Kites

Tiêu đề: [Lịch Sử - Xuất Bản] Hitler Và Trận Đánh Normandie | Hans Speidel (hoàn) [In trang]

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 2-8-2013 05:37 PM
Tiêu đề: [Lịch Sử - Xuất Bản] Hitler Và Trận Đánh Normandie | Hans Speidel (hoàn)


Tên tác phẩm: Hitler Và Trận Đánh Normandie
Tác giả: Hans Speidel
Dịch giả: (Nếu có, đối với tác phẩm edit thì phải ghi rõ Editor): Người Sông Kiên và Lê Thị Duyên
Độ dài: 16 chương bao gồm cả Lời Nói Đầu
Thể loại: khác, lịch sử
Tình trạng sáng tác: Đã hoàn thành
Nguồn: http://vnthuquan.net/(S(c2ilyaae ... 343tq83a3q3m3237nvn
Đánh máy: HuyTran, Tuusacqui, Ct.Ly, hoalacocay, thiensu05, abuchot (vnthuquan)
Nhà xuất bản: Sông Kiên
Ngày xuất bản: 1974

Mục lục

Lời Nói Đầu
- 1 - MÙA XUÂN NĂM 1944 TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ
- 2 -
- 3 - TÌNH HÌNH NỘI BỘ CỦA QUÂN ĐỨC
- 4 - NHẬN XÉT VỀ TÌNH HÌNH PHÍA TÂY TRƯỚC KHI CÓ CUỘC ĐỔ BỘ CỦA PHE ĐỒNG MINH. VỀ PHÍA ĐỐI PHƯƠNG (Đồng Minh)
- 5 - VẤN ĐỀ ĐIỀU BINH KHIỂN TƯỚNG VÀ LỰC LƯỢNG ĐỨC TẠI MẶT TRẬN MIỀN TÂY
- 6 - NHỮNG NHẬN XÉT VỀ CHÍNH TRỊ VÀ NHỮNG CÔNG CUỘC CHUẨN BỊ
- 7 - CUỘC XÂM CHIẾM TỪ NGÀY 6 ĐẾN NGÀY 9-6-1944
- 8 - TỪ 9 THÁNG 6 ĐẾN 24 THÁNG 7 NĂM 1944 CÁC BIẾN CỐ QUÂN SỰ
- 9 - CUỘC HỘI NGHỊ VỚI ADOLF HITLER TẠI MARGIVAL NGÀY 17 THÁNG SÁU
- 10 - THỐNG CHẾ VON KLUGE NẰM QUYỀN TƯ LỆNH TỐI CAO BINH ĐOÀN B  NGÀY 20 THÁNG 7 NĂM 1944
- 11 - TỪ NGÀY 25 THÁNG 7 ĐẾN NGÀY 18 THÁNG 8 NĂM 1944 AVRANCHES – MORTAIN “Vùng Túi Falaise”
- 12 - TỪ 19 THÁNG 8 ĐẾN 5 THÁNG 9 NĂM 1944 THOÁT RA KHỎI "TÚI FALAISE" RÚT LUI VỀ BỨC TƯỜNG PHÍA TÂY
- 13 - THỦ TIÊU THỐNG CHẾ ROMMEL
- 14 - ERWIN ROMMEL QUÂN NHÂN ÔNG FELDMARSCHALL
- 15 - NHẬN XÉT VỀ TRẬN ĐÁNH NORMANDIE
HẾT

Ebook
http://www.filefactory.com/file/398t3bkcvcpx/n/HVTDN_7z

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 2-8-2013 05:39 PM
Lời Nói Đầu

Nguyên tác L'INVASION 44 của Đại tướng HANS SPEIDEL, tham mưu trưởng của thống chế ROMMEL.

Cuộc đổ bộ Normandie dưới cái nhìn của phe Đức quốc xã

CHIẾN LƯỢC GIA CHỊU TRÁCH NHIỆM PHÒNG THỦ BỨC TƯỜNG THÀNH ĐẠI TÂY DƯƠNG, ĐẠI TƯỚNG HANS SPEIDEL THAM MƯU TRƯỞNG CỦA THỐNG CHẾ ROMMEL - TƯ LỆNH BINH ĐOÀN B- MẶT TRẬN MIỀN TÂY


Trong thời kỳ nguy kịch từ tháng tư đến tháng bảy năm 1944, Đại tướng Hans Speidel là tham mưu trưởng của Thống chế Rommel, tư lệnh Binh đoàn B, mặt trận Miền Tây. Chắc chắn là tác giả có đủ tư cách nhất bên phía Đức để thuật lại các biến cố đánh dấu cuộc đổ bộ ngày 6 tháng 6 ở Normandie cùng các biến cố xảy ra trước đó và tiếp theo sau đó, để rút ra từ đấy bài học lịch sử, cũng như để hồi tưởng lại các xung đột đã xâu xé Bộ Tổng tư lệnh Đức ở cấp bực cao cấp nhất.

Dưới quyền Thống chế Rommel, Đại tướng Hans Speidel đã thiết lập kế hoạch phòng thủ chống lại cuộc đổ bộ của phe đồng minh. Ông đã tìm mọi cách thuyết phục Hitler chuẩn y kế hoạch của mình nhưng hoài công vô ích và ông đã phải điều khiển cuộc chiến trong những điều kiện thảm hại do Fuhrer áp đặt.

Cùng với Rommel và các Đại tướng Von Stulpnagel, Von Falkenhausen và Von Schwerin, ông đã bí mật chuẩn bị âm mưu ngày 20 tháng bảy mà sự thất bại đã đưa ông vào móng vuốt của Sở mật thám Gestapo.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 2-8-2013 06:11 PM
- 1 -
MÙA XUÂN NĂM 1944
TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ

VỚI KHOẢNG THỜI GIAN CỦA NĂM 1943, ĐỨC Quốc Xã đi tới cao điểm tột cùng của chiến tranh. Leo thang đến mức đó, họ gặp phải tình trạng hỗn độn ngày càng trầm trọng trong vấn đề chỉ huy chính trị và quân sự. Trái lại, Đồng minh đang lớn mạnh vì đã giải quyết xong vấn đề tập trung và thống nhất lực lượng để điều khiển cuộc chiến tranh và quy định mục tiêu chính trị.

Chính trong cuộc hội nghị tại Casablanca ngày 23 tháng giêng năm 1943, hai ông Roosevelt và Churchill đã đồng ý với nhau buộc nước Đức phải đầu hàng vô điều kiện. Sự thất bại liên tiếp của Đức về chính trị cũng như quân sự tạo cho phe Đồng Minh đà phấn khởi và niềm tin chiến thắng; tháng hai, Đức thua trận ở Stalingrad; tháng năm, liên quân Đức-Ý đầu hàng; mùa hè, mất đảo Sicile, Mussolini bị hạ bệ, quân Đồng minh đổ bộ lên Ý, tháng chín, quân Ý đầu hàng, tiềm lực chiến tranh dưới đáy biển và trên không bị phá vỡ. Tất cả những sự kiện này giúp cho cái thế liên kết giữa lực lượng Anh và Nga thêm chặt chẽ. Trong cuộc họp ở Le Caire ngày 1 tháng 11 năm 1943, nghe đâu các ông Roosevelt, Churchill và Tưởng giới Thạch đã đồng ý với nhau mở cuộc hành quân vào khu vực Balkans nhằm mục đích tiêu diệt quân Đức, đồng thời ngăn chặn không cho Hồng quân Nga chiếm Trung Âu; chẳng hiểu chuyện đó có thực không, chứ cứ như hội nghị Têhéran ngày 1 tháng 12 năm 1943[1] thì người ta thấy hai ông Roosevelt và Churchill đã ký tên thừa nhận những ước muốn của ông Joseph Staline. Mấy ông thỏa thuận trên nguyên tắc mở mặt trận thứ hai “không phải trong vùng Balkans”; mà là một cuộc tấn công quyết định đánh thẳng vào lãnh thổ Đức, nhờ điều kiện thuận lợi của “cuộc chiếm đóng nước Pháp”. Thời gian nầy, chính phủ Hoa kỳ liệu có hiểu được tầm mức chính trị quan trọng của cuộc hành quân vào vùng Balkans không? Hoặc giả, họ coi thường Nga sô, trong khi họ còn đang mải đối phó với những toan tính của Anh quốc? Lúc này ta chưa có thể khẳng định rõ ràng. Dẫu thế nào đi chăng nữa, thì sự từ chối của Đồng minh đối với cuộc hành quân trong vùng Balkans đã gây ảnh hưởng quan trọng sau khi chiến tranh kết liễu: chính sự từ chối ấy đã quyết định cán cân lực lượng chính trị thời hậu chiến. Nhờ sự giúp đỡ của quân Anh, Staline trở thành “kẻ kế thừa dòng họ Habsbourg”.

Một sự thỏa thuận khác không kém phần quan trọng xảy ra vào ngày 24 tháng 12 năm 1913, tôn phong tướng Eisenhower vào chức vụ Tổng tư lệnh lực lượng Đồng minh, nhằm mục tiêu đổ bộ tràn vào nước Pháp.

Từ năm 1942, những kế hoạch của một cuộc đổ bộ đã được một bộ tham mưu chiến lược Anh-Mỹ nghiên cứu trên đất Anh. Tin tức hội nghị Téhéran được kịp thời thông báo về Văn phòng Chính trị Đức nhưng Hitler không liệu định đúng tầm quan trọng của vấn đề. Tình hình cuộc chiến mùa xuân năm 1944 đã diễn ra như sau:

Ý rút khỏi vòng chiến. Dù vậy, ngày mùng 1 tháng 4 năm 1944, Hitler vẫn còn cho rằng sự “ra đi” ấy của Ý là để “tập trung lực lượng Đức, làm tăng uy thế Đức”.

Sự cam kết giữ vững nền trung lập mà Tây ban Nha ký ngày 10 tháng 2 năm 1943 vẫn chưa có gì quan trọng trên thực tế.

Hung gia Lợi do Đô đốc Horthy lãnh đạo, đã liên lạc với phe Đồng minh qua sự điều đình của viên đại sứ Hung gia Lợi tại Lisbonne về vấn đề một cuộc đình chiến vì Hung muốn có hòa bình xé lẻ. Khi Hitler hay tin, ông ta buộc Đô đốc Horthy phải thành lập một chính phủ khác, giao cho ông Stojay, cựu đại sứ Hung tại Bá Linh, điều khiển. Nhận thấy chính phủ nầy khó sai khiến, tháng 10 năm 1944, Hitler lật đổ luôn, cho ông Salassy thay thế và ra lệnh bắt giữ Đô đốc Horthy.

Trong vùng Balkans, Bảo gia Lợi đang là một nước không có chính phủ vì vua Boris đã bị truất phế.

Phần đất phía Đông của Lỗ ma ni trở thành vùng chiến địa khi hai Binh đoàn Đức ở mặt trận phía Nam, đụng lực lượng hùng hậu của Nga, phải tiến sâu vào lãnh thổ Lỗ, rút về ngã Bessarabie[2].

Thổ nhĩ Kỳ ngã dần về phe Đồng minh trong khoảng thời gian mùa Xuân năm 1944 nầy, dù rằng trước đó, hồi tháng 6 năm 1943, Thổ cân nhắc hoàn cảnh quân sự và chính trị, đã gửi một phái đoàn quân sự cao cấp tới Đại bản doanh của Fuhrer và tới thăm vùng mặt trận Miền Đông. Như vậy, phía hông của quân Đức tại vùng Cận Đông đã tỏ ra không có gì bảo đảm.

Đối với Nhật bản, Hitler chỉ trông đợi được một sự giúp đỡ gián tiếp, nhưng ông ta hy vọng một cuộc tấn công mãnh liệt của Nhật vào Mãn Châu.

Hitler không thể bám víu vào sự can dự của quân đội Nhật để chống kẻ thù Nga sô trên chiến trường Âu châu.

Nhưng niềm hy vọng chính yếu nhất của Hitler là sẽ thấy được sự liên kết của các lực lượng tây phương bị tan vỡ cùng với lực lượng Sô viết, thấy được Anh quốc sụp đổ vì “tinh thần đã bị kiệt quệ”.

Hitler tưởng rằng, nhờ sự sử dụng loại “vũ khí thần sầu quỷ khốc”[3] có thể kết liễu sự đề kháng của Anh một cách mau chóng và dứt khoát.

Trong những điều kiện ấy, tình hình chung về chính trị không cho phép người ta nhìn thấy một kết cuộc chiến thắng về phía Đức. Đồng thời, cũng không thể nào có được một kết thúc dằng co dưới sự điều khiển của Hitler.

Chú thích:

[1] Đọc: “Hitler, cuộc mưu sát các lãnh tụ Đồng minh”, Sông Kiên xuất bản.

[2] Đọc: “Độc hành” của C. V. Gheorghiu. Người Sông Kiên và Lê thị Duyên dịch. Sông kiên xuất bản.

[3] Đọc: “Cuộc săn tìm vũ khí bí mật của Hitler”. Sông Kiên xuất bản.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 2-8-2013 06:17 PM
- 2-

TÌNH HÌNH QUÂN SỰ CŨNG ĐEN TỐI NHƯ TÌNH hình chính trị. Thời kỳ vàng son đã chấm dứt sau những chiến thắng liên tiếp thực hiện được nhờ một Bộ chỉ huy hoàn toàn quân sự trong năm 1939 tại Ba lan, năm 1940 tại Pháp với những mục tiêu rõ rệt.

Ở phía Tây, một bộ phận của hải-lục-không quân Đức, sút kém cả về lượng cũng như về phẩm, đang làm mồi cho cuộc tấn công của phe Đồng minh, phía sau “bức tường thành” mới mẻ trải dài trên Đại tây dương.

Mặt trận Phi châu và Địa trung hải đã thất bại hoàn toàn. Bằng một cuộc tiến quân đúng phương pháp, địch thủ đẩy phòng tuyến của quân Đức-Ý tại miền trung nước Ý lùi dần về phía Bắc.

Ở phía Đông, Hitler đã bắt đầu tiến quân, nhưng không chọn hẳn một trục tấn công mà chỉ xua ba Binh đoàn của ông tiến thẳng đến ba mục tiêu: vùng Ukraine gồm khu kỹ nghệ Stalino và Kharkov, Mạc tư khoa và Leningrad. Cuộc tấn công ngưng lại nửa chừng trong khi chưa đạt được mục tiêu nào, dù là mục tiêu ở giữa hay ở mặt Bắc.

Năm 1942, Hitler hạ lệnh mang một cánh quân nhỏ đánh tràn ra vùng hạ lưu sông Don và từ đó đánh thẳng tới Caucase, chiếm lấy trục giao thông Poti-Bakou, để rồi từ vùng sông Don thượng tiến sang sông Volga đến Stalingrad. Như vậy là trái với binh thư của Clausewitz, vì Hitler đã chiếm đất trong khi công việc phải làm là tiêu diệt lực lượng địch. Địch quân đã khéo léo lẩn tránh. Tham mưu trưởng quân đội, đại tướng Halder, bị cất chức vào tháng chín năm 1942.

Sau những thất bại chiến lược của năm 1942, và trong cuộc thư hùng đang diễn ra ở Stalingrad, Hitler điều động quân đội các nước liên minh lập ra một hàng rào phòng ngự phía sườn cho quân của ông dọc theo sông Don; những cánh quân tiếp viện nầy, yếu kém về võ trang cũng như khả năng tác chiến gồm có: đệ I lộ quân Lỗ, đệ VIII lộ quân Ý, đệ II lộ quân Hung. Sứ mạng giao phó không thể thực hiện được vì sự tổ chức ô hợp của họ và vì mùa Đông bên Nga quá lạnh. Số phận Stalingrad đã được an bài. Nó liên hệ với thái độ cố chấp và óc thiển cận của Hitler khi ông ta trở chiều, quay sang mục tiêu chính trị và tuyên truyền. Tư lệnh lộ quân thứ VI không sao xoay sở được để gỡ khỏi thế bí dù trong thời gian đáng lẽ ông ta có thể trông cậy vào những cánh quân tiếp viện.

Năm 1943, sau cuộc phản công có hiệu quả tại thị trấn Kharkov và Bjelgorod, vào tháng Ba, Hitler mở cuộc tấn công mùa hè lấy tên là “Cuộc hành quân Citadelle”, khởi đi từ vùng Bjelgorod và Orel, dùng kế “dụ địch” và bẻ gãy từ trong trứng nước cuộc tấn công của địch.

Cuộc hành quân nầy chỉ có thể có viễn tưởng thành công nếu nó được thực hiện phối hợp kịp thời với cuộc hành quân Kharkov-Bjelgorod tháng ba năm 1943 – một cuộc phản công cuối cùng gặt hái thành quả. Thất bại của “cuộc hành quân Citadelle” đã phân định một giai đoạn quân sự như sau:

Cuộc phản công của quân Nga bắt đầu chuyển động. Nó chỉ ngưng lại trong những khoảng thời gian ngắn để chỉnh đốn lại hàng ngũ và tiếp tế lương thực, súng đạn. Nó lớn mạnh cho tới năm 1945, ngày Đức Quốc Xã sụp đổ.

Hitler gọi cuộc hành quân của Nga là “cuộc chiến tranh tiêu hao” đối với Liên bang Sô viết. Tưởng không cần phải nhắc tới cái ưu thế về tiềm lực tổng quát của Nga trong thời kỳ ấy.

Theo lệnh của Hitler, phòng tuyến sông Dnieper không được củng cố, lấy cớ rằng “quân đội sẽ giật lùi về phía sau, không chịu giữ vững tiền tuyến”. Chính vì vậy, người ta tha hồ bàn tán về thái độ mất tin tưởng và hằn học của ông đối với những người lính ngoài mặt trận. Bất cần những đề nghị do Bộ Tổng tham mưu liên tiếp trình lên, Hitler không vạch ra một kế hoạch dài hạn nào. Ông không chấp nhận bất cứ một sự sửa soạn nào cho những con đường thoái quân. Những con đường thoái quân đã không được nghĩ tới ngay từ mùa đông đầu tiên tại Nga cuối năm 1941, đầu năm 1942. Cũng vẫn là những lý do tâm lý của Hitler đã giải thích tại sao những con đường thoái quân không được tạo dựng tại mặt trận Miền Tây.

Tháng giêng năm 1944, khi hai Quân đoàn quân Đức bị vây hãm gần Tscherkassy, và khi việc xin rút lui trình lên Bộ chỉ huy tối cao, Hitler hạ lệnh phải giữ vững vị trí; ông ta tưởng rằng sau nầy có thể mở một cuộc hành quân phát xuất từ trục Tscherkassy-Korsoun, chiếm lấy thành phố Kiev, “cắt đứt phòng tuyến của Nga”. Sở dĩ trong vùng “Tscherkassy dầu sôi lửa bỏng” nầy không xảy ra một trận tiêu diệt chiến là vì bộ chỉ huy chiến trường, sau nhiều ngày tranh đấu với Hitler và Bộ tư lệnh tối cao, đã tự ý mở đường tháo lui trước khi được lệnh. Nhờ vậy trong số 54 ngàn quân sĩ Đức, 35 ngàn người đã được cứu thoát.

Mùa xuân năm 1944, lộ quân thứ XVII đang trú đóng ở bán đảo Crimée lâm vào tình trạng hấp hối. Nếu kịp thời di tản khỏi bán đảo nầy có lẽ họ đã được cứu sống. Ngày mùng 1 tháng giêng năm 1944, Hitler vẫn còn tin rằng mình có thể giữ vững vùng đầu cầu ở Sébastopol mặc dù nó đã bị thu hẹp. Ông ta coi biện pháp nầy là biện pháp cần thiết bởi vì ông vừa thực hiện được một đòn tâm lý chiến tại Thổ nhĩ Kỳ. Lộ quân thứ VI chùn lại, tả tơi xơ xác vì phải mở đường máu rút lui từ Odessa về biên thùy Lỗ ma ni. Lộ quân thứ VIII dưới quyền điều khiển của tướng Bộ binh Otto Woehler còn chiến đấu cầm cự giữa khoảng hai con sông Bug và Dnieste; đây là tấm gương dũng cảm của “con sư tử bị thương”. Đối phương, với một lực lượng hùng mạnh gấp bội, lăm le tràn ngập cạnh sườn phía Bắc cánh quân của tướng Otto Woehler và bao vây đệ I lộ quân thiết giáp đang bị tách rời.

Chủ trương rút lui đúng lúc khỏi vùng Bessarabie và việc chuẩn bị tuyến phòng ngự dọc theo sông Pruth dùng dãy núi Carpathes làm trục, lại được đề nghị lên Hitler, coi như một giải pháp trung dung, giải pháp nầy dành cho Hitler tất cả sự tự do để quyết định tối hậu về chiến lược. Nhưng đề nghị nầy đã bị bác bỏ.

Các Thống chế Von Klest và Von Manstein chỉ huy Binh đoàn A và Binh đoàn trấn giữ Miền Nam, bị thay thế vào ngày 31 tháng ba bởi hai tướng tân thăng, Tướng Schôrner và Thống chế Model.

Một sự yên tĩnh giả tạo diễn ra trước phòng tuyến của hai Binh đoàn đóng ở mặt bắc và ở giữa; hai cánh quân nầy độc lập về phương diện tác chiến. Những tin tức liên quan tới sự sửa soạn một cuộc tấn công quy mô của quân Nga đối đầu với Binh đoàn đóng ở giữa được cấp báo về Tổng hành dinh của Fuhrer.

Ngày 1 tháng giêng, Adolf Hitler đã nhìn thấy, hay đúng ra là không muốn nhìn thấy vấn đề cốt yếu của mặt trận miền Đông, nghĩa là, không muốn nhìn thấy việc chiếm đóng giải đất bằng phẳng của Nga có thể bị thất bại – một sự thất bại căn bản trong chủ trương của ông nhằm khai thác kho lương thực và nguyên liệu Trung Âu.

Tình trạng căng thẳng trong giới quân sự cao cấp nhất đã trở thành hiển nhiên dưới mắt mọi người khi tướng Zeitler, tham mưu trưởng quân lực cùng với các cộng sự viên bỏ phòng họp ở Obersalzberg bước ra, giữa lúc Đại tướng Jodl và tướng Warlimont bắt đầu phúc trình về cái mà người ta gọi là “những khu vực hành quân OKW” - Na uy, Phần lan, Tây Âu, Địa trung hải, Balkans.

Lối chỉ huy của Bộ tư lệnh tối cao quân lực theo kiểu “lưỡng đầu chế” nầy đã phát xuất ngay từ trong tư tưởng của Hitler. Tướng Jodl tham mưu trưởng chiến lược nằm trong Bộ tư lệnh tối cao quân lực, dưới sự điều khiển trực tiếp của Hitler, nắm trọn quyền chỉ huy các cuộc hành quân trên khắp các chiến trường; chỉ riêng có mặt trận Miền Đông là dành cho Đại tướng Zeitler, Tham mưu trưởng quân lực lo liệu theo phận sự của ông. Ông ta thiết lập một bộ phận giống như một “bộ Tư lệnh tối cao mặt trận Miền Đông”, thâu nhận một số quyền hành ít hơn quyền hành của những tướng Hindenburg và Ludendorff trong trận Thế chiến thứ nhất. Sự chia quyền trong Bộ Tư lệnh tối cao không phải chỉ gây nên những đụng chạm hàng ngày mà còn tác hại tới đường lối chỉ huy chung trên các mặt trận. Điều tai hại nầy xuất hiện rõ ràng nhất trong thời kỳ quân Sô viết tấn công cánh quân ở mặt trận giữa, vào mùa Hè, kể từ ngày 20 tháng 6 năm 1944.

Những nhận thức và yêu sách của Thủy sư Đô Đốc Doenitz và Thống chế không quân Goering thường khi mâu thuẫn nhau, càng làm cho tình hình của Bộ tư lệnh thêm phức tạp.

Từ mùa xuân năm 1943, trong một cuộc trắc nghiệm luôn luôn tăng trưởng, tình trạng hải chiến biểu lộ tính chất vô hiệu của chiến tranh dưới đáy biển – một cuộc chiến tranh kéo theo những thiệt hại nặng nề, khó hàn gắn.

Vết thương rớm máu của Không quân trong cuộc tấn công nước Anh cũng chưa sao chữa trị được.

Bởi vậy, mùa Xuân năm 1944, tình hình quân sự cho thấy rất ít hy vọng. Tuy nhiên, mặt trận Miền Tây, Miền Nam và Miền Đông vẫn còn dai dẳng. Giai đoạn tan rã về quân sự chưa tới.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 2-8-2013 06:21 PM
- 3 -
TÌNH HÌNH NỘI BỘ CỦA QUÂN ĐỨC

TÌNH HÌNH QUÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ BỊ LUNG LAY làm cho cơ cấu tổ chức của Quân lực Đức – cơ cấu nội bộ – phải chịu đựng nhiều biến đổi sâu rộng.

Ngày 2 tháng 8 năm 1934, Hitler đảm trách quyền chỉ huy tối cao và xác định sự nhập cuộc của ông trong bức thư ngày 20 tháng 8 năm 1934 gửi cho Đại tướng Von Blomberg:

“Hôm nay, sau khi đạo luật mùng 2 tháng 8 được phê chuẩn, tôi muốn tỏ bày cùng Đại tướng và nhờ Đại tướng tỏ bày cùng Quân đội những lời cảm ơn của tôi đối với lời tuyên thệ trung thành mà Đại tướng đã dành cho tôi trong cương vị Quốc trưởng và Tổng Tư Lệnh Tối cao của Quân lực. Cũng như những sĩ quan và binh lính đang phục vụ tân Quốc gia “nơi chính bản thân tôi”, tôi sẽ luôn luôn tự coi như bổn phận tối thượng để hành động nhằm bảo vệ và giữ vững uy thế bất khả xâm phạm của Quân đội. Như thế tôi sẽ làm trọn lời di chúc của cố Thống chế Hindenburg; tôi sẽ trung thành với ý nguyện của chính tôi là đặt Quân đội vào trong lòng Dân tộc và chỉ có Quân đội mới được quyền võ trang. Adolf Hitler, Fuhrer và Reichskanzler.”

Lời tuyên thệ nầy, mà Hitler cũng đã từng thề trước Quốc trưởng Von Hindenburg, được ông ta giữ cho tới ngày 4 tháng 2 năm 1938; cho tới ngày nầy ông vẫn từ chối không đưa chính trị vào quân đội. Kể cả những năm đầu nắm quyền bính, ông cũng tự kềm chế không phán xét về những vấn đề quân sự.

Âm mưu chiếm quyền của lực lượng bán quân sự S.A bị phá vỡ bởi những biến cố ngày 30 tháng 6 năm 1934. Nhưng đến năm 1937, Heinrich Himmler, lãnh tụ SS, nhờ sự võ trang các đơn vị SS, đã tạo ra được cái thế “lưỡng đầu chế” giữa Quân đội và lực lượng Waffen SS, đồng thời đưa yêu sách cho Bộ Tổng tư lệnh về các vấn đề chính trị và quân sự của lực lượng SS. Như vậy là Hitler đã chối bỏ lời hứa “chỉ có quân đội mới được quyền võ trang”.

Tổ chức Waffen SS được thừa nhận với những ưu thế của một đội vệ binh, nó được hứa hẹn trở thành quân đội tương lai trong thời bình. Nhân số của cái Quốc gia trong Quốc gia, quân đội trong Quân đội nầy đã đếm được tới 700.000 người khi chiến tranh vừa kết liễu.

Cái ưu thế của quân đội theo truyền thống lịch sử đã bị chấm dứt ngày 4 tháng 2 năm 1938 bằng một âm mưu bôi lọ Đại tướng Nam tước Von Fritsch và vào thời kỳ Hitler nắm quyền Tổng tư lệnh tối cao quân lực. Tiếp theo đó là một thái độ thụ động rất nguy hiểm của một số chỉ huy trưởng quân sự.

Những tướng lãnh nầy – cũng như những nhân vật ngoài đời sống dân sự - thường là những con cưng của chế độ trong thời kỳ vàng son của họ. Họ đâu có nhìn thấy những gì sẽ đập vào lưng họ sau nầy. Bằng một thủ đoạn khéo léo và thận trọng, người ta lạm dụng dần dần những đức tính truyền thống của Quân đội. Chỉ riêng có tướng Beck là đã từng đôi ba phen tranh đấu, và đặc biệt nhất là vào năm 1938, ông không sợ liên lụy tới tính mạng và địa vị, dám chống đối lại những sự vận động thầm kín tai hại của một vị Quốc trưởng độc đoán và bao biện. Các thắng lợi đoạt được trong lãnh vực chính trị đối ngoại tại Munich (Hội nghị Munich họp vào tháng 9 năm 1938 gồm các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Ý, quyết định về vấn đề đất đai giữa Tiệp khắc và Thụy điển), nhờ phe Đồng minh, đã làm Đại tướng Beck và người kế vị ông là tướng Halder phải bó tay.

Với đà chuyển động của chiến tranh, nhất là từ năm 1944, Hitler cố gắng biến Quân đội thành một “tổ chức chính trị”. Sức mạnh của Quân đội nầy trước đây dựa vào sự vững chắc của các thành viên trong mục tiêu hoạt động bất vụ lợi đối với Tổ quốc. Nhưng hiện giờ thì đa số các tướng lãnh chỉ huy đã bắt đầu thừa nhận uy thế của Hitler, nhất là sau những kinh nghiệm chiến trường tại Ba lan, Na uy, Pháp và vùng Balkans. Sự suy tôn Hitler là “đại nguyên soái của mọi thời đại” phát xuất từ đó. Hitler và Goebbels biết khéo léo động viên tâm lý quần chúng và chủ trương tiến tới chế độ “quân phiệt cách mạng”. Đến nỗi rằng, một nhóm sĩ quan, say sưa giấc mộng làm người hùng Nã phá Luân đã trở thành “công chức”, trong khi ngày xưa trong Quân đội, quan niệm của Washington đã nắm giữ phần ưu thắng: “Chỉ những tay anh hùng mã thượng mới xứng đáng vào hàng sĩ quan!”

Tuy nhiên, một số đông sĩ quan các cấp thấp nhất là khối sĩ quan tham mưu, đã kín đáo chống lại sự nhiễm độc chính trị của Quân đội; theo ý họ thì chính trị trong Quân đội chỉ có thể đưa đến chỗ cắt đứt những dây liên lạc thân tín từng thắt chặt tình đoàn kết giữa cấp chỉ huy và binh lính. Họ cũng không tán thành việc Hitler nắm quyền chỉ huy Quân đội. Chúng ta hãy thêm vào trong vấn đề nầy sự độc đoán, bản năng thống trị của chính Hitler. Ác hại thay, tính khí đặc biệt ấy không phải chỉ xuất hiện trong các mệnh lệnh ban cho các ủy viên và cho Bộ chỉ huy mà ngay trong lãnh vực điều hành quân pháp nữa. Mùa Đông năm 1943-1944, mọi người ngạc nhiên vì sự nhồi nhét vào trong Quân đội một lớp sĩ quan chỉ huy thuộc thành phần đảng viên Quốc xã (N.S.F.O). Đây là những cấp chỉ huy chính trị mặc quân phục, tương tự như những Chính ủy của Hồng quân Nga sô. Như vậy là Hitler muốn bắt chước Nga chứ không theo kinh nghiệm của Lazare Carnot – người đã muốn, lúc thành lập quân đội cách mạng Pháp trong thời kỳ nhân dân vùng dậy, tách biệt mọi chính trị khỏi cơ cấu chỉ huy trong quân đội.

Lôi kéo quân đội vào trong mê hồn trận của các phe phái, tiêu diệt sự trung thành và niềm tin đối với truyền thống cũ bằng chế độ ủy viên Quốc Xã, đào xới tới cội rễ quyền lực của Quân đội, Hitler đã đập nát cơ cấu nội bộ và uy tín đối ngoại của quân đội. Những sĩ quan “lập trường bấp bênh” đều bị giải ngũ. Người ta chối bỏ nguyên tắc mà từ thời vua Fréđêric-le-Grand đã áp dụng ngay trong lãnh vực quân sự là bảo đảm tự do của những nhân vật có trách nhiệm. Kết cuộc, người ta thấy một người như Heinrich Himmler đã trở thành Tư lệnh của một Binh đoàn. Kiến thức, khả năng quân sự, nhất là lương tri của một trách nhiệm tinh thần trước Thượng đế và Dân tộc Đức bắt đầu bị biến dạng.

Những cấp chỉ huy đã từng cố gắng biểu lộ nhân phẩm trong một quan niệm nhân bản cao cả, nay nói chẳng ai nghe. Những đức tính trong vùng hào quang của thời Ludwig Beck đã bị loại bỏ.

Những cấp chỉ huy thuộc mọi đẳng cấp, giống như trong quân đội các nước đương thời trước kia, chia ra làm ba nhóm:

- Những người quân nhân tận tụy, nhắm mắt vâng lời, tính tình dung dị, bạ cả tin.

- Những người lính đảng phái đầy tham vọng, xu thời.

- Những người lính có lương tri phụng sự tình yêu Tổ quốc.

Chúng ta sẽ phân tích ở đoạn dưới trạng thái tinh thần và kiến thức của ba nhóm nầy theo quan điểm xã hội và tâm lý. Ở đây, chúng ta chỉ nói qua về nhóm thứ ba.

Trước chiến tranh, một đám sĩ quan khá đông đảo, phần đông là ở Bộ Tổng tham mưu, đã không chấp nhận đường lối đối nội và đối ngoại của Adolf Hitler. Sau nhiều lần cúi mặt làm thinh trước những tội lỗi (thí dụ làm thinh trong vụ ám sát hai tướng Von Schleicher và Von Bredow ngày 30 tháng 6 năm 1934) họ đã có ý định can thiệp vào hồi năm 1938.

Nhưng khi hai tướng Nam tước Fritsch và Beck bị khai trừ, thì chẳng còn có gì để gọi là một sự phản đối: một ý chí tự giác, sức mạnh và khả năng. Đến cuối năm 1937 sang đầu năm 1938 dân chúng và Quân đội cũng đồng ý về những yêu sách mà Hitler đã đề ra, mà trong lãnh vực đối ngoại – những yêu sách ấy đã có thể giải quyết được trong tinh thần hòa bình. Thắng lợi hiển nhiên của Hitler tại Hội nghị Munich được tiếp nối bằng bản Hiệp ước giao hảo với Pháp ký ngày 6 tháng 12 năm 1938. Ít ai ngờ đến những sự phát triển bên trong cũng như bên ngoài của sự tham nhũng và lòng đạo đức giả, và có ý nghi ngờ Hitler không giữ lời hứa và muốn chiến tranh.

Trong thời gian chiến tranh, vấn đề trở nên khó khăn lạ lùng đối với các cấp chỉ huy quân sự. Trong đại đa số trường hợp, những người lính ngoài mặt trận đã chiến đấu dũng cảm; thật là bất công và vụng về khi muốn chối bỏ sự kính trọng đối với người lính Đức – sự kính trọng mà người lính ở các nước văn minh, ngay cả nước thù địch, luôn luôn được hưởng. Sự phê phán của lịch sử thường vượt qua những lời chê bai nhất thời của một kẻ địch đã bại trận. Chưa ai từng nghĩ rằng mình muốn lôi cổ những tên lính của những phe phái từng chém giết nhau trong chiến tranh tôn giáo hồi thế kỷ XVI và XVII ra xử trước tòa. Không ai kết tội các viên Thống chế và sĩ quan của Nã phá Luân – đúng ra là của nước Pháp – dù rằng bản thân Nã phá Luân đã bị coi như kẻ xâm lăng và bị ô danh một thời vì tội đó. Những cuộc hành hình tập thể do Quận công Albe chủ trương vào năm 1568 và tư cách của những xứ Bắc Mỹ sau cuộc chiến tranh Nam-Bắc chỉ là những trường hợp ngoại lệ.

Một thành phần sĩ quan vốn dĩ được đào tạo nhằm phục vụ một hình thức chế độ quân chủ, không hề nghĩ đến việc ngẩng đầu lên chỉ trích việc lãnh đạo Quốc gia, cũng như được chuẩn bị cho một ý tưởng theo đó một cuộc đảo chánh có thể trở nên cần thiết. Điều nầy tạo cho họ một sức mạnh, khi mà vị quân vương tự cảm thấy mình nhận trách nhiệm trước Thượng đế để nắm quyền chỉ huy Quân đội nhưng đó lại là một nhược điểm, từ ngày mà một kẻ vô thần nắm giữ vận mạng của quân lực Đức.

Từ năm 1920 trở đi, khối sĩ quan của Reighswehr (tổ chức Quốc phòng Đức từ 1919 tới 1935) đã được đặt một cách cố ý ngoài vòng chính trị: thái độ nầy đã biểu lộ trước những yêu sách của cơ cấu chính trị cũng như trước nhu cầu về an ninh của các nhân vật lãnh đạo. Nhưng sự né tránh chính trị nầy thường không đề cập tới sự phân biệt rõ ràng giữa chính trị đảng phái và chính trị thuần túy. Vì những kinh nghiệm cần thiết không thể tập họp được nên ta không thể rút ra ở đó một sự nhân xét xác đáng.

Dĩ nhiên, các cấp lãnh đạo tối cao trong thời kỳ chiến tranh không thể đi từ sự phục tùng đối với Thượng đế đến ý thức và sự phục tùng đối với những con người trần tục. Nhưng tình trạng mập mờ nầy ở Đức không phải chỉ có giới hạn. “Một sự từ khước phục tùng” và sự sửa soạn một cuộc đảo chánh đòi hỏi ở cấp lãnh đạo tối cao – và chỉ cấp lãnh đạo nầy thôi – một cái nhìn sâu rộng đặc biệt, một sự can đảm hiển nhiên.

Quyết định ấy đáng lẽ ra có thể thực hiện dễ dàng đối với những phần tử ưu tú trong giới lãnh đạo ấy, nếu họ đã không bị bó buộc phải đầu hàng vô điều kiện ở Casablanca: đó đúng là một sự trở ngại khó đo lường đứng về phương diện tâm lý đối với những kẻ cầm súng chiến đấu.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 2-8-2013 06:37 PM
- 4 -
NHẬN XÉT VỀ TÌNH HÌNH PHÍA TÂY TRƯỚC KHI CÓ CUỘC ĐỔ BỘ CỦA PHE ĐỒNG MINH.
VỀ PHÍA ĐỐI PHƯƠNG (Đồng Minh)

NGÀY 1 THÁNG 4 NĂM 1944, Ở OBERSALZBERG, Tham mưu trưởng Binh đoàn B, vừa mới được bổ nhiệm, tự thấy mình phải đặt câu hỏi tìm biết coi rốt cuộc Đồng minh tây phương có mưu định mở một cuộc xâm lược quy mô không. Tư lệnh Binh đoàn B, Thống chế Rommel cùng với Bộ tham mưu của ông chưa bao giờ ngờ rằng mình đang phải chờ đợi một cuộc đánh chiếm lớn lao có tính cách một cuộc tấn công quyết định về chung cuộc của chiến tranh.

Ở Anh, có chừng 75 tổ hợp quân sự có sức mạnh ngang với một sư đoàn. Theo ý kiến của Binh đoàn, thì trong số đó có 65 đơn vị gồm các sĩ quan và binh sĩ hiện dịch sau một thời gian huấn luyện kéo dài trong nhiều năm, có thể tham dự ngay một cuộc đổ bộ. Đó là từ 40 đến 45 sư đoàn Anh và từ 20 đến 25 sư đoàn Hoa Kỳ. Tất cả những đơn vị nầy đã được cơ giới hóa đầy đủ (sư đoàn thiết giáp). Ngoài ra, còn có thêm 7 sư đoàn không vận. Dưới quyền tổng chỉ huy của Đại tướng Hoa Kỳ Dwight D. Eisenhower, những lực lượng ấy gồm: Binh đoàn XII của tướng Omar N. Bradley, với đệ I lộ quân của tướng Courtney H. Hodges và đệ III lộ quân của tướng George S. Patton, và binh đoàn XXI Anh cát lợi của thống chế Sir Bernard L. Montgomery, với đệ I lộ quân Gia nã đại của tướng H. D. G. Crerar và đệ II lộ quân Anh cát lợi của tướng Miles C. Dempsey.

Nếu những nghi ngờ còn có thể tồn tại đối với khả năng của một cuộc đánh chiếm, thì sau những tin tức đưa về hồi tháng 3 năm 1941, những nghi ngờ ấy đã bị tiêu tan. Những đạo quân tinh nhuệ của Anh và của Mỹ (sư đoàn 1 và 7 thiết giáp, sư đoàn 1 không vận, sư đoàn 51 Bộ binh Anh, sư đoàn 1 và 9 Bộ binh Mỹ), một đạo quân đặc biệt về đổ bộ và phương tiện chuyên chở đầy đủ, đã được chuyển từ Địa Trung Hải và miền Nam nước Ý đến Anh Quốc.

Trung tâm của cuộc chiến được chuyển từ khu vực Địa Trung Hải về Anh Quốc. Ý đại lợi trở thành mặt trận phụ thuộc.

Vũ khí và đồ trang bị của các sư đoàn quân Đồng minh thật đáng chú ý, nó không thiếu một thứ gì thuộc loại kỹ thuật tối tân vừa mới sáng chế: những hải cảng nhân tạo giúp cho những đoàn quân đổ bộ khỏi bị lệ thuộc vào những Hải cảng thường trực đã được tổ chức từ trước. Những bãi đáp ghép bằng những tấm sắt cuộn lại được đã biến những cánh đồng cỏ thành sân bay chỉ trong vòng ít ngày. Một ống dẫn dầu chuyển vận đầy đủ nhiên liệu ra ngoài biển Manche (biển nằm giữa Anh và Pháp) để giải quyết vấn đề tiếp tế căn bản. Những bộ phận tiền chế của những cây cầu bằng sắt cho phép đoàn quân vượt các sông ngòi và chướng ngại một cách mau lẹ và chắc chắn.

Những chiến hạm của Hoa Kỳ và Hoàng gia Anh được tập trung tại các hải cảng và các vịnh thuộc quần đảo Anh. Sức chuyên chở của những tàu biển có thể chuyển vận được 20 sư đoàn một lượt. Nhờ sắp đặt những khoảng cách ngắn của các bến đỗ quân và việc phòng không hữu hiệu, người ta có thể tin cậy vào một sự hoạt động lanh lẹ của những chuyến tàu chạy tới chạy lui.

Không lực Đồng minh với 17.000 phi cơ ứng chiến, đủ sức mạnh thực hiện cùng một lúc một trận không tập nhằm vào hậu phương của Đức và trên lãnh thổ Đức, đồng thời phối hợp với một cuộc đổ bộ đại quy mô.

Ngoài ra Đồng minh còn có một màng lưới tình báo giăng sẵn trong thời bình, nay được tăng cường đúng mức và được giúp đỡ tại Pháp bởi phong trào kháng chiến Pháp. Phong trào này xuất hiện từ mùa đông năm 1943 – 1944, thực ra chỉ hoạt động được ở mạn Bắc sông Loire với vai trò yếu ớt. Cho tới mùa xuân năm 1944, họ chưa hề có được những hoạt động phá hoại nào với tầm mức rộng lớn.

Tất cả những triệu chứng của một cuộc đánh chiếm rộng lớn đã thấy hiện rõ sau sự tăng gia cường độ không tập vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 1944 và được Bộ tham mưu của Binh đoàn B ghi chép kỹ càng và theo dõi trên bản đồ chiến trận.

Những chuyến bay thám thính, những trận ném bom ‘du kích’, những cuộc tấn công bất thần của hải quân đối phương, công việc gài mìn, với thủy lôi, những hoạt động phá hoại của các phong trào kháng chiến: tất cả những triệu chứng này tập trung trong vùng giữa sông Somme và đường giao thông Saint-Malo-Orleans.

Tuy nhiên, một sự nhận xét chính xác về tiềm lực của đối phương thực ra rất khó khăn vì Binh đoàn nhận được những tài liệu cần thiết sau khi những tài liệu này đã được ‘tu chỉnh’ bởi nhiều giới chức thẩm quyền: Tư lệnh mặt trận Miền Tây, Bộ Tư lệnh tối cao của quân đội, Cơ quan đặc trách về quân đội ngoại quốc của mặt trận Miền Tây, Bộ chỉ huy tối cao của Ban hành quân Lục quân (Wehrmacht). Sự liên lạc trực tiếp giữa Binh đoàn và Cơ quan tình báo quân sự Abwehr – cơ quan có nhiệm vụ cung cấp cho bộ Tư lệnh tối cao của quân lực những tin tức về đối phương – bị ngăn cấm tuyệt đối theo một ‘ lệnh căn bản’ của tư lệnh mặt trận Miền Tây. Vì vậy Binh đoàn không có trong tay một chút dữ kiện nào về sự hoạt động của phong trào kháng chiến Pháp và sự liên kết giữa phong trào này với Đồng minh trong trường hợp xảy ra một cuộc đổ bộ; họ chỉ nhận được tin tức do một cấp khác chuyển tới. Bộ Tư lệnh Binh đoàn không có một sĩ quan chuyên môn nào của Abwehr trong Bộ tham mưu cả.

Những tài liệu trong lãnh vực chính trị cũng như quân sự phải đi tới theo đường quanh co. Thống chế Rommel không được chính thức biết rõ sự phát triển của các cuộc hành quân tại Ý và mặt trận Miền Đông. Ông ta chỉ có bổn phận và quyền được giữ sự ‘ liên lạc chặt chẽ’ hàng ngày. Sau hết, đường dây điện thoại và những phương tiện truyền tin khác chỉ được sử dụng với sự thận trọng tối đa.

Về sau này, sự thiếu sót tin tức đã cảm thấy rõ ràng khi giả thuyết về một cuộc đổ bộ thứ hai được đặt ra. Đồng thời, trong lĩnh vực kỹ thuật của nhiều loại khí giới, Binh đoàn cũng không được Bộ Tư Lệnh tối cao cho biết, hoặc về sự tiến bộ của loại hỏa tiễn V[1] mà người ta vẫn đang mong đợi, hoặc về sự hoàn thành loại bom hạch tâm, hoặc về những phương tiện trợ chiến mà Hải quân đã dùng, hay về những khu trục cơ phản lực.

Một khi những lực lượng của cuộc tiến quân ba mặt giáp công đã được chuẩn bị sẵn sàng ở Anh vào cuối tháng tư, thì điều quan trọng là làm sao đoán biết được thời gian khởi diễn của nó. Những hạn chế di chuyển tại các thành phố bên Anh, sự tham dự của lực lượng địa phương quân (Home Guard). Những lời phàn nàn chỉ trích phát xuất từ nền kinh tế Anh, và nhất là sự tăng gia cường độ không tập, cho thấy trước một chuyển động đột khởi của cuộc chiến. Nó chỉ còn chờ hoàn cảnh khí tượng. Theo luận cứ của Hải Quân chiến đấu, Tư lệnh Lục quân Đức ấn định ngày 18 tháng 5 như là ngày ‘chắc chắn có thể’ mở đầu cuộc đổ bộ. Nhưng rồi cái ngày được chú ý ấy qua đi không có chuyện gì đột biến nên Hải đoàn mặt trận miền Tây chỉ phải đón nhận cuộc tấn công vào tháng 8.

Về phần Thống chế Rommel thì hàng ngày ông chờ đợi cuộc đổ bộ khai diễn: bởi vậy ông chuẩn bị quân lính của ông; ông tận dụng thời gian một cách thích thú cho những sự chuẩn bị về chính trị, về chiến lược và sự kiện toàn lực lượng phòng bị của binh đoàn ông.

Ông đã nhiều lần đề nghị được mở một cuộc tấn công để thăm dò nơi tập trung lực lượng địch và để gây hỗn loạn cho hàng ngũ địch. Dự án nầy đáng lẽ phải được thực hiện nhờ những cuộc tấn công của tiềm thủy đĩnh nhắm vào các hải cảng địch và nhờ ở những thủy lôi tự động loại mới, nhưng đã bị Hitler ngăn cản, trong khi sự tổ chức những cuộc không tập vào vùng tập trung quân đội và khí cụ của địch nhờ ở loại hỏa tiễn V1 cũng thường xuyên bị trì hoãn.

Theo ý kiến của Thống chế Rommel hồi tháng 4 năm 1944 thì những vùng đổ bộ có thể là ở cửa sông Somme, sông Bresle, sông Arques và sông Seine với những bến như Abbeville, Le Havre, bờ biển Calvados và quân cảng Cherbourg thuộc bán đảo Colentin. Ông cho rằng một cuộc tấn công chớp nhoáng một hải cảng lớn lao là điều can hệ đối với mạng sống của đoàn quân tấn công. Nhưng ông không thể ngờ tới tầm quan trọng của một ‘hải cảng nhân tạo’, tỷ như các hải cảng được dựng lên bất thần để sử dụng trong hồi tháng 6 tại bờ biển Calvados.

Ưu thế về không quân của Đồng minh đã được công nhận trong mọi trường hợp.

Dầu vậy, hải quân vẫn từ chối không chấp nhận những khả năng của cuộc đổ bộ trong vùng cửa sông Seine và dọc theo vịnh Calvados. Người ta cho rằng cuộc đổ bộ của lực lượng địch dọc theo bờ biển này không thể nào có được vì có những lớp đá ngầm cản trở. Bởi vậy những công sự tăng cường phòng thủ phần này của vùng Normandie không có gì đáng chú ý lắm.

Khi những nguồn tin về địch quân xác nhận sự quan trọng của vùng biển Normandie, nơi sẽ xảy ra cuộc đổ bộ, thống chế Rommel, vào đầu tháng 5 đã yêu cầu được đặt dưới quyền sử dụng của ông Quân đoàn III phòng không hiện đóng rải rác tại miền Trung và miền Bắc nước Pháp: với 4 trung đoàn phòng không và hai mươi bốn đội cao xạ tối tân D.C.A., quân đoàn này có một hỏa lực đáng kể trong việc phòng thủ chống phi cơ và thiết giáp tại vùng đất giữa hai con sông Orne và Vire miền Normandie. Thống chế Goering, tư lệnh không quân, đã từ chối.

Cuối tháng 5, hải quân phái đến vùng cửa sông Vire một vài pháo hạm nhỏ, đấy là những chiếc tàu tuần duyên võ trang đại bác, thường không có khu vực trách nhiệm.

Trong khi Hitler trông mong một cuộc đổ bộ của địch quân trên phòng tuyến biển Manche (chỗ mũi Gris-Nez) thì thống chế Rommel, qua những cảm nghĩ của ông về địch tình hồi đầu tháng 5, lại không tin hẳn như vậy. Theo ông, mặc dù có sự tiếp cận của căn cứ phát xuất, địch quân sẽ không đưa đầu vào một chỗ mà sự phòng thủ của đối phương được coi là mạnh nhứt. Tại vùng biển Bretagne cũng vậy, bất chấp những điều kiện thuận lợi về bến đổ bộ, theo ý ông, khó có thể xảy ra cuộc đổ bộ, căn cứ vào khả năng hành quân yếu kém của đối phương sau đó dù cho cuộc đổ bộ có thành công phần nào đi nữa.

Giả thuyết của Bộ Tổng tư lệnh Quân lực, theo đó địch quân sẽ có thể đổ bộ bằng những lực lượng khá quan trọng dọc theo bờ biển Bỉ và cửa con sông Escaut, cũng chỉ được vị Tư lệnh Binh đoàn đón nhận một cách dè dặt. Những mưu toan như vậy của địch quân, ông cho rằng nó đối nghịch với lý lẽ của sự tập trung, tại các hải cảng phía Nam và trong vùng xứ Galles phía tây nước Anh, một khối lượng tàu chuyên chở quân đổ bộ. Đồng thời, tấm bảng theo dõi hoạt động của Không quân địch cũng trái ngược với cách nhận xét như vậy.

Theo ý kiến của Thống chế Rommel, thì nhiều cuộc đổ bộ từng đợt, đồng loạt hoặc liên tiếp, có thể xảy ra trong khu vực liên hệ có tính cách chiến lược; cũng còn phải kể tới khả năng của một kế hoạch 'điệu hổ ly sơn'. Dưới mắt ông thì vùng bờ biển giữa sông Somme và vịnh Saint-Malo sẽ là vùng bị nguy hiểm.

Ngoài khu vực mà Bộ tư lệnh Binh đoàn phòng bị, người ta còn báo tin rằng địch quân có ý định đánh chiếm hai bên bờ sông Gironde và vùng bờ biển Địa trung hải. Dầu vậy, người ta cũng gạt bỏ ý nghĩ về một cuộc đổ bộ tại vùng Bordeaux vì cho là không thể thực hiện được. Còn về cuộc đánh chiếm tại vùng bờ biển Địa trung hải với những cuộc hành quân tiếp nối trên hai bờ sông Rhône để làm lung lay phòng tuyến Đại tây dương, người ta đặt xuống hàng thứ yếu qua những nghiên cứu chiến lược.

Về sự diễn tiến tiếp sau những cuộc hành quân của Đồng minh, Rommel suy đoán như sau: Cuộc đổ bộ thực hiện xong dù ở Bắc hay Nam ngạn sông Seine (kèm theo cuộc hành quân khóa chặt vùng Bretagne), mục tiêu thứ nhất của địch là khu vực rộng lớn của Ba lê. Từ đó, tất cả những lực lượng tập họp lại, họ tấn công thẳng vào lãnh thổ Đức. Thống chế Rommel cho rằng cuộc đánh chiếm vùng địa bàn Ba lê có tính cách quyết định bởi những lý do chính trị, chiến lược và tâm lý.

Chú thích:

[1] Đọc "Cuộc săn tìm vũ khí bí mật của Hitler" - Bản dịch Người sông Kiên và Lê thị Duyên - Sông Kiên xuất bản

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 2-8-2013 06:46 PM
- 5 -
VẤN ĐỀ ĐIỀU BINH KHIỂN TƯỚNG VÀ LỰC LƯỢNG ĐỨC TẠI MẶT TRẬN MIỀN TÂY

HUẤN LỆNH CỦA HITLER

HUẤN LỆNH CỦA HITLER ĐỐI VỚI MẶT TRẬN Miền Tây gồm những điều như sau:

Một trận đánh quyết định tại vùng Tường thành Đại tây dương, nghĩa là trận đánh có tính cách phòng ngự dọc theo bờ biển, nơi được hình dung như một chiến tuyến chính và phải cố thủ với bất cứ giá nào. Mưu toan đánh chiếm của địch phải được bẻ gẫy trước và trong khi cuộc đổ bộ diễn ra; những lực lượng đã đổ bộ được sẽ bị tiêu diệt tại chỗ bằng một cuộc phản công thích ứng.

Tự do chiến lược bị ngăn cấm tại mặt trận Miền Tây. Huấn lệnh buộc phải giữ từng tấc đất. Cấm không được bàn tới những chiến lược trong đó phỏng đoán về những mưu toan mà địch có thể sẽ áp dụng sau cuộc đổ bộ thành công tại vùng nội địa Pháp.

Hitler gạt bỏ mọi sáng kiến của trí óc. Những kinh nghiệm tại các chiến trường khác đã chứng tỏ rằng người ta chỉ chối bỏ sự tự do chiến lược vì ở trong thế bại.

Tổng tư lệnh lực lượng Anh, sau cuộc thất bại trên lục địa Âu Châu, và sau vụ tháo chạy khỏi Dunkerque tháng 6 năm 1940, cũng đã tự mình nghiên cứu những kế hoạch rộng lớn nhằm đẩy lui những cuộc đổ bộ của Đức lên đất Anh. Những kế hoạch nầy phát sinh từ những huấn lệnh chiến lược của Winston Churchill.

SỰ PHỐI HỢP CHỈ HUY

Sự phối hợp chỉ huy tại mặt trận miền Tây không đáp ứng đúng những định luật về chiến lược mà cũng chẳng thỏa mãn những đòi hỏi của hoàn cảnh và của lý trí. Hitler tưởng có thể áp dụng đối với chiến tranh cái nguyên tắc cách mạng mà ông vẫn thường áp dụng đối với vấn đề phân cách quyền hành. Ông tự cho rằng đã vận dụng được sự tranh chấp giữa các lực lượng khác biệt để phục vụ cho quyền lợi của mình. Điều này không những chỉ kéo theo một tình trạng rối ren trong vấn đề chỉ huy mà nó còn đưa dẫn tới sự hỗn độn. Dưới quyền của Tư lệnh mặt trận Miền Tây (Thống chế Von Runstedt) có Binh đoàn B (Thống chế Rommel) trách nhiệm vùng Pays-Bas - cửa sông Loire, và binh đoàn G (Đại tướng Blaskowitz) trách nhiệm vùng cửa sông Loire – biên thùy Tây Ban Nha – Địa Trung Hải – dãy núi Alpes.

Tư lệnh Hải đoàn mặt trận Miền Tây (đô đốc Krancke) nhận lệnh trực tiếp của Tư lệnh Hải quân. Đệ tam không đoàn (Thống chế Sperrle) nhận lệnh của Thống chế Goering, tư lệnh Không quân. Những cuộc hành quân trên biển và trên không vì vậy không thể được điều khiển hoặc ra lệnh bởi Tư lệnh Binh đoàn B. Những vị tư lệnh nầy chỉ được thông báo hạn chế về các hoạt động của hai binh chủng kia và thường là rất trễ. Họ có thể đưa ra đề nghị mà không biết chắc chắn có được chấp thuận hay không.

Ngoài ra, Thống chế Rommel đã nhận huấn lệnh riêng của Fuhrer săn sóc việc tổ chức phòng thủ chiến tuyến Miền Tây, từ Đan Mạch tới vịnh Gascogne, đến dãy núi Pyrenees, qua vùng Địa Trung Hải tới chân dãy núi Alpes; thêm vào đó ông phải lo thống nhất tất cả những biện pháp phòng thủ. Nhưng ông lại không có quyền tư lệnh. Người ta chỉ cho phép ông báo cáo trực tiếp với Hitler hay với Bộ tư lệnh tối cao của Quân lực. Ông vẫn phải thi hành lệnh của Tư lệnh mặt trận Miền Tây.

Những vị chỉ huy quân sự tại Pháp (tướng bộ binh Karl Heinrich von Stulpnagel), tại Bỉ và miền Bắc nước Pháp (tướng bộ binh Alexander von Falkenhausen) tại vùng Pays-Bas (tướng không quân Christiansen), về phương diện quân sự, được đặt dưới quyền của Tư lệnh mặt trận Miền Tây, nhưng về phương diện quản trị và áp dụng chiến lược trong vùng, họ trực thuộc Tổng tư lệnh Quân Lực. Quyền cai trị trong vùng chiếm đóng, kể từ mùa Xuân 1942, được hành sự bởi những sĩ quan mật vụ cao cấp (S.S), những sĩ quan cảnh sát và an ninh: họ nhận lệnh từ Himmler những mệnh lệnh mà các cấp chỉ huy quân sự không hề hay biết. Bởi vậy, Tư lệnh mặt trận Miền Tây luôn luôn bị đặt trước những sự việc đã rồi, trong tất cả những vấn đề lưu đày và bắn giết - ấy là chỉ kể tới lãnh vực quan trọng này.

Ngoài ra, tư lệnh tối cao của SS và cảnh sát còn kiểm soát quân đội bằng những nhân viên an ninh.

Tình hình chính trị tại Pháp không được tốt đẹp lắm sau những chuyện bất hòa xảy ra giữa các giới chức của Đảng và những cấp chỉ huy của SS. Tòa đại sứ Đức tại Pháp do Abetz điều khiển, do đó đã thành nơi chống chọi nhau vì tình trạng hòa bình chưa có giữa Pháp và Đức. Tình trạng luật lệ của chế độ chiếm đóng được duy trì, bất chấp những vi phạm đầy dẫy. Abetz nhận chỉ thị của Tổng trưởng Ngoại Giao Ribbentrop và hợp tác với chính phủ Vichy. Nhưng ông ta khước từ mỗi khi Hitler và Himmler nhận xét ông là người đắc lực. Thống chế Pétain già nua cảm thấy bị lừa gạt bởi những giới chức chính trị và đã nhiều lần nói rõ điều này với bọn lính Đức.

Tổ chức Todt cũng vậy, cũng làm việc tùy theo cái mà người ta gọi là “những mệnh lệnh của Fuhrer”, theo chỉ thị của Tổng trưởng Quân trang và Quân giới, và còn theo những chỉ thị khác của Tư lệnh lục quân Đức. Cũng ở điểm nầy, Tư lệnh mặt trận miền Tây chỉ có thể góp ý kiến chứ không có quyền ra lệnh. Một bằng chứng hiển nhiên của sự hỗn tạp này xuất hiện trong sự khác biệt về cách trang bị các đồn lũy ở miền duyên hải và những hòn đảo trong biển Manche.

Chính Binh đoàn B với vùng trách nhiệm phòng thủ khoảng chừng 2.00 cây số cũng không được quyết định gì trong việc xây đắp các công sự phòng thủ. Binh đoàn cũng vẫn phải đắm mình vào mê lộ bất tận của các cơ quan Hành chánh. Tất cả những sự trình bày của Binh đoàn này vẫn ở trong tình trạng không có kết quả. Tổ chức Todt thuộc loại siêu tổ chức và siêu trang bị. Họ xây đắp đồn lũy thường là tùy hứng, không chú trọng tới những đòi hỏi khẩn thiết về quân sự. Tổng trưởng trang bị Speer đã cố gắng, nhưng quá trễ, kiểu chính tất cả các điều ấy.

Trong cuộc tháo lui từ đất Pháp, thường xảy ra tình trạng những cấp chỉ huy cao cấp SS và những bộ chỉ huy không quân không đếm xỉa gì đến hoàn cảnh quân sự, bỏ giáo cuốn cờ, rút vội đơn vị của mình đi, lấy cớ là cần thiết lập vị trí trong khu vực chống đỡ tiếp giáp nước Đức. Bấy giờ, người ta chứng kiến thấy một cuộc trốn chạy thực sự mà Bộ tư lệnh Binh đoàn đã tìm cách tránh không cho xảy ra trong khu vực trách nhiệm của mình với tất cả mọi sự hy sinh. Sự vô trật tự thảm hại này thường hay làm cản trở việc thi hành những huấn lệnh giờ chót của Bộ tư lệnh tối cao mặt trận miền Tây.

Thống chế Rommel, bằng vào các kinh nghiệm mà ông đã thu thập được trong vùng Địa Trung Hải, qua những thí dụ do Đồng minh cung cấp trong thời đệ I và đệ II thế chiến: Vị Tổng tư lệnh Hoa Kỳ, tướng Eisenhower, để tổ chức cuộc đổ bộ, đã nhận được quyền chỉ huy thật sự tất cả các lực lượng hải lục, không quân Anh – Mỹ. Bằng văn thư và bằng lời nói, Rommel yêu cầu được đặt dưới quyền ông, trong khu vực do ông chỉ huy, ba binh chủng Hải lục Không quân và tổ chức Todt, nhằm thực hiện sứ mạng một cuộc tử thủ.

Đề nghị nầy, dù được nhắc đi nhắc lại đôi ba lần, vẫn bị từ chối phũ phàng. Hitler chủ trương lối chỉ huy bập bềnh ấy: ông ta không muốn để cho quyền hành rộng lớn rơi vào tay mộtngười, nhất là rơi vào taycủa Rommel. Quyền lợi quốc gia đã bị hy sinh cho sự ngờ vực của Bộ tư lệnh tối cao.

Đúng là vì cái duyên cớ chia để trị ấy mà mặt trận Miền Tây mất tính chất thuần nhất của nó và bị rơi vào tình trạng hỗn loạn vô chính phủ.

THỐNG CHẾ ROMMEL VÀ BỘ THAM MƯU BINH ĐOÀN B

Bộ tư lệnh của Binh đoàn B đóng sát chiến tuyến trong lâu đài La Roche-Guyon, ở mé tây Ile-de-France, trên khúc lượn rộng lớn của sông Seine, vòng lên mạn Bắc, giữa Mantes và Vernon, cách Ba Lê 60 cây số về phía hạ lưu. Lâu đài của dòng quận công La Rochefoucauld là một dinh thự vương giả ở vùng Normandie, đã có từ năm 1.000 ; hậu diện quay ra phía những mỏm núi đá. Những di tích của lầu thành ngày xưa, với tòa vọng lâu đứng xa nhìn rõ, vây quanh ngọn đồi một cách hùng vĩ. Chỉ riêng có bộ tham mưu hành quân gọn nhẹ là đóng trong lâu đài, vì Thống chế vẫn để cho gia đình quận công ở lại, không bắt di cư. Trong gian phòng “Salle des Gardes” người ta có thể nhìn thấy chân dung vị quận công danh tiếng La Rochefoucauld, vị thống chế và là tác giả tập Cách Ngôn, một tác phẩm mà ảnh hưởng chẳng có liên quan gì tới chỗ này. Quận công La Rochefoucauld-Liancourt, một nhà từ thiện và lỗi lạc về chính trị, cũng đã ra đời trong lâu đài này.

Thống chế ở một căn nhà nhỏ vuông vức có sân thượng trồng đầy hoa hồng. Phòng làm việc của ông trang hoàng công phu theo một kiểu cách rất đẹp, với những đồ thủ công hoa mỹ thuộc loại Gobelins, và một chiếc bàn viết thời trung cổ, khảm xà cừ - chiếc bàn mà hồi năm 1685, Tể tướng Louvois đã ký chỉ dụ bãi bỏ sắc luật Edit-de-Nantes liên quan tới những hoạt động của Cơ đốc giáo: gian phòng làm cho người ta cảm thấy rõ nền văn hóa cổ thời của nước Pháp. Khi cuộc đổ bộ của phe Đồng Minh đã mở màn, và khi những cuộc oanh tạc của đối phương ngày một gia tăng, Rommel đồng ý cho Quận công được mang đi chôn giấu những đồ cổ, dưới những tảng đá trong ngôi nhà thờ. Những đồ cổ này về sau còn nguyên vẹn và vẫn còn y nguyên chỗ đó.

Bộ tham mưu của Binh đoàn chỉ vỏn vẹn là một ban tham mưu gọn nhẹ đảm trách công việc. Nó gồm có Trung tướng tham mưu trưởng Hans Speidel, Đại tá von Tempelhoff, phòng hành quân “IA”, đại tá Staubwasser, phòng tình báo “IC”, Đại tá Freyberg, phòng đầu vụ và tư lệnh các binh chủng: Đại tá Lattmann (pháo binh), Trung tướng Meise (công binh), Trung tướng Gehrke (truyền tin), Phó đề đốc Friedriech Ruge, sĩ quan Hải quân biệt phái. Ngoài ra, ban tham mưu này còn có một sĩ quan của Bộ tham mưu Không quân, một vài sĩ quan tùy viên và một phóng viên chiến trường. Bộ phận Tổng hành Dinh – một bộ phận không có quyền hành gì – đã bị giải tán trước khi cuộc đổ bộ mở màn. Họ được giao cho tham mưu trưởng đặc trách về nước Pháp để nơi đây sử dụng tùy nghi. Riêng về sĩ quan giám sát của Đảng Quốc Xã, binh đoàn đã sái lệnh, không cho họ ở trong bộ tham mưu. Sự kiện này, về sau, tham mưu trưởng Binh đoàn bị khiển trách trong các cuộc điều tra của Gestapo. Tháng 8 năm 1944, khi nắm quyền chỉ huy, Thống chế Model liền thiết lập ngay trong bộ tham mưu cơ quan giám sát chính trị này, một cơ quan có quyền báo cáo trực tiếp về cho Himmler và Bormann.

Trong nội tình Bộ tham mưu, công việc tỏ rõ dấu hiệu của một sự ăn ý hoàn toàn và sự tế nhị của từng cá nhân; nơi đây có được cái cảnh “trong ấm ngoài êm” và trạng thái thăng bằng hoàn hảo về tinh thần. Những cộng sự viên tận dụng được mọi khả năng sáng kiến. Trong những tuần lễ “bình yên” trước khi có cuộc đánh chiếm của quân Đồng Minh, Thống chế làm việc thật hăng say, vất vả. Gần như ngày nào ông cũng đi tới các đơn vị, không cần có đoàn hộ tống hùng hậu mà thường thường chỉ đi với viên sĩ quan tùy viên duy nhất là đại úy Laing, hoặc với phó đề đốc Ruge; ông phó đề đốc nầy là con người hào hiệp, trí thức nên được Thống chế tín nhiệm đặc biệt. Buổi sáng, Thống chế ra đi từ lúc 5,6 giờ, sau khi ăn sáng với viên tham mưu trưởng và hỏi han ông này những điều quan trọng nhất. Nghỉ ngơi một lúc buổi trưa tại một tiền đồn, rồi ông đi cho tới chiều. Khi ông về thì những cuộc thảo luận lại bắt đầu cho tới bữa ăn tối, bữa ăn đơn giản như của một nhân viên thứ cấp. Thống chế ngồi ăn chung với những cộng sự viên thân tín của ông, thường thường khoảng chừng mươi người, và thêm vào đó có một số khách được mời dự. Ông rất điều độ, uống rượu ít và không bao giờ hút thuốc. Ngồi vào bàn ăn, ông nói đủ thứ chuyện. Sau bữa ăn, ông cùng với viên tham mưu trưởng và Phó đề đốc đi dạo trong khu vườn xinh đẹp và gợi cảm của tòa lâu đài. Ông thích đứng dưới hai cây bách hương ngắm cảnh yên tĩnh của vùng thung lũng sông Seine và khung trời phía tây. Sau những cuộc thảo luận tiếp nữa, ông đi ngủ rất sớm.

Trong khi đi thăm tiền đồn, ông giải thích tình hình và dự án hoạt động cho sĩ quan và binh lính nghe. Ông khéo léo giữ một thái độ vừa phải, không khen nhiều, không chê quá… Ông nhấn mạnh tới sự quan trọng đặc biệt về tác phong của quân lính đối với dân chúng. Ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần những điều luật về nhân đạo phải được áp dụng trong thời chiến cũng như thời bình. Ông chú ý tới sự tôn trọng đúng mức quyền sống của con người; ông gây một tinh thần hào hiệp, một tinh thần đang bị thiếu sót trong thời đại của chúng ta và đã bị coi như yếu đuối theo tâm lý của Hitler[1].

SỰ PHÂN PHỐI CÁC LỰC LƯỢNG CỦA ĐỨC TRONG MÙA XUÂN 1944

Lục quân

Tháng 4 năm 1944, dưới quyền của Thống chế Rommel, Tư lệnh Binh đoàn B có hai lộ quân với tám Bộ tổng chỉ huy, 24 sư đoàn bộ binh, 5 sư đoàn không quân. Những lực lượng này được phân phối như sau:

Tư lệnh vùng Pays-Bas với một bộ tổng chỉ huy (bí số: EXXXVIII), hai sư đoàn bộ binh (347, 709) và một sư đoàn không quân (sư đoàn 16).

Tư lệnh vùng nầy là tướng không quân Christiansen; quân sĩ gọi ông là “ Krischan”. Trong Đệ I thế chiến, ông là người được chú ý trong bộ chỉ huy của một hộ tống hạm và đã được khen thưởng; sau ông chuyển sang ngành không lực Hải quân. Từ năm 1933, ông được thăng chức Đại tướng hiện dịch và được bổ nhiệm nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong binh chủng Không quân. Ông là một nhà hàng hải đầy chân tình, một mẫu người tốt, nhưng kinh nghiệm, học vấn và kiến thức chưa đạt tới tầm vóc của cấp tư lệnh lộ quân; riêng về chiến lược bộ chiến ông không lý hội được gì cả. Sự thăng bổ ông lên hàng tư lệnh lại càng dị thường; không cần quan tâm tới những nhu cầu tối yếu về quân sự, Thống chế Goering chỉ muốn đặt một người phụ tá đầy đủ tín nhiệm vào một chức vụ trọng yếu. Tham mưu trưởng của Christiansen xuất thân từ ngành kỵ binh và từ bộ tổng tham mưu; đó là Trung tướng von Wuhlisch, ông cố gắng bù đắp những nhược điểm của Christiansen. Ông nầy đã để cho ông phát huy rộng rãi mọi sáng kiến của mình.

Lộ quân thứ XV có bốn bộ tổng chỉ huy (LXXXIX, LXXXII, LXVII, LXXXI) sáu sư đoàn bộ binh (sư đoàn 70 gồm những binh lính đau bao tử, nhưng điều đó không cản trở họ chiến đấu dũng mãnh, sư đoàn 47, 49, 344, 348 và 711) hai sư đoàn không quân (sư đoàn 17 và 18) dàn ở tuyến đầu. Tám sư đoàn bộ binh (sư đoàn 64, 712, 182 –trừ bị, 326, 331, 83, 89, 346) và một sư đoàn không quân (sư đoàn 19) dàn ở hậu tuyến.

Tư lệnh Lộ quân thứ XV đại tướng Von Salmuth, là một người giàu kinh nghiệm về chiến thuật, chiến lược trong thời bình cũng như trong thời chiến. Ông từng là Tham mưu trưởng của Thống chế Von Bock tại chiến trường miền Tây năm 1940 và năm 1941, tại chiến trường Miền Đông, ông đã điều động quân đoàn thứ XXX đến tận vùng bán đảo Crimee; trong mùa đông sôi động năm 1942 -1943, ông chỉ huy Lộ quân thứ II gần Kursk. Chính ở đấy ông đã bị cắt chức tư lệnh vì tinh thần ‘đoàn thể’ của ông bị ngờ vực, điều gia dĩ rất là bất công. Là một kẻ chống đối chế độ Quốc xã, ông cảm thấy trước được ngày thảm bại của chế độ.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 2-8-2013 06:48 PM
- 5 -
(tiếp theo)

Lộ quân thứ VII, với ba bộ tổng chỉ huy (LXXXIV, LXXIV, XXL) về sau nầy có đệ nhị Lữ đoàn dù, 7 sư đoàn bộ binh (sư đoàn 716, 352, 243 – không được đầy đủ, sư đoàn 319- trên những hòn đảo ngoài biển Manche, sư đoàn 266, 343, 265) dàn trên tuyến đầu, và hai sư đoàn bộ binh (84 và 353) một sư đoàn không vận (sư đoàn 91) và sau đó có hai sư đoàn dù dàn ở hậu tuyến.

Tư lệnh lộ quân là Đại tướng Dollmann, xuất thân từ ngành pháo binh. Ông am hiểu tường tận về tham mưu và chỉ huy; nhưng về chiến trường, ông chỉ mới có kinh nghiệm trong trận vượt sông Rhine thượng, một trận đánh kể ra không phải là trận sinh tử trên chiến trường Miền Tây, năm 1940. Sức khoẻ của ông khá yếu kém.

Những phương thức của Hitler đã làm đau đớn sâu xa lương tri của một con người và lương tri một người quân nhân nơi ông. Ông chết ngày 29 tháng 6 năm 1944 tại Bộ chỉ huy vì chứng bệnh tắc mạch máu. Trước đó ít ngày, Hitler đã quyết định thay thế tướng Dollmann nhưng Rommel không đồng ý.

Về phần lực lượng thiết giáp, tại vùng trách nhiệm của Binh đoàn, có ‘tướng thiết giáp mặt trận Miền Tây’, với một bộ tổng chỉ huy (lữ đoàn 1 thiết giáp SS) và 5 sư đoàn xe bọc sắt (sư đoàn 1 SS, 12 SS, 2, 21, 116).

Ở Pháp, về phía nam sông Loire, có lữ đoàn thiết giáp hạm LXIII với sư đoàn 9 và 11, cùng sư đoàn 2 và 17 thiết giáp hạm SS, những đơn vị nầy đang nằm dưỡng quân hoặc đang trong tình trạng tổ chức lại.

Tướng ‘thiết giáp mặt trận Miền Tây’, đại tướng bá tước Geyr von Schweppenburg, đóng ở Ba Lê; ông có một bộ tham mưu điều nghiên mà theo sự dự liệu sẽ trở thành bộ tham mưu hành quân. Đối với tất cả những vấn đề huấn luyện và tổ chức, ông tùy thuộc Đại tướng Guderian, tổng thanh tra lực lượng thiết giáp; về hành quân, trước hết, ông lệ thuộc vào Tổng tư lệnh mặt trận Miền Tây.

Đại tướng bá tước Geyr von Schweppenburg là một người vượt trên khỏi mức bình thưòng; ông xuất sắc trong lãnh vực quân sự cũng như chính trị, và theo tư cách lý thuyết gia ông có nhiều kinh nghiệm về chiến tranh cơ giới. Hồi trước đây, với tư cách là tùy viên quân sự tại Luân Đôn, ông đã không ngần ngại và kiêng nể gì khi báo động sự tách riêng ngày càng gia tăng của nước Đức. Cũng bởi những lời khuyến cáo ấy mà ông đã bị triệu hồi.

Chiều dài của phòng tuyến Đại tây dương ước độ 4000 cây số, chứa đựng 60 sư đoàn bộ binh trấn nhậm. Những sư đoàn này gồm nhiều thành phần già cỗi; những bộ tham mưu từng trải chiến trận rất yếu. Sự huấn luyện thường được giao cho các cấp chỉ huy đủ mọi cấp bậc, phần đông là lớn tuổi, nên không thích hợp với sứ mạng của họ. Về phương diện vật chất, những sư đoàn này trang bị rất yếu kém không khác gì thời Đệ I Thế chiến. Được phú dữ (trang bị?) một kỵ binh chẳng lấy gì làm đông đảo, họ hầu như nằm im bất động; chính họ đã phải cố gắng để có thể tự mình lo việc tiếp liệu. Những đơn vị này không thể nào có được tầm vóc ngang với kẻ địch của họ, một kẻ địch xuất hiện bất thần, cơ giới hóa, lẹ làng trong giả thuyết khi những cuộc đụng độ diễn ra dưới hình thức chiến tranh di động. Rommel đã nhiều lần lưu ý Bộ Tổng Tư lệnh Lục quân về các sự thiếu sót này; ngay cả khi trước mặt Hitler, ông cũng không ngần ngại biểu lộ rằng những sư đoàn ấy là những sư đoàn vô dụng trong một cuộc chiến tranh tân kỳ. Tất cả những lời trình bày của ông đều bị gạt ra một bên. Hitler cổ võ một chiến thuật đưa đến cho người lính sự tự sát sau những công sự phòng thủ của họ; họ không cần phải di động.

Những đơn vị thiết giáp chưa được tổ chức lại hoàn bị và sự huấn luyện vẫn còn dở dang. Thiếu cấp chỉ huy và thiếu khí cụ. Dầu vậy khả năng chiến đấu của các sư đoàn thiết giáp cũng vượt trên khả năng chiến đấu của các sư đoàn bộ binh đóng trong vùng. Tuy nhiên, nó chỉ tiến bộ được chừng 30 phần trăm so với khả năng chiến đấu của những đơn vị thiết giáp hồi năm 1940 - 1941. Trước hết sự huấn luyện của nó thiếu sót ở vấn đề thích ứng với loại vũ khí của không quân, một sự thiếu sót đã nhiều lần kêu ca. Trái lại, ở về phía địch quân, loại vũ khí của không quân lại rất được phát triển.

Bộ tư lệnh không quân cũng tỏ ra không am tường gì mấy những đòi hỏi này. Vốn dĩ đã thiếu sự thống nhất chỉ huy nên người ta không thể tổ chức những sự diễn tập phối hợp giữa cấp chỉ huy và binh sĩ, giữa bộ binh và không quân, đặc biệt là trong lãnh vực truyền tin.

Hải quân

Hải quân đã phải chịu đựng trong suốt cuộc chiến một tình trạng bi đát, lúng túng: tình trạng muốn thực hiện ý định mà không thể thực hiện được. Do nơi sức mạnh và vị trí chiến lược, Hải quân chỉ có thể là một lực lượng phụ thuộc. Chiến trường càng mở rộng, nó càng phải làm tròn những sứ mạng mới, những sứ mạng vượt khỏi huấn thị lúc đầu của Hitler, hạn định trong vùng lục địa.

Khi Đô đốc Reader bị cất chức, mặc dù ông đã cố ý không dính dáng gì đến chính trị, thì bên cạnh Hitler thiếu hẳn sự thăng bằng về quyền năng. Thực vậy, Hải quân chiến đấu là một binh chủng đã từ chối không theo những nhận thức về chính trị của Bộ tư lệnh tối cao một cách mạnh mẽ hơn cả Lục quân nữa. Tình trạng này xuất hiện cùng với sự bổ nhiệm Thủy sư Đô đốc Doenitz kế vị Đô đốc Reader; vả chăng nó trái ngược với ý muốn và lời khuyên của Đô đốc Reader. Nếu ở vào một vài khía cạnh nào đó, ngành Hải quân đã bị đánh giá quá cao thì cái lý do sâu sắc là, từ sau khi Blomberg ra đi, không còn có sự phối hợp thực sự trong vấn đề chỉ huy của quân lực, và không một giới chức thẩm quyền nào có thể định nghĩa rõ ràng được sứ mạng của ba binh chủng. Sự thiếu thống nhất trong cách điều nghiên những vấn đề chiến lược tổng quát cũng đã cho thấy nó khá nguy hiểm. Cũng như binh chủng Không quân, Hải quân an phận thủ thường và không mấy khi tỏ lộ sự hiểu biết cần thiết của họ đối với những đòi hỏi về một chiến lược thống nhất. Sau này dù họ tiến gần tới Đảng Quốc xã thì cũng chỉ để giữ gìn các đặc quyền của họ, mặc dù một số đông sĩ quan Hải quân đã tỏ ra thật sự là những người bạn tốt trong những sự giao thiệp trực tiếp với Quân đội.

Tư lệnh Hải đoàn mặt trận Miền Tây, Đề đốc Krancke (có phó Đề đốc Hoffmann làm tham mưu trưởng) tỏ ra bảo thủ tính chất độc lập của mình, sau những huấn lệnh của Đô đốc Doenitz, ông không có thể tự giải quyết được một cuộc tiếp viện rộng lớn khi biến cố xảy đến. Trong khi những đơn vị hải quân đóng tại Ba Lê - ước độ 5000 người – đáng lẽ ra phải được đưa đến tiền tuyến đang bị nguy, thì Hải đoàn lại đề nghị, vào buổi chiều ngày 20 tháng bảy 1944[2], dùng họ vào công cuộc giải thoát sở an ninh (S.D) đã bị vị tư lệnh quân sự ở Pháp bắt giữ: thực tế đó là đưa họ chống lại Quân đội.

Hải đoàn mặt trận Miền Tây gồm vài chiếc diệt lôi hạm, khoảng từ 10 tới 15 ngư lôi đỉnh, vài tiểu đỉnh tuần thám có tốc độ nhanh, một số tàu vét mìn, tuần dương hạm, tàu chở dầu và tàu Hải quân công xưởng. Trong trường hợp xảy ra cuộc đánh chiếm Âu châu, 40 tiềm thủy đỉnh đang túc trực tại bờ biển Đại tây dương phải tham dự ngay vào cuộc chiến. Nhưng chỉ có 6 đơn vị đã rời bến, và trước ưu thế quá lớn lao của Hải quân và không quân địch nên những đơn vị này không thu đạt được kết quả nào.

Hiệu suất của tàu ngầm không đủ bù đắp cho sự thiệt hại mà loại «vũ khí» này đã phải gánh chịu.

Đã từ lâu, không có màng lưới trinh sát nào của Hải quân và Không quân ngoài biển khơi.

Căn cứ vào những biến cố, chúng ta có thể hiểu ngay rằng tại sao buổi chiều ngày 14 tháng 6 năm 1944, 38 tàu trên mặt biển – trong số đó có 4 ngư lôi đỉnh – đã bị đánh chìm tại bến đậu và trong vùng trú ẩn của tàu ngầm tại hải cảng Le Havre trong trận không tập của địch. Hầu hết những ngư lôi đỉnh và tuần dương hạm đã bị loại ra ngoài vòng chiến. Cuộc tấn công của các phi đội địch đã được thực hiện ở một cao độ rất thấp và không có gì chống lại được công tác phá hoại của họ.

Ngày 29 tháng 6, nếu căn cứ vào những tài liệu của Đô đốc Doenitz tại Obersalzberg, người ta thấy Hải đoàn của Đức tại mặt trận Miền Tây còn được một ngư lôi đỉnh, 12 tuần dương hạm, 8 tiềm thủy đỉnh trong đó có chiếc Schnorchel, một chiếc tàu mới mẻ làm nhiệm vụ an ninh, lo phá những luồng radar dò xét của địch. Mặt khác, một số đông ban chỉ huy Hải quân, không còn tương xứng với quân số cũng như với những sứ mạng thật sự của các lực lượng hải chiến đã chỉ có thể, trước sự bị phá hủy gần như toàn bộ của hệ thống truyền tin, làm tăng thêm sự hỗn loạn. Thí dụ của tình trạng là vấn đề đặt hướng bắn cho pháo đội phòng duyên. Hải quân đã đòi hỏi nắm quyền điều hướng trận chiến bằng đại pháo bao lâu kẻ địch còn ở trên mặt nước. Đến lúc cuộc đổ bộ xảy ra thì chính Lục quân lại phải đảm đương tất cả công việc điều hướng pháo binh. Ngay từ trong giai đoạn chuẩn bị, những cách bố trí này cũng đã đưa tới sự bất đồng ý kiến về nguyên tắc kỹ thuật giữa pháo binh của Hải quân và đại pháo của Lục quân (sự chọn lựa vị trí gióng súng, các đài quan sát, tiếp tế đạn dược).

Binh đoàn B đã nhiều lần muốn thay đổi những cách bố trí này, nhưng ý kiến của Thống chế Rommel luôn luôn bị Hitler gạt bỏ. Còn đối với tầm tác xạ hữu hiệu của pháo đội trên chiến hạm của địch nhắm vào nội địa thì bộ chỉ huy Hải đoàn mặt trận Miền Tây đã trích toán theo tưởng tượng. Họ đã tưởng rằng tầm tác xạ ấy chỉ có thể vào sâu chừng 15 cây số ở những nơi bờ biển bằng phẳng; thực ra nó đã đạt tới mức từ 35 đến 40 cây số. Những ai đã từng chiến đấu ở vùng bờ biển Caen chắc hẳn am tường chuyện đó.

Không quân

Vấn đề tham chiến và khả năng hoạt động của Không quân tại mặt trận Miền Tây cũng như trên không phận của chính nước Đức đã thực sự trở nên nóng bỏng. Nhưng không làm sao nhận được của Bộ Tư lệnh tối cao Không quân những chỉ dẫn cụ thể về sứ mạng, về quân số và khả năng của họ, Thống chế Hermann Goering tránh mọi sự tuyên bố và chỉ đưa ra những câu trả lời mơ hồ. Trong những tháng dầu sôi lửa bỏng, ông không lúc nào dám đưa ra cảm tưởng của cá nhân ông và ông chỉ cố gắng hành sử quyền tư lệnh từ lâu đài Karinhall của ông hoặc từ Đông Phổ. Người ta không làm sao có được những lời giải thích khách quan, vả lại dường như chính Goering cũng không nắm vững được tình trạng thật sự của binh chủng Không quân của ông.

Phi đội thứ III – tư lệnh: thống chế Sperrle (với tham mưu trưởng là trung tướng Koller và kế đó là tướng Plocher) - nằm dưới quyền điều khiển trực tiếp của Thống chế Goering. Tổng tư lệnh Lục quân Đức chỉ có quyền nhưng rất hạn chế trong phạm vi đường hướng. Thống chế Sperrle, tư lệnh phi đội thứ III, là một con người tràn đầy sinh lực nhưng khi ông hiểu rõ được sự tổ chức không tốt đẹp ấy, thì sự hiếu động nơi ông lại biến thành cáu giận và mỉa mai. Ông luôn luôn cố gắng hợp tác trong tinh thần thân thiện với mọi cơ cấu bạn cũng như ông đã đồng ý kiến với các quan niệm chính trị của Rommel. Ông bị Hitler cất chức ngày 18 tháng 8 và đã đóng vai trò «con vật hy sinh» thế cho Goering.

Nếu theo những tài liệu thu lượm được của Phi đội thứ III trong phạm vi trách nhiệm thì từ hồi đầu tháng 6, trên toàn khắp trận tuyến Miền Tây, không lực Đức chỉ còn có 90 oanh tạc cơ và 70 khu trục cơ sẵn sàng ứng chiến trong số khoảng chừng 500 máy bay. Vì không lực địch quá trội nên những oanh tạc cơ và khu trục cơ này không làm nên trò trống gì. Ngày 1 tháng 4 năm 1944, Hitler đã hứa chắc với Tham mưu trưởng Binh đoàn B là sẽ cấp cho ngay trong đợt đầu, 1000 khu trục cơ phản lực: người ta chẳng bao giờ được nhìn thấy những khu trực cơ ấy.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 2-8-2013 06:49 PM
- 5 -
(tiếp theo)

Về phía địch, ngày 6 tháng 6, họ tung ra 25.000 phi vụ để yểm trợ cho cuộc đổ bộ.

Không lực của Anh và của Mỹ, kể từ mùa Xuân 1944, đã làm bá chủ vòm trời và làm tê liệt tất cả mọi hoạt động của không quân Đức. Những máy bay của chúng tôi không thể đảm trách được công cuộc dò thám đầy đủ tin tức, cung cấp những không ảnh về lãnh thổ Anh, và trước hết là những tin tức về các lực lượng trú đóng tại các hải cảng địch, hoặc đang di chuyển trên Đại tây dương – tuy rất gần phòng tuyến. Chúng tôi không bố trí nổi những lực lượng không quân khả dĩ đẩy lui được những cuộc tấn công liên tiếp của máy bay địch, hoặc thực hiện một hệ thống ánh sáng phòng không, dù là tạm thời, bằng phương thức tập trung ánh sáng của căn cứ. Những oanh tạc chiến đấu cơ địch kiểu tối tân nhất với đoàn phi công tài ba, đã lần lần ngăn cấm mọi sự vận chuyển ban ngày của chúng tôi và gây ra cho chúng tôi những sự thiệt hại nặng nề. Những đoàn máy bay oanh tạc phá hủy những yếu điểm của hệ thống thiết lộ và đường bộ, những công trình mỹ (kỹ?) thuật thuộc đủ mọi loại, đến mức đã làm cho vấn đề tiếp tế trở nên thực sự tuyệt vọng trong trường hợp xảy ra cuộc đánh chiếm. Những vụ phá hoại đường xe lửa phía Tây phòng tuyến Bruxelles – Paris – Orléans đã làm cho việc tiếp tế thường xuyên bằng xe lửa không thể thực hiện được nữa kể từ trung tuần tháng 5. Việc xử dụng xa lộ trong vấn đề tiếp tế cũng bị bế tắc vì thiếu xe vận tải và nhiên liệu. Sự thiếu tiếp viện đã là nguyên nhân chính cho sự thất bại xảy ra từ mặt trận Phi châu năm 1912, trong cuộc hành quân ở Miền Đông cùng năm ấy và sau đó là trong cuộc chiến tranh di động tại Miền Tây. Tất cả những cây cầu trên sông Seine ở về phía dưới thành phố Ba Lê và những cây cầu bắc qua sông Loire ở về phía dưới thành phố Orléans đều bị những cuộc không tập phá hủy trước ngày 6 tháng 5 năm 1944. Cầu nổi không được thiết lập, bất chấp những ý kiến nhắc đi nhắc lại về chuyện đó; vật liệu để dựng những cây cầu tạm thời không có đủ số lượng cần thiết.

Không quân chiến lược địch liên tiếp thực hiện những cuộc tấn công trên lãnh thổ Đức và trên những vùng đất do Đức chiếm đóng.

Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận rằng một số phi công Đức vẫn hoạt động trên không, bất chấp ưu thế khủng khiếp của địch và thường là không còn hy vọng đáp xuống khi sân bay bị bom của Đồng Minh triệt hạ.

Thống chế Rommel không ngừng báo cáo bằnglời và bằng văn thư về Hitler ngay cả trước khi xảy ra cuộc đánh chiếm, để nhấn mạnh tới tư cách quan trọng của cuộc chiến đấu phối hợp ba binh chủng, và để làm nổi bật lên, như một yếu tố căn bản, sự yếu kém của không quân Đức. Ông dựa trên sự so sánh rút ra từ những kinh nghiệm của những cuộc hành quân và tiếp tế tại Phi Châu. Ông diễn đạt ý kiến với Hitler như sau:«Tới năm thứ năm của cuộc chiến. Bộ tư lệnh tối cao dĩ nhiên phải hiểu được rằng không quân phối hợp với lục quân sẽ tạo được một ảnh hưởng có tính cách quyết định, không chỉ ở trong những trận đánh mà trong cuộc chiến toàn diện.» Tất cả những lời thỉnh cầu, những lời báo động của ông không tạo nổi một tiếng vang nào. Hitler đã đưa ra những lời hứa hẹn về các loại vũ khí mới và về sự tham chiến của hàng ngàn khu trục cơ phản lực, để Rommel khỏi phải đề nghị hoặc trình bày gì nữa.

Thống chế Rommel không yên tâm về viễn tượng dựa vào loại “vũ khí thần sầu quỹ khốc.”[3]. Đã nhiều lần ông yêu cầu Tổng trưởng Speer cho biết về tình trạng của những phát minh ấy và sự tiến bộ của chúng cũng như về cái lúc nó bắt đầu hoạt động được.

Ông được trả lời là còn có một khoảng cách rộng giữa sự sưu tầm của khoa học và kỹ thuật, chế tạo loại bom nguyên tử. Thực ra, giáo sư tiến sĩ Otto Hahn đã sáng tạo ra được những phương pháp khoa học, nhưng về phần thực hiện người ta còn thiếu tiềm lực mạnh mẽ mà Hoa Kỳ sẵn có. Trong khi Đức đang thực hiện những cuộc thí nghiệm đầu tiên vào mùa Xuân năm 1943, thì cơ sở chế tạo và tồn trữ “nước nặng” (eaulourde: một loại nước kỹ nghệ) ở Thụy Điển lại bị các toán biệt kích cảm tử Anh và Thụy Điển phá huỷ; khi cơ sở này hoạt động trở lại được, vào tháng mười 1943 thì nó lại bị một cuộc dội bom san bằng. Giáo sư tiến sĩ Werner de Heisenber Goellilngen tuyên bố: “Người ta luôn luôn hỏi chúng ta, ngay cả ở bên Anh và bên Mỹ, là tại sao trong lúc ấy, Đức không toan tính chế tạo bom nguyên tử. Câu trả lời giản dị nhất đối với vấn đề đó là: Vì công việc ấy không còn có thể thành công được nữa trong khi chiến tranh đang diễn ra.”

Qua lời tuyên bố này, chúng ta cũng có thể chú ý đến sự thiếu ưu thế về không quân. Cứ suy xét theo kinh nghiệm của cuộc ném quả bom nguyên tử đầu tiên vào tháng 8 năm 1945 do không quân Hoa Kỳ thực hiện thì thấy rằng cần phải có lực lượng thật hùng hậu trên không trung mới có thể đưa được quả bom đến đúng mục tiêu của nó.

Nhiều lần Rommel cũng đã phê bình bằng lời và bằng văn thư tổ chức nhân sự của không quân Đức. Thí dụ như ở mặt trận Miền Tây không quân đã duy trì một hệ thống tình báo và điều nghiên quá lớn, đòi hỏi tới 50.000 nhân viên. Các cơ quan yểm trợ của không quân ở Miền Tây đã sử dụng một quân số hơn 300.000 người. Thông thường trong binh chủng không quân, quân số yểm trợ đông gấp 10 lần quân số phi hành, nhưng ở đây nó lại đông gấp trăm lần. Những con số này chỉ có thể cắt nghĩa được bởi nhu cầu muốn tạo một nhóm tay chân bộ hạ đông đảo của Goering, cũng như của Himmler: đó là một sự suy đồi đặc thù của tất cả các đại lãnh tụ cách mạng!

Không quân còn đặt dưới quyền sử dụng của mình Lữ đoàn III phòng không - một điều trái ngược với mọi lý lẽ và với những sự yêu cầu của Binh đoàn; Lữ đoàn III phòng không này nhận lệnh trực tiếp từ Ba Lê (Phi đội III) hoặc từ Đông Phổ (Goering). Khi cuộc đánh chiếm của quân Đồng minh khởi diễn, Lữ đoàn phòng không này không thể di chuyển lẹ làng vì nó bị phân phối rất luộn thuộm. Sự sử dụng hoả lực tập trung đáng kể của nó lẽ ra đã có thể có được một tầm quan trọng chủ yếu trong những ngày đầu của cuộc đổ bộ; nhưng vũ khí đặc sắc này chẳng bao giờ thực hiện được sự thống nhất mục tiêu hỏa lực và phòng không nhằm vào những điểm sinh tử của chiến trường. Tướng Tư lệnh Lữ đoàn III cao xạ phòng không đã bị Goering triệu về Đông phổ trong khi trận đánh Normandie đang tiếp diễn và đã vắng mặt trong suốt nhiều ngày mà Binh đoàn không được thông báo gì cả.

Ngưòi ta thấy diễn ra trên không trung cảnh tượng giống đã xảy ra như ở Phi Châu và ở Ý nhưng còn trầm trọng hơn. Đối phương làm bá chủ bầu trời bên trên phòng tuyến của những vùng Đức chiếm đóng và lãnh thổ Đức; các phi công đã biến dạng trên nền trời.

Những lỗi lầm phạm phải trong việc thiết kế, tổ chức và chỉ huy hầu như đã làm mục rữa không quân trước khi có trận đánh quyết định. Tất cả những sáng kiến dự liệu cho một cuộc chiến tranh trên không với tính chất chiến lược đã bị thất bại. Trận không chiến trên không phận Anh sau cuộc di tản lớn lao khối Dunkerque của đoàn quân viễn chinh năm 1940, sự hủy bỏ Đại Hạm đội chống Anh quốc, trận đánh trên Đại Tây dương, việc phòng thủ lãnh thổ Đức chống những cuộc không tập của Anh, Mỹ, sự thất bại trong vấn đề tiếp tế cho Stalingrad, Tscherkassy, Crimée và Phi châu bằng đường hàng không đã cấu thành những chương buồn thảm cho câu chuyện lịch sử nầy. Những phi công dũng cảm của chúng tôi là những nạn nhân của bộ chỉ huy của họ.

Trái lại, không quân Anh- Mỹ ở mặt trận miền Tây và trên đất Đức đã sớm hoàn thành mục tiêu chỉ định.

BỨC TRƯỜNG THÀNH ĐẠI TÂY DƯƠNG

Bức trường thành Đại tây dương là một đồn lũy chạy dài theo bờ biển mà sức mạnh của nó hay biến đổi. Ở những vị trí mà bộ Tư lệnh tối cao Lục quân Đức ước đoán có cuộc đổ bộ, và trên những cứ điểm sinh tử dọc theo bờ biển Manche, trước hết là mũi Gris-nez ở cửa sông Seine, chỗ pháo đài phía Bắc mỏm Cotentin, trên những hòn đảo “anglo - normandes”, ở quân cảng Brest và Lorient, đồn lũy kiên cố hơn. Trái lại, lúc Thống chế Rommel nắm quyền tổng chỉ huy thì người ta hầu như bỏ ngỏ bờ biển Calvados nhất là chỗ bãi phẳng phía trước thị trấn Bayeux.

Năm 1941, Hitler đã hạ lệnh đặt tuyến phòng thủ chính dọc theo bở biển. Vì bờ biển quá dài, người ta khó thể dự trù việc thiết lập một hệ thống của những vị trí tăng cường. Bờ biển Manche, và nhóm đảo "anglo - normandes”, phía trước Saint-Malo, những đảo Jersey, Guernesey và Sercq nằm trong một kế hoạch thực hiện trong 8 năm thành những đồn lũy “vô cùng kiên cố” . Đó là ý định của Hitler. Vì vậy mới phát sinh ra những đội “trọng pháo tấn công” đặt tại mũi Gris-nez với những đội như Lindemann (3 giàn đại pháo 406 ly), đội Grand Electeur (4 giàn đại pháo 280 ly), đội Todt (4 giàn đại pháo 380 ly)và đội Friedrich- August (3 giàn đại pháo 303 ly). Tất cả những đội trọng pháo này phải được sử dụng để yểm trợ cho việc tổ chức chiến tuyến Manche.

Mùa xuân năm 1914, trên nhóm đảo nhỏ “anglo – normandes”, người ta đã đặt 8 giàn trọng pháo với những khẩu đại pháo 3 ly, trong khi đó thì suốt một phòng tuyến đài trên 1.000 cây số từ Dieppe đến Saint- Nazaire cũng chỉ có một số lượng tương đương với 37 khẩu đại pháo. Một sư đoàn bộ binh có thêm một trung đoàn thiết giáp và một trung đoàn cao xạ tăng cường được chỉ định võ trang cho những giàn trọng pháo ấy. Người ta không hề xây dựng phi trường, dù rằng những hòn đảo “anglo – normandes” đáng lẽ ra chỉ có thể có một tầm mức quan trọng nếu nó là những phi trường quân sự. Rommel là một người phản đối kịch liệt việc dùng những hòn đảo làm thành lũy và ông ta yêu cầu rút bỏ những đồn quân vô ích ấy.

Toàn diện hệ thống thành lũy thiếu hẳn một ý thức điều khiển và thiếu vật liệu. Nó cũng chịu chung số phận về những khó khăn hành chánh - kết quả tất nhiên của sự lộn xộn về chỉ huy.

Vào năm 1944 các bờ biển chỉ có những đồn lũy dựng lên như những điểm tựa với những đài radar, những căn cứ chỉ huy, những giàn trọng pháo. Nhưng những công sự bảo vệ lại cũng chỉ là công sự thuộc loại chiến dịch, rất ít chỗ được xây bê tông vì thiếu vật liệu. Những điểm tựa lẻ loi đôi khi cách nhau bằng nhiều cây số. Hải quân đã quyết định rằng khoảng bờ biển giữa hai cửa sông Orne và Vire không cần đề phòng một cuộc đổ bộ vì nhờ địa hình địa vật của nó (có nhiều đá ngầm). Hơn một sư đoàn đã “bao sân” khu vực rộng chừng 50 cây số.

Sau cuộc thị sát khắp phòng tuyến lần đầu tiên vào mùa đông năm 1943 – 1944, Thống chế Rommel tỏ vẻ thất vọng về sức mạnh của “Bức trường thành Đại tây dương”, ông tìm cách tranh thủ thời gian nhờ vào sự làm việc của chính các đơn vị trú phòng, nhất là dọc theo bờ biển Normandie. Ông nghiên cứu lại những phương thức khả dĩ làm cho cuộc đổ bộ của địch gặp khó khăn thêm.

Tất cả những biện pháp liên quan tới việc phòng thủ bờ biển nghĩa là những sơ đồ và việc xây đắp đồn lũy, là do tay một kỹ sư, mà viên kỹ sư này lại không hiểu gì về chiến thuật chiến lược, không có được cái nhìn bao quát về tình hình chung của cuộc chiến cũng như chưa có một chút kinh nghiệm nào khả dĩ cho phép ông cộng tác với quân đội.

Từ 1941 đến 1943, ngươờ ta chưa thể hoàn tất được một kế hoạch phối trí về việc xây dựng thành lũy, mang chất liệu của cuộc phòng thủ bờ biển và nhằm mục đích thiết lập những giàn trọng pháo nói riêng, vì có sự chống đối về nguyên tắc làm chia rẽ Lục quân, Hải quân và tổ chức Todt. Rommel đề ra một sự cải tổ sâu rộng trong việc nghiên cứu những vấn đề này. Không những ông chỉ mang vào đó một sự hăng say lớn lao của cá nhân ông, mà còn đưa ra được những kiến thức phi thường về kỹ thuật, làm hoảng hồn những tay chuyên nghiệp. Những chỉ thị của ông có kèm theo họa đồ do chính tay ông vẽ, những chỉ thị này chứa đựng những phát minh và những dẫn ý căn bản.

Muốn làm cho cuộc đổ bộ của địch thêm khó khăn, ông đã cho đặt những chướng ngại vật ở mé bờ biển xếp thành những lớp san hô nhân tạo. Những con đường đổ bộ chỗ nước quá sâu sẽ được gài thủy lôi. Người ta chuẩn bị vô hiệu hóa các hải cảng.

Lằn mức của thủy triều dâng lên bãi biển trở thành đường phòng thủ chính và suốt khoảng chiều dài của bờ biển được biến cải thành từng loạt điểm tựa có gài thủy lôi. Nhưng hỏa lực của pháo binh – cách 18 hay 20 cây số mới có một pháo đội – không thể được tăng cường đúng mức, trước hết, vì thiếu bộ phận máy ngắm.

Trong lãnh vực này, Thống chế tìm ra những cách thức thích nghi và chấp nhận đề nghị của sư đoàn 21 thiết giáp chủ trương chế ra những bộ phận phóng đạn hàng loạt, bắn ra khơi một cách chính xác (giống như kiểu súng nhiều nòng của Nga: “Orgues à la Staline”). Nhưng vấn đề này được giải quyết quá trễ.

Để ngăn ngừa nguy hiểm trên những cuộc ném bom tập trung, người ta phân tán những công sự trú ẩn của binh lính và làm cho những công sự này thêm vững chắc. Chống lại những cuộc đổ quân bằng máy bay, người ta tổ chức một phòng tuyến trên đất liền nhằm khóa chặt vòng đai chiến lũy ngoài bờ biển, sâu vào phía trong từ 3 tới 5 cây số tùy theo địa hình từng chỗ. Cách bố phòng này nhằm ngăn chận sự liên lạc của địch giữa hai cánh quân từ biển vào và từ máy bay đổ xuống.

Chống quân nhảy dù và các máy bay lượn (Planeurs). Thống chế cho dựng những chướng ngại vật bằng những thân cây đốn xuống, ràng buộc với nhau bằng những dây kẽm, và thường là có gài mìn. Nhưng vì những công việc này đòi hỏi quá nhiều thời giờ và vật liệu nên nó chỉ hạn chế trong những khu vực thường bị máy bay chú trọng tấn công.

Rommel đã có ý tưởng rất rõ ràng về những cuộc hành quân không vận kể cả những khi thời tiết tỏ ra ít thích hợp với phi cơ; ông chỉ dẫn cho binh lính hiểu rõ như vậy. Ông đòi hỏi Hải quân phải đặt thủy lôi ngoài biển, nhưng thoạt đầu chỉ đặt được ở vùng biển Gironde thay vì ở vịnh sông Seine.

Việc gài thủy lôi, nói đúng ra đã được thực hiện dưới hình thức “rào cản sấm chớp”; những rào cản này sẽ được giăng ra lập tức trước một cuộc tấn công. Khi cuộc đánh chiếm mở màn thì tại bờ biển Normandie chưa có hàng rào thủy lôi. Riêng việc dùng thủy lôi tấn công do phi cơ thả xuống thì đã bị bộ tư lệnh tối cao quân lực gạt ra ngoài kế hoạch phòng thủ.

Những công việc thực hiện quan trọng đến nỗi phải nhờ vào sự hợp tác của dân chúng. Thống chế Rommel đề ra nguyên tắc là không một người dân Pháp nào tại địa phương bị cưỡng chế làm lao công, nhưng họ sẽ được trả tiền đàng hoàng khi họ tự nguyện làm việc. Những dân phu người Pháp phải được đối xử mọi mặt như người Đức. Riêng đối với việc bố trí những chướng ngại vật, phải nhận rằng dân chúng rất hăng hái tham gia vì ở những nơi nào có chướng ngại vật cuộc đổ bộ bằng máy bay sẽ khó xảy ra, kể cả những trận đánh trên bộ.

Có thể có ngập lụt tùy theo tính chất đất đai từng nơi. Người ta chỉ có thể chuẩn bị việc dự trữ nước ngọt trên phòng tuyến gần hải cảng le Havre, trong vùng lưu vực sông Dive và tại bờ biển phía đông của bán đảo Colentin, và việc chuẩn bị này đã được thực hiện. Trong mọi tình trạng về nguyên nhân, phải chú ý tới những thiệt hại gây ra bởi nước biển: vấn đề này theo kinh nghiệm của đệ nhất thế chiến, đòi hỏi trên mười năm làm việc.

Việc tuyên truyền quảng cáo cho Bức trường thành Đại tây dương bắt đầu từ năm 1942 khi cuộc tấn công thăm dò của quân Anh tại Dieppe bị đẩy lui và khi cuộc bài binh bố trận được coi như “một thắng lợi lớn về phòng thủ”. Những lực lượng Hải lục không quân địch đã thực hiện tại nhiều nơi trong thị trấn Dieppe một cuộc thí nghiệm về một lối đánh cảm tử rộng lớn, cuộc thí nghiệm này rõ ràng là để thăm dò lực lượng, định rõ vị trí quân Đức và thu thập những tin tức điều nghiên về một cuộc đổ bộ phối hợp. Những mệnh lệnh bắt được trong người những tù binh đã nêu rõ hạn định thời gian, không gian và quân số trong âm mưu của Anh. Khốn nỗi, những cấp chỉ huy tại mặt trận phía Tây đã để cho họ bị lôi cuốn bởi ấn tượng của một cuộc tuyên truyền rộng lớn đang tìm cách chuyển hướng sự chú ý của dư luận về mặt Tây để làm cho quên đi các cuộc hành quân ở miền Đông.

Để che giấu sự thiếu sót của những đồn lũy và để đánh lừa địch quân, Goebbels, theo những kinh nghiệm thu lượm được ở Bức tường thành phía Tây trong thời gian cuối mùa hè, đã phát động một chiến dịch tuyên truyền về vấn đề này tại Đức và nhằm vào nước ngoài: đối với ông, tất cả mọi phương tiện đều tốt. Ông lấy đội trọng pháo tấn công đặt tại mũi Gris – nez làm một thí dụ và tạo cho nó có sức mạnh thực sự để làm cho dân chúng Đức tin tưởng rằng bức trường thành Đại tây dương có một sức mạnh phòng vệ như vậy ở khắp mọi chỗ.

Trong cuộc chiến đấu dành để tranh thủ thời gian và đạt tới những mục tiêu chính trị - mà chúng ta sẽ phân tích say này - Thống chế Rommel đành làm lơ để cho người ta tuyên bố về những phương tiện phòng thủ mới, những chướng ngại vật trên bờ biển và chướng ngại vật chống cuộc đổ bộ bằng máy bay; ông để cho người ta phóng đại những chuyện đó trong quần chúng. Cũng chính vì những lý do ấy mà Rommel, bị thúc đẩy bởi sự cần thiết, đã đồng ý để cho cái quan niệm của mình về sự tuyên truyền phóng đại được trình bày trên phim ảnh và báo chí. Nhưng khi biết được rằng Tiến sĩ Goebbels đã quyết định ra lệnh cho các phóng viên báo chí không được ghi rõ ưu thế không quân của Đồng minh, ông liền phản đối sự coi thường ấy đối với địch quân, và trách cứ Goebbels về sự phổ biến sai lầm trong dư luận quần chúng, vì điều này chỉ có thể làm suy giảm tín nhiệm của dân chúng Đức trong vấn đề chỉ huy.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 2-8-2013 06:51 PM
- 5 -
(tiếp theo)

Những biện pháp dùng để đánh lừa kẻ địch đã được cấp chỉ huy và binh lính áp dụng. Thí dụ: Việc phổ biến những tin tức liên quan đến những toán quân “tưởng tượng” mới tới, đến sự bắt đầu hoạt động của những bộ tham mưu mới thành lập, đến cái mà người ta gọi là một “nhân tài sắp xuất hiện”, tài liệu nghiên cứu về kế hoạch vận chuyển bằng đường hỏa xa, nghiên cứu về sự tổ chức những đơn vị mới do tất cả các giới chức thẩm quyền đảm trách, kể cả sự nghiên cứu của Hỏa xa Pháp dưới hình thức một loại công tác thông dụng và cần thiết, sau cùng, những tin tức liên quan đến những hoạt động ngày đêm của từng đoàn xe vận tải và tin tức về việc thiết lập những cơ sở tưởng tượng.

Rommel không có ảo tưởng về sự hữu hiệu của những biện pháp ấy; tuy nhiên tất cả mọi phương tiện dùng để tranh thủ thời gian đều hợp với ý ông. Nhưng đối với những phương pháp phô trương được Tổng trưởng tuyên truyền Đức quốc xã sử dụng thả giàn thì thực khó mà biết được hậu quả “gậy ông đập lưng ông” về phương diện tuyên truyền.

Về sau, Rommel phải yêu cầu Hitler cho ngưng ngay lối tuyên truyền phản sự thực liên quan đến Bức trường thành Đại tây dương - một công trình mà chính ông đã tham gia bằng nhiều phương diện.

* * *

NHẬN XÉT CHIẾN LƯỢC TRƯỚC KHI CÓ CUỘC ĐÁNH CHIẾM CỦA ĐỒNG MINH.

Trrước khi lên đường tới mặt trận miền Tây ngày 1 tháng 4 năm 1944, tân Tham mưu trưởng của Rommel hỏi hành dinh ở Obersalzberg để xin chỉ thị về vấn đề chỉ huy chiến lược. Nhưng Hitler và bộ Tư lệnh tối cao quân lực từ chối, lấy cớ rằng những chỉ thị như vậy là “thừa”. Tư lệnh mặt trận Miền Tây và Binh đoàn B, theo cương vị của nó, đã nhận được mệnh lệnh về một cuộc phòng thủ cứng rắn trên các bờ biển, không có thể đưa ra sáng kiến chiến lược bằng cách nào khác. Trong trường hợp xảy ra một cuộc đổ bộ ở một nơi nào đó, thì chỉ còn có liệng kẻ thù trở ra biển bằng "một cuộc giao tranh trên bờ biển". Những kinh nghiệm ở Salerne và Nettuno không hề được ghi nhận: trên hai địa điểm của bờ biển phía Tây nước Ý ấy, những lực lượng Anh với quân số trội hơn đã đổ bộ lên được dưới sự bảo vệ của Không quân và Hải quân của họ. Những đội thiết giáp trừ bị của Đức không thể ngăn cản kịp thời vì ở xa quá và vì ưu thế của không lực địch.

Trong trường hợp bị đe dọa đánh chiếm, phải chăng người ta đã có ý dự trù gửi đến đúng lúc nhiều đơn vị thiết giáp hung mạnh khác (từ 8 đến 10 sư đoàn), những động cơ phản lực đẩy và tàu chiến, đặc biệt là tàu ngầm, chưa kể đến sự tham dự có tính cách quyết định của loại vũ khí mới là hỏa tiễn V[4].

Cái quan niệm về sự phòng thủ bờ biển bằng mọi giá chịu ảnh hường, trong quyết định của Hitler, các lý do uy tín: cùng giống như ở Stalingrad, ở mặt trận sông Don, ở bán đảo Crimée, đảo Sicile và ở Ý. Nhưng “kẻ muốn phòng thủ tất cả không phòng thủ được gì cả”, vì “tuyến phòng thủ rộng lớn quá người ta không đủ quân… Những kẻ có trí óc kém cỏi mới muốn phòng thủ tất cả, những người hiểu biết chỉ nhắm vào mục tiêu chính” (Frédéric le Grand). Người ta hy sinh một sức mạnh mà sự tự do điều quân chắc chắn sẽ mang lại cho một cuộc phòng thủ thẳng đường và cứng nhắc vùng bờ biển. Điều này đã giúp cho Đồng minh giảm bớt được nguy hiểm trong cuộc đổ bộ lớn lao; thêm vào đó, quân Anh và quân Mỹ đang chế ngự mặt biển trong khi hạm đội Đức vắng bóng. Không quân Đức đã bị loại ra khỏi vòng chiến; điều này đã loại bỏ hẳn yếu tố căn bản về sự nguy hiểm đối với những cánh quân đánh chiếm. Bức tường thành Đại tây dương, về phương diện quân số và đồn lũy, chỉ là một đường đóng quân không có chiều sâu và lực lượng dự trữ quan trọng; những cánh quân đổ bộ của Đồng minh hơn hẳn lực lượng phòng thủ về số lượng, vũ khí và nhất là tính cách di động.

Các bài học rút tỉa được từ các cuộc đổ bộ vĩ đại trong lịch sử không cho thấy một sự so sánh trùng hợp bao giờ. Trên chiến trường Ai cập, năm 1798, Napoléon đã phải đụng độ với một hạm đội địch hùng mạnh hơn làm cho hạm đội của ông bị tiêu diệt ở Aboukir. Năm 1851, hạm đội Nga rất hùng hậu, nhưng chuyện rất lạ, nóđã không tham dự chiến trận khi quân Đồng minh đến nơi ở Crimée. Cũng như vậy, năm 1904, Nga cũng có một hạm đội hùng hậu; nhưng quân Nhật đã đánh cho tan tành trước khi họ đổ bộ lên vịnh Cao ly và – cũng như sau này ở Trân châu cảng – họ đột kích Port Arthur. Chỉ có tình trạng Hải quân các tiểu bang miền Nam nước Mỹ trong cuộc Nam Bắc phân tranh ở Mỹ là giống tình trạng quân Đức năm 1944: những tiểu bang Bắc Mỹ có một hạm đội trội hơn làm cho hạm đội miền Nam không sao chống cự được.

Trước những kinh nghiệm còn nóng bỏng tại Ý, Thống chế Rommel biết rằng, trong một cuộc hành quân đổ bộ địch sẽ thắng nhanh chóng và chắc chắn, chỉ trong vòng ba ngày đầu gay cấn, nếu sự tương quan về lực lượng, nhất là trên không và trên biển, không thay đổi sâu rộng. Trong khi suy nghĩ, ông tự hỏi, sau khi quân Đồng minh đã đổ bộ được rồi, làm thế nào để phá vỡ những toan tính chiến lược của họ mà trước hết không phải gạt bỏ mệnh lệnh của Hitler liên quan đến việc cố thủ bờ biển. Căn cứ theo những lời xác nhận của Hitler, ông tin là ở khu vực Ba lê đã có một lực lượng thiết giáp khá sung mãn sẵn sàng mở những cuộc hành quân.

Ông trù liệu những gì có thể xảy đến: - địch đổ bộ ở khoảng giữa sông Seine và sông Loire; phản công; tạm rút về phòng tuyến sông Seine, nơi có thể giữ vững được, rồi tấn công ở phía nam sông Seine, tung ra những trận đánh từ phía đông và phía nam nhằm tiêu diệt lực lượng đổ bộ của địch;

- địch đổ bộ giữa sông Somme và sông Seine; phản công; vị trí cố thủ sẽ là phòng tuyến Amiens – Vernon và trên sông Oise; phản công ở khu vực giữa những con sông, điều tất nhiên sẽ đưa đến một cuộc tấn công trực diện;

- địch đổ bộ lên phía bắc sông Somme (điều này không chắc chắn lắm vì những lý do chiến lược chiến thuật và cũng vì địa thế nữa); phản công; đánh từ mạn nam sang mạn bắc.

Trong trường hợp địch đổ bộ ở phía nam sông Loire và vùng bờ biển Địa trung hải, người ta phải rút về vùng Midi của Pháp và giữ vững phòng tuyến sông Loire. Tập trung một lực lượng từ hai tới ba lộ quân với một số lượng dồi dào về thiết giáp, ở giữa khúc ngoặt của sông Loire và sông Jara, nhằm mở những cuộc hành quân chiến lược.

Nếu địch quân đồng loạt đổ bộ lên được phía nam sông Seine và dọc theo bờ biển Địa trung hải, người ta sẽ phải rút bỏ vùng Midi; như vậy sẽ phải giữ lấy phòng tuyến sông Seine – Yonne – Kinh Bourgogne và tập trung một loạt những cuộc hành quân quan trọng khu vực Troyes – Djon – Langres – Srint – Dizier.

Những trường hợp khác biệt này đã được nghiên cứu với tính cách riêng rẽ, linh động; mỗi lần nghiên cứu là một lần những lực lượng thiết giáp được đặt trong giả thuyết phối hợp với những lực lượng không quân sung mãn. Ngoài ra người ta dự trù tất cả những gì xảy đến bất thần, và nói chung, người ta lo liệu khi sẽ phải thực hiện một cuộc triệt thoái khỏi đất Pháp, Bỉ, Hòa lan, cùng với cuộc di tản chiến thuật phía sau sông Meuse, rồi phía sau bức tường thành miền Tây, hoặc vừa đánh vừa lùi, hoặc sau một cuộc đình chiến. (Những đột biến chiến lược, những cần thiết về chuyên môn, thời hạn và nhu cầu về quân số.)

Nếu, sau khi cuộc đánh chiếm của Đồng minh đã đạt thắng lợi, Hitler đã đưa ra được những quyết định chiến lược, nghĩa là quyết định bất thần di tản kịp thời khỏi vùng Midi, giữ phòng tuyến sông Seine, tổ chức một lực lượng trừ bị có tính cách chiến lược nhằm vào một cuộc phản công, có lẽ những biến cố thảm khốc của mùa hè năm 1044 đã không xảy đến quá nhanh chóng như vậy: Chính Rommel đã trình bày ý kiến của ông vào những ngày 17 và 29 tháng sáu 1914. Nhưng kết quả duy nhất về những cuộc đàm luận của ông chỉ là mệnh lệnh chính thức của Fuhrer ngày 2 tháng bảy 1944, làm nhớ lại mệnh lệnh tại Stalingrad mùa đông 1943: “Mọi mưu toan của địch toan chọc thủng phòng tuyến phải được ngăn chặn bằng một cuộc kháng cự kiên trì tại chỗ, mọi chủ trương rút ngắn phòng tuyến đều bị cấm chỉ, không có vấn đề tự do hành quân.”

Ngay trong khi chiến trận đang gay cấn, thống chế muốn áp dụng sự giải quyết của ông về sự linh động trong chiến lược, ngược lại với ý muốn của Hitler. Sự quyết định này tất nhiên là đã trễ, nhưng dầu sao nó cũng không quá muộn nếu nó còn được thực hiện trước khi quân Đồng minh chọc thủng phòng tuyến Avranches. Một cấp có quyền hành cao hơn đã không cho phép Rommel thực hiện cái quyết định cứu vãn tình thế ấy.

VẤN ĐỀ NHỮNG LỰC LƯỢNG TRỪ BỊ CHIẾN LƯỢC

Chiến lược tại mặt trận Miền Tây là đã dựa trên mệnh lệnh rõ ràng phải phòng thủ bờ biển bằng mọi giá. Về vấn đề những lực lượng trừ bị di động thì trước hết chỉ có một bộ chỉ huy tổng quát về thiết giáp và sáu sư đoàn thiết giáp là sẵn sàng sử dụng được.

Thống chế Von Rundstedt, xuất thân từ trường phái xưa cũ không hề chú ý tới những kinh nghiệm nóng bỏng ở mặt trận Miền Đông và Địa trung hải và không nhận xét được những phương thức chiến đấu của quân Anh-Mỹ. Ông đề nghị tập họp những toán trừ bị nhỏ trong vùng Nam và Đông Ba-lê để có thể ứng phó sau một cuộc đổ bộ của địch Ông tưởng như vậy là bảo vệ được sự tự do hành động của ông và có thể làm cho cái ưu thế hồi trước của Bộ chỉ huy Đức và binh lính của ông tung hoành tùy ý. Cái kế hoạch này có thể đúng, nếu Hải quân và Không quân Đức ngang sức với Hải và Không quân địch, hoặc ít ra nó đủ khà năng đương đầu với họ. Nhưng sự so sánh lực lượng đôi bên, sự yếu kém và thiếu sót của các đồn lũy phòng thủ bờ biển đã làm cho sự sửa soạn và thực hiện một cuộc hành quân như vậy trở nên cấp bách. Cho nên, cuộc chiến đấu tranh thủ thời gian này không thể thực hiện được với sự chiếm giữ mỏng manh vùng bờ biển. Cái cột trụ chính của cuộc hành quân như vậy chắc sẽ bị sụp đổ sớm.

Căn cứ theo tình thế lúc đó và dựa trên những kinh nghiệm mới xảy ra tại Ý, Rommel muốn đưa ngay sáu sư đoàn thiết giáp tới những địa điểm được coi như sẽ bị đánh chiếm. Theo ý ông thì không thể nào đẩy lui được những mũi dùi của địch mở rộng sau ra sau cuộc đổ bộ nều không có những lực lượng thiết giáp trừ bị ấy. Một hay hai sư đòan thiết giáp không đủ để dập tắt đám cháy trong tình trạng Không quân như vậy và trong sự thiếu thốn đường dây tiếp tế. Rommel cho rằng sứ mạng chiến lược ấy cần tới ít nhất là năm sư đoàn thiết giáp. Những sư đoàn này phải được chuẩn bị cho tất cả mọi kế hoạch linh động như phản công, tiêu diệt những lực lượng quan trọng của địch từ máy bay đổ xuống, chuyển vận từ phòng tuyến này tới phòng tuyến khác (ra khỏi quân khu sông Seine) và chiến đấu để bảo vệ cuộc rút quân. Trong khu vực trấn động của nó, đoàn thiết giáp này sẽ hợp lực để mở rộng khu vực phòng thủ sâu vào phía trong và thiết lập những chướng ngại vật chống máy bay.

Tất cả những sứ mạng này chỉ có thể làm tròn với từ năm đến sáu sư đoàn đủ tầm vóc, khi cuộc chiến đấu phối hộp được thành một lực lượng phòng thủ mà phần lớn là di động, không có Không quân và Hải quân yểm trợ, chống một kẻ xâm lăng hoàn toàn cơ giới hoá, sẵn có ưu thế hùng mạnh về Hải và Không quân.

Trận tấn công của địch bằng máy bay mở màn, từ tháng 4 năm 1944 và những hậu quả của nó cho thấy trước một cách chắc chắn rằng nếu sự tập trung ở quá sâu trong vùng hậu tuyến – thì dụ khu “Đại Ba lê” - thì những lực lượng trừ bị sẽ tới chiến trường bao giờ cũng quá trễ. Trong một buổi hội nghị, Thống chế tuyên bố: “Nếu những lực lượng của ta, trong giai đoạn đầu của cuộc đổ bộ, không đón đánh được địch, nó sẽ chẳng bao giờ xoay trở được nữa, bởi không quân địch quá trội… Nếu chúng ta không đạt được sứ mạng ngăn ngừa quân Đồng minh tiến theo đường biển, hoặc không đẩy lui được họ xuống biển trong 48 giờ đầu thì cuộc đánh chiếm của họ sẽ thành công; vì vắng thiếu những lực lượng trừ bị có tính cách chiến lược và trước sự nghèo thiếu hoàn toàn của Hai quân và Không quân, chúng ta sẽ thất bại.”

Kết quả của những trận đánh ở Salerne và Neltuno thực đã quá rõ ràng. Hơn nữa, những kinh nghiệm của cuộc chiến này cho thấy rằng chỉ những sư đoàn đã được chỉ định trợ chiến và đã có mặt ngay trong vùng chiến trận mới có thể thực sự tham dự tức khắc. Riêng về lực lượng mà người ta gọi là tổng trừ bị O.K.W[5] sự quyết định cho tham chiến thường quá trễ; sự quyết định cũng có một hành trình kỳ khôi không khác gì những toán quân bị liệng vào trận một cách bất ngờ và trơ trọi, theo những mệnh lệnh bất thần và ngẫu hứng của vị Tư lệnh tối cao: những toán quân thực ra đã bị hy sinh. Sau những nhận xét về chính trị, Thống chế nhận thấy cần phải có dưới quyền mình nhiều đơn vị thiết giáp vững mạnh để ứng phó với mọi bất trắc.

Đối với cá nhân Rommel, quả thực là một sự hy sinh lớn lao khi ông nghiên cứu cuộc chiến dưới hình thức chiến lược của nó, mà rồi chỉ có thể chuẩn bị nó dọc theo bờ biển với tính cách chiến thuật. Ông há chẳng đã từng đưa ra được những bằng chứng đáng cảm kích về tài chỉ huy có tính cách chiến lược đối với những đơn vị thiết giáp tối tân tại mặt trận Phi châu sao? Nhưng ông cũng hiểu rằng nếu phía sườn của quân ông bị phá vỡ ở những cứ điểm sinh tử tại mạn Bắc hay mạn Nam sông Seine, thì một cuộc hành quân nghinh địch sẽ không thể thực hiện được nữa.

Đã nhiều lần ông để nghị phải chuẩn bị sẵn sàng một lực lượng trừ bị có khả năng chiến lược – khoảng từ 6 đến 8 sư đoàn thiết giáp và 5 đến 7 sư đoàn bộ binh cơ giới. Những đơn vị này đặt dưới quyền chỉ huy duy nhất của Binh đoàn thiết giáp mặt trận Miền Tây, đóng trong khu vực Ba lê và ở mặt Đông khu vực này. Đó chính là điều Hitler đã hứa với Tham mưu trưởng Binh đoàn B ngày 1 tháng tư năm 1944. Những lực lượng này hợp thành Binh đoàn và Binh đoàn này, sau mỗi cuộc đổ bộ thành công của địch, sẽ hoạt động đúng như những điều đã nghiên cứu, sẽ chống trả kẻ địch bằng những trận bôn tập: lối đánh này giữ vững được tính chất chủ động của đoàn quân.

Ngoài ra, Rommel cổ võ sự thăm dò, vả trước tiên là sự xây dựng tuyến phòng thủ trên nội địa Pháp. Trong những nhận xét chung về chiến lược, trước hết, trong đầu óc ông, ông chú trọng đến phòng tuyến sông Seine và sông Yonne.

Sau khi đã cẩn thận xác định quan điểm giữa ông và Rommel, Thống chế Von Rundstedt chấp nhận ý kiến và đề nghị của Rommel. Những đội thiết giáp sẵn sàng ứng chiến đáng lẽ đặt trong vùng kế cận phòng tuyến, nay được đưa tới phía sau khu vực bờ biển, nơi xem ra có thể bị nguy khốn hơn cả, ở khoảng Bắc và Nam sông Seine.

Đại tướng Guderian, Tổng thanh tra các đơn vị thiết giáp, cùng với tướng Geyr von Schweppenburg tán thành giải pháp của Von Rundstedt; ông tới thăm Bộ tư lệnh của Binh đoàn vào tháng 5 năm 1944. Sau khi nghe những lời giải thích của Rommel và được thông báo rõ về những huấn lệnh chiến lược tại mặt trận Miền Tây, ông không phát biểu một sự phản đối quyết liệt nào đối với việc điều động và sử dụng những sư đoàn thiết giáp ứng chiến tức thời như đã trù liệu. Chính ông cũng muốn yêu cầu Hitler về việc gửi ngay đến một đoàn thiết giáp sung mãn có khả năng chiến lược. Nhưng tất cả mọi lời hứa của Bộ tư lệnh Tối cao quân lực vẫn ở trong tình trạng không hiệu quả. Không một lực lượng trừ bị di động và thiết giáp nào được gửi tới mặt trận Miền Tây – dù là một lực lượng thuộc bất cứ loại nào.

Những lời hứa như vậy của Hitler, chứng tỏ đó là một sự khinh suất lớn lao, vì cứ xem xét vấn đề một cách thuần túy và giản dị thì thấy rằng khó có thể trích lẩy những lực lượng khác từ mặt trận Miền Động, khi mà Hitler không thể giải quyết sự thu ngắn căn bản của chiến tuyến này. Ở Tổng hành dinh của Futhrer, sự chỉ huy dựa trên những quan điểm không phải là chiến lược mà là chiến thuật.

Sự tiến triển của những biến cố đã cho thấy Rommel hữu lý. Do bởi ưu thế Không quân và sự điều động lẹ làng những sức mạnh của phi cơ địch, không thể nào đưa được những sư đoàn thiết giáp đóng ở trung tâm nước Pháp kịp thời ra vùng bờ biển để tham chiến. Chưa ra được tới phòng tuyến Normandie, những lực lượng này đã bị đánh khập khễnh rồi.

Nếu cứ như lời Rommel đề nghị, ông đã có được lợi thế là những lực lượng thiết giáp đặt dưới quyền sử dụng của ông ở ngay sát chiến tuyến, sự tham chiến của nó trong ba ngày đầu gay cấn của cuộc đổ bộ chắc có lẽ đã tạo được một tình hình khác hẳn.

Chú thích

[1] Đọc “Rommel, con cáo già của sa mạc”. Bản dịch Người Sông Kiên và Lê Thị Duyên, Sông Kiên xuất bản.

[2] Sau khi cuộc mưu sát Hitler đã xảy ra và bị thất bại - đọc "Những trận đánh lịch sử của Hitler" - Sông Kiên xuất bản.

[3] Đọc: "Cuộc săn tìm vũ khí bí mật của Hitler" - Bản dịch Người Sông Kiên và Lê thị Duyên – Sông Kiên xuất bản.

[4] Đọc: Cuộc săn tìm vũ khí bí mật của Hitler – Bản dịch Người Sông Kiên và Lê thị Duyên – Sông Kiên xuất bản.

[5] O.K.W:Oberkommando der Wehramacht: Bộ Tổng Tư Lệnh tối cao quân lực.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 2-8-2013 08:58 PM
- 6 -
NHỮNG NHẬN XÉT VỀ CHÍNH TRỊ VÀ NHỮNG CÔNG CUỘC CHUẨN BỊ

Buổi chiều ngày 15 tháng 4 năm 1944, lần đầu tiên khi nghe vị tân Tham mưu trưởng trình bày cảm tưởng của ông lúc ở Tổng hành dinh Fuhrer và về tình hình mặt trận Miền Đông, Thống chế Rommel khai triển thêm những nguyên tắc của ông về chiến lược và về chính trị.

Mặt trận Crimée đã thất thủ, phòng tuyến vùng đông Lỗ ma ni bị bẻ gập. Sự lớn mạnh của tiềm lực Nga đã tạo được những tiến bộ đáng kể sau những vụ chuyển giao vũ khí, quân trang, quân dụng của Anh-Mỹ chiếu theo điều khoản trong hiệp ước cho vay; sự kiện này cho phép đoán trước được những trận đánh quyết định của Nga vào mùa hè. Do “lệnh nguyên tắc” số 1 ngày 13 tháng 1 năm 1940, Hitler đã từ chối không cho cung cấp mọi tin tức về tình hình chung ngay cả cho các vị Tư lệnh các mặt trận. Chính nhờ ở những nguồn tin trung lập, đặc biệt là báo chí Thụy sĩ, và nhờ ở đài phát thanh ngoại quốc, mà Binh đoàn có thể phác họa được một ý niệm về các kết quả của các cuộc hội nghị chính trị của phe Đồng minh và về ảnh hưởng bất thần của những cuộc hội nghị ấy, những kinh nghiệm chiến thuật của Rommel dựa vào cái thế bôn tập của “Sư đoàn Ma quái” của ông (Sư đoàn VII thiết giáp) ở phương Tây[1] và chiến trường Bắc Phi. Hồi tháng 5 và tháng 6 năm 1940, trong cương vị Tư lệnh sư đoàn, Rommel đã vượt sông Meuse ở Dinant, phá vỡ phòng tuyến tăng cường của liên quân Pháp-Bỉ, và là người đầu tiên tiến đến bờ biển Manche rồi bờ biển Đại tây dương. Năm 1941, ông đã ổn định được tình hình Bắc-phi bằng những lực lượng nhỏ yếu của Đức và chuyển sang một cuộc tấn công thắng lợi vẻ vang. Ông chưa thể đúc kết được những kinh nghiệm của ông tại mặt trận Miền Đông nhưng ông đang lưu tâm tổng hợp nó lại và khai thác nó.

Tư tưởng quân sự và chính trị của ông chú trọng vào những biến cố mùa hè năm 1942. Hồi ấy, một cánh quân Đức-Ý tại Phi Châu sau khi chiếm xong Tobrouk, đang ở cách Alexandrie - Le Caire không đầy 100 cây số. Cánh quân này sửa soạn mở mũi dùi về phía kinh Suez và sông Nil để cắt đứt một huyết mạch tiếp tế của Đế quốc Anh.

Lúc ấy, Thống chế yêu cầu bồi dưỡng cho cuộc tấn công vì lực lượng của nó suy giảm một cách đáng sợ, ông đã đòi hỏi rằng vấn đề an ninh của các đường giao thông dành cho việc tiếp viện phải được những lực lượng hải quân không chiến sung mãn của Ý tham gia bảo vệ. Những lực lượng này đã không tới, Hải và Không quân Ý, vì sự thụ động của họ đã vô tình tiếp tay cho quân Đồng minh. Khi Hitler tuyên bố: “Tôi tin tưởng ở Mussolini hơn là ở những tướng lĩnh Đức”, Rommel liền mời ông ta tới để ông ta có một cảm tưởng riêng về chuyện này.

Nhưng, kể từ 1941, Hitler đã không thăm mặt trận nữa. Lộ quân thiết giáp Anh của Montgomery vô cùng hùng hậu hơn quân Đức, xuất trận trong cái thế được bảo đảm tiếp tế, mở cuộc phản công. Nó được yểm trợ bằng một lực lượng không quân mạnh mẽ, một lực lượng mà vào trong thời kỳ này đã phối hợp với hải quân Anh ngăn chặn mọi đường tiếp tế của Đức. Khi Rommel, vì lương tâm trách nhiệm yêu cầu được rút lui khỏi El Alamein, thì Hitler liền gửi cho ông bản công điện chấn động như sau: “Tấn công Le Caire; thắng trận hoặc chết.”

Nhưng Rommel không hề nao núng, hạ lệnh rút lui để cứu vớt những toán quân đã được trao phó cho ông. Thống chế đã nhìn thấy bị đòi hỏi quá nhiều về “những sứ mạng chinh phục hoàn cầu”; những phương tiện đã được hứa hẹn lại không đến tay ông. Ở mặt trận Phi châu, ông ghi nhận được hai kinh nghiệm: một sự kính trọng sâu xa đối với quân lực Anh quốc mà ông xem như một lực lượng quốc tế và sự kinh khi đối với nước bạn Ý đại lợi của mình. Những đoàn quân Anh và quân các nước thuộc địa Anh, theo nhận xét của ông, rất có giá trị về phương diện chỉ huy, kỹ thuật và khả năng tác chiến: khí cụ của họ hơn hẳn Đức kể cả về lượng cũng như về phẩm: ông cũng rất nể phục lực lượng của Hoa kỳ.

Về phần “người bạn Ý”, Rommel đã tỏ ra đề phòng khi có dịp, bằng lời nói cũng như trên giấy tờ và đã rất nhiều lần. Những điều dị nghịch của ông không phải chỉ căn cứ trên đường lối ngoại giao và quân sự của Ý – một đường lối đã đưa đến chỗ thúc đẩy Đức đi vào cuộc phiêu lưu tại miền Ba nhĩ cán- mà còn căn cứ trên sự hiểu biết chính xác về nền tảng chính trị, quân sự, tinh thần và kinh tế của Ý nữa.

Bởi những suy luận như vậy, Thống chế đã đi tới chỗ tương khắc với Adolf Hitler và Bộ Tư lệnh tối cao quân lực: Hitler và bộ Tư lệnh tối cao, trái lại, đã tỏ ra khinh thường, diễu cợt kẻ địch Anh và khen đồng minh Ý hết mình. Sự tương khắc ấy càng tăng thêm kể từ mùa đông 1942 – 1943, khi Hitler đề nghị rút bỏ mặt trận Phi châu và gừi quân sang mặt trận Miền Đông, nghĩa là di chuyển trọng tâm của cuộc chiến trên một điểm chính yếu và rời bỏ chiến trường phụ.

***

Đối với vấn đề nước Pháp, Thống chế đã đề cập tới một cách cần thiết ngay từ khi còn ở Phi châu. Những cuộc thương nghị của bộ Tư lệnh tối cao Quân lực và Bộ Ngoại giao Đức với Đô đốc Darlan và tướng Huntziger hồi mùa đông 1940-1941 và trong năm 1941, nhắm mục đích bảo vệ hậu phương của quân Đức tại Phi châu. Nếu những cuộc thương nghị này không đi tới một kết quả nào thì lỗi đó do bởi những đòi hỏi quá đáng của Hitler, đòi hỏi những điều kiện mà nước Pháp không thể nào thực hiện được. Một đường lối sáng suốt của Đức, bất chấp những yêu sách của Mussolini, có lẽ đã thỏa hiệp được với Pháp để lôi kéo Maroc, Algerie, Tunisie vào trong một hệ thống an ninh Âu-Phi. Nhưng, ít ngày sau vụ El Alomein, các lực lượng Mỹ đổ bộ lên vùng Bắc Phi thuộc Pháp; sự kháng cự của Pháp ngừng lại và sự hòa nhập vào Đoàn quân Phi châu đã xảy ra ngay sau đó.

Thời gian lưu lại trên đất Pháp đã giúp cho Erwin Rommel có thể điều nghiên được xứ sở và dân chúng Pháp. Ông thích phong cảnh nước Pháp; ông có cảm tình chân thật và nồng nhiệt với dân tộc Pháp; theo ý ông thì thật là khó chịu khi duy trì một quy chế đình chiến suốt bốn năm trường, và như vậy, là làm giảm uy tín của chính phủ của Thống chế Pétain một cách có tổ chức về phương diện đối nội cũng như đối ngoại.

Ông tin tưởng ở sứ mạng nước Pháp và ông chủ trương, với mục tiêu cần thiết, hòa giải với Pháp khi đã có hòa bình cũng như không thể đối xử với người Pháp như những kẻ thù. Trong cuộc họp ở Margival ngày 17 tháng 6, ông trình bày ý kiến của ông đối với chính sách chính thức đối với Pháp và nhắc Hitler hãy coi chừng sự thống trị của cơ quan Mật vụ và những phương thức của chương trình Sauckel.

Đây là sự nhận xét của Thống chế Rommel ngày 15 tháng 4 năm 1944 về tình hình quân sự: ở mặt trận Miền Tây, cuộc đánh chiếm của Đồng minh sẽ xảy ra chắc chắn, và có lẽ khó lòng ngăn chặn được nó với những lực lượng đang bố trí. Ở mặt trận Miền Đông, người ta phải phòng trước cuộc tổng tấn công của Hồng quân vào khoảng giữa năm; ở Ý cuộc tấn công của Đống minh sẽ thằng lợi từ từ, liên tục tiến về hướng Bắc và tỉa dần lực lượng Đức. Vì đã biết rõ chiến trường tại Ý, hiểu rõ hoàn cảnh chiến lược, Rommel đề nghị bỏ rơi miền Trung và Nam Ý, chấp nhận một cuộc rút lui về trấn giữ vị trí từ Pise đến Florence và tới Ravenne, nhưng Tổng Tư lệnh tối cao quân lực không nghe lời cứ giữ nguyên vị trí cũ. Thành thử các bờ biển Ý chỉ được phòng thủ yếu ớt và là một mục tiêu dễ dàng cho cuộc đánh chiếm của địch.

Tình hình chính trị còn tuyệt vọng hơn tình hình quân sự. Nước Đức chiến đấu đơn độc: nước Ý đã trở thành đối thủ của Đức; nền độc tài bù nhìn của Mussolini ở miền Bắc Ý không có quyền hành gì ở những nơi khác. Những tin tức từ Phần Lan, Lỗ ma ni, Bảo gia Lợi đưa về, cho thấy sự rối ren và bấp bênh của chính quyền và dân chúng những nơi đó. Không bao giờ người ta lại bắt tay với một kẻ thù duy nhất để loại trừ kẻ thù kia. Đường lối đối ngoại của Đức thiếu sự sáng suốt và tính chất hoạt động cũng như đường lối chiến tranh.

***

Trong những cuộc trò chuyện tại nơi Thống chế Rommel, một số ý kiến của bác sĩ Goerdeler, nguyên thị trưởng Leipzig, được nhắc tới. Những ý kiến này chuyển tới cho Rommel ngày 11 tháng 4 tại Freydenstadt, qua sự trung gian của ông thị trưởng là bác sĩ Strolin. Cuối năm 1943, Goerdeler đã thỉnh cầu Strolin bắt liên lạc với Thống chế. Làm sao thuyết phục được Thống chế thấy rõ sự cần thiết phải dẹp bỏ Hitler và chế độ của ông ta nếu muốn cứu nước Đức và Âu châu. Thị trưởng Stuttgart, đã từ lâu vẫn coi Rommel như một người cương nghị và sáng suốt, rất tha thiết với vấn đề trên, ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc với Thống chế hồi tháng 2 năm 1944. Họ đã thảo luận với nhau về những hoạt động hợp pháp khả dĩ thay đổi được chế độ và chấm dứt chiến tranh. Về khía cạnh quân sự, biểu đồ kế hoạch được bổ túc bằng những tin tức do Đại tướng Beck và tướng pháo binh Wagner đưa tới.

Tất cả đều đồng ý là phải tìm ngay ra những lối thoát và phương tiện để chấm dứt chiến tranh trước khi sự tan rã rõ rệt làm cho mọi cuộc đàm phán không thể thực hiện được, Rommel, với bản tính trầm tĩnh nhưng không hề giấu giếm sự kỳ quái của Hitler trên phương diện quân sự cũng như chính trị, sự khinh thường hoàn toàn đối với nhận thức về Âu châu và tình nhân loại thực sự của Hitler.

Chính lúc ấy mà hàng loạt những cuộc hội họp thiết yếu đã diễn ra.

Tư lệnh khu vực Bỉ và vùng bắc nước Pháp, tướng Bộ binh Alexander von Falkenhausen, người “hùng” của Đệ I Thế chiến, là một trong những nhân vật đáng chú ý của mặt trận Miền Tây và của quân đội về phương diện trí thức và nhân đạo. Thống chế Rommel đã từng là phụ tá của ông, khi von Falkenhausen điều khiển trường Bộ binh Dresde. Ông kính trọng con người khôn ngoan này. Trước Đệ I Thế chiến, Falkenhansen là tùy viên quân sự tại Nhật; năm 1934 ông trở thành cố vấn quân sự cho thống chế Tưởng giới Thạch và kế tiếp chức vụ của các tướng von Seekt và Welzell.

Ông hiểu rõ dân tộc Anh cũng như các dân tộc ở Viễn đông. Với bao nhiêu khó khăn trở ngại, ông đã có ý chống lại những huấn thị của Hitler liên quan tới Bỉ và miền Bắc nước Pháp và cố gắng cai trị những vùng đất ấy với tư cách con người có phẩm giá. Nhưng ngày 15 tháng 7 năm1944 ông bị thay thế bởi Khu trưởng Hành chánh (gauleiter) Grobe, và bị bắt giữ sau ngày 20 tháng 7 năm 1944. Von Falkenhausen thấy rằng cái cơ hội thành công của một cuộc đảo chánh đã qua rồi; nhưng dù sao đi nữa, cũng phải triệt để thực hiện sự toan tính đảo chánh để chấm dứt chiến tranh và cứu Tổ quốc ra khỏi sự khổ ải triền miền.

Tư lệnh tại Pháp, tướng Bộ binh Karl Heinrich von Stulpnagel, cũng chia sẻ quan điểm của bạn đồng liêu ông tại Bỉ. Ông đã đẩy mạnh tới mức tối đa, trong lý thuyết cũng như trong thực hành, những sự chuẩn bị cho một cuộc thay đổi tình thế. Karl Heinrich von Stulpnagel là một nhân vật hào hùng; ông có tài thao lược của connhà tướng và tài chuyên môn. Đại tướng Beck, nguyên Tổng tham mưu trưởng, đã chọn ông làm cộng sự viên trong cuộc soạn thảo tập quân kỷ dưới tựa đề: Tác Phong Quân Đội. Tài mẫn tiệp của ông về chính trị đã được tận dụng trông công việc này. Ở ông, khả năng quân sự lão luyện và sự suy luận vững chắc được bổ túc bởi một ý thức tinh tế, thăng bằng. Ngoài ra, ông còn có một trình độ triết học và tài ngoại giao mà ông đã chứng tỏ được khi giữ chức vụ Trưởng khối đặc trách các vấn đề Quân đội Ngoại quốc trong Bộ Tổng tham mưu và khi làm chủ tịch Ủy ban Đình chiến. Ông là một người Đức và một người Âu hoàn toàn theo nghĩa của tiếng đó. Những tình cảm cao thượng của ông về đạo đức đã làm cho ông thấy mình là một nạn nhân thường trực của tính chất vô luân trong chính sách của Hitler. Ngay từ hồi ông cùng với Rommel làm giáo sư trường Võ bị Dresde do Falkenhausen điều khiển, ông đã tỏ ra rất ăn ý với ông Falkenhausen.

Sau những câu chuyện có tính cách chuẩn bị của ông tham mưu trưởng ngày 15 tháng 5 năm 1944, trong một ngôi biệt thự tại Mareil-Marly, gần Saint-Germain, một cuộc họp giữa Rommel và Stulpnagel đi sâu vào vấn đề hơn. Hai người trù liệu những biện pháp chấm dứt chiến tranh tại Miền Tây và tiêu diệt chế độ Quốc xã. Sau khi kiểm điểm qua tình hình chính trị và quân sự, họ ấn định chi tiết của công việc chuẩn bị. Hai vị chỉ huy trưởng khẩn thiết trình bày những nỗi lo ngại về quân sự và chính trị của mình với vị Tổng tư lệnh mặt trận Miền Tây, Thống chế Von Rundstedt. Họ đã được Thống chế lắng nghe với vẻ ân cần. Vào tháng năm, vị tướng Bộ Tổng tham mưu quân lực, tướng pháo binh Edouard Wagner, có nhiệm vụ liên lạc, phối hợp hoạt động của Miền Tây với các sự thiết bị của Tổng tư lệnh Quân đội, đến lô cốt chỉ huy của Binh đoàn. Thống chế Rommel phản đối các kế hoạch và dự định ám sát: Ông không muốn làm cho Hitler biến thành một vị tuẫn thánh. Kế hoạch của ông gồm việc dùng các đơn vị thiết giáp chắc chắn để bắt sống Hitler và sau đó đưa ông ta ra tòa án Đức để xét xử về các tội ác mà ông ta đã phạm phải đối với dân tộc của ông ta và đối với Nhân loại: Dân đã chọn ông ta vậy thì dân sẽ xét xử ông ta.

Gần như mỗi ngày, những nhân vật quan trọng của chế độ đều đến để tỏ bày tự do những ý kiến của mình trong vùng du địa của Bộ tham mưu của Rommel, xa tầm móng vuốt của cơ quan Gestapo và để tìm các phương sách thoát khỏi một tình thế ngày càng trở nên tuyệt vọng. Trong số những nhân vật đó có bác sĩ Dorpmuller, quốc vụ khanh và chỉ huy trưởng Hành chánh Hambourg Kauffmann.

Nhiều tin tức từ mọi từng lớp dân chúng đưa về cũng xác nhận quan điểm đó và bảy tỏ sự tín nhiệm sâu xa đối với Rommel về phương diện nhân phẩm và tư cách quân nhân của ông.

Trong những ngày đầu tháng 5, Ernst Junger, lúc ấy là Đại úy trong bộ tham mưu của vị tư lệnh tại Pháp, mang tới bức giác thư hòa bình, trong đó có một vài điểm ông đã nghiên cứu từ hồi mùa đông 1941-1942. Rommel rất quan tâm tới những ý kiến của Ernst Junger, đặc biệt là tới cái nhận thức về người Hoa Kỳ tại Âu châu, một nhận thức dạt dào một tư tưởng nhân bản Ki tô giáo. Thống chế trù liệu sẽ quảng bá thật rộng rãi tài liệu lịch sử và nhân đạo ấy khi có cơ hội thuận tiện. Trong thời kỳ của Tín ngưỡng Tân ước nầy, lời kêu gọi của Junger gây một sức mạnh gần như thần thoại và đã tìm được những cơ quan nhận chịu sự quảng bá của ông.

Đồng thời bác sĩ Strolin, thị trưởng Stuttgart, theo lời mời của bác sĩ Goerdeler, ngày 14 tháng 4, cũng đã giải bày cùng Thống chế ước muốn có một cuộc họp với Nam tước Constanlin Von Neurath, cựu Ngoại trưởng, cuộc họp mà trong đó cái kinh nghiệm lão thành về ngoại giao của ông cựu Ngoại trưởng sẽ có thể rất hữu ích.

Rommel nhìn thấy ở Neurath một nhà ngoại giao kỳ cựu, chỉ với bản chất quý phái của ông ta thôi, cũng đủ là người đối nghịch với chế độ Quốc Xã. Ngoài ra, Thống chế còn tìm được ở ông ta một con người cùng quê hương xứ sở Souabe[2] với Thống chế. Con trai của Neurath đã ở trong bộ Tham mưu của Thống chế rất lâu tại mặt trận Phi châu. Nhưng một sự xê dịch của Rommel đi tìm gặp Neurath và Strolin khó lòng tránh khỏi con mắt của Mật vụ. Vì vậy cho nên Rommel đã ủy cho tôi lo sự liên lạc với hai nhân vật ấy.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 2-8-2013 09:00 PM
- 6 -
(tiếp theo)

Buổi tối tiếp xúc diễn ra ngày 27 tháng 5 năm 1944 tại Freudenstadt. Mục tiêu của nó nhằm trao đổi những nhận xét giữa mặt trận miền Tây và mẫu quốc. Tôi bắt đầu bằng công việc xác định tình hình quân sự trước cuộc đánh chiếm của Đồng minh. Nhân danh Thống chế tôi đòi hỏi phải nghiên cứu kế hoạch tại Đức để cứu đất nước thoát khỏi tai họa diệt vong. Von Neurath phác họa một biểu đồ về tình hình ngoại giao từ ngày 4 tháng 2 năm 1938, ngày mà ông và Đại tướng Von Fritsch bị giải nhiệm. Ông nhắc lại sự kiêu hãnh của những lời ông đã báo động trước cho Hitler. Bác sĩ Strolin chú trọng tới vấn đề thuộc về trung ương, về cá nhân Hitler và tán đồng ý kiến cho rằng ngoại quốc không muốn điều đình với Hitler dù với giá nào. Chỉ có truất phế Hitler đi mới có thể tạo được một đường lối xây dựng mới. Nhưng phải hành động gấp rút, trước cuộc đánh chiếm của Đồng minh. Vì vậy sự giữ vững phòng tuyến là điều kiện trước tiên cho mọi kế hoạch. Theo ý kiến của bác sĩ Strolin thì Thống chế Rommel là người duy nhất đảm trách được đường hướng chung, không những vì ông là người được dân Đức ưa mến bởi lòng liêm khiết và bởi ông là một tướng lãnh, mà vì ông còn được cả nước ngoài khâm phục bởi tinh thần cao thượng khi cầm quân.

Vì vậy, hai nhân vật trên yêu cầu tôi chuyển lời mời Thống chế hãy sẵn sàng đứng ra cứu vãn nước Đức, hoặc với cương vị tư lệnh Lục quân, hoặc Quốc trưởng lâm thời. Dĩ nhiên Đại tướng Beck và bác sĩ Goerdeler đều là những nhân vật thiết yếu, đủ khả năng đóng vai trò trọng đại của cuộc cách mạng này, nhưng trong những bước đầu khó khăn, phải có một nhân vật có uy tín đối với dân chúng và quân đội như Thống chế.

Hơn nữa, người ta dự liệu những khả năng đàm phán với phe Đồng minh tây phương: nhờ Tòa thánh La mã, nhờ ông Samuel Hoare, Đại sứ Anh tại Madrid, và nhờ Thụy sĩ. Những cuộc thăm dò đã được đưa ra tại La mã, Madrid và Lisbonne, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả gì.

Mười ngày sau, Strolin chuyển tới một bản báo cáo về tình hình ngoại giao và những thuận lợi của nó do Von Neurath thảo; những thuận lợi về ngoại giao quả thực còn quá hạn chế.

Người ta thảo luận kỹ càng việc trừ khử Hitler. Trái với ý kiến Thống chế, như ta đã thấy, chỉ muốn bắt Hitler và đưa ra xét xử tại một tòa án Đức, Strolin bàn rộng về quan điểm của Goerdeler và Beck chủ trương một vụ trừ khử khẩn thiết.

Theo họ, Hitler còn sống tức là còn có một mầm mống nguy hiểm về một cuộc tranh chấp chính trị.

Những công việc chuẩn bị cho vấn đề tuyên truyền trong nước và ở các mặt trận cũng đã được phác họa với những nét đại cương.

Cuộc hội ý lần thứ hai đã bàn thêm về sự liên hệ giữa những điểm khác biệt của cuộc kháng cự và đã ấn định một đường dây tin tức gửi đến đồn chỉ huy của Rommel: đường dây nầy tỏ ra chắc chắn và không bị khám phá.

Thống chế chấp thuận nội dung của những cuộc thảo luận ấy, ông báo tin cho Von Neurath và Strolin biết rằng những biện pháp chuẩn bị đã được thực hiện và bản thân ông, không có tham vọng cá nhân, sẵn sàng tham gia tích cực.

Một mưu tính của Mỹ muốn bắt liên lạc với Rommel, nhưng ông không hề hay biết, và chuyện đó chỉ được phát giác ra sau khi chiến tranh chấm dứt. Ngày 19 tháng 5 năm 1944, Đại tá Smart của Mỹ đáp phi cơ tới Vienne và đã tuyên bố trong một cuộc hỏi cung rằng ông ta muốn liên lạc với Thống chế để chấm dứt chiến tranh. Biên bản hỏi cung được ghi chép trong trại tù binh giam các sĩ quan tại Oberursel – Taunus, có ba bản gửi cho Hermann Goering, Goebbels và Bộ Không quân Đức. Rommel không được thông báo: đây cũng lại là một thí dụ về những phương pháp xếp đặt một đường lối chính trị có tính cách “sứ quân” và sự thiếu phối hợp giữa ba bộ Tự lệnh của các binh chủng.

***

Vì vậy trong những tuần lễ trước cuộc đánh chiếm của Đồng minh ý kiến của hầu hết mọi người đều bao quanh vấn đề cứu vớt nền Cộng hòa Đức. Chỉ có ai, đứng trước những giờ khắc vụt biến, trong giai đoạn quyết liệt của vận mệnh, bị bắt buộc phải phấn đấu để đưa ra những quyết định liên quan đến mạng sống nhiều người, đến tình hình chính trị và quân sự mà tầm mức của những quyết định ấy vượt xa khỏi tầm vóc của dân tộc Đức, thì người ấy mới có thể đo lường được sự bối rối trong lương tri các vị Tư lệnh quân sự cùng một hoàn cảnh suy tư như vậy. Những vấn đề mà một ông Hoàng Homburg, một ông Louis Ferdinand và một ông York phải giải quyết cũng có một tầm mức gần giống như những vấn đề của các vị tư lệnh quân sự dưới thời Hitler. Thống chế Rommel cũng giống như Nã phá luân, trong giai đoạn quyết định của lịch sử, phải đáp ứng những đòi hỏi đặt ra cho một kẻ sĩ phu quyền cao tước trọng, và hơn nữa ngoài một tư tưởng quân sự, còn phải đưa ra được một tư tưởng chính trị. Thống chế không phải là một ông tướng võ biền đầu óc hẹp hòi chỉ biết vâng lời như một kẻ thuộc hạ thấp kém, như Schlieffen đã mô tả; ông cũng không phải là một thứ “chuyên viên” để cho Hitler, giống như Robespierre, có thể phán bảo rằng: “Chỉ nhìn thẳng đằng trước là kẻ thù và phía đằng sau là sợi dây để treo cổ hắn ta!”. Ta cũng cần thêm vào đó cái luân lý của một Moltke, một nhân vật mà trong giờ phút cuối cùng đã đặt tình nhân loại lên trên nhiệm vụ người lính và đặt Con người lên trên Nguyên tắc. Trong các buổi đàm luận trong công viên, Rommel thích trích dẫnvới sự châm biếm chua cay, các câu được viết trong cuốn Mein Kampf của Hitler, những câu mà Hitler đã làm cho ý nghĩa hoàn toàn trái ngược trong suốt tiến trình tiến hóa của ông: “Khi một dân tộc bị dắt dẫn đến chỗ diệt vong do bởi các kế sách của một chính quyền gồm những kẻ tiếm đoạt, sự nổi loạn của mỗi người công dân không những chỉ là một quyền, mà là một bổn phận… Quyền của con người phá vỡ quyền của Nhà nước”. Và: “Một lãnh tụ khôn ngoan phải chăm sóc không những đừng để cho cả dân tộc lao đầu vào vực thẳm một cách anh hùng mà phải bảo toàn khối dân tộc ấy. Mọi con đường đưa đến mục tiêu ấy đều đã được vạch ra và sự thiếu sót trong các đường hướng ấy phải được xem như là hành vi trọng tội và xâm hại đến lương tâm.”

Rommel chủ trương rằng, đối với cấp chỉ huy, sự tuân phục phải tìm kiếm các giới hạn của nó trong cảm nghĩ về trách nhiệm đối với Số phận của Dân tộc tại một điểm mà lương tri con người ra lệnh nổi loạn.

Chắc chắn ông hiểu rõ sự khác biệt giữa sự bất tuân phục đối với Thượng đế và sự bất tuân phục đối với con người. Trong lợi ích của chính dân tộc, ông cần phải đảm nhận nhiều trách nhiệm đặc biệt nếu các phương tiện khác không còn nữa. Lại một lần nữa, trong một buổi thuyết trình có bài viết sẵn, ông toan tính cải hóa cách nhìn của Hitler theo lối trên để giúp ông ta quay đầu trở lại. Nhưng lời kêu gọi cuối cùng ấy cũng không đáp ứng cũng như tất cả các lần trước, lúc đó ông tự coi là được giải thệ. Bây giờ ông có bổn phận hành động, dầu cho bổn phận ấy có vẻ như được hành sử để chống lại Tổ quốc. Vả chăng đối với ông, thật rõ ràng rằng, đối với một hành động như vậy, và đối với trách nhiệm siêu hình ấy chỉ có vị Tư lệnh Tối cao là có thể có đủ tư cách để dấn thân vào chứ không phải là một binh sĩ hay một sĩ quan đơn độc, không thể nào có được một cái nhìn sâu rộng. Rommel chịu gánh lấy trách nhiệm về một quyết định cá nhân và gạt bỏ trách nhiệm đơn thuần của một kẻ chấp hành bị Hitler bó buộc. Ông muốn tiết kiệm cho Tổ quốc và cho thế giới những sự hy sinh đẫm máu, bảo vệ cho những thành phố đẹp đẽ nhất và những khu vực đồng quê trù phú của quê hương ông, khỏi bị mất và khỏi bị tiêu diệt. Trong một tình thế như vậy, không bao giờ để cho cuộc chiến xảy ra trên đất Đức; một quyết định như thế sẽ không thể nào bị sửa đổi được ngay cả bởi các điều kiện gay go nhất của một đối thủ không chịu buông tha. “May cho một dân tộc, một hôm Talleyrand nói, tìm được một người biết tạo dựng hòa bình, khi mà người lãnh đạo của ông ta không còn được chấp nhận ngay cả như một người cầm cờ trắng.”

Rommel biết rất rõ ràng rằng thái độ đầy sáng tạo ấy có thể đòi hỏi sự hy sinh chính bản thân của ông, và cũng có thể cung cấp duyên cớ cho một “câu chuyện truyền kỳ về hành động đâm sau lưng” khác. Vả lại, không bao giờ ông sợ hãi sự hy sinh cá nhân mình!

Cũng công khai như Rommel, Von Falkenhausen và Von Stulpnagel đã thông báo các cuộc đàm luận và tư tưởng của họ cho vị Tổng tư lệnh mặt trận Miền Tây, Thống chế Von Rundstedt.

Các sự liên lạc giữa Rommel với Rundstedt và vị Tham mưu trưởng của Thống chế là tướng Blumentritt, được đặt trong sự tín nhiệm lẫn nhau.

Rommel tôn kính Rundstedt là một quân nhân đầy kinh nghiệm của lò đào tạo xưa cũ, là môn đồ quan trọng của Schlieffen. Họ đồng ý với nhau trong các suy luận về toàn bộ chiến lược và chính trị tổng quát. Von Rundstedt là một chiến lược gia có hạng nắm chắc trong tay dụng cụ quân sự. Nhưng trong những năm cuối ấy của cuộc đời ông, có thể là vì tuổi tác đã khá cao nên ông thiếu sự phấn khởi sáng tạo, sự minh bạch trong cảm nghĩ về trách nhiệm đối với dân tộc. Càng ngày người ta càng chú ý nơi ông, sự uể oải nhọc mệt và thái độ chịu đựng chua chát. Chắc chắn là ông khinh thường Hitler, sau các cuộc hội đàm thân mật với Hitler, ông chỉ còn gọi Hitler, bắt chước theo Hindenburg, là “Chú cai người Bohême”.

Trong các cuộc hội kiến mà mục đích là để trình bày các nhu cầu chung với hiện diện của Hitler, ông tuyên bố với Rommel: “Ông còn trẻ, dân tộc biết ông và yêu mến ông. Hành động là việc của ông!”.

Chính như thế Von Rundstedt tự làm lu mờ, không những chỉ trong vai trò của một tướng soái mà còn trong vai trò một nhân vật đúng vào lúc ông phải hoàn toàn dấn thân. Tiếp theo sau sự bất động ngày càng gia tăng của ông, ông trở nên một nhân vật ít được biết đến tại mặt trận Miền Tây, trong khi đó Rommel, nhờ tính khí của một lãnh tụ rõ rệt, tác động bằng cá nhân mình lên hàng ngũ binh sĩ, đã dấn thân không hề ngần ngại.

Ngày 4 tháng 7 năm 1944, vào buổi chiều, Thống chế Von Rundstedt tuyên bố với Rommel rằng ông sẽ không bao giờ đảm nhận chức vụ Tổng tư lệnh nữa. Vậy là khó mà giải thích thái độ về sau của ông: sự tham gia của ông vào cái gọi là tòa án danh dự, sau ngày 20 tháng 7; và tòa án này, do sự tẩy chay của các bạn ông trong quân đội, đã sáng tạo ra các điều kiện tiên quyết để đưa họ ra kết tội trước Tòa án Nhân dân, sự đảm nhiệm một chức vụ Tân Tổng tư lệnh tối ngày 4 tháng 9 năm 1944 và cuối cùng sự đại diện cho Hitler trong tang lễ của Erdwin Rommel đã bị bức tử ngày 17 tháng 10, tại Ulm, nơi mà định mệnh đã lại cho ông, thêm một lần nữa, cơ hội để nói, như Marc Antoine[3], ông vẫn ở trong “trạng thái thụ động về mặt tinh thần”.
Kết quả của tất cả các cuộc thương nghị được ghi dưới hình thức một lịch trình điều động, trước hết lệ thuộc vào sự hợp tác của tướng Von Stulpnagel: ở phía Tây, thiết lập những điều kiện cần thiết cho một cuộc đình chiến với các tướng Eisenhower và Montgomery, không có sự tham dự của Hitler. Đối với các cuộc thương thuyết, Rommel đã tiên liệu các nhân vật sau: các tướng Stulpnagel, Geyr Von Schweppenburg, Hans Speidel, Gerd Von Schwerin, phó Đô đốc Friedrich Ruge, trung tá trừ bị bác sĩ Casar Von Hofacker. Thống chế đã dự trù các điều kiện sau đây cho một cuộc ngưng bắn:

Triệt thoái khỏi lãnh thổ các quốc gia bị chiếm đóng tại miền Tây, rút lui quân lực đóng ở miền Tây hiện đang ở sau bức tường phía tây, trao lại guồng máy cai trị các quốc gia bị chiếm đóng cho Đồng minh. Đình chỉ tức khắc chiến tranh bằng các cuộc không tập trên lãnh thổ Đức quốc! Cuộc đình chiến – chứ không phải là một cuộc đầu hàng vô điều kiện – phải được nối tiếp bằng các cuộc thương nghị nhằm mục tiêu một nền hòa bình đạt được trật tự chứ không phải trong tình trạng hỗn loạn. Thống chế Rommel vẫn đinh ninh là phe Đồng minh sẽ không bao giờ để cho cơ may như thế trôi qua.

Kêu gọi dân tộc Đức trên tất cả các đài phát thanh tại miền Tây: giải thích công khai tất cả về tình hình chính trị và quân sự thật sự và các nguyên nhân đưa đến tình hình đó, mà không nói đến tội ác do Hitler đã phạm phải trong tư cách người lãnh đạo quốc gia.

Các đơn vị quân đội sẽ được thông báo cho biết tính cách cần thiết của các biện pháp nhằm mục tiêu tránh thảm họa.

Tại Đức, bắt giữ Adolf Hitler để đưa ra xét xử trước một tòa án Đức, thi hành bởi các lực lượng chống đối của Bộ Tổng tư lệnh tối cao, hoặc bởi các đơn vị thiết kỵ mà người ta sẽ triệu dụng. Rommel có ý nghĩ là không nên trừ khử Hitler bằng một cuộc mưu sát, nhưng để cho các thẩm phán Đức kết án ông ta. Hủy diệt chế độ độc tài bạo lực quốc xã. Nắm quyền lâm thời tại Đức bởi các lực lượng đề kháng thuộc mọi tầng lớp và kết hợp dân chúng dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Beck, cựu thị trưởng bác sĩ Goerdeler, cựu Tổng thống nội vụ và chủ tịch nghiệp đoàn Leuschner.

Cá nhân Thống chế Rommel không ước muốn nắm giữ vai trò lãnh đạo quốc gia nhưng ông sẵn sàng nắm giữ quyền Tổng tư lệnh Quân đội hay Tổng tư lệnh Lục quân.

Không có một chế độ độc tài quân nhân nào cả. Hòa giải nội bộ và một mặt trận thống nhất. Chuẩn bị cho một nền hòa bình lâu dài trong khung cảnh một “Hiệp chủng quốc Âu châu”. Hợp tác với tất cả những người có thiện chí.

Ở miền Đông, tiếp tục chiến đấu nhờ sự chiếm đóng một mặt trận Miền Đông thu ngắn trên một phòng tuyến chạy dài ngang qua từ cửa sông Danube, dãy núi Carpathes, Lemberg, sông Vistule, Mémel. Di tản chiến thuật lập tức ra khỏi Courlande và các khu vực phòng thủ tăng cường khác.

Công cuộc chuẩn bị phải được đẩy mạnh bằng cách nào mà người ta có thể hành động trước khi cuộc đổ bộ của Đồng minh vào Âu-châu. Và điều kiện tiên quyết cho các cuộc thương thuyết sắp đến là sự hiện hữu của một mặt trận Miền Tây thật vững chắc. Đây là niềm ưu tư chính yếu của tất cả mọi người.

Chú thích:

[1] Đọc: “Rommel, con cáo già của sa mạc” Bản dịch Người Sông Kiên và Lê thị Duyên, Sông Kiên xuất bản.

[2] Souabe tiếng Đức là Schuaben, cựu công quốc (duché) của Đức, ngày nay là một đơn vị Hành Chánh ở miền Tây Nam Bavière– thủ đô: Augsbourg.

[3] Marc Antoine: tướng La Mã, người tình của Cleopatre, nữ hoàng Ai Cập

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 2-8-2013 09:16 PM
- 7 -
CUỘC XÂM CHIẾM TỪ NGÀY 6 ĐẾN NGÀY 9-6-1944

Hitler luôn luôn trì hoãn cuộc viếng thăm miền Tây dự định từ lâu của ông. Cũng như Thống chế Rommel một lần nữa muốn trình bày cho ông ta, một báo cáo riêng, và trước cuộc xâm chiếm sắp đến của Đồng minh, trình bày các quan niệm quân sự và chính trị của ông về tình hình và yêu cầu ông ta thi hành các biện pháp chính trị tương ứng.

Được thỏa hiệp với Thống chế Von Rundstedt và sau khi thỏa hiệp trước bằng điện thoại với túy viên của Hitler, tướng Schmundt, sáng ngày 5 tháng 8, ông đi xe đến Obersalzberg: các giới chức cao cấp đã bị cấm không được dùng đường hàng không vì ưu thế không quân của địch. Ông phải báo cáo cho Fuhrer vào ngày 6 tháng 6, nhưng muốn về với gia đình đêm 5 rạng ngày 6 tại Herrlingen, gần Ulm.

Ngày 5 trôi qua một cách êm ả. Tổng tư lệnh miền Tây đã tuyên bố rõ, cũng như bao nhiêu tin tức tình báo khác, rằng cuộc xâm chiếm có thể bắt đầu trong khoảng từ 6 đến 15 tháng 6. Nhiều điện văn bắt được qua máy vô tuyến đã chỉ định nhiều ngày để bắt đầu cuộc đổ bộ, nhưng người ta nghĩ rằng nó sẽ bị chậm trễ.

Các lực lượng kháng chiến F.F.I bên trong lãnh thổ Pháp, báo hiệu cho nhau, đặc biệt là trong vùng Bretagne, bằng truyền đơn. Nội dụng của truyền đơn có thể coi như là một lời kêu gọi bắt đầu một giai đoạn kháng chiến tích cực. Binh đoàn B đã ra lệnh báo động toàn diện mặt trận ngay từ các ngày đầu của tháng 6 một cách thận trọng.

Vào lúc 22 giờ ngày 5 tháng 6 Lộ quân thứ XV lại bắt được mật hiệu cho phép kết luận là cuộc xâm chiếm bắt đầu.

Dĩ nhiên là Lộ quân thứ XV đã lập tức báo động các đơn vị trực thuộc và thông báo cho các Lộ quân đóng kế cận. Tổng tư lệnh Miền Tây được thông báo dấu hiệu bắt được của địch đã không đồng ý đặt toàn thể mặt trận trong tình trạng báo động.

Trong những ngày trước đó, vì lẽ ưu thế của không quân địch có tính cách tuyệt đối cho nên các đơn vị không thám và hải thám đã không thể nào hoạt động được. Các cuộc tuần tiễu trên biển đã không thể thực hiện được trong đêm mồng 5 tháng 6 vì lý do “biển quá xấu”.

Ngay từ bình minh ngày mồng 6, Tham mưu trưởng Binh đoàn B nhận được các tin tức liên quan đến các vụ địch quân nhảy dù xuống vùng Caen và trong vùng đông nam bán đảo Colentin. Trước hết, người ta không biết rõ lắm liệu đây là cuộc đổ bộ các đơn vị không vận quan trọng hay chỉ là việc thả dù các đội liên lạc cảm tử mạnh mẽ để hỗ trợ cho lực lượng kháng chiến tại Pháp. Đặc biệt, chính trong vùng giữa sông Seine và sông Orne, quân dù địch đã lan tràn trong một vùng rộng lớn. Mặc dù vậy, các mệnh lệnh chuẩn bị cũng đã được ban hành. Giữa khoảng 3 và 4 giờ sáng tin tức về các cuộc nhảy dù ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, lại có các cuộc ném bom nhằm vào các khu vực phòng thủ kiên cố và dọc theo bờ biển; tin tức về các đội hình không quân mạnh mẽ của địch được thông báo. Các sư đoàn thiết giáp trừ bị sẵn sàng nổ máy. Lực lượng tổng trừ bị độc lập của Quân đoàn I thiết kỵ SS được lệnh liên lạc với quân đoàn của tướng pháo binh Erich Marcks đang trấn giữ vùng bờ biển Calvados và chỉ huy lực lượng trên bán đảo Colentin, cũng như với các sư đoàn tham chiến. Sư đoàn 21 thiết giáp nhận được lệnh tiến vào khu vực chuẩn bị định trước ở phía nam Caen. Bộ Tư lệnh tối cao Lục quân và Bộ Tổng tư lệnh Mặt trận Miền Tây được báo cáo tình hình.

Đến 5 giờ 30, một cuộc oanh kích như sấm sét đổ xuống bờ biển Calvados bởi hàng trăm hải pháo từ biển khơi bắn vào. Các biện pháp phòng vệ tự động, được tiên liệu từ lâu, bắt đầu hoạt động. Các mệnh lệnh đã được chuẩn bị cho Trường hợp Normandie được ban hành.

Tham mưu trưởng Binh đoàn B điện thoại báo cho vị Tư lệnh của mình tại Herrlingen biết tình hình và các biện pháp sơ khởi, vào khoảng giữa 6 giờ và 6 giờ rưỡi. Thống chế Rommel chấp thuận các biện pháp đó. Ông lập tức hủy bỏ đoạn tiếp của cuộc hành trình về Berchtesgaden và ngay từ ngày mồng 6 tháng sáu, vào khoảng từ 16 đến 17 giờ, ông lại xuất hiện tại bản doanh đặt ở La Roche-Guyon.

Đối với ông, không có thể có vấn đề ban hành các chỉ thị chiến lược ngay trong những giờ đầu tiên ấy, khi mà ông chưa được các tin tức tình báo và các đơn vị thám sát đã được tung ngay lập tức khắp tứ phía, báo cáo rõ ràng về tình hình. Phải cố trấn tĩnh và chờ đợi. Nhưng các cú điện thoại liên miên từ Bộ tư lệnh Mặt trận Miền Tây gọi đến chứng tỏ các giới chức cao cấp ấy đang bị xao động, bối rối. Nhiều lần tướng Jodl được viên tham mưu trưởng thông báo tình hình. Ông nầy yêu cầu Jodl cho sử dụng các sư đoàn thiết giáp đặt dưới quyền của Bộ Tổng tư lệnh Lục quân. Từ 6 giờ, tin tức về cuộc đổ bộ được dồn dập gởi về. Mọi tin tức đều phát xuất từ Lục quân vì không một phi cơ nào của Đức có thể bay đến khu vực Normandie. Ngay từ mồng 6 tháng sáu, không quân Đồng minh đã làm tiêu tan mọi toan tính của 70 oanh tạc cơ và 90 máy bay săn giặc lúc đó có sẵn tại miền Tây, và làm cho tất cả mọi phi trường đều bị hỗn loạn. Chiều ngày mồng 6, một trung tâm điểm cỡ lớn của cuộc đổ bộ được kết tạo giữa sông Orne và sông Vire. Tình hình giữa sông Seine và sông Orne vẫn còn mù mờ cũng như trong khu vực rẽ quạt đông nam Cotenlin, nơi đổ bộ của quân nhảy dù Đồng minh mà người ta chưa biết rõ quân số quan trọng như thế nào.

Vì đã chờ đợi cuộc đổ bộ của đối phương bất cứ lúc nào và vì muốn tiêu diệt các lực lượng đổ bộ đầu tiên, để ngăn không cho đối phương tăng cường lực lượng và chiếm đất, ngay từ tháng năm, Rommel đã ra các chỉ thị chính yếu cho sư đoàn 21 thiết giáp trong khu vực Nam Caen là lợi dụng sự yếu kém của địch vào lúc mới đổ bộ để thi hành một “cuộc phản công tự động”. Tất cả các sự kiện có thể xảy ra liên quan đến quân số và lãnh thổ đều đã được tiên liệu trên bản đồ. Như vậy, sư đoàn 21 thiết giáp đã được Rommel đặt vào một vị trí quyết định, nhưng ông thấy các lực lượng thiết kỵ khác từ chối theo lệnh ông. Trong cuộc điện đàm vào buổi sáng với viên tham mưu trưởng của lực lượng ấy, Thống chế nhấn mạnh một lần nữa, một cách khẩn cấp, rằng chắc chắn là ông cần đưa sư đoàn 21 thiết giáp và tất cả các lực lượng trừ bị cơ hữu vào cuộc tấn công nhưng phải đặt chúng dưới một hệ thống chỉ huy duy nhất. Nhưng trước các đề nghị lập đi lập lại, Hitler vẫn không muốn tung ra các lực lượng trừ bị khác: chính vì vậy mà chỉ có sư đoàn 21 thiết giáp tham gia cuộc phản công ngày 6 tháng sáu lúc 10 giờ theo lệnh của Tư lệnh Quân đoàn LXXXIV, tướng pháo binh Marcks.

Đà tiến của thiết giáp đưa họ cho đến bờ biển và cho phép thiết lập liên lạc với các mảnh vụn của sư đoàn 716 vẫn còn giữ vững tại điểm tựa. Khi đối phương đổ bộ quân dù xuống vùng dàn quân của sư đoàn thiết giáp đang tấn công và xuống khu vực đông Caen, một quyết định được ban hành ra lệnh ngưng cuộc tấn công và chuyển hướng đánh hậu tập vào các thành phần địch. Đấy chính là một sự giúp đỡ đối phương mà hậu quả tai hại không lường được, bởi vì thành tích ban đầu không được khai thác. Cuộc tấn công của sư đoàn 21 làm cho đối phương rất khó chịu: đấy là lý do khiến địch tung các đơn vị nhảy dù ra để chống lại các thiết giáp Đức. Về phần Rommel, nhiều lần trong tháng 5 ông đã yêu cầu mà không kết quả, đặt trong vùng Caen và Falaise, quân đoàn 1 thiết kỵ SS với sư đoàn 12 thiết giáp SS Hitler Jugend và sư đoàn thiết giáp Lehr, tất cả đều ở trong tình trạng báo động. Ông muốn trình bày lên Hitler lời yêu cầu nầy một lần nữa vào ngày 6 tháng 6. Sự tham dự ngay tức khắc của quân đoàn nầy cùng với 3 sư đoàn thiết kỵ khác đúng vào lúc hiểm nguy của cuộc đổ bộ của đối phương có thể đưa đến một thành công ở tầm mức địa phương.

Trong đêm mồng 6 tháng 6, nhờ làm chủ tuyệt đối mặt biển và không phận, đối phương đã thiết lập được giữa sông Orne và vùng phía bắc Ryes, một vùng đầu cầu rộng 25 cây số và sâu đến 10 cây số và tại góc đông nam Cotenlin, một vùng đầu cầu thứ hai rộng 15 cây số và sâu 4 cây số.

Trong khu vực chỉ định đầu tiên được nói trên đây trên bờ biển Calvados, Lộ quân thứII Anh cát lợi, dưới quyền chỉ huy của tướng Dempsey, đã cho đổ bộ một sư đoàn dù, và một quân số tương đương với từ 4 đến 5 sư đoàn thiết giáp hay bộ binh. Tại góc đông nam bán đảo Cotenlin, Đệ I Lộ quân Hoa kỳ, dưới quyền tướng Hodges, đã đổ bộ 2 sư đoàn dù, từ 3 đến 4 sư đoàn thiết giáp hay bộ binh. Về phía Đức, binh sĩ đã chiến đấu dũng cảm cho đến phút chót trong các ổ kháng cự xếp theo hàng thẳng và trong các vị trí khởi đầu (sư đoàn 716 và 352).

Trong vị trí tuyệt vọng ấy, họ đã giữ vững, dưới một cơn bão lửa chưa từng thấy, phát xuất từ trên không, trên mặt biển và sau cùng trên đất liền. Một vòm lửa gồm các cỡ vũ khí nặng và siêu nặng phóng ra bởi dàn vũ khí Anh, Mỹ hợp nhất đã đóng khung cả khu vực trên giới hạn phía nam bên trong lãnh thổ Pháp. Không lực Đồng minh thực hiện chừng 25.000 ngàn phi vụ trong cuộc hành quân đổ bộ ngày 6 tháng 6. Phải chính mình sống với biển lửa đạn của Đồng minh từ trên bộ, trên không và trên biển mới biết được hậu quả vật chất tinh thần mà, bất chấp tất cả các phúc trình miệng lẫn báo cáo viết, Hitler không muốn thừa nhận. Phản ứng đầu tiên của ông ta gồm toàn các lời trách móc dễ dàng và các sự can thiệp vụng về hấp tấp. Ông ta tìm những “con dê tế thần”: theo lệnh ông, cả một loạt cấp chỉ huy bị cách chức; Rommel chống lại biện pháp đó.

Sau cùng, vào chiều ngày 6 tháng 6, lúc 15 giờ quân đoàn 1 thiết kỵ SS được đặt dưới quyền sử dụng của ông. Nhưng vì ưu thế tuyệt đối của không lực địch, không còn vấn đề có thể thực hiện các cuộc điều động ban ngày nữa. Trọng tâm của cuộc tấn công của Đồng minh tối hôm đó, có vẻ nằm giữa vùng sông Orne và sông Vire. Giả thuyết cho rằng đối phương nhằm đến việc tung một mũi dùi chọc thủng về hướng Paris, càng ngày càng có vẻ trở thành sự thật. Sáng ngày 7 tháng 6, lực lượng tổng trừ bị của quân đoàn I thiết kỵ SS được giao cho khu vực Caen. Sứ mạng của nó là thực hiện cuộc tấn công chọc thủng phòng tuyến địch mà sư đoàn thiết giáp với các lực lượng hợp nhất của sư đoàn 21, sư đoàn 12 thiết giáp SS và sư đoàn thiết kỵ Lehr không hoàn thành được. Do đó, cần phải đuổi địch quân đã đổ bộ trong khu vực Caen – Bayeux ra khỏi vùng đầu cầu mới thiết lập được và dồn họ trở ra biển. Mặc dù đã tính toán chính xác các giai đoạn và các khu vực tiến quân, nhưng thời khắc ngắn ngủi của đêm tháng sáu không cho phép hoàn tất trong thời gian mong muốn, các cuộc điều quân và công cuộc tiếp liệu. Các cuộc dội bom luân phiên nhắm vào các đường giao thông, đặc biệt là tại các giao điểm đã ngăn cản mọi cuộc di chuyển.

Vì thế cuộc phản công của quân đoàn I thiết kỵ SS chỉ có thể thực hiện vào ngày 9 tháng 6: ngày thứ 3 của cuộc đổ bộ chiếm đóng và thời điểm nguy hiểm của nó đã trôi qua.

Những thảm bom, một hỏa lực liên tục của tàu chiến đối phương đã ngăn cản sự tập trung, trong thời gian mong muốn, quân đoàn I thiết kỵ SS vào khu vực nam Caen. Quân Đức bị tổn thất nặng nề về người và vật liệu, đặc biệt là các máy móc vô tuyến. Điều này lại càng làm cho việc chỉ huy càng thêm khó khăn. Vì lẽ không lực Đức đã hoàn toàn bị loại trừ, các bộ Tư lệnh Đức sử dụng các tin tức ngày càng nghèo nàn để lượng định tình hình địch. Cuộc phản công đụng đầu với một đối phương sẵn sàng trả đũa, và cũng có ưu thế ngay cả trên bộ; nó không tiến triển được chút nào sau một vài thành công có tính địa phương.

Lúc đó, tại vùng đầu cầu trên bờ biển Calvados, Lộ quân thứ II Anh Cát Lợi, đã có khoảng 10 sư đoàn cơ giới và thiết giáp, và Đệ I Lộ quân Hoa Kỳ có từ 8 đến 9 sư đoàn trong bán đảo Cotentin. Đồng minh đã nối kết các khu vực đổ bộ khác nhau trên bờ biển Normandie bằng cách chiếm đóng lãnh thổ phía Bắc và phía Đông Bayeux, lực lượng của họ kết tụ mau hơn là tốc độ đưa các lực lượng trừ bị Đức đến mặt trận; các lực lượng trừ bị này vì thiếu sự yểm trợ của không lực, đã phải di chuyển ngoài các trục lộ giao thông vốn thường bị gây rối. Sự kết hợp giữa các lực lượng Đồng minh với các quân chủng bạn trên biển và trên không đã được thể hiện với sự chính xác dễ sợ, đấy là điều đã được chứng tỏ trong ba ngày đầu tiên.

Từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 6, vì tình hình biến chuyển theo kiểu đột biến, Binh đoàn B đã trình Bộ Tổng tư lệnh miền Tây và Bộ Tư lệnh tối cao Lục quân, các đề nghị cấp thời sau:

Chiều ngày 7 tháng 6, các lực lượng cơ hữu của Lộ quân thứ XV phải được gởi qua bên kia sông Seine về phía Nam. Thế mà Tư lệnh Binh đoàn B thấy mọi cuộc chuyển quân, dù chỉ một sư đoàn thôi, bên trong khu vực trách nhiệm của ông hoàn toàn bị Tổng tư lệnh Lục quân cấm chỉ.

Ngoài ra, Lục quân cũng đề nghị:

Rải quân mỏng hơn ở mặt trận biển Manche, cho gọi 8 Sư đoàn Bộ binh đã được đưa sâu vào vùng trách nhiệm của Lộ quân thứ XV, để tung chúng vào mặt trân phía Đồng minh đổ bộ bằng cách di chuyển ban đêm – hệ thống thiết lộ đã bị phá hủy, - người ta không còn sử dụng được các đoàn xe vận tải nữa. Như vậy, có thể rút các Sư đoàn thiết giáp và trả lại tính cách cơ động trong cuộc điều quân cho chúng, Các đề nghị này thoạt tiên bị từ chối. Chỉ rất lâu về sau – quá trễ - mệnh danh cho phép, đầy vẻ ngần ngại và theo “kiểu nhỏ giọt” mới được ban hành. Nguyên nhân của sự từ chối này là Hitler cũng như Bộ Tổng tư lệnh Lục quân lo ngại sẽ có một cuộc đổ bộ thứ nhì tại bờ biển Manche. Vấn đề cuộc đổ bộ thứ nhì đó đã đóng một vai trò chủ yếu trong sáu tuần lễ đầu tiên của cuộc tái chiếm.

Do các suy tư chiến lược chiến thuật và chính trị, Rommel cho rằng cuộc đổ bộ thứ nhì không có vẻ gì có thể xảy ra, mặc dù các tin tình báo “được cân nhắc từ các giới chức cao cấp” đã phát giác là từ 5 tuần qua, mỗi ngày, đã có từ 30 đến 50 sư đoàn tập trung tại các đảo thuộc Anh quốc.

Lẽ tất nhiên là cần phải chú ý đến lực lượng ấy trong khi ước tính tình hình tổng quát. Phù hợp với các suy luận cũ, Rommel chỉ định khu vực duyên hải giữa sông Seine và sông Somme như là khu vực có thể có cuộc đụng độ. Nhưng từ giữa tháng sáu, Binh đoàn B cho rằng cuộc đổ bộ của Lộ quân thuộc tướng Patton vào khu vực bắc sông Seine và nhất là tại một điểm được tăng cường phòng thủ mạnh mẽ nhất là chuyện khó có thật. Thật vậy, đối phương đã có đủ các đầu cầu giữa sông Orne và sông Vire và dọc theo bờ phía đông bán đảo Cotentin, hơn nữa chúng lại gần như được hoàn toàn nối kết được với nhau. Nhưng Bộ Tổng tư lệnh Lục quân một lần nữa đã chống lại yêu cầu điều động Lộ quân XV và từ chối không cho Rommel bất cứ sự tự do hành động nào. Chính tướng Jodl cũng cho rằng quyết định ấy là sai lầm. Mãi đến giữa tháng 7, Tổng Tư lệnh Lục quân mới ra lệnh di chuyển các sư đoàn không được sử dụng của Lộ quân XV từ mặt trận bờ biển Manche đến Normandie. Nhưng vào lúc đó, ta nên chú ý ngay từ bây giờ rằng, người ta có thể tự hỏi là sử dụng các lực lượng ấy để chuẩn bị cho cuộc phòng thủ sông Seine có phải lợi hơn không nếu người ta muốn, tiếp theo đó, từ bỏ tự do hành động ở miền Tây.

Thống chế Rommel, ngoài ra, còn đề nghị tập trung các sư đoàn tại Bretagne và trên các đảo ngoài khơi đối diện với Anh và đưa chúng về mặt trận Normandie. Theo ông, tại Bretagne, người ta có thể yên bụng với việc đảm bảo an ninh cho bờ biển; bán đảo không còn lợi ích chiến lược nào nữa vì nó đã mất tầm quan trọng của một căn cứ tàu ngầm, về phương diện số lượng và các khả năng làm cho các tàu chiến hữu dụng. Các sự kiện thực tế cho thấy ông có lý.

Các đảo đối diện Anh quốc chỉ được chiếm đóng bởi sư đoàn 319 được tăng cường bởi một trung đoàn thiết giáp, một lữ đoàn phòng không D.C.A và vài đơn vị khác, nghĩa là gần 35.000; người họ bị bắt buộc đầu hàng vào tháng 5 năm 1945 mà không phải chiến đấu gì. Ngay từ năm 1944, do linh tính rất chính xác về số phận không thể tránh được, binh sĩ đã mệnh danh cho sư đoàn đó là “Sư đoàn Gia nã đại”, dường như sự tù đày đã được dành sẵn cho nó. Đề nghị bác bỏ một lần nữa bằng lệnh viết hẳn hoi, và ngày 17 tháng 6, Hitler cấm hẳn mọi đề nghị này.

Một yêu cầu khác nhằm giải tỏa phòng tuyến Địa trung hải “vì lẽ không thể giữ được tất cả” và đưa lên phía Bắc quân đoàn LVIII thiết kỵ đang đóng trong vùng Midi thuộc Pháp, với 4 Sư đoàn thiết giáp (sư đoàn 9 và 11 thiết giáp, Sư đoàn 2 và 17 SS) và việc sắp xếp chưa xong. Nhưng vì lo sợ một cuộc đổ bộ tại Địa trung hải, Hitler cũng như Bộ Tổng tư lệnh Lục quân lại bác bỏ đề nghị này. Mãi đến tháng 7 và tháng 8, các sư đoàn thiết giáp mới được đưa đến phía nam sông Seine: về phương diện chiến lược đó là một cứ điểm được lựa chọn một cách sai lầm.

Nên biết rằng phòng tuyến Địa trung hải, với các lực lượng yếu kém và các bờ biển trống trải, không thể nào có đủ sức chống cự lại một cuộc tấn công nghiêm chỉnh của địch. Trong trường hợp ở đấy cũng có cuộc đổ bộ, cần phải dự trù một chiến lược quy mô di tản toàn thể lực lượng trong vùng Midi của Pháp, rút lui các lực lượng về sau tuyến Seine – Yonne, tách rời tất cả lực lượng trừ bị về sau cánh quân phía Đông. Các yêu cầu này không được cả Bộ Tư lệnh Miền Tây lẫn Bộ Tổng Tư lệnh Quân lực chấp nhận. Rommel đành bó tay và, lại một lần nữa, thấy mình bị ngăn trở trong một kế hoạch có tính cách chiến lược.

Như vậy, giai đoạn đầu tiên của cuộc xâm chiếm chấm dứt với sự thành công rõ rệt của Đồng minh về phương diện quân sự cũng như về phương diện tâm lý. Họ đã trải qua những ngày đầu tiên nguy hiểm một cách dễ dàng mà không gặp một cuộc phản công nào đáng kể, nhờ tính cách vững chắc của sự phối hợp giữa các binh chủng bộ binh, Hải quân và Không quân của họ, và nhờ hiệu năng to lớn của các phương tiện kỹ thuật mới. Vị thế của họ trở lên vững chắc.

Về phía phòng thủ, đối với quân Đức, quân Đồng minh chỉ còn có thể bị đẩy ra biển hay bị cầm chân tại các khu vực đầu cầu nếu người ta có thể tung vào trận đánh một không lực Đức hùng mạnh và các lực lượng Hải quân hoàn toàn tương đương với tàu chiến Đồng minh. Sự thất bại về mặt chiến thuật trong các cuộc điều quân tung vào trận phản công, không phải do Bộ tư lệnh địa phương hay, sau đó, do sự thiếu chuẩn bị của các đơn vị, mà chỉ vì hiệu năng của không lực và hải lực đối phương. Ngay từ những ngày đầu, các lực lượng ấy đã giáng cho quân Đức các đòn gây tổn thất đáng kể về nhiên liệu và đạn dược.

Quân Đồng minh vẫn là chủ nhân ông duy nhất áp đặt quy luật của họ vào trận chiến.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 2-8-2013 09:19 PM
- 8 -
TỪ 9 THÁNG 6 ĐẾN 24 THÁNG 7 NĂM 1944
CÁC BIẾN CỐ QUÂN SỰ

TRONG THỜI KỲ ĐÓ, CHÚNG TÔI CHỨNG KIẾN các cố gắng của Đức nhằm đẩy đối phương từ các vùng đầu cầu ra biển.

Bộ tham mưu của lực lượng thiết giáp Miền Tây, đóng ở Paris, dưới quyền chỉ huy của Tướng thiết giáp Bá tước Geyr von Schweppenburg, theo đề nghị của binh đoàn B, đã được gọi đến ngày 7 tháng 6. Nhưng mãi đến tối ngày 8, lực lượng này mới đảm bảo được sự chỉ huy từ phía dòng sông Orne cho đến Tilly. Trong vùng này, dưới quyền của lực lượng, có các đơn vị thuộc cánh bên trong các Lộ quân XV và lộ quân VII, với Quân đoàn I thiết kỵ SS. Các mệnh lệnh chiến đấu được ban hành như sau: đẩy lui địch trên đất liền với tất cả mọi đơn vị thiết giáp cơ hữu. Tướng Geyr von Schweppenburg cho lực lượng ngừng nghỉ một khoảng thời gian sau thất bại của Quân đoàn I thiết kỵ SS và chuẩn bị tấn công vào đêm 10 và 11 tháng sáu.

Các mệnh lệnh đã được ban hành với sự hiện diện của Tư lệnh Binh đoàn tại bản doanh bộ chỉ huy thiết giáp, khi Sư đoàn thiết giáp Lehr báo cáo một mũi dùi tấn công của địch phát khởi từ miền Tây. Đấy là một tin tình báo có nội dung phóng đại, khó tránh khỏi trong cuộc hành quân; nhưng nó cũng cần thiết cho công cuộc chuẩn bị các biện pháp phòng thủ. Ít lúc sau báo cáo ấy, bộ tham mưu chiến đấu của lực lượng thiết giáp miền Tây gần như bị hoàn toàn tiêu diệt bởi một cuộc không tập dữ dội của địch, quả thật các trạm truyền tin mới đã bị đối phương khám phá. Lực lượng bị mất tham mưu trưởng, tướng Von Dawans, trưởng phòng hành quân và một số sĩ quan khác. Bộ phận tình báo của thiết giáp bị loại ra khỏi vòng chiến; chỉ có vị Tư lệnh, bị thương nhẹ, chạy thoát cùng với vài binh sĩ. Ông ta chỉ có thể ra mặt trận lại vào ngày 26 tháng 6 cùng với một bộ tham mưu mới, một bộ tham mưu chịu nhiều thiếu sót do tình trạng không được chuẩn bị trước.

Như thế trong những ngày tiếp liền theo cuộc đổ bộ, quân Đức đã không có thể mở được một cuộc phản công được phối hợp đầy đủ, vỉ lẽ lực lượng thiết giáp bị đóng đinh trong vị thế phòng thủ, trước áp lực ngày càng mạnh của lực lượng thiết giáp Anh. Hitler và vị Tư lệnh tối cao của quân lực luôn luôn xía vào hệ thống chỉ huy và, thường muốn ngăn chặn tất cả các cuộc hành quân của đối phương cùng một lúc. Cả một cơn tuyết băng gồm toàn chỉ thị rối rắm từ Tổng hành dinh của Fuhrer giáng xuống các đơn vị. Cùng một lúc, Tổng hành dinh muốn làm tê liệt cuộc tấn công của địch về phía Nam Caen, ngăn chặn một đợt tiến quân của địch từ Bayeux, hướng về phía Nam, cố thủ Cherbourg bằng mọi giá, phá vòng vây bán đảo Cotentin và chặn đứng một cuộc hành quân của địch nhắm vào Bretagne. Sau cùng một mệnh lệnh của Fuhrer đã được ban hành bắt buộc “tiêu diệt” trong từng khu vực một các vùng đầu cầu giữa sông Orne và sông Vire, mệnh lệnh ấy còn đi sâu vào chi tiết đáng kể nhất là vấn đề đưa một lữ đoàn súng cối về phía dòng sông Orne.

Nhưng tất cả các sứ mạng đó phải được thi hành trong tình trạng không có đủ quân trừ bị, không có lực lượng Hải quân và Không quân.

Trong khi các biến cố ấy xảy ra giữa sông Orne và Vire và trọng tâm cuộc chiến có vẻ nằm gần Caen – Bayeux, quân Mỹ toan tính nới rộng vùng đầu cầu của họ trong phần đông nam bán đảo Cotentin. Đối địch với vùng đầu cầu của Mỹ, trước hết là có các thành phần của sư đoàn 243, 91, 77, của sư đoàn 3 nhảy dù, cũng như của các thành phần thuộc sư đoàn pháo, thiết giáp SS và lữ đoàn 30.

Nhưng ở đấy cũng vậy, mặc dù với tài chỉ huy đầy kinh nghiệm của tướng pháo binh Marcks, và cũng vì cùng các lí do như tại Caen, quân Đức không thể nào đạt được một cuộc phản công hiệu quả. Việc đưa lực lượng trừ bị theo từng nhóm rời rạc, về điểm này, cũng ngăn cản sư thành lập một lực lượng tấn công có một sức mạnh nào đó. Lấy một vài chi tiết để làm ví dụ về sự đưa quân tham chiến một cách nhỏ giọt này:

Chúng ta thấy có sự can thiệp vào khu vực chiến trận của: sư đoàn 12 thiết giáp SS vốn đã bị bẻ gãy nhiều mảnh trong ngày 7 tháng 6, sư đoàn thiết giáp Lehr ngày 8 và 9 tháng 6, sư đoàn 77 bộ binh ngày 11, sư đoàn 2 thiết giáp ngày 13, sư đoàn 3 nhảy dù cùng ngày ấy, sau cùng sư đoàn 1 thiết giáp SS ngày 18. Tình trạng cũng tương tự như vậy. Đối với việc tung ra các bộ phận đặc biệt như các đơn vị pháo binh xung phong và các lữ đoàn súng cối: việc này còn thê thảm hơn vì lẽ hệ thống thiết lộ ngày càng bị phá hủy nhiều hơn.

Ngay từ đầu, người ta chỉ có thể tránh được các bất lợi do bởi ưu thế không quân của địch bằng cách giải tỏa hoàn toàn các khu vực của duyên hải phía bắc và phía nam Normandy. Nếu các biện pháp ấy không được chấp nhận, đấy là tại vì trong sự lượng định tình hình tại bộ Tổng tư lệnh tối cao quân lực, người ta luôn luôn nghĩ rằng sắp có một cuộc đổ bộ thứ nhì.

Cuộc phản công chống lại quân Mỹ tại Contentin bị giảm thiểu dần trở thành các cuộc tấn công rời rạc, vả lại, trong phần lớn các trường hợp, khi vừa mới được đưa đến, các lực lượng Đức lập tức được lệnh đổi hướng để giải quyết các điểm bị nguy khốn trong cuộc chiến đấu.

Tình hinh khí tượng trong ngày 9 và 10 tháng 6 quả thật có làm giảm sự can thiệp của không lực địch, nhưng sự ngưng nghỉ này không thể mang lại lợi ích nào cho phía phòng thủ.

Ý định của quân Mỹ nhằm cô lập hóa bán đảo Cotentin và trước hết chiếm Cherbourg ngày càng rõ rệt. Thế mà qua các chỉ thị, Hitler đã tuyên bố rằng việc giữ vững Cherbourg là “có tính cách quyết định đối với cuộc chiến tranh”. Nhưng Cherbourg, dẫu được gọi là pháo đài, đã không có phương tiện phòng thủ tân tiến tại mặt trận trên bộ; hải cảng cũng không đủ quân số để tổ chức phòng thủ. Theo một mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh Quân lực, cuộc dàn quân dự liệu để phòng vệ Cherbourg – sư đoàn 709, 91, 247 và 71 – đã bị cầm chân tại đầu cầu đổ bộ của địch, tại bờ biển phía đông của bán đảo, các lực lượng ấy lại được chỉ thị kháng cự trước địch quân “càng lâu càng tốt” và sẽ vừa chiến đấu vừa rút lui về phía Cherbourg. Mặc cho các sự phản đối được lập đi lập lại của chính Rommel, mệnh lệnh này đã không được rút lại. Chính vì phải thi hành hai sứ mạng song hành ấy mà các sư đoàn bộ binh Đức vốn rất ít tính cách cơ động và không được tiếp liệu, đã bị tấn công dữ dội trong khi rút lui bởi lực lượng thiết giáp địch và phần lớn là bởi không lực đối phương. Mặt khác, không thể nào giữ vững được một khu phòng vệ trên bộ, cũng như trên biển mà không có quân số đầy đủ và không có yểm trợ của Không hay Hải lực. Binh đoàn B chấp thuận những đề nghị của quân đoàn LXXXIV và của lộ quân VII. Các đơn vị ấy yêu cầu đưa các đơn vị đồn trú trong vùng Contentin vào cuộc chiến bằng cách nào tránh cho chúng khỏi bị tiêu diệt: muốn thế, phải di tản chúng về phía nam. Nhưng tất cả các đề nghị ấy đều bị hi sinh cho bóng ma Cherbourg và bị bác bỏ. Luôn luôn có sự lập lại một mệnh lệnh “tử thủ, không được để mất một tấc đất”. Kết quả của những mệnh lệnh và phản lệnh ấy của Bộ Tổng tư lệnh tối cao Quân lực là đợt phá khẩu của Hoa Kỳ tại Saint – Sauveur kéo theo sự tổn thất 4 sư đoàn của Đức. Chính lúc đó, Thống chế Rommel tự ý ra lệnh rút về phía nam các đơn vị còn có thể điều động được và chắn ngang bán đảo Cotentin. Một trận đánh tập trung của sư đoàn 77 bộ binh dưới quyền Đại tá Bacherer, đã thành công trong việc mở vòng vây một cách táo bạo, tiến về phía nam để trám vào lỗ hổng của mặt trận Cotentin. Nhưng thành phố và hải cảng Cherbourg bị thất thủ ngày 25 tháng 6 các ổ kháng cự cuối cùng của Đức bị bắt buộc ngưng chiến đấu ngày 30 tháng 6.

Dẫu sao, việc chiếm giữ quân cảng Cherbourg cũng không phải là chủ yếu nhằm mục đích tiếp liệu cho các lực lượng Đồng minh như bộ Tổng tư lệnh Đức đã tin tưởng ngay từ đầu. Sự sáng chế các hải cảng nhân tạo và sự sử dụng chúng trước bờ biển Calvados đóng một vai trò quyết định hơn. Ngược lại, việc Cherbourg thất thủ là một thành quả tâm lý có tầm quan trọng rộng lớn. Tuy nhiên, mặc dù có ưu thế về mọi mặt, địch quân cũng không đạt được các mục tiêu trong thời gian dự liệu. Một bản đồ tìm thấy trong một người tù binh, trên đó có ghi thời hạn và mục tiêu đặt ra cho quân đội Đồng minh, cho thấy Đồng minh dự liệu Cherbourg sẽ bị thất thủ trong ngày 6 tháng sáu, và sự chiếm giữ phòng tuyến Avranches – Domfront ngày 10. Các cuộc hành quân đã diễn tiến chậm hơn so với thời hạn dự liệu bởi kế hoạch của Tổng tư lệnh Mỹ; các cuộc hành quân ấy cũng đã đòi hỏi nhiều quân hơn.

Sau khi Cherbourg thất thủ. Binh đoàn B biết được ý định của Lộ quân I Hoa Kỳ là một khi các đơn vị được rảnh tay, sẽ chuyển nỗ lực chính đến khu vực Saint-Lô – Carentan, chiếm giữ phòng tuyến Coutances – Saint-Lô, sử dụng nó như tuyến xuất phát cho một mũi dùi tấn công về phía nam và thiết lập liên lạc vững chắc với khu vực đổ bộ của Montgomery tại Normandy. Trong khu vực Bayeux, Lộ quân II Anh quốc không biết rằng đã có một vết nứt rộng và nguy hiểm bị bỏ ngỏ trong nhiều ngày trên phòng tuyến Đức. Ngay lúc ấy, một mũi dùi tấn công về phía nam và đông nam có thể đem lại kết quả quyết định quan trọng và kéo theo sự sụp đổ mặt trận phòng thủ của Đức về phía nam sông Seine. Nhưng cuộc tấn công của Anh lại được chuyển qua hướng đông để tiêu diệt mặt trận Caen bằng một cuộc “tấn công bình thường”. Quân đoàn LXVII thiết giáp của tướng bá tước Funk, vừa được tung ra tham chiến, với sư đoàn 2 thiết giáp (tướng bá tước Von Luttwitz), và sư đoàn thiết giáp Lehr (tướng Bayerlin) đã thành công trong việc bịt kín khe hở về phía nam Bayeux bằng cách tung vào đấy tất cả lực lượng trừ bị cơ hữu.

Nhưng toàn bộ chiến đấu phòng vệ, vì phải đương đầu với ưu thế của địch về phương diện lực lượng trên bộ, trên không và trên biển, đã kéo theo một sự tiêu thụ nhân lực khổng lồ, vì Hitler đã cấm mọi chiến thuật mềm dẻo, ra lệnh một cuộc phòng vệ có tính cách tĩnh tại bất cứ địa điểm phòng thủ nào và ra lệnh giữ vững đầu cầu được tung ra gần Caen bên kia sông Orne, vốn không có một giá trị chiến thuật nào, và là một hệ thống tiêu thụ nhân lực vĩ đại.

Công việc có tính cách co rút chiến thuật này đã để cho đối phương hoàn toàn chủ động; về mọi phương diện nó tạo thành một quyết định tệ hại nhất.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 3-8-2013 09:07 AM
- 9 -
CUỘC HỘI NGHỊ VỚI ADOLF HITLER TẠI MARGIVAL NGÀY 17 THÁNG SÁU

ĐẤY LÀ TÌNH HÌNH CHUNG KHI HITLER, RỐT cuộc, nhượng bộ các lời cầu khẩn liên tục của các Thống chế Von Rundstedt và Rommel, và đích thân đến miền Tây để tỉm hiểu tại chỗ tình hình mặt trận và trong trường hợp cần thiết, lấy các quyết định chiến lược ở đấy.

Trong đêm 16 tháng sáu, một cú điện thoại được gọi đến làm chúng tôi ngạc nhiên: hai vị Thống chế cũng như các tham mưu trưởng của họ phải có mặt lúc 9 giờ ngày 17 tại vị trí chiến đấu gần Margival, phía bắc Soissons, để báo cáo cho Fuhrer biết về tình hình. Như vậy thống chế Rommel phải đi 200 cây số về hậu tuyến, trong lúc ông chỉ mới từ mặt trận trở về lúc 3 giờ sáng sau một vòng thanh sát mặt trận lâu 21 tiếng đồng hồ trong vùng Cotentin. Tình trạng cấp bách đã không cho phép thực hiện một biện pháp đặc biệt nào để chuẩn bị cho cuộc tiếp xúc này.

Tổng hành dinh của Fuhrer “W II” được xây cất từ năm 1940 trên một địa danh lịch sử. Cách đó không xa, giao điểm ngã tư Laffaux là một địa điểm, mà trong cuộc Thế chiến thứ nhất, mặt trận chạy vòng từ hướng Đông Tây hướng lên phía Bắc. Từ điểm này con đường Chemin des Dames trải dài, gây ra các cuộc tranh chấp hết sức gay go giữa khoảng hai cuộc Thế chiến, về phía đông, giữa sông Aisne và con kinh nối liền sông Oise với sông Aisne. Tổng hành dinh nằm cách 8 cây số, theo hướng đông bắc Soissons, trong một hầm sâu dưới đất, có một đường sắt đi xuyên qua để hướng về Laon, phía bên kia cửa hầm, trong đó chiếc xe lửa đặc biệt của Fuhrer trú ẩn. Đại bản doanh gồm có các căn hầm bê tông cốt sắt, rộng rãi và được ngụy trang khéo léo. Nhô cao lên một chút là một phòng ăn, từ đó người ta có thể ngắm nhìn cảnh vật xinh đẹp ở xa cho đến nóc nhà thờ Soissons. Hầm trú ẩn của Fuhrer gồm có, dưới mặt đất, một phòng làm việc rộng lớn, một phòng ngủ có phòng tắm, phòng dành cho sĩ quan tùy viên, và các phòng được bảo vệ chống các cuộc không tập được xây cất đặc biệt để làm việc và nghỉ ngơi. Tổng hành dinh này được thiết lập như là một vị trí chiến đấu trong mục đích đánh chiếm Anh quốc năm 1940, nhưng cho đến ngày 17 tháng sáu, nó chưa hề được sử dụng. Đội cảm tử SS luôn luôn theo sát Fuhrer, đã khóa chặt bản doanh này trong khi có cuộc tiếp xúc và đảm bảo an ninh cho toàn diện khu vực.

Hitler cùng với tướng Jodl và đoàn tùy tùng đã đến từ sáng sớm ngày 17 tháng sáu. Ông sử dụng xe bọc thép và khởi hành từ Metz, nơi mà ông từ Berchtesgaden đến bằng phi cơ. Ông có vẻ bơ phờ và mệt mỏi vì thiếu ngủ. Vẻ bối rối nóng nảy, tay ông luôn luôn nhấc kính ra rồi lại mang vào, và cầm lên đặt xuống các cây viết chì đủ màu. Chỉ một mình ông ngồi, lưng còm trên một chiếc ghế đẩu; các vị thống chế thì đứng xung quanh. Sức mạnh sáng tạo ngày xưa của ông có vẻ đã tàn lụi. Sau vài câu chào hỏi ngắn ngủi và lạnh lùng, rồi bằng một giọng chua chát ông lớn tiếng biểu lộ nỗi bất bình của ông về sự thành công của cuộc đổ bộ của Đồng minh tìm kiếm các lỗi lầm của các bớ (bộ?) chỉ huy địa phương. Ông hạ lệnh phải tử thủ pháo đài Cherbourg.

Sau vài lời mở đầu ngắn ngủi, Von Rundstedt nhường lời cho Rommel trong tư cách là Tư lệnh mặt trận nơi xảy ra cuộc đánh chiếm.

Với một sự thẳng thắn hoàn toàn, Thống chế nhấn mạnh đến điểm then chốt của vấn đề phòng thủ: trước ngày 6 tháng sáu, ông đã nói trước và từ đó nhiều lần lập đi lập lại là không thể nào chiến đấu chống lại ưu thế mãnh liệt của kẻ thù trên bộ, trên biển và trên không. Hệ thống thám báo trên không và trên biển của chúng ta đã bị thất bại hoàn toàn, dưới sự che chở mạnh mẽ của các cuộc không tập và hải pháo, địch quân đã thành công trong việc đổ bộ từ biển và từ trên không, dọc theo các bờ biển được tổ chức lỏng lẻo yếu kém, và chiếm Calvados cũng như bán đảo Cotentin. Các sư đoàn tham chiến dọc theo bờ biển không bị đánh “bất ngờ lúc đang ngủ say” như là các tin tình báo mà Bộ Tổng tư lệnh Quân lực đã mua được bằng tiền mặt, trái lại, các lực lượng ấy đã chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng trong các điểm tựa yếu kém. Các bộ chỉ huy và các đơn vị đã nêu gương hy sinh siêu việt trong một trận chiến không cân bằng. Suy luận về tình hình chiến thuật trong vùng Cotentin và so sánh các lực lượng tương ứng của hai bên, Rommel tiên đoán với sự chính xác chỉ xê xích một ngày, thời gian Cherbourg thất thủ, và đòi hỏi một chiến thuật thích nghi.

Tiếp theo đó, cuộc thảo luận xoay qua vấn đề các “pháo đài” theo kiểu Hitler, nghĩa là các thành phố và các điểm tựa được cung cấp thêm điểm phòng thủ và tăng cường mạnh được chọn lựa bất ngờ. Rommel phủ nhận tính cách hữu hiệu của các pháo đài ấy. Ông chống lại sự hy sinh nhân mạng và vật liệu kiểu ấy. Nhưng vô ích, trong cuộc đổ bộ xâm chiếm và trong các cuộc hành quân tiếp theo đó, Ymuiden, đảo Walcheren, Dunkerque, Calais, mũi Gris-Nez, Boulogne, Dieppe, Le Havre, Cherbourg, Saint-Malo, Brest, Lorient, Saint-Nazaire, La Pallice, Royan và cửa sông Gironde được tuyên bố là các “Pháo đài”; khoảng 200.000 người và vô số chiến cụ quí báu bất động hóa trong các “pháo đài” ấy. Đối phương chẳng hề lo âu gì về các “pháo đài” ấy cả. Họ chẳng bao giờ sử dụng lực lượng quan trọng đi đánh chiếm. Các pháo đài đã lọt vào tay đối phương, rất nhiều trong số đó chỉ mất vào tháng 5 năm 1945, sau khi Đức đầu hàng vô điều kiện, quân đội tại đấy bị bắt giữ cả. Vậy là Hitler đã không hiểu biết thêm được gì cả sau các kinh nghiệm tại Stalingrad, tại Tunis, tại Crimée, tại Tarnopol và tại các nơi khác.

Sau đó Rommel trình bày dự định của đối phương như ông đã nghiệm thấy: Đột nhập từ vùng Caen và Bayeux cũng như từ bán đảo Cotentin về phía nam và hướng về Paris, với một cuộc hành quân phụ đới từ Avranches để cô lập hóa vùng Bretagne.

Binh đoàn XXI của Eiseinhower, hành sử quyền chỉ huy thống nhất trên các lực lượng Anh Mỹ đã đổ bộ từ 22 đến 25 sư đoàn thiết giáp, cực kỳ cơ động, gồm 11 đến 13 sư đoàn Anh và từ 10 đến 12 sư đoàn Mỹ. Cuộc đổ quân ào ạt từ 2 đến 3 sư đoàn mỗi tuần vẫn đang được tiếp diễn. Trên tỷ lệ quan sát được giữa ba lực lượng, không ai còn có thể tin tưởng vào một cuộc phòng thủ thắng lợi nữa, các hậu quả đều còn vô định trên toàn thể khu vực phía Tây, càng bất định hơn nữa vì cả phòng tuyến sông Seine lẫn các điểm tựa ở hậu tuyến đều chưa được tổ chức xong. Bộ Tổng tư lệnh đối phương rất có thể, trước tiên, có vẻ chậm chạp nặng nề; nhưng sự thành công, với sự vững chắc của phương pháp và ưu thế trong mọi lãnh vực, chỉ đảm bảo thêm cho thành quả tương lai.

Rommel không tin có cuộc đổ bộ thứ hai tại bắc sông Seine. Một lần nữa, ông đòi hỏi được quyền tự do hoàn toàn trong các cuộc hành quân tại miền Tây, đòi hỏi tung các đơn vị thiết kỵ hạng nhất cũng như không và hải lục vào vòng chiến. Về phương diện chiến thuật, biện pháp cấp bách nhất theo ông, là ra chỉ thị nhằm tung ra một mũi dùi tấn công khẩn cấp vào lộ quân 1 Hoa kỳ cho đến bờ biển phía Tây bán đảo Cotentin và di tản mặt trận Caen về sau sông Orne. Rommel được thống chế Von Rundstedi hậu thuẫn.

Nhưng, bất kể sự lượng định tình hình ấy và bất kể lực lượng càng ngày càng giảm thiểu, Hitler không chịu tin vào thực tại. Với một sự pha trộn kỳ lạ giữa tình trạng điên khùng và trực giác sai lạc, ông ta tiên tri, trong một loạt danh từ bất tận và dưới hình thức tự kỷ ám thị, hiệu quả quyết định vũ khí V[1] vốn đã bắt đầu tham chiến nhằm vào lãnh thổ Anh quốc từ ngày 16 tháng 6. Ông ta ngưng cuộc họp và đích thân đọc cho đại diện báo chí một thông cáo về sự tham chiến đầu tiên của vũ khí V để được loan trên báo chí và đài phát thanh. Cuộc tiếp xúc này được bắt đầu với niềm hy vọng lớn lao của hai vị Thống chế đã bị cắt ngang thành một cuộc độc thoại lộn xộn của Fuhrer.

Lúc đó các Thống chế đòi hỏi đem vũ khí V, sử dụng vào các vùng đầu cầu.

Viên tướng lãnh vũ khí V, tướng Heinemann lập tức được triệu đến. Ông ta phải thừa nhận sự sai lạc không tính trước được của các hoả tiễn ấy - tầm sai có thể lên đến từ 15 đến 18 cây số - và các nguy hiểm của chúng đối với các đạo binh Đức. Trong điều kiện kỹ thuật hiện tại không thể nào nhắm một cách chính xác vũ khí này vào quân đội thù nghịch trên lục địa. Về vấn đề sử dụng chúng để tiêu diệt các hải cảng phía Nam Anh quốc, nơi đảm bảo sự vận chuyển binh sĩ và vật liệu cho lực lượng xâm chiếm, Hitler đã chống lại việc này với các lý do là cần nhắm vào Luân đôn và bắt buộc Anh quốc phải đi tới hoà bình.

Khi các vị thống chế nhấn mạnh một lần nữa vào sự sa sút của không lực Đức, Hitler đáp rằng ông đã bị dối lừa bởi "Bộ tư lệnh và các kỹ thuật gia của Không quân Đức". Nhiều kiểu máy bay khác nhau lần lượt được chế tạo mà không đi đến một kết quả thực tiễn nào.

Hitler tỏ vẻ ngờ vực trước các lời giải thích cảm động của Rommel về tính cách hữu hiệu của vũ khí địch, Thống chế kết thúc bằng cách gằn giọng nhấn mạnh rằng cho đến nay không một giới chức cao cấp nào thân cận của Hitler hay của Bộ tổng tư lệnh tối cao của Lục quân, Không quân hay Hải quân, đến mặt trận để đích thân tìm hiểu tình hình và hiệu quả của vũ khí địch. Bộ Tổng tư lệnh làm việc trong văn phòng; các sự phán đoán về tình hình mặt trận hoàn toàn sai lầm. Rommel nói thêm: "Ngài đòi hỏi chúng tôi tin tưởng, nhưng người ta không tin tưởng vào chúng tôi!". Trước lời trách móc đấy, mặt Hitler đổi sắc nhưng vẫn giữ im lặng.

Đại tướng Jodl lúc đó mới hỏi các đơn vị mới nào của bộ binh, hải và không quân phải được gọi đến và lúc nào. Hitler lại bắt đầu nói về sự tham chiến ồ ạt của các "phi cơ phản lực săn giặc" để bẻ gẫy ưu thế không quân địch tại mặt trận cũng như trên lãnh thổ Đức. Ông ta lưu ý sự sử dụng gia tăng không ngừng vũ khí V. Ông ta cho rằng tình hình ở phía Đông và Đông nam rất vững ổn. Ông ta chìm đắm trong bài diễn văn khoa trương về sự sụp đổ sắp đến của Anh quốc tiếp theo sự tham chiến của vũ khí V và của máy bay phản lực.

Nhưng khi có tin một phi đội địch đang bay đến gần, cuộc tiếp xúc được kết thúc dưới hầm bê tông của Fuhrer, hai vị thống chế, các tham mưu trưởng của họ và tướng Schmundt nhóm lại với nhau, Rommel lợi dụng cơ hội để đưa ra một bài trần thuyết dữ dội về tình hình quân sự và chính trị Đức quốc. Ông tiên liệu sự sụp đổ của mặt trận trước quân xâm chiếm, sự chọc thủng phòng tuyến không thể tránh được về phía Đức, sự sụp đổ mặt trận Ý - La mã đã bị mất từ ngày 4 tháng 6. Ông cũng phát biểu sự nghi ngờ về tính cách vững chắc của trận tuyến miền Đông. Về mặt ngoại giao, ông nêu ra sự cô lập hoàn toàn của Đức quốc, vốn trái ngược với lời tuyên truyền, chỉ có thể đưa tới sự yếu kém nguy hại. Ông kết thúc bằng cách van nài chấm dứt chiến tranh. Sau nhiều lần đánh trống lảng, Hitler ngắt lời ông: "Đừng nên lo đến các vấn đề tiếp theo sau cuộc chiến tranh, nên coi chừng phòng tuyến đang bị xâm chiếm của ông thì hơn".

Đại tướng Jodl khai ngày 6 tháng 6 năm 1946 từ Nuremberg "Nhiều tướng lĩnh trong đó có Rommel và Von Rundstedt đã không ngừng toan tính giải thích cho Hitler tình hình nguy kịch của Đức, ông ta chẳng bao giờ nghe họ".

Hai vị Thống chế nhấn mạnh đến sự cần thiết tuyệt đối phải giải quyết riêng biệt tình trạng nước Pháp, trước hết bằng cách chấm dứt hành động của Sauckel và chế độ độc tài của cảnh sát mật, Hitler cũng gạt bỏ các đề nghị ấy.

Hố ngăn cách giữa Hitler và Rommel càng sâu thêm. Sự nghi ngờ và ngay cả sự ghét bỏ của Fuhrer có vẻ gia tăng thêm nữa.

Cuộc tiếp xúc đã kéo dài từ 9 giờ đến 16 giờ, và chỉ bị gián đoạn bởi một bữa cơm thanh đạm trong đó Hitler ngốn một đĩa đầy ắp gồm cơm và rau mà ông ta đã bắt nếm trước. Trước chỗ ngồi của ông cả một hàng thuốc viên được sắp ngay ngắn và ông lần lượt uống hết viên này đến viên khác. Sau ghế ông, 2 quân nhân SS canh chừng.

Trước khi khởi hành, tuỳ viên của Hitler, tướng Schmundt, bị xúc động bởi các nhận xét của Rommel về sự thiếu sót trong việc tiếp xúc của Bộ Tổng tư lệnh với các mặt trận, đã giao cho Tham mưu trưởng của Binh đoàn B tổ chức một cuộc kinh lý của Hitler vào ngày 19 tháng 6, hướng về phía La Roche-Guyon hay về một điểm khác và triệu tập về đấy tư lệnh các đơn vị khác nhau tại mặt trận để báo cáo riêng cho Hitler. Các biện pháp lập tức được quyết định. Trên đường từ Soissons trở về La Roche-Guyon, tư lệnh quân sự tại Pháp, tướng Stulpnagel được báo cho biết các cuộc tiếp xúc đã diễn ra với sự hiện diện của Hitler. Nhưng khi viên tham mưu trưởng của binh đoàn B gọi điện thoại vào sáng ngày 18 cho tướng Blumentritt tại Saint-Germain để ấn định thời biểu cho cuộc viếng thăm mặt trận của Fuhrer, thì được biết sự kiện bất ngờ là, ngay trong đêm 17 rạng sáng ngày 18 tháng 6, Hitler đã trở về Berchlesgaden. Lý do của cuộc khởi hành hấp tấp này là ngày 17 một hoả tiễn V đã rơi xuống tổng hành dinh của Fuhrer, ít lâu sau khi hai vị thống chế lên đường trở ra mặt trận. Thật vậy, vì bị trục trặc trong bộ phận định hướng, nhiều hoả tiễn V, được phóng đi từ các căn cứ cận duyên, đã hướng về hướng Đông, tuy nhiên cũng đã không gây ra sự thiệt hại trầm trọng nào. Một hoả tiễn đã rơi cạnh hầm bê tông của Fuhrer nhưng không nổ và không gây ra hậu quả nào về vật chất và nhân mạng.

Trong thực tế, hiệu năng của loại hoả tiễn "tuyệt diệu" này, hoả tiễn V1 vẫn không có gì đáng kể so với các cố gắng và chi phí đã tiêu tốn vào đó. Điểm này được xác nhận bởi các tin tức tình báo và bởi cung từ của tù binh Anh quốc bị bắt.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 3-8-2013 09:08 AM
- 9 -
(tiếp theo)

Riêng về phần cuộc hội kiến với Fuhrer, các kết quả quân sự, chính trị và nhân đạo đều rất là thê thảm Các lời hứa hẹn của Hitler về vấn đề gửi lực lượng trừ bị và trước hết là không lực không bao giờ được thực hiện, trái hẳn với các lời tuyên bố đầy đảm bảo của Fuhrer. Ngày 17 tháng 6, đạo quân trung ương Nga sô mở cuộc tấn công, mặt trận sụp đổ đó đây trên trục lộ Smolensk-Minsk. Lực lượng Nga sô lan tràn sau cuộc tấn công một cách tự do vào các phòng tuyến Đức, tất cả lực lượng tổng trù bị cơ hữu của bộ chỉ huy tối cao quân lực Đức, trước hết là "đạo quân thay thế" được đổ dồn về phía Đông toan tính trám chỗ đê vỡ. Sau cùng, không thể nào nhận được các chỉ thị chính xác của Bộ chỉ huy tối cả quân lực Đức.

Tại Normandie, lộ quân thứ II Anh quốc, vào cuối tháng 6, tỏ vẻ đang tập trung lực lượng nhằm một cuộc tấn công vào Caen, để chọc thủng phòng tuyến phòng thủ về hướng Ba lê và như vậy, để nắm được sự tự do chiến lược. Mức tiêu thụ nhân lực trong các đơn vị Đức mỗi ngày một gia tăng. Nguyên nhân trước hết là vì các cuộc pháo kích được phi cơ hướng dẫn, của các giàn hải pháo chính yếu trên các tầu chiến địch, con số hải pháo này lên đến hơn 300 trong hạm đội Đồng minh, và vì các cuộc không tập liên miên. Ngày 17 tháng 6 Hitler từ chối không cho di tản vùng đầu cầu tại sông Orne về Caen mà các tướng lĩnh đã đề nghị lên ông, chính tại đấy các đơn vị ưu tú nhất của quân lực Đức đã phải hy sinh một cách khốc liệt. Để ngăn chặn mối nguy hiểm đe doạ Caen trong viễn cảnh một cuộc thanh toán rộng lớn cứ điểm này, người ta đã cho gọi từ Hung gia lợi về quân đoàn 2 thiết kỵ SS (dưới quyền chỉ huy tướng Obergruppenfuher SS Bittrich), nhưng sự tiêu diệt hệ thống thiết lộ đã bắt buộc đưa từng phần của đơn vị này về phía Đông Ba lê và bắt buộc các nhóm lẻ tẻ ấy tìm gặp nhau theo từng chặng đường bộ. Đơn vị mới được đặt dưới quyền của đạo quân thiết kỵ miền Tây mới được đưa tham chiến trở lại. Đạo quân này với các lực lượng phối hợp của 3 quân đoàn thiết lỵ (quân đoàn 1 và 3 thiết kỵ SS và quân đoàn 47 thiết kỵ) có nhiệm vụ phải thọc sâu vào mạng sườn và hậu quân của các lực lượng địch quân đang chiến đấu gần Caen, phải cắt ngang lực lượng của Anh quốc không cho rút về bờ biển và tiêu diệt nó. Nhưng biến chuyển mãnh liệt của tình hình và hiệu năng vũ khí địch không cho phép cuộc tấn công này tiến triển đến tầm mức cao độ để đạt mục tiêu chính yếu. Người ta đã không thành công trong việc thay thế các sư đoàn bộ binh cho các sư đoàn thuộc quân đoàn 1 thiết kỵ SS và quân đoàn 47 thiết kỵ. Lý do là, vì các cuộc không tập của địch, các sư đoàn bộ binh không tiến lên hoả tuyến kịp thời. Mặt khác thành phần nhân sự, trang bị và hệ thống chỉ huy của các sư đoàn ấy không cho phép chống cự lâu dài với một đối phương cực kỳ cơ động, được thiết giáp bảo vệ mạnh mẽ, lực lượng thiết giáp này dưới sự che chở của một hoả lực đủ loại vũ khí, có thể với tốc độ chớp nhoáng, đổi phương vị của trọng tâm cuộc chiến đấu của họ một cách dễ dàng.

Cuộc tấn công của quân đoàn 2 thiết kỵ SS - sư đoàn 9 và 10 thiết kỵ SS sau cùng cũng chỉ có thể được tung ra với một sự hỗ trợ yếu kém của sư đoàn khác. Từ 29 đến 30 tháng 6, đơn vị ấy bị đóng đinh tại chỗ bởi hoả lực tập trung của các thiết giáp địch, của pháo binh hạng nặng thuộc các cỡ lớn nhất, của hải pháo và của không lực địch. Nếu cuộc tấn công này không đạt được mục tiêu định đã định, ít ra nó cũng làm cho tình hình địa phương được củng cố ổn định. Lúc đó, Hitler trách các sư đoàn là thiếu sáng kiến, kinh nghiệm và sức mạnh. Điều này rất là bất công, các đơn vị ấy đã làm tất cả những gì có thể làm được.

Sự tiêu hao cũng đã biểu lộ theo một nhịp độ hãi hùng nơi các đơn vị mới được đưa ra tham chiến.

Thật vậy, bộ tư lệnh có ý định đưa ra các sư đoàn bộ binh thay các sư đoàn thiết giáp để có thể tung các sư đoàn cơ giới này vào các cuộc hành quân di động càng nhiều càng tốt trên tầm mức 5555555555555555 thực hiện tại Berchlesgaden. Một lần nữa, Rommel trình bầy quan điểm riêng của ông: bởi các lý do đã ghi nhận trước đây, ông cho rằng ít có dấu hiệu rõ ràng thuận lợi cho việc loại bỏ Hitler bằng một cuộc mưu sát và vẫn chủ trương bắt Hitler để đưa ra xét xử trước một toà án Đức. Ông giao cho đại tá Finckh sửa soạn tại tổng hành dinh và trong nội địa Đức quốc, sự phối hợp cực kỳ cần thiết, tất cả các biện pháp cần thi hành và yêu cầu báo cho ông biết kết quả trong thời hạn ngắn nhất. Mặt khác ông ước tính rằng vấn đề có tính cách quyết định này cũng được thảo luận cùng lúc tại nhiều nơi. Theo ông, cần phải ấn định thời điểm nổi dậy, với sự chính xác đầy đủ, để đảm bảo cho công cuộc chuẩn bị được tỉ mỉ và do đó, đảm bảo được sự thành công. Chính ông có ý định đích thân đến gặp Hitler để đưa ra các yêu cầu bó buộc dưới hình thức một tối hậu thư.

Chính các binh sĩ ngoài mặt trận cũng bắt đầu xầm xì. Tư lệnh sư đoàn 116 thiết giáp, tướng Schwerin, đã gửi một bản nhận định liên quan đến tình hình quân sự và chính trị. Nhân danh các binh sĩ thuộc quyền, ông đòi hỏi chấm dứt chiến tranh và thay đổi chế độ Quốc xã. Sư đoàn thiết giáp của ông, ông nói sẵn sàng can thiệp chống lại nội thù. Đấy cũng là trường hợp đối với sư đoàn 2 thiết giáp dưới quyền của tướng von Luttvitz.

Các thống chế Von Runsdtedt và Rommel trong các cuộc tiếp xúc liên tiếp đã hoàn toàn đồng ý với nhau về nhận định rằng tình hình đã chuyển qua thế thảm hoạ không những chỉ ở miền Tây mà còn trên tất cả mọi mặt trận. Họ lại khẩn khoản xin yết kiến Hitler. Ngày 28 tháng 6 hai vị thống chế nhận được lệnh khẩn cấp về Berchlesgaden báo cáo tình hình, đến nỗi họ phải trải qua suốt một đêm dùng xe hơi đi ngang qua vùng Bavière, vì lẽ họ bị cấm sử dụng đường hàng không. Hai vị thống chế đã đến Berchlesgaden vào trưa 29 tháng 6, nhưng lại phải chờ đợi đến tối mới được Hitler tiếp kiến. Cuộc đàm luận đã xẩy ra ngay giữa một số đông tham dự. Hitler không trả lời một yêu cầu nào do hai vị tư lệnh nêu ra, nhất là khi hai vị khẩn nài hãy chấm dứt chiến tranh vì biến chuyển của tình hình tổng quát. Hitler lại lảng tránh bằng cách tuyên bố sự can thiệp của vũ khí tuyệt diệu mới. Cứ theo lời của Fuhrer, các vũ khí ấy chắc chắn sẽ mang lại chiến thắng sau cùng và toàn diện. Mặc dù các điều mong ước của họ được bày tỏ nhiều lần, Hitler vẫn không chịu nói thẳng với hai vị thống chế. Ông ta không mời họ ăn cơm và thình lình mời họ rút lui. Rommel trình bầy vấn đề thêm một lần nữa với thống chế Keitel:

"Tình hình sa sút mau lẹ, một chiến thắng toàn diện mà Hitler đã nói đến ngay ngày hôm nay, là chuyện phi lý. Trái lại phải phòng ngừa sự thảm bại toàn diện. Do đó, bằng tất cả mọi phương tiện, từ bỏ những lợi lộc đã thủ đắc được và mọi mơ tưởng, cần phải chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến tại Miền Tây và giữ mặt trận phía đông. Vấn đề là giữ cho Đức quốc khỏi tình trạng hỗn loạn, và trước hết, khỏi bị hủy diệt toàn diện vì chiến tranh Không quân.”

Keitel hứa sẽ trình bày vấn đề lại cho Hitler, sau cùng ông nói lớn, vẻ nhẫn nại: “Tôi cũng vậy, tôi biết không còn có thể làm gì được nữa cả!” Lời tuyên bố này có vẻ thú vị đặc biệt, vì lẽ sau ngày 20 tháng 7[2], khi các bạn cũ của ông đã bị kết án và bị đuổi ra khỏi quân đội, hình như Keitel đã trình bày tình hình một cách khác hẳn.

Các vị Thống chế trở về Bộ chỉ huy của mình tay không, lòng ray rứt vì những nỗi âu lo.

Trong thời gian đó, Lộ quân VII bị mất vị tư lệnh. Vào buổi sáng ngày 29 tháng 6, đại tướng Dollmann, người đã tận tụy đêm ngày không biết mệt, đã bị gục ngã vì chứng tắt huyết. Hitler đã cất chức ông, nhưng tin ấy đã không bao giờ đến được với ông. Rommel đề nghị thay ông bằng một nhân vật đặc biệt nhất của quân đội, tướng pháo binh Erich Marcks, có thể sử dụng được ngay lập tức và hiểu rõ tình hình. Nhưng Hitler đã từ chối vì lý do chính trị: thật vậy trước đây Marcks là chánh văn phòng của tướng Von Schleicher, và Fuhrer thì nghi ngờ ông này rất nhiều. Marcks đã hy sinh ngoài mặt trận ba tuần lễ sau đó.

Không có một cuộc tiếp xúc nào với Rommel, Tướng Hausser, tư lệnh quân đoàn II thiết kỵ SS, được chỉ định làm người kế vị Dollmann. Ông này, ngay lúc được chỉ định vào chức vụ mới, đã phải rời bỏ ngay Bộ chỉ huy Quân đoàn thiết kỵ của mình trong lúc mà ông đang phải điều khiển cuộc phản công chọc thùng phòng tuyến của địch trước thành phố Caen.

Hausser xuất thân từ quân đội và từ Bộ Tổng tham mưu, nhưng ông đã quay rất nhanh về phía SS: Đấy là một quân nhân đầy hăng hái và đởm lược, nhưng về phương diện chính trị, quả thật là con người hai mặt như thần Janus. Sự bổ nhiệm ông ta - ông ta trẻ hơn bất cứ tướng lãnh nào khác trong quân vụ và lại càng trẻ hơn tướng tư lệnh đạo quân thiết giáp tại Miền Tây – đã được đón nhận với những cảm nghĩ ngờ tin lẫn lộn.

Hai ngày sau khi từ cuộc hội kiến với Fuhrer trở về, Von Rundstedt bị bứng khỏi chức vụ tư lệnh mặt trận Miền Tây “vì lý do sức khỏe”. Hitler đã không có can đảm lẫn sự lịch thiệp để đích thân công bố biện pháp này với viên Thống chế kỳ cựu nhất; ông phái viên đệ nhị tùy viên, Trung tá Borgmann, đến gặp ông với một bức thư và những lá cây sồi của chiếc huy chương thập tự sắt, tại Saint-Germain. Ngày 4 tháng 7, Rundstedt đến từ biệt Rommel tại La Roche-Guyon; ông không giấu Rommel nỗi vui mừng khỏi bị bắt buộc sống qua, phải thấy thảm họa trong một chức vụ tư lệnh. Ngày 5 tháng 7, tư lệnh đạo quân thiết giáp Miền Tây, tướng Geyr Von Schweppenburg bị cất chức không một lời báo trước và được tướng thiết giáp Heinz Eberbach thay thế. Đạo quân thiết giáp Miền Tây được đổi danh hiệu lại là Lộ quân V thiết kỵ.
Tướng Von Geyr bị quy trách nhiệm về sự thất bại của cuộc phản công của Quân đoàn II thiết kỵ SS. Qua điện thoại, Hitler trách cứ thái độ chủ bại ngày càng gia tăng của ông. Trong thực tế, sau cuộc tấn công không thành ấy, Von Geyr đã công bố một bản nhận định hết sức rõ ràng về tình hình, trong đó ông đề nghị di tản chiến thuật khỏi Caen và khu vực phía Tây sông Orne, sau hết ông đòi hỏi được tự do trong việc điều động các đơn vị thuộc quyền. Bản báo cáo ấy được kết thúc như sau: “Phải chọn lựa giữa sự sửa sai chiến lược phòng thủ cứng nhắc mà hậu quả là để cho đối phương hoàn toàn chủ động, với chiến trận mềm dẻo ít ra cũng gồm có tính cách chủ động này”. Theo ý kiến của Tư lệnh đạo quân thiết giáp, chiến thuật mềm dẻo này không những chỉ là sự điều quân dễ dàng mà còn là một quyết định quyết liệt nhất.

Thống chế Rommel chuyển nguyên văn báo cáo này, hoàn toàn chấp nhận nội dung và một lần nữa, đòi hỏi được tự do hành động. Khi tin cộng sự viên của mình bị cất chức đến tai ông, Thống chế can thiệp hết mình để giữ lại, nhưng đã bị Keitel từ chối thô bạo.

Người kế nhiệm tướng Von Geyr, tướng thiết giáp Eberbach, là một quân nhân tốt, nắm vững hoàn toàn loại khí cụ chiến tranh này. Cá tánh, tác phong, tư tưởng chính trị của ông, đã tạo cho người chỉ huy ấy một nhân cách đặc biệt quí báu.

Riêng đối với chức vụ Tổng tư lệnh mặt trận Miền Tây, trái với điều mong đợi của các Bộ tham mưu, và của các đơn vị, người được chỉ định không phải là thống chế Rommel, vị chỉ huy biết quá rõ về mặt trận này, mà là thống chế Von Kluge…

Mối nghi ngờ của Hitler đối với Rommel gia tăng không ngừng.

Gunther Von Kluge xuất thân từ binh chủng pháo binh; ông ta đã leo qua tất cả mọi cấp bậc thuộc Bộ tham mưu. Trong chiến dịch tấn công Miền Tây năm 1940, ông là tư lệnh Đệ IV Lộ quân và được bao phủ bởi hào quang chiến thắng trong chức vụ ấy. Chính trong Lộ quân này mà Rommel đã thực hiện đợt tiến quân thời danh của “sư đoàn ma quái” của ông cho đến tận bở biển. Trong tư cách là tư lệnh Binh đoàn Miền Trung, tại mặt trận miền Đông, Von Kluge nổi danh là bậc thầy của tài xoay trở, và đã chứng tỏ tinh thần táo bạo đặc biệt. Ông là một người khách quan, nhiệt tâm, nhậm lẹ, can đảm cá nhân, nghiêm khắc đối với cả chính mình, nhưng lại là người sẵn sàng lên mặt. Binh sĩ gọi ông là “thánh Hans”. Không vị nể bất cứ ai, ông luôn luôn đòi hỏi thuộc cấp làm việc ngày đêm. Vẻ nhìn lạnh lẽo, trong một nét mặt như được tạc bằng nét mác, che dấu các xúc cảm mà ông không dám thừa nhận. Trong các cuộc chuyện trò, ông cho thấy óc thưởng ngoạn thiên nhiên rất mạnh mẽ, và sự thích thú linh hoạt đối với các vấn đề quân sự cũng như lịch sử hiện đại. Tuy chống đối Hitler, ông cảm thấy bị liên kết không ngừng với nhà độc tài, có lẽ là do ảnh hưởng của các cảm nghĩ gây ra bởi các vinh dự đặc biệt và các tặng phẩm từ tay Hitler trao cho.

Ông đã được binh phục sau một tai nạn xe hơi vào mùa đông 1943 – 1944 khi chiếc xe của ông bị lật nhào trên con đường từ Minsk đi Smolensk. Ông đã bày tỏ cảm nghĩ lạnh lùng và đầy năng lực. Ông đã trải qua hơn 15 ngày tại Berchtesgaden. Tại đó, Hitler chuẩn bị giao sứ mạng mới cho ông và thuyết phục ông rằng những biến chuyển của tình hình miền Tây là do lỗi lầm và sự suy kém của Bộ chỉ huy cũng như quân sĩ gây ra. Ông xuất hiện ngay từ ngày 5 tháng bảy tại bản doanh của Binh đoàn B. Sau một cái chào lạnh nhạt trong phòng hội tại La Roche-Guyon, Von Kluge đã nói gần như sau đây: “Việc giải nhiệm Thống chế Von Rundstedt là dấu hiệu rõ rệt của sự bất bình của Hitler về vấn đề chỉ huy tại Miền Tây; Rommel cũng không được Fuhrer tin cậy hoàn toàn nữa. Tại Bộ Tổng tham mưu người ta có cảm tưởng rằng Rommel, như ở Phi châu, đã để cho ưu thế của vũ khí đối phương ảnh hưởng quá nhiều đến nỗi nghiêng dần về phía bi quan quá đáng. Mặt khác càng ngày Rommel càng chứng tỏ chủ nghĩa cá nhân quá độ; ông ta đã không thi hành một cách trung thực các mệnh lệnh của Hitler.” Von Kluge kết luận bằng các lời sau: “Ông Thống chế Rommel, kể từ ngày hôm nay, phải triệt để tuân lệnh: đó là điều tôi khuyên ông.” Lời trách cứ này kéo theo một cuộc tranh luận chua chát giữa hai vị Thống chế. Một lần nữa Rommel trình bày bằng cách nhấn mạnh đến tình hình chung, ông nhấn mạnh đến sự cần thiết phải rút ra từ đó các hậu quả. Ông cao giọng biện minh chống lại những lời kết tội bất công của Hitler và của Tổng tư lệnh Quân lực.

Trong cuộc tranh luận sôi nổi ấy, Von Kluge yêu cầu viên tham mưu trưởng vốn tham dự cuộc tiếp xúc từ đầu, rút lui ra ngoài.

Rommel yêu cầu Tân Tổng tư lệnh mặt trận Miền Tây, bằng lời nói và bằng văn thư, rút lại những lời phán đoán vội vã và báo cho Tổng tư lệnh Quân lực rõ tình hình. Ông còn ấn định cho Von Kluge cả một thời hạn để làm việc đó. Ông yêu cầu vị Tổng tư lệnh chỉ nên phán đoán về tình hình quân sự, về hệ thống chỉ huy và về quân sĩ sau khi cuộc họp với các tư lệnh quân khu và sau khi có kinh nghiệm cá nhân về tình hình.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 3-8-2013 09:11 AM
- 9 -
(tiếp theo)

Những nứt rạn sâu xa từ cuộc tiếp xúc ấy, trong đó Von Kluge không muốn biết tình hình tổng quát. Rommel đau đớn ê chề. Ông đã tưởng tượng, không phải là không có lý, nhờ tin mật báo rằng Von Kluge, từ nhiều năm qua, có tiếp xúc với các lực lượng chống đối tại Đức, hẳn là phải thiên về hạnh phúc và sự giải phóng dân tộc hơn. Thế mà ông ta lại xuất hiện như là phát ngôn nhân của Hitler, và không hề có một sự hiểu biết nào về mặt trận tại địa phương; ông đã nói một cách mù quáng theo giọng điệu thuần túy nhất của Berchtesgaden.

Lúc đó, theo một lộ trình ấn định từ trước, Von Kluge mới đi thăm mặt trận trong hai ngày, kể từ ngày 6 tháng 7, khởi hành từ bản doanh của Binh đoàn B. Ông tiếp xúc với tất cả các cấp chỉ huy và binh sĩ nào có thể gặp được. Và ông đã thay đổi ý kiến. Ông bị bó buộc phải thừa nhận các biểu thị không chối cãi được của sự kiện thực tế, sự đồng tình toàn diện của tất cả các cấp chỉ huy, và sau một thời gian để cho các câu nói của Hitler làm cho mê hoặc, ông phải thừa nhận sức mạnh của luận lý.

Ông đã rút lại tất cả các lời chỉ trích và xin lỗi Rommel bằng cách nói rằng ông đã bị Hitler và Keitel lừa dối. Ông nói thêm rằng, mặc dầu với bao nhiêu tin tình báo, phúc trình, điện đàm và báo cáo, Fuhrer không muốn thấy tình hình một cách trung thực, rằng ông ta sống trong thế giới mơ mộng và dục vọng của mình, và rằng, khi cơn mộng đã bị tan vỡ ông ta bèn tìm kiếm con vật tế thần: đó là tóm lược tất cả tinh túy của kinh nghiệm của Von Kluge về mặt trận miền Tây.

Ngày 9 tháng 7 năm 1944, Tiến sĩ Von Hofacker, Trung tá trừ bị được Tư lệnh lực lượng tại Pháp, Tướng Von Stulpnagel phái đến La Roche-Guyon. Đấy là con trai của một tướng lãnh cùng tên, mà trong trận Đệ I Thế chiến đã nắm giữ chức vụ chỉ huy quan trọng, và dưới sự lãnh đạo của ông, Rommel đã nhận được huy chương danh dự sau cuộc xung phong chiếm Monte-Matajur tại Ý. Đi theo ông còn có một người thân tín của Stulpnagel là bác sĩ Max Horst. Hofacker là anh em họ với Đại tá của Bộ Tổng tham mưu, Bá tước Klaus von Stauffenberg, chính ông này cũng đã thông báo là sẽ thay mặt đại tướng Beck đến thăm bản doanh của binh đoàn B. Nhưng cuộc mưu sát ngày 20 tháng 7 đã không cho phép ông thực hiện được ý định.
Casar Von Hofacker là một bộ óc chính trị tuyệt diệu, một nhân vật rất nhiệt tâm, và cùng lúc có sức mạnh thuyết phục hiếm có. Trong thời bình, ông giữ một chức vụ cao cấp trong kỹ nghệ thép tại Berlin; từ nhiều năm qua, ông là cộng sự viên thân tín nhất của Karl Heinrich von Stulpnagel. Ông đến để tìm kiếm một kết luận dứt khoát về vấn đề tình hình mặt trận, cho Beck và Stauffenberg.

Mặt khác ông có mang theo một tài liệu được soạn thảo cẩn thận trình bày quan điểm của ông và của Tư lệnh lực lượng tại Pháp về sự cần thiết phải có một hành động mau lẹ và dứt khoát. Để kết luận, ông đưa ra một lời kêu gọi nhiệt liệt nhân danh tất cả lực lượng đối kháng gởi cho Thống chế Rommel, và khẩn cầu ông chấm dứt chiến tranh tại Miền Tây càng sớm càng tốt. Trong thực tế, đó là một lời kêu gọi nổi dậy. Ông được gợi ý từ quan điểm của các lực lượng chống đối tại Berlin – theo đó thì Đồng minh không bao giờ chịu thương thuyết với Hitler hoặc một trong các thuộc hạ của ông ta như Goering, Himmler và Ribbentrop, và các nhân vật này phải biến đi cùng lúc với hệ thống cai trị. Họ nhấn mạnh – cũng như Rommel, khi ông ấn định các nguyên tắc thương thuyết – đến ý tưởng chấm dứt lập tức cuộc không tập của địch, điều này sẽ mang lại hậu quả như là một sự giải thoát tinh thần và kinh tế bên trong xứ sở. Von Hofacker hỏi mặt trận phòng thủ trước quân xâm chiếm còn đứng vững một cách chính xác được bao lâu nữa: câu trả lời là tất cả còn tùy thuộc vào quyết định của giới lãnh đạo tại Berlin. Rommel còn tuyên bố rõ ràng hơn nữa: “Tối đa là từ 15 ngày đến 3 tuần lễ; sau đó còn phải tùy mũi dùi xâm nhập của địch; bởi vì chúng ta không còn có gì để ngăn cản đối phương nữa.”

Sau khi hội họp với Tổng tư lệnh mặt trận Miền Tây, Von Hofacker phải trở về Berlin để báo cho tướng Beck và các lãnh tụ chống đối khác biết tình hình, sau cùng, để kết hợp tất cả các biện pháp cách mạng. Ông sẽ trở lại gặp Rommel sau ngày 15 tháng bảy.

Khả năng kỹ thuật vượt qua phòng tuyến của đại biểu toàn quyền để thương thuyết một cuộc ngưng bắn địa phương đã được thí nghiệm thử ở sư đoàn 2 thiết giáp qua trung gian của tướng Luttwitz. Thật vậy, viên tư lệnh Đồng minh đã dùng máy vô tuyến đề nghị trao đổi nữ nhân viên thuộc các cơ sở y tế và thông tin Đức đã bị Đồng minh bắt giữ khi chiếm Cherbourg, để lấy các quân nhân Đồng minh bị thương nặng: việc trao đổi này sẽ được thực hiện tại một địa điểm do Đồng minh ấn định. Hành động nhân đạo này đã được thực hiện trong một cuộc ngưng bắn tạm 2 giờ. Tuy nhiên việc ấy đã làm cho Hitler nổi giận điên cuồng và gia tăng sự ngờ vực.

Ngày 12 tháng 7, Thống chế Von Kluge trở lại Roche-Guyon, Bản phúc trình gởi cho ông về tình hình chiến lược và chiến thuật và các vấn đề rút ra từ tình hình đó, đã tạo nên một sự đồng tình toàn diện giữa hai vị Tổng tư lệnh. Một lần nữa, Von Kluge muốn được biết dứt khoát về vấn đề thời gian chống cự của mặt trận trong tình trạng lực lượng giảm dần và thiếu thốn tất cả các lực lượng trừ bị. Rommel liền đặt câu hỏi cho tất cả các tư lệnh Quân đoàn và đa số các tướng lãnh chỉ huy. Ông đề nghị báo cho Hitler biết kết quả cuộc điều tra và đính kèm vào đó một tối hậu thư thực sự. Ông trình bày một kế hoạch trong trường hợp, ai cũng thấy sẽ xảy ra, là Hitler gạt bỏ tối hậu thư ấy. Ông báo cho Von Kluge biết sứ mạng của Trung tá Hofacker mà khi từ Berlin trở lại, ông sẽ được thông báo cho biết. Mặt khác, Bộ Tổng tham mưu phải cung cấp cho ông tin tức về tình hình mặt trận Miền Đông và tình hình tại Tổng hành dinh của Fuhrer trong vài ngày tới.

Von Kluge trước tiên giữ thái độ dè dặt, nhưng chấp thuận trên toàn bộ lập luận của Rommel. Quyết định của ông tùy thuộc kết quả của bản vấn-đề-lục gửi cho các giới chỉ huy tại mặt trận. Rommel giao cho tôi nhiệm vụ liên lạc thông báo cho tướng Stulpnagel tin tức về tình hình, về ý định của ông và về các cuộc nói chuyện với Von Kluge. Bằng mọi cách tôi phải nhấn mạnh rằng Thống chế đã sẵn sàng hành động, ngay cả trong trường hợp Von Kluge không thể quyết định hợp tác. Tôi đến Paris rất trễ trong đêm 13 tháng 7 để thực hiện sứ mạng. Von Stulpnagel vừa nhận được tin lãnh tụ xã hội chống đối bị bắt tại Berlin: điều này có thể bắt buộc chúng tôi hành động gấp. Ông ta đề nghị chờ Hofacker trở về. Ông còn nói là công cuộc chuẩn bị trong khu vực của ông đã hoàn tất.

Trong những ngày 13, 14, 15 tháng 7, Rommel đi thăm mặt trận. Ông tiếp xúc với các sĩ quan chỉ huy mọi cấp, nhất là với các tư lệnh nhóm SS, Sepp Dietrch và Hausser, mà các phúc trình về tình hình đặc biệt có tính cách bi quan. Cả hai đều chứng tỏ cực kỳ ngay thẳng. Trong trường hợp có sáng kiến gì tại Miền Tây, vậy là Rommel không còn sợ gặp phải khó khăn về phía lực lượng SS nữa. Tướng Tư lệnh Quân đoàn I SS, Tư lệnh tương lai của Lộ quân V thiết giáp, chính là vị trưởng nhóm SS Sepp Dietrich. Trong một cuộc viếng thăm bản doanh Binh đoàn B ông đã bày tỏ với Rommel cũng như với tôi nỗi bất bình của ông về bộ chỉ huy tối cao và đòi hỏi có thể áp dụng sáng kiến cá nhân trong trường hợp có sự tan vỡ của phòng tuyến. Các đơn vị SS tham chiến, can trường nắm trong tay vị tư lệnh của họ, và phải thẳng thắn thừa nhận rằng họ được tách biệt rõ ràng với các phương pháp của cảnh sát mật vụ.

Mặt khác, Tư lệnh lực lượng SS tin rằng sắp có thể tách rời dễ dàng khỏi tổ chức cảnh sát mật vụ này tại Paris và tại Pháp.

Từ mặt trận trở về, Rommel đắm mình trong các suy tư và trong những xúc động sâu xa. Các cuộc chuyện trò của ông với các chiến binh ở tuyến đầu đã xác nhận và bổ túc các phúc trình của các tư lệnh và tướng lãnh. Đâu đâu quân sĩ cũng hỏi Thống chế với sự âu lo rằng liệu một sáng kiến táo bạo được thực hiện vào phút chót bởi các vị chỉ huy quân sự có thay đổi được tình hình không. Lần nào Thống chế cũng trả lời là, theo ông, tình hình sẽ thay đổi. Ông trở về với sự chính xác đầy tính cách an ủi theo đó quân sĩ và cấp chỉ huy, tại tất cả các hệ cấp, đều đặt lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của ông.

Nhưng Rommel không còn khả năng nào để giải thích cho Hitler được nữa. Thay vì cung cấp yểm trợ như đã hứa, ông chỉ nhận được từ Hitler toàn sự hắt hủi và ác ý. Chủ nghĩa tài tử tiếp tục hoành hành ở đó, tại Haute-Bavière và Đông Phổ. Một lần nữa, Rommel gởi cho Hitler một lời báo động, nhưng lần này dưới hình thức rõ ràng và dữ dội của một tối hậu thư. Ngày 15 tháng bảy, ông gởi cho Hitler một văn thư dài 3 trang đánh máy hỏa tốc qua trung gian của Tổng tư lệnh Miền Tây. Trong bức thư đó ông diễn tả ý tưởng bằng các câu sau[3]:

“Tình hình mặt trận Normandie ngày càng trở lên khó khăn hơn, và có khuynh hướng đưa đến một nguy cơ nghiêm trọng. Vì tính cách khốc liệt của trận chiến, vì vật liệu chiến tranh đặc biệt mạnh mẽ mà địch tung vào trận chiến, nhất là về pháo binh và thiết giáp, vì sự hữu hiệu của không quân địch, chủ nhân ông tuyệt đối của chiến trường, tổn thất của ta đã lên cao đến nỗi sức mạnh chiến đấu của các sư đoàn giảm sút mau lẹ. Lực lượng tăng cường từ bên trong chỉ được đưa đến theo kiểu nhỏ giọt và họ chỉ đến được mặt trận sau một vài tuần vì gặp khó khăn chuyển vận. Trước tổn thất 97.000 người (trong đó có 2.360 sĩ quan gồm 28 tướng lãnh, 354 chỉ huy trưởng đơn vị), nghĩa là trung bình từ 2.500 đến 3.000 người mỗi ngày, chúng tôi chỉ được tăng phái có 6.000 người. Tương tự như vậy, tổn thất về mặt dụng cụ chiến tranh cũng lên cao đặc biệt và cho đến hôm nay chỉ được bù trừ theo một tỷ lệ rất thấp, ví dụ 17 chiến xa trên số tổn thất 225 chiếc.

Các sư đoàn tân lập đưa ra tiền tuyến không được huấn luyện để chiến đấu, chúng được trang bị rất yếu kém về mặt trọng pháo, vũ khí chống chiến xa và vũ khí cận chiến chống thiết giáp. Như thế, chúng không thể nào có khả năng đẩy lui các cuộc tấn công của địch có tính cách qui mô, được tung ra sau một đợt pháo kích liên tục nhiều giờ và sau các cuộc không tập mạnh mẽ. Diễn tiến của trận chiến chứng tỏ rằng, vì sức mạnh của vật liệu chiến tranh của đối phương, đơn vị can đảm nhất cũng chỉ có thể bị đánh tan nát tả tơi.

Riêng vấn đề gởi quân tăng viện, vì sự tàn phá hệ thống thiết lộ, vì tình trạng mất an ninh của đường bộ cho đến 150 cây số sau hỏa tuyến do sự can thiệp của không lực địch, cho nên tình trạng bấp bênh đến nỗi chỉ có thể đưa ra mặt trận những thành phần tối cần thiết. Trước hết, đâu đâu chúng tôi cũng phải cực kỳ dè xẻn đạn pháo binh và súng cối. Không còn có thể nào đưa đến mặt trận Normandie các lực lượng mới xứng đáng với danh từ ấy nữa. Ngược lại, quân số mới và vô số dụng cụ chiến tranh đã ào ạt dồn đến đêm ngày cho mặt trận phía bên kia đối phương, tăng viện của địch không bị không quân của ta chặn đứng, áp lực của địch gia tăng cường độ không ngừng. Trong các điều kiện đó, ta phải phòng là không bao lâu nữa – từ 15 ngày đến 3 tuần lễ - quân địch sẽ thành công trong việc chọc thủng phòng tuyến quá mỏng của ta, nhất là tại khu vực trách nhiệm của Lộ quân VII, và thâm nhập vào lãnh thổ Pháp quốc. Hậu quả sẽ không thể nào lường được.

Khắp nơi quân sĩ đã chiến đấu một cách anh hùng, nhưng cuộc chiến đấu không đều này đưa gần đến chỗ kết thúc…”

Thống chế kết thúc bằng câu sau đây do chính tay ông viết:

“Tôi bắt buộc khẩn thiết kính xin Ngài giải quyết ngay tình thế đó. Trong tư cách là Tổng Tư lệnh Binh đoàn, tôi cảm thấy có bổn phận phải trình rõ ràng lên Ngài điều đó – Rommel, feldmarschall.”

Danh từ “hậu quả chính trị” không được đề cập đến: “hậu quả” có nghĩa là tất cả; danh từ “chính trị” sẽ tác động như là một miếng giẻ tẩm màu đỏ bôi lên mặt Hitler. Nó có thể tạo ra thay vì là các suy tư phải chăng, những cơn giận dữ nổ bùng vô ích, và các chỉ thị phát sinh từ cơn tức giận điên cuồng, tất cả những điều đó đều gây thiệt hại cho quân sĩ. Von Kluge chia xẻ phần trình bày và tối hậu thư của Rommel (bản chính của phúc trình này với các lời ghi chú bên lề của Thống chế đã được tiêu hủy trong cuộc bắt giữ về sau viên tham mưu trưởng của Binh đoàn B.)

Lần cuối cùng Rommel đã gửi lời khuyến cáo 555555555555555 nhìn vào khoảng không gian mênh mông đầy tinh tú bất diệt.

Nhưng tất cả những ai cùng chia xẻ các tư tưởng như thế, trong những ngày ấy, phải nhận thấy rằng sức mạnh vạn năng của những bàn tay bí ẩn, từ đó số phận con người dựa vào, vẫn đi con đường của nó: hành động giải thoát, đã không xảy ra.

Tình hình trong vùng Caen mỗi giờ một thêm nguy kịch, các đợt xâm nhập thật sâu của địch chỉ được trám lại một cách khó nhọc với giá của vô số gương hy sinh anh hùng; cuộc thâm nhập quyết định của Đồng minh vào khu vực rộng lớn của Paris, sắp sửa xảy ra.

Ngày 17 tháng 7 Rommel đến thăm một trong các tâm điểm khốc liệt nhất của trận chiến để đích thân chỉ huy quân sĩ, và nâng cao năng lực đã kiệt quệ. Ông đã tiết lộ cho một vài tư lệnh ưu tú, bức tối hậu thư của ông gửi cho Hitler mà không giấu họ các hậu quả mai hậu, nhưng, được nhắc nhở bởi viên tham mưu trưởng, ông muốn rút lui sớm hơn thường lệ. Chính trong một cuộc chiến đấu địa phương đang lâm vào cảnh nguy cấp, mà ông muốn can thiệp vào. Ông còn đến cạnh tướng Tư lệnh Quân đoàn I thiết kỵ SS Sepp Dietrich mà ông tìm thấy tại bản doanh của ông ta; ông chỉ lên đường trở về vào lúc 16 giờ. Trên con đường từ Livarot đi Vimoutiers, lúc gần đến nông trại Montgomery, các phi cơ khu trục oanh tạc trông thấy chiếc xe đơn độc của thống chế, vì ông luôn luôn di chuyển mà không cần hộ tống. Họ không ngờ rằng mình đang săn đuổi người quân nhân ưu tú nhất tại mặt trận Miền Tây, con người chứa đựng hy vọng cứu rỗi duy nhất của Đức quốc. Trước khi ông kịp đến chỗ nấp dưới các cành của một cây bạch dương gãy đổ, những tia lửa đạn lóe ra trên xe ông, do ba phi cơ địch bay sát mặt đất phóng ra. Người tài xế trúng đạn chết ngay, Thống chế bị thương nặng đến nỗi thoạt tiên người ta tưởng ông đã chết. Thật ra, Rommel đã bị loại trừ vào giờ phút mà quân đội và dân tộc Đức đang cần đến ông nhất. Tất cả những người sau ông muốn tìm kiếm một thế giới mới tốt đẹp hơn, đều đau đớn cảm thấy thiếu mất điểm tựa duy nhất của họ. “Vố nặng giáng lên ông (Rommel) ngày 17 tháng 7 năm 1944, trên con đường Livarot, đã làm cho kế hoạch mất một người duy nhất có thể mang trên vai sức mạnh kinh khủng của chiến tranh bên ngoài và cuộc nội chiến, một người duy nhất có đủ sức mạnh nội tâm để đương đầu với tính cách sinh động hãi hùng của kẻ xâm lăng. Điều đó như là một triệu chứng tất nhiên”.

Thật thế, đó là một điềm báo trước.

Chú thích:

[1] Đọc "Cuộc săn tìm vũ khí bí mật của Hitler - Bản dịch Người Sông Kiên và Lê thị Duyên - Sông Kiên xuất bản.

[2] Đọc: “Những trận đánh lịch sử của Hitler”. Bản dịch Người Sông Kiên - Lê thị Duyên. Sông Kiên xuất bản.

[3] Đọc: “Những trận đánh lịch sử của Hitler”. Bản dịch Người Sông Kiên - Lê thị Duyên. Sông Kiên xuất bản lần thứ 3

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 3-8-2013 09:15 AM
- 10 -
THỐNG CHẾ VON KLUGE NẰM QUYỀN TƯ LỆNH TỐI CAO BINH ĐOÀN B
NGÀY 20 THÁNG 7 NĂM 1944

ROMMEL, BỊ LOẠI RA KHỎI VÒNG CHIẾN, thoạt tiên cả Binh đoàn như rắn mất đầu. Tùy viên trưởng của Hitler, tướng Schmundt đề nghị Hausser thay thế Rommel, ông này chỉ mới ba tuần lễ trước đây vừa nắm quyền Tư Lệnh Lộ Quân VII. Viên tướng lãnh đầu đàn của lực lượng SS ở Miền Tây, Sepp Dietrich sẽ thế chỗ Hausser. Như vậy là âm mưu đưa những người thân tín kỳ cựu của Hitler nắm giữ các chức vụ then chốt tại mặt trận Miền Tây, được thể hiện càng ngày càng mạnh mẽ. Thống chế Von Kluge chống lại các vụ thuyên chuyển đó và đêm 19 tháng 7, chính ông nắm quyền tư lệnh Binh đoàn vừa vẫn bảo đảm sự liên lạc cá nhân với Bộ Tư Lệnh tối cao tại Miền Tây. Ông đóng tại Bản doanh tại La Roche-Guyon, trong khi tham mưu trưởng của Tổng tư lệnh mặt trận Miền Tây, Tướng Blumentritt, vẫn tiếp tục thi hành các mệnh lệnh khác với lệnh của Binh đoàn B tại Saint Germain. Sáng ngày 20 tháng 7, Thống chế Von Kluge đến thăm bản doanh của Lộ quân V thiết kỵ, nơi mà các Tổng tư lệnh và các Tướng lãnh chỉ huy mặt trân Normandie đều được vời đến. Thống chế đã ra các chỉ thị chiến lược đặc biệt liên quan đến hai địa điểm chủ yếu là Caen và Saint-Lô. Ông không đề cập đến vấn đề chính trị nào.

Lúc 17 giờ Tướng Blumentritt và Đại tá Finckh thuộc Bộ Tổng tham mưu, gọi điện thoại cho Tham mưu trưởng Binh Đoàn B và báo cho biết: “Hitler chết rồi”. Khi thống chế trở về giữa lúc 18 và 19 giờ, tin tức về sự thất bại của cuộc mưu sát đã được loan trên đài phát thanh. Tin ấy được xác nhận bởi nhiều cú điện thoại từ Tổng hành dinh của Hitler, với một số chi tiết.

Giữa 19 và 20 giờ, Thống chế Sperrle, các Tướng Von Stulpnagel và Blumentritt xuất hiện tại bản doanh của Bộ Tư lệnh Binh đoàn B. Tướng Von Stulpnagel và Trung tá Tiến sĩ Von Hofacker toan tính, một cách cấp bách, thúc đẩy Thống chế Von Kluge can thiệp vào các biến cố quyết định này. Họ nói có thể là cuộc mưu sát đã thất bại, tuy nhiên tại Bá linh, quyền chỉ huy đã chuyển qua tay Đại tướng Beck. Chỉ có việc chấm dứt ngay lập tức chiến trận ở Miền Tây- kể cả sự đầu hàng - người ta mới có thể đảm bảo sự thành công cho cuộc nổi dậy vẫn được âm mưu từ trước.

Trước khi lên đường, Đại tướng Von Stulpnagel đã chỉ thị cho viên “Tư lệnh Ba lê”, Tướng Bá tước Boineburg bắt giữ chỉ huy trưởng SS và cảnh sát tại Pháp, Oberg, cũng như toàn thể bộ tham mưu S.D của ông ta tất cả gồm khoảng 1.200 người, được giam giữ tại một địa điểm chắc chắn. Công tác bắt giữ này được thực hiện bởi lực lượng an ninh quân đội dưới quyền Đại tá Von Kraewel mà không cần nổ một phát súng nào.

Các đơn vị được thông báo tin này và được giải thích rằng Hitler đã bị các lực lượng S.S. cho ra rìa vì ông ta sợ rằng chính lực lượng S.S sẽ dùng sức mạnh để chiếm quyền.

Thế nhưng, sau nhiều lần điện đàm riêng với các Tướng Beck, Hoppner và Fromm, với các tướng Warlimont và Stieff, Von Kluge không thể nào chấp nhận lãnh đạo một cuộc nổi dậy tại mặt trận Miền Tây. Theo ông, một giải pháp đơn độc tại mặt trận này, sau khi cuộc mưu sát thất bại, đối với Bá- linh và Tổng hành dinh của Fuhrer là điều không thể quan niệm được. Trước hết, trong hiện tại ông ta không còn tin chắc vào Bộ Tổng Tư Lệnh cũng như vào các đơn vị.

Sau nhiều lần điện thoại liên tiếp cho Tổng hành dinh của Fuhrer và cho Bá- Linh, Von Kluge ra lệnh cho các vị chỉ huy trưởng quân sự tại Ba lê phóng thích cơ quan S. D. Điều đó trong thực tế có nghĩa là khóa chặt số phận của tướng Stulpnagel. Von Kluge ra các chỉ thị tương tự bằng điện thoại cho tham mưu trưởng của ông là Đại tá Von Linstow, nơi đây Đô Đốc Kranche, Đại sứ Abetz và nhiều người khác hoảng sợ đã đến trình diện.

Tuy nhiên, vào các giờ phút bi thảm ấy, các chiến sĩ trên các mặt trận Caen và Saint- Lô đang chiến đấu trong một cuộc phòng thủ nguy ngập. Các chỉ huy trưởng đơn vị, các Tư lệnh quân khu tới tấp gọi điện thoại yêu cầu tăng viện, đòi hỏi soi sáng thêm về các biến cố xảy ra tại Tổng hành dinh của Fuhrer và tại Bá-linh mà họ được biết qua đài phát thanh. Tham mưu trưởng của Binh đoàn B phải trả lời tất cả các câu hỏi để giữ vững phòng tuyến.

Thống chế Von Kluge giữ lại Tư lệnh quân sự ở Ba lê, Trung Tá Tiến sĩ Von Hofacker và Tiến sĩ Horst để ăn tối với ông trong vòng cực kỳ kín đáo. Trong ánh sáng của đèn cầy, bữa ăn diễn ra trong im lặng hoàn toàn như trong một nhà xác. Không khí ảm đạm của giờ khắc ấy đối với những người khách còn sống sót vẫn khó mà quên được. Tướng Von Stulpnagel trở lại Ba lê; trong đêm ấy ông ta bị cách chức và được Tướng Bộ binh Blumentritt thay thế. Thống chế Keitel điện thoại triệu hồi Tướng Stulpnagel trở về Bá linh “để báo cáo”. Không báo trước cho Von Kluge biết, ông rời Ba lê sáng ngày 21 tháng 7 và khi đến gần Verdun, nơi ông đã chiến đấu trận Đệ nhất Thế chiến, ông cố tự sát bằng cách bắn một viên đạn vào đầu. Bị mù mắt, ông ta được đưa đến quân y viện tại Verdun, và bị đối xử như tù nhân của Gestapo. Sau khi được giải phẫu ông hồi tỉnh và kêu tên Rommel. Ngay khi hãy còn chưa bình phục hẳn, ông bị đưa về Bá-Linh, ra trước Tòa-án nhân dân, bị lên án tử hình bằng cách treo cổ và bản án được thi hành ngày 30 tháng 8; cũng như các Đại- Tá Finckh và Von Linstow thuộc Bộ Tổng Tư lệnh. Trung tá Von Hofacker cũng chịu cùng số phận ngày 20 tháng 12. Không hề sờn lòng một chút nào, ông ta gặp tham mưu trưởng của Binh đoàn B lần cuối ngày 19 tháng 12 trong căn hầm trụ sở Gestapo, đường Albrechtstrasse, tại Bá- Linh.

Vào tháng 4 năm 1942, lần đầu tiên thống chế Von Kluge tiếp kiến Bác sĩ Goerdeler, tại bản doanh của ông, gần Smolensk. Lúc ấy đã có cuộc trao đổi quan điểm với ông này, với Đại Tướng Beck, Đại Sứ Von Hassel và những người khác nữa. Hình như năm 1943 Von Kluge có tuyên bố sẵn sàng tham dự vào việc hủy diệt chế độ độc- tài quốc- xã tại Đức với hai điều kiện: Hitler phải chết và sự tập trung của bộ chỉ huy tối cao vào một mặt trận duy nhất (đông hay tây). Nếu điều kiện thứ hai được thỏa mãn từ ngày 4 tháng 7, thì điều kiện kia, điều kiện chủ yếu lại không được thực hiện. Ngày 4 tháng bảy khi ông nắm quyền tư lệnh mặt trân Miền Tây, qua sự đề nghị của tùy- viên trưởng của Hitler, Tướng Schmundt, ông này không ngờ vực gì cả, tướng Von Tresckow được bổ nhiệm làm tham mưu trưởng của ông. Tướng Von Tresckow đã từng phục vụ lâu ngày dưới quyền ông tại Binh đoàn Trung Ương, nên ông đã biết quá rõ về ý chí bất khuất và sự hiếu động cách mạng của ông này, cho nên ông từ chối sự bổ nhiệm ấy. Chính vì thế mà, Tresckow, một trong các đối thủ dữ dội nhất của Hitler, đầu óc trác việt và một nhân cách phi thường, không được thuyên chuyển đến Miền Tây. Tresckow tự sát ngày 21 tháng 7, trong chức vụ tham mưu trưởng Lộ quân II mặt trận Miền Đông để thoát khỏi tay bọn đao phủ. Chúc thư của ông có nhấn mạnh:

“Bây giờ sức nặng của cả thế giới đè nặng lên chúng ta và phủ lên chúng ta những lời nguyền rủa. Nhưng, hôm nay cũng như trước đây, tôi vẫn một lòng sắt thép tin tưởng rằng chúng ta đã hành động đúng. Tôi coi Hitler không những chỉ là kẻ thù không đội trời chung của Đức quốc mà còn là kẻ thù không đội trời chung của nhân loại. Trong chốc lát nữa, khi tôi đứng trước mặt Chúa, người sẽ phán xét tôi, để trình cho Ngài biết về những hành động, những sứ mạng, của tôi, tôi tin có thể trình bày với lương tâm thuần khiết, điều gì tôi đã làm trong cuộc tranh đấu chống lại Hitler. Cũng như một hôm Chúa đã hứa với Abraham là sẽ không hủy diệt Sodome, ngay cả trường hợp chỉ còn lại 10 đức công bình, tôi hy vọng rằng, vì chúng ta, Chúa sẽ không tiêu diệt Đức Quốc. Không một ai trong chúng ta có thể than van gì về cái chết của chính mình. Bất cứ ai đã nhập vào nhóm chúng ta đều cũng phải chịu đựng một mối đau khổ không thoát được. Giá trị tinh thần của một người chỉ bắt đầu khi nào người đó sẵn sàng hiến dâng đời sống cho niềm tin của mình.”

Trước khi đảm nhận chức vụ Tổng Tư Lệnh Miền Tây, Von Kluge còn tiếp Đại Tá Boselage, sau đó bị sát hại, người đã chuyển lời kêu gọi hành động của Tresckow, như họ đã cam kết với nhau từ trước. Vả lại Thống chế Von Kluge hoàn toàn bị bất ngờ vì vụ khởi động cuộc mưu sát ngày 20 tháng 7.

Von Hofacker từ Bá linh trở về chiều ngày 17 tháng 7 và biết được tin Thống chế Rommel bị thương nặng ở ga xe lửa. Ông ta không thể nào thông báo cho Von Kluge biết việc khởi động vội vã vụ mưu sát Hitler, bởi vì quyết định hành động vào ngày 20 tháng 7 chỉ được biểu quyết vào chiều ngày 19 tại Bá linh.

Sáng ngày 21 tháng 7 theo lệnh của Goebbels và Keitel, Ủy viên Quốc xã (Fuhrungsoffizier) cạnh Bộ Tư Lệnh Miền Tây có Đại diện Bộ Tuyên truyền tại Pháp tháp tùng, đến Bản doanh La Roche-Guyon. Ông ta muốn cưỡng ép Von Kluge ký một công điện thần phục Hitler mà họ đã soạn sẵn trước và ép ông lên tiếng trên các đài phát thanh Đức Quốc. Thống chế có thể tránh né được việc sau, nhưng bị bắt buộc gởi một điện văn chúc mừng dưới một hình thức khác, nhẹ nhàng hơn.

Mặc dầu vậy, Gunther Von Kluge cũng bị cuốn vào cơn bão tố giết người của ngày 20 tháng 7, định mệnh đã không dừng lại trước một người mà sự sáng suốt tỏ ra có vẻ mâu thuẫn với ý chí thực hành của ông.

Kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1944, sự nghi ngờ của Hitler và của Bộ Tổng Tư Lệnh tối cao Quân lực đối với Von Kluge không ngừng gia tăng. Điểm này chắc chắn cũng là vì các cung từ khai thác được từ các tù nhân. Dầu sao chăng nữa các biện pháp được quyết định dưới thời ông làm tư lệnh cũng bị chỉ trích dữ dội và còn bị phá hoại tại “Obersalzberg” nữa.

Bài diễn văn lăng nhục do Bác sĩ Ley đọc chống lại giai cấp quí tộc và tập thể sĩ quan được nhiều người biết qua đài phát thanh. Các Tướng lãnh Nam- Tước Von Funk, Nam- Tước Von Luttwitz và Bá tước Von Schwerin công khai phản đối và đòi hỏi rút lại bài diễn văn ấy.

Mệnh lệnh của Tân Tham-mưu- trưởng quân đội lên án sự phạm tội của Bộ Tổng Tham- Mưu trong âm mưu chuẩn bị và thi hành cuộc mưu sát ngày 20 tháng 7 năm 1944 không được tham mưu trưởng Binh đoàn B chuyển đến các cấp đơn vị nhỏ, với sự thỏa thuận của vị Tư- Lệnh. Riêng về sự dẫn nhập cho cái gọi là sự cứu rỗi Đức quốc, áp đặt lên trên Quân lực Đức, vào lúc mà mỗi một binh sĩ thấy rõ sự sụp đổ sắp đến của cả hệ thống mà sự cứu rỗi ấy tượng trưng, thì nó xuất hiện trước mắt mọi người như một vở tuồng quái gở.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 3-8-2013 09:54 AM
- 11 -
TỪ NGÀY 25 THÁNG 7 ĐẾN NGÀY 18 THÁNG 8 NĂM 1944
AVRANCHES – MORTAIN
“Vùng Túi Falaise”

Ngày 24 tháng 7 khi bộ chỉ huy tối cao Quân lực xác nhận rằng quyết định ở Miền Tây tùy thuộc vào sự ngăn chặn mũi tấn công của địch trong vùng bán đảo Cotentin, điều này đưa lại hậu quả là một sự khôi hài cay đắng cho Bộ Chỉ huy, bởi vì chính cơ cấu ấy cùng lúc cấm chỉ mọi sáng kiến trong các cuộc hành quân.

Tướng Patton, Tư lệnh hùng tráng, tính khí phong phú, của Đệ III Lộ quân Hoa Kỳ, người vừa được đẩy lên Cotentin, và trong khi Bộ Tư lệnh Đức chờ đợi cuộc đổ bộ tại một nơi khác, đã mau lẹ tiến sâu vào vùng đất không người. Rốt cuộc, chính mãi đến lúc đó, phía Bộ Tư lệnh Đức mới lấy các quyết định chiến lược quan trọng. Nhưng vì tất cả lực lượng trừ bị đều thiếu thốn, nhất là về Không quân, cho nên mọi mệnh lệnh bắt buộc bảo vệ từng tấc đất dù cho chuyện gì xẩy đến và công cuộc ngăn chặn mũi dùi tấn công của đối phương đều là những câu trống rỗng.

Điểm nguy kịch của phòng tuyến bị đánh chiếm đã chuyển đi về cánh phía tây của hai Lộ quân Mỹ. Chính tại đấy người ta phải phòng trước một sự xâm nhập về phía Nam và Đông Nam, một khi bán đảo vùng Bretagne đã bị chặn ngang. Cuộc điều quân này không những chỉ vạch đường cho một cuộc bao vây từ phía tây Lộ quân VII và Lộ quân V thiết kỵ Đức đóng tại Normandie, nó cũng còn khởi đầu cho cuộc hành quân quyết định nhắm vào khu vực Ba lê và quá hơn nữa, về phía Đức quốc: đấy là sự khởi đầu cho hồi chung cuộc. Lúc ấy chỉ có các quyết định cương quyết là có tính cách bắt buộc, đó là: bỏ mặt trận Địa Trung Hải, rút toàn thể Binh đoàn G[1] lui về phía Bắc, sau khi trích ra tất cả lực lượng trừ bị cơ động nhằm mục đích hành quân chiến thuật và sửa soạn tuyến sông Seine thành tuyến phòng thủ.

Nhưng không thể nào đưa Hitler và Bộ Tổng Tư lệnh Quân lực đến chỗ lấy một quyết định.

Khi được tin về sự chọc thủng phòng tuyến của mũi dùi Hoa Kỳ gần Saint-Lô, thống chế Von Kluge thoạt tiên sợ phải thấy cánh phía Tây của Lộ quân VII mất điểm tựa tại vịnh Saint Malot. Ngay lúc đó ông đã tiên liệu một cách hữu lý rằng Avranches sẽ là vị trí then chốt phải bảo tồn cho đến lúc mà các cuộc phản công hay các quyết định trọng yếu có thể can thiệp vào. Vả chăng ông cũng được biết rằng điều bó buộc ấy biểu tượng cho tối đa những gì có thể đòi hỏi, với tình trạng các đơn vị đã tham chiến từ 7 tuần qua trong một trận đánh thế thủ nhọc nhằn, nhất là dưới hiệu quả hủy diệt gây ra bởi Không quân đối phương. Chính Không quân, bằng sự phối hợp hữu hiệu với các lực lượng trên bộ của Hoa Kỳ, đã giúp cho mũi dùi tấn công tại Saint-Lô thành công.

Tất cả lực lượng trừ bị của Lộ quân VII đã được tập trung tại mặt trận Cotentin. Tuy nhiên, các lực lượng thiết kỵ phòng vệ mà Bộ Tổng Tư lệnh Tối cao Quân lực đã hứa hẹn, vẫn vắng bóng. Cuộc tiếp cứu của Quân đoàn XXV được yêu cầu nhiều lần (nó đã được đưa đến Bretagne với 5 Sư đoàn) đã bị Bộ Tổng tư lệnh Quân lực từ chối. Riêng về phần mặt trận giữa Caen và Saint-Lô, binh sĩ được trích bớt đi đến một mức có thể tạm thời chịu đựng được. Dây cung đã căng quá thẳng, Bộ Tổng tư lệnh Quân lực vẫn bất động: Miền Tây kể như đã mất.

Quân đoàn thiết giáp thứ XLVII với Sư đoàn 2 và Sư đoàn 116 thiết kỵ phải tập trung lại trong vùng phía Tây con sông Vire để được tung ra đánh vào cạnh sườn địch quân lúc đó đã thành công trong vụ chọc thủng tuyến phòng ngự.

Giữa lúc đó, Tư Lệnh Lộ quân VII quyết định thống nhất lực lượng để cắt ngang mũi dùi tấn công vào Saint-Lô tại cạnh sườn phía Tây hướng về phía Đông Nam, với sự dàn quân của Quân đoàn thiết giáp XLVII đang tập họp lại để phản công. Nhưng lệnh hành quân ấy của Lộ quân đã lập tức bị thống chế Von Kluge hủy bỏ ngày 29 tháng 7 bởi vì ông đã bỏ điểm trọng yếu Avranches mà không chiến đấu. Nhưng phản lệnh đã đến quá chậm, trước sự ào ạt của thiết giáp và không quân của đối phương. Ngày 30 và 31 tháng 7, các cánh quân thiết kỵ của Lộ quân Patton tràn ngập Avranches. Mũi tấn công của địch đã được vạch ra, cấp bách. Mọi người chờ đợi cao điểm của cơn khủng hoảng. Giữa khoảng Saint-Lô và Vịnh Saint-Malot tính cách liên tục của phòng tuyến đã bị phá vỡ. Những đơn vị chiến đấu đã được chỉ huy một cách can đảm vẫn còn đứng vững như các đập ngăn nước, nhưng sự tràn ngập bởi sóng biển chỉ còn là một vấn đề mỗi ngày và ngay cả mỗi giờ nữa. Von Kluge đích thân gọi điện thoại cho Đại tướng Jodl để nêu rõ giờ phút quan yếu đó và yêu cầu ông này làm ngay lập tức một báo cáo trình Hitler. Trong cuộc điện đàm ông cũng đã nhắc lại các giai đoạn hệ trọng của quân đội Pháp trong trận đánh sông Marne năm 1914. Hoài công vô ích! Thay vì lấy một quyết định đứt khoát hay ban ra các chỉ thị chiến lược thì ngày 01 tháng 8 năm 1944, Hitler lại ban hành mệnh lệnh sau đây cho Binh đoàn B:

“Trong bất cứ trường hợp nào cũng không được để cho quân địch tổ chức hành quân như vào chỗ không người. Binh đoàn B phải chuẩn bị với tất cả các đơn vị thiết kỵ sẵn có một cuộc phản công để tạo mũi dùi chọc thủng cho đến Avranches để cô lập và tiêu diệt địch quân. Tất cả các lực lượng thiết kỵ đang sẵn có phải được rút khỏi các vị trí hiện tại mà không được thay thế, và phải được đặt dưới quyền chỉ huy của Tướng thiết giáp Eberbach. Kết quả quyết định của chiến trường tại Pháp tùy thuộc vào cuộc tấn công này.”

Von Kluge lập tức phản đối mệnh lệnh này, một mệnh lệnh mà theo ông chắc chắn sẽ kéo theo sự sụp đổ của phòng tuyến Normandie từ sông Orne cho đến phía nam Saint-Lô và sẽ làm cho thảm họa đến nhanh hơn nữa. Ông năn nỉ yêu cầu quan điểm của ông phải được trình bày lên Hitler ngay lập tức. Nhưng Fuhrer cho trả lời rằng ông ta vẫn giữ quyết định ban đầu. Chỉ nghe theo bổn phận của mình, Von Kluge nhấn mạnh một lần nữa các hậu quả thật sự của mệnh lệnh ấy: Trước hết là sự sụp đổ chắc chắn của phòng tuyến Normandie trước Lộ quân II của Anh trong trường hợp bắt buộc phải rút các đơn vị thiết giáp hiện đang tạo thành bộ xương của hệ thống phòng thủ. Một lần nữa ông đề nghị các biện pháp chiến lược nghĩa là sự rút lui về sau sông Seine, bỏ miền Nam và miền Trung nước Pháp. Tư lệnh tối cao Quân lực lại bác bỏ một cách dữ dội những ý tưởng được Binh đoàn B triển khai đối với vị Tổng tham mưu trưởng. Với cùng giọng điệu của “Ông lớn của ông ta”, ông Tổng tham mưu trưởng cũng vậy cũng nói về một cuộc tiêu diệt đối phương nhờ cuộc tấn công dự liệu bằng thiết giáp và về một “chiến thắng chắc như bắp”.

Các lực lượng tấn công, được đặt dưới quyền Tướng thiết giáp Eberbach gồm có Quân đoàn XLVII thiết kỵ, với sư đoàn 2 và sư đoàn 116 thiết giáp, và Quân đoàn I thiết kỵ với sư đoàn 1 và sư đoàn 2 thiết giáp S.S. Người ta cũng dự liệu sự can thiệp của Quân đoàn II thiết kỵ S.S (với sư đoàn 9 và 10 thiết giáp S.S) nhưng diễn biến của tình hình không còn dành cho thời gian để kịp can thiệp nữa. Không lực địch, nhờ các cuộc oanh tạc không ngừng nhằm vào các cuộc điều quân của lực lượng thiết giáp, đã luôn luôn làm cho giờ phút can thiệp bị hoãn lại.

Mãi đến đêm 6 tháng 8, sau không biết bao nhiêu là khó khăn không tưởng tượng được, công cuộc chuẩn bị rốt cuộc cũng được hoàn tất trong vùng phía đông Mortain: cuộc tấn công có thể bắt đầu một lúc sau nửa đêm, trước khi không lực địch có thể lâm trận để hủy diệt. Chính Von Kluge cũng lao mình vào trung tâm của cuộc chiến đấu. Cuộc tấn công thành công cho đến bình minh. Sư đoàn 2 đã xuyên thủng phòng tuyến địch sâu vào đến 10 cây số và đã nghiền nát các lực lượng bộ bình và thiết giáp Hoa kỳ tương đối đáng kể. Chính ngay từ lúc bình minh, các phi đội chiến đấu địch đã ào đến hết đợt này đến đợt khác, và ngăn cản mọi chuyển động của đối phương: Ba trăm phi cơ săn giặc Đức đã từ khắp nơi tập trung về phía tây để yểm trợ cho cuộc tấn công này. Nhưng không hề có một chiếc nào xuất hiện được trên các địa điểm tấn công: tất cả đều bị bao vây và tiêu diệt ngay khi cất cánh để tham chiến trên không. Như thế là cuộc hành quân thiết giáp đã hoàn toàn bị thất bại chỉ vì các lực lượng không quân đồng minh được hậu thuẫn bởi sự liên lạc vô tuyến tuyệt vời từ dưới đất. Với những tổn thất nặng nề, các sư đoàn thiết giáp tả tơi phải rút về điểm xuất phát trong đêm 7 tháng 8. Hitler chỉ thị tái phản công vào ngày 8. Cuộc tái phản công này do sư đoàn I thiết giáp S.S làm lực lượng chính, nhưng đã bị thiết giáp và không quân Hoa kỳ đẩy lui tổn thất nặng nề.

Nếu được không quân yểm trợ đầy đủ, cuộc phản công này, nhắm vào mục tiêu Avranches cách xa chứng 25 cây số có thể đưa đến một giai đoạn chiến thắng và ít ra cũng tạo được một sự trì hoãn cho phép lấy các quyết định chiến lược. Nhưng với tính khí của Hitler như thế, liệu có các quyết định nào được ban hành không? Không chắc. Một điều chứng tỏ ông ta hiểu tình hình đến mức nào, là mệnh lệnh ban hành ngày 7 hoặc ngày 8, sau cuộc phản công của Eberbach, bắt dàn rộng phòng tuyến của quân đổ bộ Đồng minh “từ phía Tây sang phía Đông”.

Ngày 5 tháng 8, các lực lượng Hoa kỳ đã gần như khóa chặt vùng Bretagne. Lúc ấy Tư lệnh quân đoàn XXV Đức, Tướng pháo binh Farmbacher, tại Renner, được chỉ định làm Tư lệnh khu vực Bretagne. Ông ta cũng thế, phải bắt đầu bằng “cuộc ngăn chặn kẻ thù với tất cả các lực lượng sẵn có”, rồi vừa chiến đấu vừa rút lui về các điểm phòng thủ mạnh, sau cùng “phòng vệ tại đấy cho đến giọt máu cuối cùng”; đấy là những điều được nhớ tại Cherbourg.

Tất cả những điều đó lại có kết quả là cô lập hóa Quân đoàn XXV cùng với các sư đoàn của nó; đạo quân này không còn làm được một hành động nào nữa trong sự phát triển của các biến cố về sau, nó cũng lại không cầm chân được một lực lượng địch nào cả.

Sau vụ thất bại của cuộc phản công, một lần nữa, Von Kluge đề nghị bỏ miền Nam nước Pháp và lập tức đưa binh đoàn G về lập một phòng tuyến Seine-Loing-Loire, từ Gien và Nevers cho đến biên giới Thụy Sỹ gần Gex. Về phần khu vực hạ lưu sông Seine, các biện pháp phòng ngự đã được nghiên cứu và quy định từ giữa tháng 7. Nhưng Tổng tư lệnh Quân lực vẫn trì hoãn không chịu quyết định. Cuộc phản công do Hitler ra lệnh bắt đầu từ vùng Mortain hướng về phía Avranches đã làm cho các đơn vị thiết giáp ở miền Tây bất động ở phía Nam sông Seine và bị tiêu hao nặng. Mệnh lệnh này không những trái ngược với quy luật chiến lược mà còn trái ngược với lý trí nữa. Làm như thế là cung cấp cho đối phương một lợi thế quyết định và ngoài sự mong ước của họ.

Đó là một cuộc trình diễn tuyệt vời nghệ thuật điều động thiết giáp của Tướng Patton, Tư lệnh Lộ quân III Hoa kỳ, trong ngày 9 và 10 tháng 8 tiến sâu từ Laval theo trục Alençon-Le Mans, và đẩy mạnh về hướng Ba lê. Trái với lệnh cấm triệt để của Hitler. Sư đoàn 9 thiết giáp Đức được tung vào vùng Alençon, ít ra cũng đã làm chậm đà tiến quân mãnh liệt của quân đội Hoa kỳ hướng về phía Đông. Nhưng một lần nữa người ta lại cảm thấy sự thiếu vắng Quân đoàn XXV đang chiến đấu một cách vô ích tại Bretagne. Nhiều lực lượng mới của Hoa kỳ, với ưu thế tuyệt đối về hỏa lực và về cơ động tính vẫn tiếp tục được đổ ào ạt vào chỗ bị chọc thủng. Binh đoàn B, khám phá được ý đồ của đối phương là bao vây Lộ quân V thiết kỵ và Lộ quân VII ở phía Tây vùng hạ lưu sông Seine, đã đòi hỏi phải được rút về phía sau sông Seine và gọi Binh đoàn G đến để tái thiết lập liên lạc về phía Đông.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 3-8-2013 09:56 AM
- 11 -
(tiếp theo)

Nhưng Hitler không tin vào sự ước tính của Von Kluge về lực lượng địch. Bộ Tổng tư lệnh quân lực chỉ muốn nói đến “các mũi thiết giáp địch” có thể bị loại ra khỏi vòng chiến bằng các “biệt đội” cảm tử đánh bất ngờ.

Và Hitler tiếp tục tìm cớ thoái thác. Ông ta bắt buộc rằng đạo quân thiết kỵ của Eberbach, vốn đã bị đánh tả tơi phải tái phát động cuộc phản công hướng về phía bờ biển: đều đưa đến kết quả là làm cho tình hình chiến lược trầm trọng thêm và làm giảm thiểu lực lượng chiến đấu của quân đội.

Để làm cho Hitler đổi ý định mở cuộc tấn công điên rồ ấy và để tranh thủ thời gian, ngày 10 tháng 8, Thống chế Von Kluge đề nghị với Bộ Tư lệnh tối cao quân lực “nếu biến chuyển sắp đến của tình hình cho phép”, mở một đợt tấn công của đạo quân thiết kỵ do Eberbach chỉ huy hướng về phía Nam, “để giải tỏa mạn sườn Địa Trung Hải”.

Nhưng kế hoạch này rồi cũng bị tình hình tổng quát vượt qua. Lúc đó Von Kluge dùng quyền Tư lệnh ra lệnh cho Lộ quân V thiết kỵ rút lui dần về phía sau sông Orne rồi sau khu vực sông Touques, trong khi Lộ quân VII che chở mạn sườn trên phòng tuyến Domfront-Alençon và hướng về phía Đông. Ngày 12 tháng 8, bất đắc dĩ Hitler phải chấp thuận và vẫn không có lấy một quyết định nào liên quan đến vấn đề binh đoàn G, vẫn còn nằm bất động với Lộ quân I và XIX, dọc theo vịnh Gascogne và bên bờ Địa Trung Hải.

Vả chăng, kể từ các biến cố ngày 20 tháng 7, Thống chế Von Kluge đã bị mất đà; chính nhiều khi ông trông thấy thảm họa không thể tránh được bằng cặp mắt hết sức bi thảm. Ông ta tự dằn vặt để đừng toan tính việc thoát hiểm nhờ mưu kế, kể từ ngày 20 tháng 7, ngày mà ông không muốn hành động. Nhưng vì các thỉnh nguyện mới cho nên ông không thể quyết định tự ý bỏ mặt trận phía Nam, gọi Binh đoàn G về, bắt đầu một chiến lược mới có thể cho phép sử dụng một cách tiết kiệm và hữu hiệu các lực lượng trừ bị như vậy. Khi các lực lượng hùng hậu của địch vượt qua tuyến Domfront-Alençon, rồi một cánh nghiêng về phía Bắc theo hướng Falaise để bao vây hai lộ quân tại Normandie, và các lực lượng khác vẫn tiếp tục tiến mạnh về phía Ba lê, ngày 12 tháng 8 Von Kluge đến vùng phía Nam Falaise để hội họp với các Tư lệnh Lộ quân. Nhưng hệ thống truyền tin tháp tùng ông đã bị lãnh ngay một quả trọng pháo nên mọi sự liên lạc đều bị cắt đứt. Đại tướng Jodl nhiều lần điện thoại nhân danh Hitler hỏi Tham mưu trưởng Binh đoàn B rằng liệu ông này có tin là có thể Thống chế Von Kluge đã thoát qua phòng tuyến của địch rồi không. Khi Thống chế trở về, một chỉ thị hỏa tốc của Hitler cũng được gửi đến: “Thống chế Von Kluge phải thoát ra khỏi “túi” Faleise và điều khiển cuộc chiến tại Normandie từ Bộ tư lệnh Lộ quân thứ V”. Mệnh lệnh này, thật điên khùng về mặt quân sự, đã cho thấy sự nghi ngờ và sự suy sụp tinh thần của vị Tổng Tư lệnh Tối cao. Niềm tin vào các cấp chỉ huy và vào các đơn vị quân đội đã bị chặt đứt bởi các mệnh lệnh mâu thuẫn bởi sự bối rối hỗn loạn mà họ tìm thấy nơi Hitler. Von Kluge không thể nào chỉ huy toàn thể mặt trận từ chính trong “túi Falaise”. Nhưng xung lực của ông có giá trị rất lớn đối với quân đội. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, ông có thể cho phép các tướng lĩnh dưới quyền sự tự do hành động để mở đường máu tiến về phía Đông, sau sông Seine.

Ngày 13 tháng 8, Bộ tham mưu của Đệ I Lộ quân được gọi từ vịnh Gascogue về phía Bắc để nắm quyền điều khiển “phòng tuyến” trải dài giữa cạnh Đông Nam của Lộ quân VII và sông Loire trong vùng Orléans. Nhưng về quân sỹ nó chỉ còn có các đơn vị ở hậu trạm và các bộ phận hành chính: hai sư đoàn của Lộ quân XV và hai lữ đoàn huấn luyện của S.S đã phải được gửi đến tăng cường.

Cùng ngày hôm đó, những tin tức đầu tiên về các hoạt động của quân Đồng minh được đưa lên tàu tại Alger cũng được loan truyền đến. Cuộc đổ bộ tại Địa Trung Hải sắp xảy ra. Thế mà chính ngay lúc đó Hitler và Tổng Tư lệnh Quân lực vẫn từ chối không cho rút Binh đoàn G với 9 sư đoàn cơ hữu về; quả thật cơ động tính yếu kém của chúng không tạo được một giá trị chiến đấu lớn lao nào. Các ông lớn ấy vẫn chưa muốn tin sẽ có cuộc đổ bộ, và sự nối kết giữa cuộc đổ bộ ấy với các cuộc hành quân Đồng Minh trong khu vực giữa sông Seine và sông Loire.

Ngày 14 tháng 8, Thống chế Von Kluge tập họp các Tư lệnh Hải quân miền Tây và Không đoàn 3, Tân Tư lênh quân đội tại Pháp, Tướng Không quân Kitzinger, viên Tư lệnh mới được bổ nhiệm của “Đại Ba lê”, Tướng Bộ binh Von Choltitz về Saint-Germain để thảo luận công việc phòng vệ thủ đô Ba lê. Hitler đã ra lệnh bảo vệ Ba lê cho đến người lính cuối cùng. Ông ta đã hạ lệnh chuẩn bị giật sập 68 chiếc tầu trên sông Seine và tất cả các công trình nghệ thuật có giá trị quân sự. Cuộc hội nghị cũng giải quyết vấn đề rút lui và di tản của quân đội: điều này đã được thực hiện suông sẻ. Trật tự ít được thấy trong việc rút lui của nhiều cơ quan của đảng Quốc Xã cũng như của số công chức. Những người này đã tạo nên một tình trạng tuyệt đối không thể kiểm soát được và thường hay không làm cho Đức quốc hãnh diện chút nào.

Riêng về phần các lực lượng vững chắc để phòng vệ khu vực thủ đô mênh mông, thì chẳng có lực lượng nào cả. Chỉ còn có các đơn vị bất ngờ, có khả năng bảo đảm công tác an ninh và tình báo, ngoài ra, đối với những người có tâm trí sáng suốt thì không thể nào giữ được Ba lê vì vấn đề tiếp liệu. Chính cũng vì các lý do lý thuyết và vật thể ấy đã làm cho người Pháo phải để cho Ba lê đầu hàng năm 1940.

Tuy nhiên áp lực tập trung của các lực lượng Mỹ đã tăng cường nhất là từ phía Nam và phía Tây của phòng tuyến Trun-Argentan-Putarges, trong khi các lực lượng của Anh vẫn đứng vững. Các lực lượng của Đức vẫn còn ở lại trong nồi “xúp de”, đang cố gắng mở rộng đường liên lạc về phía Đông. Thay vì các chỉ thị chiến lược hoặc các lực lượng tăng cường không bao giờ thấy đưa đến, ngày 15 tháng 8 chỉ thấy có một công điện hỏa tốc mang chữ ký của Hitler. Văn kiện ấy quy trách Thống chế Von Kluge về sự thất bại của cuộc phản công của Eberbach. Đấy là một mệnh lệnh trong ngày vẫn thường được thấy nơi Hitler, nhằm mục đích ghi vào “nhật ký hành quân”. Bản văn không có một giá trị quân sự nào, nhưng nó tỏ ra cần thiết để “viết lịch sử”.

Công điện ấy đã đến nơi cùng một ngày với cuộc đổ bộ của Đồng minh tại bờ biển Coted’Azur gần Saint-Tropez, Canne và Saint-Raphael. Sự suy đoán của Hitler như vậy đã tỏ ra sai lầm: phòng tuyến yếu kém tại Địa Trung Hải sụp đổ. Mãi đến ngày 17 tháng 8, Bộ Tư lệnh tối cao Quân lực mới tuyên bố sẵn sàng ra lệnh rút Binh đoàn G lui về phòng tuyến Orléans-Bourges-Montpellier. Nhưng cuộc điều quân này không thể thực hiện được bởi vì các mũi tấn công thiết kỵ thọc sâu, cứ mỗi lúc, mũi này vượt qua mũi kia trên cả hai mặt trận đổ bộ.

Người ta cũng còn ra lệnh cố thủ các “khu vực tăng cường”: khu vực sông Gironde phía Bắc và phía Nam, và khu vực La Rochelle; nỗ lực thoát ra khỏi vòng vây sắt thép càng ngày càng không ngừng thâu hẹp lại tại Falaise, của Lộ quân V thiết kỵ và Lộ quân VII, bị Hitler cấm chỉ ngày 15 tháng 8, trái với lời yêu cầu liên tiếp của binh đoàn B trong ngày 14. Chính lúc đó Thống chế Von Kluge quyết định tự mình ra lệnh.

Ngày 16 tháng 8, vào buổi chiều, không được Tổng Tư lệnh quân lực báo trước, Thông chế Model xuất hiện tại bản doanh La Roche-Guyon. Ông ta đã hành sử quyền Tư lệnh Binh đoàn Trung ương tại mặt trận miền Đông, sau khi toàn diện của mặt trận này sụp đổ vào ngày 20 tháng 6 và bị bắt buộc phải rút về Đông Phổ. Vào lúc ông ta được giao cho sứ mạng mới này, Hitler gắn lại cho ông chiếc huy chương thập tự sắt sáng loáng. Model đưa cho Von Kluge một bức thư do Hitler viết tay, trong đó ông ta tuyên bố rằng ông ta quyết định bổ nhiệm Thống chế Model làm Tư lệnh mặt trận miền Tây và Tư lệnh tối cao của Binh đoàn B. Thật vậy, ông ta có cảm tưởng rằng, tiếp theo các sự mệt nhọc quá sức trong các tuần lễ vừa qua, sức khỏe của Thống chế Von Kluge không còn thích nghi với trọng trách nữa.

Thái độ của Von Kluge trước mặt Model rất xứng đáng; trong cuộc bàn giao quyền hành, ông ta trình bày tất cả các sự câu thúc bao gồm trong chức vụ Tư lệnh. Điểm đau đớn duy nhất đối với ông là, ông ta nói, bị bắt buộc phải rời bỏ các chiến hữu, những người do lệnh của Hitler, đã đổ xương máu trong “nồi xúp de” Falaise. Ông cảm thông với sâu xa với họ cho đến hơi thở cuối cùng.

Ngày 18 tháng 8, lúc 5 giờ sáng, Von Kluge sau các cuộc từ biệt cảm động với bộ tham mưu chiến đấu thân yêu của ông, rời khỏi La Roche-Guyon, nơi đây cũng đã nằm trong tầm pháo binh và bích kích pháo của tiền phương lộ quân Hoa kỳ I. Đến giữa Verdun và Metz thống chế tự đầu độc chết. Một phiên tòa ngoạn mục, án tử hình bằng cách treo cổ chắc chắn là số phận sẽ dành cho ông. Người con trai và con rể của ông bị bắt tại gia đình và đưa đi mất.

Thống chế Von Kluge để lại một lá thư cho Hitler, đề ngày 18 tháng 8. Ông tóm tắt các nguyên nhân của sự sụp đổ không thể nào tránh được của mặt trận miền Tây. Ông ghi nhận, ngoài các sự kiện khác, rằng do ưu thế của các lực lượng đối phương, ông đã không có thể ngăn chặn địch quân chọc thủng phòng tuyến Avranches, bởi vì các lực lượng tiếp cứu đã được hứa, đã không bao giờ đến cả. Và các đề nghị chiến lược của ông đã bị gạt bỏ.

Riêng đối với cuộc phản công tại Mortain do Hitler ra lệnh, bất kể đến các sự phản kháng của ông, nó đã làm cho tình trạng binh đoàn B trầm trọng thêm vô phương cứu chữa. Von Kluge kết thúc bức thư bằng các lời lẽ sau: “nếu các vũ khí mới của ông không đạt được sự thành công nào, đặc biệt là trên không trung, thì ông phải chấm dứt chiến tranh… Dân tộc Đức đã đau khổ không thể tả xiết, đến nỗi, đã đến lúc phải chấm dứt các sự khủng khiếp này.”

Chú thích:

[1] 1. Gồm các đơn vị chiếm đóng tại phía Tây, Tây Nam và Đông Nam nước Pháp.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 3-8-2013 04:01 PM
- 12 -
TỪ 19 THÁNG 8 ĐẾN 5 THÁNG 9 NĂM 1944
THOÁT RA KHỎI "TÚI FALAISE" RÚT LUI VỀ BỨC TƯỜNG PHÍA TÂY

Tân tư lệnh mặt trận miền Tây và binh đoàn B, thống chế Model đã bắt đầu binh nghiệp của ông trong hàng ngũ bộ binh và đã làm việc tại bộ tham mưu rất sớm. Ttrong thời kỳ đệ II thế chiến, ông ta trước hết là tham mưu trưởng lộ quân XVI ở miền Tây, rồi ông ta đã tạo được danh tiếng vang lừng tại miền Đôngtrong các trận đánh đẫm máu vào mùa đông 1941 – 1942 khi nắm quyền tư lệnh lộ quân Ĩ, và ông ta được nổi tiếng nhờ vào sự kiên trì và tài ứng biến nhanh nhẹn thiên phú. Năm 1944 ông được bổ nhiệm làm tư lệnh binh đoàn trung uơng cho đến lúc được gọi qua phía Tây. Ông là một người vạm vỡ không có nét gì đặc biệt, nhưng có khả năng sinh động kỳ lạ về mặt trí thức và thể xác. Ông rất ít ngủ, không biết sợ hãi trước kẻ địch là gì. Nhưng nếu ông có một cái nhìn chiến thuật sáng suốt thì ông lại thiếu óc phán đoán ý nghĩa của điều có thể làm được. Ông tự cao tự đại, rất xung động và không có một cảm giác nào về kích thước. Ông ta có khuynh hướng tìm cách hòa hòa mình vào binh sĩ hơn là với các sĩ quan. Ông ta trước hết là một quân nhân, không hề có tí kiểu cách nào cả, rất đặc biệt qua tác phong và cách nói chuyện: một người đam mê. Ông thường viện dẫn số phận: ông tin tưởng vào kinh nghiệm ứng biến lâu năm, và sự may mắn của ông để gặp được thành công trong nhiệm vụ tại miền Tây này. Với một bản chất ít quân bình, thường trái ngược với điều hiển nhiên, ông chịu khuất phục trước ý thức hệ của Hitler.

Đúng như Von Kluge đã làm ngày 5 tháng 7 ông ta cũng bắt tay vào việc khởi đầu bằng thành kiến và sự trachs cứ các tân công tác viên và các tư lệnh lộ quân thuộc quyền. Ông ta bứt đầu bừng cách ra lệnh tử thủ vùng phía nam ông Seine, nghĩa là ông khởi đi từ nguyên tắc điên rò là giữ lấy từng tấc đất mà không được xin tiếp viện và cũng không có cả hy vọng thành công. Mãi đến ngày mà nguyên tắc này không còn có thể áp dụng được nữa, người ta mới lập phòng tuyến Somme – Marne và giữ chặt “trong bất cứ trường hợp nào”. Nhưng trên phòng tuyến này người ta chẳng xác định mà cũng chửng tu bổ vị trí cũng như công sự phòng thủ gì cả.

Diễn biến của tình hình mang sắc thái của mọt đợt tuyết băng không có gì cưỡng lại nổi. Băt buộc phải có các quyết định chiến lược: theo gương và theo chỉ thị của tổng tư lệnh quân lực, Model không muốn quyết định gì cả.

Sau một cái nhìn tổng quát về tình hình, ông yêu cầu được tăng biện bằng giấy tờ, 30 sư đoàn và 200.000 người. Nhưng ông bị bắt buộc phải hiểu rằng không thể nào có thể thỏa mãn đòi hỏi ngây ngô ấy, thật vậy khi ông ta còn là tư lệnh binh đoàn trung ương, bị thử thách rất gay go sau ngày 20 tháng 6, và sau cuộc hội kiến với Hitler, ông ta đã được biết số lượng và tình trạng của lực lượng tổng trù bị.

Ngày 18 tháng 8, bản doanh của Binh đoàn B tại La Roche- Guyon bắt buộc phải di tản dưới cơn mưa bom và đạn pháo của đệ I lộ quân Hoa kỳ, và được chuyển về bản doanh của Fuhbrer tại Margival phía bắc Soissons.

Chính ngày hôm đó, quá chậm chễ theo thông lệ, Hitler chấp nhận cho rút binh đoàn G lui về sau phòng tuyến Marne – Saone – biên giới Thụy sĩ, trong khi Marseile va Toulon được tăng cường thêm người và tiếp liệu phải được phòng thủ như các “pháo đài”. Bộ tổng tư lệnh LXIV đóng dọc theovinhj Gascogne phải băng qua suốt miền trung nước Pháp để đến gặp binh đoàn G. Với tình trạng thiếu cơ động tính của cá đạo binh Đức, điều đó là cả một trò chơi cho các cánh quân Hoa Kỹ, không những chỉ đánh sâu vào chính diện mà còn đẩy lên phía bắc bừng cách vượt qua và bằng cách cắt đứt chúng ra từng đoạn.

Trong thời gian đó, “Túi Falaise” càng ngày càng bị thu hẹp thêm, áp lực của các lực lượng Hoa kỳ từ phía tây, nam và đông nam đổ đến đã vượt xa áp lực quân Anh.

Hai bộ tổng tư lệnh lộ quân, bôn tổng chỉ huy, 9 sư đoàn bộ binh và chừng 5 sư đoàn thiết giáp bị dồn ép trong một khoảng rộng từ 10 đến 15 cây số trong khu vực giữa Falaise và Argentan, ngay dưới hỏa lực tập trung của pháo binh đủ cỡ và là mục tiêu của các cuộc không tập liên tục ngày đêm. Việc chuyển quân tăng cường và nhất là việc tiếp tế nhiên liệu trở nên vô phương thực hiện vì hoạt động quá dữ dội của không quân địch. Bộ tư lệnh địa phương tuy vậy vẫn bình tĩnh và theo sát các chỉ thị mật của thống chế Von Kluge, từ ngày 19 đến 20 tháng 8 đã thành công trong việc mở đường máu về phía đông bắc nhờ quân đoàn II thiết giáp SS che chở một cách can đảm và hậu vệ cho cuộc rút lui.

Quả thật là một phép lạ khi thấy bằng cách nào mà với sự hy sinh đẫm máu, với sự bỏ lại đa số các vật liệu chiến tranh nặng, các mảnh nhỏ của đơn vị ấy lại còn có thể thành công trong việc nới lỏng chiếc kìm thép để tiến về phía Rouen và làm cho đối phương phải nể phục.

Trong thời gian đó, lộ quân thứ I Hoa kỳ bắt đầu bao vêu một cuộc rộng lớn giữa Dreux và ba lê và bắt đầu vượt qua sông Seine giữa Vernon và Mantes. May they bộ tổng tư lệnh tối cao Hoa kỳ không khai thác chiến quả này. Một đợt tiến quân dọc theo sông Seine hướng về phía bắc, chắc chắn có thể cho phép Mỹ cô lập hóa toàn diện binh đoàn B và tiêu diệt nó. Chính do sự sai lầm này mà quân Đức thoát nguy được. Với muôn vàn khó khăn không thể tả được và với các tổn thất nặng nề gây ra bởi hàng ngàn quả không lôi của địch, lộ quân thứ V thành công trong việc vượt qua bên kia bờ con sông gần Rouen. Mặc dầu phần lớn vật liệu chiến tran hạng nặng và vô số xuồng đổ bộ rơi vào tay quân địch, cuộc vượt sông này trước một kẻ thù tập trung tấn công và dưới cơn bão lửa của hỏa lực dưới đất và trên không, phải được coi là một thành tích quân sự lẫy lừng. Tương tự như thế, cuộc đón tiếp các lực lượng này bên bờ bắc bởi các lực lượng ứng biến đã đòi hỏi một sự kiên gan to tát. Những sự hy sinh tinh thần và thể xác đòi hỏi nơi các binh sĩ thật là phi thường, nhưng tác phong của họ vẫn rất đáng thán phục. Nhưng phòng tuyến sông Seine không giữ được lâu hơn nữa, mặc dầu lệnh ban đầu của Hitler.
Ý định của Tư lệnh tối cao quân lực Đức là tập trung cá đơn vị thiết giáp vào vùng Beauvais Compiegne, "trang bị" chúng lại và sau đó tung ra đòn đánh quyết định vào mạn sườn địch quân đang tiến sâu về bên kia sông Seine. Đấy là các nguyện vọng không bao giờ được mong ước, nhất là trong số sáu sư đoàn thiết giáp chỉ có gần 100 chiếc trở về. Tương tự như vậy quả là một ảo tưởng khi dự định di chuyển các đơn vị thiết giáp vào trong vùng giữa sông Marne và Seine rồi tung ra đợt xung kích về phía đông nam cùng nhằm mục đích che chở cho cuộc rút lui của binh đoàn G của trung tướng Blaskowitz. Cả hai cuộc hành quân ấy đều giả địn rằng phòng tuyến sông Seine được phòng vệ vững chắc: chiến lược và tình trạng quân đội đã khiến công cuộc phòng vệ ấy không thể nào thực hiện được.

Ba lê rơi vào tay đồng minh.

Trươc khi lộ quân thứ I có thể giữ vững tạm thời và các cơ sở hậu trạm chỉ được hậu thuẫn như là lực lượng chiến đấu, bởi sư đoàn 48, bởi các mảnh vụn của sư đoàn 338 và bởi tiểu đoàn xung kích lộ quân thứ I, Paton đã tấn công vào sông Seine giữa khoảng Melun và ontainebleau và các thiết giáp tiền thám của ông đã tiến đến tận Troyes.

Phía hạ lưu Ba lê, đối phương đẩy mạnh các lực lượng khắp nơi tại Mantes trên bờ bắc sông Seine và các hướng mũi tấn công về phía Beauvais.

Binh đoàn G vẫn còn kẹt tại phía bắc Orange, bị vướng víu trong các trận đánh để di tản.

Ngay tại Ba lê cũng không có một lực lượng chiến đấu nào mà chỉ có các bộ phận thám báo, các đơn vị tiếp vận và hành chính. Trong các khu vực nới xa về phía Tây và phía Nam thành phố có một lữ đoàn mới được vội vã tập trung đồn trú mà không có vũ khí hạng nặng nào: lực lượng chỉ có thể đảm trách vai trò thám báo và đảm bảo an ninh cho khu vực trách nhiệm. Ngày 23 tháng 8 binh đoàn B nhận được lệnh của Hitler là phải phá huỷ các cây cầu và các mục tiêu quan trọng khác tại Ba lê "ngay cả trong trường hợp cần thiết phải tiêu huỷ hoàn toàn các khu vực và các công trình nghệ thuật". Tham mưu trưởng của binh đoàn B không chuyển lại mệnh lệnh này. Viên tư lệnh "đại Ba lê" tướng Von Cholitz cũng đã nhận trực tiếp mệnh lệnh đó của tư lệnh tối cao quân lục mà không qua bộ tư lệnh mặt trận miền Tây. Tướng Choltitz gọi điện thoại hỏi các chỉ thị để thi hành mệnh lệnh Fuhrer. Tham mưu trưởng binh đoàn B vố đề phòng cá sự kiểm thính trả loiwif rằng Choltitz phải lượng định tình hình tại chỗ mà làm việc và rằng binh đoàn B đã không chuyển lại mệnh lệnh thuỷ diệt, phần còn lại của cuộc điện đàm ông ta chuyển qua các cuộc thảo nghị trước. Tướng VOn Choltitz không cho thi hành các cuộc phá nổ và như vậy là cứu được sự tiêu huỷ các di tích không thể thay thế của thành phố tuyệt vời này.

Ngày 24 tháng 8 sư đoàn 2 thiết giáp của tướng Leclerc từ phía nam đã tiến vào Ba lê. Sự chống cự tại một vài điểm tựa vốn đã rất yếu ớt không kéo dài được lâu. Tướng Von Choltitz đầu hàng và bị bắt làm tù binh. Có lẽ ông ra sẽ tở ra đứng đắn hơn về phương diện chiến lược nếu di tản chiến thuật sớm ra khỏi thành phố và rút lui về phía bắc tất cả các đơn vị đồn trú trong đó. Nhưng trong thời kỳ ấy giải pháp ấy có thể đua viên tướng tư lệnh ra pháp trường. Ngay khi thủ đo Pháo bị mất, Model không chần chừ mở một phiên toà lên án khiếm diện tướng Von Choltitz về tội đào nhiệm.

Ngay khi tin Ba lê thất thủ được đưa về bộ tổng tư lệnh quân đội Đức, Adolf Hitler ra lệnh dùng pháo binh tầm xa, vũ khí V và tất cả các phi đội còn có thể điều động được tiêu huỷ Ba lê, điều mà lúc đó vẫn còn có thể làm được . Thật ra mệnh lệnh này, trong tư tưởng Hitler chỉ là "một phương tiện chiến tranh tinh thần". Sự thi hành mệnh lệnh ấy sẽ phải là cho hàng ngàn người mất mạng và tiêu huỷ bao nhiêu là kho tàng nghệ thuật không thể nào thay thế được.

Về phương diện chiến lược, một mệnh lệnh như thế không thể nào biện minh được, ngay cả trường hợp đứng ngoài mọi sự chỉ trích. Cuộc phòng vệ thành phố vốn không có một giá trị quân sự nào, không thể đứng vững cả về mặt chiến thuật lẫn về mặt chiến lược vì vùng hạ lưu cũng như thượng lưu sông Seine trong phạm vi Ba lê đã bị các lực lượng quá mạnh của đối phương vượt qua. Sau khi thủ đo rơi vào tay đồng minh khu vực ở giữa của cong sông không còn một chút quan trọng nào về mặt chiến thuật nữa.

Tham mưu trưởng binh đoàn B đã làm trái với ý muốn của Hitler bằng cách không chuyền và thi hành mệnh lệnh phá huỷ ấy, nhờ vậy mà Ba lê đã được cứu oats vào phút chót.

Các biến cố trong tuần lễ sau cùng của tháng 8 đã dồn dập xẩy đến như thác lũ mà người ta không còn có thể nào ngăn được lại nữa. Lộ quân XV trấn giữ khu vực phía tây giữa bờ biển à Amienes, sau khi tập hợp các đơn vị tan tác ở phía bắc sông Seine, với sư đoàn bộ binh 275 bộ binh trích ra từ lộ quân XV, lộ quân VII toan tính lặp một tuyến phòng ngự giữa sông Somme và sông Oise. Lộ quân V thiết kỵ che chở cho cuộc rút lui giữa sông Seine và sông Somme.

Sư đoàn I thiết lỵ của phòng vệ Anh thành công trong việc chọc thủng phòng tuyến Đức tại Amienes: ngày 30 tháng 8 tại Saleux. Tư lệnh lộ quân VII tướng thiết giáp Eberdach đúng vào lúc bàn giao quyền tư lệnh cho viên tư lệnh lộ quân V thiết kuj thì bị bắt làm tù binh. Vừa đúng lúc trong một cuộc trốn chạy đầy mạo hiểm, viên tư lệnh lộ quân V thiết kỵ , Obergruppenduhrer SS Sepp Dietrich cũng như tham mưu trưởng lộ quân VII đại tá Von Gersdorft chạy thoaats kịp thời, vài ngày sau tướng bộ binh Brandenberger nắm quyền tư lệnh lộ quân VII.

Đợt huyết băng tiếp tục đổ và kéo theo tất cả. Trong vùng Compiegne - Soisson các mảnh vụn của binh đoàn vẫn còn trấn giữ trong một cuộc phòng thủ dầy can đảm. Nhưng đây cũng thế đối phương lại tấn công thành tựu. Ngày 28 tháng 8 bản doanh của binh đoàn phải di chuyển đến lâu đài Havrincourt phía tây Cambrai dưới cơn mưa và pháo binh địch.

Đối phương đã đến sông Somme, sông Aisne và sông Marne tại Chalaus các "pháo đài" dọc theo bờ biển lần lượt bị bao vây.

Bộ tham mưu của binh đoàn B sau khi đến bản doanh mới, nhận được lệnh của bộ tổng tư lệnh tối cao quân lực là phải tiếp tục chiến đấu. Rốt cuộc Berlin đã phải bỏ nguyên tắc giữ từng tấc đấc, bộ tổng tư lệnh ra chỉ thị đừng tiếp tục kháng cự cho đến lúc bị bao vây và phải bảo tồn sức mạnh tấn công. Các đơn vị phải "vừa đánh vừa lùi", chính vì vậy, chỉ do áp lực của quân địch các đơn vị đã kéo về đến phòng tuyến vùng đầu cầu sông Escault gần Breskens - Anvers - Kinh Albert - Haselt, về phía tây, Macstricht - sông Mếu - ven phía tây Argonne - cao nguyên Langres - (nơi sẽ gặp binh đoàn G) - Chalon Sur - Saone - biên giới Thuỵ sĩ. Phòng tuyến này phải được giữ "trong tất cả mọi trạng huống".

Nhưng một cuộc rút lui có trật tự đã không thể nào tổ chức được nữa. Các lực lượng cơ giới địch đã bao vây hàng sư đoàn quân Đức không còn cở động tính và bị mệt lả. Chúng tách rời mỗi đơn vị Đức khỏi thành phần chiến đấu của nó và tiêu diệt tuần tự. Như thế gần Mons nhiều đơn vị Đức đang phải rút lui phải dồn cục lại và phần lớn bị tiêu diệt bởi các chiến xa đồng minh đã vượt khỏi họ. Chỉ có các mảnh vụn yếu ớt của lộ quân V và lộ quân VII là có thể về đên sông Meuse ngày 5 tháng 9. Khoảng 100 chiến xa và đại bác xung kích tất cả những gì còn lại của các đon vị thiết giáp vượt sông. Nếu người ta còn muốn tổ chức một vài cuộc chống cự, cần phải ban cập tư cách xứng đáng cho các đơn vị và cho nghị lực của cá bộ tham mưu mà binh đoàn còn duy trì sát cận địch quân, và bằng tất cả mọi phương tiện bất ngờ có thể sử dụng được, đã bắt đối phương đôi khi phải ngừng lại, dầu chỉ trong thời gian ngắn.

Lộ quân XV với tập thể các đơn vị rút lui vượt qua sông Escaut và bảo toàn được đa phần vũ khĩ nặng. Quả thật đó là nhờ không bị tấn cống và áp lực của địch như các lộ quân khác.

Không thể nào giữ phòng tuyến sông Mếu lâu hơn nữa, vì Namur đã bị thất thủ ngày 6 tháng 9 và Liege ngày 8. Sự thiếu hụt quân số đã làm trở ngại cuộc phòng thủ các "pháo đài" xưa cũ ấy.

Trong các chỉ thị mới, tổng tư lệnh quân lực Đức đòi hỏi phải tranh thủ gấp thời gian để có thể chỉnh lại "Bức tường phía tây" để tiếp tục chiến đấu. Phòng tuyến này là phòng tuyến ngăn chặn, phải giữ vững cho đến người cuối cùng: bờ biển Hà lan với cửa sông Escaut tường phía tây kéo dài đến Lục xâm bão, toàn bộ trang 210 không gõ

vì nguyên cớ nào. Ngày 7 tháng chin ông ta bị bắt do lệnh của Himler và bị đưa về gia tại căn hầm của trụ sở trung ương của cơ quan an ninh quốc gia, đường Albrechtstrasse ở Bá linh.

Trong thời gian cộng tác ngắn ngủi với thống chế Model, ông ta nhiều lần có cơ hội phát biểu ý kiến về toàn bộ tình hình và về các hậu quả cần thiết đối với ông ta, sẽ chắc chắn nẩy sinh ra về mặt chính trị và quân sự. Model trông thấy rõ ràng rằng không thể nào thoát ra được nữa, nhất là vì các biến cố chính trị đối ngoại đặc biệt trầm trọng đã can thiệp vào lúc đó tại phía đông và phía đông nam âu châu, Thổ nhĩ kỳ đã đi qua hàng ngũ đối phương, Lỗ Ma Ni Bảo Gia Lợi và Phần lan đã bắt tay với đồng minh.

Nhưng Model từ chối mọi sự can thiệp với Hitler: "đấy không phải là phạm vi của ông ta, ông ta nói" Ông cũng không muốn biết gì nữa cả trong việc lấy một quyết định chiến lược tại miền tây, mặc dù các tư lệnh lộ quân và các đơn vị mọi cấp đã nhiều lần đòi hỏi. Trong khi trả lời họ, ông ta nhắc lại vụ án vang động tiếp theo sau biến cố ngày 20 tháng 7.

Tất cả các lời kêu gọi cá nhân, lại ra trách nhiệm tinh thần lớn lao của ông trước dân tộc Đức và trước lịch sử cũng như lương tâm của một quân nhân đều vô ích. Tình hình quân sự càng suy sụp, Model càng tìm hậu thuẫn nơi giới lãnh đạo chính trị.

Vụ bổ nhiệm cấp tốc cạnh ông "một lãnh tụ quóc xã" của phòng hành quân mà cho đến lúc đó binh đoàn B vẫn cố tránh được và vụ bổ nhiệm một sĩ quan tham mưu thuộc SS đã làm sáng tỏ rõ ràng thái độ của ông. Vậy cho nên, dưới thời ông làm tư lệnh, không làm sao có thể chờ đợi nơi ông các quyết định về nguyên tắc, cũng như về phương diện chính trị lẫn quân sự. Ông ta tự mãn với "trách nhiệm thi hành các mệnh lệnh". Tất cả "mọi sự nổi dậy của lương tâm" đều xa lạ với ông ta.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 3-8-2013 04:08 PM
- 13 -
THỦ TIÊU THỐNG CHẾ ROMMEL

Trong cuộc bị phi cơ địch tấn công ngày 17 tháng 7. thống chế Rommel, ngoài các mảnh bom trên đầu và một vết thương ở mắt trái, đã bị một vết nứt trầm trọng sau sọ, các vết thương làm bể má và xương hàm. Tiếp theo sau một vụ chấn động trầm trọng của bộ óc, ông bị bất tỉnh nhân sự thật lâu. Sáng ngày 22 tháng 7 khi viên tham mưu trưởng của ông đến thăm ông tại bệnh xá dã chiến của không quân tại Bernay ông đa hoàn toàn hồi tỉnh. Rommel hỏi ông này về tình hình mặt trận đang bị áp lực nặng nề về các binh sĩ và về các biến cố ngày 30 tháng 7. Ông nói ra các hậu quả chính trị của biến cố ấy mà chính ông cũng cho rằng không thể nào lường được.

Khi mũi tấn công tại Caen trở nên đáng ngại, ông được chuyển đến bệnh viện dã chiến ở Vesinet gần Saint - Germain. Mặc dầu các báo cáo chi tiết gửi cho bộ tư lênh tối cao quân lực và cho báo chí, không một tin tức naoflieen quan đến tình trạng thương vong của thống chế được phổ biến trên báo chí và đài phát thanh. Trong khi đó biết rằng Hitler đang tìm cách quy trách nhiệm cho ông về tình hình nguy ngập của mặt trận Normandie, Rommel thấy sự công bố cho công chúng biết về sự bị thương của ông ngày 17 tháng 7 là vô cùng quan trọng đối với ông.

Sau khi Avranches bị chọc thủng, và vì thế sau 3 tuần lễ một thông cáo không đề ngày đã xuất hiện trên báo chí và đài phát thanh liên quan đến một "tai nạn xe hơi" đã xảy đến cho thống chế. Rồi im lặng bao trùm chở lại. Rommel đòi hỏi một cách vô ích, sự soát xét lại bản tin về sự bị thương của ông mà do thượng cấp đã bị bóp méo. Ngày 8 tháng 8 thể theo ý muốn của ông, người ta đã chuyển ông về Herrlingen gần Ulm trên bờ sông Danube để được vợ ông chăm sóc và được các giáo sư ở Tubingen, các bác sĩ Albrechi và Stock chữa chạy. Phương cách này đã đem lại kết quả tốt : tại nơi sinh quán, thống chế bình phục thật nhanh, trái với sự chờ đợi của mọi người.

Ngày 6 tháng 9, trong cuộc viếng thăm mới nhất viên tham mưu trưởng thấy ông có vẻ tươi tỉnh và sinh động, mắt trái cho đên lúc đó phải nhắm kín nay đã bắt đầu mở hé được. Thống chế hy vọng sẽ hoàn toàn bình phục trong bốn tuần lễ hay ít ra cũng là di chuyển được. Viên tham mưu trưởng cho ông biết tình hình và sự bị thay thế của mình: điều này tạo thành một sự báo trước mới đối với Rommel. Những biến cố xảy ra sau ngày 20 tháng 7 được đem ra thảo luận cặn kẽ. Nhân dịp này thống chế đã nói về Hitler: "tên dối trá bệnh hoạn ấy đã trở nên hoàn toàn điên khùng. Hắn ta đã xoay tính bạo dâm rõ rệt của mình nhằm vào những người của ngày 20 tháng 7 và chúng ta sẽ còn thấy nhiều chuyện nữa".

Rommel tự dằn vặt và trước một tình thế ngày càng tệ hại, ông có tìm kiếm đường lối và phương tiện để thoát ra. Nhưn từ mùa xuân năm 1944 và nhất là từ vụ mưu sát ngày 20 tháng 7 những viễn cảnh của một kết thúc êm đẹp có thể chấp nhận được, đã trở nên yếu ớt.

Rommel giao cho viên tham mưu trưởng trình bầy với tướng Guderian trong một phiên báo cáo dự liệu vào ngày 8 tháng 9 tại tổng hành dinh của Fuhrer, các ý kiến sau: các điều kiện của địch có đến thế nào chăng nữa, miễn là còn có thể chịu đựng được thì phải chấm dứt chiến tranh tại miền Tây trước khi bưc tường phía Tây và con sông Rhin tuột khỏi tay quân Đức và trước khi sự tàn phá của chiến tranh tràn ngập đất mẹ Cần phải tung về phía Đông tất cả lực lượng của Đức, vì lẽ mùa đông đem lại ưu thế cho hồng quân sắp đến rồi. Kinh nghiệm của những năm trước chỉ có thể tạo thêm nhiều âu lo trầm trọng. Thanh toán Hitler là vấn đề lớn cần thiết hơn bao giờ hết. Riêng phần ông Rommel, ông không muốn lùi bước trước số phận. Sau khi bình phục ông tuyên bố sẵn sàng không ngần ngại gì cả, nhập cuộc và đảm nhận bất cứ nhiệm vụ nào.

Một tuần lễ trước khi ông chết, ông còn nói với viên bác sĩ điều trị: "tôi sợ rằng tên điên khungfaays dám hy sinh đến người Đức cuối cùng trước khi hắn chết".

Từ một năm qua thống chế đã thu thập được nhiều tin tức và những dấu hiệu cho thấy ông đang bị cơ quan an ninh theo dõi, đặc biệt là trong thời gian ông nghỉ dưỡng bệnh tại Herrlingen. Ngay từ mùa xuân năm 1044 cơ quan này hình như đã báo cáo với Himmler rằng ông thuộc thành phần hủ bại.

Ngày 13 tháng 10 ông đến tăm một bạn cũ và bạn đồng ngũ cùng chiến đấu trong cùng một sư đoàn xưa, trung tá trừ bị Oskar Farny tại Duren gần Wangen trong vung Allgan. Trong một cuộc hội ngộ này ông tuyên bố với bạn : "một tai hoạ hiểm nghèo đang đe doạ tôi, Hitler muốn loại trừ tôi. Nguyên nhân khiến hắn ta làm thế là: bức tối hậu thư ngày 15 tháng 7 của tôi, sự tự do và sự lương thiện của các lời phát biểu của tôi, biến cố ngày 20 tháng 7, au cùng cá báo cáo của đảng quốc xã và của cơ quan an ninh. Nếu có chuyện gì xẩy ra cho tôi xin anh chăm sóc giùm con trai tôi".

Khi Farny biện bác ông và cho rằng vì các lý do tâm lý, Hitler không thể nào thiết lập một phiên toà để kết tội một vị tư lệnh nổi danh hơn hết trong số các lãnh tụ quân sự của ông ta, Rommel đáp: "không, anh se thấy hắn ta sẽ sát hại tôi. Là một cong người chính trị, anh hẳn biết rõ tên tội phạm ấy hơn tôi. Hắn sẽ không lùi bước ngay cả trước điều đó".

Về cái chết của thống chế chúng ta có hình ảnh sau, theo lời vợ ông là bà Lusie Marie Rommel kể lại, và theo các lời khai của các nhân chứng mắt thấy tai nghe:

Ngày 7 tháng 10 thống chế được mời bằng điện thoại đến dự "một phiên họp quan trọng tại bản doanh của Fuhrer". Vì lẽ theo ý kiến của các bác sĩ thì ông chưa có thể đi xa được nên ngày 14 tháng 10 Hitler cử các tướng Burgdorf và Maisel đến Herrlingen. Sua một cuộc nói chuyện ngắn ngủi giữa Burgdorf và thống chế, ông nói với vợ bằng một giọng nói như hồn ma : "tôi sẽ chết trong vòng 15 phút nữa. Do lệnh của Hitler, tôi được lựa chọn hoặc uống thuốc độc tự tử hoặc sẽ bị đưa ra trước toà án nhân dân".

Trong cuộc nói chuyện với tướng Brgdorf ông này báo cho thống chế biết rằng theo cung từ của các nhân vật bị bắt và bị kết án, ông bị buộc tội là đã tham dự vào phong trào ngày 20 tháng 7 năm 1944, và rằng một khi cuộc nổi dầy thành công người ta còn dự tính cả việc đưa ông lên làm quốc trưởng. Rommel còn cư xử cách nào được nữa trước lời buộc tội mà ông phủ quyết? Cho đến nay sự kiện này không được soi sáng rõ ràng. Duy có điều chắc chắn là sau cuộc nói chuyện đó, ông giã biệt gia đình và người sĩ quan tuỳ tùng viên của ông. Đại uý Aldinger và ông rời khỏi nhà cùng hai viên tướng lĩnh.

Trong thời gian đó các lối ra vào Herlingen và các khu kế cận tư dinh của thống chế bị các toán tuần tiễu SS vũ trang súng tự động chiếm giữ. Sau một chặng đường ngắn, đi trên một chiếc xe do một tên SS lại, thống chế chết cứng, được hai viên tướng đưa về trạm cấp cứu của trường Wagner tại Ulm.

Tướng Burgdorf cấm viên y sĩ trạm trưởng y tế ấy, bác sĩ Mayer thực hiện một cuộc giải phẫu tử thi và nói: "đừng đụng đến xác chết, mọi chuyện đã được thu xếp tại Berlin"

Người ta giải thích với bà Rommel rằng thống chế đã chết vì chứng tắt huyết, nhưng nét mặt của ông mang một vẻ kinh ngạc gớm ghiếc.

Kết cuộc bi hùng ấy đã xẩy ra như thế nào? Theo cá lời khai của Keitel tại Nuremberg, người ta biết rằng mệnh lệnh Burgdrf nhận được xuất phát từ chính các nhân Hitler, chính Hitler đã đề xuất sự bịa đặt bệnh tắt huyết, ngay cả khi có sự hiện diện của những người thân cận nhất cảu ông ta: Goering, Doenitz, Jodl và những người khác.

Bức công điện gửi cho binh đoàn B có một nội dung như sau: "thống chế Rommel đã chết sau một tai nạn xe hơi". TỐi ngày 13 tháng 10 Rommel đã nói với bà Farny: "nếu có chuyện gì xẩy ra cho tôi, đừng tin rằng tôi đã tự sát". Trong trường hợp cuộc hành quyết này, cũng như cuộc hành quyết Socrate, có thể là một cuộc tự tử vậy thì thông chế đã xem nói như một gương hy sinh như một lời hiệu triệu dân tộc.

Vụ sát hại thống chế Rommel vẫn phải được giấu kỹ với dân tộc Đức. Ngày 18 tháng 10 trong một buổi lễ chính thức tổ chức để tưởng niệm thống chế tại toà thị chính Ulm, Hitler cố gắng che đậy vụ mưu sát bằng một cuộc xúc phạm làm mất hết giá trị xác chết về phương diện chính trị chưa từng thấy trong lịch sử, hy vọng như vậy sẽ là các dấu vết biến đi. Ông ta cũng như các nhân vật quan trọng của đảng quốc xã không một ai xuất hiện trong buổi tang lễ. Chỉ có giám đốc cơ quan an ninh trung ương, tiến sĩ Kaltenbrunner đích thân canh chừng cuộc bố trí. Tiến sĩ Berndt giám đốc tại bộ tuyên truyền tuyên bố với bà Rommel sau tang lễ: "lãnh tụ SS không có mặt nhưng ông rất cảm động".

Chính thống chế Von Rundstedt đã được cử đại diện Hitler. Ông đã độc một điếu văn mà nội dung đã gồm một sự xác định đầy bi thống: "tim ông thuooch về Fuhrer". Nhưng ông đã không hiện diện lúc hoả táng được tổ chức ngay sau buổi lễ và không vào nhà xác tại Herrlingen. Trước tất cả những người tham dự, người quân nhân già ấy có vẻ tan tác và bơ phờ.

Vài thang sau, ba Lucie Marie Rommel nhận được bức thư sau đây:

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUỐC GIA

ĐẶC TRÁCH KIẾN THIẾT

NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI ĐỨC QUỐC

Berlin Grunewald, Lassenstr 32-31

(13b) Chatcau de Leutstetten tại Starnlerg Obb. Điện thoại 23-88 Starnlerg, Gen Gt

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 3-8-2013 04:09 PM
- 13 -
(tiếp theo)

Kính gửi

Bà Rommel

Herrlingen, gần Ulm

Ngày 7 tháng 3 năm 1945

Kính thưa bà Rommel

Fuhrer đã giao cho tôi thiết lập một đài kỷ niệm để tưởng nhớ đến ông nhà, General feldmarschall Erwin Rommel. Do ý muốn của Fuhrer tôi đã dò hỏi nhiều điêu khắc gia, họ đã được yêu cầu nhóm họp lại để chuyên cho tôi các dự thảo về đề án đài kỷ niệm này. Vì lẽ hiện trong tình trạng hiện tại, kích thước của đài không cho phép xây cất lẫn di chuyển, cho nên đài chỉ có thể được thực hiện dưới mô hình mà thôi. Nhưng ngay từ bây giờ tôi đã có ý nghĩ là làm thêm vào ngôi mộ hiện nay một đài kỷ niệm đơn giản hơn, dưới hình thức một tấm bia tưởng niệm lơn trên đó sẽ khắc tên và các biểu hiện, tấm bia này sẽ rộng chừng một thước và cao một thước tám. Biểu hiện năm trên hết là huân chương cao quí nhất đã được ban cấp cho thống chế.

Mặt khác tôi cũng tính rằng nên biểu hiện tích cách anh hùng và vinh quang vĩ đại cảu thống chế dưới hình thức một con sư tử, giáo sư Thorak đã vẽ kiểu một thân sư tử gục chết, giáo sư Breker vẽ kiểu một con sư tử đang gầm thét và điêu khắc gia Lochner, một con sư tử đang ở trong vị thế chiến đấu. CHính hình ảnh sau cùng là hình ảnh được tôi chọn lựa để chạm nổi trên bia mộ, bởi chính vì nó theo ý tôi, tạo ra nhiều hiệu quả nhất. Tuy nhiên nếu bà thấy thích tôi cũng có thể cho tạc lên bia hình ảnh một con sư tử gục chết nhìn nghiêng do giáo sư Thorak vẽ.

Tấm bia mộ này phải được thực hiện ngay, vì tôi vừa mới nhận được một giấy phép đặc biệt của ông tổng trưởng Speer. Thật vậy, các bia mộ bằng đá dù tạc cho các chiến sĩ kể cả những người đã được ban tặng huy chương thập tự sắt, không được phép thực hiện nữa. Song le tôi đã được phép thực hiện và trình bày công tác trong một vài trường hợp đặc biệt. Nếu bà đồng ý. Tôi có thể xử dụng chúng lần đầu tiên trong việc xây cất đài tưởng niệm của vị anh hùng Rommel và như vậy ngôi mộ của thống chế sẽ có thể được tôn vinh trong một thời hạn ngắn nhất.

Heil Hitler.

Ký tên: tiến sĩ Kreis

Cố vấn kiến trúc quốc gia.


Thế nhưng trong dân chúng và trong quân dội tin đồn huyễn từ người này qua người kia: "Ông đã bị sát hại".

Những nguyên nhân khiến cho Hitler loại trừ thống chế Rommel bắt nguồn từ thời kỳ có cuộc chiến bắc phi, nhưng nhất là các biến cố mùa hè năm 1941.

Một chuyện truyền kỳ do Goebbels tung ra cho rằng Rommel là một trong các S.A - Fuhrer đầu tiên (bài viết trong tuần báo Das Reich). Thật ra không bao giờ Rommel rời quân ngũ và chẳng bao giờ thuộc nhóm S.A cả. Một sự kiện kho sự xác định nói trên có thể loan truyền được đó là Rommel từng làm sĩ quan liên lạc giữa bộ tổng tư lệnh tối cao quân lực và bộ chỉ huy lực lượng thanh thiếu niên lúc người ta thảo luận về công tác chuẩn bị tiền quân sự cho lực lượng này (1936). Trong hai năm đầu tiên của chính quyền quốc xã, Rommel lúc đó đang chỉ huy một tiểu đoàn tại Goslar, trong thâm tâm ông đã chống Hitler rồi. Sau các biện pháp độc tài ban hành ngày 30 tháng 6 năm 1934 và nhất là sau các vụ ám sát mà thủ phạm không bị trừng phạt, các tướng lĩnh Von Schleicher và Von Bredow ông ta đã thuyên bố với người bạn là Oskar Farny rằng: "bây giờ đã đến lúc phải tiễu trừ Hitler và bè lũ của y".

Sau tuyên cáo "tự do vũ trang" vào tháng 3 năm 1935, Rommel quả thật ngày càng tỏ ra khâm phục và vị nể đối với cá nhân Hitler mà ông coi như là "người kết hợp dân tộc" trong một tình trạng chia rẽ tả tơi của vô số chính đảng cũng như là người giải phóng "những điều khoản ô nhục của hiệp ước Versailles" và là "người chiến thắng nạn thất nghiệp".

Lúc đó ông bắt đầu tin vào các mục tiêu và lý tưởng hoà bình của Hitler. Ông cũng rất cảm xúc khi thấy Hitler có đức tính hoà giải, dung hợp. Rommel tôn vinh sự tự do vũ trang như là biểu tượng hữu hình cho sự tái lập chủ quyền của Đức quốc. Ông tin đã tin rằng các đại cường Tây Âu sẽ thấy qua cuộc tái vũ trang Đức quốc như một thứ "đập ngăn chặn chủ nghĩa Bôn sê vích" thật sự.

Thoạt kỳ thuỷ Rommel không hiểu rằng chiến tranh không những chỉ là một hành động quân sự mà còn là một cuộc điều động chính trị nữa. Khi trận chiến lại miền tây vừa chấm dứt năm 1940, Rommel bắt đầu cảnh giác vừa về phương diện các tư tưởng chính trị lẫn về phương diện chiến lược của chế độ quốc xã. Nhiều kinh nghiệm cay đắng đã xác nhận những cảm nghĩ này của ông. Trong và sau trận chiến El Alamein, lần đầu tiên ông chống đối mơ ước thống trị toàn cầu của Hitler. Chính trong thời kỳ này sự ngờ vực của Hitler bắt đầu, mặc dù ông ra vẫn sử dụng "Rommel đàng hoàng" nay để phục vụ dân tộc Đức. Chính vì vậy mà ông ta đã làm cho Rommel nổi bật lên hơn bất cứ tướng lĩnh nào khác. Hitler đã cố ý làm điều đó vì ông tin rằng như vậy là có thể nắm được người quân nhân lão luyện để chống lại bộ tổng tham mưu mà ông ta thù ghét.

Rommel đã mở mắt ra không chỉ những trong lĩnh vực chính trị và quân sự, mà còn trên cả bình diện nhân đạo nữa. Ông khám phá được tính cách phi luân ngày càng tăng gia của chế độ. Nhằm đưa quốc gia và quân đội xuống hàng cơ cấu chấp hành của đảng. Đã nhiều lần Rommel phản đối sự vi phạm luật pháp mà theo ông chắc chắn sẽ mau lẹ đưa quốc gia đến chỗ bị tiêu diệt. Khi mà những sai lầm và tội ác của Hitler đã gia tăng trong mọi lĩnh vực, Rommel đã gớm ghiếc đo lường sức mạnh của Hybris thời thượng cổ, "từ sự dồn chất các dục vọng điên rồ đó dưới hình thức tàn bạo nhất: khát vọng vinh quang, viễn tưởng chinh phục, háo sát, sung sướng trong sự phá hoại, kiêu hãnh và ngạo mạn, lo âu lụn bại, ưa trả thù , thất vọng vô bờ bến (Walter Nestle Stuttgart 1944).

Nhưng các nhận xét ấy không làm cho Rommel chịu nhục như một phần các lãnh tụ quâ sự. Trái lại chúng đã gia tăng những phản ứng trong tâm trí ông và kích thích ông dấn thân can thiệp. Tinh thần can đảm của ông không những chỉ được thể hiện dưới hình thức văn thư mà ngay cả khi đối diện với Hitler nữa. Ông thẳng thắn trình bầy tình hình và thôi thúc ông phải có biện pháp giải quyết. Nhưng vì ông ý thức được rằng các lời phê bình của mình chẳng đi đến đâu vì danh dự và đời sống của dân tộc ông dưới mắt ông còn có giá trị hơn cả con người ông, nên ông đã chuẩn bị cho một vố theo kiểu York. CHính vì như vậy mà những lời Ernst Junger đã được áp dụng vào thống chế" "có những tình thế trong đó không nên nhìn vào kết quả thành công. Quả thật người ta đã đạt được một chiến thắng tinh thần trong lúc đã thất bại trước lịch sử cũng vẫn ca khúc khải hoàn. Lòng can đảm, sự hy sinh của họ có bản chất cao quý còn hơn là bản chất của sự can đảm, hy sinh ngoài chiến trường, vì thiếu sự chiến thắng, cho nên chính thi ca sẽ tôn vinh họ.

Rommel đã hiểu và đã quyết định, nhưng quá chậm. Ý thức quân nhân của ông chỉ đạt tới lãnh vực chính trị một cách tiệm tiến. Rồi ông toan tính đến với tôn giáo nhờ một số quan niệm dồi dào theo kiểu Junger liên quan đến hoà bình làm cho ông thoáng thấy miền đất hứa cũng như những tương quan huyền bí và hổ tương giữa niềm tin và thực tại.

Nhưng khi ông muốn bước qua lĩnh vực hành động thì định mệnh lại can thiệp vào. Dầu sao Rommel cũng đã không đóng góp vào việc sáng tạo hào quang bao quanh "lãnh tụ của mọi thời đại" vĩ đại nhất, như đa số cá sĩ quan cao cấp Đức. Trực giác cho Hitler cảm thấy điều đó. Ngày 17 tháng 6 năm 1944, tại Margival là một chứng cớ. Đám cận thần chính trị và quân sự của ông Keitel, Burgdorf đã hành động chống lại thống chế bằng một ảnh hưởng vừa công khai vừa bí mật. Phải ngăn chặn đừng để cho Rommel trở nên nguy hiểm cho nhà độc tài. Với một chế độ thần quyền đặt nền tảng trên cá nhân Hitler, bên cạnh ông không thể nào có thể có bất cứ một "anh hùng dân tộc" nào nữa.

Ngày 20 tháng 7 năm 1944 đã đem lại cơ hội mong ước mãnh liệt biết bao, để trừ khử kẻ đối thủ hay là kẻ kế vị duy nhất của ông ta. Bộ máy tuyên truyền đã biết xoay đảo chiều một cách có hiệu quả sự thù hận của dân chúng cũng như sự quan tâm của dân chúng về các biến cố quyết định có dấu hiệu báo truiowcsthamr hoạ sắp xảy đến. Không những vì các thành tích quân suwjmaf còn vị các đức tính rất nhân bản , mà Rommel là một vị lãnh tụ được dân chúng biết đến nhiều nhất trong cuộc chiến tranh, ông đã tuyên bố sẵn sàng ngăn chặn sự hỗn độn bằng chính sự can thiệp của mình. Rất có thể là vào mùa thu năm 1944, Hitler không dám đưa ông ra trước một toà án nên. Nhưng dầu cho quyết định của ông vào chiều ngày 14 tháng 10 là gì đi nữa, thống chế cũng thể nào còn sống để mà đến Berlin hay đến tổng hành dinh của Fuhrer.

Chung quy, các cung từ về sau này cho thấy rằng ý định của Rommel đối với Himmler và các tên đao phủ của y vẫn còn hoàn toàn bí mật.

Sự sát hại là phương cách duy nhất để đạt tới mục tiêu mà Hitler không bị lật mặt nạ. Sự che đậy nhờ tang lễ được tổ chức tại Ulm rất phù hợp với phương pháp tinh vi của sự khủng bố: cách đây 400 năm Nicholas machiavel đã viết:

"Người tướng soái mà hành động đã mang lại cho vị quân vương chiến thắng và thành công tất nhiên là có nhiều uy tín đối với binh sĩ, daanc húng và quân thù cũng như tình bạn mà vị quân vương dành cho. Thế cho nên vị quân vương phải đề phòng đối với vị tướng soái của mình. Vị quân vương phải trừ khử y hoặc tước đoạt uy tín của y".

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 3-8-2013 04:33 PM
- 14 -
ERWIN ROMMEL QUÂN NHÂN
ÔNG FELDMARSCHALL

THEO CLAUSEWITZ, NHÂN CÁCH CỦA MỘT cấp chỉ huy đòi hỏi những khả năng tri thức cao cấp, kết nối với “sức mạnh của ý chí” và với ‘ sự can đảm của linh hồn”. “ Mỗi cuộc hành quân, ông nói, phải được chỉ đạo bởi một bộ óc sáng suốt và đơn giản”.

Riêng về các chi tiết chiến thuật nhỏ nhặt, cuốn sách của Rommel nhan đề Bộ binh tấn công chứng tỏ một cách đầy đủ nghệ thuật đưa các khó khăn trở thành một công thức đợn giản. Ông cũng áp dụng năng khiếu ấy trong lãnh vực chỉ huy trung cấp và cao cấp. Tuy nhiên khả năng thiết lập và thi hành các kế hoạch chiến lược thì có vẻ xa lạ với ông hơn là chiến thuật và kỹ thuật. Ông ta có năng khiếu bẩm sinh để thấy và giải quyết một cách đơn giản các vấn đề phức tạp. Ông đòi hỏi sự rõ rang trong các báo cáo kết quả thu đạt được. Ông ghét các lời xin lỗi đính chánh và các sự phóng đại của tuyên truyền, chẳng hạn như từ năm 1941, thể hiện quá nhiều, lãnh vực chính trị trong các danh từ của các bản báo cáo của Quân đội, tuy nhiên đôi khi ông phải nhượng bộ trước quan điểm về sự cần thiết phải có tuyên truyền.

Trên chiến trường, Thống chế có một thứ” trực giác”, một cái” liếc mắt”. Cách chỉ huy của ông không những chỉ được hành sử trên phương diện trí thức mà còn trên bình diện thực tại tùy theo” các biến cố” và” các biến chuyển của tình hình”. Đấy là một bật thầy của sự” xử trí bất ngờ”, nhờ một thiên phú ước đoán và một sức mạnh quyết định cá nhân. Trong các lãnh vực kỹ thuật và thực hành, trí tưởng tượng của ông luôn luôn tuông trào vô số ý kiến mới.

Trong chiến dịch tại Bắc Phi, chính những đối thủ của ông cũng phải ngán tài” đánh hơi” của” con cáo già của sa mạc”.(1) Churchill giải thích trước Quốc Hội cuộc rút lui kinh hồn của Anh tại Bắc phi đã từng nói: Trước mặt chúng ta, chúng ta có một tướng lãnh vĩ đại”. Năm 1942, một cuộc điều tra của viện Gallup(Hoa Ky đã xem ông như là” vị tướng lãnh tài ba nhất và khéo léo nhất”. Chính như thế mà ông nổi tiếng khắp thế giới.

Rommel cũng chứng tỏ sự vững chãi cần thiết trong sự được thua của chiến tranh và trong các cơn khủng hoảng của chiến trận. Trí thông minh vững chắc của một quân nhân đã che chở ông khỏi rơi vào các ý tưởng, nó cho ông cảm nghĩ chính xác về các cao điểm của trận chiến và điểm tột cùng của chiến tranh.

Moltke muốn thấy quyền hành và niềm tin bổ túc lẫn cho nhau.

Mặc dầu đôi khi Rommel có khuynh hướng quá đòi hỏi, quá cứng rắn, ông ta có thiên phủ lôi kéo binh sĩ, hành độn ly kỳ, mà không thể được giải thích một cách trí thức, của một cấp chỉ huy đối với binh sĩ. Trong sự phong phú toàn diện của đức thánh con người nơi ông, mọi người đều cảm thấy tim ông đang hướng về mình. Cho nên, Thống chế đã có thể cùng lúc chế ngự được hoàn cảnh lẫn tâm hồn con người.

Đó là trường hợp đã xảy ra từ năm 1915, tại Argonne. Khi Thiếu úy Rommel dẫn đại diện đội liên lạc của mình đi trong khu vực kế cận, mọi người đều cảm thấy an lòng giống như là khi, trong đệ nhị thế chiến, viên tư lệnh thiết giáp với sư đoàn ma quái ông, tràn như going bảo ngang qua nước Pháp hay trong sa mạc Phi châu tại El Alamein và tại Tobrouk. “ Rommel ở đâu? Đàng trước!” binh sĩ la hét. Napoléon đã từng nói: “ Người ta không thể chỉ huy một đạo quân từ Điện Tuileries”. Sự cần thiết này cũng áp dụng trong thời đại của chúng ta, thời đại của sự phát triển kỷ thuật mạnh mẽ. Rommel là” ông Thống chế đi tiên phuông” tân thời. Ông đã thực hiện sự liên lạc chỉ huy từ đơn vị tiền phương cho đến bộ chỉ huy cần thiết của trân chiến. Ông không biết nghỉ ngợi gì; người ta thấy ông khắp nơi nào mà ông thấy cần phải tác động quân sĩ. Ông ta áp đặt sức mạnh sáng kiến của ông. Ông thích tính cách cơ động của các đơn vị, sự chuyển dịch không ngừng, đời sống nhọc nhằn, sự hiện diện tột đỉnh của binh sĩ. Mối tương quan mật thiết với các chiến sĩ ấy thiếu vắng nơi Hitler. Trái ngược hẳn với ông ta, Rommel có nghệ thuật lãnh đạo con người ấy, sức mạnh chỉ huy quân sĩ ấy mà Max Piccolomini của Schiller tán tụng với Wallenstein:

“ Ông biết trích lấy sức mạnh nơi mỗi người,

“ Sức mạnh đặc thù, mà ông giep trồng,

“ Ông để cho mọi người tự nhiên,

“ Ông chỉ xem chừng cho họ luôn luôn

“ Ở vào vị trí đứng đắn; cho nên, ông ta biết làm

“ Cho sức mạnh của mọi người

“ Thành sức mạnh của mình

CON NGƯỜI

BÁ TƯỚC SCHLIEFFEN ĐÒI HỎI NƠI NGƯỜI lãnh đạo sự tiếp hợp giữa trí thông minh, tình cảm và ý chí của tánh tình Non Videri, sed esse – hiện hữu hơn là biểu hiện. Trong sự gặp gỡ giữa lý trí và sức mạnh phi lý của chiến tranh, trong sự quân bình giữa khoa học và hành động, con người được xác nhận nơi người lãnh đạo. Thống chế vẫn” luôn luôn là Rommel trước sau như một” con người mà trong các hoàn cảnh nguy cấp vẫn hoàn thành bổn phận của mình. Một quân nhân được ban cấp cho “ sự can đảm của một công dân”, mà tình yêu quê hương đặt căn bản trên sự chân chính trên sự kết nối chặt chẽ với đất mẹ và với vũ trụ chuyển động không ngừng. Thuần khiết, trong sáng, cởi mỡ trong tình bạn cũng như trong sự thù hận, Rommel là một con người tự do về phương diện nội tâm. Đối với ông, danh dự hòa lẫn với lương tâm.

Gương mặt ôngm tràn đầy tình nhân đạo nồng nàn, mặc dầu thể hiện năng lực và sự táo bạo, nhưng với cặp mắt xanh trong sángm đã gợi cho người khác lòng tin. Cứng rắn với chính mình, ông đã sống hết sức khắc khổ, tuy nhiên ông không khinh thuogn72 những vui thú về thi ca, và mãi rất trễ về sau ông mới tự đặt cho mình các vấn đề tối thược. Ông có thể có vể khô khan và khép kín. Nhưng trong một khung cảnh thân mật thì đấy là một người bạn trong số các người bạn, với một óc hài hước có hạng.

Xã hội tánh của ông thể hiện mạnh mẽ: điều đó chắc chắn phát sinh từ nguồn gốc người vùng Sauabe của ông. Tâm tánh hào hiệp của ông vẫn được dân chứng làm kiểu mẫu. Nó vẫn còn sống động trong rất nhiều giai thoại. Chính đối thủ của ông cũng phải nghiêng mình trước vị” tướng lãnh anh hung mã thượng” (dashing General).

Erwin Rommel sẽ còn là biểu tượng của đời sống quân sự thuần túy của Đức quốc, Cuộc đời của ông, hoạt động của ông cho đến sự hy sinh của ông là một di sản vĩnh cửu của hùng khí và của nhân tính xứ sở của ông.

Tác giả: alice2000phuong    Thời gian: 3-8-2013 04:36 PM
- 15 -
NHẬN XÉT VỀ TRẬN ĐÁNH NORMANDIE

PHE ĐỒNG MINH TÂY PHƯƠNG COI CUỘC ĐỔ bộ ngay từ khi được bắt đầu chuẩn bị vào giữa năm 1942 là có tính cách quyết định đối với Lịch sử chiến tranh. Về phương diện trí tưởng tượng cũng như về phương diện thực hành, của công cuộc chuẩn bị kỹ thuật ấy thật phi thường. Quả thật Đồng Minh đã “tính toán với một sự chính xác toán học, các phần việc mà người ta có thể phó mặc cho sự may rủi.”

Những nhà sáng chế và các kỹ thuật gia của hai lục địa đạt được các kết quả mà cho đến ngày nay vẫn còn được coi là ngoài sức tưởng tượng. Sự thiết chế các hải cảng nhân tạo đã giúp cho cuộc đổ bộ và việc tiếp liệu trở nên độc lập với công cuộc đánh chiếm các hải cảng của lục địa. Đường ống dẫn đầu “Pluton” vượt qua biển Manche đã làm cho cuộc tiếp tế nhiên liệu có thể thực hiện được một cách gần như toàn hảo. Những tài nguyên của tất cả mọi người có thể dành cho chiến thắng. Các phi đạo nhân tạo được trải trên những phi thường được thiết lập cấp bách tại các vùng đầu cầu, cho phép tổ chức sự liên lạc trên không với các đơn vị trên bộ và với hải quân. Điều đó đưa đến kết quả là có được một sự hơp tác cực kỳ linh động.

Trong các năm trước khi có cuộc đổ bộ, rất cả các lợi ich phát sinh từ cuộ thám sát gần, hay xa đã đóng vai trò có lợi cho Đồng minh. Trong lúc quân Đức chỉ sở cậy vào các máy móc T.S.F., Bộ Tư lệnh Đồng minh đã xử dũng tột cùng vũ khí trên không của họ vào công tác thảm sát. Không lực cũng có nhiệm vụ tiêu diệt khi thấy cần thiết cho thành quả của cuộ đổ bộ sau này. Các cơ sở tinh báo Anh Mỹ không những chỉ có một hệ thống hoàn hảo, mỡ rộng ra trên khắp hoàn cầu. Đồng minh còn xử dụng sức mạnh của các phong trào kháng chiến tại các quốc gia sẽ phải tái chiếm. Các phong trao này cung cấp các tin tức hữu ích về quân số và vũ khí của Đức và luôn cập nhậ hóa cho tin tức Đồng minh. Trước chiến tranh, Hitler đã cấm không cho tổ chức một cơ sở tình bào Đức tại Anh; Đến phút chót, khi thấy cần tổ chức thì đã quá chậm.

Trên bỏ, trên biển và trên không, người Hoa Kỳ đã chứng tỏ một ưu thế dữ dội. Đặc biệt là sự tham dự của không lực có mức độ kỷ thuật cao cấp, được huấn luyện kỹ, và được chỉ huy tốt đẹp, đã trở thành một yếu tố quyết định cho cuộc đổ bộ và cho các cuộc hành quân phu giới. Phải thừa nhận rằng sự liên lạc đặc biệt giữa lực lượng trên bộ và không lực, đã được chuẩn bị cho đến chi tiết nhỏ nhặt, nhờ đó, hệ thống liên lạc ấy mới có thể chịu đụng được các thử thách trong thực tế. Cần nói thêm rằng các đơn vị bộ binh đã đuoc5 trang bị tối tân, được tiếp tế một cách gương mẫu và tính cách vô cùng cơ động. Các sư đoàn của Anh và Mỹ đã tham chiếm với quân số được động viên của các lực lượng được bảo toàn kỹ lượng. Các lực lượng ấy có thể bình thản khai thác các kinh nghiệm của một cuộc chiến tranh đã kéo dài từ 5 năm qua, nhân trong thời gian huấn luyện. Ngược lại, đàng sau quân lực Đức là cuộc viễn chinh tại Ba lan, Na Uy, Pháp, Ý, Ba nhỉ cán, và Nga; quân lực ấy đã bị bạc nhược và kiệt sức, ẩm thực và tiếp liệu thiếu thốn. Mùa đông tại Stalingrag đã bẻ gảy xương sống của quân lực này. Tổn thất vô phương cứu gỡ lên đến con số gần nửa triệu người.

Không quân Luftwaffe đã bị tiêu hao từ” trận đánh Anh quốc”. tiếp theo đó, nó không còn chú ý gì đến các kỹ thuật tân tiến.

Lời nói của Clausewitz liên quan đến sức mạnh tinh thần vĩ đại trong chiến tranh, đã được áp dụng cho phía Đồng minh. “ Sức mạnh vật thể chỉ được biểu tượng như là chiếc cán gỗ, trong khi đó sức mạnh tình thần của đối phương vượt qua phía Đức quốc, nơi mà những lời nói lảm nhảm của Hitler đã rơi vào khoảng không. Tuy nhiên, sự chỉ huy thuần túy quân đội của Đồng minh đã tỏ ra kém hơn các sự hoàn thiện về mặt kỹ thuật. Điều này đã được chứng tỏ trong các vấn đề liên quan đến sự kết hợp và đường lối hành động của các thành phần khác nhau của quân lực. Lịch sử ít khi cho thấy có ít các sự đụng chạm và không khí căng thẳng không tránh được giữa các Đồng minh trong cuộc đổ bộ liên quốc gia ấy.

Ngay cả trên lục địa, Bộ Tư lệnh tỏ ra có phương pháp, trong lãnh vực chiến thuật cũng như chiến lược. Họ áp dụng nguyên tắc của Thống chế Foch vế vấn đề” an toàn trong cuộc điều quân”. Họ cố gắng loai5 trừ sự may rủi, giảm thiểu tối đa các tổn thất, chỉ tung ra một cuộc tấn công” ăn chắc.’

Chính vì vậy mà các lực lượng đổ bộ, trước hết đã giống như là một cây thước cứng rắn gạt bằng đối phương, hơn thế nữa là một bánh xe lăn ép bằng hơi có sức mạnh nghiền nát từ từ, nhưng chắc chắn.

Cũng như, trong cuộc đổ bộ tại Phi châu, năm 1942, Bộ Tư lệnh Đồng minh không triệt để khai thác các khả năng chiến lược mà họ có được nếu không, chiến tranh đã chấm dứt từ năm 1941.

Để thí dụ các trường hợp bỏ qua cơ hội tốt, chúng ta chỉ cần nhắc lại rằng họ đã không chú ý đến sự sụp đổ của phòng tuyến song Seine sau trận đánh bại”túi Falaise”, họ bỏ sót cơ hội chọc thủng bức tường phía tây để tiến mạnh cho đến bên kia bờ song Rhin vào trung tâm Đức quốc, vào tháng 9 năm 1944. Chỉ một mình tướng Patton trong Binh đoàn Bradley là toan tính phá vở hàng rào an ninh để tung ra các cuộc hành quân vĩ đại. Nhưng ông ta không thể thông truyền lòng hăng hái và sự độ tiến của mình cho toàn thể Bộ Tư lệnh. Vã cháng chinh ông cũng đã không mấy được tán thưởng về các chiến công của mình.

Những nhận định trên đã không làm cho ý nghĩa của cuộc đổ bộ tài chiếm thay đổi chút nào: nó bẻ gãy và bao vây bức tường phía tây. Đối với Nga sô, nó đã đem lại sự nhẹ nhõm đến nỗi trong các năm 1944, 1945, hống quân chỉ có thể chiến thắng nhờ cuộc đổ bộ này. Các chiến thắng ấy cũng đạt được nhờ hậu thuẩn kỷ thuật của Hoa kỳ, thật vậy chiến xa T.34 của Nga chạy được với máy móc từ Mỹ gởi sang, tại đây, trước khi cuộc đổ bộ bắt đầu và chỉ để dành cho sự xử dụng của người Mỹ hơn 2.000 chiến xa được sản xuất hàng tháng.

Cuộc tái chiếm đối với Lịch sử chiến tranh vẩn sẽ còn là một biến cố vĩ đại, phải chăng là nhờ các kết quả đạt được do sự tập trung và đường lối chỉ đạo lần đầu tiên ba binh chủng hướng về một mục tiêu độc nhất.

Về phía Đức quốc, người ta đã không đo lường kỹ sự biến đổi các biện pháp đòi hỏi trong một trân chiến tranh tân tiến để lượng định tương quan lực lượng trên bộ, trên biển và trên không.

Vị tướng soái” Adolf Hitler” đã có một tâm tánh của ngườ ở lục địa. Ông vẫn còn cướng mắc vào các kỷ niệm của trận địa chiến thời Đệ nhứt Thế chiến. Một cuộc chiến đấu có cả 3 binh chủng dự chiến, nhưng với động lực trên bộ và trên không, chống lại toàn diện thế giới, đã vượt quá sức mạnh kinh tế và kỷ luật của Đức. Đó là điều mà Hitler không muốn thừa nhận. Hàng sư đoàn không được cơ giớ quá đầy đủ, theo kiểu chiến đấu xưa củ, đã bị bắt buộc phải đối đầu với một thế giớ cơ khí hóa; 4.000 cây số bờ bể và biên giới của địch thủ phải được phòng vệ bởi 60 sư đoàn theo cách tổ chức xưa xũ; một không lực với 90 phi cơ săn giặc và 70 oanh tạc cơ( vào lúc cuộc đổ bộ bắt đầu) phải bị bắt buộc giải tỏa không phận, thám sát và yểm trợ lực lượng trên bộ. Bộ Tư lệnh tối cao Quân lực vào mùa 1944, phải tung ra lệnh này: “ Tất cả phi cơ đang bay trên không phận đều bị coi là phi cơ địch”.

Sự thiếu thận trọng, tính cách tài tử của Bộ Tư lệnh tối cao đi song hành với nhau.

Ông Fuhrer và ông Tổng Tư lệnh quân lực Đức đưa ra các mệnh lệnh, trong những tuần lễ đầu của cuôc đổ bộ, từ Berchtesgaden rồi từ Đông Phổ. Vì khoảng cách quá xa và vì không có khả năng liên lạc hàng không, kết quả còn trầm trọng hơn là hậu quả mà Bộ Tư lệnh đầu tiên phải chịu đựng trong trận chiến tại sông Marne năm 1914 ở Lục Xâm Ba.

Về phía Đức, không một giới chức thẩm quyền cao cấp nào tiến đến mặt trận, bên Đồng minh Winston Churchill là một trong các nhân vật đầu tiên đặt chân lên lục địa trong khi cuộc đổ bộ đang diễn tiến.

Sự hỗn độn trái với nguyên tắc chỉ huy, phát minh ra từ các trận đánh của các thành phần khác nhau thuộc quân lực Đức và từ các lãnh tu quốc xã đã làm chống lại với tất cả mệnh lệnh rõ ràng; nó chỉ làm cho quyền hành bị chia vụn. Chính con người ngoài mặt trận phải trả giá cho tất cả điều đó.

Lòng tin giữa Bộ chỉ huy và các đơn vị thay thế bởi sự cưỡng ép, bởi sự đặt điều nói láo, tòa án chính trị và tòa án binh. Cảm nghĩ vui sướng của trách nhiệm và của sáng kiến tại các cấp thuộc hạ mà ngày xưa là một biểu hiện vinh quang của người quân nhân Đức, nay đã bị dập tắt. Với mộ tình thế như vậy và khi đem ra cân bằng các lực lượng hiện tại, thì chỉ có một chiến lược vĩ đại, lấy ra từ các quyết định chính trị, mới có thể hứa hẹn sự chiến thắng, hay mang lại các phương thuốc chữa bệnh. Thay vì như vậy, người ta lớn tiếng cải vả trên khắp tất cả các mặt trận. Những quyết định chiến lược ban hành kịp thời có thể tránh cho phía Đức những vố tàn khốc của quân địch: phía đông, lẽ ra phải thu ngắn và tăng cường lực lượng trừ bị mạnh mẽ; phía Nam, lẽ ra phải cố giữ vững phòng tuyến Pise- Florence- Adriatique và phòng tuyến Alpes; sau cùng tại phía Tây, lẽ ra trước hết phải di tản chiến thuật khỏi đất Pháp về phía Nam song Seine, kết tạo một cuộc dàn quân tập trung ở cánh phía Đông, tiên liệu các điểm rút lui và phòng thủ.

Trái lại, bị lôi kéo bởi chính sách và hệ thống tuyên truyền của ogn6 để từ chối tất cả mọi sự thỏa hiệp, Hitler đã thiếu hẳn sự sáng suốt khách quan. Ông bắt buộc tử thủ, bám chắt địa thế bằng mọi giá, “ bất động hóa” cả 200.000 người trong những cái gọi là “ pháo đài”. Tất cả những điều đó đã đưa lại sự mệt mõi quá sức về thể chất, tinh thần và tri thức của người chiến binh ngoài mặt trận. Như trong mùa đông tại Nga sô năm 1942- 1943, đã xảy ra hiện tượng xuất huyết trong các đơn vị. Riêng về phần phòng thủ, thì đã phải phòng thủ với một sức mạnh hỏa lực yếu kém, và không được kêu gọi các thành phần khác nhau của Quân lực yểm trợ.

Về phần đường lối hành quân trên cấp bậc cao, Hitler không bao giờ ra chỉ thị có tầm ảnh hưởng lâu dài, ông ta bằng lòng với các mệnh lệnh chiến thuật đặc biệt, ảnh hưởng đến cấp bậc thấp nhất của hệ thống chỉ huy. Phần nhiều trường hợp, các mệnh lệnh ấy đến quá trễ về phương diện không gian và thời gian. Với các phương pháp như thế, vì coi thường phẩm giá của con người chiến binh và của con người, ông ta không bao giờ có thể tiến đến chỗ tin tưởng mà gánh nặng chiến đấu đòi hỏi phải có.

Tổng số tổn thất tại mặt trận Miền Tây trong mùa hè 1944 lên đến con số nữa triệu người gồm cả các đơn vị bị cầm chân trong pháo đài, không thể nào ước lưỡng tồn thất về mặt quân dung; trong chiến trận tại Miền Tây năm 1940 đã có tổng cộng 40.000 chết. Cũng tại Miền Tây, Hitler không có khả năng, để nói như Clausewitz, để cảm thức” cao điểm của trận đánh với một linh cảm bén nhạy trong sự suy đoán”. Ông ta lừa phỉnh gây ảo tưởng nơi kẻ khác, nhưng điều kinh khủng hơn hết là ngay nơi chính ông, cũng như vậy khi ông tìm cách che đậy sự thật hiển nhiên, tạo niềm hy vọng vào các vũ khí” kỳ diệu”, thay vì rút ra những kết luận chính trị từ các biến cố.

Năm 1944, Adolf Hitler vẫn còn đánh giá thấp, một cách không còn vãn cứu được nữa, đối thủ tại Miền Tây: “ Không có một chiến binh thận trong nào lại đi khinh thường kẻ địch của mình”, Goethe đã viết trong cuốn Iphigénie như thế, Hitler, con người thiếu ý thức về kích thước và phóng đại sức mạnh ý chí của minh, tiếp tục sống với bằng ma quái của ông. Bị xâu xé bởi những ý tưởng thái qua, ông ta hy sinh xương máu của dân tộc, do bởi quan niệm “ độc đoán trong sự phòng thủ” ngu xuẩn, cũng như do bởi các cuộc tấn công tại mặt trân Normandie, và trước hết là tại Avranches.

Một quân lực hết còn là một quân lực khi nó không còn khả năng chiến đấu, một bộ chỉ huy chính trị và quân sự ý thức được trách nhiệm, phải biết rút tỉa các hệ quả trong các cuộc chiến tranh. Chỉ cần nhắc lại cuộc chiến tranh 1870-1872 đối với người Pháp, đối với người Đức, kết cuộc của Đại I thế chiến, với Hindenburg- Ludendorff vào mùa thu 1918. Trong mùa hè 1944, quyết định trầm trọng này lại áp đặt thêm một lần nữa.

Những quân nhân ý thức được trách nhiệm của mình- và trong số đó có Rommel thử tìm cách loại trừ Hitler và chấm dứt chiến tranh. Chính vì vậy mới xảy ra vụ mưu sát ngày 20 tháng 7 nam 1944. Mưu toan đã thất bại. Nó không đưa lại một hậu quả tức thời nào cho mặt trận; chỉ rất lâu về sau, biến cố đó mới xuất hiện trong các động lực, các sự bành trương, các hậu quả của chiến trường.

Vẫn khăng khăng gạt bỏ bằng chúng thất bại rõ rệt, Hitler vẫn tiếp tục đằm mình trong các ảo tưởng của ông: hy vọng vào hiệu năng của V1, vào chiến tranh tiềm thủy đỉnh, vào sự hủy diệt của liên minh Nga, Mỹ, v.v… Ông ta không hề rút ra một hậu quả hợp lý nào của thực tai. Ông ta không muốn thế.

Số phận của quân lực Đức kết thúc bi đát như thế. Nhờ các thành tích và nhờ tu thế riêng, các sư đoàn của Đức đã thảo mãn các đòi hỏi của Von Seeckt, khi ông yêu cầu nơi người binh sĩ một “ Sự can đảm lạnh lung có thể cho phép chịu đựng trong cơn hung họa.”

Một sự can đảm như thế, can đảm có thể đưa đến chỗ hy sinh tính mang, đả được phung phí cho một con quỹ: đấy là tấn thảm kịch của tất cả những quân nhân Đức can đảm của lịch sử Đức quốc, thảm kịch đưa đến kết quả là định mệnh kinh hoàng. Không một ai thoát khỏi khổ đau. Trong số cả triệu quân nhân Đức, hành trăm ngàn người vẩn còn bị giam cầm cho tới ngày nay; hàng trăm ngàn người khác đã chết trong vòng bí ẩn tuyệt đối; các cấp chỉ huy của họ, những người ít ra là đã không bị gục ngã trên chiến trường, đã chết vì sợi dây treo cổ hay do sự tự vẫn; những người khác nữa đang bị giam cầm hay đi lang thang khắp xứ, ăn mày vô gia cư. Những quân nhân hồi hương chỉ tìm thấy một quê hương bị tàn phá; những gì còn lại trên đó là sự tràn ngập hàng triệu người chạy trốn hay được di tản.

Nếu một nền hòa bình thật sự được thiết lập, phải mang lại công lý cho tất cả mọi người cũng như cho các binh sĩ chiến bại và cho hành triệu người đã chết. “ Ý thức danh dự quân đội không thể nào được đạt đến bởi những cuộc bàn cãi liên quan đến vấn đề trách nhiệm. Người nào đã làm bổn phận của mình, là người bạn trung thành không bao giờ rời trong cơn nguy khốn, con người đã chứng tỏ lòng can đảm và thẩm quyền trong hoạt động của mình, con người đó có quyền giữ lại một cái gì kông thề bị tấn công được với sự hiện hữu của mình và trong tâm thức của mình. Những tình cảm thuần túy quân sự nhưng đồng thời là tình cảm con người, là chung cho tất thảy mọi dân tộc. Chính tại đây mà bổn phận một khi đã được thi hành, có thể được dùng làm nền tảng cho ý nghĩa của cuộc sống.” (Karl Jaspers).

Đức quốc cũng vậy, thoát khỏi các lầm lỗi, và khi mà một Âu châu mới, đoàn kết trong một thế giới hòa bình, không thể nào tồn tại mà không có yếu tố vô hình này: đó chính là Tinh Thần, mà ngày xưa tất cả các quân nhân đã rút ra sức mạnh, và trong đó, sự hy sinh của những Người Xuất chúng nằm yên nghỉ.

Saigon mùa thu 1973
HẾT





Chào mừng ghé thăm Kites (https://forum.kites.vn/) Powered by Discuz! X3