Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 5290|Trả lời: 45
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Tiểu Thuyết - Xuất Bản] Liêu Trai Chí Dị | Bồ Tùng Linh

[Lấy địa chỉ]
Nhảy đến trang chỉ định
Tác giả



Tên tác phẩm: Liêu Trai Chí Dị

Tên tác giả: Bồ Tùng Linh

Tên dịch giả: Nhiều dịch giả

Thể loại: Tiểu thuyết

Tình trạng sáng tác: đã hoàn thành

Nguồn tác phẩm: e-thuvien.com

Tóm tắt: Truyện trong sách phần lớn là lấy đề tài hồ tiên ma quỷ, có nhiều màu sắc của chủ nghĩa lãng mạn, lại mang nội dung phong phú và chủ nghĩa hiện thực sâu sắc.Tập truyện đầy ắp những sự tưởng tượng lạ lùng đẹp đẽ, nhân vật được sáng tạo sống động chân thực, tình tiết bất ngờ biến ảo. Lời lẽ gọt giũa hàm súc, văn chương trôi chảy linh hoạt, Sách này mang nội dung truyền kỳ, chí quái, việc lạ, nhưng phần lớn kể chuyện cổ hồ quỷ, yêu ma, quái dị, về trình độ nghệ thuật thì đạt tới đỉnh cao của tiểu thuyết văn ngôn.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Sofa
 Tác giả| Đăng lúc 17-5-2012 22:35:34 | Chỉ xem của tác giả
1

ĐẠI NAM


Hề Thành Liệt là một sĩ nhân ở Thành Đô. Có một vợ và một thiếp. Người thiếp họ Hà, tiểu tự là Chiêu Dung. Người vợ chết sớm, bèn lấy vợ kế họ Thân, tính đố kỵ nhau, ngược đãi người thiếp.

Họ Hà sinh được một con trai đặt tên là Đại Nam. Hề lâu nay không trở về, Thân gạt Hà ra, không thổi cơm chung, cứ ngày  ngày đong phần thóc cấp cho. Đại Nam lớn dần, thóc ăn không đủ nữa. Hà phải dệt vải để phụ vào phần ăn, không dám xin thêm. 

Đại Nam thấy ở trường học, trẻ con ngâm nga đọc sách, cũng muốn đi học. Mẹ cho là hãy còn bé quá, nhưng cũng dắt đến trường cho học thử, để con chán phải bỏ. Đại Nam sáng dạ, sức học gấp đôi các trẻ khác. Thầy làm lạ, tình nguyện không đòi tiền học. Hà bèn cho con theo học thầy, biếu lễ chút đỉnh. Được hai, ba năm đã học thông kinh sách.

Một hôm, đi học về nói với mẹ rằng:

- Trong trường có năm sáu đứa đeo lấy cha xin tiền mua quà bánh, sao con lại không có cha?

Mẹ nói:

- Chờ lúc nào con lớn lên, mẹ sẽ cho con biết.

Đại Nam hỏi:

- Con nay đã bảy, tám tuổi, bao giờ mới là lớn?

Mẹ bảo:

- Con đến trường đi qua miếu đức quan Thánh thì nên vào lạy, ngài sẽ phù hộ cho chóng lớn.

Đại Nam tin lắm, ngày hai buổi đi qua đều vào lạy. Mẹ biết thế, hỏi:

- Con khấn điều gì?

Cười đáp:

- Chỉ xin sang năm ngài cho con lớn bằng đứa mười lăm, mười sáu tuổi.

Mẹ cười. Song Đại Nam sức học và hình vóc đều lớn như nhau, mới mười tuổi mà như mười ba mười bốn tuổi; những văn  bài cậu làm, bài nào văn chương cũng trôi chảy. Một hôm, nói với mẹ rằng:

- Trước kia mẹ nói, con lớn lên mẹ sẽ cho biết cha ở đâu, bây giờ đã đến lúc rồi đấy!

Mẹ bảo:

- Chưa đâu, chưa đâu!

Lại hơn một năm nữa, đã như người lớn hẳn hoi, càng gạn hỏi luôn luôn. Mẹ bèn thuật lại ngành ngọn. Đại Nam nghe nói, thương cảm khôn xiết, muốn đi tìm cha. Mẹ nói:

- Con hãy còn non trẻ quá, cha còn hay mất chưa biết, làm sao tìm được ngay?

Đại Nam không nói gì mà bỏ đi, đến giữa trưa không về, bèn đến hỏi ở trường, thì thầy nói sau giờ cơm sớm chưa trở lại trường. Mẹ cả kinh cho là Đại Nam bỏ học, bỏ tiền ăn ra thuê người đi tìm kiếm khắp nơi mà không có tung tích gì.

Đại Nam ra khỏi cửa, mù mờ chẳng biết nên đi đâu, cứ thẳng đường mà đi miết. Gặp một người đang định đi Quỳ Châu, nói  mình họ Tiền. Đại Nam ăn xin và đi theo. Tiền bực đi chậm quá, thuê cho một con lừa, tiền lưng cạn hết. Đến Quỳ, cùng nhau ngồi ăn, Tiền lén bỏ thuốc vào thức ăn, Đại Nam mê man bất tỉnh. Tiền chở đến một ngôi chùa lớn, giả thác là con mình, không may bị ốm giữa đường, hết tiền ăn, muốn đem bán cho nhà chùa. Tăng đồ thấy mặt mũi khôi ngô khác thường, tranh nhau mua.

Họ Tiền lấy được vàng rồi ra đi. Tăng chúng đổ thuốc cho Đại Nam, dần dần  tỉnh, sư cụ trụ trì biết tin đến xem, thấy tướng mạo rất lạ, gạn hỏi ngọn ngành, lại càng thương, bảo các tăng giúp tiền bạc rồi cho đi. Có thư sinh họ Tưởng ở Lô Châu, đi thi trượt trở về, trên đường gặp hỏi biết duyên cớ, khen là hiếu, kết làm bạn đồng hành. 

Đến Lô Châu, cho ở trong nhà mình hơn một tháng, gặp ai cũng  hỏi. Có người mách rằng trong đám thương nhân đi Mân có người  họ Hề, bèn từ biệt họ Tường để đi Mân. Tưởng giúp cho áo quần giày dép, xóm làng cũng góp nhau giúp tiền ăn. Trên đường gặp hai khách buôn vải đi Phúc Thanh, mời cùng kết bạn đường. Được vài ngày, khách dòm được tiền trong đãy của Đại Nam, bèn đem đến chỗ vắng, trói tay trói chân, cướp hết mà đi.

Vừa có ông cụ họ Trần người Vĩnh Phúc đi qua đấy, cởi trói, dìu lên xe, chở về nhà mình. Ông cụ là một nhà cự phú, thương nhân các trấn phần lớn đều từ cửa nhà cụ mà ra. Cụ dặn các khách buôn Nam Bắc hỏi dùm tin tức của Hề, và giữ Đại Nam ở lại làm bạn đọc sách với các con mình. Đại Nam bèn ở lại, không đi đây đi đó nữa, từ đó nhà càng xa, tin tức càng nghẽn.

Hà Chiêu Dung sống cô quạnh ba bốn năm, Thân thị xén bớt phần ăn, đè nén đến điều, bắt phải tái giá. Hà tự làm lấy mà ăn, ý chí không lung lay. Thân ép bán cho một lái buôn Trùng Khánh. Lái buôn bắt cóc đem đi. Đến đêm, Hà lấy dao cứa cổ. Lái buôn không dám bức, chờ cho vết thương lành lặn, đem bán lại cho một  khách buôn ở Diêm Đình.

Đến Diêm Đình, Hà tự xẻ lồng ngực, lộ rõ phủ tạng. Người khách buôn hốt quá, lấy thuốc ra buộc vết thương; khỏi rồi, chỉ muốn làm vãi. Người khách buôn bảo rằng:

- Tôi có người bạn buôn, không có bộ phận của đàn ông, chỉ muốn tìm người may vá trong nhà, ở với người ấy cũng không khác gì làm bà vãi, mà lại cũng có thể bù lại chút vốn tôi bỏ ra.

Hà nghe theo. Người khách buôn cho xe đưa đi. Đến cửa, chủ nhân chạy ra, thì là chàng Hề. Số là Hề đã bỏ nghiệp nho mà đi buôn. Người bạn buôn thấy không có vợ bèn đem Hà thị tặng cho. Gặp nhau kinh ngạc, buồn thương, kể lể những nỗi khổ sở. Hề mới biết là mình đã có con, đi tìm cha chưa về.

Hề bèn dặn các quán trọ, dò hỏi tin tức Đại Nam, mà Chiêu Dung tự phận thiếp nay trở thành chính thất. Nhưng trải qua nhiều bước gian truân, yếu đau lắm bệnh, không thể gánh vác được mọi việc, bèn khuyên chồng lấy vợ lẽ, Hề trông gương tai hoạ lúc trước, không chịu nghe theo. Hà nói:

- Nếu thiếp là kẻ tranh giành ngôi thứ ở nơi giường chiếu, thì trong mấy năm nay đã theo người ta mà đẻ con rồi, có còn được đoàn tụ với nhau như ngày nay nữa đâu! Vả chăng cái ách mà người ta đặt lên cổ mình, còn đau đớn âm ỷ ở trong lòng, lẽ nào tới phiên mình, mình lại đem đặt lên cổ người khác!

Hề bèn dặn bạn khách buôn mua cho một cô người thiếp già, tuổi hơn ba mươi. Qua nửa năm, khách quả mua được thiếp đem về. Khi vào cửa, thì lại chính là người vợ họ Thân. Người nào người nấy nhìn nhau lạ lùng, kinh hãi.

Trước đó, Thân thị ở một mình được một năm, người anh tên là Bao khuyên tái giá. Thân nghe theo, duy ruộng nương thì bị con cháu trong họ ngăn không cho bán. Chỉ bán các vật sở hữu, tích cóp được mấy trăm đồng vàng, đem về nhà anh. Có người lái buôn ở Bảo Ninh, nghe nói thị giàu, có cả một hòm tư trang, bèn lót nhiều tiền cho Bao để lừa phỉnh thị mà cưới làm vợ. Nhưng người lái buôn thì già khụ và tàn phế, chẳng còn sức làm đàn ông nữa.

Thân oán giận anh mình, không yên phận làm vợ, hết doạ thắt cổ trên giường, lại đe gieo mình xuống giếng, quấy nhiễu không chịu nổi. Lái buôn giận, lục soát tiền bạc lấy hết, định đem bán làm thiếp, nhưng ai cũng chê đã lỡ thì rồi. Lái buôn ta đi Quỳ Châu, đem thị đi cùng, gặp người khách buôn cùng một cửa hiệu với Hề, vừa may lại trúng ý định, bèn mua mà mang đi.

Đến khi gặp Hề thì vừa thẹn, vừa sợ, nói không ra một tiếng. Hề hỏi lại người khách buôn cùng cửa hiệu cũng biết đại khái, bèn nói:

- Nếu gặp người đàn ông khoẻ mạnh, thì đã ở lại Bảo Ninh, đâu có gặp nhau ở đây nữa! Âu cũng là số cả! Nhưng nay ta mua thiếp chứ không phải cưới vợ, vì thế, trước hết hãy vào lạy Chiêu Dung để đúng lễ vợ cả vợ bé đã!

Thân lấy làm xấu hổ, Hề nói:

- Xưa kia còn làm vợ cả thì như thế nào?

Hà khuyên nên miễn cho thị, nhưng Hề không chịu, cầm gậy đứng trước mặt cưỡng ép. Thân bất đắc dĩ cũng phải lạy, nhưng  trước sau vẫn không chịu hầu hạ, chỉ làm lụng ở phòng khác. Hà đều khoan dung cho hết, cũng chẳng nỡ xét nét siêng năng hay lười biếng. Mỗi khi chuyện trò yến ẩm cùng Chiêu Dung, Hề cứ gọi Thân thị đến hầu hạ bên cạnh. Hà muốn thay thế bằng một con hầu, Hề không nghe.

Gặp lúc quan huyện lệnh họ Trần tên Tự Tông, đến nhậm chức ở Diêm Định. Hề có việc tranh chấp nhỏ với người làng, họ bèn kiện Hề tội cưỡng bức vợ cả làm vợ lẽ. Trần Công không xét, quát mắng đuổi ra. Hề mừng lắm, nói riêng với Hà, ca ngợi ông huyện nhân đức.

Một đêm, canh đã khuya, tiểu đồng gõ cửa vào báo quan huyện lệnh đến. Hề hốt quá, vội vàng mặc áo xỏ giày, thì quan đã  vào nhà trong, lại càng hoảng, không biết làm thế nào. Hà nhìn kỹ, vội vàng đi ra, nói rằng: “Con ta đây mà!” Rồi khóc lên. Trần Công bèn sụp xuống đất, nức nở nghẹn ngào.

Số là Đại Nam từ khi theo họ của cụ Trần đến nay đã nên quan. Lúc ông mới từ kinh đô chuyển đến, có vòng đường đi qua cố hương, mới biết hai mẹ đều đã cải giá, gục đầu thương cảm. Người trong họ biết Đại Nam đã là quan sang, đem nhà ruộng trả lại cả. Ông cho đầy tớ ở lại để sửa sang, xây cất, mong có ngày cha lại trở về. Rồi được bổ nhiệm ở Diêm Đình, lại muốn bỏ quan để tìm cha. Cụ Trần ra sức khuyên can. Vừa gặp lúc có người thầy bói bèn xin một quẻ. Thầy bói nói:

- Nhỏ thành lớn, thiếu thành trưởng, tìm trống được mái, tìm một được hai; quẻ này đi làm quan thì tốt.

Trần Công bèn đi nhậm chức. Vì không tìm được hai thân, nên làm quan mà không dám ăn mặn, uống rượu. Ngày hôm ấy,  nhận được đơn kiện của người làng, thấy nói đến họ Hề, có ý ngờ, lén sai người tâm phúc đi hỏi han, quả đúng là cha, bèn thừa lúc đêm tối, đi ra theo kiểu “vi hành”; gặp lại mẹ; chàng tin thầy bói là thần kỳ.

Khi trở về, dặn chớ tiết lộ, đưa hai trăm đồng vàng, bảo cha sửa soạn hành trang trở về làng cũ. Cha tìm đến nơi thì nhà cửa mới mẻ, nuôi thêm hai người hầu ngựa cưỡi, nghiễm nhiên là một đại gia. Thân thị thấy Đại Nam giàu sang thịnh vượng thì lại càng hổ thẹn. Người anh là Bao nghe tin, đâm đơn lên quan, muốn giành lại ngôi vợ cả cho em mình. Quan điều tra được thực tình. Giận nói:

- Đã tham của, khuyên em tái giá, hai lần đổi chồng, còn mặt mũi nào mà tranh giành cả lẽ như ngày xưa?

Bèn truyền đem Bao ra đánh roi rất nặng. Từ đó, danh phận rõ ràng, Thân cam phận bé mọn thờ Hà như chị, thì Hà cũng lấy nghĩa mợ cả đối xử với Thân như em, quần áo, ăn uống không một thức gì tranh phần dùng riêng. Trước  kia, Thân vẫn sợ Hà phục thù, đến đây lại càng thẹn thùng, hối hận. Hề cũng quên điều ác ngày xưa của thị, cho phép người nhà gọi bằng thái mẫu, chỉ có phong tặng là không được mà thôi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Ghế gỗ
 Tác giả| Đăng lúc 17-5-2012 23:54:44 | Chỉ xem của tác giả
2

CÔ GÁI NGHĨA HIỆP


Thư sinh họ Cố người Kim Lăng, học rộng tài hoa, nhưng nhà rất nghèo, lại vì có mẹ già không nỡ rời dưới gối, nên hàng ngày chỉ vẽ thuê viết mướn kiếm ăn. Đã hai mươi lăm tuổi mà vẫn phòng không lạnh lẽo. Trước cửa nhà chàng là một ngôi nhà bỏ hoang từ lâu, một hôm có một bà già cùng một cô gái đến thuê để ở. Vì thấy không có đàn ông, nên chàng cũng chưa tiện thăm hỏi gốc tích của họ.

Một hôm tình cờ từ ngoài về, chàng gặp cô gái trong phòng mẹ đi ra, tuổi chừng mười tám mười chín, xinh đẹp, thanh tú, trên đời ít có người sánh kịp. Gặp chàng, cô không tránh mặt nhưng có vẻ nghiêm lạnh. Chàng vào nhà hỏi mẹ, bà bảo:

- Đó là cô gái ở nhà trước cửa, sang mượn thước và kéo may. Cô vừa cho biết nhà cũng chỉ có một con một mẹ. Trông cô có vẻ không phải con nhà nghèo. Hỏi sao không lấy chồng, đáp vì còn mẹ  già. Để mai mẹ sang chào bà cụ, nhân tiện dò ý xem sao. Nếu ước vọng của họ không cao xa quá thì con có thể phụng dưỡng mẹ già thay nàng.

Hôm sau bà qua nhà cô gái, thấy mẹ nàng là một bà lão điếc. Nhìn trong nhà, tịnh không còn một bữa gạo cho ngày mai; hỏi cách sinh sống thì chỉ trông nhờ vào hai bàn tay cô gái. Dần dà mẹ chàng đem chuyện kết thân giữa hai nhà ra ướm hỏi; bà cụ ý như cũng bằng lòng, nhưng còn quay sang bàn bạc với cô gái; nàng nín lặng, xem chừng không được vui.

Mẹ về, kể lại cho con nghe và tỏ ý ngờ vực nói:

- Hay là cô ấy ngại nhà mình nghèo chăng? Tính tình nghiêm nghị không nói không cười, xinh như đào mận mà lại lạnh lùng  như sương tuyết, thật là người kỳ lạ!

Mẹ con than tiếc một lúc rồi cũng bỏ qua. Một hôm chàng ngồi ở phòng, bỗng có một thiếu niên đến nhờ vẽ tranh. Chàng ta dung nhan đẹp đẽ nhưng ý tứ thì khá buông tuồng. Hỏi ở đâu đến, đáp là ở thôn quê. Sau đó vài ba ngày lại đến một lần. Lâu dần thành quen, cười đùa cợt nhã. Chàng suồng sã ôm choàng lấy, cũng không chống cự gì lắm, liền tư thông với nhau. Từ đấy đi lại rất thân thiết. Gặp khi cô gái đi ngang, thiếu niên đưa mắt nhìn, hỏi là ai, chàng đáp:

- Cô hàng xóm.

Thiếu niên nói:

- Đẹp thì đẹp thật, mà sao thần sắc đáng sợ thế!

Lát sau chàng vào nhà trong, mẹ bảo:

- Vừa rồi cô gái sang xin gạo, nói đã hai ngày bếp không đỏ lửa. Cô gái thật có hiếu nhưng nhà nghèo quá, kể cũng đáng thương, ta cũng nên chu cấp ít nhiều.

Chàng nghe lời, mang đấu gạo sang, gõ cửa nói lại ý mẹ. Cô gái nhận gạo cũng không cảm tạ. Hàng ngày nàng sang nhà, thấy mẹ chàng may vá, cũng vá áo xâu kim giúp mẹ. Ra vào trong nhà, làm lụng mọi việc như con dâu. Chàng càng thêm biết ơn nàng, mỗi khi có ai biếu xén thức gì đều chia ra biếu lại mẹ nàng. Cô gái vẫn không hé răng nói một lời  cảm tạ.

Bỗng nhiên mẹ chàng mọc cái nhọt ở chỗ kín, đêm ngày kêu khóc. Cô gái thường xuyên đến tận giường chăm sóc, rửa mụn  bôi thuốc cho bà, ngày ba bốn bận. Mẹ rất áy náy nhưng cô không nề hà chuyện bẩn thỉu. Mẹ nói:

- Ôi, làm sao có một nàng dâu như con trông nom mẹ lúc tuổi già, để chết cho mát mẻ đây!

Nói xong, buồn bã nghẹn ngào. Cô gái an ủi bà rằng:

- Anh nhà là người con chí hiếu, còn hơn cảnh nhà cháu mẹ goá con côi gấp trăm lần.

Mẹ nói:

- Tới lui hầu hạ bên giường, nào phải là việc người con trai hiếu làm nổi đâu. Vả lại, thân này cũng đã xế chiều, hôm trái  nắng trở trời chẳng biết thế nào nên rất khắc khoải về một người nối dõi.

Đang nói thì chàng vào, mẹ khóc bảo:

- Mẹ mang ơn nương tử nhiều lắm, con chớ quên báo đáp.

Chàng cúi đầu vái tạ. Cô gái nói:

- Chàng kính trọng mẹ tôi, tôi không vái tạ, chàng vái tạ làm gì?

Do đấy chàng càng thêm kính yêu, nhưng cử chỉ nàng rắn rỏi, không đằm thắm, nên mảy may chẳng sàm sỡ được. Một hôm cô gái ra khỏi cửa, chàng đăm đăm nhìn theo. Nàng bỗng quay đầu lại cười tươi tắn. Chàng mừng rỡ vì việc xảy ra đến ngoài ý muốn, bèn chạy theo sang nhà; chọc ghẹo cũng không kháng cự, vui sướng cùng giao hoan. Xong xuôi, nàng dặn:

- Việc này chỉ một lần, không có lần thứ hai đâu nhé!

Chàng không đáp, ra về. Hôm sau, lại hẹn, thì nàng nghiêm nét mặt, không ngoái nhìn, đi thẳng. Ngày ngày nhiều lần qua lại, thường gặp nhau luôn, nhưng nàng không hề làm bộ tươi cười hay dùng lời đưa đẩy; hơi đùa cợt một chút đã nghe những câu lạnh người. Một hôm, nhân chỗ vắng người, nàng chợt hỏi:

- Chàng thiếu niên hàng ngày vẫn đến là ai thế?

Chàng kể tình đầu; nàng bảo:

- Đã nhiều lần y có những cử chỉ, thái độ vô lễ với thiếp rồi. Vì là chỗ thân quen với chàng nên thiếp đành bỏ qua. Nhờ chàng chuyển lời; nếu còn tái phạm tức là không muốn sống nữa đấy!

Đến tối, thiếu niên tới, chàng nói lại, rồi dặn thêm:

- Anh phải cẩn thận, người ấy không đụng đến được đâu!

Thiếu niên nói:

- Không đụng đến được, sao anh lại đụng được?

Chàng chối là không có chuyện ấy, thiếu niên nói:

- Nếu không có gì sao những lời thô lỗ cợt nhả kia lọt vào tai  anh được?

Chàng không còn biết nói thế nào. Thiếu niên nói:

- Cũng phiền anh chuyển lời hộ: Cô nàng đừng giả vờ nghiêm nghị nữa. Nếu không tôi nói toạc ra cho mọi người cùng biết.

Chàng rất giận, đỏ mặt tía tai. Thiếu niên bèn bỏ đi. Một đêm, chàng đang ngồi một mình, bỗng nhiên cô gái tìm đến, cười bảo:

- Em với chàng tình duyên chưa dứt, lẽ nào không phải là số trời?

Chàng mừng cuống lên, ôm nàng vào lòng. Đột nhiên, nghe tiếng giày lộp cộp, hai người giật mình nhổm dậy, thì thiếu niên  đã xô cửa bước vào. Chàng kinh hãi hỏi:

- Cậu làm gì vậy?

Anh ta cười đáp:

- Tôi đến để xem con người trinh trắng đấy thôi. - Rồi ngoái nhìn nàng nói: - Hôm nay không chê trách người khác nữa ư?

Cô gái đỏ lừng gò má, lông mày dựng đứng lên, không nói một lời. Nàng hất mạnh vạt áo, để lộ một chiếc bao da, thuận tay  rút phắt ra một con dao găm sáng loáng, dài chừng một thước. Thiếu niên trông thấy, sợ hãi bỏ chạy. Đuổi theo ra đến cửa, nhìn quanh, thì đã mất hút. Nàng cầm dao găm ném vào khoảng không, chỉ nghe một tiếng "rạt" đã thấy hiện ra một luồng sáng rực rỡ như cầu vồng. Lát sau nghe tiếng một con hồ trắng, đầu và mình mỗi thứ văng một nơi, nhìn mà thất kinh. Cô gái nói:

- Anh bạn đẹp trai của chàng đó. Tôi đã dằn lòng tha thứ, nhưng hắn nhất định không muốn sống thì biết làm thế nào?

Rồi nàng cất dao vào bao. Chàng cố kéo trở vào phòng, nàng bảo:

- Vừa rồi yêu quái làm mất cả hứng, xin để đêm mai.

Nói đoạn ra cửa đi thẳng. Đêm sau, quả nhiên cô gái lại đến, bèn cùng nhau ân ái. Hỏi về kiếm thuật, nàng đáp:

- Đó không phải là điều chàng nên biết. Hãy giữ kín, nếu lộ ra, e tai vạ đến chàng.

Lại bàn chuyện hôn nhân, cô gái nói:

- Đã chung chăn gối, lại lo liệu việc nhà, không phải vợ thì còn là gì? Đã là vợ chồng hà tất phải nói đến cưới hỏi.

Chàng hỏi:

- Hay là chê tôi nghèo?

Nàng đáp:

- Chàng đã đành là nghèo, nhưng thiếp giàu sao? Sum vầy đêm nay, chính là thương chàng nghèo đấy thôi.

Khi chia tay lại dặn:

- Việc làm cẩu thả này không thể thường luôn được. Lúc nên đến, thiếp sẽ tự đến, không nên đến thì ép buộc nhau có ích gì!

Về sau mỗi lần gặp gỡ, hễ chàng nói chuyện riêng tư là cô gái  lại tránh đi. Tuy nhiên, việc vá may nấu nướng vẫn một tay nàng quán xuyến, không khác gì người vợ chính thức. Được mấy tháng, mẹ nàng chết, chàng dốc sức lo việc ma chay. Từ đó, nàng ở nhà một mình.

Chàng nghĩ phòng không bóng chiếc có thể tính chuyện chung chạ được, bèn nhảy qua tường mà vào, đến bên cửa sổ gọi mãi, nhưng rốt cuộc chẳng một ai thưa. Bèn lại cửa chính nhòm vào thì nhà trống không mà cửa vẫn cài. Trộm ngờ cô gái có nơi hò hẹn nào khác. Đến đêm, lại tới, vẫn y như vậy, bèn tháo viên ngọc vẫn đeo bên mình để lại trên cửa sổ rồi đi.

Hôm sau gặp nhau ở buồng mẹ. Khi chàng đi ra, cô gái theo sau, nói:

- Chàng ngờ thiếp ư? Mỗi người đều có tâm sự riêng, không thể nói hết với người khác. Nay dẫu muốn chàng hết ngờ cũng đâu có được. Nhưng có một việc phiền chàng lo liệu gấp.

Hỏi việc gì, đáp:

- Thiếp có mang đã tám tháng rồi, e sinh nở nay mai. Nhưng danh phận của thiếp chưa rõ ràng, chỉ có thể sinh con cho chàng chứ không thể nuôi con cho chàng được. Chàng hãy thưa riêng với mẹ lo tìm một người vú nuôi, nói dối là con xin được chứ đừng nói là con do thiếp sinh ra.

Chàng nhận lời, về kể lại với mẹ, bà cười bảo:

- Con bé này kỳ thật! Hỏi cưới thì không chịu, mà lại ăn vụng với con mình.

Bà vui mừng làm theo ý nàng và chờ đợi. Lại cách hơn một tháng, có đến mấy ngày cô gái không sang. Mẹ lấy làm ngờ, đến cửa nhòm xem thì cửa đóng mà nhà vắng lặng. Gõ cửa hồi lâu mới thấy cô gái đầu bù tóc rối, mặt mũi không rửa, từ trong buồng bước ra, mở cửa cho bà vào xong, đóng lại ngay.

Vừa vào trong nhà đã nghe tiếng trẻ khóc oe oe trên giường. Bà kinh ngạc hỏi:

- Con sinh từ bao giờ vậy?

Nàng thưa:

- Đã ba ngày.

Giở tã lót ra xem thì là đứa bé trai, má bụ bẫm trán rộng, bà vui mừng nói:

- Con đã vì già mà nuôi cháu; một mình lênh đênh, rồi sẽ nương tựa vào ai?

Cô gái nói:

- Điều con canh cánh trong lòng, chẳng dám phơi bày cùng mẹ. Đợi lúc đêm hôm vắng vẻ sẽ cho cháu về với bà.

Mẹ về nói chuyện với con trai, cũng thầm cho là lạ. Đến đêm, bế đứa trẻ về. Lại mấy đêm sau, vào khoảng nửa đêm, cô gái bỗng gõ cửa, bước vào, tay xách chiếc túi da cười nói:

- Việc lớn của thiếp đã xong rồi. Từ nay xin vĩnh biệt!

Chàng vội hỏi duyên cớ, nàng nói:

- Công ơn nuôi mẹ thiếp vẫn khắc sâu trong dạ. Trước đây từng nói chỉ một lần thôi, không có lần thứ hai. Không phải có ý  đem việc chung đụng gối chăn ra để báo đáp. Chỉ vì chàng nghèo không thể lấy được vợ nên gắng sinh cho chàng một đứa con để nối dõi. Những mong chỉ một lần là thành, chẳng ngờ lại thấy có kinh nên phải "phá giới" lần thứ hai. Nay ơn chàng đã đền, chí thiếp đã  toại, chẳng còn gì ân hận nữa!

Hỏi:

- Trong túi có vật gì đấy?

Đáp:

- Đầu kẻ thù!

Hé ra cho nhòm, thì râu tóc bết vào nhau mà máu loang nhoè nhoẹt. Chàng sợ muốn đứt hơi, lại hỏi kỹ thêm. Nàng nói:

- Trước đây không dám nói với chàng, vì sợ nếu chuyện không giữ kín được sẽ lộ ra. Nay việc đã xong, kể chàng nghe cũng  chẳng hại gì. Thiếp vốn người Chiết Giang, cha làm quan Tư mã bị kẻ thù hãm hại, nhà cửa bị tịch biên. Thiếp phải cõng mẹ già đi trốn, ẩn giấu họ tên, chôn vùi tung tích đã ba năm rồi. Sở dĩ không báo thù ngay chỉ vì mẹ đang còn. Đến khi mẹ mất, lại vướng "khối thịt" đang mang trong bụng. Vì thế cứ nấn ná mà thành lâu. Đêm hôm nọ đi vắng, chẳng có duyên có gì khác, chỉ vì đường sá cổng ngõ chưa thông thuộc, sợ có sự nhầm lẫn mà thôi.

Nói xong, ra cửa, lại dặn rằng:

- Đứa con thiếp sinh ra, hãy chăm sóc cẩn thận! Chàng phúc mỏng, chẳng sống lâu được, con rồi sẽ làm rạng rỡ cửa nhà. Đêm khuya đừng làm kinh động đến mẹ, thiếp đi đây!

Chàng đang rầu rĩ, toan hỏi đi đâu thì nàng đã vụt đi nhanh như chớp, chỉ nháy mắt đã không thấy đâu nữa. Chàng than tiếc, đứng sững như kẻ mất hồn. Sáng hôm sau kể lại với mẹ, hai mẹ con cứ tấm tắc là chuyện lạ lùng.

Ba năm sau quả nhiên chàng mất. Đứa con mười tám tuổi đỗ Tiến sĩ, phụng dưỡng bà nội cho đến hết tuổi già.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Tầng
 Tác giả| Đăng lúc 18-5-2012 06:32:29 | Chỉ xem của tác giả
3

TRƯƠNG HỒNG TIỆM


Trương Hồng Tiệm người phủ Vĩnh Bình, mười tám tuổi đã là danh sư trong quận. Bấy giờ quan lệnh hạt Lư Long là ông Triệu nọ tham tàn bạo ngược, nhân dân đều khổ vì ông. Có chàng họ Phạm bị đánh chết, các bạn học phẫn nộ trước nỗi oan của bạn, định kêu lên quan Bộ viện, nhờ Trương viết lá đơn, hẹn chàng cùng tham dự. Trương bằng lòng.

Vợ chàng là Phương thị đẹp mà giỏi, nghe được mưu ấy, can rằng:

- Đại phàm Tú tài hành sự, có thể cùng chung thắng lợi mà không thể cùng chung thất baị. Thắng thì ai nấy tham công của  trời, một khi thất bại thì tan tác như ngói vỡ không sao họp lại được. Nay thế giới này là thế giới của thế lực, ngay hay queo khó xác định được bằng lý. Chàng lại đơn độc, hoặc giả công việc xấu đi, thì ai là ngược bằng.

Trương phục lời vợ, có ý hối, bèn lựa lời từ tạ các thư sinh, chỉ viết lá đơn rồi ra về. Qua thẩm vấn lần đầu, chưa biết là được hay không. Triệu đem số vàng lớn nộp cho các quan to, đám học  trò bị bắt hết vì tội kết bè đảng. Lại truy bắt người viết đơn kiện.

Đến địa giới phủ Phượng Tường, tiền đi đường cạn hết. Trời xẩm tối còn trù trừ giữa chốn đồng không, chẳng biết ngủ đổ nơi nào. Bỗng thấy một xóm nhỏ bèn rảo bước đi tới. Một bà già đang đi ra đóng cổng, thấy Trương, hỏi chàng cần gì. Trương kể tình thực. Bà già bảo:

- Ăn uống ngủ nghê đều là việc vặt cả. Có điều là không có đàn ông, không tiện giữ khách lại.

Trương nói:

- Tôi cũng không dám mong gì nhiều, chỉ xin ngủ nhờ trong cổng để tránh hùm sói là đủ.

Bà già bèn cho vào, đóng cổng lại, trao cho lá chiếu cói rồi dặn:

- Tôi thương khách không có chốn về, trộm cho ở lại qua đêm, tờ mờ sáng mai nên đi cho sớm, kẻo nương tử nhà chúng tôi hay biết ắt sẽ quở mắng.

Bà già đi khỏi, Trương tựa vào tường nhắm mắt nghỉ. Bỗng có ánh đèn lồng lấp loáng, Trương thấy bà già dẫn đường cho một nữ lang đi ra, vội vàng lánh vào chỗ tối, ghé mắt nhòm trộm, thì ra một cô gái đẹp chừng đôi mươi. Ra đến cổng, thấy cái chiếu cói, cô hỏi vặn bà già, bà già phải nói thực. Cô gái giận dữ mắng:

- Cả nhà toàn đàn bà con gái, sao dám chứa chấp trộm cướp? - Lập tức gọi: - Người kia đi đâu rồi?

Trương sợ hãi, bước ra phục dưới thềm. Cô gái xét hỏi họ hàng xong, sắc mặt dịu lại bảo:

- May là kẻ sĩ phong, lưu lại không đáng ngại. Nhưng u già không biết trình lên, sơ sài qua quít như thế này, há phải cách tiếp đãi người quân tử?

Liền sai bà già dẫn khách vào nhà. Lát sau bày rượu ra, phẩm vật tinh khiết, rồi lại sai trải đệm gấm trên giường. Trương  rất lấy làm cảm ơn, nhân đó hỏi riêng bà già họ tên gia chủ. Bà già  đáp:

- Nhà chúng tôi họ Thi, ông bà đều tạ thế, chỉ còn ba con gái. Người cậu gặp mới rồi là cô cả, tên là Thuấn Hoa đó.

Bà già đi ra, Trương thấy trên ghế có tập Nam Hoa kinh chú, bèn lấy để trên gối rồi phủ phục trên giường mở ra xem. Bỗng Thuấn Hoa đẩy cửa vào, Trương buông sách, tìm giày mũ. Cô gái đến bên giường ấn chàng ngồi xuống, bảo:

- Khỏi cần, khỏi cần!

Nhân đó nàng ngồi cạnh giường, thẹn thò bảo:

- Thiếp thấy chàng là bậc tài sĩ phong lưu, toan đem nhà cửa gởi gắm, lại e phạm phải mối ngờ dưa mận, chẳng hay có tránh khỏi bị vất bỏ không?

Trương hoảng sợ không biết trả lời ra sao, chỉ nói:

- Không dám giấu, tiểu sinh ở nhà đã có vợ rồi.

Cô gái cười:

- Điều đó tỏ rằng chàng rất thành thực, nhưng không ngại gì cả. Chàng đã không ghét bỏ thì đến mai xin phiền mai mối.

Nói xong toan đi ra. Trương nhổm người kéo lại, cô gái cũng ở lại. Trời chưa sáng đã trở dậy, tặng vàng cho Trương, bảo:

- Chàng giữ lấy dùng để đến thăm em. Về chiều, muồn muộn chàng hãy đến, kẻo người khác trông thấy.

Trương theo lời, sớm đi tối đến, nữa năm thành lệ thường. Một hôm, Trương đến khá sớm, tới chỗ ấy chẳng thấy thôn xóm  nào, vô cùng kinh ngạc. Đang loanh quanh thì nghe bà già lên tiếng:

- Sao cậu đến sớm thế?

Trong nháy mắt, nhà cửa y như cũ, còn mình đã ở trong phòng. Trương càng lấy làm lạ. Thuấn Hoa từ nhà trong đi ra, cười bảo:

- Chàng ngờ là thiếp chăng? Nói thực với chàng, thiếp là hồ  tiên, cùng chàng vốn có mối duyên xưa. Nếu chàng lấy làm quái dị, xin từ biệt ngay lập tức.

Trương quyến luyến sắc đẹp của nàng nên cũng yên tâm trở lại. Đến đêm bảo với nàng:

- Nàng đã là tiên, hẳn ngàn dặm chỉ bằng một hơi thở. Tiểu sinh xa nhà đã ba năm, nỗi nhớ vợ canh cánh bên lòng, vậy nàng có thể dắt tôi về thăm một lần được chăng?

Nàng có vẻ không bằng lòng đáp:

- Thiếp tự thấy tình cầm sắc sâu nặng hơn chàng. Chàng ở với người này lại nhớ người kia, đem cách ấy mà đối xử với người nhân ái với mình là sai lầm đấy.

Trương tạ lỗi nói:

- Sao nàng lại nói ra những lời như thế? Ngạn ngữ có câu: 'Một ngày vợ chồng, trăm năm ơn nghĩa'. Sau này tôi trở về, khi nhớ đến nàng cũng như hôm nay tôi nhớ vợ vậy. Thiết nghĩ có mới quên cũ, nàng cho thế là phải được sao?

Nàng bèn cười:

- Lòng dạ thiếp hẹp hòi, đối với thiếp, chỉ muốn chàng không quên; đối với người, chỉ mong chàng không nhớ. Nhưng nếu chàng muốn về thăm, việc ấy nào có khó gì? Nhà chàng chỉ cách gang tấc mà thôi.

Rồi cầm tay nhau ra khỏi nhà. Thấy đường sá tối tăm. Trương ngại ngần không dấn bước, nàng phải kéo đi. Chẳng bao  lâu, nàng bảo:

- Đến nơi rồi! Chàng về, thiếp hẵng đi đây!

Trương dừng chân nhận kỹ, quả thấy cổng nhà mình. Trèo  tường vào thấy trong nhà đèn còn sáng. Đến gần lấy hai ngón tay gõ cửa, bên trong hỏi là ai. Trương nói rõ vì sao về. Người bên trong cầm đèn, mở then, đúng là Phương thị. Đôi bên mừng rỡ, dắt tay vào màn. Trương thấy con trai nằm trên giường, cảm khái nói:

- Hồi tôi đi, con mới đứng đến đầu gối, nay người đã dài bằng chừng này rồi!

Vợ chồng dựa kề, ngỡ còn trong mộng. Trương bắt kể hết những gì đã trải. Hỏi đến việc kiện tụng, bấy giờ mới biết đám thư sinh kẻ chết vì đói rét trong ngục, kẻ bị đưa đi xa, Trương càng  phục tầm nhìn của vợ. Phương thị buông mình ngả vào lòng chồng nói:

- Chàng có thêm vợ đẹp, hẳn không còn nhớ đến người rơi lệ trong chăn đơn gối chiếc nữa nhỉ?

Trương đáp:

- Không nhớ, sao còn về đây? Với cô ấy, tuy gọi là gắn bó nhưng rút cục không phải người đồng loại, chỉ riêng ân nghĩa của cô ấy là khó quên mà thôi!

Phương thị đáp:

- Chàng tưởng thiếp là ai vậy?

Trương nhìn kỹ, thì đâu phải là Phương thị mà là Thuấn Hoa! Đưa tay sờ con thì chỉ là một cái gối tre. Trương ngượng quá, không nói sao được. Thuấn Hoa bảo:

- Lòng chàng thế nào đủ biết rồi! Lẽ ra dứt tình từ đây, còn may chàng chưa quên ơn nghĩa, sẩy chân tự chuộc vậy!

Vài ba ngày sau, nàng chợt nói:

- Thiếp nghĩ si tình quyến luyến chẳng có vị gì. Chàng hàng ngày oán thiếp không đưa đi, nay vừa hay thiếp định đến đô thành, tiện đường có thể cùng đến.

Bèn ngoảnh phía đầu giường lấy cái gối tre rồi cùng cưỡi lên. Thuấn Hoa dặn Trương nhắm mắt lại, chàng cảm thấy cách đất không xa, gió ù ù thổi. Lát sau đổ xuống. Nàng nói:

- Giã biệt chàng từ đây!

Trương đang định dặn dò, nàng đã đi mất hút, Trương đứng sững giây lát, nghe chó sủa trong thôn; giữa khoảng mênh mang thấy cây cối nhà cửa đều là cảnh vật làng cũ, bèn theo đường mà về.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

5#
 Tác giả| Đăng lúc 18-5-2012 06:34:40 | Chỉ xem của tác giả
Vượt tường gõ cửa, hệt như hôm trước. Phương thị giật mình trở dậy, không tin là chồng về, gạn hỏi chứng cớ xác thực, mới khêu đèn nghẹn ngào bước ra. Lúc thấy nhau, Phương thị không sao ngăn được nước mắt. Trương vẫn nghi Thuấn Hoa biến hoá, nên lại thấy đầu giường có đứa trẻ nằm như đêm trước, bèn cười:

- Lại đưa cái gối tre về đây à?

Phương thị không hiểu, mặt biến sắc nói:

- Thiếp mong chàng ngày dài bằng năm, ngấn nước mắt trên gối vẫn còn đó. Vừa gặp được nhau tuyệt không có luyến thương gì cả, không hiểu lòng dạ chàng ra sao?

Trương quan sát thấy đúng, bấy giờ mới nắm cánh tay vợ sụt sùi, kể lại tường tận. Hỏi đến kết cục của vụ kiện, quả như lời  Thuấn Hoa nói. Vừa mới cùng nhau cảm khái, đã nghe ngoài cửa có tiếng giày, hỏi không thấy thưa. Thì ra trong làng có tên Giáp là kẻ vô lại, trộm thấy nhan sắc Phương thị từ lâu. Đêm ấy từ thôn khác về, xa xa thấy người trèo tường, hắn chắc mẩm là kẻ hẹn hò gian dâm, bèn bám theo vào. Giáp vốn không quen biết Trương mấy, chỉ núp mà nghe. Đến khi Phương thị hỏi mấy lần, Giáp mới hỏi lại:

- Ai ở trong nhà thế?

Phương thị nói lảng:

- Có ai đâu!

Giáp nói:

- Tôi đứng nghe đã lâu, xin trộm phép bắt kẻ gian vậy.

Phương thị bất đắc dĩ phải nói thực. Giáp bảo:

- Cái án lớn của Trương Hồng Tiệm chưa xoá, hắn về nhà cũng phải trói nộp cho phủ quan.

Phương thị van nài mãi, Giáp càng nói sấn sổ. Lửa giận bốc lên, Trương vớ dao xông vào, chém vào đầu Giáp. Giáp ngã xuống vẫn kêu được. Trương đâm liền mấy nhát nữa hắn mới chết. Phương thị nói:

- Việc đã đến thế này, tội càng thêm nặng. Chàng trốn ngay đi, thiếp xin chịu tội.

Trương nói:

- Kẻ trượng phu chết thì chết, há chịu để nỗi nhục liên luỵ vợ con mà cầu sống hay sao? Nàng không phải lo nghĩ gì, chỉ cốt giữ sao cho thằng con này khỏi đứt mạch thư hương thì dù chết cũng nhắm mắt được rồi.

Sáng ra, Trương lên huyện thú tội. Trương vì là người trong vụ án nên tạm trừng trị sơ sơ. Ít lâu sau từ quận giải lên đô thành, cùm kẹp cấm đoán rất khổ. Trên đường đi, gặp một cô gái cưỡi ngựa có bà già dắt đi qua, chính là Thuấn Hoa. Trương gọi bà già lại để nói chuyện, nước mắt theo lời gọi tuôn trào. Cô gái quay ngựa lại, vén tấm sa che mặt, kinh ngạc hỏi:

- Anh họ tôi đây, sao lại đến nông nỗi này?

Trương kể vắn tắt, Thuấn Hoa bảo:

- Cứ như anh trước đây thì quay đầu không ngó ngàng tới mới phải, nhưng tôi không nỡ. Tệ xá không xa, xin mời các vị chức dịch cùng hạ cố, lại xin đỡ ít tiền đi đường.

Cả bọn đi theo vài ba dặm, thấy một xóm núi, lầu gác hẳn hoi. Thuấn Hoa xuống ngựa đi vào, sai bà già mở cửa mời khách. Rồi đó rượu, chả đầy đặn ngon lành dường như có chuẩn bị trước. Lại sai bà già ra nói:

- Trong nhà vừa hay không có đàn ông, xin Trương quan nhân mời thêm hai vị công sai mấy chén, rồi đây trên đường còn nhờ cậy các vị nhiều. Có điều đã sai người sửa soạn mấy chục lạng vàng để quan nhân làm lộ phí và thù tiếp hai vị, nhưng nay chưa tới kịp.

Hai viên chức dịch mừng lắm, thả sức uống, không nói đến chuyện lên đường nữa. Trời gần tối, hai tên nọ say mèm. Thuấn Hoa bước ra, chỉ tay vào gông, lập tức gông tuột ra. Nàng kéo Trương cưỡi chung một ngựa, ruỗi nhanh như rồng bay. Lát sau, giục chàng xuống ngựa bảo:

- Chàng xuống đây thôi. Thiếp có hẹn với em gái ở hồ Thanh Hải, lại vì việc chàng nấn ná mất một buổi, phiền cô ấy trông đợi lâu rồi.

Trương hỏi:

- Khi nào gặp lại nhau được?

Thuấn Hoa không đáp, hỏi lần nữa, nàng đẩy Trương xuống ngựa mà đi. Đến sáng, hỏi mới biết nơi ấy là Thái Nguyên. Trương bàn đến quận, thuê nhà dạy học trò, lấy tên khác là Cung Tử Thiên. Ở đấy mười năm, hỏi thăm biết việc truy lùng kẻ trốn đã lơi lỏng, lại loanh quanh trở về miền Đông. Gần đến cổng làng, không  dám vào ngay, đợi đến đêm khuya mới vào.

Tới cổng nhà, thấy tường cao kiên cố, không trèo qua được đành lấy roi ngựa đập cổng. Một lúc lâu, vợ mới ra hỏi. Trương thì thầm cho biết, vợ mừng quá, mở cho vào, rồi giả vờ lớn tiếng mắng:

- Ở đô thành có túng thiếu thì nên quay về cho sớm, ai khiến ngươi nửa đêm đến đây?

Vào đến nhà, kể cho nhau mọi chuyện, bấy giờ Trương mới biết hai tên công sai bỏ trốn chưa về. Đang trò chuyện, ngoài rèm có một thiếu phụ đi qua đi lại, Trương hỏi là ai, vợ đáp:

- Con dâu mình đấy!

Trương lại hỏi:

- Con bây giờ ở đâu?

Phương thị đáp:

- Con lên quận thi Hương chưa về.

Trương sa nước mắt:

- Lưu lạc chừng ấy năm, con nay đã khôn lớn nên người. Chưa kể việc con nối được mạch thư hương, chỉ riêng chờ mong, nàng cũng sắp cạn cả tâm huyết rồi.

Trò chuyện chưa dứt, con dâu đã hâm rượu nấu cơm, bày la liệt khắp bàn. Trương vui mừng quá sức mong đợi. Mấy ngày liền đều náu trong buồng, chỉ sợ người hay biết. Một hôm, vừa mới đi nằm, bỗng nghe tiếng người huyên náo, đập cửa rất gấp. Hai vợ chồng sợ quá, trở dậy. Nghe người nói:

- Có cổng sau không nhỉ?

Lại càng sợ, vơ vội lấy tấm cánh cửa thay thang đưa Trương trèo tường ra ngoài giữa đêm rồi mới ra cổng hỏi xem, thì ra người đến báo tin con thi đỗ. Phương thị mừng rỡ, hối hận để chồng bỏ trốn, không thể kéo lại được nữa. Đêm ấy Trương vượt bờ chui bụi, vội chẳng kịp chọn đường, đến sáng vô cùng mệt mỏi.

Lúc đầu vốn định đi về hướng Tây, bèn hỏi người qua lại, thì ra cách con đường lớn lên kinh đô không bao  xa nữa. Trương bèn vào trong làng, toan gán áo để ăn. Thấy một cái cổng cao, có dán tờ báo tin đỗ trên tường, Trương tới gần xem, biết là nhà họ Hứa, mới đỗ Hiếu Liêm.

Lát sau, một cụ già từ trong đi ra, Trương đón chào và kể tình thực. Ông già thấy dung mạo thanh nhã, biết không phải người kiếm miếng ăn bèn mời vào khoản đãi, nhân đó hỏi đi đâu. Trương nói thác:

- Vãn sinh mở trường dạy học ở đô thành, trên đường về gặp cướp.

Ông già giữ lại để dạy cậu út. Trương hỏi sơ chức tước thì ra là quan Kinh Đường đã nghỉ hưu; người đỗ Hiếu Liêm là cháu cụ. Hơn tháng sau, Hiếu Liêm dẫn một người đỗ cùng bảng đến chơi, nói là họ Trương quê Vĩnh Bình, trẻ tuổi, chừng mười tám mười chín. Trương thấy họ, quê đều đúng, bụng ngờ là con mình, nhưng  trong ấp có khá nhiều nhà họ Trương nên hẵng im lặng.

Đến tối, khi cởi bỏ trang phục, Hiếu Liêm họ Trương đưa tờ giấy 'bổ dụng' ra, Trương vội mượn coi, thì đúng là con trai mình, bất giác sa lệ. Mọi người kinh ngạc hỏi han, Trương chỉ vào tên mình nói:

- Trương Hồng Tiệm chính là tôi đây.

Rồi kể hết nguyên do. Hiếu Liêm họ Trương ôm lấy cha khóc ầm lên. Hai chú cháu ông cụ Hứa khuyên giải, an ủi, mới đổi buồn thành vui. Hiếu Liêm cùng họ Hứa lập tức gửi thư cùng tiền bạc thưa lên quan Ngự sử, rồi cha con họ Trương đưa nhau về.

Phương thị từ lúc được báo tin con đỗ, hàng ngày buồn vì nỗi chồng bỏ trốn, bỗng nghe tin Hiếu Liêm đã về, thì càng đau buồn thương cảm hơn. Lát sau, cha con cùng vào, Phương thị kinh hãi như thấy từ trên trời rơi xuống. Hỏi duyên cớ, mới cùng nhau mừng mừng tủi tủi.

Cha con của Giáp thấy con trai Trương vinh hiển, không dám manh tâm gieo họa nữa. Trương đãi ngộ rất hậu, lại kể rõ tình trạng đêm hôm ấy, cha Giáp cảm động thêm cả phần xấu hổ; từ đấy giao hảo với nhau.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

6#
 Tác giả| Đăng lúc 18-5-2012 07:34:31 | Chỉ xem của tác giả
4

LIÊN HƯƠNG


Thư sinh họ Tang tên là Hiểu, tự là Tử Minh, người Nghi Châụ. Mồ côi từ nhỏ, thuê nhà ở tại bến nước Hoa Hồng. Tang là người tính ưa trầm tĩnh, một mình cũng đủ vui, ngày hai bận ra ngoài, đến nhà hàng xóm phía đông ăn cơm, kỳ dư ngồi lỳ trong nhà mà thôi. Có anh học trò ở láng giềng phía đông tình cờ đến chơi, nói đùa rằng:

- Anh sống một mình mà không sợ ma hồ hử?

Chàng cười đáp:

- Là trượng phu thì sợ gì ma với hồ. Con trống đến ta có kiếm sắc, con mái đến thì còn phải mở cửa, rước vào ấy chứ!

Anh học trò láng giềng trở về, bày kế với bạn hữu, đêm bắc thang cho gái điếm trèo tường vào, rón tay gõ cửạ. Chàng nhìn ra, hỏi là ai, cô kỹ nữ tự xưng là mạ. Chàng khiếp đảm, răng va vào nhau lập cập. Cô gái quay gót trở rạ. Hôm sau, anh học trò láng giềng đến phòng học của chàng từ sớm. Chàng kể lại điều mình đã gặp, lại ngỏ sắp bỏ đây mà về. Anh học trò láng giềng cười hỏi:

- Thế sao không mở cửa rước người ta?

Chàng bỗng hiểu ra mình bi lỡm, bèn cứ ở yên như trước. Được chừng nửa năm, đang đêm một cô gái đến gõ cửa thư phòng. Chàng nghĩ đây chắc là trò đùa của bạn, bèn mở cửa mời vào, thì hoá ra là một mỹ nữ đẹp nghiêng thành. Ngạc nhiên, chàng hỏi từ đâu đến, nàng đáp rằng:

- Thiếp là Liên Hương, kỹ nữ ở khu nhà phía Tây.

Trên bến sông vốn có nhiều thanh lâu nên chàng tin ngay. Bèn tắt đèn lên giường, quấn quít bằng thích. Từ đó cứ cách dăm ba ngày lại một lần nàng đến. Một đêm, đang ngồi một mình trầm tư mặc tưởng thì một cô gái thướt tha bước vàọ. Chàng cứ ngỡ là Liên Hương, đón đợi để cùng trò chuyện, nhìn mặt hoá ra không phải, tuổi chỉ mười lăm, mười sáu, tay áo buông chùng, tóc thề bỏ xoã, phong vân thanh tú, bước đi uyển chuyển như chao qua lượn lại. Chàng thất kinh, ngờ là hồ. Cô gái bảo:

- Thiếp là con gái nhà lương thiện. Họ Lý, mến chàng cao nhã, mong được mắt xanh rủ lòng đoái đến.

Chàng mừng rỡ, cầm tay thấy lạnh như băng bèn hỏi:

- Sao mà lạnh thế?

Đáp:

- Tạng người mảnh dẻ, đêm nay lại phải dầm sương nước, không lạnh sao được!

Thế rồi giải quần là trút bỏ, lồ lộ là gái trinh. Nàng nói:

- Thiếp vì tình duyên xui khiến mà chỉ một sớm đánh mất tấm thân son trẻ; nếu không rẻ rúng là quê mùa, thì ngày ngày xin được hầu gối chăn. Không biết chốn khuê phòng còn có người nào nữa không?

Chàng đáp:

- Không có ai, chỉ có một nàng ca kỹ láng giềng, nhưng thỉnh thoảng mới đến.

Nàng bảo:

- Nếu thế thì phải cẩn thận đề phòng mới được.Thiếp không thể sánh vai với đám người trong kỹ viện, chàng hãy giữ kín chớ tiết lộ. Cứ bên kia đến thì bên này đi, bên kia đi thì bên này đến là được.

Gà vừa gáy, sắp từ biệt, nàng tặng lại một chiếc giày thêu, nói rằng:

- Đây là vật thiếp mang dưới chân, cầm mà chơi cũng gửi vào đây chút thương nhớ, nhưng lúc có người thì cẩn thận, đừng có đem nghịch.

Chàng nhận lấy, ngắm nghía, thấy mũi cong cong như chiếc dùi cởi nút, trong lòng rất thích thú. Đêm hôm sau nhân vắng người, lại mang ra sờ ngắm, bỗng cô gái từ đâu phơi phới đi đến, bèn lại quấn quít yêu đương. Từ đó mỗi lần mang giày ra, thế nào nàng cũng đến đúng như mình mong. Lấy lấy làm lạ, bèn gạn hỏi. Nàng cười nói:

- Tình cờ mà phù hợp đấy thôi.

Một hôm, Liên Hương đến, kinh ngạc hỏi:

- Chàng sao thần sắc tiều tuỵ thế?

Chàng nói chính mình cũng không rõ vì sao. Liên Hương bèn từ biệt mà đi, hẹn mười ngày sau sẽ trở lại. Sau khi nàng đi, Lý đến thường xuyên, không đêm nào vắng. Hỏi chàng:

- Người tình của chàng sao đã lâu lắm không thấy tới?

Nhân kể lại lời hẹn của Liên.

- Chàng xem nhan sắc của thiếp so với Liên Hương thế nào?

Đáp:

- Khá khen cả hai đều tuyệt sắc. Nhưng Liên Hương da dẻ có phần ấm áp hơn.

Mặt Lý Liên biến sắc, bảo

- Chàng nói đẹp cả đôi là nói trước mặt thiếp thế thôi! Ả ấy chắc phải là người tiên trong nguyệt điện, thiếp hẳn không bằng rồi.

Nhân thế rầu rĩ không vui. Rồi bấm đốt ngón tay, thì kỳ hẹn mười ngày đã đến, bèn dặn chớ có tiết lộ, để mình nhìn trộm cô  nàng xem sao. Đêm hôm sau, Liên Hương quả đến, cười nói rất đằm thắm. Kịp đến khi đi nằm, bỗng hốt hoảng kêu lên:

- Nguy rồi! Mười ngày không thấy mặt, mà sao đã suy nhược nhanh thế? Có đảm bảo là không gặp gỡ ai khác nữa đấy chứ?

Chàng hỏi duyên có vì sao. Nàng đáp:

- Thiếp cứ xét thần sắc thì biết. Mạch đập tán loạn như tơ rối, chứng này là ma ám rồi.

Đêm sau nữa Lý trở lại. Chàng hỏi:

- Ngắm Liên Hương thấy thế nào?

- Đẹp thật! Thiếp vẫn cho rằng trên đời không có người đẹp như vậy được, đích thị là hồ. Lúc đi rồi, mình bám theo đằng sau, thì ra ở núi Nam Ly, mà lại sống trong hang.

Chàng nghĩ cô ta ghen, nên cũng gật đầu cho qua. Sau đấy một đêm, lại đùa bỡn Liên Hương rằng:

- Tôi chẳng tin đâu, nhưng có người nói nàng là hồ đấy.

Liên vội hỏi ngay người ấy là ai. Cười đáp:

- Tôi nói đùa nàng đấy thôi!

Liên hỏi lại:

- Hồ thì khác gì người?

Đáp:

- Kẻ nào bị nó mê hoặc thì bị ốm, nặng quá là chết, vì thế mới đáng sợ.

Liên đáp:

- Không đúng đâu, như cỡ tuổi chàng, ba ngày sau khi chung chạ, tinh khí có thể phục hồi, dù là hồ đi nữa cũng có hại gì! Còn như đêm đêm đánh riết thì dẫu là người còn tệ hơn hồ nữa kia! Trong thiên hạ, những xác bệnh lao, những ma sài mòn, dễ thường đều là do hồ ám chết cả đấy? Tuy nhiên, hẳn là có kẻ nào thì thầm gì về tôi đây.

Chàng cố biện bạch là không có ai. Liên càng ra sức căn vặn. Núng thế chàng đành phải nói lộ ra. Liên bảo:

- Tôi vẫn thấy làm lạ sao chàng suy kiệt, nhưng có ngờ đâu lại chóng đến như vậy. Có lẽ đây không phải là người chăng? Chàng đừng nói gì, đêm mai sẽ làm đúng như cách hắn ta đã nhìn thiếp.

Đêm sau, Lý đến, vừa mới nói dăm ba câu lại nghe ngoài song có tiếng đằng hắng, lật đật bỏ đi. Liên bước vào ngó trước, nom sau:

- Chàng nguy thật rồi! Đấy đúng là ma. Mê sắc đẹp của nó mà không dứt sớm đi, đường về âm phủ xem chừng gần đấy!

Chàng bụng vẫn cho là nàng ghen, trầm ngâm không nói. Liên bảo tiếp:

- Vẫn biết chàng không phải là kẻ vong tình. Nhưng thiếp không nỡ ngồi nhìn chàng chết. Ngày mai sẽ xin đem thuốc tễ đến  để trừ âm độc cho chàng. Cũng may cuống bệnh còn nông, chỉ mươi ngày thì các chứng sẽ dứt. Xin nằm cùng giường để chăm nom cho đến lúc thuyên giảm.

Đêm hôm sau, nàng quả đến đem theo ít thuốc tán bón cho chàng. Chỉ một lúc, nuốt được hai ba lượt cảm thấy tạng phủ thư thái, tinh thần nhẹ nhõm hẳn. Bụng rất biết ơn, nhưng trước sau vẫn không tin là bệnh do ma làm. Liên đêm đêm nằm chung chăn, ôm lấy chàng. Chàng muốn cùng nàng giao hợp, song nàng ngăn lại.

Sau mấy ngày, da dẻ đã đầy đặn. Toan từ giã, khẩn khoản dặn phải dứt hẳn Lý. Chàng làm bộ nhận lời. Nhưng vừa đóng cửa, khêu đèn, đã cầm lấy chiếc giày mà tơ tưởng. Lý chợt đến ngay. Mới cách biệt mấy hôm, đã hơi có vẻ hờn dỗi. Chàng nói:

- Luôn mấy đêm cô ta phải lo thuốc thang giúp tôi, xin đừng vì thế mà đem lòng oán trách. Tình nồng mặn cốt ở nơi tôi.

Lý đã hơi nguôi nguôi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

7#
 Tác giả| Đăng lúc 18-5-2012 07:36:33 | Chỉ xem của tác giả
Trong khi đầu gối tay ấp, chàng đã hỏi nàng:

- Tôi yêu nàng lắm cơ, vậy mà có kẻ bảo nàng là ma đấy!

Lý cứng lưỡi hồi lâu:

- Hẳn là con chồn dâm đãng đã ton hót với chàng rồi. Nếu không dứt nó đi, thiếp không đến nữa đâu!

Đoạn nghẹn ngào nuốt nước mắt. Chàng phải hết lời khuyên giải mới nín. Cách một đêm, Liên Hương đến, biết Lý lại trở lại, giận giữ nói:

- Chàng hẳn muốn chết chăng?

Chàng cười đáp:

- Nàng ghen gì mà khiếp thế?

Liên càng giận nói:

- Chàng trồng cái mầm chết, thiếp đã vì chàng nhổ nó đi, không ghen thì biết làm thế nào được!

Chàng bày lời đùa cợt nói:

- Thế mà cô ta nói bệnh trước là do hồ ám đấy.

Liên than rằng:

- Nếu quả như lời chàng nói thì chàng đã lú lẫn, không còn tỉnh nữa. Vạn nhất có bề nào, thiếp dù trăm miệng cũng làm sao tự mình có thể phân tỏ được? Từ hôm nay xin giã biệt. Sau trăm ngày nữa sẽ đến thăm chàng ở tận đầu giường.

Giữ mấy cũng không được, cứ hậm hực đi thẳng. Từ đấy Lý sớm tối cập kề bên cạnh chàng. Được hai tháng, cảm thấy người mệt rũ. Mới đầu còn tự trấn an mình, nhưng rồi ngày càng gầy rộc đi, chỉ húp được một tô cháo loãng. Muốn về nhà để được chăm sóc, mà cứ quyến luyến không nỡ rứt đi ngay. Lần lữa đến mấy ngày, trở bệnh mê mệt, không dậy được nữa.

Anh học trò láng giềng thấy chàng ốm nặng, ngày ngày sai thằng nhỏ trong quán ăn mang cơm cháo đến nhà. Chàng bấy giờ mới đâm ngờ Lý.

- Ta hối hận đã không nghe lời Liên Hương nên mới ra nông nỗi nàỵ.

Nói xong, mắt tối sầm. Lúc sau tỉnh lại, mở to mắt nhìn quanh thì Lý đã đi mất. Từ đó hai bên mới đoạn tuyệt. Chàng nằm im giữa thư phòng trống vắng, ngóng đến Liên Hương như người ta mong đến ngày mưa. Một hôm, đang giữa lúc mơ mơ màng màng, bỗng một người cuốn rèm bước vào, thì đúng là Liên Hương. Đến sát bên giường, cất giọng mát mẻ:

- Anh chàng nhà quê! Nào tôi có nói điêu đâu!

Chàng nghẹn ngào hồi lâu, nói rằng mình đã biết tội, chỉ mong được cứu vớt. Liên bảo:

- Bệnh đã vào đến cao hoang, thật hết phương cứu chữa, tôi chỉ đến đây cốt để nói với nhau một lời vĩnh biệt, để tỏ rõ không có gì ghen tuông.

Chàng buồn thảm quá, nói rằng:

- Một vật dưới gối, phiền nàng đập nát dùm tôi.

Liên tìm được chiếc giày, đưa cầm ra trước đèn xoay trở ngắm nhìn. Cô gái họ Lý ở đâu vụt bước vào, thoạt trông thấy Liên  Hương, quay ngoắt lại định chạy. Liên vội lấy thân chắn ngang cửa. Lý quẫn bách không còn biết chạy đi đâu. Chàng trách móc đay nghiến. Lý không sao đáp lại được.

- Hôm nay tôi mới được cùng dì dàn mặt để hỏi nhau đôi câu. Hồi trước bảo rằng bệnh cũ của lang quân vị tất đã không phải do tôi gây ra, nay rốt cuộc thế nào?

Lý cúi đầu tạ lỗi, Liên nói:

- Mỹ miều như thế mà nỡ đem tình yêu để kết oán thù ư?

Lý vật mình xuống đất khóc ròng, xin rủ lòng thương xót mà cứu giúp. Liên đỡ dậy, hỏi kỹ về thuở sinh thời.

- Thiếp là con gái ông Thông phán họ Lý, chết non, chôn ở phía ngoài bức tường này. Như con tằm xuân, chết rồi mà mối tơ  thừa vẫn còn vấn vương chưa dứt. Cùng chàng gắn bó là ước nguyện của thiếp, đẩy chàng đến chỗ chết thật không phải bản tâm.

Liên hỏi:

- Nghe nói loài ma, hễ người khác chết thì lợi cho mình, vì chết rồi sẽ đoàn tụ mãi bên nhau, có thực thế không?

Đáp:

- Không đúng đâu, hai con ma gần gũi nhau, tịnh không có chút lạc thú. Như quả thích thú thì những chàng trai trẻ dưới suối vàng có thiếu đâu!

Liên bảo:

- Thực đến là ngốc! Đêm nào đêm ấy làm miết, đến người cũng không kham nổi, huống hồ là ma!

Lý nói:

- Hồ cũng có thể làm chết được người, chỉ có pháp gì riêng mình lại không?

Liên đáp:

- Đó là hạng chuyên rút tinh bổ khí. Tôi không phải là hạng ấy. Mới hay, trên đời vẫn có giống hồ không hại người, chứ quyết không có giống ma nào không hại người cả, là vì âm khí thịnh quá.

Chàng nghe hai bên trao đổi, mới biết hồ và ma đều là chuyện thực. Cũng may tiếp xúc lâu ngày đã quen, nên không còn thấy rợn mấy nữa. Song nghĩ mình chỉ còn chút hơi tàn như sợi tơ, bất giác rống lên khóc thất thanh. Liên quay lại hỏi Lý:

- Giờ xử trí thế nào cho chàng đây?

Lý đỏ mặt, nhún nhường từ tạ, Liên đáp:

- Chỉ sợ chàng khoẻ mạnh rồi, nương tử lại thói chanh chua vẫn đâu vào đấy.

Lý khép vạt áo vái mà nói:

- Nếu gặp được tay đại danh y để thiếp khỏi phải phụ lòng chàng, thì cũng đáng vùi đầu mãi dưới đất đen, còn dám đâu ngẩng mặt lên với đời nữa.

Liên bèn cởi đẫy, lấy thuốc ra, nói:

- Tôi sớm biết có ngày hôm nay nên sau khi cùng chàng bái biệt đã trèo lên ba ngọn núi hái thuốc; trải ba tháng trời, mới đủ  mọi vị. Dẫu bệnh đến sài mòn lịm chết, cho uống vào cũng ít ai  không tỉnh lại. Chỉ có điều, chứng bệnh do đâu thì phải lấy đấy làm vị dẫn thuốc. Cho nên không thể không cậy mình giúp sức.

Hỏi cần gì, đáp:

- Một chút nước dãi thơm trong khoé miệng anh đào đấy thôi. Tôi đặt viên thuốc vào, nhờ mình áp miệng vào nhổ cho trôi  xuống.

Lý đỏ bừng cả mặt, cúi gầm đầu xuống đưa mắt ngó chiếc giày. Liên đùa nói tiếp:

- Sở thích của em chỉ là chiếc giày đó thôi à?

Lý càng hổ thẹn, cúi hay ngửa, không còn biết giấu mặt đi đâu. Liên nói:

- Ngón ngạo lúc bình thường, nay còn tiếc gì nữa chứ?

Rồi lấy một viên thuốc để vào môi chàng, quay sang thúc ép Lý. Lý không đừng được, phải áp vào miệng mà mớm. Liên nói:

- Nữa đi!

Lại mớm nữa. Mớm đến ba bốn lần, thuốc mới trôi xuống họng. Chỉ một lát, bụng nghe ùng ục như tiếng sấm. Liên lại đặt một viên thuốc khác, rồi tự mình áp môi hà hơi vào. Chàng cảm thấy vùng rốn như có lửa đốt, tinh thần sảng khoái bừng dậy. Liên bảo:

- Khỏi rồi.

Lý nghe gà đã gáy, bàng hoàng giã biệt ra đi. Liên nghĩ chàng mới khỏi, cần phải điều dưỡng, ra quán cơm ăn cơm cũng chưa nên, bèn khoá trái cửa ở bên ngoài, vờ làm như chàng đã về quê, để dứt hẳn bạn bè lai vãng, ngày đêm giữ gìn, săn sóc chàng. 

Lý tối nào cũng đến, hầu hạ rất ân cần, coi Liên như chị, Liên cũng thương yêu hết lòng. Ở được ba tháng, chàng mạnh khoẻ như xưa. Lý bèn bẵng đi dần, cách hai ngày đêm mới một lần trở lại. Tình cờ có tới cũng ngó qua một chút rồi đi ngay. Lúc gặp mặt nhau chỉ rầu rầu không vui. Liên thường giữ nàng ở lại ngủ chung, cũng không nghe. Chàng phải chạy theo ra, kéo lại, bế thốc về, người cứ nhẹ như  hình nhân bằng cỏ. Nàng không còn trốn vào được, bèn để nguyên áo xống mà nằm, cuộn tròn mình lại, không đầy hai thước.

Liên càng thương, ngầm bảo chàng ôm ấp, nhưng lay mấy cũng không tỉnh. Chàng ngủ thiếp đi, lúc tỉnh dậy tìm, thì đã biến mất. Luôn mười ngày sau cũng không thấy trở lại. Chàng tưởng nhớ da diết, thường mang chiếc giày ra cùng đùa nghịch. Liên bèn nói:

- Yểu điệu như thế, thiếp thấy cũng còn thương, huống gì là nam giới.

Chàng nói:

- Ngày trước cứ mỗi lần nghịch đến giầy thì lại xuất hiện, trong lòng đã lấy làm ngờ, nhưng chung quy vẫn chẳng nghĩ được  là ma. Nay nhìn giầy lại tưởng đến dung nhan, thật đáng mủi lòng.

Nói rồi chảy nước mắt.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

8#
 Tác giả| Đăng lúc 18-5-2012 07:38:54 | Chỉ xem của tác giả
Nguyên trước đấy có nhà phú ông họ Trương, có người con gái tiểu tự là Yến Nhi, tuổi vừa mười lăm, bị bệnh không thoát được mồ hôi mà chết. Qua một đêm bỗng tỉnh lại, ngồi dậy ngó quanh rồi định chạy. Trương khoá cửa lại, không ra được, cô gái bèn tự nói rằng:

- Tôi là hồn con gái ông Thông phán, cảm mối tình quyến luyến của chàng Tang, có chiếc giày còn để lại ở nhà chàng. Tôi  thực là ma, giữ lại có ích gì?

Nghe lời nói có vẻ ngon ngành, bèn hỏi duyên cớ vì sao lại đến đây. Cô gái bồi hồi nhìn lui nhìn tới, mơ màng không hiểu ra sao cả. Có người nói thư sinh họ Tang vì ốm đau đã về quê rồi thì cô một hai bảo là nói dối. Người nhà đâm hoang mang. Anh học trò phía đông nghe chuyện, trèo tường vào nhìn thử xem, thấy chàng cùng một người đẹp đang đối mặt chuyện trò. Bất ngờ chạy sấn vào tận nơi; nhưng giữa lúc đang nhớn nhác, người đẹp đã biến mất. Anh học trò láng giềng thất kinh, gặng hỏi. Chàng cười đáp:

- Độ trước chẳng đã nói với bác "con mái thì rước vào" đấy thôi.

Anh học trò láng giềng thuật lại lời Yến Nhi. Chàng liền mở cổng, định đi sang để di xét thực hư, khổ nỗi không tìm ra cớ gì để đến nhà họ cả. Bà Trương nghe chàng quả chưa về quê, lại càng lấy lạ, bèn sai một mụ ở tới hỏi chiếc giày. Chàng lấy trao ngay. Yến Nhi nhận được, mừng rỡ, thử xỏ chân vào thử thì giày nhỏ hơn chân đến một tấc. Sợ quá, cầm gương tự soi, bất chợt hiểu ra mình đã mượn thây người khác để sống lại. Bèn thuật lại đầu đuôi, mẹ mới tin là thực. Cô gái soi mặt vào gương, khóc oà lên rằng:

- Mặt mũi hồi trước còn hơi tự tin một chút, thế mà mỗi lần gặp chị Liên vẫn xấu hổ vì thua kém, nay lại như thế này, thì làm  người chẳng bằng làm ma cho xong.

Bèn cầm chiếc giày gào khóc, khuyên mấy cũng không được. Rồi trùm chăn nằm không nhúc nhích, bảo ăn cũng chẳng ăn, mình mẩy sưng phù lên. Suốt bảy ngày không ăn, rốt cuộc vẫn không chết, mà bệnh phù rạp xuống dần. Cảm thấy đói không nhịn được nữa, bèn ăn trở lại. Vài ngày sau, khắp mình ngứa ngáy, da dẻ bong ra hết. Một buổi sáng ngủ dậy, đôi giày ngủ tuột ra từ lúc nào, vội nhặt lấy mang vào thì rộng tuênh, không vừa chân nữa. Nhân đấy bèn thử lại chiếc giày cũ, thì cỡ chân gầy béo nay thật vừa vặn, đã thấy mừng, lại lấy gương soi lại, thì lông mi,  con mắt, gò má, khoé miệng, giống hệt như thuở bình sinh. Càng bội phần mừng rỡ.

Rửa mặt chải đầu rồi lên thăm mẹ. Ai nấy cũng nhìn chăm chăm. Liên Hương nghe câu chuyện lạ, khuyên chàng nên nhờ người mối đánh tiếng, nhưng chàng nghĩ giàu nghèo cách trở, không dám đường đột đến ngay. Gặp ngày sinh nhật bà Trương, bèn theo đám con rể nhà ấy đến mừng thọ. Bà Trương nhìn thấy tên chàng, bèn bảo Yến Nhi đứng trong rèm nhìn ra để nhận mặt khách.

Chàng đến sau cùng. Cô gái chạy thốc ra, túm lấy vạt áo, định theo chàng cùng về. Mẹ phải nạt cho, mới xấu hổ quay lại. Chàng nhìn kỹ, rõ ràng là đúng, bất giác trào nước mắt, bèn phục xuống lậy không chịu đứng dậy nữa. Bà mẹ đến đỡ, cũng không cho là sàm sỡ.

Chàng trở về, cậy ông cậu của cô gái đến làm mối. Bà mẹ định chọn ngày lành cho chàng đến ở gửi rể. Chàng trở về nói với  Liên Hương và đem chuyện đi hay ở ra bàn. Liên buồn bã hồi lâu, rồi toan từ biệt mà đi. Chàng cả kinh, bật khóc lên. Liên nói:

- Chàng làm lễ động phòng hoa chúc ở nhà người ta, thiếp theo chàng đến đấy, thì còn gì là mặt mũi nữa.

Chàng tính kế trước hãy cùng nàng trở về làng cũ, rồi sau sẽ đón Yến Nhi, Liên mới chịu theo lời. Chàng đem tình thực thưa lại với họ Trương. Trương nghe chàng đã có vợ rồi, nổi giận buông lời trách móc. Yến Nhi phải hết sức phân trần, mới cho được như lời xin. Đến ngày cưới, chàng đi đón dâu, nhà cửa bài trí có phần qua quít; đến lúc về thì từ ngoài cổng vào đến nhà lớn, thảm lông chim trải kín mặt đất, trăm nghìn đèn lồng, rực rỡ như gấm.

Liên Hương đỡ cô dâu vào phòng cưới, làm lễ giao bái xong, lại cùng nhau hoan hỉ như ngày nào. Liên ngồi bên hai người tiếp chén rượu hợp cẩn, nhân hỏi cặn kẽ câu chuyên lạ hoàn hồn. Yến nói:

- Hôm ấy, em cứ ưu uất không nguôi, chỉ vì nỗi mình với người lại là di loài. Tự thấy hình hài của mình thật là nhơ bẩn. Sau khi chia tay, phẫn chí không trở về mộ, đành theo gió trôi dạt khắp nơi. Hễ thấy người sống thì lại thèm. Ban ngày nương vào cây cỏ, đêm thì nổi chìm phó mặc bước chân. Tình cờ đến nhà họ Trương, thấy một cô thiếu nữ nằm trên giường, bèn lại gần nhập vào, có hay đâu lại được sống lại.

Liên nghe chuyện, trầm ngâm, có dáng nghĩ ngợi. Qua hai tháng, Liên sinh một con trai. Sinh xong, bị bạo bệnh, suốt ngày nằm ly bì. Bèn cầm tay Yến dặn dò:

- Phiền em vất vả nuôi dùm cái giống oan nghiệt này. Con ta cũng là con mình.

Yến chảy nước mắt, lựa lời khuyên giải muốn mời thầy lang, nhưng nàng khước từ. Bệnh ngày thêm nguy kịch, hơi thở mỏng  manh như sợi tơ. Chàng và Yến Nhi đau khóc. Bỗng nàng mở  bừng mắt ra nói:

- Đừng thế! Các người lấy sống làm vui, riêng ta lấy chết làm thích. Nếu quả có duyên, sau mười năm nữa lại được họp mặt.

Nói xong thì chết. Mở chăn ra định liệm, thấy đã hoá thành con hồ. Chàng không nỡ coi là khác loài, lo tang gia hậu hỹ. Con trai tên là Hồ Nhi, Yến nuôi nấng như con đẻ. Mỗi lần gặp tiết thanh minh, thế nào cũng bế con đến khóc trước mộ mẹ. Về sau, chàng đậu kỳ thi Hương, nhà dần dần sung túc, mà Yến vẫn khổ sở vì không sinh đẻ.

Hồ Nhi cũng khá thông tuệ, nhưng tạng người yếu đuối, lại lắm bệnh. Yến vẫn muốn tìm người vợ lẽ cho chồng. Một hôm, con hầu bỗng vào thưa:

- Ngoài cửa có một bà cụ, dắt theo người con gái muốn tìm chỗ bán.

Yến cho gọi vào. Thoạt nhìn thấy giật nẩy mình nói:

- Chị Liên lại ra đời đấy chăng?

Chàng nhìn cô ta thì giống hệt, nên cũng hoảng. Hỏi:

- Bao nhiêu tuổi rồỉ.

Đáp rằng:

- Mười bốn.

- Tiền cưới định lấy bao nhiêu?

Đáp:

- Thân già chỉ được có mụn con này, chỉ cốt nó được chốn yên thân, mà tôi cũng có nơi để kiếm miếng cơm, ngày sau nắm xương tàn không đến nỗi bỏ nơi ngòi rãnh, thế là đủ.

Chàng bèn trả giá cao, rồi giữ luôn bà cụ lại. Yến cầm tay cô gái, dắt vào buồng kín, nâng cằm, cười mà bảo:

- Mày có biết tao không?

Thưa rằng:

- Không biết.

Hỏi họ là gì, đáp:

- Thiếp họ Vi. Bố làm nghề bán nước ở trong thành Từ Châu, chết đã ba năm rồi.

Yến bấm ngón tay tính lại thì Liên vừa chết đúng mười bốn năm. Lại ngắm nhìn cô gái, dung nhan, cử chỉ, chỗ nào cũng giống Liên Hương đến thần tình. Bèn vỗ vỗ vào trán mà gọi to lên rằng:

- Chị Liên, chị Liên! Cái hẹn "mười năm lại gặp" đúng là không lừa tôi.

Cô gái bỗng như trong mộng bừng tỉnh, thình lình mắt sáng lên, nói:

- A!

Rồi nhìn kỹ Yến Nhi. Chàng cười bảo:

- Đó là "Dường như quen nhau én lại về" đấy.

Cô gái ràn rụa nước mắt, nói:

- Phải rồi. Nghe mẹ bảo, lúc thiếp mới sinh ra đã biết nói, nghĩ là điềm không lành, lấy máu chó cho uống, nên mới lú lấp cả  nhân duyên kiếp trước. Hôm nay thực như trong mơ chợt tỉnh. Nương tử đây có phải là em Lý vẫn hổ thẹn vì phải làm ma không em?

Bèn cùng nhau trò chuyện về quãng đời thuở trước, buồn vui xen lẫn tuôn trào. Một hôm, gặp tiết hàn thực, Yến bảo:

- Đây là ngày hàng năm em và chàng vẫn khóc chị đấy.

Nói đoạn cùng nhau thân hành đi thăm mộ. Cỏ hoang đã xanh rờn, cây đã vừa ôm, nàng cũng động lòng than thở. Yến bảo chàng rằng:

- Thiếp và chị Liên đã hai đời tình nghĩa, không nỡ lìa nhau, nên cho nắm xương trắng được cùng huyệt.

Chàng làm theo lời, đào mộ Lý, lấy xương mang về hợp tán ở mộ Liên. Họ hàng, bè bạn nghe câu chuyện lạ, mặc lễ phục kéo đến tận huyệt, không hẹn mà tụ họp đến vài trăm người.

Năm Canh tuất, ta đi chơi miền Nam đến đất Nghi, vì mưa ngăn trở, phải nghỉ lại ở quán trọ. Có thư sinh Lưu Tử Kính là thân thích bên ngoại của chàng Tang, đưa cho xem chuyện chàng Tang do người trong cùng văn xã là Vương Tử Chương soạn, khoảng hơn một vạn chữ, được đọc hết. Trên đây chỉ là tóm lược mà thôi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

9#
 Tác giả| Đăng lúc 18-5-2012 22:34:11 | Chỉ xem của tác giả
5

THÔI MÃNH


Thôi Mãnh, tên tự là Vật Mãnh, con nhà thế gia ở Kiến Xương. Tính cương nghị. Thuở nhỏ đi học, bọn trẻ hơi có gì xúc phạm đến thì lập tức vung tay đánh liền. Thầy học nhiều lần răn đe nhưng vẫn không chừa. Tên và tự đều do thầy đặt cho. Đến mười sáu mười bảy tuổi thì võ nghệ cao cường tuyệt luân. Lại có thể chống sào dài nhảy lên nóc nhà. Rất thích giúp người khác và rửa sạch bất bình. Vì vậy, người làng đều cảm phục. Trong nhà ngoài cửa thường đứng đầy những người đến bẩm bạch, tố cáo. 

Thôi ưa chế ngự kẻ mạnh, nâng đỡ người yếu, không sợ oán thù. Ai ho he dám chống lại thì gạch, đá, gậy gộc choảng luôn, kỳ cho đến tay chân thân thể phải tàn tật. Mỗi lần thịnh nộ bốc lên, không ai còn dám khuyên can. Duy chàng thờ mẹ rất có hiếu, hễ mẹ đến là nguôi giận ngay. Mẹ trách quở đũ điều, Thôi dạ dạ vâng lời, nhưng ra khỏi cửa lại quên mất. 

Liền bên nhà, có một người đàn bà rất hung hãn, ngày ngày ngược đãi mẹ chồng. Mẹ chồng đói lả gần chết, con trai lén cho ăn, chị ta biết được, thét mắng trăm điều, vang động khắp bốn bên hàng xóm. Thôi giận lắm, vượt tường sang xẻo luôn tai, mắt, mũi, môi, lưỡi. Mụ chết ngay.

Mẹ hay tin kinh hoàng, gọi anh hàng xóm qua, hết lòng xót thương an ủi, gả cho anh ta một con hầu trẻ, việc mới yên. Mẹ phẫn chí khóc lóc không chịu ăn. Thôi sợ, quỳ xuống xin chịu đòn, lại thưa rằng đã biết hối. Mẹ cứ khóc, không thèm nhìn.  Vợ Thôi họ Chu, cùng quỳ xuống với chồng; mẹ bèn cầm gậy đánh con, rồi lại lấy kim thích vào cánh tay, thành hình chữ thập, dùng sơn bôi vào cho khỏi mất dấu. Thôi đều xin chịu hết, mẹ mới ăn trở  lại.

Bà mẹ thích đãi cơm các nhà sư và đạo sĩ, thường mời họ dùng bữa no nê. Xảy có một đạo sĩ ở trước cửa thì Thôi đi qua. Đạo  sĩ nhìn Thôi mà nói:

- Tôi xem lang quân có nhiều khí hung hoạnh, sợ khó giữ được cho tròn tuổi thọ. Nhà tích thiện đáng ra không có người như vậy.

Thôi vừa mới nhận lời răn của mẹ, nay nghe được điều đó thì tỏ cung kính mà nói:

- Chính tôi cũng tự biết thế, nhưng hễ thấy bất bình, thì khó mà kìm được. Gắng hết sức sửa đổi, hoặc giả có tránh được không? 

Đạo sĩ cười nói:

- Hẵng đừng hỏi tránh được hay không tránh được, mà trước xin tự hỏi có thể sửa đổi hay không sửa đổi thôi. Chỉ nên tự mình ức chế thật riết; nếu muôn phần được một thì tôi sẽ mách anh một phép giả tử.

Bình sinh Thôi không tin bùa phép, nên chỉ cười mà không nói gì. Đạo sĩ nói tiếp:

- Tôi biết lang quân không tin, nhưng lời tôi nói chả phải như lời bọn đồng cốt. Cứ làm được cũng đã là thịnh đức, dẫu không công hiệu cũng chẳng hại gì.

Thôi xin được nghe lời dạy bảo. Đạo sĩ bèn nói:

- Vừa có một kẻ hậu sinh đi qua trước cửa kia, anh nên kết giao thật hậu tình với hắn; sau này có phạm tội chết, thì người ấy có thể cứu sống anh được.

Nói rồi gọi Thôi ra chỉ cho biết người đó. Thì ra đó là thằng bé con nhà họ Triệu, tên là Tăng Kha. Triệu là người đất Nam Xương, gặp năm đói kém phải đến ngụ cư ở Kiến Xương. Từ đấy Thôi bèn cùng Triệu giao kết thân tình, mời dọn sang ở nhà mình, cung cấp cho rất hậu. Tăng Kha tuổi mới mười hai, lên nhà lạy mẹ, nhận nhau làm anh em.

Năm sau, đến vụ canh tác mùa xuân. Triệu đem gia quyến đi, từ đó không có tin tức gì. Bà cụ họ Thôi, từ khi người đàn bà hàng xóm chết, răn con càng cẩn mật; có người nào đến kêu nài, cầu cứu gì, bà đều xua gạt đi. Một hôm, cậu ruột Thôi mất, chàng theo mẹ sang viếng, giữa đường gặp mấy người đang trói giải một người đàn ông, vừa mắng chửi vừa thúc đi cho nhanh, lại còn đánh đập. Người xem nghẽn cả đường, xe không tiến lên được.

Thôi hỏi duyên do, thì những người biết Thôi đều xúm đến mách bảo. Nguyên trước đây cậu con trai một vị chức sắc lớn, là tên Giáp nọ, ngang ngược nhất làng, dòm thấy vợ chàng Lý Thân có nhan sắc, muốn chiếm đoạt, nhưng không có cớ gì, bèn bảo người nhà dụ anh ta đánh bạc, đưa tiền cho vay, lấy lãi rất nặng, bắt  đem cả người vợ ghi vào khế văn, thua hết lại cho vay, một đêm nợ đến vài nghìn.

Được nửa năm thì nợ mẹ đẻ nợ con đã hơn ba mươi nghìn. Thân không sao trả được, cậy thế đông người chúng đến cướp lấy người vợ. Thân đến cửa mà khóc lóc, Giáp giận, bắt trói, treo lên cây, đánh bằng roi, cứa bằng dao, và bức phải làm tờ giấy không kêu nài. Thôi nghe nói, nộ khí bốc lên ngùn ngụt, gia roi cho ngựa tiến lên, ý muốn dụng võ. Mẹ Thôi vén rèm xe, gọi lại bảo:

- Chà, lại thế đấy hả? 

Thôi đành phải làm nhịn. Viếng tang xong trở về, không nói cũng không ăn, chỉ ngồi sững, mắt nhìn thẳng, như đang giận dữ người nào. Vợ căn vặn cũng không buồn đáp. Đến đêm, mặc cả áo ngoài, nằm trên giường, trằn trọc mãi đến sáng. Đêm sau cũng vậy, chợt mở cửa đi ra rồi lại trở vào nằm, cứ như thế đến ba bốn lần. Vợ không dám hỏi, chỉ lo lắng nín im để xem sao.

Thế rồi lại ra đi, rất lâu mới về, khép cửa lên giường ngủ say. Cùng đêm ấy, có người đã giết tên Giáp trên giường nằm, phanh bụng rút ruột ra ngoài; thây của vợ Thân cũng loã lồ nằm ở dưới giường. Quan nghi cho Thân, bắt về tra xét, cùm kẹp tàn khốc, lòi cả xương mắt cá chân nhưng vẫn không cung xưng; hơn một năm không chịu nổi cực hình, phải nhận liều, bị ghép vào tội tử hình. Vừa gặp lúc mẹ Thôi mất. Chôn cất xong, chàng bảo vợ rằng:

- Kẻ giết tên Giáp, chính là ta. Chỉ vì còn mẹ già, không dám tiết lộ. Nay việc lớn đã xong, cớ sao một người làm lại để kẻ khác vạ lây? Ta sắp ra nhận tội chết trước nhà chức trách. 

Vợ kinh hãi, túm áo kéo lại, chàng dứt chéo mà đi, tự ra thú nhận ở pháp đình. Quan ngạc nhiên, cùm lại, tống vào ngục, mà tha cho Thân. Thân không chịu, cứ một mực nhận tội. Quan không thể quyết, giam cả hai. Họ hàng thân thuộc chê trách Thân. Thân nói:

- Cái việc mà công tử làm, là việc ta muốn làm mà không làm được. Công tử đã làm thay cho ta, mà ta lại nỡ lòng ngồi nhìn công tử chết hay sao? Nay ta cứ coi như công tử chưa ra đầu thú là được rồi. 

Rồi cứ giữ nguyên, không đổi lời khai, lại cố tranh tội với Thôi. Lâu về sau nha môn cũng biết duyên cớ, bắt Thân phải ra  khỏi ngục, để Thôi chịu tội. Ngày xử quyết đã gần đến, xảy có quan Tuất Hình Triệu Bộ Lang tới duyệt các án tù. Đọc đến tên Thôi Mãnh, ông gạt hết mọi người ra rồi cho gọi vào. Thôi vào, ngẩng nhìn lên công đường, thì là Tăng Kha. Vừa buồn vừa mừng, nói hết tình thực.

Triệu bồi hồi một lúc lâu, rồi vẫn truyền tống giam, dặn lính ngục phải đối đãi tử tế. Dần dần lấy cớ là đã biết tự thú được giảm đẳng, sung làm lính thú Vân Nam. Thân cũng được đi theo để phục dịch. Chưa đầy một năm, được viện lệ ân xá mà về, đều là nhờ sức của Triệu cả. Sau khi đã về, Thân vẫn theo không rời, nhận làm quản gia cho chàng, nhưng trả tiền không lấy, chỉ những thuật leo trèo đánh đá là chú tâm tập luyện. Thôi đãi ngộ rất hậu, cưới vợ cho và cấp cho ruộng đất.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

10#
 Tác giả| Đăng lúc 18-5-2012 22:35:42 | Chỉ xem của tác giả
Riêng Thôi, từ đó cố gắng sửa đổi tính nết cũ, mỗi khi sờ đến vết kim châm trên cánh tay, thì ràn rụa nước mắt. Trong làng xóm có xảy ra việc gì, thì Thân tự thác mệnh Thôi lo liệu dàn xếp mà không bẩm cho Thôi hay. Có viên giám sinh họ Vương, là nhà hào phú, bọn vô lại bất nhân bốn phương thường hay thậm thụt ra vào cửa hắn. Những nhà khá giả trong ấp phần lớn đều bị chúng cướp bóc, nếu có ai dám trái ý, hắn sai bọn cướp giết ngay ngoài đường. Con hắn cũng dâm bạo.

Vương có một bà thím goá chồng. Cả hai cha con cùng gian dâm với bà. Vợ là Cừu thị mấy lần can ngăn Vương, Vương liền thắt cổ nàng cho chết. Anh em họ Cừu kiện lên quan thì Vương đút lót để người cáo giác mình phải mang tội vu khống. Hai anh em chịu oan uất không có cách gì phân giải được, bèn tìm đến Thôi để kêu cầu, tố cáo. Song bị Thân cự tuyệt đuổi đi.

Vài ngày sau có khách đến, gặp lúc không có người hầu ở nhà. Thôi bảo Thân pha trà, Thân làm thinh đi ra nói với người khách rằng:

- Tôi với Thôi Mãnh chẳng qua cũng là bạn bè thôi. Theo nhau đi đày ở ngoài muôn dặm, không thể nói là không tận tình. Thế mà đã không trả công cho đồng nào lại sai khiến như đầy tớ, thì chịu sao cho nổi.  

Nói xong, hằm hằm sắc mặt bỏ đi. Có người nói lại với Thôi. Thôi lấy làm lạ sao Thân đổi tính thay nết như vậy, nhưng cũng  chưa coi là kỳ cho lắm. Bỗng Thân lên quan kiện Thôi ba năm không trả tiền công cho mình. Thôi kinh dị quá, phải thân đứng ra đối chất. Thân phẫn uất tranh cãi. Quan cho là lý không ngay thẳng, trách mắng, đuổi đi.  

Lại mấy ngày sau, bỗng đang đêm Thân vào nhà họ Vương bắt cả hai cha con, người thím, người dâu giết tất rồi dán giấy vào vách, tự viết tên họ mình. Khi cho truy bắt thì đã đào vong mất tích. Nhà họ Vương nghi cho Thôi Mãnh là chủ mưu. Quan không tin. Thôi mới hiểu, câu chuyện kiện tụng Thân bày ra trước đây là vì sợ giết người sẽ liên luỵ đến mình. Các địa đầu châu ấp phụ cận truy nã rất gắt. Vừa lúc giặc Sấm nổi loạn, việc ấy mới xếp lại.  

Chẳng bao lâu nhà Minh mất ngôi. Thân đem gia quyến về, lại nối tình thân với Thôi như xưa. Lúc bấy giờ, giặc cỏ tụ tập như ong. Vương có đứa cháu họ tên là Đắc Nhân, tập họp bọn vô lại do chú chiêu mộ ngày trước, chiếm cứ núi non làm giặc kéo đi đốt cướp xóm làng. Một đêm, chúng dốc hết cả sào huyệt kéo đến, rêu rao là để  phục thù. Lúc đó Thôi không có nhà. Khi giặc phá cửa, Thân mới  tỉnh dậy vượt qua tường nấp trong bóng tối. Giặc sục sạo tìm Thôi, không thấy, bắt vợ Thôi, vơ vét của cải rồi đi.

Thân trở vào, chỉ có một người đầy tớ, phẫn chí đến cực điểm, bèn cắt một sợi dây thừng thành mấy chục khúc, đem những  khúc ngắn trao cho người đầy tớ, còn mình giữ lấy những khúc dài. Dặn người đầy tớ phải vượt qua sào huyệt giặc, trèo lên lưng chừng núi, châm lửa vào dây thừng rồi treo lên các bụi gai, xong thì cứ bỏ đấy về ngay, đừng ngoái lại. Người đầy tớ vâng lời ra đi.

Thân nhìn thấy bọn giặc đứa nào cũng thắt dây lưng đỏ, và buộc miếng the đỏ trên mũ, bèn cũng bắt chước nguỵ trang như  vậy. Có một con ngựa cái đã già, mới đẻ con, giặc bỏ lại ngoài cửa. Thân buộc con ngựa con lại, cưỡi ngựa mẹ, ngậm tăm ra đi, thẳng đến ổ giặc. Giặc đóng ở một thôn lớn. Thân buộc ngựa ngoài thôn, trèo tường vào, thấy bọn giặc còn lăng xăng, rối rít, giáo mác cầm trên tay chưa kịp buông. Thân vồ hỏi mấy đứa, biết vợ Thôi còn ở chỗ tên Vương.  

Một lát, nghe truyền lệnh cho quân nghỉ, tiếng dạ như sấm ran. Bỗng có người báo núi phía Đông có lửa. Bọn giặc cùng nhau đứng trông. Lúc đầu mới chỉ có một hai chấm, rồi thì nhiều như sao sa. Thân dồn hơi kêu lên rất gấp rằng mé núi phía Đông có động! Tên Vương cả kinh, nai nịt lại, dẫn quân ra. Thân thừa dịp tụt lại phía sau bọn chúng rồi quay mình đi luôn vào trong trại. Thấy hai tên giặc đứng canh ở dưới trướng. Chàng phỉnh chúng, nói:

- Vương tướng quân bỏ quên thanh bội đao ở đây!

Hai tên thay nhau tìm kiếm. Thân đứng đằng sau chém tới, một tên ngã nhào, đứa kia ngoảnh lại nhìn, Thân liền chém nốt. Rồi cõng vợ Thôi vượt tường mà ra, mở ngựa trao dây cương dặn:

- Nương tử không biết đường, cứ để mặc cho ngựa đi.

Ngựa nhớ con bon bon chạy. Thân theo sau, đến một hẻm núi, chàng châm lửa vào sợi dây thừng, treo khắp nơi rồi mới chạy về. Ngày hôm sau Thôi trở về nhà, cho là điều đại sỉ nhục, bồn chồn, tức tối ra mặt, muốn đơn phương độc mã đi dẹp giặc. Thân  phải can ngăn mới thôi. Bèn triệu tập người làng cùng bàn tính  mưu kế. Chúng đều khiếp sợ, không ai dám hưởng ứng.

Giảng giải khuyên dụ đến vài bốn lần mới được hơn hai mươi người dám đi. Nhưng khổ nỗi lại không có khí giới. Vừa khi ấy lại trói hai tên gian tế trong một nhà bà con của Đắc Nhân. Thôi muốn giết ngay, Thân không cho, hạ lệnh cho hai mươi người cầm gậy, dàn ra trước mặt, rồi cắt tai cả hai đứa mà thả cho về. Mọi người đều oán, nói rằng:

- Một đám quân gia thế này, đang sợ giặc nó biết được, thế mà lại cho hai thằng kia nhìn thấy hết. Nếu bất chợt chúng dốc  toàn đội kéo xuống đây thì đóng cổng làng, cũng không sao giữ được!

Thân đáp:

- Chính tôi muốn cho chúng nó xuống!  

Bèn cho bắt kẻ giấu giặc trong nhà đem giết đi. Rồi sai người đi mọi nơi mượn cung nỏ, súng kíp, lại lên ấp mượn hai cỗ pháo lớn. Trời vừa tối, chàng dẫn tráng sĩ đến chỗ hẻm núi, đặt pháo vào nơi xung yếu, cho hai người cầm lửa nấp ở đấy, dặn hễ thấy giặc mới phát hoả. Lại đi đến phía Đông cửa hang, chặt cây đặt lên dốc núi. Thế rồi Thân và Thôi mỗi người lĩnh một suất hơn mười người chia ra mai phục hai bên bờ.

Gần hết canh một, xa xa nghe tiếng ngựa hí, ngầm xem xét, giặc quả ồ ạt kéo đến từng xâu dài, liên miên không dứt. Chờ chúng đã đi vào cả trong lũng rồi, bèn đẩy cây lăn xuống để chặn đường về. Một lát, tiếng pháo nổ ran, tiếng hò reo chuyển động cả khe  núi. Giặc rút mau, dẫm đạp lên nhau, đến chỗ hẻm phía Đông, không thoát ra được, dồn cục một đống. Hai bên bờ, tên đạn giáp công, khí thế như mưa bay gió cuốn. Quân giặc, đứa đứt đầu, đứa gãy chân, nằm gối lên nhau, ngổn ngang trong rãnh, chỉ sót lại hai mươi đứa, quỳ gối xin chuộc mệnh; bèn sai người trói cả lại giải đi.

Thừa thắng tiến thẳng lên sào huyệt giặc. Bọn giặc giữ trại nghe hơi chạy trốn sạch; bao nhiêu đồ đạc đều lục tìm kỳ hết đem về. Thôi cả mừng, hỏi Thân về mưu kế đốt lửa. Thân nói:

- Đốt lửa ở phía Đông, vì sợ chúng đuổi ở bên Tây; dùng thừng ngắn là để cho mau cháy hết, vì sợ chúng dò biết là không có người; lại đốt ở cửa hang, vì sợ cửa hang rất hẹp, một người cũng đủ chặn giữ. Bọn chúng đuổi tới, thấy lửa, tất phải sợ. Đó đều là hạ sách, mạo hiểm mà dùng trong lúc nhất thời thôi.

Bắt mấy tên giặc lên hỏi thì quả nhiên khi đuổi đến cửa hang thấy lửa, chúng đều hoảng sợ mà lui bước. Hơn hai mươi tên cướp bắt được đều bị xẻo tai cắt mũi rồi thả cho về. Từ đó, họ Thôi và họ Thân uy danh lừng lẫy. Những người tị nạn xa gần theo về như chợ, vì vậy mà tổ chức được một  đoàn dân binh hơn ba trăm người. Bọn cường hào ở các nơi không dám phạm đến nữa; cả một vùng nhờ đó mà được yên.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách