Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Tác giả: love_milk_tea9
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

Lịch sử Việt Nam

 Đóng [Lấy địa chỉ]
101#
Đăng lúc 6-8-2013 00:27:31 | Chỉ xem của tác giả
LỄ TẾ NAM GIAO NĂM 1942


Tác giả: Nguyễn Đắc Xuân (Sưu tập, giới thiệu và Chuyển ngữ)
Nguồn: www.bee.net.vn

Tế  Nam Giao là một “lễ  hội” lớn thời quân chủ  ở Huế. Nó nổi tiếng và được nhắc nhở qua các thời kỳ lịch sử không những vì nó lớn, mà còn vì tính nhân văn của cuộc lễ ba năm mới có một lần ấy. Tài liệu về lễ tế Nam Giao rất phong phú, có thể tìm thấy trong Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (Bộ Lễ), tạp chí Nam Phong (10/4/1918) hoặc trong một sổ sách của các nhà nghiên cứu Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề (Những Đại lễ và Vũ khúc của vua chúa Việt Nam, Hoa Lư, SG 1969), Bửu Kế (Đại học số 37/2/1964), Lê Văn Hoàng (Lễ tế Nam Giao, Huế 1971), Lê Văn Phước (Sự tích đàn Nam Giao…Luận văn Cao học, 1972) v.v...
Nhiều học giả, tác giả nước ngoài cũng đã nghiên cứu và viết về lễ tế Nam Giao đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH), trong Indochine Hebdomadaire Illustré. Bài bút ký La Ville en Fête, Le Nam Giao 1942 (Thành phố ngày hội, Lễ tế Nam Giao năm 1942) của ông A.De Rotalier đăng trên Indochine Hebdomadaire Illustré (số ra ngày 16/4/1942) là một trong những bài của người nước ngoài viết được độc giả rất quan tâm.
Ông A.De Rotalier có kiến thức về lễ tế Nam Giao, lại biết trân trọng văn hóa phương Đông, và muốn tìm một sự  hòa hợp Đông Tây cho cuộc sống hiện đại nên ông đã thấy được cái tính nhân bản trong lễ tế Nam Giao. Cái nhìn của A.De Rotalier gần với cái nhìn của  người Việt Nam đang hướng đến sự hội nhập hôm nay. Vì thế tôi cố nhập vào hồn cây bút A.De Rotalier để chuyển ngữ bài viết của ông.
Trong bài viết, A.De Rotalier có sử dụng một số tư liệu Hán-Việt, khi chuyển ngữ tôi không chuyển những tư liệu ấy từ Pháp sang Việt mà thay vào đó là những tư liệu gốc chuyển trực tiếp từ Hán Việt sang Việt. Và, cũng xin lưu ý thêm: A.De Rotalier là một người Pháp viết báo, ông đã giản lược nhiều chi tiết trong lễ tế Nam Giao. Độc giả nào muốn có đầy đủ tư liệu về lễ tế Nam Giao nên tìm đọc những tư liệu tôi giới thiệu ở trên. NĐX.
Trong không khí còn ngậm hơi sương mờ ảo ban mai, thành phố Huế đã rộn ràng náo nhiệt. Bởi vì dân chúng đang chờ đợi ngày lễ Nam Giao quan trọng ba năm mới diễn ra một lần. Ghe thuyền từ các nơi chèo về làm cho con sông Hương êm đềm trở nên sôi động. Mái chèo đưa đẩy nhịp nhàng hướng lên phía trước, con thuyền lướt nhẹ ngược với cái bóng của chính nó in trên mặt nước lặng lờ.
Ở cái bùng-binh đầu cầu Trường Tiền mấy cái long đình (table-autel) che màn lụa với bộ khung kết bằng lá cây, trên nóc có hai con rồng bằng rơm và lá hoa đá nhe nanh múa vút. Màn lụa nhiều màu nhưng nổi bật nhất là màu vàng. Các long đình tôn trí các bài vị lấp lánh ánh bạc, vàng và đồng.
Cờ Pháp Nam nhiều màu phấp phới khắp nơi.
Những rặng dừa im lìm dang rộng những cành lá hiu hiu trước làn gió nhẹ. Dân chúng chen nhau trong ánh mai đang dần lên. Bỗng nổi lên những hồi trống vang vọng át hẳn những tiếng ồn ào của dân chúng hiếu kỳ. Ở bờ sông bên kia lô nhô những lọng tàn (parasols), kiệu cán (palanquins).
Rồi chỉ vài phút sau, Đạo ngự (cortège impérial) cổ kính của nhà vua qua khỏi cây cầu mới làm bằng xi-măng và sắt thép. Năm chú voi ngự quấn vải thêu rồng hình uốn lượn, chỉ kim tuyến lấp lánh trên nền vải đỏ. Một viên quản tượng (cornac) ngồi trên lớp da cổ voi dày cộm. Một người khác cầm lọng đứng trên lưng voi. Các ngự lâm quân với binh phục trắng thắt đai điều đi hai bên. Màu trắng binh phục thật hài hòa với màu đỏ quấn trên mình voi.
Tiếp sau, các ông đô thống diễu hành giữa hai đội quân lính cầm cờ thêu biểu tượng của vũ trụ học (cosmographie) Trung Hoa. Đi giữa là lá cờ rất lớn màu xanh viền vàng mang hình chòm sao Bắc Đẩu (Grande Ourse).
Người này cầm phiến, kẻ kia cầm cờ, cờ đuôi nheo (oriflamme), trên ấy thêu chữ những kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, phong, vân, lôi, vũ, hay những con vật tượng trưng.
Ngự đạo với lễ phục lộng lẫy vẽ nên một dải  đỏ, xanh, vàng rực rỡ dưới ánh nắng mai.
Các nhạc công, lính cầm đèn lồng (lantermes), gươm, cờ Mao tiết, người thổi sáo, lọng vàng, cán đỏ….
Tiếp đến sáu con ngựa kéo chiếc Long đình xa của vua Bảo Đại[1] phủ rợp những phiến thêu rồng mây, chữ Phúc, Thọ. Nhiều người khiêng trên tay một chiếc long đình đặt lễ phục của vua cùng với hương án, ghế ngai… Tất cả các thứ ấy lắc lư dưới bóng những chiếc lọng lớn màu da cam.
Hai cỗ mã ngự khoác gấm vàng. Chiếc xe kéo (rickshaw) thếp vàng của Nhà vua. Cuối cùng, nhấp nhô trên làn sóng đỏ của lính loan giá, chiếc Long liễn (litière impériale) của nhà vua được che bọc bởi những chiếc đại phiến (quạt lớn) và tàn lọng. Ngồi sau lớp kính trong, nhà vua mặc hoàng bào, thanh thản tiếp nhận sự tôn kính của thần dân đang chen chúc dài theo ngự đạo trong suốt cái ngày đại lễ ba năm mới có một lần ở cái xứ châu Á cổ xưa này.
Ngự  đạo được khép lại sau đoàn các Hoàng thân Tôn tước và các Đại thần ngồi trên xe kéo. Phẩm phục các vị mặc màu đỏ, tía, tím, xanh, hoa cà  (mauve) giống như một dấu dẫn nhịp (point d’orgue) trong luồng nhạc quang sinh động.
Mỗi khi ngự đạo đi qua, đám đông lại kéo theo trong yên lặng, đông đảo, tự hào về nhà vua trẻ, hiện đại hơn cả các vị Hoàng đế ở  Á châu khác.
Con đường lớn dẫn đến Giao đàn - nơi  ngự  đạo sẽ hướng vào Trai Cung  (Palais du Jeune) - là  một  con đường dài lộng lẫy: hương án nối tiếp hương án, cờ xí giăng hàng, với những khung kết bằng rơm và lá hoa đá. Trong cùng, một cái án chân quỳ bằng kim lọai sơn son thếp vàng hay bằng gỗ khảm xa-cừ, trên đặt một tấm kính mang bức chân dung nhà vua, trông thật tôn nghiêm.
Phía trước, những bát nhang, những chân đèn đồng, những con hạc mang tính tượng trưng. Các chi tiết trưng bày đều khác nhau nhưng lại rất thống nhất trong cùng một tổng thể. Ban đêm, lính canh phòng ngồi xổm trên chiếu. Quyền môn đối diện với lối vào ở Vòng thành thứ tư, hai con rồng bằng giấy các-tông vẽ đôi mắt dữ dằn như đe dọa mọi người trong lúc chòm râu cằm của chúng làm bằng giấy thì lại phơ phất trước làn gió nhẹ.
Trên tầng đàn thứ hai - tầng của Đất, đặt tám cái bàn thờ các vị thần thuộc về vũ trụ, những mãnh lực tự nhiên: Mưa, Gió, Sấm, Núi, Sông, Biển.v.v. Ở mặt nam xếp hai hàng lọng: lọng màu xanh để tôn vinh Trời, lọng màu vàng để tôn vinh Đất, giới hạn bởi hương án bên ngoài hay Nhà vàng (Hoàng ốc). Chiếu trải thảm con đường vua đi từ Trai Cung đến Giao đàn. Ở mỗi bên vệ đường thiêng liêng ấy, trên tầng ba, sắp đặt các nhạc cụ cổ xưa lạ lẫm.
Những chiếc lồng đèn giấy ngũ sắc vàng, xanh, tím, đỏ, trắng mắc trên vòng tường thành, chỉ lối đi dưới rặng thông, vạch thành một con đường thẳng rồi bẻ vuông góc dẫn lên tầng ba.
Một tấm vải bạt (tente) rộng lớn căng trên tầng tròn - tầng dành để thờ Trời. Trong cùng bàn thờ Trời - màu xanh, và bàn thờ Đất - màu vàng. Mỗi bên đông tây có sáu án thờ đặt đối nhau thờ thần vị tổ tiên Hoàng tộc: Chúa Nguyễn Hoàng đối với vua Gia Long, vua Minh Mạng đối với vua Thiệu Trị, vua Tự Đức đối với vua Đồng Khánh... Kế đến có hai cái bàn dài bày la liệt tế phẩm: những tráp đựng vải lụa, bình đựng rượu, cốc uống rượu (coupes). Cũng ở tầng này, có một cái tợ (bàn thấp) đặt các con sinh (con vật để hiến tế).
Ở đấy, trong cái huyền diệu của đêm, cuộc lễ linh thiêng sẽ được cử hành. Thánh thần được triệu thỉnh  bằng những lời khấn vái, những khúc ca, những điệu múa nhảy, những  khói hương, mùi thơm của thịt hui. Họ sẽ theo con đường dành riêng để về nhận lễ phẩm và thăm viếng thần dân thông qua bản thân vị Thiên tử.
Rất tiếc, tôi chỉ có thể dự cuộc tổng duyệt diễn ra vào buổi chiều. Ánh sáng ban ngày rực rỡ. Các tầng đàn nắng chói chang. Phẩm phục của các quan bằng gấm lụa sang trọng, thêu hoa, thẳng thớm, óng ánh. Những chiếc mão nạm cườm ngọc lóng lánh. Những hình thú vật tượng trưng và những chòm sao kết trên áo quần các đại thần tạo thành một nét tương phản thú vị với đám đông dân chúng dung dị đang chen lấn chung quanh.
Ở bậc cấp dẫn lên Đàn tròn, một vị quan cao cấp với vẻ mặt nghiêm nghị thong thả bước xuống. Chiếc áo rộng của ông lộng lẫy (splendide); thân trong áo màu da cam thêu xanh lục, xanh lơ và màu cổ đồng. Đai mang ngang lưng màu đỏ, bố tử (ailette) xanh lá mạ và mũ cánh chuồn. Cái bóng người chói nắng ấy, trông có vẻ thản nhiên, như đó là một cách đáp lại sự chờ đợi dài lâu của thần dân trong bầu không khí nóng bức.
Tôi nhắm mắt lại, cố quên đi trong chốc lát những gì đang diễn ra chung quanh, để giữ lại trong tâm trí mình cái hình ảnh bảy sắc cầu vồng ấy. Nó thể hiện một nền văn minh lớn với hàng thế  kỷ lịch sử - nền văn minh đã bị cái gọi là sự tân tiến (progrès moderne) đẩy vào chỗ lãng quên. Phục hồi lại nền văn minh ấy, ta thử khám ra một thể chế hợp nhất sự an lạc quân bình giữa nền Khổng học hiền triết cổ điển với nền văn hóa Thiên Chúa giáo.
Thế rồi trống nổi lên. Các quan xếp hàng phía trước án thờ Nhà vàng. Và, ở mỗi bên các nhạc công đứng vào vị trí. Quan thông tán (héraut) cáo bằng một thứ giọng mũi các lễ lạt khác nhau trong chương trình đại lễ. Nhạc trỗi. Lục lạc rung, chuông đồng ngân, thùng gỗ hình tháp, đàn đá cẩm thạch, sênh tiền, trống lớn đặt trên cái giá một chân, và chụp lên trên một con chim huyền thọai để ngăn chặn điềm xấu, đàn tỳ-bà… Âm nhạc thật lạ lùng, chẳng có một chút gì có thể thích hợp với lỗ tai của người Tây phương, nhưng nó lại ăn nhịp với toàn cuộc lễ, tạo lại được cái không khí nguyên ủy của các thời đại xưa.
Đứng phía sau dàn nhạc cổ ấy là những người thổi sáo với phẩm phục xanh nhạt thêu hoa.
Quan Thông tán lại cáo. Các vũ công xếp thành hàng. Họ mặc áo tay chẽn và đội mũ như hình lưỡi cuốc (lame de houe), tay phải cầm cái kích (petite hache) bằng gỗ cán dài sơn son, tay trái cầm cái khiên (bouclier) sơn đỏ hay vàng. Cuộc múa lễ bắt đầu với khúc ca Mỹ thành chi chương (Chant de l’ Exquis):
“Tam sinh lễ đủ/ Chuông trống vang lừng/ Rượu thơm mới ủ/ Chén ngọc kính dâng/ Rót chén rượu ngọt/ Thơm tho ngát mùi/ Củi đốt ngùn ngụt/ Ngọc dâng khoan thai/ Khí thiêng cao thẳm/ Lồng lộng huy hoàng/ Cao cung tả hữu/ Ẩn hiện linh quang/ Thần về yên vị/ Hưởng lễ chứng thành/ Nơi nơi hòa khí/ Ban xuống khang ninh/Rộng cho hưởng phúc/ Ân huệ đời đời/ Giúp nên mọi việc/ Thịnh vượng lâu dài.”
Các vũ công đứng trên một chân, đưa một chân lên và lặp lại nhiều lần bước đi đơn giản ấy, hình như có tính tượng trưng.
Rồi tiết mục múa thứ hai với khúc ca Thụy Thành Chi Chương (Chant de l’Heureux Augure):
“Giáng lâm lẫm liệt/Nhận thấy tỏ tường/ Phụng thờ tôn kính/ Gìn giữ nghiêm trang/ Đức sáng rực rỡ/ Rượu dâng tuần hai/ Ngọc lụa tốt đẹp/ Mâm chén nơi nơi/ Ngạt ngào hương tỏa/ Dâng lên khẩn cầu/ Kính xin bầy tỏ/ Quỳ trên nệm tâu/ Gươm thiêng sáng lóang/ Gió lành quanh ta/ Lặng lẽ hâm hưởng/ Soi xét không xa/ Tấc thành mong thấu/ Ban xuống ân sâu/ Nối noi mãi mãi/ Cháu chắt lâu dài”.
Trong lúc đó lễ tái hiến hoàn tất. Các vũ công cung đình cầm cái sáo gỗ sơn son và chiếc gậy phép (sceptre).
Tiết mục thứ ba với khúc ca Vĩnh thành chi chương (Chant de la Perpétuité):
“Hương hương nghi ngút/ Cao thẳm khôn lường/Tỏ lòng thành kính/ Tôn nghiêm mọi đường/ Tuần ba dâng rượu/ Hâm hưởng nơi đây/ Lễ văn thứ tự/ Nghi thức đặt bầy/ Sáu lần vừa trọn/ Theo khúc Cửu thành/ Thoạt vào sửa lễ/ Đã thấy anh linh/ Tôn kính bao xiết/ Xin giúp cho ta/ Lên xuống quanh quất/ Uy sáng tỏ ra/ Giúp lên phúc lớn/ Ngôi vua vững bền/ Đầy đủ yên ổn/ Năm năm tiến lên”.
Lễ  tái hiến kết thúc. Các quan lui ra, trở lại với con người bình thường, đi lẫn vào đám đông dân chúng đang giải tán. Thoáng chốc một làn gió thổi qua trên cao. Một vị đại thần trong số quan ấy băng qua tầng đàn thứ ba với hai phù lễ đi theo hai bên. Vận chiếc áo lụa màu xám-xanh thật sang trọng, ông ta dấn bước (onduler) trên đôi hia dạ đen, đế trắng, mũi cao cong ngược lên. Một anh thợ ảnh tay hờm sẵn máy và hướng ống kính về phía ông.
Vị đại thần liền dừng bước, chỉnh lại cho thẳng nếp chiếc áo rộng và chiếc quần chùng, sửa lại cho ngay ngắn chuỗi ngọc trên mão, lấy lại phong thái đạo mạo, đường bệ để chỉ trong phút chốc có cảm tưởng như ông lặng vào một thế giới khác - thế giới của tượng đồng, tượng đá thức tỉnh mơ màng trong các ngôi chùa Phật.
Tôi lê gót trên các tầng đàn lẻ loi giữa rặng thông xanh. Rặng  thông bảo vệ cho các tầng đàn chống lại sự xô bồ của đời sống vật chất tầm thường, giữ lại cái hồn thiêng để rồi cứ ba năm lại được làm sống lại một lần qua ngày Lễ tế Trời và Đất (tế Nam Giao).
Tôi có hiểu biết chút ít về nghi lễ nhưng tôi cũng muốn có một ấn tượng khái quát về buổi lễ. Nhưng tiếc thay, cuộc lễ chính thức lại diễn ra trong đêm và bị cấm nghiêm, ngăn cách mọi con mắt của người ngoài.
Đêm, trăng lên soi giữa bầu trời hâm hấp (tiède) và quang đãng. Ánh trăng dịu dàng mờ mờ ảo ảo phủ lên con người và vạn vật.
Ánh sáng ngũ sắc tỏa ra từ những chiếc đèn lồng. Những tầng đàn phản chiếu loang loáng lên không trung. Những ngọn đuốc lớn ở bốn góc đàn, mùi trầm hương, bất chợt một ngọn lửa lò bùng lên, nổ lốp bốp - nơi  đang hui con trâu tế: Một hình ảnh trông thật bi hùng (dantesque).
Làn khói hồng bay lên ngọn thông một cách thoải mái. Trong khi đó những người phụ việc ném củi vào cái lò lớn xây bằng vôi vữa ở góc tây nam tầng thứ  ba.
Sự sống và cái chết, hiện thực và huyền bí, mê  tín và đức tin (foi), vĩ đại và nhỏ nhen (petitesse)… tất cả đều tụ lại trong cái đêm thần thánh này.
Những nghi lễ thiêng liêng cứ tuần tự diễn ra, không chỉ mang lại cho những thế kỷ cách tân mà còn làm sáng lên chính những khát vọng nhân bản (aspirations humaines) của con người: Nhu cầu thần linh.
Những lăng mộ trên cánh đồng khơi gợi đến sự chết cũng đang ở giữa đám đông người sống kia. Sự khơi gợi thường xuyên - nhiều không kể  xiết - trong cái tịch mặc (recueillememt) của tự nhiên. Con người luôn tha thiết được hòa nhập vào nhịp điệu sâu thẳm của cuộc sống vĩnh hằng, nên tha thiết trong đêm tế lễ này - cái đêm tất cả đã trở thành biểu tượng mà thần linh đang hiển hiện ở đằng kia.
Chung quanh bên ngoài vòng thành, nhiều nhóm người Việt dựng lều gần bếp lửa với ấm chè xanh. Có hàng trăm người ở đó, thức suốt đêm để chờ xem một cảnh tượng gì đó của buổi lễ nhưng ắt hẳn họ không thấy.
Trong ánh đuốc, Nhà vua về Trai Cung, các quan Thông tán đi trước rồi các quan, và đám lính cầm cờ đuôi nheo theo sau. Tôi không trông rõ được dung nhan Nhà vua ngồi trong chiếc Long liễn tối om.
Đạo ngự đi dọc theo con đường treo đèn lồng, băng qua tiền đàn, đến tầng đàn thứ ba ở mặt nam. Từ một nơi xa xa, tôi thấy hàng đuốc chập chờn: Một đám rước cảm động (émouvante procession).
Bỗng chốc lời ca tiếng nhạc cất lên, vang xa, trong lúc lửa ở lò đốt (buché) lễ vật cứ cháy một cách mãnh liệt, củi nổ lốp đốp, than hồng tung tóe.
Cuộc lễ tế Nam Giao hoàn tất. Nhà vua ở lại Trai Cung trong một vài giờ rồi đến 6h30, Đạo ngự hoa lệ (fastueux cortège) lên đường về.
Tôi đứng trước Kỳ đài chờ Nhà vua hồi cung. Cảnh quang ở đây cũng thật nên thơ. Những lá cờ đuôi nheo bay phấp phới trên cột cờ. Con sông hài hòa với những sườn đồi trùng điệp trước mặt. Ở phía sau, cửa Ngọ Môn, Đức vua sẽ qua đó để vào Hoàng cung. Những mái ngói đỏ giữa màu xanh của cây và hoa; những bãi cỏ lặng lẽ thiếu vắng bóng người. Các vọng lâu (Miradors) chia phòng thành Huế ra nhiều đoạn, ở dưới chân phòng thành là thành hào (douve). Trên mặt nước ngủ yên, những chiếc lá sen nằm nghỉ, vẫn còn đọng hạt sương đêm.
Ngự đạo tiến về gần với thứ tự như lúc đi. Các chú voi sánh đôi ở hai bên tiền đình rồi đến ngự mã. Chiếc Long liễn đi qua giữa những cái đầu cúi thấp. Rồi cánh cửa của chiếc cổng lợp ngói ống đóng lại trên Tử Cấm Thành.  

http://www.lyhocdongphuong.org.v ... -giao-nam-1942-344/
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

102#
Đăng lúc 6-8-2013 00:33:23 | Chỉ xem của tác giả
LỄ TẾ NAM GIAO CUỐI CÙNG VIỆT NAM VÀ VOI “BUÔN CON”


Đã có nhiều tài liệu sách vở nói về lễ tế Nam Giao, nhưng chưa có tài liệu nào nói về đại lễ này chấm dứt vào năm nào và vai trò của voi trong các lễ tế Nam Giao ra sao. Sau đây là những tư liệu lần đầu công bố ở Việt Nam về chủ đề này.
Năm 1953, đến thời điểm tổ chức lễ tế Nam Giao. Bà Thái hậu Từ Cung được các nhà chiêm tinh (anciens devins) của triều đình cũ tính toán hộ ngày giờ thuận tiện để làm lễ  tế. Bà báo lại cho Cựu hoàng Bảo Đại, (lúc ấy ông đang ở Ban Mê Thuột) biết. Nhận được thông tin này, Cựu hoàng Bảo Đại quyết định sẽ cử hành lễ tế ngay tại Ban Mê Thuột (BMT, và theo đúng phong tục Việt Nam con đâu mẹ phải đến đấy. Bà Từ Cung phải lên BMT với con.
Bảo Đại chọn Buôn Tráp cách xa BMT chừng vài chục cây số,  ở cửa rừng trên đường ra Hồ Lak, làm nơi lập đàn tổ chức lễ tế. Ông cho người dẫn đàn voi mấy chục con của ông đến. Những con voi to lớn, dềnh dàng, đồ sộ tập trung thành một vòng tròn để như là lễ tế sống vậy. Năm ấy, chiến tranh đang diễn ra ác liệt, Cựu hoàng Bảo Đại cho đoàn voi tham dự lễ tế Nam Giao để tỏ lòng tôn kính Trời giống như hơn một trăm năm mươi năm trước (1802), Hoàng đế Gia Long sau khi thống nhất sơn hà, đã xem vai trò của voi như những công thần khai quốc.
Mỗi con voi của Cựu hoàng đều có một “tiểu sử” ly kỳ. Đặc biệt nhất là con Buôn Con - con voi được ông thương nhất và ông đã cỡi nó hằng ngày. Buôn Con là một con voi đực to tướng, cao đến 3m. Lần đầu đến Bản Đôn, vua Bảo Đại được viên chủ làng Kim Jo Nop cho ông mượn Buôn Con để đi săn. Buôn Con là con voi quí giá nhất của Kim Jo Nop. Thấy Buôn Con tinh khôn cực kỳ, vua Bảo Đại mê nó hết sức. Nhà vua nói với Kim Jo Nop: ông muốn mua Buôn Con với bất cứ giá nào. Nhưng không ngờ người chủ làng từ chối quầy quậy và kêu lên:
- ”Người ta có thể lấy vợ tôi, có thể lấy con gái tôi, nhưng không thể lấy Buôn Con của tôi được!”.
Bảo Đại hết sức thất vọng. Nhưng cuối cùng, với sự điều đình của viên Công sứ sở tại (1), sau khi tổ chức nhiều buổi hội hè, viên chủ làng mềm lòng bán Buôn Con cho vua Bảo Đại. Vua Bảo Đại mừng rỡ liền cử một đoàn quản tượng người Rhadé đưa ngay Buôn Con ra nhập với “bộ” sưu tập thú rừng của ông ở miền tây Quảng Trị. Khi đến gần Cam Lộ, đoàn quản tượng Rhadé trao Buôn Con cho quản tượng người Kinh. Buôn Con biết mình là con cưng của vua nên kiêu hãnh tùng phục ngay người quản tượng mới. Từ đó, mỗi lần ra Quảng Trị, vua Bảo Đại đều cỡi Buôn Con hàng tuần.
Cũng giống như những tay thợ săn người Bản Đôn, thà chết đói chứ không chịu hạ mình đi trồng một gốc lúa, Buôn Con ở Quảng Trị  từ chối làm việc, kể cả việc đi lấy thức ăn cho mình. Biết ý, vua Bảo Đại điều một con voi cái từ Huế ra để lo đi lấy thức ăn và “phục vụ tươi mát” cho Buôn Con. Được “phái đẹp” phục vụ, Buôn Con chấp nhận và chịu ăn. Còn chuyện “tươi mát” thì nó không cần. Tiếc thay con voi cái này rất lười biếng. Nó chỉ phục vụ tốt được một vài tuần, sau đó nó tìm cách lẩn tránh trách nhiệm. Lợi dụng lúc đi tìm thức ăn cho Buôn Con, con voi cái tản vào rừng và tìm đường trốn. Ả trốn đến năm sáu lần như vậy. Cứ mỗi lần con voi cái đào ngũ, Buôn Con lại phải cùng với viên quản tượng đi tìm dẫn nó về. Nó đào ngũ đến lần thứ bảy, Buôn Con và viên quản tượng lại đi tìm và bắt được con voi cái vô kỷ luật này. Rồi thật kỳ lạ, Buôn Con giận dữ đã kỷ luật kẻ phục vụ cho mình bằng cách quật con voi cái chết tươi.
Buôn Con nghe được nhiều thứ tiếng, tiếng Thượng, tiếng Kinh và cả tiếng Pháp. Nó rất quen thuộc các động tác của vua Bảo Đại. Mỗi khi đi săn, bao giờ Buôn Con cũng dừng lại cách con mồi khoảng 40m. Đó là khoảng cách mà Bảo Đại có thể bắn hữu hiệu nhất. Không may, có một lần gặp phải một con hổ tinh quái, nó rình bên đường và bất ngờ nhảy tót lên lưng Buôn Con từ phía sau và cào vào lưng Buôn Con rách một miếng sâu. Vết thương bị nhiễm trùng, Buôn Con đau đớn chảy nước mắt mà không kêu khóc. Vết thương cần phải giải phẫu ở bả vai mới cứu được. Bác sĩ thú y lại không có thuốc tê. Người quản tượng truyền lời vua Bảo Đại bảo nó cần phải chịu đựng đau đớn để giải phẫu. Như thế mới được “hoàng đế” thương và có lợi cho nó. Buôn Con vâng lời nằm. Vì đau đớn nên cả cái thân hình khổng lồ của nó rung lên mà nó không cưỡng được. Nước mắt chảy đầm đìa nhưng nó không hề hé răng lên tiếng. Nhờ được giải phẫu kịp thời, nên đã chữa lành được vết thương cho Buôn Con.
Sau Cách mạng Tháng tám 1945, vua Bảo Đại thoái vị và ra Hà Nội làm Cố vấn cho Chính phủ VNDCCH, Buôn Con được trở lại rừng xanh. Cả bộ sưu tập thú rừng ở Cam Lộ cũng được giải phóng để trở về sống tiếp cuộc đời hoang dã. Sau năm 1949, Cựu hoàng Bảo Đại trở lại cộng tác với Pháp, ông ta cho người đi tìm Buôn Con. Năm 1950, Bảo Đại lập “tân sở” ở BMT, ông đưa Buôn Con lên quần tụ với đàn voi của ông chung quanh biệt điện ở Hồ Lak.
Buôn Con rất dữ. Các loài thú khác trông thấy Buôn Con đều sợ hãi và thần phục.
Vào khoảng 3 giờ sáng một ngày tháng 4/1953, bên cửa rừng, ánh đuốc sáng choang, Cựu hoàng Bảo Đại làm lễ tế Nam Giao đúng theo nghi lễ cổ truyền. Trong sự yên tĩnh của núi rừng, giữa thiên nhiên tươi tốt, trời đất như xích lại gần nhau và thật cảm động. Khi kể lại chuyện này Bảo Đại cho là buổi lễ hết sức “thiêng liêng, vĩ đại và cảm động hơn hẳn những lần tế ở Huế”.
Trong buổi lễ Bảo Đại báo cáo với Trời sứ mạng của ông, ông cầu cho đất nước sớm được hoà bình. Buổi lễ kéo đến gần sáng. Có lẽ vì buổi lễ quá dài, một con voi quỳ mọp suốt nhiều giờ mệt mỏi không chịu đựng được nữa, nó chồm dậy rống lên một tiếng và tấn công ngay con voi bên cạnh. Thế là cả vòng tròn voi như một lâu đài giấy bồi ngửa nghiêng trở nên náo loạn và tan nát. Các “quan” mũ áo tả tơi, mạnh ai nấy chạy, cố tránh xa những con vật hung hăng đang trong cơn giận dữ. Cựu hoàng Bảo Đại với phẩm phục đại triều trên mình, không biết chạy đi đâu nên đứng lại tại chỗ. Nhiều lúc con voi điên muốn đến xốc ông lên. Không một người nào ngó nghĩ đến việc cứu ông. Cựu hoàng Bảo Đại hết sức thất vọng và ông liền nghĩ đến Buôn Con. Ông gọi lớn bằng tiếng Tây:
- “Buôn Con, đến đây với ta và hãy giúp ta dẹp cuộc náo loạn này!”
Và  thật lạ lùng. Buôn Con đến với ông và nhận lệnh đi dẹp loạn.
Buôn Con lần lượt đến dỗ dành từng con voi một, những con chạy xa rồi thì nó gọi bằng một vài tiếng hí và chỉ trong vài chục phút tất cả đều trở lại hàng ngũ, trật tự được vãn hồi.
Xong buổi lễ, nhiều người giải thích sự việc này với Cựu hoàng Bảo Đại “đây là một triệu chứng (incident) của nhà Trời”. Triệu chứng báo hiệu chấm dứt vĩnh viễn vai trò chính trị của Bảo Đại.

http://www.lyhocdongphuong.org.v ... n-con%E2%80%9D-343/
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

103#
Đăng lúc 6-8-2013 00:38:05 | Chỉ xem của tác giả
CHÂN DUNG DANH TƯỚNG HỌ ĐÀO QUA CÁC DI TÍCH, THẦN PHẢ


“Chân dung” danh tướng họ Đào
Sỡ dĩ, tên tuổi của vị công thần bậc nhất triều Lý - Thái sư Á vương Đào Cam Mộc giờ được ít người nhắc đến là bởi, tên tuổi, quê hương bản quán của ông chỉ được nhắc thoáng qua trong chính sử. Nhưng chỉ cần vài chữ quý báu đó thôi cũng đủ để các nhà nghiên cứu lấy đó làm cơ sở tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của ông đối với đất nước. Vài năm trước, các nhà nghiên cứu thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Sử học Hà Nội đã tổ chức những cuộc điền dã trải suốt từ Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Thanh Hóa... Tại nhiều di tích, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số thần phả, ngọc phả, các điển tích ghi chép khá kỹ về cuộc đời  danh tướng họ Đào.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh, trong một chuyến điền dã, ông đã tìm thấy bản Ngọc phả tướng Đào Cam Mộc và Công chúa Thiềm Hoa An Quốc tại phủ Vũ Bị trong khuôn viên chùa Vũ Bị xã Vũ Bản, huyện Bình Lục - Hà Nam. Đây là bản ngọc phả được chép vào năm 1502 có nhắc đến khá rõ ràng cuộc đời của vị danh tướng này. Theo đó, Đào Cam Mộc sinh năm 942 tại làng Lang Thôn, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa (chính sử chép ông mất năm 1015). Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh, tại Bình Lục Hà Nam hiện còn lưu truyền nhiều giai thoại về những lần phá Tống, bình Chiêm của vị danh tướng họ Đào vào năm 981-982. Đến đời Lê Ngọa Triều, triều đình đổ nát, dân chúng lầm than, là một người yêu nước, thương dân, nhạy bén và mưu lược, ông đã cùng Thiền sư Vạn Hạnh tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua, tránh cho đất nước một cuộc binh biến.
Ông chính là người sau này được vua Lý Thái Tổ giao cho trọng trách tổ chức thành công việc dời đô từ Hoa Lư chật hẹp ra Thăng Long với địa thế thuận lợi, tạo điều kiện cho sự phát triển lâu dài của dân tộc. Đánh giá về việc làm này, nhà nghiên cứu Đào Duy Cảnh cho rằng, Đào Cam Mộc đã tạo ra sự đột biến mới lạ lần đầu tiên trong lịch sử phong kiến là một Hoàng đế lên ngôi không nhờ cha truyền con nối hay qua giáo mác, gươm đao đầu rơi máu chảy, mà do cả triều thần tiến cử. Ông còn đề ra kế sách ai có công được thăng chức, còn các quan lại giữ nguyên chức cũ để ổn định tình hình, tránh sự phản ứng của hoàng thân quốc thích nhà Lê. Ông cũng đã giúp vua sắp xếp lại hệ thống quan lại, chia địa giới hành chính, đề xuất việc kinh lý các tỉnh miền ngoài để tiện đặt kinh đô mới.
Cần có hình thức tôn vinh xứng đáng
Nhà nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc cho biết, trước năm 2007, ông vẫn không biết gì nhiều về danh tướng họ Đào này ngoài những dòng ít ỏi được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư. Nhưng cũng là may mắn, trong các chuyến điền dã gần đây, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm ra cả một hệ thống các di tích thờ ông cùng vợ là An Quốc công chúa, như di tích lịch sử văn hóa thờ Đào Lôi là con công thần nhà Lý, Đào Mộc ở An Đồng, An Dương, Hải Phòng, tiếp đó là chùa Vũ Bị, Bình Lục, Hà Nam. Chùa này hiện còn 2 tấm đá cổ là mốc ruộng đất khắc nội dung về các mảnh đất đã được nhà vua ban cho Đào Cam Mộc và phu nhân... Khi nghiên cứu về Đào Cam Mộc, có một địa danh không thể bỏ qua đó là Cổ Loa - Đông Anh - Hà Nội.

Khi xưa, mảnh đất này đã được Đào Cam Mộc chọn là địa điểm xây dựng tư dinh. Ông trở thành ông tổ họ Đào ở Cổ Loa từ đó. Để tưởng nhớ công lao của ông, ngay từ khi ông mất năm 1015, người dân Cổ Loa đã dựng một từ đường để quanh năm hương khói thờ phụng ông. Đến cuối triều Lê sơ do binh hỏa, từ đường bị thiêu trụi. Mãi cho tới năm Thành Thái thứ 9, từ đường lại được dựng lên trên nền cũ với 5 gian tiền tế đồ sộ. Đáng tiếc, năm 1953, thực dân Pháp đã ra lệnh tàn phá từ đường, những di vật còn giữ được cho đến nay là một lư hương cổ bằng đá, 5 văn bia ghi gia phả thứ tự các đời từ 1681 đến 1931. Sau khi từ đường bị tàn phá, nhiều gia đình ở Cổ Loa đã lập bát hương, thờ ông ngay tại nhà mình...
GS Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, việc nhận định lại một lần nữa thân thế, sự nghiệp của Đào Cam Mộc và những đóng góp của ông với đất nước, Thủ đô là việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa khi Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến rất gần. GS Đinh Xuân Lâm đề xuất và mong mỏi cần một hình thức tưởng niệm xứng đáng với công lao của vị danh tướng họ Đào, cụ thể như khôi phục lại từ đường thờ ông tại Cổ Loa. TP.HCM lâu nay đã có một con phố mang tên Đào Cam Mộc, còn Hà Nội, tại sao không?

http://www.lyhocdongphuong.org.v ... -tich-than-pha-342/
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

104#
Đăng lúc 6-8-2013 00:40:13 | Chỉ xem của tác giả
NHÀ MẠC: ĐƯỢC MÙA THI CỬ


Thể chế giáo dục, thi cử, chức danh học vị, học hàm nhà Mạc vẫn theo quy chế nhà Lê. Thời hạn thi Hương, thi Hội cứ 3 năm một khóa thực hiện rất nghiêm.
Cứ các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thi hương, các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thi Hội. Năm Kỷ Sửu, niên hiệu Mạc Minh Đức năm thứ 3 (1529), các trung thần của nhà Lê nổi lên chống đối ở khắp nơi, công việc triều chính của nhà Mạc còn rất bộn bề, phức tạp.

Nhưng để thu nhận những trí thức nho gia nhằm phục vụ cho chế độ bản triều, Mạc Đăng Dung tổ chức khoa thi Hội đầu tiên của nhà Mạc lấy đỗ 27 người có đủ các chức danh Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp và Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Tháng 12 cùng năm, cho dựng bia tiến sĩ ghi tên 27 vị đại khoa. Khoa thi năm  Ất Mùi, niên hiệu Mạc Đại Chính năm thứ 6 (1535), Mạc Đăng Doanh lấy đỗ 32 người gồm 3 vị  tam khôi, 7 vị đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), 22 vị đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Đặc biệt, khoa thi này có vị Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông người xã Trung Am, huyện Vĩnh Lại, nay là thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. 50 tuổi ông đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh: Trạng nguyên.
Các kỳ thi Hội và thi Đình ông đều đỗ đầu (Hội nguyên và Đình nguyên). Làm quan đến chức Thượng thư, Thái phó, tước Trình quốc công. Đương thời gọi ông là Trạng Trình. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã giúp nhà Mạc củng cố triều nghi, có nhiều tấu trình cải cách giáo dục, thi cử. Khi ông đã về trí sĩ, các vua nhà Mạc đều sai người đến hỏi quốc sự. Năm Mạc Diên Thành thứ 8 (1585) ông mất, thọ 95 tuổi. Mặc dù năm 1533, Lê Duy Ninh đã được lập làm vua (Lê Trang Tông), đóng đô ở sách Vạn Lại (Thanh Hóa), nhà Mạc vẫn cứ 3 năm tổ chức một khoa thi Hội.

Năm Giáp Dần, với niên hiệu Thuận Bình thứ 6 (1554), vua Lê Trung Tông nhà  Lê Trung hưng đã bắt đầu mở chế khoa (khoa thi do ý vua mà mở ra, khác với khoa thi thường lệ) nhưng việc thi cử của nhà Mạc vẫn không thay đổi. Năm Nhâm Ngọ, Mạc Diên Thành thứ 5 đời Mạc Mậu Hợp, ngày 6/5 Đề điệu Quốc tử giám xin xây dựng bia tiến sĩ dưới thời nhà Mạc từ khoa thi Nhâm Thìn năm Mạc Đại Chính thứ 3 (1532) cho đến khoa thi Canh Thìn, niên hiệu Mạc Diên Thành năm thứ 3 (1580), Mạc Mậu Hợp cho rằng "đất nước còn nhiều việc nên chưa thực hiện được".
Như vậy cho đến 1592 nhà Mạc tổ chức được 22 kỳ đại khoa thì chỉ dựng được 1 tấm bia năm 1529, còn 21 khoa thi tiến sĩ của nhà Mạc không dựng được bia.
Dưới triều nhà Mạc có 6 khoa thi tiến sĩ: 1565, 1577, 1580, 1583, 1589 và 1592 nhà Lê và nhà Mạc tổ chức trùng nhau trong 1 năm. Có những khoa thi, người ở vùng nhà Lê cát cứ sang thi trường thi nhà Mạc tổ chức và ngược lại. Những người đỗ đều được hai bên công nhận. Với đất nước thì đây là thời kỳ chính trị rối ren, nhưng với các sĩ nhân thì đây là thời kỳ được mùa thi cử. Triều Mạc từ 1529 - 1592 tổ chức  được 22 khoa thi, lấy đỗ 487 tiến sĩ trong đó có 43 vị tam khôi, 344 tiến sĩ xuất thân và  đồng tiến sĩ xuất thân.

http://www.lyhocdongphuong.org.v ... uoc-mua-thi-cu-338/
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

105#
Đăng lúc 6-8-2013 00:50:02 | Chỉ xem của tác giả
THĂNG LONG DƯỚI THỜI PHỤC HƯNG CỦA ĐẠI VIỆT


Khoa cử, văn học thịnh đạt
Nếu tính từ khoa thi năm 1427 mà Lê Lợi cho tổ chức tại Dinh Bồ Đề (Gia Lâm), ngay trong những ngày còn đang kháng chiến chống quân Minh xâm lược, cho đến khoa thi 1526 mở giữa thời kỳ hòa bình thịnh trị, thì nhà Lê Sơ trước sau đã cho tổ chức 31 khoa thi, trong đó 30 khoa mở tại thành Thăng Long, lấy đỗ 1005 người, trong đó có 86 người Hà Nội. Có khi do đích thân nhà Vua ra chủ tọa kỳ thi và ra đề bình luận về các kế sách kiến thiết đất nước.

Nền điện Kính Thiên tại Thành cổ Hà Nội
Bến bãi Thảo Tân là địa danh chỉ vùng đất phía đông Hồ Hoàn Kiếm, cạnh bờ sông Hồng là một địa điểm thích hợp cho việc lập một trường thi rộng rãi, tiện tiếp đón cả các thí sinh vùng Kinh Bắc qua sông sang dự thi.
Thảo Tân nay là khu vực Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (sau gọi là bến Cổ Tân cạnh Nhà hát Lớn bây giờ). Chỉ đến thời Nguyễn, Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp, trường thi mới chuyển về địa điểm hiện nay còn mang tên là phố Tràng Thi.
Một vườn hoa nhỏ ở trước cửa trường Đại học Tổng hợp phố Lê Thánh Tông nay còn mang tên Vuờn Tao Đàn để nhắc nhở đến một thời văn học thịnh đạt, vua cho thành lập một câu lạc bộ mang tên Tao Đàn nhị thập bát tú, nơi hội họp để sáng tác, bình luận văn thơ của 28 ngôi sao trong bầu trời văn học nước nhà. 1 trong 28 ngôi sao đó chính là Vua Lê Thánh Tông, nhà vua say mê văn chương, là tác giả của Hồng Đức Quốc âm thi tập với hàng trăm bài thơ.
Đất Kinh Kỳ thời Lê còn ghi dấu đến ngày nay vụ thảm sát tru di tam tộc đối với anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi và bà Nguyễn Thị Lộ, vợ thứ của Nguyễn Trãi, nữ giáo thụ trong triều đình.
Sử chép ngày 1/9/1442, vua Lê Thái Tông sau khi đi duyệt binh ở Chí Linh đã ghé Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi. Bà Nguyễn Thị Lộ, Lễ nghi nữ học sĩ chuyên dạy cung nữ trong triều lúc bấy giờ cũng đang có mặt ở Côn Sơn. Vua bị cảm mạo, mất đột ngột. Cánh lộng thần lũng đoạn trong triều vốn bị Nguyễn Trãi tố cáo, lên án, nhân cơ hội ấy mới dựng chuyện vu cho Nguyễn Trãi thông đồng với Nguyễn Thị Lộ để ngầm giết vua bằng thuốc độc. Ngày 19/9/1442 (tức 16 tháng 8 âm lịch) cả gia tộc Nguyễn Trãi cùng với thân nhân họ mẹ, họ vợ bị đưa ra hành hình.
Hơn 20 năm sau, vụ án giết hại công thần Nguyễn Trãi, Vua Lê Thánh Tông thấu nỗi oan ức của ông, đã xuống chiếu minh oan cho ông, đánh giá tấm lòng trong sáng trung trinh ái quốc của vị khai quốc công thần là "Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo". Vị vua anh minh cũng ra quyết định tập ấm cho người con trai duy nhất còn lại của Nguyễn Trãi là Nguyễn Anh Vũ. Đồng thời cũng ra lệnh cấp cho di duệ họ Nguyễn một trăm mẫu ruộng để dùng vào việc thờ cúng Nguyễn Trãi. Ngôi nhà thờ ông còn tồn tại đến ngày nay, tọa lạc tại làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, nay đã thuộc Hà Nội.
Ngay từ xa xưa, một ngôi miếu khiêm tốn cũng đã được dân làng Thanh Trì thuộc huyện Thanh Trì (Hà Nội) lập lên để hàng năm hương khói cho bà Nguyễn Thị Lộ. Năm 2007 vừa qua, ngôi miếu xưa cũng đã được tu bổ.
Thời đại Phục Hưng của Đại Việt
Triều Lê Thánh Tông là thời thịnh trị nhất của lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, cũng có thể được coi như thời đại Phục Hưng của Đại Việt, chứng kiến sự phát triển huy hoàng toàn diện của nước Việt.
Năm Ất Dậu (1465) tháng 11 Âm lịch, điện Kính Thiên được khánh thành trở thành ngôi Chính điện của triều Lê, nơi cử hành các nghi lễ quan trọng của cùng trong năm, điện Cẩm Đức cũng được khánh thành. Nhân dịp này, triều đình đã ban lệnh đại xá trong cả nước.
Phủ Trung Đô được Vua Lê Thánh Tông đặt năm 1466, đến 1469 được đổi tên là Phủ Phụng Thiên, vẫn quản lĩnh hai huyện Thọ Xương, Quảng Đức. Quan đứng đầu Phủ Phụng Thiên (khu vực hành chính đặc biệt) được gọi là Quan Phủ Doãn. Đến thời nhà Nguyễn, khi Kinh đô đã chuyển vào Huế, thì đứng đầu Phủ Phụng Thiên không phải là chức quan Phủ Doãn nữa, Phủ Phụng Thiên cũng phải đổi tên thành phủ Hoài Đức. (Hà Nội hiện có phố Phủ Doãn, là nơi có bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cũng chính là khu vực trụ sở của Phủ Phụng Thiên thời Lê).
Năm Kỷ Sửu (1469) nhà Vua cho định bản đồ cả nước - Bản đồ nay đã thất lạc, chỉ còn bản đồ được vẽ lại 21 năm sau, năm Canh Tuất, được gọi là Hồng Đức bản đồ, in năm Hồng Đức thứ 30 (1490).
Giảng Võ Điện được xây trên núi Khán Sơn từ thời Lê Thái Tổ. Đến năm Tân Sửu (1481) Vua Lê Thánh Tông lại cho đào hồ Hải Trì bên điện Giảng Võ để làm nơi tập luyện binh trượng, thủy quân, cũng là nơi thao diễn quân sự ở Kinh đô.
Ngày nay, khu vực Giảng Võ (thuộc quận Ba Đình) vẫn còn tồn tại nhiều địa danh ghi dấu nơi xưa đã từng tồn tại một trường võ bị. Trạ Bảng (được cho là dịch âm của từ "trường bắn") với Trảng trên, Trảng dưới... Năm 1983-84 khảo cổ học còn phát hiện ở lòng hồ Ngọc Khánh một sưu tập các loại vũ khí đạn của thời Lê.
Sau khi Lê Thánh Tông mất, triều Lê bước vào suy yếu rất nhanh, do sự tha hóa của những người kế nghiệp. Điển hình là Vua Lê Tương Dực (1510-1516) ở ngôi chỉ được 6 năm, những "chơi bời xa xỉ, hoang dân vô độ, tiêu tốn không biết bao nhiêu của kho, sức lực của nhân dân" rót vào việc xây dựng các đền đài cung điện phục vụ cho nhu cầu hưởng lạc.
Năm 1512, Lê Tương Dực cho xây điện lớn hơn trăm nóc (Bách Ốc), rồi lại làm đài chín lớp (Cửu trùng Đài) rất nguy nga tráng lệ, huy động hàng nghìn người làm công sai. Người thiết kế là Vũ Như Tô, người xã Minh Quyết, huyện Cẩm Giàng, nay thuộc Hải Dương.
Năm 1516, Đô Tướng Trịnh Duy Sản nổi lên giết Vua Lê Tương Dực. Vũ Như Tô cũng bị Nguyễn Hoằng Dụ giết chết ở ngoài cửa Kinh Thành (ngày 7 tháng Tư Bính Tý). Cửu Trùng Đài và nhiều công trình kiến trúc khác bị san phẳng.
Nhiều thế lực phong kiến nổi lên tranh nắm quyền lực trong triều và ở các địa phương, dẫn đất nước đến một thời kỳ khủng hoảng.

http://www.lyhocdongphuong.org.v ... g-cua-dai-viet-333/
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

106#
 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 20:47:47 | Chỉ xem của tác giả
THỜI CỔ ĐẠI

Khoảng 14 vạn năm trước: Phát hiện răng người vượn ở hang Thẩm Ồm (Quỳ Châu, Nghệ An)

Ở hang Thẩm Ồm (Quỳ Châu, Nghệ An) có răng người vượn cùng với xương và răng của các động vật thuộc thế Cánh tân như voi răng kiếm, gấu tre, đười ươi lùn… Ở đây cũng đã tìm thấy răng vượn khổng lồ.


Ở hang Thẩm Ồm (Quỳ Châu, Nghệ An) có răng người vượn cùng với xương và răng của các động vật thuộc thế Cánh tân như voi răng kiếm, gấu tre, đười ươi lùn… Ở đây cũng đã tìm thấy răng vượn khổng lồ. Răng người ở Thẩm Ồm vừa có những đặc điểm của người vượn đi thẳng muộn, vừa có những đặc điểm của Người vượn hiện đại (Homo sapiens).

Nguồn: Đỗ Đức Hùng, Nguyễn Đức Nhuệ, Trần Thị Vinh, Trương Thị Yến 2001, Việt Nam những sự kiện lịch sử (từ khởi thủy đến 1858), Hà Nội, Giáo Dục, Tr. 7.

Nguồn: http://www.lichsuvietnam.vn/home ... d=588&Itemid=33
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

107#
 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 20:53:36 | Chỉ xem của tác giả
Khoảng 10 vạn năm trước: Có sự sinh sống của Người khôn ngoan đầu tiên ở Việt Nam

Ở hang Hùm (Lục Yên, Yên Bái), ở hang Thung Lang (Ninh Bình), ở hang Quyết (Tuyên Hóa, Quảng Bình), hang Kéo Lèng (Bình Gia, Lạng Sơn) có sự sinh sống của Người khôn ngoan (Homo sapiens sapiens) đầu tiên ở Việt Nam.


Ở hang Hùm (Lục Yên, Yên Bái), ở hang Thung Lang (Ninh Bình), ở hang Quyết (Tuyên Hóa, Quảng Bình), hang Kéo Lèng (Bình Gia, Lạng Sơn) có sự sinh sống của Người khôn ngoan (Homo sapiens sapiens) đầu tiên ở Việt Nam.

Nguồn: Đỗ Đức Hùng, Nguyễn Đức Nhuệ, Trần Thị Vinh, Trương Thị Yến 2001, Việt Nam những sự kiện lịch sử (từ khởi thủy đến 1858), Hà Nội, Giáo Dục, Tr. 7.

Nguồn: http://www.lichsuvietnam.vn/home ... d=589&Itemid=33
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

108#
 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 20:59:51 | Chỉ xem của tác giả
Khoảng 2 vạn 8 nghìn năm trước: Có đồ đá của Người nguyên thủy

Có đồ đá của người nguyên thủy ở đầu nguồn sông Mã - vùng Tuần giáo, tỉnh Lai Châu.


Có đồ đá của người nguyên thủy ở đầu nguồn sông Mã - vùng Tuần giáo, tỉnh Lai Châu.

Nguồn: Đỗ Đức Hùng, Nguyễn Đức Nhuệ, Trần Thị Vinh, Trương Thị Yến 2001, Việt Nam những sự kiện lịch sử (từ khởi thủy đến 1858), Hà Nội, Giáo Dục, Tr. 7.

Nguồn: http://www.lichsuvietnam.vn/home ... d=590&Itemid=33
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

109#
 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 21:04:17 | Chỉ xem của tác giả
Khoảng 2 vạn 3 nghìn năm trước: Có dấu tích hậu kỳ đồ đá cũ

Có dấu tích hậu kỳ đồ đá cũ ở hang Miệng Hổ và mái đá Ngườm (xã Thuần Sa, huyện Vũ Nhai, tỉnh Thái Nguyên).


Có dấu tích hậu kỳ đồ đá cũ ở hang Miệng Hổ và mái đá Ngườm (xã Thuần Sa, huyện Vũ Nhai, tỉnh Thái Nguyên).

Nguồn: Đỗ Đức Hùng, Nguyễn Đức Nhuệ, Trần Thị Vinh, Trương Thị Yến 2001, Việt Nam những sự kiện lịch sử (từ khởi thủy đến 1858), Hà Nội, Giáo Dục, Tr. 7.

Nguồn: http://www.lichsuvietnam.vn/home ... d=591&Itemid=33
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

110#
 Tác giả| Đăng lúc 6-8-2013 21:08:45 | Chỉ xem của tác giả
Khoảng 2 vạn 1 nghìn năm trước: Có văn hóa Sơn Vi

Có văn hóa hậu kỳ đá cũ được gọi là Văn hóa Sơn Vi (địa danh phát hiện đầu tiên thuộc xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, năm 1968).


Có văn hóa hậu kỳ đá cũ được gọi là Văn hóa Sơn Vi (địa danh phát hiện đầu tiên thuộc xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, năm 1968). Những di tích thuộc văn hóa Sơn Vi được phát hiện trên một diện rộng từ Lào Cai phía Bắc đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Lâm Đồng ở phía Nam; từ Sơn La ở phía Tây đến vùng sông Lục Nam ở phía Đông.

Nguồn: Đỗ Đức Hùng, Nguyễn Đức Nhuệ, Trần Thị Vinh, Trương Thị Yến 2001, Việt Nam những sự kiện lịch sử (từ khởi thủy đến 1858), Hà Nội, Giáo Dục, Tr. 7.

Nguồn: http://www.lichsuvietnam.vn/home ... d=592&Itemid=33
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách