Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Tác giả: love_milk_tea9
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

Lịch sử Việt Nam

 Đóng [Lấy địa chỉ]
11#
Đăng lúc 20-4-2013 14:05:48 | Xem tất
NHÀ NGUYỄN - LỊCH SỬ THĂNG TRẦM CỦA MỘT DÒNG HỌ

- KỲ 2: CHUYỆN VỀ MỘT CÔNG NỮ HỌ NGUYỄN


Hơn ba thế kỷ sau, một công nữ họ Nguyễn cũng chấp nhận “nước non ngàn dặm ra đi” làm dâu xứ người, tạo điều kiện cho người Việt vào sinh sống trên lưu vực sông Đồng Nai, dẫn đến sự thành lập phủ Gia Định năm 1698 - cách nay tròn 310 năm. Bất công thay tên của bà không được biết đến, nói chi việc xây dựng một tượng đài để ghi công.



Các đại biểu dự hội thảo “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử VN”  (tổ chức tại  Thanh Hóa tháng 10-2008) và đông đảo bà con xã Hà Long, huyện Hà Trung, Thanh Hóa thắp hương tại lăng Trường Nguyên, tương truyền là nơi an táng Nguyễn Kim, thân phụ chúa Nguyễn Hoàng - Ảnh: Việt Dũng


Cuộc hôn nhân của công nữ

Năm 1619, chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả một con gái của mình cho Araki Sutaru - một thương nhân Nhật Bản. Năm sau, ông lại gả con gái khác cho quốc vương Chân Lạp Chey Chêtthâ II. Lúc đó, Chân Lạp đang là nạn nhân của nước láng giềng phía tây. Cứ vài chục năm một lần, quân Xiêm lại tràn sang đánh chiếm Chân Lạp, đốt phá, bắt người, cướp của. Vì vậy, năm 1620 vua Chey Chêtthâ II quyết định cầu hôn con gái vị chúa Đàng Trong, với ý định tìm một chỗ dựa về chính trị và quân sự nhằm đối phó với các cuộc xâm lược của quân Xiêm.

Theo Biên niên sử hoàng gia Chân Lạp, cô công nữ Đàng Trong có sắc đẹp tuyệt trần. Mặt khác, nhờ được giáo dục từ nhỏ theo truyền thống đạo đức Phật giáo (Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên đều sùng mộ đạo Phật) nên cô hội nhập nhanh chóng vào môi trường văn hóa xứ chùa tháp, nơi tuyệt đại đa số dân chúng là phật tử. Do đó, tuy Chey Chêtthâ II có nhiều vợ, cô gái Thuận Hóa thùy mị nết na vẫn được vua yêu quý nhất và được phong làm đệ nhất hoàng hậu.

Để đỡ nhớ quê hương, cô xin vua cho phép người Việt được tự do đến sinh sống trên lãnh thổ Chân Lạp. Họ buôn bán hay làm thợ thủ công ở vùng kinh đô, đông đảo hơn là những người đến khai phá vùng đông nam Chân Lạp.

Lãnh thổ Chân Lạp tương đối rộng nhưng dân số ít, nên người nước này sống tập trung ở vùng đất màu mỡ xung quanh biển Hồ và dọc theo sông Mekong. Theo nhà sử học Pháp Philippe Devillers, cho đến lúc đó “đồng bằng sông Cửu Long chỉ là đầm lầy hôi thối, những bãi bùn rộng mênh mông với những cây đước”. Từ cuối thế kỷ 16, một số người Việt rời quê hương đến đây làm ruộng, đánh cá...

Cuối năm 1621, đầu 1622, vua Xiêm xua quân sang đánh Chân Lạp. Nhờ thuyền chiến, vũ khí và nhất là nhờ quân tình nguyện do Đàng Trong viện trợ, Chey Chêtthâ II đã đẩy lui hai đạo quân Xiêm. Năm sau, vua Xiêm cho quân tấn công Chân Lạp một lần nữa nhưng lại bị tổn thất nặng nề, phải rút về nước. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gửi sang kinh đô Udong một sứ bộ mang theo nhiều tặng phẩm để chúc mừng chiến thắng của Chân Lạp, đồng thời đảm bảo với Chey Chêtthâ II về sự ủng hộ và giúp đỡ của Đàng Trong cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước chùa tháp.

Sứ thần Đàng Trong cũng chuyển cho quốc vương Chân Lạp một quốc thư ngỏ ý muốn mượn Kas Krobei (Sài Gòn) và Prei Nokor (Chợ Lớn) để lập hai trạm thuế thương chính trong năm năm. Chey Chêtthâ II hỏi ý kiến các quan đại thần. Tất cả đều đồng ý. Nhà sử học người Pháp Henri Russier cho biết bà hoàng hậu Đàng Trong đã năn nỉ chồng chấp thuận đề nghị của cha mình.

Hướng về đất phương Nam

Năm 1624, bà sinh hạ công chúa Ang Na Ksatri. Công chúa rất được vua yêu quý. Nhưng khi hạnh phúc đang tràn trề thì tiếc thay Chey Chêtthâ II băng hà. Cái chết của nhà vua đẩy Chân Lạp vào một giai đoạn mất ổn định chính trị nội bộ. Tuy nhiên, với đức độ và trí thông minh, bà thái hậu Đàng Trong đã vượt lên mọi tranh chấp phe phái, được các ông hoàng trẻ Chân Lạp kính trọng và nghe theo.

Bà giữ một vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị của vương quốc. Hoàng tử Cau Bana Cand (sử Việt gọi là Nặc Ông Chân) - một người con của Chey Chêtthâ II với bà vợ người Lào - cưới vợ người Mã Lai theo đạo Hồi nên bỏ đạo Phật để theo đạo của vợ. Năm 1642, Cand dựa vào một nhóm người Mã Lai và Chiêm Thành theo đạo Hồi nổi loạn, giết vua Ang Nan (rể của bà thái hậu Đàng Trong) để cướp ngôi. Cand còn giết nhiều người khác (trong đó có chú ruột là nhiếp chính vương Utey) một cách dã man.

Hai người con của Utey là Ang Sur và Ang Tan (sử Việt gọi là Nặc Ông Xô và Nặc Ông Tân) cầm đầu một cuộc nổi dậy để lật đổ Cand và báo thù cho cha. Cuộc nổi dậy không thành công, Sur và Tan bí mật đến gặp bà thái hậu Đàng Trong, nhờ bà xin chúa Nguyễn giúp đỡ. Bà đồng ý, viết thư cho chúa Nguyễn Phúc Tần (cháu gọi bà bằng cô).

Đáp ứng yêu cầu của hai hoàng thân Chân Lạp, chúa Nguyễn gửi 3.000 quân sang bắt Cand đưa về Quảng Bình. Cand xin thần phục chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn trả tự do cho Cand. Trên đường về Udong, Cand nhuốm bệnh và qua đời ở Bat Anhchien ven sông Vàm Cỏ Tây. Ang Sur và Ang Tan trở thành chính vương và phó vương của Chân Lạp. Nhớ ơn bà thái hậu và chúa Nguyễn, hai ông luôn tạo điều kiện thuận lợi để di dân người Việt làm ăn trên đất nước mình, số lượng người Việt vào đây mới bắt đầu tăng lên đáng kể.

Theo GS Nguyễn Đình Đầu trong Địa chí văn hóa TP.HCM (do GS Trần Văn Giàu chủ biên), cho đến cuối thế kỷ 17, đã có hơn 4 vạn hộ dân Việt sống trên một địa bàn rộng nghìn dặm ở lưu vực sông Đồng Nai. Người Việt trở thành thành phần dân cư đa số tại đó.

Tên người chưa được sử ghi

Tất cả những gì chúng ta biết được về bà - mà người Chân Lạp gọi là Ang Cuv - là nhờ Biên niên sử hoàng gia Chân Lạp và các công trình nghiên cứu của các nhà sử học nước ngoài. Vì một lý do nào đó, các sử gia triều Nguyễn hoàn toàn không nhắc đến cuộc hôn nhân Việt - Chân Lạp này (cũng như các cuộc hôn nhân Việt - Nhật Bản và Việt - Chiêm Thành diễn ra trong thời kỳ đó). Vì lẽ đó cho đến nay chúng ta không biết bà tên gì.

Trước đây, có người cho rằng tên bà là Ngọc Vạn. Nhiều người cũng đã chấp nhận như vậy. Thật ra cái tên đó chẳng qua là do phỏng đoán, chứ không căn cứ vào một tài liệu gốc nào.

Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên, chúa Sãi có bốn con gái. Hai công nữ thứ nhất và thứ tư là Ngọc Liên (vợ của phó tướng Nguyễn Phúc Vĩnh, tức Nguyễn Hữu Vĩnh, trấn thủ dinh Trấn Biên) và Ngọc Đĩnh (vợ của phó tướng Nguyễn Phúc Kiều, tức Nguyễn Cửu Kiều, trấn thủ dinh Quảng Bình). Đối với hai công nữ thứ hai và thứ ba là Ngọc Vạn và Ngọc Khoa, Đại Nam liệt truyện tiền biên ghi “khuyết truyện” (không có tiểu sử). Như vậy, trong hai công nữ Ngọc Vạn và Ngọc Khoa, ai là hoàng hậu xứ chùa tháp, ai là phu nhân của thương gia Nhật Bản?
Tên bà vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời đáp.
__________________
Người ta gọi chúa Nguyễn Phúc Nguyên là vị chúa mở cõi. Ông cho mở rộng thương cảng Hội An trở thành thương cảng chính trên toàn khu vực tương đương Việt Nam và Đông Nam Á hiện nay.

cre: http://www.lyhocdongphuong.org.v ... g-nu-ho-nguyen-327/
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

12#
Đăng lúc 20-4-2013 14:14:29 | Xem tất
NHÀ NGUYỄN - LỊCH SỬ THĂNG TRẦM CỦA MỘT DÒNG HỌ

- KỲ 3: TRUNG TÂM GIAO THƯƠNG


Chỉ hơn 10 năm cầm quyền của chúa Nguyễn Hoàng sau đó, vùng đất Thuận Hóa đã thay da đổi thịt. Bảng nhãn Lê Quý Đôn ghi nhận trong Phủ biên tạp lục (bản dịch của Viện Sử học): “Chợ không bán hai giá, người không ai trộm cắp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến buôn bán, đổi chác phải giá (…), trong cõi đều an cư lạc nghiệp”.
“Ngọn đũa thần” nào đã mang lại sự đổi thay đó?

Kiếm được rất nhiều mối lợi

So với Đàng Ngoài, Đàng Trong là vùng đất mới, tiềm năng thiên nhiên chưa được khai thác, nhân lực tại chỗ vô cùng thiếu thốn. Để đối phó với họ Trịnh ở phía Bắc, Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn đời sau phải tìm phương cách làm cho Đàng Trong nhanh chóng giàu mạnh, đó là phát triển thương mại, mở rộng ngoại thương.



Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật Bản xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, nên người ta còn gọi là cầu Nhật Bản. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, từ đó người địa phương gọi là Chùa Cầu. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn với ý nghĩa là “bạn phương xa đến”. Trong ảnh: Chùa Cầu lung linh trong đêm hội Phố Hoài - Ảnh: Hoàng Duy


Xác lập và bảo vệ chủ quyền trên biển

Các chúa Nguyễn đã lập hải đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải để khai thác quần đảo Hoàng Sa (còn gọi là quần đảo Vạn Lý Trường Sa vì lúc đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn được xem là một dãy đảo dài vạn dặm), cù lao Côn Lôn và các đảo phía Hà Tiên. Việc làm này đã xác lập chủ quyền của nước ta đối với các hải đảo nói trên.

Năm 1702, quân Anh chiếm quần đảo Côn Lôn. Năm sau, trấn thủ Trương Phúc Phan nửa đêm đưa lính đánh đuổi quân chiếm đóng ra khỏi quần đảo

Trong luận án tiến sĩ “Xứ Đàng Trong - lịch sử xã hội và kinh tế Việt Nam thời Nguyễn ở các thế kỷ 17-18”, Li Tana nhận định (bản dịch của Nguyễn Nghị): “Đối với các nước khác ở Đông Nam châu Á, vấn đề ngoại thương có thể chỉ là vấn đề làm giàu, nhưng đối với Đàng Trong vào buổi đầu, đây là vấn đề sống còn”.

Đây là một chính sách mới so với các triều đại trước và kể cả với vương triều Nguyễn sau này, vì bao triều đại trước vẫn chủ trương “lấy nông nghiệp làm gốc” (dĩ nông vi bản), không mặn mà lắm với việc buôn bán với nước ngoài, chỉ cho phép thuyền buôn ngoại quốc cập bến tại một số cảng chứ không cho vào sâu trong nội địa.

Cristophoro Borri, một nhà truyền giáo người Ý sống ở Đàng Trong từ 1618-1622, nhận xét (bản dịch của Hồng Nhuệ và Nguyễn Nghị): “Chúa Đàng Trong không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc (…) cùng với tàu chở rất nhiều hàng hóa của họ”. Các chúa Nguyễn chủ động mời gọi các nước đến mua bán với Đàng Trong.

Ngày nay chúng ta có thể tìm thấy trong sách Ngoại phiên thông thư của Kôndôh Juuzôu nhiều công hàm của các chúa Nguyễn gửi cho chính quyền Nhật Bản từ năm 1601-1694. Công hàm đầu tiên là của chúa Nguyễn Hoàng gửi tướng quân Tokugawa Ieyasu bày tỏ lòng mong muốn thông thương Đàng Trong - Nhật Bản.

Năm 1617-1618, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng gửi thư mời Công ty Đông Ấn của Hà Lan sang buôn bán… Borri viết: “Chúa Nguyễn thu được lợi nhuận lớn trong việc buôn bán (với nước ngoài) này bằng thuế hàng hóa và thuế hải khẩu đặt ra và cả nước đều kiếm được rất nhiều mối lợi không thể tả hết”.

Đàng Trong đã sớm trở thành một trung tâm giao thương quốc tế. Ngoài những khách hàng quen thuộc đến từ Trung Hoa, Chân Lạp, Xiêm, Batavia (Indonesia), Đàng Trong còn đón nhận thương nhân các nước Nhật Bản, Bồ Đào Nha (từ thuộc địa Macao), Tây Ban Nha (từ thuộc địa Philippines), Hà Lan, Anh, Pháp…

Ngoại thương kích thích sự phát triển sản xuất của nhiều địa phương. Các làng nghề xuất hiện ngày càng nhiều để cung ứng cho hàng xuất khẩu. Tính chất của nền kinh tế từ đó thay đổi: từ sản xuất tự cấp tự túc chuyển sang sản xuất hàng hóa. Một số đô thị ra đời: Đà Nẵng, Tam Kỳ (Quảng Nam), Thanh Hà (Thừa Thiên - Huế), Nước Mặn (Bình Định)…, nhưng thịnh vượng nhất là Hội An.



Phần mộ ông bà Araki Sutaru ở Nagasaki - Ảnh: Ma Cẩm Long Hà


Hải cảng đẹp nhất Đàng Trong

Borri mô tả Hội An là “hải cảng đẹp nhất Đàng Trong, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới”, là “một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói được là có hai thành phố, một của người Tàu, một của người Nhật”. Một thương nhân Quảng Đông nói với Lê Quý Đôn: “Thương nhân Trung Hoa từ Quảng Nam về thì các hàng hóa không món gì không có. Hàng hóa sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang, đường thủy đường bộ, đi thuyền đi ngựa, đều hội tập ở phố Hội An, vì thế khách phương Bắc (tức Trung Hoa) đều đến tụ tập ở đây để mua về nước... Hàng hóa nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được”.

Các chúa Nguyễn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thương nhân nước ngoài, nhất là thương nhân Nhật Bản. Đàng Trong trở thành bạn hàng số một của xứ Phù Tang. Năm 1619, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả con gái cho thương nhân Nhật Bản Araki Sutaru, ban cho Araki tên Hiển Hùng và cho mang họ chúa (Nguyễn Phúc). Sau đó, Araki đưa vợ về thăm quê ở Nagasaki. Tại đây, bà có tên Oukakutome (Vương Gia Cửu Hộ Mại) và còn được gọi một cách thân mật là Anio. Không may, từ năm 1636, vì nhiều lý do, nhà cầm quyền Nhật ra lệnh tỏa quốc cấm thương nhân Nhật ra nước ngoài buôn bán. Vì vậy, hai vợ chồng Nhật - Việt không còn dịp trở lại Đàng Trong nữa.

Bà Anio qua đời ngày 7-11-1645, còn ông mất trước đó chín năm. Mộ hai ông bà Araki Sutaru hiện vẫn còn ở Nagasaki. Hiện nay Bảo tàng nghệ thuật Nagasaki vẫn còn lưu giữ một gương soi của bà Anio mang từ Đàng Trong qua. Vì Quốc sử quán của nhà Nguyễn hoàn toàn không nói tới cuộc hôn nhân Đàng Trong - Nhật này nên đến nay chúng ta vẫn chưa tìm ra tên chính xác của bà.

Công cuộc mở cửa của các chúa Nguyễn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn làm phong phú đời sống văn hóa ở Đàng Trong. Hội An với những di tích văn hóa nổi bật tồn tại qua năm tháng đã được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999.
----------------------------------------
Cho đến hôm nay, trải qua bao thăng trầm lịch sử, trên miền đất Nguyễn Hoàng chọn làm “kinh đô” khởi nghiệp, 450 năm qua, còn lại gì lưu dấu tiền nhân?

cre: http://www.lyhocdongphuong.org.v ... am-giao-thuong-328/

Bình luận

ôi chùa cầu của em  Đăng lúc 20-4-2013 11:26 PM
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

13#
Đăng lúc 20-4-2013 14:26:45 | Xem tất
NHÀ NGUYỄN - LỊCH SỬ THĂNG TRẦM CỦA MỘT DÒNG HỌ

- (KỲ 4): TRÊN MIỀN ĐẤT DỰNG NGHIỆP


Trên miền đất dựng nghiệp

Tháng 6-1904, linh mục Leopold M. Cadière về làm quản hạt Dinh Cát (xứ Quảng Trị). Những năm tháng ở đây ông đã nghiên cứu về các chúa Nguyễn trong buổi đầu và sau đó trên tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de l’École Francaise d’Extrême Orient), trong bài “Le mur de Đồng Hới” in năm 1906, Cadière cho biết thời gian chúa Nguyễn Hoàng đến Ái Tử trong khoảng từ ngày 10-11 đến 10-12 (dương lịch) năm 1558. 450 năm đã qua, trải qua bao nhiêu dâu bể phân tranh, bao thăng trầm lịch sử, trên miền đất Nguyễn Hoàng chọn làm “kinh đô” khởi nghiệp ấy còn lại gì lưu dấu tiền nhân? Còn những gì tưởng niệm tiền nhân?

Buổi đầu đất lạ

Bây giờ khách ngược xuôi trên đường thiên lý Bắc - Nam, qua khỏi thị xã Đông Hà (nếu đi từ Bắc vào) hay vượt qua thành cổ Quảng Trị (đi từ Nam ra) sẽ gặp một thị trấn nhỏ nằm bên sông Thạch Hãn với tấm biển đề: “Thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong”. Chúng tôi tìm về Ái Tử, dấu tích của chúa Nguyễn Hoàng không còn nhiều ở đây nhưng vẫn còn đó những thao thức về miền đất “dung thân” của chúa Nguyễn.

Cách Ái Tử khoảng 60km về phía nam theo quốc lộ 1A là kinh thành Huế lộng lẫy vàng son, lưu dấu vang bóng vương triều nhà Nguyễn. Kinh đô Huế với đền đài cung điện giờ đã là Di sản văn hóa thế giới, còn với sử sách, Ái Tử là kinh đô đầu tiên của cơ nghiệp nhà Nguyễn, là thủ phủ khai nguyên của xứ Đàng Trong. Thời gian gần 70 năm làm thủ phủ chưa phải là dài, nhưng ý nghĩa của miền đất này không đo đếm bằng thời gian mà chính là những gì nó đã mang lại cho nhà Nguyễn trong buổi “vạn sự khởi đầu nan”. Bởi vậy khi Huế được là “chính dinh”, các chúa Nguyễn vẫn không quên tôn phong cho đất Ái Tử này là “cựu dinh”.

Mang theo câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, Nguyễn Hoàng lên thuyền về phương Nam với nhiều tráng đinh, nghĩa dũng quê nhà huyện Tống Sơn (Thanh Hóa) cùng nhiều cư dân miền Thanh Nghệ. Câu sấm của Trạng Trình đã được sử sách nhắc đến nhiều. Nhưng sao ngày cất bước ra đi của 450 năm trước ấy, khi đã vượt qua “Hoành Sơn nhất đái”, Đoan quận công Nguyễn Hoàng đã không hạ trại ở phía nam đèo Ngang? Không dừng lại bên sông Gianh? Bên bờ Nhật Lệ? Hay xứ cửa Tùng phì nhiêu màu mỡ mà lại đi sâu vào miền Ái Tử bốn bề cát trắng chơ vơ?

Đại Việt sử ký toàn thư bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697) viết về cuộc ra đi này chỉ mấy dòng ngắn ngủi: “Mậu Ngọ - tháng mười, thái sư Trịnh Kiểm vào chầu dâng biểu tâu xin sai con thứ của Chiêu Huân tĩnh công (tức Nguyễn Kim) là Đoan quận công Nguyễn Hoàng đem quân vào trấn thủ xứ Thuận Hóa để phòng giặc phía đông”.

Học giả Phan Khoang trong Việt sử xứ Đàng Trong viết chi tiết hơn: “Đoan quận công và đoàn tùy tùng từ cửa Việt lên sông Quảng Trị, đóng dinh tại làng Ái Tử. Năm ấy ông 34 tuổi. Khi Đoan quận công mới đến Ái Tử, dân sở tại đem dâng bảy vò nước trong. Nguyễn Ư Dĩ (quan thái phó, cậu ruột của Nguyễn Hoàng) nói với Đoan quận công rằng: Ấy là điềm trời cho ông nước đó!”.



Miếu Trảo Trảo - Ảnh tư liệu từ B.A.V.H.


Tìm dấu miếu xưa

Dấu vết dinh xưa nay đã tuyệt mù tăm tích. Nhưng cạnh bờ sông, gần sân bay Ái Tử vẫn còn địa điểm một ngôi miếu thờ lưu dấu chiến công của Nguyễn Hoàng trong trận đánh tướng nhà Mạc là Lập Bạo vào năm 1572.

Huyền tích kể rằng Lập Bạo vốn là một tướng tài của nhà Mạc, giỏi về thủy chiến, đưa 60 binh thuyền từ Hải Dương vượt biển lên sông Ái Tử đánh cướp. Thế giặc mạnh, Nguyễn Hoàng đem quân ra bờ sông chống giữ, đêm ấy nằm mộng thấy một người đàn bà mặc áo xanh hiện ra bảo rằng muốn diệt tướng giặc hãy dùng mỹ kế. Vừa tỉnh giấc thấy một tì nữ là Ngô Thị nhan sắc xinh đẹp bước vào. Sực nhớ giấc mộng, Nguyễn Hoàng sai Ngô Thị mang lễ vật đến dâng cho Lập Bạo cầu hòa. Thấy Ngô Thị xinh đẹp, Lập Bạo mê thích nhưng giả bộ cả giận nói rằng: “Ngươi đến đây làm mồi nhử ta chăng?”. Ngô Thị uyển chuyển ứng đáp, rồi dụ Lập Bạo theo mình đi vào nơi quân của Nguyễn Hoàng mai phục. Lập Bạo biết bị lừa nên lao xuống sông.

Vốn là tướng giỏi bơi lặn khó bề bắt được, nhưng Lập Bạo lặn đến đâu thì trên mặt nước có con chim bay tới đó cất tiếng kêu “trảo trảo” như chỉ đường cho quân Nguyễn. Lập Bạo bị bắt, quân nhà Mạc tan tác. Nhớ ơn thần sông giúp rập, Nguyễn Hoàng cho lập đền thờ tại bờ sông Ái Tử, phong là “Trảo Trảo Linh Thu phổ trạch tướng hựu phu nhân”, dân trong vùng gọi là miếu Trảo Trảo. Dấu tích miếu này còn trong một tấm hình ở tạp chí B.A.V.H (Đô thành hiếu cổ).

Những huyền tích trong buổi đầu khởi nghiệp có thể là một cách để gầy dựng thêm lòng tin trong dân gian, giúp cho việc mưu cầu đại nghiệp. Còn vai trò của Nguyễn Hoàng với đất này sử sách còn chép rõ. Nhiều tư liệu lưu đến bây giờ cho thấy dưới thời Nguyễn Hoàng đóng thủ phủ ở miền Quảng Trị, cảng Cửa Việt đã từng sầm uất đô hội. Ngay từ thời đó đã thiết lập thư từ bang giao buôn bán với Nhật Bản. Vết tích trên bến dưới thuyền một thời vang bóng vẫn còn lưu dấu, những gạch đá xây thành vẫn im lặng nhắc nhở, cả pho tượng đồng nguyên vẹn chân dung Thái phó Nguyễn Ư Dĩ.

Hóa ra vẫn còn rất nhiều dấu vết của Nguyễn Hoàng nơi làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong - xưa kia đây chính là dinh trấn Trà Bát. Năm 1600 Nguyễn Hoàng đã dời thủ phủ từ Ái Tử về đây. Trà Bát là cái gạch nối giữa Nguyễn Hoàng (với 13 năm đóng đô ở đây đến lúc mất - năm 1613) và người con trai thứ sáu của ông - chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đóng đô thêm 13 năm nữa, trước khi dời thủ phủ vào Phước Yên (Quảng Điền) năm 1626.
__________________
Trước khi chúa Nguyễn mở mang giao thương với nước ngoài để có một cảng thị Hội An sầm uất thì ở xứ Trà Liên đã được sử sách nhắc đến như một thương cảng đô hội nhất Đàng Trong bấy giờ.

cre: http://www.lyhocdongphuong.org.v ... at-dung-nghiep-329/
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

14#
Đăng lúc 20-4-2013 23:20:47 | Xem tất
NHÀ NGUYỄN - LỊCH SỬ THĂNG TRẦM CỦA MỘT DÒNG HỌ

- KỲ 5: DINH XƯA, CẢNG CŨ BÂY GIỜ






Từ Ái Tử, nơi Nguyễn Hoàng dựng dinh trấn đầu tiên về Trà Liên chỉ cách chừng 3km về phía đông bắc. Trong những năm chiến tranh, người Mỹ xây dựng Ái Tử thành một căn cứ quân sự lớn nên vết tích dinh trấn đầu tiên của chúa Nguyễn hầu như bị cày xới để xây dựng đồn bót, kho đạn, sân bay… nay không còn lưu dấu gì. Riêng dinh Trà Bát có phần may mắn hơn.

“Bảo vật quốc gia”

Chúng tôi về gặp ông Bùi Thịnh, trưởng ban điều hành làng văn hóa Trà Liên, với hi vọng được ông dẫn lối đi tìm những dấu tích. Trước khi rẽ xe vào trụ sở Hợp tác xã Trà Liên, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy pho tượng đồng Nguyễn Ư Dĩ được thờ trong cái am nhỏ vừa đơn sơ vừa chắc chắn. Pho tượng đồng này có một số phận nổi chìm kỳ lạ và giờ đây được xem là “bảo vật quốc gia” tại Quảng Trị.



Tượng đồng Nguyễn Ư Dĩ đang lưu giữ tại làng Trà Liên -Ảnh: L.Đ.Dục



Thái phó Nguyễn Ư Dĩ - tước Uy Quốc công, là cậu ruột của Nguyễn Hoàng, người đã nuôi dạy Nguyễn Hoàng từ khi mới 2 tuổi lúc Nguyễn Kim (thân phụ Nguyễn Hoàng) lánh nạn sang Lào. Chăm lo cho người cháu, thấy Nguyễn Hoàng “tướng mạo khôi ngô, vai lân lưng hổ, mắt phượng trán rồng, thông minh tài trí, kẻ thức giả đều biết đấy là bậc phi thường” nên Nguyễn Ư Dĩ đã đem việc kiến công lập nghiệp khuyến khích cháu. Chính Nguyễn Ư Dĩ là người đã thay mặt Nguyễn Hoàng đi lĩnh ý Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, rồi sau đó theo phò tá Nguyễn Hoàng trong buổi đầu đến Ái Tử.

Ngôi chùa thờ Nguyễn Ư Dĩ có tên là Liễu Ba (hay còn gọi là Liễu Bông - Miếu Bông). Hiếm có một công thần nào lại được dân cúng giỗ quanh năm như thái phó Nguyễn Ư Dĩ. Ông Bùi Thịnh cho biết phong tục dân làng mỗi năm đều giỗ quan thái phó vào các ngày rằm tháng hai, tháng sáu, tháng tám và ngày tết. Pho tượng Nguyễn Ư Dĩ được đúc bằng đồng vào khoảng thế kỷ 17, được đặt tại chùa. Năm 1972 chiến tranh bom đạn ác liệt nhưng pho tượng vẫn nguyên vẹn. Ngày hòa bình trên nền chùa cũ, dân làng dựng lại một nếp chùa đơn sơ để đặt tượng thờ.



Vùng Trà Bát bây giờ thật quạnh hiu-Ảnh: L.Đ.Dục


Tuy nhiên năm 1989 kẻ gian đã đánh cắp pho tượng đồng quý giá này.

Theo lời một bô lão trong làng, khi pho tượng bị mất cả làng đã đổ ra tìm kiếm. Do tượng quá nặng, kẻ cắp đã mang pho tượng xuống vùi trên bãi cát ven sông Thạch Hãn gần làng. Khi cả làng dùng thuốn sắt đi dò dọc triền sông thì phát hiện tượng đang còn bị chôn vùi dưới cát. Dân đã không để tượng ở chùa Liễu Bông cũ mà mang về cạnh đình làng, rồi xây một cái am nhỏ nhưng kiên cố có bọc bêtông cốt thép để bảo vệ tượng.

Chúng tôi ra chùa Liễu Bông, ngôi chùa được dựng nên thờ phụng các công thần theo phò tá Nguyễn Hoàng buổi đầu dựng nghiệp đã mất dấu. Trên nền chùa xưa một dòng họ khác trong làng đã xây một khu lăng mộ nguy nga đồ sộ trên chính nền chùa cũ. Đau xót hơn khi chúng tôi tìm thấy quanh khu lăng mộ những phiến đá ôm lót chân cột chùa để nằm lăn lóc dãi dầu mưa nắng. Những phiến đá chứng nhân của hơn bốn thế kỷ còn bị đối xử như vậy, thảo nào bao nhiêu dấu tích buổi tiền nhân khởi nghiệp cũng dần biến mất.

Trà Bát chính là nơi Nguyễn Hoàng trút hơi thở cuối cùng vào năm 1613. Trước lúc lâm chung, cũng tại Trà Bát, ông đã triệu người con trai thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên đang làm trấn thủ Quảng Nam về cầm tay dặn dò: “Đất Thuận - Quảng phía bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang (sông Gianh) hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân, núi Thạch Bi vững bền, núi sinh vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của kẻ anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh thì chống chỏi với họ Trịnh đủ xây dựng sự nghiệp muôn đời, nếu thế lực không địch được thì cố giữ đất đai để đợi thời cơ chứ đừng bỏ hỏng lời dạy của ta”. Vâng mệnh cha, từ dinh Trà Bát này Nguyễn Phúc Nguyên đã nối ngôi chúa chăm lo việc phòng thủ, sửa thành lũy, đặt quan ải, vỗ về quân dân, trong ngoài mến phục gọi ông là Chúa Sãi hay Sãi Vương.

Mãi đến năm 1626 Nguyễn Phúc Nguyên mới dời dinh trấn từ Trà Bát vào Phước Yên - Quảng Điền, nay thuộc Thừa Thiên - Huế.

Thương cảng một thời

Không xa nền cũ ngôi chùa Liễu Bông là khu vực được xem là các vòng thành của dinh Trà Bát xưa. Một gò đất cao ráo, còn vương lại những phiến đá sa thạch to rộng và vô số gạch vụn đỏ au lẫn trên nền đất cũ. Từ vị trí các vòng thành dấu tích của dinh Trà Bát, chỉ đi thêm một quãng không xa là ra đến Bến Gành. Sông Thạch Hãn chảy về quãng này chợt uốn một vòng cung rộng mênh mông. Anh Phan Văn Khuynh, trưởng ban văn hóa xã hội của xã Triệu Giang, đưa chúng tôi ra bờ sông.
Hơn bốn thế kỷ sông không biết có đổi dòng đổi bến, nhưng bên triền đất lở ven sông chúng tôi tận mắt chứng kiến rất nhiều mảnh chum gốm với họa tiết độc đáo lộ ra như chính đất đai đã gìn giữ trong lòng sâu của mình những phồn hoa đô hội một thời.

Trước khi chúa Nguyễn mở mang giao thương với nước ngoài để có một cảng Hội An sầm uất thì ở xứ Trà Liên này với quãng đường từ Cửa Việt lên đây chưa đầy chục cây số đã được sử sách nhắc đến như một thương cảng đô hội nhất Đàng Trong bấy giờ. Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, trong bài nghiên cứu “Cửa Việt dưới thời Nguyễn Hoàng và Chúa Sãi (1558-1626)” đăng trên tạp chí Cửa Việt (bộ cũ) số xuân Tân Mùi 1991 (trang 100-104) đã công bố nhiều tư liệu về tầm vóc của vùng cảng Cửa Việt và dinh Trà Bát này.

Những tư liệu của linh mục Ngọc dựa trên những ghi chép của các nhà truyền giáo thế kỷ 16-17 và những nghiên cứu của L.M. Cadière sau này cho thấy các thương thuyền của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Áo Môn (tức Macau - bấy giờ bị Bồ Đào Nha xâm lược năm 1557 và sau này thành thuộc địa của người Bồ Đào Nha) đã đến đây chào quan tổng trấn (tức Nguyễn Hoàng, sau này là Nguyễn Phúc Nguyên). Chính sự sầm uất của cảng Cửa Việt đã khiến tàu nước ngoài vào cướp bóc cư dân ven biển vùng này và Nguyễn Phúc Nguyên đã vâng lệnh cha dẫn mười thuyền chiến đi đánh tan hai thuyền của tướng giặc là Hiển Quý vào năm 1585.

Bây giờ nhìn dòng sông Thạch Hãn cuồn cuộn nước xuôi về Cửa Việt đổ ra biển Đông, nhìn những dấu gạch gốm lẫn vào lòng đất đá bên bờ nước, rồi lăng mộ tư nhân dựng trên nền ngôi chùa xưa là Quốc miếu thờ những công thần, nhìn những dấu vết thành quách đang tan vào cát bụi, dẫu biết không có gì vĩnh cữu trước thời gian, dẫu biết 30 năm bom đạn chiến tranh muôn phần tàn phá nhưng vẫn không thể thầm trách hậu thế đã hững hờ.
_________________________
Hơn 300 năm sau, khi Ái Tử hay Trà Bát không còn là thủ phủ như buổi đầu khởi nghiệp, nhưng hậu thế của Nguyễn Hoàng - vua Hàm Nghi - đã về Quảng Trị xây dựng một kinh đô dự phòng để di đô khi Huế lâm nguy.

cre: http://www.lyhocdongphuong.org.v ... ang-cu-bay-gio-330/

Bình luận

wow, chệ nhím chăm quá,chắc hồi xưa chuyên Sử goy  Đăng lúc 20-4-2013 11:26 PM
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

15#
Đăng lúc 20-4-2013 23:30:36 | Xem tất
NHÀ NGUYỄN - LỊCH SỬ THĂNG TRẦM CỦA MỘT DÒNG HỌ

(KỲ 6): “KINH ĐÔ KHÁNG CHIẾN”




“Kinh đô kháng chiến”

Hơn 300 năm sau, khi Ái Tử hay Trà Bát không còn  là thủ phủ như buổi đầu khởi nghiệp, nhưng hậu duệ của Nguyễn Hoàng -  vua Hàm Nghi, một vị vua yêu nước của vương triều Nguyễn, đã về Quảng  Trị lập “kinh đô kháng chiến” chống Pháp. Đó chính là thành Tân Sở ở Cam  Lộ.



Dài theo đường thiên di của lịch sử, của dân tộc, nhiều chứng tích đã bị phôi pha, quên lãng rồi tan vào cát bụi. Và Tân Sở cũng không ngoài số phận đó.

“Kinh thành dự bị, kinh đô kháng chiến”

Từ huyện lỵ Cam Lộ nằm ở km 12 trên quốc lộ 9 từ Đông Hà đi Lao Bảo, rẽ về phía hướng nam theo đường vào Cùa chừng 7km sẽ gặp một bình nguyên đất badan màu mỡ được vây bọc những đồi núi bát úp khá kín đáo và hiểm yếu. Đó là thành Tân Sở.

Sau khi Pháp nổ súng tấn công xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn từng bước nhượng bộ chủ hòa, tuy nhiên trong triều đình vẫn nổi lên phái chủ chiến do thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết và phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường đứng đầu. Kinh thành ngày càng bị uy hiếp, từ năm 1883 Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã chủ trương xây dựng một “kinh đô dự phòng” để di đô khi Huế lâm nguy. Và vùng Cùa với Tân Sở là trung tâm được chọn.

Khi người Pháp đánh chiếm cửa Thuận An (tháng 8-1883) thì Tân Sở được đẩy nhanh tốc độ xây dựng. Một “kinh đô kháng chiến” được xây bằng tre, gạch, gỗ, đá… của nhân dân Quảng Trị đóng góp. Đến đầu năm 1885 thì Tân Sở hoàn thành. Một trong những tư liệu đầu tiên tìm hiểu về căn cứ Tân Sở này là của giáo sĩ A.Delvaux, từng đến truyền giáo ở xứ đạo Phước Tuyền (Cam Lộ), đăng trên tập san Đô Thành Hiếu Cổ (B.A.V.H - “Le camp de Tan So”) với những miêu tả chi tiết kèm theo bản đồ thành Tân Sở.

Tân Sở được xây với mục đích làm căn cứ kháng chiến nên thành có diện tích rộng gần bằng kinh thành Huế. Với chiều dài 548m, rộng 418m, ngoài thành có hàng rào cọc nhọn và hào sâu bao bọc, tiếp là thành đắp bằng đất nện, mở bốn cửa tiền - hậu - tả - hữu theo hướng tương ứng nam - bắc - đông - tây, tiếp theo là tre gai được trồng thành bốn lớp lũy dày, giữa các lũy tre là thành đất, tiếp giáp với thành nội là trại lính, kho hậu cần, bãi tập voi, ngựa. Chính giữa trung tâm là khu vực thành nội được xây bằng gạch vồ với chiều dài 165m, rộng 100m, ngoài bốn cửa tiền - hậu - tả - hữu còn có thêm Ngọ Môn. Bên trong thành nội là hành cung với các ngôi nhà kiên cố được tháo dỡ từ Huế rồi mang ra dựng lại để vua và các quan làm việc như dinh lãnh binh, chánh sứ, phó sứ, bang tá...

Lần giở những trang tài liệu cũ về căn cứ Tân Sở lúc bấy giờ có thể hình dung cả một “công trường kháng chiến” khi hàng vạn dân đinh trong vùng tụ hội về đây xây dựng thành lũy, binh lính tập trung luyện tập. Lương thực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến được vận chuyển từ đồng bằng sông Hồng vào đây qua cảng Cửa Việt. Súng thần công, đạn dược được chuyển từ kinh thành Huế ra, lò rèn nổi lửa đúc súng ống. Tiền bạc ngân lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến cũng được Tôn Thất Thuyết cho chuyển ra đây với ba trăm ngàn lượng, bằng một phần ba kho nội phủ.

Những trù liệu của triều đình khi xây dựng căn cứ Tân Sở đã thành sự thật khi sự biến đêm 23-5 năm Ất Dậu (1885) xảy ra. Cuộc tập kích đồn Mang Cá và Tòa khâm sứ Pháp không thành, kinh đô chìm ngập trong biển máu. Tôn Thất Thuyết và triều thần phò giá vua Hàm Nghi ra Tân Sở để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến đánh Pháp. Tại đây vua Hàm Nghi đã xuống chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân cả nước phò vua đánh giặc.
Cuộc kháng chiến của phong trào Cần Vương với sự tham gia của nhân dân và nhiều sĩ phu yêu nước kéo dài đến những năm đầu thế kỷ 20. Tân Sở thành xưa sau này bị quân Pháp đốt phá, nhưng theo A.Delvaux, khi ông lên đây lần đầu vào năm 1906 cho biết những thành lũy trong và ngoài Tân Sở vẫn còn khá nguyên vẹn.

Hoang tàn dấu tích



Hơn 120 năm đã qua khi chúng tôi về lại thành xưa Tân Sở chỉ thấy một bình nguyên mênh mông phủ kín bạt ngàn cao su. Những lũy tre ken dày mấy lớp xưa kia nay chỉ còn vài khóm lưa thưa nhưng vẫn mọc thẳng hàng, đủ cho chúng tôi nhận ra dấu vết của vòng thành ngoại. Trên lô cao su chưa khép tán, mấy người dân vùng Cùa tranh thủ gặt lúa. Chị Trần Thị Cúc ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính kể hồi xưa chị còn nhỏ lên đây vẫn thấy bờ tre ken dày. Hồi những năm 1970-1980, người ta mưu sinh bằng việc tìm phế liệu, trong khu vực thành Tân Sở xưa này đã tìm thấy khá nhiều đạn của súng thần công, những viên đạn hình cầu đúc bằng gang hay sắt, đồng, kích cỡ đường kính lớn nhỏ khác nhau.

Còn theo A.Delvaux, sau khi Tân Sở bị Pháp chiếm và đốt phá, công sứ Quảng Trị là Hamelin đã sai chuyển bốn khẩu thần công có khắc chữ Hán từ Tân Sở về đặt trước hành cung ở thành cổ Quảng Trị, trong đó hai cỗ súng dài đến 2,57m. Hỏi thăm những người dân quanh vùng để tìm đến chủ một vựa thu mua phế liệu thời đó, chúng tôi gặp anh Trần Xuân Hòa, năm nay 54 tuổi, người thôn Đốc Kỉnh, Cam Chính. Theo anh Hòa, số đạn thần công hồi đó anh mua nhiều vô kể nhưng đều cân sắt phế liệu, anh có giữ lại một vài viên bằng đồng nhưng rồi thất lạc mất.

Lũy tre không còn, những chứng tích súng đạn của kinh thành kháng chiến cũng không. May sao trong vườn nhà anh Hòa vẫn còn một số viên gạch vồ, vốn xưa kia là gạch xây thành nội Tân Sở. Hồi đó, dân trong vùng vào Tân Sở kiếm hết phế liệu thì nhặt những viên gạch còn lành lặn về lát sân, lát nền giếng. Những viên gạch vồ với kích thước không lẫn vào đâu được, đã xanh sắc rêu im lặng trong góc vườn nhà anh Hòa.

Một “kinh đô kháng chiến” được nhắc nhiều trong sử sách mà nay chỉ còn lại vài viên gạch lẻ loi như thế này thôi ư? Một chương bi tráng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc lẽ nào không còn ai biết? Nhìn ra mênh mông bình nguyên, chập chùng đồi núi vây bọc bốn bề, chốn hiểm địa chở che cho Tổ quốc buổi sơn hà nguy biến nay không một tấm bia biển để nhắc nhở hậu thế.

Quảng Trị ba lần làm kinh đô và thủ phủ

Lần thứ nhất: Khi chọn đất đứng chân cho hành trình mở cõi, từ năm 1558 Nguyễn Hoàng đã chọn Ái Tử của Quảng Trị.

Lần thứ hai: Khi Pháp nổ súng xâm lược (1858), lo ngại trước thế quân Pháp, năm 1883 để phòng khi Huế thất thủ, nhà Nguyễn chọn Quảng Trị để lập “kinh đô kháng chiến”, xây dựng căn cứ Tân Sở (nay thuộc vùng Cùa, huyện Cam Lộ, Quảng Trị).

Lần thứ ba: Năm 1973, khi đặt “thủ đô” cho Cộng hòa miền Nam Việt Nam giữa lúc cuộc đấu tranh đòi thống nhất đất nước diễn ra ác liệt nhất, Cam Lộ được chọn đặt trụ sở của chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nơi đây đã diễn ra những lễ trình quốc thư, tiếp kiến ngoại giao với sự có mặt của các chính khách trong chính phủ kháng chiến Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Bình...

cre: http://www.lyhocdongphuong.org.v ... chien%E2%80%9D-683/
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

16#
Đăng lúc 20-4-2013 23:43:08 | Xem tất
NHÀ NGUYỄN - LỊCH SỬ THĂNG TRẦM CỦA MỘT DÒNG HỌ

- KỲ 7: SỰ TƯỞNG NIỆM LẶNG LẼ




Danh thơm của người mở cõi dành cho ngôi trường được vinh dự mang tên, tên trường nay cũng không còn.

Trường Nguyễn Hoàng



Trường trung học Nguyễn Hoàng xưa -Ảnh tư liệu chụp năm 1958


Hiếm có ngôi trường nào đặc biệt như Trường Nguyễn Hoàng. Được một nhóm thân hào, nhân sĩ ở thị xã Quảng Trị lập ra vào năm 1951 là trường trung học tư thục, năm học tiếp theo được công nhận là trường công lập và đến niên khóa 1953-1954 mang tên Trường trung học Nguyễn Hoàng. Quảng Trị vốn là đất địa đầu giới tuyến, sau những tao loạn thời cuộc Trường Nguyễn Hoàng đã có lúc dời vào tận Hòa Khánh (Đà Nẵng) nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi.

Sau 24 năm tồn tại, sau ngày giải phóng (1975) ngôi trường trung học đầu tiên của tỉnh Quảng Trị không còn mang tên Nguyễn Hoàng. Trên vị trí trường xưa mọc lên một ngôi trường trung học mới mang tên Trường cấp III Triệu Hải, và sau những lần tách nhập địa giới hành chính, bây giờ ngôi trường ấy mang tên Trường THPT thị xã Quảng Trị.

Trường Nguyễn Hoàng không còn mang tên xưa nhưng những thế hệ cựu học sinh Nguyễn Hoàng đã mang theo hình ảnh ngôi trường cùng tên vị chúa mở cõi đi khắp năm châu bốn bể. Hiếm có ngôi trường nào với nhiều thế hệ trò giỏi như Trường Nguyễn Hoàng, không chỉ trước 1975 mà hơn 30 năm nay vẫn gìn giữ và phát huy truyền thống đất học.

Đi đến đâu, những cựu học sinh miền đất này vẫn mang niềm tự hào “học trò Nguyễn Hoàng”, dù họ đang là anh nông dân hay chữ lam lũ ruộng vườn hoặc những nhà khoa học, doanh nhân đang sống ở chân trời góc biển. Đó cũng là sự tưởng niệm lặng lẽ rằng cho dẫu thế nào thì không ai, không điều gì bị lãng quên, như sau này nhà thơ Nguyễn Duy cảm khái về lễ cải táng vua Duy Tân: “Bao triều vua phế đi rồi/Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”.

Năm 2006, những cựu học sinh Nguyễn Hoàng đã góp tay để cho ra đời tập sách Chân dung và kỷ niệm. Chỉ chưa đầy hai năm, tiếng gọi của những cựu học sinh Nguyễn Hoàng đã nối vòng tay lan xa khắp các châu lục, đã có bốn tập sách, mỗi tập dày ngót ngàn trang in những hồi ức, kỷ niệm về ngôi trường. Tâm nguyện của những học trò ra đi từ mái trường này vẫn là không làm điều gì thẹn với uy danh tiền nhân mà ngôi trường được mang tên.



Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Năm 1622, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã cho lập dinh trấn tại nơi này để giữ yên biên thùy phía tây - Ảnh: L.Đ.Dục


Mơ một nơi lưu bóng tiền nhân?

Dấu ấn của các chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị không chỉ ở Ái Tử, Trà Bát, Cửa Việt… Bây giờ đi ngược lên miền tây huyện Gio Linh, nơi những rừng cao su xanh tốt bạt ngàn, đặc biệt với hệ thống giếng cổ độc đáo được xếp hạng di tích quốc gia, ít ai biết miền đất ấy đã được Nguyễn Hoàng mở mang bằng việc đưa các tù binh nhà Mạc lên đấy khai khẩn, lập nên làng xóm (sau này cũng với chính sách ấy ông đã đưa tù binh nhà Trịnh vào khai phá các vùng đất mới từ Quảng Ngãi vào đến Phú Yên ngày nay).

Hay giờ đây cái tên Lao Bảo trở nên nổi tiếng là đầu cầu của hành lang kinh tế Đông - Tây nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là cửa ngõ đường xuyên Á, một khu kinh tế đặc biệt trên biên giới Việt - Lào. Tuy nhiên ít ai biết vào năm Nhâm Tuất (1622), chính Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên là người đã lập nên dinh trấn Ai Lao này để canh phòng nạn cướp bóc nơi biên thùy, tạo sự thông thương buôn bán với các bộ lạc Lạc Hoàn, Vạn Tượng (Lào), khi ấy thủ phủ vẫn ở làng Trà Bát.
Nhiều nhà nghiên cứu đã nói rằng tìm hiểu về triều Nguyễn mà thiếu chặng đường khởi nghiệp ở Quảng Trị là một thiếu hụt đáng tiếc. Nhưng Quảng Trị, trải qua mấy chục năm binh lửa đạn bom, dấu vết di tích đã không còn được bao nhiêu. Bom đạn phá một phần, những nhìn nhận thiếu khách quan về nhà Nguyễn suốt mấy chục năm qua, sự vô tâm của con người cũng góp phần xóa đi phần ít ỏi dấu tích còn lại.

Trong một lần làm việc với lãnh đạo huyện Triệu Phong (với huyện lỵ đang đóng tại vùng đất Ái Tử), chúng tôi được biết huyện Triệu Phong cũng mong muốn tôn tạo, trưng bày những dấu vết của thủ phủ Ái Tử, dinh trấn Trà Bát. Nhưng cũng chỉ là ước mong vậy thôi, chưa có gì khởi động. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân gợi ý khó có thể phục dựng tất cả, bởi đó là công việc đòi hỏi nhiều kinh phí và tốn kém, nhưng có một cách làm khác là thu nhỏ những di tích ấy bằng những mô hình với tỉ lệ nhỏ hơn, và tập trung tất cả mô hình ấy vào một khu vực.

Ở Ái Tử có một khu đất rộng chạy sát sông Thạch Hãn lâu nay vẫn được giữ để làm sân bay trong tương lai (thời chiến tranh là sân bay quân sự của Mỹ). Tuy nhiên, mới đây quy hoạch sân bay cho Quảng Trị đã được dời ra vùng Quán Ngang, huyện Gio Linh. Nhiều người mơ ước trên  khu đất định làm sân bay ấy, những dấu tích buổi đầu mở cõi của chúa Nguyễn Hoàng được phục dựng, mô hình thành Tân Sở được tái hiện trở thành một bảo tàng thu nhỏ nhưng sinh động, để rồi khi đến đó người ta hình dung được lịch sử khai mở Đàng Trong đã bắt đầu từ miền đất Ái Tử như thế nào, công cuộc kháng chiến của vua Hàm Nghi và thành Tân Sở đã diễn ra ra sao… Âu cũng là hậu thế tri ân tiền nhân vậy!

Nhưng ước mơ chuyện ngôi trường xưa được mang lại tên Nguyễn Hoàng, một con phố trung tâm nơi đô thị cửa ngõ Lao Bảo mang tên Chúa Sãi… có là điều quá khó khăn khi lịch sử trước hết là sự công tâm và quá khứ lịch sử cũng cần sòng phẳng?
___________________________
Năm 1987, giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhận định: “Có thời Nguyễn, chúng ta mới có được một Việt Nam hoàn chỉnh như ngày nay”. Hai thập niên qua, dần dần đã có một cái nhìn rộng mở hơn đối với vương triều Nguyễn.

cre: http://www.lyhocdongphuong.org.v ... g-niem-lang-le-331/
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

17#
Đăng lúc 20-4-2013 23:52:47 | Xem tất
NHÀ NGUYỄN - LỊCH SỬ THĂNG TRẦM CỦA MỘT DÒNG HỌ

(KỲ CUỐI): - KHƠI DÒNG LỊCH SỬ




Tuy nhiên, sự đánh giá đối với vương triều Nguyễn có vẻ đặc biệt hơn so với các triều đại khác trong lịch sử nước ta. Đặc biệt ở chỗ nhiều người chưa có được sự nhất trí trong nhận thức và sự giống nhau trong quan điểm. Chẳng hạn có người cho rằng nhờ có nhà Nguyễn nên nước ta mới có được một đất nước rộng lớn và hoàn chỉnh như ngày nay, cũng có người lên án nhà Nguyễn là một triều đại “bán nước”.



Đà Nẵng lấy tên chúa Nguyễn Hoàng đặt cho một con đường ở quận Hải Châu trung tâm thành phố -Ảnh: Đoàn Cường


Thịnh rồi suy

Vương triều Nguyễn chỉ mới được thành lập một cách chính thức vào đầu thế kỷ 19, nhưng sự chuẩn bị để đi đến kết quả đó đã bắt đầu từ rất lâu, muộn lắm là cũng vào thế kỷ 17. Theo bước thăng trầm của lịch sử mọi triều đại phong kiến, ngai vàng của các chúa Nguyễn Đàng Trong đã bị lung lay ngay sau cái chết của chúa Nguyễn Phúc Khoát vào năm 1765. Từ đó, Quốc phó Trương Phúc Loan, một con người vừa tham quyền vừa tham tiền, đã khuấy động cả triều đình Phú Xuân.

Bằng mọi thủ đoạn gian ác, ông đã đưa hoàng tử thứ 16 của vị chúa thứ 8 Nguyễn Phúc Khoát là Nguyễn Phúc Thuần mới 11 tuổi lên nối ngôi để lợi dụng. Sự lộng quyền của Trương Phúc Loan đã làm bộ máy cai trị của nhà chúa yếu kém dần và lâm vào tình trạng “dột từ nóc dột xuống”.

Đó chính là lý do khiến ba anh em nhà Tây Sơn nổi dậy ở Quy Nhơn vào năm 1771. Năm 1777, Nguyễn Huệ đem quân từ Quy Nhơn vào đánh Gia Định, chúa tôi nhà Nguyễn phải chạy xuống Định Tường, Cần Thơ rồi Long Xuyên. Quân Tây Sơn đuổi theo, bắt được chúa và đoàn tùy tùng, họ đều bị giết, chỉ trừ Nguyễn Phúc Ánh kịp thời rời đất liền ra trốn tránh ở đảo Thổ Châu.

Sau đó, ông trở về Long Xuyên tụ tập được một số người thân tín và tái khởi binh đánh chiếm lại Sài Gòn. “Rồi từ đó, suốt 24 năm trời, từ năm 1778 - 1802, Nguyễn (Phúc) Ánh liên tiếp chống lại kẻ thù họ Nguyễn. Cuối cùng ông gây dựng được cơ đồ cũ, lên ngôi với đế hiệu Gia Long, cai trị trên một lĩnh thổ to rộng hơn bao giờ hết về trước, và lĩnh thổ này chính ông đã đặt cho tên Việt Nam” (Nguyễn Phương, 82 năm Việt sử, 1802-1884, Đại học Sư phạm Huế xuất bản, 1963).

Nếu nói công bằng thì sự thống nhất quốc gia vào đầu thế kỷ 19 không phải là công riêng của ông vua đầu triều Nguyễn là Gia Long, mà nó đã được đặt sẵn nền tảng trước đó trên dưới hai thập niên với việc xóa bỏ ranh giới sông Gianh khi quân Trịnh mở cuộc Nam chinh vào đầu năm 1775, và nhất là lúc hoàng đế Quang Trung mở cuộc Bắc phạt vào năm 1788. Việc thiết lập vương triều Nguyễn cũng dựa trên nền tảng của một số triều đại tiền nhiệm trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, mà căn cơ và quan trọng nhất của vương triều này vẫn là thời của các chúa Nguyễn.

“Thà làm dân một nước độc lập”

Gia Long là vị vua khai sáng vương triều Nguyễn, kéo dài 143 năm (1802-1945) qua 13 đời vua. Nay nhìn lại lịch sử 143 năm trải qua 13 đời vua ấy, các nhà sử học dễ nhất trí với nhau rằng có thể chia đại khái ra làm hai giai đoạn. Giai đoạn độc lập tự chủ tồn tại dưới đời các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và một phần đời vua Tự Đức. Nhưng sau cái chết của vị vua thứ tư này thì thực dân Pháp đã có thể gây áp lực trực tiếp lên chính triều đình Huế, buộc Nam triều phải ký hiệp ước Patenôtre (6-6-1884) và tước đoạt nền độc lập của Việt Nam.

Mặc dù ngay sau đó, ngọn lửa giành lại chủ quyền có lóe lên vào năm 1885 dưới thời Hàm Nghi, rồi Thành Thái và Duy Tân, nhưng lực bất tòng tâm, kinh đô thất thủ, Việt Nam hoàn toàn bị đặt dưới quyền cai trị của người Pháp. Vương triều Nguyễn đã để mất nước (cho đến năm 1945), như chính Bảo Đại đã tuyên bố khi thoái vị: “Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”.

Khi đang viết bài này, tôi đọc được một cuộc phỏng vấn ngắn với nhà thơ Nguyễn Duy trên báo Lao Động ra ngày 16-7-2008, với nhan đề “Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”. Đây là câu thơ mà Nguyễn Duy dùng để mở đầu kịch bản phim Đi tìm dấu tích ba vua do Đài truyền hình TP.HCM thực hiện. Khi trả lời câu hỏi tại sao lại phải “khơi dòng lịch sử bị nghẽn” vào thời điểm này, nhà thơ Nguyễn Duy thổ lộ: “Cho đến bây giờ nhiều người biết rằng nhà Nguyễn có công lớn đối với nước nhà, nhưng không hiểu tại sao và từ lúc nào lại bị biến dạng, bị hạ thấp một cách oan sai về thang bậc giá trị lịch sử và văn hóa”.
Nhìn chung, vấn đề nào cũng có hai mặt của nó, kể cả “tấm huy chương” mà một số sử gia, trong đó có các nhà bỉnh bút ở Quốc Sử Quán, Nội các và Hàn Lâm viện triều Nguyễn đã gắn cho vua Gia Long nói riêng và vương triều Nguyễn nói chung. Nhưng vì chính vua Gia Long là người muốn giành lại vương quyền cho dòng họ mình để thành lập triều Nguyễn với bất cứ giá nào, kể cả việc cầu viện ngoại bang, cho nên con cháu ông sau đó đã phải trả một cái giá rất đắt khi quân đội thực dân Pháp đến xâm lược nước ta.

Trong bài “Vài suy nghĩ về vị thế xứ Huế và vị thế lịch sử của nó” đăng trên tạp chí Sông Hương tháng 5-6 năm 1987, giáo sư Trần Quốc Vượng đã đưa ra một nhận định đầy công tâm và chính xác về nhà Nguyễn: “Có thời Nguyễn, chúng ta mới có được một Việt Nam hoàn chỉnh như ngày nay”. Và trong ngót hai thập niên qua, nhiều cuộc hội thảo khoa học và nhiều công trình nghiên cứu đã dần dần đem lại một cái nhìn rộng mở hơn chứ không còn gay gắt như trước đối với vương triều Nguyễn.

cre: http://www.lyhocdongphuong.org.v ... i-dong-lich-su-332/

Bình luận

ss ơi từ post 84 trở đi hình hư hết rồi, ss sửa lại nhé. Cảm ơn ss đã post thêm nha!  Đăng lúc 21-4-2013 05:40 AM
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách