Kites

Tiêu đề: [Trinh Thám - Xuất Bản] Kẻ Phụng Sự Thầm Lặng | Daniel Silva (Hoàn) [In trang]

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-11-2013 06:11 PM
Tiêu đề: [Trinh Thám - Xuất Bản] Kẻ Phụng Sự Thầm Lặng | Daniel Silva (Hoàn)
KẺ PHỤNG SỰ THẦM LẶNG


Tên tác phẩm: Kẻ Phụng Sự Thầm Lặng
Tác giả: Daniel Silver
Dịch giả: Khang Vinh
Độ dài: 64 chương
Thể loại: Tiểu thuyết, trinh thám, hình sự
Tình trạng sáng tác: Đã hoàn thành
Nguồn: http://vnthuquan.net/truyen/truy ... 343tq83a3q3m3237nvn
Đánh máy: Mọt Sách
Nhà xuất bản: NXB Thời Đại
Ngày xuất bản: 2009
Giới thiệu sơ lược:  Hấp dẫn và gay cấn đến nghẹt thở trong những bàn cờ chính trị mà quân cờ là những điệp viên và mỗi nước đi là một hoặc nhiều mạng sống, Daniel bày ra trước mắt người đọc hàng loạt dữ kiện đủ để phải phân vân phán đoán và suy luận hoang mang. Kẻ phụng sự thầm lặng là câu chuyện của những màn đấu súng kinh hoàng, những kẻ bắt cóc tráo trở cùng các âm mưu huỷ diệt khiến cả thế giới phải theo sát bước chân Gabriel Allon. Tác phẩm như một lời tiên đoán về sự khủng bố liên tục diễn ra tại châu Âu , với những hành động diễn tiến rất nhanh, đề tài gây ấn tượng và các nhân vật đa chiều của Silva lại có vẻ thân thuộc với chúng ta như đã quen từ khi nào.
Với các độc giả yêu thích khám phá những bề sâu của thế giới điệp viên nổi và chìm khắp châu Âu và nước Mỹ cùng với các quan hệ, âm mưu trong chính giới hiện đại, tiểu thuyết trinh thám Kẻ phụng sự thầm lặngcủa Daniel Silva xứng đáng là một “cẩm nang” trinh thám thượng thừa với những mê cung về lòng tham của cả một chính thể.

Mục lục

Chương 1 Chương 2
Chương 3 Chương 4
Chương 5 Chương 6
Chương 7 Chương 8
Chương 9 Chương 10
Chương 11 Chương 12
Chương 13 Chương 14
Chương 15 Chương 16
Chương 17 Chương 18
Chương 19 Chương 20
Chương 21 Chương 22
Chương 23 Chương 24
Chương 25 Chương 26
Chương 27 Chương 28
Chương 29 Chương 30
Chương 31 Chương 32
Chương 33 Chương 34
Chương 35 Chương 36
Chương 37 Chương 38
Chương 39 Chương 40
Chương 41 Chương 42
Chương 43 Chương 44
Chương 45 Chương 46
Chương 47 Chương 48
Chương 49 Chương 50
Chương 51 Chương 52
Chương 53 Chương 54
Chương 55 Chương 56
Chương 57 Chương 58
Chương 59 Chương 60
Chương 61 Chương 62
Chương 63 Chương 64
HẾT

Download Ebook

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-11-2013 06:21 PM
Phần 1: Cái Chết Của Nhà Tiên Tri

Chương 1
Amsterdam

Giáo sư Solomon Rosner là người bị cảnh cáo đầu tiên, dù ông được cho là không có liên quan đến vụ này, trừ những người bên trong văn phòng an toàn màu nâu xám ở trung tâm Tel Aviv. Gabriel Allon, người con huyền thoại nhưng ngang bướng của Tình báo Israel sau này thường nhận xét: Rosner là tài sản quý giá đầu tiên trong lịch sử của văn phòng, tuy nhiên, khi đã chết, ông hữu dụng hơn so với khi còn sống. Người ta không thấy lời nhận xét này nhẫn tâm, mà nó khiến họ có cảm giác trống trải nhiều hơn.

Bối cảnh diễn ra cái chết của Rosner không phải ở nơi thường xuyên xảy ra thảm sát do bạo lực, mà là ở một khu phố yên tĩnh ở Amsterdam mà người ta thường gọi là Phố Cổ. Hôm đó là ngày thứ Sáu đầu tiên trong tháng 12, và thời tiết giống như đang vào thời điểm đầu xuân hơn là cuối thu. Đó là một ngày mà người Hà Lan trìu mến gọi là gezelligheid, là ngày để họ thưởng thức những thú vui nho nhỏ: đi tản bộ loanh quanh dọc những bồn hoa của khu Bloemenmarkt, hoặc phiêu diêu cùng một ít cần sa loại tốt trong những quán cà phê ở khu Haarlemmerstraat với những người có cùng sở thích. Hãy để những phiền toái và tranh chấp lại sau lưng để tận hưởng một ngày đẹp trời như thế này. Một Amsterdam cổ, uy nghi thì thầm lên tiếng vào buổi chiều vàng cuối thu đẹp đẽ. Với một ngày như hôm nay, có lẽ tất cả mọi người đều biết ơn vì đã được sinh ra trên đất nước Hà Lan.

Solomon Rosner đã không chia sẻ cảm xúc đó với những người đồng hương của mình, ông có những khác biệt với họ. Mặc dù là Giáo sư xã hội học tại trường đại học Amsterdam nhưng ông lại dành phần lớn thời gian ở trung tâm nghiên cứu an ninh Tây Âu của mình. Phe chỉ trích cho rằng nơi này chỉ là tấm bình phong của Giáo sư, vì Rosner không chỉ làm Giám đốc trung tâm mà ông còn là một học giả. Trung tâm này đã tìm cách cho ra đời hàng loạt những báo cáo và bài viết đề cập chi tiết đến mối đe doạ đối với Hà Lan do cuộc nổi dậy của người Hồi giáo bên trong biên giới nước này. Quyển sách cuối cùng của Rosner, cuộc chinh phục phương Tây của Hồi giáo, đã lập luận rằng Hà Lan hiện đang phải hứng chịu một cuộc tấn công có hệ thống của Hồi giáo thánh chiến. Ông cho rằng, mục đích cuộc tấn công này là nhằm thuộc địa hoá Hà Lan và biến nước này thành một nhà nước Hồi giáo, nơi mà trong một tương lai không quá xa, luật Hồi giáo sẽ chiếm thế thượng phong. Ông cảnh báo rằng khủng bố và thực dân hoá là hai mặt trong một vấn đề, và, nếu như chính quyền không có hành động mạnh mẽ và ngay lập tức thì những gì mà người Hà Lan đang tôn thờ với tư tưởng tự do sẽ mau chóng bị quét sạch.

Báo chí Hà Lan đã rất sợ hãi khi cuốn sách này xuất hiện. Một nhà phê bình gọi đây là sự hoảng loạn. Một bài báo khác gọi đó là sự lừa dối có tính phân biệt chủng tộc. Nhiều người đau đớn viết rằng những quan điểm trình bày trong quyển sách này còn kinh khủng hơn sự thật rằng ông bà của Rosner bị bắt cùng với hàng trăm ngàn người Do Thái khác và bị đưa vào phòng hơi ngạt tại trại Auschwitz. Tất cả đều đồng ý là hiên jtại họ không cần những lời hoa mỹ đầy hận thù của Rosner mà là sự nhẫn nhịn và đối thoại. Rosner đã rất vững vàng trước những lời chỉ trích khinh miệt ấy, ông thừa nhận những gì mà một nhà bình luận đã mô tả về mình, là hình ảnh một người bị kẹt ngón tay vào khe đá. Rosner trả lời, với sự nhẫn nhịn và đối thoại, là bằng mọi giá không được đầu hàng. Ông phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trêntruyền hình. “Người Hà Lan chúng ta cần phải bỏ bia Heineken với xiên thịt xuống và tỉnh lại. Bằng không, chúng ta sẽ mất nước”.

Quyển sách và những tranh cãi có liên quan đã biến Rosner thành nười bị phỉ báng nhiều nhất ở khắp nơi, ông trở nên nổi tiếng nhất Hà Lan. Sự kiện trên còn đuaw thẳng ông vào tầm ngắm của những kẻ Hồi giáo quá khích trong nội địa Hà Lan. Những website thánh chiến Hồi giáo mà Rosner theo dõi chặt chẽ còn hơn cả cảnh sát Hà Lan, đã bùng lên những cơn thịnh nộ cuồng tín về quyển sách trên, và nhiều người còn dự báo ông sắp bị xử tử. Một thầy tế Hồi giáo ở giáp khu vực gọi là Oud West đã ra lệnh cho các tín đồ là “Gã Rosner Do Thái này phải bị hành xử bằng biện pháp mạnh” và cho một kẻ liều chết đứng ra thực hiện việc này. Bộ trưởng Bộ nội vụ Hà Lan thể hiện sự vô trách nhiệm qua việc đề nghị Rosner lẩn trốn, Rosner đã cực lực phản đối lời đề nghị này. Khi đó Rosner đã cung cấp cho ông Bộ trưởng này một danh sách mười phần tử cực đoan mà ông cho là có khả năng ám sát mình. Ông Bộ trưởng đã thừa nhận danh sách này ngay mà không thắc mắc. Ông ta biết rằng những nguồn tin của Rosner, trong hầu hết trường hợp còn chính xác hơn những nguồn tin của cơ quan an ninh ở Hà Lan.

Buổi trưa ngày thứ Sáu tháng 12 đó, Rosner đang cặm cụi trước máy tính trong văn phòng ở tầng hai của ngôi nhà cạnh kênh đào tại địa chỉ số 2A, Groenburgwal. Ngôi nhà này, giống như Rosner, cũng thấp và rộng, nghiêng về phía trước, mà theo một số người hàng xóm, dáng nghiêng rất hợp với quan điểm chính trị của chủ nhân ngôi nhà. Nếu có một nhược điểm nghiêm trọng thì đó là vị trí của ngôi nhà, nó chỉ nằm cách tháp chuông nhà thờ Zuiderkerk chưa đầy 50 thước Anh. Tiếng chuông vang lên mỗi ngày, bắt đầu vào buổi trưa và chỉ chấm dứt 45 phút sau đó. Rosner, rất mẫn cảm với những tiếng ồn khó chịu, cũng làm một cuộc thánh chiến của riêng mình để chống lại tiếng chuông đó trong nhiều năm qua.

Nhạc cổ điển, máy lọc âm, bộ tai nghe cách âm – tất cả đều không có tác dụng trong cuộc chiến này. Có lúc ông tự hỏi tại sao chuông lại cứ phải rung lên kia chứ? Trước đó rất lâu, ngôi nhà thờ cở đã được cải tạo thành toà nhà làm việc của chính quyền, một chuyện mà Rosner, một người có đức tin rất lớn, đã cho là rất phù hợp cho mảnh đất đầm lầy của Hà Lan. Rosner nghĩ đó là một nhà thờ không đức tin ở một thành phố không có Chúa.

Lúc 12 giờ 10 phút, ông nghe tiếng gõ cửa yếu ớt và thấy Sophie Vanderhaus đang đứng dựa cửa với một chồng hồ sơ trước ngực. Từng là học trò của Rosner, cô đến làm việc cho ông sau khi hoàn thành luận án tốt nghiệp với đề tài “Ảnh hưởng của vụ diệt chủng người Do Thái đối với xã hội Hà Lan thời hậu chiến”. Cô vừa là thư ký, là trợ lý nghiên cứu, lại vừa là người giúp việc và con gái nuôi của Rosner. Cô sắp xếp văn phòng và đánh máy bản thảo cho những báo cáo và bài viết của ông. Cô lên lịch làm việc dày đặc cho ông và chăm lo về những khoản chi tiêu tài chính cá nhân vô cùng tốn kém của ông. Cô thậm chí còn lo chuyện giặt giũ và nhắc nhở ông ăn uống. Sáng sớm hôm đó, cô dự định đi nghỉ một tuần ở Saint Maarten, nhân dịp năm mới. Khi nghe tin đó, Rosner buồn kinh khủng.

Cô nói.” Một tiếng nữa thầy sẽ có một cuộc phỏng vấn với tờ Điện tón. Có lẽ thầy nên ăn chút gì đó rồi tập trung suy nghĩ để trả lời”.

“Sophie, con muốn nói là suy nghĩ của thầy thiếu tập trung sao?”

“Ý con không phải vậy. Có điều, thầy đã viết bài ấy từ lúc 5 giờ 30 sáng. Thầy cần ăn gì thêm chứ không nên chỉ uống cà phê”.

“Không phải là ả phóng viên đáng chết năm ngoái gọi thầy là Đức Quốc xã chứ?”

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-11-2013 06:23 PM
Chương 1
(tiếp theo)

“Thầy nghĩ là con để cho ả đó đến gần thầy lần nữa sao?”, cô bước vào văn phòng và bắt đầu sửa lại bàn làm việc của ông cho ngay ngắn. ”Sau cuộc phỏng vấn với tờ Điện tín, thầy sẽ đến văn phòng để xuất hiện trong chương trình Radio One. Đây là chương trình trả lời trực tiếp qua điện thoại nên sẽ rất lý thú. Cố gắng đừng tạo thêm kẻ thù nào nữa nhé, Giáo sư Rosner. Theo dõi hết bọn chúng là nhiệm vụ ngày càng khó khăn đấy ạ”.

“Thầy sẽ cố gắng giữ ý tứ, tuy nhiên thầy e là mình không còn sự độ lượng nào nữa”.

Cô nhìn kỹ vào tách cà phê của ông và ra vẻ nghiêm túc.

“Sao lúc nào thầy cũng cố bỏ thuốc lá vào cà phê vậy?”.

“Gạt tàn của thầy đầy rồi”.

“Phải đổ gạt tàn đã đầy đi chứ”, cô đổ tàn thuốc trong gạt tàn vào thùng rác tồi lấy túi rác đem đi. “Đừng quên là tối nay thầy có hội thảo ở trường đại học nhé”.

Rosner cau mày. Ông không muốn đến hội thảo. Một trong những ngừoi tham gia thuyết trình trong hội thảo là lãnh đạo của Hiệp hội Hồi giáo Châu Âu, một tổ chức cổ xuý việc áp dụng luật Hồi giáo ở Châu Âu và huỷ diệt nhà nước Israel. Điều đó hứa hẹn một buổi tối không thoải mái chút nào.

“Thầy sẽ nói là thầy bị ốm đột xuất”.

“Mọi người đều yêu cầu thầy có mặt tại đó. Thầy là nhân vật chính mà”.

Ông đứng dậy vươn vai. “Thầy nghĩ mình sẽ đến quán cà phê De Doelen để uống cà phê rồi ăn cái gì đó. Sao con không bảo phóng viên tờ Điện tín gặp thầy ở đó?”

“Thưa Giáo sư, thầy có nghĩ như thế là thượng sách không?”

Ai ở Amsterdam cũng biết quán cà phê nổi tiếng trên đường Stalstraat chính là nơi ông thích lui tới nhất. Rosner không phải là người kín đáo. Với bộ tóc trắng và bộ quần áo bằng len cũ nhàu, ông là một trong những người dễ nhận diện nhất ở Hà Lan. Những thiên tài trong ngành cảnh sát hà Lan có lần đề nghị ông nên cải trang một chút khi đến chỗ đông người, rằng ông nên đội mũ và dán ria mép kiểu hà mã để người ta nghĩ ông là người Hà Lan.

“Mấy tháng nay thầy chưa ra quán Doelen”.

“Như thế đâu có nghĩa là sẽ an toàn hơn”.

“Sophie, thầy không thể nào sống như bị cầm tù mãi”, ông bước đén cửa sổ. “Đặc biệt là vào một ngày như hôm nay. Đợi đến phút cuối con hãy nói cho phóng viên tờ Điện tín biết chỗ thầy đến. Điều đó sẽ đánh lạc hướng những tên thánh chiến”.

“Thưa Giáo sư, con vẫn không cảm thấy yên tâm”. Cô nhận thấy không thể nào thuyết phục ông được. Cô đưa điện thoại di động cho ông. “Ít nhất thầy cũng nên cầm cái này để gọi cho con trong trường hợp khẩn cấp”.

Rosner nhét điện thoại vào túi rồi đi xuống cầu thang. Ở hiên nhà, ông mặc áo khoác, quàng khăn lụa rồi bước ra ngoài. Bên trái ông là ngọn tháp Zuiderkerk, bên phải ông, cách 50 thước Anh (1) dọc theo con kênh hẹp với nhiều thuyền nhỏ có một chiếc cầu kéo hai tần bằng gỗ. Groenburgwal là con phố yên tĩnh của khu phố cổ, không có bar hay quán cà phê, chỉ có một khách sạn nhỏ nhưng hình như chưa bao giờ có tới hơn chục người khách. Đói diện nhà ông là khu chung cư được sơn màu hoa oải hương và vàng chanh, đây là công trình xây dựng duy nhất án ngữ tầm nhìn của ông. Ba người thợ sơn nhà mặc những bộ đồ áo liền quần màu trắng đã bị vấy bẩn đang ngồi trong ánh nắng vàng bên ngoài toà nhà.

Rosner liếc nhìn ba gương mặt, ghi nhớ từng người, trước khi bước đi theo hướng cầu kéo. Chợt một cơn gió làm xao động hàng cây dọc bờ kênh, ông dừng lại một tí để thắt lại khăn quàng cổ và ngắm nhìn một đám mây dày đaẹc trôi chầm chậm trên đầu. chính lúc đó ông cũng thấy một trong những tay thợ sơn đang bước cùng hướng với ông ở phía bờ kênh bên kia. Tóc đen, cất ngắn, trán cao, lông mày rậm trên đôi mắt nhỏ xíu – những đặc điểm vốn rất rõ của những người dân nhập cư, Rosner đoán anh ta có thể là người Marốc từ vùng núi Rif tới. Họ đến cầu kéo cùng một lúc. Rosner đứng lại để đốt điếu thuốc. Ông không định hút, nhưng ông cố tình làm thế để xem anh ta có đứng lại theo mình không? Ông thở phào nhìn theo khi người đàn ông hướng sang trái. Cho đến khi anh ta mất hút ở góc đường kế tiếp, Rosner mới bước theo hướng đôis diện về phía quán Doelen.

Ông dành chút thời gian tản bộ xuống phố Staalstraat, la cà bên cửa sổ cửa hàng bán bánh để ngắm những món bày bán của hôm đó, rồi bước qua một bên để tránh bị một cô gái xinh đẹp đi xe đạp húc vào. Ông dừng lại để lắng nghe những lời tán dương của một người hâm mộ rằng ông có khuôn mặt hồng hào. Ông định bước qua lối vào quán cà phê thì thấy tay áo khoác của mình bị giật mạnh. Trong những giây cuối cùng của cuộc đời, ông bị dằn vặt bởi suy nghĩ ngớ ngẩn, rằng mình có thể đã ngăn được kẻ giết người nếu như cưỡng lại được sự thôi thúc phải quay người lại. Nhưng ông vẫn quay lại, bởi vì đó là phản xạ tự nhiên mà người ta sẽ làm vào một buổi chiều tháng 12 rực rỡ ở Amsterdam nếu có ai đó gọi tên mình.

Ông nhìn thấy một họng súng. Trên con phố hẹp, tiếng súng vang lên như tiếng gầm đại bác. Ông ngã xuống đám sỏi lát đường và mắt ngước nhìn vô vọng khi tên sát thủ rút một con dao từ trong lớp áo đồng phục công nhân. Vụ ám sát đúng như nghi lễ, như được các thầy tế sắp xếp từ trước. Không có một ai can thiệp – Rosner nghĩ chuyện này không có gì khó hiểu, bởi vì can thiệp là điều không chấp nhận được trong tôn giáo – và không ai nghĩ phải giúp đỡ khi ông đang nằm hấp hối. Chỉ có tiếng chuông nhà thờ vang. Tiếng chuông hình như đang nói “một nhà thờ không có đức tin ở một thành phố không có Chúa”.

Chú thích

(1): 1 thước Anh (Yard) = 0,914 mét

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-11-2013 07:47 PM
Chương 2
Sân Bay Ben Guiron, Israel

Gabriel hỏi. “Cậu đang làm gì ở đây vậy, Uzi? Bây giờ cậu là sếp rồi. Sếp thì không đi ra sân bay lúc nửa đêm đâu. Sếp giao việc đó cho mấy “lính” chuyên chạy là được rồi”.

“Tớ chẳng có việc gì tốt hơn để làm”.

“Không có việc gì tốt hơn là đi lòng vòng quanh sân bay và đợi tớ ra khỏi máy bay từ Rome tới à? Có chuyện gì vậy? Cậu không cần phải đi đón tớ mà?”.

Uzi Navot không trả lời. Anh đang nhìn xuyên qua cửa kính của phòng tiếp khách vip ở sảnh khách đến, nơi đó, những hành khách trên chuyến bay từ Rome đến đang xếp hàng ở quầy kiểm tra hộ chiếu. Gabriel nhìn quanh. Cũng những bức tường giả đá vôi, cũng những ghế tràng kỷ phông cũ kỹ, cũng cái mùi ngai ngái của đàn ông và cà phê cháy khét. Anh đã thường xuyên bước vào căn phòng này, hay những căn phòng tương tự trong hơn 30 năm qua. Anh đã bước vào trong hân hoan chiến thắng cũng như lê bước trong thất bại ê chề. Anh đã mở tiệc ăn mừng ở đây và được Thủ tướng biểu dương, và có lần anh cũng được đẩy vào bằng xe lăn với một vết thương trên ngực. Thế nhưng căn phòng này không bao giờ thay đổi.

“Bella cần một buổi tối riêng tư cho cô ấy”, Navot nói, khi vẫn nhìn vào khung kính. Anh nhìn Gabriel.”Tuần trước cô ấy thú nhận là sẽ thú vị hơn nếu như tớ ra ngoài làm nhiệm vụ. Trước đây chúng tớ gặp nhau mỗi tháng một lần, nếu may mắn. Còn giờ …”. Anh cau mày. “Tớ nghĩ Bella đang bắt đầu có cảm giác tiếc nuối những giây phút nhớ nhung vì phải xa nhau. Ngoài ra, tớ cũng thèm cảm giác của những lần la cà khắp các sảnh của sân bay. Theo tính toán của tớ, tớ đã dành ra hai phần ba sự nghiệp để đợi chờ ở các nhà ga, sân bay, trạm xe lửa, nhà hàng và phòng khách sạn. Những nơi đó hứa hẹn sự lý thú và sôi động, nhưng sự thực, hầu như nó chỉ mang lại nỗi chán chường thê lương với những thoáng sợ hãi vô lý”.

“Tớ thích sự chán ngắt hơn là sự náo động, bạo loạn. Sống ở một nước chán ngắt không tốt hơn hay sao?”.

“Thế thì chẳng phải là Israel rồi”.

Navot đỡ túi quần áo da cho Gabriel rồi dẫn anh vào hành lang với những chiếc đèn nê-ông sáng chói. Họ cao ngang nhau và bước đi với dáng điệu khá giống nhau. Trong khi Gabriel góc cạnh và ốm yếu, Navot lại to béo và mạnh mẽ với cái đầu tròn trĩnh như ụ pháo đặt lên trên bờ vai của lực sĩ và một cái hông mập mạp thể hiện việc ăn uống vô độ. Trong nhiều năm trời, Navot đã lang bạt khắp Tây Âu trong vai trò của một nhân viên tình báo. Hiện anh làm chỉ huy Chiến dịch Đặc biệt. Theo lời của Giám đốc tình báo Israel – Ari Shamron, Chiến dịch Đặc biệt chính là “phần bí mật nhất của một cơ quan bí mật”. Họ làm những việc không ai muốn làm hoặc dám làm. Họ là những sát thủ, kẻ bắt cóc, tin tặc và tống tiền. Đó là những người trí thức có thành tích phạm tội còn hơn cả tội phạm. Đó là những người biết nhiều thứ tiếng và luôn phải biến hoá. Đó cũng là những người phải coi khách sạn sang trọng nhất Châu Âu hay khu phố tồi tàn nhất ở Berut và Bátđa là nhà. Navot mới vào nghề và anh được thăng chức vì Gabriel đã từ chối. Giữa họ không có hiềm khích mâu thuẫn. Navot là người đầu tiên thừa nhận mình chỉ là lính hoạt động bên ngoài, còn Gabriel Allon mới là một huyền thoại.

Hành lang dẫn tới một cánh cửa an ninh, nó tiếp tục dẫn đến một khu vực giới hạn sát vòng xoay giao thông chính bên ngoài nhà ga sân bay. Một chiếc Sedan Renault mới tinh đang chờ sẵn trong khu vực đỗ xe riêng. Navot mở cốp xe rồi đẩy túi xách của Gabriel vào trong. Anh nói. “Mình đã cho tài xế nghỉ đêm nay. Mình muốn có giây phút riêng tư, cậu biết là dân tài xế là thế nào rồi đấy. Bọn họ chỉ ngồi lê đôi mách sau tay lái suốt ngày và không biết làm gì ngoài chuyện phiếm. Bọn họ còn tệ hơn cái máy may”.

Gabriel ngồi vào ghế dành cho hành khách rồi đóng cửa xe. Anh nhìn vào ghế sau, nó đầy sách và hồ sơ của Bella. Bella là một chuyên gia về Xyri và từng lăn lộn qua nhiều cơ quan chính phủ. Cô thậm chí còn thông minh hơn cả Navot, và đây chính là nguồn gốc của khá nhiều căng thẳng trong quan hệ lâu dài và hay biến động của họ.

Navot khởi động xe của Bella bằng một cú xoay chìa khoá thật mạnh, anh đạp ga cho xe băng ra cổng sân bay.

“Thế bức tranh ra sao rồi?”, anh hỏi.

“Cũng hay đấy, Uzi”.

“Đó là bức của Botticelli phải không?”

Gabriel chỉnh. “Của Bellini. Bức Khóc than Chúa qua đời”.

Gabriel định nói thêm siêu phẩm này đã hình thành nên thần thái của bức vẽ sau bàn thờ ở giáo đường San Francesco ở Pesaro, nhưng anh lại thôi. Việc là một trong những người phục chế nghệ thuật giỏi nhất thế giới đã biến Gabriel thành mục tiêu cho sự ganh tỵ giữa các đồng nghiệp trong nghề. Anh hiếm khi bàn công việc với họ, ngay cả với Navot, người đã trở thành bạn thân của mình.

“Botticelli, Bellini, tên nào đối với mình cũng vậy”, Navot lắc đầu. Tưởng tượng xem, một anh chàng Do Thái đẹp trai như cậu phục chế một kiệt tác của Bellini cho Giáo hoàng. Hy vọng là ông ta trả cho cậu khá”.

“Ông ấy trả theo mức chung thôi, cộng thêm một chút”.

“Cũng công bằng thôi. Rốt cuộc thì cậu đã cứu rỗi cuộc đời của ông ta”.

“Cậu cũng tham gia vào việc này mà Uzi”.

“Nhưng tớ không phải là người có được bức tranh của ông ấy, dù tớ đang thực hiện việc đó”.

Họ lái xe đến cuối con dốc. Trên đầu là một biển báo giao thông màu xanh trắng. Bên trái là Tel Aviv, còn bên phải là Jerusalem. Navot rẽ sang phải rồi hướng về phía đồi Judean.

Gabriel hỏi:”Tình hình ở Đại lộ King Saul thế nào?”

Đại lộ King Saul là địa chỉ lâu đời của cơ quan tình báo hải ngoại của Israel. Cơ quan này có một cái tên dài ngoằng ít liên quan gì đến bản chất công việc của nó. Những người như Gabriel và Navot chỉ đơn giản gọi đó là “Văn phòng”.

“Hãy xem việc được đi xa là may mắn”.

“Tệ thế sao?”.

“Cuộc phiêu lưu của chúng ta đến Libăng là một tai hoạ rành rành. Không có cơ quan nào của chúng ta không bị ảnh hưởng uy tín, trong đó có Văn phòng. Cậu biết mọi thứ hoạt động thế nào mà. Khi phạm những lỗi lầm lớn đến thế, phải động não, càng nhiều càng tốt. Không ai an toàn, đặc biệt là Amos. Uỷ ban Thẩm vấn muốn biết tại sao Văn phòng không nhận ra Hezbollah được vũ trang tốt đến như thế và lý do tại sao mạng lưới rộng lớn những cộng tác viên được trả lương hậu hĩnh có vẻ như không thể nhận thấy giới lãnh đạo của Hezbollah bắt đầu gây hắn”.

“Điều cuối cùng Văn phòng cần thực hiện nay là một cuộc tranh giành quyền lực mới và một cuộc chiến tìm người kế tục không đúng lúc, khi mà Hezbollah đang dự tính một chiến tranh khác. Không đúng lúc khi Iran đang trên bờ vực vũ khí hạt nhân. Và càng không đúng lúc, khi có những lãnh thổ sắp bùng nổ”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-11-2013 07:49 PM
Chương 2
(tiếp theo)

“Shamron và những người khôn khéo nhất còn lại đưa ra quyết định là Amos phải chết. vấn đề duy nhất là hành quyết hay Amos được phép tự xử sau một thời gian nghỉ ngơi?”.

“Làm sao cậu biết Shamron đứng ra sắp xếp những chuyện này?”.

Navot, với vẻ lạnh lùng sắc sảo, nói rõ nguồn tin của anh chính là Shamron. Đã nhiều năm qua kể từ khi Shamron thực hiện chuyến thị sát cuối cùng với cương vị là sếp, Văn phòng vẫn là sắc phong riêng cho ông. Văn phòng có nhiều người như Gabriel và Navot, những người được Shamron tuyển dụng và đào tạo, những người hoạt động theo một tín ngưỡng, thậm chí nói một ngôn ngữ do ông viết ra. Shamron được mọi người ở Israel biết với cái tên Memuneh, người mang trọng trách, và vẫn thế cho đến ngày ông quyết định đất nước này đã đủ an toàn để cho ông ra đi.

“Uzi, cậu đang chơi một trò chơi nguy hiểm. Shamron vẫn đang có ảnh hưởng. Vụ đánh bom nhằm vào chiếc xe ông ta đã cướp đi của ông ấy rất nhiều. Ông ấy không còn là người như trước. Không có gì bảo đảm ông ấy sẽ vượt lên trong cuộc chạy đua với Amos, và tớ không cần nhắc cậu, cậu cũng biết cánh cửa đến Đại lộ King Saul cho những người như cậu chỉ ra con đường một chiều. Nếu cậu và Shamron thất bại, cậu sẽ ra đứng đường, giống như những điều tra viên đã thất nghiệp của Văn phòng”.

Navot gật đầu đồng ý. “Và sẽ không có một Giáo hoàng để ném cho tớ một chút công việc vụn vặt nào đó”.

Xe bắt đầu đến Bab Al Wad, một hẻm núi giống hình bậc thang dẫn từ khu đồng bằng ven biển đến Jerusalem. Gabriel cảm giác tai mình bị ù do thay đổi độ cao.

“Thế Shamron có ý tưởng về người kế nhiệm không?”.

“Ông ấy muốn một người không phải là lính quản lý Văn phòng”.

Đó là một trong nhiều điều dị thường về Văn phòng, và điều đó ít có ý nghĩa đối với người ngoài. Shamron là người cuối cùng leo lên đến đỉnh từ hàng ngũ những người thực hiện chiến dịch và kể từ đó, ông ấy lúc nào cũng kiểm soát được mọi thành viên.

“Nên đó là lý do rại sao cậu đang âm mưu với Shamron? Cậu đang nhắm vào vị trí của Amos phải không? Cậu và Shamron đang lợi dụng sự sụp đổ ở Libăng để làm nơi tổ chức binh biến. Cậu sẽ nắm hoàng cung và Shamron sẽ ngồi giật dây từ toà biệt thự của mình ở Tiberias”.

“Tớ cứ hy vọng cậu nghĩ Shamron sẽ tin tưởng giao cho tớ chìa khoá vào Văn phòng yêu quý của ông ấy, nhưng tớ không phải thế. Memuneh còn có người khác trong đầu”.

Gabriel lắc đầu nhè nhẹ. “Tớ sao? Tớ là kẻ ám sát, Uzi. Người ta sẽ không đưa kẻ ám sát lên làm sếp”.

“Cậu còn hơn một chuyên viên ám sát”.

Gabriel lặng thinh nhìn ra cửa sổ, nơi những ngọn đèn đường vàng vọt của một khu định cư Do Thái lần lượt trải dọc theo sườn đồi xuống vùng bằng phẳng của Bờ Tây. Ở phía xa là trăng lưỡi liềm treo trên bầu trời Ramallah. Anh hỏi. “Điều gì làm cho Shamron nghĩ tớ muốn làm sếp? Tớ đã lẩn tránh khi ông ấy muốn đưa tớ lên làm sếp của Chiến dịch Đặc biệt mà”.

“Thế cậu định nhắc tớ một cách không tế nhị rằng tớ được giữ vị trí đó chỉ vì cậu không muốn chứ?”.

“Uzi, tớ muốn nói rằng tớ không thích hợp ở Tổng hành dinh và chắc chắn cũng không muốn dành những tháng ngày của đời mình cho các buổi họp hành liên miên của ban An ninh trong văn phòng Thủ tướng. Tớ không muốn tỏ ra tốt đối với người khác và cũng không muốn làm hậu thuẫn trong âm mưu nhỏ nhoi của cậu là chống lại Amos”.

“Thế cậu định làm gì nào? Cứ ngồi đó đợi Giáo hoàng giao thêm việc sao?”.

“ Cậu đang bắt đầu nói giống Shamron rồi đấy”.

Navot không để ý đến nhận xét đó. “Cứ ngồi yên trong khi tên lửa dội xuống Haifa như mưa, trong khi đám giao sĩ ở Tehran chế tạo bom hạt nhân hay sao? Phải chăng đó là kế hoạch của cậu khi bỏ cuộc giao chiến này lại cho người khác?”. Navot nhìn vào kính chiếu hậu rất lâu. “Vào thời điểm dầu sôi lửa bỏng của đất nước. Tiền đồ Israel đang vỡ vụn dưới sức ép của cuộc chiến không bao giờ kết thúc này. Lớp người đi trước đang dần mất đi, còn người dân không tin thế hệ lãnh đạo mới sẽ gánh nổi trọng trách tương lai. Những người có khả năng đang tìm chỗ lánh nạn cho chính mình. Đó là bản năng của người Do Thái sao? Điều đó nằm trong bộ mã di truyền của chúng ta vì tinh thần Holocaust. Hiện nay người ta có thể nghe được những gì mà cách đây 10 năm họ đã không nghe được. Mọi người đang tự hỏi toàn bộ nỗ lực có phải là một sai lầm hay không. Họ tự lừa dối mình rằng quê hương của người Do Thái không phải ở Palestine mà là ở Mỹ”.

“Mỹ”

Navot dán mắt xuống đường. “Em gái mình sống ở Bethesda, Maryland. Ở đó đẹp lắm. Cậu có thể ăn trưa trong quán cà phê ngoài trời mà không sợ người đi ngang qua bàn cậu ngồi là một tên tử vì đạo sẵn sàng làm cậu nổ tung ra từng mảnh”. Anh liếc nhìn Gabriel. “Có lẽ đó là lý do tại sao cậu thích Italy đến thế. Cậu muốn xây dựng một cuộc sống mới cho chính mình cách xa đất nước Israel. Cậu muốn bỏ lại máu và nước mắt cho những người khác”.

Ánh nhìn u ám của Gabriel cho thấy anh đã đổ máu và nước mắt cho đất nước mình nhiều hơn ai hết. “Mình là một người phục chế chuyên về những bậc thầy cổ đại của Italy. Những bức tranh đó đang nằm ở Italy, không phải ở đây đâu Uzi”.

“Gabriel à, trùng tu nghệ thuật chỉ là công việc tạo vỏ bọc cho cậu thôi. Cậu không phải là nhà phục chế nghệ thuật, mà cậu là kẻ phụng sự thầm lặng của Nhà nước Israel và cậu không có quyền giao việc chiến sự cho người khác. Còn nếu cậu nghĩ cậu đang định tìm một cuộc sống yên ả cho mình ở Châu Âu thì hãy quên chuyện đó đi. Người Châu Âu lên án chúng ta về vụ Libăng, nhưng họ không hiểu Libăng chỉ là dấu hiệu cho những sự kiện sắp xảy ra. Bộ phim này rồi sẽ trình chiếu trong các rạp ở khắp Châu Âu. Đó chính là chiến trường tiếp theo”.

Gabriel suy nghĩ, chiến trường tiếp theo ư? Không, nó đã là chiến trường trong hơn 30 năm qua. Anh nhìn lên chiếc bóng đang đổ xuống của núi Herzl, nơi người vợ trước của anh từng sống trong bệnh viện tâm thần, bị khoá trong một nhà tù ký ức với một cơ thể bị tàn phá do kẻ thù của mình gây ra. Con trai anh ở lại phía bên kia của Jerusalem, dưới nấm mộ anh hùng trên núi Olives. Giữa hai người là thung lũng Hinnom, một lò thiêu cổ mà người Do Thái và Hồi giáo tin rằng là lò thiêu trừng phạt những người ác sau khi chết. Gabriel đã trải qua những ngày huy hoàng ở thung lũng này. Rõ ràng là Uzi Navot muốn anh quay lại.

“Cậu đang nghĩ gì vậy Uzi? Chắc chắn cậu đi chặng đường dài đến sân bay đâu phải để kéo mình tham gia vào kế hoạch chống lại Amos”.

“Mình có vài việc lặt vặt muốn nhờ cậu giúp”. Navot nói.

“Tớ đâu phải thằng lính sai vặt”.

“Không đùa đâu, Gabriel”.

“Không sao. Thế việc lặt vặt đó là gì”

“Amsterdam”

“Tại sao lại là Amsterdam?”.

“Vì chúng ta có một người trong gia đình ở đó đã bị ám sát”

“Ai?”

“Solomon Rosner”

“Rosner ư? Mình đâu biết Rosner là người của ta”.

“ Không phải là của chúng ta. Đó là người của Shamron”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-11-2013 08:22 PM
Chương 3
Jerusalem

Họ lái xe qua đường Narkiss, một con đường yên tĩnh và nhiều cây xanh ở trung tâm thành phố Jerusalem, và đỗ bên ngoài toà nhà màu đá vôi ở số 16. Ngôi nhà cao 3 tầng và được che khuất bằng một cây khuynh diệp cao vút mọc trong vườn trước nhà. Gabriel dẫn Navot đi qua sảnh nhỏ và bước lên cầu thang. Dù vắng nhà đã lâu nhưng anh chẳng màng kiểm tra họp thư. Anh có bao giờ nhận được thư đâu, vì cái tên trên hộp thư là giả. Trong bộ máy nhà nước Israel, cái tên Gabriel Allon không có thực. Anh chỉ sống ở Văn phòng và thậm chí cũng chỉ là người ngụ cư bán thời gian ở đó.

Căn hộ của anh ở tầng trên cùng. Như thường lệ, anh ngập ngừng trước khi mở cửa. Căn phòng chào đón anh không giống như hiện trạng lúc anh bước ra khỏi đó sáu tháng trước. Lúc đó căn phòng này là một studio nghệ thuật nhỏ nhưng đầy đủ chức năng, còn giờ nó được trang trí tỉ mỉ bằng một màu be huyền ảo và màu trắng nhẹ nhàng mà Chiara Zolli, vị hôn thê người gốc Venice của anh rất yêu thích. Cô ấy rất bận bịu lúc anh đi xa. Không hiểu sao cô quên không nói chuyện trang trí lại căn phòng trong lần cô đi Italy vừa rồi.

“Trời, đồ đạc của tớ đâu?”.

“Bên quản lý nhà đang lưu giữ đến khi cậu tìm được một studio thích hợp”. Navot mỉm cười trước vẻ khó chịu của Gabriel. “Cậu đâu có muốn vợ mình sống ở một căn hộ không có bàn ghế nội thất, phải không nào?”.

“Cô ấy chưa phải là vợ tớ mà”. Anh đặt túi lên chiếc ghế sô-pha mới, trông khá đắt tiền. “Cô ấy đâu rồi”.

“Thế cô ấy không nói cho cậu biết tụi mình đang cử cô ấy đi đâu sao?”.

“Cô ấy nắm rõ quy định ngăn chia phòng và cần phải hiểu điều đó nghiêm túc chứ”.

“Tớ cũng vậy”.

“Cô ấy đâu, Uzi?”

Navot định đáp lại, nhưng một giọng nói từ nhà bếp vang lên đã trả lời cho anh. Giọng nói rất quen thuộc với Gabriel, cả dáng người già nua cũng vậy, người đó mặc quần kaki và cái áo khoác bằng da có vết rách ở ngực trái. Đầu người đó nhìn giống như viên đạn và bị hói, trừ cái viền tóc trắng phau như thầy tu. Mặt của ông hốc hác hơn những gì Gabriel đã nhớ, đôi kính với cặp gọng xấu xí hiện to lên đôi mắt xanh không còn trong nữa. Ông đang tựa người vào cây gậy bằng gỗ ôliu rất đẹp. Bàn tay cầm gậy giống như mượn từ một người to gấp đôi ông.

Ari Shamrom nói lần thứ hai. “Vợ sắp cưới của anh đang ở Argentina”.

“Cô ấy làm việc gì ở đó vậy”

“Theo dõi một phần tử khủng bố nổi tiếng”.

Gabriel không phải hỏi kỹ về phần tử đó. Câu trả lời nằm ở địa điểm chiến dịch. Argentina, giống như những nước còn lại ở Nam Mỹ, chính là hang ổ của Hezbollah.

“Chúng tôi nghĩ việc Hezbollah tìm cách trả thù cho những thiệt hại mà chúng ta đã gây ra cho chúng ở Libăng chỉ là vấn đề thời gian. Một cuộc tấn công khủng bố không để lại dấu vết là khả năng lớn nhất. Vấn đề duy nhất chúng ta đang nghĩ đến chính là mục tiêu của cuộc tấn công. Chúng ta hay những thành phần ủng hộ chúng ta ở Mỹ”.

“Khi nào cô ấy xong nhiệm vụ?”.

Shamron nhún vai chẳng lấy gì làm chắc chắn. “Đây là một cuộc chiến không có hồi kết, Gabriel. Nó kéo dài mãi. Thế nhưng anh biết rõ điều đó hơn bất kỳ ai trong chúng ta, phải không nào?”, ông sờ mặt Gabriel. “Tìm một cốc cà phê đi. Ta cần nói chuyện”.

Gabriel thấy một hộp cà phê trong tủ bếp. Tem đã bóc và chỉ cần ngửi cũng biết nó không còn ngon. Anh ta đổ một ít vào trong máy pha rồi đun một ấm nước sôi, quay trở lại phòng khách. Navot đang chăm chú xem một cái đĩa gốm trên bàn trong cùng, Shamron đã ngồi vào ghế và đang châm điếu thuốc Thổ Nhĩ Kỳ có mùi khó chịu. Gabriel đã đi sáu tháng, nhưng khi anh đi vắng, hình như không có gì thay đổi đồ nội thất.

Shamron hỏi. “Không có cà phê à?”

Shamron liếc nhìn chiếc đồng hồ đeo tay to tướng bằng thép không gỉ của mình. Thời gian lúc nào cũng là kẻ thù của ông, nhưng giờ còn hơn thế. Gabriel nghĩ đó là vụ tấn công, cuối cùng Shamron buộc phải đối diện với khả năng sinh tử của mình.

Gabriel hỏi. “Solomon Rosner là báu vật của Văn phòng phải không?”.

“Thực sự là một người rất có giá trị”.

“Bao lâu rồi?”.

Shamron ngả đầu ra sau và nhả một làn khói trắng lên trần nhà trước khi trả lời.

“Trở lại thời gian giữa những năm 1990, suốt nhiệm kỳ thứ hai làm sếp của tôi, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng Hà Lan sẽ trở thành một vấn đề đối với chúng ta trong tương lai. Thành phần dân số của nước này đang thay đổi rất nhanh chóng. Amsterdam đang trên đường trở thành một thành phố Hồi giáo. Thanh niên đang thất nghiệp và phẫn nộ, họ đang được các giáo sĩ bồi dưỡng bằng món ăn hận thù, đa số họ đều được du nhập từ ngoài nước và được bạn bè chúng ta ở Arập Xêút tài trợ. Đã có một số vụ tấn công nhằm vào cộng đồng địa phương. Hầu hết đó là những vụ tấn công lặt vặt như cửa sổ vỡ, chảy máu mũi, ném bom xăng lẻ tẻ.

Chúng ta muốn đảm bảo những vụ như vậy không trở nên nghiêm trọng hơn. Chúng ta còn muốn biết xem có kẻ thù nào của ta đang sử dụng Amsterdam như một căn cứ hoạt động cho những vụ tấn công lớn chống lại người Israel ở Châu Âu. Chúng ta cần tai mắt ở ngay nơi xảy ra chuyện nhưng chúng ta không có nguồn lực để thực hiện chiến dịch một mình”.

Gabriel mở chiếc cửa dẫn ra ban công nhỏ xíu nhà mình. Mùi hương khuynh diệp ở vườn trước nhà tràn vào căn hộ. “Do đó ông quay sang tìm Rosner phải không?”.

“Cũng không hẳn vậy. Chúng ta đã thử theo cách truyền thống trước, đó là quan hệ với AIVD, cơ quan an ninh của Hà Lan. Chúng ta đã thuyết phục họ hàng tháng trời, nhưng người Hà Lan vào thời điểm đó không thích dây dưa với chúng ta. Sau lần từ chối cuối cùng, tôi đã được phép xâm nhập AIVD bằng cửa sau. Trưởng trạm địa phương của chúng ta đã hơi vụng về trong việc tiếp cận với ông phó của AIVD phụ trách theo dõi cộng đồng Hồi giáo, và chuyện đó đã đổ vỡ trước mặt chúng ta. Anh còn nhớ vụ xì-căng-đan đó không Gabriel?”.

Anh vẫn nhớ. Vụ này đã được phanh phui trên khắp các báo Hà Lan và Israel. Đã có nhiều cuộc trao đổi nóng hổi giữa Bộ ngoại giao hai nước và những lời đe doạ trục xuất đầy giận dữ.

“Khi cơn bão qua đi, tôi quyết định thử lại lần nữa. Tuy nhiên, lần này tôi chọn một mục tiêu khác”.

“Rosner”, Gabriel nói thêm và Shamron gật đầu đồng ý.

“Ông ấy theo dõi những gì đang được truyền miệng ở các nhà thờ Hồi giáo khi không ai ở Amsterdam muốn nghe, và ông đọc những lời phỉ báng qua những trang viết trên internet khi mà những người khác không thèm để ý đến. Nhiều lần, ông ấy đã cung cấp thông tin cho cảnh sát kịp thời ngăn ngừa bạo động. Ông bất ngờ biến thành người Do Thái. Qua những thông tin đó thì, Rosner chính là người đáp ứng những mong ước của chúng ta”.

“Thế ai là người lo việc tuyển chụng?”

Shamron nói. “Chính tôi. Sau vụ xì-căng-đan ở AIVD, tôi không còn tin tưởng mà giao việc cho ai nữa”.

Gabriel nói. “Ngoài ra, việc tuyển dụng được người tốt luôn là điều khiến ông ham thích”.

Shamron trả lời bằng một nụ cười ẩn ý, cũng như nụ cười mà ông đã thể hiện vào buổi chiều nóng như thiêu đốt vào tháng 9 năm 1972, khi ông đến gặp Gabriel tại Viện hàn lâm nghệ thuật Bezalel tai Jerusalem. Lúc đó Gabriel đã là một hoạ sĩ trẻ đầy triển vọng, còn Shamron là một người ngông cuồng trong chiến dịch thủ tiêu các thành viên của tổ chức Tháng Chín Đen, những kẻ thực hiện Vụ thảm sát Munich. Chiến dịch này có mật danh là Cơn thịnh nộ của Chúa, nhưng trong thực tế, đó là Cơn thịnh nộ của Gabriel. Trong số 12 thành viên của tổ chức Tháng Chín Đen bị Văn phòng thủ tiêu, sáu tên bị Gabriel giết ở cự ly gần bằng khẩu Beretta nòng 22 ly.

“Tôi đã bay đi Amsterdam và mời Rosner ăn tối trong một nhà hàng yên tĩnh nhìn xuống tháp Amstel. Tôi đã kể những câu chuyện về thời xa xưa – thời Chiến tranh giành độc lập, thời bắt giữ Eichmann. Cậu cũng biết họ đấy Gabriel, những câu chuyện cậu và Uzi đã nghe được trước đó hàng ngàn lần. Vào cuối buổi tối đó, tôi đặt hợp đồng lên bàn. Ông ấy đã ký không do dự”.

Shamron bị ngắt lời bởi tiếng kêu của ấm trà. Gabriel đi vào bếp và pha cà phê. Khi quay lại, anh đặt máy pha kiểu Pháp lên bàn cà phê, cùng với ba tách trà và một lọ đường. Navot nhìn anh không hài lòng. “Tốt hơn cậu nên đặt một cái gì bên dưới để lót. Nếu để lại vết bẩn trên khăn trải bàn, Chiara sẽ giết cậu”.

“Tôi thử xem Chiara sẽ làm gì tôi mà Uzi”, Gabriel nìn Shamron.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-11-2013 08:24 PM
Chương 3
(tiếp theo)

Shamron có vẻ thận trọng. “Rosner là phát hiện quý giá của tôi. Dĩ nhiên là tôi sẽ phải cân nhắc kỹ khi chuyển giao báu vật ấy cho người khác. Tôi cho ông ấy ít tiền thuê trợ lý, và khi Rosner có việc phải báo cáo thì tôi là người đến gặp ông ta”.

“Ở Amsterdam ư?”.

Shamron nói. “Không bao giờ. Thường thì chúng tôi gặp nhau ở bên kia biên giới”.

“Antwerp”.

“Rồi lần thứ hai ông bị đuổi khỏi Văn phòng thì sao?”.

“Tôi bám vào một số việc linh tinh khiến bản thân bận rộn với sự lẩm cẩm của mình”.

“Rosner là một trong những việc linh tinh đó”.

“Tất nhiên một người nữa chính là cậu. Tôi đã không tin tưởng giao cậu cho ai khác”.

Ông cho một muỗng đường vào tách cà phê rồi khuấy nó, với tâm trạng buồn bã. “Khi tôi sang chỗ Thủ tướng làm Cố vấn an ninh cấp cao, tôi không được sử dụng Rosner nữa”. Ông liếc nhìn Navot. “Tôi giao cho Uzi. Nói cho cùng, anh ta là tình báo của chúng ta ở Châu Âu”.

“Và còn là người bảo vệ cho ông”, Gabriel nói thêm.

Navot bộc bạch. “Công việc đó chính xác cũng không nặng nhọc gì mấy. Ari đã làm hết rồi còn gì. Tớ chỉ phải xử lý những báo cáo của Rosner. Cách đây 18 tháng, ông ấy đã cho tớ một thỏi vàng nguyên chất. Theo nguồn tin của Rosner bên trong cộng đòng Hồi giáo, một nhân vật có quan hệ với Al-Qaeda đang hoạt động ở Tây Amsterdam đã nắm được một quả tên lửa và đang có kế hoạch bắn hạ một chiếc máy bay của hãng hàng không El Al khi chiếc máy bay mày hạ cánh tại sân bay Schiphol. Buổi tối đó, chúng tôi đã đáp chuyến bay đi Bỉ và thông báo cho phía Hà Lan. Họ đã bắt giữ bốn người đàn ông ngồi trong một chiếc xe đỗ ở cuối đường băng. Trong cốp chiếc xe có một quả tên lửa chống máy bay được buôn lậu vào Amsterdam từ Irắc”.

“Thế làm sao mà Rosner biết được âm mưu này?”.

Shamron nói. “Ông ấy có nguồn tin, những nguồn tin rất chuẩn xác. Nhiều lần tôi đã cố thuyết phục ông ấy giao nguồi tin cho chúng ta nhưng lúc nào ông cũng từ chối; ông ấy nói những người cung cấp tin chịu cho ông ấy vì họ nghĩ rằng ông không phải là dân chuyên nghiệp. Thật ra thì đúng ông không phải là dân chuyên nghiệp, nhưng không có ai ở Hà Lan biết được điều này”.

Gabriel hỏi “Ông chó chắc về chuyện đó không? Ông chắc là Rosner không chết vì có liên hệ với chúng ta chứ?”.

“Không may là không thiếu người ở Amsterdam muốn Solomon chết. Một số giáo sĩ thánh chiến có tiếng tăm của thành phố công khai kêu gọi một người tình nguyện tiến hành hạ sát ông ấy. Họ cuối cùng đã tìm được người ở Muhammad Hamza, một thợ sơn nhà từ Bắc Amsterdam làm cho một công trình xây dựng đối diện nhà Rosner. Cảnh sát Amsterdam đã tìm thấy băng video bên trong căn hộ hộ của Hamza sau khi hắn bị bắt. Cuốn băng được thực hiện vào buổi sáng xảy ra vụ ám sát Rosner. Trong cuộn băng, Hamza bình tĩnh nói rằng ngày hôm nay sẽ là ngày hắn giết một người Do Thái”.

“Thế ông muốn tôi đảm nhiệm công việc linh tinh gì ở Amsterdam?”.

Navot và Shamron nhìn nhau như đang cố gắng tìm một câu trả lời rõ ràng. Shamron để cho Navot trả lời. Dù gì thì anh cũng là sếp của Chiến dịch đặc biệt.

“Chúng tôi cần cậu đi Amsterdam xoá hồ sơ của ông ấy. Chúng tôi cần tên tuổi của toàn bộ những nguồn tin quý giá ấy, tất nhiên là phải bảo đảm không có manh mối gì ở đó cho thấy việc này có liên quan đến chúng ta”.

Shamron nói thêm. “Sẽ rất khó xử nếu như mối quan hệ của chúng ta với Rosner bị phơi bày ra ánh sáng. Điều đó sẽ còn gây khó khăn cho chúng ta khi tuyển mộ sayanim từ các cộng đồng Do Thái khắp nơi trên thế giới. Chúng ta chỉ là một cơ quan nhỏ. Chúng ta không thể hoạt động nếu không có họ”.

Sayanim chính là mạng lưới toàn cầu gồm những người Do Thái tình nguyện giúp đỡ. Họ là những ông chủ ngân hàng cung cấp tiền bạc cho nhân viên của Văn phòng trong trường hợp khẩn cấp; những bác sĩ bí mật chữa trị cho họ khi bị thương; những người chủ khách sạn cho họ trú ngụ dưới những cái tên giả và những nhân viên cho thuê xe cung cấp cho họ những chiếc xe không ai có thể lần ra được. Đa số sayanim đã được tuyển mộ và nuôi dưỡng bởi chính Shamron. Ông ấy đã hết lòng xem họ là những nhân viên bí mật của cộng đồng Do Thái.

Gabriel nói. “Điều đó cũng có khả năng làm cho tình hình bất ổn định ở Hà Lan thêm tệ. Solomon Rosner là một trong những người phê bình nổi tiếng nhất đối với thành phần chiến binh Hồi giáo ở Châu Âu. Nếu có tin ông ấy là điệp viên được ta tuyển mộ, cộng đồng Do Thái ở Hà Lan có thể gặp nguy hiểm”.

“Tôi không đồng ý với cách lập luận của cậu”, Shamron nói. “Tuy nhiên, quan điểm của cậu sẽ được lưu ý”.

“Làm thế nào tôi xâm nhập được vào văn phòng của Rosner?”.

Navot trả lời. “Cách đây khoảng một năm, khi những mối đe doạ đầy nguy hiểm đối với Rosner bắt đầu xuất hiện chúng tôi đều biết mình phải lên kế hoạch cho một tình huống khẩn cấp như thế. Rosner đã bảo trợ lý của mình, một phụ nữ trẻ tên là Sophie Vanderhaus, rằng trong trường hợp ông qua đời, cô ấy sẽ được một người tên là Rudolf Heller liên lạc và được hướng dẫn cách cô ta phải làm, theo từng câu từng chữ”.

Herr Rudolf Heller, một nhà tư bản kinh doanh mạo hiểm đến từ Zurich, là một trong nhiều tên giả của Shamron.

Shamron nói tiếp. “Đêm qua tôi đã liên lạc với Sophie. Tôi bảo cô ấy rằng một đồng nghiệp của tôi sẽ đến Amsterdam chiều mai và anh ta sẽ được phép xem xét tất cả hồ sơ của Rosner”.

“Chiều mai ư?”.

“Có một chuyến bay của hãng hàng không El Al rời phi trường Ben Guiron lúc 6 giờ 45 và đến Amsterdam lúc 2 giờ chiều. Sophie sẽ gặp anh ở trước tiệm cà phê Café de Doelen lúc 4 giờ”.

“Để xem hết toàn bộ hồ sơ của Rosner tôi phải mất mấy ngày đấy”.

Shamron nói. “Đúng thế”.

“Dường như ông vui vì công việc này không dồn lên vai mình”.

“Đó là lí do tại sao chúng tôi quyết định có một số biện pháp hỗ trợ. Người đó đã có mặt ở Châu Âu vì lí do cá nhân. Anh ấy sẽ có mặt ở đó khi anh đến”.

Gabriel đưa tách cà phê lên môi, anh nhìn Shamron qua miệng tách. “ Thế còn những lời hứa của chúng ta với cơ quan an ninh Châu Âu? Thoả thuận mà chúng ta ký bằng máu để đổi lại việc họ bỏ qua tất cả những lời buộc tội và kiện tụng chống lại tôi thì sao?”.

“Ý cậu nói thoả thuận cấm cậu hoạt động trên đất Châu Âu mà không xin phép cơ quan an ninh của nước đó chứ gì?”

“Vâng, đúng thế”.

Cả ba người cùng chia sẻ sự yên lặng đầy ẩn ý. Đưa ra những lời hứa mà họ vốn không có ý định giữ lời là việc họ thường xuyên phải làm dù không muốn. Họ đã lạm dụng hộ chiếu của những quốc gia khác, tuyển mộ nhân viên đặc nhiệm từ các cơ quan liên minh giữa an ninh và tình báo, và thường xuyên thực hiện những chiến dịch trên đất hải ngoại, những chiến dịch bị cấm đoán bởi những hiệp ước đã có từ lâu. Họ đã tự an ủi mình rằng họ làm thế vì không có chọn lựa nào khác; vì bị bao vây bởi những kẻ thù không từ một thủ đoạn gì để gây nên sự chết chóc; và bởi vì phần còn lại của thế giới bị bịt mắt bởi sự câm thù chủ nghĩa bài trừ Do Thái và người Do Thái, sẽ không cho phép họ đáp trả lại bằng toàn bộ sức mạnh quân sự hùng mạnh của mình. Họ đã lừa dối hết người này đến người khác và chỉ cảm thấy thanh thản khi có người khác đồng tình.

Shamron nói. “Cậu không đang đi sau bức màn sắt. Với vỏ bọc phù hợp và một vài công việc tạo nên sự nổi tiếng của cậu bây giờ, cậu sẽ không gặp vấn đề gì khi vào đất nước này. Những thủ tục nhập cảnh mới ở châu Âu đã làm cho sự đi lại của những nhân viên Văn phòng dễ thở hơn và không may là cũng dễ cho những tên khủng bố nữa. Kẻ khủng bố có thể sống ung dung trong một ngôi nhà bên bờ biển Bắc mà người Hà Lan sẽ chẳng bao giờ biết được”.

Navot vươn người đến chiếc cặp của mình. Chiếc phong bì anh lấy ra là loại cũ, có sợi dây thay vì móc bằng nhôm. Văn phòng là một trong những cơ quan tiên tiến trên thế giới về công nghệ nhưng vẫn sử dụng phong bì từ thời Israel chưa có truyền hình.

Shamron nói. “Đây là công việc thời vụ. Cuối tuần này cậu sẽ về nhà. Chưa biết chừng vợ cậu cũng sẽ về đấy”.

“Cô ấy chưa phải là vợ tôi mà”.

Gabriel nhận phong bì từ tay Navot. Anh nghĩ, công việc thời vụ, nghe hay đấy, nhưng thật ra thì nó chẳng bao giờ hay như tên gọi.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-11-2013 08:37 PM
Chương 4
Amsterdam

Xin ngài cho biết quý danh?”, cô lễ tân ở bàn tiếp tân khách sạn Europa hỏi.

“Kiever”, Gabriel đáp lại bằng thứ tiếng Anh giọng Đức. “Heinrich Kiever”.

“À, vâng, đúng rồi”. “Phòng của ông đã sẵng sàn “. Trong giọng của cô nghe như có chút ngạc nhiên. “Ông có thư, thưa ông Herr Kiever”.

Gabriel đang đóng vai một doanh nhân mệt mỏi vì chuyến đi, nhận mẩu giấy với đôi mày cau lại. Thư nói rằng đồng nghiệp của anh từ Heller Enterprises ở Zurich đã đến khách sạn và đang đợi điện thoại của anh. Gabriel vo tròn bức thư rồi nhét vào túi áo khoác. Áo may bằng len ca-sơ-mia. Những cô gái sang trọng không ngần ngại chi tiền cho bộ đồ giống như anh đang mặc.

“Phòng của ông trên tầng 6, một trong những dãy hạng nhất của chúng tôi đấy”, cô tiếp tân đưa cho anh chìa khoá bằng thẻ từ và nêu ra một danh sách dài ngoằng những tiện nghi xa hoa của khách sạn mà Gabriel không có ý định sử dụng. “Ông có cần người phụ giúp mang hành lý không?”.

Gabriel liếc nhìn người đàn ông đứng ở thang máy, một anh thanh niên mệt mỏi nhìn như thể đã ăn trưa ở một trong những quán cà phê tồi tàn nhất của Amsterdam. “Tôi nghĩ mình tự lo được. Cảm ơn”.

Anh bước vào thang máy và đi lên tầng sáu. Cửa phòng nằm ở cuối hành lang, trong một hốc tường nhỏ riêng biệt. Gabriel dùng ngón tay dò quanh khung cửa để xem có vật lạ nào như mảng dây điện rời ra không, anh nín thở khi tra thẻ chìa khoá vào ổ khoá điện tử. Phòng của anh không đặc biệt dù nó quay mặt hướng ra những ngôi nhà dọc sông Amstel, vốn là một trong những cảnh đẹp nhất của thành phố. Một chai sâm-panh loại thường đang nằm trên bàn cà phê. Có một dòng chữ viết tay. Chào mừng trở lại khách sạn Europa, ông Herr Kiever! Thật lạ vì theo trí nhớ của Gabriel Herr Kiever chưa từng trú ngụ ở đây.

Anh rút chiếc điện thoại di động Nokia ra khỏi túi áo khoác. Thực ra đây là chiếc điện thoại có rất nhiều chức năng mà các đời máy trên thị trường không có được, nó là thiết bị có khả năng dò tín hiệu và xung điện của những máy truyền tin bí mật. Anh giơ máy điện thoại trước mặt và đi chầm chậm vài phút quanh các phòng dọc dãy hành lang để theo dõi đồng hồ điện xem có biến động gì khác thường hay không. Yên tâm là phòng không bị nghe trộm, anh thực hiện cuộc tìm kiếm thứ hai, lần này là tìm bom và các thiết bị truy sát. Sau đó anh mới nhắc điện thoại trên chiếc bàn cạnh giường rồi quay số phòng 611. Anh nói bằng tiếng Đức. “Tôi đây”, rồi lập tức gác ống nghe.

Một lúc sau có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Bước vào phòng là một người già hơn Gabriel rất nhiều, nhỏ người, thư sinh, tóc xám lưa thưa rối bời và ánh mắt nâu nhanh nhẹn. Anh ta có vẻ như đang mặc tất cả quần áo của mình cùng một lúc. Áo sơ mi có nút chĩa xuống cũng chiếc cà vạt lớn, áo len dài tay, áo vét bằng vải tuýt hơi nhăn. Eli Lavon nói. “Chỗ ở cũng khá. Còn tốt hơn khi chúng ta ở Rome cái đêm trước khi Zwaiter đụng độ năm 1972. anh còn nhớ không Gabriel? Giống như một đống rác”.

Gabriel nắh lại. “Lúc đó chúng ta đang đóng vai những sinh viên đại học. Giờ thì không thể làm sinh viên được nữa. tôi cho rằng đó là một trong vài lợi thế co với việc chúng ta đã trở nên già đi”.

Lavon mỉm cười khó hiểu với Gabriel và ngồi xuống ghế bành với dáng điệu mệt mỏi. Ngay cả Gabriel, đã quen biết Lavon trong hơn ba mươi năm qua, nhiều khi thấy khó tưởng tượng rằng anh chàng nhỏ thó lắm chuyện, mắc chứng đa nghi này, lại là thám tử theo dõi đường phố tốt nhất mà Văn phòng đào tạo được. Họ đã làm việc cùng nhau lần đầu tiên trong chiến dịch Cơn thịnh nộ của Chúa. Lavon, một người theo học ngành khảo cổ, là một ayin, người chuyên truy tìm. Khi đơn vị này giải tán, anh ta đã định cư ở Viên và mở một văn phòng điều tra nhỏ có tên Khiếu nại và Cáo buộc thời chiến. Hoạt động với ngân sách thắt lưng buộc bụng, anh đã kiếm được hàng triệu đô la trong mớ tài sản cướp được của người Do Thái trong chiến tranh, anh còn đóng vai trò quan trọng trong việc can thiệp vào khoản giải ngân nhiều tỉ đô la của các ngân hàng Thuỵ Sỹ. Gần đây anh đã trở về Israel và dạy môn khảo cổ lịch sử tại Đại học Hebrew. Thời gian rảnh rỗi, anh thỉnh giảng về mỹ thuật tại Viện hàn lâm. Không có nhân viên được tuyển mộ nào của Văn phòng lại chưa từng trải qua vài ngày ở hiện trường với Eli Lavon vĩ đại.

Lavon nói với sự ngưỡng mộ. “Cách nguỵ trang của cậu rất tài tình. Có lúc chính tôi cũng không nhận ra cậu”.

Gabriel ngắm hình ảnh của mình phản chiếu trong gương treo trên bàn trang điểm. Anh đeo cặp mắt kính có gọng đen, kính áp tròng biến đôi mắt xanh thành nâu, một hàng râu dê giả làm nổi bật thêm dáng người vốn đã gầy của anh.

Lavon nói. “Lẽ ra tôi phải thêm chút màu xám cho tóc của cậu”.

Gabriel trả lời. “Đủ rồi. Sao cậu lại nhảy vào vụ này?’.

“Sự uỷ nhiệm. Tôi cho là như vậy. Tôi đang tham dự hội nghị ở Prague trình bày kết quả khai quật tại Tel Megiđo. Khi bước xuống sân khấu thì điện thoại di động reo. Cậu không bao giờ đoán được đó là ai đâu”.

“Tin tôi đi, đó là Eli – tôi đoán vậy”.

“Tôi nghe cái giọng nói đó, giọng của Chúa với cách nhấn giọng Ba Lan nghe rợn người, bảo tôi rời Prague đi Amsterdam ngay lập tức”, Lavon uể oải lắc đầu. “Thế ở tuổi của mình, Shamron không có việc gì tốt hơn để làm ngoài việc lo cho một tên sayan đã chết sao? Ông ấy thật may mắn vì vẫn còn sống. Ông ấy có thể hưởng thụ vài năm cuối đời, nhưng thay vào đó, ông ta lại bám vào Văn phòng như người sắp chết đưới vớ được phao cứu sinh”.

Gabriel nói. “Rosner chính là sayan của ông ta. Tôi chắc là ông ấy cảm thấy có một phần trách nhiệm trước cái chết của Rosner”.

“Lẽ ra ông ta nên để cho Uzi xử lý vụ này. Nhưng ông ta lại không hoàn toàn tin tưởng Uzi, phải không Gabriel? Ông già đó cần anh trong Chiến dịch Đặc biệt chứ không phải Uzi, ông ta sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi anh nhận nhiệm vụ ấy”. Lavon đẩy tay áo vét lên và nhìn đồng hồ. “Sophie Vanderhaus đang đợi chúng ta. Cậu đã nghĩ cách đối phó với cô ấy chưa?”.

“Cô ấy là một phụ nữ thông minh. Tôi cho là cô ấy đã có ý tưởng hay về mối liên hệ của Herr Heller và hiểu được lý do tại sao Rosner lúc nào cũng gặp ông ấy ở ngoài biên giới nước này”.

Lavon cau mày. “Tôi phải thừa nhận là mình không trông mong gì chuyện này. Tôi cho rằng mọi việc ở đây đều có trình tự hết. Khi một điệp viên chết, những bí mật phải theo họ xuống mồ. Giống như Tahara, nghĩa là gột rửa cho người chết. Tiếp theo có thể là một trong số chúng ta”.

“Eli à, hãy hứa với tôi một điều”.

“Gì vậy?”.

“Hãy hứa là nếu có chuyện gì xảy ra với tôi, anh sẽ là người chôn vùi tất cả bí mật của tôi”.

Lavon vỗ nhẹ túi áo vét. “Thật hân hạnh. À mà tôi quên mất chuyện này. Một bodelin đã gửi tôi cái này tại sân bay sáng nay khi tôi đến”.

Bodelin là liên lạc của Văn phòng. Còn cái đưa cho Lavon chính là khẩu súng Beretta 9mm. Gabriel cầm lấy rồi nhét vào thắt lưng.

“Thật sự cậu không mang theo chứ, phải không nào?”.

“Tôi có nhiều kẻ thù, Eli – rất nhiều kẻ thù”.

“Tất nhiên là Solomon Rosner cũng vậy”

“Một trong những kẻ thù đó có thể đang quẩn quanh đâu đây”.

“Phải cố gắng không giết ai khi ta còn ở Amsterdam, Gabriel à. Người chết thường làm hỏng cả chuyến đi êm ả của chúng ta đấy”.

Trời bắt đầu tối khi Gabriel bước ra khỏi khách sạn. Anh quay sang phải, Lavon đi cách anh vài bước, họ tản bộ dọc theo con phố hẹp cho đến khi anh đến chỗ chiếc cầu sắt. Ở phía đối diện là quán Café de Doelen. Quán đã mở cửa bán trở lại và địa điểm Solomon Rosner đứng vào thời điểm ông bị ám sát chất đầy hoa tulip. Không có người nào khóc than hay phả đối về vụ ám sát đúng lễ nghi đối với người đồng hương, chỉ có một băng rôn nhỏ treo ở hiên quán cà phê tren đó ghi. “Một Amsterdam, một con người”.

“Tôi đã đứng nhìn nó hai ngày nay rồi mà cũng không biết ý nghĩa của nó là gì?”.

Gabriel quay người lại. Những lời nói đó vang lên từ một phụ nữ trong độ tuổi 30 với mái tóc màu cát và đôi mắt xanh nhạt ánh lên vẻ thông minh điềm tĩnh.

Cô chìa bàn tay ra với vẻ nghiêm nghị. “Tôi là Sophie Vanderhaus, trợ lý của Giáo sư Rosner”. Cô buông tay và nhìn vào chỗ tưởng niệm tạm thời. “Thật cảm động phải không nào. Ngay cả báo chí Hà Lan cũng nói về ông ấy như một anh hùng. Thật tệ là họ không tán dương ông khi ông còn sống. Trong nhiều năm qua họ đã công kích ông ấy, tất cả bởi vì ông đã can đảm nói lên những điều mà họ tìm cách bỏ qua. Họ cũng tội lỗi như những tên thầy tế quá khích, những người đã rót vào đầu Muhammad Hamza đầy lòng thù hận”. Cô quay sang nhìn Gabriel. “Đi nào, ngôi nhà đó ở lối này”.

Họ đi xuống đường Staalstraat. Liếc qua vai mình Gabriel nhìn thấy Lavon đang tiếp bước theo sau. Sophie Vanderhaus nhìn xuống những viên sỏi lót đường như thể đang sắp xếp suy nghĩ của mình.

Cô nói. “Ông ấy đã bị giết cách đây năm ngày. Và không có lãnh tụ Hồi giáo nào đứng ra lên án việc này. Thực ra, được báo chí Hà Lan tạo điều kiện, họ đã chọn cách lên án ông ấy. Thế còn những người Hồi giáo được cho là ôn hoà mà người ta hay nói đến trên báo chí ở đâu? Họ có tồn tại không hay chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của chúng ta? Nếu có ai phỉ báng đấng tiên tri Muhammad, cộng đồng người Hồi giáo ở đất nước chúng tôi sẽ phẫn nộ đổ ra đường phố, và đe doạ chặt đầu người đó. Nhưng khi một trong số họ phạm tội mưu sát nhân danh Đấng tiên tri thì …”

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-11-2013 08:40 PM
Chương 4
(tiếp theo)

Giọng cô lạc hẳn đi.

Gabriel nói tiếp những gì cô suy nghĩ.

“Sự im lặng đáng sợ”.

“Đúng vậy”, cô đáp. “Nhưng anh đến Amsterdam không phải là để nghe diễn thuyết của tôi. Anh có việc phải làm”. Cô nhìn anh chăm chú một lúc khi họ bước cạnh nhau trên con phố hẹp. “Anh biết không, Herr Kiever, cách đây đúng một năm Giáo sư Rosner có kể cho tôi nghe về mối quan hệ với một người có tên là Rudolf Heller và những gì tôi phải làm trong trường hợp nếu có chuyện gì xảy ra với ông. Không cần nói cũng biết là tôi đã hy vọng không có ngày này”.

“Tôi hiểu mối quan hệ giữa cô và Giáo sư Rosner rất gần gũi”.

“Ông ấy giống như là cha của tôi vậy. Tôi có hàng tá lời mời làm việc khác khi tốt nghiệp – những công việc có mức lương cao hơn nhiều so với công việc ở Trung tâm Nghiên cứu an ninh Tây Âu – nhưng tôi chọn làm việc cho Giáo sư Rosner dù mức thù lao rất ít ỏi”.

“Cô là sử gia?”.

Cô gật đầu. “Khi tôi đang nghiên cứu luận văn tốt nghiệp, tôi hiểu rằng nfười Hà Lan chúng ta có thói quen tìm cách thích nghi với nhiều luồng tư tưởng, cho dù đó là xã hội chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa phát xít Hồi giáo. Tôi muốn góp phần phá vỡ định kiến đó. Làm việc cho Giáo sư Rosner đã cho tôi cơ hội đó”.

Cô cài lại cái kẹp tóc trên trán rồi nhìn Gabriel. “Tôi đã đứng bênh cạnh Giáo sư Rosner trong năm năm qua đấy, Herr Kiever. Tôi phải chịu đựng rất nhiều lời chế giễu và cả đe doạ. Ngoài ra, tôi tin tưởng là điều đó cho phép tôi được hỏi vài câu trước khi chúng ta bắt đàu”.

“Tôi e là hỏi qua nhiều câu về thân thế tôi và lý do tôi có mặt ở đây sẽ làm cho cuộc sống của cô thêm phức tạp và nguy hiểm hơn hiện tại”.

“Thế anh có cho phép tôi đặt ra giả định không?”.

“Nếu cô muốn”.

“Tôi không tin Herr Rudolf Heller là người Thuỵ Sỹ. Và dĩ nhiên tôi không tin anh ta là một nàh tư bản kihn doanh mạo hiểm quan tâm đến việc hỗ trợ cho công việc của một người phân tích khủng bố ở Amsterdam”.

“Thật vậy sao?”.

“Giáo sư Rosner đã không nói nhiều về những tình cảm ông đối với Israel. Ông ấy biết rằng điều đó chỉ làm cho ông thêm nguy hiểm ở Amsterdam. Nhưng ông là một người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Ông ấy tin tưởng vào Israel và quyền của người Do Thái đối với quê hương mình. Tôi thì nghi ngờ rằng nếu một sĩ quan tình báo thông minh của Israel xuất hiện và đền nghị xác đáng, ông sẽ làm bất cứ điều gì để giúp đỡ”.

Cô dừng bước và nhìn Gabriel một lúc với vẻ Đăm chiêu như thể chờ anh trả lời.

Anh nói. “Tên tôi là Hêinrich Kiever. Tôi là đồng nghiệp của Herr Rudolf Heller từ Zurich tới và tôi đến Amsterdam để xem lại những giấy tờ riêng tư của Giáo sư Solomon Rosner”.

Cô chịu thua, dù cách biểu cảm của cô vẫn cho thấy cô còn rất nghi ngại về câu chuyện vỏ bọc của anh. Gabriel không trách cô về điều này.

Cô nói. “Tôi hy vọng anh không có kế hoạch rời Amsterdam trong thời gian trước mắt. Theo ước tính lần cuối cùng, chúng tôi có hơn một trăm ngàn trang tài liệu trong kho”.

“Tôi có người trợ giúp”.

“Thật sao?”.

Gabriel gật đầu về phía Lavon, người đang dán mắt vào một cửa kính bán hàng sau họ khoảng 20 thước.

“Từ khi nào những nhà tư bản kinh doanh Thuỵ Sỹ mạo hiểm thuê những người theo dõi chuyên nghiệp vậy?”. Cô đi xuống đường Groenbrugwal. “Thôi nào, Herr Kiever. Anh còn một đêm dài phía trước”.

Ươc tính ban đầu của cô về kho tư liệu của Rosner cho thấy nó vẫn quá ít so với thực tế. Sau khi thực hiện rà soát sơ bộ ngôi nhà ven kênh đào, Gabriel tính số trang thực sụ lên gần hai trăm năm mươi ngàn trang. Hồ sơ được xếp trong văn phòng của Sophie, rồi những hồ sơ nằm dọc hành lang và còn có một phòng ẩm ướt đầy hồ sơ trên kệ. Tất nhiên là còn có toàn bộ tư liệu chứa trên ở cứng máy tính của Rosner. Quá nhiều so với dự tính của Shamron là những tài liệu này sẽ được đưa hết về Jerusalem vào cuối tuần.

Họ bắt đầu từ văn phòng của Rosner. Gabriel và Lavon, nhà phục chế nghệ thuật và nhà khảo cổ, ngồi cạnh nhau tại bàn của Rosner, trong khi Sophie đặt hồ sơ trước mặt họ từng tập một, cung cấp một số tình huống khi cần, dịch ra một vài đoạn khi cần thiết. Những hồ sơ đáng quan tâm hoặc có tính nhạy cảm được tách ra và đóng trong thùng các tông để vận chuyển về đại lộ King Saul. Đến chín giờ, họ đã nhét được 4 thùng và không tìm thấy manh mối nào liên quan đến Ari Shamron, Herr Rudolf Heller hay Văn phòng. Có vẻ như Rosner là một người cẩn thận. Ông cũng là một nhà nghiên cứu và thu thập thông tin tình báo tỉ mỉ. Trong căn phòng của ngôi nhà cổ ven bờ kênh trên đường Groenburgwal này còn có những hình ảnh chi tiết độc đáo và đáng sợ về hàng loạt mạng lưới Hồi giáo cấp tiến đang hoạt động ở Amsterdam và những nơi khác.

Đến 10 giờ, họ đều đói. Không muốn gián đoạn công việc, họ quyết định mua đồ ăn mang về. Gabriel chọn món Bebab, Sophie chọn món Indo còn Lavon chọn món Thái.

Sau 10 phút thảo luận, họ phải dùng đến biện pháp rút thăm bằng cách ghi món và bỏ vào một trong những cái mũ cũ của Rosner. Sophie hân hạnh được ưu tiên chon. Cô nói. “Món Thái”, rồi mỉm cười nhìn Lavon, “để xem ai đi mua chứ?”.

Gabriel nói. “Tôi sẽ đi. Tôi cần nói chuyện với một người”.

Năm phút sau Gabriel bước ra. Ngoài trời, những bông tuyết đang nhè nhẹ rơi. Anh đứng một lát tại đầu các bậc thềm bằng sắt của nhà Rosner, vừa gài nút chiếc áo choàng trước cái lạnh cắt da, vừa nhìn khắp khu phố để xem liệu có ai theo dõi mình không. Con phố vắng tanh trừ một người nằm co ro trên băng ghế dài ở bờ kênh đối diện. Ông ta mặc chiếc áo khoác bằng len, chỉ mòn xác xơ và đội khăn trùm đầu vải kẻ ca rô trắng đen. Hàm râu màu xám của ông rối bù và trên đầu ông đội cái mũ chỏm kufi trắng của một người Hồi giáo sùng đạo. Gabriel bước xuống bậc thềm và bước đến chiếc cầu kéo ở cuối con phố. Khi anh quay vào đường Staastraat, anh nghe tiếng bước chân trên sỏi phía sau mình. Anh cố ý xoay đầu và giả vờ nhìn ra xa một cách lơ đãng. Người đàn ông Hồi giáo ngồi trên băng ghế giờ chỉ còn cách 30 thước phía sau anh và đang bước cùng hướng với anh. Hai phút sau, khi Gabriel đi qua chỗ tưởng niệm Rosner bên ngoài quán Café de Doelen, anh nhìn qua vai mình lần thứ hai và thấy người đàn ông mang mũ kufi và khăn choàng kaffiyeh đã thu ngắn khoảng cách giữa họ còn phân nữa. Anh nghĩ đến những lời Lavon đã nói với mình vào buổi trưa ở khách sạn Europa. Lavon đã nói. “ Phải cố gắng không giết người khi ở Amsterdam”. Gabriel không có ý định giết người đàn ông này. Anh chỉ muốn trả lời hai câu hỏi đơn giả: Tại sao người Hồi giáo sùng đạo này đã mất cả buổi tối ngồi bên ngoài nhà của Solomon Rosner và tại sao ông ta lại đi theo Gabriel qua những con phố tối tăm của Amsterdam?

Nhà hàng mà Sophie Vanderhaus đã đặt thức ăn nhanh nằm ở Ledsestraat, cách Koningsplein không xa. Gabriel, sau khi băng qua sông Amstel, lẽ ra nên đi sang phải thì thay vào đó, anh đi sang trái, vào lối khách bộ hành chật hẹp đầy những hàng quán ăn, những nhà hàng thức ăn nhanh của Mỹ, và những quán cà phê kiểu Trung Đông nhỏ bé. Đường phố vẫn rất đông đúc ngay cả vào giờ này. Mặc dù vậy không gặp quá nhiều khó khăn để theo dõi lại người đang theo dõi mình trong ánh đèn nê-ông chói loá.

Con phố đổ vào khu Rembrandtplein, nhưng khi còn cách quãng trường đông người 20 mét, Gabriel rẽ vào một lối đi tối rộng vừa đủ người chui qua dẫn trở lại con sông. Người đàn ông quấn khăn kaffiyeh và đội mũ kufi dừng ở đầu con hẻm, mặc dù hơi do dự, nhưng rồi cũng đi theo.

Gabriel rút khẩu beretta ra khỏi chỗ giắt sau lưng quay một vòng. Khi rút súng, anh hầu như có thể nghe tiếng Shamron vang lên trong đầu mình. Chúng ta không vẫy súng trong đám đông như những gã găng-tơ và đe doạ lung tung. Khi rút vũ khí ra, ta làm thế vì một lý do và chỉ một lý do. Ta bắt đầu bắn. Và ta cứ bắn cho đến khi mục tiêu bị tiêu diệt. Anh nhét súng vào túi áo khoác và tiếp tục bước đi.

Ở giữa con hẻm, hầu như không thể bước xuyên qua bóng tối, Gabriel rẽ vào một lối đi giao cắt và đợi ở đó, tay nắm chặt báng súng Beretta. Khi người đàn ông râu ria bước qua, Gabriel bước ra khỏi hẻm và nhanh như cắt đánh vào thận trái của hắn. Chân người đàn ông quỵ xuống ngay lập tức, nhưng trước khi hắn đổ gục xuống đất, Gabriel nắm lấy chiếc khăn kaffiyeh và quăng hắn mạnh vào bức tường gạch bôi đầy sơn vẽ. Ánh mắt của người đàn ông trở nên kinh sợ thực sự. Gabriel giáng mạnh vào gã này một lần nữa, lần này vào giữa ngực. Khi hắn đổ gục xuống, Gabriel nhanh chóng lục soát người hắn tìm vũ khí nhưng chỉ tìm thấy một cái ví và một bản sao kinh Coran.

Gabriel hỏi nhanh bằng tiếng Arập. “Mày muốn gì ở tao?”.

Người đàn ông chỉ ú ớ.

Gabriel nói. “Trả lời tao đi. Nếu không tao sẽ đánh mày đến chết”.

Người đàn ông giơ tay lên van xin Gabriel đừng đánh nữa. Gabriel thả hắn ra và lùi lại. người đàn ông dựa lưng vào tường cố gắng thở.

Gabriel hỏi. “Mày là ai? Tại sao theo dõi tao?”.

“Tôi là người anh đang tìm trong đống hồ sơ của Solomon Rosner. Và tôi đến để giúp anh”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-11-2013 08:41 PM
Chương 5
Amsterdam

Tên tôi là Ibrahim”.

“Ibrahim gì?”

“Ibrahim Fawaz”.

“Ông theo tôi như thế là ngốc lắm, Ibrahim Fawaz”.

“Hiển nhiên rồi”.

Họ đi bộ dọc theo bờ sông Amstel tối đen như mực. Ibrahim lấy một tay ấn vào thận còn tay kia quắp tay của Gabriel để được giúp sức đứng lên. Tuyết nặng hạt bắt đầu rơi, không khí mong manh vì lạnh. Gabriel chỉ vào một quán cà phê còn mở cửa và đề nghị đến đó nói chuyện.

“Những người như tôi không uống cà phê ở những nơi như vậy, đặc biệt đi với những người như anh. Đây không phải là nước Mỹ, đây là Amsterdam”. Ông ta lắc đầu quầy quậy rồi liếc nhìn Gabriel bằng nửa con mắt. “Anh nói tiếng Arập như người Palestine. Tôi cho rằng những lời đồn về Giáo sư Rosner là có thật”.

“Tin đồn gì”.

“Rằng ông ấy là con tốt của những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái và những người ủng hộ Do Thái ở Mỹ. Rằng ông ấy là tình báo của Israel”.

“Ai nói thế”.

Ibrahim nói. “Những thanh niên giận dữ và cả những thầy tế nữa. Họ còn tệ hơn những cái đầu nóng bồng bột của tuổi trẻ. Họ từ Trung Đông đến, từ Arập Xêut sang. Họ rao giảng Wahabi. Thầy tế trong nhà thờ kể cho chúng tôi rằng Giáo sư Rosner đáng chết vì những gì ông ấy đã viết về Hồi giáo và Đấng tiên tri. Tôi đã cảnh báo ông ta liệu mà tìm nơi ẩn nấp nhưng ông ấy đã từ chối. Ông ấy rất cứng đầu”.

Ibrahim dừng lại tựa người vào lan can nhìn xuống dòng sông đen đang uể oải chảy. Gabriel nhìn vào bàn tay phải của người đàn ông Arập và thấy thiếu mất hai ngón cuối cùng.

“Ông có bị đau không?”.

“Tôi không đau lắm”.

“Ông đi bộ được không Ibrahim? Tốt hơn là chúng ta nên đi bộ”.

Người đàn ông Arập gật đầu và họ đi bộ chầm chậm dọc theo bờ sông. “Tôi nghĩ anh là người sử dụng Giáo sư? Đó là lí do anh và bạn anh đang điên cuồng xới tung các hồ sơ của ông ấy”.

“Những việc tôi đang làm trong ngôi nhà của ông ấy không phải việc của anh”.

Người đàn ông Arập nói. “Hãy giúp tôi một việc. Nếu anh thấy tên tôi xin hãy làm ơn bỏ tài liệu đó vào trong máy huỷ ngay. Tôi rất tôn trọng Giáo sư Rosner. Nhưng tôi không muốn kết thúc của mình giống như ông ấy. Những người ở Amsterdam sẵn sàng cắt cổ tôi nếu họ biết tôi đang giúp ông ấy”.

“Ông làm việc cho ông ấy được bao lâu?”.

Ibrahim nói. “Một thời gian dài. Nhưng đó không phải là công việc. Chúng tôi là đối tác, Giáo sư Rosner và tôi. Chúng tôi có cùng niềm tin. Chúng tôi tin tưởng những kẻ thánh chiến đang huỷ hoại tôn giáo của mình. Chúng tôi biết rằng nếu không ngăn họ lại, họ cũng sẽ huỷ hoại đất nước Hà Lan thôi”.

“Tại sao anh làm việc cho Rosner? Sao không làm cho cảnh sát?”.

“Có lẽ từ giọng nói của tôi anh cũng biết rằng tôi là người Ai Cập. Người Ai Cập thường sợ cảnh sát, sợ mật vụ hay những cơ quan tương tự. Tôi đã sống ở Hà Lan được hai mươi lăm năm. Tôi là công dân của đất nước này, cũng như vợ và con tôi. Nhưng đối với cảnh sát Hà Lan và những đồng bào khác, tôi sẽ luôn là một người nhập cư. Một người ngoại lai”.

“Nhưng anh đã đoán Rosner đang chuyển một số thông tin của anh cho cảnh sát và cơ quan an ninh Hà Lan”.

“Và còn cho cơ quan mật vụ Israel nữa…”. Hắn ta nhìn Gabriel và cố nở một nụ cười nghiêm nghị. “Tôi phải thú nhận rằng người Israel không được yêu thích lắm ở quê hương tôi. Vợ tôi là người Palestine. Cô ấy đã chạy trốn sang Ai Cập với gia đình năm 1948 sau vụ Al Nakba và định cư ở Cairo. Mỗi tối, trên bàn ăn tôi đã nghe về những nổi đau của người Palestine gần ba mươi lăm năm nay. Con trai tôi tiếp thu điều đó từ dòng sữa mẹ. Nó vừa là người Ai Cập vừa là người Palestien, một sự pha trộn kỳ quặc”.

“ Đấy có phải là lí do ông theo tôi tối nay không, Ibrahim – để tham gia vào cuộc tranh luận về đề tài lưu vong của người Palestien và những tội ác của những người sáng lập nước Israel”.

Người đàn ông Ai Cập nói. “Có lẽ để lúc khác. Hãy tha lỗi cho tôi. Giờ anh không còn tấn công tôi, nên tôi đang cố gắng để có một cuộc chuyện trò lịch sự. Tôi là giáo sư ở Ai Cập trước khi di cư qua Hà Lan. Vợ và con trai tôi lại kết tội tôi vì tôi là giáo sư. Họ đã dành cả cuộc đời để lắng nghe tôi diễn thuyết. Tôi e là họ không còn chịu đựng nổi tôi nữa. Khi có cơ hội dạy học, tôi sẽ nắm lấy”.

“Thế ông cũng là thầy giáo ở Hà Lan chứ?”.

“Ở Hà Lan ư?”, ông ta lắc đầu. “Không, ở Hà Lan tôi chỉ là công cụ. Năm 1982 chúng tôi quyết định rời Ai Cập vì nghĩ rằng con trai mình sẽ có nhiều cơ hội hơn ở phương Tây. Tôi là người có giáo dục nhưng nền giáo dục của tôi là nền giáo dục của Ai Cập nên ở đây tôi không có giá trị gì cả. Tôi làm nghề xây dựng cầu đường cho đến khi bị bệnh ở lưng. Sau đó tôi làm nghề quét đường trên các con phố cổ ở Rotterdam. Cuối cùng, khi không còn đẩy nổi cây chổi, tôi vào làm việc cho một phân xưởng làm đồ nội thất ở Tây Amsterdam. Quản đốc xưởng cho tôi làm 14 tiếng một ngày. Một đêm, trong lúc ngủ gật, tôi đã làm lưỡi cưa hình tròn đi sai hướng”.

Ông ta nhấc bàn tay bị huỷ hoại lên cho Gabriel xem. “Trong thời kỳ nghỉ dưỡng thương, tôi quyết định tận dụng thời gian của mình bằng cách học nói tiếng Hà Lan cho chuẩn. Khi giám đốc nhà máy nghe nói về việc của tôi, ông ấy bảo tôi đừng lãng phí thời gian vì một ngày nào đó không xa, tất cả những đứa con tha phương sẽ trở về quê nhà. Tất nhiên ông ấy sai”.

Một làn gió thổi những bông tuyết vào mặt họ. Gabriel kéo cổ áo khoác lên. Ibrahim xỏ tay trở lại vào túi áo khoác.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 14-11-2013 08:42 PM
Chương 5
(tiếp theo)

“Con cái chúng tôi phải nghe nhiều lời lăng mạ của dân gốc Hà Lan. Chúng chứng kiến cách người Hà Lan đối xử với chúng tôi, và chúng cũng bị làm nhục. Chúng trở nên giận dữ và phẫn uất, không chỉ đối với người Hà Lan mà còn với chúng tôi, cha mẹ của chúng. Con cái của chúng tôi bị kẹp giữa hai thế giới, không phải hoàn toàn Arập, cũng không phải hoàn toàn Hà Lan. Chúng đang cư ngụ ở Ghurba, vùng đất của những người lạ, và vì thế chúng tìm kiếm sự che chở ở một nơi an toàn”.

“Hồi giáo”, Gabriel nói.

Ibrahim gật đầu và lặp lại. “Chính là Hồi giáo”.

“Ông vẫn làm đồ nội thất để kiếm sống chứ, Ibrahim?”.

Ông ta lắc đầu. “Tôi đã về hưu nhiều năm rồi. Nhà nước Hà Lan trả lương cho tôi hậu hĩnh cũng bởi vì tôi bị mất hai ngón tay. Tôi tìm cách làm một ít việc phụ thêm. Điều đó tốt cho lòng tự trọng của tôi và giúp tôi chậm già”.

“Bây giờ ông làm ở đâu?”.

“Cách đây ba năm, nhà nước tài trợ cho tôi mở một trung tâm cho cộng đồng Hồi giáo ở khu vực Oud West của thành phố. Tôi làm bán thời gian ở vị trí tư vấn viên. Tôi giúp những người mới đến tìm nơi nương tựa. Tôi giúp dân tộc của mình học nói tiếng Hà Lan cho chuẩn. Và tôi còn theo dõi cả những thanh niên đang bức xúc. Đó là nơi lần đầu tôi nghe đồn về âm mưu bắn hạ một chiếc máy bay của người Do Thái”. Hắn liếc sang Gabriel để xem phản ứng của anh. “Khi tôi nhìn vấn đề xa hơn, tôi thấy nó còn hơn cả một tin đồn, do đó tôi nói với Giaó sư Rosner. Anh phải cảm ơn tôi vì cái vụ hai trăm năm mươi người Do Thái không bị thổi tung lên từng mảnh ở sân bay Schiphol”.

Một cặp đồng tính nam tuổi trung niên tiến về phía họ dọc theo bờ sông. Ibrahim bước chậm lại và nhìn xuống phía những viên đá lát đường.

“Tôi còn có một công việc khác nữa”, ông ta nói khi hai người đàn ông kia đi khỏi. “Tôi làm việc cho một người bạn bán xoong chậu ở chợ Ten Kate. Anh ta trả công cho tôi và cho tôi lấy quầy hàng làm chỗ cầu nguyện. Có một nhà thờ Hồi giáo nhỏ ở góc đường Jan Hazenstraat gọi là nhà thờ Al Hijrah. Nó nổi tiếng vì thầy tế ở đó rất quá khích. Ở đền Al Hijrah có nhiều thanh niên, những kẻ luôn nung nấu hình ảnh thánh chiến và khủng bố, những thanh niên sẵn sàng tử vì đạo, những kẻ coi Osama Bin Laden là người Hồi giáo thực thụ. Những thanh niên này tin vào takfiri. Anh có biết từ này không? Takfiri?”.

Gabriel gật đầu. Takfiri là một khái niệm do dân Hồi giáo tạo nên ở Ai Cập vào thập niên 1970, một mánh khoé thần học để cho phép những tên khủng bố giết hầu như bất kỳ ai họ muốn nhằm đạt được mục tiêu áp đặt sharia và phục hồi Caliphate. Mục tiêu ban đầu là những người Hồi giáo. Một lãnh tụ Hồi giáo lâu năm, người không cai trị bằng luật sharia sẽ bị giết bằng takfiri vì đã xa rời Hồi giáo. Do đó công dân của một nhà nước Hồi giáo cổ hay một người Hồi giáo cư ngụ ở một nước phương Tấy dân chủ có thể làm điều đó. Đối với Takfiri, dân chủ chính là dị giáo, vì nó thay thế những luật lệ của Chúa bằng luật lệ của con người. Do đó, những công dân Hồi giáo ở một nước dân chủ là người bội giáo và có thể bị hành hình. Chính khái niệm Takfiri đã thôi thúc Osama Bin Laden lái máy bay lao thẳng vào các toà nhà hay đánh bom các Đại sứ quán ở Châu Phi, dù nhiều nạn nhân của hắn là người Hồi giáo. Nó còn cho phép những kẻ khủng bố người Sunni ở Irắc dược giết bất kỳ người nào chúng muốn, hòng ngăn chặn nền dân chủ ở Bátđa. Nó còn thôi thúc những thanh niên Hồi giáo được sinh ra tại Anh sẵn sàng cho nổ tung mình trên xe điện ngầm và xe buýt ở Luân Đôn, thậm chí một số còn sẵn sàng đưa những người Hồi giáo khác lên thiên đường.

Ibrahim nói tiếp. “Những thanh niên này có kẻ cầm đầu. Hắn chưa ở Amsterdam lâu đâu – chỉ mười tám tháng, có thể lâu hơn một chút. Hắn là người Ai Cập, làm việc cho một cửa hàng internet và trung tâm điện thoại ở khu Oud Uwest, nhưng hắn thích tự nghĩ về mình như một nhà rao giảng Hồi giáo vĩ đại và là nhà báo tài năng. Hắn viết bài cho những tạp chí và website của người Hồi giáo”.

“Tên hắn là gì?”.

“Samir ai Masri – ít ra đó là cái tên hắn tự gọi mình. Hắn cho rằng mình có liên hệ với du kích quân ở Irắc. Hắn nói với thanh niên của chúng tôi rằng bổn phận của họ là phải giết những kẻ ngoại đạo đã làm ô uế đất đai của người Hồi giáo. Hắn diễn thuyết cho họ nghe về Takfiri và thánh chién. Đêm đến họ tập trung ở nhà hắn đọc kinh Sayyid Qutb và Ibn Taymiyyah. Họ tải xuống những băng video từ internet để xem những kẻ ngoại đạo bị chặt đầu. Vài người đã đi Ai Cập với hắn. Hiện có cuộc tranh cãi về Samir ở đền Al Hijrah. Thường là bàn luận trong đền nhưng cách bàn luận cũng không giống ai. Samir là một người nguy hiểm. Nếu không phải là al-Qeada thì hắn cũng là một người bà con thân thuộc”.

“Hắn sống ở đâu?”.

“Trên phố Hudsonstraat. Số 37. Căn hộ D”.

“Ở một mình?”.

Ibrahim vừa giật râu vừa suy nghĩ và gật đầu.

“Ông đã kể cho Solomon về Samir chứ?”.

“Đúng, cách đây nhiều tháng”.

“Thế thì tại sao tối nay ông theo dõi tôi?”.

“Vì cách đây hai ngày, Samir và bốn thanh niên khác từ nhà thờ Al Hijrah đã biến mất”.

Gabriel dừng lại nhìn Ibrahim. “Thế họ đị đâu?”

“Tôi cũng đang hỏi thăm, nhưng hình như không ai biết”.

“Ông có biết tên của bốn người kia không?”

Người đàn ông Ai Cập đưa cho Gabriel một mảnh giấy. Anh ta nói. “Tìm họ đi. Nếu không, tôi e là những ngôi nhà này sắp sụp đổ đấy”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-11-2013 07:13 AM
Chương 6
Khu Oudwest, Amsterdam

Eli Lavon nói. “Tớ đang nóng lòng chờ món ăn Thái đây”

“Tớ sẽ lấy món Thái cho cậu sau khi chúng ta đột nhập vào căn hộ của Samir”.

“Làm ơn cho tớ biết cậu mua món Thái cho tớ ở đâu lúc ba giờ sáng đây?”.

“Tớ tháo vát lắm đấy!”.

Gabriel lau mạnh ô cửa sổ chắn gió bám đầy tuyết và nhìn về lối vào đường Hudsonstraat. Lavon nhìn xuống và kéo mạnh nút áo khoác.

“Chúng ta sẽ không sử dụng xe thuê trong những pha hành động nếu xe không được lấy từ những nguồn sạch sẽ”.

“Tớ biết rồi, Eli”.

“Chúng ta cũng sẽ không đột nhập và làm hỏng những cuộc lục soát nếu không có sự hỗ trợ và đồng tình của Văn phòng trên đại lộ King Saul”.

“Ừ, tớ hiểu rồi”.

“Cậu đang phá vỡ quá nhiều quy tắc đấy. Điều đó sẽ khiến ta phạm sai lầm. Tớ đang mong được nghỉ đêm ở khách sạn Europa chứ không phải ở xà lim Hà Lan”.

“Cho tớ biết chúng ta lấy được chiếc xe sạch ở đâu và làm thế nào nhạn được sự hỗ trợ phù hợp lúc ba giờ sáng ở Amsterdam?”.

“Quá dễ dàng đối với sự tháo vát của cậu mà”. Lavon buồn rầu nhìn qua cửa sổ. “Nhìn xung quanh đi Gabriel. Cậu thấy thế nào?”.

Anh khẽ lắ đầu. “Nên đúc tượng đài cho sự ngây thơ của người Châu Âu. Người Châu Âu nghĩ rằng họ có thể tiếp nhận hàng triệu dân di cư từ những vùng nghèo đói nhất của thế giới Hồi giáo rồi biến họ thành những người dân chủ xã hội chỉ trong một thế hệ, và hãy nhìn kết quả xem. Phần lớn dân Hồi giáo ở Châu Âu đều bị đưa vào những khu tị nạn và đang rên xiết vì giận dữ”.

Gabriel nghĩ họ bị kẹt giữa hai thế giới. Không hoàn toàn là thế giới Arập cũng không phải hoàn toàn là thế giới Hà Lan. Họ bị lạc vào vùng đất của những người xa lạ.

Gabriel nói. “Nơi này lúc nào cũng sản sinh ra những tư tưởng bạo lực. Tính quá khích của Hồi giáo là con virut mới nhất, phát triển mạnh trong môi trường nuôi dưỡng Châu Âu”.

Lavon gật đầu suy tư và thổi vào hai bàn tay của mình. “Cậu biết không, trong một thời gian dài sua khi trở về Israel, tớ nhớ Viên lắm. Tớ nhớ những quán cà phê mình thường lui tới. Nhưng tớ đã nhận ra rằng lục địa này đang dân chết đi, Châu Âu đang lùi vào lịch sử một cách thầm lặng. Lục địa này già cỗi và mệt mỏi, và thế hệ trẻ của lục địa đó khá bi quan về triển vọng tương lai. Họ không chịu sinh con đẻ cái để bảo đảm cho sự tồn tại giống nòi của mình. Họ không tin vào điều gì ngoài tuần làm việc ba mươi lăm giờ và kỳ nghỉ hè”.

Gabriel nói. “Và cả chủ nghĩa bài trừ Do Thái nữa chứ”.

“Đó là một thứ ở Viên mà tớ không bao giờ bỏ qua. Con virút của chủ nghĩa bài trừ Do Thaíhiện đại sinh ra ở Châu Âu nhưng sau chiến tranh nó đã lan sang Arập, nơi nó biến thái và phát triển mạnh hơn, lây lan từ người này qua người khác”. Anh nhìn Gabriel. “Và chúng ta lại đang ở đây, hai người đàn ông Do Thái đẹp trai đang ngồi ở góc phố Châu Âu lúc ba giờ sáng. Lạy Chúa, bao giờ chuyện này kết thúc nhỉ?”.

“Nó sẽ không bao giờ kết thúc đâu Eli. Chuyện này sẽ kéo dài mãi mãi”.

Lavon im lặng suy tư về quan điểm này. “Cậu có nghĩ mình sẽ đột nhập vào căn hộ thế nào không?”.

Gabriel đưa tay vào túi áo khaocs rồi rút ra một công cụ bằng kim loại nhỉ.

“Tớ không bao giờ có thể sử dụng thứ này”. Lavon nói.

“Tớ có đôi bàn tay tốt hơn cậu mà”.

“Những bàn tay tốt nhất của ngành – đó là lời của Shamron. Nhưng tớ không biết ông nghĩ mình sẽ tìm thấy gì ở đó. Nếu Samir và tổ chức của hắn còn hoạt động, căn hộ sẽ được dọ dẹp sạch sẽ”.

“Cậu sẽ ngạc nhiên thôi Eli. Quân sư của chúng rất thông minh nhưng một số lính đi chân đất của chúng không phải là những nhà giảo phẫu. Chúng tuỳ tiện lắm. CHúng để mọi thứ vương vãi và đôi khi mắc những sai lầm nho nhỏ”.

Lavon nói. “Cả những sĩ quan tình báo cũng vậy. Cậu có xét đến khả năng chúng ta sẽ bước thẳng chân vào bẫy không đấy?”.

“Đó sẽ là lúc sử dụng khẩu Beretta”.

Gabriel mở cửa trước khi Lavon kịp phản đối, họ bước ra khỏi xe. Họ băng qua con phố theo một góc, dừng lại một lần để cho một chiếc xe không có ai ngoài lái xe lướt qua trên phố rồi họ vội vòng qua góc phố vào đường Hudsonstraat. Đó là một con phố hẹp, hai bên đường là những dãy nhà chung cư nhỏ. Chúng đều cao hai tầng và đều giống nhau về kiến trúc. Ở phía trước mỗi toà nhà có một hốc tường bán nguyệt nhỏ với bốn cửa riêng biệt, hai cửa dẫn đến những căn hộ ở tầng một và hai cửa dẫn đến những căn hộ tầng trên.

Gabriel bước ngay vào hốc tường số 37 cùng với Lavon đi sau lưng, anh bước đến loay hoay mở chiếc khoá năm chấu trên cửa căn hộ D. Mười giây sau, chiếc chìa khoá chào thua. Anh nhét cái phá khoá vào túi rồi rút khẩu Beretta ra, bật then cửa rồi bước vào trong. Anh đứng bất động một lúc trong bóng tối để nghe ngóng xem có gì bất thường không, khẩu súng nằm gọn trong tay anh với tư thế sẵn sàng. Không nghe thấy gì, anh ra hiệu cho Lavon bước vào.

Lavon bật chiếc đèn pin Maglite nhỏ xíu rồi bước vào phòng khách. Đồ đạc trong phòng đều là hàng chợ, sàn nhà có lớp sơn bị nứt, tường trống trơn trừ một tấm ảnh du lịch miêu tả Mái vòm đá ở Jerusalem. Gabriel bước qua chiếc bàn chân dài của Samir. Trên bàn chỉ có một tập giấy vàng nhỏ và một chiếc đèn bàn rẻ tiền.

Anh bật đèn lên và kiểm tra tập giấy. Hai phần ba tập giấy đã được sử dụng, trang trên cùng còn để trống. Anh di ngón tay qua mặt tờ giấy và có một cảm giác nham nhám ở ngón tay. Chứng tỏ nó đã được kê để viết lên tờ bên trên. Lỗi của một kẻ nghiệp dư. Anh đưa tập giấy cho Lavon rồi cầm đèn pin chiếu vào một góc trên mặt bàn. Chiếc bàn phủ một đám bụi nhỏ chừa một ô vuông ở giữa – chính điểm đó, Gabriel nghĩ, là nơi đặt máy tính của Samir trước khi hắn bay khỏi Amsterdam.

Gabriel nói. “Hãy lục tìm những chiếc nệm ghế. Tớ sẽ đi xem phần còn lại của căn hộ”.

Anh bước qua cửa vào nhà bếp. Những dấu tích về cuộc họp cuối cùng với đồ đệ của hắn từ ngôi đền Al Hijrah nằm trên lớp sơn sàn nhà trên cùng; những hộp đựng thức ăn rỗng tuếch, những đĩa giấy đầy mỡ, những dụng cụ bằng nhựa đã bỏ, những gói trà đã sử dụng. Gabriel mở cửa tủ lạnh, một nơi chứa chất nổ yêu thích của bọ khủng bố và thấy trống trơn. Những chiếc tủ cũng vậy. Anh nhìn vào chiếc tủ phía dưới bồn rửa bát không thấy gì ngoài một chai nước rửa bát chưa mở. Samir, một nhà lý thuyết và nhà phát ngôn cho sự nghiệp thánh chiến, là một kẻ độc thân nhếch nhác điển hình.

Gabriel dừng một lúc trong phòng khách để kiểm tra công việc của Lavon rồi đi xuống sảnh ra phía sau căn hộ. Phòng khách của Samir cũng gớm ghiếc như nhà bếp. Gabriel lục soát nhanh rồi vào phòng ngủ. Một tấm nệm nằm nghiêng trên khung sắt và ba ngăn kéo của tủ trang điểm bị mở he hé. Có vẻ như Samir gói ghém đồ đạc rất vội vã.

Gabriel mở ngăn kéo trên cùng và đổ những thứ còn lại lên trên giường. Đồ lót cũ rích, tất không cùng đôi, hộp diêm của vũ trường ở quãng trường Leicester ở Luân Đôn, phong bì từ một cửa hàng rửa ảnh ở góc phố. Gabriel nhét diêm vào túi rồi mở phong bì xem ảnh trong đó. Anh thấy hình Samir đứng ở quãng trường Trafalgar và Samir chụp với một thành viên Đội vệ binh của Nữ hoàng bên ngoài điện Buckingham; và Samir bên ngoài nhà Quốc hội. Tấm cuối cùng là ảnh Samir chụp với bốn nguòi bạn phía trước Đại sứ quán Mỹ ở quãng trường Grosvenor. Những bức ảnh này làm tim của Gabriel loạn nhịp.

Năm phút sau, anh bình tĩnh bước dọc hè phố Hudsonstraat, với nhưnhx bức ảnh trong túi và Lavon đi kế bên. “Nếu những ngày tháng trên bức ảnh chính xác thì có nghĩa là Samir và bạn hắn đã có mặt ở Luân Đôn cách đây bốn tháng”. Anh nói. “Có lẽ cần có người đi Luân Đôn để làm việc với những người bạn của chúng ta ở MI5”.

Lavon nói. “Tớ có thể thấy chuyện này sẽ đi theo hướng nào. Cậu sẽ cưỡi ngựa ở Luân Đôn như một kỵ sĩ đang cưỡi bạch mã còn tớ sẽ mò mẫm đọc phần còn lại trong đống hồ sơ của Solomon Rosner”.

“Ít nhất là cậu cũng sẽ được ăn món Thái”.

“Sao cậu lại nhắc tới món ăn Thái lúc này chứ?”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-11-2013 07:16 AM
Chương 7
Sân Bay Heathrow, Luân Đôn

Gabriel đã dành phần lớn cuộc đời để chạy trốn cảnh sát và lực lượng an ninh châu Âu. Vì thế anh rất do dự khi nhận lời gặp MI5 ở sân bay Heathrow buổi chiều hôm sau. Anh đã nhận ra đội tiếp tân ba người khi vào sảnh đón khách. Không có gì khó khăn cả, họ đều mặc áo mưa, một người đang cầm ảnh của Gabriel. Anh đã được hướng dẫn để cho người của MI5 tiếp cận, do đó anh đến buồng thông tin và mất vài phút giả vờ dò tìm danh sách khách sạn ở Luân Đôn. Cuối cùng, vì nóng lòng muốn nói lên những gì mình biết trước khi bọn khủng bố tấn công, anh bước qua tự giới thiệu mình. Người sĩ quan cầm tấm hình anh trên tay ôm anh và dẫn anh ra ngoài đến một chiếc Jaguar đang chờ sẵn. Gabriel mỉm cười. Anh luôn ghen tị với mật vụ Tình báo Anh quốc và những chiếc xe của họ.

Cửa sổ sau trượt xuống vài phân và một bàn tay dài hộ pháp ra hiệu cho anh. Bàn tay này là của Graham Seymour, Phó Tổng giám đốc lâu đời và được trọng vọng của MI5. Ông đã ở tuổi ngũ tuần, gừng càng già càng cay. Bộ veston sọc xoáy hiệu Savile Row mang đến cho ông vẻ lịch lãm, tóc vàng giống như một bức tượng khiến ông có vẻ ngoài như một nam người mẫu mà người ta thường thấy trong những quảng cáo nữ trang đắt tiền. Khi Gabriel bước vào xe, Seymour đã im lặng dò xét anh một chút bằng đôi mắt màu đá granit. Ông có vẻ không được hài lòng, nhưng những người ở vị thế của ông rồi cũng sẽ hài lòng với Gabriel. Hà Lan, Pháp, Đức và Tây Ban Nha đều có khá nhiều phần tử Hồi giáo cấp tiến nhưng đối với giới tình báo chuyên nghiệp, ít có sự bất đồng ý kiến về việc nước nào là trung tâm của Hồi giáo quá khích châu âu. Chỉ có một đất nứơc mà Graham Seymour thề sẽ bảo vệ. đó là Anh quốc.

Gabriel biết rằng cuộc khủng hoảng hiện nay ở Anh đã diễn ra nhiều năm và bình diện chung là do tự họ gây ra. Trong vòng hai thập niên qua, bắt đầu từ những năm 1980 và tiếp tục ngay cả sau vụ tấn công 11/9, chíng quyền Anh, cả đảng lao động và đảng bảo thủ đã mở toang cửa cho những chiến binh tàn bạo nhất của thế giới. Được đào tạo từ những đất nước như Ai Cập, Arập Xêut, Gioocđan và Xyri, họ đã đến Luân Đôn, nơi họ được hưởng tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tổ chức, lên kế hoạch và quyên góp tiền bạc. Kết quả là, nước Anh, vùng đất của John Lock, William Shakespeare và Winston Churhill, đã vô tình tự biến mình thành lò nuôi dưỡng tư tưởng bạo lực – thứ tư tưởng đang tìm cách phá hoại mọi thứ mà xứ sở này đã dày công bảo vệ trong quá khứ. Các cơ quan an ninh và Tình báo Anh, khi đối diện với một cơn bão đang đến, đã đáp lại bằng cách chonj con đường thích nghi thay vì chống đối. Sự quá khích được chịu đựng quá lâu nay đã hướng ra ngoài, đến những nhà nước Arập lâu đời, Mỹ và tất nhiên là Israel. Thất bại của chính sách xoa dịu này đã thể hiện cho thế giới thấy bằng vụ ngày 7 thang1 7 năm 2005, khi ba quả bom nổ bên trong tàu điện ngầm Luân Đôn và quả bom thứ tư làm nổ tung chiếc xe buýt thành phố Luân Đôn thành từng mảnh trên quảng trường Tavistock: 52 người đã thiệt mạng và 7 người bị thương. Những kẻ thực hiện vụ tắm máu này không phải là những tên Hồi giáo nghèo từ nước ngoài mà là những chàng trai Anh quốc thuộc tầng lớp trung lưu. Tất cả bằng chứng đều cho thấy đó chỉ là mở đầu. Các cơ quan an ninh của Hoàng gia đã ước tính con số những tên khủng bố đang ẩn nấp ở Anh vào khoảng 16.000, và 3.000 tên trong số đó thực sự đã được đào tạo trong trại của al-Qeada. Một nguồn tin tình báo gần đây cho thấy al-Qeada đã bỏ qua Mỹ và Israel để biến nước Anh trở thành mục tiêu hàng đầu của chúng.

Seymour nói. “Thật nực cười nhưng khi chúng tôi kiểm tra lịch trình chuyến bay từ Amsterrdam thì chẳng thấy ai có tên là Gabriel Allon”.

“Rõ ràng là ông đã không xem xét kỹ”.

Người đàn ông của MI5 chìa tay ra.

“Chúng ta đừng để ý điều này, Graham. Không phải chúng ta có nhiều vấn đè quan trong hơn cái tên trên hộ chiếu của tôi sao?”.

“đưa cho tôi xem nào”.

Gabriel chìa hộ chiếu và nhìn ra cửa sổ tập trung vào lưu lượng giao thông đang bận rộn trên đường A4. Lúc đó là 3 giờ 30 chiều và trời đã tối. Anh nghĩ, thảo nào dân Arập muốn thay đổi khi họ chuyển đến đây sống. Có lẽ chính sự nghèo khó đã đẩy họ đến chỗ thánh chiến và khủng bố.

Graham Seymour mở hộ chiếu xem và đọc lại những chi tiết bên trong. “Heinrich Kiever. Nơi sinh. Berlin”. Ông nhìn lên Gabriel. “Đông hay Tây?”.

“Herr Kiever nhất định là người Tây Đức”.

“Chúng ta có một thoả thuận, Allon”.

“Vâng, tôi biết”.

“Thoả thuận rằng nếu chúng tôi tha thứ cho nhiều tội lỗi của anh để đổi lại một cam kết đơn giản ở phía anh – rằng anh sẽ báo cho chúng tôi khi đến đất nước này không thực hiện những chiến dịch trên đất nước chúng tôi mà không được phép và hợp tác trước đó”.

“Tôi đang ngồi ở phía sau chiếc limousine của MI5. Thế ông cần thêm sự hợp tác thông báo cỡ nào nữa?”.

“Thế còn hộ chiếu?”.

“Cũng đẹp phải không nào?”.

“Người đức có biết anh đang lạm dụng giấy tờ công vụ của họ không?”.

“Chúng tôi cũng lạm dụng giấy tờ của đất nước ông nữa đấy, Graham. Đó là việc bình thường”.

“Chúng tôi không làm chuyện đó. SIS đã chỉ định phải đi công vụ bằng hộ chiếu của Anh hay của Khối thịnh vượng chung”.

“Họ thật là trung thực. Nhưng đi khắp thế giới bằng hộ chiếu Anh thì dễ hơn là hộ chiếu Israel rồi. Cũng an toàn hơn nữa. Hãy thử đi Xyri lvà Libăng bằng hộ chiếu Israel xem. Đó là một trải nghiệm mà ông sẽ không bao giờ quên”.

“Đúng là bom dẫn đường”. Seymour trao hộ chiếu lại cho Gabriel. “Thế anh đang làm gì ở Amsterrdam?”.

“Việc riêng ấy mà”.

“Xin nói rõ nào”.

“Tôi e là không thể”.

“Thế người Hà Lan có biết anh đang có mặt ở đó không?”.

“Không rõ”.

“Tôi cho là không”.

“Tôi lúc nào cũng nghe nói ông là người giỏi đấy, Graham”.

Seymour cau mày mệt mỏi, dấu hiệu cho thấy ông đã sẵn sàng khẩu chiến. Cách đón tiếp không hiếu khách của ông ta gây cho Gabriel chút ngạc nhiên. Mật vụ anh không quan tâm nhiều đến Văn phòng, họ là người Arập nếu tính về cách giáo dục, là bài trừ Do Thái từ trong trứng nứơc và vẫn có ác cảm đối với người Do Thái vì đã đuổi đế quốc này ra khỏi Palestine.

“Anh có gì cho tôi nào, Gabriel?”.

“Tôi cho là một phần tử al-Qeada có thể dã vào Anh trong vòng 48 tiếng qua với ý định thực hiện một cuộc tấn công lớn”.

“Chỉ một phần tử thôi sao?”, Seymour nói chua cay. “Tôi tin chắc là hắn sẽ cảm thấy thoải mái như ở nhà”.

“Tệ thế sao, Graham?”

Seymuor gật đầu. “Theo tính toán mới nhất, chúng tôi đang theo dõi hơn hai trăm mạng lưới và tổ chức độc lập của những tên khủng bố đã biết. Một nửa số thanh niên Hồi giáo ở đây bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Osama Bin Laden và chúng tôi ước tính hơn một trăm ngàn người ủng hộ cuộc tấn công vào hệ thống giao thông ở Luân Đôn. Điều đó có nghĩa chúng có một lượng lớn phần tử tiềm năng sẽ được tuyển mộ trong tương lai. Do đó hãy tha lỗi cho tôi nếu không gióng lên hồi chuông báo động vì một phần tử Hồi giáo cuồng tín khác đã quyết định thâm nhập lãnh thổ chúng tôi”.

“Có lẽ đó không phải chỉ là một phần tử tầm thường nữa đâu, Graham. Có lẽ bọ chúng là chuyên nghiệp đó”.

“Chúng đều là chuyên nghiệp hết”. Seymuor nói. “Anh nói anh nghĩ rằng chúng ở đây. Điều đó có nghĩa anh cũng không chắc lắm?”.

“Tôi e là vậy”.

“Vậy thì để tôi nói cho anh hiểu đúng. Tôi được biết có 16.000 tên khủng bố Hồi giáo đang cư ngụ ở đất nước tôi, vậy tôi sẽ dốc sức người sức của vào việc tìm kiếm một phần tử mà anh cho là có thể có mặt ở nước Anh sao?”.

Được đáp lại bằng sự im lặng, Graham Seymuor trả lời câu hỏi của chính mình. “Nếu đó là người khác, không phải anh, tôi sẽ cho qua và để cho hắn đi. Nhưng anh có hồ sơ gì đấy phải không nào? Điều gì làm anh nghĩ là chúng có thể có mặt ở đây?”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-11-2013 07:17 AM
Chương 7
(tiếp theo)

Gabriel trao cho ông một phong bì chứa những tấm ảnh.

“Anh chỉ có ngần này thôi sao? Một số hình ảnh ghi lại ngày nghỉ của Ahmed ở Luân Đôn? Không có vé xe lửa? Không có biên lai thuê xe? Không có trích dẫn email? Không có kết quả theo dõi bằng hình ảnh hay âm thanh?”.

“Chúng đã đến đây với nhiệm vụ quan sát cách đây bốn tháng. Tên hắn không phải là Ahmed mà là Samir”.

“Samir gì?”.

“Samir al Masri, địa chỉ Hundsonstraat 37, khu Oud West, Amsterrdam”.

Seymour nhìn tấm ảnh Samir đang đứng trước toà nhà Quốc hội. “Hắn còn mang quốc tịch Hà Lan phải không?”.

“Ai Cập, theo như thôi biết”.

“Theo như anh biết? Thế còn những thành viên khác trong tổ chức ma quỷ đó? Anh có cái tên nào không?”.

Gabriel trao cho ông một mảnh giấy có những cái tên khác mà Ibrahim Fawaz đã đưa cho anh khi ở Amsterrdam.

“Anh chắc hắn là người Ai Cập chứ?”.

“Đó chính là lá cờ hắn đang vẫy ở Amsterdam. Sao thế?”.

“Vì chúng tôi gần đây đã thu được một số thông tin truyền miệng từ số những người bạn Ai Cập cấp tiến hơn”.

“Thông tin truyền miệng nào?”

“Làm nổ tung các toà nhà, phá huỷ những cây cầu và máy bay, giết vài ngàn người đi xe điện ngầm – anh biết đấy, đó là những chuyện người ta hay nói khi ăn bánh uống trà”.

“Thế nguồn tin từ đâu đến?”.

Seymuor ngập ngừng rồi nói. “Finsbury Park”.

“Tất nhiên rồi”.

Có lẽ không có biểu tượng nào phù hợp cho tình hình khó khăn hiện nay ở Anh hơn là nhà thờ Hồi giáo trung tâm ở Bắc Luân Đôn, còn được gọi là nhà thờ Hồi giáo Finsbury Park. Được xây dựng năm 1990 với sự tài trợ của quốc vương Arập Xêut, đây là một trong những nhà thờ Hồi giáo bạo động nhất châu Âu. Richard Reid, kẻ đánh bom bằng giày khét tiếng, đã bước qua cửa nhà thờ; Zacarias Moussaoui, còn gọi là tên không tặc thế kỷ XX và Ahmed Ressam, kẻ khủng bố người Algeri bị bắt ngay trước thời điểm thiên niên kỉ vì đã âm mưu đánh bom sân bay quốc tế Ló Angeles. Cảnh sát Anh đã tấn công nhà thờ Hồi giáo này tháng 1 năm 2003, bên trong họ đã phát hiện những vật dụng quan trọng như hộ chiếu giả, quần áo chống vũ khí hoá học và súng gây mê. Cuối cùng, vụ này được chuyển sang ban lãnh đạo mới. Sau đó người ta tiết lộ là một thành viên trong ban uỷ nhiệm mới là một cựu lãnh đạo khủng bố Hamas từ khu Bờ Tây đến. Khi tên cựu khủng bố bảo đảm với chính quyền Anh là hắn đã trở thành một người yêu hoà bình, hắn được phép ở lại.

“Anh có nghĩ Samir là lãnh đạo của nhóm không?”.

“Đó là những gì nguồn tin của tôi cho biết”.

“Thế nguồn tin của anh bao giờ chính xác chưa?”.

“Anh nhớ âm mưu bắn hạ chiếc máy bay của ElAl tại sân bay Schiphol năm ngoái chứ?”.

“Vụ mà người Hà Lan đã phá phải không?”

“Người Hà Lan không phá vụ đó, Graham. Chính chúng tôi phá vụ đó với sự giúp đỡ của nguồn tin tương tự”.

Seymuor nhìn xuống các bức ảnh. “Không có nhiều manh mối để theo dõi nhưng tôi e là nó phù hợp với mô hình của một cảnh tấn công lớn mà chúng tôi dã tạo dựng”.

“Cảnh tấn công nào?”

“Một phần tử hoạt động ở nước ngoài, làm việc với những phần tử theo dõi và hỗ trợ nằm bên trong cộng đồng địa phương ở đây. Các thành viên trong nhóm tập luyện và chuẩn bị ở một nơi mà chúng tôi không theo dõi được, sau đó sẽ đổ bộ lên bờ biển vào phút cuối cùng, do đó chúng tôi không có thời gian để phát hiện và ngăn chặn kế hoạch của chúng. Hiển nhiên là cần phải có một kế hoạch phức tạp và tổ chức chuyên sâu thì mới laoị bỏ được chúng”. Ông cầm những tấm ảnh. “Tôi giữ những tấm ảnh này được không?.

“Chúng là của ông đấy”.

“Tôi sẽ nhờ bên nhập cảnh kiểm tra những cái tên này để xem những chàng trai của anh đã vào đất nước này hay chưa, rồi tôi sẽ đưa bản sao những hình ảnh này sang đồng nghiệp ở Phòng Chống khủng bố Sở cảnh sát Anh. Nếu cảnh sát thành phố thấy mối đe dọa này lớn, họ có thể cắt cử thêm vài người ở những nơi Al Masri đã đến thăm”.

“Thế còn việc nâng mức báo động chung?”, Gabriel hỏi. “Và cả việc tăng cường theo dõi những phần tử Ai Cập cấp tiến ở Finsbury Park thì sao?”.

“Chúng tôi không giống những đồng nghiệp người Mỹ. Chúng tôi không thích nâng kim đồng hồ đo mức độ nguy hiểm mỗi khi lo lắng. Chúng tôi thấy điều đó chỉ làm cho công chúng thêm hoài nghi mà thôi. Còn về những người Ai Cập địa phương, chúng tôi cũng đang theo dõi họ chặt chẽ lắm”.

“Tôi hy vọng là thế”.

“Anh định ở lại Luân Đôn bao lâu?”.

“Chỉ tối nay thôi”.

Seymour trao cho anh danh thiếp, nó không có gì ngoài số điện thoại. “Đây là số điện thoại di động của tôi, hãy gọi cho tôi nếu anh có thông tin gì thêm ở Amsterdam. Tôi có thể cho anh xuống ở khách sạn chứ?”.

“Không, cám ơn, Graham”.

“Thế còn căn hộ an toàn của anh thì sao?”.

“Đại sứ quán chúng tôi sẽ lo ổn thôi. Tôi sẽ nói chuyện với trưởng chi nhánh địa phương của chúng tôi và trưởng ban an ninh Đại sứ quán để bảo đảm chúng tôi có biện pháp phù hợp”.

“Hãy gửi lời cảm ơn của tôi đến trưởng chi nhánh của anh. Bảo anh ấy hãy cư xử cho đúng mực”.

“Ông có ý định theo dõi tôi sau khi tôi rời Đại sứ quán chăng?”.

“Tôi không dư người, nếu không tôi sẽ làm thế”.

Tất nhiên đó là lời nói dối. Danh dự của những điệp viên tình báo cũng chỉ đến thế mà thôi.

Cuộc gặp của Gabriel tại Đại sứ quán lâu hơn dự định. Trưởng ban an ninh đã biến cuộc thảo luận 5 phút thành một cuộc thẩm vấn một tiếng đồng hồ, trong khi trưởng chi nhánh của Văn phòng đã có một cuộc gọi riêng như một dịp cố gắng gây ấn tượng cho anh ta cho rằng có một ngày vị này sẽ làm sếp anh ta. Công việc hoàn thành lúc 6 giờ.

Lúc 10 giờ, anh bước vào căn hộ an toàn của Văn phòng trên đường Bayswater nhìn xuống khu Hyde Park. Anh để túi xách ở lối đi vào và nhanh chóng nắm bắt xung quanh. Căn hộ được bày trí đơn giản, như hầu hết những căn hộ an toàn và hơi lớn theo tiêu chuẩn của Luân Đôn. Bộ phận quản gia đã để thức ăn trong tủ lạnh và một khẩu Beretta 9mm trong tủ bếp, cùng với một ổ đạn dự phòng và hai hộp đạn.

Gabriel nạp đạn cho khẩu súng rồi mang theo vào phòng ngủ. Đã ba ngày nay anh thiếu ngủ và anh đã phải dùng hết kinh nghiệm luyện tập cũng như sức tập trung để trải qua buổi ăn tối với ngài đại sứ mà không ngủ gục trên giỏ đựng rượu của ông ta. Anh thay đồ nhanh chóng và leo lên giường, mở tivi, vặn âm thanh nhỏ lại nhưng muốn chắc chắn là nếu có vụ tấn công trong đêm, anh cũng sẽ được các bản tin đánh thức. Anh tự hỏi cảnh sát thành phố có hành động gì dựa vào thông tin anh mang từ Amsterdam đến hay chưa. Hai trăm mạng lưới khủng bố, 16.000 tên khủng bố đã biết, 30.000 tên được huấn luyện qua các trại của al-Qeada. MI5 và cảnh sát có nhiều thứ để lo lắng hơn là 5 chàng thanh niên từ Amsterdam đến. Anh đã cảm thấy một điều gì đó qua cách cư xử của Graham chiều hôm đó, sự rút lui trong bối cảnh Luân Đôn bị tấn công chỉ còn là vấn đề thời gian.

Gabriel đang với tay mở đèn thì anh chú ý tập hồ sơ pháp luật màu vàng của Samir thò ra từ bên hông chiếc túi du lịch của mình. Anh nghĩ có lẽ không có gì trong đó, nhưng chính anh biết mình không thể ngủ nếu như không làm rõ điều này. Anh thấy một cây bút chì ở ngăn trên cùng của chiếc bàn cạnh giường ngủ rồi mất mười phút cạo xoá nhẹ trên bề mặt tập hồ sơ. Những bí mật của Samir dần dần hiện ra dưới mắt anh. Những cây thông trên đỉnh núi, những đụn cát trên sa mạc, một ổ nhện có đường đan chéo. Samir al Marsi, một phần tử thánh chiến Hồi giáo và một kẻ luộm thuộm độc thân, và là một người viết chữ vô cùng cẩu thả.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-11-2013 08:13 AM
Chương 8
Bayswater, Luân Đôn.

Bảy giờ 2 phút sáng ngày thứ sáu

Chuông điện thoại đánh thức anh dậy. Giống như tất cả điện thoại ở các căn hộ an toàn của Văn phòng, nó có đèn chớp để báo hiệu có cuộc gọi. Chiếc điện thoại này có ánh đèn xanh loé sáng. Y như là có chiếc xe cảnh sát lặng lẽ chạy vào giường anh vậy.

Ari Shamron hỏi. “Cậu tỉnh chưa?”.

“Tỉnh rồi”.

“Đang ngủ à?”.

Gabriel hé mắt nhìn đồng hồ đeo tay. “Mới 7 giờ sáng mà”.

“Ở đây đã là 9 giờ”.

Những thay đổi về múi giờ quốc tế lúc nào cũng ít có ý nghĩa đối với Shamron. Ông cho rằng mỗi nhân viên của Văn phòng, cho dù đang ở đâu trên thế giới, đều phải thức dậy và ngủ cùng múi giờ với ông. Mọi người ở Văn phòng, hay nói đùa là “Múi giờ Trung tâm Shamron”.

“Cuộc gặp của cậu với Graham Seymour thế nào rồi?”.

“Hãy nhắc tôi là đừng bao giờ sử dụng hộ chiếu Heinrich Kiever để vào nước Anh một lần nữa”.

“Thế ông ấy có hành động theo những thông tin cậu cung cấp không?”.

“Hình như là ông ấy có nhiều vụ còn đau đầu hơn là vụ về những chàng trai từ Tây Amsterdam”.

“Chắc chắn rồi”.

“Đến một lúc nào đó chúng ta sẽ phải đưa người Hà Lan vào vụ này”.

“Ngay khi Eli lọc xong tài liệu của Rosner, chúng ta sẽ triệu tập sĩ quan liên lạc Hà Lan ở Tel Aviv và nói vài lời kín đáo với ông ấy”.

“Làm như vậy để bảo đảm chúng ta có thể bảo vệ cho nguồn tin của mình. Ông ấy giống như một cái ô mà chúng ta nên cất vào tủ để phòng cho một ngày mưa”.

“Đừng lo, đó sẽ là cuộc nói chuyện rất kín đáo”.

“Máy bay của tôi đến Amsterdam vào đầu giờ chiều. Nếu Eli và tôi làm việc suốt đêm đến sáng chúng tôi sẽ làm xong”.

“Tôi e là Eli sẽ phải hoàn thành xong công việc mà không có cậu. Cậu sẽ không quay lại Amsterdam.”

“Vậy tôi sẽ đi đâu?”

“Về nhà”, Shamron nói. “Một bodelin sẽ đón cậu trong một tiếng nữa rồi đưa cậu ra sân bay Heathrow. Và đừng bước xuống máy bay giống như con mèo bị què chân, mà hãy thể hiện thật bình thường. Tối nay chúng ta sẽ ăn tối ở đường Kaplan”.

Đường Kaplan là địa chỉ của Văn phòng Thủ tướng.

“Tại sao chúng ta ăn tối với nhau ở đó vậy?”

“Tôi sẽ không bàn về những vấn đề nhà nước và tình báo có tính quan trọng cao nhất trong khi những tay nghe lén của MI5 và GCHQ(1)(Cơ quan an ninh quốc gia của Anh) đang cố gắng nghe”

“Đây là điện thoại an toàn mà”.

Shamron nói. “Không có chuyện đó đâu. Phải bảo đảm cậu có mặt trên chuyến bay đó. Nếu bị kẹt xe, hãy gọi cho tôi khi ngồi trong xe. Tôi sẽ yêu cầu El Al giữ chỗ cho cậu”.

“Không có đâu”.

Đường dây im bặt. Gabriel đặt ống nghe trở lại vào máy. Chúng ta sẽ ăn tối cùng nhau ở đường Kaplan. Anh cho rằng mình biết chủ đề cuộc trò chuyện sẽ là gì. Rõ ràng Amos không có nhiều thời gian tồn tại. Anh nhìn vào màn hình tivi. Ba thiếu nữ ăn ảnh đang tập trung vào một cuộc bàn luận rất nghiêm túc về những trò hề về giới tính của chàng cầu thủ bóng đá nổi tiếng nhất nước Anh. Gabriel mò mẫm tìm cái điều khiển từ xa, nhưng thay vào đó anh lại thấy tập hồ sơ của Samir. Rồi anh nhớ mình đã thức đến nửa đêm nhìn vào hình ảnh – không phải rừng thông và đụn cát mà là những đường kẻ chéo qua lại.

Anh nhìn nó lần nữa. Gabriel được trời phú cho giác quan thứ sáu gần như tuyệt hảo, một kỹ năng được huấn luyện bởi việc nghiên cứu lịch sử nghệ thuật và công việc làm nhà phục chế nghệ thuật của mình. Anh đã có hàng trăm ngàn bức tranh lưu trữ trong những ngăn hồ sơ ký ức và có thể xác nhận một tác phẩm chỉ bằng cách xem xét vài nét cọ. Anh tin tưởng những đường kẻ này không phải là ngẫu nhiên mà là một phần của một bức tranh toàn cảnh và anh tin chắc là trước đây mình đã gặp bức tranh này ở đâu rồi.

Anh bước vào nhà bếp pha chút cà phê, rồi cầm chiếc tách ra đứng bên cửa sổ. Bầu trời bắt đầu sáng dần lên, giao thông vào buổi sáng của Luân Đôn đang vào giờ cao điểm. Một phụ nữ trông rất giống vợ cũ của anh đang đứng ở góc đường để chờ đèn giao thông. Khi đèn đổi màu, cô băng qua đường Bayswater rồi biến mất vào công viên Hyde Park.

Hyde Park…

Anh nhìn vào tập hồ sơ rồi nhìn ra cửa sổ.

Có thể nào?

Anh bước đến bàn mở ngăn kéo trên cùng. Bên trong là bản đồ Luân Đôn từ A-Z. Anh lấy bản đồ ra mở đến số 82. Đó chính là góc đông bắc của Hyde Park và những con phố xung quanh Mayfair, Marylebone, Bayswater và phố John’ Wood.

Những con đường trong công viên được thể hiện bằng những đường chấm. Gabriel so sánh hình mẫu với những chi tiết trên tập hồ sơ của Samir.

Chúng giống nhau hoàn toàn.

Hyde Park…

Nhưng tại sao một tên khủng bố lại muốn tấn công công viên này?

Anh nghĩ đến những tấm hình tìm thấy trong căn hộ của Samir. Samir ở quãng trường Trafagar. Samir với một thành viên đội vệ binh Nữ hoàng bên ngoài Điện Buckingham. Samir cưỡi xe Thiên niên kỷ. Samir bên ngoài toà nhà Quốc hội. Samir chụp với bốn người bạn trước Đại sứ quán Mỹ ở quãng trường Grosvenor…

Anh nhìn vào bản đồ Luân Đôn từ A-Z lần nữa.

Quãng trường Grosvenor chỉ cách hai khối nhà phía đông công viên ở đường Mayfair.

Anh nhắc điện thoại lên quay số.

“Graham Seymour. Tôi muốn ông báo động cho người Mỹ về nhóm phần tử từ Amsterdam”.

“Nhóm Amsterdam nào?”.

“Thôi nào, Graham – không có nhiều thời gian đâu”.

“Bên nhập cảnh đã mất cả đêm tìm chúng. Đến giờ họ không có bằng chứng gì cho thấy có người nào trong số những cái tên mà anh đưa cho tôi hiện đang có mặt ở đất nước này”.

“Điều đó không có nghĩa là chúng không có mặt ở đây”.

“Tại sao anh lại cho là chúng định gây chuyện với người Mỹ?”.

Gabriel kể cho Graham nghe những suy đoán của mình.

“Anh muốn tôi báo động cho quảng trường Grosvenor vì vài đường kẻ trên tập hồ sơ sao?”.

“Đúng vậy”.

“Tôi sẽ không làm thế đau. Không có đủ bằng chứng để chứng minh cho một sự báo động như thế. Ngoài ra, dạo này anh có đến quãng trường Grosvenor chưa? Hiện nó đã là một pháo đài của Mỹ. Khủng bố không thể đến gần toà nhà đó”.

“Hãy gọi cho họ đi, Graham. Nếu ông không gọi, tôi sẽ gọi”.

“Nghe này Allon, và hãy nghe cho rõ. Nếu anh làm cho thành phố của tôi rối tung lên, xin Chúa hãy cứu giúp, tôi sẽ…”.

Gabriel ngắt cuộc gọi rồi quay số khác.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-11-2013 08:16 AM
Chương 9
Quảng trường Grosvenor, Luân Đôn.

Bảy giờ 13 phút sáng thứ sáu

Những đường phố ở phía bắc khu Mayfair sang trọng mang đậm chất Mỹ. Nằm giữa những toà nhà uy nghiêm kiểu Georgia là Tổng hành dinh của phòng Thương mại Hoa kỳ, Câu lạc bộ Hoa Kỳ, Giáo hội Hoa Kỳ, Hội Ái Hữu Hoa Kỳ, và Hội phụ nữ Hoa Kỳ. Dọc phía bắc quảng trường Grosvenor là toà nhà của Hải quân Hoa Kỳ, ở phía Tây là Đại sứ quán Hoa Kỳ. Cao 9 tầng và trang trí bằng con chim đại bàng khổng lồ, đây là một trong những tổ chức ngoại giao lớn nhất của Hoa Kỳ trên thế giới và là nơi duy nhất trên mặt đất không do chính quyền liên bang sở hữu. Quận công Wesminster, người sở hữu phần lớn khu Mayfair, đã cho chính quyền Hoa Kỳ thuê khu vườn này với khoản tiền thuê danh nghĩa mỗi năm rất lớn. Rất ít khả năng Hoa Kỳ bị thu hồi đất ở khu Mayfair này trong tương lai gần, vì họp đồng thuê bất động sản sẽ chỉ hết hạn vào ngày Giáng sinh năm 2953.

58 người đàn ông và một phụ nữ từng làm đại sứ Mỹ tại đường James – trong số đó có năm người sau này làm Tổng thống – nhưng chỉ một người đến từ hàng ngũ ngoại giao chuyên nghiệp. Những người còn lại là những chính trị gia được bổ nhiệm và những người mới bước chân vào con đường ngoại giao, họ nổi tiếng về tiền bạc và những mối quan hệ hơn là khả năng ngoại giao. Những tên tuổi của họ nghe như là những tinh tú của xã hội cấp cao và sự phồn thịnh của Hoa Kỳ: Mellon, Kenedy, Harriam, Aldrich, Bruce, Whitney và Annenberg.

Đại sứ Mỹ ở Anh, hiện giờ là Robert Carlyle Halton, không phải là người sinh ra trong giới giàu có, được ít người Mỹ biết tên, dù đến giờ ông là người giàu nhất đảm nhận vị trí này và những mối quan hệ chính trị của ông là số một. Làm Chủ tịch và Giám đốc điều hành công ty năng lượng Red Moutain có trụ sở ở Denver, Halton sở hữu số tài sản theo ước tính mới nhất, lên đến hơn 5 tỷ đô la Mỹ. Ông cũng tình cờ là bạn chí cốt của tổng thống Hoa Kỳ và là cố vấn chính trị lớn nhất của tổng thống. Tờ Bưu điện đã đăng tải một bài báo ngay sau khi ông được bổ nhiệm với lối viết không nhân nhượng rằng ông “đã thực hiện được kỳ công chính trị khác thường bằng cách đưa người bạn thân nhất của mình vào Nhà Trắng”. Khi được hỏi về tính chính xác của bài báo trong những cuộc điều trần, Halton cho biết ông chỉ mơ ước là mình có thể mang lại cho Tổng thống thêm nhiều tiền bạc hơn nữa, một nhận xét đã mang đến cho ông nhiều phiếu bầu của Đảng dân chủ.

Dù thực tế Robert Halton không còn trách nhiệm gì đối với đế quốc năng lượng toàn cầu, ông vẫn là người có thói quen dậy sớm và có lịch trình hàng ngày dày đặc còn khổ ải hơn những người tiền nhiệm. Vào sáng hôm đó, như thường lệ, ông rời dinh Winfield, dinh cơ chính thức của ông ở công viên Regent, vào thời điểm hoàn toàn không có công việc ngoại giao – 6 giờ 45 phút đến 7 giờ, ông liếc qua mấy tờ báo Luân Đôn ở bàn làm việc, nơi trông xuống quảng trường Grosvenor. Những trang báo đầy tin tức khốc liệt ở Irắc. Halton tin tưởng rằng người Anh,đã cắt giảm mạnh quân số ở Irắc, sẽ sớm tìm cách rút quân về hết, một đánh giá mà ông đã đề xuất với Tổng thống trong cuộc họp mới đây ở khu điền sản Owl Creek rộng lớn của Halton ở Aspen. Halton đã nói toạc ra hết trong cuộc gặp này. Ông hiếm xử sự như thế.

Lúc 7 giờ 10 phút, một thiếu nữ trẻ dong dỏng cao mặc bộ đồ thể thao và mang băng – đô bằng lông cừu xuất hiện ở cửa. Cô có bộ tóc đen dài, mắt xanh nhạt trên khuôn mặt ưa nhìn và thân hình thể thao mảnh dẻ. Không chờ xin phép bước vào, cô băng ngang căn phòng và ngồi lên tay ghế của Halton. Đó rõ ràng là một cử chỉ thân mật, một cử chỉ có thể làm những nhân viên Đại sứ quán phải nhướng mày nếu như tên cô thiếu nữ hấp dẫn này không phải là Elizabeth Halton. Cô hôn lên má ông đại sứ và vuốt ve mái tóc dày màu xám của ông.

Cô nói. “Chào cha. Có gì thú vị trên báo vậy?”.

Robert Halton kéo tờ Times lên. “Thị trưởng Luân Đôn lại giận cha rồi”.

“Chuyện gì làm Red Ken giận vậy?”

Quan hệ của Halton với ngài Thị trưởng cánh tả nổi tiếng của Luân Đôn đã trở nên vô cùng lạnh nhạt. Điều này không có gì ngạc nhiên, bởi ngài Thị trưởng đã bày tỏ sự cảm thông đối với những tên đánh bom tự sát của tổ chức Hamas và có lần đã công khai cảm thông một lãnh đạo khu Hồi giáo, người đã kêu gọi sát hại người Do Thái và những kẻ ngoại đạo khác.

“Ông ta nói việc bảo vệ an ninh cho chúng ta đang gây ra những ngưng trệ lớn đối với giao thông khắp khu Mayfair”, Robert Halton nói. “Ông ấy muốn chúng ta trả thuế cho việc tắc nghẽn giao thông, ông ấy đề nghị cha trả phí bằng quỹ của mình. Ông ấy tin chắc là cha phải trả số tiền đó”.

“Cha sẽ không làm thế”.

“Đó không phải là vấn đề”.

“Con sẽ nói chuyện với ông ấy nhé?”.

“Cha sẽ không làm thế với đối thủ tệ nhất của mình đâu”.

“Con có thể làm người khuyến dụ”.

“Ông ta không xứng đáng với con đâu, con yêu”.

Robert mỉm cười rồi vuốt má con gái mình. Hai người đã gần như sóng đôi kể từ khi vợ Halton mất cách đó 5 năm trong một vụ rơi máy bay tư nhân ở bắc Alaska – hai người không thể tách rời được đến nỗi Halton đã không chấp nhận việc Tổng thống đề nghị ông làm đại sứ ở Luân Đôn cho tới khi ông biết chắc là Elizabeth sẽ đi theo ông. Trong khi hầu hết các thiếu nữ muốn có cơ hội được sống ở Luân Đôn với cương vị con gái của ngài đại sứ Mỹ thì Elizabeth rất do dự khi rời Colorado. Cô là một trong những nhà giải phẫu cấp cứu được đánh giá cao ở Denver và đang bàn chuyện kết hôn với một nhà kinh doanh bất động sản giàu có. Cô đã từ chối trong nhiều tuần cho đến một buổi tối khi đang làm việc tại Trung tâm Y khoa Rose ở Denver, cô nhận được cú điện thoại của Nhà Trắng. Tổng thống nói. “Chú cần cha con ở Luân Đôn. Chú phải nói gì với con để khiến cha con đồng ý?”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-11-2013 08:19 AM
Chương 9
(tiếp theo)

Ít ai có thể từ chối một yêu cầu như vậy. Elizabeth Halton đã thân thiết Tổng thống suốt từ khi cô còn bé. Cô đã chơi trượt tuyết với ông ở Aspen và săn nai với ông ở Montana. Cô đã được Tổng thống thết đãi vào ngày tốt nghiệp trường y và được ông an ủi vào ngày an táng mẹ mình. Tất nhiên là cô không thể từ chối đề nghị của ông, và khi đến Luân Đôn cô đã tự dấn thân vào những nhiệm vụ, cô cũng dùng sự quyết tâm và khéo léo của mình để đối mặt với mọi thách thức khác trong cuộc sống. Cô quản lý dinh Wìnied bằng bàn tay sắt và gần như lúc nào cũng theo cha trong các sự kiện chính thức và những phong trào xã hội quan trọng. Cô làm tình nguyện viên ở các bệnh viện Luân Đôn – đặc biệt là những bệnh viện cứu những cộng đồng dân nhập cư nghèo – và còn là người bảo vệ khéo léo cho chính sách nhập cư của Hoa Kỳ ở Irắc và cuộc chiến chống khủng bố. Cô được báo giới Luân Đôn yên mến trong khi họ ghét cha cô, mặc dù trong thực tế tờ Người bảo vệ đã công bố một sự thật ít người biết là Elizabeth, vì lí do an ninh, đã cố gắng giữ một bí mật. Tổng thống Hoa Kỳ chính là cha đỡ đầu của cô.

“Sao cha không để mấy tờ báo này xuống và ra ngoài chạy bộ với tụi con?”, cô vỗ nhẹ người cha. “Cha đang bắt đầu lên cân rồi đấy”.

“Cha sẽ uống cà phê với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lúc chín giờ. Con đừng quên là tối nay ta sẽ có bữa tiệc ở phố Downning”.

“Con nhớ mà”.

Robert Halton gấp tờ báo lại rồi nhìn con gái một cách nghiêm trọng.

“Cha muốn con và bạn bè phải cẩn thận khi ra ngoài đấy. NCTC (Trung tâm chống khủng bố quốc gia) đã nâng mức báo động ở châu Âu hôm qua đấy”.

“Có gì đặc biệt không cha?”.

“Cũng chưa rõ. Có hoạt động tăng cường của các phần tử al-Qeada. Cũng là hoạt động như thường lệ nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua. Hãy cho một số lính thuỷ đánh bộ theo con để bảo vệ cho kỹ”.

“Lính thuỷ chỉ được bảo vệ Đại sứ quán. Nếu họ rời cơ quan, Cục tình báo Anh sẽ nổi cơn tam bành đấy. Con sẽ tập máy chạy bộ trong phòng tập này vậy”.

“Không có luật lệ nào chống lính thuỷ của Hoa Kỳ chạy trong công viên Hyde Park – ít ra là chưa có. Cha cho rằng nếu Red Ken có thể thì sẽ có luật này sớm thôi”, ông buông tờ báo lên bàn. “Lịch làm việc hôm nay của con thế nào?”.

“Một hội nghị về các vấn đề y tế châu Phi và buổi chiều có tiệc trà ở toà nhà Quốc hội”.

“Con vẫn vui vì ta đến Luân Đôn chứ?”.

“Con sẽ không đánh đổi công việc này với cả thế giới”, cô đứng dậy quay đầu hướng ra cửa. “Hãy chuyển lời hỏi thăm của con đến ngài Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhé”.

“Đừng quên tiệc ở phố Downing nhé con”.

“Con sẽ không quên”.

Elizabeth rời văn phòng của cha mình và đi thang máy xuống cửa. Bốn người khác, mặc quần áo giống bộ đồ thể thao giữ ấm cô mặc, đều đã có mặt ở đó. Jack Hammond – Trưởng phòng Quan hệ công chúng của Đại sứ quán; Alex Baker – đặc vụ của FBI làm liên lạc về những vấn đề pháp luật; Paul Foreman từ quán; Chris Petty từ phòng an ninh thuộc Bộ Ngoại giao. Petty làm sĩ quan an ninh khu vực của Luân Đôn, có nghĩa là anh có trách nhiệm đối với sự an toàn của Đại sứ quán và các nhân viên đang làm việc trong đó. Hai trợ lý RSO(Sỹ quan phụ trách an ninh) của Petty đến một lúc sau. Những bộ quần áo thể thao màu xanh của họ không che giấu được thực tế là họ có nhiều quyền lực và được trang bị vũ khí đầy đủ.

Elizabeth hỏi. “Kevin đâu?”.

Kevin Barnett, Phó trưởng chi nhánh của CIA, hiếm khi vắng mặt trong lúc chạy buổi sáng khi anh có mặt ở thành phố này.

Chris Petty đáp. “Vẫn còn bận bịu trong văn phòng”.

“Có gì liên quan đến báo động của NCTC sao?”.

Petty mỉm cười.

“Làm sao cô biết chuyện đó?”.

“Tôi là con gái đại sứ, Chris”.

Alex Baker nhìn đồng hồ. “Ta chạy đi. Tôi có cuộc hẹn lúc chín giờ ở Cục tình báo Anh”.

Họ hướng ra ngoài, len qua cánh cổng ở bức tường phía bắc dành riêng cho nhân viên đại sứ quán. Một lúc sau, họ chạy bộ về phía Tây dọc theo phố Upper Brook, hướng đến công viên Hyde Park.

Chiếc xe tải nhỏ Ford Transit sơn màu xanh lá cây có dòng chữ bên hông: Nhà thầu các Công viên Hoàng gia Addison&Hodge Ltd. Chiếc xe không thuộc về Addison&Hodge nhưng được làm giả một cách tinh vi, giống y hệt một chiếc thứ hai đã có mặt bên trong công viên Hyde Park. Khi nhóm người Mỹ chạy dọc theo phố Upper Brook, người đàn ông sau lái im lặng quan sát họ, nhấn một nút trên điện thoại di động rồi đưa lên tai. Cuộc đối thoại của anh ta rất ngắn gọn và được mã hoá. Khi nói xong, anh ta nhét chiếc điện thoại vào túi áo đồng phục công nhân – cũng là đồ giả - rồi khởi động xe. Anh ta chạy vào công viên qua điểm chốt chặn rồi đến nơi có hàng cây phía bắc hồ Serpentine. Một tấm biển ghi CHỈ DÀNH CHO XE ƯU TIÊN và cảnh báo mức phạt nặng cho những kẻ vi phạm. Người đàn ông phía sau tay lái xuống xe, bắt đầu nhặt rác, cầu nguyện thì thầm một mình khi làm việc. Nhân danh Allah, đức từ tâm, nhân từ, … chủ nhân của ngày phán xét … hãy chỉ cho chúng con đường đến chiến thắng…

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-11-2013 06:00 PM
Chương 10

Hai giờ 32 sáng thứ sáu

Sau này, trong cuộc điều trần không thể tránh khỏi trước Quốc hội Mỹ, người ta đã tập trung nhiều về việc xác định chính xác thời điểm và cách thức các cơ quan tình báo Hoa Kỳ nắm được hiểm hoạ sắp giáng xuống Luân Đôn.

Câu trả lời là 2 giờ 32 sáng theo giờ địa phương, khi một cú điện thoại từ một người được xác định là “nguồn tin tình báo hải ngoại”, đến trên đường dây khẩn cấp trong dãy văn phòng điều hành ở tầng bảy thuộc Tổng hành dinh CIA ở Langley, Virginia. Nguồn tin tình báo hải ngoại, dù chưa được xác định, chính là Gabriel và đường dây khẩn cấp anh đã quay số chính là của Adrian Carter, Phó giám đốc nghiệp vụ của CIA. Trong thời điểm bình thường, cuộc gọi này có thể đã được chuyển đến nhà Carter ở gần MCLean. Tuy nhiên, đây gần như không phải thời điểm bình thường và mặc dù ở thời điểm nguy cấp, Carter vẫn đang đứng ở cửa sổ văn phòng nóng lòng chờ đợi thông tin về kết quả của một chiến dịch nhạy cảm đang thực hiện ở vùng núi Pakistan.

Ngoài hướng nhìn thẳng ra sông Potomac, ít có lý do nào cho thấy văn phòng của Carter là một trong những nơi nhiều quyền lực nhất của cơ quan tình báo quy mô ở Washington. Cũng không ai đoán được gì nhiều từ bề ngoài có vẻ mộ đạo của Carter. Chỉ vài người ở Wasington biết rằng Adrian Carter nói thông thạo bảy thứ tiếng và có thể hiểu ít nhất bảy thứ tiếng nữa. Cũng ít người biết rằng Carter, trước khi trở thành một nhân vật quen thuộc của tầng bảy tại Langley, đã là một trong những chiến binh giấu mặt trung thành nhất của quốc gia.

Dấu tay của ông đã từng để lại trên mọi chiến dịch ngầm quan trọng của Hoa Kỳ trong những năm vừa qua. Ông đã tham dự vào việc lấp liếm kết quả bầu cử, lật đổ chính quyền và giả mù trước những vụ hành quyết và ám sát nhiều hơn anh có thể đếm được. Tính khoan nhượng ít có trong cách xử sự của Carter. Carter chuyên về nghiệp vụ, ông ta chỉ thực hiện những gì được giao mà thôi. Chỉ trong vòng một năm, chính ông đã làm nhiệm vụ của Chúa ở Ba Lan, dựng lên thể chế ma quỷ ở Salvado. Hay chuyện ông trút đô la và súng bắn tên lửa lên những chiến binh Hồi giáo thánh chiến ở Afghanistan, dù ông biết một ngày nào đó họ sẽ trút đạn và sự chết chóc lên người mình.

Nhưng ngày nay, sống thọ là thành tựu đáng nói nhất của Carter. Những hiền triết ở Langley thích đùa rằng cuộc chiến chống khủng bố đã làm thiệt mạng thêm nhiều người trong Ban chỉ huy chiến dịch hơn trong hàng ngũ lãnh đạo al-Qeada. Dù sao Carter cũng còn sống. Ông đã sống sót qua những cuộc thanh trừ bằng máu với những con dao dài, súng, mìn và cả nỗi sợ hãi. Bí mật cho sự sống sót của ông là ở chỗ ông thường dự đoán đúng. Mùa hè năm 2001, ông đã cảnh báo rằng al-Qeada đang lên kế hoạch tấn công lớn vào nước Mỹ. Mùa đông năm 2003, ông báo động một số nguồn tin về chương trình vũ khí đáng nghi ngờ của Irắc, nhưng do tin đó bị sếp của ông bác bỏ. Và khi chiến tranh trở nên ác liệt ở khu Lưỡng Hà, ông đã viết một công hàm bí mật dự báo Irắc sẽ trở thành một Afghanistan mới, nơi sản sinh ra thế hệ kế tiếp của những kẻ thánh chiến, một thế hệ sẽ tàn bạo hơn và khó lường trước hơn những thế hệ trong quá khứ. Carter đã khẳng định không dựa trên bất cứ sự phân tích đặc biệt nào, mà bằng dự cảm riêng của mình. Mười lăm năm sau, trong một căn nhà tồi tàn ở Peshawar, một người đàn ông râu ria đội khăn xếp đỏ đã báo cho ông biết rằng, một ngày nào đó những lực lượng Hồi giáo sẽ biến Hoa Kỳ thành tro bụi. Carter tin lời người đàn ông trong trí tưởng tượng ấy.

Và chính Carter này – Carter mật vụ, Carter sống sót, Carter bi quan – người mà trong buổi sáng sớm ngày thứ sáu xui xẻo tháng 12 đó, mệt mỏi đưa điện thoại lên tai chờ một tin từ một vùng đất xa xôi. Thay vào đó ông lại nghe thấy gọng của Gabriel và được cảnh báo là sẽ có một vụ tấn công ở Luân Đôn. Carter tin lời Gabriel.

Carter ghi số của Gabriel rồi ngắt điện thoại, ngay lập tức ông quay số đến bàn nghiệp vụ tại Trung tâm chống khủng bố Quốc gia.

Sỹ quan trực hỏi. “Thông tin này có đáng tin cậy không?”.

“Đủ tin cậy để tôi gọi anh lúc 2 giờ 34 phút sáng đấy”, Carter cố giữ bình tĩnh. “Anh hãy báo cho RSO tại Đại sứ quán bằng điện thoại ngay lập tức, bảo ông ta dốc toàn lực và nhân viên vào vị trí chiến đấu cho đến khi chúng ta kiểm soát được tình hình”.

Carter gác điện thoại trước khi người sĩ quan trực có thể đặt một câu hỏi điên rồ nào khác, ông ngồi thừ ra và cảm thấy hoàn toàn vô dụng. Ông nghĩ: đồ NCTC chết tiệt. Ông sẽ đưa vấn đề vào tầm kiểm soát. Ông quay số chi nhánh CIA ở Đại sứ quán Luân Đôn và một lúc sau đã nói chuyện với Kevin Barnett, Phó COS (phó giám đốc CIA tại Đại sứ quán Luân Đôn). Khi Barnett mới nói chuyện, giọng ông khá run.

“Sáng nào cũng có một nhóm nhân viên Đại sứ quán chạy bộ trong công viên Hyde Park”.

“Anh chắc không đấy?”.

“Thường thì tôi tham gia mà”

“Còn ai chạy ở đó?”

“Sỹ quan Trưởng phòng báo chí, liên lạc FBI, sỹ quan an ninh khu vực…”

“Ôi lạy Chúa”, Carter cướp lời.

“Tình hình chuyển biến tệ hơn”.

“Tệ hơn thế nào?”.

“Elizabeth Halton”.

“Con gái ngài đại sứ phải không?”

“Đúng”

“Họ rời đi lúc mấy giờ?”.

“Đúng 5 giờ 15”.

Carter nhìn đồng hồ. Lúc đó là 7 giờ 36 phút ở Luân Đôn.

“Hãy bảo họ trở về Đại sứ quán đi Kevin. Tự họ phải chạy qua công viên Hyde Park nếu không có cách nào khác”.

Âm thanh tiếp theo Carter nghe được qua điện thoại là tiếng Phó COS ở Luân Đôn đóng mạnh cửa. Carter gác điện thoại, chờ 10 giây rồi gọi lại cho Gabriel.

Ông nói: “Tôi nghĩ có một nhóm của đoàn ngoại giao đang chạy bộ trong công viên Hyde Park. Anh có thể đến chỗ đó trong bao lâu?”.

Carter nghe một tiếng cách khác nữa.

Họ đã vào công viên từ cổng Brook, chạy xuống phía nam dọc theo đường Broad Walk đến góc Hyde Park, rồi sang phía tây dọc theo đường Rotten, qua Vườn Hồng và khu Dell. Elizabeth Halton chạy lên trước khi họ đến đài tưởng niệm Albert; sau đó cô nhanh chóng tăng tốc khi họ chạy lên hướng bắc đường Lancaster Walk để sang đường Bayswater. Jack Hammond, phát ngôn viên Đại sứ quán, chạy qua mặt Elizabeth rồi hướng nhanh đến cổng Victoria và chạy xuống đường West Carriage Drive đến bờ khu Serpentine. Khi họ đến chỗ nhà thuyền, một chiếc điện thoại di động vang lên. Đó là điện thoại của Chris Petty, người của RSO.

***

Chúng trông như những cái va li đang lăn bình thường. Nhưng thật ra không hoàn toàn như thế. Cạnh và bánh xe được trợ lực để chịu được sức nặng của thuốc nổ, nút trên những chiếc tay cầm có thể gấp xuống được nối với bộ kích nổ. Những cái va li này là tài sản của bốn người đàn ông đang tiếp cận bốn mục tiêu khác nhau cùng một lúc. Những ga tàu điện ngầm tại các khu vực rạp xiếc Piccadilly, quảng trường Leicester, ngã tư Charing, và Nhà mái vòm. Những người này không biết gì về nhau, nhưng giữa họ có nhiều điểm chung. Cả bốn đều là người Ai Cập. Cả bốn đều là người Hồi giáo Takfiri coi cái chết của mình cũng rẻ mạt như mạng sống của những người ngoại đạo. Cả bốn đều đang đeo đồng hồ kỹ thuật số Seiko sẽ báo thức đúng 7 giờ 40 phút sáng.

Gabriel mất 2 phút thay quần áo rồi lấy khẩu Beretta và mất một phút nữa để đi xuống tầng dưới và ra đường. Đèn tín hiệu giao thông trên Bayswater đang đỏ khi anh đến. Anh không dừng lại mà phóng nhanh qua luồng giao thông đang ập đến để vào công viên. Đúng lúc đó anh nghe thấy một tiếng nổ vang lên và cảm thấy mặt đất rung chuyển dưới chân mình. Anh dừng lại một chút, không chắc chắn về những gì mình vừa nghe và cảm thấy, sau đó anh quay người chạy nhanh đến khu vực giữa công viên.

Chris Petty đã chạy chậm lại rồi dừng hẳn, rút điện thoại khỏi kẹp gắn với thắt lưng quần tập thể thao.

Anh nói lớn. “Các bạn chứ chạy đi. Cứ đi theo lộ trình thường ngày. Tôi sẽ đuổi kịp nếu có thể”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-11-2013 06:02 PM
Chương 10
(tiếp theo)

Những người còn lại trong nhóm đã quay ra xa bờ khu Serpentine và tiến vào khu vực nhiều cây cối phía bắc hồ. Petty nhìn vào màn hình nhận diện người gọi. Đó chính là số văn phong của Đại sứ quán. Anh mở điện thoại đưa nhanh lên tai nghe.

“Petty đây”.

Im lặng

“Chris Petty đây. Nghe rõ trả lời?”.

Im lặng

“Mẹ kiếp”.

Anh ngắt điện thoại rồi chạy theo những người khác. Hai mươi giây sau, điện thoại reo lần nữa. Lần này, khi áp điện thoại lên tai, tín hiệu nghe rất rõ.

Người đàn ông trong bộ đồng phục của Addison&Hodge đang thu nhặt rác dọc theo lối đi nhìn lên khi nhóm người chạy bộ qua đường đi bộ dẫn từ khu Nhà Cảnh Sát cổ đến khu Reformers’ Tyree. Chiếc xe Addison&Hodge giả thứ hai đã đổ phía bên đường đối diện, một người đàn ông mặc đồng phục nữa đang vẽ hí hoáy trên đất bằng một cái gậy. Họ đã chuẩn bị cho giây phút này hơn một năm qua. Ba mươi giây, tên lên kế hoạch hành động nói. Nếu kéo dài hơn ba mươi giây, mày sẽ không còn sống mà ra khỏi khu công viên này. Người đàn ông thò tay vào chiếc túi đựng rác hắn đang giữ trong tay và sờ thấy một vật bằng kim loại lạnh lẽo: một khẩu súng máy MP hiệu Hecker&Koch, nạp bốn mươi viên đạn chống tăng. Hắn ấn nút lên nòng sang chế độ phù hợp rồi chầm chậm đếm đến 10.

Chris Petty không thể nào tắt được điện thoại gọi từ Đại sứ quán trước khi đuổi theo đồng nghiệp. Anh gần như lập tức nhìn thấy họ sau lối rẽ ở khu vực Nhà Cảnh Sát cổ. Họ đã chạy được một nửa khoảng cách đến khu Reformers’ Tyree và đang đến gần hai chiếc xe tải nhỏ hiệu Ford Transit màu xanh lá cây đang đậu dọc theo lối đi. Không có gì bất thường khi gặp những người làm việc vào sáng sớm như thế - công viên Hyde Park với diện tích 350 mẫu Anh rất cần sự chăm sóc duy tu thường xuyên – nhưng mục đích thật sự của họ đã lộ ra chỉ trong vài giây sau khi những cánh cửa chở hàng phía sau bật tung và tám người đàn ông có vũ trang mặc đồ thể thao màu đen với khăn trùm đầu kín mít nhảy ra. Những tiếng gọi cảnh báo vô vọng của Petty vang lên cũng như âm thanh của tiếng súng và tiếng thét gào ngay sau đó được ghi lại từ bên trong Trung tâm hoạt động của RSO. Petty bị bắn 10 giây sau tiếng súng đầu tiên. Những âm thanh hấp hối cuối cùng của anh được thu lại trên máy của trung tâm. Anh cố nói điều gì đó trước khi ngã quỵ, rồi sau đó vài phút, các đồng nghiệp đang sững sờ trong toà Đại sứ quán mới hiểu được nghĩa của từ đó: Những kẻ làm vườn…

Gabriel nghe tiếng súng đầu tiên trong khi vẫn ở khu vực mạn bắc công viên. Anh rút khẩu Beretta và chạy nhanh vào rừng cây rồi dừng lại trên lối đi bộ nhìn theo hướng của khu Reformers’ Tyree. Cách đó 50 thước Anh là cảnh tượng như trong ác mộng: những thi thể đang nằm trên đất, những người đàn ông đang kéo một phụ nữ giãy giụa về phía sau xe tải đang chờ sẵn.

Anh giơ súng lên nhưng rồi tự hạ xuống. Đay có thực là một vụ tấn công hay anh chỉ đang lạc vào một cuộc diễn tập của cảnh sát hay là một cảnh trong phim hành động? Những người đàn ông mặc đồ đen là khủng bố, là cảnh sát hay là diễn viên? Thi thể gần nhất nằm cách đó 30 thước Anh. Trên nền đất cạnh người đàn ông là chiếc điện thoại di động và một khẩu súng hiệu Sauer P226 9mm. Gabriel bò nhanh đến cạnh người đàn ông đang nằm rồi quỳ xuống cạnh xác anh ta. Máu và vết thương do đạn bắn là thật, và ánh nhìn chết chóc trong đôi mắt sợ hãi của người đàn ông là thật. Anh biết đây không phải là trò diễn tập hay cảnh trong phim. Mà đây là vụ tấn công anh đã lo sợ, và nó đang phơi bày trước mắt anh.

Những tên khủng bố không chú ý đến anh, Gabriel vãn đang quỳ xuống, cầm khẩu Beretta bằng hai tay rồi nhắm vào một trong những tên mặc đồ đen đang kéo người phụ nữ về chiếc xe bán tải. Chỉ cách 30 thước Anh, Gabriel nhả một phát đạn giống như anh đã từng thực hiện trước đây vô số lần. Anh bóp cò hai lần liên tiếp, pằng...pằng, như đã được huấn luyện. Một lúc sau, có một dải cầu vòng màu đỏ hồng phun ra và người đàn ông ngã xuống nền đất, như món đồ chơi đứa trẻ buông ra khỏi tay. Gabriel lia tầm ngắm sang phải một chút rồi bắn tiếp. Lại một dải cầu vồng màu máu nữa xuất hiện, óc văng ra. Thêm một tên nữa về chầu trời.

Lần này có tiếng súng bắn trả lại. Gabriel bò khỏi lối đi bộ rồi nấp sau một thân cây khi làn mưa đạn xé nát vỏ cây ra từng mảnh nhỏ. Khi tiếng súng ngưng, anh bò từ sau gốc cây và thấy những tên khủng bố đã kéo người phụ nữ vào sau xe. Một tên đang đóng cửa sau, những tên khác đang chạy nháo nhào về chiếc xe bán tải thứ hai. Gabriel nhắm vào tên đóng cửa rồi bắn. Phát đầu tiên trúng vào vai trái tên khủng bố, làm hắn lăn quay. Phát thứ hai trúng vào giữa ngực hắn.

Những chiếc xe bán tải phóng về phía trước và chạy qua khu vực cây xanh rộng lớn, đến khu Nhà vòm cẩm thạch và tiến về xa lộ đông đúc ở góc đông bắc của công viên. Gabriel đứng dậy lao theo chúng, sau đó dừng lại rồi bắn vài phát vào sau xe tải mà anh biết là nó chứa đầy những tên khủng bố. Những chiếc xe bán tải tiếp tục chạy hết chu vi công viên. Gabriel rượt đuổi vài giây nữa rồi nhận ra mình không thể đuổi kịp chúng, anh quay lại chỗ xảy ra vụ tấn công.

Có 9 thi thể nằm rải rác trên lối đi vương đầy máu. Sáu người Mỹ đã chết, cũng như hai tên khủng bố mà Gabriel đã bắn hạ bằng những phát súng vào đầu. Tên lúc nãy kéo người phụ nữ vào phiá sau xe tải đang nằm thở hắt ra, máu chảy ra từ miệng của khăn trùm đầu. Gabriel đá cây súng ra khỏi tay hắn và xé chiếc khăn trùm đầu. Gương mặt nhìn anh hơi quen. Sau đó anh nhận ra hắn là Samir Al Marsi, tên người Ai Cập từ Amsterdam đến.

Mắt của tên khủng bố người Ai Cập bắt đầu mất thị giác. Gabriel cần khai thác hắn trước khi hắn chết. Anh nâng người tên Ai Cập lên bằng cách túm lấy bộ quần áo của hắn rồi tát mạnh vào mặt hắn.

“Tại sao bọn chúng bắt cô gái đi, Samir? Cho tao biết mày định làm gì với cô gái!”.

Đôi mắt hắn tập trung lại một chút.

“Sao mày biết tên tao?”

“Tao biết hết, Samir. Chúng đưa cô gái đi đâu?”

Hắn mỉm cười ác ý. “Nếu mày biết hết thì tại sao lại hỏi tao?”

Gabriel đánh hắn tiếp, lần này mạnh hơn, mạnh đến nỗi anh sợ hắn bị gãy cổ. Nhưng cũng không có tác dụng. Samir đang hấp hối. Gabriel chĩa súng vào mắt hắn hét lên. “Tụi nó đưa cô gái đi đâu? Nói tao nghe nếu không tao bắn vỡ sọ!”

Nhưng Samir chỉ tiếp tục mỉm cười, đó không phải là nụ cười ác ý nữa mà là nụ cười thách thức của người đã đạt được ý nguyện trước khi chết. Gabriel đã mang hắn đến cửa tử và hắn vui vẻ khi nhìn thấy mình sắp sang thế giới bên kia. Gabriel đặt báng súng Beretta lên mặt tên khủng bố và định bóp cò thì nghe tiếng hét lớn phía sau mình. “Bỏ súng xuống! Giơ tay lên”.

Gabriel buông tên người Ai Cập ra rồi đặt khẩu Beretta lên nền đất, chầm chậm giơ tay lên. Trí nhớ của anh về những gì diễn ra kế tiếp cũng mù mờ. Anh chỉ nhớ mình bị đẩy xuống đất và còn nhớ được ánh mắt Samir đang nhìn anh. Rồi có ai đó đánh anh vào phía sau đầu, một cú đánh mạnh có vẻ như có thể bổ sọ anh ra làm hai. Anh cảm thấy đau dữ dội và một ánh sáng loé lên. Rồi anh thấy một người phụ nữ - một người phụ nữ mặc đồ thể thao màu xanh đậm, bị dẫn vào một thung lũng tro bụi bởi những kẻ sát thủ đeo khăn trùm đầu màu đen.

Cú điện thoại gọi đến căn phòng ở tầng hai Nhà Trắng lúc 3 giờ 14 phút sáng. Tổng thống nhắc ống nghe từ máy điện thoại sau tiếng chuông reo đầu tiên và đưa nhanh lên tai nghe. Ông lập tức nhận ra giọng nói ở phía bên kia đường dây: Cyrus Mansfield, cố vấn an ninh Quốc gia của mình.

“Thưa Tổng thống, tôi e là có một vụ tấn công nữa ở Luân Đôn”.

“Tình hình thế nào rồi?”

Mansfield trả lời câu hỏi một cách dè dặt để Tổng thống đỡ bị sốc. Tổng thống nhắm mắt thì thào. “Ôi Chúa ơi”.

“Người Anh đang làm mọi thứ có thể để phong toả Luân Đôn, ngăn không cho bọn chúng thoát”. Mansfield nói. “Nhưng như ngài biết đấy, tình hình hết sức hỗn loạn”.

“Hãy chuẩn bị phòng tình huống khẩn cấp. Tôi sẽ xuống tầng dưới trong năm phút nữa”.

“Vâng thưa ngài”.

Tổng thống gác điện thoại, ngồi bật dậy trên giường. Khi ông mở đèn cạnh giường, vợ ông đã thức và nhìn chồng. Bà đã biết tình hình trước đó.

“Tình hình thế nào?”, bà ta hỏi.

Ông ngập ngừng. “Luân Đôn lại bị tấn công. Và Elizabeth Halton bị bắt làm con tin”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-11-2013 09:06 PM
Phần 2: Vùng Đất Của Những Người Xa Lạ

Chương 11
Sở Cảnh Sát Luân Đôn

Tôi sẽ chẳng than phiền nhiều lắm về một cú đánh hiểm ác lên đầu mình”.

Chiếc Limousine của Graham Seymour tiến chầm chậm ra khỏi sân trước của Sở cảnh sát Luân Đôn và rẽ vào đường Broadway. Người đàn ông thuộc MI5 trông rất mệt mỏi. Ông có quyền mệt mỏi. Bom đã nổ trên đường xe điện ngầm ở khu Mái vòm cẩm thạch, rạp xiếc Piccadilly, quảng trường Leciester và ngã tư Charing. Sáu nhà ngoại giao người Mỹ và nhân viên an ninh bị sát hại ở công viên Hyde Park, đặc biệt con gái của ngài đại sứ, Elizabeth Halton, đang mất tích và được cho là bị bắt cóc. Đến giờ, chỉ có một người bị bắt là Gabriel Allon.

Gabriel nói. “Họ yêu cầu tôi giơ tay lên và bỏ súng xuống. Tôi đã làm theo lệnh”.

“Phải cố hiểu điều đó xét theo quan điểm của họ. Anh sắp bắn vào đầu một người và xung quanh là tám xác chết. Anh thật may mắn là họ đã cho anh cơ hội để đầu hàng. Lẽ ra họ đã có thể sử dụng vũ khí theo thẩm quyền. Đó là công việc họ được huấn luyện khi đối diện với người mà họ tin là khủng bố”.

“Thật vậy ư? Chẳng lẽ người cố gắng ngăn chặn vụ tấn công như tôi lại bị cảnh sát Luân Đôn giết chết”. Trước sự im lặng giận dữ của Graham Seymour, Gabriel nhấn mạnh vấn đề. “Lẽ ra ông nên nghe tôi, Graham. Ông nên nâng mức báo động và đánh động vài tên khủng bố. Và có lẽ Elizabeth Halton và những người Mỹ còn lại nên ở lại trong Đại sứ quán thay vì chạy bộ trong công viện Hyde Park”.

“Tôi đã bảo anh đứng ngoài cuộc”.

“Đó có phải là lý do tại sao ông để tôi ngồi trong buồng giam 16 tiếng đồng hồ không Graham? Có phải đó là lí do ông để họ kết tội tôi và ông để họ lấy dấu tay và chụp ảnh tôi không?”.

“Hãy tha lỗi cho tôi vì không đến cứu anh sớm hơn, Gabriel. Tôi hơi bận”.

Gabriel nhìn ra những con đường trơn ướt của khu Westminster. Những con đường vắng tanh, trừ những sĩ quan cảnh sát mặc đồng phục đứng gác ở mỗi góc phố. Graham Seymour cũng có lí do. Luân Đôn vừa trải qua một ngày đẫm máu nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II. Gabriel hầu như không thể than phiền về chuyện đã phải ngồi gần như một ngày ở Sở cảnh sát Luân Đôn.

“Có bao nhiêu người chết vậy, Graham?”.

“Con số người chết cao hơn vụ tấn công tháng7 năm 2005”, Seymour đáp. “Đến giờ đã có 300 người chết, hơn 2.000 người bị thương. Tuy nhiên những vụ đánh bom này rõ ràng còn có mục đích khác là nhằm tạo ra bầu không khí hỗn lạo ở thủ đô. Điều đó cho phép những tên khủng bố cao chạy xa bay dễ dàng hơn. Không may là, chuyện này đã diễn ra thật hoàn hảo. Kẻ nào lên kế hoạch vụ tấn công này đúng là một thiên tài tàn ác”.

“Ông đã có thông tin gì về nhận dạng cũng như quan hệ của những kẻ đánh bom chưa?”.

“Chúng đều là những thanh niên người Anh thế hệ thứ hai từ khu Finsbury Park và Walthamstow ở Đông Luân Đôn. Cả bốn người đều có gốc Ai Cập và cả bốn đều là thành viên của một nhà thờ Hồi giáo khu trung tâm nhỏ ở Walthamstow gọi là nhà thờ Salam”.

“Nhà thờ Hoà bình”, Gabriel nói. “Thật phù hợp làm sao”.

“Thầy tế đã biến mất cũng như nhiều thành viên khác trong nhóm. Dựa trên những gì chúng tôi được biết đến giờ, có vẻ như những thanh niên địa phương đã thực hiện chiến dịch đánh bom này, còn anh chàng Samir của anh và cộng sự của hắn đảm nhiệm vụ bắt cóc”.

“Ông có thể dò tìm mấy chiếc xe bán tải nhỏ đó không?”.

“Toàn bộ xe được những công ty do một người tên là Farouk Al Shahaki sở hữu hay kiểm soát. Ông ta là doanh nhân gốc Ai Cập sinh ra ở Anh có những nguồn lợi khắp nước Anh và Trung Đông”.

“Ông ấy đâu?”.

“Đã đáp chuyến bay đi Pakistan tối qua. Chúng tôi đã yêu cầu ISI Pakistan (Cơ quan tình báo Pakistan) tìm ông ta”.

“Chúc may mắn”, Gabriel nói. “Các ông có thể theo dõi chúng bằng camera quan sát khi chúng rời công viên Hyde Park mà?”.

“Chỉ một lúc thôi”, Seymour nói. “Sau đó chúng rẽ vào một con hẻm không có camera quan sát và chúng tôi mất dấu. Chúng tôi tìm thấy những chiếc xe này trong gara ở khu Maida Vale do một trong những kẻ đánh bom tự sát thuê”.

“Có ai nhận trách nhiệm gì không?”

“Có quá nhiều tên khủng bố mà chúng ta có thể nghi ngờ. Rõ ràng là vụ này có dấu vết của một cuộc tấn công kiểu al-Qeada. Tôi cho rằng chúng tôi sẽ biết được nhiều hơn khi đám bắt cóc đưa ra yêu sách”.

“Nếu như ông tìm thấy Elizabeth Halton trước khi những kẻ bắt cóc đưa ra yêu sách thì sẽ tốt hơn cho mọi người”.

“Chúng tôi đang hành động theo giả định là cô ta vẫn còn ở nơi nào đó bên trong lãnh thổ Anh. Chúng tôi có người ở tất cả các sân bay, nhà ga xe lửa, bến tàu trên khắp đất nước. Lực lượng tuần tra bờ biển cũng đang cố gắng phong toả bờ biển, đây là một công việc không dễ dàng vì bờ biển chúng tôi có chiều dài gần tám ngàn dặm. Lực lượng SO 13 đang thẩm vấn những nguồn tin và những người bị tình nghi là có quan hệ với đám khủng bố, cùng với cái tên tay sai của những kẻ đánh bom tự sát. Họ cũng đang thực hiện việc lục soát từng nhà ở những khu vực có người Hồi giáo sinh sống chiếm đa số trong thành phố. Những người Hồi giáo ở đất nước chúng tôi đang nổi giận. Nếu không cẩn thận, mọi thứ sẽ nhanh chóng vượt ngoài tầm kiểm soát”. Seymour nhìn Gabriel. “Thật tệ là anh không tìm cách làm bị thương một hay hai tên khủng bố anh đã giết ở công viên Hyde Park. Chúng tôi rất cần thông tin”.

Gabriel nói. “Tôi đã làm được điều đó”.

“Anh đang nói gì thế?”.

“Tôi bắn nhiều phát vào phía sau một trong những chiếc xe bán tải. Hãy theo dõi những người Arập vào cấp cứu ở các bệnh viện có những vết thương do đạn bắn mà không lý giải được”.

Chiếc Limousine rẽ vào đường Millbank, hướng dọc theo sông Thames đến cầu Lambeth. Điện thoại di động của Seymour nhấp nháy. Ông đưa lên tai nghe, lầm bầm vài lời rồi ngắt điện thoại.”Người Mỹ”, ông vừa nói vừa giải thích. “Như anh có thể đoán được, họ đang bắt đầu chiến tranh rồi đấy. Họ đặt Đại sứ quán, toàn bộ nhân viên và các bộ phận trực thuộc trong tình trạng phong toả. Họ đã phát đi báo động về việc đi lại ở Luân Đôn, điều chưa bao giờ có ở phố Downing hay Bộ Ngoại giao, vì điều đó đặt chúng tôi ngang hàng với Pakistan, Afghanistan và Libăng. Hai trăm nhân viên điều tra của CIA, FBI và các Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp đã đáp máy bay xuống phi trường Heathrow tối nay và dựng lại hiện trường ở quảng trường Grosvenor. Họ mở đường dây liên lạc với Lực lượng Đặc nhiệm của Bộ Ngoại giao ở Washington và một đường dây nữa với COBRA, một uỷ ban đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Nội vụ đứng đầu xem xét phản ứng của chính phủ Anh đối với tình trạng khẩn cấp cấp quốc gia như thế này”.

“Họ có đang cư xử lịch sự không?”

Seymour thở mạnh. “Như được mong đợi, trong hoàn cảnh này. Đến giờ, vấn đề này cơ bản thuộc về cảnh sát Anh, có nghĩa là họ không có việc gì làm ngoài việc ngồi đó và ép chúng tôi phải truy tìm nhanh hơn và ráo riết hơn. Họ đã nói rõ là cho dù có người Anh nào mất mạng thì ưu tiên số một vẫn là phải tìm ra Elizabeth Halton. Họ cũng nói rõ là họ không có ý định đàm phán để cô ấy được thả”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-11-2013 09:07 PM
Chương 11
(tiếp theo)

“Nếu họ không đàm phán, sẽ không có nhà ngoại giao Mỹ nào trên thế giới được an toàn trong tương lai”, Gabriel nói. “Đây là một bài học khó khăn mà chúng ta đã học được cách đây lâu rồi”.

“Chúng tôi thích giải quyết vấn đề theo cách mềm dẻo hơn. Nếu một cuộc đàm phán tốt có thể mang người phụ nữ đó còn sống trở về, thì tôi thấy đâu có thiệt hại gì”.

“Tôi cho rằng điều đó tuỳ thuộc vào những gì các ông phải hy sinh để mang cô ấy về”. Gabriel trông ra cửa sổ ngắm nhìn sông Thames. Tám ngàn dặm bờ biển, vô số bến tàu và sân bay tư nhân…theo kinh nghiệm cá nhân, anh biết rằng một tên khủng bố có đủ trí thông minh và tiền bạc để có thể di chuyển con tin theo ý của mình. Một năm trước, vợ anh đã bị bắt cóc từ phòng ngủ trong một bệnh viện tâm thần ở Anh. Vợ anh được đưa lên tàu đi Pháp trước khi người ta biết cô ấy mất tích.

“Hình như ông và người Mỹ có mọi thứ trong tay”, anh nói. “Điều đó có nghĩa là tôi không còn gì để làm ngoài việc rời khỏi Luân Đôn và giả vờ chưa bao giờ có mặt ở đây”.

“Tôi e là điều đó sẽ không thể được, Gabriel”.

“Không thể được với nước Mỹ hay với các ông?”.

“Cả hai”.

Seymour lấy một tờ báo Times sáng hôm đó từ vali ra trao cho Gabriel. Dòng tít với nhan đề KHỦNG BỐ VÀ BẮT CÓC Ở LUÂN ĐÔN. Nhưng chính tiêu đề ở cuối trang mới thu hút sự chú ý của Gabriel. SĨ QUAN TÌNH BÁO ISRAEL THAM GIA VỤ MAI PHỤC Ở CÔNG VIÊN HYDE PARK…Dưới đầu đề là hình ảnh hơi mờ của Gabriel đang chĩa súng vào mặt Samir Al Masri. Trang trong có hình ảnh thứ hai: tấm ảnh thẻ căn cước của anh chụp ở Sở cảnh sát Luân Đôn vài giờ sau vụ tấn công.

“Bức ảnh của anh trong công viên được một người đi gang qua chụp bằng điện thoại di động. Chất lượng xấu nhưng rất kịch tính. Chúc mừng anh Gabriel. Tôi cho rằng hiện còn có một nhóm khủng bố khác đang muốn lấy đầu của anh”.

Gabriel mở đèn đọc báo trên xe và lướt qua bài báo. Bài báo có nói về tên anh, cùng với mô tả khá chính xác về những thành tích trong nghề của anh.

“Thế cơ quan của ông phải có trách nhiệm về việc này chứ?”.

“Tin tôi đi, Gabriel. Tôi đã đủ đau đầu vào lúc này rồi nên không cần chuốc lấy rắc rối thêm nữa. Nguồn tin không rõ ràng, nhưng chắc chắn vụ rò rỉ này phải xuất phát từ một người ở Sở cảnh sát thành phố. Nếu phải đoán thì tôi cho người đó là một sĩ quan cao cấp đang tìm cách mang một đặc ân đến cho tờ báo quan trọng này. Cho dù xảy ra thế nào, điều đó có nghĩa là anh sẽ không được phép rời khỏi đất nước này cho đến khi toàn bộ câu hỏi về sựu dính líu của anh trong vụ này được lọc ra và công bố trước công luận”.

“Chi tiết về sự dính líu của tôi trong vụ này rất rõ ràng đấy, Graham. Tôi đã đến Luân Đôn để cảnh báo cho ông rằng một nhóm khủng bố từ Amsterdam tới, có thể có mặt ở Anh để chuẩn bị cho một vụ tấn công. Ông đã chọn cách bỏ qua lời cảnh báo đó. Thế ông có muốn tôi công bố điều đó trước công luận không?”.

Seymour có vẻ suy nghĩ kỹ về câu hỏi trước khi trả lời. “Anh bị buộc tội vì những vi phạm nghiêm trọng, trong đó có việc vào nước Anh bằng hộ chiếu giả, sở hữu vũ khí bất hợp pháp, sử dụng vũ khí ở chốn đông người bất hợp pháp”.

“Tôi sử dụng vũ khí để bắn vào ba tên giết người đấy thôi”.

“Điều đó không quan trọng. Anh phải ở lại cho đến khi chúng tôi giải quyết xong vụ này. Thả anh bây giờ sẽ gây nên những lời đàm tiếu từ nhiều phía”.

Seymour hơi mỉm cười. “Đừng lo, Gabriel. Chúng tôi đã bố trí một chỗ ở dễ chịu cho anh rồi. Anh may mắn đấy. Anh sẽ được rời Luân Đôn. Còn chúng tôi phải ở lại đây sống với hậu quả của cuộc tấn công này”.

“Thế cơ quan của tôi có biết là tôi bị giữ không?”.

“Họ sẽ biết sớm thôi. Chúng tôi đã thông báo cho chuyên viên về luật pháp ở Đại sứ quán của anh, cũng như Trưởng chi nhánh của anh”.

Chiếc xe rẽ vào toà nhà Thames, trụ sở đồ sộ bên bờ sông của MI5. Ngã tư Vauxhall, Tổng hành dinh của MI6 – một cơ quan tình báo hải ngoại, nằm ở phí đối diện con sông nhìn xuống bờ đê Albert.

“Lái xe của tôi sẽ chở anh đến một trong những ngôi nhà an toàn của chúng tôi”, Seymour nói. “Đừng nghĩ đến việc chạy trốn nhé. Anh ta có súng và là tay súng thiện xạ đấy”.

“Tôi sẽ đi đâu được Graham? Tôi làm gì có hộ chiếu”.

“Tôi tin là anh có thể xoay sở được”.

Seymour đã ra đến cửa nhưng dừng lại. “Anh có muốn nói gì nữa không, Gabriel? Còn gì có thể giúp chúng tôi xác định vị trí của Elizabeth Halton?”.

“Tôi đã nói cho ông nghe hết những gì tôi biêt rồi”.

“Mọi thứ trừ tên nguồn tin của anh ở Amsterdam”.

“Tôi đã hứa sẽ bảo vệ anh ta, Graham. Ông cũng biết bảo vệ nguồn tin có nghĩa là gì rồi đấy”.

“Vào những lúc như thế này, nguồn tin không phải đẻ bảo vệ mà phải được sử dụng và đốt nóng”.

“Tôi sẽ không đốt nóng nguồn tin này đâu Graham. Anh ta đã liều mình đến với chúng tôi”.

“Anh có xem xét khả năng anh ta có thể liên quan đến vụ này không?”.

“Không có đâu”.

“Hy vọng anh đúng”, Seymour nói. “Kinh nghiệm của tôi cho thấy người tiết lộ thông tin hiếm khi nói thật. Thực ra, họ nói dối nhiều hơn để thân phận không bị lộ. Đó là lí do họ chịu làm người đưa tin”.

Ngôi nhà tạm thời của Gabriel hoá ra lại là một ngôi nhà bằng đá vôi duyên dáng, được bao quanh bởi hai trăm mẫu đất tư nhân, trong khu đồi uốn lượn vùng Cotswolds. Quản lí khu này là một cựu nhân viên MI5 có mái tóc dựng đứng màu gừng tên là Spencer, ông ta nói vắn tắt cho Gabriel biết về những quy định đối với khách lưu trú vào buổi sáng hôm sau trong một bữa ăn nhà nhã tại căn phòng đầy ánh sáng. Gabriel được quyền xem ti vi, radio và các tờ báo luân Đôn, dĩ nhiên là không được dùng điện thoại. Toàn bộc căn phòng của ngôi nhà chính đều dành cho anh sử dụng, dù vậy anh phải giữ mối liên lạc với nhân viên nhà nghỉ ở mức tối thiểu. Anh có thể tản bộ một mình, nhưng nếu muốn đi vào làng, thì cần phải có người hộ tống. Nhất cử nhất động của anh sẽ được theo dõi và thu hình. Bất kỳ nổ lực đào thoát nào cũng đều thất bại và sẽ làm anh mất quyền ưu đãi.

Gabriel giết thời gian bằng cách theo dõi diễn biến về cuộc điều tra của cảnh sát Anh. Anh thức dậy mỗi buổi sáng, đọc chồng báo Luân Đôn trong phòng ăn sáng cùng với trà và những món ăn yêu thích. Sau đó anh quay về thư viện tìm kênh tin tức của Anh và Mỹ để được nghe những thông tin đáng tin cậy về việc nhận dạng những kẻ thực hiện vụ tấn công và số phận của Elizabeth Halton. 72 giờ sau khi cô bị bắt cóc, vẫn không có ai đứng ra chịu trách nhiệm và vẫn chưa có yêu sách nào từ phía bọn bắt cóc. Đại sứ Halton, cũng như Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh đã lên tiếng yêu cầu bọn bắt cóc thả con tin. Ngày tháng trôi qua, các chuyên gia bình luận trên truyền hình bắt đầu đoán già đoán non là con gái ngài đại sứ đã bị bọn bắt cóc sát hại hoặc có thể đã bị giết trong vụ tấn công ban đầu. Gabriel cho rằng lời tiên đoán này là còn quá sớm và gần như sai lầm. Anh đã xem xét một cách chi tiết về chiến dịch này. Anh biết cuối cùng bọn bắt cóc sẽ lộ diện và đòi yêu sách.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-11-2013 09:08 PM
Chương 11
(tiếp theo)

Vào buổi chiều ngày thứ tư bị giam lỏng, anh dành một giờ để đi lang thanh khắp các cửa hiệu trên phố. Anh mua một chiếc áo khoác len cho Chiara và một cây gậy bằng gỗ sồi rất đẹp cho Shamron. Khi trở về ngôi nhà, anh thấy Spencer đang đợi ở sân trước lát đầy sỏi, vẫy một tờ giấy như thể nó chứa đựng tin tức quan trọng được gửi tới từ nơi nào xa lắc xa lơ. Đúng là có tin mới. Người Anh đồng ý bỏ tất cả lời buộc tội chống lại Gabriel, đổi lại anh sẽ là chứng choi cuộc điều tra chính thức về vụ tấn công. Một chỗ ngồi đã được dành riêng cho anh trong chuyến bay tối hôm đó đi Tel Aviv và người ta đã sắp xếp cho anh lên máy bay bằng lối riêng một cách nhanh chóng. Xe sẽ đến đón anh trong một tiếng nữa. Tuy nhiên, cuối cùng lại hoá ra là một đoàn xe. Những chiếc xe này được Mỹ sản xuất, cũng như người đàn ông nhìn rất sang trọng mặc đồ ngoại giao màu xám, ngồi ở hàng ghế phía sau chiếc Limousine. “Xin chào, anh Allon”, Đại sứ Robert Halton nói. “Để tôi cho anh đi nhờ ra sân bay. Tôi muốn nói chuyện một chút”.

Ngài đại sứ nói. “Anh phải cảm ơn tôi vì nhờ tôi mà anh được tự do. Khi tôi thấy anh bị giam lỏng, tôi đã gọi điện cho Thủ tướng bảo ông ấy trả tự do cho anh ngay”.

“Tôi biết người Mỹ có ảnh hưởng khá lớn đối với phố Downing, nhưng tôi không bao giờ biết ông có quyền trả tự do cho tù nhân”.

“Điều cuối cùng mà ngài Thủ tướng muốn là nhìn thấy tôi đưa ra yêu cầu trước công luận. Những cuộc thăm dò cho thấy hiện tôi là người được hâm mộ nhiều nhất ở Anh đấy. Hãy cho tôi biết tại sao báo chí lại để tâm đến việc thực hiện một cuộc thăm dò như thế?”.

“Tôi đã từ bỏ những cố gắng nhằm hiểu báo chí, thưa ngài đại sứ Halton”.

“Cuộc thăm dò này cũng cho thấy đa số người Anh tin rằng chính tôi đã mang đến tai hoạ này cho mình vì mối quan hệ bạn bè với Tổng thống và sự ủng hộ thẳng thắn của tôi đối với cuộc chiến ở Irắc. Chiến tranh hiện được các kẻ thù của chúng tôi sử dụng để minh chứng cho mọi tội lỗi. Ngoài ra cũng là vì sự ủng hộ của chúng tôi dành cho nhà nước Israel”.

“Tôi em rằng mình còn lâu mới thay đổi được điều đó”.

Ông đại sứ rút kính ra, di di sống mũi. Hình như mấy ngày qua ông chưa ngủ. “Tôi chỉ mong ước con gái mình được giải thoát bằng một cú điện thoại. Người có quyền lực bị biến thành vô dụng quả là cảm giác không dễ dàng chút nào. Tôi đã có mọi thứ mình muốn trong cuộc sống nhưng họ đã lấy của tôi một thứ mà tôi không thể nào mất được”.

“Ước gì tôi có thể đến sớm hơn”, Gabriel nói. “Có thể tôi đã ngăn chúng bắt con gái ông”.

“Đừng tự trách mình về những chuyện đã xảy ra. Nếu phải trách ai thì người đó phải là tôi. Tôi là người đã đảm nhận công việc này. Tôi là người yêu cầu Elizabeth dừng mọi hoạt động của nó để đến đây với tôi. Và tôi cũng là người để cho nó chạy bộ trong công viên Hyde Park ba buổi sáng một tuần dù tôi đã sợ có chuyện sẽ xảy ra”.

Ông đại sứ Mỹ đeo lại kính, nhìn Gabriel đầy suy tư. “Nhưng hãy tưởng tượng tôi ngạc nhiên thế nào khi nghe chuyện người đàn ông bí mật giết ba tên khủng bố trong công viên Hyde Park chính là anh. Tổng thống là bạn thân nhất của tôi, anh Allon à. Nếu không phải nhờ anh thì ông ta đã bị sát hại ở Vatican đầu năm nay rồi”.

Thực ra, chính thư ký riêng của Giáo hoàng, Monsighor Luigi Dopnati đã cứu mạng sống Tổng thống. Gabriel chỉ giết chết tên ám sát, một tên cải đạo sang Hồi giáo cấp tiến đã tìm cách xâm nhập vào hàng ngũ Vệ binh Thuỵ Sĩ.

Anh hỏi. Thế người Anh có cho ông biết về triển vọng tìm con gái ông không?”.

“Tôi e là hy vọng đó quá nhỏ nhoi. Hôm nay họ thực hiện những cuộc bao vây ở ba địa điểm nơi họ nghĩ chúng có thể giữ con gái tôi. Tin tình báo hoá ra không đúng. Điều tôi không hiêu chính là tại sao bọn khủng bố chưa ra yêu sách gì”.

“Bởi vì sự chờ đợi sẽ khiến ông đau đớn và tuyệt vọng. Chúng muốn ông phải biết ơn khi vào phút cuối cùng chúng xuất hiện và đưa ra yêu sách”.

“Anh chắc là chúng cần gì để trao đổi chứ?”.

“Đúng vậy thưa ngài đại sứ. Ông hãy chuẩn bị tâm lí cho sự thật đi. Chắc chắn là một điều gì đó ông không thể đáp ứng cho chúng”.

“Tôi đang cố nhắc mình rằng mình có những nguyên tắc và vấn đề chính sách còn quan trọng hơn số phận con gái tôi”, ông đại sứ nói tiếp. “Tôi dang chuân rbị cho khả năng con gái mình có thể phải chết để cho những phái đoàn ngoại giao khapws thế giới được an toàn. Nhưng đây không phải là cuộc đổi chác công bằng, Allon. Tôi không chắc chắn về cái giá mà con gái mình phải trả. Trong thực tến tôi tin chắc mình sẽ đáp ứng bất kỳ thứ gì chúng muốn để đưa con gái còn sống trở về”.

“Chính quyền của anh có kinh nghiệm về những vấn đề này. Anh nghĩ chúng muốn gì?”.

“Tù nhân”, Gabriel nói. “Đó hầu như lúc nào cũng là điều chúng muốn. Có thể là vài tù nhân hoặc là một tù nhân quan trọng nhất”.

“Ví dụ như một trong những tên lên kế hoạch vụ 11/9 mà chúng tôi đang giữ phải không?”.

“Tôi đang nghĩ đến việc trao thưởng một cách xứng đáng cho ai có thể cung cấp thông tin”.

“Cỡ bao nhiêu?”.

“5 triệu đô la Mỹ”.

“Một phần thưởng như thế sẽ làm xuất hiện những tê lừa bịp. Rồi sau đó người Anh sẽ tìm thấy những người đó bị chôn vùi dưới đống tuyế dày với những thông tin giả. Điều đó chỉ mất công điều tra hơn thôi. Trong thời điểm này, tôi đề nghị ông đóng hầu bao lại, thưa ngài đại sữ”.

“Nghe có vẻ như là một lời khuyên hữu ích đấy”, ông nhìn Gabriel một lúc. “Tôi không cho rằng có cách nào đó có thể thuyết phục anh ở lại Luân Đôn thêm vài ngày để hỗ trợ tìm con gái tôi”.

“Tôi e là mình phải về nước lo chuyện xì-căng-đan của mình trên báo chí. Ngoài ra, đây là chuyện của ông và người Anh. Dĩ nhiên là nếu chúng tôi có được thông tin tình báo nào, thì chúng tôi sẽ chuyển cho ông ngay”.

Ngài đại sứ cầm ống nghe và đưa lên tai nghe. Ông nghe điện thoại một lúc, gương mặt căng thẳng rồi nói nhỏ. “Cảm ơn ngài, ngài Thủ tướng”. Ông gác điện thoại rồi nhìn Gabriel. “Cảnh sát thành phố vừa đột kích một ngôi nhà ở khu Walthamstow phía Đông Luân Đôn. Không tìm được gì”. Ông im lặng suy tư một lúc. “Hình như đối với tôi lúc này, anh là người cuối cùng nhìn thấy con gái tôi – nói đúng hơn là người tử tế cuối cùng nhìn thấy con gái tôi”.

“Vâng thưa ông đại sứ, tôi cho là vậy”.

“Thế anh có nhìn thấy mặt con gái tôi không?”.

Gabriel gật đầu. “Có, tôi có nhìn thấy mặt cô ấy”.

“Chúng có làm hại gì con bé không?”.

“Hình như cô ấy không bị thương”.

“Con bé có sợ không?”.

Gabriel trả lời chân thật. “Tôi chắc là cô ấy rất sợ, thưa ngài, nhưng cô ấy không bước đi theo ý chúng mà cô ấy chống lại chúng”.

Mắt ông đại sứ bỗng ngấn lệ.

“Tôi mừng là con bé đã chống lại chúng”, Robert Halton nói. “Hy vọng ngay lúc này con bé cũng vẫn đang chống lại chúng”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-11-2013 09:18 PM
Chương 12

Elizabeth đã chống lại chúng. Thật ra cô đã dánh lại chúng với sự giận dữ tột đỉnh, và phản ứng của cô mạnh mẽ hơn dự tính của chúng. Cô đã đánh lại, khi chúng chạy nhanh ra đường Edgware từ công viên Hyde Park và trong cái gẩ khu trại nuôi ngựa ở Maida Vale, nơi chúng chuyển cô sang chiếc xe bán tải thứ hai. Cô đã cào cấu và đá chúng. Cô nhổ nước bọt vào mặt chúng, gọi chúng là những tên giết người hèn nhát. Cuối cùng, chúng buộc phải dùng kim tiêm đối với cô. Cô chẳng thih\chs cách đó chút nào. Bởi như thế, cô không thể đánh lại chúng được nữa.

Phòng dành cho cô nhỏ và vuông vức, với tường xung quanh làm bằng khối bọ đá sơn màu trắng của xương và có sàn bê tông. Phòng không có vật dụng gì ngoài cái giường kiểu quân đội gấp lại được, một cái gối nhìn giống viên gạch cùng cái chăn len sờn cũ có mùi ẩm mốc và chất tẩy uế. Tay cô bị trói và chân bị xích lại. Chúng luôn bật đèn sáng để cô không thể nhận thức được là đêm hay ngày. Có một lỗ nhỏ nhìn ra ngoài trên cánh cửa sắt, ở đó có một ánh mắt dã tâm thường xuyên theo dõi cô. Cô ước gì mình có thể đâm con dao vào chỗ đó. Khi cô chợp mắt, những giấc mơ của cô đầy bạo lực.

Giao tiếp với bọn bắt cóc được hạn chế đến mức tối thiểu và được kiểm soát nghiêm ngặt. Những nôi quy được đưa ra vào buổi sáng ngày đầu tiên, sau khi cô đã tỉnh vì bị tiêm thuốc. Tất cả giao tiếp đều được thực hiện bằng chữ viết, với những mảnh giấy luồn qua khe cửa dưới buồng giam.

Khi nhận mảnh giấy, cô phải trả lời có hay không bằng giọng nhỏ nhẹ. Chúng cảnh báo nếu có bất kỳ hành vi nào trái với quy định thì cô sẽ không được cung cấp thức ăn và nước uống. Cho đến giờ, chúng chỉ hỏi cô có hai câu. Một là: Cô có cần thức ăn không? Câu kia là: Cô có muốn sử dụng nhà vệ sinh không? Mỗi lần có câu hỏi xuất hiện dưới cửa sổ, cô đều trả lời có, mặc dù cô chả biết là liệu mình có đói hay cần đi vệ sinh không. Cô nói “…” với chúng bởi vì cô muốn dứt ra sự nhạt nhẽo khi nhìn vào bốn bức tường trắng vô vị. Nói “…” nghĩa là được tiếp xúc với bọn bắt cóc, cho dù cô có ghét chúng đến cỡ nào thì việc giao tiếp cũng làm cô thấy dễ chịu lạ lùng.

Thức ăn dành cho cô không bao giờ thay đổi: một miếng bánh mì và bơ, một chai nước, vài miếng sôcôla nếu cô ngoan ngoãn với chúng. Nhà vệ sinh của cô là cái xô nhựa màu vàng. Hai tên bắt cóc chỉ bước phòng giam của cô có một lần. Chúng đội khăn trùm đầu chỉ hở mắt để tránh bị nhận dạng, nhưng cô đã học cách nhận ra chúng bằng ánh mắt. Một tên có mắt nâu, tên kia mắt xanh đẹp quá đỗi. Cô gọi chúng bằng tên Cain “mắt nâu” và Abel “mắt xanh”. Cain luôn mang thức ăn đến cho cô, còn Abel tội nghiệp là người mang xô vệ sinh của cô đi.

Cô tự chơi trò tư duy để cho qua những giờ phút trống rỗng dài lê thê. Cô bồng bềnh với trò chơi trượt tuyết trong bầu không khií trong lành hoàn hảo. Cô thực hiện những ca giải phẫn khó rồi đọc lại tất cả những quyển sách y khoa dài dằng dặc của mình. Cô nói chuyện thường xuyên với mẹ. Nhưng khoảnh khắc bị bắt mới làm cô phải suy nghĩ nhiều nhất. Hình ảnh quay đi quay lại không ngừng trong ký ức, như một cuốn băng video mà cô không kiểm soát được: những người đàn ông mặc đồ bó sát màu đen nhảy ra từ những chiếc xe bán tải, những thi thể bị bắn nát trong công viên Hyde Park, người đàn ông cố gắng cứu mạng cô. Cô thoáng nhìn anh ta khi chúng đẩy cô vào sau xe, một người góc cạnh có thái dương ngả bạc, cúi mình bằng một đầu gối với khẩu súng trong bàn tay dang rộng. Cô thường tự hỏi anh ta là ai. Cô hy vọng một ngày nào đó nếu được cứu thoát, cô sẽ có cơ hội cảm ơn anh ta.

Nếu một ngày nào đó được cứu thoát … vì một lí do nào đó, cô thấy dễ chịu khi nghĩ về cái chết hơn là mục tiêu của một cuộc tìm kiếm qui mô, nhưng hy vọng mọi người sẽ tìm thấy mình cũng phai nhạt dần khi ngày dài chầm chậm trôi qua. Những tờ giấy viết luồn qua khe cửa đều đặn làm đầu óc cô dịu đi một chút. Cô có cần thức ăn không? … Cô có muốn sủ dụng nhà vệ sinh không?... Nhưng vào ngày thứ năm, khi người đàn ông có thái dương ngả bạc đang lên máy bay ở phi trường Heathrow, mảnh giấy khác xuất hiện, viết rằng. Một người trong chúng tôi cần bác sĩ. Cô có giúp chúng tôi được không? “Được”, cô đáp bằng giọng nói nhỏ nhẹ, một lúc sau Cain và Abel bước vào phòng giam, đến gần cô.

Chúng im lặng dẫn cô lên dãy cầu thang có bậc rất hẹp và dốc, chầm chậm để cô không vấp lên dây xích.

Ở bận thang trên cùng họ đi qua một cửa sắt kêu cót két, bước vào một nhà kho nhỏ. Chỗ này tối thui và lạnh lẽo, trừ một cái đèn tiết kiệm điện đang sáng trên đống giường xếp ở góc xa. Trên một chiếc giường là một người đàn ông không phủ khăn trùm đầu. Anh ta nhăn mặt vì đau và người đẫm mồ hôi. Cain kéo chăn ra để lộ chân phải của anh ta.

“Lạy Chúa”, Elizabeth thốt lên.

Viên đạn đã đi xuyên bên dưới đầu gối làm nát xương ống chân. Vết thương có đường kính khoảng 2cm và dính vài mảnh vụn quần áo anh ta mặc buổi sáng vụ tấn công. Da xung quanh đã chuyển màu nâu đỏ và sưng rất to, những đường sọc đỏ bắt đầu lan lên đùi. Rõ ràng là anh ta đang bị viêm nghiêm trọng và sắp bị nhiễm trùng. Cô vươn người về phía cổ tay của người bệnh nhưng một tên khủng bố đã ngăn cô lại. Đó là tên có mắt nâu: Cain.

“Tôi phải bắt mạch chứ?”.

Cô hất tay Cain ra rồi đặt đầu ngón tay tìm mạch trên cổ tay bạn hắn. Mạch nhanh và yếu. Sau đó cô đặt tay lên cái trán đang thấm đẫm mồ hôi và nóng sốt của hắn ta.

“Anh ta cần phải được đưa đến trung tâm cấp cứu ngay. Còn kịp”.

Cain lắc đầu.

“Nếu không anh ta sẽ chết”.

Tên khủng bố lấy bàn tay đeo găng chỉ ngón tay vào mặt Elizabeth như một khẩu súng đã lên nòng.

“Tôi hả? Tôi không thể làm được gì cho anh ta trong môi trường như thế này. Anh ta cần ở trong một môi trường vô trùng, cần đi bệnh viện ngay”.

Một lần nữa tên khủng bố lắc đầu.

“Nếu tôi cứu anh ta thì các anh có thả tôi không?”.

Lần này tên khủng bố không thèm trả lời. Elizabeth nhìn xuống người đàn ông bị thương. Hắn ta chưa tới 25 tuổi, cô đoán, và nếu cô không can thiệp tức thời thì hắn sẽ chết rất đau đớn trong vòng 36 tiếng nữa. Hắn đáng chết, nhưng điều đó bây giờ không quan trọng. Đó là một con người đang đau đớn tột cùng và Elizabeth tự nhủ rằng mình sẽ chữa cho hắn ta. Cô nhìn vào tên khủng bố mắt nâu.

“Tôi cần dụng cụ. Chúng ta còn ở Anh phải không?”.

Tên khủng bố ngập ngừng rồi gật đầu.

“Thế thì bạn của anh gặp may đấy. Vẫn có thể mua kháng sinh mạnh ngoài bênh viện. Hãy lấy cho tôi một tờ giấy và cây bút. Tôi sẽ ghi một danh sách thuốc. Cứ mua những thứ tôi yêu cầu. Nếu không bạn anh sẽ chết”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-11-2013 09:22 PM
Chương 13
Sân Bay Ben – Guiron.

Mười giờ 47 phút thứ năm.

Phòng chờ VIP trống không khi Gabriel đến sân bay Ben Guiron buổi tối hôm đó. Anh đi bộ một mình dọc theo hành lang dài màu trắng rồi bước ra ngoài trời đêm lạnh giá. Chiếc xe Limousine bọc thép của Shamron đang đỗ trong vòng xoay giao thông, khói thuốc thoang thoảng bay qua cửa sổ sau đang hé mở. Đỗ phía sau là một chiếc xe thứ hai chở đầy nhân viên an ninh trẻ tuổi như một cách phụ hoạ ý nhị cho những kỳ công quan trọng của đời ông. Shamron đã trải qua cả tuổi già với những cậu bé mang súng. Gabriel sợ rằng đó cũng sẽ là số phận của mình.

Anh leo vào ghế sau chiếc Limousine rồi đóng cửa. Shamron im lặng nhìn anh, rồi giơ bàn tay có lốm đốm vì bệnh gan ra hiệu tài xế cho xe chạy. Một lúc au, khi xe họ chạy vào khu đồi Judean theo hướng Jerusalem, ông đặt một xấp báo Israel vào lòng Gabriel: Haaretz, Maariv, Yedoit Aharonot, tờ Bưu điện Jerusalem. Ảnh của Gabriel xuất hiện trên trang đầu mỗi tờ báo.

“Tôi cử cậu đi Amsterdam vài ngày để đọc tài liệu một cách bí mật, nhưng rồi anh mang đến cho tôi gì đây? Cậu biết đấy, Gabriel, có nhiều cách dễ dàng hơn để từ chối ăn tối với ngài Thủ tướng mà”.

“Thực ra tôi luôn mong có dịp đó”.

Shamron nhìn anh hồ nghi. “Ít ra thì giọng điệu của những bài báo này khá tích cực – không như đòn đau mà ta thường hứng chịu khi điệp viên của ta phải phơi bày trước công luận. Một lần nữa, cận là anh hùng quốc gia. Tờ Haaretz đã gọi cậu là “Siêu điệp viên không bí mật lắm của Israel”. Đó là thứ tôi thích nhất”.

“Tôi mừng là ông thấy tất cả chuyện này thú vị đến thế”.

“Tôi nghĩ chuyện cũng thú vị”, Shamron nói. “Chúng ta có bước đi có một không hai là cử anh đi Luân Đôn để bảo đảm cho người Anh hiểu được tính nghiêm túc trong cảnh báo của chúng ta. Họ quyết định bỏ qua cảnh báo đó và kết quả là vụ đánh bom huỷ diệt ở đường xe điện ngầm và con gái ngài đại sứ Hoa Kỳ đang nằm trong tay bọn khủng bố Hồi giáo”.

“Chưa tính 6 nhà ngoại giao và nhân viên an ninh Hoa Kỳ đã chết”.

“Đúng vậy, mọi người có vẻ như đã quên họ”. Shamron châm tiếp điếu thuốc nữa. “Làm sao cậu biết họ sẽ bị sát hại trong công viên Hyde Park?”.

“Tôi không biết. Chỉ là một giả thiết không may cuối cùng lại hoá ra là đúng”.

“Cái gì dẫn cậu đến giả thiết này?”.

Gabriel kể cho ông ta hình ảnh trên tập hồ sơ mà anh lấy từ căn hộ của Samir Al Masri ở Amsterdam. Shamron mỉm cười. Ông xem trí nhớ hoàn hảo của Gabriel là một trong những ưu điểm nổi bật nhất của anh. Gabriel đã đến với ông với một cỗ máy đã có sẵn nhưng chính Shamron đã dạy anh cách sử dụng nó.

“Do đó cậu đã báo động cho họ không phải một mà hai lần?”. Shamron nói. “Không lạ gì khi người Anh đang hành xử như những tên ngốc trong những cuộc đàm phán để trả tự do cho cậu. Tôi có ấn tượng rằng họ đang sử dụng việc bắt giữ và bỏ tù cậu để gây áp lực cho chúng ta”.

“Vì mục đích gì?”.

“Để việc làm chứng của cậu trong việc thẩm vấn về vụ tấn công này không phản ánh được thực chất của hai cuộc trò chuyện giữa cậu với Graham Seymour”.

“Seymour đang che đậy sai lầm của mình à?”.

“Ông ấy đã đến được vòng cuối cùng trong sự nghiệp lâu dài và nổi bật của mình. Hầu như ông ấy có thể nhìn thấy căn nhà của mình ở miền quê, với cấp bậc hiệp sĩ và một chỗ ngồi thoải mái trong ban điều hành một cơ quan tài chính quan trọng trong thành phố. Ông ta không muốn có một anh chàng Israel đeo súng ngáng chân mình, khi ông ấy đang gần đến đích”.

“Tôi không bao giờ định làm là hy sinh để bảo vệ cho uy tín và sự rút lui an toàn của Graham Seymour”.

“Nhưng cuối cùng cậu vẫn sẽ không được làm khác để gây bối rối cho ông ta. Chúng ta cần dựng nên một ít thay đổi ý nhị cho sự thật để bảo vệ cho uy tín của cậu lẫn của ông ấy”. Shamron mỉm cười; bóp méo sự thật là một trong những thú vui ông thích nhất.

“Ông Graham Seymour đang nóng ruột. Và điều đó hữu dụng cho ta. Cậu sẽ cần ông ấy và bạn bè ông ấy trong cuộc đời tiếp theo của cậu”.

“Cuộc đời gì vậy?”.

Shamron nhìn Gabriel qua làn khói thuốc. “Cố tình không hiểu cũng chẳng ích gì đâu, Gabriel. Cậu biết rất rõ những gì chúng tôi dành cho cậu. Đã đến lúc cậu phải lãnh đạo. Chìa khoá để bước vào phòng chỉ huy đang nằm trong tầm tay của cậu”.

“Có thể, Ari, nhưng còn một vấn đề. Tôi không muốn thế. Tôi còn nhiều việc khác phải làm trong thời gian còn lại của cuộc đời”.

“Tôi e là đã đến lúc cậu phải bỏ đi những thứ vớ vẩn”.

“Ý ông muốn nói tới công việc phục chế tranh?”

“Phải”.

“Nhưng ông đã không xem đó là công việc vớ vẩn khi sử dụng nó là vỏ bọc cho một tên ám sat”.

“Công việc phục chế phục vụ cả hai yêu cầu của chúng ta trong thời gian dài”, Shamron nói. “Nhưng thời đó đã qua rồi”.

Họ đi ngang qua đóng cháy đen của một xe bọc thép chở lính, một tàn tích của cuộc chiến đấu dữ dội diễn ra ở khu Bab al Wad trong thời chiến tranh giành độc lập của Israel.

Gabriel nói. “Tôi đã ở phòng Nội các trong thời điểm khủng hoảng. Tôi đã nhìn thấy các nhà lãnh đạo cấu xé nhau ra từng mảnh. Đó không phải là điều tôi muốn phải trải qua trong vòng 10 năm tới. Ngoài ra, khi tất cả những tướng lĩnh trước đây chỉ xem tôi là cậu bé biết cầm súng”.

“Cậu đâu còn là cậu bé nữa. Cậu đang đến cái tuổi mà những người trong chính quyền đạt đến đỉnh cao sự nghiệp. Tuy nhiên, cậu sẽ đạt được đỉnh cao của mình sớm hơn đa số. Cậu lúc nào chả có chút khác người”.

Gabriel cầm tờ báo Haaretz lên hỏi. “Thế còn vụ này?”.

“Xì-căng-đan hả?”, Shamron nhún vai. “Một sự nghiệp không có xì-căng-đan thì không phải là sự nghiệp thành công đâu. Đối với đa số người, những vụ xì-căng-đan của cậuđã mang đến cho cậu nhiều đồng minh có giá trị ở Washington và Vatican”.

“Và cũng đem đến cả kẻ thù nữa”.

“Họ sẽ là kẻ thù cho dù hành động của cậu có đúng đắn đến thế nào đi nữa. Và họ sẽ là kẻ thù kể cả khi thân thể của cậu nằm cạnh Dani trên núi Ôliu sau một thời gian dài”, Shamron dụi điếu thuốc. “Đừng lo Gabriel. Đây không phải là chuyện xảy ra trong một đêm. Cái chết của Amos sẽ đến chậm và chỉ vài người biết rằng người bệnh này đã tới số”.

“Còn bao lâu?”.

“Một năm”, Shamron nói. “Có lẽ nhiều nhất là 18 tháng. Còn nhiều thời gian cho cậu sửa vài bức tranh nữa cho bạn mình ở Rome”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-11-2013 09:24 PM
Chương 13
(tiếp theo)

“Không có cách nào cho ông giữ bí mật đó trong vòng một năm nữa, Ari. Ông luôn nói rằng chỗ tệ nhất để cố giữ bí mật là cơ qua tình báo”.

“Hiện có ba người còn giữ bí mật được chuyện đó – cậu, tôi và Thủ tướng”.

“Và Uzi chứ”

“Tôi cần phải đưa Uzi vào chuyện này”, Shamron nói. “Uzi sẽ làm tai mắt cho tôi trong Văn phòng”.

“Có lẽ đó là lí do ông cần tôi ở đó”.

Shamron mỉm cười. “không phải đâu Gabriel, tôi cần cậu ở đó để tôi có thể nghỉ ngơi”.

“Ông không nghĩ đến chuyện chết chứ Ari?”.

“Tôi chỉ muốn nghỉ ngơi một chút thôi”.

Gabriel xoay người nhìn ra cửa sau xe Limousine. Chiếc xe chạy theo đang ở sát phía sau họ. Anh nhìn Shamron hỏi có tin tức gì từ Luân Đôn về Elizabeth Halton không.

“Vẫn không có tin gì từ nững kẻ bắt cóc”, Shamron nói. “Và cũng không có thông tin gì từ phía người Anh, ít nhất là không có gì họ muốn nói cho công chúng biết. Nhưng có thể chúng ta đang sắp vào một mặt trận tình báo có lợi nào đó”.

“Từ đâu?”.

“Ai Cập”, Shamron nói. “Nguồn tin quan trọng nhất của chúng ta ở SSI (Tổng cục điều tra An ninh Quốc gia, một cách gọi lịch sự dành cho cảnh sát mật vụ Ai Cập) sáng nay đã gửi một tín hiệu cho biết anh ta có thông tin dành cho chúng ta”.

“Anh ta là ai?”, Gabriel hỏi.

“Wazir Al Zayyat, Trưởng phòng đấu tranh hoạt động Tôn giáo. Wazir giữ môt trong những vị trí khó khăn nhất ở Trung Đông. Bảo đảm những phần tử Hồi giáo quá khích trong nội địa Ai Cập không lật đổ chính quyền. Ai Cập là quê hương tinh thần của trào lưu Hồi giáo chính thống, và tất nhiên những người Hồi giáo Ai Cập là nòng cốt của ai-Qeada. Wazir biết nhiều về tình hình phong trào thánh chiến trên toàn cầu rõ hơn bất kỳ ai trên thế giới. Anh ấy đã báo cho ta về sự ổn định của chính quyền Mubarak và gửi bất kỳ thông tin tình báo nào cho thấy bọn khủng bố Ai Cập đang nhắm vào chúng ta”.

“Thế anh ta có thông tin gì cho chúng ta nào?”.

“Ta không biết được cho đến khi ngồi nói chuyện với anh ta”, Shamron nói. “Chúng ta sẽ gặp anh ta ở nước ngoài”.

“Ở đâu?”.

“Síp”

“Ai là sếp của nhân viên liên lạc với anh ta?”.

“Shimon Pazner”.

Pazner là Trưởng chi nhánh ở Rome, vừa làm Tổng hành dinh phụ trách hoạt động chiến dịch khắp Địa Trung Hải.

“Khi nào Pazner đi Síp?”.

“Anh ấy đi sáng mai”.

“Bảo anh ấy cứ ở lại Rome?”

“Sao thế?”

“Vì tôi sẽ đi Síp gặp nguồn tin Ai Cập”.

Shamron đáp lại đề xuất của Gabriel bằng vẻ im lặng khó chịu. “Sự dính líu của anh trong vụ này chính thức xong rồi”, cuối cùng ông nói. “Đây là chuyện của người Mỹ và Anh. Chúng ta có đủ chuyện phải lo rồi”.

Gabriel đáp lại. “Tôi đã có mặt ở đó khi chuyện xảy ra, Ari. Tôi muốn chúng ta làm gì đó có thể được để tìm ra cô ấy”.

“Chúng ta sẽ làm. Shimon Pazner đã phụ trách Wazir đã ba năm nay. Anh ấy còn có nhiều khả năng hơn là đi Síp để thẩm vấn vụ này”.

“Tôi chắc là anh ấy đủ khả năng nhưng tôi sẽ đi Síp thay cho anh ta”.

Chiếc bật lửa bằng thép không ghỉ đã củ của Shamron loé lên trong bóng tối. “Cậu chưa phải là Memuneh, con trai ạ. Còn nữa, cậu đã quên rằng hình ảnh của mình đang nằm đầy trên các báo sao?”.

“Tôi sẽ không đi sau bức màn sắt đâu, Ari”.

Shamron châm thuốc rồi dập tắt nó bằng cách lắc cổ tay thật mạnh. “Cậu dùng lời của tôi để chống lại tôi rồi”, ông nói. “Cứ tiến hành đi Gabriel, Hãy đến Síp ngày mai. Phải bảo đảm để phòng Nhận diện giúp cậu không bị người ta nhận ra. Cậu đã tự kiếm thêm những kẻ thù khác bằng những hành động trong công viên Hyde Park”.

“Graham Seymour cũng nói y hệt như vậy”.

“Thế à”, Shamron nói lại. “Ít ra trong chuyện này ông ấy cũng đúng”.

20 phút sau khi Gabriel bước vào căn hộ anh thấy đèn đang sáng dịu dàng trong phòng khách và mùi hương vani phảng phất trong không khí. Anh quăng túi xách lên chiếc ghế sôpha mới rồi đi vào phòng ngủ. Chiara đang nằm ở phía trong giường, đang nhìn chăm chú ngón chân mình. Cơ thể của nàng quấn trong khăn tấm và làn da thì nâu bóng do tắm nắng. Nàng nhìn lên Gabriel mỉm cười. Dường như họ mới gặp nhau cách đó vài phút chứ không phải vài tuần.

“Anh về rồi à?”, nàng nói với vẻ ngạc nhiên pha chút chế giễu.

“Shamron không nói là sẽ anh sẽ ở nhà tối nay sao?”

“Có thể lắm chứ”.

Gabriel bước qua lột chiếc khăn tắm ra khỏi tóc nàng. Chiếc khăn nặng và ướt tuột lên đôi vai nâu mịn màng của nàng. Nàng ngước lên để được hôn rồi tháo khăn quấn quanh mình. Có lẽ Shamron nói đúng, Gabriel nghĩ khi nàng kéo anh lên giường. Có lẽ rốt cuộc anh nên ở nhà với Chiara để Pazner đi Síp gặp nguồn tin Ai Cập.

Cả hai đều đói sau khi làm tình. Gabriel ngồi ở chiếc bàn nhỏ trong nhà bếp, xem tin tức trên tivi còn Chiara làm món fettucine cùng với nấm. Nàng đang mặc chiếc áo sơ mi của Gabriel, không gài nút cho tới bụng và không mặc gì phía dưới.

“Sao em biết anh bị bắt?”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 15-11-2013 09:25 PM
Chương 13
(tiếp theo)

“Em đọc trên báo như mọi người thôi”, nàng rót cho anh một ly rượu vang đỏ. “Anh chính là người gây ra cơn thịnh nộ ở Buenos Aires”.

“Em làm việc gì ở đó?”

“Anh biết em không nói được mà”.

“Anh biết em đang theo dõi những thành viên của một tổ chức Hezbollah. Anh chỉ muốn biết em có tham gia trong đội theo dõi thực sự hay chỉ là sĩ quan hộ tống?”.

“Em là thành viên trong đội”, cô nói. “Em đâu còn làm công việc hộ tống nữa”.

“Sao họ lại rút em ra?”.

“Do quá gần các mục tiêu”. Khuôn mặt của Elizabeth Halton thình lình xuất hiện trên màn ảnh truyền hình. “Cô gái ấy xinh thê”, Chiara nói. “Sao chúng lại bắt cô ta?”.

“Ngày mai anh có thể tìm ra”. Anh kể cho cô nghe về chuyến đi Síp.

“Thế còn bữa ăn tối với ngài Thủ tường?”.

Gabriel nhìn lên tivi. “Sao em biết?”.

“Shamron kể em nghe”.

“Ông ấy đã tiết lộ quá nhiều đối với tính chất an toàn của một chiến dịch”, anh nói. “Thế chính xác thì ông ấy nói gì với em?”.

Cô cho fecttucine vào trong nước để đun sôi rồi ngồi xuống cạnh anh. “Ông ấy nói anh đã đồng ý tiếp quản nhiệm vụ Giám đốc của Amos”.

“Anh đâu có đồng ý như vậy”.

“Không phải lời Shamron nói đâu”.

“Shamron từ lâu đã nghe được chính xác những gì ông ấy muốn nghe. Thế ông ấy còn nói gì?”.

“Ông ấy muốn chúng ta sắp xếp cuộc sống riêng tư càng sớm càng tốt. Ông ấy nghĩ thật không phù hợp cho một Giám đốc khi sống với một người phụ nữ mà không có hôn nhân, đặc biệt người đó lại là nhân viên của Văn phòng. Ông ấy nghĩ chúng ta nên xúc tiến kế hoạch làm đám cưới”. Cô đặt ngón tay dưới cằm anh rồi quay mặt anh về phía cô. “Anh đồng ý mà, có phải không?”.

“Được, tất nhiên rồi”, Gabriel nói vội vàng. Anh thừa biết bất kỳ sự do dự nào khi bàn về chuyện kế hoạch cưới xin đều được Chiara cho là sự lần lữa. “Chúng ta sẽ cưới càng sớm càng tốt”.

“Khi nào?”.

“Ý em là sao?”

“Đó là câu hỏi đơn giản mà, Gabriel. Anh có nghĩ là chúng ta nên kết hôn không?”.

“Cuối mùa xuân đi”, anh nói. “Trước khi trời quá nóng”.

“Tháng Năm phải không?”.

“Tháng Năm sẽ tuyệt vời”.

Chiara bỏ ngón tay ra khỏi cằm Gabriel rồi cắn móng tay vẻ lo lắng. “Làm sao em lên kế hoạch đám cưới trong sáu tháng đây?”.

“Cứ thuê một chuyên gia lên kế hoạch giúp em là được”.

“Đám cưới chứ có phải chiến dịch đâu, Gabriel. Phải được gia đình sắp xếp chứ đâu cần chuyên gia”.

“Thế còn Gilah Shamron? Bà ấy là người thân nhất và như là mẹ của em mà”.

“Gilah hiện đang bận bịu chăm lo cho chồng rồi”.

“Nhờ bà ấy giúp chuẩn bị đám cưới cũng đúng thôi. Tin anh đí, bà ấy sẽ rất vui đấy”.

“Thực ra đó cũng là ý hay. Thảo nào Shamron muốn anh làm sếp. Điều đầu tiên chúng ta phải làm là thống nhất danh sách khách mời”.

“Cũng dễ thôi”, Gabriel nói. “Cứ mời tất cả mọi người trong Văn phòng, Shabak, Aman, đa số thành viên Nội các và một nửa người của Knesset. À mà đừng quên mời Thủ tướng đấy nhé”.

“Em không chắc là cần mời Thủ tướng tham dự đám cưới của mình”.

“Em sợ mình bị lu mờ bởi một ông già tám mươi tuổi mập ú à?”.

“Vâng”.

“Thủ tướng có ba người con gái. Ông ấy chắc chắn sẽ không làm ngôi sao trong ngày trọng đại của em đâu”.

“Ngày trọng đại của chúng ta chứ, Gabriel”. Nước bắt đầu sôi. Nàng đứng dậy bước đến bếp lò. “Anh có chắc ngày mai sẽ đi Ai Cập không?”.

“Anh muốn tận tai nghe nguồn tin Ai Cập nói gì trước mặt mình”.

“Nhưng anh vừa mới về nhà thôi mà”.

“Chỉ mất một hay hai ngày thôi. Sao em không đi cùng với anh? Có thể chuyến đi này sẽ giúp cho làn da em thêm rám nắng”.

“Thời điểm này ở Síp rất lạnh”.

“Vậy em muốn anh đi một mình à?”

“Em sẽ đi”, nàng nói. “Anh không nhận xét gì về cách trang trí căn hộ của em. Anh thích không?”.

“Ồ thích chứ”, anh nói vội. “Đẹp đấy”.

“Em thấy có vòng tròn của đáy ly trên bàn cà phê. Thế anh đã để ly nóng lên mà không dùng lót ly à?”.

“Chính Uzi làm đó”, Gabriel nói.

Chiara đổ fettucine vào chảo rồi cau mày. “Anh chàng đó cẩu thả thế”, nàng nói. “Không hiểu sao Bella có thể sống với anh ấy”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 16-11-2013 10:12 AM
Chương 14

Những thứ cô yêu cầu đã nằm trên chiếc giường bên cạnh: cồn isprogyl, gạc bông, găng tay cao su, gắp, kìm mỏ kim, dao thẳng, thuốc codein và cephalin, miếng lót khử trùng 4x4, băng keo y tế, hai nẹp gỗ 45cm, hai cuộn băng, hai lít nước đóng chai. Cô chìa bàn tay bị trói cho người cô gọi là Cain. Hắn lắc đầu.

“Tôi không làm việc được khi tay bị trói”.

Hắn ngập ngừng rồi tháo còng.

“Những thuốc anh tiêm cho tôi sau khi bắt cóc tôi có còn nữa không?”.

Hắn lại ngập ngừng rồi gật đầu lưỡng lự.

“Tôi cần chúng. Nếu không bạn anh sẽ đau lắm”.

Hắn đi bộ đến chiếc xe bán tải, một lúc sau quay lại với một ống tiêm gói trong bao nhựa và một lọ nhỏ đựng chất lỏng trong. Elizabeth nhìn nhãn. Thảo nào cô đã bị hoang tưởng dữ dội khi bị tiêm thứ thuốc ấy. Những chuyên gia gây mê hầu như không bao giờ dùng Ketamine mà không dùng thuốc giảm đau như valium. Những tên ngốc này đã tiêm cho cô với liều cao mà không màng đến tác dụng phụ.

Cô nạp đủ một liều, 250 miligram, rồi tiêm vào bắp tay của người đàn ông bị thương. Khi hắn từ từ hôn mê, cô bẻ kim rồi vứt vào cái túi nilông đề tên cửa hàng thuốc nơi tên Cain đã mua y cụ. Tên và địa chỉ cửa hàng được viết trên túi bằng chữ xanh, Elizabeth nhận ra khu làng này, nó nằm trên bờ biển Norfolk, đông bắc Luân Đôn.

Cô rút chiếc chăn ra và chỉnh đèn để ánh sáng chiếu thẳng vào vết thương. Đầu đạn nằm trong những mảnh xương vụn. Cô mở chai cồn rửa vết thương đổ nhiều cồn thẳng vào, rồi lau sạch mủ và những thứ nhiễm trùng khác bằng miếng gạc bông. Khi vết thương đã đủ sạch, cô vô trùng cho cây dao thẳng, dùng nó tách những chất hoại tử dọc theo các gờ. Sau đó cô vô trùng cho cái gắp và mất 20 phút để cẩn thận lấy đi những mảnh vụn của xương vỡ và dây chằng của bộ phận bao xung quanh. Cuối cùng, cô vô trùng kìm, mũi kim và cẩn thận đưa vào vết thương. Một lúc sau đầu đạn được rút ra, nó bị bóp méo do va chạm với xương đầu gối, nhưng còn nguyên.

Cô đưa viên đạn cho Cain như một món quà kỷ niệm rồi chuẩn bị cho công đoạn cuối cùng: rửa sạch và băng bó. Đầu tiên cọ rửa vết thương hoàn toàn bằng nươc vô trùng, sau đó phủ lên vết thương bằng miếng lót vô trùng 4x4. Cuối cùng, cô đặt hai nẹp gỗ dọc mỗi bên chân dưới từ đầu gối đến mắt cá rồi buộc nẹp chặt bằng những vòng dây băng. Khi làm xong, cô đặt cái chân lên một cái gối rồi nhìn Cain.

“Khi anh ấy tỉnh dây, hãy cho uống hai viên cephalin. Sau đó cứ 4 giờ cho anh ấy uống một viên. Phải giữ cho chân nâng cao lên. Nếu được thì tôi sẽ khám cho anh ấy hai tiếng một lần. Nếu không, tôi cho anh tối đa 72 tiếng, sau đó cần đưa anh ta đến bệnh viện”.

Cô chìa tay ra. Cain tra còng dẫn cô xuống tầng dưới tới buồng giam. Khi nằm trên giường, cô cảm thấy gần như say vì vui sướng. Cuộc giải phẫu đơn giản, những mệnh lệnh gãy gọn: cô đã điều khiển, dù chỉ là vài phút ngắn ngủi. Rồi cô tìm cách giải mã một thông tin có giá trị. Cô vẫn còn ở Anh, vẫn nằm trong tầm ngắm của cảnh sát và các cơ quan tình báo Anh.

Cô nhắm mắt cố ngủ nhưng một tiếng sau cô bị đánh thức vì có người gõ cửa. Tờ giấy viết. Chúng tôi có quà cho cô, hãy nằm trên giường. Cô làm như yêu cầu và theo dõi khi Cain và Abel bước vào phòng. Chúng sử dụng băng keo dán miệng cô lại rồi trùm vải che đầu cô. Cô chống cự cho đến khi bị chúng tiêm thuốc.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 16-11-2013 10:15 AM
Chương 15
Đảo Síp

10 giờ 15 phút sáng, thứ sáu

Giá trị của nguồn tin có thể biết được qua nơi ở được sắp xếp để gặp anh ta. Để lấy tin từ Wazir Al Zayyat, Văn phòng đã mua một biệt thự trắng muốt xinh đẹp trên bờ biển phía nam của đảo Síp, có hồ bơi và hàng hiên đầy bóng mát nhìn xuống biển Địa Trung Hải. Gabriel và Chiara đến trước mấy tiếng đồng hồ khi người đàn ông Ai Cập có mặt. Gabriel hy vọng có thời gian thư giãn nhưng Chiara, đi cùng với anh lần đầu tiên trong tuần, muốn nhân cơ hội này bàn về kế hoạch đám cưới. Đặt chỗ và hoa, lên danh sách khách mời và chọn nhạc – đây là những gì mà anh chàng điệp viên huyền thoại của Israel bàn trước khi đến gặp nguồn tin tình báo Ai Cập. Anh tự hỏi báo Haaretz và những báo khác sẽ viết gì về mình nếu họ biết được chuyện này.

Hơn hai giờ chiều, Gabriel thoáng nhìn thấy một chiếc Volkswagen đang lướt nhanh dọc bờ biển. Chiếc xe đi ngang qua toà biệt thự, biến mất ngay khúc cua rồi năm phút sau tiến đến từ phía đối diện. Lần này xe chạy chậm rồi rẽ vào lối đi. Gabriel nhìn Chiara. “Tốt hơn em nên đợi trên gác trong phòng ngủ”, anh nói. “Theo những gì anh biết về Wizar, thì sự có mặt của em sẽ gây ra sự khó xử”.

Chiara thu dọn giấy tờ, các tạp chí về đám cưới rồi biến mất. Gabriel đi vào nhà bếp mở một cái tủ. Bên trong có bộ điều khiển hệ thống thu âm đã lắp sẵn. Anh lắp một cái băng mới vào rồi nhấn nút để ghi âm, sau đó ra sảnh mở cửa trước khi Al Zayyat bước lên bậc thềm. Người đàn ông Ai Cập đứng im nhìn Gabriel đầy vẻ hoài nghi qua chiếc kính đeo mắt. Rồi nở một nụ cười sau hàng ria dày, anh ta chìa bàn tay như cái dùi cui về hướng Gabriel.

“Tôi nhờ ai mà có được hân hạnh này vậy, ông Allon?”.

“Có chuyện xảy ra ở Rome”, Gabriel nói. “Shimon yêu cầu tôi thế chỗ”.

Người đàn ông Ai Cập đẩy chiếc kính đeo mắt lên trán rồi săm soi Gabriel lần nữa, lần này rõ ràng lộ vẻ nghi ngờ. Mắt anh ta đen và sâu thẳm như không có đáy. Đó không phải là đôi mắt Gabriel muốn thấy ở phía bên kia của bàn thẩm vấn.

“Hay là có thể anh tự nguỵên đến đây gặp tôi”, anh chàng Ai Cập nói.

“Tại sao tôi phải làm thế Wazir?”.

“Bởi vì nếu những gì tôi đọc trên báo là có thật thì hiện giờ anh có chuyện riêng phải giải quyết trong vụ này”.

“Anh không nên tin mọi chuyện viết trên báo”.

“Ít ra là không phải báo Ai Cập”.

Al Zayyat bước theo Gabriel vào toà biệt thự rồi bước qua tủ rượu đầy vẻ sở hữu và mở nút chai Scotch. “Anh uống chung với tôi nhé?”, anh ta hỏi khi vẩy chai rượu về phía Gabriel.

“Cảm ơn, nhưng tôi phải lái xe”, Gabriel đáp.

“Có vấn đề gì giữa người Do Thái các anh và rượu vậy?”.

“Nó khiến chúng tôi làm những chuyện ngớ ngẩn trong bóng đêm”.

“Chả có đặc vụ liên lạc nào không thèm uống rượu với người cung cấp thông tin đúng không?”. Al Zayyat tự rót cho mình một ly lớn rồi đậy nắp chai mà không vặn chặt lại. “Nhưng anh không phải là đặc vụ liên lạc mà, phải không Allon?”. Anh ta uống nửa ly whisky chỉ với một tợp. “Ông già thế nào rồi? Vẫn còn đứng vững chứ?”.

“Shamron vẫn khoẻ”, Gabriel nói. “Ông ấy gửi lời hỏi thăm anh”.

“Hy vọng ông ấy gửi nhiều lời hỏi thăm hơn”.

Gabriel nhìn chiếc cặp da nằm trong hình chữ nhật của ánh nắng chiếu trên ghế tràng kỷ bọc vải buồm. Al Zayyat ngồi cạnh mở khoá cặp. Thoả mãn với những gì bên trong, anh ta đóng cặp rồi nhìn Gabriel.

“Tôi biết ai bắt cóc con gái ông đại sứ”, anh ta nói. “Và tại sao họ làm thế. Anh muốn tôi bắt đầu từ đâu?”.

“Từ đầu”, Gabriel nói. “Để sắp xếp mọi thứ cho phù hợp”.

“Anh giống hệt Shamron”.

“Đúng, tôi có nghe thế”.

Người đàn ông Ai Cập liến nhìn chiếc cặp lần nữa “Đúng năm mươi ngàn phải không?”

“Anh có thể đếm nếu muốn”.

“Không cần thiết. Anh có muốn tôi ký biên nhận không?”

“Anh ký biên nhận khi lấy tiền”, Gabriel nói. “Và anh lấy tiền sau khi tôi nghe được thông tin”.

“Shimon luôn đưa tiền cho tôi trước”.

“Tôi không phải là Shimon”.

Gã Ai Cập nốc hết phần whisky còn lại. Gabriel rót đầy ly nữa rồi yêu cầu anh ta nói.

Gã Ai Cập nói, bắt đầu từ cái ngày trong tháng 9 năm 1970 khi Nasser qua đời và Phó tổng thống Anwar Sadat lên nắm quyền ở Ai Cập. Nasser xem những người Hồi giáo cấp tiến, đặc biệt là hội Ái hữu Hồi giáo, là mối đe doạ lớn đối với thể chế của ông và dùng những vụ bắt bớ, hành quyết, tra tấn hàng loạt để cầm chân họ. Sadat đã thử một cách tiếp cận khác.

“Sadat không có được uy tín và sự ủng hộ rộng rải như Nasser”, Al Zayyat nói. “Ông ta còn là người sùng đạo. Ông ta sợ những người ủng hộ Đảng cộng sản và những người ủng hộ Nasser hơn cả anh em Hồi giáo, và do đó ông ta trở thành kẻ làm đảo lộn cách tiếp cận của người Ai Cập đối với người Hồi giáo quá khích. Ông ta gọi những người ủng hộ Đảng cộng sản và những người ủng hộ Nasser là kẻ thù thể chế và để cho những người anh em Hồi giáo thoát khỏi lao tù”.

“Và thế là ông ta phạm sai lầm”, Al Zayyat giải thích. “Ông ta cho phép hội Ái hữu Hồi giáo hoạt động công khai, khuyến khích họ đưa tôn chỉ máu lửa của Hồi giáo ra nước ngoài, đặc biệt tới khu vực bờ Tây và dải Gaza mới bị chiếm đóng. Ông ta còn khuyến khích và tài trợ cho việc thành lập các tổ chức còn cấp tiến hơn cả hội Ái hũu Hồi giáo. Một trong số đó là al-Gamáa al- Islamiya hay tổ chức hồi giáo. Một tổ chức nữa là al-Jihad. Tháng 10 năm 1981, al-Jihad hạ bệ người đã giúp họ tồn tại, họ đã ám sát Sadat khi ông đứng trên lễ đài xem duyệt binh ở ngoại ô Cairo. Trong mắt người Hồi giáo, tội lỗi của Sadat thì nhiều nhưng không ai xuất sắc hơn ông khi đạt hoà ước với Israel. Trước khi bắn ông, tên ám sát Sadat, Trung uý Khaled Islambouli hét lên. “Tôi đã giết Pharaoh, và tôi không sợ chết”.

“Nhóm Gama’a và al Jihad tất nhiên hiện vẫn còn”. Al-Zayyat nói. “Mục tiêu của họ là phá huỷ chính quyền Mubarak, thay bằng một nước cộng hoà Hồi giáo rồi dùng Ai Cập là căn cứ cho các hoạt động dựng nên một cuộc thánh chiến toàn cầu chống lại phương Tây và Israel. Cả hai nhóm trên đều đã ký kết với al-Qeada và tuyên bố chiến tranh chống quân thập tự chinh và dân Do Thái, cả hai đều chính thức nằm dưới trướng của tổ chức do Osama Bin Laden cầm đầu. Những người Ai Cập đã chiếm hơn phân nửa quân số nòng cốt của al-Qeada, chiếm năm trong chín vị trí trong Hội đồng Shura đang nắm quyền. Và tất nhiên, cánh tay phải của Osama chính là Ayman al-Zayyat Zawahiri, lãnh đạo nhóm al-Jihad”.

“Vì thế Ai Cập không khác gì người Arập”, Gabriel nói. “Anh nghĩ mình có thể đạt được thoả hiệp với những tên khủng bố Hồi giáo bằng cách tài trợ cho chúng và khuyến khích chúng cũng như cơn thịnh nộ của chúng ra ngoài. Còn giờ chúng đang đe doạ huỷ hoại anh đấy”.

“Anh cũng làm vậy thôi, anh bạn. Đừng quên là Văn phòng và Shabak đã cung cấp tiền bạc và ủng hộ cho nhóm Hamas trong những ngày đầu vì anh nghĩ người Hồi giáo chính là đối trọng phù hợp cho những kẻ cánh tả cổ hủ của PLO”.

“Quan điểm được ghi nhận”, Gabriel nói. “Nhưng xin đừng nói với tôi là tôi phải trao cho anh 50.000 đô chỉ để cho tôi biết rằng al-Qeada có trách nhiệm trong vụ bắt cóc con gái ngài đại sứ Hoa Kỳ ở Luân Đôn. Tôi đã có thể tiết kiệm được khoản tiền đó bằng cách mở đài CNN lên xem. Họ có nhiều chuyên gia nói như vậy lắm”.

“Không phải chỉ là al-Qeada”, Al-Zayyat nói. Đây là một chiến dịch kết hợp, một sự pha trộn nhiều nguồn lực, nếu anh muốn biết”.

“Thế ai là đối tác kia?”.

Người đàn ông Ai Cập bước đến tủ rượu rót đầy ly. “Có những nhóm khác ngoài hai nhóm Gama’a và al-Jihad hình thành trong những năm 1970. Tổng cộng hơn 50 nhóm. Một số nhóm chỉ là sinh viên đại học không thể tổ chức thành một đội ngũ gắn kết. Những nhóm khác thì tốt. Rất tốt”. Anh ta uống cạn ly whisky. “Không may nhóm hình thành ở Đại học Minya là một trong những nhóm đó. Họ tự gọi mình là Thanh kiếm Allah”.

Thanh kiếm Allah…tất nhiên Gabriel biết cái tên này. Bất cứ ai làm việc trên chiến trường chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đều biết. Trong thời kỳ cuối thập niên 70, sau chuyến thăm lịch sử của Sadat đến Jerusalem, một nhóm sinh viên đại học, giáo sư và công chức từ thành phố Minya, phía bắc Ai Cập, đã tập hợp quanh một giáo sỹ Hồi giáo tên là Sheikh Tayyib Abdul Razzaq. Sheikh Tayyib thực hiện một chương trình đơn giản nhằm nắm quyền ở Ai Cập: đẩy mạnh khủng bố và đổ máu trong xã hội Ai Cập càng nhiều càng tốt để thể chế này sụp đổ dưới sức nặng của nó. Đầu thập niên 90, ông ta gần như thành công. Hân hoan vì triển vọng đó, vị lãnh tụ Hồi giáo này quyết định đưa cuộc vận động của mình ra toàn cầu, rất lâu trước khi ra đời tổ chức al-Qeada. Ông ta đã gửi phái viên đến châu Âu mở chi nhánh của tổ chức Thanh kiếm Allah trong những cộng đồng Hồi giáo đang thịnh và cử anh trai là nhà cố vấn thân cận nhất, Sheikh Abdullah Abdul Razzaq, đến ngoại ô Washington, tổ chức thánh chiến chống lại đất nước bảo trợ quan trọng nhất của chính quyền Ai Cập: nước Mỹ. Năm 1998, Sheikh Abdullah bị buộc tội âm mưu đánh bom Bộ Ngoại giao, toà nhà Capitol, và Tổng hành dinh FBI và bị kết án tù chung thân. Gần đây anh ta bị chẩn đoán là mắc bệnh ung thư. Giải phóng cho vị lãnh tụ Hồi giáo này trước khi chết là một trong những ưu tiên hàng đầu của tổ chức Thanh kiếm Allah.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 16-11-2013 10:16 AM
Chương 15
(tiếp theo)

“Trong một thời gian dài Al-Qeada rất muốn tấn công Luân Đôn thêm lần nữa”, Al Zayyat nói. “Và tất nhiên Sheikh Tayyib muốn đưa anh mình ở Mỹ về. Họ quuyết định tập hợp hai ưu tiên thành một vụ khủng bố lớn. Al-Qeada phụ trách những vụ đánh bom, còn tổ chức Thanh kiếm Allah và mạng lưới châu Âu lo chuyện bắt cóc con tin trong chiến dịch”.

“Anh có bằng chứng nào về sự dính líu của tổ chức Thanh kiếm Allah?”

“Anh đã có bằng chứng trong tay trong vài giây ở công viên Hyde Park”, người đàn ông Ai Cập nói. “Samir al-Masri, cựu sinh viên ngành kỹ thuật tại Đại học Minya, là thành viên tổ chức Thanh kiếm Allah và là một trong những tên khủng bố tài năng nhất của chúng”.

“Sẽ rất hữu ích, Wazir, nếu trước đây anh cho người Hà Lan biết lúc đó hắn đang sống thanh bình ở Tây Amsterdam”.

“Chúng tôi đâu có biết hắn ở Hà Lan, nếu không chúng tôi đã báo rồi”. Người đàn ông Ai Cập ngồi xuống chiếc ghế tràng kỹ cạnh chiếc cặp đựng tiền. “Samir al-Masri đã rời Ai Cập vài tháng sau khi người Mỹ tiến vào Irắc. Khi tình hình bạo loạn bắt đầu, hắn gia nhập Abu Musab al-Zarqawi và hoàn thiện thêm kỹ năng. Hình như hắn đã chuồn khỏi Irắc ngay trước khi Zarqawi chết và lên đường đi châu Âu qua Đamát. Nếu anh muốn buộc tội vì chuyện Samir al-Masri đang sống bình thản ở tây Amsterdam, thì hãy buộc tội người Xyri. Và tất nhiên người Hà Lan nữa. Chúa ơi, họ để cho ai cũng vào được đất nước mình”.

“Anh còn thông tin gì ngoài liên hệ của Samir?”.

“Đền al Zayyat-Hijrah”.

“Là sao?”

“Ông chủ tế ở đó chính là sinh viên tốt nghiệp trường al-Azhar ở Cairo và là thành viên tổ chức Thanh kiếm Allah”.

“Thế vẫn chưa đủ”.

“Cuộc bàn luận này chỉ có tính lý thuyết”, Al Zayyat nói. “Trong 24 tiếng nữa anh sẽ có bằng chứng Tổ chức Thanh kiếm Allah đứng đằng sau vụ này. Đó là khi chúng yêu cầu đổi Elizabeth Halton lấy Sheikh Abdullah”.

“Sao anh có thể chắc chắn về thời gian đến thế?”.

“Thanh kiếm Allah đã thực hiện một số vụ bắt cóc ở Ai Cập. Thế giới bên ngoài hầu như không nghe gì về chúng. Phương pháp hoạt động của chúng lúc nào cũng giống nhau. Chúng chờ một tuần trước khi đưa ra yêu cầu. Và nếu chúng định thời hạn cuối cùng để giết cô gái đó, chúng sẽ làm khi đồng hồ chỉ 12 giờ. Sẽ không có kéo dài hay trì hoãn”.

“Người Mỹ sẽ không bao giờ thả Sheikh Abdullah”.

“Nếu không, Thanh kiếm Allah và al-Qeada sẽ gửi cô con gái đỡ đầu của ngài Tổng thống Mỹ về quê nhà trong một cái bao – hay nói chính xác là những gì còn lại của cô ấy. Họ sẽ giết cô ta y hệt như cách đã bắt cóc. Với thật nhiều máu”.

“Anh đã kể cho người Mỹ về chuyện này chưa?”.

Al Zayyat lắc đầu.

“Sao không chứ?”.

“Lệnh từ cấp trên thôi”, Al Zayyat nói. “Vị lãnh đạo không biết sợ của chúng tôi e rằng những kẻ bảo trợ của ông ấy ở Washington sẽ nổi giận khi phát hiện ra âm mưu bắt cóc con gái ngài đại sứ xuất phát từ Ai Cập. Ông ấy đang trì hoãn ngày đã định càng lâu càng tốt. Đồng thời, ông ấy chỉ đạp cho SSI và các cơ quan an ninh khác tập trung thật nhiều thông tin tình báo”.

“Ai là người chủ mưu?”

“Đó là một nhân vật khá quan trọng”.

“Zawahiri?”.

Người đàn ông Ai Cập gật đầu.

“Nhưng chắc chắn có người nào đó giữa ông ta và những kẻ thực hiện”, Gabriel nói. “Người nào đó, ví dụ như Khaled Sheikh Mohammad. Người nào đó cho tàu hoả chạy đúng giờ”.

“Có”, Al Zayyat đưa ly whisky ra ánh sáng, anh ta ngắm nhìn màu sắc ly rượu một lúc, rồi mới nói. “Còn nếu phải mạo hiểm để đoán về nhận diện của người đó, tôi phải nói gần như chắc chắn đấy là công việc của Sphinx”.

“Ai là Sphinx?”

“Chúng tôi không biết chắc người đó là ai, nhưng chúng tôi biết công việc của hắn ta rất rõ. Ai cũng biết hắn ta đã giết hơn một ngàn người Ai Cập – khách du lịch, bộ trưởng và những người bạn giàu có của chính quyền. Chúng tôi cho rằng hắn được giáo dục cao và có nhiều mối quan hệ. Chúng tôi tin tưởng rằng hắn có nhiều đặc vụ có ảnh hưởng và nhiều điệp viện ở cấp cao nhất trong xã hội và chính quyền Ai Cập, bao gồm cả bên trong cơ quan của tôi. Hắn ta hoạt động thông qua những thành phần được thanh lọc như Samir. Chúng tôi chưa bao giờ tiếp cận được hắn”.

“Hắn ta có thể lên kế hoạch cho vụ nào như vụ này từ Ai Cập không?”.

“Hoàn toàn không thể”, Al Zayyat nói. “Có thể hắn đang ở châu Âu. Thực ra, tôi rất muốn đánh cược một khoản tiền lớn là hán đang có mặt ở đó. Thanh kiếm Allah rất kín tiếng ở Ai Cập”.

“Thế Kheikh Tayyib đâu?”.

“Một nơi hắn đã ở trong 15 năm qua là dưới lòng đất. Hắn di chuyển giữa những nơi trú ẩn ở thượng Ai Cập và những thành phố ốc đảo ở sa mạc phía Tây. Chúng tôi còn nghĩ rằng hắn di chuyển ra vào Libi và Xuđăng”.

“Tìm hắn đi”, Gabriel nói.

“Elizabeth Halton sẽ chết trước khi chúng tôi tìm được tên lãnh tụ Hồi giáo này”.

“Hãy bắt đầu bắt giữ những thành viên hoạt động của tổ chức Thanh kiếm Allah rồi đưa chúng ra thẩm vấn kín. Đó là chuyên môn của anh mà, phải không Wazir? Thẩm vấn kín những phần tử Hồi giáo qua khích”.

“Hãy để cho người không có tội ném hòn đá đầu tiên”, Al Zayyat đáp. “Hãy tin tôi, Allon, chúng tôi đá cánh cửa sập xuống khi chúng tôi nói nhưng Sphinx biết chúng tôi sẽ làm. Không ai ở Ai Cập biết cô gái ấy ở đâu. Tôi cho là cả Sheikh Tayyib cũng không biết chi tiết chiến dịch này. Có lẽ anh chỉ tìm thấy cô ấy khi cô ấy đã mất cùng với cái chết của Samir al-Masri. Thanh kiếm Allah rất giỏi giấu người”.

“Có người biết chứ”, Gabriel nói. “Phải có người biết”.

“Sphinx biết. Tìm Sphinx đi rồi anh sẽ tìm thấy cô gái”, anh chàng Ai Cập đặt tay lên tay cằm chiếc cặp. “Thế tôi lấy 50.000 đô la được chưa?”.

“Tôi muốn có mọi thông tin anh biết về Thanh kiếm Allah”, Gabriel nói. “Hồ sơ, danh sách thành viên, các tổ chức mặt trận đã biết ở châu Âu. Tên, địa chỉ, số điện thoại”.

“Tất cả nằm trong chiếc va li của tôi trong cốp xe”, người đàn ông Ai Cập nói. “Nhưng anh phải trả tiền cho những thông tin đó”.

Gabriel thở dài. “Bao nhiêu, Wazir?”.

“50.000 nữa”.

“Tôi không có ngay 50.000 đâu”.

Người đàn ông Ai Cập nói. “Tôi sẽ sử dụng giấy nợ”, anh ta nói. “Tôi biết anh giỏi chuyện này mà”.

Chiếc cặp Smasonite mà Wazir al Zayyat lấy ra từ cốp chiếc xe Volkswagen anh ta thuê chứa thông tin của một trong những tổ chức khủng bố bạo lực nhất thế giới và do đó có giá hời là 50.000 đô la. Khi người đàn ông Ai Cập đi khỏi, Gabriel mở thư mục các thành viên Thanh kiếm Allah rồi bắt đầu đọc. Năm phút sau anh tìm thấy một cái tên rất quen. Anh sao lại file này rồi kiểm tra tấm ảnh. Tấm ảnh có ngày tháng và chất lượng xấu; dù vậy, Gabriel có thể nói đó cũng là người đàn ông anh đã gặp một tuần trước ở Amsterdam. Người đàn ông ấy đã nói với anh. Tôi là người anh đang tìm trong đống hồ sơ của Solomon Rosner. Và tôi đến để giúp anh.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 16-11-2013 10:33 AM
Chương 16
Paris

Ba giờ 45 phút thứ sáu

Tiếng gõ cửa nghe thận trong. Yusuf Ramadan, Giáo sư môn lịch sử Cận đông tại trường Đại học Hao Kỳ ở Cairo, đang làm việc, ông nhìn lên và thấy một phụ nữ đang đứng ở lối vào văn phòng. Giống như tất cả những nhân viên nữ của viện nghiên cứu Hồi giáo, người phụ nữ này đeo mạng che mặt. Dù vậy, Giáo sư vẫn nhìn đi chỗ khác khi cô ta nói.

“Xin lỗi vì làm phiền Giáo sư, nhưng nếu mọi chuyện với ông đã ổn thì giờ em sẽ đi”.

“Tất nhiên rồi, Atifah”.

“Thế em có thể làm gì cho thầy trước khi đi không? Rót thêm trà chẳng hạn”.

“Thầy uống nhiều rồi”, ông liếc nhìn đồng hồ đeo tay. “Thực ra một lúc nữa thầy cũng sẽ ra ngoài. Thầy đã hẹn một đồng nghiệp ở trường Sorbonne đi uống cà phê lúc 4 giờ 40”.

“Thầy nhớ mang ô nhé. Trời vẫn còn đang mưa đấy”. “Chào mừng thầy đến Paris. Chúc thầy được bình an, Giáo sư Ramadan”.

“Cả em nữa, Atifah”.

Người phụ nữ ra khỏi văn phòng và nhẹ nhàng đóng cửa. Ramadan mất thêm mười phút nữa để tắt máy tính xách tay, đặt nó và các hồ sơ nghiên cứu vào trong va li, rồi đứng dậy. Ông là người mảnh khảnh, râu ria rậm rạp, với mái tóc xoăn cuộn vào trong, đôi mắt nâu nhẹ nhàng và chiếc mũi khoằm – những đặc trưng thường khiến ta liên tưởng đến tầng lớp quý tộc ở Ai Cập. Nhưng ông không phải là người có nguồn gốc quý tộc, thực ra, người đàn ông hiện được xem là một trong những trí thức và nhà văn có ảnh hưởng nhất của Ai Cập này là con trai của một bưu tá ở một ngôi làng nghèo khó ở rìa ốc đảo Fayoum. Thông minh, có uy tín và tự nhận là phần tử ôn hoà về chính trị, ông đã xin nghỉ phép ở trường đại học 18 tháng trước và xuất hiện như một học giả làm khách thường trú trong viện nghiên cứu. Mục đích bề ngoài của việc lưu lại Paris của ông chính là hoàn thành công trình của mình, một công trình quan trọng điều tra về những cuộc thập tự chinh hứa hẹn sẽ là tiêu chuẩn đánh giá tất cả những quyển sách trong tương lai về đề tài này. Khi không viết sách, Giáo sư Ramadan thường được có mặt trong những khán phòng diễn thuyết của Sorbonne hay trên truyền hình Pháp, hoặc thậm chí trong hành lang của các cơ quan chính quyền. Được bảo trợ hoàn toàn bởi giới trí thức và báo chí Paris, những quan điểm của ông rất được hoan nghênh. Đó là những vấn đề từ cuộc xung đột Israel-Palestine đến việc Mỹ chiếm đóng Irắc và tất nhiên là mối hiểm nguy của khủng bố Hồi giáo, một chủ đề mà ông rất quen thuộc.

Ông bước đến khung cửa sổ nhỏ hẹp nhìn xuống đại lộ Chapelle. Trời tối và rét căm căm, mưa phùn lất phất: trời Paris lập đông. Đã nhiều ngày qua từ khi mặt trời xuất hiện lần cuối, hoặc ngay cả khi chỉ là một tia nắng yếu ớt len lỏi giữa những tầng mây, Ramadan khao khát được trở lại Cairo: giao thông tấp nập, những hương vị tuyệt vời và cả mùi hôi thối, tiếng chuông báo giờ cầu kinh của hàng ngàn giáo sĩ, nụ hôn của gió sa mạc trong đêm… Lần cuối cùng ông ở đó cách đây 6 tháng. Sẽ nhanh thôi, ông nghĩ. Rồi mọi thứ sẽ qua và ông sẽ lại về nhà. Còn nếu mọi thứ theo đúng kế hoạch, đất nước nơi ông trở về sẽ khác xa so với đất nước mà ông đã ra đi. Thật lạ khi nghĩ rằng mọi thứ đang hoạt động ở đây, ngay ở Paris buồn thảm, từ cái văn phòng bé xíu của ông ở quận 18.

Ông kéo chiếc áo khoác và mũ lên, cầm lấy cặp và ô rồi bước nhanh ra hành lang. Khi đi qua khu vực nhân viên, ông thấy nhiều đồng nghiệp đã tập trung quanh màn hình tivi, xem thông tin do phát ngôn viên của cảnh sát thành phố Luân Đôn đang đọc vắn tắt. Mahmoud Aburish, Giám đốc viện nghiên cứu có bộ mặt như bộ mặt của một con cú, người béo ị, ra hiệu cho Ramadan đến xem. Ramadan đi qua nhìn lên màn hình.

“Anh ta đang nói gì thế?”.

“Chưa có tin gì của bọn bắt cóc”,

Aburish nói. “Và không có manh mối nào về chỗ bọn bắt cóc giam cô gái”.

“Anh có tin anh ta không?”.

“Người Anh rất giỏi che dấu, nhưng qua biểu hiện trên mặt của người đàn ông này thì thấy anh ta không che giấu chuyện gì cả”. Aburish nhìn Ramadan qua cặp kính mờ. “Anh là chuyên gia về những vấn đề như thế này, Yusuf à. Anh nghĩ ai đã bắt cóc cô gái? Và họ muốn gì?”.

“Tôi cho rằng mình sẽ biết sớm thôi” Ramadan nói.

“Công việc viết lách thế nào rồi?”

“Cũng không nhanh như tôi hy vọng, Mahmoud à. Thực ra, tôi sắp đi uống cà phê với một người ở nhà xuất bản Pháp để cho anh ta biết ta không thể giao bản thảo đúng thời gian. Anh ta sẽ không hài lòng đâu. Cả những nhà xuất bản của Anh và Mỹ cũng vậy”.

“Thế viện có thể làm gì không?”.

“Anh đã làm nhiều hơn anh biết đó, Mahmoud”.

Aburish nhìn lên tivi khi bà Elnenor Mc Kenzie, Tổng giám đốc MI5, bước ra trước màn hình. Yuruf Ramadan, người đàn ông được các cơ quan an ninh Ai Cập biết đến với cái tên Sphinx, lẳng lặng lẻn ra khỏi sảnh rồi đi xuống cầu thang.

Dù Yusuf Ramadan không nói thẳng trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi với Mahmoud Aburish, nhưng ông biết một sự thật. Thực sự ông sắp đi uống nước với nhà xuất bản người Pháp vào tối đó – chính xác là tại quán Fouquet’s trên đường Champs-Élyseé nhưng không phải là cuộc hẹn hò 5 giờ. Trước đó, ông có một cuộc hẹn trên đường Quai de Montebello bên kia sông Seine, đối diện nhà thờ Đức Bà. Người đàn ông đang chờ ông có dáng người cao ráo và thân hình to lớn, mặc áo khoác bằng vải cáowmia màu tối với một chiếc khăn lụa thắt ở cổ với vẻ ngang tàng. Ông ta tên thật là Nidal Mutawalli, dù Rmadan gọi anh ta là Abu Musa. Giống như Ramadan, ông ta từ ốc đảo Fayoum tới. Họ đã cùng lớn lên, học cùng trường rồi mỗi người mỗi ngã – Ramadan bước vào thế giới của sách và viết lách, còn Abu Musa đi theo ngành tài chính và tiền tệ. Tính thánh chiên svà lòng hận thù trong họ đối với chính quyền Ai Cập và với cả những kẻ bảo trợ người Mỹ đã liên kết họ lại. Chính Abu Musa, người bạn thời niên thiếu của Yusuf Ramadan, đã giữ bí mật nhân thân của ông đối với các cơ quan an ninh Ai Cập. Nói theo nghĩa đen, họ là hai trong số những người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới.

Mưa ohùn rơi xuống qua những ánh đèn dọc theo bờ sông Seine, lấm tấm như những giọt lệ trên các tấm nhựa phủ lên quầy hàng của những người bán dạo. Ramadan đị qua một chiếc bàn chân rời chứa đầy sách rồi giở một quyển sách đã cũ của Chekhov. Một lúc sau Abu Musa đến chỗ ông và lấy một quyển L’etranger của Camus.

“Anh đọc sách của tác giả này chưa?”, Abu Musa hỏi.

“Tất nhiên rồi”, Ramadan nói. “Tôi chắc là anh sẽ thấy thích thôi”.

Ramadan đi sang chiếc bàn sách bên cạnh. Một lúc sau Abu Musa lại đi theo ông rồi họ trao đổi vài lời nghe có vẻ vô hại. Mọi chuyện diễn ra như thế trong mười phút thì họ đi chầm chậm với nhau đến hàng sách bán chạy, Ramadan đi trước còn Abu Musa lẽo đẽo đi theo sau ông ta. Tôi lúc nào cũng thích thơ của Drylen…Tôi đã xem vở kịch này lần trước ở Luân Đôn…Đĩa DVD này đã được quay và sẵn sàng được giao…Chúng tôi đang chuẩn bị gọi điện thoại theo lệnh của anh…

Ramadan lấy một quyển sách của Hemingway rồi giở cho Abu Musa xem. “Quyển này luôn là quyển tôi thích nhất”, ông nói. “Hãy cho phép tôi tặng anh làm quà”.

Ông đưa cho người bán sách tờ 5 euro, rồi sau khi ghi nhanh một đoạn ngắn trên trang đầu đề của quyển sách, ông trịnh trọng đưa nó cho Abu Musa với một tay đặt lên tim mình. Một lúc sau họ chia tay khi Emmanuel, cái chuông 13 tấn ở tháp nam của nhà thờ Đức Bà bắt đầu điểm 5 giờ. Abu Musa biến mất vào những con phố của khu Latin Quartier, Yusuf Ramadan băng qua bên kia bờ sông rồi đi bộ vào vườn hoa Tuileries, suy nghĩ về câu hỏi mà Mahmoud Aburish đã nêu vào buổi chiều đó. Anh nghĩ ai đã bắt cóc người phụ nữ này? Và chúng muốn gì? Chính vì cuộc gặp mặt vừa diễn ra trước thanh thiên bạch nhật dọc bờ sông Seine, người Mỹ chẳng mấy chốc sẽ được trả lời cho những câu hỏi trên. Việc họ có quyết định thông báo cho phần còn lại của thế giới biết hay không không phải là mối bận tâm của Giáo sư Ramadan – ít ra là chưa.

Ông bước đi thêm vài phút trong vườn hoa, kiểm tra phía sau mình xem có ai theo dõi không rồi suy nghĩ về cuộc hẹn đang chờ với người của nhà xuất bản Pháp trên đại lộ Champs-Élyseés. Ông cho rằng mình đã tìm được lời giải đáp cho lý do tại sao sách của mình hiện không thể đáp ứng được đúng thời gian họ đã hẹn trước. Chắn chắn ông sẽ tìm được lý do thoả đáng thôi. Bởi ông là Sphinx, kẻ nói dối cừ khôi.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-11-2013 07:19 AM
Chương 17
Đại Sứ Mỹ, Luân Đôn

Năm giờ 19 phút chiều thứ sáu

Có một chiếc điện thoại ở trung tâm Tác nghiệp không bao giờ được sử dụng để gọi ra ngoài. Chiếc điện thoại này được nối với một thiết bị thu âm kỹ thuật số tinh vi và nối với mạng lưới dò tìm cuộc gọi thuộc cảnh sát thành phố. Ống nghe màu đỏ, âm thanh chuông reo được điều chỉnh ở mức thấp. Chỉ một người được phép chạm đến chiếc điện thoại này. Đặc vụ giám sát, John O’Donnell, Trưởng nhóm tiếp ứng khẩn cấp của FBI và là người đàm phán con tin chính của cơ quan này.

Điện thoại đã reng 47 lần kể từ khi Elizabeth Halton biến mất. Đến giờ không cuộc điện thoại nào được O’Donnell hoặc những đồng nghiệp của anh ở sở cảnh sát thành phố cho là đáng tin cậy, dù yêu cầu của một số người gọi lại là tìm cách cung cấp vài trò vui nho nhỏ trong những ngày đen tối u buồn đó. Một người gọi điện thoại nói anh ta sẽ thả Elizabeth để đổi lấy khoản tiền 100.000 bảng Anh. O’Donnell đồng ý với yêu cầu đó và người đàn ông này bị bắt ngay buổi tối đó trong bãi đỗ xe của một quán rượu ở khu West Sussex. Có người yêu cầu một cuộc hẹn với một nữ nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ. Có người nói anh ta sẽ thả con tin người mỹ đổi lấy vé xem trận bóng cuối tuần giữa Arsenal và Chelsea. Có người gọi vì bị trầm cảm và cần người nói chuyện. O’Donnell trò chuyện với anh ta trong năm phút để hứa hẹ cho anh ta một buổi tối vui vẻ trong khi các sĩ quan cảnh sát ập đến bắt.

Cuộc gọi đến tổng đài chính của Đại sứ quán sau sáu giờ tối đó rất khác với những cuộc gọi trước. Giọng nói của đàn ông và được biến đổi bằng kỹ thuât điện tử, đây là người đầu tiên sử dụng một thiết bị như vậy. “Tôi có thông tin về Elizabeth Halton”, anh ta bình tĩnh nói cho nhân viên trực tổng đài. “Hãy chuyển máy cho tôi nói chuyện với người phụ trách. Nếu trễ hơn năm giây, tôi sẽ gác máy và cô ấy sẽ chết. Cô có hiểu không?”.

Cô gái trực tổng đài nói rõ là cô ta thực sự hiểu rồi lịch sự yêu cầu người gọi chờ. Hai giây sau, điện thoại của O’Donnell reo lên ở Trung tâm Tác nghiệp. Anh giật lấy chiếc ống nghe màu đỏ trên giá đỡ điện thoại rồi để nhanh lên tai nghe. “Đây là John O’Donnell thuộc phòng điều tra Liên bang”, anh nói ngắn gọn. “Tôi có thể giúp gì cho anh?”

“Bãi biển ở Bacon Point”, giọng nói được biến đổi bằng điện tử vang lên. “Hãy tìm dưới chiếc thuyền chèo bị lật úp. Đây sẽ là dấu hiệu liên lạc đầu tiên và duy nhất của chúng tôi”.

Đường dây im bặt.

O’Donnell gác điện thoại rồi lắng nghe cuộc gọi một lần nữa trên máy ghi âm, rồi nhấc ống nghe của một đường dây riêng gọi tự động cho Sở cảnh sát Luân Đôn.

“Cuộc gọi này nghe có vẻ đúng là của bọn bắt cóc đấy”, O’Donnell nói.

Ở đầu dây bên kia, sĩ quan ở Sở cảnh sát nói.

“Tôi đồng ý. Anh có dấu vết gì không?”.

“Giọng này là từ điện thoại di động. Có điều gì đó mách bảo cho tôi là chúng ta sẽ không bắt được kẻ này. Hắn là dân chuyên nghiệp đấy”.

“Thế Bacon Point nằm ở đâu?”.

“Bờ biển phía nam, cách Plymouth khoảng 10 dặm”.

“Cách trung tâm Luân Đôn bao xa?”

“Khoảng 150 dặm”.

“Tôi muốn có mặt ở hiện trường để ứng cứu – cho dù có chuyện gì”.

“Hải quân Hoàng gia đã để lại một Se King (Một loại máy bay trực thăng đặc biệt) ở sân bay Luân Đôn để sẵn sàng cho loại tình huống này”.

“Thế sân bay máy bay lên thẳng nằm ở đâu?”

“Bờ Nam sông Thames, giữa cầu Battersea và Wandsworth”.

“Hãy bảo họ làm nóng động cơ đi. Thế anh có thể cho tôi đi nhờ qua thành phố không?”

“Tôi có hai chiếc xe tuần tiễu bên ngoài Đại sứ quán trong hai phút nữa”.

“Hãy cử họ đến đường Upper Brook”, O’Donnell nói. “Và không được có phóng viên ở đó”.

“Rõ”.

Chuyến bay đến bờ biển nam dài 90 phút và hoàn toàn không dễ chịu chút nào do gió lớn trước cơn bão mạnh ở Đại Tây Dương. Khi máy bay sà xuống Beacon Point, O’Donnell nhìn ra cửa sổ. Những cái đèn vòng đang loé trên bãi cát và những ánh đèn màu xanh của cảnh sát đang loé lên dọc theo những con đường nối những ngôi làng xung quanh Kingston, Houghton và Ringmore. Bãi đáp là một dải đất hoang phía sau bãi cát. O’Donnell gặp người sĩ quan phụ trách, một Phó trưởng đốc quân mập mạp từ Sở cảnh sát Devon và Cornwal có cái tên cũng rất hợp: Blunt (Cùn). Anh ta kể vắn tắt cho người sĩ quan của FBI này nghe khi họ bước xuống một lối đi đầy cát dẫn đến bờ biển.

“Chúng tôi xác định là bãi biến và những khu vực xung quanh không có bom hay bất kỳ vũ khí nào khác”, anh ta nói. “Cách đây khoảng 20 phút, chúng tôi sử dụng thiết bị robot được điều khiển từ xa để rà soát dưới chiếc thuyền bị lật úp”.

“Có gì ở đó?”, O’Donnell hỏi.

“Camera không phát hiện thấy gì, nhưng có thể có cái gì đó được chôn phía dưới. Chúng tôi quyết định chờ ông đến trước khi di chuyển con thuyền”.

Họ leo qua những đụn cát rồi dừng lại cách chiếc thuyền khoảng 20 thước Anh. Một chiếc xuồng dài khoảng 8 thước Anh, nước sơn xám trắng tróc vỏ, có khoảng gần chục cảnh sát trang bị quần áo chống bom và kính che mặt bao quanh. Với một cái gật đầu đầy hàm ý, Blunt ra hiệu cho họ hành động, chiếc thuyền chẳng mấy chốc đã nằm ngửa ra. Một chiếc đĩa DVD bọc trong bao nhựa trong được dán vào chiếc ghế ngồi ở đuôi thuyền. Blunt lấy và đưa ngay cho O”Donnell, anh mang nó trở lại máy bay và đặt vào máy tính xách tay. Khi hình ảnh nhập nhoà rồi sáng lên trên màn hình, O”Donnell chửi thề trong hơi thở rồi nhìn vị quan chức cảnh sát người Anh.

“Tôi cần anh giúp”.

“Việc gì cũng đươc”, Blunt nói với giọng dứt khoát.

“Hãy cho người của anh biết đây chỉ là trò lừa đảo. Hãy xin lỗi họ vì chuyện này rồi cám ơn họ nhân danh người Mỹ và đại sứ Halton vì công việc hoàn hảo của họ tối nay”.

“Tôi e là mình không hiểu, ông O’Donnell”.

O’Donnell liếc nhìn màn hình. “Đĩa DVD này không có hình. Giờ anh hiểu chưa?”.

Blunt gật đầu. Anh ta đã hiểu.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-11-2013 07:24 AM
Chương 18
Căn cứ không quân Andrews

Bảy giờ 12 phút sáng thứ bảy

Chiếc phản lực Gulfstream đáp xuống căn cứ không quân Andrews ở ngoại ô Washington, chạy từ từ đến nhà chứa máy bay có sàn nhẵn như đá cẩm thạch mới lau. Gabriel bước xuống bậc thang của máy bay, cặp Samsonite xách trên tay, bước đến chiếc Suburban mang biển số đăng ký bang Virginia. Hai nhân viên an ninh CIA bên trong không nói tiếng nào khi anh quăng chiếc cặp vào ghế sau rồi leo vào. Gabriel đã quá quen thái độ này của người Mỹ. Họ được huấn luyện để nghĩ rằng các đặc vụ của Văn phòng xem những cuộc gặp gỡ với nhân viên CIA là cơ hội, để thu thập thông tin tình báo. Anh bị thôi thúc phải nói một điều gì đó để họ xoá đi câu chuyện tưởng tượng này trong ấn tượng của mình. Nhưng thay vào đó, anh chỉ hỏi họ đưa mình đi đâu.

“Tổng hành dinh”, người đàn ông trong ghế hành khách nói.

“Tôi không muốn đến Tổng hành dinh”.

“Anh sẽ vào một căn phòng bí mật. Không ai biết anh ở đó”.

“Sao chúng ta không thể gặp ở một ngôi nhà an toàn, cách vẫn thường làm đó?”.

“Người liên hệ với anh không có thời gian rời khỏi toà nhà hôm nay. Tôi tin chắc anh hiểu điều đó”.

Gabriel định phản đối nhưng anh tự ngăn mình lại. Năm nay, đã hai lần ảnh của anh xuất hiện trên các tờ báo khắp thế giới, lần đầu cho những hoạt động của anh ở Vatican, lần kia cho nỗ lực ngăn vụ bắt cóc Elizabeth. Việc anh xuất hiện lần đầu ở Langley có vẻ không có ý nghĩa nhiều. Ngoài ra, nếu cứ làm việc cho Shamron và Thủ tướng, thì chắc chắn đây không phải là lần cuối cùng anh lên báo.

Ít có xe cộ lưu thông trên đường vào giờ này ngày thứ bảy, vì vậy họ chỉ mất 30 phút để lái xe từ Andrews đến khu rừng cây Langley. Sau khi dừng ở cổng gác đồ sộ để kiểm tra giấy tờ, họ cho xe chạy một mạch đến OHB, toà nhà Tổng hành dinh. Vì Gabriel phải vào toà nhà “đen”, họ nhấn ga qua cửa chính rồi rẽ vào một bãi đỗ xe ngầm. Một trong hai nhân viên an ninh giúp Gabriel cầm cặp Samsonite; người kia dẫn đường vào thang máy an ninh. Một chiếc khoá thẻ được tra vào, bấm nút và một lúc sau họ đi nhanh lên tầng bảy. Khi cửa mở, hai nhân viên an ninh nữa đang đợi trong phòng nghỉ, súng hiện rõ dưới áo mang phù hiệu của họ. Gabriel được hộ tống đi dọc theo hành lang trải thảm đến một cửa an ninh, bên trong có một dãy văn phòng rộng, trong đó có những sĩ quan tình báo hùng mạnh nhất thế giới. Người đàn ông đứng trong phòng chờ, mặc quần bằng vải Flanen xám và áo sơ mi vải Oxford nhăn nhúm, trông như thể ông ta lang thang vào nhầm chỗ.

“Chuyến bay thế nào?”, Adrian Carter hỏi.

“Ông có chiếc máy bay rất đẹp”.

Ông ta bắt tay Gabriel nồng nhiệt rồi nhìn vào chiếc cặp.

“Định ở lâu, hay chỉ một hai ngày?”.

“Chừng nào tôi còn được tiếp đón”, Gabriel nói.

“Hy vọng anh còn mang đến nhiều thứ hơn là quần áo và đồ lót sạch”.

“Có chứ”.

Carter mỉm cười mệt mỏi rồi im lặng dẫn Gabriel vào văn phòng của mình.

Gabriel đề nghị uống cà phê đen rồi ngồi lên chiếc ghế dài của Carter. Carter lấy một cái điều khiển từ xa từ bên rìa chiếc bàn sạch sẽ rồi chĩa vào một dãy màn ảnh truyền hình. Hình ảnh của Elizabeth Halton xuất hiện trên một màn hình. Cô ngồi trên sàn một căn phòng không có gì nổi bật, vẫn là bộ quần áo chạy bộ mà cô đã mặc trong công viên Hyde Park buổi sáng ngày bị bắt cóc. Trong tay cô là một tờ báo Times, có đầu đề viết về vụ bắt cóc mình. Bốn người đàn ông đang đứng phía sau, đồ bó sát đen, khăn trùm đầu đen, dải băng đầu màu xanh có hình những thanh kiếm và trăng lưỡi liềm.

Người đàn ông đứng ngay sau Elizabeth có con dao lớn trong tay và một tờ giấy trong tay kia. Anh ta đang đọc một tuyên bố bằng tiến Arập giọng Ai Cập.

“Tôi hiểu anh không cần dịch”, Carter nói.

Gabriel có ý lắng nghe rồi lắc đầu. “Hắn nói hắn từ tổ chức Thanh kiếm Allah đến. Hắn nói bọn chúng muốn các ông thả Sheikh Abdullah abdul-Razzaq và trả ông ta về Ai Cập hạn chót là 6 giờ tối ngày thứ sáu tuần sau. Hắn nói nếu ông không tuân theo yêu cầu của chúng, con gái ngài đại sứ sẽ chết. Không có gia hạn, đàm phán và không cần liên lạc. Nếu có bất kỳ nổ lực giải cứu nào Elizabeth Halton sẽ bị giết ngay lập tức”.

Hình ảnh nhoè đi. Carterdùng điều khiển tắt tivi rồi nhìn Gabriel.

“Anh có vẻ không ngạc nhiên”.

“Tôi đã biết về mạng lưới Thanh kiếm Allah hôm qua. Đó là lí do tôi có mặt ở đây”.

“Làm sao anh tìm ra?”.

“Những nguồn tin và phương pháp, Adrian à. Những nguồn tin và phương pháp”.

“Thôi nào”, Carter nói mềm mỏng. “Mạng sống của một phụ nữ đang gặp nguy hiểm. Giờ không phải là lúc tranh cãi”.

“Việc chúng tôi đang có hoà ước Ai Cập không có nghĩa là chúng tôi không cho gián điệp theo dõi họ. Chúng tôi cần biết thể chế này sẽ tồn tại hay sụp đổ. Chúng tôi cần biết liệu có phải mình sắp đối mặt với một nước cộng hoà Hồi giáo thù địch có vũ khí tiên tiến của Mỹ hay không. Và không phải lúc nào chúng tôi cũng lấy thông tin cần thiết từ những người bạn ở Langley này”.

“Tình báo của anh là SSI, tôi hiểu rồi?”.

Gabriel thở dài. “Tình báo của chúng tôi có nhiệm vụ giữ cho Mubarak và thể chế của ông ấy tồn tại”.

Carter xem đó như là sự xác nhận cho những hoài nghi của mình. “Tại sao chúng tôi chi trên 50 tỷ đô la để dựng lên thể chế đó mà anh lại phát hiện về mạng lưới Thanh kiếm Allah trước chúng tôi?”.

“Vì chúng tôi giỏi hơn các ông, Adrian, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông. Chúng tôi lúc nào cũng giỏi hơn và sẽ luôn giỏi hơn. Ông có sức mạnh quân sự và cả sức mạnh kinh tế, nhưng chúng tôi có nỗi ám ảnh là mình có thể không sống sót. Nỗi sợ là động lực còn mạnh hơn tiền bạc”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-11-2013 07:26 AM
Chương 18
(tiếp theo)

Carter đặt chiếc điều khiển lên bàn, suy tư rồi ngồi xuống chiếc ghế xoay lãnh đạo của mình.

“Ông lấy cuốn video khi nào?”, Gabriel hỏi.

Carter kể cho anh.

“Thế thông tin có đến với báo chí Anh chưa?”.

“Chưa”, Caretrr nói. “Chúng tôi mong muốn là sẽ không có chuyện đó – ít nhất là chưa phải lúc này. Chúng tôi muốn giữ bí mật khi lên kế hoạch đáp trả mà không có báo chí la ó theo mỗi bước đi”.

“Tôi sẽ không nhờ MI5 và Sở cảnh sát Anh bảo vệ cho bí mật được lâu. Người nào đó sẽ tiết lộ thông tin, như cách họ tiết lộ việc tôi dính líu và bị bắt”.

“Đừng quá nghiêm khắc đối với Graham Seymour”, Carter nói. “Chúng tôi cần anh ta và anh cũng vậy. Chúng ta, những anh em trong thế giới bí mật không bao giờ phản bội nhau khi gặp khó khăn trong những thời điểm như thế này. Chúng ta kết hợp với nhau để cùng hàn gắn vết thương. Chúng ta phải làm thế. Chính những kẻ mọi rợ là những cánh cổng ngáng đường”.

“Những kẻ mọi rợ đã phá cổng cách đây lâu rồi, Adrian. Chúng đang sống giữa chúng ta và đang tàn phá con cái chúng ta”, Gabriel nhấm nháp cà phê. “Lập trường của Tổng thống thế nào?”

“Không giống kiểu mà tôi muốn đối với kẻ thù tồi tệ nhất”, Carter đáp. “Như anh biết đấy, ông ta là người rất sùng đạo, ông ta chịu trách nhiệm, với cương vị người cha đỡ đầu cho Elizabeth. Điều đó có nghĩa là, ông ta biết nếu chiều theo yêu cầu của những kẻ bắt cóc, không nhà ngoại giao Mỹ nào trên thế giới sẽ còn được an toàn. Ông ta cũng hiểu nếu Sheikh Abdullah Abdul-Razzaq được phép trở về Ai Cập, chính quyền Mubarak sẽ thấy xuất hiện nhiều bất ổn. Với tất cả những vấn đề đó, Ai Cập vẫn là đất nước quan trọng nhất trong thế giới Arập. Nếu Ai Cập biến thành đất nước Hồi giáo, điều đó sẽ có hiệu ứng chia rẻ tai hoạ khắp khu vực – tai hoạ cho đất nước tôi và anh. Có nghĩa là Elizabeth Halton sẽ chết trong một tuần nữa, nếu ta không thể tìm thấy cô ấy và giải thoát cho ấy trước”.

Carter bước đến bên cửa sổ nhìn ra phía những cành cây trụi lá dọc bờ sông. “Anh đã ở vào hoàn cảnh như thế này rồi mà, Gabriel. Anh sẽ làm gì nếu là Tổng thống?”.

“Tôi sẽ bảo những tên lính to con nhất, lì lợm nhất làm mọi thứ có thể để tìm ra cô ấy”.

“Thế nếu không tìm được thì sao? Ta có thoả hiệp để cứu đứa con gái của ta khỏi mấy tên man rợ đó?”.

Gabriel không trả lời. Carter im lặng nhìn ra cửa sổ một lúc. “Bác sĩ của tôi nói stress trong công việc không tốt cho tim tôi. Ông ta nói tôi cần tập thể dục nhiều hơn. Hãy đi dạo với tôi, Gabriel. Như thế ta sẽ khoẻ khoắn hơn”.

“Bên ngoài lạnh 20 độ đấy”.

“Không khí lạnh tốt cho anh”, Carter nói. “Nó giúp ta suy nghĩ minh mẫn. Nó làm ta thêm quyết tâm cho những công việc phía trước”.

Họ ra khỏi toà nhà OHB bằng cửa hông rồi đi theo con đường mòn trải dài qua hàng cây nhìn xuống sông. Carter mặc áo khoác thật dày và đội mũ len. Gabriel chỉ mặc áo khoác da đã mặt trong buổi sáng hôm trước khi đi Síp và lúc đầu anh gần như tê cóng vì lạnh.

“Được rồi”, Carter nói. “Giờ không ai nghe đâu. Làm sao anh biết chúng định tấn công Luân Đôn?”.

“Không ai nghe sao?”, Gabriel nhìn quanh đám cây. “Chỗ này đầy camera, máy cảm ứng hoạt động và micro giấu bên trong”.

“Đúng”, Carter nói. “Nhưng trả lời câu hỏi đi chứ”.

Gabriel kể cho ông ta nghe về thông tin anh nhận được từ Ibrahim Fawaz, những tấm ảnh anh phát hiện trong cuộc lục soát căn hộ của Samir al-Masri và những đường kẻ trên tập hồ sơ anh đã phát hiện ra là sơ đồ của công viên Hyde Park.

“Hay lắm”, Carter nói với sự ngưỡng mộ trong giọng nói. “Thế anh chàng Gabriel Allon tuyệt vời đang làm gì ở Amsterdam?”.

“Tôi e là ông không được biết phần đó trong câu chuyện đâu”.

Carter chuyển sang chuyện khác. “Ibrahim Fawaz – nghe như kiểu người Hồi giáo mà chúng tôi đang tìm – một người chuyên tiết lộ những kẻ quá khích và khủng bố đang tồn tại bên trong cộng đồng và nơi cầu nguyện”.

“Đó cũng là những gì tôi suy nghĩ. Không may là đã có một mẻ lưới. Bên trong chiếc cặp tôi mang theo là phần tài liệu quan trọng của SSI về tổ chức thanh kiếm Allah. Hãy đoán xem tôi tìm thấy ai trong đống tài liệu đó?”.

“Nguồn tin của anh là Thanh kiếm Allah phải không?”.

Gabriel gật đầu. “Trước khi rời khỏi Ai Cập, Ibrahim Fawaz là Giáo sư kinh tế trường Đại học Minya. Theo hồ sơ, ông ta là một trong những người sáng lập đầu tiên của nhóm này. Ông ta bị bắt sau khi Sadat bị ám sát. Hồ sơ này không nói rõ về lý do và thời gian ông ta bị giam giữ”.

“Thường là thế”, Carter nói. “Sao ông ta rời Ai Cập đến châu Âu? Tại sao ông ta kể cho anh nghe có âm mưu đang được tổ chức từ bên trong nhà thờ Hồi giáo Al Hijrah ở Tây Amsterdam?”.

“Rõ ràng có người nào đó cần phải hỏi những câu này đối với ông ta – sớm còn hơn muộn. Ông ta nói dối tôi và không kể cho tôi nghe hết câu chuyện. Ông ta đang giấu giếm điều gì đó, Adrian”.

Họ đến chỗ giao nhau của hai con đường mòn. Carter chỉ Gabriel đi sang trái và họ cùng đi qua những tán cây trơ trụi. Carter rút ống điếu và một bọc thuốc lá khỏi túi áo khoác, từ từ cho thuốc vào ống điếu. “Họ không cho chúng tôi hút thuốc trong nhà nữa”, ông ta nói, dừng lại mồi thuốc bằng một cái bật lửa màu bạc rất đẹp.

“Ước gì chúng ta có thể vượt qua một quy tắc giống nhau”.

“Anh có tưởng tượng khi Shamron không có thuốc lá Thổ Nhĩ Kỳ không?”, Carter bắt đầu đi tiếp, để lại một làn khói có mùi gỗ thích phía sau lưng như một động cơ hơi nước. “Tôi cho là chúng ta có hai phương án. Phương án một, ta chuyển thông tin về Fawaz của anh cho cảnh sát Hà Lan rồi để họ đưa ông ta ra thẩm vấn, tất nhiên với sự giám sát chặt chẽ của FBI”.

“Còn phương án thứ hai?”.

“Chúng ta gọi ông ta lên nói chuyện kín, ở một nơi không có những quy tắc xét hỏi thông thường”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-11-2013 07:29 AM
Chương 18
(tiếp theo)

“Ông biết tôi chọn phương án nào rồi”.

“Tôi mừng là anh có suy nghĩ như thế”, Carter nói. “Tôi nghĩ anh nên đi Amsterdam và đích thân chỉ đạo chiến dịch này”.

“Tôi hả?”, Gabriel lắc đầu. “Tôi e là vai trò của mình trong vụ này đã chính thức kết thúc rồi. Ngoài ra, CIA không phải là không có kinh nghiệm đối với kiểu chiến dịch này”.

“Chúng tôi có kinh nghiệm chứ”, Carter nói. “Nhưng không may là chúng tôi lại đào tạo được quá ít người – theo quan điểm của tôi, tôi rất xấu hổ khi nói ra điều này. Người châu Âu không còn nhắm mắt làm ngơ trước những hoạt động ngoài luật pháp của chúng tôi trên đất của họ nữa. Và mật vụ của chúng tôi cũng sợ bị truy tố trong nước hay ở nước ngoài nên họ không còn nhận những nhiệm vụ nhạy cảm mà không tham vấn luật sư. Vị Giám đốc dũng cảm của chúng tôi đã ra tay và thấy rằng hiện nay gió không còn thổi theo hướng của chúng tôi nữa. Những ngày lang thang ở châu Âu và Trung Đông và tha hồ vi phạm luật lệ đã qua rồi. Cánh cửa những nhà tù bí mật đã đóng lại và chúng tôi không còn đưa kẻ thù vào bàn tay của những người mơ mộng sử dụng tiểu thuyết cho vòi rồng cao su và gậy chọc gia súc nữa. Chúng tôi là một câu lạc bộ phù hợp cho những quý ông từ Princeton và Yale, nhưng phải như thế thôi”.

“Chúng tôi muốn khuyên những quý ông của ông từ Princeton và Yale chỉ được gới hạn ở khu đại lộ King Saul để họ không gặp rắc rối”.

Carter bước đi im lặng một lúc, mắt nhìn lên vỉa hè. “Chúng tôi đã chuẩn bị cho một việc như thế này xảy ra trong thời gian dài. Anh em chúng tôi ở FBI có trách nhiệm toàn bộ đối với những vụ giải cứu con tin trong hoàn cảnh như thế này. Tất nhiên là chúng tôi đang thu thập thông tin tình báo, liên lạc với cơ quan liên kết ở châu Âu và Trung Đông. Chúng tôi xem anh và đội ngũ của anh là thành phần đen trong nhiệm vụ đa quốc gia lớn hơn. Do đó, các anh sẽ là nhà thầu phụ của cơ quan tình báo Trung ương. Điều này có vẻ không có trong quy định nhưng với quá trình hợp tác vừa qua, tôi cho rằng mình có thể làm được”.

“Tôi cần sự chấp thuận của Thủ tướng”, Gabriel ngập ngừng. “Và tất nhiên là Shamron phải đồng ý”.

“Tôi sẽ thiết lạp đường dây nối với Jerusalem từ văn phòng của mình. Tôi hứa là không ai nghe trộm hết”.

“Tôi sẽ gọi cho ông từ Đại sứ quán nếu không phiền”.

“Tuỳ anh thôi”, Carter dừng lại gõ ống điếu vào thân cây. “Thế nguồn tin của anh có tình cờ cho anh biết ông ta nghĩ ai đứng đằng sau vụ này không?”

Gabriel trả lời câu hỏi. Carter gật đầu rồi thêm thuốc lá vào ống điếu. “Chúng tôi biết hết cả về Sphinx”, Carter nói. “Chúng tôi cho rằng hắn chính là người lên kế hoạch vụ tấn công khách du lịch tại khu Kim Tự Tháp cách đây ba năm làm 17 người Mỹ thiệt mạng. Chúng tôi còn cho rằng hắn có trách nhiệm đối với vụ giết hai nhà ngoại giao của chúng tôi ở Cairo. Cần nói thêm là một trong hai người là nhân viên CIA. Tôi e Sphinx là người rất có uy tín khi giao thiệp với những kẻ bắt cóc và giết người, những thành viên của Thanh kiếm Allah. Nhờ những nỗ lực của anh ở Luân Đôn, anh nên tin là mình đang ở hàng ưu tiên trong danh sách của hắn. Anh cần phải đề phòng khi trở lại chiến trường”.

“Tôi cho là anh đã nói cho người Ai Cập biết về cuốn video và những yêu sách?”

“Chúng tôi thấy không có chọn lựa nào khác”, Carter nói. “Họ cam kết hỗ trợ đầy đủ và cũng nói rõ với chúng tôi rằng thực hiện theo yêu sách của Thanh kiếm Allah là điều không tốt. Ngày hôm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập đang công du bí mật đến Washington để củng cố cho quan điểm đó với Bộ trưởng Ngoại giao và Tổng thống Hoa Kỳ. Ông ta mang theo một đội của Bộ nội vụ và đại diện của tất cả các cơ quan an ninh và tình báo Ai Cập. Chúng tôi đang bổ sung thêm thành phần Ai Cập cho lực lượng đặc nhiệm ở đây và Luân Đôn”.

“Phải bảo đảm không ai nói đến chuyện chiến dịch đen trước mặt họ. Người Hồi giáo đã xâm nhập vào mọi tầng lớp xã hội và chính quyền Ai Cập, trong đó có các cơ quan an ninh. Ông có thể tin chắc Sphinx có người liên hệ bên trong SSI”.

“Chiến dịch của anh không tồn tại và không ai biết ngoài tôi”, Carter nhìn đồng hồ. “Anh mất bao lâu để sắp xếp công việc ở Amsterdam?”.

“Tôi đã có người ở đó để bắt đầu theo dõi mục tiêu ngay lập tức”.

“Một người hả? Hy vọng anh ta giỏi”.

“Giỏi chứ”.

“Còn những người còn lại trong đội của anh?”.

“48 tiếng”.

“Vậy chỉ còn năm ngày trước thời hạn chót”, Carter nói. “Hãy dùng máy bay của tôi quay về Ben Guiron, như thế sẽ tiết kiệm cho anh nhiều giờ quý báu. Chúng tôi cần người của CIA tham gia đội của anh để điều phối hoạt động với nỗ lực lớn hơn. Nếu không, chúng tôi sẽ giẫm lên nhau trên sân đấu mất”.

“Tôi không muốn ai từ CIA đến tham gia đội của mình. Người đó sẽ gây cản trở, Ngoài ra, tôi dự kiến chúng tôi sẽ làm những việc vi phạm luật pháp của Hoa Kỳ. Tôi không thể chờ anh ta cứ năm phút lại dừng lại hỏi ý kiến luật sư ở Washington”.

“Tôi e là mình phải đòi hỏi thế”.

“Thôi được, Adrian, chúng tôi sẽ để ông đi cùng”.

“Không gì làm tôi vui hơn đâu, nhưng rời Tổng hành dinh không phải là lựa chọn của tôi, ít nhất là trong thời điểm này. Tôi đang nghĩ đến một ứng cử viên khác, người đã lăn lộn trên chiến trường và được thử thách rèn luyện qua nhiều khó khăn. Điều hay nhất là chính anh đã đào tạo cô ấy”.

Gabriel dừng lại. “Ông nghiêm túc chứ?”

“Tôi rất nghiêm túc”.

“Thế cô ấy đâu?”.

“Ban Trung Đông ở trung tâm Chống khủng bố”.

“Làm sao cô ấy sẵn sàng đi ngay được?”.

“Tôi gọi điện thoại nhé, rồi cô ấy sẽ là của anh”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-11-2013 03:44 PM
Chương 19
Ngoài Khơi Le Havre, Pháp

Bốn giờ 49 phút chiều thứ bảy

Ánh sáng dọc bờ biển nước Pháp in dấu trong màn đêm trước mũi chiếc phà từ Portsmouth đi Le Havre. Người đàn ông ngồi gần cửa sổ quan sát ở tầng trên liếc nhìn đồng hồ đeo tay. Vẫn còn 30 phút của chuyến đi 5 tiếng đồng hồ. Hắn ra hiệu cho cô phục vụ rồi bằng một cử chỉ của bàn tay, gọi thêm một chai Carlsberg nữa – chai thứ tư trong chuyến đi. Một lúc sau, cô gái mang đến rồi đặt bia trên bàn một cách gợi tình. Cô có mái tóc vàng trắng và một cái khuyên ở môi dưới. Bảng tên của cô có dòng chữ Christine. Người đàn ông nhìn thẳng vào cô theo cách mà những người ngoại đạo nhìn phụ nữ, và hắn ta cho phép đôi mắt mình lướt qua bầu ngực của cô.

“Anh tên gì?”, cô hỏi.

“Thomas”, hắn ta trả lời.

Đó không phải là tên thật. Cái tên này mượn của người khác, giống như việc hắn mượn bằng lái xe và hộ chiếu Anh. Chỉ có giọng Yorkshire của hắn ta là thật. Hắn ta là một chàng trai sinh ra và lớn lên ở Yorkshire.

“Có thể tôi sai, Thomas, nhưng tôi nghĩ anh có người ngưỡng mộ”.

“Ồ thật sao? Ai thế?”.

Cô phục vụ liếc qua phía bên kia của căn phòng. Ngồi một mình ở chiếc bàn gần cửa sổ đối diện là một phụ nữ hơi nhỏ bé độ tuổi khoảng hơn hai mươi tuổi với mái tóc đen ngắn và đôi mắt đen thật dữ dội. Cô mặc quần jeans bó sát và cái áo thun bó sát vừa vặn thêu dòng chữ OUI.

“Cô ấy nhìn anh từ khi phà rời Portsmouth đấy”, cô phục vụ nói. “Cô ấy không thể rời mắt khỏi anh, thật đấy”.

“Không phải kiểu người tôi thích đâu”.

“Thế anh thích kiểu gì”.

Hắn nhớ lại những lời giám sát đã nói trong buổi tổng kết. Cho dù làm gì, đừng bao giờ ngồi một mình trông như là tên khủng bố. Phải bắt chuyện. Mua đồ uống cho một ai đó. Ve vãn một cô gái nếu có thể.

“Tôi thích những cô gái tên Christien phục vụ đồ uống trên những chiếc phà xuyên eo biển”.

“Đừng nói thế mà”.

Cô ta mỉm cười. Hắn cảm thấy bụng của mình đang quặn lên vì cảm xúc mãnh liệt.

“Khi nào anh về Anh?”, cô hỏi.

“Mai, buổi trưa”.

“Thật trùng hợp. Tôi sẽ về cùng tàu đấy. Hy vọng gặp anh lúc đó nhé”.

“Hy vọng thế”.

Cô phục vụ bước đến quầy bar. Người đàn ông có giọng nói Yorkshire nâng bia lên môi rồi trước khi uống, cầu xin Allah tha thứ. Hắn ta đã cạo râu lần đầu từ thời thiếu niên và nhuộm tóc đen của mình thành vàng óng để trông giống dân châu Âu bản xứ hơn. Hắn đã ăn xúc xích thịt heo trong một quán cà phê bên đường ở Anh và nói chuyện với nhiều phụ nữ không dùng mạng che mặt. Tuy nhiên, hắn không tìm cách xin xá tội vì đã tham gia vào vụ bắt cóc một phụ nữ Mỹ. Cha hắn phục vụ chính quyền của dân Thập tự chinh – một chính quyền đàn áp Hồi giáo khắp thế giới, một chính quyền ủng hộ Israel trong khi người Palestine chịu đau khổ, một chính quyền ủng hộ một kẻ du côn bội giáo giống như Hosni Mubarak – kẻ đã trở nên giàu có trong khi người Ai Cập lún sâu hơn vào sự nghèo khó và thất vọng khi mỗi ngày trôi qua. Người phụ nữ Mỹ như một công cụ được sử dụng để giải thoát cho Sheikh Abdullah khỏi nhà tù của quân Thập tự chinh. Đó là một đứa con gái ngoại đạo có thể đưa ra chợ bán, và nếu cần có thể bị giết không chút thương tiếc mà không sợ sự trừng phạt của Allah.

Một giọng nói vang lên trên loa phóng thanh của tàu. Đó là giọng thuyền trưởng thông báo cho hành khách rằng phà sắp đến đất liền. Người đàn ông trong bar đã uống bia xong, hắn đi xuống cầu thang đến boong đỗ xe. Chiếc bán tải LDV Maxus màu bạc đỗ ở hàng giữa, cách đuôi phà ba dãy. Hắn mở cửa sau rồi nhìn vào khoang chứa hàng hoá tối om. Bên trong có mấy chục chiếc thùng gỗ lớn mang nhãn hiệu một loại sứ bằng xương của một nhà sản xuất ở Yorkshire. Lô hàng này có giấy tờ đầy đủ, định đưa ra một cửa hiệu riêng ở thành phố Strasbourg của Pháp – một cửa hàng tình cờ được sở hữu bởi nột người Ai Cập có liên hệ chặt chẽ với tổ chức Thanh kiếm Allah. Nhiều thùng đã bị cảnh sát Anh ở bến phà Portsmouth mở với nổ lực xác định chỗ ở của người phụ nữ Mỹ bị mất tích. Cuộc tìm kiếm không phát hiện được gì ngoài đồ sứ có xuất xứ từ Yorkshire.

Người đàn ông đóng cửa sau, sau đó đi vòng qua cửa tài xế và leo lên phía sau tay lái. Cô gái có mái tóc đen trong quầy bar đã ngồi trong ghế hành khách, chiếc áo thun ôm bó sát người được khoác ngoài bằng chiếc áo khoác bằng da dày cộm.

“Hình như anh thích ve vãn con nhỏ ngoại đạo đó”, “Cô ấy nhất định sẽ nhớ anh”, cô gái nói.

“Thực ra, cô ấy sẽ nhớ cả hai chúng ta”. Hắn ta cười. Đó chính là điều hắn ta muốn.

Năm phút sau, chiếc phà từ từ đỗ lại cảng Le Havre. Người đàn ông mái tóc vàng trắng và giọng nói vùng Yorkshire cho xe leo lên đất Pháp hướng về Rennes.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-11-2013 03:47 PM
Chương 20
Căn Cứ Không quân Andrews

Hai giờ 17 phút chiều thứ bảy.

“Thế sáng kiến kỳ tài này là của ai?”, Sarah Bancroft hỏi. “Của anh hay của Adrian?”.

Gabriel nhìn người phụ nữ ngồi đối diện trong cabin hành khách của chiếc phản lực Gulfstream V của CIA. Cô có mái tóc vàng dài đến vai, da trắng như tuyết, mắt như bầu trời hè không một gợn mây. Cô mặc áo thun vải len ca-sơ-mia, quần jeans bạc màu mảnh khảnh và đôi giày da cân đối, cô hấp dẫn một cách nguy hiểm.

“Thật ra là ý của Adrian”.

“Em không thích lời đề nghị đó”.

“Anh cũng vậy”.

“Thế sao anh đồng ý?”

“Vì đó là một mắt xích từ Hội kín hoặc do chính em. Thực ra anh chọn em”.

“Thật vui khi biết có người cần đến mình”.

“Anh đâu có muốn. Adrian đòi hỏi bọn anh phải đưa một người từ CIA tới và em là sự lựa chọn ít có hại nhất. Xét cho cùng thì anh đã đào tạo em. Em biết nhân viên của anh và biết bên anh hoạt động thế nào. Em biết sự khác biệt giữa sĩ quan bodel và neviot. Em nói ngôn ngữ mà tụi anh sử dụng”, anh cau mày.

“À, gần như thế. Anh cho rằng em không nói tiếng Hebrew chính là lợi thế. Có nghĩa là bọn anh vẫn có thể nói xấu sau lưng em”.

“Em toàn tưởng tượng ra những điều đó”.

Gabriel nói tiếp. “Cứ yên tâm đó toàn là lời khen cả Sarah. Em là người học nhanh nhất chưa từng thấy. Nhưng khi đó bên anh đã biết em sẽ như thế nên chọn em ở vị trí đầu tiên”.

Thật ra chính Adrian Carter là người chọn cô ấy. Anh đã tìm thấy được bức tranh, Carter nói. Tôi sẽ mang đến cho anh cô gái đó. Bức tranh mà Gabriel tìm thấy chính là tác phẩm đã thất lạc của Van Gogh tên là Marguerite Gachet bên bàn trang điểm, nó từng bị biến mất sau cái chết của Vincent, rồi rơi vào bộ sưu tập của một luật sư ở Paris. Carter đã tìm được một kiệt tác đã mất của chính mình, một sử gia nghệ thuật đa ngôn ngữ, một người được giáo dục ở châu Âu, người đang phụ trách bảo tàng Phillíp ở Washington D.C. Gabriel đã lợi dụng cô ấy để xâm nhập vào giới kinh doanh quanh một nhà tài phiệt người Arập tên là Zizi al-Bakari và kể từ đó cuộc sống của cô không còn bình yên như trước nữa.

“Anh biết không, Gabriel, nếu em không lầm thì đó là lời khen đầu tiên anh dành cho em. Trong thời gian chuẩn bị cho chiến dịch al-Bakari, anh không hề nói với em một lời. Anh bỏ em giữa chỗ những người dẫn đường và những thành viên khác trong đội. Sao thế?”. Được đáp lại bằng sự im lặng, cô tự trả lời câu hỏi của mình. “Có lẽ anh phải giữ khoảng cách. Bằng không anh đã không thể đưa em vào trại của Zizi. Ai biết được chứ? Có lẽ anh cũng thích em”.

“Tình cảm của anh dành cho em chỉ thuần tuý là vì nghề nghiệp thôi, Sarah”.

“Em đâu có ý gì khác đâu”. Cô im lặng một lúc. “Anh biết không, sau khi chiến dịch chấm dứt, em nhớ các anh kinh khủng. Các anh là gia đình thực sự đầu tiên em có được”, cô ngập ngừng rồi nói thêm. “Em thậm chí đã nhớ anh, Gabriel”.

“Anh suýt giết chết em đấy”.

“Ồ thế à”, cô nhìn xuống và làm hình một tháp chuông nhà thờ bằng những ngón tay không đeo nhẫn. “Không phải lỗi của anh mà là lỗi của em. Đó là một chiến dịch lớn. Em đã tiết lộ cho anh một chút bí mật. Cơ quan CIA không giỏi bằng Văn phòng của anh. Những chiến dịch của bọn em giống như gạch và vữa. Còn của bọn anh thì giống …”, cô dừng lại để tìm đúng từ, “như nghệ thuật vậy”, cô nói. “Chúng giống như một trong những bức tranh của ông nội anh”.

“Ông nội anh là người theo Chủ nghĩa biểu hiện của Đức”, Gabriel nói. “Một số bức tranh của ông chứa hơi nhiều hỗn loạn và bạo lực”.

“Những chiến dịch của anh cũng thế”.

Sarah dựa người vào ghế, móc một chiếc giày lủng lẳng vào chỗ để tay nơi ghế Gabriel ngồi. Một hình ảnh chợt loé lên trong ký ức của Gabriel. Sarah, mang khăn che mặt màu đen, bị xích vào một chiếc bàn tra tấn trong một ngôi nhà gỗ ở vùng núi Thuỵ Sỹ.

“Anh lại nhìn em kiểu đó nữa rồi”, cô nói.

“Kiểu nào?”.

“Kiểu anh từng nhìn vào bức tranh Van Gogh mà ta bán cho Zizi. Anh từng nhìn em và Marguerite Gachet y hệt vậy. Anh tự hỏi xem bức tranh có thể sửa được không hay là đã hư hại đến mức không sửa chữa được nữa”.

“Thế câu trả lời là gì?”

“Tấm vải của bức tranh không sao, Gabriel. Không cần phải sửa chữa gì. Thực ra, treo nó vẫn là một việc hoàn toàn thích hợp”.

“Không còn ác mộng? Không còn những khoá học với những nhà tâm lý của CIA nữa sao?”

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-11-2013 03:48 PM
Chương 20
(tiếp theo)

“Em không muốn đi xa đến thế”. Cô nhìn xuống lần nữa, rồi một cái bóng hình như lướt qua mắt cô. “Không ai ở Langley biết liệu Elizabeth Halton có trải qua chuyện này tốt hơn em không. Có lẽ là lí do tại sao Adrian chọn em cho công việc này. Ông ta là cựu sĩ quan hiện trường. Ông ta luôn biết cách tìm ra những phương án hữu hiệu nhất”.

“Anh biết mà”.

Cô ngước nhìn anh khi chiếc Gulfstream hạ cánh xuống đường băng. “Thế ta sẽ đi đâu?”.

“Đầu tiên ta sẽ dừng một thời gian ngắn ở Tel Aviv để họp với đội của anh. Sau đó ta sẽ đi Amsterdam để nói chuyện nhẹ nhàng với một người sẽ giúp ta tìm ra Elizabeth Halton”.

“Người đó em biết không?”.

“Có lẽ là không”.

“Kể cho em nghe về người đó đi”, cô nói.

Gabriel chờ đến khi máy bay lên hẳn mới kể cho cô nghe mọi chuyện.

Vào buổi sáng hôm sau, ngay khi bình minh vừa ló dạng, họ đã đến đại lộ King Saul ở Tel Aviv. Gabriel dừng nhanh tại bàn nghiệp vụ lấy hình ảnh theo dõi đầu tiên của Eli Lavon và xem những báo cáo gửi từ Amsterdam đến, sau đó anh dẫn Sarah đi dọc theo một hành lang ngầm dẫn tới một cánh cửa đánh số 456C. Trong nhiều năm qua, căn phòng này không được sử dụng làm gì ngoài việc chứa máy tính và đồ đạc văn phòng cũ, nơi đây thường được nhân viên ca đêm sử dụng làm chỗ hẹn hò lãng mạn. Giờ nó được mọi người khắp đại lộ King Saul gọi là Hang ổ của Gabriel. Có một tấm bảng bằng giấy dán lên cửa với dòng chữ viết bằng nét chữ Hebrew: UỶ BAN NGHIÊN CỨU SỰ ĐE DOẠ KHỦNG BỐ Ở TÂY ÂU. Tấm bảng đã có tác dụng tốt đối với anh qua hai chiến dịch quyết liệt. Gabriel quyết định tạm thời cứ để vậy. Anh mở khoá số rồi mở đèn bước vào trong. Căn phòng vẫn y nguyên như khi anh đi khỏi cách đây một năm. Một bức tường đầy những hình ảnh, một bức tường có sơ đồ đế chế kinh doanh toàn cầu, bức thứ ba có một bộ sưu tập những bức tranh thuộc trường phái ấn tượng. Chiếc bảng phấn của Gabriel đứng chơ vơ trong góc, mặt bảng trống không, chỉ duy nhất có một cái tên: SARAH BANCROFT. Cô chậm rãi theo anh vào trong, giống như là bước vào một căn phòng bị bỏ quên từ thời thơ ấu, cô nhìn những bức ảnh: Zizi al-Bakari chụp với cô con gái, Nadia bên cạnh; Abdul và Abdul, những luật sư học ở Mỹ; Herr Wehri, Giám đốc ngân hàng Thuỵ Sỹ, Bin Talal, Trưởng bộ phận an ninh, Jean-Michel, huấn luyện viên người Pháp và người hành hạ Sarah. Tất cả đều phục vụ Zizi. Cô quay người nhìn sang Gabriel.

“Anh lên kế hoạch cho mọi thứ từ đây à?”.

Anh gật đầu chậm rãi. Cô nhìn quanh căn phòng với ánh mắt đầy hoài nghi.

“Vậy mà em đã nghĩ là mọi thứ ở đây, phải hiện đại lắm…”, giọng cô lạc hẳn, rồi nói tiếp. “Và phải ấn tượng hơn rất nhiều”.

“Đây là văn phòng, Sarah, không phải là Langley. Bọn anh thích làm việc theo cách cũ”.

“Dĩ nhiên rồi”, cô nhìn tấm bảng. “Em chưa thấy tấm bảng viết phấn nào kể từ khi kết thúc bậc tiểu học”.

Gabriel mỉm cười, bắt đầu gỡ những tàn dư của chiến dịch al-Bakải khỏi những bức tường trong phòng khi những thành viên khác trong đội đi chầm chậm qua cửa. Không cần giới thiệu, vì Sarah biết hết và quý mến tất cả. Người đến đầu tiên là Yossi, một trí thức cao ráo, hói đầu, từ ban Nghiên cứu của Văn phòng, người đã học những kiến thức cổ điển ở Oxford và vẫn nói tiếng Hebrew với cách nhấn giọng của người Anh. Người kế tiếp là Dina Sarid, một cuốn từ điển bách khoa toàn thư thực thụ về khủng bố đến từ ban Lịch sử, người có thể nhắc lại thời gian, địa điểm và số thương vong của mỗi sự kiện bạo lực chống lại Israel. Mười phút sau có mặt Yaakov, một sĩ quan hiện trường dày dạn kinh nghiệm trận mạc đến từ phòng các vấn đề Arập của Shabak, theo sau là Rimona, Thiếu tá của IDF, nhà phân tích cho AMAN, cơ quan tình báo quân sự Israel. Oded, một nhân viên hoạt động chiến trường đa năng, con nhà nòi chuyên về các vụ bắt cóc, đến lúc tám giờ mang theo bữa sáng cho mọi người, và Mordecai, một người mảnh khảnh xử lý tất cả mọi thứ về điện tử, đến mười lăm phút sau, trông như thể đêm trước anh ta đã không ngủ chút nào. Người cuối cùng đến là Mikhail, một tay súng mắt xám sinh ra ở Nga, người đã một tay hạ sát một nửa lực lượng khủng bố của Hamas và Thánh chiến Hồi giáo Palestine. Nhờ Mikhail và khả năng sử dụng súng hoàn thiện của anh mà đến giờ Sarah vẫn cón sống. Cô hôn lên má anh ta khi Gabriel bước đến trước phòng ghim những hình ảnh theo dõi của Lavon lên bảng thông báo.

“Mọi người đã biết nhau cả rồi”, anh nói. “Đã đến lúc phải đi thẳng vào công việc. Đây là người sẽ dẫn chúng ta đến chỗ Elizabeth Halton. Hắn là thành viên sáng lập tổ chức Thanh kiếm Allah, hiện đang sống ở Amsterdam. Chúng ta sẽ làm cho hắn biến mất trong không khí. Sau đó sẽ vắt khô hắn. Ta phải làm việc nhanh gọn và không được phạm sai lầm”.

Văn phòng tự hào về khả năng ứng biến qua những thời điểm khủng hoảng, nhưng ngay cả Văn phòng, dù được ca ngợi cũng bị áp lực bởi những yêu cầu của Gabriel. An toàn là mối quan tâm lớn nhất của anh, và ban quản lí bất động sản, bảo trì và mua lại bất động sản cho Văn phòng, là đối thủ cứng đầu nhất của Gabriel. Không như những thành phố như Paris, Luân Đôn và Rome – nơi mà Văn phòng có hàng chục căn hộ an toàn, Amsterdam không có nơi nào được bảo vệ tốt. Điều đó có nghĩa là cần phải mua ngay nhà ở và mua trên thị trường công khai, đó là việc mà ban Quản lý bất động sản không bao giờ muốn. Đến 10 giờ, họ đã có được hợp đồng thuê sáu tháng đối với căn hộ hai phòng ngủ trên con kênh đào Herengracht, đến 11 giờ họ thuê được một chiếc du thuyền làm nhà sang trọng ở khu Prinsenrgacht tên là Heleen. Nhưng Gabriel cần một căn nhà đủ lớn cho cả đội và nó phải đủ xa để sự có mặt của họ không bị phát hiện. Anh đã hình dung ra mảnh đất đó – một ngôi nhà ọp ẹp ở miền quê ở ngoại ô Oldenburg mà họ đã sử dụng trong chiến dịch Cơn thịnh nộ của Chúa – và cuối cùng anh xen vào quyết định của ban Quản lý bất động sản để họ phải nghe theo ý mình.

Khi ban Quản lý bất động sản đầu hàng, những việc còn lại giống như chơi bài domino. Đến trưa, ban Hành trình đã sắp xếp được một loạt những chiếc xe thuê không thể truy tìm tung tích. Và đến 1 giờ, phòng Căn cước đã lo đủ hộ chiếu cho phép mọi thành viên trong đội đi lại bằng hộ chiếu châu Âu. Ban Ngân hàng không đồng ý yêu cầu của Gabriel là cần có một chiếc vali đầy tiền mặt nhưng lúc 1 giờ 30 anh đã sắp xếp được, mười phút sau đội vũ trang rời ngân hàng mang theo một chiếc cặp đựng 50 ngàn đô la và một chiếc cặp khác 50 ngàn tiền euro đang lưu hành.

Đến giữa buổi chiều, những thành viên đầu tiên trong đội đã lặng lẽ ra khỏi đại lộ King Saul hướng ra sân bay Ben Guiron. Oded, Mordecai và Rimona rời lúc 3 giờ30 đáp chuyến bay đi Bỉ. Một tiếng sau Yossi, Yaaskov và Dina rời đi trên chuyến bay của hãng Lufthansa đến Frankfurt. Gabriel và Sarah đi cuối cùng, và sau 8 giờ một chút, họ đã có ghế ngồi trên khoang hạng nhất chuyến bay tối của Hãng hàng không El Al đi Pais. Khi những hành khách còn lại làm thủ tục lên máy bay, Gabriel gọi điện thoại cho Chiara cho biết mình đã về nước và chuẩn bị đi tiếp. Cô không hỏi anh đi đâu. Cô không cần biết.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-11-2013 03:58 PM
Chương 21
Imbaba, Cairo

Tám giờ 23 phút sáng Chủ nhật

Khu ổ chuột ở Cairo được gọi là khu Imbaba là một trong những nơi nghèo khổ nhất thế giới. Nằm ngay bên kia sông Nile nhìn qua khu đảo thời trang Zamalek, Imbaba đông đúc đến nỗi những khu chung cu ọp ẹp thường bị sụp đổ dưới sức nặng của dân cư. Những con hẻm không trải nhựa, không có tên và lúc nào cũng tối tăm. Chạy dọc hai bên là chất thải và những đống rác không được thu gom. Đêm đến, những bầy chó hoang ngự trị nơi đây. Những đứa trẻ ở Imbaba mặc những bộ đồ giẻ rách, uống nước ô uế bẩn thỉu, sống trong nỗi sợ hãi bị chuột ăn thịt sống. Nước khan hiếm thi thoảng mới có điện. Chỉ có Hồi giáo. Hồi giáo cấp tiến. Dòng chữ này được viết trên những bức tường nham nhở bằng sơn xanh xám: HỒI GIÁO LÀ CÂU TRẢ LỜI … CHỈ CÓ THANH KIẾM ALLAH MỚI CỨU ĐƯỢC CHÚNG TA…

Tình hình ở Imbaba sáng hôm đó căng thẳng hơn thường lệ. Cảnh sát chống bạo động đi tuần khắp các con hẻm và nhân viên SSI mặc thường phục đi kiểm tra những khu vực xung quanh từ những quán cà phê đến những quầy falafel. Hussein Mandali, một giáo viên dạy lớp bốn ở trường tiểu học Imbaba đã từng nhìn thấy cảnh này trước đây. Lực lượng an ninh sẽ đến càn quét. Bất kỳ người đàn ông nào có râu và mặc galabya – hay bất kỳ phụ nữ nào mặc niqab – sẽ bị bắt và ném vào nhà tù Bò Cạp, khu vực nổi tiếng tàn bạo thuộc khu nhà tù Torah ở Cairo dành riêng cho người Hồi giáo. Mọi người, không cần biết là nam hay nữ, sẽ trải qua ít nhất vài phút trên bàn tra tấn. Mật vụ của Pharaoh không quan tâm lắm đến luật lệ hay quy định về xác minh bằng chứng. Nhiệm vụ của chúng là gieo rắc nỗi sợ hãi và chúng làm việc đầy hiệu quả bằng tất cả sự nhẫn tâm.

Hussein Mandali không có râu, dù hắn mặc đồ galabya, bộ quần áo duy nhất hắn có thể mua được với đồng lương còm cõi của mình. Hệ thống giáo dục của Ai Cập, gần giống như mọi thứ khác ở đất nước này, cũng đang vỡ vụn. Giáo viên không kiếm được đồng nào còn học sinh thì ít được học hành tử tế. Trong nhiều năm qua, 25.000 trường công của đất nước này nằm dưới sự kiểm soát của người Hồi giáo. Kết quả là chúng còn ít hơn số lượng tổ chức mỗi năm đào tạo ra hàng ngàn thanh niên và phụ nữ tình nguyện phá hoại chính quyền và những kẻ ủng hộ cho nó ở phương Tây. Hussein Mandali biết rõ hiện tượng này. Hàng ngày, hắn đã giảng giải cho học sinh của mình về những thành quả do thánh chiến và tử vì đạo mang lại, kể cho chúng nghe rằng giết người Mỹ và người Do Thái chính là bổn phận thiêng liêng của chúng. Những đứa trẻ ở Imbaba lúc nào cũng là những kẻ sẵn sàng được tuyển mộ. Bằng chứng về sự lãnh đạm của Pharaoh đối với tình trạng khó khăn của chúng đang hiện diện khắp mọi nơi.

Một nhóm sĩ quan cảnh sát đang đứng gác ở cuối đường. Họ nhìn Hussein Mandali đầy nghi ngại khi hắn ta lẻn qua mà không nói lời nào và đi dọc theo đại lộ ồn ào nhìn xuống bờ tây của sông Nile. Hai phút sau, hắn ta rẽ trái lên một cây cầu băng qua khu Zamalek. Hắn nghĩ, chỗ này sao mà khác quá. Zamalek là một hòn đảo riêng biệt được bao quanh bởi một biển nghèo khổ, một nơi đa số dân Ai Cập không có đủ tiền mua một cái bánh bao hay một tách cà phê. Zamalek sẽ chẳng mấy chốc cảm nhận được cơn cuồng nộ của những binh đoàn Hồi giáo bị áp bức, Madali nghĩ. Và cả thế giới cũng vậy.

Hắn đi theo đường 26 tháng 7 băng qua đảo, sau đó lang thang một lúc qua những con phố yên tĩnh phía bắn khu Câu lạc bộ thể thao Gezira để bảo đảm mình không bị ai theo dõi. 30 phút sau khi rời Imbaba, hắn đã đến một khu căn hộ cao tầng sang trọng tên là Ramses Tower. Tên Xu-đăng cao to đứng gác ở lối vào là thành viên của tổ chức Thanh kiếm Allah. Hắn dẫn Hussein Mandali vào sảnh bằng đá cẩm thạch, hướng dẫn hắn ta sử dụng cầu thang bộ phía sau để không có người dân ngụ cư nào nhìn thấy một người đàn ông nghèo khổ đi trong chiếc thang máy sáng bóng của họ. Kết quả là, Mandali gần như kiệt sức khi bước tới cửa căn hộ số 2408 rồi gõ cửa theo cách đã định: hai tiếng gõ, dừng một chút rồi ba tiếng gõ nữa.

Vài giây sau, cửa được mở bởi một người đàn ông mặc bộ đồ galabya xám nhạt. Người đàn ông đưa Mandali đến một lối vào trông trang trọng rồi chỉ vào phòng khách nhìn xuống sông nile. Ngồi bắt chép chân trên sàn, mặc bộ galabya trắng và đội chiếc mũ trắng đan móc là một ông già có bộ râu xám dài. Husei Mandali hôn lên đôi má như da thuộc của ông già rồi ngồi trước mặt ông ta.

“Anh có tin gì trên phố không?”, Sheikh Tayyib Abdul-Razzq hỏi.

“Lực lượng Mubarak đã bao vây Imbaba rồi bắt đầu sục sạo vào khu vực này. Ở những vùng khác của đất nước, quân đội và cảnh sát đang bao vây chúng tôi. Fayoum, Minya, Asyut và Luxzpt đều đã chứng kiến những cuộc tấn công rất dữ dội. Tình hình căng đến mức nếu có người châm ngòi thì bạo lực sẽ bùng nổ ngay”.

Sheikh – lãnh tụ Hồi giáo lấy ngón tay đếm chuỗi hạt cầu nguyện rồi nhìn người đàn ông kia. “Hãy đem máy thu âm đến”, ông ta nói. “Ta sẽ cho anh hiệu lệnh châm ngòi”.

Người đàn ông đặt máy thu âm dưới chân Sheikh rồi mở máy. Một tiếng sau, Hussein Mandali một lần nữa đi qua những con hẻm khu Imbaba, lần này có chiếc băng Cassette giấu trong tất giày. Đến đêm, bài thuyết giáo sẽ được truyền đi khắp mạng lưới nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng và những căn cứ thánh chiến nằm ngầm dưới đất. Cuối cùng nó sẽ nằm trong tay Allah. Hussein Mandali chỉ chắc chắn một điều, những cống rãnh lộ thiên của Imbaba chẳng mấy chốc sẽ đỏ tươi vì máu của quân lính Pharaoh.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-11-2013 03:59 PM
Chương 22
Amsterdam

Chín giờ 30 phút sáng thứ hai

Heleen là một chiếc du thuyền lùn giống như cái hộp, sơn màu nâu sôcôla, có viền màu đỏ. Những hộp đựng hoa nằm dọc theo mép thuyền và một chiếc thuyền nhẹ có động cơ bên ngoài treo lủng lẳng ở đuôi. Nội thất bên trong được nâng cấp mới gần đây; những vật dụng bằng thép không ghỉ lấp lánh trong nhà bếp nhỏ nhưng hiện đại, đồ nội thất kiểu Scandinavi tô điểm cho phòng khách tiện nghi. Ba bức tranh hiện đại với sở thích lạ lùng đã bị gỡ khỏi tường và tại chỗ đó treo một bản đồ tỉ lệ lớn của Amsterdam và cả chục hình ảnh quan sát một người đàn ông Hồi giáo cuối tuổi trung niên. Một máy tính xách tay có phần mềm liên lạc bảo mật nằm trên chiếc bàn bằng thuỷ tinh của phòng ăn và trước màn hình có một người nhỏ thó đang ngồi, người này có vẻ như đang mặc toàn bộ số quần áo mà mình có. Gabriel yêu cầu người đàn ông này tắt thuốc lá. Chuyến đi cả đêm từ Paris đến làm đầu anh đau như búa bổ.

“Nếu Ibrahim Fawaz là một tên khủng bố, hắn ta chắc chắn sẽ không hành động một mình”, Eli Lavon nói. “Hắn không tham gia bất kỳ nhiệm vụ nào mà chúng ta không phát hiện ra. Những hành động của hắn đều có thể dự báo được”.

Gabriel nhìn lên tấm bản đồ Amsterdam trên tường, nơi lộ trình hàng ngày của Ibrahim được thể hiện bằng đường kẻ màu đỏ. Đường kẻ chạy dọc từ căn hộ của hắn ở Trung tâm cộng đồng Hồi giáo Tây Amsterdam, sau đó đến chợ Ten Kate, cuối cùng đến nhà thờ Hồi giáo Al Hijah. Thời gian đến và đi được ghi lại tỉ mỉ và được chứng minh qua những bức ảnh.

“Chỗ nào?”, Gabriel hỏi. “Ta sẽ bắt hắn chỗ nào?”.

Lavon đứng dậy bước đến bản đồ. “Theo ý tôi, chỉ có một địa điểm phù hợp”. Anh lấy ngón tay chỉ vào bản đồ hai lần, “cuối đường Jan Hazenstraat. Hắn đi bộ đến đó trên đường về nhà sau khi cầu nguyện buổi tối ở nhà thờ. Amsterdam rất yên tĩnh nếu chúng ta tắt đèn đường, hắn sẽ không bao giờ nhìn thấy ta”, anh ta xoay người nhìn Gabriel. “Cậu nghĩ khi nào chúng ta sẽ hành động?”.

Câu trả lời đến từ nhà bếp, nơi Sarah đang pha bình cà phê mới. “Tối nay”, cô trả lời. “Chúng ta không có chọn lựa nào khác ngoài việc bắt hắn tối nay rồi bắt đầu thẩm vấn”.

“Tối nay ư?”, Lavon nhìn Gabriel và mỉm cười ngờ vực. “Cách đây một năm tớ dạy cô gái này cách băng qua đường sao cho thật chuyên nghiệp. Giờ thì cô gái này lại nói với tớ rằng phải bắt cóc một người đàn ông ở một thành phố đông đúc của châu Âu sau khi theo dõi hắn chưa đầy 48 tiếng”.

“Không may là cô gái đó nói đúng đấy, Eli. Chúng ta phải hành động tối nay và bắt đầu chiến dịch”.

Lavin ngồi xuống khoanh tay lại. “Cậu có nhớ mình đã theo dõi Zwaiter bao lâu ở Rome trước khi bắt đầu nói đến chuyện giết hắn? Ba tuần. Đó là để ám sát, không phải bắt ccóc. Và cậu cũng biết Shamron luôn nói gì về những chiến dịch bắt cóc đấy”.

“Ông ta nói để người chết trên vỉa hè còn dễ hơn bắt người còn sống và cho vào trong xe chạy đi”, Gabriel mỉm cười. “Shamron luôn có cách nói riêng phải không nào?”.

Sarah mang bình cà phê lên bàn ngồi xuống cạnh Gabriel. Lavon đốt thuốc lá rồi thổi một làn khói thuốc lên trần nhà một cách bực bội.

“Cảnh sát ở thành phố này cảnh giác cao độ do mối liên hệ giữa nhóm khủng bố ở Amsterdam và vụ tấn công ở Luân Đôn”, anh nói. “Ta cần phải theo dõi Ibrahim ít nhất một tuần nữa. Ta phải lên kế hoạch cho lộ trình thoát ban đầu, lộ trình thoát dự phòng. Ta phải đặt khu vực bắt cóc dưới sự theo dõi 24/24 giờ để biết không có gì bất ngờ trong đêm diễn ra chiến dịch. Tôi còn quên gì nữa không?”.

“Phải tập bắn không có đạn thôi”, Gabriel nói. “Ta nên có ít nhất ba lần tập. Và trong hoàn cảnh lý tưởng ta sẽ làm toàn bộ những việc đó. Nhưng trong thực tế, Elizabeth còn sống được chưa tới 5 ngày. Ta phải chuẩn bị thậy kỹ, nhưng nhất định phải bắt hắn tối nay”.

“Và phải cầu nguyện Chúa là ta sẽ không bị đi tù, đó là hậu quả nếu ta phạm sai lầm”, Lavon nhìn đồng hồ chán chường. “Ta hãy đi bộ qua khu tây. Ai biết được? Đây có thể là cơ hội cuối cùng sau một thời gian dài chờ đợi”.

Ngôi chợ ngoài trời ồn ào chạy qua nhiều khối nhà dọc phố Ten Kate phản ánh vấn đề dân số đầy biến động của khu Tây Amsterdam. Có cả chà là, đậu lăng, thùng đựng ôliu và đậu Hà Lan, quầy hàng bán shawarma và falafel, ba cửa hàng thịt kiểu Hồi giáo. Gabriel dừng nhanh ở cửa hàng bán giày ngoài trời, chọn một đóng giày bóng rổ giả kiểu Mỹ, biểu tượng hiện đại nhất của giới trẻ, thậm chí nó cũng đã trở thành biểu tượng của đám du côn của khu Tây Amsterdam. Ở quầy hàng phía đối diện của khu phố, Sarah đang xem xét túi đựng sách bằng vải có vẻ hình Che Guevara, trong khi Lavon đang giả vờ quan tâm đến chiếc áo thể thao trùm đầu có dòng chữ FREE PALESTINE NOW!

Lavon nhìn Gabriel rồi ra hiệu gật đầu một cachs kín đáo mà không ai có thể nhận biết, đó là dấu hiệu cho thấy anh không bị theo dõi. Một lúc sau, cả ba đi bộ cạnh nhau đến cuối chợ. Quầy hàng nơi Ibrahim Fawaz làm buổi chiều có một ông già người Marốc mặc bộ djellaba. Sarah dừng lại xem một ấm trà bằng điện còn Gabriel và Lavon bước đến cuối chợ. Ở bên kia đường, trong một toà nhà cũ kỹ có từ thời hậu chiến là giáo đường Al Hijrah. Hai người đàn ông có râu đang trao đổi bên ngoài vỉa hè, dưới ánh mắt theo dõi của hai cảnh sát Amsterdam mặc đồng phục. Cách đó 20 thước Anh là một xe bán tải màu đen có cửa sổ cũng đen.

“Trong 48 tiếng đồng hồ chưa có gì mới”, Lavon nói.

“An ninh Hà Lan phải không?”.

Lavon gật đầu. “Nếu phải đoán, tớ sẽ nói họ có vị trí đóng quân trong toà nhà bên kia con phố”.

Gabriel quay lại nhìn về phía quầy bán đồ nhà bếp ra hiệu cho Sarah đến chỗ họ. Họ rẽ trái đi bộ dọc đường Jan Hazenstraat. Đó là con phố yên tĩnh có những toà nhà chung cư thấp to bè không cái nào giống cái nào và mặt trước có một cửa hàng nhỏ xíu. Ở cuối phía xa, nhìn xuống con kênh rộng có một công viên nhỏ với vài băng ghế, một bộ trò chơi đánh đu, một cặp ngựa đồ chơi đã rỉ sét trên chiếc lò xo bằng thép. Gabriel đi vòng qua góc phố, rẽ sang trái rồi dừng lại. Có rất nhiều khu chung cư, nhưng không có cửa hàng hay quán cà phê nào mở cửa khi trời tối.

“Buổi cầu nguyện tối nay bắt đầu lúc 6 giờ 37 phút”, Lavon nói. “Có nghĩa là Ibrahim sẽ đi qua điểm này gần 7 giờ. Khi hắn đến góc đường, không ai trong xe bán tải hay trạm đóng quân có thể thấy được hắn. Ta phải bảo đảm bắt được hắn mà không gây ra tiếng ồn. Tôi đề nghị chúng ta để chiếc xe chạy trốn ở góc đường này, nơi mật vụ Hà Lan không nhìn thấy được. Sau đó ta phải làm một điều gì đó làm cho Ibrahim đi chậm lại đủ lâu để có thể bắt hắn cho gọn”.

Gabriel nghĩ về cái đêm anh và Ibrahim đi bộ dọc theo sông Amstẻl cùng với nhau và một hình ảnh loé ra trong kí ức – Ibrahim Fawaz hạ ánh mắt xuống đầy ghê tởm khi có hai người đàn ông tay trong tay bước về phía họ.

“Hắn không thích dân đồng tính”, Gabriel nói.

“Nhiều người Hồi giáo cũng không thích”, Lavon đáp. “Cậu nghĩ ra gì nào?”.

Gabriel nói với anh ta. Lavon mỉm cười.

“Cậu định giao việc này cho ai?”.

“Mikhail và Yaakov”, Gabriel nói không chút do dự.

“Tuyệt vời”, Eli Lavon nói. “Nhưng cậu nhớ dặn họ cho kỹ. Hai người đó làm tớ lo lắm”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-11-2013 04:19 PM
Chương 23
Nhà Trắng

12 giờ 45 phút chiều thứ hai

Không có bất kỳ sự nhầm lẫn nào về kẻ thâm nhập tấn công văn phòng của Nicholas Scanlon. Hai tiếng gõ cửa, sắc như búa chẻ. Thư ký báo chí của Nhà Trắng tự cho phép mình có mười giây khó chịu trước khi ngước nhìn lên trong lúc làm việc. Melissa Stewart, thông tín viên trưởng chuyên đưa tin về Nhà Trắng của đài NBC đang tựa người vào tay nắm cửa, hai tay khoanh lại đầy thách thức, bộ tóc mới nhuộm bị rối lên sau buổi quay phim trực tiếp mới nhất của cô ở khu vực sân phía Bắc.

“Có chuyện gì thế, Melissa?”.

“Ta cần nói chuyện”.

“Không có giấy trong phòng vệ sinh nữa à?”.

Stewart bước vào văn phòng đóng cửa lại.

“Mời cô vào, Melissa”, Scanlon nói một cách mỉa mai. “Mời ngồi”.

“Tôi rất muốn đấy, Nick, nhưng tôi hơi bận”.

“Cô cần gì?”.

“Xác nhận cho một chuyện”.

Scanlon sắp xếp lại giấy tờ trên bàn rồi giả bộ hỏi. “Cô có thông tin gì nào?”.

“Tôi biết ai đang giữ con tin Elizabeth Halton”.

“Cứ nói đi, Melissa. Ai cũng muốn biết điều đó”.

“Chính là tổ chức Thanh kiếm Allah đấy Nick. Cách đây vài ngày, một đĩa DVD về Elizabeth bị bỏ lại ở vùng quê miền Nam nước Anh. Chúng muốn đổi lấy Sheikh Abdullah, nếu ta không cho hắn trở về trên chuyến bay đi Ai Cập đến đêm thứ sáu, chúng sẽ giết cô ấy”.

“Cô lấy nguồn tin ở đâu?”.

“Anh không phủ nhận nguồn tin này à?”.

“Xin hãy trả lời câu hỏi của tôi”.

“Anh thực sự không muốn tôi tiết lộ nguồn tin, có phải không nào?”.

“Ít nhất thì cũng phải cho tôi biết xuất xứ của nguồn tin chứ”.

“Bên hành pháp”, cô nói. “Nhưng tôi chỉ có thể nói đến thế”.

Scanlon xoay ghế một vòng nhìn qua cửa sổ chống đạn hướng về khu vực sân phía Bắc. Thằng chết tiệt nào rò rỉ… Thật kỳ công khi họ cố gắng tìm cách giữ kín vụ này lâu đến thế. Đã sáu tháng kể từ khi Scanlon bỏ công việc đầy lợi lộc với cương vị vận động hành lang và quan hệ công chúng để đến làm việc cho Tổng thống, nhưng trong thời gian đó anh đã nhận thấy một cách rõ ràng khuynh hướng rò rỉ thông tin của Washington. Và thông tin càng xấu thì nó càng lộ nhanh. Anh tự hỏi điều gì có thể khiến cho quan chức hành pháp liên bang nhả mẩu tin này cho phóng viên. Anh xoay ghế nhìn vào đôi mắt to xanh của Melissa Stewart. Nhưng tất nhiên rồi, anh nghĩ.

“Cô vẫn đang ngủ với anh chàng bên Bộ chứ?”.

“Hãy tránh xa cuộc sống riêng của tôi đi Nick”.

“Tôi sẽ cho cô một lời khuyên, hy vọng cô đón nhận. Đây không phải câu chuyện cô muốn là người đầu tiên được biết”.

“Nghe không giống như phủ nhận nhỉ?”.

“Cô có thể tưởng tượng, hiện chúng ta đang ở giữa một số chiến dịch nhạy cảm trên toàn cầu – những chiến dịch này sẽ gặp nguy hiểm nếu thông tin này bị lộ ra trước khi chúng ta sẵn sàng đối phó”.

“Tôi rất tiếc, Nick, nhưng chuyện này quá lớn nên không thể bưng bít được. Nếu có thật, ta phải chấp nhận nó. Người Mỹ xứng đáng được biết ai đang giữ con gái ngài đại sứ Halton”.

“Mặc cho điều đó làm cô ấy bị giết sao?”.

“Trước đây anh đã chìm xuống nhiều hố sâu, nhưng bây giờ mới là chỗ thấp nhất”.

“Vẫn còn có thể thấp hơn mà, Melissa. Tôi sẽ phủ nhận, sự thật này rồi sẽ làm cô bẽ mặt giữa thanh thiên bạch nhật”.

Cô xoay người tìm nắm cửa.

“Đợi đã”, Scanlon nói, giọng anh tự nhiên dịu xuống. “Có lẽ chúng ta có thể đi đến một thoả thuận”.

“Anh đang nghĩ gì trong đầu?”.

“Cô có thể cho tôi được bao lâu?”

“Mười phút”.

“Hai mươi phút đi”, Scanlon nói.

“Mười lăm vậy”.

Scanlon gật đầu đồng ý. Stewart nhìn đồng hồ.

“Nếu điện thoại ở chỗ tôi không reo lên trong 15 phút chết tiệt nữa”, cô nói. “Tôi sẽ tiến ra ngoài và cho cả thế giới biết ai đang giữ Elizabeth Halton”.

Tổng thống ngồi cạnh bàn khi Nicholas Scanlon tiến vào phòng Bầu Dục ba phút sau, theo sau là Trưởng ban tham mưu Nhà Trắng, William Burns, và Cố vấn an ninh quốc gia, Cyrus Mansfiele.

“Sau mặt mày ủ rũ thế, thưa quý vị?”, Tổng thống hỏi.

“Đã có sự rò rỉ, thưa Tổng thống”, Scanlon nói. “NBC biết ai đang giữ Elizabeth Halton”.

Tổng thống nhắm nghiền mắt bực bội. Trong hơn một tuần qua, ông đã thể hiện đúng mực, cố gắng cho công chúng thấy được thái độ bình tĩnh trước số phận con gái bạn mình và đồng thời nói rõ với bọn khủng bố rằng chúng không thể nào làm lung lay được người đàn ông quyền lực nhất hành tinh này. Chỉ những người thân cận nhất với Tổng thống mới biết được ảnh hưởng về thể chất và tinh thần của vụ bắt cóc đối với ông.

“Anh có đề xuất gì, Nick?”

“Phải nắm bò bằng sừng, thưa ngài. Tôi cho rằng đất nước và cả thế giới muốn nghe được tin này từ chính ngài hơn là nghe từ Melissa Stewart”.

“Thế chúng ta có bao nhiêu thời gian trước khi cô ta lên sóng với cái tin đó?”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-11-2013 04:20 PM
Chương 23
(tiếp theo)

Scanlon nhìn đồng hồ. “Chín phút thưa ngài”.

Tổng thống nhìn từ thư ký báo chí cho tới Cố vấn an ninh quốc gia. “Tôi cần biết xem mình có đưa những chiến dich nhạy cảm nào đến chỗ nguy hiểm hay không nếu nói chuyện này trước công chúng. Hãy nối máy cho tôi với Giám đốc CIA. Cả Bộ trưởng Ngoại giao nữa”.

“Vâng, thưa ngài”.

Tổng thống nhìn Scanlon lần nữa. “Giả sử không có ai phản đối, anh muốn tôi thực hiện điều này ở đâu?”.

“Theo ý tôi, phòng hội thảo có vẻ phù hợp”.

“Không ai được đặt bất kỳ một câu hỏi nào?”.

“Tôi sẽ nói rõ với các phóng viên về điều này”.

“Anh định xử lí vụ Malissa Stewart thế nào?”.

“Ta phải hứa với cô ấy điều gì đó”, Scanlon nói. “Điều gì đó thật quan trọng”.

“Ta không thể kêu gọi cô ấy cần có thái độ đúng đắn và biết yêu nước à?”.

“Chúng ta đang nói về Melissa Stewart, thưa Tổng thống. Tôi không chắc cô ấy có động lòng hay không, chưa nói gì đến lòng yêu nước”.

Tổng thống thở dài. “Anh có thể cho cô ấy biết cuộc phỏng vấn đầu tiên tôi thực hiện sau cuộc nói chuyện này sẽ dành cho đài NBC. Điều đó sẽ làm cô ấy vui”.

“Điều đó sẽ gây cho tôi rắc rối trong phòng báo chí đấy thưa ngài”.

”Tôi e đó là những vấn đề của anh, không phải của tôi”.

“Cho phép tôi được soạn văn bản cho ngài”.

Tổng thống lắc đầu. “Tôi tự lo được”.

Melissa Stewart kéo áo khoác chuẩn bị bước ra sân phía Bắc thì điện thoại trong buồng lưu động của cô vang lên.

“Anh có nghĩ là đang gấp gáp lắm không?”

“Tôi rất tiếc Melissa. Có lúc tôi quên mất cô chính là trung tâm vũ trụ”.

“Tôi trễ một cảnh quay quan trọng rồi, Nick”.

“Huỷ đi”

“Thế anh có gì cho tôi nào?”

“Tổng thống sẽ vào phòng hội thảo trong 20 phút nữa để cho thế giới biết rằng tổ chức Thanh kiếm Allah đang giữ Elizabeth Halton làm con tin và chúng đang yêu cầu phóng thích Sheikh Abdullah. Trước khi ông ta xuất hiên, cô có thể tường thuật rằng đài NBC biết được tin Elizabeth đang bị giam giữ bởi những kẻ dân quân người Ai Cập, rằng Tổng thống sẽ nói rõ về tình hình này. Nếu cô theo đó mà tường thuật, đài của cô sẽ có cuộc phỏng vấn riêng đầu tiên với Tổng thống khi xong vụ này. Nếu không, tôi sẽ dành khoảng thời gian còn lại ở Nhà Trắng để làm khổ đời cô đấy. Ta thoả thuận vậy được không?”.

“Tôi tin là được”.

“Gặp cô trong phòng hội thảo mười phút nữa. Đừng cố qua mặt tôi nhé. Tôi sẽ lắng nghe kỹ lắm đó”.

Tổng thống Hoa Kỳ bước đến bục diễn thuyết trong phòng hội thảo đúng 1 giờ 30 phút chiều theo giờ bờ Đông, thông báo cho thế giới biết rằng con gái đỡ đầu của ông đã bị một tổ chức khủng bố Ai Cập gọi là Thanh kiếm Allah bắt làm con tin. Để đổi lấy tự do cho Elizabeth, bọn khủng bố đòi Hoa Kỳ phóng thích Sheikh Abdullah Abdul-Razzaq. Tổng thống nói rõ đó là yêu sách không bao giờ đáp ứng được. Ông kêu gọi bọn khủng bố trả tự do cho Elizabeth ngay lập tức, ông cũng cảnh báo chúng và những kẻ bảo trợ cho chúng rằng chúng sẽ bị đưa ra toà, và ông cám ơn nhân dân Mỹ vì đã cầu nguyện và ủng hộ trong những ngày qua.

Lúc 1 giờ 32, Tổng thống bước ra khỏi bục diễn thuyết, để cho Nicholas Scanlon, thư ký báo chí của ông, một mình đối mặt với cánh báo chí đang sững sờ.

Adrian Carter nhấn nút MUTE trên cái điều khiển từ xa rồi nhìn cửa văn phòng, nơi Shepard Cantwell, Phó giám đốc tình báo, đang đứng chờ.

“Anh nghĩ gì?”, Cantwell hỏi.

Carter ngập ngừng trước khi trả lời. Shepard Cantwell chỉ hỏi những câu của người khác khi anh muốn tìm ý kiến của chính mình. Cantwell không làm được. Anh ta chuyên về phân tích.

“Tôi nghĩ Tổng thống đã hành động đúng đắn trong hoàn cảnh này”, Carter nói. “Ông ấy đã nói rõ với Thanh kiếm Allah rằng chúng ta sẽ không trở thành con tin và sẽ không đàm phán”.

“Anh cho rằng Thanh kiếm Allah thực sự muốn đàm phán à? Tôi không chắc chuyện đó”, Cantwell bước vào văn phòng Carter rồi ngồi xuống. “Những nhà phân tích của chúng ta đã chú tâm vào mỗi lời Sheikh Tayyib Abdul Razzaq đã viết hay nói trước công chúng: những bài thuyết pháp, fatwa, những bài phỏng vấn, bất kỳ thứ gì ta có thể chạm vào. Cách đây vài năm, ông ta đã trả lời phỏng vấn cho tờ báo tiếng Arập của Luân Đôn trong những điều kiện vô cùng bí mật ở nơi nào đó của Ai Cập. Trong cuộc phỏng vấn đó, vị lãnh đạo Hồi giáo này được yêu cầu nói đến khả năng dễ xảy ra nhất, khi đó người hồi giáo có thể lên nắm quyền ở Ai Cập – một cuộc bầu cử, đảo chính hay nổi dậy lan rộng. Vị lãnh đạo Hồi giáo này trả lời rất rõ. Ông ta nói cách duy nhất để người Hồi giáo nắm quyền ở Ai Cập là kích động dân chúng nổi dậy chống những kẻ áp bức. Biểu tình, bạo động, đụng độ trên đường phố với quân đội. Kiểu như vụ nổi dậy từ vùng châu thổ sông Nile đến thượng Ai Cập”.

“Thế quan điểm của anh là gì, Shep?”.

“Sheikh Tayyib Abdul Razzaq là kẻ cuồng tín sát nhân hàng loạt, hắn tỏ ra là người thông minh sắc sảo. Bằng chứng là hắn vẫn còn sống sau nhiều năm. Hắn phải biết được ta sẽ không bao giờ chấp nhận yêu cầu phóng thích người anh của hắn để đổi lấy Elizabeth. Nhưng có lẽ hắn thực sự không cần anh mình. Có lẽ những gì hắn muốn chỉ là cuộc nổi dậy”.

“Và hắn nổi đình đám bằng cách kích động sự đối đầu với ta?”.

“Vào thời điểm này, các cơ quan an ninh Ai Cập đang xới tung đất nước này lên để giúp những người Mỹ ngoại đạo tìm ra con gái ngài đại sứ tỷ phú”, Cantwell nói. “Hãy nghĩ điều đó làm sao tác động đến người Hồi giáo Ai Cập đang sống trong nghèo khó cùng cực, những người bị mất cha anh trong những phòng tra tấn. Những phòng tra tấn đó đang đầy chỗ khi ta nói chuyện, khi chính quyền này đang tìm một phụ nữ Mỹ”.

“Thế tình hình Ai Cập hiện giờ thế nào?”.

“Các báo cáo từ trạm Cairo cho biết tình hình hết sức xấu. Thực ra, còn tệ hơn bất kỳ ai đã thấy. Nếu chuyện này kéo dài thêm nữa, Sheikh Tayyib Abdul Razzaq sẽ nổi dậy. Và lịch sử sẽ nhớ đến Tổng thống của chúng ta như là người đã làm mất đồng minh Ai Cập”.

Cantwell đứng dậy định bước đi, rồi bất ngờ dừng lại. “Còn chuyện này”, ông nói. “Tổng thống vừa gửi đến người bạn chúng ta, Sphinx, thông điệp rất rõ ràng. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Sphinx gửi thông điệp trả lời. Nếu là anh, tôi sẽ gọi điện thoại cho bên an ninh nội địa nâng thông báo tình trạng khẩn cấp quốc gia ngay lập tức”.

“Nâng cỡ nào?”.

“Màu đỏ”, Cantwell nói khi bước ra khỏi phòng. “Màu của máu”.

Caretrr nhìn đồng hồ. Lúc đó là 1 giờ 37 chiều. Buổi cầu nguyện tối của người Hồi giáo vừa mới bắt đầu ở Amsterdam. Ông nhìn điện thoại, chờ tiếng chuông

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-11-2013 04:22 PM
Chương 24
Khu Oud West, Amsterdam

Bảy giờ 9 phút tối thứ hai

Một làn gió lạnh làm Ibrahim Fawaz đứng im khi mở cửa giáo đường Al Hijrah. Giờ là mùa đông thứ hai mươi lăm của hắn ở Hà Lan mà hắn vẫn chưa quen với giá lạnh. Thượng đế và số phận đã mang hắn đến đây, đến khu vườn bằng khối than xỉ và xi măng ở miền bắc châu Âu, nhưng trong tim hắn vẫ là một ibn balad từ Thượng Ai Cập đến – một người con của đất và sông. Hắn đứng ở tiền sảnh một lúc, bẻ cổ áo khoác lên, xiết chặt khăn quàng cổ rồi bước ngập ngừng vào con phố dưới ánh mắt theo dõi của hai nhân viên cảnh sát Amsterdam có đôi má hồng hào. Hắn pha trò với họ bằng tiếng Hà Lan lưu loát, sau đó quay người bước dọc phố Jan Hazenstraat.

Hai sĩ quan cảnh sát là những người túc trực thường xuyên bên ngoài giáo đường. Al Hijrah đã bị những điều tra viên Hà Lan lục soát hai lần do vụ tấn công ở Luân Đôn. Hồ sơ và máy tính bị thu giữ, thầy tế và vài cộng sự bị thẩm vấn về sự liên hệ với Samir al-Masri và những thành viên khác trong nhóm. Tối nay, thầy tế kết tội những kẻ ngoại đạo đã dùng vụ tấn công ở Luân Đôn và vụ sát hại Solomon Rosner làm minh chhứng cho sự trừng trị không nương tay đối với Hồi giáo ở Hà Lan. Ibrahim Fawaz trước đó đã sống qua cái thời đàn áp Hồi giáo, vụ đó được thực hiện tàn bạo và dã man đến mức mà người châu Âu ngay cả trong ác mộng cũng không tưởng tượng ra được. Vị thầy tế này đã mượn cuộc điều tra của cảnh sát là cái cớ để làm rùm beng lên. Nhưng rồi đó lại là việc hắn làm tốt nhất. Đó là lí do thầy tế được cử đến Amsterdam.

Một chiếc xe vượt qua, Ibrahim thấy bóng mình kéo dài trên vỉa hè trước mặt rồi biến mắt khi chiếc xe chạy qua. Hình như ba chiếc đèn gần cuối phố không sáng. Trong công viên nhỏ trên bờ kênh, có một người đàn ông ngồi một mình trên băng ghế. Anh ta có gương mặt tái, đôi mắt đen như ma, ốm như cỏ sậy sông Nile. Ibrahim nghĩ, tên này nghiện heroin đây. Tất cả họ đều không phải người ở Amsterdam. Họ đến từ châu Âu và Mỹ, lợi dụng luật cho phép sử dụng ma tuý của Hà Lan và những lợi ích trợ cấp xã hội rộng rãi, rồi khi đã dính vào, nhiều người không còn sức và ý chí để sống tiếp.

Ibrahim đưa mắt nhìn xuống vỉa hè quanh góc phố. Cảnh tượng kế tiếp còn xúc phạm người Hồi giáo hơn cả tên nghiện heroin đang ngồi một mình trong công viên giá lạnh. Đó cũng là cảnh đã nhìn thấy quá thường xuyên ở Amsterdam: hai người đàn ông mặc đồ da quấn lấy nhau trong bóng tối cạnh chiếc bán tải Volkswagen. Ibrahim bất ngờ dừng lại, giận dữ vì hành động xấu xa mà mình đang chứng kiến. Hắn chắc mình có nên đi qua nhanh, ngoảnh mặt đi chỗ khác hay chạy trốn theo hướng ngược lại.

Hắn quyết định sử dụng cách thứ hai, nhưng bỗng cửa sau của chiếc bán tải mở toang, một người như chú lùn ranh mãnh nhảy ra nắm cổ họng hắn. Sau đó hai người đàn ông kia thình lình không còn quan tâm đến nhau nữa mà lại quay sang hắn. Có người nào bóp miệng hắn. Một người khác bóp cổ làm cho cả cơ thể hắn quỵ xuống. Hắn nghe tiếng cửa đóng lại rồi chiếc bán tải vút đi. Một giọng nói bằng tiếng Arập ra lệnh cho hắn đứng im và câm họng. Sau đó, không ai nói nữa. Ibrahim không biết ai đang bắt mình. Hắn chỉ biết chắc một điều, là nếu không làm y hệt những gì kẻ bắt cóc muốn, thì hắn sẽ không bao giờ nhìn thấy Amsterdam hay vợ của mình nữa.

Ibrahim nhắm mắt cầu nguyện. Một hình ảnh hiện lên tự sâu trong ký ức, một hình ảnh đứa bé đầy máu bị treo lên trần nhà của phòng tra tấn. Đừng, hắn cầu nguyện. Allah, xin đừng để điều đó xảy ra lần nữa.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-11-2013 07:33 PM
Phần 3: Sự Hy Sinh Của Isaac

Chương 25
Miền Bắc Nước Đức

10 giờ 18 phút tối ngày thứ hai

Người quản lí nhóm những người chuyên làm công việc quản gia rất thích căn nhà như căn 22XB. Ở một nơi lạc hậu như thế này thì căn nhà giống như lâu đài cổ vậy. Nó đứng cách con đường riêng của nông trại khoảng chừng 100 thước Anh, phía cuối con đường đầy những vết xe lún và những thân cây trơ trọi. Mái nhà nghiêng dốc xuống, phủ đầy tuyết xốp vào buổi tối. Mành sáo thì bị mất vài miếng lát và gục xuống như một kẻ say rượu. Đằng trước kiến trúc bằng gỗ này có 4 cái lỗ, chứng tỏ trước đây có một ban công đã bị tháo đi.

Buổi họp không ở trong nhà mà lại diễn ra trên lối đi vào dành riêng cho người giúp việc ở phía cửa trước, gần rìa sân ngôi nhà cũ kỹ này. Họ đến trên 4 chiếc xe, mọt chiếc hiệu Vilkswagen, 2 chiếc mui kín hiêu Renault và nổi bật hơn cả là chiếc xe bóng nhoáng hiệu Audi 18; và nếu như có ai đó hỏi thăm mục đích của việc hội họp này, có lẽ họ sẽ trả lời rằng đây là một cuộc hẹn gặp gỡ giữa những người bạn cũ. Liếc nhanh qua ngôi nhà, ta có thể thấy được khá nhiều thứ. Thức ăn và rượu chứa đầy trong bếp, củi được chất đầy đủ cho lò sưởi trong phòng khách. Nhìn kĩ ngôi nhà, có vẻ như phòng ăn đã được chuẩn bị chu đáo cho một cuộc phỏng vấn và căn nhà này chứa đựng một vài dụng cụ giao tiếp độc đáo, không có bán trên thị trường. Dừng lại ở phòng ngủ bằng đá vôi, có các lỗ nằm phía bên trên tầng hầm, và giờ đây những cái lỗ đó đang được che lấp bởi một người đàn ông Ai Cập ở độ tuổi trung niên. Người đàn ông bị trói với còng, băng bịt mắt, và trần trụi với cái quần lót. Gabriel nhìn người đàn ông này với vẻ dò xét trong một lúc rồi đi lên bậc thang đến phòng ăn, nơi mà Yaakov đang đứng bên cạnh Sarah.

Gabriel hỏi. “Anh đã ở đó trong bao lâu?”.

“Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ”, Yaakov trả lời.

“Có vấn đề gì không?”

Yaakov gật đầu. “Chúng tôi rời khỏi Amsterdam một cách nhanh chóng và hắn xử sự rất tốt trong suốt chuyến đi”.

“Anh có phải sử dụng thuốc cho hắn không?”.

“Không”.

“Còn vũ lực thì sao?”.

“Tôi đã tát yêu hắn vài cái, nhưng hắn sẽ không bận tâm đâu”.

“Có ai nói chuyện trước mặt hắn không?”.

“Chỉ một vài từ bằng tiếng Arập. Thế nhưng Ibrahim đã có nói một ít. Hắn đoán chắn mình đang trong tay của người Mỹ”.

Tốt, Gabriel suy nghĩ. Nó chính xác là những gì mà Ibrahim nghĩ. Anh để Sarah vào trong phòng khách, nơi mà Dina và Rimona đang đọc hồ sơ của tổ chức Thanh kiếm Allah trước tiếng nổ tanh tách của củi cháy trong lò sưởi. Sau đó Gabriel mở 2 cánh cửa hướng vào phòng ăn. Phòng trống trải, chỉ có cái bàn hình chữ nhật và 2 chiếc ghế dựa cao. Mordecai đứng trên ghế, gắn máy ghi âm vào bộ đèn chùm.

“Đây chỉ là cái dự phòng thôi”, anh nhảy khỏi ghế và chùi đôi bàn tay bẩn vào chiếc quần tây của mình.

“Đã có một chiếc micro nhỏ ở dưới này”, anh vỗ tay lên bàn. “Đưa Ibrahim ngồi vào chiếc ghế này. Bằng cách này micro sẽ không bỏ sót bất cứ thứ điều gì anh ta nói”.

“Còn việc kết nối với bên an ninh?”.

“Nó ở ngay trên đó và đang hoạt động”, Mordecai nói. “Tôi sẽ cho những tín hiệu truyền đến đại lộ King Saul và họ sẽ truyền nó đến Langley. Dựa trên những gì chúng ta thu thập được từ người Mỹ, anh sẽ là người có vé hạng nhất để vào thị trấn đêm nay”.

Mordecai đi ra khỏi phòng và đóng cửa lại. Sarah nhìn quanh những bức tường trống, bình luận. “Chắc chắn ngôi nhà này có giá trị lịch sử lắm”.

“Trước chiến tranh, căn nhà này thuộc sở hữu của một gia đình Do Thái, tên chủ nhà là Rosenthal”, Gabriel nói.

“Và khi chiến tranh bùng nổ?”.

“Nó bị sĩ quan SSI tịch thu, và gia đình Rosenthal bị trục xuất tới Áo. Người con gái trong gia đình quyết định ở lại và giành lại tài sản của gia đình, nhưng đi được nửa đường thì cô ta bỏ cuộc và tới sống ở Israel. Người Đức không thật sự tỏ ra tốt bụng đối với người sống sót sau nạn huỷ diệt của phát –xít”.

“Vậy còn căn nhà?”.

“Cô ta không bán nó. Khi Shamron biết được rằng cô ấy vẫn còn sở hữu nó, ông thuyết phục cô ấy cho chúng ta sử dụng ngôi nhà này. Shamron luôn luôn cất giữ các thứ cần thiết cho một ngày tận thế. Các ngôi nhà, hộ chiếu và con người. Ngôi nhà này rất an toàn cho chúng ta sử dụng và là địa điểm hoạt động trong suốt chiến dịch “Cơn thịnh nộ của Chúa”. Eli và tôi trải qua rất nhiều đêm dài ở đây, thỉnh thoảng với những điều tốt, nhưng thỉnh thoảng cũng không”.

Sarah cúi mình xuống chiếc ghế đã được xếp sẵn cho Ibrahim Fawaz và khoanh tay lại. “Chuyện gì sẽ tiếp tục xảy ra ở đây đêm nay?”, cô hỏi.

“Phụ thuộc hoàn toàn vào Ibrahim. Nếu hắn hợp tác và nói với tôi sự thật, thì sau đó mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng. Còn nếu hắn không làm thế thì…”, Gabriel nhún vai. “Yaakov là một trong những người của Shabak có kĩ năng thẩm tra, hỏi cung giỏi. Anh ta biết cách nói chuyện với những kẻ không sợ cái chết. Những điều xảy ra cũng có thể là thứ không được thoải mái lắm”.

“Không thoải mái như thế nào?”.

“Cô đang hỏi liệu chúng ta có nên tra tấn hắn hay không à?”.

“Chính xác đó là điều tôi muốn nói”.

“Mục đích của chúng ta đêm nay là tạo thêm một đồng minh nữa, Sarah à, hoặc là sẽ tạo ra một người không phải là đồng minh với các tổ chức tín ngưỡng”.

“Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Ibrahim không muốn trở thành đồng minh của chúng ta?”.

“Nếu hắn không muốn trở thành đồng minh của chúng ta thì sau đấy có lẽ hắn sẽ nhanh chóng thấy mình ở một nơi mà người ta sẽ không bao giờ ngại ngần sử dụng các phương pháp bạo lực mạnh nhất để thu thập các thông tin. Nhưng bây giờ thì hãy để chúng ta hy vọng một chút rằng điều đó sẽ không xảy ra – tất cả vì mục đích của chúng ta”.

“Anh không tán thành việc tra tấn?”.

“Tôi ước rằng tôi có thể nói việc ấy không có hiệu quả, nhưng nó không phải trường hợp này. Họ làm một cách bài bản, được huấn luyện một cách chuyên nghiệp, họ chịu áp lực về thể chất và tinh thần khi phải tiến hành bắt giữ những kẻ hkủng bố, mà những kẻ khủng bố này thường có những hành động ranh ma để có thể cứu lấy cuộc sống của chúng. Phải tốn bao nhiêu cho xã hội và các bộ phận an ninh được thuê mướn làm nhiệm vụ đó? Không may, đó lại là một cái giá rất cao. Nó đặt chúng ta vào vị trí giống như những người Ai Cập – người Gioócđan, Arập, vị trí của mỗi viên cảnh sát chìm hung bạo Arập buộc phải tra tấn đối phương. Những lý do đó gây nguy hại cho chúng ta bởi vì nó biến lòng tin thành cuồng tín”.

“Anh xử phạt bằng hình thức tra tấn nhưng không băn khoăn về việc nó có thể là hành động giết người?”.

“Không băn khoăn?”, anh chậm rãi gật đầu. “Giết người là gây ra sự mất mát nhưng tôi e rằng đó là việc duy nhất mà chúng ta có thể làm. Chúng ta phải giết những con quái vật trước khi nó giết chúng ta. Không giản đơn như việc những chiếc giày ủng nện trên mặt đất; cũng giống như cô, người Mỹ thường nói, khi chúng ta xâm lấn đất đai của họ sẽ khiến cho họ có tinh thần ngày càng cao hơn để chiến đấu và để chiến thắng. Những kẻ sát nhân phải đứng trong bóng tối, nơi mà không ai có thể nhìn thấy. Chúng ta phải truy lùng chúng một cách sát sao. Chúng ta phải đe doạ chúng”.

Anh nhìn sang cô một lần nữa. “Sarah, chào mừng cô đến với cuộc chiến đấu của chúng tôi. Cô là một công dân thực sự của chúng tôi kể từ tối nay”.

“Cám ơn anh, tôi đã trở thành một công dân của nơi này trong vài tháng nay rồi đấy chứ”.

Có tiếng gõ cửa. Đó chính là Yaakov.

“Tôi nghĩ hắn đã sẵn sàng để được hỏi cung”.

“Anh chắc không?”.

Yaakov gật đầu.

“Cho hắn thêm 10 phút nữa”, Gabriel nói. “Sau đó thì dẫn đến cho tôi”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-11-2013 07:35 PM
Chương 25
(tiếp theo)

Họ dẫn người đàn ông lên cầu thang, vào chỗ ngồi đã được đinh trước với mắt bị bịt và đôi tay bị trói phía sau lưng. Hắn không yêu cầu được bảo vệ, không đòi hỏi gì cả và cũng không có dấu hiệu sợ hãi. Thực tế, Gabriel thấy hắn như là một anh hùng bị đoạ đày giờ đang chờ đao phủ ra tay hành quyết. Ở trong hầm bấy giờ rất tối, với chiếc đèn pin cầm theo, Gabriel có thể nhìn thấy da của hắn bị sưng tấy lên. Chờ vài phút trôi qua, Gabriel tiến đến chiếc bàn và tháo băng bịt mắt. Người đàn ông Ai Cập nheo mắt trước ánh sáng đột ngột và từ từ mở hai mắt nhìn trừng trừng vào Gabriel.

“Tôi đang ở đâu?”.

“Ông đang ở nơi khó khăn nhất của vấn đề”.

“Tại sao các anh lại bắt tôi?”.

“Không có ai bắt cóc ông cả. Đơn giản là ông được chăm sóc một cách hơi riêng tư và kỹ lưỡng thôi mà, ông đang được bảo vệ đấy”.

“Bởi ai? Vì lí do gì?”.

“Bởi người Mỹ. Và ắt hẳn chúng ta đều biết lí do tại sao”.

“Nếu tôi trong tay người Mỹ thì tại sao anh ở đây?”.

“Bởi vì…hiển nhiên, vì tôi là người kể cho họ nghe những thứ về ông”.

“Cho tôi sự bảo vệ, đó chỉ là cái cách nói của anh thôi”.

“Nhưng những thứ bảo vệ này sẽ bị huỷ bỏ ngay lập tức nếu ông lừa dối tôi”

“Tôi chẳng làm gì cả”.

“Thật à?”.

“Tôi đã kể cho anh tất cả những gì tôi biết về âm mưu đó. Nếu anh và những người bạn Anh của anh hành động nhanh hơn thì có lẽ đã ngăn được điều ấy rồi”. Người đàn ông Ai Cập im lặng suy tư trong giây lát. Gabriel nói. “Tôi rất thích khi đọc quá khứ đầy sóng gió của ông trên báo, Ibrahim à. Tôi không biết nên nghĩ gì khi tôi đối diện với một người quan trọng như ông tối nay tại Amsterdam”.

Gabriel đặt xấp tài liệu lên bàn và đẩy đến gần Ibrahim. Ibrahim nhìn xuống một hồi rồi hướng mắt nhìn chằm chằm một lần nữa vào Gabriel.

“Anh lấy cái này ở đâu?”.

“Ông nghĩ là ở đâu?”.

Ibrahim cười hợm hĩnh. “Người Mỹ, người Do Thái và những viên cảnh sát chìm Ai Cập. Bộ ba đáng ghê tởm. Thế mà anh còn phải tự hỏi tại sao anh bị người Arập ghét bỏ”.

“Thời gian của chúng ta không có nhiều đâu, Ibrahim ạ. Ông có thể sẽ tốn thời gian để loanh quanh với mớ lí thuyết đó hoặc là ông sẽ sử dụng thời gian một cách hợp lý bằng cách kể cho chúng tôi nghe tất cả những gì ông biết về việc bắt cóc người phụ nữ Mỹ”.

“Tôi không biết một chút gì cả”.

“Ibrahim, ông đang nói dối”.

“Tôi đang nói với anh sự thật”.

“Ông là thành viên tổ chức Thanh kiếm Allah”.

“Không, trước đây tôi là thành viên của tổ chức Thanh kiếm Allah, nhưng tôi đã rời khỏi hội này khi tôi rời Ai Cập”.

“À, tôi nhớ rồi, ông đến châu Âu vì một cuộc sống tốt hơn – đó không phải là những gì ông nói với tôi sao? Nhưng điều đó không là sự thật, đúng không? Ông được phái đi châu Âu bởi một người bạn của ông là Sheikh Tayyib để thành lập một tổ chức nằm trong lòng thành phố Amsterdam, nó là hội Cộng đồng Hồi giáo Tây Amsterdam, hai hội này đều là bình phong cho hội Thanh kiếm Allah, đúng không Ibrahim?”

“Nếu tôi là thành viên tích cực của Thanh kiếm Allah, thì sao tôi lại phải làm việc với điệp viên của anh, là ông Solomon Rosner? Tại sao tôi kể với anh về âm mưu bắn chiếc máy bay phản lực? Và tại sao tôi phải cảnh báo anh về Samir Al-Masri và những người bạn của hắn đến từ nhà thờ Hồi giáo Al-Hijrah?”

“Toàn là những câu hỏi hợp lí. Và ông chỉ có 30 phút để trả lời một cách thoả đáng những câu hỏi đó. Ông có 30 phút để kể cho tôi nghe toàn bộ những gì ông biết về việc tổ chức bắt cóc Elizabeth Halton. Nếu không thì ông sẽ được yêu cầu rời khỏi đây và người Mỹ sẽ tiếp nhận ông. Hiện giờ họ đang rất giận dữ, Ibrahim. Và ông biết khi người Mỹ nổi giận là thế nào rồi đấy. Họ sẽ sử dụng những biện pháp khác hoàn toàn với bản chất của họ đấy”.

“Người Israel đã đi quá đà rồi”.

Gabriel nhìn đồng hồ. “Ông làm mất thời gian rồi đấy. Nhưng có lẽ là kế hoạch của ông. Ông nghĩ có thể giữ được điều ấy đến lúc chết à. Bốn ngày là thời gian quá dài để giữ bí mật rồi, Ibrahim. Ông sẽ không giữ mãi được đâu. Hãy bắt đầu đi. Khai báo đi”.

“Tôi chẳng có gì để khai báo”.

Nhưng giọng nói của Ibrahim dường như yếu ớt hơn. Gabriel lợi dụng ngay khoảnh khắc này. “Kể cho tôi nghe tất cả những gì ông biết đi, Ibrahim, nếu không ông sẽ bị người Mỹ xử lí đấy. Và nếu như người Mỹ không có những thông tin mà họ muốn thì họ sẽ đưa ông lên máy bay đến Ai cập rồi họ để cho SSI tiến hành thẩm vấn ông”. Anh nhìn vào vết phỏng trên cánh tay của người đàn ông Ai Cập. “Ông hiểu rõ phương thức của người Mỹ mà đúng không, Ibrahim?”.

“Tra tấn với những điếu thuốc là những gì tốt nhất mà họ dành cho tôi. Những điều anh nói chẳng làm tôi sợ. Tôi không tin ở đây có sự hiện diện của người Mỹ và tôi cũng không tin sẽ có ai đó buộc tôi phải về Ai Cập để chất vấn. Tôi là cư dân Hà Lan. Tôi có quyền”.

Gabriel nghiêng lưng ghế dựa và đập mạnh 2 lần vào hai cánh cửa bằng cái nắm tay. Một lát sau, Sarah đứng bên cạnh ông ta với cái nhìn ngượng ngập, Ibrahim thì nghoảnh mặt đi xấu hổ và tỏ ra lúng túng trong ghế ngồi.

“Chào ông Fawaz. Tên tôi là Catherine Blanchard, tôi làm việc cho CIA. Cách đây một dặm, có một chiếc máy bay với nhiên liệu đã được đổ đầy đang sẵn sàng đưa ông tới Cairo. Nếu ông còn có thêm câu hỏi nào nữa thì sau khi rời khỏi cánh cửa này tôi sẽ giải đáp cho ông”.

Sarah rời khỏi phòng và quay lưng đóng cửa lại. Ibrahim nhìn trừng trừng vào Gabriel một cách giận dữ.

“Tại sao anh dám để cho người phụ nữ đó nhìn tôi trong bộ dạng này?”.

“Để lần tới ông khỏi phải nghi ngờ lời nói của tôi”.

Người đàn ông Ai Cập nhìn vào mớ tài liệu. “Họ nói gì về tôi?”.

“Họ nói rằng ông là một trong những thành viên đầu tiên của tổ chức Thanh kiếm Allah tại Minya. Họ nói ông có mối quan hệ liên kết mật thiết với Sheikh Tayyib Abdul – Razzaq và người anh em của hắn ta là Sheikh Abdullah. Họ nói ông là người tổ chức nhóm khủng bố tại trường đại học Minya và là người tuyển mộ những sinh viên trẻ làm thành viên của nhóm khủng bố Hồi giáo. Họ nói rằng ông muốn thực hiện việc cai trị theo tín ngưỡng”.

“Đã có những thông tin sai lầm”, Ibrahim nói. “Nhưng có một thông tin vô cùng quan trọng. Thực tế thì hội Thanh kiếm Allah ở trường đại học không hề hoạt động khủng bố. Hội Thanh kiếm Allah quay trở lại hoạt động khủng bố không trước mà sau cuộc mưu sát Sadat”.

Fawaz lại nhìn vào mớ hồ sơ. “Họ còn nói ông bị bắt giữ ngay trong tối đó bởi kẻ sát nhân giết Sadat”.

“Và?”

“Đó là điều cuối cùng”.

“Thật là khó mà ngạc nhiên. Những điều xảy ra sau khi tôi bị bắt đi là những điều mà họ chẳng muốn viết ra giấy”, Ibrahim nhìn vào các hồ sơ giấy tờ. “Anh có muốn biết chuyện gì đã xảy với tôi vào tối hôm đó không? Anh có muốn tôi điền cho đầy đủ vào những giấy tờ mà anh còn thiếu kia không? Những giấy tờ mà anh đưa ra trước mặt tôi như là một minh chứng cho tội lỗi?”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-11-2013 07:36 PM
Chương 25
(tiếp theo)

“Ông có 30 phút để nói cho tôi nghe sự thật, Ibrahim. Ông có thể sử dụng thời gian theo ý ông muốn”.

“Tôi mong muốn kể cho anh nghe một câu chuyện về một người bạn của tôi – một câu chuyện của kẻ mất tất cả mọi thứ vì niềm tin”.

“Tôi đang nghe đây”.

“Có thể cho tôi ít cà phê không?”.

“Không”.

“Vậy anh có thể tháo còng tay cho tôi được không?”.

“Không”

“Tay tôi đau quá”.

“Ông phải cố mà chịu thôi”.

“Ông ta là giáo sư nên rất được mọi người nể trọng”. Ibrahim bắt đầu miêu tả, không phải với câu chuyện về một người đàn ông,mà lại bắt đầu bằng sự đấu tranh – sự đấu tranh để làm tăng cường niềm tin trong thế giới trần tục – thuyết Nasser, Baath, Cộng sản, liên minh Arập, xã hội Arập – cái duy nhất được nhắc đến, vào tháng 6 năm 1967, tất cả các học thuyết chỉ là mặt nạ cho sự hèn kém và suy tàn của Arập.

“Anh là người trong số những người có thể thoát khỏi cơn bão đấy”, Ibrahim nói. “Người Palestine có học thuyết Ngày tận diệt vào năm 1948. Đối với chúng tôi, năm 1967, chỉ có 6 ngày trong tháng 6 để có thể biến Arập thành trung tâm của mọi thứ. Nasser và những người theo chủ nghĩa duy vật đã bảo với chúng tôi rằng họ là những kẻ cực kỳ mạnh mẽ”.

“Ông đã ở trong quân ngũ vào năm 1967?”.

Hắn ta gật đầu. “Tôi đã hoàn tất nghĩa vụ quân sự. Tôi học Đại học Cairo năm 1967. Trong vòng một tuần sau khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi tổ chức một nhóm bất họp pháp tên là Người Hồi giáo. Tôi là một trong những người lãnh đạo phong trào cho đến năm 1969 khi hoàn tất học vị tiến sĩ kinh tế. Trước khi tốt nghiệp, tôi đã có 2 sự lựa chọn: đi làm việc cho cơ quan Pharaoh như là một viên chức hoặc là dạy học ở trường Pharaoh. Tôi chọn hướng thứ hai và chấp nhận một vị trí tại trường Đại học Minya, miền trung Ai Cập. Sáu tháng sau thì Nasser chết”.

“Và mọi thứ bị thay đổi”, Gabriel nói.

“Hầu như chỉ qua một đêm là mọi thứ thay đổi”. Ibrahim nói với vẻ đồng tình. “Sadat khuyến dụ chúng tôi. Hắn cho chúng tôi sự tự do và tiền bạc để tiến hành thành lập tổ chức. Chúng tôi để râu. Chúng tôi thành lập hội những người thanh niên và các quỹ từ thiện giúp người nghèo. Chúng tôi đã có những cuộc tập dượt gần giống như trong quân đội tại một trại trên sa mạc, được trả chi phí bởi chính phủ và tài sản của Sadat. Chúng tôi đã sống cuộc sống của chính mình, dựa vào luật pháp của Đấng tối cao và chúng tôi muốn luật pháp này sẽ trở thành luật Ai Cập. Sadat hứa với chúng tôi rằng hắn ta sẽ tạo nên một học viện sharia. Nhưng hắn ta không giữ lời hứa, sau đấy hắn ta lại gây ra những hành động tồi tệ hơn bằng cách kí một hiệp ước hoà bình với quỷ sứ, và đó là lí do mà hắn và vợ hắn phải trả giá”.

“Ông tán đồng cuộc mưu sát Sadat?”.

“Tôi đã quỳ gối và cảm tạ Đấng tối cao vì đã trừng phạt hắn ta”.

“Và sau đó một cuộc vây bắt được tiến hành”.

“Hầu như liền ngay sau đó”, Ibrahim nói. “Sự lo lắng sợ hãi về cái chết của Sadat chỉ là phát súng khởi đầu cho một cuộc cách mạng Hồi giáo sẽ lan toả khắp đất nước. Họ đã sai, dĩ nhiên, nó không ngăn họ thực hiện các hành vi khủng bố đối với những người tin rằng nó là một âm mưu hoặc tin rằng có những âm mưu có thể sắp xuất hiện”.

“Tại trường đại học, họ xuất hiện vì ông à?”.

Ông ta gật đầu. “Tôi rời khỏi trường khi xế chiều và về căn hộ chung cư. Khi tôi về đến nơi, chẳng có ai ở đấy cả. Tôi hỏi thăm hàng xóm xem họ có thấy vợ và con tôi đâu không. Hàng xóm bảo rằng vợ và các con tôi đã bị bắt đi. Tôi đến đồn cảnh sát, nhưng vợ và con tôi không ở đó, cảnh sát bảo họ không ghi nhận được bất kỳ một trường hợp bắt cóc nào cả. Sau đó tôi đi tới cơ quan đầu não của SSI tại Minya”. Giọng của ông ta kéo dài, ánh mắt nhìn vào đống tài liệu.

“Anh bạn của tôi, anh có biết cây cầu bắc qua Jahannam không?”.

“Đó là cây cầu mà tất cả người Hồi giáo phải đi qua để lên thiên đàng”, Gabriel nói. “Nó là sản phẩm của trí tưởng tượng. Những người Hồi giáo tin rằng khi còn sống, nếu làm điều tốt đẹp thì khi chết, bước qua cầu là sẽ lên tới thiên đàng. Nhưng nếu làm điều xấu xa độc ác thì sẽ phải xuống địa ngục với những hình phạt vô cùng đau đớn”.

Ibrahim lại nhìn vào đống tài liệu, rõ ràng ông ta thật sự bị ấn tượng bởi sự hiểu biết của Gabriel về Hồi giáo. “Tôi là kẻ không có may mắn được thấy chiếc cầu bắc qua Jahannam. Tôi buộc phải đi qua nó và bước xuống địa ngục vào một đêm tháng 10 năm 1981”.

Gabriel tháo còng cho Ibrahim và ra hiệu cho ông ta tiếp tục kể.

Ibrahim kể rằng mình bị giam vào một xà lim và bị đánh đập tàn nhẫn trong suốt 12 tiếng đồng hồ. Kết thúc xong việc tra tấn này, ông ta bị dẫn vào phòng tra vấn và người tra vấn là tay khá lão luyện của SSI, tay này biết mọi thứ về kế hoạch của tổ chức khủng bố Hồi giáo ở Minya. Ông ta trả lời các câu hỏi một cách thành thật rằng mình không thật sự biết về các kế hoạch tấn công – và ngay lập tức ông ta bị đưa về xà lim giam giữ, và lại bị đánh đập trong vòng vài ngày nữa. Sau đó ông ta lại được đưa tới trước một viên thẩm tra và lại phủ nhận các kế hoạch tấn công khủng bố được dự trù sẵn. Lần này, viên thẩm tra của SSI đưa ông ta vào một xà lim khác. Trong xà lim này, có đứa bé gái khoảng tuổi niên thiếu đang trong tư thế trần truồng và bất tỉnh, cơ thể bị treo lên với hai tay trên trần nhà. Cô bé bị đánh đập, cơ thể toàn vết trầy xướt, vết cắt bởi sự tra tấn bằng dây và dao cạo, mặt cô bé bị biến dạng bởi các vết sưng và đầy máu me. Phải một lúc, Ibrahim mới nhận ra cô bé chính là đứa con Jihan bé bỏng của mình.

“Con bé được làm cho tỉnh lại bằng xô nước lạnh”, ông ta nói. “Con bé nhìn tôi một hồi, nhưng nó cũng không nhận ra được tôi. Viên thẩm vấn lấy roi da quất mạnh vào con bé trong mấy phút, sau đó có mấy kẻ khác đưa con bé xuống và bắt đầu hãm hiếp nó trước mặt tôi. Con gái tôi nhìn tôi trong lúc nó bị bọn thú này hành hạ. Con bé cứ kêu van. “Ba ơi, cứu con với”.”Hãy ngưng lại và tao sẽ nói cho bọn mày những gì bọn mày muốn biết”. Nhưng tôi có cái gì đâu để mà nói, làm sao mà bọn chúng ngừng tay đây”.

Ông ta bắt đầu run lên giận dữ. “Bây giờ tôi có thể mặc quần áo không?”.

“Cứ nói tiếp đi, Ibrahim”.

Hắn ta im lặng hồi lâu. Trong thời gian ấy, Gabriel lo rằng hắn sẽ không kể nữa, nhưng sau đó, hắn ta run run và bắt đầu nói tiếp.

“Họ đưa tôi đến một xà lim bên cạnh để tôi phải nghe tiếng kêu van đau đớn của con gái tôi trong suốt đêm dài ấy. Lần thứ ba, tôi bị mang tới trước viên thẩm tra. Tôi nói với ông ta mọi thứ mà tôi nghĩ hầu như có thể khiến đứa con gái của tôi bớt đi khổ sở. Tôi đưa cho hắn một vài thông tin quan trọng nhưng đó là tất cả những gì tôi biết. Tôi đưa cho hắn ta tên các thành viên của hội Thanh kiếm Allah. Tôi đưa cho hắn ta các địa chỉ mà tôi đã gặp gỡ các thành viên trong hội và tên của các sinh viên ở trường đại học có liên quan đến các hành động cực đoan. Tôi nói cho hắn tất cả những gì hắn muốn nghe, dẫu rằng tôi biết tôi đang làm tổn hại đến các bạn vô can, các đồng nghiệp của tôi, họ rồi chắc sẽ phải chịu đựng như tôi đã phải chịu đựng. Hắn ta có vẻ thoả mãn với những gì mà tôi khai. Tuy nhiên, tôi vẫn bị tra tấn một lần nữa vào đêm ấy. Khi tra tấn xong, tôi bị dẫn vào xà lim và bị để mặc cho chết. Lần đầu tiên, tôi không ở một mình, còn một tù nhân khác nữa ở đấy”.

Gabriel hỏi. “Ông có nhận ra anh ta không?”.

“Biết chứ”.

“Anh chàng đó là ai?”.

“Đó chính là Sheikh Abdullah. Sheikh nói với tôi bằng giọng như nhà tiên tri Mohammed “Tin vào Đấng tối cao. Đừng tiêu tan hy vọng”. Hắn ta xoa lên các vết thương cho tôi và cầu nguyện cho tôi trong hai ngày kế tiếp. Tôi vẫn còn sống được là nhờ hắn”.

“Còn đứa con gái của ông?”.

Ibrahim nhìn đồng hồ đeo tay của Gabriel. “Tôi đã tốn mất bao nhiêu thời gian rồi trước khi tôi được nộp cho người Mỹ?”

Gabriel tháo đồng hồ và chùi nó trên túi áo.

“Tôi có thể mặc lại quần áo không?”

Gabriel dựa lưng nghiêng chiếc ghế rồi gõ mạnh hai lần vào cửa.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 17-11-2013 07:38 PM
Chương 26
Norfolk, Anh Quốc

10 giờ 24 phút tối thứ hai

Vầng trăng sáng treo trên những cánh đồng của miền bắc nước Đức tạo thành những mảng trời sáng trên vùng duyên hải Norfolk tối hôm đó. Marcia Cromwell, một phụ nữ chưa chồng, ba mươi sáu tuổi, đang đi trên con đường cát nhỏ dẫn xuống bãi biển Walcott với Ginger, con chó Spaniel của xứ Wales bám theo gót chân cô. Những thắc mắc về mặt đạo đức đối với việc tra tấn và thậm chí là sự sống còn của một phụ nữ Mỹ mất tích lúc này không làm cô quan tâm nữa. Cô đã được người yêu mới quen của mình báo rằng, sau nhiều lần cân nhắc kỹ, cuối cùng anh quyết định không bỏ vợ con mình. Marcia Cromwell, một cư dân sống ở Norfolk đã lâu, quyết định xoa dịu nỗi đau của mình cũng bằng cách mà cô luôn áp dụng đối với bao lần hụt hẫng khác, là đi bộ dọc theo bờ biển bắc trong đêm khuya.

Đến cuối con đường, bãi biển chợt hiện ra trước mắt cô, phẳng lặng và dài vô tận trong màn đêm với những con sóng cuộn tròn theo gió vỡ ra trong ánh lân tinh dọc theo bờ cát đen ngòm. Con Ginger chợt có phản ứng kỳ quặc. Nó tự nhiên chồm lên đòi cởi dây, nên làm cho xích căng ra. Hành động kỳ lạ của nó làm khuấy động những con mòng biển và mấy con chim nhỏ ở bờ cát. Lúc này nó lại ngồi xuống ngang chân cô, nhìn chằm chằm vào lùm cây thông trên đụn cát. Marcia Cromwell cởi dây xích ra và suỵt nó tiến xuống bờ nước. Nhưng nó lại lao thẳng vào lùm cây.

Marcia Cromwell ngần ngừ một lúc rồi đi theo nó. Chú chó trinh sát này phát hiện ra một cái trại của những người du lịch lang thang tại đó. Dưới gốc cây, những lon bia và những chai nước rỗng nằm rải rác. Cô gọi con Ginger vài tiếng rồi lấy đèn pin trong túi áo khoác ra đi tìm nó. Sau đó cô thấy nó đang dùng chân cào cái gì đó ở gốc cây. Marcia Cromwell bước đến kiểm tra, và thét to lên.

Việc phát hiện một xác chết trên bãi biển Walcott lập tức khiến đội điều tra tội phạm Sở công an Norfolk lên đường. Được thành lập vào tháng 11 năm 2004 để thực hiện các cuộc điều tra tội phạm như cố sát, ngộ sát, hãm hiếp, mỗi đội có một nhân viên điều tra cao cấp (SIO), một đội phó, một chuyên viên về tang vật chịu trách nhiệm xử lí các chứng cứ tội phạm hiện trường, và một nhân viên thẩm vấn nhân chứng và đối tượng tình nghi. Trong vòng 30 phút sau khi nhận được điện thoại của Marcia Cromwell, cả bốn nhân viên đều có mặt. Chỉ có hai người, nhân viên điều tra cao cấp và nhân viên điều tra tang vật đến lùm cây tại chân các đụn cát. Cả hai đều mang thiết bị bọc giày bảo vệ màu vàng để giữ nguyên chứng cứ pháp lí và dùng đèn pin để khám tử thi.

“Xác chết ở đây lâu chưa?”, viên điều tra cao cấp hỏi.

“Tôi cho rằng trong vòng bốn mươi tám cho đến bảy mươi hai tiếng đồng hồ”.

“Nguyên nhân chết là gì?”.

“Một vết thương bằng súng ngắn bắn vào sau đầu, kiểu hành quyết, nhìn vẻ bên ngoài như vậy. Nhưng lại có một chi tiết thú vị”.

Phân tích hiện trường, họ thấy có một nhãn hiệu đèn pin Maglite nhỏ ở phía dưới đùi phải của thi thể, nhưng còn có một tình tiết khác đáng chú ý hơn.

“Miếng xương?”

“Đúng là miếng xương. Nhân viên điều tra sẽ có được kết luận cuối cùng, nhưng nhìn vào vết thương, tôi cá rằng đó là do một viên đạn”.

“Đường kính bao nhiêu?”.

“Khoảng 9mm, nhưng đó không phải là điểm cần chú ý. Cách đây vài ngày trước khi bị bắn vào đầu, ai đó chữa trị cho hắn chắc sẽ biết hắn đã làm gì?”.

“Cô ấy?”

“Elizabeth Halton là một bác sĩ phẫu thuật của phòng cấp cứu ở Denver, Colorado. Có thể tôi sai, nhưng tôi chắc rằng thi thể này là một trong những tên khủng bố từ công viên Hyde Park. Có phải COBRA và Văn phòng quốc nội đã đánh động chúng ta phải chú ý đến các vết thương do đạn bắn không thể giải thích được?”.

“Vâng”, nhân viên điều tra cao cấp trả lời.

“Vết thương và các dấu hiệu các mô xung quanh nhiễm trùng dữ dội. Tôi cho là gã này bị bắn bởi gã Israel đó trong lúc bắt cóc. Đồng đội của hắn đã cố giữ cho hắn sống nhưng hình như cuối cùng bọn chúng bỏ hắn lại và cho hắn hết đau bằng một viên đạn gọn ghẽ sau đầu. Chắc là đau lắm. Tôi cho rằng rốt cuộc cũng sẽ có công lí trên đời này chứ”.

Nhân viên điều tra cao cấp cúi người sát xuống tử thi và khám dưới đùi nạn nhân. Sau đó, ông bắt đầu lục soát xác nạn nhân để tìm chứng cứ. Các túi áo khoác ngoài cũng như các túi quần trước đều không có gì. Nhưng ông ta tìm thấy trong túi quần sau, bên phải, một miếng giấy nhỏ, gấp lại làm tư và bị làm bẹp gí qua mấy ngày rồi. Nhân viên SIO từ từ mở mảnh giấy ra, dùng đèn pin soi mảnh giấy và đọc.

“Cho tôi một danh sách hàng tiếp tế, ai đó cần điều trị vết thương do đạn bắn trong khu vực này – các thứ đó có thể mua được ngoài các quầy hàng thực phẩm nào đó. Sau đó dựng một hàng rào rộng xung quanh khu vực này. Nếu giả thiết của các ngài về gã này là đúng thì bãi biển này sẽ bị hàng trăm người từ bộ phận Chống khủng bố, MI5, FBI và CIA chiếm ngay”.

“Rồi”.

Nhân viên điều tra cao cấp quay lại và đi nhanh ra khỏi lùm cây. Hai phút sau, ông đã ở sau tay lái và nói chuyện với nhân viên trực của trung tâm liên lạc và điều hành qua bộ đàm. “Có khả năng tử thi này liên quan đến người phụ nữ Mỹ mất tích. Cho nói chuyện với cảnh sát trưởng ngay và đưa cho ông ấy xem bức hình đó”.

“Còn gì nữa không, thưa sếp?”.

“Tôi tìm thấy một biên nhận trong túi của hắn ta về việc chở hàng từ Portsmouth đến Le Havre. Nếu tên này thật sự là một trong những tên khủng bố, có nghĩa là cô gái người Mỹ hiện giờ đang ở Pháp”.

Một loạt các sự kiện diễn ra nhanh chóng và bằng chứng cho thấy rõ ràng có sự liên quan. Trung tâm Liên lạc và điều hành ngay lập tức gọi Cảnh sát trưởng Norfolk vào vị trí công tác. Ông đang ăn tối với gia đình và bạn bè ở Norwich. Trung tâm báo với ông về phát hiện này. Cảnh sát trưởng bước ra khỏi bàn và nhanh chóng báo cáo cho cấp trên tại Văn phòng Quốc nội. Văn phòng Quốc nội có nhiệm vụ chuyển thông báo đến cho Uỷ ban COBRA và cảnh sát quốc gia Pháp. Mười lăm phút sau khi nhân viên SIO gửi bản tin đi từ bãi biển, các tin tức về sự phát hiện này sẽ đến đội công tác Mỹ ở quãng trường Grosvenor. Điện tín bảo đảm sẽ được ưu tiên gửi đi từ toà đại sứ đến tất cả các cơ quan có liên quan đến việc tìm kiếm Elizabeth Halton, trong đó có cả CIA.

Vào lúc 16 giờ 18 phút chiều, giờ phương Đông, một bản copy đã đến tay Adrian Carter, lúc này đang ngồi trực trên ghế ở trung tâm Điều phối Toàn cầu của CIA, giám sát cuộc thẩm vấn có tính bí mật bất hợp pháp đang diễn ra tại căn nhà vô chủ trong trang trại nằm trong các cánh đồng của miền bắc nước Đức. Ông đọc nhanh thông tin. Lần đầu tiên sau hơn một tuần ông cảm thấy thoáng lên một tia hy vọng. Sau đó ông đặt điện thoại sang một bên và nhìn chằm chằm vào màn hình. Tín hiệu của máy im lặng khoảng năm phút rồi. Gabriel dường như đã đi ăn tối.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 19-11-2013 09:50 AM
Chương 27
Miền Bắc Nước Đức

12 giờ 36 phút sáng thứ ba

Họ mang tất cả quần áo và thực phẩm đến: gạo, đậu, trứng, pho-mát feta, bánh mì tròn và trà ngọt. Ông ta bốc một miếng nhỏ, sau đó đẩy cái đĩa ra phía trước cho Gabriel. Lúc đầu Gabriel từ chối, nhưng Ibrahim nài nỉ, và họ ngồi tại đó một lát, người tù và người thẩm vấn cùng ăn một bữa cơm đơn giản trong im lặng.

“Chúng tôi, những người Hồi giáo có tập tục được gọi là Eis”, Ibrahim nói. “Nếu tín đồ nào đó bị giết, thì người đó được cho ăn một bữa cuối cùng”. Hắn nhìn từ chân mình lên Gabriel. “Có phải đó là những điều anh đang làm phải không? Anh bạn, cho con chiên cúng tế của mình một bữa cuối cùng rồi chết phải không?”.

“Họ giam giữ ông bao lâu?”, Gabriel hỏi.

“Sáu tháng”, Ibrahim nói. “Và việc thả chẳng giống như việc bắt giam tôi. Họ đưa tôi đi vòng các đường phố của Minya với áo quần rách tả tơi và ra lệnh thả tôi về nhà. Khi tôi vào nhà, vợ tôi thét lên. Cô ấy tưởng tôi là ăn mày nên không nhận ra”.

“Tôi nghĩ là khi ông về đến nhà con gái của ông đã không còn ở đó nữa”.

Ibrahim xé một miếng bánh mì và quết nó quanh bát cơm. “Nó chết trong đêm đó, trong các phòng tra tấn của Minya. Nó bị mấy cảnh sát mật vụ hãm hiếp cho đến chết. Chúng chôn nó trong khu mộ của tội phạm, rìa sa mạc, và không cho tôi đi thăm. Theo chúng, đó là một kiểu tra tấn hiệu quả”.

Hắn hớp một ngụm trà, suy tư. “ Vợ tôi đổ lỗi cho tôi về cái chết của Jihan. Tất nhiên là cô ấy đúng. Giá mà tôi không tham gia vào tổ chức Thanh kiếm Allah thì Jihan không bao giờ bị bắt. Rất nhiều ngày sau vợ tôi tránh gặp tôi. Một tuần sau, tôi được trường đại học thông báo là không cần tôi dạy nữa. Tôi là một người đau khổ. Tôi mất tất cả. Công việc, con gái và cả số phận của mình”.

“Tôi không còn lựa chọn nào cả. Để tồn tại nghĩa là phải sống trong bóng tối. Tôi muốn cắt dây trói của mình với Thanh kiếm Allah. Tôi chẳng thích chính trị của người Hồi giáo tí nào. Tôi muốn có cuộc đời mới, tại một nơi mà người ta không giết hại những bé gái trong các phòng tra tấn”.

“Còn Amsterdam?”.

“Gia đình vợ tôi sống ở khu Tây. Họ bảo vợ chồng tôi rằng cộng đồng hồi giáo ở Hà Lan đang phát triển và đa số người Hà Lan đang chờ đón và tha thứ cho chúng tôi. Tôi xin visa tại toà đại sứ Hà Lan và được cấp ngay lập tức”.

“Tôi nghĩ là ông không thông báo với chính phủ Hà Lan về mối quan hệ của ông với Thanh kiếm Allah”.

“Chắc là tôi đã quên”.

“Và phần cuối câu chuyện ông đã kể cho tôi vào cái đêm ở Amsterdam”.

“Hoàn toàn đúng như vậy. Tôi làm đường. Sau đó tôi quét dọn. Tôi trang trí nội thất”, hắn ta đưa cánh tay bị thương lên và nói. “Thậm chí sau khi tôi bị mất mấy ngón tay”.

“Và ông không còn tiếp xúc với các thành viên Thanh kiếm Allah khác?”.

“Hầu hết trong số họ trốn từ Ai Cập sang Mỹ hay định cư ở Luân Đôn. Thỉnh thoảng có người đi khắp Amsterdam”.

“Lúc nào?”

“Tất nhiên, họ cố lôi kéo tôi về lại cuộc chiến. Tôi bảo họ là tôi chẳng ham thích gì về chính trị Hồi giáo cả. Tôi bảo họ là tôi muốn sống đời sống riêng của một người Hồi giáo và muốn bỏ lại các vấn đề cai trị và đất nước cho những người khác”.

“Và Thanh kiếm Allah đã làm theo mong ước của ông?”.

“Tuy nhiên, con trai tôi lại không chấp thuận mong ước của tôi”.

“Ông có nghĩ là, vì con trai ông mà chúng ta ở đây tối nay?”

Ibrahim gật đầu.

“Thằng con, một nửa là Ai Cập và một nửa là Palestine – một sự pha trộn dở hơi”.

“Rất dở hơi”.

“Tên nó là gì?”

“Ishaq”, gã đàn ông Ai Cập nói. “Tên nó là Ishaq”.

“Sự việc bắt đầu bằng những câu hỏi vô hại, loại câu hỏi bất kỳ thanh nhiên nào nghi ngờ cũng có thể hỏi cha mình. Tại sao chúng ta bỏ quê hương ở Ai Cập sang châu Âu? Tại sao cha đang là Giáo sư trường đại học lại đi quét đường? Tại sao chúng ta sống trên một vùng đất xa lạ mà không sống ở quê hương Hồi giáo? Đã nhiều năm, tôi chỉ kể cho qua chuyện với nó, nhưng khi nó lên mười lăm tuổi, tôi mới nói sự thật”.

“Ông có kể với nó rằng ông là một thành viên của Thanh kiếm Allah không?”.

“Có”.

“Ông kể với nó về việc ông bị bắt, bị tra tấn và cái chết của Jihan?”.

Ibrahim gật đầu. “Tôi hy vọng rằng qua việc kể cho Ishaq sự thât, tôi sẽ dập tắt những cục than hồng thánh chiến đang cháy âm ỉ trong lòng nó. Nhưng câu chuyên của tôi lại có tác dụng ngược. Ishad lại càng bị lôi cuốn vào chính trị Hồi giáo nhiều hơn; nó càng trở thành thằng bé hung dữ; nó bắt đầu căm ghét chế độ Ai Cập và người Mỹ, những người đã trợ giúp chế độ đó”.

“Và nó muốn trả thù”.

“Có một điều mà anh và những người Mỹ dường như không bao giờ hiểu hết”, Ibrahim nói. “Khi chúng tôi bị đối xử không đúng, chúng tôi phải tìm cách trả thù. Điều đó nằm trong văn hoá, trong dòng máu của chúng tôi. Mỗi khi các anh giết hay tra tấn ai đó trong chúng tôi nghĩa là các anh đã tạo ra một dòng họ thù hằn, buộc phải trả thù”.

Hơn ai hết, Gabriel biết Ibrahim nói đúng. Anh xúc một ít cơm, đậu và bánh mì rồi ra hiệu cho Ibrahim kể tiếp.

“Ishaq bắt đầu rút khỏi xã hội người Hà Lan, không giữ mối quan hệ bạn bè với bọn con trai Hà Lan nữa mà chuyển sang liên hệ thường xuyên với bọn con gái Hà Lan, mấy con dân chơi và đĩ thoã. Nó đội mũ Kufi và mặc đồ Galabiya. Nó chỉ nghe nhạc Arập và không uống bia. Khi lên mười tám tuổi, nó bị bắt vì đã đánh một gã đồng tính bên ngoài quán rượu ở Leidseplein; và tôi phải tìm đến gã bị thương đó, xin bồi thường thương tật”.

“Nó có học đại học không?”.

Ibrahim gật đầu. “Lúc mười chín tuổi, nó được vào học ở Khoa học Điện toán và Thông tin đại học Erasmus ở Rotterdam. Tôi hy vọng rằng những yêu cầu về việc học sẽ làm dịu cơn sốt Hồi giáo trong nó, nhưng khi nó ở Rotterdam, nó càng hướng về Hồi giáo nhiều hơn. Nó theo một nhóm Hồi giáo trẻ cùng xu hướng. Nó thường đi tới các vùng biên giới khác nhau và dự các cuộc họp. Nó để râu. Nó giống như tôi hồi còn trẻ, ai cũng tưởng như đó chính là tôi trẻ lại”.

Hắn ta ăn một lúc rồi tiếp. “Tôi sang châu Âu để lánh xa chính trị Hồi giáo. Tôi muốn có một cuộc sống khác cho tôi và cho con trai nhưng nền chính trị Hồi giáo cực đoan quái thai đó cũng đã tràn đến phương Tây. Dưới nhiều phương diện, quan điểm chính trị này càng cực đoan và độc hại hơn Hồi giáo ở phương Đông; nó bị làm băng hoại bởi đồng tiền của Arập và các lãnh tụ Arập. Đó là Wahhabi và Salafist trong viễn cảnh của nó. Nó là đứa độc hại và tội phạm”.

“Rồi sau đó nó dính líu đến các hoạt động của bọn khủng bố?”.

Ibrahim lắc đầu. “Nó quá bối rối để hứa hẹn với bất kỳ một tổ chức hay một lý tưởng nào. Nó không chắc mình là người Ai Cập hay người Palestine. Rồi một ngày, nó làm bạn với một số kẻ thuộc phe Hamas; sau đó nó ca ngợi và cổ vũ cho Mujahideen ở Afghanistan”.

“Rồi điều gì xảy ra?”.

“Osama Bin Laden cho máy bay đâm vào các toà nhà ở New York và Washington”, Ibrahim nói. “Và mọi việc đã thay đổi”.

Đúng là Gabriel chưa sẵn sàng bỏ ý nghĩ chờ đợi chuyến bay ở Mỹ nên anh gõ mạnh hai tiếng lên cửa phòng khách để gọi Sarah và nói thầm vài tiếng vào tai cô về việc hoãn khởi hành chuyến bay vài phút. Sau đó anh nhìn Ibrahim và nói. “Ông đang kể tôi nghe về vụ 11/9. Tiếp đi”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 19-11-2013 09:51 AM
Chương 27
(tiếp theo)

“Đó là một trận động đất, nó xé toang tấm màn lịch sử - không chỉ đối với phương Tây mà cả với chúng tôi”.

“Hồi giáo à?”.

“Những người theo Hồi giáo”, hắn sửa lại lời Gabriel. “Những người Mỹ đã sai lầm nghiêm trọng sau vụ 11/9. Họ thấy những tín đồ Hồi giáo nhảy múa trên các con đường của thế giới Arập và ở châu Âu, do đó họ cho rằng tất cả các tín đồ Hồi giáo và những người theo Hồi giáo đều ủng hộ cho Osama. Họ gộp chúng tôi lại với những kẻ thánh chiến trên thế giới giống như Bin Laden và Zawahiri. Họ không nhận ra rằng đối với người nào đó, như tôi chẳng hạn, là một người Hồi giáo tử tế, các cuộc tấn công ngày 11/9 đúng là bất lương và tàn bạo đối với những gì đã diễn ra trên thế giới văn minh này. Chúng tôi thuyết phục những người theo Hồi giáo hiểu rằng Osama và al-Qaeda vô cùng sai lầm khi tấn công vào Hoa Kỳ và gây ra cuộc chiến không thể nào thắng. Chúng tôi cho rằng Osama là tên bịp bợm đã gây ra nhiều đau thương cho người Hồi giáo hơn tất cả những chế độ tục bội giáo cộng lại. Và hơn nữa, chúng tôi cho rằng các cuộc tàn sát hàng ngàn người dân vô tội là một hành động phi Hồi giáo ghê tởm đã làm hại đến luật pháp và thuần phong mỹ tục Hồi giáo. Mười chín tên không tặc này được mời như những vị khách ở Mỹ và rồi chúng đánh mất danh dự vì đã gây ra chuyện đó. Thực ra chúng đã phản lại sự tiếp đón nồng hậu. Tôi không quan tâm đến việc ông nghĩ sao về chúng tôi và về đạo của chúng tôi. Tín đồ Hồi giáo là những người hiếu khách. Chúng tôi không đánh mất sự hiếu khách”.

Hắn ta đẩy cái đĩa lại phía Gabriel. Gabriel lấy một nửa quả trứng luộc và một miếng feta.

“Tôi cho rằng Ishaq không xem đó là cách của con trai ông”.

“Không phải như thế”, Ibrahim nói. “11/9 đã đẩy nó đến bờ vực thẩm”.

“Vậy thì cái gì đã đẩy nó xuống vực thẳm?”.

“Irắc”.

“Vậy nó được tuyển dụng ở đâu?”.

“Nó ở Amsterdam cùng lúc với vợ nó, một cô gái Ai Cập tên là Hanifah, và một đứa con, tên Ahmed. Trong những ngày xâm lược của Mỹ, nó đến Ai Cập, nơi nó đã cam kết tham gia tổ chức Thanh kiếm Allah. Tổ chức này đã huấn luyện cơ bản cho nó trong các trường bí mật và trong các trại ở sa mạc. Rồi họ giúp nó sang Irắc, nơi đó, nó được huấn luyện và thực tập với al-Qaeda ở Mesopotamia, nơi nó tiếp xúc gần gũi với một gã đàn ông tên là Samir Al-Masri. Một tháng sau, nó chuyển gia đình đến Copenhagen và xin việc ở một tổ chức có tên Hội đồng Ngoại giao Hồi giáo ở Đan Mạch. Tôi e rằng, hội này chẳng có gì ngoài việc làm bình phong cho các hoạt động của bọn thánh chiến”.

“Con ông đã lập một tổ chức thứ hai từ Copenhagen?”.

“Có lẽ thế”.

“Và do đó khi Samir và tổ chức của hắn biến khỏi Amsterdam vài ngày trước khi tấn công, ông quyết định tiếp cận tôi. Ông cung cấp cho tôi đầy đủ thông tin với hy vọng làm lệch đi các hoạt động này, để con ông không thể tham gia vào đó được”.

Ibrahim lắc đầu chua chát.

“Ông đã nói dối tôi”, Gabriel nói, “ông đã lừa tôi để cứu mạng con ông”.

“Bất kỳ người cha tốt nào cũng làm thế cả”.

“Không, Ibrahim, vì cuộc sống của những người dân vô tội bị đe doạ. Đã có hơn ba trăm người chết vì ông và con trai của ông. Nếu ông kể cho tôi nghe sự thật – hoàn toàn sự thật – có thể chúng ta đã ngừng chiến đấu với nhau rồi. Thay vì ông đưa cho tôi những mảnh vụn, ông nên đưa những mảnh tương tự cho SSI cách đây hai mươi năm khi ông cố cứu mạng sống cho con gái của mình”.

“Và nếu tôi kể cho anh nghe nhiều hơn về đêm đó? Tôi nên kết thúc ở chỗ nào? Những người Mỹ khi đó sẽ cho tôi là tên khủng bố. Họ sẽ đưa tôi lên máy bay và đưa tôi trở về Ai Cập để tra tấn”.

“Ông có biêt Luân Đôn là mục tiêu không? Ông có biết họ đang vạch kế hoạch bắt cóc Elizabeth Halton và dùng cô ta để cứu chuộc anh bạn Sheikh Abdullah của ông?”.

“Tôi không biết gì về các kế hoạch của họ cả. Những tên này được đào tạo rất kỹ. Người nào giỏi chuyên môn sẽ bị lôi kéo vào hàng ngũ”.

Gabriel ngập ngừng. “Có kẻ đã làm thế. Có thể chính là ông, Ibrahim?. Có thể ông là người chỉ đạo toàn bộ các hoạt động. Có thể ông là một người mà họ gọi là Sphinx”.

“Sẵn sàng tin vào những chuyện vu vơ là căn bệnh của dân Arập, anh Allon, không phải là bệnh của một người Do Thái phục quốc. Anh càng phí công theo đuổi những chuyện ngớ ngẩn như thế chúng ta càng ít có thời gian để tìm con gái ngài đại sứ và đem cô ấy về quê hương”.

Gabriel chộp ngay một tiếng riêng biệt mà Ibrahim vừa nói, từ chúng ta.

“Và chúng ta sẽ cùng nhau làm việc đó như thế nào?”.

“Tôi tin rằng Ishaq là một trong những tên khủng bố đang giữ cô gái Mỹ đó làm con tin”.

Gabriel ngả người lên ghế. “Tại sao ông lại nghĩ thế?”.

“Ishaq rời Copenhagen cách đây hai tuần. Nó bảo Hanifah rằng nó đi Trung Đông, đại diện cho Hội đồng Ngoại giao Hồi giáo đi nghiên cứu. Để che đậy chuyện bịa đặt của mình, tối nào nó cũng điện về nhà lúc thằng Ahmed đã đi ngủ”.

“Làm sao ông biết?”.

“Bởi vì Hanifah nói với tôi”.

“Ông có nói chuyện với nó không?”.

“Tôi để lại tin nhắn cho nó, nhưng nó chẳng bao giờ gọi cho tôi”.

Gabriel đặt tập giấy và bút xuống bàn rồi đẩy sang cho Ibrahim.

“Tôi cần địa chỉ của căn nhà ở Copenhagen và số điện thoại đó”.

“Hanifah và Ahmed chẳng dính líu gì vào chuyện này cả”.

“Họ chẳng có gì mà phải sợ cả”.

“Tôi muốn anh phải hứa với tôi rằng chúng sẽ không bị hại gì nhé”.

“Ông đã ở tù mà còn dám đưa ra yêu sách, Ibrahim?”.

“Hứa với tôi đi, anh Allon, hứa với tôi là anh sẽ không làm hại gì chúng đấy”.

Gabriel gật đầu một cái. Ibrahim viết những thông tin ra giấy sau đó đẩy tập giấy về phía Gabriel và đọc lẩm bẩm hai dòng từ trang hai mươi hai của cuốn Genesis.

Sáng sớm hôm sau, Abraham dồn hết đồ đạc lên con lừa và đem theo hai người hầu của mình cùng người con trai tên là Isaac. Ngài chẻ miếng gỗ ra để đốt lửa làm lễ. Ngài bắt đầu lên đường tìm miền đất mà Chúa đã bảo với ngài.

“Ông biết kinh Hebrew à?”, Gabriel nói. “Nhưng nó không là con của ông, Ibrahim. Nó bị nhiễm virut của bọn thánh chiến rồi. Nó là con quái vật”.

“Cho dù vậy, nó vẫn mãi là con tôi”, hắn nhìn xuống tập giấy ngượng ngùng. “Nếu tôi nhớ không lầm, người Do Thái tin rằng Abraham đến Beersheba sau khi vượt qua thử thách của Chúa. Nhưng điều gì sẽ xảy đến với tôi? Tôi có được đưa về Ai cập để thẩm vấn nữa không hay vẫn phải ở đây?”. Hắn ta nhìn quanh phòng. “Đây là đâu?”.

“Tôi cho rằng điều đó phụ thuộc vào người Mỹ”.

Cái nhìn khinh khỉnh trong đôi mắt của Ibrahim làm cho ngườ ta hiểu rõ hơn rằng hắn nghĩ như thế nào về người Mỹ. “Tôi cho là nên gạt người Mỹ ra khỏi chuyện này”, hắn nói. “Tốt hơn tôi và anh nên qua cầu Jahannan một mình. Anh quyết định như thế nào thì cứ làm nhanh đi. Con gái của ngài đại sứ đang ở trong tay của một thằng thanh niên mà chị của nó đã bị giết bởi tay sai của Pharaoh. Nếu nó được lệnh giết cô ấy, thì nó chẳng nương tay đâu”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 19-11-2013 09:54 AM
Chương 28

Chín giờ 25 phút sáng thứ ba

Người dẫn chương trình tại trường quay số 2 chi nhánh ở Pháp đang xáo mấy tấm ghi chú, chắc là thời gian khong còn nhiều nữa. Khách mời là Giáo sư lịch sử phương Tây – Yusuf Ramadan, đến từ trường Đại học Hoa Kỳ ở Cairo, ông này vừa là một học giả tại viện nghiên cứu đạo Hồi tại Paris – cũng vừa là một quân sư cho tổ chức khủng bố lâu đời với cái tên “Thanh kiếm Allah”. Vị giáo sư khách mời biết rằng phải nhanh chóng đưa ra những lời kết luận cho chương trình.

Ông giáo sư phát biểu với giọng Pháp chuẩn, “… Và tôi nghĩ rằng điều nguy hại nhất trong tình trạng khủng bố hiện nay không phải ở đây, tại châu Âu mà ở chính Ai Cập. Theo tôi hiểu thì các bộ phận an ninh quốc gia Ai Cập đã phản ứng lại bằng một đòn khá nặng, và nếu hành động này tiếp diễn thì nó giống như việc khiêu khích sự yếu kém của quốc gia này, mà có lẽ sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của chính thể”.

Anh chàng dẫn chương trình chắc đã đoán trước được lời bình luận của Giáo sư Ramadan, anh ta bỏ qua phần hướng dẫn của ban biên tập mà hỏi luôn rằng. “Ông có đang buộc tội chính phủ Ai Cập về việc sử dụng biện pháp tra tấn không, thưa Giáo sư?”.

“Cái cách mà cảnh sát và bộ phận an ninh của Ai cập đã va đang làm thì ai cũng biết. Chúng ta có thể chắc rằng họ đang sử dung biện pháp tra tấn và những trò khá rùng rợn khác để cố giúp người Mỹ tìm ra con gái ngài đại sứ”.

“Vâng, cách nghĩ này của ông khiến cho người khác phải suy nghĩ rất nhiều. Thưa Giáo sư Ramadan, tôi hy vọng ông sẽ lại tham gia trong chương trình này với chúng tôi để giúp chúng tôi phân tích tình trạng diễn biến sắp tới đây”.

“Rất sẵn lòng”, Giáo sư Ramadan trả lời và mỉm cười một cách thân thiện trước ống kính camera của máy quay.

Người dẫn chương trình thông báo với khán giả truyền hình rằng bài phóng sự về vấn đề nan giải này tại trường quay số 2 sẽ được tiếp tục sau phần quảng cáo. Người dẫn chương trình bắt tay vị Giáo sư và cảm ơn ông đã dành thời gian xuất hiện trong chương trình này. Ramadan đứng dậy từ ghế ngồi và được hướng dẫn ra bên ngoài bởi một người phụ nữ trẻ trong ban trợ lí sản xuất chương trình. Năm phút sau, vị Giáo sư bước lên chiếc xe Citroen đang đỗ chờ sẵn ngoài khu Henri. Vị Giáo sư nhìn chiếc đồng hồ đeo tay, 9 giờ 25 phút. Người dẫn chương trình và viên trợ lí trẻ tuổi tại trường quay số 2 hoàn toàn không hề biết về điều sắp làm cho buổi sáng bình yên này trở thành ác mộng.

Cùng thời điểm đó, tại thành phố Zurich, phía Bắc Thuỵ Sĩ, một chiếc xe hơi Mercedes Benz S600 đang từ từ đổ vào lề dành cho khách vào sân bay Kloten. Chiếc xe hơi có phần đầu nhỏ, hẹp lại, còn phần giữa sau thì hơi rộng ra như thể để giữ cân bằng. Một người đàn ông sang trọng bước xuống từ băng ghế phía sau của chiếc xe hơi. Ông ta mặc bộ veston kiểu Ý, khoác bên ngoài chiếc áo len thật mịn, tay xách theo chiếc vali bằng da lớn, trông đắt tiền. Một viên cảnh sát Thuỵ Sĩ với thẻ an ninh ngay trước ngực đang đứng theo dõi lối vào cuối cùng để lên máy bay. Người đàn ông lịch lãm kia gật đầu chào một cách lịch sự với viên cảnh sát rồi bước vào trong.

Người đàn ông dừng lại một lát và nhìn vào chân cầu thang lên máy bay. Trong túi áo ông ta đang có tấm vé của hãng hàng không Mỹ đi sân bay Dulles vào sáng nay. Ông ta đã mua tấm vé này mặc dù ông biết mình không có visa hợp lệ. Không sao cả, ông đâu có ý định đi Mỹ. Ông là một kẻ tử vì đạo, và chuyến đi này ông ta không dự định đi bằng máy bay.

Sau khi hoàn tất thủ tục cho chuyến bay, người đàn ông đứng xếp hàng chờ lên máy bay, đặt chiếc vali ngay sau mình. Chiếc vali này đã vài lần được thay đổi để phù hợp bới nhu cầu thực sự của ông ta. Các cạnh của vali và các bánh xe nhỏ của vali đã được thiết kế để có thể chịu được một khối lượng lớn hơn chứa bên trong và các khoá chính là kíp nổ. Áp lực là 12 pao (~ 453,6g) trên một centimet vuông của chiếc vali, kỹ sư đã cho ông biết thế. Chỉ một cái ấn nhẹ cũng đủ để chuyến đi bắt đầu.

Bộ phận an ninh đang một lần nữa kiểm tra vé và hộ chiếu của các hành khách đi hãng hàng không Mỹ. Ông ta đang đứng trong hàng cùng các hành khách khác, chủ yếu là người Mỹ. Không có visa hợp lệ, ông ta chắc sẽ khó tiến gần những người sẽ là nạn nhân mà chỉ có thể tiến gần bộ phận an ninh. Cuộc sống của họ sẽ chẳng còn những giờ phút thảnh thơi đâu… trong đầu ông ta nghĩ ra cảnh tượng với cả trăm pao thuốc nổ, chiếc vali này còn được nén chặt bởi hàng ngàn vòng bi trong ổ bạc đạn và những cây đinh nhọn. Những kẻ không tin vào đạo này sẽ nhanh chóng được quấn bằng những ruy-băng thấm đầy máu. Hẳn sẽ là cảnh tượng đầy sắc màu. Ông ta chỉ hy vọng rằng ngay sau khi cùng chết với đám người này, hồn mình có thể lưu lại đấy vài phút để chứng kiến cảnh tượng đẹp đẽ ấy.

Nhân viên an ninh kiểm tra xong các giấy tờ cần thiết của một người phụ nữ Mỹ với 2 đứa con nhỏ thì chú ý đến người đàn ông này. Ông làm đúng theo lời hướng dẫn là đưa vé và hộ chiếu cho nhân viên an ninh.

Với vẻ nghi ngờ, nhân viên này hỏi. “Ông là người Ai Cập?”.

“Vâng, đúng vậy”

“Ông có visa hợp lệ để đến Mỹ ngày hôm nay không?”

“Tôi được bảo rằng mình không cần visa”.

“Ai bảo thế?”.

“Thánh Allah”.

Nhân viên an ninh rút ngay chiếc điện đàm.

Người đàn ông bấm kíp nổ trên vali. Áp lực 12 pao được giải thoát. Ôi, thiên đường…

Kẻ tử vì đạo này không hề cô độc. Cũng có 2 trường hợp nổ bom liều chết xảy ra tại các sân bay của châu Âu sáng nay. Một tại sân bay Madrid, một tại sân bay Schewechat của Áo. Và tất cả đều được thực hiện theo một kiểu. Kẻ tử vì đạo ở Madrid thực hiện trễ hơn 1 phút nhưng bạn hắn tại Áo thì mãi tới 9 giờ 35 phút giờ châu Âu mới thực hiện được. Điều tra viên ở Áo cho biết tính đến giờ phút này chỉ xác định được một người có hành vi nổ bom liều chết, người này trước đó đã thưởng thức ly cà phê Viên trong sân bay trước khi cho nổ để về thiên đàng.

Giáo sư Ramadan nhận được tin nổ bom liều chết lúc 9 giờ 38 phút khi đang bị tắc đường tại Seine. Không phải Abu Musa đưa tin cho ông mà chính người trợ lí sản xuất đã đưa vị Giáo sư quay về toà cao ốc nơi có trường quay. Dường như nơi đến của nhóm khủng bố đang được mở rộng và ngài Giáo sư lại được tiếp tục mời làm cố vấn và nhà bình luận cho các hành động trên, Ngài Giáo sư ngay lập tức đồng ý mà không cần thảo luận về thù lao. 10 phút sau ông lại ngồi trên chiếc ghế đã được xếp sẵn mà ban nãy ông đã ngồi.

“Rất vui gặp lại Giáo sư Ramadan. Theo ngài, các cuộc tấn công vừa rồi có ý nghĩa gì?”

“Có nghĩa là nước Mỹ nên nhanh chóng thành lập kênh đối thoại với tổ chức Thanh kiếm Allah. Nếu không, sự việc đẫm máu hơn nữa có thể xảy ra ngay tại chính châu Âu”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 19-11-2013 08:35 PM
Chương 29
Copenhagen

Thứ ba, 3 giờ 3 phút chiều.

Họ quyết định triệu tập một cuộc họp, họ đáp máy bay xuống phi trường Copenhagen rồi đến thẳng khách sạn Hilton. Adrian Carter đến trước, ngồi chờ trong khu giải khát trong lcú Gabriel cùng Sarah sải bước vào hành lang. Anh dẫn họ đến chỗ thang máy với cái nhìn mệt mỏi, một lúc sau họ đã quây quần trước tivi trong phòng quản trị cơ sở của Carter. Carter vặn tivi với âm lượng rất to. Bộ phận an ninh của CIA đã dọn dẹp phòng rồi, thế nhưng Carter là người hay câu nệ, nhất là khi giờ đây nó liên quan trực tiếp đến đặc thù công việc, cũng giống như Gabriel, Carter coi mấy bộ đồ điện là quan trọng, là cần thiết.

“Zurich, Madrid và Vienna: ba vụ tấn công phi trường, hệt như nhau và được sắp đặt hoàn hảo”. Vừa nhìn chăm chú vào các bức ảnh chụp vụ tảm sát và khung cảnh đổ nát trên màn hình, Carter vừa chậm rãi gật đầu và nói. “Một trăm hai mươi chín người được xác nhận là đã chết, năm trăm người bị thương, còn hệ thống hàng không châu Âu giờ đây bị tê liệt”.

Gabriel hỏi. “Các chính khách châu Âu thì sao?”.

“Với công chúng họ toàn nói lời hay: nào là đáng trách, nào là dã man, rồi vô nhân đạo. Thế nhưng lúc ngồi riêng với nhau, họ lại cầu xin chúng ta thoả hiệp với tội ác. Họ bảo chúng ta phải chấm dứt chuyện này trước khi máu loang thêm trên đất của họ. Ngay cả mấy người bạn chí cốt ở phố Downing của chúng ta cũng bắt đầu tự hỏi liệu chúng ta có tìm ra được cách nào đó để thương lượng nhằm thoát khỏi vụ này không. Sphinx dù có là ai đi nữa, là một tên sát nhân ngoại cỡ hay là một tên khốn nhẫn tâm, thì việc tính thời gian của hắn cũng không chê vào đâu được”.

“Có cơ hội nào cho ông Tổng thống sắp hết thời ấy không?”.

“Không phải là sau vụ này đâu. Thật ra, ông ta kiên quyết hơn bao giờ hết rằng vụ này sẽ kết thúc mà không có cuộc thương thảo nào cả. Có nghĩa rằng chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm cho ra Elizabeth Halton trước hạn chót”. Ánh mắt Caretrr chuyển từ màn hình tivi sang Gabriel. “Lúc này, Joe của anh xuất hiện, chính là hy vọng duy nhất và tốt nhất của chúng ta”.

“Anh ta không pahỉ là của tôi đâu, Adrian ạ”.

“Bây giờ thì đúng thế, ít nhất cho đến khi có ý kiến chính thức từ Washington”, Carter hạ âm lượng xuống một hay hai decibel gì đó. “Anh gây ra một cơn bão khôn ghỏ ở Washington tối qua đấy, Gabriel. Buổi điều tra Ibrahim Fawaz của anh giờ cần phải được nghe lại từ Langley cho đến toà J.Edgar Hoover, đến cả Cục an ninh quốc gia”.

“Kết quả ra sao?”.

“Rối tung cả lên”, Carter trả lời. “Chuyên gia bất đồng ở chỗ chẳng biết Ibrahim có thành thật không, hay hắn đã lừa anh lần thứ hai. Chuyên gia cho rằng anh đã tin hắn quá vội vàng, và chuyên gia cũng lo ngại rằng anh đã hành xử quá đỗi nhân nhượng”.

“Vậy thì các chuyên gia nghĩ cái gì trong đầu kia chứ?”.

Carter đáp. “Một buổi thẩm vấn thứ hai”.

“Ai sẽ là người tra vấn hắn?”.

“Là người của Cục với mấy cái họ tên Cơ Đốc giáo thay vì một kẻ ám sát gốc Israel”.

“Và ông sẽ nói với tôi rằng tôi sắp bị đuổi việc ư?”

“Đó chính xác là những gì tôi nói”.

“Ông chẳnh cần pahỉ đi một quãng đường dài từ Copenhagen đến đây để sa thải tôi đâu, Adrian ạ. Một cuộc gọibảo mật là đủ rồi”.

“Tôi cảm thấy tôi nợ anh chuyện này. Rốt cục, tôi chính là người đã mang anh vào vụ này”.

“Ông tử tế quá. Nhưng hãy nói cho tôi đi nào Adrian, nói tôi nghe chính xác chuyện các điều tra viên của Cục nghĩ là họ sẽ lấy được cái gì từ Ibrahim, cái mà tôi đã không làm được ấy”.

“Họ tin rằng hắn ta đã không trả lời thẳng thắn và đầy đủ nhé. Ý kiến chung của các chuyên gai là hắn ta có những câu trả lời lảng tránh và sự dối trá cao độ”.

“Thật thế sao? Họ tự nghĩ ra chuyện đó hay là máy tính đã làm chuyện đó?”.

“Thật ra là sự kết hợp của cả hai”.

“Vậy ông muốn Ibrahim chân thật bao nhiêu nữa? Hắn đồng ý giúp ta tìm Elizabeth Halton và còn đưa ta số điện thoại ở Copenhagen mà con trai hắn gọi mỗi chiều nữa kia “.

“Không đâu, hắn đưa cho chúng ta số điện thoại mà hắn ta nói là con trai hắn sẽ gọi”.

“Vậy thì tối nay chúng ta sẽ biết được là hắn ta có nói thật hay không”.

“Cấp trên không sẵn lòng chờ. Họ muốn Ibrahim phải bị xích vào tường, ngay bây giờ”.

“Họ nghĩ họ sẽ thẩm vấn ở đâu?”.

“Họ đang tự hỏi liệu họ có thể nhờ cơ sở của anh ở Đức hay không”.

“Không có chuyện đó đâu”.

“Tôi cũng e rằng anh sẽ nói như thế. Và trong trường hợp này, chúng tôi có hai lựa chọn: một là đưa hắn về các cơ sở của chúng tôi ở Đông Âu; hai là tống hắn lên máy bay về AI Cập”.

Gabriel khẽ gật đầu nói. “Ibrahim sẽ không sang Đông Âu, Adrian ạ. Hắn cũng chẳng quay về Cairo làm gì. Sẽ không ai trói anh ta lên mấy tấm ván trượt nước và cũng chẳng ai xích anh ta vào tường nữa”.

“Giờ anh bắt đầu vô lý rồi đấy”. Carter nhìn sang Sarah như thể cô nàng sắp sửa nói điều gì hay ho với mình. “Vậy chính xác bây giờ Ibrahim đang ở đâu?”

Gabriel không đáp. Carter lặp lại caua hỏi với cái nhấn ở cuối câu mà Gabriel chưa từng nghe.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 19-11-2013 08:36 PM
Chương 29
(tiếp theo)

“Hắn quay trở lại Amsterdam”, Gabriel nói. “Trong căn hộ ở Allébeplein tháng Tám”.

“Vì cái quái gì mà anh trả hắn về?”

“Chúng tôi không có lựa chọn nào khác trừ việc trả hắn về”, Gabriel đáp. “Nếu Ibrahim bốc hơi khỏi mặt đất thì vợ hăn sẽ gọi cho cảnh sát Hà Lan ngay, và ta có thể đối mặt với một vụ ầm ĩ ngay tại đó”.

“Tránh bê bối ở Hà Lan không phải là chuyện ưu tiên hàng đầu của chúng ta vào lúc này”, Carter đáp. “Chúng ta cần hắn, và ngay bây giờ. Tôi đoán chắc hắn đã ở ngoài tầm kiểm soát”.

“Không đâu, Adrian, chuyện đó đã làm rối tungđầu óc chúng ta đấy”.

“Cố mà kiểm soát cái khiếu hài hước Israel trời cho của anh một chút đi nào”.

“Tất nhiên hắn đã ở ngoài tầm kiểm soát”.

“Thế nên tôi cho rằng anh sẽ chẳng có vấn đề gì khi tóm hắn vào tay chúng ta”.

“Chẳng vấn đề gì cả”, Gabriel tiếp lời. “Nhưng ông không thể có hắn ta đâu”.

“Suy nghĩ đi, Gabriel”.

“Tôi là người duy nhất có lý, Adrian ạ. Và giả như mấy tay đâm thuê chém mướn của ông mon men đến gần hắn thì bọn chúng sẽ lãnh đủ đấy”.

Caretrr nổi cáu. “Vậy là ta đã vào ngõ cụt”.

“Đúng vậy”.

“Tôi tin là anh có phương án dự phòng”, Carter nói. “Tôi cũng dám chắc là tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc ngồi lắng nghe”.

“Tôi khuyên ông hãy hiên nhẫn, Adrian ạ”.

“Elizabeth Halton sẽ chết lúc sáu giờ tối thứ sáu. Chẳng còn thời gian để chúng ta kiên nhẫn đâu”.

“Tôi đã đưa ông địa chỉ và một lô số điện thoại mà một trong những số đó sẽ được kẻ bắt giam cô ta dùng để gọi về căn cứ. Trong kho vũ khí của Cục an ninh quốc gia, các ông có dịch vụ phản gián điện tử lớn nhất và thông minh nhất trên thế giới có khả năng hút sạch mọi cú fax, cuộc gọi và liên lạc qua mạng trên hành tinh này, từng giây trong ngày. Giao số của Ishaq ở Copenhagen cho NSA. Đêm nay, khi hắn gọi, bảo NSA mang toàn bộ các nguồn tin đang quan tâm ra mà trả lời cho cái câu hỏi đơn giản này: Hắn ở đâu?”.

Carter đứng dậy và thong thả bước đến quầy bar mini. Sau khi nghiên cứu bảng giá, anh chọn một món uống không cồn. “Để không làm hỏng vụ này, phải cài được bộ nghe vào điện thoại nhà của hắn và đặt một đội theo dõi vợ con tên Ishaq này suốt ngày”.

“Thế ông nghĩ ta đang làm gì cả ngày vậy, Adrian? Xem phim trong phòng khách sạn chắc?”. Gabriel quay sang Sarah. “Cô là sĩ quan liên lạc. Vui lòng thực thi nhiệm vụ và báo cáo các hoạt động hàng ngày của chúng ta”.

“Hanifah và Ahmed sống trong một khu ở Copenhagen gọi là Norrebro”, Sarah nói. “Căn hộ của họ nằm trong một khối nhà đẹp nhất thế kỉ, như thể là một thành phố khác trong thành phố ấy. Ta có thể tiếp cận mỗi căn hộ như vậy bằng một cửa trước và một cửa hậu dành cho các dịch vụ. Lúc gần trưa, lúc mà Hanifah dẫn Ahmed ra ngoài câu cá và sắm sửa vài thứ, tụi tôi đã luồn vào cửa sau và cài vài cái…”. Cô nhìn sang Gabriel. “Cái thiết bị ta cài vào điện thoại, chúng gọi là gì ấy nhỉ”.

“Là thanh kế”, Gabriel đáp. “Nó thu toàn bộ âm thanh trong phòng cùng với toàn bộ các cuộc đàm thoại qua điện thoại”.

“Chúa ơi”, Carter khẽ nói. “Hãy nói với tôi rằng anh không lôi luôn cả nhân viên của tôi trong vụ B và E giữa thanh thiên bạch nhật ở Copenhagen này chứ”.

“Cô ấy làm rất tốt, Adrian ạ. Ông hẳn là tự hào về cô ấy lắm”.

“Chúng tôi cũng đặt luôn bộ chuyển tín hiệu điện thoại ở Hội đồng các vấn đề Hồi giáo ở Đan Mạch rồi”. Sarah nói. “Hộp tổng thì đặt dưới các văn phòng trong một con hẻm. Vụ đó dễ ợt”.

“Tôi cũng lo luôn việc theo dõi động thái của chúng”.

Gabriel cau mày nhìn Carter như thể anh đã tìm thấy chút gì đó của một câu hỏi mang tính chống đối. Carter ngó xuống các bức ảnh về vụ hỗn độn trên màn hình tivi.

“Tôi được điều đến đây để sa thải anh và giờ đây tôi ngờ là mình đã dấn vào một vụ tự sát”, anh ta tắt tivi, nhìn sang Gabriel. “Thôi được, anh thắng. Chúng ta đúng là đã đưa số điện thoại cho NSA tối qua. Giả sử hắn gọi bằng di động, NSA nói phải gần đến một giờ sau mới dò tìm ra vị trí tương ứng. Lúc đó ta sẽ thông báo cho các cấp lãnh đạo địa phương liên quan và bắt đầu tìm kiếm”.

“Hãy nhớ chắn chắn là các cấp lãnh đạo địa phương liên quan đó biết được rằng họ sẽ giết chết cô ta nếu bất kỳ ai cố gắng tìm cách giải cứu cô ấy đấy”.

“Chúng tôi đã nói rõ ràng với các đồng nghiệp tại châu Âu về vụ này rồi. Nếu có ai đó làm việc này thì đó phải là chúng ta. Thật ra chúng tôi đã điều bốn đội quân lực Delta đến các thủ đô khác nhau ở đây chỉ để cho vụ này thôi. Họ đang nóng lòng. Nếu ta đến đó với tin mật về chỗ ở hiện nay của Elizabeth Halton, các đội ấy sẽ vào trong và mang cô ta ra và rồi ta sẽ lo đến màn xoa dịu cho cái cảm giác châu Âu bị đau đớn ấy sau đó”.

“Chúng tôi có hẳn một đoàn chuyên lo mấy chuyện này, Adrian ạ. Nếu ông cần lời khuyên thì nói với chúng tôi nhé”.

“Anh lo lắng thế là đủ rồi”, Carter cau mày nhìn đồng hồ đeo tay. “Anh và đội của anh chịu trách nhiệm theo dõi động thái của vợ con hắn tại Copenhagen này. Tôi sẽ đi Luân Đôn giải thích lí do tôi không tuân thủ lệnh chấm dứt sự dính líu của anh trong hoạt động của hắn. Định mệnh của Elizabeth Halton giờ nằm trong tay anh và thuộc sự nghiệp của anh đấy, Gabriel ạ. Nhớ làm hết sức, đừng để chúng tôi bị vạ lây”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 19-11-2013 08:38 PM
Chương 30
Nhà Tù Torah (AI Cập)

Bốn giờ 19 phút chiều thứ ba

Wazir Al-Zayyat nghĩ thầm. Scorpion – Con bọ cạp: Địa ngục trần gian. Một trăm buồng giam bẩn thỉu chứa toàn các thành viên Hồi giáo nhà nòi ở Ai Cập, một tá phòng thẩm vấn, nơi hầu hết các chiến binh cứng cựa nhất của tổ chức Thanh kiếm Allah cũng có thể nôn ra bí mật sau vài giờ “được hỏi han” trong tay mật vụ Ai Cập. Vài người bước vào nhà tù Bọ Cạp đã khác hẳn kẻ khác ở tâm hồn hoặc cơ thể không lành lặn. Những kẻ đã chạm mặt Wazir Al-Zayyat thì hiếm khi sống được để kể về chuyện này.

Nhà tù Bọ Cạp chiều ấy đông đúc hơn so với mấy năm trước. Al-Zayyat chẳng làm gì đáng chú ý vì anh ta chịu trách nhiệm lớn nhất đối với bọn mới đến. Tù nhân trong phòng thẩm vấn số 4 có vẻ hứa hẹn nhất. Hussein Mandali, giáo viên trung học đến từ tổ chức Thanh kiếm Allah của Imbaba. Hắn bị tóm trong vòng chỉ 12 giờ đồng hồ vì bị tình nghi đang phân phát một cuộn băng ghi lại buổi thuyết giảng của lãnh tụ Hồi giáo Tayyib Abdul Razzap. Chuyện này tự thân nó khó là một tội – mấy bài giảng đạo vô vị của tay lãnh tụ Hồi giáo giờ như bản hip-hop của số đông thanh niên – thế nhưng nội dung bài giảng tìm thấy ở Mandali lại đáng chú ý. Trong cuộn băng, tay lãnh tụ có đề cập tới chuyện bắt cóc người phụ nữ Mỹ tại Luân Đôn và đã kêu gọi một cuộc nổi dậy có quy mô chống lại chế độ. Một loạt bằng chứng cho thấy buổi thuyết giảng được ghi lại cách đó không lâu. Al-Zayyat biết rằng mấy cuộn băng không phải do hoá phép hay do ý chí siêu phàm của Allah mà xuất hiện. Hussein Mandali là mảnh ghép cần tìm.

Al-Zayyat đẩy cánh cửa bước vào trong. Ba thẩm vấn viên đang tựa người vào trong. Ba thẩm vấn viên đang tựa người vào mấy bức tường xám ngoét, tay áo xoắn lên, mặt mũi ướt đẫm mồ hôi. Hussein Mandali bị đặt trên một cái bàn kim loại, mặt bê bết máu và sưng tấy, mình mẩy thì đầy vết cháy sém. Một sự khởi đầu tốt đẹp đây, Al-Zayyat nghĩ bụng, nhưng vẫn chưa đủ để lung lay một thằng bước ra từ cái ổ chuột của Imbaba.

Al-Zayyat ngồi đối diện Mandali và nhấn nút PLAY lên cái máy chạy băng ở giữa bàn. Lát sau, một giọng nói mỏng manh và yếu ớt của lãnh tụ Tayyib vang lên quan các bức tường phòng thẩm tra. Al-Zayyat để bài giảng đạo vang lên vài phút rồi thình lình đè mạnh nút STOP bằng cái ngón trỏ to thù lù.

“Mày lấy cuộn băng này ở đâu?”, anh ta từ tốn.

“Một người đàn ông đã đưa cho tôi trong quán cà phê tại Imbaba”.

Al-Zayyat thở dài thườn thượt và liếc qua ba vị kia. Màn đánh đập mà họ thực hiện trong hai mươi phút sau đó, xét theo tiêu chuẩn Ai Cập, thì cũng đã quá tàn bạo. Khi Mandali quay trở lại chỗ ngồi tại bàn thẩm ván, hắn tỉnh hơn và bắt đầu thút thít như con nít. Al-Zayyat lại mở cuộn băng lên nghe và hỏi lần thứ hai.

“Mày lấy cuộn băng này ở đâu?”.

“Một người đàn ông…”

Al-Zayyat ngắt lời. “Tao nhớ chứ, Hussein – từ một gã trong quán cà phê tại Imbaba. Thế nhưng tên hắn ta là gì?”.

“Ông ta … không có nói cho tôi biết”.

“Quán cà phê hiệu gì?”.

“Tôi … không nhớ được”.

“Chắc không Hussein?”.

“Tôi … chắc”.

Al-Zayyat đứng dậy không nói thêm lời nào và gật đầu với mấy viên thẩm vấn kia. Lúc bước ra hành lang, anh nghe tiếng Mandali van xin đừng tra tấn và tiếng vị lãnh tụ Hồi giáo trong cuốn băng ra rả. “Đừng sợ kẻ hầu cận của Pharaoh. Hãy đặt niềm tin vào Allah, và Ngài sẽ bảo vệ anh”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 20-11-2013 07:19 PM
Chương 31
Copenhagen

Thứ ba, 5 giờ 30 phút chiều.

Vì không có thời gian để sắp xếp chỗ ở an toàn cho đội của Gabriel ở Copenhagen, họ đã nghỉ tại khách sạn D’Anglerterr, một khách sạn nổi tiếng khổng lồ, sang trọng thấp thoáng trên quảng trường King’s New. Chẳng bao lâu sau 5 giờ 30, Gabriel và Sarah đã đến nơi và đi thẳng lên một phòng ở tầng bốn. Trong khi đó Mordecai ngồi tại bàn làm việc, chân đi tất, tai nghe phôn, còn cặp mắt thì dán vào bộ đàm như một vị bác sĩ đang đọc máy quét điện não tìm dấu hiệu sự sống. Gabriel bước vào phòng, chụp tai nghe vào, rồi nhìn Mordecai với vẻ mặt nhăn nhó.

“Nghe như có thằng cha nào đang đóng cọc móng nhà trong phòng vậy”.

“Ừ, tên thằng bé là Ahmed. Nó đang đập mạnh thứ đồ chơi nào đó xuống sàn nhà ở ngay gần điện thoại”, Mordecai nói.

“Sự việc diễn ra trong bao lâu rồi?”.

“Được một tiếng đồng hồ rồi”.

“Tại sao cô ấy không bảo nó dừng lại nhỉ?”.

“Có lẽ cô ấy bị điếc. Thề có Chúa là tôi cũng sẽ bị điếc nếu thằng nhóc ấy không ngừng ngay lại”.

“Có cuộc điện thoại nào diễn ra không?”.

“Chỉ có một cuộc điện thoại gọi ra ngoài thôi. Cô ấy gọi cho Ibrahim ở Amsterdam để phàn nàn về việc Ishad vắng mặt liên tục. Cô ấy không hề biết gì cả trừ phi đây là một mưu kế quá tinh vi”.

Gabriel xem đồng hồ. Đã 5 giờ 37 phút rồi. Anh thầm nghĩ về cuộc đời của một điệp viên. Phút giây chán chường bị phá vỡ bởi một nỗi sợ hãi. Anh đeo nhanh tai nghe vào và chờ tiếng chuông điện thoại của Hanifah.

Họ phải chịu đựng sự im lặng tang tóc thật khó chịu của những người lạ mặt cùng nhau trải qua một buổi chiều vô vị đến đáng sợ. Chỉ có tiếng Ahmed ném mạnh đồ chơi của mình xuống sàn nhà bếp. Rồi tiếng nó giả vờ làm một chiếc máy bay phản lực. Và tiếng nó đá một quả bóng vào tường phòng khách. Vào lúc 8 giờ 15 phút, có một âm thanh ré lên inh tai. Mặc dù họ không thể nào xác định được chính xác sự việc diễn ra như thế nào nhưng họ biết nó cũng đủ làm cho Hanifah điên tiết chửi rủa. Đáp lại sự tức giận của Hanifah, thằng bé hỏi mẹ với giọng đầy hối hận rằng liệu cha nó sẽ gọi vào đêm nay không. Gabriel bước chậm rãi trên sàn nhà như thể đang tìm kiếm những đồ vật quý giá bị mất, rồi đứng yên và chờ câu trả lời. Cha con sẽ gọi ngay khi có thể, Hanifah nói. Ibrahim đã luôn nói sự thật.

8 giờ 20 phút, Ahmed bị bắt đi tắm. Hanifah dọn dẹp lại mớ hỗn độn ở phòng khách, sau đó mở tivi. Cô ta xem ngay kênh đang chiếu về Al-Manar, mạng truyền hình chính thức của Hezbollah. 20 phút sau, trong khi Ahmed bắn tung toé nước trong bồn tắm, họ buộc phải ngồi nghe buổi thuyết giảng của tu sĩ người Libăng, ông ta đang ca tụng sự dũng cảm của Tổ chức Thanh kiếm Allah và kêu gọi thêm nhiều hành động khủng bố để chống lại những người Mỹ vô đạo và những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái.

Vào lúc 8 giờ 43 phút, bài thuyết giảng bị cắt ngang bởi một tiếng reo của chuông điện thoại. Hanifah nghe điện thoại ngay lập tức và nói bằng tiếng Arập. “Có phải là anh không, Ishaq?”.

Đó không phải là Ishaq mà là một người đàn ông Đan Mạch đang trong tâm trạng bối rối gọi đến tìm một người tên là Knud. Khi nghe giọng của một người phụ nữ nói tiếng Arập và những lời nguyền rủa của cô ta trong điện thoại, anh ta liên tục nói xin lỗi và vội vàng cúp máy. Hanifah gác điện thoại và bắt Ahmed ra khỏi phòng tắm. Người thuyết giáo Hezbollah hô lớn rằng đã đến lúc những tín đồ của Hồi giáo phải hoàn thành sứ mệnh mà Hitler đã bắt đầu.

Mordecai giận dữ nhìn Gabriel. “Cả hai chúng ta đều không cần trải qua chuyện quái quỉ này. Tại sao chúng ta không rời khỏi đây nhỉ?”, Mordecai nói.

“Tôi không muốn bỏ lỡ cuộc gọi của hắn”.

“Máy thu âm sẽ làm việc đó mà”, Mordecai đưa cho Gabriel áo khoác của anh và xô nhẹ anh ra cửa. “Đi kiếm cái gì đó ăn đi. Đưa Sarah đi cùng với. Anh và cô ấy là một cặp xứng đôi đó”.

Một ban nhạc bốn người đang chơi nhạc Bach ở phòng khách dưới lầu. Gabriel và Sarah đi ngang qua họ, không thềm liếc nhìn và đi thẳng tới quảng trường, hướng đến những quán cà phê dọc theo cảng New Harbor. Trời trở lạnh hơn, Sarah đội một chiếc mũ bê-rê, kéo cổ áo khoác lên. Khi Gabriel trêu chọc là cô giống y hệt một điệp viên, cô chụp tay anh và đẩy nhẹ người mình vào vai anh. Họ ngồi dọc theo bến cảng, uống bia Carlberg ướp lạnh, phía dưới là máy sưởi ấm bằng gas đang phát ra tiếng xì xì. Gabriel lấy một đĩa cá thu và khoai tây chiên, trong khi đó thì Sarah nhìn chăm chăm vào ánh đèn đầy màu sắc chiếu trên bề mặt của những ngôi nhà nằm bên bờ bên kia của kênh đào.

“Em cho là ở đây đẹp hơn Langley”.

“Bất cứ cái gì cũng đẹp hơn ở Langley”, Gabriel nói.

Sarah ngước nhìn lên bầu trời tối mịt. “Em nghĩ là số phận của anh giờ đây đang nằm trong tay của NSA và những vệ tinh của họ”.

“Em cũng thế đấy, Sarah ạ”, Gabriel nói. “Nếu khôn ngoan thì em nên đi Luân Đôn với Adrian”.

“Và bỏ lỡ chuyện này sao?”, Sarah nhìn về phía những ngôi nhà ở bên kia kênh đào. “Nếu hắn gọi vào đêm nay thì anh có nghĩ là chúng ta sẽ tìm được cô ấy không?”.

“Nó còn tuỳ thuộc vào NSA xác định được địa bàn của Ishaq như thế nào nữa. Thậm chí nếu NSA có thể xác định được địa điểm của Elizabeth thì Washington cũng sẽ gặp vấn đề khác – làm thế nào để đưa cô ấy sống sót trở vê. Ishaq và đồng bọn của hắn luôn sẵn sàng chết, có nghĩa là bất cứ hành động nào đánh ập vào chỗ trú ẩn của bọn chúng thì cũng sẽ kết thúc bằng vũ lực. Nhưng anh chắc ý kiến của chuyên gia là phải vạch ra một kế hoạch nào đó”.

“Đừng có đóng vai kẻ tử vì đạo bị tổn thương như vậy nữa. Nó không hợp với anh đâu, Gabriel à”.

“Anh không quan tâm đến những gì mà họ đã nói về anh ở Washington ngày hôm nay”.

“Washington là một thành phố không có tình thương”.

“Jerusalem cũng thế”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 20-11-2013 07:20 PM
Chương 31
(tiếp theo)

“Rồi anh cũng phải cần đến bộ mặt lạnh lùng hơn khi anh trở thành người đứng đầu của Văn phòng”. Cô liếc nhìn anh một cách tinh nghịch qua cổ áo. “Adrian nói nó chỉ là một lời đồn đại thôi, nhưng đánh giá từ phản ứng của anh cho thấy đó là sự thật”. Sarah nâng ly lên và nói. “Mazelton”.

“Sự cảm thông sẽ được đánh giá cao hơn”.

“Anh không thích công việc này à?”.

“Nhiều người luôn có ước mơ vĩ đại thôi thúc bên trong”.

“Anh đang rất cao hứng đấy”.

“Tha lỗi cho anh, Sarah. Cuộc nói chuyện về sự diệt chủng và huỷ diệt sẽ làm hỏng buổi chiều của anh mất”.

“Ồ, đúng đấy”.

Sarah nhấm nháp ly bia của mình và rùng mình vì lạnh.

“Anh biết đấy, nhà hàng này có khu vực riêng ở phía trong”.

“Ừ, nhưng thật khó cho anh để nói rằng liệu chúng ta có bị theo dõi hay không”.

“Chúng ta bị theo dõi ư?”.

“Em đã được huấn luyện trong việc này rồi mà, em thử nói anh nghe xem”.

“Khi chúng ta rời khách sạn có một người đàn ông đang uống ở quầy rượu”, Sarah nói. “Và bây giờ ông ta đang đứng bên kia con kênh với một người phụ nữ già hơn ông ấy ít nhất 15 tuổi”.

“Liệu ông ta có phải là an ninh của Đan Mạch không?”.

“Ông ta nói tiếng Đức ở quầy rượu”.

“Vậy thì sao?”.

Sarah lắc đầu. “Không, em nghĩ ông ta không phải là an ninh Đan Mạch. Còn anh nghĩ thế nào?”.

“Anh nghĩ hắn là một gã trai bao người Đức, sẽ lừa hết từng đồng tiền của người đàn bà tội nghiệp đó”.

“Chúng ta có nên cảnh báo bà ấy không?”.

“Anh thấy đêm nay chúng ta có nhiều chuyện để bận tâm rồi”.

“Lúc nào anh cũng có được cuộc hẹn hò thú vị như lúc này sao?”.

“Anh đã không nhận ra đây là một cuộc hẹn hò”.

“Đây gần như là một cuộc hẹn hò mà lâu rồi em mới có được”.

Gabriel nhìn cô với ánh mắt kinh ngạc và bỏ một miếng cá vào miệng mình. “Em có thật sự mong anh tin rằng em gặp khó khăn trong việc hấp dẫn đàn ông?”.

“Có lẽ anh đã quên mất rằng ngay lúc này đây em phải sống với việc che giấu tung tích và giữ vai trò trong hoạt động Al-Bakari. Chính vì vậy em khó mà tiếp xúc được với đàn ông. Thậm chí những cộng sự ở CTC cũng không biết tên thật hoặc bất kỳ điều gì về quá khứ của em. Em nghĩ rằng như vậy là hay nhất. Nhưng dù cho em có gặp bất kỳ ai vào thời điểm này thì người ấy cũng không có cơ hội đến với em. Vì em e rằng trái tim của em đã bị người khác giữ mất rồi”. Sarah ngắm nhìn Gabriel thật kỹ qua cái ly trước mặt mình. “Bây giờ là lúc anh nên hỏi tên người đàn ông đã đánh cắp trái tim em”.

“Có những câu hỏi tốt hơn hết là không nên hỏi, Sarah à”.

“Gabriel à, anh thật là cứng nhắc”. Cô uống một ngụm bia và tiếp tục nhìn về phía những ngôi nhà bên kia con kênh. “Nhưng trái tim anh đã thuộc về người khác rồi phải không?”.

“Hãy tin anh, Sarah. Em có thể làm tốt hơn là tìm kẻ hận đời đến từ thung lũng Jezreel”.

“Em luôn luôn bị hấp dẫn bởi những người đàn ông hận đời, đặc biệt là những người có tài. Nhưng em e rằng sự chọn lựa của em lúc nào cũng tệ hại. Đó là lý do tại sao em học nghệ thuật thay vì nên học âm nhạc”.

Cô nhìn anh cười buồn vui lẫn lộn. “Đó có phải là Chiara không?”.

Gabriel gật đầu một cách chậm rãi.

“Em biết mà”, Sarah nói. “Cô ấy thật may mắn”.

“Anh cũng thấy mình may mắn”.

“Anh có biết là cô ấy quá trẻ so với anh không?”.

“Nhưng cô ấy lớn hơn em đấy, dù sao cũng cám ơn em vì đã nhắc nhở anh”.

“Nếu có khi nào cô ấy bỏ anh để theo một gã trẻ hơn…”, giọng cô nhỏ dần. “À, anh biết tìm em ở đâu mà. Em sẽ làm công việc quản lý bảo tàng trực đêm ở tổ chuyên trách về Arập của trung tâm chống khủng bố”.

Gabriel đưa tay sờ mặt Sarah. Cái lạnh đã làm đôi má của cô thêm hồng.

“Anh xin lỗi”.

“Vì cái gì?”.

“Bọn anh không nên lợi dụng em, mà nên tìm người khác”.

“Không có ai giống như em đâu. Nhưng em đoán là anh biết điều đó mà”.

Một đoàn du lịch người Trung Quốc, đi du lịch châu Âu mà như thể đi xâm chiếm đất, đang chụp ảnh ở ngay giữa quảng trường King’s New. Gabriel khoác tay Sarah và đưa cô đi một vòng, trong khi đó anh cũng cảm thấy thú vị với sự mỉa mai của một dân tộc thể hiện trên mái vòm nơi linh thiêng của một văn minh vào lúc chạng vạng tối. Họ đi vào hành lang của D’Angleterre dưới cái nhìn đầy ngưỡng mộ của người giữ cửa và đi lên cầu thang dẫn đến Pachelbel’s Canon. Mordecai đang bước đều với vẻ lo lắng khi hai người bước vào phòng. Anh ta dúi cặp tai nghe vào tay Gabriel và để anh nghe máy thu âm. “Hắn đã gọi đến”, Mordecai thì thầm. “Hắn đã gọi đến rồi, vậy là chúng ta tóm được hắn được rồi. Gabriel, anh đã thành công”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 20-11-2013 07:22 PM
Chương 32
Cairo

10 giờ 19 phút tối thứ ba

Sự thật đã được phơi bày ở phòng thẩm vấn số 4 của nhà tù Bọ Cạp. Đúng như những gì Wazir Al-Zayyat đã nghi ngờ, Hussein Mandali không phải là một giáo viên trung học tầm thường. Hắn là một thành viên cao cấp trong tổ chức Thanh kiếm Allah và là Tổng tư lệnh quan trọng ở Imbaba. Hắn cũng thú nhận chính mình đã có mặt khi các tộc trưởng Tayyib thu âm lại buổi diễn thuyết của ông ta kêu gọi sự đứng lên chống lại chế độ, phiên họp được ghi âm diễn ra vào sáng Chủ nhật ở căn hộ số 2408 của toà tháp Ramses, một khu sang trọng phía bắc của câu lạc bộ thể thao Gezira, đầy những vị khách nước ngoài, những ngôi sao điện ảnh và những người bạn mới giàu có của chế độ. Việc kiểm tra nhanh qua các hồ sơ đã cho thấy ra căn hộ đang bị nghi vấn này được sở hữu bởi một công ty có tên là Nejab-Holdings, việc kiểm tra lần hai đã xác nhận rằng Nejab-Holdings được điều khiển bởi một Hoàng tử tên là Rashid bin Sultan al-Saud.

Đó không phải là lần đầu tiên tên của một vị Hoàng tử lại có liên hệ đến khủng bố của Hồi giáo Ai Cập. Nhiều năm nay, anh ta đã rót hàng triệu đô la vào túi những kẻ cuồng đạo Ai Cập bao gồm mặt trận và thực thể được điều khiển bởi tổ chức Thanh kiếm Allah. Nhưng bởi đây là Hoàng tử Arập – bởi vì nước Ai Cập nghèo khó đang chịu ơn viện trợ kinh tế của Arập, Al-Zayyat đã không có sự lựa chọn nào khác nên anh ta buộc lòng phải làm ngơ với sự nỗ lực làm từ thiện của vị Hoàng tử. Nhưng lần này thì khác, anh ta thầm nghĩ. Việc cho tiền vì lợi ích của đạo Hồi là một chuyện, việc viện trợ và cung cấp chỗ ở cho tên khủng bố muốn huỷ diệt chế độ của Mubarak lại hoàn toàn là chuyện khác. Nếu SSI tìm ra được những tộc trưởng Tayyid đang ẩn náu nơi nào đó trên lãnh thổ Ai cập thì cũng đủ để gây ra một cuộc chiến nhằm kết thúc việc xen vào nội bộ Ai Cập một cách triệt để.

Al-Zayyat đến toà tháp Ramses khoảng sau 10 giờ 30 phút và phát hiện ra toà nhà bị bao vây bởi hàng trăm cảnh sát mới vào nghề. Anh ta biết rằng hầu hết những viên cảnh sát trẻ tuổi này đã bí mật ủng hộ mục tiêu của tổ chức Thanh kiếm Allah. Rất nhiều trong số họ nếu có cơ hội sẽ sẵn lòng lặp lại hành động của trung uý Khaled Islambouli và cho một phát súng vào ngực của Pharaoh. Al-Zayyat bảo tài xế của mình lái xe đến dừng ở bên kia đường và hạ thấp cửa kính xuống. Một người đàn ông thấy được chiếc xe Mercedes của Văn phòng liền hối hả chạy qua.

“Chúng tôi đã đi vào đó khoảng 20 phút trước”, một nhân viên nói. “Trong đó không có ai cả. Rõ ràng là có một ai đó vừa mới ở đó, mà cho dù đó là ai đi nữa thì cũng đã vội vã bỏ đi. Có thức ăn ở trên bàn và những cái chảo ở trong bếp, mọi thứ đều còn ấm”.

Al-Zayyat lầm bầm chửi thề. Đó có phải là điềm xấu, hay là trong hàng ngũ của ta có một kẻ phản bội – một kẻ ở ngay trong SSI, người đã báo tới cho lãnh tụ Hồi giáo này về việc Mandali đang bị tra khảo.

Anh ta nói. “Phong toả tất cả các cầu ở Zamelek không ai được rời khỏi đảo mà không bị lục soát. Sau đó bắt đầu xét từng phòng bên trong toà tháp. Tôi không cần biết anh phải làm mất lòng những người nổi tiếng hay giàu có ở đây thế nào. Tôi muốn đảm bảo rằng gã lãnh tụ Hồi giáo hoàn toàn không có mặt ở bên trong toà tháp”.

Người nhân viên quay trở lại và chạy tới lối vào của tào nhà. Al-Zayyat lấy điện thoại từ trong túi và bấm số nội bộ của nhà tù Bọ Cạp.

“Vườn không nhà trống rồi”, anh ta nói với người đàn ông ở đầu kia.

“Chúng ta có nên chuyển sang tra khảo tiếp tên Mandali không?”.

“Không, hắn cũng hết thông tin gì cần thiết rồi”.

“Anh muốn chúng tôi làm gì hắn đây?”.

“Chúng ta chưa bao giờ bắt được hắn”, Al-Zayyat nói. “Chúng ta chưa bao giờ nghe về hắn. Hắn không là gì cả, không là ai cả”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 21-11-2013 10:24 AM
Chương 33
Copenhagen

10 giờ 24 phút tối thứ ba

Gabriel ngồi ngay trước máy thu âm, đeo tai nghe rồi nhấn nút Play.

“Em sợ tối nay anh không gọi. Anh có biết mấy giờ rồi không?”.

“Anh đang rất bận, em đã xem tin tức chưa?”.

“Các vụ nổ bom à? Mọi người đang bàn tán về chuyện đó đấy”.

“Thế họ đã nói những gì nào?”.

“Dĩ nhiên là dân Đan Mạch rất sốc về chuyện đó. Họ tự nhủ khi nào thì vụ việc tương tụ như thế sẽ xảy ra ở Copenhagen. Ở Norrebre, họ nói châu Âu đáng bị như vậy vì đã ủng hộ bọn Mỹ. Họ muốn bọn Mỹ phóng thích cho các lãnh tụ Hồi giáo”.

“Hanifah, cẩn thận với những gì em đang nói đấy. Coi chừng có người đang nghe lén”.

“Ai lại muốn nghe lén một người như em chứ?”.

“Em đã kết hôn với người đàn ông làm việc cho Hội đồng các vấn đề Hồi giáo ở Đan Mạch”.

“Một người đàn ông sẵn sàng sống xa vợ con để đến vùng Trung Đông làm cuộc nghiên cứu về thế giới đạo Hồi. Rốt cuộc là anh đang ở đâu vậy?”.

“Anh đang ở Istanbul. Còn Ahmed khoẻ không?”

Gabriel nhấn nút dừng, để tua băng lại, rồi nghe tiếp.

“Rốt cuộc là anh đang ở đâu vậy?”.

“Anh đang ở Istanbul. Còn Ahmed khoẻ không?”.

“Nó nhớ anh nhiều lắm”.

“Anh muốn nói chuyện với con”.

“Bây giờ đã khuya. Con nó ngủ được gần một tiếng rồi”.

“Đánh thức nó dậy đi”.

“Không”.

“Anh cần phải nói chuyện với nó đêm nay”.

“Vậy thì anh nên gọi sớm hơn chứ. Anh đang ở đâu vậy Ishaq? Có tiếng ồn gì ở trong điện thoại vậy?”.

“Tiếng xe cộ chạy ngoài đường đó mà”.

“Nghe như là anh đang ở trên đường cao tốc vậy”.

“Không như ở Copenhagen, ở Istanbul rất ồn ào. Hôm nay em có nói chuyện với cha anh không?”.

Dừng lại, tua băng và nghe lại.

“Anh đang ở đâu vậy Ishaq? Có tiếng ồn gì ở trong điện thoại vậy?”.

“Tiếng xe cộ chạy ngoài đường đó mà”.

“Nghe như là anh đang ở trên đường cao tốc vậy”

“Không như ở Copenhagen, ở Istanbul rất ồn ào. Hôm nay em có nói chuyện với cha anh không?”.

“Có, hồi chiều”.

“Ông ấy khoẻ không?”.

“Chắc là khoẻ”.

“Thời tiết ở Copenhagen ra sao?”.

“Lạnh, Ishaq. Anh đang nghĩ gì thế?”

“Có người lạ mặt nào lảng vảng quanh căn hộ không? Hay có bất kỳ khuôn mặt không quen nào đi trên phố không?”.

“Có thêm vài cảnh sát so với mọi khi, nhưng ở đây cũng yên tĩnh”.

“Em có chắc không?”.

“Vâng. Sao anh có vẻ lo lắng vậy?”.

“Bởi vì ngay lúc này đây, cộng đồng Hồi giáo đang bị bao vây. Bởi vì bọn anh bị bắt giữ và bị thẩm vấn chỉ vì đã nói tiếng Arập và cầu nguyện hướng về Meca”

“Không có ai bị bắt ở Copenhagen cả”.

“Chưa đâu”.

“Khi nào thì cuộc họp của anh kết thúc, Ishaq? Anh định khi nào mới về nhà?”.

“Thực ra hai mẹ con em sẽ đến ở đây. Không phải là Istanbul mà là một nơi tốt hơn”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 21-11-2013 10:26 AM
Chương 33
(tiếp theo)

“Anh đang nói gì vậy?”.

“Hãy mở ngăn cuối cùng tủ đồ của anh. Anh có để một phong thư ở đó”.

“Ishaq à, em mệt mỏi lắm rồi. Em không muốn chơi trò này đâu”.

“Hãy làm theo những gì anh nói Hanifah. Anh hứa là em sẽ không thất vọng đâu”.

Hanifah điên tiết, ném mạnh ống nghe xuống đến nỗi ở đầu dây bên kia màng nhĩ của Gabriel rung lên. Tiếp theo đó Gabriel chỉ nghe được những âm thanh từ xa. Tiếng bước đi từ từ, tiếng kéo ngăn tủ, tiếng xào xạc của những tờ giấy. Vài giây sau đó, giọng hốt hoảng của Hanifah vang lên.

“Anh lấy món tiền đó ở đâu ra vậy?”.

“Đừng bận tâm đến việc anh lấy nó ở đâu. Em thấy vé máy bay chưa?”.

“Beirut? Tại sao chúng ta lại đến Beirut?”.

“Cho kỳ nghỉ mát”.

“Máy bay sẽ khởi hành vào sáng thứ sáu. Sao mà em có thể chuẩn bị trong khoảng thời gian gấp như vậy?”.

“Chỉ cần mang những thứ cần thiết thôi. Anh sẽ nhờ ai đó trong Hội đồng đưa em đến phi trường. Một đồng nghiệp của anh tại Beirut sẽ đón em và con tại sân bay và đưa đến căn hộ mà chúng ta được cấp. Anh sẽ trở về từ Istanbul trong vài ngày tới”.

“Thật điên rồ. Sao bây giờ anh mới nói với em?””

“Hanifah, hãy làm theo những gì anh nói, anh phải đi đây”.

“Khi nào thì anh mới gọi lại nữa?”.

“Anh cũng không chắc nữa”.

“Ý anh là sao? Anh bảo em đến Beirut và rồi lại như vậy đó hả?”.

“Ừ, là như vậy. Em là vợ anh, cứ làm theo lời anh nói đi”.

“Không đâu, Ishaq. Hãy nói cho em biết khi nào anh gọi lại cho em nếu không thì em sẽ không đặt chân lên máy bay đâu”.

“Tối mai anh sẽ gọi lại cho”.

“Mấy giờ?”.

“Khi nào thuận tiện”.

“Không, không phải thuận tiện. Em muốn biết chính xác mấy giờ…”.

“9 giờ 30”.

“Giờ của ai? Của em hay của anh?”.

“9 giờ 30. GIờ Copenhagen”.

“Vào lúc 9 giờ 31 phút em sẽ không nghe điện thoại nữa. Anh hiểu chứ?”.

“Anh phải đi đây, Hanifah”.

“Chờ đã Ishaq”.

“Anh yêu em, Hanifah”.

Cạch.

“Anh vừa làm gì thế? Chúa ơi, anh vừa làm gì thế?”

Dừng lại. Tua băng. Nghe lại.

“Em muốn biết chính xác mấy giờ anh gọi…”.

“9 giờ 30”.

“Giờ của ai? Của em hay của anh?”.

“9 giờ 30. Giờ Copenhagen”.

“Vào 9 giờ 31 phút em sẽ không nghe điện thoại nữa. Anh hiểu chứ?”.

Dừng

Gabriel nhìn Mordecai. “Tôi sẽ nghe lại đoạn Ishaq yêu cầu Hanifah đi lấy vé và tiền. Anh có thể làm cho tạp âm nhỏ lại để tôi có thể nghe tiếng Ishaq được không?”.

Mordecai gật đầu và làm theo lời Gabriel, chỉ mất có 23 giây để thực hiện. Gabriel nghe lại đoạn đó 3 lần, rồi bỏ tai nghe ra khỏi đầu nhìn Sarah.

“Bảo Adrian không cần chờ NSA”, Gabriel nói. “Nói với anh ta rằng Ishaq sẽ gọi ở đường cao tốc, điểm dừng nghỉ trên đường đến Đức, theo giọng nói của những người tôi nghe được trong điện thoại thì hắn sẽ đến vùng Tây Bắc. Nói với Adrian sẽ có ít nhất một người đàn ông đi chung với hắn. Chúng sẽ vận chuyển cô ta bằng xe chở hàng vận chuyển. Hắn sẽ không nghỉ chân trong nhiều giờ sắp đến, vì hắn ta vừa đổ xăng đầy bình”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 21-11-2013 10:28 AM
Chương 34
Trên Bầu Trời Colorado

Ba giờ 28 phút tối thứ ba

Chiếc máy bay phản lực chuyên dụng Falcon đời 2000 bắt đầu lắc mạnh khi đi vào những đám mây của cơn bão, phía dưới là những đồng cỏ phía đông Colorado. Lawrebce Strauss tháo cặp mắt kính đọc sách của mình ra và kẹp nó lại. Lawrebce Strauss không cho phép thân chủ của mình áp đặt thời khoá biểu cá nhân hoặc phương tiện đi lại nhưng trường hợp này là một ngoại lệ. Vị thân chủ vừa là bạn mà cũng chính là Tổng thống Hoa Kỳ - nhiệm vụ được giao cho Strauss cực kỳ nhạy cảm mà chỉ có Tổng thống và luật sư của ông ta biết.

Chiếc máy bay phản lực ra khỏi đám mây u ám tới một nơi trong lành hơn. Strauss đeo kính rồi nhìn xuống tập hồ sơ trên bàn làm việc phía trước mình. Hoa Kỳ đối lập với Sheikh (lãnh tụ Hồi giáo) Abdullah Abdulrazzaq. Tổng thống đã đích thân đưa cho Strauss vào khuya đêm hôm trước ở tại Nhà Trắng. Strauss biết được rất nhiều thông tin qua việc đọc các vụ kiện của chính phủ chống lại vị tu sĩ Ai Cập này. Alf một luật sư bào chữa giỏi, ông có thể lật ngược tình thế chỉ bằng những lời sắc bén trươc toà. Nhưng lãnh tụ Hồi giáo không có được luật sư bào chữa giỏi, thay vào đó ông đã tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi của binh lính đến từ Manhattan, những người đã bị rơi vào bẫy của bên bị đơn. Nếu Lawrebce Strauss là luật sư của vị lãnh tụ Hồi giáo này, vụ việc không cần phải ra toà. Abdullah sẽ được tuyên án nhẹ hơn hoặc có kảh năng được phóng thích ngay tại chỗ.

Nhưng Lawrebce Strauss không đảm nhận các vụ kiện giống như vụ kiện về lãnh tụ Hồi giáo Abdullah. Thực ra thì ông ít khi nhận các vụ kiện Abdullah. Strauss được biết đến như là một luật sư không có tiếng tăm nhưng mọi người đều cần tới. Ông ta không bao giờ lộ diện trước báo chí, không tham dự các buổi tiệc coctail ở Washington, lần duy nhất mà ông ta có mặt ở phòng xử án cách đây 20 năm vè trước là để làm chứng chống lại một người đàn ông tấn công ông trong lúc ông chạy bộ buổi sáng trong công viên Battery Kemble ở Washington. Strauss chưa từng thắng được vụ kiện lớn nào. Nhưng ông cũng không có vụ scandal nào. Ông tham dự vào các vụ kiện ở Washington nơi có mối qua hệ chính trị, mối quan hệ cá nhân, để thể hiện sự tài hoa trong lĩnh vực hợp pháp, không giống như các bạn đồng nghiệp khác đang làm việc trong giới luật pháp ở Washington. Ông có được khả năng xoay sở trước những đường lối chính trị. Những quan điểm chính trị của ông đều mang tính chủ nghĩa thực dụng, vì vậy ông thường đến trại David một số ngày cuối tuần trong một năm dù cho Đảng nào cầm quyền đi nữa. Ông rất giỏi thương lượng và biết cách làm cho người khác nguôi giận. ông giải quyết những rắc rối và bị cáo một cách êm đẹp. Strauss tin rằng những vụ tố tụng là những trò chơi may rủi mà ông không thích tham gia, chỉ trừ cuọc hơi bài vào tối thứ năm với chánh án toà án tối cao Hoa Kỳ, và hai vị nguyên Chưởng lý và Chủ tịch của Uỷ ban Tư pháp thượng nghị viện. Tuần trước như mọi khi ông đã thắng lớn.

Qua bộ đàm, viên phi công nói với Strauss rằng máy bay sẽ hạ cánh trong vòng mười phút nữa. Strauss bỏ tập hồ sơ vào va li và nhìn những đồng bằng phủ đầy tuyết đang vươn lên đón ông. Bởi vì ông đang đối đầu với một đối thủ không tầm thường.

Strauss lo sợ rằng mình đang dây vào một vụ rắc rối. Ông buộc phải sử dụng đến mưu mẹo mặc dù không hề thích như vậy, và ông cho rằng chỉ có nhưgxng kẻ thua cuộc mới phải dùng đến mưu mẹo. Mà Lawrence Strauss lại ghét việc thất bại hơn cả việc ngồi trên máy bay.

Nhà tù Penitentiary Administrative Facility Hoa Kỳ, còn được biết đến là nhà tù biệt giam hay là nhà tù Alcatraz vùng Rockies, cách miền nam Florence 2 dặm, bị bao phủ bởi những ngọn đồi sa mạc cao vút của Colorado và tránh xa khỏi tầm nhìn của công chúng. Có 400 tên tù nguy hiểm nhất thế giới bị giam ở đó, gồm có Theodore Kaczynski, Tery Nichols, Ẻic Rudọph, Mathew Hale, David Lane, Anthony Ggaspipe Casso, tay trùm giấu mặt của gia đình tội phạm Luchese. Bên trong nhà lao này còn có rất nhiều những tay trùm khủng bố Hồi giáo, như Zacarias Moussaoui, Richard Reid, và Ramzi Yousef, kẻ lên kế hoạch cho vụ khủng bố tấn công vào toà nhà thương mại: Mặc dù ở đây toàn là những tù nhân có tiền sử khét tiếng nhưng những điều tra cho thấy nhà tù này lại thiết người trông coi và thiếu an toàn. Các uỷ viên công tố ở California biết được rằng tên trùm maphia người Mexico đang điều hành những tập đoàn tội phạm ở Los Angeles ngay trong phòng giam tại Supermax, trong khi đó những nhà cầm quyền ở Tây Ban Nha phát hiện ra rằng tên cầm đầu vụ khủng bố trugn tâm Thương mại quốc tế Mohamed Salameh hay thư từ với những tên tội phạm khủng bo strong nhà giam về vụ đánh bom tàu ngâmcf Madrid. Khi Lawrence Strauss đi qua tên lính gác cổng, ông mong rằng các lính gác giữ được nơi đây an bình cho đến khi ông trở lại máy bay.

Người cai ngục đang chờ Strauss tại khu vực tiếp khách. Sau khi trịnh trọng bắt tay với Strauss, người cai ngục đưa ông vào và không nói thêm lời nào cả. Họ đi qua hàng loạt các cửa sắt, đóng lại nagy sau khi họ đi qua. Strauss từng đi cùng với Tổng thống trên một chiếc tàu ngầm hạt nhân và ông thề là sẽ không lặp lại chuyện đó nữa. Cũng như ngay lúc này đây, ông thấy sợ bị giam cầm và mồ hôi cứ tuôn ra mặc dù thời tiết ở đây lạnh giá.

Người cai ngục đưa ông đến phòng thẩm vấn an toàn. Nó được chia ra hai buồng bởi một bức tường bằng thuỷ tinh, những người đến thăm ở một bên và bên kia là tù nhân. Ở giữa là điện thoại để họ nói chuyện với nhau. Chuyện đó cho thấy tất cả các cuộc nói chuyện với tù nhân điều bị quản lý. Strauss nhìn người cai ngục và nói. “Tôi sợ là không thể làm như vậy được”.

“Tất cả các thiết bị thu âm và máy quay hình đền phải được tắt hết”.

“Cuộc nói chuyện ngày hôm nay không được thực hiện qua bất cứ thiết bị điện tử nào”.

“Điều này được thực hiện đúng như khi CIA và FBI đến đây”.

“Tôi không làm cho FBI hay CIA”.

“Nhưng đây là qui tắc ông Strauss ạ”.

Strauss lấy điện thoại di động trong túi áo ra. “Chỉ cần một cú điện thoại thôi. Chỉ cần một cú điện thoại thì tôi sẽ có những gì tôi muốn. Nhưng đừng có lãng phí thời gian quý báu. Hãy thoả thuận nhé”.

“Ông đang nghĩ gì vậy?”.

Strauss nói với người cai ngục.

“Hắn không hề bước ra khỏi phòng giam hàng tuần nay”.

“Vậy thì thứ hắn cần nhất bây giờ là không khí trong lành”.

“Ông có biết ở ngoài lạnh khủng khiếp thế nào không?.

“Đưa cho hắn một cái áo khoác”, Strauss nói.

Trời bắt đầu tối dần khi Strauss được dẫn qua cánh cửa sập đến sân tập thể dục của tù nhân. Một cái bàn và hai chiếc ghế xếp được đặt ngay giữa sân, những chiếc đèn hình vòng cung dọc theo trên hàng rào điện. Có 4 viên lính gác đứng như pho tượng xung quanh và hai ngừơi nữa có mang vũ khí trên tháp quan sát. Strauss nhìn người cai ngục và gật đầu đồng ý rồi đi vào sân một mình và ngồi xuống ghế.

Vị lãnh đạo Hồi giáo Abdullas Abdul-Razzaq xuất hiện từ khu nhà giam 5 phút sau đó, hắn bị xiềng và bị kẹp giữa hai tên lính gác ngục to con. Hắn thấp hơn so với Strauss tưởng tượng, gầy như một gã nghèo đói. Hắn mặc bộ đồ tù nhân liền thân màu cam như cáo paca và đôi vai xương xẩu của hắn hiện lên dưới lớp áo. Râu thì rậm rạp và bù xù, và tất cả những gì Strauss thấy đó là khuôn mặt xám xịt và ốm yếu bệnh hoạn. Ông nghĩ đây là vẻ mặt của một người sắp chết, một khuôn mặt không hề nhìn thấy ánh mặt trời trong nhiều năm. Nhưng cặp mắt của hắn nói lên rằng hắn rất thông minh. Lawrence Strauss là người đàn ông kiếm sống nhờ vào những vụ xử án dân sự. Ấn tượng đầu tiên của Strauss về tên lãnh đạo Hồi giáo Abdullah, là hắn là một tên dũng cảm và tận tuỵ - không giống như tên cuồng tín mà các uỷ viên hay nói đến lúc vụ xử án diễn ra. Tên này đáng là một đối thủ xứng tầm với mình đây.

Khi vị lãnh đạo Hồi giáo ngồi xuống ghế, Strauss nhìn một trong những tên canh gác và nói. “Anh làm ơn tháo cái còng ra cho ông ta đi”.

Người canh ngục lắc đầu. “Điều đó là chống lại luật pháp”.

“Tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc này”.

“Xin lỗi, nhưng đó là luật, chúng tôi không thể làm khác được”, người cai ngục nói với ông. “Các tù nhân không bao giờ được tháo còng khi họ ở ngoài nhà tù cả. Điều đó đúng không, Sheikh Abdullah?”.

“Người giữ tù vỗ nhẹ vào lưng viên lãnh đạo Hồi giáo rồi trở ra canh ngục tiếp. Người Ai Cập không nói gì cả mà chỉ dán mắt vào Lawrence Strauss.

“Ông là ai?”, hắn hỏi Strauss với giọng Anh.

Strauss trả lời. “Tôi là Arthur Hamilton”.

“Ông làm việc cho chính phủ Mỹ phải không?”

Strauss lắc đầu. “Tôi muốn ông biết rằng tôi là một công dân riêng biệt. Tôi chẳng có mối liên hệ gì với chính phủ Mỹ cả”.

“Nhưng tôi tin chắc rằng không phải tự ông muốn đến đây mà ông đến theo sự sắp đặt của người khác”.

“Chính xác”.

“Ai phái ông đến đây?”.

Strauss nhìn lên những tên canh ngục trên pháo đài rồi nhìn chằm chằm vào Sheikh Abdullah. “Tôi là đặc phái viên của Tổng thống”.

Viên lãnh đạo Hồi giáo như gỡ được một phần thắc mắc qua câu trả lời của Strauss. “Tôi đang mong đợi ông đấy, tôi có thể giúp gì được cho ông không, ông Hamilton?”, hắn ta hỏi với giọng điệu rất điềm tĩnh.

“Tôi cho là ông biết về vụ tổ chức của ông đã bắt cóc con gái của đại sứ Mỹ ở Luân Đôn và còn đang đe doạ là sẽ giết cô ấy nếu như Hoa Kỳ không chịu thả ông về Ai Cập”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 21-11-2013 10:30 AM
Chương 34
(tiếp theo)

“Này ông Hamilton, ông hãy lựa lời mà nói đấy. Trong mắt của chúng tôi thì Elizabeth Halton là mục tiêu hợp pháp. Cái chết của cô ta phải được xảy ra như dự định, đó không phải là vụ án mạng mà là vụ giết ngừơi chính đáng”.

“Vậy ông…”.

“Tôi biết chứ, Hamilton ạ”.

“Vậy ông có liên quan đến vụ tấn công đó không?”.

“Ông đang hỏi tôi rằng tôi là người ra lệnh làm điều đó hay tôi là người lên kế hoạch?”.

“Phải”.

Hắn lắc đầu chậm rãi. “Tôi chẳng liên lạc gì với tổ chức Thanh kiếm Allah cả bởi vì tôi bị giam trong này mà. Điều gì đã được thực thi nhân danh tôi?”.

“Bởi em trai của ông”.

“Tôi không biết”, viên lãnh đạo Hồi giáo cười. “Ông rất giỏi trong việc đặt câu hỏi, ông Hamilton. Tôi nghĩ ông là một luật sư đúng không?”.

“Tội ác phải bị trừng phạt Sheikh Abdullah ạ”.

“Tôi đánh giá cao tính bộc trực của ông. Tôi có thể hỏi ông một câu chứ?”.

Strauss gật đầu.

“Ông có thể cải đạo Hồi không?”.

“Ông lặp lại thử xem”.

“Là một người Hồi giáo sùng đạo, tôi bị ép buộc làm vài điều bao gồm cả việc mang món quà của Hồi giáo cho những người vô tính ngưỡng”.

“Sheikh Andullah ạ, tôi e là lòng trung thành của tôi đã dành cho đạo khác rồi”.

“Ông có phải là người sống dựa toàn vào sách vở không?”.

“Tôi tin vào luật pháp, Sheikh Abdullah ạ”.

“Luật pháp có ý nghĩa quan trọng nhất chỉ có thể là luật pháp của Đấng tối cao”.

“Vậy theo ông thì Đấng tối cao nói gì về sự tàn bạo ở Châu Âu? Ngài sẽ nói gì về những vụ bắt cóc và giết ngừơi hả?”.

Vị lãnh đạo Hồi giáo lặng đi một lúc. “Ông có biết chuyện gì đã xảy ra với nước tôi sau khi máy bay của Osama đâm vào toà tháp đôi không? Chính phủ ông đã đưa cho Mubarak một danh sách hàng trăm cái tên, ông Hamilton. Ông có biết Mubarak và cảnh sát chìm của họ làm gì không? Họ đã bắt tất cả những người đó dù những người này không có liên quan gì đến vụ 11/9”.

“Vậy điều này thanh minh cho việc bắt cóc và giết hại phụ nữ vô tội à?”.

“Hoàn toàn chính xác”, vị lãnh đạo Hồi giáo ngước mắt lên nhìn bóng đèn huỳnh quang đang làm hắn chói mắt. “Không phải Tổng thống phái ông từ Washington đến đây để dàn xếp một cuộc tranh luận chứ, ông Hamilton?”.

“Không, ông ta không làm vậy”.

“Vậy ông đến đấy với mục đích gì?”.

“Tổng thống phái tôi tới đây để thỉnh cầu một đặc ân. Ông ấy muốn ông gọi điện cho tổ chức của ông bảo họ thả Elizabeth ra. Tổng thống nhận thấy rằng lời nói của ông có ảnh hưởng sâu sắc đến những kẻ bắt giữ cô ấy”.

“Kẻ bắt giữ Elizabeth đang nghe lời người khác. Tiếng nói của tôi chẳng có ảnh hưởng gì đâu”.

“Tổng thống nghĩ khác”, Strauss nói tiếp, đầy thận trọng. “Và ông ấy rất biết ơn ông về bất kì điều gì ông đã giúp chúng tôi trong việc này”.

“Vậy vị Tổng thống sẽ chứng minh lòng biết ơn như thế nào đây?”.

“Sheikh Abdullah, không phải tôi đến đây để thương lượng”.

“Tất nhiên rồi, ông Hamilton ạ”.

“Tổng thống biết ông là một người biết điều không muốn Elizabeth bị tổn hại. Ông ấy tin rằng cuộc thương lượng vào lúc này là không thích hợp. Nó cũng không đúng với chính sách của nước Mỹ”.

“Nếu như ông ta nghĩ tôi là một người biết điều, vậy tại sao ông ta lại quy cho tôi là tên khủng bố khát máu chứ?”.

“Đôi khi nhiều chuyện mà quần chúng nói không nhất thiết phải chú ý làm gì”, Strauss nói. “Là người ở vùng Trung Đông, tôi nghĩ ông hiểu điều này mà đúng không?”.

“Hơn là ông nghĩ đấy”, gã người Ai Cập nói. “Nhưng Tổng thống đâu cần sự hợp tác của tôi trong chuyện này. Ông ta chỉ cần bảo những điệp viên giỏi của mình làm giả một cuộn băng tuyên bố là được rồi”.

“Ông ấy nghĩ nếu như không có lời nói của ông thì những kẻ bắt giữ Elizabeth sẽ không tin. Tổng thống muốn ông nói trước máy quay phim. Và dĩ nhiên chúng tôi cũng đã chuẩn bị đầy đủ cho cuộc ghi hình này”.

“Dĩ nhiên”, vị lãnh lãnh đạo Ai Cập vuốt râu tư lự. “Theo tôi biết thì ngài Tổng thống Hoa Kỳ muốn tôi chấm dứt cuộc khủng hoảng này. Nhưng ông ta sẽ cho tôi gì chứ?”

Strauss lấy từ trong vali bộ hồ sơ ra và đặt nó lên bàn. “Tôi để ý là các nguyên cáo đến từ văn phòng luật sư của Mỹ đã không cung cấp đủ các chứng cứ cần thiết cho luật sư của ông như theo yêu cầu của luật pháp. Tôi tin rằng bản kiến nghị được phác thảo theo mục 2255 sẽ hứa hẹn được chấp thuận tại các phiên toà”.

“Hứa hẹn như thế nào?”.

Một lần nữa Strauss lại cảnh báo. “Tôi có thể đoán trước được viễn cảnh lời buộc tội ông sẽ được đảo ngược, vào thời điểm chính phủ quyết định giữ lại hay phóng thích ông. Trong lúc chờ đợi cuộc sống ở đây sẽ trở nên dễ chịu hơn đối với ông”.

“Làm như thể tôi là một vị khách được mời vậy”.

“Ông đúng là một vị khách mời, Abdullah ạ. Chúng tôi chấp thuận cho ông được phép vào đất nước này, vậy mà ông đáp lại lòng hiếu khách của chúng tôi bằng cách tấn công một số vị trí quan trọng nhất của chúng tôi”.

“Nhưng dù sao ông cũng sẵn lòng đảm nhận vụ kiện của tôi chứ?”.

“Đó không phải là công việc của tôi”, Strauss nói. “Nhưng tôi nghĩ có vài luật sư có thể làm tốt việc này”.

“Vậy phải mất bao lâu?”.

“2 năm”, Strauss nói. “Lâu nhất là ba năm”.

“Trông tôi giống như người có thể sống tới được 3 năm nữa hay sao?”.

“Ông không có sự lựa chọn”.

“Không, ông Hamilton, Tổng thống mới là người không có sự lựa chọn. Thực ra thì ông ta không còn cách nào khác mới cử ông đến đây để nài nỉ sự giúp đỡ của tôi. Vậy mà các ông lại mong muốn sự biết ơn của tôi à. Đó chẳng phải là những gì người Mỹ hay làm sao? Dường như có một việc mà ông không hiểu, đó là có nhiều chuyện còn quan trọng hơn việc hy sinh mạng sống của người phụ nữ Mỹ nào đó”.

Strauss bỏ tập hồ sơ vào cặp. “Tôi không phải là một chuyên gia Trung Đông, nhưng vài điều ông nói có chút không đúng, Abdullah. Hãy cứu mạng Elizabeth. Hãy làm điều thiện. Đấng tối cao sẽ phù hộ cho ông”. Ông ta lưỡng lự và nói thêm. “Và Tổng thống sẽ ban thưởng cho ông vì điều đó”.

“Nói với Tổng thống của ông rằng người Mỹ không thương lượng với những tên khủng bố, còn chúng tôi thì không thương lượng với bạo chúa. Bảo ông ta hãy chấp nhận những yêu cầu của tổ chức Thanh kiếm Allah, nếu không ông ta sẽ phải đứng tại căn cứ không quân Andrews để nhìn quan tài của Elizabeth được đưa xuống máy bay”.

Strauss đột nhiên đứng lên và nhìn xuống tên lãnh tụ Hồi giáo. “Ông đang mắc sai lầm nghiêm trọng đấy. Ông sẽ chết rũ xương trong nhà tù này”.

“Có lẽ vậy”, tên người Ai Cập nói. “Nhưng các người sẽ chết trước tôi”.

“Sheikh Abdullah, tôi e là sức khoẻ của tôi tốt hơn ông nhiều đấy”.

“Đúng vậy, nhưng ông sống ở Washington và một ngày gần đây anh em của chúng tôi sẽ san bằng nó thành đống tro tàn”, tên lãnh đạo nhìn lên bầu trời tối mịt và nói. “Bay về nhà vui vẻ nhé, ông Hamilton. Và làm ơn gửi những lời chúc tốt đẹp của tôi đến Tổng thống”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 22-11-2013 07:35 AM
Chương 35
Copenhagen

Một giờ 15 phút chiều thứ tư.

“Anh đã nói đúng về cuộc gọi từ Đức”, Adrian Carter nói.

Carter và Gabriel đang đi dạo dọc theo một con đường lát đá trong khu vườn Tivili. Carter mặc một chiếc áo len, đội một cái mũ da ushanka mà ông có được từ thời còn ở Mát-cơ-va. Gabriel mặc một chiếc quần jeans và áo khoác da bước cạnh Carter, vẻ bồn chồn.

“NSA cứ cho rằng Ishaq chỉ ở đâu đó ngay bên ngoài Dortmund lúc hắn gọi điện cho vợ mình, có thể ở chỗ dọc theo xa lộ A1. Họ giả thuyết là những tên bắt cóc đang cố gắng đưa Elizabeth ra khỏi nước Anh rồi đưa cô ta đến chỗ nào khác ở châu Âu”.

“Anh đã nói với mấy tay người Đức chưa?”.

“Chỉ sau khi NSA xác định được địa điểm hai phút thì Tổng thống đã nói chuyện điện thoại với Thủ tướng Đức. Trong vòng một tiếng đồng hồ sau, toàn bộ cảnh sát phía Tây bắc đều được huy động để tìm kiếm. Và dĩ nhiên là họ có tìm thấy ai đâu, cả Ishaq lẫn Elizabeth”.

“Có lẽ ta đành trông chờ vào vận may thôi”, Gabriel tiếp. “Lỡ như có tay cớm nào không phải phe ta tình cờ tìm được họ, có lẽ chúng ta phải liên hệ đến vụ Furstenfeldbruck”.

“Sao tôi nghe thấy cái tên này quen quen thế nhỉ”.

“Đó là sân bay của Đức ở ngoại ô Munich, nơi đã đón các chuyên viên của chúng ta vào năm 1972 ấy. Mấy tên khủng bố định lên máy bay và chuồn êm ra nước ngoài. Dĩ nhiên đó là một cái bẫy. Người Đức đã tiến hành một cuộc giải thoát. Chúng ta đã yêu cầu được phụ trách vụ đó, vậy mà họ lại từ chối. Họ muốn tự làm. Giải quyết vụ đó theo hướng ôn hoà thật là một sai lầm lớn”.

“Nhớ rồi”, giọng Carter trở nên xa vắng. “Chỉ trong vài giây, đám chuyên gia của anh đã chết sạch”.

“Shamron đứng ngay trong toà tháp và đã chứng kiến từ đầu đến cuối”, Gabriel nói.

Hai người họ ngồi ở một quán cà phê vỉa hè. Gabriel gọi một tách cà phê và một cái bánh táo rồi nhìn Sarah từ từ đi ngang qua. Phần đuôi cái khăn quàng cổ của cô nhét vào trong áo khoác, một ám hiệu giao trước của bọn họ, nghĩa là không có dấu hiệu nào của an ninh Đan Mạch.

“Munich”, Carter nói sau khi ngẫm nghĩ. “Mọi chứng cứ đều dẫn về Munich thì phải? Munich là bằng chứng cho thấy chủ nghĩa khủng bố sẽ làm cả thế giới phải phục tùng. Và cũng chính Munich chon người ta thấy là bọn khủng bố không chỉ nói suông”. Carter chua xót, nhấm nháp tách cà phê. “Nhưng Munich cũng chứng minh rằng chỉ có những chiến dịch tàn nhẫn và dứt khoát mới có thể chống lại được bọn giết ngừời. Mất nhiều thời gian đấy, nhưng cuối cùng anh cũng có thể làm giống như phim “Tháng Chín Đen vậy”, Carter nhìn sang Gabriel. “Xem phim đó chưa?”.

Gabriel nhìn Carter và gật đầu chậm rãi. “Nó hiện ra trong đầu tôi hàng đêm, Adrian à. Người thật việc thật chứ không phải là bộ phim do thằng cha đạo diễn nào đó dựng chuyện bàn về vận mệnh của đất nước tôi để kiếm sống đâu”.

“Tôi không có ý muốn chọc tức anh”, Carter lấy dao chọc vào cái bánh. Ai đó mà thấy cái bánh vào lúc này thì thật chẳng còn muốn ăn nữa. “Nhưng có một cách để mọi chuyện dễ dàng hơn mà, đúng không? Tiêu diệt hết mấy thằng đầu sỏ, và cả mạng lưới cũng sẽ như rắn mất đầu mà tiêu tùng theo. Hiện tại chúng ta đang phải chiến đấu chống lại tín ngưỡng, mà niềm tin đâu dễ bị đánh bại như vậy. Cũng tương tự như việc phải đấu tranh chống căn bệnh ung thư vậy. Anh phải dùng thuốc đúng liều đúng lượng. Dùng thuốc quá ít, bệnh ung thư sẽ ngày càng nặng. Ngược lại nếu dùng quá liều bệnh nhân sẽ xong đời”.

“Ông sẽ không bao giờ chữa được căn bệnh ung thư khi Ai Cập cứ tiếp tục làm náo động bọn khủng bố”, Gabriel nói. “Nhưng Ibrahim Fawaz là một ngoại lệ. Khi hắn bị chính chế độ của mình tra tấn và nhục mạ, thì hắn sẽ chọn rời bỏ nhóm Hồi giáo cực đoan để được duy trì mạng sống. Trong khi đó, những kẻ khác lại hoàn toàn ngược lại”.

“Chẳng phải sẽ rất tuyệt nếu chúng ta chỉ cần bật ngón tay mà có thể gây ảnh hưởng đến một chế độ dân chủ ở khắp bờ sông Nile sao. Có điều, nó sẽ không diễn ra sớm được, nhất là chúng ta đang còn làm vụ ở Irắc”.

“Về nhiều mặt thì Ai Cập – xét về bản chất – đã là một nước Cộng hoà Hồi giáo rồi. Vì chính phủ không có khả năng lo cho người dân của mình nên những tín đồ Hồi giáo đã làm điều đó thay cho chính phủ. Bọn họ thâm nhập vào trường tiểu học, đại học và bộ máy nhà nước lẫn cả vào lĩnh vực nghệ thuật, truyền thông; thậm chí cả toà án và hệ thống pháp luật. Không có cuốn sách hay phim ảnh nào được phép xuất bản mà không thông qua các giáo sĩ ở đến Al-Azhar. Tầm ảnh hưởng của phương tây đang lụi dần. Chế độ đó chắc chắn bị sụp đổ, chỉ là sớm hay muộn mà thôi”.

“Hy vọng xe chúng ta sẽ đầy xăng trước khi chuyện đó xảy ra”.

Gabriel nhét vài tờ tiền dưới tách cà phê và đứng dậy. Họ lại tiếp tục đi đến ven công viên ngang qua những hàng ăn dọc đường. Sarah đang ngồi ở một bàn gỗ, ăn tôm lạnh với bánh mì đen. Cô trút phần thức ăn dang dở của mình vào thùng rác khi Carter và Gabriel ngang qua rồi bám theo cả hai.

“Nói về vụ Ai Cập, đêm qua chúng tôi suýt chút nữa đã thành công”, Carter nói. “SSI đã bắt được một tên mật vụ của tổ chức Thanh kiếm Allah tên là Hussein Mandali. Hắn bị bắt do giữ trong người một trong những cuốn băng thuyết giáo của Sheikh Tayyib – cuốn Bài thuyết giáo. Cuốn băng được thu âm ngay sau vụ bắt cóc. Hoá ra, Mandali đã có mặt tại nơi thu âm, một căn hộ tại Zamalek. Chủ sở hữu của căn hộ chính là mạnh thường quân của tổ chức Thanh kiếm Allah – Hoàng tử Rashid bin Sultan. Đó là vị hoàng tử đã vài ba lần xuất hiện trong những vụ chúng ta theo dõi. Dường như việc ủng hộ những tên khủng bố Hồi giáo là thú vui của anh ta, cũng như thú chơi chim cảnh hay thói ăn chơi truỵ lạc”.

Carter móc tẩu thuốc từ trong túi ra. “SSI đã lùng sục khắp căn hộ và cả những cơ ngơi khác nhưng chúng đều bị bỏ trống. Chúng tôi xin phép được thẩm vấn Mandali nhưng được báo lại rằng hắn không sẵn sàng để nói bất cứ điều gì”.

“Điều đó có nghĩa là hắn sẽ không lộ mặt nữa”.

“Hoặc tệ hơn”.

“Hay muốn tống khứ mấy tên chốt như tôi đến Ai Cập để thẩm vấn?”.

“Anh nói đúng trọng điểm rồi đó, Gabriel. Vấn đề là chúng ta phải làm gì bây giờ?”.

“Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nói chuyện với Ishaq”.

Carter đứng lại và nhìn thẳng vào Gabriel. “Chính xách thì anh đang nghĩ gì vậy?”.

Gabriel nói với Carter về kế hoạch của mình khi họ đi qua trung tâm Copenhagen dọc theo một con đường vắng vẻ.

“Thật là mạo hiểm”, Carter nói. “Chúng ta cũng khôgn có gì đảm bảo rằng hắn ta sẽ gọi đến đêm nay. Mặc dù chúng ta yêu cầu cảnh sát Đức thực hiện cuộc lục soát một cách êm thấm, thế mà vẫn không qua mặt được cánh báo chí, và cũng đồng nghĩa là có thể Ishaq đã đánh hơi thấy. Nếu hắn thông minh, coi như ta không có chứng cứ nào cả; nhưng ngược lại, nếu hắn nghi ngờ các cuộc điện thoại đã bị theo dõi, hắn sẽ hành động”.

“Hắn sẽ gọi, Adrian à. Hắn đang cố gắng gìn giữ gia đình của mình. Không có lựa chọn nào mà lại không kèm theo rủi ro”.

Carter lại suy nghĩ hồi lâu rồi nói. “Chúng ta phái báo cáo rõ với bên Đan Mạch. Kế hoạch này phải được Tổng thống chấp thuận”.

“Vậy thì gọi cho Tổng thống chứ?”.

Carter đưa điện thoại cho Gabriel và nói. “Ông ta là bạn của anh cho nên anh gọi đi”.

Một giờ đồng hồ lại trôi qua trước khi ngài Tổng thống nhận cuộc điện thoại của Gabriel. Bước đầu tiên của hoạt động sẽ biết sau 10 phút nữa, không phải ở Copenhagen mà ở Amsterdam vào lúc 12 giờ 45 phút chiều. Sau buổi cầu kinh, Ibrahim Fawaz bước ra khỏi đền al-Hijirah và bắt đầu đi thẳng đến khu chợ trời ở Ten Kate Straat. Khi hắn ta đến gần gian hàng cuối chợ, một người đàn ông đứng bên cạnh và chạm nhẹ vào tay. Ngừơi đàn ông này có đầy sẹo tròn do đậu mùa trên má, nói tiếng Arập sệt giọng Palestine. 5 phút sau, Ibrahim ngồi cạnh anh ta ở phía sau chiếc Marcedes.

“Lần này thì không xiềng xích và không trùm đầu chứ?”.

Người đàn ông với khuôn mặt đầy sẹo do bị đậu mùa khẽ lắc đầu. “Tối nay ta sẽ có một chuyến đi dễ chịu, miễn là ông cư xử cho phải phép”.

“Chúng ta đi đâu?”.

Người đàn ông trả lời đúng sự thật.

“Copenhagen? Tại sao lại là Copenhagen?”, Ibrahim hỏi.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 22-11-2013 07:36 AM
Chương 35
(tiếp theo)

“Một người bạn của ông sắp làm chuyện nguy hiểm. Anh ta cần sự giúp đỡ của một người tốt bụng như ông đây”.

“Tôi cho là anh ta đã nghe được điều gì từ con trai tôi”.

“Tôi chỉ là giao liên. Bạn ông sẽ giải thích rõ những thắc mắc khi chúng ta đến đó”.

“Vậy còn con dâu và cháu tôi thế nào rồi?”.

Người đàn ông không trả lời. Thay vào đó ông ta liếc vào kính chiếu hậu, lắc nhẹ đầu ra hiệu cho tài xế lái đi. Khi xe đi qua đoạn đường khúc khuỷu, Ibrahim tự nhủ không biết là họ có thật sự đến Copenhagen không hay là họ lại đến phòng tra tấn của Ai Cập. Ibrahim chợt nhớ đến những lời của Đạo trưởng Abdullah, tin tưởng vào Đấng tối cao. Vị lãnh tụ đã từng nói. Đừng để bị đánh bại.

Mấy vụ của Đan Mạch được biết đến như là an ninh tình báo. Những người làm việc ở đó gọi nó là “làm công”, và một trong số những tay lão làng là Adrian Carter thì lại xem nó như PET, những chữ cái viết tắt từ một cái tên Đan Mạch mà thật không thể nào phát âm được dù căn cứ luôn được giữ bí mật và được người dân biết đến như một văn phòng luật sư nằm tại một nơi yên tĩnh ở phía Bắc khu vườn Tivoli.

Lars Mortensen, một người nhiệt tình ủng hộ Mỹ của PET đang ngồi chờ trong văn phòng của mình lúc Carter bước vào. Đó là một người cao to, để râu kiểu Viking giống như người Đan Mạch với mái tóc vàng của ngôi sao điện ảnh, cặp mắt màu xanh sắc bén. Hiếm khi một đặc vụ Mỹ như Adrian Carter lại ghé đến Copenhagen để tham quan, và càng hiếm hơn nữa khi ông ghé qua mà chỉ báo trước có năm phút.

“Tôi mong anh hãy báo trước khi đến”, Mortensen nói khi gật đầu với Carter từ trên ghế. “Ta nên có một buổi đón tiếp xứng đáng với địa vị chứ”.

“Tôi sợ là có chuyện đang xảy ra”. Carter nói một cách cẩn trọng, đảm bảo ông ta hiểu mình đang nói gì. “Cuộc tìm kiếm Elizabeth Halton đã đưa chúng tôi đến vùng đất Đan Mạch, mà chính xác hơn không phải chúng tôi mà là đặc vụ cộng sự của chúng tôi”.

“Đặc vụ nào?”.

Carter trả lời đúng sự thật. Mortensen chuyển từ cái nhìn tò mò sang giận dữ.

“Họ đã ở Đan Mạch bao lâu rồi?”.

“24 giờ rồi”.

“Tại sao chúng tôi không được thông báo gì hết?”

“Tôi cho vụ này được xếp vào loại thượng khẩn”.

“Trong lúc thượng khẩn thì điện thoại vẫn hoạt động chứ? Cả máy fax và vi tính nữa?”. Mortensen nói.

“Nó ngoài tầm của ta rồi”, Carter nói với giọng hoà giải. “Tôi chịu trách nhiệm về chuyện này chứ không phải người Do Thái”.

“Chính xác thì họ đang làm gì ở đây? Tại sao bây giờ anh lại đến với chúng tôi?”, Mortensen khẽ nhắm mắt lại. Vị trưởng phòng an ninh gõ nhẹ cây bút chì vào đầu gối mình một cách băn khoăn khi nghe Carter giải thích.

“Chính xác là có bao nhiêu người Do Thái ở Copenhagen lúc này?”

“Thật ra thì tôi không chắc lắm”.

“Tôi muốn họ biến khỏi thành phố trong vòng một tiếng nữa”.

“Tôi e là ít nhất một trong bọn họ sẽ phải ở lại”.

“Tên hắn”.

Carter nói xong, cây bút trên tay Mortensen không gõ lên bàn nữa.

“Tôi phải báo việc này với Thủ tướng”, Mortensen nói.

“Có cần thiết phải liên quan đến chính giới không?”.

“Dĩ nhiên là có nếu tôi không muốn bị đuổi việc”, Mortensen gầm lên. “Giả sử Tổng thống đồng ý hợp tác với chính phủ của các anh – mà ông ta không có lý do gì để từ chối cả, theo như những lần hợp tác trước với chính phủ các anh? Tôi muốn có mặt ở đó tối nay lúc Fawaz gọi”.

“Thật không vui chút nào”.

“Bọn tôi là những con người đầy quyết tâm, Carter à. Tôi nghĩ là vụ này cũng không khó gì”.

“Vậy thì thật là vinh hạnh khi được cộng tác”.

“Dặn anh bạn Allon của ông cất khẩu Beretta trong vali đi nhé. Tôi không muốn thấy ai phải chết. Nếu như có cái xác nào trên đất này tối nay, cái tên Allon sẽ được treo đầy trên các danh sách tình nghi đó”.

“Tôi sẽ báo với anh ta như thế”, Carter đáp.

Mortensen hỏi với vẻ tò mò. “Thằng cha đó thế nào?”

“Allon hả”

Mortensen gật đầu.

“Anh ta hơi nghiêm nghị, hơi thô lỗ mỗi khi có chuyện”.

“Ai cũng vậy thôi”.

Carter tiếp lời. “Biết vậy, nhưng còn ai có thể đổ lỗi cho họ chứ?”.

Trung tâm Copenhagen có mấy toà nhà nhìn thật tồi tệ. Các công trình mang lối kiến trúc toàn kính và thép đó toạ lạc ở Dag Hammarskjolds Allé – cụ thể hơn, toà nhà Đại sứ quán Mỹ là một trong số đó. Văn phòng CIA bé tẹo và ngột ngạt. Copenhagen từng là nơi an toàn cho hoạt động tình báo từ suốt thời chiến tranh lạnh cho tới nay. Tuy vậy, phòng họp có kiểu thiết kế rất thoải mái, hệ thống điện lại vô cùng tân tiến. Carter nghĩ thầm. “Chắn mấy món này cũng có mật danh”. Sau màn trình bày ngắn gọn, Gabriel đi đến kết luận rằng Moriah – ngọn đồi ở Jerusalem chính là nơi Thiên Chúa đã triệu Abraham đến để tế đứa con trai duy nhất của mình. Cha của Carter vốn là Trưởng giáo hội Thiên chúa, Điều đó làm ông mang một tâm niệm rằng sự lựa chọn đó là do chúa trời. Cũng chính vì điều này mà họ liên hệ đến nhóm chuyên đảm trách klên lạc và đội của Moriah.

Từ Amsterdam, Ibrahim Fawaz đến nơi lúc 6 giờ chiều cùng với Oded và Yaakov. Lúc 6 giờ 15 phút, Mortensen cũng xuất hiện và chấp thuận kế hoạch của Gabriel dù không xin phép chính quyền Đan Mạch. Gabriel cho nhóm còn lại của mình được ở lại Đan Mạch để hoàn thành điệp vụ. Mortensen rất hào hứng với suy nghĩ là mình được tham gia vào một câu chuyện sẽ trở thành huyền thoại, nên anh ta tức thì đồng ý. Mordecai cùng Sarah cũng nhập bọn sau chuyến nghĩ xả hơi ở khách sạn d’Angleterre, trong khi Eli Lavon cũng hoan hỉ nhập cuộc sau chuyến công tác ở Norrebro về. Trông anh ta như vừa về sau chuyến theo dõi đối tượng dài ngày.

Lúc 7 giờ, Mortensen và nhóm người Đan Mạch ngắt đường dây điện thoại tới căn hộ ở Norrebro và chuyển hướng tất cả cuộc gọi về một máy duy nhất tại văn phòng CIA. 15 phút sau, 2 đặc vụ người Đan Mạch – Mortensen đã rất thông minh lựa chọn 2 nhân viên nữ nhằm tránh một sự bất đồng có thể xảy ra – liếc qua căn hộ để nặn ra vài câu hỏi xem giờ này Ishaq Fawaz có thể ở đâu. “Cái gương” của Mordecai vẫn còn dùng được, tệ hơn nữa là bây giờ nó được nhóm của Moriah đem ra trưng dụng. Cũng phải mất 15 phút họ mới nghe được giọng của Hanifah và Ahmed đang bị xét hỏi điều gì đó theo phong tục Đan Mạch. Điện thoại di động của Hanifah bị tịch thu tại Đại sứ quán, nơi mà Mordecai cùng Carter sẽ chụp lấy nó như đào trúng mỏ vàng.

8 giờ, màn diễn đã bắt đầu với cảnh tượng mà sau đó Carter đã ví von là “chứng kiến cái chết diễn ra”. Họ tụ quanh cái bàn hình chữ nhật dài trong phòng họp. Một đầu là người Mỹ, đầu kia là Gabriel cùng các chiến binh của mình. Sarah ngồi giữa hai phe, còn Mortensen xếp cho mình một chỗ ngay đối diện với chỗ cái loa phóng thanh. Ibrahim ngồi sát bên tay phải đang hồi hộp lau chùi vết bám trên tasbih của mình. Chỉ có Gabriel vẫn không an tâm. Anh đi đi lại lại quanh căn phòng như một diễn viên chính hồi hộp vì buổi diễn sắp mở màn. Tay anh không rời khỏi cằm, mắt không rời điện thoại, như thể nó sẽ reo lên ngay lúc anh lia mắt khỏi nó. Sarah cố trấn an anh rằng sớm muộn gì hắn cũng gọi thôi. Gabriel còn tâm trí nào mà nghe lời Sarah nữa. Anh đang tập trung đến cái khác kia – giọng của Ishaq hứa với vợ hắn rằng hắn sẽ gọi về nhà đúng 9 giờ rưỡi và Hanifah cảnh báo rằng dù chỉ chậm 1 phút thôi cô cũng sẽ không nhấc máy. 9 giờ 29 phút, Gabriel thôi đi loanh quanh. Anh tiến đến chỗ điện thoại. 10 giây sau, chuông reo – tiếng chuông nghe như tiếng còi tàu báo cháy. Gabriel nhấc ống nghe, chậm rãi áp vào tai.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 22-11-2013 07:39 AM
Chương 36
Copenhagen

Chín giờ 30 tối thứ tư.

Gabriel lắng nghe trong giây lát mà không nói lời nào. Xe cộ vẫn đổ xô trên nền vỉa hè ẩm ướt. Tiếng còi ở phía xa hệt như một điềm cảnh báo sắp có chuyện rắc rối xảy ra.

“Chào, Ishaq”, Gabriel nói giọng Arập điềm tĩnh. “Tôi muốn anh hãy nghe kỹ những gì tôi sắp nói ra đây. Đang nghe đấy chứ, Ishaq?”.

“Ai vậy?”.

“Tôi sẽ xem nó như là lời đồng ý của anh. Tôi đã có được cha anh và cả vợ con anh nữa. Ta thương lượng nhé, Ishaq. Chỉỉ có tôi và anh. Anh sẽ trả Elizabeth về cho tôi, tôi sẽ trả lại gia đình cho anh. Nếu anh không làm, tôi sẽ mang họ đến Ai Cập. SSI sẽ tra khảo họ. Anh hẳn là biết điều gì sẽ xảy ra ở phòng thẩm vấn của SSI chứ?”.

“Cha tôi đâu?”.

“Ishaq, tôi sẽ đưa anh một số điện thoại. Ngoài tôi ra không ai biết số điện thoại đó cả. Tôi muốn anh viết nó ra, rất quan trọng đấy, anh không được quên đâu. Đã sẵn sàng chưa, Ishaq?”.

Im lặng một hồi, sau đó anh ta nói. “Tôi đã sẵn sàng”.

Gabriel đọc số điện thoại rồi nói tiếp. “Anh hãy gọi cho tôi số này sau 10 phút nữa. Bây giờ là 9 giờ 30, tôi sẽ không nghe máy lúc 9 giờ 42 phút đâu đấy. Anh hiểu ý tôi chứ, Ishaq? Đừng thử thách sự kiên nhẫn của tôi, và đừng có làm gì sai lầm đấy”.

Gabriel cúp máy rồi nhìn Ibrahim.

“Có phải hắn không?”.

Ibrahim nhắm mắt lại và mân mê chuỗi hạt Tasbih của mình.

“Đúng vậy, đó là con trai tôi”. Ibrahim nói.

Carter và Mortense với lấy 2 cái điện thoại khác nhau rồi gọi đi. Mortense gọi cho một trong những đồng nghiệp của anh ở trong văn phòng của Tele, phòng viễn thông ở Đan Mạch, trong khi đó Carter gọi cho sĩ quan liên lạc CIA tại Fort Meade, Maryland, cơ quan đầu não của NSA. Năm phút sau họ cúp máy cùng một lúc rồi nhìn nhau như hai người đang ngồi đối diện nhau để chơi một ván bài quyết định. Mortense để tay xuống trước.

“Theo như báo cáo từ văn phòng Tele Đan Mạch, cú điện thoại đó từ một thuê bao di động ở Bỉ”, Mortense nói. “Nếu chúng ta gọi hỏi anh em ở Brussels thì chắc là biết được hắn ta ở đâu”.

“Đừng lo lắng”, Carter nói. “Hắn ta đang ở phía Tây Lìege, có thể là A3. Tối qua Ishaq đã dùng số khác để gọi. Và giờ thì số điện thoại đó không còn tồn tại trên đời này đâu”.

Hắn ta gọi vào di dộng của Hanifah, rồi sau đó lại gọi vào số điện thoại nhà. Gabriel không bắt máy. Cuối cùng, do không liên lạc được nên Ishaq đã gọi cho số điện thoại mà Gabriel đưa cho hắn. Bộ phận kỹ thuật của nhóm điệp vụ đã gắn máy nghe trộm vào đường dây điện thoại truyền trực tiếp đến Washington. Gabriel để cho tiếng chuông điện thoại reng lên bốn hồi rồi mới bắt máy.

“Anh gọi đúng giờ nhỉ?”

“Vợ và con trai tôi đâu?”.

“Ngay lúc này thì họ đang ở sân bay ngoài Copenhagen. Chuyện gì xảy ra với họ hoàn toàn phụ thuộc vào anh đấy”.

“Vậy cha tôi thì sao?”.

“Cha anh đang ở đây với tôi”.

“Ở đây là ở đâu?”.

“Việc tôi đang ở đâu thì ngay lúc này không quan trọng, Ishaq. Điều quan trọng bây giờ là Elizabeth Halton. Anh giữ cô ấy và tôi muốn anh trả cô ấy lại cho tôi. Chúng ta sẽ trao đổi con tin, chỉ có tôi và anh thôi. Những người khác sẽ không liên quan. Không có người kiểm soát của anh cũng như quân sư của tôi”.

“Anh làm việc cho ai?”.

“Bất kỳ ai mà anh muốn tôi làm cho. CIA, FBI, DIA. Hay một cái ten khốn khiếp nào đó mà anh chưa hề biết tới. Nhưng có điều chắc chắn là tôi không lừa anh. Tôi sẽ làm cha anh mất tích khỏi al-Hijah ở Mosque, ở Amsterdam, vợ con anh sẽ biến mất ở Norrebro. Nếu như anh không làm theo những gì tôi nói, tôi sẽ đưa bọn họ đến Ai Cập. Anh cũng biết chuyện gì xảy ra chứ? Tôi biết chuyện gì đã xảy ra cho chị gái của anh, Ishaq. À, tên cô ta là Jihan phải không? Cha anh kể với tôi về cô ấy. Ông ta nói mọi điều về Jihan”.

“Tôi muốn nói chuyện với ông ấy”.

“E là không được rồi. Cha anh đã phải chịu đựng đủ sự thẩm vấn của cảnh sát bí mật Ai Cập rồi. Đừng bắt ông ấy phải chịu đựng thêm nữa. Anh có thấy vết thẹo trên lưng và tay ông ta không? Đừng để ông ấy phải ở thêm ngày nào nữa trong phòng tra tấn Ai Cập nữa”.

Ishaq yên lặng một hồi. Gabriel lắng nghe tiếng động từ phía bên kia một cách chăm chú. Chiếc xe tải lại chuyển động lần nữa.

“Ishaq, anh gọi điện thoại từ đâu?”.

“Afganistan”.

“Anh lái xe khá nhanh đấy nhỉ, tối qua anh ở ngoài Dortmund khi gọi cho tôi mà. Sự kiên nhẫn của tôi có giới hạn. Nói cho tôi biết anh đang ở đâu hoặc tôi sẽ cúp máy và không bao giờ gọi cho anh nữa. Anh hiểu tôi chứ?”.

“Và tôi sẽ nhấn nút, người phụ nữ kia sẽ tử vì đạo. Anh biết tôi muốn nói gì chứ?”.

“Ishaq, chúng ta đã có quá nhiều các vụ nổ bom và đổ máu rồi. Cho dù anh có giết bao nhiêu người đi nữa thì Tổng thống cũng không thả tay lãnh tụ Hồi giáo ra. Điều đó sẽ không xảy ra. Anh là người có thể dừng nó lại. Tha cho Elizabeth đi. Tôi sẽ trả lại người thân cho anh”.

“Vậy chuyện gì sẽ xảy ra với tôi?”.

“Tôi chẳng có hứng thú với anh. Điều tôi quan tâm là Elizabeth. Đưa cô ấy đến nơi nào đó an toàn, cho tôi biết ở đâu, rồi sau đó anh muốn đi đến Afganistan hay Pakistan hay bất cứ nơi nào anh muốn. Chỉ cần đưa trả cô ấy cho tôi. Các anh yêu thích giết chóc còn chúng tôi thích sự sống. Các anh mạnh, chúng tôi yếu. Anh đã thắng. Hãy để cho chúng tôi có được cô ấy”.

“Đồ khốn, một ngày nào đó tao sẽ tìm và giết mày”.

“Theo tôi thì anh không thật sự quan tâm đến việc thương lượng. Rất vui vì đã nói chuyện với anh, Ishaq. Nếu thay đổi ý định, anh có 10 phút để gọi lại cho tôi đấy. Hãy suy nghĩ cho thấu đáo. Đừng quyết định sai lầm. Không thì người nhà anh sẽ phải chết. 10 phút, Ishaq. Sau đó máy bay sẽ đến Cairo”.

Gabriel cúp máy. Carter vỗ nhẹ vào lưng anh. Lưng Gabriel ướt đẫm mồ hôi.

Gabriel rời khỏi phòng họp mà chẳng nói lời nào, anh đi thẳng đến nhà vệ sinh. Anh đứng trước bồn rửa mặt, nhìn chằm chằm vào bóng mình ở trong gương. Anh thấy mình không phải là mình nữa mà là một đứa trẻ 21 tuổi, một nghệ sĩ thiên tài với sự hoang tàn chết chóc của Holocaust đang chảy trong từng mạch máu. Shamron đứng tựa vào vai anh, cứng như một thanh sắt, tiếng nói của ông dồn dập như tiếng trống. Cậu sẽ khủng bố những tên khủng bố, Shamron nói. Cậu sẽ là thần chết báo thù của Israel.

Nhưng Shamron quên cảnh báo Gabriel cái giá phải trả cho việc dây vào những tên khủng bố và những tên giết ngừơi. Cậu con trai của anh được chôn ở nấm mồ cho những người anh hùng ở trên đỉnh núi Olives, vợ anh bị mất trí và đang được điều trị tại nhà thương điên ở núi Herzl. Gia đình anh bị tan nát bởi những tên khủng bố. Anh đã từng thề rằng sẽ không bao giờ giết những người vô tội. Tối nay, chỉ nói riêng việc lừa tên khủng bố, thì anh đã không giữ lời hứa của mình. Tuy nhiên, anh thấy điều mình làm chẳng có tội gì cả, chỉ có nỗi thất vọng tràn trề. Người ta có thể nói dối hay kết liễu cuộc đời của những kẻ tàn sát người vô tội với lòng tin là mình đang thay trời hành đạo. Phải giết người trước khi người giết mình, và nếu như phải đe doạ mạng sống người thân của tên giết người để cứu người vô tội thì đó là điều nên làm.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 22-11-2013 07:41 AM
Chương 36
(tiếp theo)

Anh rửa mặt bằng nước lạnh rồi bước vào hành lang. Carter đang tựa người vào tường với tư thế điềm đạm của một người đang chờ chuyến tàu bị trì hoãn một thời gian dài.

“Anh ổn chứ?”, Carter hỏi.

“Khi chuyện này kết thúc thì tôi mới thấy dễ chịu được”, Gabriel trả lời. “NSA có phát hiện được điều gì về hắn không?”.

“Dường như hắn ta đang ở đâu đó gần với giao điểm của A3 và A26”.

“Điều đó có nghĩa là có thể hiện giờ hắn ta đang hướng về địa điểm nào đó với vận tốc đáng kể”, Gabriel nói. “Thế còn điện thoại thì sao?”.

Carter nói. “Số khác”.

“Tôi cho là bây giờ nó không còn tồn tại đâu”.

Carter gật đầu.

“Còn gì nữa không?”.

“Washington sợ là anh đã quá khắt khe với hắn ta”.

“Họ bắt tôi phải làm gì chứ? Nài nỉ hắn thả Elizabeth ra à?”.

“Họ chỉ muốn anh cho hắn ta một vài phút để hắn có thể tự hành xử được”.

“Nhưng lỡ hắn ta dùng vài phút đó để giết cô ấy thì sao?”.

Carter đi tới phòng họp. Khi họ đi ngang qua cửa, Gabriel nhìn lên đồng hồ treo tường. Thời hạn cuối cùng chỉ còn 3 phút. Lars Mortense nhịp tay lên bàn.

“Anh sẽ làm gì nếu hắn ta không gọi?”.

“Hắn sẽ gọi”, Gabriel nói.

“Sao anh dám khẳng định như thế?”.

Ibrahim thay Gabriel trả lời. “Đó là bởi vì Jihan”, ngón tay hắn vẫn cứ mân mê xâu chuỗi hạt của mình. “Nó sẽ gọi bởi vì nó không muốn để vợ con mình chịu chung số phận như Jihan”.

Mortense lúng túng trước câu trả lời của hắn, anh nhìn sang Carter như đang tìm kiếm một lời giải thích. Carter đưa tay ra ám hiệu rằng mình sẽ giải thích tại một thời điểm thích hợp. Gabriel tiếp tục sải bước. Hai phút sau. Chuông điện thoại reo lên. Anh vội vã chụp lấy ống nghe rồi áp nó vào tai.

“Ishaq”, anh nói với một giọng vui vẻ giả tạo. “Tôi rất vui vì anh đã gọi. Tôi cho rằng chúng ta có điều kiện thoả thuận”.

“Đúng, miễn là anh chấp nhận điều kiện của tôi”.

“Anh không phải là người được đưa ra yêu cầu, Ishaq ạ”.

“Anh cũng thế đấy”.

“Điều kiện gì?”.

“Tôi muốn trao đổi cô ấy lấy cha tôi, ngoài ra không được có ai cả”.

“Điều đó không cần thiết, Ishaq. Anh chỉ cần dừng xe rồi để cô ấy bên đường – nơi nào đó an toàn và khô ráo; nơi cô ta không bị nguy hiểm – sau đó anh cứ đi. Đừng làm mọi chuyện trở nên phức tạp”.

“Tôi muốn chứng minh là cha tôi vẫn còn đang ở châu Âu. Tôi muốn biết ông ấy vẫn còn sống”.

“Cha anh là một thành viên của tổ chức Thanh kiếm Allah. Cha anh sẽ không được đến gần Elizabeth”.

“Cha tôi vô tội. Nếu như ông ấy không có ở đấy, tôi sẽ không trả cô ta cho anh”.

Gabriel nhìn Carter, anh gật đầu.

“Được rồi, Ishaq, anh đã thắng. Chúng ta sẽ làm theo cách của anh. Nói cho tôi biết anh muốn làm chuyện đó ở đâu?”.

“Anh đang ở Đan Mạch phải không?”.

“Tôi nói với anh rồi, tôi ở đâu không quan trọng”.

“Nhưng điều đó quan trọng với tôi”.

“Đúng, tôi đang ở Đan Mạch, chúng ta hãy làm điều đó tại đây chứ, Ishaq? Đó là một đất nước nhỏ, có rất nhiều khoảng đất trống, cảnh sát Đan Mạch sẵn lòng để anh đi khi anh đã thả Elizabeth”.

“Tôi muốn bảo đảm đường đi của tôi an toàn, không có gì cản trở. Nếu tôi phát hiện ra có cảnh sát theo sau thì cô gái này sẽ chết. Anh hiểu chứ?”.

“Tôi hiểu. Tôi sẽ bảo chức trách địa phương rút lui. Không ai phiền anh cả. Nói cho tôi biết anh muốn làm chuyện đó như thế nào?”.

“Ngày mai tôi sẽ gọi cho anh và nói cho anh biết phải làm gì”.

“Mai? Không được”.

“Nếu mai không được, cô ta sẽ chết trong đêm nay”.

Gabriel lại nhìn sang Carter, một lần nữa anh gật đầu.

“Thôi được, Ishaq. Mai mấy giờ anh gọi tôi?”.

“Tôi gọi theo giờ trưa ở Copenhagen”.

“Lâu quá. Tôi muốn anh gọi sớm hơn”.

“Anh muốn tôi gọi buổi trưa hay là không có gì cả? Tuỳ anh”

“Thôi được. Buổi trưa vậy. Đừng làm tôi thất vọng”.

Đường dây điện thoại tít tít. Gabriel cúp máy, anh lấy tay vuốt mặt. “Tôi cho hắn ta chỗ để diễn. Adrian, hãy làm giống như yêu cầu của Washington”.

“Chúng ta sẽ chờ xem ngày mai hắn ta nói gì”.

“Nhưng lỡ những gì hắn ta nói không như mong đợi thì sao?”.

“Thì chúng ta không chấp nhận điều kiện”.

“Không đâu, Adrian. Chúng ta phải làm theo những gì hắn yêu cầu nếu không thì hắn sẽ giết Elizabeth mất”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 22-11-2013 11:14 AM
Chương 37

Bọn khủng bố canh gác rất chặt chẽ. Chúng không bao giờ bước vào nơi nhốt Elizabeth mà không đeo mặt nạ và thậm chí không nói một lời nào với cô từ lúc cô bị bắt về đây. Chúng không cho Elizabeth tiếp cận với bất cứ thứ gì có liên quan đến thế giớ bên ngoài như báo chí hay radio. Người phụ nữ bị bắt làm con tin này hoàn toàn không nhận thức được mình đã bị giam bao lâu rồi, đồng thời cũng không biết ngoài kia mọi người nghĩ cô còn sống hay đã chết. Elizabeth không hề biết nơi mình đang bị giam giữ ở đâu. Cô tự nghĩ, có thể mình vẫn còn ở đâu đó phía Đông nước Anh hoặc đang trong sào huyệt của bọn khủng bố tại Tora Bora. Dù vậy, có một điều mà người phụ nữ này tin chắc: theo nguyên tắc thì những kẻ bắt cóc cô sẽ tiếp tục đưa cô đến nơi giam giữ khác.

Elizabeth có thể biết được điều đó do những căn phòng mà cô bị giam. Chúng hoàn toàn khác nhau, trong mỗi phòng đều có những bức tường màu trắng, một chiếc giường gấp, một bóng đèn, một cái cửa có lỗ nhìn ra bên ngoài, nhưng rõ ràng là có sự khác biệt. Cô phân biệt được một cách rõ ràng sự khác nhau ấy thậm chí nếu bị bọn chúng dùng vải che mắt. Bản năng sinh tồn của con người dường như làm các giác quan của cô nhạy bén hơn. Elizabeth nghe được tiếng bước chân của bọn khủng bố từ xa trước khi chúng đến để vứt những mẩu giấy có ghi lời nhắn dưới khe cửa, và lúc này cô có thể phân biệt được Cain với Abel nhờ mùi của họ. Phòng Elizabeth bị giam trước đó nồng nặc mùi thuốc tẩy. Căn phòng hiện tại cô đang ở ngào ngạt hương thơm dễ chịu của cà phê và các gia vị trong món ăn của vùng Trung Đông. Cô nghĩ mình đang ở một khu chợ hoặc có thể là ở trong một nhà kho của nơi phân phối thực phẩm cho khu Arập.

Linh tính của Elizabeth mách bảo cô rằng việc chuyển địa điểm giam giữ mình diễn ra theo một nhịp độ nhất định. Elizabeth không suy đoán điều này dựa vào từng giờ hay từng phút, mà vào số bữa cô được ăn ở mỗi địa điểm. Lúc nào cũng là 4 bữa với các món như nhau, tiếp theo là một liều thuốc mê, sau đó cô tỉnh dậy ở trong một căn phòng mới với mùi hoàn toàn khác. Nhưng cho đến bây giờ cô mới chỉ được cho ăn 3 bữa thôi, và bữa ăn thú tư sẽ sớm được mang tới. Cũng như mọi khi, Elizabeth biết chắc rằng sau bữa ăn vài tiếng sẽ là một mũi thuốc mê. Cô sẽ phản kháng nhưng chắc chắn chẳng bao lâu cô lại bị khuất phục bởi những tên khủng bố khoẻ hơn mình.

Sự khuất phục…

Đó chính là mục tiêu của bọn chúng. Sự khuất phục là mục tiêu của người Hồi giáo trên khắp thế giới, cũng chính là mục đích muốn đạt được của bọn người đang bắt giữ Elizabeth. Họ muốn phương Tây phải qui phục trước tinh thần Hồi giáo Salafist bạo tàn. Những tên bắt giữ Elizabeth muốn cô phải phục tùng theo những mũi kim tiêm, tiến độ di chuyển và các mẩu giấy thông báo của chúng. Họ muốn cô phải ngoan ngoãn như một con cừu sẵn sàng để người ta giết, nhưng lần này Elizabeth quyết định những ngày tháng phục tùng sẽ không còn nữa. Cô sẽ thực hiện một cuộc phản kháng giúp mình biết được nơi đang bị giam giữ là nơi nào, vũ khí cô sẽ sử dụng chính là mạng sống và những hiểu biết về y học của mình. Elizabeth nhắm mắt lại và hít thật sâu mùi hương dễ chịu của cà phê và lá quế. Cô chờ Cain mang bữa ăn thứ tư vào phòng.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 22-11-2013 11:17 AM
Chương 38
Copenhagen

Hai giờ 52 phút chiều thứ năm

“Bây giờ đến vấn đề của tôi và anh”, Ibrahim nói. “Tôi cho là sẽ rất thú vị đây”.

Gabriel đang chùi kính chắn gió của chiếc Audi A8 mui kín. Quảng trường King’s New hiện ra lờ mờ trong tuyết trước mặt anh. Ibrahim ngồi lặng lẽ ở hàng ghế sau, hắn mặc một bộ vest màu xám và một chiếc áo khoác mới toanh, ăn mặc như thể đang dự đám tang của chính mình. Tay hắn đặt nghiêm nghị vào lòng, bàn tay bị tật đặt dưới bàn tay kia, mắt nhìn xuống giày. Điện thoại của Gabriel đặt ở trên giá. Nó được kết nối đến văn phòng CIA ở đại sứ quán Mỹ và đến trụ sở NSA.

“Ibrahim, đừng nói là ông định cho tôi nghe một trong những bài thuyết giáo của ông nhé”.

“Tôi vốn dĩ là một giáo đồ”, Ibrahim nói. “Đó là việc tôi phải làm”.

Gabriel đành chiều lòng Ibrahim. Có lẽ một bài thuyết giáo tốt hơn một sự im lặng.

“Tại sao ông lại cho là nó sẽ rất thú vị?”.

“Cả hai chúng ta đều đã chứng kiến những điều tệ nhất của cuộc sống này. Không gì còn có thể làm chúng ta khiếp sợ hay bất ngờ gì cả”.

Hắn ngước lên nhìn Gabriel một lúc. “Những gì báo chí viết về anh sau vụ ở Luân Đôn có đúng sự thật không? Có phải anh chính là người đã giết những tên trong nhóm Tháng Chín Đen?”

Ibrahim xem sự yên lặng của anh như một lời xác nhận những gì báo chí đã đưa tin là đúng.

“Tôi còn nhớ rất rõ vụ ở Munich”, Ibrahim nói. “Vào hôm đó tất cả chúng tôi theo dõi tivi và rodio cả ngày. Vụ đó đã làm tưng bừng cả nước Arập. Bọn tôi vui mừng khi những vận động viên trong làng Thế vận hội bị bắt. Khi họ bị giết ở sân bay chúng tôi đã nhảy múa trên khắp các thành phố. Tôi cho rằng những phản ứng đó của chúng tôi hoàn toàn có thể thông cảm được. Chúng tôi yếu thế và bị lăng nhục. Các anh mạnh, giàu có. Các anh đã nhiều lần giáng đòn vào chúng tôi nhưng rốt cuộc chúng tôi cũng đã hạ gục được các anh, nước Đức đã trở thành nơi gánh chịu thảm hoạ lớn nhất từ trước đến nay”.

“Tôi tưởng người đạo Hồi các ông không tin vào sự tàn sát diệt chủng người Do Thái của Hitler. Tôi nghĩ các ông cho đó là một sự dối trá do người Do Thái đã dựng lên để đánh lừa cả thể giới nhằm cướp đất của người Arập”.

“Tôi không phải là một kẻ tự lừa dối bản thân hay tỏ ra mưu mẹo”, Ibrahim nói. “Người Do Thái các anh xứng đáng có một quê hương, Chúa cũng biết điều đó. Nhưng sẽ tốt hơn cho tất cả chúng ta nếu các anh sớm trao cho người Palestine một vùng lãnh thổ ở Bờ Tây và Dải Gaza”.

“Và cũng có nghĩa là cho các anh em đạo hữu giáo hội của ông một vùng lãnh thổ ở Hamas đúng không?”.

“Với tốc độ mà chúng tôi đang tiến hành thì tình hình Hamas sẽ sớm dịu xuống”, Ibrahim nói. “Khi bản yêu cầu của người Palestine bị bác bỏ thì người Arập sẽ không còn có thể đổ lỗi ai đã gây ra tình trạng đáng thương của họ. Chúng tôi sẽ phải tự nhìn nhận vấn đề và giải quyết bằng chính sức lực của mình”.

“Đó chính là một trong những lí do tại sao không bao giờ có hoà bình”.

“Chúng tôi là những kẻ giơ đầu chịu báng cho thất bại của người Arập. Chúng tôi là cái gai trong mắt của người Arập. Những người Arập khinh bỉ bọn tôi nhưng họ không thể sống mà không có chúng tôi được”.

Ibrahim gật đầu đồng ý và tiếp tục ngắm nhìn đôi giày của mình. “Có thật anh là chuyên gia phục chế mỹ thuật nổi tiếng?”.

Lần này thì Gabriel gật đầu chậm rãi. Ibrahim bĩu môi một cách ngờ vực.

“Anh có khả năng phục chế những bức tranh tuyệt đẹp, thế mà tại sao anh lại tham gia vào việc này?”.

“Trách nhiệm”, Gabriel nói. “Tôi thấy bản thân phải có nghĩa vụ bảo vệ dân tộc mình”.

“Những kẻ khủng bố cũng sẽ nói như thế”

“Có lẽ vậy, nhưng tôi không sát hại những người vô tội”.

“Anh chỉ đe doạ đưa họ đến Ai Cập để tra tấn”, Ibrahim nhìn Gabriel. “Anh đã làm vậy đúng không?”.

Gabriel lắc đầu. “Không đâu, Ibrahim à, tôi sẽ không làm như thế với ông”.

Ibrahim nhìn ra ngoài cửa sổ. “Tuyết rơi đẹp quá”, hắn nói. “Không biết đây là điềm lành hay dữ”.

“Một người bạn của tôi luôn cho rằng thời tiết như thế này rất thích hợp để vận động”.

“Vậy đó là điềm lành”.

Gabriel gật đầu. “Đúng vậy”.

“Trước kia anh đã từng làm việc này rồi phải không?”.

“Chỉ một lần duy nhất”.

“Kết quả?”.

Gabriel nhớ lại nhà ga Lyon đã tan nát như thế nào. “Tôi đã giải thoát được con tin”. Ông có biết con trai của ông muốn tôi và ông phải đi xuống con đường này không?”.

Gabriel rời tay khỏi vô lăng và chỉ qua bên kia quãng trường. Đó là Stroget, khu buôn bán với những cửa hiệu và nhà hàng dài 2 dặm. Đó là khu thị tứ dài nhất châu Âu. Nó có tên gọi là Radhuspladsen.

“Vụ việc diễn ra theo hướng họ sẽ theo dõi từng bước chúng ta đi”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 22-11-2013 11:18 AM
Chương 38
(tiếp theo)

“Chính xác. Nếu họ hài lòng với những gì chúng ta đã làm thì sẽ có một người gọi điện cho tôi bảo khi nào thì tôi và ông đến Rudhuspladsen và địa điểm tiếp theo là ở đâu”.

“Khi nào thì bắt đầu?”.

“3 giờ”.

Ibrahim lặp lại. “3 giờ. Người Cơ đốc tin rằng đó là khoảnh khắc của cái chết. Theo anh, tại sao họ lại chọn 3 giờ?”.

“Bởi vì vào lúc đó trời còn đủ sáng để bọn chúng nhìn rõ ta ở Stroget. Sau đó, khi màn đêm buông xuống sẽ tạo thuận lợi cho chúng vì ta không thể nhìn rõ được bọn chúng”.

“Còn những người hỗ trợ nhỏ bé của chúng ta thì sao?”. Ibrahim hỏi. “Những người đã tóm tôi ở Amsterdam phải không?”.

“Ishaq bảo rằng nếu hắn phát hiện ra có máy nghe trộm thì thoả thuận coi như kết thúc, Elizabeth Halton sẽ phải chết”.

“Chỉ tôi và anh đi sao?”.

Gabriel gật đầu và xem đồng hồ. Đã 2 giờ 59 phút rồi. “Cũng không quá muộn để ông quay đầu lại, ông không cần thiết phải làm việc này đâu”.

“Hai đêm trước tại căn nhà đó tôi đã hứa với anh rằng tôi sẽ giúp anh giải thoát người phụ nữ đó và tôi sẽ giữ lời hứa của mình”. Mặt hắn đanh lại.”Tiện thể cho tôi hỏi chúng ta đang ở đâu thế?”.

“Ở Đức”.

“Một người Do Thái đe doạ sẽ tra tấn một người Arập ở trên nước Đức”, Ibrahim nói. “Quả là thú vị”.

“Không phải ông định cho tôi nghe thêm bài thuyết giáo nữa chứ, Ibrahim”.

“Tôi cũng định thế nhưng thời gian không cho phép”, hắn chỉ vào đồng hồ. “Thời khắc chết đã đến”.

Không khí ở Stroget như trẩy hội. Với Gabriel, đây là đêm cuối cùng trước khi chiến tranh diễn ra và mọi người muốn tận hưởng khoảnh khắc còn lại của mình. Nhưng không có cuộc chiến nào cả mà đó là những ngày nghỉ, ít nhất là đối với những người mua sắm ở con đường nổi tiếng nhất của Copenhagen. Gabriel quá bận rộn trong việc tìm kiếm Elizabeth đến nỗi anh quên là sắp tới Giáng sinh.

Gabriel và Ibrahim đi qua con đường nhộn nhịp này như những người sắp đi vào cõi chết, tay thọc sâu vào túi áo và lặng lẽ bước đi. Ishaq bắt buộc họ phải đi liên tục và không được dừng lại. Điều đó có nghĩa Gabriel không thể nào biết được có ai đang theo dõi. Đây là lần đầu tiên sau 30 năm anh đi dạo ở một con đường tại châu Âu mà không kiểm tra xem mình có bị ai bám đuôi hay không. Chính vì vậy, anh có cảm giác như đang bị mắc kẹt trong những cơn ác mộng, ở đó anh bị trần như nhộng đứng giữa mọi người. Gabriel nhìn thấy kẻ thù ở mọi nơi, cả mới lẫn cũ. Anh thấy những kẻ giống tên khủng bố của tổ chức Thanh kiếm Allah. Và cả những người của cục an ninh Đan Mạch. Trước hiên một cửa hàng, Gabriel thề là đã thấy Eli Lavon đang chơi violong bài Giáng sinh. Tuy nhiên đó không phải là Lavon mà chỉ là một người giống anh ta.

Đột nhiên Gabriel nhớ ra Lavon không biết chơi viôlông, đơn giản vì anh dù có nhiều tài năng nhưng lại dốt đặc về âm nhạc.

Ibrahim và Gabriel dừng lại ở một ngã tư và đợi đèn đường chuyển sang màu xanh. Một người đàn ông dúi vào tay Gabriel một mẩu giấy, nhanh đến nỗi tí nữa làm khẩu Beretta rơi ra khỏi túi. Mẩu giấy đó yêu cầu họ đến một nhà hàng gần vườn Tivoly. Gabriel đọc một cách cẩn thận để chắc chắn rằng không có một ẩn ý nào khác, sau đó anh vo tròn mẩu giấy và ném vào thùng rác. Đèn đã chuyển qua màu xanh, Gabriel khoác tay Ibrahim đi tiếp.

Bây giờ trời bắt đầu tối, đèn đường đã sáng. Cửa sổ của các hàng quán đã bừng sáng những bảng hiệu chào đón nồng nhiệt. Gabriel không còn tìm những kẻ đang quan sát mình nữa, thay vào đó anh đắm mình vào những quang cảnh kỳ diệu xung quanh. Cảnh những đứa trẻ ăn kem một cách ngon lành dưới những bông tuyết mềm mại. Cảnh một người phụ nữ trẻ đẹp đang cúi xuống nhặt những món đồ rơi ra từ túi mua sắm. Cảnh dàn đồng ca ăn mặc giống những người lùn đang cất tiếng hát, tựa như các thiên thần hát mừng sự ra đời của Chúa. Anh vẫn còn nhớ những điều đã được nghe từ Uzi Navot trong cái đêm đầu tiên đó, khi họ lái xe qua những ngọn đồi bên ngoài Jerusalem. Người châu Âu lên án chúng ta vì vụ Libăng nhưng họ không hiểu Libăng chỉ là một cách để thu hút sự chú ý của khán giả. Bộ phim sẽ sớm được trình chiếu tại các rạp ở khắp châu Âu. Gabriel chỉ hy vọng nó không được chiếu ở Copenhagen đêm nay.

Họ dừng lại ở một ngã tư khác và nhìn thấy một khu rộng lớn phía bên kia đường Radhuspladsen. Bên trái là toà thị chính của thành phố. Cái đỉnh của toà nhà xuyên thẳng lên đám mây như một ngọn dao. Ở giữa quảng trường là một cây thông Noel cao khoảng 15 mét, cạnh đó là một quầy bán xúc xích và rượu táo nóng. Gabriel bước đến quầy xếp hàng, nhưng anh chưa kịp tiến đến cửa sổ bán hàng thì điện thoại trong túi reo lên. Anh cầm điện thoại lên nghe không nói tiếng nào. Vài giây sau đó, anh bỏ điện thoại trở vào túi rồi khoác tay Ibrahim.

“Chúng tôi và ông quay lại và trở về xe”, Gabriel nói khi họ bước qua quãng trường.

“Rồi sao nữa?”.

“Chúng không nói gì cả”.

“Vậy chúng ta sẽ phải làm gì”.

“Chúng ta sẽ làm y như lời chúng bảo”.

“Bọn chúng có biết chính chúng đang làm gì không?”

Gabriel gật đầu. Chúng biết chính xác chúng đang làm gì.

Chiếc Audi lúc này đã bị phủ dưới một lớp tuyết dày. Sarah đang ngồi một mình ngay cửa sổ tại một quán cà phê gần đó. Cô đội một cái mũ bêrê hơi nghiêng về phía bên trái, ám hiệu rằng không ai lục soát xe trong lúc họ vắng mặt. Dù vậy, Gabriel cũng vờ làm rơi chìa khoá xuống mặt đường và nhìn nhanh qua gầm xe lúc nhặt nó trước khi mở cửa vào xe. Điện thoại lập tức reo lên khi Ibrahim vào trong xe. Gabriel lắng nghe những lời hướng dẫn sau đó cúp máy rồi khởi động xe. Anh nhìn vào cửa sổ quán cà phê lần nữa và thấy Sarah đưa tay lên trời. Anh sợ rằng cô ấy đang chào tạm biệt mình quá lộ liễu, nhưng ngay sau đó, anh bồi bàn đến và đưa hoá đơn cho cô, Sarah để vài tờ bạc lên bàn rồi đứng dậy. Gabriel gài số và lái xe ra khỏi vỉa hè. Cứ từ từ, Ishaq nói. Chúng ta còn cả một đêm dài.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 23-11-2013 10:01 AM
Chương 39

Mẩu giấy lại được quăng vào cửa. Elizabeth lê từng bước chân bị còng đến cửa trong khi Cain đứng ở ngoài chờ cô trả lời, cô có thể ngửi thấy mùi của hắn. Mẩu giấy ghi. “Cô có cần thức ăn không?”. “Có”. Cô trả lời khe khẽ. Sau đó, như một người tù gương mẫu, Elizabeth ngoan ngoãn nằm xuống giường và chờ hắn bước vào.

Cô nghe thấy tiếng chìa khoá được tra vào ổ và tiếng răng rắc theo sau. Cánh cửa này khi mở phát ra âm thanh lớn hơn cánh cửa căn phòng trước mà cô bị giam, và âm thanh đó làm cho cô phải nghiến răng lại. Cain để thức ăn ở cuối giường rồi nhanh chóng đi ra. Elizabeth ngồi dậy nhìn chăm chú vào món ăn: một khúc bánh mì, một miếng bơ không rõ nguồn gốc, một chai nước suối Evian và có cả sôcôla cho sự ngoan ngoãn của cô.

Elizabeth ăn ngấu nghiến và uống hết nước. Khi cô nhìn qua lỗ ở trên cửa và chắc rằng không có ai đang quan sát mình, cô liền dùng ngón tay móc cổ họng và ói ra tất cả những gì mà cô đã ăn. Hai phút sau, Cain đột nhiên xồng xộc bước vào phòng và giận dữ nhìn con tin. Cô ngồi trong chăn và run lên từng cơn. “Thuốc mê”, cô rít lên. “Anh đang giết tôi bằng thuốc mê”. Abel mang đến một xô nước và mảnh giẻ bắt Elizabeth tự lau đống ói của mình. Cain lại xuât hiện ngay sau khi phòng cô được lau sạch sẽ. Hắn đứng rất xa cô như thể sợ làm cho cô bị khủng hoảng, rồi ra hiệu bằng tay yêu cầu cô giải thích tại sao lại làm như vậy.

“Chứng tim đập nhanh đang bộc phát”, Elizabeth ngưng lại và thở hổn hển. “Tôi đang phải chịu đựng chứng loạn nhịp tim tâm thất. Căn bệnh này càng trở nên nặng hơn khi tôi bị tiêm quá nhiều thuốc mê. Nhịp tim loạn xạ, huyết áp tụt, nó làm cho tôi bị nôn. Nếu anh tiêm cho tôi một liều thuốc mê nữa thì chính anh sẽ giết chết tôi”.

Hắn đứng yên lặng một hồi, nhìn Elizabeth qua cái khăn trùm đầu của mình rồi đi ra. Khoảng 20 phút sau, cô đoán là vậy nhưng không chắc cho lắm, hắn trở lại đưa cô một mẩu giấy được đánh máy. “Chúng tôi không thể cho biết lí do, nhưng cô cần được di chuyển đi chiều nay, cô sẽ rất khó chịu nếu tỉnh táo. Cô có muốn được chích thuốc mê trong lúc chuyển đi hay không?”.

“Không thuốc mê”, cô nói. “Tôi muốn mình được tỉnh táo trong suốt quãng đường di chuyển”.

Cain nhìn Elizabeth như thể người phụ nữ bị bắt làm con tin này vừa đưa ra một lựa chọn sai lầm, rồi hắn đưa cô một mẩu giấy thứ hai.

“Nếu cô kêu lên hay gây ra bất kỳ một tiếng động nào, chúng tôi sẽ giết cô và quẳng xác ở bên đường”.

“Tôi hiểu”.

Cain lấy lại hai mẩu giấy rồi ra khỏi phòng. Elizabeth nằm duỗi dài trên giường nhìn chằm chằm vào ánh sáng lờ mờ. Sự phản kháng của cô chỉ diễn ra vài phút nhưng đã thu thập được hai thông tin: cô sẽ bị chuyển đi trên đường và vào ban đêm.
Bọn chúng bước vào phòng, trói Elizabeth bằng một cái chăn len ở trong phòng và siết chặt nó làm cho cả người cô như một cái kén. Lỗ tai cô bị nhét hai nút cao su. Miệng bị nhét vải. Giờ đây cô không thể sử dụng các giác quan trừ khứu giác và xúc giác, Elizabeth cảm thấy chúng đang nhấc cô lên, một tên ở đầu, một tên ở chân, mang cô đi một quãng rất gần. Cô được đưa vào chiếc Container rất hẹp, hẹp đến nỗi hai bên ép chặt vào vai và hông Elizabeth. Có mùi gỗ dán và hồ giống như mùi cá ươn. Nắp xe được đóng lại bằng vài cái đinh. Cô muốn kêu lên nhưng rồi cô không làm vậy. Cô muốn khóc thật lớn gọi mẹ. Thay vào đó Elizabeth thầm cầu nguyện và nghĩ đến người đàn ông đã cố cứu cô ở Hyde Park. Tôi sẽ không khuất phục, cô nghĩ. Tôi sẽ không khuất phục.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 23-11-2013 10:05 AM
Chương 40
Đảo Funen tại Đan Mạch

Tám giờ 35 phút tối thứ năm.

Ánh sáng trên chiếc cầu Great Belt, chiếc cầu dài thứ hai trên thế giới, bắc ngang qua hai đảo Zealand và Funen đẹp rực rỡ trong đêm. Gabriel liếc nhìn đồng hồ và lái xe xuống con đường dốc hướng về phía Đông. Chuyến đi từ Copenhagen đến đây không nên mất quá hai giờ, nhưng cơn bão càng lúc càng lớn đã khiến nó kéo dài gần 4 tiếng. Anh nhìn lại con đường rồi đặt hai tay vào vô lăng. Chiếc cầu đang lắc lư trong cơn gió mạnh. Ibrahim một lần nữa hỏi rằng liệu thời tiết như thế có đúng là một điềm tốt hay không. Gabriel đáp lại rằng hy vọng Ibrahim biết bơi.

Họ mất khoảng 20 phút để đi qua chiếc cầu dài 8 dặm. Ở đầu cầu phía bên kia đảo Funen, cơn bão đang ập tới ga xe lửa nhỏ ở eo biển. Cách ga xe lửa một dặm là trạm xăng và quán cà phê bên đường… Đổ xăng xong, Gabriel đỗ xe ở bên ngoài tiệm cà phê và dẫn Ibrahim vào bên trong. Bên trong quán rất sáng sủa, sạch sẽ và được trang trí tinh tế. Phòng đầu tiên là một quầy bán thức ăn nhanh, phòng tiếp theo có những vị khách bị mắc lại vì cơn bão. Những cuộc nói chuyện sôi nổi đang diễn ra, những chai bia Carlsberg nằm lăn lóc trên bàn gỗ, cho thấy việc nhậu nhẹt đã diễn ra ở đây. Gabriel và Ibrahim mua sandwich kẹp trứng, trà nóng ở quầy bán thức ăn nhanh, họ ngồi ở bàn gần cửa sổ. Ibrahim lặng lẽ ăn trong khi Gabriel nhấm nháp trà và nhìn chằm chằm ra xe. Sau 30 phút trôi qua, cuối cùng điện thoại cũng reo lên, Gabriel lấy ra ngồi yên lặng nghe. “Chờ ở đấy nhé”, anh nói.

Anh đi thẳng vào nhà vệ sinh nam, ở đó anh giấu khẩu beretta và chiếc điện thoại ở trong thùng rác. Sau đó đi vào chợ mua tấm bản đồ nước Anh và một cuốn sách hướng dẫ cho khách du lịch bằng tiếng Anh. Khi Gabriel quay lại phòng ăn, Ibrahim đang gói miếng sandwich bỏ vào túi và theo viên đặc vụ ra ngoài.

“Nó đây rồi”, Ibrahim nói. “Lindholm Hoje”.

Ibrahim cúi xuống đọc cuốn sách hướng dẫn dưới ánh sáng của chiếc đèn phía trên, còn Gabriel vẫn cứ nhìn lên đường.

“Nó nói gì?”.

“Đó là một nghĩa trang và một ngôi làng người Viking có từ xưa. Nó đã bị chôn vùi dưới lớp cát dày hàng thế kỉ và mới được phát hiện năm 1952. Theo như cuốn sách thì có 700 ngôi mộ và những tàn tích của một vài ngôi nhà tập thể của người Viking”.

“Ở đâu?’.

Ibrahim lại đọc cuốn sách lần nữa và đánh dấu địa điểm ở trên bản đồ. “Bắc Jutland. Đúng là ngay tại Bắn Jutland”.

“Làm sao để lái xe đến đó?”.

“Đi đường E20 băng qua Funen rồi tiến về phía bắc trên đường E45. Ngay sau Aalborg và Lindholm. Cuốn sách nói rất dễ tìm thấy chỗ đó, chỉ cần theo đúng sự chỉ dẫn”.

“Tôi không thể nhìn thấy đường, chỉ còn nhờ vào các biển chỉ đường. Có phải bọn họ định bỏ người phụ nữ Mỹ ở đó không?”.

Gabriel lắc đầu. “Cần có nhiều sự hướng dẫn hơn. Lần này sẽ được viết bằng tay, chúng nói rằng chúng sẽ ở trong những căn nhà đổ nát, ở góc xa nhất từ lối đi vào viện bảo tàng”.

Gabriel nhìn lướt qua Ibrahim. “Lần này là giọng của một người khác chứ không phải là Ishaq”.

“Người Ai Cập hả?”.

“Tôi nghe giọng hắn như là người Ai Cập vậy, nhưng tôi không phải là một chuyên gia”.

“Làm ơn đi”, Ibrahim thốt lên. “Tại sao chúng lại bắt anh bỏ điện thoại của mình vào thùng rác?’.

“Không sử dụng phương tiện liên lạc điện tử nữa”.

Ibrahim nhìn xuống bản đồ. “Đường đến Lindholm rất xa”.

“Trong điều kiện đi bình thường sẽ mất hai giờ, nhưng với thời tiết thế này phải mất ít nhất 4 giờ”.

Ibrahim nhìn đồng hồ. “Nếu chúng ta may mắn thì sẽ đến được đó vào sáng thứ sáu”.

“Đúng vậy”, Gabriel nói. “Hắn muốn chúng ta phải gặp rắc rối với việc đúng thời hạn”.

“Ai? Ishaq à?”.

Gabriel thầm nghĩ, đó là một câu hỏi hay. Liệu đó có phải là Ishaq hay chính là Sphinx?

Mất 4 tiếng rưỡi để đến Lindholm, đúng như những gì Gabriel lo sợ, khu mộ thực ra không dễ tìm như những gì cuốn sách viết. Anh chạy lòng vòng khoảng 20 phút trong khu nhà gạch trước khi nhìn thấy tấm biển báo mà trước đó anh đã bỏ qua 3 lần. Nó đã bị tuyết che phủ, Gabriel phải ra khỏi xe và phủi tuyết đi, sau khi đọc xong anh biết rằng để đến được địa điểm thì anh phải lái xe lên ngọn đồi hiểm trở. Hai phút sau, Gabriel lái xe vào một khu đất xung quanh là những cây thông cao vút. Anh tắt máy và ngồi một lúc trước khi mở cửa xe đặt chân xuống tuyết. Ibrahim vẫn ngồi trong xe.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 23-11-2013 10:06 AM
Chương 40
(tiếp theo)

“Ông không đi sao?”.

“Nếu anh không phiền thì tôi sẽ chờ ở đây”.

“Đừng nói là ông sợ vào nghĩa trang nhé”.

“Không, nhưng tôi sợ những nghĩa trang của người Viking”.

“Họ chỉ hiếu chiến khi ở trên biển”, Gabriel nói. “Tại quê hương mình phần lớn họ là những người nông dân. Điều đáng sợ nhất chúng ta gặp phải trong đêm nay chính là bóng ma của những người nông dân đấy”.

“Nếu anh nghĩ như vậy thì tôi sẽ ở lại đây”.

“Tuỳ ông”. Gabriel nói. “Nếu ông muốn ngồi một mình ở đây thì tốt thôi”.

Ibrahim nghĩ một lúc rồi bước ra khỏi xe. Gabriel mở thùng xe lấy ra một đèn pin và một khẩu súng lục.

“Tại sao anh lại mang theo những thứ đó?”. Ibrahim hỏi.

“Phòng trường hợp gặp phải người Viking”, Gabriel giắt chúng vào thắt lưng và nhẹ nhàng đóng thùng xe lại. “Chúng bắt tôi phải quăng súng vào thùng rác ở quán cà phê đó. Một khẩu súng lục còn hơn không có gì cả”.

Gabriel bật đèn pin lên và cùng với Ibrahim đi qua khu đậu xe. Lớp tuyết dày gần 2 m, chỉ trong vài bước chân mà đôi ủng của Gabriel đã ướt sũng khiến đôi chân anh lạnh cóng. 30 giây sau khi rời xe, Gabriel đột nhiên dừng lại. Có dấu chân của hai người ở trên tuyết. Một cái lớn hơn cái còn lại, dẫn từ bãi đậu xe vào khu chôn cất. Gabriel để Ibrahim đứng một mình và lần theo các dấu chân. Căn cứ vào bề mặt của lớp tuyết, có thể một chiếc xe thùng nhỏ hoặc một chiếc xe tãi đã vào bãi đổ xe từ lối vào thứ hai vài tiếng trước đó. Dấu chân lớn hơn được bước xuống từ chỗ ngồi của tài xế, dấu chân còn lại là từ phía chỗ ngồi của khách. Gabriel cúi xuống mặt tuyết và nhìn chăm chăm vào những dấu chân nhỏ hơn như thể tìm kiếm những vệt màu lem trên bức tranh sơn dầu. Người phụ nữ đó mang giày thể thao. Không có dấu hiệu nào cho thấy có diễn ra ẩu đả.

Gabriel quay lại chỗ Ibrahim đưa hắn ta đi theo lối mòn vào bên trong. Khu nghĩa trang dần hiện ra trước mắt họ, nó nằm trên ngọn đồi dốc thoai thoải có thể nhìn thấy cả bờ vịnh. Mặc dù tuyết rơi khiến người ta khó mà nhìn rõ mọi thứ, nhưng qua ánh đèn pin của Gabriel, bóng của từng ngôi mộ dần hiện lên. Một sô ngôi mộ được đá đắp lên thành ụ, một số thì đá xếp thành hình tròn, những cái khác có hình chiếc thuyền của người Viking. Ngôi nhà bằng gạch cũng không khó tìm lắm, tất cả những gì Gabriel phải làm là chỉ việc đi theo dấu chân. Anh cúi xuống dùng đôi tay trần mò mẫm trên lớp tuyết. Vài giây sau anh tìm thấy một túi nhựa bên trong là một mẩu bản đồ chi tiết. Gabriel dùng đèn pin để đọc. Rồi đứng lên dẫn Ibrahim trở ra xe.

“Skagen”. Gabriel nói khi anh lái xe từ từ xuống đồi. “Chúng muốn tôi và ông đi đến Skagen. À, đến gần Skagen. Nơi chúng đánh dấu trên bản đồ hơi lệch về phía nam”.

“Anh biết nơi này chứ?”.

“Tôi chưa từng đến đó nhưng tôi biết. Có một gánh hát rong đã được hình thành ở đó sau năm 1800. Họ được biết đến khi họ học tại trường Skagen dành cho hoạ sĩ. Họ đến đó để tìm kiếm chân lí. Họ nói rằng đó là nơi duy nhất – chúng ta không thể nào tìm ra được một nơi như vậy”.

“Có thể đây lại là một điềm tốt khác”, Ibrahim nói.

“Có lẽ vậy”, Gabriel nói.

“Liệu con gái ngài đại sứ sẽ ở đó chứ?”.

“Trên bản đồ không ghi. Nó chỉ bảo chúng ta đến một nơi dọc theo biển Bắc”.

“Cô ta có ở nghĩa địa tối nay không?”.

“Chúng muốn tôi nghĩ vậy”, Gabriel nói. “Nhưng tôi không tin là cô ấy đã ở đó”.

“Sao anh lại nói vậy?”.

“Vì cô ấy tự mình bước ra khỏi xe và đến khu nghĩa trang”, Gabriel nói. “Tôi đã thấy Elizabeth lúc cô ấy bị bắt cóc. Người phụ nữ này sẽ không ngoan ngoãn bước đi mà không phản kháng lại”.

“Trừ phi bọn họ bảo sẽ thả cô ta ra?”, Ibrahim nói.

Gabriel liếc nhìn Ibrahim một cách thán phục. “Ông khá đấy”, anh nói.

“Tôi từng là một Giáo sư đại học mà, tôi thích đọc truyện trinh thám”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 23-11-2013 06:29 PM
Chương 41

Elizabeth không biết chuyện gì đã xảy ra trong suốt quá trình bị chuyển đi. Cô cố gắng không nghĩ đến thời gian. Tâm trí cô chứa đầy ý nghĩ. Cô tự nhủ mình chỉ phải chịu đựng tất cả những thứ này trong ít phút nữa thôi. Cô tự nhủ bằng những tự kỉ ám thị khác, rằng cô đang ở trên một chiếc giường thật dễ chịu chứ không phải là ở trong một cái hộp bằng len có mùi như mùi cá ươn. Rằng cô đang mặc chiếc quần jeans xanh bạc màu và chiếc áo len mà cô thích nhất chứ không phải là bộ đồ thể thao dơ bẩn từ buổi sáng cô bị bắt. Rằng cô đang được nhìn thấy dãy núi ưa thích nhất của mình. Rằng cô đang nghe những bản nhạc hay. Nhưng tất cả chỉ là một giấc mơ, lúc cô thức dậy thì mọi thứ sẽ kết thúc.

Elizabeth đã chuẩn bị tinh thần trước những lời đe doạ đáng sợ của Cain bằng cách cố hình dung ra những điều tốt đẹp tại những nơi tồi tàn mà cô bị giam cầm. Bọn chúng đã cướp đi một trong những vũ khí đáng gờm của người phụ nữ này, đó là khả năng nghe những gì đang diễn ra xung quanh. Hơn thế, chúng còn làm cho cuộc sống của cô thêm buồn tẻ bằng những tiếng o o chán ngắt của xe tải. Elizabeth chỉ còn khả năng cảm nhận được sự di chuyển. Cô biết rằng bọn chúng đã lái xe với tốc độ nhanh khi đi trên những con đường láng bóng, chạy với tốc độ chậm hơn khi đến những quãng đường gồ ghề. Có lúc Elizabeth cảm giác mình đang ở trong một thành phố đông đúc có nhiều người nhưng chẳng ai phát hiện ra là cô đang nằm trong chiếc xe cả. Giờ đây cô biết chắc rằng bọn chúng đang ở trên một con đường không lát đá, tại một nơi tận cùng của trái đất.

Đột nhiên chúng dừng xe lại. Đầu cô bị chúi vào góc xe đau đớn. Tiếng kêu o o của máy cũng tắt. Vài phút trôi qua trước khi chúng chuyển cô từ chiếc xe, thêm vài phút nữa cô còn nghe được tiếng rít của những cái đinh bị đóng xuống thùng xe. Khi thùng xe được mở ra, một làn gió sương muối lạnh tạt vào mặt cô. Những giọt nước mắt nóng hổi đột nhiên trào ra thấm vào tấm vải che mắt của Elizabeth. Chẳng có ai nói chuyện với cô khi cô bị chuyển đến nơi ẩn náu mới, chẳng có ai hỏi thăm cô về tình trạng chứng tim đập nhanh khi cô nằm trên giường của một nhà tù mới. Khi cánh cửa đóng lại, cô tháo khăn bịt mắt và nút bị lỗ tai nhìn chằm chằm vào những bức tường màu trắng. Có một đĩa thức ăn gồm bơ, bánh mì và sôcôla thưởng cho Elizabeth vì cô đã ngoan ngoãn trong suốt chuyến đi – và còn có cả xô nước cho cô đi vệ sinh. Elizabeth không biết rõ mình đang ở đâu nhưng có điều cô tin chắc là mình đang ở gần biển.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 23-11-2013 06:32 PM
Chương 42
Kandestederne, Đan Mạch

Hai giờ 15 phút sáng thứ sáu.

Con đường từ cảng Baltic của Frederikshavn tới Skagen bị bỏ từ lâu và ít người qua lại. Gabriel ngồi khom mình trên vô lăng, lái xe hết đoạn này đến đoạn khác, đi ngang qua các thị trấn dọc theo các con đường phủ tuyết. Những cái tên của chúng là sự kết hợp của những phụ âm lạ lùng và thậm chí ngay cả Gabriel – người nói tiếng Đức như tiếng mẹ đẻ - cũng không thể hiểu được. Tiếng Đan Mạch không phải là một ngôn gnữ. Gabriel đắm mình vào suy nghĩ, tiếng Đan Mạch chỉ là những âm thanh cọ sát trong cổ họng. Sau khi rời khỏi thị trấn Alback, hình ảnh những cồn cát có vẻ như đang dần hiện ra trước mắt họ … Khu nghỉ mát mùa hè của thị trấn Kandestederne nằm cuối phía bắc của khu đất hoang dần hiện ra phía trước. Sau khi Gabriel quay đầu xe, anh phát hiện ra vết bánh xe trên tuyết. Anh ngờ ngợ đây là chiếc xe được dùng tại nghĩa trang đêm trước ở Lindholm.

Họ đi qua vài khu nông trại nhỏ, sau đó gặp phải vài cồn cát khác – lần này là những cồn cát lớn như những cái chân đồi. Gabriel thoáng thấy vài cái chòi xung quanh. Nơi đây không có đèn, cũng không có một bóng xe, hay bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống.

Dấu bánh xe hướng về phía bên phải, đi vào một con đường nhỏ và mất dạng trong màn tuyết rơi. Gabriel tiếp tục đi thẳng và sau đó ngừng lại một lúc trong một bãi đổ xe nhỏ nhìn ra biển, cạnh đó là một quán cà phê được đóng bằng ván. Anh nghĩ tốt hơn hết là nên tắt máy. “Chờ ở đây”. Anh nói. “Sau khi tôi xuống xe thì khoá cửa lại. Không được mở cửa cho bất kỳ ai ngoại trừ tôi”.

Gabriel cầm theo một khẩu súng lục và một cây đèn pin rồi đi vào quán cà phê. Xung quanh đó có rất nhiều dấu giày còn mới và dính cát, ít nhất là của hai người hoặc có thể của nhiều hơn nữa. Một trong số đó dẫn thẳng xuống biển. Chúng giống hệt những dấu giày Gabriel thấy ở Lindholm. Đó là dấu giày của phụ nữ.

Anh quay lại liếc nhìn chiếc Audi rồi đi theo dấu chân hướng ra biển. Chúng biến mất ngay tại vũng nước đông đá. Anh nhìn mọi phía nhưng không thấy gì khả nghi nên quay trở về xe. Khi đi đến gần chiếc Audi của mình, Gabriel thấy Ibrahim đang ngồi trong xe, hơi ngả người về phía trước, nhấn vào đồng hồ một cách lúng túng. Anh nhìn thấy những dấu giày mới xung quanh xe. Đột nhiên kính cửa sổ hạ xuống và một bàn tay đeo găng thò ra từ bên trong ra hiệu cho anh đi tới. Gabriel lưỡng lự một hồi rồi làm theo. Trong khi bước đến, anh nhận biết được đó là dấu giày thể thao cỡ 6 của hãng Adidas hoặc Nike. Đó là giày nữ.

Anh đã nhầm về hãng giày. Chúng được hãng Puma sản xuất. Người phụ nữ mang chúng không quá 25 tuổi. Cô ta mặc một chiếc áo khoác xanh nước biển kiểu hải quân và đội mũ len, chiếc mũ được kéo xuống để che đôi mắt đen huyền. Người phụ nữ bịt mặt này ngồi ngay bên cạnh Ibrahim và chĩa một khẩu Makarov vào sườn ông. Tay cô run lên vì lạnh.

“Tại sao cô không chĩa súng xuống dưới trước khi làm cho người khác bị thương?”, Gabriel nói.
“Câm mồm và đặt tay lên vô lăng”.

Cô ả nói một cách điềm tĩnh. Gabriel làm theo những gì được bảo.

“Ishaq đâu?”.

“Ishaq nào?”.

“Đừng đùa nữa. Đêm nay dài và lạnh lắm”, Gabriel nhìn ả từ gương chiếu hậu. “Chỉ cần nói nơi có thể tìm thấy Elizabeth, chúng tôi sẽ đi ngay”.

“Mày là người Do Thái, đúng không? Mày chính là thằng khốn Do Thái đã giết những đồng đội của bọn tao ở Hyde Park?”.

“Không, tôi là thằng khốn người Mỹ”.

“Một thằng khốn người Mỹ nói tiếng Arập khá đấy”.

“Cha tôi là một nhà ngoại giao và tôi lớn lên ở Beirut”.

“Thật sao? Vậy thì nói chuyện với tao bằng tiếng Anh đi, thằng chó Mỹ”.

Gabriel do dự. Người phụ nữ che mặt chĩa súng vào đầu Ibrahim.

Ả chĩa mũi súng vào Gabriel và nói. “Tao nên giết mày ngay bây giờ. Nhưng mày may đấy. Mày sẽ không chết đêm nay. Có những kẻ khác sẵn sàng chết để giết mày”.

“May cho tôi làm sao”

Ả dùng cáng súng đập vào đầu Gabriel mạnh đến nỗi khiến anh choáng váng. Khi anh chưa kịp phản ứng lại thì ả đập thêm một cái mạnh hơn và bắt anh đặt hai tay trở lại vô lăng. Ngay sau đó, anh thấy có một dòng chảy âm ấm ở sau gáy mình.

“Cô hài lòng chứ?”.

“Ừ”.

“Hãy kết thúc gọn vụ này, được chứ?”.

“Quay đầu xe lại”, ả nói. “Chậm thôi”.

Gabriel nhấn ga sang số ba rồi từ từ đi vào sâu bên trong.

“Rẽ trái ngay ở những cồn cát”, người phụ nữ che mặt nói. “Rồi đi theo dấu xe trên đó”.

Gabriel làm theo những gì ả nói. Con đường đó chỉ đủ rộng cho một chiếc xe và nó dẫn thẳng đến những cái chòi trên cồn cát. Đó là những cái chòi nhỏ được đóng bằng gỗ và bị bỏ hoang vào mùa đông. Vài cái được sơn màu vàng Skagen, và những cái khác lại có cỏ mọc trên nóc nhà một cách kỳ lạ. Gabriel lần theo ánh đèn ở bãi đổ xe. Máu càng lúc càng chảy thấm ướt cổ áo anh.

Gabriel theo những vết xe đến một ngọn đồi nhỏ và nhìn thấy một cái gò nhỏ ở phía bên kia. Để khỏi bị đâm sầm vào tuyết, anh phải nhấn ga và tiếng lách cách vang lên rất lớn. Anh lại chạy lên ngọn đồi tiếp theo, vòng về bên trái, lướt xuống lối vào một cái chòi xa nhất. Một chiếc xe tải vận chuyển màu bạc của hãng LDV Maxus đỗ ngay bên ngoài. Gabriel dừng xe lại và nhìn lên gương chiếu hậu chờ lệnh. Người phụ nữ chĩa nòng khẩu Makarov vào lưng Ibrahim và bảo ông ta mở cửa xe. Khi Gabriel định mở cửa thì lại bị nện thêm một cú vào đầu.

“Mày ở lại trong xe!”, ả la lên cộc cằn. “Chúng tao sẽ trả người phụ nữ đó cho Ibrahim chứ không phải mày, đồ chó Do Thái”.

Ibrahim tháo dây an toàn và mở cửa.

Đèn ở phía trên đột nhiên sáng lên. Gabriel níu lấy tay Ibrahim và nói.

“Đừng đi. Hãy ở lại đây”.

Ibrahim nhìn anh đầy ngờ vực. “Anh đang nói gì thế, anh bạn? Chúng ta đi đến đây vì mục đích này mà”.

“Đó chỉ là một trò chơi để kéo dài thời gian. Con gái của ngài đại sứ không có ở đây. Con trai ông định lừa ông đến đây để giết ông đấy”.

“Tại sao con trai tôi lại muốn giết cha của nó?”.

“Bởi vì ông đã phản bội lại hắn để về phe người Cơ Đốc và người Do Thái”, Gabriel nói. “Bởi vì hắn là một kẻ cuồng đạo Hồi và trong mắt hắn, ông giờ đây là một kẻ phản đạo đáng chết. Ông không bằng một người Cơ Đốc hay một người Do Thái – là vì ông đã từ bỏ cuộc chiến thần thánh chống lại những kẻ báng bổ đạo Hồi. Người đàn bà này mang ông vào trong để giết ông đấy, Ibrahim. Đừng đi với ả”.

“Con trai tôi không bao giờ làm hại tôi đâu”.

“Hắn không còn là con của ông nữa”.

Ibrahim cười và gỡ tay Gabriel ra khỏi tay mình. “Anh phải biết tin tưởng chứ, anh bạn. Hãy để tôi đi và tôi sẽ mang cô gái ấy ra như những gì tôi đã hứa với anh”.

Gabriel thấy nòng súng của khẩu Makarov kê vào sau gáy mình. “Hãy nghe theo ông Ibrahim, đồ chó Do Thái. Ông ấy nói đúng sự thật đấy. Bọn tao không giết bố mẹ của mình. Chỉ có mày mới là kẻ sát nhân, chứ không phải bọn tao. Để ông ấy mang cô gái ra và mày có thể đi”.

Ibrahim bước ra khỏi xe và đi về căn nhà trước khi Gabriel kịp ngăn ông lại. Người phụ nữ che mặt chờ đến khi Ibrahim đi cách vài dặm mới bắt đầu nhấc súng ra khỏi đầu Gabriel và đi theo sau ông. Khi họ tiến tới gần lối vào, một người đàn ông xuất hiện ngay cửa. Trong màn đêm tuyết rơi dày đặc, Gabriel chỉ nhìn thoáng thấy mái tóc của người đàn ông đó – nó có màu bạch kim. Hắn chào Ibrahim một cách trịnh trọng, hôn lên hai má và kính cẩn hôn lên tay ông rồi dẫn Ibrahim vào bên trong. Ngay sau đó, khi người phụ nữ vừa đóng cửa lại thì căn nhà nổ tan tành ngay trước mặt Gabriel.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 23-11-2013 06:34 PM
Phần 4: Cây Cầu Bắc Qua Sông Jahannam

Chương 43
Windfield House

Bảy giờ 5 phút sáng rhứ sáu.

Khoảng một giờ đồng hồ sau thì tin tức về vụ thảm hoạ ở phía bắc Đan Mạch được truyền tới Washington, và sau 30 phút nữa thì tin tức đầu tiên đã đến Windfield House, nơi trú ngụ của Đại sứ quán Mỹ tại vương quốc Anh. Đã 3 giơ 15 phút sáng tại luân Đôn, 10 giờ 15 phút tối tại Washington, Robert Halton vẫn ngồi tại bàn làm việc của mình chờ tin tức từ phòng họp ở Nhà Trắng. Mặc dù ông đã ngồi hàng giờ đồng hồ để chờ điện thoại gọi đến nhưng ông vẫn giật mình khi tiếng chuông như tiếng súng phát ra ở gần đó. Lúc vồ lấy ống nghe, ông tưởng rằng sẽ nghe thấy tiếng Elizabeth khóc thổn thức bên kia đầu dây, nhưng ông lại nghe thấy giọng nói của Cyrus Mansfield, cố vấn của Bộ trưởng An ninh quốc gia. Những tin tức Mansfield nói với Halton không phải là những gì ông muốn nghe. Gabriel Allon và nguồn tin quý giá của mình ở Ai Cập đã được chuyển từ Copenhagen đến một nơi lộn xộn ở Đan Mạch, Mansfield nói. Có một vài vết tích liên quan đến một căn nhà bỏ hoang ở một nơi vắng vẻ tại bờ biển phía Bắc, cụ thể vẫn chưa biết rõ. Ở đó xảy ra một vụ nổ. Ít nhất 3 người đã chết. Phải đợi đến khi những đội điều tra đến hiện trường, cùng đội pháp y của Đan Mạch thì mới biết được Elizabeth có ở trong số bị giết đó không.

Thời gian còn lại của đêm đó, Robert Halton đã được thông báo những tin khủng khiếp. Mansfield gọi đến chỉ để thông báo cả những tin không quan trọng khiến cho người khác nổi cáu. Trong những hoàn cảnh như thế này thì có rất nhiều thông tin mâu thuẫn nhau và sau đó mới biết được thông tin nào là sai. Halton được cho biết có 3 xác chết trong căn nhà đó và 30 phút sau lại được thông báo lại là 4 xác chết. Mansfield nói rằng có bằng chứng cho thấy Elizabeth từng ở Đan Mạch và cho là cô vẫn còn tiếp tục ở đấy. Ở nơi đó đã diễn ra vụ nổ súng, Allon bị thương nặng và đã chết.

Cuối cùng vào 7 giờ 5 phút sáng giờ Luân Đôn, khi ánh bình minh chiếu qua công viên Regent, đích thân Bộ trưởng gọi đến nói rằng lính cứu hoả chỉ tìm thấy 3 xác chết trong đám tro tàn mà thôi. Theo lời khai của Gabriel Allon bị thương khá nặng nhưng vẫn còn sống. Có hai xác chết là của bọn khủng bố, một nam một nữ và xác còn lại là Ibrahim Fawaz, người Ai Cập. Hội đồng an ninh quốc gia, FBI, CIA và bộ ngoại giao Mỹ cho rằng Elizabeth vẫn còn sống và vẫn tiếp tục ra sức cứu cô thậm chí cả sau khi hết thời hạn. Robert Halton cúp máy và quỳ xuống tạ ơn Chúa. Sau đó ông vào phòng tắm và bị trượt chân. Ông nằm sõng xoài ở đó.

Ông nằm vài phút trên sàn đá hoa lạnh lẽo, thân thể gần như bị tê liệt trong đau khổ và buồn bã. Mày đang ở đâu thế này, Robert Halton, ông nghĩ. Có phải ở cái nơi mà những thương nhân tự do đã biến các công ty khai thác dầu thành một cuộc chiến năng lượng toàn cầu khốc liệt? Ở một nơi mà người đàn ông, nuốt nỗi đau của việc đã mất đi người vợ thân thương của rmình, sẵn sàng làm tất cả vì con gái? Ở một nơi mà một người đã xoay chuyển cục diện và đưa người bạn thân của ông vào Nhà Trắng? Halton thầm nghĩ và ông thấy không còn là mình nữa. Ông đã bị bọn khủng bố bắt cóc giống như Elizabeth, nhưng là về mặt tinh thần.

Halton đứng dậy súc miệng, bước ra khỏi nhà tắm, trở lại phòng làm việc. Giờ đây là sáng thứ sáu và tối nay có thể con gái ông sẽ chết. Robert Carlyle Halton, nhà tỉ phú và là người chi phối các chức vụ quan trọng đã không thể giúp được gì khi những đặc vụ Mỹ, Bộ ngoại giao, bộ phận hành pháp cùng với đối tác của họ từ châu Âu cho đến Trung Đông tìm kiếm con gái ông trong vô vọng. Halton đứng mơ hồ khi nghe những lời đảm bảo rỗng tuếch của họ rằng cuối cùng Elizabeth sẽ được cứu sống trở về với ông. Ông không đứng yên nữa mà sẽ sử dụng một vũ khí mà chỉ có những kẻ chống lại những người báng bổ đạo Hồi biết đó là gì. Hành động của ông có thể sẽ bị kết tội là phản quốc và Halton sẽ đưa cho bọn chúng vũ khí mà chúng có thể sử dụng để chống lại Hoa Kỳ và đồng minh, nếu buộc phải phản quốc để cứu được con gái mình thì Robert Halton sẵn sàng làm một kẻ phản bội, trong vài giờ thôi mà.

Ông bước tới ngồi xuống bàn làm việc một cách điềm tĩnh trước màn hình vi tính, tưởng tượng ra giây phút mình không còn là một người cha vô dụng nữa. Ông nhấp chuột và một bức thư hiện ra, ông đã viết nó trong tuần đầu xảy ra sự việc để dùng đến trong lúc này. Đôi mắt ông lướt qua bức thư.

Vì những sự việc đang diễn ra … không thể nào tiếp tục làm nhiệm vụ của một người đại sứ tại Luân Đôn. Thật vinh dự đã phục vụ … Robert Carlyle … Ông thêm vào ngày tháng rồi cho in ra, rồi nhìn lá thư chầm chậm rơi xuống từ bàn máy in. Sau khi ký tên xong, ông gửi đi bằng máy fax nhưng ông không bấm nút gửi vội, ông cần phải làm vài việc trước khi fax nó.

Halton nhấc điện thoại lên gọi đến một thuê bao ở Luân Đôn, số thuê bao nằm tại nhà số 10 phố Downing khu ở của Thủ tướng Anh. Và bên kia đầu dây là Oliver Gibbons, thư ký của Thủ tướng. Halton và Gibbons đã nói chuyện với nhau vài lần 2 tuần trước nên không cần phải quá trịnh trọng. Halton nói ông cần nói chuyện với Thủ tướng ngay lập tức, Gibbons đáp lại rằng Thủ tướng đang có cuộc họp trong bữa ăn sáng và 20 phút sau mới có thể nói chuyện được.

Cuộc họp kết thúc sớm hơn dự định bởi vì 12 phút sau Thủ tướng quay ra nghe điện thoại. “Tôi đang định làm chuyện gì dại dột”, Halton nói. “Tôi muốn biết liệu ông và các nhà chức trách có muốn nó xảy ra hay không?”.

Cuộc nói chuyện diễn ra rất ngắn và sau đó trong cuộc điều tra chính thức chỉ diễn ra khoảng 6 phút, Thủ tướng hứa rằng cảnh sát và các đặc vụ Anh sẽ làm những gì có thể để giúp ông. Halton cám ơn Thủ tướng rồi ông gọi số Đại sứ quán của ông. Stephen Berns, người đại diện của văn phòng ngoại giao nhấc máy. Cấp trên của anh ta Jack Hammon đã bị giết tại Hyde Park vào cái buổi sáng Elizabeth bị bắt cóc. Berns được thăng chức và trở thành người phát ngôn chính của Đại sứ quán trong suốt giai đoạn khủng hoảng.

“Tôi cần mở một cuộc họp với giới báo chí, Steve. Tôi muốn nó diễn ra tại Windfield thay vì ở Đại sứ quán. Việc này rất quan trọng, giới truyền thông có quyền được phát sóng trực tiếp từ đầu đến cuối cuộc họp báo, đặc biệt là giới truyền thông ở châu Âu và các kênh vệ tinh ở Arập”.

“Vào lúc mấy giờ?”.

“Anh có thể sắp xếp nó diễn ra vào sáng sớm không?”.

“Không vấn đề gì”, Berns nói. “Tôi có cần phác thảo trước bài diễn văn cho ông không?”.

“Không, tôi có thể tự lo lấy mà không cần bất kỳ văn bản nào cả. Nhưng tôi cần anh giúp một chuyện”.

“Giúp như thế nào ạ?”.

“Anh có thể liên lạc với al- Jazeera được không?”.

Berns khẳng định là anh có thể làm được. Anh đã từng ăn trưa vài lần với Cục trưởng al-Jazeera tại Anh nhằm ngăn đài này phát đi những tin tức có lợi cho al-Qaeda.

“Gọi cho ông ta ngay. Tiết lộ rằng tôi sắp sửa đưa ra một đền nghị với bọn bắt cóc”.

“Đề nghị gì?”.

“Một đề nghị mà chúng không thể nào từ chối được”.

“Tôi có cần phải biết thêm điều gì nữa không, thưa ngài đại sứ?”.

“Tôi sẽ từ chức, Steve à, anh có thể gọi tôi là Bob”.

“Vâng, thưa ngài đại sứ”.

“Halton gác máy rồi đứng dậy đi vào nhà tắm thay quần áo. Giờ đây ông không còn là ngài đại sứ Robert Halton, một nhà ngoại giao Mỹ tuyệt vọng và đau khổ, người mà không còn cách nào khác hơn là đứng nhìn con gái mình bị giết chết. Lại một lần nữa, ông trở về là Robert Carlyle Halton, một tỉ phú và nhà chi phối việc bổ nhiệm các chức vụ quan trọng, ông sẽ giành lại Elizabeth thậm chí phải mất đi những đồng xu cuối cùng.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 23-11-2013 06:37 PM
Chương 44
Aalborg, Đan Mạch

12 giờ 15 phút chiều thứ sáu.

“Xe đã tới, Allon”.

Lars Mortensen đưa tay chỉ lên bầu trời xám xịt. Gabriel nhìn theo và hướng ánh mắt nhìn chiếc Gulf-Stream V đậu trên đường bay ở phi trường Aalborg. Chỉ cần một cử động nhẹ cũng khiến cho đầu anh đau buốt. Ba vết thương trên đầu anh được bác sĩ Skagen khâu lại 18 mũi, khuôn mặt anh có những vết cắt nhỏ bởi những mảnh vụn của kính xe. Anh đã kịp che đôi mắt mình lại trong vụ nổ kinh hoàng ấy mặc dù anh không nhớ mình đã làm điều đó như thế nào.

Anh nhớ mơ hồ những sự kiện đã diễn ra vào cuối buổi chiều đó. Theo lệnh của bọn bắt cóc, Gabriel phải quẳng điện thoại ở Funen và lái chiếc Audi cà tàng đi xa 3 dặm để kiếm một buồng điện thoại công cộng. Anh đã gọi Carter và Mortensen từ bãi đậu xe của một khu chợ nhỏ ở ngoại ô Skagen, nói với họ chuyện gì đã xảy ra, sau đó Gabriel lái xe trở lại những cồn cát và nhìn căn nhà cháy từ từ trên mặt đất. 20 phút sau Gabriel thấy từ xa còi báo động của cảnh sát và lính cứu hoả chạy tới hiện trường. Một cảnh sát mặc thường phục hỏi Gabriel dồn dập trong lúc một nhân viên cấp cứu lau máu trên mặt anh. Tất cả những gì Gabriel nói là hãy nói chuyện với Mortensen ở PET, anh ấy sẽ giải thích tất cả mọi chuyện.

“Anh có chắc về số người bị chết ở trong căn nhà không?”.

Gabriel hỏi Mortensen.

“Anh đã hỏi tôi 10 lần rồi”.

“Trả lời lại đi”.

“Có”.

“Hai xác chết là của bọn khủng bố và một cái là của người đàn ông lớn tuổi. Không có xác của Elizabeth Halton”. Mortensen im lặng khi chiếc Gulf-Stream V bắt đầu đi xuống đường bay ngang qua nơi họ đang đứng với tiếng gầm rú của động cơ. “Không giống như chuyện của Abraham và Isaac đã xảy ra trong Kinh thánh. Tôi không thể tin dược hắn lại lên kế hoạch để giết cha ruột mình”.

Gabriel nói. “Đó là cách làm của al-Qaeda. Giết bất kỳ ai chống đối lại mình, thậm chí là ruột thịt”.

Khi chiếc Gulf-Stream đã đi đến cuối đường bay và bắt đầu rời mặt đường trải nhựa cất cánh lên không.

“Ông sẽ làm hết khả năng mình để giữ bí mật vai trò của tôi trong vụ này chứ?”, Gabriel nói.

“Mọi chuyện luôn có nguy cơ bị tiết lộ ra bên ngoài, không may rằng anh đã liên lạc với rất nhiều người trong đêm đó. Nhưng cho đến chừng nào tôi còn giữ chức vụ của mình, xem như anh và đội của anh chưa hề đến đây”.

Gabriel kéo áo khoác lên và chìa tay ra. “Vậy thì rất vui vì đã không gặp ông”.

“Tôi cũng vậy”, Mortensen nắm chặt tay Gabriel bằng một cái bắt tay mạnh. “Nhưng lần sau khi anh đến Đan Mạch hãy thông báo cho tôi đầu tiên nhé, chúng ta sẽ ăn trưa. Và ai biết được, có thể tôi và anh sẽ trò chuyện vui vẻ với nhau”.

“Tôi nghĩ chuyện gì cũng có thể xảy ra”, Gabriel bước ra khỏi xe và nhìn chằm chằm Mortensen qua cánh cửa mở. “Tí nữa tôi quên một chuyện”.

“Gì thế?”.

Gabriel kể cho Mortensen về việc anh bị buộc phải bỏ khẩu berette tại điểm dừng cuối cùng ở Funen. Mortensen cau mày và lầm bầm cái gì đó bằng tiếng Đan Mạch trong hơi thở bực dọc.

“Tôi xin lỗi, tôi chỉ chợt nhớ lại thôi”, Gabriel nói.

“Tôi không nghĩa anh đã bỏ hết đạn ra trước khi bỏ nó nó vào thùng rác”.

“Thật ra nó được nạp đầy đạn”.

“Anh nên lên máy bay ngay trước khi tôi thay đổi ý định về việc giữ kín sự tham gia của anh trong vụ này”.

Gabriel cất bước đi qua đường băng hướng về chiếc Gulf-Stream. Cầu thang được hạ xuống, Sarah đứng nghiêng mình ở một bên cửa ở lối đi, tay đút vào túi quần, chân bắt chéo. Carter ngồi ở hàng ghế đầu và đang mải nói chuyện điện thoại. Ông gật đầu ra hiệu cho Gabriel ngồi xuống ghế đối diện và gác máy.

“Đội của tôi đâu?”, Gabriel hỏi.

“Họ âm thầm rút khỏi Copenhagen vào sớm nay và hiểu rõ là phải đến đâu. Tôi cho là họ đang trên đường đến Amsterdam”.

“Còn chúng ta?”

“Nước Anh đã cho phép chúng ta đáp xuống tại sân bay Luân Đôn. Tôi sẽ đến toà đại sứ và chờ cho đến thời hạn. Còn anh sẽ được hộ tống đến sân bay Heathrow. Không cần hỏi thêm lần nữa và tôi nghĩ anh có thể tự biết đường về nhà”.

Gabriel gật đầu chậm rãi.

“Anh rất may mắn đấy, Gabriel, còn tôi sẽ đến Luân Đôn và đối mặt với sự thất bại của mình tại đây đêm qua. Anh không được nhiều người hâm mộ ở Washington trong lúc này đâu. Thực ra đã có rất nhiều người không muốn anh phải khổ sở, trong đó có cả Tổng thống. Còn tôi thì đang trong đống hoang tàn này do anh gây ra”.

“Làm nghề này mà không có tai tiếng thì không phải là người thành công”.

“Câu này của Shakespear à?”.

“Của Shamron”.

Carter cố gượng cười. “Văn phòng được điều khiển bởi một nguyên tắc khác với Cục Tình báo, anh phải chấp nhận đã gây ra lỗi lầm vì lí do cao cả nào đó. Chứ chúng tôi không chấp nhận sự thất bại. Thất bại không phải là sự lựa chọn mong muốn”.

“Nếu đúng là như vậy thì phải bật đèn xanh ở Langley từ lâu rồi chứ?”. Carter nhíu mắt vì ánh mặt trời đột ngột chiếu qua cửa sổ. Ông kéo màn che cửa xuống rồi yên lặng nhìn Gabriel.

“Cô ấy không có ở đó, Adrian. Elizabeth chưa bao giờ có mặt ở đó. Có khả năng con gái ngài đại sứ vẫn còn ở nơi nào đó trong nước Anh. Đó là mánh khoé của bọn Sphinx. Bọn chúng đã dựng hiện trường bỏ xác người đàn ông tôi bắn bị thương tại những cồn cát ở Norfolk để người Anh phát hiện ra. Bọn Sphinx ra lệnh cho Ishaq giữ liên lạc với vợ mình ở Copenhagen, họ biết rằng NSA hay một ai đó có thể nghe trộm được và sẽ liên hệ với hắn. Và khi sự việc diễn ra đúng như vậy thì bọn Sphinx đã chơi trò mèo bắt chuột kéo dài thời gian đến thời hạn. Hắn muốn chúng ta bối rối, chán nản và cấu xé lẫn nhau trong vụ này. Hắn muốn chúng ta nhận ra rằng chỉ còn một cách là thả Thủ lĩnh Abdullah”.

“Mẹ kiếp thằng Thủ lĩnh Abdullah”. Carter nói đầy cay cú. Ông lấy lại bình tĩnh ngay sau đó. “Anh có nghĩ Ibrahim chỉ là một phần không có thực trong chuyện này?”.

“Ibrahim có thật đấy, Adrian. Ibrahim đã đáp lại sự yêu cầu giúp đỡ của chúng ta”.

“Và anh đã để cho ông ta bị giết?”.

“Ông mệt rồi đấy, Adrian. Ông đã lâu không được ngủ. Tôi sẽ cố quên đi những gì ông vừa nói”.

“Anh đúng đấy, Gabriel. Tôi đã không được ngủ”, Carter ngước nhìn đồng hồ.

“Chúng ta còn 7 tiếng nữa cho đến lúc người phụ nữ ấy bị giết, còn gì nữa?”.

Tiếng chuông điện thoại cắt ngang lời nói của Carter. Ông im lặng lắng nghe rồi cúp máy.

“Robert Halton vừa gửi fax lá thư từ chức của ông ta tới Nhà Trắng. Tôi nghĩ ông ta đang chịu một sức ép lớn”.

“Ông sai rồi, Adrian”.

“Vậy anh có lời giải thích nào khác sao?”.

“Ngài đại sứ đang cố gắng cứu mạng sống của con gái mình bằng cách đàm phán trực tiếp với những tên bắt cóc”.

Carter chộp lấy điện thoại và bấm nhanh. Gabriel tựa vào ghế rồi nhắm mắt lại. Đầu anh lại bắt đầu đau. Sắp công diễn một màn kịch hay đây, anh nghĩ.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 24-11-2013 07:04 PM
Chương 45
Paris

Thứ sáu 2 giờ 17 phút chiều

Từ viện nghiên cứu các vấn đề Hồi giáo vòng qua góc đường có một quán cà phê Internet nhỏ. Cà phê, bánh ngọt và thậm chí nhạc jazz tại đây khá tuyệt mặc dù nhạc được phát qua dàn loa dùng cho gia đình. Yusuf Ramadan gọi một tách cà phê có kem và mua suất truy cập internet trong vòng ba mươi phút, sau đó hắn chọn ngồi vào một góc có cửa sổ nhìn ra phía đường. Yusuf gõ địa chỉ trang chủ của BBC, đọc vài bài về sự phát triển của Luân Đôn, nơi mà vị đại sứ Robert Halton vừa mới từ chức và đề nghị hai mươi triệu đô la để con gái ông được tự do. Đài BBC đã bị một cú sốc khi biết tin này, tuy vậy với tên khủng bố người ai Cập – kẻ mà mọi người vẫn gọi là Sphinx – thì điều đó không có gì lạ. Không bàn cãi gì nữa, phi vụ hoàn hảo ở Đan Mạch đã làm tiêu tan ý định chống cự của viên đại sứ này. Giờ đây hắn quyết định tự mình làm vụ này. Với hắn, vụ này dễ như trở bàn tay. Trước đây, Robert Halton từng là một tỉ phú. Mà một tỉ phú ở Colorado không bao giờ để cho con mình phải hy sinh như kiểu vật tế thần cho các chính sách ngoại giao.

Ramadan xem một đoạn video ngắn quay buổi họp báo tại Winfield với sự xuất hiện của đại sứ Robert rồi quay sang trang chủ của các tờ Telegraph, Times và Guardian để xem họ bình luận những gì. Trong mười phút cuối, hắn gõ địa chỉ một trang web có máy chủ đặt tại Karachi – trang này chuyên viết về các vấn đề Hồi giáo và được tổ chức Thanh kiếm Allah quản lí. Dù vậy, nội dung của nó không có gì đáng chú ý, ngay cả các lực lượng an ninh mạng của châu Âu và Hoa Kỳ cũng chẳng thèm để mắt đến. Ramadan đăng nhập vào một phòng tán gẫu ảo với biệt danh DESMOND826. KINKYKEMEL324 đang đợi. Ramadan gõ. “Tao cho là tổ chức nên thương lượng thêm. Họ nên đòi thêm tiền chứ. Dù sao thì gã đại sứ đó cũng là tỉ phú mà”.

KIKYKEMEI324. “Thêm bao nhiêu?”.

DESMOND826. “Ba mươi triệu chắc là được”.

KINKYKEMEL324. “Tao cho rằng cái gã bị áp bức đi theo chủ nghĩa phục quốc cũng nên trả chứ”.

DESMOND826. “Tụi này đã bàn lúc nói chuyện với nhau. Giá chót đó”.

KINKYKEMEL324. “Vậy thì sẽ xong thôi, nhân danh Đấng tối cao, từ bi và độ lượng”.

DESMOND826. “Bậc thầy của ánh sáng công lý”.

KINKYKEMEL324. “Hãy chỉ cho chúng con lối đi chính đạo”.

DESMOND826. “Chúc bình yên, KK”.

KINKYKEMEL324. “Chào nhé”.

Ramadan thoát khỏi phòng tán gẫu, uống hết cốc cà phê kem. Trên loa vang lên bản “Ruby, em yêu” do Coltrane và Monk hát. “Người Mỹ đâu có sâu sắc như mấy gã nghệ sĩ này”, hắn trầm tư. “Nếu được vậy thì thế giới có lẽ đã là một nơi tốt hơn rồi”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 24-11-2013 07:12 PM
Chương 46
Quãng Trường Grosvenor, Luân Đôn

Hai giờ 10 phút chiều thứ sáu

Tổng đài của Đại sứ quán nhận được một cuộc gọi trực tiếp ngay trước khi ngài đại sứ kịp bước qua cửa chính của dinh Wifield. John O’Donnel – chuyên gia đàm phán trong các vụ bắt cóc con tin của FBI – chỉ có thời gian 5 phút để chuẩn bị cho tuyên bố. Anh nhanh chóng tách ban của Trung tâm OPS ra làm hai đội. Một đội chuyên trị mấy gã lang băm hay làm các trò bịp, đội khác thì thực hiện việc nghe lỏm bất kỳ cuộc gọi điện thoại nào nghe có vẻ đáng nghi ngờ. Chính O’Donnel tự phân công cuộc gọi đến các đội khác nhau cho phù hợp. Bây giờ anh cũng làm y như vậy sau khi nghe qua những cuộc đàm thoại, thường là cỡ ba mươi giây chứ không hơn. Bản năng bảo anh rằng không một ai trong số những người anh đã nghe lại có thể là những tên bắt cóc thật sự, ngay cả khi đám người đó được chuyển qua cho đội thứ hai để điều tra thêm. Anh không tiết lộ điều này cho bất kỳ ai trong văn phòng dưới tầng hầm của Đại sứ quán vì những con người này đang quá mệt mỏi rồi.

Hai giờ sau sự xuất hiện của Robert Halton trước ống kính, O’Donnel dùng đường thuê bao riêng gọi vào tổng đài toà đại sứ. “Đang có bao nhiêu cuộc gọi chờ?”.

“Ba mươi tám”, viên trực tổng đài trả lời. “Mà chờ đã… để xem…bốn mươi hai…bốn mươi bốn…bốn mươi bảy”.

“Cứ để họ làm việc”.

O’Donnel gác máy, nhanh chónh xử lí tiếp mười cuộc gọi khác. Anh phân cho đội số một bảy cuộc – nhóm này chuyên xử lí mấy vụ việc kỳ lạ và ba cho đội số hai. Anh nhận thấy rằng không ai trong số mấy người gọi kia có thể là những tên bắt cóc Elizabeth Halton. Anh định nhắc máy gọi tiếp, nhưng đúng lúc đó đường dây riêng của anh lại reo. Bên kia đầu dây là giọng của người trực tổng đài.

“Tôi nghĩ tôi có cái mà anh đang tìm”.

“Máy phân tích giọng nói?”.

“Đúng”.

“Chuyển sang đường dây này sau khi tôi gác máy nhé”.

“Hiểu”.

O’Donnel gác máy. Mười giây sau, chuông điện thoại réo lên, anh nhấc máy, nhẹ nhàng áp sát vào tai.

“John O’Donnel – Cục điều tra liên bang. Tôi giúp gì được cho anh?”

“Tao đã cố gắng liên lạc với mày cả nửa giờ rồi đấy”, giọng nói trong ống nghe đã bị bóp méo.

“Chúng tôi đang cố gắng hết sức, mà hai mươi triệu đang ở trên bàn kia kìa. Nhiều kẻ đang muốn lấy nó mà không biết lượng sức”.

“Tao không phải là không biết lượng sức. Tao chính là người mày phải nói chuyện”.

“CHứng minh đi. Nói tao nghe mày để cái DVD của Elizabeth Halton ở đâu”.

“Tụi tao đặt dưới cái thuyền chèo trên bãi biển chỗ Beacon Point”.

O’Donnel lấy tay bịt đầu nói của ống nghe, khoát tay ra hiệu cho mọi người im lặng rối quay sang Kevin Barnett (người bên CIA) ra hiệu bảo anh ta nhắc máy phụ lên nghe.

“Nếu mày muốn thương lượng, tao không ngại”, O’Donnel nói.

“Nếu không, đừng hòng mà mong tao gọi nữa”.

“Mày có cô gái?”.

“Đúng”.

“Tao cần chứng cứ chắc chắn”.

“Không có thời gian”.

“Vậy tao cần thêm thời gian. Mày chỉ cần trả lời tao một câu hỏi. Chỉ tốn một phút”.

“Một thoáng im lặng. “Hỏi đi”.

“Khi Elizabeth còn nhỏ, con bé có cưng một con thú bông. Tao muốn mày cho tao biết đó là con gì và tên gọi của nó. Tao sẽ cho mày một số điện thoại khác. Gọi lại cho tao khi mày có câu trả lời. Lúc đó ta sẽ bàn cách giao tiền”.

“Phải chắc chắn là mày nhấc máy đấy. Bằng không thì con nhỏ tiêu đời”.

Đầu dây bên kia bất ngời cúp. O’Donnel gác ống nghe và nhìn Barnett.

“Tôi gần như chắc rằng đó chính là hắn”.

“Tạ ơn Chúa”, Barnett nói. “Mong là hắn ta đang giữ con bé”.

o O o

Elizabeth thức dậy bởi một tiếng động. Cô giật nảy mình, người ướt đẫm mồ hôi. Cô ngước nhìn bóng đèn trắng nhờ nhờ bên trên chiếc giường. Lại nằm mơ. Giấc mơ hệt như mấy lần cô vừa lơ mơ chìm vào giấc ngủ trước đó. Mấy tên trùm đầu. Một cái máy quay phim. Một con dao. Cô giở tay áo lên để sờ vào cổ và nhận thấy cổ mình vẫn không sao. Một hồi sau, cô nhìn xuống sàn xi-măng và thấy dòng chữ. Một con mắt đang dò theo cô qua một cái lỗ như để đề phòng cô có thể tìm cách trốn thoát. Con mắt tối tăm và tàn bạo. Con mắt của Cain.

Cô ngồi dậy và duỗi đôi chân đang bị cùm của mình ra sàn rồi đứng dậy lê người về phía cửa. Dòng chữ nằm thẳng đứng, phông chữ đủ to để cô có thể đọc mà không cần cúi xuống để nhặt lên. Là một câu hỏi được viết ra trên giấy như bao lần trước. Nhưng câu hỏi này lại khác hẳn. Cô khẽ trả lời chậm rãi rồi quay lại giường và khóc mãi không thôi. Hy vọng gì nữa, cô tự nhủ. Mày còn dám hy vọng gì nữa.

Chuông điện thoại trên đường dây riêng của John O’Donnel ở Trung tâm OPS vang lên lúc 3 giờ 9 phút. Lúc này, anh chẳng buồn giới thiệu mình là ai.

“Có thông tin tao cần chưa?”

“Cô gái gọi tên nó là gì?

“Đó là con cá voi nhồi bông”.

“Cá”, gã nói. “Con bé gọi con thú đó là cá, chỉ vậy thôi”.

O’Donnel khép mắt, siết chặt nắm tay.

“Trả lời đúng”, anh đáp. “Giờ thì bàn tới vụ giao tiền. Hãy mang cô ấy về nhà đúng lúc Giáng sinh”.

Gã gọi điện có cái giọng bị bóp méo liệt kê các yêu cầu rồi nói. “Tao sẽ gọi lại lúc 5 giờ 59 theo giờ Luân Đôn. Tao muốn nghe câu trả lời ngắn gọn. Có hoặc không. Đơn giản vậy thôi. Mày hiểu ý tao chứ?”

“Hoàn toàn hiểu”.

Gã cúp máy. O’Donnel nhìn sang Kevin Barnett.

“Chúng đang giữ cô ấy”, anh nói. “Và chúng ta thật sự là không còn đường lùi”.

Một chiếc Limousine hiệu Juguar đang đỗ ở mép sân trải nhựa chỗ đường băng khi chiếc Gulff-Stream V của Adrian Carter hạ cánh xuống phi trường thành phố Luân Đôn. Lúc Gabriel, Carter và Sarah bước xuống cầu thang, một bàn tay dài đầy xương xẩu chià ra từ cửa xe phía sau và ra hiệu cho họ tiến về phía đó.

“Graham Seymour”, Gabriel nói. “Đừng nói với tôi là họ điều các vị suốt từ một chặng đường dài đến đây để cho tôi quay về Heathrow đâu đấy”.

“Đúng là chúng tôi đến đây để đưa anh đi”, Seymour đáp. “Nhưng không phải đến Heathrow”.
“Vậy ta đi đâu?”.

Seymour không vội trả lời mà nhìn Gabriel chế giễu. “Cái quái gì xảy ra với anh vậy?”.
“Chuyện dài lắm”.

“Thường là vậy mà”, Seymour nói. “Lên xe đi. Ta không có nhiều thời gian”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 24-11-2013 07:29 PM
Chương 47
Phố Downing

Bốn giờ 15 phút chiều thứ sáu.

Chiếc xe của Graham Seymour rẽ vào Whitehall, dừng vài giây chỗ mấy cái cổng an ninh trên phố Downing. Ông hạ kính xe xuống, chìa giấy chứng minh ra cho viên sĩ quan cảnh sát thành phố đang đứng quan sát bên ngoài hàng rào. Tay sĩ quan kiểm tra xong ra hiệu cho đồng nghiệp mở cổng. Chiếc Limousine lướt đi vừa được chừng bốn mươi lăm mét thì phải dừng lại lần nữa. Lần này, xe dừng trước cánh cửa nổi tiếng nhất thế giới.

Gabriel bước xuống sau cùng, đi theo mấy người kia vào trong sảnh. Bên trái họ là một lò sưởi nhỏ, cạnh đó là cái ghế bọc da kiểu Si-pê-đan cũ rích dành cho người khuân vác và tay bảo vệ. Phía trái là một chiếc hòm gỗ, loại dành cho du lịch. Cái này hình như được công tước của Wellington mang theo trong trận đánh Waterloo nổi tiếng vào năm 1815. Kia là cái đồng hồ to sụ của Tử tước xứ Whitehaven. Cái đồng hồ này quá ồn ào trong khi ngài Churchill muốn nó báo giờ trong im lặng. Và đây, chính giữa sảnh là một người đàn ông điển trai với làn da tai tái và mái tóc đen điểm vài sợi hoa râm trước trán. Ông tiến về phía Gabriel, thận trọng chìa tay ra bắt. Tay ông ta lạnh ngắt.

“Chào mừng các vị đến phố Downing”, vị Thủ tướng Anh cất lời. “Cảm ơn vì đã đến cho dù chúng tôi báo tin gấp”.

“Xin thứ lỗi thưa ngài Thủ tướng. Mấy ngày qua quả là quá dài”.

“Chúng tôi có nghe về vụ tai nạn bất ngờ của anh tại Đan Mạch. Sự thật cho thấy anh đã bị lừa. Tất cả chúng ta điều bị lừa”.

“Vâng, thưa ngài”.

“Chúng tôi đối xử với các anh thật không phải sau vụ ở công viên Hyde Park, nhưng chính sự xuất hiện của anh trên báo đài đã thuyết phục chúng tôi rằng các anh có thể cứu mạng Elizabeth Halton. Chúng tôi cần đến sự giúp đỡ nhiệt tình của các anh, anh Allon ạ. Vậy các anh sẵn sàng nghe tôi nói rồi chứ?”.

“Sẵn sàng, thưa ngài”.

Thủ tướng mỉm cười. Một nụ cười máy móc, hệt như đã được lập trình từ trước, Gabriel nghĩ. Nụ cười ấm áp như chiều đông.

Họ đi dọc cầu thang chính, bên trên có treo chân dung của các đời Thủ tướng.

“Hình như đây là lần đầu tiên anh tới phố Downing phải không, anh Allon. Hay biết đâu anh từng có dịp nào vào đây rồi mà không theo con đường chính thức không?”.

“Đây là lần đầu tiên tôi đến đây, thưa ngài Thủ tướng”.

“Tôi đoán là ở đây trông khác với văn phòng thủ tướng trong suy nghĩ của các anh”.

“Quả thật rất trang nhã, thưa ngài. Văn phòng của chúng tôi trông chẳng khác gì mấy cái lán tạm cư”.

“Ta sẽ bàn bạc trong Phòng Trắng”, Thủ tướng nói. “Từ sau cái chết của Henry Campell – Bannerman ở đó vào năm 1908, đến nay chưa ai chọn phòng ấy là nơi từ trần nữa cả”.

Họ bước qua một cái cửa rất cao để vào trong. Mấy cái rèm màu đỏ sậm mang lại cảm giác ấm áp trong khi chùm đèn Waterford treo trên lại toả ra một thứ ánh sáng dìu dịu. Robert Halton ngồi trên cái ghế bành có sọc cạnh phu nhân Eleanor McKenzie. Tổng giám đốc MI5. Đồng sự của bà từ MI6 vẫn đi quanh phòng trong khi đại diện của cảnh sát Trung tâm đứng ở góc phòng, chỉ nghe tiếng thì thào qua điện thoại. Sau màn giới thiệu vội vả, Gabriel được mời ngồi lên cái ghế thứ hai, chỗ này nằm dưới tầm mắt dài dại của bức tượng Chim sơn ca Florence. Một tia lửa bùng lên trong lò sưởi. Ông quản gia mang trà vào. Tuy nhiên không ai ghé môi nhấp thử…

Thủ tướng thả người xuống ghế bành đối diện lò sưởi và chỉnh lại tư thế. Ông nói chậm rãi, như thể đang giải trình về sự bất cập của chính sách kinh tế quan trọng mới được áp dụng. Ông nói là lúc chiều (theo giờ Luân Đôn), ngài đại sứ Halton đã đệ đơn từ chức lên Nhà Trắng và đề nghị hai mươi triệu đô la để giao cho bọn khủng bố đổi lấy sự tự do của con gái ông. Sau đó hai giờ, bọn khủng bố liên lạc với chuyên gia đàm phán các vụ bắt cóc của FBI ở văn phòng đại sứ quán Hoa Kỳ để ngã giá sau khi đưa ra các chứng cứ cho thấy đúng là chúng đang giam giữ cô ấy. Chúng muốn ba mươi triệu thay vì hai mươi triệu như đã báo trước đó. Nếu tiền đến đúng kế hoạch – có nghĩa là không ai giăng bẫy chúng, không ai bị bắt giam – Elizabeth sẽ được phóng thích trong vòng hai mươi bốn giờ.

“Vậy tôi đến đây làm gì?”, Gabriel hỏi dù đã thừa biết câu trả lời.

“Anh là người thông minh, Allon ạ. Tôi mới là người phải hỏi anh chứ?”.

“Tôi đến đây vì họ muốn tôi đi giao tiền”.

“Tôi e rằng đúng như vậy đấy”, Thủ tướng đáp. “Chúng sẽ gọi lại lúc 5 giờ 59 phút để gặp tay chuyên gia thương lượng ở Đại sứ quán. Chúng muốn nghe câu trả lời dứt khoát, có hay không. Nếu câu trả lời là không, Elizabeth sẽ bị giết ngay tức khắc. Còn nếu có, tức là ta đồng ý với mọi yêu cầu của bọn chúng – và cô ấy sẽ được thả trong vòng bốn mươi tám tiếng tính từ lúc này, cộng trừ vài giờ”.

Căn phòng chìm trong sự im lặng đến ngạt thở cho đến khi Adrian Carter cất lời. Adrian là người thay mặt Gabriel trả lời. “Câu trả lời là không”, ông nói. “Đây rõ ràng là một cái bẫy. Tôi có thể nghĩ đến ba trường hợp, chẳng có cái nào dễ nghe cả”

“Chúng tôi đều biết rằng đằng nào cũng có bẫy, ông Carter à”, giám đốc MI6 nói. “Không cần phải xem lại làm gì”.

“Ông đùa với tôi chắc”, Carter nói. “Không phải là một người Mỹ khờ khạo. Cảnh tượng thứ nhất: Gabriel bị giết ngay sau khi trao tiền. Thứ hai: chúng sẽ túm Gabriel mang về, tra tấn dã man sau một thời gian rồi giết. Thứ ba: có vẻ đây là điều có khả năng xảy ra nhiều nhất”.

“Cái gì?”, Thủ tướng nôn nóng.

“Gabriel sẽ thế vào chỗ của Elizabeth. Tổ chức Thanh kiếm Allah sau dó sẽ uy hiếp chính phủ Israel thay vì uy hiếp chính phủ chúng ta, và ta lại quay về bước ban đầu”.

“Có một điều quan trọng”, Graham Seymour tiếp lời. “Đa phần mọi người trên thế giới đều muốn mượn tay Thanh kiếm Allah để giết con người này. Anh ta vừa là dân Israel theo Do Thái giáo, vừa là kẻ chiếm cứ, vừa là kẻ áp bức; trong mắt của không ít người dân châu Âu và thế giới Hồi giáo, cái chết của anh ta rất đáng giá. Vụ giết người này được xem như chiến thắng lớn của bọn khủng bố trong công tác tuyên truyền”.

“Sự hợp tác của anh ấy trong giai đoạn này cũng là quá đủ rồi”, Eleanor McKenzai nói. “Kể cả nếu anh ấy trả lời là có, ta vẫn có thêm hai mươi bốn tiếng để lo cho sự an nguy của cô Halton”.

“Ta đã tìm cô ấy những hai tuần, và bây giờ cho dù có ai khác mon men nhảy vào vụ này thì cũng chẳng đủ để thay đổi gì nhiều”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 24-11-2013 07:30 PM
Chương 47
(tiếp theo)

Gabriel nhìn sang Robert Halton. Chỉ mới hơn một tuần không gặp mà mặt vị đại sứ đã hằn thêm vài nếp nhăn. Nhìn ông già đi mấy tuổi. Ông Thủ tướng đủ thông minh để không ngồi nói chuyện mà vắng mặt Halton, vì nếu lúc này mà Gabriel nói “không”, thì hành động đó cũng tương ứng với một tội ác dù không nói ra bằng lời. Có thể đó cũng chính là lí do để Thủ tướng mời ông ta tới đây. Bởi nếu nhìn ông ta, Gabriel sẽ không thể từ chối.

“Chúng sẽ còn yêu cầu thêm”, Gabriel nói. “Chúng sẽ yêu cầu tôi đi một mình. Nếu tôi mà có ai đó bám theo, thoả thuận coi như bị huỷ hết và Elizabeth sẽ chết. Ta sẽ phải tôn trọng yêu cầu của bọn này”. Anh nhìn Seymour và Carter. “Không được theo dõi, Hoa kỳ hay Anh cũng thế”.

“Anh không thể dấn vào mà không có ai sau lưng”, vị sếp sở cảnh sát nói.

“Tôi có định làm vậy đâu”, Gabriel đáp. “MI5 và đội chống khủng bố của lực lượng ở Anh sẽ hỗ trợ chúng ta mọi mặt ta cần, tuy nhiên sẽ phải có một đội của Israel có mặt từ đầu đến cuối. Tôi sẽ mang theo bất kỳ ai và bất cứ cái gì vào đó để làm vụ này. Sau này không được kiểm tra, không đòi hỏi gì hết. Nếu ai đó chết hay bị thương trong vụ giải cứu Elizabeth, không được thẩm vấn hay tống giam bất kỳ ai trong đội của tôi”.

“Lạc đề rồi”, Eleanor McKenzai nói.

“Cứ làm như vậy đi”, Thủ tướng tiếp lời.

“Ông mất bao lâu để lo đủ tiền?”.

“Các ngân hàng lớn đều được vào cuộc”, Thủ tướng đáp. “Chiều tối mai là xong. Dĩ nhiên, lần này lượng tiền nhiều quá nên lúc vận chuyển hơi nguy hiểm. Họ nói đó là hai túi đầy ấp”.

Gabriel nhìn từng gương mặt. “Đừng nghĩ đến chuyện đặt thiết bị theo dõi trong mớ tiền đó đấy”.

“Hiểu rồi”, Thủ tướng đáp. “Mai là Giáng sing. Đây chắc chắn không phải là chuyện trùng hợp”.

“Không đâu thưa ngài. Bọn chúng đã chuẩn bị vụ này từ lâu rồi”, Gabriel nhìn vào đồng hồ đeo tay. “Ai đó cho tôi đi nhờ đến Đại sứ quán Hoa Kỳ với? Vài phút nữa sẽ có một cuộc điện thoại. Tôi muốn nghe”.

“Graham sẽ chở anh”, Thủ tướng ra lệnh. “Tôi sẽ phái thêm một đội cảnh sát hộ tống. Giờ này xe cộ ở trung tâm Luân Đôn khiếp lắm”.

Trên tường chỗ văn phòng John O’Donnel treo cái đồng hồ điện tử có mấy con số màu đỏ nhấp nháy trên nền đen. Nhưng Gabriel không quan tâm mà chỉ nhìn chăm chăm vào cái máy điện thoại. Hiện đại thật. Nó có đến hai mươi cổng kết nối kể cả máy phụ 7512 đang nằm đâu đó trong toà nhà. Cái máy con ấy là vật dự phòng của riêng O’Donnel. Giờ đây chúng thuộc về Gabriel cùng với cái ghế và miếng lót nhăn nhúm.

Đồng hồ chỉ đến số 17 giờ 59 phút. Kim giây bắt đầu vòng quay quen thuộc từ số 00 đến số 59. Gabriel không rời mắt khỏi cái máy 7512 có gắn đèn màu xanh lá cây. Chỗ ống nghe có một vết nứt do O’Donnel gây ra lúc nện nó xuống trong một lần nổi nóng. Một phút sau, đồng hồ nhảy sang số 18.00.00. Ai đó thở dài đánh thượt. Rồi đến 18 giờ 1 phút 25 giây, Gabriel nghe rõ ràng ai đó trong đội của O’Donnel bắt đầu sụt sịt. Anh không để lộ sự bi quan của mình cho những người đó thấy. Anh chẳng lạ gì với mấy tên khủng bố tàn bạo thích lấy cái hạn chót chết người ấy ra làm trò tiêu khiển để bỡn cợt đối phương Hoa Kỳ hay Israel của chúng.

Đúng 18 giờ 2 phút 17 giây, chuông reo. Gabriel nhắc máy ngay sau tiếng chuông đầu tiên, cốt không để tiếng chuông gây ra áp lực tâm lý cho những người kia. Anh trả lời bằng thứ tiếng Anh pha giọng Do Thái nhằm mục đích cho bọn kia biết rằng chúng không nhầm.

“Câu trả lời là có”.

“Vậy thì lúc mười giờ tối nay. Tụi tao sẽ hướng dẫn mày sau”.

Trong những tình huống thông thường, một chuyên gia đàm phán như O’Donnel có thể áp dụng kế hoãn binh: rắc rối chỗ gom tiền, khó khăn chỗ xin ý kiến địa phương về việc giao tiền, bất kỳ điều gì nhằm giữ con tin sống sót và làm cho bọn bắt cóc chịu nói chuyện. Nhưng lần này thì không phải là tình huống thông thường nữa – bọn khủng bố muốn Gabriel – và không thể nào trì hoãn thêm nữa. Bắt đầu càng sớm chừng nào thì kết thúc càng sớm chừng ấy.

“Mày sẽ gọi vào số này chứ?”, Gabriel hỏi.

“Đúng”.

“Tao đợi”.

Cụp.

Gabriel đứng dậy, mặc lên người chiếc áo khoác da, đi xuống cầu thang.

“Anh nghĩ là anh đi đâu?”, Carter hỏi.

“Đi khỏi đây”.

“Anh không thể đi”.

“Tôi không ở đây được, Adrian. Tôi có việc”.

“Để chúng tôi chở anh đi. Chúng tôi không thể để anh đi loanh quanh Luân Đôn mà không có ai bảo vệ”.

“Tôi tự lo được mà, Adrian”.

“Ít ra cũng để tôi trang bị cho anh một cây súng chứ”.

“Vậy lính của ông dùng cái gì?”.

“Browning siêu hoả lực. Nó không mềm mại và đẹp mã như khẩu Beretta của anh đâu. Nó khá mạnh đấy. Anh cần mấy băng đạn? Một hay hai?”.

Gabriel nhăn mặt.

“Hai đi nhé”, Carter tiếp. “Và một hộp dự phòng”.

Năm phút sau, vai đeo cái túi mà Carter đưa, cái túi đè mạnh lên phần xương sống bên dưới, Gabriel lẻn ra ngoài qua cổng phía bắc, rẽ vào phố Bayswater. Lề đường dọc theo hàng rào Đại sứ quán đã cấm khách bộ hành và được khoanh vùng bởi mấy viên sĩ quan Sở cảnh sát mặc áo xanh màu vỏ chanh. Gabriel băng qua đường tiến về phía công viên Hyde Park. Anh nhận ra người lái xe máy sau hai phút khi anh rẽ qua góc đường hướng vào công viên. Chiếc môtô hiệu BMW với động cơ cực mạnh được điều khiển bởi một người có đôi chân khá dài đội nón bảo hiểm kín mít. Gabriel chú ý đến chỗ phình ra bên dưới cái áo da – bên trái, người này thuận tay phải. Anh tiếp tục tiến về phía Cổng Đá ở phía bắc rồi lại rẽ sang hướng tây tiến về phố Bayswater. Lúc anh gần tới chỗ cổng Albion, thình lình anh nghe tiếng chiếc môtô BMW rú lên sau lưng. Nó sát bên anh và phanh gấp. Gabriel ngồi lên sau xe, quàng tay qua eo người lái xe. Lúc chiếc xe lao đến, anh nghe thấy giọng một phụ nữ hát. Chiara luôn hát như thế khi lái môtô.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 24-11-2013 07:32 PM
Chương 48
Kensington, Luân Đôn

Sáu giờ 28 phút chiều thứ sáu.

Chiara lái xe băng băng khoảng mười lăm phút vòng vèo hết ngõ này đến phố kia để cắt đuôi nếu lỡ bị theo dõi, rồi thẳng tiến đến Đại sứ quán Israel toạ lạc tại chỗ toà án cũ trên đường cao tốc Kensington. Shamron đang chờ họ trong văn phòng trạm trưởng, một tay kẹp điếu xì ga Thổ Nhỉ Kỳ, tay kia cầm cây roi làm bằng gỗ ôliu rất đẹp. Trông ông ta đằng đằng sát khí hơn cả mấy năm trước đây.

“Chào Ari”.

“Cậu nghĩ cậu đang chơi trò gì vậy hả?”.

“Sao ông tới nhanh thế?”.

“Tôi rời khỏi Ben-Guiron lúc sáng sau khi nghiên cứu mấy vụ của cậu ở Đan Mạch. Tôi định tới thẳng Heathrow rồi lôi cậu về. Thế mà khi tôi gọi đến tổng đài báo là tôi tới nơi, thì họ cho tôi biết là cậu, vừa rời khỏi phố Downing”.

“Tôi đã cố giấu vài que diêm cho ông châm thuốc hút, nhưng quả thật tôi không khi nào được ở một mình”.

“Cậu nên hỏi ý chúng tôi trước khi đồng ý vụ đó chứ!”.

“Không có thời gian”.

“Có thời gian! Cậu thấy chưa, Gabriel, chỉ cần cậu hỏi tôi vài lời ngắn gọn. Lẽ ra cậu phải hỏi cho rõ ràng việc đảm nhận nhiệm vụ này. Và tôi có thể đã nói với cậu là không. Thế là xong”. Ông dụi điếu thuốc, nhìn Gbriel chằm chằm một lúc lâu mà không nói lời nào. “Nhưng giờ tôi không được lựa chọn để không nghe theo sự sắp xếp. Cậu có tưởng tượng được mấy tay nhà báo sẽ giật tít thế nào không? Cục tình báo Israel chỉ giỏi khoe khoang mà không dám giải cứu người phụ nữ Mỹ. Cậu có cho chúng tôi cơ hội đâu mà lựa với chọn. Buộc phải làm thôi. Nhưng đó chính xác là những gì cậu muốn, phải không? Xem ra cậu cũng là một thằng khốn ma mãnh”.

“Tôi học từ người thầy của tôi mà”. Gabriel đùa.

Shamron kẹp điếu xì gà khác lên môi rồi bật chiếc hộp quẹt zippo đã khá cũ và châm lửa. “Tôi đã im lặng khi cậu trở về từ Amsterdam để bắt cóc và thẩm vấn Ibrahim Fawaz. Tôi cũng im lặng khi cậu tới Copenhagen để tra khảo và đàm phán với thằng con của hắn. Nếu tôi tuân thủ nguyên tắc đầu tiên của mình, tức là tôi dẫn cậu về, thì chuyện này đâu có xảy ra. Cậu không có quyền đồng ý về phần việc này mà không có sự cho phép của sếp và Thủ tướng của cậu. Nếu đó là ai khác chứ không phải là cậu, Tôi đã túm hắn và ném vào Judean Wilderness để hắn thú nhận hết mọi tội lỗi”.

“Ông có thể làm chuyện đó khi tôi về nhà mà”.

“Cậu sẽ về nhà trong một cái hòm. Có thể lắm chứ. Cậu không cần phải ôm bom tự sát để tránh được thăng chức làm sếp đâu, Gabriel à. Nếu cậu không muốn làm sếp thì chỉ cần nói không”.

“Tôi không muốn làm sếp”.

“Tôi biết là cậu không thực sự muốn như vậy”.

“Chúa ơi, ông nói ngày càng giống với Đức mẹ rồi đó”.

“Những bằng chứng mà cậu đưa cho tôi nhiều quá mức cần thiết rồi đó. Điều đó cho thấy là cậu không muốn dính vào vụ này. Bằng trò lừa gạt, cậu sẽ tiến hành chiến tranh – chúng tôi tin là vậy. Chúng ta không phải là những kẻ tử vì đạo, Gabriel ạ. Chúng ta dành riêng các vụ đánh bom liều chết cho Hamas. Bọn Hồi giáo suốt ngày chúng chỉ mong tiêu diệt chúng ta. Chúng ta phải ra tay bất ngờ, di chuyển trong bóng tối và biến mất trong không trung. Cậu là một cá nhân xuất chúng, cậu xứng đáng là người dẫn đầu của cái nhóm nhỏ đó”.

“Giờ ta làm gì với vụ Elizabeth Halton đây? Để cô ta chết hay sao?”.

“Nếu đó là cách duy nhất để kết thúc màn kịch điên khùng này thì câu trả lời là đúng vậy”.

“Nếu đó là Ronit, con ông, thì sao?”.

“Đành bắt tay với ác quỷ để mang con về vậy. Nhưng tôi không cần người Mỹ nhúng tay vào. Xanh và trắng, Gabriel ạ. Xanh và trắng. Việc của chúng ta thì chúng ta lo, và chúng ta không chĩa vào việc của người khác. Từ xưa, bọn người Mỹ đã chung số phận với một số kẻ độc tài của vùng Trung Đông, giờ lại giở trò báo thù ra để khoe khoang sức mạnh quốc gia. Còn nhớ vụ 11 tháng 9 và cả Lầu Năm Góc chứ. Giờ thì đến cô con gái ngây thơ của ngài đại sứ Hoa Kỳ tại Luân Đôn”.

“Tiếp theo sẽ là chúng ta”.

“Và ta sẽ chiến đấu một mình chống lại bọn chúng”. Shamron nở một nụ cười xa xăm. “Tôi vẫn nhớ một thằng nhóc trở về từ châu Âu năm 1975; cậu bé trông phải già hơn tuổi thật đến hai mươi tuổi chứ chẳng ít. Cậu bé ấy không muốn gì ngoài một cuộc đời tăm tối toàn chém và giết. Điều gì đã xảy ra vậy?”.

“Nó trưởng thành, Ari ạ. Và nó sẽ bị ốm mà chết vì điều vớ vẩn mà ông nói đấy. Và nó sẽ không để người phụ nữ này bị giết vì người Mỹ đã từ chối thả một gã thủ lĩnh đang hấp hối”.

“Và rồi nó cũng chết vì chuyện này luôn đấy hả?”, Ông nhìn sang Chiara. “Có phải cậu sẵn sàng từ bỏ cuộc sống cậu đang có với một cô gái xinh đẹp để giải cứu cho ai đó mà mình không hề biết tông tích?”.

“Tin tôi đi, Ari. Tôi không tử vì đạo đâu. Kẻ sắp phải bỏ mạng đó không ai khác hơn là bọn khủng bố. Lúc ta để mất Ibrahim cũng là lúc ta mất manh mối. Giờ chúng đòi tôi đi giao tiền nghĩa là chúng lại mở cho ta một cánh cửa để tìm chúng. Và chúng ta sẽ cùng nhau đi qua cánh cửa đó”.

“Cậu nói với tôi rằng tôi nên nghĩ về cậu không hơn là một gã chuyên đào tường khoét vách?”.

Gabriel gật đầu. “Lúc chúng chuyển tiền sẽ là lúc chúng bộc lộ cách chúng tổ chức và phương tiện thông tin liên lạc. Nếu bọn chúng tóm tôi luôn, chúng sẽ bị lộ nơi ẩn nấp mà từ đó ta sẽ nắm được tên và số điện thoại của mấy chỗ đó. Người Mỹ đã đồng ý giao cho chúng ta vụ này. Ta sẽ chiến đấu chống lại chúng, Ari ạ, ngay trên đất Anh, cũng giống như khi ta tìm thấy bọn chúng vậy. Ta sẽ kết liễu bọn chúng và mang con gái về cho bố cô ấy trong bình an”. Gabriel ngưng một lát rồi tiếp. “Sau đó có thể họ sẽ thôi đổ tội cho chúng ta về mấy vụ rắc rối này”.

“Tôi khong cần quan tâm đến việc họ nói cái quái gì. Tôi coi cậu như con trai, Gabriel ạ, tôi không thể để họ lôi cậu đi đâu. Không phải là bây giờ”.

“Ông sẽ không để như vậy đâu”.

Shamron bỗng cảm thấy mệt mỏi vì phải đương đầu với quá nhiều chuyện. Gabriel lợi dụng lúc ông im lặng để dẹp chuyện này sang một bên và lảng đi chuyện khác”.

“Mấy người còn lại của nhóm tôi đâu rồi?”.

“Về lại Amsterdam sau chuyến công tác thất bại ở Đan Mạch rồi”, Shamron trả lời. “Nhưng họ lại có thể xuất hiện ở đây vào sáng ngày mai”.

“Tôi sẽ cần Mikhail, vũ trang đầy đủ”.

Shamron mỉm cười. “Gabriel và Mikhail – Thiên sứ của bóng tối và thiên thần của sự đổ nát. Nếu hai cậu mà còn không làm được gì thì chẳng có ai có thể lo nổi đâu”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 24-11-2013 07:34 PM
Chương 48
(tiếp theo)

“Vậy thì cầu chúc cho tôi bình an đi chứ?”.

“Chỉ cầu nguyện thôi nhé”, ông ta đáp. “Đi ngủ lấy sức đi con trai. Cần phải ngủ đấy. Ta sẽ tập trung tại đây lúc chín giờ và bàn luôn. Hy vọng là ta không bàn tính đến kế hoạch làm đám ma”.

Căn nhà trên phố Bayswater chính là nơi anh đã rời đi vào buổi sáng xảy ra vụ tấn công. Cốc cà phê uống dỡ vẫn còn nằm trên bàn, cạnh tập bản đồ Luân Đôn từ A đến Z. Tập bản đồ vẫn đang mở trang 82. Trong phòng ngủ quần áo anh vương vãi, chứng cứ của việc anh đang vội vàng mặc đồ thì cuộc tấn công xảy ra. Quyển ghi chú của Samir al-Masri với mấy cái đỉnh núi, đụn cát và nhằng nhịt những đường đẳng tích nằm cạnh chiếc giường bề bộn, trên giường là một cô gái tóc nâu vô cùng gợi cảm. Một khẩu Beretta thòi ra chỗ mặt trước của cái quần jeans bạc phếch. Anh lấy khẩu súng ra và đặt tay lên bụng cô gái đó.

“Sao anh làm vậy?”.

“Vì ham muốn không thể cưỡng lại là được chạm vào những gì đẹp tuyệt trần”.

“Anh biết em muốn hỏi anh điều gì mà, Gabriel. Tại sao anh lại đồng ý với yêu cầu của bọn khủng bố?”.

Gabriel im lặng, nhẹ nhàng kéo dây khoá quần jeans của Chiara. Chiara gạt tay Gabriel ra rồi chồm đến trước mặt anh. Anh co lại khi nàng chạm phải anh. Da thịt anh giật giật.

“Vì Dani phải không? Anh đã biết cảm giác của một người cha khi một đứa con của mình rơi vào tay bọn khủng bố rồi. Anh biết là những chuyện như vậy làm cho anh càng thêm chán ghét và giận dữ bản thân mà”, nàng vuốt mấy cọng tóc màu khói loà xoà trước trán anh. “Ai cũng nghĩ là chính Leah đã làm anh phát điên. Họ đâu biết anh đã mất một đứa con. Dani đang điều khiển anh, và cũng chính Dani kéo anh vào cái vụ quái gỡ này”.

“Chẳng có gì là quái gỡ hết”.

“Có phải em là người duy nhất nghĩ đến khả năng bọn khủng bố sẽ không thả Elizabeth mà chúng sẽ lấy tiền của ông đại sứ Halton rồi thủ tiêu cô ấy luôn không?”.

“Không”, Gabriel đáp. “Đó chính xác là những gì sắp diễn ra”.

“Vậy tại sao ta lại nhận vụ này? Chỉ tổ phí sức”.

“Vì đây là cách duy nhất để cứu cô ta. Chúng sẽ không giết cô ta tại một cái phòng giam nào đó mà người ta không thể nhìn thấy. Chúng bắt Elizabeth nhằm một âm mưu khủng bố lớn hơn nhiều. Việc giết cô gái này chỉ là một phần của âm mưu ấy”, anh ngưng một lát. “Và cô ấy cùng chung số phận với anh”.

“Ta có phải là những kẻ tử vì đạo đâu”, nàng nhắc lại lời Shamron. “Chúng ta để mấy vụ đánh bom tự sát cho Hamas thực hiện và cả những tên Hồi giáo điên khùng ấy. Chúng chỉ chực giết ta thôi”.

Gabriel kéo mạnh dây khoá quần jeans của nàng. Một lần nữa, nàng gạt tay anh ra.

“Anh thích làm việc với Sarah lần nữa chứ?”.

“Cô ta làm việc tốt hơn cả mong đợi của anh”.

“Phải mà. Anh huấn luyện cô ta. Cô ta tốt là phải”.

Chiara im bặt.

“Có phải đó là điều em muốn biết?”

“Vậy thì ai đã có ý tưởng cho cô ta làm chung vụ này với anh?”.

“Là ý của Carter. Cũng chẳng phải là ý, mà là lệnh. Họ muốn một đội chỉ cần những người Mỹ”.

“Ông ta chọn người khác cũng được chứ sao?” cô ngắt lời. “Ai mà vô tình đến mức không yêu anh cơ chứ”.

“Em nói cái gì vậy?”.

“Cô ta yêu anh, Gabriel ạ. Sau vụ al-Baraki ai cũng biết chuyện này. Ai cũng biết, trừ anh. Vậy đó. Những chuyện thế này sao anh không nhạy cảm một chút chứ”, nàng nhìn anh trong bóng tối. “Có thể anh cũng thầm yêu cô ta mất rồi. Chắc là ngày mai anh muốn Sarah dõi theo anh chứ không phải là em”.

Lần thứ ba nỗ lực kéo cái khoá quần jeans không vấp phải sự phản đối như hai lần trước. Cái áo len cũng vậy. Chiara tự cởi áo lót ra rồi kéo tay Gabriel về phía ngực mình.

“Sự mật thiết giữa các nhân viên Văn phòng là tuyệt đối cấm đấy nhé”, nàng nói trong lúc hôn anh.

“Anh biết mà”.

“Anh sẽ là một ông sếp tồi”.

Anh định nói gì đó thì cái đèn xanh trên điện thoại nhấp nháy. Gabriel định nghe máy nhưng Chiara nắm tay anh lại.

“Nếu đó là sếp lớn thì sao?”, anh hỏi.

Nàng rướn người lên. “Giờ em là sếp lớn đây”.

Nàng nhấn môi mình vào môi anh. Cái đèn xanh vẫn cứ nháy.

“Cưới em anh nhé”.

“Anh sẽ cưới”.

“Bây giờ kia, Gabriel. Bây giờ”.

“Anh sẽ cưới em mà”.

“Đừng chết tối mai anh nhé”.

“Anh sẽ không chết”.

“Anh hứa đi”.

“Anh hứa”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 24-11-2013 08:12 PM
Chương 49
Bayswater, Luân Đôn

Bảy giờ 15 phút sáng thứ bảy.

Gabriel choàng tỉnh, cảm giác như mình đã ngủ một giấc dài cả thế kỉ. Anh liếc nhìn qua cái đồng hồ báo thức rồi nhìn sang Chiara. Nàng nằm lẫn trong mớ chăn màn cạnh anh hệt như bức tượng Hy Lạp ngã vật khỏi chân đế. Anh nhẹ nhàng tuột khỏi giường, bật đài lên nghe trong lúc pha cà phê. Đài BBC thông báo rằng chưa có thông tin trả lời của ông đại sứ Halton về lời đề nghị tiền chuộc, và rằng cũng chưa có tin tức gì về số phận của cô gái bị bắt cóc. Người dân Luân Đôn cũng được cảnh báo về tình hình an ninh của thành phố. Sẽ có cảnh sát canh gác kiểm tra dày đặc trên các tuyến phố mua sắm chính cũng như trên tàu điện ngầm và các nhà ga. Mãi đến bản tin thời tiết, Gabriel mới có được chút thoải mái. Đài dự báo sẽ có mưa rào nhẹ rải rác và trời quang mây.

Anh uống xong cốc đầu tiên và như thường lệ, anh vào phòng tắm, dành chút ít thời gian để nước từ vòi sen xả xuống người. Mấy vết xước trên mặt làm cho anh chẳng thể cạo được râu. Vài ngày nay anh thấy mình ưa nhìn hơn vì hai bên má của anh hơi phình ra thì phải. Chiara vò đầu lúc anh bước vào phòng ngủ rồi kéo anh vào giường. Nửa tỉnh nửa mơ, Chiara và anh lại yêu nhau lần cuối trước khi anh bước vào ngày phán quyết.

Cả hai rời nhà lúc chín giờ kém mười và chở nhau trên chiếc môtô BMW của Chiara. Hoá ra cơn mưa mà bản tin thời tiết đã dự báo vẫn chưa đến, mà đường phố cũng không có cái vẻ hối hả tấp nập thường thấy vào mùa mua sắm Giáng sinh. Hai người phóng xuống đường Bayster thẳng tiến đến đồi Notting rồi vòng theo phố nhà thờ Kensington để đến chỗ toà án cũ. Một nhóm biểu tình nho nhỏ đang tụ tập trước đại sứ quán; nhóm này cầm cờ Israel mà vẫy – các lá cờ có vẽ thêm các dấu thập ngoặc – và la to cái gì đó, nghe như có Do Thái rồi cả Đức quốc xã nữa. Gabriel và Chiara lẫn vào trong qua cánh cổng đang mở rồi biến mất.

Mọi người trong nhóm cũ đã đến đông đủ, đang tụ lại trong phòng họp lớn nhất của đại sứ quán. Cả nhóm y hệt như đám dân tị nạn đang tránh bão. Mọi người đã tới - cả bộ phận ở trạm đóng tại Luân Đôn và các nhóm nhỏ rải rác khắp nơi ở châu Âu cũng đã tề tựu đông đủ. Uzi Navot mang theo cả nửa tá đặc vụ cùng đến từ đại lộ King Saul. Gabriel thầm nghĩ đây có thể là chiến dịch quy mô nhất và quan trọng nhất từng diễn ra trên châu lục này. Tuy thế họ chưa biết phải làm gì để chiến dịch này thành công.

Shamron hôm nay mặc quần kaki và áo khoác da bó sát đang ngồi chỗ bàn họp. Gabriel ngồi xuống bên cạnh ông, họ cứ thế nhìn nhau một lúc lâu. Mãi một lúc sau Shamron mới nặng nề đứng dậy, gọi cả phòng tập trung.

“Mười giờ tối nay, Gabriel sẽ lên đường tiến vào địa ngục”, ông dõng dạc. “Nhiệm vụ của các anh là phải bảo đảm rằng anh chàng này sẽ lại quay trở ra còn mọi người khác phải sống sót. Tôi cần nghe ý kiến. Dù ý kiến đó của một người mới học việc cũng đáng để ta xem xét”.

Shamron ngồi xuống để mọi người tự nhiên. Các thành viên lập tức bắt chuyện ngay sau khi Shamron dứt lời. Gabriel hất đầu về phía sau, cười vang. Thấy sung sướng khi lại được vè nhà.

Mọi người làm việc hết cả buổi sáng, chỉ nghỉ một lúc để ăn trưa rồi lại tiếp tục hết buổi chiều. 5 giờ 30, Gabriel dẫn Chiara vào một căn phòng trống rồi hôn nàng lần cuối. Lát sau, vì lo ngại mình sẽ diễn một cảnh ngớ ngẩn trước mặt Shamron, anh chuồn khỏi Đại sứ quán. Gabriel băng qua các con phố trong khu Kensington tiến về Mayfair. Lúc rảo bước qua công viên Hyde Park, anh dừng lại một chút đúng chỗ ấy. Tại vị trí này buổi sáng hôm xảy ra vụ tấn công và thấy xác nạn nhận Chris Petty, nhân viên an ninh ngoại giao Mỹ. Cách đó vài bước là một bó hoa héo rũ được cắm xuống đất và một mẫu tin nhắn ghi trên giấy thô cứng. Tin nhắn ghi vài lời biết ơn những người Mỹ đã chết. Đó là nơi Samir al-Masri đã chết trước họng súng của Gabriel, là nơi đài tưởng niệm thứ hai được dựng lên cho những người tử vì đạo tại công viên Hyde Park. Cái tên mà những kẻ ủng hộ bọn chúng tại Luân Đôn đã tôn vinh. Các nền văn minh giằng co nhau chỉ trong vài mét vuông giữa lòng thành phố.

Anh băng qua bãi cỏ góc công viên rồi rẽ vào phố Suối Nguồn. Adrian Carter đang đứng cạnh khu bảo tồn sinh vật biển chỗ cổng Bắc, miệng không ngừng bập bập vào cái tẩu. Carter chào Gabriel như thể ngạc nhiên lắm khi thấy anh đến đây vậy, sau đó nắm tay Gabriel dẫn vào trong.

Hai túi tiền đang nằm trên tầng thượng chỗ văn phòng ngài đại sứ Halton. Một toán đặc vụ của DS nhận canh gác số tiền trên. Gabriel nhìn mặt từng người, quay sang Carter.

“Không mật hiệu gì hết, đúng không, Adrian?”.

“Không có”.

“Ông đem cho tôi xe gì vậy?”.

“Một chhiếc Vauxhall Vectra xám đen và ít hao xăng nhé”.

“Nó đâu?”.

“Ở phố Suối Nguồn”.

“Hai cái bao có bỏ vừa cốp xe không?”.

“Vừa. Chúng tôi kiểm tra rồi”.

“Vậy cho tiền vào đi chứ”.

Carter nhíu mày. “Tôi không biết anh thì sao nhưng tôi không bao giờ để ví của mình trong xe, chứ đừng nói đến ba mươi triệu đô la tiền mặt”.

“Quanh Đại sứ quán lúc này toàn cảnh sát”, Gabriel nói. “Không có tên ăn cắp nào dại dột đến mức đi đánh quả mấy chiếc xe đâu”.

Carter gật đầu với mấy tay nhân viên đặc vụ của DS. Lát sau hai cái túi bốc hơi.

“Adrian, tôi muốn có vài lời riêng với ông đại sứ”.

Caretrr há hốc mồm, tỏ ý phản đối. “Tôi qua chỗ trung tâm điều hành chiến dịch đây. Và đừng có đến muộn, Gabriel nhé. Chuyến này không có cậu là không thành trò trống gì đâu”.

Nội dung cuộc trò chuyện của Gabriel và vị đại sứ không bao giờ được tiết lộ. Nó không tồn tại trong bất kỳ cuốn băng ghi âm nào, cả dạng hồ sơ mật hay công khai cũng vậy. Họ nói chuyện không quá một phút. Các nhân viên DS đứng gác bên ngoài kể lại rằng lúc tiến về trung tâm điều hành chiến dịch, mắt Gabriel ươn ướt nhưng đầy quyết tâm. Lần này bọn khủng bố không để anh phải đợi lâu. Đồng hồ chỗ John O’Donnel chỉ 20 giờ 14 giây thì chuông điện thoại reo vang. Gabriel chụp ngay lấy điện thoại như thể anh vui mừng vì suốt cuộc đời chưa bao giờ được dùng nó. Giọng anh lúc đó vô cùng điềm tĩnh, cách nói chuyện của anh lúc nghe chỉ dẫn của bọn chúng hệt như viên sĩ quan cảnh sát đang ghi nhận hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Anh không hỏi bọn chúng câu nào, trên mặt anh không có biểu hiện gì khác ngoài sự căm phẫn hằn sâu. Lúc 20 giờ 57 giây, người ta nghe anh lầm bầm với bọn khủng bố. “Tao sẽ tới đó”. Anh gác máy, đứng dậy, khoác áo và đi xuống cầu thang. Lần này Carter không cản anh như hôm trước nữa.

Anh dừng một chút chỗ phòng kính ở tầng một để cài tai nghe siêu nhỏ và gắn cái micro bé tí vào cổ họng. Xong xuôi, anh gật đầu chào người gác cửa rồi đi ra chỗ sân Đại sứ quán qua cổng Bắc. Chiếc ôtô Carter mang đến đậu ngay chỗ có bảng cấm đỗ xe góc phố Bắc Audley. Chì khoá xe đang nằm gọn trong túi Gabriel, cả bộ thiết bị định vị vệ tinh GPS bé bằng đồng năm xu. Anh mở cốp xe kiểm tra nhanh hai túi tiền trước khi gắn máy GPS vào phía dưới đèn sau rồi ngồi vào tay lái và khởi động máy. Lát sau anh rẽ vào phố Oxford và tò mò nhìn dòng người đi mua sắm. Nhóm quan sát của Carter đi theo Gabriel đến tận phố Albany. Họ chụp được tấm hình cuối trước khi anh rẽ và đi về hướng Bắc. Họ mất liên lạc với anh từ đó. Với cả người Mỹ và người Anh, Gabriel đã mất hút trên màn hình rađa.

Tuy nhiên, điều đó không xảy ra tại đại sứ quán Israel khu Kensington này. Đây có thể là một trong những sự trùng hợp kỳ lạ khi một nhóm tín đồ thiên Chúa giáo có thiện chí đã chọn đêm đó là đêm cầu nguyện vì hoà bình trên vùng đất thánh. Bên trong toà nhà, Ari Shamron và Uzi Navot cũng đang cầu nguyện. Họ cầu nguyện sự bình yên không chỉ trong ngày lễ mà còn cho cả gia đình nữa. Họ ngồi quanh cái bàn ám khói trong phòng điều hành chỉ đạo các nhóm vào chỗ này chỗ kia. Mấy cái đèn xanh nhấp nháy dọc theo rìa phía đông công viên Regant góc hướng về Hampstead.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 24-11-2013 08:15 PM
Chương 50
Hampstead Heath

10 giờ 15 phút đêm Giáng sinh.

Anh đỗ xe vào nơi hướng dẫn, trên đường Constantine ở mũi phía nam khu Hampstead Heath. Không có xe cộ nào khác lưu thông trên đường, và khi đến nơi, Gabriel không thấy dấu hiệu theo dõi nào, cho dù là phe ta hay phe địch. Anh tắt máy, nhấn nút mở ngăn chứa đồ bên trong xe, rồi mở bảng điều khiển bỏ chìa khoá vào trong. Mưa bắt đầu nhẹ hạt. Khi bước ra khỏi xe, anh tự trách sao mình lại không mang theo mũ.

Anh bước ra sau xe mở túi đựng đồ. Khi đang cố vươn người đến chiếc túi, anh nghe có tiếng ồn ào sau lưng, anh quay người lại thì thấy một đám trẻ trong dàn đồng ca vui vẻ tiến về chỗ anh. Có điều gì đó không bình thường, anh tự hỏi đó có phải là những kẻ theo dõi của Sphinx hay không, nhưng anh nhanh chóng gạt suy nghĩ đó khi chúng hát tặng anh bài hát mừng giáng sinh rồi diễu hành qua chỗ anh một cách vui vẻ. Anh đặt chiếc túi thứ hai lên đường rồi đóng cốp xe lại. Những đứa trẻ trong dàn đồng ca đang hát bài “O Come All Ye Faithful” bên ngoài một ngôi nhà gạch nhỏ treo đầy đèn lễ. Một bảng nhỏ trên cửa sổ ghi dòng chữ. HÃY CHO CHÚNG TÔI SỰ YÊN BÌNH TRONG ĐỜI.

Gabriel kéo hai chiếc túi đi vài thước dọc con phố, rồi băng qua một chiếc cầu, đi bộ tiếp qua một loạt những thanh ray đường sắt đã bị chìm dưới nước để vào bãi hoang. Bên phải anh là một con đường tối đen như mực. Trên chỗ nghỉ chân bên ngoài cánh cổng đã móc khoá, bốn người thanh niên nhập cư khoảng 20 tuổi đang đá bóng dưới ánh sáng vàng vọt của chiếc đèn natri. Họ dường như chẳng thèm để ý đến hành động của Gabriel khi anh lê bước chân mệt mỏi qua chỗ họ rồi lên dốc đồi, đến cái ghế đá mà bọ chúng đã bảo anh đợi người liên lạc tiếp theo. Anh bước đến chiếc ghế và thấy một người đàn ông nhỏ thó mặc chiếc áo khoác đã sờn và có hàm râu bện lại đang ngồi đó mất rồi. Ông ta nói giọng miền Đông Luân Đôn và đầy hơi men.

“Chúc mừng Giáng sinh nhé, anh bạn. Anh cần gì?”.

“Ông có thể rời khỏi cái ghế được không?”.

“Tối nay nó là của tôi mà”.

“Không còn là của ông nữa đâu”, Gabriel nói. “Xuống đi”.

“Xéo”.

Gabriel rút khẩu Browning của Adrian Carter rồi chĩa vào đầu ông ta. “Ông hãy biến khỏi đây và quên chuyện đã gặp tôi. Hiểu không?”.

“Rõ như ban ngày”.

Người đàn ông nhanh chóng đứng dậy biến vào màn đêm khu Heath. Gabriel lấy tay dò phía sau và bên dưới ghế, anh tìm thấy một chiếc điện thoại di động gắn ở phía dưới, bên trái ghế ngồi. Anh nhanh chóng tháo pin và tìm xem có thiết bị nổ nào được giấu trong điện thoại không. Sau đó nối pin lại rồi nhấn nút POWER. Khi điện thoại hoạt động trở lại, anh nói khẽ vào micro trong cổ họng.

“Nokia E50”.

“Số mấy?”, Uzi Navot hỏi.

Gabriel lặp lại.

“Có cuộc gọi gần đây không?”.

“Danh sách cuộc gọi không có gì”.

“Có tin nhắn không?”.

“Không”.

Gabriel nhìn xuống những ánh đèn của Luân Đôn rồi chờ chiếc điện thoại reo. Mười lăm phút sau, anh nghe một bản Adhan chói tai, bài cầu nguyện của người Hồi giáo. Anh tắt nó bằng cách bấm một nút rồi đưa điện thoại lên tai nghe. Chúng chỉ mất ba mươi giây để đưa ra một loạt chỉ dẫn kế tiếp. Gabriel bỏ điện thoại vào cái thùng rác cạnh chiếc ghế, sau đó xách hai cái túi rồi bắt đầu bước đi.

Tại trung tâm chỉ huy tạm thời bên trong Đại sứ quán Israel, Uzi Navot đặt tay cầm của chiếc đài an ninh xuống rồi chụp lấy ống nghe điện thoại. Anh nhanh chóng quay số gọi dinh Thames, Tổng hành dinh cạnh bờ sông của MI5 và 10 giây sau đã nghe tiếng Graham Seymour.

Seymour hỏi. “Giờ anh ta ở đâu?”.

“Đang đi ngang qua Hampstead Heath đến khu vực Highgat. Chúng vừa bảo anh ta rằng nếu có thiết vô tuyến hay vũ khí gì ở chặng dừng kế tiếp, Elizabeth Halton sẽ bị giết ngay. Vài giây nữa, anh ta sẽ rời khỏi tầm liên lạc của sóng điện thoại”.

“Chúng tôi phải làm gì?”.

“Truy tìm số điện thoại”.

“Cho chúng tôi tất cả những thông tin anh có”.

Navot đưa cho Seymour sơ đồ và số điện thoại.

“Tôi cho rằng chúng không ngu ngốc đến độ để lại thông tin trong phần lưu các cuộc gọi”.

“Điện thoại đó không có số nào, Graham”.

“Chúng ta sẽ cho chương trình chạy rồi xem có tìm được gì không. Tuy nhiên tôi không có nhiều hy vọng. Không may là không thiếu những tên thánh chiến trong ngành viễn thông của chúng ta. Chúng cực kỳ thông minh khi phải che đậy dấu vết bằng điện thoại”.

“Hãy cho chúng tôi bất cứ thứ gì ông tìm được”.

Navot dập điện thoại, cầm tai nghe máy vô tuyến trở lại. Anh làu bàu vài tiếng bằng thứ ngôn ngữ Hebew cụt ngủn rồi nhìn Shamron đang đi trong phòng, dựa người vào chiếc gậy.

“Anh đang phí thời gian bằng cách tra cứu chiếc điện thoại đó, Uzi. Thay vào đó anh nên đuổi theo những tên theo dõi”.

“Tôi biết mà sếp. Nhưng những tên theo dõi ở đâu ra?”.

Shamron dừng lại trước màn hình máy tính, nhìn vào hình ảnh bốn thanh niên đang chơi đá bóng bên ngoài đường chạy Hampstead Heath.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 24-11-2013 08:17 PM
Chương 50
(tiếp theo)

“Ít nhất một tên trong bọn chúng ở trước mặt anh đấy, Uzi”.

“Chúng ta đã theo dõi chúng từ trước khi Gabriel đến. Không có điện thoại. Không nhắn tin. Chỉ có bóng đá”.

“Thế thì anh nên giả định đó là những gì Sphinx bảo hắn ta phải làm”, Shamron nói. “Đó là cách mà trong trường hợp đó, tôi sẽ làm – một tín hiệu hữu hình, theo kiểu bài bản trường lớp. Nếu Gabriel sạch, cứ việc chơi bóng. Nếu Gabriel đang có người theo, hãy tranh cãi nhau. Nếu Gabriel có máy vô tuyến, hãy hút điếu thuốc nghĩ ngơi cái đã”. Shamron chúi người vào màn hình. “Như anh chàng đang làm ngoài kia ấy”.

“Ông nghĩ một trong số đó là kẻ chỉ điểm sao?”.

“Tôi đánh cược mạng sống của mình đó, Uzi”.

“Điều đó có nghĩa là có ngừơi nào khác trong khu vực có thể nhìn thấy anh ta – người nào có mang theo điện thoại di động hay máy nhắn tin hai chiều”.

“Chính xác”, Shamron nói. “Tuy nhiên anh sẽ không bao giờ tìm thấy hắn. Giờ hắn đã biến mất. Phương án duy nhất của anh là theo dõi tên chỉ điểm”.

Navot nhìn vào màn hình. “Tôi không có đủ người theo dõi hết bốn tên”.

“Không cần phải theo dõi bốn tên, chỉ cần theo dõi một tên thôi. Phải chắc chắn là anh chọn đúng người”.

“Người nào?”.

“Eli có linh cảm rất tốt về những chuyện như thế này”, Shamron nói. “Hãy để cho Eli quyết định. Cho dù làm gì, phải bảo đảm anh có một ký hiệu nữa cho Gabriel trước khi anh ta rời Highgate. Nếu bị mất dấu thì ta có thể chẳng bao giờ tìm lại được anh ta”.

Navot vươn người đến chiếc máy vô tuyến. Shamron lại tiếp tục đi lòng vòng trong phòng.

Gabriel vứt khẩu Browning và máy vô tuyến vào một tán cây ở giữa khu Hampstead Heath, sau đó băng qua con đê giữa hồ Highgate rồi tiến ra đường Millfield. Một bức ảnh chụp chiếc BMW xanh đậm gắn trên chiếc cột đèn gần nhất. Bản thân chiếc xe cũng nằm cách đó 50 thước dọc theo con đường, bên ngoài một căn nhà gạch lớn đứng trơ trọi có một đàn tuần lộc đang vui đùa trên bãi cỏ. Gabriel mở cửa sau nhìn vào trong. Chìa khoá nằm giữa khoang chứa hàng. Anh rút chúng ra, đặt chiếc túi vào trong, sau đó kiểm tra toàn bộ chiếc xe trước khi leo vào sau tay lái, ngập ngừng xoay chìa khoá.

Động cơ khởi động ngay. Gabriel mở hộp chứa găng tay và nhìn thấy một tờ giấy, anh đã kiểm tra nó trong ánh sáng hắt ra từ bảng điều khiển. Trang giấy có một loạt những chỉ dẫn khá chi tiết – một chuyến xe sẽ đưa anh từ Highgate đến mũi đất cách Essex khá xa có cái tên khá phù hợp Foulness Point – Điểm bẩn thỉu. Trên ghế dành cho khách có tập bản đồ đường phố Bartholomew có nhiều chỗ bị sờn, ghi năm 1995 và mở đến số bản đồ 25. Điểm đến được đánh dấu X. Vùng nước xung quanh được ghi màu đỏ: KHU VỰC NGUY HIỂM.

Gabriel vào số rồi lướt qua khúc quanh dưới ánh mắt dõi theo của một con tuần lộc đang mỉm cười. Anh rẽ vào đường Merton, theo lời hướng dẫn, đi theo hướng đông dọc theo rìa của nghĩa trang Highgate. Trên đường Hornsey, một khách bộ hành mặc chiếc áo mưa xấu xí bước xuống đường. Gabriel đạp phanh gấp, nhưng không tránh được cú va chạm nhỏ làm vị khách bộ hành văng xuống đường nhựa. Người đàn ông nhanh chóng bật dậy giận dữ đấm mạnh lên mui xe, rồi vừa khi vươn người đến gần bánh xe phía ghế hành khách, anh ta bỏ đi. Gabriel nhìn anh ta bước đi rồi chạy qua đường Archway. Anh rẽ trái rồi hướng đến M25.

Cùng lúc đó ở Hampstead Heath, kẻ lang thang trở về chỗ ngồi của mình. Anh ta lục tung thùng rác mất vài giây, dường như đang tìm miếng gì có thể ăn được, rồi nằm trên băng ghế nhìn xuống cảnh thành phố Luân Đôn. Suy nghĩ của anh ta không tập trung vào thức ăn hoặc đồ uống mà là vào bốn thanh niên đang đi thành hàng trên chiếc cầu đi bộ nối qua đường Constantine. Chúng tôi nghĩ một trong bọn chúng là kẻ chỉ điểm, Uzi Navot đã nói. Sếp lớn muốn anh quyết định. Anh chọn tên mặc chiếc áo vải bông chéo, giày Converse đế cao màu đen, mũ len Bob Marley. Hắn trông khá bảnh bao và già dặn so với một thanh niên trẻ như vậy, nhưng Lavon còn bảnh hơn. Lavon bảnh bao hơn lúc nào hết. Anh chờ đợi cho đến khi bốn tên thanh niên đi khỏi tầm mắt mới tháo bộ râu giả và chiếc áo khoác cũ mèm rồi bắt đầu theo dõi chúng.

Trong chín mươi phút đầu tiên trong chuyến hành trình của Gabriel, bầu trời chỉ có mưa phùn rả rích, nhưng khi anh băng qua chiếc cầu kéo dẫn đến mũi Foulness, trời mưa như trút nước biến phố thành dòng sông uốn quanh. Kính chiếu hậu không cho thấy có đèn đường và hướng ngược lại cũng không có. Gabriel, khi lướt nhanh qua những nông trại yên bình và những con mương màu xanh, cho phép mình suy nghĩ vẩn vơ. Đây có phải là hình ảnh cuối cùng của mình trên thế giới này hay không – không phải là thung lũng Jezreel nơi anh sinh ra, không phải là Jerusalem hay những con phố nhỏ hẹp của Viên yêu dấu, mà là mũi đất đầy gió ở rìa Biển Bắc.

Cách 5 dặm bên kia chiếc cầu kéo, giữa cơn mưa, Gabriel thoáng thấy một dấu hiệu báo hiệu con đường sắp kết thúc. Vì những lí do chỉ có anh mới biết, anh cẩn thận lưu ý về thời gian, lúc đó là 12 giờ 35. Một phần tư dặm sau, anh rẽ vào một chỗ đỗ xe trống trải ở mũi Foulness và theo như hướng dẫn, anh tắt máy. Cứ để chìa khoá trong ổ, giọng đã nói với anh ở Hampstead Heath. Hãy mang túi xách ra mũi đất để lên bờ biển. Trong vài giây tuyệt vọng, anh nghĩ đến chuyện ném tiền vào một chỗ nào đó rồi lái xe với tốc độ ánh sáng để trở về Luân Đôn. Tuy nhiên, anh lại chầm chậm kéo chiếc túi qua một chỗ hở trên đê chắn sóng bằng đất, xuống một con đường cát dẫn đến bờ biển hẹp.

Khi gần đến mép nước, anh nghe một tiếng động giống như gió thổi vào đám cỏ trên đụn cát. Sau đó, từ khoé mắt, anh chú ý hoạt động của một vật gì màu đen mà nếu là trong một đêm trăng sáng, anh có thể nhầm với một bóng trăng đang đi qua. Anh không nhìn thấy người tung ra cú đấm như búa tạ vào một bên đầu, anh cũng không nhìn thấy cây kim đâm vào một bên cổ. Chiara xuất hiện, mặc bộ váy trắng dính đầy máu, van nài anh đừng chết. Sau đó cô biến thành một ánh sáng xanh xẹt qua rồi biến mất.

Shamron và Navot đứng cạnh nhau trong khu vực chỉ huy, im lặng nhìn ánh sáng xanh đang loé sáng. Trong mười phút qua, nó chưa di chuyển. Shamron biết nó sẽ không bao giờ di chuyển.

“Tốt hơn anh nên cử người nào ra đó để xem xét”, ông nói. “Chỉ để cho chắc chắn”.

Navot cầm máy vô tuyến lên.

Yossi đi theo tín hiệu dẫn đường của Gabriel đến tận khu vực biển Bắc. Anh đang tìm chỗ nghỉ ngơi trong quán cà phê mở suốt đêm nhìn xuống cửa sông Thames thì nhận được cuộc gọi của Navot. Ba mươi giây sau, anh ngồi sau bánh lái của chiếc Renault và lái xe hết tốc độ để đến mũi Foulness. Khi xe rẽ vào chỗ đỗ xe, anh nhìn thấy chiếc BMW đang đậu, cửa sau mở, chìa khoá vẫn còn nằm trong ổ khởi động. Anh rút chiếc đèn pin từ hộp đựng găng tay, đi theo một loạt dấu chân trên bờ biển ra mép nước. Những dòng chảy này được khơi dòng bằng ngón chân một người đàn ông, Yossi nghĩ dấu hiệu đó chứng tỏ người đàn ông này đã bất tỉnh, hay tệ hơn, là đã chết. Anh dùng máy vô tuyến gọi cho Navot ở trung tâm chỉ huy. “Gabriel mất dấu rồi”, Yossi nói. “Có vẻ như chúng mang anh ta đi bằng thuyền”.

Navot hạ ống nghe xuống nhìn Shamron.

“Tôi nghĩ những kẻ này đa đưa anh ta vào khu vực Biển Bắc rồi”. Shamron nói.

“Tôi đồng ý với ông. Nhưng chúng đã đưa anh ta đi đâu?”.

Shamron bước qua chỗ đặt bản đồ. “Đây này”, ông nói rồi chỉ vào một điểm ở phía bên kia của sông Crouch. “Có nhiều bến và những nơi khác cho thuyền nhỏ neo đậu. Cách duy nhất để đến đó vào giờ này trong đêm là bằng thuyền, có nghĩa là ta sẽ phải đi đường vòng khá xa”.

Navot quay lại chiếc máy vô tuyến lệnh cho các đội thực hiện việc truy đuổi. Sau đó, anh nhấc điện thoại thông báo tin này cho Graham Seymour ở tổng hành dinh MI5.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 25-11-2013 09:03 AM
Chương 51

Gabriel bị lạc vào một phòng trưng bày của ký ức, ở đó treo đầy hình ảnh người chết. Họ nói chuyện với anh khi lướt qua chầm chậm – Zwaiter và Hamida; anh em nhà al-Hourani; Sabrri và Khaled al-Khalifa, cha con gia đình khủng bố. Họ chào mừng anh anh đến vùng đất của những kẻ tử vì đạo và ăn mừng cái chết của anh bằng bánh kẹo và hát hò. Ở cuối phòng tranh, một cậu bé có nhiều vết đạn trên gương mặt nhưng lại không chảy máu hướng dẫn cho Gabriel đi qua những cánh cửa của một nhà thờ ở Viên. Gian giữa giáo đường treo một loạt những bức tranh mô tả cảnh về cuộc đời của anh và trên gian thờ chính là một bức vẽ chưa hoàn chỉnh, rõ ràng được vẽ bởi tay của Bellini, mô tả cái chết của Gabriel. Thượng đế đang đứng trong một mái hiên. Ông nắm lấy tay Gabriel dẫn anh vào trong một khu vườn ở Jerusalem, nơi có một phụ nữ với nhiều vết bỏng ngồi dưới bóng một cây ôliu và một đứa bé có đôi mắt tròn trĩnh trong lòng. Hãy nhìn tuyết, người đàn bà nói với đứa bé. Tuyết giải thoát cho Viên khỏi những tội lỗi của nó. Tuyết rơi xuống Viên trong khi tên lửa trút xuống Tel Aviv như mưa. Anh nghe có người gọi tên mình. Anh vào nhà thờ nhưng thấy nơi này không có ai. Khi trở về khu vườn, người đàn bà và đứa bé đã đi đâu mất.

Cuối cùng, Gabriel thấy như vừa tỉnh dậy sau một cơn say bí tỉ. Đầu anh nhức dữ dội, miệng thì có cảm giác như bị bịt bằng một nắm len bông, anh sợ mình sẽ nôn, dù anh đã ăn cách đó nhiều giờ. Anh từ từ mở mắt, cố gắng không động đậy, anh dò xét tình hình. Anh đang nằm trên một chiếc giường dã chiến chật hẹp, trong một căn phòng nhỏ có những bức tường trắng như gốm sứ. Tay anh bị còng và chiếc còng được gắn với một vòng sắt trên tường ở sau đầu nên cánh tay anh bị kéo về sau rất đau. Một luồng ánh sáng chói loá chiếu thẳng vào mặt anh.

Anh nhắm mắt, cố gắng kháng cự một cơn buồn nôn, người run lên vì lạnh. Nơi này đúng là chỗ trú ẩn rất tốt. Chắc chắn là việc xây dựng nó đã tốn nhiều công sức và kế hoạch. Dù căn phòng sạch sẽ như bệnh viện, trong không khí vẫn có mùi ô uế, mùi của phân và mùi cơ thể, mùi của một người phụ nữ bị bắt giữ lâu ngày. Elizabeth Halton đã có mặt ở đây trước khi anh đến – anh chắc chắn về điều đó. Anh tự hỏi, cô ấy còn ở cạnh đây hay chúng đã chuyển cô sang một địa điểm khác để dành chỗ cho người kế tiếp?

Bên kia cánh cửa có tiếng động. Gabriel xoay nhẹ đầu và thấy một ánh mắt nhìn anh qua lỗ nhỏ. Tiếp đó anh nghe tiếng ổ khoá được mở, sau đó là tiếng kẽo kẹt của bản lề cửa. Một người đàn ông bước vào chỗ giam giữ anh. Hắn chưa tới ba mươi, người nhỏ thó, mặc chiếc áo sơ mi có cổ với chiếc áo thun cổ chữ V kiểu Burgundy. Hắn nhìn Gabriel dò xét một lúc lâu qua đôi kính có gọng bằng sừng, như thể đang tìm sách ở thư viện nhưng lại vô tình nhìn thấy cảnh này. Gabriel thấy người đàn ông này có điểm gì đó rất quen thuộc. Chỉ khi hắn xé băng dính khỏi mặt Gabriel và chúc anh một buổi tối vui vẻ bằng tiếng Arập thì anh mới sực nhớ ra tại sao. Giọng nói này là của một thanh niên từ khu Tây ở Amsterdam – một thanh niên nửa Ai Cập nửa Palestien, một sự pha trộn kỳ quặc.

Đó là giọng nói của Ishaq Fawaz.

Hắn biến nhanh cũng như lúc xuất hiện. Vài phút sau, bốn người đàn ông bước vào căn phòng. Chúng đánh anh nhiều lần vào bụng trước khi tháo còng cho anh, sau đó đỡ anh đứng dậy rồi tiếp tục đánh. Căn phòng quá nhỏ cho chuyện đánh đấm, do đó sau khi hội ý nhỏ, chúng kéo lê anh trần truồng lên dãy cầu thang, vào một khu nhà tối om. Gabriel đánh trước, một hành động làm cho chúng bất ngờ. Anh cố gắng tạm thời loại một tên trước khi ba tên kia nhảy lên người và đẩy anh nằm xuống nền xi măng lạnh lẽo. Chúng bóp cổ, đấm đá anh nhiều phút cho đến khi, từ chỗ nào đó trong nhà kho vang lên mệnh lệnh dừng lại. Chúng để anh nằm đó một lúc và nôn mửa ra máu, trước khi đưa anh trở lại phòng giam rồi trói tay anh lại. Anh chống cự để chứng tỏ mình còn tỉnh nhưng vô vọng.

Cửa nhà thờ ở Viên trong giấc mơ của anh vẫn hé mở. Anh lẻn vào trong nhìn thấy Bellini đứng trên giá cao phía trên chỗ thờ chính, đặt những nét cọ cuối cùng lên tấm tranh vẽ cái chết của Gabriel. Gabriel chầm chậm leo lên và cùng với Bellini bên cạnh, bắt đầu vẽ.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 26-11-2013 09:55 AM
Chương 52
Walthamstow, Luân Đôn

Hai giờ 15 phút sáng ngày Giáng sinh.

Tên chỉ điểm rất giỏi. Cairo cũng rất giỏi. Bátđa cũng giỏi.

Lộ trình của hắn từ Hampstead Heath khá dài và phức tạp đến mức không cần thiết. Bốn tuyến xe buýt khác nhau, hai chuyến đi đường dài, một chuyến đi đường ngầm Victoria từ khu vực ngã tư King đến trung tâm Walthamstow. Giờ hắn đang đi bộ trên cầu Lea với một chiếc điện thoại di động áp sát tai còn Eli Lavon đang theo sát hắn cách một trăm thước. Hắn rẽ vào đường Northumberland và ba mươi giây sau đã vào một căn nhà nhỏ xíu có nền cao với tường bên ngoài được tô bằng sỏi. Đèn cửa sổ trên tầng hai đang sáng, bằng chứng cho việc có những kẻ khác đang hoạt động bên trong ngôi nhà.

Lavon đi vòng quanh khu nhà rồi trở lại cầu Lea. Ở phía đối diện con đường có một nhà chờ xe buýt trống rỗng, chỗ phù hợp để quan sát ngôi nhà. Khi mệt mỏi ngồi xuống băng ghế, anh nghe thấy tiếng Uzi Navot đang chuyển thông tin cho Graham Seymour ở tổng hành dinh MI5. Lavon chờ cho đến khi Navot nói xong thì mới thì thào vào chiếc micro ở cổ họng. “Tôi không thể ở lại đây lâu được đâu, Uzi”.

“Anh không cần phải làm thế. Đội kỵ binh đang trên đường tới”.

“Nói họ đến lặng lẽ thôi”, Lavon nói. “Nhưng phải nhanh lên. Tôi sắp chết cóng rồi”.

MI5 và đội chống khủng bố của Sở cảnh sát Anh mất chỉ mười phút để có danh sách bốn người đàn ông đang sử dụng số nhà 23 đường Northumberland làm địa chỉ hợp pháp và chỉ mất hai mươi phút để có được hồ sơ mọi cuộc điện thoại của ngôi nhà trong thời gian hai năm trước. Những cuộc gọi đến những số xuất hiện trong danh sách theo dõi của chính quyền hay tới những số điện thoại ở những khu vực nổi tiếng về tính quá khích của Hồi giáo được tự động đánh dấu để theo dõi thêm. Hồ sơ về những cuộc gọi từ những số điện thoại đó trong vòng hai năm qua cũng được phơi bày. Kết quả là, trong vòng một giờ liên lạc đầu tiên của Lavon, MI5 và sở cảnh sát Anh đã lập được một hồ sơ với vài ngàn số và hơn năm trăm cái tên tương ứng.
Hơn ba giờ sáng một chút, một bản sao của hồ sơ được đặt trước mặt lực lượng đặc nhiệm của MI5 đang làm việc 24/24 kể từ khi Elizabeth Halton biến mất. Năm phút sau, Graham Seymour tự mình mang bản sao thứ hai của tài liệu này lên phòng hội nghị ở tầng bốn, lúc đó có ba người phụ nữ trẻ khác. Một người mang quốc tịch Mỹ trong khá thu hút ở độ tuổi khoảng ba mươi với mái tóc vàng óng dài chấm vai và nước da có màu thạch cao. Hai người kia đều mang quốc tịch Israel, một phụ nữ Rubenesque nhỏ người mang phù hiệu lính và một cô gái tóc đen nhỏ nhắn với dáng đi hơi khập khiểng. Dù cả ba đã vào nước Anh bằng hộ chiếu giả, Seymour đã đồng ý cho họ vào khu vực toà nhà Thames với điều kiện họ sẽ vào bằng tên thật. Người phụ nữ Israel, Rubenesque là thiếu tá Rimona Stern của AMAN, cơ quan tình báo quân sự Israel. Cô gái đang lặng im chính là nhà phân tích làm việc cho cơ quan tình báo hải ngoại có tên là Dina Sarid. Thân thế của người phụ nữ Mỹ được xác nhận là Irene Moore, một sĩ quan văn phòng làm việc cho Trung tâm chống khủng bố ở Langley.

Họ nhanh chóng nhận tài liệu, rồi tự chia cho mỗi người. Người phụ nữ Mỹ và người phụ nữ Israel Rubenesque lấy số điện thoại. Cô gái có dáng đi khập khiểng đảm nhận những cái tên. Cô ta giỏi lo những vấn đề về tên tuổi – Graham Seymour có thể thấy điều đó. Nhưng còn một dấu hiệu khác. Chính là tính cực kỳ nghiêm trọng của mục đích công việc, dấu hiệu của một goá phụ sớm hiện lên trong đôi mắt đen. Cô cũng là nạn nhân còn sống sót sau một vụ khủng bố. Cô còn có một cái đầu như một cái máy chủ của mạng vi tính. Graham Seymour tin tưởng rằng hồ sơ về tên và số điện thoại chứa một mấu chốt vô cùng giá trị. Ông biết chắc người sẽ phát hiện ra mấu chốt đó trước là ai.

Ông ra khỏi phòng hội nghị trở về trung tâm nghiệp vụ. Một nhân viên từ tổng hành dinh cảnh sát Essex ở Chelmsford đang đợi ở bàn khi ông đến. Một chiếc thuyền đáy nông đã được phát hiện bỏ không ở dọc bờ bắc của sông Crouch, gần mũi Holliwell. Dựa vào tình trạng của động cơ bên ngoài, có vẻ là chiếc thuyền đã được sử dụng vào buổi tối hôm đó. Graham Seymour nhấc điện thoại gọi cho Uzi Navot ở trạm chỉ huy đặt ở Kensington.

Ba mươi giây sau, Navot gác điện thoại rồi báo tin này cho Shamron.

“Có vẻ như ông đã đúng về chuyện chúng đưa anh ta qua sông”.

“Vậy anh đã nghi ngờ tôi à, Uzi?”.

“Không đâu, thưa sếp”.

“Anh ấy còn sống”, Shamron nói. “Nhưng sẽ không còn lâu nữa đâu. Ta cần có thêm thời gian. Một cái tên. Một số điện thoại. Một điều gì đó”.

“Các cô gái đang tìm thông tin đó”.

“Hy vọng là họ sẽ tìm thấy, Uzi à. Nhanh thôi”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 26-11-2013 09:59 AM
Chương 53

Gabriel tỉnh dậy lần tiếp theo, cơ thể anh đã được rửa sạch. Trong một lúc nào đấy, anh lo sợ chúng đã giết anh và đang chứng kiến nghi lễ rửa xác cho mình. Sau đó, khi anh trải qua lần tỉnh dậy tiếp theo, anh nhận ra rằng những tên bắt cóc đang cố lau sạch những vết tích chúng gây ra cho anh.

Khi làm xong, chúng tháo còng cho anh đủ thì giờ để anh mặc bộ áo liền quần và đi đôi giày trượt, sau đó chúng rút lui lặng lẽ. Một lúc sau, có lẽ là nửa tiếng, Ishaq trở lại. hắn nhìn Gabriel vài giây với vẻ bình tĩnh giả tạo trước khi đưa ra câu hỏi đầu tiên.

“Vợ con tao ở đâu?”.

“Sao mày vẫn còn ở đây? Tao nghĩ lẽ ra mày đã đi đâu xa rồi”.

“Đến Pakistan? Hay Afgahnistan? Hay cái chỗ chó đẻ nào rồi ấy à?”.

“Còn nữa chứ?”, Gabriel nói. “Trở về ngôi nhà Hồi giáo, nơi che chở cho những tên giết người”.

“Tao định đến đó đấy”, Ishaq vừa nói vừa nhếch mép cười. “Nhưng tao đã yêu cầu được quay lại đây để xử lý mày, và yêu cầu của tao đã được đáp ứng”.

“Mày thật là may mắn”.

“Giờ hãy cho tao biết vợ con tao đâu?”.

“Mấy giờ rồi nhỉ?”.

“Năm phút nửa là nửa đêm”, Ishaq nói, tự hào về lối cư xử khôn ngoan của mình. Sau đó hắn nhìn đồng hồ của mình một cách nghiêm trọng vờ vịt. “Thực ra là chỉ còn bốn phút thôi. Thời gian của mày đang sắp hết. Giờ hãy trả lời câu hỏi của tao đi”.

“Tao nghĩ bây giờ họ đang ở sa mạc Negev. Chúng tao có một nhà tù bí mật ở đó cho những kẻ tồi tệ nhất. Nó tương đương với một lỗ đen trong vũ trụ. Những người vào đó sẽ không bao giò có cơ hội trở ra. Hanifah và Ahmed sẽ được chăm sóc kỹ”.

“Mày nói dối”.

“Có lẽ mày đúng đấy, Ishaq”.

“Khi chúng ta đàm phán trên điện thoại, mày nói mày là người Mỹ. Mày bảo đảm gia đình tao sẽ đi Ai Cập để bị tra tấn. Giờ mày bảo tao họ đang ở Israel. Mày thấy có đúng không?”.

“Mày đã bao giờ nói dối chưa?”.

“Mày không đáng tin cậy – đó là quan điểm của tao. Nhưng điều đó chả đáng ngạc nhiên chút nào. Rốt cuộc thì mày vẫn là người Do Thái”.

“Tên phản quốc lại giảng đạo cho tôi nghe về tính phi đạo đức của sự lừa dối đây”.

“Không đâu, Allon, chính mày đã giết cha tao. Tao đã cứu ông ấy”.

“Tao biết hiện giờ đầu óc của tao đang rối, Ishaq à, nhưng mày sẽ phải giải thích câu nói vừa rồi của mày”.

“Cha tao đã từng là thành viên của Thanh kiếm Allah nhưng ông ta quay lưng lại với cuộc thánh chiến và sống cuộc đời bỏ đạo ở vùng đất của những kẻ xa lạ. Sau đó ông ta lại nhập bọn với mày, tên Do Thái giết dân Mujahideen của người Palestine. Theo luật Hồi giáo, cha tao bị kết tội xuống địa ngục vì những hành động của mình. Tao đã cho ông ấy chết theo kiểu của một liệt sĩ. Cha tao hiện là một người tử vì đạo và do đó ông ấy được bảo đảm một chỗ ở thiên đường”.

Những lời này được nói ra một cách nghiêm trang đến nỗi Gabriel hiểu có tranh cãi thêm cũng không được gì. Giống như tranh cãi với kẻ tin rằng trái đất bằng phẳng hay chuyện những phi hành gia của Mỹ chưa bao giờ đặt chân lên mặt trăng. Bất ngờ anh cảm thấy mình giống như Wiston Smith ở phòng số 101. Tự do là nô lệ. Hai cộng hai bằng năm. Giết cha là nhiệm vụ cao quý.

“Khi ở Đan Mạch mày đã rất giỏi”, Gabriel nói. “Rất chuyên nghiệp. Chắc là mày đã lên kế hoạch đó lâu rồi. Tao không cho rằng giết cha là một phần trong kế hoạch ban đầu, nhưng mày đã thực hiện nó một cách ngẫu hứng đến tuyệt vời”.

“Cám ơn”, Ishaq nói một cách nghiêm nghị.

“Sao mày không ở đó chờ hồi kết? Sao tao không bị giết cùng với ông ấy?”.

Ishaq bình tĩnh mỉm cười nhưng không thèm trả lời. Gabriel liền trả lời cho chính câu hỏi của mình.

“Mày và Sphinx có những kế hoạch khác dành cho tao, phải không nào. Những kế hoạch được soạn ra lúc hình ảnh của tao xuất hiện trên báo chí Luân Đôn sau vụ bắt cóc?”.

“Thế ai là người mà mày gọi là Sphinx chứ?”.

Gabriel không thèm trả lời và tiếp tục nói. “Sphinx biết rằng nếu những tên bắt cóc không thả Elizabeth Halton ra thì cuối cùng cha của cô ta sẽ tự giải quyết vấn đề. Hắn biết Robert Halton sẽ cung cấp thứ duy nhất ông ta có, tiền. Hắn còn biết rằng người nào đó sẽ phải giao tiền. Hắn đã chờ Halton thực hiện yêu cầu. Sau đó hắn lợi dụng cơ hội đó để trả thù”.

“Dù sao mày cũng đã đến”, Ishaq không thể ngăn chút ngạc nhiên đang thể hiện trong giọng nói. “Chắc chắn mày biết đây là số phận của mày. Sao mày làm thế? Sao mày muốn đổi lấy mạng sống cho người khác – cho đứa con gái hư của thằng cha tỉ phú người Mỹ?”.

“Cô ấy đâu, Ishaq?”.

“Mày nghĩ là tao sẽ cho mày biết à, cho dù tao biết rõ con bé ở đâu?”.

“Mày biết chính xác cô ta ở đâu. Cô ấy là người vô tội, Ishaq. Ngay cả dưới cái khẩu hiệu lệch lạc takfir của mày, mày cũng không có quyền giết cô ấy”.

“Cô ta là con gái của đại sứ Mỹ, con gái đỡ đầu của tổng thống Mỹ và phát ngôn đồng tình với cuộc chiến ở Irắc. Cô ta là mục tiêu hợp lệ theo luật của chúng tao hay của bất kỳ ai”.

“Chỉ có khủng bố mới xem Elizabeth Halton là mục tiêu hợp lệ. Chúng ta có thoả thuận rồi. ba mươi triệu đô la cho mạng sống của Elizabeth Halton. Tao hy vọng mày có trách nhiệm với thoả thuận đó”.

“Mày không ở vị trí nêu ra yêu cầu, Allon à. Ngoài ra, luật của chúng tao cho phép chúng tao nói dối với những kẻ ngoại đạo khi cần thiết và lấy tiền cuả những kẻ ngoại đạo nếu phù hợp với nhu cầu của chúng tao. Ba mươi triệu đô la sẽ có tác dụng nhiều cho việc tài trợ công cuộc thánh chiến toàn cầu của chúng tao. Biết đâu chúng tao còn thể mua được vũ khí hạt nhân – thứ vũ khí chúng tao có thể sử dụng để quét sạch đất nước mày trên bản đồ”.

“Hãy giữ số tiền đó. Mua thứ vũ khí chết tiệt của mày nhưng hãy thả cô ta đi”.

Ishaq nhíu mày, dường như đã chán chủ đề này. “Hãy quay lại câu hỏi ban đầu của tao đi”, hắn nói. “Hanifah và Ahmed ở đâu?”

“Họ đang bị giữ ở Copenhagen. Khi mày yêu cầu tao giao tiền, tao đã đi Đan Mạch yêu cầu sử dụng vợ con mày làm vật bảo đảm. Người Đan Mạch tất nhiên đã đáp ứng ngay yêu cầu của tao. Nếu tao không còn sống sau vụ này – và nếu Elizabeth Halton không được trả tự do – gia đình mày sẽ biến khỏi mặt đất”.

Hắn hình như hơi run nhưng vẫn giữ gương mặt thách thức. “Mày nói dối”.

“Mày nói gì cũng được, Ishaq. Nhưng hãy tin tao, nếu có chuyện gì xảy ra với tao, mày sẽ không bao giờ nhìn thấy họ lần nữa”.

“Cho dù có thực là mày đã đưa họ sang Israel làm vật bảo đảm, khi thế giới biết họ đang bị giữ, sẽ có nhiều áp lực yêu cầu họ được thả ra lắm. Chính quyền của mày sẽ không nhờ ai cứu được đâu, chúng chỉ có thể sụp đổ thôi”. Hắn đứng phắt dậy nhìn đồng hồ. “Còn hai phút là tới nửa đêm. Chúng tao có việc cần ở mày trước khi hành hình. Hãy cung cấp tin cho chúng tao, đừng nên kháng cự, rồi cái chết của mày sẽ tương đối êm ả. Nếu mày cứ khăng khăng chống đối chúng tao, những anh chàng này sẽ xử lí mày. Lần này thì tao không ngăn chúng lại đâu”.

Hắn mở cửa bước ra ngoài sau đó quay sang nhìn Gabriel lần nữa. “Hình như đối với tao mày cũng sẽ sớm tử vì đạo thôi. Nếu mày cải đạo sang Hồi giáo trước khi chết, chỗ của mày ở thiên đường sẽ được bảo đảm. Tao có thể giúp nếu mày muốn. Thủ tục khá đơn giản”.

Ishaq không nhận được câu trả lời, hắn đóng cửa rồi móc khoá cẩn thận. Gabriel nhắm mắt. Hai với hai bằng bốn, anh nghĩ. Hai với hai bằng bốn.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 26-11-2013 10:01 AM
Chương 54
Tổng hành dinh Thames

Bốn giờ 15 phút sáng ngày Giáng sinh.

“Tôi nghĩ mình đã tìm thấy điều gì đó”, Graham Seymour nhìn lên. Là cô gái Isreal có bộ tóc đen và dáng đi khập khiễng. Dina Sarid. Ông ra hiệu cho cô gái đến cái ghế trống cạnh bàn của ông trong phòng nghiệp vụ. Cô gái không ngồi xuống mà vẫn đứng và nói.

“Theo hồ sơ của viễn thông Anh quốc, hai mươi bảy cuộc gọi đã được thực hiện từ máy điện thoại đặt ở ngôi nhà trên đường Northumberland đến máy điện thoại đặt ở số 14 đường Reginald ở Luton trong mười tám tháng qua. Năm trong số những cuộc gọi này được thực hiện sau khi Elizabeth Halton biến mất”.

Seymour nhíu mày. Luton, một thị trấn đông người Hồi giáo phía Bắc Luân Đôn, hiện là một trong những vấn đề nhức nhối của MI5.

“Tiếp tục đi”, ông nói.

“Theo hồ sơ của ông, điện thoại ở Luton đặt ở nhà một người tên là Nabil Elbardy. Ông Elbardy quản lý một công ty xuất nhập khẩu và vài doanh nghiệp khác. Ông ấy không xuất hiện trên bất kỳ danh sách nào của ông về những phần tử đồng tình khủng bố đã biết hay những kẻ hoạt động thánh chiến”.

“Thế vấn đề là gì?”, Seymour hỏi.

“Khi nhìn thấy cái tên này cách đây vài phút, tôi biết mình đã gặp ở đâu rồi”.

“Ở đâu?”

“Trong hồ sơ mật về Thanh kiếm Allah mà chúng tôi có được từ tay của cơ quan SSI thuộc Ai Cập”.

Seymuor cảm thấy ruột gan mình như sắp bị thiêu đốt. “Cứ nói tiếp đi cô Sarid”.

“Cách đây năm năm, người Ai Cập đã bắt một người đàn ông tên là Nabil Elbardy ở Cairo. Sau khi thẩm vấn tại khu nhà tù Torah, hắn thừa nhận đã tham gia vào một số hoạt động của Thanh kiếm Allah bên trong lãnh thổ Ai Cập”.

“Thế chuyện này có liên quan gì đến ông Nabil Elbardy ở Luton nào?”.

“Theo hồ sơ của Kemel, hắn có một người anh tên là Nabil đã di cư đến Anh năm 1987. điều này trùng khớp chính xác với những chi tiết trên hồ sơ di cư của Nabil Elbardy”.

“Thế Kemel vẫn đang bị giam giữ chứ?”.

“Hắn đã chết”.

“Bị hành hình?”

“Chưa rõ”.

Graham Seymour đứng dậy ra hiệu im lặng trong phòng nghiệp vụ.

“Nabil Elbardy”, ông nói lớn. “Số 14 đường Reginald, Luton. Tôi muốn biết mọi thứ ở đó nhằm tìm hiểu người này và những mối quan hệ trong kinh doanh của hắn, và tôi muốn biêt trong vòng năm phút”.

Ông nhìn cô gái. Cô gật đầu rồi đi chầm chậm trở về phòng hội nghị.

***

Những tên thanh niên xuất hiện mười phút sau khi Ishaq rời hỏi phòng giam. Khi chúng dẫn anh lên lối bậc thang nhỏ hẹp, Gabriel chuẩn bị tinh thần cho lần tra tấn tiếp theo. Thay vào đó, khi đến nhà kho, anh được cho ngồi vào một cái ghế nhôm xếp khá thân thiện.

Anh nhìn thẳng và thấy ống kính một máy quay video. Ishaq, đang đóng vai trò đạo diễn và quay phim, ra lệnh cho bốn thanh niên mặc đồ đen đứng sau lưng Gabriel. Ba tên đang cầm súng máy hiệu Hewkler & Koch. Một tên cầm dao trông ghê rợn. Gabriel biết thời điểm cho cái chết của mình vẫn chưa đến. Tay anh bị còng phía trước. Những kẻ ngoại đạo sắp chịu đựng nhục hình chặt đầu luôn bị trói tay phía sau.

Ishaq thay đổi tư thế một chút rồi bước từ phía sau máy quay phim đến trao cho Gabriel lời thoại. Gabriel nhìn xuống. Sau đó, giống như một diễn viên không hài lòng với lời thoại, anh cố gắng vứt trả nó.

“Đọc đi!”, Ishaq yêu cầu.

“Không”, Gabriel đáp bình tĩnh.

“Đọc đi nếu không tao giết mày ngay bây giờ”.

Gabriel buông lời thoại ra khỏi tay mình.

***

Lực lượng đặc nhiệm của Graham Seymour chỉ mất có mười phút để thu thập thông tin chi tiết về toàn bộ những mối lợi kinh doanh và bất động sản đăng ký dưới cái tên Nabil Elbardy ở đường Reginald, Luton. Mắt Graham dừng lại ở giữa danh sách. Một công ty trong đó Nabil Elbardy là cổ đông thiểu số sở hữu một nhà kho ở phố West Dock ở Harwick, không xa bến phà. Seymour đứng dậy đi nhanh đến bản đồ. Harwish cách điểm mà cảnh sát Essex tìm thấy chiếc thuyền bỏ trống gần 40 dặm. Ông bước trở lại bàn quay số gọi Trung tâm chỉ huy của Israel đặt ở Kensington.

Ishaq chụp lấy những trang giấy rơi xuống, rồi sau khi tự chọn lọc, hắn đọc tuyên bố thay mặt Gabriel. Gabriel đã phạm nhiều tội ác chống lại người Palestine và người Hồi giáo, Ishaq tuyên bố, với những tội ác này, Gabriel sẽ sớm đối mặt với công lý của tổ chức Thanh Kiếm Allah. Gabriel không lắng nghe toàn bộ bản liệt kê những tội lỗi của mình. Thay vào đó, anh nhìn xuống sàn nhà tự hỏi tại sao Ishaq không che mặt trước khi bước vào trước chiếc máy thu hình. Rồi anh lập tức tìm ra câu trả lời. Ishaq là kẻ tử vì đạo và họ sẽ cùng chết với nhau. Khi Ishaq đọc xong bản tuyên án tử hình Gabriel, hắn bước đến máy thu hình kiểm tra xem nó có thu đúng hình ảnh không. Với vẻ mặt hài lòng, hắn ra hiệu cho những tên mặc đồ đen bắt đầu tra tấn. Hình như việc đó kéo dài vô tận. Vết đâm của kim là ân huệ cuối cùng. Mắt Gabriel nhắm nghiền và anh thấy mình đang sắp chết đuối trong làn nước đen.

***

“Anh mất bao lâu để bố trí các đội, Uzi?”.

“Tôi đã điều động mọi người theo hướng đó sau khi cảnh sát Essex tìm thấy chiếc thuyền. Tôi có thể có ba đội ở Harwich trong vòng 20 phút hoặc ít hơn. Vấn đề là ta sẽ làm gì khi đến đó?”

“Đầu tiên ta xác định xem anh ta có thực sự đang ở đó không và nếu có, xem anh ta còn sống không. Sau đó chúng ta đợi”.

“Đợi? Đợi cái gì thưa sếp?”

“Ta đến đó để cứu cô gái người Mỹ, Uzi. Và ta sẽ không bỏ đi nếu chưa có cô ấy”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 26-11-2013 08:53 PM
Chương 55
Harwich, nước Anh

Năm giờ 30 phút sáng ngày Giáng sinh.

Harwich, một bến cảng cũ với mười lăm ngàn dân ở hợp lưu các sông Stour và Orwell, nằm yên mình trong bóng tối dưới trận mưa rào. Vùng nước sông Ramsey không có thuyền bè thương mại, chỉ có vài chiếc xe ôtô đã tập trung sẵn ở bến phà cho chuyến đi đầu tiên trong buổi sáng vào lục địa. Trung tâm thị trấn thời trung cổ gắn cửa chớp dày đặc và được để trống cho những con mòng biển trú ngụ.

Trong khung cảnh đó, sáu nhân viên nghiệp vụ hiện trường từ cơ quan Tình báo hải ngoại của Israel đã đến lúc 4 giờ 45 phút sáng ngày Giáng sinh. Đến năm giờ, họ đã xác định nhà kho ở đường West Dock có người, đến 5 giờ 15 phút họ tìm cách đặt máy quay phim không dây ở góc cửa sổ bị vỡ phía sau. Giờ họ cẩn thận chia ra các con phố bao quanh. Yaakov phụ trách một điểm cách nhà kho ở đường Station 100 thước. Yossi đóng ở đường Refinery. Oded và Mordecai vội vã giấu chiếc xe bán tải dưới gầm cầu vượt A120. Mikhail và Chiara, đã trải qua đêm đó trên chiếc BMW, đang tìm chỗ trú sau chiếc xe bán tải, nhìn vào màn hình thu video. Hình ảnh ở đó được thu sơ sài và không đứng yên. Tuy vậy, họ có thể nhìn thấy rõ những gì đang diễn ra bên trong nhà kho. Bốn người đàn ông mặc đồ đen đang bốc những thùng chất lỏng lớn vào sau chiếc xe bán tải Vauxhall, dưới sự giám sát của một người đàn ông trông giống người Ai Cập gầy gò mặc chiếc áo len cổ chữ V kiểu Burgundy.

Lúc 5 giờ 40 phút, năm người đàn ông đã ra khỏi tầm quan sát của máy quay. Sau đó mười phút sau, chúng quay lại với thứ vũ khí giết người hàng loạt cuối cùng – một người đàn ông mặc đồ liền quần xanh trắng, bị trói và dán băng keo, mặt đầy máu và sưng húp.

“Cho tôi biết anh ấy còn sống không, Mikhail”.

“Anh ấy còn sống đấy, Chiara”.

“Sao anh biết?”.

“Chúng sẽ không gắn bom cho anh ấy nếu anh ấy chết”.

Tuy nhiên bằng chứng rõ nhất cho việc anh ta còn sống, Mikhail nghĩ mơ hồ, chính là cái đầu của anh ta. Nếu Gabriel chết, nó sẽ không còn nằm trên vai anh nữa. Nhưng Mikhail không chia sẻ ý nghĩ này với Chiara. Cô đã phải chịu đựng những lo âu đủ trong đêm hôm nay rồi.

Lúc 5 giờ 55 phút, bốn người đàn ông mặc đồ đen thay bộ quần áo đi phố. Ba người lên chiếc xe tải chở hàng Mercedes rồi xuất phát. Người thứ tư leo lên phía sau bánh lái chiếc bán tải Vauxhall, còn người đàn ông trông giống người Ai Cập mặc áo len Burgundy đi cùng với Gabriel ở phía sau. Đúng 6 giờ sáng, chiếc bán tải rẽ sang đường West Dock đến lối vào cầu vượt A120. Bốn chiếc xe theo dõi phía sau rất cẩn thận. Yaakov nhận ca đầu tiên ở địa điểm đó, còn Chiara và Mikhail lên phía sau chiếc xe máy BMW. Mikhail ngồi phía sau. Ghế của xạ thủ.

Gabriel mở một mắt, sau đó chầm chậm mở mắt kia. Anh cố động đậy người nhưng không làm được. Đỉnh đầu của anh dựa vào một vật gì đó bằng kim loại. Anh có thể xoay cổ để thấy được vật đó chính là một chiếc thùng dẹt. Còn có những chiếc thùng khác, thực ra là hơn năm cái, nối với nhau bằng một mạng lưới các dây dẫn đến bộ kích nổ trên bảng điều khiển cạnh tài xế. Ishaq ngồi đối diện với Gabriel. Chân hắn bắt chéo với một khẩu súng trong lòng. Hắn đang mỉm cười, dường như tự hào về sự thông minh mà hắn đã tiết lộ phương pháp hành hình Gabriel.

Gabriel hỏi. “Ta đang đi đâu đây?”

“Thiên đường”.

“Thế tài xế có biết đường không? Hay chỉ đi theo bản năng?”.

“Biết chứ”, Ishaq nói. “Anh ta đã chuẩn bị cho điều này từ lâu rồi”.

Gabriel quay đầu nhìn người lái xe. Hắn trẻ hơn Ishaq vài tuổi, râu ria cạo nhẵn, cả hai bàn tay để lên vô lăng như kẻ đang tập lái lần đầu.

“Tôi muốn ngồi dậy”, Gabriel nói.

“Tốt hơn mày cứ nằm vậy. Ngồi dậy sẽ đau lắm đấy”.

“Không sao”, Gabriel nói.

“Vậy thì cứ tự nhiên”.

Hắn nắm lấy vai Gabriel bất cẩn đỡ anh tựa vào thành phía hành khách của khoang chứa hàng. Ishaq nói đúng. Ngồi dậy rất đau. Thực ra, đau đến mức anh gần ngất xỉu. Nhưng ít ra lúc này đây anh có thể nhìn ra ngoài qua một phần cửa sổ. Bên ngoài vẫn còn tối nhưng một phía bầu trời dần chuyển thành màu xám đậm và sáng – ánh sáng đầu tiên, Gabriel nghĩ, của buổi sáng ngày Giáng sinh. Theo tốc độ vừa phải của xe và sự thiếu vắng âm thanh giao thông trên đường, họ đang đi trên đường B. Anh thoáng thấy một biển báo trên đường khi họ vụt qua. SHRUB END3. Shrub End ư? Shrub End là cái tên quái quỷ gì, ở đâu chứ?.

Anh nhắm mắt vì đau điếng và nghe tiếng động cơ không phải từ xe anh đang đi. Tiếng động cơ đang rú lớn, kéo căng ga, tiếng của xe máy phân khối lớn. Anh mở mắt nhìn khi chiếc xe lướt qua như cơn bão xoáy trên đường. Khi anh nhìn Ishaq lần nữa, lần thứ hai, anh hỏi họ đang đi đâu. Lần này, Ishaq chỉ mỉm cười. Đó là nụ cười của kẻ tử vì đạo. Anh nghĩ, hãy bắn chết ngay. Nhưng yên tâm, vì Mikhail không biết cách bắn nào khác đâu.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 26-11-2013 08:55 PM
Chương 55
(tiếp theo)

Uzi Navot hạ ống nghe máy vô tuyến xuống nhìn Shamron.

“Mikhail nói chúng vẫn ở cùng vị trí như khi rời nhà kho. Một tên lái, một tên ở phía sau với Gabriel. Anh ấy nói có thể hạ tên lái xe dễ dàng nhưng không tài nào hạ cả hai”.

“Anh phải dừng chúng lại, Uzi ạ - ở chỗ nào để vụ nổ không cướp đi những sinh mạng vô tội”.

“Còn nếu chúng không dừng thì sao?”.

“Phải chuẩn bị phương án dự phòng thôi”.

Gabriel cố gắng không nghĩ về đồng đội. Anh cố gắng không tự hỏi làm thế nào họ tìm ra anh, đã theo dõi anh bao lâu, đã lên kế hoạch truy tìm anh thế nào. Theo như Gabriel biết, họ không hiện diện, không phải là con người bình thường. Họ là bóng ma, là ảo ảnh. Anh nghĩ về bất kỳ thứ gì khác có thể. Vết đau trên xương sườn bị gãy. Chân tay cứng lại như bị thiêu đốt. Shamron, dựa người lên chiếc gậy bằng gỗ ôliu của mình. Chúng ta di chuyển như chiếc bóng, tấn công như sấm sét và rồi biến mất vào không khí mong manh. Hãy tấn công ngay, Gabriel nghĩ, vì anh sợ không thể giữ thăng bằng trên đỉnh cầu bắc qua sông Jahannam lâu hơn.

Anh hình dung một cái đồng hồ trong đầu rồi theo dõi kim giây đang quay. Anh lắng nghe tiếng xe và đọc những bảng chỉ dẫn trên đường khi họ đi qua. HECKFORD Cầu … CBIRCH… SMYTH’SGREEN… TIPTREE… GREAT BRAXTED… Ngay cả Gabriel, chuyên gia được đào tạo bởi văn phòng về địa lí châu Âu, cũng không thể xác định được nơi này. Cuối cùng anh nhìn thấy một bảng chỉ dẫn đi Chelmsford và nhận ra họ đang đi về phía đông Luân Đôn từ hướng Đông Bắc, dọc theo lộ trình của con đường La Mã cổ. Khi họ đến một ngôi làng tên là Langford, tài xế thình lình đi chậm lại. Ishaq nắm lấy súng đưa lên gần ngực anh trong một tư thế phòng thủ. Sau đó hắn nhìn tài xế.

“Có chuyện gì thế?”, hắn làu bàu bằng tiếng Arập.

“Có một tai nạn ở phía trước. Họ đang ra hiệu cho tôi dừng lại”.

“Cảnh sát hả?”

“Không phải, chỉ là cánh tài xế”.

“Đừng dừng lại”.

“Nhưng đường đang bị phong toả”.

“Đi vòng”, Ishaq nói cụt ngủn.

Tài xế quay bánh lái mạnh sang trái. Chiếc xe bán tải bật lên vài cái và âm thânh như súng máy của vỏ xe khi chạy trên những dải đất gồ ghề làm cho cơ thể của Gabriel nhói đau từng cơn. Khi họ phóng qua chỗ đám đông, anh nhìn thấy một người đàn ông hói đầu cao to khoảng bốn mươi tuổi đang vẫy tay buồn bã và yêu cầu chiếc xe bán tải dừng lại. Người đàn ông có hai bên má bị rỗ đang đứng cạnh anh, nhìn chiếc đèn đường trên đầu bị vỡ vụn dường như đang cố dựng lên câu chuyện phù hợp cho mình. Gabriel nhìn Ishaq khi chiếc bán tải chạy lảo đảo trở lại con đường rồi phóng về hướng Luân Đôn.

“Giáng sinh rồi đấy Ishaq. Kẻ nào lại để hai chiếc xe nằm trên đường vào buổi sáng của ngày Giáng sinh như thế này?”

Ishaq đáp lại bằng cách đẩy mạnh Gabriel ngã xuống sàn. Góc nhìn của Gabriel giờ được giới hạn ở đế giày của Ishaq – và cái đế của sáu thùng đựng đầy thuốc nổ - và đường dây dẫn đến bộ kích nổ trên bảng điều khiển. Ishaq, trong cuộc chạy vội vả để đến Luân Đôn theo kế hoạch, đã vô tình làm tiêu tan cố gắng giải cứu đầu tiên. Chỉ còn lần giải cứu thứ hai, Gabriel biết là sẽ không có sự lựa chọn nào khác. Anh nhắm mắt chờ nghe tiếng xe máy.

Navot ra lệnh cho Yossi và Yaakov trở vào những chiếc xe đã bị hỏng rồi nhìn Shamron lần cuối chờ sự chỉ dẫn. Shamron nói. “Tôi e là chuyện này đã diễn ra đủ lâu rồi. Hãy cho chúng xuống một cánh đồng nơi không ai bị thương vong. Rồi kéo anh ta ra ngay lập tức”.

Ishaq đang đọc một bản kinh Coran thì Gabriel nghe tiếng xe đang đến gần. Anh tập trung nhìn khẩu súng đang nằm trong lòng Ishaq và cuộn chiếc chân bị trói để chuẩn bị tấn công cùng lúc. Tiếng động cơ càng gần, vài giây sau thì to hơn, rồi đột ngột im bặt. Ishaq rời mắt khỏi cuốn kinh Coran ngước nhìn ra kính chắn gió. Khi không thấy chiếc xe máy xuất hiện, hắn nhìn Gabriel thất thần, dường như linh cảm được chuyện sẽ đến. Khi hắn chộp lấy khẩu súng, có tiếng nổ của thuỷ tinh và máu xuất hiện ở ghế trước. Tên tài xế bị bắn vào đầu nhiều phát đã ngã phịch sang trái và trong cơn co thắt của bàn tay đã chết, hắn nắm lấy vô lăng. Ishaq cố gắng chĩa khẩu súng vào Gabriel khi chiếc xe chạy bật lên và chuyển động ầm ầm chệch khỏi con đường, nhưng Gabriel đã nâng đôi chân bị trói đá khẩu súng khỏi tầm với của Ishaq. Ishaq tuyệt vọng lao theo. Và sau đó chiếc xe bán tải bắt đầu cuộn tròn.



Chương 56

Anh nằm trên nền đất ẩm ướt, cơn đau đớn làm nhèo cả mắt, cố sức thở. Một người phụ nữ vừa kéo lớp băng dính trói anh vừa hét lớn trước mặt anh. Giọng cô ta lạc đi do bị chiếc mũ bảo hiểm che mất và gương mặt giống như vô hình sau tấm kính tối màu. “Anh có sao không, Gabriel?”, nàng nói. “Anh nghe thấy em gọi không? Trả lời em đi, Gabriel! Anh nghe rõ không? Thôi nào, Gabriel! Anh đã hứa sẽ không chết mà! Anh đừng chết!”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 27-11-2013 07:58 PM
Chương 57
Runsell Green, Anh

Sáu giờ 42 phút sáng, ngày Giáng sinh.

Dọc theo con đường đã có một dãy hàng rào cũ kỹ. Xe đã đâm xuyên qua nó, như đầu bút chì xuyên qua giấy, rồi đâm vào cánh đồng của một nông dân. Chiếc xe lật úp và những thứ bên trong bị văng tung toé trên nền đất bùn như đồ chơi của trẻ con rơi trên sàn của phòng bào mẫu. Cách đó chưa đầy 50 thước cách điểm cuối cùng của chiếc xe, một bầy gà lôi mập mạp đang cặm cụi mổ trên mặt đất dường như chẳng có chuyện gì bất thường xảy ra. Ở rìa cánh đồng, ánh đèn đang chiếu lên một căn nhà nhỏ bằng đá vôi, những khoảnh khắc đầu tiên của buổi sáng Giáng sinh mà những người đang có mặt tại đó sẽ khó mà quên được.

“Ishaq đâu?”, Gabriel hỏi khi Chiara cắt những miếng băng dính cuối cùng.

“Trong xe”.

“Hắn còn sống không?”

“Còn”

“Hắn còn tỉnh không?”.

“Em không rõ”, nàng nói. “Anh bị văng ra khỏi xe. Hắn không được may mắn như vậy”.

“Hãy đỡ anh đứng dậy”.

“Cứ nằm đi, Gabriel. Anh bị thương nặng lắm”.

“Cứ làm như anh nói đi, Chiara. Đỡ anh đứng dậy”.

Gabriel rên lên đau đớn khi nàng đỡ anh đứng dậy. Anh bước về trước một bước rồi loạng choạng. Chiara nắm cánh tay anh để giữ anh khỏi ngã.

“Nằm xuống đi, Gabriel. Đợi xe cứu thương tới”.

Mikhail đến, súng vẫn trong tay, cùng với Chiara đỡ Gabriel đi chầm chậm đến xe. Tên tài xế bị treo ngược xuống vì chiếc dây an toàn, máu chảy lênh láng từ hộp sọ bị vỡ. Ishaq nằm phía sau, chảy máu mũi và miệng, chân trái bị treo lủng lẳng trên đầu gối như que diêm bị gãy. Gabriel nhìn Mikhail.

“Nắm chân kéo hắn ra đi”, anh nói bằng tiếng Hebrew. “Cái chân bị gãy đó”.

“Đừng làm thế”, Chiara nói.

“Làm đi”, Gabriel nhìn Mikhail. “Làm theo lời tôi đi nếu không tôi tự làm đó” Mikhail chui vào trong chiếc xe qua cửa khoang chứa hàng đang mở toang ở phía sau rồi nắm lấy cái chân tả tơi. Một lúc sau, Ishaq nằm quằn quại trên đất dưới chân Gabriel. Chiara không muốn nhìn cảnh này, nàng bước đi về phía bên kia cánh đồng. Gabriel nhìn xuống Ishaq rồi hỏi. “Cô gái của tao đâu?”.

“Cô ta đã chết”, Ishaq phun máu ra khỏi miệng.

Gabriel chìa tay cho Mikhail. “Đưa tôi khẩu súng”.

Mikhail đưa súng cho anh. Gabriel chĩa súng về hướng cái chân gãy rồi bắn một phát. Tiếng hét của Ishaq vang lên trên cánh đồng phẳng lặng, bàn tay hắn bấu víu vào mặt đất đẫm nước. Những con gà lôi bay tán loạn trên đầu Gabriel.
Gabriel bình tĩnh hỏi lại. “Cô gái của tao đâu?”.

“Cô ta chết rồi!”.

Một tiếng súng nữa vang lên. Một tiếng kêu la nữa.

“Cô gái của tao đâu, Ishaq?”.

“Allhu Akbar!”

“Pằng”

“Elizabeth đâu?”

Pằng.

“Cho tao biết cô ấy ở đâu, Ishaq”.

Anh chỉnh súng chuẩn bị bắn nữa. Lần này, một bàn tay giơ lên và Ishaq, giữa những tiếng rên la đau đớn, bắt đầu bật ra những thông tin. Gabriel nghe như thể những viên đá đang tuôn ra khỏi miệng hắn. Số 17 đường Amber. Hai kẻ tử vì đạo. tu viện Westminster. 10 giờ. Thượng đế thật tuyệt vời.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 27-11-2013 08:00 PM
Chương 58
Công viên Finsbury, Luân Đôn

Bảy giờ 30 phút sáng chủ nhật

Chúng ập vào phòng giam của Elizabeth theo cách cô chưa bao giờ thấy. Cain nói chuyện với cô lần đầu tiên trong hơn hai tuần. “Cô sắp được thả”, hắn thổ lộ. “Cô có hai mươi phút để chuẩn bị. Không chuẩn bị xong trong vòng hai mươi phút, cô sẽ bị giết”. Rồi hắn đi mất.

Tiếp theo là Abel xuất hiện, hắn mang vào một cái xô nhựa đựng nước ấm, một bánh xà phòng, một miếng vải lau và khăn tắm, một gói quần áo sạch và bọ tóc giả vàng óng. Hắn đặt những thứ còn lại lên giường cô, sau đó tháo còng và xiềng xích. “Hãy tắm rửa cho cẩn thận rồi mặc quần áo vào”, hắn bình tĩnh giải thích. “Chúng tôi mang đồ sạch cho cô mặc. Chúng tôi không muốn thế giới bạc đãi cô”.

Hắn bước ra đóng cửa. Elizabeth muốn hét lên vì vui sướng. Cô muốn khóc cho nhẹ người. Nhưng cô vẫn làm một tù nhân gương mẫu cho tới phút cuối, cô làm theo như lời chúng bảo. Cô chỉ mất mười lăm phút trong khoảng hời gian cho phép để chuẩn bị rồi ngồi trên mép giường, hai đầu gối chạm vào nhau run rẩy khi chúng bước vào phòng giam lần nữa.

“Cô sẵn sàng chưa?”, Cain hỏi.

“Rồi”, cô đáp bằng giọng thấp, nghe nhẹ nhàng.

“Thế thì đi nào”.

Cô đứng dậy đi theo chúng từ từ lên dãy cầu thang tối tăm.

Thông tin về việc giải cứu Gabriel thành công truyền đến đại sứ quán Israel ở Old Court Place lúc 7 giờ 48 phút sáng. Tin này được thông báo bằng điện thoại di động bình thường bởi Chiara, lúc này đang ngồi cạnh Gabriel phía sau chiếc Volkswagen Passat có đèn trước bị vỡ và cái chắn bùn nát vụn. Người nhận được cuộc gọi là Shamron, ông đã ôm mặt khóc khi nghe tin ấy. Cảm xúc của Shamron sâu lắng đến nỗi trong nhiều giây sau những người tập trung xung quanh không biết chắc Gabriel còn sống hay đã chết. khi thông tin rõ ràng là anh còn sống và trở về với đồng đội, một tiếng reo lớn vang lên trong phòng. Cuộc ăn mừng ngắn ngủi được thu âm bởi những đương day nghe lén của Anh ở GCHQ – cơ quan thoe dõi toàn bộ liên lạc của Israel trong đêm đó – cũng như tiếng yêu cần im lặng của Shamron khi ông lắng nghe phần báo cáo kế tiếp của Chiara. Shamron ngay lập tức thực hiện hai cuộc gọi, đầu tiên tới Adrian Carter ở trung tâm nghiệp vụ của Mỹ nằm bên dưới quãng trường Grosvenor và cuộc gọi thứ hai cho Graham Seymour, người đang có mặt cùng với Thủ tướng và uỷ ban COBRA ở phố Downing. Seymour nhanh chóng sắp xếp xe cảnh sát hộ tống Gabriel và những thành viên trong đội vào Luân Đôn an toàn; sau đó đi nhanh đến Đại sứ quán mỹ, Shamron cũng vậy. Hai người đàn ông đang đứng cạnh Adrian Carter khi chiếc Passat tơi tả và đội cảnh sát hộ tống dừng ở cổng Bắc.

Chiếc xe lập tức được bao vây bởi hai chục nhân viên cảnh sát mặc đồng phục đnag đứng gác bên ngoài khu đất của Đại sứ quán. Tầm mắt của Shamron trong chốc lát bị che khuất, rồi cái biển màu xanh biến mất, ông thoáng thấy Gabriel đầu tiên. Một tay anh choàng qua vai Yossi còn tay kia qua vai Oded. Mặt anh đầy vết thương và sưng húp, bộ quần áo liền quần phủ đầy bùn. Họ đưa anh qua cổng, đỡ anh đứng dậy một lúc trước ba bậc thầy tình báo cấp cao. Shamron hôn lên má anh nhẹ nhàng làu bàu bằng thứ tiếng Hebrew không ai khác hiểu được. gabriel hơi ngước đầu nhẹ nhàng nhìn Graham Seymour.

“Nếu ông bảo tôi đừng than phiền về cú đánh khốn khiếp chúng đánh lên đầu, tôi có thể mất bình tĩnh đấy”.

“Cậu là thằng ngốc chết tiệt – và còn là anh chàng dũng cảm chết tiệt”, Seymour nhìn Adrian Carter. “Ta đưa cậu ấy vào trong được không nào?”.

Đại sứ Robert Halton đang chờ trong phòng khách tại tầng một của Đại sứ quán, cùng với nhà đàm phán con tin của FBI – John O’Donnel và nhiều thành viên khác trong đội của người Mỹ. Khi Gabriel vào bên trong, vẫn phải bám lấy Yossi và Oded để được giúp đỡ, tiếng vỗ tay rụt rè vang lên, hình như họ sợ quá nhiều tiếng ồn có thể gây hại cho anh ta. Robert Halton bước đến chỗ Gabriel cẩn trọng đặt tay lên vai anh. “Trời đất, chúng đã làm gì anh thế này?. Ông nhìn Adrian Carter. “Hãy đưa anh ta đến văn phòng. Bác sĩ có thể khám cho anh ta ở đó”.

Họ đỡ anh vào chiếc thang máy đnag chờ và đưa anh lên tầng chín. Yossi và Oded đỡ anh ngồi xuống ghế tràng kỹ trong văn phòng của ngài đại sứ, nhưng khi các bác sĩ cố ganwgs vào phòng, Graham Seymour chặn họ lại rồi nhanh chóng đóng cửa.

“Hai mươi phút trước, một đội đặc nhiệm của Cảnh sát thành phố đã bao vây ngôi nhà trên đường Ambler nơi Ishaq cho rằng Elizabeth Halton đang bị giam giữ. Họ không tìm được cô nhưng lại tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy cô vừa mới ở đó. Sphinx đã dẫn chúng ta rong ruổi khắp Tây Âu trong khi cô ấy lại ở đây, ngay nước Anh này, ngay dưới mũi của chúng ta. Vấn đề là hiện giờ cô ấy ở đâu?”.

“Thông tin mà Ishaq cung cấp cho Gabriel về vị trí của Elizabeth Halton là chính xác”, Adrian Carter nói. “Điều đó chứng ming rằng thông tin về những gì chúng định làm đối với cô ấy cũng chính xác”.

“Đúng thế”, Gabriel nói. “Chúng định hành hình cô ấy bên gnoài tu viện Westminster trước khi bắt đầu những nghi lễ Giáng sinh. Cô ấy sắp bị giết bởi một cặp đánh bom tự sát, những kẻ lấy did nhiều sinh mạng vô tội cùng với chúng. Lẽ ra tôi sẽ nằm trong vụ thứ hai, một vụ đánh bom xe có thể giết hàng trăm người theo dấu tôi”.

“Một cuộc tắm máu trước biểu tượng quốc gia quan trọng vào buổi sáng ngày sinh của Đáng cứu thế”, Graham Seymour nói. “Một âm mưu khởi động cuộc nổi dậy vũ trang ở Ai Cập và làm cho đất nước này phải quỳ gối”. Ông ngập ngừng rồi nói. “Và vụ này không đượ cphép xảy ra. Cho đến thời điểm này, có hàng trăm người tập trung bên ngoài cửa bắc của tu viện chờ được tham gia nghi lễ thánh ca và đọc kinh sẽ bắt đầu lúc 10 giờ 30 phút. Phương án duy nhât của chúng ta là phong toả Westminster và nhanh chóng di tản mọi người ra khỏi khu vực này”.

“Một hành động kết án tử hình cho Elizabeth Halton”, Gabriel nói. “Nếu những tên tử vì đạo đến Westminster thấy tu viện được di tản và bị bao vây, chúng sẽ sử dụng phương án dự phòng, đó là giết cô ấy ngay, cho dù chúng đang ở đâu”.

“Hãy tha thứ cho sự vụng về của tôi”, Seymour nói. “Nhưng đó là kết quả còn tốt hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu”.

“Tôi không đi qua địa ngục để rồi bỏ cuộc tìm kiếm cô ấy đâu”, Gabriel nói. “Có một cách nữa”.
“Cách nào?”.

“Ishaq cho chúng ta biết rằng Elizabeth sẽ được hộ tống bởi hai người”, Gabriel nói. “Hắn đã cho chúng ta biết…”

Graham Seymour đưa tay lên. “Đừng đi quá xa, Gabriel. Đừng điên rồ”.

“Chúng ta hchờ bọn tử vì đạo đến, Graham à. Sau đó ta sẽ giết chúng trước khi chúng giết Elizabeth”.

“Ta?”.

“Ông nghĩ ta sẽ làm gì nào? Bắn chúng như những tay bắn tỉa đứng từ xa? Bắn chúng như những quý ông đứng cách 20 bước? Ông phải cho chúng đến gần. Sau đó ông phải giết chúng trước khi chúng bấm nút kích nổ. Có nghĩa là những phát súng bắn vào đầu ở cự ly gần. Như thế không dễ chịu đâu, Graham. Cònếu các tay súng do dự một chút, chuyện này sẽ chấm dứt bằng thảm hoạ”.

“Cảnh sát thành phố có một đơn vị gọi là SP 19. Mũ nồi xanh. Họ là những sĩ quan về vũ khí đặc biệt, được huấn luyện cho mục đích này. Nếu trí nhớ tôi đúng, thì ta đã cử họ đi Israel để đào tạo”.

“Anh đã là việc đó”, Shamron nói. “Và họ rất giỏi, nhưng chưa bao giơg được đặt trong một tình huống như thế này. Anh cần những tay súng trước đó đã làm việc tương tự thê snày – những tay súng không run sợ trước áp lực”. Shamron ngừng nói một chút rồi tiếp tục. “Anh cần những tay súng như Gabriel và Mikhail”.

Seymuor nói. “Gabriel gần như không đứng lên được”.

“Gabriel sẽ khoẻ thôi”, Shamron nói mà không màng đến việc hỏi ý kiến anh. “Ta hãy hoàn thành nốt việc mình đang làm dở”.

“Làm sao ông chắc đó thực sự là cô ấy?”.

Gabriel nhìn Robert Halton. “Nếu có ai chắc chắn được, thì người đó chính là cha của cô ấy. hãy đưa ông ấy vào sân ở phía Bắc của tu viện với một máy vô tuyến nhỏ xíu. Ông ấy có thể nhìn thấy Elizabeth, hãy gửi tín hiệu cho chúng tôi. Mikhail và tôi sẽ lo phần còn lại”.

“Có một điều tôi không hiểu”, Seymour nói. “Làm sao chúng có thể bắt Elizabeth tự đi bộ đến chỗ hành hình?”.

Gabriel nghĩ đến những gì Ibrahim đã nói vào đêm hắn chết ở Đan Mạch. “Chúng sẽ nói với cô ấy rằng cô ấy sắp được thả”, anh nói. “Theo cách đó, cô ấy sẽ ngoan ngoãn đi và làm theo những gì cháng bảo”.

“Đồ khốn”, Seymuor chửi thầm. ông liếc nhìn đồng hồ. “Tôi cho rằng các anh đã có toàn bộ vũ khí súng ống và đạn dược cần thiết rồi chứ?”.

Gabriel gật đầu chần chậm.

“Thế còn thông tin liên lạc?”.

“Họ có thể mượn máy vô tuyến từ nhân viên an ninh của đại sứ quán”, Carter nói. “Các đặc vụ DS của chúng ta thường làm việc với cảnh sát thành phố về những chi tiết bảo mật. Tất cả chúng ta sử dụng cùng tần số bảo vệ”.

Seymuor nhìn Gabriel. “Ta sẽ làm gì với anh ta nào? Anh ta không thể đi Westminster với vẻ bề ngoài như thế”.

“Tôi chắc là ta có thể tìm được thứ gì cho anh mặc ở đây”, Carter nói. Ta có hai trăm người ở dưới tầng hầm đến Luân Đôn từ Washington với những vali đầy quần áo”.

“Thế còn mặt mũi của anh ta? Trông anh ta máu me phát khiếp”.

“Tôi e là xử lí khuôn mặt cho anh ta cần đến phép màu của Giáng sinh”.

Graham Seymour cau mày, bước đến bàn của ngài đại sứ quay số điện thoại.

“Tôi cần nói chuyện với Thủ tướng”, ông nói. “Ngay bây giờ”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 27-11-2013 08:22 PM
Chương 59
Tu viện Westmimster

Chín giờ 45 phút ngày Giáng sinh

Những ngọn tháp Gothic của tu viện Westminster – nhà thờ quốc gia của nước Anh, là noiw diễn ra nghi lễ đăng quang của hoàng gia kể từ thời William đại đế và là nơi an táng những vị vua, nghị sĩ và thi sĩ của Anh quốc – Lấp lánh trong ánh nắng mùa đông mát lạnh. Khoảng thời gian có nắng do những chuyên gia dự báo từ buổi sáng hôm trước đã thành hiẹn thực.

Gabriel không thắc mắc đó là điềm xấu hay tốt. Anh hài lòng khi tận hưởng được sự ấm áp rực rỡ của mặt trời trên đôi má sưng phồng của mình. Anh ngồi trên một chiếc ghế dài tại toà nhà Quốc hội, mặc bộ quần áo và đeo cặp kính râm mượn được, cặp kính ôm vòng lấy đôi mắt để che đi sự tơi tả của nó. Các bác sĩ của Đại sứ quán đã tiêm cho anh đủ để làm giảm đau cho những vết thương. Dù vậy, anh vẫn phải dựa người vào Mikhail để lấy sức. Chiếc ao khoác da của người đàn ông trẻ tuổi này vẫn còn đẫm nước sau một đêm đuổi theo Gabriel khắp Essex bằng xe máy. Bàn tay phải của Mikhail đang gõ theo một điệu lo âu lên chiếc quần jeans xanh đa bạc màu.

“Dừng lại đi”, Gabriel nói. “Anh làm tôi nhức đầu quá”.

Mikhail dừng một lúc rồi lại làm tiếp. Gabriel nhìn về phía khoảng sân hình tam giác ở phía bắc tu viện. Adrian Carter đang đứng dưới một cái cây cành lá trơ trọi dọc theo đường Victoria, mặc bộ ushanka mà ông đã mặc trong những khu vườn Tivoli ở Copenhagen. Người đứng cạnh ông, đội chiếc mũ chóp trên đầu, đeo kính đen, và tai nghe có dây; chính là Robert Halton. Cạnh Halton là Sarah Bancrroft, trước đây làm việc ở bảo tàng Philips ở Washington DC và gần đây làm việc cho cơ quan tình báo trung ương, hiện là người đủ sức thực hiện mọi công tác mật. Trong số những người hiện diện tại đây, chỉ có Sarah thực sự cảm nhận được tình hình nghiêm trọng sắp xảy ra. Gabriel tự hỏi. Cô ta sẽ theo dõi chứ? Hay lần này cô sẽ nhân cơ hội để tìm con đường khác?

Anh liếc quanh những con phố đầy nắng của Westminster. Eli Lavon và Dina Sarid đang lang thang trên phố Great George, còn Yaakov và Ross đang nói chuyện phiếm với thiếu ta Rimona Stern bên ngoài toà nhà quốc hội, Mordeai thì đang đứng trong bóng của chiếc đồng hồ Big Ben với quyển sách hướng dẫn du lịch trong tay. Graham Seymour đang ngồi trong chiếc xe chỉ huy trông như một chiếc xe bình thường ở phía kia của con phố Victoria ở cổng Storey, cùng với cảnh sát trưởng thành phố và sếp của SO19, ban đặc nhiệm. Hai mươi tay súng giỏi nhất của SO 19 được triệu tập và hiện đang tản ra quanh tu viện cùng những con phố xung quanh Westminster. Gabriel có thể nghe được những đoạn liên lạc của họ trong tai mình, nhưng anh chỉ có thể hiểu được phân nửa. Điều quan trọng đối với Gabriel không phải là anh biết được đặc điểm nhận diện của họ, điều quan trọng chính là họ phải nhận diện được anh.

“Có nghiêm trọng lắm không?”, Mikhail hỏi. “Ý tôi là những vụ tra tấn”.

“Giải trí thôi”, Gabriel nói cho qua chuyện. Anh không còn tâm trạng nào khơi gợi lại chuyện của đêm trước. “Không là gì so với những gì Ibrahim đã chịu đựng trong bàn tay mật vụ Ai Cập cả”.

“Anh có cảm thấy thoải mái hơn khi bắn hắn như thế?”.

“Ý cậu là Ishaq hả?”.

Người đàn ông trẻ hơn gật đầu.

“Không đâu Mikhail, không thoải mái. Nhưng khi đó cũng không tệ lắm”. Gabriel giưo tay chỉ về hướng cổng Bắc của tu viện. “Hãy nhìn những người đó. Nhiều người sẽ chết nhanh chóng nếu tôi không hành động thoe cách chúng ta từng làm”.

“Nếu không trúng mục tiêu, họ vẫn có thể chết”. Mikhail nhìn Gabriel. “Ngeh có vẻ như anh đang cố tự thuyết phục rằng mình có đạo đức khi tra tấn hắn”.

“Tôi cho là như thế. Tôi đã vượt giới hạn. Nhưng tất cả chúng ta đều đã vượt giới hạn. người Mỹ cũng vượt giới hạn sau ngày 11/9, giờ họ đang cố tìm đường quay lại. Không may là những tên khủng bố - thế hệ sắp nổi dạy từ những chiến trường ở Irắc sẽ có khuynh hướng bạo lực và manh động hơn những kẻ xuất thân từ Afghanistan”.

“Ta đã chống lại chúng và giờ thì bọn khủng bố lại kết tội ta là những tên khủng bố thực sự”.

“Vu cáo chính là thói quen của chúng, Mikhail. Phải quen với chuyện đó”.

Gabriel nghe một tiếng cắc trong máy nghe đeo tai. Nah nhìn về hướng cổng tu viện nhìn thấy những chiếc cửa khổng lồ đang mở ra chầm chậm. Graham Seymuor đã sắp xếp cho nhân viên của tu viện tiếp những người cầu nguyện Giáng sinh sớm hơn thường lệ, một phương án đơn giản làm giảm mạnh số người bị nạn nếu xảy ra bạo động. Gabriel chỉ hy vọng những tên tử vì đạo không nhận ra sự thay đổi này và không nghĩ rằng chúng đang bước vào một cái bẫy.

“Tôi đang ở đâu?”, Gabriel hỏi.

“Anh đang nói về những loại vũ khí bí mật cơ mà”.

“Đêm qua ấy, Mikhail. Tôi đã ở đâu tối qua vậy?”

“Harwich”.

“Tôi đã luôn luôn muốn đi thăm Harwich”, Gabriel nói. “Thế Chiara nhìn thấy bao nhiêu phần trăm?”

“Chỉ lúc cuối, khi họ đưa anh vào xe”, Mikhail đặt một tay lên vai Gabriel. “Tôi ước gì anh để tôi bắn cái thằng chết tiệt đó cho anh”.

“Thôi nào, Mikhail. Giáng sinh mà”.

“Không phải dành cho chúng ta đâu”, Mikhail nói. “Tôi chỉ hy vọng Ishaq khong nói dối”.

“Hắn không nói dối đâu”, Gabriel nói.

“Thế nếu chúng đưa cô ấy đến chỗ nào khác thì sao?”.

“Chúng không làm thế đâu. Cậu có thuốc lá không?”.

Mikhail sờ nhẹ túi trái của áo khoác.

“Còn bật lửa của cậu?”, Gabriel hỏi.

“Tôi có mọi thứ. Chỉ không có Elizabeth thôi”.

“Cô ấy đang đến đấy”, Gabriel nói. “Sẽ xong nhan thôi”.

Chiếc ô tô hiệu Ford Fiesta màu xám nhạt và trông cũng đẹp. Abel, người có đôi mắt xanh, đang lái xe, còn Cain ngồi bên cạnh cô ở ghế sau. Không còn đeo khăn trùm đầu, cô nhìn thấy mặt chúng lần đầu tiên và sững sờ vì chúng còn trẻ quá. Chúng mặc áo khoác dày, cạo râu nhẵn nhụi, có mùi nước hoa gỗ giáng hương. Cain đang nắm chặt cánh tay cô bắng tay trái, còn tay phải hắn cầm súng. Elizabeth cố gắng không nhìn vào khẩu súng hay thậm chí nghĩ đến nó. Thay vào đó, cô lặng thinh nhìn ra cửa sổ. Cô đã ra ngoài được hai tuần; hai tuần kể từ khi gặp một người khác ngoài Abel và Cain cùng những tên đồng loã đeo mặt nạ; hai tuần kể từ khi cô nhìn thấy ánh mặt trời hay ý thức được thời gian. Cánh cửa sổ chính là chiếc cổng đến hiện thực của cô. Cain và Abel đến từ thế giới của những kẻ bị nguyền rủa, cô nghĩ. Bên kia của ô kính chính là miền đất sống của cô.

Trong vòng vài phút, mọi thứ xung quanh cô thật xa lạ. Đường vào trạm xe điện ngầm trung tâm Camden vừa vụt qua, từ đó cô có thể biết mình đang ở phía Nam Luân Đôn. Mặc dù thời tiết dễ chịu nhưng đường phố vắng lặng đến kỳ lạ. Trên đường Tottenham Court, cô nhìn thấy những vòng hoa ngày lễ Giáng sinh.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 27-11-2013 08:24 PM
Chương 59
(tiếp theo)

Họ băng qua phố Oxford đi xuống ngã tư đường Charing đến quãng trường Trafalgar, sau đó đi dọc đường Whitehall đến Westminster. Khi rẽ vào đường Victoria, Elizabeth nhìn thấy một đám đông tụ tập bên dưới Tháp Bắc của tu viện. Đứng bên dưới một cái cây trơ trụi lá, cạnh một người đàn ông có dáng điệu mệt mỏi đội nón ushanka là một người có vẻ ngoài ắt nổi bật, cao to, đội mũ phớt, rất giống cha cô. Tất nhiên đó không phải là cha cô. Người cha sinh ở Colorado sẽ không bao giờ để mình bị bắt gặp với chiếc mũ như thế.

Một lúc sau, chúng rẽ lên phố Abbey Orchard. Abel ép vào một chỗ đỗ không hợp lệ rồi tắt máy. Cain nhét cây súng vào túi áo khoác rồi nắm chặt lấy tay cô.

“Chúng ta sẽ đi bộ một chút”, hắn nói. “Lát nữa cô sẽ được thả. Hãy ra khỏi xe chậm thôi, để cả hai tau vào túi áo đi mưa. Chúng tôi sẽ dắt cô đến nơi cô muốn đi. Phải cẩn thận đừng nói lời nào. Nếu không làm những gì chúng tôi bảo, tôi sẽ bắn vào tim cô. Cô hiểu không?”.

“Hiểu”, cô bình itnhx đáp.

Cain vươn người qua Elizabeth Halton, mở cửa cho cô. Cô rút chân ra khỏi xe bước lên phố, bước đi đầu tiên dẫn đến tự do của cô.

Kim đồng hồ Big Ben chỉ 9 giờ 59 phút thì tai nghe của Gabriel có tiếng nói. Giọng của Adrian Carter.

“Phố Victoria”, Carter bình tĩnh nói. “Cô ấy sẽ băng qua cổng Storey vào khu Sanctuary. Cô ấy đang đội bộ tóc giả màu vàng và mặc chiếc áo mưa sẫm màu”.

“CÒn những tên tử vì đạo?”.

“Mỗi tên nắm một cánh tay”.

“Halton vừa kết án tử hai tên đó, Adrian. Ông ấy có chắc không?”.

“Chắn chứ”.

“Đưa ông ấy ra khỏi đấy. Ngay bay giờ”.

Carter nắm lấy cùi chỏ Robert Halton dẫn ông đến đường Great George, Sarah theo sau cách hai bước chân. Gabriel và Mikhail đứng lên cùng lúc rồi bắt đầu bước đi. Sarah đang tho dõi họ. Nhìn chỗ khác đi, anh nghĩ. Cứ đi rồi nhìn chỗ khác.

Họ dừng vài giây ở góc quảng trường Quốc hội để cho chiếc xe buýt Luân Đôn đi qua, sau đó nhanh chóng băng qua đường vào khu đất của tu viện Westminster. Mikhail bước đi bên trái Gabriel, hơi thở gấp gáp, bước chân cứng rắn và dứt khoát, như một bản sao của Gabriel. Khẩu Beretta của Gabriel đoe bên hông trái còn cái đuôi súng đang ấn vào chiếc xương sườn bị gãy rất đau. Anh chỉ có nửa giây. Nửa giây để rút súng ra khỏi hông rồi vào vị trí nhả đạn. Khi còn trẻ, giống như Mikhail, anh có thể làm điều đó trong khoảng thời gian đủ để người ta vỗ tay mà thôi. Còn bây giờ? Anh tiếp tụ bước đi.

Họ đi qua những chiếc bóng mảnh khảnh bên dưới những tán cây nơi Carter và Halton đã đứng vài giây trước đó. Khi họ bước ra vùng ánh sáng mặt trời, họ nhìn thayá Elizabeth và những kẻ hộ tống lần đầu tiên, cố ý di chuyển dọc theo lối đi bộ sát với cổng Bắc của tu viện. Ánh mắt cô bị giấu dưới một cặp kính mát to như của ngôi sai điện ảnh và tay đút vào túi áo khoác. Một tên tử vì đạo đang nắm tay cô. Những bàn tay rảnh rang còn lại của chúng đút vào những chiếc túi hướng ra ngoài trên những chiếc áo khoác dày cộm.

“Chúng đặt tay lên bộ phân kích nổ đấy, Mikhail. Cậu thấy không?”.

“Thấy rồi”.

“Cậu có thấy những người đi phía sau chúng không? Cậu không được bắn trượt đấy”.

“Không đâu”.

“Cậu có thuốc lá không?”.

“Có sẵn đây”.

“Cứ tiếp tục đi đi”.

Hai trăm người cầu nguyện vẫn đứng bên ngoài Tháp Bắc, kiên nhẫn chờ đoiwj để được vào trong. Gabriel đặt tay lên khuỷu tay của Mikhail rồi thúc anh đi theo rìa của đám đông, vào lối đi bộ cắt ngang. Elizabeth và những tên khủng bố đang ở ngay trước mặt họ, chỉ cách 40 thước Anh. Anh nhanh chóng rút ngắn khoảng cách. Một giây thôi, Gabriel nghĩ. Một giây.

Ngón tay của Cain luồn vào cánh tay cô và bàn tay hắn đang run lên vì sợ. Cô tự hỏi tại sao chúng quyết định thả cô ở một nơi đông gnười như tu viện Westminster. Sau đó Cain làu bàu điều gì đó với Abel bằng tiếng Arập làm cô cảm thấy dường như có một tảng đá đã đè lên tim cô, và Elizabeth nhận ra mình được mang đến chỗ này không phả để được trả tự do, mà là bị hành hình.

Cô liếc mắt qua từng tên khủng bố. Những chiếc áo khoác dày cộm, ánh mắt chết người của chúng, những bàn tay run rẩy… cô nghĩ, chúng cũng sắp chết. Chúng là những tên tử vì đạo đeo đầy bom tự sát. Trong vài giây nữa, cô cũng sẽ tử vì đạo.

Cô nhìn về phía đám đông tụ tập bên ngoài Tháp Bắc của tu viện Westminster. Họ là những mục tiêu thực sự. Elizabeth đã bị bắt cóc trong một vụ tắm máu và có vẻ như chúng định hành hình cô trong một vụ tắm máu nữa. Cô không thể cho phép có thêm nhiều máu của những người vô tôi phải đổ xuống vì cô. Cô phải làm một việc gì đấy để cứu càng nhiều mạng sống càng tốt.

“Nhìn xuống”, Cain quát.

Không, Elizabeth nghĩ. Tao sẽ không nhìn xuống. Tao sẽ không khuất phục.

Rồi cô nhìn thấy anh ấy…

Một người đàn ông góc cạnh có chieuè cao trung bình đeo kính mát vòng quanh mắt và tóc ở hai bên thái dương đã bạc màu. Người đàn ông đang bước đi dọc theo rìa của đám đông cùng với một người đàn ông trẻ hơn, hơi xanh xao, bên cạnh. Đó cũng chính là người đã cứu cô ở công viên Hyde Park – cô tin chắc thế. Và anh ta sẽ cứu cô lần nữa.

Tuy nhiên, làm sao anh ta có thể làm được chứ?

Cain và Abel đặt tay vào túi. Chỉ một khoảnh khắc thôi là chúng sẽ kích nổ. Đó chính là khoảnh khắc Elizabeth phải cướp từ những tên khủng bố và đưa cho hai người đàn ông đang tiến về phía cô – hai người giờ đã đứng lại và châm điếu thuốc lá. Mình sẽ không khuất phục, cô nghĩ. Sau đó cô móc ngón chân cái của bàn chân trái vào gót chân phải. Cô ngã xuống vỉa hè.

Cain chụp lấy cô, một hành động phản xạ tốt bụng đáng giá bằng cả mạng sống của hắn. Khi đứng thẳng lại, cô nhìn thấy hai người đàn ông rút súng ra như hai ánh sét chớp lên rồi bắt đầu nhả đạn. Khuôn mặt của Cain biến mất sau khi tung toé máu và đầu óc vương vãi, còn đôi mắt xanh của Abel đồng thời nổ tung trong loạt đạn của họ. Những người đàn ông cầm súng đi nhanh như chớp qua chỗ cô, súng trong bàn tay vươn hết cỡ, dường như họ đang đuổi theo những viên đạn do chính mình bắn ra. Cain ngã xuống đất đầu tiên, người đàn ông có thái dương màu tro nhảy lên ngực hắn bắn thêm nhiều phát vào tim hắn, giống như anh đang tìm cách bắn cho hắn chui tọt xuống đất. Sau đó, anh kéo mạnh bàn tay của Cain ra khỏi túi áo khoác rồi la lớn yêu cầu Elizabeth chạy đi xa. Là người tù nhân gương mẫu cho đến cùng, cô chạy nhanh qua sân của tu viện về phía đường Victoria, nơi người đàn ông trông nổi bật với chiếc mũ phớt thình lình xuất hiện mở rộng vòng tay đón cô. Cô gục đầu vào ngực ông khóc nức nở. “Không sao đâu con, Elizabeth”, Robert Halton nói. “Cha đã có con rồi. Con an toàn rồi, con yêu của cha”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 27-11-2013 08:26 PM
Phần 5: Đám Cưới Bên Hồ

Chương 60
Jerusalem

Hai buổi lễ hồi hương đáng chú ý diễn ra vào ngày sua Giáng sinh. Buổi lễ đầu tiên được tổ chức tại căn cứ không quân Andrews ở ngoại ô Washington được truyền hình trực tiếp khắp thế giới. Tổng thống có mặt tham dự, cùng toàn bộ đội an ninh quốc gia và hầu hết nghị sĩ quốc hội. Buổi lễ có ban nhạc hải quân biểu diễn, một ngôi sao nhạc đồng quê hát một bài hát yêu nước. Nhiều bài diễn văn được thực hiện nói về lòng quyết tâm và tính kiên định của người Mỹ. Nhiều lời ca ngợi được dành cho các nhân viên nam nữ thuộc lực lượng tình báo Mỹ và Anh, những người đã biến ngày này thành hiện thực. Không ai nói về tiền chuộc hay đàm phán và cái tên Israel cũng không được nói đến. Elizabeth Halton, vẫn còn bị ảnh hưởng bởi nỗi đau của vụ bắt cóc và hoàn cảnh giải cứu, cố gắng phát biểu trước đám đông nhưng chỉ cố được vài lời trước khi gục xuống. Cô được đưa ngay lên chiếc trực thăng đang đợi sẵn và trong vòng bảo vệ chặt chẽ, được đưa đến một địa điểm bí mật để bình phục.

Buổi lễ hồi hương thứ hai diễn ra tại sân bay Ben Guiron và tình cờ cũng diễn ra đồng thời với buổi lễ đầu tiên. Không có nhà chính trị nào có mặt và không có máy quay truyền hình nào để thu hình sự kiện này cho hậu thế. Không ai chơi các bản nhạc yêu nước, không có bài diễn văn nào và cũng chẳng có nghi thức đón tiếp chính thức. Với sự can thiệp của nhà nước Israel, hai mươi sáu người đàn ông và phụ nữ trên chiếc chuyên cơ vừa đến Luân Đôn xem như không có mặt. Họ là những người vô hình, là những bóng ma, họ có khả năng thoắt ẩn thoắt hiện. Họ biến mất vào màn đêm và dù đã quá khuya, họ vẫn được đưa ngay đến khu văn phòng vô danh ở đại lộ King Saul thuộc Tel Aviv, nơi họ phải trải qua đợt thẩm vấn đầu tiên. Những buổi thẩm vấn này không phải chỉ là nghi thức chiếu lệ, họ biết rằng ngay khi buổi lễ chấm dứt, các cuộc thẩm vấn sẽ bắt đầu. Một cơn bão đang đến. Những mái che sẽ phải được xây dựng gấp gáp. Vấn đề lương thực được đặt sang một bên. Báo chí sẽ được công bố tất cả sự thật.

Trong vòng bảy mươi hai giờ đầu tiên sau vụ giải cứu Elizabeth Halton đầy kịch tính, kịch bản sự kiện chính thức ở Anh lại khác xa với thực tế. Cuộc giải cứu cho cô, theo kịch bản này, chính là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan tình báo và cảnh sát Anh, hợp tác ăn ý với các đồng nghiệp ở Mỹ. Dù tiền chuộc đã được đại sứ Halton chuẩn bị nhưng nó vẫn chưa được trả cho ai. Hai tay súng đã giết những kẻ đánh bom tự sát không thành ở tu viện Westminster là thành viên của ban SO 19 của cảnh sát thành phố. Tuy nhiên vì lí do an ninh, hai người đàn ông này không được đưa ra nhận diện trước công chúng hay được thông báo cho giới báo chí bình luận – vào lúc này hay ở bất kỳ thời điểm nào trong tương lai. Cảnh sát trưởng thành phố nhấn mạnh.

Những thông tin rò rỉ đầu tiên của vụ này xuất hiện bốn ngày sau Giáng sinh, không phải ở Anh mà là ở Đan Mạch, nơi một tờ báo địa phương đăng một bài tường thuật khá hấp dẫn về một vụ nổ bí mật ở một ngôi nhà nghỉ hè dọc Biển Bắc. Cảnh sát Đan Mạch ban đầu nói rằng ngôi nhà này không có người ở, nhưng một nhân viên y tế địa phương đã phản đối lời khẳng định đó, cho rằng chính anh ta đã nhìn thấy ba thi thể được lấy lên từ đống cháy đen đổ nát. Nhân viên y tế này cũng khẳng định đã chữa trị cho một người đàn ông nói tiếng Đức vì những vết thương nhẹ trên mặt. Lars Mortensen, giám đốc cơ quan an ninh Đan Mạch, xuất hiện trước một cuộc họp báo được sắp đặt vội vã ở Copenhagen xác nhận rằng, thực sự có ba người bị sát hại trong vụ này và rằng vụ này có liên quan đến cuộc truy tìm Elizabeth Halton. Mortensen sau đó tuyên bố ông không còn gì để nói về chuyện này cho đến khi thực hiện một cuộc điều tra chính thức.

Thông tin rò rỉ tiếp xảy ra hai ngày sau ở Amsterdam, nơi một phụ nữ Ai Cập độ tuổi cuối trung niên xuất hiện tại một cuộc họp báo xác nhận rằng một trong những người bị giết ở miền Bắc Đan Mạch chính là chồng bà, Ibrahim Fawaz. Bằng tiếng Arập thông qua một thông dịch viên, bà Fawaz nói rằng mình đã được các quan chức Mỹ thông báo rằng chồng bà đang làm việc cho họ và đã thiệt mạng trong một nỗ lực không thành khi giải cứu cô Halton. Bà còn nói rằng tất cả những nổ lực để đến được với con trai, con dâu và cháu trai ở Copenhagen đều không thành công. Những luật sư của bà suy luận rằng Ibrahim Fawaz đã bị bắt cóc bởi các mật vụ Mỹ và được chiêu dụ vào hàng ngũ làm việc cho CIA. Họ kêu gọi ngài Bộ trưởng tư pháp Hà Lan ra lệnh mở cuộc điều tra về vấn đề này. Vào lúc bốn giờ chiều ngày hôm đó, ngài Bộ trưởng đã hứa hẹn rằng cuộc điều tra sẽ được thực hiện một cách đầy đủ và khả quan.

Buổi sáng hôm sau ở Luân Đôn, người phát ngôn của Bộ nội vụ xác nhận thông tin cho rằng con trai Ibrahim Fawaz là một trong hai tên khủng bố được phát hiện đã chết trong chiếc xe bán tải chứa đầy bom đâm xuống một cánh đồng ở Essex ngay sau bình minh ngày Giáng sinh. Người phát ngôn này cũng xác nhận rằng Fawaz con đã bị bắn nhiều phát vào chân và tay tài xế xe bán tải, hiện vẫn chưa được nhận dạng, đã bị bắn chết bằng phát súng vào đầu. Ai gây ra thương vong và chính xác những gì đã xảy ra ở Essex vẫn là một bí mật chưa biết được, dù các nhà điều tra người Anh đang làm việc với một giả định rằng một vụ tấn công thứ hai đã được lên kế hoạch cho buổi sáng Giáng sinh và cuối cùng nó cũng đã tan tành mây khói.

Vào ngày đầu năm mới, tờ Điện tín đặt dấu hỏi về sự kiện tại tu viện Westminster này. Theo thông tin chính thức của báo chí, nhiều nhân chứng cho biết tay súng hét lớn bảo Elizabeth Halton chạy đi không nói giọng Anh. Một nhân chứng khác, đi qua hai người đàn ông cầm súng vài giây trước khi họ chuẩn bị bắn, đã nghe thấy họ nói với nhau bằng một ngôn ngữ không phải là tiếng Anh. Sau khi nghe băng thu âm hai mươi ngôn ngữ khác nhau, nhân chứng đó xác nhận tiếng Hebrew là thứ tiếng anh ta đã nghe.

Vụ việc bị vỡ lỡ vào ngày hôm sau khi tờ Times, trong một bài điều tra rùm beng có tựa đến LIÊN KẾT JERUSALEM, đã nêu ra trường hợp chấn động về sự dính dáng của Israel trong vụ giải cứu Elizabeth Halton. Trong báo cáo có hình chụp một người đàn ông đang chờ đi vào tu viện vài giây sau vụ giải cứu. Các chuyên gia về nhận diện gương mặt do tờ Times thuê đã nêu kết luận rằng một trong những người đàn ông này không ai khác chính là Gabriel Allon, điệp viên Israel huyền thoại, người đã giết ba tên khủng bố ở công viên Hyde Park buổi sáng ngày diễn ra vụ bắt cóc Elizabeth Halton…

Đến tối đó, đã xuất hiện nhiều yêu cầu lớn tiếng ở Quốc hội để Chính phủ hoàng gia và các cơ quan mật vụ nói rõ về những sự kiện dẫn đến cuộc giải cứu quý cô Halton. Những yêu cầu này được đưa ra khắp các thủ đô của các nước Tây Âu, và ở Washington, nơi các phóng viên và nghị sĩ Quốc hội kêu gọi Nhà Trắng giải thích những gì Tổng thống biết về mối liên hệ của Allon tới vụ này. Theo những phụ tá của Tổng thống, ngày càng rõ ràng, rằng các nhân viên tình báo Mỹ và đồng nghiệp Israel đã cày xéo khắp châu Âu trong cuộc tìm kiếm điên cuồng để tìm thấy cô Halton trước thời hạn chót và giải thoát cho cô. Chính xác thì chuyện gì đã xảy ra? Luật pháp có bị bẻ cong hay vi phạm không? Nếu có thì ai đã làm?

Chính quyền Israel, bị bao vây bởi những yêu cầu của báo chí trong và ngoài nước, đã phá tan sự im lặng chính thức về vụ này vào sáng hôm sau. Một nữ phát ngôn viên cho văn phòng Thủ tướng thừa nhận rằng cơ quan tình báo mật của Israel đã hỗ trợ cho các nhà điều tra Mỹ. Rồi cô nói rõ rằng bản chất của cuộc hỗ trợ này sẽ không bao giờ được công bố rộng rãi. Đối với đề nghị Gabriel Allon đi Luân Đôn và Washington để hỗ trợ những cuộc điều tra chính thức cho vụ này, câu trả lời của anh ra vẫn chưa rõ. Gabriel Allon đang trong kỳ nghĩ dài vì lí do cá nhân, cô giải thích, và theo chính quyền Israel, không ai biết tung tích của anh.

Nếu họ có nỗ lực nghiêm túc nào để xác định nơi ở hiện tại của anh, điều mà họ hầu như chắc chắn chưa làm, thì họ hẳn đã tìm thấy anh đang nghỉ ngơi yên tĩnh trong căn hộ nhỏ trên phố Narkiss.

Từ trước tới giờ anh đã trải qua nhiều những cơn bão như thế này và biết rằng hành động tốt nhất là đặt bảng che cửa chính và cửa sổ rồi không nói lời nào.

Những vết thương của anh đau đến nỗi anh không còn nhiều sức lực cho việc gì khác. Trong những lần bị tra tấn bởi bàn tay của bọn bắt cóc và vụ nổ xảy ra trong vụ giải cứu con tin, anh đã bị nhiều vết gãy và nứt xương, hàng chục vết thương trên mặt và những chỗ khác, chân tay anh bầm tím. Bụng dưới anh đau dữ dội đến nỗi anh không ăn được gì, hai ngày sau khi trở về Jerusalem, anh thấy mình không thể xoay đầu được. Một bác sĩ của văn phòng thường đến khám cho anh phát hiện anh đã chấn thương cổ mà trước đó đã không chẩn đoán được, việc này khiến anh phải đeo nẹp cổ cứng trong vài tuần.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 27-11-2013 08:27 PM
Chương 60
(tiếp theo)

Trong hai tuần anh không rời khỏi giường. Dù đã bắt đầu lành lặn và bình phục, bản tính ham làm việc của anh biến anh thành một bệnh nhân tồi. Để giúp mình trải qua những giờ phút nhàn rỗi, anh chăm chú theo dõi vụ của mình trên báo chí và truyền hình. Khi chứng cứ về sự tham gia của Israel trong vụ này ngày càng rõ, các cộng đồng Hồi giáo đang yên ổn ở châu Âu cũng như những người ủng hộ phần còn lại của châu Âu đều tỏ thái độ phẫn nộ. Nỗi sợ hãi của những vụ đánh bom ở Luân Đôn và vụ bắt cóc Elizabeth Halton hình như nhanh chóng rơi vào quên lãng, thay vào đó lại nổi lên sự quan tâm của toàn lục địa về chiến thuật được sử dụng để tìm kiếm và giải cứu cho cô. Những thoả thuận được khơi mào một cách thận trọng của Shamron với các Bộ tư pháp và cơ quan an ninh châu Âu chẳng mấy chốc bị phơi bày ra ánh sáng. Gabriel một lần nữa lại trở thành người bị truy tìm nhiều hơn- truy tìm để thẩm vấn ở Hà Lan và Đan Mạch về cái chết của Ibrahim Fawaz, truy tìm để thẩm vấn ở Anh về vai trò của anh trong vụ giải cứu Elizabeth Halton.

Còn có một vơn bão khác đang tràn tới, một sự kiện hầu như không được giới truyền thông toàn cầu chú ý và cộng đồng bảo vệ nhân quyền hình như đã bị ám ảnh bởi những hành động được cho là sai lầm của Gabriel và đồng đội của anh. Phía bên kia biên giới phía tây của Israel, ở Ai Cập, chính quyền sở tại đang đối mặt với tổ chức Thanh kiếm Allah – cuộc thanh trừng có động cơ theo cách họ đã xử lí với mọi thách thức của người Hồi giáo trong quá khứ - với lực lượng áp đảo và sự dã man cùng cực. Văn phòng đã nhận được những báo cáo về các cuộc chiến trên đường phố giữa quân đội và các phần tử Hồi giáo từ khu vực châu thổ sông Nile cho đến Thượng Ai Cập. Còn có các báo cáo về những vụ thảm sát, hành quyết nhanh chóng, sử dụng biện pháp tra tấn rộng rãi, và một trại tập trung ở sa mạc phía tây nơi hàng ngàn phần tử cấp tiến bị giam giữ mà không có lời buộc tội. Một bản đánh giá được chuẩn bị nhanh chóng của Văn phòng kết luận rằng chính sự đàn áp đã làm nảy sinh những phần tử cấp tiến và những phần tử này phạm nhiều tội ác khủng bố.

Đến giữa tháng Giêng, Gabriel đã đủ khoẻ để rời khỏi giường bệnh. Bác sĩ đến xem rồi sau khi khám và kiểm tra kỹ cổ anh, bác sĩ quyết định tháo nẹp. Do muốn quên đi những sự kiện không mấy vui đang diễn ra xung quanh, anh chỉ tập trung vào kế hoạch cho đám cưới. Anh ngồi hàng giờ với Chiara trong phòng khách, lật từng trang tạp chí cưới hào nhoáng và bàn bạc kỹ về những vấn đề như thức ăn và hoa. Họ chọn một ngày giữa tháng năm rồi lên một danh sách khách mời tạm thời, trong đó có bảy trăm cái tên. Sau hai tiếng đồng hồ bàn thảo, họ quyết định chỉ gạt ra tên của hai mươi người. Một tuần sau, khi những vết bầm trên mặt đã trở về trạng thái chấp nhận được, họ cùng nhau đi Jerusalem để kiểm tra phòng tiệc của khách sạn và những nơi khác có thể tổ chức nghi lễ và tiếp khách. Người điều phối sự kiện đặc biệt tại khách sạn King David, sau khi hỏi về danh sách khách mời, đã vui vẻ đề nghị họ nên tổ chức đám cưới ở sân vận động Teddy Kollek, một đề nghị mà Chiara không thấy thú vị chút nào. Cô thất vọng khi lái xe trên quãng đường ngắn về đường Narkiss.

Gabriel thận trọng nói. “Có lẽ đây là một sai lầm”.

“Thế chúng ta sẽ xem lại”, cô đáp.

“Ý anh không phải là đám cưới mà là quy mô của đám cưới. Có lẽ chúng ta nên tổ chức một đám cưới nhỏ và riêng tư. Chỉ có gia đình và bạn bè. Những người bạn thực sự”.

Cô thở hắt ra. “Không có điều gì làm em vui hơn thế”.

Đến đầu tháng hai, anh cảm thấy nỗi khao khát được làm việc. Anh rời đường Narkiss lúc mười giờ vào một buổi sáng, lái xe đến bảo tàng Israel để xem có điều gì ở đó có thể làm anh bận rộn. Sau một cuộc gặp ngắn với trưởng ban hội hoạ châu Âu, anh rời nơi đó với một bức tranh khá đẹp của Rembrandt, hình như có tên là Thánh Peter trong nhà lao. Bức tranh đẹp về cấu trúc và chỉ cần một lớp sơn vani sạch và một ít nét vẽ phụ. Anh biến phòng ngủ trống trong căn hộ thành xưởng tranh nhưng Chiara than phiền về mùi của hoá chất, van nài anh chuyển những hoạt động sau này sang một studio đúng nghĩa. Anh đã tìm thấy một cái, trong khu vực dành cho nghệ sĩ nhìn xuống thung lũng Hinnom, và bắt đầu làm việc ở đó trong tuần kế tiếp.

Với sự xuất hiện của bức tran Rembrandt, những ngày trôi qua của anh cuối cùng cũng có chút gì mang tính công việc thường nhật. Anh thường đến studio sớm rồi làm việc cho đến trưa; sau đó, sau khi nghỉ ngơi ăn trưa thư giãn với Chiara, anh thường trở về studio làm việc cho đến khi không còn đủ ánh sáng. Một hay hai lần mỗi tuần, anh thường cắt ngắn buổi làm việc chiều rồi lái xe băng qua Jerusalem đến bệnh viện tâm thần núi Herzl để ở cạnh Leah. Đã nhiều tháng qua anh không gặp cô, và trong ba lần đầu tiên anh xuất hiện, cô không nhận ra anh. Trong lần thăm thứ tư, cô đã chào anh bằng tên rồi ngẩng mặt lên để được anh hôn. Anh đẩy xe lăn của cô vào vườn rồi họ cùng ngồi với nhau dưới một cây ôliu – cũng cây ôliu mà anh đã thấy trong giấc mơ khi đang ở trong tay những tên sát thủ nhóm Thanh kiếm Allah. Cô đặt bàn tay lên mặt anh. Da cô đầy sẹo do bị bỏng và sờ vào thấy lạnh lẽo.

“Anh lại chiến đấu”, cô nói.

Anh gật đầu chầm chậm.

“Nhóm Tháng Chín Đen phải không?”, cô hỏi.

“Cách đây đã lâu rồi, Leah. Chúng không còn tồn tại nữa”.

Cô nhìn bàn tay anh. Bàn tay lấm lem bột màu.

“Anh lại vẽ nữa phải không?”.

“Phục chế thôi”.

“Anh có thể phục chế cho em khi anh xong việc không?”.

Một giọt nước mắt lăn dài trên má anh. Cô lau đi rồi nhìn bàn tay anh lần nữa.

“Sao anh không đeo nhẫn cưới?”.

“Anh và cô ấy chưa cưới mà”.

“Suy nghĩ lại phải không?”.

“Không phải đâu, Leah – không phải suy nghĩ lại”.

“Thế anh còn chờ gì nữa?”, cô bất ngờ nhìn lảng đi, mắt không còn chút ánh sáng. “Hãy nhìn tuyết đi, Gabriel. Đẹp không nào?”.

Anh đứng dậy đẩy cô quay trở lại bênh viện.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 28-11-2013 07:47 PM
Chương 61
Jerusalem

Gabriel lái xe quay lại đường Narkiss qua một cơn mưa to bất chợt rồi vào căn hộ của mình tìm bộ bàn ghế dành cho bốn người, không khí đầy mùi gà nướng và món cà tím nổi tiếng của Gilah Shamron với gia vị Marốc. Một phụ nữ ốm yếu nhỏ người với đôi mắt buồn và bộ tóc xám xoăn tít đang ngồi trên tràng kỷ cạnh Chiara nhìn những tấm ảnh váy cưới. Khi Gabriel hôn lên má bà, anh cảm thấy mùi tử đinh hương và làn da mịn màng như lụa.

“Ari đâu?”, anh hỏi.

Bà chỉ ra ban công. “Bảo ông ấy đừng hút thuốc nhiều nhé, Gabriel. Cháu là người duy nhất ông ấy chịu nghe đấy”.

“Cô chắc nhầm cháu với ai rồi, Gilah ạ. Chồng cô có khả năng chỉ nghe những gì ông ấy muốn nghe còn người cuối cùng ông ấy lắng nghe là cháu”.

“Ari đâu có nói thế. Ông ấy kể cho cô nghe về vụ tranh cãi dữ dội của cháu ở Luân Đôn. Ông ấy nói mình thậm chí còn không tìm cách thuyết phục cháu rút khỏi vụ giao tiền vì biết rằng cháu đã quyết định”.

“Có lẽ cháu thông minh nếu làm theo lời khuyên của ông ấy”.

“Thế nhưng cô gái người Mỹ đó sẽ chết”, bà lắc đầu. “Không đâu, Gabriel, cháu đã làm đúng, cho dù người ta nói gì về cháu ở Luân Đôn và Amsterdam. Khi cơn bão qua rồi, họ sẽ suy nghĩ lại và phải cảm ơn cháu”.

“Cháu tin chắc là cô đúng đấy, Gilah”.

“Hãy đến ngồi với ông ấy. Cô nghĩ ông ấy hơi thất vọng. Không dễ gì chấp nhận việc mình già đi đâu”.

“Kể cho cháu nghe nào”.

Anh tự rót cho mình một ly rượu vang đỏ rồi mang ra ban công. Shamron ngồi trong một chiếc ghế sắt bên dưới mái bạt sọc, nhìn nước mưa nhỏ xuống từ lá cây khuynh diệp. Gabriel lấy điếu thuốc từ đầu ngón tay ông rồi quăng qua ban công xuống lối đi bộ ướt mưa.

Shamron nói. “Xả rác ở nước này là phạm luật đấy. Cậu đã ở đâu vậy?”.

“Ông biết mà”.

“Cậu định nói tôi cho người theo dõi cậu à?”.

“Tôi có ý gì đâu. Tôi biết ông đang cho người theo dõi tôi mà. Vì vậy, đó thật sự chỉ là một thông báo thôi”.

“Về nhà rồi, không có nghĩa là cậu đã an toàn đâu. Cậu có quá nhiều kẻ thù xung quanh – quá nhiều kẻ thù nên không thể nào làm việc bình thường trong một studio nhìn xuống những bức tường của Phố Cổ mà không có vệ sĩ”.

“Chiara sẽ không cho tôi làm việc trong nhà”. Gabriel ngồi xuống ghế cạnh Shamron. “Ông giận vì tôi làm trong một studio gần Phố Cổ hay ông giận vì tôi đang làm việc mà không phải làm cho ông nào?”.

Shamron cặm cụi đốt một điếu thuốc nữa mà không nói gì.

“Công việc phục chế cũng có tác dụng đấy, Ari. Lúc nào cũng có lợi, nó làm tôi quên”.

“Quên cái gì?”.

“Việc giết bốn người trong công viên Hyde Park. Giết một người trên sân của tu viện Westminster. Giết Ishaq trên cánh đồng ở Essex. Tôi sẽ tiếp tục chứ?”.

“Không cần thiết đâu”, Shamron nói. “Khi nào thì xong bức Rembrandt này? Tiếp theo đó là gì?”.

“Tôi may mắn còn sống đấy, Ari. Chỗ nào cũng thấy đau. Hãy để tôi lành lặn cái đã. Hãy để tôi hưởng thụ cuộc sống vài ngày trước khi ông bắt đầu kéo tôi trở lại Văn phòng”.

Shamron hút thuốc, nhìn mưa rơi trong im lặng. Là một cây cổ thụ tận tuỵ, ông đánh dấu thời gian trôi qua không phải bằng lễ hội của người Do Thái mà bằng nhịp điệu của vùng đất này – ngày mưa đến, ngày hoa dại bừng nở trong thung lũng Galilee, ngày đầu thu khi gió mát thổi trở lại. Đối với Gabriel, anh cứ tự hỏi mình sẽ còn chứng kiến bao nhiêu chu kỳ nữa.

“Đại sứ của chúng ta ở Luân Đôn nhận được một bức thư khá hài hước từ văn phòng Bộ Nội vụ sáng nay”, ông nói.

“Để tôi đoán nào”, Gabriel nói. “Họ muốn tôi làm chứng cho uỷ ban điều tra vụ bắt cóc và giải cứu Elizabeth Halton”.

Shamron gật đầu. “Chúng ta đã nói rõ cho người Anh rằng họ sẽ phải tự thực hiện cuộc điều tra mà không có sự hợp tác của chúng ta. Sẽ không có hành động lặp lại như việc làm chứng của cậu trước Quốc hội sau vụ ở Vatican. Cách duy nhất để cậu quay lại nước Anh là để nhận chức hiệp sĩ”, Shamron mỉm cười với chính mình. “Cậu có tưởng tượng được không?”.

“Đông Luân Đôn sẽ bùng cháy”, Gabriel nói. “Thế còn quan hệ của chúng ta với MI5 và MI6 thì sao? Họ sẽ không gặp khó khăn nếu tôi từ chối điều tra chứ?”.

“Thực ra còn ngược lại nữa kia. Ta đã liên lạc với lãnh đạo của cả hai cơ quan trên trong những ngày qua, họ đã nói rõ rằng điều cuối cùng họ muốn chính là để cậu ra làm chứng. Tiện thể, Graham Seymour cũng gởi lời hỏi thăm cậu”.

“Còn có một lí do hay ho nữa để tôi tránh xa Luân Đôn”, Gabriel nói. “Nếu đồng ý ra làm chứng vụ này, cuộc điều tra tự nhiên sẽ tập trung vào chúng ta và tội lỗi của người Israel. Nếu tôi tránh xa, điều đó có thể buộc họ đối diện với vấn đề thực sự”.

“Vấn đề nào?”.

“Luân Đôn – sào huyệt khủng bố”, Gabriel nói. “Họ đã cho phép thủ đô của mình trở thành mảnh đất nuôi dưỡng, thánh địa thiêng liêng và nơi trú chân an toàn cho những phần tử khủng bố Hồi giáo thuộc mọi thành phần. Đó là mối đe doạ cho tất cả chúng ta”.

Shamron gật đầu đồng ý, sau đó nhìn Gabriel. “Thế cậu còn làm gì ngoài việc lau chùi tranh Rembrandt rồi ở bên cạnh Leah ở núi Herzl?”.

“Tôi thấy những kẻ theo dõi nhỏ bé của ông đã báo cáo cho ông chi tiết rồi còn gì?””

“Đúng theo chỉ đạo”, Shamron nói. “Cô ấy thế nào?”.

“Lúc nào cô ấy cũng trong sáng”, Gabriel nói. “Rất trong sáng. Có khi cô ấy nhìn mọi thứ còn rõ ràng hơn tôi. Cô ấy lúc nào cũng vậy?”.

“Làm ơn cho tôi biết là cậu không định hoãn tiếp chứ”.

“Ngược lại đấy. Thế những người theo dõi của ông không cho ông biết việc tôi đang tìm nơi làm lễ cưới sao?”.

“Thật ra thì có. Tôi xin mạn phép được yêu cầu Shabak vạch ra kế hoạch an ninh khẩn cấp cho một đám cưới tầm cỡ như thế. Tôi e rằng yêu cầu sẽ cao đến nỗi có vẻ đây không giống đám cưới chút nào đâu”. Ông từ từ dụi thuốc. “Cậu có cần lời khuyên từ một ông già không?”.

“Tôi không cần gì hơn thế nữa”.

“Có lẽ cậu và Chiara nên xem xét tổ chức một buổi lễ nhỏ hơn và thân mật hơn”.

“Chúng tôi đã dự định thế”.

“Cậu đã nghĩ đến ngày nào trong đầu chưa?”.

“Gabriel nói cho ông biết.

“Tháng Năm sao? Sao phải chờ đến Tháng Năm? Cậu không học được gì từ vụ này sao? Cuộc sống quý giá lắm, Gabriel à, và cũng ngắn kinh khủng. Tôi có thể không còn sống đến Tháng Năm đâu”.

“Tôi e rằng ông sẽ chỉ cần phải ghé qua thôi mà, Ari. Chiara cần thời gian lên kế hoạch đón khách. Chúng tôi không thể nào tổ chức sớm hơn”.

“Kế hoạch thế nào? Kế hoạch gì? Cậu và tôi có thể thực hiện việc đó ngay chiều nay mà”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 28-11-2013 07:48 PM
Chương 61
(tiếp theo)

“Đám cưới chứ có phải chiến dịch đâu, Ari”.

“Ai nói vậy?”.

“Chiara”.

“Tất nhiên đám cưới không phải là chiến dịch”, ông vịn tay lên thành ghế. “Chiara đã phải chịu đựng khá nhiều sự lung lay và vô lý ở phía cậu. Nếu là cậu, tôi sẽ tự lên kế hoạch đám cưới để làm cô ấy ngạc nhiên”.

“Cô ấy là người Do Thái gốc Ý đấy, Ari. Cô ấy nóng tính và không thích điều ngạc nhiên”.

“Tất cả phụ nữ điều thích những điều bất ngờ, anh chàng ngốc ạ”.

Gabriel phải thừa nhận là mình cũng thích ý tưởng đó. “Tôi sẽ cần giúp đỡ”, anh nói.

“Thế thì chúng tôi sẽ giúp cậu”.

“Giúp thế nào?”.

Shamron nói. “Thằng nhóc ngớ ngẩn”.

Đó là phía khuất của một nghi lễ bí mật, của những người làm những việc mà không ai muốn hay dám làm. Nhưng chưa bao giờ trong lịch sử nhiều biến động của Chiến dịch đặc biệt, họ lại lên kế hoạch cho một đám cưới, dĩ nhiên là một đám cưới thật sự kia.

Họ tập trung vào buổi sáng hôm sau ở phòng 456C, công sự ngầm của Gabriel tại đại lộ King Saul. Yaakov và Yossi, Dina và Rimona, Mordecai và Oded, Mikhail và Eli Lavon. Gabriel đi đến trước phòng dán một tấm ảnh Chiara lên bảng thông báo. “Mười ngày nữa, tôi sẽ cưới người phụ nữ này”, anh nói. “Đám cưới phải có mọi thứ cô ấy muốn nhưng cô ấy không được biết hay nghi ngờ thứ gì. Ta phải làm việc nhanh và không phạm sai lầm”.

Giống như tất cả những chiến dịch thực thụ, cuộc họp bắt đầu bằng việc thu thập thông tin tình báo. Họ lục tung những quyển tạp chí cưới của Chiara để tìm những dấu hiệu ý nghĩa và hỏi Gabriel tỉ mỉ về mọi thứ cô ấy đã từng nói với anh. Biết rằng những câu trả lời của anh không đầy đủ, Dina và Rimona lên lịch cho cuộc gặp ăn trưa bất ngờ với Chiara buổi chiều hôm sau ở một nhà hàng sành điệu của Tel Aviv. Họ trở về đại lộ King Saul khi đã chếch choáng hơi men nhưng có toàn bộ thông tin cần thiết để tiến hành.

Buổi sáng hôm sau, Gabriel và Chiara ở đường Narkiss bị đánh thức bởi một nhân viên từ phòng Nhân sự thông báo cho Chiara biết cô đã vượt mức báo động về sức khoẻ toàn diện. Người đàn ông từ phòng Nhân sự cho biết hôm đó sẽ có một buổi khám sức khoẻ. Cô có thể đến đại lộ King Saul ngay lập tức không? Không có việc gì tôt hơn để làm trong ngày, cô tuân theo yêu cầu và đến mười giờ cô trải qua một cuộc thăm khám kỹ lưỡng của hai bác sĩ trực thuộc văn phòng – một trong hai người chẳng phải là bác sĩ, mà là thợ may từ phòng Nhận diện. Ông ấy ít quan tâm đến những chuyện như huyết áp và nhịp tim mà quan tâm nhiều hơn đến chiều dài cánh tay, chân, cỡ hông và ngực. Cuối buổi chiều đó, cô vào phòng 456C hỏi Gabriel xem anh có phải rời phòng trong bộ quần áo chống đạn không. Gabriel nói không cần thiết.

Còn ba ngày nữa, mọi thứ điều đâu vào đấy trừ một người đặc biệt. Chiara. Trong một bước của chiến dịch này, Gabriel không thể nhờ ai khác ngoài bà Gilah Shamron, bà đã gọi điện cho Chiara cuối buổi tối hôm đó để thông báo họ có thể đến Tiberias tham dự buổi tiệc sinh nhật đầy bất ngờ của Shamron vào thứ bảy. Cô đồng ý yêu cầu của bà Gilah mà không bận tâm xem Gabriel có kế hoạch gì cuối tuần đó không.

Cô hỏi. “Ông ấy bao nhiêu tuổi rồi?”.

“Đó là một bí mật được nhà nước giữ kín, nhưng người ta đồn rằng ông ấy đã chiến đấu trong cuộc nổi dậy chống chính quyền La Mã”.

“Thế anh có biết ngày sinh của ông ấy rơi vào tháng ba không?”.

“Biết chứ, tất nhiên rồi”, anh trả lời vội vã.

Thực ra, đáng lẽ thời điểm ấy là cuối tháng tám và người cố gắng tổ chức bữa tiệc bất ngờ cho Shamron vẫn còn đi loạng choạng, nhưng Chiara không hề biết gì.

Trời mưa nặng hạt suốt tuần, một tình huống mà họ chưa hề dự kiến, nhưng đến giữa buổi sáng ngày thứ bảy, mặt trời lại nắng rực rỡ và không khí như vừa được rửa sạch. Mùi thông đá, hoa nhài và khuynh diệp lan toả khắp nơi. Họ dậy muộn và ăn sáng qua loa trên ban công rồi gói ghém vài thứ vào một chiếc túi ngủ qua đêm và khởi hành đi Galilee.

Gabriel lái xe xuống khu Bab al Wad đến đồng bằng duyên hải rồi lên hướng bắc đến thung lũng Jezreel. Họ dừng ở đó vài phút để đón Eli Lavon từ một ngôi nhà trên đỉnh Tel Megiddo sau đó tiếp tục đến khu vực Tiberias. Ngôi biệt thự màu mật của Shamron chỉ cách phía Bắc thành phố vài dặm, trên một vỉa đá nhìn xuống biển Galilee. Hai chục chiếc xe xếp thành đường thẳng, trong sân trước là chiếc Suburban của ngừơi Mỹ mang biển số ngoại giao. Adrian Carter và Sarah Bancroft đang đứng ở lan can của nhà Shamron, trò chuyện với Uzi Navot và Bella.

“Gilah không nói với em là Carter cũng đến”, Chiara nói.

“Có lẽ bà ấy đã quên nói”.

“Làm sao bà ấy lại quên nói chuyện Phó giám đốc CIA từ tận Washington đến đây? Còn Sarah đang làm gì ở đây thế?”.

“Gilah già rồi, Chiara à. Cho bà ấy nghỉ ngơi đi”.

Gabriel leo ra ngoài trước khi Chiara có thể nêu một câu hỏi khác, rồi rút chiếc túi ngủ qua đêm từ cốp xe ra và dẫn nàng lên những bậc thang. Gilah đang đứng trong sảnh khi họ vào trong. Những căn phòng lớn đã bị dời hết đồ nội thất và nhiều bàn tròn được xếp chỗ. Chiara nhìn vào cách bày trí trong khu vực và cách sắp đặt hoa, sau đó đi qua chỗ Gilah rồi bước lên bậc thềm, nơi đó có một trăm chiếc ghế màu trắng dựng thành dãy quanh một cái bục treo đầy hoa. Nàng cứ nhìn quanh, há hốc mồm rồi nhìn Gabriel.

“Chuyện gì đang diễn ra ở đây vậy?”.

Gabriel cầm chiếc túi rồi nói. “Anh sẽ mang cái này lên phòng của chúng ta”.

“Gabriel Allon, quay lại đây đi”.

Nàng vội đuổi theo anh xuống hành lang dẫn đến phòng của họ. Khi bước vào trong, nàng nhìn thấy chiếc váy cưới đặt trên giường.

“Chúa ơi, Gabriel, anh đã làm gì thế?”.

“Anh hy vọng là sẽ bù đắp được những lỗi lầm của anh”.

Nàng khoác tay anh, hôn anh rồi lấy bàn tay luồn qua tóc.

“Em bối rối quá. Em sẽ làm gì đây?”.

“Mọi người đã mang một nhà tạo mẫu tóc từ Tel Aviv đến đây. Một người rất giỏi”.

“Thế còn gia đình của em?”.

Anh nhìn đồng hồ. “Vài phút nữa họ sẽ đến”.

“Thế còn nhẫn”

Anh rút một chiếc hộp đựng trang sức từ túi áo khoác rồi mở ra.

“Chúng đẹp quá”, nàng xúc động nói. “Anh đã nghĩ ra mọi chuyện”.

“Đám cưới chính là chiến dịch”.

“Không phải đâu, anh ngốc quá”. Nàng vỗ vào tay anh đùa vui. “Thế buổi lễ diễn ra lúc mấy giờ?”.

“Bất cứ khi nào em muốn”.

“Thế mặt trời lặn lúc mấy giờ?”.

“Năm giờ tám phút”.

“Ta sẽ bắt đầu lúc năm giờ chín phút”. Nàng lại hôn anh. “Và đừng muộn nhé”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 28-11-2013 08:19 PM
Chương 62

“Adrian Carter nói. “Anh và đồng đội của anh đã tổ chức một chiến dịch thật hay”.

“Chiến dịch nào?”.

“Tất nhiên là đám cưới này. Quá tệ là mọi chuyện ở Luân Đôn đã không trôi chảy như thế”.

“Nếu trôi chảy thì ta đã không cứu được Elizabeth Halton”.

“Thật đấy”.

Một người phục vụ tiến đến bàn của họ, thay cà phê mới cho Carter. Gabriel quay người nhìn về phía bức tường của Phố Cổ, đang lấp loá trong ánh mặt trời dịu nhẹ. Lúc đó là sáng thứ hai. Carter đã gọi điện thoại tới căn hộ của Gabriel lúc bảy giờ xem anh có rảnh để ăn sáng không. Gabriel đồng ý gặp anh ta ở đó, anh biết rõ rằng Adrian Carter đã không làm gì đối với cơ hội bị bỏ lỡ.

“Sao ông vẫn còn ở Jerusalem, Adrian?”.

“Về mặt chính thức, tôi vẫn còn ở đây để gặp chi nhánh CIA có lượng nhân viên hùng hậu của chúng tôi. Về mặt không chính thức, tôi ở lại để gặp anh”.

“Thế Sarah vẫn còn ở đây chứ?”.

“Hôm qua cô ấy đi rồi. Tội nghiệp, cô ấy phải đi máy bay thương mại”.

Carter nâng ly cà phê lên môi nhìn Gabriel một chút mà không uống. “Có chuyện gì xảy ra giữa hai người mà tôi nên biết không?”.

“Không có đâu, Adrian, không có chuyện gì giữa hai chúng tôi đâu, trong suốt chiến dịch này hay những chiến dịch vừa qua”. Gabriel khuấy ly sữa chua Israel của mình. “Có phải đó là lí do ông ở lại Jerusalem không? Để hỏi tôi có ngủ với một trong các nhân viên của ông không hả?”.

“Tất nhiên là không”.

“Thế tại sao ông lại ở đây thế, Adrian?”.

Carter đưa tay lên túi trên ngực chiếc áo ngắn tay của nhà Brooks Brothers, rút ra một phong bì trao cho Gabriel. Phía trước phong bì không có chữ gì nhưng khi lật qua, anh nhìn thấy chữ NHÀ TRẮNG in trên mép bằng chữ thường.

“Cái gì thế này? Thư mời tham dự tiệc ngoài trời ở Nhà Trắng sao?”.

“Là một bức thư đấy”, Carter nói. Sau đó nói thêm một câu có phần đầy tính mô phạm. “Từ Tổng thống Hoa Kỳ đấy”.

“Vâng, tôi biết rồi mà, Adrian. Chủ đề của bức thư là gì nào?”.

“Tôi không có thói quen đọc thư của người khác”.

“Đôi khi cũng nên chứ”.

“Tôi cho rằng Tổng thống viết thư cám ơn anh vì những gì anh đã làm ở Luân Đôn”.

“Có thể sẽ hữu ích nếu ông ấy nói trước công chúng cách đây một tháng, khi tôi còn đang xoáy trong gió bão”.

“Tin tôi đi, Gabriel. Nếu ông ấy nói thay cho anh, có thể anh còn gặp rắc rối nhiều hơn hiện nay. Những chuyện như thế này luôn bị thổi phồng. Và khi đó điều chúng ta nên làm nhất là không hành động gì cả”.

Một bóng mây bay qua che trước mặt trời, trong một lúc thời tiết hình như lạnh hơn vài độ. Gabriel mở thư đọc nhanh rồi nhét vào túi áo khoác.

“Nó nói gì thế?”.

“Chuyện riêng tư mà, Adrian, và nó vẫn còn riêng tư”.

“Anh tốt thế”, Carter nói.

“Thế ông cũng có một cái nữa chứ?”.

“Thư của Tổng thống à?”, Carter lắc đầu. “Tôi e là vị trí của mình hiện nay không còn quan trọng nhiều như trước nữa. Không thú vị sao? Chúng tôi giải cứu cho Elizabeth Halton và giờ thì bị bao vây”.

“Chuyện này cũng sẽ qua thôi mà, Adrian”.

“Tôi biết mà”, anh nói. “Nhưng trải qua chuyện này cũng không hề thú vị. Có một nhóm Thổ Nhĩ Kỳ trẻ ở Langley cho rằng tôi đã làm điệp vụ quá lâu. Họ nói tôi đã thua một bước. Họ nói lẽ ra tôi không nên đồng ý chuyển quá nhiều hoạt động sang cho cậu”.

“Thế ông có ý định gì không?”.

“Không đâu”, Carter nhấn giọng. “Thế giới là một nơi quá nguy hiểm cho bọn thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi có ý định ở lại cho đến khi chiến thắng được cuộc chiến chống khủng bố”.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 28-11-2013 08:21 PM
Chương 62
(tiếp theo)

“Hy vọng gia đình anh được trường thọ”.

“Ông tôi sống được tới một trăm lẻ bốn tuổi”.

“Thế còn Sarah? Dù sao thì cô ấy cũng bị tổn thương trong vụ này?”.

“Không đâu”, Carter đáp. “Chỉ vài người biết cô ấy có tham gia”.

Mặt trời lại ló ra từ phía sau những đám mây. Gabriel đeo chiếc kính ôm sát mặt còn Carter rút một chiếc phong bì thứ hai ra khỏi túi áo ngắn tay. “Còn đây là thư của Halton”, ông nói. “Tôi e là mình biết nó có gì bên trong”.

Gabriel rút ra một tờ giấy ngắn viết tay và một tờ séc mang tên Gabriel cho khoản tiền mười triệu đô la. Gabriel giữ bức thư và trao tấm séc cho Carter.

“Anh có chắc là mình không muốn nghĩ về chuyện này một cách cẩn thận không?”, Carter hỏi.

“Tôi không cần tiền của ông ấy, Adrian”.

“Anh có quyền được hưởng. Anh đã liều mạng sống để cứu con gái ông ấy – không phải một mà là hai lần”.

“Đó là việc của chúng tôi”, Gabriel nói. “Hãy nói với ông ấy rằng tôi cảm ơn nhưng tôi không nhận đâu”.

Carter để tờ séc lên bàn.

“Ông còn gì trong túi cho tôi nữa không, Adrian?”.

Carter nhìn phía những bức tường Phố Cổ. “Tôi có một cái tên”, anh nói.

“Sphinx hả?”.

Carter gật đầu. Sphinx.

Giọng của anh hạ thấp đến mức không nghe được. Hình như trước khi đến Israel dự lễ cưới của Gabriel. Carter đã trở lại miền Nam nước Pháp, nhưng không phải để giải trí mà là để tham gia vào một chiến dịch. Carter chưa có ngày nghỉ chính thức nào kể từ vụ 11/9. Mục tiêu chiến dịch này không ai khác ngoài Hoàng tử Rashid Bin Sultan, người đã tự đến khu Riviera ở Pháp tìm một chỗ đánh bài trong những sòng bạc Monaco. Vị Hoàng tử này chơi kém và thua nhiều và trở về sân bay ở Nice vào sáng sớm hôm sau trong tình trạng say ngủ, đó là điều mà một người khắt khe như Carter rất ghét. Mọi người thấy Carter và đội các sĩ quan bán quân sự của CIA thư giãn trong những khu vực xa hoa trên chiếc 747 dành riêng cho Hoàng tử. Carter đã đưa cho Hoàng tử, đang trong tâm trạng khá giận dữ, một hồ sơ của CIA ghi chi tiết về những tội lỗi của hắn – bao gồm cả việc ủng hộ tài chính cho al-Qeada, Carter đã trao cho gã Hoàng tử này một số điểm đến để lựa chọn. Ryadh hay vịnh Guantanamo, Cuba.

“Có vẻ giống như một nhiệm vụ mà ta sẽ làm”, Gabriel nói.

“Đúng vậy, việc này đáng làm, theo đúng kiểu Văn phòng của các anh”.

“Tôi cho rằng Hoàng tử đã chọn Ryadh làm điểm đến của mình”.

“Đó chính là bài khôn ngoan nhất mà gã Hoàng tử này đã từng chơi”.

“Chuyến đi về nhà làm hắn ta tốn bao nhiêu?”.

“Một cái tên”, Carter nói. “Vấn đề bây giờ là làm gì với cái tên này? Phương án một, ta làm việc với những người anh em Ai Cập và đưa gã này ra xét xử ở Mỹ. Công lý sẽ được tuân thủ nếu ta đi theo quy trình này nhưng với một cái giá đáng kể. Một vụ xét xử sẽ phơi bày mặt trái mối quan hệ của chúng ta với các cơ quan an ninh Ai Cập. Điều đó cũng làm cho chúng ta nặng gánh lo cho một tên tù nhân Thanh kiếm Allah khác, một gã mà bọn chúng luôn tìm cách mang ra khỏi chốn tù giam, do đó những việc làm tiếp theo của bọn chúng có thể đặt sinh mạng của người Mỹ vào chỗ nguy hiểm”.

“Và chúng ta không thể để cho điều này được phép xảy ra”.

“Ta không thể”, Carter đồng ý. “Do đó chúng ta có phương án thứ hai. Xử lí vấn đề một cách im lặng”.

“Biện pháp ưu tiên của chúng ta”.

“Đúng vậy”.

Gabriel chìa bàn tay ra. Carter cho tay vào túi lần nữa rồi rút ra một tờ giấy. Gabriel đọc rồi mỉm cười.

“Anh có thể làm cho hắn biến đi chỗ khác được không?”, Carter hỏi.

“Chuyện đó không thành vấn đề”, Gabriel nói. “Nhưng tôi e chúng ta sẽ phải rải một ít tiền khắp Cairo để làm chuyện này trở nên dễ dàng”.

Carter cầm tờ séc của Halton. “Ngần này có đủ không?”.

“Còn thừa. Nhưng tôi nên làm gì với số tiền thừa?”.

“Cứ giữ lấy”.

“Tôi có thể giết Hoàng tử không?”.

“Có lẽ để lần sau”, Carter nói. “Thêm cà phê không?”

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 30-11-2013 05:59 PM
Chương 63
Đảo Síp

Gabriel rời Jerusalem đi Síp ba ngày sau khi cưới. Chiara van nài anh hãy đưa cô theo cùng nhưng anh từ chối. Anh đã mất một người vợ vào tay kẻ thù và không có ý định mất thêm một người vợ nữa.

Anh vào nước này bằng hộ chiếu Israel mang tên Gideon Argov và cho các nhân viên hải quan Síp biết rằng mục đích chuyến đi của anh là nghỉ mát. Sau khi nhận chiếc xe thuê, chiếc Mercedes C-Class mà anh đã kiểm tra toàn bộ, anh khởi hành đi dọc bờ biển phía nam đến ngôi biệt thự trắng muốt cạnh bờ biển. Không rõ khi nào Wazir al Zayyat có thể xuất hiện, do đó Gabriel dừng nhanh ở một chợ làng mua đủ thức ăn cho ba ngày.

Thời tiết tháng ba chợt trở nên ấm áp chứ không lạnh lẽo như mọi năm, anh trải qua ngày đầu tiên thư giãn trên sân thượng nhìn xuống Địa Trung Hải, cảm thấy tội lỗi vì đã để Chiara ở lại Jerusalem. Đến ngày thứ hai, anh bồn chồn và cảm thấy chán chường, do dó anh lục lọi trên internet tìm một cửa hàng bán đồ nghệ thuật và phát hiện được một cửa hàng cách bờ biển vài dặm. Anh trải qua thời gian còn lại trong buổi chiều vẽ phác thảo căn biệt thự rồi cuối buổi chiều cùng ngày thứ ba, anh vẽ một bức tranh về biển bằng màu nước khá đẹp, lúc ấy anh thấy xe của Al Zayyat đang trên đường từ Larnaca tới.

Cuộc hội ngộ của họ diễn ra một cách vui vẻ dưới ánh nắng mát dịu trên sân thượng. Al Zayyat uống rượu còn Gabriel nhấm nháp ly nước khoáng có thêm chút chanh. Trong một thời gian dài, họ nói về những vấn đề chung của đất nước Ai Cập, nhưng khi mặt trời đang dẫn lặn xuống mặt biển, Gabriel gợi chuyện xoay quanh nguyên nhân thực sự tại sao anh yêu cầu Al Zayyat đến Síp. Cái tên do Adrian Carter trao cho anh ở Jerusalem đầu tuần đó. Khi nghe chuyện này. Al Zayyat ngồi vặn chặt chai whisky.

“Có lúc chúng tôi nghi ngờ vị giáo sư này”, anh nói. “Năm ngoái ông ta đã ở Paris lo viết một quyển sách ở một nơi gọi là Viện nghiên cứu Hồi giáo. Đó là một mặt trận nổi tiếng đối với các hoạt động thánh chiến, được Hoàng tử Rashid tài trợ một phần. Ông ta đã rời Paris sau ngày Giáng sinh rồi trở về Cairo, nơi ông ta tiếp tục nhiệm vụ giảng dạy tại đại học Mỹ”.

“Tôi cho rằng anh muốn cho ông Giáo sư giỏi giang này một kỳ nghỉ phép”.

“Một kỳ nghỉ vĩnh viễn”.

“Điều đó sẽ làm anh tốn kém lắm”.

“Tin tôi đi, Wazir – tiền bạc không phải là trở ngại”.

“Anh muốn làm chuyện này khi nào?”.

“Cuối mùa xuân”, anh nói. “Trước khi thời tiết trở nên quá nóng”.

“Phải đảm bảo công việc được thực hiện một cách sạch sẽ. Tôi không muốn anh gây lộn xộn cho thành phố của tôi”.

Một tiếng sau, Al Zayyat rời biệt thự với một chiếc vali chứa năm trăm ngàn đôla. Buổi sáng hôm sau, Gabriel đốt những bản vẽ phác thảo, màu nước và bay trở về nhà với Chiara.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 30-11-2013 06:01 PM
Chương 64
Cairo

Cái tên trong danh sách khách đặt trước khiến cho Katubi, trưởng bộ phận tiếp tân khách sạn Intercontinental ở Cairo cảm thấy ớn lạnh. Chắc chắn đã có một trục trặc trong hệ thống đặt chỗ trên máy tính, ông suy nghĩ khi nhìn vào cái danh sách đầy nghi hoặc ấy. Chắc chắn đó phải là một người khác có tên Herr Johannes Klemp. Chắc chắn ông ấy đã không quyết định quay lại đây để nghỉ ngơi. Chắc chắn đã có một sự hiểu lầm kinh khủng. Ông nhắc điện thoại gọi cho bộ phận đặt chỗ trước để kiểm tra xem vị khách này có yêu cầu đặc biệt gì không. Danh sách này dài và chi tiết đến nỗi cô gái mất ba phút mới đọc lại hết qua điện htoại.

“Ông ta định ở đây bao lâu?”.

“Một tuần”.

“Tôi biết phải làm gì rồi”.

Ông gác điện thoại, sau đó dành thời gian còn lại của buổi sáng để suy nghĩ nghiêm túc về chuyện nghỉ phép trong suốt một tuần. Cuối cùng, ông quyết định rằng hành động như thế là hèn nhát và đẩy sự khổ sở cho các đồng nghiệp. Do đó, lúc 3 giờ 30 phút chiều hôm đó, khi ông đứng giữa hành lang sáng bóng, tay để sau lưng, cằm ngước lên như một người lính bất khuất trước đội hành quyết, thì ngài Herr Klemp bước vào qua cửa xoay, mặc một bộ quần áo đen kiểu châu Âu, chiếc kính râm cài ngược trên mái tóc màu bạc. “Katubi!”, ông ta gọi lớn khi bước đến chỗ người giữ cửa nhỏ bé đang đứng vững chãi, với bàn tay chĩa ra như lưỡi lê.

“Tôi đang mong là ông vẫn còn ở đây”.

“Có những chuyện về Cairo không bao giờ thay đổi, ngài Herr Klemp ạ”.

“Đó là điều tôi yêu thích ở chỗ này. Nó làm ta không thể không trở lại, phải không nào?”.

“Cảm ơn ngài”, ông Katubi nói. “Nếu điều gì tôi có thể làm để ngài ở lại đây vui hơn, xin đừng ngại nói ra”.

“Tôi không ngại phải nói đâu”.

“Tôi hiểu”.

Ông Katubi biết mình và đám nhân viên sẽ phải chuốc lấy những lời than phiền, đả kích và những lời thuyết giáo không dứt về tình trang bất lực của người Ai Cập. Nhưng trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hồi sau khi Herr Klemp đến, Katubi hiểu rằng gã người Đức đó đã hoàn toàn thay đổi. Phòng ở của ông ta – một phòng đơn bình thường nằm đúng giữa sườn phía Bắc toà nhà nhìn xuống quảng trường Tahrir và sân trường Đại học Hoa Kỳ đã được ngài Klemp ví như thiên đường trên mặt đất. Thức ăn ông ta đặt là loại cao lương mĩ vị. Loại phục vụ mà ông ta yêu cầu cũng thuộc loại độc nhất vô nhị. Buổi sáng, khi thời tiết còn mát, ông ta đi ngắm cảnh, rồi ông ta dành cả buổi chiều thư giãn bên hồ bơi. Đến chiều tối mỗi ngày, ông ta nghĩ ngơi yên tĩnh trong phòng. Ông Katubi nóng lòng mong được nhìn thấy một Herr Klemp già cỗi, người đã nhiếc móc những cô phục vụ phòng vì đã dọn giường cho ông ta không đúng cách hay mắng mỏ nhân viên phục vụ vì đã làm hỏng quần áo như mọi khi. Nhưng vị khách hàng mãn nguyện này có vẻ thích sự im lặng.

Lúc 6 giờ 30 phút ngày áp chót trong lịch lưu trú, ngài Herr Klemp xuất hiện trong hành lang, chuẩn bị ăn tối. Ông yêu cầu Katubi xếp cho mình một bàn ở khu Zamaleklúc 8 giờ, sau đó ông ta đi nhanh ra cửa xoay rồi biến mất trong ánh hoàng hôn Cairo. Katubi nhìn ông ta bước đi, sau đó bước đến chỗ điện thoại mà không biết rằng mình sẽ không bao giờ gặp lại Herr Klemp nữa.

Chiếc xe hơi Mercedes màu bạc đỗ lại trên đường Muhammad, trong tầm mắt của nhân viên bãi đỗ xe của Đại học Hoa Kỳ. Mordecai ngồi bình tĩnh sau tay lái. Mikhail ngồi cạnh anh ở ghế dàng cho hành khách phía trước, gõ nhịp ngón tay lên đùi với vẻ hồi hộp. Gabriel ngồi vào ghế sau lẳng lặng đóng cửa. Mikhail cứ tiếp tục gõ ngón tay dù Gabriel đã bảo dừng.

Năm phút sau, Mikhail nói. “Anh chàng của cậu kìa”.

Gabriel nhìn một người đàn ông Ai Cập người mảnh khảnh, cao ráo mặc quần áo kiểu Tây phương đưa vài đồng pi-at cho người phục vụ ở Nubian rồi ngồi vào sau tay lái chiếc Fiat. Ba mươi giây sau, ông ta phóng xe qua chỗ họ hướng đến quảng trường Tahrir. Đèn giao thông ở bên cạnh quảng trường chuyển sang màu đỏ. Chiếc Fiat dừng lại. Sphinx là một người cẩn thận.

“Hành động đi”, Gabriel nói.

Mikhail đưa cho Gabriel bộ điều khiển kích nổ. “Anh chắc là mình không cần hắn chứ?”.

“Cứ hành động đi Mikhail – trước khi đèn đổi màu”.

Mikhail nhấn nút điều khiển. Một lúc sau, bộ thuốc nổ tập trung giấu bên trong chiếc gối tựa đầu nổ tung trong ánh chớp loá màu trắng. Mikhail lại bắt đầu gõ ngón tay. Mordecai vào số rồi hướng xe về phía bán đảo Sinai.

Hết





Chào mừng ghé thăm Kites (https://forum.kites.vn/) Powered by Discuz! X3