Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: Spica
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Khác - Xuất Bản] Một Số Tác Phẩm Của William Shakespeare | William Shakespeare

[Lấy địa chỉ]
11#
 Tác giả| Đăng lúc 1-10-2011 22:38:44 | Chỉ xem của tác giả
CYMBELINE


Caymbeline là vua Anh quốc, đó là một ông vua bất hạnh, vì sau khi các binh đoàn của Jules César rút đi, triều đại ngài luôn bị phá rối, bọn lính La Mã thường xuyên quấy nhiễu, hai đứa con trai ngài, đã khôn lớn và tỏ ra dũng cảm, đã bị bắt đi cùng với bà vú, trong trường hợp rất bí ẩn, hoàng hậu lại qua đời. Tuy nhiên, dù bao hoạn nạn dồn dập xảy ra, tuổi già của ngài cũng cảm thấy được an ủi. Ngài đã tục nguyền với một góa phụ, biết hết lòng lo lắng cho ngài, mẹ của một chàng trai to lớn, mà Cymbeline rất quí mến, trong khi mọi người đều ghét cay ghét đắng cái gã Cloten hợm hĩnh. Nhưng phần lớn niềm vui của vị vua già là do công chúa Imogène, đứa con duy nhất còn lại của ngài, cô gái sắc nước hương trời và là người kế nghiệp của vương quốc.

Cymbeline, nhu nhược và cả tin, hoàn toàn tin cẩn bà thứ phi, bà ta lúc nào cũng chăm chú nghiên cứu các loài dược thảo và đặc tính của chúng, khảo sát các tính chất, cho bọn tì nữ hái các cây lá có thể chữa bệnh, cũng như có thể giết người. Chỉ có mỗi nhà vua là không rõ bà thù hận Imogène đến mức nào, và sự mù quáng đó đã gây ra biết bao tai họa.

Để chiều ý hoàng hậu và cũng vì ngài tưởng lầm Cloten đứng đắn và dũng cảm, ngài muốn gả Imogène cho anh ta. Cô công chúa trẻ đẹp, sáng suốt và tinh tế hơn, rất khinh ghét kẻ cầu hôn ấy, vả lại tim nàng đã hướng về người khác, chàng Posthumus. Sau khi cha mẹ qua đời, chàng được nuôi dưỡng trong triều cùng với nàng. Cha chàng nổi tiếng dũng liệt đến mức thiên hạ tặng cho biệt danh là Léonatus, sư tử. Dù thuộc dòng quý tộc và thừa hưởng danh vọng của thân quyến, Posthumus rất nghèo, và vua Cymbeline đã đón chàng về nuôi dưỡng thật chu đáo. Chàng đã trở thành một hiệp sĩ toàn diện, và người ta chỉ có thể phiền trách chàng về sự nghèo túng mà thôi. Nhưng Imogène chẳng mấy quan tâm đến sự nghèo khổ của chàng, vì cô yêu chàng, và bởi e ngại cơn phẫn nộ của vua cha, và sự theo đuổi ráo riết của Cloten, cô đã bí mật thành hôn với Posthumus.

Nhưng mọi việc đều vỡ lẽ ngay, do các thủ đoạn của hoàng hậu. Cymbeline, bị bà vợ yêu xúi dục, đã ra lệnh trục xuất Posthumus ra khỏi vương quốc, và quản thúc Imogène trong lâu đài. Tuy nhiên, đôi vợ chồng trẻ vẫn tìm cách gặp lại nhau giây lát, trước khi Posthumus xuống tàu rời khỏi Anh quốc. Đó là một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và đau buồn.

- Điều duy nhất có thể giúp em chịu đựng nổi cuộc sống – Imogène tha thiết nói- đó là ý nghĩ trên đời này còn có một kho tàng mà đôi mắt em có ngày sẽ được thấy lại.

- Nữ hoàng của anh, người yêu quí nhất đời anh – Posthumus đáp, giọng thật nồng nàn- em đừng khóc nữa. Anh sẽ là người chồng chung thủy như vẫn hằng nguyện ước. Nhưng giờ đây, em yêu ơi! Phải để anh ra đi! Nếu những lời từ biệt cứ kéo dài mãi, trong suốt khoảnh khắc còn lại giữa đôi ta, thì niềm đau chia cách sẽ càng tăng lên nhiều. Thôi, xin giã từ em!

- Không hãy nán lại giây phút. -Imogène rên rỉ- Dẫu anh chỉ xa em để đi dạo mát, buổi chia ly này cũng chỉ là ngắn ngủi. Anh hãy nhìn, đây là chiếc nhẫn kim cương do mẹ em để lại, hãy đeo vào và gìn giữ nó cho đến ngày nào Imogène chết đi, rồi anh sẽ cưới vợ khác.

Posthumus nhận lấy món báu vật, rồi đeo vào cổ tay xinh xắn của Imogène chiếc vòng, tín vật tình yêu, mà nàng hứa sẽ chẳng bao giờ cởi ra. Rồi chàng ra đi, xua đuổi bởi Cymbeline, với những câu nguyền rủa thậm tệ. Thật lâu sau đó, nàng chỉ luôn tơ tưởng đến chuyến đi thê thảm. Nàng tự nhủ: “Sao ta không là con của một người chăn cừu và Posthumus chẳng là con của một chú mục đồng lân cận!”. Trong khi đó, Cymbeline, giận dữ vì thấy nàng tuy sầu muộn đến héo hon, nhưng vẫn nhất mực yêu kẻ bị lưu đày, đã không ngớt hầm hừ và thốt bao lời trách mắng, mà nàng chẳng muốn nghe. Tâm hồn nàng dõi theo người lữ khách đến tận bến cảng và xa hơn thế nữa. Nàng mòn mỏi đợi chờ ngày về của lão Pisaniô mà nàng phái đi dọ tin và rất ảo não khi gặp ông quay lại, bởi ông đã chứng kiến chuyến đi của Posthumus.

- Những lời cuối cùng, chàng nói gì? – nàng hỏi.

- Nữ hoàng của anh! Nữ hoàng của anh! Rồi chàng vẫy khăn và đưa lên môi hôn! Cho đến khi mắt còn phân biệt được tôi giữa đám đông, chàng vẫn đứng trên boong tàu, phe phẫy đôi găng tay, cái nón, hay chiếc khăn, như muốn cho tôi hiểu rằng, dù con tàu có lướt nhanh, hồn chàng vẫn lờ lững phía sau.

- Lẽ ra –Imogène nói- người phải đợi đến lúc chàng nhỏ như con chim mới được rời mắt khỏi chàng. Nếu là ta, ta sẽ nhìn chàng cho đến lúc khoảng cách khiến chàng nhỏ tợ con muỗi, tợ đầu cây kim, cho đến khi chàng tan biến trong không khí. Rồi ta sẽ ngoảnh mặt đi mà khóc. Và ta cũng sẽ không cáo biệt chàng, bởi ta còn nhiều điều lý thú muốn nói cho chàng nghe:“rằng ta nghĩ đến chàng vào những giờ nào đó, rằng chàng sẽ gặp ta trong những lời cầu nguyện, lúc đọc kinh buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, vì lúc đó ta đang trên trời để đợi chàng. Nhưng trước khi được trao cho chàng cái hôn từ biệt, cha ta đã bước vào hệt như cơn gió bấc, ông ta đã làm héo tàn mọi mùa hoa nở”.

Công chúa Imogène sầu muộn đã chuyện trò với gã nô bộc trung thành như thế đấy, trong khi chờ đợi tin tức người chồng yêu quí.

Trong lúc đó, Posthumus đã đến La Mã cho qua ngày tháng lưu đày, nơi đây, anh gặp lại vài đồng đội cũ, buộc anh về sống chung với họ. Anh chỉ khuây khỏa nỗi buồn đôi chút những khi ca ngợi người yêu, quả quyết rằng nàng là người đẹp nhất, trong trắng nhất, đức hạnh nhất, và thủy chung hơn bất cứ cô gái Pháp hay Italia nào. Anh ví nàng như viên kim cương vô giá và sáng ngời mà họ vẫn trầm trồ trên ngón tay anh. Nhưng một chiều kia, có một gã Italia, tên Iachimo, đến thách thức chàng hãy chứng minh lời nói, vì gã không chịu tin rằng Imogène lại có thể dửng dưng với một tay hiệp sĩ nào đó trong thời gian vắng chồng. Iachimo tự tin vào sức quyến rũ của mình, gã cho rằng tất cả đàn bà đều đỏm dáng, nông nổi, mau đổi thay và gã đoan chắc mình có thể tiếp xúc dễ dàng với người vợ chung thủy và u buồn nhất, rằng gã sẽ lãnh vai trò giải khuây và mang lại hứng thú cho nàng, đến mức khiến nàng quên khuấy kẻ lưu đày trong một thời gian.

Posthumus tin chắc vợ mình chẳng thiết tha bất cứ điều gì khi vắng anh, song le, không chịu nổi, cuối cùng anh đã khinh xuất khi nhận đánh cuộc với Iachimo. Anh cuộc chiếc nhẫn kim cương của mình với mười ngàn đồng Đuy-ca, phân nửa gia sản của Iachimo, là chẳng ai có thể mang lại bằng chứng rằng vợ anh có phút nào đó quên anh -rồi đặt tay lên đốc kiếm, anh tự hứa sẽ trừng phạt đích đáng kẻ hợm hĩnh, cứ tưởng dễ dàng lung lạc trái tim chung thủy của một người đàn bà.

Iachimo xoay được nhiều thư giới thiệu để tiến triều và đi ngay sang Anh quốc. Ngay khi đến nơi, gã xin được yết kiến công chúa. Nàng đón tiếp vị khách La Mã với sự vồn vã ân cần của người đàn bà đã từ lâu mong ngóng tin chồng. Dù rằng nhan sắc diễm lệ và thái độ trang nghiêm của nàng có làm gã nao núng trong những phút đầu tiên, nhưng kẻ bạo gan vẫn không mất bình tĩnh, gã mua chuộc lòng nàng bằng cách nhắc đến Posthumus và cuộc sống của chàng ở La Mã.

“Anh ta vui vẻ quá chừng, gã nói. Hiếm có khách lạ nào ở La Mã lại vui tính và hay đùa cợt đến thế: thiên hạ gọi anh chàng là gã “người Anh vui vẻ”!

Imogène trầm ngâm, trả lời:

- Lúc còn ở đây, chàng vẫn hay buồn nhiều khi thật vô cớ.

Gã mô tả Posthumus khác hẳn với hình ảnh mà nàng khắc sâu trong tâm khảm. Nàng háo hức lắng nghe, rồi dần dần một nỗi buồn man mác xâm chiếm lòng nàng. Gã trơ tráo đến mức khiến nàng tưởng rằng người chồng xa cách đã quên lãng mình, còn cho đó là một thử thách. Nhưng dù gã tán hươu tán vượn thế nào đi nữa, có thể nói chẳng giây phút nào Imogène lại thôi nghĩ đến Posthumus. Gã thấy rõ mình đã thua cuộc, nên quyết định phải thắng bằng mưu kế.

Gã nài nỉ công chúa, lúc đêm khuya tăm tối cho gã được gửi cái rương to chứa đầy báu vật trong phòng riêng của nàng, đến sáng hôm sau là gã lên đường. Nhưng khốn nạn thay, gã tự giam mình trong rương, đến khuya lại mò ra, bất chợt những lời than thở của Imogène thốt ra trong lúc ngủ say -người đàn bà hiền dịu đang mơ tưởng đến chồng mình- lục lọi khắp phòng, quan sát mọi nơi, cuối cùng đoạt luôn chiếc vòng của Imogène. Đến sáng, gã cầm chắc trong tay những gì có thể khiến Posthumus tin rằng gã vừa nhanh chóng chiếm được lòng tin cậy của cô công chúa hồn nhiên vô tội.

Gã không quên đoan chắc với kẻ lưu đày khốn khổ rằng anh đã bị lãng quên. Gã kể rằng công chúa đã tiếp gã trong khuê phòng và mô tả cách trang hoàng nơi đó:

“ Những tấm thảm lụa và ngân tuyến trình bày nữ hoàng Cléopatre kiêu hãnh trong giây phút hội ngộ với Marc Antoine; dòng Cydnus(1) ngạo nghễ dưới sức nặng các chiến thuyền. Ôi! Thật là một kỳ công. Lò sưởi ở giữa, phía trên có bức phù điêu mô tả Diane đang tắm: thật là một bức chân dung sống động. Nhà điêu khắc, giống như người sáng tạo, đã mang sinh khí và cử động đến cho tác phẩm. Trần nhà, được tô điểm bởi những chú bé con bụ bẫm bằng vàng chạm nổi. Giá sắt là hai thần Cupidon nạm bạc, mắt bịt vải đứng một chân và tựa vào các ngọn đuốc.”

Posthumus cho rằng những cái đó rất phổ biến trong cung điện Cymbeline, người ta nghe nói đã nhiều, bởi thế Iachimo có thể nghe lỏm từ cửa miệng một thổ nữ, nhưng gã Iachimo không chịu buông tha chàng, vẫn tiếp tục lải nhải. Gã trưng ra chiếc vòng mà gã bảo là Imogène vừa tặng gã, vừa thủ thỉ: “trước đây, nó rất quí báu đối với em”. Tên phản phúc còn mô tả cả vết thẹo nhỏ bên thái dương công chúa mà Posthumus đã hôn lên bao lần. Thất vọng, rồi cuối cùng bị khuất phục, Posthumus bỏ cuộc và đành mất chiếc nhẫn kim cương anh vẫn giữ gìn đến nay như một kỷ vật thiêng liêng. Nhưng nỗi giận dữ và lòng phẫn uất đã làm tê liệt mọi tình cảm khác, anh rít lên: “Vội quên mình khi mình vừa đi, chẳng chút bền lòng chặt dạ, lại vô cùng lơ đãng!” Anh chỉ còn nghĩ đến giết nàng và hộc tốc viết thư cho tên người hầu Pisaniô, mà anh đã để lại bên nàng, bảo đưa nàng rời xa lâu đài, rồi cắt cổ nàng đi. Và kẻ nông nổi, tuy chẳng còn tin tưởng gì nàng Imogène hiền dịu, lại tin chắc ở nàng đến nơi để giao nàng cho tên sát nhân, anh báo cho nàng biết là mình đã về tới cảng Milford đất Anh.

Quả anh không lầm tí nào, khi nghĩ rằng nàng sẽ bí mật tìm mọi cách đến ngay với anh. Thực thế, nàng thoát khỏi lâu đài và ra đi với Pisanio. Đến giữa rừng rậm, khi sinh mạng nàng đã nằm trong tay, gã người hầu không có được cái can đảm man rợ để giết nàng, nên nàng vẫn sống. Nhưng gã tiết lộ cái lệnh quái ác của Posthumus, cả hai nhất trí rằng nàng chẳng nên quay về cung điện, tránh sự bám riết của Cloten. Họ quyết định nàng phải cải trang thành một thiếu niên và nàng sẽ tìm gặp viên tướng La Mã Lucius, ông ta chắc sẽ thu nhận nàng với tư cách thị đồng biết múa hát. Bởi vì các binh đoàn La Mã vừa đổ bộ xuống đất Anh, để buộc Cymbeline nạp triều cống cho hoàng đế Auguste.

Nhưng trước khi vào phục vụ dưới quyền Lucius, Imogène đã phải đương đầu với bao nỗi truân chuyên. Sau lúc chia tay với Pisanio, nàng đi bộ ròng rã thật lâu, đến lúc kiệt sức vì mệt và đói, mới tới trước một cái động; trông thấy thức ăn, nàng vội vồ lấy nhai ngấu nghiến. Những người cư ngụ trong động chẳng mấy chốc hiện ra. Một ông lão và hai thanh niên khôi ngô tuấn tú, sống giữa rừng nhờ vào các thứ săn được.

Ông lão đã từng biết qua các thành phố lớn, cả chiến tranh và vinh quang nữa, nhưng bị thất sủng, nên về ẩn náu nơi cảnh quạnh hiu cô tịch và nuôi dạy hai chàng trai trẻ, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Những người này lại luôn mơ ước được chiến đấu, họ cầu mong có dịp thi thố tài năng và tỏ rõ lòng dũng cảm. Cả ba đều ân cần tiếp đón chàng trai phiêu lãng và Imogène cảm thấy gắn bó một cách khó hiểu với hai người trẻ tuổi kia, họ cũng rất quí mến người bạn do định mênh run rủi đến với họ.

Rủi thay, một hôm Imogène ngã bệnh và mệt nhoài, trong lúc các chủ trọ đều đi vắng, để chữa cho mau lành, nàng dùng liều thuốc của Pisanio để lại, thuốc này do hoàng hậu, vợ của Cymbeline trao cho gã. Mụ đàn bà độc ác ngỡ đó là viên thuốc độc cực mạnh dành riêng cho Imogène, nhưng lão y sĩ nhận lệnh bào chế viên thuốc ấy đã tỏ ra dè dặt, không theo lời bà, lão đưa cho hoàng hậu viên thuốc chỉ có khả năng khiến người uống ngủ vùi một giấc dài nặng nề như chết mà thôi. Than ôi! Viên thuốc quả là công hiệu, và ba người thợ săn khi quay về, bắt gặp Imogène nằm thiêm thiếp bất động, cứ tưởng nàng đã lìa trần.

Hơn nữa, họ vừa vô tình giết chết Cloten, giải thoát nàng khỏi tay một kẻ vẫn gây khổ cho nàng, đang theo dấu vết nàng vào tận rừng sâu. Họ khâm liệm cả hai thi thể, nhưng trong khi vội vàng tống khứ cho rảnh mắt cái xác chết của Cloten, họ than khóc và thương tiếc không nguôi người bạn trẻ, con chim nhỏ, cánh hoa huệ trinh trắng của họ. Họ phủ hoa đầy phần mộ ngào ngạt hương thơm, nào anh-thảo, nào cát-cánh, nào hồng hoang, nào thanh - đài, vừa kể lể vừa hát điếu ca. Chính nơi đó, nằm trên lớp cỏ đẫm sương mai, Imogène đã tỉnh dậy sau giấc ngủ nặng nề. Nàng lại lên đường đi Milford và gặp cái binh đoàn La Mã đã thu nhận nàng làm thị đồng và đem nàng theo họ.

Cùng lúc, vua Cymbeline cảm thấy những tai họa của thời đã qua giờ lại tái diễn. Bọn La Mã trở lại xâm chiếm xứ sở, con gái ông biến mất, con trai của bà vợ thứ cũng biệt tăm. Ông đang lâm vào cảnh hiểm nghèo, bất ngờ bỗng được cứu nguy. Bốn người lạ mặt: ba chiến binh và một nông dân, tự mình chống giữ một đường đèo hiểm trở và mang lại chiến thắng cho nước Anh. Cymbeline thoát nạn, cho dẫn tất cả tù binh đến trước mặt ngài, và cho người đi tìm các anh hùng vô danh.

Bỗng nhiên, ngài nhận ra giữa bọn tù La Mã một chàng trai trẻ, mà họ kêu nài được khoan hồng. Nhác thấy, ngài đã hài lòng đến nỗi tự hứa sẽ tha ngay theo lời thỉnh cầu đầu tiên. Chàng trai trẻ đó, -chính là Imogène – yêu cầu một người La Mã hiện diện tại đó, giải thích vì sao hắn ta chiếm được chiếc nhẫn kim cương kỳ diệu đang lấp lánh trên ngón tay hắn. Người La Mã đó chẳng ai khác hơn là Iachimo. Hắn xem như mình sắp chết đến nơi, chẳng còn e ngại gì mà phải dối trá, nên đã thú nhận mưu kế và thủ đoạn của mình.

Ngay lúc đó, Posthumus từ hàng ngũ những kẻ bị bắt xông ra định giết hắn. Pisanio vừa nhận ra Imogène cũng nhảy bổ tới. Imogène ngả vào vòng tay vua cha. Ngài khoan hồng cho tất cả mọi người, vì chính ngài mới là kẻ duy nhất gây nên tội.
Cuối cùng, ngài nhận ra ông lão cư ngụ giữa rừng là Belarius, xưa kia bị lưu đày đã bắt cóc hai người con trai của Cymbeline mang theo. Giờ đây, ông giao họ lại cho đức vua, cha của họ. Ngài lấy làm mãn nguyện khi hiểu ra rằng, họ là ba người đứng ra chiến đấu bảo vệ vương quốc, hỗ trợ bởi gã nông dân, chẳng ai khác hơn là Posthumus. Mọi việc được phơi bày ra ánh sáng, họ ôm nhau, mừng mừng tủi tủi. Đức vua Cymbeline nối tình giao hảo với La Mã và tạ ơn trời đất.

Chú thích:
1) Cydnus: dòng sông ở Silicie (Tiểu Á), Alexandre le Grand có lần suýt chết vì tắm lúc dòng nước giá băng. Năm 42 Trước CN, Marc Antoine tổ chức nhiều buổi liên hoan ven bờ và trê
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

12#
 Tác giả| Đăng lúc 1-10-2011 22:42:21 | Chỉ xem của tác giả
Hamlet, Hoàng tử Đan Mạch


Hoàng tử Hamlet, con vua Đan Mạch, được vua cha gửi sang trường đại học Wittemberg, nước Đức, để hoàn tất việc học. Đó là một thiếu niên tài trí, một trang dũng kiệt, một văn nhân tao nhã, đóa hoa thơm và nguồn hy vọng của vương quốc. Nhưng trước khi khóa học chấm dứt, chàng bị triệu hồi về nước vì nhà vua vừa đột ngột băng hà. Hamlet buồn khổ nhiều, bởi chàng rất mực yêu mến cha.

Đau đớn và sầu thảm suốt cuộc hành trình, khi về đến lâu đài ở Elseneur(1), chàng thấy hoàng hậu Gertrude, mẹ chàng đã tái giá. Trước khi đôi giày bà mang để tiễn đưa người chồng cũ kịp mòn, trước khi hai tháng trôi qua đủ làm khô nước mắt, bà đã lấy em trai của nhà vua quá cố.

Hoàng tử Hamlet không ưa chú mình tí nào, ông ta khác xa người cha yêu quý mà chàng giữ mãi hình ảnh trong tâm khảm. Tâm hồn chàng không chịu nổi sự lãng quên mau chóng đó. Tuy nhiên, triều đình đón chàng rất tưng bừng. Nhà vua mới không cho phép chàng quay lại trường đại học, muốn giữ lại bên cạnh mình vị thái tử của vương quốc rất được mẹ quý mến, đã khuyên chàng nên sớm nguôi ngoai, bởi vì cha chết trước con cũng là điều tự nhiên thôi, và để tôn vinh chàng, nhà vua vừa uống rượu mừng sức khỏe chàng, vừa ra lệnh bắn đại bác.

Nhưng Hamlet vẫn u sầu và sửng sốt khi một người bạn cũng về Đan Mạch dự đám tang, và cũng như chàng, bị bất ngờ vì gặp hôn lễ, đến báo cho chàng hay một việc lạ kì. Mỗi đêm các sĩ quan phòng vệ sân trước của lâu đài ở Elseneur đều trông thấy một hồn ma lẩn khuất, võ trang từ chân đến đầu, thơ thẩn đến lúc gà gáy sáng mới biến mất. Horatio đã thức rình xem và tận mắt trông thấy; qua bộ áo giáp và nhất là qua đôi mày nhíu lại, anh đã nhận ra nhà vua quá cố. Cả lính gác, cả Horatio nữa đều khiếp hãi, không ai dám nói chuyện với ngài. Hamlet, xúc động mãnh liệt, bảo bạn hãy giấu kín sự việc lạ lùng đó và ngay đêm sau, khoảng mười một giờ đến nửa đêm, chàng thấp thỏm đợi chờ hồn ma xuất hiện.

Trên khu sân rộng băng giá, hắt hiu gió bấc, vị hoàng tử trẻ ngồi chờ giữa lúc kèn và tiếng đại bác báo hiệu rằng giữa tiệc, vị vua Claudius vừa nốc cạn bình rượu chát xứ Rhin. Mười hai giờ vừa gõ, hồn ma mặc áo giáp, xanh xao và đờ đẫn xuất hiện trước mặt chàng. Hamlet run lẩy bẩy vì được gặp lại cha, vội khẩn:

- Dẫu rằng người là vong linh hay oan hồn, ý định của người hiểm độc hay nhân ái, ta, Hamlet hoàng tử Đan Mạch, gọi ngươi là vua cha! Ôi! Hãy trả lời ta! Tại sao xương cốt người có thể sống dậy? Tại sao mộ phần lại hé cánh cửa cẩm thạch nặng nề cho người thoát ra? Tại sao người đứng đó, cái tử thi mang khí giới từ chân đến đầu, khiến ta kinh hoàng dưới ánh trăng, vì ta bị ám ảnh bởi những ý tưởng từ bên kia cõi chết?

Thoắt cái, hồn ma lôi chàng đi, và mặc dù khiếp sợ, Hamlet vẫn bước theo, buông xuôi cho định mệnh, rời khỏi những người bạn đang kinh hãi vì sự bồng bột của chàng. Hồn ma dừng lại nói:

- Ta là vong hồn cha của con bị hình phạt, ban đêm thì phải lang thang vất vưởng đó đây, và ban ngày thì bùng cháy cho đến khi đền xong tội lỗi. Nếu ta kể con nghe về ngục thất của ta, lòng con sẽ tan nát và con sẽ táng đởm kinh hồn. Nhưng tiết lộ với đôi tai phàm tục về chốn vĩnh cửu cũng chẳng ích gì. Hãy nghe đây! Ôi! Hãy nghe đây! Nếu con vẫn thương cha – và Hamlet rên rỉ, kêu trời- hãy báo thù cho cha đối với con quỷ đê tiện và vô luân đó.

Hồn ma kể lại cái chết tức tưởi của mình. Đứa em khốn nạn đã đầu độc ngài, lúc ngài thiu thiu ngủ trong vườn, đoạt cả vợ và ngai vàng, đưa ngài sang thế giới bên kia, hồn đầy tội lỗi, không kịp sám hối, không lễ rửa tội. Ngài van nài Hamlet hãy chấm dứt sự kiện ô nhục đó, hãy cứu con mồi đáng thương khỏi bàn tay sát nhân, nhưng tuyệt đối không được đụng đến mẹ, cứ để mặc thượng đế trừng phạt bà và lòng hối hận cấu xé bà. Rồi thấy ánh sáng đom đóm nhạt dần, vừng đông sắp ló dạng, hồn ma biến mất sau khi nhắc lại:“Vĩnh biệt, Hamlet, hãy nhớ đến cha!”

Hình như đất trời rung chuyển quanh Hamlet khi chàng nghe tiết lộ câu chuyện bi thảm đó. Bao kỉ niệm phù phiếm, bao ý đẹp lời hay trong sách vở và những ấn tượng về một thời quá khứ vàng son, tất cả những gì tuổi trẻ đã hấp thụ, chợt nhạt nhòa đi và biến khỏi ký ức; Trong tâm não chàng chỉ còn lại vỏn vẹn một lời thề sắt đá: vâng lời hồn ma và không được quên lời dặn.
Đối với lũ bạn tò mò, chàng không giải thích gì, chỉ nói:“Ta là một kẻ xấu số, ta phải đi cầu nguyện đây!”. Chàng buộc các bạn phải thề trên lưỡi kiếm của chàng là họ sẽ giữ kín mọi chuyện trong khi từ lòng đất vọng lên tiếng nói vang rền:“Hãy thề đi!”.
Rồi trước sự kinh ngạc của bạn bè, Hamlet nói thêm:“Còn biết bao điều trong trời đất mà triết học của các bạn chưa hề với tới!”. Bản thân chàng cũng rất hoang mang, bởi chàng chưa rõ điều hồn ma nói có đúng là sự thật không và chàng trù tính sẽ bí mật tìm ra manh mối vụ án. Định mệnh khắc nghiệt đã đặt lên đôi vai gầy yếu của chàng một nhiệm vụ nặng nề: tìm ra sự thật và báo thù.

Bỗng nhiên có tiếng đồn lan khắp triều đình rằng hoàng tử Hamlet đã đổi hẳn tính nết: trang phục xộc xệch, áo mở phanh ngực, chàng đi lang thang, tất giày lem luốc bẩn thỉu, dây buộc cẩu thả, mặt mày tái xanh, bước ngả nghiêng với cái nhìn ảo não, như thể chàng vừa từ địa ngục thoát ra để gieo kinh hoàng cho con người; thỉnh thoảng chàng dừng lại, đăm đăm nhìn một khuôn mặt tình cờ bắt gặp, rồi thở dài, loạng choạng bước đi, đờ đẫn và ngơ ngác. Chẳng ai nhận ra chàng nữa, kể cả những bạn cũ hay quan thị vệ Polonius và tiểu thư Ophélia dịu hiền mà Hamlet vẫn thương yêu; hoàng hậu, mẹ chàng và vua Claudius, chú chàng, cũng thế. Nhà vua nghĩ –hay giả vờ nghĩ, và khối người e ngài không hề lầm - rằng hoàng tử trẻ bị khủng hoảng tinh thần bởi quá sầu muộn vì cái chết của vua cha. Đức vua và hoàng hậu giao cho hai người bạn thời thơ ấu của chàng là Rosencrantz và Guildenstern nhiệm vụ an ủi chàng, nếu có thể, và nhất là tìm hiểu chàng. Nhưng Hamlet nhanh chóng hiểu ra cái lý do đích thực khiến chúng đến với chàng, nên liền tuôn ra với chúng những lời lẽ điên rồ, hai nghĩa. Theo chàng, Đan Mạch là một nhà ngục với ngục tối, xà lim và vọng canh; chàng có thể chui vào vỏ trái hồ đào và từ đấy, có thể xem mình như chúa tể nhiều lãnh thổ bao la… cùng vô vàn những điều phi lý khác, nhưng chàng luôn tỏ vẻ hết sức trân trọng và lịch sự đối với hai người bạn. Và bởi chàng thú nhận rằng mình đã mất hết niềm hứng khởi và xao lãng mọi cuộc luyện tập, rằng chàng rất u buồn và phiền muộn, hai người bạn mới lưu ý chàng về đoàn hát mà trước đây chàng vẫn thích, vừa đến lâu đài. Trong lúc bàn tán về thành tích của nhóm kịch sĩ này so với các đoàn hát khác, Hamlet chợt nảy ra một ý định kỳ quặc, phù hợp với tâm trạng bối rối của chàng. Chàng tiếp đón niềm nở gánh hát rong, bàn luận về các vai trò và diễn viên, muốn được thưởng thức tức khắc cái trường đoạn mà chàng thích thú nhất –câu chuyện trong đó chàng Enée(2) kể cho nữ hoàng Didon(2) nghe người ta đã giết chết đức vua già Priam ra sao- rồi chàng nhờ quan thị vệ Polonius trông coi xếp đặt cho thỏa đáng việc ăn ở của đoàn hát. Sau đó, một mình với trưởng đoàn, hoàng tử yêu cầu hắn ta trình diễn một vở do mình chọn lựa, “Cái chết của vua Gonzague” và chen vào đó độ mười hai câu thơ do chàng sáng tác.

Bởi chừng hoàng tử thấy đó là một thử thách quyết định. Vở tuồng, do chàng sửa đổi, sẽ diễn lại vụ mưu sát cha chàng chính xác đến nỗi, chỉ cần nghe thôi, bọn thủ phạm cũng không thể nào che giấu xúc động và như thế, buổi trình diễn chắc chắn sẽ là cơ hội để chàng bắt chộp được lương tâm nhà vua. Vì Hamlet vốn yếu đuối và đa cảm vẫn chưa tin hẳn những lời nói của hồn ma, chàng nghĩ rằng vong hồn ấy biết đâu chẳng hiểm độc, và chỉ tìm cách đày đọa chàng mà thôi. Với ý chí tê liệt, tâm hồn mơ mộng, chàng nguyền rủa tội ác, nhưng không dám ra tay trừng phạt, khinh miệt kẻ sát nhân nhưng chẳng có can đảm vạch mặt nó, thiếu quyết tâm báo thù, tự an ủi mình bằng lời nói hơn là hành động, đến nỗi cuối cùng phải buộc tội hồn ma để bào chữa cho sự bất lực của bản thân mình.

Trong khi đó, mọi người đều rắp tâm tìm hiểu nguyên nhân sự điên loạn hiển nhiên và ngày càng trầm trọng của hoàng tử Hamlet. Polonius, cha cô gái đẹp tuyệt trần Ophélia, ngỡ như mình đã hiểu ra. Với tính cách một người cha thận trọng, ông ra lệnh cho con gái đừng nghe chuyện, cũng đừng nhận tặng vật gì của Hamlet, vị quân vương tương lai đó không thể nào làm chồng nàng được. Nhận thấy hoàng tử hoàn toàn mất trí, ông cho rằng tình yêu bị hất hủi đã khiến chàng ngây dại và đó chẳng phải cái gì khác hơn là một cơn điên loạn vì tình. Ông vội chạy đi báo cho đức vua và hoàng hậu về điều mình vừa phát hiện, thế là cả bọn quyết định bày cách thử chàng. Người ta đặt cô Ophélia dịu hiền, với quyển sách mở rộng trước mặt, -để cho việc nàng ngồi một mình dễ chấp nhận hơn- trong một hành lang mà Hamlet vẫn thường lui tới trầm mặc. Rồi nhà vua và Polonius nấp sau một bức tường, rình nghe cuộc trò chuyện của đôi lứa để có thể khẳng định cơn điên của hoàng tử có phải là do thất vọng vì tình không. Chẳng mấy chốc Hamlet bước vào, đi chậm rãi, vừa lẩm bẩm những câu triết lý theo thói quen, nghĩ đến những hồn ma bóng quế và ranh giới ngăn cách người sống với kẻ chết:

- Tồn tại hay không tồn tại, đó là vấn đề. Chết, ngủ! Chẳng có gì hơn. Có thể nói giấc ngủ chấm dứt mọi thống khổ mà xác thân phải chịu đựng! Chết, hay ngủ. Ngủ, là nằm mơ, có lẽ. Ừ, câu hỏi chính là ở đó. Cơn mơ nào sẽ đến với ta trong giấc ngủ triền miên của cái chết? Đó là điều buộc ta phải suy nghĩ trở trăn. Mấy ai thích gánh chịu sự khinh miệt của người đời, những nỗi bất công, những điều sỉ nhục, nỗi đau khổ của tình phụ khi người ta có thể tự tìm đến với bình yên thanh thản bằng một nhát dao găm? Mây ai muốn rên siết và đổ mồ hôi dưới gánh nặng của một kiếp sống nhọc nhằn mà lại chẳng có điều phải sợ hãi sau khi lọt vào cõi chết, cái xứ sở xa lạ mà chẳng du khách nào đó lại được trở về!

Rồi chàng nghĩ rằng sự hèn hạ của người đời chẳng qua là do sợ hãi những điều chưa biết. Đôi mắt dịu dàng của Ophélia có nghĩa gì trước những vấn đề khắc khoải đó? Tuy nhiên, khi trông thấy nàng, chàng cũng nhã nhặn chào và đứng lại trò chuyện. Có thể chàng ao ước được nàng an ủi chăng? Nhưng vì hờn giận, hoài nghi, chàng thốt lên những lời cay đắng khiến cô gái đáng thương kinh hoàng; chàng không tin ai hết, kể cả nàng, dù trong trắng và dịu hiền là thế. Rồi hồi tưởng lại quá khứ, chàng nói thật phũ phàng:

- Ngày xưa, tôi đã từng yêu tiểu thư.

- Quả thực, thưa ngài, ngài đã khiến tôi tin như thế.

- Lẽ ra tiểu thư chẳng nên tin tôi, bởi tôi không còn yêu tiểu thư nữa.

Rồi chàng nói đến những điều xấu xa bằng mấy lời bóng gió khó hiểu:

- Hãy vào tu viện đi, vào tu viện đi, và nhanh lên nào. Tất cả chúng ta đều là những kẻ đểu giả quá đỗi; chẳng nên tin một ai trong chúng ta cả. Vĩnh biệt!

Và chàng bỏ mặc cô gái tội nghiệp, sững sờ khiếp đảm, cô tự nhủ thầm: “Ôi! Hỡi những quyền lực thiêng liêng, hãy trả lại lý trí cho chàng! Bất hạnh thay cho tôi, phải nhìn thấy vẻ đẹp tuyệt vời của thanh xuân bị hủy hoại vì điên loạn!”.

Nhà vua hiểu rõ căn bệnh mất trí của người cháu nên lo lắng tột độ, ngài quyết định tức khắc đưa chàng rời khỏi Đan Mạch và gửi chàng sang nước Anh với một sứ mệnh. Nhà vua cho rằng cuộc hành trình, mặt biển, với những khung cảnh mới lạ diễn ra trước mắt sẽ xua tan nỗi sầu muộn và những định kiến của chàng nhưng cái điều mà tên phản trắc không nói ra ấy là cuộc hành trình phải được tổ chức như thế nào để Hamlet không bao giờ còn quay lại nữa. Tuy nhiên, vua Claudius còn phải chờ hoàng hậu gặp mặt con, sau buổi kịch, để cho bà tìm cách làm cho con mình thổ lộ nguyên nhân nỗi sầu khổ nó vẫn ấp ủ trong lòng, mới loan báo dự định đó. Tên quan thị vệ Polonius vừa thất bại trong mưu đồ của hắn, ra vẻ xun xoe rối rít xin lãnh phần rình mò cuộc tiếp xúc của hai mẹ con.

Đêm hát đã chuẩn bị bắt đầu. Cả triều đình đều đến dự trong lễ phục long trọng, mỗi người ngồi theo chức vị của mình, thành hình vòng cung quanh hoàng hậu và đức vua, ngự trên ngai đối diện với bọn kịch sĩ. Sau khi nhắc lại những câu thơ cho các diễn viên -điều mà Hamlet quan tâm hơn cả là mọi người phải nghe thật rõ- chàng từ chối chỗ ngồi vinh dự bên cạnh mẹ, bởi chàng muốn quan sát tường tận nét mặt nhà vua. Hơn nữa, lần đầu tiên chàng đã tiết lộ phần nào những nỗi ngờ vực của mình cho Horatio biết, để anh ta có thể giúp chàng dò xét sắc diện của tên phản bội. Hoàng tử như muốn đùa bỡn, đến ngồi dưới chân nàng Ophélia dịu hiền, phía cuối vòng cung. Từ đó, đưa mắt về phía mẹ chàng nói:

- Hãy xem nét mặt hớn hở của mẹ tôi kìa, cha tôi chỉ mới mất hai giờ thôi đấy!

Nghe thế, cô bé hồn nhiên Ophélia, ngây thơ trả lời:

- Không đâu! Thưa ngài, đã hai lần hai tháng rồi đấy chứ!

- Sao, lâu thế cơ à! – Hamlet chế giễu- chết đã lâu thế mà chưa bị lãng quên! Thế thì hy vọng rằng ký ức về một bậc vĩ nhân có thể sẽ không phai mờ sau khi chết sáu tháng, nhưng Thánh mẫu ơi! Muốn thế, người ấy phải xây dựng bao nhiêu nhà thờ!

Chú thích
1) Tên Đan Mạch là Hen-xin-giơ, một hải cảng của Đan Mạch. Ở đây có lâu đài Crông-bo (Kronborg) nơi Shakespeare dùng làm bối cảnh cho vở kịch Hamlet này.
2) Nhân vật trong vở kịch của nhà thơ Ý cổ đại La Mã Viêcgin (70-19 Trước CN)
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

13#
 Tác giả| Đăng lúc 1-10-2011 22:44:24 | Chỉ xem của tác giả
Một Số Tác Phẩm Của William Shakespeare - Hamlet, Hoàng tử Đan Mạch
----------------------------------------------------------------------------

Suốt màn kịch câm và đoạn mở đầu, mọi người lặng im phăng phắc! Rồi vở kịch khởi diễn. Trên sân khấu, một ông vua và một hoàng hậu đối thoại bằng thơ; còn dưới này Hamlet oang oang giải thích cốt truyện cho Ophélia nghe. Người ta thấy cảnh vị vua già nhu nhược được bà vợ xảo quyệt ru ngủ bằng những lời thề nguyền chung thủy, rồi ngay sau đó, bị kẻ đồng lõa với bà đầu độc. Đúng lúc đó, vua Claudius đứng bật dậy, bước nhanh ra khỏi phòng và giữa sự nhốn nháo liền sau đó, Hamlet cược với Horatio một nghìn lirve rằng, hồn ma đã nói đúng, bởi vì chỉ mỗi tiếng “đầu độc” thôi, đủ khiến tên sát nhân phải bỏ đi.
Trước khi Hamlet kịp trấn tĩnh, mẹ chàng cho gọi chàng đến bên bà, không quên nói với Rosencrantz và Guildenstern vài lời cuồng dại, diễn tiếp vai trò mà chàng vẫn đặt ra cho mình. Chàng chua xót lẩm bẩm một mình:

- Bọn họ rồi sẽ biến ta thành kẻ điên mất, vì cứ buộc ta phải giả điên mãi thế này. Hãy đi tìm mẹ ta vậy! Đã đến giờ của những phù phép về đêm, giờ mà các nghĩa trang nhả ra những người chết và địa ngục thải uế khí tràn lan mặt đất. Ôi! Tim ta ơi! Hãy đừng đánh mất bản tính của mình! Đừng bao giờ để tâm hồn một Néron(3) len lỏi vào giữa ngực ta. Cứ tàn nhẫn đi, nhưng đừng vô luân. Miệng ta cứ phóng ra toàn dao găm, nhưng tay ta sẽ không hề động đến một ai.

Polonius đến núp sẵn sau bức màn để rình nghe cuộc đối thoại giữa hoàng hậu và con trai bà, bởi vì như ông ta tâu với nhà vua -giờ đây đã nhất quyết thanh toán hoàng tử, tốt hơn là để một người khác không phải là mẹ, tự nhiên phải thiên vị con mình- đến nghe lén những điều mà câu chuyện có thể tình cờ để lộ ra. Còn lại một mình, nhà vua lên tiếng cầu nguyện, cố ăn năn và hối tiếc tội ác đã gây ra, nhưng vẫn không thể được, bởi vì chẳng phải là ông ta đang thụ hưởng thành quả do tội ác của chính ông ta gây ra mang lại đó sao? Trong lúc ông ta quì gối, kêu gọi thiên thần cứu rỗi, thì Hamlet lặng lẽ bước vào, tính mạng kẻ thù kể như nằm trong tay, chàng có thể mặc tình hành động, nhưng chàng vẫn còn chần chừ, và cứ mãi quẩn quanh với mình.

- Kìa, hắn ta đang cầu nguyện! Ta có thể khử hắn trong lúc này. Nhưng như thế, hắn sẽ được lên thiên đàng! Báo thù mà như thế ư? Đó là điều cần nghĩ lại. Sao! Tên vô lại đã giết cha ta giữa lúc cha ta đang trong tình trạng tội lỗi nghiêm trọng, và theo như ta biết, những tội lỗi ấy đè nặng trên người. Thế mà ta, đứa con duy nhất, ta lại đưa tên phản trắc này lên thiên đàng, giữa lúc tâm hồn hắn thanh khiết, khác nào hắn được chuẩn bị tốt cho cuộc hành trình vào cõi chết! Không! Hãy dành cho hắn nhát gươm khủng khiếp hơn: ta sẽ hạ hắn khi nào hắn đang say sưa, mê ngủ, đang truy hoan hay lộng ngôn nghịch đạo. Để linh hồn hắn cũng bị đày đọa và đen tối như địa ngục mà hắn phải rơi vào!

Chính trong tâm trạng đó, chàng đến gặp mẹ. Chàng thốt lên những lời độc địa, rồi bất thình lình nghe có tiếng động sau bức màn, rút gươm ra đâm bâng quơ một nhát, vừa la lên:“Một con chuột!” rồi giết chết Polonius ẩn trong đó. Và chàng lại tiếp tục đay nghiến mẹ bằng những lời trách móc hung hăng, dẫn bà đến trước chân dung của hai anh em, buộc bà phải so sánh, làm tình làm tội bà đủ điều; bỗng nhiên hồn ma hiện ra, rồi cất lên tiếng nói:

- Con ơi! Đừng quên cuộc viếng thăm của ta không nhằm mục đích nào khác hơn là nung nấu cái ý chí báo thù giờ đây hầu như đã nguội lạnh trong con! Nhìn mẹ của con kìa: bà ấy và tâm hồn bà ấy đang cấu xé nhau. Con hãy can thiệp vào cuộc cấu xé đó đi. Chính những kẻ yếu đuối nhất mới là những kẻ mà trí tưởng tượng hoạt động mạnh nhất. Hamlet! Hãy nói với mẹ con đi.

Nhưng Hamlet nhìn trân trối vào khoảng không, tóc dựng ngược vì khiếp đảm, cố chỉ cho hoàng hậu thấy hồn ma, nhưng vô ích.

- Hỡi các vì thiên sứ, hãy che chở và bao phủ ta bằng đôi cánh của các ngươi Ngài, ngài kìa! Hãy nhìn ánh mắt nhợt nhạt của ngài. Ngài khiến đá cũng phải mủi lòng. Hãy nhìn kìa! Hãy nhìn bước chân ngài xa dần như thế nào. Đó là cha ta hệt như khi người còn sống. Hãy nhìn kìa! Người vừa bước ra khỏi cửa!

Hoàng hậu chẳng thấy gì cả, ngỡ chàng lại lên cơn điên loạn:

- Hamlet ơi! Con khiến mẹ tan nát cõi lòng!

Nhưng chàng vẫn nói mãi, tố cáo mẹ bằng những lời độc ác và thách bà cứ bảo với nhà vua về sự giả điên của mình rồi chàng đi ra, lôi theo cái xác của Polonius vừa tụng lên bài điếu văn sau đây:“Thực ra, lúc sống viên cố văn này là một thằng ngốc và ba hoa nhưng bây giờ hắn đã thật sự lặng thinh kín đáo và nghiêm trang rồi. Đi thôi, thưa ông! Thế là xong nhé! Chúc mẹ ngủ ngon!”.

Vụ sát nhân là bằng chứng sự điên loạn của chàng. Nhưng vì chàng được thần dân yêu mến, nên nhà vua chẳng dám đụng đến chàng ngay tại Đan Mạch. Vì vậy, viện cớ chàng đã trở nên nguy hiểm, Claudius thực hiện ý đồ đưa chàng sang Anh, kèm theo hai người bạn Rosencrantz và Guildenstern, với những lá thư niêm kín. Hoàng tử nghi ngờ có cạm bẫy, nên trong cuộc hành trình chàng tìm cách lấy trộm cái bọc đựng thư, và được biết có lệnh giết chàng ngay khi đến đất Anh, như một tên điên loạn không có khả năng trị vì. Chàng liền thảo lá thư khác, điền vào đấy lệnh xử tử không được trì hoãn những kẻ mang thư, rồi lục tìm trong túi ấn tín của cha, mẫu quốc ấn của nước Đan Mạch, khéo đến nỗi lá thư vẫn y nguyên như cũ khi chàng đặt trả trong bao. Hai ngày sau, một bọn cướp biển cặp sát tàu rồi ập lên giết sạch thủy thủ đoàn, chỉ tha chết cho mỗi hoàng tử, mà chúng hy vọng sẽ được lãnh tiền chuộc. Chẳng bao lâu sau đó, nhà vua nhận được thư của bọn thủy thủ báo tin ngày về nhanh chóng của vị hoàng tử đáng ghét; ông ta bèn nghiền ngẫm mưu kế mới; ông ta khơi gợi lòng thù hận của Laerte, con trai Polonius, khi về đến Elseneur hay cha mình bị giết chết và em gái là Ophélia hóa dại. Cô gái dịu hiền không thể cùng một lúc chịu đựng hai nỗi khổ đau quá lớn giày xéo lòng cô; sự ruồng bỏ của Hamlet và cái chết của cha nàng. Trong nhiều ngày, nàng thơ thẩn khắp các phòng trong lâu đài, kể lể với những người bạn âu sầu những chuyện đâu đâu, đôi khi hét lên, rồi hát nghêu ngao những bài trước đây nàng chưa hề dám hát. Nàng ôm trong tay nhiều bó hoa dại; thỉnh thoảng phân phát cho từng người tùy tâm trạng mỗi lúc. Nhưng hôm sau, nàng đến một cánh đồng ven dòng sông, ngồi dưới gốc một cây liễu soi bóng lá xanh trên mặt nước im lìm, nàng kết những tràng hoa kỳ dị với nào mao-lương, tầm-ma, hoàng cúc và với mấy cánh hoa dại màu đỏ thẫm thường gọi là hoa lồng đèn; rồi nàng lại muốn treo cái tràng hoa sặc sỡ ấy lên cành liễu. Nàng nhoài người tựa vào nhánh cây, cành liễu oàn xuống, và cô bé Ophélia trong trắng cùng với tràng hoa trượt dần xuống nước. Trong một lát, quần áo nổi lềnh bềnh giữ nàng trên mặt sông như một nàng tiên cá, và thật hồn nhiên, nàng vẫn cất lên những khúc hát cổ xưa. Nhưng xiêm y thấm ướt nặng dần, kéo nàng xuống và nàng chìm xuống đáy nước bặt tăm.

Khi hay cái chết bi thảm đó, Laerte bất bình và phẫn uất, ưng thuận cùng với nhà vua xếp đặt một cuộc so gươm, trong đó lưỡi gươm tẩm độc của hắn nhất định chạm vào người Hamlet. Để cho được chắc chắn hơn, nhà vua còn pha chế một cốc nước gớm ghiếc có thể vĩnh viễn làm đông đặc máu của người uống lúc khát. Họ tin chắc lần này chàng không thể nào thoát được.

Tuy nhiên, khi trở về, Hamlet không vội vã vào thành Elseneur, mà cứ quẩn quanh bên ngoài. Chàng dừng bước ở một nghĩa trang gần đó, nơi những người phu đào huyệt vừa đào vừa cười đùa, tán chuyện gẫu với nhau. Hamlet vấp những khúc xương mà cái xẻng vừa hất lên, lại bắt đầu suy tưởng về cái chết và sự sống:

- Cái sọ này đây –chàng nói với Horatio- xưa kia chứa đựng một cái lưỡi có thể ca hát. Như cái thỏi xương quái quỉ vừa khiến anh ngã lăn kia, chẳng khác nào là xương hàm của Cain(4) là kẻ đầu tiên phạm tội giết người. Cũng có thể đó là một cái đầu của một nhà chính trị, một kẻ tin rằng mình có thể đánh lừa cả Thượng đế. Và bây giờ, thế đấy, mặc cho dòi bọ chui rúc, lại phải nhận một nhát xẻng vào mồm. Như vậy là chế tạo ra những mảnh xương này chẳng tốn bao công sức cũng như chỉ có thể dùng chúng để chơi “ki”(5) thôi! Phần tôi, chỉ nghĩ đến xương của cha mình, đã thấy đau rồi.

Gã phu đào huyệt vẫn bỡn cợt, gã nghêu ngao những điệu dân ca vừa nêu lên những trò chơi chữ, vừa đào một cái huyệt mà theo gã nói, không phải cho một người đàn bà, mà cho một người đã từng là đàn bà. Gã khoe mình bắt đầu hành nghề đúng vào ngày cậu bé Hamlet ra đời và bây giờ thì cậu ta trở nên điên rồ và bị tống sang Anh quốc. Hamlet ớn lạnh cả mình, nhưng bị câu chuyện mê hoặc bèn hỏi: “Phải mất bao nhiêu năm, con người chôn dưới đất mới mục rã?”.

- Tám hay chín năm –gã kia đáp- cái sọ này đã nằm đây từ hai mươi ba năm. Đó là sọ của Yorick, tên hề của nhà vua.

- Than ôi! Tội nghiệp cho Yorick! –Hamlet kêu lên- Ta biết hắn, Horatio ạ. Đó là một chàng trai rất vui tính, trí tưởng tượng hết sức phong phú. Hắn đã nghìn lần cõng ta trên lưng, mà bây giờ chỉ tưởng tượng đến cũng đủ rợn tóc gáy! Ta buồn nôn quá! Kia là cặp môi ta đã hôn bao lần. Giờ đây còn đâu những lời bỡn cợt, những trò vui nhộn, những khúc hát, những câu bông lơn, từng gây ra những trận bão cười trong cung điện? Giờ đây, cũng chẳng còn những lời khôi hài nào để chế giễu cái nhăn nhó của chính người nữa. Ngươi đã phải hoàn toàn câm miệng lại rồi!

Và trong lúc chàng để mình phiêu diêu theo những tư tưởng thê thảm đó, một đám tang đi tới. Đó là một đam tang theo nghi thức trọng thể, có mặt đức vua, hoàng hậu và tất cả quần thần. Chàng trông thấy theo nhịp tiếng chuông ngân, trong trang phục trắng tinh, đầu kết vòng hoa trắng, tiểu thư Ophélia dịu hiền đã chết. Chàng thấy hoàng hậu vẫn tiếp tục rắc hoa lên quan tài và phủ những gì kiều diễm nhất lên thi hài cô gái kiều diễm và Laerte điên cuồng vì đau đớn, nhảy bừa xuống huyệt để hôn đứa em gái thân yêu lần cuối. Hờn ghen và tức giận, Hamlet nhảy bổ lên anh ta, và cả hai lăn xả vào cuộc ẩu đả ác liệt. Người ta phải nhọc nhằn lắm mới can họ ra được. Hamlet hét lên:

- Ta yêu Ophélia! Dù bốn vạn người anh dồn tất cả tình thương lại cũng không thể nào sánh nổi lòng ta yêu nàng!
Người ta tìm cách buộc chàng nín lặng, họ cố gắng hòa giải hai người, và hoàng hậu dắt con mình đi. Nhưng nhà vua vẫn chưa quên những mưu đồ đen tối của mình. Và ngày sau, một sĩ quan tự ý đến đề nghị cùng Hamlet một trận so kiếm với Laerte. Nhà vua đánh cuộc bằng sáu con ngựa Bắc Phi rằng con ghẻ của mình sẽ thắng cuộc, còn món cuộc của Laerte chỉ có sáu trường kiếm và sáu đoản kiếm kiểu Pháp với mọi thứ phụ tùng khác. Điều kiện trận đấu đã được qui định, nhà vua cho rằng Laerte không thể nào chạm được vào người Hamlet ba lần trong mười hai hiệp; còn Laerte thì đánh cuộc rằng mình sẽ đâm trúng chín lần. Nhà kiếm thuật lỗi lạc như sống dậy trong Hamlet và chàng quên khuấy trong một lúc nỗi mơ mộng của mình để chỉ nghĩ đến trận đấu.

Trận đấu được chuẩn bị rộn rịp và trọng thể với sự hiện diện của các vị quân vương. Trước khi bắt đầu, hai địch thủ nhã nhặn cam kết sẽ xóa bỏ hết mọi hận thù. Người ta chọn kiếm thật cẩn thận. Nhà vua quyết định rằng mỗi nhát kiếm đánh trúng của Hamlet sẽ được loan báo bằng một phát đại bác, và mỗi lần như thế, chàng sẽ được uống cạn một cốc rượu ngâm ngọc trai để tán thưởng chàng. Người ta sửa soạn nhiều bình rượu vang, còn tên gian trá thì hờm sẵn cốc rượu độc.
Hamlet nhanh chóng đâm trúng Laerte, nhưng say sưa vì trận đấu, chàng từ chối không uống và định mệnh ác nghiệt đã muốn rằng hoàng hậu bỗng dưng khát nước, vội cầm lấy và uống cạn cốc rượu độc, đúng vào lúc đến lượt Laerte chạm kiếm vào người Hamlet. Trong cơn hăng say, họ đổi kiếm cho nhau, và cả hai lần lượt trúng thương bởi lưỡi gươm có tẩm độc nên đều rỉ máu.

Lúc đó hoàng hậu bỗng ngã lăn ra, ai cũng ngỡ bà xúc động vì trông thấy máu, nhưng bà chợt hiểu ra, và kêu lên:

- Không, không, vì rượu đấy. Ồ! Hamlet, con thân yêu của mẹ, mẹ đã bị đầu độc.

- Bọn phản trắc! –Hamlet la lên- Hãy đóng tất cả các cửa lại! Có sự phản bội! Phải tìm cho ra từ đâu!

- Ở ngay đây thôi! –Laerte, bị lương tâm giày vò, nên thú nhận- Hamlet ơi! Ngài đã bị mưu sát. Chẳng có thuốc nào trên thế gian chữa nổi cho ngài, ngài chỉ còn sống khoảng nửa giờ thôi. Công cụ phản bội đang ở trong tay ngài đấy, gớm ghiếc và độc hại. Mưu kế hiểm ác đã hại cả tôi. Kiệt sức rồi, tôi sẽ quỵ xuống đây và chẳng bao giờ trở dậy nữa. Chính nhà vua, chính nhà vua đã gây ra mọi điều!

Lần này, Hamlet không chần chừ nữa. Chàng đâm tên vua phản bội một nhát kiếm tẩm thuốc độc rồi tưới rượu độc lên người hắn.

Thế là tất cả nạn nhân của nhau, đều ngã gục theo lời nói cuối cùng của Hamlet:

- Cái còn lại là sự im lặng!

Đối với chúng ta, phải chăng nên kết luận bằng nhận định của một trong những nhân vật:

- Có cái gì thối rữa trong vương quốc Đan Mạch.

Chú thích
3) Tên bạo chúa của La Mã cổ đại (37-68 trước CN) nổi tiếng vì đã ra lệnh đốt cháy thành Roma, đã giết mẹ, giết vợ.
4) Nhân vật trong kinh thánh, con của Adam và Eva, đã giết chết em của mình là Aben
5) Ki (quille): một trò chơi trong đó người ta dùng một quả bóng để quật ngã những quân “ki” làm bằng gỗ như cái chày con.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

14#
 Tác giả| Đăng lúc 1-10-2011 22:50:46 | Chỉ xem của tác giả
OTHELLO


Một tai họa nghiêm trọng đang đe dọa thành Venise: nửa đêm vị Đại thống lĩnh và các nguyên lão nghị viện dự phiên họp khẩn cấp, ngồi quanh cái bàn to lớn, các võ quan lui tới xôn xao, các sứ giả từ hạm đội phái về nối gót nhau mang đến nhiều nguồn tin đáng ngại và trái ngược hẳn nhau: nhiều chiến thuyền Thổ Nhĩ Kỳ - có thư nói một trăm lẻ bảy, cái khác lại bảo một trăm tư, có vài cái lại cho là hai trăm - hướng về đảo Chypre, đang tiến thẳng qua Rhodes và được tăng cường một hạm đội hùng hậu phía sau. Tóm lại, tình hình rất khẩn trương, cần phải cấp tốc cho mời Othello, chàng giang hồ trẻ tuổi và hào hiệp, thuộc dòng giống châu Phi, đã mang gươm phục vụ nước Cộng hòa và là người duy nhất có thể đảm bảo chiến thắng cho quân đội Venise. Phái viên của Đại thống lĩnh ra đi tìm chàng ngay trong đêm, cuối cùng gặp được chàng cùng viên sĩ quan quân kỳ Iago và phó tướng Cassio, giữa đám quân nhân ầm ĩ và lì lợm dưới sự hướng dẫn của ngài nguyên lão nghị viện đáng kính Branbatio. Ngài có vẻ đang cơn giận dữ. Miệng lầm bẩm chửi rủa, đôi mắt long lên, lão già cứ thế lăng mạ Othello đủ điều, nhưng chàng vẫn nhẫn nhục chịu đựng. May thay các sĩ quan đi tìm chàng chợt nhớ ra rằng lão Branbatio cũng được mời đến dự phiên họp. Thế là đoàn người lũ lượt, hoa tay múa chân, hò hét, tiến về lâu đài, nhưng chỉ có lão Branbatio, có gã Roderigo thân tín theo hầu, và Othello cùng viên sĩ quan cầm cờ Iago được vào thôi.

- Chào Othello quả cảm -Đại thống lĩnh nhã nhặn nói - chúng ta hãy tức khắc cùng nhau lo toan việc chống lại kẻ thù hung bạo, bọn Thổ xâm lược. Chào đức ông Branbatio. Đêm nay chúng tôi rất cần đến ý kiến đức ông.

- Tôi cũng rất cần ý kiến quý ngài, -Branbatio hung hăng la to- vì cái điều đã vực tôi ra khỏi giường, chẳng phải là chức vụ của tôi, cũng chẳng phải nỗi bận tâm gì cho công ích, mà là một mối sầu khổ riêng tư, nó chôn vùi mọi lo nghĩ khác.

- Có việc gì thế? -Đại thống lĩnh hỏi, vẻ sửng sốt.

- Ôi, con gái tôi, con gái tôi. – Branbatio rên rỉ.

- Chết à? -Đại thống lĩnh và tất cả các nguyên lão nghị viện đồng thanh kêu lên.

- Vâng, đối với tôi, kể như nó đã chết. -Branbatio tiếp tục tiếp tục với vẻ hằn học- Nó đã bị bắt cóc, bị cám dỗ bởi phù phép, bởi vì đương nhiên nó không thể lầm lẫn như thế, nếu không có sự trợ lực của bùa mê.

- Bất luận kẻ bắt cóc con gái đức ông là ai, - Đại thống lĩnh nói với giọng cả quyết- hắn sẽ bị trừng phạt đích đáng, cho dù là con ruột của tôi đi nữa.

- Tôi xin đa tạ đức ngài. – Branbatio nói với vẻ đắc thắng- Đây là thủ phạm: chính tên Maure(1) gã đánh thuê mà đức ngài vừa triệu tới để bàn việc nước.

- Chúng tôi rất lấy làm đau lòng. Đại thống lĩnh và các nguyên lão nghị viện bùi ngùi- Đại thống lĩnh nói tiếp:

- Othello, anh trả lời sao để biện hộ cho mình.

- Thưa đức Ngài tôn kính, thưa quí ngài đầy lòng độ lượng – Othello nói với giọng trầm tĩnh - Quả thực tôi có mang con gái ông ấy đi. Cũng quả thực tôi đã cưới con gái ông ấy, và chỉ có thế thôi. Ngôn ngữ tôi có vẻ thô lỗ và không tế nhị dịu dàng, vì ngay từ năm bảy tuổi tôi đã phải sống trong các lều trại. Tôi không biết dùng lời hoa mỹ để bào chữa cho mình, tôi chỉ nói rõ mình đã dùng thứ thuốc gì, và quyền lực kỳ diệu nào để quyến rũ Desdémone.

- Một đứa con gái kín cổng cao tường, lúc nào cũng rụt rè hiền thục, mỗi xúc động nhỏ đủ khiến nó đỏ bừng mặt, thẹn thùng. Thế mà lại đâm si mê bất chấp bản tính tuổi trẻ, giòng dõi, gia phong, tài sản- một người mà chỉ trông thấy, nó đã chết khiếp! Tôi quả quyết y đã dùng bùa mê.

- Quả quyết không có nghĩa là chứng minh. -vị Đại thống lĩnh lưu ý- Cứ trình bày đi, Othello. Anh có đầu độc tinh thần cô gái kia không? Hay là anh chỉ chinh phục nàng bằng những lời thiết tha của một con tim réo gọi con tim khác.

- Hãy đến tìm nàng ở lữ quán đưa nàng về đây, thưa đức Ngài- để nghe nàng nói về tôi trước mặt cha nàng. Nếu câu chuyện nàng kể, khiến tôi trở nên khả ố đối với đức Ngài, tôi sẵn sàng chịu tội, dù có phải chết. Trong khi chờ nàng đến, tôi xin giải thích nhờ đâu tôi chinh phục được tình yêu của người con gái cao quí ấy.

- Kể chúng ta nghe đi Othello.

- Cha nàng rất mến tôi, ông thường mời tôi đến nhà, hỏi han mãi về chuyện đời tôi, những trận chiến đấu, những lần công hãm, những gian nan lận đận tôi đã trải qua. Tôi kể cho ông nghe hết, những ngẫu nhiên khốc liệt, những tai họa thảm thương, trên đất liền hay giữa bể, tôi bị bắt và bị bán làm nô lệ ra sao, tôi được chuộc lại như thế nào. Tôi nói về những chuyến phiêu lưu mạo hiểm, về những hang động thênh thang, những sa mạc khô cằn, những cuộc sống hoang dã, những đỉnh núi chọc trời, bọn Cannibales ăn thit lẫn nhau, những kẻ đeo đầu lâu lủng lẳng trên vai. Desdémone rất say mê những câu chuyện đó, nhưng luôn luôn công việc nội trợ buộc nàng đứng lên, nàng phải hối hả thanh toán cho xong việc nhà, mới trở lại ngồi, háo hức lắng nghe. Nhận ra điều đó, tôi đã khéo lèo lái để nàng van nài tôi kể lại từ đầu chí cuối, những bước đường phiêu lãng của tôi. Câu chuyện kết thúc, để thưởng công tôi, nàng buông ra những tiếng thở dài não ruột. Nàng cảm ơn tôi, rồi thỏ thẻ rằng, nếu tôi có người bạn nào đó yêu nàng, tôi chỉ cần dạy anh ta kể chuyện đời tôi, thế cũng đủ cho nàng ưng lấy người đó. Được khuyến khích như thế, tôi bèn thổ lộ tâm tư. Nàng yêu tôi vì những nỗi hiểm nguy mà tôi đã trải qua; còn tôi yêu nàng bởi tình cảm đậm đà nàng dành cho những gian khổ đó. Đó là quỷ thuật mà tôi đã sử dụng. Vả lại nàng đến kìa, hãy để nàng tự tỏ bày.

Lúc đó, Desdémone bước vào. Trước ánh mắt hằn học của người cha, nàng vẫn ngang nhiên thú nhận tình yêu của mình đối với Othello. Branbatio quá phẫn uất, từ luôn con gái, sẵn lòng giao phó cô cho người chồng bất xứng kia, và tuyên bố sẽ lưu tâm đến vấn đề trọng đại là bảo vệ đảo Chypre. Othello lãnh nhiệm vụ tác chiến, yêu cầu được mang theo người vợ trẻ, vì suốt cuộc hành quân, cô ấy không thể trọ ở nhà cha mình. Thực tế, lời từ biệt của ông lão chẳng êm ái tí nào.

- Liệu mà trông chừng đứa con gái đó, gã Maure kia –lão thốt lời cay đắng- Nó đã lừa cha mình, nó cũng có thể lừa cả anh đấy.
- Xin lấy đời tôi đảm bảo cho lòng tin của nàng – Othello sôi nổi đáp. Giữa lúc vội vã chuẩn bị hành trang lên đường (cuộc viễn chinh bắt đầu ngay chiều hôm đó), chàng vẫn kịp tìm ra kẻ phục dịch cho Desdémone, cô ả Emilia vợ viên sĩ quan cầm cờ Iago, mà chúng ta sắp sửa được biết rõ hơn sau đây.

Iago, viên sĩ quan chuyên nghiệp, thăng bậc rất chậm, luôn bị nung nấu bởi sự tị hiềm vô cớ. Hắn căm ghét tất cả mọi người và chỉ nghĩ đến việc làm điều ác. Hắn kích động lòng hờn ghen của gã Roderigo tự phụ, đang si mê Desdémone, bằng cách báo cho gã biết lễ cưới bí mật của nàng với Othello. Sau đó, hắn lại giục Roderigo đến tố giác với Branbatio việc làm dại dột của cô con gái. Iago ít khi chịu xuất đầu lộ diện, hắn như một con nhện thu mình trong góc tối, kéo từng sợi tơ để giăng bẫy những kẻ hắn thù hận, nghĩa là tất cả mọi người. Bấy giờ Roderigo đang đau khổ vì tuyệt vọng, chỉ muốn trầm mình dưới sông mà chết quách.

- Ô hay! - Iago kêu lên ta đã bảo với cậu là ta căm ghét Othello, ta sẽ trả thù cho cậu. Chỉ cần cậu trữ thật nhiều tiền trong túi. Không thể nào Desdémone yêu mãi cái thằng Maure đó. Chỉ cần rủng rỉnh tiền trong túi, nghe chưa? Hãy tỏ ra mình là đàn ông chứ! Ta đã trót ràng buộc với cậu bởi những sợi dây khó lòng cởi ra nổi. Thế nhé, cứ thu nhặt cho thật nhiều tiền vào. Nào, đi đi, chúng ta sẽ bàn lại chuyện này ngày mai. Cậu chỉ cần xoay cho ra tiền thôi. Tạm biệt.

Còn một mình, Iago cười thầm kẻ mắc lừa, và nghĩ cách lợi dụng gã ngốc nghếch kia, để ném một hòn đá trúng hai mục tiêu. Hắn sẽ trả thù viên tướng chỉ huy hắn, một người ngay thẳng, bộc trực –đang hoàn toàn tin cậy hắn. Hắn cũng thù cả phó tướng Cassio, cấp trên của hắn, trẻ hơn hắn, bảnh trai và được lòng người hơn hắn, bao nhiêu là lý do để hắn phải thù ghét anh ta.

Cassio đến đảo Chyrpe trước tiên, sau một chuyến vượt biển gian nan. Bằng những lời hoa mỹ, chàng báo tin rằng vị tướng mà chàng hết mực trung thành, sắp đến cùng nàng Desdémone tuyệt sắc, khiến cho gió gào sóng cuộn hay đá mòn, cát nổi gì, cũng phải im hơi, lặng tiếng để nàng có thể tới đảo bình yên.

- Nào hãy đến cả đây – chàng hét lên, giọng rất trữ tình, ngay khi Desdémone vừa đặt chân lên bờ- Nhìn kìa, một kho báu vừa xuống bến! Hãy quì xuống trước mặt nàng, tướng của vị tướng các ngươi đấy, và cầu trời che chở cho nàng trọn vẹn! Rồi chàng nói với Emilia: xin chúc mừng bà! Xin chào sĩ quan quân kỳ Iago!

Anh chàng phổi bò ấy, bốc lên vì thói ba hoa, ôm hôn Emilia, miệng nói liến thoắng, xun xoe không ngớt đã vô tình bằng những lời tán tụng lố lăng và điệu bộ lịch sự quá đáng, cung cấp cho Iago những lợi khí để thực hiện mưu đồ của hắn.

Một hồi kèn báo tin Othello đến, theo sau là đám tùy tùng. Desdémone ôm chặt lấy cổ chàng. Othello hớn hở: hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ vừa bị đắm, chiến tranh chấm dứt trước khi bùng nổ. Chàng báo cho Desdémone biết thời gian lưu ngụ trên đảo sẽ rất êm đềm thú vị, dân chúng địa phương rất nhã nhặn và hiếu khách.

Iago được phái xuống cảng, mang hành lý và hòm xiểng lên. Roderigo buồn bực vừa lủi thủi theo hắn vừa nguyền rủa. Lòng anh tràn ngập oán hờn, khi nhìn thấy cảnh vợ chồng Othello hạnh phúc, Iago đã bày mưu đặt kế, tuy còn mơ hồ nhưng tên xảo quyệt biết cách khiến cho mưu kế trở nên lợi hại. Hắn giao cho gã Roderigo khốn khổ nhiệm vụ khiêu khích Cassio. Như thế, Iago không thể bị nghi là đồng lõa, vì chẳng ai biết Roderigo. Iago đêm ấy có nhiệm vụ cùng Cassio giữa an ninh trên đảo, đã ép anh uống rượu, dù anh cực lực phản đối. Nhưng sau đó, viên trung úy bí tỉ, đã cao giọng cười nói ca hát, rồi hò hét vang trời, gây bực mình cho đám dân đảo hiền hòa, họ vội kết luận rằng vị tướng đặt niềm tin không đúng chỗ, nhất là khi nghe Iago dùng lời bóng gió bêu rếu Cassio. Roderigo thừa cơ trêu chọc Cassio, lúc ấy anh chẳng còn biết rõ mình làm gì nữa. Iago giả vờ khuyên can hai cái đầu bốc lửa, đang hầm hè nhau, rồi la hoảng “Báo động! Báo động, xin tiếp cứu”.

Tiếng chuông cấp báo rung lên, dân chúng đổ xô đến. Có người bị thương, nhiều kẻ hoảng loạn. Othello hiện ra, mặt đanh lại. Chàng quyết trừng trị đích đáng thủ phạm. Ai gây ra cớ sự này?

Iago với giọng điệu ngọt ngào, bèn tường trình mọi việc. Tất nhiên, hắn là bạn của Cassio, và hắn nói thà cắt lưỡi mình đi, chớ đời nào lại hại bạn. Song le, lòng yêu mến và kính trọng thượng cấp phải được đặt lên trên hết. Và câu chuyện dài dòng của hắn, cuối cùng chỉ là để trút phần lớn tội lỗi lên đầu Cassio, đã say rượu trong khi canh gác. Cơn náo loạn đã phá rối giờ nghỉ ngơi của Desdémone. Thử hỏi Othello nổi xung đến mức nào? Chàng cách chức viên phó tướng ngay tức khắc! Sau cùng mọi người rút đi, bỏ Cassio lại, đau đớn ê chề, âm thầm khóc than cho danh dự hoen ố và sự nghiệp nát tan. Tên Iago quỷ quyệt lại bày trò an ủi, rồi khuyên anh hãy đến nhờ cậy nàng Desdémone xin tha tội giúp.

- Nàng ta vẫn xỏ mũi tướng của mình đấy -hắn bông đùa- nàng rất nhiệt tình, lại nhân hậu, đến nỗi có lúc giúp ta nhiều hơn yêu cầu.

Hắn nhủ riêng với mình:

- Ai dám bảo ta nham hiểm nào, khi ta mách cho gã cách độc nhất để làm xiêu lòng tên Maure? Có khó gì cái việc cầu cạnh Desdémone, trong những thỉnh nguyện chính đáng, thuyết phục chồng là việc dễ đối với nàng. Nhưng trong lúc nàng biện hộ cho tên ngốc vô tội kia, ta sẽ rỉ vào tai Othello rằng nàng xin cho hắn phục chức là do một tình yêu tội lỗi. Như thế, càng cố gắng giúp đỡ cho Cassio, nàng càng làm cho vị tướng ghét bỏ Cassio, thế là từ lòng nhân hậu của nàng, ta bủa được một mẻ lưới, tóm cả bọn vào tròng.

Cassio hy vọng trở lại. Hầu làm vừa lòng Desdémone, chàng cử nhiều nhạc công đến trỗi điệu nhạc ban mai dưới cửa sổ phòng nàng. Thật tế nhị biết bao. Rồi gã nhờ Emilia nài xin phu nhân can thiệp hộ chàng. Chàng chờ nàng ra và chận lại giữa lối đi. Trong lúc Desdémone phiền trách chàng rườm rà bày vẽ, Othello và Iago bước vào.

- A! -Hắn lẩm bẩm- tôi chẳng thích thế tí nào!

Othello thoáng nghe mấy tiếng đó, như Iago mong muốn.

- Có phải Cassio vừa bỏ đi không? -Chàng hỏi.

- Chắc không phải đâu –Iago nói với vẻ áy náy- Tôi… tôi không thể tin rằng Cassio lại lủi đi như kẻ có tội, khi thấy ngài tới.
Trong lúc ấy, nàng Desdémone hồn nhiên, bắt đầu xin tha tội cho viên phó tướng thất sủng.

- Có phải anh ta vừa đi không? Othello hỏi, hơi đột ngột.

- Vâng đúng thế. – Desdémone đáp, không cân nhắc lời nói- Anh ta nhục nhã đến em cũng phải bùi ngùi, thật ái ngại cho anh ta quá! Này anh, em van anh đó, phục chức ngay cho anh ta đi!

- Không phải ngay bây giờ, để dịp khác.

Othello có vẻ khó chịu, chẳng hiểu vì sao.

Với sự vụng về của những kẻ không hề nghĩ đến tội ác, Desdémone cố nài:

- Thế thì sơm sớm cho!

- Sớm khi có thể được, để làm vui lòng , em ạ!

- Tối nay trong bữa cơm chứ?

- Không, không phải tối nay.

- Vậy thì mai, trong bữa cơm trưa.

- Ngày mai anh không dùng cơm trưa ở nhà.

- Thế thì tối mai nhé. Hay sáng thứ ba, hoặc buổi chiều, hay thứ tư. Anh cho biết ngay đi, miễn là đừng quá ba ngày, vì anh ta hối hận lắm rồi, cứ tin em đi. Khi nào anh ta được phục chức, Othello? Sao thế? Cassio vốn là người bạn tâm lĩnh trong chuyện tình yêu của chúng ta, anh ấy vẫn luôn bênh vực anh, mỗi lần en nói điều gì bất lợi cho anh, vậy mà sao em phải khó khăn đến thế để xin phục chức cho anh ấy?

- Thôi được, anh chẳng từ chối em gì cả. Để anh một mình trong giây lát. Nào, anh sẽ gặp lại em ngay.

Desdémone tinh nghịch và vui vẻ bước đi. Iago chộp lấy thời cơ, hỏi vài câu quỷ quyệt, rồi lắc đầu ra vẻ thâm trầm, do dự hồi lâu, không trả lời Othello, đang nóng nảy muốn biết về lòng nhân hậu của Cassio, rồi cuối cùng hắn bắt đầu, thật vô cớ, giở giọng khuyên lơn:

- À này, thưa ngài, hãy coi chừng sự ghen tuông đấy, nó là con quái vật mắt xanh, vẫn hay chế nhạo thức ăn nuôi sống nó. Ôi người đang yêu mà lại phải hoài nghi, đang hoài nghi mà vẫn yêu thắm thiết phải trải qua những phút giây khổ sở như thế nào! Thượng đế bao dung! – tên đạo đức giả nói tiếp- Xin người đừng để những người thân yêu của tôi mắc phải bệnh ghen tuông.

- Nhưng sao lại thế này? – Othello chợt tỉnh táo lại, hét lên- ngươi tưởng ta muốn kéo dài một cuộc sống ghen tuông, hay nghi ngờ theo mỗi tuần trăng à? Thiên hạ không thể khiến ta ghen khi bảo rằng vợ ta đẹp, rằng nàng lịch thiệp, duyên dáng, rằng nàng thích họp mặt bạn bè, lại hát hay đàn ngọt và khiêu vũ tuyệt vời. Ta cũng chẳng hề sợ mình không xứng đáng, bởi dù sao nàng có đôi mắt kia mà, và nàng đã chọn ta. Không, Iago ạ, nếu có nghi ngờ tình yêu của nàng, ta cần phải thẩm tra lại mối nghi ngờ đó, và một khi đã có chứng cớ thì hoặc là chẳng còn tình yêu nào nữa, hoặc là cũng chẳng còn ghen tuông nào nữa.

- Tôi vui sướng được biết điều đó –Iago nói, với vẻ cởi mở- Vì như thế, tôi có thể thẳng thắn bàn chuyện với ngài, và xin khuyên ngài một câu: hãy chú tâm quan sát Cassio, không ghen tuông, nhưng cũng đừng quá tin cậy. Tôi không muốn bản tính cao thượng và chân chất của ngài bị lợi dụng. Đừng bao giờ quên rằng đàn bà rất khéo che đậy, ngài hãy nhớ lão Branbatio, bị lừa tài tình đến nỗi cứ ngỡ mình mắc phải bùa mê.

- Ta mang ơn ngươi suốt đời –Othello bàng hoàng khẽ nói.

- Hình như điều đó làm ngài xúc động.

- Không đời nào –Othello chối phắt.

- Dù sao vẫn có những triệu chứng đáng lo ngại –tên đốn mạt nói thêm, đầy ác ý- không chấp nhận bất cứ lời cầu hôn nào của những người cùng xứ sở, cùng màu da, cùng địa vị xã hội, cùng lứa tuổi -hắn cố tình nhấn mạnh những điểm khiến lòng Othello đau nhói. Quả vậy, chẳng phải là chàng quá già so với Desdémone sao, lại thuộc một giống dân khác, một người Phi, là quân nhân chuyên nghiệp, xuất thân từ hàng lính, vụng về biết bao so với những kẻ hào hoa vẫn dập dìu trong phòng khách thính các phu nhân. Có thể nào chăng chàng lại sợ Desdémone xa lánh mình, để đến với người khác?

Vị tướng băn khoăn và trầm mặc bước đi, tâm hồn giằng xé bởi bao ý nghĩ lo âu. Bỗng thấy Emilia đi tới, trên tay cầm chiếc khăn thêu mà ả vừa nhặt được.

- Đây là món quà đầu tiên Othello tặng cho Desdémone -ả tiết lộ với Iago- phu nhân mê lắm, cứ giữ rịt bên mình để ngắm ngía rồi hôn hít và gửi vào đấy bao nỗi niềm tâm sự.

Iago nhanh nhẩu chộp lấy và buộc vợ phải kín miệng. Sẽ dùng cái khăn làm gì? Hắn chưa biết, nhưng sau đó hắn nẩy ra ý nghĩ đánh rơi cái khăn tay trong phòng riêng của Cassio, rồi ngóng chờ diễn biến.

Những cái vụn vặt không đâu ấy -hắn xoa tay tự nhủ- đối với kẻ ưa ghen tuông là những bằng chứng hùng hồn. Tên Maure đã hoang mang dưới ngón đòn độc của ta, y đến kia. Dù nha phiến hay bất cứ loại thuốc ngủ nào, cũng không thể trả lại cho ngươi giấc ngủ êm đềm hôm qua!

Chú thích:
1) Dân miền Mauritanie xưa (Bắc Phi Châu)
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

15#
 Tác giả| Đăng lúc 1-10-2011 22:52:56 | Chỉ xem của tác giả
Một Số Tác Phẩm Của William Shakespeare - OTHELLO
----------------------------------------------------------------------------

Othello gương mặt khắc khổ, tay nắm chặt, bước đi lảo đảo, đầu óc rối bời. Trong cơn khủng hoảng, chàng còn van nài Iago hãy giúp chàng khám phá xem có phải thật sự Desdémone đã yêu người khác. Thế là Iago, lời thề thốt trung thành đầu môi, vội kể vanh vách thành tích chinh phục phụ nữ, cùng sự vênh vang của Cassio, phịa ra những điều tai hại, rồi bất thần hỏi:

- Ngài có thấy chiếc khăn có thêu hình quả dâu trên tay phu nhân không?

- Ta có tặng nàng một chiếc –Othello thừa nhận.

- Tôi trông thấy một chiếc như thế trong tay Cassio.

- Khốn kiếp! -Othello hét lên- Nếu nàng đã trao cho kẻ khác kỷ vật đầu tiên của ta. Thượng đế ơi! Sao ta không thể sống đến mười đời chín kiếp. Một kiếp này thôi, sao đủ cho ta báo được thù. Thôi hết rồi, sự thanh thản của tâm hồn! Vĩnh biệt! Những đội quân hùng tráng, những trận đánh biến tham vọng thành chính nghĩa, tiếng hí vang trời của ngựa chiến, tiếng kèn rộn rã và hồi trống thúc quân, tiếng tiêu réo rắt với cờ xí ngợp trời! Thôi, vĩnh biệt! Sự nghiệp Othello chấm dứt từ đây!

- Có thể như thế sao, thưa ngài?

- Ta muốn báo thù. Thế mà mới hôm qua đây, ta còn tin rằng nàng yêu ta, lòng ta ngập tràn vui sướng, hồn ta lâng lâng mãn nguyện. Nhưng ta sẽ trả thù. Còn ngươi, từ giờ phút này, ngươi là phó tướng của ta.

- Xin được hầu ngài suốt đời -hắn nói và cười thầm.

Desdémone bực dọc đi tìm khắp nơi mà chẳng thấy chiếc khăn đâu.

- Cũng may, -nàng nói với Emilia, đến giờ này vẫn kín tiếng- là chồng ta chẳng hay nghi ngờ bóng gió hay ghen tuông gì, nếu không, thế nào cũng sinh sự này nọ. Ông ấy đến kia, chàng có được khỏe không?

- Một chứng cảm kỳ lạ khiến anh khó chịu hết sức, cho anh mượn chiếc khăn đi.

- Đây này, Desdémone noi, đầy vẻ bối rối.

- Chiếc khăn anh tặng em kia.

- Em…em…em không mang theo mình, nàng ấp úng một cách khổ sở.

- Không à? Thế là có lỗi đấy! Một phụ nữ Ai Cập đã tặng mẹ anh chiếc khăn đó và mẹ anh, một thuật sĩ, đã phán rằng: ngày nào mẹ còn giữ nó, nó sẽ khiến mẹ trở nên dễ mến và gìn giữ được tình yêu của cha anh, khi qua đời, mẹ trao nó lại cho anh và dặn dò phải tặng nó cho vợ. Hãy giữ gìn nó cẩn thận, yêu quí nó như con ngươi của mặt mình, để lạc mất hay đem nó cho ai, sẽ là một mất mác không gì bù đắp được, Desdémone ạ! Chiếc khăn ấy có ma thuật đấy.

- Thực thế sao? Nếu vậy thì lạy trời cho em chưa bao giờ thấy nó – trong cơn bối rối Desdémone dại dột kêu lên.

- Vì sao? Chiếc khăn lạc mất rồi à? Vậy là em không còn giữ nó bên mình nữa?

- Không, nó không mất. Nhưng nếu nó lỡ mất rồi thì sao?

- Đi tìm nó ngay cho tôi. Tôi muốn nhìn thấy nó!

- Tất nhiên là em sẽ tìm thôi, nhưng không thể ngay bây giờ được. Em muốn bàn với anh về chuyện Cassio và mong anh xét phục chức cho anh ấy – nàng Desdémone, lại hồn nhiên một cách thật vụng về.

Nghe thế, Othello thét lên:

- Đi tìm khăn cho tôi ngay. Tôi điên mất.

Desdémone cứ mù quáng một mực tán dương công lao của Cassio. Othello giận sôi gan, chỉ còn biết gào lên: “Cái khăn, cái khăn” rồi đẩy vợ ra một cách phũ phàng, chàng hầm hầm bỏ đi trong khi Emilia mỉm cười ranh mãnh.

- Người đàn ông này không ghen đấy chứ?

- Chắc có điều gì nghiêm trọng trong vụ cái khăn. Tôi rất khổ sở đã để lạc mất nó.

Những trò hiểm độc của Iago tăng lên: hắn ngầm khuyến khích Cassio cứ tiếp tục nài nỉ Desdémone, đồng thời đầu độc trí óc Othello bởi những chuyện nhảm nhí không đâu, khiến chàng điên cuồng đến quằn quại. Đến lúc vừa nguôi ngoai, chàng lại từ xa chứng kiên cảnh Iago nhỏ to với Cassio mà cơn ghen mù quáng chỉ khiến chàng thêm hoang mang. Hơn nữa, Othello lại ngẫu nhiên trông thấy cô bạn của Cassio trả lại chiếc khăn thêu mà anh đã thấy trong phòng anh và cho cô ta mượn để sao lại mẫu hình quả dâu. Lần này thì Othello không còn nghi ngờ gì nữa: Desdémone đã nói dối. Nàng đã tặng Cassio cái kỷ vật tình yêu đó. Đúng là nàng không còn yêu Othello nữa. Tất cả mọi người đều lừa dối chàng, vợ chàng, phó tướng của chàng, Emilia mà chàng không buồn tra hỏi, tất cả, ngoại trừ Iago trung thành, tận tụy với chàng.

Khi chàng gặp lại Desdémone, nàng bàng hoàng và sửng sốt vì thấy vẻ mặt khắc khổ và ưu tư của chàng, vội đến gần để an ủi vỗ về, thì chàng điên tiết lên, mắng chửi thậm tệ, quát bảo nàng về phòng, đợi chàng ở đó và phải đuổi Emilia, mà chàng cũng trách mắng đi.

Iago rình rập quanh đó, nghe ngóng tin tức. Đối với hắn, mọi sự diễn tiến tốt đẹp. Hắn khêu thêm ngọn lửa hờn ghen của Othello, kích thích thêm một chút sự căm ghét của chàng với Cassio, chế diễu Roderigo, rồi đắc ý lẩn mất.

Trong lúc đó, nàng Desdémone sửa soạn đi ngủ. Nàng thong thả thay áo quần, lòng nặng trĩu u buồn, chuyện trò dăm câu ngắn ngủi với Emilia. Nàng mơ hồ nhớ lại điệu tình ca cổ xưa, mà Barbara, người hầu phòng của mẹ nàng bị người yêu bỏ rơi, vẫn luôn luôn hát lên với giọng buồn ảo não.

Dưới gốc cây sung nàng ngồi nức nở
Ngợi ca cây liễu, liễu xanh tươi
Tay đè lên ngực và đầu nghiêng xuống
Ngợi ca cây liễu, liễu xanh tươi
Dòng suối lượn quanh, róc rách thầm thì
Ngợi ca cây liễu, liễu xanh ơi
Và những dòng nước mắt đắng cay
Khiến tảng đá bùi ngùi.

- Bài ca cứ ray rứt ta hoài –Desdémone thì thào- Suỵt! Có ai gõ cửa. À không, tiếng gió…

Xin lấy lá xanh của liễu bện cho tôi cái vương miện.

Ngợi ca cây liễu, liễu xanh ơi

- Không, không, đoạn tiếp không phải như thế.

- Bây giờ chị đi đi. Emilia, mắt ta xốn xang quá, hay là ta sắp khóc. Hoặc có điều tang tóc sắp xảy ra!

- Chẳng có gì cả đâu – Emilia cãi lại.

- À, ta cũng tin thế. Thôi chúc chị ngủ ngon.

Trong cái đêm bất hạnh đó, biết bao sự kiện bi thảm dồn dập xảy ra. Roderigo bị Iago lừa phỉnh, đã đón Cassio ở một góc phố để thanh toán. Sau trận so kiếm ngắn ngủi, cả hai đối thủ đều bị trọng thương ngã quị. Iago lẻn đến dọ dẫm tình hình, rồi trong bóng tối mịt mờ, bằng một nhát dao găm, hắn kết liễu luôn Roderigo, để thủ tiêu một nhân chứng, có thể vướng víu cho hắn. Sau đó hắn đến vực Cassio dậy, ân cần chăm sóc, ra điều chí thân chí cốt, đồng thời hối thúc Emilia đến báo cho Othello hay tấn bi kịch vừa xảy ra.

Othello bước vào phòng, trên tay lập lòe cây đuốc. Desdémone rũ rượi vì sầu muộn, nằm lả trên giường. Nghe tiếng động, nàng sực tỉnh, Othello hung hãn hỏi nàng:

- Đêm nay cô đã cầu nguyện rồi chứ, Desdémone?

- Rồi ạ, thưa chàng!

- Nếu cô còn nhớ ra một lỗi lầm nào chưa kịp ăn năn, hãy cầu nguyện nhanh đi, vắn tắt thôi đấy, bởi ta không muốn giết cô, lúc linh hồn còn tội lỗi.

Desdémone kinh hãi, không còn tin vào đôi tai mình nữa. Othello vừa nói đến giết chóc, mắt chàng trợn trừng, giọng khô khốc, môi cắn chặt. Ôi, chàng vừa nói gì thế?

- Cái khăn tôi yêu quí, mà tôi đã tặng cô, cô đã trao nó cho Cassio.

- Em lấy mạng sống và linh hồn em ra mà thề. Không!

- Thề thốt phải thận trọng – Othello rít lên- Cô đang ngồi trên giường chết đấy!

- Mong chàng rũ lòng thương xót cho em – Desdémone ngậm ngùi nói- Chàng cứ hỏi thẳng anh ta.

- Không. Miệng hắn đã câm rồi! Dù hắn có bao nhiêu mạng sống, nhiều như tóc ở trên đầu, ta cũng giết cho bằng hết để trả thù.
- Than ôi, anh ta đã bị bội phản rồi mà ta thì nguy mất! – Desdémone nghẹn ngào thổn thức.

- Sao? Con khốn nạn! Mi dám khóc lóc trước mặt ta à? Này! Hãy chết đi!

Và mặc những lời van nài khẩn thiết của người đàn bà vô tội -chỉ xin được sống thêm một đêm nữa thôi, hay nửa giờ cũng được, khoảnh khắc đủ cho một lời cầu nguyện, kẻ ghen tuông mù quáng nhảy xổ đến, bóp lấy họng nàng. Những ngón tay gân guốc ăn chặt vào chiếc cổ mong manh, sau vài tiếng rên tắt nghẹn, Desdémone ngã vật ra giường còn Othello thì đứng đó, sững sờ, điên loạn.

Đúng vào cái lúc não lòng ấy, Emilia gõ cửa, hớt hãi chạy vào, báo một tin khẩn cấp. Với sự trầm tĩnh của một người mà không có gì có thể làm xúc động được nữa, Othello mở cửa phòng và được báo rằng Roderigo bị giết chết, chứ chẳng phải Cassio, như lời Iago khiến chàng lầm tưởng. Trong phút hồi sinh, Desdémone buông ra tiếng rên dài não ruột. Emilia nhảy bổ tới, kêu cứu ầm lên, cuống cuồng hỏi ai là thủ phạm vừa gây ra án mạng, thì cô nạn nhân hiền dịu, chỉ nghĩ đến mỗi một điều đó là gỡ tội cho chồng, cất giọng thều thào:

- Chẳng phải ai cả! Chính ta! Hãy nhắc chàng nhớ đến ta nhé!

Rồi nàng nhắm mắt lìa đời.

Thoạt tiên, Othello ngây dại cho rằng cử chỉ hy sinh sau cùng đó chẳng qua là bằng chứng của sự tráo trở và gian dối. Chàng uất hận trút cơn phẫn nộ, nỗi hờn ghen, mối nghi ngờ cho hả, lại còn gọi Iago thật thà đến làm chứng.

Emilia hết chịu đựng nổi, chị ta đã thấy rõ lớp lang của âm mưu lừa đảo, bèn vạch trần thủ đoạn gian manh của chồng mình với Othello: còn ai biết rõ hơn chị ta mối tình thương yêu nồng nàn và chung thủy của Desdémone đối với chồng, lòng nhân hậu trong sáng và vô tư đối với Cassio, ý đồ xảo quyệt của Iago khi sử dụng chiếc khăn thêu oan nghiệt. Bất bình tột độ, chị ta khai toạc ra hết, mặc cho ông chồng lồng lộn. Không thể ngăn được vợ tiết lộ những âm mưu của hắn, Iago đã đâm chị ta một nhát rồi tẩu thoát. Othello bàng hoàng tỉnh mộng. Giờ đây chàng chỉ còn có chết, sau khi nói lời vĩnh biệt với cái xác cứng đờ của Desdémone. Trước mặt quan tổng trấn trên đảo và các sĩ quan phụ tá, sắp sửa bắt giữ chàng. Othello lên tiếng biện hộ, không phải cho hành động điên rồ của mình mà cho vai trò mình trong tấn thảm kịch vừa qua.

- Khi các người kể lại chuyện này, xin hãy kể cho trung thực, ta thế nào, cứ nói đúng thế ấy, đừng thêm bớt gì cả. Các người hãy mô tả chân dung một kẻ yêu đương tha thiết mà không sáng suốt, một kẻ không hề biết ghen tuông nhưng khi bị chút nghi ngờ đầu độc lại oằn oại trong tận cùng thù hận; về một con người không quen khóc, nhưng giờ đây đang đầm đìa nước mắt.

Rồi thừa lúc bất ý, chàng đâm lút con dao vào giữa ngực, gục chết dưới chân Desdémone. Với chàng, danh sách nạn nhân của Iago đã kết thúc. Cassio sống sót trở thành tổng trấn đảo Chypre và tấn bi kịch sẽ không thể khép màn nếu chẳng hé lộ cho ta thấy rằng nhất định tên gian trá ghê tởm kia, sẽ bị trừng phạt bởi nhục hình và cái chết.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

16#
 Tác giả| Đăng lúc 1-10-2011 22:56:02 | Chỉ xem của tác giả
Vua LEAR

Vào thời Joas làm vua ở Juda, Lear con của Bladud trị vì trên đất Anh. Ngài chỉ có ba cô con gái: cô cả Goneril, là vợ quận công Albanie; Régane, cô thứ, là vợ công tước Cornouailles và cô út được cưng chiều nhất là Cordelia.
Tuy nhiên, vua Lear cảm thấy mình đã quá già. Mỗi ngày, những nỗi lo toan và công việc triều đình đè nặng trên vai. Ngài mong ước được trút bỏ gánh nặng để được thanh thản trong chuỗi ngày tàn, trước khi vào cõi chết. Ngài chia giang san của mình ra ba phần, rồi quy tụ trước cung đình tất cả triều thần, các con gái, hai chàng rễ và hai người cầu hôn công chúa Cordelia. Thế rồi ngài công bố quyết định rời bỏ quyền hành và sẽ ban an huệ cho cô con gái nào mà ngài nhận thấy đã yêu thương ngài nhiều nhất. Ngài yêu cầu các con hãy bày tỏ lòng hiếu thảo của mình trước mọi người cho ngài dễ dàng lượng xét.

Goneril, cô cả, nói trước tiên:

“ Tâu phụ vương, con yêu phụ vương thắm thiết hơn yêu ánh sáng, bầu trời và tự do, hơn cả những gì hiếm hoi và quí báu nhất trên đời. Con yêu ngài nhiều hơn là người ta yêu cuộc sống bình an và tươi đẹp với mọi thứ danh vọng và tặng phẩm. Con yêu ngài hơn bất cứ đứa trẻ nào yêu cha và chưa bao giờ có người cha nào được yêu đến thế. Thực ra, con không đủ lời để diễn tả tình yêu của con đối với phụ vương.”

Và Cordelia lặng lẽ nhủ thầm:

“Cordelia phải làm gì đây? Yêu và câm nín”.

Vị vua già được mơn trớn quá đỗi, tức khắc hạ lệnh chia cho Goneril phần lớn của giang san, những khu rừng rậm mát, những cánh đồng màu mỡ, những dòng sông và thảo nguyên bát ngát. Rồi ngài quay sang Régane nghe cô nói:

“Tâu bệ hạ, con cùng chung tính khí với chị con, qua chị, con có thể đo được lòng mình. Trong thâm tâm, con nhận ra chị ấy đã diễn tả rất trung thực những điều con cảm thấy, hơn nữa, con thù ghét niềm vui nào không liên hệ đến tình phụ tử và riêng chỉ có tình yêu chan chứa con dành cho bệ hạ mới là nguồn hạnh phúc của đời con.”

Và Cordelia, vẫn lặng yên trên ghế, nghỉ ngợi.

“Ôi! Cordelia đáng thương. Mày lại giàu tình yêu hơn là lời nói.”

Và ông vua cả tin lại ra lệnh cắt một phần lớn đất đai nữa, cũng giàu tài nguyên và rất phong phú cho Régane. Cuối cùng, ngài nhìn về phía Cordelia, đứa con gái được yêu chiều nhất.

“Còn con – ngài nói - niềm vui của ta, con ra đời sau cùng, nhưng chẳng vì thế mà ta kém yêu thương con, bây giờ con đang là mối tranh chấp giữa vị lãnh chúa sở hữu những vườn nho rộng lớn ở Pháp và bậc vương tôn, chủ những đàn súc vật trên đồng cỏ bát ngát vùng Bourgogne, con hãy nói làm sao cho xứng với cái phần thưởng to lớn hơn các chị?”

Và Cordelia, trái tim nhân hậu của nàng như tê dại, không thể phô diễn những tình cảm đậm đà nhất nên chỉ nói:

- Chẳng có gì cả, thưa phụ vương.

- Chẳng có gì cả à! -cảm thấy bị xúc phạm, vua Lear kêu lên.

- Chẳng gì cả. – cô Cordelia đáng thương lặp lại. Con yêu bệ hạ vì là bổn phận của con không hơn không kém. Phụ vương đã sinh ra con, đã nuôi dạy con, đã thương yêu con. Đáp lại, con ngoan ngoãn, quí mến và kính trọng phụ vương. Mà tại sao các chị con lo đi lấy chồng khi các chị ấy nói rằng đã dành trọn tình yêu cho phụ vương? Chắc chắn là con sẽ chẳng bao giờ thành hôn để có thể yêu cha mình hơn cả.

Nhà vua không tin vào đôi tai mình, sửng sốt:

- Sao, còn trẻ mà khô khan thế à!

- Rất trẻ và chân thực, thưa phụ vương.

- Được rồi –nhà vua phán- Giữ sự chân thực đó mà làm của hồi môn! Bởi vì, trước các đấng thần linh, ta từ bỏ mọi tình cảm cha con: cô sẽ là một người xa lạ, chẳng phải là con của ta nữa.

Trong khi Kent, viên trung thần, tìm cách thuyết phục cho ngài nguôi giận, nhà vua phẫn nộ hét lên:

- Hãy để ta yên! Ta từng thương yêu nó hơn cả; Ta hằng ao ước gửi chuỗi ngày tàn cho nó chăm sóc an ủi.

Và cơn giận nổ bùng, ngài quyết liệt xua đuổi cô gái. Ngài chia nốt cho hai cô gái lớn phần còn lại dành cho Cordelia, và trao hết quyền hành cho họ, với điều kiện mỗi người thay phiên nhau nuôi nấng ngài và đám tùy tùng gồm một trăm kỵ sĩ trong thời gian một tháng và vẫn duy trì vương tước của ngài. Ngài sẽ lần lượt đến nhà người này, rồi người kia, cứ thế quanh năm.
Nhưng Kent, viên cận thần phúc hậu, than thở trước sự điên rồ của nhà vua, ông biết quá rõ lòng dạ hai cô gái lớn, bởi thế ông to tiếng khẳng khái bênh vực cho công chúa Cordelia. Thế là vua Lear mất hết tự chủ, ra lệnh trục xuất ông ra khỏi nước và phải chịu lưu đày biệt xứ. Rồi ngài thông báo cho hai ông hoàng Pháp và Bourgogne rằng họ có thể cưới Cordelia với điều kiện không có hồi môn. Bởi vì, ngài nói, cô ta đã xuống giá, nếu các người còn nghĩ gì đến cái thân thể mảnh khảnh kia, hãy dẫn nó đi, nó thuộc về các người, với cả lời nguyền rủa của ta nữa!

Quận công xứ Bourgogne không dám xin cưới cô Cordelia tội nghiệp nữa, nhưng nhà vua hào hiệp đất Pháp lấy làm kinh ngạc tại sao một cô gái vẫn được quý chuộng, lại bỗng nhiên có thể phạm lỗi lầm quái gỡ đến nỗi đánh mất ân sủng của đức vua. Chàng không tin là cô bội bạc. Cordelia thỏ thẻ van xin cha hãy hiểu cho rằng nàng không hề làm điều gì nhục nhã, chỉ vì lời nói vụng về đã gây ra nông nỗi.

“Thà đừng sinh ra mi, để bây giờ khỏi phiền lụy đến ta” –cha nàng đáp lại.

Vua đất Pháp vẫn chưa hết kinh ngạc:

“Tình yêu chẳng còn là tình yêu nữa nếu chen vào tình yêu có những tính toán xa lạ, -chàng nói- quận công Bourgogne, ông tính sao về công chúa? Bản thân nàng chẳng phải là một món hồi môn rồi ư?”

Nhưng quận công Bourgogne thích công chúa với cả món hồi môn đã hứa, và bởi vua Lear nhất quyết không lay chuyển, vị vua Pháp nói:

“Hỡi nàng Cordelia xinh đẹp, ta thấy nàng giàu hơn bởi sự nghèo nàn; quí báu hơn bởi nỗi cô đơn. Ta nhận lấy nàng và cả đức hạnh của nàng. Tình yêu ta bùng cháy trước sự lạnh nhạt và khinh rẻ của mọi người. Tâu bệ hạ, cô công chúa không hồi môn mà số phận đã mang lại cho tôi, sẽ là hoàng hậu của tôi, của thần dân tôi và của nước Pháp tráng lệ. Nàng hãy nói với họ lời từ biệt, rồi nàng sẽ tìm thấy ở nơi khác nhiều hơn những gì đã mất nơi đây.”

Vua Lear hơi bẽ mặt vì con gái đã tìm ra nơi nương tựa, bèn bước thẳng không thèm quay lại nhìn nàng, và Cordelia, rưng rưng nước mắt tạ từ hai chị. Nàng khẩn cầu hai chị hãy đối xử thật tốt với cha, thừa biết rằng thời gian rồi sẽ vạch trần thói giả đạo đức của họ, rồi nàng bước theo vị hôn phu, kẻ duy nhất đánh giá nàng đúng đắn.

Goneril và Régane bàn luận với nhau một hồi mới chia tay. Hai tâm hồn xấu xa hiểu rõ cha mình với tính khí cộc cằn, những cơn nổi giận đột ngột; họ cũng biết tuổi già đã làm suy giảm lý trí của người cha khốn khổ. Họ biết đức vua đã mất tự chủ, cách đối xử tàn tệ đối với Kent, và nhất là sự vội vã và nhẫn tâm chối bỏ đứa con gái thân yêu là bằng chứng hiển nhiên của một thần kinh rối loạn. Họ thừa hiểu rằng đức vua khó rời bỏ quyền hành và uy lực, nên họ thỏa thuận với nhau rằng sẽ giới hạn dần chế độ ưu đãi và đối xử nghiêm khắc với đức vua cha.

Trước tiên, đức vua đến trọ tại nhà Goneril, cô cả, trong một tháng với một trăm tùy tùng. Nhưng tuần lễ thứ hai chưa kịp trôi qua, đứa con bội bạc đã kêu ầm lên rằng không còn chịu đựng nỗi sự hoang phí và mối bực dọc. Chị ta than phiền về tư cách và cử chỉ nghịch ngợm của một trăm kỵ sĩ; chị ta làm ngơ, đôi khi khuyến khích sự cẩu thả và xấc xược của bọn người hầu với đức vua già mà chị ta xem như một ông lão lẩm cẩm. Đức vua than trách, ngài bênh vực bộ hạ và gã hề bị ngược đãi. Tính nóng nảy phút chốc khiến ngài điên tiết. Ngài đập một tên hầu của Goneril đã quấy phá thằng hề, kẻ duy nhất còn biết cách làm ngài cười và vừa bông lơn vừa nói cho ngài nghe khối sự thực. Ngài giận dỗi vì người ta bắt ngài phải chờ đợi trong bữa cơm chiều, cuối cùng ngài đánh viên quản lý vô lễ đã dám huênh hoang rằng dù sao thì đây cũng chẳng phải là nhà ngài, mà chính là nhà của con gái ngài.

Tuy nhiên, vua Lear vẫn không muốn tin rằng việc thay đổi thái độ là có chủ trương, và việc người ta phục vụ tồi tệ và ăn nói xấc láo là có dụng tâm. Đến khi thằng hề bảo rằng đức vua điên mới không giữ lại cho mình một ít của cải, để đến nỗi bây giờ chỉ là con số không, chẳng giá trị gì. Ngài bèn nổi giận và mắng chửi hắn. Phải đợi chính Goneril làm ngài sáng mắt. Chị ta mát mẻ trách cứ thái độ kỳ quặc của ngài và sự hỗn độn của đám tùy tùng, rồi buộc ngài phải cắt giảm đám bộ hạ xuống còn năm mươi kỵ sĩ thôi.

Những ảo tưởng của vị vua già khốn khổ sụp đổ tan tành. Nỗi căm tức trước sự bất công đó thật vô bờ, khiến ngài bắt đầu hiểu ra lỗi lầm của mình chẳng còn nghi ngờ gì nữa, và đâm ra hối hận về sự bất công của chính mình đối với Cordelia.
“Ôi! Lear! Lear! Lear! –ngài hét lên vừa đập vào trán- hãy đập nát cánh cửa này đây đã để cho lý trí thoát ra và cơn điên chui vào! Dù sao ta vẫn còn một đứa con gái nữa.”

Và ngài quyết định dời sang trọ nhà cô Régane, sau khi đã trút lên đầu Goneril những lời nguyền rủa cay độc và trù ẻo cho mọi tai trời ách đất tàn hại đứa con suy đồi. Con người đau khổ quá tin vào sự thương yêu và lòng trắc ẩn của Régane bèn ra đi với gã hề, đoàn kỵ sĩ và một bộ hạ mới mà ngài rất thích, nhưng không thể nhận ra đó là Kent, người bề tôi trung tín, đã trở về bên ngài sau khi cải trang và mang tên giả. Vua Lear bỗng dưng đa nghi, phái anh ta đến báo với Régane rằng ngài sẽ đến trước thời gian qui định. Nhưng cùng lúc ấy, Goneril cũng cho tên quản lý sang nhà em với một bức thư dặn dò và trách móc vua cha.

Trước sân nhà quận công Cornouailles và Régane, hai sứ giả gặp nhau và đập lộn nhau chí chóe. Người ta nhận ra ngay ai là kẻ được bà quận công tin cẩn, bởi chị ta ân cần lắng nghe tên quản lý nói và buộc người tôi trung thành của cha mình vào tội phải bêu trước công chúng. Khi đã bị phơi ra trước cửa lâu đài, anh ta cố gắng nén đau, vừa cố gắng ngủ. Chính vua Lear đã bắt gặp cái cảnh đó thay vì sự tiếp đón nồng nhiệt như ngài chờ đợi khi lần mò đến nhà con gái. Cố nén phẫn uất, ngài gõ cửa và thấy rõ cửa không chịu mở ngay, cánh cửa của nhà con gái ngài đấy. Ngài tự nhủ mình nên kiên nhẫn, tự trách mình quá thô bạo trong cử chỉ và đứng chờ các con ra đón ngài vào.

Sau khi nghe kể những nỗi nhục nhã ngài phải gánh chịu ở nhà Goneril, Régane chẳng chút động lòng, chỉ tìm lời dịu ngọt khuyên bảo ngài nên thận trọng và phải biết phục tùng:

“Cha hãy quay trở lại nhà chị tôi, -chị ta nói- ngài đã già rồi, phải để người ta điều khiển chứ. Tôi van ngài, hãy nhận rằng mình đã xúc phạm chị ấy thái quá, bởi tôi không sao tin rằng chị ấy lại có thể sơ sót điều gì trong bổn phận đối với cha.”
Nghe đến đó, ông lão Lear nổi xung, nguyền rủa và thề sẽ không bao giờ gặp lại Goneril, rồi vẫn còn tin tưởng, ngài khơi động tấm lòng Régane:

“Chắc hẳn con không kiếm chuyện gây gổ về những thú vui của cha, hay tìm cách cắt giảm số tùy tùng hoặc buông lời mắng nhiếc cha, cắt giảm chi tiêu của cha và đóng sầm cửa lại mỗi khi cha đến gần. Con hiểu rõ hơn ai về những tình cảm tự nhiên, về nghĩa vụ con cái, và cách ăn ở hiền thục và con cũng không quên rằng cha đã tặng con một nửa giang san!”

Nhưng trong lúc Régane cáo lỗi không thể lưu giữ ông được, viện cớ rằng chưa có kịp chuẩn bị gì để có thể tiếp đón ông một cách chu đáo, người ta nghe thấy tiếng kèn rầm rộ báo hiệu Goneril sắp đến. Cô em đón tiếp bà chị niềm nở đến mức khiến cha họ tan nát cõi lòng, bà chị đến để tự biện minh và xúi dục Régane làm theo mình. Tiếp đó bắt đầu một sự mặc cả khả ố, Régane từ chối không nhận cha mình trước cuối tháng; ngoài ra ông chỉ được phép mang theo năm mươi người. Nhưng liền ngay đó, chị ta tuyên bố chỉ chấp nhận hai mươi lăm, còn Goneril thì lại đề nghị cắt bỏ hết đám tùy tùng của đức vua. Ông ấy cần gì đến kẻ phục dịch trong nhà các con mình chứ? Nhà họ quá chật, chỉ có thể chứa nổi một mình nhà vua mà thôi. Lần này, vua Lear đã hiểu cả. Ông chạy trốn, lòng đau như xé, và cứ lải nhải:

“Các ngươi tưởng ta sẽ khóc à? Không, ta không khóc đâu! Đúng là ta có những điều đáng khóc đấy! Nhưng trước khi ta nhỏ một giọt lệ, quả tim này phải nát tan từng mảnh. Ôi! Hề ơi! Ta cảm thấy mình đã mất trí. Những gì ta sẽ làm, chẳng biết rồi sẽ ra sao, nhưng rõ ràng sẽ làm cho cả trái đất kinh hoàng.”

Và dù cho đêm tối, dù gió bấc buốt da đang vi vút trên cánh đồng trơ trụi, -mà trong vòng vài dặm không thể nhìn thấy cả một bụi cây- hai con quỉ cái đã bỏ mặc ông ra đi với tên hề, không quên gài chặt then cửa để đề phòng cơn bão đang đe dọa.
Đó là một đêm đen thẫm như địa ngục. Trên cây thạch thảo ven dốc đá, bão tố nổi lên quay cuồng. Ông lão đầu trần cắm cúi chạy, ông muốn đem mạng sống mong manh ra chống chọi với mưa đổ gió bay, ông lên tiếng thách thức số phận và sự hủy diệt:

“Gió ơi, hãy gào thét lên đi! Vòi rồng và thác nước! Hãy dâng sóng ngập tràn mặt đất, đến tận con gà trên nóc gác chuông. Gió bão, sấm sét! Các ngươi đâu phải con gái ta! Hỡi thiên nhiên bạo tàn, ta không hề trách các ngươi bạc ác! Ta đâu có tặng các ngươi một vương quốc, các người đâu phải con cái ta! Các ngươi đâu cần phải vâng lời ta! Vậy hãy trút lên mình ta tất cả cơn cuồng nộ! Ta là kẻ nô lệ khốn khổ, là lão già gầy yếu bị đè bẹp bởi bệnh tật và sự rẻ khinh. Các ngươi chỉ là những tên tay sai hèn hạ cấu kết với hai đứa con gái đồi bại để chống lại lão già đầu bạc này! Ôi thật ghê tởm!”

Rồi dưới chớp léo đỏ rực, không hề nao núng trước sấm vang sét nổ, bão tố gầm thét loạn cuồng, tóc rối bời, dữ tợn và lạnh lùng, ngài bước đi, không đếm xỉa gì đến gã hề theo sau, cũng chẳng nhận ra người bề tôi trung thành Kent muốn vời ngài vào trú ẩn nơi ổ rơm trong túp lều tranh. Bởi vua Lear chẳng còn cảm giác gì nữa cả.

“Kẻ nào bị cấu xé bởi một niềm đau quá lớn –ngài nói- không thể nào cảm thấy nỗi buồn nho nhỏ. Than ôi! Ta là người đang khổ sở về những điều độc ác mình chưa hề gây ra. Thần trí ta rối loạn mất rồi!”

Tuy nhiên, con người tội nghiệp ấy bằng lòng ghé vào một mái nhà để sưởi ấm gã hề đang buốt lạnh thấu xương, ngài nghĩ đến những kẻ không nơi nương tựa và chợt hiểu ra mọi nỗi cơ cực trên đời.

“Những người khốn khổ đáng thương! Dù các người ở đâu, các người đang hứng chịu cơn thịnh nộ của trận bão phũ phàng, làm sao những cái đầu trần trụi, những dạ dày lép kẹp và những áo quần rách rưới có thể che chở các người trong buổi thời tiết khắc nghiệt như thế này? Ôi! Ta thật ít quan tâm đến các người. Những kẻ giàu sang! Đây là phương thuốc: hãy đưa lưng ra gánh chịu những gì những kẻ khốn cùng phải chịu, các người sẽ biết chia cho họ cái thừa của các người và như thế sẽ khiến trời đất công bình hơn!”

Và khi gặp một kẻ lang thang, ngài liền hỏi: “Có phải ngươi cũng giao hết tài sản cho con gái không? Để rồi ra cớ sự này?”
Rồi ngài triêt lý:

“Tốt hơn là ngươi chui xuống mồ, chứ đứng đây làm gì, để phơi thân giữa cảnh trời long đất lở. Con người là thế đấy! Không có tơ của con tằm, không có lông của con thú, không có len của bầy cừu, người cũng chỉ là đồ súc sinh, một con vật khốn khổ. Nào chúng ta hãy vất bỏ quần áo đi!”

Và ngài xé toạc bộ quần áo đã xác xơ tơi tả, lý trí mê muội của ngài đã hoàn toàn điên loạn; ngài kể lể viển vông, lời nói rời rạc, lẩn thẩn, ngài muốn xét xử con gái theo thủ tục pháp lý. Trái tim cằn cỗi đáng thương, nó góp thêm nước mắt cho cơn mưa xối xả!

Lúc đó, hai đứa con gái muốn ngài chết cho xong, đã thúc bọn sát nhân theo giết quách ngài đi. Người bầy tôi trung thành Kent vẫn luôn bảo vệ ngài, vội bốc ngài đưa đến Douvres. Tin tưởng lòng dạ Cordelia, ông gởi cho nàng một lá thư. Lập tức hoàng hậu cùng với cả một đội quân Pháp đổ bộ để tìm cha và trừng trị các chị. Vua Lear khốn khổ đang ở trong thành, vào những lúc hồi tỉnh, ngài nhận ra được những kẻ chầu chực xung quanh, nhưng một sự hổ thẹn không vượt qua nổi khiến ngài không dám gặp Cordelia, ngài nhớ lại sự cứng rắn trước kia khi ngài tước bỏ mọi bổng lộc của nàng và đã phó mặc nàng cho số phận ở một đất nước xa lạ, truất hết mọi quyền lợi của nàng để giao cho những người chị lòng lang dạ thú, tất cả những ký ức đó, còn hơn là nọc độc, xâu xé trái tim ngài. Niềm hối hận giày vò khiến ngài rời xa Douvres và kẻ mất trí khốn khổ lang thang ven dốc đá hung dữ như sóng gào, hát nghêu ngao, đầu quấn nào độc cầu, nào tầm ma và đủ thứ cỏ dại mọc trên đồng, trong lúc con gái út của ngài sai quân lính và thầy thuốc tìm ngài khắp nơi. Cuối cùng đến khi Kent tốt bụng bắt gặp ngài, người ta chăm sóc và ru ngài ngủ. Ngài thức dậy trong tiếng nhạc réo rắt êm đềm, Cordelia, ngồi ở chân giường, vuốt ve những mớ tóc bạc trắng, thỏ thẻ nói chuyện với ngài.

Nỗi thương đau của ngài sống dậy mãnh liệt.

“Các ngươi đã làm hại ta khi lôi ta ra khỏi mồ. Ta bị cột chặt vào một bánh xe bằng lửa, nước mắt ta là những giọt nóng rơi trên má!”

Khổ nhọc lắm Ngài mới tin là mình còn sống.

“Ngươi là một hồn ma ta biết lắm – ngài nói với Cordelia - Ngươi chết bao giờ nhỉ? Nhưng không, ánh sáng ban ngày đây mà. Ta sẽ chết mất vì thương xót, nếu ta trông thấy kẻ khác lâm vào cảnh ngộ như ta. Ta không dám tin rằng đây là đôi tay ta. Ta thiết tha muốn biết rõ tình trạng thực sự của mình.”

Cordelia tuyệt vọng vì cơn mê loạn đó, khẩn cầu ban phúc cho ngài.

“Ôi, ta van ngươi –ông lão quì lạy dưới chân nàng- xin đừng riễu ta. Ta là một lão gì khốn khổ; Ta đã sống tám mươi năm, mà nói thực, ta e mình chưa làm chủ trọn vẹn lý trí của mình. Dường như ta có quen biết ngươi, nhưng sao ta vẫn hoài nghi; tuy nhiên, nếu quả thật ta là một người, thì hình như người đàn bà này là Cordelia, con ta!”

Cơn cuồng nộ qua đi, ngài mơ hồ nhớ lại rằng các con gái đã có lỗi lầm với ngài và khiêm tốn đến xót xa, ngài tuân phục Cordelia mọi điều và thừa nhận rằng:

“Ta đã già rồi và tâm trí đã lú lẫn.”

Nhưng viên y sĩ cho con gái ngài biết rằng vẫn còn hy vọng khôi phục trí tuệ cho ngài.

Song le, con người khốn khổ chỉ gặp lại Cordelia để rồi mất nàng mãi mãi. Hai quân đội Albanie và Cornouailles đã đánh thắng quân Pháp, vua Lear và con gái ngài bị bắt làm tù binh. Trong lúc bị chúng áp giải đi, vua Lear tỏ ra khoan khoái:

“Này con –ngài nói với Cordelia- chúng ta cứ hãy vào tù. Chỉ còn riêng hai cha con, chúng ta sẽ ca hát như chim trong lồng; trong khi con cầu trời ban phúc cho cha, cha muốn quì xuống van xin con tha thứ. Chúng ta sẽ sống như thế đó, cầu nguyện, hát ca, kể chuyện cổ tích, rồi đùa vui với những cánh bướm vàng sặc sỡ và lắng nghe bọn ti tiện kháo nhau về chuyện triều đình. Chúng ta sẽ tán gẫu với họ về kẻ thua người thắng, kẻ ra người vào, và chúng ta sẽ có dịp biết rõ bí ẩn của mọi việc, như thế chúng ta là do thám của nhà trời. Nào, hãy lau nước mắt đi, chúng ta sẽ thấy tất cả bọn chúng chết đói trước khi chúng có thể làm chúng ta khóc.”

Nhưng khi họ được giải thoát thì đã muộn. Régane và Goneril trước khi chết, nạn nhân của chính những mưu mô xảo quyệt của chúng, đã ra lệnh thắt cổ cô em gái ngay trong ngục. Vị vua già vẫn còn đủ sức để giết chết tên nô lệ đã hành hình Cordelia, và nâng đứa con đã chết trên tay, ngài kêu lên thống thiết:

“Hét lên, rú lên, gào lên! Ôi! Các ngươi là gỗ đá! Nếu ta có cái lưỡi và đôi mắt của các ngươi, ta phải làm sao cho đất trời chuyển động sụp đổ tan tành. Lẽ ra ta phải cứu được con, giờ đây con đã ra đi vĩnh viễn! À! Con nói gì nhỉ? Giọng nói của con vẫn êm đềm trìu mến, đối với một người đàn bà thật đáng quí xiết bao! Đứa con hồn nhiên của ta đã bị bức tử! Sao? Con chó, con ngựa, con chuột vẫn được sống mà con, con không còn hơi thở? Con chẳng bao giờ trở lại nữa; chẳng bao giờ, chẳng bao giờ nữa cả! Hãy nhìn kìa đôi môi của nó!”

Và trái tim quặn thắt, quá đau đớn, cuối cùng bị vỡ ra; trong khi Kent, đầy lòng trắc ẩn, cúi đầu cầu nguyện:

“Ôi! Xin đừng hành hạ vong linh ngài! Hãy để cho ngài ra đi thanh thản. Phải thù hận ngài lắm mới muốn giữ ngài lại lâu hơn trên bánh xe nhục hình của cõi trần khắc nghiệt.”

Thế là vua Lear không thể sống lâu hơn trái tim hiếu thảo đã trọn đời yêu mến ngài.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách