Kites

Tiêu đề: [Lịch Sử] Một Cây Cầu Quá Xa | Cornelius Ryan (hoàn) [In trang]

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-8-2013 05:20 PM
Tiêu đề: [Lịch Sử] Một Cây Cầu Quá Xa | Cornelius Ryan (hoàn)

Tên tác phẩm: Một Cây Cầu Quá Xa
Tác giả: Cornelius Ryan
Dịch giả: seahawk1
Độ dài: 3 phần
Thể loại: khác, lịch sử, chiến tranh, tư liệu
Tình trạng sáng tác: Đã hoàn thành
Nguồn: http://vnthuquan.net/truyen/truy ... 343tq83a3q3m3237nvn


Mục lục

Lời mở đầu
PHẦN I
Chương 1: Cuộc rút lui
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
PHẦN II
Chương 1: Kế hoạch
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
PHẦN III
Chương 1: Cuộc tấn công
Chương 2
HẾT

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-8-2013 05:23 PM
Lời mở đầu

"Dọc theo hành lang hẹp cho phép chiến xa cơ động, có năm cây cầu chiến lược cần phải chiếm. Chúng cần phải được chiếm nguyên vẹn bằng tấn công đổ bộ đường không. Trong đó cây cầu thứ năm, cây cầu sinh tử bắc qua hạ lưu sông Rhin tại một nơi có tên Arnhem, làm tướng Frederick Browning, phó tư lệnh đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng Minh, lo lắng. Chỉ vào cây cầu Arnhem trên bản đồ, ông ta hỏi, "Lực lượng thiết giáp sẽ cần bao lâu để đến được chỗ chúng tôi?" Thống chế Montgomery trả lời ngắn gọn, "Hai ngày". Vẫn nhìn vào bản đồ, Browning nói,"Chúng tôi có thể giữ được bốn ngày." Rồi sau đó ông nói thêm," Nhưng, thưa ngài, tôi nghĩ rất có thể chúng ta sắp chọn một cây cầu quá xa."

(Cuộc họp cuối cùng tại sở chỉ huy của Montgomery về chiến dịch Market Garden, tháng Chín năm 1944, theo như thiếu tướng Roy E.Uqhart thuật lại trong hồi ký "Arnhem")

Lời giới thiệu về chiến dịch Market Garden (17 - 24/9/1944)

Ngay sau 10 giờ sáng ngày chủ nhật 17/9/1944, từ các sân bay nằm ở khắp miền nam nước Anh, đội quân máy bay vận tải chở lính lớn nhất đã từng được tập trung cho một chiến dịch duy nhất bắt đầu cất cánh. Cùng với chúng, vào tuần thứ 263 của Thế chiến thứ hai, Tổng tư lệnh lực lượng Đồng Minh, tướng Dwight David Eisenhower, bật đèn xanh cho chiến dịch Market Garden, một trong những chiến dịch táo bạo và giàu sáng tạo nhất của cuộc chiến. Cũng thật ngạc nhiên, Market Garden, một chiến dịch phối hợp giữa đổ bộ đường không với tấn công mặt đất, lại được vạch ra bởi một trong những tư lệnh thận trọng nhất của Đồng Minh, thống chế Bernard Law Montgomery.

Market, lực lượng đổ bộ đường không trong kế hoạch, là một đạo quân khổng lồ, bao gồm gần năm ngàn máy bay tiêm kích, ném bom, vận tải và hơn 2500 tàu lượn. Chiều ngày chủ nhật đó, vào đúng 1 giờ 30, trong một cuộc tấn công ban ngày chưa từng có tiền lệ, toàn bộ lực lượng quân dù của Đồng Minh, cùng với xe cộ trang bị, bắt đầu được thả xuống sau chiến tuyến của quân Đức. Mục tiêu của cuộc đổ bộ táo bạo và lịch sử này: nước Hà Lan đang bị quân đội nazi chiếm đóng.
Trên mặt đất, triển khai dọc biên giới Bỉ - Hà Lan, là lực lượng Garden, gồm những đoàn tăng hùng hậu của đạo quân Anh số 2. Vào 2giờ 35 chiều, sau đợt pháo bắn mở đường và được máy bay phóng pháo yểm trợ, đoàn xe tăng bắt đầu tiến qua lãnh thổ Hà Lan theo tuyến đường chiến lược mà lực lượng dù đang đánh chiếm và giữ thông.

Kế hoạch đầy tham vọng của Montgomery được xây dựng để đưa quân và chiến xa xuyên qua Hà Lan, vượt sông Rhine tiến thẳng vào chính nước Đức. Chiến dịch Market Garden, Montgomery lý luận, sẽ là đòn sét đánh để hạ gục Đế chế thứ ba và chấm dứt chiến tranh trong năm 1944.

Dịch giả: seahawk1

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-8-2013 05:57 PM
Phần I
Chương 1
Cuộc rút lui

Ở ngôi làng Hà Lan Driel có cả ngàn năm tuổi, dân làng chăm chú lắng nghe. Ngay cả trước lúc rạng đông, những người bồn chồn không ngủ được đã thức giấc, ánh đèn bắt đầu le lói sau những khung cửa sổ đóng kín. Đầu tiên họ chỉ cảm thấy có chuyện gì đang diễn ra đâu đó rất gần. Dần dần cảm giác mơ hồ định hình rõ hơn. Từ phía xa những tiếng động rì rầm không dứt vọng lại.

Hầu như không thể nghe rõ, nhưng tiếng động vẫn từng đợt vọng tới ngôi làng. Không thể nào nhận ra được nguồn gốc những tiếng động mơ hồ, nhiều người lại nghe thấy rõ ràng có gì đó thay đổi trên dòng sông Rhine Hạ gần đó. Ở Hà Lan, một nửa lãnh thổ nằm dưới mực nước biển, thuỷ tai luôn là kẻ thù thường trực, đê đập là vũ khí chủ yếu trong cuộc đấu tranh không nhừng nghỉ đã bắt đầu từ trước thế kỷ 11. Driel, nằm ở khúc quanh lớn của sông Rhine Hạ, ở tây nam Arhem, thủ phủ của vùng Gelderland, đã luôn là nhân chứng cho cuộc đấu tranh đó. Chỉ cách làng vài trăm mét về phía bắc, một con đê khổng lồ, có chỗ vươn cao lên đến hơn 20 bộ, trên đỉnh là đường, bảo vệ ngôi làng và cả vùng khỏi con sông rộng hơn 400 mét luôn trái tính trái nết. Nhưng vào buổi sáng ngày hôm đó không có gì đáng báo động về con sông. Sông Rhine chảy hiền hoà lên biển Bắc theo tốc độ thông thường hai dặm một giờ của nó. Tiếng động không dứt vang lên từ nền đá của con đê chắn là do một kẻ thù khác, còn tàn bạo hơn nhiều, gây ra.

Khi bầu trời rạng dần, mặt trời bắt đầu xoá tan màn sương mù, tiếng động mỗi lúc một rõ hơn. Từ những con đường đi từ phía đông tới dân làng Driel có thể nghe tiếng xe cộ di chuyển - tiếng di chuyển mỗi lúc một ầm hơn. Tới lúc đó sự bất an của họ đã trở thành hốt hoảng, vì giờ thì chẳng còn gì để nghi ngờ về nguồn gốc của những tiếng động đó: lúc này đã là năm thứ năm của Thế chiến thứ hai, và vào tháng thứ năm mươi mốt dưới ách chiếm đóng Nazi, tất cả mọi người đều nhận ra đó là tiếng động do các đoàn quân Đức di chuyển gây ra.

Còn đáng lo ngại hơn nữa là quy mô của cuộc di chuyển này. Sau này nhiều người đã nhớ lại rằng, trước đó mới chỉ một lần họ nghe thấy những tiếng động như vậy - vào tháng Năm 1940, khi quân Đức xâm lược Hà Lan. Vào lúc ấy, tràn qua biên giới của Đế chế Đức nằm cách Driel chừng mười đến mười lăm dặm, đội quân cơ giới hoá của Hitler đã tiến tới đường xa lộ chính và nhanh chóng tràn qua vùng này. Lúc này đây, cũng trên chính những con đường đó, một lần nữa những đoàn quân có vẻ lại hối hả tiến đi không ngừng nghỉ.

Những tiếng động lạ lùng vẳng lại từ con đường lộ gần nhất - một xa lộ hai làn xe chạy nối Arhem, trên bờ bắc của sông Rhine hạ, với thành phố Nijmegen cổ kính thành lập từ thế kỷ thứ tám, nằm bên bờ con sông lớn Waal, cách nơi này mười một dặm về hướng nam. Trên nền tiếng động trầm trầm của động cơ, dân làng có thể phân biệt rõ những âm thanh riêng biệt có vẻ thật lạ lùng với một đoàn quân xa - tiếng bánh xe ngựa, tiếng động do vô số xe đạp gây ra, và tiếng bước chân chậm chạp, hỗn độn.

Đây là đoàn quân xa kiểu gì vậy? Và, quan trọng hơn nữa, nó đi về hướng nào? Vào thời điểm này của cuộc chiến tương lai của Hà Lan có thể sẽ phụ thuộc vào câu trả lời. Hầu hết mọi người đều tin rằng những đoàn quân xa này chở lực lượng tăng viện - có thể để tăng cường cho các trại lính tại Hà Lan hay tiến về phía nam để ngăn chặn bước tiến của Đồng Minh. Quân Đồng Minh đã giải phóng bắc Pháp với tốc độ ngoạn mục. Lúc này họ đang giao chiến ở Bỉ, và người ta nói họ đã tiến sát thủ đô Brussels, nằm cách đó chưa đầy trăm dặm. Tin đồn cũng đoan chắc rằng những đơn vị thiết giáp hùng mạnh của Đồng Minh đang hướng tới biên giới Hà Lan. Nhưng không ai ở Driel có thể nói chắc chắn được các đoàn quân xa Đức đang đi về hướng nào. Khoảng cách và sự hỗn độn của tiếng động vọng lại khiến mọi dự đoán là không thể. Và do lệnh giới nghiêm ban đêm dân cư trong làng không thể ra khỏi nhà để đi xem tận mắt được.

Bị ám ảnh bởi cảm giác không chắc chắn, họ cũng chỉ đành biết đợi. Họ không thể ngờ rằng chỉ ít lâu trước khi trời sáng ba gã tân binh - toàn bộ lực lượng Đức đóng trong làng - đã bỏ chạy trên những chiếc xe đạp đánh cắp và biến mất trong màn sương mù. Thế là chẳng còn ai để kiểm soát lệnh giới nghiêm trong làng nữa.

Không hề hay biết, dân cư trong làng tiếp tục ở lại trong nhà. Nhưng những người tò mò nhất trong số họ quá sốt ruột không thể chờ lâu hơn và quyết định đánh liều sử dụng điện thoại. Từ nhà mình tại số 12 Honingveldstraat, nằm bên cạnh xưởng làm mứt của gia đinh, cô gái trẻ Cora Baltussen gọi điện cho các bạn cô sống ở Arnhem. Cô gái không thể tin nổi những gì họ đã tận mắt chứng kiến.Các đoàn quân xa không hề hướng về phía nam tới mặt trận phía tây. Vào buổi sáng mù sương đó, ngày 4/9/1944, quân Đức và tất cả những kẻ ủng hộ chúng có vẻ đều hối hả tháo chạy khỏi Hà Lan, sử dụng tất cả những phương tiện có thể.

Xa hơn năm mươi dặm về phía nam, tại các làng mạc và thành phố nằm sát biên giới Bỉ, người Hà Lan ngỡ ngàng. Họ nhìn mà không dám tin vào mắt mình trong khi đám tàn quân tan nát của Hitler từ bắc Pháp và Bỉ đổ về lũ lượt kéo qua đông nghịt trước cửa sổ nhà họ. Sự suy sụp xem ra lan rất nhanh, bên cạnh đám nhà binh, hàng ngàn thường dân Đức và Nazi Hà Lan cũng rút chạy. Và với đám đông đang tìm cách tháo thân này có vẻ mọi con đường đều dẫn về biên giới Đức.

Bởi vì cuộc rút lui đã bắt đầu một cách rất chậm rãi - với một vài đoàn xe con và xe tải vượt qua biên giới Bỉ- không mấy ai ở Hà Lan có thể nói chính xác nó đã bắt đầu lúc nào. Có người tin rằng cuộc tháo lui bắt đầu ngày 2/9, một số khác lại cho là ngày 3. Nhưng đến ngày 4, sự di chuyển của quân Đức và đồng minh của chúng đã đạt tới mức điển hình của một cuộc bỏ chạy, một cuộc tháo thân kinh hoàng mà đỉnh cao là vào ngày mồng 5, một ngày sau này được biết tới trong lịch sử Hà Lan như là Dolle Dinsdag," Ngày thứ ba điên khùng".

Sự hoảng loạn và vô tổ chức có lẽ là những từ đặc trưng nhất cho cuộc bỏ chạy này của người Đức. Tất cả các loại phương tiện di chuyển đều được tận dụng. Ních đầy những con đường từ biên giới Bỉ ngược lên phía Bắc tới Arhem là xe tải, xe buýt, xe con, xe half-track, xe bọc thép, xe ngựa kéo của các nông trại và các xe hơi dân sự chạy bằng than hay củi. Đâu đâu dọc theo đoàn lữ hành hỗn độn này cũng có từng đám lính bê bết bụi, mệt nhoài hối hả đạp xe đạp lao đi.

Thậm chí còn có những phương tiện di chuyển lạ đời hơn nữa. Ở thị trấn Valkenswaard, chỉ cách biên giới Bỉ vài dặm về phía Bắc, người ta thấy lính Đức mang vác nặng nề gò lưng ra đi trên những chiếc xe đạp dành cho trẻ con. Cách đó sáu chục dặm, ở Arhem, đám đông túm tụm lại ở Amsterdamseweg để theo dõi khi một cỗ xe tang lừng lững màu đen thếp bạc được kéo bằng một đôi ngựa cày đủng đỉnh diễu qua trước mặt. Ngồi đông nghịt trên cái giá dành để quan tài là cỡ hai chục lính Đức nhếch nhác, kiệt sức.

Chen lấn lẫn nhau trong đám loạn quân tháo chạy này là binh lính Đức thuộc vô số đơn vị. Người ta có thể bắt gặp lính Panzer trong bộ chiến phục màu đen; binh lính của Lufwaffe, chắc hẳn là tất cả những gì còn lại của các đơn vị không lực Đức đã bị tan tác ở Pháp hay Bỉ; lính lục quân thuộc chừng hai chục sư đoàn khác nhau; và lính Waffen SS, không thể lẫn vào đâu được với phù hiệu hình đầu lâu và hai khúc xương bắt chéo. Nhìn đám lính tơi tả, có vẻ không có chỉ huy này thất thểu diễu qua vô tổ chức trước mặt, cô gái trẻ Wilhelmina Coppens ở St.Oedenrode nghĩ rằng "phần lớn chúng chẳng biết mình đang ở đâu hay thậm chí đang đi về đâu." Một số binh lính, trước sự thú vị đầy căm ghét của những người Hà Lan bên đường, đã hoàn toàn lạc hướng đến mức phải hỏi thăm dân chúng đường về phía biên giới Đức.

Tại thành phố công nghiệp Eindhoven, quê hương của người khổng lồ đồ điện Philips, dân cư đã nghe thấy tiếng đại bác ầm ầm vọng lại từ phía Bỉ nhiều ngày nay. Đến lúc này, nhìn thấy phần sót lại của đạo quân Đức bại trận hối hả tháo lui, người ta chờ đợi quân Đồng Minh xuất hiện từng giờ từng phút. Cả quân Đức cũng vậy. Frans Kortie, một nhân viên hai mươi tư tuổi làm tại văn phòng tài chính thành phố, nhận ra đám quân rút lui không hề có ý định dừng lại. Từ những sân bay gần đấy vẳng lại những tiếng nổ lớn trong khi bọn công binh phá huỷ đường băng, kho vũ khí, kho xăng và các nhà để máy bay; và qua làn khói đang bay dọc thành phố, Kortie nhìn thấy từng đám lính đang hối hả tháo dỡ những khẩu pháo phòng không nặng nề khỏi nóc các toà nhà của hãng Philips.

Trong khắp vùng, từ Eindhoven ngược lên phía bắc tới Nijmegen, công binh Đức làm việc không ngơi nghỉ. Trên kênh đào Zuid Willemsvaart nằm cạnh thị trấn Veghel, Cornelis de Visser, một giáo viên tiểu học, nhìn thấy một chiếc sà lan chất nặng nổ tung, hất văng ra xung quanh một trận mưa các mảnh động cơ máy bay, không khác gì một trận mưa đạn ghém chết người. Cách đó không xa, ở làng Uden, Johanne de Groot, một người đóng thùng xe bốn mươi lăm tuổi, đang cùng gia đình theo dõi cuộc rút lui của quân Đức khi chúng đốt một trại lính Hà Lan cũ chỉ cách nhà ông chừng 300 mét. Vài phút sau những quả bom hạng nặng cất trong toà nhà nổ tung, giết chết bốn trong số những người con của Groot, từ năm đến mười tám tuổi.

Tại những nơi như Eindhoven, nơi các trường học bị đốt, lính cứu hoả đã bị cấm không được can thiệp và các toà nhà bị cháy trụi, đổ sụp. Ngược lại với đám tàn quân hỗn độn đang rút chạy trên đường, đám công binh có vẻ vẫn hành động theo những kế hoạch được vạch sẵn.

Trong đám người chạy trốn, hỗn độn và hoảng hốt nhất là đám thường dân, người Đức và bọn Nazi Hà Lan, Bỉ và Pháp. Đám này cũng chẳng được người Hà Lan dành cho chút thiện cảm nào. Theo người nông dân Johannes Hulsen ở St Oedenrode, đám này" co rúm lại vì sợ"; và chúng có lý do để lo sợ, anh này hài lòng nghĩ, với quân Đồng Minh đang đuổi theo bén gót, đám phản bội này biết rõ ngày đền tội đã đến gần.

Cơn hoảng loạn tháo chạy của đám Nazi Hà Lan và người Đức đã được châm ngòi bởi viên bác sĩ nổi danh Arthur Seys-Inquart, cao uỷ của Đế chế tại Hà Lan và tên thủ lĩnh tàn bạo và đầy tham vọng của đảng Nazi Hà Lan, Anton Mussert. Lo lắng quan sát số phận của quân Đức ở Pháp và Bỉ, Seys-Inquart vào ngày 1/9 đã ra lệnh sơ tán toàn bộ thường dân Đức về phía đông Hà Lan, gần biên giới đế chế. Còn gã Mussert năm mươi tuổi thì báo động cho đồng đảng của y. Seys-Inquart và Mussert cũng nằm trong số những kẻ bỏ chạy đầu tiên: cả hai đã rời khỏi Hague chạy về phía đông tới Apeldoorn, cách Arnhem mười lăm dặm về phía bắc.Mussert còn đưa gia đình hắn tới gần lãnh thổ đế chế hơn, tới tận vùng giáp biên Twente, tại tỉnh Overijssel. Lúc đầu đám thường dân Đức và Hà Lan di tản khá từ tốn. Rồi sau đó một chuỗi sự kiện làm bùng lên sự hỗn độn. Ngày 3/9, quân Anh chiếm Brussels. Đến hôm sau Antwerpt thất thủ. Lúc này, binh lính và xe tăng Anh chỉ còn cách biên giới Hà Lan vài dặm. Seys-Inquart phát hoảng. Tại Apeldoorn, y chạy tới tổng hành dinh ngầm dưới đất của mình - một bunker khổng lồ bằng bê tông và gạch được xây với giá trên 250 000 đô la - bao gồm phòng họp, phương tiện liên lạc và các khu phòng nghỉ cá nhân. Tất cả hiện vẫn còn tồn tại.. Phía bên ngoài, ngay sát cửa vào, con số "6 1/4", biệt danh của gã cao ủy bị căm ghét, được vạch trên bê tông. Người Hà Lan không thể đừng được sự so sánh; trong tiếng Hà Lan, Seyss-Inquart và "6 1/4" (zes en een kwart) phát âm gần giống nhau.

Trước những thắng lợi chóng vách, vị nữ hoàng già nua của Hà Lan, Wilhemina, phát biểu với đồng bào của mình từ đài London rằng ngày giải phóng đã gần kề. Bà cũng tuyên bố rằng con rể bà, hoàng thân Bernhard, đã được bổ nhiệm làm tổng tư lệnh lực lượng Hà Lan và cũng đảm nhiệm luôn nhiệm vụ chỉ huy lực lượng kháng chiến ngầm. Những nhóm này, bao gồm ba tổ chức riêng rẽ theo khuynh hướng chính trị từ tả đến cực hữu, sẽ được thống nhất lại và chính thức được biết đến dưới tên Lực lượng nội địa. Hoàng thân 33 tuổi Bernhard, chồng của công chúa Juliana, người thừa kế ngai vàng, cũng phát biểu sau nữ hoàng. Ông yêu cầu lực lượng kháng chiến ngầm chuẩn bị sẵn sàng băng tay có ghi rõ chữ Orange, nhưng không được sử dụng đến "khi chưa có lệnh". Ông cảnh báo họ "kiềm chế không hành động thiếu suy xét và bột phát trong lúc hăng hái, vì như vậy sẽ làm hại bản thân các bạn cũng như các chiến dịch quân sự sắp tới."

Sau đó, đài phát thanh phát đi thông điệp của tướng Dwight D.Eisenhower, tổng tư lệnh lực lượng Đồng Minh, xác nhận rằng tự do đã gần kề. "Giờ phút được giải phóng mà nhân dân Hà Lan mong đợi bấy lâu nay đã rất gần," ông cam đoan. Và trong một vài giờ sau buổi phát thanh này, đến lượt thông điệp lạc quan nhất từ thủ tướng chính phủ lưu vong Hà Lan, Pieter S.Gerbrandy. Ông nói với thính giả của mình, "Lúc này, lực lượng Đồng Minh, với sức tiến công không gì cản nổi, đã vượt qua biên giới Hà Lan... Tôi kêu gọi tất cả quý vị hãy dành cho đồng minh của chúng ta sự đón tiếp nồng hậu trên đất nước ta."..

Dân chúng Hà Lan hân hoan mừng rỡ, còn đám Nazi Hà Lan gấp gáp bỏ chạy tháo thân. Anton Mussert từ lâu vẫn huênh hoang đảng của y có tới hơn 50000 tên Nazi. Nếu đúng thế, người dân Hà Lan có cảm giác tất cả bọn chúng đều cùng đổ xô ra đường một lúc. Tại hàng chục làng và thành phố trên khắp Hà Lan, các thị trưởng và quan chức do bọn Nazi dựng lên đều đồng loạt từ nhiệm - nhưng không sớm hơn sau khi đã đề nghị truy lĩnh tiền lương. Thị trưởng Eindhoven và một số công chức của y khăng khăng đòi truy lĩnh tiền lương. Người phụ trách kho bạc thành phố, Geradus Legius, mặc dù thấy yêu sách của đám này có vẻ lố bịch, nhưng cũng chẳng cảm thấy bực khi phải trả tiền cho chúng. Nhìn đám người này hấp tấp chạy khỏi thành phố "trên bất cứ thứ gì có bánh" ông tự hỏi: "Liệu bọn chúng bỏ chạy được bao xa? Và chạy đi đâu?" Cả các ngân hàng cũng đầy ắp người. Khi Nicolaas van de Weerd, một thủ quỹ hai tư tuổi đến nơi làm việc ở thị trấn Wageningen vào ngày thứ hai, 4/9, anh thấy một hàng dài Nazi Hà Lan đứng chầu chực bên ngoài nhà băng. Cửa vừa mở là cả đám ào ào xông vào và khoắng sạch số tiền có trong két.

Các ga đường sắt cũng bị tràn ngập bởi đám thường dân hoảng loạn. Các chuyến tàu đi tới Đức đều chật ních. Xuống tàu tại ga Arnhem, cậu thanh niên Frans Wiessing bị xô dạt ra bởi một biển người chen lấn đấm đá nhau để tranh chỗ lên tàu. Cuộc loạn đả hỗn độn lớn đến mức khi tàu chuyển bánh, Wiessing nhìn thấy hàng núi hành lý bị vứt lại chỏng chơ trên sân ga. Ở làng Zetten, phía tây Nijmegen, anh sinh viên Paul van Wely quan sát đám Nazi Hà Lan đứng chen lấn trên sân ga suốt cả ngày để chờ một chuyến tàu tới Đức, nhưng chẳng có chuyến tàu nào tới.

Ở tất cả các thành phố những sự kiện tương tự cũng xảy ra. Những người Hà Lan cộng tác với quân Đức bỏ trốn trên tất cả những gì có thể di chuyển được. Kiến trúc sư trưởng Willem Tiermans, từ trên cửa sổ văn phòng của ông ở gần cây cầu lớn Arnhem, theo dõi cảnh đám Nazi Hà Lan " chen lấn như những gã điên " để len lên được một chiếc phà ngược sông Rhine về hướng Đức.

Dòng người rút chạy đông lên từng giờ, và thậm chí không hề ngưng nghỉ trong suốt buổi đêm. Đám người Đức quá hốt hoảng tìm cách tháo thân đến mức vào tối 3 và 4/9, làm ngơ nguy cơ bị không quân Đồng Minh tấn công, binh lính thắp đèn sáng trưng ở nhiều ngã ba ngã tư, hàng đoàn xe chất quá tải ì ạch nhích lên phía trước, đèn bật sáng choang. Các sĩ quan Đức có vẻ đã không còn kiểm soát được tình hình. Bác sĩ Anton Laterveer, một bác sĩ đa khoa ở Arnhem, nhìn thấy nhiều binh sĩ vứt cả súng đi, một số thậm chí còn tìm cách bán súng cho người Hà Lan. Joop Muselaar, một cậu thanh niên trẻ, nhìn thấy một viên trung uý định vẫy một chiếc xe quân sự có vẻ vẫn còn trống, nhưng tay lái xe, phớt lờ mệnh lệnh, vẫn tiếp tục dông thẳng. Bực tức, tay trung uý lên cơn khùng rút súng bắn trút giận xuống mấy viên đá lát đường.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-8-2013 05:59 PM
Chương 1
(tiếp theo)

Khắp nơi binh lính tìm cách đào ngũ. Tại làng Eerde, Adrianus Marinus, một cậu thư ký mười tám tuổi, thấy một gã lính nhảy từ trên xe tải xuống. Hắn ta chạy vào một trang trại và biến mất. Sau đó Marinus được biết đó là một tù binh Nga đã bị ép đầu quân cho quân đội Đức. Cách Nijmegen hai dặm, tại làng Lent trên bờ bắc sông Waal, bác sĩ Frans Huygen, trong khi đi thăm bệnh trong làng, nhìn thấy bọn lính xin quần áo dân sự, nhưng dân làng từ chối. Ở Nijmegen đám lính đào ngũ không hiền lành như vậy. Trong nhiều trường hợp chúng chĩa súng vào dân cư để đòi đồ dân sự. Mục sư Wilhemus Peterse, một tu sĩ Carmelite bốn mươi tuổi, nhìn thấy lính Đức hối hả trút bỏ quân phục, thay đồ thường dân rồi cuốc bộ về phía Đức. " Bọn Đức đã ngán chiến tranh đến tận cổ", Garrit Memelink, viên trưởng thanh tra kiểm lâm ở Arnhem nhớ lại. "Chúng sẵn sàng làm tất cả những việc đáng hổ thẹn nhất để thoát khỏi đám quân cảnh."

Khi các sĩ quan đã mất khả năng kiểm soát, kỷ luật cũng không tồn tại nữa. Những đám tàn quân không chỉ huy cướp ngựa, xe ngựa, xe hơi, xe đạp. Một số chĩa súng vào những người nông dân để bắt họ chở chúng tới Đức. Khắp nơi dọc đoàn quân tháo chạy người Hà Lan trông thấy xe tải, xe ngựa, xe kéo - thậm chí cả xe cút kít do đám tàn binh đẩy đi - chất đầy có ngọn đủ thứ đồ ăn cướp được ở Pháp, Bỉ và Luxemburg. Những chiến lợi phẩm thượng vàng hạ cám này bao gồm đủ thể loại từ tượng, đồ gỗ cho đến đồ lót phụ nữ. Ở Nijmegen đám lính cố bán đi nào máy khâu, máy chữ, nào vải vóc, tranh ảnh - có một gã thậm chí còn rao bán một con vẹt nhốt trong một chiếc lồng to.

Trong đám tàn quân Đức đang tháo chạy cũng chẳng thiếu gì rượu. Chỉ cách biên giới Đức năm dặm, ở thị trấn Groesbeek, cha Herman Hoek trông thấy những chiếc xe ngựa chất đầy ắp vang và rượu nặng. Tại Arnhem, mục sư Reinhold Dijker cũng thấy một đám lính lục quân trên xe tải đang ngất ngư uống lấy uống để từ một thùng rượu vang to mà chúng chắc đã khuân đi từ Pháp. Cô bé mười sáu tuổi Agatha Schulte, con gái người dược sĩ trưởng tại bệnh viện Arnhem, tin rằng hầu hết bọn lính cô nhìn thấy đều say khướt. Chúng vung từng nắm tiền xu Pháp và Bỉ cho đám trẻ con và tìm cách bán những chai vang, champagne và cognac cho người lớn. Mẹ cô bé, bà Hendrina Schulte, vẫn nhớ như in đã nhìn thấy một chiếc xe tải Đức chở một thứ chiến lợi phẩm khác. Đó là một chiếc giường đôi to kềnh - trên giường có một người đàn bà nằm. "Người ta đã được chứng kiến những cảnh mà không ai cho là có thể xảy ra với quân đội Đức," Walter Goerlitz, một sử gia Đức, đã viết như vậy trong cuốn "Lịch sử Bộ tổng tham mưu Đức" của ông ta. " Lính hải quân đi ngược lên phía bắc, không vũ khí, bán sạch quân phục dự trữ... Họ nói với dân chúng chiến tranh đã kết thúc và họ đang trở về nhà. Từng đoàn xe tải chất đầy sĩ quan, đám tình nhân của họ, cùng với một lượng lớn champagne và brandi đã chuồn xa tới tận Rhineland, và đã phải thiết lập toà án binh để xử những trường hợp như vậy."

Bên cạnh những đoàn người lũ lượt kéo từ phía nam lên, binh lính và thường dân Đức cũng ùn ùn bỏ chạy từ phía tây Hà Lan và vùng ven biển. Tại vùng ngoại ô trù phú Oosterbeek của Arnhem, Jan Voskuil, một kỹ sư cơ khí 39 tuổi, đang trốn trong nhà bố vợ. Biết được mình có tên trong một danh sách con tin Hà Lan sẽ bị quân Đức bắt, anh này đã chạy khỏi nhà ở thị trấn Geldermalsen, cách đó hai mươi dặm, mang theo người vợ Bertha và đứa con trai lên chín. Anh ta đến Oosterbeek vừa đúng lúc để chứng kiến cuộc tháo chạy. Bố vợ của Jan nói với anh "không phải lo gì về bọn Đức nữa; bây giờ anh sẽ không cần phải "lặn"". Nhìn xuống con đường chính của Oosterbeek, Voskuil trông thấy "sự hỗn loạn hoàn toàn". Hàng tá xe tải đầy ắp lính Đức, đi nối đuôi nhau, " tất cả đều chất quá tải đến mức nguy hiểm." Anh trông thấy bọn lính "trên xe đạp, đạp xe đi như quá dại, với vali và balô đặt trên tay lái". Volkuil tin chắc chiến tranh sẽ kết thúc chỉ sau vài ngày nữa.

Tại chính Arnhem, Jan Mijnhart, người gác cửa Groten Kerk - ngôi nhà thờ đồ sộ xây từ thế kỷ 15 của thánh Eusebius với ngọn tháp nổi tiếng cao 305 bộ - nhìn thấy "đám Moffen" (tên mỉa mai người Hà Lan đặt cho lính Đức, tương đương với "Jerry" trong tiếng Anh) rồng rắn đi qua thành phố "theo hàng tư về hướng nước Đức". Một số trông già sọm, ốm yếu. Bên cạnh ngôi làng Ede một lính Đức gìa van xin cậu thanh niên Rudolph van der Aa hãy báo với gia đình ông ta ở Đức là họ đã gặp nhau. " Tôi bị bệnh tim," tên lính nói thêm, " và chắc sẽ không sống được bao lâu nữa." Lucianus Vroemen, một cậu bé vị thành niên ở Arnhem, nhận thấy lính Đức đều kiệt sức và " không còn chút tin thần chiến đấu hay danh dự nào". Cậu đã trông thấy đám sĩ quan, cố gắng thiết lập trật tự trong đám lính rã hàng, nhưng hầu như vô hiệu. Thậm chí đám lính còn chẳng buồn phản ứng lại dân Hà Lan, những người đang hô lớn, "Cút về nhà đi! Người Mỹ và người Anh sẽ đến đây trong vài giờ nữa."

Theo dõi quân Đức rút qua Arnhem về phía đông, bác sĩ ngoại khoa Pieter de Graaff 44 tuổi, tin chắc rằng lúc đó ông đang theo dõi " ngày tận thế, sự suy sụp hoàn toàn của quân đội Đức." Và Suze van Zweden, giáo viên toán trung học, có một lý do đặc biệt để nhớ đến ngày hôm đó. Chồng cô, Johan, một nhà điêu khắc có tên tuổi và đáng kính, đã bị bắt đến trại tập trung Dachau từ năm 1942 do che dấu người Do Thái. Lúc này ông có lẽ sẽ sớm được tự do, vì hiển nhiên chiến tranh đã gần kết thúc. Suze quyết định phải tận mắt chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này - sự bỏ chạy của quân Đức và sự xuất hiện của quân giải phóng Đồng Minh. Đứa con trai Robert của cô còn quá nhỏ để hiểu những gì đang xảy ra nhưng cô đã quyết định mang theo đứa con gái Sonja chín tuổi vào thành phố. Trong khi mặc quần áo cho Sonja, Suze nói, "Đây là một thứ con cần phải chứng kiến. Mẹ muốn con cố gắng và nhớ nó suốt đời."

Khắp nơi người Hà Lan hân hoan. Quốc kỳ Hà Lan xuất hiện. Các cửa hàng bán cúc áo màu da cam và ruy băng cho đám đông hồ hởi. Tại làng Renkum xưởng may của làng chạy hết công suất, người chủ xưởng Johannes Snoek bán những dải ruy băng da cam cũng nhanh như xưởng của ông có khả năng sản xuất kịp. Trước sự kinh ngạc của ông này, dân làng kết chúng thành những chiếc nơ rồi hào hứng đính khắp nơi. Johannes, một thành viên của lực lượng kháng chiến, nghĩ " mọi việc có vẻ đi hơi quá xa". Để bảo vệ dân chúng khỏi chính cơn bồng bột của họ, ông ngừng việc bán ruy băng lại. Maria, em gái ông, bị cuốn vào cơn cuồng nhiệt chung, vui vẻ ghi vào nhật ký của mình rằng "không khí trên đường phố không khác gì ngày sinh nhật nữ hoàng." Đám đông hào hứng đứng trên hè đường hô lớn," Nữ hoàng muôn năm!". Mọi người hát vang bài "Wilhemus" (Quốc ca Hà Lan) và "Oranje boven!" (Orange trên hết). Áo choàng bay tung, các xơ Antonia Stranzky và Christine van Dijk từ bệnh viện St Elizabeth tại Arnhem đạp xe xuống quảng trường chính Velperplein, ra nhập vào đám đông tại các quán cà phê đang uống cà phê, ăn bánh khoai tây, trong lúc bọn Đức và đám Nazi Hà Lan chạy qua.

Tại bệnh viện St Canisius ở Nijmegen, xơ M.Dosithee Symons trông thấy các y tá nhảy múa vì mừng rỡ trong các hành lang. Mọi người lấy những chiếc radio vẫn cất dấu lâu nay ra, và trong lúc xem dòng người tháo chạy, công khai nghe bản tin Hà Lan đặc biệt, Radio Orange, từ đài BBC London lần đầu tiên sau nhiều tháng dài. Johannes Hurkx, một người trồng cây ăn quả ở St Oedenrode, đã mải nghe các bản tin đến mức không nhận ra có một đám người Đức lẩn vào sau nhà ăn cắp những chiếc xe đạp của gia đình ông.

Tại hàng chục địa điểm trường học đóng cửa và mọi công việc đều ngừng trệ. Công nhân các xưởng thuốc lá ở Valkenswaard đồng loạt bỏ máy lao ra đầy đường. Tại Hague, nơi chính phủ đóng, xe cộ trên đường ngừng chạy. Tại thủ đô Amsterdam, không khí thật sôi động và không thể tưởng tượng nổi. Công sở đóng cửa, giao dịch trên thị trường chứng khoán đình trệ. Các toán lính tuần tra biến mất, còn nhà ga trung tâm chật ních bọn Đức và Nazi Hà Lan. Tại ngoại ô Amsterdam, Rotterdam và Hague, đám đông vẫy cờ và hoa đứng dọc các con đường chính dẫn về các thành phố - hy vọng được là những người đầu tiên được trông thấy xe tăng Anh từ phía Nam tiến lại.

Tin đồn rộ lên từng giờ. Nhiều người ở Amsterdam tin rằng quân Anh đã giải phóng Hague, nằm sát bờ biển cách đó chừng ba mươi dặm về phía tây nam. Tại Hague dân chúng lại tin rằng cảng lớn Rotterdam, nằm cách nơi này mười lăm dặm, đã được giải phóng. Những người di chuyển trên tàu hoả cứ mỗi lần tàu dừng lại được nghe kể một câu chuyện khác nhau. Một trong số họ, Henri Penijnenburg, một chỉ huy kháng chiến hai mươi lăm tuổi, đi từ Hague về nhà mình ở Nijmegen, cách nhau chưa đến tám mươi dặm, đã được nghe vào đầu buổi sáng rằng người Anh đã tiến vào thành phố cổ Maastricht ở biên giới. Tại Utrecht người ta cam đoan với anh là quân Anh đã chiếm Venlo, chỉ cách biên giới Đức vài dặm. "Khi cuối cùng tôi về tới nhà," anh nhớ lại," tôi đã hy vọng nhìn thấy quân Đồng Minh trên đường phố, nhưng tất cả những gì tôi nhìn thấy chỉ là bọn Đức đang tháo chạy." Peijnenburg cảm thấy bất an và bối rối.

Nhiều người khác cũng chia sẻ sự băn khoăn của anh - nhất là bộ chỉ huy lực lượng kháng chiến đang bí mật họp ở Hague. Với họ, theo biến chuyển hiện tại, Hà Lan có vẻ sắp được giải phóng. Xe tăng Đồng Minh có thể dễ dàng thọc sâu xuyên qua nước này từ biên giới Bỉ tới Zuider Zee. Những người kháng chiến chắc chắn rằng "cửa mở" - qua Hà Lan, vượt qua sông Rhine vào nước Đức - đã mở toang.

Các chỉ huy kháng chiến biết quân Đức không còn lực lượng chiến đấu nào có khả năng chặn đứng một cuộc tấn công kiên quyết của Đồng Minh. Họ gần như coi khinh cái sư đoàn yếu đuối thiếu hụt quân số tập hợp toàn người già đang làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển ( đám này đã ngồi trong bunker bê tông suốt từ năm 1940 mà chưa bắn lấy một phát súng), và vài đơn vị ô hợp khác mà khả năng chiến đấu cũng rất đáng ngờ vực, gồm đám SS Hà Lan, các trại lính đồn trú lẻ, đám thương binh đang hồi phục và những người về mặt y tế không đủ khả năng chiến đấu - đám này được gom vào các đơn vị được gọi một cách rất đích đáng là các tiểu đoàn "dạ dày" và "tai", bởi hầu hết đám lính này không bị loét dạ dày thì cũng nặng tai.

Với người Hà Lan việc quân Đồng Minh sắp hành động ra sao là hoàn toàn hiển nhiên, cuộc tấn công đã gần kề. Nhưng thành công của nó sẽ phụ thuộc vào tốc độ tấn công của lực lượng Anh từ phía nam, mà về điểm này tất cả chỉ huy lực lượng kháng chiến ngầm đều mơ hồ: họ không thể ước lượng chính xác lực lượng Đồng Minh đã tiến tới đâu.

Kiểm tra tính xác thực của lời tuyên bố của thủ tướng Gerbrandy rằng quân Đồng Minh đã vượt qua biên giới chẳng phải là chuyện dễ dàng. Hà Lan là một quốc gia nhỏ - chỉ lớn bằng khoảng hai phần ba Ireland - nhưng có mật độ dân cư cao với hơn chín triệu người, và kết quả là bọn Đức không thể kiểm soát được hoạt động chống đối ngầm. Tất cả các thị trấn và làng đều có các tổ kháng chiến. Tuy thế, truyền tin đi vẫn là chuyện nguy hiểm. Cách chủ yếu, và nguy hiểm nhất, là điện thoại. Trong những trường hợp khẩn cấp, bằng những biện pháp phức tạp, các đường dây mật, các thông tin mã hoá, các chỉ huy khắng chiến có thể gọi điện thoại đến mọi nơi trong nước. Cũng như vậy, trong trường hợp này, những người chỉ huy lực lượng ngầm được biết sau vài phút rằng tuyên bố của Gerbrandy quá nóng vội: quân Anh vẫn chưa vượt qua biên giới.

Những bản tin khác của Radio Orange càng làm sự bối rối tăng lên. Hai lần trong vòng hơn mười hai giờ đồng hồ (vào lúc 11giờ 45 ngày 4/9 và một lần nữa vào sáng mồng 5) bản tin Hà Lan của BBC tuyên bố rằng thành phố Breda, cách biên giới Bỉ - Hà Lan bảy dặm đã được giải phóng. Tin tức lan rộng nhanh chóng. Các bản tin bất hợp pháp in bí mật đồng loạt chuẩn bị ra số mới loan tin "Breda thất thủ". Nhưng Pieter Kruyff, 38 tuổi, chỉ huy lực lượng kháng chiến ở vùng Arnhem, một trong những nhóm có kỷ luật và khả năng chiến đấu cao nhất, thực sự nghi ngờ bản tin của Radio Orange. Ông ra lệnh cho chuyên gia phụ trách liên lạc của nhóm, Johannes Steinford, một người sản xuất thiết bị điện thoại trẻ, kiểm tra lại bản tin này. Nhanh chóng liên lạc bằng đường dây bí mật với nhóm kháng chiến ngầm ở Breda, Steinford là người đầu tiên biết được sự thật cay đắng: thành phố vẫn nằm trong tay quân Đức. Chưa ai thấy quân Đồng Minh, cho dù là Anh hay Mỹ.

Vì những tin đồn mâu thuẫn, nhiều nhóm kháng chiến đã gấp rút gặp nhau để thảo luận cách hành động. Cho dù hoàng thân Bernard và SHAEF (Tổng hành dinh lực lượng của Đồng Minh ở lục địa) đã khuyến cáo chống lại một cuộc tổng khởi nghĩa, nhiều nhóm hoạt động ngầm đã mất hết kiên nhẫn. Họ tin rằng đã đến lúc công khai chống lại kẻ thù và bằng cách đó giúp đỡ cuộc tấn công của Đồng Minh. Có vẻ hiển nhiên là bọn Đức e sợ một cuộc tổng khởi nghĩa. Nhiều thành viên kháng chiến ngầm nhận thấy, trong các đội quân đang rút chạy, lính cảnh vệ được bố trí trên các xe, súng trường và súng máy sẵn sàng nhả đạn. Không hề dao động, nhiều kháng chiến quân vẫn sẵn sàng chiến đấu.

Tại làng Ede, nằm cách Oosterbeek vài dặm về phía bắc, anh thanh niên 25 tuổi Menno "Tony" de Nooy cố gắng thuyết phục chỉ huy nhóm của anh, Bill Wildeboer, ra lệnh tấn công. Tony lập luận rằng theo kế hoạch đã vạch ra từ lâu, nhóm của họ cần chiếm Ede khi quân Đồng Minh tấn công. Trại lính ở Ede, trước đây được dùng huấn luyện lính thuỷ Đức, lúc này hoàn toàn bị bỏ trống. De Nooy muốn chiếm lĩnh các toà nhà. Wildeboer, cựu thượng sĩ trong quân đội Hà Lan, một người lớn tuổi hơn, không tán thành. "Tôi không tin vào tình hình hiện nay," ông nói với đồng đội. "Thời điểm hành động vẫn chưa tới. Chúng ta cần đợi."

Nhưng không phải tất cả hành động của lực lượng kháng chiến đều được hãm lại. Ở Rotterdam, lực lượng ngầm chiếm trụ sở một công ty cấp nước. Tại làng Axel ngay cạnh biên giới Bỉ - Hà Lan, toà thị chính bao quanh bởi một bức tường thành cổ bị đánh chiếm, và hàng trăm lính Đức đầu hàng các thường dân vũ trang. Ở nhiều thành phố, đám quan chức Nazi Hà Lan bị bắt giữ trong khi tìm cách bỏ chạy. Tại phía tây Arnhem, ở làng Wolfheze, được biết đến chủ yếu do có bệnh viện tâm thần đặt tại đây, viên chánh cảnh sát địa phương bị bắt giữ ngay trong xe của y. Tay này bị nhốt tạm ở ngôi nhà gần nhất, nhà thương điên, để trao lại cho người Anh "khi họ tới".

Trên đây chỉ là vài ngoại lệ. Nhìn chung, các nhóm kháng chiến ngầm vẫn nằm im. Tuy vậy, ở khắp nơi, họ tận dụng tình hình hỗn loạn để chuẩn bị đón quân Đồng Minh tới. Ở Arnhem, Charles Labouchere, 42 tuổi, hậu duệ của một gia đình Pháp lâu đời và hoạt động trong một nhóm tình báo, đang quá bận rộn để có thời gian để ý đến các tin đồn. Ông ngồi hết giờ này đến giờ khác bên cửa sổ một văn phòng nằm gần cầu Arnhem, cùng với một số trợ thủ, quan sát các đơn vị Đức hướng về phía đông và đông bắc dọc theo các con đường Zevenaar và Zutphen đi về phía Đức. Labouchere có nhiệm vụ ước lượng quân số và, nếu có thể, xác định phiên hiệu các đơn vị. Những thông tin quan trọng được ông ghi lại và gửi tới Amsterdam theo đường bưu điện rồi được chuyển về London theo đường dây mật.

Ở ngoại ô Oosterbeek, cậu thanh niên Jan Eijkelhoff, kín đáo lách qua đám đông, đạp xe khắp vùng, trao những phiếu lương thực giả mạo cho những người Hà Lan phải ẩn trốn bọn Đức. Và người chỉ huy một nhóm ở Arnhem, Johannus Penseel, 57 tuổi, thường được gọi là "Ông Già", phản ứng trước tình thế một cách khéo léo, một tính cách khiến ông trở thành huyền thoại trong những người đồng đội. Ông quyết định rằng đã đến lúc di chuyển kho vũ khí của mình. Một cách công khai, giữa lúc lính Đức lúc nhúc khắp nơi, ông cùng vài người phụ tá bình thản lái một chiếc xe tải nhỏ tới bệnh viện thành phố, nơi vũ khí được cất dấu. Nhanh chóng gói gém súng đạn vào giấy dầu, họ chuyển toàn bộ số vũ khí về nhà Penseel, có cửa sổ tầng trệt nhìn ra quảng trường trung tâm. Penseel và người đồng chỉ huy của nhóm, Toon van Daalen, tin rằng đây là một vị trí lý tường để bắn vào bọn Đức khi thời cơ đến.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-8-2013 06:01 PM
Chương 1
(tiếp theo)

Khắp nơi đàn ông và phụ nữ trong đội quân ngầm rộng lớn sẵn sàng xung trận; ở các thành phố và các làng phía nam, dân chúng tin rằng một phần Hà Lan đã tự do đã đổ ra đường để chờ đón những người giải phóng. Không khí cuồng nhiệt gần như điên rồ, mục sư Carmelite Tiburtius Noordermeer thầm nghĩ khi ông quan sát đám đông đang hồ hởi tại làng Oss, đông nam Nijmegen. Ông thấy dân chúng vỗ vào lưng nhau chúc mừng. So sánh đám người Đức rệu rã trên đường với đám khán giả Hà Lan đang mở hội, ông nhận thấy "sự kinh hoàng ở một phía và sự vui sướng không bờ bến ở phía kia." "Không ai," ông mục sư nhớ lại, "hành động một cách bình thường".

Thời gian trôi qua, nhiều người trở nên lo lắng. Tại hiệu thuốc trên con phố chính của Oosterbeek, Karel de Wit bồn chồn không yên. Ông nói với vợ mình và cũng là dược sĩ chính, Johanna, rằng ông không hiểu được tại sao máy bay Đồng Minh không tấn công các đoàn quân Đức. Frans Schulte, một thiếu tá Hà Lan về hưu, nghĩ rằng sự vui mừng của đám đông là quá sớm. Cho dù em trai và em dâu ông đang hồ hởi trước cảnh tượng có vẻ là sự cuốn gói của bọn Đức, Schulte vẫn không bị thuyết phục. "Tình hình có thể xấu đi," ông cảnh cáo. "Bọn Đức còn xa mới bị đánh bại. Nếu quân Đồng Minh định vượt sông Rhine, tin tôi đi, chúng ta rất có thể sẽ thấy một trận đánh lớn."

Những biện pháp khẩn cấp của Hitler đã bắt đầu được thực hiện. Vào ngày 4/9, tại bản doanh của Fuhrer nằm sâu trong rừng ở Gorlitz, Rastenburg ở Đông Phổ, viên thống chế 69 tuổi Gerd von Runstedt chuẩn bị lên đường tới mặt trận phía tây. Ông ta không trông đợi sẽ nhận một chức chỉ huy mới.

Được triệu tập gấp gáp từ cảnh hưu trí bắt buộc, von Runstedt đã được lệnh tới Rastenburg bốn ngày trước đó. Vào ngày 2/7, hai tháng trước, Hitler đã cách chức ông khỏi vị trí Tổng chỉ huy phía Tây (hay, gọi theo thuật ngữ quân sự Đức, OB West - Oberbefehlshaber West) trong khi von Runstedt, người chưa bao giờ bại trận, đang cố gắng đối phó với hậu quả của tai hoạ lớn nhất với người Đức trong chiến tranh, cuộc đổ bộ của Đồng Minh lên Normandy.

Fuhrer và người lính danh tiếng nhất của nước Đức chưa bao giờ đồng ý với nhau về cách thức đối phó với mối đe doạ này. Trước cuộc đổ bộ, trong khi yêu cầu tiếp viện, von Runstedt đã thẳng thắn thống báo với tổng hành dinh của Hitler (OKW - Oberkommando der Wehrmacht) rằng lực lượng Đồng Minh, áp đảo về quân số, trang bị và không quân, có thể "đổ bộ ở bất cứ đâu họ muốn". Không phải vậy, Hitler tuyên bố. Bức tường Đại Tây Dương, tuyến phòng thủ bở biển kiên cố vẫn chưa hoàn tất mà, như Hitler huyênh hoang, chạy dài gần ba ngàn dặm từ Kirkenes (trên biên giới Nauy - Phần Lan) tới Pyrenees (trên biên giới Pháp - Tây Ban Nha) sẽ khiến "mặt trận này trở nên bất khả xâm phạm trước bất cứ kẻ thù nào." Von Runstedt thừa biết rằng những pháo đài này chỉ nhằm mục đích tuyên truyền hơn là thực tiễn. Ông ta đánh giá bức tường Đại Tây Dương bằng một từ ngắn gọn:"bịp bợm".

Viên thống chế huyền thoại Erwin Rommel, nổi tiếng vì những chiến thắng trên sa mạc Bắc Phi trong những năm đầu cuộc chiến và được Hitler điều tới chỉ huy cụm quân B dưới quyền von Runstedt, cũng ngán ngẩm trước sự tự tin của Fuhrer. Với Rommel, dải phòng thủ bờ biển chỉ là một giấc mộng hão huyền của Hitler. Có lẽ đây là lần đầu tiên von Runsted, một quý tộc cổ điển, và Rommel, một người trẻ hơn và đầy tham vọng, đồng ý với nhau. Thế nhưng hai viên thống chế lại mâu thuẫn ở một điểm khác. Luôn nhớ trong đầu thất bại thảm hại của Afrikan Korps do ông ta chỉ huy trước quân Anh của Montgomery tại El Alamein năm 1942, và hoàn toàn ý thức được cuộc đổ bộ của Đồng Minh sẽ diễn ra như thế nào, Rommel tin rằng những kẻ đổ bộ cần bị chặn đứng ngay trên các bãi biển. Von Runstedt lạnh lùng bất đồng với cấp dưới của mình - người mà ông ta thường mỉa mai gọi là "Marschall Bubi" ("Thống chế trẻ ranh"); quân Đồng Minh cần bị quét sạch sau khi chúng đã đặt chân lên đất liền, ông lý luận. Hitler ủng hộ Rommel. Vào D Day, bất chấp sự trù liệu sáng suốt của Rommel, quân Đồng Minh phá tan hoang bức tường "bất khả xâm phạm" trong vài giờ.

Trong những ngày khủng khiếp tiếp sau đó, bị quân Đồng Minh, với ưu thế không quân hầu như hoàn toàn trên chiến trường Normady, chiếm thế áp đảo, và bị bó chân bó tay bởi mệnh lệnh "Không rút lui" của Hitler ("Tất cả mọi người sẽ chiến đấu và ngã xuống ở vị trí của mình"), chiến tuyến bị căng ra của von Runstedt đổ vỡ khắp nơi. Viên thống chế cố gắng một cách tuyệt vọng để lấp kín các chỗ hổng, nhưng bất chấp việc binh lính của ông ta chiến đấu và phản kích ngoan cường, kết quả cuối cùng không làm ai nghi ngờ. Von Runstedt đã không thể "hất quân xâm lược xuống biển" cũng chẳng thể "huỷ diệt chúng" (theo lời Hitler).

Vào đêm 1/7, trong lúc trận Normandy lên đến đỉnh điểm, tham mưu trưởng của Hitler, thống chế Wilhem Keitel, triệu von Runstedt tới và hỏi, "Chúng ta sẽ làm gì đây?" Thẳng tính, von Runstedt vặc lại, "Chấm dứt chiến tranh, đồ ngốc. Chúng ta còn có thể làm gì khác đây?" Nhận xét của Hitler khi nghe nói tới câu này khá bình thản. " Ông già này đã mất hết ý chí và không thể khống chế được tình hình nữa. Ông ta cần phải ra đi."Hai mươi tư giờ sau, với một lá thư viết tay lịch sự, Hitler thông báo cho von Runstedt rằng, " cân nhắc tình hình sức khoẻ của ngài và sự leo thang chiến sự dự kiến trong tương lại gần," ông ta bị thải hồi khỏi chức chỉ huy.

Von Runstedt, viên thống chế cao niên và đáng tin cậy nhất của Wehrmacht, sững sờ. Trong năm năm chiến tranh tài năng quân sự của ông ta đã phục vụ đắc lực cho đế chế. Năm 1939, khi Hitler lạnh lùng tấn công Ba Lan, châm ngòi cho cuộc chiến sau đó đã bao trùm cả thế giới, von Runstedt đã chỉ ra rõ ràng công thức thắng trận của người Đức - Britzkrieg ("chiến tranh chớp nhoáng")- khi các đơn vị Panzer mũi nhọn của ông tiến tới ngoại ô Warsaw sau chưa tới một tuần lễ. Một năm sau, khi Hitler quay về phía tây và nhận chìm phần lớn tây Âu với tốc độ chóng mặt, von Runstedt đã chỉ huy cả một đạo quân Panzer. Và năm 1941, ông ta lại có mặt ở tuyến đầu khi Hitler tấn công nước Nga. Lúc này, phẫn nộ trước mối đe doạ cho sự nghiệp và danh tiếng của mình, von Runstedt đã nói với tham mưu trưởng của ông, thiếu tướng Gunther Blumentritt, rằng ông ta đã bị " cách chức một cách nhục nhã bởi một chiến lược gia nghiệp dư." Rằng "cái gã cai người Bohem đó," ông ta bực tức, đã "dùng tuổi tác và sức khỏe xấu của tôi như cái cớ để cách chức tôi hòng có một kẻ giơ đầu chịu báng." Nếu được toàn quyền hành động, von Runstedt đã trù tính một cuộc rút lui từ từ về phía biên giới Đức, trong đó, như ông phác hoạ kế hoạch của mình với Blumetritt, ông đã có thể "khiến đối phương trả giá đắt cho từng tấc đất chiếm được." Nhưng, như ông ta đã nói nhiều lần với ban tham mưu của mình, vì "những lời giáo huấn liên tu bất tận từ trên xuống", quyền duy nhất mà ông có ở OB West là quyền" thay lính gác ở cổng". "Von Runstedt đã bị tổn thương bởi sự ám chỉ trong lá thư của Hitler rằng ông đã "yêu cầu" được giải nhiệm," tướng Blumetritt đã quá cố kể lại với tôi (tác giả) trong một cuộc phỏng vấn. "Vài người trong chúng tôi ở ban tham mưu đã thực sự cho rằng ông đã làm thế, nhưng thực ra không phải vậy. Von Runstedt phủ nhận rằng ông đã từng xin được từ chức - hay ông đã từng nghĩ đến chuyện này. Ông ấy đã rất tức giận - đến mức ông đã thề sẽ không bao giờ nhận một chức chỉ huy từ Hitler. Tôi biết ông không hề nghĩ như vậy vì với von Runstedt, tuân lệnh trong quân sự là hoàn toàn và vô điều kiện.'"

Từ thời điểm ông được triệu tập và có mặt tại Rastenburg Wolfsschanze ("Ổ sói"), như Hitler đặt tên, vào cuối tháng Tám, von Runstedt, theo lời mời của Fuhrer, tham gia vào các cuộc giao ban hàng ngày. Hitler, theo tướng Walter Warlimont, Phó phòng tác chiến, đã chào đón viên thống chế già một cách hồ hởi, cư xử với ông với “sự tôn trọng và nể vì không thường gặp.” Warlimont cũng nhận xét rằng trong suốt những cuộc họp dài von Runstedt chỉ “ngồi yên bất động và ít nói”.

Báo cáo tình hình chỉ ra rõ ràng rằng ở phía đông Hồng quân lúc này đã chiếm lĩnh một mặt trận dài hơn 1400 dặm, từ Phần Lan ở phía bắc xuống sông Vistula ở Ba Lan, và từ đây tới dãy Carpathe ở Rumani và Nam Tư. Trên thực tế, lực lượng thiết giáp Nga đã tiến tới biên giới Đông Phổ, chỉ cách tổng hành dinh của Fuhrer chừng một trăm dặm.

Ở phía tây, von Runstedt nhận thấy những dự cảm xấu nhất của ông đã trở thành hiện thực. Hết sư đoàn này đến sư đoàn khác bị tiêu diệt, toàn bộ chiến tuyến Đức bị đẩy lùi không sao cưỡng lại được. Các đơn vị hậu quân, cho dù bị bao vây và chia cắt, vẫn cố bám trụ lấy các cảng quan trọng như Dunkirk, Calais, Boulogne, Le Havre, Brest, Lorient và St Nazaire, buộc quân Đồng Minh phải tiếp tục tiếp tế nhờ vào những bãi đổ bộ ở xa mặt trận. Thế nhưng lúc này, với việc Antwerp, một trong những cảng nước sâu lớn nhất châu Âu, bị đánh chiếm một cách thần tốc và bất ngờ, rất có thể Đồng Minh đã giải quyết được khó khăn về hậu cần của họ. Von Runstedt cũng nhận thấy rằng chiến thuật Britzkrieg, được ông ta và những người khác hoàn thiện, giờ đây đang được các đội quân của Eisenhower áp dụng với hiệu quả khủng khiếp. Và viên thống chế 54 tuổi Walter Model, tân tổng tư lệnh phía Tây (ông ta nhậm chức hôm 17/8), rõ ràng là không thể ổn định được tình hình hỗn loạn. Chiến tuyến của ông ta đã bị phá vỡ từng mảng, bị tan rã ở phía bắc trước xe tăng của đạo quân Anh thứ hai và đạo quân Mỹ thứ nhất đang tiến qua Bỉ về phía Hà Lan; và ở phía nam Ardennes, các đơn vị thiết giáp của đạo quân Mỹ số ba dưới quyền tướng George S.Patton đang tiến về phía Metz và Saar. Với von Runstedt tình hình không còn là đáng lo ngại nữa mà đã trở thành thảm hoạ.

Ông ta có thời gian để nghiền ngầm kết cục tất yếu. Gần bốn ngày trôi qua trước khi Hitler cho phép von Runstedt hội kiến riêng. Trong khi chờ đợi viên thống chế ở trong một quán trọ cũ dành cho sĩ quan cao cấp nằm ở giữa khu bản doanh rộng lớn- một khu vực có rào thép gai bao quanh, gồm nhiều ngôi nhà bằng gỗ và bunker bê tông xây trên một mạng lưới hầm ngầm chằng chịt. Von Runstedt bày tỏ sự sốt ruột của mình với Keitel, tổng tham mưu trưởng. “Tôi được triệu tới đây làm gì?” ông ta hỏi. “Trò chơi gì đang diễn ra vậy?” Keitel cũng không thể trả lời ông. Hitler đã không cho Keitel biết lý do cụ thể nào, ngoài một ám chỉ tới sức khỏe viên thống chế. Hitler xem ra đã tự thuyết phục mình về màn kịch xin từ chức của von Runstedt vì “lý do sức khoẻ” do chính ông ta dàn dựng hồi tháng Bảy. Với Keitel, Hitler chỉ nói,” tôi muốn biết liệu sức khoẻ của ông ta đã khá lên chưa.”

Hai lần Keitel nhắc nhở Fuhrer rằng viên thống chế đang đợi. Cuối cùng, vào chiều ngày 4/9, von Runstedt được triệu tới gặp Hitler, và, trái với lệ thường, Fuhrer đi thẳng vào việc. “Tôi muốn uỷ thác cho ngài lần nữa mặt trận phía tây.”

Đứng nghiêm cứng người, cả hai tay cầm chiếc gậy thống chế, von Runstedt chỉ khẽ gật đầu. Bất chấp kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân, bất chấp sự khó chịu dành cho Hitler và đám Nazi, von Runstedt, một người mà truyền thống quân sự Phổ về sự toàn tâm toàn ý cho trách nhiệm đã ngấm vào máu, đã không từ chối sự bổ nhiệm. Như sau này ông nhớ lại,”hơn nữa có chối từ cũng chẳng được.”

Gần như tới từng chi tiết, Hitler phác hoạ nhiệm vụ của von Runstedt. Thêm một lần nữa Hitler lại tỏ ra bồng bột. Trước D Day ông ta đã từng khăng khăng rằng bức tường Đại Tây Dương là bất khả xâm phạm. Lúc này, trong sự lo ngại của von Runstedt, Fuhrer lại nhấn mạnh đến sự bất khả xâm phạm của “bức tường phía tây” - tuyến phòng thủ biên giới kiên cố đã từ lâu bị bỏ bẵng không phòng thủ nhưng vẫn khá đáng gờm mà Đồng Minh thường biết tới dưới tên phòng tuyến Siegfried.

Von Runstedt, Hitler ra lệnh, không những phải chặn đứng quân Đồng Minh càng xa càng tốt về phía tây, mà cần phải phản công vì, như quan sát của Fuhrer, mối đe doạ nguy hiểm nhất của Đồng Minh chỉ là những “mũi đột kích thiết giáp”. Tuy vậy , hiển nhiên là Hitler bị chấn động trước việc Ăntwerp thất thủ. Cần ngăn chặn Đồng Minh sử dụng bến cảng sống còn này bằng mọi giá. Như vậy, vì những cảng khác vẫn nằm trong tay quân Đức, Hitler nói, ông ta trông đợi cuộc tấn công của Đồng Minh bị dừng lại do các tuyến vận tải kéo quá dài. Ông ta tin tưởng rằng mặt trận phía tây có thể được ổn định, và cùng với việc mùa đông tới, thế chủ động có thể được dành lại. Hitler cam đoan với von Runstedt rằng ông ta “không quá lo ngại về tình hình ở phía tây.”

Đó chỉ là một bản mới của bài ca cũ mà von Runstedt đã nghe không biết bao nhiêu lần trong quá khứ.Bức tường phía tây, theo Hitler, giờ đây đã trở thành một ý tưởng bất di bất dịch, và một lần nữa von Runstedt lại được lệnh “không lùi một tấc”, và “chống giữ dưới mọi điều kiện.”
Bằng việc lệnh cho von Runstedt thay thế thống chế Model, Hitler đã bổ nhiệm viên tư lệnh thứ ba của OB West trong vòng hai tháng - từ von Runstedt qua thống chế Gunther von Kluge, tới Model, và bây giờ lại là von Runstedt. Model, giữ chức trong có đúng 18 ngày, sẽ chỉ huy cụm quân B dưới quyền von Runstedt, Hitler thông báo. Von Runstedt đã từ lâu nhìn nhận Model với ít thiện cảm. Ông ta cảm thấy Model đã không đạt được cấp bậc của mình một cách khó khăn vất vả; anh chàng này đã được Hitler cất nhắc lên hàng thống chế một cách quá chóng vánh. Von Runstedt cho rằng anh ta thích hợp hơn với công việc của một viên thượng sĩ mẫn cán. Tuy vậy, viên thống chế cảm thấy vị trí của Model cũng không gây ra thay đổi gì lớn. Tình hình có thể nói là tuyệt vọng, thất bại là không thể tránh khỏi. Vào chiều ngày 4/9, khi ông lên đường tới sở chỉ huy của mình ở gần Koblenz, von Runstedt thấy không gì có thể ngăn cản được Đồng Minh tấn công nước Đức, vượt qua sông Rhine và chấm dứt chiến tranh chỉ trong vài tuần.

Cũng vào ngày hôm đó ở Wannsee, Berlin, đại tướng Kurt Student, 54 tuổi, cha đẻ của lực lượng đổ bộ đường không Đức, xuất hiện trở lại sau khi đã lui vào hậu trường trong ba năm dài. Với ông ta, chiến tranh đã bắt đầu với nhiều hứa hẹn. Lực lượng dù của ông ta, Student nghĩ, đã góp công chính vào việc chiếm Hà Lan năm 1940, khi khoảng 4000 lính dù được thả xuống các cầu ở Rotterdam, Dordecht, và Moerdijk, giữ các trục giao thông thông suốt cho lực lượng xâm lược chính của Đức. Tổn thất của Student thấp đến khó tin - chỉ 180 người. Nhưng tình hình hoàn toàn khác hẳn trong cuộc tấn công đổ bộ đường không ở Crete năm 1941. Lần này, tổn thất quá lớn – hơn một phần ba của lực lượng gồm 22000 người - khiến Hitler cấm chỉ mọi cuộc tấn công đổ bộ đường không từ đó trở đi. “Thời của lính dù đã qua rồi,” Fuhrer nói, và tương lai trở nên mờ mịt với Student. Từ dạo đó, viên sĩ quan đầy tham vọng đã bị trói chặt vào công việc bàn giấy với chức chỉ huy một trung tâm huấn luyện lính dù, trong lúc đám lính tinh nhuệ của ông ta bị sử dụng hoàn toàn như bộ binh thường. Cũng đột ngột như vậy, vào đúng 3 giờ chiều ngày 4/9 đáng nhớ này, Student lại xuất hiện trở lại trên sân khấu một lần nữa. Một cú điện thoại ngắn, đại tướng Alfred Jodl, phụ trách tác chiến của Hitler, ra lệnh cho ông ta lập tức tổ chức một đạo quân, mà Fuhrer đã đặt tên là “Đạo quân dù thứ nhất”. Trong lúc Student đang ngỡ ngàng lắng nghe, ông ta chợt nghĩ “đó là một cái tên quá kêu cho một lực lượng thậm chí còn chưa tồn tại.”


Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-8-2013 06:02 PM
Chương 1
(tiếp theo)

Đám lính của Student được nhặt nhạnh từ khắp nước Đức, và trừ một vài đơn vị đúng quy cách được trang bị đầy đủ, hầu hết họ là tân binh chỉ được vũ trang bằng vũ khí cũ kỹ dùng huấn luyện. Đội quân của ông ta gồm chừng mười ngàn người, hầu như không có phương tiện vận chuyển, thiết giáp hay pháo binh. Student thậm chí còn không có cả ban tham mưu.

Tuy vậy, lực lượng của Student, Jodl giải thích, đang được cần đến một cách khẩn cấp ở phía tây. Họ cần “lấp đầy một chỗ hổng khổng lồ” giữa Arnhem và khu vực Liege – Maastricht bằng việc “chiếm lĩnh một tuyến dọc theo kênh Albert.”

Với tốc độ nhanh nhất có thể, Student được lệnh đưa lực lượng của mình tới Bỉ và Hà Lan. Vũ khí quân trang sẽ được cung cấp tại điểm đến. Bên cạnh đám lính dù cũ, hai sư đoàn đã được bổ sung cho “đạo quân” mới của ông ta. Student nhanh chóng nhận ra rằng một trong hai sư đoàn này, sư 719, “gồm toàn người già đóng dọc bờ biển Hà Lan và chưa từng bao giờ bắn lấy một phát súng.” Sư đoàn thứ hai, sư 176, thậm chí còn tệ hơn. Nó được tổ chức từ “những người bán thương tật và những thương binh đang phục hồi, mà để dễ quản lý, đã được gom lại thành các tiểu đoàn riêng rẽ tuỳ theo nhóm thương tật.” Đám này thậm chí còn có cả những nhà bếp “kiêng” dành riêng cho những người đau dạ dày. Bên cạnh các đơn vị này, ông ta còn được chia phần thêm một đám lính hổ lốn tập hợp lại từ các quân chủng khác từ khắp Hà Lan và Bỉ - lính không quân, thuỷ thủ, lính phòng không – và 25 xe tăng. Với Student, một chuyên gia về tác chiến nhảy dù và chỉ huy các đơn vị đổ bộ đường không huấn luyện kỹ càng dành cho tấn công chớp nhoáng, đạo quân chắp vá của ông ta quả là một “sự xoay xở được chăng hay chớ ở quy mô lớn.” Dù sao đi nữa, ông ta cũng quay trở lại với cuộc chiến.

Suốt buổi chiều, bằng điện thoại và điện tín, Student ra lệnh hành quân tới các đơn vị. Ông ta dự tính sẽ mất chừng ít nhất bốn ngày để đưa người của mình tới mặt trận. Nhưng những đơn vị thiện chíên nhất của ông, được đưa lên những chuyến tàu đặc biệt hướng tới Hà Lan, sẽ có mặt ở vị trí bên kênh đào Albert, như một phần cụm quân B của Model, trong vòng 24 giờ.

Cú điện thoại của Jodl và những thông tin mà chính ông ta thu lượm được tới lúc đó khiến Student phát hoảng. Xem ra rõ ràng rằng lực lượng tốt nhất của ông – trung đoàn dù số 6 cùng với một tiểu đoàn nữa, tổng cộng chừng ba ngàn người – có vẻ là lực lượng dự trữ duy nhất trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu của cả quân đội Đức. Ông thấy tình hình thật nguy ngập.

Một cách luống cuống, thống chế Walter Model, tư lệnh lực lượng phía tây, cố bịt lại lỗ hổng đang há hoác ra ở phía đông Antwerp và chặn lại cuộc rút lui hỗn độn từ Bỉ về Hà Lan. Lúc này vẫn chưa có tin gì về việc bổ nhiệm von Runstedt thay thế ông ta. Lực lượng của viên thống chế đã bị phân tán, trở nên vô tổ chức đến mức Model đã gần như mất hoàn toàn khả năng kiểm soát tình hình. Ông ta không còn liên lạc được với nửa thứ hai của lực lượng dưới quyền, cụm quân G ở phía nam. Liệu tướng Johannes Blaskowitz, chỉ huy của nó, có kịp rút lui khỏi Pháp không?

Model không rõ. Và để làm khổ viên thống chế số phận của cụm quân G chỉ là thứ yếu. Tai hoạ rõ ràng đang diễn ra ở phía bắc.

Một cách dữ dội, các cụm quân thiết giáp Anh và Mỹ đã chặt cụm quân B ra làm đôi. Trong số hai đạo quân cấu thành cụm quân B, đạo quân số 15 bị vây tròn, lưng quay ra biển Bắc trong một dải nằm giữa Calais tới một điểm ở tây bắc Antwerp. Đạo quân số 7 gần như bị huỷ diệt, và bị đánh bật về phía Maastricht và Aachen. Giữa hai đạo quân này là một khoảng trống rộng 75 dặm và người Anh đã tiến thẳng qua đó vào Antwerp. Cũng chạy dọc theo con đường đó là chính lực lượng của Model đang tháo lui, tinh thần rệu rã.

Trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm chặn cuộc tháo chạy, Model đã ra một lời kêu gọi khá cảm động tới binh lính của mình

“...Với sự tấn công của quân thù và sự rút lui của chiến tuyến ta, hàng trăm ngàn binh lính đã quay lui - bộ binh, không quân, và các đơn vị thiết giáp - những binh lính cần được tổ chức lại theo kế hoạch và chiếm giữ những điểm hay tuyến trọng yếu mới.

Trong dòng người này có lực lượng còn lại của những đơn vị đã tan vỡ mà, trong lúc này không có mục tiêu cụ thể nào và thậm chí không ở vào vị trí để có thể nhận được mệnh lệnh rõ ràng. Trong khi những đơn vị có tổ chức đã dừng lại để củng cố, dòng người vô tổ chức vẫn tiếp tục tháo chạy. Cùng với đoàn xe của họ là những lời xì xào, tin đồn, hỗn độn, vô tổ chức không ngừng và sự ích kỷ nhỏ nhen. Bầu không khí này đang bị đưa về tuyến sau, làm ảnh hưởng tới các đơn vị và trong thời điểm cực kỳ căng thẳng hiện nay nó cần được ngăn ngừa bằng những biện pháp kiên quyết nhất.”

Tôi kêu gọi tới danh dự của các bạn với tư cách là những người lính. Chúng ta đã thua một trận đánh, nhưng tôi cam đoan với các bạn điều này: chúng ta sẽ thắng cuộc chiến này! Tôi không thể nói nhiều hơn với các bạn vào lúc này, cho dù tôi biết các bạn có những câu hỏi đang nóng bỏng trên môi. Cho dù điều gì đã xảy ra, đừng bao giờ để mất niềm tin của các bạn vào tương lai của nước Đức. Đồng thời các bạn cần phải ý thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình. Thời điểm hiện nay cần phải và sẽ cách ly con người với sự yếu đuối. Lúc này mọi người lính điều có chung trách nhiệm. Khi người chỉ huy của mình ngã xuống, anh ta cần sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm và tiếp tục chiến đấu...”

Theo sau là một loạt dài các chỉ thị trong đó Model yêu cầu một cách bắt buộc rằng binh lính đang rút lui cần lập tức “thông báo tới sở chỉ huy gần nhất,” lập lại trong những người khác “sự tự tin, kiềm chế, độc lập, lạc quan”, và xua đuổi “những tin đồn ngu ngốc, những thông báo vô trách nhiệm.” Kẻ thù, ông ta nói, “không thể cùng lúc có mặt ở khắp mọi nơi” và, quả thực, “nếu tất cả số xe tăng được những kẻ phao tin đồn nhảm nói tới đều được đếm lại, thì có thể có tới một trăm ngàn chiếc.” Viên thống chế kêu gọi binh lính dưới quyền không từ bỏ các vị trí quan trọng hay phá huỷ quân trang, vũ khí hay các cơ sở hạ tầng “trước khi cần thiết”. Tài liệu đáng kinh ngạc này chấm dứt bằng việc nhấn mạnh rằng mọi việc sẽ phụ thuộc vào “tranh thủ thời gian, mà Fuhrer cần để đưa vũ khí và lực lượng mới vào trận.”

Hoàn toàn không có liên lạc trực tiếp, phụ thuộc phần lớn vào radio, Model chỉ có thể hy vọng rằng bản nhật lệnh của ông ta tới được binh lính thuộc hạ. Trong lúc hỗn loạn ông ta thậm chí còn không chắc chắn về vị trí mới nhất của các đơn vị đã tơi tả và tan rã của mình; và cũng không thể biết chính xác xe tăng và quân lính Đồng Minh đã tiến xa tới đâu. Và cuộc đột kích chính của Đồng Minh diễn ra tại đâu - với lực lượng Anh -Mỹ ở phía bắc hướng tới phòng tuyến Siegfried và sau đó vượt sông Rhine tiến vào vùng Ruhr? Hay là với đạo quân Mỹ số 3 hùng hậu của Patton đang tiến tới Saar, phòng tuyến Siegfried và qua sông Rhine vào Frankfurt?

Cơn ác mộng của Model là hậu quả của tình hình xảy ra gần hai tháng trước, vào thời điểm von Runstedt bị cách chức, và Hitler vội vã bổ nhiệm von Kluge làm người kế nhiệm viên thống chế già. Đang nghỉ phép để dưỡng bệnh từ nhiều tháng trước đó sau khi rời khỏi chức chỉ huy ở Nga, von Kluge tình cờ lại gọi điện thăm hỏi xã giao Fuhrer đúng vào lúc Hitler quyết định cách chức von Runstedt. Chẳng hề có dự tính cụ thể nào, và cũng có thể vì von Kluge tình cờ lại là sĩ quan cao cấp duy nhất sẵn có, Hitler đã bổ nhiệm von Kluge đang bàng hoàng làm tổng chỉ huy mặt trận phía tây.

Von Kluge, một chỉ huy mặt trận kỳ cựu, nhậm chức hôm 4/7. Ông ta tại nhiệm 44 ngày. Đúng như von Runstedt đã tiên đoán, cuộc đột phá của Đồng minh diễn ra. “Toàn bộ mặt trận phía tây bị chọc thủng,” von Kluge thông báo cho Hitler. Bị áp đảo bởi lực lượng Đồng minh tràn qua nước Pháp, von Kluge, cũng giống như von Runstedt trước đây, nhận ra mình bị trói chân trói tay hoàn toàn bởi những mệnh lệnh khăng khăng “không rút lui” của Hitler. Các đạo quân Đức ở Pháp bị bao vây và gần như bị huỷ diệt. Đúng vào thời kỳ này một đòn nặng nữa giáng vào Đế chế thứ ba - một vụ ám sát Hitler không thành.

Tại một trong những cuộc họp liên miên tại tổng hành dinh của Fuhrer, một quả bom hẹn giờ dấu trong một cặp tài liệu do đại tá Claus Graf von Stauffenberg đặt dưới gầm một chiếc bàn gần Hitler, phát nổ, giết chết và làm bị thương nhiều người trong phòng. Fuhrer thoát hiểm với vài vết thương nhẹ. Mặc dù chỉ có một nhóm sĩ quan cao cấp dính dáng vào vụ mưu sát, sự trả thù của Hitler thật tàn bạo. Bất cứ ai liên hệ với những kẻ dự mưu, hay với gia đình họ, đều bị bắt; rất nhiều người, bất chấp có tội hay không, đã bị hành quyết. Chừng năm ngàn người bỏ mạng. Von Kluge gián tiếp có liên quan, và Hitler cũng nghi ngờ ông này định thương lượng đầu hàng kẻ thù. Von Kluge bị thay thế bằng Model và được lệnh lập tức đến trình diện Fuhrer. Trước khi rời sở chỉ huy, von Kluge đã viết cho Hitler một lá thư tuyệt mệnh*.

*“Khi ngài nhận được những dòng này, tôi sẽ không còn nữa (ông ta viết cho Fuhrer)...Tôi đã làm tất cả trong khả năng của mình để đối phó với tình hình ... Cả Rommel và tôi, và có lẽ tất cả các chỉ huy khác ở phía tây với kinh nghiệm chiến đấu chống lại quân Anh - Mỹ, với sự dồi dào về trang bị của chúng, đều đã lường trước những diễn biến hiện tại. Chúng tôi đã không được nghe theo. Kiến nghị của chúng tôi không được thảo ra do bi quan, mà từ hiểu biết tỉnh táo về thực tiễn. Tôi không rõ liệu thống chế Model, người đã được chứng minh về mọi khía cạnh, có thể làm chủ được tình hình hay không. Từ trái tim mình tôi hy vọng là vậy. Tuy nhiên, nếu điều này không xảy ra, và các vũ khí mới của ngài ... không thành công, trong trường hợp đó, thưa Fuhrer, hãy quyết định chấm dứt chiến tranh. Đã đến lúc đặt dấu chấm hết cho sự kinh hoàng này. Tôi luôn ngưỡng mộ sự vĩ đại của ngài ... và ý chí gang thép của ngài... Giờ đây hãy chứng tỏ ngài cũng đủ vĩ đại để chấm dứt cuộc chiến vô vọng này”

Sau đó, trên đường về Đức, ông ta uống thuốc độc tự sát. Hitler lại một lần nữa tận dụng viên chỉ huy cao niên nhất của mình, von Runstedt, bằng cách chỉ định ông làm chánh án Toà án danh dự xét xử các sĩ quan bị nghi vấn. Von Runstedt lặng lẽ làm theo mệnh lệnh của Fuhrer. “Nếu tôi không làm,” sau này ông ta giải thích, “rất có thể cả tôi cũng đã bị coi là kẻ phản bội.” Lời giải thích của von Runstedt không bao giờ thoả mãn nhiều sĩ quan đồng ngũ, những người này kín đáo chỉ trích ông ta vì đã làm theo yêu cầu của Hitler.

Hitler không hề có ý định nhường chiến thắng cho Đồng minh, cho dù Đế chế thứ ba mà ông ta tuyên bố sẽ tồn tại một ngàn năm lúc này đã kiệt quệ và suy sụp. Trên tất cả các mặt trận ông ta đều cố cứu vãn thất bại. Thế nhưng những quyết định của Fuhrer có vẻ ngày càng tuyệt vọng hơn.

Việc chỉ định Model ở OB West đã chẳng giúp được gì. Không giống như von Runstedt hay, như von Kluge trong thời gian ngắn, Model đã không được một chiến tướng tài năng như Rommel hỗ trợ. Sau khi Rommel bị trọng thương do máy bay Đồng minh hôm 17/7, không ai được cử tới để thay thế ông.*

*Rommel, người cũng bị Hitler nghi ngờ dính dáng tới vụ mưu sát, đã chết ba tháng sau đó. Trong khi dưỡng bệnh tại nhà, Hitler đã cho ông ta lựa chọn: hoặc ra toà vì phản bội hoặc tự sát. Ngày 14/10, Rommel uống cyanua, và Hitler tuyên bố rằng viên thống chế nổi tiếng nhất của Đế chế đã “hy sinh vì những vết thương gây ra trên chiến trường”.

Lúc đầu Model có vẻ không cảm thấy sự cần thiết. Tự tin rằng mình có thể xoay chuyển được tình thế, ông ta tự nắm lấy chức chỉ huy trước đây của Rommel, và trở thành không chỉ OB West mà cả tư lệnh cụm quân B. Bất chấp năng lực của Model, tình hình đã trở nên quá tệ hại cho bất cứ viên tư lệnh nào.

Lúc này cụm quân B đang chiến đấu vì sự sống còn của mình trên một chiến tuyến nằm giữa bờ biển Bỉ và biên giới Pháp – Luxemburg. Từ đây, về phía nam tới Thuỵ Sĩ, lực lượng còn lại dưới quyền Model - cụm quân G của tướng Blaskowitz – đã bị quét sạch. Theo sau cuộc đổ bộ thứ hai của Đồng minh ngày 15/8 bởi lực lượng Pháp và Mỹ lên vùng Marseille, cụm quân của Blaskowitz đã vội vã cuốn gói khỏi miền nam Pháp. Dưới sức ép liên tục, họ đang trong lúc này rút lui hỗn loạn về biên giới Đức.

Dọc chiến tuyến đứt đoạn của Model ở phía bắc, nơi thiết giáp đồng minh đã phá thủng một khoảng dài 75 dặm, con đường từ Bỉ tới Hà Lan và từ đây vượt qua biên giới phía tây bắc nước Đức hoàn toàn rộng mở không ai bảo vệ. Lực lượng Đồng minh tiến vào Hà Lan có thể đánh tạt sườn phòng tuyến Siegfried nơi một vành đai dày đặc công sự kiên cố chạy dọc biên giới Đức từ Thuỵ Sĩ kết thúc ở Kleve trên biên giới Hà Lan - Đức. Bằng cách vòng qua mép phía bắc của bức tường phía tây của Hitler, quân Đồng minh có thể tràn vào vùng Ruhr, trái tim công nghiệp của Đế chế. Một động thái như vậy có thể dẫn tới sự suy sụp hoàn toàn của nước Đức.

Hai lần trong 72 giờ Model tuyệt vọng gọi điện cho Hitler xin tăng viện. Tình hình lực lượng của ông ta trong khoảng trống không được phòng vệ này thật hỗn loạn. Trật tự cần được lập lại và khoảng vỡ được trám kín. Báo cáo cuối cùng của Model, được ông ta gửi Hitler sáng sớm ngày 4/9, cảnh báo rằng sự khủng hoảng đang tới gần, và trừ khi ông ta nhận được ít nhất “hai mươi lăm sư đoàn sung sức và một lực lượng thiết giáp dự trữ gồm năm đến sáu sư đoàn Panzer,” toàn bộ mặt trận có thể sụp đổ, và như thế sẽ để ngỏ “cửa ngõ vào tây bắc nước Đức.”

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-8-2013 06:18 PM
Chương 2

Mối lo ngại lớn nhất của Model là việc người Anh tiến vào Antwerp. Ông ta không rõ liệu bến cảng khổng lồ này, lớn thứ hai châu Âu, đã bị chiếm nguyên vẹn hay đã bị lực lượng Đức đồn trú phá huỷ. Bản thân thành phố Antwerp, nằm sâu trong đất liền, không phải là điểm quan trọng. Để sử dụng cảng, quân Đồng minh cần kiểm soát lối ra biển, một cửa biển dài 54 dặm, rộng 3 dặm ở chỗ đổ ra biển, chảy vào Hà Lan từ biển Bắc qua đảo Walcheren và vòng qua bán đảo Nam Beveland. Chừng nào súng lớn của quân Đức còn kiểm soát cửa Schelde, quân Đồng minh vẫn không thể sử dụng được cảng Antwerp.

Thật không may cho Model, ngoài các khẩu đội phòng không và pháo hạng nặng bảo vệ bờ biển đặt trên đảo Walcheren, ông ta hầu như không có lực lượng nào bên bờ bắc. Nhưng phía bên kia cửa Schelde, gần như bị cô lập ở Pas de Calais là đạo quân 15 của tướng Gustav von Zangen - một đội quân chừng 80000 người. Cho dù bị nhốt chặt trong một cái túi - biển chặn sau lưng họ về phía bắc và phía tây, lính Canada và Anh đang ép lại từ phía nam và phía đông - lực lượng này tuy thế vẫn kiểm soát hầu hết bờ nam cửa biển.

Tới lúc này, Model tin rằng xe tăng Anh, tận dụng tình hình, chắc chắn sẽ tiến dọc bờ bắc và quét sạch khu vực này. Chẳng bao lâu nửa toàn bộ bán đảo Nam Beveland sẽ nằm trong tay họ và bị cắt đứt khỏi lãnh thổ Hà Lan ở đoạn hẹp nằm về phía bắc biên giới Bỉ, chỉ cách Antwerp 18 dặm. Sau đó, để khai thông cảng, người Anh hẳn sẽ quay sang tấn công đạo quân thứ 15 và quét sạch bờ nam. Lực lượng của von Zangen cần được triệt thoái.

Cuối buổi chiều ngày 4/9 tại sở chỉ huy cụm quân B đóng tại làng La Chaude Fontaine ở đông nam Liege, Model ra một loạt mệnh lệnh. Qua radio ông ta lệnh cho von Zangen giữ vững bờ nam cửa Schelde và tăng cường phòng thủ các cảng nhỏ Dunkirk, Boulogne và Calais, mà Hitler trước đó đã ra lệnh cần được phòng thủ « với quyết tâm cảm tử như những pháo đài ». Với lực lượng còn lại của mình, viên tư lệnh khốn khổ von Zangen cần phản công về hướng đông bắc vào lực lượng thiết giáp Anh. Đây là một giải pháp tuyệt vọng, nhưng Model không thấy có cách nào khác. Nếu cuộc phản kích của von Zangen thành công, nó thể sẽ cô lập được lực lượng Anh ở Antwerp và cắt rời lực lượng thiết giáp mũi nhọn của Montgomery đang tiến lên phía bắc. Ngay cả nếu thất bại, nỗ lực của von Zangen vẫn có thể kéo dài được thời gian, làm chập bước tiến Đồng minh đủ lâu để viện binh kịp tới nơi và thiết lập một chiến tuyến mới dọc kênh đào Albert.

Chính xác là lực lượng tăng viện nào đang tới, Model không rõ. Đến tối ông ta cuối cùng cũng nhận được câu trả lời của Hitler cho sự cầu khẩn của ông xin thêm các sư đoàn mới để ổn định mặt trận. Đó là tin ông ta bị thay thế bởi thống chế von Runstedt ở chức tư lệnh mặt trận phía tây. Von Kluge đã tại nhiệm được 44 ngày ở cương vị OB West, Model chỉ vẻn vẹn 18 ngày. Thường ngày khá nóng nảy và đầy tham vọng, lần này Model phản ứng khá bình thản. Ông ta ý thức được hạn chế về khả năng quản lý của mình hơn là những người chỉ trích tin.*

*« Chúng tôi hiếm khi thấy ông ta, » tham mưu trưởng OB West Blumetritt nhớ lại. « Model ghét những công việc giấy tờ và dành phần lớn thời gian trên thực địa. » Trung tướng Bodo Zimmermann, chỉ huy tác chiến của OB West, đã viết sau chiến tranh rằng cho dù Model là « một người lính rất có năng lực, » ông ta thường « yêu cầu quá nhiều và quá gấp, » từ đó thiếu « khả năng nhận định cái gì thực sự khả thi. » Ông ta thường có xu hướng « phân tán năng lực của mình, » Zimmermann viết thêm, và « công việc tham mưu bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự vắng mặt quá thường xuyên và những mệnh lệnh thiếu nhất quán của ông. »

Giờ đây ông ta có thể tập trung cho công việc ông ta có năng lực hơn cả : làm một chỉ huy chiến trường, chỉ thuần tuý chỉ huy cụm quân B. Nhưng, trong số hàng loạt mệnh lệnh hấp tấp của Model trong ngày cuối cùng làm tư lệnh miền tây, một mệnh lệnh sau này sẽ trở nên cực kỳ quan trọng. Nó liên quan đến việc di chuyển quân đoàn Panzer SS số 2 của ông ta.

Viên tư lệnh quân đoàn, trung tướng 54 tuổi Wilhem Bittrich, đã mất liên lạc với Model từ hơn 72 giờ. Lực lượng của ông này, gần như phải chiến đấu liên tục kể từ Normandy, đã tổn thất nặng nề. Thiệt hại về xe tăng của Bittrich rất lớn, các đơn vị cạn kiệt đạn và xăng. Thêm nữa, do liên lạc bị gián đoạn, số ít mệnh lệnh nhận được qua radio đều không còn phù hợp với tình hình khi đến tay ông ta. Không biết gì về di chuyển của quân địch và cần gấp chỉ đạo, Bittrich đã lên đường đi tìm Model. Cuối cùng ông ta cũng tìm được viên thống chế tại sở chỉ huy cụm quân B ở gần Liege. « Tôi đã không gặp lại ông kể từ mặt trận Nga năm 1941, » Bittrich sau này nhớ lại. « Kính không gọng đeo trên mắt, mặc chiếc áo khoác da ngắn quen thuộc, Model đang đứng quan sát bản đồ và sẵng giọng ra hết lệnh này đến lệnh khác. Hầu như không có thời gian trao đổi nhiều. Yêu cầu mệnh lệnh chính thức tiếp theo, tôi được lệnh dời sở chỉ huy của mình về phía bắc tới Hà Lan. » Nhanh nhất có thể được, Bittrich được lệnh « giám sát việc củng cố và bổ sung của các sư đoàn Panzer SS số 9 và 10. » Những đơn vị đã tơi tả này, Model nói với ông ta, cần được « từ từ rút khỏi vòng chiến và di chuyển ngay lên phía bắc. »

Vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn về mệnh lệnh của Model. Theo nhật ký chiến tranh của cụm quân B, lệnh di chuyển các sư đoàn Panzer SS số 9 và 10 được đưa ra vào tối ngày 3/9. Nếu vậy, chúng đã không bao giờ tới đích. Thêm nữa, có tài liệu cho thấy Bittrich nhận được chỉ thị dành cho ông ta 48 giờ sau đó, lệnh cho ông ta giám sát việc tập hợp và củng cố không chỉ sư đoàn 9 mà cả sư đoàn Panzer số 2 và 116. Thật lạ, sư đoàn 10 không được nhắc đến. Tôi không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy sư đoàn 2 hay sư đoàn 116 từng tới được Arnhem (có vẻ là các đơn vị này vẫn tiếp tục giao chiến ở mặt trận). Theo giấy tờ và nhật ký cá nhân của Bittrich, ông ta nhận được lệnh miệng từ Model hôm 4/9 và theo đó chỉ chỉ huy các sư đoàn 9 và 10 hướng lên phía bắc. Cả hai đơn vị này, theo các tư lệnh của chúng, bắt đầu từ từ rút lui vào ngày 5 – 6/9.

Viên tướng ít ai biết đến Bittrich khó có thể đoán trước được vai trò quyết định mà các sư đoàn Panzer SS số 9 và 10 của ông ta sẽ thể hiện trong hai tuần sau đó. Địa điểm Model chọn cho Bittrich là một vùng yên tĩnh, lúc đó nằm cách mặt trận khoảng 75 dặm. Một ngẫu nhiên lịch sử đã quyết định rằng khu vực này bao gồm cả thành phố Arnhem.

Cuộc tháo chạy vắt chân lên cổ của người Đức qua Hà Lan đang chậm dần lại, cho dù chỉ một số ít trong những người Hà Lan đang hân hoan nhận ra. Từ biên giới Bỉ tới Arnhem, đường xá vẫn đông nghịt, nhưng sự di chuyển đã khác đi. Từ vị trí quan sát của mình tại ngôi nhà nhìn xuống cầu Arnhem, Charles Labouchere thấy không có gì thay đổi trong dòng thác xe cộ, lính, và những kẻ thân Nazi đang không ngừng tuôn qua cầu. Nhưng chỉ cách chỗ Labouchere vài khối nhà về phía bắc, Gerhadus Gysbers, một người bán sách cổ, thấy có một sự thay đổi xảy ra. Lính Đức tíên vào Arnhem từ phía tây không tiếp tục đi xa hơn. Khu trại lính Willems ngay cạnh nhà Gysbers và những khu phố lân cận chật cứng xe ngựa và tàn quân. Gysbers trông thấy các tiểu đoàn Luftwaffe, lính phòng không, SS Hà Lan và đám người già của sư đoàn bảo vệ bờ biển 719. Với viên chỉ huy kháng chiến ở Arnhem, Pieter Kruyff, đây không phải là sự dừng lại tạm thời. Đám lính này không đi về phía Đức. Chúng đang từ từ tập hợp lại, một số đơn vị đi trên xe ngựa của sư đoàn 719 bắt đầu quay trở lại phía nam. Chỉ huy quân báo của Kruyff tại vùng Arnhem, anh Henri Knap 33 tuổi, kín đáo đạp xe đi khắp quanh vùng, cũng nhận ra sự thay đổi này. Anh cảm thấy bối rối, tự hỏi không lẽ những bản tin lạc quan phát đi từ London lại sai. Nếu thế, sự thất vọng thật tàn nhẫn. Khắp nơi anh nhìn thấy người Hà Lan hân hoan. Ai cũng biết rằng quân của Montgomery đã chiếm Antwerp. Hiển nhiên Hà Lan sẽ được giải phóng trong vài giờ tới. Knap có thể nhận ra quân Đức đang chỉnh đốn lại lực lượng. Cho dù lúc này sức mạnh của chúng vẫn chưa đáng kể, nhưng anh biết rõ nếu người Anh không tới nhanh lực lượng này sẽ mạnh lên nhiều.

Tại Nijmegen, cách đó 11 dặm về phía nam, quân cảnh Đức chặn mọi con đường dẫn tới biên giới Đức.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-8-2013 07:33 PM
Chương 3

Elias Broekkamp, một người nhập khẩu rượu vang, thấy một số đơn vị tiến về phía bắc tới Arnhem, nhưng phần lớn đã bị hãm lại. Như tại Arnhem, đám khán giả có vẻ không hề nhận ra sự khác biệt. Broekkamp thấy nhiều thường dân Hà Lan cười cợt chế nhạo trước cái mà họ coi là sự hỗn loạn của người Đức.

Trên thực tế, sự hỗn loạn đã giảm dần cường độ. Nijmegen trở thành điểm tập kết quân, một lần nữa lại nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của quân cảnh Đức. Xa hơn về phía nam, tại Eindhoven, chỉ cách biên giới Bỉ có mười dặm, cuộc rút lui đã gần như ngừng hẳn. Trong những đoàn xe hỗn độn chạy lên phía bắc có nhiều thường dân Nazi hơn là binh lính. Frans Kortie, người đã thấy quân Đức tháo súng khỏi nóc nhà máy Philips, nhận ra một thay đổi khác. Tại một tuyến đường ray nằm sát nhà ga, ông nhìn thấy một đầu máy đẩy các toa sàn phẳng vào vị trí. Trên các toa có đặt súng phòng không. Kortie cảm thấy thất vọng.

Còn thất vọng hơn, ông này phát hiện ra viện binh đang từ Đức tới. Tại Tilburg, Eindhoven, Helmond, và Weert, dân chúng nhìn thấy các đơn vị còn nguyên vẹn được chuyển tới bằng tàu hoả. Được nhanh chóng đưa xuống tàu và tập hợp lại, các đơn vị này hành quân về phía biên giới Bỉ - Hà lan. Chúng không phải là lính bộ binh Wehmarcht thường. Binh lính của đơn vị này được trang bị chu đáo, có kỷ luật, và kiểu mũ sắt và binh phục nguỵ trang đặc trưng cho thấy đây là những lính dù kỳ cựu của Đức.

Vào cuối buổi chiều ngày 5/9, những đơn vị dù đầu tiên của đại tướng Kurt Student đã bắt đầu đào công sự tại nhiều điểm dọc bờ bắc kênh đào Albert. Sự khẩn trương của chúng gần như điên cuồng. Student, khi tới nơi vào lúc trưa, đã phát hiện ra rằng “ ranh giới mới của nước Đức “ của Model chỉ đơn giản là dải chướng ngại bằng nước rộng 80 bộ này. Chưa có vị trí phòng thủ nào được chuẩn bị. Không có công sự kiên cố, chiến hào hay pháo đài. Và, để làm cho sự tình tệ thêm cho những người phòng thủ, Student nhận xét, “ hầu như ở khắp mọi nơi bờ nam con kênh cao hơn bờ bắc “. Ngay cả những cây cầu bắc qua con kênh cũng còn nguyên vẹn. Chỉ đến lúc này đám công binh mới đang bắt đầu đặt bộc phá. Có vẻ trong cơn hỗn loạn đã chẳng có ai ra lệnh phá cầu.

Tuy vậy, thời gian biểu của Student đã được tính toán hoàn hảo. Chuyến “ di chuyển chớp nhoáng “ của lực lượng đổ bộ đường không của ông ta là một thành công ngoạn mục. “ Nếu tính đến việc lực lượng dù đã được tập hợp lại từ khắp nước Đức, từ Gustrow ở Mecklenburg tới tận Bitsch ở Lothringen, “ sau này ông nhớ lại, “ và vũ khí quân bị, được chuyển tới từ những vùng khác của nước Đức để đợi binh lính ở ga tập kết, tốc độ hành quân quả là đáng ghi nhận. “ Student chỉ có thể thán phục “ sự chính xác đáng kinh ngạc của bộ tổng tham mưu và toàn bộ tổ chức của Đức. “ Sư đoàn phòng thủ bờ biển 719 của trung tướng Karl Sievers cũng đã hành quân rất khẩn trương. Student cảm thấy phấn chấn hơn khi thấy đội hình của đơn vị này hướng tới vị trí ở phía bắc Arnhem “ rải dọc những con đường dẫn ra mặt trận, đồ hậu cần và pháo binh được kéo bằng ngựa. “ Từng giờ trôi qua, đạo quân dù thứ nhất vừa được vội vã thành lập dần dần tới nơi. Cùng lúc, nhờ một vận may hiếm có, sự giúp đỡ cũng tới từ một nguồn ít được trông đợi nhất.

Cuộc cắm đầu cắm cổ chạy dài từ Bỉ tới Hà Lan đã được làm chậm lại và sau đó chặn đứng hẳn nhờ sự cương quyết và năng lực của một người : trung tướng Kurt Chill. Vì sư đoàn bộ binh 85 của ông ta đã gần như bị tiêu diệt hoàn toàn, Chill được lệnh cứu tất cả những gì còn có thể cứu được và di chuyển về Đức. Nhưng viên tướng giàu nghị lực, quan sát thấy cảnh tượng gần như hoảng loạn trên các tuyến đường và dựa theo bản nhật lệnh của Model, đã quyết định không làm theo mệnh lệnh nhận được. Chill kết luận rằng cách duy nhất để ngăn chặn thảm hoạ là tổ chức một tuyến dọc kênh đào Albert. Ông sát nhập lực lượng còn lại của sư đoàn 85 vào đám tàn quân của hai sư đoàn khác, và nhanh chóng phân bổ những đơn vị này tới những điểm trọng yếu ở bờ bắc con kênh. Sau đó, ông quan tâm đến các cây cầu và thiết lập những “ trạm tiếp đón “ ở các đầu cầu phía bắc. Trong vòng 24 giờ, Chill đã thành công trong việc tập hợp lại hàng ngàn quân nhân thuộc đủ binh chủng của quân đội Đức. Đó là một đám hỗn tạp bao gồm lính cơ khí của Luftwaffe, các nhân viên hành chính, các đơn vị hải quân bảo vệ bờ biển và lính của chừng 12 sư đoàn khác nhau, nhưng đám tàn quân tơi tả này, khá lắm cũng chỉ được trang bị súng trường, ít nhất cũng đã có mặt sẵn sàng ở kênh đào khi Student tới nơi.

Student đã gọi hành động của Chill trong việc chặn đứng một sự tan rã hoàn toàn là một “ phép màu nhiệm “. Với một sự khẩn trương đáng nể, ông này đã thiết lập một tuyến phòng thủ lâm thời, giúp có thêm thời gian để toàn bộ lực lượng của Student kịp tới nơi. Chuyện này có thể cần thiết đến vài ngày. Ngay cả với sự giúp đỡ của Chill, lực lượng của đạo quân dù thứ 1 của Student tối đa cũng chỉ có 18000 đến 20000 người, cùng một ít pháo binh, súng phòng không và 25 xe tăng - một lực lượng thậm chí còn chưa tương đương với một sư đoàn Mỹ. Và hướng tới lực lượng ít ỏi này - mỏng đến mức Student thậm chí không có đủ người cho dù chỉ để rải dọc khoảng hở dài 75 dặm giữa Antwerp và Maastricht – là đạo quân Anh thứ hai và một phần đạo quân Mỹ thứ nhất. Student bị áp đảo cả về hoả lực lẫn quân số ; đứng giữa ông ta và thảm hoạ chỉ còn lại duy nhất con kênh đào Albert.

Đối phương sẽ tấn công tại điểm nào ? Phòng tuyến của Student yếu ở mọi nơi, nhưng có một số địa điểm nguy hiểm hơn những nơi khác. Ông ta đặc biệt quan ngại khu vực bắc Antwerpt, nơi sư đoàn 719 yếu ớt chỉ vừa chiếm lĩnh vị trí. Liệu vẫn còn thời gian tận dụng lợi thế của dải chướng ngại rộng 80 bộ do nước tạo ra để biến nó thành một phòng tuyến chủ lực có thể kìm chân Đồng minh đủ lâu tới khi lực lượng tăng viện kịp tới nơi ? Đây là hy vọng lớn nhất của Student.

Ông ta chờ đợi bị tấn công bất cứ lúc nào, thế nhưng vẫn chẳng có thông báo nào về sự xuất hiện của thiết giáp Đồng minh. Student đặc biệt ngạc nhiên khi thấy hầu như không có giao chiến với quân địch ở phía bắc Antwerpt. Ông ta cho tới lúc này vẫn tin rằng xe tăng Anh, sau khi chiếm thành phố, hẳn sẽ tấn công về phía bắc ; cô lập bán đảo Beveland và tiến sâu vào Hà Lan. Nhưng Student nhận thấy có vẻ người Anh đã giảm tốc độ tấn công. Tại sao?

Bốn lần trong 18 ngày tổng hành dinh của lực lượng Đức ở phía Tây đã phải di chuyển. Bị oanh kích, pháo kích, suýt nữa bị thiết giáp Đồng minh tập kích, cuối cùng OB West đã dừng lại thiết lập vị trí của mình ở phía sau biên giới đế chế. Và vào hơn 2 giờ chiều ngày 5/9, viên tổng tư lệnh mới tìm thấy sở chỉ huy của mình ở thành phố nhỏ Aremberg gần Koblenz.

Mệt mỏi và căng thẳng sau chuyến đi dài, thống chế Gerd von Runstedt dẹp sang một bên các nghi lễ quân sự và các màn chào đón trống rong cờ mở thường đi theo việc thay đổi tư lệnh trong quân đội Đức. Ngay lập tức, ông lao vào một loạt cuộc họp với ban tham mưu kéo dài cho đển đêm. Các sĩ quan chưa trực tiếp biết ông ngỡ ngàng với tốc độ nắm bắt tình hình của thống chế. Với những người cũ, mọi việc diễn ra như thể ông chưa từng vắng mặt. Với tất cả mọi người, chỉ sự có mặt của von Runstedt thôi cũng đã đem lại cảm giác nhẹ nhõm và nhen nhóm trở lại sự tự tin.

Trách nhiệm đặt ra cho von Runstedt thực sự nặng nề, khó khăn phải đương đầu là khổng lồ. Ông cần càng nhanh càng tốt vạch ra một kế hoạch chiến lược mới cho mặt trận phía tây chạy dài 400 dặm từ biển bắc tới biên giới Thuỵ Sĩ - một kế hoạch mà thống chế Model đã thẳng thắn thừa nhận vượt quá khả năng của mình. Với những lực lượng tơi tả mà von Runstedt có trong tay - cụm quân B ở phía bắc và cụm quân G ở phía nam – viên thống chế được trông đợi giữ vững mọi nơi và thậm chí phản công, như Hitler đã chỉ đạo. Đồng thời, để ngăn chặn một cuộc tấn công vào chính đế chế, ông còn phải biến thành thực tế phòng tuyến Siegfried “ bất khả xâm phạm “ của Hitler - một tuyến phòng thủ kiên cố chưa hoàn tất đã lỗi thời, bị bỏ bẵng không phòng thủ, bị gỡ bỏ hết vũ khí từ năm 1940. Vẫn còn nhiều nữa, nhưng vào buổi chiều này von Runstedt dành ưu tiên cho những nguy cơ trước mắt. Thực tế còn xấu hơn nhiều những gì ông đã dự cảm.

Bức tranh toàn cục thật ảm đạm. Trước khi bị Hitler cách chức vào tháng 7, von Runstedt có trong tay 62 sư đoàn. Lúc này phụ trách tác chiến của ông, trung tướng Bodo Zimmermann, đưa ra một bản tổng kết tồi tệ. Trong hai cụm quân, ông này báo cáo với thống chế, có “ 48 sư đoàn trên giấy, 15 sư đoàn Panzer và 4 lữ đoàn hầu như không có chiếc tăng nào. “ 48 sư đoàn này, quá yếu về nhân lực, trang bị và pháo binh, Zimmermann nói, nên theo nhận định của ông ta chúng chỉ có “ năng lực tác chiến tương đương với 27 sư đoàn. “ Lực lượng này chỉ chưa bằng một nửa lực lượng Đồng minh. Von Runstedt được biết bộ tham mưu của ông tin rằng Eisenhower có ít nhất 60 sư đoàn, hoàn toàn cơ giới hoá và đạt sức mạnh tối đa (ước tính này sai. Vào thời điểm này, Eisenhower có 49 sư đoàn trên lục địa)

Còn về lực lượng Panzer của Đức, chúng hầu như không còn tồn tại. Trên toàn mặt trận, chống lại sức mạnh của Đồng minh với ước chừng hơn hai ngàn xe tăng, chỉ còn lại 100 xe thiết giáp. Luftwaffe đã hoàn toàn bị tiêu diệt ; trên chiến trường, quân Đồng minh có ưu thế hoàn toàn về không quân. Bản tổng kết u ám của von Runstedt cho thấy về quân số, phần lớn đã kiệt sức và không còn tinh thần chiến đấu, ông ta bị áp đảo 2 chống 1 ; về pháo binh 2,5 khẩu chống 1 ; về xe tăng 20 chống 1 ; và về máy bay 25 chống 1*. Bên cạnh đó là sự thiếu thốn trầm trọng về xăng, phương tiện vận tải và đạn. Tham mưu trưởng mới của von Runstedt, tướng Siegfried Westphal, sau này nhớ lại, “ Tình hình thật sự tuyệt vọng. Một thất bại quan trong ở bất kỳ điểm nào trên chiến tuyến - với nhiều khoảng trống đến mức có lẽ cũng không xứng đáng tên gọi này – cũng sẽ dẫn tới tai hoạ nếu đối phương tận dụng triệt để các cơ hội. “

*Chú thích : tổn thất về nhân lực và khí tài của quân Đức là hết sức nặng nề. Trong 92 ngày kể từ sau cuộc đổ bộ lên Normandy, 300000 lính Đức bị giết, bị thương hoặc mất tích ; 200000 bị bao vây, đang tiếp tục giữ lấy các “ pháo đài “ như các cảng hoặc các đảo trên biển Manche. Khoảng 53 sư đoàn Đức bị tiêu diệt, và bị thiệt hại rải khắp Pháp và Bỉ là một lượng lớn phương tiện chiến tranh bao gồm ít nhất 1700 xe tăng, 3500 pháo, hàng ngàn xe bọc thép, xe tải, xe ngựa kéo, cùng một lượng khổng lồ vũ khí, từ súng bộ binh cho đến những kho đạn lớn. Trong số tổn thất nhân lực có 2 thống chế và hơn 20 tướng.

Tướng Blumentritt*, hoàn toàn nhất trí với nhận định của Westphal, còn cụ thể hơn. Theo quan điểm của ông này, nếu Đồng minh tổ chức “ một mũi đột kích mạnh tạo ra một đột phá khẩu ở bất cứ nơi nào “, sự sụp đổ sẽ kéo theo sau. Những lực lượng có khả năng chiến đấu duy nhất von Runstedt có trong tay đang trong lúc này đối đầu với đạo quân Mỹ thứ ba của tướng George S.Patton, lực lượng đang tiến tới Metz hướng về vùng công nghiệp Saar. Những đơn vị đó có thể làm chậm bước tiến của Patton, nhưng không đủ mạnh để chặn đứng ông ta. Thay vì để phí thời gian quý báu, theo Blumetritt có lẽ Đồng minh sẽ tấn công vào điểm yếu nhất của quân Đức - bằng cách tung một mũi đột kích mạnh vượt qua sông Rhine đánh vào vùng Ruhr. Mũi đột kích này, ông ta tin tưởng, sẽ là ưu tiên của quân Anh Mỹ, vì như ông sau này có nói, “ Ai chiếm được bắc Đức chiếm được cả nước Đức. “

*Chú thích : Trước sự bực bội của von Runstedt, tướng Blumetritt, người đã từ lâu làm tham mưu trưởng của ông và được ông tin cậy nhất, bị thay thế bằng tướng Westphal hôm 5/9 và nhận được lệnh phải quay về Đức. Von Runstedt phản đối sự thay thế nhưng vô ích. Tuy vậy, Blumetritt vẫn có mặt trong những cuộc họp đầu tiên ở Aremberg và chỉ rời sở chỉ huy hôm 8/9.
Von Runstedt cũng đã đi tới cùng kết luận. Chiếm vùng Ruhr hiển nhiên sẽ là mục tiêu chính của Đồng minh. Quân Anh Mỹ ở phía bắc đang tiến theo hướng này, về phía biên giới tại Aachen. Hầu như không có hy vọng ngăn chặn được họ chọc thủng phòng tuyến lỗi thời Siegfried không ai phòng thủ, sau đó vượt qua sông Rhine, chướng ngại thiên nhiên cuối cùng che chở nước Đức và đánh thẳng vào trái tim công nghiệp của đế chế.

Đầu óc phân tích của von Runstedt cũng đã phát hiện ra một sự kiện khác. Lực lượng đổ bộ đường không tinh nhuệ được huấn luyện kỹ càng của Eisenhower, được sử dụng rất thành công trong cuộc tấn công Normandy, đã biến mất khỏi bản đồ chiến sự của Đức. Những lực lượng này đã không được sử dụng như bộ binh thường. Hiển nhiên chúng đã được rút về hậu cứ, chuẩn bị cho một chiến dịch đổ bộ đường không khác. Nhưng khi nào và ở đâu ? Hiển nhiên một cuộc đổ bộ đường không sẽ trùng hợp với mũi đột kích vào Ruhr. Theo nhận định của von Runstedt, một cuộc đổ bộ như vậy có thể diễn ra tại một trong hai vùng trọng yếu : hoặc vào phía sau các pháo đài của “ bức tường phía tây “, hoặc về phía đông sông Rhine để chiếm lấy các cầu. Trên thực tế, vài ngày trước đó, thống chế Model cũng đã bày tỏ mối lo ngại tương tự trong điện gửi cho Hitler, nhấn mạnh khả năng này như một mối đe doạ nghiêm trọng. Mặt khác, von Runstedt không thể bỏ qua khả năng toàn bộ trận tuyến Đồng minh cùng đồng loạt tấn công vào Ruhr và vùng Saar với lực lượng đổ bộ đường không được sử dụng ở cả hai nơi. Viên thống chế không nhận ra có giải pháp nào để đối phó với những mối đe doạ này. Đồng minh có quá nhiều cơ hội để chọn và ở quá nhiều nơi. Sự lựa chọn duy nhất cho ông là cố gắng chấn chỉnh lại kỷ luật và tranh thủ thời gian để phán đoán trước dự định của Đồng minh nếu có thể được.

Von Runstedt không hề xem thường thông tin tình báo Eisenhower có được về thực lực quân Đức. Nhưng, ông tự hỏi, liệu viên tư lệnh Đồng minh có thực sự biết tình hình của họ đã tuyệt vọng tới mức nào không ? Sự thật, như ông nói với Blumetritt, là ông đang phải chiến đấu “ với những người già sắp kề miệng lỗ “ và đám công sự của “ bức tường phía tây “ sẽ “ hoàn toàn vô dụng trước một cuộc tấn công của Đồng minh “. Sẽ là “ điên rồ “, ông nói, “ khi khăng khăng chống giữ những cái lỗ chuột đào đó chỉ để giữ thể diện. “ Dù sao đi nữa, phòng tuyến Siegfried cũng cần được tái trang bị, các vị trí phòng thủ củng cố sẵn sàng và bổ sung quân đồn trú. Von Runstedt khô khan nói với ban tham mưu của mình : “ Chúng ta cần bằng cách nào đó giữ vững ít nhất 6 tuần. “

Nghiên cứu mọi mặt tình huống phải đối đầu, hoạch định các di chuyển có thể của lực lượng Đồng minh và cân nhắc các khả năng, ông nhận thấy những cuộc tấn công ác liệt nhất vẫn là từ Patton, đang hướng tới Saar. Ở phía bắc áp lực của quân Anh Mỹ nhẹ hơn rất nhiều. Von Runstedt cho rằng ông đã nhận thấy sự vắng mặt của mọi di chuyển, gần như một sự dừng lại, tại khu vực này. Chuyển sự chú ý của mình vào chiến tuyến của Montgomery, như Blumetritt sau này nhớ lại, von Runstedt tập trung sự chú ý vào tình hình tại Antwerp. Ông hơi ngạc nhiên trước báo cáo rằng, từ 36 giờ qua, quân Anh đã không tiến lên phía bắc từ phía thành phố, cũng chưa hề cắt đứt bán đảo Nam Beveland. Hiển nhiên, bến cảng lớn của Antwerp sẽ giúp giải quyết vấn đề hậu cần của Đồng minh. Nhưng họ không thể sử dụng được cảng nếu cả hai bờ đoạn cửa vào dài 54 dặm vẫn nằm trong tay quân Đức. Với viên thống chế, xem ra hiện tượng ông nhận thấy là có thật, quân Đồng minh đã hoàn toàn dừng lại trong khu vực của Montgomery.

Trong suốt sự nghiệp của mình, von Runstedt đã nghiên cứu kỹ lưỡng chiến thuật quân sự của người Anh ; ông cũng đã có cơ hội, một cơ hội chẳng may mắn gì cho bản thân ông, được tự mình quan sát cách tiến hành chiến tranh của người Mỹ. Ông phát hiện ra rằng người Mỹ sáng tạo và táo bạo hơn trong sử dụng thiết giáp, người Anh tuyệt vời trong sử dụng bộ binh. Tuy vậy, trong mỗi trường hợp, những người chỉ huy đã tạo ra sự khác biệt. Thế nhưng, von Runstedt coi Patton là một đối thủ đáng gờm hơn nhiều so với Montgomery. Theo lời Blumetritt, von Runstedt nhận thấy thống chế Montgomery là một người “ quá thận trọng, hành động theo thói quen và quá nguyên tắc. “ Lúc này, viên thống chế cố lý giải nguyên do của sự chậm trễ cuả Montgomery. Với các cảng bên bờ biển Manche vẫn nằm trong tay quân Đức, von Runstedt thấy rõ Ant werp là tối cần thiết cho tiến công của Eisenhower - vậy tại sao Montgomery án binh bất động trong 36 giờ và hiển nhiên là bỏ lỡ cơ hội giải toả cảng biển lớn thứ hai châu Âu ? Chỉ có một nguyên nhân duy nhất : Montgomery chưa sẵn sàng để tiếp tục tấn công. Von Runstedt tin chắc rằng ông này sẽ không từ bỏ thói quen của mình. Người Anh sẽ không bao giờ tấn công cho tới khi ông thống chế cẩn trọng chi li Montgomery đã được chuẩn bị và cung cấp hậu cần đầy đủ. Vậy câu trả lời, Von Runstedt đoán, là người Anh đã bị căng ra quá xa. Đây không phải là sự tạm dừng, von Runstedt nói với ban tham mưu. Cuộc truy kích của Montgomery, ông hoàn toàn cảm thấy được thuyết phục, đã chấm dứt.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-8-2013 07:34 PM
Chương 3
(tiếp theo)

Von Runstedt khẩn trương quay sang xem xét những mệnh lệnh của Model trong 24 giờ trước đó. Bởi vì lúc này, nếu giả thuyết của ông là chính xác, von Runstedt nhìn ra cơ hội không những ngăn cản Đồng minh sử dụng cảng Antwerp,mà, quan trọng không kém, còn có thể cứu được đạo quân số 15 đang bị bao vây của tướng von Zangen, một lực lượng gồm hơn 80000 quân - số quân mà von Runstedt cần đến mức tuyệt vọng.

Từ các lệnh của Model, ông nhận thấy, trong khi von Zangen đã được lệnh giữ vững bờ nam Schelde và tăng cường các cảng ở bờ biển Manche, ông này cũng được lệnh dùng lực lượng còn lại tấn công về phía đông bắc vào sườn của mũi đột kích Anh - cuộc tấn công được dự kiến tiến hành vào sáng 6/9. Không chần chừ, von Runstedt đình chỉ cuộc tấn công. Trong hoàn cảnh hiện tại, ông thấy nó không cần thiết. Hơn nữa, ông có một kế hoạch táo bạo hơn. Phần đầu mệnh lệnh của Model cần tiếp tục được thực hiện, vì giữ vững các cảng ở biển Manche lúc này càng quan trọng hơn bao giờ hết. Nhưng thay vì tấn công về hướng đông bắc, von Zangen được lệnh rút toàn bộ lực lượng còn lại của mình bằng đường biển, qua cửa Schelde tới đảo Walcheren. Sau khi tới bờ bắc của lối vào cảng, lực lượng của von Zangen sẽ hành quân về hướng đông tới một con đường chạy từ đảo Welcheren, đi dọc bán đảo Nam Beveland cho tới khi đến đất liền Hà Lan ở phía bắc Antwerp. Để tránh không quân Đồng minh, việc chuyển quân bằng phà qua cửa Schelde rộng 3 dặm , giữa các cảng Bresken và Flushing, phải thực hiện ban đêm. Tuy thế, nếu may mắn, một phần lớn đạo quân số 15 có thể rút an toàn trong vòng 2 tuần. Von Runstedt biết kế hoạch này mạo hiểm, nhưng ông không thấy có cách nào khác, vì, nếu thành công, ông sẽ có trong tay gần như một đạo quân Đức nữa, cho dù nó cũng đã tổn thất khá nặng. Hơn thế nữa, ông vẫn có thể - một cách khó tin - kiểm soát cảng yết hầu Antwerp. Nhưng thành công của kế hoạch phụ thuộc hoàn toàn vào phán đoán của von Runstedt rằng cuộc đột kích của Montgomery đã dừng hẳn.

Von Runstedt hoàn toàn chắc chắn về việc này. Hơn nữa, ông còn tin rằng sự giảm tốc của Montgomery có một ý nghĩa khác nữa. Vì các tuyến vận tải và liên lạc đã kéo quá dài, ông hoàn toàn chắc chắn rằng cuộc tấn công nhanh chóng mặt của Đồng minh đã đạt tới giới hạn. Và để kết thúc cuộc họp, như Blumetritt sau này nhớ lại, “ von Runstedt nhìn chúng tôi và nhắc đến khả năng khó tin rằng, ít nhất lần này, Hitler có thể có lý. “

Đánh giá tình hình của Hitler và von Runstedt, cho dù chỉ chính xác một phần, còn sát sự thật hơn họ có thể ngờ tới. Thời gian quý báu mà von Runstedt cần để ổn định chiến tuyến của mình đã được chính Đồng minh cung cấp. Sự thật là người Đức đã thua nhanh hơn Đồng minh có thể thắng.

Trong lúc von Runstedt đang đánh một canh bạc liều để cứu đạo quân số 15 bị hợp vây, thiếu tướng George Philip Roberts, tư lệnh sư đoàn thiết giáp số 11 của Anh, đang ở cách đó 150 dặm tại Antwerp, hân hoan thông báo với cấp trên của mình một biến cố bất ngờ. Sư đoàn của ông ta đã chiếm được không chỉ thành phố mà cả bến cảng lớn.

Cùng với sư đoàn thiết giáp cận vệ, xe tăng của Roberts đã thực hiện một cuộc thọc sâu ngoạn mục hơn 250 dặm chỉ trong có 5 ngày. Mũi nhọn của đạo quân Anh thứ hai hùng hậu của trung tướng Miles C. Dempsey đã được trung tướng Brian Horrock, tư lệnh quân đoàn 30, ra lệnh “ tiến nhanh như ma đuổi “. Để lực lượng cận vệ chiếm Brussels, sư đoàn của Robert bỏ qua thành phố và vào rạng sáng ngày 4/9, được sự trợ giúp quả cảm của lực lượng kháng chiến Bỉ, tiến vào Antwerp. Lúc này, khoảng 36 giờ sau, sau khi đã quét sạch kẻ thù đang choáng váng và hoảng loạn khỏi khu cảng liên hợp nước sâu, Robert báo cáo rằng quân của ông đã chiếm được nguyên vẹn khu bến cảng Ant werp rộng hơn 1000 mẫu. Nhà kho, cần cẩu, cầu , bến, cầu tàu – và , thật khó tin, ngay cả những cánh cửa vào cảng đóng mở bằng điện ở trạng thái sẵn sàng hoạt động - đều được kiểm soát.

Kế hoạch phá cảng của quân Đức đã thất bại. Thuốc nổ đã được cài lên các cầu chính và các khu cơ sở hạ tầng quan trọng, nhưng bị áp đảo trước sức tấn công ngoạn mục của người Anh và các nhóm kháng chiến (trong số họ có các kỹ sư Bỉ biết rõ bộc phá được đặt ở đâu), trại lính vô tổ chức của người Đức đã không hề có cơ hội phá huỷ khu cảng khổng lồ.

Viên tướng 37 tuổi Robert đã thực hiện mệnh lệnh một cách xuất sắc. Nhưng thật không may, trong một trong những tính toán sai lầm lớn nhất trong cuộc chiến ở châu Âu, không ai ra lệnh cho ông tận dụng lợi thế - có nghĩa là tấn công lên phía bắc, chiếm lấy đầu cầu qua kênh đào Albert ở vùng ngoại ô phía bắc thành phố, sau đó đột kích thẳng vào căn cứ ở bán đảo Nam Beveland chỉ cách đó có 18 dặm. Bằng cách chặn lấy đoạn cổ chai dài 2 dặm này, Roberts đã có thể nhốt chặt quân Đức trong rọ, sẵn sàng cho việc quét sạch đoạn bở bắc quan trọng. Đó là một sai lầm lớn. Cảng Ăntwerp, một trong những mục tiêu chiến lược, đã được kiểm soát ; thế nhưng lối vào cảng, vẫn bị quân Đức chiếm, thì chưa. Khu cảng lớn này, đáng ra đã có thể rút ngắn đường tiếp vận và cung cấp hậu cần cho cả mặt trận của Đồng minh, vẫn vô dụng. Thế nhưng không ai, trong không khí hứng khởi của thời điểm đó, nhận định sự sai lầm này hơn là một hoàn cảnh tạm thời. Quả thật, xem ra chẳng có lý do gì để vội vã. Với sự tháo chạy của quân Đức, việc khai thông cảng có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Sư đoàn thiết giáp 11, nhiệm vụ đã hoàn thành, bèn án binh bất động chờ mệnh lệnh mới.

Cú đột kích ngoạn mục của lực lượng thiết giáp của Dempsey ở phía bắc, tương đương với bước tiến của Patton ở phía nam Ardenne, đã đến hồi kết, cho dù vào lúc đó rất ít người nhận ra. Người của Roberts đã kiệt sức, cạn nhiên liệu và hậu cần. Tình hình cũng tương tự với phần còn lại của quân đoàn 30 của tướng Brian Horrock. Như vậy, cùng vào buổi chiều hôm đó, áp lực liên tục đã đẩy bật quân Đức ở phía bắc, khiến lực lượng này suy sụp và tan rã, bất ngờ giảm hẳn. Chiến thắng ngoạn mục ở Ăntwerp đến đúng lúc lực lượng Anh bắt đầu dừng lại để “ nghỉ ngơi, chỉnh đốn lực lượng, và tiếp liệu."

Tướng Horrock, viên tư lệnh rất có năng lực và linh hoạt của quân đoàn 30, đã không hề nghĩ tới Ăntwerp.(Giống như thống chế Montgomery, tư lệnh đạo quân 21 của Anh, ông ta chú ý tới một mục tiêu khác : vượt sông Rhine và kết thúc nhanh chóng cuộc chiến. Chỉ vài giờ trước đó, khoan khoái trước bước tiến như vũ bão của đạo quân của mình, Montgomery gửi điện cho tổng tư lệnh, tướng D.D. Eisenhower : “ Lúc này chúng ta đã đạt tới thời điểm một mũi đột kích tổng lực mãnh liệt về hướng Berlin có thể tiến được tới đó và như vậy chấm dứt chiến tranh “). Horrock, trong hồi ký của mình, đã giải thích khá thẳng thắn. “ Lý do để biện hộ cho tôi là tôi hoàn toàn tập trung sự chú ý về hướng sông Rhine và mọi thứ khác đều có vẻ chỉ là thứ yếu. Chưa bao giờ tôi nghĩ tới việc cửa Schelde có thể bị rải mìn và chúng tôi sẽ không thể sử dụng Ăntwerp cho tới khi toàn bộ con kênh đã được quét sạch và quân Đức bị đánh bật khỏi hai bên bờ. Napoleon hẳn đã nhận ra điều này nhưng Horrock thì không. “ Ông cũng thừa nhận không gặp phải nhiều chống cự và “ chúng tôi vẫn còn đủ nhiên liệu cho 100 dặm nữa trên mỗi xe và có dự trữ đủ cho một ngày nữa. “. Rất có thể “ sự mạo hiểm là đáng kể, “ nhưng “ tôi tin rằng nếu chúng tôi nắm lấy cơ hội và tiếp tục tiến thẳng thay vì dừng lại ở Brussels, diễn biến của cuộc chiến ở châu Âu có thể đã thay đổi hoàn toàn. “

Tại London, hoàng thân Hà Lan hội kiến nữ hoàng Wilhemina và sau đó điện thoại cho vợ, công chúa Juliana, lúc đó đang ở Canada. Hoàng thân thúc giục vợ bay ngay tới Anh, sẵn sàng cho chuyến trở về Hà Lan vào thời điểm quốc gia này được giải phóng. Cuộc lưu đày dài đằng đẵng của họ sắp đến hồi kết. Cuộc giải phóng, khi tới, sẽ xảy ra rất nhanh. Họ cần sẵn sàng. Thế nhưng Bernhard vẫn thấy bất an.

Trong 72 giờ trước đó tin tức gửi tới ông từ lực lượng kháng chiến Hà Lan không ngừng nhắc tới sự hoảng loạn của quân Đức tại Hà Lan, và lặp đi lặp lại rằng cuộc tháo chạy, bắt đầu hôm 2/9, vẫn đang tiếp tục. Đến lúc này, vào mồng 5, chỉ huy lực lượng kháng chiến ngầm thông báo rằng cho dù quân Đức vẫn còn hỗn loạn, nhưng cuộc tháo chạy có vẻ đã lắng xuống. Bernhard cũng gặp viên thủ tướng lưu vong của Hà Lan. Thủ tướng Gerbrandy có vẻ bối rối. Rõ rằng là bản thông báo ngày 3/9 của ông đã quá lạc quan ; lực lượng đồng minh chắc chắn chưa vượt qua biên giới Hà Lan. Hoàng thân và thủ tướng cân nhắc tình hình. Tại sao người Anh không tấn công ? Hiển nhiên, tình hình Hà Lan là hoàn toàn rõ ràng với những thông báo nhận được từ lực lượng ngầm.

Bernhard không có nhiều kiến thức quân sự và phụ thuộc vào các cố vấn của mình, tuy thế ông vẫn ngỡ ngàng. Nếu quân Đức vẫn còn hỗn loạn và, như các chỉ huy lực lượng kháng chiến của ông tin tưởng, một “ cuộc đột kích với một ít xe tăng “ có thể giải phóng nước này trong “ vài giờ “- vậy, tại sao người Anh không tiến quân ? Có lẽ Montgomery không tin vào thông báo của lực lượng kháng chiến Hà Lan vì ông coi họ chỉ là những tay nghiệp dư hoặc không đáng tin cậy. Bernhard không tìm ra lời giải thích nào khác. Nếu không thì vì sao người Anh chần chừ, thay vì lập tức vượt qua biên giới ? Cho dù ông thường xuyên liên lạc với các bộ trưởng của mình, với đại sứ Mỹ,Anthony Biddle và tham mưu trưởng của Eisenhower, Bedell Smith, và vì thế biết rõ rằng vào thời điểm đó, cuộc tiến công thuận lợi đến mức tình hình thay đổi hầu như từng giờ, nhưng dù thế Bernhard nghĩ ông cần biết thông tin trực tiếp hơn. Ông quyết định : cần yêu cầu SHAEF chấp nhận cho mình bay tới Bỉ và trực tiếp gặp thống chế Montgomery càng sớm càng tốt. Hoàng thân hoàn toàn tin tưởng vào bộ tư lệnh đồng minh, và đặc biệt là Montgomery. Tuy thế, nếu có gì không ổn, Bernhard muốn được biết.

Trong khu lều của sở chỉ huy của mình đóng tại Laeken, cách trung tâm Brussels vài dặm, thống chế B.L.Montgomery sốt ruột chờ đợi câu trả lời cho bức điện mật “ Chỉ dành riêng cho cá nhân Eisenhower đọc “ của mình. Yêu cầu tiến hành khẩn cấp một mũi đột kích tổng lực tới Berlin được gửi đi tối 4/9. Lúc này, vào trưa ngày 5/9, vị anh hùng 58 tuổi của El Alamein chờ đợi một câu trả lời và sốt ruột nghĩ tới cục diện sắp tới của cuộc chiến. Hai tháng trước cuộc đổ bộ lên Normandy ông đã nói, “ Nếu chúng ta thực hiện đâu ra đấy công việc của mình và không phạm sai lầm, thì tôi tin rằng nước Đức sẽ bị loại khỏi vòng chiến trong năm nay. “ Theo quan điểm bất di bất dịch của Montgomery, một sai lầm chiến lược lớn đã xảy ra ngay trước khi lực lượng đồng minh chiếm Paris và vượt sông Seine. “ Chiến lược mặt trận rộng “ của Eisenhower – đưa các đạo quân của ông đồng loạt tiến tới biên giới Đức, sau đó vượt qua sông Rhine- có thể là đúng đắn khi nó được hoạch định trước cuộc đổ bộ, nhưng với sự sụp đổ tan rã bất ngờ của quân Đức, viên tướng người Anh tin tưởng, chiến lược này đã trở nên lỗi thời. Như Montgomery nói, chiến lược đó đã trở nên “ thiếu linh hoạt “. Và tất cả kiến thức quân sự của ông đã cho ông thấy “ chúng ta sẽ không thể thành công với nó ... và có thể sẽ phải tính đến một chiến dịch mùa đông kéo dài cùng tất cả những khó khăn người dân Anh sẽ phải chịu đựng. “

Vào ngày 17/8, ông đã đề nghị với tướng Omar N.Bradley, tư lệnh cụm quân Mỹ số 12, một kế hoạch với một mũi đột kích. Đạo quân của ông và đạo quân của Bradley sẽ hợp lại thành một khối mạnh gồm 40 sư đoàn, một lực lượng đủ mạnh để không phải e ngại bất cứ nguy cơ nào. Quả đấm này sẽ tiến lên phía bắc. “ Cụm quân số 21 sẽ quét sạch bờ biển, chiếm Ăntwerp và nam Hà Lan. Cụm quân số 12 của Bradley, với cánh phải ở Ardenne, sẽ tiến tới Aachen và Cologne. Mục tiêu chính của cuộc đột kích do Montgomery đề nghị sẽ là “ chiếm lĩnh các đầu cầu qua sông Rhine trước khi mùa đông tới và chiếm lấy vùng Ruhr một cách thần tốc. “ Theo suy luận của ông, nó sẽ chấm dứt cuộc chiến một cách chắc chắn. Kế hoạch của Montgomery sử dụng 3 trong số 4 đạo quân của Eisenhower - đạo quân Anh số 2, đạo quân Mỹ số 1 và đạo quân Canada số 1. Đạo quân thứ tư, đạo quân Mỹ số 3 của Patton, trong lúc này đang xuất hiện trên trang nhất của các báo khắp thế giới vì bước tiến ngoạn mục của mình, Montgomery không đả động đến. Ông chỉ bình thản gợi ý là lực lượng này cần dừng lại.

Chừng 48 giờ sau Montgomery được tin là Bradley, người mà ông tin sẽ ủng hộ ý kiến của ông, lại đang nghiêng về một mũi đột kích của lực lượng Mỹ, một cuộc tấn công do Patton chỉ huy hướng tới Rhine và Frankfurt. Eisenhower bác bỏ cả hai kế hoạch ; ông không định thay đổi chiến lược của mình. Vị tổng tư lệnh muốn duy trì sự linh hoạt để có thể đột kích cả ở sông Rhine lẫn Saar khi có cơ hội. Với Montgomery, đây không còn là “ chiến lược chính diện rộng “ nữa mà là một kế hoạch hai mũi đột kích. Ông cảm thấy rằng lúc đó mọi người “ mạnh ai nấy đánh “- đặc biệt là Patton, người có vẻ tự cho mình quyền tự quyết rất lớn. Quyết định của Eisenhower giữ nguyên nguyên tắc chiến lược ban đầu của mình đã cho thấy rất rõ ràng, theo quan điểm của Montgomery, rằng tổng tư lệnh “ trên thực tế đã hoàn toàn không kiểm soát được diễn biến thực địa chiến trường nữa. “

Suy nghĩ của Montgomery dựa trên một sự kiện mới diễn ra đã làm ông bực mình và cảm thấy vai trò của mình bị hạ thấp. Ông ta không còn là người nắm toàn quyền chỉ huy quân đội trên lục địa. Hôm 1/9, Eisenhower đã đích thân nắm lấy quyền chỉ huy. Bởi vì viên tổng tư lệnh tin rằng “ Montgomery là một bậc thầy trong việc chỉ huy chiến dịch “, ông ta đã để viên tướng người Anh giám sát cuộc đổ bộ vào D-Day cũng như giai đoạn đầu chiến dịch sau đó.

Như vậy, đạo quân số 12 của tướng Omar N. Bradley lại nằm dưới quyền chỉ huy của Montgomery. Tới cuối tháng 8, việc báo chí tiết lộ chuyện này đã làm công chúng bực tức đến mức Eisenhower đã được tướng Marshall, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, ra lệnh “ phải lập tức nắm lấy quyền chỉ huy trực tiếp “ của toàn bộ lực lượng trên lục địa. Các đạo quân Mỹ lại được chuyển về dưới quyền chỉ huy của người Mỹ. Động thái này khiến Montgomery sửng sốt. Như tổng tham mưu trưởng của ông, tướng Francis de Guigard, sau này nhớ lại : “ Tôi tin rằng Montgomery không bao giờ ngờ ngày đó lại tới sớm đến thế. Có thể ông hy vọng rằng chức chỉ huy được thiết lập ban đầu sẽ tiếp tục được duy trì một thời gian dài nữa. Tôi cho rằng ông ta có thói quen hơi quá coi nhẹ lòng tự tôn dân tộc và hãnh diện, cũng như sự đóng góp ngày càng tăng của người Mỹ cả về quân số và trang bị...tuy thế, với phần lớn chúng tôi, thật hiển nhiên là không thể có chuyện một viên tướng Anh và một bộ tư lệnh Anh nắm mãi quyền chỉ huy các đạo quân Mỹ vốn đông đảo hơn. “ Điều đó có thể là hiển nhiên với bộ tham mưu của Montgomery, nhưng không phải với bản thân ông. Ông cảm thấy bị làm bẽ mặt trước công chúng. Dù sao thì Montgomery cùng dư luận Anh, cũng cảm thấy phẫn nộ không kém ông, đã phần nào được an ủi khi vua George VI, trước sự hối thúc của Churchill, đã phong chức thống chế lục quân cho Montgomery hôm 1/9.

Hầu như ai cũng biết Monty và cấp trên của mình, Sir Alan Brooke, tổng tham mưu trưởng quân đội của đế quốc, đều rất không hài lòng về Eisenhower. Cả hai đều cho ông là thiếu thẳng thắn và thiếu quyết đoán. Trong một lá thư gửi cho Montgomery hôm 28/7, Brooke bình luận rằng Eisenhower thậm chí chỉ có “ vài khái niệm mơ hồ nhất về chiến tranh ! “. Vào một dịp khác, ông này nhận xét rằng vị tổng tư lệnh là người “ có tính cách rất hấp dẫn “, nhưng “ với một bộ óc vô cùng hạn chế nhìn từ quan điểm chiến lược “. Montgomery, chẳng bao giờ là người biết kiềm chế lời lẽ của mình, đã “ nhìn thấy ngay từ đầu rằng Ike chỉ đơn giản là chẳng có chút kinh nghiệm nào cho cương vị của mình “, và ông cảm thấy rằng trong khi lịch sử sẽ rất có thể ghi lại “ Eisenhower như là một tổng tư lệnh tốt, ông này chỉ là một tư lệnh chiến trường rất, rất xoàng “. Bực mình, Montgomery bắt đầu cổ động cho ý tưởng của một “ tổng tư lệnh lực lượng mặt đất “, một vị trí trung gian giữa các cụm quân và Eisenhower. Ông này cũng biết rõ ai sẽ là người cần thiết cho vị trí này – chính bản thân mình. Eisenhower biết rất rõ về chiến dịch ngầm này. Ông ta vẫn giữ vẻ bình thản. Theo cách của mình, vị tổng tư lệnh cũng cứng đầu chẳng kém Montgomery. Lệnh ông nhận được từ tướng Marshall là hoàn toàn rõ ràng và ông không hề có ý định chấp nhận ý tưởng về một viên chỉ huy lực lượng mặt đất nào khác ngoài mình.

Montgomery đã không có cơ hội nào để trình bày kế hoạch một mũi đột kích cũng như ý tưởng về chức tư lệnh lực lượng mặt đất của mình trực tiếp với Eisenhower cho đến tận ngày 23/8, khi vị tổng tư lệnh tới ăn trưa tại bộ tư lệnh cụm quân 21.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-8-2013 07:37 PM
Chương 4

Montgomery, thiếu tế nhị đến mức khó tin, khăng khăng muốn hội kiến riêng với tổng tư lệnh. Ông yêu cầu tham mưu trưởng của Eisenhower, tướng Bedell Smith, không được có mặt trong cuộc hội kiến. Smith rời khỏi căn lều, và trong suốt một giờ liền Eisenhower, lầm lỳ cố kiềm chế, được cấp phó của mình lên lớp về sự cần thiết « của một kế hoạch đúng đắn và chắc chắn ». Montgomery yêu cầu Eisenhower « quyết định nơi tiến hành mũi đột kích quyết định » để « chúng ta có thể sớm chắc chắn có được kết quả quyết định ». Ông không ngớt nhấn mạnh về « một mũi đột kích », cảnh cáo rằng nếu tổng tư lệnh cứ tiếp tục « chiến lược mặt trận rộng với toàn chiến tuyến cùng tiến và tấn công tại tất cả mọi nơi cùng một lúc, bước tiến sẽ không khỏi bị chậm lại ». Nếu điều đó xảy ra, Montgomery cảnh cáo, « quân Đức sẽ có thời gian để hồi phục, và chiến tranh sẽ tiếp tục trong suốt mùa đông và có thể sang tới năm 1945. Nếu chúng ta chia sẻ dự trữ hậu cần, » Montgomery nói, « và tiến lên trên một chiến tuyến rộng, chúng ta sẽ quá yếu ở mọi điểm đến mức chúng ta sẽ không có cơ hội thành công. » Trong đầu ông chỉ có một quyết sách : « dừng cánh phải lại và tấn công bằng cánh trái, hay làm ngược lại ». Sẽ chỉ có thể có một mũi đột kích và cần phải dồn hết sức hỗ trợ cho nó.

Eisenhower nhận thấy đề nghị của Montgomery là một canh bạc khổng lồ. Nó có thể dẫn tới chiến thắng nhanh chóng và quyết định. Ngược lại nó cũng rất có thể kết thúc trong thảm hoạ. Ông không được chuẩn bị để chấp nhận nguy cơ này. Tuy thế ông thấy mình bị mắc kẹt giữa một bên là Montgomery, bên kia là Bradley và Patton, phía nào cũng nghiêng về « mũi đột kích chủ yếu », và ai cũng muốn được trao quyền thực hiện nó.

Về điểm này, Montgomery, nổi tiếng về sự thận trọng chậm rãi của mình, cho dù là người thành công về chiến thuật, vẫn chưa chứng minh được rằng ông có thể khai thác được một tình thế thuận lợi với tốc độ như của Patton ; và trong lúc này, đạo quân của Patton, tiến xa hơn hẳn những người khác, đã vượt sông Seine và đang tiến như vũ bão tới nước Đức. Một cách ngoại giao, Eisenhower giải thích với Montgomery rằng, cho dù ý tưởng về một mũi đột kích có lý đến đâu chăng nữa, ông khó lòng có thể dừng chân Patton lại và đình chỉ bước tiến của đạo quân Mỹ số ba. « Dân chúng Mỹ, » vị tổng tư lệnh nói, « sẽ không bao giờ ủng hộ việc đó, và dư luận giúp thắng các cuộc chiến ». Montgomery không đồng ý. « Các chiến thắng giúp thắng các cuộc chiến », ông nói. « Hãy cho dân chúng chiến thắng và họ sẽ chẳng quan tâm ai là người đem lại chúng ».

Eisenhower không bị thuyết phục. Tuy rằng ông không nói ra lời như vậy vào lúc đó, ông nghĩ rằng tầm nhìn của Montgomery « quá nhỏ hẹp », và rằng viên thống chế « không hiểu tình hình toàn cục ». Eisenhower giải thích cho Montgomery rằng ông muốn Patton tiếp tục tiến về phía đông để tiến hành hội quân với lực lượng Mỹ và Pháp đang từ phía nam đánh lên. Tóm lại, ông đã cho thấy rõ ràng rằng « chiến lược chính diện rộng » của ông sẽ vẫn tiếp tục.

Montgomery xoay cuộc nói chuyện sang chủ đề về một tư lệnh mặt đất. « Cần có ai đó chỉ huy chiến trường trên lục địa cho ngài ». Eisenhower, Montgomery tuyên bố, cần « ngồi ở một vị trí cao hơn để có được một tầm nhìn bao quát về những vấn đề toàn cục, bao gồm tình hình trên bộ, trên biển, trên không, v.v và v.v. » Ông này rút lui từ thái độ ngạo mạn về nhún nhường. Nếu « cần cân nhắc đến thái độ của dư luận Mỹ, » Montgomery tuyên bố, ông sẵn sàng « để Bradley kiểm soát chiến trường và phục vụ dưới quyền ông. »

Eisenhower lập tức bác bỏ đề nghị này. Đặt Bradley lên trên Montgomery sẽ là chuyện không thể chấp nhận được với dư luận Anh cũng như chuyện ngược lại với dư luận Mỹ. Còn về vai trò của bản thân mình ông không thể, vị tổng tư lệnh giải thích, thay đổi kế hoạch để tự mình kiểm soát diễn biến chiến trường. Tuy nhiên, để tìm ra giải pháp cho một số khó khăn trước mắt, ông sẵn sàng thực hiện một số nhượng bộ với Montgomery. Ông cần các cảng ven biển Manche và Ăntwerpt. Chúng có vai trò sống còn với tình hình hậu cần của lực lượng Đồng minh. Vì thế, trong lúc này, ưu tiên sẽ được dành cho mũi đột kích của cụm quân 21 ở phía Bắc. Montgomery có thể sử dụng đạo quân đổ bộ đường không thứ nhất của Đồng minh hiện đóng ở Anh – lúc đó là lực lượng dự trữ duy nhất của SHAEF. Thêm vào đó, ông này sẽ có được sự hỗ trợ của đạo quân Mỹ thứ nhất đang ở bên sườn phải của mình.

Montgomery, theo như đúng lời của tướng Bradley, « đã thắng hiệp thứ nhất », nhưng viên thống chế Anh còn xa mới hài lòng. Ông đoan chắc rằng Eisenhower đã bỏ lỡ « cơ hội lớn ». Patton chia sẻ ý kiến này - với các lý do khác hẳn – khi tin này tới tai ông. Không những Eisenhower đã ưu tiên hậu cần cho Montgomery thay vì đạo quân số 3, mà ông còn bác bỏ luôn đề nghị tấn công vào Saar của Patton. Với Patton, đây là « sai lầm tệ hại nhất của cuộc chiến ».

Trong hai tuần lễ kể từ khi cuộc va chạm giữa các tính cách và triết lý quân sự này diến ra, tình hình đã thay đổi nhiều. Cụm quân 21 của Montgomery lúc naỳ tiến nhanh chẳng kém gì Patton. Tới ngày 5/9, với các đơn vị mũi nhọn đã tiến vào Ăntwerpt, Montgomery càng được thuyết phục hơn bào giờ hết rằng quan điểm một mũi đột kích của ông là đúng. Ông quyết định sẽ buộc tổng tư lệnh phải thay đổi quyết định. Cuộc chiến đã đến bước ngoặt quyết định.

Montgomery tin tưởng rằng quân Đức đã bị đẩy đến bờ vực của sự sụp đổ hoàn toàn.

Viên thống chế không phải là người duy nhất nghĩ như vậy. Gần như ở tất cả các cấp chỉ huy, các sĩ quan tình báo đều nói đến kết thúc đã gần kề của cuộc chiến. Đánh giá lạc quan nhất tới từ Uỷ ban tình báo Đồng minh tại London. Tình hình Đức đã xấu đi đến mức uỷ ban này tin rằng đối phương không còn khả năng hồi phục. Có đầy đủ các bằng chứng, đánh giá của họ viết, rằng « sự kháng cự có tổ chức dưới sự chỉ huy của bộ tư lệnh tối cao Đức khó có thể tiếp diễn quá ngày 1/12/1944, và ... rất có thể sẽ chấm dứt còn sớm hơn. » Tổng hành dinh cũng chia sẻ sự lạc quan này. Vào cuối tháng 8, tổng kết tình báo của SHAEF tuyên bố rằng « các trận đánh trong tháng 8 đã đạt mục tiêu và kẻ địch ở mặt trận phía tây đã tổn thất nặng. Hai tháng rưỡi ác chiến đã đưa kết cục của cuộc chiến ở châu Âu tới gần , gần như trong tầm tay. » Lúc này, một tuần sau đó, họ coi lực lượng Đức « không còn là một lực lượng có tổ chức mà chỉ là những nhóm tàn quân tháo chạy, vô tổ chức và không còn tinh thần chiến đấu, thiếu thốn quân trang và vũ khí ». Ngay cả viên phụ trách tác chiến đầy bảo thủ của Bộ Chiến tranh Anh, thiếu tướng John Kennedy, cũng ghi ngày 6/9 rằng « Nếu chúng ta cứ tiếp tục tiến với tốc độ vừa qua, chúng ta sẽ tới Berlin ngày 28... »

Trong bản hoà tấu của những lời dự đoán lạc quan này dường như chỉ có một giọng nói lạc điệu. Phụ trách tình báo của đạo quân Mỹ số 3, đại tá Oscar W.Koch, tin rằng kẻ thù vẫn còn khả năng tổ chức kháng cự tới cùng và cảnh báo rằng « các đạo quân Đức sẽ tiếp tục chiến đấu cho tới khi bị tiêu diệt hay bắt giữ. »

Thế nhưng những cảnh báo thận trọng do chính phụ trách tình báo của mình đưa ra chẳng làm bận tâm nhiều viên tư lệnh nóng như lửa của đạo quân thứ ba, trung tướng George S.Patton. Cũng như Montgomery ở phía bắc, Patton ở phía nam lúc này cũng chỉ còn cách sông Rhine có một trăm dặm. Ông cũng tin rằng thời cơ đã tới, như Montgomery đã nói, để « chúng ta thò cổ ra húc một cú duy nhất thật sâu vào lãnh thổ kẻ thù », và kết thúc chiến tranh. Sự khác biệt duy nhất nằm ở nhận định của mỗi người rằng ai sẽ thò cổ ra. Cả hai viên tư lệnh, kiêu hãnh với những chiến thắng và luôn cố dành thêm nhiều ánh hào quang hơn nữa, lúc này kèn cựa nhau để dành lấy cơ hội. Trong sự hiếu thắng của mình, Montgomery đã dồn cả sự đố kỵ vào một mình Patton : một thống chế lục quân Anh quốc có dưới tay cả một cụm quân lúc này đang cố gắng triệt hạ một viên trung tướng Mỹ với chỉ một đạo quân trong tay.

Nhưng trên toàn mặt trận, cơn sốt thành công đã bám lấy các tư lệnh chiến trường. Sau cuộc đột kích ngoạn mục qua Pháp và Bỉ, thêm vào đó là bằng chứng về thất bại toàn diện của Đức trên khắp các mặt trận, mọi người giờ đây đều tin rằng không gì có thể ngăn cản cơn thuỷ triều chiến thắng tiếp tục tràn qua phòng tuyến Siegfried và xa hơn nữa, tới tận trái tim của nước Đức. Tuy thế, muốn làm cho kẻ thù luôn bị động và rối loạn đòi hỏi một sức ép liên tục không giảm nhẹ từ phía Đồng minh. Duy trì sức ép đó đã làm nảy sinh một cuộc khủng hoảng mà có vẻ chưa mấy người nhận ra. Sự lạc quan quá độ đã đi gần tới chỗ trở thành tự lừa dối mình vì vào lúc này, các đạo quân khổng lồ của Eisenhower, sau cuộc đột kích thần tốc hơn hai trăm dặm kể từ sông Seine, lúc này đang bị kìm chân bởi nhu cầu khổng lồ về hậu cần và tiếp liệu. Sau sáu tuần hành tiến hầu như liên tục mà không vấp phải kháng cự đáng kể, ít người nhận ra sự mất đà đột ngột của cuộc truy kích. Nhưng khi những chiếc xe tăng đầu tiên áp sát cửa ngõ nước Đức và những cứ điểm ngoại vi của bức tường phía tây, tốc độ tấn công bắt đầu chậm lại. Cuộc đột kích của Đồng minh đã chấm dứt, bị ngáng lại bởi chính thành công của nó.

Trở ngại chính làm chậm trễ cuộc tấn công là việc thiếu cảng. Tiếp tế hậu cần không hề thiếu, nhưng chúng bị chất đống lại ở Normandy, và vẫn phải được chuyên chở qua các bãi biển hay qua cảng duy nhất sử dụng được, Cherburg - nằm cách các đơn vị tiền tiêu tới 450 dặm. Đảm bảo hậu cần cho bốn đạo quân lớn đang hành tiến hết tốc độ quả là một cơn ác mộng. Thiếu phương tiện chuyên chở càng làm tình hình tệ thêm. Mạng lưới đường sắt, bị oanh tạc trước cuộc đổ bộ hay bị phá hoại bởi lực lượng kháng chiến Pháp, không thể hồi phục nhanh như yêu cầu. Đường ống dẫn xăng dầu cũng mới chỉ đang được lắp đặt. Kết quả là mọi thứ, từ xăng cho tới khẩu phần ăn đều phải vận chuyển bằng đường bộ, mà xe tải thì thiếu trầm trọng.

Để theo kịp tốc độ truy kích, ngày một xa hơn về phía đông, tất cả các loại phương tiện vận tải đều được huy động. Pháo, súng phòng không, xe tăng dự trữ đã bị đưa khỏi xe chở bỏ lại sau để các xe này có thể dùng chở đồ tiếp tế. Rất nhiều sư đoàn đã bị trưng dụng toàn bộ các đại đội vận tải của mình. Người Anh đã để lại phía tây sông Seine cả một quân đoàn để lực lượng vận tải của họ có thể phục vụ được phần còn lại của quân đội đang tiến như vũ bão. Khó khăn của Montgomery còn trầm trọng hơn khi người ta phát hiện ra rằng 1400 xe tải 3 tấn của Anh không sử dụng được vì hỏng pit tông.

Lúc này, trong một nỗ lực khổng lồ nhằm duy trì cuộc tấn công được liên tục, một vành đai không ngừng nghỉ xe vận tải – « Red Bull Express »- chuyển động về phía đông, giao hàng rồi lại quành về phía tây nhận hàng, một số đoàn xe đã tạo thành một vòng tròn khổng lồ dài chừng sáu đến tám trăm dặm. Nhưng ngay cả khi tất cả xe vận tải có thể huy động được đều đã hối hả di chuyển theo chiều kim đồng hồ, còn các chỉ huy chiến trường đã áp dụng những biện pháp tiết kiệm ngặt nghèo nhất, nhu cầu hậu cần của các đạo quân vẫn không thể được đáp ứng đủ. Bị sử dụng quá cường độ và khả năng, hệ thống hậu cần tạm thời đã gần như bị quá tải.

Bên cạnh khó khăn về vận tải, binh lính cũng đã kiệt sức, trang bị hao mòn hỏng hóc sau cuộc tiến quân thần tốc từ Normandy. Xe tăng, xe half track cũng như mọi phương tiện cơ giới khác đều đã trải qua một quãng đường quá dài mà không được bảo trì chu đáo, giờ đây thi nhau hỏng. Nhưng đáng quan ngại hơn cả là nguy cơ thiếu xăng. Các đạo quân của Eisenhower, cần tới 1 triệu gallon mỗi ngày, chỉ nhận được một phần nhu cầu của mình.

Kết quả thật nghiêm trọng. Tại Bỉ, trong khi quân địch tháo chạy ngay trước mặt họ, cả một quân đoàn của đạo quân Mỹ thứ nhất phải án binh bất động suốt 4 ngày, tất cả xe tăng của họ cạn khô không còn một giọt xăng. Đạo quân Mỹ thứ ba của Patton, tiến xa hơn những người khác đến hơn một trăm dặm, và gặp rất ít kháng cự, bị buộc phải dừng lại 5 ngày bên sông Meuse, vì các đơn vị thiết giáp đã hết nhiên liệu. Patton phát khùng khi ông phát hiện ra rằng ông chỉ nhận được 32000 gallon thay vì 400000 như ông đã yêu cầu do bị cắt giảm cho các ưu tiên khác. Ông lập tức ra lệnh cho viên tư lệnh quân đoàn mũi nhọn của mình : « Vứt hết đồ đạc của các vị càng nhanh càng tốt và tiến lên cho đến khi động cơ đã khô cháy, sau đó xuống xe mà cuốc bộ tiếp, trời đánh thánh vật ! » Với bộ tham mưu của mình, Patton gầm lên rằng ông phải « chiến đấu với hai kẻ thù- bọn Đức và bộ tư lệnh của chúng ta. Tôi có thể xử lý được bọn Đức, nhưng tôi không rõ có thắng được Montgomery và Eisenhower. » Ông đã thử. Tin chắc rằng mình có thể chọc thẳng vào Đức chỉ trong vài ngày, Patton lớn tiếng kêu gọi Bradley và Eisenhower. « Lính của tôi có thể ăn thắt lưng cũng được, » ông bực tức, « nhưng xe tăng của tôi cần có xăng. »

Thất bại thảm hại của quân Đức tại Normandy và sự sụp đổ nhanh chóng một cách hệ thống của chúng sau khi phòng tuyến bị chọc thủng đã gây ra cuộc khủng hoảng về hậu cần. Với giả thiết rằng đối phương sẽ chống giữ và đánh trả theo các con sông, những người hoạch định kế hoạch tấn công lục địa đã dự tính một phương thức tấn công thận trọng hơn. Kế hoạch này dự trù rằng một thời gian ngừng lại để củng cố đội hình và tập trung hậu cần sẽ được thực hiện sau khi các đầu cầu ở Normandy đã được củng cố và các cảng ở biển Manche đã được đánh chiếm. Khu vực tập kết dự định nằm ở phía tây sông Seine theo thời gian biểu của kế hoạch sẽ không thể được đánh chiếm trước ngày 4/9 (90 ngày sau D day). Sự tan rã bất ngờ của kẻ địch cùng cuộc tháo chạy cuống cuồng của chúng về phía đông đã làm thời gian biểu của Đồng minh trở nên vô dụng. Ai có thể dự liệu trước được rằng vào ngày 4/9 xe tăng Đồng minh đã cách xa sông Seine đến hai trăm dặm về phía đông và đã tiến vào Ăntwerpt ? Bộ tham mưu của Eisenhower đã ước tính rằng sẽ cần tới khoảng 11 tháng để tiến tới biên giới Đức tại Aachen. Giờ đây, khi các đơn vị thiết giáp áp sát Đế chế, Đồng minh đã đi trước kế hoạch gần 7 tháng. Việc hệ thống vận tải và hậu cần, được dự bị cho một tốc độ tiến quân chậm hơn nhiều, đã có thể giữ vững được vai trò trong suốt cuộc truy đuổi chóng mặt đó đã gần như là một điều kỳ diệu.

Thế nhưng, bất chấp tình hình hậu cần hết sức khó khăn, không ai muốn thừa nhận rằng các đạo quân sẽ cần phải sớm dừng lại và cuộc truy kích đã chấm dứt.

« Tất cả các cấp chỉ huy từ sư đoàn trở lên, » Eisenhower sau này đã viết, đều « bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng chỉ cần thêm vài tấn quân nhu nữa thôi, anh ta có thể tiếp tục xông lên và thắng cuộc chiến... Mỗi chỉ huy, vì thế, đều lý luận và yêu cầu được ưu tiên hơn những người khác, và quả thực khó có thể phủ nhận được rằng phía trước mặt họ đều là những tình huống hết sức thuận lợi cần được tận dụng triệt để khiến yêu cầu của họ hoàn toàn chính đáng. » Tuy thế, sự lạc quan vẫn ảnh hưởng ngay cả đến vị tổng tư lệnh. Rõ ràng ông tin rằng đà tiến công có thể tiếp tục được duy trì đủ lâu để các đạo quân Đồng minh có thể vượt qua phòng tuyến Siegfried trước khi quân Đức kịp phòng thủ nó, vì ông nhìn thấy những dấu hiệu « tan rã » trên « toàn mặt trận ». Vào ngày 4/9, ông lệnh cho cụm quân số 12 của Bradley đánh chiếm Saar và vùng Frankfurt. Cụm quân số 21 của Montgomery sẽ đánh chiếm vùng Ruhr và Ăntwerp.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-8-2013 07:41 PM
Chương 5

Patton có vẻ bất bình trước lệnh này. Lúc này ông tin chắc rằng, chỉ cần được cung cấp hậu cần đầy đủ, đạo quân số 3 hùng mạnh của ông có thể một mình tiến tới vùng công nghiệp Saar rồi sau đó chọc thẳng tới sông Rhine.*

*Những cuộc họp báo hàng tuần của Patton luôn luôn đầy thông tin quan trọng, nhưng đặc biệt đáng nhớ là những nhận xét ngoài thông báo chính thức của viên tướng này, những nhận xét đó, vì ngôn ngữ đầy màu sắc của ông, chẳng bao giờ có thể đưa lên mặt báo. Vào tuần đầu tiên của tháng Chín đó, với tư cách là phóng viên chíên tranh của London Daily Telegraph, tôi đã có mặt khi, với phong cách quen thuộc của mình, ông diễn giải kế hoạch tấn công quân Đức của mình. Với giọng nói oang oang và vung tay chỉ lên bản đồ, Patton tuyên bố rằng « Có thể có năm ngàn hay mười ngàn gã con hoang Nazi đang rúc trong những hang cáo bằng bê tông của chúng trước mặt đạo quân số 3. Bây giờ, nếu Ike đừng có tiếp tay cho Monty nữa mà cho tôi tiếp tế, tôi sẽ lao vọt qua vòng tuyến Siegfried như phân phọt khỏi một con ngỗng vậy ».

Trong bầu không khí chưa từng có tiền lệ với những chiến thắng liên tiếp, Montgomery, với bức điện mật hôm 4/9, lại một lần nữa bướng bỉnh nhấn mạnh quan điểm của mình. Lần này ông còn đi xa hơn đề nghị hôm 17/8 cũng như cuộc hội kiến với Eisenhower hôm 23/8. Tin tưởng rằng quân Đức đã suy sụp, viên tư lệnh cụm quân Anh số 21 cho rằng ông không chỉ có thể tiến được tới Ruhr mà còn có thể thẳng tiến tới chính Berlin.

Trong bức điện mật dài tới chín đoạn gửi cho Eisenhower, Montgomery lại một lần nữa đưa ra những lý do đã khiến ông tin tưởng rằng đã tới thời điểm cho « một mũi đột kích toàn lực thực sự mạnh ». Có hai cơ hội chiến lược đang mở ra cho Đồng minh, « một qua vùng Ruhr và một qua Metz và Saar. » Nhưng, ông lý luận, vì « chúng ta không có đủ nguồn lực, hai mũi đột kích như vậy không thể được duy trì ». Vậy chỉ có cơ hội cho một mũi đột kích – mũi đột kích mà ông đề nghị. Mũi đột kích này, theo hướng bắc « qua vùng Ruhr », theo Montgomery, « có cơ hội mang lại kết quả nhanh nhất và tốt nhất ». Để đảm bảo cho thành công của nó, mũi đột kích duy nhất của Monty sẽ cần đến « toàn bộ nguồn hậu cần... một cách vô điều kiện ». Lúc này ông đã có vẻ sốt ruột không muốn cân nhắc tới bất cứ điều gì khác. Ông nhấn mạnh đến giá trị của kế hoạch của chính mình và năng lực của bản thân cũng như niềm tin vào chính mình như là người duy nhất có thể thực hiện nó. Các kế hoạch khác sẽ tiếp tục với lượng hậu cần còn dư lại. Sẽ không có bất cứ thoả hiệp nào, ông cảnh cáo vị tổng tư lệnh. Ông bác bỏ khả năng của hai mũi đột kích, vì « chúng sẽ làm chia sẻ nguồn lực của chúng ta và không mũi đột kích nào được toàn lực » và kết quả là «chíên tranh sẽ kéo dài ». Theo quan điểm của Montgomery, vấn đề này « đã rõ ràng và không cần bàn cãi nữa ». Nhưng thời gian « là yếu tố quan trọng cốt tử ... và cần có một quyết định ngay lập tức ».

Khô khan và quan cách, viên tướng Anh được nể vì nhất kể từ Wellington bị ám ảnh bởi niềm tin của chính mình. Cân nhắc đến tình hình khó khăn về hậu cần, ông lý luận rằng quan điểm một mũi đột kích của ông lúc này còn đúng đắn hơn so với hai tuần trước. Với cách thức bất di bất dịch của mình – hoàn toàn dửng dưng không quan tâm đến việc liệu giọng điệu ông sử dụng để chuyển tải thông điệp của mình sẽ được đón nhận ra sao – Montgomery không chỉ gợi ý phương thức hành động cho Tổng tư lệnh ; vị thống chế đang áp đặt một chiến lược. Eisenhower cần đình chỉ mọi đạo quân khác trên đà tiến của họ - đặc biệt là đạo quân của Patton - để mọi nguồn lực được tập trung cho cuộc đột kích của ông. Và bức điện số M-160 của là một ví dụ điển hình cho sự cao ngạo của Montgomery. « Nếu ngài tới đây có lẽ ngài sẽ muốn xem qua và bàn về nó, » ông ta gợi ý. « Nếu vậy, rất vui được đón ngài vào bữa trưa ngày mai. Đừng nghĩ rằng tôi có thể rời khỏi chiến trường vào thời điểm như hiện nay. » Ngay cả chuyện những lời kết của ông đã gần như đạt đến mức kênh kiệu cũng không làm Montgomery bận tâm đến trong nỗi lo lắng sẽ để mất cơ hội cuối cùng để kết thúc sớm với bọn Đức. Dai như đỉa, ông này bám khư khư lấy kế hoạch một mũi đột kích của mình. Vì lúc này ông tin chắc ngay cả Eisenhower cũng phải nhận ra đã đến thời điểm ra đòn quyết định cuối cùng.

Trong phòng ngủ tại ngôi biệt thự của mình tại Granville bên bờ tây của bán đảo Cherbourg, vị Tổng tư lệnh bực tức không tin nổi vào mắt mình khi đọc bức điện M-160. Viên tướng 55 tuổi Eisenhower cho rằng đề nghị của Montgomery là « phi thực tế » và « hoang tưởng ». Ba lần Montgomery đã giục ông đưa ra ý kiến về kịch bản của một mũi đột kích duy nhất. Eisenhower nghĩ rằng ông đã đặt dấu chấm hết cho những cuộc đôi co về chiến thuật từ hôm 23/8. Thế nhưng lúc này không những Montgomery lại biện hộ cho chiến lược của mình một lần nữa mà ông này còn đang đề nghị đánh thẳng đến Berlin. Bình thường vốn điềm tĩnh, lần này Eisenhower đã mất tự chủ. « Chẳng có ma nào tin rằng việc này có thể thực hiện được, trừ Montgomery », ông ta bực tức bùng nổ trước ban tham mưu của mình. Tại thời điểm đó, trong đầu Eisenhower, vấn đề khẩn cấp nhất là khai thông các cảng bờ biển, đặc biệt là Ăntwerp. Tại sao Montgomery lại không chịu hiểu điều đó ? Tổng tư lệnh chẳng phải không nhận ra cơ hội ngon ăn đang hiển hiện trước mắt. Nhưng, như ông đã nói với Phó Tổng tư lệnh, thống chế của không quân hoàng gia Sir Arthur Tedder, cũng như trung tướng Frederick Morgan, trợ lý tham mưu trưởng của SHAEF, việc « Montgomery nói tới chuyện tiến về Berlin với một đạo quân đang phải khó nhọc nhận toàn bộ tiếp tế từ các bãi đổ bộ thật hoang tưởng ».

Thông điệp của viên thống chế không thể tới nơi vào một thời điểm tệ hơn. Tổng tư lệnh lúc này đang bị dính chặt vào giường, đầu gối phải bị đau, hậu quả của một vết thương mà Montgomery vẫn chưa biết. Tuy vậy, Eisenhower còn có nhiều lý do hơn thế để phát bẳn. Để lại phần lớn SHAEF ở London, ông đã tới lục địa để đích thân nắm tình hình hôm 1/9, trước đó 4 ngày. Bộ chỉ huy tiền phương nhỏ của ông đóng bản doanh ở Jullouville gần Granville hoàn toàn không đủ người. Vì tốc độ tiến công kinh ngạc của các đạo quân, Eisenhower bị bỏ xa sau mặt trận tới 400 dặm – và tệ hơn là vẫn chưa có điện thoại hay bất cứ phương tiện điện tín nào.

Trừ radio và liên lạc chạy chân, ông không thể nào liên hệ trực tiếp được với các tư lệnh ngoài tiền tuyến. Vết thương đã làm tệ thêm những khó khăn gặp phải đã xảy ra sau một chuyến bay thường lệ của ông tới thăm một trong các tư lệnh của mình. Vào ngày 2/9, khi trở về từ một cuộc họp với các tướng lĩnh cao cấp của Mỹ tại Chartres, máy bay của Eisenhower, vì gió mạnh và tầm nhìn hạn chế, đã không thể hạ cánh xuống sân bay tại tổng hành dinh. Thay vào đó, nó đã hạ cánh xuống bãi biển gần biệt thự của ông. Nhưng sau đó, khi cố giúp viên phi công đưa máy bay ra khỏi bờ nước, Eisenhower đã làm trật khớp đầu gối phải của mình. Kết quả là, tại thời điểm bước ngoặt quan trọng này của cuộc chiến, trong vị tổng tư lệnh cố gắng kiểm soát diễn biến chiến sự trên lục địa trong bối cảnh tình hình diễn biến rất nhanh và các quyết định tức thời là rất cần thiết, Eisenhower lại phải nằm bất động.

Cho dù Montgomery – và về quan điểm này, cả Bradley và Patton – có thể cảm thất Eisenhower « không còn nắm bắt được tình hình chiến sự trên lục địa », cảm giác này chỉ đúng về mặt khoảng cách. Bộ tham mưu hỗn hợp Anh -Mỹ rất có năng lực của ông nắm chắc diễn biến chiến trường hàng ngày hơn các tướng lĩnh của ông nghĩ nhiều. Và trong lúc trông đợi sự chủ động và táo bạo từ các tư lệnh chiến trường, chỉ có Tổng tư lệnh và bộ tham mưu của ông có thể quan sát được tình hình toàn cục và đưa ra những quyết định phù hợp. Nhưng cũng đúng là trong giai đoạn chuyển tiếp này, khi Eisenhower đang dần trực tiếp nắm lại quyền chỉ huy, có vẻ đang thiếu một sự chỉ đạo rành mạch, một phần cũng do vai trò phức tập của chức Tổng tư lệnh. Điều kiện chỉ huy khó có thể nói là dễ dàng. Thế nhưng, Eisenhower, trong lúc cố gắng duy trì một sự cân bằng dù rất khó khăn, và thực hiện chính xác các kế hoạch của Bộ tham mưu liên quân, đã giúp hệ thống hoạt động. Vì lợi ích toàn cục của Đồng minh, ông có thể điều chỉnh chiến lược, nhưng Eisenhower không hề có ý định dẹp mọi sự thận trọng sang bên và cho phép Montgomery, như sau này vị Tổng tư lệnh có nói, thực hiện một « mũi đột kích duy nhất như một nhát dao thẳng tới Berlin »*

* Để công bằng với Montgomery, cần nói rõ rằng bản thân ông chưa bao giờ nói câu này. Ý tưởng của ông là tập trung 40 sư đoàn lại với nhau và tiến về Berlin - hiển nhiên là không phải một « nhát dao » - nhưng câu nói này đã bị gán cho ông và theo tôi nghĩ đã ảnh hưởng bất lợi rất nhiều cho ông tại SHAEF trong nhiều cuộc họp bàn về chiến lược tại đó.

Tổng tư lệnh đã tỏ ra nhún nhường với Montgomery, nhượng bộ ông này hết lần này tới lần khác, một điều thường làm các tướng lĩnh Mỹ dưới quyền ông bực bội. Thế nhưng, xem ra « Montgomery luôn muốn có tất cả mọi thứ và ông ta chẳng làm điều gì một cách chóng vánh trong đời mình ». Eisenhower có nói rằng ông hiểu rõ về Montgomery hơn là viên thống chế người Anh có thể ngờ. « Hãy nhìn xem, người ta đã nói với tôi về thời trai trẻ của ông ta, » Eisenhower nhớ lại, « và khi bạn có một cuộc ganh đua giữa Eton và Harrow ở một bên, và một số trường ít danh giá hơn ở bên kia, một số thanh niên loại này khi vào quân đội cảm thấy thấp kém hơn. Anh chàng này, trong suốt đời mình, đã luôn cố để chứng minh anh ta là một ai đó. » Tuy vậy, rõ ràng quan điểm của viên thống chế phản ánh niềm tin cuả các thượng cấp người Anh của ông về việc quân Đồng minh cần hành động ra sao.

Cho dù có thể hiểu được, sự cao ngạo của Montgomery khi luôn ương ngạnh cứng nhắc về quan điểm như vậy đã làm các viên tư lệnh người Mỹ rất khó chịu. Với tư cách Tổng tư lệnh, được Bộ tổng tham mưu liên quân trao cho quyền lực tuyệt đối, Eisenhower chỉ có một lo lắng thường trực : làm sao để lực lượng Đồng minh hợp tác với nhau và thắng cuộc chiến một cách nhanh chóng. Cho dù một số thành viên của SHAEF, bao gồm cả rất nhiều người Anh, coi Montgomery là kẻ không thể chịu nổi và nói ra lời như vậy, Eisenhower không bao giờ bình phẩm về ông này trừ lúc chỉ có một mình với Tham mưu trưởng của ông, Bedell Smith. Nhưng, trên thực tế, ác cảm của Tổng tư lệnh với Montgomery còn sâu sắc hơn nhiều những gì người ta biết. Eisenhower cảm thấy viên thống chế là « một gã tâm thần...một kẻ tự mãn » luôn cho rằng tất cả những gì hắn ta từng làm « đều hoàn hảo ...một kẻ không bao giờ nhầm lẫn trong đời mình ». Eisenhower sẽ không cho phép ông ta phạm một sai lầm vào lúc này. « Tước lấy khẩu phần của anh chàng người Mỹ Peter đang được tiếp vận từ Cherbourg, » ông nói với Tedder, « sẽ chẳng thể giúp gã người Anh Paul đến được Berlin ».

Tuy nhiên, Eisenhower rất băn khoăn về sự rạn nứt đang rộng dần ra giữa mình và viên tướng con cưng của người Anh. Trong vòng mấy ngày sau đó, Tổng tư lệnh quyết định, ông cần gặp Montgomery để cố gắng làm rõ điều mà ông coi là một sự hiểu nhầm. Thêm một lần nữa ông lại cố gắng bảo vệ chiến lược của mình và hy vọng có được sự đồng thuận, cho dù có khó khăn đến đâu. Trong lúc chờ đợi cuộc gặp, ông đã làm rõ một điều. Ông kiên quyết bác bỏ kế hoạch một mũi đột kích của Montgomery cũng như canh bạc liều chiếm Berlin của ông này. Vào tối ngày 5/9, trong một bức điện mật cho viên thống chế, ông nói, « Trong khi tán thành với quan điểm của ngài về một mũi tấn công tổng lực mạnh mẽ tới Berlin, tôi không đồng ý rằng cần thực hiện nó trong lúc này và bỏ qua mọi động thái tấn công khác. » Theo như quan sát của Tổng tư lệnh, « phần chủ lực của quân đội Đức ở phía tây đã bị tiêu diệt, » và thành công có thể được khai thác « bằng cách nhanh chóng phá vỡ phòng tuyến Siegfried, vượt sông Rhine trên một chính diện rộng và chiếm lấy Saar cũng như Ruhr. Đó là điều tôi định thực hiện với tốc độ nhanh nhất có thể. »

Những động thái này, Eisenhower tin tưởng, sẽ « giáng một đòn chí tử vào những vùng công nghiệp chủ đạo của Đức và tiêu diệt phần lớn khả năng duy trì chiến tranh của đối phương... » Khai thông các cảng Le Havre và Ant werp là nhiệm vụ sống còn, Eisenhower tiếp tục, trước khi bất cứ « mũi đột kích tổng lực » vào nước Đức có thể được tung ra. Nhưng, vào lúc này, Eisenhower nhấn mạnh, « không sự tái phân bố dự trữ hậu cần nào có thể đủ cung cấp cho một mũi đột kích tới Berlin. ... »

Quyết định của Eisenhower đã cần tới 36 giờ để đến tay Montgomery, và ngay cả lúc đó cũng chỉ có nửa cuối bức điện tới nơi. Montgomery nhận được hai đoạn kết bức điện vào 9 giờ sáng ngày 7/9. Phần đầu chỉ tới nơi vào ngày 9/9, chậm hơn tới 48 giờ. Và Montgomery nhận xét rằng cách thức liên lạc của Eisenhower chỉ là một minh chứng nữa cho thấy Tổng tư lệnh đã « tụt lại sau chiến tuyến quá xa ».

Từ phần bức điện tới tay Montgomery trước tiên cũng đã quá rõ rằng Eisenhower bác bỏ kế hoạch của ông, vì nó có câu, « không sự tái phân bố dự trữ hậu cần nào có thể đủ cung cấp cho một mũi đột kích tới Berlin. » Montgomery lập tức gửi đi một bức điện kịch liệt phản đối.

Với đà truy kích bị chậm lại, điều mà Montgomery e ngại nhất đã trở thành hiện thực. Sự kháng cự của quân Đức quyết liệt dần lên. Trong bức điện của mình, tập trung chủ yếu vào tình trạng thiếu hụt hậu cần, Montgomery tuyên bố rằng ông chỉ nhận được có một nửa yêu cầu của mình, và « tôi không thể tiếp tục lâu hơn trong điều kiện như hiện tại ». Ông từ chối thay đổi kế hoạch tấn công Berlin của mình. Sự cấp bách quá hiển nhiên của việc khai thông lập tức cảng Ant werp thậm chí còn không được nhắc đến trong bức điện của ông, tuy nhiên ông vẫn nhấn mạnh « ngay khi cảng Pas de Calais có thể sử dụng được, tôi muốn yêu cầu chừng 2500 xe tải ba tấn bổ sung nữa, thêm vào đó là một cầu vận chuyển hàng không chừng 1000 tấn mỗi ngày để tôi có thể tiến tới Ruhr và cuối cùng là Berlin. » Vì « rất khó diễn tả tình hình », viên thống chế « tự hỏi liệu Eisenhower có thể » tới gặp ông. Tin chắc như đinh đóng cột rằng quyết định của Tổng tư lệnh là một sai lầm nghiêm trọng và tin tưởng rằng kế hoạch của mình sẽ thành công, Montgomery từ chối cấp nhận sự bác bỏ của Eisenhower như là quyết định cuối cùng. Thế nhưng ông cũng không hề có ý định bay tới Jullouville để cố gắng thuyết phục Eisenhower thay đổi quan điểm. Một động thái ngoại giao như thế không phải là một phần tính cách của ông, cho dù ông hoàn toàn ý thức được hy vọng duy nhất để đề nghị của mình được phê chuẩn là qua một cuộc gặp trực tiếp với Tổng tư lệnh. Nóng nảy và bồn chồn, Montgomery đợi câu trả lời của Eisenhower. Viên thống chế người Anh đang ở trong tâm trạng cáu bẳn sốt ruột, gần như không muốn gặp ai, vào thời điểm hoàng thân Bernhard tới sở chỉ huy để thăm xã giao ông.

Bernhard đã tới Pháp tối ngày 6. Với một đoàn tuỳ tùng nhỏ, 3 chiếc xe jeep, chú chó Martin của ông ta và một chiếc cặp dày cộp đựng các báo cáo của lực lượng kháng chiến ngầm tại Hà Lan, hoàng thân cùng các trợ lý của mình đã bay tới lục địa, được bảo vệ bởi hai máy bay tiêm kích, trong ba chiếc Dakota, trong đó một chiếc do Bernhard điều khiển. Từ sân bay Amiens họ đi xe tới Douai, 50 dặm về phía bắc, và sáng sớm ngày 7 lên đường đi Bỉ và Brussels. Tại sở chỉ huy ở Laeken, hoàng thân được đón bởi tướng Horrock, được giới thiệu với bộ tham mưu của Montgomery và đưa vào gặp thống chế. « Thống chế đang ở trong tâm trạng không vui và rõ ràng là không thích thú gì khi phải gặp tôi, » Bernhard nhớ lại. « Ông ta đã có quá nhiều thứ phải quan tâm, và sự có mặt của một ông hoàng ở chỗ ông ta hiển nhiên là một trách nhiệm mà ông ta sẽ thấy dễ dàng hơn nhiều nếu không phải gánh lấy. »

Tiếng tăm của thống chế như là người lính Anh vĩ đại nhất của cuộc chiến đã khiến ông, theo như lời của Bernhard, « trở thành thần tượng của hàng triệu người Anh ». Và ông hoàng 33 tuổi cũng rất e ngại Montgomery. Không như phong cách thoải mái gần như dễ dãi của Eisenhower, thái độ của Montgomery khiến Bernhard khó có thể trao đổi thoải mái với ông.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-8-2013 08:01 PM
Chương 6

"Chúng tôi không thể dựa vào những thông báo đó," Montgomery nói với ông ta. "Vì việc lực lượng kháng chiến Hà Lan tuyên bố rằng bọn Đức đã rút lui từ hôm 2/9 không có nghĩa là chúng vẫn đang tiếp tục rút lui." Bernhard đã phải thừa nhận rằng cuộc tháo lui "đang chậm lại", và đã có "dấu hiệu tái tổ chức". Tuy nhiên, theo quan điểm của hoàng thân, có lý do xác đáng cho một cuộc tấn công ngay lập tức.

Montgomery vẫn không bị lay chuyển. "Dù sao đi nữa," ông nói, " mặc dù tôi rất muốn tấn công và giải phóng Hà Lan, tôi không thể thực hiện được vì thiếu hậu cần. Chúng tôi đã gần cạn đạn. Chúng tôi không còn đủ nhiên liệu cho xe tăng và nếu cứ cố tiến hành một cuộc tấn công, chắc chắn nó sẽ bị chặn đứng".

Bernhard sững sờ. Những thông tin hoàng thân nhận được khi còn ở Anh từ cả SHAEF và các cố vấn của ông đã thuyết phục ông rằng việc giải phóng Hà Lan sẽ hoàn tất chỉ trong vài ngày. "Hiển nhiên là tôi nghĩ rằng Montgomery, người chỉ huy chiến trường trực tiếp, nắm tình hình rõ hơn ai hết," Bernhard nhớ lại sau này. " Thế nhưng chúng tôi đã có tất cả những thông tin chi tiết về quân Đức- quân số, số lượng xe tăng và xe thiết giáp, vị trí đặt súng phòng không - và tôi biết rõ, ngoài lực lượng triển khai trực tiếp trên chiến tuyến, kẻ thù không còn nhiều lực lượng phía sau. Tôi cảm thấy thật nặng nề, vì tôi biết sức mạnh của bọn Đức sẽ tăng lên từng ngày. Tôi không thể thuyết phục được Montgomery. Trên thực tế, chẳng lời nào tôi nói tỏ ra có trọng lượng".

Sau đó Montgomery tiết lộ một cách thật đáng kinh ngạc. "Tôi cũng nóng lòng muốn giải phóng Hà Lan như ngài vậy," ông nói, "nhưng chúng tôi dự định thực hiện nó bằng một cách khác, thậm chí tốt hơn." Thống chế dừng lời, suy nghĩ giây lát, sau đó nói gần như miễn cưỡng,"Tôi đang xây dựng một kế hoạch đổ bộ đường không ngay phía trước lực lượng của tôi." Bernhard ngỡ ngàng. Lập tức trong đầu hoàng thân nảy ra hàng loạt câu hỏi. Các bãi thả dù sẽ được lựa chọn ở đâu? Khi nào kế hoạch đó sẽ được tiến hành? Và ra sao? Thế nhưng ông kìm mình không hỏi. Thái độ của Montgomery có thấy viên thống chế sẽ không tiết lộ thêm. Cuộc tấn công hiển nhiên vẫn còn trong giai đoạn thành hình và hoàng thân có cảm tưởng chỉ thống chế và vài người trong ban tham mưu của ông biết về kế hoạch. Tuy viên thống chế không đưa ra thêm chi tiết nào, giờ đây Bernhard lại thầm hy vọng rằng việc giải phóng Hà Lan, bất chấp việc thiếu hụt về hậu cần mà Montgomery đã nói trước đó, đã gần kề. Ông cần kiên nhẫn và chờ đợi. Danh tiếng của ngài thống chế không ai không bíêt. Bernhard tin vào nó và bản thân viên thống chế. Hoàng thân cảm thấy hy vọng một lần nữa quay trở lại, vì "bất cứ điều gì Montgomery làm, ông sẽ làm đến nơi đến chốn."

Eisenhower, nhượng bộ yêu cầu của Montgomery, ấn định cuộc gặp giữa hai người vào chủ nhật 10/9. Ông không thích thú gì vào cuộc gặp với Montgomery cũng như những lời lẽ thái độ mà ông đã quen chờ đợi từ phía ngài thống chế. Tuy thế, ông cũng quan tâm muốn biết những tiến bộ nào đã đạt được trong một khía cạnh tác chiến của Montgomery. Cho dù tổng tư lệnh cần phê duyệt mọi kế hoạch tấn công đổ bộ đường không, ông đã trao cho Montgomery quyền sử dụng đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh cũng như quyền xây dựng các kế hoạch có tính đến việc sử dụng lực lượng này. Tổng tư lệnh biết Montgomery, ít nhất kể từ ngày 4, đã lặng lẽ nghiên cứu khả năng dùng một cuộc tấn công đổ bộ đường không để chiếm lấy một đầu cầu qua sông Rhine.

Kể từ khi đạo quân đổ bộ đường không số 1 của đồng minh được thành lập 6 tuần trước dưới quyền một tư lệnh người Mỹ, trung tướng Lewis Hyde Brereton, Eisenhower đã tìm kiếm cả một mục tiêu và một cơ hội phù hợp để sử dụng lực lượng này. Vì mục đích đó ông đã thúc giục Brereton và nhiều tư lệnh các đạo quân khác xây dựng những kế hoạch đổ bổj đường không sáng tạo và táo bạo nhằm tấn công quy mô lớn vào sâu trong hậu phương kẻ thù. Nhiều nhiệm vụ đã được đưa ra và phê chuẩn, nhưng tất cả đều bị đình chỉ. Gần như trong tất cả các trường hợp, bước tiến nhanh chóng của lục quân khiến lực lượng này đã tới các mục tiêu vốn chỉ định cho quân dù.

Kế hoạch táo bạo do Montgomery đưa ra dự định dùng các đơn vị của Brereton để mở một đột phá khẩu ở phía tây thành phố Weselm ngay trên biên giới Hà Lan - Đức. Tuy nhiên, hỏa lực phòng không quá dày đặc tại đây đã buộc viên thống chế phải thay đổi kế hoạch. Lần này, địa điểm ông lựa chọn nằm xa hơn về phía tây trong lãnh thổ Hà Lan: cây cầu qua sông Rhine Hạ tại Arnhem - một nơi nằm phía sau chiến tuyến Đức 75 dặm.

Vào ngày 7/9, chiến dịch Cornet, như kế hoạch này được đặt tên, đã sẵn sàng; sau đó thời tiết xấu, cộng với sự lo ngại của Montgomery trước sức kháng cự ngày càng tăng của quân Đức mà binh lính của ông gặp phải, đã khiến chiến dịch bị bãi bỏ. Những gì có vẻ sẽ thành công vào ngày 6 hay ngày 7 xem ra quá mạo hiểm vào ngày 10. Eisenhower cũng lo ngại; một mặt ông cảm thấy tung ra một cuộc tấn công đổ bộ đường không vào mục tiêu này sẽ làm chậm việc giải tỏa cảng Ant werp. Thế nhưng vị tổng tư lệnh vẫn bị thu hút bởi khả năng của một cuộc tấn công đổ bộ đường không.

Những cuộc tấn công bị bãi bỏ, có lần gần như vào phút cuối cùng, đã gây ra một vấn đề đau đầu cho Eisenhower. Mỗi lần kế hoạch đến bước chuẩn bị cuối cùng, máy bay vận tải, vốn đang tiếp tế nhiên liệu cho tiền tuyến, phải được tập trung lại dưới mặt đất ở trạng thái sẵn sàng. Thiếu hụt gây ra khi thiếu nguồn tiếp tế đường không quý giá này đã khiến Bradley và Patton kịch liệt phản đối. Trong bối cảnh truy kích không ngừng nghỉ như hiện tại, việc vận chuyển nhiên liệu bằng đường không, họ tuyên bố, quan trọng hơn nhiều so với những kế hoạch đổ bộ đường không. Eisenhower, nóng lòng muốn sử dụng lực lượng dù và bị Washington hối thúc làm vậy - cả tướng Marshall lẫn tướng Henry H. Arnold, chỉ huy không lực của quân đội Mỹ, đều muốn xem đạo quân mới toanh của Brereton có thể làm được gì - không hề có ý để các sư đoàn dù tinh nhuệ của ông ngồi dài dưới đất. Ngược lại, ông nhấn mạnh rằng các đơn vị này cần được sử dụng ngay khi có cơ hội. Quả thực, đây có thể là một cách để giúp đưa quân vượt sông Rhine trong bối cảnh đà tấn công đang chững lại. Nhưng vào buổi sáng ngày 10/9 này, trong khi bay tới Brussels, mọi thứ khác đều trở thành thứ yếu trong đầu ông so với việc khai thông cảng chiến lược Ant werp.

Montgomery thì không. Nóng ruột và kiên quyết, ông chờ sẵn ở sân bay Brussels khi máy bay của Eisenhower hạ cánh. Với sự chính xác đặc trưng của mình, ông đã trau chuốt lại các lý lẽ chuẩn bị cho cuộc hội kiến. Ông đã trao đổi với tướng Miles C.Dempsey của đạo quân Anh số 2, và trung tướng Frederick Browning, tư lệnh quân đoàn đổ bộ đường không số 1 của Anh, đồng thời là tư lệnh phó đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh. Browning đợi bên ngoài cho đến khi cuộc gặp kết thúc. Dempsey, lo ngại trước sức kháng cự mỗi lúc một quyết liệt của kẻ thù phía trước mình và biết rõ từ các báo cáo tình báo cho biết các đơn vị mới của kẻ thù đang xuất hiện, đã yêu cầu Montgomery hủy bỏ kế hoạch tấn công đổ bộ đường không vào cây cầu tại Arnhem. Thay vào đó, ông này đề nghị tập trung vào chiếm đầu cầu vượt sông Rhine tại Wesel. Ngay cả khi phối hợp với lực lượng đổ bộ đường không, Dempsey e ngại, đạo quân Anh số 2 có thể vẫn không đủ mạnh để một mình tiến tới bắc Arnhem. Ông tin tưởng rằng tốt hơn nên tiến lên hội quân với đạo quân Mỹ số 1 về hướng đông bắc tới Wesel.

Dù thế nào đi nữa, bằng mọi giá lúc này cần mở một mũi tấn công vào Hà Lan. Bộ chiến tranh Anh đã cho Montgomery biết rằng V2- loại tên lửa đầu tiên của Đức - đã rơi xuống London hôm 8/9. Các bãi phóng được cho là nằm đâu đó ở phía tây Hà Lan. Montgomery đã thay đổi kế hoạch của mình, có thể trước hay sau khi nhận được tin này. Kế hoạch Comet, như trong dự kiến ban đầu, chỉ sử dụng một sư đoàn rưỡi - sư đoàn dù Anh số 1 và lữ đoàn dù Ba Lan số 1; lúc này ông tin rằng lực lượng này không đủ mạnh để thành công. Kết quả là ông bãi bỏ Comet. Tuy vậy, chỉ có một số ít sĩ quan cao cấp dưới quyền viên thống chế biết về nó và, biết quá rõ ảnh hưởng của tướng Bradley với Eisenhower, họ đã cẩn thận giữ gìn để không một tin phong thanh nào về kế hoạch này lọt tới tai các sĩ quan liên hợp Mỹ có mặt tại các sở chỉ huy Anh. Cũng như Eisenhower, trung tướng Browning và bộ tư lệnh đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh tại Anh vào lúc này vẫn chưa biết gì về kế hoạch đổ bộ đường không mới của Montgomery.

Vì đầu gối bị thương, Eisenhower không thể rời khỏi máy bay và cuộc họp diễn ra ngay trên máy bay. Montgomery, giống như ngày 23/8, quyết định ai được có mặt trong buổi hội kiến. Tổng tư lệnh đã mang theo người phó của mình, Thống chế tư lệnh không quân Sir Arthur Tedder, và một trợ lý tham mưu, trung tướng Sir Humphrey Gale, phụ trách tổ chức. Cụt lủn, Montgomery yêu cầu Eisenhower loại Gale khỏi cuộc họp, đồng thời khăng khăng đề nghị người phụ trách tổ chức và hậu cần của chính mình, trung tướng Miles Graham, được ở lại. Một tổng tư lệnh ít nhún nhường hơn rất có thể đã phản pháo lại thái độ của Montgomery. Eisenhower kiên nhẫn chấp nhận đề nghị của viên thống chế. Tướng Gale rời nơi họp.

Gần như ngay lập tức Montgomery chỉ trích chiến lược chính diện rộng của tổng tư lệnh. Liên tục trích dẫn các thông điệp liên lạc của Eisenhower đã tới trong tuần trước đó, ông cảnh cáo tổng tư lệnh về sự thiếu nhất quán của mình khi không định nghĩa rõ "ưu tiên" có nghĩa là gì. Ông phàn nàn rằng cụm quân 21 của ông đã không nhận được "ưu tiên" về hậu cần mà Eisenhower đã hứa; rằng cuộc tấn công của Patton vào Saar vẫn được chấp nhận cho tiếp tục thay vì sự trợ giúp cho lực lượng của Montgomery. Eisenhower bình thản trả lời rằng ông không bao giờ có ý cho Montgomery " ưu tiên tuyệt đối" và gạt sang bên tất cả những ngừơi khác. Chiến lược của Eisenhower, Montgomery lặp lại, là sai lầm và sẽ có "hậu quả nghiêm trọng". Chừng nào hai mũi đột kích "đơn độc và thiếu lực vẫn tiếp tục", với tiếp tế bị chia sẻ giữa ông và Patton, " không ai có thể thành công". Eisenhower cần quyết định lựa chọn giữa ông hoặc Patton. Ngôn từ của Montgomery gay gắt và thiếu kiềm chế đến mức Eisenhower bất thần cúi người về phía trước, đập tay vào đầu gối Montgomery và nói.

"Hãy chừng mực, Monty! Ông không được nói bằng giọng đó với tôi. Tôi là sếp của ông". Cơn bực tức của Montgomery hạ hỏa. "Tôi xin lỗi, Ike", ông khẽ nói. Lời xin lỗi không hay gặp nhưng có vẻ thành thật này vẫn chưa phải là câu kết. Kiên quyết, cho dù ít gay gắt hơn, Montgomery tiếp tục biện minh cho "mũi đột kích duy nhất" của mình. Eisenhower lắng nghe một cách chăm chú và thiện chí, nhưng quan điểm của ông vẫn không thay đổi. Cuộc tấn công trên chính diện rộng sẽ vẫn tiếp tục. Tổng tư lệnh giải thích rõ với Montgomery tại sao. Như Eisenhower sau này hồi tưởng lại (với tác giả), ông nói "Điều mà ngài đề nghị với tôi là như sau - nếu tôi cho ngài toàn bộ lượng tiếp tế cần thiết, ngài có thể tiến thẳng tới Berlin - tới tận Berlin? Monty, ngài thật là khùng. Ngài không thể làm được điều đó. Chết tiệt! Nếu ngài thử một mũi đột kích dài như thế, ngài sẽ phải ném hết sư đoàn này đến sư đoàn khác vào để bảo vệ hai bên sườn mình khỏi bị đột kích. Bây giờ hãy giả sử rằng ngài chiếm được một đầu cầu qua sông Rhine thật. Ngài sẽ không thể phụ thuộc lâu vào chỉ một cây cầu để tiếp tế cho mũi tấn công của mình. Monty, ngài không thể làm được điều đó."

Montgomery, theo lời Eisenhower, đã trả lời, "Tôi sẽ tiếp tế được ổn thỏa. Chỉ cần cho tôi những gì tôi cần và tôi sẽ tiến tới Berlin và chấm dứt chiến tranh."

Eisenhower vẫn kiên quyết bác bỏ. Ông nhấn mạnh rằng Ant werp cần được giải tỏa trước khi cân nhắc tới bất cứ cuộc tấn công quan trọng nào vào Đức. Montgomery liền giở cây bài cuối cùng của mình ra. Những diễn biến gần đây nhất - cuộc tấn công bằng tên lửa vào London từ các bãi phóng ở Hà Lan - đòi hỏi cần tiến công lập tức vào Hà Lan. Thống chế biết chính xác cần bắt đầu tấn công từ đâu. Để đánh vào nước Đức, Montgomery đề nghị sử dụng hầu như toàn bộ đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh trong một cuộc tấn công chớp nhoáng quy mô lớn.

Kế hoạch của ông là một phiên bản mở rộng của chiến dịch Comet. Montgơmry giờ đây muốn sử dụng 3 sư đoàn rưỡi - các sư đoàn 82 và 101 của Mỹ, sư đoàn dù Anh số 1 và lữ đòan dù Ba Lan số 1. Lực lượng đổ bộ đường không sẽ chiếm một loạt điểm vượt sông tại Hà Lan phía trước lực lượng của ông, với mục tiêu chính là cây cầu qua sông Rhine Hạ tại Arnhem. Thấy trước quân Đức sẽ chờ đợi ông sử dụng con đường ngắn nhất và tiến về phía đông bắc tới sông Rhine và vùng Ruhr, Montgomery đã cố ý chọn một "cánh cửa sau" phía bắc hướng tới đế chế. Cuộc tấn công đổ bộ đường không bất ngờ sẽ tạo ra một hành lang cho xe tăng của đạo quân Anh số 2 thuộc quyền ông, lực lượng này sẽ nhanh chóng vượt qua các cây cầu đã được chiếm giữ tới Arnhem, vượt qua sông Rhine và xa hơn nữa. Một khi mục tiêu này đạt được, Montgomery có thể quay sang phía đông, đánh thọc sườn phòng tuyến Siegfried và tiến thẳng vào vùng Ruhr.

Eisenhower đã bị ấn tượng và thu hút bởi ý tưởng này. Đó là một kế hoạch táo bạo và đầy sáng tạo, đúng là mô hình tấn công quy mô lớn mà tổng tư lệnh đang tìm kiếm cho các sư đoàn dù đã ăn không ngồi rồi quá lâu của mình. Nhưng lúc này ông đang lâm vào thế trên đe dưới búa: nếu chấp nhận kế hoạch này, việc giải tỏa cảng Antwerp sẽ bị trì hoãn và sẽ phải lấy bớt phần tiếp tế dành cho Patton. Tuy thế, đề nghị của Montgomery có thể làm hồi sinh đà tấn công đang đuối dần và rất có thể sẽ giúp đẩy ra cuộc truy kích qua sông Rhine vào vùng Ruhr. Eisenhower, thực sự bị thu hút trước sự táo bạo của kế hoạch, không những phê chuẩn, mà còn yêu cầu tiến hành chiến dịch ngay khi có thể.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-8-2013 09:07 AM
Chương 7

Thế nhưng tổng tư lệnh cũng nhấn mạnh rằng cuộc tấn công là "có giới hạn". Và ông cũng nói rõ với Montgomery rằng ông coi cuộc tấn công phối hợp mặt đất - đổ bộ đường không "chỉ là sự kéo dài mũi tiến công phía bắc tới sông Rhine và vùng Ruhr." Như Eisenhower hồi tưởng lại cuộc nói chuyện, ông đã nói với Montgomery, " Tôi sẽ cho ngài hay tôi sẽ làm gì, Monty. Tôi sẽ cho ngài tất cả những gì ngài yêu cầu để ngài vượt qua được sông Rhine vì tôi muốn có một đầu cầu... Nhưng trước hết hãy qua song Rhine đã, sau đó chúng ta sẽ thảo luận những chuyện khác." Montgomery tiếp tục tranh luận, nhưng Eisenhower không thay đổi. Thất vọng, viên thống chế đành phải chấp nhận cái mà ông gọi là "một biện pháp nửa vời", và tới đây cuộc hội kiến chấm dứt.

Sau khi Eisenhower rời khỏi, Montgomery phác họa kế hoạch của chiến dịch dự kiến trên một tấm bản đồ cho trung tướng Browning. Viên tướng hào hoa Browning, một trong những tướng lĩnh Anh đi tiên phong trong việc ủng hộ lực lượng đổ bộ đường không, nhận thấy lực lượng nhảy dù và lực lượng đổ bộ bằng tàu lượn sẽ được yêu cầu chiếm giữ một loạt điểm vượt sông - 5 trong số chúng là những cây cầu huyết mạch bao gồm cả cầu qua các sông rộng: Maas, Waal, và sông Rhine Hạ - trải dài chừng 64 dặm giữa biên giới Hà Lan và Arnhem. Thêm vào đó, họ có nhiệm vụ giữ cho thông suốt dải hành lang - tại phần lớn chiều dài chỉ là một con đường xa lộ duy nhất chạy lên phía bắc- qua đó lực lượng thiết giáp Anh sẽ tiến quân. Tất cả các cầu cần được chiếm nguyên vẹn nếu muốn cuộc đột kích của xe tăng thành công. Nguy hiểm là hiển nhiên, nhưng đây đúng là kiểu tấn công bất ngờ mà lực lượng đổ bộ đường không được huấn luyện để thực hiện. Tuy thế, Browning vẫn thấy áy náy. Chỉ vào cây cầu xa nhất về phía bắc qua sông Rhine Hạ tại Arnhem, ông hỏi, "Lực lượng thiết giáp sẽ mất bao lâu để tới chỗ chúng tôi?" Montgomery đáp ngắn gọn, "Hai ngày". Vẫn nhìn vào bản đồ, Browning nói, " Chúng tôi có thể giữ nó trong 4 ngày". Sau đó ông nói thêm, "Nhưng thưa thống chế, tôi nghĩ có lẽ chúng ta đã chọn một cây cầu quá xa."

Những điểm cơ bản (sau đó sẽ mang mật danh "Chiến dịch Market Garden" - Market là lực lượng đổ bộ đường không và Garden cho lực lượng thiết giáp) cần được gấp rút vạch ra, Montgomery hạ lệnh. Ông nhấn mạnh rằng cuộc tấn công cần bắt đầu trong vài ngày nữa. Nếu không, ông nói với Browning, sẽ là quá muộn. Montgomery hỏi: "Ngài có thể sẵn sàng sau bao lâu?" Browning, vào lúc đó, chỉ dám ước đoán. "Thời điểm sớm nhất cho chiến dịch có thể vào ngày 15 hay 16," ông trả lời thống chế.

Mang theo phác thảo kế hoạch của Montgomery cùng gánh nặng phải tổ chức khẩn cấp một cuộc tấn công khổng lồ như vậy chỉ trong có vài ngày, Browning quay về Anh ngay lập tức. Sau khi hạ cánh xuống căn cứ của mình ở Moor Park Golf Course gần Rickmansworth ở ngoại ô London, ông điện thoại cho sở chỉ huy đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng Minh, nằm cách đó 20 dặm, báo tin cho viên tư lệnh, trung tướng Brereton, và tham mưu trưởng, thiếu tướng Floyd L.Park. Lúc đó là 2 giờ 30 chiều, và Parks nhớ lại rằng cú điện thoại của Browning đã "lần đầu tiên nhắc tới Market tại sở chỉ huy".

Các tư lệnh chỉ huy lực lượng đổ bộ đường không không phải là những người duy nhất bị bất ngờ. Kế hoạch táo bạo của Montgomery đã gây ấn tượng mạnh và làm ngạc nhiên người chỉ trích viên thống chế kịch liệt nhất, tướng Omar N.Bradley, đến mức ông này sau đó đã hồi tưởng lại, "Nếu quý ông Montgomery sùng đạo và kiêng rượu có lảo đảo bước vào SHAEF sặc sụa hơi men, tôi cũng không thể ngạc nhiên hơn thế... Cho dù tôi chưa bao giờ nhất trí với kế hoạch phiêu lưu này, tôi vẫn phải thừa nhận rằng đó là một trong những kế hoạch giàu tưởng tượng nhất của cuộc chiến." Bradley còn nói thêm, "Tôi không được tham gia vào kế hoạch. Trên thực tế, Montgomery đã soạn thảo và gửi nó cho Ike vài ngày trước khi tôi được nghe nói về nó qua sĩ quan liên lạc của chúng tôi tại cụm quân số 21."

Đúng thế, nhưng Montgomery vẫn không hài lòng. Lúc này ông còn thúc ép tổng tư lệnh xa hơn nữa, quay ngược lại hoàn toàn với những cân nhắc cẩn trọng cầu toàn vốn đặc trưng cho sự nghiệp cầm quân của ông. Trừ khi cụm quân số 21 nhận được thêm tiếp tế và phương tiện vận tải cho "mũi đột kích đã được lựa chọn", Montgomery cảnh cáo Eisenhower, Market Garden sẽ không thể khởi sự sớm hơn ngày 23/9, thậm chí có thể bị trì hoãn tới ngày 26/9. Browning đã ước tính rằng Market có thể sẵn sàng vào ngày 15 hoặc 16, nhưng Montgomery lo lắng về Garden, lực lượng mặt đất. Một lần nữa ông lại yêu cầu thứ ông luôn mong đợi: ưu tiên tuyệt đối, điều theo quan điểm của ông sẽ đảm bảo chiến thắng. Eisenhower ghi vào nhật ký làm việc của mình hôm 12/9: "Đề nghị của Monty thật đơn giản- "đưa cho ông ta mọi thứ"". Sợ rằng bất cứ trì hoãn nào có thể ảnh hưởng xấu tới Market Garden, Eisenhower nhượng bộ. Tổng tư lệnh lập tức cử tham mưu trưởng của mình, tướng Bedell Smith, tới gặp Montgomery; Smith cam đoan với viên thống chế về 1000 tấn tiếp tế đường không mỗi ngày kèm theo phương tiện vận tải. Thêm vào đó, Montgomery nhận được lời hứa rằng mũi tấn công của Patton vào Saar sẽ được dừng lại. Khoan khoái trước câu trả lời "chớp nhoáng" này- như viên thống chế gọi - Montgomery tin rằng cuối cùng ông cũng đã buộc được tổng tư lệnh chia sẻ quan điểm của mình.

Cho dù sức kháng cự đã tăng lên phía trước lực lượng của Montgomery, ông tin rằng quân Đức tại Hà Lan, phía sau tấm vỏ cứng ở tiền tuyến, không có nhiều lực lượng. Tình báo Đồng minh cũng xác nhận ước đoán của thống chế. Sở chỉ huy của Eisenhower thông báo về "một lượng nhỏ bộ binh dự bị" tại Hà Lan, và ngay cả số này cũng bị coi là "lính kém chất lượng". Người ta cho rằng đối phương vẫn còn "hỗn loạn sau cuộc tháo chạy dài và vội vã...và cho dù có thể có một số đơn vị nhỏ của Đức trong vùng," chúng khó có thể thực hiện kháng cự có tổ chức. Montgomery lúc này tin rằng ông có thể nhanh chóng nghiền nát sự kháng cự của quân Đức. Sau đó, một khi ông đã vượt qua sông Rhine và hướng tới Ruhr, ông không thấy Eisenhower có thể làm gì để buộc ông ngừng lại. Lúc đó tổng tư lệnh sẽ chẳng có nhiều để lựa chọn, ông suy luận, ngoài việc để ông tiếp tục tiến thẳng tới Berlin- và như thế chấm dứt chiến tranh, như Montgomery tin tưởng, "một cách tương đối nhanh chóng". Một cách tự tin, Montgomery ấn định ngày chủ nhật 17/9 làm ngày N cho chiến dịch Market Garden. Kế hoạch sáng tạo ông đã vạch ra sẽ là chiến dịch đổ bộ đường không lớn nhất của toàn cuộc chiến.

Không phải ai cũng chia sẻ sự tin tưởng của Montgomery vào Market Garden. Ít nhất một trong số các sĩ quan cao cấp của ông có lý do để lo ngại. Tướng Miles Dempsey, tư lệnh đạo quân Anh số 2, không như thống chế, không nghi ngờ tính xác thực của các báo cáo của lực lượng kháng chiến Hà Lan. Từ những báo cáo này, bộ phận tình báo của Dempsey đã phác thảo ra một cục diện cho thấy sức mạnh tăng lên nhanh chóng của quân Đức giữa Eindhoven và Arnhem, đúng khu vực được lựa chọn để đổ bộ. Thậm chí còn có một thông báo từ Hà Lan cho biết "các đơn vị Panzer đã bị tổn thất đã được đưa tới Hà Lan để tổ chức lại," và cũng ở khu vực sẽ diễn ra Market Garden. Dempsey đã chuyển tin này tới quân đoàn đổ bộ đường không Anh số 1 của Browning, nhưng những thông tin này đã không được Montgomery và bộ tham mưu của ông lưu tâm. Thậm chí nó còn không xuất hiện trong tổng kết tình báo. Trên thực tế, trong bầu không khí lạc quan tràn ngập sở chỉ huy cụm quân số 21, thông báo nọ hoàn tòan không được đếm xỉa tới.

Canh bạc liều của thống chế Gerd von Runstedt nhằm cứu những lực lượng còn lại của đạo quân số 15 cuả tướng Von Zangen đang bị bao vây ở Pas de Calais cuối cùng cũng được trả giá thích đáng. Dưới sự che chở của màn đêm, ngay từ hôm 6/9, một giang đoàn được gấp gáp tập hợp lại bao gồm hai tàu vận tải cũ của Hà Lan, vài chiếc phà dùng để qua lại sông Rhine cũng như một số thuyền nhỏ và bè đã liên tục qua lại cửa Schelde rộng ba dặm để chuyên chở quân, pháo binh, xe cộ và thậm chí cả ngựa. Cho dù được những khẩu pháo bảo vệ bờ biển hùng mạnh trên đảo Walcheren che chở khỏi nguy cơ bị tấn công từ phía biển, người Đức rất ngạc nhiên khi thấy hải quân đồng minh đã không làm gì để can thiệp. Thiếu tướng Walter Poppe đã chờ đợi việc đoàn tàu chở sư đoàn bộ binh 59 đã tơi tả của mình "bị thổi bay xuống nước". Với ông ta cuộc hành trình dài một giờ đồng hồ giữa Breskens và Flushing "trên những chiếc tàu hoàn toàn tối đen, lộ liễu và không có khả năng tự vệ, là kinh nghiệm tệ nhất ông đã trải qua." Người Đức cho rằng Đồng minh đã đánh giá thấp quy mô của cuộc di tản. Hẳn là họ biết về nó. Vì cả Von Runstedt và tư lệnh cụm quân B, thống chế Walter Model, cần tăng viện đến tuyệt vọng, đã ra lệnh rút gấp, và một số đoàn tàu đã di tản vào ban ngày. Lập tức, máy bay ùa tới những đoàn tàu nhỏ. Bóng tối, cho dù khó chịu đến đâu đi nữa, ít nhất cũng an toàn hơn.

Phần nguy hiểm nhất của cuộc hành trình nằm ở bờ bắc cửa Schelde. Tại đây, dưới nguy cơ thường trực bị không quân Đồng minh tấn công, lưck lượng của Von Zangen buộc phải đi theo một đường duy nhất, chạy từ đảo Walcheren ở phía đông, đi dọc bán đảo Beveland vào Hà Lan. Một phần của con đường đào thoát, tại điểm thắt nút nối vào đất liền, chỉ cách Ant werp và tiền tuyến của quân Anh tại kênh Albert có vài dặm. Thật khó hiểu, ngay cả lúc này người Anh cũng không tấn công lên phía bắc nằm đóng chặt chiếc bẫy lại. Đường thoát hiểm vẫn rộng mở. Do dù bị quấy rầy bởi những đợt oanh kích của không quân Đồng minh, đạo quân số 15 của Von Zangen cuối cùng cũng tới được Hà Lan - vào đúng thời điểm quyết định nhất cho chiến dịch Market Garden của Montgomery.

Trong khi đạo quân số 15 đã được rút đi nhờ vào tính toán chu đáo hơn là vận may, lúc này điều ngược lại xảy ra: số phận, một điều không thể tiên đoán trước, lại góp một tay. Cách đó chừng 80 dặm các đơn vị thiết giáp đã tơi tả của quân đoàn Panzer SS số 2 kỳ cựu của trung tướng Wilhem Bittrich cũng về tới nơi trú quân ở ngoại vi Arnhem. Như đã được thống chế Model chỉ đạo hôm 4/9, Bittrich đã từ từ rút các sư đoàn Panzer SS số 9 và 10 khỏi vòng chiến để "củng cố và tái tổ chức". Hai sư đoàn đã hao hụt, nhưng vẫn còn khá mạnh, được phân tán ra phía bắc, đông, và nam của thành phố. Bittrich đã chỉ định cho sư đoàn SS số 9 một khu vực rộng hình chữ nhật ở phía bắc và đông bắc Arnhem, nơi phần lớn binh lính và xe cộ của sư đoàn được đóng ở nơi đất cao và được che dấu kín đáo trong một khu rừng cấm quốc gia khá rậm rạp. Sư đoàn 10 đóng thành một vòng bán nguyệt về phía đông bắc, đông và đông nam. Như vậy, được ngụy trang và che dấu trong các khu rừng lân cận, các làng và thị trấn nhỏ - Beekbergen, Apeldoorn, Zutphen, Ruurlo, và Doetinchem - cả hai sư đoàn đều nằm rất gần Arnhem; một số đơn vị chỉ cách ngoại ô thành phố 1 hay 2 dặm. Như Bittrich sau này hồi tưởng lại, "việc lựa chọn khu vực lân cận Arnhem với Model cũng không có ý nghĩa gì đặc biệt - ngoại trừ đây là một khu vực khá yên tĩnh nơi không có gì xảy ra."

Khả năng khu vực nằm xa mặt trận này có thể có ý nghĩa chiến lược nào đó với Đồng minh hoàn toàn không được tính đến. Vào buổi sáng ngày 11/9, một nhóm nhỏ sĩ quan tham mưu của Model được cử đi tìm một địa điểm mới cho sở chỉ huy cụm quân B - tại chính Arnhem.

Một trong các sĩ quan cần vụ của Mdel, người phụ trách tổ chức và vận tải, viên trung úy 35 tuổi Gustav Sedelhauer, sau đó có nhớ lại rằng " chúng tôi đã tới thăm bộ tư lệnh các sư đoàn SS 9 và 10 tại Beekbergen và Ruurlo cũng như sở chỉ huy của tướng Bittrich tại Doetinchem. Sau đó chúng tôi xem xét chính Arnhem. Ở đây có tất cả những gì chúng tôi tìm: hệ thống đường xá và liên lạc hoàn hảo. Nhưng chỉ tới khi chúng tôi quay về hướng tây tới khu ngoại ô Oosterbeek chúng tôi mới tìm được cái chúng tôi muốn tìm". Tại ngôi làng giàu có này, chỉ cách trung tâm Arnhem 2 dặm rưỡi có một nhóm biệt thự, trong đó có khách sạn Hartenstein kiểu cách màu trắng, với bãi cỏ rộng hình lưỡi liềm trải dài tới những khu công viên xung quanh nơi hươu đủng đỉnh đi dạo không bị quấy rầy. Bên cạnh còn có khách sạn Tafelberg hai tầng với hàng hiên lắp kính. Bị ấn tượng bởi sự sang trọng, và , như Sedelhauer nhớ lại, "đặc biệt là sự tiện nghi", nhóm này đã đề nghị chọn Oosterbeek với tham mưu trưởng, trung tướng Hans Krebs, như là " lý tưởng cho sở chỉ huy cụm quân B". Model chấp nhận quyết định này. Ông ta cũng quyết định rằng một phần bộ tham mưu sẽ ở tại Hartenstein, trong khi bản thân mình sẽ ở tại Tafelberg. Trung úy Sedelhauer cảm thấy nhẹ nhõm. Kể từ khi anh ta đảm nhiệm chức vụ hiện tại sở chỉ huy chưa bao giờ đóng một chỗ quá vài ngày, và lần này Sedelhauer "trông đợi sẽ được yên và có cơ hội tắm rửa giặt giũ". Tới ngày 15/9, Model ra lệnh, sở chỉ huy cụm quân B phải sẵn sàng hoạt động tại Oosterbeek - cách chừng bă dặm khoảng đất trống và đồng cỏ rộng nơi sư đoàn đổ bộ đường không số 1 của Anh sẽ phải đáp xuống ngày 17/9.

Hết phần 1

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-8-2013 09:09 AM
Phần II
Chương 1
Kế hoạch

Sẩm tối ngày 10/9, chỉ vài giờ sau cuộc gặp giữa tướng Browning và thống chế Montgomery, trung tướng Lewis H.Brereton chủ trì cuộc họp bàn kế hoạch đầu tiên cho chiến dịch Market. Tại sở chỉ huy của ông tại Sunninghill Park gần trường đua Ascot cách London 35 dặm, 27 sĩ quan cao cấp đứng chật phòng họp treo đầy bản đồ của Brereton. Sau khi tướng Browning phổ biến cho mọi người kế hoạch của Montgomery, Brereton nói với họ rằng, vì có quá ít thời gian, "các quyết định chính đưa ra tại đây không thể thay đổi - và phải được đưa ra lập tức."

Trách nhiệm thật khổng lồ, những chỉ dẫn ban đầu thật ít ỏi. Trước đó, chưa bao giờ người ta thử tung ra một lực lượng đổ bộ đường không khổng lồ như vậy, bao gồm đầy đủ xe cộ, pháo binh và trang bị, có khả năng tự chíên đấu sâu sau lưng kẻ thù. So với Market, những cuộc đổ bộ đường không trước đó đều nhỏ hơn; thế nhưng cũng đã cần tới hàng tháng trời để chuẩn bị chúng. Lúc này, để chuẩn bị cho cuộc nhảy dù và đổ bộ bằng tàu lượn lớn nhất từ trước tới nay, Brereton và bộ tham mưu của ông chỉ có vẻn vẹn 7 ngày.

Nỗi lo ngại lớn nhất của Brereton không phải là kỳ hạn, mà là khả năng chiến dịch này, cũng như những chiến dịch trước đó, có thể bị đình chỉ. Lực lượng đổ bộ đường không đã ngồi rỗi quá lâu lúc này đang nóng lòng được xung trận, hậu quả là một vấn đề nghiêm trọng về tinh thần binh lính. Đã hàng tuần các sư đoàn tinh nhuệ được huấn luyện kỹ càng của ông chôn chân dưới mặt đất trong khi các đơn vị lục quân trên lục địa thừa thắng tiến như vũ bão qua Pháp và Bỉ. Mọi người đều có cảm giác chiến thắng đã gần kề và chiến tranh có thể sẽ kết thúc trước khi đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh kịp xung trận.

Viên tư lệnh không nghi ngờ việc bộ tham mưu của ông có thể đáp ứng kịp tiến trình một tuần gấp gáp của Market. Đã có quá nhiều đợt "tập dượt" từ việc chuẩn bị các kế hoạch đổ bộ trước khiến sở chỉ huy của ông cùng bộ tham mưu các sư đoàn trở nên hết sức thành thục. Hơn nữa, một phần lớn phương án tác chiến xây dựng cho Comet và các chiến dịch bị đình chỉ khác có thể được áp dụng luôn cho Market. Ví dụ, khi chuẩn bị cho chiến dịch Comet sau đó đã bị bãi bỏ, sử đoàn đổ bộ đường không số 1 của Anh và lữ đoàn Ba Lan, được giao nhiệm vụ thực hiện chiến dịch nói trên, đã nghiên cứu kỹ lưỡng khu vực Arnhem. Tuy thế, phần lớn quy mô của Market đều mở rộng hơn rất nhiều - và tất cả đều rất tốn thời gian để hòan tất.

Bề ngoài, tướng Brereton có vẻ bình thản và tự tin, nhưng các thành viên ban tham mưu nhận thấy tư lệnh đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Trên bàn làm việc của ông là một câu trích dẫn được đóng khung mà tư lệnh thường chỉ cho ban tham mưu xem. Câu đó viết: "Liệu có một ông hoàng nào có thể đủ sức bao phủ toàn bộ vương quốc của mình bằng binh lính, để 10000 người từ trên trời lao xuống không thể, tại nhiều nơi, gây ra những tổn thất nghiêm trọng trước khi một đạo quân có thể được tập hợp lại để đẩy lùi họ?" Câu này đã được Benjamin Franklin viết ra năm 1784.

Brereton bị ấn tượng bởi nhãn quan của vị chính khách và cũng là nhà khoa học của thế kỷ 18. "Ngay cả 160 năm sau," ông đã từng nói với ban tham mưu của mình, "ý tưởng này vẫn có cùng giá trị." Nhưng hẳn là Franklin sẽ phải choáng váng trước quy mô và sự phức tạp của chiến dịch Market. Để tấn công Hà Lan từ trên không, Brereton đã lên kế hoạch đổ bộ gần 35000 quân - gần gấp đội số lính dù và lính đổ bộ bằng tàu lượn dùng trong cuộc tấn công tại Normandy.

Để "chộp lấy những cây cầu một cách chớp nhoáng," như Brereton nói, và giữ thông hành lang hẹp một chiều cho lực lượng mặt đất Garden của Anh- từ chính diện tấn công của họ ở gần biên giới Bỉ - Hà Lan cho tới Arnhem cách đó 64 dặm về phía bắc - ba sư đoàn rưỡi sẽ được sử dụng. Hai trong số này là của Mỹ. Gần như ngay trước mặt quân đoàn 30 của tướng Horrock, sư đoàn 101 của thiếu tướng Maxwell D.Taylor sẽ phải chiếm lại các điểm vượt sông và kênh đào trên một dải dài 15 dặm giữa Eindhoven và Veghel. Phía bắc họ, sư đòan kỳ cựu số 82 của chuẩn tướng James M.Gavin phụ trách khu vực giữa Grave và thành phố Nijmegen, một dải dài chừng 10 dặm. Họ cần chiếm lấy cầu bắc qua hai sông lớn Maas và Waal, đặc biệt là chiếc cầu lớn nhiều làn xe tại Nijmegen dài gần nửa dặm, kể cả các đường dẫn hai đầu. Mục tiêu quan trọng nhất của chiến dịch Market Garden là Arnhem và cây cầu quan trọng bắc qua sông Rhine Hạ rộng 400 yard. Chiếc cầu bằng bê tông và sắt dài ba nhịp dành cho xe dài gần 2000 bộ. Việc đánh chiếm lấy nó được chỉ định cho người Anh và người Ba Lan - sư đoàn đổ bộ đường không số 1 của thiếu tướng Robert "Roy" Uqhart và, dưới quyền chỉ huy chung của ông, lữ đoàn dù Ba Lan số 1 của thiếu tướng Stanislaw Sosabowski. Arnhem, nằm xa lực lượng Garden nhất, là đích đến. Không có cây cầu qua sông Rhine, cú đột kích táo bạo của Montgomery nhằm giải phóng Hà Lan, tạt sườn phòng tuyến Siegfried và tiến vào vùng công nghiệp Ruhr của Đức sẽ thất bại.

Để đưa lực lượng khổng lồ này tới đích tấn công cách xa nơi xuất phát 300 dặm, một kế hoạch đường không chi tiết cần được thiết lập. Cần có 3 kế hoạch riêng biệt: chuyên chở, hộ tống, và tiếp tế. Để lực lượng máy bay cất cánh cần sử dụng không dưới 24 sân bay. Brereton dự tính sử dụng toàn bộ số tàu lượn ông có trong tay- một phi đoàn khổng lồ gồm hơn 2500 chiếc. Bên cạnh việc chuyên chở các khí tài nặng như xe jeep hay pháo binh, các tàu lượn dự kiến sẽ chuyên chở hơn một phần ba số quân của lực lượng 35000 người; số còn lại sẽ nhảy dù. Tất cả tàu lượn đều cần được kiểm tra, khoang chở hàng được chuẩn bị, vũ khí nặng được chất lên khoang, việc bổ sung quân số được tiến hành.

Các tàu lượn chỉ đặt ra một vấn đề cho kế hoạch đường không. Các máy bay chuyên chở lính dù và kéo tàu lượn sẽ bị trưng dụng khỏi nhiệm vụ thường nhật tiếp tế cho các đạo quân ngoài mặt trận và tập trung lại trên mặt đất sẵn sàng cho Market. Phi hành đoàn của các phi đội máy bay ném bom đã được báo động và phổ biến về các phi vụ trên khu vực của Market Garden trước, và trong quá trình tấn công. Một lượng lớn máy bay tiêm kích từ khắp nước Anh - hơn 1500 chiếc - cần được huy động để hộ tống lực lượng đổ bộ. Kế hoạch không lưu chu đáo là yếu tố quan trọng hành đầu. Hành trình từ Anh tới Hà Lan cần được vạch ra để tránh những vùng hỏa lực phòng không mạnh của kẻ địch cũng như nguy cơ đâm phải nhau trên không. Kế hoạch cứu hộ trên biển, kế hoạch tiếp tế, thậm chí cả kế hoạch thả dù hình nhân xuống một vùng khác của Hà Lan để đánh lạc hướng quân địch, cũng được xây dựng. Tổng cộng, người ta ước tính có gần 5000 máy bay đủ loại sẽ tham gia vào Market. Để xây dựng kế hoạch và chuẩn bị sẵn sàng cho không đòan khổng lồ này sẽ cần ít nhất 72 giờ.

Câu hỏi cấp bách nhất trong cuộc họp, theo ý Brereton, là cuộc đổ bộ cần được tiến hành vào ban ngày hay ban đêm. Các chiến dịch đổ bộ trước đó đều thực hiện vào những đêm có trăng. Nhưng bóng tối đã dẫn tới nhầm lẫn trong việc xác định khu đổ bộ, binh lực bị phân tán và gây ra tổn thất không đáng có. Viên tư lệnh đã quyết định rằng cuộc đổ bộ sẽ diễn ra vào ban ngày. Đây là một quyết định chưa từng có tiền lệ. Trong lịch sử của các chiến dịch đổ bộ đường không, một cuộc đổ bộ ban ngày ở quy mô như vậy chưa bao giờ được thực hiện.

Brereton còn có những lý do khác ngoài việc muốn tránh lầm lẫn. Tuần lễ dự kiến cho chiến dịch Market là thời kỳ không có trăng và kết quả là đổ bộ ban đêm ở quy mô lớn là không khả thi. Ngoài ra, Brereton chọn tấn công ban ngày vì, lần đầu tiên trong chiến tranh, điều này có thể thực hiện được. Tiêm kích đồng minh đã nắm ưu thế trên chiến trường đến mức vào lúc này nguy cơ can thiệp từ Lufwaffe trên thực tế không còn tồn tại. Nhưng quân Đức vẫn còn tiêm kích đêm. Trong một cuộc đổ bộ ban đêm, khi chống lại những đội hình máy bay vận tải và kéo tàu lượn bay chậm, chúng có thể tỏ ra cực kỳ nguy hiểm. Lực lượng phòng không của Đức cũng là một nguy cơ cần tính đến: bản đồ đường bay tới các bãi đổ bộ của Market đều có đánh dấu các vị trí súng phòng không. Các bản đồ này, dựa trên các tấm ảnh từ các chuyến bay trinh sát cũng như từ kinh nghiệm của các tổ lái máy bay ném bom hoạt động đã bay qua Hà Lan trên đường tới Đức, trông thật đáng e ngại - nhất là khi các tàu lượn đều không có vỏ giáp bảo vệ, trừ buồng lái, và các máy bay C47 chở lính và kéo tàu lượn không có thùng dầu tự hàn kín. Tuy vậy, Brereton tin rằng các vị trí súng phòng không của kẻ địch có thể bị vô hiệu hóa bằng ném bom cường độ cao cùng tấn công của máy bay khu trục trước và trong cuộc đổ bộ. Dù sao đi nữa, phần lớn súng phòng không đều ngắm bắn bằng rađa, nên cho dù vào ban ngày hay ban đêm đều hữu hiệu như nhau. Vả lại thế nào cũng phải dự kiến trước tổn thất. Bù lại, trừ trường hợp thời tiết xấu và gió mạnh can thiệp, lực lượng đổ bộ, nhờ tấn công ban ngày, có thể được thả gần như chính xác tuyệt đối xuống các khu đổ bộ, và như thể bảo đảm việc nhanh chóng tập trung binh lực dọc theo hành lang. "Các lợi thế," Brereton nói với các chỉ huy dưới quyền,"lớn hơn nhiều so với nguy cơ."

Brereton đưa ra quyết định cuối cùng. Để chỉ huy chiến dịch khổng lồ, ông chỉ định người phó của mình, viên trung tướng lịch lãm 47 tuổi Frederick "Boy" Browning, tư lệnh quân đoàn đổ bộ đường không số 1 của Anh. Đây là một lựa chọn hoàn hảo, cho dù làm thất vọng trung tướng Matthew B.Ridgway, chỉ huy quân đoàn còn lại của đạo quân - quân đoàn đổ bộ đường không số 18. Cũng cần nói thêm rằng Browning đã được chọn chỉ huy chiến dịch Comet đã bị bãi bỏ trước đó, một chiến dịch cho dù nhỏ hơn và chỉ sử dụng lính dù Anh và Ba Lan, nhưng cũng cùng kiểu với Market Garden. Giờ đây, theo kế hoạch được cải tiến và mở rộng do Montgomery vạch ra, lính dù Mỹ sẽ chiến đấu lần đầu tiên dưới sự chỉ huy của người Anh.

Trước các chỉ huy được tập hợp lại, Browning đưa ra một bản tóm tắt đầy lạc quan. Ông kết thúc bài nói của mình bằng một vẻ tự tin hùng hồn đã luôn khiến tư lệnh trở thành vị anh hùng trong mắt thuộc cấp. Như tham mưu trưởng của ông, chuẩn tướng Gordon Walch, nhớ lại, 'Tướng Browning rất hào hứng, vui vẻ rằng cuối cùng chúng tôi cũng lên đường. "Mục tiêu," ông nói với chúng tôi, " là trải một tấm thảm lính dù để giúp lực lượng mặt đất của chúng ta tiến qua." Ông tin rằng chiến dịch này là chìa khóa cho toàn cuộc chiến."

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-8-2013 09:11 AM
Chương 2

Sự lạc quan của Browning có thể dễ dàng nhận ra. Khi cuộc họp lớn đã chấm dứt, nhường chỗ cho những cuộc họp quy mô nhỏ hơn của các nhóm tham mưu sẽ kéo dài suốt đêm, chỉ vài sĩ quan nhận ra mâu thuẫn ngấm ngầm giữa Brereton và Browning. Thoạt đầu, khi đạo quân đổ bộ đường không số 1 được thành lập, người Anh đã rất kỳ vọng rằng Browning, sĩ quan hàng đầu của Anh về đổ bộ đường không và là một trong những người đi tiên phong trong sử dụng lính dù, sẽ được chỉ định làm tư lệnh. Vì ưu thế về quân số và trang bị của người Mỹ trong đạo quân mới này, vị trí đáng thèm muốn đã thuộc về một người Mỹ, tướng Brereton.

Về cấp bậc, Browning còn lên cấp trước Brereton 6 tháng, và cho dù viên tướng Mỹ là một sĩ quan nổi bật về chiến thuật không lực, ông chưa bao giờ chỉ huy lực lượng đổ bộ đường không. Thêm vào đó, tính cách của hai người cũng khác xa nhau. Brereton đã từng là phi công trong thế chiến thứ nhất và phục vụ nổi bật trong thế chiến thứ hai, đầu tiên ở Trung Đông và Viễn Đông, sau đó trên cương vị tư lệnh tập đoàn không quân số 9 của Mỹ tại Anh. Ông là một người giản dị và kiên trì, nhưng sự đam mê thành công của ông được giấu kín dưới một phong cách điềm đạm, lặng lẽ ít nói. Lúc này ông thực hiện bổn phận quan trọng được giao phó với sự kiên quyết và độc đoán vốn đặc trưng cho nhiều sĩ quan chuyên nghiệp đồng hương của ông.

Browning, một sĩ quan pháo thủ cận vệ, cũng là một người cầu toàn, kiên quyết không kém trong việc chứng minh giá trị của quân dù. Nhưng ông chưa bao giờ chỉ huy một đơn vị đổ bộ đường không. Trái với Brereton, "Boy" Browning có thể nói là một nhân vật rất cuốn hút, hào hoa tề chỉnh đến không chê vào đâu được, với vẻ tự tin thường hay bị hiểu lầm là kiêu ngạo, không chỉ bởi người Mỹ mà cả một vài chỉ huy dưới quyền.

Cho dù ông là người hay thay đổi quan điểm và đôi khi quá nóng vội, danh tiếng của ông với tư cách một lý thuyết gia về đổ bộ đường không đã trở thành huyền thoại trong những người ngưỡng mộ. Tuy thế, ông thiếu kinh nghiệm chiến trường so với một số sĩ quan khác, như tướng Richard Gale của sư đoàn đổ bộ đường không số 6 của Anh, và các tư lệnh kỳ cựu của Mỹ, các tướng Gavin và Taylor. Và, Browning còn cần chứng tỏ rằng ông sở hữu tài năng tổ chức tương đương với người giàu kinh nghiệm nhất trong các tư lệnh đổ bộ đường không, tướng Ridgway.

Chỉ vài ngày trước đó, một sự việc đã làm bộc lộ sự khác biệt giữa Brereton và Browning. Hôm 3/9, Browning đã phản đối Brereton về sự nguy hiểm khi cố gắng tổ chức một cuộc tấn công đổ bộ đường không chỉ sau 35 giờ chuẩn bị. Kể từ ngày 6/6, 17 kế hoạch đổ bộ đường không đã được chuẩn bị và bãi bỏ. Trong 33 ngày dưới sự chỉ huy của Brereton, trong sự nóng lòng muốn nhập cuộc của viên tư lệnh, các kế hoạch đã được xây dựng với tốc độ gần như mỗi bản một tuần. Không bản nào đi tới trạng thái sẵn sàng bắt đầu. Browning, quan sát việc xây dựng ồ ạt kế hoạch tấn công như vậy, rất e ngại về sự vội vã này cũng như những nguy cơ có thể gặp phải. Khi chiến dịch Linnet 1- một cuộc đổ bộ trước mặt quân Anh tại Bỉ - bị bãi bỏ hôm 2/9, Brereton lập tức tìm ra một cái đích mới phía trước các đạo quân mặt đất đang tiến nhanh và đưa ra chiến dịch Linnet 2, như là một cuộc tấn công thay thế dự kiến diễn ra hôm 4/9.

Như Brereton sau này nhớ lại sự kiện đó,"Browning có vẻ rất bồn chồn về kế hoạch Linnet 2 vì thiếu trầm trọng thông tin, ảnh trinh sát, và nhất là bản đồ. Kết quả, "Boy" tuyên bố là binh lính của ông ta sẽ không thể được phổ biến nhiệm vụ một cách chu đáo." Browning nói," không nên toan tính thực hiện các chiến dịch đổ bộ đường không một cách cập rập như vậy". Về nguyên tắc Brereton đồng ý, nhưng viên tư lệnh đã nói với cấp phó của mình rằng "sự tan rã vô tổ chức của kẻ địch đòi hỏi phải nắm ngay lấy cơ hội". Sự bất đồng giữa hai người kết thúc với việc Browning kiên quyết tuyên bố ông dự định sẽ viết đơn phản đối bằng giấy trắng mực đen. Lá đơn tới vài giờ sau. Vì "sự khác biệt sâu sắc về quan điểm giữa chúng ta," Browning viết, ông ta không thể "tiếp tục đảm nhiệm vị trí phó tư lệnh đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh". Brereton, không hề bị dao động, đã bắt đầu nghĩ đến chuyện thay thế Browning. Ông này báo cho tướng Ridgway "sẵn sàng để thay thế". Vấn đề tế nhị này được giải quyết khi chiến dịch Linnet 2 bị bãi bỏ; ngày hôm sau Brereton đã thuyết phục được Browning rút đơn xin từ chức.

Lúc này, dẹp bỏ khác biệt sang bên, cả hai cùng đối mặt với nhiệm vụ khổng lồ và phức tạp cho việc chuẩn bị Market. Dù Browning còn gì không vừa ý, giờ đây những điều đó cũng chỉ là thứ yếu so với công việc trước mắt.

Có một quyết định mà Brereton đã không thể đưa ra đựơc trong cuộc họp đầu tiên: lực lượng đổ bộ đường không tạo nên tấm thảm lót đường sẽ được đưa tới mục tiêu một cách cụ thể ra sao. Chỉ huy các đơn vị không thể lên được kế hoạch chi tiết khi vấn đề hóc búa nhất này chưa được giải quyết.

Trên thực tế các đạo quân đổ bộ đường không chỉ có thể có mức cơ động tương đương như các phương tiện chuyên chở chúng. Ngoài các tàu lượn có trong tay, Brereton không có máy bay vận tải của riêng mình. Để đạt được yếu tố bất ngờ hoàn tòan, kế hoạch lý tưởng nhất dự kiến đưa 3 sư đoàn rưỡi tham gia chiến dịch tới các khu đổ bộ trong cùng ngày cùng giờ. Nhưng quy mô khổng lồ của chiến dịch đã loại bỏ khả năng này. Máy bay vận tải và tàu lượn thiếu trầm trọng; các máy bay sẽ phải bay thành nhiều chuyến. Nhiều yếu tố khác cũng khiến những người lập kế hoạch phải thay đổi cách tiếp cận. Mỗi sư đoàn có yêu cầu tác chiến khác nhau. Ví dụ, lực lượng vận chuyển sư đoàn 101 của tướng Taylor dứt khoát phải chuyên chở nhiều người hơn trang bị tiếp tế khi bắt đầu chiến dịch để sư đoàn này có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao là thực hiện hội quân với lực lượng Garden trong vòng vài giờ đầu của chiến dịch. Hơn nữa lực lượng của Taylor cũng phải nhanh chóng hội quân với sư đòan số 82 trên hành lang phía bắc họ. Tại đó, đơn vị của tướng Gavin không những cần làm chủ những cây cầu lớn qua sông Maas và sông Waal mà còn phải giữ dải núi Groesbeek ở phía đông nam, một khu vực phải không cho quân Đức chiếm bằng mọi giá vì nó khống chế cả vùng xung quanh. NHiệm vụ cụ thể giao cho Gavin cũng đòi hỏi những trang bị đặc biệt. Vì sư đoàn 82 sẽ phải chiến đâú lâu hơn sư đoàn 101 trước khi hội quân được, Gavin cần không chỉ lính mà cả pháo binh.

Xa hơn nữa về phía bắc, những vấn đề đặt ra cho sư đoàn đổ bộ đường không số 1 của Anh dưới quyền tướng Uqhart còn khác hẳn. Sư đoàn này cần chiếm cây cầu tạiArnhem và giữ vững tới khi được giải tỏa. Nếu may mắn, phản ứng của quân Đức sẽ đủ chậm để lực lượng mặt đất hội quân kịp với lực lượng dù trang bị nhẹ trước khi sức mạnh của kẻ thù tăng lên. Nhưng cho tới khi xe tăng của Horrock tới nơi, người của Uqhart cần giữ vững. Uqhart không thể dàn mỏng lực lượng của mình bằng cách cử các đơn vị đánh xuống phía nam hội quân với Gavin. Nằm ở đầu xa nhất của hành lang, sư đoàn 1 của Anh sẽ phải chống giữ lâu nhất. Vì lý do này, lực lượng của Uqhart cũng là lớn nhất, sư đoàn của ông được tăng cường với lính dù Ba Lan, cùng sư đoàn Lowland số 52, đơn vị này sẽ được đổ xuống khi chuẩn bị được sân bay ở khu vực Arnhem.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-8-2013 09:15 AM
Chương 3

Sáng ngày 11, sau một đêm bận rộn phân tích và tập hợp thông tin về lực lượng máy bay sẵn có cho cuộc tấn công, thiếu tướng Paul L. William, tư lệnh không đoàn vận tải số 9 của Mỹ, đã trình những ước tính của mình lên Brereton. Theo ông thông báo, máy bay vận tải và tàu lượn thiếu đến mức cho dù có huy động toàn lực, trong trường hợp khả quan nhất cũng chỉ có thể hy vọng đổ bộ được một nửa lực lượng của Browning vào ngày N. Những khí tài thiết yếu như pháo binh, xe jeep và các trang bị nặng khác được dự tính vận chuyển bằng tàu lượn sẽ chỉ có thể mang theo được ở mức tối thiểu cần thiết. Brereton đã yêu cầu viên chỉ huy vận tải đường không của ông nghiên cứu khả năng tiến hành hai đợt đổ quân vào ngày N, nhưng đề xuất này không khả thi. "Tính đến khoảng cách cũng như thời gian ngày ngắn, không thể tiến hành hơn một đợt đổ quân mỗi ngày," tướng William nói. "Làm vậy sẽ quá mạo hiểm. Nếu thế sẽ không có thời gian cho việc bảo trì hay sửa chữa những hư hại trong chiến đấu, ông chỉ rõ, và hầu như chắc chắn " việc phi công và phi hành đoàn bị kiệt sức sẽ gây ra tổn thất."

Bị trói tay bởi sự thiếu hụt phương tiện vận chuyển và thời gian, Brereton đã thực hiện một số điều chỉnh quan trọng. Sẽ cần một ngày trọn để chụp ảnh không thám các cây cầu và địa hình ở Hà Lan; hai ngày nữa cần thiết cho việc chuẩn bị và phân phát bản đồ các khu tác chiến, thu thập và phân tích tin tình báo, chuẩn bị kế hoạch tác chiến chi tiết. Quyết định quan trọng nhất: Brereton bị buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch Market cho phù hợp với số lượng phương tiện chuyên chở sẵn có. Ông đành phải vận chuyển dần các đơn vị, đổ bộ ba sư đoàn rưỡi tới đích tấn công trong vòng 3 ngày. Nguy cơ là rất lớn: viện binh Đức có thể sẽ tới khu quyết chiến của Market Garden sớm hơn dự kiến; hỏa lực phòng không có thể quá mạnh; và luôn phải tính đến khả năng thời tiết xấu. Sương mù, gió mạnh, một cơn bão bất ngờ - tất cả đều có thể xảy ra vào thời gian này trong năm - đều có thể gây ra tai họa.

Tệ hơn nữa, một khi đã đổ bộ, lực lượng dù và đổ bộ bằng tàu lượn, tới nơi không có pháo binh nặng hay xe tăng, sẽ rất dế bị tiêu diệt. Đoàn xe tăng của quân đoàn 30 của tướng Horrock, tiến thành một cột theo một con đường hẹp duy nhất, sẽ không thể thực hiện cú đột kích 64 dặm tới Arnhem và xa hơn trừ khi quân của Brereton chiếm các cầu và giữ thông suốt đường tiến. Mặt khác, lực lượng đổ bộ cũng cần được tiếp ứng càng nhanh càng tốt. Bị cô lập sâu phía sau chiến tuyến địch và phải phụ thuộc vào tiếp tế đường không, lực lượng đổ bộ sẽ phải với đối đầu với lực lượng địch mỗi lúc một mạnh hơn theo từng ngày. Tối đa các lực lượng bị cô lập này cũng chỉ có thể giữ được những 'đầu cầu' của mình trong vài ngày. Nếu lực lượng thiết giáp Anh bị cầm chân hoặc tiến không đủ nhanh, lực lượng đổ bộ sẽ không tránh khỏi bị áp đảo và tiêu diệt.

Còn nhiều thứ nữa có thể xảy ra không theo dự kiến. Nếu những chú "chim ưng gầm thét" của tướng Taylor không kiểm soát được đầu cầu phía trước lực lượng thiết giáp mũi nhọn của đạo quân Anh số 2, cho dù người của tướng Gavin hay tướng Uqhart có chiếm được mục tiêu của họ ở Nijmegen và Arnhem hay không cũng không có ý nghĩa gì nữa. Họ kiểu gì cũng sẽ bị cô lập.

Cần chấp nhận một số rủi ro truyền thống trong đổ bộ đường không : các sư đoàn có thể nhảy dù hay đáp nhầm khu vực; cầu có thể bị đối phương phá hủy ngay khi cuộc tấn công bắt đầu; thời tiết xấu có thể ngăn cản việc tiếp tế bằng đường không; và thậm chí nếu tất cả các cầu đều được chiếm nguyên vẹn, hành lang tiến quân vẫn có thể bị cắt đứt tại bất kỳ điểm nào. Đây chỉ là một vài trong số những yếu tố không thể lường trước. Những người lập kế hoạch đã đặt cược vào tốc độ, sự bất ngờ, táo bạo và chuẩn xác - tất cả dựa trên một kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng đổ bộ và lực lượng mặt đất, kế hoạch này, đến lượt mình, lại trông đợi vào sự hỗn loạn và yếu kém của quân Đức. Mỗi mắt xích trong Market Garden phải ăn khớp với nhau. Nếu một mắt xích không khớp, rất có thể sẽ là tai họa cho tất cả các đơn vị.

Theo quan điểm của Brereton, cần chấp nhận những nguy cơ này. Rất có thể không bao giờ có một cơ hội thứ hai. Hơn nữa, dựa trên những thông tin mới nhất về lực lượng của kẻ thù nhận được từ cụm quân số 21 của Montgomery, sở chỉ huy lực lượng đổ bộ đường không của đồng minh vẫn tin lực lượng của Brereton sẽ “chạm trán một kẻ địch vô tổ chức với khả năng tác chiến không đồng đều”. Người ta không tin rằng “bất cứ lực lượng nào lớn hơn cỡ lữ đoàn (chừng 3000 người) cùng một số rất ít xe tăng và pháo có thể được tập trung để chống lại lực lượng đổ bộ trước khi lực lượng này được lực lươngj mặt đất giải toả”. Người ta chờ đợi “rằng chuyến bay tới đích cùng quá trình đổ bộ sẽ có thể gặp trở ngại, và việc chiếm nguyên vẹn các cầu mục tiêu sẽ dựa chủ yếu vào yếu tố bất ngờ và hỗn loạn phía kẻ thù hơn là vào chiến đấu ác liệt”. Không có gì mà những người xây dựng kế hoạch không cân nhắc tới. Những tổng kết tình báo cuối cùng có vẻ gần như chắc chắn “bước tiến của lực lượng mặt đất sẽ rất nhanh nếu chiến dịch đổ bộ thành công”.

Thiếu tá Brian Uqhart rất bất an trước không khí lạc quan tràn ngập sở chỉ huy các đơn vị thuộc quân đoàn đổ bộ đường không số 1 của tướng Browning. Viên sĩ quan phụ trách tình báo 25 tuổi cảm thấy mình có lẽ là người duy nhất trong ban tham mưu có chút nghi ngờ về Market Garden. Uqhart (không có họ hàng gì với tư lệnh sư đoàn đổ bộ đường không số 1 của Anh, thiếu tướng Robert Uqhart) không tin vào những ước tính lạc quan về lực lượng đối phương tới gần như hằng ngày từ Bộ tư lệnh cụm quân số 21 của Montgomery. Vào sáng thứ ba 12/9, chỉ còn cách ngày N năm hôm, sự nghi ngờ của anh này về Market Garden đã gần như trở thành kinh hoàng.

Dự cảm của anh đã bị đánh thức bởi một bức điện thận trọng gửi tới từ Sở chỉ huy đạo quân Anh số 2 của tướng Dempsey. Dẫn ra một thông báo từ phía Hà Lan, ban tình báo của Dempsey cảnh báo về sự tăng cường lực lượng quân Đức trong khu vực sẽ diễn ra Market Garden và nói tới sự có mặt của “các đơn vị Panzer đã tổn thất được cho là đóng tại Hà Lan để củng cố lại.” Cũng cần thừa nhận rằng thông tin này khá mơ hồ. Thiếu bất cứ sự khẳng định nào, thông báo của Dempsey không được đưa vào bản tổng kết tình báo trong các Bộ tư lệnh của cả Montgomery lẫn Eisenhower. Uqhart không hiểu tại sao. Anh này cũng đã nhận được những tin tức đáng lo ngại tương tự từ phía sĩ quan liên lạc Hà Lan tại sở chỉ huy quân đoàn. Và, cũng như ban tham mưu của Dempsey, anh tin vào tin này. Thêm thông tin tự mình tìm hiểu được vào thông tin do Dempsey gửi tới, thiếu tá Uqhart tin rằng các đơn vị thuộc ít nhất hai sư đoàn Panzer đang đóng đâu đó quanh Arnhem. Bằng chứng khá mong manh. Các đơn vị này chưa được nhận diện, lực lượng không rõ bao nhiêu, và anh cũng không thể đoan chắc được chúng hiện đang được củng cố lại hay chỉ đơn giản là tình cờ hành quân qua Arnhem. Dù thế nào đi nữa, Uqhart, như anh nhớ lại sau này, “đã bị chấn động mạnh”.

Ngay từ khi hình thành ý tưởng về chiến dịch Comet, rồi đến sự biến đổi nó thành Market Garden, nỗi lo ngại của thiếu tá Uqhart cứ tăng dần. Hết lần này đến lần khác, anh đã lên tiếng phản đối kế hoạch này với “bất cứ ai muốn nghe tại ban tham mưu”. Anh “thực sự phát hoảng về Market Garden, vì điểm yếu của nó là giả thiết rằng quân Đức sẽ không gây ra kháng cự nào đáng kể”. Bản thân Uqhart tin rằng quân Đức đang hồi phục nhanh chóng và có thể đã có nhiều lính và khí tài tại Hà Lan hơn bất cứ ai có thể ngờ. Thế nhưng, toàn bộ cốt lõi của kế hoạch, theo như quan điểm của viên thiếu tá, “dựa trên kịch bản không thể tin nổi là một khi các cầu được chiếm, xe tăng của quân đoàn 30 có thể tiến dọc theo hành lang rất hẹp này - gần như một con đường độc đạo, không cho phép có một khả năng cơ động nào - rồi sau đó thủng thẳng tiến vào nước Đức như thể người ta bước qua cửa nhà thờ. Tôi chỉ đơn giản là không tin rằng quân Đức sẽ tiếp tục cắm đầu cắm cổ chạy và đầu hàng.”

Tại cuộc họp xây dựng kế hoạch, thiếu tá Uqhart càng phát hoảng hơn nữa khi anh này thấy “tất cả mọi người đều thèm muốn bằng mọi giá đưa lực lượng đổ bộ đường không vào cuộc”. Người ta liên tục so sánh tình hình hiện tại với sự suy sụp của nước Đức năm 1918. Uqhart nhớ rằng tướng Browning, có lẽ phản ánh quan điểm chung của Montgomery và “một số tướng lĩnh Anh khác, lúc đó đang nghĩ tới một cuộc đột kích quy mô nữa”. Viên sĩ quan tình báo có vẻ lo ngại khi mọi người quanh anh đều nghĩ chiến tranh có lẽ sẽ kết thúc trước mùa đông và “cuộc tấn công Arnhem rất có thể là cơ hội cuối cùng để lực lượng đổ bộ được tham chiến”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-8-2013 09:17 AM
Chương 4

Uqhart kinh ngạc trước cách gọi đầy chủ quan – “nó được miêu tả như một cuộc đi dạo chơi vậy”-dành cho Market Garden. Và anh đặc biệt bất bình trước cách mô tả của tướng Browning rằng mục đích của cuộc tấn công là nhằm “trải một tấm thảm lính đổ bộ đường không để lực lượng mặt đất của chúng ta bước lên trên vượt qua.” Anh này tin rằng chỉ riêng cách nói ví von này cũng có hậu quả tâm lý bởi nó ru ngủ các chỉ huy tới một trạng thái bị động và hoàn toàn tưởng tượng không hề dự kiến trước bất cứ phương án phản ứng nào trước sự kháng cự của quân Đức.” Viên sĩ quan tình báo coi bầu không khí tại sở chỉ huy quá xa rời thực tế đến mức, tại một trong những cuộc họp bàn kế hoạch, anh này đã hỏi “liệu “tấm thảm” nọ sẽ bao gồm lính dù còn sống hay đã chết”.

“Hoàn toàn không thế,” sau này anh nhớ lại, “khiến họ đối mặt với tình hình thực tế; sự mong muốn được tham chiến trước khi chiến tranh kết thúc đã bịt mắt họ”. Nhưng anh chàng Uqhart trẻ tuổi tin chắc rằng những cảnh báo của tướng Dempsey là chính xác. Anh tin rằng có lực lượng thiết giáp Đức đóng ở lân cận Arnhem, nhưng anh cần khẳng định thông báo này với nhiều bằng chứng hơn. Uqhart biết có một phi đội Spitfire trang bị camera đặc biệt để chụp ảnh không thám đóng gần Benson ở Oxfordshire. Phi đội này hiện đang tìm kiếm các bệ phóng tên lửa dọc bờ biển Hà Lan.

Vào chiều ngày 12/9, thiếu tá Uqhart đề nghị tiến hành một cuộc trinh sát ở độ cao thấp trên không phận vùng Arnhem. Để tránh bị phát hiện, xe tăng đối phương hẳn sẽ được giấu trong rừng hoặc dưới lưới nguỵ trang và có thể không bị phát hiện bởi không thám từ độ cao lớn. Yêu cầu của Uqhart được chấp nhận; các máy bay trinh sát ở độ cao thấp sẽ bay trên khu vực Arnhem, và viên sĩ quan sẽ có được kết quả sớm nhất có thể. Nếu thu được ảnh chụp xe tăng, bằng chứng này có thể minh chứng cho sự e ngại của thiếu tá Uqhart.

Lúc này chẳng còn đủ thời gian để tư lệnh các sư đoàn đổ bộ tự mình xem xét thông tin tình báo. Họ hoàn toàn phụ thuộc vào sở chỉ huy của quân đoàn mình và của đạo quân đổ bộ đường không số 1 về những ước đoán mới nhất. Theo kinh nghiệm, mỗi tư lệnh đều hiểu rằng những thông tin đó đã lỗi thời vài ngày khi tới được tay họ. Tuy thế, theo quan điểm chung, không có lý do gì để e ngại một sự kháng cự mạnh của kẻ thù. Kết quả là những nguy cơ của chiến dịch Market Garden được coi là có thể chấp nhận được.

Sau khi các tướng Brereton và Browning đã vạch ra những nét lớn của kế hoạch, xác định mục tiêu và nhận định khả năng chuyên chở, mỗi sư đoàn trưởng sẽ tự xây dựng kế hoạch tác chiến cho mình. Từ các chiến dịch trước, các tư lệnh đổ bộ đường không kỳ cựu hiểu rằng cơ hội thành công trước hết phụ thuộc vào việc lính của họ có thể được đổ xuống gần mục tiêu tới đâu. Lý tưởng nhất, họ cần được thả xuống đúng mục tiêu hay chỉ cách mục tiêu một đoạn đi bộ ngắn, đặc biệt khi họ cần phải chiếm một cây cầu. Với số lượng phương tiện cơ giới mặt đất mang theo rất hạn chế, việc lựa chọn chính xác các điểm đổ bộ là quan trọng sống còn.

Thiếu tướng Maxwell D.Taylor hiểu quá rõ rằng các điểm đổ quân của ông cần được chọn sao cho đạt hiệu quả tối đa. Trong khi Taylor có thể có trong tay phần lớn lính dù “Chim ưng gầm thét” của mình ngay trong ngày N, các đơn vị công binh, pháo binh, và phần lớn phương tiện cơ giới của sư đoàn 101 sẽ chỉ tới vào ngày N+1 hay N+2. Nghiên cứu đoạn nằm xa nhất về phía nam của hành lang chiến dịch, nơi sư 101 phải chiếm giữ giữa Eindhoven và Veghel, Taylor nhanh chóng nhận ra trên dải dài 15 dặm này, lực lượng của ông cần phải chiếm hai cầu lớn vượt kênh đào cùng 9 cầu đường bộ và đường sắt. Tại Veghel, có 4 cây cầu và một điểm vượt kênh đào qua sông Aa và kênh đào Willems. Nằm cách đó 5 dặm về phía nam tại St Oedenrode, cần chiếm một cây cầu qua sông Dommel hạ; cách đó 4 dặm là điểm vượt kênh đào lớn thứ hai, bắc qua kênh Wilhelmina gần làng Son, và về phía tây là một chiếc cầu gần Best. Xa hơn nữa 5 dặm về phía nam tại Eindhoven, cần chiếm 4 cây cầu qua sông Dommel thượng.

Sau khi xem xét dải đất bằng giữa Eindhoven và Veghel, cùng mạng lưới kênh rạch, kè, đập và đường bộ, Taylor quyết định chọn các khu đổ bộ chính gần như chính giữa khu vực tác chiến của mình, ở rìa một khu rừng chỉ cách Son có một dặm rưỡi và gần như nằm giữa Eindhoven và Veghel. Ông có thể cho đổ bộ hai trung đoàn của mình, số 502 và 506, tại khu này. Trung đoàn 502 sẽ phụ trách các mục tiêu tại St Oedenrode và Best, trung đoàn 506 tại Son và Eindhoven. Trung đoàn thứ ba, trung đoàn 501, sẽ đổ bộ xuống khu vực phía bắc và phía tây Veghel, chỉ cách 4 cây cầu huyết mạch vài trăm mét. Đây là một trách nhiệm nặng nề mà người của ông sẽ phải hoàn tất vào ngày N mà không có các đơn vị hỗ trợ, nhưng Taylor tin rằng “nếu gặp may, chúng ta có thể thành công.”

Trách nhiệm của sư đoàn 82 còn phức tạp hơn. Khu tác chiến dài 10 dặm của họ rộng hơn khu vực của sư đoàn 101. Ở khu vực trung tâm của hành lang này, cần chiếm cây cầu lớn dài 1500 bộ qua sông Maas tại Grave và ít nhất 4 cây cầu đường sắt và đường bộ nhỏ hơn khác bắc qua kênh Maas-Waal. Một mục tiêu sống còn khác là cây cầu lớn qua sông Waal tại Nijmegen, nằm gần như giữa trung tâm thành phố có 90000 dân này. Và không mục tiêu nào trong số này được coi là “đã được kiểm soát” trừ khi cao điểm Groesbeek nằm cách Nijmegen 2 dặm về phía nam, khống chế toàn bộ khu vực, được chiếm giữ. Đồng thời, về phía đông là vành đai rừng lớn nằm dọc biên giới Đức- Reichswald – nơi quân Đức có thể tập hợp để phản công. Khi tướng Gavin giải thích cho các sĩ quan trong bộ tư lệnh của mình những gì đang được trông đợi ở họ, tham mưu trưởng của ông, đại tá Robert H.Wienecke phản đối, “chúng ta cần hai sư đoàn để làm tất cả chuyện này”. Gavin kiên quyết. “Đúng thế, và chúng ta sẽ làm chúng với một sư đoàn”.

Nhớ lại cuộc tấn công của sư đoàn 82 tại Sicily và ở Ý, nơi binh lính của ông ta có khi bị thả xuống cách khu đổ bộ tới 35 dặm (câu đùa truyền thống trong sư đoàn là “chúng ta toàn dùng phi công mù”), Gavin quyết tâm lần này sẽ đổ bộ người của mình gần như xuống đúng mục tiêu. Theo thứ tự ưu tiên, ông quyết định các mục tiêu của mình: đầu tiên, cao điểm Groesbeek; thứ hai, cây cầu tại Grave; thứ ba, các cầu vượt qua kênh Maas-Waal; và thứ tư, cây cầu qua sông Waal tại Nijmegen. “Vì khả năng quân địch sẽ phản ứng nhanh,”sau này Gavin nhớ lại, “tôi đã quyết định đổ bộ phần lớn quân dù của mình giữa Groesbeek và Reichswald”. Ông chọn hai khu đổ bộ gần Groesbeek chỉ cách cao điểm này gần một dặm rưỡi và cách Nijmegen ba hay bốn dặm về phía nam. Tại đó, các trung đoàn 505 và 508, sau đó thêm cả sở chỉ huy sư đoàn, sẽ đổ bộ. Trung đoàn thứ ba, trung đoàn 504, sẽ đổ xuống sườn tây cao điểm Groesbeek trong khu tam giác giữa sông Maas và kênh đào Maas-Waal, cách đầu phía đông của cây cầu tại Grave 1 dặm và cách các cây cầu qua kênh 2 dặm về phía tây. Để đảm bảo việc chiếm giữ cây cầu quan trọng tại Grave, rất có thể đã bị chuẩn bị sẵn để phá khi cần, một giai đoạn bổ sung của kế hoạch được phát triển trong đó 1 đại đội của trung đoàn 504 sẽ được thả xuống cách đầu phía tây cầu nửa dặm. Trước khi kẻ thù kịp hoàn hồn, trung đoàn 504 cần chiếm lấy cầu từ cả hai đầu.

Hiển nhiên là cây cầu lớn tại Nijmegen là quan trọng nhất trong các mục tiêu của Gavin và là sống còn cho toàn chiến dịch Market Garden. Thế nhưng ông hiểu quá rõ rằng, nếu không chiếm được các mục tiêu khác, bản thân cây cầu vượt sông Waal này sẽ trở nên vô dụng. Tướng Browning cũng đồng ý với ông. Nếu không chiếm được cây cầu đầu tiên hay nếu kẻ thù chiếm mất cao điểm Groesbeek, hành lang cho lực lượng Garden sẽ không bao giờ có thể khai thông được.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-8-2013 07:52 PM
Chương 5

Cho dù lo lắng trước việc lực lượng của mình bị phân tán trên một không gian rộng, Gavin vẫn hài lòng với bản kể hoạch. Có một điều khiến ông áy náy, cũng như nó đã từng làm Taylor bận tâm. Sư đoàn của ông sẽ chỉ thực sự hoàn chỉnh khi các đơn vị trợ chiến tới nơi vào ngày N+1 và N+2, và ông tự hỏi không biết người của ông - vẫn chưa biết gì về Market Garden - sẽ phản ứng ra sao. Tuy thế, trong sư đoàn 82 kỳ cựu, tinh thần vẫn luôn rất cao; rất nhiều binh lính của ông đã nhảy tác chiến tới ba lần. “Jumping Jim” Gavin, 37 tuổi, là chuẩn tướng trẻ nhất của quân đội Mỹ, không hề nghi ngờ rằng binh lính của ông sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

Phần việc khó khăn và nguy hiểm nhất của chiến dịch đã được trao cho một viên tướng có sự nghiệp còn khá khiêm tốn, thiếu tướng Robert “Roy” Urquhart, viên sư trưởng 42 tuổi của sư đoàn đổ bộ đường không Anh số 1 cùng lữ đoàn dù Ba Lan phối thuộc.

Không giống như tướng Browing hay các đồng cấp Mỹ của mình, Urquhart, một người lính chuyên nghiệp đã chiến đấu nổi bật tại Bắc Phi, Sicily và Italy, không có kinh nghiệm gì về tác chiến đổ bộ đường không. Đây sẽ là lần đầu tiên ông chỉ huy một sư đoàn đổ bộ trong tác chiến thực sự. Browning đã chọn viên tướng này vì ông “vẫn còn nóng hổi hơi chiến trường”, nhưng Urquhart đã rất ngạc nhiên về sự bổ nhiệm. Ông vẫn nghĩ các đơn vị đổ bộ “được tổ chức riêng rẽ như kiểu các doanh nghiệp gia đình và biệt lập với bên ngoài”. Thế nhưng Urquhart vẫn tự tin vào khả năng chỉ huy đơn vị tinh nhuệ này của mình. Một khi đã chạm đất thì những nguyên tắc tác chiến cơ bản vẫn không có gì thay đổi, và ông nhìn nhận sư đoàn đổ bộ của mình như “một đơn vị bộ binh được huấn luyện rất chu đáo”.

Bất chấp kinh nghiệm chiến đấu lâu năm, Urquhart vẫn băn khoăn về một việc: ông chưa bao giờ nhảy dù hay ngồi trên một chiếc tàu lượn. “Thậm chí tôi còn có xu hướng say máy bay”, sau này ông nhớ lại. Khi nhậm chức vào tháng 1/1944, chín tháng trước đó, Urquhart đã gợi ý với Browning rằng có lẽ với tư cách là sư trưởng mới, ông cần học qua một khoá huấn luyện nhảy dù. Browning, ấn tượng với vẻ bề ngoài của Urquhart, đã trả lời rằng công việc của Urquhart là chuẩn bị sẵn sàng sư đoàn của mình cho cuộc đổ bộ lên lục địa. Nhìn viên tướng người Scotland cao sáu bộ nặng 200 cân Anh này, Browning nói thêm, “Để việc nhảy dù cho đám thanh niên.”

Trong suốt những tháng dài huấn luyện, Urquhart “thường cảm thấy như một kẻ lạc lõng”. Ông biết mình “bị quan sát chặt chẽ; không phải với sự thù địch, cho dù một số sĩ quan nhảy dù vẫn giữ thái độ hoài nghi và nhiều người còn chẳng buồn dấu diếm ý nghĩ của mình. Tôi đang bị thử thách; mọi hành động của tôi đều bị đánh giá. Đó là một vị thế chẳng dễ chịu gì, nhưng tôi chấp nhận nó”. Dần dần, sự tự tin và chắc chắn của Urquhart trong việc chỉ huy sư đoàn đã lấy được niềm tin của các sĩ quan. Và trong binh lính, Urquhart còn được vì nể hơn ông ngờ tới. Binh nhì James W.Smith, thuộc lữ đoàn nhảy dù số 1, nhớ lại “sự tự tin và bình tĩnh của sư trưởng”. Thượng sĩ John Rate, ở sở chỉ huy sư đoàn, có cảm giác “Urquhart không nề hà làm bất cứ việc gì. Ông ta không bắt ai làm thay mình. Tư lệnh không hề tỏ ra quan cách”. Hiệu thính viên John Pearce gọi tư lệnh của mình “là một gã to vâm thật cừ. Ông ta gọi chúng tôi là “con trai” hay dùng tên riêng nếu ông biết”. Và từ thượng sĩ Roy Ernest Hatch, thuộc trung đoàn lái tàu lượn, Urquhart nhận được lời tán dương nhiệt tình nhất. “Ông ấy,” Hatch nhận xét, “ là một ông tướng bình dân sẵn sàng làm những việc của một anh chàng thượng sĩ”.

Trước sự thất vọng của Urquhart, sư đoàn của ông không được chọn cho chiến dịch Normandy, và “mùa hè trôi qua thật nặng nề, hểt kế hoạch này đến kế hoạch khác được chuẩn bị chỉ để rồi bị bãi bỏ.” Lúc này, đám “Quỷ đỏ” của ông “đang nóng lòng muốn được xung trận”. Họ gần như đã tuyệt vọng. “Chúng tôi tự gọi mình là “sư đoàn chết lưu”, thiếu ta George S.Powell của lữ đoàn dù số 4 nhớ lại. “Chúng tôi bảo nhau có lẽ chúng tôi bị giữ lại dùng cho lễ duyệt binh mừng chiến thắng”. Như Urquhart nhận định, “có một tâm trạng rất nguy hiểm pha trộn cả chán chường lẫn bức bối thâm nhập vào cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi đã được huấn luyện đến mức hoàn thiện nhất và tôi biết nếu không nhập cuộc nhanh, chúng tôi sẽ mất nó. Chúng tôi đã sẵn sàng và chấp nhận bất cứ nhiệm vụ nào, với tất cả những từ “nếu””.

Mục tiêu chính của Urquhart- tâm điểm của chiến dịch Market Garden – là cây cầu bằng sắt và bê tông bắc qua sông Rhine hạ tại Arnhem. Thêm vào đó, người của Urquhart còn có thêm hai mục tiêu thứ yếu nữa: một cây cầu phao gần đó và một cây cầu xe lửa hai làn nằm ở phía thượng lưu, cách thành phố hai dặm rưỡi về phía tây.

Nhiệm vụ của Urquhart đặt ra một loạt khó khăn. Hai trong số đó đặc biệt đau đầu. Những thông báo về mật độ hoả lực phòng không dày đặc trong khu vực cho thấy nhiều đơn vị địch đang tập trung ở lân cận cầu Arnhem. Và Urquhart cảm thấy lo lắng về thời gian 3 ngày cần thiết để đưa toàn bộ lực lượng Anh và Ba Lan tới mục tiêu. Cả hai khó khăn này đều có ảnh hưởng trực tiếp tới sự lựa chọn khu đổ quân của Urquhart. Không giống như các sư đoàn 82 và 101, ông không thể chọn được khu đổ quân ở đúng địa điểm hay gần mục tiêu chính. Lý tưởng ra, ông cần đổ bộ lực lượng của mình gần cầu Arnhem ở cả hai bên bờ sông, nhưng địa hình ở đây lại không hề lý tưởng cho việc này.

Ở ngay đầu cầu phía bắc là khu trung tâm đông dân cư của Arnhem. Gần đầu cầu phía nam, các bãi đất thấp, theo những thông tin có được, đều quá lầy cho đổ quân hay đáp tàu lượn.

« Một số sĩ quan dưới quyền tôi, » Urquhart nhớ lại, « sẵn sàng đổ bộ xuống đầu cầu phía nam, cho dù đó là vùng đầm lầy. Thậm chí, một số còn chấp nhận mạo hiểm nhảy dù xuống đầu cầu phía bắc – vào chính thành phố. »

Vào tuần trước đó, các phi hành đoàn máy bay ném bom khi trở về đã báo cáo rằng mật độ hoả lực phòng không đã tăng 30% ở gần cầu Arnhem và từ sân bay Deelen nằm cách đó 7 dặm về phía bắc. Kết quả là các chỉ huy của RAF theo kế hoạch sẽ kéo các tàu lượn chở lính của Urquhart đã kịch liệt phản đối lại việc đổ bộ xuống các vùng gần cầu Arnhem. Nếu bãi đổ bộ được chọn ở đầu cầu phía nam, máy bay kéo tàu lượn ngoặt lên phía bắc sau khi thả tàu lượn sẽ rơi vào khu vực hoả lực phòng không dày đặc trên không phận sân bay. Ngoặt xuống phía nam cũng tệ chẳng kém ; các máy bay này có nguy cơ sẽ đâm phải máy bay thả sư đoàn 82 xuống gần Nijmegen, cách đó 11 dặm. Urquhart phải đối mặt với một lựa chọn : hoặc kiên quyết yêu cầu RAF thả quân của ông xuống gần cầu, hoặc chọn bãi đổ bộ xa hơn, ở phía ngoài Arnhem, cùng với tất cả những nguy cơ đi cùng sự lựa chọn này - chậm trễ, mất yếu tố bất ngờ, khả năng bị quân Đức kháng cự mạnh. Nguy hiểm càng lớn hơn vì vào ngày N, Urquhart sẽ chỉ có một phần sư đoàn của mình trong tay. « Khó khăn của tôi là làm sao mang được đủ người trong đợt đổ bộ đầu tiên », Urquhart nhớ lại, « không chỉ để chiếm cây cầu chính trong thành phố, mà còn để kiểm soát và bảo vệ các bãi đổ bộ và bãi nhảy dù cho các đợt đổ quân tiếp theo. Để chiếm cây cầu chính trong ngày đầu, lực lượng tôi có bị rút xuống chỉ còn vẻn vẹn một lữ đoàn dù ».

Đối mặt với những hạn chế này, Urquhart yêu cầu Browning cho thêm máy bay. Theo viên sư đoàn trưởng, ông đã nói với tư lệnh quân đoàn, « rằng người Mỹ có tất cả những gì họ cần ». Browning không đồng ý. Sự phân phối máy bay, ông cam đoan với Urquhart, « hoàn toàn dựa trên mức độ ưu tiên của nhiệm vụ và không phải do bất cứ sức ép nào từ phía Mỹ ». Ông này giải thích, toàn bộ chiến dịch được thực hiện từ nam lên bắc, « từ đáy lên đến đỉnh » ; các mục tiêu tại khu vực phía nam và trung tâm hành lang cần « được chiếm trước tiên để có đường tiến cho lực lượng mặt đất. Nếu không, sư đoàn 1 sẽ bị xoá sổ ».

Trong xe chỉ huy của quân đoàn trưởng được Browning dùng làm sở chỉ huy tại sân golf Moor Park, Urquhart cúi người xuống nhìn những tấm bản đổ và cân nhắc tình hình. Có một số khu vực trống trải ở phía bắc Arnhem trong một khu vườn quốc gia, nhưng những khu này quá nhỏ và địa thế lại không phù hợp. Cố lắm, những địa điểm này có thể dùng cho một lực lượng dù nhỏ đổ quân, nhưng không thể tiếp nhận tàu lượn được. Khả năng thay thế duy nhất là đổ quân xuống vùng đồng cỏ nằm bên rìa rừng thông và những dải đất trống rộng nằm cao hơn mực nước biển 250 bộ, nằm ở phía tây và tây bắc Arnhem. Các dải đất trống này phẳng và không lầy lún, lý tưởng cho quân nhảy dù và tàu lượn. Các khu này hoàn hảo về mọi mặt trừ một điều : chúng nằm cách cầu Arnhem từ 6 đến 8 dặm. Vấp phải sự phản đối liên tục từ phía RAF không chấp nhận thực hiện đổ quân xuống gần cầu, Urquhart miễn cưỡng quyết định chọn các bãi đổ bộ ở xa. « Chẳng thể làm gì hơn, » ông nhớ lại, « ngoài việc chấp nhận rủi ro và lập kế hoạch khắc phục chúng. Tôi không có sự lựa chọn nào khác ».

Vào ngày 12/9, Urquhart đã hoàn tất kế hoạch của mình. Được khoanh ra trên bản đồ là năm khu đổ quân và đáp tàu lượn rải dọc tuyến đường sắt Arnhem – Amsterdam ở lân cận Wolfheze, cách Arnhem khoảng 4 dặm về phía tây bắc. Ba khu nằm về phía bắc Wolfheze và hai về phía nam, các khu phía nam tạo thành một hình tứ giác lệch rộng chừng 1 dặm vuông. Tất cả đều nằm cách cầu Arnhem ít nhất 6 dặm ; khu xa nhất, ở phía tây bắc Wolfheze, cách đến 8 dặm.

Vào ngày N 2 lữ đoàn sẽ đổ quân - lữ đoàn đổ bộ số 1 của thượng tá Philip « Pip » Hick, theo kế hoạch có nhiệm vụ bảo vệ các khu đổ quân, và lữ đoàn dù số 1 của thượng tá Gerald Lathbury, đơn vị này sẽ đột kích tới Arnhem và chiếm xa lộ, đường sắt và cầu phao. Đi đầu sẽ là một phân đội trinh sát cơ giới được trang bị xe jeep và mô tô. Urquhart trông cậy vào lực lượng tinh nhuệ của thiếu tá C.F.H. « Freddie » Gough gồm 275 người – đơn vị duy nhất kiểu này trong toàn quân đội Anh - để tiến tới cây cầu đường bộ và giữ lấy nó cho tới khi phần còn lại của lữ đoàn tới nơi.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-8-2013 07:53 PM
Chương 5
(tiếp theo)

Ngày hôm sau, N+1, lữ đoàn dù số 4 của thượng tá John « Shan »Hackett dự kiến sẽ tới nơi, cùng với phần còn lại của lữ đoàn đổ bộ ; và vào ngày thứ ba, lữ đoàn dù Ba Lan số 1 của thiếu tướng Stanislaw Sosabowski sẽ đổ quân. Urquhart đã đánh dấu một bãi đổ bộ thứ 6 cho lực lượng Ba Lan. Vì kế hoạch dự kiến rằng, vào ngày N+2, cầu đã được chiếm giữ và các khẩu đội phòng không bị vô hiệu hoá, lực lượng Ba Lan dự kiến sẽ được thả xuống bờ nam sông Rhine hạ gần làng Elden cách cây cầu Arnhem khoảng 1 dặm về phía nam.

Bất chấp những rủi ro phải chấp nhận, Urquhart cảm thấy tự tin. Ông tin rằng ông có « một chiến dịch khả thi và một kế hoạch tốt ». Tổn thất, ông nghĩ, sẽ « vào khoảng 30% » ; tính đến ý nghĩa quan trọng của cuộc tấn công, ông không cho rằng cái giá này là quá cao. Vào sẩm tối ngày 12/9, ông phổ biển cho các chỉ huy dưới quyền về chiến dịch và, Urquhart nhớ lại,«mọi người đều có vẻ hài lòng với kế hoạch ».

Tuy vậy, cũng có một sĩ quan tỏ ra nghi ngờ. Thiếu tướng Stanislaw Sosabowski, viên tư lệnh 52 tuổi từng trải của lữ đoàn dù Ba Lan số 1, tin rằng « chúng ta sẽ có một trận đánh ác liệt ». Người cựu giảng viên của học viện quân sự Ba Lan trước chiến tranh đã từng bày tỏ quan điểm của mình với Urquhart và Browning khi ông lần đầu tiên nghe tới chiến dịch Comet. Vào lúc ấy ông đã yêu cầu Urquhart ra lệnh viết cho ông để « tôi không phải chịu trách nhiệm về thảm hoạ ». Cùng Urquhart ông đã tới gặp Browning và nói với ông này rằng «nhiệm vụ này không thể thực hiện thành công được ». Browning hỏi vì sao. Như Sosabowski nhớ lại, « tôi đã nói với ông ta rằng cố thử thực hiện điều đó với lực lượng chúng tôi có sẽ chẳng khác gì tự sát và Browning đã trả lời, « Nhưng, ngài Sosabowski thân mến, những con quỷ đỏ và các chàng trai Ba Lan kiêu hùng có thể làm bất cứ điều gì ».

Giờ đây, một tuần sau, trong khi ông nghe Urquhart nói, Sosabowski nghĩ, « người Anh không chỉ đánh giá thấp sức mạnh của bọn Đức ở vùng Arnhem một cách rất chủ quan, mà thậm chí có vẻ họ còn chẳng hiểu nổi Arnhem quan trọng đến thế nào với đế chế ». Sosabowski tin rằng với quân Đức Arnhem chính là « cửa ngõ vào nước Đức, và tôi không trông đợi bọn Đức sẽ bỏ ngỏ nơi này ». Ông cũng không tin rẳng « những đơn vị đóng trong khu vực là những đơn vị kém cỏi, với chỉ vài chiếc xe tăng cũ kỹ làm cảnh ». Ông thực sự phát hoảng khi Urquhart nói với các tư lệnh lữ đoàn rằng sư đoàn 1 sẽ đổ quân « xuống cách mục tiêu ít nhất 6 dặm ». Để tới được cây cầu lực lượng chủ yếu sẽ phải « mất năm giờ hành quân bộ ; nếu thế thì làm sao có thể đảm bảo yếu tố bất ngờ ? Bất cứ gã Đức ngu ngốc nào cũng có thể đoán ra lập tức kế hoạch của chúng ta ».

Có một phần nữa trong bản kế hoạch Sosabowski cũng không đồng ý. Khí tài nặng và đạn dành cho lữ đoàn của ông theo kế hoạch sẽ được chở bằng tàu lượn trong một đợt đổ quân sớm hơn. Như vậy, dự trữ của lữ đoàn ông sẽ nằm ở khu đổ bộ phía bắc trong khi binh lính của ông lại đổ quân xuống bờ nam. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu khi lực lượng Ba Lan tới cầu vẫn chưa chiếm được ? Trong lúc Urquhart phổ biến kế hoạch, Sosabowski kinh ngạc vỡ lẽ rằng, nếu lúc đó cầu vẫn bị quân Đức chiếm, lực lượng Ba Lan của ông sẽ có trách nhiệm phải chiếm lấy nó.

Bất chấp sự lo ngại của mình, trong buổi họp ngày 12/9 ông vẫn im lặng. « Tôi nhớ Urquhart hỏi xem có ai có câu hỏi nào không, và chẳng ai hỏi gì cả, » ông nhớ lại. « Tất cả ngồi bắt chéo chân uể oải, có vẻ chán. Tôi những muốn nói gì đó về cái kế hoạch bất khả thi này, nhưng chỉ đơn giản là tôi không thể. Tôi vốn đã sẵn không được lòng mọi người, và hơn nữa liệu có ai nghe không ? »

Sau đó, khi toàn bộ kế hoạch đổ bộ được đưa ra duyệt lại trước tất cả các tư lệnh tại sở chỉ huy của Browning, nhiều người khác đã rất lo ngại về phần kế hoạch của người Anh nhưng cả họ cũng giữ im lặng. Chuẩn tướng James M.Gavin, tư lệnh sư đoàn 82 của Mỹ, đã ngạc nhiên khi nghe sự lựa chọn bãi đổ bộ của Urquhart đến mức ông đã nói với phụ trách tác chiến của mình, trung tá John Norton, « Chúa ơi, ông ta không đùa đấy chứ ». Norton cũng kinh ngạc không kém. « Không đâu, » ông này đáp, « nhưng tôi sẽ chẳng muốn thử nó ». Theo Gavin, thà rằng chịu chấp nhận 10% tổn thất ngay khi đổ quân để đổ bộ xuống gần hay đúng cầu còn hơn chấp nhận những nguy cơ khi đổ quân xa mục tiêu như vậy ». Ông thấy ngạc nhiên khi tướng Browning không hề hỏi gì về kế hoạch của Urquhart ». Nhưng Gavin vẫn không nói gì « vì tôi tự nhủ rằng người Anh, với kinh nghiệm tác chiến dày dạn của mình, hiểu rõ họ đang làm gì ».
Thiếu tá Sepp Kraff không có ý định di chuyển lần nữa nếu có thể tránh được. Trong vài tuần vừa qua tiểu đoàn dự bị và huấn luyện lính tùng thiết SS đã hao hụt của anh ta đã bị điều ngang điều dọc như đèn cù khắp Hà Lan. Lúc này, sau chỉ 5 ngày, đơn vị lại bị ra lệnh phải rời khỏi làng Oosterbeek- và lại không phải bởi một thượng cấp của Kraff, mà bởi một tay thiếu tá Wehrmacht.

Kraff nóng nảy phản đối. Phần lớn trong số 3 đại đội của anh ta đang đóng trong làng, phần còn lại ở Arnhem, và còn 1000 lính SS mới mộ dự kiến sẽ tới bất cứ lúc nào để huấn luyện. Tay thiếu tá Wehrmacht phớt lờ. « Tôi không quan tâm đến những điều đó, » tay này nói với Kraff, « ông phải rời khỏi đây ». Kraff phản đối. Viên sĩ quan 37 tuổi đầy tham vọng chỉ chấp hành mệnh lệnh từ cấp trên SS của mình. « Tôi từ chối », anh ta nói. Tay sĩ quan Wehrmacht không hề nao núng. « Để tôi nói cho ông rõ, » tay này đáp, « ông phải rời khỏi đây vì sở chỉ huy của Model sẽ tới đây ».

Kraff chịu nhũn liền. Anh ta chẳng có hứng chọc tức thống chế Walter Model. Tuy thế, cái lệnh thật bực mình. Kraff dọn đi, nhưng cũng chẳng xa. Anh ta quyết định đóng quân của mình trong rừng và các trang trại ở phía tây bắc Oosterbeek, không xa làng Wolfheze là mấy. Địa điểm anh ta chọn tình cờ lại nằm dọc đường Wolfheze, gần như nằm giữa những khu đánh dấu trên bản đồ tại Anh cho lực lượng của sư đoàn đổ bộ đường không số 1, đồng thời cũng án ngữ đường tới Arnhem.

Henry Knap, chỉ huy tình báo của lực lượng kháng chiến ngầm tại Arnhem, cảm thấy an toàn trong vai mới của mình. Để tránh cho vợ và hai đứa con gái khỏi bị liên luỵ vì hoạt động của mình, anh đã rời khỏi nhà 4 tháng trước và dọn tới cách nhà vài phố. Địa chỉ hoạt động của anh lúc này là phòng mạch của một bác sĩ đa khoa, ông Leo C.Breebaart. Knap giờ đây là « phụ tá » của ông bác sĩ, và một số « bệnh nhân » là các liên lạc viên và điệp viên thuộc lưới tình báo của anh : 40 người cả nam lẫn nữ cùng một số thanh niên trẻ vị thành niên.

Công việc của Knap rất tốn thời gian và tỉ mỉ. Anh phải đánh giá các thông tin nhận được, sau đó chuyển đi bằng điện thoại. Chỉ huy kháng chiến tại Arnhem, Pieter Kruyff, đã đưa cho Knap 3 số điện thoại, mỗi số có 12 đến 15 chữ số, và dặn anh học thuộc lòng. Knap không bao giờ biết anh liên lạc đi đâu và với ai. Chỉ dẫn dành cho anh là quay từng số điện thoại cho tới khi thiết lập được liên lạc.

Thu thập thông tin tình báo thậm chí còn phức tạp hơn. Yêu cầu của Knap được chuyển xuống mạng lưới, và anh không bao giờ biết điệp viên nào sẽ thu thập thông tin. Nếu một thông tin nào đó có vẻ đáng ngờ, Knap sẽ tự kiểm tra lại. Vào lúc này anh đang cảm thấy bối rối trước một số thông báo về hoạt động của quân địch tại Oosterbeek.

Một sĩ quan Đức mang phù hiệu bộ tham mưu, thiếu tá Horst Smockel, đã tới một số cửa hàng tại Renkum, Oosterbeek, và Arnhem và yêu cầu chuyển một số nhu yếu phẩm tới khách sạn Tafelberg ở Oosterbeek. Cái mà Knap thấy tò mò là những yêu cầu này ; trong số chúng có những đồ ăn khó kiếm và những thứ hàng đặc biệt mà dân chúng Hà Lan hầu như không còn trông thấy nữa, như rượu gin Genever.

Thêm vào đó, lính thông tin Đức cũng đang gấp rút mắc điện thoại vào một số khách sạn ngoại ô, trong đó có Tafelberg. Knap linh cảm rằng câu trả lời đã hiển nhiên : một sở chỉ huy cao cấp đang chuyển tới Oosterbeek. Nhưng sở chỉ huy nào vậy ? Viên chỉ huy này là ai ? Và ông ta đã tới chưa ?

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-8-2013 07:56 PM
Chương 6

Với Knap, quan trọng hơn cần cập nhật tình hình lực lượng địch tại vùng quanh Arnhem. Anh này biết có các nhân viên tình báo khác gửi thông tin về trung tâm từ mỗi thành phố và anh chỉ “là một mắt lưới nhỏ trong một mạng lưới thu thập tin rộng lớn”. Kết quả là, rất có thể có nhiều việc sẽ trùng lặp nhau. Tuy thế, mọi thông tin đều quan trọng, vì “những gì một nhóm bỏ sót, chúng tôi có thể thu lượm được”.

Hai tuần trước đó, như anh nhớ lại sau này, “gần như không có tên Đức nào ở vùng Arnhem”. Sau đó, tình hình quân sự thay đổi hẳn. Giờ đây, Knap ngỡ ngàng trước sự củng cổ lực lượng của quân Đức. Từ mạng của anh, Knap đã được báo trong 7 ngày trước rằng “tàn quân của nhiều sư đoàn, bao gồm cả các đơn vị panzer, đang trong quá trình tái tổ chức tại Arnhem và vùng phụ cận hoặc đang di chuyển về Đức.” Đến lúc này, những tin cụ thể hơn lại tới. Điệp viên của anh thông báo về sự có mặt của xe tăng ở phía bắc và đông bắc Arnhem. Knap tin rằng “một số đơn vị của ít nhất một hay hai sư đoàn panzer” đang có mặt trong vùng, nhưng địa điểm và phiên hiệu cụ thể của chúng tới lúc này vẫn chưa được xác định.

Knap muốn có các chi tiết lập tức. Anh gấp rút yêu cầu mạng lưới của mình. Anh yêu cầu có thêm thông tin chính xác hơn về hoạt động của lực lượng panzer và anh cũng muốn biết lập tức tên, cấp bậc của “khách trọ mới” của khách sạn Tafelberg.

Anh thanh niên 25 tuổi Wouter van de Kraats chưa bao giờ nghe nói đến Henri Knap. Nhân mối liên lạc của anh trong lực lượng kháng chiến ngầm là một người đàn ông anh chỉ biết là “Jansen” đang sống ở Arnhem. Jansen có một nhiệm vụ mới cho anh này – khách sạn Tafelberg. Anh được biết một sĩ quan Đức cao cấp đã tới khách sạn và Van de Kraats phải xem xem có chiếc xe nào đỗ bên ngoài “có mang phù hiệu hay cờ hiều” không. Nếu có, anh cần thông báo lại màu và biểu tượng trên phù hiệu.

Van de Kraats đã nhận thấy sự tăng cường hoạt động của bọn Đức quanh khách sạn. Quân cảnh Đức và lính gác được bố trí trong khu vực. Khó khăn của anh là làm thế nào qua được bọn lính gác trên đường và đi ngang qua Tafelberg. Anh quyết định công khai đi bừa qua.

Khi anh tới gần khách sạn, anh lập tức bị một tên lính gác chặn lại. “Nhưng tôi phải đi qua,”Van de Kraats nói với tay Đức. “Tôi làm việc ở cây xăng đầu phố”. Tay lính Đức để anh thanh niên đi qua. Ba tên lính gác khác chỉ nhìn theo anh soi mói. Sau đó, khi Van de Kraats đi ngang qua khách sạn Tafelberg, anh liếc nhanh về phía lối vào và bãi đỗ xe. Không có chiếc xe nào đỗ ở đó có mang bất cứ phù hiệu nào, nhưng gần cổng trước khách sạn có dựng một tấm biển kim loại màu đen, đỏ, và trắng – ký hiệu của một chỉ huy cụm quân Đức.

Vào chiều ngày thứ năm 14/9, Henri Knap nhận tin từ mạng lưới của mình. Một số nguồn cho anh biết những đơn vị lớn lính panzer, xe tăng và xe bọc thép đóng theo một vòng cung ở phía bắc Arnhem. Cũng có các đơn vị tại Beekbergen, Epse, và dọc sông Ijssel. Thậm chí còn có một thông báo đáng kinh ngạc về sự có mặt của “20 đến 30 xe tăng Tiger”. Chính xác có bao nhiêu đơn vị, anh không thể đoan chắc được. Anh có thể xác định chính xác phiên hiệu một đơn vị nhờ một phù hiệu. Một trong số các điệp viên của anh đã ghi nhận “ một phù hiệu lạ - hình chữ F lộn ngược với một quả bóng ở dưới chân- trên một số xe tăng. Kiểm tra lại trong một cuốn danh sách các đơn vị Đức, Knap đã xác định được đơn vị này. Anh lập tức gọi điện thoại cho đầu mối liên lạc của mình và thông báo sự có mặt của sư đoàn Panzer SS số 9 Hohenstaufen . Theo thông tin của người điệp viên, Knap nhận định đơn vị này đóng quân về phía bắc giữa Arnhem và Apeldoorn và từ đó về phía đông tới Zutphen.

Ngay sau đó anh nhận được tin về khách sạn Tafelberg. Anh cũng kiểm tra lại tin này. Tấm biển màu đen, đỏ và trắng đã nói lên tất cả. Chỉ có một tư lệnh cụm quân Đức tại khu vực này của mặt trận phía tây. Cho dù Knap chuyển tin này đi như một thông tin chưa chắc chắn, nhưng anh tin rằng viên sĩ quan này hẳn là thống chế Walter Model.

Cách Oosterbeek 25 dặm về phía đông, trong sở chỉ huy của quân đoàn panzer SS số 2 của mình tại một lâu đài nhỏ nằm ở ngoại ô Doetinchem, tướng Wilhem Bittrich chủ trì một cuộc họp với tư lệnh hai sư đoàn còn lại của mình. Bittrich đang bực bội, cố gắng lắm mới giữ được sự tự chủ. Triển vọng cho quân đoàn panzer đã tơi tả của ông ta lúc này còn tệ hơn một tuần trước đó. Bittrich đã bồn chồn chờ đợi tăng viện về người, xe và phụ tùng. Không có gì tới cả. Ngược lại, lực lượng của ông còn bị rút bớt đi. Ông ta đã được lệnh gửi hai đơn vị chiến đấu ra mặt trận. Một đang cùng đạo quân số 7 cố gắng chặn người Mỹ gần Aachen; đơn vị kia được cử đi tiếp viện cho đạo quân dù số 1 của tướng Kurt Student sau khi xe tăng Anh đột kích thành công qua phòng tuyến kênh đào Albert, vượt qua kênh Meuse-Escaut và chiếm được một đầu cầu tại Neerpelt gần như ngay trên biên giới Hà Lan. Lúc này, trong khi quân Anh đang tập trung lực lượng để tiếp tục tấn công- một cuộc tấn công mà phụ trách tình báo cụm quân B coi là “cận kề”- Bittrich đã nhận được từ Berlin một “mệnh lệnh điên rồ từ những thằng khùng ở Berlin”. Một trong các sư đoàn đã tơi tả của ông sẽ bị tước hết xe và chuyển về Đức.

Đã từng là đảng viên Nazi tích cực, lúc này Bittrich cay độc chỉ trích mệnh lệnh. Ông “phát ốm và phát chán lên vì những mệnh lệnh của Berlin và đám nịnh thần bâu đầy quanh Hitler chỉ biết hót ra đủ trò nhảm nhí”. Can đảm và có năng lực, Bittrich đã trải qua phần lớn cuộc đời mình trong bộ quân phục. Trong thế chiến thứ nhất, ông ta là một trung uý trong không lực Đức và đã từng bị thương hai lần. Sau đó, trong vài năm, ông làm việc trong một văn phòng chứng khoán. Sau đó, quay trở lại quân đội, Bittrich gia nhập lực lượng Luftwaffe mới được thành lập nhưng đến khi ngoài ba mươi tuổi ông ta chuyển sang lực lượng Waffen SS, nơi việc thăng tiến thuận lợi hơn.

Tại Normandy, niềm tin của Bittrich vào tài chỉ huy của Hitler bắt đầu lung lay. Ông ra mặt ủng hộ thống chế Rommel chống lại triết lý “điên khùng chống giữ đến người cuối cùng” của Hitler. Có lần ông đã tâm sự với Rommel rằng “chúng ta bị chỉ đạo tồi đến mức tôi không thể nào thi hành những mệnh lệnh vô lý đó được nữa. Tôi chưa từng là một robot và không có ý định trở thành như vậy”. Sau vụ âm mưu ngày 20/7, khi ông ta được biết chỉ huy trước đây của mình, đại tướng Eric Hoepner, bị buộc tội tham dự vào âm mưu, bị treo cổ, Bittrich đã phẫn nộ lớn tiếng nói với ban tham mưu của mình rằng “đây là ngày đen tối nhất trong lịch sử quân đội Đức”. Những chỉ trích công khai của Bittrich nhằm vào khả năng quân sự của Hitler đã đến tai Berlin. Và như Bittrich sau này nhớ lại, “những nhận xét của tôi đã được báo lại cho thủ lĩnh SS, Reichsfuhrer Heinrich Himmler, và cái tên Bittrich sau đó không còn được nhắc tới tại bản doanh của Hitler nữa”. Chỉ tình hình nguy ngập của mặt trận phía tây, một hoàn cảnh đòi hỏi đến năng lực của những người như Bittrich, và sự thông cảm của những chỉ huy cấp trên đã giúp ông không bị triệu hồi. Mặc dầu vậy, Himmler vẫn “mong muốn tôi quay về Đức để trao đổi một chút”. Bittrich không hề có chút ảo tưởng nào về lời mời của Himmler. Cả Model cũng vậy. Ông này đã kiên quyết giữ Bittrich ở lại phía tây và thẳng thừng từ chối chấp nhận yêu cầu của Himmler đề nghị gửi Bittrich về Đức.

Lúc này Bittrich phẫn nộ thông báo lại chủ định cuối cùng của Berlin cho tư lệnh các sư đoàn của ông - thiếu tướng SS Heinz Harmel của sư đoàn 10 Frunsberg và trung tá SS Walter Harzer của sư đoàn 9 Hohenstaufen. Bittrich thông báo với Harzer- người đã nghe phong thanh về kế hoạch từ tham mưu trưởng của Model, trung tướng Hans Kreb-rằng sư đoàn 9 của ông ta sẽ lập tức quay về Đức, đóng quân gần Siegen ở phía đông bắc Koblenz. Sư đoàn 10 của Harmel sẽ ở lại Hà Lan. Nó sẽ được củng cố lại và tăng cường tại vị trí đóng quân hiện nay ở phía đông và đông nam Arnhem, sắn sàng tham chiến trở lại.

Viên sư trưởng 38 tuổi Harmel, mà tính tình vui vẻ đã khiến ông ta được thuộc cấp đặt biệt danh “bố già Frunsberg”, chẳng hề hứng thú gì trước quyết định này. Theo ông, “Bittrich, như thường lệ, lại tỏ ra thiên vị sư đoàn Hohenstaufen, có lẽ vì đó đã từng là sư đoàn của ông ta trước khi ông ta lên làm tư lệnh quân đoàn và cũng có thể vì Harzer đã từng là tham mưu trưởng của ông ta”. Cho dù ông không nghĩ rằng “Bittrich cố tình thiếu công bằng, dường như luôn là phía Hohenstaufen nhận được phần hời”.

Người đồng nhiệm trẻ tuổi hơn của ông ta, viên sư trưởng 32 tuổi Walter Harzer, khoan khoái trước tin này, cho dù anh ta nghĩ “ triển vọng được về Berlin nghỉ phép xem ra không hiện thực lắm”. Lý tưởng ra, sau khi chỉnh đốn anh ta hy vọng có trong tay “một sư đoàn Hohenstaufen mới tinh”. Viên sư trưởng cứng cỏi Harzer, khuôn mặt hằn một vết sẹo, tràn đầy hy vọng đạt được tham vọng của mình: được cất nhắc lên một cấp bậc tương xứng với tư lệnh một sư đoàn SS - cấp thiếu tướng. Tuy thế, khi Bittrich phổ biến toàn bộ kế hoạch, có một chi tiết không lọt tai Harzer chút nào.

Cho dù đã tổn thất nặng, sư đoàn của anh ta vẫn còn mạnh hơn sư đoàn của Harmel. Thay vì quân số 9000 người thông thường, sư đoàn Hohenstaufen chỉ có 6000 người, sư đoàn Frunsberg chừng 3500. Harzer có chừng 20 xe tăng kiểu V Panther, nhưng không phải tất cả đều sử dụng được. Tuy vậy, anh ta có trong tay một số lượng đáng kể xe bọc thép: pháo tự hành, xe thiết giáp và 40 xe chở quân bọc thép, tất cả đều trang bị trọng liên, một số được lắp pháo. Sư đoàn Frunsberg của Harmel hầu như không còn chiếc tăng nào và thiếu trầm trọng mọi loại phương tiện cơ giới. Cả hai sư đoàn đều còn một lực lượng mạnh đại bác, cối và súng phòng không. Để củng cố sư đoàn Frunsberg, đơn vị sẽ tiếp tục ở lại, Bittrich nói, Harzer cần chuyển giao càng nhiều càng tốt phương tiện cơ giới và phụ tùng cho Harmel. Harzer cảm thấy ngờ vực. “Trong thâm tâm,” Harzer sau này nhớ lại, “tôi thừa biết rằng nếu tôi chuyển giao số xe tăng và xe bọc thép ít ỏi tôi có cho Harmel, chúng sẽ chẳng bao giờ được thay thế”. Harzer không phản đối quyết định này, nhưng anh ta không hề có ý định chuyển giao hết xe cộ của mình.

Harzer đã từ lâu học được cách vun vén cho lực lượng của sư đoàn mình. Anh ta có nhiều xe hơn là Bittrich ngờ tới – bao gồm cả những chiếc xe jeep của Mỹ chiếm được dọc đường rút lui khỏi Pháp. Anh ta quyết định tảng lờ mệnh lệnh bằng “vài thao tác trên giấy tờ”. Bằng cách tháo xích, bánh xe hay súng khỏi xe của mình, anh ta có thể làm chúng trở nên không sử dụng được cho tới khi tới Đức. Trong lúc đó, chúng sẽ được đưa vào danh sách trả lời trên bảng thống kê phương tiện của sư đoàn như là các khí tài hư hỏng.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-8-2013 07:58 PM
Chương 6
(tiếp theo)

Ngay cả với binh lính và phương tiện cơ giới điều từ sư đoàn của Harzer sang tăng cường, Bittrich tiếp tục, sư đoàn Frunsberg vẫn quá yếu. Chỉ có một cách để nhấn mạnh tính khẩn cấp của tình hình cho Berlin: trình bày thực tế trực tiếp với sở chỉ huy tác chiến của lực lượng SS. May ra lúc đó binh lính và phương tiện tăng cường sẽ được điều tới. Nhưng Bittrich không hề có ý định quay về Berlin; Harmel được chỉ định làm sứ giả trong sự ngạc nhiên của ông này.

“Tôi không biết tại sao ông ấy chọn tôi thay vì chọn Harzer”, Harmel nhớ lại, “nhưng chúng tôi cần gấp người và phương tiện; và có lẽ Bittrich nghĩ rằng một sĩ quan cấp tướng sẽ có trọng lượng hơn. Tất cả chuyện này cần được giữ kín với thống chế Model. Và vì chúng tôi không nghĩ sẽ có biến động gì ở khu vực Arnhem, chúng tôi quyết định rằng tôi sẽ về Berlin vào tối ngày 16/9”.

Việc chuyển giao phương tiện giữa hai sư đoàn và việc di chuyển sư đoàn Hohenstaufen đã bị tước bớt trang bị về Đức, Bittrich ra lệnh, cần bắt đầu lập tức. Trong khi kế hoạch được thực hiện, ông nói thêm, thống chế Model muốn một số nhóm tấn công cơ động được tổ chức sẵn sàng chờ điều động trong trường hợp khẩn cấp. Kết quả là Harzer ngầm quyết định rằng những đơn vị khá nhất của anh ta sẽ di chuyển sau cùng. Bittrich dự kiến việc chuyển giao vũ khí và chuyển quân sẽ hoàn tất vào ngày 22/9. Vì mỗi ngày có 6 chuyến tàu về Đức, Harzer nghĩ việc chuyển quân có thể hoàn tất sớm hơn. Anh này tin rằng những đơn vị cuối cùng và cũng là khá nhất của mình sẽ quay về Đức trong vòng 3 ngày tới- có thể vào chiều ngày 17/9.

Một tin đồn đáng lo ngại đang lan truyền. Cho tới ngày 14/9, một số sĩ quan cao cấp Đức tại Hà Lan đang nói tới một cuộc tập kích đường không có thể sẽ diễn ra.

Câu chuyện này bắt đầu từ một cuộc trao đổi giữa phụ trách tác chiến của Hitler, đại tướng Alfred Jodl, và tổng tư lệnh phía tây, thống chế Von Runstedt. Jodl lo ngại rằng Đồng minh có thể tấn công Hà Lan từ phía biển. Nếu Eisenhower làm theo chiến thuật thông thường của ông ta, Jodl nói, lực lượng đổ bộ đường không sẽ được đổ xuống mở đường cho cuộc đổ bộ đường biển. Von Runstedt, cho dù nghi ngờ giả thiết này (ông này, ngược lại, tin chắc rằng lực lượng dù sẽ được thả xuống phối hợp với một cuộc tấn công vào vùng Ruhr), chuyển thông tin này cho tư lệnh cụm quân B, thống chế Model. Quan điểm của Model cũng giống Von Runstedt. Tuy thế, ông ta cũng không thể bỏ qua lời cảnh báo của Jodl. Ông ta ra lệnh cho chỉ huy lực lượng Đức tại Hà lan, viên tướng không quân Friedrich Christiansen, đưa một số đơn vị thuộc đám quân hổ lốn lẫn lộn cả bộ binh, lính thuỷ, lính không quân, lính Waffen SS Hà Lan của ông ta tới bờ biển.

Từ sau thông báo của Jodl vào ngày 11/9, tin này đã lan tới nhiều cấp chỉ huy khác nhau, nhất là qua Luftwaffe. Tuy rằng cuộc tấn công đã không xảy ra, sự lo ngại về một cuộc tập kích đường không vẫn tăng lên. Mỗi người đều cố đoán địa điểm có thể xảy ra đổ bộ. Trên bản đồ của họ, một số chỉ huy Luftwaffe nhận định rằng vùng mở trải dài giữa bờ biển phía bắc và Arnhem có thể là địa điểm cho các bãi đổ quân. Một số người khác, lo ngại sự tái diễn cuộc tấn công của ngưòi Anh vào Hà Lan qua đầu cầu qua kênh đào Meuse-Escaut tại Neerpelt, tự hỏi liệu lực lượng dù có thể sẽ được dùng phối hợp với cuộc tấn công đó và cho đổ xuống vùng Nijmegen không.

Vào ngày 13/9, đại tướng không quân Otto Dessloch, chỉ huy tập đoàn không quân số 3, được biết tới lo ngại của Berlin tại sở chỉ huy của Von Runstedt tại Koblenz. Dessloch đã quan ngại tới mức ông ta lập tức gọi điện cho Model ngày hôm sau. Model, như ông nhớ lại, cho rằng sự e ngại của Berlin về một cuộc tấn công là “vô căn cứ”. Viên thống chế cũng chẳng hề lo ngại, kết quả là “ông ta mời tôi đến ăn tối tại sở chỉ huy mới của ông ở khách sạn Tafelberg tại Oosterbeek.” Dessloch từ chối. “Tôi không hề có ý để mình bị bắt làm tù binh,” ông nói với Model. Ngay trước khi gác máy, Dessloch nói thêm: “Nếu tôi là ngài, tôi sẽ rời vùng đó”. Model, Dessloch nhớ rõ, chỉ cười.

Tại sân bay Deelen ở phía bắc Arnhem, tin về khả năng của một cuộc đổ bộ đường không đến tại chỉ huy tiêm kích của Luftwaffe, thiếu tướng Walter Grabman. Ông ta đi xe tới Oosterbeek để trao đổi với tham mưu trưởng của Model, trung tướng Hans Krebs. Khi Grabmann nói về sự e ngại của Luftwaffe, Krebs nói, “Vì Chúa, đừng nói đến những chuyện như vậy. Hơn nữa, chúng có thể đổ xuống đâu?” Grabmann đến bên một tấm bản đồ, và chỉ vào những khu vực phía tây Arnhem, nói, “bất cứ chỗ nào ở đây. Địa hình hoàn hảo cho lính dù đáp xuống”. Krebs, Grabmann nhớ lại, “bật cười và cảnh cáo tôi rằng nếu tôi cứ tiếp tục nói như vậy, tôi sẽ biến mình thành lố bịch”.

Chỉ huy cảnh sát nổi danh nhất tại Hà Lan, trung tướng SS Hanns Albin Rauter, cũng đã nghe tới tin đồn, rất có thể từ cấp trên của y, tướng Christiansen. Rauter tin rằng chuyện gì cũng có thể xảy ra, kể cả một cuộc đổ bộ đường không. Rauter, kiến trúc sư chính của ách khủng bố Nazi tại Hà Lan, chờ đợi việc lực lượng kháng chiến Hà Lan sẽ tấn công và dân chúng nổi dậy bất cứ lúc nào. Y quyết định sẽ dẹp tan bất cứ cuộc nổi dậy nào đơn giản bằng cách xử bắn ba người Hà Lan kháng chiến cho mỗi tên Nazi bị giết. Rauter đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ngay sau cuộc rút chạy của quân Đức và việc đám Nazi Hà Lan kéo nhau trốn về Đức hai tuần trước đó. Thủ hạ của y đã trả thù tàn bạo bất cứ ai dính líu dù không trực tiếp tới lực lượng kháng chiến Hà Lan. Đàn ông và phụ nữ bị bắt, hành quyết hoặc đày vào trại tập trung. Những thường dân bình thường cũng chẳng được chừa ra. Đi lại từ tỉnh này sang tỉnh khác bị cấm ngặt. Nhiều luật lệ hà khắc hơn được thiết lập. Bất cứ ai bị bắt gặp ngoài đường sau giờ giới nghiêm đều có thể bị bắn không cảnh cáo trước. Khắp miền nam Hà Lan, để đối phó với tấn công của quân Anh, người Hà Lan bị ép buộc lao động đào công sự cho quân Đức. Tại Nijmegen, Rauter thu thập đủ nhân công bằng cách đe doạ tống cả gia đình những người bị gọi vào trại tập trung. Tụ tập dưới bất cứ hình thức nào đều bị cấm. “Bất cứ đâu có năm người trở lên bị trông thấy đi cùng nhau,”một trong những thông cáo của Rauter cảnh cáo, “những người này sẽ bị lực lượng SS hay cảnh sát bắn hạ”.

Lúc này, khi cuộc tấn công từ phía nam lên của quân Anh có thể nổ ra bất cứ lúc nào và Berlin cảnh báo về nguy cơ tấn công từ trên không và phía biển ở miền bắc, thế giới của Rauter bắt đầu sụp đổ. Y cảm thấy sợ hãi. Biết được Model đang ở Hà Lan, Rauter quyết định tìm kiếm nơi ẩn náu an toàn và lên đường tới khách sạn Tafelberg. Vào tối ngày 14/9, Rauter gặp Model và tham mưu trưởng của ông ta, tướng Krebs. Rauter nói với hai người rằng y “tin rằng Đồng minh lần này sẽ sử dụng lực lượng đổ bộ đường không ở phía nam Hà Lan”. Model và Krebs không đồng ý. Các đơn vị đổ bộ tinh nhuệ, Model nói, “quá quan trọng, việc huấn luyện quá tốn kém” để có thể đem ra sử dụng bừa bãi. Viên thống chế quả thực chờ đợi Montgomery tấn công vào Hà Lan từ Neerpelt, nhưng tình hình chưa đủ nghiêm trọng để biện hộ cho việc sử dụng lực lượng đổ bộ đường không. Hơn nữa, vì lực lượng tấn công sẽ bị ngăn cản bởi ba con sông rộng , ông ta không tin rằng một cuộc tấn công của người Anh nhằm vào Arnhem có thể xảy ra. Cả Nijmegen và Arnhem đều nằm quá xa lực lượng Anh. Hơn nữa, Model tiếp tục, Montgomery “về mặt chiến thuật là một người cực kỳ thận trọng. Ông ta sẽ không bao giờ dùng lực lượng đổ bộ vào một cuộc phiêu lưu đầy bất trắc”.

Khi người tù được giải tới sở chỉ huy của thiếu tá Friedrich Kieswetter tại làng Driebergen, phía tây Oosterbeek, vào ngày 15/9, viên tư lệnh phó lực lượng phản gián của Wehrmacht tại Hà Lan đã biết quá rõ về y. Đã có cả một hồ sơ dày về gã ù lì 28 tuổi Christiaan Antonius Lindemans, thường được biết, vì kích thước khổng lồ của y (cao 6 bộ 3 tấc, nặng 260 cân Anh), dưới biệt danh King Kong. Lindemans đã bị một đội tuần tra bắt gần biên giới Bỉ - Hà Lan, trên vùng chiến tuyến giữa quân Anh và quân Đức. Lúc đầu, vì bộ đồ lính Anh mặc trên người, Lindemans bị coi như tù binh, nhưng tại sở chỉ huy tiểu đoàn gần Valkenswaard, trước sự ngạc nhiên của những người hỏi cung, y đề nghị gặp trung tá Hermann Giskes- trùm phản gián Đức tại Hà Lan và là cấp trên của Kieswetter. Sau một loạt cuộc điện đàm, những người bắt được Lindemans còn ngạc nhiên hơn khi được lệnh đưa ngay tên tù binh tới Driebergen. Chỉ mình Lindemans chẳng có vẻ gì ngạc nhiên. Một số đồng bào của y nghĩ y là một thành viên kháng chiến kiên cường; nhưng bọn Đức biết y dưới một tư cách khác- một gián điệp. King Kong là một điệp viên hai mang.

Lindemans đã phản bội từ năm 1943. Lúc đó y đã đề nghị làm việc cho Giskes để đổi lấy tự do cho cô nhân tình và người em trai, Henk, bị Gestapo bắt vì tham gia kháng chiến và được thông báo là sẽ bị đem xử bắn. Giskes lập tức đồng ý; và từ đó, Lindemans đã phục vụ đắc lực cho quân Đức. Sự phản bội của y đã dẫn tới sự vỡ lở của nhiều nhóm kháng chiến ngầm và những vụ hành quyết rất nhiều người yêu nước Bỉ và Hà Lan. Cho dù là một kẻ thô lỗ cộc cằn, nát rượu và mê gái, cho tới lúc đó Lindemans vẫn không bị lộ. Tuy vậy, nhiều chỉ huy kháng chiến coi y là một mối nguy tiềm tàng, không như một số sĩ quan Đồng minh tại Brussels đã bị King Kong thuyết phục đến mức lúc này Lindemans đang là người của một đơn vị tình báo Anh dưới sự chỉ huy của một sĩ quan Canada.

Trong khi Giskes vắng mặt, Kieswetter làm việc lần đầu tiên với Lindemans. Ông ta thấy tởm lợm gã cục súc to xác luôn mồm tự xưng với tất cả mọi người trong sở chỉ huy rằng y là “King Kong vĩ đại”. Lindemans báo cáo lại kết quả nhiệm vụ cuối cùng của y. Viên sĩ quan tình báo Canada đã cử y tới thông báo cho những người chỉ huy lực lượng kháng chiến ngầm tại Eindhoven rằng không cần gửi phi công đồng minh bị bắn rơi qua đường dây bí mật sang Bỉ nữa. Vì quân Anh dự định đột kích từ đầu cầu tại Neerpelt tới Eindhoven, các phi công được cứu thoát cần được giấu kín. Lindemans, sau khi mất 5 ngày để vượt qua chiến tuyến, đã có thể cho Kieswetter biết một số chi tiết về kế hoạch của quân Anh. Cuộc tấn công, y nói chắc chắn, sẽ xảy ra vào ngày 17/9.

Tin về cuộc tấn công sắp xảy ra của người Anh chẳng có gì là mới. Kieswetter, cũng như những người khác, chờ đợi nó xảy ra bất cứ lúc nào. Lindemans cũng thông báo Kieswetter một động thái khác: cùng lúc với cuộc tấn công trên bộ, y báo cáo, một kế hoạch đổ bộ quân dù cũng đã được dự kiến ở gần Eindhoven nhằm đánh chiếm thành phố. Tin này làm Kieswetter thấy khó hiểu. Tại sao phải sử dụng lính dù trong khi lực lượng mặt đất của Anh bản thân nó cũng có thể dễ dàng tiến được tới Eindhoven ? Có thể vì tin do Lindemans cung cấp có vẻ không thực tế hoặc có lẽ chủ yếu vì ác cảm của mình với King Kong, Kieswetter đã lệnh cho Lindemans tiếp tục nhiệm vụ của y và quay trở lại chiến tuyến Anh. Kieswetter không có hành động lập tức nào. Ông ta ít quan ngại về thông tin của Lindemans đến mức chẳng buồn chuyển trực tiếp nó về tổng hành dinh của Wehrmacht. Thay vào đó, ông ta chuyển nó tới cơ quan an ninh và tình báo của SS. Đồng thời viên thiếu tá cũng viết một bản tóm tắt cuộc trao đổi giữa ông ta và Lindemans cho Giskes, lúc này đang vắng mặt do một nhiệm vụ khác. Giskes, luôn coi King Kong đáng tin cậy, chỉ nhận được bản báo cáo này vào chiều ngày 17/9.

(còn tiếp)

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-8-2013 08:10 PM
Chương 7

Lúc này chiến dịch Marker Garden chỉ còn cách giờ khai hoả chưa đầy 48 tiếng đồng hồ. Trong văn phòng của mình, trung tướng Bedell Smith, tham mưu trưởng của Eisenhower, nghe chỉ huy tình báo của SHAEF, thiếu tướng Anh Kenneth W.Strong, thông báo những tin tức cuối cùng với thái độ mỗi lúc một lo ngại. Không nghi ngờ gì nữa, Strong nói, có lực lượng thiết giáp Đức tại khu vực Arnhem.

Đã nhiều ngày nay, Strong và bộ phận của mình đã nghiên cứu sàng lọc tất cả các thông tin tình báo nhằm cố gắng xác định địa điểm đóng quân của các sư đoàn Panzer SS 9 và 10. Từ tuần đầu tiên của tháng 9 người ta đã mất dấu vết các đơn vị này. Cả hai đều bị tổn thất nặng, nhưng khó có khả năng chúng đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Một giả thiết khác cho rằng các đơn vị này có thể đã được lệnh quay về Đức. Đến lúc này báo cáo của lực lượng kháng chiến Hà Lan lại cho biết một thực tế khác hẳn. Các sư đoàn mất dấu vết đã được định vị.

Sư đoàn 9, và rất có thể, cả sư đoàn 10, đang ở Hà Lan, Strong báo cáo lại với Smith, “chắc chắn là để củng cố lại”. Không ai có thể nói chính xác những đơn vị này còn lại bao nhiêu lực lượng cũng như khả năng tác chiến của chúng, nhưng không còn nghi ngờ gì về địa điểm đóng quân của các đơn vị này, Strong báo cáo. Chắc chắn chúng đang đóng tại ngoại vi Arnhem.

Hết sức lo ngại cho chiến dịch Market Garden và, theo đúng lời ông nói, “phát hoảng trước nguy cơ thất bại”, Smith lập tức đến hội kiến tổng tư lệnh. Sư đoàn đổ bộ đường không Anh số 1, được trao nhiệm vụ đổ xuống Arnhem, “không thể chống lại được hai sư đoàn thiết giáp”, Smith nói với Eisenhower. Tất nhiên, vẫn còn một câu hỏi - một câu hỏi lớn - về sức mạnh của các đơn vị này, nhưng để đảm bảo chắc thắng Smith cho rằng Market Garden cần được tăng cường lực lượng. Ông tin tằng cần 2 sư đoàn đổ bộ cho khu vực Arnhem (một cách giả định, Smith đã chọn trong đầu làm lực lượng bổ sung sư đoàn đổ bộ số 6 kỳ cựu của Anh do thiếu tướng Richard Gale chỉ huy, đơn vị này đã được sử dụng thành công trong cuộc đổ quân lên Normandy, nhưng không được chọn tham dự Market Garden). Nếu không, Smith nói với Eisenhower, kế hoạch cần được xem xét lại. “Cảm tưởng của tôi,” sau này ông nói, “là nếu chúng ta không thể đổ bộ thêm lực lượng tương đương với một sư đoàn nữa xuống khu vực này, thì chúng ta cần di chuyển một trong các sư đoàn Mỹ tham gia tạo thành “tấm thảm” xa hơn lên phía bắc để tăng cường cho người Anh”.

Eisenhower cân nhắc khó khăn và các rủi ro. Dựa trên báo cáo tình báo này và gần như vào đêm trước của cuộc tấn công, ông đang bị thúc giục phải xem xét lại kế hoạch của Monty- kế hoạch chính Eisenhower đã phê chuẩn. Điều đó cũng có nghĩa là thách thức quyền chỉ huy của Montgomery và làm căng thẳng trở lại mối quan hệ chỉ huy vốn đã nhạy cảm. Là tổng tư lệnh, ông còn một khả năng lựa chọn nữa: cần đình chỉ Market Garden, nhưng cơ sở để ra một mệnh lệnh như vậy sẽ chỉ là mẩu tin tình báo này. Eisenhower hiển nhiên giả thiết rằng Montgomery là người biết rõ nhất sức mạnh kẻ thù trước mặt ông ta và viên thống chế sẽ hành động phù hợp với tình thế. Như Eisenhower nói với Smith, “Tôi không thể chỉ bảo Monty nên điều động lực lượng của ông ta như thế nào,” và ông cũng không thể “đình chỉ chiến dịch”, vì tôi đã bật đèn xanh cho Monty”. Nếu cần có thay đổi, Montgomery sẽ thực hiện chúng. Tuy vậy, Eisenhower dự định để Smith “bay tới sở chỉ huy cụm quân số 21 và trao đổi với Montgomery”.
Bedell Smith lập tức lên đường tới Brussels. Ông gặp một Montgomery đầy tự tin và phấn chấn. Smith trình bày sự quan ngại của ông về các đơn vị Panzer tại khu vực Arnhem và nhấn mạnh rằng kế hoạch cần được xem xét lại. Montgomery “cười mỉa vào ý kiến này. Monty cảm thấy rằng trở ngại lớn nhất sẽ do địa hình chứ không phải do quân Đức gây ra. Tất cả sẽ trôi chảy, ông ta lặp đi lặp lại, nếu chúng tôi tại SHAEF chịu giúp ông ta giải quyết khó khăn về hậu cần. Ông ta không hề e ngại lực lượng thiết giáp Đức. Ông cho rằng Market Garden sẽ thành công như đã hoạch định”. Cuộc gặp chẳng đem lại kết quả nào. “Ít nhất tôi cũng đã cố dừng ông ta lại,” Smith nói, “ nhưng tôi chẳng đi đến đâu cả. Montgomery chỉ đơn giản là đã dửng dưng gạt mọi sự phản đối của tôi sang bên”.

Ngay khi Montgomery và Smith còn đang tranh luận, những bằng chứng đáng lo ngại cũng tới sở chỉ huy quân đoàn đổ bộ đường không Anh số 1. Sáng sớm hôm đó, máy bay không thám của RAF từ Hague quay về đã thực hiện một phi vụ trinh sát ở độ cao thấp trên khu vực Arnhem. Lúc này, trong phòng làm việc của mình, thiếu tá tình báo Brian Urquhart nghiên cứu 5 tấm ảnh chụp với một chiếc kính lúp - những kiểu ảnh nằm ở cuối cuộn phim không thám. Hàng trăm tấm ảnh không thám đã được chụp trên khu vực sẽ diễn ra Market Garden và rửa ra trong vòng 72 giờ trước đó, nhưng chỉ 5 tấm ảnh này cho thấy điều Urquhart đã thầm lo từ lâu - bằng chứng không thể nhầm lẫn về sự có mặt của thiết giáp Đức. “Đó là cọng rơm làm gãy lưng lạc đà”, Urquhart sau này nhớ lại. “Trong những tấm ảnh đó, tôi có thể nhìn thấy rõ ràng những chiếc xe tăng - nếu không phải ngay tại các khu đổ quân ở Arnhem, thì chắc chắn cũng không xa chúng”.

Thiếu tá Urquhart chạy tới văn phòng của tướng Browning mang theo những bằng chứng này. Browning cho anh vào gặp lập tức. Đặt những tấm ảnh lên bàn trước mặt Browning, Urquhart nói, “Xin ngài hãy nhìn xem”. Viên tướng xem xét lần lượt từng tấm ảnh. Cho dù Urquhart không còn nhớ rõ từng từ, nhưng như anh có thể nhớ lại được, Browning đã nói, “Nếu tôi là cậu tôi sẽ chẳng bận tâm đến những thứ này”. Rồi, chỉ vào những chiếc xe tăng trong ảnh, ông nói tiếp, “Chúng chắc chắn là không thể tác chiến được”. Urquhart choáng váng. Anh tuyệt vọng chỉ vào những chiếc chiến xa, “có tác chiến được hay không, chúng vẫn là xe tăng và chúng có súng”. Nhớ lại, Urquhart có cảm tưởng rằng “có lẽ vì những thông tin mà tôi không được biết, tướng Browning đã không sẵn sàng chấp nhận cách tôi đánh giá những tấm ảnh. Cảm tưởng của tôi vẫn như vậy - rằng tất cả mọi người đều nóng lòng muốn nhập cuộc bằng mọi giá và chẳng cái gì ngăn họ lại được”.

Urquhart không biết rằng một số người trong ban tham mưu của Browning coi viên sĩ quan tình báo trẻ là quá bốc đồng. Màn trình diễn lớn chuẩn bị bắt đầu, và phần lớn các sĩ quan đều háo hức mong có được một vai trong đó. Sự e ngại của Urquhart làm họ khó chịu. Như một sĩ quan cao cấp đã nói ra lời, “Quan điểm của cậu ta rõ ràng bị ảnh hưởng bởi một đầu óc đã kiệt sức. Cậu ta có vẻ hơi quá kích động, hiển nhiên là do lao lực quá sức.”

Ít lâu sau cuộc gặp với Browning, bác sĩ của quân đoàn đã đến gặp Urquhart. “Người ta đã nói với tôi,” Urquhart nhớ lại, “rằng tôi kiệt sức –ai chẳng vậy?- và có lẽ tôi cần nghỉ ngơi và đi phép. Tôi đã bị gạt ra. Tôi đã trở thành cái gai khó chịu ở sở chỉ huy đến mức ngay trước ngày tấn công tôi đã bị loại ra ngoài. Tôi chẳng còn gì để nói. Cho dù tôi không tán thành kế hoạch và e ngại điều xấu nhất, đó vẫn là một trận đánh quan trọng, và thật khó hiểu, tôi không hề muốn bị bỏ lại đằng sau”.

Vào trưa thứ bảy 16/9, thông cáo của Đức được yết lên các bảng tin khắp Arnhem.

“Theo lệnh của lực lượng an ninh, nay thông báo:

Trong đêm vừa rồi một vụ tấn công bằng chất nổ đã xảy ra trên cầu đường sắt tại Schaapsdrift. Quần chúng được yêu cầu hãy hợp tác truy lùng thủ phạm của cuộc tấn công này. Nếu chúng không được tìm thấy trước 12 giờ trưa chủ nhật 17/9/1944, một số con tin sẽ bị xử bắn. Tôi kêu gọi sự hợp tác của mọi người để tránh gây ra nạn nhân không cần thiết.

Phụ trách an ninh, Liera”.

Trong một gian tầng hầm, các thành viên lãnh đạo lực lượng kháng chiến ngầm tại Arnhem đang họp khẩn. Việc phá hoại cây cầu đường sắt đã diễn ra không suôn sẻ. Henri Knap, phụ trách tình báo tại Arnhem, đã không thích thú gì về nhiệm vụ này ngay từ đầu. Anh nghĩ, “ngay cả đánh giá lạc quan nhất, tất cả chúng tôi đều là dân nghiệp dư khi nói đến phá hoại”. Theo quan điểm của anh, “tốt hơn nhiều nên tập trung vào thu thập tin tức tình báo cho lực lượng Đồng minh và để việc phá hoại cho những người biết họ cần làm gì”. Chỉ huy lực lượng kháng chiến ở Arnhem, Pieter Kruyff, 39 tuổi, hỏi ý kiến cả nhóm. Nicolaas Tjalling de Bode đề nghị rằng các thành viên nộp mình. Knap nhớ lại rằng lúc đó anh nghĩ “đó là một cái giá quá đắt - mạng sống của những con tin vô tội – cho một cái lỗ bé tẹo trên một cây cầu”. Gijsbert Jan Numan cũng thấy lương tâm cắn rứt. Anh này đã cùng Harry Montfroy, Albert Deuss, Toon van Daalen và những người khác thu xếp vật liệu làm bom và vạch kế hoạch phá hoại, và không ai muốn những người vô tội phải chịu tai hoạ. Thế nhưng cần làm gì đây? Kruyff nghe ý kiến của tất cả mọi người, sau đó đưa ra quyết định. “Tổ chức phải được bảo toàn nguyên vẹn cho dù sẽ có người vô tội bị xử bắn”, ông quyết định. Nhìn một lượt các thành viên lãnh đạo đang tập hợp xung quanh, như Nicolaas de Bode hồi tưởng lại, Kruyff đã nói với họ, “Không ai được nộp mình cho bọn Đức. Đây là lệnh của tôi”. Henri Knap cảm thấy thật nặng nề. Anh biết nếu bọn Đức thực hiện theo cách thông thường của chúng, mười hay mười hai công dân có ảnh hưởng – bác sĩ, luật sư, hay giáo viên - sẽ bị xử bắn công khai tại một quảng trưởng ở Arnhem vào trưa chủ nhật.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 16-8-2013 01:49 PM
Chương 8

Ở khắp các cấp chỉ huy Đồng minh, sự đánh giá của tình báo về lực lượng panzer tại khu vực Arnhem thật đáng kinh ngạc. Bản báo cáo tình báo số 26 của SHAEF đề ngày 16/9, ngay trước hôm diễn ra Market Garden – bao gồm cả lời cảnh báo đã làm tướng Bedell Smith hốt hoảng đến thế - đã không được ai để ý đến. Trong bản báo cáo này có viết, “đã có thông báo cho biết sư đoàn panzer SS số 9, và dự đoán cả sư đoàn số 10, đã rút về khu vực Arnhem tại Hà Lan; tại đó, rất có thể chúng sẽ tiếp nhận xe tăng mới từ một kho dự trữ ở khu vực Cleves”.

Thông tin này, đã bị Montgomery bác bỏ trong cuộc gặp với Smith, lúc này cũng bị gạt đi tại bộ tham mưu của đạo quân Anh số 2 của tướng Dempsey, cũng chính nơi đầu tiên đã ghi nhận sự có mặt tại Hà Lan của “các đơn vị panzer đã tổn thất” vào hôm 10/9. Và những người nghiêm túc hơn cả, ban quân báo của Dempsey, vào ngày 14/9, mô tả lực lượng Đức trong khu vực tác chiến của Market garden là “yếu ớt, rệu rã và rất có khả năng sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu phải đối đầu với một cuộc tập kích đổ bộ đường không quy mô lớn”. Lúc này, ngược hẳn với quan điểm ban đầu của mình, họ phủ nhận sự có mặt của lực lượng panzer, vì bộ tham mưu của Dempsey đã không phát hiện ra bất cứ dấu vết nào của thiết giáp đối phương từ các bức ảnh không thám.

Tại sở chỉ huy đạo quân đổ bộ đường không số 1, phụ trách tình báo của tướng Brereton, trung tá người Anh Anthony Tasker, cũng không được chuẩn bị để tiếp nhận bản báo cáo của SHAEF. Xem xét lại tất cả thông tin có trong tay, anh này cho rằng không có bằng chứng trực tiếp nào khẳng định tại khu vực Arnhem có gì “ngoài mật độ hoả lực phòng không dày đặc đã biết từ trước”.

Tất cả mọi người xem ra đều chấp nhận dự báo lạc quan từ sở chỉ huy của Montgomery. Như tham mưu trưởng quân đoàn đổ bộ đường không Anh số 1, thượng tá Gordon Walch, nhớ lại, “sở chỉ huy cụm quân 21 là nguồn tin tình báo chính của chúng tôi, và chúng tôi tin rằng những gì họ cung cấp đều chính xác”. Tướng Urquhart, tư lệnh sư đoàn đổ bộ đường không số 1 của Anh, lại nhìn nhận theo cách khác. “Không gì,” ông nói, “được phép làm vẩn đục bầu không khí lạc quan tràn ngập tại Anh”.

Thế nhưng, bên cạnh báo cáo của SHAEF về các đơn vị panzer “mất tích”, còn có những bằng chứng khác về sự tập trung lực lượng Đức, và lần này cũng lại được ghi lại cẩn thận. Tại mặt trận, phía trước lực lượng quân đoàn 30 của tướng Horrock, rõ ràng là ngày càng có nhiều đơn vị Đức đang di chuyển tới mặt trận. Lúc này, sai lầm chiến lược tại Ăntwerp 10 ngày trước đó đã bắt đầu gây hậu quả và đe doạ viễn tượng to lớn của chiến dịch Market Garden. Binh lính Đức đang tiếp viện cho chiến tuyến của tướng Student chẳng phải ai khác ngoài các đơn vị của những sư đoàn sứt mẻ đã chạy thoát qua cửa Schelde- những đơn vị tơi tả thuộc đạo quân số 15 của tướng Von Zangen, đạo quân mà Đồng minh đã loại khỏi bản đồ chiến sự. Và các sĩ quan tình báo đã cả quyết, cho dù quân Đức đã tăng lên về số lượng, song những đơn vị mới xuất hiện trên chiến tuyến được họ tin là “không ở trong trạng thái có thể chống trả được bất cứ cuộc tấn công quyết liệt nào”. Bất cứ người lính Anh nào ở dọc biên giới Bỉ - Hà Lan hẳn cũng có thể khẳng định điều khác hẳn.

Những con đường lát đá của thành phố mỏ bụi bặm Leopoldsburg ở phía bắc Bỉ, chỉ cách mặt trận chừng 10 dặm, chật ních xe jeep và xe trinh sát. Mọi con đường có vẻ đều dẫn về rạp chiếu phim trước ga xe lửa – và chưa bao giờ rạp này chứng kiến một đám đông đến như vậy. Sĩ quan thuộc quân đoàn 30 của trung tướng Horrock - lực lượng Garden sẽ đâm thẳng lên phía bắc qua Hà Lan để hội quân với lực lượng đổ bộ đường không - đứng chật phố và xúm đông xúm đỏ trước cửa vào rạp trong lúc đợi quân cảnh kiểm tra giấy tờ. Đó là một đám đông đầy màu sắc và hào hứng, và họ khiến thượng tá Hubert Essame, tư lệnh lữ đoàn 214, sư đoàn bộ binh số 43 Essex, về “một đạo quân đang tập hợp hay một cuộc diễu binh ở Salisbury Plain thời bình”. Ông này choáng ngợp trước trang phục muôn màu muôn vẻ của các sĩ quan. Có nhiều loại mũ đến ngạc nhiên. Không một ai đội mũ sắt, nhưng khắp nơi là mũ beret đủ màu gắn phù hiệu kiêu hãnh của những trung đoàn lừng danh, trong đó có các đơn vị Ireland, thủ pháo, Coldstream, Scotland, Wales, và kỵ binh cận vệ hoàng gia, không quân hoàng gia và pháo binh hoàng gia. Tẩt cả đều ăn mặc rất thoải mái tự do. Essame để ý thấy phần lớn các sĩ quan đều mặc áo nguỵ trang của lính bắn tỉa, áo khoác của lính nhảy dù và thay vì cavát là những chiếc khăn quàng sặc sỡ đủ màu.

Viên trung tá nổi tiếng J.O.E “Joe” Vandeleur, viên tư lệnh vạm vỡ, mặt rám nắng cao 6 bộ của đơn vị thiết giáp cận vệ Ireland, hiện thân cho vẻ hào hoa ngạo nghễ của đám sĩ quan cận vệ. Viên trung tá 41 tuổi mặc bộ đồ đi trận quen thuộc của mình: mũ beret đen, áo khoác lính dù nguỵ trang nhiều màu, quần vải thô và đôi ủng cao su ống cao. Thêm vào đó, như mọi khi, Vadeleur đeo một khẩu Colt 45 tự động bên hông và quấn trên cổ áo khoác là vật đã trở thành biểu tượng cho đám lính tăng của ông, một chiếc khăn quàng màu lục sáng chói. Viên tướng chỉn chu “Boy” Browning hẳn sẽ cau maỳ khi nhìn thấy bộ dạng của ông này. Ngay cả đến Horrock cũng đã một lần khô khan nói với Vandeleur. “Nếu bọn Đức tóm được cậu, Joe,” ông này nói, “chúng sẽ cho rằng chúng đã tóm phải một anh nông dân”. Nhưng vào ngày 16/9 này, ngay cả Horrock cũng không còn vẻ nghiêm chỉnh không chê vào đâu được của một sĩ quan Anh đúng điệu. Thay vì áo sơ mi ông mặc một chiếc áo phông của đấu thủ polo, và bên ngoài áo quân phục là một chiếc áo da không tay chẳng khác gì một bác nông dân Anh.

Trong khi Horrocks, một người rất được mến mộ, đi dọc khán phòng chật ních người xuống, tiếng hoan hô chào đón vang lên từ mọi phía. Cuộc họp đã làm mọi người phấn khích cao độ. Tất cả đều nóng lòng được xuất trận. Từ sông Seine đến Ăntwerp, xe tăng của Horrocks đã tiến được trung bình tới 50 dặm mỗi ngày, nhưng kể từ sau 3 ngày dừng lại tai hại sau ngày 4/9 để “củng cố, tiếp liệu và nghỉ ngơi”, việc tiến lên phía trước trở nên khó khăn hơn nhiều. Khi người Anh mất đà tiến công, kẻ thù đã hồi phục nhanh chóng. Trong hai tuần sau đó, tốc độ tiến công của quân Anh chậm như rùa. Sư đoàn thiết giáp cận vệ - do đơn vị cận vệ Ireland của Vandeleur dẫn đầu – đã phải mất 4 ngày để tiến 10 dặm và chiếm cây cầu chiến lược bắc qua kênh Meuse-Escaut gần Neerpelt, từ đó ngày hôm sau cuộc tấn công vào Hà Lan sẽ bắt đầu. Horrocks không có chút ảo tưởng nào về sự kháng cự của quân Đức, nhưng ông tin rằng đơn vị của mình có thể chọc thủng phòng tuyến địch.

Đúng 11 giờ trưa, Horrocks bước lên sân khấu. Tất cả những người có mặt đều biết cuộc tấn công của quân Anh sẽ được bắt đầu trở lại, nhưng việc bảo mật quanh kế hoạch của Montgomery nghiêm ngặt đến mức chỉ vài sĩ quan cấp tướng là biết các chi tiết kế hoạch. Lúc này, khi chỉ còn 24 giờ nữa là đến ngày N của chiến dịch Market Garden, các sĩ quan của viên thống chế lần đầu tiên được biết về cuộc tấn công.

Gắn vào màn chiếu phim là một tấm bản đồ Hà Lan khổng lồ. Băng dính màu được dán lên theo hướng bắc dọc một con đường xa lộ duy nhất, băng qua nhiều sông lớn và chạy qua các thành phố Valkenswaard, Eindhoven, Veghel, Uden, Nijmegen và Arnhem, trên một khoảng cách chừng 64 dặm. Từ đây, dải băng dán màu tiếp tục chừng 30 dặm nữa theo tỷ lệ bản đồ cho tới Zuider Zee. Horrocks lấy một cây gậy chỉ dài và bắt đầu phổ biến kế hoạch. “Đây là một câu chuyện các vị sẽ kể cho cháu các vị nghe,” ông nói với đám thính giả của mình. Rồi ông dừng lại và, chủ yếu để pha trò cho các sĩ quan đang có mặt, nói thêm: “Và chúng sẽ chán ngấy”.

Trong đám khán giả, trung tá Curtis D.Renfro, sĩ quan liên lạc của sư đoàn 101 và cũng là một trong số ít sĩ quan Mỹ có mặt, rất ấn tượng trước sự tự tin và hăng hái của tư lệnh quân đoàn. Ông này đã nói trong một giờ liền, Curtis nhớ lại, “và chỉ có một lần phải xem lại các ghi chép chuẩn bị trước”.

Từng bước một, Horrocks trình bày sự phức tạp của Market Garden. Ông nói, lực lượng đổ bộ sẽ xuất quân trước tiên. Mục tiêu của họ: chiếm lấy các cây cầu trước mặt quân đoàn 30. Horrocks sẽ phát lệnh bắt đầu tấn công. Tuỳ theo thời tiết, giờ khai hoả của lực lượng mặt đất dự kiến sẽ là 2 giờ chiều. Vào thời điểm đó, 350 khẩu pháo sẽ khai hoả và dựng lên một bức màn lửa kéo dài 35 phút. Sau đó, vào lúc 2 giờ 35, được yểm trợ bởi các phi đội máy bay phóng pháo Typhoon, xe tăng của quân đoàn 30 sẽ đột phá qua đầu cầu của mình và “chọc thẳng xuống theo con đường chính”. Sư đoàn thiết giáp cận vệ sẽ có vinh dự dẫn đầu đội hình tấn công. Theo sau họ là các sư đoàn 43 Wessex và sư đoàn 50 Northumberland, sau đó là lữ đoàn thiết giáp số 8 và lữ đoàn Hà Lan Công chúa Irene.

Sẽ là “không ngừng, không nghỉ”, Horrocks nhấn mạnh. Sư đoàn thiết giáp cận vệ cần “liên tục tiến như ma đuổi”trên suốt con đường tới Arnhem. Việc đột phá qua đầu cầu, Horrocks tin tưởng, sẽ thành công gần như lập tức. Ông dự kiến chiếc xe tăng đầu tiên của đơn vị cận vệ sẽ có mặt ở Eindhoven sau hai hay ba giờ. Nếu kẻ địch phản ứng đủ nhanh để phá cầu trước khi lực lượng đổ bộ kịp chiếm, thì lực lượng công binh của sư đoàn 43 Essex, đi sau lực lượng mũi nhọn, sẽ phải vượt lên với trang bị để bắc cầu phao. Hoạt động công binh quy mô lớn này, Horrocks diễn giải, sẽ cần huy động 9000 công binh và 2277 xe chuyên dụng đã được tập kết sẵn ở khu vực Leopoldsburg. Toàn bộ đội hình của quân đoàn 30 sẽ tiến theo đường xa lộ chính nối tiếp nhau, 35 xe trên một dặm thành hàng hai. Tất cả sẽ tiến theo một chiều, và Horrocks dự kiến “sẽ đưa toàn bộ 20000 xe theo con đường xa lộ tới Arnhem trong vòng 60 giờ”.

Tướng Allan Aldair, viên tư lệnh 46 tuổi của sư đoàn thiết giáp cận vệ lừng danh, trong lúc nghe Horrocks nói, nghĩ rằng Market Garden là một kế hoạch táo bạo, nhưng ông cũng tin rằng “rất có thể nó là một canh bạc liều lĩnh”. Ông cho rằng giây phút tệ hại nhất sẽ là thời điểm đột phá qua đầu cầu ở kênh Meuse Escaut. Một khi đã đột kích thành công, cho dù ông trông đợi sẽ gặp phải sự chống trả của quân Đức, nhưng ông nghĩ việc tiến công sẽ “không khó khăn”. Bên cạnh đó, ông hoàn toàn tin tưởng vào đơn vị sẽ dẫn đầu cuộc tấn công – đơn vị cận vệ Ireland của trung tá Joe Vandeleur.

Joe Vandeleur, khi nghe thấy rằng xe tăng của ông sẽ dẫn đầu cuộc đột kích, nhớ lại rằng đã thầm nghĩ, “Ôi, Christ! Đừng có lại chúng tôi nữa.” Vandeleur tự hào rằng đơn vị kỳ cựu của ông được chọn, nhưng ông cũng biết binh lính của ông đã kiệt sức và đơn vị của ông đã thiệt hại nhiều. Kể từ cuộc đột phá từ Normandy, ông chỉ nhận được rất ít bổ sung thay thế cả về người lẫn xe; hơn nữa, “họ cũng chẳng cho nhiều thời gian để chuẩn bị kế hoạch”. Nhưng sau đó ông nghĩ, liệu sẽ cần bao nhiêu thời gian để vạch kế hoạch cho một cú đột kích thẳng qua phòng tuyến Đức?

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 16-8-2013 01:51 PM
Chương 9

Ngồi cạnh ông là người em họ, trung tá Giles Vandeleur 33 tuổi, chỉ huy tiểu đoàn 2 dưới quyền Joe, anh này “kinh hoàng trước kế hoạch định chọc thủng phòng tuyến Đức với đội hình xe tăng đi thành một hàng.” Với anh ta, đây không phải là một hình thức tác chiến thiết giáp phù hợp. Nhưng anh này nhớ lại “đã nuốt chửng mọi sửj nghi ngờ e ngại và bị cuốn vào một cơn phấn khích lạ lùng, như thể được sắp hạt giống trước một cuộc đua ngựa vậy”.

Với 3 người có mặt trong rạp, kế hoạch được phổ biến đã gây ra những cảm xúc cá nhân sâu sắc. Các sĩ quan chỉ huy lữ đoàn Hà Lan Công chúa Irene đã dẫn đầu binh lính của mình vào trận trong suốt con đường dài từ Normandy. Lúc đầu họ đã chiến đấu bên cạnh những người Canada; rồi sau khi Brussels được giải phóng, họ được phối thuộc sang đạo quân Anh số 2. Lúc này họ sắp được trở về nhà. Cho dù rất trông chờ ngày giải phóng Hà Lan, viên tư lệnh lữ đoàn, đại tá Albert “Steve” de Ruyter van Steveninck; tư lệnh phó của ông, trung tá Charles Pahud de Mortanges; và tham mưu trưởng lữ đoàn, thiếu tá Jonkheer Jan Beelaerts van Blokland, đều cảm thấy rất bất an về cách thức cuộc giải phóng ấy được dự kiến thực hiện.

Steveninck coi toàn bộ kế hoạch quá mạo hiểm. Mortanges có cảm tưởng rằng người Anh quá xa rời thực tế so với những bằng chứng trên chiến trường. Như ông nói, “Tất cả đều được trình bày cho có vẻ rất đơn giản. Đầu tiên, chúng ta chiếm lấy chiếc cầu này; sau đó tới chiếc cầu thứ hai và vượt qua con sông này... Địa hình phía trước mặt với những con sông, đầm lầy, kè đập và đất thấp, là rất phức tạp – như người Anh hẳn đã phải hiểu rõ từ rất nhiều báo cáo của chúng tôi”. Viên tham mưu trưởng 33 tuổi, Beelaerts van Blokland, không khỏi liên tưởng tới lịch sử quân sự trong quá khứ. “Chúng ta có vẻ đang vi phạm phương châm của Napoleon nói rằng không bao giờ được tấn công trừ khi bạn nắm chắc ít nhất 75% cơ hội chiến thắng. Khi đó, 25% còn lại có thể để mặc cho may rủi. Những người Anh xem ra đang làm ngược lại; chúng ta để lại tới 75% cho may rủi. Chúng ta chỉ có 48 giờ để tiến tới Arnhem, và nếu chỉ một chi tiết nhỏ diễn ra ngoài dự kiến - một cây cầu bị phá sập, kháng cự của quân Đức mạnh hơn dự kiến – chúng ta sẽ bị lỡ thời gian biểu”. Blokland còn một lo lắng riêng tư nữa. Cha mẹ anh đang sống tại làng Oosterbeek, chỉ cách cây cầu Arnhem có hai dặm rưỡi.

Một trong số ít sĩ quan dưới cấp thiếu tá được tham gia buổi phổ biến kế hoạch là viên trung úy 21 tuổi John Gorman thuộc lực lượng cận vệ Ireland. Anh này cảm thấy phấn khích trước toàn bộ kế hoạch và nghĩ Horrocks lúc đó “đang trong lúc phong độ nhất”. Tư lệnh quân đoàn, như Gorman hồi tưởng lại, “đã trổ hết khiếu hài hước và trí óc của mình, giải thích những điểm quan trọng thiết yếu nhất với vẻ hài hước nhưng không hề lạc đề. Ông ấy quả là một nghệ sĩ trình diễn”. Gorman đặc biệt thú vị với kế hoạch Garden vì “lực lượng cận vệ sẽ dẫn đầu và hiển nhiên vai trò của họ sẽ rất quyết định”.

Khi cuộc họp kết thúc và các sĩ quan chỉ huy quay về phổ biến lại kế hoạch cho đơn vị mình, anh chàng Gorman trẻ tuổi cảm thấy” những nghi ngờ đầu tiên về cơ hội thành công”. Dừng lại trước tấm bản đồ, anh nhớ rằng đã thầm nghĩ rằng Market Garden là “ một kế hoạch khả thi- nhưng cũng chỉ khả thi thôi’. Chỉ đơn giản là “có quá nhiều cầu”. Ngay cả địa hình cũng không làm anh thích thú gì. Anh thầm nghĩ đó là một địa hình tồi tệ cho thiết giáp và tiến công “ với đội hình hàng một, chúng tôi sẽ rất yếu thế”. Nhưng lời hứa có máy bay phóng pháo Typhoon yểm trợ quả là rất an tâm. Cũng như thế là một lời hứa khác. Gorman nhớ lại một tháng trước đó, khi anh ta nhận được chữ thập quân sự vì lòng dũng cảm từ chính Montgomery. Khi trao huy chương, Monty đã nói, “Nếu tôi là một người chơi cá cược, tôi sẽ cá ăn chắc rằng chiến tranh sẽ kết thúc trước lễ giáng sinh”. Khả năng khác ngoài việc tiến lên phía bắc với Gorman chỉ có thể là “ một mùa đông dài khắc nghiệt cắm trại bên cạnh hay gần kênh Escaut”. Kế hoạch của Monty, anh tin tưởng, “có đủ độ thần tốc và táo bạo để thành công. Nếu có cơ hội kết thúc chiến tranh trước Giáng sinh, thì tôi sẽ ủng hộ việc tiến lên.”

Giờ đây, tại vùng đồng quê bằng phẳng của nước Bỉ với những mỏ than, những người sẽ dẫn đầu đạo quân Anh số 2 của tướng Dempsey được biết tới kế hoạch và được hứa hẹn về Arnhem. Dọc hai bên đường, tại các khu tập kết và trại, binh lính được tập hợp lại quanh sĩ quan chỉ huy của mình để nghe phổ biến phần nhiệm vụ của họ trong chiến dịch Market Garden. Khi trung tá Giles Vandeleur nói với các sĩ quan thuộc quyền rằng đơn vị Ireland sẽ dẫn đầu đội hình, viên thiếu tá 29 tuổi Edward G.Tyler nhớ lại một “tràng than thở” vang lên từ đám sĩ quan đang tập hợp. “Chúng tôi đã tính,” anh nhớ lại, “rằng chúng tôi xứng đáng được nghỉ ngơi một chút sau khi đánh chiếm cây cầu qua kênh Escaut, mà chúng tôi đặt tên là “cầu của Joe” theo tên của Joe Vandeleur. Nhưng chỉ huy đã nói rằng việc chúng tôi được chọn là một vinh dự lớn”. Bất chấp mong muốn được nghỉ ngơi, Tyler cũng nghĩ như vậy. “Chúng tôi đã quen với đội hình thiết giáp hàng một”, anh hồi tưởng, “và trong trường hợp như vậy chúng tôi đặt niềm tin vào tốc độ và sự yểm trợ. Không ai có vẻ lo lắng.”

Nhưng trung uý Barry Quinan, mới sang tuổi 21, “cảm thấy đầy bất an”. Đây là lần đầu anh này xuất trận với đơn vị thiết giáp mũi nhọn của đơn vị cận vệ dưới quyền đại uý Mick O’Cock. Lính bộ binh của Quinan sẽ phải ngồi trên nóc xe tăng để hành quân theo kiểu Nga. Với anh ta, “số lượng sông phía trước có vẻ quá nhiều. Chúng tôi không phải là lính thuỷ. “Tuy thế Quinan cảm thấy tự hào rằng người của mình sẽ “dẫn đầu toàn đạo quân Anh số 2”.

Trung uý Rupert Mahaffey, cũng 21 tuổi, nhớ lại rõ ràng đã được bảo rằng “nếu chiến dịch thành công phụ nữ và trẻ nhỏ ở nhà sẽ được giải thoát khỏi mối đe doạ của tên lửa V2 của Đức”. Mẹ của Mahaffey đang sống ở London, lúc đó đang bị oanh tạc dữ dội. Cho dù anh cảm thấy phấn khích trước viễn cảnh của cuộc tấn công, con đường độc đạo dẫn tới Arnhem, anh nghĩ,” sẽ là một con đường rất dài và gian khổ”.

Đại uý Roland S.Langton, 23 tuổi, mới quay về đơn vị sau 5 ngày nằm ở một bệnh viện dã chiến do trúng một mảnh trái phá, được biết anh không còn là trợ lý cho tiểu đoàn 2 cận vệ Ireland. Thay vào đó, anh được chỉ định làm chỉ huy phó cho đơn vị đột kích mũi nhọn của đại uý Mick O’Cock. Anh này rất phấn khởi về sự bổ nhiệm. Cuộc đột kích xem ra sẽ dễ dàng theo Langton. Garden chỉ có thể là một thành công. “Với mọi người hiển nhiên là bọn Đức đã tan rã và run sợ, thiếu phối hợp gắn bó và chỉ có khả năng chiến đấu thành những nhóm nhỏ.” Nhưng không phải ai cũng tự tin như vậy. Khi trung uý A.G.C.”Tony” Jones, 21 tuổi, thuộc công binh hoàng gia, nghe kế hoạch, anh này nghĩ chiến dịch “ hiển nhiên sẽ rất khó khăn”. Những cây cầu là chìa khoá cho toàn chiến dịch và, như một sĩ quan nhận xét, “việc tiến quân của quân đoàn 30 sẽ chẳng khác gì xâu một sợi bông qua 7 chiếc kim và chỉ cần xỏ trượt một lỗ kim là chúng ta sẽ gặp rắc rối to”. Với người lính cận vệ kỳ cựu Tim Smith, 24 tuổi, cuộc tấn công “chỉ đơn giản là một trận đánh nữa”. Vào lúc đó lo lắng lớn nhất của anh ta là cuộc đua ngựa nổi tiếng St Leger tại Newmarket. Anh này tin rằng con ngựa có tên Tehran, do jockey nổi tiếng Gordon Richards cưỡi, là “một cú chắc ăn”. Anh này đặt tất cả tiền túi của mình cho Tehran với một viên hạ sĩ tại sở chỉ huy tiểu đoàn. Nếu Market Garden là chiến dịch sẽ giúp thắng cuộc chiến, thì đây đúng là ngày để thắng cuộc tại St Leger. Và thật ngạc nhiên, Tehran thắng. Lúc này thì anh đã tin chắc rằng Market Garden sẽ thành công.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 16-8-2013 01:53 PM
Chương 10

Một người khác « hiển nhiên là không thoải mái ». Trung uý phi công Donald Love, 28 tuổi, một phi công trinh sát của RAF, cảm thấy hoàn toàn lạc lõng giữa đám sĩ quan thiết giáp cận vệ. Anh này là một thành viên của đội liên lạc với không quân có nhiệm vụ gọi máy bay phóng pháo Typhoon tới yểm trợ khi cuộc đột kích bắt đầu. Chiếc xe mỏng mảnh của anh (được đặt mật danh là « Cốc rượu vang »), với mui xe bằng vải bạt và mớ phương tiện liên lạc, sẽ phải đi lên hàng đầu ngay gần xe chỉ huy của trung tá Joe Vandeleur. Love cảm thấy bị phơi trần ra và không có phương tiện tự vệ : cả đội liên lạc của RAF đều chỉ có súng ngắn. Trong lúc anh nghe Vandeleur nói về một bức tường lửa di động có thể tiến về phía trước với tốc độ 200 yard một phút" và nghe thấy viên sĩ quan to con người Ireland mô tả chiếc xe trinh sát bé nhỏ của Love như là "một tín hiệu của lực lượng thiết giáp để liên lạc trực tiếp với cac phi công trên trời", Love càng lúc càng thấy lo lắng. "Tôi có linh cảm là tôi sẽ là người chịu trách nhiệm liên lạc với những chiếc Typhoon ở trên đầu chúng tôi". Ý nghĩ chằng lấy gì làm dễ chịu. Love biết rất ít về sử dụng radio, và anh cũng chưa bao giờ làm nhiệm vụ sĩ quan phối hợp tác chiến giữa không quân và lục quân. Thế rồi, thật nhẹ nhõm, anh được biết rằng một chuyên gia trong lĩnh vực này, phi đội trưởng Max Sutherland, sẽ đi cùng anh ngày hôm sau để phụ trách việc liên lạc trong quá trình tiến hành đột kích. Sau đó, Love sẽ phải chịu trách nhiệm. Love bắt đầu tự hỏi liệu đáng ra anh có nên xung phong tình nguyện hay không. Anh đã nhận nhiệm vụ này "bởi vì tôi nghĩ đó là một cơ hội tuyệt vời".

Một thay đổi khác cũng làm viên chỉ huy đơn vị cận vệ Ireland bận tâm. Trong trận đánh chiếm đầu cầu qua kênh đào Escaut, Joe Vandeleur đã mất "một người bạn gần gũi và đáng trân trọng". Chiếc xe thông tin của ông này, với một chiếc loa phóng thanh kếch xù trông giống một cây kèn trompet gắn trên nóc, đã bị đạn trái phá của Đức phá hủy. Suốt trong thời gian huấn luyện tại Anh và trong cuộc tấn công thần tốc từ Normandy, Joe đã dùng chiếc xe này để thông báo với binh lính dưới quyền và ở cuối mỗi bản thông báo, vốn là một người say mê nhạc cổ điển, ông luôn cho phát một hai bản - một sự lựa chọn chẳng phải lúc nào cũng vừa tai đám lính cận vệ. Chiếc xe đã bị nổ tung ra từng mảnh và mảnh những đĩa nhạc cổ điển - kể cả giai điệu ưa thích của Vandeleur - đã bị văng ra tứ tung khắp vùng đồng quê xung quanh. Joe lấy làm phiền lòng về mất mát này; nhưng đám lính cận vệ Ireland của ông thì không. Họ nghĩ, ngay cả khi không phải nghe bản "Praise the Lord and Pass the Ammunition" chốc chốc lại vang ầm lên từ chiếc loa phóng thanh của Joe thì con đường tới Arnhem cũng đã đủ mệt mỏi nặng nề rồi.

Trong khi đó, tại Anh lực lượng nhảy dù và đổ bộ bằng tàu lượn của đạo quân đổ bộ đường không số 1 đã tập hợp ở khu vực tập kết, sẵn sàng đợi lệnh cất cánh. Trong vòng 48 giờ trước đó, sử dụng bản đồ, ảnh không thám và mô hình thu nhỏ, các sĩ quan đã phổ biến đi phổ biến lại kế hoạch tác chiến cho binh lính dưới quyền mình. Công cuộc chuẩn bị thật to lớn và tỉ mỉ. Tại 24 sân bay (8 cho lực lượng Anh, 16 cho lực lượng Mỹ), một lực lượng khổng lồ máy bay chở quân, máy bay kéo và tàu lượn đã được kiểm tra, nạp nhiên liệu và chất đầy trang bị từ xe jeep đến pháo. Ở phía bắc London 90 dặm, sư đoàn 82 "All American" của chuẩn tướng James M.Gavin đã bị cấm trại hoàn toàn trong một cụm sân bay nằm quanh Grantham ở Lincolnshire. Ở đây cũng có một phần sư đoàn Quỷ Đỏ của tướng Roy Urquhart và lữ đoàn dù Ba Lan số 1 của thiếu tướng Stanislaw Sosabowski. Về phía nam gần Newbury, cách London khoảng 80 dặm về phía tây, sư đoàn 101 của thiếu tướng Maxwell D.Taylor cũng đã cấm trại. Cũng trong khu vực này, trải dài tới tận Dorsetshire, là phần còn lại của sư đoàn của Urquhart. Phần lớn các đơn vị của ông này chỉ được đưa tới sân bay vào sáng ngày 17, nhưng tại các địa điểm trú quân nằm gần địa điểm xuất phát, họ cũng đã sẵn sàng. Khắp nơi, vào lúc này lực lượng đổ bộ đường không của chiến dịch Market-Garden đợi thời điểm xuất phát cho cuộc tấn công lịch sử giải phóng Hà Lan từ trên không.

Nhiều người cảm thấy quan tâm đến việc bị cấm trại hơn là nhiệm vụ sắp tới. Tại một sân bay nằm gần làng Ramsbury, những biện pháp an ninh đã khiến hạ sĩ Hansford Vest, thuộc trung đoàn 502 của sư đoàn 101, cảm thấy bực bội. Máy bay và tàu lượn "chen nhau nằm dài hàng dặm khắp trong vùng và ở đâu cũng có quân cảnh". Anh ta nhận thấy sân bay đã bị bao quanh bằng hàng rào dây thép gai với "quân cảnh Anh gác ở ngòai và quân cảnh của chúng tôi gác phía trong". Vest có " cảm giác rằng chúng tôi bị tước hết sự tự do". Binh nhì James Allardyce thuộc trung đoàn 508, ở giữa rừng lều dày đặc của đơn vị mình, cố gắng quên đi hàng rào thép gai và lính gác. Anh này kiểm tra đi kiểm tra lại vũ khí quân trang của mình " cho đến khi chúng gần như mòn đi". Allardyce không thể rũ bỏ được cảm giác rằng "chúng tôi chẳng khác gì những kẻ bị kết án đang chờ bị tống ra pháp trường".

Một số người khác lại chỉ lo lắng về khả năng chiến dịch mới được thực hiện. Đã có quá nhiều chiến dịch trước đó bị đình chỉ khiến một tân binh, binh nhì 19 tuổi Melvin Isenekev, thuộc trung đoàn 506 ( anh này từ Mỹ tới ngày 6/6, đúng hôm sư đòan 101 nhảy dù xuống Normandy), vẫn không tin rằng họ có thể xung trận được ngay cả khi họ đã vào khu tập hợp. Isenekev cảm thấy anh đã luyện tập "lâu dài và vất vả cho nhiệm vụ này và tôi không muốn bị bỏ lại phía sau". Thế nhưng thiếu chút nữa chuyện đó đã xảy ra. Cố tìm cách châm lửa chiếc bếp dầu tự tạo để đun nước, anh ta đã đốt một que diêm rồi ném vào một vỏ thùng dầu. Không thấy gì xảy ra, Isenekev "cúi đầu lại gần nhìn và tất cả nổ tung". Hoàn toàn bị mù tạm thời, anh ta nghĩ ngay, "Thế là hết. Họ sẽ không cho tôi đi". Tuy nhiên chỉ vài phút sau hai mắt anh ta đã hết bỏng và anh này đã có thể nhìn trở lại. Nhưng anh tin chắc rằng mình là nhân vật duy nhất thuộc sư đoàn 101 nhảy dù xuống Hà Lan không có lấy một sợi lông mày nào.

Thượng sĩ nhất Daniel Zapalski, 24 tuổi, thuộc trung đoàn 502 "lo tóat mồ hôi về cú nhảy sắp tới; hy vọng rằng chiếc dù được gấp đúng cách, hy vọng rằng nền đất sẽ mềm; và hy vọng rằng tôi sẽ không mắc vào một cái cây nào đó". Anh háo hức muốn lên đường. Cho dù vẫn chưa hoàn toàn bình phục vết thương chân ở Normandy, Zapalski tin rằng vết thương của anh "không nghiêm trọng đến mức khiến tôi không thể hoàn thành được trách nhiệm của mình". Tư lệnh tiểu đoàn của anh, viên trung tá rất được mến mộ Robert G.Cole, không nghĩ như vậy. Ông này đã không chấp nhận yêu cầu của Zapalski. Không nản chí, Zapalski đã qua mặt Cole và nhận được giấy chứng nhận của bác sĩ quân y trung đoàn xác nhận anh có đủ khả năng chiến đấu.

Đại uý Raymond S.Hall, linh mục tuyên uý của trung đoàn 502, cũng có một khó khăn gần tương tự. Ông này « rất nóng lòng muốn quay trở lại chiến đấu và có mặt bên cạnh người của mình ». Nhưng ông cũng đã bị thương ở Normandy. Lần này các bác sĩ không cho ông nhảy dù nữa. Cuối cùng ông được thông báo ông sẽ đi trên tàu lượn. Vị tuyên uý phát hoảng trước tin này. Là một lính dù kỳ cựu, ông coi tàu lượn là một phương tiện rất không an toàn.

Nỗi sợ bị giết hay không hoàn thành nhiệm vụ cũng ám ảnh nhiều người khác. Đại uý LeGrand Johnson, một đại đội trưởng 22 tuổi, nhớ lại « cú hút chết kinh hoàng » trong cuộc đổ bộ đêm của sư đoàn 101 tại Normandy, đã hoàn toàn « buông xuôi ». Anh này tin chắc rằng lần tới anh ta sẽ không thể sống sót quay trở về. Tuy vậy, viên sĩ quan trẻ « quyết định sẽ đánh một trận ra trò ». Johnson cũng không chắc anh có hứng thú với ý tưởng nhảy dù ban ngày hay không. Có thể nó sẽ làm tăng tổn thất. Mặt khác, lần này « chúng tôi sẽ có thể nhìn thấy kẻ thù ». Để dấu sự bồn chồn của mình, Johnson cá cược với đồng đội xem ai sẽ là người đầu tiên được nếm bia Hà Lan. Một trong những thượng sĩ dưới quyền Johnson, Charles Dohun, gần như « đờ đẫn » vì lo lắng. Anh ta « không biết so sánh vụ nhảy dù ban ngày này với chiến dịch Normandy ra sao, cũng không rõ điều gì sẽ xảy ra. » Chỉ 48 giờ sau, quên hết sự lo lắng của mình, Dohun sẽ anh dũng cứu sống viên đại uý Johnson bi quan.

Thượng sĩ kỹ thuật Marshall Copas, 22 tuổi, có lẽ còn có nhiều lý do hơn để lo lắng. Anh là một trong những « người dò đường » sẽ phải nhảy dù đầu tiên để đánh dầu các bãi đổ quân cho sư đoàn 101. Trong lần đổ bộ ở Normandy, Copas nhớ lại, « chúng tôi có 45 phút trước khi lực lượng chính bắt đầu đổ bộ - lần này chúng tôi chỉ có 20 phút ». Copas và người bạn, thượng sĩ John Rudolph Brandt, 29 tuổi, có chung ý nghĩ : cả hai đều cảm thấy dễ chịu hơn « nếu phía dưới chúng tôi là đạo quân số 3 của tướng Patton chứ không phải là người Anh. Chúng tôi trước đây chưa bao giờ chiến đấu cùng đám Tommy ».

Tại khu vực Grantham, binh nhì John Garzia, một cựu binh với 3 lần nhảy tác chiến cùng sư đoàn 82, cảm thấy choáng váng. Với anh ta, Market Garden « hoàn toàn là trò điên rồ ». Anh này nghĩ « Ike đã chạy sang phe bọn Đức ».

Giờ đây khi chiến dịch Market Garden sắp mở màn, trung tá Louis Mendez, chỉ huy tiểu đoàn thuộc trung đoàn 508 sư đoàn 82, không ngần ngại nói đến một chủ đề đặc biệt. Vẫn còn giữ trong đầu những kỷ niệm cay đắng về kinh nghiệm đổ bộ ban đêm của trung đoàn mình tại Normandy, trung ta Mendez đưa ra một lời cảnh cáo dành cho các phi công sẽ chở tiểu đoàn của mình vào trận ngày hôm sau. « Thưa các vị, » Mendez lạnh lùng nói, « các sĩ quan của tôi đã học thuộc lòng tấm bản đồ Hà lan này cũng nha vị trí các bãi đổ quân, và chúng tôi đã sẵn sàng xung trận. Khi tôi phổ biến kế hoạch cho tiểu đoàn của mình trước trận Normandy, tôi có trong tay tiểu đoàn dù tuyệt nhất đã từng được biết đến. Khi tôi tập hợp họ lại tại Normandy, một nửa đã biến mất. Tôi yêu cầu các vị : thả chúng tôi xuống Hà lan hay âm ty địa ngục nào cũng được, nhưng hãy thả chúng tôi xuống cùng một chỗ ».

Binh nhất John Allen, 24 tuổi, một cựu binh đã ba lần tham chiến và vẫn còn đang trong giai đoạn hồi phục vết thương từ Normandy, tỏ ra triết lý về chiến dịch sắp tới : « Bọn chúng chưa bao giờ bắn trúng tôi trong một cuộc nhảy dù ban đêm, » anh này nghiêm chỉnh nói với đồng đội, « thế thì lần này chúng sẽ có cơ hội nhìn rõ tôi và ngắm bắn một phát ra trò ».Thượng sĩ Russell O’Neal, cũng đã có ba lần tác chiến ban đêm, tin chắc rằng « vận may Ireland của anh ta sắp cạn. » Khi anh ta được biết sư đoàn 82 sẽ phải nhảy dù ban ngày, anh ta đã viết một lá thư không bao giờ gửi đi « Mẹ có thể treo một ngôi sao vàng lên cửa sổ tối nay, mẹ của con. Bọn Đức có cơ hội tuyệt vời để bắn hạ bọn con trước khi bọn con kịp chạm đất ». Để làm cho không khí vui vẻ hơn – cho dù khi làm vậy rất có thể anh ta đã làm mọi sự tệ đi – binh nhì Philip H.Nadler thuộc trung đoàn 504 tung ra vài tin đồn. Tin đồn anh ta tâm đắc nhất là câu chuyện về một trại lính SS lớn của Đức đóng đúng tại một trong những khu đổ quân của sư đoàn 82.

Nadler đã không cảm thấy quá ấn tượng về buổi phổ biến kế hoạch ở trung đội. Một trong những mục tiêu của trung đoàn 504 là cây cầu tại Grave. Tập hợp binh lính quanh mình, viên trung úy phổ biến kế hoạch kéo tấm phủ bàn cát mô hình và nói, « Các vị, đây là đích đến của các vị ». Viên trung uý đưa que chỉ thằng vào mô hình cây cầu chỉ mang một từ duy nhất « Grave » (Ngôi mộ). Nadler là người đầu tiên đưa ra bình luận. « Thưa trung uý, cái này thì chúng tôi biết, » anh ta nói, « nhưng chúng tôi sẽ nhảy xuống nước nào vậy ? »

Thiếu tá Edward Wellems, thuộc tiểu đoàn 2 trung đoàn 504, nghĩ rằng tên cây cầu này thật là gở, bất chấp việc viên sĩ quan phổ biến kế hoạch cho đơn vị của ông ta đã đột ngột thay đổi cách phát âm, và gọi cây cầu đó là « gravey bridge ».

(còn tiếp)

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-8-2013 07:18 AM
Chương 11

Buổi phổ biến kế hoạch gây ra những tâm trạng khác nhau. Viên hạ sĩ 19 tuổi Jack Bommer nghĩ "chỉ sáu hay tám tuần nữa chúng tôi sẽ có mặt ở nhà và sau đó người ta sẽ gửi chúng tôi tới Thái Bình Dương". Binh nhì Leo Hart, 21 tuổi, không tin rằng họ sẽ xung trận. Anh này đã hóng được - rất có thể từ kết quả tin đồn của binh nhì Nadler - rằng có chừng 4000 lính SS có mặt tại khu đổ quân chính.

Thiếu tá Edwin Bedell, 38 tuổi, nhớ lại rằng sự bận tâm duy nhất của một binh nhì là sự an toàn của một con thỏ mà anh ta thắng cuộc tại một hội thi ở một làng trong vùng. Anh binh nhì này rất lo cho con vật của mình, đã luôn đi theo anh ta đi mọi nơi, sẽ không thể sống sót được cuộc nhảy dù, mà nếu có thoát được cũng sẽ rất có nguy cơ kết thúc trong một cái nồi nào đó.

Gần sân bay Spanhoe ở vùng Grantham, trung uý “Pat” Glover thuộc lữ đoàn dù số 4 sư đoàn đổ bộ số 1 của Anh cũng lo lắng cho Myrtle, một cô gà lông nâu đỏ đã là con vật cưng của Glover từ đầu mùa hè. Với chiếc dù buộc vào một băng chun quanh cổ, Myrtle « cô gà từ trên trời rơi xuống » đã tập nhảy dù 6 lần. Đầu tiên cô gà này được cho vào một túi bạt buộc vào vai trái của Glover. Sau đó, anh này thả cô gà ra ở độ cao 50 bộ. Giờ thì Myrthe đã là một cựu binh, và Glover có thể thả nó ra ở độ cao 300 bộ. Vừa vỗ cánh phành phạch vừa kêu ầm ĩ, Myrthe chuệnh choạng hạ cánh. Sau khi chạm đất, Glover nhớ lại, « con vật khá hiền lành này ngoan ngoãn chờ trên mặt đất cho tới khi tôi xuống tới nơi và đến lượm nó ». Myrthe cô gà bay sẽ tới Arnhem. Đó là lần nhảy tác chiến đầu tiên của cô gà mái. Nhưng Glover không có ý định thử may rủi. Anh dự định sẽ để yên Myrthe trong túi cho tới khi anh đã đặt chân xuống đất Hà Lan.

Hạ sĩ Sydney Nunn, 23 tuổi, thuộc lữ đoàn đổ bộ số 1, đóng quân gần Keevil, cảm thấy khoan khoái được lên đường. Anh này cho rằng doanh trại quả là « cơn ác mộng ». Nunn sẵn sàng tới Arnhem hay bất cứ đâu cũng được, miễn là đủ xa để thoát khỏi đám rệp cứ luôn rúc sâu vào đệm của anh.

Với binh lính của sư đoàn đổ bộ Anh số 1, lúc này đang đợi lệnh trong các căn cứ nằm rải từ Midland xuống phía nam tới tận Dorsetshire, tâm trạng chung là cảm giác nhẹ nhõm vì cuối cùng họ cũng sắp được ra trận. Bên cạnh đó, các sĩ quan phổ biến kế hoạch nhấn mạnh rằng Market Garden có thể giúp rút ngắn chiến tranh. Với người Anh, chiến đấu liên tục từ năm 1939, tin này thật có ý nghĩa. Thượng sĩ Ron Kent, thuộc đại đội dù độc lập số 21, nghe nói rằng « thành công của chiến dịch có thể khiến chúng ta chiếm được Berlin » và lực lượng mặt đất của đối phương tại Arnhem « chủ yếu là đám Thanh niên Hitler trẻ ranh và những người già đi xe đạp ». Thượng sĩ Walter Inglis, thuộc lữ đoàn dù số 1, cũng đầy tin tưởng như vậy. Anh này nghĩ rằng cuộc tấn công sẽ « rất ngon lành ». Tất cả những gì đám Quỷ Đỏ phải làm là « bám lấy cây cầu Arnhem trong 48 giờ cho đến khi xe tăng của quân đoàn 30 tới ; sau đó chiến tranh coi như kết thúc ». Inglis hy vọng sẽ được về nhà ở Anh sau một tuần. Hạ sĩ Gordon Spicer, cũng thuộc lữ đoàn dù số 1, tự tin coi chiến dịch « là một cuộc chơi khá dễ dàng với một đám quân Đức rệu rã đang khiếp sợ thụt lùi khi thấy chúng tôi xuất hiện » ; trong khi đó Percy Parkes, thuộc lữ đoàn đổ bộ số 1, sau cuộc phổ biến kế hoạch, cảm thấy « tất cả những gì chúng tôi phải đối đầu tại Arnhem là một đám đầu bếp và chân cạo giấy người Đức ». Sự có mặt của thiết giáp đối phương, Parkes thuật lại, chỉ « được nói thoáng qua, và chúng tôi được bảo rằng yểm trợ không quân sẽ mạnh đến mức làm tối đen cả bầu trời trên đầu chúng tôi ». Y tá Geoffrey Stanners cũng tự tin tới mức chỉ chờ đợi « một hai tiểu đoàn lính thu dung » và hiệu thính viên Victor Read thì « chờ đợi sẽ gặp đám WAAF của Đức », anh nghĩ, « sẽ là những kẻ duy nhất phòng thủ Arnhem ».

Một số người có thể danh chính ngôn thuận ở lại nhà cũng hăng hái muốn ra trận. Thượng sĩ Alfred Roullier, thuộc lữ đoàn pháo đổ bộ số 1, là một trong số đó. Người lính 31 tuổi này phát hiện ra anh không được tham gia chiến dịch Arnhem. Cho dù Roullier được huấn luyện làm pháo thủ, nhưng lúc này anh đang làm cấp dưỡng tại sở chỉ huy tiểu đoàn. Vì tài nấu nướng của mình, xem ra rất có thể anh sẽ phải làm việc đó cho đến hết chiến tranh. Đã hai lần, Alf Roullier yêu cầu thượng sĩ nhất John Siely được tham gia vào cuộc tấn công, nhưng lần nào cũng bị từ chối. Đến lần thứ 3, Alf nhấn mạnh trường hợp của mình. « Tôi biết chiến dịch này có thể rút ngắn chiến tranh, » anh nói với Siely. « Tôi có một vợ và hai con, nhưng nếu cuộc tấn công này có thể giúp tôi chóng trở về nhà hơn và đảm bảo cho họ một tương lai tốt đẹp hơn, thì tôi muốn được ra trận ». Siely sử dụng một số quan hệ của mình. Tên của Alf Roullier được thêm vào danh sách những người sẽ đổ bộ xuống Arnhem – nơi mà trong tuần tiếp theo, viên thượng sĩ cấp dưỡng sẽ trở thành một huyền thoại.

Trong bầu không khí phấn khích trước giờ khai hoả của Market Garden, cũng có những nghi ngờ trong một số sĩ quan và binh lính tham chiến. Họ băn khoăn vì nhiều lý do khác nhau, cho dù hầu hết đều thận trọng không để lộ cảm giác của mình. Hạ sĩ Daniel Morgans, thuộc lữ đoàn dù số 1, coi « Market Garden là một chiến dịch tự sát». Việc « đổ bộ cách mục tiêu đến 6 -7 dặm rồi lại phải đánh xuyên qua cả một thành phố để tới được nó, đúng là mua dây buộc mình ». Thượng sĩ nhất J.C.Lord, người đã trải qua cả cuộc đời trong quân ngũ, cũng nghĩ như vậy. « Kế hoạch có vẻ trông chờ quá nhiều vào may rủi, » anh linh cảm. Và Lord cũng không mấy tin tưởng câu chuyện về một kẻ thù đã kiệt sức và yếu đuối. Anh biết « người Đức không phải là đổ ngốc và là những chiến binh tuyệt vời ». Tuy thế, J.C.Lord, người mà tư cách khiến cả đám cựu binh cũng phải vì nể (gần như vô thức, một số người đã gọi anh này sau lưng là « Jesus Christ »), đã không để lộ sự áy náy của mình, vì « làm thế sẽ là thật tai hại cho tinh thần mọi người ».

Đại uý Eric Mackay, chỉ huy đơn vị công binh mà một trong những nhiệm vụ được giao là tiếp cận nhanh cây cầu chính ở Arnhem và tháo gỡ thuốc nổ của quân Đức gài nếu có, nghi ngờ cả chiến dịch. Anh này nghĩ sư đoàn của mình «nếu đổ xuống cách mục tiêu 8 dặm thì cũng chẳng khác gì đổ xuống cách đó 100 dặm ». Lợi thế bất ngờ và « một cú đánh mạnh chớp nhoáng » hiển nhiên sẽ bị mất. Mackay âm thầm yêu cầu người của mình phải tăng gấp đôi cơ số đạn và lựu đạn mang theo, đồng thời đích thân hướng dẫn từng người lính dưới quyền các kỹ thuật thoát hiểm.

Thiếu tá Anthony Deane-Drummond, 27 tuổi, chỉ huy phó thông tin của sư đoàn đổ bộ số 1, đặc biệt lo lắng về phương tiện liên lạc của mình. Bên cạnh các máy chỉ huy chính, anh rất lo về những máy phát nhỏ cỡ « 22 » dự kiến sẽ được dùng giữa Urquhart và các lữ đoàn trong quá trình tấn công Arnhem. Những máy « 22 » hoạt động thu phát tốt nhất trong đường kính 3 đến 5 dặm. Với các khu đổ bộ cách mục tiếu 7 đến 8 dặm, hoạt động có thể sẽ trục trặc. Tệ hơn nữa, những máy này cũng cần liên lạc được với sở chỉ huy quân đoàn của tướng Browning, dự định đặt ở Nijmegen, cách các khu đổ quân chừng 15 dặm về phía nam. Thêm vào những trở ngại này còn có địa hình. Giữa cây cầu chính ở Arnhem và khu đổ bộ là cả thành phố, rồi những khu có rừng rậm bao phủ, và những khu ngoại ô đông dân cư.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-8-2013 07:20 AM
Chương 12

Mặt khác, một đơn vị liên lạc độc lập, được đặt tên là « Phantom »- đơn vị này được tổ chức để thu thập và thông báo các dự đoán tình báo và các báo cáo cập nhật tình hình cho từng tư lệnh chiến trường, trong trường hợp này là tướng Browning của quân đoàn đổ bộ - lại không hề lo ngại về tầm hoạt động của các máy « 22 » họ được trang bị. Viên trung uý 25 tuổi Neville Hay, phụ trách đội ngũ được huấn luyện kỹ càng của Phantom, thậm chí còn cảm thấy « hơi coi thường lực lượng thông tin hoàng gia », những người mà đơn vị của anh này ái ngại coi là « những người anh em họ tội nghiệp ». Bằng việc sử dụng một loại ăng ten đặc biệt, Hay và các hiệu thính viên của mình có thể thực hiện việc truyền tin ở cự ly xa đến trên 100 dặm với một chiếc « 22 ».

Bất chấp thành công của Hay và mặc dù có nhiều hình thức liên lạc khác có thể được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, Deane – Đrummon vẫn thấy bất an. Anh trao đổi lại với cấp trên của mình, trung tá Tom Stephenson, rằng « khả năng các máy này hoạt động ở mức chấp nhận được trong giai đoạn đầu của chiến dịch là rất đáng ngờ ». Stephenson cũng tán đồng. Thế nhưng, điều này cũng khó gây ra rắc rối. Trong một cuộc tấn công bất ngờ, theo dự kiến lực lượng tấn công sẽ tới cầu Arnhem rất nhanh. Vì vậy, người ta tin rằng các đơn vị sẽ không bị gián đoạn liên lạc với sở chỉ huy lâu hơn 1 hay 2 giờ, vì đến khoảng thời gian này, Deane-Drummond được nghe nói, « mọi chuyện sẽ đã đâu vào đấy và sở chỉ huy của Urquhart lúc đó đã ở ngay trên cầu cùng với lữ dù số 1 ». Cho dù không hoàn toàn an tâm, Deane – Drummond nhớ lại rằng « cũng như hầu hết mọi người khác, tôi cũng bị cuốn theo suy nghĩ chung : « Đừng có bi quan thế ; và vì Chúa đừng có đi ném đá xuống thuyền, hãy làm theo kế hoạch tấn công ».

Giờ thì tiếng nói quyết định cuối cùng không còn thuộc về con người nữa mà là của thời tiết. Từ tổng hành dinh trở xuống, các sĩ quan cao cấp theo dõi sát sao các bản tin thời tiết. Chỉ có chưa đến 7 ngày chuẩn bị để kịp với thời hạn của Montgomery, Market Garden đã sẵn sàng hơn bao giờ hết, thế nhưng một bản dự báo về ít nhất ba ngày trời quang mây tạnh liên tục là tối cần thiết. Vào tối ngày 16/9, các chuyên gia khí tượng đưa ra báo cáo : ngoại trừ một chút sương mù vào sáng sớm, thời tiết sẽ đẹp trong 3 ngày sau đó, ít mây và hoàn toàn không có gió. Tại sở chỉ huy đạo quân đổ bộ đường không số 1, trung tướng Brereton nhanh chóng ra quyết định. Một bức điện mật được mã hoá gửi tới các chỉ huy dưới quyền ông vào lúc 7 giờ 45 tối viết, « Xác nhận Market Chủ nhật 17. » Trong nhật ký của mình, Brereton ghi lại, « Cuối cùng chúng tôi cũng bước vào hành động ». Ông nghĩ tối hôm đó ông có thể ngủ ngon giấc, vì như ông nói với ban tham mưu, « Giờ đây khi tôi đã ra quyết định, tôi đã thoát khỏi trạng thái lo âu thường trực ».

Tại những nhà chờ chật ních, trong những rừng lều trại và nhà tạm, những binh lính đang chờ đợi cũng được thông báo. Trên tấm gương lớn đặt trên lò sưởi ở nhà ăn hạ sĩ quan của đơn vị thông tin thuộc sư đoàn đổ bộ đường không Anh số 1 đóng gần Grantham, ai đó đã viết lên bằng phấn « lên đường sau 14 giờ nữa... không huỷ bỏ gì nữa ». Thượng sĩ Horace « Hocker » Spivey nhận xét rằng, cứ mỗi giờ qua đi, con số lại được viết lại bằng phấn. Với Spivey, đã quá mệt mỏi với việc phải dự những buổi phổ biến những kế hoạch chẳng bao giờ được thực hiện, những con số giảm dần trên tấm gương là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy lần này « chúng tôi chắc chắn sẽ xuất trận ».

Tại tất cả các căn cứ xuất phát, binh sĩ của đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh thực hiện những việc chuẩn bị cuối cùng. Họ đã được phổ biến đầy đủ về kế hoạch, vũ khí được kiểm tra, còn tiền mang theo đã được đổi sang đồng guilder của Hà Lan, và lúc này những người lính đang bị cấm trại hầu như chẳng còn gì để làm ngoài chờ đợi. Một số dùng thời gian vào việc viết thư, «kỷ niệm » cuộc lên đường sáng hôm sau, đóng gói quân trang cá nhân, ngủ hay tham gia vào đủ thứ bài bạc từ blackjack, poker cho đến bài bridge. Thượng sĩ Francis Moncur, 22 tuổi, thuộc tiểu đoàn 2 lữ đoàn dù số 1, chơi blackjack hết giờ này đến giờ khác. Và trong sự ngạc nhiên của chính mình, anh ta thắng liên tục. Nhìn lại xấp guilder cứ cao dần lên trước mặt mình, Moncur cảm thấy như mình đã thành triệu phú. Anh này định bụng sẽ « vui chơi tưng bừng một trận ở Arnhem sau trận đánh », mà theo anh ta sẽ chỉ « kéo dài 48 giờ ». Chừng đó cũng đủ để anh trả món nợ với bọn Đức. 72 giờ trước đó, em trai của Moncur, một thượng sĩ 17 tuổi của RAF, đã hy sinh khi định nhảy dù khỏi chiếc máy bay ném bom bị trúng đạn từ độ cao 200 bộ. Chiếc dù của cậu thanh niên đã không mở hoàn toàn.

Ở phía nam Grantham tại một doanh trại ở Cottesmore, thượng sĩ « Joe » Sunley thuộc lữ đoàn dù số 4 đang đi tuần, để đảm bảo « không có tay lính dù nào lỉnh khỏi căn cứ mò vào làng ». Trở về trại, Sunley bắt gặp thượng sĩ « Ginger » Green, một huấn luyện viên thể lực và là « một chàng khổng lồ hiền lành » đang tung một quả bóng đá lên không. Green bắt lấy quả bóng và ném cho Sunley. « Cậu định làm cái quái gì với của nợ này thế ? » Sunley hỏi ; Ginger giải thích rằng anh định mang quả bóng tới Arnhem, « như thế chúng mình có thể chơi một trận ở khu đổ quân sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ ».

Tại Manson, Kent, thượng sĩ George Baylis thuộc trung đoàn phi công tàu lượn cũng trông đợi có cơ hội xả hơi. Anh này nghe nói người Hà Lan rất thích nhảy ; thế là George cẩn thận gói ghém mang theo đôi giày nhảy của mình. Hiệu thính viên Stanley G.Copley của lữ đoàn dù số 1 mang theo một cuộn phim dự trữ cho chiếc máy ảnh của mình. Vì xem ra sẽ không gặp nhiều chống cự của quân địch nên anh này nghĩ cuộc tấn công « sẽ là một dịp tuyệt hảo để chụp lấy vài kiểu về cảnh đồng quê và thành phố Hà Lan ».

Một người mang theo món quà anh mang tới London vài ngày trước. Khi Hà Lan bị chiếm đóng, trung tá hải quân 32 tuổi Arnoldus Wolters của hải quân Hà Lan đã trốn thoát trên chiếc tàu quét mìn của mình và chạy sang Anh. Từ đó, anh đã gắn bó với chính phủ Hà Lan lưu vong, giữ nhiều công việc văn phòng liên quan đến tình báo và thông tin. Trước đó vài ngày, Wolters được yêu cầu trở lại Hà Lan với tư cách thành viên của phái đoàn đại diện cho chính quyền quân quản và phụ trách các vấn đề dân sự được phối thuộc vào sở chỉ huy của tướng Urquhart. Theo dự kiến Wolters sẽ là phái viên quân sự tại vùng lãnh thổ Hà Lan được lực lượng đổ bộ giải phóng. "Đó là một đề nghị thật bất ngờ - chuyển từ một ghế bàn giấy lên một chiếc tàu lượn", anh nhớ lại. Viên trung tá được điều về đơn vị dưới quyền chỉ huy của đại tá Hilary Barlow, tư lệnh phó lữ đoàn đổ bộ số 1, người đã được dự kiến giữ chức tư lệnh thành phố tại Arnhem sau khi giải phóng được thành phố này. Wolters sẽ là trợ lý cho ông này. Lúc này, phấn khích trước viễn cảnh được trở về Hà Lan, Wolters"bị lây tâm trạng lạc quan, và tôi tin vào tất cả những gì tôi được nghe. Tôi thực sự không nghĩ rằng chiến dịch sẽ quá khó khăn. Xem ra cuộc chiến có thể coi như đã chấm dứt và cuộc tấn công sẽ rất dễ dàng. Tôi hy vọng sẽ đổ bộ vào chủ nhật và có mặt ở nhà với vợ và con tôi tại Hilversum vào thứ ba". Dành cho Maria, vợ mình, Wolters đã mua một chiếc đồng hồ đeo tay làm quà, còn cho đứa con gái, mà lần cuối cùng anh được ngắm nhìn khi còn bé từ bốn năm về trước, anh mang theo một chú gấu bông to. Anh hy vọng sẽ không ai phản đối việc anh mang nó lên tàu lượn.

Trung tá John Frost, 31 tuổi, người sẽ chỉ huy tiểu đoàn có nhiệm vụ đánh chiếm cầu Arnhem, mang theo cả còi kèn săn cáo bằng đồng của mình bên cạnh đồ quân phục. Đây là món quà từ các thành viên của Royal Exodus Hunt, mà ông đã làm hội trưởng thời kỳ 1939 - 1940. Trong thời kỳ huấn luyện, Frost đã sử dụng cây còi để tập hợp đơn vị. Ông định cũng làm vậy trong chiến dịch sắp tới. Frost không thích thú lắm với cuộc nhảy dù ban ngày, Từ những thông tin trong buổi phổ biến kế hoạch, "chúng tôi được làm cho có cảm giác rằng bọn Đức đã suy yếu và rệu rã và lực lượng Đức ở khu tác chiến hiển nhiên là loại bạc nhược và trang bị tồi". Frost băn khoăn về những khu đổ bộ. Ông đã được phổ biến rằng "những khu vực phía nam cầu không thích hợp cho lính nhảy dù và tàu lượn". Vậy thì tại sao, ông tự hỏi, lực lượng Ba Lan lại phải đổ xuống phía nam cầu "nếu vùng đó đã không thích hợp như vậy?"

Cho dù ông nóng lòng muốn xung trận, Frost "không thích phải tới Hà Lan". Ông thầm hy vọng đến phút cuối cùng sẽ lại có hoãn hay hủy bỏ kế hoạch. Viên trung tá đã trở nên ưa thích vùng Stoke Rochford ở Lincolnshire và thầm ước "có thêm một hay hai ngày để làm những điều thú vị mà tôi đã từng làm trong quá khứ". Thế nhưng bên cạnh đó cũng có những ý nghĩ khác, 'nói với tôi rằng chúng tôi đã ở đây quá lâu rồi và đã đến lúc lên đường". Frost ngủ ngon lành đêm 16/9. Cho dù ông không lạc quan đến mức cho rằng trận đánh tại Arnhem sẽ "chỉ là một cuộc dạo chơi", ông cũng đã lệnh cho Wick, người cần vụ của mình, đóng gói súng săn, đạn, bộ gậy đánh golf và đồ dạ tiệc của ông lên chiếc xe jeep của sở chỉ huy sẽ đi sau đơn vị.

Trên tấm gương treo phía trên lò sưởi tại nhà ăn hạ sĩ quan, lúc này đã trống trơn, vẫn còn một ghi chú nguệch ngoạc cuối cùng được viết lên trước khi mọi người trở nên quá bận rộn để có tâm trí làm tiếp việc này. Dòng chữ này viết " 2 giờ trước khi lên đường ... không có hủy bỏ".

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-8-2013 04:33 PM
Phần II
Chương 1
Cuộc tấn công

Tiếng gầm rít của những đội hình máy bay khổng lồ vang lên tưởng rách màng nhĩ. Xung quanh các căn cứ tàu lượn của quân Anh tại Oxfordshire và Gloucestershire, ngựa và gia súc phát hoảng chạy lồng lên trên đồng. Ở vùng nam và đông Anh, hàng ngàn người ngỡ ngàng theo dõi. Tại một số làng và thành phố, đường xá đông nghịt, giao thông tắc nghẽn hoàn toàn. Những hành khách trên các chuyến tàu hỏa chen nhau ngó qua khung cửa sổ toa. Khắp nơi mọi người há hốc mồm ngỡ ngàng trước một cảnh tượng chưa ai từng được chứng kiến trước đó. Lực lượng đổ bộ đường không lớn nhất trong lịch sử đang rời mặt đất hướng tới mục tiêu.

Một cách tình cờ, vào buổi sáng chủ nhật đẹp trời 17/9/1944, khắp nơi trên nước Anh diễn ra lễ cầu nguyện đặc biệt để tưởng nhớ "những người can trường ít ỏi", những phi công RAF đã dũng cảm thách thức Luftwaffe của Hitler 4 năm trước và khiến chúng phải chùn bước. Trong khi những người tham dự đang quỳ xuống cầu nguyện, tiếng cánh quạt động cơ vang lên không dứt đã hoàn toàn che lấp đi tiếng cầu kinh ở nhiều nơi. Tại nhà thờ lớn Westminster ở London, không ai nghe thấy tiếng đàn organ trầm hùng phát lên bản Magnificat. Từng nhóm người lần lượt rời bục cầu nguyện ra nhập vào đám đông đã tụ tập lại trên các đường phố. Tại đó, người London ngửa mặt nhìn lên trời, hoàn toàn choáng ngợp trước cảnh hết phi đội này đến phi đội khác bay qua đầu họ ở độ cao thấp. Ở phía bắc London, một ban nhạc nhà thờ đã chào thua bỏ cuộc trước tiếng động, nhưng một người đánh trống, mắt nhìn như dán lên trời, gõ những tiếng trống đầy ý nghĩa: ba ngắn một dài - theo mã Morse là chữ V tượng trưng cho Victory (chiến thắng).

Với những người đang nhìn lên trời, bản chất của cuộc tấn công được bộc lộ hoàn toàn qua những đoàn dài máy bay kéo tàu lượn. Nhưng phải đến hơn 6 giờ sau người Anh mới chính thức được biết họ đã được chứng kiến pha mở màn của cuộc tấn công đổ bộ đường không quy mô lớn nhất đã từng được thực hiện. Một nhân viên Chữ thập đỏ, Angela Hawkings, có lẽ đã thuật lại chính xác nhất phản ứng của những người đã nhìn thấy không đoàn khổng lồ đó bay qua. Từ cửa sổ một toa tàu, cô nhìn lên trời, kinh ngạc, trong lúc hết đợt này đến đợt khác máy bay bay qua "như một trận mưa sao chổi vậy". Cô cũng tin tưởng rằng "cuộc tấn công này, cho dù hướng vào đâu, hẳn sẽ chấm dứt chiến tranh".

Binh lính của đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh cũng bất ngờ chẳng kém gì dân chúng về cảnh tượng hùng vĩ của cuộc xuất phát của chính họ. Lính nhảy dù, lính đổ bộ bằng tàu lượn và các phi công lên đường bay tới Hà Lan choáng ngợp trước quy mô và sự vĩ đại của lực lượng máy bay. Đại úy Arie D.Bestebreurtje, một sĩ quan Hà lan phối thuộc sư đoàn 82, nghĩ rằng cảnh tượng đó là "không thể tin nổi. Có lẽ tất cả máy bay mà Đồng minh có đều tham gia vào chiến dịch này". Trên thực tế, khoảng 4700 máy bay đã được huy động - số lượng lớn nhất đã từng được dùng cho một cuộc đổ quân duy nhất.

Chiến dịch đã bắt đầu lúc rạng sáng và tiếp tục trong suốt buổi sáng. Đầu tiên, hơn 1400 máy bay ném bom Đồng minh cất cánh từ các sân bay ở Anh oanh tạc các trận địa phòng không Đức và các khu tập trung lực lượng địch tại khu quyết chiến của Market Garden. Sau đó, vào lúc 9 giờ 45 phút và kéo dài trong suốt 2 giờ 15 phút nữa, 2023 máy bay chở lính, tàu lượn và máy bay kéo chúng phủ kín bầu trời sau khi cất cánh lên tử 24 căn cứ của Anh và Mỹ. Máy bay C47 chở lính dù bay thành đội hình 45 chiếc. Một số C47 khác cùng các máy bay ném bom của Anh - những chiếc Halifax, Stirling và Albermarle - kéo theo 478 tàu lượn. Trong đoàn lữ hành trên không tưởng chừng dài vô tận này, những chiễc tàu lượn chở lính và khí tài nặng được kéo theo sau máy bay bằng những sợi cáp dài 300 bộ. Xen giữa những chiếc Horsa và Waco nhỏ hơn là những chiếc Hamilcar to lớn, mỗi chiếc có thể chứa được 8 tấn hàng; chúng có thể mang được 1 xe tăng hạng nhẹ hay 2 xe tải 3 tấn cùng pháo binh hay đạn. Bay phía trên, phía dưới và hai bên sườn để bảo vệ đoàn lữ hành này là gần 1500 máy bay tiêm kích và máy bay khu trục đồng minh - những chiếc Spitfire, những chiếc phóng pháo Typhoonm Tempest và Mosquito của Anh; những chiếc Thunderboltm Lightning, Mustang của Mỹ và máy bay ném bom bổ nhào ở độ cao thấp.

Có nhiều máy bay trên không đến mức đại úy Neil Sweeney thuộc sư đoàn không vận 101 nhớ lại “dường như chúng tôi có thể bước chuyền lên các cánh máy bay để tiến thẳng tới Hà Lan”.

Lực lượng đổ bộ bằng tàu lượn của Anh là những người đầu tiên cất cánh. Ở xa hơn về phía bắc trong hành lang của Market Garden so với lực lượng Mỹ và với những yêu cầu tác chiến khác biệt, tướng Urquhart cần tối đa người, khí tài và pháo binh - nhất là súng chống tăng – trong đợt đổ bộ đầu tiên, để đánh chiếm và giữ vững các mục tiêu của mình trước khi lực lượng mặt đất kịp đến hội quân. Do đó, phần lớn sư đoàn của ông được chuyển đi bằng tàu lượn; 320 chiếc tàu lượn chở binh lính, khí tài cho lữ đoàn đổ bộ đường không số 1 của thượng tá Philip “Pips” Hicks. Chúng dự kiến sẽ đáp xuống các bãi đổ quân ở phía tây Arnhem vào lúc gần 1 giờ chiều. Nửa tiếng sau đó, lữ đoàn nhảy dù số 1 của thượng tá Gerald Lathbury, đi trên 145 máy bay chở quân, sẽ bắt đầu nhảy dù. Vì các tàu lượn và máy bay kéo phải bay chậm hơn – 120 dặm/giờ so với 140 của máy bay chở lính dù- đoàn lữ hành khổng lồ trên trời này cần phải được cất cánh trước tiên. Từ 8 căn cứ ở Gloucestershire và Oxfordshire, tàu lượn và máy bay kéo chạy theo đường băng và cất cánh với cường độ chưa từng được thử trước đó: một cuộc cất cánh trong mỗi phút. Việc tập hợp đội hình trên không đặc biệt khó khăn và nguy hiểm. Từ từ tăng độ cao, các máy bay hướng về phía tay tới eo biển Anh. Sau đó, đồng nhất tốc độ, máy bay kéo và tàu lượn rẽ phải theo từng cặp, quay trở lại, bay qua căn cứ xuất phát hướng tới các điểm tập hợp nằm trên không phận thành phố Hatfield ở phía bắc London.

Trong khi những tốp tàu lượn đầu tiên của lực lượng Anh đang tập hợp trên không phận eo biển Anh, 12 máy bay ném bom Stirling của Anh và 6 chiếc C47 của Mỹ bắt đầu cất cánh vào lúc 10 giờ 25 hướng tới Hà Lan. Trên những máy bay này là lực lượng dò đường Anh và Mỹ - những người sẽ tiếp đất đầu tiên để đánh dấu các bãi đổ quân cho lực lượng Market.

Cùng lúc, lực lượng cúa sư đoàn đổ bộ đường không 82 của Mỹ và các đơn vị nhảy dù của sư đoàn đổ bộ đường không số 1 của Anh cũng rời căn cứ ở Grantham, Lincolnshire trên 625 máy bay chở quân và 50 tàu lượn được những chiếc C47 kéo. Với sự chính xác đến kinh ngạc, các máy bay của không đoàn vận tải số 9 rời mặt đất chiếc nọ cách chiếc kia từ 5 đến 20 giây. Hết tốp này đến tốp khác, chúng tập hợp lại trên không phận March, Cambridgeshire, và từ nơi này chia thành ba hàng song song bay cắt qua bờ biển tại Aldeburgh.

Vào đúng lúc đó, từ các sân bay ở phía nam nằm quanh Greenham Common, sư đoàn 101 cất cánh trên 424 chiếc C47, cộng thêm 70 tàu lượn và máy bay kéo. Tập hợp lại, lực lượng này đi qua điểm kiểm soát không lưu tại Hatfield và bay về phía đông cắt qua bờ biển tại vịnh Bradwell.

Tạo thành từng cột hàng ba, bề rộng đến 10 dặm và dài xấp xỉ 100 dặm, không đoàn khổng lồ bay qua đồng quê nước Anh. Sư đoàn 82 của Mỹ và sư đoàn 1 của Anh, tiến tới Nijmegen và Arnhem, bay theo hành lang phía bắc. Một phi đội đặc biệt gồm 38 chiếc tàu lượn chở bộ tư lệnh quân đoàn của tướng Browning đi cùng với họ. Về phía nam, bay qua vịnh Bradwell, sư đoàn 101 hướng tới các bãi đổ quân của họ ở phía bắc Eindhoven. Tới 11 giờ 55, toàn bộ lực lượng đổ bộ - gồm hơn 20000 người, 511 xe, 330 khẩu pháo và 590 tấn quân cụ -đã rời mặt đất. Trung uý James J.Coyle thuộc sư đoàn 82, nhìn xuống đồng quê nước Anh từ độ cao 1500 bộ, nhìn thấy các nữ tu đang vẫy tay dưới sân một tu viện. Anh này nghĩ “ngày hôm đó thật đẹp và các nữ tu tạo ra một cảnh tượng đẹp như một bức tranh sơn dầu vậy”. Vừa vẫy tay lại, anh vừa tự hỏi “liệu họ có thể biêt chúng tôi là ai và đang đi đâu không.”

Với phần lớn lực lượng đổ bộ, tâm trạng lúc khởi đầu cuộc hành trình, lướt trên không phận nước Anh, đều rất phấn chấn. Theo binh nhì Roy Edward thuộc lữ đoàn nhảy dù số 1, “tất cả đều yên ả như thể đi trên xe bus ra bờ biển vậy”. Binh nhì A.G.Warrender nhớ rằng “đó là một ngày Chủ nhật hoàn hảo, một buổi sáng để đi dạo dọc một con đường quê và làm một vại bia tại quán địa phương”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-8-2013 04:34 PM
Chương 1
(tiếp theo)

Chỉ huy lữ đoàn tàu lượn, đại tá George S.Chatterton, đang cầm lái chiếc tàu lượn chở tướng Browning, mô tả ngày Chủ nhật như là “một ngày rất đẹp trời. Khó có thể tin là chúng tôi đang cất cánh hướng tới một trong những trận đánh lớn nhất trong lịch sử”.

Chatterton thực sự bị ấn tượng trước tuỳ tùng và trang bị của Browning. Đi cùng viên tướng là cần vụ, sĩ quan quân y của bộ tư lệnh, đầu bếp, cũng như chiếc lều và chiếc xe jeep cá nhân của ông. Browning ngồi trên một két bia Worthington rỗng kê giữa viên phi công và phụ lái, và Chatterton nhận thấy ông này “ăn mặc rất chỉnh tề trong bộ đồ trận Barathea, với một chiếc thắt lưng Sam Browne bóng nhoáng, quần là chết li, đôi giày da sáng loàng như gương, một cây can và đôi găng tay màu xám sạch tinh tươm”. Tư lệnh, theo lời kể của Chatterton, “trông rất bảnh, vì ông ta ý thức được mình đã đạt tới một trong những đỉnh cao binh nghiệp của mình. Tâm trạng của ông rất vui vẻ hào hứng”.

Trong một chiếc tàu lượn khác, một người Scotland trầm tính với nhiệm vụ khó khăn nhất của Market Garden đặt trên hai vai, tướng Roy Urquhart của sư đoàn đổ bộ đường không số 1, nghĩ rằng “khó mà không cảm thấy phấn khích khi mà cuối cùng chúng tôi cũng đang trên đường ra trận”. Thế nhưng suy nghĩ của viên tướng rất được lòng thuộc cấp, như mọi khi, đang để cả vào bính lính của ông và nhiệm vụ đang chờ đợi phía trước. Giống như Browning, ông cũng có một toán tuỳ tùng. Lúc này, nhìn dọc theo khoang chiếc tàu lượn Horsa- trên đó có mặt trợ lý Roberts của ông cùng cần vụ Hancock, cha G.A.Pare, linh mục tuyên uý của lữ đoàn tàu lượn, một hiệu thính viên, hai quân cảnh cùng môtô của họ, và chiếc xe jeep của sư trưởng – Urquhart chợt cảm thấy chạnh lòng. Ông nghĩ tới những người lính dù của mình, trĩu người xuống dưới sức nặng của balô, súng đạn đang phải chen chúc trong những chiếc máy bay vận tải hạng nặng. Urquhart chỉ mang theo một chiếc balô nhẹ, hai quả lựu đạn cầm tay, một túi bản đồ và một sổ tay. Ông thấy áy náy trước sự tiện nghi được dành cho mình.

Gần như ngay trước khi cất cánh Urquhart đã được báo cáo lại một quyết định khó khăn. Vài giờ trước khi lên đường, tham mưu trưởng của ông, đại tá Charles Mackenzie, nhận được một cú điện thoại từ một sĩ quan không quân Mỹ cao cấp. Liệu có cần ném bom nhà thương điên tại Wolfheze không? Viên sĩ quan Mỹ, Mackenzie báo cáo lại, “muốn có sự xác nhận của chính Urquhart rằng tại đó có mặt quân Đức chứ không phải bệnh nhân tâm thần; nếu không người Mỹ sẽ không chấp nhận trách nhiệm”. Nhà thương điên này nằm gần điểm tập kết của sư đoàn đến mức nguy hiểm, và ban tham mưu của Urquhart tin rằng quân Đức đang đóng giữ ở đó. Mackenzie đã nhận trách nhiệm. “Vậy thì anh sẽ lấy đầu ra mà đảm bảo,” viên sĩ quan Mỹ trả lời. Urquhart tán đồng hành động của viên tham mưu trưởng của ông. “Tôi muốn được chuẩn bị tốt nhất có thể và làm tất cả vì điều đó”, ông nhớ lại.

Khi Mackenzie chuẩn bị rời sở chỉ huy lên tàu lượn của mình, Urquhart đã kéo ông này ra gặp riêng. “Này, Charles,” ông nói với Mackenzie, “nếu có gì xảy ra với tôi thứ tự nắm quyền thay thế chỉ huy sư đoàn sẽ như sau: đầu tiên là Lathbury, sau đó là Hicks rồi đến Hackett”.Lựa chọn của Urquhart dựa trên kinh nghiệm. “Ai cũng biết Lathbury là phó của tôi,” sau này ông nhớ lại. “Hackett cấp bậc cao hơn Hicks, nhưng lại trẻ hơn nhiều và tôi tin chắc rằng Hicks có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc chỉ huy tác chiến trên mặt đất. Quyết định của tôi không hề do định kiến về khả năng chỉ huy của Hackett”. Có lẽ, Urquhart nhìn nhận lại, đáng ra ông phải thông báo cho từng tư lệnh lữ đoàn về quyết định của mình sớm hơn, nhưng ông “thực sự coi chuyện này hoàn toàn chỉ có tính thủ tục”. Khả năng sư đoàn mất cả Urquhart và Lathbury thật xa vời.

Giờ đây, tất cả quyết định đều đã được đưa ra, Urquhart lơ đãng nhìn “các phi đội tiêm kích lướt qua bên đoàn tàu lượn”. Đây là chuyến bay tác chiến đầu tiên của ông trên tàu lượn và trước khi cất cánh ông đã uống hai viên thuốc chống say. Cổ họng ông khô khốc và nuốt rất khó. Ông cũng ý thức được rằng “Hancock, cần vụ của tôi, đang quan sát tôi, vẻ mặt rất quan tâm. Cũng như những người khác, anh ta đã chuẩn bị tinh thần là tôi sẽ bị say máy bay”. Urquhart không cảm thấy khó chịu. “Chúng tôi đang ở trong cả một đoàn máy bay khổng lồ và tôi bị thu hút cả vào cảnh tượng xung quanh. Chúng tôi đã trong cuộc. Chúng tôi có một kế hoạch tốt. Tôi vẫn ước giá có thể tới được gần cầu hơn, nhưng tôi không quá lo ngại về chuyện này”.

Bất chấp hiệu quả của việc điều vận cho đoàn máy bay khổng lồ, trục trặc xảy ra hầu như ngay lập tức. Ngay trước khi cất cánh, cánh của một tàu lượn đã bị cánh quạt động cơ của một chiếc Stirling chém cụt. Không ai bị thương. Khi chiếc tàu lượn chở trung uý Alan Harvey Cox thuộc lữ đoàn đổ bộ lao lên không trung, nó đã gặp rắc rối. Mây thấp đã cản trở tầm nhìn của phi công khiến anh này không thể lái thẳng hàng với đuôi của máy bay kéo. Chiếc tàu lượn đi theo một hướng, máy bay kéo theo hướng khác, dây kéo có nguy cơ cuốn lấy cánh chiếc tàu lượn và làm nó bị lật. Không thể lái trở lại hướng của máy bay kéo, phi công của chiếc tàu lượn đành vớ lấy cần nhả cán đỏ để tách khỏi máy bay. Chiếc tàu lượn của Cox hạ cánh bình yên xuống một cánh đồng ở Sanford-on-Thames. Một sự kiện lạ lùng hơn xảy ra với chiếc C47 chở binh lính của sư đoàn 82, những người này ngồi đối diện nhau dọc hai bên thành khoang máy bay. Năm phút sau khi cất cánh, hạ sĩ Jack Bommer trông thấy “cửa khoang hành lý nằm ngay phía sau những người đối diện tôi bật mở”. Luồng không khí suýt nữa đã hút tuột những người lính qua khung cửa ra ngoài không trung. Trong lúc tất cả cố tuyệt vọng cự lại, Bommer nhớ lại, “viên phi công đã làm một cú lắc đuôi ngoạn mục và cửa khoang đóng sập lại”.

Hạ sĩ Sydney Nunn, người đã mong mỏi được rời khỏi căn cứ của mình gần Keevil cũng như đám rệp trong đệm đến thế, lúc này cảm thấy thật may mắn khi vẫn còn sống sót. Sau hơn một tiếng đồng hồ bay bình yên vô sự, chiếc tàu lượn chở anh này bay vào vùng mây dày. Chui ra khỏi mây, viên phi công lái tàu lượn phát hiện ra sợi cáp kéo đã bị quấn vào cánh tàu lượn. Nunn nghe thấy viên phi công hét lớn vào bộ đàm liên lạc với máy bay kéo, “Tôi đang gặp rắc rối! Tôi đang gặp rắc rối!”. Sau đó, anh ta tách khỏi máy bay kéo. “Chúng tôi có cảm giác mình đột nhiên đứng sững lại trên không,” Nunn nhớ lại. “Sau đó chiếc tàu lượn chúi mũi xuống và chúng tôi lạng về phía đông với sợi cáp kéo vẫn quấn vào cánh như một chiếc diều đứt dây”. Nunn ngôi yên “cứng người vì kinh hãi”, nghe tiếng gió rít dọc thân tàu lượn, “hy vọng rằng những sợi xích chằng chiếc xe jeep chở trên tàu lượn không bị tung ra”. Sau đó anh này nghe thấy viên phi công cảnh cáo họ “Co chân lên, các chàng trai. Chúng ta tới đất rồi”. Chiếc tàu lượn chạm đất, nảy lên, chạm xuống đất lần nữa, rồi từ tử dừng lại. Trong sự im lặng đột ngột bao trùm xung quanh, Nunn nghe tay phi công hỏi “Các chàng trai, ổn cả chứ?” Tất cả đều ổn, và họ phải quay về Keevil để bay vào đợt đổ quân thứ hai trong ngày 18/9.

Có những người không được may mắn như vậy. Bi kịch đã xảy ra với một chiếc tàu lượn trên không phận Wiltshire. Thượng sĩ RAF Walter Simpson, ngồi trên ụ súng bọc thuỷ tinh hữu cơ của một chiếc máy bay ném bom Stirling, đang quan sát chiếc tàu lượn Horsa được kéo phía sau. Bất thình hình, “chiếc tàu lượn có vẻ như bị tách đôi ra ở phần giữa; như thể phần đuôi đột nhiên gãy rời ra”. Kinh hoàng, Simpson gọi cơ trưởng, “Chúa ơi, tàu lượn gãy làm đôi rồi!” Chiếc cáp kéo rời ra và phần đầu chiếc tàu lượn rơi “như một hòn đá xuống đất”. Chiếc Stirling tách khỏi đội hình, từ từ hạ độ cao, vòng lại để định vị nơi chiếc tàu lượn rơi xuống. Phần đầu rơi xuống một cánh đồng. Phần đuôi không thấy đâu cả. Xác định được địa điểm, phi hành đoàn chiếc máy bay ném bom quay về Keevil rồi phóng xe jeep tới hiện trường. Tại đó, Simpson nhìn thấy một cảnh tượng như thể “một hộp diêm bị dẫm bẹp”. Các thi thể kẹt lại bên trong tàu lượn. Simpson không tài nào ước tính được có bao nhiêu người hy sinh – “tất cả chỉ còn là một đống chân, tay, và thân người”.

Vào thời điểm những phi đội cuối cùng tới bờ biển nước Anh - đội hình cánh bắc bay qua điểm kiểm soát tại Aldeburgh, cánh nam bay qua vịnh Bradwell – 30 tàu lượn chở quân và trang bị đã bị rơi hoặc phải hạ cánh. Máy bay kéo bị hỏng động cơ, cáp kéo bị đứt, và, trong vài trường hợp mây dày đã gây ra trục trặc. Cho dù trên tiêu chuẩn quân sự chiến dịch đã bắt đầu rất thành công - tổn thất rất ít, và rất nhiều người và khí tài phải hạ cánh bắt buộc đã có thể tiếp tục bay vào các đợt chuyển quân sau – nhưng những tổn thất rõ ràng là gây ảnh hưởng đến chiến dịch. Trong ngày quyết định này, khi mà từng người, từng chiếc xe, từ đơn vị khí tài đều quan trọng với tướng Urquhart, 23 tàu lượn thuộc đơn vị của ông đã không tới được mục tiêu. Phải tới khi đã đến bãi đổ bộ các sĩ quan chỉ huy mới phát hiện ra những mất mát này nghiêm trọng đến mức nào.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-8-2013 04:37 PM
Chương 2

Lúc này, khi đoàn lữ hành trên không dài dằng dặc tuần tự vượt qua eo biển Anh và đất liền đã khuất sau lưng, một tâm trạng mới xâm nhập vào đoàn quân. Cảm giác về “cuộc dạo chơi ngày chủ nhật” nhanh chóng mất đi. Trong lúc một đội hình Mỹ đang bay qua bở biền ở Margate, binh nhất Melvin Iseneken thuộc sư đoàn 101 nhìn thấy những vách đá trắng của vùng Dover ở phía bên phải. Trông từ xa, chúng thật giống những sườn đồi trơ trụi vì gió thổi ở quê anh vùng thượng du tiểu bang New York. Hạ sĩ D.Thomas thuộc sư đoàn đổ bộ Anh số 1, nhìn chăm chú qua ô cửa số máy bay cho tới khi bờ biển tổ quốc mình khuất hẳn, cảm thấy hai măt anh ướt đẫm.

Từ các điểm tập kết tại March và Hatfield, các đội hình máy bay đã được dẫn đường bởi nhiều hệ thống định vị khác nhau: các trạm rađa, các trạm phát sáng đặc biệtvà các tín hiệu radio định vị. Từ lúc này, các thiết bị rađa đặt tại các tàu trên biển Bắc sẽ bắt đầu dẫn đường cho các máy bay. Thêm nữa, những dải phân luồng – 17 theo trục phía bắc, 10 theo trục phía nam - được căng ra nổi trên mặt nước. Với thượng sĩ phi công William Tompson, đang cầm lái một máy bay kéo theo sau một chiếc tàu lượn Horsa nặng 4 tấn , “chẳng còn nhiều việc phải làm. Những vạch chỉ hướng phía dưới chúng tôi được rải ra như những hòn cuội đánh dấu đường đặt suốt dọc eo biển”. Nhưng những chiếc tàu hải quân cao tốc không chỉ đóng vai dẫn đường. Chúng còn là một phần của hoạt động cứu hộ trên biển khổng lồ, và chúng cũng đã bắt đầu có việc để làm.

Trong chuyến hành trình dài 30 phút qua biển Bắc, người ta nhìn thấy một số tàu lượn dập dềnh trên mặt nước xám xịt trong khi các thuỷ phi cơ bay lượn phía trên ở độ cao thấp để đánh dấu vị trí của chúng cho đến khi tàu cứu hộ kịp tới nơi. Trung uý Neville Hay, thuộc đơn vị liên lạc Phantom, đã nhìn thấy “cùng toàn phân đội hai chiếc tàu lượn rơi xuống và một chiếc phải đáp bụng.” Anh này vỗ vai người hạ sĩ cạnh mình. “Hãy nhìn xuống dưới kia kìa, Hobkirk, “Hay kêu lên. Người hạ sĩ nhìn xuống, và như Hay nhớ, “ tôi gần như thấy anh ta xanh mặt lại”. Hay vội trấn an anh này. “Không có gì phải lo đâu. Hãy nhìn những chiếc tàu đã bắt đầu vớt họ lên rồi”.

Thượng sĩ Joseph Kitchener, đang cầm lái một chiếc tàu lượn, cũng rất ấn tượng trước tốc độ cứu hộ tới bên cạnh chiếc tàu lượn đang nổi trên mặt nước mà anh trông thấy. “Họ cứu mọi người nhanh đến mức tôi nghĩ thậm chí những anh chàng nọ còn không kịp bị ướt chân”, anh nhớ lại. Những người đi trên chiếc tàu lượn của thượng sĩ Cyril Line kém may mắn hơn – nhưng dù sao vẫn còn sống sót. Trong cả đoàn dài tàu lượn Horsa sơn màu đen, Line quan sát thấy một cặp máy bay kéo và tàu lượn lệch dần khỏi đội hình. Ngỡ ngàng, anh ta nhìn theo chiếc Horsa cắt dây kéo và hạ độ cao gần như thong thả xuống biển. Một vệt nước trắng lan ra khi chiếc tàu lượn chạm mặt biển. Anh này tự hỏi “không biết những tay đen đủi đó là ai.” Đúng lúc ấy, động cơ ở một bên cánh chiếc Stirling đang kéo chiếc tàu lượn của anh quay chậm dần rồi dừng hẳn. Khi tốc độ chiếc máy bay giảm xuống Line nhận thấy mình đang ở vào vị trí thật trớ trêu “ khi chiếc tàu lượn chuẩn bị lao vượt lên trên cả máy bay kéo nó”. Anh lập tức cắt dây kéo và người phụ lái hô lớn, “Chuẩn bị đáp khẩn cấp”. Từ khoang phía sau, họ có thể nghe thấy tiếng những khẩu súng trường va vào vách gỗ của thân tàu lượn khi đám hành khách phát hoảng cố tìm đường thoát. Nhanh chóng bị mất độ cao, Line ngoái lại nhìn và kinh hãi khi thấy đám lính đang hoảng loạn “đã đục thủng nóc chiếc tàu lượn và vách cũng chuẩn bị bung ra”. Line hét lên, “Dừng lại ngay! Ngồi yên!” Thế rồi, với một cú va đập mạnh, chiếc tàu lượn chạm nước. Khi Line ngoi được lên mặt nước, anh thấy chiếc tàu lượn nổi bập bềnh cách đó chừng 30 bộ. Không nhìn thấy gì trong cabin, nhưng tất cả những người có mặt trên chiếc tàu lượn của anh đều đủ mặt. Chỉ sau vài phút, tất cả đã được vớt lên.

Tổng cộng, có tám tàu lượn đáp bụng an toàn xuống biển trong đợt đổ quân đầu tiên; ngay khi chúng chạm mặt nước, lực lượng cứu hộ trên không và trên biển, với hoạt động ngoạn mục, đã cứu được hầu như toàn bộ các phi hành đoàn và binh lính. Thế nhưng một lần nữa, lực lượng của Urquhart lại chịu tổn thất lớn nhất. Trong 8 chiếc tàu lượn phải bỏ cuộc, có tới 5 chiếc hướng tới Arnhem.

Trừ một vài loạt đạn tầm xa làm hỏng một tàu lượn, không có chống trả nào quyết liệt của kẻ địch trong thời gian vượt qua eo biển. Sư đoàn 101, đi theo lộ trình phía nam đi qua lãnh thổ nước Bỉ hiện đã do Đồng Minh kiểm soát, đã có chuyến đi êm ả nhất. Nhưng khi bờ biển Hà Lan gần lại, sư đoàn 82 và lực lượng Anh đi theo lộ trình phía bắc bắt đầu nhìn thấy những cụm khói xám và đen của pháo phòng không Đức. Trong lúc họ tiếp tục cuộc hành trình, chỉ ở độ cao có 1500 bộ, có thể nhận ra súng của quân địch bắn lên từ các hòn đảo Hà Lan Walcheren, Bắc Beveland và Schowen, cũng như từ những chiếc tàu phòng không và phà nằm quanh cửa Schelde.

Các máy bay tiêm kích hộ tống bắt đầu tách khỏi đội hình, tấn công các vị trí phòng không. Trên máy bay binh lính có thể nghe thấy tiếng mảnh đạn ghém chạm vào thành kim loại của những chiếc C47. Binh nhì Leo Hart thuộc sư đoàn 82, một lính dù kỳ cựu nghe một tay lính mới ngu ngơ hỏi, “ những cái băng ghế này có chống đạn không?” Hart chỉ nhìn trừng trừng vào anh ta; cái băng ghế mỏng mảnh này thậm chí còn chẳng đủ để che chắn cho họ khỏi một hòn đá được ném mạnh tay. Binh nhì Harold Brockley, đi trên một chiếc C47 khác, nhớ lại rằng một lính dự bị đã băn khoăn hỏi anh, “Này, những đám xám xám đen đen nho nhỏ ở dưới kia là cái gì thế?” Trước khi có ai kịp trả lời, một mảnh đạn ghém đã xuyên qua sàn khoang và cắm vào một hộp thức ăn, không làm ai xây xát.

Những người lính cựu che dấu sự sợ hãi của mình bằng nhiều cách. Khi thượng sĩ Paul Nunan trông thấy “những vệt đạn đỏ lừ lao tới phía chúng tôi” anh ta làm ra vẻ đang ngủ. Luồng đạn chỉ chút nữa là trúng chiếc máy bay của binh nhì Kenneth Truax. “Chẳng ai nói gì cả,” anh này nhớ lại. “Chỉ có một hay hai người gượng mỉm cười”. Thượng sĩ Bill Tucker, người đã từng bay qua làn đạn phòng không ở Normandy, bị ám ảnh bởi nỗi sợ “bị bắn trúng từ phía dưới lên”. Anh ta cảm thấy “đỡ trơ trụi hơn” nếu được ngồi lên trên ba chiếc áo chống mảnh đạn của không quân. Và binh nhì Rudolph Kos nhớ lại anh đã cảm thấy “muốn ngồi lên trên cái mũ sắt của mình, nhưng tôi biết tôi sẽ cần nó trên đầu mình”.

Một người lo ngại những mối nguy hiểm phía trong hơn phía ngoài. Phụ lái thượng sĩ Bill Oakes, vừa đánh vật để giữ cho chiếc tàu lượn Horsa của mình thăng bằng trên không vừa ngoái cổ lại xem đám hành khách của mình đang làm gì. Và anh này phát hoảng khi thấy ba chàng lính đang thản nhiên ngồi trên sàn khoang đun một ấm trà trên một chiếc bếp nhỏ. Năm anh chàng khác đang cầm ca đứng xung quanh đợi đến lượt mình. Oakes vội vàng hành động. Anh này đưa tay lái cho phi công rồi lao xuống khoang, sợ rằng ván sàn bằng gỗ có thể bắt lửa bất cứ lúc nào. “Hoặc tệ hơn nữa, những quả đạn cối chúng tôi mang theo có thể nổ. Hơi nóng phả ra từ cái bếp dã chiến đó thật khủng khiếp”. Anh bực đến tái mặt. “Bọn này chỉ muốn đun ít nước thôi mà,” một người lính tỉnh bơ nói với anh. Oakes vội vàng quay lại khoang lái báo cáo tình hình với phi công, thượng sĩ nhất Bert Watkins. Viên phi công mỉm cười. “Bảo bọn họ lúc nào trà được thì đừng có quên cánh ta,” anh ta nói. Oakes ngồi phịch xuống ghế, đưa hai tay lên ôm lấy đầu.

Cho dù các máy bay chiến đấu hộ tống đã làm câm lặng phần lớn các vị trí phòng không ven bỉên, một số máy bay đã bị thương và một máy bay kéo cùng chiếc tàu lượn của nó, cũng như một chiếc C47 chở quân đã bị bắn rơi trên không phận đảo Schouwen. Chiếc máy bay kéo bị đâm xuống đất, phi hành đoàn hy sinh. Chiếc tàu lượn, một chiếc Waco của sư đoàn 82, bị vỡ tung trên không và rất có thể thiếu tá Dennis Munford, bay trong một đội hình Anh gần đó, đã trông thấy nó. Ông này lặng người khi thấy chiếc Waco vỡ tung và “người cũng như khí tài rơi tung toé ra không trung như đồ chơi rơi ra từ túi của ông già Nôen vậy”. Một số người khác trông thấy chiếc máy bay chở lính dù bị bắn hạ. Những kiện khí tài trong khoang bụng chiếc C47 đã bắt lửa do trúng đạn phòng không. “Những lưỡi lửa vàng chói loé lên từ cuộn khói đen kịt,” đại uý Arthur Ferguson, đang ở trên một máy bay bay ngay gần đó, nhớ lại. Chỉ vài phút sau chiếc C47 đã cháy ngùn ngụt. Thượng uý Virgil Carmichael, đứng bên cửa sổ chiếc máy bay của mình, nhìn thấy những người lính dù nhảy khỏi chiếc máy bay trúng đạn. “Vì chúng tôi đều sử dụng dù nguỵ trang, tôi có thể đếm được từng người khi họ rời máy bay và thấy rằng tất cả đều nhảy ra an toàn”. Người phi công, cho dù chiếc máy bay đã ngập trong lửa, vẫn giữ được máy bay thăng bằng cho đến khi tất cả lính dù đã thoát ra. Sau đó Carmichael thấy có thêm một người nữa nhảy ra. “Vì bên không quân dùng dù trắng nên tôi nhận ra đó hẳn là trưởng phi hành đoàn”. Đó là người cuối cùng rời máy bay. Gần như ngay sau đó chiếc máy bay cháy đùng đùng lao cắm đầu xuống, đâm thẳng xuống một vùng ngập nước của đảo Schou wen phía dưới. Với thượng uý James Magellas cảnh tượng chiếc C47 bị rơi có hậu quả “thật kinh khủng”. Là người chỉ huy nhảy trên máy bay của mình, anh trước đó đã nói với thuộc cấp là sẽ ra lệnh “đứng dậy gắn móc dù 5 phút trước khi tới bãi đổ quân”. Giờ đây anh lập tức ra lệnh. Trên nhiều máy bay khác, những người chỉ huy nhảy cũng hành động tương tự như Magellas. Với họ, trận đánh đã bắt đầu – và quả thực khu đổ quân cũng chỉ còn cách lực lượng đổ bộ chừng 30 đến 40 phút bay nữa.

Thật khó tin, bất chấp những cuộc oanh tạc cấp tập, rồi những cuộc không kích lúc này vào Arnhem, Nijmegen và Eindhoven, quân Đức vẫn không phán đoán được chuyện gì đang xảy ra. Trong cả hệ thống chỉ huy, tất cả sự quan tâm đều dồn về một mối đe doạ duy nhất: việc đạo quân Anh số 2 nối lại cuộc tấn công từ đầu cầu của họ qua kênh Meuse-Escaut.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-8-2013 04:39 PM
Chương 2
(tiếp theo)

“Binh lính và chỉ huy dưới quyền tôi, đặc biệt là bản thân tôi và ban tham mưu, đã bị quá tải và nằm dưới những khó khăn to lớn nên chúng tôi chỉ có thể chú ý đến những cuộc tấn công mặt đất”, đại tướng Kurt Student nhớ lại. Viên chỉ huy nhảy dù lão luyện của Đức lúc đó đang có mặt tại sở chỉ huy của mình đặt trong một ngôi nhà nhỏ gần Vught, cách Eindhoven chừng 21 dặm về phía tây bắc, đang làm việc “với một núi giấy tờ mà ngay cả khi ra trận vẫn bám lấy tôi”. Student bước ra ban công, nhìn theo những chiếc máy bay ném bom một lát, rồi dửng dưng quay lại với đám giấy tờ của mình.

Trung tá Walter Harzer, tư lệnh sư đoàn Panzer SS số 9 Hohenstaufen, lúc này đã chuyển một lượng khí tài đúng như ông ta định cho đối thủ của mình, tướng Heinz Harmel của sư đoàn Panzer SS số 10 Frunsberg. Harmel, theo lệnh Bittrich mà Model cũng không hề biết, lúc này đang ở Berlin. Những toa tàu cuối cùng chở những chiếc xe thiết giáp “hỏng hóc” của Harzer đã sẵn sàng về Đức trên chuyến tàu lúc 2 giờ chiều. Đã liên tục bị oanh kích từ Normandy, Harzer “chẳng để ý nhiều đến đám máy bay trên đầu”. Ông ta chẳng thấy gì bất thường từ những không đoàn máy bay ném bom khổng lồ trên bầu trời Hà Lan. Ông ta và những lính tăng kỳ cựu của mình biết “việc thấy máy bay ném bom bay về phía đông tới Đức rồi quay trở lại vài lần trong ngày là chuyện bình thường. Tôi và người của tôi đã trơ lỳ với những cuộc pháo kích và ném bom”. Cùng với thiếu tá Egon Skalka, phụ trách quân y sư đoàn Panzer SS số 9, Harzer rời sở chỉ huy tại Beekbergen tới trại lính Hoenderloo, cách Arnhem khoảng 8 dặm về phía bắc. Trong một buổi lễ trước tiểu đoàn trinh sát gồm 600 người của sư đoàn, ông ta sẽ trao huân chương chữ thập hiệp sĩ cho tiểu đoàn trưởng, đại uý Paul Grabner. Sau đó sẽ là champagne và một bữa trưa đặc biệt.

Tại sở chỉ huy quân đoàn Panzer SS số 2 tại Doetinchem, trung tướng Wilhelm Bittrich cũng dửng dưng không kém với những cuộc oanh kích. Với ông ta, “đó là chuyện thường nhật”. Thống chế Walter Model, trong sở chỉ huy của mình tại khách sạn Tafelberg ở Oosterbeek, đã đứng quan sát hồi lâu các phi đội máy bay ném bom. Nhìn từ sở chỉ huy, cảnh tượng vẫn luôn vậy: những phi đội Pháo đài bay quay trở về sau phi vụ ném bom đêm ở Đức, và như thường lệ, những đoàn Pháo đài bay khác, trong những phi vụ ném bom liên tục, lại đang hướng tới mục tiêu ở Đức. Còn về những cuộc oanh tạc tại chỗ, nhiều khi những chiếc máy bay ném bom quăng nốt những quả bom chưa ném hết xuống Ruhr, và kết quả là xuống chính Hà Lan. Model cùng tham mưu trưởng của mình, trung tướng Hans Krebs, tin rằng những cuộc không kích và tấn công tầm thấp là những chiến dịch tiêu hao đối phương – màn khởi động cho cuộc tấn công mặt đất của quân Anh.

Có một sĩ quan đã chú ý tới việc ra tăng hoạt động không quân trên không phận Hà Lan. Tại sở chỉ huy của OB West ở Aremberg gần Koblenz, cách đó chừng 120 dặm, thống chế Gerd von Runstedt – cho dù ông vẫn tin rằng lực lượng đổ bổ sẽ chỉ được dùng cho cuộc tấn công vào Ruhr - vẫn muốn có nhiều thông tin hơn. Trong phụ lục 2227 của bản báo cáo sáng 17/9, phụ trách tác chiến của ông ghi nhận rằng Von Runstedt đã yêu cầu Model điều tra khả năng một cuộc tấn công hỗn hợp đường biển và đường không đang được tiến hành nhằm vào bắc Hà Lan. Ghi chú này viết, “ Tình hình chung và nhất là sự gia tăng hoạt động trinh sát của địch... đã buộc tổng tư lệnh phía Tây phải xem xét lại khả năng tấn công đường biển và đổ bộ đường không... Kết quả điều tra sẽ được trình lên OKW (Hitler)”.

Bức điện đến sở chỉ huy của Model vào lúc những phi đội đầu tiên của lực lượng đổ bộ đường không bay qua bờ biển.

Tại Arnhem lúc 11h30 những cột khói đen bao phủ bầu trời khi những đám cháy xảy ra khắp nơi trong thành phố sau 3 giờ bị ném bom dữ dội hầu như không dứt. Tại Wolfheze, Oosterbeek, Nijmegen và Eindhoven, nhiều toà nhà bị san phẳng, đường phố tan hoang đầy mảnh kính và các mảnh vỡ, số nạn nhân tăng lên từng giờ. Ngay khi đó, máy bay phóng pháo tầm thấp tấn công dữ dội các vị trí đặt súng máy và súng phòng không trên khắp khu vực. Tâm trạng của người dân Hà Lan, chen chúc trong các nhà thờ, hầm trú ẩn hay táo tợn chạy quanh trên các đường phố, chuyền qua các nóc nhà, thay đổi từ kinh hoàng đến phấn khích. Không ai biết nên tin vào cái gì hay chuyện gì sắp xảy ra. Về phía nam, cách Nijmegen 83 dặm, Maastricht, thành phố Hà Lan đầu tiên được giải phóng, đã nằm trong tay đạo quân Mỹ số 1 từ hôm 14/9. Nhiều người Hà Lan trông đợi bộ binh Mỹ tới giải phóng cho làng hay thành phố của họ bất cứ lúc nào. Radio Orange, phát đi từ London, nuôi dưỡng niềm tin này bằng một loạt bản tin: “Thời khắc đã tới. Điều chúng ta mong đợi cuối cùng đã diễn ra... Nhờ bước tiến nhanh chóng của quân đội Đồng Minh... Rất có thể nhiều người lính sẽ chưa có tiền Hà Lan. Nếu Đồng Minh của chúng ta đưa tiền Pháp hay Bỉ ... hãy hợp tác và chấp nhận thanh toán... Nông dân nên trao thu hoạch của minh” Hoàng thân Bernhard, trong một thông điệp trên đài phát thanh, kêu gọi người Hà Lan “không biểu lộ niềm vui bằng cách tặng hoa hay quả khi lực lượng Đồng Minh giải phóng lãnh thổ Hà Lan ... trước đây kẻ thù đã từng giấu chất nổ vào những quà tặng lực lượng giải phóng.”

Phần lớn người Hà Lan đều tin rằng những cuộc ném bom dữ dội này là màn khởi đầu cho cuộc tấn công của Đồng Minh - sự mở màn cho cuộc tấn công trên bộ. Giống như những kẻ chiếm đóng Đức, người dân Hà Lan cũng chẳng hề ngờ chút nào về một cuộc tấn công đổ bộ đường không.

Jan và Bertha Voskuil, ẩn trốn trong nhà bố vợ của Voskuil tại Oosterbeek, nghĩ rằng các máy bay ném bom xuống đó đang nhằm vào sở chỉ huy của Model tại khách sạn Tafelberg. Ngày hôm đó đẹp trời, Voskuil nhớ lại, “rất lý tưởng cho máy bay ném bom hoạt động”. Thế nhưng anh cảm thấy thật khó “chấp nhận rằng chiến tranh đang tiếp diễn trong mùi rơm và cảnh hàng trăm bông hoa hướng dương đang cúi gập xuống dưới sức nặng của chính mình. Thật khó tin rằng người đang chết, nhà cửa đang bị tàn phá”. Voskuil cảm thấy bình yên lạ lùng. Từ hiên nhà bố vợ mình, anh theo dõi những chiếc máy bay chiến đấu lao vụt qua trên đầu và tin chác chúng sẽ tấn công khách sạn. Bất thần, một lính Đức xuất hiện ngoài vườn không súng không mũ và chỉ mặc sơ mi. Gã lịch sự hỏi Voskuil, “Tôi có thể trú ẩn ở đây được không?” Voskuil nhìn gã chằm chằm. “Tại sao?” anh hỏi. “Anh đã có công sự của các anh rồi.” Gã người Đức mỉm cười. “Tôi biết,” hắn trả lời, “nhưng chúng đầy cả rồi”. Gã lính đi vào hiên. “Cuộc oanh kích rất dữ dội,” gã nói với Voskuil, “ nhưng tôi không nghĩ mục tiêu là Oosterbeek. Chúng có vẻ tập trung nhiều hơn về phía đông và phía tây ngôi làng”.

Từ bên trong nhà, Voskuil nghe có tiếng người nói. Một người bạn của gia đình vừa từ Wolfheze tới. Nơi đó đã bị tàn phá nặng nề, cô này kể với họ, nhiều người đã chết. “Tôi sợ,” cô ta nói, người run rẩy, “đây là lúc tận số của chúng ta rồi”. Voskuil liếc nhìn gã người Đức. “Có thể bọn họ ném bom Tafelberg vì Model,” anh nói nhẹ nhàng. Khuôn mặt gã Đức vẫn dửng dưng. “Không,” gã trả lời, “tôi không nghĩ vậy. Chẳng có quả bom nào rơi xuống đó cả”. Sau đó, khi gã lính đã bỏ đi, Voskuil ra ngoài quan sát thiệt hại. Tin đồn khắp nơi. Anh này nghe kể Arnhem đã bị phá huỷ nặng nề và Wolfheze gần như bị san phẳng. Anh nghĩ hiển nhiên lúc này Đồng Minh đã tấn công và có thể sẽ tới chỉ sau vài giờ nữa. Anh vừa vui vừa buồn. Anh nhớ lại Caen ở Normandy đã bị biến thành đống đổ nát trong cuộc tấn công. Và anh tin chắc Oosterbeek, nơi anh và gia đình ẩn náu, rất có thể cũng sẽ trở thành bình địa.

Quanh Wolfheze, các kho đạn của quân Đức nổ tung, và nhà thương điên cũng đã bị trúng bom. Bốn khu nhà xung quanh toà nhà hành chính bị san phẳng, 45 bệnh nhân chết (con số này sau đó còn tăng lên đến 80), số người bị thương nhiều vô kể. Sáu mươi bệnh nhân nội trú bị lên cơn, phần lớn là phụ nữ, lang thang trong các khu rừng lân cận. Điện và điện thoại đã bị cắt đứt, và bác sĩ Marius van der Beek, quản lý, đã không thể gọi người tới giúp. Ông nóng lòng trông đợi các bác sĩ từ Oosterbeek và Arnhem tới, tin rằng những người này hẳn sẽ biết tin và tới giúp. Ông cần thiết lập hai phòng mổ với hai đội phẫu thuật càng nhanh càng tốt.

Một trong những “bệnh nhân nội trú”, Hendrik Wijburg, trên thực tế là người của lực lượng kháng chiến ngầm ẩn trốn trong nhà thương điên. “Bọn Đức,” anh nhớ lại, “lúc đó không có mặt bên trong trại điên, mặc dù đúng là chúng có các vị trí đóng quân gần đó, cùng lực lượng pháo binh và đạn giấu trong rừng”.

HẾT





Chào mừng ghé thăm Kites (https://forum.kites.vn/) Powered by Discuz! X3