Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: alice2000phuong
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Lịch Sử] Một Cây Cầu Quá Xa | Cornelius Ryan (hoàn)

[Lấy địa chỉ]
21#
 Tác giả| Đăng lúc 15-8-2013 19:58:26 | Chỉ xem của tác giả
Chương 6
(tiếp theo)

Ngay cả với binh lính và phương tiện cơ giới điều từ sư đoàn của Harzer sang tăng cường, Bittrich tiếp tục, sư đoàn Frunsberg vẫn quá yếu. Chỉ có một cách để nhấn mạnh tính khẩn cấp của tình hình cho Berlin: trình bày thực tế trực tiếp với sở chỉ huy tác chiến của lực lượng SS. May ra lúc đó binh lính và phương tiện tăng cường sẽ được điều tới. Nhưng Bittrich không hề có ý định quay về Berlin; Harmel được chỉ định làm sứ giả trong sự ngạc nhiên của ông này.

“Tôi không biết tại sao ông ấy chọn tôi thay vì chọn Harzer”, Harmel nhớ lại, “nhưng chúng tôi cần gấp người và phương tiện; và có lẽ Bittrich nghĩ rằng một sĩ quan cấp tướng sẽ có trọng lượng hơn. Tất cả chuyện này cần được giữ kín với thống chế Model. Và vì chúng tôi không nghĩ sẽ có biến động gì ở khu vực Arnhem, chúng tôi quyết định rằng tôi sẽ về Berlin vào tối ngày 16/9”.

Việc chuyển giao phương tiện giữa hai sư đoàn và việc di chuyển sư đoàn Hohenstaufen đã bị tước bớt trang bị về Đức, Bittrich ra lệnh, cần bắt đầu lập tức. Trong khi kế hoạch được thực hiện, ông nói thêm, thống chế Model muốn một số nhóm tấn công cơ động được tổ chức sẵn sàng chờ điều động trong trường hợp khẩn cấp. Kết quả là Harzer ngầm quyết định rằng những đơn vị khá nhất của anh ta sẽ di chuyển sau cùng. Bittrich dự kiến việc chuyển giao vũ khí và chuyển quân sẽ hoàn tất vào ngày 22/9. Vì mỗi ngày có 6 chuyến tàu về Đức, Harzer nghĩ việc chuyển quân có thể hoàn tất sớm hơn. Anh này tin rằng những đơn vị cuối cùng và cũng là khá nhất của mình sẽ quay về Đức trong vòng 3 ngày tới- có thể vào chiều ngày 17/9.

Một tin đồn đáng lo ngại đang lan truyền. Cho tới ngày 14/9, một số sĩ quan cao cấp Đức tại Hà Lan đang nói tới một cuộc tập kích đường không có thể sẽ diễn ra.

Câu chuyện này bắt đầu từ một cuộc trao đổi giữa phụ trách tác chiến của Hitler, đại tướng Alfred Jodl, và tổng tư lệnh phía tây, thống chế Von Runstedt. Jodl lo ngại rằng Đồng minh có thể tấn công Hà Lan từ phía biển. Nếu Eisenhower làm theo chiến thuật thông thường của ông ta, Jodl nói, lực lượng đổ bộ đường không sẽ được đổ xuống mở đường cho cuộc đổ bộ đường biển. Von Runstedt, cho dù nghi ngờ giả thiết này (ông này, ngược lại, tin chắc rằng lực lượng dù sẽ được thả xuống phối hợp với một cuộc tấn công vào vùng Ruhr), chuyển thông tin này cho tư lệnh cụm quân B, thống chế Model. Quan điểm của Model cũng giống Von Runstedt. Tuy thế, ông ta cũng không thể bỏ qua lời cảnh báo của Jodl. Ông ta ra lệnh cho chỉ huy lực lượng Đức tại Hà lan, viên tướng không quân Friedrich Christiansen, đưa một số đơn vị thuộc đám quân hổ lốn lẫn lộn cả bộ binh, lính thuỷ, lính không quân, lính Waffen SS Hà Lan của ông ta tới bờ biển.

Từ sau thông báo của Jodl vào ngày 11/9, tin này đã lan tới nhiều cấp chỉ huy khác nhau, nhất là qua Luftwaffe. Tuy rằng cuộc tấn công đã không xảy ra, sự lo ngại về một cuộc tập kích đường không vẫn tăng lên. Mỗi người đều cố đoán địa điểm có thể xảy ra đổ bộ. Trên bản đồ của họ, một số chỉ huy Luftwaffe nhận định rằng vùng mở trải dài giữa bờ biển phía bắc và Arnhem có thể là địa điểm cho các bãi đổ quân. Một số người khác, lo ngại sự tái diễn cuộc tấn công của ngưòi Anh vào Hà Lan qua đầu cầu qua kênh đào Meuse-Escaut tại Neerpelt, tự hỏi liệu lực lượng dù có thể sẽ được dùng phối hợp với cuộc tấn công đó và cho đổ xuống vùng Nijmegen không.

Vào ngày 13/9, đại tướng không quân Otto Dessloch, chỉ huy tập đoàn không quân số 3, được biết tới lo ngại của Berlin tại sở chỉ huy của Von Runstedt tại Koblenz. Dessloch đã quan ngại tới mức ông ta lập tức gọi điện cho Model ngày hôm sau. Model, như ông nhớ lại, cho rằng sự e ngại của Berlin về một cuộc tấn công là “vô căn cứ”. Viên thống chế cũng chẳng hề lo ngại, kết quả là “ông ta mời tôi đến ăn tối tại sở chỉ huy mới của ông ở khách sạn Tafelberg tại Oosterbeek.” Dessloch từ chối. “Tôi không hề có ý để mình bị bắt làm tù binh,” ông nói với Model. Ngay trước khi gác máy, Dessloch nói thêm: “Nếu tôi là ngài, tôi sẽ rời vùng đó”. Model, Dessloch nhớ rõ, chỉ cười.

Tại sân bay Deelen ở phía bắc Arnhem, tin về khả năng của một cuộc đổ bộ đường không đến tại chỉ huy tiêm kích của Luftwaffe, thiếu tướng Walter Grabman. Ông ta đi xe tới Oosterbeek để trao đổi với tham mưu trưởng của Model, trung tướng Hans Krebs. Khi Grabmann nói về sự e ngại của Luftwaffe, Krebs nói, “Vì Chúa, đừng nói đến những chuyện như vậy. Hơn nữa, chúng có thể đổ xuống đâu?” Grabmann đến bên một tấm bản đồ, và chỉ vào những khu vực phía tây Arnhem, nói, “bất cứ chỗ nào ở đây. Địa hình hoàn hảo cho lính dù đáp xuống”. Krebs, Grabmann nhớ lại, “bật cười và cảnh cáo tôi rằng nếu tôi cứ tiếp tục nói như vậy, tôi sẽ biến mình thành lố bịch”.

Chỉ huy cảnh sát nổi danh nhất tại Hà Lan, trung tướng SS Hanns Albin Rauter, cũng đã nghe tới tin đồn, rất có thể từ cấp trên của y, tướng Christiansen. Rauter tin rằng chuyện gì cũng có thể xảy ra, kể cả một cuộc đổ bộ đường không. Rauter, kiến trúc sư chính của ách khủng bố Nazi tại Hà Lan, chờ đợi việc lực lượng kháng chiến Hà Lan sẽ tấn công và dân chúng nổi dậy bất cứ lúc nào. Y quyết định sẽ dẹp tan bất cứ cuộc nổi dậy nào đơn giản bằng cách xử bắn ba người Hà Lan kháng chiến cho mỗi tên Nazi bị giết. Rauter đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ngay sau cuộc rút chạy của quân Đức và việc đám Nazi Hà Lan kéo nhau trốn về Đức hai tuần trước đó. Thủ hạ của y đã trả thù tàn bạo bất cứ ai dính líu dù không trực tiếp tới lực lượng kháng chiến Hà Lan. Đàn ông và phụ nữ bị bắt, hành quyết hoặc đày vào trại tập trung. Những thường dân bình thường cũng chẳng được chừa ra. Đi lại từ tỉnh này sang tỉnh khác bị cấm ngặt. Nhiều luật lệ hà khắc hơn được thiết lập. Bất cứ ai bị bắt gặp ngoài đường sau giờ giới nghiêm đều có thể bị bắn không cảnh cáo trước. Khắp miền nam Hà Lan, để đối phó với tấn công của quân Anh, người Hà Lan bị ép buộc lao động đào công sự cho quân Đức. Tại Nijmegen, Rauter thu thập đủ nhân công bằng cách đe doạ tống cả gia đình những người bị gọi vào trại tập trung. Tụ tập dưới bất cứ hình thức nào đều bị cấm. “Bất cứ đâu có năm người trở lên bị trông thấy đi cùng nhau,”một trong những thông cáo của Rauter cảnh cáo, “những người này sẽ bị lực lượng SS hay cảnh sát bắn hạ”.

Lúc này, khi cuộc tấn công từ phía nam lên của quân Anh có thể nổ ra bất cứ lúc nào và Berlin cảnh báo về nguy cơ tấn công từ trên không và phía biển ở miền bắc, thế giới của Rauter bắt đầu sụp đổ. Y cảm thấy sợ hãi. Biết được Model đang ở Hà Lan, Rauter quyết định tìm kiếm nơi ẩn náu an toàn và lên đường tới khách sạn Tafelberg. Vào tối ngày 14/9, Rauter gặp Model và tham mưu trưởng của ông ta, tướng Krebs. Rauter nói với hai người rằng y “tin rằng Đồng minh lần này sẽ sử dụng lực lượng đổ bộ đường không ở phía nam Hà Lan”. Model và Krebs không đồng ý. Các đơn vị đổ bộ tinh nhuệ, Model nói, “quá quan trọng, việc huấn luyện quá tốn kém” để có thể đem ra sử dụng bừa bãi. Viên thống chế quả thực chờ đợi Montgomery tấn công vào Hà Lan từ Neerpelt, nhưng tình hình chưa đủ nghiêm trọng để biện hộ cho việc sử dụng lực lượng đổ bộ đường không. Hơn nữa, vì lực lượng tấn công sẽ bị ngăn cản bởi ba con sông rộng , ông ta không tin rằng một cuộc tấn công của người Anh nhằm vào Arnhem có thể xảy ra. Cả Nijmegen và Arnhem đều nằm quá xa lực lượng Anh. Hơn nữa, Model tiếp tục, Montgomery “về mặt chiến thuật là một người cực kỳ thận trọng. Ông ta sẽ không bao giờ dùng lực lượng đổ bộ vào một cuộc phiêu lưu đầy bất trắc”.

Khi người tù được giải tới sở chỉ huy của thiếu tá Friedrich Kieswetter tại làng Driebergen, phía tây Oosterbeek, vào ngày 15/9, viên tư lệnh phó lực lượng phản gián của Wehrmacht tại Hà Lan đã biết quá rõ về y. Đã có cả một hồ sơ dày về gã ù lì 28 tuổi Christiaan Antonius Lindemans, thường được biết, vì kích thước khổng lồ của y (cao 6 bộ 3 tấc, nặng 260 cân Anh), dưới biệt danh King Kong. Lindemans đã bị một đội tuần tra bắt gần biên giới Bỉ - Hà Lan, trên vùng chiến tuyến giữa quân Anh và quân Đức. Lúc đầu, vì bộ đồ lính Anh mặc trên người, Lindemans bị coi như tù binh, nhưng tại sở chỉ huy tiểu đoàn gần Valkenswaard, trước sự ngạc nhiên của những người hỏi cung, y đề nghị gặp trung tá Hermann Giskes- trùm phản gián Đức tại Hà Lan và là cấp trên của Kieswetter. Sau một loạt cuộc điện đàm, những người bắt được Lindemans còn ngạc nhiên hơn khi được lệnh đưa ngay tên tù binh tới Driebergen. Chỉ mình Lindemans chẳng có vẻ gì ngạc nhiên. Một số đồng bào của y nghĩ y là một thành viên kháng chiến kiên cường; nhưng bọn Đức biết y dưới một tư cách khác- một gián điệp. King Kong là một điệp viên hai mang.

Lindemans đã phản bội từ năm 1943. Lúc đó y đã đề nghị làm việc cho Giskes để đổi lấy tự do cho cô nhân tình và người em trai, Henk, bị Gestapo bắt vì tham gia kháng chiến và được thông báo là sẽ bị đem xử bắn. Giskes lập tức đồng ý; và từ đó, Lindemans đã phục vụ đắc lực cho quân Đức. Sự phản bội của y đã dẫn tới sự vỡ lở của nhiều nhóm kháng chiến ngầm và những vụ hành quyết rất nhiều người yêu nước Bỉ và Hà Lan. Cho dù là một kẻ thô lỗ cộc cằn, nát rượu và mê gái, cho tới lúc đó Lindemans vẫn không bị lộ. Tuy vậy, nhiều chỉ huy kháng chiến coi y là một mối nguy tiềm tàng, không như một số sĩ quan Đồng minh tại Brussels đã bị King Kong thuyết phục đến mức lúc này Lindemans đang là người của một đơn vị tình báo Anh dưới sự chỉ huy của một sĩ quan Canada.

Trong khi Giskes vắng mặt, Kieswetter làm việc lần đầu tiên với Lindemans. Ông ta thấy tởm lợm gã cục súc to xác luôn mồm tự xưng với tất cả mọi người trong sở chỉ huy rằng y là “King Kong vĩ đại”. Lindemans báo cáo lại kết quả nhiệm vụ cuối cùng của y. Viên sĩ quan tình báo Canada đã cử y tới thông báo cho những người chỉ huy lực lượng kháng chiến ngầm tại Eindhoven rằng không cần gửi phi công đồng minh bị bắn rơi qua đường dây bí mật sang Bỉ nữa. Vì quân Anh dự định đột kích từ đầu cầu tại Neerpelt tới Eindhoven, các phi công được cứu thoát cần được giấu kín. Lindemans, sau khi mất 5 ngày để vượt qua chiến tuyến, đã có thể cho Kieswetter biết một số chi tiết về kế hoạch của quân Anh. Cuộc tấn công, y nói chắc chắn, sẽ xảy ra vào ngày 17/9.

Tin về cuộc tấn công sắp xảy ra của người Anh chẳng có gì là mới. Kieswetter, cũng như những người khác, chờ đợi nó xảy ra bất cứ lúc nào. Lindemans cũng thông báo Kieswetter một động thái khác: cùng lúc với cuộc tấn công trên bộ, y báo cáo, một kế hoạch đổ bộ quân dù cũng đã được dự kiến ở gần Eindhoven nhằm đánh chiếm thành phố. Tin này làm Kieswetter thấy khó hiểu. Tại sao phải sử dụng lính dù trong khi lực lượng mặt đất của Anh bản thân nó cũng có thể dễ dàng tiến được tới Eindhoven ? Có thể vì tin do Lindemans cung cấp có vẻ không thực tế hoặc có lẽ chủ yếu vì ác cảm của mình với King Kong, Kieswetter đã lệnh cho Lindemans tiếp tục nhiệm vụ của y và quay trở lại chiến tuyến Anh. Kieswetter không có hành động lập tức nào. Ông ta ít quan ngại về thông tin của Lindemans đến mức chẳng buồn chuyển trực tiếp nó về tổng hành dinh của Wehrmacht. Thay vào đó, ông ta chuyển nó tới cơ quan an ninh và tình báo của SS. Đồng thời viên thiếu tá cũng viết một bản tóm tắt cuộc trao đổi giữa ông ta và Lindemans cho Giskes, lúc này đang vắng mặt do một nhiệm vụ khác. Giskes, luôn coi King Kong đáng tin cậy, chỉ nhận được bản báo cáo này vào chiều ngày 17/9.

(còn tiếp)
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

22#
 Tác giả| Đăng lúc 15-8-2013 20:10:17 | Chỉ xem của tác giả
Chương 7

Lúc này chiến dịch Marker Garden chỉ còn cách giờ khai hoả chưa đầy 48 tiếng đồng hồ. Trong văn phòng của mình, trung tướng Bedell Smith, tham mưu trưởng của Eisenhower, nghe chỉ huy tình báo của SHAEF, thiếu tướng Anh Kenneth W.Strong, thông báo những tin tức cuối cùng với thái độ mỗi lúc một lo ngại. Không nghi ngờ gì nữa, Strong nói, có lực lượng thiết giáp Đức tại khu vực Arnhem.

Đã nhiều ngày nay, Strong và bộ phận của mình đã nghiên cứu sàng lọc tất cả các thông tin tình báo nhằm cố gắng xác định địa điểm đóng quân của các sư đoàn Panzer SS 9 và 10. Từ tuần đầu tiên của tháng 9 người ta đã mất dấu vết các đơn vị này. Cả hai đều bị tổn thất nặng, nhưng khó có khả năng chúng đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Một giả thiết khác cho rằng các đơn vị này có thể đã được lệnh quay về Đức. Đến lúc này báo cáo của lực lượng kháng chiến Hà Lan lại cho biết một thực tế khác hẳn. Các sư đoàn mất dấu vết đã được định vị.

Sư đoàn 9, và rất có thể, cả sư đoàn 10, đang ở Hà Lan, Strong báo cáo lại với Smith, “chắc chắn là để củng cố lại”. Không ai có thể nói chính xác những đơn vị này còn lại bao nhiêu lực lượng cũng như khả năng tác chiến của chúng, nhưng không còn nghi ngờ gì về địa điểm đóng quân của các đơn vị này, Strong báo cáo. Chắc chắn chúng đang đóng tại ngoại vi Arnhem.

Hết sức lo ngại cho chiến dịch Market Garden và, theo đúng lời ông nói, “phát hoảng trước nguy cơ thất bại”, Smith lập tức đến hội kiến tổng tư lệnh. Sư đoàn đổ bộ đường không Anh số 1, được trao nhiệm vụ đổ xuống Arnhem, “không thể chống lại được hai sư đoàn thiết giáp”, Smith nói với Eisenhower. Tất nhiên, vẫn còn một câu hỏi - một câu hỏi lớn - về sức mạnh của các đơn vị này, nhưng để đảm bảo chắc thắng Smith cho rằng Market Garden cần được tăng cường lực lượng. Ông tin tằng cần 2 sư đoàn đổ bộ cho khu vực Arnhem (một cách giả định, Smith đã chọn trong đầu làm lực lượng bổ sung sư đoàn đổ bộ số 6 kỳ cựu của Anh do thiếu tướng Richard Gale chỉ huy, đơn vị này đã được sử dụng thành công trong cuộc đổ quân lên Normandy, nhưng không được chọn tham dự Market Garden). Nếu không, Smith nói với Eisenhower, kế hoạch cần được xem xét lại. “Cảm tưởng của tôi,” sau này ông nói, “là nếu chúng ta không thể đổ bộ thêm lực lượng tương đương với một sư đoàn nữa xuống khu vực này, thì chúng ta cần di chuyển một trong các sư đoàn Mỹ tham gia tạo thành “tấm thảm” xa hơn lên phía bắc để tăng cường cho người Anh”.

Eisenhower cân nhắc khó khăn và các rủi ro. Dựa trên báo cáo tình báo này và gần như vào đêm trước của cuộc tấn công, ông đang bị thúc giục phải xem xét lại kế hoạch của Monty- kế hoạch chính Eisenhower đã phê chuẩn. Điều đó cũng có nghĩa là thách thức quyền chỉ huy của Montgomery và làm căng thẳng trở lại mối quan hệ chỉ huy vốn đã nhạy cảm. Là tổng tư lệnh, ông còn một khả năng lựa chọn nữa: cần đình chỉ Market Garden, nhưng cơ sở để ra một mệnh lệnh như vậy sẽ chỉ là mẩu tin tình báo này. Eisenhower hiển nhiên giả thiết rằng Montgomery là người biết rõ nhất sức mạnh kẻ thù trước mặt ông ta và viên thống chế sẽ hành động phù hợp với tình thế. Như Eisenhower nói với Smith, “Tôi không thể chỉ bảo Monty nên điều động lực lượng của ông ta như thế nào,” và ông cũng không thể “đình chỉ chiến dịch”, vì tôi đã bật đèn xanh cho Monty”. Nếu cần có thay đổi, Montgomery sẽ thực hiện chúng. Tuy vậy, Eisenhower dự định để Smith “bay tới sở chỉ huy cụm quân số 21 và trao đổi với Montgomery”.
Bedell Smith lập tức lên đường tới Brussels. Ông gặp một Montgomery đầy tự tin và phấn chấn. Smith trình bày sự quan ngại của ông về các đơn vị Panzer tại khu vực Arnhem và nhấn mạnh rằng kế hoạch cần được xem xét lại. Montgomery “cười mỉa vào ý kiến này. Monty cảm thấy rằng trở ngại lớn nhất sẽ do địa hình chứ không phải do quân Đức gây ra. Tất cả sẽ trôi chảy, ông ta lặp đi lặp lại, nếu chúng tôi tại SHAEF chịu giúp ông ta giải quyết khó khăn về hậu cần. Ông ta không hề e ngại lực lượng thiết giáp Đức. Ông cho rằng Market Garden sẽ thành công như đã hoạch định”. Cuộc gặp chẳng đem lại kết quả nào. “Ít nhất tôi cũng đã cố dừng ông ta lại,” Smith nói, “ nhưng tôi chẳng đi đến đâu cả. Montgomery chỉ đơn giản là đã dửng dưng gạt mọi sự phản đối của tôi sang bên”.

Ngay khi Montgomery và Smith còn đang tranh luận, những bằng chứng đáng lo ngại cũng tới sở chỉ huy quân đoàn đổ bộ đường không Anh số 1. Sáng sớm hôm đó, máy bay không thám của RAF từ Hague quay về đã thực hiện một phi vụ trinh sát ở độ cao thấp trên khu vực Arnhem. Lúc này, trong phòng làm việc của mình, thiếu tá tình báo Brian Urquhart nghiên cứu 5 tấm ảnh chụp với một chiếc kính lúp - những kiểu ảnh nằm ở cuối cuộn phim không thám. Hàng trăm tấm ảnh không thám đã được chụp trên khu vực sẽ diễn ra Market Garden và rửa ra trong vòng 72 giờ trước đó, nhưng chỉ 5 tấm ảnh này cho thấy điều Urquhart đã thầm lo từ lâu - bằng chứng không thể nhầm lẫn về sự có mặt của thiết giáp Đức. “Đó là cọng rơm làm gãy lưng lạc đà”, Urquhart sau này nhớ lại. “Trong những tấm ảnh đó, tôi có thể nhìn thấy rõ ràng những chiếc xe tăng - nếu không phải ngay tại các khu đổ quân ở Arnhem, thì chắc chắn cũng không xa chúng”.

Thiếu tá Urquhart chạy tới văn phòng của tướng Browning mang theo những bằng chứng này. Browning cho anh vào gặp lập tức. Đặt những tấm ảnh lên bàn trước mặt Browning, Urquhart nói, “Xin ngài hãy nhìn xem”. Viên tướng xem xét lần lượt từng tấm ảnh. Cho dù Urquhart không còn nhớ rõ từng từ, nhưng như anh có thể nhớ lại được, Browning đã nói, “Nếu tôi là cậu tôi sẽ chẳng bận tâm đến những thứ này”. Rồi, chỉ vào những chiếc xe tăng trong ảnh, ông nói tiếp, “Chúng chắc chắn là không thể tác chiến được”. Urquhart choáng váng. Anh tuyệt vọng chỉ vào những chiếc chiến xa, “có tác chiến được hay không, chúng vẫn là xe tăng và chúng có súng”. Nhớ lại, Urquhart có cảm tưởng rằng “có lẽ vì những thông tin mà tôi không được biết, tướng Browning đã không sẵn sàng chấp nhận cách tôi đánh giá những tấm ảnh. Cảm tưởng của tôi vẫn như vậy - rằng tất cả mọi người đều nóng lòng muốn nhập cuộc bằng mọi giá và chẳng cái gì ngăn họ lại được”.

Urquhart không biết rằng một số người trong ban tham mưu của Browning coi viên sĩ quan tình báo trẻ là quá bốc đồng. Màn trình diễn lớn chuẩn bị bắt đầu, và phần lớn các sĩ quan đều háo hức mong có được một vai trong đó. Sự e ngại của Urquhart làm họ khó chịu. Như một sĩ quan cao cấp đã nói ra lời, “Quan điểm của cậu ta rõ ràng bị ảnh hưởng bởi một đầu óc đã kiệt sức. Cậu ta có vẻ hơi quá kích động, hiển nhiên là do lao lực quá sức.”

Ít lâu sau cuộc gặp với Browning, bác sĩ của quân đoàn đã đến gặp Urquhart. “Người ta đã nói với tôi,” Urquhart nhớ lại, “rằng tôi kiệt sức –ai chẳng vậy?- và có lẽ tôi cần nghỉ ngơi và đi phép. Tôi đã bị gạt ra. Tôi đã trở thành cái gai khó chịu ở sở chỉ huy đến mức ngay trước ngày tấn công tôi đã bị loại ra ngoài. Tôi chẳng còn gì để nói. Cho dù tôi không tán thành kế hoạch và e ngại điều xấu nhất, đó vẫn là một trận đánh quan trọng, và thật khó hiểu, tôi không hề muốn bị bỏ lại đằng sau”.

Vào trưa thứ bảy 16/9, thông cáo của Đức được yết lên các bảng tin khắp Arnhem.

“Theo lệnh của lực lượng an ninh, nay thông báo:

Trong đêm vừa rồi một vụ tấn công bằng chất nổ đã xảy ra trên cầu đường sắt tại Schaapsdrift. Quần chúng được yêu cầu hãy hợp tác truy lùng thủ phạm của cuộc tấn công này. Nếu chúng không được tìm thấy trước 12 giờ trưa chủ nhật 17/9/1944, một số con tin sẽ bị xử bắn. Tôi kêu gọi sự hợp tác của mọi người để tránh gây ra nạn nhân không cần thiết.

Phụ trách an ninh, Liera”.

Trong một gian tầng hầm, các thành viên lãnh đạo lực lượng kháng chiến ngầm tại Arnhem đang họp khẩn. Việc phá hoại cây cầu đường sắt đã diễn ra không suôn sẻ. Henri Knap, phụ trách tình báo tại Arnhem, đã không thích thú gì về nhiệm vụ này ngay từ đầu. Anh nghĩ, “ngay cả đánh giá lạc quan nhất, tất cả chúng tôi đều là dân nghiệp dư khi nói đến phá hoại”. Theo quan điểm của anh, “tốt hơn nhiều nên tập trung vào thu thập tin tức tình báo cho lực lượng Đồng minh và để việc phá hoại cho những người biết họ cần làm gì”. Chỉ huy lực lượng kháng chiến ở Arnhem, Pieter Kruyff, 39 tuổi, hỏi ý kiến cả nhóm. Nicolaas Tjalling de Bode đề nghị rằng các thành viên nộp mình. Knap nhớ lại rằng lúc đó anh nghĩ “đó là một cái giá quá đắt - mạng sống của những con tin vô tội – cho một cái lỗ bé tẹo trên một cây cầu”. Gijsbert Jan Numan cũng thấy lương tâm cắn rứt. Anh này đã cùng Harry Montfroy, Albert Deuss, Toon van Daalen và những người khác thu xếp vật liệu làm bom và vạch kế hoạch phá hoại, và không ai muốn những người vô tội phải chịu tai hoạ. Thế nhưng cần làm gì đây? Kruyff nghe ý kiến của tất cả mọi người, sau đó đưa ra quyết định. “Tổ chức phải được bảo toàn nguyên vẹn cho dù sẽ có người vô tội bị xử bắn”, ông quyết định. Nhìn một lượt các thành viên lãnh đạo đang tập hợp xung quanh, như Nicolaas de Bode hồi tưởng lại, Kruyff đã nói với họ, “Không ai được nộp mình cho bọn Đức. Đây là lệnh của tôi”. Henri Knap cảm thấy thật nặng nề. Anh biết nếu bọn Đức thực hiện theo cách thông thường của chúng, mười hay mười hai công dân có ảnh hưởng – bác sĩ, luật sư, hay giáo viên - sẽ bị xử bắn công khai tại một quảng trưởng ở Arnhem vào trưa chủ nhật.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

23#
 Tác giả| Đăng lúc 16-8-2013 13:49:44 | Chỉ xem của tác giả
Chương 8

Ở khắp các cấp chỉ huy Đồng minh, sự đánh giá của tình báo về lực lượng panzer tại khu vực Arnhem thật đáng kinh ngạc. Bản báo cáo tình báo số 26 của SHAEF đề ngày 16/9, ngay trước hôm diễn ra Market Garden – bao gồm cả lời cảnh báo đã làm tướng Bedell Smith hốt hoảng đến thế - đã không được ai để ý đến. Trong bản báo cáo này có viết, “đã có thông báo cho biết sư đoàn panzer SS số 9, và dự đoán cả sư đoàn số 10, đã rút về khu vực Arnhem tại Hà Lan; tại đó, rất có thể chúng sẽ tiếp nhận xe tăng mới từ một kho dự trữ ở khu vực Cleves”.

Thông tin này, đã bị Montgomery bác bỏ trong cuộc gặp với Smith, lúc này cũng bị gạt đi tại bộ tham mưu của đạo quân Anh số 2 của tướng Dempsey, cũng chính nơi đầu tiên đã ghi nhận sự có mặt tại Hà Lan của “các đơn vị panzer đã tổn thất” vào hôm 10/9. Và những người nghiêm túc hơn cả, ban quân báo của Dempsey, vào ngày 14/9, mô tả lực lượng Đức trong khu vực tác chiến của Market garden là “yếu ớt, rệu rã và rất có khả năng sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu phải đối đầu với một cuộc tập kích đổ bộ đường không quy mô lớn”. Lúc này, ngược hẳn với quan điểm ban đầu của mình, họ phủ nhận sự có mặt của lực lượng panzer, vì bộ tham mưu của Dempsey đã không phát hiện ra bất cứ dấu vết nào của thiết giáp đối phương từ các bức ảnh không thám.

Tại sở chỉ huy đạo quân đổ bộ đường không số 1, phụ trách tình báo của tướng Brereton, trung tá người Anh Anthony Tasker, cũng không được chuẩn bị để tiếp nhận bản báo cáo của SHAEF. Xem xét lại tất cả thông tin có trong tay, anh này cho rằng không có bằng chứng trực tiếp nào khẳng định tại khu vực Arnhem có gì “ngoài mật độ hoả lực phòng không dày đặc đã biết từ trước”.

Tất cả mọi người xem ra đều chấp nhận dự báo lạc quan từ sở chỉ huy của Montgomery. Như tham mưu trưởng quân đoàn đổ bộ đường không Anh số 1, thượng tá Gordon Walch, nhớ lại, “sở chỉ huy cụm quân 21 là nguồn tin tình báo chính của chúng tôi, và chúng tôi tin rằng những gì họ cung cấp đều chính xác”. Tướng Urquhart, tư lệnh sư đoàn đổ bộ đường không số 1 của Anh, lại nhìn nhận theo cách khác. “Không gì,” ông nói, “được phép làm vẩn đục bầu không khí lạc quan tràn ngập tại Anh”.

Thế nhưng, bên cạnh báo cáo của SHAEF về các đơn vị panzer “mất tích”, còn có những bằng chứng khác về sự tập trung lực lượng Đức, và lần này cũng lại được ghi lại cẩn thận. Tại mặt trận, phía trước lực lượng quân đoàn 30 của tướng Horrock, rõ ràng là ngày càng có nhiều đơn vị Đức đang di chuyển tới mặt trận. Lúc này, sai lầm chiến lược tại Ăntwerp 10 ngày trước đó đã bắt đầu gây hậu quả và đe doạ viễn tượng to lớn của chiến dịch Market Garden. Binh lính Đức đang tiếp viện cho chiến tuyến của tướng Student chẳng phải ai khác ngoài các đơn vị của những sư đoàn sứt mẻ đã chạy thoát qua cửa Schelde- những đơn vị tơi tả thuộc đạo quân số 15 của tướng Von Zangen, đạo quân mà Đồng minh đã loại khỏi bản đồ chiến sự. Và các sĩ quan tình báo đã cả quyết, cho dù quân Đức đã tăng lên về số lượng, song những đơn vị mới xuất hiện trên chiến tuyến được họ tin là “không ở trong trạng thái có thể chống trả được bất cứ cuộc tấn công quyết liệt nào”. Bất cứ người lính Anh nào ở dọc biên giới Bỉ - Hà Lan hẳn cũng có thể khẳng định điều khác hẳn.

Những con đường lát đá của thành phố mỏ bụi bặm Leopoldsburg ở phía bắc Bỉ, chỉ cách mặt trận chừng 10 dặm, chật ních xe jeep và xe trinh sát. Mọi con đường có vẻ đều dẫn về rạp chiếu phim trước ga xe lửa – và chưa bao giờ rạp này chứng kiến một đám đông đến như vậy. Sĩ quan thuộc quân đoàn 30 của trung tướng Horrock - lực lượng Garden sẽ đâm thẳng lên phía bắc qua Hà Lan để hội quân với lực lượng đổ bộ đường không - đứng chật phố và xúm đông xúm đỏ trước cửa vào rạp trong lúc đợi quân cảnh kiểm tra giấy tờ. Đó là một đám đông đầy màu sắc và hào hứng, và họ khiến thượng tá Hubert Essame, tư lệnh lữ đoàn 214, sư đoàn bộ binh số 43 Essex, về “một đạo quân đang tập hợp hay một cuộc diễu binh ở Salisbury Plain thời bình”. Ông này choáng ngợp trước trang phục muôn màu muôn vẻ của các sĩ quan. Có nhiều loại mũ đến ngạc nhiên. Không một ai đội mũ sắt, nhưng khắp nơi là mũ beret đủ màu gắn phù hiệu kiêu hãnh của những trung đoàn lừng danh, trong đó có các đơn vị Ireland, thủ pháo, Coldstream, Scotland, Wales, và kỵ binh cận vệ hoàng gia, không quân hoàng gia và pháo binh hoàng gia. Tẩt cả đều ăn mặc rất thoải mái tự do. Essame để ý thấy phần lớn các sĩ quan đều mặc áo nguỵ trang của lính bắn tỉa, áo khoác của lính nhảy dù và thay vì cavát là những chiếc khăn quàng sặc sỡ đủ màu.

Viên trung tá nổi tiếng J.O.E “Joe” Vandeleur, viên tư lệnh vạm vỡ, mặt rám nắng cao 6 bộ của đơn vị thiết giáp cận vệ Ireland, hiện thân cho vẻ hào hoa ngạo nghễ của đám sĩ quan cận vệ. Viên trung tá 41 tuổi mặc bộ đồ đi trận quen thuộc của mình: mũ beret đen, áo khoác lính dù nguỵ trang nhiều màu, quần vải thô và đôi ủng cao su ống cao. Thêm vào đó, như mọi khi, Vadeleur đeo một khẩu Colt 45 tự động bên hông và quấn trên cổ áo khoác là vật đã trở thành biểu tượng cho đám lính tăng của ông, một chiếc khăn quàng màu lục sáng chói. Viên tướng chỉn chu “Boy” Browning hẳn sẽ cau maỳ khi nhìn thấy bộ dạng của ông này. Ngay cả đến Horrock cũng đã một lần khô khan nói với Vandeleur. “Nếu bọn Đức tóm được cậu, Joe,” ông này nói, “chúng sẽ cho rằng chúng đã tóm phải một anh nông dân”. Nhưng vào ngày 16/9 này, ngay cả Horrock cũng không còn vẻ nghiêm chỉnh không chê vào đâu được của một sĩ quan Anh đúng điệu. Thay vì áo sơ mi ông mặc một chiếc áo phông của đấu thủ polo, và bên ngoài áo quân phục là một chiếc áo da không tay chẳng khác gì một bác nông dân Anh.

Trong khi Horrocks, một người rất được mến mộ, đi dọc khán phòng chật ních người xuống, tiếng hoan hô chào đón vang lên từ mọi phía. Cuộc họp đã làm mọi người phấn khích cao độ. Tất cả đều nóng lòng được xuất trận. Từ sông Seine đến Ăntwerp, xe tăng của Horrocks đã tiến được trung bình tới 50 dặm mỗi ngày, nhưng kể từ sau 3 ngày dừng lại tai hại sau ngày 4/9 để “củng cố, tiếp liệu và nghỉ ngơi”, việc tiến lên phía trước trở nên khó khăn hơn nhiều. Khi người Anh mất đà tiến công, kẻ thù đã hồi phục nhanh chóng. Trong hai tuần sau đó, tốc độ tiến công của quân Anh chậm như rùa. Sư đoàn thiết giáp cận vệ - do đơn vị cận vệ Ireland của Vandeleur dẫn đầu – đã phải mất 4 ngày để tiến 10 dặm và chiếm cây cầu chiến lược bắc qua kênh Meuse-Escaut gần Neerpelt, từ đó ngày hôm sau cuộc tấn công vào Hà Lan sẽ bắt đầu. Horrocks không có chút ảo tưởng nào về sự kháng cự của quân Đức, nhưng ông tin rằng đơn vị của mình có thể chọc thủng phòng tuyến địch.

Đúng 11 giờ trưa, Horrocks bước lên sân khấu. Tất cả những người có mặt đều biết cuộc tấn công của quân Anh sẽ được bắt đầu trở lại, nhưng việc bảo mật quanh kế hoạch của Montgomery nghiêm ngặt đến mức chỉ vài sĩ quan cấp tướng là biết các chi tiết kế hoạch. Lúc này, khi chỉ còn 24 giờ nữa là đến ngày N của chiến dịch Market Garden, các sĩ quan của viên thống chế lần đầu tiên được biết về cuộc tấn công.

Gắn vào màn chiếu phim là một tấm bản đồ Hà Lan khổng lồ. Băng dính màu được dán lên theo hướng bắc dọc một con đường xa lộ duy nhất, băng qua nhiều sông lớn và chạy qua các thành phố Valkenswaard, Eindhoven, Veghel, Uden, Nijmegen và Arnhem, trên một khoảng cách chừng 64 dặm. Từ đây, dải băng dán màu tiếp tục chừng 30 dặm nữa theo tỷ lệ bản đồ cho tới Zuider Zee. Horrocks lấy một cây gậy chỉ dài và bắt đầu phổ biến kế hoạch. “Đây là một câu chuyện các vị sẽ kể cho cháu các vị nghe,” ông nói với đám thính giả của mình. Rồi ông dừng lại và, chủ yếu để pha trò cho các sĩ quan đang có mặt, nói thêm: “Và chúng sẽ chán ngấy”.

Trong đám khán giả, trung tá Curtis D.Renfro, sĩ quan liên lạc của sư đoàn 101 và cũng là một trong số ít sĩ quan Mỹ có mặt, rất ấn tượng trước sự tự tin và hăng hái của tư lệnh quân đoàn. Ông này đã nói trong một giờ liền, Curtis nhớ lại, “và chỉ có một lần phải xem lại các ghi chép chuẩn bị trước”.

Từng bước một, Horrocks trình bày sự phức tạp của Market Garden. Ông nói, lực lượng đổ bộ sẽ xuất quân trước tiên. Mục tiêu của họ: chiếm lấy các cây cầu trước mặt quân đoàn 30. Horrocks sẽ phát lệnh bắt đầu tấn công. Tuỳ theo thời tiết, giờ khai hoả của lực lượng mặt đất dự kiến sẽ là 2 giờ chiều. Vào thời điểm đó, 350 khẩu pháo sẽ khai hoả và dựng lên một bức màn lửa kéo dài 35 phút. Sau đó, vào lúc 2 giờ 35, được yểm trợ bởi các phi đội máy bay phóng pháo Typhoon, xe tăng của quân đoàn 30 sẽ đột phá qua đầu cầu của mình và “chọc thẳng xuống theo con đường chính”. Sư đoàn thiết giáp cận vệ sẽ có vinh dự dẫn đầu đội hình tấn công. Theo sau họ là các sư đoàn 43 Wessex và sư đoàn 50 Northumberland, sau đó là lữ đoàn thiết giáp số 8 và lữ đoàn Hà Lan Công chúa Irene.

Sẽ là “không ngừng, không nghỉ”, Horrocks nhấn mạnh. Sư đoàn thiết giáp cận vệ cần “liên tục tiến như ma đuổi”trên suốt con đường tới Arnhem. Việc đột phá qua đầu cầu, Horrocks tin tưởng, sẽ thành công gần như lập tức. Ông dự kiến chiếc xe tăng đầu tiên của đơn vị cận vệ sẽ có mặt ở Eindhoven sau hai hay ba giờ. Nếu kẻ địch phản ứng đủ nhanh để phá cầu trước khi lực lượng đổ bộ kịp chiếm, thì lực lượng công binh của sư đoàn 43 Essex, đi sau lực lượng mũi nhọn, sẽ phải vượt lên với trang bị để bắc cầu phao. Hoạt động công binh quy mô lớn này, Horrocks diễn giải, sẽ cần huy động 9000 công binh và 2277 xe chuyên dụng đã được tập kết sẵn ở khu vực Leopoldsburg. Toàn bộ đội hình của quân đoàn 30 sẽ tiến theo đường xa lộ chính nối tiếp nhau, 35 xe trên một dặm thành hàng hai. Tất cả sẽ tiến theo một chiều, và Horrocks dự kiến “sẽ đưa toàn bộ 20000 xe theo con đường xa lộ tới Arnhem trong vòng 60 giờ”.

Tướng Allan Aldair, viên tư lệnh 46 tuổi của sư đoàn thiết giáp cận vệ lừng danh, trong lúc nghe Horrocks nói, nghĩ rằng Market Garden là một kế hoạch táo bạo, nhưng ông cũng tin rằng “rất có thể nó là một canh bạc liều lĩnh”. Ông cho rằng giây phút tệ hại nhất sẽ là thời điểm đột phá qua đầu cầu ở kênh Meuse Escaut. Một khi đã đột kích thành công, cho dù ông trông đợi sẽ gặp phải sự chống trả của quân Đức, nhưng ông nghĩ việc tiến công sẽ “không khó khăn”. Bên cạnh đó, ông hoàn toàn tin tưởng vào đơn vị sẽ dẫn đầu cuộc tấn công – đơn vị cận vệ Ireland của trung tá Joe Vandeleur.

Joe Vandeleur, khi nghe thấy rằng xe tăng của ông sẽ dẫn đầu cuộc đột kích, nhớ lại rằng đã thầm nghĩ, “Ôi, Christ! Đừng có lại chúng tôi nữa.” Vandeleur tự hào rằng đơn vị kỳ cựu của ông được chọn, nhưng ông cũng biết binh lính của ông đã kiệt sức và đơn vị của ông đã thiệt hại nhiều. Kể từ cuộc đột phá từ Normandy, ông chỉ nhận được rất ít bổ sung thay thế cả về người lẫn xe; hơn nữa, “họ cũng chẳng cho nhiều thời gian để chuẩn bị kế hoạch”. Nhưng sau đó ông nghĩ, liệu sẽ cần bao nhiêu thời gian để vạch kế hoạch cho một cú đột kích thẳng qua phòng tuyến Đức?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

24#
 Tác giả| Đăng lúc 16-8-2013 13:51:30 | Chỉ xem của tác giả
Chương 9

Ngồi cạnh ông là người em họ, trung tá Giles Vandeleur 33 tuổi, chỉ huy tiểu đoàn 2 dưới quyền Joe, anh này “kinh hoàng trước kế hoạch định chọc thủng phòng tuyến Đức với đội hình xe tăng đi thành một hàng.” Với anh ta, đây không phải là một hình thức tác chiến thiết giáp phù hợp. Nhưng anh này nhớ lại “đã nuốt chửng mọi sửj nghi ngờ e ngại và bị cuốn vào một cơn phấn khích lạ lùng, như thể được sắp hạt giống trước một cuộc đua ngựa vậy”.

Với 3 người có mặt trong rạp, kế hoạch được phổ biến đã gây ra những cảm xúc cá nhân sâu sắc. Các sĩ quan chỉ huy lữ đoàn Hà Lan Công chúa Irene đã dẫn đầu binh lính của mình vào trận trong suốt con đường dài từ Normandy. Lúc đầu họ đã chiến đấu bên cạnh những người Canada; rồi sau khi Brussels được giải phóng, họ được phối thuộc sang đạo quân Anh số 2. Lúc này họ sắp được trở về nhà. Cho dù rất trông chờ ngày giải phóng Hà Lan, viên tư lệnh lữ đoàn, đại tá Albert “Steve” de Ruyter van Steveninck; tư lệnh phó của ông, trung tá Charles Pahud de Mortanges; và tham mưu trưởng lữ đoàn, thiếu tá Jonkheer Jan Beelaerts van Blokland, đều cảm thấy rất bất an về cách thức cuộc giải phóng ấy được dự kiến thực hiện.

Steveninck coi toàn bộ kế hoạch quá mạo hiểm. Mortanges có cảm tưởng rằng người Anh quá xa rời thực tế so với những bằng chứng trên chiến trường. Như ông nói, “Tất cả đều được trình bày cho có vẻ rất đơn giản. Đầu tiên, chúng ta chiếm lấy chiếc cầu này; sau đó tới chiếc cầu thứ hai và vượt qua con sông này... Địa hình phía trước mặt với những con sông, đầm lầy, kè đập và đất thấp, là rất phức tạp – như người Anh hẳn đã phải hiểu rõ từ rất nhiều báo cáo của chúng tôi”. Viên tham mưu trưởng 33 tuổi, Beelaerts van Blokland, không khỏi liên tưởng tới lịch sử quân sự trong quá khứ. “Chúng ta có vẻ đang vi phạm phương châm của Napoleon nói rằng không bao giờ được tấn công trừ khi bạn nắm chắc ít nhất 75% cơ hội chiến thắng. Khi đó, 25% còn lại có thể để mặc cho may rủi. Những người Anh xem ra đang làm ngược lại; chúng ta để lại tới 75% cho may rủi. Chúng ta chỉ có 48 giờ để tiến tới Arnhem, và nếu chỉ một chi tiết nhỏ diễn ra ngoài dự kiến - một cây cầu bị phá sập, kháng cự của quân Đức mạnh hơn dự kiến – chúng ta sẽ bị lỡ thời gian biểu”. Blokland còn một lo lắng riêng tư nữa. Cha mẹ anh đang sống tại làng Oosterbeek, chỉ cách cây cầu Arnhem có hai dặm rưỡi.

Một trong số ít sĩ quan dưới cấp thiếu tá được tham gia buổi phổ biến kế hoạch là viên trung úy 21 tuổi John Gorman thuộc lực lượng cận vệ Ireland. Anh này cảm thấy phấn khích trước toàn bộ kế hoạch và nghĩ Horrocks lúc đó “đang trong lúc phong độ nhất”. Tư lệnh quân đoàn, như Gorman hồi tưởng lại, “đã trổ hết khiếu hài hước và trí óc của mình, giải thích những điểm quan trọng thiết yếu nhất với vẻ hài hước nhưng không hề lạc đề. Ông ấy quả là một nghệ sĩ trình diễn”. Gorman đặc biệt thú vị với kế hoạch Garden vì “lực lượng cận vệ sẽ dẫn đầu và hiển nhiên vai trò của họ sẽ rất quyết định”.

Khi cuộc họp kết thúc và các sĩ quan chỉ huy quay về phổ biến lại kế hoạch cho đơn vị mình, anh chàng Gorman trẻ tuổi cảm thấy” những nghi ngờ đầu tiên về cơ hội thành công”. Dừng lại trước tấm bản đồ, anh nhớ rằng đã thầm nghĩ rằng Market Garden là “ một kế hoạch khả thi- nhưng cũng chỉ khả thi thôi’. Chỉ đơn giản là “có quá nhiều cầu”. Ngay cả địa hình cũng không làm anh thích thú gì. Anh thầm nghĩ đó là một địa hình tồi tệ cho thiết giáp và tiến công “ với đội hình hàng một, chúng tôi sẽ rất yếu thế”. Nhưng lời hứa có máy bay phóng pháo Typhoon yểm trợ quả là rất an tâm. Cũng như thế là một lời hứa khác. Gorman nhớ lại một tháng trước đó, khi anh ta nhận được chữ thập quân sự vì lòng dũng cảm từ chính Montgomery. Khi trao huy chương, Monty đã nói, “Nếu tôi là một người chơi cá cược, tôi sẽ cá ăn chắc rằng chiến tranh sẽ kết thúc trước lễ giáng sinh”. Khả năng khác ngoài việc tiến lên phía bắc với Gorman chỉ có thể là “ một mùa đông dài khắc nghiệt cắm trại bên cạnh hay gần kênh Escaut”. Kế hoạch của Monty, anh tin tưởng, “có đủ độ thần tốc và táo bạo để thành công. Nếu có cơ hội kết thúc chiến tranh trước Giáng sinh, thì tôi sẽ ủng hộ việc tiến lên.”

Giờ đây, tại vùng đồng quê bằng phẳng của nước Bỉ với những mỏ than, những người sẽ dẫn đầu đạo quân Anh số 2 của tướng Dempsey được biết tới kế hoạch và được hứa hẹn về Arnhem. Dọc hai bên đường, tại các khu tập kết và trại, binh lính được tập hợp lại quanh sĩ quan chỉ huy của mình để nghe phổ biến phần nhiệm vụ của họ trong chiến dịch Market Garden. Khi trung tá Giles Vandeleur nói với các sĩ quan thuộc quyền rằng đơn vị Ireland sẽ dẫn đầu đội hình, viên thiếu tá 29 tuổi Edward G.Tyler nhớ lại một “tràng than thở” vang lên từ đám sĩ quan đang tập hợp. “Chúng tôi đã tính,” anh nhớ lại, “rằng chúng tôi xứng đáng được nghỉ ngơi một chút sau khi đánh chiếm cây cầu qua kênh Escaut, mà chúng tôi đặt tên là “cầu của Joe” theo tên của Joe Vandeleur. Nhưng chỉ huy đã nói rằng việc chúng tôi được chọn là một vinh dự lớn”. Bất chấp mong muốn được nghỉ ngơi, Tyler cũng nghĩ như vậy. “Chúng tôi đã quen với đội hình thiết giáp hàng một”, anh hồi tưởng, “và trong trường hợp như vậy chúng tôi đặt niềm tin vào tốc độ và sự yểm trợ. Không ai có vẻ lo lắng.”

Nhưng trung uý Barry Quinan, mới sang tuổi 21, “cảm thấy đầy bất an”. Đây là lần đầu anh này xuất trận với đơn vị thiết giáp mũi nhọn của đơn vị cận vệ dưới quyền đại uý Mick O’Cock. Lính bộ binh của Quinan sẽ phải ngồi trên nóc xe tăng để hành quân theo kiểu Nga. Với anh ta, “số lượng sông phía trước có vẻ quá nhiều. Chúng tôi không phải là lính thuỷ. “Tuy thế Quinan cảm thấy tự hào rằng người của mình sẽ “dẫn đầu toàn đạo quân Anh số 2”.

Trung uý Rupert Mahaffey, cũng 21 tuổi, nhớ lại rõ ràng đã được bảo rằng “nếu chiến dịch thành công phụ nữ và trẻ nhỏ ở nhà sẽ được giải thoát khỏi mối đe doạ của tên lửa V2 của Đức”. Mẹ của Mahaffey đang sống ở London, lúc đó đang bị oanh tạc dữ dội. Cho dù anh cảm thấy phấn khích trước viễn cảnh của cuộc tấn công, con đường độc đạo dẫn tới Arnhem, anh nghĩ,” sẽ là một con đường rất dài và gian khổ”.

Đại uý Roland S.Langton, 23 tuổi, mới quay về đơn vị sau 5 ngày nằm ở một bệnh viện dã chiến do trúng một mảnh trái phá, được biết anh không còn là trợ lý cho tiểu đoàn 2 cận vệ Ireland. Thay vào đó, anh được chỉ định làm chỉ huy phó cho đơn vị đột kích mũi nhọn của đại uý Mick O’Cock. Anh này rất phấn khởi về sự bổ nhiệm. Cuộc đột kích xem ra sẽ dễ dàng theo Langton. Garden chỉ có thể là một thành công. “Với mọi người hiển nhiên là bọn Đức đã tan rã và run sợ, thiếu phối hợp gắn bó và chỉ có khả năng chiến đấu thành những nhóm nhỏ.” Nhưng không phải ai cũng tự tin như vậy. Khi trung uý A.G.C.”Tony” Jones, 21 tuổi, thuộc công binh hoàng gia, nghe kế hoạch, anh này nghĩ chiến dịch “ hiển nhiên sẽ rất khó khăn”. Những cây cầu là chìa khoá cho toàn chiến dịch và, như một sĩ quan nhận xét, “việc tiến quân của quân đoàn 30 sẽ chẳng khác gì xâu một sợi bông qua 7 chiếc kim và chỉ cần xỏ trượt một lỗ kim là chúng ta sẽ gặp rắc rối to”. Với người lính cận vệ kỳ cựu Tim Smith, 24 tuổi, cuộc tấn công “chỉ đơn giản là một trận đánh nữa”. Vào lúc đó lo lắng lớn nhất của anh ta là cuộc đua ngựa nổi tiếng St Leger tại Newmarket. Anh này tin rằng con ngựa có tên Tehran, do jockey nổi tiếng Gordon Richards cưỡi, là “một cú chắc ăn”. Anh này đặt tất cả tiền túi của mình cho Tehran với một viên hạ sĩ tại sở chỉ huy tiểu đoàn. Nếu Market Garden là chiến dịch sẽ giúp thắng cuộc chiến, thì đây đúng là ngày để thắng cuộc tại St Leger. Và thật ngạc nhiên, Tehran thắng. Lúc này thì anh đã tin chắc rằng Market Garden sẽ thành công.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

25#
 Tác giả| Đăng lúc 16-8-2013 13:53:29 | Chỉ xem của tác giả
Chương 10

Một người khác « hiển nhiên là không thoải mái ». Trung uý phi công Donald Love, 28 tuổi, một phi công trinh sát của RAF, cảm thấy hoàn toàn lạc lõng giữa đám sĩ quan thiết giáp cận vệ. Anh này là một thành viên của đội liên lạc với không quân có nhiệm vụ gọi máy bay phóng pháo Typhoon tới yểm trợ khi cuộc đột kích bắt đầu. Chiếc xe mỏng mảnh của anh (được đặt mật danh là « Cốc rượu vang »), với mui xe bằng vải bạt và mớ phương tiện liên lạc, sẽ phải đi lên hàng đầu ngay gần xe chỉ huy của trung tá Joe Vandeleur. Love cảm thấy bị phơi trần ra và không có phương tiện tự vệ : cả đội liên lạc của RAF đều chỉ có súng ngắn. Trong lúc anh nghe Vandeleur nói về một bức tường lửa di động có thể tiến về phía trước với tốc độ 200 yard một phút" và nghe thấy viên sĩ quan to con người Ireland mô tả chiếc xe trinh sát bé nhỏ của Love như là "một tín hiệu của lực lượng thiết giáp để liên lạc trực tiếp với cac phi công trên trời", Love càng lúc càng thấy lo lắng. "Tôi có linh cảm là tôi sẽ là người chịu trách nhiệm liên lạc với những chiếc Typhoon ở trên đầu chúng tôi". Ý nghĩ chằng lấy gì làm dễ chịu. Love biết rất ít về sử dụng radio, và anh cũng chưa bao giờ làm nhiệm vụ sĩ quan phối hợp tác chiến giữa không quân và lục quân. Thế rồi, thật nhẹ nhõm, anh được biết rằng một chuyên gia trong lĩnh vực này, phi đội trưởng Max Sutherland, sẽ đi cùng anh ngày hôm sau để phụ trách việc liên lạc trong quá trình tiến hành đột kích. Sau đó, Love sẽ phải chịu trách nhiệm. Love bắt đầu tự hỏi liệu đáng ra anh có nên xung phong tình nguyện hay không. Anh đã nhận nhiệm vụ này "bởi vì tôi nghĩ đó là một cơ hội tuyệt vời".

Một thay đổi khác cũng làm viên chỉ huy đơn vị cận vệ Ireland bận tâm. Trong trận đánh chiếm đầu cầu qua kênh đào Escaut, Joe Vandeleur đã mất "một người bạn gần gũi và đáng trân trọng". Chiếc xe thông tin của ông này, với một chiếc loa phóng thanh kếch xù trông giống một cây kèn trompet gắn trên nóc, đã bị đạn trái phá của Đức phá hủy. Suốt trong thời gian huấn luyện tại Anh và trong cuộc tấn công thần tốc từ Normandy, Joe đã dùng chiếc xe này để thông báo với binh lính dưới quyền và ở cuối mỗi bản thông báo, vốn là một người say mê nhạc cổ điển, ông luôn cho phát một hai bản - một sự lựa chọn chẳng phải lúc nào cũng vừa tai đám lính cận vệ. Chiếc xe đã bị nổ tung ra từng mảnh và mảnh những đĩa nhạc cổ điển - kể cả giai điệu ưa thích của Vandeleur - đã bị văng ra tứ tung khắp vùng đồng quê xung quanh. Joe lấy làm phiền lòng về mất mát này; nhưng đám lính cận vệ Ireland của ông thì không. Họ nghĩ, ngay cả khi không phải nghe bản "Praise the Lord and Pass the Ammunition" chốc chốc lại vang ầm lên từ chiếc loa phóng thanh của Joe thì con đường tới Arnhem cũng đã đủ mệt mỏi nặng nề rồi.

Trong khi đó, tại Anh lực lượng nhảy dù và đổ bộ bằng tàu lượn của đạo quân đổ bộ đường không số 1 đã tập hợp ở khu vực tập kết, sẵn sàng đợi lệnh cất cánh. Trong vòng 48 giờ trước đó, sử dụng bản đồ, ảnh không thám và mô hình thu nhỏ, các sĩ quan đã phổ biến đi phổ biến lại kế hoạch tác chiến cho binh lính dưới quyền mình. Công cuộc chuẩn bị thật to lớn và tỉ mỉ. Tại 24 sân bay (8 cho lực lượng Anh, 16 cho lực lượng Mỹ), một lực lượng khổng lồ máy bay chở quân, máy bay kéo và tàu lượn đã được kiểm tra, nạp nhiên liệu và chất đầy trang bị từ xe jeep đến pháo. Ở phía bắc London 90 dặm, sư đoàn 82 "All American" của chuẩn tướng James M.Gavin đã bị cấm trại hoàn toàn trong một cụm sân bay nằm quanh Grantham ở Lincolnshire. Ở đây cũng có một phần sư đoàn Quỷ Đỏ của tướng Roy Urquhart và lữ đoàn dù Ba Lan số 1 của thiếu tướng Stanislaw Sosabowski. Về phía nam gần Newbury, cách London khoảng 80 dặm về phía tây, sư đoàn 101 của thiếu tướng Maxwell D.Taylor cũng đã cấm trại. Cũng trong khu vực này, trải dài tới tận Dorsetshire, là phần còn lại của sư đoàn của Urquhart. Phần lớn các đơn vị của ông này chỉ được đưa tới sân bay vào sáng ngày 17, nhưng tại các địa điểm trú quân nằm gần địa điểm xuất phát, họ cũng đã sẵn sàng. Khắp nơi, vào lúc này lực lượng đổ bộ đường không của chiến dịch Market-Garden đợi thời điểm xuất phát cho cuộc tấn công lịch sử giải phóng Hà Lan từ trên không.

Nhiều người cảm thấy quan tâm đến việc bị cấm trại hơn là nhiệm vụ sắp tới. Tại một sân bay nằm gần làng Ramsbury, những biện pháp an ninh đã khiến hạ sĩ Hansford Vest, thuộc trung đoàn 502 của sư đoàn 101, cảm thấy bực bội. Máy bay và tàu lượn "chen nhau nằm dài hàng dặm khắp trong vùng và ở đâu cũng có quân cảnh". Anh ta nhận thấy sân bay đã bị bao quanh bằng hàng rào dây thép gai với "quân cảnh Anh gác ở ngòai và quân cảnh của chúng tôi gác phía trong". Vest có " cảm giác rằng chúng tôi bị tước hết sự tự do". Binh nhì James Allardyce thuộc trung đoàn 508, ở giữa rừng lều dày đặc của đơn vị mình, cố gắng quên đi hàng rào thép gai và lính gác. Anh này kiểm tra đi kiểm tra lại vũ khí quân trang của mình " cho đến khi chúng gần như mòn đi". Allardyce không thể rũ bỏ được cảm giác rằng "chúng tôi chẳng khác gì những kẻ bị kết án đang chờ bị tống ra pháp trường".

Một số người khác lại chỉ lo lắng về khả năng chiến dịch mới được thực hiện. Đã có quá nhiều chiến dịch trước đó bị đình chỉ khiến một tân binh, binh nhì 19 tuổi Melvin Isenekev, thuộc trung đoàn 506 ( anh này từ Mỹ tới ngày 6/6, đúng hôm sư đòan 101 nhảy dù xuống Normandy), vẫn không tin rằng họ có thể xung trận được ngay cả khi họ đã vào khu tập hợp. Isenekev cảm thấy anh đã luyện tập "lâu dài và vất vả cho nhiệm vụ này và tôi không muốn bị bỏ lại phía sau". Thế nhưng thiếu chút nữa chuyện đó đã xảy ra. Cố tìm cách châm lửa chiếc bếp dầu tự tạo để đun nước, anh ta đã đốt một que diêm rồi ném vào một vỏ thùng dầu. Không thấy gì xảy ra, Isenekev "cúi đầu lại gần nhìn và tất cả nổ tung". Hoàn toàn bị mù tạm thời, anh ta nghĩ ngay, "Thế là hết. Họ sẽ không cho tôi đi". Tuy nhiên chỉ vài phút sau hai mắt anh ta đã hết bỏng và anh này đã có thể nhìn trở lại. Nhưng anh tin chắc rằng mình là nhân vật duy nhất thuộc sư đoàn 101 nhảy dù xuống Hà Lan không có lấy một sợi lông mày nào.

Thượng sĩ nhất Daniel Zapalski, 24 tuổi, thuộc trung đoàn 502 "lo tóat mồ hôi về cú nhảy sắp tới; hy vọng rằng chiếc dù được gấp đúng cách, hy vọng rằng nền đất sẽ mềm; và hy vọng rằng tôi sẽ không mắc vào một cái cây nào đó". Anh háo hức muốn lên đường. Cho dù vẫn chưa hoàn toàn bình phục vết thương chân ở Normandy, Zapalski tin rằng vết thương của anh "không nghiêm trọng đến mức khiến tôi không thể hoàn thành được trách nhiệm của mình". Tư lệnh tiểu đoàn của anh, viên trung tá rất được mến mộ Robert G.Cole, không nghĩ như vậy. Ông này đã không chấp nhận yêu cầu của Zapalski. Không nản chí, Zapalski đã qua mặt Cole và nhận được giấy chứng nhận của bác sĩ quân y trung đoàn xác nhận anh có đủ khả năng chiến đấu.

Đại uý Raymond S.Hall, linh mục tuyên uý của trung đoàn 502, cũng có một khó khăn gần tương tự. Ông này « rất nóng lòng muốn quay trở lại chiến đấu và có mặt bên cạnh người của mình ». Nhưng ông cũng đã bị thương ở Normandy. Lần này các bác sĩ không cho ông nhảy dù nữa. Cuối cùng ông được thông báo ông sẽ đi trên tàu lượn. Vị tuyên uý phát hoảng trước tin này. Là một lính dù kỳ cựu, ông coi tàu lượn là một phương tiện rất không an toàn.

Nỗi sợ bị giết hay không hoàn thành nhiệm vụ cũng ám ảnh nhiều người khác. Đại uý LeGrand Johnson, một đại đội trưởng 22 tuổi, nhớ lại « cú hút chết kinh hoàng » trong cuộc đổ bộ đêm của sư đoàn 101 tại Normandy, đã hoàn toàn « buông xuôi ». Anh này tin chắc rằng lần tới anh ta sẽ không thể sống sót quay trở về. Tuy vậy, viên sĩ quan trẻ « quyết định sẽ đánh một trận ra trò ». Johnson cũng không chắc anh có hứng thú với ý tưởng nhảy dù ban ngày hay không. Có thể nó sẽ làm tăng tổn thất. Mặt khác, lần này « chúng tôi sẽ có thể nhìn thấy kẻ thù ». Để dấu sự bồn chồn của mình, Johnson cá cược với đồng đội xem ai sẽ là người đầu tiên được nếm bia Hà Lan. Một trong những thượng sĩ dưới quyền Johnson, Charles Dohun, gần như « đờ đẫn » vì lo lắng. Anh ta « không biết so sánh vụ nhảy dù ban ngày này với chiến dịch Normandy ra sao, cũng không rõ điều gì sẽ xảy ra. » Chỉ 48 giờ sau, quên hết sự lo lắng của mình, Dohun sẽ anh dũng cứu sống viên đại uý Johnson bi quan.

Thượng sĩ kỹ thuật Marshall Copas, 22 tuổi, có lẽ còn có nhiều lý do hơn để lo lắng. Anh là một trong những « người dò đường » sẽ phải nhảy dù đầu tiên để đánh dầu các bãi đổ quân cho sư đoàn 101. Trong lần đổ bộ ở Normandy, Copas nhớ lại, « chúng tôi có 45 phút trước khi lực lượng chính bắt đầu đổ bộ - lần này chúng tôi chỉ có 20 phút ». Copas và người bạn, thượng sĩ John Rudolph Brandt, 29 tuổi, có chung ý nghĩ : cả hai đều cảm thấy dễ chịu hơn « nếu phía dưới chúng tôi là đạo quân số 3 của tướng Patton chứ không phải là người Anh. Chúng tôi trước đây chưa bao giờ chiến đấu cùng đám Tommy ».

Tại khu vực Grantham, binh nhì John Garzia, một cựu binh với 3 lần nhảy tác chiến cùng sư đoàn 82, cảm thấy choáng váng. Với anh ta, Market Garden « hoàn toàn là trò điên rồ ». Anh này nghĩ « Ike đã chạy sang phe bọn Đức ».

Giờ đây khi chiến dịch Market Garden sắp mở màn, trung tá Louis Mendez, chỉ huy tiểu đoàn thuộc trung đoàn 508 sư đoàn 82, không ngần ngại nói đến một chủ đề đặc biệt. Vẫn còn giữ trong đầu những kỷ niệm cay đắng về kinh nghiệm đổ bộ ban đêm của trung đoàn mình tại Normandy, trung ta Mendez đưa ra một lời cảnh cáo dành cho các phi công sẽ chở tiểu đoàn của mình vào trận ngày hôm sau. « Thưa các vị, » Mendez lạnh lùng nói, « các sĩ quan của tôi đã học thuộc lòng tấm bản đồ Hà lan này cũng nha vị trí các bãi đổ quân, và chúng tôi đã sẵn sàng xung trận. Khi tôi phổ biến kế hoạch cho tiểu đoàn của mình trước trận Normandy, tôi có trong tay tiểu đoàn dù tuyệt nhất đã từng được biết đến. Khi tôi tập hợp họ lại tại Normandy, một nửa đã biến mất. Tôi yêu cầu các vị : thả chúng tôi xuống Hà lan hay âm ty địa ngục nào cũng được, nhưng hãy thả chúng tôi xuống cùng một chỗ ».

Binh nhất John Allen, 24 tuổi, một cựu binh đã ba lần tham chiến và vẫn còn đang trong giai đoạn hồi phục vết thương từ Normandy, tỏ ra triết lý về chiến dịch sắp tới : « Bọn chúng chưa bao giờ bắn trúng tôi trong một cuộc nhảy dù ban đêm, » anh này nghiêm chỉnh nói với đồng đội, « thế thì lần này chúng sẽ có cơ hội nhìn rõ tôi và ngắm bắn một phát ra trò ».Thượng sĩ Russell O’Neal, cũng đã có ba lần tác chiến ban đêm, tin chắc rằng « vận may Ireland của anh ta sắp cạn. » Khi anh ta được biết sư đoàn 82 sẽ phải nhảy dù ban ngày, anh ta đã viết một lá thư không bao giờ gửi đi « Mẹ có thể treo một ngôi sao vàng lên cửa sổ tối nay, mẹ của con. Bọn Đức có cơ hội tuyệt vời để bắn hạ bọn con trước khi bọn con kịp chạm đất ». Để làm cho không khí vui vẻ hơn – cho dù khi làm vậy rất có thể anh ta đã làm mọi sự tệ đi – binh nhì Philip H.Nadler thuộc trung đoàn 504 tung ra vài tin đồn. Tin đồn anh ta tâm đắc nhất là câu chuyện về một trại lính SS lớn của Đức đóng đúng tại một trong những khu đổ quân của sư đoàn 82.

Nadler đã không cảm thấy quá ấn tượng về buổi phổ biến kế hoạch ở trung đội. Một trong những mục tiêu của trung đoàn 504 là cây cầu tại Grave. Tập hợp binh lính quanh mình, viên trung úy phổ biến kế hoạch kéo tấm phủ bàn cát mô hình và nói, « Các vị, đây là đích đến của các vị ». Viên trung uý đưa que chỉ thằng vào mô hình cây cầu chỉ mang một từ duy nhất « Grave » (Ngôi mộ). Nadler là người đầu tiên đưa ra bình luận. « Thưa trung uý, cái này thì chúng tôi biết, » anh ta nói, « nhưng chúng tôi sẽ nhảy xuống nước nào vậy ? »

Thiếu tá Edward Wellems, thuộc tiểu đoàn 2 trung đoàn 504, nghĩ rằng tên cây cầu này thật là gở, bất chấp việc viên sĩ quan phổ biến kế hoạch cho đơn vị của ông ta đã đột ngột thay đổi cách phát âm, và gọi cây cầu đó là « gravey bridge ».

(còn tiếp)
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

26#
 Tác giả| Đăng lúc 17-8-2013 07:18:35 | Chỉ xem của tác giả
Chương 11

Buổi phổ biến kế hoạch gây ra những tâm trạng khác nhau. Viên hạ sĩ 19 tuổi Jack Bommer nghĩ "chỉ sáu hay tám tuần nữa chúng tôi sẽ có mặt ở nhà và sau đó người ta sẽ gửi chúng tôi tới Thái Bình Dương". Binh nhì Leo Hart, 21 tuổi, không tin rằng họ sẽ xung trận. Anh này đã hóng được - rất có thể từ kết quả tin đồn của binh nhì Nadler - rằng có chừng 4000 lính SS có mặt tại khu đổ quân chính.

Thiếu tá Edwin Bedell, 38 tuổi, nhớ lại rằng sự bận tâm duy nhất của một binh nhì là sự an toàn của một con thỏ mà anh ta thắng cuộc tại một hội thi ở một làng trong vùng. Anh binh nhì này rất lo cho con vật của mình, đã luôn đi theo anh ta đi mọi nơi, sẽ không thể sống sót được cuộc nhảy dù, mà nếu có thoát được cũng sẽ rất có nguy cơ kết thúc trong một cái nồi nào đó.

Gần sân bay Spanhoe ở vùng Grantham, trung uý “Pat” Glover thuộc lữ đoàn dù số 4 sư đoàn đổ bộ số 1 của Anh cũng lo lắng cho Myrtle, một cô gà lông nâu đỏ đã là con vật cưng của Glover từ đầu mùa hè. Với chiếc dù buộc vào một băng chun quanh cổ, Myrtle « cô gà từ trên trời rơi xuống » đã tập nhảy dù 6 lần. Đầu tiên cô gà này được cho vào một túi bạt buộc vào vai trái của Glover. Sau đó, anh này thả cô gà ra ở độ cao 50 bộ. Giờ thì Myrthe đã là một cựu binh, và Glover có thể thả nó ra ở độ cao 300 bộ. Vừa vỗ cánh phành phạch vừa kêu ầm ĩ, Myrthe chuệnh choạng hạ cánh. Sau khi chạm đất, Glover nhớ lại, « con vật khá hiền lành này ngoan ngoãn chờ trên mặt đất cho tới khi tôi xuống tới nơi và đến lượm nó ». Myrthe cô gà bay sẽ tới Arnhem. Đó là lần nhảy tác chiến đầu tiên của cô gà mái. Nhưng Glover không có ý định thử may rủi. Anh dự định sẽ để yên Myrthe trong túi cho tới khi anh đã đặt chân xuống đất Hà Lan.

Hạ sĩ Sydney Nunn, 23 tuổi, thuộc lữ đoàn đổ bộ số 1, đóng quân gần Keevil, cảm thấy khoan khoái được lên đường. Anh này cho rằng doanh trại quả là « cơn ác mộng ». Nunn sẵn sàng tới Arnhem hay bất cứ đâu cũng được, miễn là đủ xa để thoát khỏi đám rệp cứ luôn rúc sâu vào đệm của anh.

Với binh lính của sư đoàn đổ bộ Anh số 1, lúc này đang đợi lệnh trong các căn cứ nằm rải từ Midland xuống phía nam tới tận Dorsetshire, tâm trạng chung là cảm giác nhẹ nhõm vì cuối cùng họ cũng sắp được ra trận. Bên cạnh đó, các sĩ quan phổ biến kế hoạch nhấn mạnh rằng Market Garden có thể giúp rút ngắn chiến tranh. Với người Anh, chiến đấu liên tục từ năm 1939, tin này thật có ý nghĩa. Thượng sĩ Ron Kent, thuộc đại đội dù độc lập số 21, nghe nói rằng « thành công của chiến dịch có thể khiến chúng ta chiếm được Berlin » và lực lượng mặt đất của đối phương tại Arnhem « chủ yếu là đám Thanh niên Hitler trẻ ranh và những người già đi xe đạp ». Thượng sĩ Walter Inglis, thuộc lữ đoàn dù số 1, cũng đầy tin tưởng như vậy. Anh này nghĩ rằng cuộc tấn công sẽ « rất ngon lành ». Tất cả những gì đám Quỷ Đỏ phải làm là « bám lấy cây cầu Arnhem trong 48 giờ cho đến khi xe tăng của quân đoàn 30 tới ; sau đó chiến tranh coi như kết thúc ». Inglis hy vọng sẽ được về nhà ở Anh sau một tuần. Hạ sĩ Gordon Spicer, cũng thuộc lữ đoàn dù số 1, tự tin coi chiến dịch « là một cuộc chơi khá dễ dàng với một đám quân Đức rệu rã đang khiếp sợ thụt lùi khi thấy chúng tôi xuất hiện » ; trong khi đó Percy Parkes, thuộc lữ đoàn đổ bộ số 1, sau cuộc phổ biến kế hoạch, cảm thấy « tất cả những gì chúng tôi phải đối đầu tại Arnhem là một đám đầu bếp và chân cạo giấy người Đức ». Sự có mặt của thiết giáp đối phương, Parkes thuật lại, chỉ « được nói thoáng qua, và chúng tôi được bảo rằng yểm trợ không quân sẽ mạnh đến mức làm tối đen cả bầu trời trên đầu chúng tôi ». Y tá Geoffrey Stanners cũng tự tin tới mức chỉ chờ đợi « một hai tiểu đoàn lính thu dung » và hiệu thính viên Victor Read thì « chờ đợi sẽ gặp đám WAAF của Đức », anh nghĩ, « sẽ là những kẻ duy nhất phòng thủ Arnhem ».

Một số người có thể danh chính ngôn thuận ở lại nhà cũng hăng hái muốn ra trận. Thượng sĩ Alfred Roullier, thuộc lữ đoàn pháo đổ bộ số 1, là một trong số đó. Người lính 31 tuổi này phát hiện ra anh không được tham gia chiến dịch Arnhem. Cho dù Roullier được huấn luyện làm pháo thủ, nhưng lúc này anh đang làm cấp dưỡng tại sở chỉ huy tiểu đoàn. Vì tài nấu nướng của mình, xem ra rất có thể anh sẽ phải làm việc đó cho đến hết chiến tranh. Đã hai lần, Alf Roullier yêu cầu thượng sĩ nhất John Siely được tham gia vào cuộc tấn công, nhưng lần nào cũng bị từ chối. Đến lần thứ 3, Alf nhấn mạnh trường hợp của mình. « Tôi biết chiến dịch này có thể rút ngắn chiến tranh, » anh nói với Siely. « Tôi có một vợ và hai con, nhưng nếu cuộc tấn công này có thể giúp tôi chóng trở về nhà hơn và đảm bảo cho họ một tương lai tốt đẹp hơn, thì tôi muốn được ra trận ». Siely sử dụng một số quan hệ của mình. Tên của Alf Roullier được thêm vào danh sách những người sẽ đổ bộ xuống Arnhem – nơi mà trong tuần tiếp theo, viên thượng sĩ cấp dưỡng sẽ trở thành một huyền thoại.

Trong bầu không khí phấn khích trước giờ khai hoả của Market Garden, cũng có những nghi ngờ trong một số sĩ quan và binh lính tham chiến. Họ băn khoăn vì nhiều lý do khác nhau, cho dù hầu hết đều thận trọng không để lộ cảm giác của mình. Hạ sĩ Daniel Morgans, thuộc lữ đoàn dù số 1, coi « Market Garden là một chiến dịch tự sát». Việc « đổ bộ cách mục tiêu đến 6 -7 dặm rồi lại phải đánh xuyên qua cả một thành phố để tới được nó, đúng là mua dây buộc mình ». Thượng sĩ nhất J.C.Lord, người đã trải qua cả cuộc đời trong quân ngũ, cũng nghĩ như vậy. « Kế hoạch có vẻ trông chờ quá nhiều vào may rủi, » anh linh cảm. Và Lord cũng không mấy tin tưởng câu chuyện về một kẻ thù đã kiệt sức và yếu đuối. Anh biết « người Đức không phải là đổ ngốc và là những chiến binh tuyệt vời ». Tuy thế, J.C.Lord, người mà tư cách khiến cả đám cựu binh cũng phải vì nể (gần như vô thức, một số người đã gọi anh này sau lưng là « Jesus Christ »), đã không để lộ sự áy náy của mình, vì « làm thế sẽ là thật tai hại cho tinh thần mọi người ».

Đại uý Eric Mackay, chỉ huy đơn vị công binh mà một trong những nhiệm vụ được giao là tiếp cận nhanh cây cầu chính ở Arnhem và tháo gỡ thuốc nổ của quân Đức gài nếu có, nghi ngờ cả chiến dịch. Anh này nghĩ sư đoàn của mình «nếu đổ xuống cách mục tiêu 8 dặm thì cũng chẳng khác gì đổ xuống cách đó 100 dặm ». Lợi thế bất ngờ và « một cú đánh mạnh chớp nhoáng » hiển nhiên sẽ bị mất. Mackay âm thầm yêu cầu người của mình phải tăng gấp đôi cơ số đạn và lựu đạn mang theo, đồng thời đích thân hướng dẫn từng người lính dưới quyền các kỹ thuật thoát hiểm.

Thiếu tá Anthony Deane-Drummond, 27 tuổi, chỉ huy phó thông tin của sư đoàn đổ bộ số 1, đặc biệt lo lắng về phương tiện liên lạc của mình. Bên cạnh các máy chỉ huy chính, anh rất lo về những máy phát nhỏ cỡ « 22 » dự kiến sẽ được dùng giữa Urquhart và các lữ đoàn trong quá trình tấn công Arnhem. Những máy « 22 » hoạt động thu phát tốt nhất trong đường kính 3 đến 5 dặm. Với các khu đổ bộ cách mục tiếu 7 đến 8 dặm, hoạt động có thể sẽ trục trặc. Tệ hơn nữa, những máy này cũng cần liên lạc được với sở chỉ huy quân đoàn của tướng Browning, dự định đặt ở Nijmegen, cách các khu đổ quân chừng 15 dặm về phía nam. Thêm vào những trở ngại này còn có địa hình. Giữa cây cầu chính ở Arnhem và khu đổ bộ là cả thành phố, rồi những khu có rừng rậm bao phủ, và những khu ngoại ô đông dân cư.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

27#
 Tác giả| Đăng lúc 17-8-2013 07:20:06 | Chỉ xem của tác giả
Chương 12

Mặt khác, một đơn vị liên lạc độc lập, được đặt tên là « Phantom »- đơn vị này được tổ chức để thu thập và thông báo các dự đoán tình báo và các báo cáo cập nhật tình hình cho từng tư lệnh chiến trường, trong trường hợp này là tướng Browning của quân đoàn đổ bộ - lại không hề lo ngại về tầm hoạt động của các máy « 22 » họ được trang bị. Viên trung uý 25 tuổi Neville Hay, phụ trách đội ngũ được huấn luyện kỹ càng của Phantom, thậm chí còn cảm thấy « hơi coi thường lực lượng thông tin hoàng gia », những người mà đơn vị của anh này ái ngại coi là « những người anh em họ tội nghiệp ». Bằng việc sử dụng một loại ăng ten đặc biệt, Hay và các hiệu thính viên của mình có thể thực hiện việc truyền tin ở cự ly xa đến trên 100 dặm với một chiếc « 22 ».

Bất chấp thành công của Hay và mặc dù có nhiều hình thức liên lạc khác có thể được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, Deane – Đrummon vẫn thấy bất an. Anh trao đổi lại với cấp trên của mình, trung tá Tom Stephenson, rằng « khả năng các máy này hoạt động ở mức chấp nhận được trong giai đoạn đầu của chiến dịch là rất đáng ngờ ». Stephenson cũng tán đồng. Thế nhưng, điều này cũng khó gây ra rắc rối. Trong một cuộc tấn công bất ngờ, theo dự kiến lực lượng tấn công sẽ tới cầu Arnhem rất nhanh. Vì vậy, người ta tin rằng các đơn vị sẽ không bị gián đoạn liên lạc với sở chỉ huy lâu hơn 1 hay 2 giờ, vì đến khoảng thời gian này, Deane-Drummond được nghe nói, « mọi chuyện sẽ đã đâu vào đấy và sở chỉ huy của Urquhart lúc đó đã ở ngay trên cầu cùng với lữ dù số 1 ». Cho dù không hoàn toàn an tâm, Deane – Drummond nhớ lại rằng « cũng như hầu hết mọi người khác, tôi cũng bị cuốn theo suy nghĩ chung : « Đừng có bi quan thế ; và vì Chúa đừng có đi ném đá xuống thuyền, hãy làm theo kế hoạch tấn công ».

Giờ thì tiếng nói quyết định cuối cùng không còn thuộc về con người nữa mà là của thời tiết. Từ tổng hành dinh trở xuống, các sĩ quan cao cấp theo dõi sát sao các bản tin thời tiết. Chỉ có chưa đến 7 ngày chuẩn bị để kịp với thời hạn của Montgomery, Market Garden đã sẵn sàng hơn bao giờ hết, thế nhưng một bản dự báo về ít nhất ba ngày trời quang mây tạnh liên tục là tối cần thiết. Vào tối ngày 16/9, các chuyên gia khí tượng đưa ra báo cáo : ngoại trừ một chút sương mù vào sáng sớm, thời tiết sẽ đẹp trong 3 ngày sau đó, ít mây và hoàn toàn không có gió. Tại sở chỉ huy đạo quân đổ bộ đường không số 1, trung tướng Brereton nhanh chóng ra quyết định. Một bức điện mật được mã hoá gửi tới các chỉ huy dưới quyền ông vào lúc 7 giờ 45 tối viết, « Xác nhận Market Chủ nhật 17. » Trong nhật ký của mình, Brereton ghi lại, « Cuối cùng chúng tôi cũng bước vào hành động ». Ông nghĩ tối hôm đó ông có thể ngủ ngon giấc, vì như ông nói với ban tham mưu, « Giờ đây khi tôi đã ra quyết định, tôi đã thoát khỏi trạng thái lo âu thường trực ».

Tại những nhà chờ chật ních, trong những rừng lều trại và nhà tạm, những binh lính đang chờ đợi cũng được thông báo. Trên tấm gương lớn đặt trên lò sưởi ở nhà ăn hạ sĩ quan của đơn vị thông tin thuộc sư đoàn đổ bộ đường không Anh số 1 đóng gần Grantham, ai đó đã viết lên bằng phấn « lên đường sau 14 giờ nữa... không huỷ bỏ gì nữa ». Thượng sĩ Horace « Hocker » Spivey nhận xét rằng, cứ mỗi giờ qua đi, con số lại được viết lại bằng phấn. Với Spivey, đã quá mệt mỏi với việc phải dự những buổi phổ biến những kế hoạch chẳng bao giờ được thực hiện, những con số giảm dần trên tấm gương là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy lần này « chúng tôi chắc chắn sẽ xuất trận ».

Tại tất cả các căn cứ xuất phát, binh sĩ của đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh thực hiện những việc chuẩn bị cuối cùng. Họ đã được phổ biến đầy đủ về kế hoạch, vũ khí được kiểm tra, còn tiền mang theo đã được đổi sang đồng guilder của Hà Lan, và lúc này những người lính đang bị cấm trại hầu như chẳng còn gì để làm ngoài chờ đợi. Một số dùng thời gian vào việc viết thư, «kỷ niệm » cuộc lên đường sáng hôm sau, đóng gói quân trang cá nhân, ngủ hay tham gia vào đủ thứ bài bạc từ blackjack, poker cho đến bài bridge. Thượng sĩ Francis Moncur, 22 tuổi, thuộc tiểu đoàn 2 lữ đoàn dù số 1, chơi blackjack hết giờ này đến giờ khác. Và trong sự ngạc nhiên của chính mình, anh ta thắng liên tục. Nhìn lại xấp guilder cứ cao dần lên trước mặt mình, Moncur cảm thấy như mình đã thành triệu phú. Anh này định bụng sẽ « vui chơi tưng bừng một trận ở Arnhem sau trận đánh », mà theo anh ta sẽ chỉ « kéo dài 48 giờ ». Chừng đó cũng đủ để anh trả món nợ với bọn Đức. 72 giờ trước đó, em trai của Moncur, một thượng sĩ 17 tuổi của RAF, đã hy sinh khi định nhảy dù khỏi chiếc máy bay ném bom bị trúng đạn từ độ cao 200 bộ. Chiếc dù của cậu thanh niên đã không mở hoàn toàn.

Ở phía nam Grantham tại một doanh trại ở Cottesmore, thượng sĩ « Joe » Sunley thuộc lữ đoàn dù số 4 đang đi tuần, để đảm bảo « không có tay lính dù nào lỉnh khỏi căn cứ mò vào làng ». Trở về trại, Sunley bắt gặp thượng sĩ « Ginger » Green, một huấn luyện viên thể lực và là « một chàng khổng lồ hiền lành » đang tung một quả bóng đá lên không. Green bắt lấy quả bóng và ném cho Sunley. « Cậu định làm cái quái gì với của nợ này thế ? » Sunley hỏi ; Ginger giải thích rằng anh định mang quả bóng tới Arnhem, « như thế chúng mình có thể chơi một trận ở khu đổ quân sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ ».

Tại Manson, Kent, thượng sĩ George Baylis thuộc trung đoàn phi công tàu lượn cũng trông đợi có cơ hội xả hơi. Anh này nghe nói người Hà Lan rất thích nhảy ; thế là George cẩn thận gói ghém mang theo đôi giày nhảy của mình. Hiệu thính viên Stanley G.Copley của lữ đoàn dù số 1 mang theo một cuộn phim dự trữ cho chiếc máy ảnh của mình. Vì xem ra sẽ không gặp nhiều chống cự của quân địch nên anh này nghĩ cuộc tấn công « sẽ là một dịp tuyệt hảo để chụp lấy vài kiểu về cảnh đồng quê và thành phố Hà Lan ».

Một người mang theo món quà anh mang tới London vài ngày trước. Khi Hà Lan bị chiếm đóng, trung tá hải quân 32 tuổi Arnoldus Wolters của hải quân Hà Lan đã trốn thoát trên chiếc tàu quét mìn của mình và chạy sang Anh. Từ đó, anh đã gắn bó với chính phủ Hà Lan lưu vong, giữ nhiều công việc văn phòng liên quan đến tình báo và thông tin. Trước đó vài ngày, Wolters được yêu cầu trở lại Hà Lan với tư cách thành viên của phái đoàn đại diện cho chính quyền quân quản và phụ trách các vấn đề dân sự được phối thuộc vào sở chỉ huy của tướng Urquhart. Theo dự kiến Wolters sẽ là phái viên quân sự tại vùng lãnh thổ Hà Lan được lực lượng đổ bộ giải phóng. "Đó là một đề nghị thật bất ngờ - chuyển từ một ghế bàn giấy lên một chiếc tàu lượn", anh nhớ lại. Viên trung tá được điều về đơn vị dưới quyền chỉ huy của đại tá Hilary Barlow, tư lệnh phó lữ đoàn đổ bộ số 1, người đã được dự kiến giữ chức tư lệnh thành phố tại Arnhem sau khi giải phóng được thành phố này. Wolters sẽ là trợ lý cho ông này. Lúc này, phấn khích trước viễn cảnh được trở về Hà Lan, Wolters"bị lây tâm trạng lạc quan, và tôi tin vào tất cả những gì tôi được nghe. Tôi thực sự không nghĩ rằng chiến dịch sẽ quá khó khăn. Xem ra cuộc chiến có thể coi như đã chấm dứt và cuộc tấn công sẽ rất dễ dàng. Tôi hy vọng sẽ đổ bộ vào chủ nhật và có mặt ở nhà với vợ và con tôi tại Hilversum vào thứ ba". Dành cho Maria, vợ mình, Wolters đã mua một chiếc đồng hồ đeo tay làm quà, còn cho đứa con gái, mà lần cuối cùng anh được ngắm nhìn khi còn bé từ bốn năm về trước, anh mang theo một chú gấu bông to. Anh hy vọng sẽ không ai phản đối việc anh mang nó lên tàu lượn.

Trung tá John Frost, 31 tuổi, người sẽ chỉ huy tiểu đoàn có nhiệm vụ đánh chiếm cầu Arnhem, mang theo cả còi kèn săn cáo bằng đồng của mình bên cạnh đồ quân phục. Đây là món quà từ các thành viên của Royal Exodus Hunt, mà ông đã làm hội trưởng thời kỳ 1939 - 1940. Trong thời kỳ huấn luyện, Frost đã sử dụng cây còi để tập hợp đơn vị. Ông định cũng làm vậy trong chiến dịch sắp tới. Frost không thích thú lắm với cuộc nhảy dù ban ngày, Từ những thông tin trong buổi phổ biến kế hoạch, "chúng tôi được làm cho có cảm giác rằng bọn Đức đã suy yếu và rệu rã và lực lượng Đức ở khu tác chiến hiển nhiên là loại bạc nhược và trang bị tồi". Frost băn khoăn về những khu đổ bộ. Ông đã được phổ biến rằng "những khu vực phía nam cầu không thích hợp cho lính nhảy dù và tàu lượn". Vậy thì tại sao, ông tự hỏi, lực lượng Ba Lan lại phải đổ xuống phía nam cầu "nếu vùng đó đã không thích hợp như vậy?"

Cho dù ông nóng lòng muốn xung trận, Frost "không thích phải tới Hà Lan". Ông thầm hy vọng đến phút cuối cùng sẽ lại có hoãn hay hủy bỏ kế hoạch. Viên trung tá đã trở nên ưa thích vùng Stoke Rochford ở Lincolnshire và thầm ước "có thêm một hay hai ngày để làm những điều thú vị mà tôi đã từng làm trong quá khứ". Thế nhưng bên cạnh đó cũng có những ý nghĩ khác, 'nói với tôi rằng chúng tôi đã ở đây quá lâu rồi và đã đến lúc lên đường". Frost ngủ ngon lành đêm 16/9. Cho dù ông không lạc quan đến mức cho rằng trận đánh tại Arnhem sẽ "chỉ là một cuộc dạo chơi", ông cũng đã lệnh cho Wick, người cần vụ của mình, đóng gói súng săn, đạn, bộ gậy đánh golf và đồ dạ tiệc của ông lên chiếc xe jeep của sở chỉ huy sẽ đi sau đơn vị.

Trên tấm gương treo phía trên lò sưởi tại nhà ăn hạ sĩ quan, lúc này đã trống trơn, vẫn còn một ghi chú nguệch ngoạc cuối cùng được viết lên trước khi mọi người trở nên quá bận rộn để có tâm trí làm tiếp việc này. Dòng chữ này viết " 2 giờ trước khi lên đường ... không có hủy bỏ".
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

28#
 Tác giả| Đăng lúc 17-8-2013 16:33:16 | Chỉ xem của tác giả
Phần II
Chương 1
Cuộc tấn công

Tiếng gầm rít của những đội hình máy bay khổng lồ vang lên tưởng rách màng nhĩ. Xung quanh các căn cứ tàu lượn của quân Anh tại Oxfordshire và Gloucestershire, ngựa và gia súc phát hoảng chạy lồng lên trên đồng. Ở vùng nam và đông Anh, hàng ngàn người ngỡ ngàng theo dõi. Tại một số làng và thành phố, đường xá đông nghịt, giao thông tắc nghẽn hoàn toàn. Những hành khách trên các chuyến tàu hỏa chen nhau ngó qua khung cửa sổ toa. Khắp nơi mọi người há hốc mồm ngỡ ngàng trước một cảnh tượng chưa ai từng được chứng kiến trước đó. Lực lượng đổ bộ đường không lớn nhất trong lịch sử đang rời mặt đất hướng tới mục tiêu.

Một cách tình cờ, vào buổi sáng chủ nhật đẹp trời 17/9/1944, khắp nơi trên nước Anh diễn ra lễ cầu nguyện đặc biệt để tưởng nhớ "những người can trường ít ỏi", những phi công RAF đã dũng cảm thách thức Luftwaffe của Hitler 4 năm trước và khiến chúng phải chùn bước. Trong khi những người tham dự đang quỳ xuống cầu nguyện, tiếng cánh quạt động cơ vang lên không dứt đã hoàn toàn che lấp đi tiếng cầu kinh ở nhiều nơi. Tại nhà thờ lớn Westminster ở London, không ai nghe thấy tiếng đàn organ trầm hùng phát lên bản Magnificat. Từng nhóm người lần lượt rời bục cầu nguyện ra nhập vào đám đông đã tụ tập lại trên các đường phố. Tại đó, người London ngửa mặt nhìn lên trời, hoàn toàn choáng ngợp trước cảnh hết phi đội này đến phi đội khác bay qua đầu họ ở độ cao thấp. Ở phía bắc London, một ban nhạc nhà thờ đã chào thua bỏ cuộc trước tiếng động, nhưng một người đánh trống, mắt nhìn như dán lên trời, gõ những tiếng trống đầy ý nghĩa: ba ngắn một dài - theo mã Morse là chữ V tượng trưng cho Victory (chiến thắng).

Với những người đang nhìn lên trời, bản chất của cuộc tấn công được bộc lộ hoàn toàn qua những đoàn dài máy bay kéo tàu lượn. Nhưng phải đến hơn 6 giờ sau người Anh mới chính thức được biết họ đã được chứng kiến pha mở màn của cuộc tấn công đổ bộ đường không quy mô lớn nhất đã từng được thực hiện. Một nhân viên Chữ thập đỏ, Angela Hawkings, có lẽ đã thuật lại chính xác nhất phản ứng của những người đã nhìn thấy không đoàn khổng lồ đó bay qua. Từ cửa sổ một toa tàu, cô nhìn lên trời, kinh ngạc, trong lúc hết đợt này đến đợt khác máy bay bay qua "như một trận mưa sao chổi vậy". Cô cũng tin tưởng rằng "cuộc tấn công này, cho dù hướng vào đâu, hẳn sẽ chấm dứt chiến tranh".

Binh lính của đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh cũng bất ngờ chẳng kém gì dân chúng về cảnh tượng hùng vĩ của cuộc xuất phát của chính họ. Lính nhảy dù, lính đổ bộ bằng tàu lượn và các phi công lên đường bay tới Hà Lan choáng ngợp trước quy mô và sự vĩ đại của lực lượng máy bay. Đại úy Arie D.Bestebreurtje, một sĩ quan Hà lan phối thuộc sư đoàn 82, nghĩ rằng cảnh tượng đó là "không thể tin nổi. Có lẽ tất cả máy bay mà Đồng minh có đều tham gia vào chiến dịch này". Trên thực tế, khoảng 4700 máy bay đã được huy động - số lượng lớn nhất đã từng được dùng cho một cuộc đổ quân duy nhất.

Chiến dịch đã bắt đầu lúc rạng sáng và tiếp tục trong suốt buổi sáng. Đầu tiên, hơn 1400 máy bay ném bom Đồng minh cất cánh từ các sân bay ở Anh oanh tạc các trận địa phòng không Đức và các khu tập trung lực lượng địch tại khu quyết chiến của Market Garden. Sau đó, vào lúc 9 giờ 45 phút và kéo dài trong suốt 2 giờ 15 phút nữa, 2023 máy bay chở lính, tàu lượn và máy bay kéo chúng phủ kín bầu trời sau khi cất cánh lên tử 24 căn cứ của Anh và Mỹ. Máy bay C47 chở lính dù bay thành đội hình 45 chiếc. Một số C47 khác cùng các máy bay ném bom của Anh - những chiếc Halifax, Stirling và Albermarle - kéo theo 478 tàu lượn. Trong đoàn lữ hành trên không tưởng chừng dài vô tận này, những chiễc tàu lượn chở lính và khí tài nặng được kéo theo sau máy bay bằng những sợi cáp dài 300 bộ. Xen giữa những chiếc Horsa và Waco nhỏ hơn là những chiếc Hamilcar to lớn, mỗi chiếc có thể chứa được 8 tấn hàng; chúng có thể mang được 1 xe tăng hạng nhẹ hay 2 xe tải 3 tấn cùng pháo binh hay đạn. Bay phía trên, phía dưới và hai bên sườn để bảo vệ đoàn lữ hành này là gần 1500 máy bay tiêm kích và máy bay khu trục đồng minh - những chiếc Spitfire, những chiếc phóng pháo Typhoonm Tempest và Mosquito của Anh; những chiếc Thunderboltm Lightning, Mustang của Mỹ và máy bay ném bom bổ nhào ở độ cao thấp.

Có nhiều máy bay trên không đến mức đại úy Neil Sweeney thuộc sư đoàn không vận 101 nhớ lại “dường như chúng tôi có thể bước chuyền lên các cánh máy bay để tiến thẳng tới Hà Lan”.

Lực lượng đổ bộ bằng tàu lượn của Anh là những người đầu tiên cất cánh. Ở xa hơn về phía bắc trong hành lang của Market Garden so với lực lượng Mỹ và với những yêu cầu tác chiến khác biệt, tướng Urquhart cần tối đa người, khí tài và pháo binh - nhất là súng chống tăng – trong đợt đổ bộ đầu tiên, để đánh chiếm và giữ vững các mục tiêu của mình trước khi lực lượng mặt đất kịp đến hội quân. Do đó, phần lớn sư đoàn của ông được chuyển đi bằng tàu lượn; 320 chiếc tàu lượn chở binh lính, khí tài cho lữ đoàn đổ bộ đường không số 1 của thượng tá Philip “Pips” Hicks. Chúng dự kiến sẽ đáp xuống các bãi đổ quân ở phía tây Arnhem vào lúc gần 1 giờ chiều. Nửa tiếng sau đó, lữ đoàn nhảy dù số 1 của thượng tá Gerald Lathbury, đi trên 145 máy bay chở quân, sẽ bắt đầu nhảy dù. Vì các tàu lượn và máy bay kéo phải bay chậm hơn – 120 dặm/giờ so với 140 của máy bay chở lính dù- đoàn lữ hành khổng lồ trên trời này cần phải được cất cánh trước tiên. Từ 8 căn cứ ở Gloucestershire và Oxfordshire, tàu lượn và máy bay kéo chạy theo đường băng và cất cánh với cường độ chưa từng được thử trước đó: một cuộc cất cánh trong mỗi phút. Việc tập hợp đội hình trên không đặc biệt khó khăn và nguy hiểm. Từ từ tăng độ cao, các máy bay hướng về phía tay tới eo biển Anh. Sau đó, đồng nhất tốc độ, máy bay kéo và tàu lượn rẽ phải theo từng cặp, quay trở lại, bay qua căn cứ xuất phát hướng tới các điểm tập hợp nằm trên không phận thành phố Hatfield ở phía bắc London.

Trong khi những tốp tàu lượn đầu tiên của lực lượng Anh đang tập hợp trên không phận eo biển Anh, 12 máy bay ném bom Stirling của Anh và 6 chiếc C47 của Mỹ bắt đầu cất cánh vào lúc 10 giờ 25 hướng tới Hà Lan. Trên những máy bay này là lực lượng dò đường Anh và Mỹ - những người sẽ tiếp đất đầu tiên để đánh dấu các bãi đổ quân cho lực lượng Market.

Cùng lúc, lực lượng cúa sư đoàn đổ bộ đường không 82 của Mỹ và các đơn vị nhảy dù của sư đoàn đổ bộ đường không số 1 của Anh cũng rời căn cứ ở Grantham, Lincolnshire trên 625 máy bay chở quân và 50 tàu lượn được những chiếc C47 kéo. Với sự chính xác đến kinh ngạc, các máy bay của không đoàn vận tải số 9 rời mặt đất chiếc nọ cách chiếc kia từ 5 đến 20 giây. Hết tốp này đến tốp khác, chúng tập hợp lại trên không phận March, Cambridgeshire, và từ nơi này chia thành ba hàng song song bay cắt qua bờ biển tại Aldeburgh.

Vào đúng lúc đó, từ các sân bay ở phía nam nằm quanh Greenham Common, sư đoàn 101 cất cánh trên 424 chiếc C47, cộng thêm 70 tàu lượn và máy bay kéo. Tập hợp lại, lực lượng này đi qua điểm kiểm soát không lưu tại Hatfield và bay về phía đông cắt qua bờ biển tại vịnh Bradwell.

Tạo thành từng cột hàng ba, bề rộng đến 10 dặm và dài xấp xỉ 100 dặm, không đoàn khổng lồ bay qua đồng quê nước Anh. Sư đoàn 82 của Mỹ và sư đoàn 1 của Anh, tiến tới Nijmegen và Arnhem, bay theo hành lang phía bắc. Một phi đội đặc biệt gồm 38 chiếc tàu lượn chở bộ tư lệnh quân đoàn của tướng Browning đi cùng với họ. Về phía nam, bay qua vịnh Bradwell, sư đoàn 101 hướng tới các bãi đổ quân của họ ở phía bắc Eindhoven. Tới 11 giờ 55, toàn bộ lực lượng đổ bộ - gồm hơn 20000 người, 511 xe, 330 khẩu pháo và 590 tấn quân cụ -đã rời mặt đất. Trung uý James J.Coyle thuộc sư đoàn 82, nhìn xuống đồng quê nước Anh từ độ cao 1500 bộ, nhìn thấy các nữ tu đang vẫy tay dưới sân một tu viện. Anh này nghĩ “ngày hôm đó thật đẹp và các nữ tu tạo ra một cảnh tượng đẹp như một bức tranh sơn dầu vậy”. Vừa vẫy tay lại, anh vừa tự hỏi “liệu họ có thể biêt chúng tôi là ai và đang đi đâu không.”

Với phần lớn lực lượng đổ bộ, tâm trạng lúc khởi đầu cuộc hành trình, lướt trên không phận nước Anh, đều rất phấn chấn. Theo binh nhì Roy Edward thuộc lữ đoàn nhảy dù số 1, “tất cả đều yên ả như thể đi trên xe bus ra bờ biển vậy”. Binh nhì A.G.Warrender nhớ rằng “đó là một ngày Chủ nhật hoàn hảo, một buổi sáng để đi dạo dọc một con đường quê và làm một vại bia tại quán địa phương”.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

29#
 Tác giả| Đăng lúc 17-8-2013 16:34:23 | Chỉ xem của tác giả
Chương 1
(tiếp theo)

Chỉ huy lữ đoàn tàu lượn, đại tá George S.Chatterton, đang cầm lái chiếc tàu lượn chở tướng Browning, mô tả ngày Chủ nhật như là “một ngày rất đẹp trời. Khó có thể tin là chúng tôi đang cất cánh hướng tới một trong những trận đánh lớn nhất trong lịch sử”.

Chatterton thực sự bị ấn tượng trước tuỳ tùng và trang bị của Browning. Đi cùng viên tướng là cần vụ, sĩ quan quân y của bộ tư lệnh, đầu bếp, cũng như chiếc lều và chiếc xe jeep cá nhân của ông. Browning ngồi trên một két bia Worthington rỗng kê giữa viên phi công và phụ lái, và Chatterton nhận thấy ông này “ăn mặc rất chỉnh tề trong bộ đồ trận Barathea, với một chiếc thắt lưng Sam Browne bóng nhoáng, quần là chết li, đôi giày da sáng loàng như gương, một cây can và đôi găng tay màu xám sạch tinh tươm”. Tư lệnh, theo lời kể của Chatterton, “trông rất bảnh, vì ông ta ý thức được mình đã đạt tới một trong những đỉnh cao binh nghiệp của mình. Tâm trạng của ông rất vui vẻ hào hứng”.

Trong một chiếc tàu lượn khác, một người Scotland trầm tính với nhiệm vụ khó khăn nhất của Market Garden đặt trên hai vai, tướng Roy Urquhart của sư đoàn đổ bộ đường không số 1, nghĩ rằng “khó mà không cảm thấy phấn khích khi mà cuối cùng chúng tôi cũng đang trên đường ra trận”. Thế nhưng suy nghĩ của viên tướng rất được lòng thuộc cấp, như mọi khi, đang để cả vào bính lính của ông và nhiệm vụ đang chờ đợi phía trước. Giống như Browning, ông cũng có một toán tuỳ tùng. Lúc này, nhìn dọc theo khoang chiếc tàu lượn Horsa- trên đó có mặt trợ lý Roberts của ông cùng cần vụ Hancock, cha G.A.Pare, linh mục tuyên uý của lữ đoàn tàu lượn, một hiệu thính viên, hai quân cảnh cùng môtô của họ, và chiếc xe jeep của sư trưởng – Urquhart chợt cảm thấy chạnh lòng. Ông nghĩ tới những người lính dù của mình, trĩu người xuống dưới sức nặng của balô, súng đạn đang phải chen chúc trong những chiếc máy bay vận tải hạng nặng. Urquhart chỉ mang theo một chiếc balô nhẹ, hai quả lựu đạn cầm tay, một túi bản đồ và một sổ tay. Ông thấy áy náy trước sự tiện nghi được dành cho mình.

Gần như ngay trước khi cất cánh Urquhart đã được báo cáo lại một quyết định khó khăn. Vài giờ trước khi lên đường, tham mưu trưởng của ông, đại tá Charles Mackenzie, nhận được một cú điện thoại từ một sĩ quan không quân Mỹ cao cấp. Liệu có cần ném bom nhà thương điên tại Wolfheze không? Viên sĩ quan Mỹ, Mackenzie báo cáo lại, “muốn có sự xác nhận của chính Urquhart rằng tại đó có mặt quân Đức chứ không phải bệnh nhân tâm thần; nếu không người Mỹ sẽ không chấp nhận trách nhiệm”. Nhà thương điên này nằm gần điểm tập kết của sư đoàn đến mức nguy hiểm, và ban tham mưu của Urquhart tin rằng quân Đức đang đóng giữ ở đó. Mackenzie đã nhận trách nhiệm. “Vậy thì anh sẽ lấy đầu ra mà đảm bảo,” viên sĩ quan Mỹ trả lời. Urquhart tán đồng hành động của viên tham mưu trưởng của ông. “Tôi muốn được chuẩn bị tốt nhất có thể và làm tất cả vì điều đó”, ông nhớ lại.

Khi Mackenzie chuẩn bị rời sở chỉ huy lên tàu lượn của mình, Urquhart đã kéo ông này ra gặp riêng. “Này, Charles,” ông nói với Mackenzie, “nếu có gì xảy ra với tôi thứ tự nắm quyền thay thế chỉ huy sư đoàn sẽ như sau: đầu tiên là Lathbury, sau đó là Hicks rồi đến Hackett”.Lựa chọn của Urquhart dựa trên kinh nghiệm. “Ai cũng biết Lathbury là phó của tôi,” sau này ông nhớ lại. “Hackett cấp bậc cao hơn Hicks, nhưng lại trẻ hơn nhiều và tôi tin chắc rằng Hicks có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc chỉ huy tác chiến trên mặt đất. Quyết định của tôi không hề do định kiến về khả năng chỉ huy của Hackett”. Có lẽ, Urquhart nhìn nhận lại, đáng ra ông phải thông báo cho từng tư lệnh lữ đoàn về quyết định của mình sớm hơn, nhưng ông “thực sự coi chuyện này hoàn toàn chỉ có tính thủ tục”. Khả năng sư đoàn mất cả Urquhart và Lathbury thật xa vời.

Giờ đây, tất cả quyết định đều đã được đưa ra, Urquhart lơ đãng nhìn “các phi đội tiêm kích lướt qua bên đoàn tàu lượn”. Đây là chuyến bay tác chiến đầu tiên của ông trên tàu lượn và trước khi cất cánh ông đã uống hai viên thuốc chống say. Cổ họng ông khô khốc và nuốt rất khó. Ông cũng ý thức được rằng “Hancock, cần vụ của tôi, đang quan sát tôi, vẻ mặt rất quan tâm. Cũng như những người khác, anh ta đã chuẩn bị tinh thần là tôi sẽ bị say máy bay”. Urquhart không cảm thấy khó chịu. “Chúng tôi đang ở trong cả một đoàn máy bay khổng lồ và tôi bị thu hút cả vào cảnh tượng xung quanh. Chúng tôi đã trong cuộc. Chúng tôi có một kế hoạch tốt. Tôi vẫn ước giá có thể tới được gần cầu hơn, nhưng tôi không quá lo ngại về chuyện này”.

Bất chấp hiệu quả của việc điều vận cho đoàn máy bay khổng lồ, trục trặc xảy ra hầu như ngay lập tức. Ngay trước khi cất cánh, cánh của một tàu lượn đã bị cánh quạt động cơ của một chiếc Stirling chém cụt. Không ai bị thương. Khi chiếc tàu lượn chở trung uý Alan Harvey Cox thuộc lữ đoàn đổ bộ lao lên không trung, nó đã gặp rắc rối. Mây thấp đã cản trở tầm nhìn của phi công khiến anh này không thể lái thẳng hàng với đuôi của máy bay kéo. Chiếc tàu lượn đi theo một hướng, máy bay kéo theo hướng khác, dây kéo có nguy cơ cuốn lấy cánh chiếc tàu lượn và làm nó bị lật. Không thể lái trở lại hướng của máy bay kéo, phi công của chiếc tàu lượn đành vớ lấy cần nhả cán đỏ để tách khỏi máy bay. Chiếc tàu lượn của Cox hạ cánh bình yên xuống một cánh đồng ở Sanford-on-Thames. Một sự kiện lạ lùng hơn xảy ra với chiếc C47 chở binh lính của sư đoàn 82, những người này ngồi đối diện nhau dọc hai bên thành khoang máy bay. Năm phút sau khi cất cánh, hạ sĩ Jack Bommer trông thấy “cửa khoang hành lý nằm ngay phía sau những người đối diện tôi bật mở”. Luồng không khí suýt nữa đã hút tuột những người lính qua khung cửa ra ngoài không trung. Trong lúc tất cả cố tuyệt vọng cự lại, Bommer nhớ lại, “viên phi công đã làm một cú lắc đuôi ngoạn mục và cửa khoang đóng sập lại”.

Hạ sĩ Sydney Nunn, người đã mong mỏi được rời khỏi căn cứ của mình gần Keevil cũng như đám rệp trong đệm đến thế, lúc này cảm thấy thật may mắn khi vẫn còn sống sót. Sau hơn một tiếng đồng hồ bay bình yên vô sự, chiếc tàu lượn chở anh này bay vào vùng mây dày. Chui ra khỏi mây, viên phi công lái tàu lượn phát hiện ra sợi cáp kéo đã bị quấn vào cánh tàu lượn. Nunn nghe thấy viên phi công hét lớn vào bộ đàm liên lạc với máy bay kéo, “Tôi đang gặp rắc rối! Tôi đang gặp rắc rối!”. Sau đó, anh ta tách khỏi máy bay kéo. “Chúng tôi có cảm giác mình đột nhiên đứng sững lại trên không,” Nunn nhớ lại. “Sau đó chiếc tàu lượn chúi mũi xuống và chúng tôi lạng về phía đông với sợi cáp kéo vẫn quấn vào cánh như một chiếc diều đứt dây”. Nunn ngôi yên “cứng người vì kinh hãi”, nghe tiếng gió rít dọc thân tàu lượn, “hy vọng rằng những sợi xích chằng chiếc xe jeep chở trên tàu lượn không bị tung ra”. Sau đó anh này nghe thấy viên phi công cảnh cáo họ “Co chân lên, các chàng trai. Chúng ta tới đất rồi”. Chiếc tàu lượn chạm đất, nảy lên, chạm xuống đất lần nữa, rồi từ tử dừng lại. Trong sự im lặng đột ngột bao trùm xung quanh, Nunn nghe tay phi công hỏi “Các chàng trai, ổn cả chứ?” Tất cả đều ổn, và họ phải quay về Keevil để bay vào đợt đổ quân thứ hai trong ngày 18/9.

Có những người không được may mắn như vậy. Bi kịch đã xảy ra với một chiếc tàu lượn trên không phận Wiltshire. Thượng sĩ RAF Walter Simpson, ngồi trên ụ súng bọc thuỷ tinh hữu cơ của một chiếc máy bay ném bom Stirling, đang quan sát chiếc tàu lượn Horsa được kéo phía sau. Bất thình hình, “chiếc tàu lượn có vẻ như bị tách đôi ra ở phần giữa; như thể phần đuôi đột nhiên gãy rời ra”. Kinh hoàng, Simpson gọi cơ trưởng, “Chúa ơi, tàu lượn gãy làm đôi rồi!” Chiếc cáp kéo rời ra và phần đầu chiếc tàu lượn rơi “như một hòn đá xuống đất”. Chiếc Stirling tách khỏi đội hình, từ từ hạ độ cao, vòng lại để định vị nơi chiếc tàu lượn rơi xuống. Phần đầu rơi xuống một cánh đồng. Phần đuôi không thấy đâu cả. Xác định được địa điểm, phi hành đoàn chiếc máy bay ném bom quay về Keevil rồi phóng xe jeep tới hiện trường. Tại đó, Simpson nhìn thấy một cảnh tượng như thể “một hộp diêm bị dẫm bẹp”. Các thi thể kẹt lại bên trong tàu lượn. Simpson không tài nào ước tính được có bao nhiêu người hy sinh – “tất cả chỉ còn là một đống chân, tay, và thân người”.

Vào thời điểm những phi đội cuối cùng tới bờ biển nước Anh - đội hình cánh bắc bay qua điểm kiểm soát tại Aldeburgh, cánh nam bay qua vịnh Bradwell – 30 tàu lượn chở quân và trang bị đã bị rơi hoặc phải hạ cánh. Máy bay kéo bị hỏng động cơ, cáp kéo bị đứt, và, trong vài trường hợp mây dày đã gây ra trục trặc. Cho dù trên tiêu chuẩn quân sự chiến dịch đã bắt đầu rất thành công - tổn thất rất ít, và rất nhiều người và khí tài phải hạ cánh bắt buộc đã có thể tiếp tục bay vào các đợt chuyển quân sau – nhưng những tổn thất rõ ràng là gây ảnh hưởng đến chiến dịch. Trong ngày quyết định này, khi mà từng người, từng chiếc xe, từ đơn vị khí tài đều quan trọng với tướng Urquhart, 23 tàu lượn thuộc đơn vị của ông đã không tới được mục tiêu. Phải tới khi đã đến bãi đổ bộ các sĩ quan chỉ huy mới phát hiện ra những mất mát này nghiêm trọng đến mức nào.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

30#
 Tác giả| Đăng lúc 17-8-2013 16:37:54 | Chỉ xem của tác giả
Chương 2

Lúc này, khi đoàn lữ hành trên không dài dằng dặc tuần tự vượt qua eo biển Anh và đất liền đã khuất sau lưng, một tâm trạng mới xâm nhập vào đoàn quân. Cảm giác về “cuộc dạo chơi ngày chủ nhật” nhanh chóng mất đi. Trong lúc một đội hình Mỹ đang bay qua bở biền ở Margate, binh nhất Melvin Iseneken thuộc sư đoàn 101 nhìn thấy những vách đá trắng của vùng Dover ở phía bên phải. Trông từ xa, chúng thật giống những sườn đồi trơ trụi vì gió thổi ở quê anh vùng thượng du tiểu bang New York. Hạ sĩ D.Thomas thuộc sư đoàn đổ bộ Anh số 1, nhìn chăm chú qua ô cửa số máy bay cho tới khi bờ biển tổ quốc mình khuất hẳn, cảm thấy hai măt anh ướt đẫm.

Từ các điểm tập kết tại March và Hatfield, các đội hình máy bay đã được dẫn đường bởi nhiều hệ thống định vị khác nhau: các trạm rađa, các trạm phát sáng đặc biệtvà các tín hiệu radio định vị. Từ lúc này, các thiết bị rađa đặt tại các tàu trên biển Bắc sẽ bắt đầu dẫn đường cho các máy bay. Thêm nữa, những dải phân luồng – 17 theo trục phía bắc, 10 theo trục phía nam - được căng ra nổi trên mặt nước. Với thượng sĩ phi công William Tompson, đang cầm lái một máy bay kéo theo sau một chiếc tàu lượn Horsa nặng 4 tấn , “chẳng còn nhiều việc phải làm. Những vạch chỉ hướng phía dưới chúng tôi được rải ra như những hòn cuội đánh dấu đường đặt suốt dọc eo biển”. Nhưng những chiếc tàu hải quân cao tốc không chỉ đóng vai dẫn đường. Chúng còn là một phần của hoạt động cứu hộ trên biển khổng lồ, và chúng cũng đã bắt đầu có việc để làm.

Trong chuyến hành trình dài 30 phút qua biển Bắc, người ta nhìn thấy một số tàu lượn dập dềnh trên mặt nước xám xịt trong khi các thuỷ phi cơ bay lượn phía trên ở độ cao thấp để đánh dấu vị trí của chúng cho đến khi tàu cứu hộ kịp tới nơi. Trung uý Neville Hay, thuộc đơn vị liên lạc Phantom, đã nhìn thấy “cùng toàn phân đội hai chiếc tàu lượn rơi xuống và một chiếc phải đáp bụng.” Anh này vỗ vai người hạ sĩ cạnh mình. “Hãy nhìn xuống dưới kia kìa, Hobkirk, “Hay kêu lên. Người hạ sĩ nhìn xuống, và như Hay nhớ, “ tôi gần như thấy anh ta xanh mặt lại”. Hay vội trấn an anh này. “Không có gì phải lo đâu. Hãy nhìn những chiếc tàu đã bắt đầu vớt họ lên rồi”.

Thượng sĩ Joseph Kitchener, đang cầm lái một chiếc tàu lượn, cũng rất ấn tượng trước tốc độ cứu hộ tới bên cạnh chiếc tàu lượn đang nổi trên mặt nước mà anh trông thấy. “Họ cứu mọi người nhanh đến mức tôi nghĩ thậm chí những anh chàng nọ còn không kịp bị ướt chân”, anh nhớ lại. Những người đi trên chiếc tàu lượn của thượng sĩ Cyril Line kém may mắn hơn – nhưng dù sao vẫn còn sống sót. Trong cả đoàn dài tàu lượn Horsa sơn màu đen, Line quan sát thấy một cặp máy bay kéo và tàu lượn lệch dần khỏi đội hình. Ngỡ ngàng, anh ta nhìn theo chiếc Horsa cắt dây kéo và hạ độ cao gần như thong thả xuống biển. Một vệt nước trắng lan ra khi chiếc tàu lượn chạm mặt biển. Anh này tự hỏi “không biết những tay đen đủi đó là ai.” Đúng lúc ấy, động cơ ở một bên cánh chiếc Stirling đang kéo chiếc tàu lượn của anh quay chậm dần rồi dừng hẳn. Khi tốc độ chiếc máy bay giảm xuống Line nhận thấy mình đang ở vào vị trí thật trớ trêu “ khi chiếc tàu lượn chuẩn bị lao vượt lên trên cả máy bay kéo nó”. Anh lập tức cắt dây kéo và người phụ lái hô lớn, “Chuẩn bị đáp khẩn cấp”. Từ khoang phía sau, họ có thể nghe thấy tiếng những khẩu súng trường va vào vách gỗ của thân tàu lượn khi đám hành khách phát hoảng cố tìm đường thoát. Nhanh chóng bị mất độ cao, Line ngoái lại nhìn và kinh hãi khi thấy đám lính đang hoảng loạn “đã đục thủng nóc chiếc tàu lượn và vách cũng chuẩn bị bung ra”. Line hét lên, “Dừng lại ngay! Ngồi yên!” Thế rồi, với một cú va đập mạnh, chiếc tàu lượn chạm nước. Khi Line ngoi được lên mặt nước, anh thấy chiếc tàu lượn nổi bập bềnh cách đó chừng 30 bộ. Không nhìn thấy gì trong cabin, nhưng tất cả những người có mặt trên chiếc tàu lượn của anh đều đủ mặt. Chỉ sau vài phút, tất cả đã được vớt lên.

Tổng cộng, có tám tàu lượn đáp bụng an toàn xuống biển trong đợt đổ quân đầu tiên; ngay khi chúng chạm mặt nước, lực lượng cứu hộ trên không và trên biển, với hoạt động ngoạn mục, đã cứu được hầu như toàn bộ các phi hành đoàn và binh lính. Thế nhưng một lần nữa, lực lượng của Urquhart lại chịu tổn thất lớn nhất. Trong 8 chiếc tàu lượn phải bỏ cuộc, có tới 5 chiếc hướng tới Arnhem.

Trừ một vài loạt đạn tầm xa làm hỏng một tàu lượn, không có chống trả nào quyết liệt của kẻ địch trong thời gian vượt qua eo biển. Sư đoàn 101, đi theo lộ trình phía nam đi qua lãnh thổ nước Bỉ hiện đã do Đồng Minh kiểm soát, đã có chuyến đi êm ả nhất. Nhưng khi bờ biển Hà Lan gần lại, sư đoàn 82 và lực lượng Anh đi theo lộ trình phía bắc bắt đầu nhìn thấy những cụm khói xám và đen của pháo phòng không Đức. Trong lúc họ tiếp tục cuộc hành trình, chỉ ở độ cao có 1500 bộ, có thể nhận ra súng của quân địch bắn lên từ các hòn đảo Hà Lan Walcheren, Bắc Beveland và Schowen, cũng như từ những chiếc tàu phòng không và phà nằm quanh cửa Schelde.

Các máy bay tiêm kích hộ tống bắt đầu tách khỏi đội hình, tấn công các vị trí phòng không. Trên máy bay binh lính có thể nghe thấy tiếng mảnh đạn ghém chạm vào thành kim loại của những chiếc C47. Binh nhì Leo Hart thuộc sư đoàn 82, một lính dù kỳ cựu nghe một tay lính mới ngu ngơ hỏi, “ những cái băng ghế này có chống đạn không?” Hart chỉ nhìn trừng trừng vào anh ta; cái băng ghế mỏng mảnh này thậm chí còn chẳng đủ để che chắn cho họ khỏi một hòn đá được ném mạnh tay. Binh nhì Harold Brockley, đi trên một chiếc C47 khác, nhớ lại rằng một lính dự bị đã băn khoăn hỏi anh, “Này, những đám xám xám đen đen nho nhỏ ở dưới kia là cái gì thế?” Trước khi có ai kịp trả lời, một mảnh đạn ghém đã xuyên qua sàn khoang và cắm vào một hộp thức ăn, không làm ai xây xát.

Những người lính cựu che dấu sự sợ hãi của mình bằng nhiều cách. Khi thượng sĩ Paul Nunan trông thấy “những vệt đạn đỏ lừ lao tới phía chúng tôi” anh ta làm ra vẻ đang ngủ. Luồng đạn chỉ chút nữa là trúng chiếc máy bay của binh nhì Kenneth Truax. “Chẳng ai nói gì cả,” anh này nhớ lại. “Chỉ có một hay hai người gượng mỉm cười”. Thượng sĩ Bill Tucker, người đã từng bay qua làn đạn phòng không ở Normandy, bị ám ảnh bởi nỗi sợ “bị bắn trúng từ phía dưới lên”. Anh ta cảm thấy “đỡ trơ trụi hơn” nếu được ngồi lên trên ba chiếc áo chống mảnh đạn của không quân. Và binh nhì Rudolph Kos nhớ lại anh đã cảm thấy “muốn ngồi lên trên cái mũ sắt của mình, nhưng tôi biết tôi sẽ cần nó trên đầu mình”.

Một người lo ngại những mối nguy hiểm phía trong hơn phía ngoài. Phụ lái thượng sĩ Bill Oakes, vừa đánh vật để giữ cho chiếc tàu lượn Horsa của mình thăng bằng trên không vừa ngoái cổ lại xem đám hành khách của mình đang làm gì. Và anh này phát hoảng khi thấy ba chàng lính đang thản nhiên ngồi trên sàn khoang đun một ấm trà trên một chiếc bếp nhỏ. Năm anh chàng khác đang cầm ca đứng xung quanh đợi đến lượt mình. Oakes vội vàng hành động. Anh này đưa tay lái cho phi công rồi lao xuống khoang, sợ rằng ván sàn bằng gỗ có thể bắt lửa bất cứ lúc nào. “Hoặc tệ hơn nữa, những quả đạn cối chúng tôi mang theo có thể nổ. Hơi nóng phả ra từ cái bếp dã chiến đó thật khủng khiếp”. Anh bực đến tái mặt. “Bọn này chỉ muốn đun ít nước thôi mà,” một người lính tỉnh bơ nói với anh. Oakes vội vàng quay lại khoang lái báo cáo tình hình với phi công, thượng sĩ nhất Bert Watkins. Viên phi công mỉm cười. “Bảo bọn họ lúc nào trà được thì đừng có quên cánh ta,” anh ta nói. Oakes ngồi phịch xuống ghế, đưa hai tay lên ôm lấy đầu.

Cho dù các máy bay chiến đấu hộ tống đã làm câm lặng phần lớn các vị trí phòng không ven bỉên, một số máy bay đã bị thương và một máy bay kéo cùng chiếc tàu lượn của nó, cũng như một chiếc C47 chở quân đã bị bắn rơi trên không phận đảo Schouwen. Chiếc máy bay kéo bị đâm xuống đất, phi hành đoàn hy sinh. Chiếc tàu lượn, một chiếc Waco của sư đoàn 82, bị vỡ tung trên không và rất có thể thiếu tá Dennis Munford, bay trong một đội hình Anh gần đó, đã trông thấy nó. Ông này lặng người khi thấy chiếc Waco vỡ tung và “người cũng như khí tài rơi tung toé ra không trung như đồ chơi rơi ra từ túi của ông già Nôen vậy”. Một số người khác trông thấy chiếc máy bay chở lính dù bị bắn hạ. Những kiện khí tài trong khoang bụng chiếc C47 đã bắt lửa do trúng đạn phòng không. “Những lưỡi lửa vàng chói loé lên từ cuộn khói đen kịt,” đại uý Arthur Ferguson, đang ở trên một máy bay bay ngay gần đó, nhớ lại. Chỉ vài phút sau chiếc C47 đã cháy ngùn ngụt. Thượng uý Virgil Carmichael, đứng bên cửa sổ chiếc máy bay của mình, nhìn thấy những người lính dù nhảy khỏi chiếc máy bay trúng đạn. “Vì chúng tôi đều sử dụng dù nguỵ trang, tôi có thể đếm được từng người khi họ rời máy bay và thấy rằng tất cả đều nhảy ra an toàn”. Người phi công, cho dù chiếc máy bay đã ngập trong lửa, vẫn giữ được máy bay thăng bằng cho đến khi tất cả lính dù đã thoát ra. Sau đó Carmichael thấy có thêm một người nữa nhảy ra. “Vì bên không quân dùng dù trắng nên tôi nhận ra đó hẳn là trưởng phi hành đoàn”. Đó là người cuối cùng rời máy bay. Gần như ngay sau đó chiếc máy bay cháy đùng đùng lao cắm đầu xuống, đâm thẳng xuống một vùng ngập nước của đảo Schou wen phía dưới. Với thượng uý James Magellas cảnh tượng chiếc C47 bị rơi có hậu quả “thật kinh khủng”. Là người chỉ huy nhảy trên máy bay của mình, anh trước đó đã nói với thuộc cấp là sẽ ra lệnh “đứng dậy gắn móc dù 5 phút trước khi tới bãi đổ quân”. Giờ đây anh lập tức ra lệnh. Trên nhiều máy bay khác, những người chỉ huy nhảy cũng hành động tương tự như Magellas. Với họ, trận đánh đã bắt đầu – và quả thực khu đổ quân cũng chỉ còn cách lực lượng đổ bộ chừng 30 đến 40 phút bay nữa.

Thật khó tin, bất chấp những cuộc oanh tạc cấp tập, rồi những cuộc không kích lúc này vào Arnhem, Nijmegen và Eindhoven, quân Đức vẫn không phán đoán được chuyện gì đang xảy ra. Trong cả hệ thống chỉ huy, tất cả sự quan tâm đều dồn về một mối đe doạ duy nhất: việc đạo quân Anh số 2 nối lại cuộc tấn công từ đầu cầu của họ qua kênh Meuse-Escaut.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách