Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Event Fshare

Tác giả: alice2000phuong
In Chủ đề trước Tiếp theo
Thu gọn cột thông tin

[Trinh Thám - Xuất Bản] Hoả Thần | Daniel Silva (Hoàn + Ebook)

[Lấy địa chỉ]
61#
 Tác giả| Đăng lúc 30-12-2013 09:04:11 | Chỉ xem của tác giả
“Có điều gì đó mách bảo tôi rằng còn nhiều chuyện khúc mắc trong vấn đề này, nhưng việc quan trọng phải lo trước. Tôi sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với ngài”.

“Chúc ngài may mắn, ngài Tổng thống”.

Vị lãnh đạo nước Pháp dập máy và quay lại nhìn người nhân viên tùy tùng. “Triệu tập khẩn cấp Nhóm Napoleon”, ông ra lệnh. “Tôi sẽ lo liệu ngài Thủ tướng Đức”.

Hai mươi phút sau cú điện thoại bất ngờ, Tổng thống Pháp ngồi vào vị trí quen thuộc bên bàn họp nội các trong Phòng Murat. Tập trung quanh ông là các thành viên Nhóm Napoleon, nhóm các quan chức tình báo và an ninh hàng đầu, cùng các Bộ trưởng trong nội các được lập ra nhằm đối phó với những mối đe dọa cấp thời mà nước Pháp có thể gặp phải. Ngồi ở đầu bên kia chiếc bàn lớn là Thủ tướng Pháp. Chính giữa hai vị lãnh đạo cao nhất của nước Pháp là một chiếc đồng hồ hai mặt kính lộng lẫy bằng đồng thau, được chạm trổ rất công phu. Đồng hồ đang chỉ bốn giờ ba mươi lăm phút chiều.

Ngài Tổng thống mở đầu cuộc họp bằng cách lặp lại chính xác những điều mà ông vừa được biết. Tiếp theo là vài phút tranh luận có phần căng thẳng về tình hình, về nguồn tin, về Thủ tướng Israel, một người không mấy thân thiết với Paris. Tuy nhiên, cuối cùng, mọi thành viên trong nhóm đều nhất trí rằng mối đe dọa này quá lớn và không thể bỏ qua. “Thưa các ngài, rõ ràng là chúng ta cần nâng mức báo động an ninh lên như một biện pháp đề phòng”, Tổng thống nói. “Chúng ta sẽ nâng lên mức nào?”

Kể từ sau các cuộc tấn công của al-Qaeda vào Trung tâm thương mại Thế giới và Ngũ Giác Đài, chính quyền Pháp đã thiết kế một hệ thống báo động an ninh bốn cấp độ, tương ứng với bốn màu, tương tự như hệ thống báo động của Hoa Kỳ. Trong buổi chiều hôm đó, mức báo động an ninh của nước Pháp đang là màu cam, mức cao thứ hai, chỉ cao hơn màu vàng. Mức thứ ba, màu đỏ, sẽ tự động phong tỏa phần lớn không phận của nước Pháp và triển khai các lực lượng an ninh tăng cường ở những nơi công cộng và các hệ thống giao thông, cũng như những địa điểm mang tính biểu tượng quan trọng của nước Pháp như Tháp Eiffel và Bảo tàng Louvre. Mức báo động an ninh cao nhất, màu đỏ tươi, sẽ thực sự phong tỏa toàn bộ đất nước, bao gồm cả hệ thống cấp nước và lưới điện quốc gia. Không có thành viên nào trong Nhóm Napoleon dự định áp dụng mức báo động cao nhất này chỉ dựa trên một lời cảnh báo của người Israel. “’Có nhiều khả năng mục tiêu sẽ là những cơ sở của người Israel hoặc mang tính chất Do Thái”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu. “Ngay cả khi nó có quy mô như Rome thì nó vẫn chưa đến mức để chúng ta áp dụng mức báo động cao nhất”.

“Tôi nhất trí”, ngài Tổng thống nói. “Chúng ta sẽ nâng lên mức Đỏ”.

Năm phút sau khi cuộc họp của Nhóm Napoleon kết thúc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp vội vã rời khỏi Phòng Murat để đối diện với một rừng ống kính và Microphone. “Thưa các quý ông, quý bà”, ông nói với nét mặt u ám, “Chính phủ Pháp vừa nhận được thông tin mà chúng tôi tin là đáng tin cậy, thông tin đó tố cáo một âm mưu tấn công khủng bố vào thủ đô Paris trong buổi tối hôm nay”.

Căn hộ nằm trên đường Saules, ở đầu phía bắc yên tĩnh của ngọn đồi Montmartre, cách khu vực của rất nhiều du khách quanh Sacré-Coeur vài dãy phố. Căn hộ nhỏ nhưng tiện nghi, một nơi tạm trú hoàn hảo khi công việc hoặc những cuộc phiêu lưu tình ái đưa Paul Martineau từ Provence đến thủ đô. Sau khi đến Paris, hắn ghé qua khu Luých-xăm-bua để ăn trưa với một người đồng nghiệp đến từ Đại học Sorbonne. Sau đó hắn phải đến phố Germain gặp nhà xuất bản tiềm năng của cuốn sách của hắn viết về lịch sử thời tiền La Mã của vùng Provence cổ. Lúc bốn giờ bốn mươi lăm phút, hắn băng qua khoảng sân yên tĩnh của tòa nhà và bước vào tiền sảnh. Bà Touzet, người gác cửa, ló đầu ra từ cửa phòng mình khi Martineau bước vào.

Xin chào, Giáo sư Martineau”.

Martineau hôn lên hai bên má trát đầy phấn của bà và tặng bà một bó hoa huệ tây mà hắn vừa mua ở một tiệm hoa trên đường Caulaincourt. Martineau không bao giờ đến căn hộ của hắn ở Paris mà quên mang theo một món quà nhỏ cho Bà Touzet.

“Cho tôi à?”, bà hỏi một cách điệu đà. “Lẽ ra ông không nên làm thế, Giáo sư ạ”.

“Tôi không thể bảo mình là không làm thế”.

“Ông sẽ ở Paris bao lâu?”

“Chỉ một đêm thôi, thưa bà”.

“Thật đáng tiếc! Đợi tôi lấy thư cho ông”.

Lát sau bà trở lại với một chồng bưu thiếp và thư từ, được sắp xếp gọn ghẽ và buộc chặt bằng một sợi ruy-băng hồng, như mọi khi. Martineau lên cầu thang để về căn hộ của mình. Hắn bật truyền hình, chọn kênh 2, rồi đi vào bếp để pha cà phê. Giữa tiếng nước chảy, hắn nghe giọng nói quen thuộc của ngài Bộ trưởng Bộ nội vụ Pháp. Hắn tắt nước và bình tĩnh đi vào phòng khách. Hắn đứng đó, bất động trước màn ảnh truyền hình, trong mười phút tiếp theo.

Người Israel đã chọn cách báo động cho người Pháp. Martineau đã dự tính trước phản ứng này của họ. Hắn biết việc mức độ an ninh được nâng lên đồng nghĩa với sự thay đổi về chiến lược cũng như thủ tục an ninh tại những địa điểm quan trọng quanh Paris, một diễn biến đòi hỏi một sự điều chỉnh nhỏ trong các kế hoạch của hắn. Hắn nhấc máy điện thoại và bấm số.

“Tôi muốn thay đổi một vé tàu đã đặt trước”.

“Xin ông cho biết tên?”

“Giáo sư Paul Martineau”.

“Số vé?”

Martineau đọc một con số.

“Lúc này ông đang đặt vé trở về Aix-en-Provence từ Paris vào sáng mai”.

“Đúng vậy, nhưng tôi e rằng đã có một số sự thay đổi và tôi cần trở về sớm hơn dự kiến. Liệu tôi có thể đổi lấy một vé trên một chuyến tàu nào đó khởi hành vào đầu giờ tối nay không?”

“Vẫn còn ghế trống trên chuyến tàu số mười bảy”.

“Hạng nhất chứ?”

“Vâng”.

“Tôi sẽ lấy một vé”.

“Ông đã biết về cảnh báo khủng bố của chính phủ chưa ạ?”

“Tôi không bao giờ quan tâm nhiều đến những chuyện đó”, Martineau đáp. “Vả lại, nếu chúng ta không tiếp tục sống cuộc sống bình thường của mình thì bọn khủng bố đã thắng rồi, phải không?”

“Đúng vậy!”

Martineau nghe tiếng gõ bàn phím máy tính.

“Xong rồi, thưa Giáo sư Martineau. Giờ đặt vé của ông đã được thay đổi. Tàu của ông sẽ rời ga Lyon vào lúc bảy giờ mười lăm”.

Martineau gác máy.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

62#
 Tác giả| Đăng lúc 30-12-2013 09:06:21 | Chỉ xem của tác giả
Chương 24

TROYES, PHÁP

“Sumayriyya? Mày muốn biết về Sumayriyya? Đó là Thiên Đường trên trần thế. Là Vườn Địa Đàng. Với những vườn cây ăn quả và những khu rừng ôliu, dưa và chuối, dưa chuột và lúa mì. Sumayriyya rất giản dị và thanh khiết. Cuộc sống của chúng tao vận động theo nhịp điệu của công việc gieo trồng và thu hoạch. Theo hai mùa mưa nắng. Làng chúng tao có tám trăm người. Chúng tao có một nhà thờ Hồi giáo. Chúng tao có một ngôi trường. Chúng tao nghèo, nhưng Allah ban cho chúng tao tất cả mọi thứ mà chúng tao cần”.

Nghe cô ả kìa, Gabriel nghĩ thầm trong khi vẫn chăm chú lái xe. Chúng tao... Của chúng tao... Cô ả ra đời hai mươi năm sau khi làng Sumayriyya biến mất trên bản đồ, nhưng ả nói về ngôi làng đó như thể ả đã sống ở đó cả đời.

“Ông nội tao là một người quan trọng. Không, không phải một muktar, nhưng là một người có ảnh hưởng trong số các bậc 'trưởng lão' trong làng. Ông có gần 60.000 m2 đất và một đàn dê lớn, ông tao được coi là một người giàu có”. Một nụ cười châm biếm xuất hiện trên môi Palestina. “'Giàu' ở Sumayriyya nghĩa là ít nghèo hơn những người khác một chút”.

Ánh mắt ả tối sầm lại. Ả nhìn xuống khẩu súng, rồi lại nhìn một nông trại Pháp vừa vụt qua ngoài cửa sổ.

“Năm 1947 đánh dấu sự kết liễu ngôi làng của tao. Vào tháng 11, Liên Hiệp Quốc biểu quyết chia đôi đất đai của chúng tao và trao một nửa cho người Do Thái. Sumayriyya, cũng như phần còn lại của miền Tây Galilee, được quyết định sẽ trở thành một phần lãnh thổ thuộc về nhà nước Arập của Palestine. Nhưng, tất nhiên, điều đó đã không trở thành hiện thực. Chiến tranh nổ ra ngay sau ngày Liên Hiệp Quốc biểu quyết, và với người Do Thái, toàn bộ đất Palestine giờ đây là mục tiêu để họ tranh đoạt”.

Gabriel muốn nói: Chính người Arập đã mở đầu cuộc chiến - Sheikh Asad al-Khalifa, “sứ quân” của Beit Sayeed, là kẻ đã mở đầu cơn mưa máu với những cuộc tấn công khủng bố của y nhắm vào những chiếc xe buýt trên tuyến đường Netanya-Jerusalem. Nhưng lúc này không phải là thời điểm thích hợp cho một cuộc tranh luận về những cứ liệu lịch sử. Câu chuyện về Sumayriyya đã cuốn hút ả, và Gabriel không muốn phá hỏng điều đó.

Đột nhiên ả hướng ánh nhìn vào anh. “Mày đang suy nghĩ điều gì vậy?”

“Tôi đang lắng nghe câu chuyện của cô”.

“Với một nửa bộ não thôi”, ả nói. “Nửa còn lại mày đang suy tính điều gì đó. Có phải mày đang nghĩ đến chuyện đoạt súng của tao? Có phải mày đang lập kế hoạch đào thoát?”

Chẳng có lối thoát nào cả, Palestina ạ - cho cả hai chúng ta. Cứ kể tiếp câu chuyện của cô đi”.

Ả nhìn ra cửa sổ. “Đêm 13 tháng 5 năm 1948, một đoàn xe quân sự bọc thép của lực lượng Haganah triển khai đội hình trên con đường chạy dọc bờ biển từ Acre. Mật danh là Chiến dịch Ben-Ami, một phần trong đại chiến dịch Tochnit Dalet”. Ả nhìn anh. “Mày biết cái tên này chứ? Tochnit Dalet? Kế hoạch D?”

Gabriel gật đầu và nghĩ đến Dina, nhớ lại cảnh nàng đứng giữa đống đổ nát của Beit Sayeed. Đã bao lâu rồi nhỉ? Mới chỉ một tháng trước, thế mà anh tưởng chừng như cả một đời người đã trôi qua.

“Mục tiêu công khai của Chiến dịch Ben-Ami là tiếp tế cho nhiều khu định cư Do Thái bị cô lập ở miền Tây Galilee. Tuy nhiên, mục tiêu thật của nó là chinh phạt và thôn tính. Trên thực tế, những người chỉ huy chiến dịch đã được lệnh tập trung biến thành bình địa ba ngôi làng Arập: Bassa, Zib, và Sumayriyya”.

Ả dừng lời, quan sát xem nhận xét của mình có kích hoạt phản ứng nào từ Gabriel hay không, và tiếp tục câu chuyện. “Sumayriyya là ngôi làng đầu tiên bị bức tử. Đoàn xe của Haganah bao vây nó trước bình minh và chiếu đèn pha vào làng. Một số binh lính Haganah đội khăn kaffiyeh kẻ ô vuông đỏ. Một người canh gác trong làng trông thấy những chiếc khăn kaffiyeh và tưởng binh lính Do Thái là lực lượng tiếp viện người Arập. Anh ta bắn chỉ thiên để bày tỏ sự vui mừng và lập tức bị đốn gục bởi đạn của Haganah. Tin người Do Thái ngụy trang là người Arập khiến cả ngôi làng chìm trong hoảng loạn. Những chiến binh bảo vệ làng Sumayriyya đã chiến đấu rất dũng cảm, nhưng họ không thể địch nổi quân Haganah được vũ trang tốt hơn. Chỉ trong vài phút, cuộc di tản bắt đầu”.

“Người Do Thái muốn chúng tao ra đi”, ả nói. “Họ cố tình bỏ ngỏ phía đông ngôi làng để mở đường rút cho chúng tao. Chúng tao không có thời gian để gói ghém quần áo hay thậm chí là thức ăn. Chúng tao chỉ biết bỏ chạy. Nhưng người Do Thái vẫn chưa hài lòng, họ bắn vào chúng tao khi chúng tao chạy qua những cánh đồng mà cha anh chúng tao đã trồng cấy qua nhiều thế kỷ. Năm dân làng chết trên những cánh đồng đó. Các công binh của Haganah lập tức tràn vào. Trên đường chạy trốn, chúng tao nghe thấy những tiếng nổ. Người Do Thái đã biến Thiên Đường của chúng tao thành một đống hoang tàn không thể nào cư trú được nữa”.

Dân làng Sumayriyya chạy theo con đường hướng bắc, dẫn sang Libăng. Chẳng bao lâu sau họ nhập bọn với cư dân hai làng Bassa và Zib và nhiều làng nhỏ khác ở phía đông. “Người Do Thái bảo chúng tao sang Libăng”, ả nói. “Họ bảo chúng tao đợi ở đó trong vài tuần cho tới khi giao tranh chấm dứt, và sau đó chúng tao sẽ được phép trở về. Trở về ư? Chúng tao sẽ trở về đâu? Nhà cửa của chúng tao đã bị xóa sổ. Vì vậy chúng tao cứ đi tiếp, qua biên giới, đi vào đời sống lưu vong, vào lãng quên. Và sau lưng chúng tao những cánh cổng của Palestine đã đóng kín mãi mãi, vĩnh viễn không cho phép chúng tao trở về”.

Reims: 5 giờ chiều.

“Ép vào lề”, Palestina ra lệnh.

Gabriel rẽ chiếc Mercedes vào đường phụ và dừng lại. Họ chờ đợi trong im lặng, chiếc xe rung rung như đang rùng mình trước dòng xe cộ nhộn nhịp chạy qua. Cuối cùng chuông điện thoại cũng reo. Ả lắng nghe, lâu hơn những lần trước. Gabriel ngờ rằng ả đang được dặn dò những mệnh lệnh cuối cùng. Vẫn không nói một lời nào, ả tắt máy, rồi bỏ chiếc điện thoại vào túi xách.

“Chúng ta đi đâu?”

“Paris”, ả nói. “Đúng như mày dự đoán”.

“Hắn muốn tôi đi đường nào?”

“Đường A4. Mày biết đường đó không?”

“Tôi biết”.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

63#
 Tác giả| Đăng lúc 30-12-2013 09:07:23 | Chỉ xem của tác giả
“Nó sẽ dẫn mày tới…”.

“Vùng đông nam của Paris. Tôi biết nó dẫn tới đâu, Palestina”.

Gabriel cho chiếc xe tăng tốc và trở ra xa lộ. Đồng hồ trong xe chỉ 5 giờ 05 phút. Một tấm biển vụt qua: Paris - 145. Còn một trăm bốn mươi lăm cây số nữa là tới Paris. Chín mươi mốt dặm.

“Kể nốt câu chuyện của cô đi, Palestina”.

“Chúng ta đến đâu rồi?”

“Libăng”, Gabriel nhắc. “Lãng quên”.

“Chúng tao cắm trại trên các ngọn đồi. Chúng tao lùng sục khắp nơi để tìm thức ăn. Chúng tao sống nhờ vào lòng từ thiện của những người anh em Arập và chờ đợi những cánh cổng của Palestine mở ra đón chúng tao về, chờ đợi người Do Thái thực hiện lời hứa mà họ đã nói với chúng tao trong buổi sáng khi chúng tao phải chạy khỏi Sumayriyya. Nhưng đến tháng 6, Ben-Gurion nói những người tị nạn không thể trở về nhà. Chúng tao là những tên gián điệp và chúng tao không được phép trở về, đó là lời của lão ta. Chúng tao là cái gai trong mắt nhà nước Do Thái mới được thành lập. Lúc đó, chúng tao biết mình sẽ không bao giờ còn được thấy Sumayriyya nữa. Thiên Đường đã mất”.

Gabriel nhìn đồng hồ. 5 giờ 10 phút. Còn tám mươi dặm nữa là đến Paris.

“Chúng tao đi bộ về phía bắc, đến Sidon. Chúng tao sống qua mùa hè dài, nóng bức trong những túp lều. Rồi tiết trời trở lạnh và mùa mưa đến, và chúng tao vẫn sống trong những túp lều tồi tàn ấy. Chúng tao gọi mái nhà mới của mình là Ein al-Hilweh. Suối Ngọt. Người gặp nhiều khó khăn nhất là ông nội tao. Ở Sumayriyya, ông là một nhân vật quan trọng, ông chăm sóc những cánh đồng và đàn gia súc, nuôi sống gia đình. Giờ đây gia đình ông phải sống bằng của bố thí. Ông có văn khế chứng minh quyền sở hữu tài sản, nhưng không còn đất đai. Ông có những chiếc chìa khóa nhưng không còn nhà để mở. Ông mắc bệnh trong mùa đông đầu tiên và qua đời. Ông không còn muốn sống - không phải ở Libăng. Ông nội tao chết khi Sumayriyya chết”.

5 giờ 25 phút. Paris: 62 dặm.

“Lúc đó cha tao chỉ là một cậu bé, nhưng đã phải gánh vác trách nhiệm nuôi mẹ và hai người em gái. Ông không thể làm việc - người Libăng không cho phép. Ông không được đến trường - người Libăng cũng không cho phép việc đó. Không có an sinh xã hội ở Libăng, không có bảo hiểm y tế ở Libăng. Và cũng không có lối thoát, vì chúng tao không có hộ chiếu hợp lệ. Chúng tao không có quyền công dân. Chúng tao không phải là con người. Chúng tao chẳng là cái gì cả”.

5 giờ 38 phút. Paris: 35 dặm.

“Khi cha tao kết hôn với một cô gái cũng đến từ làng Sumayriyya, những người dân làng còn sót lại đều tề tựu về Ein al-Hilweh để dự lễ cưới. Giống hệt như khi còn ở nhà, chỉ có khung cảnh xung quanh là khác. Thay vì Thiên Đường, đó là những túp lều và những căn chòi trong trại tị nạn. Mẹ tao sinh cho cha tao hai người con trai. Đêm nào ông cũng kể cho họ nghe về Sumayriyya, để họ không bao giờ quên quê hương gốc gác của mình. Ông kể cho họ nghe câu chuyện về al-Nakba - Tai Ương, và gieo vào lòng họ giấc mơ về al-Awda - Cuộc Hồi Hương. Hai anh tao lớn lên đều trở thành những chiến binh Palestine. Thật ra họ cũng không có sự lựa chọn nào khác. Ngay khi họ đủ lớn để cầm nổi khẩu súng, Fatah đã bắt đầu huấn luyện họ”.

“Còn cô?”

“Tao là con út. Tao ra đời năm 1975, đúng lúc Libăng rơi vào cuộc nội chiến”.

5 giờ 45 phút. Paris: 25 dặm.

“Chúng tao không bao giờ nghĩ rằng họ sẽ lại đến tìm chúng tao. Phải, chúng tao đã mất nhiều thứ - nhà cửa, làng mạc, đất đai - nhưng ít ra chúng tao được an toàn ở Ein al-Hilweh. Người Do Thái sẽ chẳng bao giờ đến Libăng. Phải thế không?”

5 giờ 52 phút. Paris: 19 dặm.

“Chiến dịch Hòa Bình Galilee - đó là cái tên họ đặt cho nó. Lạy Allah, ngay cả Orwell cũng không nghĩ ra được cái tên nào hay hơn. Ngày 4 tháng 6 năm 1982, Israel xâm lược Libăng để kết liễu vĩnh viễn lực lượng PLO. Đối với chúng tao, mọi chuyện diễn ra sao mà quen thuộc. Một đoàn xe bọc thép Israel tiến thẳng về phía bắc theo con đường dọc bờ biển, chỉ có điều giờ đây con đường dọc bờ biển này nằm ở Libăng thay vì Palestine, và binh lính Israel giờ đây là thành viên lực lượng IDF thay vì Haganah. Chúng tao biết mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ. Ein al-Hilweh nổi tiếng là cứ địa của chúng tao, thủ phủ của người Palestine lưu vong. Vào ngày 8 tháng 6, trận chiến bảo vệ trại tị nạn bắt đầu. Israel cho lính dù nhảy xuống. Những chiến binh của chúng tao chiến đấu với lòng quả cảm của những con sư tử - trên từng dãy phố, trong từng ngôi nhà, từng nhà thờ và bệnh viện. Bất cứ chiến binh nào muốn đầu hàng đều bị bắn. Một lời thề được truyền đi: trận chiến để bảo vệ Ein al-Hilweh sẽ kéo dài cho tới khi người cuối cùng ngã xuống.

“Người Israel thay đổi chiến thuật. Họ sử dụng không quân và pháo binh để dội bom và pháo kích vào trại tị nạn, từng cụm một, hết khu này đến khu khác. Sau đó các phi công của họ mới nhảy dù xuống và tàn sát các chiến binh của chúng tao. Cứ sau vài giờ, người Israel lại tạm dừng cuộc tấn công để chiêu dụ chúng tao đầu hàng. Lần nào họ cũng nhận được cùng một câu trả lời: không bao giờ. Trận chiến cứ kéo dài như vậy trong suốt một tuần lễ. Tao mất một người anh ngay trong ngày đầu của trận chiến, và mất nốt người anh thứ hai trong ngày thứ tư. Trong ngày giao tranh cuối cùng, mẹ tao bị tưởng lầm là một quân du kích khi bà bò ra từ trong đống đổ nát và bị lính Israel bắn chết.

“Khi cuối cùng mọi chuyện chấm dứt, Ein al-Hilweh đã trở thành một vùng đất hoang. Lần thứ hai, người Do Thái đã biến nhà tao thành đống gạch vụn. Tao đã mất các anh trai, tao đã mất mẹ. Mày hỏi tao tại sao tao ở đây. Tao ở đây vì Sumayriyya và Ein al-Hilweh. Đây là tất cả những gì mà chủ nghĩa phục quốc của người Do Thái mang lại cho tao. Tao không có sự lựa chọn nào khác ngoài chiến đấu”.

“Chuyện gì đã xảy ra sau biến cố Ein al-Hilweh? Cô đã đi đâu?”

Ả phụ nữ lắc đầu. “Tao đã kể cho mày nghe đủ rồi”, ả nói. “Quá nhiều là đằng khác”.

“Tôi muốn nghe nốt phần còn lại của câu chuyện”.

“Lái xe đi”, ả nói. “Sắp đến lúc mày được gặp lại vợ rồi”.

Gabriel nhìn đồng hồ: 6 giờ đúng. Còn mười dặm nữa là tới Paris.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

64#
 Tác giả| Đăng lúc 30-12-2013 09:08:46 | Chỉ xem của tác giả
Chương 25

ST. DENIS, MIỀN BẮC PHÁP

Amira Assaf đóng cửa căn hộ lại sau lưng. Hành lang dài màu xám bằng xi măng tranh tối tranh sáng, với nguồn ánh sáng duy nhất là một ngọn đèn ống chập chờn. Ả đẩy chiếc xe lăn về phía thang máy. Một người phụ nữ nói giọng Ma-rốc đang quát mắng hai đứa con nhỏ. Cách xa hơn, một nhóm ba thiếu niên gốc Phi đang nghe nhạc hip-hop Mỹ phát ra từ một dàn stereo xách tay. Đây là những gì còn lại của đế chế Pháp, ả nghĩ, vài hòn đảo trên biển Ca-ri-bê và những cái hộp nhét đầy người ở đường Denis.

Ả bước vào thang máy và bấm nút gọi thang, rồi ngước nhìn một trong những chiếc thang đang tiến về phía ả. Tạ ơn Allah, ả nghĩ thầm. Đây là phần duy nhất trong chuyến đi hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của ả - những chiếc thang máy cũ kỹ trong khu chung cư ổ chuột này. Trong quá trình chuẩn bị, ả đã hai lần phải leo thang bộ xuống 23 tầng lầu vì thang máy không hoạt động.

Một tiếng chuông vang lên, rồi cửa thang máy mở ra. Amira đẩy chiếc xe lăn vào trong khoang thang và được chào đón bởi mùi khai nồng nặc của nước tiểu. Trong khi đi xuống, câu hỏi tại sao những người nghèo lại tiểu trong thang máy của họ cứ lởn vởn trong đầu ả. Khi cánh cửa mở ra, ả vội vàng đẩy chiếc xe lăn ra hành lang và hít một hơi thật sâu. Vẫn không khá hơn là mấy. Chỉ đến khi đã hoàn toàn ra khỏi khu nhà, đắm mình trong làn không khí mát lạnh bên ngoài, ả mới thoát khỏi cái mùi khó chịu của nơi có nhiều người sống chen chúc.

Có nét gì đó của một ngôi làng Thế giới thứ ba hiện diện trong khu dân cư bao gồm bốn tòa chung cư lớn này - từng đám đàn ông, phân chia theo nguồn gốc quốc gia, đang bàn tán đủ thứ chuyện trên trời dưới đất; những người phụ nữ đội các giỏ nhu yếu phẩm; trẻ con thì mải mê chơi bóng đá. Không ai để ý đến một cô gái Palestine trẻ trung, xinh đẹp đang đẩy một chiếc xe lăn chở một người không thể phân biệt rõ giới tính và tuổi tác.

Ả mất đúng bảy phút để đến ga Denis. Đó là một nhà ga lớn, một sự kết hợp giữa hai loại tàu điện RER và Métro. Lúc này là thời điểm nhiều đoàn tàu mới vào ga, và cả một đám đông hành khách vừa xuống tàu đang ùa ra đường. Ả bước vào phòng vé và lập tức phát hiện hai nhân viên cảnh sát, dấu hiệu đầu tiên cho thấy kết quả của việc nâng mức báo động an ninh. Ả vẫn đều đặn theo dõi tin tức cập nhật và biết rằng an ninh đã được thắt chặt ở mọi nhà ga tàu điện trên toàn quốc. Nhưng liệu họ có biết gì về nhà ga Denis? Có phải họ đang tìm kiếm một người phụ nữ tật nguyền vừa bị bắt cóc đêm hôm trước tại một viện an dưỡng Anh quốc? Ả tiếp tục bước tới.

“Xin lỗi, thưa cô”.

Ả quay lại: một anh tiếp viên nhà ga, trẻ tuổi và xông xáo, mặc bộ đồng phục mới toanh và thẳng thớm.

“Cô đi đâu?”

Vì đang cầm cặp vé tàu trong tay, ả đành phải nói thật. “Tàu RER”, ả đáp, rồi nói thêm: “Đến ga Lyon”.

Anh tiếp viên cười tươi. “Có thang máy bên phía tay phải kia”.

“Vâng, tôi biết đường rồi”.

“Tôi giúp cô một tay nhé?”

“Tôi làm được mà”.

“Để tôi giúp cô”, anh ta nói, “hãy cho phép tôi giúp một tay”.

Mình mới may mắn làm sao, ả nghĩ. Cả hệ thống Métro này chắc chỉ có duy nhất một anh tiếp viên dễ thương như vậy, và tối nay anh ta lại làm việc ở ga Denis. Tiếp tục từ chối sẽ có vẻ đáng ngờ. Ả gật đầu và đưa cặp vé tàu cho anh ta. Anh ta đưa ả qua cửa quay, rồi băng qua một đại sảnh đông nghịt người để đến chỗ thang máy. Chiếc thang đưa họ xuống tầng ga tàu RER trong im lìm. Anh tiếp viên dắt ả đến đúng cửa của ả. Trong khoảnh khắc ả đã sợ rằng anh ta sẽ ở lại cho tới khi tàu đến. Nhưng cuối cùng anh ta chúc ả một buổi tối tốt lành và trở ra hướng thang máy.

Amira nhìn lên bảng báo giờ tàu đến. Còn mười hai phút nữa. Ả xem đồng hồ đeo tay và nhẩm tính trong đầu. Không có vấn đề gì. Ả ngồi xuống băng ghế và chờ đợi. Mười hai phút sau, đoàn tàu từ từ tiến vào ga và dừng hẳn lại. Những cánh cửa bật mở kèm theo một tiếng “xì” của hệ thống đẩy bằng không khí. Amira đứng dậy và đẩy người phụ nữ lên tàu.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

65#
 Tác giả| Đăng lúc 30-12-2013 21:34:04 | Chỉ xem của tác giả
Chương 26

PARIS

Mình đang ở đâu thế này? Trên một đoàn tàu ư? Và cô gái này là ai? Có phải là cô điều dưỡng làm việc ở bệnh viện? Mình đã nói với bác sĩ Avery là mình không thích cô ta, nhưng ông ấy không chịu nghe. Cô ta dành quá nhiều thời gian ở bên cạnh mình, hình như cô ta đang theo dõi mình quá nhiều. Bà đang bị ảo giác đấy thôi”, bác sĩ Avery sẽ nói với mình như thế. Phản ứng của bà là một phần của căn bệnh. Tên cô ấy là Amira. Cô ấy rất dịu dàng và rất giỏi. Không, mình đã cố nói với ông ấy, là cô ta đang theo dõi mình. Sẽ có chuyện gì đó xảy ra. Cô ta là người Palestine. Mình có thể nhìn thấy điều đó trong mắt cô ta. Tại sao bác sĩ Avery không chịu nghe mình? Hay là mình chưa thực sự cố gắng nói với ông ấy? Mình không nhớ rõ. Mình không nhớ rõ điều gì cả. Xem tivi kìa, Gabriel. Hỏa tiễn lại đang rơi xuống

Tel Aviv. Anh nghĩ lần này bọn chúng có sử dụng đầu đạn hóa học không? Em không thể chịu nổi việc mình ở Vienna trong khi hỏa tiễn đang rơi như mưa xuống Tel Aviv. Ăn cho hết đĩa pasta của con đi, Dani. Nhìn thằng bé mà xem, Gabriel. Nó giống anh quá. Chuyến tàu này trông giống như ở Paris, nhưng sao mình lại bị người Arập vây quanh thế này? Con mụ này định đưa mình đi đâu? Sao anh không ăn gì cả, Gabriel? Anh không bị ốm chứ? Trông anh không được khỏe. Lạy Chúa, sao da anh nóng như lửa thế này? Anh bị bệnh à? Nhìn kìa, lại một quả hỏa tiễn nữa. Lạy Chúa, xin Ngài hãy cho nó rơi xuống một tòa nhà bỏ hoang. Đừng để nó rơi xuống nhà con. Mình muốn ra khỏi cái nhà hàng này. Mình muốn chạy ngay về nhà để gọi điện cho mẹ. Không biết chuyện gì đã xảy ra với anh chàng đến bảo vệ mình ở bệnh viện? Mình đã tới đây bằng cách nào? Ai đã mang mình tới đây? Và đoàn tàu này đang đi về đâu? Tuyết. Chúa ơi, em ghét thành phố này biết bao, nhưng tuyết làm nó trở nên thật đẹp. Tuyết đã gột sạch mọi tội lỗi của thành Vienna. Tuyết rơi ở Vienna trong khi mưa hỏa tiễn trút xuống Tel Aviv. Tối nay anh có phải làm việc không? Anh sẽ thức đến mấy giờ? Xin lỗi, em cũng chẳng biết vì sao mình hỏi nữa. Chết tiệt thật. Chiếc xe bị tuyết phủ kín rồi. Giúp em gỡ tuyết khỏi các cửa sổ xe đã rồi hãy đi. Anh kiểm tra xem đai an toàn của Dani đã chắc chắn chưa? Đường xá mùa này trơn lắm. Vâng, em sẽ cẩn thận. Mau lên nào, Gabriel. Em muốn nói chuyện với mẹ. Em muốn được nghe giọng nói của mẹ. Hôn em nữa đi, một nụ hôn cuối cùng, rồi hãy quay lưng lại và bước đi. Em thích được nhìn anh bước đi, Gabriel. Bước đi của anh như một thiên thần. Em ghét công việc anh làm cho Shamron, nhưng em luôn luôn yêu anh. Chết tiệt, sao chiếc xe không nổ máy? Mình phải thử lại lần nữa. Sao anh quay lại, Gabriel? Con mụ này đưa mình đi đâu đây? Sao anh vừa la hét vừa chạy về phía chiếc xe? Thử xoay chìa khóa một lần nữa xem sao. Im lặng. Lửa và khói. Hãy đưa Dani ra trước! Mau lên, Gabriel! Xin anh hãy đưa con ra! Em đang cháy! Em sắp chết cháy! Con mụ này định đưa mình đi đâu? Cứu em với, Gabriel. Cứu em với!
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

66#
 Tác giả| Đăng lúc 30-12-2013 21:35:54 | Chỉ xem của tác giả
Chương 27

PARIS

Nhà ga Lyon tọa lạc ở quận 12 của Paris, cách bờ phía đông sông Seine vài dãy phố. Phía trước nhà ga là một vòng xoay giao thông lớn, và xa hơn nữa là giao lộ giữa hai con đường lớn, phố Lyon và đại lộ Diderot. Chính tại nơi đó, trong một quán cà phê ven đường nhộn nhịp khách thập phương, Paul Martineau đang ngồi đợi. Hắn uống nốt phần chất lỏng còn lại trong chiếc ly thủy tinh mỏng đựng rượu vang Côtes du Rhône, rồi ra hiệu cho anh bồi tính tiền. Năm phút chờ đợi trước khi hóa đơn được đưa lên. Hắn để tiền thanh toán và một khoản “boa” nhỏ lại trên bàn, rồi ra cửa và đi về phía lối vào nhà ga.
Có một số xe cảnh sát tập trung ở vòng xoay giao thông, hai cặp nhân viên cảnh sát bán vũ trang đứng gác ở cổng ra vào. Martineau trà trộn vào một nhóm người và bước vào trong. Hắn đã sắp vào đến đại sảnh của ga đi thì bất thình lình bị một cái vỗ vào vai. Hắn quay lại. Đó là một trong những cảnh sát viên gác cửa.

“Xin cho xem giấy tờ”.

Martineau rút chứng minh thư mang quốc tịch Pháp ra khỏi ví và đưa cho người cảnh sát. Anh ta nhìn mặt Martineau rất lâu trước khi nhìn xuống tấm thẻ.
“Ông đi đâu?”

“Aix”.

“Xin cho tôi xem vé tàu”.

Martineau đưa tấm vé ra.

“Trên vé tàu ghi sáng mai ông mới về”.

“Tôi đã đổi giờ đặt vé hồi chiều nay”.

“Tại sao?”

“Tôi cần về sớm hơn dự định”. Martineau quyết định tỏ vẻ hơi bực bội. “Này anh, tất cả các thủ tục xét hỏi này là sao? Liệu những câu hỏi đó có thật sự cần thiết không?”

“Tôi e là có, ông Martineau. Ông đến Paris làm gì?”

Martineau trả lời. “Để ăn trưa với một người đồng nghiệp đến từ đại học Quốc gia Pháp, và gặp một nhà xuất bản tiềm năng”.

“Ông là nhà văn à?”

“Đúng ra là nhà khảo cổ, nhưng tôi đang viết một cuốn sách”.

Người nhân viên cảnh sát trả chứng minh thư cho Martineau.

“Chúc ông một buổi tối vui vẻ”.

“Cám ơn”.

Martineau quay gót và tiến về phía ga đi. Hắn dừng lại ở sảnh, rồi leo lên cầu thang để tới Le Train Bleu, nhà hàng nổi tiếng nhìn xuống đại sảnh của nhà ga. Một cô lễ tân đón hắn ở cửa.

“Ông có đặt bàn trước không ạ?”

“Thật ra tôi đến tìm một người bạn ở quầy bar. Tôi tin rằng cô ấy đã đến rồi”.

Cô lễ tân bước sang bên để nhường đường cho hắn vào. Martineau rảo bước đến quầy bar, và dừng lại ở một bàn có cửa sổ nhìn bao quát nhà ga bên dưới. Người đang ngồi ở bàn là một phụ nữ xinh đẹp và có vẻ trẻ trung hơn so với độ tuổi tứ tuần, có một lọn tóc nhuộm màu bạch kim trên mái tóc dài đen nhánh. Cô ngước nhìn lên khi Martineau tiến lại. Anh cúi xuống và hôn lên cổ cô.

“Chào Mimi”.

“Paul”, cô ta thì thào. “Được gặp lại anh thật dễ chịu”.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

67#
 Tác giả| Đăng lúc 30-12-2013 21:39:08 | Chỉ xem của tác giả
Chương 28

PARIS

Cách hai dãy nhà phía bắc ga Lyon: đường Parrot. 6 giờ 53 phút tối.

“Rẽ vào đây”, ả phụ nữ nói. “Đậu xe đi”.

“Chẳng có chỗ đậu xe đâu. Đường xá giờ này đông như kiến”.

“Tin tao đi. Chúng ta sẽ tìm được một chỗ đậu xe”.

Đúng lúc đó có một chiếc xe lùi ra khỏi ô đậu xe gần khách sạn Lyon Bastille. Gabriel, không để phí một giây nào, lập tức rẽ vào thế chỗ. Đứa con gái giấu khẩu Tanfolgio vào xắc tay và đeo nó lên vai.

“Mở cốp xe ra”.

“Để làm gì?”

“Cứ làm theo lời tao đi. Nhìn đồng hồ kìa. Chúng ta chẳng còn nhiều thời gian đâu”.

Gabriel kéo cần mở cốp xe, và nắp cốp xe bật lên kèm theo một tiếng “cạch” khô khan. Đứa con gái rút chìa khóa xe ra khỏi ổ khóa và thả nó vào xắc tay cùng với khẩu súng và chiếc điện thoại vệ tinh. Rồi ả mở cửa xe và trèo ra ngoài. Ả đi về phía cốp xe, và ra hiệu cho Gabriel đi theo. Anh nhìn xuống. Bên trong cốp là một chiếc vali lớn hình chữ nhật, bằng vải nylon đen, có bánh xe và tay nắm kéo lên được.

“Cầm lấy nó”.

“Không”.

“Nếu mày không chịu cầm lấy nó, vợ mày sẽ chết”.

“Tôi sẽ không mang một trái bom vào ga Lyon”.

“Mày đang vào một nhà ga. Tốt nhất phải làm ra vẻ là một khách du lịch chân chính. Cầm lấy cái vali đi”.

Anh thò tay xuống tìm cái khóa kéo. Đã khóa.

“Cầm lấy ”.

Trong khoang chứa dụng cụ sửa xe có một ống mở vít dùng để thay bánh xe bằng sắt mạ chrome.

“Mày làm gì vậy? Muốn vợ mày chết sao?”

Hai cú nện mạnh, và ổ khóa của chiếc vali gãy lìa. Gabriel kéo cái khóa kéo để xem những thứ chứa bên trong ngăn chính: những viên giấy vo tròn. Tiếp theo anh xem xét những ngăn phụ. Trống không.

“Mày thỏa mãn rồi chứ? Xem đồng hồ đi. Cầm lấy cái vali mau lên”.

Gabriel nâng cái vali ra khỏi cốp xe và đặt nó xuống lề đường. Đứa con gái đã bắt đầu bước đi. Anh kéo tay nắm chiếc vali lên cao và đóng cốp xe, rồi vội vã bước theo ả. Đến góc đường Lyon, họ rẽ trái. Nhà ga, vốn được xây dựng trên một doi đất, hiện ra trước mặt họ.

“Tôi không có vé”.

“Tao có vé cho mày đây”.

“Chúng ta sẽ đi đâu? Berlin? Geneva? Amsterdam?”

“Cứ đi đi”.

Khi họ đến gần giao lộ với đại lộ Diderot, Gabriel trông thấy các nhân viên cảnh sát tuần tra quanh nhà ga và ánh đèn màu xanh dương của các xe cảnh sát nhấp nháy ở giữa vòng xoay.

“Họ đã được cảnh báo”, anh nói. “Chúng ta đang đi thẳng vào một điểm báo động an ninh”.

“Chúng ta sẽ ổn thôi”.

“Tôi không có hộ chiếu”.

“Mày không cần đến nó đâu”.

“Nhỡ họ chặn chúng ta lại thì sao?”

“Đã có tao. Nếu cảnh sát chặn hỏi giấy tờ của mày, chỉ việc nhìn tao, và tao sẽ lo liệu”.

“Chính cô là lý do khiến chúng ta bị chặn lại thì có”.

Đứng trên lề đường Diderot, họ chờ đèn báo qua đường bật xanh, rồi băng qua đường giữa một rừng người đi bộ. Chiếc vali quá nhẹ. Nó không tạo ra được tiếng động phù hợp khi kéo trên lề đường. Lẽ ra bọn chúng phải cho quần áo vào để tạo trọng lượng phù hợp. Lỡ anh bị chặn lại thì sao? Lỡ người ta khám chiếc vali và phát hiện ra nó chứa toàn những tờ giấy vo viên lại thì sao? Lỡ họ khám chiếc xắc tay của Palestina và phát hiện ra khẩu Tanfolgio? Khẩu Tanfolgio... Anh tự nhủ thầm mình phải tạm quên đi chiếc vali rỗng và khẩu súng trong xắc tay của ả này. Thay vào đó anh tập trung vào cảm giác mà anh đã cảm nhận được hồi chiều, cảm giác rằng chiếc chìa khóa sống còn của anh đang nằm đâu đó trên con đường mà anh đã đi qua.

Có nhiều nhân viên cảnh sát và hai binh sĩ đeo súng tiểu liên trên vai đang đứng trước cửa vào nhà ga. Họ chặn những người qua lại một cách ngẫu nhiên, kiểm tra giấy tờ và khám xét hành lý. Palestina vòng tay qua cánh tay Gabriel và kéo anh đi nhanh hơn. Anh cảm thấy những ánh mắt của các nhân viên cảnh sát chiếu lên người mình, nhưng họ không chặn anh lại.

Khuôn viên bên trong của nhà ga, với mái vòm cuốn cao mở ra trước mắt họ. Họ dừng lại một lát ở đầu một chiếc thang máy đang chạy xuống tầng dành cho xe điện ngầm. Gabriel lợi dụng khoảng thời gian này để quan sát xung quanh. Bên trái anh là một dãy phòng điện thoại công cộng; sau lưng anh là cầu thang dẫn lên nhà hàng Le Train Bleu. Ở đầu bên kia đại sảnh có hai quầy bán báo Relay. Cách anh vài bước chân về phía bên phải là một quán bán thức ăn nhanh, ngay bên dưới tấm bảng điện tử lớn báo giờ tàu chạy. Đúng lúc đó bảng điện tử đổi nội dung. Tự nhiên Gabriel cảm thấy những âm thanh lạch tạch khi các ký tự hiện ra nghe như một tràng pháo tay giành cho trò chơi hoàn hảo của Khaled. Đồng hồ trên bảng điện tử báo giờ: 6 giờ 57 phút.

“Mày có thấy cô gái đang sử dụng điện thoại trong phòng thứ nhất phía bên này không?”

“Cô gái nào?”

“Mặc quần jeans xanh, áo len xám, có thể là người Pháp, cũng có thể là người Arập, giống như tao”.

“Tôi thấy rồi”.

“Khi đồng hồ trên bảng điện tử nhảy sang 6 giờ 58 phút, cô ta sẽ gác máy. Mày và tao sẽ đến đó thế chỗ cô ta. Cô ta sẽ dừng lại một lúc để cho chúng ta có đủ thời gian đến đó”.

“Lỡ có người vào trước chúng ta thì sao?”

“Tao và cô ta sẽ lo liệu. Mày sẽ gọi một số điện thoại. Mày sẵn sàng chưa?”

“Sẵn sàng”.

“Đừng quên những chữ số này đấy. Nếu mày quên, tao sẽ không nhắc lại đâu, và vợ mày sẽ chết. Mày chắc chắn là đã sẵn sàng rồi chứ?”

“Cứ đọc con số khốn nạn đó ra đi”.

Ả đọc một số điện thoại, rồi đưa cho anh vài đồng xu đúng lúc đồng hồ nhảy sang 6 giờ 58. Đứa con gái kia đã rời khỏi phòng điện thoại. Gabriel bước tới, nhấc ống nghe và nhét các đồng xu vào khe nạp tiền. Anh bấm từng số một cách thận trọng, sợ rằng nếu bấm nhầm anh sẽ không thể nhớ lại con số đúng. Ở đâu đó một chiếc điện thoại bắt đầu reo. Một hồi, hai hồi, ba hồi chuông...

“Không có ai trả lời cả”.

“Hãy kiên nhẫn một chút. Sẽ có người trả lời thôi”.

“Nó đã reo sáu hồi chuông rồi. Vẫn không ai trả lời”.

“Mày chắc là gọi đúng số chứ? Có thể mày đã bấm nhầm. Có thể vợ mày sắp phải chết vì mày…”

“Câm mồm”, Gabriel quát.

Điện thoại đã ngừng reo.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

68#
 Tác giả| Đăng lúc 30-12-2013 21:43:37 | Chỉ xem của tác giả
Chương 29

PARIS

“Chào Gabriel”.

Một giọng nữ vang lên, quen thuộc đến giật mình.

“Hay tôi nên gọi là ngài Klemp? Đó là cái tên anh đã sử dụng khi anh đến câu lạc bộ của tôi, đúng không? Và cũng là cái tên anh sử dụng khi lục soát căn hộ của tôi”.

Mimi Ferrere. Câu lạc bộ The Little Moon.

“Cô ấy đâu? Leah đâu?”

“Cô ấy ở gần anh thôi”.

“Ở đâu? Tôi không thấy cô ấy”.

“Anh sẽ biết trong một phút nữa”.

Một phút... Anh nhìn lên bảng báo giờ tàu chạy. Đồng hồ đã nhảy sang 6 giờ 59 phút. Hai binh sĩ vừa đi tuần ngang qua. Một trong hai người họ nhìn anh. Gabriel quay đi và hạ giọng xuống.

“Các người nói là nếu tôi đến, các người sẽ để cô ấy sống. Bây giờ cô ấy đang ở đâu?”

“Anh sẽ biết tường tận mọi chuyện trong vài giây nữa thôi”.

Giọng nói: anh tập trung vào nó. Nó kéo anh trở lại Cairo, trở lại đêm mà anh đã viếng thăm quán rượu ở Zamalek. Anh bị dụ đến Cairo để cài máy nghe trộm vào điện thoại của Mimi, để nghe được cuộc đối thoại của mụ với một gã tên là Tony và tóm được số điện thoại của một căn hộ ở Mác-xây. Nhưng phải chăng chúng còn có âm mưu gì khác khi dụ anh tới Cairo?

Mụ lại bắt đầu nói, nhưng giọng của mụ chìm nghỉm giữa tiếng loa thông báo của nhà ga: Tàu số 765 đi Mác-xây đang nhận khách ở Cửa D... Gabriel bịt loa nói trên ống nghe. Tàu số 765 đi Mác-xây đang nhận khách ở Cửa D... Anh vẫn nghe thấy thông báo đó vang lên qua đường dây điện thoại - anh tin chắc điều đó. Mimi đang ở đâu đó trong nhà ga này. Anh nhìn quanh và thoáng thấy cặp mông tròn của mụ biến mất ở lối ra. Đi bên trái mụ là một gã đàn ông có đôi vai ngang và mái tóc quăn đen, kẻ đang thọc bàn tay phải vào túi quần sau của mụ. Gabriel đã từng nhìn thấy dáng đi của hắn vào lúc sáng sớm ngày hôm nay ở Mác-xây. Khaled đã đích thân đến ga Lyon để chứng kiến cái chết của anh.

Anh nhìn chúng đi qua cửa và ra khỏi nhà ga.

Tàu số 765 đi Mác-xây đang nhận khách ở Cửa D.

Anh liếc nhìn Palestina. Ả đang nhìn trân trối vào cái đồng hồ trên bảng điện tử. Xét theo nét mặt của ả, giờ đây ả đã biết rằng Gabriel nói thật. Chỉ còn ít giây nữa, ả sẽ trở thành một shaheed trong kế hoạch trả thù của Khaled.

“Anh vẫn đang nghe tôi nói đấy chứ, Gabriel?”

Tiếng ồn của xe cộ: chắc chắn Mimi và Khaled đã ra đến bên ngoài nhà ga.

“Tôi đang nghe đây”, anh nói – và ta đang tự hỏi tại sao mụ dàn xếp cho ta ngồi chung bàn với ba tên Arập trong hộp đêm của mụ.

Tàu số 765 đi Mác-xây đang nhận khách ở Cửa D.

Cửa D... Cửa Dalet... Tochnit Dalet...

“Cô ấy ở đâu, Mimi? Cho tôi biết…”

Đúng lúc đó anh nhìn thấy hắn, kẻ đang đứng trước một trong hai quầy bán báo Relay ở đầu phía đông của nhà ga. Chiếc vali của hắn, một chiếc vali bằng vải nylon đen có bánh xe và tay nắm kéo lên được, giống hệt như của Gabriel, được dựng đứng ngay bên cạnh hắn. Chúng gọi hắn là Bashir trong đêm ở Cairo. Bashir thích rượu Johnnie Walker đỏ và hút thuốc lá Silk Cut. Bashir đeo một chiếc đồng hồ nạm vàng hiệu TAG Heuer trên cổ tay phải và có mang theo món quà gì đó cho một trong các nữ phục vụ của Mimi. Bashir còn là một shaheed - một kẻ đánh bom tự sát. Trong vài giây đồng hồ nữa chiếc vali của Bashir sẽ nổ tung, và hắn, cùng với vài chục người khác ở xung quanh hắn, sẽ chết không toàn thây.

Gabriel nhìn sang trái, phía đối diện với cửa lên tàu: một quầy báo Relay khác, một tên shaheed khác với một chiếc vali giống hệt của Gabriel. Đêm đó hắn được gọi là Naji. Naji: kẻ sống sót. Hôm nay thì mày không thể sống sót được nữa đâu, Naji ạ.

Cách Gabriel chỉ vài bước chân là Tayyib, kẻ đang mua một chiếc xăng-uých mà hắn sẽ chẳng bao giờ ăn được. Cũng một chiếc vali, cũng vẻ mặt vô hồn của một kẻ sắp chết như những tên trước. Hắn đứng gần Gabriel đến mức anh có thể nhìn thấy cơ cấu hoạt động của quả bom. Một sợi dây điện nhỏ màu đen chạy dọc theo bên trong tay nắm được kéo lên cao của chiếc vali. Gabriel nhận ra nút bấm nhả trên tay nắm chính là bộ phận kích nổ. Khi bấm nút này, nó sẽ tiếp xúc với kíp nổ. Điều đó có nghĩa là ba tên shaheed phải bấm nút đồng thời. Nhưng chúng nhận tín hiệu bằng cách nào? Thời gian, tất nhiên rồi. Gabriel nhìn vào mắt Tayyib và thấy rõ hắn đang tập trung vào chiếc đồng hồ điện tử trên bảng báo giờ tàu chạy. 6:59:28...

“Cô ấy ở đâu, Mimi?”

Hai người lính lại đi ngang qua, vừa đi vừa tán gẫu một cách lơ đễnh. Ba tên khủng bố cùng vào nhà ga với ba chiếc vali chứa đầy chất nổ, nhưng các lực lượng an ninh dường như vẫn chẳng để ý gì. Hai người lính kia sẽ mất bao lâu để tháo những khẩu tiểu liên mà họ đang đeo trên vai và đưa chúng vào vị trí ngắm bắn? Nếu họ là người Israel thì chỉ cần tối đa là hai giây để thực hiện động tác đó. Nhưng còn mấy anh chàng người Pháp này? Phản ứng của họ chắc chắn sẽ chậm hơn.

Anh lại liếc nhìn Palestina. Càng lúc trông ả càng có vẻ lo lắng. Đôi mắt ả lộ rõ vẻ tuyệt vọng, bàn tay nắm chặt dây đeo của cái xắc tay. Mắt Gabriel quét qua toàn bộ đại sảnh của nhà ga một lần nữa, trong khi não anh thầm tính toán đường đạn và góc khai hỏa.

Mimi lại chen ngang vào dòng suy nghĩ của anh. “Anh có nghe tôi nói không đấy?”

“Tôi đang nghe đây”.

“Như anh có thể đã đoán ra, nhà ga sắp nổ tung. Theo sự tính toán của tôi, anh có mười lăm giây. Anh có hai lựa chọn. Anh có thể cảnh báo mọi người xung quanh và cứu được tính mạng của nhiều người, hoặc anh có thể cứu mạng vợ anh một cách ích kỷ. Nhưng anh không thể làm cả hai, bởi nếu anh cảnh báo mọi người, nhà ga sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn, và anh sẽ không bao giờ có thể tìm thấy vợ anh trước khi những trái bom phát nổ. Cách duy nhất để cứu bà ấy là để hàng trăm người khác chết - hàng trăm cái chết để cứu một con người tàn tật và bệnh hoạn. Thật là một tình thế khắc nghiệt về mặt đạo lý, phải không?”

“Cô ấy đang ở đâu?”

“Anh thử đoán xem”.

“Cửa D”, Gabriel nói. “Cửa Dalet”.

“Rất giỏi”.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

69#
 Tác giả| Đăng lúc 30-12-2013 21:45:29 | Chỉ xem của tác giả
“Cô ấy không có ở đó. Tôi không nhìn thấy cô ấy”.

“Tìm kỹ lại đi. Mười lăm giây, Gabriel. Mười lăm giây”.

Và đường dây điện thoại bị ngắt.

Thời gian dường như ngưng đọng. Anh nhìn thấy tất cả mọi người, mọi vật đều dừng lại như một bức tranh tĩnh vật - ba tên shaheed, ba đôi mắt của chúng đang dán chặt vào đồng hồ điện tử; các binh sĩ, vai đeo lủng lẳng những khẩu tiểu liên; Palestina, tay đang nắm chặt chiếc xắc tay bên trong có một khẩu Tanfolgio chín ly đã được nạp đầy đạn. Và ở trung tâm bức tranh, anh nhìn thấy một đứa con gái Arập xinh đẹp đang rời bỏ khỏi một người đàn bà ngồi trên một chiếc xe lăn. Trên đường ray là một đoàn tàu cao tốc chuẩn bị đi Mác-xây, và cách người đàn bà đang chờ chết độ năm bước chân là cánh cửa mở của toa tàu cuối cùng. Trên đầu anh là đồng hồ đang dừng lại ở con số 6:59:50. Mimi đã chơi xỏ anh, nhưng Gabriel biết rõ hơn hầu hết những con người đang góp mặt trên thế giới này: mười giây có thể là vĩnh hằng. Trong mười giây đồng hồ, anh đã theo chân cha của Khaled tiến vào một khoảng sân ở Paris và găm mười một viên đạn vào y. Trong không tới mười giây đồng hồ, vào một đêm mùa đông đầy tuyết ở Vienna, con trai anh đã bị sát hại và vợ anh đã thoát ra khỏi cuộc đời anh về mặt tinh thần và tình cảm, mãi mãi.

Động tác đầu tiên của Gabriel° nhanh và dứt khoát đến mức dường như không ai kịp chú ý - một cú đấm vào mé bên trái sọ của Palestina được tung ra với lực mạnh đến mức, khi Gabriel giật cái xắc tay ra khỏi vai ả, chính anh cũng không rõ ả còn sống hay không. Trong khi đứa con gái Palestine đổ gục dưới chân anh, Gabriel thò tay vào bên trong cái xắc tay và nắm chặt báng khẩu Tanfolgio. Tayyib, tên shaheed đứng gần anh nhất bên quầy thức ăn nhanh, hoàn toàn không nhìn thấy cảnh tượng vừa diễn ra, vì mắt hắn vẫn đang dán chặt vào đồng hồ. Gabriel rút khẩu súng ra, nâng lên bằng một tay, và ngắm tên đánh bom tự sát. Anh siết cò hai lần, đoàng-đoàng. Cả hai viên đạn đều trúng vào phần ngực trên, đẩy hắn ngã ngửa về phía sau, cách xa chiếc vali chứa chất nổ.

Tiếng súng nổ ở nhà ga lớn này đã mang lại đúng hiệu ứng mà Gabriel mong đợi. Khắp nơi trong đại sảnh, mọi người đều ngồi thụp xuống hoặc nằm lăn ra đất. Cách anh khoảng hai mươi bước chân, hai người lính đang kéo các khẩu tiểu liên ra khỏi vai. Và ở hai đầu sảnh, Bashir và Naji vẫn đứng bất động, mắt không rời khỏi đồng hồ. Không có đủ thời gian để hạ cả hai tên.

Bằng tiếng Pháp, Gabriel hô lớn. “Có bom! Nằm xuống! Nằm xuống!”

Đường bắn được khai thông đúng lúc Gabriel chĩa khẩu Tanfolgio vào tên shaheed tên gọi Naji. Hai người lính Pháp, hoang mang trước những gì mà họ chứng kiến, đã do dự khá lâu. Anh bóp cò, nhìn theo tia sáng màu hồng lóe lên, và chứng kiến Naji ngã vật ra đất, nằm bất động.

Anh chạy hết tốc lực về phía cửa D, nơi Leah đang ngồi mà không có gì che chắn trước làn sóng chấn động sắp tràn tới từ vụ nổ. Anh vẫn nắm chặt cái xắc tay của Palestina, bởi nó chứa chiếc chìa khóa mở ra con đường thoát thân cho anh. Anh ngoái nhìn lại sau lưng một lần, và thấy Bashir, tên shaheed cuối cùng, đang tiến về trung tâm nhà ga. Chắc chắn hắn đã thấy hai đồng bọn bị hạ; và giờ đây hắn đang cố làm gia tăng mức độ sát thương của quả bom duy nhất của hắn, bằng cách đặt nó ở khu vực trung tâm của đại sảnh, nơi vẫn tập trung nhiều người nhất.

Dừng lại lúc này gần như đồng nghĩa với cái chết chắc chắn dành cho anh và Leah, nên Gabriel ra sức chạy. Anh đến lối vào cửa D và rẽ phải. Sảnh lên tàu trống trơn; tiếng súng và lời cảnh báo của Gabriel đã đẩy tất cả hành khách vào các toa tàu hoặc ra khỏi các lối thoát hiểm. Chỉ còn lại Leah, bất lực và bất động.

Đồng hồ nhảy sang con số 7.

Gabriel nắm lấy hai vai Leah và nâng tấm thân mềm nhũn của vợ ra khỏi chiếc xe trước khi thực hiện một động tác lao mình cuối cùng vào ô cửa của toa tàu đang chờ đợi đúng lúc chiếc vali phát nổ. Một luồng ánh sáng chói lòa, một tiếng nổ đinh tai, và sức ép của sóng chấn động dường như thổi bay toàn bộ sinh khí ra khỏi cơ thể anh. Những cây đinh tẩm thuốc độc. Những mảnh kính vỡ và máu.

Khói đen bốc lên mù mịt giữa một bầu không khí im ắng không chịu nổi. Gabriel nhìn vào mắt Leah. Cô nhìn thẳng vào mắt anh bằng một ánh mắt trong sáng lạ lùng. Anh nhét khẩu Tanfolgio vào cái xắc tay, rồi bế Leah trên hai cánh tay và đứng dậy, cảm thấy vợ mình nhẹ như lông hồng.

Từ bên ngoài toa tàu vỡ nát vọng vào những tiếng gào thét đầu tiên. Gabriel nhìn quanh. Những ô cửa sổ cả hai bên đều bị thổi tung. Những hành khách đang ngồi trên ghế bị các mảnh kính vỡ bắn vào người. Gabriel nhìn thấy ít nhất sáu người có vẻ bị thương nặng.

Anh trèo xuống các bậc thang và tìm đường đi về đại sảnh. Quang cảnh mới vài giây trước giờ đây không thể nào nhận ra. Anh ngước nhìn lên và thấy một mảng lớn của mái vòm đã bay mất. Nếu cả ba quả bom cùng nổ một lúc, gần như chắc chắn toàn bộ nhà ga sẽ sập xuống.

Anh trượt chân và ngã xuống đất khá mạnh. Nền nhà ga giờ đây ướt sũng máu. Quanh anh là những cánh tay, cẳng chân và những mảnh da thịt người. Anh gượng đứng dậy, nâng Leah lên, và lảo đảo bước tiếp. Chân anh đang giẫm lên những gì? Anh không dám nhìn xuống nữa. Anh trượt ngã lần thứ hai, ở gần phòng điện thoại, và chợt thấy mình nhìn vào đôi mắt không còn sự sống của Palestina. Cú đấm của Gabriel hay những mảnh bom của Bashir đã giết chết ả? Gabriel không quan tâm đến điều đó.

Anh lại gượng đứng dậy. Các cửa nhà ga đều chật cứng người: các hành khách hoảng sợ cố chen nhau chạy ra, trong khi lực lượng cảnh sát cố tìm cách len vào. Nếu Gabriel đi ra lối đó, rất nhiều khả năng sẽ có ai đó nhận ra anh là người đã nổ súng trước khi bom nổ. Anh phải tìm một lối thoát khác. Anh nhớ lại quãng đường đi bộ từ chỗ đậu xe tới nhà ga, chờ đèn giao thông ở giao lộ giữa đường Lyon và đại lộ Diderot. Chắc chắn phải có một lối vào nhà ga tàu điện ngầm ở đó.

Anh mang Leah tiến về phía thang cuốn. Thang đã ngừng chạy. Anh bước qua hai xác chết và bắt đầu leo xuống. Nhà ga đang chìm trong hoảng loạn, các hành khách kêu khóc trong khi các tiếp viên của nhà ga đang cố gắng trong tuyệt vọng hòng trấn an mọi người, nhưng ít ra ở đây không có khói, và nền đất cũng không ướt sũng máu. Gabriel đi theo các tấm biển chỉ đường hướng ra đường Lyon. Hai lần anh được hỏi rằng anh có cần giúp đỡ gì không và hai lần anh lắc đầu trong khi chân vẫn bước đều. Các ngọn đèn nhấp nháy và mờ dần, rồi không biết nhờ phép lạ nào đó, nó sáng trở lại.

Hai phút sau Gabriel đến một cầu thang nhỏ, anh leo lên các bậc thang, và bước ra đường Lyon giữa một cơn mưa phùn lất phất. Anh ngoái nhìn về phía nhà ga. Vòng xoay giao thông giờ đây tràn ngập ánh đèn của xe cứu thương và xe cảnh sát, và khói vẫn đang tuôn ra trên mái. Anh quay gót và bước đi.

Một lời đề nghị giúp đỡ nữa. “Ông ổn chứ? Người ông đang bế có cần bác sĩ không?”

Không, cám ơn, anh nghĩ. Xin làm ơn tránh đường, và làm ơn để chiếc Mercedes vẫn còn ở đó chờ tôi.

Anh vòng qua khúc quanh sang đường Parrot. Chiếc xe vẫn còn đó, đây là sai lầm duy nhất của Khaled. Anh bế Leah băng qua đường. Trong một giây, cô đã bám vào° cổ anh một cách âu lo. Liệu cô có biết anh là Gabriel, hay cô nghĩ anh là một gã bệnh nhân nào đó trong bệnh viện ở nước Anh? Giây lát sau, Leah đã ngồi vào ghế dành cho khách ở phía trước của chiếc xe, mắt nhìn ra cửa sổ một cách vô hồn trong khi Gabriel lùi xe ra khỏi ô đậu xe và đánh vô-lăng để rẽ sang đường Lyon. Anh liếc mắt nhìn nhanh sang bên trái, về phía nhà ga đang bốc khói, rồi rẽ phải và chạy thẳng về phía Cung điện Bastille. Một lần nữa anh thò tay vào cái xắc của ả người Palestine và rút ra chiếc điện thoại vệ tinh. Đến lúc vòng qua vòng xoay giao thông để tiến vào Cung điện Bastille, đại lộ King Saul đã được nối máy.
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

70#
 Tác giả| Đăng lúc 31-12-2013 09:45:53 | Chỉ xem của tác giả
Chương 30

PARIS

Những giọt mưa phùn lất phất chào đón Gabriel khi anh thoát ra khỏi ga Lyon lúc này đã trở thành một cơn mưa rào mùa xuân. Trời đã sập tối, và Gabriel mừng vì điều đó. Anh đậu xe trên thảm lá rụng của một con đường yên tĩnh gần Cung điện Colombie và tắt máy. Vì bóng tối, và vì cơn mưa, anh tin rằng không ai có thể nhìn vào bên trong xe. Anh lau một khoảng kính chắn gió phía trước và nhòm qua đó. Tòa nhà có căn hộ an toàn nằm bên kia đường, hơi chếch về mé trên. Gabriel biết rõ căn hộ này. Anh biết nó là căn hộ số 4B và tấm biển gắn phía trên chuông cửa mang tên Guzman viết bằng chữ màu xanh đã bạc màu. Anh cũng biết rằng không có chỗ nào an toàn để giấu chìa khóa, và điều đó có nghĩa là phải nhờ ai đó ở căn cứ Paris mở cửa hộ. Thường thì những nhiệm vụ kiểu này được thực hiện bởi một bodel, thuật ngữ của Văn phòng chỉ những nhân viên được thuê tại chỗ để phụ trách những công việc lặt vặt cần thiết nhằm duy trì hoạt động cho một căn cứ ở nước ngoài. Nhưng mười phút sau, Gabriel thở phào nhẹ nhõm khi trông thấy dáng vẻ quen thuộc của Uzi Navot, katsa ở Paris, chạy huỳnh huỵch ngang qua cửa sổ xe anh với mái tóc hung bết vào cái đầu to tròn và một chiếc chìa° khóa căn hộ vung vẩy trên tay.

Navot bước vào tòa nhà và giây lát sau đèn bật sáng bên trong một ô cửa sổ ở tầng bốn. Leah cựa quậy. Gabriel quay lại, và trong một thoáng, ánh mắt ngây dại của cô dường như được nối kết với ánh mắt anh. Anh thò tay nắm lấy phần còn lại của bàn tay cô. Vết sẹo lồi thô ráp, như mọi khi, khiến Gabriel cảm thấy nhói đau trong lòng. Cô đã bị xúc động mạnh trong suốt chuyến đi. Bây giờ trông cô có vẻ trầm tĩnh, theo kiểu mà Gabriel luôn luôn thấy khi anh đến thăm cô ở nhà tắm nắng trị liệu. Anh lại nhòm qua tấm kính chắn gió, về phía ô cửa sổ tầng bốn.

“Phải anh đấy không?”

Gabriel giật mình vì giọng nói của Leah, anh ngước nhìn lên bằng đôi mắt kinh ngạc - thậm chí anh sợ là quá kinh ngạc, vì ánh mắt cô bỗng có vẻ hoảng hốt.

“Phải, anh đây, Leah”, anh nói bằng giọng điềm đạm để trấn an vợ. “Gabriel đây”.

“Chúng ta đang ở đâu?”. Giọng nói của cô nhẹ và khô, như tiếng xào xạc của lá vàng rơi. Nó hoàn toàn không giống như trong ký ức của anh. “Nơi này khiến em cảm thấy giống như Paris. Có phải chúng ta đang ở Paris?”

“Phải, chúng ta đang ở Paris”.

“Đứa con gái đó đã mang em đến đây, phải không? Y tá của em. Em đã cố báo với bác sỹ Avery -” Cô bỏ lửng câu nói. “Em muốn về nhà”.

“Anh đang đưa em về nhà đây”.

“Về bệnh viện?”

“Về Israel”.

Một nụ cười bừng lên, một cái siết nhẹ bàn tay anh. “Da anh nóng quá. Anh có ốm không?”

“Anh khỏe, Leah à”.

Cô chìm vào im lặng và nhìn ra cửa sổ.

“Trông tuyết rơi kìa”, cô nói. “Chúa ơi, em ghét thành phố này biết bao, nhưng tuyết làm nó trở nên thật đẹp. Tuyết đã gột sạch mọi tội lỗi của thành Vienna”.

Gabriel lục lọi trong ký ức, tìm kiếm lần đầu anh nghe những lời này và rồi sực nhớ ra. Lúc ấy họ đang đi bộ từ nhà hàng ra xe. Dani ngồi trên vai anh. Tuyết gột sạch mọi tội lỗi của thành Vienna. Tuyết rơi trên thành Vienna trong khi mưa hỏa tiễn trút xuống Tel Aviv.

“Đẹp thật”, anh đồng tình, cố gắng ngăn vẻ lo lắng len vào giọng nói của mình. “Nhưng chúng ta không ở Vienna. Chúng ta đang ở Paris. Em nhớ chứ? Cô gái đó đã đưa em đến Paris”.

Cô không còn nghe lời anh nói nữa. “Mau lên, Gabriel”, cô nói. “Em muốn nói chuyện với mẹ em. Em muốn được nghe giọng nói của mẹ”.

Xin em, Leah, anh nghĩ. Hãy trở lại là em ngày xưa đi. Đừng tự làm khổ mình nữa.

“Chúng ta sẽ gọi điện cho mẹ ngay”, anh nói.

“Anh kiểm tra xem đai an toàn của Dani đã chắc chắn chưa? Đường xá mùa này trơn lắm”.

Thằng bé ổn, Leah ạ, Gabriel đã nói trong đêm đó. Em lái xe về nhà cẩn thận nhé.

“Vâng, em sẽ cẩn thận”, cô đáp. “Hôn em đi”.

Anh nghiêng người sang và áp môi lên gò má thương tật của cô.

“Một nụ hôn cuối”, cô thì thầm.

Sau đó mắt cô mở to, ngây dại. Gabriel nắm chặt bàn tay đầy sẹo của vợ và nghẹn ngào quay nhìn chỗ khác.

Bà Touzet thò đầu ra từ cửa căn hộ của mình khi Martineau bước vào tiền sảnh. “Giáo sư Martineau, ơn Chúa, ông đây rồi. Tôi sợ gần chết. Ông có mặt ở đó không? Có kinh khủng lắm không?”

Hắn đứng cách nhà ga vài trăm mét khi vụ nổ xảy ra. Và đúng là mọi chuyện rất kinh khủng, mặc dù vẫn chưa kinh khủng như hắn kỳ vọng. Theo kế hoạch, lẽ ra nhà ga phải bị phá hủy hoàn toàn bởi sức công phá của 3 vali bom. Rõ ràng đã có trục trặc gì đó xảy ra.

“Tôi vừa làm một ít sôcôla nóng. Ông vào xem truyền hình với tôi nhé? Tôi rất ghét phải xem những tin kinh khủng đó một mình”.

“Tôi e rằng tôi đã trải qua một ngày dài tồi tệ, thưa bà Touzet. Tôi sẽ đi ngủ sớm”.

“Một danh thắng của Paris giờ đây chỉ còn là đống đổ nát. Rồi sẽ còn chuyện gì xảy ra nữa đây, Giáo sư? Kẻ nào có thể làm ra một chuyện như thế?”

“Tôi cho là bọn Hồi giáo, mặc dù người ta không bao giờ biết động cơ thật của những kẻ đang tâm gây ra một tội ác dã man như thế. Tôi ngờ rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được sự thật”.

“Ông nghĩ đây có thể là một âm mưu hay không?”

“Bà vào uống sôcôla đi kẻo nguội, bà Touzet. Nếu bà cần bất cứ thứ gì, thì tôi ở ngay trên lầu”.

“Chúc ông ngủ ngon, Giáo sư Martineau”.

Tay bodel, một thanh niên Do Thái gốc Ma-rốc với đôi mắt màu nâu hổ phách đến từ Marais tên là Moshe, xuất hiện ở căn hộ an toàn một giờ sau. Anh ta mang theo hai cái túi. Một túi chứa trang phục cho Gabriel thay, túi còn lại đựng một số thức ăn lặt vặt. Gabriel đi vào phòng ngủ và cởi bỏ trang phục mà ả phụ nữ Palestine đã đưa cho anh trong ngôi nhà ở Martigues, rồi đứng một lúc lâu dưới vòi sen và nhìn máu của các nạn nhân của Khaled chảy xoáy vào lỗ thoát nước. Anh thay trang phục mới và cho quần áo bẩn vào túi. Khi anh trở ra, phòng khách đã gần như chìm trong bóng tối. Leah đang ngủ trên trường kỷ. Gabriel sửa lại cái chăn in hoa cho vợ rồi bước xuống bếp. Navot đang đứng trước bếp lò với một đôi đũa nấu ăn trong tay và một cái khăn lau bát đĩa dắt trong cạp quần. Anh chàng bodel đang ngồi bên bàn, thưởng thức một ly rượu vang đỏ. Gabriel đưa cho anh ta cái túi đựng quần áo bẩn.

“Đem vứt cái này đi”, anh nói. “Ở nơi nào mà không ai có thể tìm thấy chúng”.

Anh ta gật đầu, đoạn đi nhanh ra khỏi căn hộ an toàn. Gabriel ngồi xuống thế chỗ anh ta bên bàn và nhìn Navot. Tay katsa ở Paris là một người đàn ông to con nhưng không cao hơn Gabriel. Anh ta có đôi vai của một đô vật hạng nặng và đôi cánh tay cuồn cuộn cơ bắp. Gabriel luôn luôn thấy ở Navot một nét gì đó của Shamron, và anh ngờ rằng Shamron cũng nhận thấy điều đó. Trong quá khứ, họ từng có xích mích với nhau, nhưng dần dà Gabriel công nhận người nhân viên trẻ tuổi hơn anh là một điệp viên tài ba. Gần đây nhất, họ cộng tác với nhau trong vụ Radek.

“Sẽ có một trận bão ra trò nổi lên sau vụ này”. Navot đưa cho Gabriel một ly rượu. “Có lẽ chúng ta nên chuẩn bị sẵn ủng cao cổ ngay từ bây giờ đi là vừa”.

“Chúng ta đã cảnh báo họ đến mức nào?”
Trả lời

Dùng đạo cụ Báo cáo

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc Độ cao

Trả lời nhanh Lên trênLên trên Bottom Trở lại danh sách