Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: alice2000phuong
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Lịch Sử - Xuất Bản] Bài Học Israel | Nguyễn Hiến Lê (HOÀN)

[Lấy địa chỉ]
51#
 Tác giả| Đăng lúc 11-5-2013 09:09:59 | Xem tất
Phụ lục II (B)

Kosygin và Kissinger phải thuyết phục mỗi bên để không khí dịu xuống.

Tiếng súng vừa tạm yên, thì chiến tranh dầu lửa phát lên mạnh mẽ. Hình như Boumedieune, Tổng thống Algérie, là người phối hợp các hoạt động của mười mấy nước Ả Rập trong chiến lược này (4).

Trong chiến tranh dầu lửa, họ đoàn kết chặt chẽ với nhau, cùng hạ mức sản xuất dầu, cùng tăng giá dầu và cùng không bán dầu cho các nước ủng hộ Do Thái hoặc không đả đảo Do Thái. Đòn dầu lửa đó tỏ ra rất lợi hại. Mỹ, Hà Lan, Nhật, hầu hết Tây Âu và nhiều nước châu Á bị xáo trộn dữ dội: nhiều cây xăng phải ngưng hoạt động, xe hơi ít chạy và bớt sản xuất, trái lại xe đạp sản xuất không kịp để cung cấp; điện phải hạn chế, nhiều gia đình Âu Mỹ mùa đông này không có điện để sưởi; phi cơ cũng ít bay, hàng ngàn phi công Mỹ thất nghiệp; nguy nhất là nhiều kỹ nghệ phải giảm hoạt động, đuổi bớt thợ đi, vật giá tăng lên, đời sống đắt đỏ nạn thất nghiệp tăng lên, kinh tế suy sụp.

Giáng Sinh 1973 sẽ là Giáng Sinh buồn nhất từ 1945 tới nay. Ấy là các nước dầu lửa ở Ả Rập mới chỉ giảm sản xuất 25% mà đã vậy; nếu tất cả các giếng dầu trên thế giới là chết bất tử thì cả nền văn minh của chúng ta sẽ sụp như tôi đã nói trong bài “Tựa” cuốn Bản đồ Ả Rập, năm 1969. Chưa bao giờ nhân loại thấy bị lệ thuộc dầu lửa tới mức đó.

Vì vậy, các nước kỹ nghệ một mặt gấp rút tìm thêm mỏ dầu lửa, một mặt “o bế” các nước Ả Rập (Nhật Bản lo ngại nhất, nên đã bỏ thái độ trung lập lúc đầu, từ bỏ ông bạn Mỹ, mà tuyên bố yêu cầu Do Thái phải trả hết đất đã chiếm, để mong Ả Rập Séoudite bán dầu cho); mặt khác họ tìm cách chế tạo những xe hơi chạy bằng khinh khi hay than, và xây cất thêm những nhà máy nguyên tử lực.

Và gần khắp thế giới ai cũng mong Do Thái mau mau nhường Ả Rập để mình khỏi bị hạn chế về dầu lửa mà đời sống được bình thường trở lại.

***

Hội nghị Genève

Nhưng xung đột Tây Á này làm sao có thể giải quyết cho mau được vì còn khó khăn gấp mấy vấn đề Đông Dương nữa.

Sau biết bao cuộc vận động của Kissinger trong hai tháng nay, vận động cả với Do Thái lẫn Ả Rập hai bên đã chịu họp hội nghị ở Genève hôm 21-12-1973. Tổng thư ký Liên hiệp quốc (chủ toạ), Mỹ, Do Thái, Nga, Ai Cập, Jordanie, (Syrie không chịu họp).

Không khí mấy buổi đầu có vẻ dễ chịu. Những phải đợi đến đầu năm 1974, Do Thái bầu xong Thủ tướng, hội nghị mới thực sự bắt đầu. Hai vấn đề gay cấn nhất sẽ là Palestine và Jérusalem. Non ba triệu dân lưu vong Palestine, ở rải rác tại Jordanie, Gaza, Liban, Syrie, Kuwait, Ả Rập Saudi, Israel, đòi có một tổ quốc, đòi hỏi đó còn chính đáng hơn đòi hỏi của Do Thái trước năm 1945 nữa. Ngay lãnh tụ cửa họ, Arafat, và các bạn của ông cũng phải sống từ khách sạn này qua khách sạn khác, không có một mái nhà một gia đình, một tổ quốc. Vậy thì thế nào cũng phải trả họ ít nhất là một phần ở phía Tây sông Jordanie để họ lập lại tổ quốc.

Rồi tới vấn đề Jérusalem. Nhà cầm quyền Do Thái sau chiến tranh 1967 đã hứa với dân rằng không khi nào để cho Jérusalem lọt vào tay Ả Rập nữa, dù chỉ là một phần thôi. Nếu họ không thay đổi thái độ, thì không sao êm được. Đức Giáo Hoàng Paul VI biết rằng vấn đề ấy sẽ rất gay go, nên đã hứa sẵn sàng dự Hội nghị Genève (chắc là để hoà giải) khi đem nó ra bàn.

Như vậy thì chúng ta có thể ngờ rằng hội nghị Genève còn khó khăn hơn hội nghị Paris và chưa biết mấy năm nữa, hoà bình mới trở lại Tây Á.

***

Bài học của cuộc chiến lần này

Ngay từ bây giờ, thế giới đã rút được những bài học của cuộc chiến tranh 18 ngày:

1.        Chiến xa không còn là yếu tố then chốt trên chiến trường nữa.

Ông Smart, phó giám đốc Viện vấn đề thế giới của Hoàng gia Anh nói: “Các hoả tiễn Nga Xô cung cấp cho bộ binh Ả Rập có thể hạ một chiến xa bằng một trái đạn duy nhất, trước khi chiến xa đó có thể tấn công”. Những hoả tiễn địa-địa Sagger và Snapper này rất nhẹ, một người cũng có thể sử dụng được: núp dưới hầm rồi dùng viễn vọng kính, nhắm bắn vào chiến xa địch, mà địch không trông thấy. Vậy thì phải xét lại thuật sử dụng lực lượng chiến xa, chưa biết chừng phải thay đổi cả lý thuyết về chiến tranh nữa.

2.        Không quân có thể bị hạ dễ dàng từ dưới đất

Trong khoảng trên một trăm phi cơ Do Thái mất trong cuộc chiến, có tới 80% bị hoả tiễn địa-không SAM 6 do Nga chế tạo bắn rớt. Như vậy các trận không chiến không còn quan trọng nữa.

Loại SAM 6 này rất mới, Mỹ chưa biết, nên Do Thái chỉ có cách là đưa cảm tử quân vào ngay đất Ai Cập để phá huỷ chúng. Phá được bộn rồi. Do Thái mới lại làm chủ được không trung.

3.        Khả năng không vận rất quan trọng.

Cả Mỹ lẫn Nga đều nhờ những phi cơ khổng lồ cứ năm, bảy phút lại cất cánh một chiếc để tiếp võ khí cho Do Thái và Ai Cập; nếu không thì hai bên không thể đánh nhau quá ba ngày được.

4. Một sự việc rất mới và rất quan trọng đã xuất hiện trong cuộc chiến tranh này là vai trò của những vệ tinh trinh sát. Những vệ tinh này đã giúp cho Nga và Mỹ theo dõi sự diễn tiến của các trận đánh một cách tổng quát mà đồng thời lại chính xác hơn là dùng các quan sát viên. Hình ảnh do các vệ tinh ấy chụp được rõ ràng tới nỗi có thể giúp họ phân biệt được loại chiến xa này với loại chiến xa khác, và xác định được nòng súng của một đại bác là bao nhiêu ly!

Thật là những tiến bộ lớn về chiến tranh, nhưng họ cứ tiến đều đều như vậy thì cuối thế kỷ này, nhân loại sẽ đi về đâu?

Hết Đông Dương, Tây Á họ sẽ thử sức nhau ở đâu nữa?

Chú thích:

1 – Ngày 18 – 10, có tin Ai Cập cũng có thái độ đó ở mặt trận Sinaï

2.        – Ở phía Cộng Sản, quốc gia sản xuất vũ khí chớ không phải tư nhân. Ở Pháp nhờ kỹ nghệ chiến tranh mà mỗi năm thu được 700 triệu Mỹ kim ngoại tệ, và nuôi được 270. 000 gia đình công nhân.

3.        – Vua Huslsein nước Jordanie đã có lần muốn đi với Do Thái; lại có lần tuyên bố thẳng ra rằng khi nào Ả Rập mạnh lên, có thể thắng được Do Thái thì ông ta mới theo.

4.        – Có lẽ vì vậy mà qua tuần thứ nhì, khi Ả Rập Séoudite nhảy vào vòng chiến, Nixon ráo riết hô hào ngưng chiến.

5.        – Người ta còn ngờ rằng tháng 9, ông tổ chức Hội nghị các Quốc gia phi lien kết, để các nước Ả Rập bàn mật với nhau về việc tấn công Do Thái, mà che mắt được thế giới

6.        – Lúc này nhằm tháng Ramadan, tháng chay (tháng lịch Hồi giáo)

Sài gòn, 23-12-1973

HẾT
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách