Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: nail65
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Tiểu Thuyết] Ngọn Cỏ Ven Sông | Quỳnh Dao

[Lấy địa chỉ]
41#
 Tác giả| Đăng lúc 25-1-2012 16:39:28 | Chỉ xem của tác giả
Câu chuyện làm Thế Vỹ cảm động. Thì ra hôm trước khi Nguyệt Nương kể lại chuyện Nhược Lan đưa quan tài chồng về Phúc gia trang. Nguyệt Nương đã giấu bớt chuyện Nguyên Khải và Nhược Lan đã có con. Bởi vì Thế Vỹ biết, ông Chấn Đình đã không thừa nhận đứa bé. Thì có kể ra cũng nào có ích lợi gì?

Thế Vỹ nhìn Thảo Nhi rồi nói:

- Thảo Nhi này, anh thật sự không ngờ, anh cứ tưởng là em đến Dương Châu này là chỉ để em được đoàn tụ với bác Hải em thôi. Không ngờ... bây giờ em chẳng những có Bác Hải, mà còn có cả ông bà nội. Rồi còn tìm được cả ngoại và mẹ ruột của mình nữa. Em không còn là một đứa con bé mồ côi mà em có cả một đại gia đình. Ồ! Vậy thì hạnh phúc quá. Được rồi, để ngày mai anh và chị Thanh Thanh của em sẽ cùng đi để đón mẹ và ngoại về đây nhé?

Du Lâm đứng gần đó hỏi:

- Tôi có cùng đi được không?

Nguyệt Nương vội nói:

- Được chứ! Chúng ta sẽ cùng đi. Đi càng nhiều người càng tốt. Bởi vì ngày xưa Nhược Lan đã quá thiệt thòi. Bây giờ chúng ta phải để cô ấy nở mày nở mặt, rồi chúng ta sẽ đãi tiệc nữa. Gọi là đền bù.

Nguyệt Nương chợt quay sang ông Chấn Đình hỏi:

- Như vậy được không, hở lão gia?

Ông Chấn Đình gật đầu:

- Ồ như vậy cũng được!

Và ông gọi lão Trường Quý đến:

- Trường Quý này, mi lên danh sách xem có bao nhiêu người đi đón, rồi ra bến đặt vé tàu đi, nhanh lên!

Bà Tịnh Chi dặn dò:

- Nguyệt Nương, bảo mấy đứa nhỏ dọn phòng cho mẹ con Nhược Lan đi! Lựa chiếc phòng tốt đấy nhé.

Thế Vỹ vội vã nói:

- Con xin nhường phòng! Chiếc phòng con ở ngày xưa là của Nguyên Khải, vậy bây giờ con phải trả lại họ. Con ở phòng khách được rồi.

Bà Nguyệt Nương nói:

- Đúng, đúng, đúng. Vì như vậy... có thể sẽ giúp Nhược Lan nhanh chóng lành bệnh... Cậu Thế Vỹ hay lắm!

Ông Lý Đại Hải thấy mọi người rộn rã, náo nức quá, nên cảnh tỉnh:

- Khoan đã! Quý vị cần phải biết là... Nhược Lan không còn bình thường như chúng ta. Cô ấy đã mất trí cả mười năm nay. Đến độ thím Chu bây giờ cũng kiệt sức. Chúng ta không nên làm rầm rộ quá. Cũng không nên tính trước chuyện gì. Để đưa cô ấy về đây rồi mọi thứ sau quyết định sau.

Mọi người quay sang ông Hải, họ chợt nhiên như trở lại với thực tại, không khí trở nên nặng nề, chỉ có mình Thảo Nhi là vẫn hồ hởi. Nó nói:

- Con ước ao có mẹ lâu lắm rồi. Tối nay con chắc không ngủ được đâu. Con sẽ thức trắng đến sáng mai...


o0o


Thím Chu đứng thẳng người, cương quyết phản kháng:

- Không! Chín năm qua, từng ngày từng giờ, từng phút giây. Tôi và Nhược Lan cứ sống mãi trong cái ám ảnh, trong cái đau khổ dày vò của mấy người. Chúng tôi không làm sao quên được cái hận. Mọi nỗi oan gia này, đều do chính các người tạo nên. Mấy người đã hại cả đời mẹ con chúng tôi. Bây giờ... Còn có ý đồ gì nữa đây? Các người muốn rước chúng tôi về ư? Đó chưa hẳn là thiện ý, mà chẳng qua là để xoa dịu lương tâm đang cắn rứt của mấy người. Đâu có chuyện dễ dàng như vậy? Tôi hứa với lòng mình. Từ đây mãi mãi về sau. Chúng tôi sẽ không bao giờ đặt chân về cái đất Dương Châu, về cái Phúc gia trang của mấy người nữa mà!

Bà Tịnh Chi nghe nói, đau khổ vô cùng:

- Thím Chu! Xin thím mở lòng từ bi, đừng có oán hận chúng tôi nữa. Nếu có giận thì xin thím cũng nên nghĩ đến đứa bé Thảo Nhi mà hỉ xả cho chúng tôi. Có thế nào thì chúng ta cũng có cùng một đứa cháu cơ mà. Chúng tôi nguyện sẽ làm hết sức mình để quãng đời còn lại của thím và Nhược Lan bớt khổ. Thím Chu... Hãy để chúng tôi có cơ hội chuộc tội lỗi đó.

Thảo Nhi quay qua nắm lấy tay thím Chu.

- Ngoại ơi! Nếu ngoại và mẹ không về Phúc gia trang, thì con cũng sẽ ở lại đây với ngoại và mẹ. Con không về đấy nữa đâu. Bây giờ con cũng đã lớn rồi. Con có thể chăm sóc cả mẹ và ngoại được...

Thím Chu nhìn căn nhà, rồi lúng túng nói:

- Không, không được. Con không thể về đây sống được đâu.

Thảo Nhi hỏi:

- Tại sao không được? Trước kia con còn quá nhỏ, con không thể đi tự túc được, ngoại mới buộc lòng để con đi. Còn bây giờ, con lớn, con có thể làm được nhiều thứ.

- Không được! Ngoại nói không được là không được!

Thím Chu nắm tay Thảo Nhi đưa qua cho bà Tịnh Chi:

- Bà hãy mang nó đi đi! Đi khỏi nơi này đi!

Thảo Nhi lùi lại, khóc không thành tiếng:

- Tại sao vậy? tại sao ai cũng kỳ vậy. Trước kia nói là con còn nhỏ không thể nuôi con. Còn bây giờ con đã lớn. Đâu phải dễ dàng gì con nhìn ra mẹ ra ngoại. Vậy mà bây giờ lại cũng không chịu nhìn con. Mẹ thì chỉ yêu có cái gối, chứ không yêu con. Vậy là sao... Chẳng lẽ ai cũng ghét bỏ con hết?

Ông Lý Đại Hải thấy vậy, rất buồn nói:

- Thím Chu... Thôi thím đừng để cho trẻ nó đau khổ nữa. Thím hãy theo chúng tôi về Phúc gia trang đi. Biết đâu, Nhược Lan khi thay đổi cảnh sống, nó sẽ hồi phục lại tâm trí?

Thím Chu lắc đầu:

- Tôi biết con tôi, Nhược Lan nó sẽ không bao giờ lành bệnh được. Làm sao có chuyện đó. Khi mà mọi thứ đã vỡ nát? Chồng chết, con xa... Tất cả sạch sành sanh. Nó bây giờ chỉ sống như cây cỏ. Chỉ là một cái xác không hồn. Cuộc sống đã mất hết ý nghĩa từ lâu với nó. Mẹ con tôi như vậy đó. Bây giờ chỉ nương tựa vào nhau qua ngày, thôi mấy người hãy đi đi! Đừng có đến đây quấy rầy chúng tôi nữa...

- Không đúng! không đúng! nói vậy là không đúng!

Thế Vỹ không dằn được đứng ra can thiệp:

- Thím Chu này. Có thế nào, thì thím cũng phải tin là cuộc đời này, thế gian này, vẫn còn nhiều thứ tốt đẹp. Và ân đức của trời đất đó đôi khi tạo nên phép lạ. Thím không thấy sao? Chuyện Bác Tịnh Chi đây bị mù đôi mắt tưởng là không bao giờ nhìn thấy lại cuộc đời, thế mà mắt sáng lại... Rồi chuyện Thảo Nhi... Nó bị đụng xe tưởng là đã chết. Vậy mà không chết. Vẫn sống, vẫn an khang... Thím đã trải qua ngàn vạn cay đắng, bây giờ là phút được đền bù. Thím nên tin tưởng. Khi mà biển xanh biến thành nương dâu được, thì mọi thứ đều có thể quay lại được. Thím hãy quên đi những ngày gian khổ cũ, quên đi hận thù, xóa hết đi. Thím Chu này. Thảo Nhi bây giờ nó chỉ mới có mười tuổi. Thím đừng để sau này, hai mươi, ba mươi năm sau, nó vẫn còn thấy hận. Hãy vì tình yêu dành cho Nhược Lan, vì tình thương dành cho Thảo Nhi mà thím tha thứ tất cả. Thím và Nhược Lan trở về Phúc gia trang sinh sống là thím đã vì chị Nhược Lan và Thảo Nhi, vì hạnh phúc của họ, đó mới là quan trọng. Thím đã bảo là mình sống cho họ cơ mà?

Thím Chu nhìn cậu thanh niên trẻ trước mặt. Thím không biết cậu là ai, nhưng lời của cậu ta đã thuyết phục được thím.

Phải! bây giờ không phải là giây phút để hận thù nữa. Và để cho Nhược Lan và Thảo Nhi có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thím không còn chọn lựa con đường nào khác hơn.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

42#
 Tác giả| Đăng lúc 25-1-2012 16:50:20 | Chỉ xem của tác giả
Chương 21


Và như vậy, Nhược Lan và thím Chu đã quay về lại Phúc gia trang.

Đó quả là một chuyện ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Gia đình họ Bùi nghe nói cũng phải ngạc nhiên, họ kéo cả nhà sang thăm. Biết được Thảo Nhi là con gái của Nhược Lan và Nguyên Khải, là cháu nội của ông Phúc Chấn Đình, họ càng kinh ngạc hơn.

Quả là có trời có lắm điều kỳ diệu mới để cho chiếc lá non cuộn vèo thật xa rồi cũng quay về cội nguồn. Họ đến chúc mừng ông Chấn Đình và bà Tịnh Chi.

Nhưng từ ngày Thím Chu và Nhược Lan quay về Phúc gia trang, thì mọi thứ lại không giống như hai ông bà tưởng... Diễn biến sự việc đã làm cho họ thất vọng... không khí trở nên nặng nề hơn...

Nhược Lan trở lại chốn cũ mười năm trước, cái hoa viên quen thuộc, cái hòn giả sơn với những chú cá chép quẫy đuôi hữu tình, lại không khơi dậy... một chút tình cảm tích cực nào, không lay động gì chút gì tâm linh... Trái lại khi nhìn thấy cảnh cũ. Nhược Lan còn tỏ ra sợ hãi... Nàng ôm lấy thím Chu và hét:

- Mẹ ơi! Con sợ quá! con không thích ở lại đây đâu. Ở đây sao lại có lắm người thế này? Mình hãy quay về nhà của mình! Về đi mẹ, đừng có ở đây nữa.

Nguyệt Nương và bà Tịnh Chi đã hết lời giải thích khuyên nhủ. Hết lời chỉ cho Nhược Lan biết đây là "nhà" của nàng rồi, nhưng không hiểu sao Nhược Lan vẫn sợ, vẫn hốt hoảng... vẫn lo lắng. Nhược Lan không ôm thím Chu thì lại ôm chặt chiếc gối trong ngực, rồi rút hẳn lên một mép giường, ngồi bó gối ở đấy... có gọi thế nào cũng không chịu ra.

Không phải chỉ có Nhược Lan, mà ngay cả Thảo Nhi cũng đổi khác. Từ ngày Nhược Lan và thím Chu về, trong mắt nó hình như chỉ có hình ảnh của mẹ và ngoại nó. Sáng sớm vừa thức dậy, là nó chạy ngay đến phòng Nhược Lan... Nó lấy khăn ra cho mẹ nó rửa mặt rồi chảy đầu... rồi dùng điểm tâm với Nhược Lan và thím Chu. Nó cũng bắt chước Nhược Lan hát ru cho chiếc gối ngủ... Nó bỏ cả học, chứ không siêng năng như trước kia, ngày ngày đến trường. Nó gần như không thiết gì ngoài ngoại và mẹ nó, không giao tiếp với ai kể cả người bạn thân nhất của nó là Thiệu Văn.

Nó cũng có vẻ ngăn cách với Thanh Thanh và Thế Vỹ. Nó dồn hết tâm trí vào chuyện phục vụ mẹ nó... Mỗi ngày nhìn nó tận tụy chăm sóc từng thứ cho Nhược Lan mà ai cũng chua xót... Mặc dù... Nhược Lan chỉ như một cái xác vô hồn, chẳng biết cảm xúc, nhưng Thảo Nhi như chẳng cần biết chuyện đó, nó chỉ muốn đền bù lại những ngày không được có me...

Và chính vì chỉ nghĩ đến mẹ và ngoại mà gần như nó cũng quên bẵng cả sự hiện hữu của ông Chấn Đình và bà Tịnh Chi, những người sinh ra cha nó, không những thế nhiều lúc ông Chấn Đình có cảm thấy như nó cố tình muốn tránh mặt cả ông bà.

Có lần, Nguyệt Nương không dằn được, cô ta đã giữ tay Thảo Nhi lại nói:

- Ta không tin là Thảo Nhi dễ thương của ta, lại có thể hành động như vậy. Con là đứa con biết điều? Con biết lấy lòng người khác... Con gần như chinh phục được tình cảm của tất cả những người trong Phúc gia trang này... Thế sao bây giờ lại trở nên thờ ơ, lạnh lùng thật vậy? Chẳng lẽ con không biết tình cảm của ông bà ở đây dành cho con ư? Vậy mà... con lại vô tình. Ông nội bà nội gọi đích danh con vẫn tảng lờ. Con suy nghĩ gì thế? Làm như vậy có đúng không?

Thảo Nhi quay mặt về phía hòn giả sơn, chẳng nhìn mặt Nguyệt Nương, cũng không đáp.

Nguyệt Nương lắc lắc người con bé:

- Thảo Nhi này. Con có biết là, cái thái độ của con chỉ làm nội đau khổ. Con phải suy nghĩ để thấy là trước kia... Ông bà nội con không thừa nhận cũng như đuổi mẹ con đi chẳng qua là vì lúc đó... nội con vừa mất cha con... nội con đang đau khổ và căm phẫn tột đô... con còn nhỏ... con cần phải tập cái tính vị tha, khoan dung... và con cũng nên biết... nội con bây giờ đã hối hận mỗi khi nghĩ đến chuyện cũ... vì vậy... con cần phải bình tâm một chút... cư xử tốt với nội con một chút... phải biết vấn an người mới phải đạo.

Thảo Nhi vùng khỏi tay Nguyệt Nương. Thảo Nhi vẫn ngoan cố:

- Con không cần nghe! Con không cần biết gì cả.

Ông Lý Đại Hải cũng nắm lấy tay Thảo Nhi lại nói:

- Con không có quyền nói như vậy, nếu con không nhìn nội con, thì như vậy con đã ở không phải với cha ruột con rồi!

Thảo Nhi òa lên khóc và nói:

- Con không biết, bây giờ các vị hãy nói cho tôi biết đi, tôi phải làm thế nào để mẹ tôi nhận ra tôi? Tôi đã làm hết sức mình, đã chăm sóc lo lắng, mà mẹ vẫn không nhận ra tôi. Như vậy thì làm sao tôi nhận nội? Bao giờ mẹ tôi nhìn tôi, tôi sẽ nhận nội tôi sau!

Nói xong, Thảo Nhi quay người chạy nhanh về phía phòng Nhược Lan.

Chuyện Thảo Nhi không nhận nội, rồi Nhược Lan không nhận ra Thảo Nhi là bi kịch lớn của nhà họ Phúc... không biết, sẽ kéo dài đến bao giờ... Riêng về Thế Vỹ và Thanh Thanh... thì họ cũng không rảnh rỗi đâu để quan tâm nhiều đến chuyện nhà họ Phúc nữa, Vì họ sắp xa nhau.

Và rồi ngày tháng trôi qua. Mùa nghỉ Tết của học sinh đã đến. Những ngày này Thế Vỹ rất bận rộn, chuẩn bị hành lý, áo quần... Chuyện Thế Vỹ đi xa là chuyện chẳng đặng đừng, không phải chỉ có Thanh Thanh mà cả ông bà Chấn Đình cũng thấy quyến luyến, bức rức... Dù gì Thế Vỹ cũng đã ở đây một thời gian dài. Chỉ có Thảo Nhi, ngày xưa... Thảo Nhi lúc nào cũng sợ Thế Vỹ bỏ đi xa... Nó khóc lóc, năn nỉ... Nhưng còn bây giờ? Có lẽ vì nó đã có Nhược Lan... tất cả sự tập trung của nó hướng về phía Lan. Và thờ ơ với chuyện ra đi của Thế Vỹ. Thế Vỹ thấy vậy cũng... giảm bớt được sự lo buồn của một người.

Thảo Nhi biết Thế Vỹ sắp đi, nó chỉ nói:

- Anh phải hứa với em là, rồi anh sẽ quay về đây được không? Nếu anh mà không quay về, rồi chị Thanh Thanh sẽ ra sao? Trường học sẽ ra sao?

Thế Vỹ trịnh trọng nói:

- Vâng, anh hứa... Anh sẽ quay về đây. Qua tết là sẽ quay về ngay. Đừng nói Thanh Thanh với trường học mà cả ông nội và bà nội, và tất cả những người trong gia đình này... Thạch Lựu và Thiệu Khiêm khiến cho anh lưu luyến... vì vậy anh phải quay lại thôi.

Hoa Du Lâm thì thấy ngày về cận kề... tỏ ra rất phấn khởi, cái thái độ cuả cô ấy thật khó đoán, nhất là đối với Thế Vỹ. Chuyện ở Phúc gia trang. Du Lâm tỏ ra rất hòa hợp... Du Lâm gần như trở thành bạn của từng thành viên trong gia đình này, nhưng người mà Du Lâm thích nhất là Nguyệt Nương. Du Lâm đã nói với Thế Vỹ:

- Anh biết không, mỗi nhân vật ở Phúc gia trang này đều là một pho tiểu thuyết. Nhưng chỉ có chuyện của Nguyệt Nương là phong phú, nhiều bí ẩn. Hảy thử tưởng tượng xem, người đàn bà đó... suốt mười năm trời, tận tâm phục vụ cho người nữ chủ nhân mù. Bên cạnh đó lại thầm yêu ông chủ nóng nảy dữ dằn. Để rồi cuối cùng, cam tâm làm vợ lẽ, một lòng trung hậu với chủ. Người như Nguyệt Nương phải nói là trên đời hiếm thấy, bà ta tập trung gần như đủ cả tinh hoa truyền thống của phụ nữ phương đông thời phong kiến... lẳng lặng phục vụ chẳng khoa trương. Nhưng lại ảnh hưởng cả đến những người chung quanh... Vì vậy tôi rất khâm phục.

Thế Vỹ nhìn Du Lâm, không hiểu Du Lâm đã nói chuyện đó cho chàng nghe làm gì? Có dụng ý gì chăng?

Đối với Du Lâm. Thế Vỹ thật ra cũng không xác định được lòng mình. Người con gái có học kia, nhận thức nhiều khi khá sâu sắc, khó phù hợp với Thế Vỹ. Du Lâm như một tri kỷ, một người bạn tốt. Càng ở lâu bên cạnh Du Lâm, càng nhận ra nhiều ưu điểm. Lâm chẳng những đẹp vậy, một tình địch mạnh của Thanh Thanh làm sao Thanh Thanh lại không sợ cho được.

Và Thế Vỹ không dằn được lòng, hỏi:

- Du Lâm này. Cô là cô gái vừa thông minh, sâu sắc, nhạy bén như vậy. Thì đối với tôi, sau những ngày cô ở tại Phúc gia trang này cô đã có những nhận xét về con người tôi thế nào? Bây giờ chúng ta sắp quay về kinh đô. Cô dự tính sẽ làm gì để trả lời với gia đình hai bên chăng?

Du Lâm nhìn Thế Vỹ không đáp, mà hỏi ngược lại:

- Thế còn anh? Anh tính sao?

Thế Vỹ chợt lúng túng:

- Tôi à? Tôi cũng không biết thế nào nữa.

Du Lâm đi thẳng vấn đề.

- Có phải anh bức rức, vì phân vân? Anh vừa muốn từ bỏ cuộc hôn nhân đã đặt để kia nhưng lại sợ như vậy là chống đối lại cha mẹ, làm tự ái tôi tổn thương. Đúng không?

Rồi Du Lâm cười nói:

- Anh Thế Vỹ. Anh hãy yên tâm. Anh có biết vấn đề của anh là ở chổ nào không? Anh có cái bề ngoài cứng rắn, nhưng trái tim lại quá yếu mềm... anh không có tính cả quyết... Tôi công nhận anh là người thành thật... anh yêu mến quý trọng mọi người, anh không muốn xúc phạm một ai... Nhưng cái cư xử của anh lại vô tình làm đau khổ cho người khác, anh muốn làm vui vẻ cả làng. Kết quả là chẳng giải quyết được gì cả. Vì vậy... Anh Thế Vỹ, anh hãy suy xét kỹ đi. Bản thân anh cũng cần chuyển biến, bằng không sẽ tạo ra thêm nhiều rắc rối sau này.

Thế Vỹ như khựng lại:

- ý cô muốn nói là...

Du Lâm nói:

- Mọi chuyện bây giờ nói ra quá sớm... Chúng ta về đến kinh đô sẽ tính sau. Từ đây đến đấy còn cả chặng đường dài... Anh yên tâm trên đường đi đó tôi sẽ không âm mưu gì đâu... Bởi vì Hoa Du Lâm này là con người rất quang minh chính đại, nhưng cũng rất cương quyết, cái gì mà đã muốn thì không buông tha dễ dàng. Riêng anh thì tôi cũng đang đánh giá nên chưa quyết định. Tóm lại, cái chuyện hôn nhân gia đình của tôi và anh, đợi đó đi sẽ tính sau.



Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

43#
 Tác giả| Đăng lúc 25-1-2012 16:58:15 | Chỉ xem của tác giả
Hôm ấy, gần kề cuối năm, nên thời tiết lạnh buốt, mặc dù bây giờ là ban ngày và mặt trời vẫn mọc...

Thảo Nhi và thím Chu, mỗi người một bên đưa Nhược Lan ra vườn phơi nắng... Lúc gần đây, tâm thần Nhược Lan khá ổn định... Mặc dù chưa phân biệt được những người thân xa... nhưng Nhược Lan đã tươi tắn hẳn. Đôi mắt của Nhược Lan long lanh hẳn khi nhìn cảnh quen hai bên.

Thảo Nhi đi một lúc hỏi:

- Mẹ ơi, mẹ thấy thế nào? Có mỏi chưa? Chúng ta ngồi xuống ghế để nghỉ ngơi một chút nhé?

Nhược Lan nhìn qua Thảo Nhi, về Phúc gia trang đã gần tháng nên Nhược Lan đã quen dần với hình ảnh Thảo Nhi mặc dù tâm trí của Nhược Lan vẫn phiêu diêu trong một thế giới xa lạ nào đấy... Có điều giọng nói, tiếng cười của sự chăm sóc của Thảo Nhi không còn làm Nhược Lan ngỡ ngàng. Ngược lại, Nhược Lan cảm thấy con bé như một chú mèo, một con chó nuôi trong nhà quen thuộc.

Nhược Lan chợt đưa tay qua vuốt tóc Thảo Nhi, bàn tay của Nhược Lan làm Thảo Nhi cảm động, nó suýt hét lên nhưng không dám, nó sợ Nhược Lan giật mình.

Bàn tay đó sờ đến trán. Chợt nhiên dừng lại, rồi Nhược Lan như giật mình, vạch tóc qua một bên nơi có vết sẹo. Nhược Lan chợt cúi người xuống, run rẩy hỏi:

- Sao? Sao vậy? Bị thương à? Có đau không? Để tôi thổi... thổi cho em nhé!

Thảo Nhi rớt nước mắt, nó quay sang thím Chu:

- Ngoại ơi, ngoại! Ngoại thấy đấy... mẹ cũng thương con đó chứ?

Thím Chu nhìn hai mẹ con Thảo Nhi mà đau lòng.

Nhược Lan sau khi thổi thổi lên trán của Thảo Nhi xong lại đứng dậy lột chiếc khăn cổ của mình ra, quấn đầy trên đầu Thảo Nhi... Quấn chặc đến độ Thảo Nhi thấy rất khó chịu, nhưng Thảo Nhi vẫn đứng yên không dám nhút nhích, Nhược Lan vừa quấn vừa nói:

- Phải che đầu kín thế này... bằng không gió thổi rồi lại lạnh. Rồi lại bệnh nữa thì khổ!

Thảo Nhi cởi khăn ra, nó hớn hở nói với thím Chu.

- Ngoại thấy đấy, mẹ con tiến bộ rồi đấy... Mẹ con biết chăm sóc cho cả con.

Ngay lúc đó, Nhược Lan lại cởi cả bao tay ra.

- Còn nữa này... Cả cái bao tay này nữa. Tôi cho em... em hãy mang vào đi.

Thảo Nhi nắm lấy bàn tay của Nhược Lan xúc động. Nó hỏi:

- Mẹ ơi! Me... cưng con như vậy... Thế mẹ có biết con là ai không?

Nhược Lan với nụ cười ngượng ngập, chợt nói:

- Em là... Thảo Nhi... phải không?

Thảo Nhi tròn mắt. Nó không tin những gì mình vừa nghe. Thím Chu suýt bật khóc, nhưng ngay lúc đó, Nhược Lan lại tiếp tục nói:

- Tôi cũng có một Thảo Nhi... Nhưng mà nó chỉ có bây lớn nè!

Và Nhược Lan ra dấu bằng tay, rồi chợt hoảng lên, Nhược Lan nói:

- Ồ! Nãy giờ bỏ nó trong nhà không biết nó có khóc không?

Phải làm sao bây giờ? Thảo Nhi thất vọng, nước mắt chảy dài...

- Mẹ ơi... con đã nói với me... nhưng đến bao giờ, mẹ mới hiểu là... con mới chính là Thảo Nhi con của mẹ đây...

Nhược Lan thấy Thảo Nhi khóc, vội nắm tay nó xoa xoa:

- Em còn lạnh à? Phải không?

Rồi cởi cả chiếc áo ấm đang khoác ngoài ra, đắp lên thân sau Thảo Nhi.

- Vậy thì em hãy mặc chiếc áo này vào đi! Đừng khóc nữa! Đừng có khóc nữa. Ta nhường cho đấy.

Thảo Nhi thấy vậy cảm động ôm ghì lấy Nhược Lan:

- Con không lạnh. Con đang ấm lắm mẹ a... Mặc dù bây giờ mẹ còn chưa nhận ra được con. Chưa biết được con chính là con ruột của mẹ. Nhưng không sao. Miễn mẹ thương con, quan tâm đến con là con vui rồi... Con tin chắc là một ngày nào đó rồi mẹ sẽ tỉnh trí ra. Con tin chắc điều đó... và con rồi sẽ đợi.

Thím Chu đứng cạnh đó không biết làm sao hơn là khóc. Và ngay lúc đó, ông Chấn Đình, bà Tịnh Chi, Nguyệt Nương, Thế Vỹ và Thanh Thanh không hẹn mà cùng bước ra. Bà Tịnh Chi run giọng nói:

- Thảo Nhi! Mẹ con mặc dù chưa tỏ rõ là đã nhận ra con, nhưng từ tiềm thức... nó đã chấp nhận con rồi... Thế còn con? Đến bao giờ con mới chấp nhận ông bà nội chứ?

Thảo Nhi chỉ cúi đầu yên lặng.

Nhược Lan hình như cũng nghe thấy giọng nói của bà Tịnh Chi. Cô nàng quay lại thấy bà Tịnh Chi đang chầm chậm bước đến.

Nhược Lan hơi cảnh giác trì lại, nhưng rồi sau đấy lại thấy bà lão này run rẩy trong gió. Nên không đắn đo bước đến, khoác chiếc áo lên vai bà Tịnh Chi, nói:

- Mặc áo vào đi, kẻo cảm lạnh bây giờ. Cảm rồi còn ho nữa. Tôi biết mà, bao giờ cũng vậy... mặc không đủ ấm là sẽ ho ngay.

Bà Tịnh Chi có vẻ bất ngờ trước thái độ của Nhược Lan. Bà xúc động... đưa tay sờ nhẹ lên chiếc áo ấm... mắt đầm đìa lê... và không dằn được, bà đột ngột kêu lên:

- Trời ơi! con dâu của mẹ.

Mấy tiếng "con dâu của mẹ" bà vừa thốt lên làm cho cả thím Chu cũng bàng hoàng... Thím chờ đợi những tiếng này từ lâu lắm rồi... Thím vừa đỡ lấy Nhược Lan mà lòng vui buồn lẫn lộn... Thím như nghẹn lời, không nói được gì cả.

Thảo Nhi thì ngước lên nhìn Nhược Lan... nó xem thử phản ứng của Nhược Lan ra sao, khi được nghe những tiếng đó, nhưng Nhược Lan chỉ giống như người máy, ngoài nụ cười ngu ngơ ra chẳng có phản ứng gì khác.

Nhược Lan, chỉ nhìn lên bầu trời có nhiều mây đen rồi chợt đọc:

- "Đêm xuân không ngủ được,

Nghe chim gọi ngoài sân... "

Thì ra là Nhược Lan đang nhớ và đọc lại những đoạn thơ mà ngày xưa Nguyên Khải đã dạy nàng.

Ông Chấn Đình đứng yên đấy... Mọi thứ đang diễn ra trước mặt... như những giọt lệ đang thấm vào lòng ông. Bốn người đàn bà... bốn hoàn cảnh khác nhau. Thím Chu với tâm trạng mệt mỏi rối bời. Tịnh Chi với tâm hồn ăn năn ray rức. Rồi Nhược Lan điên loạn chẳng ý thức được thực tại thế nào... Đến con bé Thảo Nhi tuy mới mười tuổi mà đã thấm thía thế nào là cuộc đời cay đắng...

Nghĩ đến chuyện đó chợt nhiên ông cảm thấy tình cảm chua xót dao động mạnh trong người. Và ông không dằn được. Ông đưa tay về phía trước hỏi:

- Này... các người... các người đều là người trong gia đình này. Đúng ra thì đã có một cuộc sống bằng phẳng hạnh phúc... Tất cả là do tôi đã tạo ra biết bao nhiều đau khổ, oan nghiệt... Để cho có người chết kẻ sống... Để chuyện sinh ly tử biệt xảy ra. Tôi là con người đầy sai lầm! Tôi có lỗi với tất cả mọi người. Thím Chu! Nhược Lan và Thảo Nhi nữa... Xin mọi người hãy tha thứ cho tôi...

Thím Chu nghe ông Chấn Đình nói mà rớt nước mắt, trong khi bà Tịnh Chi đưa tay qua nắm tay chồng như chia xẻ:

- Anh Chấn Đình... Em biết... Anh cũng đau khổ đâu có kém gì tụi em. Và em... bây giờ đã tha thứ cho anh. Nhưng anh thấy đấy... Thảo Nhi... nó còn chưa chịu tha thứ cho chúng mình.

Thảo Nhi nghe nói ngẩng đầu lên. Mồm nó há ra nhưng chẳng nói điều gì cả, có cái gì chận lại nơi cổ họng, nó như cũng xúc động lắm... Ngay lúc đó, Thế Vỹ chợt lên tiếng:

- Thảo Nhi... Em định nói gì, cứ nói ra đi... Đừng có để mãi trong lòng, đừng có e dè nữa... Hãy nói thật lòng mình đi em ạ.

Thanh Thanh cũng nói vào:

- Đúng đấy! Thảo Nhi... cái cô bé mà một thời đã gắn liền với nỗi gian truân của chi... Chị biết em là con người nhân hậu, có trái tim tốt lành, em không phải là con người vô tình. Đúng không em?

Thảo Nhi quay qua, nhìn Thế Vỹ rồi Thanh Thanh. Rồi nó chợt chạy ào tới, kêu lớn:

- Anh Thế Vỹ!

Thế Vỹ như dỗi hờn, Thế Vỹ đẩy nó ra:

- Đừng có gọi ta là anh nữa... em đã thay đổi nhanh chóng. Biết đâu bây giờ em gọi ta là anh. Nhưng một ngày nào đó. Em lại gặp ta rồi ngoảnh mặt làm ngơ như người xa lạ.

Thảo Nhi bị những lời nói của Thế Vỹ làm xúc phạm, nó tròn mắt kinh hoảng, nó đau khổ quay sang Thanh Thanh

- Chị Thanh Thanh!

Thanh Thanh như đã đồng lõa với Thế Vỹ, nên lại đẩy Thảo Nhi ra.

- Đừng có tìm đồng minh ở chị, chị cũng giống như anh Thế Vỹ thôi, chị đang giận em.

Thảo Nhi đau đớn:

- Tại sao ai cũng đối xử với em như vậy? Nào phải lỗi của em đâu? Sao lại giận em?

Thế Vỹ lớn tiếng:

- Hữ thế nào còn không nhận lỗi? Tại sao từ lúc nhận rõ được thân thế của mình... em lại không chịu nhận ông bà nội chứ? Ngay từ đầu... anh đã định mắng em về chuyện đó, nhưng lại không nhẫn tâm... anh nghĩ là... em còn đang đau khổ nên nhận định lệch lạc... Và với cái khối óc thông minh của em, sớm muộn gì cũng phân biệt được phải trái không ngờ... Em lại là con người cố chấp, mãi đến bây giờ em vẫn không nhận ông bà nội em. Có phải là em đã trở nên tàn nhẫn, mất nhân tính rồi không... Thảo Nhi... Em quả đã làm cho ta thất vọng.

Nhược Lan đứng gần đấy, không hiểu Thế Vỹ nói gì nhưng thấy thái độ của Thế Vỹ chợt như hoảng sơ... Nhược Lan lùi bước ra sau. Vừa lùi vừa nói:

- Mẹ ơi! Thôi chúng ta về nhà đi! Về nhà mình đi, đừng có ở đây nữa.

Nhưng phản ứng của Thảo Nhi lại thật lạ lùng, nó ôm ghì lấy Nhược Lan nói:

- Đừng me... đây đã là "nhà" của mình rồi... Mẹ và ngoại đã có nhà... Nhà đó là đây. Chúng ta sẽ không bỏ nhà đi đâu nữa.

Và rồi nó nhìn lên, hướng mắt về phía ông Chấn Đình và bà Tịnh Chi, vừa khóc vừa nói:

- Ông ơi! bà ơi! Con mặc dù không nói ra, nhưng con vẫn yêu nội cơ mà... Con không bao giờ dám ghét bỏ nội!

Ông Chấn Đình bước tới, xúc động ôm Thảo Nhi vào lòng, và không dằn được, nước mắt chảy dài trên đôi má ông.

-Cháu của ta! Mãi đến giờ này... ta mới thấy hả dạ... Dù có thế nào ta vẫn yêu cháu... vì cháu đã kêu ta bằng nội.

Và ông bà cháu, năm người vây kín bên nhau. Nhược Lan mặc dù có vẻ sợ hãi... Nhưng thấy chẳng ai làm gì mình... nên vẫn đứng yên.

Thế Vỹ và Thanh Thanh nhìn cảnh gia đình hạnh phúc trước mặt, họ cũng không cầm giọt lê... Nhưng đó là những giọt lệ sung sướng sẻ chia.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

44#
 Tác giả| Đăng lúc 25-1-2012 17:11:43 | Chỉ xem của tác giả
Chương 22 - Chương kết


Cuối cùng rồi cái ngày chia tay cũng phải đến...

Và buổi tối trước ngày giã từ, giữa Thế Vỹ và Thanh Thanh có bao nhiêu tâm sự muốn phơi bày. Vậy mà chẳng ai nói được với ai lời gì. Thanh Thanh lấy trong người ra một túi vải, có nút thắt bằng dây đỏ đưa cho Thế Vỹ.

- Đây là phần quà em tặng cho anh. Em muốn anh mang nó bên mình như túi vải của Thảo Nhi đấy...

Thế Vỹ tò mò:

- Trong đó có gì vậy?

- Nhiều thứ lắm.

Và Thanh Thanh mở túi trút ra. một chiếc bông tai, một sợi dây chuyền, một chiếc xuyến và cả một lá bùa nữa.

Thanh Thanh cầm lá bùa lên nói:

- Đây là lá bùa đi đường... Em đã xin nó tận chùa Đại Minh. Anh mang nó theo mình để được bình an. Bình an đi và trở về. Phật trời sẽ phò hộ anh... Còn những món nữ trang này, anh có còn nhớ không? Ngày đầu tiên chúng ta gặp nhau. Em đã từng dùng nó để cầm thế cho anh. Đó là những thứ quý giá nhất mà em có. Vậy mà anh lại không chịu cầm thế... Nhờ vậy mà mãi bây giờ nó vẫn còn ở bên cạnh em.

Lời của Thanh Thanh nhắc, làm quá khứ như một cuốn phim quay ngược trở lại.

Chiếc xe ngựa tung vó trên đường. Phía sau là đoàn người đuổi theo. Thanh Thanh trong bộ áo đỏ chói của cô dâu... rồi con bé Thảo Nhi nữa... Những món đồ trang sức muốn cầm thế... Vó ngựa lộc cộc... lộc cộc... Chợt nhiên những hình ảnh lộn đó hiện rõ trong đầu... Chuyện như chỉ mới xảy ra ngày hôm qua... vậy mà... sao nhanh thế... Mới đây mà phải chia tay rồi.

Thế Vỹ xúc động, nắm lấy tay Thanh Thanh:

- Thanh Thanh, đây là toàn bộ tài sản em có. Em không giữ nó bên mình trao hết cho anh để làm gì?

Thanh Thanh lắc đầu:

- Anh đi đường, phải qua biết bao nhiêu là chặng, nào là tàu ghe, xe cộ, tàu hỏa... Trên đường còn cả một khúc phải đi bộ. Cái thời gian anh dạy học ở trường Lập Chí, anh có lãnh được bao nhiêu lương? Anh phải dùng cả tiền nhà, mà em biết, chị Du Lâm cũng nào có mang theo bao nhiêu tiền, vả lại, không lẽ anh là đàn ông mà phải dụng nhờ đồng tiền của chị ấy? Mặc dù em biết là bác Chấn Đình cũng có đưa một ít tiền cho anh, nhưng anh vì tự ái nên không nhận. Vì vậy... Em thấy là tốt hơn anh nên mang những cái này theo. Trên đường rủi ro có gặp chuyện gì, phải xài tiền thì có mà lấy ra xài, mà ứng phó.

Thế Vỹ nghe nói cảm động.

- Anh không thể làm như vậy được!

Thanh Thanh vội nói:

- Tại sao lại không được? Em đã đưa cho anh với cả tấm lòng anh phải nhận thôi. Em ở lại Phúc gia trang này, có lão gia Thái Thái, Nguyệt Nương. Em sẽ không cần đến nó mà vẫn không chết đói. Còn anh... Anh đi trên đường có gì, ai lo cho anh?

Thế Vỹ sợ Thanh Thanh buồn nói nhanh:

- Thôi được! Thôi được! Anh nhận. Em yên tâm... Anh sẽ không sử dụng đến nó nếu chưa thật sự cần thiết... Và anh hứa với em... là qua Tết xong anh sẽ quay lại đây ngay để gặp em.

Thanh Thanh cảm động:

- Đấy là những gì anh tự ý hứa, chứ em chẳng ép... Và em cũng mong là sự thật rồi sẽ như vậy.

- Không thể nào khác đi được. Anh không bao giờ nói dối đâu.

Và Thế Vỹ cởi nút áo trước ngực ra, mang túi áo vải vào cổ một cách trang trọng, rồi cười nói:

- Cái túi này coi vậy chứ rất nặng, vì nó chứa cả một ân tình trong đấy... Thanh Thanh... em cũng nên biết qua là sự ngăn cách ngắn ngủi này chẳng qua là một chia xa ngắn ngủi cần thiết để có được cuộc sống dài lâu bên nhau ở mai sau. Chúng ta đều phải chịu hy sinh một chút... Vì cuộc sống có trải qua những khổ đau xa cách thì cái hậu vận mới tươi thắm ngọt bùi.

Thanh Thanh có vẻ âu lo:

- Nhưng mà... suốt chặng đường đi anh và Chị Du Lâm lúc nào cũng bên nhau. Như vậy em sợ là... Em sợ là anh sẽ...

- Em đánh giá thấp anh như vậy? Em phải biết anh là hạng người như thế nào chứ?

Thanh Thanh nói:

- Không phải là em nghĩ xấu cho anh. Nhưng mà từ đây về Bắc Kinh anh sẽ phải trực diện với nhiều vấn đề... Cha và mẹ anh chưa hẳn dễ dàng thông cảm mà buông tha cho anh. Anh bỏ nhà đi gần cả năm trời... Hẳn người đã bực mình lắm, bây giờ vừa quay về nhà... lại làm "cách mạng"... sợ cha mẹ anh không chịu được chứ? Vì vậy... em muốn nói với anh là "nếu vì bất cứ lý gì... Anh bắt buộc phải quyết định những điều mình không muốn, thì em cũng sẵn sàng chấp nhận" Em không phiền trách anh đâu... Em tin ở anh.

Thế Vỹ xúc động:

- Thanh Thanh... chuyện đó em cứ để anh lo liệu, đừng lo lắng gì cả. Em chỉ nên biết giữ gìn sức khỏe và ở lại đây chờ... Anh rồi sẽ quay về và lúc đó sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất, chớ bây giờ anh mà có hứa gì, chưa chắc là em sẽ tin đâu.

Thanh Thanh thẹn thùng:

- Vâng, em sẽ chờ anh... Nhưng anh phải nhanh quay lại. Em ở đây sẽ đếm từng ngày, từng phút từng giây.

- Không phải chỉ một mình em mà cả anh cũng làm chuyện đó.

Và hai người cứ thế bịn rịn, nói mãi mà chẳng đến đâu... Cái âu lo cũng chưa vơi bớt. Ngay lúc đó, có tiếng gõ cửa và Hoa Du Lâm bước vào. Nhìn thấy hai người, Du Lâm cười, nụ cười thật tươi:

- Ồ! Anh Thế Vỹ và Thanh Thanh đều có mặt đầy đủ ở đây à. Tôi sẽ không quấy rầy hai người lâu đâu. Tôi chỉ nói mấy câu rồi sẽ đi ngay. Vì Nguyệt Nương đã chuẩn bị gởi cho gia đình hai phía của ta nhiều quà cáp lắm, trong đó có phần lớn đặc sản mà tôi thì chưa gói ghém kịp. Tôi còn phải quay về đóng gói những thứ đó nữa.

Rồi Du Lâm lấy trong áo ra một mảnh giấy trên đó viết dày đặc cả chữ. Du Lâm đưa cho Thế Vỹ nói:

- Đây này... Đây là bảng tổng kết những gì tôi thu thập và nhận xét được về anh. Tôi đã lập thành một bảng "cáo trạng mười tội". Anh đọc xong sẽ rõ ngay.

Thế Vỹ ngạc nhiên cầm lấy tờ giấy:

- Bảng cáo trạng mười tội lận à? Cô định mang cái này về Bắc Kinh để cho gia đình xét xử tôi à?

- Chưa hẳn là xét xử. Nhưng ít ra gia đình hai bên phải có một bảng báo cáo rõ những gì anh đã làm trong suốt năm qua. Nếu cần anh có thể đọc trước cho Thanh Thanh nghe, xem tôi có viết gì oan cho anh không?

Thế Vỹ mở rộng tờ giấy ra đọc:

"Tội thứ nhất: hành động tự ý, bất chấp ý kiến của cha mẹ.

Tội thứ hai: làm cái gì cũng lưỡng lự chẳng quyết định được dứt khoát.

Tội thứ ba: Thích buông xuôi, nước chảy đến đâu trôi đến đấy, an phận.

Tội thứ tư: Làm gì cũng xìu xìu ểnh ểnh chẳng dứt khoát.

Tội thứ năm: Ngay chuyện tình cảm cũng do dự khiến chuyện trở nên càng lúc càng phức tạp hơn.

Tội thứ sáu: Đã biết sai lầm, mà chẳng cương quyết sửa chữa, nên sai lầm này lại đưa đến sai lầm khác (sa lầy!).

Tội thứ bảy: Tính tình bất nhất...

Tội thứ tám: chuyện nhà thì tối mà chuyện người thì rất sáng.

Tội thứ chín: yếu đuối, tình cảm nhiều hơn là lý trí nên tính toán hay bị sai lầm.

Tội thứ mười: Thường cứ nghĩ ngợi lung tung, kết quả cứ tự làm khổ mình.

Kết luận:

Có dũng có mưu đấy, nhưng chẳng lượng sức... nên cứ lầm lẩn và tội càng lúc càng chồng chất nhiều hơn... "

Thế Vỹ đọc xong nhìn lên, bất giác mỉm cười. Du Lâm đã nhận xét một cách khá tinh tế, đúng là những tội mà Thế Vỹ đã mắc phải, nhất là cái tội thứ nhất. "Thường cứ nghĩ ngợi lung tung nên hay tự làm khổ mình" rồi cái tội thứ chín nữa: " yếu đuối, tình cảm nhiều hơn là lý trí nên tính toán hay bị sai lầm"

Thế Vỹ ngẫm nghĩ rồi nhìn Du Lâm hỏi:

- Vâng, coi như tôi đã phạm đủ mười tội ở đây, rồi sao?

- Anh nhận tội?

Thanh Thanh có vẻ sợ hãi. Bởi vì Thanh Thanh đã nghe Thế Vỹ đọc đấy, nhưng với cái kiến thức có giới hạn, có nhiều chữ Thanh Thanh nghe mà chẳng hiểu. Bây giờ nghe Thế Vỹ nói nhận tội. Nhưng nhận tội ở đây không thành vấn đề, có điều đến Bắc Kinh, trước mặt cha mẹ hai người, Thế Vỹ sẽ bị đối xử ra sao? Thanh Thanh quay sang Du Lâm:

- Nhưng mà chị thu thập những tội danh đó của anh Thế Vỹ nhằm mục đích gì?

Du Lâm nhìn Thế Vỹ rồi nhìn Thanh Thanh:

- Nhằm mục đích gì à? Tôi đã nói rồi tôi phải lên thang điểm để đánh giá phẩm chất anh chàng Thế Vỹ này. Bây giờ... coi như tôi đã sơ kết được. Thanh Thanh, cô cứ yên tâm... qua kết quả sơ khởi, tôi thấy Thế Vỹ của cô chưa đạt điểm trung bình.

Khuôn mặt Thanh Thanh đang lo lắng chợt rạng rỡ hơn. Hòn đá đè nặng trên ngực đã được ném xuống, Thanh Thanh rất cảm kích, nàng biết đấy hoàn toàn là sự hảo tâm của Du Lâm. Du Lâm muốn tặng Thanh Thanh một món quà trước khi rời khỏi Dương Châu. Cái bản án mười tội kia là một sự bảo đảm cho Thanh Thanh...

Thanh Thanh nhìn Du Lâm cảm động. Cái cô gái trước mặt quả là một cô gái kỳ tài. Cao quý lại thông minh, nếu là tình địch, thì quả là Thanh Thanh chẳng phải đối thủ của cô ta.

Du Lâm như hiểu những gì Thanh Thanh nghĩ, vội nói:

- Thôi hai người ngồi đây nói chuyện nhé. Tôi đi sắp xếp hành lý.

Rồi Du Lâm bỏ đi.

Thế Vỹ nhìn theo, chàng chợt thấy như mất mát một cái gì.



Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

45#
 Tác giả| Đăng lúc 25-1-2012 17:16:12 | Chỉ xem của tác giả
Qua ngày hôm sau. Thế Vỹ và Hoa Du Lâm bắt đầu khởi hành về Bắc Kinh.

Thanh Thanh, Thảo Nhi, Thiệu Khiêm, Thiệu Văn, Thạch Lựu, ông Chấn Đình, bà Tịnh Chi, Nguyệt Nương... đưa hai người ra tận bến cảng. Vì nước cạn, nên tàu lớn không vào được tận bờ mà phải đậu ở giữa lòng sông, nên Thế Vỹ và Du Lâm cũng phải đáp đò nhỏ ra tàu. Hai người sau khi sắp hết hành lý vào đò, còn bịn rịn với những người trên bờ, nên chưa cho ông lái đò rời bến ngay.

Thiệu Khiêm đứng trên bờ nói:

- Nếu qua Tết mà anh không trở về đây, thì tôi sẽ dẫn Thanh Thanh. Thảo Nhi, Thạch Lựu với Thiệu Văn lên Bắc Kinh hỏi tội anh đấy. Anh nghe tôi nói không? Mà tôi không nói thì thôi, nói là làm đấy. Anh có nghe không?

Thế Vỹ nói to lên bờ:

- Vâng nghe rồi!

Thiệu Văn khoát khoát tay:

- Anh đừng quên tụi em nghen!

Thảo Nhi nhảy người lên:

- Chắc chắn anh phải quay lại đấy!

Bà Tịnh Chi cũng nói:

- Đến Bắc Kinh phải viết thư về báo tin ngay!

Còn ông Chấn Đình thì tế nhị hơn:

- Cho gởi lời thăm hỏi gia đình cả hai phía nhé!

Nguyệt Nương cũng góp giọng:

- Đi đường phố bảo trọng sức khỏe đấy.

- Phải cẩn thận nữa...

-......

Người này một tiếng, người kia một tiếng làm ồn cả bãi sông.

Mãi đến khi chiếc tàu lớn ngoài sông hụ còi, chiếc đò nhỏ mới tách ra khỏi bến sông được.

Con đò xa dần, Thanh Thanh nhìn theo mà ruột thắt... và không đành lòng, Thanh Thanh vừa chạy dọc theo bờ sông vừa nói:

- Anh Thế Vỹ... Đi đường phố nhẫn nhục... đừng đánh lộn với người ta nhé!

- Biết rồi, em hãy về đi!

Thế Vỹ khoát khoát tay nói, Thanh Thanh lại tiếp:

- Chuyện của người ta thế nào thì mặc nhé. Anh đừng ham can thiệp!

- Anh biết rồi! Anh đã có kinh nghiệm rồi mà.

- Chân anh đã từng bị chấn thương, anh đừng có đi bộ nhiều quá nghen.

- Biết rồi.

- Cái áo ấm của anh, em để phía sau cái túi xanh đấy!

- Nghe rồi!

- Lúc này trời lạnh, anh cần phải mặc ấm!

- Biết rồi!

- Đến Bắc Kinh, anh phải cố gắng nhịn nhục, đừng cãi lại với ba mẹ anh nhé!

- Nghe rồi!

Thanh Thanh vừa nghẹn giọng nói:

- Họ có quyết định thế nào... thế nào... anh cũng phải... cho em biết...

- Anh nhớ quay về đây nghe!

Chiếc đò bây giờ đã ra xa, nhưng không hiểu nghĩ sao. Thế Vỹ quay lại nói gì với ông lão lái đò... Ông lái đò chợt cho thuyền quay đầu lại. Và chỉ ít phút sau, đò lại cập bến, mọi người ngạc nhiên. Thế Vỹ nói:

- Tại tôi còn quên một món đồ quan trọng!

Thanh Thanh hoảng hốt chạy đến:

- Quên cái gì? Quên cái gì đấy? Em nhớ là mọi thứ đã cho vào túi xách cho anh rồi, còn thiếu món gì nữa?

Thế Vỹ chẳng nói gì cả, đưa tay lên, Thanh Thanh tưởng là Thế Vỹ muốn leo lên, nên đưa tay cho Thế Vỹ nắm, Thế Vỹ nắm được tay Thanh Thanh, vụt nói:

- Tôi Quên Một Người, Mà Bỏ Lại Thì Không Được... Tôi Sẽ Không Yên Tâm. Vì Vậy Chỉ Có Cách Mang Theo Luôn Thôi.

Và Thế Vỹ kéo mạnh, Thanh Thanh không giữ vững thăng bằng được phải phóng theo xuống đò... Thanh Thanh bây giờ mới hiểu rõ ra. Đôi má ửng hồng...

Thế Vỹ nhìn Thanh Thanh nói:

- Để cả ba chúng ta cùng đối diện với vấn đề... Chúng ta không thể để chuyện đó cứ kéo dài. Thời gian rất quí báu, mà chờ đợi, trông ngóng mãi chỉ làm khổ nhau. Vậy thì Thanh Thanh em hãy cùng bọn anh đến Bắc Kinh... Như vậy chẳng ai phải lo cho ai... Trên đường đi anh cũng yên tâm.

Và ông lái đò không đợi Thanh Thanh phản ứng đã cho con đò tách bến lần nữa. Thế Vỹ nhìn lên bờ, rồi nói vọng lên:

- Xin phép quí vị cho tôi mang Thanh Thanh đi, bao giờ giải quyết xong việc tôi sẽ cùng Thanh Thanh quay về nhé!

Chuyện xảy ra một cách bất ngờ, làm mọi người trên bờ ngẩn ra... Khoảng mấy giây sau họ mới như sực nhớ và rồi một tràng pháo tay nổi lên.

Có tiếng Thiệu Khiêm hét:

- Ồ! Hà Thế Vỹ mãi đến hôm nay, tôi mới thấy anh làm được một màn tuyệt cú mèo.

Và một tràng pháo tay nữa vang lên, Thảo Nhi là người phấn khởi nhất, nó vừa nhảy vừa vỗ tay:

- Anh Thế Vỹ, Chị Thanh Thanh! Mấy người đừng quên Thảo Nhi nhé. Trước kia chúng ta ba người mà... Đừng bỏ em ở đây một mình nhé. Em sẽ chờ đấy, mặc dù bây giờ em có nhà rồi. Nhưng em vẫn còn yêu và chờ anh chị đấy!

Con thuyền xa bờ được một quãng xa, mà Thanh Thanh vẫn có cảm tưởng như mình nằm mơ.

Hoa Du Lâm nhìn Thanh Thanh rồi nhìn Thế Vỹ:

- Này anh Thế Vỹ kia. Hôm qua tôi đã công bố cho anh thấy mười tội của anh. Tôi cũng đã đánh giá anh, nhưng mà cái hành động ban nãy của anh đã khiến tôi phải nghĩ lại. Tôi thấy anh đã làm một việc tuyệt vời. Vậy thì tôi có thể xét lại bảng điểm, có thể anh đã vượt lên mức trung bình rồi đấy!

Ồ thế thì nguy quá! Thanh Thanh nghe Du Lâm nói giật mình. Du Lâm đã xét lại và cho thêm điểm cho Thế Vỹ, như vậy thật là đáng lo ngại! Phải làm sao đây? Và Thanh Thanh chỉ lén nhìn sang Du Lâm chỉ thấy Du Lâm cười nụ cười thật tự nhiên... Thanh Thanh lại quay sang nhìn lên bờ... Bóng người trên bờ sông đã mờ hẳn, không còn rõ ràng... Thanh Thanh chợt xúc động, vẫy vẫy tay:

- Tạm biệt!

- Tạm biệt! Tạm biệt!

Đám đông trên bờ như trông thấy, họ hét lớn ra sông.

Rồi đột nhiên trên bờ có một sự xáo động nào đấy. Cả ba không hẹn nhìn lên, thì ra là đám học trò nhỏ trường Lập Chí. Chúng giờ này mới hay được nên tràn ra.

Thế Vỹ nghe bọn chúng hét to:

- Tạm biệt thầy! tạm biệt cô!

Rồi kế đến là tiếng hát, bài hát mà Du Lâm đã dạy cho bọn chúng.



Chúng ta là những người đến từ muôn phương

Chúng ta đã gặp nhau dưới một mái trường

Bạn là nam sinh, tôi là nữ

Nhưng học chung cùng một lớp

Chúng ta có tình thương của thầy

không khác gì tình yêu của cha me.

Mây trắng vẫn trôi trên trời cao

Bầu trời vẫn xanh, cỏ cây đậm màu

Tình thầy trò ta mãi vững bền cùng trời đất

Mặc thời gian trôi

Như nước qua cầu

Cánh buồm vẫn căng với gió

Và chúng ta ngồi đây hát ca

Mừng cho cuộc đời hạnh phúc

Chẳng còn chia ly, chẳng còn buồn khô?

Mãi mãi sau đây

Sẽ không bao giờ quên những ngày này...

Hoa Du Lâm nghe bọn trẻ hát mà cảm động... Nước mắt tình cờ lăn xuống má... Và Du Lâm đã nhìn lên, cười với Thanh Thanh.

- Bọn trẻ nó đang hát bài mà tôi dạy cho chúng.

Nàng nói một cách hãnh diện.

Thế Vỹ gật gù:

- Chúng nó rất mến Du Lâm lắm đấy.

Hoa Du Lâm sung sướng.

- Tôi cũng yêu chúng nó... không những vậy, đến cái đất Dương Châu này chợt nhiên tôi thấy từng con người ở miền đất thôn dã này đều dễ thương vô cùng.

Thế Vỹ và Thanh Thanh nghe nói chợt đồng cảm, không hẹn cả hai cùng nhìn lên bờ.

Đám học trò vẫn tiếp tục hát. Còn người lớn thì vẫn còn vỗ tay... Con đò nhỏ đã ra gần tàu lớn đậu cách xa bờ.

Và câu chuyện của chúng tôi tạm dừng lại ở đây.

Nó như là chuyện cổ tích, mà ở đâu có con người là ở đó có huyền thoại, kể mãi không hết. Mặc dù Thế Vỹ, Thanh Thanh và Hoa Du Lâm đã tạm biệt đất Dương Châu.

Thành phố xa hoa đang chờ họ trở về.


                       
      Hết
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách