con em thì túi đã cạn rồi, biết làm thế nào đây? Cái đáng sợ là chính em phải trả lời câu hỏi ấy! Em còn biết gì và làm gì được? Cái đáng kinh hãi là em phải nhận hết trách nhiệm bởi vì bệnh tật đã làm cho bà mẹ không thể sáng suốt mà xoay xở. Và bây giờ, Perin cảm thấy em đang ở địa vị người mẹ tuy chỉ là một đứa trẻ.
Nếu tình thế tốt hơn một chút, Perin sẽ lo động viên và có thêm sức mạnh. Nhưng nào đâu có được thế! Tuy bà mẹ chẳng bao giờ phàn nàn, trái lại, lúc nào bà cũng lặp lại câu nói quen thuộc: “Rồi sẽ tốt thôi!”. Nhưng thật ra, Perin thấy: Rồi mai sẽ không tốt! Bà mẹ mất ngủ, sốt và lười ăn, khó thở… Những triệu chứng ấy có vẻ tăng lên, nếu em không lầm!
Sáng thứ ba, đến buổi thăm bệnh của thầy thuốc thì cái điều Perin lo ngại về đơn thuốc đã xảy ra! Sau khi kiểm tra người bệnh, bác sĩ Xăngđriê lấy trong túi quyển sổ tay, cái quyển sổ tay dễ sợ, đã từng làm cho Perin bối rối. Ông chuẩn bị viết. Khi ông vừa đặt cây bút chì lên giấy. Perin đã có đủ can đảm để ngăn ông:
- Thưa ông, nếu những thứ thuốc mà ông sắp kê không cùng mức quan trọng như nhau thì xin ông chỉ kê những thứ cần gấp.
- Cô muốn nói gì? Ông bác sĩ phật ý, hỏi lại. Perin run lên, tuy thế, em cũng dám nói tường tận:
- Thưa ông, cháu muốn nói, chúng cháu không có nhiều tiền hôm nay. Ngày mai, chúng cháu mới nhận được tiền, khi ấy…
Ông liếc nhìn Perin. Sau khi đưa mắt chỗ này chỗ kia, như là lần đầu trông thấy sự nghèo khổ của hai mẹ con em; Ông cất quyển sổ tay vào trong túi áo.
- Ngày mai, tôi sẽ thay đơn. Chẳng có gì phải vội. Hôm nay vẫn dùng cái đơn thuốc hôm qua cũng được!
“Không có gì phải vôi!” Đó là câu nói mà Perin nhớ và lập lại. Nếu “Không có gì phải vội” nghĩa là bà mẹ không mệt như em lo ngại! Em vẫn có thể hy vọng và đợi chờ.
Thứ tư là ngày Perin chờ đợi! Em vừa mong ngày ấy đến lại vừa đau lòng khi nghĩ đến chuyện phải xa Palica, nhưng hai mẹ con chỉ trông chờ vào số tiền bán lừa để sống. Vì thế, mỗi lần có thể rời bà mẹ là em chạy vội ra chỗ rào kín để nói chuyện với chú bạn ấy. Bây giờ nó không phải làm việc, không phải khó nhọc và đã tìm thấy một kho thức ăn dồi dào. Sau những ngày đói khát, chưa bao giờ nó vui như thế! Vừa nhìn thấy Perin đi lại phía nó, nó kêu lên bốn, năm tiếng có thể làm rung động những cửa kính  mấy túp lều tồi tàn trong bãi Guylô. Từ cuộn dây thừng buộc nó, no tung vài cú đá hậu, cho đến khi em đến bên nó. Nhưng khi Perin để tay lên lưng nó thì nó dịu ngay. Nó vươn cái cổ, rồi ngả đầu trên vai em không nhúc nhích. Người và vật cứ đứng như thế. Perin vuốt ve con lừa; Con lừa thì vẫy dôi tai, nheo đôi mắt, với những động tác có nhịp điệu. Những cái đó cũng như là những lời tâm sự của nó. Perin thì thầm:
- Nếu mày biết!
Nhưng nó nào có biết gì và cũng không đoán được! Nó rất hài lòng về cuộc sống hiện tại; Được nghỉ ngơi, ăn uống no đủ, được cô chủ vuốt ve. Nó tự cho nó là con lừa sung sướng nhất trên đời. Với lại bây giờ nó đã là bạn của Hạt Muối. Để tỏ tình thân, ông này cho nó những thức ăn vừa miệng.
Buổi sáng hôm thứ hai, nó tìm cách tháo dây đến với ông ta trong lúc ông đang “phân loại” giẻ rách. Tò mò, nó dừng lại. Hạt Muối giữ thói quen là khi nào cũng để một lít rượu, một cái cốc vừa tầm tay. Như thế, ông khỏi mất công đứng dậy, uống một ngụm, khi thèm. Sáng hôm ấy, bận công việc, ông không kịp nhìn chung quanh. Trời đã nóng, ông lại chăm chú làm việc cho nên cái khát đã đến. Cái khát đã cho ông cái biệt danh Hạt Muối. Vào lúc ông sắp lấy chai rượu, ông thấy Palica vươn cái cổ dài ra, nhìn ông chăm chú.
- Mày làm cái gì ở đây thế?
Nghe giọng ông gắt gỏng, con lừa chẳng thèm nhúc nhích.
- Mày muốn uống một cốc hả? Hạt Muối hỏi.
Đối với ông ta, mọi ý nghĩ đều xoay quanh chữ uống. Đáng lẽ ông nâng cốc lên miệng. Để đùa chơi, ông đưa cái cốc cho Palica. Palica cho sự mời mọc này là thật tình nên đã bước hai bước lên phía trước. Nó đưa đôi môi mà nó cố tạo cho thật mỏng, thật dài, rồi hít một hơi hết nửa cốc rượu đầy tận miệng.
- Nhìn kìa! Hạt Muối reo lên, cười như nắc nẻ.
Ông ta gọi:
- Bà Hầu tước! Bố Cá Chép!
Nghe tiếng gọi, bọn họ chạy đến, cả ông lượm giẻ rách đang mang cái giỏ đầy vừa trở về bãi và ông chủ xe bán kẹo kéo. Ông này thường đi các chợ và những nơi có lễ hội để bán hàng. Ông treo một cục đường dẻo vào một cái móc quay và kéo ra những cuộn vàng, xanh, đỏ như một cô thợ đang kéo sợi từ cái xa quay.
- Có chuyện gì thế? Bà Hầu tước hỏi.
Ông ta lại rót đầy cốc rượu vào đưa cho Palica.
- Bà sẽ thấy, nhưng bà phải thật bình tĩnh.
Cũng như lần trước, con lừa uống hết nửa cốc, giữa những tiếng cười và tiếng la, hét của đam người đang nhìn nó.
- Tôi nghe nói lừa thích uống rượu, nhưng tôi không tin.
- Con này là một bợm nghiền! Người khác thêm vào.
- Ông phải mua nó để nó làm ban với ông! Bà Hầu tước nói với Hạt Muối.
- Để cho đủ thôi mà!
Hạt Muối không mua Palica. Ông bàn với Perin ngày thứ tư sẽ dẫn nó ra Chợ Ngựa. Điều đó làm cho Perin nhẹ nhõm trong người. Trước đó, em không thể nào tưởng tượng nổi em làm cách nào để tìm ra cái Chợ Ngựa giữa Paris. Em cũng không biết làm cách nào để bán con lừa, tranh cái già bán và nhận tiền mà không bị lừa đảo. Đã nhiều lần, em nghe kể những chuyện về tụi trộm cắp ở Paris nên em cảm thấy bất lực, không thể chống cự, nếu không may gặp chúng.
Sáng thứ tư, Perin bận rộn sửa soạn cho Palica. Đây là một dịp để em vuốt ve, hôn hít nó. Nhưng than ôi! Buồn làm sao! Em sẽ chẳng gặp lại nó! Rồi nó sẽ vào tay ai, chú bạn tội nghiệp này? Nghĩ đến điều ấy, em lại tưởng như nhìn thấy những con lừa khốn khổ mà em đã gặp trên mấy con đường lớn ở khắp nơi. Trên quả đất này, có lẽ lừa sinh ra là để chịu đau khổ! Thật ra, từ dạo Palica về với gia đình em, nó cũng có những nỗi cực nhọc, thiếu thốn, nắng dãi mưa dầu, tuyết rơi, băng giá. Nhưng ít ra, nó chưa bao giờ bị đánh đập. Chắc nó cũng cảm thấy nó đã chia sẻ số phận cực khổ của gia đình cô chủ như một người bạn. Còn bây giờ? Perin chỉ biết run sợ tự hỏi những người chủ mới của nó sẽ như thế nào? Em đã gặp nhiều người chủ, rất nhiều người ác, mà không biết mình độc ác!
Palica lộ vẻ ngạc nhiên, khi thấy người ta không thắng vào cỗ xe mà lấy dây tròng vào cổ nó. Còn ngạc nhiên hơn nữa, khi Hạt Muối không muốn đi bộ từ Xaron đến Chợ Ngựa, đã để một cái ghế trên lưng nó và leo lên ngồi, vì Perin dắt nó, chuyện trò với nó, nên nó không chống cự. Với lại Hạt Muối chẳng phải là bạn của nó sao? Họ đi như thế, Perin dắt Palica. Con lừa đi rất nghiêm trang qua các con đường ít xe cộ và người qua lại. Họ đến một cái cầu rất rộng rồi đến một khu vườn. Bây giờ xe cộ, tàu điện qua lại nhộn nhịp. Dắt con lừa đi giữa đường Perin phải hết sức chú ý.
Cuối cùng, họ leo lên một cái dốc, không đứng lắm, và đến trước một cửa song sắt lớn! Ở phía trong cửa sắt, có một khoảng đất rộng mà người ta đã ngăn ra nhiều chuồng để nhốt ngựa. lúc ấy, Hạt Muối nhảy xuống đất.
Trong khi ấy, Palica đã có đủ thời gian nhìn chung quanh nó, cho nên khi Perin muốn dắt nó vào phía trong cửa sắt, nó không chịu đi. Hay là nó đã đoán được đây là cái Chợ Ngựa, người ta bán ngựa, bán lừa. Hoặc là nó sợ? Mặc dù Perin đã lấy giọng âu yếm, rồi mệnh lệnh nói với nó, nó vẫn đứng yên. Hạt Muối đẩy phía sau thì nó đi tới, nhưng Palica không đoán được bàn tay ai đã sỗ sàng để trên mông nó. Nó bèn vừa đá hậu, vừa thụt lùi và kéo Perin theo luôn. Một vài người to mò dừng lại vây quanh họ. Ở hàng đầu, như thường lệ, là những người bán báo và ván bánh kẹo. Người nào cũng góp ý về cách đưa con vật qua cửa. có kẻ nói:
- Đây là một con lừa gây nhiều lý thú cho thằng ngốc nào mua nó.
Lời nhận xét nguy hiểm ấy có thể gây khó khăn cho chủ bán lừa nên Hạt Muối vội phân bua:
- Nó tinh lắm! nó đoán người ta đem bán nó. Nó bày những trò ấy để khỏi xa những người chủ nó.
- Ông có chắc thế không? Hạt Muối?
- Ông không nhận ra La Cucơri sao?
- Ừ nhỉ!
- Con lừa này là của ông?
- Không, của cô bé.
- Ông biết cô ta?
- Chúng tôi đã uống chung một cốc rượu đấy nhé! Nếu bà cần một con lừa tốt, tôi xin giới thiệu nó với bà.
- Tôi cần, nhưng cũng chẳng cần…
- Thế thì chúng ta đi nhậu đã! Cóc cần phải trả tiền vào cửa làm gì!
- Hơn nữa, hình như nó cũng không chịu vào!
- Tôi đã nói với bà là nó láu cá lắm!
- Nếu tôi mua nó, không phải để nó làm những trò láu cá ấy, cũng chẳng phải để nó uống rượu, mà để nó làm việc.
- Nó dai sức lắm! nó đi từ Hy Lạp đến đây không nghỉ.
- Từ Hy Lạp.
Hạt Muối ra hiệu cho Perin đang đi theo. Em chỉ được nghe vài tiếng trong câu chuyện của hai người. Bây giờ palica ngoan ngoãn đi theo cô chủ, không cần kéo dây tròng vì không phải vào chợ.
Sau khi đi vào một con đường nhỏ. Hạt Muối là La Rucơri dừng lại trước một quán rượu. Người ta mang chai rượu, hai cái cốc đặt trên bàn, bên lề đường. Trong lúc đó, Perin đứng trước mặt họ, ở ngoài đường, tay vẫn giữ cái dây buộc con lừa.
- Rồi bà xem nó có tinh không chứ!
Hạt Muối nói và đưa cốc rượu cho con lừa.
Ngay tức khắc, Palica vươn dài cái cổ, đưa môi hít ngay nửa cốc rượu, trong lúc Perin không dám ngăn lại. Hạt Muối thắng lợi, nói:
- Thấy chưa?
Nhưng La Rucơri không chia sẻ nỗi vui của ông ta.
Tôi không cần nó để uống rượu! Tôi cần nó để kéo chiếc xe chở những tấm da thỏ của tôi!
- Tôi đã nói với bà rồi mà! Con lừa này kéo một cỗ xe từ Hy Lạp đến!
- A, đó lại là chuyện khác!
Việc kiểm tra Palica được làm cẩn thận và tỷ mỉ. Sau đó La Rucơri hỏi Perin định giá bao nhiêu. Em nói là một trăm phờ răng, cái giá mà em đã bàn với Hạt Muối. Nhưng bà ta hét toáng lên: “Một trăm phờ răng, một con lừa bán không có bảo đảm! Cô coi thường thiên hạ quá!”. Thế rồi con Palica khốn khổ lại phải chịu một cuộc kiểm tra, để người ta chê bai đủ thứ, từ cái mũi đến cái móng. “Hai mươi phờ răng”. Nó chỉ đáng thế thôi! Thế là được giá lắm rồi.
- Được thôi! Hạt Muối sau một cuộc tranh cải nói. Chúng tôi sẽ dắt nó vào chợ!
Perin thở phào. Ý nghĩ chỉ nhận được hai mươi phờ răng đã làm em chết điếng! Trong hoàn cảnh hiện nay, thì hai mươi phờ răng cũng chưa đủ để mua sắm những thứ cần thiết nhất!
- Để xem lần này nó có chịu vào không! La Rucơri nói.
Con lừa ngoan ngoãn đi theo cô chủ đến cổng Chợ Ngựa. Đến đó, nó đứng ỳ. Perin phải năn nỉ, vừa nói vừa kéo nó nhưng nó nằm ngay ra giữa đường.
Palica, tao van mày! – Perin tức tối, kêu lên. Nhưng con lừa giả vờ chết, không nghe gì hết!
Người ta vây quanh và bông đùa. Có kẻ nói:
- Hãy lấy lửa đốt đuôi nó!
- Bán nó kể cũng gay đấy. Có người hưởng ứng.
- Cứ nện mạnh vào là xong thôi!
Hạt Muối nổi khùng, Perin thất vọng.
Các người thấy đấy, nó không chịu vào! La Rucơri nói. Thấy nó tinh khôn, chắc là nó tốt, tôi trả ba mươi phờ răng vậy, nào nhanh lên! Nhận tiền đi. Nếu không bằng lòng thì tôi mua con khác.
Hạt Muối đưa mắt hỏi Perin, đồng thời cũng ra hiệu, bảo cô bé nên bằng lòng. Như bi tê liệt vì thất vọng, em không thể quyết định. Vừa lúc ấy, để cho con đường được thông suốt, một cảnh sát đến, nói cộc cằn:
- Đi lên, hoặc lùi lại đi chứ? Không được đứng ở đây.
Perin không thể tiến lên vì Palica không muốn đi. Vậy thì phải lùi lại. Khi con lừa hiểu chủ nó không bắt nó phải vào chợ, nó đứng lên ngoan ngoãn theo cô bé, vẫy tai một cách thoải mái.
La Rucơri giao số tiền ba mươi phờ răng cho Perin bằng những đồng năm phở răng và nói:
- Bây giờ, phải đưa cái ông này về nhà giúp tôi! Tôi vừa mới quen, có thể ông ta chẳng chịu theo tôi về đường Lầu Răngchiê. Cũng gần đây thôi!
Con đường ấy đối với Hạt Muối là quá xa, nên ông không đồng ý, ông nói với Perin:
- Cháu đi theo bà đi! Đừng buồn, cháu ạ! Bà ta là người tốt. Con lừa của cháu sẽ không khổ đâu.
- Cháu làm sao trở về Xaron được? Perin hỏi. Lần đầu tiên em thấy Paris rộng mênh mông và sợ bị lạc!
- Rất dễ thôi! Cháu cứ đi dọc theo các thành luỹ.
Giờ phút chia tay đã đến! Sau khi buộc con lừa vào chuồng. Perin không cầm được nước mắt, nên đã làm ướt cả đầu nó trong khi hôn nó. La Rucơri nói:
- Nó ở đây không khổ cực đâu! Bà hứa với cháu điều ấy!
- Chúng cháu thương nhau lắm, bà ơi!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

5#
 Tác giả| Đăng lúc 11-11-2011 23:53:03 | Chỉ xem của tác giả
Rồi đây, hai mẹ con em sẽ xoay xở thế nào với ba mươi phờrăng, trong khi dự chi đến một trăm phờrăng.
   Bà mẹ quyết định:
   - Phải đi thôi! Phải đi ngay tức khắc đến Marôcua.
   - Mẹ đã khỏe chưa?
   - Mẹ phải cố gắng chứ! Chúng ta đã chờ đợi quá lâu vì hy vọng mẹ sẽ bình phục: nhưng sự bình phục ấy sẽ không đến ở nơi này đâu! Trong lúc ấy thì túi tiền của chúng ta đã cạn cũng như số tiền bán con Palica tội nghiệp rồi sẽ mòn dần. Mẹ cũng muốn chúng ta không đến đó trong tình trạng nghèo khổ này. Nhưng biết đâu cái nghèo khổ càng thảm hại càng làm cho người ta thương cảm. Cần phải đi thôi!
   - Ngay hôm nay sao?
   - Hôm nay thì muộn rồi! Chúng ta sẽ đến đó trong đêm tối thì biết về đâu kia chứ? Sáng mai vậy! Chiều nay, con đi hỏi giờ tàu chạy tuyến đường sắt khu Bắc và giá vé đi đến ga Pichkynhi.
   Perin bối rối hỏi Hạt Muối. Ông ta bảo em phải tìm trong đống giấy chắc sẽ thấy bản hướng dẫn của đướng sắt. Theo giấy hướng dẫn, buổi sáng có hai chuyến: lúc sáu giờ và mười giờ. Giá vé hạng ba đến ga Pichkynhi là chín phờrăng hai lăm, một chỗ ngồi.
   - Chúng ta sẽ đi chuyến mười giờ, - Bà mẹ nói – Chúng ta thuê xe ngựa. Mẹ không thể đi bộ đến ga được vì quá xa! Mẹ chỉ đủ sức đi đến bến xe ngựa.
   Thế nhưng bà không đi đến đó được!
   Lúc chín giờ, bà muốn tựa vào con gái đi đón xe vì Perin đã đi gọi và xe sắp đến. Từ buồng mẹ con bà ra đường cái không phải là xa nhưng tim bà yếu quá! Nếu Perin không đỡ kịp, thì bà đã ngã rồi!
   - Rồi mẹ sẽ khỏi thôi! – Bà nói thầm thì – Con đừng lo! Rồi sẽ tốt thôi!
   Tuy nhiên, thật chẳng tốt tí nào! Bà Hầu tước trông thấy hai mẹ con ra đi như thế, đã mang đến một cái ghế. Một cố gắng tuyệt vọng đã nâng đỡ bà mẹ của Perin cho tới đây. Bởi thế, khi bà ngồi xuống ghế thì bị choáng! Bà ngạt thở, không nói được nữa!
   - Phải để mẹ cháu nằm dài, bà Hầu tước nói, phải xoa bóp cho mẹ cháu! Không hề gì đâu, cháu đừng sợ! Cháu đi gọi Bố Cá Chép. Có hai người, bác sẽ đưa mẹ cháu về buồng! Mẹ con cháu không thể ra đi… ngay bây giờ được.
   Bà Hầu tước là một phụ nữ giàu kinh nghiệm. Khi người bệnh nằm dài, tim lại đập, hơi thở trở lại bình thường. Một lát sau, bà mẹ Perin muốn ngồi dậy, vì thế bà lại ngất.
Bà thấy đó, bà phải nằm yên! – Bà Hầu tước nói như ra lệnh. Ngày mai, bà sẽ lên đường! Bây giờ, bà dùng một tách nước hầm. Tôi sẽ hỏi xin Bố Cá Chép cho bà.
   Không đợi trả lời, bà vào buồng ông láng giếng ngồi làm việc và nói:
   - Ông cho tôi xin một tách nước hầm cho người bệnh!
   Một nụ cười thay câu trả lời của Bố Cá Chép. Ngay tức khắc, ông ta mở vung cái nồi đất đang sôi trên bếp. Mùi thơm của nồi hầm tỏa ra trong gian buồng.
   Ông ta tự hào và sung sướng, trợ mắt, phồng mũi nhìn bà Hầu tước.
   - Ừ, mi hầm ngon quá! Bà Hầu tước nói. Nếu bát nước hầm này cứu được người phụ nữ khốn khổ thì bà ta sẽ được cứu sống! Nhưng bà Hầu tước hạ thấp giọng, ông biết đấy, bà ấy mệt nặng, chắc không thể sống được!
   Bố Cá Chép đưa tay ra. Với động tác ấy, ông muốn nói: “Chúng ta còn biết làm thế nào được chứ?”.
   Họ làm gì ư? Thì mỗi người một cách, họ cũng đã làm nhưng tai họa là một việc thường xảy ra với những người nghèo khổ, làm cho họ không còn thấy ngạc nhiên và cũng không phản ứng nữa! Ở trên đời này, ai trách được tai họa kia chứ? Bạn hôm nay, tôi ngày mai, thế thôi! Bố Cá Chép đã múc bát nước hầm cho bà Hầu tước. Bà cẩn thận mang về, không để rơi vãi một giọt. Bà quỳ gần bên nệm, nói với người bệnh.
   - Bà húp một miếng! Đừng cử động, hãy há miệng!
   Rất cẩn thận bà đổ một thìa nước hầm vào trong miệng người bệnh. Người bệnh không nuốt được, lại nôn ra và một cơn choáng kéo dài hơn lần trước, lại đến! Đúng thế, nước hầm không hợp với người bệnh! Bà Hầu tước nhận thấy vậy. Để khỏi lãng phí, bà bắt Perin uống bát nước hầm.
   - Cháu cần phải có sức! Phải cố gắng! Cháu ạ!
   Với bà Hầu tước bát nước hầm là phương thuốc chữa bách bệnh. Bây giờ, bà không còn thấy hiệu nghiệm nữa thì bà cũng bó tay! Bà không còn nghĩ được cách gì hay hơn là đi gọi ông thầy thuốc. Có thể ông ấy sẽ làm được việc gì chăng! Tuy ông thầy thuốc vẫn kê đơn, nhưng khi ra về, ông đã nói thẳng với bà Hầu tước rằng ông không thể cứu được người bệnh:
   - Đây là một phụ nữ kiệt sức vì đau khổ, đói rét, phiền muộn và mệt nhọc. Nếu đi tàu, bà ấy sẽ chết trên tàu. Bây giờ chỉ còn tính giờ thôi! Có lẽ một cơn choáng sẽ đón bà ấy đi!
   Tuy thầy thuốc nói chỉ tình giờ nhưng không phải thế! Sự sống với tuổi già dễ tắt ngấm thì sức chịu đựng của tuổi trẻ dai hơn! Người bệnh không nuốt được cả nước hầm lẫn thuốc men, tuy tình trạng sức khỏe không khá hơn, cũng chẳng xấu đi! Bà ta nằm dài, vẫn thoi thóp trên nệm, không cử động, gần như không thở, trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê.
   Vì thế, Perin vẫn hy vọng. Ý nghĩ về cái chết ám ảnh những người lớn tuổi. Họ gặp cái chế ở khắp nơi, rất gần tuy nó đang còn ở xa. Tuổi trẻ thì không thể chịu nổi, từ chối không muốn nhìn nó, dù lúc ấy, nó đe dọa ngay trước mắt! Tại sao mẹ không lành bệnh? Tại sao mẹ phải chết? Đến năm sáu chục tuổi người ta mới chết mà mẹ chưa đến ba mươi! Mẹ làm gì nên tội mà phải chết yểu kia chứa? Mẹ là người phụ nữ dịu hiền nhất, người mẹ rất mực thương con, suốt đời tốt với chồng, con và mọi người!
   Không thể như thế được. Trái lại, mẹ sẽ lành bệnh! Perin tìm ra được những lý lẽ tốt nhất để chứng minh. Ngay trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mê của bà mẹ, em cũng cho đó là cách nghỉ ngơi rất tự nhiên sau những ngày mệt nhọc và thiếu thốn. Mặc dù vậy, khi quá xốn xang vì lo ngại, em vẫn hỏi ý kiến bà Hầu tước. Bà này trấn an em, vì bà cũng đang hy vọng:
   - Mẹ cháu không thể chết được. Bà đã thoát được cơn choáng đầu tiên rồi mà!
   - Có đúng thế không ạ?
   - Hạt Muối và Bố Cá Chép cũng nghĩ như vậy!
   Bây giờ, được người ta động viên và cũng tự trấn an mình nên Perin có thể yên tâm về tình trạng bà mẹ. Nỗi lo lắng lớn nhất của em là tự hỏi số tiền ba mươi phờrăng của La Rucơri đến hôm nào thì hết? Những chi tiêu của mẹ con em, dù cố dè xẻn mấy đi nữa, vẫn khi thì khoản này, khi thì khoản nọ và còn những chi tiêu bất thường nữa, cứ làm mòn nhanh chóng số tiền kia! “Tiền vào nhà khó, như gió vào nhà trống” bay đi rất nhanh! Khi tiêu hết đồng xu cuối cùng, thì hai mẹ con em sẽ đi đâu? Tìm đâu ra chút ít tiền vì mẹ con em có còn gì nữa đâu! Thật vậy, chẳng còn chút gì, ngoài mấy cái quần rách tơi tả. Làm sao hai mẹ con em đến Marôcua được chứ?
   Một buổi chiều, Perin đang ở trong trạng thái lo ngại, bàng hoàng thì cảm thấy bàn tay bà mẹ mà em đang nắm bổng siết chặt tay em.
   - Mẹ cần gì? Trở về với thực tại, em vội vàng hỏi.
   - Nói chuyện với con! Vì đã đến lúc mẹ phải trối trăn rồi!
   - Ối! Mẹ ơi!
   - Đừng ngắt lời mẹ, con thân yêu, hãy cố gắng đừng xúc động quá mạnh, cũng như mẹ, không để cho nỗi thất vọng lấn át. Mẹ cũng muốn làm cho con đừng lo sợ, vì thế hôm nay, mẹ vẫn im lặng. Mẹ không muốn con đau khổ, nhưng mẹ phải nói, dầu là chuyện ấy rất đau lòng cho hai mẹ con ta! Mẹ sẽ là một bà mẹ tồi, yếu đuối và hèn nhát. Ít nhất là dại dột nếu còn chần chừ! Bà mẹ nghỉ một lát, vừa để thở vừa để cho những ý nghĩ chập chờn được sáng tỏ:
   - Chúng ta phải xa nhau!
   Perin nức nở, vì không thể chịu đựng nổi nữa!
   - Ừ, thật là dễ sợ, con thân yêu, tuy nhiên mẹ tự hỏi có phải như thế là tốt cho con không? Con sẽ được giới thiệu là một cô bé mồ côi chứ không phải có một bà mẹ mà người ta xua đuổi! Dẫu sao trời đã muốn thế, con sẽ ở lại một mình trên đời. Trong vài phút nữa, hoặc là ngày mai…
   Sự xúc động ngắt lời bà mẹ. Một lát sau, bà lại nói:
   - Khi mẹ không còn nữa, có những thủ tục phải làm. Con hãy lấy trong túi áo mẹ tờ giấy bọc trong hai lớp lụa và con đưa cho những ai hỏi con: Đó là giấy hôn thú trong đó có tên mẹ và tên cha con! Con xin người ta trả lại cho con vì nó rất cần thiết để sau này xác nhận việc khai sinh của con. Con phải giữ thật cẩn thận. Tuy nhiên, con cũng có thể làm mất, con phải học thuộc lòng, để đừng bao giờ quên! Cái ngày mà con đưa trình tờ giấy ấy, con xin một bản sao. Con nghe rõ mẹ nói chứ? Con có nhớ hết những gì mẹ nói với con không?
   - Thưa mẹ, có ạ.
   - Con sẽ khổ, bị tê liệt, nhưng đừng nản lòng! Khi con chẳng còn gì để làm ở Paris, ở đây con sẽ trơ trọi, cô đơn! Con phải đến Marôcua! Nếu có đủ tiền để mua vé, con đi xe lửa. Nếu không có đủ tiền thì con đi bộ. Thà con nằm ngủ bên vệ đường, nhịn đói, còn hơn là ở lại Paris. Con hứa với mẹ chứ?
   - Con xin hứa!
   - Tuy hoàn cảnh của chúng ta thật là khủng khiếp, nhưng đối với mẹ thật là nhẹ nhõm khi nghĩ mọi việc rồi sẽ xảy ra như thế!
   Thế nhưng sự “nhẹ nhõm” ấy không đủ mạnh để lướt một cơn choáng mới! Trong một thời gian khá lâu, bà mẹ không thở, không nói, không cử động. Perin cúi xuống người mẹ, run rẩy lo lắng, luống cuống vì thất vọng.
   - Mẹ ơi! Mẹ ơi!
   Tiếng gọi ấy làm bà mẹ hồi tỉnh:
   - Hồi nãy, bà thì thầm, đứt quãng – Mẹ còn phải dặn con vài điều nữa! Mẹ phải làm việc ấy, nhưng mẹ không nhớ đã nói gì với con rồi! Con đợi một lát nhé!
   Một lát sau, bà lại nói:
   - Thế này nhé, ừ thế đấy… Con đến Marôcua. Đừng vội vàng, con không có quyền đòi hỏi gì hết! Con sẽ nhận được cái gì do tự con, tự ở con mà thôi! Con phải tốt bụng, làm sao cho người ta yêu con… Người ta không thể nào ghét con gái của mẹ! Thế là chấm dứt hoạn nạn.
   Bà mẹ chắp tay lại và cái nhìn của bà có vẻ xuất thần.
   - Mẹ thấy con… ư, thấy con sung sướng! Mẹ ước ao được chết với ý nghĩ ấy và hy vọng hình ảnh của mẹ sống mãi trong trái tim con!
   Bà thành khẩn nói những lời ấy như lời cầu nguyện. Rồi kiệt sức, vì đã cố gắng, bà lại rơi mình xuống tấm nệm, bất động. Nhưng bà không ngất vì còn thở thoi thóp.
   Perin đợi một lát, thấy mẹ vẫn ở trong trạng thái ấy, em rời khỏi buồng. vừa đến khoảng đất rào kín, em khóc nức nở và gieo mình trên cỏ. Hình như quả tim, cái đầu, đôi chân em đều bị tê liệt vì đã tự kiềm chế quá lâu! Trong vài phút, Perin đứng đó, kiệt quệ, nghẹn ngào! Mặc dù ở trạng thái vô tri vô giác, em vẫn ý thức được rằng em không nên để mẹ nằm một mình. Perin đứng dậy, cố gắng trấn tĩnh một chút, ít nhất là ngoài mặt. Em giữ cho nước mắt khỏi tuôn trào và nén những cơn nấc tuyệt vọng. Bóng tối trùm lên khu bãi. Perin đi mà chẳng biết em đi đâu, thẳng tiến về phía trước, hay cứ loanh quanh một chỗ! Em cố giữ mình để đừng khóc to nhưng lại càng nức nở! Perin đi ngang chiếc xe goòng, có lẽ lần này là lần thứ mười. Bác bán kẹo kéo vẫn theo dõi em từ trước, ra khỏi nhà, tay cầm hai cái kẹo, đến gần và nói với giọng thông cảm.
   - Cháu có chuyện buồn.
   - Ối, bác ơi!
- Cháu cầm lấy! Ông ta đưa hai cái kẹo cho Perin. Những của ngọt này rất tốt khi người ta có chuyện buồn phiền.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

6#
 Tác giả| Đăng lúc 11-11-2011 23:57:09 | Chỉ xem của tác giả
                                              Phần II : GIÃ TỪ CÕI CHẾT

Cầu kinh siêu độ xong, vị cố đạo rời khỏi nghĩa địa. Bà Hầu tước vẫn ở bên cạnh Perin, còn đứng trước ngôi mộ. Bà đưa cánh tay quàng lưng em và nói:
   - Ta đi về chứ!
   - Ôi, bác ơi!
   - Nào! Phải đi về thôi! Bà nhắc lại, như ra lệnh, rồi nắm cánh tay Perin, kéo đi.
   Họ đi như thế, Perin không hay biết những gì đang xảy ra chung quanh và người ta sẽ dẫn em đi đâu! Tất cả ý nghĩ, tình cảm, sự sống, em đã để lại nơi mẹ.
   Họ dừng lại trong một con đường vắng. Bà Hầu tước đã thả tay em. Perin thấy Hạt Muối, Bố Cá Chép và bác bán kẹo kéo ở bên cạnh. Em nhận ra họ một cách lờ mờ: Bà Hầu tước đội mũ có ru băng đen. Hạt Muối ăn mặc chỉnh tề và đội chiếc mũ cao. Bố Cá Chép đã thay chiếc tạp dề muôn thuở, để mặc chiếc áo choàng xẻ vạt, màu hạt dẻ, dài đến chân. Bác bán kẹo kéo mặc chiếc vét bằng da. Bọn họ, những người Paris chính cống, trọng vọng sự từ biệt, đã mặc lễ phục để đi dự đám tang.
   Là người quan trọng nhất trong nhóm, Hạt Muối lên tiếng trước:
   - Cháu ạ, bác cho cháu hay là cháu không phải trả tiền buồng. Cháu muốn ở lại bãi Guylô bao lâu cũng được.
   - Nếu cháu muốn đi với bác, cháu sẽ kiếm đủ sống. Cũng là một nghề hay đấy chứ! Bà Hầu tước tiếp theo.
   Bác bán kẹo cũng nói:
   - Cháu thích làm bánh kẹo không? Bác sẽ nhận cháu. Nghề này cũng hay lắm mà là một nghề chân chính đấy!
   Bố Cá Chép không nói nhưng nụ cười trên cái miệng ngậm tăm và một cử chỉ của bàn tay như đưa mới, ông lão đã nói rõ cho mọi người hay sự dự định giúp đỡ của ông. Khi nào cô bé cần một tách nước hầm tuyệt ngon, mời đến gặp ông lão.
   Những đề nghị xâu chuỗi ấy làm cho Perin không cầm được nước mắt. Cái ngọt ngào của những giọt nước mắt đã chảy hai hôm nay, đốt cháy ruột gan em!
   - Ôi, các bác thương cháu quá! – Perin thì thầm.
   - Chúng tôi có thể giúp được gì chúng tôi sẵn sàng thôi! Hạt Muối nói.
   - Không thể để một cô gái ngoan như cháu bơ vơ giữa Paris này – Bà Hầu tước nói thêm.
   - Cháu không ở Paris đâu. Cháu phải đi ngay đến nhà bà con cháu!
   - Cháu có bà con? Hạt Muối ngắt lời, trong lúc nhìn những người khách với dáng điệu như muốn nói những người bà con ấy cũng chẳng đáng giá bao nhiêu – Bà con cháu ở đâu?
   - Ở quá Amiêng.
   - Cháu đi Amiêng bằng cách nào? Cháu còn tiền không?
   - Cháu không có đủ tiền để đi tàu hỏa, vì vậy cháu sẽ đi bộ.
   - Cháu biết đường chứ?
   - Cháu có một bản đồ trong túi.
   - Bản đồ có chỉ cho cháu con đường giữa Paris để đến Amiêng không?
   - Không, nhưng nếu bác chỉ cho cháu.
   Ai cũng nhiệt tình muốn chỉ cho cô bé đường đi Amiêng. Có những ý kiến trái ngược làm cô bé lẫn lộn. Hạt Muối ngăn lại:
   - Cháu muốn lạc đường thì cứ nghe các ông, các bà ấy. Này, hãy mua chiếc vé sau xu, đón chuyến tàu hỏa vòng quanh thành phố đến Nhà Thờ phía Bắc. Đến đó, cháu sẽ tìm thấy đường đi Amiêng. Cháu chỉ việc đi thẳng một mạch. Khi nào cháu đi!
   - Ngay bây giờ! Cháu đã hứa với mẹ cháu đi ngay mà!
   - Cháu phải vâng lời mẹ cháu, - Bà Hầu tước nói – Hãy đi đi! Nhưng để cho bác hôn cháu đã! Cháu là một cô gái dũng cảm!
   Những người đàn ông bắt tay. Em bé Perin chỉ còn việc ra khỏi nghĩa địa. Thế nhưng em do dự và định quay trở lại chỗ ngôi mộ mẹ. Vừa lúc ấy, bà Hầu tước đoán được ý nghĩ của em, can thiệp:
   - Sao vậy? Cháu phải đi Amiêng? Thế thì đi ngay đi! Như thế tốt hơn!
   - Ừ, cháu đi đi! Hạt Muối tiếp lời.
   Perin đưa bàn tay, gởi cả tấm lòng biết ơn, cúi đầu chào từ biệt. Em rời khỏi nơi đó, bước vội vàng, lưng rướn ra phía trước, như là đang chạy trốn!
   - Tội nghiệp con bé!
   Khi Perin lên ngồi trên chiếc xe lửa đi quanh phố em lục trong túi áo, lấy chiếc bản đồ cũ kỹ quả nước Pháp. Từ dạo rời nước Ý, em đã sử dụng cái bản đồ này. Đường đi từ Paris đến Amiêng rất dễ. Chỉ cần theo đường Cale ngày xưa, những xe thư thường đi theo con đường ấy, nên có một gạch đen nhỏ trên bản đồ. Đến Amiêng thì đi đường Bulônhơ. Em tính khoảng cách từ đó đến Marôcua phải ngót một trăm năm chục cây số. Nếu mỗi ngày đi ba chục cây số thì phải sáu ngày mới đến nơi! Nhưng làm thế nào để đi ba chục cây số một ngày, rồi ngày mai lại đi tiếp ba chục cây số nữa?
   Perin đã quen đi bộ bên cạnh Palica hết dặm này đến dặm nọ. Em thấu hiểu đi bên cạnh con lừa khác với việc đi ba chục cây số một mình, hết ngày này qua ngày khác! Đôi chân sẽ bị tê liệt, đầu gối cứng đờ. Với lại thời tiết sẽ như thế nào trong sáu ngày ấy? Trời quang, mây tạnh luôn không? Trời nắng, em có thể đi dầu nắng mấy cũng được. Nhưng nếu trời mưa? Em sẽ làm thế nào vì chỉ có một bộ áo quần rách như xơ mướp để che thân. Em có thể nằm ngủ dưới một gốc cây trong đêm hè đẹp trời. Tán lá che được sương sa, nhưng khi mưa thì những hạt mưa qua kẽ lá, to hơn hạt mưa ở giữa trời!
   Ướt thì em vẫn thường bị ướt. Đến cả một cơn mưa rào, Perin cũng không sợ! Nhưng làm thế nào để có thể chịu ướt trong sáu ngày, từ sáng đến chiều, và từ chiều đến sáng?
   Khi Perin trả lời với Hạt Muối không có đủ tiền để đi tàu lửa, em muốn nói có đủ tiền để đi bộ, nếu không quá dài ngày.
   Thật ra, Perin có năm phờrăng ba mươi lăm. Khi rời khỏi bãi Guylô. Em vừa trả mất sáu xu vé tàu. Bây giờ em còn năm phờrăng và một xu nằm trong túi cái váy em đang mặc. Mỗi lần Perin cử động mạnh, em nghe tiếng tiền kêu! Phải làm sao cho số tiền này đừng hết! Nó phải giúp em đi đến nơi. Hơn thế nữa, nó còn phải giúp em sống vài ngày ở Marôcua. Có thể được như thế không nhỉ?
   Perin không giải đáp được câu hỏi liên quan. Khi nghe báo: “Ga Nhà Thờ” em xuống tàu, tìm ngay con đường đi Xanh Đơni.
   Bây giờ, chỉ còn việc đi thẳng về phía trước. Còn hai, ba giờ nữa mặt trời mới lặn. Em hy vọng đến lúc ấy, đã đi khá xa Paris để có thể nằm ngủ giữa cánh đồng. Chuyện ấy đối với em càng tốt.
   Thế nhưng, trái với sự chờ đợi của Perin, liên tục nhà máy này nối tiếp xưởng máy nọ. Xa xa, trong cánh đồng, em đã nhìn thấy những mái nhà và những ống khói cao đang nhả những luồng khói đen thui như trong cơn lốc. Từ các nhà máy, nhà xe, xưởng máy, tỏa ra những tiếng ồn ào dữ dội. có những luồng hơi nước thoát ra… Trong lúc ấy, cũng trên con đường này, trong đám mây bụi dày đặc, màu vàng hoe, những chiếc xe vận tải, xe bò, tàu điện nối đuôi nha hay đi ngược chiều thành hàng dài. Trên những chiếc xe bò ấy có những tấm bạt với dòng chữ “Xưởng Marôcua, Vunphran Panhđavoan” đã từng đập vào mắt em lúc ở Bécxy. Paris không bao giờ hết ư? Mình không ra khỏi đây chăng? Perin không sợ im lặng của ban đêm, những bí mật của bóng tối mà sợ Paris, những dãy nhà, đoàn người, ánh sáng của Paris.
   Một tấm biển xanh dính vào góc một ngôi nhà, cho Perin hay đã vào Xanh Đơni. Điều ấy làm cho em tin tưởng. Sau Xanh Đơni, ắt là đến vùng thôn quê. Tuy Perin không đói nhưng em nghĩ nên mua một miếng bánh để ăn trước khi ngủ nên vào một hiệu bánh.
   - Bà làm ơn bán cho cháu nửa ký bánh.
   - Có tiền không? Mụ bán bánh hỏi vì không tin em bé ăn mặc rách rưới này.
   Mụ đang ngồi sau quầy hàng. Perin để đồng năm phờrăng lên quầy.
   - Đây là đồng năm phờrăng. Xin bà trả lại tiền lẻ cho cháu!
   Trước khi cắt bánh, mụ ta cầm đồng năm phờrăng, quan sát kỹ.
   - Cái gì thế này? Mụ ta hỏi trong lúc dằn đồng bạc trên mặt đá của quầy hàng.
   - Bà thấy rõ rồi chứ? Đó là đồng năm phờrăng.
   - Đứa nào xui mày để mày dám đem đồng năm phờrăng này đưa cho bà?
   - Không ai cả! Cháu nói lại, bà bán cho cháu nửa ký bánh để ăn tối.
   - Thế thì mày không có bánh đâu? Xéo nhanh lên, nếu mày không muốn bà báo cho cảnh sát bắt mày!
   Perin không phải là đối thủ của mụ ta. Em ấp úng:
   - Tại sao lại báo cho họ bắt cháu?
   - Bởi vì mày là một con ăn cắp!
   - Ối, bà ơi!
   - … Mày muốn đưa cho bà một đồng bạc giả. Có trốn đi không, đồ ăn cắp, đồ du đãng! Cứ đợi đấy một lát, bà sẽ đi gọi một ông cảnh sát đến cho mà xem!
   Perin biết mình không phải là con ăn cắp nhưng em không biết đồng năm phờrăng này thật hay giả! Còn du đãng thì đúng quá bởi vì em chẳng có chổ ở cũng chẳng có bố mẹ, bà con! Nếu cảnh sát hỏi, Perin sẽ trả lời thế nào đây? Rồi họ sẽ làm gì em? Nhanh như tia chớp, những câu hỏi ấy hiện lên trong trí óc em. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nguy nan Perin vẫn nghĩ đến đồng năm phờrăng trước khi nghĩ đến việc bị bắt.
   - Nếu bà không muốn bán cho cháu thì ít nhất bà cũng trả lại đồng năm phờrăng cho cháu, Perin vừa nói vừa đưa bàn tay.
   - Để mày đi chổ khác, đưa đồng năm phờrăng này hả? Bà giữ đồng năm phờrăng của mày. Nếu mày muốn lấy lại, thì mày đi tìm một ông cảnh sát đến đây! Chúng tao sẽ cùng kiểm tra. Trong khi chờ đợi, hãy cút đi, đồ ăn cắp!
   Tiếng la hét của mụ bán bánh làm cho ba, bốn khách bộ hành dừng lại, tò mò, trao đổi với nhau:
   - Có chuyện gì thế
   - Cái con này muốn ăn cắp!
   - Khi người ta cần thì chẳng thấy bóng dáng cảnh sát.
   Hoảng hốt, Perin tự hỏi em có đi được không? Thế nhưng người ta cũng cho em đi. Những lời chửi rủa, la ó đuổi theo em. Em không dám chạy trốn, cũng không dám quay lại nhìn xem người ta có đuổi theo không? Sau vài phút đối với em như là vô tận, Perin đến cánh đồng, thở phào nhẹ nhõm vì đã vượt qua tất cả! Mình không bị bắt! Không còn nghe lời mắng chửi! thật ra, Perin có thể nói: không có cơm ăn, không có tiền, nhưng đó là chuyện tương lai! Với những người suýt chết đuối, khi choài được lên mặt nước, ý nghĩ đầu tiên của họ không phải là để tự hỏi tối nay và trưa mai họ được ăn gì?
Thế nhưng, sau khi được thấy mình thoát nạn, cái ý nghĩ về bữa ăn ám ảnh Perin dữ dội! Không phải em chỉ sợ cho chiều hôm nay mà còn ngày mai và những ngày tiếp theo. Perin không còn quá ngây thơ để tưởng tượng nỗi buồn phiền sẽ nuôi em sống. Em hiểu người ta không thể nhịn đói mà đi. Khi tính toán về chuyến đi, em chỉ nghĩ đến nỗi mệt nhọc ở dọc đường, cái rét lúc đêm xuống và cái nóng giữa ban ngày. Còn cái ăn đã có đồng năm phờrăng! Em chỉ còn một xu! Làm thế nào để mua được nữa ký bánh cần dùng hàng ngày! Em lấy gì để ăn?
   Tự nhiên, Perin đưa mắt nhìn quanh hai bên đường đi và trong đám ruộng. Ánh nắng hoàng hôn trải trên đám lúa mì mới phơi màu. Những cây củ cải đường xanh mơn mởn và những cây linh lăng thảo, xa tiền thảo thì chẳng ăn được! Với lại, nếu những đám ruộng ấy trồng dưa có quả chín, hay dâu sai quả thì cũng chẳng có ích gì? Em không thể đưa tay ra hái trộm dưa hay quả dâu! Em không thể là ăn cắp, ăn xin, du đãng. Ôi, Perin muốn gặp một con bé cũng khổ sở như em để hỏi xem tụi du đãng lấy dì mà sống trên con đường dài, qua những xứ sở văn minh! Ở trên đời còn có ai khốn khổ, cực nhục hơn Perin? Cô đơn không cơm ăn, nhà ở, không có người nâng đỡ, rã rời, kiệt sức, nghẹt thở. Toàn thân nóng ran như đang bị sốt vì buồn phiền.
   Thế nhưng Perin vẫn phải đi, tuy chẳng hiểu khi đến nơi, người ta có mở cửa đón mình không? Làm thế nào mà đi đến nơi được nhỉ?
   Trong đời sống hàng ngày, tất cả chúng ta đều có những giờ phút dũng cảm hoặc thất vọng. Những lúc ấy, cái gánh mà chúng ta phải mang tự nhiên nặng hay nhẹ hơn. Với Perin, buổi chiều tối thường làm em buồn vô cớ. Cái gánh càng nặng hơn khi bỏ thêm vào đó những nỗi đau khổ em vừa mới trải qua, mà trong lúc này, em đang phải gánh. Chưa lúc nào Perin thấy lúng túng vì phải quyết định. Như một ngọn nến bập bùng, có thể tắt ngấm trước gió, em nghiêng ngả bên này, bên kia như một người say không thể gượng nổi. Buổi chiều, hè đẹp trời, không một gợn mây, một làn gió càng buồn với em. Buổi chiều ấy dịu dàng, đối với những người khác, những bác nông dân đang ngồi trước cửa, hân hoan sau một ngày làm việc. Buổi chiều ấy tươi vui, đối với những người lao động ngoài đồng ruộng. Trở về, đang hít thở mùi xúp ngon lành của bữa cơm chiều. Bầy ngựa cũng đang nhanh chân về chuồng để nghỉ ngơi trước máng cỏ đầy ắp.
   Khi Perin ra khỏi làng thì em ở giữa hia con đường lớn đều đi đến Cale; một đường đi Êcuăng, một đường đi qua MoaDen, theo tấm biển chỉ đường em đi theo con đường Êcuăng, Perin vẫn muốn đi nữa, tuy bắp chân đã mõi nhừ và đôi chân đau buốt. Buổi chiều tối mát mẻ, vắng lặng làm em cảm thấy yên tâm hơn buổi sáng. Trên đường đi, chẳng ai thèm để ý đến em. Nhưng nếu đi ngay bây giờ, em sẽ phải dừng lại, khi đã quá mệt. Lúc ấy, không thể chọn được một chổ tốt trong đêm tối! Chắc chắn em đành phải nằm ngủ trên lề đường hay trong một đám ruộng gần đấy. Như thế, thì không yên tâm được! trong hoàn cảnh này, cốt làm sao cho tấm thân trẻ dại được an toàn, mong gì sự thoải mái! Perin nghĩ nên lợi dụng lúc trời còn sáng, tìm một chỗ để trú ẩn và nằm ngủ để nghĩ ngơi.
   Loài chim đi ngủ sớm. Khi trời còn sáng hẳn là để chọn nơi trú ẩn tốt! Perin phải noi gương các con thú vật vì em đang sống như chúng.
   … Đến lúc chỉ nhìn thấy cảnh vật lờ mờ, và chờ không có tiếng động trên đường, Perin lướt nhẹ, bò qua đám atisô đến túp lều. Em không thể tưởng tượng nó được sắp xếp chu đáo đến thế! Có một lớp rơm dày phủ trên nền đất và một bó sậy làm gối.
   Từ Xanh Đơni, Perin như con thú bị vây bắt. Nhiều lần, em quay đầu xem cảnh sát có bám gót và bắt giữ để làm sáng tỏ câu chuyện đồng năm phờrăng của em? Trong túp lều, dây thần kinh của em được giãn ra. Trên đầu Perin có một mái nhà, từ đó tỏa xuống sự êm dịu. một cảm giác yên tĩnh lẫn tin cậy nâng đỡ em. Không phải em đã mất hết đâu! Chưa phải là tất cả đã chấm dứt!
   … Perin nhắm mắt lại. Từ dạo cha em qua đời, mỗi khi ngủ, em liên tưởng hình ảnh người cha. Tối nay, bên người cha, có hình ảnh người mẹ mà em vừa tiễn ra nghĩa địa trong cái ngày ghê sợ này! Perin thấy cha mẹ cúi xuống, hôn em như lúc cha mẹ còn sống. Em nấc lên, rồi kiệt sức vì mệt mỏi, kiệt sức hơn nữa vì quá cảm động, em ngủ thiếp. Tuy rất mệt, giấc ngủ của Perin vẫn chập chờn. Thỉnh thoảng, tiếng xe lăn bánh trên đường cái làm em tỉnh giấc. Một con tàu hỏa đi qua hay một tiếng động bí mật của đêm tối cũng làm tim em đập mạnh. Rồi em nằm ngủ lại. Nếu Perin biết lúc ấy là mấy giờ thì có lẽ em còn nằm ngủ lại đến bình minh. Nhưng vì không biết giờ giấc, nên em nghĩ lên đường ngay là cẩn thận nhất. Ở nông thôn, người ta dậy sớm. nếu sáng hôm sau, một bác nông dân nào đó thấy em từ túp lều đi ra, thì phiền lắm!
Thế là Perin trườn khỏi túp lều, rồi bò ra khỏi đám ruộng. Em căng tai nghe ngóng, dõi mắt trông chừng. Em đã đến đường cái an toàn rồi lại tiếp tục đi với những bước chân vội vã. Trên nền trời không gợn mây, chi chít những ngôi sao đã mờ nhạt. Về phía đông, một ánh sáng yếu ớt dộ qua những sâu thẳm của đêm tối! Bình minh sắp đến! Perin không phải đi lâu. Em đã nhìn thấy, trước mặt, trên nền trắng của bầu trời, một đám đen lờ mờ, in trên một phía các mái nhà, những ống khói và một lầu chuông. Trong lúc đó, phía bên kia, tất cả chìm trong bóng tối.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

7#
 Tác giả| Đăng lúc 11-11-2011 23:58:23 | Chỉ xem của tác giả
Khi đến những ngôi nhà đầu tiên, theo bản năng, Perin đi rất êm. Nhưng sự đề phòng ấy thầt là vô ích! Tất cả còn đang ngủ. Ngoài đường chỉ có mấy con mèo hoang. Em đánh thức vài con chó đang đứng sau những cánh cửa khóa kín, và đang sủa. Ở đây chẳng khác gì một làng xóm của những người chết. Perin đi ngang qua một đám linh lăng thảo, mà người ta vừa mới cắt xong, đem chất những bó nhỏ trên mắt đất bằng phẳng làm thành những đống đen thui. Em vượt qua đường, moi trong dám cỏ ấy một chổ để nằm ngủ. Hơi ấm dịu dàng, đượm hương thơm của cỏ, bao bọc em. Cánh đồng hoang vắng, không có tiếng động, tiếng ồn, tất cả như đang còn ngủ. Dưới ánh sáng tỏa ra  từ phương Đông, cánh đồng như mênh mông, bát ngát. Được nghỉ ngơi, nằm trong hơi ấm, và cũng nhờ hương thơm của thứ cỏ khô ấy là dịu bớt nỗi buồn nôn vì Perin quá đói. Lát sau, giấc ngủ đến với em.
   … Sau giấc ngủ ngon, Perin cảm thấy khỏe khoắn và đi thêm vài cây số, khá tươi tỉnh. Bây giờ, em lại thấy đói, dạ dày co thắt làm em choáng váng. Em váng óc, ngáp dài và thấy đau buốt hai bên thái dương. Khi đã leo lên dỉnh một cái dốc cao thì em nhìn thấy ở sườn đồi bên kia, có những mái nhà nhỏ của một lâu đài đồ sộ nhô lên trên khu rừng. Lúc ấy, Perin quyết định đi mua một miếng bánh. Em đang còn một xu trong túi. Tại sao không dùng mà chịu nhịn đói. Thật ra, khi tiêu hết đồng xu này, em sẽ không còn gì hết! Nhưng biết đâu một sự tình cờ may mắn lại không đến giúp em. Có nhiều người nhặt được tiền trên đường đi. Có thể em cũng gặp cái may ấy, bởi vì đã gặp rủi quá nhiều rồi! Đó là không kể những hoạn nạn đã vùi dập em.
   Perin nhìn kỹ đồng xu của mình để xem có phải là đúng là tiền thật không? Khốn thay, em nào biết những đồng xu thật ở nước Pháp khác những đồng xu giả như thế nào? Bởi vì thế khi vào hiệu bánh đầu tiên em gặp, em hồi hộp, lo sợ cái sự việc bất ngờ đã xảy ra ở Xanh Đơni, lại tái diễn ở đây! Em nói:
   - Xin ông làm ơn cắt cho cháu một xu bánh!
   Không trả lời, ông ta lấy trên quầy một chiếc bánh nhỏ một xu, đưa cho Perin. Đáng lẽ, đưa tay đón lấy, em do dự:
   - Cháu không cần bánh mới ra lò. Xin ông cắt bánh cũ cho cháu! Em lại nói.
   - Đây, cầm lấy!
   Ông ta đưa cho Perin một miếng bánh mà chẳng cần cân, đã nằm lăn lóc trên quầy hàng từ hai, ba hôm nay. Nhưng bánh cũ cũng được! Cái quan trọng là miếng bánh này to hơn miếng bánh nhỏ một xu và thật thế, nó to ít nhất là gấp đôi!
   Khi Perin cầm miếng bánh trong tay, miệng em tứa đầy cả nước bọt. Tuy thèm ăn lắm, nhưng em muốn đợi ra khỏi làng. Rời khỏi những ngôi nhà. Cuối cùng, em lấy con dao trong túi, vẽ một chữ thập trên miếng bánh, để chia bốn phần bằng nhau. Em cắt nhỏ một miếng: đó là bữa ăn duy nhất của ngày hôm ấy. Em để dành ba miếng cho những ngày sau. Em tính toán, dù mấy miếng bánh quá bé nhỏ, chúng cũng sẽ đưa em đến vùng gần Amiêng.
   Khi đi qua làng. Perin đã làm con tính ấy. Việc thực hiện cũng rất đơn giản, dịu dàng đối với em. Nhưng khi vừa nuốt một mẩu của miếng bánh nhỏ bé, em đã cảm thấy những lý lẽ mạnh nhất ở trên đời này, chẳng có quyền lực gì đối với cái đói! Trong cái đáng làm và không nên làm là những nhu cầu của chúng ta quy định cũng thế! Em đang đói. Thế thì em phải ăn! Và em nhai ngấu nghiến miếng bánh thứ nhất. Em tự nhủ, sẽ nhấm nháp miếng bánh thứ hai lâu hơn. Nhưng miếng bánh ấy cũng được ngốn rất nhanh, và miếng bánh thứ ba theo miếng bánh thứ hai. Em không tự chủ được, tuy đã tự nhủ hãy ngừng lại.
   Cái gì xảy ra sao cái đói đó là cái khát. Perin cảm thấy cổ họng khô khốc. Buổi sáng thật là nóng nực. Ngọn gió nam thổi làm mồ hôi ra như tắm và người em nóng như lửa. Người ta thở ra cái không khí như thiêu như đốt. Dọc theo hai lề đường, những hoa bìm bìm màu hồng, những hoa cải màu xanh nhạt, đang tàn úa trên những cành mềm héo của chúng.
   Lúc đầu Perin không hề lo lắng về cái khát. Nước có sẵn cho mọi người! Em không phải vào hiệu để mua nước! Khi có một con sông hay một máy nước, em chỉ có việc quỳ gối xuống, hay khom mình để uống thoải mái.
   Nhưng chính lúc này, Perin đang ở trên cao nguyên của vùng “Hòn Đào nước Pháp”. Từ RuyĐnông đến Thevơ không có sông!
   Tiếp theo Êcuăng, trong cái làng bé nhỏ mà em vừa đến, Perin đã nhìn mãi hai bên đường mà vẫn không thấy cái máy nước “thần tiên” mà em chờ đợi! Ai cũng có giếng riêng hay giếng của bác láng giềng. Thế là đủ rồi! Còn ai nghĩ đến những người đi lang thang thường bị khát, để đặt máy nước?
   Trên con đường trắng xóa, không có cây cối, trời nóng như thiêu đốt. Ngọn gió cuốn bụi mù mịt bao phủ Perin. Cái khát càng làm thêm khó chịu. Đã lâu rồi, em không có nước bọt trong miệng! Cái lưỡi khô cứng làm em như đang ngậm một vật gì trong mồm. Để khỏi ngạt, Perin há miệng, làm như thế cái lưỡi lại càng khô hơn, họng càng cứng hơn! Kiệt sức, Perin nghĩ nên bỏ đá sỏi vào mồm, những hòn đá sỏi láng bóng mà em có thể nhặt trên đường đi – Chúng sẽ cho em một chút ẩm ướt, làm cho lưỡi mềm hơn, nước bọt bớt dính.
   Lòng can đảm trở lại với Perin, đồng thời là niềm hy vọng. Trong khi vượt biên giới, em đã biết trước Pháp không phải là bãi sa mạc thiếu nước. Cứ nhẫn nại rồi thế nào em cũng tìm thấy một con sông, một cái ao, một máy nước. Vả lại dẫu cái nóng vẫn ngột ngạt và ngọn gió như từ một lò than hồng thổi ra, nhưng mặt trời đã bị che lấp. Khi quay về phía Paris, em lại thấy trên bầu trời mây đen mù mịt, che phía chân trời, một cơn giông đang đến! Nó sẽ mang theo mưa và sẽ có nhiều vũng nước, những dòng nước ấy, Perin tha hồ mà uống.
   Một luồng gió mạnh thổi qua, hoa màu rạp cả xuống. Gió làm rung chuyển cây cối, cuốn luôn những hòn sỏi trên đường đi. Nó kéo theo trong cơn lốc: bụi, lá xanh, rơm, cỏ khô. Tiếng ồn ào của nó đã dịu bớt. Người ta nghe về phía nam, những tiếng sấm rền xa xa nối tiếp nhau như được khạc ra liên tiếp khắp nơi, về phía chân trời mù mịt, không thể chịu nổi sức xô đẩy dữ dội ấy Perin nằm úp bụng xuống cạnh đường. Em lấy tay che mặt và miệng. Những tiếng sấm dựng đứng em dậy. Lúc đầu, em sợ khát, em chỉ nghĩ đến mưa. Sấm vừa lay em, vừa làm cho em nhớ lại trong cơn giông không phải chỉ có mưa mà còn có những tia chớp chói mắt, những thác nước, mưa đá và những tiếng sét. Perin sẽ nấp vào đâu trong cánh đồng trống này? Nếu bị ướt, em làm thế nào cho khô?
   Perin nhìn thấy trước mặt, cách chừng hai cây số một bìa rừng, ở giữa có đường đi. Em nghĩ bụng có lẽ em sẽ tìm được một chỗ trú ẩn, một cái hầm hay cái hố để nấp.
Em có đến được khu rừng đó trước cơn giông không?
   Perin thở hổn hển, nhanh chân bước. Thỉnh thoảng em quay đầu về phía sau và thấy cơn giông trút quanh người em. Đám mây đên đi rất nhanh và những tiếng nổ đuổi theo vây em trong vòng hỏa. Nghiêng người về phía trước, để khuỷu tay sát vào hông, Perin chạy, vẫn dưỡng sức cho khỏi ngã. Nhưng càng chạy nhanh, cơn giông còn chạy nhanh hơn! Cái giọng dữ dội của nó hét trên lưng em là nó đã thắng! Trong trạng thái bình thường, Perin có thể chống cự mạnh hơn. Nhưng mệt mỏi, đuối sức, choáng váng, cái miệng khô khốc như lúc ấy, em không thể chống đỡ bằng một cố gắng tuyệt vọng. Có lúc hình như em hụt hơi.
   May thay, khu rừng nhích lại. Bây giờ, Perin phân biệt rõ những cây cao thưa thớt sau một vụ phá rừng. Chỉ còn vài phút nữa, Perin sẽ đến nơi. Ít nhất, em cũng sẽ gặp được bìa rừng, tìm được một chổ để nghỉ ngơi, chứ còn ở đây em không thể kiếm được một chổ như thế ngoài đồng. Chỉ cần niềm hy vọng cho em thấy một dịp may có thể thực hiện, dầu lờ mờ, cũng đủ cho em có thêm nghị lực. Đã bao lần, cha em nhắc nhỏ trong lúc hoạn nạn chỉ có những người phấn đầu bền bỉ mới có khả năng được cứu sống. Và Perin đã kịp đấu tranh. Ý nghĩ ấy nâng đỡ em, như có bàn tay của người cha đang nắm tay em dắt đi. Một tiếng khô khốc mạnh hơn những tiếng khác, như đóng đinh Perin xuống đất. Không gian tràn ngập những ngọn lửa. Lần này sấm không đuổi theo Perin, nó đã theo kịp và đang ở ngay trên đầu. Thế là em phải đi chậm lại, thà bị ướt còn hơn bị sét đánh.
   Perin chưa đi được hai chục bước thì trận mưa đã đổ xuống với những giọt nước to, dày đặc. Trận mưa rào bắt đầu, nhưng nó không kéo dài vì gió đẩy nó đi và những tiếng sấm đứt quãng chận nó lại. Cuối cùng, em đi vào khu rừng. Bóng tối đen nghịt không cho em nhìn thấy phía xa. Thế nhưng dưới ánh sáng của một tia sét, em trông thấy hình như ở gần đấy có một túp lều. Một con đường gồ ghề với những hố sâu dẫn đến đó.
   Những ánh chớp chỉ cho em thấy là đã không lầm. Đây là nơi trú ẩn của những người thợ rừng. Họ làm việc dưỡi mái lều lợp bằng những bó củi cành để che mưa nắng, còn phải đi năm chục bước, rồi mươi bước, em sẽ tránh được mưa. Em đã đến nơi. Kiệt sức, mệt nhừ vì đã chạy, cảm động đến nghẹt thở, em gieo mình trên lớp dăm bào gỗ che kín mặt đất. Perin chưa kịp thở thì một tiếng kêu răng rắc. Em tưởng như khu rừng sẽ bị lôi đi. Những cây to lớn trơ trọi, vì người ta chặt lớp cây nhỏ bên dưới, khom xuống. Cành cây chết rơi rụng khắp nơi, với những tiếng trầm lặng, đè bẹp nộc non mới nhú trên các thân cây đã chặt tiện. Ngay lúc đó, nước chảy như thác trên cái dốc mà các bác thợ rừng đã cho nghiêng về phía Bắc. Không để cho ướt, Perin chỉ việc đưa cánh tay hứng nước trong lòng bàn tay, uống cho đã khát.
   Bây giờ, em chỉ còn đợi cơn giông tạnh vì túp lều đã chống được hai cuộc tấn công của gió thì chắc nó có thể chịu nổi các đợt khác! Không có một ngôi nhà nào chắc chắn sánh cho nổi với túp lều bằng cây này. Ý nghĩ ấy làm cho Perin dễ chịu! Em đã trải qua những cố gắng, những thao thức, những nỗi sợ hãi ghê gớm, làm tê tái cả lòng dạ lẫn da thịt.
   Với một tình cảm nhẹ nhõm, tin cậy, mà lâu nay Perin chưa hề biết, mặc cho sấm sét vẫn gầm rú, mưa vẫn đổ xuống như thác, gió vẫn rít qua các hàng cây, bão dập ở trên không và trên mặt đất, em nằm dài trên đám dăm gỗ như nằm trên gối, ngủ.
   Phải chăng đây là một chân lý: Những người kiên trì phấn đấu đến cùng, sẽ được cứu thoát!
   Khi Perin tỉnh dậy, sấm không còn rền vang nữa! Mưa vẫn rơi nhẹ hạt và liên tục. Nước chảy như suối trong khu rừng làm rối loạn tất cả, em đành phải chờ đợi, không thể nghĩ đến việc tiếp tục cuộc hành trình.
   Chuyện ấy cũng chẳng có gì đáng cho em lo ngại, cũng chẳng làm cho em phật ý. Khu rừng yên lặng và tịnh mịch, không làm cho em lo sợ. Em đã yêu túp lều này vì nó khéo che chở em. Em vừa ngủ một giấc rất ngon ở đây. Nếu cần phải ở lại, nơi đây có lẽ tốt hơn những nơi khác. Trên đầu em có một cái mái và em có một cái giường khô ráo. Cơn mưa che lấp bầu trời nên Perin đã ngủ quên và chẳng hay biết về thời gian trôi qua. Lúc này, em không có một ý niệm về giờ giấc nhưng cái đó không quan trọng! Đến chiều em sẽ biết!
   Từ khi rời khỏi Paris, Perin không có thời gian và cũng không có dịp để tắm rửa. Trên đoạn đường đi, ngọn gió giông đã mang cát, bụi phủ một lớp dày từ đầu đến chân em, làm hỏng cả da. Bây giờ, chỉ còn một mình, em lại thấy nước chảy quanh túp lều, trong cái rãnh. Đây là thời gian thuận lợi vì cơn mưa kéo dài, chẳng có ai đến quấy rầy em.
   Trong túi chiếc váy, ngoài cái bản đồ và giấy hôn thú của bà mẹ, có một gói nhỏ bọc trong một miếng giẻ cũ. Một miếng xà phòng, một chiếc lược ngắn, một cái đê, một cuộn chỉ có găm hai cây kim nằm trong gói. Perin mở gói, sau khi cởi áo vét, giày và tất, em nghiêng mình trên dòng nước trong vắt đang chảy trong lòng rãnh, em xoa xà phòng lên mặt, đôi vai và đôi chân, lấy miếng vải bọc cái gói để lau. Tuy nó chẳng to và chẳng dày, nhưng có còn hơn không!
   Tắm rửa, cũng như giấc ngủ ngon đã là cho Perin khỏe khoắn. Tồi em chải đầu, bện tóc thành hai lọn to,vàng hoe, để xỏa trên vai. Giá cơn đói không trở lại dày vò cái dạ dày em và vài chổ cọ xát của đôi giày không cấu xé hai bàn chân đến tróc da, bỏng thịt, giá không có những cái đó thì thật là hoàn toàn dễ chịu! Tâm hồn yên tĩnh, thân thể khỏe mạnh. Perin không thể làm gì để cho bớt đói. Túp lều là nơi trú ẩn nhưng chẳng cho em chút thức ăn nào! Còn những vết tróc da chân thì em nghĩ nếu vá được các lỗ thủng ở đôi bít tất em sẽ đỡ khổ. Nghĩ thế, Perin bắt tay ngay vào công việc. Cũng mất khá nhiều thời gian và không dễ dàng gì khi phải có bông để mạng mà em lại chỉ có chỉ khâu. Công việc ấy còn có cái tốt là trong khi bận rộn Perin quên đói. Nhưng việc đó không thể nào kéo dài được mãi! Khi em mạng xong đôi tất thì trời vẫn mưa có khi dày, khi mỏng; Hạt mưa khi to, khi nhỏ và cái dạ dày vẫn tiếp tục đòi hỏi, mỗi lúc càng gắt gao. Có lẽ Perin chỉ rời nơi trú ẩn vào ngày mai. Mặt khác, không có phép màu nào để mang bữa ăn tối đến cho em nên cái đói càng cấp bách. Nó chẳng để cho Perin suy nghĩ gì khác ngoài việc nghĩ đến các thức ăn. Nó gợi cho em cắt những cành cây phong đang che mái đầu để ăn. Việc ấy, dễ làm thôi, vì chỉ cần leo lên mấy bó củi. Khi đi đường với cha, Perin đã thấy nhiều nơi người ta dùng vỏ cây phong để chế các thứ nước giải khát. Thế thì cây này không thuộc loại cây độc, ăn chết người; Nhưng cây phong có nuôi sống được người không nhỉ?
   Perin thí nghiệm, dùng dao chặt vài cánh có lá chia từng miếng nhỏ rất ngắn rồi bắt đầu nhai một miếng, tuy răng em rất chắc, nhưng vỏ cây cứng lắm! Nó lại chát và rất đắng nữa! Nhưng không phải ăn nó thay quà bánh mà để sống nên có dở mấy, em cũng không phàn nàn, chỉ mong đỡ đói và được sống. Thế nhưng, Perin chỉ có thể nuốt được vài miếng mà phải nhổ ra gần cả miếng gỗ, sau khi đã đảo qua, đảo lại một cách vô ích trong miệng.
   Trong lúc Perin rửa mặt, vá đôi tất và cố gắng ăn những cành phong thay bữa tối, giờ phút vẫn trôi qua. Bầu trời bị mưa làm vẩn đục, không cho ta theo dõi mặt trời lặn. Hình như bóng tối, một lúc nào đó, cũng đã tỏa lên khu rừng. Đêm sắp đến. Thật vậy, nó không chần chừ. Không gian tối om như những ngày không có hoàng hôn. Mưa đã tạnh, một màn sương mù trắng xóa nổi lên ngay. Trong vài phút, Perin đã chìm trong bóng tối và im lặng. Cách mười bước, em không nhìn thấy ở trước mặt và chung quanh. Perin chỉ còn nghe những hạt mưa rơi từ các cành cây xuống mái lều hay trên những vũng nước gần đấy!
   Tuy đã chuẩnbị tư tưởng để ngủ lại nhưng Perin không khỏi cảm thấy tim bị bóp nghẹt vì quá cô đơn! Em mất hút trong khu rừng, giữa đêm tối! Đúng là em vừa trải qua, ngay ở chổ này đây, một phần của ngày hôm nay, may chẳng gặp tai nạn gì, ngoài chuyện suýt bị sét đánh. Nhưng khu rừng ban ngày không phải khu rừng ban đêm. Sự im lặng trang nghiêm và bóng tối bí ẩn của nó chứa chất bao nhiêu là điều dễ sợ! Bởi thế, Perin không thể ngủ ngay được như ý muốn. Cái đói đang cồn cào trong dạ dày. Perin lại còn hoảng sơn vì những bóng ma của sự tưởng tượng. Những con thú nào sinh sống trong khu rừng này? Liệu có chó sói không?
   Ý nghĩ ấy làm em hết buồn ngủ! Perin ngồi dậy, lấy một chiếc gậy rất chắc dùng dao vót nhọn một đầu gậy. Em sắp những bó củi, chất chung quanh mình. Ít nhất, nếu có chó sói tấn công, em có thể đứng sau thành lũy, chống lại nó. Chắc chắn là em sẽ có can đảm. Perin yên tma khi nghĩ thế. Em lại nằm xuống cái giường bằng dăm gỗ để ngủ lại, nắm chắc cây gậy nhọn trong hai bàn tay. Giấc ngủ đến với em nhanh chóng.
   Một tiếng chim hót làm Perin tỉnh dậy. Tiếng hót trầm và buồn với những âm thanh đều đặn và êm ái. Em nhận ra tiếng chim sáo. Em mở mắt và thấy trên mấy bó củi, có ánh sáng lờ mờ trắng xóa, xuyên qua đêm tối của khu rừng. Những thân cây, những lộc non nổi bật lên, đen thui giữa nền mờ nhạt của bình minh: đó là buổi sáng.
   Mưa đã tạnh, không còn gió làm rung chuyển những chiếc lá nặng hạt mưa. Một sự yên tĩnh hoàn toàn  bao trùm tất cả khu rừng, chỉ có tiếng chim khuấy động. Tiếng hót vút lên trên đầu Perin. Từ xa nhiều tiếng khác đáp lại như tiếng gọi ban mai nối tiếp nhau kéo dài từ chỗ này sang chỗ khác.
   Perin lắng nghe và tự hỏi có nên đứng lên để tiếp tục cuộc hành trình? Em rùng mình và đưa tay lên chiếc áo vét ướt đẫm như vừa gặp trận mưa rào. Ẩm thấp của khu rừng đã thấm vào người em và bây giờ cái rét của buổi sáng làm Perin giá lạnh. Em cảm thấy không được do dự, ngay tức khắc, đứng lên và cử động rất mạnh như một con ngựa phì hơi. Perin nghĩ trong khi đi sẽ được sưởi ấm. Perin nghĩ thế nhưng chẳng muốn đi ngay. Trời chưa sáng tỏ, chưa biết thời tiết tốt xấu thế nào? Trước khi rời túp lều, phải cẩn thận xem mưa có sắp đổ xuống không?
   Để giết thời gian và để vận động. Perin sắp lại những bó củi mà em vừa xáo trộn hôm qua. Rồi em chải đầu, rửa mặt, bên cạnh một các hồ nước đầy nước. Khi Perin làm xong mọi việc thì mặt trời lên thay thế bình minh. Bây giờ, qua đám cành cây, bầu trời xanh nhạt xuất hiện, không một gợn mây. Buổi sáng, chắc là đẹp trời và cả ngày chắc cũng thế. Em phải đi thôi!
   Mặc dù đã mang tất, Perin vẫn cảm thấy đau đớn khi bước nên đi rất khó khăn. Nhưng rồi cũng quen dần và chẳng mấy chốc, em đi nhanh với những bước chân đều đều trên mặt đường vừa được mưa làm cho bớt cứng. Mặt trời dọi những tia nắng xiên góc trên lưng, sưởi ấm Perin. Cùng lúc ấy, nó chiếu trên sỏi một cái bóng dài đang đi bên cạnh em. Cái bóng ấy làm cho em yên tâm, mỗi khi nhìn thấy nó. Tuy chẳng cho Perin hình ảnh một cô gái ăn mặc lịch sự, ít nhất cái bóng ấy cũng không phải hình ảnh con quỷ cái khốn khổ tối hôm qua: đầu tóc như tổ quạ, cái mặt bẩn thỉu, xanh xao. Chắc là bây giờ chó sẽ không còn đuổi theo em và sủa ầm ĩ nữa. Cũng không còn ai nhìn Perin với cặp mắt ngờ vực!
   Trời rất đẹp để cho Perin thêm hy vọng trong lòng. Chưa bao giờ em được thấy một buổi sáng đẹp trời, tươi vui như thế này!
   Cơn giông trong lúc lau sạch mấy con đường, đã cho cây cỏ một cuộc sống mới, hình như vừa mới hiện ra trong đêm. Bầu trời được sưởi ấm có hàng trăm con sơn ca đang bay vút trong tầng mây và hót những bài hát vui vẻ. Mùi thơm của cỏ hoa và mùa màng tỏa ra trên cánh đồng, quanh khu rừng làm cho Perin thêm khoan khoái.
   Có lẽ nào ở giữa niềm vui rộng khắp ấy chỉ riêng mình Perin tuyệt vọng sao? Tai họa vẫn đeo đuổi theo em mãi chăng? Tại sao em lại không gặp may? Perin đã gặp may khi tìm được nơi trú ẩn trong khu rừng. Rồi đây, em có thể gặp nhiều dịp khác may mắn nữa chứ? Vừa đi, trí tưởng tượng của Perin lại bay bổng. Trên đôi cánh của nó, em vẫn luôn nghĩ đến chuyện đôi khi người ta làm rơi tiền trên đường đi, vì một cái túi thủng đáy. Thế thì không phải điên rồ để em tự nhủ em có thể tìm thấy, không phải là một túi tiền lớn phải trả lại mà chỉ là một xu hay đồng mười xu. Perin có quyền giữ lại mà chẳng thiệt gì cho ai cả! Nhờ thế, em sẽ được cứu sống! Perin lại nghĩ không phải là vô lý, nếu em gặp dịp, nhận được việc làm, hoặc giúp người ta một việc gì để kiếm được vài xu. Chỉ cần rất ít để sống trong ba bốn hôm. Và Perin đi như thế, dán mắt trên đám sỏi đã được mưa rửa sạch. Em chẳng nhìn thấy đồng xu to, hay đồng bạc trắng nhỏ bé nào rơi từ một cái túi thủng đáy. Em cũng không gặp được những dịp có việc làm, như óc tưởng tượng phong phú của em đã nghĩ.
   Thế nhưng Perin lại cảm thấy những nỗi khó chịu của hồi hôm lặp lại mãnh liệt. Em bắt đầu ngại không tiếp tục đi được nữa! Ngực tức, miệng buồn nôn, đầu choáng váng! Mồ hôi toát ra như tắm, làm tê liệt chân tay em. Perin không cần tìm hiểu nguyên nhân của những rối loạn ấy. Cái dạ dày quằn quại đã mách cho em biết rồi! Em không thể lặp lại cái thí nghiệm thất bại với cành cây phong. Em tự hỏi rồi sẽ ra sao đây nếu một cơn choáng dữ dội bắt em phải ngồi lại bên đường? Em có đứng lên nổi không?
   Từ hôm qua, trong một cố gắng tuyệt vọng, Perin đã đến được túp lều trong khu rừng. Lúc ấy, nếu có người nói với em rồi đây em sẽ phải chấp nhận, không thể cưỡng lại được, cái ý nghĩ về chết chóc do suy nhược và kiệt sức thì em sẽ căm giận ngay! Có phải những người được cứu sống là những người đã phấn đấu đến cùng không chứ? Nhưng hôm qua, đâu giống hôm nay! Hôm qua, Perin còn một ít sức lực mà bây giờ em không có! Cái đầu của em lúc ấy còn minh mẫn, bây giờ nó choáng váng rồi!
   Perin nghĩ là phải dưỡng sức và mỗi lần thấy mệt mỏi, em ngồi trên cỏ, nghỉ một lát. Trong khi Perin dừng lại bên một đám ruộng đậu, em thấy bốn cô gái suýt soát trạc tuổi em, đi vào đám ruộng được một bà nông dân chỉ vẽ và họ bắt đầu hái đậu. Thế là Perin lấy hết can đảm bước qua đường, đến gặp người đàn bà. Nhưng bà này ngăn em lại.
   - Mày muốn gì? – Bà ta hỏi.
   - Thưa bà, bà có cần cháu giúp gì không?
   - Chúng tao không cần ai hết!
   - Bà muốn cho cháu thứ gì, tùy bà!
   - Mày ở đâu đến?
   - Ở Paris.
   Một trong các cô gái ngẩng đầu, nhìn xoi mói Perin, rồi hét:
   - Cái con lang thang này từ Paris đến muốn chiếm việc của người ta hả?
   Bà lớn tuổi lại nói:
   - Tao đã nói với mày là người ta không cần ai hết!
   Chỉ còn việc quay trở lại, bước qua lề đường và đi tiếp, Perin làm như vậy, lòng nặng trĩu, đôi chân mỏi nhừ.
   - Cảnh sát kìa! – Một giọng thét lên. – Hãy trốn đi!
   Perin quay nhanh đầu và bốn cô gái cười phá lên, rất khoái tra về trò đùa của mình. Perin đi không xa và phải dừng lại. Em không thấy đường vì nước mắt ướt đẫm hàng mi. Nào em đã làm gì họ, sao họ nỡ đối xử với em tàn nhẫn vậy?
   Đúng thôi, với những người lang thang, việc làm cũng khó kiếm như những đồng xu lớn. Bằng chứng đã rõ. Vì thế, em cứ tiếp tục đi, buồn rầu, không còn nghị lực ở trong lòng cũng như trên đôi chân. Mặt trới dừng bóng càng làm cho Perin thấm mệt. Bây giờ, em lết hơn là đi, chỉ bước nhanh khi đi qua làng, để khỏi gặp những cái nhìn mà em tưởng tượng sẽ đuổi em! Trái lại, em đi chậm khi có một chiếc xe từ phía sau vượt qua. Lúc nào, thấy có một mình, Perin dừng lại để nghỉ ngơi và để thở. Nhưng rồi lúc ấy, cái đầu Perin lại làm việc. Những ý nghĩ đang xuyên qua đầu óc em càng khiến em lo ngại và chỉ làm cho em thêm suy nhược. Nhẫn nại mà làm gì khi đã nắm chắc mình không đi đến nơi?
Thế rồi Perin đến một khu rừng. Ở giữa khu rừng có con đường thẳng, xa thăm thẳm. Ánh nắng đã nặng nề và nóng bỏng trên cánh đồng làm em ngột ngạt. Mặt trời rực lửa, không có một luồng không khí. Dưới đám rừng thấp, cũng như hai bên mép đường, có những luồn hơi ẩm ướt bốc lên, làm em ngạt thở. Bây giờ Perin cảm thấy kiệt sức. Mồ hôi nhễ nhại, tim nhói đau, em để mình rơi xuống cỏ, không cử động cũng như không suy nghĩ được gì nữa! Ừ, mình sẽ chết, không có cách gì cưỡng lại, cũng không thể gắng gượng hơn nữa! Cha mình đã chết, mẹ mình cũng đã chết, bây giờ đến lượt mình!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

8#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 00:01:15 | Chỉ xem của tác giả
Trong các ý nghĩ đi qua đầu óc trống rỗng của Perin, cái ý nghĩ ác nghiệt nhất là giá được chết với cha mẹ, thì em bớt khổ hơn! Còn bây giờ, thì em phải chết như một con vật khốn khổ ở trong hố này! Perin muốn làm một cố gắng cuối cùng, vào khu rừng, tìm một chỗ để nằm ngủ, giấc ngủ ngàn thu. Một còn đường mòn xuyên qua gần đó, em rẽ vào và cách năm chục mét, tìm được một khu rừng thưa, bé nhỏ, đầy cỏ mà bìa rừng có những hoa móng tay xinh đẹp, màu tím. Rồi Perin nằm dài, gối đầu trên cánh tay, dưới bóng những cành non của một cây lật. Buổi tối, em vẫn nằm như thế để ngủ.
   Một cảm giác nóng hổi trên mặt, khiến em giật mình tỉnh dậy, Perin mở to mắt, sợ hãi khi nhìn thấy lờ mờ một cái đầu to lớn đầy lông lá, đang cúi xuống người em. Perin muốn lăn qua một bên để tránh. Một cái lưỡi to lớn, liếm trên mặt em và giữ em lại trên vạt cỏ.
   Sự việc diễn ra rất nhanh chóng nhưng Perin vẫn đủ thời giờ để tìm hiểu: cái đầu to lớn, lông lá ấy là đầu một con lừa. Con vật ấy lấy lưỡi liếm trên mặt, trên đôi tay Perin chìa ra phía trước. Em đã nhìn rõ nó:
   - Palica!
   Perin ứa nước mắt, lấy tay quàng cổ nó và hôn nó.
   - Ôi! Palica! Palica ngoan của chị!
   Nghe gọi tên mình, nó dừng lại, không liếm cô bé và ngẩng đầu lên. Nó kêu năm hay sáu tiếng vui mừng, sung sướng. Những tiếng kêu ấy đâu có nói hết sự hài lòng của nó! Nó lại kêu năm, sáu tiếng khác cũng không kém phần dữ dội. Khi ấy, Perin đã nhìn thấy con lừa không có yên cương, chẳng có dây buộc cổ, chân bị trói. Perin chồm lên để lấy tay vuốt ve và níu cổ nó, đặt đầu nó bên cạnh đầu mình. Nó thì cụp đôi tai dài trên người cô chủ. Perin nghe một giọng khàn khàn đang hét.
   - Mày làm gì thế, ranh con! Đợi một lát, bà đến ngay đây! Con ạ!
   Thật thế, có những bước chân vội vã khua vang trên con đường đầy sỏi. Perin thấy xuất hiện một người đàn ông, mặc bờ lu, đội mũ dạ, miệng ngậm tẩu đang đi đến.
   - Này, còn bé kia, mày làm gì con lừa của ta đấy? Lão hét lên, miệng vẫn ngậm tẩu.
Perin nhận ra ngay La Cucơri, bà bán giẻ rách, ăn mặc như đàn ông, đã mua con Palica trong phiên Chợ Ngựa. Bà ta chưa nhận ra Perin, ngạc nhiên nhìn em nói:
   - Hình như bà đã gặp mày ở đâu rồi phải?
   - Khi cháu bán con Palica cho bà?
   - Sao, chính cháu đấy ư? Cháu làm gì ở đây?
   Perin ngồi xuống vì quá mệt, không trả lời được. Nước da tái xanh, đôi mắt đẫm lệ, đã nói hộ cho em.
   - Có thể con bé đói lả rồi! Bà ta thì thầm.
   Không chần chừ, bà nhanh chóng rời bìa rừng đi ra phía đường cái. Ở đó, có một chiếc xe nhỏ đã tháo dây. Trên các tấm màn, có treo những tấm da thỏ. Nhanh tay, bà mở hòm lấy một ổ bánh, một miếng phômát, một cái chai. Bà chạy đến, mang theo tất cả các thứ ấy. Perin vẫn ở trong tình trạng như trước.
   - Hãy đợi một lát, con gái của mẹ! Hãy đợi! La Cucơri nói.
   Bà quỳ bên Perin, để đổ chai rượu vào giữa môi em.
   - Hãy uống một ngụm cái này sẽ nâng đỡ cháu!
   Thật ra, rượu đã đưa máu lên khuôn mặt xanh xao của Perin và giúp em cử động.
   - Cháu đói à?
   - Vâng!
   - Thế thì bây giờ cháu phải ăn, nhưng đừng có vội vàng! Chờ một lát nhé!
   Bà cắt một miếng bánh và một miếng phômát đưa cho Perin.
   - Cứ ăn từ từ, cháu ạ! Hay là bác cùng ăn với cháu để cháu giữ được sự điều độ.
   Sự đề phòng ấy thật là khôn ngoan bởi vì Perin đã ngoạm ngay vào miếng bánh. Hình như em chẳng làm theo lời dặn của La Rucơri. Nãy giờ, Palica đứng yên nhìn mọi việc đang xảy ra với đôi mắt to, dịu dàng của nó. Khi thấy La Cucơri ngồi trên cỏ, bên cạnh Perin, nó quỳ xuống sát cô chủ cũ.
   - Ấy, chú ranh con này! La Cucơri nói. Nó muốn được chia một miếng bánh đấy!
   - Bác cho phép cháu cho nó một miếng chứ?
   - Một miếng hay hai miếng tùy cháu?
   - Khi hết rồi trong xe vẫn đang còn nữa! Cháu đừng ngại. Gặp được cháu nó thích thú biết bao, cái chàng trai tốt bụng ấy… vì cháu biết đấy. Nó thật là một chàng trai ngoan nết!
   - Đúng thế chứ ạ!
   - Ừ! Ăn xong miếng bánh cháu nói cho bác hay tại sao cháu lại ở trong khu rừng này, đói lả và gần chết như vậy? Quả thật đáng thương nếu cháu chết!
   Mặc cho những căn dặn của La Cucơri, Perin ngốn miếng bánh rất nhanh.
   - Cháu muốn một miếng bánh nữa chứ? Bà ta hỏi khi thấy miếng bánh đã biến mất.
   - Đúng thế!
   - Này, cháu hãy kể chuyện của cháu rồi cháu sẽ có bánh! Trong thời gian kể chuyện, những gì cháu đã ăn, sẽ nén chặt lại.
   Perin kể câu chuyện mà bà La Cucơri yêu cầu, bắt đầu từ cái chết của bà mẹ. Khi kể đến đoạn mua bánh ở Xanh Đơni, La Cucơri kéo cái tẩu đã đốt ra khỏi miệng, ném một tràng nguyền rủa kịch liệt về hướng mụ bán bánh.
   - Cháu biết không, đó là một mụ ăn cắp! Bà ta hét lên. Bác chẳng khi nào đưa tiền giả cho ai, bởi vì chẳng bao giờ bác để cho người ta nhét tiền giả cho bác! Hãy yên lòng, rồi mụ ta sẽ phải trả lại khi bác qua Xanh Đơni, bác có những người bạn. Bọn họ sẽ đem lửa đốt cửa hàng, nếu mụ ta lôi thôi!
   Perin tiếp tục câu chuyện.
   - Như thế, thì cháu đang chết dần đấy! La Rucơri nói. Cháu có cảm giác như thế nào?
   - Nó bắt đầu là rất đau đớn. Có lúc cháu phải hét lên như người ta hét trong đêm khi bị ngất. Rồi cháu mơ tưởng đến cõi Thiên đường và những thức ăn ngon mà cháu sẽ được ăn tại đó. Mẹ cháu đang đợi cháu và khuấy sữa sôcôla cho cháu. Cháu ngửi thấy thế.
   - Lạ thật, cái cơn nóng đáng lẽ giết cháu, lại cứu cháu sống lại. Nếu không có cơn nóng ấy, bác chẳng dừng lại trong khu rừng này, để cho Palica nghỉ ngơi và nó cũng chẳng nhìn thấy cháu. Bây giờ, cháu định làm gì?
   - Đi tiếp hành trình của cháu!
   - Rồi ngày mai, cháu sẽ ăn uống như thế nào? Có phải ở tuổi cháu, người ta mới hay đi lông bông mại hiểm như thế này chăng?
   - Bác nghĩ cháu còn làm được gì kia chứ?
   La Rucơri rít hai hay ba hơi thuốc, vừa suy nghĩ rồi nghiêm trang trả lời cô bé:
   - Này,bác đi Cơrây để mua hàng trong các làng và thị trấn ở trên đường đi. Cháu cũng đi với bác, cháu hét một chút thử xem, nếu cháu có sức, hét rao: “Da thỏ, giẻ rách, đồ sắt cũ, có ai bán không?”.
   Perin làm cái việc mà bà ta yêu cầu:
   -Tốt! Giọng cháu trong thật! Bác đau họng, cháu rao hàng thay bác, như thế sẽ có cơm ăn. Đến Cơrây, bác quen một ông bán trứng thường đi quanh vùng Amiêng để thu nhặt trứng. Bác sẽ nhờ ông ấy đưa cháu đi trong chiếc xe của ông ta. Khi đến Amiêng, cháu lên tàu hỏa để đến xứ sở của những người bà con của cháu.
   - Cháu biết lấy gì mà trả tiền vé?
   - Với một trăm xu mà bác sẽ ứng trước, thay đồng năm phờrăng mà mụ bán bánh đã ăn cắp của cháu! Rồi bác sẽ bắt mụ trả lại cho bác, cháu hãy tin như thế!
   Mọi việc được sắp đặt như La Cucơri đã dự định. Trong tám ngày liền, Perin đi khắp các làng ở hai bên khu rừng Xăngtidy. Khi đến Cơrây, La Cucơri muốn giữ em lại:
   - Cháu có cái giọng đặc biệt, hợp với nghề buôn bán của bác. Cháu giúp bác và cháu sẽ không cực khổ đâu; Chúng ta vẫn sống đàng hoàng mà!
   - Xin cám ơn bác, nhưng cháu không thể làm thế được!
   Bà thấy lý lẽ ấy chưa đủ, liền đưa ra một cái khác, vững hơn:
   - Cháu sẽ không phải xa Palica.
   Thật thế, câu nói ấy quả có làm cho Perin bối rối. Em cảm động, những vẫn giữ vững ý kiến:
   - Cháu phải đến chỗ những người ruột thịt của cháu!
   - Những người ấy có cứu cháu khỏi chết như Palica không?
   - Bác ơi, cháu phải làm theo lời dặn của mẹ cháu! Cháu phải đến đó!
   - Thế thì cháu đi đi! Nếu một ngày nào đó, cháu hối tiếc không nhận lời giúp bác, khi ấy cháu chỉ nên tự trách mình.
   -Bác ơi, bác hãy tin rằng cháu không bao giờ quên bác!
   La Cucơri không giận Perin. Bà vẫn điều đình với ông bạn bán trứng cho em quá giang trên chiếc xe của ông đến vùng Amiêng. Suốt một ngày, em sung sướng được hai con ngựa đi nước kiệu chở. Perin nằm trên rơm, dưới tấm bạt, trong khi suýt phải cuốc bộ mệt nhọc trên quãng đường dài này. Đem so sánh sự thoải mái hiện nay với những cực nhọc đã trãi qua, con đường dài trước kia hình như lại càng dài hơn nữa! Đến Éxăngđo em nằm  ngủ trong một vựa thóc. Sáng hôm sau là một ngày chủ nhật, Perin đến quầy bán vé ở ga Aidy, đưa đồng một trăm xu mua vé. Lần này ngươi ta không từ chối, cũng không tịch thu. Người ta đưa cho em chiếc vé đi Píchkynhi và trả lại hai phờrăng bảy lăm. Perin đến lúc mười một giờ, một buổi sáng đẹp trời và nóng ấm. Nhưng cái nóng dịu dàng ở đây không giống cái nóng của khu rừng Xăngtidy. Em cũng chẳng còn giống cái con bé khốn khổ lúc ấy nữa! Trong mấy ngày ở với La Cucơri, Perin đã mạng, vá áo vét và chiếc váy. Em cắt được một cái khăn vuông trong đống giẻ rách, giặt quần áo và đánh giày. Đến Aidy, trong lúc chờ tàu, Perin đã rửa mặt, chân tay cẩn thận trong dòng sông và bây giờ em xuống tàu sạch sẽ, vui tươi, nhanh nhẹn.
   Nhưng cái gì còn hơn sự sạch sẽ, hơn cả số tiền năm lăm xu đang kêu rủng rẻng trong túi áo, đã nâng đỡ em? Đó là niềm tin đã trở lại với Perin, sau những thử thách vừa qua. Em đã thắng vì em đã nhẫn nại đến cùng, không chịu bỏ cuộc. Chẳng lẽ em không có quyền hy vọng: tin tưởng mình sẽ thắng những khó khăn còn lại? nếu cái khó khăn lớn nhất chưa hoàn thành được, thì ít nhất Perin cũng đã làm được cái gì đó gian khổ, nguy hiểm nhất rồi.
   Ra khỏi nhà ga, Perin đi qua một cái cầu bắc trên cống ngầm. Bây giờ em bước thoăn thoắt qua cánh đồng cỏ xanh tươi có trồng những cây dương và cây liễu. Trên cánh đồng rải rác có đầm lầy. Trên đường đi, em gặp mấy người câu cá với một mớ dụng cụ. Họ buông cần, cúi mình theo dõi chiếc phao. Perin nhận ra ngay đó là những người câu cá không chuyên nghiệp, diện quần áo lễ hội từ các thị xã đến đây. Những mỏ than bùn nối tiếp những đống nhỏ đen thui, chất theo hình dọc và được đánh dấu bằng chữ trắng hay con số. Đây là những than bùn xếp để phơi nắng. Biết bao lần, bố em đã nói với em về những mỏ than ấy và những vết thương của nó: những cái ao, hồ lớn mà khi người ta lấy hết than bùn thì lại đầy nước. Đó là nét đặc biệt của thung lũng sông Xôm. Em còn biết những người câu cá say mê ấy, dù nóng, dù rét, họ cũng không nản chí. Đâu không phải là một xứ mới đối với em. Trái lại em đã hiểu biết và yêu mến nơi này, tuy mắt em chưa bao giờ nhìn thấy. Em đã biết những thành phố trần trụi, thấp lè tè, đang bao quanh thành thung lũng. Em cũng biết nhờ ngọn gió biển những cối xay lúa đang quay, ngay cả những hôm thời tiết yên tĩnh.
   Cái làng đầu tiên mà Perin đến, em cũng nhận ra đó là Xanh Pipô. Ở đây, có xưởng dệt, xưởng làm đay, phụ thuộc vào những nhà máy ở Marôcua. Trước khi đến đó, em vượt qua một cổng xe lửa. Con đường sắt nối liền nhiều làn. Những làng ấy đều là những trung tâm chế tạo của hãng Vunphran Panhđavoan, rồi đến sát nhập vào con đường sắt lớn của Bulônhô.
   Tuy những cây dương trong thung lũng che khuất hay phơi bày cảnh vật, Perin nhìn thấy những gác chuông bằng đá đen của các làng ấy và những ống khói cao bằng gạch của các xưởng máy. Hôm nay là ngày chủ nhật nên chúng không tỏa khói. Perin đi qua nhà thờ, vào lúc những người đi lễ vừa rời khỏi đó. Nghe họ trao đổi, em nhận ra cái giọng địa phương có tiếng kéo dài như hát mà bố em thường nhại. Khi đùa với em.
   Từ Xanh Pipô đến Marôcua hai bên đường có trồng liễu. Con đường ấy đi vòng giữa những đống than bùn, đang vượt một nền đất ít di động hơn là hướng theo đường thẳng. những người đi theo con đường ấy, chỉ trông thấy được mấy bước phía trước, cũng như phía sau. Bởi thế Perin suýt đụng đầu một thiếu nữ chậm chạp vì phải xách một cái giỏ nặng. Niềm tin đã trở lại, nên Perin mạnh dạn hỏi:
   - Đây là đường đi Marôcua, phải không chị?
   - Phải, thẳng băng!
   - Ôi, thẳng băng! – Perin vừa cười, vừa nói. – Nó không thẳng như thế đâu!
   - Nếu có rắc rối, thì tôi cũng đi Marôcua. Chúng ta hãy cùng đi!
   - Thế thì may cho tôi quá! Chị cho tôi giúp chị mang cái giỏ nhé?
   - Cảm ơn chị. Nó nặng lắm đấy!
   Vừa nói, cô ta vừa để cái giỏ xuống đất, thở phào khoan khoái!
   - Chị cũng ở Marôcua? – Cô thiếu nữ hỏi.
   - Không, còn chị?
   - Tôi thì ở đấy là chắc chắn rồi!
   - Chị có làm ở nhà máy không?
   - Có chứ, cũng như mọi người ở đây. Tôi làm ở xưởng suốt.
   - Là cái gì vậy?
   - Này, chị không biết xưởng suốt à? Thế thì chị ở đâu đến đây?
   - Ở Paris.
   - Ở Paris, người ta không biết xưởng suốt thì lạ thật! Nó là những cái máy đánh chỉ để quấn vào suốt cho thoi chạy.
   - Mỗi ngày người ta lĩnh được khá chứ?
   - Mười xu.
   - Có khó lắm không?
   - Không khó lắm! Cần phải tinh mắt và không để phí thời giờ. Chị có muốn làm việc ở đấy không?
   - Có lắm chứ! Họ có nhận tôi không chị?
   - Người ta nhận chị là cái chắc. Người ta nhận tất cả mọi người nếu không thì tìm đâu ra bảy nghìn thợ làm việc trong các xưởng. Sáng mai, lúc sáu giờ, mời chị đến chỗ cửa có song sắt của nhà kho. Nhưng chúng mình nói chuyện nhiều rồi, mà tôi thì không được phép đến trễ!
   - Cô ta cầm một quai giỏ Perin cầm bên kia. Hai cô bé đều bước, ở giữa đường.
   Thời cơ thật thuận lợi để giúp Perin biết những điều có ích. Em chộp lấy. Tuy nhiên, các câu hỏi của em phải rất khôn khéo như là nói chuyện bâng quơ. Em phải khéo che đậy để người ta không thể đoán được ý muốn của em.
   - Chị sinh ra ở Marôcua?
   - Tôi sinh ra ở đây, đúng thế! Mẹ tôi cũng thế. Bố tôi là người Píchkynhi.
   - Bố mẹ chị không còn nữa sao?
   - Ừ, tôi sống với bà. Bà tôi có một tiệm tạp hóa!
   - Bà Prăngxoadơ?
   - Chị biết bà tôi?
   - Không… tôi chỉ nói – A, bà Prăngxoadơ thôi mà.
   - Cả xứ này ai cũng biết bà tôi bởi vì bà tôi có cửa hiệu mà cũng vì bà là nhũ mẫu của ông Étmông Panhđavoan. Khi người ta muốn yêu cầu ông Vunphran cái gì, người ta thường đến nói với bà tôi.
   - Bà giúp được người ta chứ?
   - Cũng có khi được, có khi không. Ông Vunphran không phải lúc nào cũng dễ tính!
   - Bà là nhũ mẫu của ông Étmông, tại sao bà không nói thẳng với ông ta?
   - Nói với ông Étmông Panhđavoan ư! Ông ấy đã đi khỏi xứ này trước khi tôi ra đời! Người ta không hề gặp ông ấy. Ông bố, ông con giận nhau về công việc kinh doanh. Ông con được phái qua Ấn Độ để mua đay. À! Nhưng chị chưa biết xưởng suốt, chắc chị cũng chưa biết cây đay.
   - Một loại cỏ?
   - Một loại cây gai, thứ lớn người ta thu hoạch ở Ấn Độ, rồi người ta kéo sợi, dệt, nhuộm trong các xưởng ở Marôcua. Chính là cây đay đã cho ông Vunphran cả một gia tài. Chị biết không, trước kia, ông cũng chẳng giàu có gì đâu! Ông ta cũng phải đánh xe chở chỉ và những tấm vải của dân địa phương dệt ở gia đình!
   - Tôi nói với chị điều này bởi vì ông ta không hề giấu giếm chuyện ấy.
   Cô gái dừng lại:
   - Chúng ta đổi tay nhé?
   - Tùy ý chị, chị… tên gì?
   - Rôdali.
   - Tùy ý chị, chị Rôdali ạ.
   - Còn tên chị?
   Perin không muốn nói tên thật, bèn đáp:
   - Ôrêli.
   - Chúng ta đổi tay, chị Ôrêli nhé.
   Nghỉ ngơi một lát, họ lại đi, với nhịp bước đều đều. Perin trở lại ngay câu chuyện mà em đang quan tâm.
   - Chị vừa nói ông Étmông giận ông bố nên đã ra đi…
   - Và đi đến Ấn Độ thì cha con họ lại giận nhau ghê lắm! Ông Étmông lấy một cô gái địa phương. Cuộc hôn nhân ấy không được ông bố thừa nhận. Trong lúc đó, ở đây ông Vunphran muốn con trai cưới một cô tiểu thư gia đình danh giá nhất xứ Picácđi này. Ông đã chuẩn bị cho cái đám cưới ấy, xây dựng tòa lâu đài cho con trai và con dâu ở, tốn hàng triệu, hàng triệu. Bất chấp tất cả, ông Étmông không muốn bỏ bà vợ bên ấy để lấy cô tiểu thư bên này! Bố con họ giận nhau kịch liệt đến nỗi ngày nay, người ta không biết ông Étmông còn sống hay đã chết. Có người nói thế này, kẻ nói thế nọ. Đã bao nhiêu năm người ta không biết gì hết vì không nhận được tin tức… theo như họ kể. ông Vunphran không nói chuyện với ai. Những người cháu của ông cũng không nói gì cả!
   - Ông Vunphran có cháu?
   - Ông Têôđo Panhđavoan con ông anh và ông Casimia Brơtônơ, con bà chị. Ông Vunphran nhận họ để giúp ông. Cái gia tài và tất cả các nhà máy sẽ là của họ, nếu ông Étmông không trở về!
   - Câu chuyện lạ thật!
   - Nếu ông Étmông không trở về thì thật là buồn!
   - Cho bố ông ấy?
   - Và cũng rất buồn cho tất cả xứ này nữa chứ! Bởi vì người ta không hiểu các nhà máy sẽ hoạt động như thế nào để nuôi sống mọi người khi vào tay các ông cháu? Người ta đã nói nhiều về chuyện ấy. Hôm chủ nhật khi tôi đứng bán hàng ở cửa hiệu cho bà tôi, tôi nghe người ta nói đủ thứ chuyện!
   - Về những người cháu?
   - Ừ, về những người cháu và còn những người khác nữa! Nhưng đó chẳng phải là chuyện của chúng ta.
   - Đúng thế!
   Perin không muốn năn nỉ. Em lặng lẽ đi trong vài phút vì nghĩ rằng Rôdali nhạy miệng sẽ không chần chừ trở lại câu chuyện bỏ dở. Đúng như thế.
   - Bố mẹ chị cũng sẽ ở Marôcua chứ? – Cô bé hỏi.
   - Tôi không còn bố mẹ!
   - Không còn bố, cũng không có mẹ?
   - Không còn bố, cũng không còn mẹ!
   - Chị cũng như tôi, nhưng tôi còn có bà ngoại. Bà tôi rất tốt. Bà tôi không muốn trái ý mấy ông cậu, bà dì, nếu không bà tôi còn tuyệt vời hơn nữa! Không có họ, tôi chẳng phải đến xưởng làm việc đâu! Tôi ở lại tiệm tạp hóa. Nhưng bà tôi không làm được cái điều mà bà mong muốn! Còn chị! Chị chỉ có một thân, một mính sao?
   - Và chị có ý nghĩ rời Paris đến Marôcua?
   - Người ta nói tôi sẽ kiếm được việc làm ở Marôcua. Đáng lẽ tôi đi thẳng đến chổ những người thân, nhưng tôi muốn biết Marôcua. Những người bà con, khi mình không biết họ, thì mình cũng chẳng hiểu họ sẽ đón tiếp mình như thế nào?
   - Đúng thế, cũng có người tốt, người xấu.
   - Thật thế!
   - Này, đừng đi đâu cả! Chị sẽ tìm được việc ở nhà máy. Không kiếm được nhiều đâu, mỗi ngày mười xu. Nhưng đó cũng là một món tiền. Rồi chị sẽ có thể nhận được hai mươi hai xu. Tôi nói điều này. Trả lời hay không là tùy ý chị. Chị có tiền không?
   - Có chút ít.
   - Này nhé, nếu chị muốn đến ở nhà mẹ Prăngxoadơ, chỉ phải trả mỗi tuần hai tám xu và trả tiền trước.
   - Tôi có thể trả hai tám xu.
   - Chị biết đấy, tôi không hứa với chị một phòng đẹp, dành riêng cho chị với giá ấy. Phòng chỉ có sáu người, nhưng chị có giường nệm và chăn. Không phải tất cả mọ người đều được như thế!
   - Tôi nhận lời và xin cám ơn chị.
   - Ở nhà bà tôi, không chỉ có những người trả mỗi tuần hai tám xu. Trong ngôi nhà mới, chúng tôi cũng có những phòng đẹp cho nhân viên nhà máy thuê: ông Phary, kỹ sư công trình, ông Môngclơ, kế toán trưởng, ông Bendi, người được ủy nhiệm giao dịch với nước ngoài. Nếu chị có nói chuyện với ông ấy, chị nhớ gọi ông Benđitơ. Ông là người Anh, nên nghe gọi Benđi, ông tưởng là người ta chửi mình, cũng như ngươi ta goi mình là “tên trộm” và nổi giận.
   - Tôi sẽ nhớ, vả lại tôi biết tiếng Anh mà!
   - Chị biết tiếng Anh?
   - Mẹ tôi là người Anh.
  - À, ra thế! Ông Benđi sẽ rất hài lòng được nói chuyện với chị! Nếu chị biết tất cả các thứ tiếng thì ông lại càng thích chị! Chủ nhật, ông ta nghỉ ngơi bằng cách đọc các bài Kinh Chủ nhật trong một cuốn sách có in hai lăm thứ tiếng. Ông đọc xong, ông đọc lại rồi lại đọc lại nữa. Chủ nhật nào cũng thế. Thật ra, ông ta là một người trung hậu.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

9#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 00:05:16 | Chỉ xem của tác giả
                                         Phần III : SỐNG VỚI THỢ THUYỀN

Hai bên đường, có những hàng cây to lớn, như hai tấm màn, bao bọc con đường.
   Trên sườn đồi, phía bên phải, một lầu chuông bằng đá đen vụt hiện lên rồi biến mất. Phía bên trái, có những ngôi nhà to lớn, trên mái nhấp nhô những công trình bằng chì. Phía xa xa, có những ống khói cao vút bằng gạch.
   - Chúng ta sắp đến Marôcua. Rôdali nói. – Lát nữa chị sẽ thấy tòa lâu đài của ông Vunphran rồi những nhà máy. Mấy nếp nhà ở trong làng thì bị cây cối che khuất, khi chúng ta đứng ở phía trên chúng ta mới thấy rõ. Đối diện với phía bên kia con sông, là nhà thờ và nghĩa địa.
   Thật thế, khi họ đến chỗ rặng liễu, đã được cắt xén thành là nên có dáng con nòng nọc, tòa lâu đài nổi lên hoàn toàn trong sự bài trí vĩ đại với ba dãy nhà có mắt tiền bằng đá trắng và ngói đỏ. Những nóc nhà cao, những ống khói cao, vút lên giữa bãi cỏ rộng. Ở đây, có trồng những lùm cây chạy đến cánh đồng và kéo dài đến phía xa, phụ thuộc vào các mô đất lên, xuống gồ ghề, tùy theo biến chuyển của khu đồi.
   Ngạc nhiên, Perin di chậm lại, trong lúc Rôdali vẫn tiếp tục bước, nên trục trặc một chút khiến họ phải đặt giỏ xuống đất.
   - Này, chị thấy tòa lâu đài đẹp chứ? – Rôdali hỏi.
   - Rất đẹp!
   - Thế mà ông Vunphran ở một mình trong ấy với một tá đầy tớ. Đó là chưa kể các bà làm vườn, giữ vườn. Bọn họ cũng ở trong những ngôi nhà mà chị trông thấy đấy, ở cuối khu vườn. trước khi vào làng. Có hai ống khói thấp và nhỏ hơn những ống khói các nhà máy. Đó là những ống khói của nhà máy điện để thắp sáng tòa lâu đài và những nồi xúpde bằng hơi nước, để sưởi ấm tòa lâu đài cũng như những nhà lồng kính để trông hoa. Ôi ở trong ấy, đẹp lắm! Chỗ nào cũng có vàng. Người ta nói mấy người cháu muốn đến ở với ông Vunphran nhưng ông ấy không thích họ. Ông thích sống đơn độc, ăn một mình. Điều thấy rõ là ông nhường ngôi nhà cũ ở phía ngoài các xưởng cho một người cháu và sắp xếp người kia cũng ở gần đấy. Như thế, hai ông ấy đều ở gần chỗ làm việc. Ấy thế mà các ngài cũng có lần đến trễ. Trong khi đó, ông Vunphran đã sáu lăm tuổi, là chủ, có thể nghỉ ngơi thì luôn có mặt ở bàn giấy, mùa hè cũng như mùa đông, lúc đẹp trời cũng như khi thời tiết xấu, chỉ trừ ngày Chủ nhật. Bởi vì người ta không bao giờ làm việc ngày Chủ nhật, ông chủ cũng như tất cả mọi người. Chị sẽ không thấy các ống khói nhả khói hôm nay.
   Họ lại cầm chiếc giỏ lên. Chẳng mấy chốc, họ đã có một cái nhìn chung về các nhà xưởng, Perin chỉ nhìn thấy các ngôi nhà, cái mới, cái cũ, lợp ngói hay đá đen lẫn lộn quanh ống khói đồ sộ. Cái khối xám xịt, cao vút, đen thui, ở phía trên, như đè bẹp tất cả.
   Cái làng này, Perin đã được nghe nhắc đến. Em luôn chú ý đến những gì quanh đấy.
Hai cô gái đã đến những ngôi nhà đầu tiên rải rác trong mấy cái sân, có trồng những cây táo khẳng khiu.
   Cái gì làm Perin phải để ý? Đó là sự chen chúc: đàn ông, đàn bà, trẻ em, diện bộ cánh ngày lễ, quanh mỗi khu nhà hay trong những gian phòng thấp. Perin nhìn thấy những gì ở bên trong, qua mấy cánh cửa mở rộng. Dầu ở trong thành phố sự chen chúc cũng không đến như thế. Bên ngoài, họ chuyện trò một cách trống rỗng hay tay buôn thõng, dáng dấp thiếu phương hướng. Bên trong họ uống những thứ nước máu sắc khác nhau mà người ta nhận ra rượu tần, rượu cà phê hay rượu mạnh. Rồi họ chạm cốc hay chạm tách đập bàn với những giọng y hệt như đang cãi nhau.
   - Sao lắm người uống rượu thế? Perin nói.
   - Chưa thấm vào đâu so với ngày Chủ nhật kỳ phát lương nửa tháng. Chị sẽ thấy biết bao người đến trưa thì xỉu?
   Mấy ngôi nhà Perin đi qua mang nét đặc biệt. Hầu hết, được xây dựng rất thô sơ hoặc bằng đất hay bằng gỗ trét đất sét, chúng tồn tại đã lâu, trông ra quá cũ kỹ. Mắt ta chú ý đến những cánh cửa lớn và cửa sổ quét sơn, như là tấm biển tô điểm ngôi nhà. Mà quả vậy, đó là thứ biển quảng cáo những ngôi nhà có buồng cho thuê. Nhờ cái nước sơn ấy, dầu ngôi nhà không được sửa chữa, cũng có vẽ sạch sẽ. Tuy nhiên, khi nhìn vào phía trong, người ta sẽ biết rõ sự thật.
   - Chúng ta đã đến nơi! Rôdali vừa nói, vừa lấy bàn tay không mang xách, chỉ một nếp nhà gạch nhỏ, đang chắn con đường đi. Một bờ rào xén thẳng tắp ngăn cách ngôi nhà với con đường. Ở cuối sân, phía sau là cửa hàng bán lẻ và hiệu tạp hóa. Ở góc là một phòng trọ.
   Trong bờ rào, có một hàng chấn song gỗ mở ra trên một cái sân nhỏ trồng táo… Ở giữa sân, một con đường rải sỏi dẫn đến ngôi nhà. Hai cô bé vừa bước được mấy bước trên con đường này thì một phụ nữ còn trẻ xuất hiện trên ngưỡng cửa, tru tréo goi Rôdali:
   - Nhanh lên chứ! Đi Píchkynhi là một việc ghê gớm quá nên mày đủng đà đủng đỉnh thế hở?
   Rôdali nói nhỏ
   - Dì Dênôbi đấy. Lúc nào dì cũng khó tính như vậy đó.
   - Mày thì thầm cái gì thế?
   - Cháu nói: nếu người ta không khiêng cái giỏ giúp cháu thì bây giờ cháu cũng chưa về tới nhà!
   - Mày có im mồm đi không! Ranh con?
   Nghe những lời rầy là ấy, một bà to béo đến bên hành lang, hỏi:
   - Các người còn nói cái gì nữa đấy?
   - Dì Dênobi mắng cháu đi về trễ. Bà ơi, cái giỏ này nặng ghê lắm!
   - Được, được! Bà bình thản nói. Để giỏ xuống đi, cháu! Thức ăn của cháu, bà để trên bếp lò, chắc còn đang nóng! Cháu vào lấy mà ăn!
   Rôdali nói với Perin:
   - Chị đợi tôi ngoài sân nhé! Tôi sẽ trở lại ngay mà! Chúng ta cùng ăn bữa trưa. Chị đi mua suất bánh của chị đi. Ông bán bánh ở cái nhà gạch thứ ba, bên trái. Chị đi nhanh lên nhé!
   Khi Perin trở lại, Rôdali đang ngồi trước cái bàn đặt dưới bóng mát một cây táo. Hai đĩa ragu đã bày sẵn.
   - Chị ngồi xuống đây! Chúng ta chia nhau món ragu này! Rôdali nói.
   - Nhưng…
   - Chị cứ nhận đi! Tôi đã thưa với mẹ Prăngxoadơ, bà tôi đồng ý!
   Sự việc đã như thế, Perin nghĩ không nên để Rôdali phải van nài, em ngồi vào bàn.
   - Tôi đã nói chuyện về phòng ở và đã điều đình xong. Chỉ trả hai tám xu cho bà tôi. Chị ở chỗ kia kìa.
   Rôdali lấy ngón tay chỉ một cái nhà vách đất sét mà người ta chỉ nhìn thấy một phần ở phía sân. Phía còn lại, những ngôi nhà gạch che khuất. Căn nhà mà người ta trông thấy có vẻ cũ kỹ, hư hỏng đến nỗi người ta tự hỏi không biết làm sao mà nó lại đứng vững được!
   - Chính nơi đó, mẹ Prăngxoadơ đã ở trước khi xây dựng được ngôi nhà bây giờ với số tiền công làm nhũ mẫu ông Étmông. Chị ở đấy, không được tốt bằng ở trong nhà. Nhưng người thợ không thể ở như những nhà tư sản, phải không chị?
   Bên một cái bàn khác, cách chổ hai cô bé một khoảng, một ông trạc tứ tuần, nghiêm nghị, cứng đờ, trong chiếc vét tông cài cúc, đội cái mũ cao, đang chăm chú đọc trong quyển sách nhỏ đã đóng bìa.
   - Ông Benđi đang đọc bài Kinh Chủ nhật của ông đấy. Rôdali nói khẽ.
   Ngay tức khắc, cô bé lại phá tan sự tập trung chú ý của ông Benđi, cô nói:
   - Ông Benđi, đây là cô gái nói được tiếng Anh.
   - A, ông ta nói, mà không ngước lên. Hai phút sau, ông mới đưa mắt nhìn cô bé.
   - Cô có phải là thiếu nữ Anh không?(1)
   - Thưa ngài, không, nhưng mẹ cháu là người Anh(2). Không nói thêm tiếng nào, ông ta lại say sưa đọc bài Kinh Chủ nhật.
-----------------
Chú thích: (1) Bằng tiếng Anh trong nguyên văn.
(2) Cũng bằng tiếng Anh. Mẹ Perin là người Ấn Độ, lúc này còn là thuộc địa của Anh.
----------------
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

10#
 Tác giả| Đăng lúc 12-11-2011 00:06:40 | Chỉ xem của tác giả
Hai cô bé đã ăn xong bữa cơm. Họ nghe tiếng lăn bánh của một chiếc xe nhẹ trên đường và ngay sau đó, xe đi chậm lại trước bờ rào.
   - Hình như chiếc xe ngựa trần bốn bánh của ông Vunphran! Rôdali kêu lên và nhanh nhẹn đứng dậy.
   - Đúng là ông ta rồi! Rôdali vừa nói, vừa chạy ra ngoài đường.
   Perin không dám bỏ chổ ngồi, nhưng vẫn dõi mắt nhìn theo.
   Trong chiếu xe bánh thấp ấy có hai người ngồi: một thanh niên và một cụ già. Cụ già tóc bạc, đội mũ rơm, đang ngồi im lặng. Tuy cụ ngồi, người ta cũng thấy cụ cao lớn: đó là ông Vunphran Panhđavoan.
   Rôdali tiến đến gần chiếc xe ngựa.
   - Có người đến. Anh thanh niên sắp xuống xe, nói.
   - Ai đó? Ông Vunphran hỏi.
   Rôdali trả lời câu hỏi ấy.
   - Cháu là Rôdali đây, thưa ông.
   - Cháu lên mời bà cháu xuống gặp ông.
   Rôdali chạy vào nhà và trở ra rất nhanh với bà Prăngxoadơ.
   - Kính chào ông Vunphran!
   - Chào Prăngxoadơ!
   - Thưa ông, chẳng hay ông muốn sai bảo gì tôi ạ?
   - Tôi muốn nói với bà về câu Ôme em bà. Tôi vừa ở đằng ấy về. Tôi chỉ gặp mụ vợ nghiện rượu của cậu ấy, đang say khước. Mụ chẳng biết cái gì hết!
   - Ôme đang ở Amiêng. Chiều nay, cậu ấy mới về.
   - Bà nói với cậu ấy là tôi đã được báo: “Cậu ấy cho người ta thuê phòng khiêu vũ để tổ chức một cuộc họp”. Tôi không muốn có cuộc họp đó!
   - Nhưng nếu cậu ấy đã lỡ cho thuê rồi!
   - Thì trả tiền lại! Nếu không sau cuộc họp, tôi sẽ mời cậu ấy ra khỏi nhà! Đó là một trong những điều kiện thuê nhà giữa chúng tôi. Tôi sẽ thi hành rất nghiêm túc. Tôi không muốn có những cuộc họp như thế ở đấy!
   - Ở Phlêxen cơ mà!
   - Plêxen không phải là Marôcua! Tôi không muốn dân ở xứ tôi trở thành những du mục xứ Anru hay xứ Actoa. Các bà hãy cứ như cũ. Đó là ý muốn của tôi! Bà hãy nói cho Ôme hay! Chào Prăngxoadơ.
   - Kính chào ông Vunphran.
   Ông ta tìm trong túi áo gilê:
   - Rôdali, cháu đâu rồi?
   - Thưa ông, cháu ở đây ạ!
   Ông chìa bàn tay, trong đó lấp lánh đồng mười xu.
   - Đây, cho cháu!
   - Ôi, thưa ông Vunphran, xin cảm ơn ông!
   Rồi chiếc xe đi khuất.
   Perin đã nghe rõ câu chuyện, không sót một từ nào. Cái giọng điệu đầy quyền lực và cái giọng ông Vunphran dùng, để nói lên cái ý muốn của ông ta đập mạnh vào trí óc Perin hơn là những lời nói của ông ta. “Tôi không muốn có cuộc họp đó! Đó là ý muốn của tôi!”. Chưa bao giờ, em nghe ai nói với ai cái giọng như thế! Chỉ cái giọng ấy thôi cũng đã nói lên ý chí cương quyết, không gì lay chuyển nổi. Cử chỉ ngập ngừng, do dự không phù hợp với những lời nói ấy!
   Với dáng hân hoan, Rôdali đã trở lại:
   - Ông Vunphran cho tôi mười xu! – Vừa nói cô bé vừa đưa đồng mười xu ra khoe.
   - Tôi cũng đã trông thấy.
   - Cầu cho dì Đênôbi đừng hay! Nếu dì biết, dì sẽ tịch thu mất, nói là để cất hộ!
   - Tôi cứ ngỡ là ông ấy không biết chị?
   - Sao? Ông ấy không biết tôi ư? Ông ấy là cha đỡ đầu của tôi kia mà!
   - Ông ấy hỏi: “Rôdali ở đâu” khi chị đứng ngay bên cạnh!
   - Trời ơi! Ông ấy không trông thấy mà!
   - Ông ấy không trông thấy sao?
   - Chị không biết ông mù ư?
   - Mù à?
   Perin thì thầm, nhắc lại tiếng ấy hai ba lần.
   - Ông ấy mù đã lâu chưa chị? – Perin hỏi.
   - Đã từ lâu lắm, thị giác của ông ta yếu nhưng chẳng ai để ý! Người ta nghĩ rằng vì con trai của ông đi vắng nên ông buồn. Trước đây ông khỏe mạnh, sau đó yếu dần. Ông bị tức ngực rồi bị ho. Rồi một hôm, ông không nhìn thấy để đọc và cũng chẳng nhìn thấy để đi! Hãy nghĩ xem cả xứ này lo lắng biết bao nếu ông ta bắt buộc phải bán hay phải rời bỏ những nhà máy này! Ừ, dễ không, ông ấy chẳng thèm bỏ cái gì hết! Ông vẫn tiếp tục như thể ông vẫn có đôi mắt sáng. Những ai đã trông chờ vào bệnh hoạn của ông để làm những người chủ đều được đặt lại vào vị trí của họ - đến đây, cô bé hạ thấp giọng – mấy ông cháu và ông giám đốc Taluen ấy mà!
   Dì Đênôbi đứng trên ngưỡng cửa, gọi:
   - Rôdali, mày vào chứ?
   - Cháu vừa ăn xong!
   - Có khách để mày phục vụ đây mà!
   - Chị ơi, tôi phải đi đây!
   - Chị đừng lo ngại về phần tôi.
   - Chiều nay, chúng ta sẽ lại gặp nhau!
   Rôdali đi về phía ngôi nhà, bước đi chậm chạp như là nuối tiếc.
   Rôdali đi rồi, Perin muốn ngồi mãi bên bàn như đang trong nhà mình. Nhưng đây không phải là nhà của em! Cái sân này dành riêng cho khách trọ chứ không phải để cho thợ. Thợ thuyền chỉ được đến cái sân nhỏ ở phía trong. Ở đấy, không có cái bàn, cũng chẳng có ghế dài. Bởi vậy, em rời khỏi ghế dài rồi đi lang thang trên những con đường mở ra trước mắt.
   Perin bước chậm rãi, nhẹ nhàng. Một lát sau, em đã vượt qua tất cả các con đường ấy. Em cảm thấy có những con mắt tò mò đang theo dõi nên em không tiện dừng lại tùy thích. Em cũng không dám đi trở lại trong cái phạm vi ấy. Ở phía bên trên dốc, đối diện với các xưởng, em đã nhìn thấy một khu rừng với các khối xanh lục nổi bật trên bầu trời. Ở đấy có lẽ em sẽ tìm được sự yên tĩnh trong ngày Chủ nhật này. Perin có thể ngồi ở đó mà chẳng ai để ý.
   Thật thế, khu rừng vắng vẻ. Những đồng ruộng bao bọc chung quanh cũng vắng vẻ, cho nên ở bìa rừng, Perin có thể nằm dài thoải mái trên đám rêu. Trước mắt em là thung lũng. Tất cả xóm làng nằm giữa. Tuy Perin biết rõ vì đã nghe bố em kể, em vẫn gần như bị lạc trong mấy con đường rối rắm, quanh co kia. Nhưng đến bây giờ, đứng ở trên cao, em đã nhận ra xóm làng y như em nhớ lại và đã miêu tả cho mẹ, trong những đoạn đường dài. Xóm làng vẫn y như em thấy, trong những ảo giác của cái đói, y như là nơi đất Thánh. Perin đã nhiều lần tự hỏi một cách tuyệt vọng không biết em có vươn tới đó được không?
   Và giờ đây em đã đến tận nơi. Cái thung lũng đang trải ra trước mắt. Perin có thể lấy ngón tay đặt lên mỗi con đường, mỗi mái nhà, ở chính chỗ của nó.
   Vui biết mấy vì đó là sự thật! Là sự thật, cái xứ Marôcua mà Perin đã bao lần nhắc đến như là một ám ảnh. Từ khi đến nước Pháp, em đã tìm trên tấm bạt các xe đi qua và những toa goòng nằm trong các ga như thể em cần thấy các tên ấy để tin tưởng. Marôcua không còn là quê hương của mộng tưởng lạ lùng, mơ hồ hoặc khó nắm được. Quê hương ấy có thật!
   Trước mắt Perin, nhìn bên kia xóm làng, trên dốc đối diện với chỗ em ngồi, những ngôi nhà của xưởng máy nổi lên. Nhìn màu sắc các mái nhà. Perin có thể biết được sự phát triển của nhà nhà máy như có một người dân địa phương đang kể cho em nghe.
Ở chính giữa và bên bờ sông, có một ngôi nhà xưa bằng gạch và ngói đen thui. Bên cạnh đó, là một đống ống khói cao và mảnh khảnh đã bị khói, gió biển và những cơn mưa gặm mòn. Đó là xưởng cũ, xưởng kéo sợi lanh đã bị bỏ trống từ lâu. Ba lăm năm trước đây, những người có đầu óc phóng khoáng ở vùng này, khinh khỉnh nói rằng ông tiểu chủ Vunphran Panhđavoan điên rồ, thuê cái xưởng ấy để sạt nghiệp. Nhưng ông chẳng những không sạt nghiệp, mà của cải lại đến với ông! Lúc đầu, rất ít, từng xu, từng xu, rồi hàng triệu, hàng triệu. Nhanh chóng, chung quanh bà mẹ Rigônhơ (1) ấy lúc nhúc một bầy con. Nhưng đứa lớn, cấu tạo chưa tốt, áo quần xấu xí, èo uột như mẹ chúng, cũng như thường xảy ra với những ai đã trãi qua đói khổ. Trái lại, những đứa khác, tuổi trẻ hơn đều bảnh bao, khỏe mạnh. Chúng quá khỏe, với những bộ quần áo, trang trí nhiều màu sắc, không còn chút dấu vết gì của túp lều khốn khổ bằng vôi, hồ hay bằng đất sét của mấy người anh còm cõi trước tuổi. Năm tháng không in dấu trên những cái trại bằng sắt và những mặt tiền màu hồng, hay trắng bằng gạch sơn. Chung quanh nhà máy cũ, mấy ngôi nhà đầu tiên chen chúc trên một đám đất chật hẹp. Những ngôi nhà mới ở cách nhau khá xa, trên những đồng cỏ bao quanh. Một con đường sắt nối liền các ngôi nhà mới ấy. Những trụ điện và cả một mạng lưới dây điện bao bọc nhà máy trong một tấm lưới mênh mông.
--------------
Chú thích: (1)Rigônhơ: nhân vật trong huyền thoại dân gian Pháp tiêu biểu cho người mẹ có đàn con quanh mình.
--------------
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách