Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: alice2000phuong
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Tình Cảm - Xuất Bản] Đi Qua Hoa Cúc | Nguyễn Nhật Ánh (HOÀN)

[Lấy địa chỉ]
31#
 Tác giả| Đăng lúc 4-4-2013 17:21:58 | Chỉ xem của tác giả
Chương 8
(tiếp theo)

Mặt tôi tái ngắt:

- Mày nói thật không?

- Tao phịa mày làm gì! - Giọng Chửng anh đầy đe dọa - Một con ma tóc dài, đêm đêm nó vẫn lang thang trong vườn nhà ông mày ấy!

- Mày thấy hồi nào? – Tôi hỏi và nghe cổ họng khô khốc.

- Tối hôm qua.

- Xạo đi! – Tôi nhếch mép - Tối hôm qua mày vào vườn nhà ông tao làm gì!

- Thì tao đâu có vào! - Chửng anh chớp mắt - Nửa đêm đau bụng, tao chạy ra ngoài đám khoai mì nhà tao. Ðang nhăn nhăn nhó nhó chưa kịp lấy hơi, tao chợt nghe có tiếng cười khúc khích bên vườn nhà ông mày. Thế là tao nổi tính hiếu kỳ, liền rón rén lại gần và vạch lá dòm sang.

Tôi liếm môi:

- Mày có thấy gì không?

- Dĩ nhiên là thấy.

Tôi nuốt nước bọt:

- Con ma tóc dài hả?

- Ừ, - Chửng anh thè lưỡi – Tóc nó dài tới gót chân. Còn chân nó thì không chạm đất. Nó đang bay lơ lơ lửng lửng.

Tôi thót bụng lại:

- Thế nó có thấy mày không?

- Không! Nếu nó thấy tao, nó đã vặn cổ tao ngay lúc đó rồi, còn đâu mà đứng đây nói chuyện với mày!

Tôi thắc thỏm nhìn về phía vườn sau nhưng tầm mắt bị ngôi nhà án ngữ nên chẳng trông thấy gì, ngoài tán xoài xanh um nhô lên đằng sau mái ngói xỉm màu bám đầy rêu lưu cữu. Tôi liếc Chửng anh, lo lắng hỏi:

- Thằng Chửng em cũng thấy y như mày hả?

- Ừ, nó thấy trước tao hai hôm.

Câu chuyện của Chửng anh làm tôi mất ăn mất ngủ. Tối, tôi đóng kín cánh cửa sổ mở ra vườn dù dạo này về đêm trời thường oi bức. Khuya mắc tiểu, tôi đứng tè ngay hông nhà, không dám chạy ra gốc mít sau vườn như trước. Bây giờ ngay cả ban ngày tôi cũng ít khi bén mảng ra phía sau. Tôi đã thôi đi tha thẩn quanh các gốc xoài, gốc ổi, mắt dõi tìm trái chín trên cao.

Dì Miên không hay biết tất cả những điều đó. Một buổi tối, sai tôi ra sau hè lấy rổ chén dì phơi từ chiều quên đem vô, thấy tôi cứ đứng xớ rớ cả buổi bên gốc cột, dì sầm mặt:

- Trường làm gì mà đứng ì ra thế? Bộ Trường không thèm nghe lời dì nữa hả?

Vẻ giận dỗi của dì Miên khiến tôi bối rối khó tả. Không dám chần chờ, tôi vội rảo bước xuống nhà sau. Nhưng tôi chỉ loanh quanh trong bếp. Nghĩ đến con ma tóc dài Chửng anh mô tả, tôi nghe lạnh toát sống lưng, có cho vàng cũng chẳng dám đặt chân ra hè trong lúc này. Cứ tưởng tượng con ma khủng khiếp kia đang nấp sau kẹt cửa đợi tôi ló đầu ra để vặn cổ, tôi đã hết muốn thở, nói gì đến chuyện bước ra đối đầu với nó.

Ðợi cả tiếng đồng hồ không thấy tăm hơi thằng cháu yêu quí đâu, dì Miên lò dò xuống bếp. Bắt gặp tôi loay hoay bên cái chạn gỗ, mặt mày lấm la lấm lét, dì Miên ngạc nhiên kêu lên:

- Trường làm gì ở đây vậy? - Rồi dì đảo mắt nhìn quanh – Cái rỗ chén đâu?

Tôi gãi cổ:

- Dạ, nó... còn ở ngoài hè.

Miệng dì Miên há hốc:

- Trời đất, nãy giờ Trường làm gì ma chưa đem vô?

- Cháu sợ! – Tôi ấp úng.

Dì Miên tròn xoe mắt:

- Sợ? Trường sợ gì?

- Dạ, sợ... ma.

Lời thú nhận bất ngờ của tôi khiến dì Miên kinh ngạc đến không nhắm mắt lại được.

- Ma? – Dì nhếch mép – Ma ở đâu ra vậy?

- Chính anh em thằng Chửng thấy! – Tôi rụt rè giải thích - Tụi nó kể với cháu.

- Lại hai thằng quỷ con đó! - Dì Miên nhăn mặt – Dì đã cấm Trường chơi với tụi nó rồi mà.

Tôi khụt khịt mũi:

- Thì cháu đâu có chơi. Nhưng đây là tự thằng Chửng anh chạy qua kể với cháu.

Rồi không để dì Miên kịp vặn vẹo lôi thôi, tôi lật đật thuật cho dì nghe những gì Chửng anh đã nói với tôi.

Nghe xong, dì Miên hừ mũi:

- Tụi nó phịa chuyện như vậy mà Trường cũng tin hả?

- Cháu cũng không biết! – Tôi ngập ngừng – Nhưng cháu thấy sờ sợ. Thằng Chửng anh nó kể y như thật.

Dì Miên nhún vai:

- Tụi nó đặt điều đó thôi. Vườn nhà mình trước nay làm gì có ma.

Ðang nói, thình lình dì im bặt, mày nhíu lạị. Thái độ khác lạ của dì khiến tôi cảm thấy chột dạ. Nhưng tôi không dám hỏi, chỉ lặng lẽ nhìn dì và cố đón xem có phải dì thật đã nhớ ra trong vườn ông tôi từng có một con ma như thế hay không.

- Anh em thằng Chửng bảo đó là một con ma tóc dài phải không? - Một lát, dì hỏi, giọng gần như thầm thì.

Thấy dì Miên bắt đầu quan tâm đến con ma trong vườn và không còn bảo anh em thằng Chửng bịa chuyện nữa, tôi sốt sắng đáp:

- Dạ, tóc nó dài lắm. Thằng Chửng anh bảo tóc nó dài tới gót chân lận. Chân nó lại bay là là trên ngọn cỏ chứ không chấm đất...

Tôi đang tính thêm mắm dặm muối để mô tả con ma cho thật rùng rợn thì dì Miên cắt ngang:

- Thôi đủ rồi! Trường đừng có bốc phét nữa.

Dì Miên làm tôi tự ái quá chừng.

- Cháu bốc phét hồi nào! – Tôi gân cổ - Chính thằng Chửng anh bảo như vậy mà.

Dì Miên mấp máy môi định nói gì đó nhưng cuối cùng dì ngừng lại, chỉ lườm tôi một cái rồi quay lưng bỏ lên nhà trên. Có vẻ như dì chẳng muốn tiếp tục về đề tài này nữa.

Trong khi tôi đang hoang mang trố mắt nhìn theo, đột nhiên dì quay lại, mặt nghiêm nghị:

- Trường đừng có nói cho ông biết chuyện này nhé!

- Sao thế? – Tôi ngơ ngác.

- Ông sẽ mắng cho bây giờ! - Giọng dì Miên dọa dẫm – Ông chẳng bao giờ tin chuyện ma quỷ đâu.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

32#
 Tác giả| Đăng lúc 4-4-2013 17:23:06 | Chỉ xem của tác giả
Chương 8
(tiếp theo)

Lần này nói xong, dì đi luôn.

Sực nhớ đến cái rổ chén vẫn còn ở ngoài hè, tôi định ngoác miệng kêu dì nhưng vừa đảo mắt nhìn quanh căn bếp vắng ngắt và lạnh lẽo, thêm vào đó ngọn đèn dầu trên nóc chạn cứ chốc chốc lại lập lòe như ánh ma trơi, thốt nhiên tôi bỗng rùng mình và thế là không nói không rằng tôi ba chân bốn cắng vội vã phóng theo dì.

******

Câu chuyện về con ma tóc dài nhanh chóng trở thành đề tài hấp dẫn đối với tôi và anh em thằng Chửng.

Hầu như mỗi khi gặp nhau, ba đứa tôi đều háo hức chụm đầu lại thì thầm bàn tán sôi nổi về con ma mới phát hiện trong vườn ông tôi này. Vừa thích thú vừa sợ hãi, chúng tôi xích sát vào nhau, rì rà rì rầm với vẻ hào hứng và thi nhau bịa thêm biết bao nhiêu là chuyện, chuyện nào cũng hãi hùng đến mức người nghe có thể tè vãi ra quần. Và trong lúc huênh hoang tha hồ như thế, ba đứa tôi không quên thận trọng dáo dác nhìn quanh và cứ chốc chốc lại giật bắn mình bởi những tiếng xào xạc vu vơ trong các vòm lá hoặc tiếng lạo xạo phát ra từ một con rắn mối ngốc nghếch nào đó đang trườn ngang thân gỗ mục.

Anh em thằng Chửng vốn bạo dạn hơn tôi nhưng trước một đối thủ như con ma lạ hoắc này, nom tụi nó cũng chẳng anh hùng gì.

Cũng như tôi, từ ngày con ma tóc dài xuất hiện, anh em tụi nó đã thôi lảng vảng hàng giờ trong vườn nhà ông tôi bắn xoài thi vào những trưa đứng bóng, không còn rảo dọc bờ mương đầy cá lòng tong bao quanh hàng rào và khản cổ giành nhau những cọng cỏ gà tươi tốt nhất nữa. Thậm chí dạo này anh em tụi nó cũng không dám bén mảng ra đám khoai mì kế vườn nhà ông tôi để làm cái chuyện cực kỳ quan trọng kia. Nửa đêm sôi bụng, tụi nó đành vác cuốc chạy ra bờ tre phía hông nhà đối diện, nhấp nha nhấp nhổm mong cho chóng xong để chui tọt vào nhà.

Anh em thằng Chửng sợ một, tôi sợ mười. Bởi tôi hằng ngày phải sống kề cận với con ma, nói tóm lại, tôi ở ngay trong tầm kiểm sóat của nó, nhất cử nhất động của tôi đều bị nó theo dõi chặt chẽ và khi hứng lên nó có thể bắt hồn tôi bất cứ lúc nào.

Nhưng sợ, tôi vẫn cứ muốn thì thào về nó. Với những chuyện như thế này, có lẽ không đứa trẻ nào có thể để yên trong bụng mà không cảm thấy bồn chồn khó chịu. Nhưng kháo nhau với anh em thằng Chửng mãi cũng chán. Khổ nỗi, ngoài chúng ra, tôi thật chẳng biết phải tâm sự với ai.

Từ hôm buộc phải gãi đến tróc cả da vì mấy chiếc lá nàng hai của thằng Chửng em, anh Ðiền hầu như không trò chuyện với tôi nữa. Chị Ngà đã bỏ qua chuyện đó nhưng anh thì không. Mỗi khi gặp tôi, mặt anh cứ hầm hầm.

Tôi cũng không thể kể chuyện này với ông. Dì Miên đã dặn tôi không được nói cho ông biết. Ông biết, ông sẽ mắn cho.

Như vậy, chỉ còn chị Ngà. Nhưng chị Ngà là chúa nhát. Con sâu cái kiến bé tẹo kia cũng đủ khiến chị run bắn, huống gì... con ma. Tôi một lòng yêu mến chị nên không muốn làm chị hoảng sợ. Chị xinh đẹp nhưng có một chút gì đó mỏng manh, yếu đuối. Nếu biết trong vườn có một con ma tóc dài tối tối vẫn đi lang thang trên các khóm cây ngọn cỏ, hẳn chị sẽ chết khiếp và chắc chắn sẽ không tài nào chợp mắt được.

Rốt cuộc tôi đành phải thầm thì với bà Sáu. Bà Sáu há hốc miệng nghe tôi kể, mặt lộ vẻ xao xuyến.

Khi tôi ngừng lời, bà cúi đầu lẩm bẩm:

- Vậy đúng là cô ấy rồi!

- Cô nào kia bà? - Tôi hỏi và bất giác xích lại gần bà.

- Một cô gái! - Giọng bà Sáu trầm ngâm – Cô ấy chết đã nhiều năm rồi. Hồi ấy bà còn bé tí, còn cháu thì đang ở đâu trong bụng mẹ ấy.

- Cô ấy là ai vậy hở bà?

- Bà không biết! – Bà Sáu lim dim mắt – Hình như đó là một người ăn xin. Cô ấy còn trẻ, nhưng gầy gò, tiều tụy. Một buổi sáng, bà mở cửa ra quét sân đã thấy cô ấy nằm chết ngay trước ngõ nhà mình.

Tôi liếm môi:

- Thế người thân của cô ấy đâu?

- Cô ấy không có người thân! – Bà Sáu chép miệng – Nhà mình quàng cô ấy ba, bốn ngày và cho thông báo khắp làng nhưng nhưng không có ai đến nhận, cuối cùng đành phải chôn cô ấy trong vườn.

Giọng bà Sáu chậm rãi, khoan thai nhưng tôi nghe như một luồng khí lạnh luồn vào áo tôi và chạy dọc sống lưng.

- Chôn ngay trong vườn nhà mình hở bà? – Tôi hỏi, bụng thót lại.

- Ừ, chôn đằng góc vườn, chỗ cây duối ấy!

Tôi biết cây duối mà bà Sáu nói. Ðó là cây duối um tùm và nhiều trái chín nhất trong vườn. Nó nằm ở cuối vườn, kế cây ổi cao nghều và cũng trĩu trái không kém. Nhiều năm về trước, tôi thường quẩn quanh hằng giờ bên gốc duối này và mê mẩn hái những trái duối chín vàng nhét đầy hai túi áo để sau đó ăn không hết phải tiếc rẻ vứt đi. Nhưng tôi không biết có một ngôi mộ hoang nằm ở ngay đó. Chẳng ai nói với tôi điều này. Thỉnh thoảng, vào các dịp lễ tết hay rằm tháng bảy tôi có trông thấy bà Sáu lui cui thắp nhang khấn khấn vái vái nhưng cứ nghĩ bà cúng thổ địa nên cũng chẳng hỏi han.

Tôi nhìn bà Sáu đang ngồi trầm mặc bất động trên chiếc chõng tre, lo lắng hỏi:

- thế con ma tóc dài kia chính là cô ấy hiện về đấy hở bà?

- Ừ! - Giọng bà Sáu bỗng trở nên huyền bí - Ðấy là oan hồn uổng tử, cháu chớ có trêu vào!

- Cháu đâu có trêu! – Tôi chớp mắt – Nhưng cháu vẫn thấy sờ sợ thế nào!

- Tốt nhất là cháu đừng nên ra vườn ban đêm! Như vậy thì chẳng phải sợ gì!

Lời căn dặn của bà Sáu dĩ nhiên là thừa. Ðã lâu rồi, tôi không còn ra vườn ban đêm nữa. Dù sao khi nghe bà nói vậy, tôi cũng cảm thấy yên tâm được phần nào.

Sự tích về con ma tóc dài tới tai anh em thằng Chửng liền ngay sáu đó. Tụi nó ngồi nghe tôi kể mà cặp mắt cứ láo liên sợ sệt. Cũng như tôi, tụi nó không hề biết con ma tóc dài đã mai phục trong vườn nhà ông tôi từ rất lâu rồi và tất cả những trò nghịch phá của tụi nó từ trước đến nay đều đã được ghi trong sổ âm hồn và sớm muộn gì cũng bị đem ra xét xử.

Chửng anh mặt xanh lè:

- Thế thì chết tao rồi! Chơi trong vườn nhà mày, mỗi lần mắc tiểu tao cứ tè ngay gốc duối!

Tôi trợn mắt:

- Vậy là mày phải tội nặng rồi. Trước sau gì mày cũng bị bí tiểu, rặn hoài không ra!

Miệng Chửng anh méo xệch:

- Nhưng tao đâu biết có một ngôi mộ nằm ngay đó!

- biết hay không cũng vậy thôi! – Tôi nhún vai - Hễ tè ngay chỗ đó là nguy rồi! Bà sáu bảo oan hồn uổng tử chớ có trêu vào!

Thấy tôi đem bà Sáu ra hù, Chửng anh nghệt mặt lo sợ. Mãi một lúc, nó mới nghĩ ra được một lối thoát:

- Rằm này tao sẽ thắp nhang. Tao sẽ khấn vái, bảo là tao không cố ý!

Tôi gật gù:

- Ừ, vậy thì may ra!

Kể từ bữa đó, anh em thằng Chửng hoàn toàn cạch mặt khu vườn. Thậm chí ban ngày tụi nó cũng không dám đi dọc ngoài bờ rào.

Không còn là sân chơi tuổi nhỏ, vườn nhà ông tôi bỗng trở nên tĩnh mịch hoang vắng, trái chín rụng đầy nằm lẫn trong đám lá khô suốt ngày xào xạc và trong lũ cỏ dại đã thôi um tùm khi mùa mưa chấm dứt nhưng vẫn đủ dày để quang cảnh trong vườn nom lạnh lẽo, âm u.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

33#
 Tác giả| Đăng lúc 5-4-2013 07:09:09 | Chỉ xem của tác giả
Chương 9

Thế là rốt cuộc tôi vẫn ra vườn, lại ra giữa đêm khuya, điều không ai có thể ngờ tới.

Tôi có tật hay mắc tiểu ban đêm. Lúc chứng đái dầm chưa rời bỏ tôi, tôi tè ngay trên giường, trong khi ngủ. Bây giờ hễ nghe bụng tưng tức là tôi tỉnh dậy ngay.

Ðêm đó, như thường lệ, tôi thức giấc lúc nửa khuya. Trong khi tôi đang lồm cồm ngồi dậy, một tiếng cọt kẹt thình lình phát ra đằng góc nhà khiến tôi rợn gai ốc khắp người. Nghĩ đến con ma tóc dài, máu trong người tôi như đông lại và tôi bỏ ngay ý định thò chân xuống đất.

Tôi sè sẹ nằm xuống như cũ, vờ như đang ngủ say, hy vọng nhờ vậy sẽ không gây nên sự chú ý đặc biệt nào nơi cái oan hồn uổng tử đang lùng sục trong ngôi nhà ông tôi kia. Tôi cũng không rõ tại sao con ma tóc dài này không lang thang trong lãnh địa của nó ở ngoài vườn như trước nay mà lẻn vào nhà giữa lúc đêm hôm để làm gì. Và nếu như “nó” tự cho phép mình đi lại ngang nhiên như vậy thì dù tôi có vân glời bà Sáu không bén mảng ra vườn, tôi cũng chẳng thể thoát khỏi tay “nó”. Ý nghĩ đó khiến người tôi run lên và tôi phải cố nghiến chặt răng để không phát ra những tiếng cầm cập.

Tôi nằm bất động như khúc củi khô, mắt nhắm tịt nhưng tai vẫn vểnh lên hồi hộp nghe ngóng.

Tiếng cọt kẹt lại vang lên lần nữa. Tiếp theo là tiếng chân lướt nhẹ trên nền gạch. Trong một thoáng, tôi sực nhớ tới lời Chửng anh. Chửng anh bảo con ma tóc dài lúc nào cũng đi lơ lửng giữa không trung, chân không chạm đất. Nhưng tại sao ở đây tôi lại nghe thấy tiếng chân, dù là rất khẽ?

Sợ hãi và ngạc nhiên, tôi mở he hé mắt và dưới ánh trăng thượng tuần âm u và nhợt nhạt hắt vào từ khe cửa sổ trước bàn học chị Ngà, tôi vừa thoáng thấy một bóng người lặng lẽ lướt đi giữa các gốc cột, nhanh và gọn như một con mèo, và sau đó biến mất chỗ ngách cửa trổ ra hông nhà.

Những điều vừa nhìn thấy khiến tôi vô cùng sửng sốt mặc dù tôi không trông rõ bóng người vừa thấp thoáng là ai. Tôi chỉ có thể chắc chắn một điều là bóng người khả nghi đó không có mái tóc dài như Chửng anh mô tả, và như vậy có nghĩa đó không phải là con ma mà tôi thường úy kị. Nhưng nếu không phải là con ma kia thì ai đã có hành động lén lén lút lút đến nỗi kẻ vô tình chứng kiến là tôi phải thót tim lên như vậy.

Ðang nghĩ vơ nghĩ vẩn, tôi bỗng bàng hoàng nhớ ra nơi phát ra tiếng động đằng góc nhà chính là chỗ ngủ của anh Ðiền. Ở đó, anh thường nằm trên chiếc võng gai chằng ngang lối đi vào nhà kho và tiếng cọt kẹt tôi nghe thấy khi nãy chính là tiếng dây võng nghiến vào gốc cột.

Nghĩ đến đó, tôi liền bật dậy và nín thở nhích từng bước về phía góc nhà. Ðúng như tôi dự đoán, chiếc võng không người nằm. Anh Ðiền biến mất, chỉ bỏ lại đôi dép nằm chơ vơ trên nền gạch.

Cho đến lúc này tôi đã có thể quả quyết bóng người thấp thoáng khi nãy chính là anh Ðiền chứ không ai khác. Nhưng tôi không hiểu anh đi đâu giữa khuya khoắt, lại bí mật đến mức không dám mang cả dép trong chân. Nếu anh ra sau hè để đi tiểu như tôi, chẳng việc gì phải sợ mọi người nghe thấy tiếng dép lẹp kẹp.

Lòng đầy nghi hoặc, tôi đứng im lìm bên chiếc võng một lúc lâu, tự dưng không cảm thấy tức bụng như khi nãy nữa. Và sau khi suy tới nghĩ lui, không nén dược hiếu kỳ, tôi quyết định lần mò về phía ngách cửa nơi anh Ðiền vừa lẻn ra ngoài.

Trời bên ngoài nhờ nhờ, đục đục. Trăng thượng tuần xuống đến chân trời, khuất sau những đám mây xa, tỏa ra một thứ ánh sáng mờ mịt trộn lẫn với sương đêm nom như khói xám.

Vừa ra khỏi cửa, tôi đảo mắt nhìn quanh nhưng chẳng thấy anh Ðiền đâu. Sau một thoáng lưỡng lự, tôi đánh bạo lần ra sau hè, mắt căng ra, chân dọ dẫm từng bước một. Lúc này không hiểu sao tôi chẳng thấy sợ. Có lẽ sự tò mò và nỗi khát khao khám phá bí mật giúp tôi trở nên can đảm một cách khác thường. Hơn nữa tôi tự trấn an rằng trong lúc này ngoài tôi ra còn có anh Ðiền ở đâu đó trong vườn, rằng nếu có con ma tóc dài kia để cho anh Ðiền ung dung thì chẳng có lý do gì nó lại “đụng chạm” đến tôi.

Nhưng dù đảo mắt soi mói khắp nơi, tôi vẫn không phát hiện một dấu vết nào của anh Ðiền. Cũng không nghe một tiếng động nhỏ. Chỉ có tiếng gió thỉnh thoảng đi xạc sào trên lá khiến tôi có cảm tưởng khu vườn chốc chốc lại buông ra những tiếng thở dài than vãn cho sự cô tịch lạnh lẽo của mình.

Ðúng vào lúc tôi hoàn toàn thất vọng, định vạch quần tè một bãi rồi bỏ vào nhà ngủ tiếp, mặc kệ anh Ðiền với những hành vi ám muội của anh, thốt nhiên tôi bỗng nghe một tiếng cười khúc khích vọng lại từ cuối vườn. Tiếng cười trong, ngắn, vừa vang lên đã tắt ngay.

Nỗi sợ hãi khi nãy đã rời bỏ tôi nay vội vàng quay trở lại cùng với tiếng cười ma quái kia. Tôi nắm chặt hai tay cố giữ bình tĩnh nhưng câu chuyện khủng khiếp của Chửng anh đột ngột hiện ra trong đầu khiến tóc gáy tôi cứ dựng đứng cả lên. Hôm trước Chửng anh cũng từng nghe tiếng cười rờn rợn này và theo những gì nó chứng kiến và thuật lại thì đây đúng là tiếng cười của con ma tóc dài gần đây vẫn lảng vảng trong vườn nhà ông tôi vào lúc canh khuya.

Ðã mấy lần tôi dợm chân định chạy vào nhà nhưng rồi cuối cùng tôi vẫn đứng yên không động đậy. Tôi sợ tôi cất bước không khéo sẽ phát ra tiếng động và như thế không khác nào tôi bảo với con ma tôi đang ở đây, mau mau lại vặn cổ tôi đi. Nhưng tôi cũng không thể cứ chôn chân mãi ngoài hè. Ðứng mãi ngoài hè, trước sau gì tôi cũng bị “nó” bắt gặp và lúc đó có trời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Trong lúc tôi tấn thối lưỡng nan, chưa nghĩ ra kế gì thoát hiểm, tiếng cười khi nãy lại vang lên. Và cũng như lần trước, nó cất lên ngắn ngủi, chưa kịp lan xa đã vội tắt ngấm như thể bị một bàn tay chặn lại gần. Lần này, tôi nghe rõ một tiếng suỵt khẽ kèm theo.

Lạ thay, trong nháy mắt tôi bỗng mất cả cảm giác sợ sệt. Cái tiếng suỵt khẽ của người thứ hai kia lập tức làm dậy lên trong tôi bao mối nghi ngờ. Và tôi nhanh chóng nhớ ra anh Ðiền còn lẩn quất đâu đây trong vườn. Nãy giờ quá hãi hùng trước hình ảnh con ma tóc dài trong lời kể của Chửng anh, tôi chỉ lo mỗi chuyện thoát thân, quên béng mất mục đích theo dõi ban đầu.

Bây giờ, máu trong người tôi nóng lên và thần trí tôi sáng suốt trở lại. Tôi nhón chân rón rén lần về phía cuối vườn. Ở chân trời xa, trăng bắt đầu lặn và khu vườn thoáng chốc chìm vào bóng tối. Tôi trở nên can đảm hơn và lần đầu tiên trong đời tôi hiểu ra bóng tối không phải bao giờ cũng khủng bố mà đôi khi còn đồng lõa và che chỡ cho con người một cách tuyệt hảo.

Tiếng rúch rích lại cất lên, lần này khẽ như gió thoảng, nếu còn đứng ở vị trí ban đầu tôi sẽ không tài nào nghe thấy. Tôi còn nghe thấy cả tiếng đàn ông cười lục khục trong cổ họng. Và tiếp theo là những tiếng sột soạt kéo dài.

Bỗng chốc mắt tôi mờ đi, ngực tức nghẹn. Lần này, không bị ám ảnh bởi chuyện ma quái, tôi sững sờ và cay đắng nhận ngay ra tiếng cười khúc khích giữa đêm khuya của con ma tóc dài từng khiến anh em thằng Chửng sợ vãi mật kia chính là tiếng cười của chị Ngà. Và người đàn ông đang đùa giỡn suồng sã với chị trong đống rơm cuối vườn kia không ai khác hơn là anh Ðiền tóc quăn lắm mưu nhiều kế.

Tôi đứng chết trân tại chỗ có đến mười phút, nghe trời đổ ập xuống đầu. Ðôi tình nhân đang đắm đuối trên nệm rơm không thể ngờ ngay lúc đó có một thằng con trai đứng ngay bên cạnh họ, nước mắt tuôn như mưa, âm thầm khóc cho một mối tình đã bị chết.

Cho đến khi tôi thất thiểu bỏ vào nhà, bóng tối không chỉ vây bọc từng bước chân tôi. Nó còn phủ kín cả trái tim tôi nữa.

*****

Những bí mật của khu vườn, tôi không kể với ai. Nhưng kể từ đêm đó, tôi không đặt chân ra vườn nữa.

Bà Sáu thấy vậy, xoa đầu tôi:

- Cháu bà ngoan lắm!

Tôi chỉ cười trừ.

Chửng anh hỏi tôi:

- Mày nói thật đi! Mày đã thấy con ma chưa?

Tôi chớp mắt:

- Thấy rồi! Giống hệt như mày kể!

- Nghĩa là tóc nó dài tới gót chân?

Tôi gật đầu:

- Ừ, tóc nó dài thậm thượt.

Chửng anh rụt cổ:

- Và chân nó không hề chạm đất?

Tôi lại gật đầu:

- Ừ, nó bay lơ lơ lửng lửng.

- Mày còn thấy gì lạ nữa không? - Chửng anh hồi hộp hỏi tiếp.

Không hiểu sao tôi lại sợ mọi người phát giác ra cuộc hẹn hò vụng trộm của anh Ðiền và chị Ngà, mặc dù chính điều đó đã làm trái tim non nớt của tôi vỡ ra từng mảnh. Từ lúc tình cờ khám phá ra chân dung thật sự của con ma tóc dài, tôi vừa phẫn uất và đau đớn đồng thời lúc nào cũng nơm nớp lo thay cho chị Ngà. Tôi sợ chị sẽ không chịu nỗi sự chế nhạo và bêu riếu của những người độc mồm độc miệng nếu mọi sự bỗng nhiên vở lỡ.

Vì vậy, để anh em thằng Chửng đừng bao giờ nghĩ đến chuyện rình mò thám thính khu vườn, tôi giả bộ rùng mình:

- Tao còn thấy lưỡi nó thè ra ngoài đỏ hỏn. Trông hãi lắm!

Quả nhiên, Chửng anh chết khiếp. Nó xanh mặt:

- Mày thấy lưỡi nó dài không?

- Dài thoòng! – Tôi dang tay ước lượng khoảng cách - Cỡ chừng này nè!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

34#
 Tác giả| Đăng lúc 5-4-2013 07:10:15 | Chỉ xem của tác giả
Chương 9
(tiếp theo)

Thấy hai tay tôi dang rộng, Chửng anh không dám dòm. Nó nhắm mắt lại, xuýt xoa:

- Eo ơi, ghê quá!

Tôi nhún vai:

- Nhưng ban ngày con ma này hiền khô à! Chỉ ban đêm nó mới hung dữ! Ban đêm ai vào vườn hoặc rình rập quanh đó là nó bẻ cổ ngay!

Nếu lúc đó Chửng anh cắc cớ hỏi lại tôi tại sao tôi biết rành tính nết con ma như vậy và từ trước đến nay tôi đã thấy “nó” bẻ cổ ai chưa, chắc tôi chỉ biết nhe răng cười trừ. May cho tôi, Chửng anh không vặn vẹo lôi thôi. Ðang hoảng vía trước những lời bịa đặt của tôi, nó chẳng còn đầu óc đâu để nghĩ ngợi sâu xa.

Mưu kế của tôi gần như thành công trọn vẹn. Những ngày sau đó, chắc chắn cuộc tình tự trong đống rơm giữa anh Ðiền và chị Ngà vẫn thường xuyên tiếp diễn nhưng trước sự hăm dọa của tôi, anh em thằng Chửng có lẽ không bao giờ dám nuôi ý nghĩ mạo hiểm đột nhập vô vườn để giao phó tính mạng vào tay con ma lưỡi đỏ và nhờ vậy, sự đi lại thầm lén của chị Ngà mới không bị phơi ra dưới ánh mặt trời.

Kế hoạch ngăn ngừa của tôi chỉ có một sơ hở duy nhất. Ðó là việc tôi bảo ban ngày con ma hiền khô, chẳng làm hại ai.

Trước đây, lúc bà Sáu tiết lộ về ngôi mộ hoang chỗ gốc duối, anh em thằng Chửng đã cạch mặt khu vườn. Ngay cả ban ngày ban mặt, tụi nó cũng chẳng dám mon men lại gần. Nhưng kể từ khi nghe tôi “bảo đảm” về tính nết con ma, hai đứa nó chỉ cảnh giác lúc ban đêm, còn ban ngày chúng lại bắt đầu chui vào vườn lùng sục trái chín và đuổi bắt cào cào châu chấu như trước.

Vì vậy mà anh em thằng Chửng phát hiện ra dạo này anh Ðiền thường trèo lên cây hái xoài xuống cho chị Ngà. Ðã lâu tôi không nhìn nhỏi đến khu vườn – nơi chôn vùi tình cảm đầu đời của tôi – nên không hề hay biết gì về điều đó. Chỉ đến khi nghe Chửng anh thông báo, tôi mới ngớ người ra:

- Thật không?

- Thật. Chính mắt tao thấy. Ngày nào anh Ðiền cũng leo lên cây xoài.

Tôi ngờ vực:

- Sao mày biết ảnh hái cho chị Ngà?

Chửng anh quệt mũi:

- Sao lại không biết! Chị Ngà đứng ngay dưới gốc chứ đâu!

Thông báo của Chửng anh khiến tôi ngạc nhiên vô kể. Trước nay, mặc dù thường tìm cớ lượn lờ quanh bàn học chị Ngà, anh Ðiền vẫn chưa bao giờ dám tỏ ra thân mật quá trớn với chị trước mặt mọi người. Từ ngày chinh phục được chị và hai người thường lén lút gặp nhau sau vườn, anh càng cố che giấu mối quan hệ mờ ám của mình. Ban ngày, anh ít xáp lại gần chị Ngà hơn, thậm chí mỗi khi ngồi đối diện với chị trong bữa cơm, anh đóng một bộ mặt lạnh lùng trông phát khiếp và cố tình không đưa mắt nhìn chị một lần nào cho đến khi buông đũa đứng dậy.

Vì những lẽ đó tôi không hiểu nổi tại sao bây giờ anh lại phá bỏ những qui tắc của mình, dám ngang nhiên leo lên cây hái xoài xuống cho chị Ngà. Phải chăng anh đã yêu chị Ngà đến mức không thể giữ mãi mối ẩn tình trong bóng tối và chỉ thực sự cảm thấy hạnh phúc khi hét lên cho toàn thế giới nghe thấy nỗi rộn rã trong lòng mình?

Ðể thăm dò thực hư, tôi đem chuyện đó méc lại với dì Miên để xem dì phản ứng ra sao.

Nhưng thái độ của dì Miên không có gì khác lạ. Dì không sửng sốt,cũng chẳng buồn gạn hỏi. Dường như dì đã biết mọi chuyện từ lâu. Phải nhìn sâu vào mắt dì, tôi mới nhận ra đằng sau vẻ thờ ơ ấy là một nỗi lo lắng mơ hồ bất lực. Không rõ đầu cua tai nheo ra sao nhưng vẻ hoang mang ẩn kín sau rèm mi dày cứ chớp lia chớp lịa mỗi khi bối rối của dì Miên vẫn khiến tôi cảm thấy bồn chồn trong dạ.

Anh em thằng Chửng chẳng cả lo như tôi. Từ khi phát hiện anh Ðiền mỗi chiều thường trèo lên cây xoài, tụi nó chỉ nghĩ đến mỗi chuyện bày trò phá bĩnh. Lần này anh em thằng Chửng không lôi kéo tôi tham gia, một phần vì bộ tịch xụi lơ như chết rồi của tôi mấy ngày nay, phần khác chúng không muốn tôi bị vạ lây trong “vụ án” có liên quan đến chị Ngà này. hai anh em nó chỉ âm thầm bàn mưu tính kế với nhau và có lẽ sợ tôi ngăn cản, từ khi chuẩn bị cho đến lúc ra tay suốt thời gian đó chẳng đứa nào hé môi với tôi một lời.

Tôi chỉ biết ra cớ sự khi một hôm đang ngồi nướng khoai trong bếp, bỗng nghe tiếng chị Ngà hớt hải hét toáng đằng sau vườn:

- Bỏ cây xuống! Các em làm gì vậy?

Tôi giật mình vứt củ khoai đang nướng dở vào đống tro, ba chân bốn cẳng chạy đến bên cửa sổ nhìn ra.

Ðập vào mắt tôi là một hoạt cảnh nhốn nháo và buồn cười không thể tả.

Ở ngay dưới gốc xoài, chị Ngà vừa la vừa hai tay đấm bình bịch vào lưng Chửng em trong khi thằng này cứ lì ra đưa lưng chịu đấm, tay vẫn không ngừng giơ cao cây sào tre bặm môi chọc mạnh vào tổ kiến lữa chỗ chạc ba nơi thân xoài tách nhánh. Loại kiến lửa này to gấp chục lần loại kiến lửa sinh sống dưới mặt đất và cắn đau khủng khiếp. Mỗi lần trèo lên cây xoài, tôi và anh em thằng Chửng bao giờ cũng cẩn thận không thể đụng tay đụng chân vào tổ kiến khổng lồ này.

Vậy mà trước mắt tôi lúc này, thằng Chửng em đang ra sức khua khoắng cho lũ kiến bò tán loạn trong khi anh Ðiền vần còn mắc kẹt ở trên cây.

Tôi nhìn lên, thấy anh Ðiền đang luống cuống đu từ cành này qua cành khác để tránh sự tấn công của lũ kiến.

- Thằng quỷ con! Chết mày vơi tao!

Anh Ðiền hậm hực rít lên và từ trên cao anh vung tay ném lia ném lịa những trái xoài xuống đầu Chửng em. Những trái xoài chạm vào lá cây kêu rào rạt và lao đi như tên bắn khiến chị Ngà phải buông Chửng em, lùi tuốt ra xa.

Chửng em chẳng tỏ vẻ gì hãi sợ đòn phản kích của anh Ðiền. Nó vừa nhảy nhót tránh né cơn mưa xoài vừa cười hích hích. Trong khi đó, Chửng anh lui cui nhặt những trái xoài đang lăn lông lốc trên mặt đất, miệng không ngừng chọc giận đối thủ:

- Cảm ơn nghen! Ném thêm vài trái nữa đi!

Nhưng cơn mưa xoài đột nhiên chấm dứt. Anh Ðiền chẳng buồn tấn công anh em thằng Chửng nữa, không phải vì xoài trên cây đã hết mà chính vì lũ kiến mỗi lúc mỗi kéo tới đông nghịt khiến hai tay anh phải phủi lia phủi lịa, chẳng đào đâu ra thì giờ để đối phó với hai “thằng quỷ con”.

Nếu lúc đó không có tiếng đằng hắng của ông tôi, có lẽ anh em thằng Chửng sẽ tiếp tục làm tình làm tội anh Ðiền cho đến tối mịt.

Sự xuất hiện bất ngờ của ông tôi làm tụi nó điếng hồn. Chửng em vứt vội cây sào dưới gốc xoài, co giò vọt theo Chửng anh và trong nháy mắt hai đứa biến mất sau hàng rào không còn tăm hơi.

Nhưng dù những kẻ quấy rối đã bỏ chạy, anh Ðiền cũng chẳng làm sao trèo xuống được. Anh cứ loay hoay cả buổi giữa các cành nhánh, mặt nhăn nhó vì đau và vì sợ.

Chị Ngà đứng cách đó không xa, mặt mày đầy lo lắng nhưng không dám lên tiếng. Tôi lại càng câm như thóc. Ðứng lấp ló trong cửa sổ âm thầm chứng kiến nãy giờ, tôi vừa tức cười lại vừa phập phồng sợ bị liên lụy. Trước nay hễ anh em thằng Chửng giở trò gì bất hảo là tôi bị mắng. Lần nào cũng vậy. Chỉ bởi lẽ tụi nó là “bạn quý” của tôi.

Ông tôi từ khi xuất hiện vẫn đứng lẳng lặng ở đầu hè. Sau khi đằng hắng dọa anh em thằng Chửng, ông chẳng nói thêm một lời nào, chỉ chắp tay sau lưng giương mắt nhìn học trò mình đánh nhau với kiến.

Cuối cùng, khi thấy anh Ðiền có nguy cơ bị lũ kiến hung tợn xơi mất xác, ông tôi mới hắng giọng bảo:

- Lần ra ngọn, nhảy xuống mương!

Ông nói ngắn gọn, nhưng anh Ðiền hiểu ngay. Anh lập tức chuyền sang cành cây hướng bắc de về phía bờ mương và thận trọng nhích người đu dần ra ngọn.

Lời mách nước của ông tôi thật sáng suốt. Ðó gần như là lối thoát duy nhất, mặc dù hơi có vẻ mạo hiểm.

Tôi liếc chị Ngà, thấy chị đang hồi hộp áp tay lên ngực trong khi mắt vẫn dán chặt vào sự di động của anh Ðiền, lúc này đã ra gần tới ngọn khiến nhánh cây oằn xuống trông phát ớn. Nhưng chính nhờ vậy mà khoảng cách từ anh Ðiền đến mặt đất thu ngắn một cách đáng kể.

Ðến lúc biết không thể xuống thấp hơn được nữa, anh Ðiền buông tay nhảy đại xuống con mương bên dưới.

Trong khoảnh khắc đó, tôi thấy chị Ngà che mặt không dám nhìn. Nhưng tôi thì trông rõ tất cả. Tôi nghe một tiếng “bõm” vang lên đồng thời nước văng tung tóe. Anh Ðiền dường như chẳng xây xát gì. Sau khi nhảy xuống, anh lồm cồm bò dậy ngay và người đầu tiên mà anh đảo mắt nhìn không phải là chị Ngà, mà là ông tôi.

Anh vuốt mặt, sợ sệt nhìn về phía đầu hè. Nhưng ông tôi đã không còn ở đó nữa. Ông tôi dời gót tự lúc nào, ngay cả tôi cũng không hay biết.

Trong khi anh Ðiền thở phào quay lại nở một nụ cười lấm lem bùn đất với chị Ngà thì tôi len lén rời khỏi chỗ nấp. Tôi sợ sau khi quành vào nhà, bắt gặp tôi thập thò bên cửa sổ, ông tôi sẽ tưởng tôi là kẻ đầu têu trong cái trò nghịch tinh nhuốm đầy vẻ hài hước này. Khi đó chắc chắn không chỉ anh Ðiền mà ngay cả tôi cũng trở thành nạn nhân của anh em thằng Chửng và nếu quả như vậy thì thật là oan uổng cho tôi.

*****

Sau vụ anh em Tề Thiên đại náo vườn xoài đó, may làm sao, chẳng ai đả động gì đến tôi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

35#
 Tác giả| Đăng lúc 5-4-2013 07:12:04 | Chỉ xem của tác giả
Chương 9
(tiếp theo)

Lạ nhất là dì Miên. Xưa nay, trước những vụ tương tự như vậy, chẳng bao giờ dì chịu bỏ qua. Bao giờ dì cũng nhân những cơ hội đó lôi tôi ra đứng trước mặt dì rồi bằng giọng lưỡi nghiêm khắc và dọa dẫm của một quan tòa thời trung cổ, dì khăng khăng buộc tôi chặt đứt mối thâm tình mà tôi đã lỡ buộc quá chặt vào với anh em thằng Chửng.

Nhưng lần này dì chẳng một lời trách mắng, cũng chẳng buồn ngó ngàng gì đến tôi. Tôi tò mò liếc trộm dì, thấy dì nhìn xa xôi đâu đó ngoài trời, trong đáy mắt lại thấp thoáng mối lo âu hôm nào tôi bắt gặp. Và dường như có một lúc tôi nghe tiếng thở dài của dì khẽ rung lên bên tai và âm thầm tan đi trong gió.

Chị Ngà vẫn tươi cười vui vẻ với tôi như hôm nào ngoài bờ suối. Ðôi mắt chị khi nhìn tôi vẫn lúng liếng và ướt rượt nhưng lòng tôi đã chẳng còn xao xuyến. Chị nhìn tôi nhưng tôi biết không có tôi trong mắt chị. Trong mắt chị chỉ có mái tóc quăn tít của anh Ðiền. Cũng chính vì anh Ðiền mà chị mơ ước trở thành cô giáo trường huyện. Vậy mà tôi cứ tưởng bở. Tôi cứ đinh ninh chị muốn mãi mãi ở lại làng chỉ vì chị không muốn xa tôi và trong rất nhiều ngày tôi đã âm thầm và rạo rực tơ tưởng về điều đó, hệt như một thằng ngốc.

Nỗi tuyệt vọng dìm tôi vào băng giá. Tôi lạnh nhạt với cả chị Ngà lẫn anh Ðiền, dù gần đây được đốt nóng bởi cuộc tình nồng cháy, anh không còn hậm hực với tôi về những gì tôi đã gây ra cho anh trước đây nữa.

Nhưng tôi càng xa lánh anh, anh càng tìm cách lại gần tôi. Dạo này gặp tôi anh hay rủ:

- Trường đi ăn mì với anh không?

- Không! – Tôi đáp, không hiểu anh có biết là tôi đã khám phá ra bí mật của anh chưa.

Anh Ðiền vẫn kiên trì:

- Vậy anh với em vô Bãi Cháy bắn chim.

Trời đất, anh Ðiền lớn tồng ngồng rồi mà còn đòi đi bắn chim! Tôi ngạc nhiên nhưng vẫn từ chối:

- Em hết thích trò bắn chim rồi.

Anh Ðiền liếm môi:

- Vậy Trường thích trò gì?

Tôi lắc đầu:

- Em chẳng thích trò gì hết.

Trước thái độ lạnh lùng của tôi, anh Ðiền chỉ biết nhún vai, chán nản:

- Dạo này Trường lạ ghê!

Không chỉ anh Ðiền, chị Ngà cũng nói với tôi một câu giống hệt như vậy.

Tôi nhìn mây bay:

- Em có gì lạ đâu!

- Có. Em không còn trò chuyện với chị như xưa nữa.

Tôi chép miệng:

- Em chẳng biết nói chuyện gì.

Chị Ngà lại nói:

- Em không còn rủ chị ra suối ngồi chơi.

- Ừ.

Tiếng “ừ” của tôi không có một ý nghĩa gì rõ rệt. Nhưng chị Ngà dường như chẳng để ý gì đến điều đó. Chị tiếp tục theo đuổi những ý tưởng của mình:

- Trường cũng không thèm nhìn mặt chị.

Câu nói của chị Ngà khiến tôi giật thót. Không hiểu chị đã phát giác ra chuyện gì mà lại nói những lời như vậy. Không thể ậm ừ mãi, tôi nhìn xuống đất, bùi ngùi thổ lộ:

- Bây giờ em chẳng còn là em ngày nào nữa. Dạo này em cứ buồn buồn sao ấy.

Chả rõ chị Ngà có hiểu ra tâm sự của tôi không mà sao tôi nghe tiếng chị thở dài. Rồi thình lình chị đặt tay lên vai tôi, giọng vỗ về:

- Trường đừng buồn nữa! Chiều mai chị em mình ra suối chơi, chị sẽ kể chuyện cho Trường nghe.

Ðề nghị bất ngờ của chị Ngà làm tôi ngạc nhiên quá đỗi.

Tôi ngước nhìn chị, giọng ngẫn ngơ:

- Chị định kể chuyện gì vậy?

Chị Ngà đưa tay vén tóc:

- Những chuyện kể về chị. Những chuyện kể về tình yêu. Rồi Trường sẽ hiểu tất cả.

Chị nhìn ra vàng hoa cúc trước sân, nói trong mơ màng:

- Trường biết không, tình yêu là một bí mật. Nó đem lại niềm vui cho tâm hồn. Cũng như hoa cúc ấy.

Tôi nhớ có lần chị đã nói với tôi về vàng hoa cúc. Dĩ nhiên niềm vui có được từ hoa cúa hoàn toàn có thể so sánh với niềm vui mà tình yêu mang lại. Nhưng đó là tình yêu của chị và anh Ðiền, một tình yêu chưa bị trượt chân vào nỗi buồn tuyệt vọng như tôi.

Thấy tôi trầm ngâm, chị Ngà nhắc:

- Nhớ nghen Trường! Chiều mai!

Tôi “ừ” mà không biết trong thâm tâm thực ra mình có muốn nhận lời hay không. Những tâm tình thành thật của chị Ngà có thể sẽ giúp tôi có dịp đi vào thế giới riêng tư và đầy bí ẩn của tâm hồn chị, giúp tôi thấu hiểu và đồng cảm với sự chọn lựa của chị hơn nhưng chắc chắn cũng khiến tôi phiền muộn và khổ tâm hơn.

Trong khi tôi đang phấp phỏng chờ đợi cá giây phút khắc nghiệt đó xảy ra thì một biến cố bất thần ập đến vào ngay sáng hôm sau khiến chị Ngà buộc phải bỏ lỡ cuộc hẹn buổi chiều với tôi.

Người đàn bà lạ mặt xuất hiện vào lúc mặt trời vừa lên khỏi ngọn tre chưa tới nửa cây sào. Chị mặc đồ bà ba, tóc búi, một tay cắp nón lá, tay kia xách lồng gà, rón rén bước vào nhà như một chiếc bóng. Lúc đó, dì Miên và chị Ngà đang ngồi tại bàn học cạnh cửa sổ, còn tôi do dậy trễ vẫn đang loay hoay với rổ khoai luộc đặt tại bàn ăn giữa nhà.

Tôi chưa kịp phản ứng gì, dì Miên đã nhanh nhẹn chạy ra. Ðã quá quen với cảnh các người bệnh đủ loại đến tìm ông tôi để chữa bệnh hoặc để tạ ơn, dì hỏi ngay:

- Chị tìm ba tôi phải không?

Người đàn bà rụt rè:

- Dạ tôi kiếm thầy Thất.

Vừa nói, chị vừa lóng ngóng đặt lồng gà trên tay xuống đất:

Dì Miên tặc lưỡi:

- Xui cho chị quá! Ba tôi đi khám bệnh xa, chiều mới ghé về! - Rồi dì nhìn người đàn bà đang đứng khép nép bên cánh cửa, áy náy hỏi - Chị tìm ba tôi để coi bệnh hay có chuyện gì?

Người đàn bà lộ vẻ bối rối. Mãi một lúc, chị mới ngập ngừng đáp:

- Dạ, tôi là... vợ anh Ðiền!

Giọng người đàn bà khẽ khàng nhưng vọng vào tai mọi người chẳng khác gì một quả bom.

Dì Miên lắp bắp:

- Ủa, hóa ra...

Tôi liếc về phía chị Ngà, thấy chị đổ gục xuống mặc bàn như một cây chuối bị đốn ngang thân. Không kịp nghĩ ngợi, tôi lập tức phóng ngay về phía chị, vội vàng đến nỗi hất đổ cả rổ khoai trên bàn:

- Chị Ngà! Chị Ngà! – Tôi khẽ lay vai chị, luống cuống gọi.

Dì Miên lúc đó cũng đã kịp chạy tới.

- Mày sao vậy Ngà? – Dì thảng thốt hỏi, chưa gì giọng đã nghe sụt sịt.

Người đàn bà cũng tới sát bên tự hồi nào. Chị nói, giọng lo lắng:

- Chắc cô đây bị trúng gió! Ðể tôi cạo gió cho! Tôi có đem dầu theo đây!

Vừa nói, người đàn bà vừa hối hả móc chai dầu trong túi ra.

- Không sao đâu! - Chị Ngà ngước lên, giọng vẫn chưa hết bàng hoàng –Tôi nằm nghỉ một lát là khỏe ngay thôi!

Nói xong, chị Ngà uể oải đứng dậy. Dì Miên biết ý, choàng tay sau lưng chị và nhẹ nhàng dìu chị lại chỗ chiếc giường tre kế bàn học được ngăn cách với phần còn lại trong nhà bởi những tấm phên đan.

Ở phía sau, tôi và người đàn bà đứng trố mắt nhìn theo. Tôi không rõ chị vợ anh Ðiền nghĩ gì nhưng riên g tôi ngay lúc đó tôi cảm thấy cuộc sống sao mà buồn chết được và khi nghĩ đến chị Ngà, tôi bỗng chốc quên hết mọi hờn ghen, trách cứ. Tràn ngập trong lòng tôi bây giờ là một nỗi xót thương.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

36#
 Tác giả| Đăng lúc 5-4-2013 07:17:29 | Chỉ xem của tác giả
Chương 10

Chị Ngà mỗi ngày một xanh xao, gầy vọt. Anh Ðiền sau một thời gian bám lẵng nhẵng theo chị năn nỉ, thuyết phục không xong, đã bắt đầu lảng ra. Từ đó, hai người gần như không nhìn mặt nhau nữa.

Dì Miên cũng đâm ra lầm lì, quạu quọ. Dì không còn thường xuyên ngồi trước bàn học như trước đây nữa, mà suốt ngày cùng với chị Ngà chui vào phòng rì rầm to nhỏ.

Trong đôi mắt ngây thơ của một đứa con trai mới lớn như tôi, chị Ngà chỉ biếng ăn, buồn bã và tiều tụy. Nhưng bà Sáu lại không nghĩ như vậy.

Một hôm bà kêu tôi lại, hỏi:

- Sao dạo này con bé Ngà xanh quá vậy cháu?

- Dạ, chỉ ốm.

Bà Sáu trầm ngâm một hồi rồi khẽ chép miệng:

- Không phải vậy đâu cháu!

Bà Sáu làm tôi thắc mắc quá chừng.

- Chứ tại sao hở bà? – Tôi tròn mắt.

Bà Sáu không trả lời thẳng câu hỏi của tôi. Mà thở dài:

- Khổ thân con bé! Oan hòn uổng tử nhập vào làm nó u mê!

Tiếng than kỳ bí và nhuộm đầy vẻ phiền não của bà khiến tôi lạnh người. Và để mặc bà ngồi một mình trong căn nhà tuềnh toàng, trống trải với đôi mắt lúc nào cũng ngó mông ra khoảng xa xôi như thể ngóng đợi ai, tôi lặng lẽ bỏ đi.

Những ngày này tôi chẳng biết trò chuyện với ai, trừ anh em thằng Chửng. Nhưng với anh em nó, tôi không thể bộc bạch hết gan ruột. Nhất là với một đứa bép xép như Chửng em. Câu chuyện của chị Ngà mà lọt vào tai nó, ngày hôm sau chắc cả làng biết hết.

Còn những người ở quanh tôi mặt mày nếu không ủ dột thì cũng khó đăm đăm, tôi chẳng có cách nào lại gần họ. Từ sau ngày vợ anh Ðiền đột ngột xuất hiện, chị Ngà và anh Ðiền mỗi người hình như rút hẳn vào một thế gới riêng, cuốn theo cả vẻ bình thản cố hữu trên gương mặt tròn trịa phúc hậu của dì Miên. Từ sáng đến chiều, ba người ăn uống, đi lại trong nhà như những chiếc bóng và để thoát ra khỏi bầu không khí u uất, ngột ngạt này, tôi thường chui rào qua chơi với anh em thằng Chửng hoặc bỏ đi tha thẩn một mình dọc các bờ cây hay ven suối, thường là đến tối mịt mới mò về.

Và trong một chiều lang thang vô định như vậy, tôi vô cùng kinh ngạc khi bắt gặp chị Ngà đang ngồi lẻ loi và âm thầm bên bờ suối vắng, lưng tựa vào gốc dương liễu ngày nào, dáng điệu thẩn thờ như không hề nghe thấy tiếng chân tôi.

Tôi biết từ trước đến nay chị Ngà chưa bao giờ ra suối một mình, vì vậy tôi không biết tại sao và từ lúc nào chị đã có mặt ở đây. Tôi nhìn bóng chiều chập choạng đang xuống dần trên hàng dừa nước, ái ngại bước đến bên chị, khẽ gọi:

- Chị Ngà!

Cặp mắt đờ đẫn, vô hồn của chị Ngà vẫn nhìn ra trước mặt.

Tôi đặt tay lên vai chị, ngậm ngùi:

- Chị Ngà!

Lần này thì chị chậm chạp quay lại.

- Trường đó hả? - Chị nói bằng giọng cũng không một âm sắc gì đặc biệt, nghe cứ mơ hồ như gió thoảng.

Tôi nhìn vẻ mặt bâng khuâng xa vắng của chị mà muốn khóc:

- Chị về đi! Trời sắp tối rồi , ở ngoài này lạnh lắm!

- Trường về trước đi! Lát chị về! - Giọng chị Ngà thì thầm.

- Không được! Chị phải về với em! – Tôi kỳ kèo - Ðể em đưa chị về!

Trước sự giục giã của tôi, chị Ngà chẳng tỏ phản ứng gì. Chị chỉ giương cặp mắt ngẩn ngơ nhìn tôi. Một lát, chị mấp máy môi:

- Trường biết hết chuyện của chị rồi hả?

Ðôi mắt chị Ngà không còn long lanh và ấm nóng như ngày nào nhưng tôi vẫn không đủ can đảm nhìn thẳng vào mắt chị. Tôi nhìn bân quơ ra mặt suối và sau một thoáng ngập ngừng, tôi gật đầu “dạ” khẽ,mặc dù thật ra trong chuyện này có nhiều chỗ tôi hiểu rất lờ mờ.

Hôm qua, lúc ngồi ngoài hè, tình cờ nghe được câu chuyện giữa chị Ngà và dì Miên, tôi mới biết thêm một vài điều. Lúc đó, tôi tự bảo mình không nên nghe trộm nhưng đôi tai tôi lại cứ dỏng lên như tai mèo.

Tôi nghe tiếng dì Miên nói:

- Sao mày dại quá vậy?

Rồi tiếng chị Ngà thở dài:

- Tao cũng không biết.

- Mày yêu hắn ta à?

- Ừ.

- Hắn bảo với mày là hắn chưa có vợ phải không?

- Ừ.

Gần như tôi chỉ nghe thấy dì Miên nói. Chị Ngà có vẻ không còn đủ hơi sức để trò chuyện, chỉ uể oải đáp trả bằng những câu cụt ngủn.

Dì Miên lại hỏi:

- Bây giờ hắn tính sao?

Ðến đây thì tôi không nghe chị Ngà trả lời. Sự im lặng kéo dài một lúc lâu. Rồi tiếng dì Miên vang lên:

- Mày không nói, tao cũng biết! Hắn xúi mày nhận làm vợ bé hắn chứ gì?

Chị Ngà vẫn không đáp. Tiếng dì Miên rít lên:

- Thằng khốn nạn! Ðồ lường gạt!

- Tao sẽ không bao giờ nhìn mặt anh ta nữa! - Giọng chị Ngà nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát.

- Còn mày, - Giọng dì Miên đột ngột lo lắng – Mày phải tính sao chứ? Ðâu thể để kéo dài như vậy được! Rồi còn kỳ thi sắp tới nữa!

- Tao cũng chẳng biết nữa! - Giọng chị Ngà đượm mỏi mệt, nghe trầm buồn như tiếng chim khoắc khoải vẫn vang vọng những buổi trưa Bãi Cháy âm u.

Vẻ mặt chị Ngà lúc thốt ra câu đó chắc cũng bần thần như khuôn mặt chị đang nhìn tôi bây giờ. Nếu thỉnh thoảng chị không chớp mắt để cho những giọt lệ ứa ra và lặng lẽ lăn tròn trên má, tôi ngỡ chị đã hóa đá giữa mênh mông sầu muộn.

Thốt nhiên tôi bỗng nhói lòng khi nhớ tới bài ca hôm nào chị hát, cũng trên bờ suối kỷ niệm này, cũng chính tại gốc dương liễu chị đang ngồi xõa tóc. Bài ca như những lời tiên tri buồn bã:

Tôi là cánh hoa mỏng manh vì người mà tươi thắm

Cũng vì người mà tàn héo

Xin người hãy đến trên đôi chân mùa xuân ấm áp

Chớ để gió đông lẻn về thổi tắt ước mơ tôi.

Phải chăng trong những ngày hạnh phúc nhất của đời mình, chị vẫn linh cảm được những mầm mống của phản trắc và chia lìa:

Người hãy nâng đỡ trái tim tôi

Trên những ngón tay dịu dàng của người

Chớ hất hủi cũng đừng dập vùi

Nhược bằng hoa lá rụng

Có còn gì xuân tươi.

Chị đã cất lời nỉ non van xin số phận nhưng số phận vẫn làm ngơ. Gió đông trong hình thù một mái tóc quăn đã mang băng giá đến cho đời chị, đã thổi tắt ngọn nến ước mơ trong lòng chị một cách phũ phàng. Có còn gì xuân tươi, tôi nhìn gương mặt sầu héo của chị Ngà mà lòng quặn thắt.

Và thật bất ngờ, ngay vào lúc tôi định lên tiếng một lần nữa giục chị về, chị bỗng ôm choàng lấy tôi. Trong khi tôi còn đang sửng sốt, chị đã gục đầu lên vai tôi, nức nở?

- Trường tha lỗi cho chị nghen!

Bàng hoàng, thảng thốt, tôi không kịp nghe thấy tiếng đập của trái tim mình lúc đó. Tôi không rõ tôi đang lơ lửng trên tầng trời hạnh phúc hay đang chìm đắm dưới vô biên sầu muộn. Tôi chỉ biết vai áo mình đang ướt đẫm và trong nỗi tê tái cùng cực đó, tôi cố phân biệt và nắm bắt những ý nghĩa có thể có đằng sau lời xin lỗi ngậm ngùi của chị.

Thật ra chị chẳng hề có lỗi gì với tôi. Chị có lỗi với những giấc mơ đẹp đẽ và ngọt ngào của tôi thôi. Nhưng chị thì lại chẳng bao giờ biết được điều đó. Chị vẫn coi tôi như một đứa em. Những gì thuộc về tâm hồn tôi đều xa lạ với chị. Nhưng nếu vậy thì tại sao chị lại bảo tôi tha lỗi cho chị. Hay chị đã hơn một lần lẻn vào trong những giấc mơ tôi mà tôi không hề hay biết và như vậy, phải chăng cuối cùng chị đã phát giác ra nỗi lòng yêu dấu tôi hằng dành cho chị bấy lâu nay?

*******

Ngày hôm sau, chị Ngà biến mất.

Cả nhà náo loạn như có giặc. Sáng tinh mơ, tôi vừa mở mắt chưa kịp bước xuốgn đất đã bị dì Miên thộp cổ:
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

37#
 Tác giả| Đăng lúc 5-4-2013 07:18:48 | Chỉ xem của tác giả
Chương 10
(tiếp theo)

- Trường có biết chị Ngà đi đâu không?

Tôi ngơ ngác:

- Làm sao cháu biết được! Tối hôm qua chị Ngà vẫn ngủ với dì mà!

Dì Miên buôn tôi ra, vẻ lo lắng:

- Nhưng sáng nay dì chẳng thấy chị Ngà đâu!

Bụng tôi thót lại:

- Dì đã tìm hết các nơi chưa?

- Tìm khắp rồi! Không thấy!

Tôi ngập ngừng:

- Hay chỉ về nhà?

Dì sẽ đi thành phố ngay bây giờ! - Giọng dì Miên căng thẳng, rồi dì hoang mang nói tiếp – Nhưng nếu chị Ngà về nhà, sao không mang theo một thứ gì, cũng chẳng báo cho dì biết?

Tôi không biết dì Miên hỏi tôi hay tự hỏi chính mình, và cũng không biết đáp trả như thế nào, tôi lầm lũi dắt xe đạp ra cổng chở dì lên đường lộ đón xe đò.

Khi tôi về tới nhà, không khí hoảng loạn đã tạm thời lắng xuống. Mọi ngưỡi đã tản đi đâu hết. Giờ này chắc ông tôi và anh Ðiền đang đi dọ dẫm hỏi thăm tin tức ở các nhà trong làng. Ðứng trong bếp nhìn ra, tôi thấy bà Sáu đang lui cui khấn vái trước nấm mộ hoang chỗ gốc duối nhưng tôi không gọi.

Lặng lẽ qua lên nhà trên, tôi lần tới trước bàn học chị Ngà, thẫn thờ ngồi xuống chiếc ghế chị vẫn thường ngồi.

Ðúng như dì Miên nói, khi bỏ đi chị Ngà chẳng mang theo một thứ gì. Quần áo, sách vở, đồ đạc vẫn còn nguyên. Ngay cả chiếc gương soi lẫn chiếc lược ngà chị thường tẩn mẩn nghịch ngợm mỗi khi ngồi học bài vẫn còn treo lửng lơ trên thanh cửa sổ.

Tôi nhìn ngắm mọi thứ bằng cặp mắt buồn rầu, linh cảm rằng những đồ vật vô tri kia sẽ mãi mãi không còn cơ hội chạm vào làn hương của người chủ cũ, rằng chị Ngà sẽ không bao giờ quay lại nữa.

Quả như tôi lo ngại, buổi trưa dì Miên tất tả trở về, dắt theo một người đàn bà đứng tuổi. Ðó là mẹ chị Ngà. Cả hai mặt mày thất sắc, vừa bước tới cổng đã hỏi rối rít:

- Ðã tìm thấy chưa?

Mọi người đều buồn bã lắc đầu. Lúc này ông tôi và anh Ðiền đã quay về sau những cuộc tìm kiếm vô vọng, kéo theo một lô một lốc những kẻ hiếu kỳ trong làng nghe tin chạy tới.

Và khi cái tin chị Ngà không có mặt ở thành phố và mẹ chị phải xuống tận làng tôi để tìm con lan ra thì mảnh sân trước nhà ông tôi trong thoáng chốc đã đông nghẹt người. Cả mẹ tôi và mấy đứa em tôi ở trên đườngng lộ cũng hối hả chạy xuống.

Tôi cũng nhìn thấy cả anh em thằng Chửng đang đứng lấp ló trong đám đông. Khi thấy tôi đưa mắt nhìn về phía tụi nó, Chửng anh khẽ vẫy tôi.

- Bộ mày biết tin gì hả? – Tôi bước lại gần nó, phập phồng hỏi.

- Tao nghi quá! - Chửng anh thì thầm.

Tôi hồi hộp:

- Nghi gì?

- Tao nghi chị Ngà mất tích có dính dáng đến con ma tóc dài!

- Ừ.

- Ừ là sao?

Chửng anh đột nhiên hỏi vặn khiến tôi đâm bối rối. Khi tôi buông ra tiếng “ừ” hờ hững kia không phải tôi tán thành nhận xét huyền hoặc của Chửng anh mà chính tôi đang nghĩ đến mối liên quan giữa sự mất tích của chị Ngà với con ma tóc dài theo một ý nghĩa khác. Tôi hiểu nếu không có những cuộc tình tự khuya khoắt ngoài vườn trước đây thì biến cố ngày hôm nay đã không xảy ra. Nhưng tôi lại không thể thổ lộ cho Chửng anh biết điều bí mật đó. Trong khi tôi ấp a ấp úng chưa biết giải thích với nó như thế nào thì dì Miên đã gọi giật:

- Trường!

- Dạ.

- Trường đang nói chuyện gì vậy? – Dì Miên nhìn tôi bằng ánh mắt dò xét.

- Dạ cháu có nói gì đâu!

Dì Miên vẫn chưa hết nghi ngờ:

- Trường có biết chị Ngà đi đâu không?

- Cháu đã nói với dì rồi! Cháu không biết!

Dì Miên nghiêm giọng:

- Cháu nói thật đấy chứ?

- Thật.

Trán dì Miên cau lại:

- Chẳng lẽ từ hôm qua đến nay Trường không gặp chị Ngà lần nào?

Tôi khịt mũi:

- Hôm qua cháu có gặp.

Dì Miên hỏi dồn:

- Gặp ở đâu?

Lúc này không chỉ dì Miên mà tất cả những cặp mắt chung quanh đều chĩa vào người tôi.

- Ở ngoài bờ suối. Chị Ngà đang ngồi một mình.

Tôi bồn chồn đáp và như sực nhớ ra điều gì kinh khủng, mặt tôi bỗng tái xám đi.

Cùng lúc đó trong đám đông có ai đó bất thần kêu lớn:

- Ra ngoài bờ suối mau!

Ngay lập tức, sau tiếng hô hoán, cả rừng người chen chúc nhau tuôn ra cổng và ùn ùn nhốn nháo kéo đi.

*******

Trên bờ suối, ngay chỗ gốc dương liễu chị Ngà thường ngồi, mọi người tìm thấy một chiếc dép. Ðôi dép màu xanh - một chiếc sấp, một chiếc ngữa – đang nằm lăn lóc trên bãi cỏ. Ðó là đôi dép của chị Ngà thường mang.

Cách đó một quãng, một dải lụa buộc tóc cũng nhanh chóng được phát hiện. Dải lụa ở dưới nước, vướng vào một cọng cỏ ven bờ nên bập bền mãi một chỗ. Ðó cũng là dải lụa của chị Ngà.

Ngay từ khi nhìn thấy đôi dép nằm chỏng chơ bên bờ suối, mẹ chị Ngà đã ngất xỉu. Mọi người phải xúm lại đỡ bà, người thoa dầu, người giật tóc. Mãi một lúc, bà mới tỉnh lại. Và giương đôi mắt thất thần nhìn mọi người, bà nghẹn ngào rên rỉ:

- Con ơi tội tình gì mà con phải ra nông nổi này hở con!

Tiếng khóc đau đớn xé lòng của người mẹ khiến tôi không cầm được nước mắt. Dì Miên đứng bên cạnh tôi cũng sì sà sì sụt. Anh em thằng Chửng cặp mắt cũng đỏ hoe.

Qua làn nước mắt, tôi thấy mặt mày ai nấy đều buồn dã dượi. Một vài phụ nữ trong làng dù không hề quen biết chị Ngà cũng tức cảnh sinh tình cất tiếng khóc theo. Chỉ có anh Ðiền là đứng tuốt đàng xa, mặt quay về hướng khác, nên tôi không rõ anh có nhỏ giọt nước mắt nào cho chị Ngà hay không.

Cuộc vớt xác được tiến hành ngay từ lúc mẹ chị Ngà ngất xỉu nhưng không thu lượm được kết quả gì.

Hai người đàn ông nổi tiếng bơi giỏi trong làng lao xuống dòng nước lặn hụp một hồi rồi trồi lên, lắc đầu ngán ngẩm.

Lại thêm hai người nữa xuống theo, vẫn công cốc.

Cho đến chiều tối, người ta vẫn chưa tìm thấy thi thể của chị Ngà. Một người nói:

- Có thể cái xác đã trôi xuống phía hạ lưu. Ngày mai phải chia con suối ra làm nhiều chặng mới tiện lùng sục!

Chẳng còn cách nào khác, mọi người đành ủ rũ chia tay.

Khi chúng tôi về đến nhà, ông tôi liền kêu dì Miên và tôi vào phòng tra hỏi. Trước sự chứng kiến của mẹ chị Ngà, dì Miên bùi ngùi thuật lại đầu đuôi câu chuyện, không giấu giếm một đều gì. Ðến lúc đó, mọi người mới biết nguyên nhân nào đưa đẩy chị Ngà đến hành động tuyệnt vọng như vậy.

Còn tôi, khi nghe chị Ngà đã lỡ mang giọt máu oan nghiệt của anh Ðiền trong bụng, tôi mới ngỡ ngàng hiểu ra tại sao thời gian gần đây chị Ngà bỗng nbhiên thích ăn xoài xanh cũng như tại sao hôm trước bà Sáu lại nói với tôi những câu lấp lửng mơ hồ không tài nào hiểu nổi.

Ông tôi tính tình vô tâm, khoáng đạt, quanh năm suốt tháng mải lo chữa bệnh cứu người, chẳng hay biết gì về hành vi càn quấy của học trò. Bây giờ nghe dì Miên kể chuyện anh Ðiền, ông mới bàng hoàng bật ngửa. Nhưng đến khi ông cho đi tìm anh Ðiền để hỏi tội thì chẳng thấy anh đâu. Dường như biết trước những gì sẽ chờ đợi mình, anh đã nhân lúc lộn xộn nhảy xe đò trốn về Quán Gò mất biệt.

Tối đó, tôi không tài nào chợp mắt được. Hình ảnh của chị Ngà cứ ẩn hiện chập chờn trong đầu tôi như một ám ảnh khôn nguôi. Tôi nhớ lại ngày nào tôi nằm ngủ bên cạnh chị trong căn lều trại mỏng manh trên bãi biển Kỳ Hoà. Cái đêm bão bùng mưa gió ấy đã qua lâu rồi nhưng bây giờ nhớ lại tôi vẫn có cảm giác làn hương lạ đã từng làm tôi bồi hồi thao thức năm xưa như đang còn lẩn quất đâu đây. Rồi làn hương lạ ấy theo chân chị về trú ngụ ở nhà ông tôi gần suốt mùa hè năm nay, đã thổi vào trí não non nớt của tôi những giấc mơ đầu đời đẹp đẽ. Nhờ chị, tôi hiểu thế nào là nỗi khao khát ngọt ngào của trái tim mới lớn cũng như niềm hoan lạc khó bề lập lại của tâm hồn trong những chuyến phiêu lưu. Vậy mà bây giờ những giấc mơ của tôi đã tắt và chị cũng không còn. Tất cả cứ như là ảo ảnh. Nỗi tiếc nuối pha lẫn đắng cay ấy khiến tôi trằn trọc suốt đêm. Mãi đến gần sáng tôi mới thiếp đi, mắt đầy ngấn lệ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

38#
 Tác giả| Đăng lúc 5-4-2013 07:20:53 | Chỉ xem của tác giả
Chương 10
(tiếp theo)

Ngày hôm sau, hàng chục tay lặn trong làng được huy động vào việc tìm kiếm thi thể chị Ngà.

Người xem đứng đen kịt cả một quãng suối dài, lần này có thêm dân Bãi Cháy, dân xóm Cây Duối, cả dân trên xóm Ðầu Cầu.

Suối được chia thành nhiều khúc, dài xuống tận miệt dưới. Mỗi khúc, hai ba tay bơi giỏi luân phiên lặm hụp.

Nhưng cũng như hôm qua, công việc kỳ khu đó vẫn chỉ là cuộc kiếm tìm vô vọng. Chị Ngà như biến mất tăm dưới làn nước.

Một người nói:

- Hay cô Ngà đẹp quá, Hà Bá giữ lại làm vợ, không chịu trả!

Người khác bảo:

- Có thể cái xác kẹt đâu dưới gốc cây hay trong hố đá mò không ra! Nhưng chắc chắn ngày mai thế nào cũng nổi lên!

Chửng anh cũng nói với tôi như vậy:

- Ngày mai thế nào chị Ngà của mày cũng trồi lên mặt nước!

Tôi bán tín bán nghi:

- Làm sao mày biết được?

Chửng em xía vào:

- Cái đó ai chẳng biết! Qua ngày thứ ba, những xác chết trôi bao giờ cũng nổi lên!

Tôi không tin, đem hỏi bà Sáu, bà Sáu gật đầu:

- Xưa nay đều vậy, cháu ạ! Lời xác nhận của bà Sáu khiến tôi lo nghĩ suốt buổi chiều hôm đó. Cứ nghĩ đến cảnh chị Ngà đang từ từ nổi lên mặt suối với thân thể trương phình và khuôn mặt hum húp vì ngâm nước ba ngày, tôi không khỏi rùng mình đau đớn. Không, chị Ngà của tôi bao giờ cũng nõn nà, xinh đẹp thậm chí ngay cả khi chị không còn sống trên cõi đời này nữa.

Tôi đã quen nhìn thấy hình ảnh thơ mộng của chị Ngà khi chị ngồi hong tóc bên bờ suối hay khi chị ngồi ngẩn ngơ hàng giờ bên vàng hoa cúc trước sân. Chị là nàng Giáng Kiều bước ra từ trong bức tranh treo ở nhà bà tôi. Nàng Giáng Kiều có thể chết đi, nhưng đó phải là một cái chết đẹp. Nàng có thể bay về trời trong đôi cánh tha thướt chứ không thể từ dưới nước trồi lên trong dáng điệu phù nề.

Ngày mai chị Ngà sẽ nổi lên, ai cũng bảo như vậy. Và ai cũng mong như vậy. Nhất là mẹ chị, người đàn bà chỉ trong hai ngày đã bị nỗi đau khổ làm cho quắt lại như một quả cau khô.

Tất nhiên cả tôi, tôi cũng cầu mong điều đó. Nhưng tôi không đủ can đảm và nhẫn tâm chứng kiến giây phút người ta vớt chị lên như vớt một đám bèo trôi. Hình ảnh đẹp đẽ của chị trong ký ức tôi sẽ mãi mãi không bị méo mó, biến dạng đi như thân xác của chị. Những kỷ niệm về chị sẽ mãi mãi là ngôi sao xanh lấp lánh và không bao giờ tắt trong cõi lòng sầu muộn và nhiều mong nhớ của tôi. Và để làm được điều đó, tôi đành phải khăn gói về nhà ngay trong đêm nay, trước một ngày nữa lại bắt đầu.

Ông tôi và dì Miên chẳng hề ngăn cản, cũng không tỏ ra bất ngờ trước quyết định đột ngột của tôi. Ông tôi bảo:

- Ừ, cháu nên về nhà cho thần kinh bớt căng thẳng!

Dì Miên không nói gì, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt bùi ngùi, mệt mỏi.

Tôi chui rào chạy qua chia tay với anh em thằng Chửng.

Nghe tôi tính bỏ về nhà, Chửng em trố mắt ngạc nhiên:

- Sao mày không ở lại đến ngày mai coi người ta vớt xác!

Tôi trả lời Chửng em bằng một nụ cười buồn.

Chửng anh hỏi:

- Mày về luôn hay về mấy bữa?

- Tao cũng không biết.

- Nhà mày xuống đây gần xịt mà! - Chửng anh vỗ vỗ vai tôi - Nếu mày không xuống thì tụi tao thỉnh thoảng chạy lên chơi với mày!

Tôi lặng lẽ gật đầu và quày quả chạy về nhà để kịp thu dọn đồ đạc.

Sau khi chào từ biệt mọi người trong nhà, cả bà Sáu lẫn người mẹ tội nghiệp của chị Ngà, tôi ngậm ngùi quay lưng bước qua ngách cửa, vội vàng như người chạy trốn.

Nhưng khi băng qua sân, mắt chạm phải dãy cúc vàng từ nay không người nâng niu chăm sóc, lòng tôi bất giác chùng xuống và đôi chân bỗng dưng nặng nề không bước nổi.

Những cánh hoa vàng mỏng manh kia rồi đây biết sẽ đem lại niềm vui cho tâm hồn ai trong những ngày sắp tới khi chị Ngà đã vĩnh viễn ra đi và tôi cũng đang từ bỏ nơi này?

Chiều nay tôi ra đi, tuổi thơ tôi ở lại, mối tình đầu của tôi ở lại và màu hoa kỷ niệm kia cũng ngập ngừng ở lại. Ðừng buồn hoa cúc nhé, tao cũng như mày thôi, từ nay trở đi mỗi khi hoàng hôn buông xuống trái tim lẻ loi trong ngực tao sẽ luôn đớn đau khi nhớ tới một người...

*******

Ðã mười năm trôi qua kể từ ngày tôi đi qua hoa cúc. Mười năm, một quãng thời gian đủ để những nỗi đau nguôi ngoai và những vết thương lòng lành miệng. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn luôn nhớ tới hình bóng của chị Ngà cùng những gì chị đã in dấu vào tâm hồn tôi trong mùa hè năm ấy.

Niềm vui được sống gần gũi, được nhìn ngắm và được nghĩ vẩn vơ đến chị chưa kịp trọn vẹn thì nỗi buồn tủi lẫn tuyệt vọng khi thấy chị đem lòng yêu người khác ập tới, tiếp theo là nỗi đau mất mát trước sự ra đi của chị, có lẽ những trạng thái tình cảm mãnh liệt đó liên tiếp xảy đến với trái tim non nớt của tôi trong một thời gian ngắn buộc tôi lúc nào cũng nhớ đến chúng một cách sâu xa. Ở đời có những sự kiện, những khuôn mặt thoảng qua đời ta như cơn gió tình cờ, chẳng lưu lại một điều gì trong ký ức, nhưng cũng có những biến cố khắc sâu vào tâm hồn ta như dao chém vào đá, mãi mãi để lại trong trí não ta một vết hằn mà năm tháng chỉ đánh bóng nó lên chứ không thể làm cho nó phai đi.

Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cái buổi chiều ảm đạm của mười năm về trước, cái buổi chiều mà tôi đã vô cùng đau lòng khi phải rời bỏ dãy hoa cúc trước sân nhà ông tôi, đó cũng chính là khi tôi ngậm ngùi chia tay tuổi nhỏ của mình để rồi không một lần ngoái lại.

Bữa đó tôi khăn gói về chân cầu Cẩm Lễ, hàn huyên với mẹ và mấy em chưa được mấy câu thì ngay sáng hôm sau tôi đã theo người chú họ xa vào sinh sống ở một thành phố phương Nam. Chú tôi từ nhỏ đã trốn nhà vào làm công nhân cao su ở một đồn điền trên Ban Mê Thuột, sau đó bỏ xuống Ðồng Tháp Mười khẩn hoang, rồi không hiểu sao lại lên Sông Bé làm nghề nuôi bò sữa. Cuối cùng, cho đến ngày về thăm quê và rước tôi đi, chú đã định cư tại Sài Gòn hoa lệ và hiện đang quản lý ba, bốn xưởng dệt lớn.

Tôi bằng lòng theo chú một phần là muốn đi xa nhưng phần khác, quan trọng hơn, là muốn trốn tránh ít ra là trong lúc đó cái nơi chốn đã gắn liền với những đau buồn trong quãng đời niên thiếu của tôi.

Tôi ở Sài Gòn học hành, đỗ đạt rồi ra đi làm, cuộc đời suôn sẻ, không lắm dốc nhiều đèo như những bạn bè cùng trang lứa.

Cứ mỗi một năm, có khi hai năm, thường là vào những dịp lễ tết, tôi đáp xe đò vượt gần ngàn cây số về thăm nhà. Những lúc về nhà dù không muốn giáp mặt với kỷ niệm cũ, tôi vẫn phải ghé thăm ông và thường tôi không bao giờ rảo bước ra sau vườn, càng không dám tha thẩn bên ven suối xưa, dẫu rằng bây giờ trên bờ suối, ngay chỗ gốc dương liễu năm nào chị Ngà bỏ rơi đôi dép xanh, đã mọc lên từ lâu một cái trang thờ ngày đêm nghi ngút khói.

Dạo đó, rốt cuộc người làng vẫn không tìm được xác chị Ngà. Sau ba ngày, chị vẫn không nổi lên. Người thì bảo chị được Hà Bá rước về thủy cung, làm công chúa. Người thì bảo do mưa động trên nguồn, xác chị bị cuốn phăng ra biển. Nhưng dù có suy diễn và đồn thổi cách nào, cuối cùng dân làng vẫn họp lại dựng một cái trang thờ bên suối để vong hồn chị được ấm áp khói nhang mà khỏi làm điều quấy nhiễu. Nghe đồn cái trang thờ đó rất linh thiên, hễ ai thành tâm là cầu gì được nấy và bây giờ nó đã nổi tiếng ngang với đền Ông Lánh ở làng Hà Xuyên kế bên, bốn mùa khói nhang không ngớt.

Tôi không rõ vong hồn chị Ngà có thực sự linh thiêng hay không và nếu linh thiêng, phải chăng nó linh thiêng đến mức hình bóng chị cứ níu giữ chặt trái tim tôi khiến từ đó đến nay đã một thời gian dài trôi qua, tôi vẫn không thể nào quên được chị.

Dì Miên năm đó thi đỗ vào Ðại học Huế, theo ngành y khoa, tiếp tục sự nghiệp của ông tôi. Vài năm sau dì lập gia đình, chồng cũng là bác sĩ,và sống luôn tại Huế. Ông tôi từ sau vụ anh Ðiền không còn thu nhận học trò, lại rơi vào cảnh neo đơn. Bà Sáu thì bắt đầu lọm khọm, chậm chạp, chẳng đở đần ông được mấy tí, mẹ tôi phải cắt cử thằng em út tôi xuống ở với ông, phần theo học nghề thuốc, phần để ông sai vặt.

Còn hai đứa bạn thân thiết của tuổi thơ tôi, Chửng anh ra thành phố học nghề lái xe và trở thành tài xế xe đò liên tỉnh, Chửng em thì bỏ đi biệt. Nghe nói nó mê một cô đào trong một gánh hát về diễn ở làng, hôm trước gánh nhổ rạp, hôm sau nó biến theo luôn. Hình như về sau nó lấy được cô đào nọ và theo như lời thằng em út tôi nói thì đã có lần Chửng em dắt vợ ẵm con về thăm nhà, nhưng chỉ một lần đó thôi, về sau không thấy nó quay về nữa.

Câu chuyện này đến đây có thể coi như đã kết thúc. Tuy nhiên có một điều lạ mà tôi không thể không nhắc tới là gần đây trên đường về quê, lúc đi ngang một thành phố ven biển miền Trung, ngồi trên xe đò tôi thoáng thấy một người phụ nữ nom giống chị Ngà như tạc. Lúc đó xe đang băn qua một ngã tư, tốc độ không nhanh lắm nên tôi có thể nhìn thấy diệnmạo người phụ nữ kia khá rõ. Chị đang dắt một đứa bé khoảng chín, mười tuổi len lỏi giữa các quầy bán trái cây bày bên ven lộ. So với hình ảnh của chị Ngà mà tôi còn lưu giữ trong ký ức thì da người phụ nữ này sạm hơn, tóc cũng ngắn hơn, cách ăn mặc tất nhiên khác nhiều nhưng khuôn mặt và nhất là ánh mắt thì đúng là khuôn mặt và ánh mắt của chị Ngà.

Sau phút bàng hoàng, tôi đập tay rầm rầm vào thành xe, bảo tài xế ngừng lại. Nhưng sau khi vọt xuống xe, băng ngược trở lại thì tôi không tìm thấy mẹ con người phụ nữ ấy đâu nữa. Hỏi thăm những người chung quanh một hồi, chẳng ai biết, rốt cuột tôi đành lủi thủi đón xe đi tiếp, lòng bán tín bán nghi, hoang mang vô kể.

Nếu người phụ nữ đo quả đúng là chị Ngà thì rõ ràng chị không chết như mọi người tưởng. Chị Ngà bơi rất giỏi, khó bề chết đuối. Hồi đó có người cho rằng chị Ngà buộc đá vào người, nhưng bây giờ sau khi tình cờ nhìn thấy người phụ nữ bên đường nọ, tôi đâm ra nghi ngờ cái kiểu suy diễn mơ hồ, vô căn cứ kia. Nếu chị Ngà buộc đá vào người thì chị không thể nào trôi ra biển và sớm muộn gì người ta cũng đã vớt được xác chị rồi. Rất có thể sau biến cố kinh thiên động địa kia, chị Ngà đã lén bỏ xứ vào đây, chấp nhận cảnh bôn ba lưu lạc nơi quê người, chờ ngày sinh nở.

Dù sao tất cả cũng chỉ là giả thuyết của riêng tôi. Sau ngày đó, tôi còn trở lại thành phố này nhiều lần nữa tuy nhiên vẫn chưa có cách nào tìm gặp lại mẹ con người phụ nữ đó. Nhưng tự trong thâm tâm, tôi vẫn tin rằng nếu chị Ngà còn ở đâu đó trên cõi đời này thì sớm muộn gì tôi cũng sẽ gặp lại chị. Chỉ không biết liệu với một niềm tin kỳ quặc như thế, con người ta có thể nuôi dưỡng và sống với nó được bao lâu!

Nguyễn Nhật Ánh

Thành phố Hồ Chí Minh 1995

HẾT
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách