Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: alice2000phuong
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Lịch Sử - Xuất Bản] Hitler Và Những Sứ Mạng Bí Mật Của Skorzeny | Otto Skorzeny (hoàn)

[Lấy địa chỉ]
11#
 Tác giả| Đăng lúc 5-8-2013 15:22:10 | Chỉ xem của tác giả
Chương VII
Tìm kiếm ông Duce

Ngay từ sáng sớm hôm sau, các đơn vị nhảy dù của Đại tướng Student được các phi đoàn vận tải chở đến. Ngày thứ ba, đến phiên nhóm người của tôi đổ bộ. Họ sẽ đóng tại các doanh trại gần phi trường Pratica di Mare. Tôi tạt qua xem xét và loan báo rằng rất có thể chúng tôi phải thực hiện ngay một cuộc đột kích quan trọng. Vì thế tôi yêu cầu họ giữ cho điều kiện sức khoẻ được hoàn toàn để bất cứ lúc nào tôi cũng được đảm bảo chắc chắn về khả năng chiến đấu.

Rồi tôi trở lại Frascati, đem theo Radl, sĩ quan hầu cận của tôi. Mãi khi vào đến phòng riêng tôi mới cho hắn biết về sứ mạng của chúng tôi. Hắn cũng ngạc nhiên và bị xúc động như tôi lúc nhận lệnh từ Fuhrer trước đó. Lập tức chúng tôi cùng nhau đồng ý một điểm: Việc khám phá nơi ông Duce bị giam cầm thật vô cùng khó khăn. Riêng đối với hành động của chúng tôi, nghĩa là việc giải thoát ông Duce, tạm thời chúng tôi chưa nghĩ đến vì giờ H dường như còn xa.

May thay, trong vô số tên tuổi mà Himmler kể ra trước đây, tôi còn nhớ được 2 tên quan trọng nhất: Kappler và Dollmann. Kappler là tùy viên công an của chúng tôi, ông ta có cả một bộ máy tổ chức có thể giúp đỡ chúng tôi nhiều. Còn Dollmann thì cư trú tại La – mã từ lâu, hình như ông ta quen biết lui tới rất nhiều nhân vật có thế lực. Noi theo lời khuyên của vị Reichsfuhrer SS, chúng tôi – Đại tướng Student và tôi tìm cách tiếp xúc với hai nhân vật này, trình bày với họ mục đích của sứ mạng chúng tôi và xin họ giúp chúng tôi tìm kiếm ông Duce.

Trước hết chúng tôi được nghe đủ mọi loại tin đồn – cả những tin đồn kỳ khôi nhất – lan tràn trong thủ đô Ý. Người này nói Mussolini tự vẫn, người kia bảo ông ta bệnh nặng, kẻ khác quả quyết biết rõ ông Duce hiện đang ở trong một viện dưỡng lão. Trong khi đó, chúng tôi thành công trong việc tìm hiểu được rằng trưa ngày 25 tháng 7, ông Duce có đến gặp vua Ý. Từ lúc đó không còn ai gặp ông ta nữa, như vậy ông ta đã bị bắt ngay tại Hoàng cung.

Chỉ dẫn chính xác đầu tiên đến với chúng tôi thật bất ngờ. Trong số các công chức Ý mà vị Tuỳ viên công an của chúng tôi thường lui tới, có một sĩ quan mà thâm tâm vẫn còn ủng hộ chế độ phát xít. Nhân một cuộc tiếp xúc, viên sĩ quan này để lộ một tin tức thật quý báu: hình như ông Duce đã bị đưa từ Hoàng cung đến doanh trại đơn vị phòng vệ tại La – mã. Cuộc điều tra của chúng tôi xác nhận tin này, chúng tôi lại còn biết thêm tù nhân đã bị nhốt tại tầng nào, thuộc khu vực nào của doanh trại. Khốn thay, từ khi bị bắt cho đến nay đã hơn 10 ngày trôi qua, và có lẽ trong khoảng thời gian đó, Moussolini đã bị mang đi nơi khác.

Trong gần ba tuần lễ liền, chúng tôi cố gắng khám phá nơi mà Badoglio giam giữ người lãnh đạo chính phủ phát xít cũ, nhưng vô ích, chúng tôi không tìm thấy một dấu vết nào, một chỉ dẫn nào – cho đến một hôm lại sự tình cờ xuất hiện giúp chúng tôi.

Trong một nhà hàng ăn ở La – mã, chúng tôi làm quen được với một người bán trái cây, ông này thỉnh thoảng có đến thăm một khách hàng tại Terracino, một thành phố nhỏ nằm bên bờ vịnh Gaeta. Người khách hàng quý báu này lại có một cô giúp việc sắp đính hôn với một lính phòng vệ. Anh này đang canh gác đảo Ponza, nơi có một trại giam, vẫn thường viết thơ cho người yêu. Và nơi một trong các lá thư tình này, anh ta cho người yêu biết có một tù nhân đặc biệt “một nhân vật rất quan trọng” vừa được đưa đến đảo. Chỉ dẫn đầu tiên này được xác nhận, nhưng sau đó nhờ một sĩ quan hải quân bất cẩn, trong một cơn huyên thuyên vì ma men hành hạ, anh ta cho chúng tôi biết chiếc tàu của anh ta đã chở ông Duce từ trại giam Ponza đến La Spezia, một quân cảng bên bờ biển Ligur.

Lẽ dĩ nhiên, những tin tức này đều được chuyển về Tổng Hành Dinh của Fuhrer qua trung gian của Đại tướng Student. Ngay khi chúng tôi thông báo “tuy dô” La Spezia, tôi nhận được lệnh chuẩn bị lập tức để giải thoát ông Duce: phải cứu ông ra khỏi chiếc chiến hạm. Trong vòng 24 giờ, chúng tôi suy nghĩ nát óc. Tại Tổng Hành Dinh, chắc người ta tưởng tượng không có gì dễ bằng lấy đi một người trên chiến hạm dưới mắt hải hành đoàn trong thời chiến. May thay, hôm sau chúng tôi biết ông Duce lại thay đổi trại giam một lần nữa.

Tại Bá-linh – xin cho tôi ra ngoài lề một chút vì sự kiện thật kỳ lạ - trong thời gian qua, người ta đã động viên cả thầy bói và chiêm tinh gia. Hình như chính Himmler là người có ý tưởng triệu dụng các nhà “bác học” này. Dầu sao tôi cũng không hề nghe nói đến một kết quả tích cực nào do công trình tìm tòi của họ.

Ít lâu sau, những tin tức trùng hợp, cũng như những tin đồn kéo dài đã hướng cuộc điều tra của chúng tôi về phía Sardaigne. Những tin đồn ông Duce bị giam ở một hòn đảo tí hon hay trong nhà thương của một thành phố nhỏ chìm trong vùng núi, đều sai sự thật. Trái lại, giả thuyết ông Duce bị giam trong một pháo đài hải quân ở Santa Maddalena, tại mũi Đông Bắc đảo Sardaigne, hình như càng ngày càng vững chắc. Một hôm, sĩ quan liên lạc của chúng tôi cạnh Bộ Tư lệnh Hải quân Ý, Hải quân Trung tá Hunaus – một con sói biển, xuất hiện như một nhân vật tiểu thuyết của Joseph Conrad – cho biết là theo ông, có một tù nhân đặc biệt được giam giữ trong pháo đài đó. Tin tức này đối với tôi quan trọng đến nỗi tôi liền quyết định bay đến Sardaigne ngay để đích thân lượm lặt các chi tiết chính xác. Tôi đem theo một Hải quân Thiếu tá và Trung uý Warger của tôi, cả hai đều nói được tiếng Ý lưu loát. Ngay khi đến Santa Maddalena, tôi lấy ngay một tàu vét mìn của chúng tôi và chạy một vòng qua hải cảng và dọc theo bờ biển. Nấp sau một cánh buồm, tôi có thể chụp vài tấm hình cơ sở trên hải cảng và mặc dù rất xa, ngôi nhà rất được chúng tôi chú ý, biệt thự “Weber” nằm ven thành phố. Rồi tôi cố tìm hiểu một cách chính xác hơn, ai là tù nhân đặc biệt. Để đạt mục tiêu này, tôi phải nhờ đến Trung uý Warger.

Kế hoạch của tôi hoàn toàn dựa vào tập quán ưa đánh cuộc của dân Ý. Cải trang thành thuỷ thủ Đức, Trung uý Warger, khi đêm đến, phải la cà vào các quán rượu và ra sức nghe ngóng. Khi nào vấn đề ông Duce được đề cập đến, hắn phải tham gia vào câu chuyện và cho rằng mình biết rõ ràng Mussolini đã về chầu ông bà vì bệnh nặng. Rất có thể điều quả quyết này sẽ gặp phản ứng chống đối, đây là cơ hội giúp Warger đưa ra cuộc đánh cá. Để tạo cho hắn một dáng điệu tự nhiên hơn, hắn phải giả bộ ngà ngà say rượu. Chi tiết chót này không ngờ đã vấp phải khó khăn. Số là Warger hồi nào đến giờ chưa hề uống một giọt rượu. Tôi phải năn nỉ hắn thật lâu, nhấn mạnh đến nghĩa vụ của một quân nhân, mới thuyết phục được hắn tạm đi ngược với các nguyên tắc của hắn.

Kế hoạch của tôi thật đơn giản nhưng thành công hoàn toàn. Một người bán dạo ngày nào cũng mang trái cây tới biệt thự Weber đã nhận đánh cuộc. Để chứng minh cho lời nói, anh ta đã dẫn Warger đến một căn nhà kế cận biệt thự, và qua cánh cửa sổ trên mái nhà, anh ta chỉ cho Warger thấy cái sân thượng mà Mussolini đang đi dạo.

Ngay ngày hôm sau, Warger trở lại vị trí quan sát đó. Sau nhiều ngày dò xét, Warger biết gần đúng số lính canh tù nhân, giờ đổi gác, vị trí các ổ đại liên v.v… Đây là lúc thiết lập kế hoạch hành động của chúng tôi. Làm thế nào để đưa Mussolini ra khỏi biệt thự, và rồi ra khỏi thành phố? Nhiệm vụ của chúng tôi lại phức tạp thêm vì Santa Maddalena là một pháo đài hải quân. Chúng tôi phải có những chi tiết thật chính xác về địa hình của vùng này, vị trí các ổ súng phòng không, doanh trại v.v … Vì bản đồ của chúng tôi thiếu sót quá, tôi quyết định bay trên thành phố để chụp vài không ảnh. Trở lại La-mã, tôi được cấp một chiếc Henkel 111 và ngày 18 tháng 8 năm 1943 tôi cất cánh từ phi trường Pratica di Mare. Thoạt tiên, viên phi công bay thẳng lên phía Bắc. Vào thời đó, hoạt động của không quân Đồng minh trên biển Tyrhénienne đã mạnh đến nỗi, vì lý do an ninh, tất cả phi cơ đến Sardaigne phải bay vòng từ đảo Elbe và Corse. Chúng tôi đáp đúng giờ định trước, xuống Pausania, một trong các phi trường của Sardaigne để lấy nhiên liệu trước khi tiếp tục chuyến bay. Tôi chạy bay tới Palau cách phi trường 50 cây số nơi tôi có hẹn gặp Warger và Trung tá Hunaus. Họ báo cho tôi biết không có gì lạ tại Santa Maddalena ngoại trừ các biện pháp đề phòng và canh chừng vẫn được tăng cường luôn luôn.

Yên tâm, tôi trở lại Pausania. Tôi dự tính sau chuyến bay thám sát, đi thẳng đến Corse để tiếp xúc với liên đoàn Waffen SS đang trấn giữ ở đó. Kế hoạch mới được vạch trong trí tôi chắc chắn sẽ cần những phân đội quan trọng. Tôi tìm cách giải quyết ngay từ bây giờ những chi tiết sơ khởi của chiến dịch. Đến 15 giờ, chúng tôi cất cánh. Tôi ra lệnh cho phi công bay lên cao thật nhanh cho đến 5000 thước, vì lẽ mọi chuyến bay trên vùng Santa Maddalena đều bị cấm chỉ, tôi bắt buộc phải lên thật cao để có thể yên tĩnh chụp hình. Nằm dài trong pháo tháp phía trước, cạnh khẩu súng, trong tay có sẵn một máy hình và một bản đồ hải quân, tôi đang ngắm màu sắc huy hoàng của biển cả thì xạ thủ đại liên phía sau phi cơ hét vào máy vi âm:

- Coi chừng, đằng sau! Hai chiếc … bọn săn giặc Anh!

Phi cơ trượt ngang, tôi đặt ngón tay trên nút điều khiển, sẵn sàng nổ súng. Bên dưới, phi công cố lấy lại thăng bằng cho phi cơ, tôi tự bảo mọi sự đã chấm dứt tốt đẹp, thình lình tôi thấy phi cơ nghiêng hẳn một góc nhọn và chúi xuống thấp. Quay nhìn lui, tôi thấy vẻ mặt co rút vì sợ hãi của viên phi công khi cố gắng đưa phi cơ lên cao, một cách tuyệt vọng. Liếc nhìn qua cửa kính tôi thấy động cơ phía trái đã ngưng chạy. Phi cơ lao xuống với một tốc độ chóng mặt. Không thể nào còn kịp nghĩ đến chuyện nhảy dù nữa. Tôi lại nghe tiếng hét trong máy vi âm:

- Bám chặt …

Do bản năng, tôi bám lấy nòng súng và một thoáng sau, khi phi cơ chạm mặt biển. Chắc chắn đầu tôi đã chạm thành trần phi cơ bởi vì tôi đã bị bất tỉnh. Vài giây sau, tôi lờ mờ cảm thấy một cái gì đó vỡ tan thành hàng nghìn mảnh trước mặt tôi. Rồi một bàn tay chụp lấy cổ áo và kéo tôi lên cao. Chung quanh tôi toàn là nước. Phi cơ đã bị chìm, trong phòng lái mà phía trước đã chúi xuống, nước đã tràn vào chừng 30 phân và tiếp tục ào ạt tràn vào không ngừng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

12#
 Tác giả| Đăng lúc 5-8-2013 15:23:25 | Chỉ xem của tác giả
Chương VII
(tiếp theo)

Chúng tôi gọi những người ở sau, không ai trả lời. Hai ông bạn của chúng tôi đã chết rồi chăng? Vấn đề là bây giờ cần thoát ra ngoài càng sớm càng tốt vì phi cơ có thể chìm trong chốc lát. Kết hợp sức mạnh, chúng tôi mở được cửa cấp cứu trên nóc phòng lái. Lập tức nước tràn vào. Thật đúng lúc! Chúng tôi đẩy lẹ viên phi công phụ ra cửa, rồi tôi hít một hơi dài và lách ra. Tôi cảm thấy được trồi lên cao và một cái đạp chân mạnh, tôi bắn lên khỏi mặt nước. Vài giây sau, viên phi công chính cũng thoát ra được.

Lúc bấy giờ, chuyện kì lạ đã xảy ra. Toàn thể phi cơ, không còn chịu sức nặng của chúng tôi nữa, lại nổi lên mặt bể. Hai viên phi công nhào ra sau và mở cửa cấp cứu. Họ ngẩn ngơ trông thấy hai binh sĩ ngồi chồm hổm trong góc, mà chúng tôi tưởng đã chết. Họ chẳng bị thương tích gì, duy có vẻ ngơ ngác mất hồn. Họ bò dần ra đầu cánh phi cơ. Khó thay, không anh chàng nào biết bơi cả, mặc dầu cả hai đều sinh đẻ tại vùng hải cận Hambourg. Phi công chính còn kịp kéo ra được chiếc xuồng cấp cứu. Anh kéo mạnh tay làm bật nút chai dưỡng khí, lập tức xuồng được bơm phồng và hai chú binh sĩ leo được vào đó.

Lúc đó, tôi mới hốt hoảng nhớ lại túi xách và chiếc máy hình. Tôi nhào xuống nước lặn qua cửa vào phòng lái và thâu hồi được chúng. Tôi ném lên thuyền khi vừa ngoi lên được. Vài giây sau, phi cơ chìm dần và biến mất dưới biển. Ngồi kẹp giữa hai viên phi công trên xuồng cấp cứu, tôi nhìn quanh. Cách đó hai ba trăm thước, những mỏm đá nhấp nhô trên sóng. Chúng tôi hướng về phía đó, chèo tay, đẩy xuồng tiến tới. Mỏm đá này thật nhọn và trơn, nhưng chúng tôi cũng trèo lên được. Phi công phụ tìm trong xuồng được súng bắn hoả tiễn cấp cứu và định bắn thử. Tôi ra lệnh hãy chờ một chiếc tàu đi ngang qua.

Vào khoảng một giờ sau, một xuồng máy xuất hiện. Tôi cho bắn một hoả tiễn đỏ và trong nỗi vui sướng của chúng tôi, chiếc tàu quay mũi tức khắc và hướng thẳng về mỏm đá. Một chiếc sào được đưa về phía chúng tôi. Chiếc tàu cứu tinh này là một loại tuần duyên được trang bị đặc biệt để chống phi cơ. May mắn là thuyền trưởng không thể đoán ra lý do tại sao chúng tôi lại có mặt ở vùng này, tôi nghĩ thầm trong khi bắt tay ông ta. Vì lẽ tôi hoàn toàn bị trần truồng – trước khi lặn trở lại phi cơ, tôi phải tháo bỏ hết áo quần – viên thuyền trưởng tốt bụng cho tôi mượn một quần ngắn và một đôi dép. Quần hẹp quá nhưng tôi vẫn phải mặc, nếu không, khi lên bờ tôi chỉ còn cách kiếm một lá nho! Mãi đến lúc tôi muốn nằm dài một chốc trên một chiếc tàu viễn dương, tôi mới cảm thấy bị đau nhói dữ dội trong lồng ngực. Vài ngày sau, một bác sĩ báo cho biết tôi bị gãy 3 xương sườn.

Chiều hôm đó, chúng tôi trở lại Pausania. Tôi đi ngay về Palau để yêu cầu Trung tá Hunaus kiếm một chiếc tàu để đưa tôi sang Corse, nơi mà Chỉ huy trưởng Liên đoàn Waffen SS đang chờ tôi.

Gần nửa đêm, chiếc khinh tốc đỉnh của tôi mới đến được hải cảng Saint Bonifacio. Tại Bộ chỉ huy quân sự Ý, tôi không thể nào dùng điện thoại liên lạc được với liên đoàn SS. Mãi đến sáng hôm sau, người ta mới cấp cho tôi một chiếc xe. Nhưng sau đó vì có sự lầm lẫn, suốt ngày tôi chạy đuổi theo sau viên Chỉ huy trưởng SS, ông này cũng chạy đôn chạy đáo tìm tôi mà không gặp. Rốt cuộc, rồi chúng tôi cũng gặp nhau ở Bastia, phía bắc đảo, tại Bộ chỉ huy một đơn vị hải quân Đức.

Trong khi đó, tại La-mã, Trung uý Radl tuyệt vọng khủng khiếp. Không thấy tôi trở về như đã hẹn vào đêm 18 tháng 8, hắn chạy lại Bộ Tư lệnh Sư đoàn Dù hỏi thăm tin tức về chiếc máy bay chở tôi. Người ta đã trả lời hắn một cách tỉnh bơ: “Phi cơ coi như bị mất tích, phi hành đoàn chắc đã làm mồi cho cá rồi”. Trong hai ngày liền, hắn tưởng tôi chết thiệt, vì tôi chỉ trở về La-mã thật trễ, đêm 20 tháng 8. Tôi gặp lại hắn khi từ phi trường tôi đi thẳng về doanh trại của đơn vị tôi. Lẽ dĩ nhiên, hắn điên lên vì vui sướng. Ngay khi về đến khách sạn, chúng tôi bắt đầu lập kế hoạch hành động. Lần này, chúng tôi chắc chắn là đã khám phá được chỗ ông Duce bị giam. Đại tướng Student cũng chia xẻ quan điểm của tôi khi tôi phúc trình cho ông tình hình vào ngày hôm sau.

Thế nhưng, như sét đánh ngang tai, chúng tôi nhận được một mệnh lệnh từ Tổng Hành dinh của Fuhrer như sau:

“Tổng hành dinh vừa nhận được một báo cáo của Ausland Abwehr (Đô đốc Canaris), theo đó thì Mussolini hiện đang ở trên một hòn đảo nhỏ gần đảo Elbe. Đại uý Skorzeny chuẩn bị lập tức một cuộc tấn công bằng đơn vị nhảy dù, và báo cho chúng tôi biết ngày gần nhất với ngày có thể mở cuộc tấn công. Tổng hành dinh của Fuhrer sẽ chỉ định ngày hành động”.

- Chuyện gì xảy ra vậy? - Radl và tôi tự hỏi nhau.

- Người ta nói rằng nhân viên của Đô đốc được cung cấp nhiều phương tiện săn tin rất hữu hiệu! Vả chăng, cách mấy bữa trước, chúng tôi đã có thấy một thông tri “mật” được cơ quan Abwehr gởi cho toàn thể Chỉ Huy trưởng đơn vị đồn trú tại Ý. Trong đó chúng tôi thấy rõ ràng như trắng với đen rằng: “Tuyệt đối chắc chắn rằng bất cứ trường hợp nào chính quyền Badoglio cũng sẽ tiếp tục chiến đấu bên cạnh chúng ta. Tân Chánh phủ có khi lại còn tham dự vào nỗ lực chung một cách tích cực hơn chính quyền phát xít cũ”.

Vì lẽ chúng tôi có quan điểm hoàn toàn trái ngược, Đại tướng Student cố sức xin gặp đích Fuhrer. Sau một hồi bàn cãi, chúng tôi được lệnh về Đông Phổ. Chúng tôi bay lập tức và đáp vào buổi chiều và được biết Hitler đang đợi chúng tôi.

Chúng tôi được đưa vào đúng căn phòng mà trước đó mấy tuần tôi được trình diện Fuhrer. Lần này tất cả các ghế bành trước lò sưởi đều có người ngồi, và tôi có dịp quen với hầu hết cấp lãnh đạo Quốc Xã. Bên trái Fuhrer là Bộ Trưởng Ngoại giao Ribbentrop, bên phải ông này là Thống chế Keitel, rồi đến Đại tướng Jodl. Người ta chỉ cho tôi ngồi ghế kế đó. Bên trái Ribbentrop, tôi thấy Himmler, rồi Đại tướng Student, và Thuỷ sư Đô đốc Doenitz, khối người đồ sộ ngồi giữa Doenitz và tôi là Thống chế Hermann Goering.

Đại tướng Student giới thiệu tôi bằng vài câu ngắn gọn và nhường lời cho tôi. Thoạt tiên tôi bị khớp kinh khủng, cái nhìn của tám người này đã làm tôi e thẹn đến nỗi quên mất cả việc nhìn vào xấp báo cáo được soạn trên máy bay. Nhưng dần dần, tôi trở nên tự tin hơn. Tôi cố gắng trình bày hết sức rõ ràng diễn tiến công cuộc điều tra của tôi. Những lý do được viện ra để chứng minh chúng tôi tin ông Duce hiện bị giam tại Santa Maddalena, đã rõ rệt làm cho cử tọa ngạc nhiên chú ý. Câu chuyện đánh cuộc của Trung uý Warger và sự thành công của anh ta đã làm cho một vài vị mỉm cười, đặc biệt là Đô đốc Doenitz, Thống chế Goering.

Khi tôi chấm dứt, nhìn đồng hồ, tôi mới biết mình đã nói trong hơn nửa giờ. Với một cử chỉ đột ngột, Fuhrer xiết chặt tay tôi:

- Anh đã thuyết phục được chúng tôi, Đại uý Skorzeny! Chắc chắn anh có lý, vậy tôi rút lui lệnh tấn công bằng quân nhảy dù lên đảo. Anh đã chuẩn bị kế hoạch đưa ông Duce thoát khỏi pháo đài hải quân đó chưa? Nếu rồi, trình bày xem!

Nhờ một bản đồ vẽ bằng bút chì tôi khai triển dự án mới được hình thành mấy hôm trước. Tôi giải thích rằng, ngoài một hải đội gồm khinh tốc đỉnh, tôi còn cần tàu vớt mìn, hơn nữa để yểm trợ năm mươi người của tôi, còn cần một đại đội tình nguyện lấy ở đơn vị SS đang đóng tại đảo Corse. Mặt khác, để che chở cho chúng tôi rút lui, tôi muốn trông đợi vào các dàn cao xạ D.C.A. tại Corse và tại phía bắc Sardaigne. Dự tính tấn công bất thần vào lúc hừng đông của tôi, hình như được mọi người đồng ý chấp thuận. Nhiều lần, Hitler, Goering, Jodl ngắt lời tôi để hỏi bổ túc. Khi tôi chấm dứt, Fuhrer nói với tôi:

- Tôi chấp thuận kế hoạch của anh, và tôi tin rằng nếu được thực thi với tất cả khéo léo không ngần ngừ, kế hoạch này có thể thực hiện được, Thuỷ sư Đô đốc Doenitz, xin ông ra mệnh lệnh cần thiết cho hải quân. Các đơn vị tăng phái được đặt dưới quyền chỉ huy của Đại uý Skorzeny trong suốt thời gian chiến dịch, Đại tướng Jodl sẽ lo liệu các việc khác. Còn một điểm nữa, Đại uý Skorzeny: phải giải thoát ông bạn Mussolini của tôi càng sớm càng tốt hầu ngăn không để ông bị giao cho Đồng minh. Anh không được để mất một giây phút nào. Nhưng, cho đến khi anh sẵn sàng và cho đến khi tôi ra lệnh hành động, nước Ý có thể sẽ còn là đồng minh của chúng ta, ít ra là về mặt chính thức. Nếu đến lúc đó, cuộc đột kích của anh thất bại, tôi bắt buộc phải lên án anh trước công luận thế giới. Tôi sẽ tuyên bố rằng, bằng cách trình bày kế hoạch và nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giải thoát ông Duce, anh đã làm cho một vài Đơn vị trưởng đóng tại Ý trở nên mù quáng, và trong tất cả mọi trường hợp anh đã tự ý hành động một mình. Để giúp chúng tôi trong nỗ lực đem lại chiến thắng vinh quang, và hãy vì Tổ quốc, anh phải sẵn sàng chấp nhận, trong trường hợp đó, sự lên án nặng nề không bào chữa được.

Tôi không có thì giờ để suy nghĩ. Dầu sao khi danh dự của tổ quốc tôi đang được đặt thành vấn đề, tôi biết, tôi không từ chối chịu đựng một cách im lặng nỗi nhục nhằn, kết quả của một tình trạng bị hắt hủi như thế. Rất cảm động, tôi chỉ có thể nghiêng mình chào Fuhrer không nói một lời.

Tỏ ra rất hài lòng, Fuhrer cho phép tôi rút lui sau khi thân mật xiết tay tôi.

- Anh sẽ thành công, Skorzeny, - ông nói, giọng tin tưởng và niềm tin đó đã truyền qua tôi như một luồng điện.

Thêm một lần nữa, tôi lại được nghe giọng nói có sức thuyết phục gần như thôi miên của Fuhrer. Giờ đây, tôi đã có kinh nghiệm không còn nghi ngờ gì nữa, tôi sẽ thành công.

Sáng hôm sau, chúng tôi trở lại La-mã, ngay lúc đến nơi, tôi cho Trung uý Radl trung thành của tôi biết rằng trong trường hợp thất bại, tôi phải một mình hoàn toàn chịu trách nhiệm về chiến dịch. Là một công dân Áo chính cống, Radl cảm kích không ít.

- Thế thì, - hắn bình tĩnh nói, - nếu chuyện đó xảy ra, tôi sẽ yêu cầu được giam cùng với ông. Có lẽ họ sẽ nhốt chúng ta vào nhà thương điên. Đó là cơ hội tốt để thử xem các xà lim được tiện nghi đến mức độ nào.

Vài hôm sau, nhờ một sự tình cờ, chúng tôi tránh được hậu quả tai hại đó. Thật vậy, suýt nữa chúng tôi đã tấn công vào một nhà giam trống rỗng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

13#
 Tác giả| Đăng lúc 5-8-2013 15:41:21 | Chỉ xem của tác giả
Chương VIII
Lại bắt đầu từ số không

Trung tá Schulz, Tư lệnh đội khinh tốc đỉnh được cung cấp cho tôi là một người sôi nổi. Từ lâu, ông ta mơ ước một cuộc hành quân kiểu này. Chúng tôi chuẩn bị cho cuộc đột kích một cách tỷ mỉ, cẩn thận không để sót một chi tiết nào, tiên liệu tất thảy mọi chuyện có thể xảy đến. Sau cùng kế hoạch của tôi hoàn thành.

Trước ngày J một hôm, đội khinh tốc đỉnh sẽ tổ chức một cuộc thăm viếng chính thức hải cảng Santa Maddalena, hải đội sẽ xuyên qua quân cảng và bỏ neo cạnh một con đập ngay dưới thành phố. Cũng ngày hôm đó, đoàn tàu vớt min, dưới quyền chỉ huy của Trung úy Radl, chở đầy các toán cảm tử từ đảo Corse, sẽ tiến qua eo biển và bỏ neo cạnh con đê Palau đối diện với Santa Maddalena. Lẽ tất nhiên các cảm tử quân phải ẩn kín. Vào những giờ đầu tiên của ngày J, cả hai hải đội sẽ điều động như lần lượt sắp rời hải cảng. Bất chợt, các tàu vớt mìn sẽ cho đổ bộ quân cảm tử mà một thành phần sẽ che chở cho đồng bạn tiến từ thành phố đến. Các khinh tốc đỉnh sẵn sàng sử dụng hỏa lực để can thiệp bảo vệ chúng tôi.

Tiếp theo đó, tôi cùng với lực lượng chủ yếu, sẽ theo đội hình xiết chặt, tiến tới biệt thự. Trong trí tôi, sự xuất hiện bất ngờ của một đơn vị đi đều bước trong trật tự sẽ tăng thêm yếu tố bất ngờ. Chúng tôi sẽ cố tránh không để xảy ra biến cố, nhất là nổ súng trong khi đi ngang qua thành phố. Và rồi chúng tôi sẽ tấn công vào biệt thự - tôi sẽ quyết định tại chỗ các chi tiết của cuộc tấn kích, tùy theo tình hình lúc đó. Để đề phòng quân cảnh giữ báo động ngay khi chúng tôi đổ bộ, tôi chỉ định một vài khu vực phải cắt đứt hết dây điện thoại.

Ngay sau khi vô hiệu hóa chừng 150 quân trú phòng canh giữ biệt thự, tôi và ông Duce sẽ lên một chiếc khinh tốc đỉnh. Trong khi đó một toán quân SS sẽ chiếm các ổ súng canh chừng lối ra vào hải cảng. Riêng phần các dàn cao xạ phòng không D.C.A. của Ý đặt trên các ngọn đồi chung quanh thành phố thì thuộc phần các dàn đại bác của chúng tôi thiết lập tại mũi cực bắc Sardaigne lo liệu.

Với một chút may mắn, mọi sự sẽ trôi chảy. Chỉ có một điều còn làm tôi lo ngại thật sự: bên trên biệt thự Weber, gần bến tàu, có nhiều doanh trại, nơi đó 200 sinh viên sĩ quan Hải Quân Ý đang đồn trú để được huấn luyện. Tôi cần có lực lượng che chở thật mạnh để được bảo đảm không bị phản công cạnh sườn. Mặt khác hai thủy phi cơ của Ý và một thủy phi cơ dùng làm bịnh viện lại đang bỏ neo cạnh bờ. Tôi chỉ định hai toán phụ trách làm cho chúng trở nên bất khiển dụng để ngăn không cho quân Ý đuổi theo chiến thuyền chở ông Duce.

Đúng vào ngày trước ngày J, từ rạng đông, các khinh tốc đỉnh từ hải cảng Anzio tiến ra và sau một khoảng đường biển náo nhiệt, đến được Santa Maddalena. Lập tức, Radl rời khỏi tôi, lên một tàu vớt mìn tại Corse, xem xét quân sĩ lên tàu và theo kế hoạch, đoàn tàu vớt mìn phải đến Santa Maddalena vào chập tối. Trong khi chờ đợi, tôi nghiên cứu lại một lần nữa bản đồ biệt thự Weber và vùng kế cận. Cậu bé Warger đã làm việc chu đáo, tất cả đều được ghi chú với mức độ chính xác hoàn toàn, những khoảng cách, những vị trí đặt cửa ra vào, vị trí canh gác v.v… Tuy nhiên, tôi không thể tự ngăn một cảm giác nghi ngờ tính cách chắc chắn, thường xảy ra mỗi khi nhờ kẻ khác thực hiện một công tác quan trọng ngoài vòng kiểm soát của ta. Vậy nên tôi quyết định đích thân đi kiểm soát một lần cuối. Warger đi theo tôi. Ngay khi đến gần biệt thự, tôi thấy một đường dây điện thoại mà Warger không ghi vào bản đồ. Một cơn giận giữ dội làm tôi nhức buốt, bởi vì theo ý tôi, chính những chi tiết vụn vặt này có thể làm hỏng cả chiến dịch như cỡ chúng tôi đang thực hiện.

Thật tình mà nói, ngoài điểm này, các chi tiết tỉ mỉ khác đều đúng cả. Hai tiểu đội phòng vệ đang dạo chơi trên đường, một tiểu đội khác canh cửa ra vào với súng liên thanh. Khốn thay, một bức tường thật cao đã chắn các cặp mắt tò mò nhìn vào vườn. Nhờ cẩn thận ăn mặc như hai thủy thủ, lại cùng khiêng một giỏ quần áo dơ to tướng, chẳng ai chú ý đến chúng tôi. Mục tiêu là một ngôi nhà kế cận và cao hơn biệt thự một chút nhờ đó có thể quan sát bên trong. Trong khi Warger đưa quần áo cho tiệm giặt, tôi lấy cớ là tiệm giặt còn thiếu một vài điều kiện vệ sinh để trèo lên cao hơn và ẩn sau một tảng đá lớn, từ đó có thể nhìn sâu vào biệt thự. Tất cả đều có vẻ yên tĩnh, tôi khắc trong trí những lối đi trong vườn và các điểm chuẩn, rồi quay trở lại, tỏ ra hài lòng về tiệm giặt ủi. Chính nơi đây sự tình cờ trời định đã xảy đến mà trước đây tôi có ám chỉ. Trong khi tôi vắng mặt một lính phòng vệ canh gác ông Duce đã đến viếng tiệm giặt. Tôi tìm cách chuyện gẫu với anh ta bằng kỹ thuật mà Warger đã áp dụng. Tôi cẩn thận hướng câu chuyện qua đề tài sự sụp đổ của Mussolini. Thoạt tiên, anh ta không mấy chú ý đến và chỉ quan tâm khi tôi cho rằng mình biết ông Duce vừa chết. Với thái độ sôi nổi của dân Địa Trung Hải, anh ta đoan quyết với tôi đó chỉ là tin đồn nhảm. Lẽ tất nhiên tôi kích thích thêm anh ta bằng cách nói rằng tôi chắc chắn biết rõ như vậy bởi vì một vài hôm trước đây một bác sĩ bạn tôi đã kể cho tôi nghe rất nhiều chi tiết liên quan đến phút cuối cùng của nhà lãnh tụ Phát-xít.

Đến đây, người lính phòng vệ thân mến của chúng tôi đã không kiềm giữ được nữa:

- No, no, signore, không thể được, - anh ta nói với vẻ tức giận. - Tôi còn thấy ông Duce sáng nay. Tôi đã tham dự vào toán hộ tống ông ấy đến chiếc phi cơ trắng, phi cơ đã chở ông ta đi rồi.

Thật là chua chát! Thật là một điều kinh ngạc tột độ! Người binh sĩ kia đã nói với giọng quả quyết, câu chuyện của anh ta chắc đúng sự thật. Vả chăng lúc đó tôi mới sực nhớ chiếc thủy phi cơ bịnh viện mới ngày hôm qua, sáng nay đã biến mất. Tôi đã thấy nó cất cánh nhưng lúc bấy giờ tôi cho là không có gì quan trọng cả. Mặt khác, tôi đã từng ngạc nhiên khi quan sát biệt thự và thấy nhiều lính phòng vệ nằm nghỉ mệt trên sân thượng. Vậy thì lời giải thích tác phong ít có vẻ quân sự đó là: trong nhà giam này không còn tù nhân nữa!

May mắn là chúng tôi khám phá ra điều này thật kịp thời. Thật là đẹp mặt nếu chúng tôi phát động cuộc tấn công hải lục qui mô mà chúng tôi đã đạo diễn!

Hiện tại, điều phải làm trước hết là hủy bỏ lập tức các cuộc điều quân chuẩn bị của chúng tôi. Tôi gọi điện thoại cho Radl và bắt kịp hắn ít phút trước khi hắn ta lên đường đi Corse. Riêng về phần các quân cảm tử, họ đã xuống tàu sẵn rồi.

- Tất cả gài số de! - Đây là mệnh lệnh của chúng tôi.

Để được cẩn thận, chúng tôi duy trì công cuộc chuẩn bị thêm vài ngày nữa hầu sẵn sàng hành động trong trường hợp ông Duce được mang trở lại Santa Maddalena. Thật kỳ lạ, quân Ý cũng duy trì lực lượng canh giữ trong và ngoài biệt thự. Theo tôi, cơ quan tình báo Ý làm như thế là để xóa bỏ dấu vết và đánh lạc hướng chúng tôi. Rõ rệt, tù nhân của họ rất quan trọng đến nỗi họ không lui bước trước công việc khó khăn phức tạp mênh mông, nhưng cần thiết để thay đổi liên tục nơi giam giữ. Lúc này đây, họ đang thành công – một lần nữa chúng tôi lại bị mất dấu.
Hiện tại, chúng tôi lại trở lại điểm khởi đầu, từ số không. Phải bắt đầu lại tất cả. Trong nhiều ngày liền, chúng tôi chới với. Tin đồn thì không thiếu, nhưng khi chúng tôi mở cuộc điều tra, dầu là đại khái, những tin tức loại này tiêu tan ra mây khói.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

14#
 Tác giả| Đăng lúc 5-8-2013 16:22:40 | Chỉ xem của tác giả
Chương IX
Tìm được mục tiêu

Một lần nữa, sự tình cờ, chủ nhân ông của những người mạo hiểm đã đến giúp chúng tôi. Chính nhân một cuộc thanh tra thường lệ trong vùng hồ Bracciano, sau cùng, tôi mới khám phá ra những dấu vết chính xác. Một vài sĩ quan của chúng tôi đã trông thấy chiếc thủy phi cơ bệnh viện hạ cánh! Dần dần các tin tức khác sưu tầm được đã hậu thuẫn cho giả thuyết về một giam giữ ông Duce trong chính bán đảo này. Nhiều lần, chúng tôi theo những dấu vết để rồi sau cùng thấy sai lạc, chẳng hạn như hồ Trasimène. Nhưng một hôm, tin tức về một vụ tai nạn xe hơi làm thiệt mạng hai sĩ quan cao cấp Ý đã khiến chúng tôi có ý tưởng tìm kiếm trong vùng núi Abruzzes trùng điệp. Cũng tại đấy, những tin đồn mơ hồ đã dẫn chúng tôi lạc lối, theo ngỏ phía đông của dãy núi.

Dần dần, chúng tôi bắt đầu tin rằng đây là các đường lối do địch vẽ ra để đánh lạc hướng chúng tôi. Cơ quan tình báo Ý quả nhiên không phải là một đối thủ tầm thường. Mặt khác, các cơ quan tình báo của Đức như Bộ Tham Mưu của Thống Chế Kesselring, hoặc các nhân viên của Ausland-Abwehr chẳng hạn, cũng ra sức để được xem là cơ quan đầu tiên khám phá ra chỗ giam nhà độc tài Ý. Trong tháng tám, chỉ huy cơ quan Quân báo Đức, Đô Đốc Canaris, gặp tại Venise đồng nghiệp Ý của ông, Tướng Amé. Cuộc tiếp xúc không kết quả. Có phải quyết tâm giữ bí mật bằng mọi giá của Ý rõ rệt là đã mạnh hơn ý muốn đưa vụ mất tích bí mật này ra ánh sáng của Fuhrer? Chắc như vậy. Liệu có phải Canaris đã nhiệt tâm hành động theo lệnh của Bộ Tư Lệnh tối cao Đức Quốc? Nhiều khi tôi tự hỏi…

Bên cạnh đó, Thống chế Kesselring đã nhân cơ hội sinh nhật thứ 60 của Mussolini – ngày 29 tháng 7 năm 1943 – để thử dò la chính ngay nơi ông già Thống Chế Badoglio. Để làm quà sinh nhật, Hitler gởi sang Ý một ấn bản quí, in giới hạn, toàn bộ tác phẩm của Nietzsche. Sách được đặt trong một hộp gỗ chạm trổ đẹp tuyệt vời. Kesselring bảo rằng Fuhrer muốn ông trao tận tay Mussolini món quà sinh nhật. Đáng tiếc, chiến thuật này thất bại, bởi vì Badoglio từ chối, bằng những lý lẽ lờ mờ.

Trong khoảng thời gian đó, tình hình ở La-mã càng ngày càng trở nên tệ hơn. Lần lượt nhiều Sư đoàn Ý từ mặt trận rút về và kỳ lạ hơn nữa là các đơn vị đó đã đóng chung quanh thành phố - Về phương diện chính thức, mục đích là để ngăn chặn mối đe dọa một cuộc đổ bộ của địch – Thật ra, chúng tôi không tin như vậy. Nếu nhất thời mọi chuyện giữa người Ý và chúng tôi hỏng cả, thì Sư đoàn duy nhất của Đức – Sư đoàn dù của Đại tướng Student – và một vài đơn vị chỉ huy liên lạc của Bộ Tham mưu của Thống Chế Kesselring sẽ bị đặt trước một lực lượng tập trung có ưu thế tuyệt đối gồm 7 Sư đoàn. Chúng tôi nhận thức rằng đó là sự thật khi quân Ý vẫn kéo về tập trung không ngừng.

Trong khi đó bộ phận tình báo của riêng tôi đã xác nhận chắc chắn rằng Mussolini hiện đang ở trong một khách sạn dưới chân núi Gran Sasso, lẽ tất nhiên là được canh kỹ. Trong nhiều ngày liền, chúng tôi thất bại trong việc thử tìm một bản đồ chi tiết về khu vực đó. Vì lẽ khách sạn chỉ được cất xong ít lâu thì chiến tranh bùng nổ, tòa nhà đó không hề được ghi trên bất cứ bản đồ nào. Chúng tôi chỉ tìm được hai tin tức mơ hồ: Câu chuyện của một người Đức ngụ tại Ý đã từng đến nghỉ mát tại khách sạn này vào mùa đông 1938, và một tập quảng cáo của một hãng du lịch, tán dương thiên đường của những tay trượt tuyết nằm ngay trong lòng dãy Abruzzes này.

Những yếu tố đó còn quá mỏng manh so với công cuộc chuẩn bị cho một cuộc đột kích tối quan trọng. Chúng tôi quyết định kiếm thật gấp vài không ảnh. Đại tướng Student cấp cho tôi một phi cơ trang bị máy hình tự động, và sáng ngày 8 tháng 9 tôi bay từ phi trường Pratica di Mare cùng với Radl và một sĩ quan tình báo của Bộ Tư lệnh Sư đoàn, trong kế hoạch của tôi, ông này sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Vì cần phải dấu kỹ bằng mọi giá mục đích của chuyến bay đối với người Ý, chúng tôi vượt qua dãy Abruzzes với cao độ 5.000 thước. Ngay cả viên phi công cũng không được biết mục đích của chuyến bay, anh ta được cho biết rằng chúng tôi sẽ chụp hình các hải cảng vùng Adriatique.

Khi còn cách Gran Sasso chừng 30 cây số, tôi nghĩ là phải chụp thử vài tấm hình với chiếc máy khổng lồ gắn cứng vào bụng phi cơ. Chúng tôi thấy đường phim trượt của máy bị kẹt vì tuyết đóng. Như vậy máy chụp hình trở nên bất khiển dụng. May thay chúng tôi lại có mang theo máy chụp hình xách tay, dù tốt dù xấu chúng tôi phải xử dụng nó. Chúng tôi cũng bị rét cóng bởi vì trên người chỉ mang bộ quân phục viễn chinh miền Phi Châu. Vì không thể mở hết nắp kính của cánh cửa sau, khi phi cơ đang bay, chúng tôi bắt buộc phải đẩy lui một phần nắp kính để tạo một thị trường cho máy hình. Kế này không mấy thuận tiện, bởi vì người chụp hình bắt buộc phải nhô đầu, vai và tay ra khỏi lỗ hổng.

Tôi thử liều trước. Chưa bao giờ tôi cảm thấy không khí giá buốt như vậy, gió mạnh cắt da. Tôi nhọc nhằn nhô nửa người ra lỗ hổng trong khi Radl nắm chân tôi. Vài phút sau, chúng tôi bay trên Campo Imperatore, một cánh đồng hoang vu quay cuồng nằm trên cao độ 2.000 thước. Những thành núi dựng thẳng đứng của mũi Gran Sasso vạch từng nét một lên cao cho đến 2.900 thước. Những tảng đá xám và nâu, những vách núi trơ trụi và rồi chúng tôi bay qua trên mục tiêu, khách sạn: một kiến trúc vĩ đại, ngay cả khi được nhìn với khoảng cách hiện tại. Tôi chụp tấm hình đầu tiên, rồi chuyển máy hình qua tay trái tôi quay cần lên phim, lúc đó tôi mới biết chỉ trong giây lát mấy ngón tay bị tê cóng đến mức nào. Ngay sau khách sạn tôi thấy một cánh đồng lờ mờ hình tam giác. Tôi tự bảo ngay: đây rồi, bãi đáp của chúng tôi. Một tấm hình thứ ba nữa, rồi tôi lấy chân ra hiệu cho Radl kéo tôi vào.

Phải mất nhiều phút người tôi mới nóng trở lại được. Khi Radl, vẫn luôn luôn "cù không cười" hỏi: Chắc trên mặt trời cũng lạnh như vậy? Tôi quyết định để chuyến về cho hắn nếm thử mùi đau khổ.

Từ bụng phi cơ trèo trở lên vị trí, tôi đã phân biệt được một dãy màu xanh ở xa xa: biển Adriatique. Tôi ra lệnh bay thấp xuống 2500 thước và hướng mũi về phía bắc cho đến khi tới bờ biển. Rồi để đánh lừa viên phi công, tôi mang bản đồ ra nghiên cứu kỹ và bảo Radl chuẩn bị chụp hình cơ sở hải cảng Ancône.

Nhờ thời tiết thật tốt chúng tôi tiến đến các bãi biển tuyệt đẹp Rimini và Riccione rất nhanh. Vượt qua một khoảng nữa, tôi ra lệnh quay trở lại và lên cao 5500 thước để bay ngay trên đỉnh Gran Sasso.

Lần này đến phiên Radl. Chúng tôi lại trở lại vị trí đàng sau phi cơ, nơi đây nhiệt độ đã hạ xuống đáng kể, từ 2 đến 3 độ dưới không độ. Lúc này, chúng tôi đều nguyền rủa bộ quân phục bản xứ mà chúng tôi vẫn ưa thích khi đi dạo dưới ánh mặt trời tại La-mã. Tôi đưa máy hình xách tay cho Radl và giải thích thật lâu cho hắn biết cách xử dụng – phải giải thích thật lâu bởi vì có vẻ là một nghệ sĩ, hắn chẳng biết gì ráo về chi tiết kỹ thuật. Rồi hắn luồn ra cửa, hai tay thẳng về phía trước, trong khi đó tôi quì xuống để giữ chặt lấy chân hắn. Khi thoáng thấy đỉnh núi, tôi véo chân hắn để ra hiệu sẵn sàng. Cùng lúc đó tôi hét lớn – chắc hắn chẳng nghe được gì vì tiếng động cơ quá ầm ĩ – “Mau lên, chụp càng nhiều hình càng tốt”. Tôi cảm thấy qua các cử động co quắp của cặp giò, hắn đang cựa quậy điên cuồng. Có lẽ chúng tôi không bay ngang đúng trên đỉnh núi cho nên Radl cố vươn người để chụp các ảnh nghiêng. Điều này chắc rất có ích vì các hình chụp đó sẽ giúp chúng tôi hiểu thêm thế đất hơn là các hình chụp thẳng đứng, Radl ra hiệu cho tôi kéo vào. Mặt hắn xanh lè vì lạnh.

- Tên nào còn ca tụng với tôi mặt trời tuyệt đẹp ở Ý, tôi sẽ bóp cổ nó, - hắn lầm bầm trong khi hàm răng đánh lập cập.

Trở lại phòng lái, chúng tôi lấy phao cấp cứu mặc vào và phủ lên người cả mấy tờ giấy dầu vứt trong xó. Tiếp theo đó, tôi ra lệnh chi tiết cho phi công: xuống thấp 1500 thước, và trở về nhưng phải theo hướng Bắc cho đến Địa Trung Hải, trên La-mã một chút. Sau đó bay là là hướng về phi trường.

Mười lăm phút sau chúng tôi được biết có lẽ sự thận trọng này đã cứu sống chúng tôi. Vừa tiến đến bờ biển, mặt trời chiếu tràn ngập trong phòng lái bao phủ toàn kiếng, ngồi bên phi công, tôi lơ đãng nhìn phong cảnh. Khi nhìn qua phía trái một cách hết sức tình cờ, về hướng dãy núi Sabins, tôi tưởng không tin ở mắt mình: vô số phi cơ địch với đội hình chặt chẽ đã từ phía Nam tiến về Frascati. Nắm chặt lấy kính đeo mắt, tôi thấy chúng trút bom xuống thành phố đúng bên trên Bộ Tham Mưu của chúng tôi. Đợt thứ nhất vừa rời xa, hai đợt khác xuất hiện trút sức nặng chết người xuống. Đến lúc đó tôi mới biết lệnh bay vòng phía bắc của tôi đã giúp chúng tôi tránh khỏi bị lọt ngay vào chính giữa phi đội địch, mà phi cơ trinh sát của chúng tôi thường không được võ trang chút nào! Lại cũng nhờ bay là là, phi cơ săn giặc hộ tống của địch không khám phá ra chúng tôi.

Vài phút sau chúng tôi đáp an toàn. Về đến Frascati, chúng tôi rơi vào một nơi hỗn độn. Tòa nhà dùng làm Bộ Tham Mưu của Đại tướng Student còn nguyên, nhưng trại của chúng tôi bị đổ nát. Khi chúng tôi muốn tiến vào, một sĩ quan báo động rằng có hai quả bom nổ chậm đang nằm trong hầm, có thể nổ bất tử. Thế nhưng chúng tôi đã để trong hầm những tài liệu quan trọng chứa đựng tất cả kết quả của cuộc điều tra. Mặc kệ - chúng tôi leo lên một đống gạch vụn, đặt chân lên bao lơn và tìm được tài liệu, mặc dầu trong phòng đồ đạc tung tóe hỗn độn. Sau đó, chúng tôi lại đặt chân được xuống đường.

Tổn thất về phía thường dân chắc là cao. Trái lại hầu hết cơ sở quân đội Đức thoát khỏi bị tàn phá. Binh sĩ của chúng tôi đang sửa chữa các đường dây điện thoại bị hư hại nặng. Phần tôi, không để mất giây phút nào, thật vậy tôi phải đến La-mã thật gấp để gặp một số sĩ quan Ý mà tôi được biết có dự định giải thoát ông Duce. Tôi cần biết kế hoạch của họ để tránh dẫm chân lên nhau.

Sau vài phút chuyện trò, tôi nhận thấy các sĩ quan trẻ tuổi này có niềm hăng hái đáng khen và một quyết tâm rất vững chắc, tuy nhiên công cuộc chuẩn bị của họ còn thua xa chúng tôi. Khi tôi giã từ các “bạn đồng mưu” này, trời đã tối hẳn, tôi còn phải băng qua thành phố La-mã để về gặp Radl tại một căn cứ Đức. Xe tôi tiến chầm chậm bởi vì đường phố tự nhiên có vẻ náo nhiệt một cách bất thường. Người ta tập hợp quanh các loa phóng thanh và khi tôi đến đầu đường Via Veneto, tôi phải chạy rề rề. Tiếng hoan hô vang dậy tiếp theo sau một tin tức được loan truyền bằng loa phóng thanh, tôi nghe vài tiếng la hét “Viva il Re!”, đàn bà ôm lấy nhau, người người bàn luận sôi nổi. Càng lúc càng lo ngại, tôi phải dừng xe lại để hỏi một người đi đường và tôi được báo một tin khủng khiếp: Nước Ý đã buông khí giới.

Tôi biết rõ ràng tình trạng các đơn vị của chúng tôi tại bán đảo rất khó khăn. Thật ra chúng tôi chờ đợi sự đầu hàng này, nhưng không ai nghĩ rằng nó xảy ra sớm như vậy. Dầu sao, biến cố này cũng sẽ làm chậm trễ sứ mạng của tôi – chậm trễ hay vô phương thực hiện không biết chừng.

Vài ngày sau, tôi được biết Tướng Eishenhower đã đi trước bằng cách tuyên bố trên đài phát thanh Alger cùng ngày đó nhưng lúc 18 giờ 30, sự đầu hàng của Ý Quốc đặt chính quyền Badoglio trước một sự đã rồi, ít ra cũng là về phương diện ngày giờ chấm dứt sự thù nghịch, vả lại phe Đồng Minh đã ấn định một cuộc đổ bộ lên Salerne vào đêm 8 và 9 tháng 9, và họ không thể thay đổi ngày giờ của chiến dịch. Cuộc hành quân này đã làm cho nhiệm vụ của một “đồng minh” mới dễ dàng hơn: cầm chân đa phần lực lượng Đức chung quanh Salerne. Theo báo cáo của các cơ sở tình báo, chúng tôi tiên liệu ngay cả một cuộc nhảy dù của Đồng Minh trong vùng Rome, nếu vậy, lực lượng yếu kém của chúng tôi sẽ bị đặt vào một tình thế không mấy sáng sủa, cũng như vậy, cuộc không tập ào ạt nhằm vào Frascati đã được quyết định trong cuộc tiếp xúc giữa chánh quyền Badoglio và đại diện của Bộ Tư Lệnh Tối Cao Đồng Minh nhằm mục đích giải tán Bộ Tham Mưu quân lực Đức tại Ý. Phần chót của kế hoạch này đã thất bại. Chúng tôi vẫn giữ được liên lạc với tất cả các đơn vị và lẽ tất nhiên tất cả đều được đặt trong tình trạng báo động.

Đêm 8 và 9 tháng 9 trôi qua trong yên tĩnh ngoại trừ vài chuyện lộn xộn nhỏ giữa quân Đức và quân Ý phía Nam thành phố La-mã. Trong ngày 9 tháng 9, trái lại, chung quanh Frascati, nơi tập trung các cơ sở Đức đã xảy ra đụng độ nghiêm trọng. Nhưng đến tối, chúng tôi giữ chắc được toàn thể vùng Monts Sabins. Dần dần các đơn vị Đức tiến gần đến La-mã hiện đang được nhiều Sư đoàn Ý bao quanh bảo vệ.

Trong khoảng thời gian xảy ra các biến cố kể trên, trong khi nhìn nhận là cần phải hoãn việc giải thoát ông Duce lại vài ngày, tôi vẫn luôn luôn tìm cách kiểm chứng bằng các chi tiết chính xác tối đa, sự có mặt của ông Duce trong khách sạn tại Gran Sasso. Những chỉ dẫn đầu tiền đã do hai người Ý vô tình cung cấp cho chúng tôi, tuy nhiên tôi thích được xác nhận bởi một người Đức. Rõ ràng là không thể nghĩ đến việc gởi một thám tử đến khách sạn bởi vì nơi đây chỉ được nối liền với thế giới bên ngoài bằng một đường xe treo khởi đi từ thung lũng. Tâm trí tôi bị dằn vặt rất nhiều trong việc tìm cách đến gần một cách tự nhiên, cho đến lúc trước khi Ý đầu hàng một ngày, tôi đã thành công vì kiếm được một người như ý. Tại La-mã, tôi có quen với một Bác sĩ Thiếu tá Đức, một người có nhiều tham vọng và từ lâu mong ước được gắn một huy chương. Tôi quyết định khai thác ước vọng vinh quang này và ngay tối ngày 7 tháng 9, tôi giải thích cho ông ta nghe phương cách làm cho thượng cấp ban cho đặc ân đó.

Cho đến nay, tất cả những binh sĩ Đức bị bệnh sốt rét – rất nhiều người bị - đều được gởi đến Tyrol để điều trị. Tôi đề nghị với ông Thiếu tá Bác sĩ thân mến của chúng tôi là “tự ý” tìm cách đến khách sạn trên núi Gran Sasso mà tôi cho là mình biết rất rõ – để xem thử cơ sở này, nằm trên cao độ 2.000 thước, có thể dùng làm nơi dưỡng bệnh hay không. Tôi nhấn mạnh là phải thảo luận thật kỹ tại chỗ với viên giám đốc, ghi nhận số giường còn trống, thanh sát cơ sở vệ sinh v.v… và tổ chức cuộc thương lượng ngay lập tức. Điều gợi ý của tôi không phải rơi vào tai kẻ điếc: sáng ngày 8 tháng 9, ông Bác sĩ đảm đang của tôi lên đường bằng xe hơi và tôi xác nhận rằng bây giờ tôi mới lo. Liệu ông ta có trở về được không, liệu tôi còn gặp lại ông ta an toàn không?

Ngày hôm sau, người điệp viên bất đắc dĩ của tôi trở về, tỏ vẻ thất vọng vì nghĩ rằng cuộc đầu hàng của Ý có thể làm cho dự tính của ông ta thất bại. Với các chi tiết thật tỉ mỉ, ông ta kể lại bằng cách nào, sau khi đến Aquila, ông đến được thung lũng khởi điểm của hệ thống xe treo. Tuy nhiên, bao nhiêu cố gắng của ông để tiếp tục con đường đều vô ích. Đường xe treo bị một rào cản chắn ngang, thêm vào đó, có vô số lính phòng vệ canh gác. Sau một hồi cãi cọ với quân canh, ông được phép gọi điện thoại cho khách sạn. Tuy nhiên không phải viên Giám Đốc trả lời, bên kia đầu dây, một sĩ quan cho ông rõ là vùng Campo Imperatore đã được coi như khu vực huấn luyện quân sự và do đó mọi sự vận dụng đất đai cũng như cơ sở tại đây đều bị cấm chỉ. Chiếu theo những gì mà ông Thiếu Tá quan sát được, hiện đang có các cuộc điều động quan trọng, trong thung lũng ông ta thấy một xe truyền tin và các xe treo không còn thất nghiệp nữa. Trong một làng kế cận, dân chúng kể với ông nhiều chuyện khó tin: hình như khách sạn vừa mới bị trưng dụng, người ta đuổi lập tức các công nhân dân sự và sửa chữa lại tòa nhà để chứa khoảng 200 binh sĩ. Các sĩ quan cao cấp đã đến thung lũng nhiều lần, một vài người – những người rành tin tức nhất – còn giả định là Mussolini bị giam trên ấy. Nhưng đó chỉ là tin đồn, không nên tin, ông Thiếu tá nhận xét.

Tôi đã lừa được ông ta.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

15#
 Tác giả| Đăng lúc 5-8-2013 16:25:24 | Chỉ xem của tác giả
Chương X
Công tác chuẩn bị sau cùng

Ngày hôm sau, nghĩa là ngày 10 tháng 9 năm 1943, quân lực Đức tái chiếm La-mã và vùng phụ cận. Như vậy, tôi có thể bắt đầu thi hành dự án hay đúng hơn, bắt đầu công tác chuẩn bị cuối cùng, đặc biệt là thiết lập kế hoạch chi tiết.

Trước hết tôi cùng Radl nghiên cứu các điều kiện khả hữu mà chúng tôi phải chọn lựa (giả thuyết rằng cuộc đột kích có thể thực hiện được). Một điểm chắc chắn, chúng tôi không thể để mất thì giờ nữa. Mỗi ngày và có lẽ mỗi giờ chậm trễ sẽ làm gia tăng mối hiểm nguy do sự thay đổi chỗ giam ông Duce, đó là chưa kể đến điều mà chúng tôi sợ nhất: sự chuyển giao ông Duce cho Đồng Minh mà chắc phía họ đã đòi hỏi rồi. Sau đó ít lâu tôi được biết Tướng Eishenhower đã đưa yêu sách này vào trong điều kiện ngưng bắn.

Một cuộc hành quân trên bộ chắc chắn sẽ đưa chúng tôi đến chỗ thất bại không cứu chữa được. Một cuộc tấn công từ các vách thẳng đứng sẽ đưa tới nhiều tổn thất quan trọng và chắc chắn quân phòng vệ có đủ thời giờ dấu ông Duce hoặc mang ông ta đi nơi khác. Để ngăn không cho họ thoát đi với ông Duce, chúng tôi cần cả Sư đoàn để bao vây toàn dãy núi, do đó hành động trên bộ phải được coi là không thực hiện được.

Lợi điểm tối hảo của chúng tôi phải là sự bất ngờ toàn diện, bởi ngoài các lý do chiến lược, chúng tôi còn sợ rằng quân trú phòng đã nhận được lệnh giết ông Duce hơn là để cho ông thoát. Chỉ có sự can thiệp sấm sét của chúng tôi mới giúp cho ông Duce tránh được cái chết chắc chắn.

Như vậy chúng tôi thấy chỉ còn hai cách: một cuộc đột kích nhảy dù hoặc một cuộc đổ bộ gần khách sạn bằng máy lượn. Sau khi cân nhắc thật lâu ưu và khuyết điểm của hai giải pháp, chúng tôi chọn giải pháp thứ hai. Trong một không khí loãng ở cao độ này, để tránh cho khỏi rơi xuống quá nhanh, cần phải có loại dù đặc biệt mà chúng tôi không có sẵn. Hơn thế nữa, tôi tiên liệu quân nhảy dù sẽ đáp rải rác xuống một địa thế quá gập ghềnh, như thế sẽ không thể nào siết chặt đội hình để hành động thật nhanh được. Chỉ còn lại vấn đề đổ bộ cùng một lúc nhiều máy lượn. Nhưng chung quanh khách sạn lại chẳng có một khu đất trống là gì?

Chiều ngày 8 tháng 9, khi tôi muốn in một số không ảnh thì phòng tối của đơn vị tại Frascali đã bị cuộc oanh tạc phá hủy. Một sĩ quan của tôi bèn mang đến nhờ một phòng tối dự bị, tiếc thay người ta không thể in cho chúng tôi ảnh cỡ lớn, nhờ đó có thể sử dụng máy quang phổ giúp nhìn nổi địa hình một cách rõ rệt. Tôi phải bằng lòng với ảnh cỡ nhỏ khổ 14 x 14 phân, nhưng trên đó tôi cũng thấy rõ hoàn toàn cánh đồng tam giác đã làm tôi chú ý khi bay trên khách sạn. Chính trên cánh đồng được chọn làm bãi đáp này, tôi xây dựng kế hoạch đột kích.

Cũng còn phải nghĩ tới việc che chở phía sau và lúc rút lui khi sứ mạng hoàn tất. Trong kế hoạch của tôi, hai mục tiêu này phải đạt được bằng cách sử dụng một Tiểu đoàn Dù đổ bộ ban đêm bằng máy lượn, xuống thung lũng và đến giờ H, chiếm trạm xe treo.

Sau khi xem xét tại những nét chính của kế hoạch như thế, tôi đến gặp Đại tướng Student. Tôi biết rằng từ 3 hôm nay, ông không hề được nghỉ ngơi một chút nào – vả lại, cả tôi cũng vậy – tuy nhiên đây là lúc phải quyết định. Tôi trình bày kế hoạch và cố thuyết phục ông. Thật ra, Đại Tướng tỏ ra không mấy phấn khởi, ông không dấu tôi niềm thông cảm, nhưng ông cũng hiểu rằng, trừ phi chối bỏ sứ mạng được giao phó, chúng tôi phải thử dịp may duy nhất cuối cùng của chúng tôi. Mặc dù vậy, trước khi chấp thuận, ông tham khảo vị Tham mưu trưởng và một sĩ quan tham mưu khác của ông. Thế nhưng hai ông chuyên viên về hàng không này lại có lập trường hoàn toàn chống lại kế hoạch của tôi. Theo họ, chưa bao giờ người ta thực hiện một cuộc đổ bộ ở cao độ như vậy và trên một bãi đáp không được sửa soạn. Vì lý do vững chắc là về mặt kỹ thuật đó là điều không thể làm được. Theo quan điểm của họ, cuộc đổ bộ do tôi dự liệu sẽ làm thiệt mất đến 80% quân số. Phần còn lại sẽ quá yếu, không thể có may mắn nào để hoàn thành sứ mạng.

Để chống lại các luận cứ đó, tôi trình bày rằng tôi cũng ý thức được mối hiểm nguy mà chúng tôi có thể gặp, tuy nhiên đằng nào cũng phải chấp nhận rủi ro khi muốn thử một phương pháp mới. Tôi ước lượng rằng một cuộc đáp bằng bụng thận trọng theo suốt chiều dài của cánh đồng tam giác mà độ nghiêng rất nhẹ, sẽ phải làm giảm được tốc độ rơi của các máy lượn – tốc độ rất đáng kể trong một bầu không khí loãng – và như vậy tránh được các tổn thất quá cao. Lẽ tất nhiên, tôi tuyên bố, nếu các ông ấy có thể đưa ra giải pháp tốt đẹp hơn, tôi sẽ theo khuyến cáo của họ ngay.

Sau khi suy nghĩ thật lâu, Đại tướng Student đứng hẳn về phía tôi và lập tức ra lệnh:

- Hãy gọi ngay 12 chiếc máy lượn hiện ở Pháp. Ngày J được ấn định là ngày 12 tháng 9, giờ H là 7 giờ sáng. Nghĩa là đúng 7 giờ ngày 12 tháng 9 các máy lượn phải đáp trên cao nguyên và cùng lúc đó, trong thung lũng một tiểu đoàn phải chiếm trạm xe treo. Tôi sẽ đích thân cho các phi công các chỉ dẫn và sẽ dặn họ cẩn thận tối đa khi đáp xuống. Tôi nghĩ rằng, Đại úy Skorzeny, ông có lý: cuộc đột kích phải được thi hành như ông nói, và không thể làm gì khác hơn được.

Như vậy là đã lấy được quyết định, tôi cùng vời Radl xem xét lại các chi tiết cuối cùng của chiến dịch, gồm có việc tính lại cho thật chính xác các khoảng cách, xác định dụng cụ mọi người phải mang theo và nhất là tiên liệu trên một tờ giấy lớn, các điểm hạ cánh của mỗi một trong 12 chiếc máy lượn. Một chiếc máy lượn có thể mang theo, ngoài phi công, 9 người, nghĩa là một toán. Tôi chỉ định cho mỗi toán một nhiệm vụ chính xác, phần tôi, tôi sẽ đi trên chiếc thứ ba để lợi dụng được sự che chở của hai toán đầu, khi tấn công chớp nhoáng vào khách sạn.

Mặc dù đã xem xét lại tất cả, chúng tôi vẫn còn phải nhờ thần may mắn giúp đỡ. Chúng tôi biết rằng đó chỉ là các may mắn nhỏ thôi. Trước hết, không ai có thể bảo đảm được rằng Mussolini còn ở trong khách sạn cho đến ngày J. Rồi thì không có gì chắc chắn cho thấy chúng tôi sẽ khống chế được toán lính Ý có nhiệm vụ hành quyết ông Duce. Sau cùng, lại còn phải theo dõi các sĩ quan tham mưu đã tiên liệu sự thất bại không cứu chữa được của cuộc đột kích.

Dầu cho mối bi quan của họ có quá đáng hay không, chúng tôi phải tiên liệu là có tổn thất trong lúc đáp. Chưa hết: ngay trong trường hợp không có tổn thất, chúng tôi chỉ có 108 người, và còn nữa, chưa chắc các toán đã có thể hành động đồng loạt được. Chúng tôi phải đương đầu với ít nhất là 250 quân Ý hoàn toàn quen thuộc địa hình và chiến đấu trong hầm khách sạn như là một pháo đài. Riêng về vũ khí, chúng tôi phải được trang bị bằng địch. Có lẽ, vũ khí tự động sẽ đảm bảo ưu thế của chúng tôi đối với ưu thế quân số của địch, với điều kiện là tổn thất ban đầu của chúng tôi không quá lớn.

Radl cắt ngang bảng kết toán không mấy vui vẻ của tôi:

- Đại úy, tôi xin ông đừng lấy bảng lô-ga-rit để tính tỷ lệ bách phân chính xác về sự may mắn thành công của chúng ta. Chúng ta đã biết rõ tỷ lệ thành công ấy rất thấp nhưng chúng ta cũng biết rõ là phải thực hiện chiến dịch bằng mọi giá.

Một điểm làm tôi băn khoăn nữa: có cách gì gia tăng yếu tố bất ngờ vốn là lợi điểm chính yếu của chúng tôi không? Trong hơn một giờ, chúng tôi nghĩ mãi không ra, đột nhiên Radl có một ý tưởng thần sầu: chúng tôi sẽ mang theo một sĩ quan cao cấp Ý, mà sự xuất hiện sẽ gieo hoang mang phần nào cho quân phòng vệ - sự do dự sẽ ngăn họ trả đũa lập tức hoặc hạ ông Duce. Lúc đó, chính chúng tôi hành động trước khi họ lấy lại bình tĩnh.

Đại tướng Student chấp thuận ngay đề nghị khôn lanh này và chúng tôi chỉ còn tìm phương thế tốt nhất để thi hành. Đại tướng phải được gặp viên sĩ quan này một ngày trước ngày J và sẽ thuyết phục – tôi không biết bằng cách nào – ông ta tham dự vào chiến dịch. Và rồi để loại hẳn trường hợp có sự bép xép hay sự phản bội, viên sĩ quan này sẽ ở lại với chúng tôi cho đến sáng hôm sau.

Một viên chức cấp cao của chúng tôi ở tòa Đại Sứ vốn có quen biết rất nhiều trong giới quân nhân, chỉ cho tôi một sĩ quan cao cấp, thành phần cũ trong Bộ Tham Mưu của chính phủ La-mã. Người ta thấy ông này đã giữ thái độ dửng dưng rõ rệt khi quân Đức tấn công chiếm lại thành phố. Do tôi yêu cầu, Đại Tướng Student cho triệu dụng ông ta vào đêm 11 tháng 9, đến Bộ Tổng Tham Mưu tại Frascati để thảo luận về "một vài vấn đề".

*

Hiện tại chúng tôi cũng đã dự phòng về phía này rồi, nhưng một chuyện lo lắng nữa lại xuất hiện. Những tin tức nhận được trong ngày 11 tháng 9 về cuộc hành trình của các máy lượn không làm cho tôi được yên tâm. Hoạt động ngày càng tăng cường của không lực Đồng minh đã bắt buộc phi đội của chúng tôi thực hiện nhiều chuyến bay vòng rất mất thì giờ, mặt khác, thời tiết đáng ghét đã cản trở đáng kể các chuyến bay. Đến phút chót chúng tôi hy vọng rồi ra thế nào chúng cũng đến kịp thời, nhưng vô ích.

Chúng tôi phải triển hạn tất cả các giai đoạn của chiến dịch. Ngày J vẫn được ấn định là chủ nhật 12 tháng 9 – trong tất cả mọi trường hợp, chúng tôi không thể mất nguyên một ngày tròn – nhưng giờ H được lùi lại 14 tiếng. Chúng tôi phải xin lỗi mãi và giải thích với viên sĩ quan Ý đến rất đúng giờ rằng Đại Tướng Student bị bận bất ngờ và yêu cầu ông ta sáng mai đúng 8 giờ có mặt tại phi trường Pratica di Mare. Điều trầm trọng hơn cả là sự chậm trễ làm giảm thiểu cơ hội may mắn thành công của chúng tôi. Một mặt những luồng gió bốc cao mãnh liệt vào những giờ nóng bức nhất sẽ làm cho cuộc đáp xuống thêm phần nguy hiểm, mặt khác, bộ phận tấn công trạm xe treo sẽ thi hành nhiệm vụ một cách khó khăn hơn vì bị bắt buộc phải hành động ngay giữa ban ngày. Mặc kệ, chúng tôi vẫn phải thử tìm cách thành tựu sứ mạng.

Chiều ngày 11 tháng 9, tôi đến vườn ô liu của một tu viện gần Frascati, nơi đơn vị của tôi đặt doanh trại. Tôi đã quyết định chỉ đem theo những người tình nguyện, nhưng tôi muốn báo trước một cách thẳng thắn rằng họ sắp dấn thân vào chốn vô cùng hiểm nguy. Tôi cho lệnh tập họp và nói mấy lời vắn tắt:

- Thời gian bất động khá lâu của các anh nay đã chấm dứt. Ngày mai chúng ta sẽ chu toàn một chiến dịch tối quan trọng mà chính Adolf Hitler đã giao phó cho tôi. Chúng ta phải đón chờ các tổn thất nặng nề mà bất hạnh thay, chúng ta không thể tránh được. Tôi sẽ đích thân chỉ huy đoàn cảm tử và tôi đoan chắc với các anh là tôi sẽ cố hết sức mình. Nếu các anh cũng làm như vậy, nếu chúng ta chiến đấu sát cánh nhau, với tất cả năng lực, sứ mạng chúng ta sẽ thành công. Các quân nhân tình nguyện hãy rời khỏi hàng!

Tôi tràn ngập niềm vui sướng khi thấy tất cả, không trừ một ai, tiến về phía trước một bước. Các sĩ quan của tôi đã không thuyết phục được một vài người chịu ở lại, vì tôi chỉ có thể mang theo 18 người thôi. Chín mươi người khác, theo lệnh Đại Tướng Student, phải được chọn trong số quân nhân thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn khóa sinh nhảy dù. Sau đó tôi đến gặp Chỉ Huy Trưởng Tiểu đoàn này để thảo luận các giai đoạn tấn công. Theo lệnh Đại Tướng Student, viên sĩ quan này sẽ chỉ huy bộ phận có trách nhiệm chiếm giữ trạm xe treo bên dưới. Ngay đêm đó, tiểu đoàn khóa sinh dù lên đường hướng về phía thung lũng. Hiện tại ngọn lao đã ném đi.

Vào đầu hôm, một đài phát thanh Đồng minh đã loan đi một bản tin làm chúng tôi phải một phen sợ hãi. Thật vậy, xướng ngôn viên loan báo rằng ông Duce vừa đến Bắc Phi trên một chiếc thuyền Ý từ hải cảng La Spezia. Cơn kích xúc đã qua – liệu lần này chúng tôi còn đến quá trễ nữa không? – tôi lấy một bản đồ hải quân ngồi tính toán. Vì tôi biết được một phần của hạm đội Ý đã rời La Spezia đúng vào lúc nào, tôi thấy một cách dễ dàng rằng ngay cả loại chiến thuyền chạy nhanh nhất cũng không thể nào đến bờ biển Phi Châu vào giờ giấc mà đài phát thanh loan báo. Như thế, bản tin này chỉ là một “con vịt cồ” tầm thường, nhằm mục tiêu làm cho Bộ Tư lệnh Đức suy đoán sai lầm. Vậy chúng tôi không thay đổi ý định gì cả. Tuy nhiên, từ hôm đó, tôi đón nhận nguồn tin của Đồng minh với tất cả dè dặt, thận trọng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

16#
 Tác giả| Đăng lúc 5-8-2013 19:48:12 | Chỉ xem của tác giả
Chương XI
Đột kích

Sáng hôm sau - tức là chúa nhật ngày 12 tháng 9 năm 1943 - chúng tôi ra phi trường lúc 5 giờ sáng, tại đây tôi được biết có lẽ các máy lượn sẽ đến lúc 10 giờ. Tôi lợi dụng thì giờ để kiểm soát lại dụng cụ trang bị của mọi người. Mọi quân nhân được “lương khô để nhảy dù trong năm ngày”. Khi biết tôi có cho mang theo vài thùng trái cây tươi, vẻ xôn xao, vui sướng thể hiện rõ rệt trong bóng tối của doanh trại. Ai cũng có thể cảm thấy được tình trạng căng thẳng xâm chiếm mọi người, ngay cả các quân nhân can đảm nhất, trước khi nhảy vào nơi vô định, nhưng chúng tôi cố gắng dập tắt các lo ngại và bối rối ngay khi mới chớm hiện.

Trong khi đó, đến 8 giờ 30 mà viên sĩ quan Ý cũng chưa đến. Tôi phái trung úy Radl về La Mã và ra lệnh đưa ông ta đến bằng mọi giá và càng nhanh càng tốt. - ”Anh phải dàn xếp cách nào tùy ý, nhưng phải mang ông ta đến đây đúng lúc, chúng ta chỉ cần có bấy nhiêu đó”. Thật vậy, Radl thành công sau đủ mọi thứ phiền toái khó khăn, để đi tìm và đưa ông ta lên xe. Ngay khi đến phi trường, Đại tướng Student tiếp ông ta liền và tôi có dự cuộc tiếp xúc. Chúng tôi cho ông ta biết rằng chính Fuhrer yêu cầu ông giúp đỡ để tránh đổ máu bằng cách tham dự vào việc giải thoát ông Duce. Lòng tự ái rõ ràng được thỏa mãn khi biết chính Hitler yêu cầu sự hợp tác, ông ta khó thể từ chối. Ông ta hứa sẽ làm hết sức mình. Tôi hy vọng điều này sẽ cho chúng tôi một lợi điểm vô giá.

Vào khoảng 11 giờ, chiếc máy lượn đầu tiên đáp xuống phi trường. Lập tức chúng tôi cho đổ đầy xăng cho các phi cơ dùng để kéo máy lượn và rồi mỗi phi cơ, với chiếc máy lượn đằng sau, được đặt vào vị trí trên phi đạo theo thứ tự dự liệu lúc đáp.

Trong khi chờ đợi, Đại Tướng Student tập hợp các phi công điều khiển máy lượn để nhắc lại lệnh cấm đáp theo kiểu cắm đầu xuống. Chỉ được phép đáp là là. Tiếp đó, tôi vẽ trên bảng đen bản đồ bãi đáp và vị trí định trước cho mỗi chiếc máy lượn. Sau cùng tôi còn soát xét lại, cùng với viên sĩ quan tình báo từng tham dự chuyến bay thám sát với tôi trước đây, các chi tiết chủ yếu: tính giờ bay, cao độ, hướng bay, v.v. Vì lẽ, ngoài Radl và chính tôi, viên sĩ quan này là người duy nhất biết rõ không phận vùng cao nguyên. Ông ta sẽ lên chiếc đầu tiên và hướng dẫn toàn phi đội của chúng tôi. Theo như ước tính thì chúng tôi sẽ bay qua 100 cây số trong 1 giờ bay. Do đó chúng tôi cất cánh đúng 13 giờ.

Thình lình lúc 12 giờ 30, báo động! Oanh tạc cơ của địch đã xuất hiện và chúng tôi bắt đầu nghe tiếng bom nổ ven phi trường. Trong khi chúng tôi chạy tán loạn để tìm một chỗ núp, tôi thấy mọi người nằm rạp xuống đất. Xui thật - một vố vào phút chót. Vài phút trước 13 giờ, còi báo hiệu chấm dứt báo động. Tôi nhào ra phi đạo chính: nền xi măng đã hứng trọn nhiều trái bom nhưng phi đội của chúng tôi thì vô sự. Chúng tôi có thể khởi hành được. Tôi ra lệnh lên phi cơ. Phần ông sĩ quan Ý, tôi đưa ông lên chiếc thứ ba, kẹp ông giữa hai chân và ngồi chồm hổm trên một cây đà, người này sau người kia, ép chặt như cá mòi. Vừa mới tìm cách xếp xong vũ khí, viên sĩ quan Ý dường như ân hận vì lời hứa, ông ta theo tôi lên phi cơ một cách miễn cưỡng. Mặc kệ, tôi không còn nghĩ đến việc săn sóc ông ta nữa - hiện tại tôi không còn có thể để mất một giây nào nữa.

Mắt nhìn vào đồng hồ, tôi đưa cao cánh tay: 13 giờ. Động cơ bắt đầu nổ, chúng tôi chạy trên phi đạo, rồi tôi cảm thấy chúng tôi cất cánh. Chậm chạp, lượn thành vòng tròn, chúng tôi lên cao, đoàn lữ hành xếp thành đội hình và hướng mũi về phía Đông Bắc. Thời tiết thật là lý tưởng cho công việc của chúng tôi: những đám mây dồn dày đặc nhiều lớp mênh mông trôi lững lờ trên cao độ 3000 thước. Không có cơn gió nào thổi tan được các đám mây này, như vậy chúng tôi sẽ đến đích mà không bị khám phá và chúng tôi có thể nhào xuống mục tiêu một cách bất chợt.

Một cơn nóng khủng khiếp tràn ngập trong lòng chiếc máy lượn vận tải này. Chen lấn như chúng tôi cùng với dụng cụ và vũ khí, muốn nhúc nhích cũng không thể được. Mặt ông tướng Ý tái xanh thấy rõ, rồi dần dần chuyển sang màu xám xanh như màu bộ quân phục ông đang mặc. Tôi có cảm tưởng rõ rệt rằng ông ta không thành công mấy đối với loại du hành không vận, ít ra là ông không thấy thích loại di chuyển này.

Viên phi công luôn luôn báo cho tôi vị trí hiện tại và tôi kiểm soát ngay trên một bản đồ. Chúng tôi vừa bay trên Trivoli. Từ trong lòng máy lượn, tôi không thể thấy phong cảnh bên ngoài. Các cửa sổ bên hông đã bị bịt kín bằng giấy bóng, không thể nhìn thấu qua được. Riêng các khe hở thì quá nhỏ, không cho phép tôi trông thấy gì. Nhất định chiếc máy lượn vận tải này là một loại máy cổ lỗ. Một vài ống thép làm thành khung sườn, một lớp vải bọc ngoài, chiếc phi cơ là thế đó!

Chúng tôi chui vào một đám mây lớn để đạt cao độ 3500 thước. Khi chúng tôi ra khỏi đám mây, viên phi công báo cho tôi bằng điện thoại:

-Chiếc số 1 và số hai mất tích! Ai chỉ huy đây?

Thật là một vố nặng. Cái gì đã xảy ra? Mãi đến lúc đó tôi cũng không biết là sau tôi chỉ còn lại 7 thay vì 9 chiếc. Trong khi cất cánh, hai máy lượn đã chạm phải hố bom và bị lật úp. Tôi nói với viên phi công: “Coi tôi là chỉ huy cho đến lúc đến mục tiêu”. Và bằng một con dao nhỏ, tôi khoét nhiều lỗ nhỏ bên trái, bên mặt, dưới chân để phân biệt ít nhất là các nét chính của quang cảnh dưới mặt đất. Dầu sao lối kiến trúc đơn sơ của loại máy lượn này cũng có lợi đó chứ! Nhờ một vài chi tiết địa hình rõ ràng - một cây cầu, một ngã tư đường - tôi bắt đầu định hướng được. Tôi hít một hơi dài - không phải luôn luôn sự trục trặc làm cho công việc của tôi thất bại. Rõ ràng là lúc đáp, tôi không còn được che chở bởi hai toán đi trong hai chiếc đầu nữa - nhưng tôi không nghĩ đến chuyện này nữa.

Vài phút trước giờ H, chúng tôi bay trên thung lũng Aquila. Trên đường tôi thấy rõ rệt đội tiền phong của Tiểu đoàn dù, và các xe cam nhông đang leo thật nhanh lên phía trạm xe treo. Như vậy là họ đã thành công trong việc vượt qua được hết trở ngại và sẽ có thể tấn công đúng vào lúc thích hợp. Một triệu chứng tốt - chúng tôi cũng vậy, chúng tôi sẽ thành công.

Bên dưới chúng tôi, mục tiêu đã xuất hiện, khách sạn Gran Sasso. Theo lệnh tôi, mọi người thắt chặt dây quàng cổ, và tôi ra lệnh:

- Hãy thả rờ moọc ra!

Ngay sau đó, một sự im lặng đột ngột bao bọc chúng tôi, ai nấy chỉ còn nghe tiếng gió đập hai bên mạn sườn máy lượn. Viên phi công lượn một vòng lớn để hãm tốc độ và tìm kiếm một cách lo âu cũng như tôi, địa điểm đáp trên cánh đồng hơi nghiêng. Thật là chó má - chúng tôi tiêu rồi. Tôi khám phá ra, ngay trong cái liếc nhìn đầu tiên, cánh đồng tam giác, duy chỉ có điều là nó không có “hơi nghiêng” - nó dốc tuột, rất dốc gần giống như đoạn đường khởi hành của các tay trượt tuyết đua nhảy xa.

Trong chuyến bay thám sát, chúng tôi bay rất gần khu bình nguyên, ngoài ra cách bay vòng xoắn ốc cho chúng tôi thấy bề nổi của mặt đất một cách hết sức co giãn. Tôi ý thức ngay lập tức là không thể đáp xuống một thế đất dốc đứng như thế này được. Viên phi công cũng hiểu như vậy và quay lại nhìn tôi. Nghiến chặt răng, tôi bị dằn vặt bởi một tranh chấp dữ dội với lương tâm. Liệu tôi có bắt buộc tuân mệnh lệnh hình thức của Đại tướng? Trong trường hợp này, tôi phải hủy bỏ chiến dịch và tìm cách hạ là là xuống thung lũng. Nếu trái lại, tôi không thể từ bỏ kế hoạch, tôi bắt buộc phải mạo hiểm, bằng mọi giá, đáp theo kiểu bị cấm, đáp nhào xuống. Tôi quyết định thật nhanh:

- Đáp nhào xuống! Càng gần khách sạn càng tốt!

Không ngần ngừ, viên phi công khép chặt vòng lượn, trượt ngang về cánh trái và nhào xuống một cách kinh hoàng. Trong chớp nhoáng, cổ họng tôi thắt lại: không biết chiếc máy lượn có chịu nổi tốc độ này không? Rồi lập tức tôi đẩy lui cơn sợ hãi, đây không phải là lúc đặt các vấn đề như vậy. Tiếng gió rít mạnh hơn, trở thành tiếng hú trong khi mặt đất tiến gần hơn thấy rõ. Tôi thấy trung úy Meier thả dù hãm tốc độ - một chấn động cực mạnh, có cái gì đó đụng chạm và gãy lìa - do bản năng, tôi nhắm mắt lại - một chấn động nữa mạnh hơn - thế là xong, chúng tôi đã chạm mặt đất - chiếc máy lượn sau khi lồng lên một lần chót, nằm bất động.

Lập tức những binh sĩ đầu tiên nhảy ra khỏi cửa và tôi cũng lướt ra, vũ khí cầm tay. Chúng tôi đáp cách khách sạn 15 thước. Chung quanh, vô số đá tảng, chính những tảng đá này đã thắng lại một cách dữ dội và đặt chiếc máy lượn vào một tình trạng thật tốt. Chúng tôi đã trượt trên đá chừng 20 thước trước khi đứng lại.

Tên lính canh đầu tiên tôi thấy đứng gần một ụ đất nhỏ, ngay góc khách sạn. Rõ ràng là anh ta bị choáng váng ngẩn ngơ, người cứng đơ như khúc gỗ. Chắc anh ta đang tự hỏi làm sao chúng tôi có thể từ trên trời rớt xuống được. Tôi không còn thì giờ săn sóc ông bạn sĩ quan Ý nữa, ông ta tự để rơi ra khỏi phi cơ, vẻ kinh hoàng. Tôi lao về phía khách sạn, vừa chạy tôi vừa tự khen mình là đã ra lệnh rõ ràng cho binh sĩ không được nổ súng trước khi tôi bắn phát đầu tiên. Nhờ đó sự ngạc nhiên của địch sẽ là toàn diện. Bên cạnh tôi, các cộng sự viên đang thở hổn hển, tôi biết họ đang theo tôi và tôi có thể tin ở họ.

Chúng tôi ào ạt vượt qua tên lính canh vẫn còn sửng sốt, và thét vào anh ta một lệnh ngắn “mani in alto” (đưa tay lên), rồi vào tới khách sạn, nhào vào một cửa phòng mở sẵn. Vừa ra khỏi ngưỡng cửa, tôi thấy một máy truyền tin và một binh sĩ Ý đang chuyển các điện văn. Tôi đá dữ dội làm bay luôn chiếc ghế, và quật báng súng phá tan luôn chiếc máy phát tuyến. Nhưng chúng tôi thấy trong phòng này không có cửa thông vào khách sạn. Vậy phải quay lui, một lần nữa chúng tôi lại trở ra ngoài trời. Chúng tôi vừa chạy, vừa nhào vào tòa nhà, vòng quanh các góc và đến trước một sân thượng có lẽ cao đến 3 thước. Một binh sĩ đã dùng làm thang để tôi leo lên vai và đặt chân lên mặt sân. Những người khác cũng theo chân tôi.

Tôi đưa mắt tìm kiếm nơi mặt tiền khách sạn. Từ nơi một cửa sổ của tầng thứ nhất, tôi thấy một cái đầu vĩ đại, đặc biệt: ông Duce. Lúc đó, tôi biết rằng chiến dịch sẽ thành công. Tôi hét bảo ông lui vào, rồi chúng tôi hấp tấp tiến vào cửa chính và gặp nhiều quân phòng vệ tìm cách chạy thoát ra. Hai khẩu tiểu liên định nổ, chúng tôi đốn ngã họ tức khắc. Tôi vạch lối vượt qua đống thây bất động trong khi người của tôi hò hét không ngừng :Mani in alto! Cho đến lúc đó chưa ai bắn một phát nào.

Tôi tiến qua phòng khách, lúc đó chỉ một mình, vả lại tôi hoàn toàn không biết chuyện gì đang xảy ra đằng sau, tôi thật sự không có thì giờ để nhìn trở lại sau nữa. Bên trái tôi là một cầu thang, tôi nhảy lên từng ba bậc một. Tới tầng thứ nhất, tôi tiến sâu vào một hành lang và mở đại một cánh cửa - đúng rồi! Trong phòng có Benito Mussolini và hai sĩ quan Ý bị tôi dồn vào tường. Trong khi đó, trung úy Schwerdt bám sát tôi, anh ta nắm vững tình hình ngay và đưa hai sĩ quan Ý ra ngoài. Họ ngạc nhiên quá đỗi, đến nỗi không nghĩ đến cách chống cự. Ngay khi họ ra khỏi phòng, tôi nhẹ nhàng khép cửa lại.

Phần đầu tiên của cuộc đột kích đã thành công. Ít ra là trong lúc này, ông Duce đang ở trong tay chúng tôi. Từ khi đáp xuống, ba hay tối đa là bốn phút đã trôi qua. Bên ngoài cửa sổ, bóng hai quân nhân của tôi nhô đầu lên. Không thể chạy vào cửa chính, họ trèo lên tường, bám vào cột thu lôi và đưa tay để tôi kéo vào. Tôi đặt họ canh chừng hành lang để che chở chúng tôi mặt này.

Tử cửa sổ trông ra, tôi thấy toán 4 đang tiến tới nhanh như các lực sĩ do người sĩ quan cận vệ trung thành của tôi, Trung úy Radl chỉ huy, có cả trung úy Menzel nữa. Anh này tiến theo toán của mình bằng cách trườn bằng bụng. Chấn động quá mạnh lúc đáp đã hất văng anh ta ra khỏi phi cơ và làm gãy một chân của anh.

- Tất cả đều tốt đẹp, - tôi bảo cho họ biết. - Canh giữ tầng dưới!

Tôi cũng còn thấy các chiếc số 5, 6 và 7 đáp xuống khá bình thường. Bỗng nhiên, tôi chứng kiến một cảnh kinh hoàng: chiếc số 8 bị một cơn lốc cuốn đi, lướt ngang và rơi như một hòn đá xuống một sườn núi dốc ngược, bể tan.

Xa xa, tôi nghe một vài tiếng súng lẻ tẻ, chắc do các trạm gác rải rác trên khu vực cao nguyên bắn đi. Tôi bước ra hành lang và lớn tiếng gọi viên chỉ huy khách sạn. Ông này là một đại tá, đến ngay. Tôi giải thích rằng mọi sự chống đối nay đã trở thành vô ích và tôi bắt buộc họ phải đầu hàng tức khắc. Ông ta xin một thời gian ngắn để suy nghĩ, tôi cho một phút. Bây giờ Radl đây rồi, hắn đã tiến được qua cửa, nhưng tôi có cảm giác là quân Ý vẫn còn ngăn cản lối đi vì tôi chưa nhận được thêm lực lượng tăng cường.

Viên đại tá Ý xuất hiện, hai tay bưng một bình pha lê chứa đầy rượu chát đỏ, ông ta hơi nghiêng mình đưa cho tôi.

- Cho người thắng trận! - ông ta bảo.

Một tấm trải giường được treo ngoài cửa sổ để thay cờ hàng màu trắng. Tôi hét lớn vài mệnh lệnh cho đám quân nhân của tôi đang tập trung trước khách sạn, rồi tôi quay về phía Mussolini hiện đang được khối lưng đồ sộ của Trung úy Schwerdt bảo vệ trong góc phòng. Tôi tự giới thiệu:

- Thưa Duce, Fuhrer sai tôi đến đây để giải thoát ngài.

Rất cảm động, ông ôm choàng lấy tôi.

- Tôi biết rằng ông bạn Adolf Hitler của tôi không bỏ rơi tôi, - ông nói.

Thủ tục đầu hàng được qui định nhanh chóng. Các binh sĩ Ý phải bỏ vũ khí trong phòng ăn, phần các sĩ quan, họ được phép giữ lại súng lục. Ngoài ra, tôi còn được biết viên Đại tá chỉ huy bị bắt chính thật là một sĩ quan cấp Tướng.

Bên ngoài khách sạn, người của tôi đã chiếm được trạm xe treo. Đường dây không bị hư hại gì. Trạm phía dưới thung lũng cũng báo cáo tương tự bằng điện thoại cho tôi. Dầu vậy, dưới đó cũng đã có một cuộc đụng độ ngắn. Nhưng vì lẽ thì giờ được ấn định quá sát đúng, yếu tố bất ngờ đã đóng trọn vai trò một cách hoàn toàn, lúc này, phần thứ nhất của sứ mạng chúng tôi đã chấm dứt.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

17#
 Tác giả| Đăng lúc 5-8-2013 19:50:38 | Chỉ xem của tác giả
Chương XII
Một cuộc rút lui tế nhị

Trung úy Berlepsch, chỉ huy toán quân nhảy dù đi theo tôi, đang siết lại ốc của mắt kính một tròng, anh ta đứng bất động nghe tôi chỉ thị qua cửa sổ. Trước hết tôi cho xe treo đưa lên một lực lượng tăng cường. Chúng tôi càng đông càng vững, và tôi muốn chứng tỏ cho viên Đại tá Ý thấy dưới thung lũng tôi có lực lượng hùng hậu. Tiếp theo đó, phải nghĩ cách trở về. Một cuộc hành trình dài 150 cây số đường bộ, đi qua một vùng không còn đơn vị nào của Đức, đối với tôi là quá mạo hiểm. Nếu chỉ có một mình, tôi dám đi ngay, nhưng tôi không quên rằng phải chịu trách nhiệm với Fuhrer về sự an toàn của ông Duce. Trong giai đoạn chuẩn bị trước đây, tôi đã dự liệu ba phương cách khả dĩ có thể đưa Mussolini về La Mã: kế hoạch A, cùng thảo luận với Đại tướng Student, tiên liệu một cuộc tấn công chớp nhoáng phi trường Aquila di Abruzzi nằm ngay đầu thung lũng. Tôi sẽ ở đó chờ ba chiếc phi cơ vận tải sẽ hạ cánh vài phút sau cuộc tấn công. Lẽ tất nhiên tôi phải báo cho Đại tướng giờ H, để các phi cơ này có thể rời phi trường tại La Mã đúng lúc. Tôi sẽ cùng ông Duce lên chiếc đầu tiên, trong khi hai chiếc kia bay theo để che chở hoặc khi cần, đánh lạc hướng các phi cơ săn đuổi.

Kế hoạch B tiên liệu việc hạ cánh của một "con cò"(1) trong cánh đồng gần trạm xe treo dưới thung lũng. Sau cùng trong kế hoạch chót, chúng tôi sẽ cho Đại úy Gerlach, phi công riêng của Đại tướng Student, thử đáp một "con cò" trên khu vực cao nguyên.

Trước hết, nhờ một máy truyền tin được toán quân nhảy dù mang theo bằng đường bộ, tôi cho chuyển đến La Mã tin tức về cuộc đột kích thành công của chúng tôi. Và rồi tôi cho một thời biểu chính xác để thực hiện kế hoạch A. Nhưng khi tôi muốn thông báo với La Mã giờ H, giờ tấn công phi trường Aquila, nhân viên của tôi không thể nào bắt liên lạc được - chỉ có trời mới hiểu tại sao. Như vậy là kế hoạch A tan như bọt nước.

Nhờ ống dòm, tôi có thể quan sát thấy chiếc phi cơ tí hon đáp xuống thung lũng. Qua điện thoại tại trạm xe treo, tôi ra lệnh ngay cho phi công chuẩn bị cất cánh. Nhưng viên phi công trả lời tôi là phi cơ bị hư hỏng trong khi đáp, và chỉ có thể cất cánh trở lại sau một thời gian lâu để sửa chữa. Vậy để đưa ông Duce về La Mã, tôi chỉ còn kế hoạch C, kế hoạch nguy hiểm nhất.

Trong lúc đó, quân phòng vệ Ý, sau khi bị giải giới đã chứng tỏ là hết sức muốn giúp chúng tôi. Một vài người đã tự động nhập vào toán quân nhân do tôi chỉ định đi kiếm xác các người trong chiếc máy lượn bị ngộ nạn. Qua ống dòm, tôi thấy một vài nạn nhân còn cử động, tôi hy vọng rằng chiếc bị rơi không tạo hậu quả bi thảm quá cho chúng tôi. Hiện tại các binh sĩ Ý đang giúp chúng tôi dọn dẹp một dãy đất hẹp. Vội vã, chúng tôi dẹp bỏ những tảng đá nằm trên một góc miếng đất khá bằng phẳng, trong khi trên đầu chúng tôi Đại úy Gerlach trong chiếc phi cơ nhỏ bé đã bay vòng để chờ dấu hiệu cho đáp xuống.

Sau cùng mọi chuyện đều sẵn sàng, và Gerlach hết sức khéo léo đã thành công trong việc hạ cánh xuống "phi đạo" do chúng tôi sửa soạn gần khách sạn. Ông ta không mấy hài lòng khi biết tôi có ý định cùng bay về với ông. Nhưng khi tôi nói thêm là phi hành đoàn sẽ có ba người - ông Duce, Gerlach và tôi - thì ông từ chối phắt và nói rằng dự tính của tôi hoàn toàn không thực hiện được.

Tôi nghiêm nét mặt, trình bày ngắn, nhưng với tất cả sức mạnh thuyết phục, các lý do bắt buộc phải thực hiện kế hoạch của tôi. Tôi đã cân nhắc rất lâu điểm lợi và hại của ý định này, tôi hoàn toàn ý thức được trách nhiệm nặng nề khi ra lệnh cho chiếc phi cơ nhỏ bé này chịu thêm sức nặng của chính cá nhân tôi (quá nặng là đằng khác vì tôi cao 1 thước 95, do đó vóc dáng kềnh càng). Nhưng làm sao tôi có thể chịu đựng được trách nhiệm còn nặng nề hơn nếu để cho ông Duce đi một mình với Gerlach. Vì nếu phi cơ không cất cánh được và tai nạn xảy ra, tôi chỉ còn mỗi một giải pháp tối hậu là tự bắn vào đầu một viên đạn. Không bao giờ tôi có thể đến trình diện trước Fuhrer để báo tin rằng chiến dịch đã thành công nhưng Mussolini bị thiệt mạng sau khi được giải thoát. Và khi không còn phương cách nào để đưa ông Duce về La Mã một cách an toàn, tôi thích chia xẻ những nguy hiểm của chuyến bay, mặc dù sự có mặt của tôi trên phi cơ chỉ có thể làm tăng thêm nguy hiểm. Như vậy cả ba chúng tôi được đặt trong tay của định mệnh - tôi sẽ thoát hoặc sẽ tiêu tùng cùng hai người đồng hành.

Sau nhiều ngần ngại, Gerlach đầu hàng trước các lý lẽ của tôi. Khoan khoái, tôi ra lệnh cho Radl. Chỉ có viên tướng bị bắt và người đi theo tôi sẽ bị đưa về như tù binh chiến tranh, về phần các sĩ quan khác và binh sĩ Ý, chúng tôi để họ ở lại khách sạn sau khi giải giới. Vì lẽ ông Duce bảo rằng đã được đối xử tử tế, tôi không có lý do nào không chứng tỏ quảng đại một chút. Để ngăn ngừa cuộc phá hoại có thể xảy đến cho các xe treo, tôi ra lệnh cứ mỗi xe phải có hai sĩ quan Ý đi theo. Khi người của tôi đã xuống thung lũng hết, họ sẽ phá hủy máy móc tại trạm dưới bằng cách nào để ngăn quân Ý không thể sửa chữa ngay được.

Tiếp theo đó, trong khi Gerlach chỉ huy binh sĩ của tôi sửa soạn một phi đạo để cất cánh, tôi mới quay trở về ngắm ông Duce. Thành thật mà nói, con người đang đứng trước mặt tôi đây, với một bộ thường phục quá rộng và chẳng có gì sang trọng, trông không giống mấy với các hình ảnh mà tôi được thấy, trong đó ông luôn luôn mặc quân phục. Chỉ có các đường nét là không thay đổi mặc dầu vẻ mặt già đi trông thấy. Mới thoáng nhìn, ông có vẻ như đang đau nặng, cảm giác này càng gia tăng bởi một bộ râu nhiều ngày không cạo và nhất là bởi một lớp tóc ngắn phủ trên đầu mà trước kia thường được cạo trọc. Ngược lại cặp mắt đen và nồng nàn vẫn là cặp mắt cũ của nhà độc tài. Tôi có cảm giác cái nhìn của ông xoáy sâu vào mắt tôi, trong khi ông kể lại một cách thống khoái, cho tôi nghe chi tiết về vụ ông bị bắt.

Tôi sung sướng báo cho ông ta một tin vui:

- Chúng tôi đã thường trực chăm sóc số phận của gia đình ngài. Chính quyền Badoglio đã quản thúc vợ và hai con út của ngài tại trang trại riêng của ngài ở Rocca della Carminata. Nhiều tuần lễ trước đây, chúng tôi đã bắt được liên lạc với Donna Rachele. Ngay lúc chúng tôi đặt chân lên đây, một toán cảm tử khác thuộc đơn vị của tôi đã phát động chiến dịch giải thoát gia đình ngài. Tôi tin chắc giờ đây mọi chuyện đã xong.

Tỏ ra hết sức cảm động, ông Duce siết chặt tay tôi.

- Vậy thì mọi sự đều êm đẹp. Tôi thành thật cám ơn anh.

Chúng tôi rời khách sạn. "Con cò" đã sẵn sàng cất cánh, tôi lách một cách khó nhọc vào khoảng trống nhỏ bé đằng sau chiếc ghế thứ hai nơi ông Duce ngồi. Lúc bước lên phi cơ, ông thoáng ngần ngại, là một phi công lão luyện, chắc ông đã ý thức những nguy hiểm mà chúng tôi sắp trải qua. Tôi có vẻ bối rối, lí nhí vài câu như: Fuhrer đã yêu cầu - ông ấy rõ ràng đã quyết định... và rồi tiếng động cơ nổ vang dội giúp tôi khỏi phải tìm lời xin lỗi. Hai tay bám chặt vào ống thép dùng làm khung sườn của phi cơ, tôi cố thử truyền cho con chim nhỏ bé của chúng tôi một chút thăng bằng để được nhẹ hơn. Với một dấu hiệu của phi công, các binh sĩ đang giữ cánh và đuôi của phi cơ buông tay và ngay tức khắc, chong chóng kéo phi cơ về phía trước. Phi cơ chạy càng lúc càng mau về phía cuối phi đạo, nhưng vẫn còn dính chặt xuống mặt đất. Tôi lấy thăng bằng một cách điên cuồng, bằng tất cả sức lực của tôi. Phi cơ nhảy trên một vài tảng đá nhỏ mà chúng tôi không dọn hết được. Và lúc đó tôi thoáng thấy qua khung kiếng phía trước, một hố sâu thẳm cắt ngang đường bay của chúng tôi. Tôi còn kịp suy nghĩ: "Lạy chúa! nếu chúng con rơi xuống đó thì sao?" - rồi thì "con cò" rứt khỏi mặt đất, cách miệng hố vài phân, thế cũng đủ rồi. Bánh xe bên trái còn chạm dữ dội vào mặt đất, phi cơ hơi chúi mũi xuống và bây giờ đây chúng tôi đang ở bên bờ vực thẳm. Trượt qua bên trái, phi cơ chòng chành trong khoảng không. Tôi nhắm mắt lại - lúc này mọi cố gắng của tôi đều vô ích - nín thở, chờ đợi sự gãy đổ tan tành không tránh được.

Tiếng gió rít chung quanh cánh máy tăng dần và trở thành tiếng hú mạnh. Lúc tôi mở mắt trở lại - tất cả chuyện đó chỉ kéo dài vài giây - Gerlach kéo phi cơ trở lại được rồi và đưa chầm chậm vào thế ngang bằng. Hiện tại phi cơ đã đạt được một tốc độ đủ để còn bay được mặc dù bầu không khí còn rất loãng. Phi cơ bay là là chừng 30 thước cách mặt đất và tiến tới lằn ranh mà bên kia là vực thẳm Arrézano. Lần này thế là chúng tôi thoát.

Cả ba chúng tôi có phần tái mặt vì sợ, nhưng không ai nói đến những giây phút lo âu vừa qua. Bất chấp nghi lễ truyền thống, tôi thân mật đặt tay lên vai ông Duce, người mà lúc này mới thật sự được cứu sống. Mussolini lại trở về với tư thế chuyện trò dễ dàng của dân miền Địa Trung Hải, bắt đầu gợi lại các kỷ niệm liên quan đến các địa danh mà chúng tôi bay ngang qua trên một cao độ vào khoảng 100 thước - một sự cẩn thận đề phòng máy bay địch trông thấy - ông Duce nói tiếng Đức thật trôi chảy, gần như không có lỗi - đây là sự kiện mà vì thần kinh quá căng thẳng trong những giây phút đầu tiên, tôi không hề chú ý - Cẩn thận, chúng tôi bay vòng quanh các mỏm núi cuối cùng và rồi bay trên La Mã, hướng về phía phi trường Pratica di Mare.
- Coi chừng, - Gerlach lưu ý chúng tôi - bám chặt - đáp 2 lần.

Thật vậy, tôi quên mất rằng phi đạo đã bị trúng bom. Hết sức nhẹ nhàng, phi cơ chạm mặt phi đạo nhiều lần, phi công giữ thăng bằng trên bánh xe bên phải và đằng sau, phi cơ chạy đều rồi đứng hẳn. Mọi sự diễn ra tuyệt vời - chúng tôi gặp nhiều may mắn quá từ đầu cho đến cuối cuộc mạo hiểm.

Sĩ quan tùy viên của Đại tướng Student ra đón chúng tôi, rạng rỡ vì vui sướng. Ba chiếc Henkel 111 sẵn sàng cất cánh. Chúng tôi không thể để mất một giây phút nào nếu muốn đến Vienne trước khi trời tối.

Chú thích

(1) loại phi cơ có thể bay thật chậm, được xử dụng trong các phi vụ thám sát mặt trận thật lâu (ghi chú của người dịch)
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

18#
 Tác giả| Đăng lúc 5-8-2013 19:54:13 | Chỉ xem của tác giả
Chương XIII
Những bí ẩn của chính phủ Vichy

Tôi không đề cập đến các bài diễn văn chào đón, các cuộc lễ gắn huy chương Đức và Huy chương Ý mà tôi được thưởng sau vụ đột kích, lời cám ơn chân thành của ông Duce và lời khen nồng nhiệt mà chính Adolf Hiler công khai bày tỏ tại Tổng hành dinh trước các nhân vật thượng đỉnh của chế độ. Sau một thời gian nghỉ phép ngắn xả hơi, tôi trở lại "căn cứ" Friedenthal để lại tiếp tục tổ chức "đơn vị đặc biệt"(1). Nhưng tôi chỉ có thể làm việc yên ổn có năm tuần lễ. Vào cuối tháng 11 năm 1943, tôi bất chợt nhận được lệnh, từ Tổng hành dinh của Fuhrer, phải lên đường đi Ba-lê lập tức, cùng với một Đại đội, và khi đến nơi, trình diện Tướng Oberg, chỉ huy trưởng SS và cảnh sát Đức tại Pháp để nhận các chỉ thị chi tiết.

Tôi không thích loại mệnh lệnh cụt ngủn và mơ hồ này; kinh nghiệm lâu ngày cho tôi biết thường thường là chúng báo trước một sứ mạng khó khăn tế nhị. Nhưng đã là quân nhân thì chỉ biết có tuân lệnh, tôi nhảy lên chuyến tàu đầu tiên, trong khi Đại đội được chỉ định sửa soạn để lên đường vào sáng hôm sau.

Trong thâm tâm, tôi rất hài lòng được trở lại Ba-lê nơi tôi đã được thăm viếng - thoáng qua thôi - vào những năm 1940 và 1942. Vẻ đẹp duyên dáng của thủ đô Pháp, đã làm cho tôi ngay từ lúc mới đến, ngạc nhiên đến nỗi tôi công khai tuyên bố là "Thành phố đẹp nhất châu Âu", thêm vào đó, theo ý tôi thành phố đẹp thứ hai là Vienne, thứ ba là Budapest. Bảng xếp hạng này luôn làm cho người Đức nổi giận, nhất là khi, trong tư cách một dân Áo chính cống, tôi xác định rằng, đối với tôi, Bá linh chỉ là một đống đồ sộ đủ thứ đá xếp chồng lên nhau. Nhiều lần tôi được dịp cười thật đã, khi thấy họ lồng lên vì sự xúc phạm vô hại này..

Sau khi tuân theo mệnh lệnh được dán đầy ở sân "gare du Nord" bảo rằng tôi phải trình diện tức khắc cơ quan Kommandantur tại công trường Opéra, tôi đến khách sạn Continental đường Rivoli. Sau một lúc tìm kiếm thật lâu trong một tổ ong vĩ đại - hàng trăm phòng ngủ được sửa đổi lại thành văn phòng cho sĩ quan tham mưu - tôi gặp được người cần tìm, đó là một Đại tá, cũng mặc quân phục sĩ quan tham mưu với hai nẹp đỏ dọc hai bên hông quần. Ông này đang chờ đợi để báo cho tôi biết rằng ông ta nhận được lệnh đặt dưới quyền chỉ huy của tôi một số binh sĩ - bao nhiêu binh sĩ và nhằm mục đích gì thì ông không biết. Ông ta gọi một cộng sự viên thân tín của vị chỉ huy "Đại Ba lê" để hỏi, nhưng ông này cũng không biết gì hơn để thông báo cho tôi. Ông ta chỉ biết rằng sự việc có liên quan đến các mối liên lạc, vốn đã rất là rắc rối, giữa chúng tôi và chính quyền Vichy. Cả hai ông bèn dấn thân vào một hội nghị thật sự để duyệt xét tình hình nước Pháp. Vì lẽ từ nhiều tuần trước, tôi không đủ thời giờ để chỉ đọc nhật báo, tôi không hiểu được gì nhiều; ngoài các tên tuổi như Thống chế Pétain, Đô đốc Darlan, các tướng lĩnh De Gaulle và Giraud, tôi tuyệt đối không biết những mưu mô ngoắt ngoéo của chính quyền Pháp quốc.

Căn cứ vào lời giải thích của hai sĩ quan, tình hình nước Pháp có thể được trình bày như sau: Các cộng sự viên thân tín của Thống chế Pétain, và nói một cách tổng quát, các nhân vật trong chính phủ Vichy, tỏ ra rất giận dữ nhất là vì các cuộc thảo luận Pháp Đức không bao giờ vượt qua được giai đoạn đánh dấu bằng hiệp ước đình chiến 1940. Từ ba năm qua, người ta đã không tiến được bước nào trong việc soạn thảo một Hiệp ước Hòa bình như đã hứa hẹn đã lâu rồi, và một khi được ký kết, chắc chắn tình trạng khó khăn của chính quyền Pháp sẽ được khắc phục và củng cố mạnh hơn. Về phần thống chế Pétain, (những người đang đối thoại với tôi xem ông ta như một nhà ái quốc nồng nàn, mặc dù có phần cứng đầu), ông ta đang cố hết sức cứu vãn tình thế - ý muốn rất hợp tình hợp lý - Khốn thay, Đức quốc, bị thúc đẩy bởi sự nghi ngờ cũng rất chính đáng, vẫn còn ngần ngại không muốn nhượng bộ quá nhiều cho nhà ái quốc Pháp.

Thật vậy, gần như chắc chắn rằng Vichy và phong trào giải phóng nước Pháp vẫn duy trì các mối liên lạc chặt chẽ không ngờ. Khẳng quyết này đối với tôi có thể tin được. Hiện tại, Bắc Phi cũng như các nơi khác thuộc đế quốc Pháp đã bị Đồng minh chiếm đóng, nghĩa là ở trong tay phong trào giải phóng nước Pháp. Thêm vào đó, ảnh hưởng tinh thần tiếp theo sau các chiến thắng ban đầu của các đại cường thuộc khối Trục, bắt đầu suy giảm. Từ đầu năm 1943, các biến chuyển của tình hình đã đi vào một khúc quanh rõ ràng bất lợi cho Đức quốc - một sự đổi thay đã xẩy ra mà có lẽ chúng tôi chưa nhận thức được rõ rệt, trong khi đó phía thù nghịch lại có các chỉ dẫn thật chính xác.

Và giới lãnh đạo Đức vừa nhận được một báo cáo mật, phát xuất từ nơi mà mọi người thường gọi là "các nguồn tin chính xác đáng tin", theo đó, người ta đang chờ đợi một biến chuyển ngoạn mục: mối liên lạc vẫn có giữa Vichy và phong trào giải phóng hình như chặt chẽ đến nỗi chính quyền Pétain có ý định trốn qua bắc Phi. Các báo cáo khác, phát xuất từ các nguồn tin cũng rất chắc chắn, gán cho giới thân cận tướng De Gaulle, có ý định đảo chính cướp chính quyền của ông già Thống chế và các Tổng trưởng của ông. Bộ chỉ huy Đức tại Pháp lập tức thông báo cho Tổng hành dinh của Fuhrer hay hai giả thuyết trái ngược nhưng cũng rất khẩn trương này.

Về phần vai trò của tôi, họ chẳng biết gì ráo; chắc chắn bộ chỉ huy sẽ sớm nhận được các mệnh lệnh chính xác. Lúc này tôi chỉ phải đến trình diện gấp tướng Oberg.

Tôi cáo từ, đi bộ ngược trở lại Champs - Elysées và đến một con đường gần đại lộ Foch, nơi đạt văn phòng của ông Tướng SS. Tôi được một sĩ quan cảnh sát tiếp đón, ông này cũng không hơn gì hai ông ở khách sạn Continental, chẳng biết gì về sứ mạng mà người ta sắp giao phó cho tôi. Ông ta cũng tự cho có bổn phận thuyết trình cho tôi nghe tình hình nước Pháp, ông ta cũng làm như đang tham dự vào một hội nghị thật sự mà nội dung hoàn toàn giống với những điều mà tôi vừa mới được nghe, chỉ có một điểm khác biệt duy nhất là ít chính xác hơn, ít phong phú hơn, nhưng lại kéo dài hơn nửa giờ liền. Khi tôi khiêm tốn hỏi dò các mệnh lệnh của tướng Oberg, ông ta trả lời rằng có hy vọng sẽ nhận được các chỉ thị chi tiết trong vòng 24 giờ sắp đến. Ông ta khuyên tôi nên sẵn sàng - để làm gì, tôi tự hỏi - và nhất là phải tạt ngang qua văn phòng mỗi ngày hai lần. Về phần một Đại đội của tôi sắp đến sáng mai, đơn vị sẽ đóng tại một doanh trại gần Saint-Germain-en-Large.

Sáng hôm sau tôi lại đến, nhưng vô ích, Tổng hành dinh G.Q.G vẫn chưa có một mệnh lệnh nào cho tôi. Vào buổi chiều, tôi đến Gare du Nord để đón Đại đội binh sĩ của tôi sau khi vật lộn với không biết bao nhiêu Phòng, Sở để xin sáu chiếc cam-nhông cần thiết để chở người và vật liệu. Trước các câu hỏi tò mò của các sĩ quan thuộc đơn vị, tôi chỉ biết trả lời là phải chờ đợi mệnh lệnh.

Buổi tối, khi tôi ghé qua công sở của Tướng Oberg, tôi được yêu cầu trở lại sau nửa đêm vì lẽ lúc đó người ta mới hy vọng nhận được chỉ thị của G.Q.G. Biết rằng Fuhrer ưa làm việc ban đêm, tôi không ngạc nhiên mấy.

Thật vậy, vào lúc 2 giờ sáng, máy viễn ký chuyển cho chúng tôi các chỉ thị chờ đợi.

"Phải bao vây thành phố Vichy, một cách bí mật, bằng một vòng đai quân Đức. Các phân đội chia nhau trấn giữ các vị trí thích hợp để, ngay khi có hiệu lệnh đầu tiên, vây kín thành phố không cho một ai thoát ra ngoài bằng cách đi bộ hoặc đi xe. Ngoài ra, phải có một đơn vị chiến đấu trừ bị đủ mạnh, để có thể, ngay khi có hiệu lệnh thứ nhì, bao vây hoặc chiếm luôn trụ sở của chính phủ Pháp. Các toán quân tham dự chiến dịch này sẽ được đặt dưới quyền thiếu tá Skorzeny, Tư lệnh quân đội Đức tại Pháp và Chỉ huy trưởng Công an, Cảnh sát, trong phạm vi thẩm quyền, cung cấp mọi phương tiện mà Thiếu tá Skorzeny xét cần thiết. Ngay khi các toán quân được đặt vào vị trí, Thiếu tá Skorzeny báo cáo về Tổng hành dinh bằng máy viễn ký".

Von Foelkersam, tùy tùng của tôi, ném cho tôi một cái nhìn hùng biện. Một lần nữa, chúng tôi lại phải làm việc suốt đêm. Luôn luôn tiên liệu trước, Foelkersam đã kiếm được một bản đồ tham mưu vùng Vichy. Nhớ lại các đợt tiến quân chớp nhoáng của quân đội Đức trong cuộc viễn chinh tại Pháp và các khó khăn gặp phải lúc đó, tôi bảo một sĩ quan mang đến một bản đồ Michelin mà tôi cho là rất chính xác. Vì khu vực cần được cô lập quá rộng lớn,chúng tôi ước tính phải cần đến hai tiểu đoàn, ngoài ra lại phải có một tiểu đoàn thứ ba làm lực lượng dự bị. Vì chúng tôi phải hành động bí mật, chúng tôi quyết định sử dụng các lực lượng cảnh sát để lập vòng đai, mà sự điều động sẽ không quá rầm rộ. Ngược lại, đối với cuộc đột kích vào các cơ sở chính phủ, ngoài đại đội của tôi, lẽ tất nhiên các toán quân thiện chiến phải được đặt dưới quyền sử dụng của tôi.

Tham mưu trưởng của tướng Oberg chứng tỏ rất cừ vì đã chuyển đến Vichy hai Tiểu đoàn cảnh sát trong vòng 48 giờ đồng hồ. Tôi tuyên bố rất hài lòng, thế nhưng sáng hôm sau, tôi được biết hai Tiểu đoàn ấy lại do một Tướng lãnh cảnh sát chỉ huy! Theo các huấn thị rất rõ rệt của G.Q.G, vị tướng lãnh này sẽ phải đặt dưới quyền chỉ huy của tôi - một Thiếu tá trừ bị tầm thường! - Tôi thấy trước là sẽ gặp rắc rối vô cùng; may thay, mối lo ngại của tôi không còn đúng nữa. Ngay từ lúc đến Vichy, ông Tướng đã đến ở tại một quán trọ trong vùng phụ cận, và bị cám dỗ bởi phẩm chất đặc biệt ngon lành của các món ăn Pháp, ông ta không còn nghĩ gì đến binh sĩ thuộc quyền nữa, một lần nữa, sự thỏa mãn khẩu vị đã chiến thắng các ưu tư quân sự.

Tuy nhiên đấy mới chỉ là một sự dự liệu. Trong thực tế, chúng tôi chưa thấy sự dự liệu đó được thể hiện - chúng tôi còn dự liệu một cách quá đáng không ngờ là đằng khác. Ngay hôm sau, tôi cố gắng xin vị chỉ huy trưởng Lục quân (Wehrmacht) sẵn sàng cho một toán quân ưu tú. Và chuyện đã không xẩy ra đơn giản. Những địa phương quân già nua không làm tôi ưng ý, một Tiểu đoàn được đề nghị thay thế cũng không giúp được gì hơn cho công việc của tôi. Bởi vì như vậy tôi sẽ bị bắt buộc phóng ra cuộc tấn công sau một thời gian vội vã và với các toán quân mà tôi chưa quen thuộc. Tôi muốn có thể trông cậy vào tinh thần chiến đấu và kinh nghiệm của binh sĩ thuộc quyền. Sau nhiều cuộc thương thảo nhọc nhằn với nhiều sĩ quan Tham mưu, tôi đạt được kết quả như thế này: thay vào chỗ một Tiểu đoàn được yêu cầu, tôi chỉ được cung cấp hai Đại đội, nhưng đó là các đơn vị Thiết kỵ của sư đoàn tân lập Waffen SS Hohenstaufen. Tình cờ, ngay hôm đó, tôi làm quen được với vị tư lệnh Sư đoàn. Tôi thuyết phục được ông ta về tính cách quan trọng đặc biệt của sứ mạng được giao cho tôi, ông ta hứa sẽ gửi cho tôi các quân nhân chọn lọc và luôn cả hai Đại úy xuất sắc nhất của Sư đoàn. Tôi phải nói rằng, ông ta đã giữ lời hứa. Chỉ một vài ngày sau khi các toán quân này đến một phi trường nhỏ phía Bắc Vichy, nơi tôi chỉ định làm chỗ đóng quân cho lực lượng trù bị, tôi mới tin tưởng rằng với các quân nhân cỡ đó, tôi sẽ có thể yên tâm chu toàn sứ mạng.

Sau khi giải quyết một vài chi tiết liên quan đến việc chuyên chở binh sĩ, ngày hôm sau, tôi cùng Von Foelkersam đi Vichy. Nhờ cẩn thận mặc thường phục, hai chúng tôi có thể ở trong thành phố mà không bị để ý, để ẩn thân tìm hiểu địa hình của nơi này.

Hôm sau nữa chúng tôi "thăm viếng" thành phố cùng với một ông khách, một sĩ quan cảnh sát cũng bận thường phục. Lẽ tất nhiên chúng tôi chú trọng đặc biệt đến các con đường, các công ốc của khu vực làm việc của chính phủ. Các công sở chính phủ được đặt tại trung tâm thành phố, tại một trong các khách sạn được nối liền với một số kiến trúc khác bằng một lối đi có mái cao ngang tầng lầu thứ nhất. Hành lang này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch của tôi. Một trong các mặt tiền của toàn bộ các cơ sở này hướng ra một công viên, mặt kia, hướng ra một công trường lớn.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

19#
 Tác giả| Đăng lúc 5-8-2013 19:55:23 | Chỉ xem của tác giả
Chương XIII
(tiếp theo)

Khu vực rộng rãi này chắc chắn sẽ làm cho việc điều động mau lẹ lực lượng của tôi được dễ dàng hơn. Trong khi đó, chúng tôi lưu ý đến các kiến trúc nhỏ mới được xây cất trên công trường, mà người ta bảo rằng do các đội phòng vệ Pháp chiếm giữ và đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của chính phủ. Các quân nhân Pháp mà chúng tôi thấy xuất hiện đây đó, có vẻ có kỷ luật, được trang bị đầy đủ và nhất là được huấn luyện chu đáo. Chúng tôi phải chờ đợi một sức đề kháng mạnh mẽ từ phía này - ngoại trừ trường hợp hoàn toàn bị bất ngờ đến nỗi các sĩ quan của họ không kịp ban một mệnh lệnh nào.

Khi chúng tôi thong thả trở về chỗ trọ, bỗng nhiên tôi trở nên lầm lì và cáu kỉnh. Thật vậy, tôi vừa có một nhận xét xấu hổ: Tôi đã hết sức ngu xuẩn - ngu xuẩn không chê vào đâu được. Bởi vì sáng nay chúng tôi đã có tư thế của những tên ngu ngốc chứ không phải là các sĩ quan tình báo Đức, vả lại càng không phải là Chỉ huy trưởng cảm tử đang hành động trên đất địch. Làm sao chúng tôi lại có thể đi theo viên sĩ quan cảnh sát kia, người mà dân chúng chắc đã biết nhẵn mặt? Đó là chưa kể đến trường hợp sau khi giải thoát Mussolini, báo chí địa phương có in một tấm hình quen thuộc của tôi! Tóm lại, tôi không có gì hãnh diện về mình cả, và một lần nữa, tôi thấy còn cần phải học hỏi nhiều.

Vào buổi chiều, tôi tiếp xúc với nhiều viên chức và sĩ quan tại các cơ sở Đức ở Vichy để thử tìm hiểu, ít ra là khái quát, về tình hình. Trước hết một tùy viên trẻ của sứ quán – lúc đó chính Abetz thì lại không có mặt – trình bày với tôi hai giả thuyết đối chọi nhau ngay trong giới ngoại giao. Theo một số người thì người Pháp sẽ chẳng làm gì cả, do đó chúng tôi không có lý do gì để can thiệp. Đối với một số khác, chúng ta phải di chuyển trụ sở chính phủ Pháp bằng cách để họ tự ý hay bằng sức mạnh bó buộc, về vùng Ba-lê. Làm như thế, ông già Thống chế trước hết sẽ tránh khỏi hành động của nhóm thân De Gaulle, sau đó, chịu ảnh hưởng của Đức nhiều hơn, nhờ đó, tương quan Pháp Đức sẽ được cải thiện. Nhóm thứ hai này hình như lại còn sửa soạn sẵn một lâu đài phía Bắc Ba-lê để đưa ông Thống chế về đó.

Người thứ hai tôi được tiếp chuyện là một sĩ quan tình báo của quân đội – vậy là một thuộc viên của Đô đốc Canaris – ông ta muốn trình bày với tôi tất cả các tin tức mà ông ta có được. Đó là một bộ sưu tập thật kỳ dị các chuyện vẩn vơ, mách lẻo, những báo cáo khách quan, phần lớn phát xuất từ các nhân viên ở Bắc phi, và các giả thuyết tưởng tượng, tin này thì được một cô thư ký làm việc trong một Bộ nào đó của Chính phủ Pháp vô tình cung cấp, nhân một cuộc tán dóc trong quán rượu, tin kia thì được cung cấp bởi một cô bạn của một sĩ quan hải quân thân cận với Đô đốc Darlan – một cô sẵn sàng chấp nhận ban ân huệ cho bất cứ chàng trai trẻ nào miễn là có uy tín được choàng bộ đồng phục hải quân có sọc ngang. Tất cả tạo thành một hình ảnh rối mù mà tôi tự hỏi không biết Đô đốc Canaris làm sao có thể rút ra các suy đoán rõ rệt.

Chỉ huy trưởng cảnh sát của chúng tôi cũng không biết được gì nhiều hơn. Ông ta chỉ có thể nói với tôi là tình hình không mấy sáng sủa – điểm này chẳng giúp tôi hiểu thêm được gì mới lạ cả. Ông ta cũng cho tôi xem một số lượng đáng kể các báo cáo trái ngược nhau. Trong mọi trường hợp, ông ta không tin ở cung từ của các nhân viên thân De Gaulle bị bắt, đã hai lần ông được báo cho biết là sẽ có các hoạt động của nhóm thân De Gaulle chống lại chính phủ Vichy – và rồi chẳng có gì xảy ra cả. Ông ta đòi hỏi phải di chuyển mau lẹ Chính phủ Pháp về một khu vực bị chiếm đóng. Lúc đó tôi biết rằng trong tâm trí ông ta, giải pháp này có lợi điểm là chấm dứt các xúc động và lo lắng vẫn gây phiền liên tục ở đây. Tóm lại ông này chỉ có một ham muốn: ông muốn người ta để ông yên.

Sau cùng tôi còn đến gặp một Đại Tá không quân, thành phần của ủy ban đình chiến phía chúng tôi. Viên sĩ quan này tuyên bố ngay là ông ta không biết gì cả, và từ chối không tin vào bất cứ tin đồn nào hiện đang đầu độc không khí của thành phố.

- Tốt hơn hết là ta nên ký kết ngay hiệp định hòa bình với Pháp và nếu có thể, với Anh quốc luôn thể. Đó là cách hay nhất để giải quyết một lúc tất cả mọi vấn đề, - ông ta khẳng quyết như vậy và tỏ vẻ hài lòng rõ rệt là đã tìm được một giải pháp đơn giản và căn bản như thế.

Tiếc thay, đề nghị nầy không ích lợi gì cho tôi cả. Trên đường về, tôi không thể ngăn cản được cơn phiền muộn sâu xa khi nghĩ đến sự tồi tệ khó tin do các báo cáo của những đại diện nước Đức ở khắp nơi tạo lập, trong văn khố thuộc Tổng Hành Dinh G.Q.G. Làm thế nào để Fuhrer và các cố vấn của ông có thể đạt đến các kết luận chính xác hay ít ra là sự lượng định tình hình đúng mức? Vậy mà, chính vì đã dựa vào các báo cáo nầy – nếu không nói là các tin đồn nầy – Tổng Hành dinh đã ra lệnh cho tôi phát động một chiến dịch đã được hoạch định: và nếu vạn nhất quyết định nầy đã dựa trên các tin tức sai lầm hay cố ý giả mạo, hậu quả thê thảm sẽ là sự rắc rối kinh khủng trong những mối bang giao hiện tại và tương lai giữa Pháp và Đức.

Nhưng tôi tự an ủi bằng cách nhủ thầm rằng chuyến đi này dù rất chán nản nhưng không phải là hoàn toàn vô ích: nhân khi đi lang thang trong thành phố, tôi nghiệm ra rằng ở đây người ta vẫn giữ thói quen kéo dài giấc ngủ trưa của dân vùng Địa Trung Hải! Thật vậy! đã 2 giờ chiều rồi mà đường phố còn vắng ngắt. Do đó, nếu các mệnh lệnh còn để cho tôi khả năng chọn lựa, tôi sẽ chọn lúc này, thời gian đặc biệt yên tĩnh trong ngày để làm giờ H. Làm như vậy tôi sẽ có may mắn cùng với tiểu đoàn xung kích của tôi lọt vào được trung tâm thành phố mà không gây sự chú ý nào. Từ phi trường cho đến khu vực đặt chính phủ, khoảng cách đó chừng 5 cây số tương ứng với 7 phút di chuyển bằng thiết vận xa. Lẽ tất nhiên trong kế hoạch, tôi phải lưu ý đến các thám sát viên của chính phủ Vichy và có lẽ của phe giải phóng nữa, những người đang rình xem chuyện gì xảy ra trong các doanh trại dùng làm nơi đồn trú của binh sĩ tôi. Để chống lại sự rình rập này, chỉ có hai cách: đánh đổi vai trò với địch quân bằng các cuộc thao diễn khéo léo, và khi cơ hội đến, hành động mau lẹ như sấm sét.

Được Von Foelkersam phụ lực, tôi cẩn thận và tỉ mỉ hoạch định tất cả các chi tiết của phương cách báo động nhất là đối với đơn vị xung kích của tôi. Chúng tôi dự liệu một hệ thống báo động gồm hai giai đoạn và ra lệnh cho binh sĩ thực tập hằng ngày – thao diễn cơ bản ngày và đêm, đi bộ đều bước hoặc đi bằng thiết vận xa. Tuy nhiên tôi giữ không cho tổ chức các cuộc thực tập vào buổi trưa để khỏi làm rộn giấc ngủ của các thám sát viên địch. Dầu sao, chúng tôi cũng biết rằng vào giờ đó, họ đều đã tập trung chung quanh chỗ ngủ, và lúc nào họ cũng bị tôi bắt gặp như vậy.

Về phần các Bộ chỉ huy của hai Tiểu đoàn Cảnh sát, một Bộ chỉ huy đồn trú tại Cognat, phía tây Vichy, và Bộ chỉ huy kia đóng tại Bost, phía Đông thành phố. Tôi chạy lui tới gần như suốt ngày trong vùng để kiểm soát các cuộc tuần tiễu. Cô lập một thành phố không phải là một chuyện dễ. Từ trung tâm Vichy, không có dưới 15 con đường tỏa ra các hướng. Các con đường này xe cộ đông đúc, lại được nối với nhau bằng cả hệ thống dày đặc và rất khó kiểm soát các con đường phụ. Vậy mà chúng tôi bắt buộc phải tiên liệu việc kiểm soát di chuyển trên cả các loại hương lộ.

Trong tám Đại đội của hai Tiểu đoàn Cảnh sát, hai Đại đội vẫn tiếp tục đóng vai trò trừ bị. Nhiệm vụ của chúng là khi giờ hành động đến, phải chiếm lập tức các ngõ ra vào chính yếu ở ven thành phố. Các Đại đội khác phải kết thành một vòng đai chặt chẽ quanh Vichy và tiến tới cho đến khi cách trung tâm thành phố chừng sáu cây số. Như vậy, nhờ hai vòng đai bao vây, chúng tôi mới có thể cấm tất cả mọi sinh vật không cánh ra khỏi Vichy hay tiến vào đấy.

Kế hoạch hành động của tôi để thực hiện đích (?) chiến dịch có thể được mô tả như sau: ngay khi Tổng Hành Dinh ra hiệu lệnh thích nghi cho tôi – hiệu lệnh được ngụy trang rất lạ bắt chước tiếng chó sủa – Tiểu đoàn xung kích sẽ được báo động trước tiên. Nhờ các cuộc thao dượt liên tiếp, chắc mọi người mất không đến 10 phút là có thể sẵn sàng, được trang bị đầy đủ và lên xe. Tôi hy vọng thời cơ sẽ cho phép tôi ra lệnh khởi hành lúc 13 giờ 45. Tôi không dự liệu sẽ gặp một cản trở nào, càng không có các cuộc chống cự bằng quân đội, trên suốt lộ trình cho đến các cơ quan chính phủ trong khoảng thời gian từ 8 đến 10 phút. Như thế, phân đội tiền phong, Đại đội đầu tiên thuộc Tiểu đoàn khinh binh Friedenthal của tôi sẽ có mặt tại khu vực hành quân vài phút trước 14 giờ. Một Tiểu đội sẽ tách khỏi đơn vị, tiến chiếm một chiếc cầu nhỏ nằm trên nhánh sông Allier và đảm bảo bằng mọi giá đường rút lui của chúng tôi về phi trường. Hai tiểu đoàn thiết kỵ sẽ chiếm công trường trước tòa nhà chính phủ, công viên và các con đường kế cận, trấn thủ các nơi đó chống lại các cuộc phản công có thể xảy ra và che chở cho đại đội khinh binh do chính tôi chỉ huy, tấn công vào hai tòa nhà. Nhớ lại sự thành công nhờ tấn công bất ngờ không làm đổ máu nhiều, nhân khi giải thoát Mussolini, tôi ra lệnh bằng mọi giá, để cho đối phương khai hỏa trước. Huấn lệnh "bắn tự do" sẽ chỉ có thể do tôi ban ra, hoặc do Đại úy Foelkersam, hoặc sĩ quan Đại đội trưởng thâm niên cấp bậc cao nhất thuộc tiểu đoàn thiết kỵ.

Hai toán chiến lược đầu thuộc Đại đội do tôi chỉ huy tìm cách chiếm các lối chính đi vào tòa nhà mà không cần sử dụng đến vũ khí, và trấn giữ các cầu thang và đầu các hành lang cho đến tầng thứ nhất. Phần tối, chỉ huy toán thứ ba, tôi sẽ cố xuyên qua tòa nhà kế cận theo lối đi có mái lợp và chiếm giữ hành lang trước các văn phòng chính phủ.

Phần còn lại của kế hoạch thì tôi đành phải chờ các mệnh lệnh chính xác của G.Q.G. Tôi chưa biết liệu có nên trù tính cho phong trào giải phóng một vố chăng, bằng cách loại các Tổng Trưởng bị nghi ngờ thân De Gaulle, hay là đưa toàn vẹn chính phủ Pháp về khu vực chiếm đóng.

Ngày lại ngày trôi qua mà không mang lại cho chúng tôi điều gì khác hơn là các mệnh lệnh “báo động lớn” để rồi bị hủy bỏ đều đều vài giờ sau đó. Vào giữa tháng 12, người ta đánh thức tôi vào lúc nửa đêm và triệu dụng tôi về Ba-lê gấp. Tại Bộ Chỉ huy Lục quân ở đường Rivoli, một viên chức cơ quan tình báo quân đội chờ tôi và liên lạc cho tôi nói điện thoại với Tổng Hành Dinh của Fuhrer. Tôi đoán rằng người ta sẽ ra lệnh hành động. Sai lầm trầm trọng: một tùy viên của Fuhrer nói với tôi, bằng giọng khô khan rằng chưa có quyết định gì cả, nhưng nội trong ngày sẽ có tin. Đến 4 giờ chiều tôi gọi về G.Q.G. vẫn không có tin tức gì.

May thay, từ lâu tôi đã học cách thực hiện một đức tính căn bản của quân nhân: kiên nhẫn. Vậy thì tôi đợi cho đến lúc quý ông trong G.Q.G. thỏa hiệp được với nhau. Đến 10 giờ đêm, “Hang sói” (Tổng Hành Dinh) cho gọi tôi. Tôi nhảy bổ đến điện thoại, tin chắc sẽ nhận được lệnh dứt khoát sau cùng. Thế mà, thay vì quyết định được chờ đợi, người ta chỉ chuyển cho tôi chỉ thị sau đây:

“Thiếu tá Skorzeny quay trở lại Vichy lập tức. Phải duy trì tình trạng báo động đối với các đơn vị thuộc quyền cho đến khi có lệnh mới”.

Và tôi lại lên đường trở về thủ đô tạm thời của Pháp. Trong khi lái xe qua các vùng quê trong đêm tối, tôi cố tìm lý do làm cho G.Q.G ngần ngại. Linh cảm báo cho tôi biết rằng rồi ra Fuhrer phải đi tới quyết định hủy bỏ chiến dịch.

Trong khoảng thời gian vài ngày sau đó, chúng tôi nhiều lần được các chỉ thị, khi thì ra lệnh chấm dứt báo động, khi thì tái lập tình trạng báo động. Chúng tôi bắt đầu quá quen thuộc với các mệnh lệnh này. Khi tôi tuyên bố với các sĩ quan của Tiểu đoàn xung kích là theo ý tôi, chiến dịch sẽ không có, mối thất vọng sâu xa xuất hiện trên mọi nét mặt, rõ ràng là các quân nhân này mơ ước một chiến tích tương tự như vụ Gran Sasso.

Và thật thế, vào ngày 20 tháng 12 năm 1943, tôi nhận được lệnh bỏ cuộc và cho binh sĩ trở về. Lẽ dĩ nhiên, tất cả chúng tôi cùng có một ý nghĩ: nếu làm nhanh, thật nhanh, chúng tôi có thể còn thì giờ kiếm một giấy nghỉ phép Giáng sinh ngắn. 24 tiếng đồng hồ sau, tôi cùng với Đại đội về đến Paris và vừa đúng lúc đáp được chuyến tốc hành đi Bá-linh.

Chú thích

1- Xem "Những trận đánh lịch sử của Hitler", sách đã phát hành.

Bình luận

Nhiều nguồn thông tin hữu ích quá thanks bạn nhá ^_^  Đăng lúc 5-8-2013 09:05 PM
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

20#
 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 08:01:03 | Chỉ xem của tác giả
Chương XIV
Vũ khí bí mật

Khi trở lại Friedenthal tôi thấy các sĩ quan của tôi đã dấn thân vào các xô xát đầu tiên của một trận chiến tranh thật sự chống lại hệ thống thư lại tại cơ quan trung ương Waffen SS. Chiến tranh đã bùng nổ nhân khi thiết lập các hồ sơ “cấp số” và “vũ khí” – hồ sơ bắt buộc phải có đối với mỗi đơn vị - trong đó chúng tôi đã liệt kê tỉ mỉ nhu cầu. Với trí óc u mê của các chiến binh thuần túy chúng tôi tin là các yêu cầu sẽ được thỏa mãn hết. Cơ quan Trung ương báo cho chúng tôi biết là đề nghị được chấp thuận. Tràn trề hy vọng, chúng tôi nghiên cứu bản văn huấn lệnh chung cuộc, để thiết lập Tiểu đoàn khinh binh thứ 502 đặt dưới quyền chỉ huy của “chỉ huy trưởng các toán xung kích” Otto Skorzeny. Nhưng đến hàng chót của huấn lệnh chúng tôi giật nảy mình khi đọc: Tuy nhiên, cơ quan Trung ương Waffen SS đã minh xác rằng đơn vị sắp được tổ chức sẽ không thể đòi hỏi cung cấp vật liệu lẫn biệt phái nhân viên.

Thoạt tiên, chúng tôi không biết nên khóc hay cười. Sau đó một lúc, chúng tôi quyết định nhìn vụ này dưới khía cạnh thuần túy khôi hài, và tìm mọi cách để xoay ngược lối xếp đặt tai hại này: vét sạch các cơ xưởng mà không hề biết xấu hổ, và tuyển mộ người từ khắp các đơn vị của Lục quân. Cứ như thế, chúng tôi tập họp dần dần binh sĩ xuất thân từ đủ loại binh chủng: bộ binh, không quân, hải quân và Waffen SS, điều này, tuy vậy không ngăn cản được chúng tôi đào tạo một đơn vị hoàn toàn thuần nhất.

Đến tháng 2 năm 1944, lãnh vực thực sự của chúng tôi - các cuộc hành quân cảm tử - trở nên rộng lớn hơn vì có sự sáp nhập của một đơn vị mà công chúng vẫn gán cho một cái tên chế diễu "quân đội bí mật". Thoạt tiên tôi được lệnh phụ trách một khía cạnh đặc biệt của cuộc chiến đấu trên biển. Từ khi Bắc Ý, dưới sự lãnh đạo của ông Duce, chiến đấu trở lại cạnh chúng tôi, dây liên lạc giữa quân đội Đức và Ý lại được thắt chặt. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ đó, tôi được dịp nghiên cứu tại chỗ nỗ lực đáng kể của một trong những đơn vị ưu tú của Ý: Hải đội Mas Flottila thứ 10, lúc đó đặt dưới quyền chỉ huy của hoàng tử Borghese.

Đơn vị này đã hoàn thành nhiều "vũ khí thứ cấp" nhằm vào các cuộc đột kích chống hạm đội Đồng minh. Trong số các chiến cụ được mang ra trình bày với tôi, tôi đặc biệt chú trọng đến một loại khinh tốc đỉnh được nhồi đầy thuốc nổ, chỉ do một người duy nhất điều khiển; khi đến gần mục tiêu, tài công sẽ nhẩy xuống nước. Cũng trong cùng mục đích đó, người Ý còn xử dụng một loại thủy lôi kiểu đặc biệt do quân nhân mặc áo lặn điều khiển và như vậy, có thể mang theo các đầu đạn khổng lồ cho đến chiến hạm địch. Với các vũ khí này, cảm tử Ý, nhờ lòng can đảm vô biên, đã thực hiện thành công hai cuộc đột kích hấp dẫn nhắm vào các chiến hạm Đồng minh. Lần thứ nhất, trong cảng Alexandria, lần thứ hai trong vũng tàu đậu chính tại Gibraltar. Mặt khác, hải đội "Mas Flottila thứ 10" còn gồm một đơn vị người nhái, đó là những tay bơi lội kỳ lạ, họ lặn xuống nước bơi gần đến tầu địch, gắn các khối chất nổ vào hông tầu; họ mang các chân vịt bằng cao su, nhờ đó, có thể đạt được, trên cũng như dưới mặt nước, những tốc độ đáng kể bằng một sức cố gắng tối thiểu. Mang chân vịt loại này, một Đại úy Đức đã một mình đánh đắm được một thương thuyền 50.000 tấn của Đồng minh.

Một hôm, tôi nhận được lệnh tiếp xúc với phó Đô đốc Heye, Tư lệnh các đơn vị đặc biệt mà Hải quân Đức vừa thành lập. Do ý muốn của Himmler, những quân nhân ưu tú nhất của tiểu đoàn tôi phải tham dự khóa huấn luyện "cảm tử quân" này.

Những ý tưởng căn bản mà phó Đô đốc trình bầy đã làm tôi kinh ngạc. Ngoại trừ tiềm thủy đỉnh, tàu vớt mìn và khinh tốc đỉnh, hải quân Đức chưa đủ sức xuất hiện và chiến đấu với hạm đội Đồng minh trong những trận chiến có đội hình. Như vậy, hạm đội đã phải giữ tình trạng thụ động nếu không nói là hoàn toàn bất lực. Trong khi đó nhiều quân nhân hải quân đầy nhiệt tâm và ưa chiến đấu đã đòi hỏi sứ mạng mới. Để xử dụng các động năng quí giá này, phó Đô đốc Heye và cộng sự viên của ông đã làm việc cật lực để cung cấp cho những người này các vũ khí bí mật, đặc biệt hữu hiệu. Lẽ dĩ nhiên, họ lợi dụng được kinh nghiệm của người Ý trong cùng một lĩnh vực. Trước hết chúng tôi thử dùng tất cả những gì có sẵn. Tất cả chúng tôi đều biết là không nên phí thì giờ. Chiến tranh sắp chấm dứt. Do đó, các kỹ sư của Hải quân đề nghị dùng thủy lôi thường: người ta lấy chất nổ ra, gắn phía trước một nắp tròn bằng kính, trang bị một hệ thống định hướng, và kèm dưới bụng một thủy lôi thứ hai có chất nổ. Như vậy, loại thủy lôi do người điều khiển đã sẵn sàng để sử dụng với một tầm hoạt động thực hành vào khoảng 10 hải lý.

Chúng tôi ý thức được tính cách đơn sơ vả thiếu sót của những "tên mọi đen", danh hiệu mật mã để gọi thứ khí cụ này. Nhưng chúng tôi nhận thấy ngay là một lần nữa, có thể trông đợi vào yếu tố bất ngờ. Lần thử đầu tiên loại khí giới mới này đã mang lại cho chúng tôi thành công hoàn toàn. Vào lúc hừng đông của một ngày đẹp trời mùa hạ, 20 người thuộc "Đơn vị hải quân đặc biệt" đã hạ thủy các "tên mọi đen" nhắm về phía Bắc đầu cầu hải quân Đồng minh tại hải cảng Anzio. Trong vài phút, họ đến nơi, không bị phát giác và trông thấy mục tiêu, đó là một khu tập trung vô số chiến thuyền và thương thuyền. Bằng cần điều khiển, họ phóng ra các thủy lôi bên dưới, vài phút sau nhiều tiếng nổ kinh hồn vang lên ngay hạm đội địch: một tuần dương hạm bị thiệt hại nặng nề, một tàu phóng ngư lôi bị chìm, hơn 30.000 tấn thương thuyền bị chìm hoặc thiệt hại - đó là bảng kết toán của hành động do một số ít chiến sĩ gan dạ thực hiện. Bảy chiến sĩ trở về được ngay, mang theo khí cụ chuyên chở thủy lôi, sáu người khác lần được vào bờ bên trong đầu cầu Đồng minh, vượt qua khu vực địch quân suốt đêm và trở lại vị trí xuất phát. Bảy người còn lại đã hy sinh trong những lớp sóng dồn. Tiếp theo đó, các cuộc đột kích trong vùng biển Địa trung hải và biển Manche, cũng đem lại nhiều thành tích khác, mặc dù kém quan trọng hơn. Lẽ tất nhiên, địch quân nhận biết ngay các nắp kính của loại "thủy lôi biến chế", họ ý thức được rằng sự xuất hiện của chúng có nghĩa là mối nguy hiểm chết người. Ngay khi thám sát viên thấy một thủy lôi biến chế của chúng tôi, tất cả chiến thuyền địch đồng loạt khai hỏa các vũ khí phụ. Nhiều lần chúng tôi lừa được quân Anh, Mỹ: lúc gần sáng - phải cần gió thuận và thủy lưu thích hợp - chúng tôi thả các thủy lôi biến chế không mang theo gì cả để chúng nổi trên mặt nước. Mỗi lần như vậy, đối phương bắn ào ạt vào các mục tiêu vô hại đó. Nhờ kế "nghi binh" này, nhiều "tên mọi đen" thật, từ các hướng khác, có thể tiến gần mục tiêu và phóng các thủy lôi mang dưới bụng mà không bị phát giác.

Mặt khác, chúng tôi cũng sử dụng càng ngày càng nhiều loại ca-nô chứa đầy chất nổ - tên mật mã lả "thấu kính" - được điều khiển từ xa theo các nguyên tắc đã áp dụng cho loại chiến xa tí hon nổi tiếng "Goliath", chứa đầy chất nổ. Một sự sắp xếp khéo léo đã làm gia tăng rất đáng kể hiệu năng của các "thấu kính": đúng lúc chiếc ca nô chạm mục tiêu, khối chất nổ được thả ra, chìm xuống nước dọc theo hông tàu và chỉ phát nổ dưới một chiều sâu nào đó, lỗ hổng bị phá vỡ bên sườn luôn làm thiệt hại lớn lao cho chiến thuyền địch. Nhờ các "thấu kính", chúng tôi tổ chức được nhiều cuộc đột kích thành công tại Địa trung hải và nhất là để chống lại các cuộc tập trung hải lực của Đồng minh ở bờ biển Normandie. Về phần các tiềm thủy đỉnh bỏ túi, được người Nhật sử dụng lần đầu tiên, và người Anh sử dụng một lần duy nhất tại Thụy Điển, chúng tôi có nhiểu kiểu và xử dụng trong nhiều cuộc đột kích tốn kém. Cho đến khi chiến tranh chấm dứt, cơ sở kỹ thuật của hải quân còn cố gắng hoàn thiện loại khí giới này, tuy nhiên kết quả là không làm cho hữu hiệu hơn và đặc thù hơn (được?).

Ngay từ mùa xuân 1944, chúng tôi đã tự hỏi cuộc đổ bộ sắp đến của Đồng minh lên phía Tây Âu châu sẽ xẩy ra tại địa điểm nào. Chúng tôi biết sẽ có cuộc đổ bộ và chúng tôi cảm thấy nó gần kề rồi. Vào tháng năm, tôi có dịp xem các không ảnh những hải cảng phía Tây nam Anh quốc, và cũng giống như mọi người, tôi điên đầu đoán không ra ý nghĩa của những khối mầu xám hình chữ nhật, neo suốt dọc các bến tầu. Mãi về sau, chúng tôi mới biết đó là các bộ phận tiền chế của một hải cảng nhân tạo dành cho cuộc đổ bộ sắp đến.

Cũng vào thời kỳ đó, chúng tôi cũng đã bắt đầu tự hỏi làm thế nào để đóng góp vào sự khuấy phá các đợt đổ quân tăng cường và các sự sắp xếp vị trí lực lượng của Đồng minh, vài ngày sau cuộc đổ bộ: Trước hết tôi được Bộ tư lệnh Hải quân thông báo mật các địa điểm mà hải quân suy đoán là có thể mở cuộc đổ bộ. Trên một danh sách gồm 10 địa điểm chạy từ bán đảo Contentin, Cherbourg được ghi hàng đầu như là địa điểm có thể có cuộc đổ bộ; tôi cũng khám phá thấy ở đó có những chỉ dẫn về bờ biển, bãi cát, có thể cho phép một cuộc đổ bộ của Đồng minh. Căn cứ trên danh sách này, chúng tôi hoạch định một kế hoạch đặc biệt, thích ứng với điều kiện đặc thù của 10 địa điểm ấy. Chúng tôi đã đề nghị di chuyển ngay vài "Đơn vị hải quân đặc biệt" đến dãy bờ biển này để chuẩn bị các cuộc hành quân chống các trung tâm truyển tin và chỉ huy của địch. Chúng tôi dự liệu chôn trước các khối chất nổ và khi cần, điều khiển cho nổ từ xa bằng máy vô tuyến, một kiểu mới vẫn được gắn trên phi cơ của chúng tôi.

Lẽ tất nhiên chúng tôi phải trình kế hoạch và phải được sự chấp thuận của Bộ tư lệnh quân đội Đức tại chiến trường miền Tây. Sau nhiều lần yêu cầu trả lời, chúng tôi được các công sở bị công việc tràn ngập hoàn toàn, trả lời như sau: Trên nguyên tắc, kế hoạch do các chuyên viên của đơn vị cảm tử thuộc quyền Thiếu tá Skorzeny thiết lập, đã dựa trên các ước tính tình hình rất đúng và kế hoạch đó có thể thực hiện được. Thế nhưng - cũng giống như mọi khi, bao giờ cũng có chữ nhưng - chúng tôi không thể cấp các phương tiện cần thiết vì như thế sẽ làm cho các đơn vị quân đội Đức đồn trú dọc theo bờ biển chú ý. Tất cả các biện pháp loại này, nếu được thi hành, sẽ gây hậu quả làm mất niềm tin của quân sĩ và làm cho bức tường Đại tây dương trở nên tuyệt đối tầm thường. Vì lý do đó, chúng tôi buộc lòng phải bác bỏ toàn bộ kế hoạch nói trên. Ký tên không rõ (như thường lệ) - Không còn bình luận gì được nữa.

Lẽ tự nhiên, chúng tôi cũng đã thử sáng tạo các loại vũ khí mới trong lĩnh vực hàng không. Từ ít lâu nay, phi đoàn chiến đấu thứ 200 đã có nhiều kinh nghiệm. Một vài phi công cũng đã nghĩ đến các cuộc hành quân tự sát, nghĩa là đề nghị tình nguyện lao cùng phi cơ chứa đầy bom và chất nổ xuống mục tiêu chỉ định, thông thường là các chiến hạm. Nhưng hình như Fuhrer đã bác bỏ vì các lý do triết lý: thật vậy, theo ông sự hy sinh đó không tương ứng, vừa với tính cách dân da trắng, vừa với tâm tính của dân tộc Đức. Theo ý ông, chúng tôi không nên bắt chước các quân nhân tình nguyện đi tìm cái chết của Nhật bản.

Một vài tuần trước cuộc đổ bộ của Đồng minh, tôi có dịp làm quen với nữ phi công Hanna Reitsch và cuộc tiếp xúc đầu tiên này đã mở cho tôi những chân trời mới lạ. Với một vẻ điềm tĩnh kỳ lạ nơi một phụ nữ mảnh mai, trước hết cô bảo với tôi rằng một người yêu nước thật sự không nên đánh giá quá cao mạng sống của mình khi số phận đất nước bị đe dọa, tiếp theo đó cô giải thích những ý nghĩ thầm kín của cô, có lẽ những biến chuyển sẽ dồn dập xảy đến một cách bi thảm khiến chúng ta bắt buộc phải kêu gọi những người "tình nguyện đi tìm cái chết". Nhưng trong viễn cảnh đó, bổn phận của chúng ta là tìm cách tối thiểu giúp các phi công thoát thân. Về điểm này có lẽ Hanna Reitsch có lý: tôi có thể nhận thấy sau đó niềm phấn khởi và tinh thần hăng hái của các quân nhân tình nguyện gia tăng gấp đôi ngay sau khi người ta thông báo một cơ may, dù rất nhỏ, có thể trở về bình an vô sự.

Vài ngày sau cuộc tiếp xúc đó, tôi được phép viếng thăm một địa điểm thí nghiệm các vũ khí bí mật "V" tại Peenemunde trên đảo Usedom, trong biển Batique. Hiện tại, tôi nghĩ rằng viên kỹ sư hướng dẫn tôi lúc đó chưa chỉ cho tôi xem tất cả, bởi vì vào thời kỳ này, người ta đang thí nghiệm "một vũ khí trả đũa". Ngược lại, tôi được phép nghiên cứu thật kỹ một chiếc V1 và tham dự cuộc phóng một trong những hỏa tiễn này. Đúng lúc đó tôi có ý tưởng làm thử, với trái bom bay này, những gì chúng tôi đã thực hiện với loại thủy lôi của hải quân: nghĩa là dùng một người lái hỏa tiễn.

Sau nhiều cuộc thảo luận dằng dai với các cấp chỉ huy và chuyên viên bộ Không lực, tôi thành công bằng cách nhấn mạnh rằng Fuhrer muốn bắt đầu ngay các cuộc thí nghiệm và phải thông báo cho ông kết quả cuộc thí nghiệm ngay lập tức. Thật ra, cái được gọi là ý muốn của Fuhrer chỉ là chuyện do tôi bịa đặt. Tuy nhiên, mưu kế của tôi đã quét sạch các chống đối của những ông này - lạ hơn nữa là trước đó mấy tháng, Hanna Reitsch cũng có ý tưởng như tôi, nhưng đã thất bại hoàn toàn trước sức đề kháng mãnh liệt của đám thư lại. Người ta cung cấp cho tôi địa điểm, máy móc, kỹ sư, cơ khí viên mà tôi cần. Và 15 ngày sau - một thời gian kỷ lục - các cuộc thí nghiệm đầu tiên khởi sự.

Một chiếc V1, do một phi công lái, được móc vào bụng một chiếc Henkel 111 như một cọng rơm. Đến độ cao chừng 1000 thước, chiếc V1 tách rời ra và bằng tốc độ 600 cây số một giờ đã bỏ chiếc Henkel to lớn với tốc độ 300km/giờ lại đằng sau như đứng yên trên không. Viên phi công lượn vài vòng lớn, rồi giảm tốc độ và tìm cách đáp xuống. Lần đầu tiên, anh ta bay ngược gió dọc theo chiều dài của phi đạo, và cách mặt đất 50 thước.

- Lạy trời, - chúng tôi thầm thì. - Hắn ta chưa giảm đủ tốc độ - miễn sao cho mọi sự êm xuôi.

Viên phi công lượn vòng và đáp xuống lần thứ nhì. Lần này, hình như anh ta muốn đáp thật, chiếc V1 gần như chạm mặt đất, chỉ cách hai hay ba thước. Nhưng không - có lẽ anh ta thay đổi ý định vào phút chót. Đáng lẽ đáp xuống, anh ta bay lên lại, từ từ và lượn một vòng thứ ba, trở lại trên phi đạo và rồi biến cố đã xẩy đến: anh ta vẫn chưa đáp được xuống mặt đất, cố thử, tiến đến đầu phi đạo, nhảy lên một ngọn đồi - chúng tôi còn thấy bụng của nó chạm ngọn cây, trước khi nó biến mất sau đỉnh đồi. Một lúc sau, hai cột bụi mù bốc cao báo hiệu tai nạn đã xẩy ra.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách