Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: alice2000phuong
Thu gọn cột thông tin

[Lịch Sử - Xuất Bản] Bài Học Israel | Nguyễn Hiến Lê (HOÀN)

[Lấy địa chỉ]
 Tác giả| Đăng lúc 8-5-2013 08:50:27 | Xem tất
Chương 12 (A)
(tiếp theo)

Trẻ em nào hết ban tiểu học cũng được lên trung học. Không cho điểm, hoặc cho mà không coi điểm là quan trọng, không phạt, cũng không bắt ở lại. Nếu một em nào theo một cách khó khăn thì giáo sư sẽ giảng thêm cho ở ngoài giờ học. Trường không dạy để thi bằng cấp tú tài của chính phủ. Em nào muốn thi để lên đại học thì phải học thêm một năm nữa. Đã có nhiều học sinh lên đại học đã tỏ ra xuất sắc.

Trai gái học chung với nhau từ nhỏ đến lớn. Cho tới 14 tuổi chúng ngủ chung phòng với nhau nữa, mười lăm tuồi chúng mới ngủ riêng. Chúng thấy vậy có lợi: con trai ít thô lỗ mà có thứ tự hơn; con gái hoá nghiêm trang hơn, ít nói chuyện phiếm.

Người ta nhận thấy rằng thanh niên trong các Kibboutz không phạm pháp, không truỵ lạc và ít có mặc cảm hơn thanh niên ở ngoài.

Phong trào Kibboutz tới nay đã được trên năm chục năm, nên tại một số Kibboutz, thế hệ thứ ba đã tới tuổi thành nhân rồi. Tám chục phần trăm trẻ sanh trong Kibboutz, lớn lên tự ý ở lại Kibboutz.

Kết quả đó đáng gọi là khả quan vì thời đại chúng ta ai cũng ham ra tỉnh ở, mà những thanh niên tới tuổi trưởng thành, phải đi quân dịch hai năm rưỡi, làm việc trong một Kibboutz mới thành lập một năm nữa, tổng cộng xa Kibboutz non 4 năm, mà vẫn không bị đời sống ở ngoài cám dỗ.

Nhiều người lớn vì nhiệm vụ phải làm việc ở ngoài Kibboutz mà vẫn nhớ đời sống Kibboutz. Thủ tướng Ben-Gurion chẳng hạn, khi rời chính trường trở về sống ở Kibboutz. Một số người trách rằng giáo dục ở Kibboutz hơi thiếu kỷ luật, để cho trẻ tự do quá, trình độ lại thấp, nên kéo dài ban trung học thêm một năm nữa. Sau cùng phí tổn quá nặng: giáo viên, giáo sư đều là hội viên trong Kibboutz không lãnh lương, nếu phải mướn giáo chức ở ngoài thì khó có Kibboutz nào trả lương nổi (4).

Vài vấn đề khó khăn

Xét chung tình hoà hảo trong Kibboutz khá cao, người ta coi nhau là “đồng chí”, thân thiết với nhau hơn người ngoài, chẳng hạn hơn những công chức trong một sở ở Tel Aviv. Nhưng khi mấy trăm người sống chung với nhau thì không sao tránh khỏi những sự xích mích. Đau đớn nhất là trường hợp những cặp vợ chồng li dị nhau. Thường thường một trong hai người phải bỏ Kibboutz mà đi nơi khác. Nếu cả hai cùng ở lại trong Kibboutz, một người tục huyền, một người tái giá thì thật tội nghiệp cho bầy trẻ.

Kibboutz rất thận trọng khi chấp nhận một hội viên mới. Ngay những thanh niên sinh trưởng trong Kibboutz mà cũng không đương nhiên được thu nhận, phải có Hội đồng xét rồi bỏ phiếu, đủ phiếu (không rõ bao nhiêu) nới được coi là hội viên chính thức. Nếu họ không được chấp nhận thì tình cảnh họ ra sao, không thấy Joseph Klatzmann nói tới.(5)

Mặc dầu thận trọng như vậy, vẫn không tránh khỏi được có vài kẻ làm biếng. theo nguyên tắc người ta có thể trục xuất họ, nhưng ít khi người ta nỡ dùng biện pháp đó. Và những kẻ lười biếng đó luôn luôn làm cho những hội viên siêng năng bất bình.

Vấn đề tế nhị nhất là vấn đề hướng nghiệp trẻ em. Kibboutz bao giờ cũng mong chúng ở lại vì ít khi kiếm được người ngoài để thay hội viên già cả hay quả vãng. Vì vậy người ta huấn luyện chúng cho thành nông dân; chỉ một số ít trẻ được học các ngành khác như giáo dục, kỹ thuật (nếu Kibboutz có xưởng). Nhưng nếu một em có khiếu về âm nhạc về hội hoạ, về khoa học thì làm sao? Không thể bắt chúng cày ruộng được, phải cho chúng học những trường ở ngoài, lên đại học, và thường thường chúng đi rồi thì đi luôn, rất ít khi chúng làm việc ở ngoài mà vẫn còn làm hội viên ở Kibboutz. Mà những trẻ đó có phải do cha mẹ chúng nuôi nấng đâu, do cộng đồng đảo tạo, cho nên cha chúng không có quyền đưa ý kiến, còn những hội viên, không phải là cha mẹ chúng thì dĩ nhiên chỉ nghĩ tới cái lợi của Kibboutz, bảo: “Cho nó lên đại học làm gì? Mình cần người cày ruộng mà!” Thực khó làm thoả mãn mọi người được. Chắc chắn là có nhiều thanh niên nếu ở ngoài thì được học ở đại học mà ở trong Kibboutz thì hết trung học phải làm ruộng, suốt đời ở trong Kibboutz, ít khi được tiếp xúc với xã hội bên ngoài.

Xu hướng biến hoá

Khi Kibboutz mới thành lập, đời sống khó khăn, mức sống còn thấp, cái gì cũng là của chung, ngay đến áo sơ mi cũng là của chung nữa, nghĩa là có sẵn một số áo đó, áo dơ thì cứ việc lại lấy mà thay, không phân biệt áo này của tôi hay của anh.

Đến lúc mức sống đã khá cao thì tự nhiên người ta nghĩ đến việc phân phát một số đồ dùng riêng: áo quần riêng, bàn tủ riêng, máy thu thanh riêng… Mới đầu có nhiều phản kháng cho như vậy là trái nguyên tác cộng đồng, nhưng rốt cuộc người ta cũng phải chấp nhận.

Dần dần người ta lại cho hội viên tự do lựa chọn nữa, tôi có quyền có áo sơ mi riêng, thì xin cho tôi một chiếc bằng thứ hàng này, màu này, cắt theo kiểu này; hoặc cho tôi xin máy thu thanh của hãng này hãng nọ. Tới một mức nữa, người ta xin có một số tiền để mua kiểu áo, kiểu máy thu thanh nào tuỳ ý. Và Kibboutz phân phát cho mỗi người một số “bon” (6)- dĩ nhiên là đồng đều nhau để muốn lựa gì thì lựa.

Một cải biến nữa như trên đã nói, là cho trẻ về ngủ với cha mẹ suốt đêm, và hiện nay đương có xu hướng “phụ nữ hoá” lại phụ nữ, bớt công việc ở ngoài cho họ để có thì giờ chăm sóc chồng con.

Như vậy cũng đã bỏ hơi xa các quy tắc hồi đầu rồi đấy, và nhiều người đã tự hỏi không biết sau này Kibboutz có biến thành những mochav chitoufi không?(7)

Hoạt động kinh doanh

Kibboutz trước hết là một tổ chức kinh doanh cho nên muốn biết một Kibboutz có thành công hay không, không thể xét riêng những hoạt động xã hội, tức lối sống cộng đồng, như hầu hết các nhà viết về Israel thường làm, mà còn phải xét những hoạt động kinh doanh nữa.

Nhiều người ngờ rằng hội viên trong một Kibboutz vì không được có tư sản, không có tư lợi kích thích, làm việc không hăng hái, không có hiệu năng, thành thử lối kinh doanh đó không có lợi, không phát đạt bằng một xí nghiệp của một tư nhân, một công ty, mà cũng không ích gì nhiều cho quốc gia như một xí nghiệp quốc hữu hoá, vì chính quyền không được quyền kiểm soát chặt chẽ.

Ông Joseph Klatzmann đã phân tích kỹ các hoạt động kinh doanh của Kibboutz Maagan Mikhael, ở đây tôi chỉ xin đưa ra những kết luận của ông.

Kibboutz đó có những ngành hoạt động dtrởi đây:

- Trồng lúa

- Trồng các cây ăn trái, nhiều nhất là chuối

- Nuôi gà

- Nuôi ngựa

- Nuôi bò ăn thịt, vắt sữa

- Nuôi cá

- Đánh cá biển

Tổng cộng trong năm 1959-60 có hết thảy 77.000 ngày (8), phân phối như sau:

- Sản xuất: 30.000 ngày làm

- Công việc ở ngoài: 2.000 ngày làm

- Dịch vụ cho người lớn: 10.500 ngày làm

- Dịch vụ cho trẻ em: 21.500 ngày làm

- Nghỉ, đau: 8.000 ngày làm

- Hoạt động công cộng: 4.000 ngày làm

- Nghiên cứu: 1000 ngày làm
______________________

Cộng 77.000 ngày làm

Vậy nếu không kể những ngày không hoạt động và những ngày để nghiên cứu thì còn lại 68.000 ngày hoạt động, trong đó có:

- 36.000 ngày làm tức 53% dùng vào hoạt động sản xuất.

- 32.000 ngày làm tức 47% dùng vào các dịch vụ mà các dịch vụ cho trẻ em tốn công gấp 2 dịch vụ cho người lớn.

Như vậy Kibboutz có tốn công nhiều quá cho trẻ em không? Chưa chắc vì trong các gia đình nông dân Pháp hay Việt Nam, số giờ săn sóc trẻ em, chưa ai tính kỹ, làm thống kê chứ cũng cao lắm; chỉ khác họ dùng vào việc đó những người không sản xuất được: trẻ lớn trông trẻ nhỏ, ông bà săn sóc cháu.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 8-5-2013 08:52:24 | Xem tất
Chương 12 (A)
(tiếp theo)

Ngay các hội viên trong Kibboutz cũng phân vân về điểm đó, có người bảo nên giữ hiện trạng, có người đề nghị để cha mẹ săn sóc lấy con cái thì có lẽ lợi hơn. Người ta chỉ đồng ý với nhau rằng trẻ trong Kibboutz được săn sóc kỹ lưỡng lắm. Đó là một kết quả đáng kể.

Về dịch vụ cho người lớn thì lối sống chung trong Kibboutz rõ ràng là tiết kiệm được nhiều thì giờ (một phụ nữ lo việc ăn được cho hai chục người) và hội viên ngoài giờ làm việc, được rảnh rang, khỏi phải lo gì về việc nhà cả. Kết quả đó rất đáng kể nữa.

Về việc sản xuất, ông Klatzmann bảo sức sản xuất mạnh đấy, nhưng tốn kém quá, nhưng đó không phải là nhược điểm của riêng các Kibboutz, nó là nhược điểm chung của ngành nông nghiệp Israel. Vấn đề ấy chính quyền Israel chắc đương nghiên cứu.

Kết quả lời rất ít:

Năm 1960-61 thu được 1.928.000 (bảng Israel), thì:

- Tiêu vào việc sản xuất 800.000

- Phí tổn chung: 82.000

- Trừ dần vào vốn: 222.000

- Trả tiền lời: 161.000

- Mọi chi tiêu cho Kibboutz: 615.000
___________________________

Cộng: 1.880.000

Lời được: 48.000

Tính ra Kibboutz chi tiêu năm đó cho mỗi hội viên là 1.100 bảng Israel, khoảng 50.000 Mỹ kim (năm 1968), trên 4.000 Mỹ kim một tháng. Số đó không cao nhưng chúng ta chưa kết luận được rằng như vậy mức sống của Kibboutz kém. Hội viên có nhà ở đàng hoàng (dĩ nhiên khỏi trả tiền mướn), con cái được nuôi nấng, dạy dỗ kỹ lưỡng, họ có trà, bánh trái cây tha hồ dùng, mức sống của họ có phần còn hơn nhiều gia đình nông dân ở Pháp.

Kết luận.

Rốt cuộc, sau khi cân nhắc các ý kiến của ba nhà:

- Clara Malraux, một người Do Thái, tác giả cuốn “Civilisation du Kibboutz”

- David Catarivas, tác giả cuốn “Israel”(tôi đoán cũng là Do Thái) tác giả cuốn Israel.

Joseph Klatzmann giáo sư trường École Pratique des Hautes Etudes (Paris), một người có công tâm, có tinh thần khoa học, tôi có thể kết luận như sau:

Kibboutz thành công về phương diện xã hội; tuy hội viên gặp vài điều khó khăn trong đời sống xã hội (tính tình xung khắc nhau, kẻ siêng bực mình về kẻ làm biếng, thanh niên không được tự do lựa nghề theo khả năng của mình) nhưng hễ sống chung thì không sao tránh hết được mọi sự bất tiện, mà đời sống trong Kibboutz so với đời sống ở ngoài vẫn dễ dãi hơn, bình đẳng hơn, thân mật hơn, có ý nghĩa hơn.

2. Không phải vì thiếu kích thích tư lợi mà hội viên trong Kibboutz không làm việc đắc lực. Điều này rất dễ hiểu: họ tự gia nhập cộng đồng, hầu hết họ đều có tinh thần phục vụ cả; mà Kibboutz lại lựa người cho gia nhập một cách gắt gao, vô rồi mà tư cách không đàng hoàng thì vẫn có thể bị trục xuất; như vậy những người còn lại đều là hạng trên mức trung hết. Lại thêm vì cách tổ chức công việc, cách phân công nên năng suất của họ thường cao hơn ở ngoài.

Vả lại ta có thể tin rằng một khi Kibboutz thịnh vượng, mức sống cao lên nhu cầu vật chất và tinh thần của họ được thoả mãn đầy đủ, (chẳng hạn, ai cũng có máy thu thanh, máy vô tuyến truyền hình, có sách báo, đĩa hát, được đi du lịch mỗi năm ít tuần…) thì họ bớt có tinh thần ham muốn về tư hữu, ai cũng như ai, có thiếu thốn gì đâu mà ganh tị?

Hội viên mỗi ngày có thêm khuynh hướng cá nhân, điều này đúng… Một số người đã không muốn ăn chung mà muốn đem thức ăn về phòng riêng. Họ cũng thích có một phòng tắm riêng, bận những quần áo theo sở thích của họ (nhất là phụ nữ). Như vậy thực ra không nhải là tinh thần tư hữu mà là tinh thần cá nhân (vì họ không đòi có nhiều tiền của hơn, được hưởng nhiều hơn những người khác, không nghĩ tới việc để của cho con cái), và tinh thần cá nhân đó trái hẳn với nguyên lắc cộng đồng của Kibboutz thời nguyên thuỷ, đã làm cho Ben-Gurion thở than, cho rằng các hội viên Kibboutz đã sa đoạ.

Nhưng bao giờ mà chẳng vậy, xứ nào mà chẳng vậy khi thành công về vật chất, về kinh tế thì tự nhiên tinh thần chiến đấu kém đi. Nga Sô bây giờ tiểu tư sản hoá rồi. Quốc gia Israel ngày nay đã vững, ngày nào họ không cần lo về phía Ả Rập nữa thì nhất định họ cũng sẽ như người Pháp, người Anh, người Mỹ. Không thể bắt cả mấy triệu dân đều là anh hùng hết, anh hùng suốt trong mấy thế hệ, anh hùng một cách vĩnh viễn được. Cái đó không hợp tình hợp lý. Anh hùng tính nhất định là đáng quý, nhưng chỉ quý vì nó tạo hạnh phúc cho mọi người, khi nó không cần thiết cho hạnh phúc nữa thì nó hết nhiệm vụ. Hạnh phúc vẫn là mục đích tối hậu của nhân sinh.

4. Vì vậy mà hiện nay có một số người tách ra: từ 6 đến 10%; theo Joseph Klatzmann, số đó tới 20% mà đều là con cháu của các tiên khu cả.

Chưa tác giả nào phân tích tâm lý họ, tìm hết thảy các nguyên nhân rồi làm thống kê theo từng nguyên nhân một, có lẽ vì muốn vậy phải phỏng vấn nhiều người mà ít người chịu nói thực.

Chúng ta chỉ có thể đoán rằng họ ra đi:

- Vì lúc tới họ nhiệt tâm chiến đấu để thành lập Israel, xong rồi, họ thấy không cần phải hy sinh thêm nữa, muốn sống tự do hơn.

- Vì họ không tự biết rõ mình, tưởng có thể sống đời cộng đồng, sau thất vọng vì đời đó không hợp với họ.

- Vì xích mích với ít nhiều hội viên khác, Vì sau một cuộc li dị, một trong hai người đi nơi khác (trường hợp này hiếm).

- Vì tinh thần trong Kibboutz chưa thật bình đẳng như họ muốn, vài nơi vẫn có giai cấp, nhưng nhiệm vụ quan trọng vẫn gần như cha truyền con nối (theo Clara Mallaux), và có những “hội viên thứ sáu” nghĩa là mỗi tuần sống năm ngày phè phỡn ở Jérusalem, Tel Aviv, chỉ thứ sáu mới về Kibboutz như người Âu, Mỹ đi nghỉ cuối tuần.

Nhưng lỗi có thực về Kibboutz không?

Những kẻ hưởng những quyền lợi đó được Hội đồng chung đề cử kia mà; ai có đủ khả năng thì cũng có thể được đề cử. Trái lại cũng có một số hội viên vì nghề nghiệp phải sống ở Tel Aviv, Haifa (chẳng hạn một y sĩ chuyên về bệnh ngoài da, bệnh cuống họng thì trong Kibboutz đâu có đủ bệnh nhân để họ chữa nhưng kiếm được bao nhiêu đem về nộp quỹ Kibboutz hết, Kibboutz chỉ phát cho họ một số tiền để chi tiêu ở đó thì theo mức sống trong Kibboutz. Những người đó thật đáng phục.

- Có lẽ còn một nguyên do nữa: một số người không thích đời sống công chức thảnh thời, không phải lo lắng trong Kibboutz dẫu được bảo đảm về vật chất; họ muốn mạo hiểm, may hưởng rủi chịu, thích xông pha, chiến đấu với xã hội (không nhất định vì ham lợi đâu), cho đời sống trong Kibboutz như nước ao tù nên đòi ra ngoài. Số này có lẽ không ít: sự mạo hiểm hấp dẫn người ta mạnh lắm.

***

Mặc dầu vậy hiện nay Kibboutz rất vững. Nó không phát triển mạnh như hồi đầu; cứ theo nhân số, có hồi gồm 7% số dân Do Thái ở Israel, nay chỉ còn khoảng 4%, nhưng xét cho kỹ thì tỉ số người trong Kibboutz cũng có tăng, tuy không bằng tỉ số dân Israel, như vậy là có lùi đấy, lùi chậm. Những người Do Thái hồi hương sau này không thích vô Kibboutz như hồi đầu, họ thiếu tinh thần tranh đấu, họ hồi hương để hưởng lạc trước hết, do đó số người xin gia nhập Kibboutz không đủ bù số người bỏ ra ngoài.

Tóm lại hiện nay không lập thêm được Kibboutz mới, nhưng các Kibboutz cũ vẫn đứng được và sẽ biến chuyển dần dần mỗi ngày một xa những quy tắc chặt chẽ hồi đầu, xa tới đâu thì chúng ta không biết được.

***

Các nước khác có lập Kibboutz được không?

Nhiều người cho rằng tổ chức Kibboutz chỉ có thể xuất hiện ở Israel được thôi, các nước khác không thể áp dụng nó được vì nó được thành lập để giải quyết những vấn đề đặc biệt của Israel trước và sau khi lập quốc, mà những vấn đề đó không có ở các quốc gia khác.

Tunisie, năm 1960 đã tạo một tổ chức nông súc ở thung lũng Medjerda, gồm ba mươi thanh niên, hết thảy ở trong đảng quốc gia. Họ sống chung, làm việc chung y như trong một Kibboutz, chỉ khác viên quản lý là một người ở ngoài.

Năm 1963 ông Klatzmann chưa thể xét kết quả của nhóm đó được. Nhưng ông nghĩ rằng tại các nước khác, chỉ trong những trường hợp đặc biệt - như có nguy cơ chung, có một nhóm người tinh thần quốc gia, tinh thần chiến đấu rất cao - mới có thể thành lập các Kibboutz mà có kết quả.

Thiếu những hoàn cảnh đặc biệt đó thì chỉ nên thành lập các Mochav Ovedim.

Chú thích:

1 - David Catarivas trích rồi dịch, đem dẫn trong cuốn Israel (Petite Planète) 1960 - trang 24

2 - Kibboutz số nhiều là Kibboutzim .

3 - Tới mức nào, thì tôi chưa thấy sách nào nói tới.

4 - Đoạn về giáo dục này chúng tôi tham khảo cuốn Civilisation du kibboutz (sách đã dẫn) và cuốn Le Kibboutz của Moshé Kerem trong loại Israel aujourd 'hui Jerusalem, 1963.

5 - Có sách bảo hội vie6nnào muốn ra thì được đem theo các đồ đạc trong phòng và có nơi còn được tặng thêm một số tiền nữa.

6 - Bon: tiếng Pháp là phiếu

7 - Coi ở đoạn dưới.

8 - Chúng tôi phân biệt : công nhật là tiền công trả cho một ngày làm việc, ngày làm trái với ngày nghĩ, và ngày thực sự làm việc, lại khác với ngày làm.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 9-5-2013 08:44:51 | Xem tất
Chương 12 (B)
Mochav Ovedim

Tính cách của tổ chức Mochav Ovedim

Kibboutz là tổ chức của các chiến sĩ tiên khu. Ít phương tiện nhưng nhiều lý tưởng và nhiệt lluyết, tổ chức đó hợp với buổi đầu. Sau chiến tranh độc lập người Do Thái ở khắp nơi hồi hương ít nhiệt huyết, nhưng lại nhiều phương tiện, nhứt là được chính quyền, các cơ quan (như sự vụ Do Thái - Agence Juive) giúp đỡ, nên người ta nghĩ nên thành lập một tổ chức kiểu khác, gọi là Mochav Ovedim (có nghĩa là làng công nhân) có tính cách bán cộng đồng, bán cá nhân.

Mochav Ovedim là một làng mà mỗi nông dân khai thác riêng lô của mình nhưng hợp tác chặt chẽ với các người khác. Nhưng đặc điểm chính của tổ chức đó như sau:

Đất thuộc về quốc gia, vậy theo nguyên tắc, không thể bán, không thể cho người khác mướn được. Quốc gia cho mỗi người thuê một lô thời hạn là 49 năm, có thể gia hạn được như vậy con cháu có thể chắc rằng nếu muốn thì sẽ được phép tiếp tục công việc khai thác của ông cha.

Chia đất rất phân minh, công bằng: diện tích ngang nhau, ai nấy cũng được một số dụng cụ cần thiết, một số vốn bằng nhau. Số dụng cụ và vốn đó cho mượn, phải trả lại Sự vụ Do Thái trong hạn 30 hay 40 năm.

Nông dân phải đích thân canh tác với người thân trong gia đình, chỉ trừ vài trường hợp đặc biệt đã ấn định rõ, mới được mướn người ngoài. Chính quyền phái huấn luyện viên tới chỉ dẫn cho tới khi họ thông thạo mới thôi.

Mochav Ovedim cũng có một khu đất công, không chia lô, không phân phát để cả làng chung sức khai khẩn (thường là trồng lúa).

Mỗi nông dân sản xuất được bao nhiêu phải bán hết cho hợp tác xã của làng (từ đây Mochav Ovedim gọi là làng cho tiện), hợp tác xã đó là một chi nhánh của một hợp tác xã trong toàn quốc, tên là Tnouva. Những vật cần dùng cho việc kinh doanh cũng phải mua ở hợp tác xã. Những thức ăn, thức uống vật dụng trong nhà thì muốn mua ở đâu tùy ý.

Tuy diện tích đất đai đều nhau, nhưng mỗi người được tự ý khai thác ra sao cũng được, tăng vốn bao nhiêu cũng được, thiếu vốn có thể vay của làng hay của hợp tác xã. Khi rời làng, nếu đã trả hết vốn chính quyền cho mượn rồi thì có thể để lại số vốn đó và số vốn mình đã tạo thêm cho một người khác qua trung gian là làng.

Làng có trường học, dưỡng đường.

Mochav Ovedim phát triển mau nhất.

Thành lập sau các Kibboutz mà dân số trong các Mochav (Số nhiều là mochavim) Ovedim tăng lên rất mau, năm 1961 đã được 120.000 người, bằng 40% số dân quê Do Thái ở Israel, gấp rưỡi số dân trong các Kibboutz.

Nguyên nhân một phần lớn tại lớp người mới hồi hương đa số gốc Á, Phi, không có tinh thần cao, không thể sống trong các Kibboutz được. Một phần nữa cũng do các Mochav Ovedim được chính phủ giúp đỡ nhiều, phái huấn luyện viên tới chỉ dẫn, nên dễ phát đạt. Sau cùng cũng do tính tư hữu là tính chung của loài người, nên nhiều người tính vô Mochav Ovedim.

Quản trị

Cũng như trong các Kibboutz, ban quản trị do một Hội đồng chung bầu lên, nhưng trong làng có nhiều người mới hồi hương, không quen công việc cho nên ban quản trị thường được bầu đi bầu lại, có chỗ viên thư ký của ban nắm hết quyền hành như một nhà độc tài, trong làng có một số người không phải là hội viên, không làm ruộng, chẳng hạn các giáo viên tới dạy cho trường.

Lối sinh loạt tự do hơn Kibboutz, ai muốn làm việc giờ nào thì làm, muốn chơi thì chơi; làng có câu lạc bộ, có rạp chiếu bóng. Trẻ con sống với cha mẹ.

Mới đầu chính quyền gom góp nhiều dân tộc ở khác xứ như Maroc với Argentine, Roumanie vào một làng. Những người cùng xứ hợp với nhau hành một hội riêng. Sau chính quyền thấy chính sách đó gây nhiều xích mích, nên lựa những người cùng xứ, có khi cùng một giới nữa mà cho lại ở một làng.

Có làng gồm những dân trung lưu, khá giả, có sẵn vốn nên cất nhà sang trọng, khuếch trương công việc khá mau, mướn công nhân ở ngoài, có khi không bắt buộc phải mua bán ở hợp tác xã nữa.

Nhưng đó là biệt lệ còn thì trong hầu hết các làng, sự hợp tác vẫn là bắt buộc; người dân bản sản vật cho họp tác xã, hợp tác xã không trả tiền mặt, mà khi mua gì của hợp tác xã, người đó cũng không trả tiền mặt. Cứ ghi vào sổ, thành ra có người thiếu nợ.

Mỗi tháng hợp tác xã tính sổ cho họ. Nhưng mỗi người cũng được lãnh một số tiền mỗi tháng để mua bán những món mà họ phải trả tiền mặt, hoặc mua ở ngoài, hoặc mua trong hợp tác xã.

Họ phải đóng thuế để gánh phí tổn về các dịch vụ chung.

Vài ba làng có chung một trường tiểu học và trung học. Thanh niên nàơ muốn lên đại học sẽ được làng giúp đỡ.

Kết quả

Về phương diện kinh tế, kết quả rất khả quan Vì nông dân trong làng cũng như nông dân mọi nơi trên thế giới, quen làm việc suốt ngày, không có tính cách công chức như trong các Kibboutz. Dĩ nhiên có kẻ phát mau có kẻ phát chậm, nhưng ít ai thất bại. Một nguyên nhân nữa là làng được chính quyền giúp đỡ nhiều huấn luyện viên.

Khó so sánh được hai lối kinh doanh: Kibboutz và Mochav Ovedim vì mỗi lối nhắm một mục kích khác, một thiên về tính cách xã hội, một thiên về tính cách kinh tế, tinh thần của hai hạng lội viên cũng khác nhau.

Cho nên ông Lowe, Bộ trưởng Bộ Canh nông Israel chỉ có thể kết luận đại ý rằng: Sức sản xuất, sự tiêu pha và lợi tức trong hai tổ chức đó xuýt xoát như nhau; trong các Mochav Ovedim người ta tiêu pha nhiều hơn một chút thành thử mức lời có kém; nhưng về năng suất khó bảo được lối nào hơn lối nào. Còn về vấn đề xã hội thì không thể so sánh một cách khoa học được: mỗi tổ chức với tính tình của một hạng người.

Ông không nói ra, nhưng ông cũng nhận như mọi người rằng Kibboutz đào tạo được nhiều thanh niên có tinh thần phục vụ hơn những khi quốc gia hữu sự.

Vài nỗi khó khăn

Tuy nhiên tổ chức Mochav Ovedim cũng gặp nhiều vấn đề khó giải quyết.

1. Như trên đã nói, hội viên trong làng tự ý khai thác và có nhiều người phát mau, nhưng không có quyền khuếch trương diện tích đất đai. Lô của họ đã hạn định. Có người không trồng trọt hết mà làm công việc khác có lợi hơn như nuôi gà, vịt thành thử đất trống. Hạng người trên tất sẽ hỏi mướn lại đất của hạng sau. Nếu họ được mướn rồi, nếu họ lại được phép mướn công nhân ở ngoài thì rõ ràng là một xí nghiệp tư bản rồi.

Việc hạn chế diện tích chỉ có danh mà không có thực. Không làng nào bắt một người làm không hệt đất (vì lẽ này hay lẽ khác) phải bỏ đất hoang, không cho người hàng xóm mướn để trồng trọt thêm: người ta chỉ hạn chế cho mướn đất, chẳng hạn cho phép cho mướn trong mấy năm thôi và khi con cái người cho mướn đất đòi lại thì người mướn phải trả.

2. Thế hệ thứ nhì thường ở lại làng tiếp lục công việc khai thác của cha mẹ, thành thử diện tích hồi đầu chia cho một gia đình gia đình đó chia cho ba người con đã thành nhân, mỗi người con chỉ được một miếng nhỏ. Dân tăng lên mà đất thì như cũ. Giải quyết vấn đề đó cách nào?

3. Tại các nước tư bản, người ta được quyền mua thêm đất cho con cái, cho chính mình. Làng Mochav Ovedim trái lại cấm việc mua bán đó, cố giữ tính cách đồng đều rốt cuộc là tạo ra một sự bất quân, thiệt cho những nhà đông con, mà đất trong làng sau hai thế hệ, sẽ chia ra thành manh mún, bất tiện cho sự canh tác. Đó là một nhược điểm của Mochav Ovedim mà Kibboutz tránh được bằng cách tạo thêm những cơ sở kỹ nghệ cho hội viên có việc làm. Có lẽ các Mochav Ovedim cũng phải theo cách đó, cho các thế hệ sau được phép mở xưởng trong làng, nhưng quy chế các xưởng đó sẽ ra sao nếu vẫn muốn giữ tính cách tư hữu bình đẳng và hợp tác?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 9-5-2013 08:46:11 | Xem tất
Chương 12 (B)
(tiếp theo)

4. Nếu một hội viên không có con nối nghiệp thì đất cát là của làng, nhưng còn dụng cụ vốn tiếng là của riêng, người đó có quyền bán lại. Có thể bán lại cho một người đông con trong làng, nhưng số vốn đó thường lớn, ít người mua nổi, lúc đó mới làm sao? Và, nếu nhiều người cũng muốn mua thì phải làm sao?

Một nước đã muốn rút kinh nghiệm của Israel

Hình thức kinh doanh Mochav Ovedim hợp với tinh thần cá nhân của nông dân, lại không bắt hội viên phải có tinh thần hy sinh, nên được nhiều người thích, và chính quyền Miến Điện đã muốn áp dụng nó ở trong nước nhưng mới thử tạo một Mochav Ovedim để thí nghiệm thôi.

Chính quyền Miến chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Trước hết lựa một số nông dân, cho họ và cả gia đình họ qua tập sự một năm ở Israel, phí tổn chính quyền chịu hết. Một vị đại tá cầm đầu nhóm đó. Vậy không phải là chỉ có vài huấn luyện viên Israel qua Miến chỉ dẫn, giảng giải, mà là cả một làng Miến qua Israel để nghiên cứu, xem xét tận mắt cách thức tổ chức một Mochav Ovedim ra sao. Người ta còn cẩn thận cho những nông dân đó học trước tiếng Hébreu để có thể tiếp xúc thẳng với người Israel.

Qua Israel họ sống trong một Mochav Ovedim nhưng cũng đi thăm các Kibboutz.

Khi về nước, tất cả những huấn luyện viên Israel đã chỉ dẫn cho họ ở trong Mochav Ovedim cũng theo họ để tiếp tục làm cố vấn cho họ.

Chưa có cuộc chỉ dẫn nào kỹ lưỡng và tốn tiền, tốn công như vậy. Người ta muốn cho thí nghiệm đầu tiên phải thành công.

Năm 1963, thí nghiệm đó mới bắt đầu, ông Joseph Klatzmann bảo phải đợi bốn năm nữa mới có thể xem xét kết quả mà phán đoán được. Năm nay, 1967, đã tới lúc đó rồi. Độc giả có vị nào được biết kết quả của thí nghiệm Miến Điện cũng nên giới thiệu trên báo chí cho đồng bào mình biết. Thí nghiệm của Miến điện mà thành công thì chính quyền mình cũng nên theo họ. Sau chiến tranh này có biết bao miền - ở Đồng Tháp, ở miền U Minh, ở Cao nguyên - cần phải khai thác một cách có hiệu quả để nâng cao mức sống của quốc dân.

***

MOCHAV CHITOUFI

Tính cách

Còn một hình thức kinh doanh nữa, ở giữa hai hình thức trên (Kibboutz, Mochav Ovedim) là tổ chức Mochav Chitoufi (có nghĩa là làng hợp tác).

Cũng là một cộng đồng để canh tác như hai tổ chức kia: mọi hội viên cũng bình đẳng về quyền lợi cũng dự vào các hội họp chung, cũng bầu một ban quản trị trong một thời hạn đã ấn định. Nó giống Kibboutz ở chỗ:

- Các phương tiện làm việc thuộc về cộng đồng, cộng đồng phân phối công việc cho mỗi người.

Nhưng nó khác Kibboutz ở chỗ:

- Mỗi gia đình tự lo lấy việc ăn uổng. Họ được cộng đồng cung cấp cho nhà ở, và phát cho một số tiền trợ cấp (allocation) chứ không gọi là tiền công - nhiều ít tuỳ số người trong gia đình và họ muốn mua vật thực quần áo, tiêu ra sao tuỳ ý. Họ nấu bếp lấy, nuôi con lấy. Về phương diện đó họ được tự do hơn hội viên Kibboutz, gần bằng hội viên Mochav Ovedim.

Tổ chức đó giống Kolkhoz ở Nga nhưng vẫn khác: thực sự “dân chủ” hơn Kolkhoz, và hoàn toàn bình đẳng về tiền trợ cấp; bình đẳng ở chỗ nhiều con thì được trợ cấp nhiều.

Cũng khác Mochav Ovedim vì không có sự kích thích của tư lợi.

Tóm lại nó giữ những cái lợi của tổ chức Kibboutz (làm việc chung, tận tâm với lợi ích chung) mà đồng thời cũng muốn giữ đời sống riêng trong gia đình.

Tại sao có tổ chức đó?

Mochav Chitoufi đầu tiên thành lập ở Timorim do một số người hồi hương từ nhiều nơi: Nam Phi, Ai Cập, mấy năm đầu (sau 1949) họ sống cực khổ để tạo nên một Kibboutz, và họ định khi Kibboutz phát đạt một chút, họ sẽ sửa đổi tổ chức thành một Mochav Chitoufi. Sở dĩ họ có ý đó vì họ nghĩ rằng Kibboutz có vài nhược điểm; ăn riêng đỡ tốn hơn ăn chung đỡ hao phí, mà lại thích hơn, hợp với khẩu vị của mỗi người: con cái do cha mẹ nuôi lấy, gia đình sẽ vui hơn. Nhưng họ không tiến tới hình thức Mochav Ovedim vì họ cho rằng Mochav Ovedim người ta ham tư lợi, làm việc tối tăm mặt mũi, còn trong Kibboutz, người nào cũng được buổi tối rỗi rảnh để nghỉ ngơi, đọc sách.

Tổ chức đã thành công nhưng không phát triển

Tổ chức đứng vững, công việc kinh doanh phát đạt cũng như các Kibboutz, mức sống cũng cao. Trẻ được dạy dỗ, học hành tới 18 tuổi, cộng đồng chịu hết phí tổn. Nhà nào cũng có một máy giặt, một bếp hơi (gaz), một tủ lạnh, sau này sẽ được một chiếc xe hơi nữa.

Mỗi tuần được coi chiếu phim hai lần. Hội có cả một hồ tắm.

Hội lại có dư tiền mua máy cho người ngoài mướn, có vẻ tiến tới một xí nghiệp tư bản.

Sở dĩ được vậy có lẽ một phần nhờ tinh thần đoàn kết và điều lệ nghiêm ngặt.

Ai muốn gia nhập phải tập sự một năm (cũng như trong Kibboutz) lại phải đóng một số tiền vô hội (vì mới vô đã được hưởng ngay nhà và nhiều cái lợi lớn của hội), nhất là phải có hai điều kiện: dưới 40 tuổi (trên tuổi đó sức làm việc kém đi) và đừng có quá ba con (nhiều con thì là một gánh nặng cho hội).

Nhưng hình thức kinh doanh Mochav Chitoufi không phát triển mạnh như Mochav Ovedim.

Hiện nay Israel có khoảng tới 20 Mochav Chitoufi, tổng cộng chỉ được độ 4.000 người - khoảng 1% số dân thôn quê Do Thái.

Nó hình như đứng lại ở mức đó và có người ngờ rằng nó bị khủng hoảng. Thực ra chưa tới nỗi đó.

Nguyên do tại đâu?

Có người bảo nó sinh sau hai hình thức kia, nên không có chỗ để phát triển. Không chắc đã phải vậy?

Có người lại bảo nó là một loại “dơi”, chim không ra chim, chuột không ra chuột, nên người ta không thích. Ai có tinh thần tập thể, thích đời sống cộng đồng thì đã vô Kibboutz cả rồi; còn ai thích đời sống cá nhân thì cũng đã vô Mochav Ovedim. Lý do đó thì cũng giống lý do trên, không vững gì hơn.

Sau cùng có người đưa ra lý do này: nó không gồm được đủ những cái lợi của Kibboutz và của Mochav Ovedim mà lại có đủ những cái bất lợi của hai tổ chức đó. Lý do này cũng gần như lý do thứ nhì.

Còn chính các hội viên Mochav Chitoufi lại bảo: Sinh lực của nó rất mạnh đấy chứ. Tương lai nó sẽ rất rực rỡ: chứng cớ là tử khi nó xuất hiện, các Kibboutz đã biến chuyển để tiến về hình thức Mochav Chitoufi. Sau này sẽ thành Mochav Chitoufi hết cho mà coi.

Sau này ra sao thì chưa biết. Chỉ biết rằng hiện nay tuy những dị biệt giữa Kibboutz và Mochav Chitoufi có giảm đi thật, nhưng vẫn còn Kibboutz không “trợ cấp” cho mỗi gia đình để chi tiêu tuỳ ý như Mochav Chitoufi. Các hội viên Kibboutz vẫn muốn giữ quy tắc này mà họ cho là căn bản: sống chung, ăn chung; nếu bỏ quy tắc đó thì Kibboutz không có lợi nhiều về tinh thần nữa, mất tính cách cộng đồng, tính cách mà họ cho là cao quí, đáng cho họ hãnh diện, vì chính nó tạo nên lòng hy sinh chiến đấu chung.

Chưa biết tương lai sẽ ra sao. Nhưng ta có thể tự hỏi: hình thức nào trong ba hình thức đó hợp với tinh thần Việt Nam hơn, để sau này, bình yên, chúng ta thử thí nghiệm xem sao.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 10-5-2013 08:52:25 | Xem tất
KẾT
BÀI HỌC ISRAEL

Tinh thần Kibboutl

Nhiều người đã bảo Israel là một phép màu của thế kỷ XX (1). Nó đúng là phép màu, phép màu tới ba lần: một dân tộc mất tổ quốc, phiêu bạt non hai ngàn năm, đa số đã nhập tịch các quốc gia khác mà vẫn giữ được truyền thống rồi chỉ nhờ một cuốn sách mỏng, cuốn “Quốc gia Do Thái” của Herzl mà lòng phục hồi tổ quốc bừng bừng lên, gây nổi một phong trào tranh đấu để hồi hương: một lần phép màu: họ hồi hương từng nhóm nhỏ một, đã chịu bao cảnh gian nan trên đường về lại bị bao cảnh đàn áp khi tới chỗ, mà một mặt chống cự được với thực dân Anh, một mặt chiến thẳng được liên quân của mấy chục triệu dân Ả Rập ở chung quanh, bắt thế giới phải thừa nhận nền độc lập của mình: hai lần phép màu; mới im tiếng súng, họ vừa lo kiến thiết quốc gia vừa lo tiếp nhận và định cư những đồng bào từ bốn phương tới, và mười tám năm sau (1967) họ thực hiện được biết bao kỳ công: định cư cho trên một triệu đồng bào, hồi sinh cho một tử ngữ, thắng liên minh Ả Rập hai lần một cách chớp nhoáng, tạo một nền canh nông tiến bộ hơn của Pháp, sáng lập mấy hình thức kinh doanh nông nghiệp mới mẻ làm cho cả thế giới phải chú ý: ba lần phép màu. Mà mới đầu họ chỉ có trên nửa triệu người ở trên một khu đất rộng bằng ba tỉnh của nước ta, một nửa lại là sa mạc. Sao mà họ tài được như vậy?

Chả trách các quốc gia chậm tiến châu Phi đều hướng cả về Israel để rút kinh nghiệm mà cũng để tìm một niềm tin, như hồi xưa các nước phương Đông chúng la hướng về Nhật Bản. Dĩ nhiên Israel không bỏ lỡ cơ hội đó để gây uy thế và tình cảm.

Cũng như Moscow, cũng như Bắc Kinh, Jérusalem đã có một Viện Á Phi. Cũng như Mỹ, Anh, Pháp, Israel viện trợ kỹ thuật và đôi khi cả tiền bạc cho các nước Á, Phi.

Họ lựa 500 dụng ngữ Hébreu cần thiết, một thứ tiếng Hébreu căn bản, để dạy người ngoại quốc.

Từ ngữ đó mới hồi sinh độ mươi năm đã muốn tranh giành ảnh hưởng với Anh ngữ, Pháp ngữ, khí hùng ngùn ngụt. Họ mời các chính khách châu Phi tới thăm xứ họ.

Họ giúp Nigeria, Libéria, Ethiopie. Ghana trong việc dẫn thuỷ nhập điền, nông lâm, mục súc; rồi cất trường học, đóng tàu, gởi chuyên viên qua Miến Điện học cách tổ chức Mochav Ovedim của họ; Tchad, Congo ký hiệp ước kinh tế và văn hoá với họ. Năm 1959, mười năm sau khi họ độc lập, đã có 450 nhân viên Á, Phi qua tu nghiệp ở Israel, năm sau 1960, số đó tăng lên tới 1.000!

Một nhân viên châu Phi qua học tại viện Á, Phi sáu tháng, tuyên bố:

- Thí nghiệm Do Thái là một bài học cho người Phi chúng ta. Nhờ tận lực làm việc mà xứ đó đã giành được độc lập về chính trị rồi độc lập về kinh tế.

Một vị bộ trưởng Ghana cũng bảo:

- Nhờ lòng can đảm, lòng kiên trì mà dân tộc Do Thái đã tìm được một giải pháp cho những vấn đề đương làm cho người Phi chúng tôi bối rối. Chúng tôi bắt đầu áp dụng phương pháp của họ. Tôi phục Jean Jacques Rousseau là biết nhìn xa.

Năm 1762, trên một trăm năm trước khi cuốn “Quốc gia Do Thái” ra đời, Jean Jacques Rousseau đã viết:

“Trong cảnh phiêu tán khắp thế giới, người Do Thái hiện nay không thể tuyên bố cho nhân loại chân lý của chính họ. Nhưng tôi tin rằng khi họ lại có được một Cộng hoà tự do, có trường Tiểu học, Đại học của họ, thì họ có thể yên ổn diễn các ý nghĩ của họ, và lúc đó chúng ta lại học được nhiều điều mà dân tộc đó còn muốn nói với chúng ta!”.(2)

Thật đáng là một lời tiên tri.

***

Bài học của họ, ngày nay họ đã truyền bá cho nhân loại rồi đấy.

Họ bảo ta rằng những cuộc tàn sát bằng những phát minh mới nhất của khoa học, dù có hệ thống, có tổ chức, rùng rợn đến mức nào đi nữa cũng không thể diệt được một dân tộc nếu dân tộc đó không tự diệt mình mà cương quyết muốn sống.

Càng gian nan, cực khổ, tủi nhục thì tinh thần ta càng được tôi luyện. Càng bị đày vào chỗ chết thì ta càng mau kiếm được lối sống. Cửa sinh ở ngay trên con đường cửa tử.

Mà cửa sinh đó của dân tộc Do Thái là cái tinh thần của họ, mà tôi gọi là tinh thần Kibboutz.

Tinh thần đó không phải chỉ là lòng can đảm, kiên nhẫn, tận lực như các nhân vật châu Phi kể trên đã nói.

Nó còn là tinh thần mạo hiểm, tiên khu, mạo hiểm vượt qua rừng núi, sa mạc, biển cả, xung phong vô phá tung các cửa ải của Thổ, của Anh để thành lập những Kibboutz đầu tiên tại những miền đồi sỏi hoặc đầm lầy, mà mở đường cho lớp sau.

Nó còn là tinh thần cộng đồng, không vị kỷ trong các Kibboutz, sát cánh nhau cùng chịu mọi gian nan, không mong hưởng một chút gì cho mình, như vậy suốt đời cha tới đời con, đời cháu.

Nó còn là tinh thần giản dị, sống rất đơn sơ, chỉ cần đủ ăn, đủ mặc, việc gì cũng làm lấy, coi trọng công việc tay chân, nhũn nhặn một cách rất tự nhiên, không ham địa vị, quyền thế.

Tinh thần Kibboutz đó người trên làm gương cho người dưới.

Tổng thống thứ nhì của Israel, ông Ben-Zvi chỉ sống trong một biệt thự như những biệt thự trung bình ở Sài gòn, chỉ có mỗi một người lính gác cửa, và ngày nghỉ đôi khi đi dạo phố mà không cần lính hộ vệ, ai chào ông thì ông chảo lại, y như một thường dân.

Lương tổng thống Israel chỉ được 100.000 quan cũ mỗi tháng (khoảng 15.000 đồng Việt Nam theo hối suất tự do hồi đó) và quỹ đen của ông chỉ có 2.000 quan cũ mỗi tháng để tiếp khách khứa: số tiền đó chỉ đủ mua nửa ve Cognac.

Thủ tướng Ben-Gurion đã ngoài bảy chục tuổi, mái tóc bạc phơ mà làm việc suốt ngày, nhà cũng chỉ có mỗi một người gác, khi nào có khách mới mướn thêm một người ở gái giúp việc. Bà vợ phải làm mọi việc nội trợ, và có lần một ký giả Pháp thấy ông quàng tắm khăn lá đáp ( tablier) rửa ly tách giùm cho vợ.

Một lần bà phàn nàn rằng nhờ người lính gác lại tiệm lấy sữa giùm mà người ấy từ chối, cho việc đó không phải là phận sự của anh ta, ông bảo anh đó có lý rồi âu yếm khuyên bà chịu khó làm mọi việc lấy, đừng nhờ cậy gì ai cả. Khi mãn nhiệm kỳ thủ tướng, ông về một Kibboutz ở sa mạc Neguev sống chung với thanh niên, ăn chung bàn với họ, trong những chiếc gà mên như họ, viết sách, nuôi cừu và tập Judo mỗi ngày. Báo Candide năm 1966 in hình ông trồng cây chuối: đầu và tay chống xuống đất, chân đưa lên trời; lúc đó ông đã tám chục tuổi.

Moshé Dayan, vị anh hùng Do Thái, 40 tuổi đã làm Tổng tham mưu trưởng, chỉ được lãnh 100.000 quan cũ mỗi tháng, mà khi nào ăn ở trong trại thì bị trừ lương, chỉ còn đem về 18.000 quan. Sau khi đại thắng Ai Cập ở Sinai năm 1956, ông xin từ chức, về sống đời thường dân, cắp sách lại Đại học học môn khảo cổ. Có hồi ông làm Bộ trưởng Canh nông và năm 1967, dân chúng một mực mời ông ra kỳ được để làm Bộ rrưởng Bộ quốc phòng đối phó với liên quân Ả Rập.

Bà Gonga Meyerson được cử làm sứ thần Do Thái đầu tiên ở Nga (Nga là nước thứ nhì nhìn nhận Quốc gia Israel, sau chống lại Israel, trợ cấp cho các quốc gia Ả Rập) vừa ở bệnh viện ra, qua Nga liền, không may thêm một chiếc áo mới nào, chỉ đeo thêm một sâu chuỗi bằng hột đá của bạn cho, mà vào trình uỷ nhiệm thư, làm cho nhà cầm quyền Nga phải kính nể.(3)

Người trên như vậy cho nên người dưới cũng đáng cho chúng ta phục. Thanh niên của Israel làm việc mười giờ một ngày mà không cần tiền công và có những nhà trí thức, cử nhân triết học, lái tắc xi ở châu thành, hoặc lái máy cày trong đồng ruộng. Trên dưới giữ phép nước cho nên ít cảnh sát mà ai cũng tôn trọng luật đi đường, không chạy quá 70 cây số một giờ, gần như không có tai nạn.

Ông Klatzmann (trong sách đã dẫn) tới Kibboutz nào cũng gặp những người mà tinh thần “ở trên mực trung”. Như N… ban ngày cày ruộng, ban đêm lén chế tạo khí giới ở trong một cái hầm, hồi chiến tranh Độc lập dự các cuộc chiến đấu; hoà bình trở lại, trở về Kibboutz nuôi bò, mặc dầu quen tất cả các nhân vật quan trọng trong chính quyền vì cùng là chiến sĩ với nhau cả.

P… một phụ nữ gốc Ba Lan, trong thế chiến may thoát được trại giam của Đức, lẻn về Palestine bị Anh bắt giam ở đảo Chypre; trong khám bà quyết chí học tiếng Hébreu trong một cuốn tự điển. Có người hỏi bà tiếng đó rất khó, không có nguyên âm, làm sao mà học được, bà đáp: Học bằng nước mắt!

Một hội viên Kibboutz nọ, làm giám đốc một xưởng chế tạo sản phẩm hoá học ở Haifa, sáng đi làm, chiều về làm mọi việc trong Kibboutz, tiền lương nộp Kibboutz hết. Một công chức cao cấp ở Bộ canh nông cũng vậy.

Chính tinh thần Kibboutz đó là yếu tố thành công của Israel. Các quốc gia chậm tiến Á Phi đương học kinh nghiệm của Israel, không biết có học được tinh thần Kibboutz của họ không; nếu không thì cũng như không học được gì cả!

Chú thích:

1- A. Koestler trong Analyse d'un miracle - Calman Levy; François Musard trong Israel, miracle du XXe sie2cle - Téqui.

2- David Catirivas trích trong Israel, sách đã dẫn, trang 170

3 - Chả bù với bọn chính khách của nhiều nước Á Phi khác. Một tổng thống một nước nọ ở Phi Châu, dân số không tới ba triệu mà sai chở đá hoa từ Ý qua để xây dựng cung điện cho được đẹp như cung điện Versailles, lại sai đúc một chiếc giường bằng vàng khối cho bà vợ. Ở nước ta một chính khách nọ mới được hứa cho đi nhậm chức đại sứ ở Tây phương đã vội may sắm cho mình và "phu nhân" nửa triệu bạc quần áo và đồ trang sức. Càng ti tiểu, người ta càng giữ thể diện, càng nghèo người ta càng hoa hòe
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 10-5-2013 09:00:39 | Xem tất
Phụ lục I
Tình hình Israel Ả Rập từ 1968 đến tháng 8 năm 1973
TÌNH HÌNH VẪN CĂN THẲNG
(Lần tái bản năm 1973)

Năm 1968, ở cuối chương 9, tôi đã viết: Có thể nói rằng vấn đề Ả Rập - Israel cứ lằng nhằng như vậy trong ít lâu, rồi có lúc sẽ bùng trở lại”.

Từ đó tới nay đã năm năm, tình hình vẫn lằng nhằng thật, nhưng nguy cơ bùng trở lại thì lúc này giảm đi.

Từ sau thế chiến thứ nhì, mọi xung đột trên thế giới đều có bàn tay của Mỹ, Nga, Trung Cộng nhúng vào; xung đột nào cũng là xung đột giữa hai phe tư bản và cộng sản. Bảy tám năm nay Mỹ, Nga muốn sống chung hòa bình với nhau, chia lại ảnh hưởng trên thế giới, nhưng họ mặc cả với nhau chưa xong, nên còn dùng bọn đàn em làm những là bải để tháu cáy. Ở Tây Á cũng như ở Đông Dương họ thoả thuận nhằm với nhau không để cho gây ra thế chiến, nhưng không bên nào chịu thua bên nào: hễ Mỹ viện trợ cho đàn em mạnh lên có cơ thắng được đàn em của Nga, thì Nga cũng gia tăng ngay viện trợ cho đàn em của mình để lập lại sự thăng bằng; ngược lại cũng vậy.

Cho nên ta thấy sau vụ căng thẳng giữa Israel và Ai Cập tháng 9-1971, Ai Cập xin viện trợ Nga, Nga giúp được một ít khí giới, thì Israel cũng vội vàng qua Mỹ xin viện trợ phi cơ Phantom và Mỹ cũng giúp.

Rồi tới năm sau, Ai Cập xin Nga viện trợ thêm nữa, Nga từ chối (hoặc vì đã thoả thuận ngầm với Mỹ không giúp Ai Cập quá một mức nào đó; hoặc vì biết rằng nếu giúp thêm Ai Cập thì Mỹ cũng sẽ giúp thêm cho Israel). Ai Cập giận dữ, tháng 7-1972 đuổi một lúc 15.000 cố vấn quân sự Nga về nước. Nga thản nhiên.

Chúng ta không sao đoán được những mưu mô quỉ quyệt của bọn thực dân, rất có thể họ dùng lá bài ở Tây Âu để đổi một lá bài ở Đông Dương hay ngược lại. Và khi nào thấy có lợi cho họ thì họ bỏ rơi ngay đàn em một cách trắng trợn, vô liêm sỉ.

Từ đầu năm ngoái, Mỹ đã tiến thêm một bước dài trên con đường sống chung hoà bình. Tháng 2-1972, Nixon qua Hoa Lục bắt tay Mao Trạch Đông, rồi tháng 5-1972 lại qua Nga mật đàm với Brezhnev ở Moscow; hậu quả là Đài Loan chơi vơi ở giữa biển, các hải cảng Bắc Việt bị phong toả, và mưa bom trút xuống Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định v v, mà Nga và Trung Cộng cứ làm thinh ngó. Tháng sáu năm nay (1973) Brezhnev qua Washington đáp lễ Nixon; như vậy là họ đã đồng lòng tạm giải quyết mọi xung đột bây giờ đường lối ngoại giao, tránh chiến tranh vì chiến tranh nguyên tử sẽ làm cho họ chết hết hoặc ngắc ngoài hết, còn chiến tranh cổ điển như ngày nay thì thử sức nhau trên hai chục năm nay cũng đủ rồi, chẳng đi tới đâu cả.

***

Nội bộ Ả Rập

Hội nghị các quốc gia Ả Rập ở Khartoum, thủ đô Soudan, tháng 8 năm 1967, thất bại: họ chia rẽ, không tìm được một giải pháp chung; họ không dám chủ chiến vì không đủ lực lượng, mà cũng không dám chủ hoà vì sợ mất mặt. Tháng 11-1967, Hội đông Bảo an Liên hiệp quốc đưa ra quyết nghị:

- Do Thái phải trả lại tất cả các đất chiếm được của Ả Rập;

- Ả Rập phải nhìn nhận Do Thái.

Ả Rập bằng lòng nhưng Do Thái không chịu.

Từ đó tới giữa năm 1968, tình trạng không thay đổi; Israel vẫn chiếm đóng đất Ả Rập và bắt đầu tổ chức hành chính, khai thác đất đai.

Đầu tháng 7 năm 1968, không khí mới hơi dịu (Ai Cập nhận Israel là một thực thể, không nói đến việc tiêu diệt Do Thái nữa) thì xảy ra một cuộc đảo chánh ở Iraq, nội các mới do Hasan Badr lãnh đạo tuyên bố sẽ đấu tranh tới cùng để đè bẹp Do Thái. Do đó, từ tháng 9-1968, không khí lại căng thẳng: mấy lần giao tranh nho nhỏ giữa Jordanie, Ai Cập và Do Thái, và lần nào Do Thái cũng phản công dữ dội, nhất là lần họ đột kích chớp nhoáng sân bay Beyrout, phân huỷ 13 phi cơ Ả Rập rồi yên ổn rút lui (tháng 12-1968)

***

Năm 1969, phe Ả Rập có hai cuộc cách mạng:

Tháng 5-1969, cách mạng ở Soudan thành công, thành lập một chính phủ Cộng hoà tả khuynh; rồi tháng 9-1969, cách mạng ở Lybie, nhóm quân nhân lên cầm quyền, theo đường lối dân chủ xã hội, họ giúp được nhiều tiền cho việc chống Do Thái vì Lybie có nhiều dầu lửa.

Như vậy phe thân Nga được tăng cường, Biệt kích quân Ai Cập và Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) hoạt động hăng hơn: Ai Cập oanh tạc các cơ sở quân sự Do Thái ở bờ kênh Suez, Do Thái trả đũa, và ngày 19-9-1969 có một trận không chiến lớn nhất từ tháng 6-1967. Nhưng lần này cũng như các lần trước, hễ Ai Cập tấn công một thì Do Thái trả đũa hai và Ả Rập bị thiệt hại nhiều hơn. Golda Meir bảo Ả Rập vẫn chưa học được bài học tháng 6-1967. Thực ra chính vì họ đã học được bài học ấy nên không dùng chiến tranh đại quy mô nữa mà dùng chiến tranh tiêu hao: họ nghĩ rằng dân số của họ gấp ba chục lần Do Thái, vậy Do Thái chết một mà họ có chết mười chăng nữa, họ vẫn còn “thắng lợi”.

Sau vụ không chiến lớn nhất kể trên, một hội nghị hai mươi lăm nước Hồi giáo họp ở Le Caire để:

- Lên án một người Úc đốt một thánh đường Hồi giáo ở Jérusalem, trong khu vực Do Thái chiếm đóng (mặc dầu Israel đã long trọng tuyên bố sẽ trừng trị kẻ tự ý bạo động điên khùng ấy);

- Đòi Jérusalem phải trở về quy chế cũ;

- Đòi Do Thái rút khỏi các vùng đất chiếm đóng;

- Ủng hộ Tổ chức giải phóng Palestine.

Nhưng chỉ ba tháng sau (12-1969) một hội nghị thượng đỉnh họp ở Rabat (Maroc) thì phía Ả Rập lại chia rẽ nhau, không đưa ra một quyết định nào cả.

***

Giữa năm 1970, tình hình dịu hơn. Ngoại trưởng Mỹ đưa ra một đề nghị ngưng chiến, được Nga tán thành. Tháng tám, Do Thái và Ả Rập bằng lòng ngưng chiến ba tháng để tìm giải pháp hoà bình.

Do Thái đưa đề nghị:

- Trả sa mạc Sinai;

- Trả 70% đất đã chiếm ở phía tây sông Jourdain, nhưng phải thành lập một vùng phi quân sự;

- Vẫn giữ đồi Golan ở Syrie và Jérusalem;

Bù lại, Ả Rập phải:

- Thừa nhận quốc gia Israel;

- Ai Cập phải để cho Do Thái dùng kênh Suez với nhường vài địa điểm trên kênh cho Do Thái.

Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) một mực chống lại đề nghị ấy, âm mưu ám sát Hussein, quốc vương Jordanie, người chủ hoà, và Hussein đem quân đàn áp dữ dội Tổ chức giải phóng Palestine. Vụ này Palestine gọi là vụ Tháng chín đen.

Nasser đứng ra hoà giải, vừa xong thì thình lình chết vì bệnh đau tim ngày 28-10-1970, mới 52 tuổi.

Ông giữ chức Tổng thống được 16 năm (từ 1954) trong giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử Ai Cập và lịch sử bán đảo Ả Rập: Giành lại độc lập trong tay Anh, Pháp, kiến thiết quốc gia rồi chịu thêm cái nạn Israel mà nguyên nhân là sự tranh giành ảnh hưởng giữa Nga, Mỹ. Một số chính khách Âu Mỹ trách ông độc tài, ông lại mang cái hận để bán đảo Sinai lọt vào tay Israel, nhưng ai cũng phải nhận ông chân chính ái quốc, có lý tưởng, có tài lãnh đạo và trong lịch sử Hồi giáo từ đầu thế kỷ tới nay, ông đứng ngang hàng với Mustapha Kémal.

Chủ tịch Quốc hội Anwar Sadat lên thay ông (Mahmoud Fawzi làm thủ tướng). Uy tín của Sadat kém xa Nasser, mà Sadat cũng không có chí lớn, không muốn làm lãnh tụ khối Ả Rập, có khuynh hướng ôn hòa. Kế đó, Tổng thống Atassi của Syrie tuy nhiệt tâm chống Tày phương nhưng kém tài, bị tướng Assad lật đổ. Assad lên thay cũng chủ trương hoà giải nữa.

***
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 10-5-2013 09:02:44 | Xem tất
PHỤ LỤC I
(tiếp theo)

Cuộc đình chiến 90 ngày bắt đầu từ 5-8-1970, tới tháng 11-1970 hết hạn, được gia hạn thêm 90 ngày đến tháng 2-1971, sau cùng được thêm hạn lần thứ nhì thêm một tháng nữa.

Sadat rất muốn ký hoà ước chính thức với Israel, nghĩa là chịu thừa nhận Israel để Israel trả lại một phần bán đảo Sinai; và mở kênh Suez để thu được tiền, mà cũng để được thêm an ninh (vì hễ tàu mọi nước qua kênh thì Israel không dám gây hấn ở khu đó).

Nhưng khi Ai Cập tỏ ra ôn hoà thì Do Thái lại cứng rắn trở lại, Golda Meir bác bỏ đề nghị của Sadat, gây ác cảm với Mỹ và Liên hiệp quốc.

Sự bác bỏ đó làm cho Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) và cả dân chúng Ai Cập nữa, nổi lên công kích Sadat dữ dội, muốn lật đổ ông. Sadat thẳng tay đàn áp phe khuynh tả thân Nga, trong đó có Phó tổng thống Sabry.

Vậy qua 1971, tình hình Ả Rập - Israel lại căng thẳng như trước. Sau khi cuộc đình chiến chấm dứt vào tháng ba. Ai Cập và Israel lại oanh tạc lẫn nhau trên khu vực kênh Suez (tháng chín); Ai Cập xin Nga viện trợ thêm khí giới thì Israel cũng xin Mỹ viện trợ thêm phi cơ F-4 Phantom.

***

Năm 1972, có ba việc đáng ghi:

- Hussein, quốc vương Jordanie, muốn bắt tay với Do Thái, đưa ra một đề nghị hoà bình: thành lập một vương quốc liên hiệp Ả Rập - Do Thái ở phía tây sông Jourdain. Đề nghị này bị Tổ chức giải phóng Palestine và các quốc gia Ả Rập khác phản đối.

- Tháng 7-1972, Sadat xin Nga viện trợ thêm khí giới mà không được, nổi giận trục xuất 15.000 cố vấn quân sự Nga, quay sang nhờ cậy Mỹ, Nga thản nhiên mà Mỹ làm lơ, rốt cuộc bốn tháng sau ông ta lại phải trở lại thân Nga (Người ta ngờ rằng đây là mưu mô của Ai Cập và Nga để Mỹ và Israel không ngờ được họ đương chuẩn bị chiến tranh 1973).

- Tháng 9-1972, Do Thái tấn công Syrie và Liban (coi ở sau).

***

Từ đầu năm 1973 tới nay, chỉ có mỗi vụ cảm tử quân Do Thái đột kích Beyrouth, thủ đô Liban (tháng 4-1973) để trả đũa Tổ chức giải phóng Palestine đã thảm sát hai nhà ngoại giao Mỹ ở Khartoum.

Vụ đó cảm tử quân Do Thái thành công mỹ mãn, và ngày 15-5 Do Thái đã long trọng ăn mừng ngày Quốc gia họ được 25 tuổi.

Tóm lại, từ 1967 đến nay, phía Ả Rập còn chia rẽ hơn trước:

- Hussein rất muốn chủ hoà, nhưng luôn luôn bị đả kích, và phải khôn khéo, can đảm lắm mới giữ được tính mạng, vì ba phần tư dân Jordanie là người lưu vong Palestine, chỉ muốn hạ ông để có một chính quyền chống Do Thái mạnh hơn.

- Liban chịu ảnh hưởng của phương Tây (Pháp) từ thời Trung cổ, nên tuy ghét Israel mà vẫn muốn thân Tây phương;

- Ả Rập thuộc dòng Ả Rập Saudi vì quyền lợi dầu lửa, tuy đứng về phe chống Israel, nhưng thường chỉ ủng hộ miệng.

- Ai Cập vẫn cầm đầu phe chống Israel, được Iraq, Algérie, Syrie (thời Atassi), Soudan, Lybie ủng hộ; nhưng từ khi Nasser mất, Ai Cập không còn uy tín lớn nữa, không làm được gì cả, chỉ đột kích Do Thái lẻ tẻ và cũng hô hào suông nữa.

Mấy lần rồi, nhà cầm quyền Ai Cập, Jordanie, muốn tỏ ra ôn hoà thì dân lưu vong Palestine chống đối, phá hoại kế hoạch hoà bình, mà chính dân chúng trong nước họ cũng phẫn nộ. Thêm một khó khăn nữa là Israel không thực tâm muốn hoà bình. Họ biết Ả Rập không làm gì được họ, mà càng chiếm đất đai Ả Rập được lâu thì càng có lợi cho họ khi điều đình thực sự.

Do đó, tình hình cứ căng rồi dãn, dãn rồi căng; lâu lâu để lấy lòng dân chúng, các nhà cầm quyền Ả Rập lại dọa không bán dầu lửa cho nước nào ủng hộ Do Thái; hoặc tuyên bố sẽ “hợp thượng đỉnh để sử dụng tiềm năng của khối Ả Rập trong cuộc tranh chấp với Do Thái”. Nhưng hội nghị mới bế mạc thì họ đã chia rẽ nhau rồi. Do Thái cứ làm thinh chế tạo khí giới, huấn luyện quân đội. Nga cũng làm thinh, còn ngoại trưởng Mỹ Rogers thì vừa rồi tuyên bố chiến tranh ở Tây Á không ích lợi gì cho Ả Rập hết.

Rốt cuộc chỉ còn Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) do Yasir Arafat lãnh đạo, là hăng hơn cả, trước sau vẫn quyết tâm sống mái với Do Thái. Nhưng họ chỉ là một bọn lưu vong, không thành một quốc gia, phải ăn nhờ ở đậu các nước khác: đa số ở Jordanie, còn thì rải rác ở Syrie, Liban, A: Cập, Iraq… không rõ Liên hiệp quốc còn chu cấp cho họ không.

Họ vào khoảng non ba triệu người, tình cảnh không đến nỗi điêu đứng, tủi nhục như Do Thái thời trước, nhưng cũng là những con thú không có hang (Byron), lớp lưu vong đầu tiên, hai mươi lăm năm nay ngày nào cũng ngong ngóng được về tổ quốc như Do Thái đã ngong ngóng về Sion. Nếu tình trạng này kéo dài thì họ sẽ thành một thứ tân Do Thái. Vì hiện nay đã có những quốc gia Ả Rập không ưa họ, như Jordanie, Liban.

Người ta trách họ ở đâu cũng lộng hành, cuồng tín, xúi dân nổi loạn, như ở Jordanie năm 1970-1971, ở Liban năm 1973. Điều đó đúng: họ luôn luôn tìm cách lật đổ các chính phủ muốn thoả hiệp với Do Thái.

Họ không có chính quyền, chỉ có một Mặt trận gồm nhiều cảm tử quân, dùng chính sách khủng bố các nông trại Do Thái, phá hoại các phi cơ dân sự Do Thái, bắt cóc các nhân vật Do Thái để buộc Do Thái phải thả những tù binh Palestine; họ phá các toà đại sứ Do Thái ở Bruxelles, Bon, La Haye, uy hiếp một phi hành đoàn Mỹ để phản đối Mỹ bán phi cơ cho Do Thái, cướp phi cơ Đức vì Đức viện trợ Do Thái, vân vân…

Không ai có thể trách họ được: các đoàn Stern và Irgoun của Do Thái trước kia cũng chuyên ám sát các chính khách Anh và du kích quân Anh (coi đầu). Đó là cách chiến đấu của người yếu.

Một vụ điển hình làm sôi nổi thế giới là vụ bắt cóc lực sĩ Do Thái trong thế vận hội Munich 1972. Sáng ngày 5-9-1972, một toán tám tên khủng bố Palestine trong tổ chức “Tháng chín đen” leo tường vô được nơi phái đoàn Do Thái cư ngụ, bắt được chín lực sĩ Do Thái làm con tin, và đòi Do Thái phải thả hai trăm tù binh Palestine, nếu không thì các con tin bị hạ sát hết.

Thủ tướng Tây Đức gắng thương thuyết với họ. Dụ dỗ gì cũng vô ích. Do Thái lại không chịu nhượng bộ. Rốt cuộc Tây Đức tính cách gạt họ, dùng trực thăng chở quân khủng bố và con tin tới phi trường Frastenfeldbruck, rồi dùng những tay thiện xạ phục kích hạ sát được năm tên khủng bố, bắt được ba tên kia, nhưng tất cả chín con tin Do Thái đều bị quân khủng bố giết hết.

Do Thái trả đũa lại, tấn công các căn cứ Palestine ở Syrie, Liban.

Đầu năm 1974, tổ chức “Tháng chín đen” hạ sát hai nhà ngoại giao Mỹ ở Khartoum, và Do Thái khủng bố lại cũng xuất quỉ nhập thần không kém Palestine. Giữa đêm (đầu tháng tư), một đoàn 60 cảm tử quân Do Thái được tầu thuỷ đưa đến đổ bộ lên Beyrouth, thủ đô Liban, nơi có đại bản doanh Tổ chức giải phóng Palestine. Suốt hai giờ rưỡi họ đi lùng khắp Beyrouth như chỗ không người, giết được viên trùm gián điệp Palestine, viên phó tư lệnh tổ chức Al-Fatah, phá được trụ sở Tổ chức giải phóng Palestine, rồi ung dung rút lui, chỉ bị 2 người chết, 2 người bị thương. (phía Ả Rập 14 chết, bị thương nhiều hơn nữa).

Thật là mất mặt thủ tướng Liban, ông ta phải từ chức. Mặc dầu vậy, quân kháng chiến Palestine vẫn chưa nguôi, chê Liban bất lực và xung đột với quân đội Liban.

Trong sáu năm nay, chiến tranh Israel - Ả Rập đã dần dần biến thành những cuộc bắt cóc và đột kích “ngoạn mục” hơn trên màn ảnh. Người Do Thái biết tìm về tổ quốc thì người Palestine lẽ nào lại không? Liên hiệp quốc đã nghĩ tới giải pháp thành lập- đúng hơn là trả lại - một quê hương cho non ba triệu người lưu vong đó cũng như Liên hiệp quốc hồi xưa tặng một “quê hương” cho người Do Thái. Chỉ như vậy mới có hy vọng êm được.

***

Tương lai Israel

Cuối năm 1969, Thủ tướng Levi Eskhol thình lình chết, bà Golda Meir lên thay.

Trong cuốn này đã hai lần nhắc tới bà: một lần ở chương 7, bà đi thuyết phục Abdallah để xin Transjordanie trung lập năm 1948, nhưng thất bại; một lần ở chương Kết, bà đi làm sứ thần Do Thái đầu tiên ở Nga mà không may thêm một chiếc áo mới nào.

Bà Golda Meir sinh năm 1898 ở Kiev (thuộc Nga), nhũ danh là Golda Mabovitch (cha bà Moshé Mabovitch - làm thợ). Bà lấy ông Morris Meyerson ở Mỹ, lấy tên chồng, thành Golda Meyerson. Khi về Palestine, đổi tên Meyerson thành Meir, cho có vẻ Do Thái.

Gia đình Mabovitch nghèo tới nỗi có tám người con thì năm người con trai đều chết vì đói rét, chỉ còn ba người con gái: Shana, Golda và Zipporah.

Vì là Do Thái nên họ bị người Nga ức hiếp, mà mỗi khi có một pogrom, chị em bà trông thấy khinh kị binh Nga (Cosaque) kéo tới là chết khiếp. Năm 1906, cả gia đình di cư sang Mỹ, lập nghiệp ở Milwaukee (tiểu bang Wisconsin).

Golda học giỏi, 14 tuổi lại ở nhờ nhà cô chị Shana đã lập gia đình, ngày đi học, tối làm thợ ủi quần áo để đỡ gánh nặng cho chị.

Năm 1915, 17 tuổi, cô gặp David Ben-Gurion, gia nhập ngay tổ chức “Trở về Palestine” của Gurion. Sau có kết hôn với Morris Meyerson, cũng từ Nga tới. Tính tình hai vợ chồng trái ngược hẳn nhau: chồng vào hạng trí thức, có tâm hồn thi sĩ, mơ mộng; vợ có óc thực tế, tinh thần chiến đấu. Morris chỉ thích ở Milwaukee, nhưng cũng chiều lòng vợ năm 1925, cùng với vợ qua Palestine, làm việc trong một Kibboutz ở Merhavia. Từ đây, bà Golda tận lực hoạt động cho “Tổ quốc Do Thái”, nhưng vẫn không quên bổn phận làm vợ, làm mẹ, gia đình vẫn êm ấm mặc dầu cả chồng lẫn con (một trai, một gái) thiếu hẳn tinh thần cách mạng. Sau hai mươi bốn năm chiến đấu, bà đạt được mục đích và ngày 14-5-1948, bà được cái vui ký tên trên bản tuyên ngôn độc lập, bên cạnh tên Ben-Gurion rồi được cử làm đại sứ ở Moscow. Toà đại sứ của bả có lẽ không tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại: nó là một Kibboutz vì mọi nhân viên kể từ bà trở xuống đều phải thay phiên nhau rửa chén, lau nhà.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 10-5-2013 09:04:22 | Xem tất
PHỤ LỤC I
(tiếp theo)

Ít năm sau, bà được triệu về làm Bộ trưởng Bộ Lao Động, rồi Bộ trưởng Ngoại giao, sau cùng làm Thủ tướng. Ở địa vị tối cao này và mặc dầu đã ngoài bảy chục tuổi, bả vẫn sống giản dị, giặt ủi lấy quần áo, đẩy xe cho các cháu nội đi chơi. Đôi khi bà bắt Hội đồng nội các họp ngay trong bếp để bà có thể vừa thảo luận vừa tự tay pha cà phê hay pha trà đãi các bộ trưởng.

Bà và Moshé Dayal - độc long tướng quân, Bộ trưởng quốc phòng, cầm đầu phe diều hâu. Nhiều lần các cường quốc Mỹ, Anh, Nga, Pháp tìm cách hoá giải hai bên và Ả Rập cũng đã có lần nhượng bộ cho Do Thái dùng kinh Suez, chịu thừa nhận lãnh thổ Do Thái, miễn là Do Thái trả lại các đất đai mới chiếm sau “chiến tranh sáu ngày”; nhưng phe của bà không chịu, vì biên giới mới ngắn hơn biên giới cũ, dễ bảo vệ hơn, gần các nhược điểm của Ả Rập mà xa kinh đô Israel hơn. Nhất là thánh địa Jérusalem thì họ cương quyết giữ làm của họ.

Cuối năm 1969, bà tuyên bố: “Người ngoại quốc chưa bao giờ định biên giới cho chúng tôi cả, và trong tương lai chúng tôi cũng miễn cho họ việc ấy. Hiện nay chúng tôi đóng ở đâu, thì đó là biên giới của chúng tôi!”.

Còn Moshé Dayan thì nói: “Muốn có một biên giới an toàn cho Israel thì phải lập một đường phòng vệ ở hai chục cây số vào sâu nội địa Jordanie bên kia bờ phía đông sông Jourdain”.

Nhớ lại năm 1967, Do Thái chỉ tiến tới bờ phía Tây sông Jourdain ta mới thấy lời đó ngang tàng ra sao: Chẳng những ông ta không chịu trả đất mà còn muốn chiếm thêm nữa. Lời đó ông ta tuyên bố đầu năm 1970, ngày đấy tầm bắn xa của đại bác, hoá tiễn đã tăng, chắc ông ta còn muốn tiến sâu thêm vô cả trăm cây số nữa.

Vì chủ trương như vậy, nên một mặt Do Thái khai thác những miền đã chiếm, tổ chức các cuộc bầu cử, Hội đồng thị xã, bắt Ả Rập phải đi bầu, phải ứng cử, lập thêm mười hai điểm thực dân (Kibboutz, Mocha-ovedim): 10 ở Golan, 5 ở thung lũng Jourdan, 2 ở Sinai… một mặt họ tăng thời hạn quân dịch lên ba năm (năm 1967 là hai năm rưỡi), tăng tuổi động viên từ 49 lên 55; một mặt nữa ráng chế lấy vũ khí: súng tiểu liên Uzi của họ tối tân hơn súng M-16 của Mỹ và súng AK-47 Kalashnikov của Nga; phản lực cơ Super Mirage của họ tốt hơn phản lực cơ Phantom của Mỹ. Đáng ngại hơn nữa là hỏa tiễn của họ có thể mang đầu đạn nguyên tử và hoạt động trong một tầm xa 500 cây số; và người ta ngờ rằng họ sắp có bom nguyên tử.

Bà Golda Meir tóm tắt được chính sách diều hâu đó: “Tôi không muốn một dân tộc Do Thái hiền lành, không thực dân và phản chiến. Như vậy là một dân tộc chết!”. Nhưng ngay trong nội các, cũng có một người đứng về phe bồ câu, ông Abba Eban. Ông chủ trương nên trả hết đất đã chiếm để sống chung hoà bình với Ả Rập. Đề cử ông Abba Eban làm ngoại trưởng, không biết chính phủ Do Thái có muốn vừa cương vừa nhu không, hay muốn thêm một lá bài để đưa ra khi ngọn gió đổi chiều. Phe đó cho rằng cứ chủ trương chính sách thực dân và hiếu chiến thì sẽ phải chịu số mạng của Napoléon và Hitler, nhất là thời đại này thế giới không để cho một dân tộc nào dùng chính sách ấy đâu. Mà tiền bạc đổ vào quân đội, khí giới lên tới 75% lợi tức quốc gia, dân chúng cơ cực, chịu đựng được bao lâu nữa? Quân du kích Ả Rập quấy phá hoài và từ khi ngưng chiến, số Do Thái chết vì bị du kích cao hơn số chết trong chiến tranh 1967.

Sau cùng một nhóm người nữa, không đông; chủ trương dung hoà: trả dần dần các đất đã chiếm ở phía tây sông Jousdain, rồi sau sẽ trả các miền khác.

Hiện nay hai phe sau vẫn phải nhường bước cho phe diều hâu. Nhưng tình trạng không hoà không chiến càng kéo dài thì càng bất lợi cho phe diều hâu.

***

Quốc gia Israel mới được hai mươi lăm tuổi, trong hai mươi lăm năm ấy họ phải hy sinh trong ba cuộc chiến tranh, không lúc nào được sự an lạc, vậy mà họ cũng đã tiến bộ vượt bực trong việc kiến thiết.

Trong các Kibboutz, họ đã dùng siêu âm để làm đặc nước trái cây, tắm bò bằng vòi hoa sen để bò sản xuất thêm nhiều sữa, trải dầu hắc xuống lòng đất để giữ độ ẩm.

So với số dân thì số báo của họ chiếm kỷ lục thế giới, ba triệu dân mà 23 nhật báo, viết bằng 10 thứ tiếng, phát hành 600.000 số một ngày, mỗi số từ 8 đến 20 trang. (Tờ báo lớn nhất phát hành từ 100.000 đến 200.000 số), và 404 tờ định kỳ. Ngoài ra họ còn 2 đài phát thanh và một đài truyền hình.

Dân chúng thì đã có mức sống cao như Pháp hay Đức, nhà có phỏng máy lạnh, cứ 10 người thì có một chiếc xe hơi. Họ đã phải hy sinh nhiều quá bây giờ mong được hưởng thụ. Họ có óc hưởng thụ thì tất nhiên là mất tinh thần cách mạng.

Người Do Thái trong non hai ngàn năm đoàn kết với nhau không phải vì có chung một giòng máu vì họ lai nhiều quá rồi; mà vì có chung một thân phận, thân phận bị hiếp đáp, bị khinh rẻ, bị ngược đãi, tàn sát, không ở đâu được yên. Vì bị chung thân phận tủi nhục đó nên họ cố bảo tồn tôn giáo truyền thống của họ. Do Thái giáo chỉ là thứ keo đoàn kết họ với nhau chứ không phải nguyên nhân của sự đoàn kết. Họ “chiến đấu như sư tử”, chống cả Ả Rập lẫn thực dân Anh, hi sinh gì cũng không quản, chính là để cởi bỏ thân phận đó đi. Nay họ đã có một quốc gia được cả thế giới nhìn nhận, không ai có thể đuổi họ đi hoặc diệt họ được, thì sự chiến đấn, hi sinh hoá ra vô ích. Chỉ những người già, đã biết cảnh rùng rợn trong cácghetto, các lò thiêu, đã chiến đấu trong ba chiến tranh với Ả Rập là còn có “tinh thần Do Thái”, chịu sống khắc khồ; còn bọn thanh niên hiện nay trên dưới hai mươi tuổi, sanh sau khi Quốc gia thành lập, mười người chắc có tới bảy, tám người cho chính sách của Golđa Meir, Moshé Dayan là quá khích, và chỉ ước ao, được sống trong một xã hội tiêu thụ như đồng bào của họ ở New York.

Trong bài “Quốc gia Do Thái” 25 tuổi (Bách khoa giai phẩm ngày 15-06-1973) ông Từ Minh viết:

“Trong những năm vừa qua, xã hội Do Thái đã hết vẻ lành mạnh cổ truyền. Người ta thấy nhiều vụ ăn cướp đã xảy ra. Trong năm 1972, người ta tính có tới 10.000 vụ bị bắt vì cướp của, giết người, hiếp dâm” ( Chúng ta nên nhớ dân số Do Thái hiện nay khoảng ba triệu, chỉ hơn dân số Saigon một chút)

Nạn buôn phấn bán son tràn lan trong xã hội Do Thái đến tận cửa Thánh địa Jérusalem. Những khách “sộp” của các chị em ta thường là người Ả Rập vì những người này muốn “trả thù người Do Thái” (trả thù dân tộc!).

Nạn hút bạch phiến cũng lan tràn trong dân chúng, nhất là trong giới trẻ. Trên 5% học sinh Trung học nghiền bạch phiến hay hút sì ke.

Tháng 12-1972, người ta còn thấy bốn người Do Thái bị giải toà vì tội làm gián điệp cho cho Ả Rập. Người Do Thái càng ngày càng muốn hưởng nhàn, chỉ ưa làm những công việc nhẹ nhàng ở văn phòng. Còn các việc nặng nhọc họ dành cho thiểu số Ả Rập bị thống trị trong nước. Chính bà Golda Meir đã nhiều lần kêu gọi chúng ta hãy chịu khó bẩn tay một chút, chứ đừng đẩy cho ngườỉ khác”.

Ủa sao mà bà ta mâu thuẫn vậy! Bà đã báo muốn cho dân tộc Do Thái thành thực dân kia mà? Bây giờ đây họ mới bắt đầu sống theo thực dân thì bà lại cảnh cáo?

Có luật thiên nhiên nay mà theo tôi, đúng ít nhất là 70%. Hễ bị đặt vào tử lộ thì người ta tìm được sinh lộ; ngược lại quá ham sinh lộ thì người ta sẽ tiến dần đến tử lộ.

Trong cuốn này, chúng ta đã thấy nửa phần trên luật ấy đúng với dân tộc Do Thái; và cứ theo tài liệu ông Từ Minh tôi mới trích dẫn thì phần dưới luật ấy cũng bắt đầu đúng với họ nữa. Nhờ bị đặt vào tử lộ mà họ đã thắng được Ả Rập; bây giờ đây đương bước vào sinh lộ, họ sẽ vì cái bả văn minh tiêu thụ mà mất “tinh thần Do Thái”, mất cả Do Thái giáo, chưa biết chừng những Kibboutz của họ cũng sẽ mất luôn nữa. Điều đó dẫu có mười Golda Meir, mười Moshé Dayan cũng không cản nổi.

Do Thái mà được an lạc hưởng thụ, thì chỉ cuối thế kỷ này thôi, họ sẽ thành một mini Mỹ.

Mới 27 năm nay Mỹ đã suy ra sao, người ta đã coi thường Mỹ ra sao, thì 27 năm nữa, thứ mini Mỹ là Israel còn có đáng kể gì! Hiện nay họ đã mất nhiều cảm tình của thế giới rồi.

Chú thích:

1. Chúng ta nên nhớ dân số Do Thái hiện nay khoảng ba triệu, chỉ hơn dân số Saigon một chút.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 11-5-2013 09:00:21 | Xem tất
Phụ lục II (A)
A Rập phục thù
CHIẾN TRANH THỨ TƯ GIỮA A RẬP VÀ DO THÁI

Cuốn này sắp chữ được già nửa, Phụ lục I đã đưa kiểm duyệt thì chiến tranh bộc phát giữa Ả Rập và Do Thái ngày 6-10-1973, thành thử chúng tôi phải viết thêm Phụ lạc II này.

Tài liệu chúng tôi dùng toàn là những tin tức đăng trên các nhật báo Sài gòn, mà những tin đó nhiều khi mâu thuẫn nhau, không thể biết được tin nào đúng, tin nào sai: phía Ả Rập đã lỡ mang tiếng từ chiến tranh 1967 là che giấu sự thật, bịa đặt nữa, khiến chúng ta phải dè dặt; còn phía Do Thái không cho phóng viên ngoại quốc săn tin tại mặt trận vì “chúng tôi có đủ người đảm trách công việc ấy rồi, các ông có cần tin tức thì họ sẽ cung cấp”. (1)

***

Thế giới ngạc nhiên

Chiều ngày thứ bảy 6-10-1973, trong khi Do Thái dự lễ Kippour (lễ Đền tội) một trong những lễ lớn nhất của họ, thì Ai Cập và Syrie phối hợp với nhau, cùng tấn công Do Thái một lúc: 100.000 quân Syrie với 100 chiến xa tấn công Do Thái để rán chiếm lại cao nguyên Golan, không chiến dữ dội; 120.000 quân Ai Cập với 2.000 chiến xa, và 700 phi cơ tấn công suốt dọc kênh Suez, dùng cầu phao bắc qua kênh cho thiết giáp xa tràn qua bờ phía Đông.

Tin ấy làm cho cả thế giới ngạc nhiên:

- Tháng 6-1973, Mỹ và Nga thản thiết với nhau rất mực. Brezhnev qua Mỹ đáp lễ Nixon, hai bên lặp lại lời cam kết sống chung hoà bình, bọn đàn em có xung đột với nhau thì họ sẽ tìm cách hòa giải chứ không vì đàn em mà làm hại tình hữu nghị của họ.

Tháng tám hay đầu tháng chín năm 1973. Kurt Waldheim, Tổng thư ký Liên hiệp quốc đã thăm các nước Tây Á (tức Trung Đông) lạc quan tuyên bố rằng quốc gia Ả Rập nào cũng muốn hoà bình.

Hơn nữa, từ 5 đến 8-9-1973, Hội nghị các quốc gia phi liên kết ở Anger cho thế giới cảm tưởng rằng lực lượng thứ ba này thành lập tại Bandoung năm 1955, tới nay tuy số hội viên tăng lên (nay gần 80) mà thực lực chẳng có ai cả, chẳng đoàn kết với nhau, muốn tan vỡ dần dần. Trong cuộc hội họp lần này, họ công kích chính sách xâm lược của Israel, nhưng chỉ công kích ngoài miệng; chỉ có Arafat, lãnh tụ Tổ chức giải phóng Palestine là đưa một đề nghị cụ thể: các quốc gia Ả Rập không cung cấp dầu lửa cho các nước ủng hộ Do Thái nữa. Đề nghị ấy chẳng có gì mới mẻ, từ sau lần đại bại năm 1967, Ả Rập đã nghĩ đến giải pháp tiêu cực ấy rồi, mà Iran, Iraq, Ả Rập Saudi, Kuwait, Lybie có nước nào thực hiện đâu. Tôi đã nói trong cuốn Bán đảo Ả Rập rằng Thần dầu lửa chỉ chia lẽ chứ không bao giờ liên kết các quốc gia Ả Rập với nhau được, muốn liên kết họ thì phải nhờ sức Allah mà chính Allah cũng có khi phải chịu thua Thần dầu lửa, như trong chiến tranh 1967.

Vì ba lý do kể trên, ai cũng nghĩ rằng tình hình Tây Á sẽ yên ổn ít nhất là trong vài năm tới, đợi Nga - Mỹ tìm cách ôn hoà giải quyết cho. Trong Phụ lục I tôi cũng đã suy diễn như vậy. Bây giờ mới thấy sai.

Đành rằng chiến tranh này phát là do ý phục thù của Ai Cập và Syrie, nhưng phía sau thế nào cũng có bàn tay của Nga. Có phải là Nga tin rằng Ả Rập lần này tất thắng, nên xúi họ tấn công để phục thù Mỹ vì mấy năm nay Nga chịu lép về, mất mặt ở Đông Dương không? Hay là Mỹ và Nga ngầm giao kết với nhau cho bọn đàn em Ả Rập và Do Thái choảng nhau một chuyến để mình đứng ra hòa giải mà giải quyết một lần một cho xong vấn đề Tây Á không? Nếu thực như vậy thì sở dĩ chiến tranh xảy ra lúc này có phải là để cho dân Mỹ quên những bê bối của toà Bạch ốc không? Vụ Walergate chưa êm thì Agnew bị tố cáo là ăn hối lộ, trốn thuế, phải từ chức; trong lịch sử nhân loại, chưa bao giờ có một cường quốc mà cả ông “chánh” lẫn ông “phó” mang tai mang tiếng tới mức đó. Lại còn điểm này đáng ngờ nữa: chiến tranh Đông Dương mới dịu được dăm ba phần thì chiến tranh Tây Á nổ ra; có phải lại bao nhiêu khí giới đã sản xuất không còn chỗ tiêu thụ mạnh ở đầu này châu Á nên phải chuyển qua đầu kia chăng? Có phải họ không đọ sức nhau ở đây nữa thì đọ sức nhau ở kia để có dịp tìm biểu những phát minh tối tân của nhau về vũ khí không? Trong chính trị, cái gì cũng có thể xảy ra được. Bởi khi chiến tranh chấm dứt chúng ta sẽ biết thêm; bây giờ chỉ có thể chắc chắn được mỗi điều này: bọn sản xuất vũ khí ở Mỹ, Anh, Pháp (2)… xoa tay cười thầm.

***

Lợi thế của Ả Rập

Lần này Do Thái mất các yếu tố chiến thắng rực rỡ trong chiến tranh 1967:

- Tấn công bất ngờ

- Tấn công chớp nhoáng

- Làm chủ không phận ngay từ giờ đầu và oanh kích sâu rộng vào nội địa Ai Cập.

Trái lại Ả Rập có nhiều lợi điểm hơn sáu năm trước:

- Tấn công bất ngờ, nhờ chuẩn bị ký, giữ được bí mật tới phút chót.

Mấy tháng trước khi chiến tranh phát ra, các phi cơ Do Thái đã bay trên không phận Ai Cập và Syrie để dò khả năng phòng thủ của đối phương. Người Ả Rập đã khôn khéo chỉ phản ứng bằng các phi cơ khu trục và các dàn cao xạ cổ điển, mà giấu kỹ các dàn hoả tiễn địa không mà họ đã học cách sử dụng trên đất Nga. Vì vậy Do Thái vẫn tin rằng mình còn hoàn toàn làm bá chủ trên không trung. Bọn tình báo Do Thái mà sáu năm trước Moshe Dayan rất lấy làm hãnh diện, lần này hình như bất lực (Tướng Zeir, Cục trưởng Cục tình báo đã biến mất trên sân khấu);

- Đoàn kết với nhau có phần còn hơn năm 1948 (trận chiến tranh đầu) nữa vì rút được nhiều kinh nghiệm hơn: mới đầu chỉ có Ai Cập và Syrie ra quân, Maroc, Algérie, Lybie ủng hộ ít nhiều, sau Iraq nhảy vô, rồi Jordanie (3) và Ả Rập Saudi từ trước vẫn lừng khừng, sợ mất mặt với dân chúng, cũng đưa quân qua Syrie, và qua tuần lễ thứ nhì, thì hết thảy các quốc gia Hồi giáo ở Tây Á và Bắc Phi, bất kỳ lớn nhỏ, đều trực tiếp hoặc gián tiếp dự vào cuộc “thánh chiến.

- Nhờ vậy Ả Rập dùng được cả hai chiến lược võ bị và kinh tế, dùng dầu hoả làm áp lực lên các nước ủng hộ Do Thái, đặc biệt là Mỹ, Hà Lan;

- Được nhiều cảm tình của thế giới. Mặc dầu họ bất thần tấn công trước nhưng không ai trách họ cả: họ có chính nghĩa, giành lại những đất bị Do Thái chiếm đóng (trong sáu năm nay, Do Thái đã mang tiếng là thực dân). Vả lại chiến tranh 1967, thế giới phục Do Thái là giỏi, thì chiến tranh này người ta mến Ả Rập vì biết đoàn kết để phục thù. Cho nên hết thảy các nước cộng sản và hầu hết các nước Á Phi đều có thiện cảm với Ả Rập. Pháp ngay từ mấy ngày đầu đã đứng về phe Ả Rập, bảo “khi người ta (tức Ả Rập) trở về nhà của người ta thì không bảo là xâm lăng được”. Anh mới đầu lừng khừng vì muốn đóng vai ngư ông trực lợi, nhưng sau cũng ngả về Ả Rập, vì sợ Ả Rập không cung cấp dầu lửa cho nữa. Các nước khác ở Tây Âu từ Hòa Lan đều mong Do Thái trả lại đất đã chiếm cho Ả Rập đê kết thúc chiến tranh. Rốt cuộc Do Thái chỉ được mỗi một quốc gia là Hoa Kỳ triệt để ủng hộ (Hà Lan không đáng kể); lẽ ấy dễ hiểu: chiến tranh Tây Á là chiến tranh giữa Nga, Mỹ; Mỹ có rất nhiều quyền lợi ở miền đó, nhất là ở Ả Rập Saudi, lại thêm đa số bọn tài phiệt ở New York có ảnh hưởng lớn tới chính trị kinh tế Mỹ, là gốc Do Thái.

Sau cùng nên kể thêm: phía Ả Rập lần này có một tướng tài ba, tướng Saadeddin Shazlin, Tham mưu trưởng quân đội Ai Cập, người thảo kế hoạch tấn công Sinai, phá được phòng tuyến tối tân Barlev của Do Thái, ông năm nay 49 tuổi, có bằng tiến sĩ chính trị học, nhưng không thích làm chính trị; có học chiến thuật bộ binh ở Fort Bennine (tiểu bang Georgia, Mỹ), lại được huấn luyện ở Nga vào cuối thập niên 1950, ông có nhiệt huyết, cương quyết, nhưng thận trọng, không khinh địch, cho nên mấy năm trước trong một hội nghị quân sự, đã nói với tổng thống Sadat rằng quân đội Ai Cập chưa đủ khả năng chủ động trên chiến trường để chống Do Thái, ông khuyên phải chuẩn bị kỹ hơn nữa, và lần này ông đã thành công: đưa quân qua bờ Đông kênh Suez, vào sa mạc Sinai, “làm tan tành huyền thoại về sự siêu việt của Do Thái”, “tạo được niềm tin trong phía Ả Rập”.

Ông được quân đội tôn trọng và dân chúng Ả Rập phục là khôn khéo.

***

Lực lượng hai bên

Năm 1967 lực lượng vật chất hai bên xuýt xoát như nhau (coi lại Nguyên nhân thắng lợi của Israel – Chương IX), nhưng tinh thần và tài chiến đấu của Israel cao hơn nhiều.

Năm nay tình thế khác hẳn:

ISRAEL

- Dân số: 3.200.000

- Quân thường trực: 95.000

- Quân trừ bị: 180.000

- Xe tăng: 1.700

- Thiết giáp: 1.450

- Máy bay chiến đấu: 488

- Trực thăng: 79

- Tàu chiến: 49

______________________

Ả RẬP

- Dân số: 65.000.000

- Quân thường trực: 574.000
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

 Tác giả| Đăng lúc 11-5-2013 09:02:00 | Xem tất
Phụ lục II (A)
(tiếp theo)

- Quân trừ bị: 970.000

- Xe tăng: 4.740

- Thiết giáp: 4.985

- Máy bay chiến đấu: 1.272

- Trực thăng: 328

- Tàu chiến: 154

Vậy ngày đầu, lực lượng vật chất của Ả Rập (Ai Cập với Syrie) đã gấp hai gấp ba Do Thái.

Từ ngày thứ ba, nếu Do Thái đưa hết cả quân trừ bị và Ai Cập và Syrie cũng vậy, thì tỷ số về quân số vẫn là Do Thái 1, Ai Cập và Syrie 3.

Vậy lực lượng vật chất phía Ả Rập lần này trội hẳn, nhất là Nga tăng cường vũ khí hoài cho họ, có vẻ như không để cho gà mình thua gà Mỹ nữa.

Về mặt khác chúng ta có thể đoán rằng tinh thần chiến đấu của Ả Rập, cho tới nay, không kém Do Thái: lần trước, rất ít Do Thái bị bắt làm tù binh, lần này có khi cả một đơn vị Do Thái đầu hàng. Chỉ có mỗi phương diện: tài chiến đấu là Do Thái vẫn hơn Ả Rập.

Nhưng Do Thái lại mắc tội khinh địch. Thủ tướng Do Thái Golda Meir bảo đã biết trước rằng Ả Rập đương chuẩn bị tấn công, nên không hề bị đánh bất ngờ. Vậy mà Do Thái vẫn bị đánh tơi bời mấy ngày đầu, vì Do Thái đã khinh địch, cho rằng Ả Rập không đủ sức làm gì họ.

Ngày 7-10-1973, chiến tranh phát rồi, mà tướng Peled còn bảo sẽ phá huỷ hết các đầu cầu Ai Cập ở đông ngạn kênh Suez, trong 24 giờ, vào đêm 8-10-1973, rồi tướng Mendler, tư lệnh lực lượng thiết giáp Do Thái, tuyên bố cũng ngày đó: “Cuộc tân công của Ai Cập đã sụp đổ lần thứ tư, chúng ta chứng kiến cuộc thảm bại của Ai Cập tại vùng Sinai”. Nhưng 6 ngày sau, ngày 14-10-1973. Mendler đã tử trận và trên mặt trận Sinai, Ai Cập vẫn ở thế công, Do Thái ở thế thủ.

Lúc đó, độc long tướng quân Moshé Dayan, Bộ trưởng quốc phòng, mới dè dặt, nhận rằng chiến tranh lần này sẽ kéo dài.

Còn thủ tướng Golda Meir, qua ngày thứ 8 thì tỏ vẻ mệt mỏi, tuyên bố tại Tel Aviv: “Chúng ta không muốn phe chúng ta bị chết. Và chúng ta cũng không sung sướng gì gây sự chết chóc cho những người khác”. “Bà vẫn khôi hài nhưng đã có giọng, không phải là vẻ nhà lãnh đạo một quốc gia đương đứng ở thế mạnh” (Tin UPI).

Nhưng ngày 16-10-1973, khi tổng thống Ai Cập tuyên bố sẵn sàng chấp nhận một cuộc ngưng bắn tức khắc trên căn bản này: quân Do Thái phải rút ra khỏi các miền họ đã chiếm đóng từ 1967, thì bà lại nói mạnh: “Chỉ có thể ngưng bắn khi Ai Cập và Syrie bị đánh bại” (Tin UPI và AFP).

Tinh thần thất thường như vậy là dấu hiệu thiếu tự tin!

***

Khi Mỹ, Nga chưa muốn thì Liên hiệp quốc hoàn toàn bất lực.

Ngay ngày đầu, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Waldheim đã triệu tập Hội đồng bảo an, kêu gọi ngừng bắn tức khắc. Dĩ nhiên, như vậy sớm quá, không ai nghe: phải để cho người ta thử sức nhau một thời gian đã chớ!

Cuối tuần lể đầu ông tuyên bố chịu bó tay. Đã họp Hội đồng bảo an mấy lần rồi, nhưng công toi. Ngưng bắn, nhưng trên căn bản nào? Mỹ không đồng ý với Nga và Trung Cộng; Pháp và Anh lừng chừng, làm sao có thể quyết định một điều gì được? Thật là kẹt! Và ông Waldheim bảo vấn đề đó để cho “Ai Cập, Syrie, Do Thái rán tìm lấy một giải pháp nào ôn tồn với nhau”.

Ông biết rõ vấn đề đó là vấn đề của Nga và Mỹ, nhưng ở vào địa vị ông không thế nói thẳng như vậy được.

Tuần đầu, tân ngoạỉ trưởng Mỹ Kissingger (gốc Do Thái Đức) đề nghị hai bên rút cả về vị tri cũ (nghĩa là Ai Cập rút về tây ngạn kênh Suez. Syrie rút ra khỏi cao nguyên Golan) làm cho mọi người mỉm cười, ông chỉ muốn lấy lòng “đồng bào” ông, thế thôi.

Qua tuần thứ nhì, ông ta đề nghị lại: ngưng bắn tại chỗ. Lúc này Ai Cập đã tiến vào Sinai được khoảng 15-20 cây số còn Do Thái đã chiếm lại cao nguyên Golan, đương tiến về thủ đô Damas của Syrie; như vậy mỗi phe đều có lợi một chút và chịu thiệt một chút, kể như “huề”. Nhưng cũng không ai chịu nghe.

Kissinger còn cảnh cáo Nga đừng làm qúa mà hại cho tình hữu nghị Nga - Mỹ, rồi Nixon tuyên bố nếu cần thì hy sinh tình hữu nghị đó để cứu Do Thái. Chắc họ nghĩ năm ngoái làm mạnh ở Bắc Việt, Nga co vòi lại, thì lần này cứ làm tới. Nga cũng sẽ nhượng bộ nữa. Nhưng Nga tuyên bố đứng về phe các quốc gia bị uy hiếp, và cảnh cáo Do Thái đừng thả bom bậy bạ xuống Damas (làm cho ba chục nhân viên toà đại sử Nga chết) và Le Caire nữa, mà sẽ phải ttrả một giá rất đắt. Và lần này Nga làm thật. Vậy là hai ông đàn anh cứ tuôn khí giới vào Tây Á cho đàn em giết nhau.

Lại có tin, không biết thực không, Mỹ đã tiên đoán được chiến trận lần này từ tháng 8-1973, đã cho 9.000 thuỷ quân lục chiến tập sóng và hành quân ở một miền nóng cháy tại California và đoàn quân đó hiện nay sẵn sàng để nhập cuộc.

Chúng ta nên biết chiến tranh ở sa mạc còn gay go gấp mấy chiến tranh ở Việt Nam.

Khí hậu ngày thì nóng quá, từ 45 tới 50 độ, đêm thì lạnh. Muốn tránh nắng, phi đoàn trực thăng phải dậy từ 3 giờ sáng để chuyển vận quân. Tất cả các dụng cụ đều nóng bỏng dưới ánh nắng nên muốn dùng thì phải ngâm trước vào các chậu nước mang theo, và nước cũng nóng lên, phải thay liền liền. Các xạ thủ đại liên, súng lớn phải mang găng tay để khỏi bỏng tay khi sớ tới các khẩu súng.

Việc truyền tin rất khó khăn, máy bay ở trên nhìn xuống chỉ thấy một màu vàng mênh mông, không biết đâu là đâu.

Muốn nghỉ ngơi phải làm theo con thằn lằn: đào tới lớp cát ở dưới mát hơn, nằm xuống rồi che tấm vải.

Phải tiếp tế nhiều nước và muối, vì phải pha một chút muối vào nước, uống mới đỡ khát.

Một tai hoạ nữa là cát. Chỉ một lớp dầu mỏng trên nòng súng là đủ thu hút cả ki lô cát, cát vào cả trong nòng súng. Vì vậy phải dùng đủ thứ lọc bụi, che cát, tránh cát. Dầu máy phải thay rất thường, mỗi ngày. Nếu gặp cơn giông cát thì không còn làm gì được cả.

***

Chiến lược và chiến thuật hai bên

Trong chiến tranh 1967, Do Thái ra tay trước, thanh toán Ai Cập trước (vì Ai Cập là kẻ thù mạnh nhất) xong rồi quay lại quật Syrie và Jordanie.

Phía Ả Rập không kịp chuẩn bị, phối trí, Syrie và Jordanie không cứu Ai Cập kịp nên Ai Cập bị hạ rồi thì tới phiên họ.

Năm nay Ả Rập ra tay trước, chuẩn bị kỹ lưỡng, nên Ai Cập và Syrie cùng tấn công Do Thái một lúc. Jordanie mới đầu không lâm chiến có thể rằng Hussein không muốn “phiêu lưu” như 1967, đợi Ai Cập có mòi thắng thì mới tiếp tay; cũng có thể Ai Cập và Syrie biết rằng Jordanie yếu quá lại thân Israel nên không nhờ tới Jordanie, hoặc bảo Jordanie cứ cầm chân Do Thái ở phía đông cũng đủ rồi. Mục đích của Ả Rập là chiếm lại bán đảo Sinai và cao nguyên Golan, rồi nã hoả tiến tối tan Al Zafef của Nga (bắn xa được 180 cây số) vào Tel Aviv, là Do Thái sẽ phải chịu thương thuyết, lúc đó chẳng tốn thêm một viên đạn nào cũng lấy lại được Transjordanie.

Do Thái mấy ngay đầu khó khăn lắm mới chống đỡ được cả hai mặt, tới cuối tuần đầu vẫn bị mất đất ở Sinai nhưng đã chiếm lại được cao nguyên Golan mà tiến về phía Damas, kinh đó Syrie. Lúc đó người ta có cảm tưởng rằng Do Thái rán chiếm Damas, quật Syrie cho mau (Syrie là kẻ thù yếu nhất) để rồi sẽ quay lại đối phó với Ả Rập. Ả Rập cũng ngại vậy, nên qua tuần thứ nhì, khi thấy Syrie yếu thế thì Maroc, Ả Rập Séoudite, cả Jordanie nữa, đều đem quân tiếp viện và hôm 18-10-1973 đã bị đại bại. Nhưng sự thực là Do Thái không chiếm Damas, mà đưa 15.000 cảm tử quân vượt kênh Suez chiếm miền phía Tây kênh Suez, trên đất Ai Cập phá các dàn hoả tiễn của Ai Cập, bao vây một quân đoàn Ai Cập, khiến Ai Cập lúng túng.

Chiến tranh lần này phát dữ dội cả trên không, dưới đất, ngoài biển. Nhưng các trận thuỷ chiến chỉ xảy ra ít ngày trong tuần đầu rồi không nghe nói tới nữa. Do Thái vẫn mạnh về không chiến: phi cơ F-4 Phantom của họ tốt hơn MiG-21 của Nga, phi công Do Thái chắc cũng giỏi hơn phi công Ả Rập; vì vậy Do Thái tận dụng ưu thế về không quản, để yểm trợ các hành quân dưới đất và áp đảo Ả Rập. Và họ đã thành công ở Syrie hơn là ở Sinai.

Ai Cập trái lại chỉ đưa ra một số ít phi cơ chiến đấu thôi nhưng tận dụng lợi thế về hoả tiễn tầm nhiệt Nga cung cấp cho, nhất là những hoả tiễn tối tân địa không SAM 6, và địa địa Sam 7 (như bazooka) mà hạ được nhiều phi cơ và chiến xa Do Thái, làm cho không lực Do Thái lần này không hoành hành như năm 1967 được nữa.

- Ngoài ra, phe Ả Rập còn dùng đòn kinh tế nữa: ngay từ ngày thứ nhì (7-10-1973) Iraq đã quốc hữu hoá hai công ty dầu lửa Mỹ; ít bữa sau Ả Rập Saudi cũng doạ như vậy. Các quốc gia dầu lửa Tây Á đã họp nhau ở Kowelt và ngày 17-10 -1973 quyết định ngừng xuất cảng dầu cho Mỹ và các quốc gia ủng hộ Do Thái, như vậy giá dầu sẽ tăng; ngay như Iraq cũng ủng hộ Ả Rập, tăng giả dầu lên 17%, khiến phương Tây bối rối. Hơn nữa, năm nước dầu lửa Ả Rập (Ả Rập Saudi, Lybie, Kuwait…) hứa giúp Ai Cập 1.230 triệu Mỹ kim để đánh giặc.

Dĩ nhiên, Do Thái cũng được đồng bào của họ ở Mỹ, Âu quyên tiền giúp.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách