Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: pharmcop
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Tiểu Thuyết] Thời Xa Vắng | Lê Lựu

[Lấy địa chỉ]
91#
 Tác giả| Đăng lúc 3-5-2012 14:46:49 | Chỉ xem của tác giả
[Chương 12 - 4]

Vẫn căn nhà sàn gỗ lim bóng nhẫy quen thuộc, chỉ có cái khác là tủ đứng và quạt trần, máy khâu và chiếc giường hộp gỗ lát không còn. Chắc là bà ta khuân đi hết rồi. Trong căn phòng rộng hai mươi tám mét vuông, chỉ có chiếc bàn con và mấy chiếc ghế kỉểu bàn ghế của bà hàng nước. Chiếc giường một còn buông màn xô cũ vá víu, phía trên đầu có một đoạn xích đông treo lơ lửng vào tường đựng chiếc chăn bông và mấy gói bọc chắc là quần áo. Tất cả thấy rõ người đàn ông, dù ngăn nắp cẩn thận như Toàn thiếu bàn tay của ngừơi đàn bà sẽ biến căn phòng thành cái quán trọ. Toàn đem về hai cái bánh tẻ và một miếng giò lụa to tướng cho bé Thuỳ. Một nải chuối tiêu ”trứng cuốc“ và một gói lá sen phải đến hàng cân cốm, cái món quà trước đây Châu rất thích. Lên căn phòng hoàn toàn độc lập và yên tĩnh Châu thấy yên tâm hơn. Cô nói năng có phần tự nhiên.

- Anh mua về làm gì. Mẹ con em đi đây.
Cu Thùy đã phản đối:
- Con ăn chuối với cốm đã.
Toàn như không biết đến lời từ chối của Châu.
- Mẹ cho Thuỳ ăn cốm hộ bác đi.
Thùy bê ngay bọc cốm đặt vào lòng mẹ. Châu miễn cưỡng ngồi cho con ăn. Đấy là cái cớ để cô không nỡ từ chối trước lời mời như van của anh:
- Không ăn nhiều em ăn vài hạt để anh khỏi tủi thân.
Bé Thùy cũng giục mẹ, bốc hẳn nắm cốm vào ấp bàn tay tí xíu vào miệng mẹ. Anh hơi nhìn Châu như muốn nói khi cô vừa ngẩng mặt lên ”Đấy, bố con anh hiểu ý nhau đến thế là cùng“. Châu đỏ mặt vội quay đi. Đúng giờ nghỉ trưa Châu cho con về cơ quan. Thằng bé lon ton chạy đi trước. Toàn nói nhỏ.
- Anh không ngờ được một ngày hạnh phúc như thế này. Anh cám ơn em lắm lắm đấy Châu ạ.
Châu hơi né người, nhặt chiếc nón bước ra cửa như muốn chạy.
- Anh không tiễn mẹ con em nhé.
- Thôi

Chiều ấy đi làm về gặp Hiểu, anh mời một câu ”xã giao“. Châu nhận lời ngay và cô cho con chơi bời thoải mái đến gần tối mới về nhà. Trên đường về cu Thuỳ đã phải học thuộc và nhớ câu ”thần chú“ khi về đến nhà nó phải reo: ”Con vào nhà bác Hiểu bố ạ“.
Sài về từ bốn giờ. Đến năm giờ chưa thấy vợ và con lớn về, anh phải sang nhà bên đón đứa bé. Hai bố con vừa chơi với nhau, vừa nấu cơm và làm mọi thủ tục cho con ăn, và giặt giũ xong xuôi mọi việc, vẫn chưa thấy vợ và con lớn. Đang bực về sự chờ đợi không hề biết nguyên nhân thì cu Thuỳ ton tót từ ngoài cửa:
- Bố ơi, con với mẹ đến nhà bác Hiểu, bác Hiểu cho bố cả thuốc lào đây này. Trong túi của mẹ ấy.

Anh vui ngay khi biết lý do mẹ con cô về muộn. Nhưng nếu không phải đến chỗ anh Hiểu và anh khồng biết mẹ con đã đi đâu thì cũng không có gì đáng phải nói, đáng hờn giận nếu không có cái buổi tối anh cũng về muộn sau đấy hai ngày. Do phải tổng hợp số liệu cho bộ trưởng đi vào miền Nam sáng sớm mai, Sài phải làm đến tám giờ tối. Đói và mệt lả nhưng trong túi không có đến năm đồng bạc. Không biết ăn uống cái gì, mà có cũng không dám ăn. Hàng hai năm nay anh không hề biết mùi phở Hà Nội, hiện nay cứng hay mềm, ngọt hay nhạt. Về đến nhà thấy vợ đang giắt màn, nét mặt nặng chình chịch anh đã phải nói cái lý do để anh phải về muộn. Cô lặng lẽ vào màn. Anh vào bếp lục cơm. Một nồi cơm đóng chóc để ở dưới đất. Một đĩa rau không đậy. Anh lục tìm nước, bữa cơm nào không có nước rau anh ăn như nhét rác vào miệng, nhất là đang mệt mà cơm lại nguội khô. Tìm mãi không thấy, bất đắc dĩ anh phải hỏi:

- Nước canh đâu thế em nhỉ?
Im lặng.
- Còn nước canh không em?
- Đổ cho lợn rồi.
- Em nói gì thế?
- Nói gì? Tưởng không về đổ cho lợn nó ăn rồi.

Một làn hơi cộn lên nóng bừng ở mặt, bàn tay cầm đĩa rau như không chắc nữa, anh phải quay người lại đặt nó vào chạn rồi đứng gục đầu vào đấy, hai tay bíu vào nóc chạn. Không rõ vì đói, mệt hay vì cay cực quá, người anh lả thiếp muốn khuỵu xuống. Phải đến nửa giờ sau anh mới lững thững ra phía cửa đi đi lại lại cho thoáng rồi vào nhà hút thuốc và lấy sổ sách giấy tờ xuống bếp bật đèn điện, kê sổ vào ghế con ngồi cặm cụi viết. Hơn mười hai giờ đêm mới xong công việc, anh lên nhà đứng phía ngoài màn nhìn hai đứa con đang ngủ. Anh muốn ôm lấy các con nhưng vướng Châu nằm phía ngoài và sợ con thức giấc. Cứ đứng nhìn hai đứa trẻ ngây thơ vô tội rồi đây sẽ phải chia ra, đứa có bố, không còn mẹ, đứa có mẹ thì mất bố. Các con ơi, tha lỗi cho bố, không bao giờ bố muốn một lần nữa tan tác chia ly, nhưng bố không còn chỗ nào để lùi nữa rồi. Không còn gì để mà tiếp tục làm cho các con vui vầy sung sướng. Nếu sau này lớn lên có kết tội bố thì xin các con đừng lên án hành động của bố trong đêm nay. Bố đã có tội với các con từ dăm năm trước và xa hơn, từ khi bắt đầu cuộc đời của bố kia. Hàng tiếng đồng hồ đứng lặng như chết, chỉ còn hai làn môi động đậy run run và khuôn mặt như méo mó hẳn đi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

92#
 Tác giả| Đăng lúc 3-5-2012 14:48:41 | Chỉ xem của tác giả
[Chương 12 - 5]

Châu ngồi dậy làm cho anh giật mình. Cô bật điện thay tã cho con. Anh ngồi vào chiếc giường một của mình điềm nhiên không có chuyện gì xảy ra. Cô ra khỏi màn mang tã xuống bếp vứt vào chậu nước và làm việc riêng rồi quay lên. Sài đứng dậy chặn cô ở cửa:
- Anh định bàn với em một việc.
- Không có việc gì phải bàn bây giờ cẩ.
- Nếu em không muốn thì để anh nói một câu.
- Muốn nói gì thì nói. Xê ra cho tôi còn ngủ, mai đi làm.
- Cho anh nói đã. Có lẽ chúng mình không ăn ở được với nhau nữa đâu.
Châu cười:
- Tưởng gì, thế thì dễ thôi, làm đơn đi.
- Đơn anh viết rồi em đọc rồi ký vào.

- Việc quái gì phải đọc cho mệt xác. Đưa bút đây. Cô cầm bút ký vào bên cạnh chữ ký của Sài ở phần cuối tờ giấy đề Đơn xin lý hôn rồi quẳng bút sang giường anh, nhanh chóng chui vào giường mình như không hề có chuyện gì xảy ra.
Bằng lòng tin của mình. Châu đinh ninh là Sài doạ cô, ”Không thể có chuyện ấy“ nếu người đề xướng không phải là cô. Đến khi toà án có giấy gọi cô mới ớ người ra, đỏ bừng mặt xấu hổ với xung quanh. Nhưng vẫn mỉm cười như muốn nói với mọi ngừơi ”Có một ông chồng hâm, động tý vác nhau ra toà sung sướng thế đấy“. Tuy vậy, cô vẫn chưa cảm thấy một vấn đề hệ trọng sắp sửa xảy ra. Cho đến buổi đầu tiên đến toà lấy lời khai và ba lần ”hoà giải“ trong vòng sáu tháng giời cô vẫn ”yêu“ còn Sài thì khăng khăng ”không còn tình cảm“. Với lý do ”mười chín lần nấu cơm riêng và mười một lần trong hai bên bỏ nhà ra đi trong vòng bốn năm chung sống“. Lúc này cô mới hỉêu sự im lặng chuẩn bị của Sài cả năm nay và cái nguy cơ đổ vỡ không thể cứu vãn. Với Châu đã thế, những người ngoài kể cả ngừơi thân thiết càng đột ngột với thái độ của Sài. Cho đến hôm nhận được giấy báo mười ba ngày sau đến dự phiên toà ”xét xử vụ ly hôn giữa anh Sài và chị Châu“ Tính mới vội vàng đạp xe lên Hà Nội bàn với chú Hà và Hiểu và để làm cái việc ”gia đình quyết định“. Hà lạnh nhạt hỏi lại: ”Anh quyết định cái gì? Nó có thân nó phải lo, anh có ôm được nó từ nay đến già không?“ Tính hẫng, thuội mặt như đứa trẻ bị đòn... Nhưng đạp xe đến đây, chả nhẽ lại về không: ”Sểnh cha còn chú, cháu nghĩ dù sao gia đình nhà mình cũng phải biết rõ đầu đuôi ra sao, có ai người ta điều ra tiếng vào mình còn biết đường“- ”Khốn khổ, việc mình mình làm, việc gì cứ phải rập rình xem người khác khen hay chê, nhìn ý tứ mỗi người một tý để bóp mình theo họ. Thôi được anh đến chỗ Hiểu báo điện thoại trưa nay thằng Sài đến đấy“.

Tính nói dài dòng về một nề nếp gia đình, về sự thống nhất từng nhỏ nhặt, về sự bàn bạc, tính toán lường trước hậu quả của mỗi công việc là rất cần thiết khiến cả Hà, Hiểu và Sài đều sốt ruột. Họ ”trật tự“ và ”nghiêm trang“ giả vờ để anh đỡ ngượng. Anh nói được những lời rất chân thành sâu xa, chỉ có điều ai cũng biết cả rồi. Hơn một giờ nghỉ trưa để rồi mọi người lại phải đến cơ quan bù đầu với bao nhiêu công việc vất vả, những lời nói của Tính không đúng lúc cứ truội ra khỏi ý nghĩ của mọi người. Nói tóm lại, nó chẳng vào ai. Mắt ai cũng díp lại, cả ba người vẫn phải tỏ ra mình đang nghe chăm chú. Anh kết luận: ”Bây giờ chú Sài trình bảy để các ông và các anh tham gia. Thôi thì anh Hiểu đây cũng coi như anh em ruột thịt, ta bàn thận trọng việc này. Đây cũng là lần thứ hai rồi“.
Sài đã rất mệt vì nhiều người ”góp ý“ quá đến bây giờ lại nghe đến câu ”lần thứ hai“ anh cười lạt cay cú:
- Đến lần thứ mười cũng không sao. Còn bàn, có lẽ hơn một tuần nữa đến toà án rồi bàn một thể.
- Phải rồi, ông đây và anh em chúng tôi còn là cái thớ gì nữa.
- Anh đừng nói thế. Không bao giờ em là kẻ bội bạc. Thú thật, em sợ sự bàn bạc của người này để quyết định số phận cho một người khác lắm rồi.
- Thế thì việc chú lấy cô ta do những người ở đây đấy à?
- Vẫn tại em. Chuyện này hoàn toàn tại em. Em biết từ bé đến lớn em cứ phải sống với một người vợ em không thể yêu để đến lúc luống tuổi, hoắng lên chạy theo cái mình không có, không phải là mình. Thời trai trẻ không được yêu, đến khi được phép yêu đương thì lại lớ ngớ như một thằng trẻ con. Một thằng ”vỡ lòng“ trong lĩnh vực này lại phải đóng vai ngừơi đã từng trải lịch lãm chỉ vì không dám thú nhận mình là thằng thua kém những con bé mới mười tám đôi mươi đã yêu đương lọc lõi, có thể làm thầy dạy cho mình những bài học đầu tiên về cuộc sống.

- Chắc là tại mọi ngừơi.
- Không. Sài nhăn mặt lại nói như rút từ ruột mình ra những lời ấy:
- Đã bảo là tất cả tại em. Ngay từ nhỏ đã tại em. Giá ngày ấy em cứ sống với tình cảm của chính mình, mình có thế nào sống như thế, không sợ một ai, không chiều theo ý ai,sống hộ ý định của người khác, cốt để cho đẹp mặt mọi người, chứ không phải cho hạnh phúc của mình. Nếu em, cứ kiên nhẫn và quyết liệt như thế, chắc bố mẹ, anh em, đơn vị cũng không đem giết em. Về sau này nếu em có kinh nghiệm, em có hiểu biết và không hoa mắt choáng ngợp trước sự hấp dẫn của thành thị, bình tĩnh hơn, tỉnh táo hơn, xem tạng người mình thì hợp với ai, có lẽ em không phải lao đao, lúc nào cũng cảm thấy hụt hơi trong suốt mấy năm qua. Nửa đời người phải yêu cái ngừơi khác yêu, nửa còn lại đi yêu cái mình không có, đến bây giờ mới biết mình như thế nào thì lại...
- Ông Hà và anh em chúng tôi bắt chú phải làm điều gì không phải?
- Vâng! Em biết chả ai nỡ bắt em và cũng đến lúc không ai có thể bắt được chuyện gì nữa. Nhưng đã bốn mươi tủôi đầu không biết mình là thế nào để tự định đoạt lấy cuộc sống của mình thì em cũng chả nên sống làm gì.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

93#
 Tác giả| Đăng lúc 3-5-2012 14:55:35 | Chỉ xem của tác giả
[Chương 12 - 6]

Cả Hà và Hiểu đều biết không ai thấm thía hơn Sài với cái gọi là hạnh phúc của anh. Nếu như thế nào chắc Sài phải tự tìm cho mình một lối thoát chính xác. Nếu không, như anh ta nói bốn mươi tuổi đầu còn hồ đồ không biết mình là thế nào lại cứ hoảng lên vì cái này, vì cái khác thì cứ để anh ta tự kết luận lấy đời mình kể cả việc quyết định ly dị vợ và xin chuyển công tác về địa phương. Cũng chả nên tham gia làm gì. Nể Tính, hai người ngồi lại ”bàn“. Thấy anh em căng thẳng không cần thiết và những đìêu Sài nói thực ra va chạm đến cả chú và ngừơi phụ trách trực tiếp của mình trước đây.

Nhưng cả hai con người từng trải này đều biết mình phải có những cử chỉ, những lời nói như thế nào để đạt tới mục đích của buổi hôm nay. Phải cho hai anh em vui vẻ và cả hai đều cảm thấy có cái lý của mình không nên vạch vòi chỉ trích nhau làm gì lúc này. Nói để đạt tới mục đích ấy song cả hai đều đề cập đến việc phải bàn khiến Sài cảm thấy ân hận với những lời lẽ bất cần của mình với mọi ngừơi. Đấy là chuyện con cái. Nuôi thằng Thùy là chắc chân. Nhất định toà sẽ xử như thế. Chỉ có điều là để cháu ở đâu cho tiện việc trông nom nó. Đừng tạo nên cảnh bố con tha nhau nay chỗ này mai chỗ khác. Bàn đi tính lại mãi họ quyết định cho cháu về ở với bác Tính gái. Về đấy có các anh, các chị chơi đùa, cháu cũng đỡ nhớ mẹ. Khi nào Sài về công tác ở huyện, có thể ahi bố con mang nhau lên cơ quan. Hai anh em thay nhau nuôi một đứa trẻ làm gì mà không được. Cái quyết định ấy Sài chưa thật bằng lòng. Việc ăn uống, tắm giặt tuy ở Hà Nội có khó khăn nhưng có điều kiện để giữ gìn cho con sạch sẽ. Về quê, không có mình, chị dâu và các cháu không quen các sinh hoạt của con, nó ốm đau ghẻ lở thì khổ lắm. Phần khác, anh vẫn giữ một quan niệm: hết sức tránh sự nhờ vả dù là ngừơi ruột thịt. Nhưng thôi hãy tạm thế. Tránh vác con lang thang nhưng nó ở đâu anh sẽ ở đấy. Anh không thể rời nó. Cả cuộc đời anh chỉ còn lại có nó. Nó như niềm an ủi, như một thằng bạn. Mỗi lần nó hắt hơi, sổ mũi anh cũng giật mình thon thót. Bây giờ lại để con một nơi làm sao chịu nổi.

Trong khi Sài về quê để lo việc ăn ở cho con và liên hệ công việc thì Châu đã đến nhà Toàn. Cầm tờ giấy báo của toà án Châu thực sự choáng váng. Có những chiều đi làm về đón cả hai con, không tắm rửa, nấu nướng, mua phở cho các con ăn, nước mắt cứ ràn ra phải quay đi để giấu chúng. Thằng Thùy vẫn biết ”Mắt mẹ làm sao mà chảy nước thế“- ”Mắt mẹ đau“- ”Để con lấy thuốc con tra cho nhá“- ”ừ ăn nhanh lên“- Mẹ ơi bố đi đâu?“- ”Bố chết rồi“- ”ý , không phải bố về quê. Con cũng về quê, đi đò mà có cái bơi ý mẹ biết không?“- ”Mẹ không biết. Đã bảo ăn quàng lên mẹ còn rửa dọn“. Mấy hôm sau đưa con xuống mẹ đẻ, mỗi chiều đi làm về cô đạp đi hết đường này đến phố khác, đến tối mịt mới về. Cô đến nhà Toàn chỉ vì không biết đến đâu trong khoảng thời gian trông trênh vô cùng. Mỗi bủôi chiều hết giờ làm việc ra khỏi cơ quan không biết đi đâu thì Toàn đã đến đón cô. Hàng tháng nay, chiều nào hết gìơ làm việc Toàn cũng đạp xe đi đến gần chỗ làm của cô. Đợi cô dắt xe ra cửa, lên xe đạp đi, rồi từ một gốc cây sấu ở mãi xa đằng đầu đường anh mới đạp xe theo. Cứ đi theo quanh quẩn, đến khi cô về đến lối rẽ vào nhà mình anh mới quay lại. Mấy chiều nay thấy Châu đạp xe đi lang thang anh quyết định gặp cô vào chiều ngày thứ sau. Cũng như mọi chiều theo Châu, đến gần lối rẽ về nhà mình Toàn đạp dấn lên như một sự vô tình anh hỏi:
- ồ sao hôm nay em về muộn thế.
Châu giật mình quay lại, trả lời thẫn thờ:
- Việc nhiều phải làm thêm.
- Vào anh một chút được không
- Để làm gì.
- Nếu em không bận anh mời em đến chơi, chả có việc gì. Rồi anh buồn bã hỏi
- Anh đi với em một đoạn có được không?
- Tuỳ, nếu anh rỗi rãi.
Phải đi một đoạn khá xa Toàn mới nói:
- Anh biết tất cả nỗi khổ tâm của em trong thời gian gần đây.
- Anh cũng còn thương xót đến tôi?

Nỗi đau khổ lại dâng tràn đầy khuôn mặt trái xoan của Toàn. Anh lặng đi khiến Châu cảm thấy ân hận vì mình đã quá lời.
- Anh biết vì anh nên em mới khổ. Nếu em không tha thứ cho anh, chỉ xin cho anh được làm một việc gì đó nếu em thấy cần san sẻ nỗi vất vả của mình.
- Bây giờ anh mới biết là anh đã làm tôi khổ à?
- Anh biết vì quá yêu em anh đã không kìm giữ được. Nhưng nếu em bình tĩnh nghe anh thì đâu đến nỗi.
- Bình tĩnh. Anh cứ bình tĩnh sống với vợ con anh còn tôi bình tĩnh để trở thành một con đĩ.
- Cho đến bây giờ mọi việc đã rõ ràng cả rồi em vẫn nghi ngờ anh. Anh cũng đành chịu biết làm thế nào.
- Bây giờ anh được giải phóng rồi thiếu gì con gái trẻ đẹp.
- Em cho anh là loại ngừơi như thế à?
- Đàn ông các anh có thằng nào khác thế.
- Thôi được, em múôn cho anh là loại ngừơi thế nào cũng được. Anh chỉ nói với em một điều. Từ nay anh hoàn toàn không có gì ràng buộc. Anh đề nghị: trong cuộc sống của mình, nếu em cần đến anh với tư cách nào cũng được. Thằng ở, một người bạn, người anh, em cho phép anh được làm việc gì đó đỡ mẹ con em nếu không muốn nói là nghĩa vụ của anh. Còn tình cảm của chúng ta em có nghĩ lại hay không là quyền của em. Anh không dám đòi hỏi gì. Nhưng anh sẵn sàng đón nhận tất cả.
- Thôi đi, tôi chán tất cả nhưng lời ấy rồi.

Cô đạp xe dấn lên như chạy trốn, như kinh sợ hoảng hốt. Nhưng trước khi ra toà hai ngày cô đã đến ở trọn với Toàn cả đêm. Đến khi đứng trước bản tuyên bố cuối cùng của phiên toà cô đã làm một việc mà chính từ trước tới nay cô luôn hoảng sợ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

94#
 Tác giả| Đăng lúc 3-5-2012 14:57:50 | Chỉ xem của tác giả
[Chương 12 - 7]

Mời anh Giang Minh Sài trả lời tiếp câu hỏi của toà.
Sài đứng dậy chờ nhân viên thẩm phán ghi chép cái gì đó rồi ngẩng lên trịnh trọng:
- Nếu toà xử ly hôn giữa anh và chị Nguyễn Thùy Châu anh cho biết nguyện vọng của anh về tài sản và con.
- Về tài sản tôi để chị Châu hoàn toàn sử dụng. Về con cái: Vì cháu nhỏ chưa thể tách khỏi mẹ, tôi xin nuôi cháu lớn là Giang Minh Thuỳ.
- Anh ngồi xuống- Giọng anh ta lại với lên - Mời chị Nguyễn Thùy Châu.
Châu đứng lên nét mặt lạnh lùng. Viên thẩm phán dỗ dỗ đầu bút xuống mặt giấy như thể gõ nhịp:
- Chị đã nghe rõ ý kiến của anh Sài chưa?
- Tôi nghe rõ rồi ạ.
- Chị có ý kiến gì về tài sản và con cái.
- Về tài sản, tuỳ toà quyết định như thế nào tôi cũng xin chấp hành. Riêng phần con: Cháu Giang Minh Thuỳ không phải là con của Sài.
- Chị có chứng cớ.
- Chứng cớ là tính từ ngày chúng tôi đi lại với nhau đến khi sinh cháu có bảy tháng ba ngày.
- Chị sinh cháu thứ hai cũng không được đủ tháng.
- Vâng, nhưng cháu Thuỳ nặng 3,2 Kg không có biểu hiện gì của sự thiếu tháng.
- Đã bao giờ chị cho anh Sài biết chuyện này chưa?
- Chưa.
- Chị nói tiếp.
- Vâng. Nguyện vọng của tôi là anh Sài không được phép nuôi cháu Giang Mình Thuỳ.
- Nhưng chị cũng xác nhận anh ấy là người vất vả chịu khó nuôi con.

- Thưa toà. Vì không phải là dòng máu của mình, nhất là đến hôm nay anh Sài mới biết chuyện này, anh sẽ không đủ sức mà thương yêu, nuôi dưỡng một đứa trẻ không phải là con của mình.
Có những lúc Sài đã chạnh nghĩ đến nó nhưng không bao giờ ngờ tới những lời của Châu như lúc này. Đầu óc anh choáng váng, mắt vẫn nhìn lên mà không còn thấy gì, không nghe được Châu nói tiếp những gì. Trong anh chỉ còn những hình ảnh hàng trăm lần con ”đi“ trong một ngày đêm, hàng tháng trời ngồi thâu đêm giữ kim và ôm con vợ ngủ. Những lời thông minh hóm hỉnh đầy tình cảm của nó: ”Thuỳ thương bố nhất. Nhớn lên Thuỳ sẽ đi bán kem cho bố tha hồ ăn nhì“- ”Sao mắt bố chảy nước? Bố khóc, Thùy buồn lắm“. Con ơi! Thùy ơi! Nếu các bác ở nhà quê biết rõ chuyện này thì sẽ nghĩ đến con như thế nào! Anh giật mình khi nhân viên thẩm phán gọi đến tên mình. Anh đứng dậy như một cái máy:
- Anh đã nghe rõ hết lời của chị Châu chưa?
- Rồi ạ.
- ý kiến của anh như thế nào.
- Tôi không có ý kiến gì.

Chiều hôm đó còn đồng nào trong túi Sài mua hết bánh kẹo cho các con. Anh bế và hôn lên khắp người mỗi đứa. Anh khoác chiếc ba lô có cái màn và mấy bộ quần áo nói với các con: ”Bố đi công tác xa“. Rồi vội vã bước ra khỏi nhà. Với bộ mặt lạnh lẽo cay độc Châu vẫn nhìn anh như kẻ thù nhưng đến khi anh đi khỏi, hai đứa trẻ khóc oà chạy theo bố, cô cũng gục đầu xuống gối nức nở. Cho đến khi hai con chạy vào mỗi đứa một bên mếu máo lay gọi mẹ thì những ngừơi ở khu tập thể đã đứng đầy phía ngoài. Nhìn qua khe cửa thấy cảnh ba mẹ con kêu khóc trên một chiếc giường, nước mắt ai cũng muốn rào ra, ai cũng muốn kêu to lên với những chàng trai, cô gái rằng: Các ngừơi hãy cứ yêu nhau say đắm và mê mẩm rồi lại cắn xé nhau như chó mèo đi. Tất cả đều là quyền của các ngừơi. Nhưng đừng có kẻ nào dã man tạo ra những đứa trẻ để lại trút lên cái cơ thể bé bỏng ngây thơ của nó những tội lỗi sinh ra từ lòng ích kỷ không cùng của các người.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

95#
 Tác giả| Đăng lúc 3-5-2012 15:00:13 | Chỉ xem của tác giả
[Phần kết - 1]

Hương bần thần giữa căn phòng lần đầu tiên cô mới bước tới. Không ngờ nó lại đến mức này. Một ngôi nhà hai gian của làng Hạ Vị làm kho chứa phân đạm, đến khi hợp tác lên cấp cao toàn xã, người ta dỡ ngói để trơ lại những hàng dui mè như hai bàn tay xương xẩu ấp vào nhau chống trên những bức tường đầy hình hài và những chữ nghệch ngoạc thô tục bằng than và gạch non. Sau ba tháng ”tìm hiểu“ tình hình ở huyện Sài về Hạ Vị với tư cách là trưởng ban thanh tra nhân dân của huyện về điều tra, xử lý những đơn tố giác của quần chúng. Anh đã mượn xã ngôi nhà kho này mua rạ và mía lợp lên trên. Nó được ngăn đôi bởi một tấm ”Tăng“ bằng ni lông. Gian bên phải là chỗ của anh với chiếc giường cá nhân, một chiếc màn căng quanh năm. Nửa ở phía trong đặt chiếc hòm vừa bằng cái va ly và chạn đựng bát. Cả hai thứ đều do thằng cháu con anh cả kỳ cạch đóng cho chú. Khuất sau chạn và hòm là ‘bếp“. Gian bên trái có một chiếc bàn và bốn chiếc ghế vuông với bốn cái chén và siêu nước sôi để nguội. Chiếc điếu cày để gác đầu lên miệng hộp bằng tôn vuông, dài như một hòm sớ. Đấy là nơi tiếp khách, ”Tiếp dân“. Sài nói với các anh chị và mọi người rằng anh ở như thế cho tiện việc tiếp xúc vì công việc của anh cần phải được giữ kín. Nhưng thực chất của nó là anh không muốn nhờ vả, lệ thuộc vào các anh, các chị, hoặc bất cứ người bà con thân thích nào. Những gì mình có thể chịu đựng hoặc tự lo được thì phải cố. Sáu tháng sau thôi chức trưởng ban thanh tra, vẫn ăn lương chuyên viên một, anh được điều làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Hạ Vị. Chỉ trừ khi bận rộn quá, phải nhờ gửi, nếu không, tháng nào anh cũng lên Hà Nội một lần thăm con và mang một nửa lương, kèm theo gạo mới hoặc đỗ, lạc, bánh, kẹo, hoặc quần áo, giày tất cho chúng. Khi trở về lại ăn ngủ ở gian nhà kho ấy. Gần ba năm rồi, Hạ Vị đã như từ một nơi nào khác bưng đến đặt ở đất này. Xã được hình thành như một chữ ”Tê in“ hơi lệch một chút. Cái gạch ngang trên đầu là con đê bồi đắp cao to như đê chính, được viền bằng những bụi tre đang lên xanh. Phía ngoài tre là hàng chuối tây, hàng nghìn cây đều bị những buồng vít cong xuống. Ngoài nó là lạc. Cả bãi bồi mênh mông màu xanh đậm xôn xao cả lá lạc, phải ngồi lên máy bay chuồn chuồn mới nhìn thấy chiều dài của nó. Viền sát lơi nước, chỗ doi đất bồi, thêm hàng năm là khoai lang. Chỉ trừ ba tháng mùa mưa lũ còn cái vòm xanh dây khoai ấy có cả quanh năm.

Thân chữ ”Tê“ là con đường từ đê bối vào đê chính hơn bốn cây số nó cũng cao to, đủ cho hai chiếc xe tải tránh nhau. Đứng từ đê quai nhìn vào con đê chính, phía bên trái là cánh đồng cao rộng gần gấp đôi phía đồng trũng. Đồng cao chuyên canh cây đậu nành do tiến sĩ di truyền học Phan Tân cùng những đồng nghiệp của ông là chỗ quen biết của Sài về giúp vụ đầu. Đến nay nó đã mang ký hiệu khoa học ĐC5. Loại ĐC5 này chỉ thấy quả lúc lỉu lăn lóc quanh thân mà không thấy lá. Hàng chục héc ta đậu nành mới hai vụ đã cho tổng sản lượng hàng trăm tấn. Phía bên này đường là kho, ao thả cá, trại chăn nuôi bò, lợn, và hai mươi ba lò gạch, mừơi tổ làm đậu phụ. Tất cả tạo thành một chu trình khép kín: Đậu nành làm thành đậu phụ. Lợn ăn bã đậu và lá khoai lang. Bò ăn lạc và thân dây lang cùng với cỏ. Phân bò bón lá, phân các loại khác bón ruộng. Các nhà máy, công trường, cơ quan mua đậu phụ, lạc, thịt bò và cá thì phải cung cấp gạo, than, vôi, xi măng, sắt và những thứ khác. Hạ Vị đã ăn ba bữa cơm bằng gạo với cá hoặc đậu hoặc thịt. Xã có đài truyền thanh, đèn điện, nhà văn hoá, nhà trẻ, trường cấp hai đều được xây dựng hai tầng. Chủ nhiệm Sài cũng đã trúng ủy viên thường vụ của huyện nhưng vẫn ở ngôi nhà kho hai gian vốn là nơi chứa phân đạm ở đầu thôn Hạ Vị, ngoảnh mặt ra cánh đồng lạc cạnh đường. Mấy năm nay, Hương về thăm mẹ cũng qua thăm Sài, nhưng anh đều đưa chị về uống nước ở nhà anh Tính hoặc gặp nhau ở ban quản trị rồi, vừa ra bến đò vừa nói chuyện. Mỗi lần về qua làng Hạ Vị đỡ lầm lội và lại ngơ ngác trước sự trồi lên một phong cảnh mới lạ. Không nhìn hết nét mặt của những ngừơi dân, không nghe hết lời thì thầm háo hức của họ, chị đã biết người làm nên sự phấn chấn ấy và ngầm hưởng một niềm vui pha lẫn chút chua xót. Chị không thể ngờ rằng anh lại ăn ở như để tự đày đoạ mình thế này. Hương cũng như anh Tính, chú Hà, anh Hiểu và những người thân khác nhìn thấy mỗi thay đổi ở làng Hạ Vị lại bớt được nỗi lo vì cái quyết định xin trở về quê hương của Sài mà ai cũng cho là anh đã quẫn trí đâm ra liều. Trưa nay khi anh đang baó cáo với đoàn tham quan và các báo chí, Tiến ở dưới nói chuyện riêng với Hương.
- Chị thấy không, anh ấy khoẻ, trẻ ra rất nhiều so với những năm trước. Ăn nên làm ra nó cũng có khác.
- Căn bản là được các anh ủng hộ.
- Thì trước khi anh ấy về tôi có phản đối ai ở làng này có ý định thay đổi cách làm ăn cho nó giàu có lên đâu. Căn bản đồng đất này anh ấy thuộc. Tình cảm và tính nết của những con ngừơi vùng này anh ấy cũng thuộc. Thuộc nó, lại đau đáu lo nghĩ cho nó bằng tất cả sự hỉêu biết và tấm lòng của mình thì ”ăn“ thôi.
Hương tủm tỉm:
- Có những việc đau đáu lo cho nó mà vẫn hỏng đấy thôi.

Anh bí thư huyện ủy trẻ tuổi và hóm hỉnh này biết ngừơi tình của bạn mình định nói gì, anh cười gật đầu phản đối:
- Dù không hiểu anh ấy bằng chị, nhưng tôi cũng biết anh ấy đau đáu lo nghĩ và tất bật khổ sở chắp vá những cái anh ấy không có để cho nó phù hợp, cho vừa ý người vợ vốn rất khác biệt với anh về mọi phương diện. Tôi rất đồng ý với anh ấy nói với các nhà báo sáng nay là: ”Tôi mong các nơi khác đừng học gì ở chỗ chúng tôi. Những điều tôi kể lại cung cách làm ăn cũng như những bản tuyên truyền có đôi chỗ ”phóng đại“ của các anh chỉ như một sự gợi ý để mỗi nơi ngẫm nghĩ về đồng đất của mình, sức lực mình, vốn liếng mình, trình độ mình, tâm tư tình cảm của dân mình thì nên làm ăn cách nào cho hợp, cho kết quả. Cứ ồn lên, thấy ai có cái gì cũng hay, cũng bắt dân làm bằng được như nơi này rồi lại phá đi làm bằng được như nơi khác, hôm nay bảo làm ai không làm là kẻ chống phá, ngày mai bảo phá, ai không phá lại là kẻ phản động. Suốt đời trong làng có ”địch“ và dân đói khổ mà năm nào cũng ”hơn hẳn“, ”vượt xa“ những năm trước. Tôi rất sợ sau đây làng nào cũng trồng lạc với đỗ tương, có khi cả vùng chiêm trũng cũng trồng rồi sau này mất mùa phá đi lại chửi chúng tôi là những thằng nói khoác“.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

96#
 Tác giả| Đăng lúc 3-5-2012 15:01:34 | Chỉ xem của tác giả
[Phần kết - 2]

Nghe bí thư kể lại chuyện đó Hương thấy một cái gì đó như là niềm kiêu hãnh dâng khắp ngừơi. Chị khen
- Tôi nghĩ cũng may có anh, anh Sài mới làm việc được.
- Ngược lại. Nếu không có anh ấy về đây, bằng cuộc đời lận đận của mình để tôi nhìn ra cái gì mình có, với chính mình thì có lẽ tôi đã hô cả huyện làm theo cái khuôn mẫu ở xã của chị phía trong đê: tất cả phải trồng hai vụ lúa và một vụ khoai tây.
- Nhưng dù sao là cấp trên anh vẫn nhìn rõ hơn.

Tiến hóm hỉnh:
- Chết ở chỗ đã là cấp trên không bao giờ chịu thua cấp dưới nên có lần quá nửa số xã bị đói mà huyện thì vẫn ”trăm phần trăm“ no để tỉnh khỏi chê cười trách cứ. Đến khi bí quá lên tỉnh kêu xin gạo về cứu tế thì lại bảo xã nó không nắm hết dân tình.
Bằng buổi nói chuyện riêng, rất ”mất trật tự“ của bí thư với mình Hương thấy không thể nào bỏ đi khi đoàn tham quan của các cơ quan trung ương lên xe trở về. Sài đi tiễn họ và bảo chị: ”Em vào nhà chờ anh một chút“. Chị đã ngẩn ngơ đi vào ”căn phòng“ anh chỉ. Gập lại quần áo, quét tước, sắp đặt xong cho cái ”ổ chuột“ ngăn nắp lại và nghe đứa con gái của Tính kể ”sự tích“ gian nhà này xong, cháu đã về mà Sài vẫn chưa quay lại. Chị sốt ruột vì trời đã sập xuống chị vẫn chưa về được. Sài hấp tấp trở lại. Nhìn vẻ sốt ruột của chị anh trách:
- Sao em đã có vẻ cuống lên thế?
- Em sợ lắm. Thôi đưa em về một đoạn đi.

Sài không nói gì. Chị biết anh buồn trước những cử chỉ của mình. Nhưng biết làm thế nào! Cái tình của tuổi bốn mươi không thể bốc nóng ngùn ngụt lên mặt và máu chảy rình rịch khắp cơ thể như năm mừơi bảy, mười tám để nó có đủ sức mạnh đi tới liều lĩnh, bất chấp cả một đời chỉ cốt có một phút giây, trời đất lúc ấy cũng là nhỏ, chỉ có hai ngừơi là vũ trụ mênh mang. Còn bây giờ! Không thắp đèn lên, không đứng ở giữa sân, dù hai ngừơi vẫn cách nhau mà cùng ở trong nhà, nhỡ ai đi ngang qua biết được, họ sẽ đánh giá tư cách, sẽ có lời ồn aò bàn tán hại uy tín của cả hai người. Cái bóng đêm đã tạo nên sự run rẩy trong nỗi hoảng sợ khiến Hương bước thẳng ra giữa sân chờ Sài hút xong điếu thuốc lào rồi khoá cửa đưa chị đi. Hương mừng rỡ bao nhiêu, Sài càng lặng đi bấy nhiêu. Nỗi cô đơn không có ngừơi chia sẻ, nói đúng ra anh chỉ cần có Hương nhưng chị lại ”lịch sự“ với anh như một người bạn tốt bụng.
Hai người đi đã cách làng khá xa vẫn không nói gì. Hương đành phải lên tiếng:
- Anh giận em đấy à?
- Không.
- Thì cười đi em xem nào.
- Em muốn anh làm thằng hề à?
Đến bây giờ thì Hương lại không thể nói được gì nữa. Có bao giờ chị đùa bỡn với tình cảm của hai người mà anh lại nói ra điều ấy.
- Anh xin lỗi.
Thấy im lặng, đi mươi bước nữa, anh sát lại.
- Nhiều lúc buồn, nhớ em quá mà em lần nào gặp anh cũng chỉ ban phát cho anh được vài câu nói rồi lại vội vã hốt hoảng ra đi. Còn anh... bây giờ...
Hai người chững lại, Hương vẫn lặng lẽ như lắng nghe.
- Có giận anh nữa không?
Cái đầu hơi ngả vào cánh tay anh lắc nhẹ.
- Mở mắt ra nhìn anh một chút nào.
Dường như có hai vòm sáng rất lung linh vừa rào lên cái ánh sáng diệu kỳ khiến anh phải giữ lấy nó, như nuốt nó vào trong lồng ngực đang dồn dập của mình.
- Hay chúng mình về với nhau đi em.
- Không được.

Giá đừng êm nhẹ và nũng nịu, đừng vuốt vuốt mái tóc và đừng gài lại chiếc cúc áo quân phục cho anh, em cứ ”không được“ một cách cáu giận hoặc bằng bất cứ một cử chỉ nào đó ”giết“ ngay tức khắc niềm hy vọng bột phát của anh thì còn dễ chịu hơn sự vuốt ve chờn vờn: hãy cố chịu đựng. Tuổi chúng mình không thể liều lĩnh được nữa đâu. Thôi khuya rồi, chúng mình chia tay nhau. Chịu khó nghe lời em đi.

Và, trước đó em đã nói những gì? Anh đã đau đớn về sự chia ly rồi. Lại xé đôi sự ổn định, dù nó là chắp vá của cuộc đời em thì làm sao có thể bù đắp được cho anh. Xoá bỏ sự cọc cạch này để chắp vá với sự cọc cạch khác là đánh lừa nhau, được cái gì.
Không! Em biết. Ngày xưa thì được. Vì thế mãi mãi chúng mình phải giữ gìn nó. Còn bây giờ làm gì còn thì giờ để hẹn hò chờ đợi nhau nữa. Đừng buồn.

Dù bằng tất cả những lời lẽ rất có lý, những tình cảm chân thành của Hương bắt anh phải chấp nhận, nhưng đi quay về một mình giữa lạnh lẽo của đêm trăng cuối tháng, anh vẫn cảm thấy những cơn gió như ào ạt ùa vào cái cơ thể dường như rỗng rễnh của mình. Anh bước đi rộn rạo giữa mênh mang vắng lạnh. Mãi khi gần về đến làng nghe tiếng vượt đất vào quả ở thùng đấu và tiếng khuôn đóng mốc vang lên bì bạch ở ngay bên đường anh mới như choàng tỉnh nhìn sang phía cánh đồng trũng.
Cả hai mươi ba lò gạch đều rực đỏ nở nứt từ dưới lên trên về phía làng những tổ làm đậu phụ vẫn sáng đèn. Anh nhớ là cả hai ngành sản xuất này họ đang làm ca ba, cái cung cách làm việc tự anh đặt ra cho nó và chính nó đã giúp anh những đêm trằn trọc mất ngủ vùng dậy đến chỗ đốt lò, làm gạch và các tổ gói đậu phụ xem xét, chuyện trò với họ. Để rồi sáng ra lại xì xụp bát óc đậu, làm tượp rượu, nhón mấy viên lạc, người thấy khoan khoái thêm. Ai cũng bảo anh khoẻ ra. Có lẽ nó bắt đầu từ những ngày anh trở về với vùng đất quen thuộc của mình dù nó còn ngổn ngang bừa bộn nhưng nó là chỗ của anh, của chính cái làng Hạ Vị này.

Hết
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách