Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: alice2000phuong
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Lịch Sử - Xuất Bản] Hitler Và Những Sứ Mạng Bí Mật Của Skorzeny | Otto Skorzeny (hoàn)

[Lấy địa chỉ]
21#
 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 08:02:57 | Chỉ xem của tác giả
Chương XIV
(tiếp theo)

Cùng với hai y tá, tôi nhẩy lên một thiết vận xa và đi sâu vào cánh đồng hướng về phía chiếc V1 bị rơi. Từ xa chúng tôi đã thấy các mảnh vụn của chiếc V1, nơi này một cánh, nơi kia một cánh, ở giữa là động cơ, may thay không bị cháy. Cách đó mười thước, viên phi công nằm co quắp - anh ta cử động cánh tay một cách yếu ớt. Trước khi bị bể tan, anh ta đã đẩy được nắp kính và bắn ra ngoài. Lúc đó anh ta không thể nói gì và được chúng tôi đưa về bệnh viện. Chúng tôi thử tìm cách giải thích tai nạn bằng cách nghiên cứu luống đất bị cày thật sâu. Theo chỗ chúng tôi biết, viên phi công có ý định đáp trong cánh đồng. Nhưng tại sao?

Các chuyên viên kỹ thuật mất công mò mẫm, dò xét từng mảnh kim khí, họ không khám phá được điều gì có thể giúp chúng tôi vén màn bí mật. Hôm sau chúng tôi thử lại với một phi công khác. Mọi chuyện đều giống y như chuyến bay thử đầu tiên: chiếc V1 tách khỏi phi cơ mẹ, lần này viên phi công lượn thêm vài vòng và tìm cách đáp, nhưng không chạm được phi đạo và bị bể tan gần như cùng một chỗ cũ. Phi công lại bị thương nặng và cũng không nói được. Hanna Reitsch tỏ ra rất rầu rĩ. Chúng tôi biết sau hai lần thất bại vừa qua, cơ sở kỹ thuật sẽ cấm, dù là tạm thời, theo đuổi cuộc thí nghiệm. Hôm sau nữa, các phi công đã khá hơn và có thể nói chuyện được. Họ nói lờ mờ về sự rung chuyển cần lái, nhưng họ không cho chúng tôi các lời giải thích nào có giá trị về nguyên nhân của hai tai nạn giống nhau.

Nhưng vài ngày sau, Hanna Reitsch đến thăm tôi cùng với viên kỹ sư phụ trách chế tạo chiếc V1 biến cải và một kỹ sư của Bộ Không quân. Trước vẻ ngạc nhiên của tôi – tôi chờ được báo tin là ý định của mình bị vĩnh viễn xếp vào loại “ đề nghị lố lăng” – Hanna tuyên bố đã tìm được nguyên nhân của các tai nạn. Tại văn phòng nhân viên trung ương, cô đã tham khảo các phiếu lý lịch cá nhân của hai viên phi công bay thử, và khám phá ra rằng cả hai chưa hề có cơ hội lái loại phi cơ bay mau như thế. Chắc chắn phải có một số kinh nghiệm nào đó mới chế ngự được một loại máy bay nhỏ với tốc độ lớn như vậy. Hiện tại, Hanna Reitsch và hai viên kỹ sư đều cho rằng Bộ Không quân đã sai lầm khi kết luận nguyên nhân của hai tai nạn trên là sự sơ sót trong khi chế tạo. Để chứng minh lòng tin tuyệt đối của họ vào chiếc V1 có thể lái được của tôi, cả ba người đề nghị sẵn sàng bay thử trên những chiếc sắp được chế tạo xong. Đề nghị thật quyến rũ – tuy nhiên còn có vấn đề nan giải: lệnh cấm tiếp tục các cuộc thí nghiệm. Tôi biết rằng Bộ Không quân sẽ không nhượng bộ. Nhưng Hanna Reitsch và hai viên kỹ sư đã bị dự án của tôi quyến rũ rõ rệt, lệnh cấm đối với họ không quan trọng mấy; họ bất cần, miễn là được tôi chấp nhận. Tôi bối rối, làm sao đây?

- Cô hãy nghe tôi, Hanna, - tôi bảo, - nếu có chuyện gì xảy ra cho cô, chính Fuhrer sẽ cắt đầu tôi.

Nhưng họ vẫn nài nỉ, với tất cả nhiệt tình, và tôi bắt đầu thấy mềm lòng. Hanna biết cách khéo léo tìm chỗ yếu của tôi, nhất là bằng cách kêu gọi ý thức bổn phận của tôi, và gợi câu thành ngữ cổ điển: một quân nhân chân chính có lúc phải nhận trách nhiệm trái lệnh thượng cấp. Cuối cùng tôi đành nhượng bộ, miễn cưỡng. Chúng tôi hy vọng “nắm” được viên chỉ huy phi trường bằng cách bảo rằng Bộ Không quân đã cho phép miệng tiếp tục các cuộc thí nghiệm.

Hôm sau, khi Hanna Reitsch khép chặt nắp kính trên chiếc V1, tim tôi đập dữ. Tuy nhiên, mọi chuyện xảy ra rất tốt đẹp: ngay khi chiếc V1 tách khỏi phi cơ mẹ, Hanna biểu diễn vài vòng lượn bay bướm, và rồi cô tiến gần phi đạo với một tốc độ điên cuồng. Mồ hôi lạnh chảy dọc sống lưng tôi – chiếc V1 chạm đất, một đám bụi bốc cao, và chạy cho đến cuối phi đạo. Chúng tôi chạy nhào đến và vui sướng giúp đưa ra khỏi phi cơ một phụ nữ rạng rỡ vì hài lòng.

- Quả thật cừ khôi, - cô nói, vẻ hân hoan rõ rệt.

Tiếp theo đó, đến phiên hai kỹ sư thử loại máy bay của tôi. Bộ ba đã thực hiện tất cả 20 chuyến bay thử và cả 20 lần đáp đều thành công. Không còn nghi ngờ gì nữa – kỹ thuật chế tạo rất hoàn hảo.

Buổi chiều, khi tôi báo cáo lên Thống chế không quân Milch, ông ta tái mặt.

- Hành động điên cuồng này đáng đưa anh ra pháp trường, - ông tuyên bố giọng bi thảm mà không ý thức rằng điều tiên tri đen tối này đã đến hơi chậm.

Tuy nhiên tôi cũng xin được ông cho phép tiếp tục các cuộc thí nghiệm và bắt đầu đào tạo phi công. Ngày hôm sau, cơ xưởng của chúng tôi bắt đầu chế tạo máy bay hàng loạt, một vài chiếc đầu được dùng để thí nghiệm và hoàn thiện thêm, sau cùng, phi cơ sẵn sàng để chiến đấu. Trong khi chờ đợi, tôi chọn lựa 30 cựu phi công trong số người thuộc “đơn vị đặc biệt” của tôi, bên cạnh đó, Không quân phái cho tôi 60 phi công tình nguyện và họ mới vừa đến Friedenthal – chúng tôi có thể bắt tay vào việc được rồi.

Tôi đã yêu cầu cơ quan phụ trách nhiên liệu của Bộ Không quân cung cấp 5 thước khối xăng cho mỗi chiếc phi cơ của tôi. Thế mà không ngờ rằng chúng tôi đã không đủ lý lẽ để vượt qua trở ngại này. Nhiều tuần lễ trôi qua, một lần chúng tôi nhận được 10 rồi 15 thước khối. Nhưng đợt cung cấp qui mô như đã được hứa thì vẫn chưa thấy đến. Tôi chạy từ văn phòng này đến văn phòng kia mòn gót giày, khắp nơi tôi chỉ nhận được các lời hứa hẹn mơ hồ hoặc là các lời từ chối vì bất lực. Mùa thu năm 1944, tôi bỏ rơi dự án. Như thế công trình kỹ thuật và ngay cả công cuộc chuẩn bị chiến thuật của chúng tôi đã trở thành vô ích. Chúng tôi còn dự trù phóng một chiếc V1 gắn vào giữa một chùm phi đạn không người lái, làm cho chiếc V1 này như chìm trong một khối. Hiện tại, không nên nghĩ đến điều đó nữa. Tôi chỉ còn giữ lại các phi công Không quân biệt phái, và tôi có thể nói rằng, dù bị coi như là “thấp hèn”, họ vẫn thi hành phận sự cho đến phút cuối cùng.

Vào đầu mùa đông năm 1944, tôi lại có cơ hội, nếu không phải là để phụ trách khai thác khả năng của V1 thì ít ra cũng là để bàn luận đến nó. Được gọi đến bản doanh của Himmler để minh xác một vài chi tiết liên quan đến vai trò của tôi trong cuộc phản công tại vùng Ardennes, và do lời yêu cầu của ông ta, tôi cũng đã trình bày tình trạng nghiên cứu khoa học của các chuyên gia kỹ thuật thuộc Không và Hải quân trong việc phát triển các vũ khí bí mật. Khi tôi trình bày rằng hiện người ta đang nghiên cứu khả năng phóng một hỏa tiễn V1 từ một tiềm thủy đỉnh, Himmler đứng bật ngay dậy, tiến về phía một bản đồ thế giới vĩ đại đặt gần bàn giấy và ngắm nghía thật lâu.

- Vậy thì ta có thể tiên liệu một cuộc oanh kích vào New York bằng V1? - Ông hỏi.

- Chắc chắn như vậy, ít ra là về lý thuyết. Nếu các kỹ sư có thể chế tạo một giàn phòng ráp nối dễ dàng và mau lẹ trên sân một tiềm thủy đỉnh lớn, loại tiếp liệu…

Himmler, luôn luôn là người có các quyết định đột ngột, ngắt lời tôi:

- Tôi sẽ nói ngay việc này với Fuhrer và Thủy sư Đô Đốc Doenitz. Trong một tương lai gần, New York phải bị V1 của ta oanh kích. Phần anh, Skorzeny, tôi yêu cầu anh tích cực đẩy mạnh hoạt động của các cơ sở kỹ thuật để cho sự phối hợp V1 và tiềm thủy đỉnh được hoàn tất sớm chừng nào tốt chừng đó.

Thành thật mà nói, tôi không bao giờ chờ đợi một niềm phấn khởi tức thời như vậy, vì nhiều lý do, tôi tính rằng ông Reichsfuhrer SS đã có một quan niệm sai lầm về vấn đề này. Mặt khác, tôi tò mò muốn biết quan niệm của hai người khác có mặt trong cuộc tiếp xúc – Bộ trưởng Kaltenbrunner và vị chỉ huy cũ của tôi, Schellenberg, nay đã trở thành người lãnh đạo tất cả các cơ sở an ninh tình báo của Đức, từ khi Canaris bị thất sủng. Thế nhưng ông thứ nhứt giữ hoàn toàn im lặng, ông thứ hai chỉ gật gật đầu tán đồng, không những lúc Himmler nhìn ông mà cả khi ông Reichsfuhrer SS quay lưng lại. Tôi biết rằng ông ta luôn luôn lo âu tránh né một sự phát biểu quan điểm rõ rệt trước khi được biết rõ lập trường của cấp chỉ huy. Ông ta gọi thái độ thiếu can đảm này là “sự tế nhị ngoại giao”. Trong thực tế, bằng cách hành động như vậy, không bao giờ ông ta bị lầm lỗi. Mặc kệ - nếu các ông này sợ liên minh, tôi liều:

- Thưa Reichsfuhrer, tôi bắt buộc xin ông lưu ý đến mức độ chính xác chưa đầy đủ của loại V1. Như ông đã biết, bộ phận định hướng gắn ở đầu mũi phi đạn phải được điều chỉnh mỗi lần trước khi phóng – trong khi bay, ta chưa có thể sửa hướng đi của phi đạn. Lúc này mức độ chính xác của V1 chỉ được thể hiện trong vòng 8km, nghĩa là phi đạn sẽ rơi vào một nơi nào đó trong một vòng bán kính 8km chung quanh mục tiêu. Tầm sai lạc còn lớn hơn nếu phi đạn được phi cơ phóng đi, chẳng hạn do một chiếc Henkel 111 – chúng ta hiện phóng các bom bay qua Anh quốc trong những điều kiện như thế; phi cơ của chúng ta cất cánh tại các căn cứ của ta ở Hòa-Lan.

Có lẽ sự lạc hướng sẽ còn lớn hơn nếu V1 được phóng từ một tiềm thủy đỉnh. Ngoài việc không thể định hướng trên mặt biển phẳng lặng, vào ban đêm, sức nhắm rất ít, còn phải kể thêm sự tròng trành lắc lư của tiềm thủy đỉnh: nếu chú ý rằng gia tốc không đáng kể của phi đạn trong khi trượt trên giàn phóng, một động tác nhỏ của tiềm thủy đỉnh sẽ đóng vai trò kinh khủng. Tóm lại, cũng không chắc là phi đạn có rơi được vào thành phố hay không dù là thành phố rất lớn.

Được khích lệ bởi sự im lặng của Himmler, tôi trình bày tiếp:

- Và chưa phải là hết: không lực không dám bảo đảm cho các tiềm thủy đỉnh tham dự chiến dịch, một sự che chở trên không phận địa điểm phóng phi đạn. Theo tin tình báo, bờ biển phía đông Hoa Kỳ được canh phòng quá chặt chẽ bằng các đợt tuần tiễu trên không phận và bằng một hệ thống trạm ra đa cực kỳ chặt chẽ.

Tôi có cảm tưởng Himmler không hề chú ý đến lời tôi nói, có vẻ như đang theo đuổi ý nghĩ riêng, bởi vì, thình lình ông dừng lại trước mặt tôi.

- Tôi tin rằng, - ông tuyên bố, - đây là một khả năng mới, hơn thế nữa, là cơ hội tuyệt diệu để tạo ảnh hưởng quyết định trong chiều hướng của cuộc chiến. Đây là lúc đến phiên dân Mỹ trực tiếp cảm thức hậu quả của các cuộc oanh tạc ngay trên đất nhà của họ. Cho đến nay dân Mỹ tin rằng họ tránh được tất cả mọi cuộc tấn công – Xứ sở của họ ở quá xa chiến trường. Theo ý tôi sự xúc động do một cuộc oanh kích New York tạo ra sẽ làm giảm lập tức tinh thần dân Mỹ. Đám dân đó không bao giờ chịu đựng nổi thử thách căng thằng thần kinh do bom bay tạo ra. Vả chăng tôi luôn luôn tin rằng dân Mỹ không có khả năng chống đỡ các đòn trực tiếp nhất là khi họ không chờ đợi điều đó.

Tôi thật không rõ ý nghĩ của người khác đối với lời khẳng quyết này, nhưng phần tôi, tôi vẫn hoài nghi. Chắc chắn tôi không có gì chống đối một cuộc không tập các thành phố Mỹ - Sự triệt hạ càng ngày càng dữ dội các thành phố của chúng tôi, số lượng nhà cửa sụp đổ điêu tàn, số người thương vong càng ngày càng lớn đủ biện minh cho ý muốn trả đũa của chúng tôi rồi. Nhưng tôi sợ rằng hiệu quả tâm lý mà V1 tạo ra trong dân chúng Mỹ sẽ hoàn toàn trái ngược với ước đoán của Himmler, và vì những người khác vẫn giữ thái độ câm nín, tôi liều một lần nữa:

- Thưa Reichsfuhrer, tôi tin rằng một chiến dịch như vậy e sẽ mang lại hậu quả trái ngược. Chính quyền Mỹ đã đặt nền tảng của hệ thống tuyên truyền trên khẩu hiệu: Đức quốc đe dọa an ninh của chúng ta. Đến nay nếu New York bị V1 oanh kích, dân Mỹ sẽ thấy rằng mối đe dọa đó là có thật. Mà trong tập thể dân chúng Mỹ, thành phần gốc Anh chiếm đa số. Và dân Anh đã cho chúng ta thấy, đến lúc tổ quốc lâm nguy, khả năng đề kháng của họ lên cao không ngờ.

Thấy Himmler tỏ vẻ chăm chú nghe, tôi bạo dạn hơn:

- Nhờ phi đạn V1, ta có thể giáng một đòn khủng khiếp vào tâm lý dân Mỹ, nhưng với điều kiện là phóng thật trúng vài đầu đạn vào một vài đích định trước. Theo ý tôi, mục tiêu phải đạt được sẽ như sau: Đài phát thanh Đức sẽ loan báo một ngày và nếu có thể, một giờ trước rằng một tòa nhà nào đó phải được xác định rõ, nằm trong trung tâm New York sẽ bị V1 phá hủy. Đó mới là một đòn chí tử - hiểu theo cả hai nghĩa: vật chất và nhất là tinh thần.

Vì Himmler có vẻ thích thú, tôi trình bày vắn tắt tình hình nghiên cứu của các nhà bác học nhằm gia tăng độ chính xác của V1. Vào thời đó, công việc được tổ chức theo hai chiều hướng: một mặt, người ta tìm cách hoàn thiện một bộ phận đính hướng bằng làn sóng Hertz – bộ phận này sẽ cho phép thay đổi hướng bay lúc phi đạn đang bay. Các máy phát sóng điều khiển sẽ được đặt gần địa điểm phóng phi đạn. Mặt khác, người ta thí nghiệm biến cải nguyên tắc đó: bộ phận định hướng sẽ được điều khiển bởi máy phát sóng đặt gần mục tiêu và chỉ tác động trong vài phút. Mặc dù sự biến cải này có vẻ dễ thực hiện, chúng tôi vẫn vấp phải hai khó khăn, một, có tánh cách kỹ thuật – vấn đề sức mạnh của máy phát sóng – và một có tánh cách thực hành: làm sao chúng tôi có thể đặt máy vào chỗ thích hợp cho đúng lúc? Nhiệm vụ này chỉ có thể giao cho các điệp viên; thế nhưng cho đến nay chúng tôi không đánh lừa nổi màn lưới phản gián của Mỹ. Mới đây, vài nhân viên của tôi đã đổ bộ bằng tiềm thủy đỉnh lên bờ Đại Tây Dương của Hoa Kỳ, họ bị bắt tức khắc.

Vẻ ưu tư, Himmler lắng nghe tôi, mắt vẫn không rời khối lục địa Bắc Mỹ nặng nề trên bản đồ thế giới. Sau cùng ông thừa nhận, với vẻ tiếc rẻ rõ ràng, lúc này một cuộc oanh tạc New York bằng phi đạn V1 còn khó khăn quá và mạo hiểm quá. Dầu vậy, không muốn rút lại lệnh đẩy mạnh công cuộc chuẩn bị, ông chỉ yêu cầu tôi thông báo các kết quả đạt được và nhất là các khám phá mới mà các nhà bác học có thể thực hiện trong lãnh vực đang bàn luận. Rồi câu chuyện xoay qua một đề tài khác.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

22#
 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 08:05:54 | Chỉ xem của tác giả
Chương XV
Quá nhiều dự án tốt đẹp

Tại căn cứ Friedenthal, chúng tôi làm việc cực lực. Chắc chắn chúng tôi phải sử dụng đến một nửa thì giờ và năng lực để lâm chiến không ngừng chống lại các bàn giấy tràn ngập giấy tờ và các công sở vẫn so đo nhỏ giọt vật liệu và nhân viên của chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi vẫn có đủ thì giờ để suy tưởng và thiết lập các kế hoạch vĩ đại. Chúng tôi bị kích thích nhiều nhất khi nghiên cứu hồ sơ khổng lồ chứa đựng tất cả các chi tiết về chiến dịch của các cảm tử quân trứ danh dưới quyền Lord Mountbatten. Đây là một cuộc nghiên cứu bổ ích mặc dù có vẻ nản chí. Chúng tôi tái mặt ghen tức khi thấy các cấp chỉ huy cảm tử quân Anh được sử dụng những phương tiện vô giới hạn. Họ có thể tự ý ghi vào các kế hoạch sự yểm trợ bằng tuần dương hạm, tàu phóng ngư lôi, tiềm thủy đỉnh, đó là không nói đến sự hợp tác cố định của nhiều phi đoàn không quân với đủ loại phi cơ tân tiến. Ngược lại, chúng tôi quá nghèo nàn, nghèo dễ sợ và không tưởng tượng được. Chưa bao giờ chúng tôi nhận được “sự sẵn sàng” một chiến hạm nào đó của Hải quân, và phi đoàn 200 chiến đấu phải vật lộn để có từng chiếc phi cơ. Tôi có thể kể một thí dụ: Phi đoàn chỉ có vỏn vẹn 3 chiếc Junker 290, loại phi cơ có tầm hoạt động xa.

Vả chăng, phải thẳng thắn mà nói rằng ưu thế của quân cảm tử Anh không phải chỉ có tính cách vật chất: Mountbatten biết cách chọn mục tiêu, và mỗi lần ra tay, ông đều đạt tới đích. Khi thì tấn công và phá huỷ một xưởng lọc dầu cá nằm trên một hòn đảo thuộc Thụy Điển, lúc khác, một chiến dịch được quan niệm tuyệt vời, dựa vào đó, quân Anh tiến chiếm một đài Ra đa do Đức vừa thiết lập trên bờ biển nước Pháp gần Dieppe; hoặc giả là một cuộc đột kích nhắm vào bản doanh của tướng Rommel tại Phi châu - hoạt động này đã thất bại, nhưng chỉ vì một sự tình cờ, có lẽ do một tin tình báo thiếu chính xác, quân Anh đã tấn công vào các cơ sở quân nhu.

Tuy nhiên phía Đồng minh cũng có nhiều điểm tầm thường nhất là trong một khu vực rộng lớn do họ kiểm soát tại Trung Đông. Chúng tôi quyết định khai thác và tấn công vào các chỗ yếu đó. Mặc dù tình hình đã trở nên nguy ngập đối với quân đội Đức, chúng tôi vẫn khích động bởi niềm phấn khởi - nếu không nói là niềm lạc quan - đến nỗi nhiều khi dành tuần này qua tuần khác để thiết lập kế hoạch, chuẩn bị cho chiến dịch nhưng sau cùng lại chịu thất bại, mà luôn luôn vì mỗi một lý do: vấn đề chuyên chở.

Vì không thể tìm đủ số phi cơ Junker 290, loại phi cơ Đức độc nhất có tầm hoạt động xa và chắc - loại Henkel 117, theo các chuyên gia, chỉ là một sản phẩm hư hỏng – chúng tôi phải xoay trở khắc phục khó khăn. Tại sao chúng tôi không sử dụng một lần nữa dụng cụ mà quân địch đã cung cấp cho chúng tôi? Chúng tôi nghĩ là có thể sửa chữa lại một vài chiếc phi cơ 4 máy của Hoa Kỳ mà trước đây đã bị bắt buộc đáp xuống Đức hay các khu vực do Đức kiểm soát. Dự định của tôi đã làm cho Bộ Tham Mưu Không quân thích thú. Nha vật liệu hứa sẽ thành lập ngay toán chuyên viên có nhiệm vụ thu hồi và sửa chữa các “pháo đài bay” đó. Tiếc thay công việc này tiến hành quá chậm. Mãi đến cuối mùa thu 1944, tôi mới được thông báo rằng 6 chiếc đã sẵn sàng. Vài ngày sau, một tin tức khác đã dập tắt hoàn toàn nguồn hy vọng của chúng tôi: trong một trận oanh tạc nặng nề, cả 6 chiếc đều bị tiêu huỷ. Tất cả lại trở về với số không.

Trong khi chờ đợi - một cách vô ích - sửa chữa phi cơ, chúng tôi phải giải quyết hai vấn đề khác do kế hoạch hành động đặt ra. Trước hết là vấn đề đáp gần mục tiêu. Vì gần như chắc chắn rằng không thể tìm đâu ra chỗ có thể chịu đựng được sức nặng của các con khủng long đó, chúng tôi dự tính dùng một phương cách khác: chiếc phi cơ 4 máy sẽ kéo một số máy lượn, loại này đáp ở đâu cũng được. Khốn thay, các máy lượn của chúng tôi chỉ chịu đựng được tốc độ tối đa 250 cây số/ giờ, trong khi đó tốc độ của phi cơ Mỹ trung bình là từ 350 đến 450 cây số/ giờ. Chính nhờ giáo sư Georgi, bạn thân của Hanna Reitsch, chúng tôi mới vượt qua được trở ngại này. Giáo sư đã chế tạo một loại máy lượn chịu được tốc độ đó và chở được 12 người với đầy đủ trang bị.

Vấn đề thứ hai, trầm trọng hơn, đó là việc đưa người của chúng tôi trở về. Thoạt nhìn, các cảm tử quân sau khi hoàn thành sứ mạng, chỉ có hai cách: hoặc là họ đầu hàng quân địch và chờ chiến tranh chấm dứt trong một trại tù binh, hoặc là tìm cách trở về phòng tuyến bạn, điều này có nghĩa là phải vượt hàng trăm cây số - ý định táo bạo quá nếu không nói là tuyệt vọng quá. Thế mà tôi vẫn tin rằng muốn cho họ hăng hái hơn, chiến đấu say sưa hơn, phải đảm bảo một sự may mắn được trở về. Làm sao cho họ sự may mắn đó? Lẽ tự nhiên ý tưởng của tôi là sẽ dùng phi cơ kéo các chiếc máy lượn mang theo quân cảm tử trở về.

Các kỹ sư hàng không bèn tìm cách giải quyết khó khăn này. Tại phi trường Ainring, họ đang thử nhiều cách giúp một phi cơ kéo một chiếc máy lượn chở nặng mà không cần đáp xuống đất. Sau nhiều lần thí nghiệm có cả tôi chứng kiến, chúng tôi thấy chỉ có một cách xếp đặt có thể áp dụng được: dây cáp của máy lượn sẽ trải dưới đất nhờ các cột sắp xếp theo hình bình hành, ở một đầu, dây sẽ treo trên một cột cao chừng ba thước. Một chiếc móc đặc biệt, do phi cơ bay là là và thả xuống, sẽ móc vào điểm này và kéo chiếc máy lượn lên cao.

Lần thí nghiệm đầu tiên, với loại máy lượn nhẹ, có kết quả khích lệ. Nhưng để áp dụng kỹ thuật đó với loại máy lượn to lớn nặng nề hơn, chúng tôi cần điều chỉnh lại. Nghĩa là cần thì giờ và xăng nhớt thêm, mà cả hai thứ, chúng tôi đều hoàn toàn thiếu hụt. Tình trạng này càng ngày càng nghiêm trọng đưa đến đổ vỡ hoàn toàn.

Tôi thường tự hỏi tại sao tại Đức, các cuộc thí nghiệm kiểu này chỉ được thực hiện vào phút chót, vào lúc nguy kịch nhất, khiến cho chúng tôi không còn đủ thì giờ hoàn thiện các sáng kiến và phương pháp mới được nữa. Hiện tại tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời thoả đáng cho cái “quá chậm” tai hại mà tôi thường phải đương đầu trong những năm cuối cùng của cuộc chiến.

Bên cạnh đó, phe Đồng minh cũng thực hiện các cuộc thí nghiệm tương tự, tuy nhiên điểm khác biệt là luôn luôn họ đạt tới các kết quả thực dụng. Họ lại còn chứng tỏ hiệu năng của các phương pháp áp dụng trong vụ đưa nguyên cả một phi đoàn máy lượn hạ cánh sau phòng tuyến của chúng tôi tại Arnhem ngày 17 tháng 9 năm 1944 (1). Từ cuộc hành quân vĩ đại đó, tôi luôn luôn run sợ trước ý nghĩ Đồng minh có thể không vận hàng Sư đoàn cho đến ven thành phố Bá linh là nơi vẫn tập trung tất cả cơ quan lãnh đạo kể cả Tổng Hành Dinh của Fuhrer. Với một cuộc tấn công chớp nhoáng, các đơn vị này chắc chắn có thể chiếm toàn bộ cơ sở đầu não của quân lực Đức. Có lẽ chỉ vì các lý do chính trị mà Anh Mỹ chưa thực hiện một cuộc đổ bộ bằng đường hàng không như thế. Dầu sao, đối với quân cảm tử Anh và đối với cơ quan hành quân chiến lược của Thiếu tướng nổi danh William T. Donovan thuộc quân lực Mỹ, một chiến công như thế không phải là không thực hiện nổi. Một cuộc hành quân loại này dám đã có sẵn trong hồ sơ của Bá tước Mounbatten và ông “Wild Bill” cũng không chừng.

*

Như tôi đã nói trên đây, mặc dù tất cả các đề án to lớn của chúng tôi cuối cùng đều bị bỏ dở hết, tôi muốn trình bày vắn tắt vài đề án:

Từ lâu, chúng tôi mơ ước một chiến dịch phá hoại các ống dẫn dầu: khởi đi từ các giếng dầu ở Irak, hai đường ống dẫn chất lỏng quí báu đến các nhà máy lọc ở Haiffa và Tripoli nằm trên bờ biển Địa Trung Hải. Chúng tôi biết rằng các đồng chí Ả Rập của chúng tôi, đã đặt chất nổ liên tục phá các ống dẫn dầu này. Tuy nhiên việc tuyển mộ cảm tử quân Ả Rập quá mắc, mà năng suất lại không được bảo đảm. Một mặt các chỗ bị phá hoại được sửa chữa ngay, mặt khác, chúng tôi không kiểm soát nổi kết quả mà người Ả Rập cho là đã thực hiện được. Trái lại nếu phá hoại được nhiều địa điểm bơm dầu, chúng tôi mới hy vọng một sự ngưng trệ toàn diện việc cung cấp dầu nguyên chất trong vài tháng.

Từ hơn một năm nay, cơ sở kỹ thuật của tôi cố moi óc tìm cách giải quyết vấn đề này. Ngay từ năm 1943, các kỹ sư của chúng tôi nghĩ ra một loại mìn nổi được, có tỷ trọng bằng dầu hoả. Trái mìn này được thả vào ống dẫn dầu bằng một lỗ hình quả trám do một chất nổ đặc biệt khoét thủng, và ống dẫn dầu được vá lại ngay. Theo ý tôi, các quả mìn loại đó có kích thước nhỏ bé quá, chỉ có thể phá hư một vài nắp an toàn là cùng, do đó tôi bác bỏ ý kiến này. Các chuyên viên khác lại đề nghị dùng bom phát nhiệt lượng để nung chảy một vài đoạn ống dẫn dầu đúng vào chỗ đất lõm sâu. Khốn thay, các cuộc thử đã không mang lại kết quả. Sau cùng, Không quân đề nghị dùng bom từ tính để phá huỷ nhiều đoạn ống dẫn dầu thật dài. Tuy nhiên kinh nghiệm của chúng tôi không bao giờ vượt quá giai đoạn nghiên cứu chuẩn bị.

Sau nhiều thất bại liên tiếp, chúng tôi chỉ còn một cách: chiến dịch cảm tử tấn công trạm bơm dầu. Các không ảnh cho thấy cạnh mỗi địa điểm có một phi trường nhỏ, dành cho máy bay của Đồng minh tuần tiễu không ngừng dọc theo các đường ống dẫn dầu, có chỗ đáp khi khẩn cấp. Bên cạnh đó một pháo đài nhỏ được dùng làm nơi trú ẩn cho nhân viên kỹ thuật khi bị một bộ lạc địa phương tấn công. Trạm bơm dầu đích danh, với các máy móc và động cơ Diesel thì ở cách đó hàng trăm thước. Nhờ các không ảnh, chúng tôi lập được kế hoạch khá chính xác:
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

23#
 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 08:07:38 | Chỉ xem của tác giả
Chương XV
(tiếp theo)

Sáu phi cơ 4 máy đáp xuống phi trường. Hoả lực của đại bác và liên thanh trên phi cơ sẽ bắn che cho quân cảm tử cố vô hiệu hoá tiểu pháo đài, giúp cho tiểu đội phá hoại chạy nhanh đến phá huỷ trạm bơm dầu. Tất cả mọi chi tiết đều được dự trù trước. Chúng tôi còn nghĩ đến việc trang bị cho phi cơ một bộ phận đặc biệt, nhờ đó, khi đến gần phi đạo, có thể nhổ cả dây trời ngăn không cho quân canh giữ kêu cứu bằng các máy vô tuyến. Làm như vậy, chúng tôi tin rằng địch sẽ bị bất ngờ hoàn toàn. Dầu sao vẫn còn một yếu tố mà chúng tôi chưa biết: liệu các phi trường có đủ lớn để loại phi cơ bốn máy có thể đáp được? Các không ảnh chụp từ năm 1941 chỉ cho thấy một phi đạo ngắn, nhưng theo tin tình báo mới đây, chúng đều đã được nới rộng. Đằng nào chúng tôi cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro này. Than ôi! - Mặc dù hết sức nỗ lực chuẩn bị, chúng tôi không có đủ máy bay có tầm hoạt động xa!

Một điểm yếu khác của phe Đồng minh là kinh Suez hay nói đúng hơn, một vài lối đi trên con kinh. Nếu kinh Suez bị phá hoại, các đoàn tàu đi Viễn Đông phải chạy vòng quanh mũi Hảo Vọng, mất thì giờ hơn. Chúng tôi đã huấn luyện các chiến sĩ bơi lội hay nói theo người Anh, các người nhái để sử dụng trong sứ mạng này. Thế nhưng, chúng tôi đã ở vào cuối năm 1944, ưu thế Không quân của Đồng minh trên biển Địa Trung Hải mạnh đến nỗi chúng tôi phải bỏ rơi kế hoạch dù chết điếng trong lòng. Một lần nữa, quá chậm mất rồi!

Một kế hoạch khác, cũng được soạn thảo tỉ mỉ, dự trù một cuộc tấn công vào khu vực dầu hỏa Bakou. Lẽ tất nhiên là không thể nào tấn công được các giếng dầu hay các nhà máy lọc dầu với một nhóm người nhỏ nhoi. Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ cả khu vực, chúng tôi thấy có một vài điểm then chốt – vì các lý do dễ hiểu, tôi không nói rõ chi tiết được – mà nếu bị phá hủy, sẽ kéo theo sự giảm thiểu khổng lồ, gần như đình chỉ hoàn toàn công cuộc sản xuất. Lại một lần nữa, và luôn luôn cùng một lý do, chúng tôi phải bỏ dở kế hoạch.

Trái lại, một chiến dịch khác bị thất bại vào phút chót chỉ vì lòng ganh tị của một trong các tướng lãnh của chúng tôi. Từ năm 1943, các đảng viên Cộng Sản Nam Tư đã quấy phá chúng tôi dữ dội đến nỗi Bộ Chỉ huy khu vực Ba Nhĩ Cán của chúng tôi hết sức lo ngại. Trong một vùng mà địa hình hoàn toàn thuận lợi cho hoạt động du kích qui mô, quân kháng chiến Nam Tư đã cầm chân nhiều đơn vị Đức và trong vô số các cuộc giao tranh, đã gây cho quân đội Đức những thiệt hại nặng nề. Nếu khám phá được Bản doanh của Tito, và nếu chiếm được nơi này, chúng tôi hy vọng có thể giảm thiểu đáng kể áp lực đè nặng trên quân đội Đức. Đó là đại khái nội dung sứ mạng mà Bộ Tư Lệnh tối cao Quân lực Đức giao phó cho tôi vào đầu năm 1944.

Rõ ràng là phía chúng tôi đã ước lượng sai giá trị của các toán quân mà Tito cho tập trung chung quanh Bản doanh của ông ta. Chúng tôi cũng hoàn toàn không biết gì về nơi ẩn náu và tất nhiên là người lãnh tụ kháng chiến phải ngụy trang để đánh lạc hướng Bộ Tư Lệnh tối cao Quân lực Đức. Vậy thì thoạt tiên chúng tôi phải tổ chức một thứ cơ quan tình báo với mục đích là tìm các chỉ dẫn chính xác về hai điểm nêu trên. Để được chắc ăn, mỗi khi một nhân viên điểm chỉ một vùng nào đó có thể là nơi đặt G. Q. G. của Tito, tôi ra lệnh tổ chức nhiều đường dây khác nhau để kiểm chứng lại nguồn tin. Chỉ khi nào có ba nguồn tin cùng báo cáo như nhau, chúng tôi mới mở cuộc hành quân thực sự. Chúng tôi không được phép bất cẩn: nếu vạn nhất bị thất bại, Tito sẽ được canh gác kỹ hơn và chúng tôi không thể nào bắt được ông ta nữa.
Để có thể tiếp xúc với các giới chức quân sự và Cảnh sát của chúng tôi tại Nam Tư, tháng 4 năm 1944 tôi mang theo một sĩ quan của đơn vị đi Belgrade. Sau hai ngày thảo luận kịch liệt, tôi dùng xe đi Agram. Tất cả mọi người đều khuyên tôi huỷ bỏ chuyến đi này vì xe sẽ chạy ngang qua một vùng bị quân du kích xâm nhập. Tuy nhiên trong ngày không có chuyến phi cơ nào mà tôi thì lại được người ta chờ ở Agram sáng hôm sau. Mặc kệ - tôi cứ thử đi, tin tưởng vào tốc độ của chiếc xe Mercedès và ngôi sao bổn mạng thật tốt. Mặc dù vậy, để gọi là có hộ tống, tôi đem theo hai hạ sĩ quan do một tướng lãnh cho mượn.

Chúng tôi khởi hành lúc rạng đông. Đến trưa, chúng tôi dừng lại trong vùng núi Fruska Gora, nơi đây có một đơn vị của Đức đồn trú với nhiệm vụ giữ an ninh trong vùng. Trong khi ăn, viên sĩ quan trưởng đồn cho tôi biết vài tin tức thích thú:

- “Không có tuần nào là không đụng độ với quân du kích. Vả lại, không bao giờ có thể kết thúc các cuộc giao tranh được, bởi vì giữa hai cuộc chạm súng, quân du kích lại bình yên trở về làng và nông trại, dấu vũ khí vào một đống rơm và đóng vai trò một nông dân thường, trong nhiều ngày liên tiếp. Chuyện vui nhất liên quan đến nhu cầu cứu thương. Cho đến nay, chúng tôi không thể xin quý ông ở Belgrade một y sĩ. Chúng tôi đành phải gọi ông lang tây trong làng, mặc dù biết ông này cũng săn sóc cho cả quân du kích. Ông ta cũng không dấu điều đó, nếu từ chối, quân cộng sản sẽ bắt toàn gia đình ông ta ngay - điều này chẳng liên hệ gì đến chúng tôi. Phải nói ngay rằng chúng tôi rất bằng lòng về ông ta”.

Chúng tôi lại lên đường, ngang qua một vùng trù mật, rải rác nhiều nông trại thật đẹp. Mỗi lần thấy một nông dân cày bừa, tôi tự hỏi hắn dấu súng ở đâu. Nhưng cuộc hành trình của tôi rất bình thường, chẳng ai bắn vào chúng tôi cả, con đường thật an ninh. Đến tối chúng tôi dừng lại trong một làng để hỏi một dân quê mua vài quả trứng. Lúc lên xe, chúng tôi thoáng thấy một vài người ăn mặc rách rưới có võ trang, lảng vảng trong chợ. Tôi đã sẵn sàng đặt tay lên súng lục, nhưng khi xe tiến ngang qua họ, họ nhăn răng cười và còn làm một vài cử chỉ như chào chúng tôi nữa! Một lát sau, Chỉ Huy trưởng đồn binh ở Brcka cho tôi biết là quân du kích đã chiếm trọn vùng và vì thế, rất nguy hiểm cho các xe Đức không được hộ tống. Tại Agram, không ai tin rằng chúng tôi đã đến bằng xe trên con đường này. Hình như từ nhiều tháng qua, chúng tôi là những người đầu tiên đã đến nơi một cách an toàn. Khi nghe kể lại vô số các cuộc tấn công vào các đoàn xe và khi xem bản đồ ghi chú các chỗ tập trung quân của các chiến khu Nam Tư, tôi mới sợ cho cuộc hành trình vừa qua. Cuối cùng, tôi không còn nghĩ ngợi đến điều đó nữa, bởi vì mọi chuyện đều êm xuôi. Có một điều chắc chắn là tôi đã thoát nạn, trong đường tơ kẽ tóc.

Một tháng sau, tất cả đều sẵn sàng. Những tin tức được phối kiểm và tái phối kiểm thận trọng, cho chúng tôi biết rằng Bản doanh lưu động của Tito sẽ đóng gần Dvar, tại miền tây Bosnie, trong vài tuần. Hiện nay, cần kết thúc công cuộc chuẩn bị để có thể tung ra cuộc hành quân mà chính tôi sẽ chỉ huy. Tôi cho Tham mưu trưởng là Đại uý Foelkersam đến Banka Luka, thủ phủ của vùng trên, để đặt liên lạc với vị Tướng lãnh Chỉ huy quân đội Đức tại Bosnie. Lúc trở về, Von Foelkersam kể lại rằng ông Tướng và các cộng sự viên thân cận của ông đã dành cho anh ta một cuộc tiếp xúc hờ hững xa cách, nếu không nói là lạnh lùng. Ngay lúc đó, tôi không chú ý đến sự kiện này; vả chăng, tôi cóc cần thiện cảm hay ác cảm mà quý ông đó dành cho tôi. Đối với tôi, chỉ có sứ mạng là quan trọng.

Ấy thế mà vài ngày sau – lúc đó là cuối tháng 5 năm 1944 – trung tâm tình báo của tôi tại Agram gửi cho tôi một tin kinh ngạc: “Quân đoàn X sửa soạn một cuộc hành quân đánh Tổng Hành Dinh của Tito. Ngày J được ấn định là 2 tháng 6”. Sự kiện này đã giải thích thái độ câm nín của các sĩ quan. Họ chỉ nhìn tôi như là kẻ cạnh tranh đáng ghét và vì thế, họ dấu kín ý định. Trước hết, cung cách thiếu điệu nghệ này đã làm tôi nổi giận, nhất là khi nó quá lố bịch: Tôi đã tình nguyện hợp tác với họ và sẵn sàng đặt dưới quyền chỉ huy của vị tướng lãnh. Nhưng tôi nuốt giận và cố gắng cứu vãn tình thế thật nhanh. Nếu nhân viên của tôi ở Agram mà biết được kế hoạch hành quân thì gần như chắc chắn rằng người của Tito cũng biết được kế hoạch ấy. Tôi gửi ngay một mật điện truyền thanh để lưu ý quý ông ở Bosnie. Lúc trở về Friedenthal, tôi còn nhận được thêm nhiều tin tức xác nhận quan điểm của tôi: chắc chắn cuộc hành quân dự liệu sẽ gặp thất bại. Tôi nhắc lại lời báo động, nhưng không có gì (đáng?) tiếc hơn là kẻ không muốn nghe. Tướng X đã không chịu huỷ bỏ cuộc hành quân của ông.

Đến ngày ấn định, một Tiểu đoàn dù thuộc đơn vị Waffen SS nhảy xuống một thung lũng thuộc vùng bị quân du kích kiểm soát hoàn toàn. Nhiều máy lượn đưa lực lượng tăng cường đến tham gia trận chiến. Sau một cuộc chiến đấu cam go và đẫm máu, quân du kích rút lui, bỏ lại ngôi làng và thung lũng. Khốn thay, những điều tiên liệu bi quan của tôi đã thể hiện: Tổ chim trống rỗng, con chim đã bay đi. Để xác nhận đúng là Tổng Hành Dinh, binh sĩ của chúng tôi chỉ tìm thấy hai sĩ quan liên lạc Anh mà Tito bỏ lại, có lẽ để rứt khỏi họ. Trông một ngôi nhà, chúng tôi còn khám phá được một bộ quân phục Thống chế còn mới. Chắc Tito mới rời khỏi làng vài giờ trước để đến một địa điểm khác. Và thế cũng chưa hết – còn phải gởi các đơn vị bộ binh, bằng một cuộc điều quân khó khăn, đến giải tỏa quân nhảy dù bị vây trong thung lũng.

Như vậy, vì lòng ganh tị đê hèn của một sĩ quan khao khát được thăng thưởng mà một kế hoạch lớn, nếu thành công, sẽ có tầm ảnh hưởng đáng kể, phải chịu thảm bại – điều đáng tiếc hơn nữa là sự thất bại này đã làm giảm thiểu gần như hoàn toàn hy vọng bắt được Tito của chúng tôi. Sau đó, chúng tôi theo dõi được dấu vết Tổng Hành Dinh của Tito, di chuyển dọc theo bờ biển Adriatique và từ đó, đến đảo Vis, nơi mà ông ta thiết lập hẳn cơ sở chính quyền. Chúng tôi cũng có dự tính một cuộc tấn công chớp nhoáng đảo này – nhưng, một lần nữa các biến chuyển dồn dập đã vượt qua chúng tôi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

24#
 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 08:12:44 | Chỉ xem của tác giả
Chương XVI
Cuộc chính biến

Trong khoảng thời gian này, cuộc đổ bộ của Đồng minh – tại Đức chúng tôi gọi là cuộc xâm lăng – đã bắt đầu. Vào rạng đông ngày 6 tháng 6 năm 1944, những đơn vị Anh Mỹ đầu tiên đặt chân được lên Normandie. Trong nhiều tuần lễ liền, tình hình không được rõ rệt, nhưng khi phòng tuyến Avranches bị chọc thủng, cán cân lực lượng nghiêng về phía Đồng minh. Ngày hôm đó, hầu hết dân Đức có lẽ nghĩ rằng chúng tôi sẽ bại trận. Về phần tôi, tôi chưa có cảm tưởng nào về kết quả chung cuộc, và nếu trước các thuộc viên tôi còn giữ tư thế chỉ huy trang trọng, tôi không tìm cách dấu niềm bi quan khi thảo luận với một vài người thân tín như Radl hay Đại úy Foelkersam.

Liệu tôi có cần rút ra từ sự linh cảm này, nếu không nói là sự chắc thật, các kết luận thực hành không? Thường thường tôi tự đặt vấn đề như vậy và luôn luôn đi đến cùng một kết quả: theo ý tôi, không phải tôi, không phải binh sĩ, mà cũng chẳng phải các sĩ quan – kể cả các tướng lãnh – là những người quyết định tiếp tục hay chấm dứt sự thù nghịch. Quyết định này phải được dành cho các Đại lãnh tụ chính trị và quân sự có cái nhìn toàn diện và có khả năng ảnh hưởng vào chiều hướng các biến cố lịch sử. Nếu các người ấy ra lịnh cho chúng tôi tiếp tục chiến đấu, chúng tôi chỉ còn biết phải tuân hành.

Tôi lại còn biết rằng Tổng Hành Dinh của Fuhrer vẫn còn hy vọng, một mặt vào diễn biến thuận lợi của tình hình chính trị, và mặt khác vào sự hoàn thiện mau chóng các loại vũ khí bí mật – theo các tin tức mà tôi có được, các hy vọng đó không phải là không có căn cứ.

Tuy nhiên từ tháng 7 năm 1944, tình hình trở nên khẩn trương. Trong tuần lễ đầu tiên của tháng 6, một đợt tấn công kinh hồn của quân Nga đã làm cho gần như toàn diện phòng tuyến phía Đông bị tan rã. Có thể coi Lộ quân trung ương như không còn nữa. Hơn ba mươi Sư đoàn Đức bị bắt cầm tù. Tại hậu tuyến không ai hiểu làm sao mà một cuộc đầu hàng vĩ đại như thế lại có thể xảy ra được. Phải quy trách nhiệm vào Bộ Tư Lệnh tối cao hay là vào sự mệt mỏi chán nản của các đơn vị ở đây? Ở phía Tây, quân Đồng minh nhờ ưu thế vật chất tuyệt đối tiến như gió hướng về biên giới Đức. Chúng tôi chỉ còn cách nghiến chặt đôi hàm răng và chiến đấu đến cùng. Thành thật mà nói, chúng tôi chưa nghĩ rằng đó là điểm khởi đầu của sự bại trận chung cuộc.

Ngày 20 tháng 7 năm 1944, tôi sửa soạn đi Vienne để xem xét lại một vài chi tiết của kế hoạch bắt Tito. Và tin tức về một cuộc đảo chánh lật đổ Hitler bùng nổ như sấm động, may thay âm mưu đã thất bại. Tôi và các sĩ quan hết sức kinh hoàng.[1] Một chuyện như thế có thể xảy ra được sao? Phải chăng địch quân đã len lỏi vào được trong lòng Tổng Hành Dinh của Fuhrer rồi? Không bao giờ chúng tôi lại có ý nghĩ là chính một người Đức đã đặt quả bom đó. Dầu sao, vì Hitler vẫn còn sống nên tôi không thấy có lý do gì để trì hoãn cuộc hành trình.

Lúc 18 giờ, Radl và tôi đến nhà ga Anhalt. Chúng tôi lên toa xe dành riêng và chuẩn bị đi ngủ. Nhưng đến ga Lichterfelde, trạm dừng cuối cùng nằm bên trong khu vực Bá-linh, tôi nghe có ai gọi tên tôi: Thiếu tá Skorzeny! Thiếu tá Skorzeny! Trên sân ga, một sĩ quan chạy dọc theo con tàu và kêu réo luôn miệng. Tôi mở cửa sổ và ra hiệu, anh ta nhào tới, thở hổn hển.

- Thưa thiếu tá, ông phải trở lại lập tức. Lệnh thượng cấp… Cuộc mưu sát Fuhrer là khởi đầu cho một cuộc chính biến.

Tỏ vẻ không tin, tôi nhún vai:

- Coi, chuyện đó làm sao có được. Một số quí ông ấy điên mất rồi. Thật là điên rồ, nhưng mặc kệ… để tôi trở lại với anh. Radl cứ tiếp tục đến Vienne và bắt đầu các cuộc thương thảo. Ngày mai tôi cố đi theo.

Trong khi xe hơi đưa chúng tôi về trụ sở trung ương của Waffen SS, viên sĩ quan thông báo cho tôi những tin tức hết sức lờ mờ mà anh ta lượm lặt được. Quả nhiên là có âm mưu phiến loạn do một nhóm sĩ quan cao cấp và tướng lãnh chủ xướng. Hình như một vài đơn vị thiết giáp đang tiến về Bá-linh; không ai biết rõ ý định của các cấp chỉ huy đơn vị. Tôi thì luôn luôn không tin vào những chuyện mà tôi cho là những tin đồn đại vô căn cứ. Các vị chỉ huy quân sự của chúng tôi lúc này còn có nhiều việc phải làm hơn là đi thông mưu đảo chánh.

Schellenberg, nay đã trở thành chỉ huy trưởng Lữ đoàn SS, tiếp tôi và thông báo cho tôi biết vài chi tiết. Theo ông, trung tâm lãnh đạo cuộc đảo chánh hình như đặt tại Bendlerstrasse nghĩa là trụ sở văn phòng Tư lệnh Quân đội Nội địa.[2] Schellenberg mặt mày tái mét và có vẻ lo sợ thấy rõ. Trên bàn giấy tôi thấy một khẩu súng lục đặt trong tầm tay ông ta.

- Tình hình rất rối rắm và cực kỳ nguy hiểm, - ông giải thích. - Dầu sao, nếu họ đến được đây, tôi sẽ tự vệ. Tôi đã phân phối vũ khí cho thuộc viên rồi. Anh có thể gọi thật nhanh một đại đội của anh đến bảo vệ cơ sở được không?

Trong cơn kích động, tôi quên mất cả việc gọi cho đơn vị. May thay, liên lạc điện thoại vẫn còn hoàn toàn tốt. Tôi nói chuyện với Friedenthal được ngay và cho gọi Đại úy Foelkersam.

- Đặt tiểu đoàn trong tình trạng báo động ngay lập tức. Đại úy Fuc.ker nắm quyền chỉ huy và chờ các mệnh lệnh do chính tôi ban hành. Đưa ngay một Đại đội đến trụ sở SS trung ương, tôi đang ở đó. Chính anh và Chuẩn úy Ostafel tạm thời là tùy viên của tôi, lên xe ngay và chạy hết tốc lực đến đây trước.

Tôi gác máy và lại quay về phía Schellenberg:

- Theo ý tôi, ông nên giải giới các viên chức ở đây: Tôi cảm thấy sợ khi thấy các đấng thư lại của ông khoa chân múa tay với súng lục vừa được phát. Lúc mới đến tôi đã khó chịu với một chú thư ký rồi. Tôi đã cho nhốt hắn trong hầm, như vậy hắn hết đường gây rắc rối với món đồ chơi nguy hiểm. Dầu sao, nếu vạn nhất “họ” đến đây trước Đại đội của tôi, tốt hơn hết là ông nên thoát thân, bởi vì ông đâu có thể bắt họ tuân phục được bằng khẩu súng lục này?

Tôi để ông ta ở lại với các tư tưởng hắc ám, và bước ra đường. Tôi nóng nảy chờ Von Foelkersam và Ostafel, nữa giờ sau, họ xuất hiện giữa đám bụi mù mịt. Chắc họ phải chạy như bị ma đuổi. Vì vẫn chưa nhận được lệnh lạc gì cả, tôi quyết định đi một vòng xem chuyện gì đã xảy ra ở Bá-linh. Foelkersam ở lại trụ sở trung ương SS, tôi hứa thỉnh thoảng sẽ liên lạc bằng điện thoại để cho anh ta biết tin tức. Khốn khổ thay cho chúng tôi, vì vẫn chưa được trang bị loại máy liên lạc vô tuyến cầm tay gọi là “walkie-talkie” mà quân đội Mỹ đang sử dụng!

Nhảy lên một chiếc xe, trước hết hỏi tôi đến khu vực đặt trụ sở các Bộ, nơi đây có vẻ hoàn toàn yên tĩnh. Sau đó tôi đến công trường Fehrbellin, nơi đặt Bộ Tư Lệnh thiết giáp của Tướng Bolbrinker, người mà tôi có quen biết. Khu vực này ít có vẻ yên lành hơn, trên một đại lộ dẫn đến công trường, hai chiếc xe tăng khổng lồ đang án ngữ. Tôi chỉ cần nhô đầu ra khỏi xe là được đi qua liền. Chắc chắn cuộc hỗn loạn không có gì trầm trọng quá như Schellenberg tưởng. Tướng Bolbrinker tiếp tôi lập tức. Ông chẳng biết gì nhiều và hỏi ý kiến tôi nên làm gì. Do mệnh lệnh của Tư lệnh Quân đội Nội địa, ông ta mang các Đơn vị thiết giáp từ Wunsdorf về Bá-linh và tập trung quanh công trường Fehrbellin để có thể nắm vững lực lượng. Hiện tại ông ta đang chờ diễn biến.

- Vả chăng, - ông giải thích, - tôi quyết định từ đây chỉ thi hành lệnh của Thanh tra các Đơn vị thiết giáp, nghĩa là của chính Tướng Guderian. Không biết ông này có biết tin tức gì về cuộc âm mưu không. Anh xem, chẳng hạn người ta bắt tôi đưa các bộ phận thám sát đến tấn công vào doanh trại của Đơn vị Waffen SS. Anh nghĩ sao? Skorzeny?

- Coi, - tôi choáng váng trả lời, - chúng ta chưa ở trong tình trạng nội chiến mà. Tôi cho rằng nếu tuân theo một mệnh lệnh mơ hồ là thiếu thận trọng. Thưa đại tướng, nếu ông muốn, tôi sẽ đi một vòng cho đến doanh trại Lichterfelde để xem chuyện gì đã xảy ra. Từ đó tôi sẽ gọi điện thoại cho ông. Theo ý tôi, chúng ta phải có bổn phận giữ bình tĩnh.

Như trút được lo âu, Đại Tướng chấp thuận đề nghị của tôi và tôi lại lên đường. Tại Lichterfelde, trong doanh trại cũ của tôi, tất cả đều có vẻ yên tĩnh, mặc dù Tiểu đoàn trừ bị và các đơn vị khác đều được đặt trong tình trạng báo động. Tôi tiếp xúc một lát với viên Trung tá Chỉ huy các đơn vị đó và không ngớt yêu cầu ông tỏ ra khôn ngoan, nghĩa là chớ nên làm một hành động gì dù cho tình thế biến chuyển ra sao. Sau đó, tôi gọi Foelkersam và được biết Đại đội của tôi đã đến. Tôi ra lệnh giữ Đại đội lại trong sân cơ sở Trung ương SS.

Lúc đó tôi mới thử lượng định tình hình. Thật ra, tôi cũng chẳng hiểu thêm gì được nhiều. Rất có thể là Tướng Tư lệnh Quân đội Nội địa đã ra lệnh báo động vào buổi trưa. Nhưng sau đó, khắp nơi đều có sự do dự, nơi thì tuân lệnh, nơi khác lại phản lệnh, rõ rệt tình hình đã không ăn khớp với một kế hoạch toàn bộ nào đó. Dầu sao, theo tôi vụ này hình như không có vẻ trầm trọng lắm, chắc chắn tôi sẽ bị hố to nếu coi sự việc quá quan trọng, bởi vì các đơn vị thiết giáp vẫn án binh bất động, và các đơn vị Waffen SS thì lại chưa nhận được mệnh lệnh nào. Tóm lại, mọi người đang tự hỏi ai đã nổi dậy và để chống lại ai. Tuy nhiên ngoài tính cách ấu trĩ, âm mưu này còn là một trọng tội, bởi vì lúc này đây ở phía Đông cũng như ở phía Tây, binh sĩ đang can đảm chiến đấu trong tuyệt vọng. Trong khi đang trầm ngâm với các ý tưởng không mấy vui vẻ đó, tôi chợt nhớ rằng Đại tướng Student hiện cũng đang ở Bá-linh. Tôi chạy nhanh đến Wannsee, một trong rất nhiều hồ bao quanh thành phố, Bộ Tư Lẹnh đơn vị không vận đóng bên bờ hồ. Các sĩ quan chẳng biết gì cả, họ cũng không nhận được mệnh lệnh nào. Tôi chỉ biết Đại Tướng đã về nhà, tại Lichterfelde. Tôi lại lên xe, mang theo sĩ quan tùy viên của Đại Tướng để lâm thời, nhận lệnh từ Đại Tướng.

Lúc đó trời đã tối, đến 2 giờ đêm, chúng tôi đến biệt thự và trông thấy một khung cảnh thật thanh bình. Trên sân thượng, Đại Tướng khoác một chiếc áo ngủ dài, đang ngồi đọc cả núi hồ sơ dưới ánh đèn. Cạnh đó, phu nhân đang ngồi thêu. Tôi không ngăn được ý nghĩ là tình thế thật khôi hài: Nơi đây, một trong các lãnh tụ quân sự quan trọng của Bá-linh đang nghỉ ngơi yên lành trong một ghế mây thoải mái, trong khi những tướng lãnh khác âm mưu đảo chánh.

Mặc dù rất ngạc nhiên khi thấy tôi đến thăm vào giờ quá trễ, Đại Tướng cũng tiếp tôi một cách thân ái: chắc chắn dây liên lạc được thiết lập giữa chúng tôi trong chiến dịch giải thoát Mussolini năm ngoái vẫn còn. Khi trình bày rằng đến vì “công vụ”, vợ ông kín đáo tránh đi nơi khác. Nhưng khi tôi bắt đầu thông báo những gì tôi thấy và biết, ông ngắt ngang lời tôi:

- Coi, Skorzeny, anh nói cái gì vậy! Đảo chánh – không, không thể có được.

Tôi khổ sở thuyết phục ông ta tin rằng tình thế nghiêm trọng. Sau cùng ông ta bằng lòng gởi cho tất cả các cấp Chỉ huy đơn vị nhảy dù một mệnh lệnh đại khái như sau: Báo động. Chỉ nhận lệnh của chính Đại Tướng Student mà thôi.

Đúng lúc đó, chuông điện thoại reo vang. Thống chế Goering gọi. Sau khi xác nhận báo cáo của tôi, Thống chế còn thêm vài chi tiết mới: có lẽ cuộc mưu sát Fuhrer là do một sĩ quan thuộc Bộ Tham Mưu Quân đội Nội địa thực hiện. Bendlerstrasse – nơi đặt Bộ Tham mưu đó – đã vội vàng loan báo cái chết của Fuhrer và cho áp dụng vài biện pháp khẩn trương. Goering xác định rằng lúc này chỉ có Bộ Tư Lệnh Tối cao của Lục quân mới có tư cách ra lệnh. Tôi nghe Đại Tướng nhắc lại các chỉ thị của Thống chế Goering: Bình tĩnh, yên tâm, bằng mọi giá cố tránh các biến chuyển có thể đưa đến nội chiến. Tôi đã hiểu, thưa Thống chế.

Hiện tại, ông Tướng không còn nghi ngờ các điểm tôi thuật lại nữa. Sau khi hứa giữ liên lạc với tôi và Đại Tướng Bolbrinker, ông lần lượt gọi các Tiểu đoàn và ra chỉ thị. Tôi xin phép cáo từ và trở về trụ sở SS Trung ương thật nhanh.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

25#
 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 08:13:45 | Chỉ xem của tác giả
Chương XVI
(tiếp theo)

Trong cơ sở rộng mênh mông, tất cả yên tĩnh. Schellenberg chờ tôi trong văn phòng và yêu cầu cung cấp một đoàn hộ tống gồm một sĩ quan và mười binh sĩ. Ông vừa nhận được lệnh bắt ngay Đô đốc Canaris và lẽ tất nhiên, ông không thể đơn độc một mình thi hành một mệnh lệnh tế nhị như vậy. Vì chỉ có vỏn vẹn 1 Đại đội nên tôi chỉ cho ông “mượn” một sĩ quan. Một giờ sau, Schellenberg trở về, cuộc bắt bớ đã không gây ra một biến cố nào. Qua điện thoại, tôi biết rằng các khu vực do đơn vị thiết giáp của Tướng Bolkrinker và do quân nhảy dù của Tướng Student chiếm đóng, vẫn được yên tĩnh – Thật ra, trên đường trở lại Friedenthal, tôi thấy cả Bá-linh đều yên tĩnh. Đột nhiên, Tổng Hành Dinh của Fuhrer cho gọi tôi.

- Lệnh cho Thiếu tá Skorzeny mang toàn lực lượng hiện có, đến Bendlerstrasse để hậu thuẫn cho hành động của Thiếu tá Remer, Đại đội trưởng Đại đội phòng vệ “Đại Đức Quốc” hiện đang bao vây Bộ này.

Vội vã, tôi tập họp đại đội – đáng tiếc là tôi không cho gọi cả tiểu đoàn – và lên đường. Vào lúc gần nửa đêm, chúng tôi đến cửa chính của trụ sở. Hai xe lớn chận đường chúng tôi: lúc xuống xe và một mình đi bộ đến, tôi thấy ngay giữa một toán quân xôn xao, viên chỉ huy SS Kaltenbrunner đang nói chuyện với một Tướng lãnh lục quân – Tướng Fromm, Tư lệnh Quân đội Nội địa. Tôi nghe ông nầy nói với Kaltenbrunner: “Tôi đi về nhà, các anh có thể kiếm tôi ở đấy suốt đêm”, rồi ông lên xe chạy đi, vạch một lối cho đơn vị tôi đi qua. Tôi ngẩn ngơ, khi thấy vị Tư lệnh Quân đội Nội địa lại bỏ về nhà trong giờ phút nghiêm trọng này. Tuy nhiên điều đó không dính dáng gì đến tôi.

Trước cổng vào Bộ, tôi gặp thiếu tá Remer. Tôi trình diện và được biết ông ta được lệnh cô lập hóa kín mít toàn thể khu công ốc. Sau khi đưa cả đại đội vào sân, tôi mang theo Đại úy Foelkersam và Chuẩn úy Ostafel, theo cầu thang tiến lên lầu. Trong hành lang tầng thứ nhứt, tôi gặp nhiều sĩ quan tay cầm súng lục. Người ta có cảm tưởng là đang ở trong một pháo đài ngay tiền tuyến. Trong văn phòng của Tướng Olbricht, tôi gặp một vài sĩ quan tham mưu quen biết từ lâu, họ cũng tự võ trang và có vẻ rất khích động. Họ kể nhanh cho tôi nghe chuyện gì đã xảy ra: vào buổi chiều, họ thấy có một cái gì sai lạc trong lệnh báo động phát xuất từ một vài Sở. Tướng Fromm gần như hội họp liên miên, nhưng chỉ có một vài sĩ quan thân tín được dự họp. Vì quá sức ngạc nhiên và lo âu, phần lớn các sĩ quan tự võ trang và đột nhập vào văn phòng của Tướng Fromm, đòi hỏi giải thích. Bị đặt vào trong tình thế khó xử, ông Tướng đành phải thú nhận một cuộc nổi dậy của quân đội đã bùng nổ, và nói thêm rằng ông đã được lệnh mở các cuộc điều tra sơ khởi các kẻ chịu trách nhiệm. Vài phút sau, Tướng Beck tự tử, trong khi đó, ba sĩ quan, trong đó có Đại tá Stauffenberg, Tham mưu trưởng của Tướng Fromm, bị Tòa án quân sự do một Tướng lãnh chủ tọa xử tử hình. Cả ba đã bị một Tiểu đội Hạ sĩ quan xử bắn ngay trong sân cách đây nửa giờ. Mặt khác, trong hành lang tầng lầu thứ nhất, đã có vài loạt súng, nhưng không có gì quan trọng.

Những tin tức này đã đóng khung khá rõ rệt những gì tôi đã biết, nhưng vẫn không soi sáng thêm được tình hình. Những cố gắng liên lạc bằng điện thoại của tôi với Tổng Hành Dinh của Fuhrer đều vô ích, vậy tôi phải hành động theo sáng kiến. Trước hết tôi tìm cách lập lại yên tĩnh và trật tự trong tòa nhà khổng lồ này, nơi mà mọi người rõ ràng bị bối rối cực độ. Để đạt đ ược mục tiêu đầu tiên đó, tôi cho triệu tập các sĩ quan quen biết và đề nghị với họ là hãy tiếp tục các công việc bỏ dở dang từ hồi chiều. Tôi nhắc nhở họ là chiến tranh đang tiếp diễn và tất cả mọi mặt trận đều cần lực lượng tăng cường, tiếp tế, tiếp liệu. Mọi người đồng ý với tôi và trở lại làm việc. Lát sau, một Đại Tá chợt nhớ ra rằng có vài quyết định liên quan đến việc tăng cường lực lượng phải do chính Tham mưu trưởng ký, mà Đại tá Stauffenberg lại vừa bị hành quyết. Tôi tuyên bố tạm gánh thêm trách nhiệm phụ đới này. Tuy nhiên có một điều làm tôi ngạc nhiên: phần lớn các lệnh báo động cho những người dự mưu ban hành đã bị hủy bỏ từ hồi nào.

Trước văn phòng Tướng Olbricht, tôi gặp hai nhân viên mật thám Gestapo. Vài giờ trước đó, Chỉ Huy trưởng cảnh sát đặc biệt đã phái họ đến bắt Bá tước Stauffenberg. Chưa kịp thi hành mệnh lệnh, họ đã bị các sĩ quan của Stauffenberg vừa từ Tổng Hành Dinh về, bắt nhốt vào trong một văn phòng. Càng ngày tôi càng không hiểu: hoặc giả cơ quan Gestapo vốn biết tin rất nhanh, đã bị vụ đảo chánh làm kinh ngạc quá, hoặc giả cơ quan này cho rằng nội vụ chẳng có gì là quan trọng. Nếu không phải như thế thì tại sao họ lại chỉ phái có hai trự đến bắt tay đầu não của cả một cuộc âm mưu quân sự?

Hiện tại, tôi có thì giờ để bắt đầu lục soát bàn giấy của Bá tước Stauffenberg. Tất cả các hộc bàn đều đã bị mở tung, hình như có kẻ nào vừa vào lục soát vội vã. Trên bàn giấy tôi tìm thấy hồ sơ kế hoạch “Walkyrie” nghĩa là các chi tiết sắp xếp cuộc báo động. Tôi nhận thấy Stauffenberg đã ngụy trang ý định chính – chiếm thật nhanh các trung tâm đầu não tại Bá-linh và các cơ quan chỉ huy quân đội – dưới danh hiệu “Các biện pháp phản công trong trường hợp quân Đồng minh tấn công bằng quân nhảy dù”. Trong một hộc bàn, tôi giật nảy mình vì khám phá được một bàn cờ, các quân cờ xê dịch tùy theo số điểm của các hột xúc xắc mà người chơi đổ được. Trên một bản đồ khu vực Đông Âu thật lớn, một đường vạch đậm, mà theo lời chú thích bên lề, biểu hiện cho trục tiền quân của một quân đoàn, thuộc lộ quân phía Nam, trong cuộc tiến đánh Nga sô – quân đoàn mà chính Stauffenberg làm Tham mưu trưởng. Nếu sự sử dụng vô vàn khổ đau và sự chiến đấu của hàng ngàn binh sĩ vào một trò chơi bẩn thỉu, tự nó đã có vẻ nông nổi, chướng mắt rồi, thì các lời phẩm bình tô điểm cho sự giải thích nguyên nhân, lại còn chứng tỏ một sự vô liêm sỉ, khiến cho tôi tự hỏi, với một tâm tánh như vậy, làm sao một sĩ quan cao cấp có thể phục vụ tổ quốc trong thời chiến được.

Một vài giờ sau, tất cả các bánh xe của guồng máy phức tạp đã hoạt động điều hòa trở lại. Tuy nhiên, một lần nữa, tôi điên đầu trước các quyết định mà tôi buộc phải lấy thay cho ba sĩ quan, quan trọng nhất của cơ quan này: Tướng Fromm, Olbricht và Đại tá Stauffenberg. Tôi xin nói chuyện với Tổng Hành Dinh không ngừng. Cuối cùng, cũng liên lạc được, tôi vội yêu cầu bổ nhiệm một vị tướng lãnh có thẩm quyền vào chức vụ Tham mưu trưởng Quân đội Nội địa. Tôi mong được giải nhiệm càng sớm càng tốt, nhưng lẽ tất nhiên người ta trả lời một cách mơ hồ, bảo đợi và tiếp tục đảm nhiệm công việc cho đến khi Fuhrer đề cử một người có khả năng. Cứ cách hai hay ba giờ, tôi lại gọi xin được thay thế, và lần nào cũng vậy, nhận được một câu trả lời tránh né. Rốt cuộc, đến sáng 22 tháng 7, nghĩa là sau 36 giờ, đích thân Himmler đến, có Tướng Juttner thuộc đơn vị Waffen SS tháp tùng. Trước sự ngạc nhiên của tôi, ông ta tuyên bố được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đội Nội địa. Chắc chắn Himmler là một trong những người thân tín của Fuhrer, nhưng ông ta không phải là quân nhân. Làm thế nào mà ông ta có thể chu toàn được nhiệm vụ trong khi cùng một lúc ông giữ nhiều chức vụ quan trọng hàng đầu? Lúc đó tôi mới chú ý đến Tướng Juttner, tư lệnh phó, ông này chắc hẳn rất bằng lòng với sự bổ nhiệm vì trong thực tế chính ông mới là người lãnh đạo thường trực của cơ quan. Nhưng tôi không có thì giờ để suy tư vẩn vơ. Sau khi cho tập họp các sĩ quan, Himmer làm một bài diễn thuyết bất ngờ, ông tuyên bố là âm mưu đảo chánh chỉ do một nhóm nhỏ hành động đơn độc. Liếc nhìn cử tọa im lặng, tôi nhận thấy tất cả có phản ứng như nhau: Sự đồng ý rõ rệt và sự khoan khoái thấy cơn bão tố đi qua mau. Có lẽ phần đông những người này, được đào tạo theo các truyền thống cứng rắn của tập thể sĩ quan nhà nghề, không còn muốn nghĩ đến âm mưu nổi loạn này nữa – hành động tội lỗi và tự dập tắt trong trứng nước.

Cuối cùng, tôi có thể nghĩ đến chuyện xả hơi một lúc, trở về Friedenthal, tôi vùi mình trong chăn. Sau sáu tiếng đồng hồ, tôi thức dậy, tươi mát và khỏe khoắn, và tôi tìm cách tính sổ các biến chuyển. Đây là lần đầu tiên tôi thấy, trong quân lực và có lẽ trong lòng dân tộc Đức nữa, có những luồng tư tưởng mâu thuẫn, có tình trạng căng thẳng giữa các phe nhóm – cho đến nay, tôi không hề nghĩ đến sự kiện này. Đối với tôi, sự ngạc nhiên trở nên khó nhọc nếu không nói là đau đớn. Niềm an ủi duy nhất đối với tôi là thấy âm mưu đảo chính bị tan rã mau lẹ, một phần vì căn bản của nó yếu quá, phần khác nhờ hành động sấm sét của các lực lượng quân đội khác. Về phần tôi, tôi sung sướng được biết rằng, nhờ thuộc về binh chủng thứ IV,[3] các đơn vị Waffen SS, tôi đã không can dự trực tiếp vào nội vụ.

Độc giả cho phép tôi mở một dấu ngoặc tại đây: sau 3 hay 4 năm, hôm nay khi nói đến “sự dẹp tan âm mưu đảo chánh ngày 20 tháng 7 năm 1944” rất có thể là các diễn biến không được mô tả trung thực. Tất cả những người tham dự trực tiếp vào tấn thảm kịch này đều xác nhận rằng những người chủ mưu, ngoại trừ Bá-tước Stauffenberg, đều tự động bỏ cuộc ngay khi cuộc mưu sát thất bại. Hay nói cho đúng hơn, từ lúc đó, họ không còn có thể tìm đâu ra lực lượng hành động, đến nỗi chỉ cần một nhóm nhỏ sĩ quan trung thành với chế độ, cũng đủ lật nhào toàn bộ lâu đài xây trên cát ấy. Có lẽ theo sự ước tính của các người dự mưu, cái chết của Adolf Hitler là yếu tố quyết định; vậy thì ngay lúc Fuhrer thoát chết một cách kỳ diệu, họ phải tính rằng chương trình của họ không còn thực hiện được nữa.

Suốt đời tôi, tôi sẽ nhớ mãi cơn cuồng nộ xâm chiếm tâm hồn tôi lúc vừa thức giấc sáng ngày 23 tháng 7: tôi phẫn nộ đối với những kẻ muốn đâm sau lưng dân tộc Đức và họ làm như thế đúng vào lúc dân tộc chiến đấu để sống còn sau bao nhiêu thử thách. Rồi khi tâm tư sáng suốt trở lại, tôi nhớ đến vài câu chuyện với các sĩ quan làm việc tại nhiều cơ sở khác nhau thuộc Bộ chiến tranh. Nhiều lần người đối thoại tuyên bố, với tất cả sự thẳng thắng tin được, rằng họ chống Hitler và chế độ Quốc xã. Tuy nhiên, tất cả những đối thủ của chế độ này không trừ một ai, đều là những người yêu nước, và trong khi tình hình đất nước lâm nguy, chắc chắn họ chỉ nghĩ tới Tổ quốc. Ngay lúc bấy giờ tôi đã tin rằng – và niềm tin đó vẫn không thay đổi – trong số những người dự mưu, chắc có một vài người công dân Đức tốt. Đáng tiếc thay, những người này lại chỉ đồng ý với nhau có một điểm: sự cần thiết phải tách rời Hitler khỏi guồng máy lãnh đạo quốc gia dù bằng cách làm cho ông tự nguyện hay bằng cách dùng sức mạnh bó buộc ông. Ngược lại, quan điểm của họ về chính sách phải theo sau khi chiếm quyền thì lại khác nhau, nhất là vấn đề tìm cách đạt được mau chóng một cuộc ngưng bắn vì tình hình quân sự đã trở nên tuyệt vọng. Một nhóm do Stauffenberg lãnh đạo chủ trương thương thuyết hòa bình riêng rẽ với Nga sô, nhóm kia muốn tìm cách thỏa hiệp với các cường quốc Tây phương. Thế mà nếu căn cứ vào một tin tức được Đài phát thanh của Anh loan đi ngày 25 tháng 7, thì cả hai nhóm đều đã không thăm dò trước chiều hướng lập trường phía đối nghịch, thật vậy, đài BBC tuyên bố rằng ngay cả một chính phủ mới của Đức – người Anh tin rằng Hitler đã chết – nếu muốn chấm dứt sự thù nghịch lập tức thì phải ngưng bắn cả với Anh-Mỹ lẫn Nga sô, và chỉ sau khi chấp nhận nguyên tắc ấn định tại Casablanca, nguyên tắc “đầu hàng vô điều kiện”. Ngày nay ta có thể tự hỏi các người âm mưu đảo chánh sau khi chiếm quyền, làm sao xoay sở trong một tình hình như thế.

Tóm lại, cuộc nổi loạn thất bại ngày 20 tháng 7 năm 1944 đã mang lại hậu quả: thứ nhất, cuộc mưu sát đã làm cho Hitler, lãnh tụ tối cao của Đức quốc, Tư Lệnh tối cao của Quân lực, trở nên tàn tạ cả về phương diện vật thể lẫn về phương diện tinh thần. Đành rằng các vết thương nơi ông không có gì nguy hiểm, tuy nhiên một người phải gánh trách nhiệm quá nặng, chịu đựng thương tích, dù là nhẹ, dở hơn người thường. Về phương diện tinh thần, không bao giờ ông có thể vượt qua được cơn kích xúc do sự khám phá đau đớn còn hơn là các vết thương trên da thịt nữa: Trong lòng quân đội, vậy là đã có một vài sĩ quan – biết đâu là vài nhóm nữa – có thể phản bội lãnh tụ và chính nghĩa. Mối nghi ngờ do linh tính hơn là do lý trí của ông, càng ngày càng bành trướng và trở thành một ám ảnh thật sự. Càng lúc, ông càng bị lôi cuốn vào các suy tư quá lạm, và những hành động bất công đối với cả những người không đáng bị đối với cả những người không đáng bị đối xử như vậy. Tôi lại còn biết rằng từ đó ông mắc luôn căn bệnh sợ hãi.

Hậu quả thứ hai của cuộc mưu sát cũng tiêu cực như trên: Từ đó, tất cả mọi thỏa hiệp với Đồng minh để đạt được một nền hòa bình mà không tiêu diệt chế độ, không còn có cơ hội thực hiện nữa. Lẽ dĩ nhiên, thái độ cứng rắn của đối phương nay lại cứng rắn thêm bởi vì họ có thể trông đợi vào sự chia rẽ làm suy yếu Đức quốc. Không nên quên rằng sự từ chối thỏa hiệp của Đồng minh không những chỉ áp dụng cho một nước Đức quốc xã và thuộc về Hitler, mà ngay cả những người kế tục Fuhrer nữa. Trong những điều kiện đó, Đức quốc không còn cách nào để tìm kiếm một nền hòa bình bình thường cả. Tất cả các ý định biểu hiện theo chiều hướng này đều bị Đồng minh gạt ngang với thái độ khinh miệt. Và điều này chắc chắn đã làm cho Hitler quyết định giữ vững lập trường và tỏ ra cứng rắn cho đến phút cuối cùng.

Chú thích

[1] Xem “Những trận đánh lịch sử của Hitler”, sách đã phát hành – Sông Kiên xuất bản.

[2] Quân đội có nhiệm vụ duy trì trật tự tại Đức quốc và tại các vùng bị sáp nhập – Tiệp Khắc, Ba Lan, Alsace, v.v.

[3] Ba binh chủng khác là: Lục quân (Wehrmacht), Hải quân (Kriegsmarine), Không quân (Luftwaffe) – Ghi chú của người dịch.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

26#
 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 09:49:30 | Chỉ xem của tác giả
Chương XVII
Đối phó khắp nơi

Tình hình quân sự càng trầm trọng, lãnh vực hoạt động của tôi càng được nới rộng. Sau nhiều cuộc thảo luận gay go với Bộ Tham mưu thuộc Bộ Tư Lệnh Tối cao, tôi đạt được kết quả mong ước là bành trướng các đơn vị đặc biệt của tôi. Tiểu đoàn duy nhứt mà tôi có trong tay cho đến nay, sẽ trở thành căn bản của một Lữ đoàn gồm sáu Tiểu đoàn, được thành lập phần đông nhờ 1.800 quân nhân tình nguyện thuộc Sư đoàn Brandebourg, đáp ứng lời kêu gọi của tôi. Mặt khác Fuhrer giao cho tôi chỉ huy luôn bộ phận thứ nhì của cơ quan tình báo quân đội (phá hoại và làm giảm tinh thần chiến đấu của địch).

Trong nhiều tuần lễ liền, chúng tôi phải làm việc tại Friedenthal như tù khổ sai: tổ chức lại, huấn luyện, chuẩn bị các chiến dịch mới. Bị bao vây tứ phía, Đức quốc càng ngày càng giống như một pháo đài vĩ đại: không những chúng tôi phải bảo vệ phòng tuyến, nhưng còn phải chặn đường tiến quân của địch bằng cách dự trù các cuộc phá hoại nội bộ địch. Vậy tôi phải tìm cách sử dụng các đơn vị đặc biệt của tôi để đóng góp vào nỗ lực khó khăn đó. Và cho đến hôm nay, khi nhìn lại quá khứ, có thể nói là chúng tôi đã tham dự các trận đánh thật đẹp.

Thật vậy, cuối mùa hè năm 1944, đội người nhái của chúng tôi cộng thêm với một phân đội thuộc lực lượng đặc biệt đã hoàn toàn thành công trong một công tác có thể làm cho họ hãnh diện. Các quân đoàn Anh-cát-lợi, dưới quyền chỉ huy của Thống chế Montgomery, vừa mới vượt qua Waal - một trong những nhánh sông chính thuộc lưu vực sông Rhin - và thiết lập chung quanh Nimègue một đầu cầu đe dọa cả phòng tuyến chúng tôi. Khốn thay, họ chiếm được cây cầu bắc ngang sông, nhờ đó các đoàn xe của họ dễ dàng chạy cho đến tuyến lửa. Vì lẽ người Anh đã cho bố trí chung quanh cây cầu một dàn D.C.A cực mạnh, các cuộc đánh phá bằng phi cơ chiến đấu oanh tạc của chúng tôi không có kết quả.

Được báo cho biết tình hình đó, tôi thảo luận với một số chuyên viên để sử dụng người nhái vào việc phá hủy cây cầu. Dầu cho là một sự phá hoại nhỏ cũng được coi như thành công, ít ra cũng giảm thiểu đáng kể áp lực địch trong vùng, tôi được biết rằng các chuyên viên hải quân đã sáng chế được một loại mìn thủy lôi để sử dụng trong trường hợp này. Loại khí giới này có hình dáng bằng một nửa quả thủy lôi có chỗ chứa không khí, có thể nổi trên mặt nước, nhờ đó rất dễ điều khiển. Theo kết quả của các lần thử đầu tiên, sức nổ cùng một lúc của hai trái mìn được đặt gần một cột cầu, đã làm di chuyển một khối nước vĩ đại mà không một thứ kiến trúc nào chịu đựng nổi.

Đầu cầu quân Anh dàn rộng cả về phía thượng lưu lẫn về phía hạ lưu sông Nimègue, mỗi bên chừng 7 cây số. Riêng vùng tả ngạn con sông thì đã hoàn toàn do địch chiếm đóng. Một đêm, đại úy Hellmer, người sẽ chỉ huy chiến dịch, một mình bơi một vòng thám sát. Nhờ các chân vịt bằng cao su, anh ta bơi thật nhanh mà không gây tiếng động nhiều. Một tấm lưới dày được trùm lên đầu để che bớt các mảng da trắng trên mặt, nhưng không làm cản trở sự quan sát. Được trang bị như thế xong, Hellmer cẩn thận bơi về phía chiếc cầu, chọn lựa trụ cầu sẽ bị giật sập và nghiên cứu thật kỹ. Làm thế nào mà khi đến giờ ấn định, mỗi người phải biết các động tác thi hành. Bên trên, các chiến xa Churchill chạy không ngừng ra tiền tuyến. Tiếng động ầm ĩ của động cơ và xích sắt sẽ tạo một yếu tố quan trọng cho sự thi hành công tác, chúng tôi có thể hy vọng các tiếng động đáng nghi từ dưới sông sẽ bị át đi. Và lại lính gác sẽ không nghĩ đến chuyện canh chừng mặt sông. Làm sao mà sự nguy hiểm có thể đến từ phía ấy khi quân Anh chiếm đóng toàn thể khu vực mấy cây số trên thượng lưu cũng như hạ lưu con sông? Im lặng, Hellmer tự để cho dòng nước đưa đi, qua mặt các vị trí canh gác của địch hai bên bờ và trở lại phòng tuyến bạn.

Vài ngày sau, cơ quan khí tượng hứa với chúng tôi một đêm tối trời đặc biệt, có thể có mưa nữa. Thời tiết lý tưởng cho một hoạt động như thế này. Đưa các quả mìn thủy lôi xuống nước là cả một công việc nặng nhọc, nhất là khi súng cối của quân Anh rót vài quả khá chính xác. Vài người tham dự chiến dịch của chúng tôi đã bị thương. Sau cùng mọi chuyện đều xong - Các khối mìn to lớn trôi gần bờ sông. Mười hai quân tình nguyện đã sẵn sàng, ôm các thủy lôi bên hông - cứ ba người một bên - biến dần trong đêm tối, do dòng nước đưa đi. Đột nhiên bóng của chiếc cầu vĩ đại hiện ra trong bóng tối. Toán cảm tử đã nghe tiếng xe, tiếng xích sắt của thiết giáp đi từ bên này qua bên kia. Và rồi thì họ đến dưới bụng cầu. Thật nhanh, họ đưa 2 quả mìn đến một cột chân cầu đã được chọn lựa, đặt bên phải một quả, bên trái một quả và mở nắp ngăn chứa không khí, trong khi một chuyên viên phát động ngòi nổ chậm. Hiện tại, hai quả mìn vô hại cho đến giờ ấn định mới trở thành nguy hiểm. Từ từ những điếu xì gà khổng lồ chìm sâu xuống sóng nước dọc theo chân móng, trong khi đó các cảm tử dùng hết sức mình bơi ra xa. Năm phút sau một tiếng nổ kinh hồn xé toang bầu không khí. Các quả mìn tác động đúng mức, cột cầu gẫy sụm, kéo theo phần chính giữa của bụng cầu. Lập tức hai bên bờ sông trở nên náo nhiệt. Quân Anh bắt đầu bắn, thoạt tiên là bắn hú họa, dần dần với độ chính xác ghê rợn, bởi vì hiện tại, các tia sáng bình minh đầu tiên có thể giúp quân Anh nhìn thấy được đầu của quân cảm tử. Một loạt tiểu liên đã bắn trúng một người của chúng tôi. Các người khác bao quanh, che chở. Nhiều lần đạn đi ngay vào giữa đám người đang bơi, nhưng nhờ phép lạ, chỉ có hai người trúng đạn và lại rất nhẹ. Sau cùng tất cả nhóm đã trở về được phòng tuyến bạn cách chừng 10 cây số phía hạ lưu. Mệt nhoài nhưng những con người rắn rỏi đó cất bước trở về trại, mang theo ba đồng bạn bị thương.

Như vậy chiến dịch đã hoàn toàn thành công, nhưng từ đó, chắc chắn quân Anh sẽ canh gác kỹ và sự lập lại một vố táo bạo như thế nếu không phải là không thể làm được thì ít ra cũng rất khó khăn.

*

Vào đầu mùa thu 1944, tôi cùng với một trong các tiểu đoàn dưới quyền thực hiện một cuộc thực tập đặc biệt. Chúng tôi thỏa hiệp với viên Giám đốc một xưởng chế tạo vũ khí, nằm gần Friedenthal, rằng một ngày nào đó nhiều nhóm người sẽ xâm nhập vào và làm cho nhà máy tê liệt - Tóm lại đây là một trận giặc giả, bắt chước một cuộc tấn công của quân phá hoại địch.
Trước sự ngạc nhiên của mọi người, cuộc thực tập đã hoàn toàn thành công - tôi có thể nói là quá thành công. Vào khoảng 20 người xử dụng các thẻ căn cước giả lọt được vào các xưởng máy, và chỉ trong vòng 20 phút mà không bị ai chú ý, họ đặt được các khối chất nổ - lẽ dĩ nhiên là vật tượng trưng - vào những nơi quan trọng nhất, nhưng tầm thường nhất của cơ xưởng. Lẽ tất nhiên, cũng giống như tại các cơ xưởng làm việc cho hệ thống quốc phòng, một "phân đội bảo vệ" đã có mặt tại cơ xưởng từ lâu - tôi có cảm giác là phân đội này chẳng bảo vệ được gì cả. Ngày hôm sau, ban giám đốc làm một phúc trình thật dài gởi lên Bộ, và tôi nghĩ rằng các bộ phận bảo vệ cơ xưởng sản xuất vũ khí sẽ phải nhận các chỉ thị mới, nghiêm khắc hơn. Về phần tôi, kết quả của cuộc thực tập này đã cho tôi thấy một điều chắc chắn: đối thủ trực tiếp của chúng tôi, nghĩa là cơ sở tình báo Anh, đặc biệt là các cơ sở có nhiệm vụ phá hoại tại Đức, không phải là mạnh hơn chúng tôi, nếu không các cuộc phá hoại xưởng máy của chúng tôi sẽ xảy ra luôn luôn. Các phân đội bào vệ không phải là các đơn vị có thể đập tan âm mưu phá hoại do một nhóm nhỏ những người cương quyết chủ trương.

*

Cũng trong thời kỳ đó, mặt trận miền Đông yêu cầu các đơn vị đặc biệt của tôi can thiệp. Cuối tháng tám, một điện văn khẩn cho gọi tôi về trình diện Tổng hành dinh của Fuhrer. Ngay khi vừa đến, Đại tướng Jodl giới thiệu tôi với hai sĩ quan Tham mưu của ông để hai ông này cho tôi biết lý do của lệnh triệu dụng.

Một thời gian ngắn, sau khi một đoạn trung tâm của phòng tuyến phía Đông sụp đổ vào tháng 6 năm 1944, một cảm tử quân thám sát - nghĩa là một trong các bộ phận mà sở phản gián biệt phái cho mỗi đơn vị - đã được một người Nga, vốn làm việc với chúng tôi ngay từ khi chiến tranh bắt đầu, sau lưng hậu tuyến địch, gởi cho một điện văn có nội dung như sau:

"Trong một khu rừng rộng lớn phía Bắc Minsk, có nhiều đơn vị của Đức ẩn nấp và cho đến nay họ chưa đầu hàng"

Nhiều quân nhân, sau khi đi lạc hàng tuần trong khu vực bị quân Nga chiếm đóng, lần mò trở về được phòng tuyến bạn, cũng đã xác nhận có nghe nói đến các đơn vị bị bao vây này. Sau khi gủi bức điện văn trên, điệp viên của chúng tôi đã vượt phòng tuyến tìm người lính cảm tử thám sát của chúng tôi để báo cáo bổ túc. Cứ như lời anh ta tuyên bố thì hiện có vào khoảng 2.000 người dưới quyền chỉ huy của một trung tá tên Scherhorn, đang ở trong một khu vực mà anh ta chỉ có thể chỉ ranh giới một cách mơ hồ. Ngay lập tức, người tiền sát viên cảm tử của chúng tôi cố gắng dùng máy liên lạc vô tuyến để liên lạc với toán quân thất lạc này, nhưng cho đến nay, mọi cố gắng đều vô hiệu. Vậy mà Bộ tư lệnh tối cao quyết định tính chuyện mò trăng đáy nước, bằng cách tìm và đưa toán quân của trung tá Scherhorn về phòng tuyến bạn. Lẽ tự nhiên, người ta đã nghĩ đến các đơn vị đặc biệt của tôi.

- Ông có sẵn sàng nhận lãnh nhiệm vụ không? - Hai sĩ quan tham mưu hỏi tôi.

Tôi trả lời thuận. Tôi biết các sĩ quan và quân nhân giỏi, thích hợp cho một sứ mạng tương tự - nghĩa là phần đông gồm người Baltes - sẽ rất sung sướng vì có cơ hội đi cứu đồng bạn hiện đang bị thất lạc giữa vùng Cộng sản chiếm đóng. Ngay đêm đó, tôi lại lên máy bay và ngay khi về đến Friedenthal, chúng tôi bắt tay ngay vào việc. Vài ngày sau, một kế hoạch hoàn thành lấy tên kế hoạch Braconnier. Rôi chúng tôi lo cho hằng hà sa số các chi tiết mà kế hoạch đã đặt ra. Kế hoạch dự trù thành lập bốn toán, mỗi toán có hai lính Đức và ba Nga sô. Họ được vũ trang bằng súng lục Nga, mang theo lương thực cho bốn tuần, mỗi toán có một lều và đặc biệt, được trang bị một máy truyền tin xách tay. Điều rõ rệt hơn cả là người của chúng tôi phải giả trang thành lính Nga. Như vậy chúng tôi phải cung cấp cả giấy tờ, bằng lái xe v.v.. cần thiết. Ngay từ bây giờ, họ đã phải làm quen với thuốc lá Nga, và mỗi người phải có trong xách vài mẩu bánh mì đen phơi khô và loại đồ hộp của quân đội Nga, vừa đủ để khi cần chứng minh. Mọi người đều bị hớt tóc gần như trọc, theo kiểu quân đội Nga, và trong những ngày cuối trước khi khởi hành, họ sẽ phải từ bỏ việc tắm rửa, ngay cả việc cạo râu nữa.

Hai trong số các toán sẽ nhẩy dù xuống một nơi nào đó phía Đông Minsk, gần giữa thành phố Borisow và Cervenj và sẽ đi về phía Tây để khám phá khu rừng mênh mông thuộc khu vực này. Trong trường hợp thất bại, không tìm được toán quân của Scherhorn, họ phải tìm cách trở lại phòng tuyến. Toán số 3 và số 4 sẽ được thả xuống giữa Dzesinsk và Witeja, họ sẽ đi về phía Minsk, tìm tòi trong khu vực bán nguyệt mà tâm điểm chính là thành phố Minsk. Họ cũng vậy, trong trường hợp các cuộc tìm kiếm không có kết quả, phải tìm cách trở về phòng tuyến của Đức.

Chúng tôi hoàn toàn có ý thức rằng kế hoạch này chỉ có thể được dùng làm nền tảng lý thuyết. Trong thực tế chúng tôi bắt buộc phải để cho mỗi toán tự do hành động tới một mức độ nào đó, vì lẽ chúng tôi không chỉ dẫn cho họ được điều gì chính xác cả, họ bị bắt buộc phải tin tưởng vào linh tính và hành động tùy theo tình hình. Chúng tôi hy vọng là nhờ máy truyền tin, chúng tôi có thể chuyển chỉ thị cho họ khi cần. Hiện tại, chúng tôi có ý định, ngay khi một toán của chúng tôi tìm được đoàn quân của Scherhorn, làm ngay một phi đạo có thể giúp cho phi cơ vận tải lên xuống mang dần dần các binh sĩ trở về.

Vào cuối tháng 8, toán thứ nhất do thượng sĩ P. chỉ huy, lên đường bằng một chiếc Henkel 111, của phi đoàn thứ 200. Chúng tôi bồn chồn nóng nẩy chờ đợi phi cơ trở về, bởi vì vào thời kỳ đó, phi cơ phải bay sâu hơn 500 cây số vào vùng bị địch chiếm đóng trước khi đến địa điểm nhẩy dù (lúc đó chiến tuyến chạy dọc theo con sông Vistule). Vì một chuyến bay như vậy chỉ có thể thực hiện vào lúc ban đêm, không có một phi cơ săn giặc nào theo hộ tống chiếc máy bay vận tải khổng lồ, chậm chạp đó, may thay trước lúc rạng đông, chúng tôi đã thấy phi cơ quay về. Ngay đêm đó, người lính tiền sát cảm tử của chúng tôi đã liên lạc vô tuyến được với bộ phận của thượng sĩ P.

- Đáp rất tồi tệ, - họ báo cáo. - Chúng tôi đang thử tập hợp lại. Chúng tôi ở ngay dưới hỏa lực của nhiều súng liên thanh

Bức điện văn ngừng ngay lại ở đó, có lẽ họ phải chạy trốn, bỏ lại chiếc máy truyền tin. Đêm này qua đêm khác, hiệu thính viên của chúng tôi rình nghe từng ám hiệu nhỏ nhoi trông nón nghe. Không có gì cả - không còn tin tức gì của phân đội do P. chỉ huy cả. Một sự khởi đầu không mấy tốt đẹp!

Đầu tháng 9, phân đội thứ hai, do thượng sĩ S. chỉ huy, cất cánh, bắt đầu chuyến phiêu lưu vĩ đại. Lúc trở về, viên phi công tuyên bố là họ đã nhảy đúng địa điểm và tất cả đều xuống đất an toàn. Tuy nhiên bốn ngày bốn đêm liền trôi qua mà chúng tôi không nhận được một điện văn nào. Chúng tôi đã nghĩ đến tình trạng bi đát nhất. Sự im lặng này chỉ có thể được giải thích bởi một tai nạn thê thảm. Sau cùng, vào đêm thứ 5, chiếc máy của chúng tôi trong khi không ngừng phát đi tín hiệu định trước, đã bắt được tín hiệu trả lời. Thoạt tiên là mật khẩu, sau đó là mật hiệu chứng tỏ người của chúng tôi nói một cách tự do (một sự cẩn thận cần biết: nếu không có mật hiệu này, người đối thoại đang bị đối phương bắt nói dưới họng súng). Và rồi tin tức trọng đại đã đến. Đoàn quân của Scherhorn có thật, thượng sĩ S. đã thành công trong nhiệm vụ tìm kiếm nó! Đêm sau, chính trung tá Scherhorn diễn đạt lòng tri ân của ông đối với chúng tôi bằng vài chữ đơn giản nhưng đầy cảm động. Những nỗ lực, các âu lo của chúng tôi đã được tưởng thưởng đẹp đẽ làm sao!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

27#
 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 09:51:11 | Chỉ xem của tác giả
Chương XVII
(tiếp theo)

Hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau đó, phân đội thứ 3 lên đường do hạ sĩ quan M. chỉ huy. Không bao giờ chúng tôi còn có thể biết số phận của 5 người này nữa. Đêm lại đêm, chúng tôi điều chỉnh tần số theo máy của họ, gọi danh hiệu của phân đội... rồi hàng tuần trôi qua, rồi hàng tháng trôi qua . vô ích, chúng tôi không nhận được câu trả lời nào hết. Phân đội M. đã biến mất trong nước Nga mênh mông.

Vẫn cách 24 giờ sau, chúng tôi đưa phân đội thứ 4 lên dường, do thượng sĩ R. chỉ huy. Trong bốn ngày đầu, R. gọi chúng tôi rất đều. Sau khi xuống đất, họ đi về phía Minsk. Họ không thể giữ mãi một hướng đi bởi vì họ phải tránh các đội quân cảnh Nga tuần tiễu. Thỉnh thoảng họ gặp các tên đào ngũ và bị coi là những người bạn đồng hành bất hạnh. Nói chung, thái độ của dân chúng trong phần đất Bạch Nga này có vẻ thân thiện. Đột nhiên, đến ngày thứ 5, liên lạc với phân đội R. bị gián đoạn. Chúng tôi chưa có thì giờ kịp chỉ dẫn địa điểm chính xác của đoàn quân do Scherhorn chỉ huy. Sự chờ đợi âu lo lại bắt đầu - rồi kéo dài, không chịu đựng nổi. Mỗi buổi sáng Foelkersam buồn bã báo cáo với tôi "không có tin tức gì về ba phân đội R., M. và P.". Cuối cùng, chừng ba tuần lễ sau, một đơn vị đồn trú đâu đó trong vùng biên giới Lithuanie gửi cho chúng tôi qua điện thoại, một điện văn như sau: "Phân đội R. đã tìm đến tuyến phòng thủ của chúng tôi không thiếu một ai".

Lẽ dĩ nhiên, báo cáo của thượng sĩ R. làm cho mọi cơ sở tình báo của chúng tôi lưu tâm cao độ. Thật vậy, hiếm khi có trường hợp các quân nhân Đức gặp cơ hội đi ngang qua một vùng nằm sau phòng tuyến của Nga. R. rất đỗi kinh ngạc khi thấy giới lãnh đạo Nga sô áp dụng nguyên tắc chiến tranh toàn diện, bằng các phương thức tàn bạo như thế nào. Mọi lực lượng, sức mạnh đều được động viên, khi cần, gọi cả đàn bà và con nít nữa. Nếu thiếu phương tiện chuyên chở, thì chính dân chúng phải lăn các thùng xăng ra tiền tuyến qua hàng trăm cây số, rồi đứng thành hàng chuyền tay nhau các quả đạn súng cối cho đến các vị trí đặt súng. Rõ ràng không còn chối cãi gì được nữa, chúng tôi còn phải học hỏi người Nga nhiều điều.

Ngụy trang thành một Trung úy Hồng quân, Thượng sĩ R. đã táo bạo đến mức dám đi vào một câu lạc bộ sĩ quan để được mời ăn tối. Nhờ giỏi tiếng Nga, quan khách không ai nghi ngờ lý lịch của anh ta cả. Vài ngày sau anh ta trở lại phòng tuyến bạn mang theo toàn thể phân đội.

Hiện tại vấn đề đặt ra là thỏa mãn các nhu cầu cấp bách của đoàn quân Scherhorn, đơn vị đang bị thiếu hụt đủ thứ sau ba tháng trời bị cô lập. Trước hết Scherhorn yêu cầu gởi cho một bác sĩ, thuốc men, dụng cụ vệ sinh y tế. Viên bác sĩ đầu tiên nhảy dù xuống một cánh đồng tăm tối bị gãy luôn hai chân và vài hôm sau thì chết. Người y sĩ thay thế gặp nhiều may mắn hơn, ông nhảy xuống an toàn. Sau đó, chúng tôi gởi tiếp liệu gồm lương thực và đạn dược cho vũ khí nhẹ. Vì bị thiếu thốn từ lâu, tình trạng sức khỏe của binh sĩ tồi tệ đến nỗi, tạm thời, chưa thể ra lệnh cho Scherhorn lên đường được.

Cứ cách hai hay ba đêm, phi đoàn 200 lại phái nhiều máy bay mang tiếp liệu đến cho đoàn quân bị vây hãm. Khốn thay, việc thả dù không được chính xác lắm, thường các kiện hàng quý báu rơi vào nơi không đến được, hoặc lạc mất tiêu trong rừng già, và mỗi lần như vậy phải thả dù kiện hàng khác thay thế. Trong khi chờ đợi, tôi lập một kế hoạch cứu đoàn quân, cùng với các chuyên gia của phi đoàn. Chúng tôi dự trù làm một phi đạo gần nơi Scherhorn ẩn núp. Sau đó, lợi dụng các đêm tối trời vào tháng mười để dùng phi cơ đưa các người bị bệnh, bị thương di tản trước, rồi mới đến các người khỏe mạnh.

Do đó chúng tôi gởi cho Scherhorn một chuyên viên để giúp ông ta xây dựng nhanh chóng một phi đạo tạm thời. Tuy nhiên công việc vừa mới khởi sự thì quân Nga đã biết, và rồi các cuộc tấn công không ngừng của địch đã làm cho việc thiết lập phi đạo không còn có thể thực hiện được nữa. Vậy chúng tôi phải tìm cách khác. Sau khi bàn với Scherhorn qua máy truyền tin, chúng tôi quyết định rằng đoàn quân của ông ta phải rời chỗ ẩn náu, đi về phía Bắc để đến một vùng rải rác có nhiều hồ cách đấy chừng 250 cây số, gần biên giới cũ giữa Nga sô và Lithuanie thuộc khu vực Dunaburg. Các hồ nói trên sẽ đông cứng vào đầu tháng 12. Ngay khi lớp băng vừa đủ dầy, chúng tôi sẽ sử dụng như các phi đạo để phi cơ lên xuống.

Để giúp làm dễ dàng cho sự di chuyển cả một đoàn quân quan trọng như thế qua một vùng do địch chiếm đóng, Scherhorn chia thành hai toán, đi bộ theo hai hàng dọc. Hàng thứ nhất đi thẳng lên hướng Bắc do một đơn vị tiền sát hướng dẫn được Thượng Sĩ S. của chúng tôi chỉ huy. Hàng thứ hai, do chính Scherhorn chỉ huy, sẽ theo một con đường song song nhưng giữ hướng nam nhiều hơn. Hiện tại, phải đưa đến cho họ áo quần ấm và hàng trăm danh sách dụng cụ cần thiết. Nhân cho 2000, nhu cầu trở thành một số khổng lồ cần thả dù nhiều lần. Chúng tôi cũng gởi cho họ chín máy truyền tin mới và binh sĩ gốc Nga, để đề phòng trường hợp bị lạc đường, họ có thể giữ liên lạc với nhau và với chúng tôi.

Ngày 15 tháng 11 năm 1944, tất cả đều sẵn sàng và hai hàng người bắt đầu khởi hành, đi bộ, vì một vài chiếc xe đẩy kiểu Nga hiếm hoi phải được dùng để chở thương bệnh binh. Họ tiến tới quá chậm, khác xa với điều chúng tôi dự trù. Mỗi ngày trung bình đi được từ 8 đến 12 cây số. Nhiều lần Scherhorn phải cho xen kẽ vài ngày nghỉ ngơi, như thế mỗi tuần trung bình chỉ đi tới được chừng 40 cây số. Mặt khác, các điện văn phúc trình tới tấp các cuộc đụng độ đẫm máu với các đội tuần tiễu của quân cảnh Nga, số thương vong càng ngày càng tăng. Dần dần, tất cả những người biết về nước Nga, trong số chúng tôi đều ngã lòng. Cơ may trở lại quê nhà của nhóm Scherhorn trở nên quá mong manh.

Nếu đường bay của các phi vụ tiếp tế có ngắn hơn thật, thì việc xác định địa điểm thả dù trở nên khó khăn hơn. Qua máy truyền tin, chúng tôi thỏa thuận một địa điểm trên bản đồ và đến ngày giờ định trước, sẽ được đánh dấu. Mặc dù cẩn thận đến như vậy, nhưng càng ngày số kiện hàng rơi vào tay quân cảnh Nga càng nhiều không đếm xuể. Nhưng đó không phải là mối lo âu lớn nhất của chúng tôi. Từ tuần này đến tuần khác, số lượng xăng cấp cho phi đoàn 200 giảm dần trong khi nhu cầu vẫn giữ nguyên. Thỉnh thoảng chúng tôi gỡ gạc được của cơ quan cấp xăng một cấp khoản đặc biệt bốn hoặc năm tấn và nhấn mạnh đến tính cách khẩn cấp của đồ cứu trợ cần phải gởi đi, nhưng mỗi lần có yêu cầu mới, các khó khăn gặp phải càng gia tăng. Mặc dù Scherhorn kêu gọi thảm thiết, chúng tôi phải bắt buộc giảm số phi vụ tiếp tế vốn đã rất hạn chế rồi. Tôi tin rằng Scherhorn và binh sĩ của ông ta đang chiến đấu trong những điều kiện hãi hùng, chắc không thông cảm được các khó khăn của chúng tôi. Do đó tôi thử giữ vững tinh thần của họ, niềm tin của họ đối với ý chí của chúng tôi, ý chí giúp đỡ trong phạm vi phương tiện cơ hữu, bằng cách hàng ngày gởi cho họ các điện văn trong đó tôi cố tỏ vẻ lạc quan.

Đến tháng 2 năm 1945. Tôi chỉ huy một Sư đoàn ở mặt trận Miền Đông. Vừa đẩy lui các mặt tấn công điên cuồng của địch, tôi vừa cố gắng theo đuổi các “sứ mạng đặc biệt” của chúng tôi.

Những điện văn do Scherhorn gởi về đều đều cho chúng tôi biết tình thế ngày càng tuyệt vọng. “Xin gởi thêm tiếp liệu… xin giúp đỡ chúng tôi… Đừng bỏ quên chúng tôi…” Chỉ có một tin vui duy nhất: Scherhorn vừa gặp được phân đội P., phân đội đầu tiên trong số bốn phân đội được gửi đi và bị coi như mất tính từ tháng 8. Nhưng ngoài sự kiện đó ra, đọc các điện văn ghi các cuộc đối thoại ban đêm, làm cho tôi đau đớn như bị tra tấn. Hiện tại, chúng tôi chỉ có thể gởi mỗi tuần một chuyến phi cơ mà thôi. Một chuyến bay khứ hồi dài 800 cây số. Khối lượng tiếp liệu có thể gởi đi cũng giảm dần. Ngày đêm, tôi moi óc nghĩ cách giúp đỡ những người không muốn ngưng chiến đấu đó. Nhưng làm sao đây?

Vào cuối tháng 2, cấp khoản xăng không còn nữa. Tôi không ngăn được cơn giận khi nghĩ đến khối lượng nhiên liệu khổng lồ mà địch quân xài phung phí trong khi tiến quân. Tại mỗi phi trường của khu vực Warthegau[1] mà quân Nga vừa mới chiếm, hàng trăm tấn xăng được dự trữ cho phi cơ.

Ngày 27 tháng 2, chuẩn úy S. gởi cho tôi điện văn sau:

- Đã đến, với bộ phận tiền sát, khu vực có nhiều hồ. Sẽ bị chết đói nếu không nhận được lương thực gấp. Các ông có thể đến kiếm chúng tôi không?

Rồi, vì làn sóng phát yếu dần đi, các lời kêu cứu càng cấp bách. Và chúng tôi bất lực. Sau cùng: S. năn nỉ cấp cho anh một chút xăng để có thể “sạc” lại bình điện cho máy truyền tin.

- Tôi chỉ còn xin có một điều… có thể giữ liên lạc với các anh… có thể được nghe các anh…

Sự suy sụp và nhiều khi là sự hỗn độn trong các công sở lại tỏ ra mạnh hơn chúng tôi. Hiện tại đừng nghĩ đến việc tiếp tế cho những người khốn khổ đó nữa và nhất là việc tìm kiếm đưa họ trở về.

Tuy nhiên, các hiệu thính viên của tôi hàng đêm vẫn ngồi trước máy, ống nghe úp chặt vào tai, cứ như thế, mặc dù quân đội rút lui dần và nhiều khi rút lui hấp tấp. Đôi khi, họ lập được liên lạc với các đoàn quân của Scherhorn. Thỉnh thoảng chúng tôi còn nhận được lời kêu cứu tuyệt vọng – thế rồi từ ngày 8 tháng 5, không còn gì nữa, im lặng hoàn toàn. Scherhorn không trả lời nữa, chiến dịch Braconnier thất bại.

*

Vào cuối tháng tám, mặt trận Miền Đông lại sắp ghi nhận một tai họa khác. Liên quân Đức tại miền Nam – tại Bessarabie và Lỗ - ma - ni – hình như bị đợt tiến quân dũng mãnh như thủy triều của Nga sô nhận chìm. Theo các tin tức còn mơ hồ qua các thông cáo, chúng tôi lo âu theo dõi trên bản đồ, đà tiến quân liên tục của các Sư đoàn Nga sô qua lãnh thổ Lỗ - ma - ni. Trong sự tan rã đó, các thuộc địa lâu đời của Đức sẽ ra sao?

Vào đầu tháng 9, tôi được Tổng Hành Dinh của Fuhrer ra lệnh như sau:

- Thành lập ngay hai tiểu đội hoạt động vô giới hạn. Phi cơ cần để chuyên chở đã sẵn sàng. Nhiệm vụ của cảm tử quân là: nếu có thể, chắn ngang đèo Carpathes phía Nam, đẩy mạnh các điểm thám sát vào sâu trong vùng bị địch chiếm. Cản trở lưu thông của quân Nga, giúp đỡ tổ chức và đẩy mạnh công tác cứu thoát dân chúng gốc Đức.

Một lần nữa, chúng tôi lại được giao cho một nhiệm vụ, sau một quyết định vội vàng, vào phút chót, trong khi thông thường, sự thành công của hoạt động cảm tử lệ thuộc cốt yếu vào công tác chuẩn bị kỹ lưỡng và lâu dài. Mặc kệ - chúng tôi sẽ cố hết sức. Tôi nhận thấy Thiếu úy G. là sĩ quan thích hợp nhất để chỉ huy phân đội gồm có vài bộ phận xung kích, nhiều hạ sĩ quan công binh, và chừng mười quân nhân rành tiếng Lỗ-ma-ni. Chúng tôi vội vã kiếm dụng cụ cần thiết như điên, và rồi đơn bị lên đường đến nơi vô định. Danh từ này đúng nhất, phải dùng, vì lẽ tình hình quân sự biến chuyển hàng ngày. May thay, chúng tôi có ý tưởng là phái một chiếc phi cơ thám sát đến vùng do Tổng Hành Dinh chỉ định, nhờ đó đến phút chót chúng tôi biết rằng phi trường Temezvar, nơi mà toán quân tôi sẽ đổ bộ, đã bị quân địch chiếm mất. Các phi cơ vận tải phải đáp ở một bãi đất phụ do quân đoàn Phleps xây dựng.

Ngay khi vừa đặt chân xuống đất, phân đội chia ra làm bốn toán chiến đấu và tiến đến đèo Carpathes thành công. Lúc đó, không thể nói đến phòng tuyến của Đức trong vùng này nữa: quân sĩ của chúng tôi đang chạy dài, phần chủ động ở nơi quân Nga với các đợt tiến quân vũ bão. Nhưng trong nhiều ngày, quân đội chúng tôi cũng làm chậm đà tiến của địch nhờ vài ngọn đèo của núi Carpathes, và giúp được nhiều nhóm dân chúng Đức – gồm đàn ông, đàn bà tuyệt vọng chạy trốn không ngừng. Chẳng mấy chốc, quân cảm tử của chúng tôi cũng phải vừa đánh vừa lui. Thiếu úy G. và binh sĩ trong toán đã ngụy trang thành lính Lỗ-ma-ni, và cùng với quân Nga vào Kronstadt. Họ còn lấy hoa cài cả lên nòng súng gọi là “để mừng cuộc tiến quân thằng lợi của Hồng quân”. Tuy nhiên, cơ may đã đến với họ nay bỏ rơi họ, khi cố len lỏi cho đến phòng tuyến chót của quân Nga, họ bị phát giác. Quân Nga, sau khi dùng báng súng đánh ngất, lột hết quần áo và không cần xét xử gì cả, đem họ lên đỉnh đồi bắn bỏ. Đến phút chót, Thiếu úy G. nhẩy dựng lên và chạy trốn. Sau khi chạy hết sức qua nhiều cây số, chân mặt anh ta bị một viên đạn, khiến anh ta phải ẩn náu trong một đầm lầy. Đêm sau, anh trở về được phòng tuyến bạn mới được tái lập. Nhờ các điều anh quan sát được về sự chuyển quân của địch, quân Đức thành công vài ngày sau, trong việc cứu cả một Sư đoàn đang chiến đấu trong vùng Gyergyoti, khỏi bị vây hãm.

Về phần ba phân đội kia, họ đã trở về sau khi bị tổn thất nhẹ, và cung cấp các tin tức quí báu liên quan đến quân số và ý đồ của quân Nga.

*

Chính các loại công tác kể trên đã làm tôi thích thú nhất. Thường thường, một nhóm người không quá đông, nhưng gồm toàn người cương quyết, có thể đạt được các kết quả không ngờ. Khốn nỗi, sự thành công của các đơn vị cảm tử chỉ như là một tia sáng mặt trời yếu ớt trong một bức tranh tối tăm ảm đạm. Một chi tiết do viên Hạ sĩ quan thuộc toán của Thiếu úy G. phúc trình đã cho tôi thấy một tia sáng buồn thảm trong một tình hình vốn đã khẩn trương rồi: Tại Lỗ-ma-ni, bên kia dãy Carpathes, phân đội của anh gặp một đơn vị phòng không đông đến 2.000 người. Họ được trang bị đầy đủ và còn giữ nguyên vũ khí – loại tối tân – bắn nhanh – nhưng họ dừng lại trong một thung lũng nhỏ bên cạnh một con đường lớn và không biết làm gì, họ chờ đợi – nói tóm tắt, họ đầu hàng trước cả khi quân Nga đến nữa. Trong số 2.000 người chỉ có 300 là chịu theo phân đội của G. tìm về phòng tuyến. Những người khác ưa ở lại đó hơn – ngu ngốc, thụ động, tiêu cực, đến nỗi không có ý chí vạch một con đường đến khu vực còn ở trong tay quân bạn. Họ phải đầu hàng ngay với đội quân tiền sát của Nga – 1.700 người có trong tay một hỏa lực ghê gớm, nhưng lại không còn tinh thần chiến đấu nữa. Và câu chuyện thương tâm này xảy ra hàng chục hàng trăm lần tại mặt trận miền Đông. Liệu đã có thể kết luận rằng tinh thần quân Đức bị suy sụp, rằng quân Đức không còn tin vào chiến thắng cuối cùng, hay chưa? Hay đây chỉ là sự thể hiện “bệnh tinh thần phát cuồng của quân Nga” mà đôi khi người ta quan sát thấy trong các khu vực thuộc phòng tuyến miền Đông – nghĩa là một hiện tượng đặc biệt, do sự mệt nhọc quá sức, do tinh thần bị căng thẳng quá sức, gây ra? Lúc đó, tôi còn nồng nhiệt hy vọng rằng chỉ có vậy thôi.

Chú thích

[1] Khu vực giữa sông Oder và một trong các phụ lưu chính của nó, sông Warthe tại Tây Phổ - ghi chú của người dịch.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

28#
 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 10:29:46 | Chỉ xem của tác giả
Chương XVIII
Hoàng hôn ảm đạm

Ngày 10 tháng 9 năm 1944, trong khi tôi đang bận rộn tại Friedenthal, lo tổ chức lại các tiểu đoàn sao cho thuần nhất để có thể đảm trách bất cứ loại hoạt động nào, thì Tổng Hành Dinh của Fuhrer cho gọi tôi. Hiện tại “Hang sói” không còn cách xa phòng tuyến đầu bao nhiêu, mặt trận chỉ còn cách 10 cây số về phía Đông. Do đó cần phải thay đổi sắp xếp lại khu vực đặt Đại bản doanh. Người ta vừa hoàn thành một hầm ẩn núp chính – gọi là “Fuhrerbunker” – đó là một khối bê tông vĩ đại có vòm đậy dầy 7 thước. Vì không có một cửa sổ nào, người ta thiết trí một hệ thống thông hơi phức tạp, hoạt động rất kém khiến cho việc ở dưới hầm một ngày trở nên khó nhọc, vì lẽ bê tông chưa được khô hẳn, tỏa ra một mùi thật nhức đầu.

Ngược lại, dãy phòng trung ương được ưa thích hơn vì có nhiều ngỏ rộng, nhiều phòng sáng sủa, trật tự. Đó chính là nơi hằng ngày từ 14 đến 22 giờ, các cuộc hội nghị quân sự được tổ chức, được gọi vắn tắt là “tình hình” trong đó các quyết định chủ yếu được thành hình. Ngay khi mới đến vào lúc 10 sáng, Đại Tướng Jodl cho biết là trong nhiều ngày liên tiếp tôi sẽ dự các cuộc thảo luận liên quan đến khu vực phía Nam của mặt trận Miền Đông. Bộ Tổng Tư Lệnh Tối Cao hình như muốn giao cho tôi một sứ mạng cực kỳ quan trọng trong khu vực này.

Mặc dù chỉ dự vào một phần hội nghị liên quan đến một phần mặt trận mà thôi, tôi cũng ý thức được mau lẹ mối âu lo của các giới chức quân sự cao cấp. Bộ “Tổng Tư Lệnh Tối Cao” trong thực tế chỉ lãnh đạo có mỗi Mặt trận Miền Đông, riêng các mặt trận khác, kể cả mặt trận Balkans thì do “Bộ Tham mưu hành quân của Lục quân” trực tiếp chỉ huy. Hơn nữa, hải và không quân cũng phải gởi sĩ quan tham mưu đến phúc trình hàng ngày. Bên trên các cơ cấu phức tạp đó, một mình Adolf Hitler biểu tượng cho cơ quan điều hợp, nhất là từ khi ông nắm quyền lãnh đạo tối cao tất cả quân lực.

Một gánh nặng đè bẹp, có lẽ là quá sức chịu đựng của con người ngay cả đối với một siêu nhân.

Được đưa vào dãy nhà chính ở Trung tâm, tôi vừa mới trình diện với các tướng lãnh và sĩ quan tham mưu, thì một mệnh lệnh ngắn làm chúng tôi cứng người đứng nghiêm tại chỗ, Fuhrer đi vào có Thống chế Keitel và Đại Tướng Jodl tháp tùng.

Thật là hãi hùng, nếu tôi không nói là kinh sợ, tôi nhìn thấy người này, thật khác xa với hình ảnh một người đã khắc sâu trong trí nhớ của tôi. Càng dễ sợ hơn nữa khi nhớ lại lần gặp gỡ sau cùng mới xảy ra mùa thu năm rồi – chưa được một năm. Tôi thấy tiến về phía trước một người mệt mỏi vô biên, lưng còng, già khú, ngay cả giọng nói trầm ấm rung động ngày xưa nay cũng tỏ vẻ mệt mỏi. Liệu ông có hiểm độc như vẻ mặt biểu lộ? Bàn tay trái run dữ dội đến nỗi ông phải lấy tay phải nắm chặt. Phải chăng đấy là hậu quả của vụ mưu sát ngày 20 tháng 7? Hay là Fuhrer đã bị suy sụp dưới gánh nặng trách nhiệm kinh hồn mà ông chịu đựng trong nhiều năm qua? Tôi không thể ngăn mình tự hỏi ông già này làm cách nào tìm được năng lực cần thiết để hoàn thành trách nhiệm.

Adolf Hitler bắt tay vài sĩ quan đứng gần cửa, nói với tôi vài lời dịu dàng và yêu cầu được nghe báo cáo. Hai tốc ký viên đã ngồi vào đầu của chiếc bàn lớn đặt giữa phòng. Tất cả sĩ quan đều đứng, về phần Fuhrer, một chiếc ghế đẩu được đặt sau bàn, nhưng thỉnh thoảng ông mới ngồi vài phút. Trước mặt (là?) vô số bút chì màu và kiếng đeo mắt của ông.

Đại tướng Jodl trình bày tình hình. Chúng tôi theo dõi dễ dàng các điểm giải thích trên một bản đồ mênh mông phủ kín mặt bàn. Các con số sư đoàn, quân đoàn, trung đoàn thiết kỵ, được liệt kê không ngơi. Chỗ này quân Nga tấn công nhưng đã bị đẩy lui. Chỗ kia họ đã chọc thủng được phòng tuyến và tạo một túi thật sâu, mà hiện nay ta đang cố phản công. Tôi thật ngẩn ngơ khi thấy Fuhrer thuộc lòng nhiều chi tiết quá – Số chiến xa có sẵn tại chỗ này hay chỗ nọ, số lượng xăng dự trữ, tầm quan trọng của lực lượng tăng cường v.v… Ông kể các con số mới, ra lệnh điều quân, căn cứ vào tấm bản đồ, cứ thế không ngừng. Tình hình rất trầm trọng. Hiện tại, ngoại trừ vài chỗ lồi lõm, mặt trận gần như chạy dài theo biên giới Hung-Gia-Lợi và Lỗ-Ma-Ni. Được kinh nghiệm báo trước, tôi tự đặt vài câu hỏi âu lo: liệu những sư đoàn vừa được nhắc nhở còn có thể chiến đấu được không? Hỏa lực, bãi đậu xe của họ ra sao? Có bao nhiêu chiến xa, súng ống đã bị phá hủy hay thất lạc từ khi gởi xong bản báo cáo mà hiện nay đang được đem ra làm căn bản thảo luận?

- Hôm nay không có quyết định nào thật quan trọng, - vài sĩ quan tham mưu thì thầm bên tai tôi.
Những lời nói đó nhắc nhở với tôi rằng tại đây, trên tột đỉnh của quân đội, người ta chỉ tính bằng đơn vị quân đoàn hoặc liên quân.

Khi đến phiên đại diện không quân thuyết trình, tôi nhận thấy có một cái gì sai lạc, thiếu sót. Fuhrer đứng ngay dậy và bằng giọng khô khan, yêu cầu viên sĩ quan giải thích chính xác hơn. Người ta nói rằng trước đây không quân rất được cưng chìu, nay thì điểm tình cảm bị sút giảm. Thật vậy, bài thuyết trình của viên sĩ quan tham mưu có vẻ vô vị, thiếu nhiệt thành. Một cử chỉ đột ngột, Fuhrer ngắt lời và quay lưng về phía viên sĩ quan. Đại Tướng Jodl đưa mắt ra dấu bảo tôi ra ngoài, bởi vì bây giờ người ta bắt đầu bàn luận đến tình hình các mặt trận khác.

Trong phòng kế bên, tôi bắt chuyện với một vài sĩ quan tham mưu trẻ. Vừa nhấm nháp ly rượu ngọt do các binh sĩ hầu cận mời, chúng tôi nói về Mặt trận Miền Đông. Tại Varsovie, quân đội bí mật của Ba-Lan vừa phát động cuộc nổi dậy: nhiều trận đánh đẫm máu xảy ra trong thành phố: càng về phía Nam, tình thế càng tệ hơn; tin tức về khu vực này thảy đều tai hại.

Chúng tôi không thể nói tất cả chuyện đó cho Fuhrer, một trong những sĩ quan nói với tôi. Chúng tôi phải tìm cách giải quyết êm đẹp tình trạng đó mà Fuhrer không biết.

Ba ngày sau, người ta quên bảo tôi ra ngoài khi cuộc thuyết trình về các mặt trận khác bắt đầu. Sĩ quan có trách nhiệm báo cáo không dám dấu tình trạng tệ hại tại khu vực này. Hitler vừa ngồi xuống đã nhảy chồm lên.

- Tại sao tôi không được báo cáo sớm hơn? - Ông ta vừa hét vừa ném thật mạnh các cây bút chì khiến chúng lăn long lóc và rơi xuống đất.

Bối rối, tất cả đều giữ im lặng, trong khi Fuhrer để cho cơn giận bùng nổ, lần lượt Đại Tướng Jodl, Bộ Tổng Tư Lệnh tối cao Không quân phải đón nhận. Phần tôi, tôi cố thu người lại thật nhỏ, ít ra là trong phạm vi có thể được. Tôi cảm thấy khó thở, muốn đi ra chỗ khác. Các người trách nhiệm phải chịu xát xà phòng trước một cử tọa đông đúc đến thế sao? Đột nhiên, Hitler trở lại bình tĩnh và quay về phía một Tướng lãnh khác để đặt vài câu hỏi chính xác.

- Chúng ta còn quân trừ bị trong khu vực đó không? Liệu có thể đưa một tàu đạn dược đến kịp không? Gần đó có đơn vị công binh nặng nào không?

Và đó là lúc bắt đầu công việc vá víu tạm bợ thật khó khăn và tế nhị. Bằng cách sử dụng tất cả lực lượng trừ bị, các biện pháp đầu tiên đã thành hình nhằm mục tiêu cứu vãn chỗ nguy cấp nhất, lần này dù hay dù dở, mọi chuyện lại được dàn xếp xong. Vào buổi chiều, tôi gặp nhiều sĩ quan quen biết từ lâu. Tất cả đều bi quan. Tin tức không có gì đáng vui, đó là sự thật. Một tia nắng mặt trời duy nhất chiếu trên quang cảnh hoàng hôn ảm đạm này: Lúc đó, có phần chán nản, tôi thơ thẩn theo các lối đi trong vườn và đột ngột gặp Hanna Reitsch. Cô báo tin là vừa đưa Tướng Von Greim về Tổng Hành Dinh, đây là một trong các Tướng lãnh Không quân chính yếu, cô cũng mời tôi đến thăm trại. Vào nửa đêm, sau bảng “tình hình tối”, tôi mò mẫm tìm đến doanh trại dành cho các quan khách đặt biệt. Trong một căn phòng rộng, một loại living room, Hanna giới thiệu tôi với Tướng Von Greim – khuôn mặt dịu dàng và dễ có cảm tình, nét mặt rành rẽ, mái tóc trắng như tuyết. Lập tức bỏ rơi các lời giáo đầu tầm thường, câu chuyện của chúng tôi hướng đến hai vấn đề mà có thể xem là cùng một bản chất: vấn đề Chiến tranh và vấn đề Không quân. Tôi ngơ ngẩn khi thấy trong giờ phút này mà ông Tướng còn châm biếm đùa cợt được! Ông giải thích lý do được triệu dụng về G.Q.G: Fuhrer muốn cách chức Thống chế Goering và giao quyền chỉ huy Không quân cho Von Greim. Tuy nhiên Goering còn giữ quyền quản trị nhân sự, trong khi Von Greim đòi có toàn quyền. Hiện tại vấn đề còn để đó, Hitler chưa quyết định gì cả. Với vẻ giận dữ đặc biệt, Von Greim chỉ trích Bộ Tham mưu Không quân kịch liệt, nhất là Goering.

- Không quân đã ngủ quên trên chiến thắng. Tôi đồng ý là rất xứng đáng trong những năm 1939-1940 nhưng Không quân đã không nghĩ đến ngày mai. Những lời tuyên bố của Goering: Không lực của chúng ta là vô địch, nhanh nhất, can đảm nhất thế giới – những câu nói đó không đủ mang lại chiến thắng sau cùng, - Von Greim nói một cách chua chát.

Và rồi ông mô tả một bức tranh bi quan của tình hình không quân Đức. Hiện nay tôi không nhớ được hết các chi tiết, tôi chỉ còn nhớ rằng ông Tướng nhìn thấy một tia hy vọng, có thể nói là hy vọng độc nhất: các phi cơ săn giặc phản lực sắp được đem ra sử dụng. Rất có thể nhờ loại máy bay này chúng tôi đẩy lui được các cuộc oanh tạc không ngừng của Đồng minh và tái chiếm ưu thế không quân, ít ra cũng trong một vài khu vực. Nhưng tôi tự hỏi liệu với một chút thiện chí, người ta có cung cấp kịp thời cho phi công chúng tôi các loại máy bay đó không. Tôi biết là cuộc nghiên cứu loại phi cơ này đã hoàn tất năm 1942. Liệu trong lịch sử cuộc chiến tranh này, một lần nữa lại có một chương trong vô số chương mang danh “quá chậm” nữa hay không.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

29#
 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 11:45:30 | Chỉ xem của tác giả
Chương XIX
Tôi hành động tại Hung-Gia-Lợi

Ba hôm sau, khi hội nghị “tình hình” buổi tối chấm dứt, Fuhrer ra hiệu cho tôi ở lại. Ông cũng giữ lại thống chế Keitel, Đại Tướng Jodl, Ribbentrop và Himmler (đặc biệt hiện diện hôm đó). Chúng tôi ngồi vào các ghế bành chung quanh chiếc bàn nhỏ và Adolf Hitler tóm lược tình hình khu vực Đông Nam trong vài câu. Mặt trận vừa mới được ổn định dọc biên giới Hung – gia – lợi phải được giữ vững bằng mọi giá, bởi vì trong khu vực mênh mông của tuyến phòng thủ này có một triệu quân Đức mà số phận của họ sẽ là bị bắt làm tù binh tất cả, nếu phòng tuyến tan vỡ.

- Thế mà, - Fuhrer nói tiếp, - chúng ta vừa nhận được các báo cáo mật cho biết Nhiếp chính vương Hung – gia – lợi, Đô đốc Horthy, đang cố tiếp xúc với địch để thương thảo một nền hòa bình riêng rẽ. Các cuộc hội đàm này, một khi kết thúc, sẽ có nghĩa là đạo quân của chúng ta bị xóa bỏ. Horthy không những chỉ muốn ký kết với các cường quốc Tây phương mà còn chấp nhận đầu hàng toàn diện trước Nga sô nữa.

“Thiếu tá Skorzeny, anh phải chuẩn bị để chiếm đóng Mont du Château (Burgberg) tại Budapest. Anh sẽ phát động chiến dịch ngay khi chúng tôi được báo cáo rằng viên Nhiếp chính phản lại chúng ta, nghĩa là khiếm khuyết trong sự thi hành nghĩa vụ qui định trong hiệp ước liên minh với Đức quốc. Bộ Tổng Tham Mưu đã nghĩ đến một cuộc tấn công bằng lực lượng nhẩy dù hay có thể là cho hạ cánh nhiều phi cơ ngay trên đỉnh đồi. Trong công tác này anh được đặt dưới quyền chỉ huy của Tư Lệnh lực lượng Đức tại Budapest, Tướng N. Nhưng anh phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, bởi vì Bộ Tham Mưu của Tướng N. đang còn được tổ chức. Để giúp anh vượt qua các khó khăn, tôi sẽ ký một lệnh viết cho anh nhiều thẩm quyền rộng rãi.

Rồi thì Đại tướng Jodl đọc cho tôi danh sách các đơn vị được đặt dưới quyền sử dụng của tôi: Một tiểu đoàn dù của Không quân, tiểu đoàn dù 600 của binh chủng Waffen SS, một tiểu đoàn bộ binh cơ giới gồm sinh viên Trường Sĩ quan Wiener Neustadt. Ngoài ra, hai phi đội máy lượn vận tải cũng sẽ được đưa đến Vienne để đặt dưới quyền chỉ huy của tôi.

- Trong suốt thời gian chiến dịch, anh cũng còn được cấp một phi cơ thuộc phi đội biệt phái cho Tổng Hành Dinh của Fuhrer, để sử dụng trong khi anh cần di chuyển, - Jodl kết luận.

Trong vài phút, Hitler còn bàn luận với Ribbentrop về các báo cáo do Đại sứ quán Đức tại Budapest gửi về. Theo các điện văn đó thì tình hình được coi như rất căng thẳng, chính quyền Hung – gia – lợi công khai muốn bỏ khối Trục. Rồi Fuhrer ký sự vụ lệnh, đưa cho tôi, và nói thêm:

- Tôi tin tưởng ở anh và các quân nhân thuộc quyền.

Sau đó, ông rút lui. Môt lúc sau, những người khác cũng cáo biệt, để tôi ở lại một mình. Khi đọc thoáng qua các tài liệu, tôi bị sửng sốt về các phương tiện hành động vô giới hạn giành cho tôi. Trên một tờ giấy lớn khổ "văn kiện Quốc qia", bên góc trái phía trên có in nổi hình con ó và dấu chữ Vạn quốc xã, mạ vàng, và dưới đó, dòng chữ kiểu Gô – tích: Fuhrer, Tể tướng Đức Quốc Xã, tôi đọc thấy:

"Thiếu tá trừ bị Otto Skorzeny được chính tôi giao phó thi hành một mệnh lệnh riêng, mật và tối quan trọng. Tôi yêu cầu tất cả các cơ quan quân sự và dân chính triệt để giúp đỡ và tuân hành ý muốn của đương sự".

Dưới các dòng chữ đó, là chữ ký từ bàn tay run rẩy của nhà lãnh tụ Đức Quốc xã. Trong thoáng chốc, tôi nghĩ rằng với tờ khống chỉ tương tự, tôi có thể, do tính thay đổi thất thường làm cho toàn diện chế độ lật nhào. Và tôi quyết định sử dụng văn kiện này rất hạn chế. Thật vậy, tôi vẫn khinh lối tuân phục mù quáng của các công sở khi trông thấy một "lệnh thượng cấp" được trình ra. Tôi thích dựa trên sự cảm thông và sự hợp tác tự nhiên của những người mà tôi sẽ nhờ cậy.

Hiện tại, đã 2 giờ sáng rồi, tuy nhiên tôi muốn thực hiện vài công tác trước khi đi ngủ. May thay, hai ngày trước, tôi đã cẩn thận đánh điện đặt một trong các Lữ đoàn của tôi, tiểu đoàn khinh binh 502 cũ, trong tình trạng báo động.

- Alô, Foelkersam. Tôi vừa được giao phó nhiệm vụ quan trọng. Hãy ghi nhận: Đại đội đầu tiên được tăng cường bằng một vài trung đội chọn lọc, có mặt tại phi trường Gatow đúng 8 giờ sáng mai. Tăng cường gấp ba lần tiếp liệu và đạn dược thường lệ, thêm vào đó trang bị hoàn toàn cho bốn trung đội chuyên về chất nổ. Phân phát cho mỗi người sáu ngày lương thực. Đặt Đại đội dưới quyền chỉ huy của Trung úy Hunke, sĩ quan chỉ huy phi đội vận tải đã biết nơi đến. Phần tôi, cũng đúng 8 giờ ngày mai, tôi sẽ bay về và đến phi trường của nhà máy Henkel gần Oranienbourg lúc 10 giờ. Hãy đến đó gặp tôi, đến trưa, chúng ta sẽ khởi hành, anh, Ostafed, Radl và tôi. Có gì cần hỏi lại không? Tốt – sẽ gặp lại.

Sau vài giờ nghỉ ngơi, tôi bay về trên một chiếc Henkel 111. Vừa ngắm cảnh, tôi vừa suy nghĩ hậu quả không tránh được của việc Hung – gia – lợi trở cờ. Trong canh bạc, vốn liếng mà tôi phải bảo vệ quá lớn: cả một đạo quân – một triệu người – mà tình trạng rất bấp bênh – phải nói là tuyệt vọng – nếu các sư đoàn Hung – gia – lợi buông võ khí, hay tệ hơn nữa, ngã theo phe địch. Và nếu như vậy, chúng tôi mất luôn Budapest, giao điểm của tất cả các ngõ giao thông của chúng tôi ... tai hại không thể tưởng tượng được. Miễn là tôi hành động đúng lúc!

Đột nhiên, tôi nghĩ đến các máy lượn mà Fuhrer đặt dưới quyền sử dụng của tôi. Có cả hai tiểu đoàn dù nữa. Trong thực tế - làm sao mà quí ông trong Bộ Tổng Tham Mưu lại có thể tưởng tượng đến việc dùng quân nhẩy dù đánh Mont du Château mà lại không nói gì đến kế hoạch hạ cánh các phi cơ xuống đỉnh đồi! Tôi biết Budapest rất rõ, địa điểm duy nhất có thể bất đắc dĩ đổ quân dù, là một cánh đồng lớn không hiểu sao lại có tên "cánh đồng máu". Thế nhưng, nếu người Hung phản bội, chúng tôi sẽ lâm nguy, trước khi kịp tập họp thì đã hứng trọn hỏa lực tập trung từ trên đồi kế đó và từ các ngôi nhà trước bãi đáp quét sạch. Tuy nhiên cũng rất có thể là một vài đơn vị xung kích đổ bộ xuống được ... vậy đến lúc đó hẳn biết.

Đúng giờ đã định, tôi đến Oranienbourg và gặp Foelkersam đang đợi đó. Anh ta báo cáo đại đội đầu tiên đã lên đường đi Vienne, địa điểm hẹn gặp của tất cả các đơn vị do tôi chỉ huy. Chúng tôi lái xe như bay về Friedenthal, để lấy vật dụng cần thiết, rồi có thêm Radl và Ostafed, chúng tôi bay đến thủ đô Áo quốc. Trong số hành lý chúng tôi có mang theo một thùng mìn, kiểu mới được phòng thí nghiệm quân đội sáng chế. Số lượng hành lý của chúng tôi không có gì cồng kềnh lắm nếu đừng nghĩ đến việc có thể gặp một phi cơ địch – chuyện này rất có thể bởi vì phi cơ săn giặc Đồng minh đã có mặt thường xuyên trên không phận Đức quốc rồi – chỉ một viên đạn trúng thùng mìn, tất cả sẽ nổ tung! Thật ra, vì quá bận rộn với kế hoạch, chúng tôi cũng không nghĩ đến điều đó nữa. Tất cả chúng tôi đều đồng ý là phải cơ giới hóa tất cả các đơn vị. Viễn cảnh đấu khẩu với các cơ quan cấp xe lại xuất hiện. Chúng tôi biết việc tìm kiếm xe cộ lúc này có kết quả đến mức nào. Mặt trận Miền Đông và cả Miền Tây nữa, đã hủy diệt biết bao nhiêu là xe cộ đến nỗi không một cơ xưởng nào dù lớn nhất hoàn vũ, có thể sản xuất kịp để trám vào chỗ trống.

Tuy vậy, tại Vienne, chúng tôi chỉ mất có ba ngày là san bằng được hết mọi trở ngại. Tại Wiener Neustadt tôi đã duyệt qua tiểu đoàn bộ binh gồm 1.000 chuẩn úy – một sự chọn lựa tuyệt vời gồm toàn các thanh niên khỏe mạnh có tinh thần chiến đấu đáng chú ý đặc biệt. Tiểu đoàn dù của không quân đã đến Vienne, cùng lúc đó tiểu đoàn dù SS cũng đã từ mặt trận miền Đông trở về. Đơn vị trước ở trong tình trạng tốt đẹp, các sĩ quan đầy phong độ, trong khi quân dù SS, có vẻ bê bết hơn, tiếp theo sau các trận đụng độ gay go từ nhiều tuần lễ trước. Vả lại, đây cũng chính là tiểu đoàn đã tham dự vào cuộc hành quân bắt Tito vào tháng 6 năm 1944.

Ngay sau khi giải quyết xong các vấn đề do sự cơ giới hóa và trang cụ cho các đơn vị, tôi khởi hành đi Budapest, có Radl tháp tùng. Thật vậy, đây là lúc tôi cần phải biết tại chỗ, diễn biến của tình hình. Xử dụng một thông hành mang tên "bác sĩ Wolff", mặc một bộ thường phục cắt thật đẹp, tôi đến thủ đô Hung – gia – lợi và tìm đến nhà một nhân vật M.X. nào đó mà một người bạn chung đã ân cần giới thiệu với tôi. Ông nầy đã tiếp đón tôi vô cùng vồn vã và tỏ ra hiếu khách với truyền thống tốt đẹp của dân Magyare (1). Thậm chí ông còn dọn đi ở chỗ khác để tôi được hoàn toàn tự do xử dụng nhà ông kể cả người bồi phòng và bà đầu bếp. Tôi phải hổ thẹn nhìn nhận rằng suốt đời tôi, thời gian sống sung sướng nhất là tuần lễ đó – và là ba tuần lễ sống sung sướng trong năm thứ năm của cuộc chiến! Ông chủ nhà còn rất phật ý nếu tôi ăn uống khiêm nhượng quá.

Giữa lúc đó, cấp chỉ huy trực tiếp của tôi, Tướng N. cũng đã đến Budapest. Trước hết, ông ráng lập một Bộ Tham mưu có khả năng để làm việc. Vì thiếu sĩ quan nên tôi cho mượn Foelkersam và Ostafel để sẵn sàng đương đầu với mọi chuyện sắp xẩy ra, chúng tôi thiết lập một kế hoạch báo động cho toàn thể các đơn vị Đức đóng trong và chung quanh Budapest, mục đích của kế hoạch là trong trường hợp có xung đột, các đơn vị của chúng tôi phải chiếm giữ các thiết lộ, nhà ga trung tâm điện thoại và điện tín.

Cơ quan tình báo của chúng tôi đã khám phá rằng con của Nhiếp chính vương là Nicklas Von Horthy, vừa mới mở cuộc tiếp xúc – lẽ tất nhiên là tối mật – với đại diện của Tito. Rõ ràng là người Hung đang tìm cách, nhờ trung gian các đảng viên cộng sản Nam – Tư, tiếp xúc với Nga sô để thương thảo một nền hòa bình riêng. Một lần nữa, tin tức của Tổng hành dinh của Fuhrer tỏ ra rất chính xác. Trong một cuộc thảo luận với các Chỉ huy trưởng Tình báo, chúng tôi quyết theo dõi sát hành động của Nicky Horthy, bằng cách gài một người của chúng tôi vào làm việc gần hắn ta. Thật vậy, một người gốc dân Croate, được đặt đúng chỗ trong guồng máy chính quyền, đã mau lẹ lấy được lòng tin cẩn của người Nam – Tư cũng như Nicky Horthy. Nhờ vậy, chúng tôi biết rằng chính viên Nhiếp chính sẽ tham dự một cuộc họp đêm với những người dự mưu trong một ngày rất gần. Đây là một tin tức không mấy tốt đẹp đối với chúng tôi bởi vì chúng tôi không mong ngay chính vị Quốc Trưởng lại thông đồng với sự việc. Tôi để cho cơ quan tình báo và cảnh sát tìm cách đối phó, phần tôi, tôi có chuyện khác phải làm.

Mỗi lần xe tôi leo dốc để lên đồi Mont du Château – tôi đến thăm khi thì sĩ quan tùy viên quân sự - khi thì ông Đại sứ hoặc khi thì Tướng lãnh Chỉ huy Quân đội Đức – nỗi âu lo của tôi lại tăng thêm, bởi vì, một khi tình hình đòi hỏi, tôi không biết làm cách nào có thể chiếm ngọn đồi thật cao và được cấu tạo như một pháo đài thiên nhiên này. Mặc dù lệnh của Fuhrer không được rõ, để ngăn cản sự phản bội của người Hung – gia – lợi, tôi thấy không thể nào dùng lực lượng quân sự tấn công vào khu vực chính phủ và vào lâu đài, một hành động được phát khởi tự động ngay khi có dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự thù nghịch của các nhân vật Magyare đối với Đức quốc.

Tôi bèn giao cho Foelkersam nghiên cứu tỉ mỉ các bản đồ thành phố có trong tay, và bổ túc bằng các sự hiểu biết lý thuyết của anh ta sau nhiều lần dò xét liên tục các con đường trong khu vực được chú trọng. Công việc này đã mang lại cho chúng tôi đủ loại ngạc nhiên: Dưới chân đồi Mont du Château, có cả một hệ thống đường hầm hành lang và giếng nước chằng chịt như mê hồn trận, và sự kiện này cũng không giúp ích gì cho chúng tôi thêm khi cần hành động. Vì lẽ dựa theo hệ thống báo động đã được thiết lập, tôi có nhiệm vụ chiếm ngọn đồi với các đơn vị cơ hữu, tôi cho gọi 3 tiểu đoàn của tôi đến Budapest. Họ rời Vienne vào đầu tháng 10 và đóng quân ở ngoại ô Budapest.

Trong thời gian đó, Tổng Hành Dinh của Fuhrer lại gửi đến một ông Obergruppen-fuhrer SS – một loại Thiếu Tướng – tên Bach-Zelewski với nhiệm vụ chỉ huy toàn thể quân Đức tại Budapest. Đó là một cấp chỉ huy mạnh về phương diện tàn bạo – ông lại còn tượng trưng cho người có bàn tay sắt và là chuyên viên trong những vụ cực kỳ khó khăn. Ông từ Varsovie đến sau khi dẹp tan vụ quân Ba-Lan nổi loạn trong nội bộ.Lập tức ông tuyên bố quyết tâm chứng tỏ, nếu cần, thái độ tàn nhẫn như vừa được chứng tỏ tại thủ đô Ba-Lan. Ông còn nói thêm là chính với ý định đó mà ông cho mang theo một khẩu súng cối 65 ly. Cho đến lúc đó, khẩu súng quỉ quái này chỉ được sử dụng có hai lần; một lần để triệt hạ toàn diện chiến lũy hình con trốt chung quanh thành Sébastopol, và lần thứ hai, trong các trận mới đây tại Varsovie. Đối với tôi, sự tàn bạo quá mức như vậy là thừa ... tôi không dấu quan điểm đó, theo ý tôi, chúng tôi có thể đạt mục tiêu nhanh chóng hơn và hữu hiệu hơn bằng cách vận dụng các phương thức lịch sự hơn. Chiến dịch được hoạch định – mang tên chiến dịch Bazooka – sẽ thành công mà không cần đến khẩu đại pháo đó.

Ngược lại, một vài sĩ quan rất thán phục cung cách cộc cằn và dữ dội của Bach-Zelewski – có lẽ ông ta đã làm cho họ trở nên rụt rè. Tuy nhiên, không bao giờ tôi tỏ ra khó chịu vì các tiếng la hét, đập bàn của ông ta, và khi dốc toàn lực để bênh vực quan điểm của mình, cuối cùng bao giờ tôi cũng thắng.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

30#
 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 11:46:51 | Chỉ xem của tác giả
Chương XIX
(tiếp theo)

Khốn nỗi, không phải chính tôi là người chủ động tất cả mọi hành động. Khác với tình trạng xảy ra tại Ý, nơi đó, tôi chỉ phúc trình cho Đại tướng Student và trong thực tế, gần như tôi được độc lập hoàn toàn trong việc chuẩn bị cho chiến dịch, hiện nay, tôi phải dự vô số các phiên họp và phải lưu tâm đến đủ thứ vấn đề liên hệ đến các thừa số cá nhân. Cách nhìn của Tướng N. không hoàn toàn phù hợp với ông Đại sứ và quan điểm của ông này cũng không nhất thiết giống ông Tướng Cảnh sát Winkelmann. Các cơ quan tình báo và một vài nhân vật Hung-gia-lợi tham dự các cuộc bàn cãi, một đôi khi cũng thêm mắm thêm muối vào câu chuyện. Tôi thật rất bằng lòng là khỏi bị đóng vai trò phối hợp các quan điểm đó. Nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao chúng tôi lại đem thảo luận kế hoạch trước cả 15 hay 20 sĩ quan? Thế nào chính quyền Hung-gia-lợi cũng đã nghe nói đến các phiên họp này, rồi đoán già đoán non các âm mưu; do đó, lấy các quyết định hấp tấp. Mối lo sợ này rất đúng vì chúng tôi được biết Tướng M. tư lệnh tối cao quân đội Hung ở Carpathes đã điều đình thẳng với người Nga rồi.

Ngày 10 tháng 10 năm 1944, Nicklas Horthy đã họp đêm với các đại biểu Nam Tư. Mặc dù được báo trước, cảnh sát Đức vẫn không hành động gì. Một cuộc tiếp xúc khác còn được dự liệu tổ chức ngày 15 tháng 10 tại một ngôi nhà đồ sộ gần bờ sông Danube. Hiện tại, đã đến lúc phải hành động! Ngày 13 tháng 10, Tổng Hành Dinh của Fuhrer lại gởi Tướng Wenck đến với nhiệm vụ là chỉ huy toàn thể quân lực nếu có lộn xộn, và sẽ ban hành các quyết định tuỳ theo diễn tiến của tình hình. Lần này cảnh sát quyết định bắt con của Horthy và những người Nam Tư. Kế hoạch dự liệu các hành động của cảnh sát, đã dựa trên mối hy vọng rằng viên Nhiếp chính lo âu muốn tránh cho cậu con khỏi bị kết tội, sẽ từ bỏ ý định ký kết hoà bình riêng rẽ với kẻ thù. Tướng Winkelmann, Chỉ Huy trưởng Cảnh sát, mượn tôi một đại đội trong buổi sáng ngày 15 tháng 10, vì ông biết rằng cuộc tiếp xúc đầu tiên của Nicklas Horthy đã diễn tiến dưới sự bảo vệ của một phân đội quân lực Hung-gia-lợi. Lần này, chắc người Hung cũng sẽ thận trọng tương tự, và đại đội của tôi có nhiệm vụ vô hiệu hoá hoàn toàn quân Magyare. Tôi nhận lời giúp với điều kiện là chính tôi quyết định lúc nào phải can thiệp.

Chúa nhật 15 tháng 10 năm 1944, mặt trời chói lọi chiếu sáng bầu trời trong vắt. Vào lúc 10 giờ sáng - giờ họ hẹn gặp - đường phố còn vắng vẻ. Đại đội của tôi ẩn trong một con đường yên tĩnh không sợ gây chú ý. Đại uý Foelkersam giữ liên lạc giữa tôi và đơn vị. Bởi vì hôm đó tôi không thể xuất hiện với quân phục. Nếu muốn tham dự vào các biến cố đang xẩy ra, tôi phải mặc thường phục. Tài xế và một hạ sĩ quan của tôi mặc quân phục không quân, ngồi nghỉ ngơi trên một ghế dài nơi công viên chiếm hết cả mặt tiền của toà nhà. Phần tôi, tự lái xe đến địa điểm vài phút sau khi cuộc nói chuyện của họ bắt đầu. Vừa đến đầu công viên, tôi thấy ngay trước cửa toà nhà có một quân xa của Quân lực Hung và một xe dân sự, có lẽ là xe của Horthy con. Không ngần ngừ, tôi đậu xe ngay trước mũi hai chiếc xe của người Hung, đầu xe tôi châu sát vào đầu xe của họ để ngăn cản không cho xe họ vọt chạy bất thình lình.

Đêm trước, nhiều cảnh sát Đức đã chiếm các căn phòng ký túc xá ngay bên trên các gian hàng thương mại được dùng làm nơi hội họp. Mặt khác, hai cảnh sát viên khác đúng 10 giờ 15 phải đi vào toà nhà để thi hành việc bắt bớ. Trong chiếc xe của Quân lực Hung có ba sĩ quan Hung, trong khi đó hai người khác đang đi lui tới trên công viên. Mọi diễn viên đều đã có mặt tại chỗ - màn thứ nhất bắt đầu!

Tôi vừa xuống xe và làm như đang tìm xem nguyên nhân khiến xe bị hỏng máy, thì hai cảnh sát viên Đức xuất hiện. Đúng lúc người thứ nhất bước qua ngưỡng cửa vào toà nhà, một tràng tiểu liên từ chiếc xe của Quân lực Hung bắn ra và trúng người cảnh sát viên thứ nhì. Bị thương nặng ở bụng, anh ta lăn về phía tôi. Hai sĩ quan Hung đang đi dạo chạy đến, súng lục cầm tay, bắt đầu nhả đạn. Tôi chỉ kịp chạy ra nấp sau xe, một lát sau, một tràng tiểu liên thứ hai nhắm bắn vào cánh cửa chiếc Mercédès còn mở của tôi. Hiện tại diễn biến đã đến hồi sôi nổi. Người tài xế và viên hạ sĩ quan đã nhào tới, khi loạt đạn đầu tiên nổ, để che chở tôi, tài xế bị một viên vào đùi nhưng anh ta còn đứng vững. Bằng một tiếng còi, tôi báo hiệu cho đại đội bắt đầu hành sự và với các khẩu súng lục, chúng tôi cố sức trả đũa các khẩu tiểu liên. Tình thế của chúng tôi không có vẻ gì là trò đùa cả, chiếc xe của tôi dần dần biến thành một cái rổ. Chung quanh chúng tôi đạn dội trên lề đường và phát ra tiếng rít bên tai chúng tôi. Thỉnh thoảng chúng tôi nhô đầu lên một giây để ngắm kỹ, ít ra là cũng gần mục tiêu để giữ cho địch không tiến tới sát quá – nói như vậy chứ khoảng cách hiện tại giữa chúng tôi và địch quân chỉ có từ 10 đến 15 thước. May thay trận chiến bất bình đẳng này chỉ kéo dài có 3 hay 4 phút. Rồi tôi nghe tiếng bước chân của đại đội binh sĩ của tôi đằng sau lưng. Tiểu đội đầu tiên đã đến đầu công trường và lập tức bố trí ở góc đường. Những toán khác chiếm giữ mau lẹ toàn thể công trường và các ngôi nhà kế cận. Sau vài cuộc trao đổi hoả lực đầu tiên, địch quân rút về phía vòm cửa của ngôi nhà kế cận, trong đó hình như có một số quân trừ bị Hung-gia-lợi. Ngay khi cơn đọ súng chấm dứt, chúng tôi kéo hai người bị thương vào tầng thứ nhất của toà nhà, nơi đang có cuộc thương thuyết giữa Nicky Horthy và những người Nam-Tư. Vừa chạy vào chỗ nấp, chúng tôi biết là đối thủ đang sửa soạn đánh mở đường thoát ra ngoài. Chúng tôi phản ứng thật nhanh: một quả lựu đạn được ném một cách khéo léo đã làm bật tung hai cánh cửa và vài tảng đá cẩm thạch, khiến cho cả một đống hỗn độn đó bít mất lối ra. Tiếng nổ này làm chấm dứt cuộc nổ súng kéo dài chỉ có hơn 5 phút.

Hiện tại, các cảnh sát Đức từ lầu một đi xuống áp tải theo bốn tù nhân. Chúng tôi đưa hai người Hung – Nicklas Horthy và bạn của hắn ta, Bornemisza – lên một quân xa; để khỏi bị chú ý, các cảnh sát viên đã nghĩ ra cách gói hai tù nhân bằng hai tấm thảm lớn, theo chỗ tôi thấy thì mưu kế này không mấy thành công. Hai kẻ âm mưu vùng vẫy dữ dội, các cảnh sát viên phải nặng tay đưa họ lên xe và nổ máy khởi hành tức khắc. Tôi ra lệnh cho đại đội rút lui. Thật vậy, tôi cố tránh các rắc rối mới có thể xảy ra nếu quân Hung sau khi lấy lại được bình tĩnh, tập trung lại để tấn công chúng tôi.

Linh tính thúc đẩy tôi đi theo chiếc quân xa bằng một chiếc xe khác do Foelkersam phái đến. Cách công trường chừng 100 thước, tôi thấy ba đại đội Quân lực Hung tiến tới gần như bằng cách chạy việt dã. Nếu toán quân này tới công trường, chắc lại có cuộc chạm súng mới - biến cố mà chúng tôi không muốn để xảy ra. Phải làm sao đây? Làm sao kiếm được vài phút để cho binh sĩ của tôi có thì giờ rút lui? Chỉ có một trò bịp táo bạo mới giúp chúng tôi khỏi bị rắc rối. Tôi ra lệnh tài xế ngừng xe lại, nhảy xuống xe và tiến mau đến gặp viên sĩ quan, mà do vị thế đi trước đại đội đầu tiên, chắc phải là cấp chỉ huy của đoàn quân.

- Bảo binh sĩ của anh đợi đi – trên kia lộn xộn không thể tả. Lên đó chắc không gặp được ai đâu. Hãy ở nguyên tại chỗ, theo tôi anh nên đến đó trước coi chuyện gì đang xảy ra.

Trò bịp thành công. May thay anh ta nói được đôi chút tiếng Đức. Anh ta ra lệnh “Dừng lại” và nhìn tôi với vẻ phân vân thấy rõ. Có thể là anh ta chẳng hiểu gì cả, nhưng tôi bất cần. Điều quan trọng đối với tôi lúc ấy là một sự trì hoãn ngắn ngủi. Hiện tại chắc binh sĩ của tôi đã lên xe rồi. Một phút nữa, họ sẽ di chuyển. Tôi phán cho viên sĩ quan hãy còn do dự một câu “Tôi bận lắm” rồi tiến về phía xe và chạy về khu vực phi trường. Khi đến nơi, hai tù nhân của chúng tôi đã được đưa vào phi cơ, một lát sau, phi cơ cất cánh bay về Vienne.

Tôi bèn đến Bộ Tham mưu Quân đoàn đóng trong một khách sạn dựng trên đỉnh của một trong vô số ngọn đồi tại Budapest. Tướng Wench tiếp tôi ngay, và chúng tôi nôn nóng pha lẫn tò mò chờ đợi các biến cố. Chúng tôi biết rằng trên đồi Mout du Château người Hung đã cho áp dụng một vài biện pháp quân sự. Trại binh đã được tăng cường, các con đường chính dẫn lên đồi hình như đã được ngăn chặn bằng mìn chôn dưới đất. Đến trưa, chúng tôi được toà Đại sứ toạ lạc trên đồi gọi điện thoại. Tuỳ viên quân sự của chúng tôi cho biết rằng toàn diện khu vực trên đồi chính thức bị đặt trong tình trạng giới nghiêm, và tất cả mọi sự di chuyển trên các lối dẫn lên đồi đều bị cấm chỉ. Cách vài phút trước, ông ta thử dùng xe xuống đồi nhưng đâu đâu cũng gặp các trạm gác và quân Hung yêu cầu ông trở lui ngay. Một lát sau, liên lạc điện thoại bị cắt đứt – chúng tôi đoán như vậy bởi vì chúng tôi không được gọi một lần nào nữa. Như vậy là các cơ sở Đức còn ở trên đồi thật sự đã bị cô lập.

Điều này rõ ràng là đã cấu thành “hành vi bất thân thiện” đầu tiên, như ngôn ngữ ngoại giao vẫn thường nói. Chúng tôi tự hỏi không biết còn hành động nào trầm trọng sắp xảy ra không. Không còn gì nghi ngờ nữa, tình hình hiện tại không thể kéo dài mãi, trong hai hay ba giờ nữa, quyết định sau cùng sẽ đến hoặc theo chiều hướng này hay chiều hướng kia. Hiện tại chúng tôi chỉ có thể chờ đợi, đối phương vẫn giữ thế chủ động. Vào lúc 14 giờ sự ngờ vực đã bị tàn bạo đánh tan bởi một bản tuyên bố của Horthy được đài phát thanh Hung loan đi.

“Hung-gia-lợi vừa ký kết hiệp ước hoà bình riêng rẽ với Nga sô!”

Lúc này, ngọn lao đã phóng đi. Tình hình đã rõ rệt, chúng tôi phải phát động các “phản biện pháp” đã dự liệu ngay. Ông Tướng lập tức ra lệnh bố trí các đơn vị theo kế hoạch báo động đã được chuẩn bị trước, trong thành phố Budapest.

Cùng lúc đó, ông yêu cầu tôi khởi động cuộc tấn công lên đồi Mont du Château. Tôi ước tính rằng, chưa phải lúc thuận tiện và khuyên ông chờ thêm vài ngày nữa. Để đối phó với quân Hung, tôi đề nghị vận dụng các đơn vị Đức, thiết lập một vòng đai bên ngoài bao quanh đồi. Sư đoàn 22 SS sẽ phụ trách công tác này. Việc chiếm các nhà ga và các công ốc quan trọng nhất đã được thực hiện êm đẹp mà không gây ra một hậu quả nào trong suốt buổi chiều.

Mặt khác, chúng tôi gởi gấp một tướng lãnh đến Bộ Tư lệnh Tối cao Hung-gia-lợi tại mặt trận Carpathes, nếu tình thế bắt buộc, ông ta có nhiệm vụ phải bắt giữ ông Tướng Hung, Tư lệnh đạo quân này. Nhưng, vị Tướng lãnh phái viên của chúng tôi đến quá chậm. Viên Tướng Hung, cùng với vài sĩ quan và thư ký đã chạy trốn qua hàng ngũ quân Nga sô. Chúng tôi rất ngạc nhiên thấy bản tuyên cáo thoả hiệp hoà bình riêng với Nga lẫn cuộc chạy trốn của viên Tư lệnh đã không tạo ảnh hưởng nào đối với thái độ của binh sĩ Hung-gia-lợi. Gần như khắp nơi, các đơn vị Hung vẫn giữ nguyên vị trí. Đại đa số các sĩ quan từ chối bắt chước Tư lệnh của họ. Ở lại bên cạnh binh sĩ, họ tiếp tục chiến đấu. Tuy nhiên, chúng tôi phải hành động thật nhanh để ngăn không cho Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Hung, trụ sở ở sát lâu đài, ban ra các mệnh lệnh đầu hàng mới nữa.

Trong một phiên họp vào buổi chiều, chúng tôi quyết định sẽ tấn công lên đồi vào sáng ngày hôm sau. Tôi định giờ H là 6 giờ, nghĩa là lúc rạng đông, vì tôi cho rằng đó là lúc thuận tiện nhất để tạo tình trạng bất ngờ toàn diện - một yếu tố chủ yếu, nếu tôi không muốn dàn trận đánh nhau. Suốt đêm tôi và Foelkersam nghiên cứu lại bản đồ khu đồi. Dần dần, kế hoạch của chúng tôi được chính xác hoá. Chúng tôi dự trù một cuộc tấn công tập trung, gồm nhiều đơn vị tham dự. Trong khi họ xung phong, tôi sẽ tìm cách chọc thẳng vào trung tâm, dọc theo đại lộ Vienne. Chính tại đó, tôi hy vọng tạo được sự bất ngờ vì tôi tin rằng sẽ chiếm được cổng thành Vienne mà không cần nổ súng, càng yên lặng càng tốt, để có thể đột ngột xuất hiện cùng với binh sĩ của tôi trước công viên của lâu đài.

Sau đó là phải thu đạt được kết quả sau cùng thật nhanh. Chúng tôi phải xâm nhập tức khắc và lâu đài có lẽ sẽ là trung tâm đề kháng, hành động chỉ kéo dài nhiều lắm là vài phút, nhờ đó tránh cho phía Hung cũng như phía chúng tôi cuộc đổ máu vô ích.

Vì vậy, chúng tôi giao cho mỗi đơn vị một nhiệm vụ chính xác, chúng tôi lại vừa được tăng cường một đại đội chiến xa Panthère và một đại đội chiến xa Goliath. Loại sau là một chiến cụ mới, xe bọc thép, điều khiển từ xa, chạy bằng xích, rất thấp và dễ điều khiển và phía trước mũi có chứa một khối chất nổ cực mạnh vì thế nó còn có tên là thiết giáp lùn, chắc chúng tôi phải dùng loại này để phá các chướng ngại vật cản đường hay tung các cửa chắn lối tiến quân.

Tiểu đoàn sinh viên sĩ quan của Trường Chiến tranh sẽ tấn công khu vườn nằm trên sườn mạn nam. Nhiệm vụ khó khăn vì chúng tôi biết nơi sườn đồi rất dốc này, quân Hung thiết trí rất nhiều ổ đại liên. Nhiệm vụ của tiểu đoàn là vô hiệu hoá địch và chiếm phần phía Nam của Lâu Đài.

Một bộ phận thuộc đơn vị đặc biệt của tôi có một chiến xa yểm trợ, sẽ tấn công mặt tây của bức tường để chiếm một cánh cửa hông của Lâu Đài. Một đơn vị thuộc tiểu đoàn dù 600 SS, sẽ chui qua đường hầm đào dưới chân cầu treo thâm nhập vào trong lòng ngọn đồi. Đơn vị này phải chiếm các lối vào chằng chịt dưới đất và đột nhập vào các toà nhà dùng làm trụ sở của Bộ Chiến tranh và Bộ Nội vụ.

Phần còn lại của đơn vị đặc biệt, đa số tiểu đoàn dù SS, 4 chiến xa Panthère và các thiết giáp lùn Goliath, sẽ do tôi chỉ huy để đánh thốc vào cổng thành Vienne và Lâu Đài. Riêng tiểu đoàn dù của không quân, được giữ làm đơn vị trừ bị, đề phòng các diễn biến rắc rối bất khả dự trù.
Vào nửa đêm, khi ấn định các chi tiết cho mỗi một hành động, các đơn vị của tôi đã bố trí sẵn sàng sau vòng đai do sư đoàn 22 SS thiết lập.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách