Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: alice2000phuong
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Hiện Thực - Xuất Bản] Vỡ Đê | Vũ Trọng Phụng (Hoàn)

[Lấy địa chỉ]
21#
 Tác giả| Đăng lúc 9-12-2013 09:40:42 | Chỉ xem của tác giả
Chương 10


Từ lúc vỡ đê, nghĩa là từ buổi chiều hôm trước, tư thất của ông huyện chưa bao giờ tấp nập rộn ràng đến thế. Những công văn, những lệnh quan, bay đi tứ phía như mưa. Thoắt một cái, từ đê ông đã về tư thất. Lính cơ, lính lệ, nha lại, gia nhân, chạy đi tìm ông tới tấp, loạn xạ. Đã có lúc nhà riêng ông huyện cũng vang ầm những lệnh trên ban xuống, y như ở công đường. Đã vậy, ông lại còn bận tiếp khách nữa. Người bạn cũ của ông đã về huyện, để cái xe bình bịch lù lù giữa sân. Bên ngoài cũng có mấy chiếc xe hòm của mấy ông chủ báo thân hành đi điều tra quãng đê vỡ, và được ông quan sở tại mời về nhà tiếp đãi. Suốt ngày hôm ấy, ông huyện đã phải lo việc quan công sứ cùng ông chánh lục lộ Bắc Kỳ về tận nơi. Ông đã bù đầu, trớn mắt, khổ sở, vất vả, lao tâm lao lực, cũng như những ông quan sở tại khác lúc gặp nạn vỡ đê vậy. Bởi những lẽ ấy, bà huyện và Kim Dung cũng đã đầu tắt mặt tối như vào lúc nhà có giỗ tổ. Nào là lo cơm khách, lo nước nôi, tiếp những người có việc cần đương đi tìm ông huyện mà không được gặp, và nhớ những lời yêu cầu hay mách bảo của họ nữa. Vì không hiểu rõ, bà huyện đã oán chồng về chỗ đi lưu ngay mấy ông chủ báo là khách lạ, giữa lúc việc quan đương bận rộn, nhà cửa đương tíu tít...

Ba ông chủ báo, ông nào cũng có phóng viên, thợ ảnh, tài xế kèm theo! Vị chi hơn chục người, mà lại không ghép cùng ngồi một bàn được, thành thử cơm nước phải tách riêng ra một mâm cho các ông tài xế. Mà các ông cũng chạy đi chạy về tới tấp, người này đi tìm người kia, ông kia đợi ông khác nữa, việc tiếp đãi cho khỏi sơ suất thật là khó nhọc biết bao, nguy hiểm biết bao! Theo cái trí xét đoán của bà huyện thì “nhà báo” là một bọn người láu lỉnh kiểu cách đáng sợ, chỉ làm cái nghề đi nói xấu thiên hạ, và “bán nói mà ăn” nên bà lo lắng hết sức. Kim Dung cũng nghĩ như thế. Phải đem tài nữ công ra dùng một cách quá sức, nàng đã - như lời bà mẹ mắng - mặt sưng mày sỉa mất cả một ngày, Dung đã không cãi nửa lời, vì tuy mắng con thì mắng, chứ chính bà mẹ cũng thế. Vì lẽ suốt ngày nàng vẫn băn khoăn để tâm đến người bị bắt, là Phú, nên buổi chiều, khi mọi việc đã vãn, Dung cáo là nhức đầu để về nằm phòng riêng. Nàng muốn có một cách đặc tiểu thuyết để cứu vớt người ấy mà chưa nghĩ ra được thì đã chợp mắt ngủ lúc nào không biết. Đến khi chợt bàng hoàng tỉnh giấc, Dung thấy một thứ mùi thơm khó hiểu man mác cả gian phòng mà mở mắt nhìn, thì, than ôi! Cái phòng của nàng đã không còn là phòng riêng! Người ta đã để một chiếc bình phong che cái giường của nàng để mà bày ở cái sập đối diện một bàn đèn thuốc phiện.

Một người đương nằm ngoay ngoáy tiêm. Dung nghển cổ, vươn tay hé diềm lụa ở bình phong nhìn sang thì đó là bác Khoát. ở phòng bên cạnh, lúc ấy có tiếng nhiều người chuyện trò rất vui vẻ. Dung đoán chừng đó là những ông nhà báo chưa đi đi cho. Nàng tự hỏi một cách lo sợ:

“Không biết họ đóng đô ở nhà này bao nhiêu lâu nữa? Nếu bố mình cứ ân cần mời mọc mãi thì đến chết mất thôi!”.

Dung đương nghĩ thế thì cánh cửa từ từ mở. Ông huyện rón rén vào phòng một cách lén lút, lại đóng cửa lại một cách êm ả như phải làm một sự bí mật.

-Mau lên! Nguội cả rồi đây.

-Mày hút liều nào chưa, Khoát?

-Đã.

- Chết! Không có thuốc phiện thì đêm nay tao gục mất!

-Họ sắp ra đi chưa?

- Ýhẳn còn chờ tao điều đình cho rạch ròi thì họ mới ra đi.

- Thôi hút đi đã rồi hãy nói, nguội cả rồi!

- Con bé cháu nó ngủ hay thức thế mày?

-Vẫn ngủ.

Thấy bố hỏi thế, Dung vội lặng lẽ nằm xuống, để cái quạt lên mặt. Nàng càng lắng tai nghe thì lại càng hiểu những cái ích lợi to tát của báo chí. Bên kia cái bình phong, hai người vẫn thì thào hỏi, đáp:

- Thế mày đã nói chưa?

- Chưa tiện dịp. Có một tờ đòi đúng một cái đỉnh thì mới chịu đăng cái ảnh của tao lên trang nhất.

- Ảnh nào? Cái ảnh chụp mày lúc giẫm đất, mặc áo trắng dài ấy à.

-Phải, cái lúc đương nghỉ trưa ở điếm mà đê núng ấy. Còn hai tờ kia không có ảnh thì chỉ đòi năm chục mỗi tờ một bài tường thuật. Tổng chi họ đòi tất cả hai trăm, nghĩa là ngót hai chục cái abonnemènts hàng năm.

- Thôi thì cố lo đi cho được công việc vậy.

- Tao cũng nghĩ thế. Nhưng chưa có tiền. Để lát nữa tao ra điều đình bằng cách ký vào giấy mua năm rồi trả sau vậy. Có thế họ mới chịu làm to chuyện phu hộ đê định đình công.

- Thế quan trên về xem có nói gì không?

- Có! Thằng xồm cứ chửi mãi tao là sao nhãng thì có ức không hử mày? Mà anh chánh thì nhất định bắt hàn khẩu ngay ngày mai, trần tình thế nào cũng không nghe. Kiếp làm quan khổ thật!

- Ừ, thế mày có nhớ cho tao cái khoản bốn nghìn cái bao gai với hai nghìn tấn gạo sắp mốc đấy không?

-Gớm, thôi mày đừng làm khổ tao nữa! Tao làm gì được cơ chứ? Giữa lúc ông tai nạn thế này mà bạn hữu cứ như mày thì đểu thật!

-Rõ quân vô ơn chưa! Ông thử hỏi không có ông ở đây hôm nay, ai tiếp khách cho mày nào?

Đến đây tiếng vo vo của dọc tẩu tạm làm gián đoạn sự xích mích của hai người bạn. Rồi lại thấy ông huyện nói:

-Bao gai thì mày về sở Công chính Hà Nội mà hỏi! Gạo thì mày lên tòa sứ mà bỏ thầu! Hiện giờ gạo hẩm chỉ có bốn đồng một tạ, gạo của mày đã sắp mốc thì cứ năm hào hay một đồng kém dưới thời giá thì còn ai tranh được nữa mà sợ!

- Ừ, thôi được rồi, hút đi!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

22#
 Tác giả| Đăng lúc 9-12-2013 09:41:56 | Chỉ xem của tác giả
Sau đó, ông huyện lại ra phòng khách. Độ nửa giờ về sau, Dung thấy những lời chào hỏi tiễn biệt rất ân cần vang lên. Rồi tiếng động cơ của chiếc máy xe hơi văng vẳng lần lượt nổ ở ngoài dinh thất. Nàng nghĩ đến những sự bất chính của các nhà báo mà ông huyện đã cắt nghĩa mập mờ lúc này thì đâm ra nghi ngờ những cái tin tức và dư luận của họ trên mặt giấy, cho nên khi thấy họ ra đi, Dung lầm bầm tự nhủ một cách sung sướng: “Thoát nợ!”.

Dung toan ngồi lên thì ông huyện đã lại đẩy cửa bước vào. Sau khi kéo đến điếu thứ bốn, ông huyện ngồi lên bảo bạn:

- Thôi! Tao ra đê đây! Mày có ra xem thì ra, hoặc có muốn bàn soạn gì không, chứ đêm nay chắc tao không về ngủ được.

- Ngoài ấy chắc đông người lắm đấy nhỉ?

-Đã cố nhiên! Dân phu đương đan rọ nhồi đất vào bao gai để mai thì hàn khẩu sớm. Lính lệ có năm thằng tao sai ra đấy cả, lính cơ có mười thằng tao cũng sai ra đấy mất tám! Mày nên ra, tao vẫn có chuyện muốn bàn.

- Ừthì đi, chứ hút vào rồi thì còn ngủ sao được.

Hai người đứng lên, rót nước uống, hút thuốc lào một cách hăm hở như sẽ không bao giờ được hút nữa, rồi đẩy cửa phòng bước ra. Chờ độ năm phút, Dung cũng ngồi dậy. Nàng sang phòng khách. Một tên người nhà ủ rũ ngồi ngủ gật trên một cái ghế tràng kỷ, dưới một ngọn đèn măng sông đã tối một nửa búp đa, vì cạn dầu. Qua phòng khách, Dung đẩy cửa vào buồng mẹ thì thấy mẹ đã ngủ kỹ. Nàng khêu nhỏ ngọn đèn dầu ở bàn rồi rón rén quay ra. Dung tìm bao diêm ở ô kéo, đốt một cây đèn hoa kỳ lên, tắt phụt ngọn lửa ở đèn dầu xăng. Nhìn ra sân, thấy trời tối om, Dung bèn bỏ bao diêm vào túi áo. Nàng đứng tựa cột dưới mái hiên ít lâu, lại quay vào phòng riêng thay đôi guốc lẹp kẹp để đi vào dép dừa, Dung tự bảo:

“Đi mất tám anh lính cơ thì có hai. Một anh đã phải gác cửa dinh, ắt chỉ còn có một gác lô- cốt. Việc trinh thám của ta như vậy là có giời giúp, ắt không nguy hiểm gì cả”. Nghĩ thế rồi nàng bạo dạn xông pha cái màn đen của đêm tối, trông thẳng lô- cốt mà tiến. Giẫm trên cỏ ẩm ướt hơi sương, dép của nàng êm ả như đi trên nhung. Bỗng từ xa đưa lại một tiếng “keng” khá to. Đó là người lính cơ gõ vào một miếng sắt treo dưới hiên của cái nhà chứa súng đạn ấy, tỏ rằng mình vẫn đủ phận sự thức đêm để canh gác 10 khẩu súng và 1200 viên đạn của bạn đồng ngũ thuộc quyền quan huyện. Sợ bị trông thấy, Dung vội nấp sau một cây cọ, trước khi tiến, hãy nghe ngóng xem sao đã. Trống ngực nàng bắt đầu đập thình thình. Không thấy gì nữa, Dung lại có can đảm, bỏ cây cọ mà lần đến một cây bàng cổ thụ cách đấy hai mươi thước. Lúc ấy, người lính cơ nằm trên ghế vải dưới hiên lô- cốt. Hắn đương kéo một hơi thuốc ở cái điếu cầy. Một ngọn đèn dầu treo ở một cột hàng hiên chiếu ra chung quanh một vòng ánh sáng yếu ớt, nhưng về phía Dung, may sao lại bị dãy cột che lấp. Trông thấy ánh sáng, Dung vội nghĩ đến quần áo nàng mặc. May sao tình cờ hôm ấy nàng lại mặc quần thâm và áo dài màu hạt dẻ. Nàng đương mừng rỡ, lại cho sự tình cờ ấy là cũng “có người giúp” thì chợt một cánh cửa ở lô- cốt bị đẩy, một ít ánh sáng hiện ra trong khung vuông. Dung vội vàng náu mình sau gốc bàng. Có tiếng nói:

- Nó ngất đi hay nó chết đấy?

-Việc gì mà nó chết! Kệ mẹ nó nằm đấy!

- Có cùm chân nó không?

- Thôi, đêm nay tha cho nó.

-Quân này, ôn con mà đã gan hơn tướng cướp!

-Gan bằng cóc tía nữa thì cũng tối mai là phải xong cái khẩu cung.

Ló đầu nhìn, Dung thấy đó là hai người. Một người mặc áo dài, tiếng nói đích là tiếng ông lục sự. Còn người kia mặc áo tây vàng, thì dễ thường là anh Cạp, một tên mật thám của ông huyện, sự khủng bố của bọn phạm nhân. Tuy hắn là tay sai của bố mình, Dung cũng ghét hắn hết sức, vì hắn nổi tiếng là tàn ác. Dung rùng mình nghĩ đến người thiếu niên nàng định cứu vớt, hẳn đã bị hành hạ bởi con người không có quả tim kia. Đến đấy, cả hai cùng bước ra khỏi phòng giam, ông lục sự thì cắp cặp giấy má, anh Cạp thì tay xách một chiếc ghế mây, tay kia bưng một cái đèn con. Sau khi ông lục sự lách cách khóa cửa, cả hai đến chỗ anh lính cơ nằm.

- Này đây chìa khóa! Canh gác mà ngủ gật thế!

Ông lục sự nói xong bèn đập cái thìa khóa đánh chát một cái xuống thành ghế vải. Anh lính cơ hoảng hốt đứng phắt lên, mồm kêu:

“Vâng, cụ để đấy con xin!”

Rồi anh ta vớ ngay dùi, lại đập vào miếng sắt treo ngang đầu một tiếng keng, xong anh ta lại hút một mồi thuốc lào. Sau cùng thì chờ khi ông lục sự và người giúp việc ông đi khuất sau một cái hàng rào, anh ta lại nằm vật xuống ghế vải, quên khuấy cả chiếc thìa khóa bỏ ở thành ghế. Đứng nấp sau gốc bàng, căn cứ vào những điều tai nghe mắt thấy, Dung nhận ra rằng dễ thường cái việc trinh thám suông của nàng có thể là một việc giúp cho tội phạm vượt ngục! Ừ, nếu có thể thì sao lại chẳng giúp cho người ta vượt ngục? Lúc ấy, tâm hồn Dung say sưa trong cái thi vị của sự dự định, nó có vẻ tiểu thuyết lắm, Dung cứu vớt được một người! Người ấy sẽ suốt đời nhớ ơn Dung, phải lòng Dung, nhưng mà Dung thề trước là sẽ không yêu đâu. Do một sự đùa nghịch của nàng, cả một gia đình sẽ thấy hạnh phúc! Thật là một cử chỉ nên thơ! Thốt nhiên nàng nhớ lại rành mạch một truyện đoản thiên của Guy de Maupasạant trong đó một vị công chúa Nga la tư, trong một chiếc tàu đắm, đã cứu vớt được người đàn ông, để cho về sau người này cứ theo đuổi ân nhân của mình bằng một mối tình đau đớn, kín đáo và ôm hận suốt đời, khi ân nhân chết. Sao Dung lại không như vị công chúa Nga?

Sao người thiếu niên này lại không có thể nhớ ơn được như người đàn ông tả trong truyện? Một sức mạnh huyền bí của tiểu thuyết làm cho Dung bạo dạn rón rén đến gần cái ghế của người lính cơ. Người ấy đã lại ngủ, Dung khẽ rón lấy cái thìa khóa. Nàng lần đến cửa phòng giam, nó cách xa chỗ người lính ngủ đến mươi thước. Dung mở khóa, khẽ đẩy cửa. Nàng đánh diêm... Ngồi xệp dưới đất, tựa lưng vào tường, Phú đương thở hổn hển bỗng phải trố mắt kinh ngạc. Cái diêm tắt. Dung đánh cái diêm thứ hai. Như một cái máy, Phú đứng lên. Dung trỏ tay ra cửa. Phú bước ra ngoài bậu cửa. Dung ra theo, rồi cánh cửa lại khóa trái lại.

- Cứ đi theo tôi.

Rồi Dung dẫn Phú đi loanh quanh trong vườn. Đến một cái cổng nhỏ, Dung mở cổng. Rồi khẽ nói:

-Vỡ đê rồi! Mau về làng mà cứu lấy gia đình. Đi đi!

Phú đứng tần ngần hồi lâu, tưởng mình đang trong mộng. Đoạn run run kính cẩn hỏi:

- Thưa cô, cô là ai?

Dung khẽ cười mà rằng:

-Một nàng tiên xuống cứu người lâm nạn.

- Thưa cô...

- Thôi, không được hỏi gì nữa! Trốn ngay đi cho mau! Nội đêm nay không khỏi vùng này, ắt chết! Đi!

Phú hấp tấp nói rất cảm động:

- Tôi xin nhớ ơn đến chết.

Rồi đi, đi... không trông thấy người ấy nữa. Dung đến một bờ giếng, vứt cái chìa khóa xuống giếng. Sau cùng, nàng về phòng riêng với cái sung sướng đã làm được một việc ghê gớm, cái sung sướng ngây thơ của những thiếu nữ nông nổi trong một lúc cao hứng muốn chơi đùa.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

23#
 Tác giả| Đăng lúc 9-12-2013 09:43:46 | Chỉ xem của tác giả
Chương 11


Ra khỏi huyện lỵ chừng nửa cây số, Phú đương lần mò trên đường đê, trong cái đêm trường đen mù mịt, tâm thần xúc động rất mạnh vì cái việc vượt ngục trong một trường hợp phi thường, óc còn rối loạn bởi trăm nghìn mối lo sợ vu vơ, hai đầu gối nhức nhối như sắp rời ra, thì bỗng nghe thấy ở phía sau lưng văng vẳng từ xa, có tiếng chân người rộn rịp giẫm trên mặt đất... Tiếng động mỗi lúc một gần. Phú vội vàng rẽ xuống dốc đê ngồi thụp trên bãi cỏ, tưởng chừng đó là hàng trăm tuần tráng, binh lính đi lùng bắt mình vậy. Từ dưới dốc đê nhìn lên, thị quan cố sức chú ý, Phú thấy bên mặt đường, dưới những vệt đen cong queo là những cây xoan mảnh khảnh, hiện ra bóng dáng một tốp người lặng lẽ cúi đầu rảo cẳng bước đi. Đến khi tới chỗ Phú nấp, có một tiếng người thì thào nói:

- Thôi, dừng chân nghỉ tạm đi! Đã được khối đường đất rồi.

Lại có tiếng một người đàn bà the thé:

-Về được đến sáu cột lô mét, cách xa chỗ đê vỡ rồi!

Nhưng lại có tiếng khàn khàn của một ông cụ già:

- Nhưng mà mới khỏi huyện lỵ có một thí đường đất thì cứ phải đi nữa, kẻo không tuần tráng họ biết mình trốn phu, họ tống cả lại trình quan thì chết cả nút!

Vốn nhanh trí khôn, biết rằng vượt ngục như mình thì thà đi lẫn vào đám phu trốn đê còn hơn là đi chơ vơ nguy hiểm, Phú lại cố sức đứng lên nối đuôi vào đám đông ấy. Đó là số đông các ông già, đàn bà và trẻ con, trong lúc cuống cuồng của quan trên, đã bị lý dịch cưỡng bách nhất loạt đi hàn khẩu, và đã thừa cơ trốn tránh, bởi lẽ ruộng vườn nhà cửa của họ đã bị ngọn nước hủy hoại, lôi kéo đi từ bao giờ mất rồi. Thêm vào cái vấn đề lương tâm phận sự là điều dân quê không có, lại còn có sự mâu thuẫn của những lệnh quan truyền xuống, buổi sáng mới thế này mà buổi chiều đã lại thế khác, cho nên họ có gan trốn tránh, yên trí rằng chẳng trốn đi cho rảnh thì cũng đến được tha về mà thôi. Phú hỏi ông lão già:

- Thưa cụ, cụ là người vùng nào?

Không thèm nhìn sang bên cạnh, ông lão cứ vừa thất thểu đi vừa đáp:

- Tôi ở tổng Động Lung.

- Thế ra cụ với con là người cùng hàng huyện.

-Phải.

-Bẩm, vỡ đường vỡ sá như thế này, huyện nhà có thiệt hại lắm không?

Ông lão, trước một câu hỏi mà ông cho là ngẩn ngơ đáng lộn ruột, phát bẳn mà gắt:

- Nhà bác ngu lắm! Vỡ đê, ngập lụt mất cả chín tổng, thì ắt là phải thiệt hại, chớ lại còn phải hỏi gì nữa! Nhà bác mới ở trên giời rơi xuống đấy à?

- Thưa cụ, con làm ở đê đã năm hôm nay, nào con có hiểu gì đâu? Chỉ biết là vỡ đê thôi, nay gặp cụ ở làng ra, con mới phải hỏi.

-Đấy thì bác trông mà xem. Chỗ nào cũng trên thì giời dưới thì nước, cứ trắng xóa cả một lượt, thế này thì hàng vạn người đói khát hàng tháng.

Mãi đến lúc này, Phú mới kịp nhìn ra hai bên lối đi. Quả nhiên, một bên thì là sông, một bên thì là đồng ruộng đã bị nước tràn vào, quãng đê chạy thẳng băng trông mảnh khảnh như một cái đũa nổi trên mặt nước, mà bọn người trên đê thì thật chẳng khác một đàn kiến bò trên cái đũa ấy. Nghĩ đến mẹ, chị, và cháu ở nhà, Phú lại lo lắng và hỏi:

- Thưa cụ, thế hôm mới vỡ thì nước tràn vào có mạnh lắm không? Có trôi nhà trôi cửa đi không?

-Làng nào gần đê thì trôi, làng nào xa đê thì việc gì mà trôi! Cứ hỏi lẩn thẩn!

Từ đây về sau, Phú lặng lẽ cùng đi như mọi người. Chàng biết đó là một ông lão khổ sở cũng như đa số các ông lão nhà quê khác cho nên có cái tính nết quái lạ là thản nhiên về những cái tai họa tày đình mà chỉ cấm cảu hay cáu kỉnh về những sự chẳng đáng bực tức. Phú rảo cẳng tiến lên hàng đầu. Thấy một người trạc tuổi với mình, chàng hỏi:

-Bác làm đê đã mấy hôm nay?

-Hai ba hôm. Vỡ đường, sốt ruột quá, không trốn về không được.

Ngừng một lát, người ấy nói tiếp:

- Nhà nước định hàn khẩu ngay để rồi phá một quãng đê nào đấy cho nước trút bớt sang sông Thương. Nhưng mà liệu có cấy tái giá được nữa không? Bao giờ cạn nước? Ai có tiền mua mạ? Thôi, chẳng qua chỉ khổ thằng khố rách!

Thấy người ấy có vẻ bộc tuệch dễ dãi, Phú bèn hỏi thăm đường đất, và biết được rằng chàng phải đi chỉ độ bốn cây số nữa thì sẽ tới chỗ một con đê cũ, và sau khi lại đi hết con đê ấy, chỉ phải đi độ ba cây nữa thì đã về đến làng. Vị chi tất cả chỉ còn độ bảy cây số là cùng mà thôi. Thốt nhiên có tiếng một đứa bé kêu với mẹ:

-Bu ơi, tôi đau chân lắm, cái chỗ giẫm phải gai hôm qua bây giờ lại nhức lắm.

Rồi một người đàn bà lại nói:
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

24#
 Tác giả| Đăng lúc 9-12-2013 09:45:32 | Chỉ xem của tác giả
-Hãy nghỉ tạm một lát vậy, các cụ, các bà ạ.

Ấy thế là người ta cãi cọ nhau huyên thiên. Người muốn đi nữa. Kẻ kêu phải đi nữa thì nhọc mà chết mất. Nhất là bọn trẻ con. Chúng đã độ chừng mười lăm tuổi trở lên cả mà cứ nhai nhải đòi nghỉ khỏe nhất. Những đứa không có mẹ, không có chú thím cùng đi đám ấy, thì chỉ cắn răng ngậm miệng, không có ý kiến gì cả. Còn những ông lão già thì lại hăng hái cứ đi. Phú bèn cổ động:

- Thôi cứ nghỉ chân một lát đã, các cụ ạ. Có gặp tuần tráng thì các cụ kêu phăng rằng: ấy quan cho rằng ông già, đàn bà, trẻ con ở đấy chỉ tổ quẩn chân người khác nên đã tha cho về, thế cũng xong! Đêm hôm khuya khoắt thế này, tuần tráng mọi nơi thì đã dồn cả vào chỗ hàn khẩu, còn thừa người đâu tuần phòng các điếm khác nữa mà sợ. Trên thì giời, dưới thì nước thế này, còn ai đuổi bắt mình nữa mà sợ.

Nghe lời nói có lý, cái bọn bốn năm chục người đương lôi thôi lốc thốc cắm đầu cắm cổ bước đi một cách buồn rầu như một đàn cừu ấy, bỗng bảo nhau đứng dừng cả lại. Cái đói, cái khát, cái nhọc mệt, những nỗi đau đớn về sản nghiệp bị cuốn theo làn nước, cái lo sợ về tương lai chỉ để dành cho những ngày đói khát tối tăm, đã làm cho ngần ấy người chẳng nói chẳng rằng, chẳng một lời than vãn, chỉ tụm nhau hoặc nằm hoặc ngồi hai bên vệ đê, trên cỏ ướt, một cách im lặng gan góc, tựa hồ ai cũng là một triết nhân can đảm mà chịu số phận, người này hoặc là đau đớn không nói được nữa, kẻ kia có lẽ không nói gì cả để mà đau đớn, thế thôi!

Thấy chung quanh mình có mấy người nằm thẳng cẳng ra, Phú cũng gập tay làm gối, co ro nằm nghiêng trên cỏ. Chàng phải ngạc nhiên hết sức ở chỗ nhận thấy rằng lúc đi thì không sao, mà lúc nằm nghỉ thì chưa chi cả chân tay mình mẩy lại bỗng đau mỏi như dần mà hậu môn chàng thì buốt như bị bỏng nước sôi! Thế là cách tra tấn dã man trong lô- cốt lúc trước lại hiện ra một cách kinh hoàng như Phú đương thấy trước mắt... Đêm ấy, hai chân bị kẹp chặt trong cùm sắt, lưng bị mấy trăm con rệp hút máu cắn nhoi nhói, mặt thì bị đàn muỗi vo vo khiêu khích, Phú cứ oằn oại, cựa cậy, xua tay đuổi muỗi, tự mình tát mình cũng đã rát cả mặt, đương bực tức đau khổ một nghìn nỗi, thì cánh cửa bỗng bị đẩy tung ra. Hai người ban sáng lại vào với một cái đèn dầu, một cái ghế mây và một cuộn thừng.

-Không, chúng tao đánh đập mày không ích gì cả. Không phải đánh được mày là chúng tao sướng! Nhưng mà mày phải nói, phải thú nhận hết mọi tội, phải tố cáo những kẻ đồng đảng, nghĩa là phải cho biết những điều mà chúng tao có quyền được biết! Nghe không?

Rồi họ lặng lẽ tháo cái cùm nặng nề dưới chân sàn lim để Phú phải đứng lên. ý nghĩ thứ nhất của chàng là sai nha đã làm trái phép, đương đêm không có mặt quan trên, lại đi lấy khẩu cung ở lô- cốt một cách lẩn lút như thế. Còn đương ngẫm nghĩ thì một cái đá rất mạnh vào bụng đã khiến Phú ngã lăn chiêng, lặng người đi, vì đầu chàng va mạnh vào thành sàn lim, Phú khặc khừ đáp:

- Tôi không có gì cung xưng nữa, các ông đã có quyền tra khảo thì cứ việc mà tra khảo.

Họ bèn bắt Phú cởi quần ra mà ngồi lên ghế mây. Họ trói giật cánh khuỷu chàng vào với thành tựa của ghế. Họ lại bắt Phú xoạc chân ra để cho họ trói hai chân Phú vào hai chân của cái ghế mây. Sau cùng, họ để cái đèn dầu dưới cái ghế, giữa chỗ ngọn khói đen chạy thẳng lên hậu môn của Phú. Như vậy, họ đã có cách tra khảo cực kỳ hiểm độc, mà lại không để thương tích gì ở mình mẩy kẻ bị tra khảo, nghĩa là họ có đủ chứng cớ chối cãi tội ác của họ trước mặt quan trên, nếu những ngược hình trong một nơi kín đáo như thế mà lại đến tai chính phủ hay quan trên. Khi họ mới để cây đèn dưới cái ghế, Phú đã toát mồ hôi như những khi sốt rét nằm kín mít trong chăn.

- Thế nào? Bao giờ mày mới chịu nhận cái tội làm hội kín? Bao giờ mày mới xưng những tên đồng đảng?

Phú lắc đầu. Tên áo tây vàng cúi xuống khêu to ngọn đèn. Hơi nóng và khói đen bốc lên, chạy thẳng vào hậu môn của Phú theo cái lối “tọng vào ruột”. Phú thét to một tiếng thảm đạm vô cùng thì họ lại vặn nhỏ ngọn lửa. Phú không giữ được nước mắt nữa, biết mình thế là hèn nhưng không tài nào giữ được cho khỏi hèn, rên rỉ kêu la:

-Giời ơi! Oan tôi lắm các ông ơi!

- Này gan với ông!

Nói xong vẫn ngồi xổm dưới chân Phú, tên áo ngắn lại đưa tay ra khêu to ngọn lửa. Lần này Phú không kêu được nữa, bị nó trói chặt vào ghế, mà thân thể run bắn lên đến nỗi rung cả cái ghế, rồi đầu chàng ngả về một bên như chết. Họ lại vặn nhỏ ngọn đèn. Đứng khoanh tay trước mặt Phú, viên lục sự già, cái bút máy gài tai, bình tĩnh nói:

- Tao chờ mày khai thì tao làm nốt biên bản.

Lúc ấy, mười phần hiểu biết, Phú chỉ còn có một. Nhưng chàng giả vờ làm người chết ngất xem bọn kia có quay trở lại với lương tâm loài người của họ không. Cho nên khi được cởi trói, bị một bàn tay phũ phàng lay vào vai, Phú vẫn nằm nhắm mắt, đành phải để cả mình cùng cái ghế ngã và đổ lăn xuống đất. Cái đau vì ngã còn hơn cái ghê gớm để lửa và khói hun nấu hậu môn. Trước cái ngã ấy, người lục sự nói:

- Thôi hoãn vậy. Cứ như thế thì đêm mai nó cứ trông thấy cái đèn cũng đủ cung xưng hết, tội gì rồi cũng phải nhận. Rồi họ tháo lui.

Rồi cửa ngục bị khóa trái. Rồi cửa ngục lại mở…

Sau khi ngẫm nghĩ hồi lâu, Phú tự nhủ một cách quả quyết:

“Được rồi, nếu ta bị bắt lần nữa thì ta cứ khai là con gái ông huyện mở cửa ngục cho ta ra xem sao!”

Cái tiếng oanh thỏ thẻ ấy chính là tiếng của người con gái đã nũng nịu nói câu:

“Thì cậu để yên cho con quan sát mọi sự thì đã sao!” Lúc bị ông huyện gắt mắng ở điếm, khi Phú bị lính dẫn đến trước mặt viên tham tá lục lộ về tội đánh người Nhà nước. Phú cho thế là một cách gỡ mình chính đáng, vì nếu muốn kết tội Phú, trước hết ông huyện hãy buộc tội con gái ông. Biết đâu chẳng chỉ vì thế mà thoát tù tội. Phú nghĩ đến đây, vui vẻ quá, quên cả đau, vươn vai đứng lên giục:

- Thôi đi chứ, các ông, các bà! Ngồi nghỉ đến bao giờ nữa?
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

25#
 Tác giả| Đăng lúc 9-12-2013 18:15:15 | Chỉ xem của tác giả
Chương 12


Cái đồng hồ đánh năm tiếng thong thả. Lúc ấy, trời mới hừng sáng. Ông huyện ở chỗ vỡ đê mới về. Ông đã thức cả đêm. Ông đã gắt mắng cả đêm. Ông nhọc. Bây giờ ông không muốn nói gì nữa. Ông ngồi dựa ghế, nghe lời trình của viên lục sự già, thỉnh thoảng lại lắc đầu, lại xua tay, lúc nào cũng như không muốn để tai nghe. Người ta đã dùng cái phòng khách của ông huyện để thiết công đường. Sớm quá, vả, vì lẽ phải giữ kín, nên trong số nha lại họp mặt tại tư thất quan huyện chỉ có viên lục sự già, anh Cạp, người mật thám riêng của ông huyện, một ông nho, và anh lính cơ gác lô- cốt đêm qua. Mọi người trình bày công việc của mình để cho rõ đầu đuôi cái việc bí mật ghê gớm kỳ quặc chưa từng có bao giờ là cái việc vượt ngục của Phú. Viên lục sự già chỉ vào anh Cạp ra ý phân bua và kể lể:

-Bẩm quan lớn, ấy đầu đuôi tra khảo là như thế, rồi chúng tôi hoãn việc khẩu cung là như thế, khóa cửa và giao thìa khóa trả cho lính cơ là như thế.

Anh Cạp cũng sửng sốt:

-Bẩm... nó vượt ngục như thế thì dễ thường nó có phép tiên, chứ cửa con đã khóa trái kỹ lưỡng, mà lúc anh lính cơ vào khám tù thì phải phá ổ khóa mới vào được.

Sau khi hai người đã khai rành mạch như vậy rồi thì trăm nghìn tội lỗi đổ nặng trĩu cả vào đầu bác lính cơ gác đêm. Đứng trước bàn ông huyện, hai tay bác chắp lại, mắt bác chỉ dám nhìn xuống đất. Bác hết sức hy vọng rằng quan nên xét đến cái chỗ tài tình của kẻ vượt ngục thì tội sao nhãng của bác cũng được giảm. Nhưng xem ý quan lại càng ngờ rằng trong vụ này, ắt có kẻ đồng mưu, chứ một kẻ vượt ngục chẳng khi nào lại có phép tàng hình mà vượt ngục được như thế! Sau khi khoan thai kéo một mồi thuốc lào rõ dài, sau khi nhìn vào đám khói xanh như muốn hỏi một điều gì bí mật, quan huyện từ tốn một cách đáng sợ, bảo tên lính:

-Bây giờ đến lượt mày. Mày canh gác ra làm sao? Mày ngủ những lúc nào? nói ra cho rành mạch!

Anh chàng này bỗng cũng đâm ra run sợ, lưỡi ríu lại, thật cũng lúng túng chẳng kém một người cả đời chưa lần nào ra cửa quan.

-Bẩm quan lớn, con nhận rằng vào khoảng gần một giờ đêm thì ông lục và bác Cạp quả có từ lô- cốt ra, có đi qua chỗ con nằm và có để vào bên thành ghế của con cái thìa khóa cửa. Lúc ấy, tuy tay con không cầm đến, nhưng quả có nghe thấy một tiếng cách hẳn hoi. Bẩm thế rồi... lạy quan lớn trăm lạy, con nhọc mệt quá, lúc nào cũng ngủ dở thức dở, có lẽ ngủ nhiều hơn thức con không dám chối, nhưng mà hễ thức là có đánh kẻng làm hiệu ạ. Đêm hôm ấy, con quên khuấy mất cái thìa khóa! Sáng sớm vùng dậy, không thấy thìa khóa đâu, con mới vội vã sang bên ông lục sự con trình... Ông lục sự con nghĩ ngay đến tên can phạm, liền gọi cửa nhỏ, không thấy, và phá cửa lớn mà vào, cũng chẳng thấy nốt! Thật là một việc kỳ dị như có ma!... Bẩm đầu đuôi là như thế, mong quan lớn soi xét.

Đến đây, quan huyện xua tay một cách rất chán nản, nhăn mặt lại một cách rất phẫn uất, dằn từng tiếng mà nói:

- Tôi thì công việc đê điều bận rộn là như thế, trông cậy vào có các người ở nhà... Vậy mà các người thừa hành chức vụ là như thế! Có một tên trọng phạm thì để cho nó vượt ngục! Có một cái thìa khóa thì mất cả cái thìa khóa! Việc quan mà các người làm như vậy thì còn ra cái thể thống gì nữa? Trò hề đấy à? Các người cứ liệu cái thần xác!

Chừng như không chịu nổi lời mắng vơ đũa cả nắm ấy, ông lục sự bèn xích ra đứng giữa phân giải:

-Bẩm quan lớn, việc đã xảy ra đến như thế này, âu là xin quan lớn cứ việc thẳng tay cho, đứa nào có lỗi đứa ấy sẽ chịu lỗi. Xin quan lớn tư lên tòa sứ đem một vài người ở sở Liêm phóng Hà Nội về mà mở cuộc điều tra. Chứ một vụ vượt ngục như vụ này không phải là sự thường. Khóa vẫn y nguyên mà phạm nhân ra ngoài lúc nào không ai biết, như vậy, trừ phi có kẻ tòng đảng thì không sao có được một việc lạ lùng nhất từ cổ chí kim như thế được.

Ông huyện bưng đầu ngẫm nghĩ một lúc lâu rồi chỉ nói:

- Ông lục sự ở lại đây... còn thôi, cho chúng bay lui cả!

Người lính cơ và người mật thám riêng vái dài một cái, đoạn rủ nhau đi về công đường, cái miệng cứ bình phẩm bô bô mãi về sự quan huyện không quở trách gì cả... Còn lại một ông lục sự già, ông huyện bèn thở dài ngán ngẩm mà rằng:

- Ông lục ơi, phen này thì chết cả mất thôi!

Cái giọng than vãn của ông huyện có một vẻ rền rĩ, một vẻ ảo não đặc biệt, đến nỗi bỗng đâu viên lục sự già cảm thấy đủ tất cả sự nghiêm trọng của lời trách cứ. Đến lúc ấy, lão mới nói thẳng rằng cái trách nhiệm của mình tuy là gián tiếp mà cũng đủ nặng nề như một vấn đề lương tâm. Ông huyện lại nói:

- Chết thật! Trông đê thì đê vỡ, giữ tù thì tù sổng! Làm quan đến lúc này mà chưa bị cách thì còn đến bao giờ nữa mới bị cách?

Lúc ấy, Dung bước vào phòng khách, tay cầm một mẩu giấy nhỏ. Nàng trù trừ một lát rồi nói:

- Thưa cậu, đây là giấy của bác Khoát, lúc ra đi có viết lại mấy chữ và bảo con đưa cho cậu.

Ông huyện cầm lấy, không đọc vội, lại nhăn nhó, nói với ông lục sự già:

- Như ý ông thì cái việc quái ác này liệu có ai dính vào không? Thằng lính cơ hay thằng Cạp?

- Tôi có nghi thì tôi nghi nhất cho thằng lính cơ. Vì thằng Cạp thì ngay đêm ấy, nó đánh tài bàn cả đêm ở nhà tôi...

-Bây giờ ta làm thế nào?

- Theo ý tôi thì trói cổ thằng lính cơ lại mà khảo để cho kỳ bao giờ nó cung xưng thì thôi.

Nghe thấy thế, Dung hãi hùng vội phải vờ lúi húi tìm tòi một vật gì đó trong tủ chè. May sao không bị bố để ý đuổi ra. Dung liền tìm được một mẹo để cứ ngồi trong phòng khách, nghĩa là chuyên chè từ bao này sang bao kia. Nàng lắng tai nghe chuyện. Người lục sự già tiếp:
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

26#
 Tác giả| Đăng lúc 9-12-2013 18:16:38 | Chỉ xem của tác giả
-Một mặt nữa thì cho thằng Cạp và một ít lính tráng nữa đi tróc nã phạm nhân, vì hắn đi tất cũng chưa xa. Cái thẻ thuế thân của nó còn đây, ta cứ việc cho lính về tận nguyên quán...

Ông huyện ngơ ngác gặng hỏi một lần nữa:

- Ông chỉ nghĩ được có thế thôi à? Không phải trình sứ việc vượt ngục à?

Người lục sự già đáp:

-Việc trình sứ hay không là tùy quan lớn, còn tôi, ngụ ý là như thế đó.

Ông huyện lúc ấy đứng lên, dõng dạc:

-Không! Không và không!

Ông chắp tay sau lưng, đi đi lại lại:

- Nếu để việc vỡ lở to ra thì không những chỉ nguy cho tên lính cơ, hay cho ông mà thôi, nhưng mà chết lây đến cả tôi nữa! Nếu mình trình sứ ắt tòa sứ phải báo sở Liêm phóng Hà Nội. Như vậy thì có phải rõ thật bỗng dưng “lạy ông tôi ở bụi này” không? Phải giải quyết bằng cách khác... Cái gì nhất cử lưỡng tiện mới được.

Viên lục sự cũng lên tiếng:

-Vâng, nếu vậy thì cũng còn cách khác... Mà cũng chỉ còn có một cách.

Ông huyện cũng nói tiếp một cách mập mờ:

- Có phải thế không hở ông?

- Tuy nhiên cũng phải tra ra cho kỹ cái án này chứ không thì ức lắm.

- Ông nói có lý đấy! Nếu mình không ra oai một bận cho quân khác nó noi gương thì không xong... Vậy thì ông sửa soạn đi, rồi để tôi ký một chữ.

-Bẩm, thế tôi xin ra lấy hồ sơ ở công đường.

-Phải.

-Bẩm lạy quan lớn, chốc nữa tôi xin đem cả vào đây.

-Phải phải! Thế tốt lắm. Mà ông dặn chúng không được tiết lộ...

Người lại già đã đi khỏi, quan lúc ấy để nguyên áo dài nằm thẳng cẳng trên trường kỷ, vừa ngáp vừa bảo con gái:

-Quạt cho cậu mấy cái đây, con ơi!

Vâng lời, Dung ngồi phía dưới chân bố, phe phẩy cái quạt lông, ông huyện chập chờn dở ngủ dở thức, trí não đương vật lộn với trăm nghìn cái dấu hỏi. Ông đương lo lắng về nỗi vỡ đê. Cứ như những tin ông nhận được thì phủ Thông sứ đã cho ông là sao nhãng, định đưa ông ra một hội đồng kỷ luật, và trước khi ấy, sẽ huyền chức ông trong một năm hay là cất chức ông mà gọi tạm về làm bàn giấy ở tòa sứ... Chưa biết đích xác, ông đã phải hết sức xoay xở, cựa cậy, vận động thì... chưa chi lại xảy ra cái vụ vượt ngục ghê gớm này! Ông căm tức bọn nha lại dưới quyền ông đến nỗi cổ ông ắng lại, lưỡi ông đờ ra, không nói gì được nữa, ông đã tưởng cái chức tri huyện thật là đến lúc “bương”. Nhưng phàm người ta, bao giờ cũng vậy, có gặp lúc nguy nan thì mới thấy nảy ra cái trí sáng suốt phi thường. Tù vượt ngục, ông có khi nào lại chịu cái trách nhiệm để tù sổng. Đã thế thì, nào, ông lục già!

-Mời ông hủy cái khẩu cung cũ, lập cái khẩu cung mới trong đó người ta không buộc được kẻ khai cung lấy một tội nhỏ, nếu đó không là một tội vi cảnh, rồi người ta ký giấy tha bổng cho phạm nhân! Phú vượt ngục? Không! Phú được tha chứ không phải vượt ngục!

Nghĩ thế, ông huyện cũng thấy lối cai trị ấy là khôn khéo. Nhưng ông không khỏi lấy làm kinh hoảng mỗi khi ông lại phải nghĩ rằng cửa lô- cốt vẫn khóa mà tên can phạm lại không biết chui đường nào mà ra. Tòng đảng? Cái đó đã hẳn, nhưng mà ai? Không lẽ chính là tên lính cơ! Mà nếu không là tên lính cơ thì ắt hẳn phải một hoặc là nhiều người khác... Ông huyện rùng mình nghĩ đến những đảng chính trị bí mật... Nghĩ đến những đứa ấy, bụng dạ ông hình như phấn khởi lại vừa sợ hãi. Ông nghĩ đến cái đột ngột của một vụ Yên Bái, một vụ Lâm Thao... Ông nghĩ đến ông huyện Hoàng Gia Mô. Phải, trước khi xảy ra những việc như thế, không bao giờ người đời lại dám ngờ rằng sẽ có khi xảy ra những việc như thế. Người ta cứ chờ những việc ấy nó xảy ra rồi thì người ta mới ngơ ngác hoặc là há hốc mồm ra mà nhìn nhau, thế thôi. Cái khôn ngoan của người quân tử là lo xa đến những điều ấy, trước khi những người trong thiên hạ kịp để ý đến. Đã thế thì... “Phải tha! Phải ký giấy tha!” ông huyện nghĩ thế xong lại thấy cái cần tự mình dặn mình rằng từ rày trở đi, gặp những kẻ có óc chính trị, ông phải dè dặt lắm mới được. Nếu ông day tay mắm miệng lắm, có khi chỉ thiệt thân riêng cho ông chớ chẳng ích gì! Còn đương nghĩ ngợi thế thì viên lục sự già đã vào với một tập bìa trong có biên bản, hồ sơ, giấy má, công văn... Lão đưa cho ông huyện thì ông này ngồi nhỏm dậy, lục đến những giấy má dính dáng đến Phú. Ông đưa mắt một lượt so sánh hai cái khẩu cung, một cái mà lão lại thảo có Phú, một cái mà lão chữa lại khi Phú đã trốn thoát... Ông mỉm cười, vỗ đùi khen:

“Khá lắm! Thật là lý sự đủ giọng...”

Sau cùng thì ông ký tên ông vào chỗ tha bổng cho bị cáo nhân. Chỗ ông ký tên, cố nhiên người ta đã đóng ấn của huyện đường mà đề ngày trước cái ngày Phú vượt ngục. Ông quan trẻ và viên lại già, sau một việc như thế, nhìn nhau âu yếm, người thì hứa sự che chở, kẻ thì hứa sự trung thành. Thu xếp được ổn thỏa một việc vượt ngục ghê gớm như thế - mà việc ấy chẳng phải là không để một cái mầm tai họa cho mai sau - người ta thấy cần đem tên lính cơ sao nhãng ra tra khảo cho bõ. Một lệnh của quan vừa truyền xuống, bọn lính tráng đã dậm dạ inh tai. Mười phút sau, tên lính cơ đã gác lô- cốt đêm qua bấy giờ bị bạn đồng ngũ của hắn đè sấp ngay ở phòng khách trong tư thất nhà ông huyện.

- Có một việc canh tù mà lại để sổng tù à? Chúng bay đánh nát đít nó ra cho ông! Chúng bay đánh cho chí kỳ nó cung xưng cái tội thông lưng với tù, mở cửa nhà pha thả tù ra, cho ông xem!

Người lính, trước còn kêu, sau mê man đi, không biết trời đất là gì nữa. Bốn người lính cơ khác thay tay nhau mà cầm côn nện vào đít anh ta. Nằm dài trên kỷ, ông huyện như không để ý đến cảnh tra khảo trước mắt. Nhưng mà Dung đã đứng phắt lên rồi! Nàng không nhìn nổi cảnh tượng gớm ghiếc ấy nữa! Nàng kêu với bố:

“Thưa cậu, cậu sang ngay đây lập tức, con hỏi có việc cần lắm”. Biết là có chuyện hệ trọng, ông huyện vội theo con gái sang phòng bên. Nửa giờ sau, ông ra chỗ “công đường”, hoãn lệnh đánh người lính cơ, ôn tồn hiểu dụ cả bọn lính:

-Đấy, chúng bay xem, có tội thì phải nọc cổ ra đánh. Nhưng mà vì muốn cứu mày, vì muốn thương mày, tao đã phải chữa lại công văn, ký giấy tha cho phạm nhân để gỡ cái tội sổng tù của mày! Ngồi lên lạy tạ ông đi!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

27#
 Tác giả| Đăng lúc 9-12-2013 18:18:18 | Chỉ xem của tác giả
Chương 13


Sau bảy tiếng đồng hồ chống chọi với những làn sóng đồng nguy hiểm, có khi lướt trên đồng ruộng và cũng có khi vượt qua những vực sâu hàng mấy con sào, chiếc thuyền thúng, khi về đến đầu làng, thì vết thương ở đáy thuyền lại rộng thêm hai ngón tay, vì mấy cái nan tre đã long hết lượt sơn ghép bên trên. Phú ngừng tay cầm gầu té nước ra ngoài thuyền. Chàng toan đứng lên nghển cổ tìm tòi cái mái nhà nhà mình, nhưng em giai của ông chánh Mận thấy thuyền chòng chành, vội kêu ầm lên, Phú lại vội vàng ngồi xuống. Cái hàng rào tre bao bọc quanh làng xưa kia um tùm, đẹp đẽ, kín đáo bao nhiêu, nay thấy lơ thơ, chỗ thì mất hẳn hàng khóm một, chỗ thì phô ra những thân cây bị đẵn ngang lưng chừng...

Quang cảnh bề ngoài mà trông cũng đã không đang tâm. Thế mà còn những cảnh tàn phá bên trong? Thế còn mẹ chàng, chị Tuất và đứa cháu, nhất là đứa cháu? Thôi thì Phú hãy kiên tâm một lát... Bác lái đò, trông thấy cái cổng làng bị nước ngập, từ mặt nước đến cái vòm tò vò chỉ có một quãng thấp mà cái thuyền không thể nào chui lọt qua, đã cắm sào một chỗ, nét mặt ngán ngẩm, hai tay khoanh... Bác rền rĩ:

-Được ba hào chỉ của cậu thì mất cả một ngày giời, hỏng mất cả một cái lòng thuyền!

Tức thì người em giai ông chánh Mận nói ngay:

- Này thôi, anh im đi! Trước sau thì tôi đã mặc cả cẩn thận, anh biết đường, anh có bằng lòng thì anh mới chở chứ? Có ai bắt ép anh không? Đến nhà rồi thì anh vòi phỏng?

Người lái đò ấp úng:

-Không!... Nghĩa là tôi nói thế thôi chứ!

Người thuê đò hỏi Phú:

- Cậu nhỉ? Cậu có biết lối nào chỉ cho anh ấy chở mình vào làng không?

Phú đáp:

-Phải chở vòng quanh vậy. Cũng không xa là mấy, đến chỗ gốc muỗm thì có một đoạn rào hổng thuyền vào lọt thỏm.

Rồi chàng thấy nước vào thuyền đã khá nhiều, vội cầm gàu tát nước và bảo người chở thuyền:

- Thôi, chịu khó một tí nữa. Đến nhà rồi mà còn lầu nhầu thì có phải mất cả cái công phu, cái tử tế trong ngót một ngày không?

Bác lái lẳng lặng rút chiếc sào lên, ngồi xuống chỗ lái thuyền, đưa mái chèo. Cái thuyền lại êm ả lướt trên nước, đi lượn quanh dãy rào tre. Đến chỗ gốc muỗm, mấy cái đưa chèo của bác lái, mũi đò quay, thế là vào trong làng. Khi đi qua cái hàng rào duối nhà mình, Phú mừng thầm vì nước chỉ ngập có lưng chừng cái nhà gianh. Tuy chàng không thấy một bóng người, không nghe thấy một tiếng động, song một làn khói lam nhẹ từ cái mái ra bốc thẳng lên không gian đủ khiến Phú được yên tâm. Chàng toan nói với người có tiền thuê đò là cho chàng xuống chỗ ấy... Rồi chàng lại thôi, vì chợt nghĩ ngay ra rằng như vậy là thiếu lịch sự. Phú đã đi nhờ đò. Trong quãng bảy tiếng đồng hồ, chàng đã phải nhận lời mời, nghĩa là ăn một cái bánh mỳ của người em ông chánh Mận, thì ít ra chàng cũng phải để người ta về thăm nhà người ta trước đã, còn việc chàng về nhà thì chàng sẽ nghĩ đến sau. Vả lại, ít ra cũng phải có câu cảm ơn người em, và cả người anh nữa, cho phải phép. Người em ông chánh Mận ấy nguyên là một nhà buôn ở tỉnh.

Khi thấy tin vỡ đường, người ấy vội về làng xem nhà cửa và gia đình ông anh ruột ra sao. Cũng là một sự tình cờ may mắn cho Phú, khi chàng được gặp người ấy. Nếu không chắc chẳng bao giờ Phú có cách gì về thăm nhà cửa. Chàng không có một xu trong túi, và cả đến cái thẻ thuế thân nữa cũng không. Vậy mà từ con đường cái quan về đến làng, cánh đồng úng thủy dài là ngót mười cây số! Lúc gặp gỡ nhau, Phú đã phải trải qua một thời khắc lúng túng, ngượng nghịu...

Với cái áo sa tây trơn, với đôi giày tây vàng, lại một cái va lá mới xách ở tay, người em ông chánh Mận có vẻ cái gì cũng như là hơn Phú. Người ấy không nhận ra Phú là ai. Bộ quần áo vải trắng của Phú đã bị đất cát và nước phù sa nhuộm cho thành ra màu củ nâu mà lại bẩn hơn quần áo vải nâu. Chân tay chàng, xưa kia có cái da dẻ mịn màng trắng trẻo của học trò, bây giờ đã bị mặt trời và xẻng cuốc làm cho sần sùi và đen đủi như của một dân cày chính tông. Mặt chàng cũng hốc hác ra, vì làm nhiều, ăn ít, mưa nắng, những ngày mệt nhọc, những đêm không ngủ, ấy là mới kể trong vòng một tuần lễ. Một thời gian đủ cho râu và ria đâm ra tua tủa ở mép và cằm của Phú, và làm cho chàng có cái mặt ghê gớm của một tên phạm nhân hoàn toàn! Cho nên khi Phú yêu cầu người em ông chánh Mận cho đi nhờ đò thì trước cái mặt ấy, bộ quần áo ấy, cái nón cu lá rách ấy, người kia đã sửng sốt hỏi xẵng:

- Thì mày là thằng cha căng chú kiết nào ở đây mới được chứ?

Nghe thấy một người làng ăn nói với mình như thế, Phú đã giật mình lo sợ cho cái thân hình phu phen tiều tụy của mình. Chỉ vì mấy ngày làm đê và bị giam mà chàng đã bị hạ xuống thấp đến thế! Chàng bèn cười gượng mà rằng:

- Ôkìa! Ông hai Bảo, ông không nhớ ra tôi là ai hay sao?

-?...

- Tôi là Phú, em giáo Minh đây mà! Con cụ Cử đây mà.

Người kia bèn nhíu đôi lông mày, nhìn Phú từ đầu đến chân lâu lắm. Rồi trợn mắt, và nghi ngờ, và ngạc nhiên, và rồi kinh hãi:

- Ủa! Cậu Phú! Cậu Phú mà lại như thế này!

-Phải! Tôi bị bắt đi làm phu hộ đê đã tuần lễ nay, ông hiểu chưa?

Tức thì người ấy hiểu ngay, mà lại hiểu theo cái óc trưởng giả hương ẩm nữa. Vì rằng người ấy giẫm mạnh chân phải xuống đất mà nói:

- Ừmà phải! Cậu bạch đinh chân trắng nên phải đi phu!

Rồi hai người xuống đò. Trong một lúc khá lâu người em ông chánh Mận đem so cái học thức của Phú và của mình, rồi lại đem đo lường với việc đi đê, thì rất sung sướng rằng mình đã bỏ tiền ra mua cái chân tư văn. Biết phận mình là thằng đi đò nhờ, lại sung sướng cho cuộc gặp gỡ ấy là một điều may mắn hãn hữu cho mình được sớm về thăm mẹ, Phú chẳng ngại ngồi phệt xuống tát nước, thứ nước nó vào đằng lòng thuyền, chỉ vì thuyền rò...

Muốn xua đuổi khỏi óc cái hổ thẹn phải nhờ vả kẻ khác, Phú đã tự nhủ “Chấp kinh tòng quyền, thế cũng chẳng sao!” Có lẽ do Phú mà cái tư văn của ông hai Bảo nổi bật hẳn lên, nên chi ông này, trong cả chuyến đò, đã đối với Phú tử tế lắm. Nào hỏi thăm mọi tin tức một cách vồ vập, nào mời ăn bánh thay cơm... Đối lại, Phú chỉ việc nghĩ:

“Chấp kinh tòng quyền!”...

-Kìa! Chú hai Bảo! Về làm gì cho khổ!

-Lạy bác. Tôi thấy vỡ đường, sốt ruột quá, không về không xong. Thế nào? ở nhà có việc gì đến ai không?

- Chỉ hại của thôi, chứ may không hại gì đến người! Mất nghìn bạc! Đã đến nhà, hai anh em trông thấy nhau hỏi thăm om xòm như vậy.

Người lái đò đặt mũi cái thuyền thúng vào bè nứa cho hành khách có chỗ bước lên. Phú muốn chào hỏi ông chánh Mận song ông ta chỉ để ý đến người em và có một thái độ tình cờ lãnh đạm với Phú. Người ta không trông thấy chàng nữa. Trong cảnh ấy, Phú thấy một mối bất bình đưa lên nghẹn cổ, thấy đáng hổ thẹn về quần áo của mình, và lại thấy rằng cái nghèo không những là cái xấu mà còn là cái nhục nữa. Cảnh nước lụt trong nhà ông chánh Mận chẳng phải là một cảnh thương tâm. Có khi vì nước lụt mà sự giàu có súc tích của ông chánh lại được phô ra một cách rõ rệt. Vẫn hay nước đứng lưng chừng ba tòa nhà gạch, nhưng ông chánh đã ghép những tre gỗ thành một cái bè. Cái bè ấy, lấy thừng buộc vào cột nhà, vào các thân cây muỗm trong vườn. Trên cái bè ấy, có kê những tấm gỗ giường phản. Bên trên những cái giường phản bày bập bềnh trên mặt nước nhưng mà rất ngăn nắp ấy, lại có một thứ gióng tre có mái lợp gianh. Trên nóc tòa nhà ngói có đến mấy chục cái nong để phơi thóc, những thóc ướt vì nước lụt không chạy kịp.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

28#
 Tác giả| Đăng lúc 9-12-2013 18:19:58 | Chỉ xem của tác giả
Xa xa, một cái bè nứa khác cũng buộc vào một cây muỗm là chỗ trú chân của một con trâu, một con bò, ba con lợn, và mấy lồng gà lớn, gà con. Còn cái bè của người thì bị giam trong khu vực ba cái mái của ba tòa nhà gạch, chắc chắn đến bậc giá có bão táp cũng không sợ gì trôi. Phú trông thấy bà cụ mẹ ông chánh nằm một góc, hai đứa trẻ ngồi chơi một góc, người vú già và mấy tên gia đinh ngồi một góc khác nữa. Thành thử cái bè rộng rãi ấy, trên mặt nước, chỉ có thi vị chứ không có gì là vẻ “dân siêu”.

- Ông cho con xin tiền đò!

Đến lúc ấy hai anh em mới ngừng chuyện để trả tiền cho bác lái. Trông thấy Phú, ông chánh Mận ra ý hối hận, vồn vã:

- Ấy chết chửa kìa, cậu Phú. Mời cậu hãy vào trong này! Thế việc lôi thôi bắt bớ đến cửa công ra làm sao?

Vẫn ngồi ở thuyền, Phú đáp:

-Không hề gì ạ. Tôi được tha rồi. Nhân gặp ông Hai cũng về làng nên tôi được đi nhờ một chuyến. Thôi, cảm ơn hai ông...

- Thì hãy vào đây một lát đã!

- Thôi, nhân tiện ông lái cho thuyền ra thì xin phép ông cho tôi về trông thấy đẻ tôi... Tôi chưa biết nhà cửa như thế nào...

- Thế kia à! Nếu vậy thì thôi, tôi chả dám lưu lại nữa.

-Vâng thôi, thế chào hai ông! Cám ơn ông hai Bảo lắm nhé!

Chiếc thuyền thúng quay mũi, lại tháo lui ra bằng đường lối lúc nãy nó vào. Khi mấy cái nhà của ông chánh và bức tường điểm kính vụn và mảnh chai bao bọc những mái nhà ấy khuất sau một bụi tre thì thình lình Phú gặp chị ruột. Cô Tuất lúc ấy ngồi trên một cái bè đóng bằng bốn cây chuối cạp làm một bằng gióng và thừng tre. Cô chở bằng một miếng gỗ vuông lấy ở cánh cửa một cái chạn bát. Cái bè của cô trôi phăng phăng. Trước mặt cô có một rá gạo đỏ. Cô thản nhiên chở bè, không để ý đến thuyền và người chở thuyền. Phú phải gọi:

- Chị Tuất ơi, chị Tuất!

Cô Tuất ngơ ngác một lúc rồi hỏi:

-Cậu Phú đấy à! Về từ lúc nào thế?

- Ởnhà có ai việc gì không chị? Đẻ đâu? Cháu đâu?

- Ởcả nhà chứ đâu!

- Thôi thế tôi mừng. Rõ phúc đức! Chị đi đâu về thế? Tôi sang bè ấy liệu có được không hay chìm?

-Được! Ba người ngồi cũng không sao.

Phú bèn quay lại người lái đò:

- Thôi thế tôi sang bè kia, ông trở ra một mình nhé? Cảm ơn ông nhé!

-Không dám!

Khi bước sang bè chuối với chị rồi, Phú còn đứng nghênh ngang chỉ trỏ cho bác lái đò:

- Ànày, tôi mách đây này! Trước khi đi ra khỏi làng này, ông cứ trông ngón tay trỏ tôi đây mà cho thuyền đi thẳng, qua hai cái ao rồi đến một vườn cau thì ông hỏi ông lý trưởng xem ông ta có lên đường cái quan không thì may ra chuyến về của ông cũng có tiền đấy.

Người lái đò cảm ơn và theo lời Phú, cho thuyền tiến phía có bóng cau. Tuất không chở vội, đăm đăm hỏi:

- Thế cậu ra sao? Được quan tha đấy à? Thế là yên chuyện chứ? Gớm, nghe ông lý nói thì sợ quá!

-Đẻ có biết không?

-Không, tôi giấu đẻ rồi. Thế được tha hẳn chưa?

- Chưa thì sao lại về được đây mà lại còn phải hỏi!

Phú gắt với chị như vậy chính là vì muốn chị mình được yên tâm. Rồi chàng giật lấy mảnh gỗ. Trong khi cái bè trôi phăng phăng chàng lại hỏi:

-Vay gạo nhà ai thế?

- Nhà ông chánh Mận.

Đến đây, Phú ngừng tay khuấy nước, trợn mắt vì bất bình:

-Lại vay ông chánh Mận!

Nhưng Tuất thản nhiên mà rằng:

-Lúc cùng, biết làm thế nào? Cả làng này vay chứ gì mình mà thôi!

Đến nhà. Cái bè chuối vào sân, lướt đến chỗ mái gianh. Thì ra nhà đã phá một góc mái gianh ra làm cửa. Trông thấy mẹ, Phú reo lên:

-Đẻ ơi đẻ! Con về được đây rồi!

Lúc ấy cụ Cử đương thổi lửa cho nồi khoai sọ kê trên ba hòn gạch ở một cái bếp đất thô. Cụ bưng mặt, nức nở khóc:

- Sao mày không chết ngay ở đê đi có được không?

Chẳng để ý, Phú lại nói:

- Thôi, thấy người nhà còn nguyên vẹn thế này là mừng rồi!

Rồi chàng nhìn vào trong nhà. Cái giường gióng tre, mấy tấm phản buộc liền vào cái hòm chân thành một thứ sàn khá vững chãi. Một con mèo ở một xó. Một lồng gà ở một xó khác. Nước dâng lưng chừng nhà, muốn vào ắt phải cúi khom lưng... ở hay! Cái gì thế kia? Thằng cu Hiền. Thằng cu Hiền ôm cột, không, hai tay và hai chân bị trói vào cột, cái đít trên một cái tã! Phú nhìn Tuất thì cô này vội cắt nghĩa:

- Tôi đi, không trói nó thế thì đẻ không bao giờ luộc xong nồi khoai.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

29#
 Tác giả| Đăng lúc 9-12-2013 18:21:31 | Chỉ xem của tác giả
Phần thứ ba


Chương 14


Dung đương lúi húi dưới bếp làm món canh trứng thì người vú già ở nhà ngoài chạy vào bảo:

-Mời cô ra có cô Yến vào hỏi cô đấy.

- Thế à! Nếu vậy, ra mời cô ấy ngồi chơi rồi tôi ra ngay đây.

Rồi Dung lầm bầm:

“Quái thật, cô Yến nào? Quen biết từ bao giờ?”. Tuy nhiên, nàng vẫn ngồi rốn sau một cái thớt, một tay thìa, một tay đũa, trộn thịt băm vào trứng, rồi thả thìa ấy vào nồi canh đương sôi... Người bếp liền giục:

- Thôi, cô ra tiếp khách đi, để đấy tôi...

- Ừ, thế anh hộ tôi vậy.

Nói xong, Dung đứng lên, ra rửa hai tay bằng xà phòng và rửa cả mặt. Nàng còn đương soi gương vào cái gương con lấy ở túi áo để sửa sang mấy mảng tóc lòa xòa trên trán thì tiếng guốc khách đã lộp cộp vào đến bếp mất rồi.

- Chị ơi, chị đương bận gì đấy?

Dung ngớ ra, cũng mừng rỡ reo lên:

- Ạ! Chị Yến! Thích quá!

-Em được tin ông nhà đổi về đây, em hỏi thăm được nhà là em đến ngay!

- Thế cơ à! Mời chị quay ra, lên nhà trên, em cũng sắp đi lên...

Hai người quay ra. Yến là một người bạn thân, có lẽ thân nhất của Dung, khi hai người ở Hà thành còn là hai nữ sinh bé nhỏ một trường nữ học. Mãi cho đến khi Dung theo cha lên huyện thì hai cô bạn gái mới cách biệt nhau. Chị em đã lâu không gặp mặt, bây giờ Dung lại thấy Yến dung nhan xinh đẹp hơn trước nhiều lắm, nên nàng rất vui sướng. Nàng hỏi:

- Chị làm thế nào mà biết nhà em ở đây?

Yến cười, hỏi lại:

-Đố chị biết em làm thế nào đấy!

Một lát, Yến tiếp:

- Cái nhà này cũng rộng rãi, ngăn nắp đấy! Mỗi tháng bao nhiêu tiền, hở chị Dung?

- À, cậu em thuê đâu như là mỗi tháng 25 đồng.

- Chị ở phố này là rất phải, chọn chỗ ở khéo quá! Thế bà đâu? Bà có ở nhà không thì chị cho em vào chào nào...

- Thôi, chị ạ, mẹ em mệt, hiện ngủ, chị để cho đến lần sau...

Dung đứng lên rót nước mời bạn. Nàng thấy Yến khen là khéo chọn chỗ ở thì rất lấy làm bằng lòng. Ấy là vì chính Dung đã chọn cái nhà này, khi nàng cùng mẹ về Hà Nội. Xưa kia, cả cái thuở bé của Dung cũng đã qua đi ở Hà thành, song lại ở vào những phố nhiều mặt trời, và bụi cũng nhiều, suốt ngày đêm các thứ xe cộ với các hàng quà bánh gây ra một thứ huyên náo khó chịu, nếu không thỉnh thoảng lại có một tai nạn chết người hoặc què người nó làm cho tri giác của ta cũng bị thương. Lần này, Dung đã khéo chọn được phố Phạm Phú Thứ. Một phố toàn là những nhà tây cao hai ba từng đứng lừng lững và đồ sộ trong cái bầu không khí êm đềm một cách trưởng giả. Xe cộ ít qua lại, trẻ con có thể bình tĩnh nô đùa hai bên hè, nghĩa là thỉnh thoảng chạy xuống đường. Tối đến, khi những bóng điện trong các nhà có ánh sáng, khách đi đường chỉ nhìn thấy những tủ gương, tủ chè khảm, xa lông tây, tàu, giường Hồng Kông v.v...

Đó, đây, những phụ nữ, quần áo trắng, tóc đen thả dài sau lưng, đứng ở bao lơn hoặc ngồi ghếch chân trên một ghế mây để ở vệ hè. Một phố trưởng giả, không có lấy một gia đình cùng dân, vì hầu hết là viên chức Nhà nước. Những đồ đạc đã chở từ huyện về đây và nhà cửa đã dọn xong hai hôm rồi, ông huyện mới về ở. Ông cho người nhà và đồ đạc đi trước, vì còn phải ở lại bàn giao công việc cho viên tri huyện đến thay chân ông. Quả như lời đồn của bạn đồng nghiệp với ông, quả đúng như những tin tức của bạn thân ông, để vỡ đê, ông đã bị một hội đồng kỷ luật huyền chức tri huyện trong một năm, về làm bàn giấy ở phủ Thống sứ thật! Và ông tuần phủ tỉnh ông, chỉ vì quãng đê vỡ của ông, cũng bị giáng một trật và phải đổi đi một tỉnh nhỏ hơn. Thế là, từ một bậc “phụ mẫu chi dân”, phụ thân của Dung lại quay về với đời cạo giấy thuở trước. Bởi vậy, ông rất thích cái phố trong đó con ông tìm được nhà.

Mấy ngày đầu, âm nhạc của máy hát hoặc máy vô tuyến điện của lân bang lại nhắc cho ông cuộc sinh hoạt của kinh đô nó không làm tê liệt trí thức của con người như cái không khí buồn tẻ của những đêm ở huyện. Thế rồi thì... mỗi ngày một lượt, sớm vác ô đi tối vác ô về, ông chỉ còn chờ tậu một cái xe nhà để chịu đựng cái bước rủi của hoạn đồ trong một năm.

- Chị ơi! Bây giờ chị lại ở Hà Nội thế này thì em lại chơi với chị luôn luôn cũng như chị đến chơi với em luôn luôn.

- À, điều ấy thì việc gì phải dặn nữa!

-Em ở phố Hàng Cót chị ạ. Gần lắm.

- Ànày chị Yến, thế làm sao chị biết cậu em phải đổi về...?

-Em xem nhật báo, thấy tin, rồi em hỏi thăm bà Cửu Tân.

Nói đến đây, Yến lấy ở một tập năm sáu tờ tuần báo ra một tờ nhật trình. Dung mở rộng tờ báo... được bạn chỉ cho cái cột có đăng tin bị huyền chức. Nàng đọc xong, thở dài một cái, y như là buồn rầu, mặc lòng quả thật lúc ấy Dung không còn buồn rầu tí nào. Không muốn phải nói chuyện đến việc bố bị huyền chức, Dung làm ra vẻ ham đọc báo, và sốt sắng tìm tòi trên mặt giấy những tin đáng đọc. Chợt mắt nàng nhìn đến mấy dòng chữ nó khiến nàng thấy hồi hộp trái tim. Cũng vẫn ở cái cột tin tức về thủy tai, về tin nước lên xuống, và các tin về cứu tế, hàn khẩu v.v... thấy có những dòng chữ nét đậm như thế này:
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

30#
 Tác giả| Đăng lúc 9-12-2013 18:23:48 | Chỉ xem của tác giả
Quanh vụ bắt bớ ở huyện T, H.V. Phú đã được tha bổng. Vô tình, Yến định giằng lấy tờ báo nói:

- Thôi đừng xem báo nữa, để thời giờ nói chuyện chứ chị!

Dung giơ tay ngăn tay bạn mà rằng:

-Hãy để yên cho em xem cái này một lát thôi.

Nàng đọc. Đọc xong, nàng bàng hoàng cả người không biết rằng mình lúc ấy có đương ngủ mê hay không... Thật là quá sức tưởng tượng! Nhưng không, quả tờ nhật báo đăng cái tin ấy với luận điệu mới mẻ, khác trước nhiều, nhiều lắm. Dung đọc lại lần nữa:

-“Hôm vừa rồi..., viên tri huyện T. đã tha bổng cho H. V. Phú, một thiếu niên bị nghi là đứng cầm đầu cho hai trăm dân phu biểu tình ở quãng đê v.v. .. mà bản báo đã có đăng tin ngay từ khi việc mới xảy ra. Tại sao H. V. Phú lại được tha như thế? Nguyên do sau khi mở cuộc điều tra thì ông huyện T. đã thấy rõ rằng khác với lời trình báo của lính tráng và lý dịch, H. V. Phú không hề xui phu biểu tình, cũng không hề xui phu đình công. Cũng như phần nhiều người có chút học thức, chẳng hề chịu nổi những sự tàn nhẫn của bọn cai lục lộ và tuần tráng, Phú đã bảo những phu phen ấy phải đồng tâm nhau, khi quan huyện đi thăm đê thì kêu với quan huyện xem lý dịch có bóc lột họ bằng cách trẩm số tiền công mà Nhà nước đã hứa là trả cho họ. Ấy đầu đuôi chỉ có thế, mà sở dĩ H. V. Phú bị bắt chỉ là sự phòng xa của nhà chức trách trong việc trị an. Vả lại từ bên Pháp có Chính phủ Bình dân thì bên này, Chính phủ thuộc địa cũng bắt đầu quan tâm đến dân lao động. “Vả lại xét ra thì mấy tháng nay, bao nhiêu cuộc đình công đã xảy ra, vậy mà Chính phủ Bảo hộ cũng như Chính phủ Nam triều, đều không đem pháp luật ra thẳng tay trừng trị- vì hiện ở nước ta, chưa ai có quyền đình công mà đình công tức là phạm luật - thì đủ hiểu rằng pháp luật cũng phải theo cái lịch trình tiến hóa của người dân mà nhượng bộ rồi. Tha bổng cho H. V. Phú tức là biết kể đến sự tiến hóa của dân, và đồng thời cũng là hành động theo cái tôn chỉ của Chính phủ Bình dân. Bản báo công nhận cử chỉ của việc tri huyện T là hợp thời. Quan tân, chế độ tân.

Phải chi bị vào một vị “phụ mẫu” cổ hủ, không thức thời, thì H. V. Phú đã bị tù tội, và như vậy là phải, vì giữa cái tình thế chưa rõ trắng đen này thì pháp luật xứ này thế nào cũng là phải cả”. Đọc xong một lần thứ nhì, Dung gập tờ báo, lặng lẽ trao trả lại Yến. Nàng nghĩ mà mừng thầm cho người thiếu niên mà nàng đã cứu, mà có lẽ từ nay trở đi thì nàng không quên tên nữa, là: H. V. Phú. Dung tự hỏi: “H. là Hoàng mà V là Văn, nghĩa là Hoàng Văn Phú chăng?”. Rồi Dung nghĩ mà oán giận bố mẹ. Ừ, việc ấy là như thế, thì nào Dung có làm gì nên tội hay không? Ông huyện chẳng phải vì Dung mà bị huyền chức. Vẫn hay Dung đã làm một việc táo tợn, một việc phạm pháp luật, một việc có thể nguy hiểm cho bố Dung và cho Dung.

Nhưng việc ấy chẳng hợp nhân đạo là gì? Và nếu thế, lại theo như ý kiến của bài báo (mà Dung chắc lại do chính tay bố mình thảo ra thì Dung há chẳng lại cứu chữa một việc vô nhân đạo mà bố nàng vì chức nghiệp, đã phạm phải đó hay sao? Nàng thấy bố mình có nhiều giọng lưỡi, và lại nhiều giọng lưỡi cả với con gái thì là sự không nên? Ông huyện đã sỉ vả Dung một bữa kịch liệt. Bà huyện đã gọi Dung là “đứa con giết bố”. Bà nhắc đi nhắc lại câu nói đó luôn luôn, bất cứ vào trường hợp nào. Và, cũng từ bữa ấy trở đi, bà luôn luôn mắng mỏ cô con, tưởng chừng con bà là hỗn, là không còn phương gì cứu chữa nổi nữa, nghĩa là đồ bỏ đi vậy. Trước bà nuông chiều yêu quý Dung bao nhiêu thì bây giờ bà hành hạ căm giận nàng bấy nhiêu. Bà làm như chính chỉ tại có một cử chỉ lãng mạn của Dung mà ông huyện phải bị Nhà nước huyền chức vậy. ít lâu nay Dung đã là đứa con không hiếu cũng như mẹ Dung là một bà mẹ không từ. Một bầu không khí khó thở giữa hai người thân yêu với nhau nhất đời mà xử sự như là tử thù của nhau. Ông huyện thế mà dễ dãi. Vì ông hiểu, ông không là bà huyện, vì ông là đàn ông, xong việc thì thôi, không biết nói dai. Đáng lẽ buồn rầu vì con hư thì ông để tâm buồn rầu rằng không đủ tư cách chạy chọt cho khỏi bị huyền chức. Và buồn rầu về những cái nhơ nhớp của hoạn trường. Đối với đứa con có tội - tội nặng, rất nặng, Dung biết thế lắm - ông vẫn có lòng thương, mặc lòng ông chẳng còn nuông quá như xưa. Dung oán giận mẹ, hối hận với bố. Nàng âm thầm đau xót, biết rằng từ đây mà đi, cái địa vị mình không còn được như xưa. Mẹ nàng chỉ còn nghĩ cách làm thế nào cho mau cho chóng tống nàng đi lấy chồng. Còn ở nhà ngày nào, Dung chỉ làm cho mẹ khó chịu ngày ấy. Đứa con giết bố! Rõ thật đau xót!

Thấy Dung có những nét buồn, Yến hỏi:

-Dạo này hẳn chị có điều gì suy nghĩ lung lắm, có phải không?

Dung gượng cười, lắc đầu:

-Không! Có gì đâu!

- Ànày, chị biết chưa? Hai tuần lễ nữa có chợ phiên... Ngày hội sinh viên cao đẳng, vui lắm. Chị sửa soạn đi nhé? Sửa soạn đi để làm hoa khôi... Thế nào hôm ấy em cũng phải đến lôi chị đi dự! Chị ạ, ở Hà thành chợ phiên không buồn tẻ như chợ phiên các tỉnh đâu? Còn nhớ ngày năm ngoái... úi chao ôi! Cũng ngày hội sinh viên cao đẳng...

Đến đây, Yến nghiêng đầu nghẹo cổ, lim dim hai con mắt, say sưa nói một cách văn vẻ bằng những giọng tiểu thuyết:

- Chị ạ, đó là những ngày vui vẻ trẻ trung mà không bao giờ em quên trong suốt cả một đời em, vì em thấy đời là đầy thú sống, đầy ánh sáng và hy vọng, và người đời không một ai đau khổ cả. Những ngày như thế chính là những ngày đầy thi vị nó khiến ta quên chết.

Yến đương nói đến đây bỗng có một giọng lanh lảnh cất cao sau lưng cô:

- Thế nào, cô xong mâm cơm cho bố chưa thế, hử cô?

Yến giật mình đứng lên quay lại. Đó là bà huyện. Mặt bà hầm hầm, không phải vì mới ngủ dậy nhưng vì căm giận cô chiêu. Yến chào thì bà đáp gọn một câu sắc như một lưỡi dao:

-Không dám!

Thấy giọng lạnh lùng, Yến hơi ngạc nhiên về tính nết bà mẹ Dung mà Yến biết xưa kia không thế. Yến bẽn lẽn xin cáo lui.

Khi tiễn bạn đến bậu cửa, vô tình Dung thở dài. Nàng tìm một câu để nói dối:

-Đấy, chị xem, có phải mẹ em thay đổi khác trước nhiều lắm không? Mẹ em chỉ vì đồng bóng mà thế. Buồn lắm chị ạ!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách