Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: cocluvboo
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Dân Quốc - Xuất Bản] Dòng Sông Ly Biệt | Quỳnh Dao (HOÀN)

[Lấy địa chỉ]
31#
 Tác giả| Đăng lúc 8-6-2013 13:56:46 | Chỉ xem của tác giả
Chương 12



Tôi đứng trước cửa phòng Như Bình nhìn vào. Nàng nằm một nửa người trên giường, một nửa người dưới đất, mình mặc áo the màu lục, chân mang giày trắng, mặt trang điểm thật tươi. Một người suốt chuỗi ngày còn sống không buồn trang điểm, đến khi chết lại đi làm đẹp thế này cũng lạ. Khẩu súng lục nằm gần bên, viên đạn xuyên qua màng tang làm thành vết thương nhỏ rỉ máu. Vết máu đã khô. Đôi mắt khép hờ như người say ngủ. Tôi có cảm nghĩ là Như Bình vẫn còn sống, nét mặt tươi tỉnh quá... Tôi còn nhớ lúc Như Bình tâm sự, van xin tôi, đôi mắt kia đã hơn một lần khóc, hơn một lần buồn vì Thư Hoàn, vì mối tình tay ba, bây giờ chắc Như Bình không còn e ấp, thẹn thùng nữa. Nằm yên đó, bình thản trước mặt mọi người, để cho mọi người ngắm nghía, đôi mắt không khép chặt. Tôi được nghe kể lại rằng một người chết đi có chuyện buồn sầu hay lo lắng thường không bao giờ nhắm mắt. Vậy thì Như Bình buồn chuyện gì? Mới hai mươi bốn tuổi, cái tuổi hoa mộng sao lại bỏ đi? Nguyên nhân nào? Tôi hiểu rõ, tôi hiểu rõ đến độ không tin Như Bình dám hành động như vậy. Như Bình không phải chết vì tự sát, mà là chính tôi giết nàng. Nhìn qua khuôn mặt người chết, tôi nghĩ đến những giọt nước mắt đêm qua..Tôi chợt nhắm mắt lại, quay lưng bước ra khỏi cản phòng. Vừa bước ra, tôi va mạnh vào người Thư Hoàn. Chàng đứng bất động như pho tượng đá. Tôi bỏ ra phòng khách, đầu tôi nhức nhối, chân tay rã rời. Máu của Như Bình làm tôi choáng váng. Có một người mang nước đến, thì ra người cảnh sát mà tôi gặp hôm qua.


- Rất nhiều người không quen nhìn xác chết.


Tôi run run tiếp lấy ly nước uống cạn. Ông cảnh sát nói thản nhiên:


- Không ngờ gia đình cô lại bị nhiều chuyện xảy ra dồn dập như vậy!


Thật khó mà giải thích được.


- Tôi cũng không ngờ, hôm qua cô ấy còn rất bình thường.


- Chúng tôi đã điều tra xong, đây là vụ tự sát. Chỉ có một điều chúng tôi lấy làm lạ lùng là không hiểu tại sao súng của cha cô mà lại lọt vào tay Như Bình.


- Tôi...


Tôi chau mày, sự thật tôi đâu có quên, khẩu súng kia chính tay tôi đưa cho Như Bình mà, mục đích là để tránh cho cha lúc nóng giận rồi bắn bậy bạ, không ngờ... Như Bình lại dùng súng như một phương thức giải thoát. Một sự thật khó tin. Nếu biết vậy, tôi đưa súng cho Như Bình làm gì? Lắc đầu, tôi trả lời viên cảnh sát:


- Tôi cũng không biết.


- Cô biết nơi cha cô để súng ở đâu không?


- Tôi không biết.


- Cô có thể cho tôi biết một số giả thuyết về cái chết của chị cô không?


Tôi băn khoăn một lúc, lắc đầu:


- Tôi cũng không biết. Thế Như Bình chẳng có để thơ tuyệt mạng lại à?


- Có mảnh giấy này để trên bàn.


Viên cảnh sát mở hồ sơ ra đưa cho tôi mảnh giấy. Nét bút của Như Bình:


  Tôi đã chán sống. Cái chết của tôi không có một sự liên hệ nào đến người khác.  


  Lục Như Bình.  


Tôi đưa mảnh giấy lại cho viên cảnh sát, ông ta nói:


- Nghe cô Lan nói thì sáng nay chị cô có ra phố một lúc rồi khi về mới tự sát. Thế cô có biết chị cô đã đến đâu không?


- Tôi không biết.


Viên cảnh sát gật gù bỏ đi. Tôi quay sang, lúc bấy giờ mới biết cha tôi nãy giờ đang ngồi bất động trên ghế sa lông. Chiếc dọc tẩu vẫn còn trên môi, nhưng lửa đã tắt ngấm từ bao giờ. Tôi bước tới, như một chiếc máy tôi ngồi xuống cạnh cha, đưa tay sờ nhẹ bàn tay lạnh giá của người gọi:


- Cha!


Cha tôi yên lặng như tượng gỗ, tôi cảm thấy sợ hãi. Thái độ của cha thật lạ, mắt trừng nhìn về phía trước, trên môi một sợi dãi đang chảy dài xuống hàm râu bạc. Tôi lắc mạnh vai cha gọi thêm lần thứ hai:


- Cha!


Người vẫn bất động, tôi lắc mạnh thêm mấy lần. Người mới quay lại nhìn tôi:


- Chết... rồi! Chết dễ thật! Chỉ cần một phát đạn. Tài bắn súng của nó đâu kém tao?


Ông lắc đầu, như con tàu đang lắc lư trên sóng, tôi dùng tay xoa nhẹ những ngón tay xương xẩu. Cha vẫn lẩm bẩm:


- Không ngờ súng của ta không giết ai khác hơn con ta?


Chiếc dọc tẩu trên môi rơi xuống, ông vẫn không buồn nhặt lên:


- Khẩu súng theo cha mười mấy năm trời, giết không biết bao nhiêu sinh mạng. Tay ta đã vấy máu, chính đôi tay này đây đã giết chết không biết bao nhiêu người. Bây giờ Như Bình cũng chấm dứt cuộc sống bằng khẩu súng này... Chết dưới khẩu súng oan nghiệt...


Tôi chợt rùng mình. Cha là con người ương ngạnh, sắt đá, chớ không phải là con người tình cảm. Cha không bao giờ tin trời phật, quỷ thần, định mệnh, thế mà bây giờ phải chịu khuất phục!


Bên ngoài có tiếng động, một người cao lớn cầm xách tay bước vào, đoán chắc là y sĩ tới khám nghiệm tử thi. Vị y sĩ bước vào trong, tôi ngồi bất động trên ghế, cha im lặng cho đến lúc vị y sĩ ra về. Một cảnh sát bước đến nói:


- Xong cả rồi, bây giờ quý vị có thể mai táng được rồi.


Đoàn người đại diện pháp luật đã kéo đi mất, gian phòng đột ngột yên lặng, ngôi nhà chết trong cơn buồn, cô Lan đi đâu mất, cha và tôi như hai tượng gỗ. Một lúc Thư Hoàn bước vào, những bước chân chệnh choạng như người say rượu. Chàng bước tới bên hộp thuốc, lấy một điếu châm lửa. Chàng chẳng bao giờ dùng thuốc, thế mà... Có lẽ để tự trấn tĩnh tinh thần. Khói thuốc bay tỏa mờ gương mặt xanh xao. Gian phòng trầm hẳn xuống. Mỗi người theo đuổi một ý riêng của mình, trong khi xác chết vẫn còn phủ chản bên kia phòng.


Biết thuốc trên tay Thư Hoàn đã tàn, chàng búng tàn thuốc rơi xuống rồi đứng lên nói:


- Để tôi gọi sở tống táng!


Cha nhìn Hoàn yên lặng. Chàng bước ra cửa một lúc quay trở về nhìn vào chỗ cũ. Điếu thuốc thứ hai đốt lên. Không khí gian phòng vẫn nặng nề. Đột nhiên tôi muốn khóc, muốn khóc một trận cho đã thèm, nhưng sao miệng tôi cứng như đá.


Ðám thợ ở nhà tống táng tới, mọi việc sắp xếp đều do Hoàn, tôi và cha ngồi chết lặng đưa mắt nhìn theo. Họ bắt đầu khiêng thi thể Như Bình ra, một miếng vải trắng to phủ lên. Tôi rùng mình đứng dậy, máy móc đi theo chiếc cáng ra cửa. Thư Hoàn đứng cúi đầu nơi đấy, miệng chàng lẩm bẩm:


- Một người con gái hiền lành nhưng bất hạnh. Chết oan ức quá!


Tôi tựa lưng vào tường bàng hoàng, thực tế tàn nhẫn vây chặt cơn ác mộng không ngờ.


Thư Hoàn quay sang nhìn tôi, chàng nói:


- Tất cả chuyện mai táng để anh lo, còn em lo chăm sóc cha! Nhìn theo chiếc xe màu đen, chàng dở khóc dở cười - Ngày hôm qua anh nói sẽ làm một cái gì cho Như Bình để chuộc lại lỗi lầm, không ngờ hôm nay lại phải lo mai táng cho nàng. Việc anh sắp làm cho nàng quả thật là một món quà cuối cùng cho một đời người.


Hoàn nói xong, nước mắt chảy lăn xuống má, chàng bước ra xe. Đoàn xe chạy đi để lại đám bụi mù. Cát đã trở về với cát bụi. Vâng cuộc đời như thế, từ hư vô thì sau cùng rồi cũng phải trở về hư vô. Hai mươi bốn năm, một cuộc đời. Còn gì để lại cuộc đời? Chẳng qua chỉ còn là đất, là bụi, là tro... Bây giờ Như Bình đã bình yên, nàng sẽ không còn buồn, không còn giận vì những mâu thuẫn giả dối của cuộc đời. Nàng đã phản kháng mối tình chúng tôi bằng một hành động can đảm cuối cùng, một chống đối thầm lặng. Tại sao Như Bình không đứng trước mặt tôi tích cực phản đối, Như Bình đi rồi, chết là hết, còn người ở lại thì sao?


Chiếc xe của nhà tống táng đã khuất, tôi quay lại mới thấy cô lan ôm gói quần áo đứng sau lưng, cô ta mở chiếc miệng đầy răng vàng ra ấp úng:


- Thưa cô, cô làm ơn cho em xin nghỉ, em không thích làm ở đây nữa, cô cho em về nhà em.


Đầu óc tôi chỉ nghĩ đến Như Bình, tôi không nghe thấy gì hết, cô Lan lập lại:


- Em không muốn làm nữạ.. Cô... Tháng lương này em chưa lãnh.


Tôi đã hiểu, cô Lan không muốn tiếp tục công việc. Nhưng ở đây chỉ có một mình cha. Cha không quen sống thiếu người hầu hạ.


Tôi nói:


- Cô Lan, cô đừng nghỉ lúc này...


Cô Lan lấm lét nhìn lại ngôi nhà:


- Thôi, em không làm nữa đâu. Cô Như Bình chết trông dễ sợ quá, em không dám ở đây nữa.


- Cô cứ ở đây giúp cha tôi đi, cha tôi đã già chỉ còn lại một thân trơ trọi, công việc chắc cũng không khó khăn lắm, cô ráng giúp, tôi sẽ tăng lương cho.


Một cách hết sức khó khăn, tôi mới giữ cô Lan lại được. Nhìn cô tớ xách gói quần áo trở về phòng, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Men theo con đường tráng xi măng giữa sân, tôi cất những bước chân nặng nề vào phòng khách. Khi đẩy cửa phòng khách qua bên để bước vào, một không khí lạnh lẽo lùa thẳng vào người tôi. Phòng khách đầy mùi chết chóc. Cha tôi vẫn yên như bức tượng đồng. Tôi bước vào đưa mắt ngắm từng góc cạnh, từng xó xỉnh của căn phòng. Ngày nào nơi đây đầy ắp tiếng cười tiếng nhạc, tiếng xe bóp kèn inh ỏi. Dì Tuyết cười khi Như Bình cúi xuống bế con chó con. Chỉ mới có nửa năm mà người bỏ đi, người trốn mất, chỉ còn một ông già râu bạc ngồi chết một nửa cõi lòng. Đầu óc tôi mênh mang, tôi đứng lặng giữa bốn bức tường vôi trắng. Những âm thanh ma quái từ đâu dồn dập bên tai, lúc đầu nghe không rõ, nhưng sau cùng như một tiếng hét cảm thù:


- Lục Y Bình! Mi chính là thủ phạm!


Tôi rùng mình, một luồng khí lạnh chạy len trong xương sống. Có tiếng kêu nho nhỏ dưới chân, rồi một vật gì cọ vào tôi. Con Bi Bi của Như Bình. Con chó nhỏ bây giờ đã mất chủ?


Lấy lại bình tĩnh, bước đến cạnh bên cha tôi ngồi xuống, tôi không biết phải nói gì. Giọng nói hờn trách ma quái như còn quanh quẩn đâu đây. Con chó nhỏ vẫn tới lui khắp phòng kêu ăng ẳng.


Cha quay sang, tôi gọi:


- Cha!


Cha đăm đăm nhìn tôi, ánh mắt người là cả bầu trời tuyệt vọng:


- Tại sao Như Bình lại chết, hả con?


Tôi không biết trả lời cha như thế nào, cha tiếp:


- Y Bình, con cũng có trách nhiệm trong cái chết của Như Bình vì con đã cướp thằng Hoàn của nó.


- Nhưng đó là một trường hợp bất đắc dĩ.


- Bất đắc dĩ là sau này kìa, còn lúc đầu? Vừa nhìn thấy Thư Hoàn là con đã có ý trêu gan dì Tuyết với Như Bình, cha biết con đừng cãi! Cha hiểu con như hiểu chính mình.


Bàn tay gầy xương của cha vịn lên vai tôi, cha xúc động thật. Nhìn thẳng vào tôi, người tiếp:


- Y Bình con giống cha, hư lắm! Nhưng cha thích con vì chỉ có con mới giống cha. Con không cần giải thích gì cả, cha biết con ghét cay ghét đắng cha. Ngay cả bây giờ con vẫn ghét, con vẫn nuôi mối thù.


Tôi mở miệng định cãi lại, nhưng bàn tay trên vai tôi đột nhiên buông thõng xuống. Thân cha như một trái banh xì hơi, ngã ụp xuống ghế, tôi hoảng hốt, nắm lấy tay người gọi to:


- Cha! Cha! Cha!


Hình như cha không còn biết gì nữa. Tôi gọi cô Lan ra để cô ấy canh chừng cha, còn tôi chạy đến trạm điện thoại công cộng, tìm một địa chỉ bệnh viện ở gần đấy. Cha vẫn còn nằm nghiêng nửa trên ghế, nửa dưới đất. Tôi và cô Lan phải dùng hết sức mình mới kéo cha nằm ngay ngắn được. Người cha cao lớn nên nằm chẳng lọt vào ghế, đôi chân dài dư khỏi ghế. Chúng tôi ngồi bên cạnh chờ bác sĩ tới.


Bác sĩ tới chích cho hai mũi thuốc khỏe. Cha bị yếu tim cộng thêm chứng bệnh áp huyết cao nên khó tỉnh lại ngay. Chúng tôi cố đưa cha vào phòng ngủ của người. Khi đã được đặt nằm yên trên giười, người mới bắt đầu tỉnh lại. Vừa tỉnh dậy, nhìn chung quanh, người đã vùng vẫy đòi đi:


- Tao không có bệnh gì cả, tao không thích nằm trên giường, trừ lúc ngủ và bị thương nặng.


Vị bác sĩ nói:


- Ông đã bị thương nặng lắm.


Cha nằm yên, bác sĩ chích thêm cho ông một mũi thuốc rồi ra dấu bảo tôi ra ngoài. Người đưa toa cho tôi với một thái độ nghiêm nghị:


- Tốt nhất cô nên đưa ông vào bệnh viện. Người già khó cưỡng lại bệnh. Ở nhà thương người sẽ được chăm sóc chu đáo hơn ở nhà.


- Thế theo ông thì bệnh cha tôi nặng lắm à?


- Vâng, tim yếu, áp huyết lại cao thế này, dễ đưa đến chứng bán thân bất toại lắm.


Với cha, bị bán thân bất toại còn thê thảm hơn cả sự chết. Tôi yên lặng nghĩ ngợi chờ bác sĩ sửa soạn ra về. Nhớ sực lại mình chưa trả tiền xem mạch. Tôi mở ví ra, may là số tiền trong ví còn nguyên vẹn. Đưa bác sĩ ra về xong, tôi trở lại phòng của cha một chút. Người ngủ yên. Trở về phòng khách, đột nhiên chân tay tôi rã rời, tôi ngã người xuống ghế. Mọi chuyện xãy ra suốt một buổi sáng nay như một cơn bão lớn, tôi không chịu nổi. Tiếng con Bi Bi kêu la thảm thiết, tôi bịt vội hai tai. Vùi đầu vào áo.


Buổi trưa, cô Lan làm một bữa cơm đạm bạc cho tôi. Tôi bảo cô Lan làm thêm món canh gan heo mì chỉ cho cha. Đến một giờ hơn cha tỉnh lại. Theo lời dặn của bác sĩ, tôi không dám để cho người cử động nhiều, vì vậy chỉ còn cách là phải ngồi một bên mép giường đút từng muỗng cho cha. Việc nuôi bệnh thật khó khăn, cha nóng tính, dễ nổi giận vì sự bất lực bất ngờ của mình. Khi cha dùng hết chén mì mồ hôi tôi đã đổ như tắm. Cha nhìn tôi, người như muốn nói cái gì nhưng lại thôi, nằm một chút, người lại thiêm thiếp ngủ.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

32#
 Tác giả| Đăng lúc 8-6-2013 14:00:22 | Chỉ xem của tác giả
Tôi định rời khỏi cản nhà này nhưng chẳng an tâm. Ngồi trên ghế tựa của cha, tôi cứ suy nghĩ về những chuyện vừa xảy ra. Tiếng ngáy của cha thật to. Tôi băn khoăn không hiểu rồi đây phải xử trí thế nào? Không lẽ giao một người già yếu bệnh hoạn như cha cho cô Lan? Tôi cũng không muốn dọn về đây, nếu người ta không hiểu sẽ nghĩ tôi với mẹ thích ở đây lắm. Đưa cha vào bệnh viện ư? Không ổn, đã có Mộng Bình nằm trong đấy rồi. Tiền phòng, tiền thuốc? Tôi cũng không thể bỏ mặc đứa em khác mẹ này! Bao nhiêu câu hỏi vây trong đầu, tôi rối rắm, nhìn mặt tái xanh của cha tôi nhớ lại câu nói của người:


- Con hận cha, cha biết! Cha biết! Dù cha có đối xử tử tế với con thế nào đi nữa, con cũng thù ghét cha!


Con Bi Bi vẫn tru lên những âm thanh buồn thảm. Nó chạy đến chân tôi, tôi vỗ về nó, nhưng nó vẫn kêu, vẫn chạy quanh ngửi mấy đồ vật. Một lúc tôi nghe có tiếng động leng keng, quay đầu lại con Bi bi không hiểu lôi ở đâu ra một xâu chìa khóa. Tôi bước tới cầm xâu chìa khóa lên, tình cờ ngắm nghía từng cái một. Đây có phải là xâu chìa khóa của Như Bình không? Như Bình cái tên như một con dao bén đâm thẳng vào tim. Tôi thấy nhói đau. Như Bình đúng như Thư Hoàn đã nói: "một người con gái yếu đuối và hiền lành, chết thật oan ức!"


Hình ảnh của Như Bình cứ ám ảnh, tôi dùng hết cách để quên. Đưa thử xâu chìa khóa vào các ổ khóa các hộc tủ của cha, thật bất ngờ, một cản tủ mở ra. Vậy thì đây là xâu chìa khóa của cha à? Tôi kéo hộc tủ ra định xem trong hộc tủ còn thừa lại một ít tiền lẻ chảng?


Nhưng trong đó ngoài một chiếc hộp đỏ ra không còn cái gì hết. Chiếc hộp đỏ này bên ngoài có khắc hình tuyệt đẹp. Định mở ra xem, nhưng nắp lại khóa kỹ không mở ra được. Tìm một chiếc chìa khóa nhỏ nhất trong xâu, thử thời vận xem. May quá lại đúng của nó.


Trong hộp một có số giấy tờ, tôi lật từng trang một ra xem, nhưng thất vọng, không có một tờ giấy nào xài được. Sau cùng định đậy nắp lại, tôi chợt trông thấy một tờ giấy xếp kỹ, thì ra đó là bằng khoáng nhà. Tôi nghĩ ngợi một lúc, thấy rằng nếu muốn đưa cha vào bệnh viện, thì không còn cách nào hơn là đem bán căn nhà này đi. Tôi xếp giấy nhà bỏ vào túi.


Trong hộp, ngoài đống giấy trên ra hình như không còn cái gì khác, nhưng tôi vẫn cố lục lọi, hy vọng. Hình như còn một ngăn bên dưới nữa thì phải. Dùng đủ mọi cách, một lúc lâu tôi mới mở được. Vật hiện ra trước mắt tôi là một xâu chuỗi ngọc màu lục thật đẹp. Mỗi hạt đều to gần bằng viên bi của trẻ con. Hai mươi bốn hột tất cả. Đây là một vật đắt tiền, tại sao cha không nhớ mình còn xâu ngọc quý giá này? Đặt xâu chuỗi xuống tôi xem còn gì khác nữa không, nhưng chỉ thấy một tấm hình đã hoen màu.


Đó là tấm ảnh một thiếu nữ ngồi tựa lưng trên ghế dựa tròn, trên tay là một chiếc đàn tỳ bà. Thiếu nữ tuyệt đẹp nhưng khuôn mặt trông thật quen. Nhìn đôi mắt to âu sầu tôi tưởng chừng mình đã gặp ở đâu rồi. Nghĩ ngợi một lúc, tôi giật mình. Đúng là đôi mắt của mẹ, nhưng chắc chắn đây không phải hình mẹ . Tôi đoán thế, vì nhìn y phục thiếu nữ mặc trong hình, lối trang sức cổ lổ của những thiếu nữ thời bốn, năm mươi năm về trước. Vậy người trong hình là ai? Tôi thắc mắc, lật ngược tấm hình, nơi mặt sau có những hàng chữ:


Mưa rơi từ trời cao.

  Nước rơi làm sao nhặt  

  Chuyện buồn bao giờ vơi.  

  Lòng buồn vẫn buồn mãi  

  *

  Khúc hát không thành tiếng  

  Đàn cho vơi cơn sầu  

  Sầu chờ ngày tao ngộ,  

  Buồn này bao giờ nguôi?  


  Tôi đoán chắc xâu chuỗi ngọc và bức hình thiếu nữ nhất định phải có một sự liên hệ nào. Người con gái này chắc chắn có liên hệ với cha. Phải chăng đây là một người tình, một người yêu quý, nên ngươì mới giữ ảnh và vật lưu liệm của nàng? Nhưng không lẽ cha lại nặng tình như vậy được sao?


Đầu óc tôi rối rắm, tôi không muốn tìm hiểu thêm. Đặt mọi vật vào vị trí cũ, tôi khóa lại, xong đứng dậy đem chìa khóa nhét xuống dưới gối cha. Cha vẫn ngủ mê, tôi bước ra khỏi phòng thật nhe.


Dặn dò cô Lan xong tôi bước ra ngoài. Lúc bước qua phòng Như Bình tôi khép nhẹ cửa lại, nhưng mắt không dám nhìn vào trong. Về đến nhà tôi tiếp một cô khách bất ngờ - Phương Du. Tôi không còn tâm trí đâu để tiếp đãi niềm nở. Tôi rót một ly trà, nốc cạn. Mẹ tiến đến cạnh tôi nói:


- Y Bình, có lẽ con bị trúng nắng rồi đấy, mặt con sao tái xanh thế?


Tôi ngồi bật xuống thảm, đầu tựa lên thành giường, bao nhiêu biến cố dồn dập, làm sao tôi không thất thần! Tôi đã hoàn tất công việc một cách chu đáo. Bây giờ về nhà, tôi cảm thấy mệt mỏi chi lạ, tôi muốn khóc, khóc một trận cho đã đời.


Phương Du bước tới cạnh, đưa tay sờ mặt tôi:


- Y Bình, chuyện gì thế? Ai làm mày buồn a?


Mẹ lo lắng:


- Có phải con lại cãi nhau với Thư Hoàn không?


Tôi lặng lẽ lắc đầu, ấp úng một lúc mới thốt lên được:


- Như Bình chết rồi!


Mẹ nắm vai tôi lắc mạnh:


- Cái gì? Con nói sao? Con có mê không?


Tôi đáp:


- Không, không, con tỉnh lắm. Như Bình chết thật rồi, nó bắn súng vào đầu tự tử.


Mẹ khụy chân xuống đất, lẩm bẩm:


- Trời! Mẹ khụy chân xuống đất, lẩm bẩm - Sự thật đấy à? Có phải đó là sự thật không con?


- Thật đấy mẹ ạ!


Mẹ hỏi:


- Tại sao vậy?


Tôi òa khóc, những giọt nước mắt như nước lũ vỡ đê, tôi xoay lại, úp mặt vào thành giường. Phương Du bước tới vòng tay qua vai tôi, vỗ về:


- Thôi đừng khóc nữa Y Bình, sống chết có số cả mà!


Tôi vẫn khóc:


- Có số à? Mày làm sao hiểu được, mạng sống của Như Bình nằm trong tay tao, thế mà... Phương Du tao đã giết Như Bình!


Phương Du nói:


- Dù sao chuyện đó cũng đã xảy ra rồi, khóc có ích lợi gì, nó có làm cho mình bình thản lại được đâu? Y Bình đừng khóc nữa. Như Bình chết được là có phước lắm rồi!


Tôi ngẩng đầu lên:


- Mày nói thế là thế nào?


- Con người ở đời có hai chữ: Sống và chết. Mày biết cái nào mới đưa con người tới hạnh phúc đích thực không? Như Bình đã được giải thoát, nỗi buồn khổ người sống phải nhận. Ai khổ hơn ai? Tại sao chúng ta cứ xem chết như là một việc bi thảm? Trong khi người chết nằm duỗi chân không còn biết đến nỗi buồn khổ sầu lo gì nữa. Vậy thì họ là kẻ đáng được chúng ta chia vui hơn là chia buồn Y Bình ạ.


- Lời của mày chẳng giống ai cả.


- Nhưng đó là chân lý tìm ra được trong tuyệt đỉnh đau thương đấy mày ạ.


Tôi yên lặng. Giữa cái sống và cái chết có một khoảng cách thật dài nhưng cũng thật ngắn. Tôi ngồi nghĩ mông lung. Phương Du không biết đã bỏ đi từ lúc nào. Trời tối dần... Ngồi giữa khung trời tan tóc tôi không buồn nghĩ ngợi gì nữa. Mẹ đến gần, người nói với tôi một vài câu gì đó, nhưng dầu óc hư vô, tôi không nghe gì cả. Mãi đến lúc Thư Hoàn đến, thân xác mệt nhọc rã rời, khuôn mặt xanh mét, trông chàng thật tội.


- Anh định chôn cất Như Bình tử tế.


- Tại sao?


- Vì chỉ có cách đó mới giữ cho Như Bình một khoảng không gian bất diệt để nàng yên nghỉ.


Tôi áy náy:


- Nhưng... anh Hoàn, anh cũng biết là... cha em đã hết tiền rồi.


- Chuyện đó để tôi lo.


Thư Hoàn nói, giọng nói của chàng bình thản, mắt chàng nhìn về phía nệm giường, chàng không nhìn tôi. Không khí trong phòng ngưng đọng lại và tôi cảm thấy khoảng cách giữa hai chúng tôi thật vời vợi. Khoảng cách đó tuy không nhìn thấy, nhưng có thể cảm nhận được. Chàng vẫn đứng đấy nhưng xa lạ làm sao! Sự sợ hãi đánh tan cơn buồn ban nãy, tôi nhìn Hoàn nói:


- Cha lại bệnh rồi!


Hoàn chau mày, hình như chàng vẫn còn nghĩ ngợi chứ chưa trở lại thực tại.


- Sao?


- Cha bệnh và bác sĩ bảo cần phải đưa người và bệnh viện.


- Hả?


Mắt chàng lướt nhẹ qua mặt tôi. Giọng nói lạnh như người ngoài cuộc. Tôi buồn bã:


- Bác sĩ bảo cha bị trúng gió nặng lắm, có thể đưa đến tình trạng bán thân bất toại.


- À!


Hoàn à một tiếng, rồi móc trong túi ra xấp giấy bạc, để lên cái tủ nhỏ đặt cạnh giường của tôi:


- Cứ lấy dùng đi, ngày mai tôi đưa thêm.


Tôi đỏ cả mặt, lòng sượng sùng. Nhưng điều muốn nói đâu phải thế? Tôi đâu có định xin tiền chàng?


Thái độ của Hoàn thật xa lạ, đứng bên nhau mà chẳng bao giờ nhìn thẳng vào mặt tôi. Tim tôi nhói đau. Anh Hoàn, anh đừng bỏ em. Anh Hoàn! Tôi gào trong tim - Em cần anh, cần anh lắm! Em đang cô độc. Tôi muốn van xin. Nhưng chàng đã đứng thẳng người lên, như một nhà buôn vừa thanh toán xong món hàng, quay quả bỏ ra cửa.


- Tôi phải về. Suốt một ngày không về nhà rồi. Mộ của Như Bình tôi đã chọn miếng đất ở núi Lục Trương Lê. Trời lúc này nóng, không thể để lâu được, ba ngày nữa phải hạ huyệt!


Tim tôi rối bời:


- Anh đi ngay bây giờ sao?


- Vâng, sáng mai tôi sẽ mang thêm tiền đến cho cô.


Tiền... tiền... không lẽ giữa chúng ta chỉ có tiền thôi sao? Theo chàng ra tới tận cửa, tim tôi như bị dao cắt - anh Hoàn, đừng đi anh! đừng bỏ em đi anh ! Tim tôi van cầu, nhưng sao chàng vẫn bất động, thản nhiên như người không quen biết. Ðến cửa, chàng đứng lại nhìn tôi:


- Thôi anh về


Tựa cửa đưa mắt nhìn theo bóng chàng khuất dần trong màn đêm tim tôi tan nát. Chàng đã đi mất, và sẽ không bao giờ trở lại nữa. Ðứng chết lặng nơi cửa tôi không biết phải làm gì bây giờ. Ðến lúc mẹ gọi trở vào tôi mới sực nhớ ra trời đã tối


Ăn một bữa cơm tối vô vị rồi tôi trở về phòng. Bước tới chiếc đàn dương cầm ngồi xuống, úp mặt vào nắp đàn. Mẹ bước tới vịn vai tôi, hỏi


- Y Bình cha con bệnh rồi à?


- Vâng.


- Bệnh gì ?


- Yếu tim và áp huyết cao


- Nặng không?


- Nặng


Mẹ yên lặng ngồi xuống cạnh giường tôi. Không khí trong phòng thật nặng nề, tôi nghe cả tiếng tim đập trong lồng ngực. Mở nắp đàn ra, nhấn nhẹ lên phím, một vài âm thanh rời rạc vang lên làm tôi muốn khóc


Hình như có người gõ cửa. Ai vậy ? tôi bước ra mở cửa. Ngoài sự tiên liệu của tôi: Thư Hoàn! chàng mới bỏ đi sao trở lại? Tôi sung sướng - Thư Hoàn anh về rồi đấy à? Sau cùng rồi anh cũng trở lại. Tim tôi reo vui, nhưng miệng tôi mở không ra. Mở rộng cửa đón chàng. Khi bước chân chàng đặt lên thềm tôi mới trông thấy vẻ héo hắt trên mặt chàng. Ngồi xuống ghế Thư Hoàn hai tay ôm đầu, không nói một tiếng. Tôi ngồi đối điện chàng. Một lúc Hoàn ngẩng mặt lên. Khuôn mặt điểm những giọt lệ, tôi gọi:


- Anh Hoàn!


- Y Bình! em có biết trước khi tự tử, Như Bình đã đến đâu không?


Tôi lắc đầu:


- Cô ấy đến nhà anh, trong lúc anh bận đến em, Như Bình đã để lại lá thư rồi quay về nhà, có lẽ sau đó mới tự tử.


- Một lá thư à?


- Vâng


Thư Hoàn móc trong túi ra một bức thư nhàu nát, chàng đưa cho tôi xem, xong bỏ đến cửa sổ nhìn ra ngoài.


  Anh Thư Hoàn  


  Cầm bút lên, tôi không phải viết gì cho anh. Bây giờ đêm đã khuya, trăng bên ngoài thật tỏ. Còn nhớ cách đây chẳng lâu chúng ta đã dạo chơi dưới ánh trăng này trên đường Tân Sanh Nam. Tối hôm ấy, anh đã hỏi tôi có muốn làm vợ anh không? Nhưng, bây giờ, anh Hoàn, anh ở đâu? Anh có còn nhớ tới tôi không?  


  Tôi không trách cũng không giận anh, so với Y Bình tôi chỉ là một đứa con gái nhỏ nhoi, tầm thường. Vì vậy tôi nghĩ rằng nếu phải chọn giữa tôi và Y Bình. Thì có lẽ tôi là người không mảy may hy vọng. Ngay từ buổi đầu khi anh biết tôi, rồi gặp Y Bình, thì tôi đã hiểu rằng số trời đã định, nên cố nguôi ngoai. Nhưng khi bóng hình của anh vừa tàn trong tôi thì anh lại quay trở lại. Anh có biết lúc ấy tôi đã sung sướng thế nào không? Tôi cứ tưởng là nỗi nhớ nhung của mình đã động lòng Trời Phật nên người bảo anh trở về với tôi. Tôi như phát điên vì vui sướng, yêu anh đến độ muốn cúi xuống hôn chân anh. Anh Hoàn! chắc anh không ngờ tôi lại yêu anh đến độ này phải không ? Lúc anh bảo anh định cưới tôi, tôi choáng váng cả mày mặt, choáng váng vì quá mừng, niềm vui khao khát đã lâu bây giờ sắp thành hình. Tôi cắn thật mạnh vào ngón tay để biết là đây không phải là chuyện nằm mơ. Nhưng cảnh đẹp chóng tàn, Y Bình đến, không cần nói một câu gì anh cũng tung cánh bay đi không một luyến lưu. Tôi chưa kịp vui cái vui bất ngờ là đã rơi trở lại nỗi tuyệt vọng không lối thoái.  


  Nhưng anh Hoàn, tôi không trách anh, cũng không giận anh, có điều là tôi hơi buồn là tại sao anh lại xem tôi như một trò đùa? Anh lừa dối tôi? Ðã yêu Y Bình, anh còn quay sang tôi chi vậy? Anh là người cứng rắn, anh mạnh mẽ khó lay chuyển. Còn tôi? tôi chỉ là một con bé yếu ớt , tại sao anh đem tôi ra giễu cợt như thế?  


  Chính anh! phải chính anh là người đã làm cho tôi mất đi tình thương của mẹ, vì mẹ cho rằng việc tôi để mất anh là một chuyện nhục nhã, nhưng đối với tôi chuyện đó không có nghĩa lý gì. Có điều, ông trời tai ác thật, chỉ trong vòng có mấy hôm mà tôi vừa mất anh, vừa mất mẹ, vậy thì tôi còn sống làm gì nữa.  


  Tôi không bao giờ có ý tranh chấp tình yêu với Y Bình, tôi thích Y Bình vì nó cương nghị và dũng cảm, bị cha đánh mà vẫn không biến sắc. Tôi phục Y Bình chỗ đó và tôi không trách Y Bình. Có điều tôi buồn anh, vì anh nỡ đem tôi ra làm trò đùa, tại sao thế hở anh Hoàn?  


  Tôi không giận anh đâu, tôi chỉ buồn một chút thôi! Mẹ đã bỏ đi, anh cũng bỏ đi... Anh Hoàn, tôi yếu đuối quá, phải chi tôi có được một chút cứng rắn của Y Bình chắc anh sẽ nghĩ đến tôi nhiều hơn, phải không anh? Anh Hoàn, tôi buồn anh nếu thật tình anh chẳng yêu tôi, anh nên nói cho tôi biết, còn hơn là để tôi khổ thế này.  


  Trăng đã lặn, trời tối sầm lại, tôi không can đảm viết thêm, xin đừng bút ở đây và hy vọng kiếp sau chúng ta sẽ hiểu nhau nhiều hơn.  


  Chúc anh gặp nhiều hạnh phúc  


  Như Bình  




Ðọc hết bức thư tôi nhìn lên, Thư Hoàn tay trong túi, đang ngó trông ra cửa. Tôi đến đưa thư cho chàng, Hoàn nói :


- Y Bình chuyện báo thù của em cộng thêm việc làm của anh đã đưa Như Bình vào cõi chết, chúng ta là hai kẻ sát nhân, em thấy có đúng không?


Tôi vịn tay lên cửa, không đáp. Hoàn tiếp:


- Y Bình chúng ta ích kỷ quá !


- Vâng


- Y Bình , em hãy nhìn xem kìa. Hoàn nói mắt chàng đăm đăm nhìn về phía trước - Anh có cảm giác Như Bình đang đứng bên ngoài, gương mặt đầy máu, đang buồn bã nhìn chúng ta


Tôi nhìn theo, ngoài cửa, ngoài những ngọn đèn đường và nhà cửa, tôi không nhìn thấy gì khác. Thư Hoàn vẫn tiếp:


- Ðó, Như Bình đứng đấy, lúc nào đôi mắt của nàng cũng theo dõi chúng ta


Chàng đăm đăm nhìn ra ngoài, tôi chợt cảm thấy trong bóng đêm hình như có đôi mắt buồn bã, trách hờn của Như Bình đang đăm đăm nhìn về phía chúng tôi.


~ HẾT CHƯƠNG 12 ~

Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

33#
 Tác giả| Đăng lúc 8-6-2013 14:26:58 | Chỉ xem của tác giả
  Chương 13  



Hôm ấy chúng tôi mai táng cho Như Bình.


Buổi sáng nắng tốt, nhưng khi đến nghĩa địa thì trời bỗng u ám lạ thường . Mưa gió bất thường là chứng bệnh của mùa hạ . Những nhánh cây Tương Tư thưa thớt run rẩy theo từng cơn gió. Người đến tiễn Như Bình lần cuối cùng chỉ gồm người trong gia đình . Mẹ tôi, Thư Hoàn, tôi và Bi Bi . Cha thì nằm liệt giường nên không đến được. Tôi đã nhắn tin Hảo trên báo, nhưng nay vẫn chưa thấy đến . Chúng tôi không đăng cáo phó cho Như Bình vì xét thấy chẳng ích lợi gì . Lúc sống Như Bình chẳng được ai quan tâm đến, thì khi chết đi cũng không cần phải rầm rộ làm chi. Vả lại chúng tôi cũng không biết mình là bạn hay là là thù của Như Bình nữa. Do đó chúng tôi chỉ bước lặng sau quan tài cho mãi đến khi hạ huyệt.


Mẹ là người đầu tiên ném hòn đất xuống huyệt. Những xẻng đất của những người đạo tì làm nên những âm thanh khô như xác định khoảng cách âm dương. Tôi buồn bã nhìn cho mãi đến lúc chiếc hòm khuất hẳn trong lòng đất lạnh. Gió thổi tốc bay phần phật áo tôi. Con Bi Bi cứ lẩn quẩn dưới chân tôi kêu “ứ ứ” nho nhỏ. Tim tôi nặng như đeo đá. Tôi muốn khóc, nhưng không khóc được. Không khóc được là phải, vì Như Bình chắc chắn không cần những giọt nước mắt của tôi cả, cả của tất cả những người có mặt ở đây. Nằm giữa lòng đất lạnh, dù cô đơn , dù lạnh giá, nhưng nàng đã hết khổ đau sầu thảm mang đi hết niềm vui lúc ở trong gia đình họ Lục này. Gió đến mang đi hết niềm vui. Tôi cắn nhẹ môi, tay vẫn giữ chặt sợi dây da tròng ngang cổ Bi Bi. Như Bình! Như Bình trốn lánh cuộc đời hay Như Bình muốn trả thù tôi . Dù sao đi nữa tôi cũng thấy Như Bình sung sướng hơn, thật tình như vậy.


- Thôi mình đi!


Không biết ai lên tiếng. Tôi giật mình. Vâng, bây giờ ta phải đi. Như Bình đâu có cần thiết sự hiện diện của mình ở đây. Lúc sống tôi đã không đem lại tình bằng hữu, Thư Hoàn chối từ tình yêu, thì bây giờ, đứng đây có ích lợi gì cho nàng? Nhìn nàng một lần cuối tôi quay lưng lại. Hình như mẹ đang khóc, tôi bước tới dìu người đi, cánh tay yếu gầy của mẹ bấu trên vai tôi, tôi không dám nhìn thẳng mẹ, vì trong đôi mắt của người hình như có sự trách cứ tôi. Chúng tôi lặng lẽ xuống đồi, không một ai lên tiếng .


Xuống tới núi, chiếc xe của hãng tống táng vẫn cò chờ. Xe đưa chúng tôi về đến tận nhà tôi, tôi là đứa mở miệng trước nhất:


- Vào nhà nhé?


Hoàn đứng bất động, chàng nhìn tôi thật lạ lùng, một không khí bất thường làm tôi lo lắng .


- Anh không và nhà à?


Hoàn chống tay lên cổng nhìn thẳng vào mặt tôi, không nói lời nào cả? Gió thật lớn, mưa lất phất bay, bóng mây đen âm u cả bầu trời. Im lặng một lúc, chàng nói:


- Y Bình anh có chuyện muốn nói với em


- Gì vậy anh?


Tôi ngẩng lên nhìn bầu trời giăng mây xám và linh cảm một chuyện chẳng hay sắp đến. Giọng Hoàng trầm buồn:


- Y Bình! Chúng ta đã làm một việc tày trời! Tôi cắn môi, chàng tiếp - Y Bình, anh mong rằng em hiểu cho anh, chưa bao giờ anh nhúng tay vào một tội ác, giết chết một mạng người! Y Bình! Giả sử lúc xưa nếu em không đoái hoài tới anh, anh vẫn yêu em. Nhưng tại sao chúng ta phải đóng kịch để một người con gái phải bỏ mạng oan uổng như vậy? Nhiều lúc anh bị ám ảnh, anh cứ nghĩ rằng mình chính là thủ phạm trong cái chết của Như Bình. Anh nghĩ rằng có lẽ suốt khoảng đời còn lại của anh, anh sẽ bị giam hãm mãi trong hối hân ăn năn. Anh muốn trốn thoát anh muốn tìm mọi cách để lãng quên. Và anh mong rằng tâm hồn mình sẽ được bình thản hơn .


Hoàn ngưng lại, bàn tay chàng đặt lên cánh tay của tôi:


- Y Bình, em hiểu ý anh chứ?


- Em hiểu


Tôi đưa lưỡi liếm mép, liếm môi khô heo. Thời gian như ngưng đọng. Sự nặng nề vây quanh.


- Y Bình, anh yêu em nhiều!


Lời của chàng làm tôi xúc đông, mắt tôi bắt đầu ướt, nhưng tôi cố gắng ngăn lại:


Anh định...


- Anh định cuối năm này anh đi Mỹ với điều kiện là thủ tục sẽ hoàn tất nhanh chóng. Hình như lúc trước anh đã có cho em biết là anh được một học bổng toàn phần chứ?


- Vâng .


- Y Bình, em có buồn anh không?


- Buồn à, không đâu.


Tôi đáp như cái máy, Hoàn lắc đầu:


- Em phải hiểu cho anh, Bình ạ ! Anh không thể nào đối diện với em, vì mỗi lần trông thấy em là hình ảnh Như Bình với cái chết thảm thương ám ảnh anh. Anh không chịu nổi làm sao chúng ta có đủ can đảm để bước chân đến hôn nhân. Y Bình, anh khổ quá, anh muốn trốn thoát, xa lánh mọi ám ảnh, hối hận, bứt rứt.


- Dạ...


- Đó là một việc bất đắc dĩ, em hiểu chứ?


- Vâng em hiểu.


- Anh có lỗi với em nhiều, em tha thứ cho anh


Một câu nói thật khách sáo, thật xa lạ, tôi đưa mắt nhìn đám mây đen trên trời cao trở về, rồi tôi nhìn chàng. Một khuôn mặt quen thuộc nhưng xa lạ. Đôi mắt ngập đầy nỗi thống khổ. Đây có phải là Thư Hoàn không? Một Thư Hoàn mà tôi hằng yêu say mê? Mất tất cả rồi, nhắm mắt lại, tôi thở dài:


- Anh không cần xin lỗi, em đã hiểu. Có phải anh định nói là chúng ta phải xa nhau không?


Chàng buồn bã nhìn tôi không nói. Tôi cười cay đắng:


- Cũng được, có bao giờ bèo hợp mãi mà không tan đâu?


Hoàn cúi đầu nhìn xuống. Một lúc chàng ngước nhìn lên thì lệ đã nhoà .


- Y Bình, em can đảm một cách dễ thương


Can đảm à? Tôi cảm thấy ngứa ngáy. Có ai biết rằng chiếc vỏ cứng bên ngoài che đậy một sự yếu đuối bên trong. Anh Hoàn, anh đừng bỏ em, anh Hoàn! Tim tôi gào, lòng tôi van xin, anh Hoàn, anh bỏ em, em sẻ cô độc và đau khổ biết chừng nào! Anh không quên được Như Bình thì em có hơn gì đâu! Tôi cắn chặt môi, để những lời van xin không thoát ra ngoài được:


Thư Hoàn cúi mặt nhìn xuống:


- Lần đi này, có lẽ một hai năm nữa mới có cơ hội trở về. Và lúc bấy giờ có lẽ em đã có gia đình êm ấm.


Tôi cười buồn:


- Vâng, có thể em sẽ mời anh về nhà, lúc ấy có lẽ em đã con cái đề huề!


Thư Hoàn cười, nụ cười nhếch môi, giọng nói bắt đầu thay đổi:


- Anh sẽ sung sướng vô cùng nếu được Y Bình mời, anh sẽ đến để chia vui với hạnh phúc của em chứ...


Tôi cũng cười, tại sao chúng tôi lại nói đến những điều ấm a ấm ớ như vậy? Tôi cố làm ra vẻ bình thản:


- Bao giờ thì anh đi?


- Khoảng tháng chín hay tháng mười


- Nghĩa là còn một hoặc hai tháng nữa anh đi chứ gì?


- Vâng


- Có lẽ lúc ấy em không đến tiễn anh được nên xin chúc mừng anh trước.


Hoàn nhìn tôi, đột nhiên chàng có vẻ xúc động mạnh, bàn tay giữ lấy tôi xiết chặt hơn, chàng định nói gì? Đôi môi mở rộng rồi đóng kín. Một lúc chàng quay sang nơi khác, nói:


- Em có cần anh giúp chi không?


- Đủ rồi anh ạ, cám ơn anh nhiều lắm!


Chúng tôi như đang diễn màn kịch chia ly. Mắt Hoàng đỏ:


- Sẽ không bao giờ anh quên em, Y Bình ạ! Đến bao giờ thế giới hết thù hận, bao giờ bóng dáng dì Tuyết và Như Bình không còn ám ảnh anh, lúc đó anh sẽ trở về, chúng ta sẽ lại yêu nhau..


- Biết có ngày đó hay không?


- Biết đâu!


- Nhiều lúc thời gian sẽ gội rửa đi dĩ vãng, hàn gắn vết thương lòng phải không anh?


- Có thể!


Tôi nhìn chàng cười buồn, Hoàn móc trong túi ra xấp giấy bạc, trao cho tôi:


- Em sắp phải cần đến tiền nhiều hơn.


- Thôi anh ạ, giữa chúng ta không có còn nợ tình cảm, thì cũng không nên nợ thêm tiền bạc. Chia tay rồi, em không muốn phải dính dấp thêm với anh một cái gì nữa...


- Nhưng bây giờ em đang cần tiền, em cần phải đưa cha em vào bệnh viện.


- Điều đó, em lo liệu đuợc.


- Y Bình, em đừng cố chấp, đây là thiện ý sau cùng của anh.


- Nhưng em cũng mong anh để cho em giữ một chút tự ái còn lại.


Hoàn bỏ tiền vào túi:


- Thôi được rồi, bao giờ em cần, em cứ bảo anh, anh sẽ cố hết sức giúp em. Cũng như lúc anh đi rồi, có chuyện gì cần em cứ đến nhà anh.


- Chắc anh cũng hiểu là chẳng bao giờ có chuyện đó, chia tay nhau rồi, em không muốn anh bận tâm gì về em nữa.


- Em vẫn ương gàn như ngày nào!


Tôi cười, mắt mờ lệ. Khuôn mặt của chàng như chiếc bóng nhìn qua làn nước. Tay chàng đã rời khỏi tay tôi, chàng cười gượng:


- Thôi, anh đi nhé, Y Bình!


- Vâng.


- Em gắng gìn giữ...


- Anh cũng gắng giữ gìn sức khoẻ.


Nhìn tôi thêm một lúc, chàng quay lưng chậm rãi bước đi. Tôi tựa cửa nhìn theo. Bước được hai ba bước chàng lại quay mặt lại. Tôi khoát tay, chàng do dự một chút rồi bỏ đi nhanh ra phía đầu hẻm.


Khi bóng chàng đã khuất, tôi mới quay lưng trở vào nhà. Khép cửa lại, tựa lưng vào cửa, những giọt lệ nén lâu ngày trong lòng tôi chảy ra như hai dòng suối nhỏ. Sấm chớp ầm ĩ trên trời cao. Mưa to sắp đến.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

34#
 Tác giả| Đăng lúc 8-6-2013 14:32:45 | Chỉ xem của tác giả
Vừa bước tới thềm, mẹ đã hỏi:


- Thư Hoàn đầu rồi?


- Về rồi!


- Sao không bảo nó ở lại dùng cơm?


- Từ đây về sau sẽ chẳng bao giờ chàng đến đây nữa.


Tôi nói như sắp đứt hơi, mẹ nhìn tôi:


- Sao vậy? Lại giận nhau nữa rồi à?


- Không. Không có gì cả mẹ. Tôi bước tới ngồi tựa đầu lên gối mẹ, bên ngoài trời, sấm chớp nổ vang - Sắp mưa rồi!


Mẹ lo lắng:


- Chuyện gì nữa thế con?


- Đời người bao giờ cũng vậy, có hợp thì phải có tan, hoa nở để rồi tàn, có khởi đầu phải có kết thúc phải không mẹ.


- Chúng bay trẻ con thật, có khùng không mà gây gổ nhau hoài thế?


Tôi cười buồn, úp mặt vào lòng mẹ, nước mắt thấm ướt áo mẹ. Mưa gió dồn dập những hình ảnh cũ xưa hiện ra. Khuôn mặt của Thư Hoàn, của Như Bình, Mộng Bình, Hảo, Kiệt, dì Tuyết, của cha và cả của mẹ lần lượt hiện lên, nhập nhoè như những bóng ma chơi.


Trận mưa thật to kéo dài từ chiều tối đến sáng hôm sau. Khi ánh nắng thấp thóang ngoài cửa, tôi nằm yên không muốn ngồi dậy, nhưng còn quá nhiều công việc phải giải quyết. Tôi miễn cưỡng ngồi dậy thay áo và ăn sáng với chú chó Bi Bi. Dưới một hoàn cảnh bắt buộc không thể để nó bơ vơ tôi đành đem nó về nhà. Nhớ lại cách đây nửa năm, tôi đã mơ ướt có một chú chó nhỏ để nuôi, bây giờ đã có, nhưng... Tôi thở dài, dặn dò mẹ vài điều xong tôi đến đằng kia.


Ra khỏi cửa nắng thật tốt, cái nắng của "sau cơn mưa trời lại sáng" Cô Lan vừa ra mở cửa đã lên tiếng:


- Cô ơi, em không làm nữa đâu, mỗi lần hầu hạ ông chủ là bị quát mắng, em sợ quá, thôi em không làm nữa, cô cho em về nhà em.


Tôi bực mình:


- Thôi đừng ồn, tối nay tôi sẽ tính tiền.


Đến phòng cha, cha đang nằm trên giường, mắt trong ra cửa, vừa trong thấy tôi là cha hét lên:


- Y Bình! Bộ con định giết cha à?


Tôi bước tơi, cầm lấy cánh tay khô cằn:


- Có chuyện gì thế hở cha?


Cha vung mạnh đôi tay:


- Tao không muốn con đày tớ ngu ngốc đó chăm sóc cho tao, thứ gì ngu như bò! Không biết làm cái gì cả?


- Thôi được rồi, để con cho cô ấy nghỉ việc. Chân cha hôm nay cử động được không?


- Hôm qua còn cử động được, không hiểu tại sao hôm nay lại không. Y Bình con cho cha biết, cha bị bệnh gì?


Tôi không dám nói sự thật:


- Con cũng không rõ, để con đưa cha đến bệnh viện nhé!


- Không! Cha hét lên - Không bao giờ tao chịu nằm bệnh viện nhất định không.


Tôi nhẫn nại:


- Cha, nếu cha chẳng chịu đến bệnh viện, con e rằng cha phải nằm mãi trên giường. Trong bệnh viện lúc nào cũng sẵn có người chăm sóc thuốc men cho cha, ở nhà thiếu người như thế này lấy ai chăm sóc? Cha lại không thích cô Lan, con biết làm sao?


- Tại sao con không mang mẹ con đến ở đây cho tiện?


Tôi khép mắt lại, lửa giận bừng lên tim:


- Khi cha khoẻ mạnh, giàu sang, sung sướng cha lại đuổi mẹ con ra khỏi nơi này, bây giờ già yếu bếnh tật cha mới gọi mẹ con về để hầu hạ cha!


Cha bừng giận nhưng trong thoáng chốc gương mặt dịu xuông:


- Thôi được rồi. Y Bình, cứ xem như lời con nói có lý


- Vậy để con gọi điện thoại cho bệnh viên, để họ mang xe đến rước cha!


Tôi ra trạm điện thoại ở đầu hẻm. Tháng này là mùa viêm nhiệt, tất cả các bệnh viện công đều chật ních bệnh nhân. Gọi bao nhiêu nơi chỉ nghe câu trả lời "hết phòng".


Tôi quýnh quáng cả lên, nhưng sau cùng rồi cũng tìm được một chổ trống trong bệnh viện của giáo hội. Họ hứa sẽ mang xe đến rước ngay. Trở về nhà, tôi bảo cô Lan, sắp xếp cho cha một va li quần áo.


Xe ở bệnh viện đến, cha được cáng ra xe, tôi xách va li theo sau. Khi bước ngang phòng khách, tôi chợt rùng mình khi liên tưởng đến hình ảnh của Như Bình cũng nằm trên cáng vài hôm trước đây. Một thứ linh cảm làm tôi kinh hoàng. Cha đã lên xe, tôi dặn dò cô Lan xem nhà cẩn thận xong rồi theo chân cha đến bệnh viện.


Ở bệnh viện, sau khi xem mạch kê toa, tôi đưa trước một số tiền phòng. Số tiền Thư Hoàn đưa mấy hôm chỉ đủ để chi phí cho phòng hạng ba thôi. Hai chiếc phòng gồm mười giường, cha không quen với cái không khí ồn ào chung đụng với nhiều người nên người quát tháo ầm ĩ không chịu nằm giường sắt, đòi đổi giường cây. Tôi phải đến nài nỉ với y tá xin đổi nhưng không được đành trở về khuyên cha hãy cố gắng chịu đựng. Cha lại có tật hút thuốc, nhưng vì lý do vệ sinh y tá không bằng lòng để cha phì khói thuốc cho cả chín người xung quanh phải chịu. Bao nhiêu rắc rối xảy ra, cho đến lúc cha mệt mỏi quá mới ngủ yên. Bấy giờ tôi mới rời bệnh viện, không phải để về nhà tôi mà trở về đằng kia.


Bây giờ thì không làm sao giữ cô Lan lại được rồi. Theo lời bác sĩ cha không thể rời bệnh viện sớm được. Thanh toán tiền công cho Lan xong. Nhìn theo bóng nàng xách gói đi mà lòng tôi bùi ngùi. Gian nhà rộng chỉ còn có tôi là sinh vật sống, gian nhà thiếu hơi người làm tôi rùng mình.


Chiếc radio phủ một lớp bụi mờ. Hai ba ngày qua cô Lan chắc không quét dọn chi cả nên bàn ghế tủ sách... tất cả trông thật lạnh lẽo. Tôi cố gắng hồi tưởng đến những lúc gian phòng ngập đầy tiếng nhạc, tiếng cười nói vui vẽ. Nhưng hình ảnh đó xa vời rồi. Ngồi một lúc không khỏi bứt rứt tôi đứng dậy đi về phía hành lang. Tiếng gót giày nện khô trên nền gạch, như độc thoại cô đơn vang rền khắp ngôi nhà, bước nhanh qua cửa phòng Như Bình, tôi nổi gai óc khắp người. Vào phòng cha, ngồi xuống ghế, tôi nghĩ đến những rắc rối sắp tới.


Cha nằm bệnh viện, dì Tuyết, Hảo... phiêu bạt ở đâu không rõ. Mộng Bình bị bỏ rơi ở bệnh viện không ai đoái hoài đến. Rồi đây phải lo tiền phòng cho cha và cái ăn ở nhà bằng cách nào đây? Tôi ngắm nghía ngôi nhà, chỉ còn một cách duy nhất là bán quách nó cho xong.


Nhưng bán nhà đi rồi, còn đồ đạc thì tính sao? À, phải rồi những rương áo quần sẽ mang về nhà tôi, còn tủ, bàn ghế thì bán luôn theo căn nhà. Nghĩ xong, tôi đứng dậy sắp dọn lại vật dụng trong nhà, nhưng khi rớ tay vào việc, thì tôi lại không biết nên bắt đầu từ đâu? Sau một phút suy nghĩ, tôi bước vào phòng cha lấy chìa khoá mở tủ áo sắp xếp hết tất cả vào rương. Quần áo nhiều quá, đụng tay vào mới thấy không làm xuể. Công việc bận rộn bắt đầu xua đuổi sợ hãi, tôi quên hết bao nhiêu phiền nhiễu bủa vây suốt ngày qua.


Có tiếng động nhẹ ở cửa, tôi ngừng tay lắng nghe tiếng giày nện trên nền xi măng, hình như đã vào đến hành lang. Tôi rùng mình, bây giờ trời vẫn còn sáng, nhưng không khí chung quanh quá nặng nề. Khuôn mặt với giòng máu đỏ của Như Bình bỗng xuất hiện. Tôi đứng nhanh lên ôm chầm lấy áo quần cha đặt lên ngưc, mắt mở lớn nhìn thẳng ra cửa đón chờ. Và... Một bóng dáng cao lớn bước vào, một đôi mắt lạnh nhìn tôi... Tôi thở phào nhẹ nhõm


- Anh Hảo!


Người mất tích mấy hôm liền nay đã trở về, nhìn đống áo quần dưới đất, Hảo hỏi tôi:


- Chuyện gì thế?


- Anh không hay chuyện gì đã xảy ra ư?


Hảo đưa mắt nhìn tôi nghi ngờ:


- Đọc báo tôi hay tin mẹ tôi bỏ đi. Thế còn cha tôi đâu?


- Tôi mới đưa người vào nhà thương sáng nay.


Đôi mắt Hảo chau lại. Đôi mày sậm của giòng họ Lục


- Bệnh gì thế?


- Bác sĩ bảo bệnh tim mà áp huyết lại cao


- Có nặng lắm không?


- Có thể?


Mắt Hảo chớp mấy cái rồi ngẩng lên:


- Còn những người khác, Như Bình, cô Lan đâu?


Tôi ngập ngừng một chút, mới nói tránh:


- Cô Lan nghỉ việc rồi!


- Còn Như Bình


Tôi đánh nước bọt trong miệng:


- Như Bình... chết rồi!


Hảo mở to mắt:


- Cái gì?


Tôi máy móc lập lại:


- Như Bình chết rồi, nó lấy súng của cha tự sát. Tôi với anh Hoàn đem mai táng tại thửa đất Lục Trương Lê.


Hảo chết điếng, đôi môi run rẩy, ánh mắt sáng quát:


- Cô nói láo


Tôi lắc đầu, sống lưng tôi lạnh cứng:


- Không, đó là sự thật, Như Bình đã lấy súng của cha tự sát chết rồi.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

35#
 Tác giả| Đăng lúc 8-6-2013 14:44:39 | Chỉ xem của tác giả
Mắt Hảo trừng tôi, đôi mắt của những người mọi ăn thịt người trong phim chiếu bóng. Bất giác tôi ôm chặt áo cha vào ngực, cái lạnh chạy từ sóng lưng lên óc. Hảo đứng bất động trong tư thế đó một lúc thật lâu, rồi anh chàng hiểu ra rằng điều tôi nói là sự thật. Đôi tay Hảo buông thõng xuống, nét mặt đau đớn pha lẫn căm hờn đâm mạnh tim tôi.


- Y Bình, cô đã giết chết Như Bình! tôi hiểu em tôi, nó yếu đuối lắm, một con kiến còn không dám giết thì làm gì có chuyện tự sát. Y Bình, cô đã làm gì? Tại sao cô lại hại em tôi như vậy?


Hảo bước tới trước hai bước, tôi hoảng hốt lùi ra sau. Bàn tay Hảo vung lên đe doạ:


- Y Bình! Tại sao cô tàn nhẫn như vậy? Nếu Như Bình linh thiêng nó phải giúp tôi giết cô! Tôi phải giết cô để em gái tôi hả dạ.


Tôi đứng bất động. Nếu Hảo thực tâm muốn giết tôi tôi sẽ đứng yên để hắn giết vì phản kháng cũng không ích lợi gì. Ngôi nhà này ngoài tôi và hắn không còn ai nữa cả. Có la có hét chắc cũng chẳng ai nghe thấy. Hảo tiến tới, tay chụp vào ngực áo tôi. Sự thật áo hắn nắm là phần áo của cha mà tôi đã ôm vào lòng ngực ban nãy, một tay hắn nắm lấy cổ tôi có lẽ định bóp chết tôi. Tôi nhắm mắt lại đợi chờ. Môi tôi bắt đầu khô, cổ họng tôi rát bỏng. Sự ham muốn sống làm cho trái tim tôi đập mạnh. Nhưng đợi mãi mà tôi chẳng thấy Hảo phản ứng gì cả. Tôi hồi hợp từ từ hé mắt, Hảo đứng chết sững, tuy đôi mắt toé lửa của anh ta vẫn còn, nhưng nét cương quyết trên gương mặt đã biến thành đau khổ. Tôi có thể nhìn thấy trong mắt Hảo sự căm hờn đã dịu xuống, bàn tay trên cổ tôi lơi dần. Sau cùng Hảo buông thõng tay xuống.


Chiếc áo trên ngực tôi là chiếc áo lụa của cha hằng mặc, Hảo nắm lấy ngắm nghiá, vẻ khổ sở vẫn lãng đãng trên mặt, sau cùng hắn thở dài nói:


- Có lẽ... có lẽ cha không còn sống bao lâu nữa, phải không?


Cổ họng tôi hơi nghẹ lại, không biết nói gì. Hình như Hảo cũng không cần nghe câu trả lời của tôi, hắn nhìn chiếc rương hỏi:


- Cô làm gì đấy?


- Tôi định bán ngôi nhà này anh ạ


- Bán nhà? Tại sao phải bán?


- Bán để trả tiền phòng, tiền thuốc cho cha.


Không khí căng thẳng giữa chúng tôi ban nãy đã biến mất, nhường lại là một sự cảm thông. Tôi bắt đầu thấy xúc động. Hảo người anh em cùng cha khác mẹ của tôi, bây giờ không còn là kẻ thù của tôi nữa


- Bán đi cũng được! Bán để khỏi thấy ngôi nhà lúc nào cũng ngập đầy thù hận, ích kỷ, xấu xa, tôi cũng không muốn trở về đây nữa!


Tôi yên lặng. Hảo nói xong, quay lưng lại định bỏ đi, tôi gọi giật lại:


- Anh Hảo, anh không đến bệnh viện thăm cha sao?


Hảo quay đầu lại nhìn tôi, anh chàng bị ray rứt bởi chữ hiếu và lòng sợ sệt:


- Tôi không thể đến được. Y Bình cũng biết là hôm đó tôi không cố tình chống cha, tôi chỉ muốn ngăn cha và cứu mẹ tôi, chính vì thế mà tự ái cha bị tổn thương. Y Bình, chắc Y Bình hiểu tính cha chứ... Khi đã làm cha giận thì khó mà làm cho người quên được tôi làm sao dám vào đấy thăm cha.


Vâng, đấy là sự thật. Hảo nhìn tôi rồi nhìn ra ngoài thở dài:


- Mới nửa năm mà gia đình tan nát..Y Bình có quyền làm những gì Y Bình thích. Định mệnh cay nghiệt thật! Như Bình là đứa con gái yếu đuối, không ngờ lại chết thê thảm thế này, tội quá!


Một câu nói mà Thư Hoàn đã lập đi lập lại nhiều lần, tim tôi chợt nhói đau. Không khí yên lặng vây trùm chung quanh. Một lúc, Hảo thở dài:


- Cuộc đời đối với những anh hùng mạt vận bao giờ cũng thật khắt khe.


Câu nói của Hảo khiến tôi hiểu rõ Hảo hơn, Hảo là con của cha tôi chứ không phải con của dì tuyết, hắn yêu và hiểu cha hơn! Hắn cũng biết suy tưởng thế mà lúc xưa tôi lại xem thường hắn.


- Bây giờ anh ở đâu?


- Ở trọ nhà của một người bạn. Tôi đã tìm được việc làm rồi. Mỗi mùa hè tôi có thể kiếm đủ tiền cho niên học mới.


Tôi do dự một chút, nói:


- Tốt nhất anh cho tôi biết địa chỉ của anh, để khi bán được nhà rồi sẽ mang đến cho anh một nửa . Anh có đến thăm Mộng Bình thường xuyên không? Tiền thuốc, tiền phòng ở đấy cũng không nhỏ, tôi cũng không còn bao nhiêu tiền, vì vậy chỉ còn cách cuối cùng là bán nhà.


Hảo gật đầu, viết địa chỉ trao cho tôi, tôi tiếp tục công việc và soạn một va li áo quần của Mộng Bình đưa cho Hảo:


- Bao giờ Mộng Bình ra bệnh viện anh nên mang cô ấy theo anh thì hơn.


Hảo tay xách va li, tay mang sách vở, bước ra cửa, anh nói vọng lại:


- Cô thu dọn đồ đạc xong nhớ khoá cổng lại. Lúc nãy tôi vào cổng không khoá


Tôi gật đầu, Hảo đi mấy bước lại hỏi:


- Thư Hoàn lúc này thế nào?


- Chúng tôi đã chia tay!


- Tại sao?


- Vì Như Bình!


Tôi đáp thật nhỏ, Hảo nhìn tôi không nói thêm, ngước mắt lên nhìn trời, xong bước nhanh ra cửa. Tôi nhìn theo đến khi bóng Hảo khuất ngoài cửa mới ra đóng cửa lại. Hương thơm của hoa thoảng nhẹ trong vườn, mắt tôi chợt cay với bao nhiêu giọt lệ.


Công việc thu xếp đồ đạc trong nhà kéo dài đến ba ngày mới xong, một phần vật dụng như máy hát, máy thu thanh... được bán rẻ cho tiệm điện, còn những vật nào có thể lưu lại được thì giữ nguyên. Va li áo quần được mang về nhà tôi. Công việc đã hoàn tất. Tôi khép kín đôi cổng lại, dán mảnh giấy hồng với hai chữ "Nhà Bán" thật to lên đó.Tôi đứng lặng nơi cánh cổng. Một gia đình êm ấm chỉ trong vòng không đầy một năm là tan nát, một chuyện khó tin đến độ bàng hoàng. Nguyên nhân nào đã đưa đến thảm trạng này? Có phải chăng tại vì tôi?


Bệnh của cha càng ngày càng nặng hơn, tôi hiểu rõ ngày cha bỏ đi sẽ không còn xa nữa. Trong bệnh viên, bản tính nóng nảy của cha làm mọi người khó chịu, y tá cũng như bệnh nhân cùng phòng đều có vẻ không ưa. Chứng bệnh tê liệt lan dần từ chân đến thân mình. Tình trạng đã trở nên bất trị. Người nằm yên như trở thành gỗ đá, chỉ có miệng là nhai nhóp nhép được.


Nhà đã ngã giá một trăm ngàn. Thực ra thì có thể cao hơn hai trăm, nhưng vì cần tiền, vả lại người mua cũng biết việc tự sát của Như Bình nên khó bán được giá cao. Giữ đúng lời hứa, tôi mang năm mươi ngàn đến cho Hảo. Gian nhà của anh chàng ở là một ngôi nhà lụp xụp cất bất hợp pháp. Khi tôi đến thì hắn lui cui nấu cơm. Tôi bước vào trao tiền cho Hảo. Hảo cho tôi biết hắn đang cần tiền lắm. Mộng Bình đúng ra đã được xuất viện nhưng vì chưa có tiền để thanh toán nên phải nằm lại trong ấy. Tôi đưa mắt ngắm ngôi nhà lụp xụp ẩm thấp, đột nhiên nghĩ tới Mộng Bình, từ đây nàng sẽ sinh sống ra sao?


Hôm nay, khi đem súp mẹ nấu vào bệnh viện cho cha, tôi mới thấy người tiều tuỵ nhiều lắm. Người yên lặng nhìn tôi. Hôm nay không ai còn nghe thấy cha la hét ầm ĩ nữa. Điều này khiến tôi không vui và linh cảm thâý có điều gì buồn đang đến.


- Y Bình!


- Dạ


- Con ngồi lại gần đây.


Tôi ngồi xuống cạnh giường, mắt cha không rời khuôn mặt tôi.


- Y Bình, cha không có gì để lại cho con ngoài căn nhà ở đường Tân Sanh Nam, thôi thì coi như của hồi môn của con với thằng Hoàn vậy.


Tôi quay mặt đi để dấu hai hàng nước mắt. Thư Hoàn? Căn nhà ở đường Tân Nam Sanh? Của hồi môn? Tất cả chỉ là nhưng chuyện xa vời. Bây giờ Hoàn ở đâu? Người còn gái từng âu yếm cùng Hoàn nắm tay nhau trên đường dài, Bây giờ ở đâu. Cha làm sao biết được chuyện chia tay giữa tôi với Hoàn, cha cũng làm sao biết được ngôi nhà kia đã phát mại rồi. Tôi nhìn cha ái ngại:


- Thôi đừng nói đến chuyện đó bây giờ, đợi bao giờ cha lành rồi sẽ tính sau.


Cha có vẻ buồn:


- Y Bình, con cũng bắt chước họ dối với cả cha nữa sao? Cha hiểu mình mà, cha đâu còn sống bao lâu nữa.


Sự thú nhận về sức khoẻ của cha khiến tôi xúc động. Tôi chỉ biết yên lặng vì có nói gì thì cũng vô ích. Cha nói:


- Chết thì đâu có nghĩa lý gì, ai lại chẳng một lần phải chết, có điều như cha đây mà phải chết trên giường bệnh thì quả đáng buồn.


Nước mắt tôi bắt đầu ứa ra, tôi cúi đầu xuống yên lặng. cha thở dài tiếp:


- Có điều cha buồn là mình không thể chính tay giết mụ Tuyết khốn nạn!.. Bằng khoán nhà cửa cha để ở trong hộc tủ giữa, con đến lấy đi, còn một chiếc hộp bọc gấm nữa, bên trong có


Cha đột nhiên ngưng nói, đưa mắt nhìn ra khung cửa như chết lặng đi với hình ảnh xa vời nào bên ngoài. Một khoảng thời gian dài trống vắng... Tôi tằng hắng để mang cha trở lại thực tại


- ...Trong chiếc hộp đó có chuỗi ngọc màu lục, cha cho con đấy, nhưng con phải hứa với cha là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù có túng quẫn đến đâu, cũng không bán đi, con hứa nhé!


- Vâng


- Ngoài xâu chuỗi ngọc ra, bên trong còn có tấm hình, bao giờ cha "đi" rồi, con nhớ bỏ vào túi áo cho cha, để tấm hình đó đi theo cha, con nhé!


Tôi yên lặng, tôi sợ nhất là phải nghe những lời trăn trối đó. Cha quay mặt về phía khung cửa, người như có tâm sự gì. người nhắm mắt lại, có lẽ cha lại ngủ. tôi phủ chăn lên mình người, đột nhiên tôi nghe rõ hai câu thơ: buồn đến bao giờ hết, sầu như lá mùa thu. Tôi ngỡ ngàng, câu đó quá quen thuộc, tôi không nhớ ở đâu? Đúng rồi, ở mặt sau tấm ảnh hoen màu


- Cha, cha đọc cái gì thế? Bức ảnh đó là của ai?


Cha mở to mắt nhìn tôi:


- Bức ảnh của một người con gái. Mấy mươi năm về trước khi cha còn là một cậu thiếu niên chăn ngựa cho cha nàng... Nàng thích cưỡi ngựa lắm, và cha là người đỡ chân nàng lên ngựa. Chính nhờ nàng mà cha biết chữ, hai người cùng tuổi nên dễ thân nhau. Có lúc cha đã hôn trộm nàng khiến một hôm cha nàng trông thấy... Sau một trận đòn, cha bị đuổi đi... Đến khi vang đanh thiên hạ mới về. Phải, mãi mười lăm năm sau, mười lăm năm sau khi cha mang quân trở về, thì nàng đã lấy chồng!


Câu chuyện cảm động và lãng mạn đến như vậy sao? Sao lại có một mối tình lãng mạn như tiểu thuyết đối với một người ương ngạnh như chả cha vẫn tiếp tục kể:


- Chuỗi ngọc màu lục kia là của nàng tặng cho cha, còn bức ảnh thì gửi lại sau đó khi nàng không đợi cha. Khi cha đưa quân trở lại, cha đã tìm kiếm khắp nơi, đến khi gặp thì nàng chỉ rưng rưng nước mắt nói rằng lệnh cha nàng nàng không dám cãi nên đành lỗi hẹn. Rồi ngay đêm ấy nàng nhảy xuống giếng tự tử. Khi hay tin, giận quá, cha đã nổ súng giết hết cả nhà nàng. Bắt đầu từ đó cha xử dụng súng ống một cách bừa bãi. Đi đến đâu, cha gây chết chóc đến đấy. Thế lực của cha càng ngày càng mạnh và cha bắt đầu hồi tưởng đến người yêu ban đầu của mình. Chỉ cần người con gái nào có đôi mày, có cặp mắt, có đôi môi hay sống mũi giống nàng là cha bắt về làm thiếp ngay. Đám thê thiếp của cha thì rất nhiều, nhưng không có một người nào giống nàng một cách trọn vẹn


Tôi bị lôi cuốn vào câu chuyện. Hèn gì đôi mắt trong ảnh giống hệt đôi mắt của mẹ, có lẽ vì đôi mắt đó mà mẹ đã được cha yêu quý một thời gian. Còn dì Tuyết? Dì Tuyết giống ở khuôn mặt và đôi mi. Cha tôi, một người từng có hàng tá thê thiếp, một người mà bấy lâu nay tôi vẫn nghĩ là trái tim cứng như gỗ đá không ngờ lại là người có một tâm hồn dễ xúc động như vậy!


Nhìn khuôn mặt nhăn nheo mệt mỏi của cha tôi nghĩ nếu không phải chính miệng cha thốt ra có lẽ suốt đời tôi, tôi không bao giờ có thể ngờ rằng có chuyện đó


- Thôi cha nghỉ đi!


Tôi nói, nhưng cha vẫn mở mắt nhìn tôi


- Y Bình con đừng tưởng chỉ có mình con mới có tình cảm, cha cũng có vậy. Có điều, cha khuyên con, bây giờ có tình yêu phải ráng giữ lấy, đừng để nó bay mất, đến khi tiếc nuối thì chuyện đã lỡ làng.


Nước mắt tràn ra mi, tim tôi nhói đau - Cha! Tôi chỉ kêu lên được một tiếng, rồi tắt nghẹn. Tình đã mất, ngày vàng son đã trôi qua, tôi chỉ còn lại những hối tiếc dở dang


  Đàn kia đã đứt đây rồi  

  Làm sao nối lại hỡi người tình chung?  



Những câu thơ tan vỡ... tôi gạt nước mắt quay đầu lại. Mắt cha đã khép, người có vẻ mệt mỏi sau câu chuyện vừa kể. Một lúc người mở mắt ra nhìn tôi, tiếp:


- Nàng họ Đặng, tên là Bình Bình. Tâm Bình rất giống nàng!


Cha bắt đầu thiêm thiếp ngủ, tôi đứng dậy kéo chăn đắp lên ngực cho người, xong ngồi bên cạnh suy tưởng. Hèn gì, lâu nay cha tôi đã chọn cho chị em tôi những cái tên có chữ Bình. Cha cũng là người chung thủy lắm đấy chứ.


Bệnh cha tôi kéo dài, càng lúc càng nguy kịch. Đến trung tuần tháng mười thì tôi phải ở suốt ngày bên cha. Sự bận rộn làm tôi quên hẳn Thư Hoàn. Tuy thế sự mất ngủ cũng làm tôi ốm gầy đi. Thấy mẹ lo lắng cho tôi, lòng tôi thật xót xa... Chuyện cũ như giấc mơ không còn trở lại. Bao nhiêu đêm dài, bao nhiêu giọt nước mắt gọi tên người yêu đấu. Tiếng động ở cửa phòng làm tim tôi đập mạnh, nhưng đó chỉ là mộng ảo. Cha rất chú ý đến vẻ phiền muộn của tôi, một hôm hỏi:


- Tại sao lâu qúa không thấy Thư Hoàn đến thăm cha?


- Anh ấy... Anh ấy... Tôi lúng túng không tìm ra được lý do che dậy - Anh ấy có chuyện xuôi về miền Nam nên không hay tin!


Mắt cha nhìn thẳng vào mặt tôi, tôi hiểu người đã đoán biết được phần nào câu chuyện. Sự nhắc nhở của cha mang tôi về với buồn tủi. Thư Hoàn, bây giờ có lẽ anh đã xuất ngoại. Khỏang cách giữa chúng ta xa qúa, một mối tình đã chết như mơ!


Một hôm đến bệnh viện như thường lệ, khi vừa bước vào phòng là tôi đã thấy mấy ông cảnh sát vây quanh nơi giường cha. Tôi bước tới, và được nghe những lời mừng vui của cha:


- Mấy ông Mấy ông đã bắt được nó rồi à... Cứ bắt chết nó đi... Mấy ông có hiểu tôi nói gì không?


Tôi ngạc nhiên không hiểu chuyện gì, hỏi:


- Có chuyện gì thế hở ông?


Viên cảnh sát quay sang nhìn tôi:


- Cô là ai?


Chỉ vào cha, tôi nói:


- Tôi là con ông nàỵ


- Bà Tuyết là gì của cô?


- Không là gì của tôi cả, bà ấy là vợ lẽ của cha tôi. Nhưng có chuyện gì thế?


Cha có vẻ sung sướng chen vào:


- Nó đã bị bắt rồi con ạ.


Tôi chợt hiểu:


- Mấy ông bắt được bà ấy rồi à?


- Vậy chớ cô không có xem báo sao? Chúng tôi khám phá được một ổ buôn lậu. Bà Tuyết là một trong những người có liên quan đến tổ chức đó, chúng tôi đang điều tra đây. Bên cạnh bà Tuyết có một cậu bé, cô làm ơn cho biết đó có phải là em trai cô không?


- Không. Cậu bé đó không phải là em trai tôi, nó là con riêng của bà Tuyết.


- Nghĩa là sao?


- Nó là con riêng của dì Tuyết và gã họ Ngụy. Mấy ông có bắt được gã không?


Viên cảnh sát có vẻ bực mình:


- Cô mua báo đọc sẽ rõ tất cả.


Mấy ông cảnh sát đi rồi, tôi mới lật chồng báo cũ ra. Mấy hôm liền vì qúa bận rộn công việc đến tôi không có theo dõi báo chí. Lật tờ báo hôm trước ra, tôi thấy nơi trang ba có in:


  Khám phá một ổ buôn lậu tại thương cảng Cơ Long. Tất cả hàng lậu gồm vải vóc, xa xỉ phẩm và độc chất đều bị tịch thu.  


Tôi đọc phớt qua và thấy hàng tít nhỏ hơn


  Kết quả số hàng lậu bị tịch thu lên đến hơn triệu bạc. Chính phạm Ngụy Quang Hùng, Lý Thiên Minh và cả tổ chức đều bị bắt trọn.  


Sau khi đọc mấy cái tít trên, tôi mới bắt đầu đọc kỹ tin chi tiết. Không có gì rõ ràng cả, vì hình như họ còn đang phối kiểm. Trong bản tin không thấy nhắc tới tên dì Tuyết, chỉ biết sơ lược là sáng hôm trước nữa, cảnh sát mai phục trên đường tải hàng lậu đã tóm được trọn ổ với những tang vật trị giá cả bạc triệu. Tin tức cũng không nhắc đến cảnh sát đã đựa theo tin tình báo của ai cung cấp. Tôi an tâm, bỏ tờ báo hôm qua xuống, lấy tờ nhật báo hôm nay đọc tiếp. Quả nhiên nơi trang ba có tin tiếp theo:


Vụ buôn lậu to tát bị khám phá hôm trước đã đưa đến một khám phá mới: số tiền sử đụng trong cuộc là do bà vợ của ông LCH lấy của nhà trốn mang đi.  


Tôi đặt tờ báo xuống, lòng bàng hoàng. Dì Tuyết đã bị bắt! Pháp luật trừng trị. Như Bình chết, gia đình tan nát. Đến bây giờ, bao nhiêu lời thề của tôi trong đêm mưa gió đã thành sự thật. Nhìn gương mặt tiều tụy của cha, đột nhiên tôi muốn khóc


- Y Bình!


Cha lên tiếng gọi, tôi quay sang. Mắt cha đăm đăm nhìn lên trần nhà, người nói:


- Dì Tuyết con bị bắt rồi, cha dù có chết cũng yên tâm.


Tôi bàng hoàng khi mắt cha nhắm lại. Thân thể người bất động như một xác chết. Tôi quay mặt đi như sợ phải nhìn thấy cảnh đau lòng.



~ HẾT CHƯƠNG 13 ~
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

36#
 Tác giả| Đăng lúc 8-6-2013 15:00:01 | Chỉ xem của tác giả
Chương 14  



Vụ án buôn lậu đã kết thúc, phiên toà trung tuần tháng mười một đã tuyên án Ngụy Quang Hùng mười lăm năm khổ sai, dì Tuyết bảy năm tù ở. Báo chí chỉ tường thuật bấy nhiêu nên tôi không rõ thằng Kiệt ra sao? Riêng về số tiền dì Tuyết đoạt của cha dĩ nhiên là không làm sao thu hồi lại được. Tôi cũng không lấy thế làm buồn. Tất cả công việc chăm sóc cho cha chiếm trọn ngày dài của tôi, tôi không rảnh rỗi nhiều để nghĩ ngợi về chuyện đó.


Công việc của tôi càng ngày càng mệt nhọc, từ đầu tháng mười một, bệnh cha trở nặng đến độ cứng lưỡi, người không nói được nữa. Mỗi lần tức bực chuyện gì, hay định tâm sự điều chi với tôi không được, người chỉ uất ức tròn xoe mắt giận nhìn tôi trông thấy tội.


Mỗi ngày cận kề bên giường bệnh, nhìn sự sống tàn tạ theo thời gian, tôi bắt đầu cảm nhận sự khốn khổ của đời. Tôi không nhẫn tâm nhìn cha uất hận. Đời sống kéo dài mãi trong trạng thái này thì thật là tàn nhẫn.


Cuối tháng mười một cha ôm chỉ còn da bọc xương, đôi mắt thật sâu, cả thân hình chỉ còn là một xác thân của người đói lâu ngày. Hắc báo Lục Chấn Hoa, người đã từng làm nổi phong ba trên chiến trường, người đã từng uy danh lừng lẩy, bây giờ lại bất động nằm chờ chết!


Nếu đường cùng của đời sống mà phải trải qua giai đoạn này thì thật tàn nhẫn. Ý thức và tư tưởng trở thành một kẻ thù cay nghiệt, chính nó đã hành hạ cha nhiều qúa. Suốt ngày tôi chỉ nhìn thấy cha hết xoe tròn mắt là lại thở dài. Phải chăng người đang hồi tưởng về chuỗi ngày thơ ấu mộng mở? Hồi tưởng về thời thanh niên vùng vẫy? Hoặc những khốn khổ của tuổi già? Ðời sống quả thật chỉ là một cái nợ khốn nạn


Một hôm, tôi ngồi cạnh giường cha đọc quyển "Cướp bể" khi tôi đọc hết cốt truyện đột nhiên từ nhân vật trong truyện tôi liên tưởng đến hình ảnh của cha, một con người từng vang danh một cõi, cứng đầu chống trả với bao nhiêu trở ngại trên đời, nhưng vẫn chịu thua trước định mệnh


Có lần mắt cha xoe tròn, tôi tưởng người cần nước nên mang ly nước lọc đến, nhưng mắt cha lộ vẻ giận đữ, tôi biết mình đã lầm cúi xuống hỏi cha:


- Cha cần gì?


Cặp mắt cha chớp nhanh, cha định nói gì với tôi, tôi cố gắng tìm hiểu. Nhưng khoảng cách giữa một người nói được và một người không nói được là giòng sông rộng. Tư tưởng không thể bắc cầu cảm thông.


- Cha có điều gì buồn hay khó chịu?


Mắt cha trợn trừng lên, sự á khẩu làm cho người bực tức, tôi chau mày, hỏi tiếp:


- Cha muốn biết tình hình bên ngoài à? để con kể cho cha nghe nhé!


Thế là tôi đem tất cả những chuyện mình biết, từ chuyện dì Tuyết bị kêu án bảy năm, chuyện Mộng Bình đẽ khỏi bệnh, Hảo vừa học vừa làm... Ngọai trừ những chuyện buồn, như nhà đã bán, Thư Hoàn đã xa xôi... còn tôi kể hết cho cha nghe, nhưng không hiểu sao khi tôi ngừng kể, mắt cha vẫn xoe tròn, người có vẻ chưa hài lòng.


Đừng bên cạnh giường, yên lặng nhìn cha. Người định nói gì với tôi? Một giọt nước mắt ở ven mi. Tôi bàng hoàng. Không, tôi đã lầm, làm gì có chuyện đó. Hắc Báo Lục Chấn Hoa không bao giờ khóc được! Tôi xúc động gọi:


- Cha!


Cha mở mắt, đôi mắt lấp lánh qua màn lệ, Đôi mắt vẫn đẹp! đôi mắt của Hảo cho biết mắt cha buổi thiếu thời. Bức tường thành ngăn cách không còn tôi bắt đầu thấy mình gần gũi cha hơn.


Buổi tối mang thân xác mệt mỏi trở về nhà vừa bước cổng, tôi đã nghe tiếng đàn vọng ra. Tiếng đàn piano! Nhưng những âm thanh rời rạc không phải của mẹ Tôi gõ mạnh cửa, người ra mở là Phương Du. Một sự ngạc nhiên lạ.


- Lâu quá không thấy mày đến chơi!


Phương Du cười, chúng tôi bước lên thềm, Phương Du tựa lưng vào thành đàn, nói:


- Y Bình, chắc mày ngạc nhiên lắm khi biết tao đã trở thành nữ tu!


Tôi ngạc nhiên:


- Thật à?


- Vâng, chúa nhật sau, tại nhà thờ ở đường Tân Sanh Nam, tao sẽ được phép rửa tội, mày đến với tao nhé!


- Mày điên rồi, Phương Du ạ!


- Không chắc!


- Còn vấn đề học?


- Tao bỏ học.


- Tại sao vậy?


- Sống trên đời ta phải chọn cho mình một con đường, đúng không? Tao đã chọn và cảm thấy rất hài lòng về con đường mình chọn. Từ đây sẽ được bình yên không còn phải buồn rầu, ghen tức, đau khổ vì tham vọng nữa.


Tôi hét lớn:


- Mày đi tu chẳng phải vì tin đạo, mà là vì muốn trốn thoát muốn che dậy một quả tim đang nổi loạn của mày.


- Có lẽ thế!


Tôi nắm lấy tay bạn, xúc động:


- Phương Du, tao nghĩ đó đâu phải là một giải pháp tốt đâu?


- Theo mày thì thế nào mới là giải pháp tốt?


Tôi cứng mồm. Đời sống trống rỗng con người sinh ra là cô đơn, tôi làm sao có thể giải quyết được vấn đề quan trọng thế chứ?


- Tao cũng không biết!


Tôi đau đớn thú nhận, Phương Du hỏi tiếp:


- Mày lúc nào cũng nghĩ rằng mày chín chắn hơn người, thế tao hỏi mày, việc của mày, mày đã giải quyết xong chưa?


Tôi lắc đầu, Phương Du nói:


- Mày chỉ giỏi làm cho việc trở nên rối rắm thêm thôi.


- Biết đâu mày chẳng như tao?


Phương Du cười, tôi tiếp:


- Phương Du, tao nghĩ mày không nên hành động như vậy, hãy tiếp tục hết bậc đại học!..


- Ở đại học, tao sẽ được thêm cái gì?


Tôi nóng mũi:


- Thế còn ở tu viện, mày sẽ có thêm gì chứ? Trong khi mày chỉ là một đứa thất tình...


- Đó là vấn đề xa xưa rồi... Bây giờ tao đã hiểu được chân lý của đời.


- Tao đám chắc ở tu viện chỉ tổ


Tôi chưa kịp nói hết câu, Phương Du đã kêu lên:


- Y Bình!


Tôi nhìn nó, tôi chợt hiểu. Không còn cách nào để thay đổi ý chí của Phương Du, một chút yên lặng, tôi nắm lấy tay bạn, nói:


- Tao mong mày sẽ sung sướng...


- Tao cũng cầu mong mày được như vậy


Phương Du nói, chúng tôi nhìn nhau cười. Và tôi cũng hiểu thêm là kể từ giờ phút này, không bao giờ chúng tôi tìm được nguồn vui nữa. chiếc lưới đã tung ra, đã vây chặt và không bao giờ chúng tôi quên lãng được buồn phiền


Sáng hôm sau đến bệnh viện, trên đường đi tôi cứ mãi nghĩ đến Phương Du. Tại sao lại bỏ dở chương trình đại học để đi làm nữ tu? Rồi lại nghĩ đến mình, nghĩ đến cha, lòng bàng hoàng với bao nhiêu sầu khổ. Bước vào phòng, tôi vẫn nghĩ miên man, khi đến trước giường cha nằm, không khí xa lạ làm tôi ngơ ngác. Chiếc giường cha nằm hơn bốn tháng, hôm nay sao lại trống vắng thế nàỵ


- Chào cô!


Một cô y tá trẻ bước đến, đặt tay lên vai tôi như một an ủi. Tôi vẫn đứng bất động, đầu óc trống rỗng lạ thường.


- Cô Bình, cô đừng buồn, dù thế nào đi nữa thì chuyện cũng đã qua!


Lời của cô y tá như gió thoảng bên tai, dù thế nào đi nữa, chuyện gì đến thì cũng phải đến. Cha đâu? Chiếc giường trống trơn thế này? Tôi đã hiểu. Nó đã đến, và cha? Cha đã đi hết quãng đường đời, cha phải ra đi!


Tôi đứng yên, cô y tá vẫn vỗ về:


- Cô Bình à!


Tôi lắc đầu, tôi đã ý thức được sự thật, cắn môi, tôi nghe giọng nói mình trở nên xa lạ.


- Cha tôi đi lúc nào vậy cô?


- Ba giờ khuya hôm rồi, người đi thật yên.


Có thật như vậy không? Làm sao biết được cha ra đi rất bình thản. Trong lúc người sắp lâm chung, làm gì có người hiểu được người đã đi không đau đớn chứ? Nước mắt lăn chảy qua mi, làm mờ cả mắt, tôi yên lặng bước tới. Bây giờ, giường đã thay nệm thay chăn mới, nhưng tôi vẫn có cảm giác như cha vẫn còn nằm trên ấy. Ngồi xuống cạnh giường, đưa tay sờ nhẹ lên gối. Gối chăn lạnh lùng, tôi khẽ gọi:


- Cha ơi, cha!


Ba tiếng cha ơi, cha, vừa thoát ra khỏi miệng là tôi không ngăn được sự xúc động nữa, tôi khóc to lên, bao nhiêu ấm ức từ lâu trong người khoát ra mắt. Lần đầu tiên trong đời tôi mới cảm thấy mến cha, mới cảm thấy mất cha là cả một sự mất mát to lớn. Không phải chỉ khóc cho cha thôi mà còn khóc cho nổi buồn của mình, cha bỏ tôi ra đi, Thư Hoàn với mối tình đổ vỡ, cái chết của Như Bình... Tất cả như một bản án trên vai!


Tôi khóc mãi, tôi muốn khóc mãi, hình như tiếng khóc của tôi sẽ không bao giờ đứt. Bây giờ thì... không hiểu sao tôi lại muốn cha lên tiếng, chỉ cần một, hai câu thôi là tôi mãn nguyện rồi... Tôi muốn có cơ hội, không phải cần đến cơ hội nữa. Mà ngay bây giờ nếu cha sống lại tôi sẽ ôm chầm lấy người tuyên bố là tôi yêu người, tôi không còn hận người nữa.


- Cô Bình, dù sao người đã chết rồi, khóc cũng không làm sao sống lại được, cô đừng buồn qúa rồi sinh bệnh nữa thì khổ.


Khóc không ích lợi gì, tôi biết.. Bây giờ dù có hối hận thế nào đi nữa cũng vô ích. Khóc tuy chẳng ích lợi gì, nhưng nó có thể làm cho tôi vơi bớt bao nhiêu sầu khổ, bao nhiêu âu lo. Nhớ đến ngày qua, nhớ đến hình ảnh cha muốn nói với tôi mà thốt chẳng nên lời, tim tôi đau nhói. Cha định nói gì với tôi? Tại sao suốt khoảng thời gian dài mà tôi vẫn chẳng hiểu được người? Quẹt ngang nước mắt, tôi hỏi cô y tá:


- Tôi có thể nhìn mặt cha tôi lần cuối không?


Khi cô y tá đưa tôi đến khu nhà trệt, tôi nghe tiếng thở dài của bệnh nhân cùng phòng cha:


- Tội nghiệp, con bé có hiếu thật!


Một con bé có hiếu? Đúng thế không? Quả thật là chuyện hoang đường nhục nhã.


Cha nằm yên trong nhà xác, gương mặt lạnh, bình thản của người chẳng bận tâm với đời. Ngày hôm qua, đôi mắt còn xoe tròn nhìn tôi. Nhưng hôm nay, tất cả chẳng còn gì nữa. Chết là hết, một lần tàn lụi khổ đau, không còn biết buồn vui sầu khổ, nằm trơ như đá, mặc ai muốn làm gì thì làm. Dục vọng danh tiếng lẫy lừng rồi cũng tan theo tro, theo đất.


Tôi đứng bất động, vị y tá lật tấm vải dậy xác cha lại, rồi dìu tôi ra khỏi phòng. Nước mắt đã cạn, tôi xuống lầu đến phòng quản lý thanh toán tiền phòng và tiền thuốc còn lại của cha.


Trả tiền xong, túi tôi chỉ còn vỏn vẹn hơn mười ngàn. Không hiểu có đủ để làm đám táng không. Mẹ sau khi hay tin cha mất, vẫn giữ được yên lặng. Suốt một đời sầu khổ vì chồng, sự ra đi kia chắc chắn phải khiến người buồn phiền.


Buổi tối, tôi ngồi trong bóng đêm thổn thức:


- Cha ơi! cha!


Suốt đêm dài không ngủ tôi buồn thật nhiều trong nỗi ăn năn. Sau nhiều giờ suy tính, tôi quyết định sẽ chôn cha bên cạnh mộ Như Bình.


Hôm cử hành lễ mai táng, tôi đăng một cáo phó nhỏ trên báo. Suốt một đời vùng vẫy, tôi nghĩ là người thù của cha sẽ nhiều hơn là bạn, chắc chắn không ai chia buồn với người, ngoài những người trong gia đình. Vì vậy, tôi định sẽ không làm lễ theo nghi thức cũ, chỉ cần đăng một cáo phó nhỏ thông báo ngày giờ và địa điểm hành lễ, đồng thời viết một lá thư vắn tắt cho Hảo là được.


Đó là những ngày cuối của tháng mười một, gió lạnh như cắt da. Đứng trước mộ nhìn quanh quả nhiên chỉ có mẹ con tôi bên mộ, người sống là cả một thời vàng son, nhưng chết đi rồi chỉ còn một nấm mồ vàng đất vụn.


Đứng một lúc Hảo và Mộng Bình đến, lâu lắm rồi không gặp cô bé, bây giờ gặp lại, cô ta có vẻ trưởng thành hơn, trầm lặng hơn. Hảo và Mộng Bình đều không mặc áo tang, đến bên tôi, Hảo nói:


- Được tin trễ quá không may áo tang kịp.


Mắt tôi ướt đi:


- Thôi cần gì, miễn có lòng là được cần gì cái hình thức. Chỉ tội một điều là cha chết buồn qúa, không một ai đến đưa tiễn.


Mộng Bình đứng đấy, mắt thâm quầng, nét mặt xanh xao. Tôi muốn nói chuyện với cô bé, nhưng nó đã quay về phía khác. Nấm mồ của Như Bình bên cạnh, giờ đã xanh cỏ. Mộng Bình đang hận tôi, tôi biết! Nhưng... Tôi chỉ yên lặng.


Mẹ là người đầu tiên ném hòn đất xuống mộ. Bốn tháng trước chúng tôi đã mai táng Như Bình bây giờ đến phiên cha. Đất vô tình vùi chôn cuộc đời tài hoa. Chúng tôi đứng đấy yên lặng. Giọt nước mắt đầu tiên rơi xuống mộ, không hiểu đó là của tôi hay của mẹ.Có điều tôi hiểu là mẹ đang thổn thức.


Mộ đã đắp xong, một đời người đã trôi qua. Kề vai mẹ định bước về nhà, nhưng mới đi được mấy bước, là tôi chùn chân lại. Trước mắt tôi dưới gốc cây đa, một bóng người trong bộ y phục đen đang đứng yên như tượng đồng. Đôi chân tôi đột nhiên như rã rời, cánh tay trên vai mẹ nhẹ buông thõng xuống như chiếc máy tôi bước về phía chàng.


- Anh Hoàn, không ngờ anh cũng đến


Tôi run giọng nói, chàng nhìn tôi:


- Đọc báo hay tin...


- Thế mà tôi cứ tưởng anh đã xuất ngoại rồi!


- Thủ tục bị chậm trễ nên tôi chưa đi được.


Giọng chàng nhạt nhẽo như người xa lạ.


- Thế bao giờ mới đi?


- Mười lăm tháng sau.


- Bằng phi cơ à?


- Vâng!


Tôi cắn nhẹ môi, không còn gì để nói thêm một phút yên lặng:


- Như thế có kịp niên học không?


- Không kịp, nhưng tôi định đi làm nửa năm để kiếm thêm sở phí đến đầu niên học sau vào học cũng không trễ gì.


Tôi gật gù không hỏi thêm. Mẹ đến bên cạnh lúc nào không hay, người nhìn Hoàn, run giọng:


- Thư Hoàn trước khi đi nhớ đến nhà tôi chơi, để chúng tôi làm bữa tiệc nhỏ tiễn chân.


Hoàn khách sáo:


- Cám ơn bác, tôi nghĩ là khỏi cần phải nhọc lòng bác như vậy.


Mẹ nài ép:


- Chiều tôi một lần cuối đi mà.


- Thật tiếc... Hoàn nói, nhưng mắt chàng đăm đăm nhìn về phía mộ của Như Bình.


Tôi hiểu mẹ đang cố gắng giúp tôi nối lại cuộc tình, nhưng chuyện đã qua rồi.. Bây giờ giữa tôi với Thư Hoàn không còn một liên hệ tình cảm nào nữa. Chuyện cũ như khói mây đã tan rồi. Bóng hình của Như Bình là cả một dòng sông ngăn cách, tôi buồn buồn nhìn Hoàn. Dáng dấp tiều tụy của chàng như nhắc nhở tôi những ngày vui đã qua, những nụ hôn nồng cháy đã hết. Mẹ vẫn còn đứng đấy, tôi hiểu người sắp làm một thí nghiệm cuối cùng, tôi không muốn để cảnh ngỡ ngàng tái diễn, nên vội nói:


- Thôi chào anh, có lẽ ngày anh lên đường, tôi không thể tiễn được, vậy sẵn đây xin có lời cầu chúc cho anh gặp nhiều may mắn.


- Cám ơn Y Bình.


- Mong rằng sau này... Tôi nghẹn lời - chúng ta còn gặp lại nhau.


Đôi môi Hoàn run run:


- Tôi nghĩ rằng, chắc chắn sẽ có ngày đó.


Thế à? ngày đó sẽ ra sao? Thư Hoàn từ ngoài nước trở về đùm đề vợ con. Còn tôi? tôi có được một mái ấm gia đình chăng? Mắt tôi mờ lệ, tôi không đám nhìn thẳng vào mặt chàng nữa.



~ HẾT ~
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

37#
Đăng lúc 22-6-2013 13:55:37 | Chỉ xem của tác giả
Hóa ra trong box cũng có tác phẩm này, hồi mình đọc được cũng đã lâu lắm rồi ^^
Trong truyện này mình thấy Y Bình thật sự chẳng có lỗi tẹo nào, thậm chí có phần dịu dàng hơn Y Bình của chị Triệu Vy, và Thư Hoàn trong tiểu thuyết thì khác hẳn nhân vật mà Cổ Cự Cơ đã xây dựng, yếu đuối hơn hẳn.
Y Bình xứng đáng nhận được một kết thúc tốt hơn :-ss
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

38#
 Tác giả| Đăng lúc 22-6-2013 17:39:13 | Chỉ xem của tác giả
Tác phẩm này là tác phẩm mình yêu thích nhất của Quỳnh Dao, nhờ truyện này mà mình mới thích Quỳnh Dao, dù văn phong của cô ấy hơi sến sụa. Mình thì mình cũng thấy Y Bình không có lỗi, vì dẫu sao, nếu một người cha mà đối xử với con như vậy, hận cũng là điều tất nhiên, và cái chuyện của gì Tuyết cũng không phải lỗi của Y Bình nữa. Nhưng mà đúng là vì Thư Hoàn mà Như Bình tự tử thật, nên anh ta cũng không thể thoát khỏi mặc cảm của tội lỗi. Mình thấy truyện cũng không hẳn là kết thúc buồn vì cuối cùng, Thư Hoàn đã hứa hẹn, nếu một ngày anh ta quên đi chuyện nơi đây, hai người sẽ gặp lại và biết đâu, tình yêu đó lại được gây dựng từ đầu :)
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách