Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Xem: 11643|Trả lời: 19
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Đại - Xuất Bản] Cùng Anh Ngắm Hoa Sơn Tra | Ngải Mễ

[Lấy địa chỉ]
Nhảy đến trang chỉ định
Tác giả
Đăng lúc 3-10-2012 02:01:50 | Xem tất Trả lời thưởng |Xem ngược lại |Chế độ đọc


"Anh không thể chờ em nổi một năm lẻ một tháng, anh cũng không thể chờ em đến hai mươi lăm tuổi, nhưng anh sẽ chờ em suốt đời" (Trích nhật kí, trang 463)


Cùng anh ngắm hoa sơn tra

Tác giả: Ngải Mễ

Người dịch: Sơn Lê

Đơn vị xuất bản: NXB Phụ nữ



Vài nét về tác giả Ngải Mễ:

Nữ văn sĩ Ngải Mễ bắt đầu sáng tác từ năm 2005, cho đến nay đã có hàng loạt tiểu thuyết được xuất bản. Khởi đầu là bộ tiểu thuyết về tình yêu:

- Cùng anh ngắm hoa sơn tra (Phần I), 2007.
- Dịu dàng đến vô cùng (Phần II), 2009.

và các tiểu thuyết khác:
- Mười năm biến động, 2009.
- Không biết nói tương lai, 2009.
- Ba người đồng hành, 2010.
- Chim cùng rừng, 2010.


~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~


Trước khi post truyện thì dành 5 phút cho tiết mục quảng cáo.{:291:}

Đầu tiên, tác phẩm này đã được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim điện ảnh tựa "Sơn tra thụ chi luyến", đã được làm vietsub. Phim được công chiếu vào cuối năm 2010 và dự LHP Berlin lần thứ 62 năm 2011. Thread phim online nằm ở đây . Ngoài ra, còn có bản phim truyền hình của tác phẩm này nữa, nhưng mình chưa xem, tại vẫn còn hình bóng một cô Tĩnh Thu người nhó bé và rụt rè của Châu Đông Vũ và một lão Tam chân thành của Đậu Kiêu.

Bài hát cho phim được Trần Sở Sinh hát, cũng có vietsub rồi do bạn khác làm, mình dịch không được trao chuốt nên không có ý định dịch và làm vietsub lại MV đó. Mình đưa bản MV vietsub lên đây, nếu mod không đồng ý thì mình gỡ xuống.



Đọc xong mấy dòng lảm nhảm và nghe bài hát kia xong thì chắc cũng hết 5 phút rồi {:313:}


~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

















Rate

Số người tham gia 3Sức gió +20 Thu lại Lý do
nail65 + 5 Ủng hộ 1 cái!
greenrosetq + 10 Ảnh đẹp ^^
Spica + 5 em rate đây ^^

Xem tất cả

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Sofa
 Tác giả| Đăng lúc 3-10-2012 02:05:19 | Xem tất










Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Ghế gỗ
 Tác giả| Đăng lúc 3-10-2012 15:44:34 | Xem tất
Kurt gửi lúc 3-10-2012 08:45
Trời ơi, chị mần tiếp rồi ạ . Em chờ mãi đấy .

Ớ, phần 2 ư :-O. Thế phần 2 nói ...


Ừ, mần tiếp chứ để lâu quá nó sắp lên men trong máy chị luôn nè.
Cuốn "Cùng anh ngắm hoa sơn tra" chị mua năm ngoái lúc về VN. Lúc đó NXB chỉ có cuốn này thôi, chưa ra cuốn "Dịu dàng đến vô cùng". Hôm qua lúc post truyện đi tìm trên gg thì thấy đã ra cuốn 2 rồi, năm nay chị không về VN nên chưa mua. Để mấy bữa có hội chợ sách, chị xem có công ty nào của VN sang thì chị hỏi thử xem có không.
Chị chưa đọc truyện gốc, nhưng khi truyện dịch thì phát hiện cách viết lập lại từ rất nhiều, đọc mà muốn nổi đóa. Không biết là thủ pháp viết văn của tác giả là lập lại từ nhằm nhấn mạnh, hay do dịch nó thế. Có rất nhiều từ ngữ cứ lập đi lập lại trong đoạn văn, đọc muốn trẹo lưỡi. Còn nhiều đoạn giải thích tâm tình của Thu thì viết cứ dài dòng, lòng vòng, cũng không hiểu đó là thủ pháp của tác giả hay là sản phẩm phát sinh trong quá trình dịch.

@halay: mấy bạn đọc ngôn tình chắc không thích truyện này lắm đâu, nên cũng không thể nói bỏ lỡ truyện là sai lầm vì đọc truyện đau lòng muốn chết, lại thêm cái kết nữa.
Giờ mới để ý là áo của bạn hình hoa bỉ ngạn {:306:}


@ Cà: đúng là đồ keo kiệt, chị GR chưa gì đã rết cho chị 10 xèng, mang tiếng là người quen mà em chỉ cho chị 5 xèng, dỗi, nghỉ chơi nhau đây {:262:}

Nỗi lòng của Lão Tam



Nỗi lòng của Tĩnh Thu

Bình luận

đúng là bài sau em nghe đau lòng hơn bài trước :((  Đăng lúc 5-10-2012 01:03 AM
nghe clip thật muốn rơi nc mắt thật ấy,bài do nữ hát "gió ơi,mưa ơi,xin đừng mang anh ấy đi" nghe thổn thức cõi lòng quá :((((  Đăng lúc 4-10-2012 12:52 AM
Coi 2 clip rồi ngồi nhớ tình tiết trong phim mà muốn rơi nước mắt :((  Đăng lúc 3-10-2012 07:04 PM
ơ thế chị nghi oan cho em nó à? :))  Đăng lúc 3-10-2012 04:36 PM
vì nó chỉ rết đc có 5$ là hết cỡ chị ơi =))  Đăng lúc 3-10-2012 03:55 PM
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Tầng
 Tác giả| Đăng lúc 5-10-2012 00:55:21 | Xem tất
Chương 2





BA CÔ HỌC SINH ĐƯA MẮT NHÌN NHAU, không muốn để một cô tách đàn ở nhà ông Trương ngủ cùng giường với con gái ông ta. Tĩnh Thu thấy khó giải quyết, chủ động nói:


- Hai bạn ở với nhau, tớ ở đây.


Hai cô học sinh vui mừng đồng ý ngay.


Hôm ấy không còn hoạt động gì, mọi người ổn định chỗ ở, nghỉ ngơi, buổi tối tập trung tại nhà ông Trương cùng ăn cơm và bàn công việc của ngày hôm sau: phần lớn thời gian sẽ đi thăm hỏi, nói chuyện với bà con trong thôn, biên soạn tài liệu giáo khoa, nhưng cũng cần sắp xếp thời gian ra đồng làm việc với bà con nông dân.


Ông Trương đưa mọi người đến chỗ ở, nhà chỉ còn một mình Tĩnh Thu cùng với vợ ông ta. Bà Trương đưa Thu vào buồng cô con gái thứ hai, bảo Thu để hành lí vào đấy. Căn buồng này giống như những căn buồng của các làng quê khác Thu đã từng đến, chỉ có một cửa sổ nhỏ không lắp kính mà dán giấy bóng.


Bà Trương bật đèn, đèn điện rất tối, cố gắng lắm mới nhìn rõ mọi thứ. Căn buồng chừng mười lăm mét vuông, thu xếp gọn gàng, cái giường lớn hơn giường một, nhỏ hơn giường đôi, hai người ngủ hơi chật nhưng cũng vừa. Khăn trải giường trắng tinh, vừa giặt hồ còn cứng, sờ tay lên như sờ mặt giấy, không giống sờ lên vải. Chăn gấp thành hình tam giác, ruột chăn trắng lòi ra hai đầu, mặt chăn hoa đỏ. Thu suy nghĩ hồi lâu, nhưng vẫn không nghĩ ra phải bằng cách nào để tung chăn, cô không khỏi bối rối, quyết định tối nay đắp chăn của mình để sáng mai không phải gấp đúng kiểu. Theo yêu cầu hồi đó, học sinh về nông thôn ở trong các gia đình trung nông lớp dưới, phải giống như Bát lộ quân thời xưa, sau khi dùng đồ của gia chủ phải trả về đúng nguyên dạng.


Trên chiếc bàn bên cửa sổ có tấm kính lớn dùng để ép ảnh được coi như thứ xa xỉ thời đó. Dưới tấm kính lót mảnh vải nâu, ảnh để trên vải, tấm kính đặt lên trên. Tĩnh Thu tò mò ghé vào xem ảnh.


Có thể bà Trương thường xuyên tiếp khách cho nên rất hay chuyện, cũng rất hòa nhã, thân tình. Bà chỉ vào từng tấm ảnh giới thiệu với Thu. Trong ảnh là Trương Trường Sâm, con trai cả của ông bà, người cao lớn, không thể nghĩ đấy là con của vợ chồng ông Trương, có thể đấy là sự biến dị trong gia đình này. Anh làm việc ở bưu điện Nghiêm Gia Hà, một tuần lễ mới về thăm nhà có một lần. Nàng dâu cả lã Dư Mẫn, dạy tiểu học trường làng, dáng người mảnh mai, xinh xắn, rất xứng đôi với chồng.


Con gái lớn tên là Trương Đường Phần cũng rất xinh đẹp, sau khi tốt nghiệp trung học về lao động tại địa phương. Con gái thứ hai là Trương Đường Phương, dung nhan hoàn toàn ngược lại với chị, miệng dẩu, mắt cũng nhỏ hơn mắt chị gái. Phương Đang học trung học ở Nghiêm Gia Hà, mỗi tuần lễ về nhà hai lần.


Đang nói chuyện thì anh con trai thứ hai của ông Trương về, cha gọi anh về gánh nước, thổi cơm sớm, nghe nói nhà có khách trên tỉnh về, khách sẽ ăn cơm ở nhà.


Tĩnh Thu ra chào công tử thứ hai của ông Trương, thấy cậu ta không giống anh trai, nhưng lại giống cha như đúc, thấp lùn, các đường nét hình như cũng không cân đối. Thu hơi giật mình, tại sao trong nhà hai anh em, hai chị em lại khác nhau đến vậy? Hình như cha mẹ sinh con trai và gái đầu phải dốc toàn bộ phẩm chất tốt đẹp để tạo nên, đến đứa sau thì đâm uể oải, biếng nhác, tùy ý trời muốn thế nào cũng xong.


Bà Trương nói chuyện rất thân thiết, hai người chào hỏi nhau xong khách cảm thấy như trong một nhà. Bà chỉ vào cậu con trai thứ hai nói với Tĩnh Thu:


- Đây là anh Hai của con, tên là Lâm.


Thu không biết nên xưng hô thế nào, cô chỉ nói:


- Đi gánh nước à? Để em giúp.


Lâm tỏ ra xấu hổ, nói khẽ:


- Gánh được không?


- Có gì mà gánh không được? Em vẫn về nông thôn học tập bà con nông dân.


Bà Trương nói:


- Cô giúp được à? Để tôi ra sau vườn nhổ mấy cây rau, cô mang ra sông rửa giúp.- Nói xong bà cầm cái làn ra sau vườn.
Trong nhà chỉ còn Tĩnh Thu và Lâmn, Lâm tay chân ngượng ngùng không biết để vào đâu, cậu liền ra sau nhà lấy thùng gánh nước. Một lúc sau bà Trương mang hai cây rau vào, đưa cho Thu để cô theo Lâm ra sông.


Lâm không nhìn Thu, chỉ nói trống không: „Đi thôi“, rồi bước đi trước. Thu xách làn theo sau, hai người men theo con đường nhỏ ra sông. Dọc đường họ gặp mấy thanh niên trong thôn, các cậu này chọc Lâm: „Lâm, cha mày hỏi vợ cho mày đấy à?“ „Ôi, con gái thành phố cơ đấy!“ „Súng bắn chim đổi được trọng pháo!“
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

5#
 Tác giả| Đăng lúc 5-10-2012 00:58:56 | Xem tất
(tt)

Lâm bực mình, đặt thùng xuống, đuổi theo lũ bạn. Tĩnh Thu gọi to: „Đi thôi, mặc kệ họ“. Lâm quay lại, gánh đôi thùng đi nhanh ra bờ sông. Thu lòng dạ bồn chồn, không biết đám thanh niên kia nói năng với ý gì? Tại sao lại đùa chuyện ấy?


Ra đến bờ sông, Lâm nhất định không cho Thu rửa rau, bảo nước rất lạnh, sẽ làm cô cóng tay. Thu không thể cưỡng lại, đành đứng nhìn Lâm rửa rau. Lâm rửa xong rau rồi múc đầy hai thùng nước, Thu giành lấy để gánh:


- Vừa rồi anh không để em rửa rau, bây giờ phải để em gánh nước.


Lâm không chịu, cậu ta gánh nước chạy như bay về phía trước.


Về đến nhà, Lâm lại đi gánh tiếp, thu giúp bà Trương thổi cơm, nhưng bà không để cô làm. Vừa lúc ấy, thằng cháu của Lâm là Hoan Hoan dậy, bà Trương dặn cháu:


- Cháu đưa cô đi mời bố Ba về ăn cơm.


Lúc này Tĩnh Thu mới biết bà còn có một người con trai nữa, cô hỏi Hoan Hoan:


- Cháu biết bố cháu ở đâu không?


- Cháu biết, ở đội tham tham.


- Đội tham tham?


Bà Trương giải thích:


- Ở đội thăm dò, cháu nó nói không rõ.


Thằng Hoan lôi tay Thu:


- Đi, đi đến đội tham tham, bố Ba có kẹo cho cháu.


Tĩnh Thu theo thằng Hoan, vừa đi được một quãng thì thằng nhỏ không chịu đi, nó đưa hai tay ra đòi bế:


- Cháu mỏi chân, không đi được!


Thu cười, bế thằng nhỏ lên. Trông nó nhỏ con, nhưng rất nặng. Hôm nay Thu đã phải đi xa, bây giờ bế thằng nhỏ, cô cảm thấy như bê tải thóc. Nhưng nó không chịu đi, cô đành đi một đoạn lại nghỉ một lúc, liên tiếp hỏi:


- Đến chưa? Đến chưa? Cháu có quên đường không?


Đi rất lâu mà vẫn chưa tới, Tĩnh Thu lại nghỉ, bỗng nghe thấy có tiếng đàn accordéon vọng lại, cô không ngờ ở cái thôn miền núi nhỏ bé này mà cũng có người chơi đàn accordéon, bất giác Thu đứng lại lắng nghe. Đúng là âm thanh accordéon đang chơi bài „Kị binh tiến hành khúc“, tiết tấu nhanh, Thu cũng đã từng tập bài này, nhưng tập chưa đâu vào đâu, tay phải tương đối thành thạo, nhưng tay trái vẫn chưa ổn. Cô cảm thấy người chơi đàn này tay phải rất thành thạo, tay trái cũng rất dẻo, những đoạn sôi nổi đúng như đàn ngựa đang phi nhanh, gió cuốn mây bay.


Tiếng đàn từ trong lán số một vọng ra, những dãy lán không giống với nhà của bà con trong thôn, mà là một dãy dài, nhất định đấy là lán của đội thăm dò.


Tĩnh Thu hỏi Hoan Hoan:


- Có phải bố ở kia không?


- Vâng! - Thằng Hoan thấy đã đến nơi, nó sôi nổi hẳn lên, chân cũng không còn mỏi nữa, nó muốn thoát khỏi tay Thu.


Thu dắt thằng Hoan đi về phía cái lán kia. Lúc này cô nghe rõ tiếng accordéon, tiếng đàn chuyển sang bài „Cây sơn tra“, có thêm mấy giọng nam hòa chung. Họ hát bằng tiếng Trung Quốc, tưởng như tay đang bận việc nhưng miệng vẫn hát, tiếng hát chậm rãi lúc hát lúc dừng, lúc hạ giọng khe khẽ, khiến cho tiếng hát hay hơn.


Thu nghe say sưa, tưởng chừng như lạc vào thế giới thần thoại. Bóng tối dần buông, khói bếp lan tỏa, hương thơm đặc trưng của miền sơn cước hòa vào không gian, bên tai là tiếng đàn accordéon và tiếng hát của những chàng trai, cái thôn xóm xa lạ bỗng trở nên thân thuộc, một không khí chỉ có thể gọi đấy là những tình cảm của giai cấp tiểu tư sản.


Thằng Hoan thoát ra khỏi bàn tay Tĩnh Thu, nó chạy vế phía cái lán, vào cửa thứ ba, tiếng đàn cũng theo đó ùa ra. Tĩnh Thu đoán, rất có thể người kéo đàn là bố của nó, cũng tức là con trai thứ ba của ông Trương.


Thu có phần hiếu kì, cậu con trai thứ ba này liệu có giống anh Cả hay là giống anh Hai? Không biết tại sao cô mong anh này giống Sâm, bởi tiếng đàn hay như vậy không có lí gì lại phát ra từ bàn tay một người con trai giống như Lâm. Thu biết nghĩ như thế là không công bằng đối với Lâm, nhưng cô vẫn nghĩ như vậy.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

6#
 Tác giả| Đăng lúc 10-10-2012 04:05:33 | Xem tất
Chương 3





TĨNH THU như đang chờ người diễn trò ảo thuật mở phép màu, chờ bố của Hoan Hoan từ trong lán đi ra, cô nghĩ nếu như không phải là người kéo đàn thì cũng sẽ là một trong mấy người hát. Cô không ngờ, ở góc này của thế giới lại có một người biết hát bài „Cây sơn tra“, có thể dân làng không biết bài hát này là của Liên Xô, cho nên đội viên của đội thăm dò hát một cách tự nhiên.


Một lúc sau Tĩnh Thu thấy một người bế thằng Hoan đi ra. Anh mặc cái áo bông xanh dài đến tận đầu gối, có thể cái áo là của đội thăm dò phát, vì Thu đã thấy có mấy người mặc cái áo bông này đi quanh nhà. Thằng Hoan che khuất một nửa khuôn mặt của anh, cho đến khi anh đi tới, đặt nó xuống đất, Thu mới trông thấy cả khuôn mặt anh.


Tĩnh Thu lúc nhìn người tưởng tượng trong đầu cũng có một đôi mắt, trong lòng cũng có một đôi mắt khác. Đôi mắt trong đầu nói với cô, người không hợp với quan điểm thẩm mĩ của giai cấp vô sản, là bởi khuôn mặt ấy không đỏ au mà rất trắng trẻo, dáng người không giống với một toà tháp bằng thép, mà hơi gầy; anh có đôi hàng lông mày hơi rậm, nhưng không giống với dáng vẻ tuốt kiếm giương cung, không giống hai lưỡi kiếm xếch ngược như hình vẽ trong tranh cổ động. Nói tóm lại, anh không giống với định nghĩa „đẹp trai tài giỏi“ của giai cấp vô sản.


Còn nhớ bộ phim „Thời thanh niên“ chiếu hồi trước Cách mạng văn hóa, trong đó có một nhân vật tên Lâm Dục Sinh là một thanh niên lạc hậu, sợ về nông thôn, sợ đến những nơi gian khổ. Nhân vật Dục Sinh do Đạt Thức Thường đóng, hồi ấy Đạt Thức Thường vẫn còn trẻ, người hao gầy, đường nét trên khuôn mặt rất rõ ràng, có cái vẻ thư sinh, rất phù hợp với vai diễn.


Nếu Tĩnh Thu là đạo diễn, cô sẽ phân vai Lâm Dục Sinh cho bố thằng Hoan, bởi cái vẻ bề ngoài của anh không cách mạng, không võ biền, rất tiểu tư sản.


Nhưng đôi mắt trong trái tim Thu đang ra sức ngắm nhìn cái vẻ không cách mạng ấy của anh, chẳng qua vẫn chưa hình thành quan điểm rõ ràng, mà chỉ tiềm ẩm trong dòng ý thức. Cô biết trái tim mình xao động, trở nên bối rối, bỗng chú ý đến cách ăn mặc, trang điểm của mình.


Hôm ấy Thu mặc cái áo bông cũ của anh trai, vừa giống kiểu áo Tôn Trung Sơn, vừa không giống, vì chỉ có một túi và được gọi là áo học sinh. Áo học sinh cổ đứng rất thấp, nhưng cổ Thu lại cao, cô cảm thấy lúc này mình như con hươu cao cổ, trông rất xấu.


Bố của Tĩnh Thu đã bị đưa về nông thôn để cải tạo từ lâu, ba anh chị em ở nhà dựa vào đồng lương giáo viên tiểu học của mẹ, cuộc sống rất khó khăn, cho nên Thu phải mặc áo cũ của anh trai. Cũng may thời ấy ăn mặc thế nào cũng xong, tuy vậy con gái mặc áo con trai cũng bị người khác cười, nhưng quen rồi chẳng coi có chuyện gì. Hình như đây cũng là lần đầu tiên Thu bận tâm về cách ăn mặc của mình, sợ để lại ấn tượng xấu cho anh.


Thu không nhớ mình đã có lúc nào phải bận tâm về dáng vẻ và cách ăn mặc trước người khác chưa, cũng không nhớ mình đã bao giờ bối rối, mất tự nhiên trước người khác như thế chưa. Các bạn nam trong lớp đều sợ Thu, học tiểu học, trung học cơ sở còn có người bắt nạt, nhưng lên trung học phổ thông thì cánh học sinh nam không ai dám nhìn thẳng Thu, hễ nói chuyện với Thu là mặt đỏ lựng, cho nên Thu không quan tâm đến chuyện cánh học sinh có vừa ý hay không về cách ăn mặc và ngoại hình của mình, tất cả đều là lũ trẻ con.


Nhưng với con người trước mắt đây lại làm cho Thu căng thẳng đến độ đau lòng. Thu cảm thấy anh mặc rất đẹp, cái cổ áo trắng mặc trong cái áo xanh không cài cúc, trắng sạch và phẳng phiu, chắc chắn đó là thứ vải tốt mà Tĩnh Thu không thể mua được. Cái áo len màu vàng nhạt mặc ngoài áo trắng chắc chắn đan bằng tay, ngay như Thu biết đan giỏi cũng cảm thấy kiểu này rất khó đan. Anh còn đi giày da. Bất giác Thu nhìn đôi giày giải phóng đã bạc màu đang đi ở chân, cảm thấy rõ sự chênh lệch giữa giàu và nghèo.


Anh cười với Tĩnh Thu nhưng lại như đang hỏi thằng Hoan:


- Cô Thu của con đấy à? - Sau đấy anh mới chào hỏi. - Vừa đến hôm nay à?


Anh nói tiếng phổ thông, không phải tiếng huyện K, cũng không phải tiếng thành phố K. Tĩnh Thu không biết có nên bắt chuyện với anh không. Thu nói tiếng phổ thông cũng rât tốt, là phát thanh viên của đài truyền thanh nhà trường, thường xuyên được cử đi làm người dẫn chương trình trong những buổi liên hoan hoặc các hội khỏe, nhưng ngày thường Thu không tiện nói tiếng phổ thông, là bởi thành phố K trừ những người từ nơi khác đến, không ai nói tiếng phổ thông. Tĩnh Thu không biết tại sao anh biết nói tiếng phổ thông, có thể anh nói với Thu mộ người từ nơi khác về chăng? Thu „vâng“ coi như câu trả lời.


Anh hỏi:


- Đồng chí nhà văn từ huyện hay từ Nghiêm Gia Hà về? - Tiếng phổ thông của anh rất hay.


- Em không phải là nhà văn. - Tĩnh Thu ngượng ngùng. - Anh đừng gọi em như thế. Chúng em từ huyện về.


- Chắc là mệt lắm nhỉ, vì từ huyện về chỉ có thể đi bộ, ngay cả cái máy kéo nhỏ cũng không thể đi nổi. - Anh nói, rồi đưa tay ra. - Mời cô ăn kẹo.


Tĩnh Thu thấy trong lòng bàn tay anh hai cái kẹo gói giấy, hình như không phải thứ kẹo bán ở phố huyện. Thu lắc đầu thẹn thùng:


- Em không ăn, cảm ơn, anh cho trẻ con.


- Cô không phải trẻ con à?


Anh nhìn Tĩnh Thu như nhìn một đứa trẻ.


- Em... anh không thấy cháu Hoan gọi em là cô hay sao?


Anh cười. Tĩnh Thu rất thích nhìn anh cười.


Có những người lúc cười chỉ làm rung động những thớ thịt trên khuôn mặt, miệng cười nhưng mắt không cười, ánh mắt vẫn lạnh lùng, thậm chí có vẻ thù hận.


Nhưng lúc anh cười hai bên mũi có hai nếp cười, mắt cũng nheo nheo, cho cảm giác cái cười của anh bắt nguồn từ nội tâm, không phải giả vờ, cũng không phải trào lộng, mà cười thật lòng.


- Không phải trẻ con cũng có thể ăn kẹo. - Anh nói, lại đưa cái kẹo cho Thu. - Cầm lấy, đừng xấu hổ.


Tĩnh Thu đành cầm, tự an ủi:


- Em cầm cho cháu Hoan.


Thằng Hoan chạy tới đòi bế. Thu không biết tại sao mình được thằng Hoan mến, cô chiều nó, bế nó lên, nói với anh:


- Mẹ gọi anh về ăn cơm, em về trước nhé.


Anh đưa tay ra đón thằng Hoan:


- Hoan, ra đây bố bế, hôm nay cô phải đi xa, chắc chắn mệt lắm rồi.

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

7#
 Tác giả| Đăng lúc 10-10-2012 04:10:26 | Xem tất
(tt)

Thằng Hoan không phản đối, vậy là anh đi tới, đón thằng Hoan từ trong tay Thu, ý bảo Thu đi trước. Thu không chịu, sợ anh đi sau sẽ trông thấy dáng đi của mình không đẹp, hoặc trang phục không chỉnh, nên cố tình nói:


- Anh đi trước, em... không biết đường.


Anh không cố ép, bế thằng Hoan đi trước, Tĩnh Thu theo sau, trông anh như một quân nhân đã được rèn luyện, đôi chân dài thẳng bước về phía trước. Tĩnh Thu cảm thấy không giống với anh cả Trường Sâm, cũng không giống anh Hai Trường Lâm. Hình như anh là một gia đình khác.


Thu hỏi:


- Vừa rồi anh... kéo đàn đấy à?


- Cô cũng nghe thấy à? Tiếng đàn còn nhiều lỗi lắm nhỉ?


Thu không trông thấy mặt anh, nhưng từ sau lưng cô cảm thấy anh đang cười. Thu ngượng, nói:


- Em... không nhận thấy lỗi. Em không biết chơi đàn này.


- Khiêm tốn làm cho con người tiến bộ, cô khiêm tốn như vậy chắc chắn tiến bộ nhanh lắm. - Anh dừng bước, khẽ quay người lại. - Nhưng nói dối không phải là đứa trẻ ngoan, chắc chắn cô biết. Cô có đem đàn về không?


Thấy Tĩnh Thu lắc đầu, anh đề nghị:


- Chúng ta quay lại, cô thử kéo tôi nghe nhé?


Thu xua xua tay:


- Không, không, em kéo vớ vẩn lắm, anh kéo... rất hay, em không dám.


- Vậy thì để hôm khác.


Nói xong, anh tiếp tục đi.


Thu không biết phải từ chối thế nào, cô hiếu kì hỏi:


- Tại sao chỗ các anh ai cũng biết hát bài „Cây sơn tra“ thế nhỉ?


- Bài hát này rất hay, rất phổ biến hồi những năm năm mươi, nhiều người biết hát. Cô có hát được không?


Thu suy nghĩ, không nói mình biết hát hay không. Mạch suy nghĩ của Thu bắt đầu từ bài hát „Cây sơn tra“, nhớ đến cây sơn tra hôm nay trông thấy trên đường, Thu nói:


- Trong bài hát sơn tra nở hoa trắng nhưng hôm nay em nghe bác Trương nói cây sơn tra kia lại nở... hoa đỏ.


- Đúng vậy, có loại hoa sơn tra nở hoa đỏ.


- Có đúng... cái cây sơn tra ấy vì máu liệt sĩ tưới gốc cây cho nên mới nở hoa đỏ phải không?


Thu hỏi xong thấy thật ngu ngốc. Cô thấy anh đang cười, liền hỏi:


- Có phải anh thấy câu hỏi của em ngớ ngẩn lắm nhỉ? Em muốn hiểu rõ mới viết vào tài liệu giáo khoa, em không dám nói dối.


- Cô không phải nói dối, cô nghe thấy thế nào thì cứ viết lại như thế, còn có thật hay không đâu có phải là vấn đề của cô.


- Như vậy anh tin hoa là do... máu liệt sĩ nhuộm đỏ?


- Tôi không tin. Từ góc độ khoa học thì không thể, nó vốn là loài hoa đỏ. Nhưng mà, người ở đây nói vậy, coi như một truyền thuyết đẹp.


- Vậy ý anh bảo người ở đây... bịa chuyện?


Anh cười, nói:


- Không phải bịa, mà là thi vị hóa. Thế giới tồn tại khách quan, nhưng mỗi người cảm nhận thế giới một khác, con mắt nhà thơ nhìn thế giới sẽ thấy một thế giới khác.


Tĩnh Thu cảm thấy anh nói chuyện rất „văn học“, theo cách nói của „vua“ nói sai của lớp Thu, thì đó là „văn vẽ“. Tĩnh Thu hỏi:


- Anh đã thấy cây sơn tra ấy nở hoa bao giờ chưa?


- Tháng sáu năm nào nó cũng nở hoa.


- Tiếc thật, cuối tháng tư chúng em phải về trường, không thể thấy hoa sơn tra.


- Đi rồi còn có thể về chơi. - Anh nói như hứa với Tĩnh Thu. - Chờ cho năm nay cây sơn tra ấy nở hoa tôi sẽ bảo với cô, để cô về xem.


- Anh làm sao bảo với em được?


Anh lại cười:


- Muốn thì sẽ có cách.


Thu cảm thấy anh chỉ tùy tiện nói vậy thôi, bởi hồi ấy điện thoại chưa phổ biến, cả trường trung học số Tám của thành phố K mới có một máy điện thoại, muốn gọi điện thoại đường dài phải đến bưu điện cách đấy rất xa. Xem chừng cái thôn Tây Thôn Bình này cũng không có điện thoại.


Hình như anh cũng nghĩ đến chuyện ấy:


- Ở đây không có điện thoại, tôi sẽ gửi thư.


Nghe anh nói vậy, Thu thấy rất sợ. Gia đình Thu ở trong khu tập thể của nhà trường, mẹ dạy học, nếu anh viết thư về trường, chắc chắn sẽ bị mẹ cầm thư, mẹ sẽ hoảng lên mất. Từ ngày Thu còn nhỏ mẹ đã dặn „một lần sẩy chân ôm hận suốt đời“, nhưng mẹ chưa bao giờ bảo như thế nào mới gọi là sẩy chân, cho nên Thu vẫn nghĩ, qua lại với một bạn trai cũng là sẩy chân. Thu vội vã nói:


- Đừng viết thư, đừng viết thư, mẹ em thấy lại cho rằng...


Anh quay đầu lại, an ủi:


- Đừng sợ, đừng sợ, cô bảo tôi không viết tôi sẽ không viết đâu. Hoa sơn tra không phải là hoa chóng tàn, nở rồi tàn ngay, hoa này nở mấy ngày liền. Đến tháng Năm, tháng Sáu, bất cứ ngày Chủ nhật nào cô về cũng có thể thấy.


Về đến nhà, anh đặt thằng Hoan xuống, cùng với Thu vào nhà. Người trong nhà đã về gần đủ, Phần tự giới thiệu mình là con gái lớn trong nhà, rồi rất nhiệt tình giới thiệu với Tĩnh Thu từng người một:


- Đây là anh Hai, đây là chị dâu.


Thu cũng gọi „anh Hai“, „chị Mẫn“, mọi người đều vui vẻ.


Cuối cùng Phần chỉ vào „bố Ba“ nói:


- Đây là anh Ba, chào đi.


Tĩnh Thu rất ngoan ngoãn chào „anh Ba“ làm mọi người trong nhà phải bật cười.


Tĩnh Thu không biết mình làm sai như thế nào, mặt cô đỏ lựng, đứng ngây ra. „Anh Ba“ giải thích:


- Tôi không phải là người trong gia đình, giống như cô, chỉ ở đây thôi, cả nhà vẫn gọi tôi như thế, cô đừng gọi. Tôi là Tôn Kiến Tân, cô cứ gọi tên tôi, hoặc như mọi người gọi tôi là Ba.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

8#
 Tác giả| Đăng lúc 21-10-2012 12:57:19 | Xem tất
Chương 4



TỪ HÔM SAU, tiểu tổ cải cách giáo dục của trường trung học số Tám thành phố K bắt đầu bận rộn, hàng ngày đi hỏi chuyện bà con trong thôn, nghe họ kể chuyện chống Nhật, kể chuyện nông nghiệp học công xã nhân dân điển hình Đại Trại, kể chuyện đấu tranh với phái cầm quyền đi theo con đường tư bản, hoặc đến tham quan những địa điểm lịch sử.


Sau một ngày thăm thú, hỏi chuyện bà con, cả tổ họp lại thảo luận xem nên viết gì, phần nào do ai viết, sau đấy chụm đầu vào viết, ít hôm sau đưa bài viết ra báo cáo với toàn tổ, cùng góp ý, sửa chữa. Ngoài công việc ấy ra, hàng tuần cả tổ còn chia nhau tham gia lao động với bà con xã viên, bà con xã viên không nghỉ ngày Chủ nhật, nên cả tổ cũng không nghỉ. Thành viên trong tổ thay phiên nhau về thành phố K báo cáo với nhà trường ình hình biên soạn tài liệu giáo khoa, tiện thể nghỉ một vài hôm.


Cứ đến thứ tư và ngày cuối tuần, Trường Phương, cô con gái thứ hai của bà Trương từ trường trung học Nghiêm Gia Hà về, Phương tầm tuổi Tĩnh Thu, lại ngủ cùng giường nên thành bạn thân. Phương bảo Thu cách gấp chăn thành hình tam giác, Thu giúp Phương làm bài, buổi tối hai cô nói chuyện đến tận khuya, phần lớn nói chuyện anh Hai và anh Ba.


Theo phong tục của người Tây Thôn Bình, tên gọi thường ngày của con cái trong gia đình đều theo thứ tự, con trai lớn gọi anh Cả, thứ hai gọi là Hai. Nhưng với con gái thì không gọi như thế, mà thêm vào một chữ „cái“, không tính theo thứ tự, vì con gái phải đi lấy chồng, đi lấy chồng phải về nhà chồng, „con gái đi lấy chồng như chậu nước đổ đi“, không còn là người nhà mình.


Phương nói với Thu:

- Mẹ bảo sau khi chị đến, anh Hai trở nên chăm chỉ, ngày nào cũng về xem có phải gánh nước không, là bởi con gái thành phố các chị rất vệ sinh, dùng nhiều nước. Anh ấy sợ chị không quen dùng nước lạnh, ngày nào cũng nấu mấy bình nước nóng để chị vừa uống vừa dùng. Mẹ Phương vui lắm, xem ra muốn chị làm chị Hai của Phương.


Thu nghe nói mà lo lắng, không yên, chỉ sợ khó đền đáp mối thịnh tình này.


Phương nói thêm:

- Anh Ba cũng rất tốt với chị Thu, nghe mẹ Phương nói, chị vừa đến, anh ấy lấy ngay cái bóng đèn lớn thay cho chị, bảo bóng đèn trong buồng tối quá, đọc sách viết lách gì đều hại mắt. Anh ấy còn đưa tiền cho mẹ Phương để trả tiền điện.


Thu nghe nói, lòng vui rạo rực, nhưng miệng lại nói:


- Anh ấy sợ mắt Phương hỏng, vì đây là buồng của Phương.


- Phương ở đây bao nhiêu lâu, vậy mà chẳng thấy thay?


Về sau Thu gặp Ba đưa trả tiền cho anh, nhưng anh không nhận, hai người cứ đẩy đi đẩy lại như đánh nhau, Thu đành phải thôi. Lúc cô chuẩn bị đi, giống như một Bát lộ quân, để trên bàn một ít tiền và mảnh giấy nhắn lại đây là của anh.


Những năm gần đây Tĩnh Thu phải sống trong tâm trạng nặng nề vì „xuất thân không tốt“, chưa bao giờ được người khác ân cần chăm sóc. Với Thu, cuộc sống hiện tại giống như đánh cắp, vì bà Trương và mọi người không biết xuất thân của Thu, nếu họ biết chắc chắn sẽ không nhìn Thu bằng con mắt bình thường.


Một buổi sáng, Tĩnh Thu ngủ dậy, đang gấp chăn, bỗng thấy trên giường có vét máu to như quả trứng gà. Cô phát hiện „bạn thân“ lại đến làm bẩn cả khăn trải giường. „Bạn thân“ của Tĩnh Thu vẫn vậy, hễ gặp chuyện gì lớn đều xung phong đến trước. Trước đây cũng vậy, hễ về nhà máy, về nông thôn, đến các đơn vị quân đội „bạn thân“ đều đến sớm hơn. Thu vội thay khăn trải giường, lấy đầy một chậu nước, lén vò sạch vết máu. Ở nông thôn không có nước máy, Tĩnh Thu ngượng không dám giặt khăn trải giường ở nhà, với lại giặt như thế cũng không sạch. Lại đúng hôm trời mưa, sốt ruột chờ đến trưa trời mới tạnh, Thu vội để cái khăn trải giường vào chậu rửa mặt mang ra sông giặt.


Thu biết vào những ngày này phải kiêng nước lạnh, mẹ rất quan tâm đến chuyện ấy, thường nhắc nhở Thu đến kì kinh nguyệt không được đụng vào nước lạnh, không được ăn đồ lạnh, không được tắm nước lạnh, nếu không sẽ đau răng, nhức đầu, đau gân cốt. Nhưng hôm nay thì không có cách nào khác, cô mong chỉ một lần đụng đến nước lạnh sẽ không có vấn đề gì.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

9#
 Tác giả| Đăng lúc 21-10-2012 13:00:45 | Xem tất
(tt)

Ra đến bờ sông, Thu đứng trên hai tảng đá, thả cái khăn xuống nước, nhưng chỗ cô với tay được thì rất nông, cái khăn trải giường vừa thả xuống bùn đât cúng nổi lên theo, giống như càng giặt càng bẩn. Thu nghĩ, cứ liều, cởi giày lội xuống nước xem sao. Đang cởi giày thì nghe có người gọi:


- Cô làm gì đấy? May mà trông thấy, nếu không tôi giặt ủng ở trên này, nước bẩn trôi xuống làm bẩn khăn trải giường của cô.


Thu ngước lên, thấy Ba. Từ hôm Thu gọi „anh Ba“ bị mọi người cười, không biết mình phải gọi anh thế nào. Dù gọi thế nào cũng thấy ngượng, không biết tại sao. Tất cả những gì có liên quan đến anh đối với cửa miệng Thu đều trở nên cấm kị, nhưng đối với đôi mắt, đôi tai và trái tim cô lại trở thành „sách đỏ cao quí“ ngày ngày phải xem, ngày ngày phải đọc, ngày ngày phải nhớ.


Anh vẫn mặc cái áo bông lửng, nhưng chân đi ủng cao su dính đầy bùn đất. Lòng Thu chợt bồn chồn, hôm nay mưa to, cô ra sông giặt khăn trải giường, cứ sợ mọi người biết chuyện. Thu sợ anh hỏi, vội vàng chuẩn bị một lời nói dối.


Nhưng anh không hỏi, chỉ nói:


- Để tôi giặt giúp, tôi đang đi ủng, có thể ra sâu một chút.


Thu từ chối mãi, nhưng anh đã cởi bỏ cái áo bông, để vào tay Thu, cầm lấy cái khăn trải giường. Thu ôm cái áo bông của anh đứng trên bờ, nhìn anh xắn tay áo ra chỗ nước sâu, một tay cọ bùn đất trên ủng, sau đấy nhanh nhẹn vò cái khăn trải giường.


Giặt một lúc, anh cầm cái khăn, tung lên như tung lưới bắt cá, cái khăn trải rộng, nổi trên mặt nước, bông hoa hồng trên đó nhảy nhót vui mừng theo sóng nước. Anh để cho nước cuốn trôi, Thu hoảng hốt kêu lên anh mới đưa tay nắm lấy cái khăn trải giường. Anh đùa nghịch như thế một lúc, Thu không kêu lên nữa, anh để cái khăn trôi cô cũng không kêu.


Thu không kêu, anh không nắm lấy cái khăn, lần này thì trôi thật. Cái khăn trải giường trôi một quãng xa anh vẫn không lôi lại, cuối cùng thì Thu phải kêu lên, anh mới cười to, rồi bước thấp bước cao đuổi theo lôi cái khăn lại.


Anh đứng dưới nước, ngoái nhìn Thu, lớn tiếng hỏi:


- Thu có lạnh không, lạnh thì mặc cái áo bông vào.


- Em không lạnh.


Anh lên bờ, quàng cái áo bông lên người Thu, nhìn cô một lúc rồi cười ngả cười nghiêng.


- Anh cười gì? - Thu lấy làm lạ, hỏi. - Hay là em xấu lắm?


- Không, cái áo khoác quá rộng, khoác lên người trông như cái nấm.


Thấy hai tay anh rét đỏ, Thu lo lắng hỏi:


- Anh... lạnh không?


- Nói không lạnh là nói dối. - Anh lại cười to: - Nhưng sắp xong rồi.


Anh lại chạy xuống sông rũ cái khăn, rũ một lúc, anh vắt kiệt nước, đi lên bờ. Thu vội trả cái áo bông cho anh, anh mặc áo, cầm cái chậu đựng khăn trải giường.


Thu giành lấy nói:


- Anh đi làm đi, để em đem về, cảm ơn anh nhiều.


Anh không đưa trả cái chậu cho Thu, nói:


- Trưa rồi, đang là thời gian nghỉ. Nơi làm việc của tôi đã chuyển sang đây, sẽ về nghỉ một lúc.


Về đến nơi, anh bảo Thu phía sau nhà có sào phơi áo quần, anh tìm khăn lau sạch cây sào, lại giúp Thu phơi cái khăn trải giường lên, sau đấy dùng hai cái kẹp kẹp lại.


Lúc anh làm, tay chân rất thành thạo, rất tự nhiên. Tĩnh Thu bất ngờ hỏi anh:


- Tại sao anh làm việc nhà giỏi thế?


- Quanh năm đi công tác xa nhà, mọi việc phải tự làm.


Bà Trương nghe thấy, đùa anh:


- Nói khoác, vỏ chăn, khăn trải giường của anh đều do cái Phần nhà này giặt.


Anh lè lưỡi, không dám khoác lác. Tĩnh Thu nghi, chắc chắn Phần rất thích anh, không phải thì tại sao lại giặt chăn, giặt khăn trải giường cho anh?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

10#
 Tác giả| Đăng lúc 21-10-2012 13:03:54 | Xem tất
(tt)


Thời gian ấy hầu như trưa nào Ba cũng về nhà bà Trương, có lúc ngủ trưa, có lúc nói chuyện với Thu, có lúc anh mang trứng gà và thịt về để bà Trương làm thức ăn cho mọi người. Không biết anh lấy thịt và trứng ở đâu, vì những thứ đó đều bán theo tem phiếu, có lúc anh lại mang cả trái cây về, hồi ấy trái cây rất hiếm, cho nên mỗi lần anh mang về đều làm cả nhà vui.


Có lần anh bảo Thu cho anh xem những gì cô đã viết, anh nói:


- Đồng chí nhà văn, tôi biết các đồng chí không muốn cho ai xem ngọc ngà của mình, nhưng thứ các đồng chí viết không phải là ngọc ngà của mình, mà là lịch sử thôn này, có thể cho tôi xem được không?


Thu không thể từ chối, đành đưa cho anh xem. Anh xem rất nghiêm túc, trả lại cho Thu, nói:


- Văn chương không có gì phải bàn, nhưng mà, Thu viết những thứ này quả là lãng phí tài năng.


- Tại sao?


- Toàn là thứ văn chương ứng cảnh, không có ý nghĩa gì sất.


Thu giật mình, cảm thấy những lời anh nói rất phản động. Nhưng đúng là Thu không thích viết những thứ đó, nhưng không viết không còn cách nào.


Thấy Thu lo lắng viết lách, anh an ủi:


- Cứ viết đại đi, người ta bảo viết như thế nào thì cứ viết như thế. Viết những thứ này khỏi cần phải động não nhiều.


Những lúc không có ai, Tĩnh Thu hỏi anh:


- Anh bảo em viết những thứ này không cần phải động não nhiều, vậy thì viết gì mới cần động não?


- Viết những cái Thu cần viết, tức là phải tốn tâm tư. Thu đã viết truyện, làm thơ bao giờ chưa?


- Chưa. Em làm sao có thể viết nổi truyện?


Anh thấy hứng thú, hỏi Tĩnh Thu:


- Thu cảm thấy người như thế nào mới viết được truyện? Anh thấy Thu có tư chất làm một nhà văn, văn Thu viết rất hay, quan trọng hơn là, Thu có đôi mắt rất giàu chất thơ, có thể nhận ra chất thơ trong cuộc sống...


Tĩnh Thu lại thấy anh „văn vẻ“, liền truy hỏi:


- Anh luôn nói „chất thơ, chất thơ“, cuối cùng „chất thơ“ là gì?


- Theo cách nói trước kia, tức là „chất thơ“, còn theo cách nói ngày nay, tức là „lãng mạn cách mạng“.


- Anh biết nhiều quá, tại sao anh không viết truyện?


- Cái mà anh muốn viết sẽ không có ai in, còn cái có thể in được, chắc chắn đấy không phải là cái muốn viết. - Anh cười rồi nói tiếp: - Có thể Thu vừa đi học thì Cách mạng văn hóa bắt đầu, nhưng anh học đến trung học phổ thông thì bắt đầu Cách mạng văn hóa, anh bị ảnh hưởng của giai cấp tư sản chắc chắn sâu hơn Thu. Lúc đi học, anh cứ muốn thi lên đại học, vào đại học Thanh Hoa, nhưng vì chưa đến tuổi...


- Tại sao anh không đi học đại học Công Nông Binh?


Anh lắc đầu:


- Có ý nghĩa gì? Bây giờ ở đại học không học được gì. Thu tốt nghiệp trung học rồi chuẩn bị làm gì?


- Về nông thôn.


- Rồi sau đấy?


Thu rất buồn vì không thấy „sau đấy“ của mình. Anh trai Thu về nông thôn mấy năm nay, không làm sao về lại thành phố. Anh trai kéo violon rất giỏi, văn công huyện và đoàn văn công Hải Chính muốn nhận anh, nhưng đến khi thẩm tra lí lịch họ lại thôi. Thu hơi buồn, nói:


- Không có „sau đấy“ em về nông thôn nhất định sẽ không được về lại thành phố, vì gia đình em... thành phần không tốt.


Anh khẳng định:


- Không đâu, nhất định Thu sẽ được gọi về, chẳng qua muộn thôi. Đừng nghĩ nhiều, đừng nghĩ xa, thế giới thay đổi hàng ngày, biết đâu đến ngày ấy chính sách thay đổi, không phải về nông thôn nữa.


Thu cảm thấy tương lai thật xa vời, liệu có như thế được không? Nhất định anh đang động viên. Dù sao thì Thu có về hay không cũng không liên quan đến anh, anh chẳng việc gì phải chịu trách nhiệm với lời nói của mình. Nói đến những chuyện ấy, Tĩnh Thu cảm thấy không còn gì để bàn với anh, anh bảo bố anh trước kia làm quan, tuy có bị chấn chỉnh, nhưng bây giờ không việc gì nữa, cho nên anh không phải về nông thôn, mà được vào thẳng đội thăm dò. Con người như anh khác hẳn với Thu, anh không thể hiểu nổi nỗi lo của Thu.


- Em phải viết đây.


Thu uể oải nói rồi giả bộ viết. Anh cũng không nói gì thêm, chỉ ngồi kia ngủ gật, thỉnh thoảng lại nói đùa với thằng Hoan, đến giờ anh về đi làm.


Một hôm, anh đem đến cho Thu một cuốn sách rất dày, hỏi:


- Thu đã đọc cuốn Jean Christophe (2) này chưa?


- Em chưa đọc.


Anh để cuốn sách lại, bảo đây chỉ là tập một, xem xong tập này anh sẽ cho mượn tập tiếp theo.


Về sau Tĩnh Thu hỏi:


- Tại sao anh có những sách này?


- Đều là của mẹ anh. Bố anh làm quan, nhưng mẹ thì không. Có thể Thu đã nghe nói, hồi đầu giải phóng ban hành luật hôn nhân mới, rất nhiều cán bộ bỏ vợ ở quê, tìm các cô nữ sinh trẻ đẹp, có học thức lấy làm vợ. Mẹ anh là một nữ sinh, một tiểu thư con nhà tư sản, có thể vì để thay đổi địa vị chính trị của mình, nên lấy bố anh.


- Nhưng mẹ cảm thấy bố không hiểu mẹ, cho nên trong lòng mẹ rất day dứt, dành phần lớn thời gian để đọc sách. Mẹ rất yêu sách, có rất nhiều sách, nhưng hồi Cách mạng văn hóa mẹ sợ, đốt rất nhiều. Anh và thằng em trai giấu đi. Cuốn này có hay không?


- Đây là của giai cấp tư sản, nhưng chúng ta có thể tiếp thu có phê phán... - Tĩnh Thu nói.


Anh lại nhìn Thu như nhìn một đứa trẻ:


- Đây là những tác phẩm nổi tiếng thế giới, hiện tại đang gặp vận nguy ở Trung Quốc, nhưng rồi danh tác vẫn là danh tác, không phải vì thế mà trở thành rác rưởi. Thu có muốn đọc nữa không? Anh vẫn còn, nhưng Thu không được đọc quá nhiều, nếu không, không viết xong tài liệu giáo khoa. Hay là... để anh viết giúp?


Anh viết giúp mấy đoạn, rồi nói:


- Lịch sử Tây Thôn Bình anh rất thuộc, viết trước mấy đoạn, để thầy giáo và các bạn học của Thu xem có được không, nếu không được anh sẽ viết lại.


Về sau, trong lúc thảo luận tổ, Tĩnh Thu đưa những đoạn đã viết mấy hôm nay cho mọi người xem, dường như không ai nhận ra những đoạn không phải Thu viết. Vậy là anh trở thành „nhà văn dự bị“ của Tĩnh Thu, cứ buổi trưa anh lại viết giúp tài liệu giáo khoa, trưa nào Thu cũng đọc sách của anh cho mượn.



(2) Tiểu thuyết của nhà văn Pháp Romain Rolland (1866 - 1944) – ND
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách